You are on page 1of 237

Trang bìa

Trần Mai Anh

Hành trình yêu thương


Nhật kí Thiện Nhân
Logo Nhà xuất bản Kim Đồng

Trang bìa giả


Trần Mai Anh (Mẹ Còi)

Hành trình yêu thương


Nhật kí Thiện Nhân
Nhà xuất bản Kim Đồng
Trang thông tin xuất bản

Bìa gập 1

Tác giả

1
Trần Mai Anh (Mẹ Còi)
Sinh ngày 27 tháng 4 năm 1973 tại Hà Nội.
Biên tập viên của một tạp chí du lịch.
Một trong những người sáng lập Hành trình “Thiện Nhân và những người bạn” thuộc
Quỹ Phòng chống thương vong châu Á, khám, tư vấn và phẫu thuật miễn phí cho trẻ
em không may khiếm khuyết bộ phận sinh dục.
Mẹ của ba cậu con trai: Thiên Minh, Hải Minh và Thiện Nhân.

Bìa gập 4
INCLUDEPICTURE
"http://images.dep.com.vn/uploaded/khangdtm/2016_02_05/thien-nhan-va-mai-
anh(4).jpg" \* MERGEFORMATINET INCLUDEPICTURE
"http://images.dep.com.vn/uploaded/khangdtm/2016_02_05/thien-nhan-va-mai-
anh(4).jpg" \* MERGEFORMATINET INCLUDEPICTURE
"http://images.dep.com.vn/uploaded/khangdtm/2016_02_05/thien-nhan-va-mai-
anh(4).jpg" \* MERGEFORMATINET INCLUDEPICTURE
"http://images.dep.com.vn/uploaded/khangdtm/2016_02_05/thien-nhan-va-mai-

anh(4).jpg" \* MERGEFORMATINET

“Thiên Minh có nghĩa là trời sáng. Hải Minh là biển sáng. Còn Thiện Nhân là tên do
hai bác sĩ đầu tiên của cháu đặt, một người chọn chữ Thiện, một người chọn chữ
Nhân. Đấy là tên ba cậu con trai của tôi.”
Trần Mai Anh
Bìa 4

Hành trình yêu thương: Nhật kí Thiện Nhân kể câu chuyện về những hành trình nối
tiếp hành trình mà mẹ Mai Anh, ông bà, hai anh Minh, cùng biết bao bố, mẹ, các y bác
sĩ, những nhà hảo tâm trong và ngoài nước đồng hành với cậu bé Thiện Nhân trên con
đường tìm kiếm “con chim xinh xinh”, và lan toả ngọn lửa Thiện Nhân nhân văn, ấm
áp tình người. Những câu chuyện được kể bằng trái tim của người mẹ, bao la và dịu
ngọt.

Thiện Nhân và những người bạn


2
Từ năm 2012 đến nay, Thiện Nhân và những người bạn đã phẫu thuật cho khoảng 230 trường
hợp, khám cho hơn 800 trường hợp trẻ em khắp cả nước (tất cả đều miễn phí), tổ chức nhiều hội
thảo trao đổi kinh nghiệm, chuyên môn có sự tham gia của bác sĩ Roberto và các y bác sĩ giỏi tại
3 thành phố lớn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

Thông tin xuất bản

© Trần Mai Anh


Xuất bản theo Hợp đồng sử dụng tác phẩm
Giữa Tác giả và NXB Kim Đồng, 2016
Bản quyền ảnh thuộc về………, 2016
Lợi nhuận từ hoạt động xuất bản cuốn sách được Nhà xuất bản Kim Đồng ủng hộ
vào Quỹ Thiện Nhân và những người bạn

3
Mục lục
LỜI MỞ ĐẦU
NHỮNG HÀNH TRÌNH TIẾP NỐI HÀNH TRÌNH
PHẦN MỘT
HÀNH TRÌNH THIỆN NHÂN
Lần đầu tới nước Mĩ
Bắt đầu cuộc hành trình
Bảy giờ sáng ngày 16 tháng 8
Ngày cuối cùng ở Seattle
Kết luận chỉ có chính thức sau phẫu thuật ngày thứ Năm 21 tháng 8
Hai giờ sáng
Chuyện “chim cò”
Ngày 22 tháng 8
Đến Chicago
Hai cái chân và một bàn tay
Trong bệnh viện Northwestern Memorial Chicago
Los Angeles: Hà Nội ơi tôi sắp được về rồi
Nỗi đau ngọt ngào
Tới Thái Lan
Kangaroo tốt bụng, hiền hòa
Những nguyện cầu và hi vọng
“Ề ề ề… Mẹ ơi con đi bệnh viện Thái Lan”
Tại sao phải khóc vậy?
Trở lại nước Mĩ
Cuộc phẫu thuật thứ hai
Ngày máy bay
Qua một chuyến bay dài
Ba người đàn ông và một thằng bé trên đường đi làm đàn ông
4
Đi tìm tinh hoàn
Thiện Nhân và mẹ Còi gửi thư
Nhớ nhà
Rồi cũng hết một ngày dài chờ và đợi
“Đi về” và “Ở lại”
Hai bà cháu ở Texas
Bà thì chỉ mong cháu được tiêm và đi về thôi
Bà ngoại ơi, cháu nhớ nhà lắm rồi
Cân đo và mũi tiêm thứ nhất
Bà ngoại - Nhân - Bệnh viện
“Bà ơi, bao giờ cháu có hai chân bà mua xe đạp cho cháu nhé!”
Mũi tiêm thứ ba và xét nghiệm máu
Con trai đã trở về Hà Nội
Con trai đã trở về Hà Nội
Truyền
Kết quả xét nghiệm trên đang đường về Việt Nam
Tin Giáng sinh cuối cùng đã không đến
Cái tin không ai mong muốn nghe
Đã có nhiều việc xảy ra
Đi Ý
Rời Hà Nội
Chúng mình cùng muốn gì cho con trai?
Tết năm nay là cái Tết quan trọng nhất
Những mũi tiêm hormone nam đầu tiên
Chuẩn bị cho chuyến đi
Hành trình đến Ý của “Chú lính chì” Thiện Nhân
“Mẹ ơi con đói quá rồi”
Hai giờ chiều thứ Bảy sẽ phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục
Tin vui về Thiện Nhân

5
Vẫn chưa thấy cửa phòng phẫu thuật mở ra
Con trai đã ra phòng hậu phẫu
Đêm đầu tiên con vẫn li bì
Chưa tỉnh
Nước mắt
“Con chó con” liền da
Về nhà cũng là điều kì diệu
Về Việt Nam
Vết mổ có mủ
Thông báo của mẹ Măm
Hai tuần vất vả đã trôi qua
Niềm tự hào của bà ngoại
Điều tầm thường nhất
Vết thương sau một tháng
Tuần qua
Rớt nước mắt
Hiện tại và kế hoạch cho ngày mai
Ngày mai cu Nhân nhập viện
Giờ G đã đến
Bây giờ Nhân khóc thế nào?
Phẫu thuật!
“Con muốn để cho mẹ ngủ”
“Kệ em, em chảy máu để mẹ Mai chăm sóc em”
Nợ ai – Ai nợ
Ba ngày Tết
Đi cả vào trong giấc ngủ
Cố lên “Chú lính chì”
PHẦN HAI
ĐƯỢC Ở NHÀ THẬT TUYỆT

6
Mừng sinh nhật bé Thiện Nhân
Trời mưa và những chiếc ô tô trong tủ lạnh
Được ở nhà thật là tuyệt
Bé Thiện Nhân ngày đầu đi học
Ngày cuối tuần vui vẻ
“Thôi! Đừng khóc nữa! Nhân cho ô tô nhớ!”
Tội lỗi chất chồng
Ba anh em cần mấy chiếc ô tô?
Lớn lên ai nuôi mẹ?
Cuộc chiến với… múi quýt
Lại cái múi quýt
“Cháu biết bò lê đấy”
Làm “chủ nhân của hộp bánh”
Gửi mẹ Măm
Con chim sẻ nhỏ
Cái này với Nhân... dễ!
Trẻ con đi xem xiếc để làm gì?
Chúc mừng sinh nhật con trai
Sinh nhật ba tuổi
Một, hai, ba… Bài thể dục buổi sáng
Cái chân lành lặn và một câu chuyện
Buổi tối mùa đông Hà Nội
“Chú lính chì” đi cắt chỉ
Nghỉ hè (1)
Thử rồi sẽ biết
Chăm sóc nhau
Con muốn giống các anh
Sổ liên lạc của Nhân
Tắm cũng theo công nghệ dây chuyền

7
Tiền
Trao đổi linh hồn
Câu chuyện cái áo rét, cái hộp đánh giày và một lời hứa
Lại một em nữa giống mình
Trời đày – Trời cho
Bà ở nhà với Thiện Nhân thôi
Con bọ ngựa
Phần tiếp theo của câu chuyện cái chân
Làm mẹ không dễ
PHẦN BA
NHỮNG MẨU CHUYỆN NHỎ
Hai mảnh rách và bốn mũi khâu
Đúng thật là cũng chết mệt với cu Nhân
“Ông” Nhân chơi sang
“Phép màu, quá là phép màu luôn!”
“Mẹ đấy!”
Ước có thêm một điều ước
Chúc ngủ ngon
Tuần không phiếu Bé ngoan
Chắc là phiếu Bé ngoan động viên
Nghỉ hè (2)
Cái chong chóng bơi
Một kiểu quy định
Có anh có em
Mẹ đẻ ra con cách nào nhỉ?
Cúng giao thừa
Không phải chuyện đùa
Là con gì và cười ngặt nghẽo
Bàn luận giới tính

8
“Mẹ cháu đi làm chưa về”
Sốt 8 độ
Có thể đi được bằng đầu
“Mẹ nói dối mau đi!”
Nhân và Minh bé
Với Nhân thế nào là tỉ rưỡi
Chơi thế không công bằng
Lắc các bình sữa cho đều
Nhân cũng biết phân biệt cái nào chỉ để sành điệu
Cu Nhân phát biểu chỉ có chuẩn
“Anh đừng có coi thường em”
“Đấy là anh thơm Nhân đấy!”
Hai lớp 1
LỜI CUỐI
TÔI KHÔNG ĐƠN ĐỘC
PHẦN BỐN
NHỮNG TẤM LÒNG BAY CÙNG THIỆN NHÂN
Lời của bà ngoại viết cho Nhân (1)
Những tấm lòng bay cùng Thiện Nhân
Lời của bà ngoại viết cho Nhân (2)
Viết cho cháu
“Nhân cao hơn chú rồi”
Tự khúc…
Hôm nay là ngày mồng một
Những ngày Sài Gòn ấm áp
Gặp gỡ
Ngày bận rộn – ngày đẹp trời
Văn thánh
Bí bo bí bo, Nhân tập lái ô tô

