You are on page 1of 3

Đề bài: Nghị luận về mùa xuân nho nhỏ

Bài làm
“Mùa xuân nho nhỏ” là tác phẩm cuối cùng của nhà thơ Thanh Hải. Ông sinh năm 1930
và mất năm 1980. Bài thơ được viết vào giữa mùa đông mà vẫn tràn ngập sức sống của mùa
xuân. Nó là tiếng lòng yêu mến, thiết tha gắn bó với đất nước, cuộc đời của nhà thơ xứ Huế -
người từng hoạt động văn nghệ trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Bài thơ còn là ước nguyện chân thành của ông: Khi nằm trên giường bệnh vẫn khát khao được
dâng hiến mùa xuân nho nhỏ của mình vào mùa xuân lớn lao của dân tộc

Bài thơ mở ra bằng một bức tranh mùa xuân tươi tắn, khoáng đạt:
“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc”
Hình ảnh dòng sông xanh gợi nhắc dòng Hương Giang thơ mộng. Con sông như một dải
lụa xanh mềm mại chảy giữa lòng thành phố, tạo nên một vẻ đẹp dịu dàng chẳng nơi nào có
được:
“Nếu như chẳng có dòng Hương
Câu thơ xứ Huế nửa đường đánh rơi”
Sắc xanh thắm dịu mát của dòng sông đặt cạnh màu tím biếc của bông hoa vừa đậm đà
sắc xuân, vừa mang cái hồn riêng của xứ Huế: Màu tím biếc của hoa làm người đọc liên tưởng
đến những tà áo dài thướt tha mà các cô gái Huế ưa mặc khi bước qua cầu Trường Tiền. Phép
đảo ngữ đưa động từ “mọc” lên đầu câu thơ “Mọc giữa dòng sông xanh” đã gợi được sức vươn
lên mạnh mẽ, khỏe khoắn, làm cho bông hoa nổi bật, ấm áp giữa cái nền của dòng sông xanh. Vì
vậy mà mùa xuân ở đây không chỉ tươi thắm, khoáng đạt mà còn ắp đầy sự sống:
“Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”
Khổ thơ vừa có nhạc, vừa có hoạ, vừa có tình. Tiếng gọi “ơi” đã nhân hoá con chim chiền
chiện như một người bạn. Cùng với câu hỏi tu từ “Hót chi mà vang trời” tiếng gọi thiết tha ấy
như bày tỏ một tình yêu quê hương đất nước, yêu đời nồng cháy. “Con chim chiền chiện/ Hồn
xanh quê nhà/ Sáng nay lại hót/ Tưng bừng lòng ta” (Huy Cận). Trên giường bệnh, tác giả mở
lòng đón nhận trọn vẹn không gian bên ngoài một cách nâng niu, trìu mến.
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”
Tiếng chim được nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi thành “giọt” kết hợp với từ láy “long lanh”
làm ta liên tưởng tới hạt mưa xuân. Âm thanh được cảm nhận thật chậm, thật sâu bằng cả thị giác
và xúc giác “từng giọt long lanh” chứ không thoảng qua bằng cả khúc ca, cơn mưa. Tiếng chim
hót “vang trời” làm ta gợi nhớ tới bầu trời xanh trong vắt, cánh đồng lúa bao la “Chim bay, chim
sà/ Lúa tròn bụng sữa/ Đồng quê chan chứa/ Những lời chim ca/… Làm xanh da trời”. Bài “Mùa
xuân nho nhỏ” là lời của người sắp đi xa, lại viết vào giữa mùa đông tê tái của xứ Huế mà hình
ảnh, âm thanh vẫn trong trẻo, tươi mới, mang sức sống mãnh liệt của mùa xuân. Phải chăng, mùa
xuân không chỉ đến theo quy luật tuần hoàn của tự nhiên, mà nó còn sớm đến với nhũng ai yêu
cuộc sống. Từ mùa xuân thiên nhiên, tác giả mở rộng lòng mình để cảm nhận mùa xuân của đất
nước:
“Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao
