You are on page 1of 5

BỨC TRANH TỨ BÌNH TRONG “VIỆT BẮC”

Cuộc sống ở quanh ta, theo Thạch Lam, có rất nhiều vẻ đẹp cho nghệ sĩ kiếm tìm, miêu tả. Thậm
chí, cái đẹp có ở những nơi bình thường, kín khuất: “Thật là hoa đẹp, liễu có vẻ nên thơ, không
ai chối cãi điều đó. Nhưng cái đẹp chỉ có ở hoa ở liễu thôi đâu? Cái đẹp man mác khắp vũ trụ,
len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm” và công việc của nhà văn là “tìm kiếm cái đẹp kín đáo” trong
mọi vật. Mọi sáng tạo nghệ thuật đều bắt nguồn từ đời sống. Tác phẩm văn học chỉ có thể làm
rung động trái tim người đọc khi chứa đựng giá trị thẩm mỹ: khả năng văn học phát hiện và miêu
tả những vẻ đẹp của cuộc sống một cách sinh động, giúp con người cảm nhận và biết rung động
một cách tinh tế, sâu sắc trước vẻ đẹp đó. Và có lẽ cái đẹp của cuộc sống đã hiện diện toàn vẹn
trên trang thơ của Tố Hữu khi ông miêu tả về bức tranh tứ bình trong bài thơ Việt Bắc, vẻ đẹp
của miền đất ấy đã cho người đọc cảm nhận được những cảm thức thẩm mĩ mới mẻ . Trong nỗi
nhớ thương về vùng đất cũ, nhà thơ đã “là người dẫn đường” cho chúng ta vào “xứ sở của cái
đẹp” – cái đẹp của thiên nhiên và con người trong những năm tháng chiến đấu đầy ắp kỉ niệm:

“Ta về mình có nhớ ta

Ta về, ta nhớ những hoa cùng người

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”

Câu thơ đầu tiên sử dụng câu hỏi tu từ “mình có nhớ ta”, câu thơ thứ hai là tự trả lời, điệp từ “ta”
lặp lại bốn lần cùng với âm “a” là âm mở khiến câu thơ mang âm hưởng ngân xa, tha thiết nồng
nàn. Với Tố Hữu, người cán bộ ra đi không chỉ nhớ đến những ngày tháng gian khổ “bát cơm sẻ
nửa chăn sui đắp cùng”, mà còn nhớ đến vẻ đẹp đáng yêu của Hoa cùng Người. Ở đây, hoa
tượng trưng cho vẻ đẹp thiên nhiên Việt Bắc. Còn con người là con người Việt Bắc với tấm áo
chàm nghèo khổ nhưng đậm đà lòng son. Hoa và Người quấn quýt với nhau trong vẻ đẹp hài hòa
đằm thắm để tạo nên cái nét riêng biệt, độc đáo của vùng đất này. Chính điều ấy đã tạo nên cái
cấu trúc đặc sắc cho đoạn thơ. Cách sóng đôi hoa và người đã từng xuất hiện trong ca dao xưa:
“Người ta là hoa đất” để nói rằng con người chính là trung tâm của vụ trụ, là sự kết tinh của mọi
nguồn sống, sự sống trên cõi đời. Trong “Nhớ Việt Bắc” Chế Lan Viên cũng từng làm sống lại
một lần sự gắn bó khăng khít giữa “người” và “hoa” ấy:

“Thôi nhớ hoa xong lại nhớ người


Chiến khu phương ấy trắng mây trời
Chửa về Tuyên Thái thăm tre trúc
Hãy đến sông Hồng ngóng nứa xuôi”

Còn trong thơ Tố Hữu thì nỗi nhớ hiện diện qua từng mùa cụ thể, Việt Bắc dần dần hiện lên với
những vẻ đẹp đặc trưng nhất, kết tinh nhất, vẻ đẹp đặc trưng của bốn mùa. Và nếu đúng thật là
“Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương” thì ở đây chính tình yêu, sự gắn bó của Tố Hữu với Tây
Bắc trong những năm tháng kháng chiến đã giúp cho “miền đất lạ” trở nên gần gũi, quen thuộc,
mang trong đó bao ân tình đẹp đẽ của cả con người và đất trời.