9
Một khoảng riêng tư
PHẦN NĂM
TRIỂN LÃM CỦA THIỆN NHÂN

10
Lời mở đầu
Những hành trình tiếp nối hành trình
Xin đừng đưa trước cho chúng tôi một kết thúc cổ tích, bởi chúng tôi đi, đang
đi, và tôi hiểu là tôi sẽ chẳng biết được điều gì đang đón đợi câu chuyện này phía
trước.
Bạn hỏi tôi kể về những câu chuyện trong hành trình mong mỏi được làm
một người bình thường của cậu bé Thiện Nhân này?
Đó là một câu hỏi khiến tôi lúng túng, lúng túng giống như một đứa trẻ với quá
nhiều kẹo trên tay, đến nỗi loay hoay chỉ sợ rơi mất.
Trong hành trình chữa bệnh này, để đến được với nước Mĩ quả thật là một câu
chuyện dài, nhiều nỗi đau, và càng nhiều hơn nữa là biết bao tình yêu thương.
Hành trình khởi đầu bằng một đứa trẻ bị bỏ lại trên hai cái lá đu đủ và bị che
kín bằng một cái mẹt rách, ở một nơi chẳng mấy người qua kẻ lại. Kiến, côn trùng bu
kín vết thương bị cắn xé nham nhở. Và máu khô lại trên cơ thể đã tím đen.
Tôi nhớ lắm cái cảm giác đau đớn và tuyệt vọng của một đứa trẻ khi con cá
vàng mình nuôi bị chết. Con cá vàng óng ánh trong mắt của một đứa trẻ, là tôi, ngày
bé lộng lẫy đến tuyệt vời. Một ngày, khi tôi đi học về, con cá nằm chết bên cạnh cái bể
nước. Cả đàn kiến bu lấy nó. Tôi đã gây ra cái chết này, vì ngu dốt đổ quá nhiều nước
nên con cá quẫy mạnh rồi bị rơi ra ngoài bể.
Các ông bố sẽ không bao giờ hiểu được cảm giác này vì họ không có cơ hội
được biết cái cử động đầu tiên của một em bé trong bụng mẹ. Đó là một cái quẫy rất
nhẹ, giống như một con cá bé tí xíu quẫy nước. Đó là cảm nhận đầu tiên của người mẹ
về một sự sống nhỏ bé bắt đầu lớn lên trong cơ thể mình. Đó là sợi dây đầu tiên kết nối
giữa Con và Mẹ. Đó là cử động nhỏ đến mong manh, nhưng lại quyết định niềm tự
hào, hạnh phúc hay sự đau khổ của người làm mẹ.
Khi người ta lần đầu tiên nhìn thấy Thiện Nhân, thằng bé không có chút biểu
hiện nào của sự sống. Tím đen, bị mất chân phải, mất bộ phận sinh dục, và bị kiến bu
đầy.
Không cha, không mẹ, không tên, một “đứa bé vô danh”, một “thằng cụt”.
Nỗi đau đớn đến tột cùng, ranh giới của cái chết và sự sinh tồn khiến không biết
bao bà mẹ, bao ông bố đã khóc thương, đã căm giận.
Tôi rất sợ kiến, tôi khóc thương con cá vàng của tôi, tôi chợt thấy tôi đang bỏ
quên một đứa con của mình.
Tôi phải đón Thiện Nhân về, để yêu, để bù đắp…
Ngày 02 tháng 9 năm 2008
Trần Mai Anh

11
Phần Một
Hành trình Thiện Nhân

LẦN ĐẦU TỚI NƯỚC MĨ

Bắt đầu cuộc hành trình

Ngày 13 tháng 8 năm 2008

Ngày 14 tháng 8, Thiện Nhân sẽ bay bằng EVA AIR trên chuyến bay
BR398T đi Đài Bắc, sau đó tiếp tục trên chuyến bay XBR26T đến Seattle. Các cô
chú ở EVA AIR thương Thiện Nhân phải chờ tám tiếng ở sân bay Đài Bắc đợi nối
chuyến đi Mĩ nên đã tặng Thiện Nhân một phòng khách sạn để cả nhà được nghỉ
ngơi đàng hoàng.
Bác Sơn Michael và Judy Phạm sẽ đón cả gia đình lớ ngớ ở sân bay Seattle đưa
về khách sạn Silver Cloud Hotel Bellevue. Ý của bác Sơn là Thiện Nhân sẽ ở đây nghỉ
ngơi mấy ngày trước khi sang Boston khám bệnh, làm phẫu thuật và tham dự hội thảo
về các tiến bộ y tế vào khoảng ngày 18 tháng 8. Bà Sue sẽ là người đón và hướng dẫn
gia đình ở Boston.
Sau Boston, con trai sẽ đến Chicago để lo vấn đề chân cẳng. Chưa rõ khoảng
thời gian này kéo dài bao lâu và không biết có cần quay về lại Boston để kiểm tra vết
mổ không. Tất cả phụ thuộc vào tình hình sức khỏe và tiến triển của cu Nhân. Nếu con
trai còn nhỏ quá, có thể chưa nên làm nhiều thứ trong lần đầu tiên, mà cần phải quay đi
quay lại Mĩ trong nhiều lần nữa, không kéo dài điều trị liên tục trong một lần được.
Sau Chicago, dự kiến Thiện Nhân sẽ đến Los Angeles trước khi về lại Việt
Nam.
Nhiệm vụ của chuyến Mĩ lần này trước nhất là gặp nhóm bác sĩ sẽ theo dõi và
trị liệu cho con lâu dài trong 15 năm tới. Khi gặp con và kiểm tra thực tế sẽ có phương
hướng điều trị cụ thể.
Nhiệm vụ thứ hai là xử lí phần cứng cũng như phần “đôi khi mềm” của cu
Nhân (theo lời chú Trần Anh). Bỏ được cái bỉm nóng nực cả ngày và có cái chân xịn
cái đã.
Nhiệm vụ thứ ba là tham dự Hội thảo về các tiến bộ y tế ở New Hampshire.
Đây là nơi rất tốt cho con trai tìm cơ hội chữa trị tốt nhất.

12
Nhiệm vụ nữa của mẹ Còi là gặp gỡ các nơi để lo việc gây quỹ chữa bệnh lâu
dài cho cu Nhân.
Bây giờ đã là mười giờ rưỡi đêm, quần áo xếp vào va li, sữa và tài liệu bệnh án
để ra ngoài, và ngược lại… Vì va li nhỏ quá so với số đồ mà bà ngoại, bà nội dự tính
Thiện Nhân cần có, nên tinh mơ mờ đất sáng mai bố Nghinh sẽ phải đi mua thêm một
chiếc va li to hơn.
Tạm biệt các ông bà, bố mẹ và các bạn yêu yêu của gia đình cu Nhân.
Hẹn gặp các bố mẹ đang chờ đón con ở bên kia bán cầu (cũng lại như lời chú
Trần Anh).

13
Bảy giờ sáng ngày 16 tháng 8

Ngày 16 tháng 8 năm 2008

Hai giờ sáng, cu Nhân dậy chơi một mình trong bóng tối. Mẹ đang ngủ, nghe
thì thào: “Vịt, vịt, quạc quạc…” Thấy Nhân nghịch con vịt nhựa. Nhét cả vịt nhựa và
một chân vào cái dép đi trong phòng to đùng của mẹ, rồi lặng lẽ lần lần quanh phòng,
lấy điện thoại đồ chơi được các cô chú tòa soạn báo tặng hồi sáng ra thì thào: “Hải
Minh à, Hải Minh làm gì đấy, Thiên Minh đâu?”

14
Ngày cuối cùng ở Seattle

Mẹ nằm im thít xem sao, thì nửa tiếng sau, anh cu tự leo lên giường ngủ tiếp
đến giờ là bảy giờ sáng vẫn chưa thấy động tĩnh gì.
Hạ cánh Seattle rồi!
Hạ cánh, nhớ anh Hải Minh dặn di dặn lại: “Mẹ đưa Nhân đi rồi về nhớ mua
cái máy bay thật cho con.”
Đề cao mẹ quá!
Trên máy bay, ông cu Nhân ngủ bù những ngày ốm ở nhà nên lăn cả xuống sàn,
la oái oái “Mẹ ơi”. Bác Sơn, Judy, cả cô Wendy cùng chồng đón con nồng nhiệt ở sân
bay. Cu Nhân được welcome bằng bóng bay, gấu bông nữa chứ. Ông cu Nhân biết tí
tiếng Anh cứ “Hello”, “Xin chào” và có lúc nhầm cả sang “Bye bye” ở sân bay. Ông
cu ngố cứ la toáng loạn xạ: “Máy bay kìa, ô tô kìa!”
Cả nhà vừa về đến khách sạn. Con ngủ lăn lóc lóc. Bố đang làu bàu: “Thuốc
của “ông” Nhân đổ hết ra áo quần.”
Cả nhà đã đi từng bước, từng bước, vừa vui, vừa hồi hộp, vừa tò mò, cả lo lắng
về những ngày tới.
Nhưng quan trọng là đến giờ này mọi chuyện đều ngoài sức tưởng tượng,
vì thật nhanh chóng và tốt đẹp.

15
Kết luận chỉ có chính thức
sau phẫu thuật ngày thứ Năm 21 tháng 8

Ngày 20 tháng 8 năm 2008

Con trai đã đến bệnh viện Dartmouth – Hitchcock ở New Hampshire. Mẹ Còi
(cô Châu người miền Nam gọi là mẹ Ròm) rơi vào tình trạng bận rộn với muôn vàn
thứ, từ to đến nhỏ, từ cứng đến mềm, từ đông đúc đến quạnh hiu, không cả sóng điện
thoại… nên không cập nhật tin con trai mỗi ngày được. Tóm lại trước để các bố mẹ
không sốt ruột, tin ngắn thế này:
“Con trai của chúng mình sẽ phẫu thuật tiết niệu vào ngày 21 tháng 8 năm
2008.”
Cả nhà đã rời nhà bà Sue, nơi tạm dừng chân trong đêm đầu tiên tại New
Hampshire và chuyển tới nhà cô Jennifer Ames ở ngay gần bệnh viện. Cô Jennifer là y
tá của bệnh viện Darthmouth, sẽ là người chăm sóc và giúp Thiện Nhân trong những
ngày đầu phục hồi sau ca phẫu thuật.
Bác sĩ nhi Dr. Herz, chuyên khoa tiết niệu và Dr. Deters sẽ là những người trực
tiếp phẫu thuật cho con trai. Điều quan trọng của lần khám và phẫu thuật này là ngoài
việc nong đường tiết niệu cho Thiện Nhân, bác sĩ sẽ kiểm tra bên trong, tìm xem hiện
trạng sót lại của đường niệu để giúp ích cho việc phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục
của con trai trong tương lai. Dr. Herz cũng báo với bố mẹ Nhân là  có thể ông sẽ phải
mở lại đường tiết niệu cho Thiện Nhân trong khi phẫu thuật.
Dr. Herz cho biết: “Các kiểm tra ban đầu cho thấy có thể Thiện Nhân có một
tinh hoàn ẩn trong cơ thể mà những lần siêu âm và chụp trước kia không phát hiện ra.
Nếu như vậy thì là một tin rất tốt cho việc tái tạo và phục hồi chức năng. Nhưng cho
đến sau khi phẫu thuật và khám bên trong cơ thể thì vẫn chưa thể khẳng định được
điều gì.”
Mấy ngày trước khi sang Mĩ, cả nhà đã dắt díu nhau, cùng cả Greig và Na
Hương, đưa con trai làm xét nghiệm tại bệnh viện nhi Thuỵ Điển theo yêu cầu của Dr.
Rosen (người chịu trách nhiệm về toàn bộ quá trình chữa trị và tái tạo bộ phận sinh
dục cho Thiện Nhân trong 15 năm tới) nhưng tất cả các xét nghiệm đều được làm lại
thêm một lần nữa tại bệnh viện Dartmouth, và cả xét nghiệm ngay trong khi tiến hành
ca mổ để kiểm tra mức độ kích thích tố sinh dục nam. Các xét nghiệm này sẽ giúp các
bác sĩ có thêm thông tin để chọn phương pháp trị liệu hormone cần thiết và phù hợp
với Thiện Nhân sau này.
  Ca phẫu thuật cần gây mê, và dự kiến kéo dài khoảng 60 tới 90 phút. Con trai
của chúng ta sẽ phải nhịn đói tám tiếng trước giờ phẫu thuật, không uống sữa trong sáu
tiếng trước đó và không uống nước trong bốn tiếng trước ca mổ. Thiện Nhân sẽ phải
mang ống thông trong khoảng ba ngày sau đó và cô Jennifer sẽ là người giúp Nhân
tháo cái ống thông trước khi lên đường chuyển tiếp tới bệnh viện ở Chicago để xử lí
vấn đề chân cẳng.
16
Sau ca phẫu thuật thứ Năm ngày 21 tháng 8, Dr. Herz và có thể cả Dr. Rosen sẽ
gặp gia đình để trao đổi về phương hướng, kế hoạch điều trị lâu dài và tái tạo cơ quan
sinh dục cho Thiện Nhân.
Trong lúc khám bệnh cho con trai Thiện Nhân, Dr. Herz cũng đã nhắc tới
phương pháp lấy mô ở bên trong hai má và tái tạo ống tiết niệu để tái tạo dương vật.
Dr. Herz cũng cho biết, theo ông nghĩ, cấu trúc cốt lõi của bộ phận sinh dục của Thiện
Nhân có thể còn sót lại, và đây là một tin rất tốt cho cho các cuộc phẫu thuật tái tạo sau
này. Nhưng tất cả mọi kết luận chỉ có chính thức sau ca phẫu thuật vào ngày thứ Năm
21 tháng 8.

