You are on page 1of 6

Hán Thanh Thảo 12 Văn

Đề 3: Marie Darrieussecq - nữ nhà văn người Pháp quan niệm: 


“Đọc là biến đi khỏi thế giới
Đọc là đi tìm được thế giới
Đọc là còn lại một mình với cả thế giới trong lòng bàn tay…”
(Dẫn theo Dọc đường, NXB Phụ nữ Việt Nam, 2022, tr.118)
Viết bài văn NLXH trình bày quan điểm của em. 
Bài làm 
Cuộc sống muôn hình vạn trạng mà ta đang sống là tổng hòa của những thái cực luôn song hành và
đối lập, ở đó cái hữu hạn của con người đối xứng với chiều sâu thẳm vô biên của chính tâm hồn họ và chiều
rộng vô thường của cuộc đời bên ngoài họ. Bất chấp sự hãn hữu của mình, nhân loại muôn đời vẫn khao khát
phá vỡ ranh giới để chinh phục những chiều kích ấy và đã mở ra vô vàn con đường. Có những cánh của ta
không thể thấy bằng mắt, có những con đường không hiện hữu trên mặt đất, và cánh của cùng con đường
khám phá thế giới bên ngoài và đào sâu vào bản thể bên trong cũng vậy, giữa biết bao nhiêu lựa chọn thì trùng
hợp thay, ở đó đều có sách. Từ những trải nghiệm của một người đọc và viết, nữ nhà văn Pháp đã đúc kết
thành những vần thơ  : 
“Đọc là biến đi khỏi thế giới
Đọc là đi tìm được thế giới
Đọc là còn lại một mình với cả thế giới trong lòng bàn tay…”
Không đề cao giá trị của sách qua những phép so sánh, liên tưởng độc đáo, hùng hồn, bà chọn trân
trọng sách qua việc tái hiện chi tiết từng khâu trong quá trình đọc bằng thứ ngôn ngữ hàm súc và giàu sức gợi
của thơ để tự nó ánh lên vẻ đẹp và sức mạnh không trộn lẫn của mình. “Đọc” ấy chính là đọc sách - hành
động độc giả tiếp nhận và chiếm lĩnh những giá trị nội dung tri thức của cuốn sách - một sự tổng hợp và đúc
kết tri thức về một lĩnh vực cụ thể dưới nhiều hình thức đa dạng mà truyền thống nhất là văn bản trên giấy cho
đến sáng tạo, phát triển nhất là hình ảnh, thậm chí âm thanh (sách điện tử, sách nói). Mối quan hệ giữa bạn
đọc và “thế giới” liên tục biến chuyển qua các động từ “biến đi” - “đi tìm” - “còn lại một mình” - tất cả
những hình ảnh đó đều trừu tượng, đa nghĩa mà mỗi ý nghĩa lại mở ra một cách hiểu. Quá trình ấy có thể là
hành trình bạn đọc “biến khỏi thế giới” - rời khỏi thế giới của sự chật hẹp, bé nhỏ trong tư tưởng, tri thức,
trải nghiệm để “đi tìm được thế giới” - nhập thân vào kho tàng rộng lớn của tri thức, nơi mà những thắc mắc
trăn trở tìm được lời giải đáp; để từ đó, họ “còn lại một mình với cả thế giới trong lòng bàn tay” - cuộc sống
xa lạ choáng ngợp kia sau khi kinh qua sự khám phá, tìm tòi thì trở nên quen thuộc và bé nhỏ hơn, được chiếm
lĩnh, “thu phục” thành hiểu biết, tri thức của người đọc. Trái lại, thay vì hiện thực khách quan, đó còn có thể
là hành trình “biến khỏi thế giới” của những xô bồ, tạp nham, hỗn loạn làm nhòe mờ bản dạng, diện mạo tâm
hồn cá tính của mình để “tìm được thế giới” thuộc về mình, đồng điệu với mình, nhờ đó con người ta “còn lại
một mình với cả thế giới trong lòng bàn tay” - được trở về là mình nguyên vẹn, chân xác. Như vậy, đọc vừa là
hành trình chinh phục tri thức khách quan của cuộc sống bên ngoài, vừa là hành trình tìm lại mình ở bên trong
chủ quan. Vai trò và giá trị đa chiều của việc đọc sách đã được nhà thơ trân trọng và ngợi ca một cách tinh tế
và sâu sắc như vậy.  
