You are on page 1of 8

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ QUỐC DÂN

VIỆN KẾ TOÁN – KIỂM TOÁN


-------***-------

BÀI TẬP LỚN


MÔN KIỂM SOÁT QUẢN LÝ

Đề bài: Các phương thức chuyển giá trong các doanh nghiệp và
các yêu cầu đặt ra đối với kiểm soát của nhà nước

Nhóm sinh viên : 08


Họ và tên : Hà Lê Thanh Tâm – 11206807
Mai Thị Thanh Hà – 11201173
Phạm Kim Huyền – 11201882
Trương Thị Tuyết – 11208363
Lớp HP : Kiểm soát quản lý – 03
GVHD : TS. Bùi Thị Minh Hải

Hà Nội, 2023
I. GIỚI THIỆU CHUNG VỀ CHUYỂN GIÁ
 Chuyển giá (transfer pricing) là việc các chủ thể kinh doanh (chủ yếu là các
công ty đa quốc gia) thực hiện chính sách giá nhằm thay đổi giá trị trao đổi của
hàng hóa, dịch vụ và tài sản trong quan hệ với các bên trong tập đoàn hay
nhóm liên kết không tuân theo giá cả thị trường với mục đích tối thiểu hóa số
tiền thuế phải nộp của toàn tập đoàn. Ngoài ra còn một số mục đích khác như:
chiếm lĩnh thị trường, nhanh chóng thu hồi vốn tại các quốc gia tiếp nhận đầu
tư…
II. CÁC PHƯƠNG THỨC CHUYỂN GIÁ PHỔ BIẾN TRONG CÁC
DOANH NGHIỆP
1. Chuyển giá thông qua hình thức nâng cao giá trị tài sản góp vốn 
 Việc nâng giá trị tài sản vốn góp khi thành lập mới doanh nghiệp hoặc khi bổ
sung nguồn vốn góp đối với dự án đầu tư dưới dạng doanh nghiệp liên doanh
sẽ làm cho phần vốn góp của doanh nghiệp có vốn FDI được tăng cao, nhờ đó,
doanh nghiệp có vốn FDI tăng sự chi phối trong các quyết định liên quan đến
hoạt động của dự án liên doanh và tăng tỷ suất lợi nhuận được chia. Ngoài ra,
khi dự án kết thúc hoạt động thì tỷ lệ trị giá tài sản được chia cao hơn giúp
doanh nghiệp có vốn FDI thu về dòng tiền cao hơn.
 Đối với các công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài thì việc nâng tài sản góp
vốn sẽ giúp họ tăng mức khấu hao trích hàng năm, làm tăng chi phí đầu vào.
Việc tăng mức trích khấu hao TSCĐ sẽ giúp chủ đầu tư nhanh hoàn vốn đầu tư
cố định, nhờ đó giảm thiểu rủi ro đầu tư, giảm mức thuế TNDN phải đóng cho
nước tiếp nhận đầu tư
2. Chuyển giá thông qua việc nâng cao giá nguyên vật liệu đầu vào của sản
xuất kinh doanh, hạ thấp giá bán sản phẩm cho công ty liên kết
 Phương pháp này được thực hiện thông qua việc điều tiết giá mua, bán hàng
hóa, thành phẩm, bán thành phẩm và các nguyên liệu, vật liệu giữa 2 doanh
nghiệp của các Công ty đa quốc gia có quan hệ liên kết với nhau theo cách sản
phẩm đầu ra của doanh nghiệp này là đầu vào của doanh nghiệp kia; trường
hợp thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp đầu ra cao hơn
doanh nghiệp đầu vào thì doanh nghiệp đầu ra sẽ bán cho doanh nghiệp đầu
vào với giá thấp, dẫn đến lợi nhuận của doanh nghiệp đầu ra thấp, thuế thu
nhập doanh nghiệp phải nộp thấp; còn nếu thuế suất thuế thu nhập doanh
