You are on page 1of 23

I.

CHẤN THƯƠNG THỂ THAO

MỤC TIÊU

 Kiến thức

Nắm được tầm quan trọng cũng như tổn hại do chấn thương trong quá trình
tập luyện, thi đấu mang lại.

Năm rõ từng nguyên nhân thường gây nên chấn thương, cơ chế gây chấn
thương.

Nguyên tắc đề phòng, phòng ngừa trong lúc tập luyện và thi đấu đối với
từng môn thể thao. Nhận định rõ bộ phận nào của cơ thể hay bị chấn thương (lí
do), thường gặp chi tiết kĩ thuật nào (cách khắc phục) nhằm hạn chế tác hại đến
mức thấp nhất khi xảy ra chấn thương.

Các dạng chấn thương thường gặp như: Chạm thương (đụng dập), bong
gân, sai khớp, vết thương…

Cách nhận biết, xử lí ban đầu sơ cấp cứu, đặc biệt nắm vững được nguyên
tắc tập luyện để nhanh hồi phục hơn.

Một số tổn thương thường gặp và cách đề phòng tích cực.

 Kĩ năng

Cách xử lí ban đầu (sơ cấp cứu) và tầm quan trọng của nó đối với việc điều
trị chấn thương sau này.

Cách thăm khám, định danh các chấn thương, thực hiện các yêu cầu đúng
cách để sơ cứu: Di chuyển, cầm máu và các vấn đề xử lí nhanh, đúng khi gặp phải
chấn thương thể thao.
Thực hành cách sơ cấp cứu đối với các tổn thương thông thường (Chẩn
đoán và sơ cấp cứu chấn thương).

Thực hành cách băng bó, các kĩ thuật sơ cấp cứu như xoa bóp tim ngoài
lồng ngực, hà hơi thổi ngạt…

1. Đặc điểm chung về chấn thương trong TDTT.


a. Khái niệm
- Chấn thương học là khoa học nghiên cứu về những chấn thương cơ thể do sự
tác động bên ngoài (nhiều nguyên nhân gây nên). Chấn thương là sự tổn hại
những tổ chức tế bào, mô của cơ thể do tác nhân từ bên ngoài cơ thể gây nên.
- Chấn thương trong TDTT thương xảy ra khi tập luyện hay thi đấu, ở cơ quan
vận động do va chạm vào dụng cụ tập luyện, té ngã… Chấn thương thể thao
liên quan trực tiếp với các nhân tố và điều kiện tập luyện TDTT như kế hoạch
tập luyện, động tác, trình độ tập luyện, tổ chức thi đấu, đặc thù riêng các môn
thể thao.
- Chân thương tâm lí TDTT: Là do sự căng thẳng thần kinh trong thi đấu và do
sự xúc cảm thái quá.
b. Phân loại chấn thương
 Căn cứ vào thực thể tổn thương (tổ chức giải phẩu).
- Tổn thương phần cứng: Gãy xương, sai khớp…
- Tổn thương phần mềm: Như đụng dập, rách, thủng, đứt cơ, màng cơ, gân, túi
hoạt dịch, tổn thương thần kinh, nội tạng..
 Căn cứ vào thời gian tổn thương (phản ứng cục bộ hoặc toàn thân).
- Giai đoạn cấp tính: Là phản ứng cục bộ của cơ thể xảy ra trong phạm vi từ 24h
– 48h giờ sau khi bị chấn thương, xuất hiện các phản ứng như sưng, nóng, đỏ,
đau…
- Giai đoạn hồi phục: Được diễn ra sau 48h kể từ lúc bị chấn thương và lúc này
phản ứng của cơ thể đã kết thúc và chuyển sang giai đoạn hồi phục. Thời gian
giai đoạn này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: Sơ cấp cứu ban đầu, phương
pháp điều trị, sức khỏe của nạn nhân…. Và nếu thời gian hồi phục kéo dài mà
thực thể hoặc chức năng bị tổn thương vẫn không hồi phục lại bình thường thì
chấn thương sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính.
- Giai đoạn mạn tính: Diễn ra nếu chấn thương không được hồi phục.
 Căn cứ vào mức độ tổn thương và ảnh hưởng của nó
- Chấn thương nhẹ: Không ảnh hưởng đến kế hoạch tập luyện, không gây nên
những rối loạn lớn trong cơ thể, không làm mất đi năng lực vận động và năng
lực hoạt động TDTT. Loại này thường chiếm khoảng 75 – 85% trong số các ca
chấn thương.
- Chấn thương trung bình: Là những chấn thương gây nên những biến đổi nhỏ
trong cơ thể đồng thời làm mất tạm thời năng lực vận động và năng lực hoạt
động TDTT (trong khoảng thời gian 24h trở nên đến 1,2 tuần). Chiếm khoảng
10 – 15% các ca chấn thương.
- Chấn thương nặng: Gây nên những biến đổi lớn trong cơ thể, ảnh hưởng
nghiêm trọng đến tình trạng sức khỏe của VĐV, vì vậy tốt nhất nên được đưa
vào điều trị trong bệnh viên lâu dài. Chiếm khoảng 2 – 3% các ca chấn thương.
 Căn cứ vào vị trí chấn thương (có hay không có miệng vết thương)
- Chấn thương kín: Vùng bị chấn thương, da vẫn còn nguyên vẹn không có
miệng vết thương thông với bên ngoài. Ví dụ: va đập, dãn cơ, dây chằng…
- Chấn thương hở: Da hoặc niêm mạc ở vùng bị chấn thương có miệng vết
thương thông với bên ngoài. Ví dụ: Trầy xước, vết đâm, chém…
 Căn cứ theo vị trí các bộ phận bị chấn thương
- Chấn thương ngoài (ngoại thương): Chấn thương da, chấn thương cơ và gân,
khớp….
- Chấn thương trong (nội thương): Cơ thể con người sau khi gặp lực tác động
bên ngoài mà dẫn đến chấn thương các cơ quan nội tạng thì gọi là nội thương.
+ Chấn thương hộp sọ: Ví dụ chấn động não, não bị đè…
+ Chấn thương lồng ngực: Như các tạng tim, phổi, gan..
+ Chấn thương vùng bụng: Có nhiều cơ quan nội tạng nằng trong ổ bụng, do
vậy khi va đập dẫn đến chấn thương, phần lớn đều làm tổn thương , trực tiếp
hoặc trở ngại công năng của các cơ quan nội tạng, thậm chí phát sinh chứng
bệnh nội thương như chảy máu, rách vỡ gan, mật…

