You are on page 1of 4

VIỆT BẮC

*MB:
Đến với thế giới của thi ca, ta như lạc vào đại dương sâu thẳm của những xúc cảm đa chiều. Bởi
lẽ, thơ tồn tại để nói hộ tiếng nói của tâm hồn, cất vang tiếng hát của trái tim. Như Tố Hữu từng
chia sẻ: “Thơ chỉ tràn ra khi trong tim ta cuộc sống đã thật đầy”. Chính vẻ đẹp của cuộc sống đã
tạo ra những rung động mãnh liệt trong cảm xúc để rồi mới có thơ ca như một sự giãi bày cho
tâm hồn người thi sĩ. Và có một mảnh đất tình người đã hóa thân thành hồn, thành nỗi nhớ
trong lòng Tố Hữu-một tác gia với sức viết mãnh liệt và dồi dào, “người thư ký trung thành của
thời đại” với chặng đường thơ ca gắn bó với những bước chuyển mình vĩ đại của dân tộc. Mảnh
đất Việt Bắc thân thương, quê hương của cách mạng, đã bước vào trong thi ca qua ngòi bút tài
năng của Tố Hữu với cái tên “Việt Bắc”, một bản anh hùng ca-tình ca lấy cảm hứng từ “mười
lăm năm thiết tha, mặn nồng”.

*KQ:
Nhắc đến Tố Hữu là nhắc đến một hồn thơ dân tộc, một trong những cánh chim đầu đàn của
nền văn học cách mạng Việt Nam. Với cảm hứng thơ hướng về hướng về nhân dân, về cách
mạng, chất thơ của Tố Hữu là sự kết hợp hài hoà giữa sự hào hùng, mạnh mẽ cùng nét lãng
mạn, trữ tình. Vì là một chứng nhân lịch sử đã sống trọn thế kỷ XX, chặng đường thơ Tố Hữu
cũng phản ánh nhiều cột mốc quan trọng của dân tộc. Tháng 10-1954, sau chiến thắng Điện
Biên Phủ và Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, bộ đội ta phải chuyển lực lượng từ căn cứ địa
Việt Bắc về thủ đô Hà Nội. Trong không khí chia tay lưu luyến của kẻ ở-người đi, cùng tình
cảm trân trọng cho tình quân dân trong mười lăm năm đồng hành cùng kháng chiến, Tố Hữu
đã viết nên bài thơ “Việt Bắc”. Đây có thể coi là bảng tổng kết cho “mười lăm năm thiết tha
mặn nồng” gắn bó cùng Việt Bắc, cũng là lời giao ước, hẹn thề thuỷ chung của người đi và kẻ ở,
giữa hai miền xuôi ngược.