Ý thơ của Marie Darrieussecq đã đem đến một cái nhìn sâu về việc đọc sách mà ở đó, sách là cửa
ngõ, là điểm tựa và bàn đạp cho không chỉ bước đi ra thế giới bên ngoài mà còn là bên trong. Muốn thấu hiểu
được sự vận hành kì diệu ấy, không thể không nắm bắt được bản thân sự tồn tại của thói quen đọc cũng khát
vọng chinh phục thế giới bên ngoài và bên trong của con người. Đồng hành cùng sự phát triển của chữ viết và
theo sau là các chất liệu ghi chép, sách ra đời như một phương tiện lưu giữ những kinh nghiệm của nhân loại
tự ngàn đời, từ khi còn là những ký tự khắc trên đá, trên mai rùa và tre trúc cho đến khi phát triển thành
những quyển sách dày với muôn kiểu thiết kế phong phú. Người ta đọc sách, đọc để nghiên cứu, đọc để giải
trí, đọc để khám phá, đọc dưới ngọn đuốc, dưới ánh nến hay dưới bóng đèn điện, ngay cả khi Internet xuất
hiện và lấn át không nhỏ văn hóa đọc, nó vẫn là một niềm yêu thích của nhiều người. Nếu đọc là truyền thống,
là lịch sử thì chiếm lĩnh tầm cao của tri thức và chiều sâu của tâm hồn là những khát vọng chân chính, nhân
bản của con người. Con người ta có nhu cầu nhận thức về thế giới bên ngoài, không chỉ như một yêu cầu của
sự sinh tồn để cảnh giác trước nguy hiểm mà còn là gắn với sự cầu tiến, kiến tạo nền văn minh. Con người ta
cũng có nhu cầu hiểu về bản thể bên trong, hiểu một cách sắc nét và thậm chí là chứng tỏ cái tôi, cái cá tính
của mình. Bên cạnh sự tự trải nghiệm để lý giải thì con người ta cũng không bỏ qua một nguồn tri thức phong
phú mà thế hệ trước để lại đó là sách. Từ đó, thấu hiểu là động lực còn sách là phương tiện, khám phá là cầu
còn sách là cung.   
Sách đồng hành với người trên hành trình “rời bỏ thế giới” chật hẹp, nghèo nàn trải nghiệm vốn có
để tìm về và chiếm lĩnh những tri thức phong phú của cuộc sống ngoài kia. Bởi lẽ, những cuốn sách giá trị
chính là sự kết tinh trí tuệ của nhiều tác gia có tâm, có tầm đã sống và cống hiến trong suốt chiều dài lịch sử
nhân loại. Hiện ra dưới ngòi bút của những nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà văn, triết gia ấy là sự lắng
đọng và chắt chiu của tri thức trải dài trên nhiều lĩnh vực, đem đến một cái nhìn vừa rộng rãi, bao quát, vừa
chi tiết, tỉ mỉ về bất cứ lĩnh vực nào ta muốn khám phá. Độc giả dễ dàng tìm thấy sự lý giải sinh động và dễ
hiểu mối liên hệ giữa chính trị và địa lý trong “Những tù nhân của địa lý” của Tim Marshall, đào sâu vào một
công trình nghiên cứu đồ sộ về lịch sử loài người trong “Sapien: Lược sử loài người” của Yuval Noah
Harari, đúc kết được những kinh nghiệm sống quý giá trong những trang tự truyện rút ra từ cuộc đời đầy
thăng trầm của Helen Keller hay mài sắc cảm quan cảm thụ thẩm mỹ qua những trang văn tinh tế và chân
phương của nhà giáo Chu Văn Sơn trong “Tự tình cùng cái đẹp”. Hàn lâm hay giản dị đời thường, khoa học
sắc sảo lý tình hay thơ, truyện, kịch mềm mại và giàu xúc cảm, sách bằng tất cả sự phong phú của mình đã trở
thành một kho tàng tri thức khổng lồ cho bạn đọc mọi thời. 
Hòa mình vào thế giới ấy, bạn đọc tự giải thoát mình khỏi không gian tù túng của tư tưởng, hạn hẹp
của tri thức và nghèo nàn về trải nghiệm, tự mình đi tìm lời giải đáp cho những thắc mắc, gỡ bỏ những hiểu
lầm, sai lệch trong nhận thức. Không phải ngẫu nhiên mà Phan Kế Bính đã tâm đắc viết trong “Việt Hán văn
khảo”: “Ngồi trong xó nhà lịch lãm suốt hết các nơi danh lam thắng cảnh của thiên hạ, xem trên mảnh giấy
mà tinh tường hết các việc hay, việc dở của thế gian; sinh sau mấy nghìn năm mà tựa hồ như được đối diện và
được nghe tiếng bàn bạc của người sinh về trước mấy nghìn năm, cũng là nhờ có văn chương cả”. Sách
không chỉ làm giàu tri thức bằng những thông tin, con số mà còn làm phong phú tâm hồn bằng những câu
chuyện đầy cảm xúc. Không chỉ  vậy, khi nhập cuộc tích cực vào nhịp sống của văn hóa đọc với cả những hoạt
động trao đổi, thảo luận, đánh giá sách, bạn đọc không chỉ là người tiếp nhận thụ động mà được rèn luyện tư
duy phản biện, suy nghĩ đa chiều, làm chủ những tri thức mình lĩnh hội.  
Giá trị của sách tạo nên cả từ những yếu tố phụ. Bởi sách không đơn thuần là bản thảo chỉ coi
trọng chất gỗ, mà còn chỉn chu ở nước sơn, từ kênh hình ảnh minh họa cho đến hệ thống nội dung khoa học,
chính những chi tiết bé nhỏ ấy góp phần hình thành nên tư duy logic, lớp lang cùng mắt thẩm mỹ cho bạn đọc.