Theo liên đoàn Y học Thể thao thuộc ủy ban olympic Quốc tế (IOC), chấn thương
thể thao được phân loại dựa theo vị trí giải phẩu và bệnh học:

- Các chấn thương ảnh hưởng đến các chức năng sinh tồn: Các chấn thương
đường thở, chấn thương sốc (choáng)...
- Các chấn thương tạng kín: Chấn thương sọ não, bụng, ngực, cột sống..
- Các rối loạn hệ thống chức năng: hô hấp, tuần hoàn..
- Các chấn thương hệ cơ xương: Hay gặp ở vai, gối, vùng lưng, đùi.
2. Nguyên nhân và cách đề phòng chấn thương TDTT.
a. Nguyên nhân

Chấn thương TDTT là nguyên nhân làm giảm “tuổi thọ nghề nghiệp” của VĐV.
Có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan gây chấn thương, có thể do một
loại nguyên nhân và cũng có thể do nhiều loại nguyên nhân phối hợp, được chia
làm 7 nhóm:

 Nhóm 1: Do thiếu sót và sai lầm trong phương pháp tập luyện.
- Vi phạm quy tắc tập luyện cơ bản.
- Tập luyện không thương xuyên, định hình động tác không được cũng cố, định
hình hoạt động của hệ thần kinh thực vậy suy giảm.
- Thiếu khởi động hoặc khởi động không đầy đủ.
- Tập luyện và nghỉ ngơi không hợp lí.
- Thi đấu ‘non’ thiếu sự chuẩn bị chu đáo về thể lực, kỉ thuật, tâm lí.
 Nhóm 2: Chấn thương thường xảy ra ở những môn thể thao mà kĩ thuật và
các tình huống trong thi đấu có sự va chạm trực tiếp giữa các đối thủ như:
Quyền anh, bóng đá, bóng rổ… , những môn thể thao đòi hỏi tính linh hoạt
cao, tốc động vận động nhanh và chính xác như thể dục, nhào lộn.
 Nhóm 3: Do tổ chức tập luyện và thi đấu không chu đáo.
- Tổ chức và sắp xếp chổ tập không hợp lí, phương tiện bảo hiểm không tốt.
- Tổ chức tập luyện chung cho các đối tượng khác nhau về lứa tuổi, trình độ.
- Không được tổ chức kiểm tra y học trước, sau trận đậu.
 Nhóm 4: Do cơ sở vật chất – kĩ thuật không đầy đủ, thiếu quy cách, chuẩn
bị không cẩn thận.
- Sân bãi, dụng cụ tập luyện không đúng tiêu chuẩn kĩ thuật, chất lượng không
được đảm bảo.
- Quần áo, quần áo không đúng kích cỡ.
- Nơi tập thiếu ánh sáng.
 Nhóm 5: Liên quan đến đạo đức, tác phong, trạng thái tâm lí của VĐV.
- Những người có ngoại hình thần kinh yếu hoặc không thăng bằng.
- Lần đầu tiên tham gia giải đấu.
- VĐV không tôn trọng nội quy, kĩ luật trong tập luyện.
- VĐV có nếp sống không lành mạnh, sinh hoạt không nề nếp.
- Do cay cú ăn thua, thiếu đạo đức, thiếu tình hữu nghị trong thi đấu,
 Nhóm 6: Liên quan đến sức khỏe người tập
- Tập luyện trong tình trạng sức khỏe kém, mệt mỏi, đang dưỡng bệnh, trong
thời kì kinh nguyệt.
- VĐV bỏ tập lâu và mới quay lại tập luyện.
 Nhóm 7: Do điều kiện vệ sinh tập luyện kém
- Vi phạm các tiêu chuẩn vệ sinh về an toàn trong tập luyện: Vệ sinh các nhân,
vệ sinh sân bãi, dụng cụ tập luyện, vệ sinh ăn uống nghỉ ngơi.
- Do điều kiện thời tiết.
b. Đề phòng chấn thương ở một số môn TDTT.
 Điền kinh
- Chạy ngắn: Nhịp điệu động tác rất cao, vận tốc chạy lớn, biên độ động tác lớn,
do đó trong môn chạy ngắn các cơ thẳng đùi, cơ may, cơ căng mạc rộng hay bị
tổn thương nếu không chịu khởi động đủ hoặc tập luyện quá căng thẳng.
+ Nên khởi động đầy đủ, đúng mức trước khi tập luyện.
+ Đường chạy phải chuẩn bị tốt, không gồ ghề.
+ Không được chạy chân đất hoặc giày quá mòn.
- Chạy cự li trung bình và dài: Ít xảy ra chấn thương hơn, nhưng hay bị viêm hệ
vận động do tập luyện quá sức, điều kiện tập luyện không tốt.
Thường gặp: Viêm gân gót (gân asin), viên cân cơ dép, viêm bàn chân (cự li
dài).
+ Bước chạy phải thoải mái, không gò bó.
+ Hạn chế căng thẳng các cơ ít tham gia hoạt động.
+ Luân phiên căng cơ – thả lỏng khi chạy.
+ Bàn chân đặt xuống đất cần nhẹ nhàng, bằng ½ bàn chân trước hoặc lướt cả
bàn chân.
+ Giày chạy phải êm.
 Các môn bóng:
- Bóng chuyền: Chấn thương thường xảy ra ở khớp gối, khớp vai, lưng. Nguyên
nhân thường là do những động tác phát bóng, đập bóng quá biên độ vận động
của chi, ngửa người đập bóng, đập bóng do dùng sức của tay quá nhiều mà
không dùng sức của lưng bụng, rơi xuống đất sau đập bóng, chắn bóng…
Đề phòng:
+ Bài tập sắp xếp hợp lí, phân phối thời gian đập bóng, phát bóng, đỡ bóng…
vừa sức người tập.
+ Rèn luyện toàn diện, nhất là các tố chất: Mạnh, mềm dẽo, linh hoạt.
+ Khởi động các khớp: Vai, gối, cột sống, khớp cổ tay, các con tay.
+ Chú ý: Tập toàn diện cả 2 tay.
- Bóng rổ: Chấn thương thường xảy ra ở các chi dưới (6 – 7%) như khớp gối, cổ
chân, các dạng thường gặp là bong gân, sai khớp, tổn thương xương bánh chè.
Nguyên nhân: Do đặc điểm kĩ thuật của môn bóng rổ là chạy nhanh, dừng đột
ngột, nhảy, qua người…