17
Hai giờ sáng
Ngày 21 tháng 8 năm 2008

Chẳng ngủ được. Sắp xếp hết đồ đạc cho ngày mai rồi vẫn thấy quên quên cái
gì.
Thiện Nhân đã ăn cháo lúc 10 giờ tối và Thiện Nhân ngủ say giống con chó Tít,
còn khừ khừ khừ, để mai sẽ bắt đầu mọi thủ tục lúc sáu rưỡi sáng. Con sẽ phẫu thuật
vào lúc bảy rưỡi sáng.

18
Chuyện “chim cò”
Ngày 22 tháng 8 năm 2008

Sau ca mổ, mẹ ấn vào bụng Nhân và được hứng ngay một vòi cầu vồng.
Thế là từ giờ, con đã có thể tiểu tiện được, có cảm giác muốn tiểu và kiểm soát
được. Còn một phần “chim” chừng 1 cm bị tụt vào trong, các bác sĩ đã lôi ra để cho
con tè đứng. Từ giờ trở đi, mỗi lần tè, con ấn mạnh tay hơn một chút là có thể tè như
anh Hải Minh được rồi.
Mẹ nhẹ nhõm hơn nhiều. Bước đầu tiên đã qua suôn sẻ. Mẹ vẫn cứ khó ngủ,
phần lo lắng, phần vẫn còn hồi hộp vì kết quả, phần chưa thể nào yên tâm đi ngủ khi
biết còn bao nhiêu người đang ngóng chờ tin. Biết là mọi người thông cảm cho sự bận
rộn của mình, nhưng chưa gửi được tin cho các bố mẹ yên lòng, mẹ Còi thấy cũng
chưa yên.
Theo quy định thì chỉ một người được theo vào phòng khi gây mê cho con.
Nhưng mẹ Còi mau nước mắt, các bác sĩ thấy vậy nên bảo “Thiện Nhân đặc biệt”, cho
cả bố mẹ theo vào. Con được gây mê nhanh, vì bác sĩ giỏi.
Các bác sĩ nói: Sau sẽ lắp hai tinh hoàn ở đúng vị trí, ghép nối “chim” vào cái
đầu hiện tại 1 cm nhưng sau sẽ dài ra, lấy từ tuyến… hai bên má, nghe thì rất lằng
nhằng, nhưng tóm lại thì cơ quan bên trong còn “ngon” và ghép được thì hình dáng sẽ
giống bình thường. Việc ghép “chim” không dễ. Nhưng nếu ghép được, con có thể làm
một người đàn ông bình thường, có thể yêu và lấy vợ được.
Các bác sĩ không tìm thấy tinh hoàn như dự đoán ban đầu, nhưng còn 2% hi
vọng vào kết quả của một xét nghiệm nữa. Bác sĩ bảo, vì vừa đẻ ra con đã bị thú ăn
nên có thể một tinh hoàn thụt sâu vào trong. Kết quả xét nghiệm sẽ tìm ra tinh hoàn ẩn
sâu. 2% thôi nhưng sẽ có hàng ngàn lời cầu nguyện cho con, con yêu.
Nhân tỉnh rất nhanh, tỉnh là hét ré lên: “Bố em!” Sờ vào cu, cậu tóm lấy, nằm
lịm luôn, chẳng nhìn và chẳng nói năng gì. Đến lúc tỉnh hẳn thì làm một hơi hết cốc
nước táo, chắc là khát quá. Con được bệnh viện bố trí ở nhà cô y tá riêng để được
chăm sóc 24/24.
Con tè được, lại còn tè được như anh Hải Minh là mẹ sướng lắm rồi. Mẹ tin vào
y học hiện đại và những điều kì diệu đến từ tình thương yêu.
Không chỉ con, mẹ đã nhận được sự quan tâm từ bao nhiêu người. Bác Phi ở
Seattle hôm đến thăm Nhân thấy mẹ Còi lẻo khẻo quá, hôm ra sân bay, bác lọ mọ
đứng chờ, cầm theo một hộp sữa. Mỗi lần uống sữa lại nhớ đến dáng bác ấy đứng mà
thương quá là thương.
Gia đình cô Bao Tran nghe tin, lặn lội lái xe chín tiếng từ Canada để đến nhìn
Nhân tè. Nhìn một cái thôi rồi lại phải quay về, vì con nhỏ quá không ai trông.

19
Tối qua, bệnh viện tổ chức ăn mừng thành công của ca mổ. Nhân được yêu
mến, bố mẹ được gần với những tấm lòng bốn phương, thấy cuộc sống giá trị hơn
nhiều lắm.
Và càng yêu các con trai của mẹ.
Hải Minh bé bỏng chắc sẽ rất vui khi thấy em có “chim” đây. Bác sĩ dặn, Thiên
Minh và Hải Minh phải dạy em Nhân tè nhé. Thời gian đầu em sẽ phải tập cả tâm lí để
tè xuôi buồm mát mái. Hai “đại ca” nhớ huấn luyện cho em tè siêu nhé.
Mẹ yêu các con.

20
Ngày 22 tháng 8
Ngày 22 tháng 8 năm 2008

Con trai Thiện Nhân đã mổ xong, ca mổ kéo dài 90 phút và rất thành công.
Hiện bố mẹ đang phải tiếp tục làm việc với nhóm bác sĩ của ca mổ và nhóm bác sĩ
Rosen để biết tình trạng cụ thể và kế hoạch chữa trị lâu dài.

21
Đến Chicago

Ngày 26 tháng 8 năm 2008

Thiện Nhân đã đến Chicago để lo vụ chân cẳng. Nhân khỏe mạnh và nói rối rít
suốt: “Xem em tè này!”
Sáng mai, thứ Ba, vào lúc tám rưỡi sáng (tức là tám rưỡi tối thứ Ba ở Việt
Nam), con trai sẽ gặp nhóm bác sĩ hàng đầu của bệnh viện Northwestern Memorial
Hospital để chẩn đoán và đưa ra phương án làm chân phù hợp nhất với đặc điểm vết
thương và độ tuổi của Thiện Nhân.

22
Hai cái chân và một bàn tay
Ngày 27 tháng 8 năm 2008

Cả nhà đã quen với nơi ở mới tại Chicago và lịch trình làm việc của bệnh viện
Nothwestern Memorial. Mấy ngày đầu tuần vừa qua chẳng dễ dàng tí nào vì chuyển
bệnh viện và lại bắt đầu ngay những kiểm tra và hội chẩn mới cho cu Nhân. Cả ngày
chỉ mỗi việc Nhân, Nhân, Nhân… Bệnh viện Nothwestern Memorial thật lớn, các bác
sĩ và chuyên gia trị liệu chuyên khoa chân cẳng giỏi nhất của nước Mĩ. Các bác sĩ chờ
Thiện Nhân từ lâu rồi, nên khi con trai vừa đến đã được sắp xếp kín lịch khám, hội
chẩn và tập luyện. 
Để biểu diễn cho bác sĩ xem con xoay xỏa với cái chân đang có thế nào, Thiện
Nhân hết sức “nghiêm túc”, bảo gì nghe theo thế. Được khen và cổ vũ, “ông” Nhân hí
hửng biểu diễn, lúc tháo chân ra ông cu Nhân còn sáng tạo làm thêm mấy vòng lộn
kungfu panda làm ai cũng cười.
Sáu rưỡi sáng nay con lại bắt đầu tập từng bước đầu tiên. Cha mẹ cũng được
hướng dẫn cách giúp con và tiếp sức cho con nữa. Các cơ từ trước tới giờ con không
vận động đến và vận động chưa đúng cách sẽ cần có bố mẹ ngày ngày xoay và bẻ đều
đều lại, cho “đạt tiêu chuẩn US”. Con sẽ đi bằng chiếc chân xinh xinh của mình, còn
bố mẹ sẽ cho con mượn thêm một bàn tay con nhé.
Con sẽ phải tập lại từng bước chân cơ bản, chậm và chắc chắn, để có thể đến
một sáng đẹp trời chàng trai Thiện Nhân vừa chạy thể dục vừa nghe walkman vừa vẫy
tay “Hello” chào các cô gái xinh đẹp.

23
Trong bệnh viện Northwestern Memorial Chicago
Ngày 29 tháng 8 năm 2008

Thiện Nhân ngoan chờ bố mẹ làm thủ tục tại bệnh viện Northwestern Memorial, Chicago
 
 
Làm sao để con đi chân cho đúng, tập đi chân cho thật chuẩn mà lại không làm
con đau?
Cái chỗ khớp bị mất chân của con trai từ ngày đầu tiên bị thương tới giờ đã
không có cơ hội được vận động đúng với chức năng và yêu cầu tự nhiên của nó, nên
giờ phải rèn công tập luyện để nó có thể chuyển động cả sau, trước, trái, phải. 
Không thể cứ lắp cái chân xịn vào là rô bốt chạy được ngay. Chúng mình là con
người mà. 
Con trai bị đau và khó chịu, vì trước đeo chân vào con thích làm thế nào bố mẹ
và các anh chiều theo con, nhưng bây giờ thích để bên trái sẽ phải dồn ép sang bên
phải. Thích dựa lưng thì sẽ bị dồn cho đứng thẳng lên. Thích méo méo, lẹo lẹo cái
hông sẽ bị ấn một cái cho thẳng. Thích đứng im chơi đồ chơi sẽ bị ủn cho đi…
Tất nhiên bị ép buộc thế là chàng trai vốn dĩ hoang dã của chúng ta khó chịu
rồi.