Aguste Rodin đã từng nói rằng: “Đối với người nghệ sĩ, mọi điều trong tự nhiên đều đẹp, bởi vì
đôi mắt không sợ hãi chấp nhận tất cả sự thật bên ngoài của anh ta đọc ở đó như đọc trong một
cuốn sách để ngỏ mọi sự thật bên trong”. Trong góc nhìn của mỗi nghệ sĩ thì cảnh sắc được dung
hòa với cả ánh mắt và cõi lòng, chính vì thế mà một mùa đông có thể lạnh lẽo, tái tê nhưng khi đi
vào thơ Tố Hữu - thơ của một trái tim ấm nóng nhiệt tình cách mạng thì nó lại được vẽ bằng
những đường nét tươi sáng:

“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”

Cặp lục bát mở đầu bốn mùa là khung cảnh trong cái nhìn bao quát từ xa. Từ điểm nhìn này,
thiên nhiên Tây Bắc hiện ra dần bởi sắc xanh mênh mông, đặc trưng của rừng núi. Điểm xuyết
trên cái nền màu xanh bát ngát bao la của cánh rừng, là màu hoa chuối đỏ tươi đang nở rộ lung
linh dưới ánh nắng mặt trời. Từ xa trông tới, bông hoa như những bó đuốc thắp sáng rực tạo nên
một bức tranh với đường nét, màu sắc vừa đối lập, vừa hài hòa,vừa cổ điển vừa hiện đại. Cái
màu “đỏ tươi” – gam màu nóng của bông chuối nổi lên giữa màu xanh bát ngát của núi rừng, làm
cho thiên nhiên Việt Bắc trở nên tươi sáng, ấm áp và như tiềm ẩn một sức sống, xua đi cái hoang
sơ lạnh giá hiu hắt vốn có của núi rừng. Câu thơ làm ta liên tưởng đến màu đỏ của hoa lựu trong
thơ Nguyễn Trãi:

“Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ

Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”

Cùng hiện lên với cái lung linh của hoa chuối ấy là con người của vùng chiến khu lên núi làm
nương, phát rẫy “Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng” .Trước thiên nhiên bao la, con người
dường như càng trở nên kỳ vĩ, hùng tráng hơn. Đó là tư thế vững chãi, tự chủ. Con người như
một tụ điểm của ánh sáng. Con người ấy cũng đã xuất hiện ở một vị trí, một tư thế đẹp nhất –
“đèo cao”. Ở đây nhà thơ không khắc họa gương mặt mà chớp lấy một nét thần tình rực sáng
nhất. Đó là ánh mặt trời chớp lóe trên lưỡi dao rừng ở ngang lưng. Ánh nắng mùa đông là cho
không khí trở nên ấm áp hơn bao giờ hết, không phải là màu u ám, ảm đạm mà chúng ta thường
thấy trong những bài thơ khác miêu tả về mùa đông:

“Đông về gió buốt sương sa

Hàng cây run rẩy trăng tà cong queo”

Mùa đông trong thơ của Tố Hữu vẫn đẹp, vẫn sinh động hấp dẫn lòng người hơn bao giờ hết.

Chưa hết ngỡ ngàng bởi bức tranh mùa đông thơ mộng, người đọc lại đắm mình trong bức tranh
xuân đang bừng sáng sức sống hoang dại, mãnh liệt của hoa mơ:

“Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”

         Mùa xuân là mùa của những loài hoa khoe sắc. Nếu người miền Nam đón xuân với sắc mai
vàng rực rỡ, người Hà Nội rạo rực với sắc đỏ của hoa đào; thì Việt Bắc tự hào với sắc trắng của
hoa mơ. Hoa mơ là linh hồn của mùa xuân nơi đây. Trong bài thơ “Theo chân bác”, Tố Hữu
cũng đã từng viết về loài hoa ấy:

“Ôi sáng xuân nay xuân 41

Trắng rừng biên giới nở hoa mơ”.