Chẳng vậy mà Yuval Noah Harari - tác giả của cuốn sách bán chạy toàn cầu “Sapiens: Lược sử loài người”
đã cộng tác với hai họa sĩ truyện tranh David Vandermeulen và Daniel Casanave để xuất bản thêm một tựa
sách cùng tên nhưng ở đó, tất cả những ngôn ngữ hàn lâm đều được thể hiện bằng một dạng thức mới: hình
ảnh minh họa. Đồng thời, đọc sách là một quá trình tự giáo dục chủ động và hiệu quả, bởi ta sẽ dễ ghi nhớ, dễ
“ngấm” những gì là kết quả của quá trình tự tìm tòi khám phá, những gì thực sự hứng thú thay vì con đường
nhồi nhét thụ động. Càng đọc, càng hiểu nhiều hơn về thế giới xung quanh, ta càng trở nên khiêm nhường bởi
khi ấy, ta hiểu được sự vô hạn của tri thức, khát vọng chiếm lĩnh tri thức vì lẽ ấy không bồng bột, vội vàng mà
trở nên thâm trầm mà bền bỉ, chắc chắn hơn như chính sự trưởng thành trong ta vậy.  
Sách còn đồng hành với người trên hành trình “rời bỏ thế giới” hỗn loạn để trở về với tâm hồn tĩnh
lặng và tìm thấy chính mình. Giữa cuộc sống xô bồ, hỗn loạn, nơi hội tụ và va đập của nhiều hệ tư tưởng, giá
trị, phong cách, lối sống khác nhau, con người ta dễ rơi vào hoang mang không biết mình là ai, hoặc đứng bên
bờ vực đánh mất mình. Trong muôn vàn nẻo đường tìm về với bản thể trong tâm hồn, nhiều người đã chọn
sách làm một lối thoát để “biến khỏi thế giới” ồn ào kia. Đoc là đi tìm được thế giới mình thuộc về, bởi càng
đọc rộng, đọc sâu, ta dần định hình được diện mạo của tâm hồn thông qua những thể loại sách yêu thích,
những cung bậc tình cảm ta dễ rung động, những kiểu nhân vật ta dễ đồng cảm, những lối viết có khả năng
khơi gợi hứng thú hoặc khiến ta thấy dễ chịu, yên bình. Để rồi biết đâu, nhờ có sách mà con người ta tìm được
một người bạn tâm giao, một tác giả tâm đắc. Chỉ cần làm một cuộc khảo sát nhỏ về những cuốn sách gối đầu
giường của bản thân, ta dễ dàng nhận ra hình ảnh phản chiếu tính cách mình với những niềm yêu thích, thói
quen, thậm chí là cả góc khuất với tâm sự giấu kín và những nỗi lo toan, sợ hãi vô hình. Không chỉ nhận chân
những đường nét mờ nhòe, đọc còn có khả năng đánh thức những tiềm năng đang say ngủ, để rồi vào những
thời điểm ngẫu nhiên nhất, con người ta lại nảy sinh niềm yêu thích với một điều gì đó, như cách biết bao
trang sách, trang truyện đã nuôi dưỡng ước mơ của bao đứa trẻ. Marcel Proust quả thực đúng đắn khi nói:
“Tác phẩm văn học của nhà văn chỉ là một công cụ quang học nhà văn đưa cho người đọc để anh ta phân biệt
những gì mà không có cuốn sách có lẽ anh ta không nhìn thấy được ở bản thân mình.” Chính “những gì mà
không có cuốn sách có lẽ ta không nhìn thấy được ở bản thân mình” ấy là những mảnh ghép của “thế giới
trong lòng bàn tay” còn lại cùng một mình ta sau hành trình đọc. Thế giới ấy là nơi ta thuộc về, nơi ta tìm thấy
mình và được sống là mình, nơi ta yên tâm trở về sau khi đối diện với bao kỳ vọng, định kiến, mời gọi chực
chờ đổ khuôn lên ta, biến ta thành những bản sao. Dần tìm thấy mình qua những trang sách rồi, con người có
cơ hội được sống sâu, sống trọn vẹn, sống một cách chủ động và ý thức với chính tâm trí mình, làm chủ cảm
xúc và suy tư thay vì luôn bị chúng cuốn lấy. John Mason từng đặt tên cho một cuốn sách của mình là “Sinh ra
là bản gốc, đừng chết như một bản sao” - và chính trang sách mỏng mà trĩu nặng tri thức và xúc cảm kia
chính là nơi giúp ta mãi neo giữ những gì nguyên bản nhất trong mình. 
Trước khi trở thành một nhà văn, nhà diễn giả, dùng sức mạnh của ngôn từ làm để lan tỏa những
giá trị tốt đẹp tới cộng đồng thì chính Helen Keller cũng là một người nâng những con chữ nơi trang sách.