24
Los Angeles: Hà Nội ơi tôi sắp được về rồi
Ngày 30 tháng 8 năm 2008

Bố mẹ đã đặt mua cho Thiện Nhân một cái xe tập theo hướng dẫn của bệnh
viện để về nhà luyện rèn theo yêu cầu kế hoạch của các bác sĩ. Chiếc xe chuyên dụng
chính hiệu Mĩ nặng trình trịch, có thể điều chỉnh lên xuống theo chiều cao khi con lớn
thêm lên. Nhân sướng nhé, còn bé đã có tài sản cá nhân rồi.
Bệnh viện cũng đã làm cho phần tiếp xúc với da của cái chân giả Nhân sẽ đeo
mềm mại hơn. Ốc vít cũng sáng choang. Tuy nhiên, cu Nhân con phải tập đi cho đúng,
đứng cho thẳng thắn đàng hoàng cho đến khi đủ độ để được thêm cái khớp hông vào.
Sau đó một thời gian mới thêm dần mắt cá… Nói chung là phải hiện đại hóa một cách
từ từ và đi từ thủ công đến bán hiện đại, rồi hiện đại và siêu hiện đại…
2% hi vọng cũng phải chờ trong lần sang Mĩ sau!
Cu Nhân đã được đo đạc cẩn thận phần chân cụt để theo dõi. Bố mẹ được bác sĩ
cho mang cu Nhân về Việt Nam để luyện rèn, sau đó sẽ sang lại Mĩ theo từng giai
đoạn, vì như vậy vừa tiết kiệm được chi phí hơn mà vẫn đạt hiệu quả và phù hợp với
độ tuổi bé tí xíu của Thiện Nhân. Chicago là thành phố đắt đỏ nhất nhì của Mĩ mà cả
nhà toàn chơi Hotel & Restaurant thì phải biết Nhân là dân chơi hạng sang thế nào rồi
đó.
Anh Thiên Minh vừa biết tin mẹ và em sẽ được về sớm, sướng lắm, chat: 
“Vắng mẹ ở nhà chỉ có buồn chứ không có vui. Con nhớ mẹ quá.”
 Khi biết mẹ về rồi để sẽ lại đưa em đi tiếp, Thiên Minh đành ngậm ngùi: 
“Thế là mẹ có về hẳn đâu, con nhớ mẹ lắm.”
Cả nhà đã check out và bay về Los Angeles để chuyển tiếp chặng bay về Việt
Nam. Đang ngày nghỉ lễ tại Mĩ, mà bố mẹ và Nhân lại đâu có biết là sẽ về rồi quay lại
ngay theo từng giai đoạn điều trị chia nhỏ ra vì theo thực tế tình hình và tình
trạng Nhân bé quá không dồn toa cho xong hết một mạch được, nên hiện giờ vẫn đang
chờ confirm vé máy bay nhấp nhổm.

25
Câu chuyện này bắt đầu bằng âm hưởng của chết chóc và sự đơn độc nhỏ nhoi,
nhưng lại được tiếp nối nhờ một sinh mệnh lớn với sức sống và bản năng sinh tồn
mãnh liệt trong cùng cực của nỗi đau và cô độc. Sinh mệnh này đã tạo nên một làn
sóng xót thương và rung cảm không biên giới, màu da, sắc tộc.
Hành trình đi chữa bệnh ở Mĩ có thể nói là hành trình của những nụ hôn. Tôi
hôn tất cả những người tôi đã gặp và họ cũng hôn tôi. Những vòng tay ghì chặt theo cả
sự động viên, sự rung cảm và cả những ái ngại. Những nụ hôn và vòng tay, sự cam kết
tự nguyện gắn bó lâu dài cùng với tôi đi tìm hành trình cho cháu. Cái tên Thiện Nhân
là biểu tượng của sức mạnh lòng nhân ái của hàng triệu người ở nhiều quốc gia, có
chung lòng mong ước biến điều không thể thành có thể. 
Những hành trình tiếp nối hành trình, người ta gọi đó là câu chuyện cổ tích,
nhưng với chúng tôi đó là con đường không đoán định. Xin đừng đưa trước cho chúng
tôi một kết thúc cổ tích bởi chúng tôi đi, đang đi và tôi hiểu là tôi sẽ chẳng biết được
cái gì đang đón đợi câu chuyện này phía trước cả. 
 

26
Cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Quảng Nam tháng 7 năm 2006

Thiện Nhân trong lễ đầy tháng (một tháng ba ngày)

27
Bác sĩ đầu tiên của Nhân – Bác sĩ Huỳnh Quốc Hiếu

Tỉnh dậy sau phẫu thuật có bố mẹ chờ sẵn

28
Nỗi đau ngọt ngào
Ngày 01 tháng 9 năm 2008

Hãy nghĩ đến một ngày... khi con về đến sân bay Việt Nam, đi trên đôi chân
của mình, con sẽ bước đi khoan khoái, hãnh diện và tự hào: “Con là Thiện Nhân,
con là “Chú lính chì” gan dạ, anh hùng, con đã làm được!”
Cứ sáu giờ sáng hằng ngày, Nhân phải lẽo đẽo theo ba mẹ vào bệnh viện tập vật
lí trị liệu, mới đầu con hăm hở bám càng tập nè:

Trông con giỏi không?


Rồi sau đó, khi mang cái chân đẹp vào tập đi, cu Nhân đau quá, mếu cả ngày
mà cô hộ lí vẫn nhiệt tình và kiên nhẫn giúp Nhân di chuyển với đôi chân còn cứng
ngắc so với Nhân.
Biết con đau đớn đấy, nhưng vẫn phải ráng con à, vì nếu con cứ tập đều đặn,
sau này con còn chạy bộ ra sân bằng chân giả ấy chứ nói gì đến những bước đi... Vẫn
biết chuyện di chuyển thế này đôi lúc vượt quá sức con, nhưng mà khi con làm được,
con sẽ thấy rằng khả năng của con còn được hơn thế nữa đấy!
Hãy nghĩ đến một ngày... khi con về đến sân bay Việt Nam, đi trên đôi chân của
mình, con sẽ bước đi khoan khoái, hãnh diện và tự hào: “Con là Thiện Nhân, con là
“Chú lính chì” gan dạ, anh hùng, con đã làm được!”

29
Dr. Childress và các cộng sự

30
TỚI THÁI LAN
Kangaroo tốt bụng, hiền hòa
Ngày 20 tháng 3 năm 2009

Bác sĩ Douglas Falconer sớm mai về lại Úc. Những tháng ngắn ngủi sang Việt
Nam bận rộn làm việc, di chuyển giữa Hà Nội, Huế và các tỉnh thành nên Douglas chỉ
kịp đến thăm Thiên Nhân một lần, và một lần đi cùng con tới Viet Ortho chỉnh cái
chân xịn cứ hay bị rơi bụp ra. Ngày mai Douglas về nước với hi vọng quay lại Việt
Nam trong một ngày gần nhất.
Lí do Douglas quay lại là thấy yêu hơn và nhớ những người Việt Nam, những
con người mới gặp lần đầu còn e dè, ngại ngùng nhưng khi đã quen rồi thì rất đỗi chân
thành, cởi mở và thân thương, như thể Douglas là một thành viên trong gia đình vậy.
Sáng mai, trước giờ ra máy bay, anh còn phải tranh thủ uống nốt cốc cà phê cuối tuần
với bè bạn.
Có lẽ thêm một lí do nhỏ thôi nhưng cũng gắn bó Douglas với nơi này, là Thiện
Nhân. Douglas không quên được cậu bé nghịch ngợm bắt Douglas vẽ đồng hồ chằng
chịt trên tay, vẽ chân dung Douglas nhằng nhịt như ma lem trên tấm bảng, và nhớ cậu
bé Thiện Nhân la hét inh ỏi ở nơi lắp chân tay giả. Và còn một điều nữa, là nhớ chưa
kịp làm được điều gì cho cậu bé này như trong thâm tâm anh hằng mong muốn.
Lần thứ ba gặp nhau là buổi tối hôm nay, khi ngày mai anh về nước. Vội vã,
bận rộn với biết bao công việc cần hoàn thành, cả biết bao những cuộc chia tay với bè
bạn, Douglas đến với Thiện Nhân, lật ngược cái xe tập đi của con, rút cái chốt ra và đo
vẽ lên một tờ giấy. Thiện Nhân thì bảo vệ tài sản, xông vào la lối: “Chú làm cái gì xe
của cháu đấy?”
Douglas muốn về Úc, làm cho cậu bé này một cái ván trượt có thể tháo lắp
được dễ dàng để gắn vào xe tập đi. Anh không quên được hình ảnh cậu bé hai tuổi này
hì hụi kéo cái xe khi di chuyển và lúc lúc lại nhấc bổng cả xe lên cho dễ đi hơn.
Thế là một ngày nào đó cu Nhân sẽ nhận được một món quà được gửi từ nước
Úc, và thế là cái xe tập đi một ngày sẽ trượt bay bay trên đường, và quan trọng là buổi
tối hôm nay cu Nhân đã có thêm một người bạn.
Douglas to lắm, cắp cậu bé Thiện Nhân bằng một tay khi tạm biệt – kiểu ôm
Kangaroo đặc trưng của nước chuột túi tốt bụng và hiền hòa.

31
32
Những nguyện cầu và hi vọng
Ngày 28 tháng 3 năm 2009

“Bác sĩ mẹ Còi” khám cho cu Nhân cái gì tròn tròn, hơi cưng cứng ở dưới da
bên phải. Rõ nhất là vào các buổi sáng sớm. Mẹ Còi bán tín bán nghi, lôi cu Nhân
ra sờ sờ, rồi lại lôi anh Minh bé ra sờ sờ nữa để so sánh. Không biết, vì “bác sĩ” chỉ
là “bác sĩ mẹ Còi” thôi.
Ngày 09 tháng 4 tới, bác sĩ mẹ Còi sẽ đưa cu Nhân đi Thái Lan kiểm tra và xem
rõ thực hư. Hành trang cho cu Nhân trong chuyến đi này là hàng trăm ngàn lời cầu
nguyện của các bố mẹ trên khắp thế giới.
Nhớ ngày phẫu thuật tại Mĩ, bác sĩ nói anh cu Nhân khả năng 2% còn một tinh
hoàn ẩn. Lúc đấy làm một xét nghiệm biết thực hư này sẽ hết khoảng 20.000 đô la Mĩ,
và lí do nữa là cu Nhân vừa phẫu thuật xong còn mệt, bác sĩ đã khuyên gia đình chờ
tới sau này sẽ rõ, vì nếu có xét nghiệm ngay thì cu Nhân cũng chưa đủ tuổi và không
đủ sức khỏe để tiếp tục giải phẫu ngay một lần nữa.
“Các bác sĩ không tìm thấy tinh hoàn như dự đoán ban đầu, nhưng còn 2%
hi vọng vào kết quả của một xét nghiệm nữa. Bác sĩ thì bảo vì vừa đẻ ra con đã bị
ăn nên có thể 1 tinh hoàn thụt sâu vào trong. Kết quả xét nghiệm sẽ tìm ra tinh
hoàn ẩn sâu. 2% thôi nhưng sẽ có hàng ngàn lời cầu nguyện cho con, con yêu.”

