You are on page 1of 5

Đề: Cảm nhận về bức tranh tứ bình trong bài Việt Bắc” của Tố

Hữu. Từ đó em có nhận xét gì về vẻ đẹp thiên nhiên của đất nước


trong chiến tranh.
BÀI LÀM

Tố Hữu - một trong những hồn thơ của dân tộc, một nhà thơ lớn trong
nền văn học Việt Nam. Ông đã từng nói: “Thơ chỉ tràn ra khi trong tim
ta cuộc sống đã thật đầy”, chính những niềm thương, nỗi nhớ trào dâng
ấy đã tạo ra những rung động mãnh liệt trong cảm xúc để rồi thơ ca ông
có một dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc. Việt Bắc chính là những
rung động mạnh liệt ấy của Tố Hữu. Bài thơ là kết tinh của 15 năm gắn
bó mặn nồng giữa cán bộ cách mạng và nhân dân Việt Bắc. Tác phẩm
như lời hát tâm tình của một mối tình thiết tha đầy lưu luyến giữa người
kháng chiến và đồng bào Việt Bắc được thể hiện qua lăng kính trữ tình –
chính trị, đậm tính dân tộc và ngòi bút dạt dào cảm xúc của thi nhân.
Đặc biệt là bức tranh về thiên nhiên và con người Tây Bắc được khắc
họa bởi lời người ra đi qua đoạn thơ:

“Ta về, mình có nhớ ta

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”


Tố Hữu vừa là 1 người lính trực tiếp tham gia vào chiến trường đồng thời là 1 nhà
thơ cách mạng, dùng ngòi bút đòng hành cùng những thăng trầm của đất nước. Có
ý kiến cho rằng: “Con đường thơ của Tố Hữu song song đồng hành cùng với con
đường cách mạng của Việt Nam”. Vào tháng 7/1954 Hiệp định Genève được kí kết
chấm dứt cuộc chiến tranh chống Pháp và lập lại hòa bình ở miền Bắc. Tháng
10/154 các cơ quan Đảng và Chính Phủ trở về Hà Nội sau 15 năm gắn bó. Trong
không khí hân hoan chiến thắng, cảm xúc bịn rịn lưu luyến chia tay giữa người ở
lại và người ra đi, bài thơ “Việt Bắc” ra đời. Thi nhân đã sáng tác ra 1 kết cấu đặc
biệt cho bài thơ đó là cuộc đối đáp giữa người ở lại và người ra đi. Tất cả được sắp
xếp qua lượt lời đối thoại làm bài thơ trở nên sinh động và giàu cảm xúc hơn. Đây
là kết cấu quen thuộc trong ca dao dân ca, là cuộc trò chuyện tâm tình giữa liền anh
liền chị trong những cuộc giao duyên của đôi lứa. Nếu những đoạn thơ trước người
ra đi thể hiện nỗi nhớ sâu nặng của mình thì ở đoạn thơ này người ra đi đã vẽ nên 1
bức tranh thiên nhiên và con người Tây Bắc tuyệt đẹp qua bộ tranh tứ bình về 4
mùa. Đoạn thơ thể hiện được tài năng đặc biệt của Tó Hữu qua cách khắc họa đoạn
thơ đẫm chất hội họa với những nét nổi bật và đặc sắc. Đoạn thơ là một bức tranh
Việt Bắc qua bốn mùa và hàm chứa trong đó một nỗi nhớ nhung da diết cùng tấm
lòng thủy chung của tác giả nói riêng và người cán bộ nói chung dành cho Việt
Bắc:

“Ta về, mình có nhớ ta

Ta về, ta nhớ những hoa cùng người”

Hai câu thơ mở đầu đoạn thơ là lời giới thiệu khái quát về thiên nhiên và con người
nơi Tây Bắc. Đại từ “mình-ta” độc đáo lại tiếp tục được sử dụng và càng đặc biệt
hơn khi điệp từ “ta” xuất hiện đến tận 4 lần như một lời nhấn mạnh rằng người ra
đi sẽ luôn thương nhớ người ở lại một cách tha thiết và đong đầy. Xuyên suốt bài
thơ người đọc bắt gặp rất nhiều câu hỏi của người ở lại nhưng đến đây lần đầu tiên
người ra đi hỏi người ở lại “Ta về, mình có nhớ ta”. Đây dường như là cách người
ra đi khẳng định bản thân không chỉ nhớ về quá khứ và kỉ niệm mà còn lo lắng,
băn khoăn về người ở lại. Hai câu thơ cũng gợi ra được nội dung xuyên suốt của
đoạn thơ là nỗi nhớ về thiên nhiên và con người qua 2 hình ảnh “hoa” và “người”.
“Hoa” là kết tinh vẻ đẹp của thiên nhiên còn “người” là linh hồn cuộc sống, phải
chăng con người cũng là một bông hoa trong vườn hoa Việt Bắc. Hình ảnh tạo nên
nét hài hòa giữa thiên nhiên và con người, hoa và người khi hòa vào nhau, khi tách
biệt để tôn lên vẻ đẹp của nhau. Hai câu thơ đã hoàn thành sứ mệnh như 1 lời tựa,
lời dẫn dắt đi vào bộ bức tranh tứ bình.