Từ “lộc” trong đoạn thơ nghĩa là mầm non của mùa xuân vừa là một món quà bất ngờ.
Xuân và lộc là mối liên hệ giữa mùa xuân của thiên nhiên và mùa xuân của đất nước. Ngoài hai
hình ảnh ấy, tác giả đã điệp từ “mùa xuân” và “lộc” hai lần qua bốn câu thơ tạo nên sự sóng đôi
và tương đồng giữa hai hình ảnh người cầm súng và người ra đồng. Đây là hai lực lượng đông
đảo nhất, gánh vác hai nhiệm vụ quan trọng nhất của lịch sử: chiến đấu để bảo vệ đất nước và lao
động để xây dựng quê hương. Mùa xuân của đất nước chỉ có được khi có bàn tay con người “ra
đồng”. Còn mùa xuân của thiên nhiên đã góp phần không nhỏ trong công cuộc bảo vệ đất nước:
“Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” nay vẫn “giắt đầy trên lưng” người cầm súng. Như vậy,
máu và mồ hôi cùa nhân dân đã giữ lấy mùa xuân bình yên no ấm vĩnh hằng cho quê hương, đất
nước. Hai hình ảnh sóng đôi cùng tạo nhịp điệu khẩn trương, đồng loạt trong lao động sản xuất
và chiến đấu qua 2 từ láy “hối hả”, “xôn xao” và điệp từ “tất cả”. Từ cảm hứng ấy, trong mùa
xuân hiện tại, tác giả ngoảnh nhìn lại quá khứ và đặt niềm tin trọn vẹn vào tương lai:
“Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước”
Rất nhiều nhà thơ đã khái quát về quá trình dựng nước, giữ nước bằng những câu thơ
chau chuốt, thiết tha. Nhưng cách nói giản dị của Thanh Hải với hai tính từ gói gọn trong một
câu thơ “Vất vả và gian lao” đã chạm tới phần thiêng liêng trong sâu thẳm tâm hồn con người –
tình yêu Tổ quốc. Điệp từ “Đất nước” đứng trước cụm từ về thời gian (bốn nghìn năm) và cụm
từ về hình ảnh (vì sao) thể hiện sự tự hào nền về nền văn hiến lâu đời, chói lọi. Quá khứ vẻ vang
đáng tự hào của Tổ quốc thấm bao máu xương của nhiều thế hệ đi trước để có được mùa xuân
ngời sáng như “vì sao”. Dù bấy giờ, hai đầu đất nước đang có chiến tranh, ruộng đất đầy bom
đạn do Mỹ để lại nhưng nhà thơ vẫn vững tin vào tương lai tươi sáng:
“Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước”
Cách so sánh đất nước – vì sao gợi lên cảm giác thiêng liêng mà gần gũi. Vì sao nhỏ -
không chói lòa như mặt trời - nhưng luôn ở bên ta: trong đêm tối soi đường, giữa ban ngày vẫn
kiên nhẫn ở trong mây để chỉ lối, sáng ngời trên lá cờ Tổ quốc, lấp lánh trên ngực, trên mũ đội
đầu. Bằng phép nhân hóa “đi lên phía trước”, hình ảnh đất nước hiện lên thật cụ thể, mang những
nét tảo tần của con người Việt Nam. Đặc biệt, phó từ "cứ" khẳng định chắc chắn sự phát triển
của đất nước dù trong hoàn cảnh nào. Đó là niềm tin, là cơ sở xây nên những mơ ước:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến”
Với cách chuyển đổi xưng hô từ “tôi” ở khổ thứ nhất “Từng giọt long lanh rơi/ Tôi đưa
tay tôi hứng” sang “ta”, và được điệp lại tới 3 lần ở đầu câu thơ, cái riêng của nhà thơ đã hoà vào
cái chung rộng lớn. Nếu như “ta” là ngôi thứ nhất số ít thì bài thơ như một lời tâm sự với lớp con
cháu. Nếu như “ta” là “chúng ta” đó lại là lời dặn dò thế hệ sau về một lẽ sống cao đẹp: Chỉ xin