33
“Ề ề ề… Mẹ ơi con đi bệnh viện Thái Lan”
Ngày 08 tháng 4 năm 2009

Ai cũng biết cu Nhân chuẩn bị đi Thái Lan để tiếp nối “vụ án chim cò”. Cu
Nhân cũng biết mình sắp đi Thái Lan để đến bệnh viện. Nhưng cái “biết” của cu Nhân
đến đâu thì ngoài Nhân ra chẳng ai đoán được. Nhân hay khoe mẹ cái “chim cò” xinh
xinh mỗi lần đi tè: “Mẹ ơi, con thích yêu ‘chim’.” 
Tiếng Việt kiểu Tây của Nhân chắc ảnh hưởng của cấu trúc câu phức ta phức
tạp của Greig. Ngày cùng nhau ở Mĩ, Greig thường nói với Nhân bằng tiếng Việt rất
đỗi "Tây" là “Dr. Greig thích yêu con.” Ngày mai, vụ đưa Nhân ra sân bay chú Thuận
phụ trách, còn đón cu Nhân ở Bangkok là Greig. Sướng nhất cu Nhân rồi.
Trước khi cu Nhân đi tiếp vụ “chim cò xinh xinh” rất đỗi yêu thương và mong
mỏi này, Nhân cũng khá là sướng vì được gặp bác Sơn và Judy đến thăm chia tay,
được nhiều ơi là nhiều bố mẹ của Thiện Nhân đến tiếp sức, được cả một bạn tên Tôm
gửi tới Nhân gói tiền xu tiết kiệm “oách” luôn. 
Còn ông bà ngoại cũng tổ chức chia tay thằng cháu bằng một chuyến đi dã
ngoại cuối tuần vừa rồi. Ông bà rất “ăn chơi”, lao cùng cu Nhân ầm ầm từ dốc cao
xuống trên ván trượt cỏ với tốc độ chóng mặt không biết bao nhiêu lần. Nhân còn được
chơi đùa sảng khoái với mấy “anh em siêu nhân”. Năm anh em nhà này “chiến đấu” ra
trò với chỉ một cái vỏ chai.

34
Tại sao phải khóc vậy?
Ngày 15 tháng 4 năm 2009

Các bố mẹ thương con, khi gặp con hay sụt sùi khóc. Có lúc mẹ nghĩ: “Tại
sao phải khóc vậy?”
Khi con ở Thái Lan, mẹ Lan Tím nhắn tin hẹn ngày 15 tháng 4 đến với cu Nhân
và mẹ Còi. Chị Thư thì gọi điện để tối ngày 15 mang bánh chị tự làm đến cho mấy mẹ
con… Chán mẹ thật, mẹ chỉ nghĩ nghĩ, ừ không phải thứ Bảy hay Chủ nhật, các bố mẹ
phải đi làm, bận lắm mà.
Mẹ chẳng nghĩ gì cả. Mẹ không phải là người chu đáo. Mải miết đi mà quên
mất nhìn lại con đường mình vừa mới đi qua. Khi chờ con tỉnh dậy sau khi uống thuốc
ngủ để siêu âm ở bệnh viện Thái Lan, Greig hỏi: “Có bao giờ em nghĩ đến việc nhận
nuôi Thiện Nhân là một quyết định đúng không?” Mẹ lắc đầu, rất ngại khi phải trả lời
là: “Em chẳng nghĩ gì cả.”
Ngày này năm trước đón con về. Mẹ suýt quên mất rồi, vì lúc nào cũng vội vã.
Mẹ nhiều nhiều lắm những lúc phát điên cả đầu vì con và hai anh, khi các con không
ngoan. Mẹ không dịu dàng bế con khi con đứng không vững. Mẹ quát con inh ỏi nhà
cửa. Mẹ bắt con dứt khoát phải chia đi đồ ăn mà con thích. Mẹ phạt con ngồi góc
phòng trên cái ghế mây. Các bố mẹ thương con, khi gặp con hay sụt sùi khóc. Có lúc
mẹ nghĩ: “Tại sao phải khóc vậy?”
Mẹ thấy con bình thường thôi, út ít hay thiệt thòi không được tính thêm điểm.
Con leo chấp chênh, ngã một lần, sau liệu liệu mà tóm cho chắn chắn. Con không
chiến đấu được thì con sẽ không giành được đồ chơi. Con di chuyển khó khăn hơn hai
anh, con phải tự tìm cách đi theo được hai anh. Mẹ biết khi con tủi thân con sẽ mếu dài
cái miệng ra, hai mắt ngấn nước nhưng không bao giờ lăn trào thành giọt mà chăm
chăm nhìn mẹ chờ phản ứng.
Mẹ vẫn sẽ chê cười: “Con trai ai lại khóc!” và chê “Nhân quá là xấu trai.”
Mẹ đón con với một cái chân. Lắp lắp ráp ráp cho con nhiều cái chân mới. Lần
đầu tiên xách nách con đứng xiêu vẹo trên hai chân, mẹ chợt thấm thía điều bình
thường nhất, với con, lại khó khăn và ý nghĩa thế nào. Sau một năm thay đi cả loạt các
chân đẹp, chân xịn từ Việt Nam, Mĩ, Pháp, mẹ lại thấy thích hơn khi nhìn con sung
sướng, tự tin nhảy lò cò với cái ki bowling và quả bóng. 
Mẹ nhớ lần khóc khi con vào phòng mổ. Có tí yếu mềm trong đó.
Mẹ nhớ vừa khóc khi biết con còn cả hai tinh hoàn ẩn sâu bên trong cơ thể. Có
niềm vui sướng tột cùng và có cả bất lực trong đó. Bất lực vì đã gần hơn tới một điểm
dừng mà khi đó mẹ có yêu con cách nào cũng không lo nổi cho các thiếu hụt của con.
Chàng trai của mẹ sẽ phải tự tìm cách đi nhanh hơn. Tự tìm cách vững vàng hơn. Và
tự con còn phải biết yêu thương và giành lấy người mà mình yêu thích nữa đấy Nhân
ơi.
35
TRỞ LẠI NƯỚC MĨ
Cuộc phẫu thuật thứ hai
Ngày 01 tháng 9 năm 2009

Con trai tìm thấy tinh hoàn ẩn là tin vui, các bố mẹ đã khóc vì sung sướng.
Nhưng tinh hoàn đó cần được phẫu thuật lấy ra, tạo vị trí và các chức năng để giữ tinh
hoàn hoạt động và phát triển.
Những tháng ngày qua, từ khi tìm được hai tinh hoàn, ngoài vui mừng là biết
bao tính toán, xuôi ngược tìm liên hệ, tìm kiếm giải pháp cho cuộc phẫu thuật thứ hai
nhưng rất quan trọng cho cu Nhân làm đàn ông. Cha nuôi Greig Craft, cô Na Hương,
bác Sơn, cô Elka… các bác sĩ khác nhau từ các bệnh viện Thái Lan, Mĩ tìm cách tốt
nhất cho con.
Quay lại Mĩ lần thứ hai để phẫu thuật là giải pháp tốt nhất. Có những trao đổi,
tính toán nói ra được, có những điều chỉ có mình mẹ Còi phân vân đứng trước các
quyết định con sẽ ra sao mà không thể chia sẻ. Nhưng con sẽ đi Mĩ, sẽ đến bệnh viện ở
Houston.
Cái đích là đưa hai tinh hoàn trở lại vị trí đúng. Cái đích là kéo dài cái “con
chim xinh xinh” mỗi lần phẫu thuật, để sau nhiều năm “góp gió”, con sẽ thành chàng
trai “bão táp”. Cái đích là kêu gọi các nguồn tài trợ với kinh phí cho đợt chữa trị là
100.000 đô la. Cái đích là biết bao sắp xếp và kết nối, để tuần cuối tháng 9 tới cu Nhân
được phẫu thuật.
Hàng trăm nghìn email kêu gọi đã được Greig, bác Sơn, Elka, các bạn bè tỏa đi
các nước, và hi vọng cái đích tháng 9 cho cuộc phẫu thuật thứ hai sẽ thành hiện thực.

36
Ngày máy bay
Ngày 01 tháng 10 năm 2009

Thế là bắt đầu chuyến bay sang Mĩ lần hai của Nhân. Ba người nhà mình không
được ngồi cùng một chỗ. Bà và Nhân ngồi với nhau lúc đầu. Nhân giỏi thật, nhắc bà
cài dây khi ngồi xuống ghế.

Chặng bay đầu tiên này là hơn bốn tiếng và sẽ dừng ở sân bay Nhật. Nhân cứ
giữ trong tay con quay mang đi từ nhà. Nhân khoe: “Bà nhìn này, cháu chơi kiểu
mới.” Con quay cứ tít trên tay Nhân mà không được đánh xuống sàn. Trên máy bay
mà, làm sao thả xuống lối đi được. Cu Nhân là vậy đấy. Cháu biết thích nghi hoàn
cảnh thật nhanh.
 
37
Lúc này là hai giờ sáng. Bà buồn ngủ lắm mà Nhân không ngủ. Cháu cứ lên
xuống trên ghế, dưới sàn. Cháu cũng ăn túi hạt rang, uống coca đủ tiêu chuẩn của
mình. Phải một hạt cay, anh chàng nhè ngay vào tay bà. Sau đó tìm hết hạt cay đưa bà.
Nhân nhặt được một hạt điều, giơ cho bà: “Bà ơi, trăng này.” Bà dạy Nhân: “Đấy là
trăng lưỡi liềm.” Thế là Nhân tìm luôn các hạt “trăng lưỡi liềm” khác. Mãi rồi cũng
ngủ. Bà kê đầu cho cháu bằng chăn và hai bà cháu đắp một chăn còn lại. Đến bữa cơm
thì cháu ngủ say quá. Bà đành lấy túi nôn đút hộp cơm để dành cho Nhân. Mẹ bảo ngồi
chờ ở sân bay Nhật ba tiếng cơ mà. 
Máy bay tới Nhật. Nhân vẫn khò thật say. Mẹ phải bế thôi, vì bà làm sao vác
được anh chàng. Đi lên đi xuống mà Nhân vẫn ngủ. Đặt xuống ghế ở sân bay vẫn ngủ.
Người sấp trên ghế, còn chiếc chân duy nhất chống xuống. Sân bay Nhật rộng. Góc cả
nhà chờ yên tĩnh. Chẳng được nhìn nước Nhật thì đi xem trong sân bay vậy. Xem mà
xoa xuýt, mà ước muốn.
Cả nhà lại đọc bản hướng dẫn các chuyến bay, lại đi tìm đường đến cửa ra máy
bay. Thay nhau mà bồng Nhân thôi, vì anh này đâu có bế cắp nách được như đứa trẻ
khác. Thả bà ra bây giờ chắc cũng “chết” thôi. Bà cứ bảo là bà “câm điếc Xã Đàn” mà.
Lên máy bay. Vẫn không ngồi cùng một nơi. Mẹ và Nhân ngồi với nhau. Mẹ lo
bà lại mất ngủ mà. Lại đêm. Lần bay từ Nhật sang Mĩ này là bốn tiếng bay, thế mà tới
Mĩ vẫn còn cần bay tiếp nữa. Bà không biết làm sao sau này mẹ Mai Còi cứ đưa cháu
đi chữa bệnh xa xôi thế này mãi được. Lúc trước ở nhà, đọc tin thấy con gái đi nhiều
nơi trên đất Mĩ và mổ được cho Nhân, ông bà rất vui, nhưng đi cùng mẹ Mai rồi bà
mới thấy đi chữa bệnh thế này thật mệt và tốn sức khỏe.

38
Qua một chuyến bay dài
Ngày 01 tháng 10 năm 2009

Trải qua một chuyến bay dài mẹ mới biết là mình đang già đi nhiều. Sau 36
tiếng rời khỏi nhà mới đặt chân vào phòng khách sạn, người như sụn xuống, đau buốt
lưng, không đứng lên ngồi xuống được.