Chính những trang sách thơm mùi mực in đã giúp bà “biến khỏi thế giới” đầy những hỗn loạn, đau đớn, tuyệt
vọng thời thơ bé khi bị cơn bạo bệnh cướp đi đôi mắt, giọng nói và đôi tai để tìm về với thế giới bà thuộc về -
nơi có tình yêu văn chương nảy nở và dẫn lối bà đi theo nghiệp sáng tác. Là một người khiếm thị, việc đọc
sách với bà khó khăn hơn cả nhưng bà cũng yêu đọc hơn bất kì ai. Miệt mài lần đôi tay trên hàng chữ nổi, cô
bé nhỏ năm ấy chắt chiu từng con chữ, từng cái hay, cái đẹp của ngôn từ. Những cuốn sách đến với cuộc đời
bà nhờ tình thương của cô giáo Sullivan đã xua tan đi những bướng bỉnh, cứng đầu của một cô bé phải gánh
chịu quá nhiều thiệt thòi, nuôi dưỡng tâm hồn em về lại hiền lành, ấm áp và thông minh lanh lợi như ngày nào.
Con đường vô hình của chữ nghĩa đã đưa Helen nét tính cách vốn có, lại nhóm lên trong bà niềm yêu văn
chương, đó chính là cách đọc sách đưa con người ta tìm lại chính mình để sống sâu, sống đẹp, sống nhân văn
hơn.
Ý thơ của Marie Darrieussecq đã thâu tóm trọn vẹn những ý nghĩa đa chiều, phong phú và quý báu
của việc đọc sách. Càng trân trọng giá trị của những trang sách bao nhiêu ta càng bất bình bấy nhiêu trước
những người viết sách như một cách phô trương hiểu biết, để lôi kéo sự chú ý và những người đọc coi vừa
sách như một chiến lợi phẩm để khoe khoang và những món đồ trang sức để thể hiện mình, vừa cả tin và ham
chuộng lạ nên dễ tìm kiếm những nhan đề bóng bấy, giật title câu view. Chính sự tùy tiện và giễu cợt trong
cách đọc ấy đã ngày càng hạ thấp tiêu chuẩn của việc đọc sách. 
Ý nghĩa của việc đọc chỉ phát huy nếu ta biết cách đọc đúng đắn. Cánh cửa tìm đến tri thức và tìm
lại mình chỉ mở ra khi bạn đọc đọc một cách chọn lọc, tìm đọc những cuốn sách vừa tầm đón nhận của bản
thân, không ôm đồm những tác phẩm quá hàn lâm, chuyên sâu, đòi hỏi kiến thức chuyên môn mà bản thân
không có, đồng thời biết chủ động tạo nên sự đa dạng nhất định cho tủ sách của mình. Khi chọn được một
cuốn sách phù hợp, độc giả cần đọc với một tâm thế nhập tâm, say mê, chủ động tìm kiếm và cảm nhận những
giá trị của cuốn sách. Cái nhìn tinh tế của cũng cần hướng vào đúng chỗ, nếu chỉ mải xoáy vào những yếu tố
giải trí, bàn tán những cái lạ hay về hình thức của cuốn sách thì cũng khó mà tiếp thu được điều gì sâu xa
hơn. Sách là kho tàng tri thức chung của nhân loại vậy nên nếu có thể, mỗi người hãy lan tỏa tình yêu với
trang sách với mọi người xung quanh, đặc biệt trong bối cảnh văn hóa đọc đang bị lấn át bởi văn hóa nghe
nhìn được khởi nguồn từ sự xuất hiện của internet. 
Mặt giấy hai chiều, phẳng phiu hoặc nhàu nhĩ, trắng tinh hay ố vàng, trên đó in những kí hiệu ngôn
ngữ đen trắng im lìm - vốn rất giản dị những chính chúng lại là cửa ngõ mở ra những cuộc phiêu lưu vô tận về
cuộc sống kỳ diệu ngoài kia, mở ra cuộc ngụp lặn đến tận sâu tâm hồn để con người ta tìm về bản nguyên tâm
hồn mình. Trang sách đã giúp cọ người không ngừng nới rộng sự tồn tại hữu hạn của mình như thế…

Đề 4: 
“Cuộc sống có phải thực sự mệt mỏi
Mệt mỏi là đúng rồi 
Thoải mái chỉ dành cho người đã khuất
Đường đi dễ là đang xuống dốc
Khó khăn là bởi bạn đang lên dốc
Suy nghĩ của anh chị về vấn đề được gợi ra từ quan niệm trên. 