được làm "một cành hoa" trong xứ sở hoa với đủ đầy những gam màu, "một nốt trầm" lặng lẽ,
âm thầm. Sự cống hiến âm thầm như nốt trầm xao xuyến cứ mãi du dương để lại dư âm làm nền
cho những âm thanh lảnh lót cao vút làm dễ nhận biết. Nhưng bản giao hưởng cuộc đời không
thể thiếu những nốt trầm ấy. Một cành hoa, tiếng chim, nốt nhạc trầm là phép ẩn dụ về một sự
cống hiến hết sức tự nguyện và tự nhiên. “Nếu là con chim, là chiếc lá. Thì chim phải hót, chiếc
lá phải xanh. Lẽ nào vay mà không trả. Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”. Từ những hình
ảnh ấy nhà thơ đã khái quát thành hình tượng độc đáo
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc
Mùa xuân là một ý niệm về thời gian, không gian, sao lại thành một vật thể có hình khối
“nho nhỏ”? Cách xây dựng hình tượng ấy khiến ta bồi hồi nhớ về những con người đã thầm lặng
cống hiến, hi sinh để có được “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”. Lời tự tình của tác giả tha
thiết với hai từ láy “nho nhỏ” và “lặng lẽ” nối hai câu thơ “Một mùa xuân nho nhỏ/ Lặng lẽ dâng
cho đời”. Phép nối ấy làm lời thơ âm vang như một lời tự nhủ, lời hứa trọn đời cống hiến. Nó
thể hiện qua điệp ngữ "dù là" cùng hình ảnh đánh dấu hai mốc son quan trọng của đời người
“tuổi hai mươi” và “ khi tóc bạc”. Hai hình ảnh hoán dụ ấy không chỉ là những giai đoạn của
cuộc đời một con người, mà còn là mọi thế hệ. Tất cả như tan trong niềm vui hòa nhập: quê
hương - đất nước, riêng - chung:
“Mùa xuân ta xin hát
Khúc Nam ai Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế”
Viết nhiều về đất Huế quê hương, và khúc ca cuối cùng nhà thơ Thanh Hải cũng dành
cho Huế: Những âm điệu buồn vui rất đặc trưng Huế đã “ăn” vào máu thịt và khơi dậy cảm hứng
bật lên thành tiếng hát tha thiết và sâu nặng tình yêu quê hương. Điệp từ “Nước non ngàn dặm”
được lặp hai lần và các thanh bằng đặt ở cuối mỗi dòng thơ “bình”, “mình”, “tình” làm cho câu
thơ như ngân dài, lan toả và lay động lòng người. Mở đầu bài thơ là hình ảnh dòng sông Hương
đặc trưng, cuối bài thơ là âm thanh rất Huế “nhịp phách tiền”. Tiếng phách đậm chất dân ca, bàn
tay người sử dụng phách uyển chuyển đẹp mắt không khác gì động tác của những diễn viên múa
tài ba. Tác giả như muốn đem theo quê hương cùng tiếng phách giữ nhịp đến tận vô cùng.

Cái tình mênh mông cùng cách gieo vần liền giữa các khổ thơ 5 chữ tạo thành mạch liên
tưởng hợp lý mà bất ngờ cuả ba hình ảnh: mùa xuân thiên nhiên, mùa xuân đất nước và mùa
xuân nho nhỏ cuả đời người. Bài thơ đã được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc trở thành ca khúc vượt
qua gần một nửa thế kỷ. Từ bấy đến nay, mỗi mùa xuân về, lại có hàng chục bài hát mới ra đời
nhưng “Mùa xuân nho nhỏ” vẫn cho người nghe nguyên vẹn cảm giác nao nao, bồi hồi, xao
xuyến như lần đầu tiên ta đối diện với chính mình và tự hứa mãi mãi “Lặng lẽ dâng cho đời”

You might also like