 
Nhân cũng lớn thêm sau một năm và biết nhiều hơn rồi. Mặt mũi Nhân nghiêm
túc và chịu đựng, vì Nhân biết đây là đi chữa bệnh, không phải đi chơi. Cu Nhân biết
nhớ nhà, liên tục “đặt vấn đề”: “Mẹ ơi cho con đi về nhà. Con về chơi quay với các
anh.”
Cu Nhân cứ lò cò ở các sân bay, nhưng sân bay rộng mênh mộng nên cứ được
một chút là tim gan của Nhân lộn hết lên: “Mẹ ơi con hết hơi rồi.” Nhân đeo nhằng
lấy cổ, mẹ tha Nhân đi hối hả và cũng hết hơi theo Nhân. Ô tô, máy bay, máy bay, tàu,
máy bay, check in, check out, check in…
Nhưng khó có đứa bé nào ngoan như vậy. Lên máy bay, xuống máy bay, nhẫn
nại và có ý thức như một người lớn. Lúc cất – hạ cánh, trẻ con khác khóc lóc ầm ĩ, còn
Nhân thì không, tự seat belt ngồi ngay ngắn như ông già nhỏ. Mẹ Còi mệt quá, để
Nhân ngồi sát cửa sổ rồi chặn ở ngoài, vừa ngủ vừa thức. Ánh nắng gắt chiếu qua ô
cửa. Nhân tự lấy bảng hướng dẫn bay ở túi ghế phía trước và loay hoay gấp nhỏ lại
cho vừa và cài lên che nắng. Nhân cũng tự mò mẫm cắm tai nghe và bật phim xem,
vừa tự xúc ăn rồi tự kê gối tìm tư thế ngủ. Vừa ngộ vừa thương thật, vì Nhân bé tí xíu
mà biết không làm phiền gì ai.
Mẹ bật máy tính lên, viết cho Nhân nhật kí mà không sao cố gắng nổi. Oải rã
rời. Tình trạng đấy kéo dài nhiều ngày. Mẹ già hơn nhiều rồi.

39
40
Ba người đàn ông
và một thằng bé trên đường đi làm đàn ông
Ngày 02 tháng 10 năm 2009

Godfather Greig Craft

 
Làm cha đỡ đầu của cu Nhân, để có chuyến đi chữa trị này Greig phải sang Mĩ
trước mẹ Còi và Nhân để thu xếp với các bệnh viện.
Greig đón cu Nhân ở tận cửa máy bay, chẳng biết sao ông lại chui vào được tận
đấy. Mẹ Còi mừng, trao vội cho ông cái “bao tải” Thiện Nhân ngủ nặng trịch trên vai.
Mẹ biết tính Nhân mà, tỉnh dậy thấy Greig sẽ bám chặt lấy Godfather.
Greig bỏ việc cả hai tuần rồi, ở đây chạy ngược xuôi vì cu Nhân, vì hai cái tinh
hoàn chưa tìm thấy và không muốn chấp nhận là không có. Ông vì Nhân mà trở thành
chuyên gia nghiên cứu về các loại “chim cò”, các loại bệnh viện.
Mẹ Còi biết trong công việc Greig rất oai phong, nhưng cu Nhân không biết
vậy. Cu Nhân trèo vào ngồi chọc mũi, chọc tai ông khi ông đang làm việc. Nhân cũng
thích cha đỡ đầu Greig bế ru Nhân ngủ mỗi tối.

41
Michael Sơn Phạm

 
Bác Sơn là người Nhân say mê nhất. Nhân hít hít cổ bác như con cún con bày tỏ
tình cảm. Nhân ôm chặt lấy chân bác Sơn để đùa. Nhân cười sặc sụa mỗi lần được ở
cạnh bác. Bác Sơn lo gây quỹ chữa bệnh cho Nhân tại Mĩ và tham gia sắp xếp kết nối
ở bên Mĩ. 
Bác Sơn đi về Seattle là lúc nào cu Nhân cũng nhì nhèo: “Bác Sơn đâu, gọi bác
đến chơi với con.” Mà chỉ có bác Sơn mới chơi với cu Nhân những trò rất “đàn ông”
như vậy được. Tung lên cao, ném xuống đất, ném vòng tròn, lộn chổng ngược... Phải
“võ công cao cường” lắm và phải yêu Nhân lắm lắm thì mới dành sức cho cu Nhân
vậy.

42
Bác sĩ Tuệ Đình

Bác sĩ Tuệ là Phó Giáo sư, Bác sĩ Phẫu thuật tạo hình tại Methodist Institute for
Reconstructive Surgery (Viện Phẫu thuật chỉnh hình dòng Methodist) ở Houston. Bác
sĩ Tuệ rất giỏi và là người tìm được các bác sĩ giỏi nhất trong từng lĩnh vực chuyên
biệt nhất về các khía cạnh làm nên “chim cò” cho Nhân.
Lí do Dr. Tue Dinh xắn tay vào với Thien Nhan team, theo ông là thực tế có rất
nhiều trường hợp trẻ em cần giúp đỡ, nhưng ông thấy cu Nhân thật đặc biệt, vì những
người đang cố gắng giúp Nhân chữa trị ở nơi có dịch vụ y tế tiến tiến nhưng cũng đắt
nhất trên thế giới này lại hoàn toàn là nhưng người không có một chút liên hệ nào về
máu mủ với cậu bé, hay cả mẹ nuôi của Thiện Nhân.
Trao đổi với báo chí Houston, bác sĩ Tuệ nói bác không chỉ khám và chữa miễn
phí cho cu Nhân trong lĩnh vực chuyên môn liên quan tới bác, mà bác tự nguyện tham
gia vào Thien Nhan Team để lo cho cu Nhân trở lại thành một người đàn ông bình
thường. Con đường cu Nhân phải đi có được Dr. Tue Dinh sẽ chắc chắn được rút ngắn
đi nhiều.

43
Đi tìm tinh hoàn
Ngày 03 tháng 10 năm 2009

Ngày 29 tháng 09, cu Nhân đã có ngày đầu tiên kiểm tra chuyên sâu tại Bệnh
viện Nhi Texas ở Houston (Mĩ).

Nhóm bác sĩ phụ trách trường hợp của cu Nhân tại Mĩ gồm Giáo sư – bác sĩ tiết
niệu Lars J. Cisek và bác sĩ phối hợp điều trị là Phó Giáo sư Tuệ Đinh. Đây là hai bác
sĩ nổi tiếng chuyên ngành phẫu thuật tạo hình của Viện Giám lí Phẫu thuật Phục hồi
ở Houston, là những người trực tiếp kiểm tra bộ phận xương chậu và háng của bé
Nhân để tìm ra vị trí của hai tinh hoàn.
Theo đánh giá ban đầu của bác sĩ Cisek, cái mà các bác sĩ ở Thái Lan và
Việt Nam cho là tinh hoàn thực tế chỉ là những vết sẹo bên trong bị gây ra bởi những
vết thương cũ.
(Bác sĩ Tuệ không chắc chắn rằng cu Nhân có thể được phục hồi. Và tất cả
những điều mà các bác sĩ làm là cố gắng để cu Nhân vẫn là một người đàn ông bình
thường, mặc dù khả năng sinh sản tự nhiên của cu Nhân là không thể.)

44
Thiện Nhân và mẹ Còi gửi thư
Ngày 05 tháng 10 năm 2009

Mẹ Còi và cu Nhân đây. Hai mẹ con đã sang đây được một tuần rồi nhưng
không viết thư về được. Mẹ Còi không khỏe, lúc nào đi bệnh viện thì cố gắng thôi,
nhưng về đến chỗ ở thì mệt nhoài. 
Các bố mẹ yêu, 
Trước nhất gửi tin cho bố mẹ là không tìm thấy tinh hoàn. Cho đến thời điểm
này chưa tìm được. Tất cả đều cố gắng, không muốn chấp nhận việc này một cách dễ
dàng.
Chính vì vậy con trai chưa phẫu thuật, còn phải làm một số test nữa, mà test lại
quan trọng và rất đau đớn, không như mình nghĩ đi chụp phim một cái là xong. Con sẽ
phải cấy vào người một loại vi khuẩn, đồng thời lấy máu ra. Cách ba ngày là một mũi
và sẽ rất đau. Khi lấy được máu sẽ phải chuyển nhanh sang bệnh viện khác không nằm
tại bang Texas này, vì các bệnh viện ở đây không có máy móc. Sau khoảng 14 ngày
con sẽ có kết quả là còn tinh hoàn không, và nếu còn thì nó có hoạt động đúng chức
năng không?
Vấn đề nữa là con đang đặt lịch hẹn làm test mà chưa được. Mấy mẹ con bà
cháu vẫn đang chờ. Trường hợp lâu quá mẹ Còi sẽ về lại Việt Nam lo thêm mấy việc
rồi quay lại đón, hoặc tìm người đưa hai bà cháu về khi có kết quả.
Trộm vía, nếu kết quả tốt như mong muốn thì sau Noel sẽ đưa con sang phẫu
thuật. Kíp làm việc của các bác sĩ đã chuẩn bị rồi.
Việc ngoại giao viện phí chưa làm được do cần thời gian để các bệnh viện hiểu
về Thiện Nhân hơn. Hiện con được bác sĩ Tuệ và bác sĩ Cisek khám miễn phí và giúp
đỡ rất nhiều. Chỉ đến khi có kết quả test mới biết cụ thể được là phẫu thuật ra sao và
tại bệnh viện nào. Hiện nay theo tính toán, có ba bệnh viện lớn nhất tại Texas có thể
tiếp cận xin chi phí phẫu thuật cho con trai. Chưa khẳng định được gì cả.
Hiện vé máy bay và khách sạn cũng như ăn ở đi lại do mình tự chi trả. Rất may
có con lợn to của các bố mẹ tặng Nhân trước lúc đi nên mẹ Còi và Nhân vẫn đang rủng
rỉnh chưa sao. Chỉ lo nhất chi phí phẫu thuật sau này thôi.
Mấy mẹ con bà cháu ở tại một cái motel không to lắm nhưng sạch sẽ. Có bếp
ga, lò vi sóng và tủ lạnh nên cu Nhân không bị đói bữa nào. Chỉ có điều ở đây họ hai
tuần mới dọn phòng một lần nên đi chữa bệnh kiêm lau chùi, dọn dẹp cũng hơi ngại.
Cu Nhân cứ nhảy lò cò trong phòng, mà ba mẹ con bốn giờ sáng đã tỉnh dậy
nên bị người ta kêu sao cứ gây tiếng ồn. Khổ thân cu Nhân bị mẹ mắng là không được
nhảy nữa, con bảo: “Con có nhảy đâu, con đi đấy chứ?” 
  Khi nào thấy cu Nhân và mẹ Còi im hơi lặng tiếng là đang mải lo tìm cách tốt
nhất cho cu Nhân nên các bố mẹ đừng sốt ruột nhé.

45
Nhớ nhà
Ngày 06 tháng 10 năm 2009

Ngay từ sân bay ở Việt Nam, cu Nhân đã liên tục đề nghị: “Thôi, về nhà đi,
con muốn về chơi quay với các anh.” Ở Houston thì Nhân nì nèo: “Mẹ cho con gọi
điện nói chuyện với anh. Con nhớ anh lắm!”
Lần này Nhân đi chữa bệnh, hai anh Minh biết là sẽ nhớ mẹ thế nào từ kinh
nghiệm lần trước nên hai anh buồn thiu. Vẫn là anh Minh lớn hiểu biết nhất. Anh làu
bàu: “Mẹ này, chính ra con rất thiệt thòi. Sinh nhật con không có mẹ ở nhà. Con chờ
mẹ về mới thổi bánh sinh nhật vậy. Mẹ đi với em thế thì ai học bài buổi tối với con? Ai
chở con đi học? Nhưng mà thôi, dù sao thì Nhân cũng thiệt thòi hơn con…”
Thế là sinh nhật 9 tuổi của anh Minh không có thổi nến và cắt bánh ga tô.