Bài làm
Nhà văn Lê Lựu từng chiêm nghiệm “Bụi trần thăm thẳm, thế sự phù du, sao có thể không gặp cảnh
muộn phiền”. Quả thực vậy, bất cứ ai trong cuộc sống này đều mong có được điều tốt đẹp, tránh né khỏi
những ưu tư, lo phiền, nhưng dường như ta lại quên mất rằng không thể có được cầu vồng nếu thiếu đi những
cơn mưa. Mỗi biến chuyển của ngoại cảnh và xúc cảm của nội tâm, dù tích cực hay tiêu cực, như khó khăn và
sự mệt mỏi, đều ẩn tàng những giá trị của riêng nó, như có ý thơ từng viết: 
“Cuộc sống có phải thực sự mệt mỏi
Mệt mỏi là đúng rồi 
Thoải mái chỉ dành cho người đã khuất
Đường đi dễ là đang xuống dốc
Khó khăn là bởi bạn đang lên dốc
Đoạn thơ với cấu trúc hỏi - đáp, tái hiện lại một cuộc bàn luận về thắc mắc muôn thuở “Cuộc sống
có phải thực sự mệt mỏi” từ đó gửi gắm những suy tư lắng sâu và nghiêm túc về cuộc sống thông qua câu trả
lời sinh động. Ta hiểu “mệt mỏi” miêu tả trạng thái khi mà cả sức mạnh thể chất và tinh thần của con người ta
đều bị bào mòn để trở nên yếu đuối, kiệt quệ đi. Sự tổn tại của những mỏi mệt ấy được xác nhận bởi một câu
thơ ngắn mang đậm tính khẩu ngữ “Mệt mỏi là đúng rồi” như một lời đáp nhẹ bẫng, vô tư thừa nhận một sự
thật hiển nhiên, tất yếu. Người đáp còn không quên nhấn mạnh rằng sự dễ dàng, bằng phẳng của cảm giác
thoải mái chỉ có khi ta đã chết đi về thể chất hay tinh thần. Lý giải sự vận hành tưởng chừng như đầy nghịch
lý này, tác giả đã so sánh hành trình sống vốn trừu tượng với một hành động cụ thể: leo dốc: để xuống dốc -
trở nên trì trệ, yếu kém đi thì vô cùng dễ dàng nhưng để lên dốc - tiến bộ, hoàn thiện và gặt hái thành công thì
vô cùng khó khăn, và khó khăn sẽ tạo ra mệt mỏi. Bằng cách tạo nên sự đối lập giữa mệt mỏi và thoải mái,
sống và chết, dễ dàng và khó khăn, đoạn thơ đã không chỉ lý giải thuyết phục một sự thật không hề màu hồng
mà ta thường khó lòng chấp nhận, mà còn là lời gợi nhắc thấm thía về ý nghĩa ta thường bỏ quên của những
khó khăn và mệt mỏi trong đời sống, từ đó truyền tải thông điệp về cách đối diện với chúng. 
Vậy tại sao sự mệt mỏi lại là một phần tất yếu của cuộc sống? Bởi lẽ trước cuộc sống muôn hình
vạn trạng, tiềm ẩn những biến chuyển khôn lường này, con người luôn quá mong manh và nhỏ bé, từ đó mà
những va chạm, bất hạnh, mỏi mệt trở thành một phần không thể tránh khỏi. Đặc biệt, khao khát “lên dốc” -
tức kiến tạo những thành tựu và giá trị tốt đẹp là một mong muốn tốt đẹp và nhân bản trong lòng mỗi người,
song những giá trị ấy không sẵn có mà đòi hỏi sự nỗ lực, vun đắp, mồ hôi, công sức, phải trải qua khó khăn
mới có được. Trong quá trình va chạm, cọ xát với những khó khăn, thử thách ấy, con người ta không là sắt, là
đá mà biết xúc cảm, biết vui sướng, biết đau khổ nên họ cảm nhận được sâu sắc và thấm thía mọi mệt mỏi,
gian nan trên con đường dài dặc này. Đặt trong tương quan với những sự thoải mái, dễ dàng của việc “xuống
dốc” - đồng nghĩa với yếu kém, trì trệ đi, ta nhận ra sự ăn nhập bất ngờ trong một quy luật tưởng như hết sức
nghịch lý: để tiến bộ, lĩnh hội những giá trị tốt đẹp hơn đòi hỏi khó khăn và mệt mỏi nhiều hơn, còn để làm mai
một, thậm chí đánh mất chúng để tự hủy hoại mình thì chẳng cần cố gắng gì, chỉ việc buông thả, rong chơi và
hoang phí thì vô cùng dễ dàng. Chính vì vậy mà những kẻ lười biếng hay nóng vội chỉ chọn những con đường
tắt lối, đốt cháy giai đoạn hay bằng phẳng, dễ dàng để đi không phải vì thông minh sáng suốt mà vì ngại khó,
ngại khổ.
Trong cuộc sống nói chung và trên hành trình “leo dốc” để gây dựng thành tựu nói riêng, con người
ta phải đối diện với những khó khăn trong muôn hình vạn trạng. Đó không chỉ là những thử thách, khó khăn
tất yếu, định sẵn mà ta đã biết trước và nguyện ý đánh đổi, chấp nhận đối diện ngay từ khoảnh khắc lựa chọn
theo đuổi con đường ấy, đã chuẩn bị tinh thần ngay từ xuất phát điểm; mà còn có thể là những tai bay vạ gió,
họa vô đơn chí ập đến trong bất chợt mà dù ta có sẵn sàng hay không. Đó có thể đơn giản là những rắc rối
nhỏ nhặt, lặt vặt làm xao nhãng, gián đoạn nhịp làm việc trong phút chốc, song cũng có thể là những biến cố
lớn có khả năng gây chấn động, làm chững lại cả một đoạn đời mà ở đó con người ta phải loay hoay xoay sở,
buộc mình phải gồng gánh đến kiệt quệ mới có thể vượt qua. Còn có những mệt mỏi chỉ kéo dài đến khi công
việc được hoàn thành, có những nỗi muộn phiền tan biến khi ta thức giấc nhưng lại có những nỗi bất an
thường trực, có những trải nghiệm ám ảnh khôn nguôi. Để rồi khó khăn của ngoại cảnh để lại những “mệt
mỏi” trong lòng người, mà “Tận cùng của hạnh phúc thì giống nhau nhưng tận cùng của bi kịch thì không ai
giống ai” (Chu Lai). Tất cả những gì gọi chung là “mệt mỏi”, khi nhìn sâu, nhìn cụ thể thì thật không đếm xuể.
