You are on page 1of 9

Mở bài:

Tố Hữu chính là nhà thơ trữ tình chính trị, cũng như là lá cờ đầu
của thơ ca cách mạng Việt Nam. Bài thơ của tác giả Tố Hữu đã thể hiện
lẽ sống lớn, tình cảm lớn của những con người Cách mạng. Thơ của ông
đậm đà màu sắc dân tộc trong nội dung và hình thức thể hiện. Bài thơ
“Việt Bắc” là tác phầm đỉnh cao của nhà thơ Tố Hữu và cũng là đỉnh cao
của thơ ca kháng chiến chống Pháp. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc
thắng lợi. Trung ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về lại
Thủ đô. Nhân sự kiện thời sự có tính lịch sử ấy, Tố Hữu đã sáng tác bài
thơ Việt Bắc. Bài thơ chính là sự kết hợp của hai nhân vật Mình – Ta đã
trở thành một bài ca không bao giờ quên về những năm tháng kháng
Pháp gian khổ, hào hùng mà tình nghĩa sắt son thuỷ chung hơn cả. Tất
cả những giá trị tuyệt vời về nội dung và nghệ thuật đặc sắc của Việt
Bắc đã được ngòi bút của tác giả Tố Hữu tập trung thể hiện tinh tế sắc
xảo qua đoạn thơ.
“Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về
Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy
Ta đi ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi.”
a/ Khổ 5: Nỗi nhớ da diết của người chiến sĩ cách mạng với Việt
Bắc:
Một nỗi nhớ da diết, khôn nguôi được tác giả hình dung thật lạ:
“Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương”
Một chữ “gì” hàm chứa biết bao điều, phải chăng đó chính là nỗi nhớ
thiên nhiên, với nhân dân cùng quãng thời gian kháng chiến đầy ấp kỷ
niệm. Nhớ “như nhớ người yêu”, hình ảnh so sánh thật đầy ý nghĩa, nỗi
nhớ sao thật dai dẳng triền miên, luôn thường trực trong tâm trí. Một
khung cảnh hiện ra đã hoàn toàn khẳng định đối tượng được nhớ đến -
Việt Bắc: “Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương” rồi sau đó là
những hình ảnh miêu tả không gian thơ mộng đậm chất núi rừng Việt
Bắc
“Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về”
Hình ảnh thiên nhiên Việt Bắc được liệt kê đến từng chi tiết. Rõ
ràng tác giả vẫn nhớ rất rõ những kỷ niệm cùng khung cảnh Việt Bắc.
“Người thương”, hai chữ thôi nhưng chứa đựng biết bao ân tình. Đây
chính là những con người Việt Bắc đã cưu mang, che chở cho cán bộ
trong suốt một quãng thời gian dài gian khó. “Bếp lửa” – hình ảnh của
một gia đình ấm cúng thường thấy, Phải chăng tác giả đã xem nơi đây
như là gia đình thứ hai của mình.Vần chân “sương” và “người thương”
làm cho giọng điệu câu văn trở nên da diết, diễn tả một nỗi nhớ bịnh
rịnh, lưu luyến, không muốn rời xa.
Vẫn tiếp tục là nỗi nhớ, nhưng dường như ngày càng sâu đậm hơn
với những tên gọi địa danh gắn liền với quá khứ cách mạng mà tác giả
từng trải qua:
“Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy”
Dù là một nơi nhỏ trong chốn núi rừng Việt Bắc bao la, nhưng
dường như trong ký ức của tác giả nó cũng trở nên quan trọng, không
bao giờ có thể quên. Một sự khẳng định chắc chắn…không bao giờ có
thể quên:
“Ta đi ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi”
Dù bản thân có đi xa, dù có ở nơi chốn nào thì vẫn sẽ luôn nhớ về
“mình”. Ngôn từ xưng hô thật giản dị mà thân thương. “Mình” cùng “ta”
nào có thể quên được những “đắng cay ngọt bùi” đã trải qua. Hình ảnh
ẩn dụ “đắng cay” chính là những khó nhọc, gian nan mà nhân dân cùng
cán bộ đã phải trải qua trong suốt thời kỳ kháng chiến, còn niềm vui
chiến thắng không gì khác chính là “ngọt bùi”. Từng nỗi nhớ như tràn
ngập trong tâm hồn Tố Hữu biểu hiện cho một tình cảm sâu nặng tựa
như nỗi tương tư đến “người thương”. Điệp từ “nhớ” được lặp đi lặp lại
càng khắc sâu hơn sự nhớ nhung nghìn trùng tha thiết của tác giả đối với
Việt Bắc.