nghiệp ở doanh nghiệp đầu ra thấp hơn doanh nghiệp đầu vào thì doanh nghiệp
đầu ra sẽ bán với giá cao hơn, dẫn đến lợi nhuận của doanh nghiệp đầu vào
giảm, thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp thấp. Như vậy, phương thức
chuyển giá này đã làm lợi nhuận giảm, qua đó các công ty đa quốc gia đã tối
thiểu hóa số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp
 VD1: Công ty Coca-Cola Việt Nam, trong hơn 20 năm đầu tư,  kinh doanh ở
Việt Nam, CocaCola liên tục báo lỗ, lỗ lũy kế đã  vượt cả số vốn đầu tư ban
đầu là 2.950 tỷ đồng. Như vậy, về mặt kỹ thuật lẽ ra Coca-Cola Việt Nam đã
phải phá sản. Tuy nhiên, thay vì đóng cửa hay thu hẹp quy mô hoạt động, năm
2014 Coca-Cola tiếp tục đầu tư thêm 210 triệu USD để mở rộng kinh doanh tại
Việt Nam. Do lỗ liên tục như vậy nên Coca-Cola không phải đóng thuế thu
nhập doanh nghiệp, trong khi doanh thu liên tục tăng 20-30%/năm. Theo cơ
quan thuế, "bí quyết" để doanh nghiệp này có thể liên tục kê khai lỗ nằm ở chi
phí nguyên phụ liệu, trong đó chủ yếu hương liệu được nhập trực tiếp từ công
ty mẹ với giá rất cao
3. Chuyển giá thông qua chuyển giao công nghệ, thương hiệu (tài sản vô
hình)
 Việc định giá chính xác được tài sản cố định vô hình của các nhà đầu tư hết sức
khó, lợi dụng việc này mà các công ty đa quốc gia chủ ý thổi phồng phần góp
vốn bằng thương hiệu, công thức pha chế, chuyển giao công nghệ,... nhằm tăng
phần góp vốn của mình lên. Một số trường hợp phía góp vốn bằng tài sản cố
định vô hình có xuất trình giấy chứng nhận của công ty kiểm toán nhưng độ tin
cậy, trung thực của các giấy chứng nhận này rất khó kiểm định.
 VD2: Trường hợp của công ty Metro Cash & Carry Việt Nam, Công ty này bắt
đầu kinh doanh tại Việt Nam tháng 3/2002 với số vốn ban đầu là 120 triệu
USD. Tuy nhiên, sau 12 năm có mặt tại Việt Nam, Metro kê khai lỗ với tổng số
tiền 1.657 tỷ đồng và chỉ duy nhất 1 năm có lãi 173 tỷ đồng và chưa từng nộp
thuế thu nhập doanh nghiệp, dù doanh thu tăng hơn 24 lần. Metro liên tục mở
rộng được 19 trung tâm bán buôn tại 14 tỉnh, thành, 5 kho trung chuyển với
tổng số 3.600 nhân viên. Trước khi kết thúc sứ mệnh kinh doanh tại Việt Nam
vào đầu năm 2016 (chuyển nhượng cho Tập đoàn TCC Holdings của Thái
Lan), Metro đã bị cơ quan thuế phát hiện thanh toán tiền mua thương hiệu lên
tới 731 tỷ đồng trong 6 năm (2006 – 2013), điều chỉnh thuế nhà thầu nước
ngoài 62 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế GTGT 110 tỷ đồng, giảm lỗ khoản chi
phí nhượng quyền …335 tỷ đồng do thực hiện hành vi chuyển giá
4. Thực hiện chuyển giá thông qua sự khác biệt về thuế suất 
 Các doanh nghiệp FDI còn lợi dụng sự khác biệt thuế suất giữa các quốc gia để
trốn thuế. Một số quốc gia có mức thuế suất tương đối cao như VN (25%), Thái