+ Nhịp điệu động tác dồn dập, tư thế chuẩn bị thường khuỵu gối, trọng tâm cơ thể
hạ thấp dùng sức thực hiện động tác đột ngột dẫn đến tổn thương bánh chè.

+ Tổn thương gối bên trái cao hơn (do giậm nhảy chân trái, ném tay phải).

+ Huấn luyện không tôn trọng các đặc điểm cá nhân (thể lực, tình trạng, sức khỏe,
thành tích,..)

Đề phòng:

+ Cần chăm sóc thường xuyên khớp gối.

+ Hạn chế khớp gội chịu đựng lượng vận động quá nặng.

+ Đi giày có cổ, đế có độ êm cần thiết.

+ Khởi động tốt các khớp, đặc biệt chi dưới.

+ Thực hiện thả lỏng tốt sau vận động, đặc biệt thả lỏng, duỗi cột sống
II. CÁC BỆNH LÝ, CHẤN THƯƠNG THƯỜNG GẶP TRONG HOẠT
ĐỘNG TDTT
1. Choáng trọng lực

Trong tập luyện và thi đấu thể thao kể cả trong nước và quốc tế, đôi khi chúng ta
nhận thấy VĐV sau khi về đích, nhất là các VĐV chạy cự li dài hoặc cự li trung bình,
tự nhiên giảm tốc độ đột ngột, hoặc không thể chạy được nữa, bị ngã quỵ xuống đất
và mất tri giác. Hiện tượng đó trong TDTT gọi là choáng trọng lực.

Choáng trọng lực, theo định nghĩa của y học thể thao là một bênh cấp tính xảy ra
sau khi chạy xong ngã xuống, mất tri giác.

 Nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh choáng trọng lực: 

          Sau khi vận động viên về tới đích, đột nhiên giảm tốc độ hoặc đứng dừng lại ngay
mà không  tiếp tục vận động nhẹ nhàng thì rất dễ bị choáng ngất. nguyên nhân của hiện
tượng này là do khi vận động máu tập trung nhiều về cơ quan vận động, lượng máu lưu
thông trong tuần hoàn được tăng lên rõ rệt (gấp 30 lần so với yên tĩnh). Nhờ các động tác
làm các nhóm cơ phải luôn luôn co rút và thả lỏng, nên máu được lưu thông trong vòng
tuần hoàn dễ dàng. Khi cơ bắp dừng hoạt động đột ngột, tốc độ máu lưu thông ở trong
mao mạch và tĩnh mạch bị cản trở, lại thêm trọng lực bản thân của dịch máu, làm cho một
lượng máu lớn tích tụ ở mạch máu chi dưới, lượng máu về tim giảm rõ rệt, lưu lượng
máu qua tim thấp. Các yếu tố trên làm cho máu lưu thông lên não ít, kết quả là não bị
thiếu máu, thiếu oxy đột ngột.

          Tóm lại choáng trọng lực là do thiếu máu não gây nên.

 Triệu chứng lâm sàng:

          VĐV đột nhiên mất tri giác, choáng ngã xuống. Trước khi ngã cảm thấy toàn thân
vô lực, hoa mắt, chóng mặt, tai ù, buồn nôn. Mặt tái xanh, vã mồ hôi, chân tay lạnh. Tim
đập chậm yếu, nhịp thở chậm, đồng tử của mắt co lại. Những triệu chứng trên xuất hiện
trong thời gian ngắn, cơ thể sẽ hồi phục dần. Nhưng sau đó còn những hiện tượng như :
Nhức đầu, tinh thần không  được thoải mái, người cảm thấy nặng nề.

 Sơ cấp cứu:

- Đối với trường hợp VĐV còn tỉnh:

Đưa vận động viên  vào nơi thoáng mát (mùa hè) ấm áp (mùa đông). Đặt VĐV 
nằm ngửa, gối đầu thấp, nới lỏng quần áo để máu dễ lưu thông. Lấy nước ấm lau người ,
dùng động tác xoa đẩy từ cẳng chân lên đùi để đẩy máu về tim. Châm cứu hoặc bấm
huyệt Nhân trung, Bách hội, Hợp cốc, Dũng tuyền là có thể làm cho vận động viên tỉnh
lại.

- Đối với trường hợp VĐV bất tỉnh: Lập tức ấn huyệt nhân trung, giật nhẹ tóc
mai.

- Đối với trường hợp tim VĐV ngừng đập: Lập tức hô hấp nhân tạo.