Sự mỏi mệt có trong những đêm dài trằn trọc, thao thức trước một vấn đề nan giải; sự mệt mỏi thường trực
trong những áp lực trước bạn bè, gia đình, xã hội; sự mệt mỏi có dồn nén trong những phút trí óc ta như muốn
nổ tung vì căng thẳng. Làm sao có thể không mệt khi ta thất bại, bị bủa vây trong những thất vọng, và sẽ thật
dối lòng nếu ta phủ nhận mình chưa từng cảm thấy mệt mỏi dù con đường ta chọn có là đam mê, cái đích ta
hướng đến có là hoài bão. Tất cả những trải nghiệm ấy như hút cạn sức lực, làm đau nhức bờ vai, ê mỏi
xương khớp và làm mai một đi sự tỉnh táo của trí óc cùng nhiệt huyết của trái tim.  
Liệu những trải nghiệm không hề dễ dàng ấy của con người có là vô ích ? Liệu ngay cả khi những gì
mệt mỏi đem lại cho con người chỉ có những tiêu cực thì con người vẫn bằng lòng chung sống với nó đơn giản
vì đó là quy luật đã ấn định không thể thay đổi ? Không hề, giá trị mà những ưu phiền mà ta chịu đựng trong
cuộc sống lớn bản thân tính chất khắc nghiệt của chính nó, không có sự đánh đổi và hy sinh nào là vô nghĩa.
Mục đích ban đầu làm nảy sinh những khó khăn mỏi mệt của cuộc đời cũng chính là ý nghĩa lớn nhất của việc
chịu đựng nó - đó chính là “lên dốc”, hay tiến bộ, hoàn thiện mình, lĩnh hội những giá trị tốt đẹp. Những điều
tốt đẹp cao hơn mà con người ta phải cật lực “leo” lên mới có được không chỉ là những giá trị vật chất hữu
hình như quyền lực, tài sản, vị thế,... mà còn là sự trưởng thành trong nhiều phương diện. Trực tiếp và dễ
nhận ra nhất đó chính là sự trưởng thành, hoàn thiện trong chuyên môn của chính con đường mà ta theo đuổi.
Dù là ngành nghề, công việc nào thì sự thành thạo đều đòi hỏi sự rèn luyện mà chính những năm, những
tháng, những ngày, những đêm ta vật lộn với bao nhiêu kiến thức khó, trăn trở trước bao câu hỏi hóc búa, viết
đến chai tay và thức đến thâm mắt đã góp phần tạo nên. Đó còn là sự trưởng thành trong nhận thức. Tận mắt
chứng kiến và tự mình trải qua những trải nghiệm khắc nghiệt nhất, ta dần tự bứt mình khỏi những mộng mơ
huyễn hoặc về cuộc đời để tìm về với những thức nhận thấm thía về thực tế cuộc sống với cả những mặt khắc
nghiệt, ảm đạm nhất. Sự tỉnh táo và sắc lạnh ấy của lý trí khiến ta thận trọng và sáng suốt hơn trong mỗi
đường đi nước bước sau này. Bên cạnh đó, dường như ít ai nhận ra những mệt mỏi “hành hạ” ta nhiều nhất
về mặt tinh thần, song cũng đem cho ta nhiều nhất về tinh thần, đó là sự trưởng thành trong đời sống nội tâm
và cảm xúc. Mỗi ưu phiền, lắng lo, thấp thỏm đều là một cuộc “thực chiến” của tâm hồn, không trốn tránh
những cảm xúc ấy chính là ta đang sống sâu, đang cảm nhận rõ nét mỗi cung bậc cảm xúc từ đó học được
cách tiết chế, điều hòa và cân bằng hay một cách tổng quát hơn, là học được cách làm chủ phần nào cảm xúc
của mình. Sự dạn dày kinh nghiệm của lý trí cộng hưởng cùng sự bình tâm, thâm trầm mà sâu sắc của cảm xúc
sẽ tạo nên tiền đề vững chắc để ta thực hiện một trong những công việc khó khăn nhất: ứng phó với những thử
thách. Bởi lẽ khi ấy ta sẽ không còn những lúng túng, bất ngờ, loay hoay để bình tĩnh tìm cách ứng phó. Trải
qua những trở ngại ấy, giống như ta bình an vượt qua một cơn bão, “Và khi cơn bão qua đi, bạn sẽ không nhớ
bạn đã vượt qua như thế nào, bạn xoay sở để tồn tại được ra sao, bạn thậm chí sẽ không dám chắc, thật ra,
liệu cơn bão có thực sự đi qua. Nhưng có một điều chắc chắn. Là khi bạn ra khỏi cơn bão, bạn sẽ không còn là
cùng một người mà đã bước vào. Đó là những gì về cơn bão (Kafka bên bờ biển - Haruki Murakami). Không
chỉ vậy, khi ta tận mình cảm nhận đến tận cùng sự bế tắc, mệt mỏi, bất lực trong quá trình nỗ lực, ta mới thực
sự trân trọng thành quả mình gặt hái được.  