Lan (30%) ... trong khi nhiều quốc gia khác thuế suất lại rất thấp thậm chí có
nhiều quốc gia thuế suất là 0%. Các công ty ở các quốc gia có thuế suất cao sẽ
bán sản phẩm cho công ty ở quốc gia có thuế suất thấp với giá bằng giá gốc để
tránh nộp thuế với thuế suất cao. Sau đó bên mua sẽ bán lại cho bên thứ 3 thu
lãi. Do thuế TNDN tại những quốc gia nơi công ty trú đóng bằng 0 hoặc ở mức
rất thấp nên dn không phải đóng thuế hoặc đóng rất thấp. 
5. Chuyển giá thông qua hình thức tài trợ bằng nghiệp vụ vay từ công ty mẹ
(chuyển giá tài chính)
 Các Công ty đa quốc gia thực hiện hình thức này bằng cách áp dụng các hình
thức tài trợ khác nhau giữa các công ty con. Bằng hình thức này, các công ty
con tạo ra cơ cấu vốn và nguồn vốn bất hợp lý như dùng nguồn vốn dưới dạng
cho vay từ công ty mẹ để tài trợ cho tài sản cố định và tài sản đầu tư dài hạn mà
không tăng vốn góp và vốn chủ sở hữu nhằm đẩy chi phí hoạt động tài chính
lên cao như chi phí chênh lệch tỷ giá, chi phí lãi vay,… và chuyển một phần lợi
nhuận về nước dưới dạng lãi vay, chi phí bảo lãnh vay vốn để tránh thuế, tránh
lỗ do chênh lệch tỷ giá về sau.
 Hoặc là các công ty mẹ sẽ buộc các công ty con đóng tại nước có thuế suất cao
tài trợ bằng nợ vay nhiều hơn để hưởng lợi từ tấm lá chắn thuế, đồng thời sẽ
chuyển phần vốn cổ phần cho công ty con ở quốc gia có thuế suất thấp hơn.
 VD3: Adidas Việt Nam hoạt động theo giấy phép đăng ký kinh doanh là quyền
phân phối bán buôn, nhưng danh mục chi phí của doanh nghiệp này lại xuất
hiện nhiều chi phí của một doanh nghiệp bán lẻ, như chi phí hỗ trợ vật dụng
cho nhà bán lẻ, tiền tiếp thị quốc tế, phí quản lý vùng, tiền hoa hồng mua hàng
và đặc biệt, Adidas Việt Nam không phải là nhà sản xuất, nhưng phát sinh
khoản tiền bản quyền. Chính ví phát sinh quá nhiều chi phí trung gian đầu vào
đã khiến cho giá thành nhập khẩu các sản phẩm Adidas tại thị trường Việt Nam
bị đội lên một cách vô lý, làm cho Adidas Việt Nam luôn rơi vào tình trạng
thua lỗ và không phải nộp thuế thu nhập.
 VD4: Công ty Keangnam Vina là một công ty bất động sản 100% vốn của Hàn
Quốc. Vào Việt Nam từ tháng 7/2007. Năm 2008, khoản phí tư vấn tài chính
mà Keangnam Vina trả cho Keangnam Enterprise - một công ty con thuộc tập
đoàn Keangnam Hàn Quốc lên tới 30 triệu USD, phí dịch vụ sắp xếp nguồn
vay lên tới 20 triệu USD, chi phí tư vấn quảng cáo, tư vấn cấp quyền sử dụng
đất, cấp giấy phép đầu tư cũng lên đến vài triệu USD. Do những khoản chi phí
đó, Keangnam Vina liên tục báo lỗ và do vậy không nộp thuế thu nhập doanh
nghiệp. Khoản lỗ này tất nhiên chuyển thành khoản lãi của Keangnam
Enterprise ở Hàn Quốc. Trong khi đó, Keangnam Enterprise chỉ phải nộp thuế
nhà thầu cho Việt Nam với mức thuế suất thấp hơn nhiều so với thuế thu nhập
doanh nghiệp Việt Nam.