*PT:
Đoạn thơ đã giới thiệu đến ta một Việt Bắc thơ mộng và trữ tình qua bức tranh tứ bình xuân-
hạ-thu-đông, với sự hoà hợp giữa thiên nhiên và con người:
“Ta về, mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.”
Tố Hữu tiếp tục thành công với lối nói đưa đẩy của ca dao, dân ca qua đại từ xưng hô “mình-ta”.
Mà ở đây cách sử dụng ấy lại càng tăng tiến qua điệp từ “ta” được nhấn mạnh đến bốn lần như
một lời khẳng định chắc chắn cho cảm xúc người ra đi. Xuyên suốt bài thơ, ta có thể bắt gặp
muôn vàn những câu hỏi của người ở lại thì đến đoạn thơ này, lần đầu người ra đi đã cất tiếng
hỏi: “Ta về, mình có nhớ ta”. Câu hỏi tu từ vẫn giữ giọng thơ ướm hỏi vừa xa vừa gần vừa tình
tứ, tuy hỏi nhưng thực chất lại để khẳng định tình cảm rằng sẽ mãi khắc ghi những kỷ niệm
mà cũng là lời nhắn nhủ đến người ở lại. Điệp từ “nhớ” đã nhấn mạnh tình cảm hết sức sâu
nặng, tạo nhịp điệu êm ái, tha thiết giúp truyền tải tình cảm nhớ nhung sâu lắng. Bên cạnh đó,
hình ảnh đối xứng “những hoa cùng người” đã lột tả chính xác vẻ đẹp chính được khắc hoạ
xuyên suốt đoạn thơ, là sự hài hoà giữa “hoa”-kết tinh vẻ đẹp của thiên nhiên và “người”-linh
hồn của cuộc sống. Và phải chăng “hoa” cũng là một cách hoán dụ cho vẻ đẹp của con người
Việt Bắc? Hai câu thơ đầu đã hoàn thành vai trò của mình như một lời tựa dẫn vào bộ tranh
bốn mùa.
Bức tranh thiên nhiên được hé mở với xuất phát điểm là hình ảnh mùa đông Việt Bắc:
"Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.”
Nhắc đến mùa đông vùng Tây Bắc, ta dễ dàng liên tưởng đến những cánh rừng già tĩnh lặng,
mênh mang, cùng cái rét buốt “cắt gia cắt thịt” điển hình của vùng núi cao. Tuy nhiên, trong
điểm nhìn của Tố Hữu thì cái lạnh giá của mùa đông đã bị chiếm lĩnh bởi sự nồng ấm của “hoa
chuối”. Quả là một cách phối màu vô cùng độc đáo khi trên cái nền xanh bạt ngàn của rừng núi
lại là sự điểm xuyết “đỏ tươi” của hoa chuối. Hai chữ “đỏ tươi” ấy như làm bừng tỉnh cả thiên
nhiên và con người, làm khung cảnh vốn trầm tĩnh lại trở nên tươi tắn và linh động hơn. Trên
phông nền ấy là sự xuất hiện của con người với một nét vẽ giàu chất tạo hình: “Đèo cao nắng
ánh dao gài thắt lưng”. Từ “nắng ánh” thể hiện một ánh sáng lấp lánh được phản xạ qua công
cụ lao động là lưỡi dao, từ đó thấp thoáng hình bóng con người qua nghệ thuật hoán dụ “dao
gài thắt lưng”. Đó vừa có thể là người dân lao động vừa có thể là người lính sẵn sàng chiến đấu,
dẫu có là hình ảnh nào thì cũng đã tạt vào không gian một tư thế khoẻ khoắn, vững chãi của
con người. Thường thì mùa đông sẽ hiện lên cùng nỗi buồn, nỗi cô đơn:
“Sen tàn, cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân”
Thế nhưng, với Tố Hữu, đó lại là một bức tranh với tổng thể hài hoà, tươi sáng, gợi ra sức sống
của thiên nhiên cùng vẻ đẹp lao động của con người ngay cả trong hoàn cảnh khắc nghiệt.

Tiếp đến, nhà thơ cho ta thấy khung cảnh mùa xuân tràn ngập hương sắc riêng:
“Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.”
Cùng với sự giao mùa là sự chuyển đổi màu sắc của bức tranh sang sắc trắng tinh khôi của hoa
mơ làm nên một tổng hoà sinh động giữa màu xanh thẳm của núi rừng. Hai từ “trắng rừng” tạo
cảm giác về sự bung nở trắng xoá của hoa mơ như một tín hiệu mùa xuân đánh thức cả cánh
rừng già, gợi một sức sống mãnh liệt. Màu trắng của hoa mơ như mang theo linh hồn của mùa
xuân vùng núi, bởi nét đẹp nên thơ ấy lại một lần nữa được tác giả sử dụng trong trường ca
“Theo chân Bác”: “Trắng rừng biên giới nở hoa mơ”. Đáng chú ý là hình ảnh con người qua điệp
cấu trúc “nhớ…”. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, cả miền Bắc tiến nhịp vào công cuộc xây
dựng và đổi mới, thế nên, hình ảnh “người đan nón” càng trở nên căng tràn năng lượng. Với
công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, cần cù “chuốt từng sợi giang”, đặc biệt qua động từ “chuốt”, Tố Hữu
đã tôn vinh tầm vóc người lao động, với phẩm chất cẩn thận, chịu thương chịu khó của con
người miền núi.

Bức tranh mùa hạ được mở ra với ngập tràn hình ảnh, âm thanh xâm chiếm từng giác quan
của người đọc:
“Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình”
Bức tranh mùa hạ với những hình ảnh đặc trưng được cảm nhận dưới góc nhìn đa giác quan để
khám phá sự chuyển đổi cả về màu sắc lẫn âm thanh. Đặc biệt , động từ “đổ” được sử dụng như
một “thi nhãn” đầy tinh tế, đánh dấu sự chuyển đổi cảm giác từ âm thanh “ve kêu” tác động
đến thính giác lại đem đến ấn tượng về mặt thị giác qua hình ảnh “rừng phách đổ vàng”. Qua
đó, thi sĩ khéo léo tạo nên sự chuyển tiếp trong hình ảnh thơ, khi nghe tiếng ve ngân báo hiệu
mùa hè cũng là lúc rừng phách đồng loạt chuyển vàng. Tiếp nối điệp cấu trúc “nhớ….” là hình
ảnh người con gái vùng sơn cước. Cách xưng hô “cô em gái” lại mang theo một thái độ trêu đùa,
tinh nghịch, thể hiện mối quan hệ gần gũi, gắn bó giữa cả hai. Giống với ý thơ của bài thơ
“Mộ”:
“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng”
Dù hai tác giả đều chỉ miêu tả độc nhất một người thiếu nữ giữa khung cảnh thiên nhiên bao
la, rộng lớn, thế nhưng, cái “một mình” ấy lại không hề cô đơn mà lại mang sức sống tiềm tàng,
với tâm thế tự tin, chủ động làm chủ thiên nhiên.