Cả đoạn thơ mang đậm màu sắc dân tộc, thể hiện rõ hồn thơ của
Tố Hữu. Điệp từ “nhớ” cùng lối so sánh đặc biệt để bộc lộ một cảm xúc
thương nhớ dạt dào. Cách gieo vần, sử dụng tài tình thể thơ lục bát đã
làm cho đoạn thơ mang âm điệu ngọt ngào, êm ái. Việc liệt kê một loạt
những hình ảnh cùng địa danh của Việt Bắc đã khắc họa thật sâu nỗi
niềm thương nhớ của một người chiến sĩ – thi sĩ đối với quê hương thứ
hai của mình.
Kết bài khổ 5: Đoạn thơ trên chính là bản tình ca về lòng chung
thủy sắt son, chính là tiếng lòng của nhà thơ, hay cũng chính là của
những người Việt Nam trong kháng chiến. Với những câu thơ dạt dào
cảm xúc, Tố Hữu đã thể hiện thành công tình cảm của người cán bộ
dành cho thiên nhiên, nhân dân Việt Bắc không chỉ là tình cảm công dân
xã hội mà còn là sự sâu nặng như tình yêu lứa đôi. Nhờ vậy Việt Bắc đã
trở thành thành phần tiêu biểu cho văn học Việt Nam thời kháng chiến
chống Pháp.
b/ khổ 6: Bức tranh tứ bình về thiên nhiên Việt Bắc
Bao trùm bài thơ Việt Bắc là nỗi nhớ nồng nàn, tha thiết. Qua dòng
hồi tưởng miên man của chủ thể trữ tình, cảnh vật và con người Việt Bắc
hiện lên với vẻ đẹp muôn màu muôn vẻ. Nỗi nhớ hướng về nhiều đối
tượng, nhưng có lẽ tập trung nhất là nỗi nhớ về thiên nhiên Việt Bắc, về
người dân Việt Bắc cần cù trong lao động, thủy chung trong nghĩa tình
để lại ấn tượng không phai mờ trong tâm trí người ra đi:
“Ta về, mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.”
Đoạn thơ này được coi là một trong những đoạn hay nhất bởi bút
pháp nghệ thuật của Tố Hữu đã đạt tới trình độ cổ điển. Căn cứ vào nội
dung và vị trí của đoạn thơ trong chuỗi lời đối đáp giữa người đi và kẻ ở,
ta hiểu đây chính là lời của người ra đưa tiễn các cán bộ, chiến sĩ về
xuôi. Mình - ta thường được dùng để thể hiện mối quan hệ gần gũi như
vợ chồng, lứa đôi. Thế nhưng tác giả đã dùng cặp từ ấy cho đồng
bài Việt Bắc với những người lính cán bộ. Chẳng phải vợ chồng nhưng
tình nghĩa đôi bên cũng keo sơn, bền chặt tựa như vậy. Hai câu đầu là
câu hỏi tu từ thể hiện nỗi nhớ da diết, mãnh liệt, cồn cào của người ra đi.
Người ra đi khẳng định “nhớ hoa” nhớ thiên nhiên, “cùng người” nhớ
người dân Việt Bắc.
Trong bốn câu lục bát tiếp theo, tác giả đã vẽ nên bằng ngôn ngữ
thơ ca một bộ tranh tứ bình về thiên nhiên Việt Bắc. Mỗi bức tranh đều
có nét đẹp riêng. Ngòi bút tạo hình của nhà thơ đã đạt tới trình độ “thi
trung hữu họa”. Bút pháp miêu tả nhất quán: câu lục được dành để tả
cảnh, còn câu bát được dành để vẽ người. Trong nỗi nhớ của người ra đi,
cảnh vật và con người Việt Bắc hòa quyện với nhau, tạo thành một chính
thể thống nhất.
Bức tranh thứ nhất:
“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.”
Màu hoa chuối đỏ tươi nổi bật trên sắc xanh của rừng núi. Nhà thơ đã
khéo léo dùng sự tương phản giữa màu đỏ và màu xanh để làm sáng lên
cảnh rừng già, gợi lên cảm giác ấm áp. Những bông hoa chuối như
những ngọn lửa làm giảm bớt vẻ u tịch của cảnh vật. Giữa khung cảnh
ấy, hình ảnh con người tuy bé nhỏ nhưng vẫn sinh động, không bị chìm
đi. Ánh nắng chiếu lấp lánh trên con dao người đi rừng giắt ngang lưng
khiến con người trở thành điểm sáng di động và là trung tâm của bức
tranh. Thiên nhiên không che lấp mà thực sự làm nền cho vẻ đẹp của con
người lao động.