III. ẢNH HƯỞNG CỦA HOẠT ĐỘNG CHUYỂN GIÁ ĐỐI VỚI NỀN KINH
TẾ VIỆT NAM
1. Gây thất thoát cho nguồn thu ngân sách nhà nước 
 Bằng cách định giá quá cao hoặc quá thấp trong hoạt động thương mại giữa nội
bộ công ty của các Công ty đa quốc gia tới việc khai khống giá nhập khẩu
nguyên vật liệu, máy móc thiết bị từ công ty mẹ ở nước ngoài…chuyển thu
nhập và lợi nhuận từ nước có thuế suất cao sang nước có thuế suất thấp, cho
thấy để tối đa hóa lợi nhuận, các MNCs ngày càng có nhiều biện pháp đối phó,
dàn xếp để tránh thuế, đặc biệt là việc gia tăng các hoạt động chuyển lợi nhuận
về các thiên đường thuế, thành lập các công ty vỏ bọc, công ty không có hoạt
động thực chất tại các nơi này để che giấu nguồn thu nhập và tránh thuế dẫn tới
nguy cơ suy giảm nguồn thu của đất nước.
 Theo kết quả Khảo sát 2017, có tới 96,8% số cán bộ thuế có ý kiến khẳng định
chuyển giá làm thất thu NSNN, trong đó có 60% tổng số cán bộ thuế được
khảo sát cho rằng chuyển giá làm thất thu NSNN rất nhiều.
VD5: Một công ty khác nằm trong diện nghi vấn chuyển giá với giá trị lớn lên
đến hơn 1.200 tỷ đồng là Công ty PepsiCo Việt Nam. Từ khi thành lập năm
1991, gần 20 năm PepsiCo lỗ liên tục, cho đến một số năm gần đây mới có lãi
nhưng tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu rất thấp, chỉ trên 2%. Mặc dù vậy,
PepsiCo Việt Nam vẫn liên tục mở rộng đầu tư, xây dựng các nhà máy mới.
Chính những mâu thuẫn trong việc kêu lỗ “khủng” nhưng vẫn đầu tư này mà
Pepsico bị cơ quan thuế điều tra với nghi án trốn thuế.
2. Tạo ra cạnh tranh không công bằng, làm cho doanh nghiệp Việt Nam bị
mất thị phần, bị thôn tính doanh nghiệp
 Trong quá trình hoạt động, các DN có vốn FDI thường dành chi phí quá lớn
cho các chương trình khuếch trương thương hiệu, khuyến mãi quá mức, giảm
giá hàng bán để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, gây ra cuộc cạnh tranh
không lành mạnh giữa các DN có vốn FDI và các DN trong nước làm cho các
DN trong nước bị mất dần thị trường. Nếu các DN trong nước không đủ tiềm
lực tài chính để cạnh tranh, họ sẽ dần dần bị mất ưu thế và đưa đến phá sản
hoặc buộc phải chuyển sang kinh doanh trong các ngành khác. Các MNCs sẽ
dần trở nên độc quyền và thao túng thị trường trong nước, kiểm soát giá cả và
làm mất dần tính tự do cạnh tranh của thị trường tự do.
 VD6: các công ty chế biến nước giải khát trong nước như: Công ty Tribeco,
công ty Festi, công ty nước giải khát Hòa Bình, công ty nước giải khát Chương
Dương… đã phải bỏ thị trường nước giải khát truyền thống ở các thành phố lớn
của Việt Nam để đến các vùng nông thôn hẻo lánh kinh doanh, phải chuyển đổi
sang kinh doanh mặt hàng khác như sữa đậu nành, do bị Công ty Coca- Cola
chiếm lĩnh thị trường, mặc dù công ty Coca- Cola lỗ liên tục trong nhiều năm.
3. Các hoạt động chuyển giá làm gia tăng giá trị nhập khẩu, làm thay đổi cơ
cấu vốn của nền kinh tế Việt Nam
 Thông qua hoạt động chuyển giá, các Công ty đa quốc gia định giá cao các yếu
tố đầu vào, từ đó rút ngắn thời gian thu hồi vốn, vì vậy mà các luồng vốn có xu
hướng chảy ngược ra khỏi Việt Nam. Điều này sẽ làm thay đổi cơ cấu vốn
trong nền kinh tế của quốc gia. Hậu quả của những vấn đề trên là tạo ra sự phản
ánh sai lệch kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, tạo ra một
bức tranh kinh tế không trung thực. Từ đó, nó gây cho Chính phủ nhiều khó
khăn trong quá trình hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô và khó khăn trong
việc thúc đẩy ngành sản xuất trong nước phát triển.
4. Các hoạt động chuyển giá làm chậm mục tiêu thu hút công nghệ của Việt