Tiếp sau hình ảnh hoa và người là bức tranh bốn mùa Việt Bắc được vẽ ra hết sức
chân thật cùng những màu sắc tươi tắn và âm thanh rộn ràng:

“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo ca nắng ánh dao gài thắt lưng”

Mùa đông với màu xanh tha thiết, ngút ngàn của núi rừng trùng điệp hiện ra đầu
tiên. Tác giả khắc họa mùa đông trước có lẽ bởi vì khi người cách mạng đến đây
cũng vào mùa đông của đất nước và cũng chính thời điểm ấy sau mười lăm năm,
người cách mạng cũng từ biệt Việt Bắc – cái nôi cách mạng Việt Nam. Mùa đông
ở Tây Bắc thường đi cùng cái lạnh cắt da cắt thịt, thế nhưng trong câu thơ mùa
đông ở đây lại không gợi đến sự lạnh giá mà trái lại là nét ấm cúng, đặc biệt do
cách sử dụng màu sắc cực kì độc đáo. Giữa màu xanh bạt ngàn của rừng núi, ta lại
thấy điểm xuyết bởi sắc đỏ tươi của những bông hoa chuối. Tất cả những điều ấy
lại tạo nên sự hài hòa cân xứng: gợi lên sự ấm cúng rực rỡ của thiên nhiên Tây Bắc
vào mùa đông. Không gian của mùa đông vừa rộng lại vừa sâu. Đó là bề rộng của
núi đồi và chiều sâu qua sự góp mặt của hoa chuối. Giữa bức tranh mùa đông rực
rỡ xuất hiện hình ảnh con người qua nghệ thuật hoán dụ “dao gài thắt lưng”. Đó có
thể là người dân Việt Bắc sẵn sàng lao động cũng có thể là người lính sẵn sàng
chiến đấu. Như vậy 2 câu thơ về mùa đông đã giúp người đọc thấy đươc vẻ đẹp
của thiên nhiên mùa đông vừa tươi mới vừa rực rỡ và con người trong tư thế sẵn
sàng lao động và sản xuất.

Đông qua rồi lại xuân. Mùa xuân Việt Bắc hiện lên với sắc trắng của hoa mơ làm
bừng sáng cả khu rừng:

“Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuối từng sợi giang”

Tác giả đã khắc họa khung cảnh mùa xuân lãng mạn mơ mộng mang hương sắc
riêng của vùng núi rừng Tây Bắc. Nhà thơ đã lột tả thiên nhiên mùa xuân bằng sắc
trắng hoa mơ. Nhắc đến mùa xuân, người ta lại nhắc đến thời điểm khí hậu mát
mẻ, cỏ cây hoa lá vì thế tràn đầy sức sống, đâm chồi, nảy lộc xanh non. Ngày xuân
của Việt Bắc được Tổ Hữu nhìn với cái nhìn rất độc đáo: “mơ nở trắng rừng”. Tạo
nên 1 bức tranh với sự hòa trộn giữa màu xanh bạt ngàn của núi đồi và sắc trắng
tinh khôi mờ ảo của hoa mơ. Người ra đi đã thu linh hồn của mùa xuân núi rừng
vào tầm mắt mình, sắc trắng của mơ chính là nét riêng, là màu sắc quen thuộc của
vùng núi đồi. Giữa cái nền trắng tinh khôi của hoa mơ ấy nổi bật lên hình ảnh
người lao động cần mẫn. Điệp từ “nhớ” lại được sử dụng, chứng tỏ trong lòng
người ra đi luôn khắc ghi những kỉ niệm. “Người đan nón” tỉ mỉ “chuốt từng sợi
giang”. Con người đẹp một cách tự nhiên trong công việc hàng ngày. Động từ
“chuốt” kết hợp với trợ từ “từng” đã thể hiện bàn tay khéo léo, tỉ mĩ, và tài hoa của
người lao động. Tố Hữu đã tôn vinh vẻ đẹp của người lao động, dù đòi hỏi sự tỉ mỉ
và đầy sự vất vả nhưng đằng sau đó là phầm chất cần cù, yêu lao động của người
dân. Bức tranh mùa xuân có thiên nhiên lãng mạn, mơ mộng cùng con người cần
cù, chịu thương, chịu khó.

“Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình”


Bức tranh mùa hạ được tác giả cảm nhận bằng cái nhìn đa giác quan để khám phá
ra sự biến đổi của thiên nhiên cả về màu sắc và âm thanh. Từ đó lột tả được linh
hồn của mùa hạ. Tố Hữu đã sử dụng cái nhìn đa giác quan, thính giác để cảm nhận
âm thanh của tiếng ve, thi giác để thấy được sắc vàng của rừng phách. Sự hòa trộn
của màu sắc và âm thanh đã làm cho bức tranh trở nên độc đáo và thu hút nguoif
đọc. Nhà thơ đã khéo léo lựa chọn 2 hình ảnh cũng là đặc trưng, tín hiệu của mùa
hạ: ve và rừng phách. Đó là thứ mà bất kì nguời dân nào cũng có thể cảm nhận khi
đến với mùa hạ ở miền Bắc. Người đọc có thể cảm nhận được tiếng ve liên tục và
náo nhiệt rộn rã, còn có sắc màu rực rỡ và chói chang qua 2 động từ mạnh “kêu”,
“đổ”. Câu thơ tạo nên 1 sự liên tiếp trong hình ảnh: âm vang của tiếng ve làm lá
phách đổ vàng. Tưởng chừng chỉ cần tiếng ve ngân lên đã làm tiết trời đột ngột
chuyển từ xuân sang hè. Chỉ với một câu thơ mà gợi lên cả sự vận động của thời
gian, của cuộc sống. Và trên cái nền vàng của rừng phách ấy, hiện lên hình ảnh thật
đáng yêu làm cho bức tranh thêm nên thơ, trữ tình. Đó là hình ảnh: “Cô em gái hái
măng một mình”, hái măng là một công việc vất vả nhưng lại vô cùng quen thuộc
với người dân Tây Bắc. Người ra đi gọi là “cô em gái”, đây là một cách gọi tinh
nghịch, hồn nhiên và có chút gì đấy trêu đùa vì dù cô gái hái măng một mình
nhưng không hề cô đơn hay buồn bã mà lại toát lên sự tự do, làm chủ thiên nhiên
cùng vẻ đẹp của người phụ nữ chịu thương chịu khó. Câu thơ mang nỗi niềm cảm
thông và cảm kích người Việt Bắc, mà người đi không bao giờ quên được những
tình cảm chân thành ấy. Bức tranh mùa hạ gắn với thiên nhiên rực rỡ, náo nhiệt
cùng con người tự do, làm chủ thiên nhiên.

Bức tranh mùa thu mang đến 1 cảm nhận mới lạ và riêng biệt. Đó là hình ảnh được
cảm nhận qua thời gian đêm tối với góc nhìn lãng mạn, bình yên và thơ mộng.

“Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”

Trước hết thiên nhiên được tác giả cảm nhận qua thời gian đêm tối qua hình ảnh
“trăng”. Trăng Việt Bắc trong thơ Bác Hồ là “trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”.
Người cán bộ kháng chiến về xuôi nhìn trăng không đơn giản là nhìn thiên nhiên
mà còn mang màu của cuộc sống: đó là ánh trăng của hòa bình độc lập, ánh trăng
của niềm vui chiến thắng. Như vây, sau 4 mùa thiên nhiên đã tìm thấy tự do, vỡ òa
trong niềm vui độc lập. Nếu trong những bức tranh mùa đông, mùa xuân, mùa hạ
con người cần cù, chịu thương, chịu khó, vất vả lao động thì đến mùa thu con
người được khám phá qua thế giới tâm hồn, qua cảm xúc-tiếng hát. Ở đây tác giả
đã sử dụng biện pháp hoán dụ, dùng tiếng hát để chỉ con người, những người tràn
trề lòng yêu đời, hăng say lao động. Tiếng hát chính là kết tinh của lòng yêu đời,
yêu cuộc sống ngoài ra nó cũng là minh chứng cho hòa bình đã chiếu sáng muôn
nơi. Bức tranh mùa thu đem đến cho người đọc ấn tượng về một bức tranh bình
yên và độc lập, con người ân tình, say mê và yêu đời.

Chỉ với 10 câu thơ đã khắc họa trọn vẹn bức tranh tứ bình về thiên nhiên và con
người Việt Bắc. Đoạn thơ thể hiện tài năng thơ ca của Tố Hữu trong việc kết hợp
giữa thi và họa, cách sử dụng màu sắc và hình ảnh, đường nét và âm thanh. Tất cả
đã thể hiện được trọn vẹn linh hồn Tây Bắc và tình yêu của người ra đi sâu đậm,
mãi mãi không thay đổi. Và chỉ với đoạn thơ này, người đọc có thể cảm nhận được
vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Tây Bắc. Dù trong chiến tranh nhưng thiên
nhiên của đất nước vẫn mang sự độc đáo và đẹp đẽ của chính nó.

Qua đoạn thơ, Tố Hữu bộc bạch được tình cảm của mình với thiên nhiên núi
rừng Việt Bắc và sự thủy chung son sắc với những con người chất phát, hiền hòa
nơi đây. Sự yêu mến và tự hào của Tố Hữu với Việt Bắc . Và ở mỗi bản thân
chúng ta, cần phải biết đến những địa danh của Đất Nước mình, yêu mến và luôn
tự hào về vẻ đẹp diệu kì của nó. Điều quan trọng hơn hết, chúng ta cần ghi nhớ
công ơn to lớn của những chiến sĩ đã hi sinh ra sức chiến đấu dựng xây khiến
chúng ta có được một đất nước yên bình , xinh đẹp như ngày hôm nay.

You might also like