 Cách đề phòng:

          Trong khi tập luyện hoặc thi đấu phải luôn nhắc nhở vận động viên khi về tới đích
không  được dừng lại ngay mà phải tiếp tục chạy với tốc độ giảm dần, hít thở sâu nhịp
nhàng trong khoảng thời gian thích hợp để cho hệ thống tuần hoàn và hô hấp được hôì
phục.

2. Bệnh  chuột rút trong tập luyện  thể thao.

 Khái niệm 

Bệnh chuột rút là hiện tượng cơ bắp bị co cứng không chủ động duỗi ra được .
Trong tập luyện Thể dục Thể thao thường gặp hiện tượng chuột rút ở cơ tam đầu cẳng
chân, nhóm cơ gấp ngón bàn chân thứ nhất, nhóm cơ đùi trước và nhóm cơ bụng.
 Nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh :

- Do bị lạnh : VĐV tập luyện trong những ngày thời tiết lạnh rét, nếu khởi động 
không kỹ thì cơ bắp dễ bị chuột rút. Hay bị nhiều nhất ở các môn thể thao như : bơi lội ,
điền kinh và các môn bóng.

          - Trong cơ thể bị mất nhiều chất điện giải : tập luyện trong điều kiện trời nóng nực,
oi bức, cơ thể ra mồ hôi nhiều làm mất nhiều nước và muối. Khi đó cơ thể sẽ bị rối loạn
các chất điện giải và bị thiếu muối. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến chuột rút.

          - Trong tập luyện và thi đấu, việc cơ bắp phải liên tục co rút nhanh và thả lỏng
không  đầy đủ hoặc quá ngắn, trong  một thời gian dài sẽ dẫn đến bị chuột rút. Nguyên
nhân này thường gặp ở những vận động viên mới tập hoặc trình  độ tập luyện còn thấp.

          Tập luyện mệt mỏi, việc đào thải các sản phẩm trao đổi chất giảm, trong cơ bắp bị
tích tụ lượng axit  lactic lớn. Đây chính là nguyên nhân làm cho cơ bắp bị co cứng và gây
ra hiện tượng chuột rút.

 Triệu chứng:

          Cơ bị co cứng không  tự thả lỏng được, sờ vào nhóm cơ bị chuột rút thấy cứng
nhắc và rất đau. Người bị chuột rút không  thể tiếp tục hoạt động được nữa. Nguy hiểm
nhất là bị chuột rút ở dưới nước dễ dẫn đến tử vong vì tắc thở.

 Cách sơ cấp cứu:

          Khi cơ bị chuột rút không  nghiêm trọng thì chỉ cần kéo căng cơ bị chuột rút theo
hướng ngược lại đến lúc cơ đó không  tự co lại nữa.

          Ví dụ : Khi cơ tam đầu cẳng chân bị chuột rút làm cho bàn chân duỗi thẳng ra.
Cách sử lý là dùng lực đẩy lùi mũi bàn chân để gấp mu bàn chân lên cẳng chân. Sau đó
dùng các kỹ thuật của xoa bóp để xoa bóp cục bộ cơ bị chuột rút. Chú ý sử dụng lực xoa
bóp tương đối mạnh, cuối cung có thể bấm huyệt uỷ trung, thừa sơn, dũng tuyền.

          Nếu bị chuột rút ở dưới nước cần phải nhanh chóng đưa nạn nhân lên bờ, sau đó
mới xử lý.

 Cách đề phòng:

Cần khởi động kỹ trước khi tập luyện và thi đấu vì khởi đông làm  tăng nhiệt độ của cơ,
tăng khả năng co rút và tốc độ các phản ứng hoá sinh của cơ, nâng cao khả năng đàn hồi
của dây chằng và khớp, tăng độ linh hoạt và tiết dịch ở khớp.

3. Bệnh đau bụng trong hoạt động thể thao (đau sốc hông).

 Khái niệm 

- Bệnh đau bụng là một loại chứng bệnh thường gặp nhất trong quá trình tập
luyện . Ở một số môn thể thao như : Chạy cự ly trung bình, chạy dài, maratong, đi bộ thể
thao , đua xe đạp, bóng rổ ... số người bị nhiều hơn . Trong đó một phần ba nguyên nhân
không  phải xuất phát từ bệnh, mà là do một vài yếu tố tập luyện Thể dục Thể thao  gây
ra. Đại đa số khi yên tĩnh không  đau, trong tập luyện mới xuất hiện. Quá trình đau phụ
thuộc vào lượng vận động, cường độ vận động và tốc độ vận động ...

          Một vài nhân tố có liên quan đến sự phát sinh ra đau bụng trong tập luyện Thể dục
Thể thao là : tập luyện không  đầy đủ, trình độ tập luyện thấp; chuẩn bị khởi động không 
tốt, không  kỹ, sức khoẻ không  đảm bảo, mệt mỏi, tinh thần căng thẳng, các động tác
hoạt động kết hợp với thở không  nhịp nhàng; chế độ ăn uống không  hợp lý, thức ăn
trong dạ dày chưa kịp tiêu hoá, tốc độ và cường độ vận động tăng quá nhanh hoặc quá đột
ngột.
 Nguyên nhân:

          - Trình độ tập luyện kém nên khi phải thực hiện hoạt động với cường độ cao, máu
ở tĩnh mạch trở về tim bị cản trở, máu tập trung nhiều ở gan, lách làm cho màng gan và
lách căng lên dẫn đến đau bụng.

          - Khởi động chưa kỹ hoặc Phương pháp thở không  đúng nhất là sự phối hợp giữa
các động tác với nhịp thở không  tốt làm quan hệ của tuần hoàn - hô hấp và máu bị rối
loạn. Máu đọng  lại nhiều ở tĩnh mạch và nội tạng dẫn đến đau bụng. Một yếu tố nữa là
do thở quá gấp làm cho hoạt động của cơ hoành bị rối loạn, cơ hoành thiếu oxy, hoặc bị
chuột rút gây nên đau bụng.