Đêm đầu tiên về nhà, Thiện Nhân chỉ bám chặt “bố Thiên Minh”
Nửa đêm, bà ngoại gọi điện: 
- Con ạ, khổ thân Thiên Minh biết nghĩ. Về ngủ với bà cuối tuần, bà tỉ tê
hỏi: “Sao mặt cháu bà sứt sẹo hết thế?” Thiên Minh bảo: “Nhân cấu mặt cháu đấy,
nhưng bà không được nói lại với bố mẹ cháu không bố mẹ cháu xót cháu lại bắt em về
núi.”
Còn mẹ nghe trộm được chuyện của Hải Minh dỗ Nhân: “Nhân ngoan đi để mẹ
đi làm. Mẹ lắp chân gỗ rồi sẽ lắp ‘chim’ gỗ cho Nhân.”

46
Rồi cũng hết một ngày dài chờ và đợi
Ngày 07 tháng 10 năm 2009

Chờ đợi trong hi vọng, chờ đợi trong lo âu, và cuối cùng cả nhà cũng nhận
được tin từ bác sĩ. Sự thể là trường hợp của Nhân là trường hợp đặc biệt vì còn quá
bé, bác sĩ chưa xác định được hormone nam đã hình thành trong người con chưa,
và con có đủ sức khỏe để chịu đựng ba mũi tiêm hóa chất không?
Ngay từ sáng, Nhân đã dậy sớm, ngoan ngoãn uống sữa và miệng liên hồi gọi:
“Bà ơi, mẹ ơi đi chơi nhanh lên.” Nhìn khuôn mặt xinh xắn của Nhân, bà ngoại giấu
nét buồn trên khóe mắt và mặc quần áo đẹp cho con. Cả nhà dắt nhau vào viện.
Năm nay Nhân đã lớn, con đã biết sợ, mặc dù con rất ngoan nhưng khi nhìn
thấy cả đoàn bác sĩ, ông nào cũng to béo, đầy râu, không đẹp trai như bố Nghinh, bố
Thuận của con ở Việt Nam, con bắt đầu khóc. Con làm mẹ Còi và bà ngoại cũng chảy
nước mắt theo. Chỉ có bố Greig là vẫn kiên trì thuyết phục con. Bác sĩ bắt đầu hội
chẩn, xì xà, xì xồ, viết vào giấy, mẹ Mai đến ù cả tai cũng chằng hiểu được là bao, vì
các ông toàn dùng từ chuyên môn. Đành đứng chờ bố Greig phiên dịch lại vậy.
Đầu tiên, con được bác sĩ Sicek kiểm tra vị trí của tinh hoàn bằng máy siêu âm,
sau đó con được đưa vào buồng kín khám mà không ai được vào theo để chụp CT bộ
phận sinh dục, và cuối cùng là con được chuyển sang bộ phận khác để siêu âm, thử
máu, thử nước tiểu. Mẹ Còi và bà ngoại chóng cả mặt vì tốc độ di chuyển. Ai cũng vừa
cười vừa khóc vì cái bệnh viện nó to bằng cả thành phố Hà Nội. Cả nhà được các bác
sĩ giải thích rằng bệnh viện Nhi đồng Texas là bệnh viện dành cho trẻ em lớn nhất
nước Mĩ.
Sau phần xét nghiệm, cả nhà dắt nhau vào một cửa hàng ăn ngồi chờ kết quả vì
bệnh viện ở khá xa và hôm nay là ngày thường nên giao thông khá đông đúc. Cả nhà
chẳng ai buồn nói chuyện hay ăn uống vì cùng chung một nỗi lo. Không ai nói ra,
nhưng cả nhà đều ấp ủ một hi vọng là con sẽ được tiêm hóa chất, sẽ được thử nghiệm
để xác định tinh hoàn của con vẫn còn, và hi vọng được quay trở lại thành phố
Houston nhiều lần nữa.
Và rồi tiếng chuông cũng kêu reng reng (chú thích là khi chờ kết quả hay chờ
đợi để làm xét nghiệm thì mẹ Còi được phát một cái chuông tròn tròn, khi chuông kêu
cùng với đèn nháy nháy thì có nghĩa là có kết quả), tiếng chuông vừa dứt, ánh đèn
chưa kịp nháy, cả nhà đã ba chân bốn cẳng chạy, chẳng ai kịp nói với ai câu gì nữa.
Tim mẹ Còi như muốn ngừng lại khi nhìn thấy gương mặt bác sĩ (sau này mọi người
nói với nhau rằng có thể đó là khuôn mặt điển hình của bác sĩ), và sau gương mặt
nghiêm nghị là một nụ cười: “Chúng tôi có thể tiến hành xét nghiệm cho cháu vào
tuần tới. Nếu gia đình đồng ý mức phí, chúng tôi sẽ đặt thuốc trong ngày mai.”
Loại hóa chất tiêm vào người con để kiểm tra xem tinh hoàn của con có hoạt
động không là một loại hóa chất rất hiếm và ít người sử dụng. Mỗi lần sử dụng là phải
đặt hàng, và ở Mĩ chỉ có duy nhất một nơi sản xuất hóa chất đấy. Bác sĩ phải đặt cho
con đủ lượng tiêm ba lần trong hai tuần. Sau đó, bác sĩ sẽ kiểm tra kết quả.

47
Và, lại chờ đợi, lại hi vọng kết quả kiểm tra của con. Cả nhà chưa hết hồi hộp
nhưng tự an ủi nhau rằng con vẫn may mắn được tiêm thuốc trong chuyến đi này.
Trông mặt Nhân, không ai có thể cầm được nước mắt vì ánh mắt con buồn, không hiểu
chuyện gì đang xảy ra, con ngồi im, không nghịch ngợm, không hỏi han, và dường
như con đang chờ được chia sẻ. Mẹ Còi biết rằng mũi tiêm sẽ làm con đau, sẽ làm con
sợ nhưng biết làm sao được khi điều đó là điều không thể tránh khỏi trên hành trình
giúp con trở thành một người đàn ông bình thường.
Mẹ Còi bắt đầu gọi điện thông báo cho mọi người. Cả nhà vẫn biết có một
người ở rất xa, ngày nào cũng gọi điện để hỏi thăm tình hình, đó là bác Sơn Michael,
cô Judy, và biết bao bố mẹ gửi thư, gọi điện sốt ruột xem con đi bệnh viện ra sao. Trái
tim non nớt của con đủ lớn để cảm nhận tình yêu thương của những người xung
quanh. Tin là cu Nhân sẽ vượt qua ba mũi tiêm trong hai tuần và các bố mẹ khắp nơi
đang nguyện cầu cho con.

48
“Đi về” và “Ở lại”
Ngày 08 tháng 10 năm 2009

Sáng hôm nay, có một cuộc chia tay không giống một cuộc chia tay nào cả,
cuộc chia tay giữa hai người phụ nữ cùng một “ông nhóc” trên hành trình gian khó.
Mẹ Còi phải về Hà Nội sau hai tuần chạy ngang dọc bệnh viện Nhi Texas,
thành phố Houston; còn bà ngoại phải kìm nén nỗi nhớ Hà Nội cùng với những lo toan
đời thường của một người bà, người mẹ và người vợ để ở lại chăm sóc Nhân trong
những ngày còn lại trên đất Mĩ.
Lo lắng, xót xa, biết ơn và yêu thương.
Mẹ phải về trước với những toan toan tính tính hằng ngày, vì cuộc sống không
phải cứ đột nhiên mà dừng lại, mẹ về trong ánh mắt sâu đầy cảm thông của bà ngoại
và gương mặt phụng phịu của con. Cu Nhân chưa hiểu được là ngày mai chỉ có bác
Tuệ và bà ngoại đưa con đi bệnh viện; và ngày mai, ngày kia nữa, thằng cu Nhân ba
tuổi và bà ngoại trên sáu mươi tuổi sẽ phải ở khách sạn xa lạ nơi nước Mĩ xa xôi cùng
nhau. Mẹ nhói lòng khi nghĩ đến câu nói đùa của bà: “Cả bà và Nhân đều ‘câm điếc
Xã Đàn’.” Bà không nói tiếng Anh, bà không biết sử dụng máy giặt cũng như các thiết
bị máy móc ở đây, bà không dám đi ra ngoài, không phải vì bà sợ lạc đường mà bà sợ
không ai hiểu bà nói gì, bà bảo, ngoài giờ phải đi viện, hai bà cháu sẽ nhốt nhau trong
phòng.
Cuộc sống mà, vẫn phải gạt đi những giọt nước mắt, dằn lòng mình để tiếp tục
hành trình chưa có điểm kết thúc. Mẹ vẫn phải về, cu Nhân ạ, và mẹ tin rằng chàng trai
của mẹ sẽ dũng cảm trước những mũi tiêm. Mẹ cảm thấy ấm lòng hơn khi nghĩ đến
bên cạnh mẹ còn có rất nhiều trái tim ấm đang dõi theo hành trình của con và vẫn động
viên mẹ hàng ngày qua email và điện thoại. Giữa những lo toan thường nhật của cuộc
đời, ai cũng bận rộn với gia đình nhỏ của mình. Nhưng bên cạnh đó, vẫn có những
người dù sống tại Việt Nam hay các nơi trên thế giới đang dành tình yêu cho “Chú lính
chì” bé bỏng. Thật ấm áp biết bao khi đọc những dòng chữ thân yêu từ các bố mẹ khắp
nơi. Tin rằng, với tình yêu lớn của bố mẹ khắp nơi trên thế giới, cu Nhân bé bỏng sẽ
sớm có tin vui.

49
Hai bà cháu ở Texas
Ngày 08 tháng 10 năm 2009

Mai Anh để báo thức lúc năm giờ sáng cho cả hai cái điện thoại – một của Mai
Anh, một là sim mới mua cho hai bà cháu dùng.
Nấu 1 gói mì, Mai Anh ăn một nửa, còn để lại cho hai bà cháu. Sáu rưỡi sáng xe
mới đến. Nhìn con gái xách va li đi mà lo. Ở nơi quá xa này biết sao đây. Ghi vội số
điện thoại của xe vào tay để lên phòng sẽ chép ra. Thấy vậy, con gái nói: “Đến sân
bay con sẽ nhắn tin cho mẹ. Không sao đâu.”
Nhân vẫn ngủ. Lát nữa dậy không thấy mẹ lại khóc và hỏi luôn mồm đây.
Lúc này là tối ở Hà Nội. Hiền Anh đang làm gì? Con có đau không? Có khó thở
không?
Ngồi máy tính viết cho con trai như đã hẹn. Sáng dậy con sẽ nhận được thư mẹ.

Đã tám giờ hơn. Mai Anh nhắn về đã xong thủ tục, đang ngồi ăn bánh mì để
chờ bay. Tốt rồi.
Nhân đã dậy. Hỏi mẹ một lúc. Bà nói mẹ về Hà Nội đi làm rồi, chỉ còn hai bà
cháu thôi. Chia nhau nửa bát mì vì bà chẳng muốn ăn. Xong hai bà cháu uống sữa. Sữa
Nhân mang từ nhà đi. Bà uống cà phê G7 mang sang và sữa Ông Thọ mua ở siêu thị
Việt Hoa bên này. Giá khoảng gấp hơn ba lần. Tại không hỏi con được mang bao
nhiêu cân. Cứ nghĩ chỉ hai mươi cân. Cứ sợ không mang được chất lỏng. Nhưng không
sao, lại có niềm vui nhâm nhi sữa Ông Thọ mua ở Mĩ.
Hai bà cháu chốt chặt cửa. Căn phòng nhỏ của một nhà trọ thì đúng hơn là
khách sạn. Có hai giường, có bếp ga, tủ lạnh, lò vi sóng, tủ bếp, ti vi, máy điều hòa.