 Hai chữ “trắng rừng” để lại ấn tượng sâu sắc về vẻ đẹp thi vị, gợi cảm của mùa xuân vùng đất
chiến khu. Việc đặt từ “trắng rừng” ở những vị trí khác nhau cũng có ý nghĩa lớn trong mô tả.
Trong vị trí của câu thơ Tố Hữu “ngày xuân mơ nở trắng rừng” đặc tả điểm nhìn từ động sang
tĩnh, từ cận cảnh sang toàn cảnh và theo đó tâm trạng con người có những biến chuyển: đó là
cảm xúc lưu luyến, vấn vương bịn rịn của người ra đi chứ không phải cảm xúc ngỡ ngàng,
choáng ngợp của người con 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước trong phút đầu đặt chân lên
mảnh đất quê hương bỗng choáng ngợp trước vẻ đẹp như Bác. Trong câu thơ tả cảnh thu, bao
trùm lên cảnh vật mùa xuân là màu trắng dịu dàng, tinh khiết của hoa mơ. Màu trắng dường như
lấn át tất cả mọi màu xanh của lá, làm bừng sáng cả khu rừng tạo nên bức tranh thơ lãng mạn
mang đến cảm giác mơ màng, bâng khuâng. Thấp thoáng dưới cánh rừng xuân thơm mát bởi sắc
trắng dịu mát tinh khiết của hoa mơ là hình ảnh con người lao động với hoạt động “chuốt từng
sợi giang”. Người Việt Bắc đẹp tự nhiên trong những công việc hằng ngày, đó là công việc đan
nón thủ công – một nghề truyền thống của Việt Bắc. Từ “chuốt” và hình ảnh thơ đã nói lên được
bàn tay và phẩm chất của con người lao động: cần mẫn, cẩn thận, tỉ mỉ, khéo léo, tài hoa, nhanh
nhẹn, chăm chút, trau chuốt… đó cũng chính là  phẩm chất tần tảo của con người Việt Bắc tạo
nên nét đáng yêu của con người làm chủ nơi đây. Màu nón trắng trên đôi tay tài hoa của người
lao động hòa vào sắc trắng trong trẻo của hoa mơ dệt nên bức tranh xuân tràn trề nhựa sống.
Bức tranh mùa hạ Việt Bắc óng vàng tựa như một bức tranh sơn mài vừa đậm chất cổ điển vừa
mang những đường nét hiện đại:

“Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình”

Trong cuốn hồi kí “Nhớ lại một thời” khi nói về vẻ đẹp của Việt Bắc cùng những kí ức đặc biệt
làm "luyến tiếc ngẩn ngơ" tác giả khi rời xa nơi đây, nhà thơ đã chép lại đoạn thơ đặc sắc về
thiên nhiên bốn mùa của Việt Bắc, đồng thời cũng đã chú thích rất rõ ràng về cây phách: Phách
là loại cây gỗ cao, cuối hè đầu thu thì lá vàng rực lên. Hình ảnh “đổ vàng” miêu tả một cách sống
động lá cây phách chuyển vàng vào thời gian cuối hè. Chữ “đổ” làm sống động cái gam màu rực
rỡ, khác biệt, mang đặc trưng riêng của núi rừng. Chính cái nét đặc trưng ấy mà có người cứ
quyến luyến và nhớ nhung. Chữ “đổi” làm hiện lên đồng thời cùng lúc hai hoạt động: hoạt động
của âm thanh và hoạt động của sắc màu. Nhà thơ Xuân Diệu trong “Thơ duyên” cũng dùng từ
“đổ” để gợi tả màu sắc:

“Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá

Thu đến nơi nơi động tiếng huyền”.

Trong câu thơ của Tố Hữu dường như khi tiếng ve vừa đổ xuống thì cũng là lúc cả cánh rừng
phách đồng loạt chuyển sang màu vàng. Tiếng ve lan đến đâu, sắc vàng dậy lên đến đó. Ý thơ
gợi nhớ một câu thơ của Khương Hữu Dụng: “một tiếng chim kêu sáng cả rừng”. Đó là nghệ
thuật dùng âm thanh để gọi dậy màu sắc, dùng không gian để miêu tả thời gian. Bởi vậy, cảnh
thực mà vô cùng huyền ảo. Nghệ thuật ấy vừa gợi sự biến chuyển mau lẹ của sắc màu, vừa diễn
tả tài tình và chính xác khoảnh khắc hè sang. Bức tranh mùa hè vì thế mà hiện lên tươi tắn, thơ
mộng, dịu mát chứ không hề chói chang như trong thơ ca cổ kim. Hiện lên giữa nền thiên nhiên
óng vàng và rộn rã ấy, là hình ảnh cô gái áo cần mẫn đi hái búp măng rừng: “Nhớ cô em gái hái
măng một mình”.  Trong Thơ mới, người phụ nữ miền sơn cước thường xuất hiện với những
thân phận đau buồn hay sự cô đơn, hiu hắt:

“ Cô hái mơ ơi! Cô gái ơi!