Cách nhìn nhận sâu sắc về giá trị của những trải nghiệm khắc nghiệt như khó khăn và mệt mỏi
trong cuộc sống gợi nhắc ta về câu chuyện của nhà thiết kế đại tài Yves Saint Laurent. Năm ấy, trong đám tang
của Christian Dior, người ta ghi lại hình ảnh một chàng trai trẻ cô độc đứng trầm tư trong một góc tường, đó
chính là Yves, lúc bấy giờ mới 21 tuổi. Có lẽ anh vật lộn với những mệt mỏi, đang cố gắng nén lại những đau
thương và bất lực khi vừa phải đối diện với nỗi đau mất đi người thầy đã nâng đỡ và dìu dắt anh từ những
bước chân đầu tiên vào sự nghiệp thiết kế, vừa phải gồng gánh một trọng trách quá lớn là kế thừa trách nhiệm
dẫn dắt tập đoàn Dior khi còn quá trẻ. Trong tình thế ấy, Yves đã có thể chọn giữa con đường “xuống dốc”
nhưng dễ dàng là từ bỏ hoặc thực hiện một cách qua loa những trách nhiệm mình đang đảm nhận, hoặc là
“lên dốc” nhưng đầy khó khăn. Chàng trai tài năng của năm ấy đã chọn đi lên, chấp nhận tất cả những khó
khăn, từ nỗi sợ hãi trước những ánh mắt soi mói đầy nghi hoặc về khả năng của mình, áp lực phải ra mắt
những bộ sưu tập sao cho xứng đáng với danh tiếng vốn có của thương hiệu cho đến sự căng thẳng của trí óc
và mệt nhoài của cơ thể sau một đêm thức trắng vẽ nên 1000 bản phác thảo đầy cảm hứng. Cuộc đời Yves
ngay từ khi con trẻ đã phải chịu đựng quá nhiều mệt mỏi, nhưng nhà thiết kế đại tài đã không chùn bước mà
coi chúng như đòn bẩy bật mình lên một tầm cao mới, để lại câu chuyện đầy cảm hứng về sự ra đời của
những bộ sưu tập trứ danh ngay trong nhưng thời khắc tăm tối nhất của cuộc đời. 
Mỏi mệt sẽ không là vô ích, khó khăn sẽ đồng nghĩa với đi lên nếu ta biết đối diện và ứng xử với
chúng một cách đúng đắn. Bước đầu tiên, cơ bản nhất song cũng khó khăn nhất mà chúng ta thường bỏ qua
chính là chấp nhận. Chấp nhận những mệt mỏi, gian nan như một phần tất yếu, không thể tránh khỏi của cuộc
sống, chừng nào ta còn muốn chiếm lĩnh những tầm cao mới, chừng nào ta còn muốn hoàn thiện mình, chừng
ấy ta còn phải đối diện với thử thách, tuy không hề dễ chịu, nhưng đều xứng đáng. Chấp nhận quy luật tất yếu
ấy cũng là lúc ta từ bỏ tư tưởng tích cực độc hại thể hiện trong việc luôn gồng mình lạc quan một cách bất
chấp, không thừa nhận, trốn tránh những xúc cảm tiêu cực. Trái lại, ta hiểu ai cũng có lúc yếu đuối, bế tắc,
mệt mỏi và coi đó như một cơ hội để tôi luyện bản thân. Nếu sự mệt mỏi cũng có mặt tốt, thì sự thoải mái cùng
tiềm ẩn mặt không tốt mà ta cần cảnh giác, bởi khi mọi chuyện diễn ra quá đỗi dễ dàng, suôn sẻ đến bất
thường, ta không thể không tự hỏi liệu bản thân có đang dậm chân tại chỗ hay không. Sau cùng, thừa nhận mệt
mỏi không có nghĩa là lấy sự mệt mỏi ấy làm cái cớ, biến nó thành vỏ bọc để trú ngụ mà sớm muộn cũng cần
đứng lên, xoay sở để vượt qua thay vì mãi gặm nhấm nó hay để nó hủy hoại mình. 