          - Ăn, uống không đúng cách trước hoặc trong khi tập luyện không đúng cách làm
cho chức năng của hệ tiêu hoá không thích nghi (ống tiêu hoá bị thiếu máu, thiếu oxy gây
ra rối loạn co thắt nhu động ruột) sinh ra đau. Sau khi ăn xong tập luyện ngay, thức ăn
chưa kịp tiêu hoá, tích tụ lại ở dạ dày làm trướng bụng, căng  màng ruột  và màng dạ dày
cũng dẫn đến đau bụng.

- Ngoài các nguyên nhân do tập luyện gây ra, còn có những nguyên nhân thường
gặp khác do bệnh tật như viêm gan, các bệnh về đường mật (như viêm túi mật,
sỏi mật ... ) bệnh loét đường tiêu hoá, viêm ruột thừa...

 Triệu chứng :

          Trước tập luyện không thấy đau bụng. Khi khởi động và bước vào phần trọng động
(phần cơ bản của buổi tập) thì thấy đau ở vùng hạ sườn phải, hạ sườn trái. Lúc đầu dùng
ấn vào cảm thấy đỡ, sau đó dơn đau lại tăng lên và không  thể tiếp tục tập luyện được .
Dừng tập luyện thì đơn đau giảm dần và cảm  thấy dễ chịu hơn. Nếu tiếp tục tập lại xuất
hiện đau bụng.

 Cách sơ cấp cứu:


          Nếu xuất hiện đau bụng nhẹ, dùng tay ấn vào chỗ đau, giảm tốc độ vận động, thở
sâu và nhịp nhàng trong thời gian từ 5 - 10 phút có thể khỏi.

Trường hợp: 30 phút sau mà vẫn chưa đỡ thì có thể bị bệnh lý nào đó khác, nên đến khám
ở Bệnh viện để xác định nguyên nhân để điều trị cho đúng.

 Cách phòng tránh

          + Tăng cường huấn luyện toàn diện cho vận động viên

          + Trước khi tập luyện không  được ăn quá no, uống quá nhiều. Sau khi ăn no cần
nghỉ ngơi từ 90 - 120 phút mới được tập.

          + Khi tập trước tiên cần phải khởi động kỹ càng, chú ý các động tác hoạt động phải
kết hợp với thở nhịp nhàng và thở sâu.Chuẩn bị không tốt máu ứ đọng ở gan gây đau
bụng.

  + Phải tuân thủ theo các nguyên tắc trong tập luyện Thể dục Thể thao nhất là nguyên tắc
tăng tiến và đảm bảo chế độ huấn luyện chế độ sinh hoạt. Khi vận động đau ở vùng gan
do gan xưng to là do VDV mắc thời kỳ đầu của huấn luyện .

4. Say nóng, say nắng.

Say nắng, say nóng trong nhân gian thường gọi là cảm nắng, là tình trạng rối loạn
điều hòa nhiệt độ do môi trường nắng, nóng gây nên.

Nhiệt độ cơ thể luôn được duy trì ổn định nhờ có sự cân bằng giữa quá trình sinh
nhiệt và quá trình thải nhiệt. Cơ thể chúng ta thải nhiệt theo 3 phương thức chính: Truyền
nhiệt, bức xạ, bốc hơi (ra mồ hôi).

 Nguyên nhân
Trong điều kiện môi trường nóng bức (nhiệt độ và độ ẩm không khí cao) sự thải nhiệt
bằng con đường bay hơi (mồ hôi) bị cản trở, nhất là trong những ngày oi bức đứng gió,
trong khi đó VĐV vẫn phải tập luyện với khối lượng và cường độ cao, cơ thể sản sinh
nhiều nhiệt, và nhiệt tích tụ lại trong cơ thể cộng với mất nhiều muối và nước do ra mồ
hôi làm rối loạn các chức năng sinh lí bình thường của cơ thể dẫn đến hiện tượng say
nóng.

 Triệu chứng lâm sàng.

Có thể xuất hiện tình trạng chuột rút ở tay, chân. Sau đó là ở lưng và bụng (do
muối trong cơ thể mất đi quá nhiều, cơ thể thiếu muối dẫn đến co cơ cứng).

Tự nhiên thấy hoa mắt, nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, chân tay rã rời, khó thở.
Khi có các dấu hiệu này cần cấp cứu ngay:

Trường hợp say nóng chóng mặt ( say nóng điển hình).

- Nhiệt độ cơ thể tăng cao (40 – 41 độ C)

- Tần số hô hấp tăng lên đến 30 lần/ phút.

- Mạch tăng (120 – 150 lần/ phút).

- Choáng váng, buồn nôn, sợ ánh sáng.

- Có thể bị ngất, hôn mê hoặc nữa hôn mê. Nếu ngiêm trọng thì lực co bóp của
tim yếu, có thể dẫn đến tử vong.

 Xử lí

- Khi có dấu hiệu say nóng xuất hiện phải nhanh chóng đưa nạn nhân vào nơi
thoáng mát, nới lỏng quần áo, quạt mát, chườm lạnh vào vùng trán và vùng
đầu, gáy, nách, bẹn. Dùng khăn ướt lau khắp người.
- Cho nạn nhân uống dung dịch orezon, hoặc cho uống nước chè ấm pha đường,
chanh hoặc nước chanh pha đường muối. Nếu có điều kiện thì cho nạn nhân
uống nước dưa hấu ép có tác dụng giải nhiệt rất tốt.

- Không nên: Cho nạn nhân uống nước đá, nước lạnh vì sẽ làm ngăn cản quá
trình hấp thu nước và muối của cơ thể, trong khi cơ thể đang rất cần.