Chẳng trả lời tôi lấy một lời

Cứ lặng mà đi rồi khuất bóng

Rừng mơ hiu hắt, lá mơ rơi”

(Nguyễn Bính)

Trong thơ Tố Hữu, người em xuất hiện rất trữ tình, thơ mộng, gần gũi thân thương. Hai chữ “một
mình” mà vẫn không gợi lên cái cô đơn hiu hắt bởi cô đang làm bạn với thiên nhiên tươi đẹp,
đang làm chủ lao động, làm chủ tự do. Đó là cái tâm thế của những con người lao động làm chủ.
Nhừn câu thơ viết tự nhiên, thoải mái như tuôn chảy từ tấm lòng không một chút dụng công, mà
có nỗi nhớ óng ánh bàng bạc cả trong cảnh vật và con người. Dừng như phải quan sát kĩ lắm,
phải có cái tình thiết tha vô hạn với con người, với thiên nhiên Việt Bắc mới ghi lại được những
hình ảnh đẹp đẽ và ngời sáng như vậy.

Lại nhớ xưa kia Levitan rất yêu thích việc khắc họa cảnh thu, ông đã thực hiện hơn 100 bức
tranh xoay quanh đề tài này, trong đó bức kiệt tác hội họa “Mùa thu vàng”. Xem tranh “Mùa thu
vàng” tuy màu rất trong sáng nhưng vẫn thấy có nét buồn man mác ẩn khuất trong tranh. Cảm
thụ ‘Mùa thu vàng’, người ta đã ví dòng sông nhỏ trong xanh, uốn lượn như một thiếu nữ trong
trắng sống trong không gian của rừng cây. Mùa thu đã đi vào nghệ thuật nhje nhàng, trong trẻo
và điềm tĩnh như thế. Nghĩ về thu, bao giờ cũng có cái mơ hồ, hư ảo. Nhưng khi đến với mùa thu
của những tháng năm cách mạng trong thơ Tố Hữu thì ta dường như đến với một biểu hiện khác,
một “gương mặt thu” mới mẻ khác lạ:

“Rừng thu trăng rọi hòa bình


Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”

Thiên nhiên Tây Bắc khi đêm buông xuống không còn tăm tối mà rất đỗi nên thơ, trong trẻo bởi
ánh sáng trăng thu đang chiếu rọi. Đằng sau hình ảnh trăng là ước nguyện về cuộc sống hòa bình.
Ta cũng từng biết đến mùa thu đầy ánh trăng trong thơ của Bác khi còn ở chiến khu:

“Trăng vào cửa sổ đòi thơ

Việc quân đang bận xin chờ hôm sau

Chuông lầu chợt tỉnh giấc thu

Ấy tin thắng trận liên khu báo về”

Ánh trăng trong văn học cách mạng đã từ lâu mang chứa vẻ đẹp của đất nước, của hạnh phúc
tròn đầy. Từ những biểu tượng tuyệt đẹp giữa hiện thực - lãng mạn trong “Đầu súng trăng treo”
đến sự gần gũi thân tình “trăng vào cửa sổ đòi thơ”. Và thơ Tố Hữu là “rừng thu trăng rọi hòa
bình”. Cái chữ “rọi” ấy không chỉ đơn thuần là nguồn sáng cho tự nhiên, mà còn rọi vào lòng ta:
thiết tha, đằm thắm và mê say biết mấy. Con người trong cảnh thu xuất hiện cùng âm thanh ý
nghĩa “tiếng hát ân tình thủy chung”. Đến đây âm thanh của tự nhiên với âm thanh của lòng
người đã có sự hài hòa, gắn bó. Tiếng lòng của con người đã gói trọn một phương diện thuộc chủ
đề tư tưởng của tác phẩm. Đó là tình cảm thủy chung, nghĩa tình của con người Việt Bắc. Điều
quan trọng, tình cảm này được nói lên từ rung động sâu sắc của người ra đi nên càng thấm thía
xúc động. Và một lần nữa, tiếng lòng sâu kín của người ở lại đã được người ra đi đồng cảm,
đồng vọng sâu sắc. Ở họ thực sự là một tiếng nói tri âm. Tiếng hát “ân tình” khép lại bức tranh tứ
bình về thiên nhiên và con người, gợi cho người đi, kẻ ở và cả những độc giả hiện tại có những
rung động sâu xa về tình yêu Tổ quốc.

You might also like