Khép lại bức tranh tứ bình là bức tranh mùa thu với góc nhìn bình yên và thơ mộng:
“Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.”
Trước hết, điểm độc đáo dễ nhận thấy là bức tranh mùa thu được cảm nhận vào khoảng thời
gian đêm tối tĩnh mịch, lãng mạn với sự xuất hiện của hình ảnh “trăng”. Trăng trong thơ ca
không đơn giản chỉ là hình ảnh thiên nhiên mà nhìn vào đó ta còn thấy sắc màu của cuộc sống.
Ánh trăng mùa thu vốn đã nên thơ nay hoà quyện cùng không gian hữu tình của núi rừng Việt
Bắc càng trở nên đẹp đẽ, trong sáng lạ thường. Với người lính, đó là ánh trăng của hoà bình,
độc lập, là ánh trăng của niềm vui chiến thắng. Sau bốn mùa tuần hoàn, cuối cùng thiên nhiên
của đất nước cũng tìm thấy ánh sáng của tự do và vỡ oà trong niềm vui độc lập. Chính hình
ảnh con người cũng đang bắt đầu thay đổi. Tiếp tục với điệp cấu trúc “nhớ…” nhưng ở đây con
người không xuất hiện trực tiếp trong tư thế lao động mà họ lại được khám phá về khía cạnh
tâm hồn, cảm xúc. “Tiếng hát” được sử dụng như một cách hoán dụ để chỉ con người, những
người tràn trề lòng yêu đời, yêu cuộc sống. Bởi lẽ, tiếng hát là biểu hiện rõ ràng nhất của một
tinh thần lạc quan, say mê sự sống, và đó cũng là minh chứng cho ánh trăng hoà bình đã soi
chiếu khắp muôn nơi. Nếu như mùa thu của Thơ mới cũng lãng mạn nhưng lại lãng mạn với
nét tự sự u hoài, lạc lõng:
“Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn”
Thì thơ Tố Hữu với mùa thu chiến thắng đã hoàn toàn bước ra khỏi cái bóng của nàng thu
thướt tha mà u buồn để tạo ra một dấu ấn mới cho mùa thu.

*ĐG:
Để làm nên một đoạn thơ thành công như vậy, ta phải công nhận tài năng của Tố Hữu trong
cách kết hợp giữa thi và hoạ, cách chọn lựa và vận dụng những hình ảnh, màu sắc, âm thanh,
cùng các nghệ thuật như câu hỏi tu từ, điệp cấu trúc, hoán dụ. Tất cả được phối hợp, nhào nặn
một cách nhuần nhuyễn, sáng tạo, kết hợp cùng tình yêu đong đầy dành cho mảnh đất Việt
Bắc, để hướng đến một mục tiêu duy nhất là làm nên một bức tranh tứ bình có khả năng phản
ảnh vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Việt Bắc.

*KB:
Đoạn thơ khép lại nhưng vẻ đẹp của … sẽ không dừng trên trang giấy, bởi lẽ nó sẽ luôn lắng
đọng và toả sáng bên trong tâm trí độc giả. Bằng tình yêu chân thành và chưa từng đổi thay
của mình, thi sĩ Tố Hữu đã sáng tạo nên những vần thơ có khả năng thu trọn cả vẻ đẹp của
thiên nhiên và con người Việt Bắc rồi chiếu lại như một thước phim dẫu xưa cũ nhưng không
bao giờ mất đi giá trị. Sóng đời vẫn cứ vỗ, những thế hệ vẫn cứ nối tiếp nhau, thế nhưng, bài
thơ “Việt Bắc” cùng … sẽ mãi ở đó và bền bỉ với thời gian như một lời nhắc nhở chúng ta về cái
đẹp của....

You might also like