Nam.
 Việc các DN có vốn FDI nhập khẩu máy móc, dây chuyền sản xuất cũ, lạc hậu
để thực hiện chuyển giá, nâng khống giá trị TSCĐ làm cho kỳ vọng được tiếp
nhận các công nghệ hiện đại, khoa học kỹ thuật tiên tiến để thúc đẩy sản xuất
trong nước phát triển của Việt Nam không đạt yêu cầu.
 Theo đánh giá của Cục đầu tư nước ngoài (2017) về hoạt động sản xuất kinh
doanh của DN có vốn FDI giai đoạn 2005-2014 “Công nghiệp phụ trợ còn yếu
(trong khi tỷ lệ nội địa hóa của Thái Lan đạt 50% thì của Việt Nam mới đạt
khoảng 20%)” Từ đó có thể thấy hiệu ứng lan tỏa, tính liên kết của DN có vốn
FDI đối với khu vực trong nước chưa cao, chưa đạt được mục tiêu thu hút công
nghệ (công nghệ cao, công nghệ nguồn) và chuyển giao công nghệ.
5. Các hoạt động chuyển giá làm chậm nâng cao trình độ quản lý và chất
lượng nguồn nhân lực của Việt Nam
 Việc sản xuất kinh doanh lỗ triền miên do hoạt động chuyển giá cũng là lý do
để DN không quan tâm đến việc tăng lương, giảm giờ làm và cải thiện đời sống
cho người lao động, dẫn đến làm cho người lao động bất bình, từ đó đã phần
nào ảnh hưởng tới các chính sách về tiền lương của Việt Nam, ảnh hưởng tới
sức mua hàng hóa và sự phát triển nền kinh tế của Việt Nam.
IV. KIỂM SOÁT CỦA NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI VIỆC CHUYỂN GIÁ VÀ GIẢI
PHÁP TẠI VIỆT NAM
1. Kiểm soát của nhà nước đối với hoạt động chuyển giá
 Đã có nhiều văn bản được Bộ Tài chính ban hành cũng như các kế hoạch và
hướng dẫn chỉ đạo của Tổng cục Thuế nhằm kiểm soát chuyển giá. Trong
những năm qua, ngành thuế đã liên tục đẩy mạnh, tập trung nhân lực vào công
tác chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI có giao dịch liên kết, liên
tục khai lỗ nhưng vẫn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Theo số liệu tại
báo cáo kết quả công tác thanh tra của Tổng cục Thuế, trong những năm qua
với sự nỗ lực của các cơ quan quản lý trong công tác thanh tra, kiểm tra hành vi
chuyển giá bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận và thu về cho
ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng
 Tuy nhiên, công tác chống chuyển giá ở Việt Nam hiện nay vẫn còn một số hạn
chế và tồn tại, cụ thể: 
 Thứ nhất, các quy định pháp lý liên quan đến quản lý nhà nước đối với
giá chuyển giao còn chưa đầy đủ và chặt chẽ, chế tài xử lý vi phạm về
chuyển giá chưa được quy định riêng, việc xử lý hiện nay vẫn theo quy
định chung của Luật Quản lý thuế. 
 Thứ hai, nguồn nhân lực trong lĩnh vực thanh tra chuyển giá vẫn còn
hạn chế về năng lực, thiếu về số lượng
 Thứ ba, về thời gian thanh tra: theo quy định của Luật Thanh tra, Luật
Quản lý thuế, thời hạn thanh tra thuế tiến hành không quá 45 ngày làm
việc, trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 ngày
làm việc. 
 Thứ tư, nguồn cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra còn
hạn chế. Nghị định số 20/2017/NĐ-CP, Thông tư số 41/2017/TT-BTC
quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã
được ban hành nhưng hệ thống thông tin, dữ liệu về người nộp thuế,
ngành hàng vẫn chưa được hoàn thiện. Hiện nay, chúng ta chưa có cơ sở
dữ liệu về giá để tham khảo và so sánh khi xác định giá trong giao dịch
liên kết theo hướng dẫn của Nghị định. 
 Thứ năm, sự phối kết hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước chưa được
quan tâm đầy đủ do còn thiếu các quy định cụ thể về trách nhiệm phối
hợp của từng cơ quan (chẳng hạn, sự phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ
quan hải quan trong việc điều tra, xử lý các vi phạm trong giao dịch
xuyên biên giới).
2. Giải pháp tại Việt Nam 
 Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam hiện nay, vấn đề
chuyển giá đang trở thành vấn nạn lớn đối với công tác quản lý nhà nước nói
chung và quản lý thu thuế của ngành thuế nói riêng. Chuyển giá là hành vi cần
phải được ngăn chặn kịp thời, để thực hiện được điều này, chúng ta cần thực
hiện đồng bộ và phù hợp các giải pháp sau:
 Một là, hoàn thiện hành lang pháp lý về chống chuyển giá. Xây dựng chế
tài, hình phạt nghiêm minh đủ sức răn đe với hành vi chuyển giá.  
(i) Cần bổ sung một điều luật về chống chuyển giá vào Luật Quản lý thuế, về
lâu dài nên ban hành Luật Chống chuyển giá - đây là cơ sở pháp lý quan trọng
nhất cho hoạt động chống chuyển giá. 
(ii) Có quy định pháp lý cụ thể về các khoản chi từ ngân sách nhà nước cho các
hoạt động kiểm tra, thanh tra và điều tra chống chuyển giá.
(iii) Hoàn thiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng có liên quan với
cơ quan thuế trong hoạt động chống chuyển giá.
 Hai là, ngành thuế cần kiện toàn bộ máy và nâng cao chất lượng nguồn
nhân lực. Do đó, trong thời gian tới, ngành thuế nên tăng cường bổ sung nguồn
nhân lực cho đội ngũ thanh tra chuyên trách về kiểm soát chuyển giá. Các cán
bộ thuế chuyên trách về chuyển giá, được đào tạo bài bản và chuyên sâu hiện
tại vẫn còn thiếu và hạn chế, hoạt động chủ yếu vẫn là theo kinh nghiệm hoặc
qua tham gia các khóa tập huấn trong thời gian ngắn. 
 Ba là, thanh tra giá chuyển nhượng là một loại hình thanh tra đặc thù và
mang lại một nguồn thu rất lớn cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, thanh
tra giá chuyển nhượng cũng là một nội dung phức tạp và đòi hỏi đầu tư thời
gian trong quá trình thanh tra. Do đó, Việt Nam nên có những quy định riêng
đối với thời gian thanh tra giá chuyển nhượng, theo đó cần nới rộng thời gian
cho các cán bộ thanh tra thực hiện công việc điều tra nhằm mang lại hiệu quả
cao nhất. 
 Bốn là, hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu về người nộp thuế. Có hai việc
quan trọng cần làm để hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu về người nộp thuế
là:
(i) Mở rộng nguồn thu thập thông tin bằng các hoạt động nghiệp vụ của các bộ
phận chức năng trong cơ quan thuế
(ii) Đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, đảm bảo sự kết nối và
trao đổi thông tin tự động giữa cơ quan thuế và các cơ quan quản lý nhà nước
khác như: Công an, kiểm soát, địa chính, kế hoạch - đầu tư,...
 Cuối cùng, cần xây dựng và quy định cơ chế phối kết hợp giữa các cơ quan
nhà nước có thẩm quyền (cơ quan quản lý về đầu tư, ngân hàng, cơ quan
thuế, hải quan, công an, tòa án, viện kiểm sát, thanh tra…) nhằm bổ sung
nguồn thông tin cần thiết phục vụ cho quá trình thanh tra, kiểm tra về chuyển
giá nhằm nâng cao được hiệu quả quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp
và chống thất thu cho ngân sách nhà nước
 Tài liệu tham khảo:
1. PGS.TS Nguyễn Hữu Ánh, TS Đoàn Thanh Nga, Chuyển giá và kiểm soát
chuyển giá tại Việt Nam
2. Tạp chí tài chính, Hoạt động chuyển giá tại Việt Nam và những tác động
đến nền kinh tế, từ <https://tapchitaichinh.vn/hoat-dong-chuyen-gia-tai-
viet-nam-va-nhung-tac-dong-den-nen-kinh-te.html>
3. ThS. Nguyễn Hoàng Lan, Đánh giá việc thực hiện các biện pháp kiểm soát
chống chuyển giá tại Việt Nam, từ
<https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/danh-gia-viec-thuc-hien-cac-bien-
phap-kiem-soat-chong-chuyen-gia-tai-viet-nam-64295.htm> 

You might also like