Bức tranh thứ hai:
“Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.”
Xuân về, sắc trắng tinh khôi của hoa mơ làm choáng ngợp hồn người.
Âm điệu của hai chữ trắng rừng thể hiện được cảm giác ngỡ ngàng, hạnh
phúc của nhân vật trữ tình trước vẻ đẹp tràn đầy sức sống của đất trời
Việt Bắc. Giữa một thiên nhiên tuyệt vời như thế, dáng vẻ con người
dường như cũng cần mẫn, chăm chỉ đang “chuốt từng sợi giang” để đan
thành những chiếc non xinh xắn. Con người ở đây chính là chủ nhân của
mùa xuân, đang tô điểm cho sắc xuân của đất trời thêm lộng lẫy.
Bức tranh thứ ba:
“Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình.”
Có thể nói đây là một trong những câu thơ hay nhất tả cảnh mùa hè
trong thơ ca Việt Nam. Bởi nó xôn xao tiếng nói của cả màu sắc lẫn âm
thanh. Tiếng ve ngân vang như tiếng đàn trong rừng phách nở hoa vàng
thắm. Âm thanh vang rền của tiếng ve làm cho màu vàng của rừng
phách như rung lên thành tiếng và ngược lại, màu vàng của rừng phách
dường như cũng “nhuộm vàng” cả tiếng ve. Chữ “kêu”, chữ “đổ” thể
hiện thật tài tình không khí rạo rực và màu sắc nồng nàn rất đặc trưng
của mùa hạ. Hình ảnh cô gái hái măng một mình khơi dậy trong lòng
người ra đi một nỗi nhớ ngọt ngào, sâu lắng.
Bức tranh mùa thu êm dịu, trong sáng được vẽ nên bằng những đường
nét mảnh mai, tinh tế, thắm đượm cảm xúc trữ tình, gợi ra cả một trường
liên tưởng mênh mông cho người đọc:
“Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.”
Ánh trăng thu mát dịu tỏa chiếu khắp núi rừng, tạo nên khung cảnh
thanh bình, yên ả. Tiếng hát ân tình thủy chung của một cô gái nào đó
cất lên nghe thật tha thiết, cứ ngân nga vang vọng mãi trong tình yêu và
nỗi nhớ của người đi. Thiên nhiên Việt Bắc hiện lên với vẻ đẹp muôn
màu, muôn sắc, trong sự thay đổi của các mùa. Thiên nhiên luôn gắn
liền với bóng dáng con người cần lao. Cuộc sống kháng chiến sản xuất
và đánh giặc gian khổ, hiểm nguy song không thiếu những nét thanh
bình, êm ả.
Kết bài khổ 6: Đoạn trích trên là bức tranh vừa hiện thực vừa trữ
tình về chiến khu Việt Bắc. Tình cảm chân thật, thắm thiết của nhà thơ
Tố Hữu đối với thiên nhiên và con người nơi đây chính là động lực thúc
đẩy thi hứng và sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ.
c/ khổ 8: chặng đường giải phóng và chiến thắng
"Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng, bạn cùng mũ nan.
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.
Tin vui chiến thắng trăm miền
Hoà Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ Đồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng."
Mở đầu khổ thơ, tác giả khơi gợi lại không khí của cuộc chiến toàn
dân, toàn diện với những con đường Việt Bắc của ta:
"Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung"
Đêm thường là thời gian để con người nghỉ ngơi nhưng trong cuộc
kháng chiến chống Pháp, nhân dân ta đã sục sôi một lòng chiến đấu vì
Tổ quốc. Khí thế dũng mãnh của cuộc kháng chiến trong thời gian "đêm
đêm" với tiếng hành quân "rầm rập" được tác giả so sánh "như là đất
rung" cho thấy không chí chiến đấu đang diễn ra vô cùng khẩn trương.
Tiếng "rầm rập" ấy còn cho thấy sự hùng mạnh của quân dân ta luôn
dũng cảm tiến về phía trước. Không khí của cuộc kháng chiến được khơi
gợi mang tầm vóc sử thi với những âm hưởng hùng tráng đã khiến cho
bài thơ được đánh giá vừa là một bản tình ca lại vừa là một khúc tráng
ca.