- Có thể châm cứu hoặc bấm huyệt nhân trung, thập tuyền..

- Cho nạn nhân uống thuốc giảm sốt (paracetamol, aspirin…). Nếu không khỏi
thì đưa nạn nhân vào bệnh viện.

 Cách phòng tránh:

- Những người chưa quen rèn luyện thì không nên tập luyện dưới trời oi bức. Về
mùa nắng nên mặc quần áo, đội mũ nón sáng màu.

- Vào những ngày nắng, oi bức không nên tập trung nhiều người ở các địa điểm
chật hẹp.

- Không tập luyện quá lâu, cứ 1 tiếng nên nghỉ khoảng 5 – 15 phút.

- Chú ý chế độ dinh dưỡng vào mùa nóng nên ăn đủ chất, đặc biệt là muối, nước
và vitamin.

5. Trạng thái hạ đường huyết

 Khái niệm:

Hạ đường huyết là trạng thái cấp tính, liên quan đến việc giảm mạnh lượng
glucoza trong máu. Trạng thái này thương gặp ở các cuộc thi đấu điền kinh: chạy
cự li dài, marathon, đua xe đạp đường dài…
 Nguyên nhân:

Thực tiễn tập luyện và thi đấu thể thao cho thấy trạng thái hạ đường huyết
thường gặp ở vận động viên có sự chuẩn bị không tốt, hoặc chưa thích nghi với
điều kiện khí hậu, như ở núi cao, nơi quá lạnh hay quá nóng, thay đổi nhịp sinh
học do di chuyển xa…

Ở VĐV trình độ cao, trạng thái hạ đường huyết cũng có thể gặp khi vận
động viên thi đấu trong tình trạng mệt mỏi hoặc trở lại thi đấu sau một thời gian
dưỡng bệnh. Tuy niên, yếu tố ảnh hưởng trực tiếp có vai trò quan trọng vẫn là chế
độ dinh dưỡng trước và trong thi đấu, đặc biệt là việc bổ sung đủ lượng
carbonhydrat trước các cuộc thi đấu lớn.

 Triệu chứng lâm sàng:

- VĐV có cảm giác đói, yếu ớt, chóng mặt, ra mồ hôi, lạnh.

- Tiếp theo là dấu hiệu ảnh hưởng hệ thần kinh: Mất tri thức, giọng nói ngắt
quãng, thần trí mơ hồ.

- Trường hợp nặng: Da nhợt nhạt hoặc xanh tái, đồng tử giãn, không phản ứng
với ánh sáng.

- Mạch khó bắt, huyết áp giảm mạnh.

- Lượng đường trong máu xuống dưới 40mg% (bình thường: 80 – 120mg%).

 Cách sơ cấp cứu

- Đưa VĐV vào thoáng mát, làm thoáng khí nếu oi bức.

- Cho VĐV uống nước đường ấm, ăn bánh mì, hoặc ngậm 1 viên kẹo, đường.
- Trường hợp nặng: Có biểu hiện có rối loạn hệ thần kinh trung ương thì cần cấp
cứu ngay.

 Cách phòng tránh:

- Trước các cuộc thi đấu lớn, ở cự li dài cần cho VĐV bổ sung đường nhưng
không quá 100 – 120g vì sẽ bị đào thải hoặc tích trữ glycogen gây tăng trọng
lượng.

- Bổ sung đường trong quá trình thi đấu: Có thể dưới dạng dung dịch, dường
viên, socola, tùy thuộc vào môn thể thao và thời gian thi đấu.

- Hạ đường huyết cũng có thể xảy ra sau khi thi đấu, khi đó cần bổ sung ngay
lượng đường cần thiết.

6. Chạm thương (đụng dập).

Chạm thương phần mềm: Do ngã, đập trực tiếp vào cơ khi tập luyện. Đây là loại
tổn thương thường gặp nhất.

 Dấu hiệu:

Đau nhiều, chức phận cơ hạn chế, có tụ máu bầm ( sưng tấy do dứt các mao mạch,
do dập nát các tổ chức bên trong gây chảy máu và tụ máu dưới da). Chạm thương nếu
nông sẽ xuất hiện ngay vết bầm tím hoặc sau vài giờ.

 Sơ cấp cứu:

ÁP DỤNG LIỆU PHÁP RICE

 Cách phòng tránh:


- Khởi động kĩ trước lúc tập luyện.
- Chú ý đến vệ sinh trong lúc tập luyện: Dụng cụ, sân bãi, vật cản..
- Ý thức tập luyện phải đặt lên hàng đầu.
7. Căng giãn cơ
 Khái niệm:

Căng cơ là tình trạng các thớ cơ căng giãn hơn bình thường, vượt quá giới hạn
chịu đựng của cơ.

Chứng căng cơ thường xảy ra nhiều hơn khi bạn không trải qua khâu làm nóng cơ
thể (khởi động) trước những lần vận động nặng. Đặc biệt rất hay gặp đối với người hay
luyện tập thể thao vừa mới trở lại tập luyện sau một thời gian nghỉ tập.

 Dấu hiệu:
- Đau nhói ở vùng bị chấn thương.
- Khả năng vận động của nhóm cơ bị ảnh hưởng, chức phận của cơ bị hạn chế.
- Xuất hiện vết tím , sưng.
- Mức độ nặng: Cử động nhóm cơ khó khăn, vết tím và sưng lớn (do một phần,
một số sợi cơ bị rách hoặc đứt).
 Cách xử lí:

ÁP DỤNG LIỆU PHÁP RICE

 Cách phòng tránh:


- Khởi động kĩ trước lúc tập luyện.
- Chú ý đến vệ sinh trong lúc tập luyện: Dụng cụ, sân bãi, vật cản..
- Ý thức tập luyện phải đặt lên hàng đầu.
8. Bong gân:
a. Đại cương.
 Khái niệm.

