You are on page 1of 1

Hoa Cỏ May - một loài hoa cỏ dại nhưng rất đẹp, loài hoa dại mọc hoang nhưng

lại
mang cho mình một ý nghĩa và cả một câu truyện tình thật đẹp. Loài hoa cỏ hết sức mong
manh nhưng cũng rất mạnh mẽ. Đây là một loài hoa không được sự chăm sóc từ bàn tay
nào cả… nhưng nó vẫn hiên ngang dai dẳng với gió trời. Hình ảnh hoa may đã nhiều lần
xuất hiện dưới ngòi bút của các nhà văn trữ tình. Nếu Nguyễn Bính ví tâm hồn mình như
hoa cỏ may muốn bám và neo đậu trong trái tim người tình thì hình ảnh hoa cỏ may trong
tác phẩm cùng tên của Xuân Quỳnh là cái nền để nhân vật trữ tình bộc lộ nỗi lòng trước sự
rộng lớn của thiên nhiên cái mỏng manh dễ vỡ của tình đời.
Bài thơ “Hoa cỏ may” là một trong mười tám tác phẩm được trích trong tập thơ cùng
tên của nhà thơ Xuân Quỳnh. Tập thơ được xuất bản vào năm 1989, một năm sau khi tác
giả mất. Trong suốt bài thơ, loài hoa cỏ dại ấy chỉ xuất hiện trong khổ thơ cuối bởi có lẽ đây
chính là một nốt trầm của cảm xúc, khoảng lặng của tâm hồn mà nhà thơ muốn chia sẻ:
Khắp nẻo giăng đầy hoa cỏ may
Áo em sơ ý cỏ găm đầy
Lời yêu mỏng mảnh như mây khói
Ai biết tình anh có đổi thay?
Ta có thể nhận ra sự hốt hoảng và lo lắng của Xuân Quỳnh khi đối diện với khoảng
không được tạo dựng bởi những bông cỏ may. Trong bức tranh tràn ngập hoa ấy, hồn gió
vẫn còn len lỏi đâu đây, sơ ý làm “áo em cỏ găm đầy”. Trong thơ ca, hoa cỏ may vẫn
thường được ví với lời thề, những lời yêu mỏng manh, những lời ngọt ngào có cánh, phải
chăng vì chúng như loài hoa ấy, dễ găm vào, đồng thời lại dễ bứt ra? Dường như đây cũng
là sự trách mình của nữ thi sĩ vì chút sơ ý của người con gái thơ ngây khi để những lời bày
tỏ, những hứa hẹn in vào niềm tin của mình.
Ngoài ra, hoa cỏ may còn biểu trưng cho tình yêu dung dị, cho hạnh phúc đời
thường và cho cả khát khao được yêu đương nồng cháy, thủy chung. Từ hình ảnh ấy, nhà
thơ đã thể hiện nét tâm lý phổ biến của những người phụ nữ đang yêu, dù tình cảm có
mãnh liệt bao nhiêu thì với khát khao hạnh phúc, chính trong tâm hồn của người phụ nữ vẫn
luôn tồn tại những lo sợ, những dự cảm. Những xúc cảm ấy đã bật thành câu hỏi xoáy sâu
vào lòng người đọc:
Lời yêu mỏng manh như mây khói
Ai biết tình anh có đổi thay?
Nhà thơ đã cụ thể hóa hơn sự mỏng manh của tình yêu bằng phép so sánh “như màu khói”.
Khói vốn đã dễ tan, nay lại được đặt trong không gian ngập tràn gió khiến cái mỏng ấy
không thể diễn tả và rất khó nắm bắt. Nỗi lo âu ấy không phải là của một phụ nữ luôn hoài
nghi mà là nỗi lo âu của một tấm lòng trong trắng và một trái tim luôn khát khao một tình yêu
chung thủy, vẹn tròn.
Với hình tượng “Hoa cỏ may’’, nhà thơ đã truyền tải được thông điệp rằng “những kẻ
đang yêu hãy yêu bằng tất cả, mạnh mẽ, cuồng si để những bông cỏ may dễ bám vào và
cũng khó bứt ra”. Hơn thế, tác giả cũng đã thể hiện sự tinh tế của mình khi đặt sự lớn lao
của đất trời bên cạnh cái dễ tan của tình đời. Kết cấu mạch lạc, ngôn ngữ và hình ảnh
không cầu kì mà chân chất, mộc mạc cùng với những cảm xúc rất chân thật đã làm nên sức
sống bền bỉ của “Hoa cỏ may” trong lòng độc giả.

You might also like