Tác giả tái hiện lại không khí của cuộc kháng chiến ở sáu câu tiếp
theo của khổ thơ thứ tám:
"Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng, bạn cùng mũ nan.
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên."
Đêm chính là khoảng thời gian quân dân ta làm chủ cả đất trời, tuy màn
đêm đen tối nhưng đó chính là sự khởi đầu cho một cuộc chiến đấu đầy
cam go và khốc liệt. Hình ảnh đoàn quân được khắc họa "điệp điệp trùng
trùng" cho thấy số lượng đông đảo của một cuộc tổng duyệt. Con người
chính là chủ nhân trên mặt đất, ngước lên trời cao ta lại thấy hình ảnh
của "ánh trăng" chiếu sáng mọi nẻo đường. Trong bài thơ "Đồng chí"
của Chính Hữu ta cũng đã bắt gặp hình ảnh "Đầu súng trăng treo" vừa
mang ý nghĩa tả thực lại vừa mang ý nghĩa tượng trưng. Trăng không chỉ
là bạn của mọi nhà mà trăng còn tượng trưng cho sự hòa bình, cho một
tương lai tươi sáng phía trước. Trong cuộc kháng chiến ấy không chỉ có
chiến sĩ mà còn có cả bộ đội, dân công, những con người hậu phương
được kết hợp lại với nhau tạo nên "Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay".
Những bước chân gân guốc, khỏe khoắn đã tạo nên sức mạnh "giẫm nát"
quân thù. Mặc dù tác giả miêu tả cảnh đêm tối nhưng cảnh đêm tối trong
"Việt Bắc" không phải là một đêm tối mịt mù mà nó luôn được soi sáng
bởi ngọn đuốc, bởi ánh trăng, bởi đèn pha. Màn đêm dường như tan biến
bởi sự kết hợp giữa ánh sáng của ngọn đuốc, ánh trăng, đèn pha bởi sự
kết hợp ấy đã tạo nên thứ ánh sáng sáng như "ngày mai lên". Từ không
khí sôi động của cuộc kháng chiến, nhà thơ đã thể hiện được niềm tin, sự
lạc quan cách mạng về ngày mai, cảm hứng ấy được khởi nguồn từ niềm
hăng say lãng mạn cách mạng.
Sự quyết tâm của quân dân ta đã tạo nên một chiến thắng vang dội
đất trời khi hòa bình được lập lại, miền Bắc được giải phóng. Nhà thơ đã
lột tả niềm vui tột cùng ấy qua bốn câu thơ cuối của khổ tám bài thơ
"Việt Bắc":
"Tin vui chiến thắng trăm miền
Hoà Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ Đồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng."
Tin thắng trận vang cả núi rừng, niềm vui của cuộc kháng chiến có sự
đan chéo, chất chồng và dồn dập bởi nó là niềm tự hào của con người
trong cuộc kháng chiến. Nếu như tám câu thơ đầu của khổ thơ tác giả đã
khơi gợi được không khí căng thẳng, khẩn trương của chiến trận thì bốn
câu thơ sau, nhà thơ đã mở ra một chân trời hòa bình với niềm vui sôi
nổi trăm miền. Niềm vui gắn liền với các địa danh dày đặc như Hoà
Bình, Tây Bắc, Điện Biên, Đồng Tháp, An Khê, Việt Bắc, đèo De, núi
Hồng. Điệp từ "vui" gắn liền với niềm vui chiến thắng, niềm tự hào
trước những chiến công cũng chính là niềm tự hào tác giả trước cuộc
kháng chiến thần thánh.
Giọng thơ lãng mạn, mang cảm hứng sử thi, biện pháp tu từ liệt kê là
những dụng ý nghệ thuật mà tác giả đã sử dụng trong khổ thơ. Đoạn thơ
thực sự là một niềm vui lớn trong kháng chiến, khí thế của cuộc kháng
chiến được miêu tả đầy đủ qua lực lượng tham gia chiến đấu, những con
đường nối liền giữa các miền đã mang đến một bức tranh hiện thực vô
cùng hoành tráng.
Kết bài khổ 8: Khổ thơ tám của bài thơ "Việt Bắc" khiến cho người đọc
như được sống lại trong những năm tháng kháng chiến với khí thế hào
hùng, mãnh liệt. Đoạn thơ mang tầm vóc sử thi hoành tráng đã tạo nên
một bức tranh lịch sử vô cùng đẹp với sự quyết tâm ra trận, giành chiến
thắng của nhân ta.

You might also like