Khi bị chấn thương trẹo khớp đột ngột các dây chằng sẽ bị kéo dãn quá mức, bị
rách hay bị đứt hoàn toàn, ở đây không có sự di lệch vĩnh viễn các mặt khớp mà chỉ có
dây chằng bị dãn dài ra hơn bình thường hoặc bị đứt. Trong dân gian thường dùng thuật
ngữ “bong gân” để chỉ tổn thương dây chằng và ngày nay bong gân còn kể đến cả các tổn
thương của bao khớp và các cơ tham gia vào việc giữ vững khớp.

 Sơ lược giải phẫu và sinh lý dây chằng.

Bao khớp che phủ khớp xương và liên kết các mặt khớp tiếp xúc với nhau để vận
động được dễ dàng. Dây chằng là các cấu trúc gia tăng cho bao khớp, có nhiệm vụ bảo
đảm sự vững vàng của khớp xương khi vận động. Các dây chằng còn có tác dụng hạn chế
và ngăn cản các vận động có hại cho hoạt động bình thường của khớp.

Dây chằng được cấu trúc bởi các bó collagen chạy song song và rất sát nhau, có
định hướng theo phương của lực kéo căng dọc theo trục dây chằng. Các dây chằng có sức
bền chịu lực kéo rất lớn, bảo đảm duy trì chiều dài cố định kể cả sau khi bị kéo dài tạm
thời khi khớp vận động. Khi sức kéo căng chỉ làm biến dạng chiều dài dây chằng dưới
4% thì dây chằng vẫn có khả năng tự co trở về dạng ban đầu, đó là sức kéo căng sinh lý
bình thường. Nếu sức kéo căng vượt quá 4% thì sẽ xảy ra sự biến dạng đại phân tử, dây
chằng kéo dài ra sẽ không tự co về được nữa vì một số sợi collagen đã bị đứt.

 Mức độ tổn thương.

- Bong gân độ 1: là mức độ tổn thương nhẹ. Các dây chằng chỉ căng giãn ra
hoặc đã bị đứt 1 phần của sợi dây chằng. Mức độ tổn thương giải phẩu chưa
nghiêm trọng.

- Bong gân độ 2: Do sức kéo mạnh hơn có thể làm đứt nhiều sợi dây chằng.

 Ở cả hai mức bong gân độ 1 và 2 khớp xương vẫn vững chắc chưa bị lỏng lẻo.

- Bong gân độ 3: nếu sức kéo căng vượt quá 20% mức biến dạng, toàn bộ dây
chằng bị đứt hoàn toàn, làm khớp xương bị lỏng lẻo ở các mức độ khác nhau. Mức độ
nặng nhất của bong gân độ 3 là Trật khớp..

b. Chẩn đoán bong gân.


Chẩn đoán bong gân phải xác định được những dây chằng nào bị tổn thương và mức
độ tổn thương, ngoài ra phải xác định có tổn thương bao khớp và các cơ giữ vững khớp
hay không. Chẩn đoán chủ yếu dựa vào nguyên nhân và cơ chế chấn thương, các dấu hiệu
lâm sàng và cận lâm sàng mà chủ yếu là X quang. Cơ chế chấn thương.

Tìm hiểu hướng lực tác động và tư thế bệnh nhân khi bị chấn thương có thể giúp chẩn
đoán dây chằng bị tổn thương. Ví dụ: bệnh nhân bị đá từ phía ngoài khớp gối ở tư thế
đang đứng, khe khớp bên - trong sẽ bị toác mạnh, như vậy tổn thương dây chằng sẽ ở nửa
khớp bên trong. Nếu khi bị chấn thương, bệnh nhân có thể nghe tiếng “rắc” thì đấy là dấu
hiệu của tổn thương dây chằng độ 3.

 Dấu hiệu lâm sàng.

Chủ yếu là đau, với biểu hiện theo 3 thì:

- Cảm giác đau nhói ngay sau khi bị chấn thương.

- Tiếp theo là cảm giác tê bì, hết đau.

- Sau đó lại thấy đau nhức mặc dù đã để yên không cử động khớp. Cảm giác đau nhói
xuất hiện khi ấn vào vùng chấn thương hay khi cử động khớp. Nếu tổn thương dây
chằng độ 3 thì khi khám có thể thấy cử động bất thường của khớp (dấu hiệu lỏng lẻo
khớp).

d. sơ cấp cứu bong gân.

 Xử lý ngay sau khi chấn thương.

ÁP DỤNG LIỆU PHÁP RICE

Chống chỉ định:

- Không được xoa bóp hoặc chườm nóng (kể cả dầu nóng) vùng bong gân ít nhất
trong vòng 48-72 giờ đầu tiên, tuy có tác dụng giảm đau nhưng làm giãn mạch nên có
thể gây chảy máu tiếp và tăng mức độ sưng nề.
- Không uống rượu trong thời gian này vì rượu cũng gây giãn mạch giống như
chườm nóng.

- Không tiêm bất kỳ thuốc gì kể cả thuốc tê vì gây tăng sưng nề do khối lượng
thuốc tiêm.

 Điều trị bảo tồn.

- Đối với bong gân độ 1 chỉ cần bất động khớp như trên trong 2-3 ngày khi hết đau
là có thể tập vận động khớp.

- Điều trị bảo tồn đối với bong gân độ 2-3 quan trọng nhất là cố định khớp bằng
nẹp bột trong khoảng 6-8 tuần. Trong thời gian băng bột bệnh nhân nên tập lên gân
các cơ bị bất động và tập vận động các khớp không bị cố định.

- Sau thời gian băng bột, cho bệnh nhân tập vận động khớp nhẹ nhàng không gây
đau, tập tăng dần từ nhẹ đến mạnh, chú ý tập tăng lực cả các cơ quanh khớp.