Tuy nhiên, cuộc sống là tổng hòa của những thái cực luôn song hành và đối lập nhau, nên tác động
của trạng thái “thoải mái” và “mệt mỏi” cũng rất đa chiều chứ không dừng lại ở “Đường đi dễ là đang xuống
dốc/Khó khăn là bởi bạn đang lên dốc”. Giống như “Có áp lực mới có kim cương” nhưng bột bánh chỉ nở khi
nó được nghỉ vậy, mệt mỏi không phải lúc nào cũng đồng nhất với đi lên mà liệu nó có trở thành gánh nặng
nhấn chìm con người hay không còn tùy thuộc vào tính cách của mỗi cá nhân, vào hoàn cảnh cụ thể mà cần có
sự tác động phù hợp. Mang theo suy nghĩ bi quan và phiến diện rằng cuộc sống chỉ và phải có mệt mỏi, ta dễ
gò ép mình vào những mệt mỏi và áp lực, không thể tận hưởng trọn vẹn dẫu là những giây phút nghỉ ngơi, giải
lao trong quá trình phấn đấu hay khoảnh khắc chiến thắng, thành công khi những mỏi mệt đã qua đi. Đồng
thời, khi theo đuổi một con đường mà ta chỉ toàn thấy bế tắc, bức bối, mệt nhoài thì có lẽ ta đã chọn sai
đường. Bởi một con đường phù hợp và xứng đáng để ta hy sinh là con đường mà ở đó ta cảm nhận được cả
sự tận hưởng, nhiệt huyết, đam mê và niềm vui cống hiến ngay trong mỗi khoảnh khắc cố gắng.  
Tương tự như vậy, thoải mái không chỉ dành cho người đã khuất, dễ dàng không phải lúc nào cũng
có nghĩa là đang đi xuống. Thoải mái không chỉ có trong những cuộc rong chơi, buông thả mà còn có cả trong
giây phút hưởng thụ thành quả do chính tay ta vun đắp bao ngày mới có được. Mà động lực để con người ta
đối diện với khó khăn, chịu đựng mệt mỏi là gì nếu không phải là để hưởng thụ? Sự thoải mái, hay rộng hơn là
cảm giác hạnh phúc, thỏa mãn, toại nguyện chính là điều làm nên ý nghĩa của cuộc sống, đối lập với sự sống
mòn, sống mòn, chết đi trong tâm hồn khi con người ta lao mình vào guồng quay công việc như những cỗ máy
chỉ vì tự bòn rút mình mới khiến họ không cảm thấy tội lỗi vì đã tận hưởng thành quả - một điều vốn dĩ hết sức
bình thường. Đồng thời, dễ dàng không phải lúc nào cũng có nghĩa là đang đi xuống bởi bên cạnh những kẻ
lười biếng, nóng vội mà còn có những người thông minh, linh hoạt chủ động tìm kiếm hay tạo ra những con
đường dễ hơn, nhanh hơn để giảm bớt sự khó khăn không cần thiết. Như vậy, khó khăn và hưởng thụ, mệt mỏi
và thoải mái luôn song hành trong cuộc sống, mệt mỏi khiến ta trân trọng thoải mái, thoải mái là tiếp sức cho
những lúc mệt mỏi. 
Không chỉ đối với cuộc sống của riêng mỗi cá nhân, “thoải mái” và “mệt mỏi” còn cần được soi
chiếu trong mối quan hệ ta với người khác. Bởi mỗi người không là những ốc đảo biệt lập mà còn đồng hành
với những mối quan hệ xung quanh họ trong tư cách người bạn, người thầy hay gia đình, khi ấy ta có thể san
sẻ với những khó khăn với người khác, đồng thời tự vấn xem bản thân có từng buông thả, tùy tiện mà vô tình
trở thành gánh nặng, là nguồn cơn cho sự mệt mỏi cho người khác hay không. Bên cạnh đó, “có áp lực mới có
kim cương”, nhưng thứ áp lực ta tạo cho người khác không nên khắc nghiệt bằng những kỳ vọng, thúc giục,
khiển trách mà vừa phải với sự nghiêm khắc, cứng rắn. Ngay cả khi hoàn thành hành trình “lên dốc” đầy gian
nan của riêng mình, ta cũng không kiêu ngạo, tự đắc mà thể hiện mình một cách tinh tế để không trở thành ánh
sáng thiêu đốt xung quanh.
Đoạn thơ với tất cả những mặt thuyết phục và chưa trọn vẹn của nó đã thôi thúc ta suy ngẫm để tìm
ra một cách nhìn sâu sắc về cuộc sống mà ở đó, mệt mỏi tồn tại như một lẽ thường tình. Bằng sự nhẫn nại, ta
hiểu và trân trọng những mệt mỏi ấy giống như một vị thuốc đắng ẩn chứa khả năng tôi luyện và chữa lành kì
diệu. Và cũng không quên rằng bên cạnh thứ thuốc đắng dã tật vẫn còn những vị thuốc, những thảo dược quý
giá và cũng rất ngọt ngào của cuộc sống. Quả thực, "Mọi thứ trên đời này đều đòi hỏi sự hy sinh, những gì
khiến cho chúng ta cảm thấy tích cực đều sẽ quyết định trải nghiệm tiêu cực của chúng ta là gì. Vì vậy câu hỏi
trong cuộc sống không phải là ta muốn gì, bởi vì chúng ta đều muốn những thứ giống nhau, điều khác biệt là
bạn chấp nhận chịu đựng được những gì" (Mark Mason)

You might also like