 Điều trị phẫu thuật.

- Cách điều trị tốt nhất đối với bong gân độ 3 khi dây chằng bị đứt hoàn toàn là
phẫu thuật khâu áp khít hai đầu đứt rồi bất động vùng tổn thương 4-6 tuần, sau đó cho
tập vận động sớm có kiểm soát với mức độ tăng dần.

- Điều trị phẫu thuật được chỉ định phổ biến đối với bệnh nhân là vận động viên
thể thao dưới 40 tuổi và thường được tiến hành vào tuần lễ thứ 3 sau chấn thương, khi
máu tụ và phù nề đã hết sẽ cho kết quả tốt.

 Di chứng.

- Các loại bong gân độ 2 và nhất là độ 3 nếu không được điều trị hoặc điều trị
không đúng cách sẽ để lại di chứng dai dẳng đau nhức, hạn chế vận động khớp và
sưng nề bao khớp kéo dài. Đó là chứng viêm bao khớp vô khuẩn mạn tính sau chấn
thương do dây chằng liền bằng mô liên kết lỏng lẻo không chịu đựng được sức co kéo
bình thường.

- Với bong gân độ 3 dây chằng sẽ kéo dài hơn bình thường gây di chứng lỏng
khớp mạn tính, khớp hoạt động yếu không vững chắc, lâu dần sụn mặt khớp bị mài
mòn gây nên chứng hư khớp, các gai xương phát triển dần dần hạn chế vận động khớp
và gây đau đớn.

LIỆU PHÁP RICE

Sơ cứu, điều trị bằng phương pháp RICE được tiến hành ngay sau khi bị chấn
thương. Phương pháp này nếu được sử dụng ngay trong khoảng 10 – 20 phút đầu sau
chấn thương có thể rút ngắn được thời gian điều trị được vài ngày hoặc vài tuần và nhanh
chóng cho VĐV trở lại tập luyện và thi đấu. Khi bị chấn thương, thực hiện phương pháp
“RICE” ngay, gồm 4 bước:

R – Rest: nghỉ chơi ngay lập tức sau khi chấn thương, có thể bất động tạm thời chi
bị chấn thương từ 24 – 72 giờ (có thể dùng nẹp để bất động chi).
I – Ice: Chườm lạnh giúp giảm chảy máu, giảm sưng, giảm đau, giảm viêm, thời
gian từ 10-15 phút, không nên chườm quá lâu có thể gây phỏng lạnh, có thể phối hợp với
băng ép.
Cách làm: đá nhuyễn hoặc nước đá trong túi nylon, bọc khăn vải ướt bên ngoài, chườm
lên vùng tổn thương.
“Ice massage” là hình thức phối hợp giữa chườm lạnh và băng ép.
Chườm lạnh được thực hiện trong 24-72 giờ đầu sau chấn thương (tùy vào mức độ tổn
thương), thời gian chườm là 10-15 phút, rồi nghỉ 30-45 phút, có thể lặp lại nhiều lần
trong ngày.
– Đối với những chấn thương nhỏ thì đau, sưng sẽ giảm rất nhanh.
– Đối với chấn thương trung bình đau, sưng sẽ giảm sau 24 giờ.
– Đối với chấn thương nặng thường đau và sưng sẽ giảm sau 72 giờ (cần phải có điều trị
chuyên sâu sau đó).
– Thời gian chườm lạnh còn phụ thuộc vào vị trí tổn thương và cơ thể mỗi người (mập,
ốm)
C – Compression: băng ép với mục đích làm giảm giảm sưng có thể thực hiện
cùng lúc với chườm lạnh hoặc khi không có chườm lạnh.
Cách làm: sử dụng băng thun quấn từ dưới vùng bị tổn thương khoảng 5 – 10 cm quấn
lên trên vùng tổn thương và qua khỏi vùng tổn thương
Chú ý: Những vòng đầu quấn hơi chặt sau đó lỏng dần.
Sau quấn phải kiểm tra xem có có chèn ép mạch máu thần kinh (quấn quá chặt)

E – Elevation: Kê cao chi chấn thương giúp máu trở về tim tốt hơn, làm giảm
sưng và viêm, đặc biệt đối với chi dưới, có thể nằm kê cao chân 10 – 15cm trong 24 – 72
giờ đầu.
Chú ý: Trong  48 giờ đầu không được chườm nóng, xoa bóp các loại dầu nóng, kéo nắn
chi hay vùng bị tổn thương vì dễ làm tổn thương dập – rách – đứt – tăng lên, chảy máu và
sưng nề nhiều hơn, hiện tượng viêm tăng lên và kéo dài làm mô bị tổn thương lâu lành
hoặc lành với sẹo xấu. Đặc biệt đối với dây chằng, việc xoa bóp với các loại dầu có thể
kích thích hình thành các mô sợi (Fibro) thế cho các sợi collagen dẫn đến giảm tính đàn
hồi, chắc của dây chằng, sau khi lành dây chằng trở nên yếu và dễ bị tổn thương lại.
– Có thể dùng thuốc giảm đau thông thường để trợ giúp
– Nếu sau 24 – 72 giờ tổn thương không giảm nhiều, hoặc tổn thương ban đầu trầm trọng
cần thiết phải gặp Bác sĩ Y Học Thể Thao.
Trong thời gian từ 24 đến 48 giờ đầu sau khi bị chấn thương không được dùng các
liệu pháp nóng như tắm nóng, xoa dầu nóng, không xoa bóp chỗ bị chấn thương và không
uống bia rượu. Điều đó làm tăng phù nề và tăng chảy máu tại chỗ bị chấn thương.

RICE không những là phương pháp điều trị mà còn là phương pháp sơ cứu chấn
thương thể thao.

You might also like