50
Sạch sẽ. Mình tự dọn. Khoảng hơn một tuần mới có người dọn. Như thế là tuyệt vời và
quá rẻ. Ở đây lâu và còn phải tính lo cho Nhân. Bao người còn đang lo cho Nhân nữa. 
Mai Anh về rồi thì có điện thoại liên tục. Châu Dương ở xa phải bay tám đến
chín tiếng liền mới tới. Hồng cũng ở rất xa. Hồng bảo: “Con gọi cô máy khách sạn cho
đỡ mất tiền.” Đúng rồi, mất tiền là một nhẽ thôi. Đây đâu phải Việt Nam mà biết đi
nạp tiền. Chắc chuyến này về phải học tiếng Anh giao tiếp, không thì đi ra nước ngoài
cực quá. Hai bà cháu không ngủ được. Lại có điện thoại của hai bạn Châu Dương
ở Houston. Cháu Vân bằng tuổi Mai Anh hẹn đến và sẽ đón về nhà chơi cuối tuần. Bà
từ chối vì sợ Nhân nghịch quấy. Quỳnh xem ti vi và đọc trên mạng, gọi hỏi thăm và
hẹn sẽ đến chơi. Dung cũng hẹn đến. Bà cứ cảm ơn hết vì còn biết nói gì hơn. Cảm ơn
các mẹ, cảm ơn Châu Dương lo lắng cho hai bà cháu. Ăn đồ tủ lạnh không sao. Chỉ lo
nhỡ bà hay cháu ốm mà thôi. Bà ăn ít, lại khó ngủ. Già rồi mệt vậy đấy. Mọi sinh hoạt
đảo lộn theo múi giờ mà.
Mong cho đến sáng mai bác sĩ Tuệ đón hai bà cháu đi viện.
  Nhân lăn qua lăn lại mãi, ngủ rồi. Đã là gần ba giờ chiều – gần ba giờ đêm ở Hà
Nội.
Nhân hỏi:
- Bà nhớ nhà không? Cháu nhớ anh Minh và bố Nghinh lắm!
- Bố sắp sang đón hai bà cháu mình rồi.
- Bố cháu có xe máy, bố cháu đèo hai bà cháu mình về.
Cháu bây giờ mới ngủ trưa. Bà nhớ nhà lắm chứ. Người lớn tuổi hay sống bằng
kỉ niệm. Đi ô tô trên con đường rộng, nhiều làn đường, nhiều tầng cầu vượt, lại nhớ
con phố chật chội chen chúc. Hai bên đường là những dãy biệt thự một, hai tầng ẩn sau
các vườn cây với kiến trúc đẹp, màu sắc trang nhã, lại nhớ những ngôi nhà nhiều tầng,
nhiều màu, nhiều kích cỡ, nhiều kiểu dáng của Hà Nội. Chỉ nhớ thôi, chẳng so sánh
làm gì. Chỉ ao ước thôi, chẳng so sánh làm gì. Nhớ cái góc nhỏ bé của mình trong nhà,
với máy tính và những trang viết. Nhớ con gái hay ốm của mẹ. Nhớ Nhật Nguyên, Mai
Thi, Mai Nhật, hai cháu Minh nhà Mai Anh. Năm thằng cháu, thêm cu Thiện Nhân là
sáu. Chẳng đâu bằng nhà mình các cháu ạ. Chắc tại bà già. Chắc tại bao vui buồn và cả
mất mát đã gắn chặt mình với Hà Nội.
  Mấy ngày có con gái ở bên, được đi siêu thị rộng lớn, được đi ăn ở chợ Hồng
Kông có nhiều người Việt. Ăn phở ở Texas lại thèm phở Hà Nội. Mua gì đây giữa bao
hàng hóa, áo quần? Người vừa lùn vừa bé nên chẳng có gì vừa. May quá. Chợt thấy
một đôi dép nhỏ bằng chân mình. Đôi dép để chắc khó bán vì bé. Thế là có đồ kỉ
niệm Texas rồi. Chỉ không thể mua quà cho các cháu vì quy về tiền Việt thì đồ chơi và
áo quần quá đắt. Lương Văn Can vừa nhiều vừa rẻ. Tha lỗi cho bà thôi. Về nhà mình
đi mua thoải mái các cháu ạ. Mong việc của Nhân suôn sẻ để mau được về nhà mình,
phải không Nhân?
Cháu ngủ say. Tối không ngủ được thì gay lắm đây. Tối nay không có con gái
đây.

51
52
Bà thì chỉ mong cháu được tiêm và đi về thôi
Ngày 11 tháng 10 năm 2009

Tối qua ông Greig gọi và cố nói ngắn gọn bằng vốn từ tiếng Việt ít ỏi của mình.
Ông cứ nói: “Có hiểu không?” Khi trả lời là “Hiểu” thì “Mừng lắm”.
Vì nghe không rõ nên phải nhắn tin hỏi xem mai Nhân đi bệnh viên thế nào, và
nhắn là hai bà cháu buồn lắm. Ông sợ quá, bèn nhờ một cô Việt kiều gọi hỏi sao buồn.
Mai Anh về rồi, bố Greig của Nhân về thành phố của ông rồi. Hai bà cháu không được
đi đâu, không có ai thân thiết. Đơn giản, nhưng vì không hiểu hết ngôn từ Việt, thành
ra lo lắng. Cảm ơn Greig.
Lát sau bác sĩ Tuệ gọi đến. Lại khổ vì khó nghe. Vừa qua điện thoại lại vừa
phải giải thích về y học bằng vốn Tiếng Việt chỉ dùng trong giao tiếp của người Việt
sinh ra, lớn lên ở nước Mĩ thật khó. Cuối cùng thì cũng hiểu là chưa tiêm được vì còn
phải cân đo. Cân đo gì thì nghe không rõ. Cân nặng, đo chiều cao hay gì đó. Chịu. Bác
sĩ nhiệt tình mà cũng chẳng biết làm sao.
Thế là lại thêm ngày. Mình vốn là người chủ động ở nhà mà bây giờ bó tay.
Ngôn ngữ, phương tiện, quan hệ… Và cái chính là tình trạng của cháu đặc biệt quá. Có
ai rơi vào hoàn cảnh của cháu đâu, mà y học dẫu tiên tiến như vậy cũng chưa từng
thấy.
Nhân ngủ say. Chỉ khi cháu ngủ mới viết được. Đấy cũng là thói quen của bà.
Chỉ viết khi có một mình. Sáng nay Texas mưa. Mưa to. Sấm ầm ầm. Sáng hai bà cháu
ăn bánh mì và uống sữa. Trưa nấu mì với thịt bò xay, mẹ Mai Anh mua để sẵn. Ở nhà
chẳng ăn mì. Đến đây thì đành vậy. Mưa nhớ nhà lắm. Texas rộng, phòng đóng kín.
Không tiếng người, tiếng xe. Chỉ có mưa, Nhân nhìn qua cửa sổ.
Lúc này là hai giờ sáng ở nhà. Tất cả đang ngủ. May mà Nhân ngoan, biết điều.
Lấy gối từ giường mẹ Mai Anh sang, Nhân cũng bảo gối mẹ. Giặt bộ đồ Mai Anh để
lại cũng hỏi: “Bà giặt cho mẹ à?” Các cụ bảo có máu có tanh. Không, với Nhân phải
nói là trẻ con biết hết, ai yêu nó thì nó yêu. Nhân biết bố Greig, bác Sơn Phạm lo chữa
bệnh cho Nhân và thương Nhân. Nhân yêu bố mẹ và hai anh, một tình yêu máu thịt.
Nhân yêu anh em họ nhà mình. Yêu ông bà ngoại. Nhưng khi gửi ở bà vì ốm hay cuối
tuần mà bố mẹ sắp đón về là khoe: “Em sắp được về nhà rồi.” Còn bướng thì khỏi
nói.
Chiều nay cô Susan, Việt kiều sinh ở Mĩ, hẹn đi làm về đến đón hai bà cháu đi
ăn hay chơi gì đó. Có một cháu tên Hằng mới theo chồng sang Mĩ cũng hẹn Chủ nhật
tới, vì cháu chưa lái xe thạo các loại đường. Mọi người đón cũng tốt cho Nhân, được
ra ngoài. Bà thì chỉ mong cháu được tiêm và đi về thôi

53
Bà ngoại ơi, cháu nhớ nhà lắm rồi
Ngày 13 tháng 10 năm 2009

Anh chàng đang ngồi nỉ non bên cạnh: “Bà ngoại ơi, cháu nhớ nhà lắm rồi.
Bà ơi bà, cháu nhớ nhà lắm rồi.” Nhân lấy giấy bút vạch loằng ngoằng rồi nói là
viết thư cho mẹ Mai. Cháu nhớ mẹ. Rồi lấy bút vẽ tay mình tay bà, đâm đầu bút vào
tay bà bảo lấy máu. Khám bệnh nhiều quá mà.

 
 
Ngày 10 tháng 10
Thế là Nhân có áo ấm cô Hằng mua vừa xinh. Cô Hằng người Hà Nội nên mua
giò, mua bánh giò, bánh dày cho hai bà cháu. Còn nóng và thơm quá. Rồi cô Tường
Vân đến với một anh bảy tuổi, sinh ở đây nhưng nói tiếng Việt sõi. Anh thương Nhân
quá. Mẹ cho tiền lại mang cho em để em mua quà. Mấy anh em chơi vui trong căn
phòng nhỏ. Tiếng cười, lời thăm hỏi chia sẻ thân thiết.
Đến gần trưa, nhà cô Hằng về thì hai bà cháu theo cô Vân về nhà. Nhà cô ở khá
xa, phải đi khoảng 40 phút. Vân cứ hỏi: “Bà ăn được đồ Mĩ không?” “Bà ăn được
nhưng muốn ăn cơm bình thường thịt kho, canh rau.” Vân gọi điện cho chồng: “Anh
cắm cơm nấu cho em hai bò gạo.” Hỏi sao nấu nhiều vậy thì nói: “Có bà.” Bà ăn ít
mà cứ lo bà đói. Anh bạn mới của Nhân kêu: “Con không muốn đi học, chiều để chơi
với Nhân.” Các loại đồ chơi được lôi ra. Các bạn trẻ lần lượt đến. Nhân cuốn từ đồ
chơi này sang đồ chơi khác, kể cả bộ nồi niêu, búp bê… Một anh đến lấy đồ Nhân
đang chơi, thế là Nhân cào anh luôn. Anh khóc ré lên vì anh cũng còn bé. Cu Nhân
đánh xong chạy tót vào buồng ngủ của cô Vân trốn. Một bữa cơm gia đình đơn giản
mà bà ăn ngon. Nhân thì ăn lung tung. Ăn ít cơm thì cô làm mì, rán gà. Kết quả anh
chàng hay ăn lung tung đêm về đau bụng. Hai bà cháu phải dậy đêm ba lần – đi vệ
sinh, uống thuốc. Không ị đùn là may rồi. Chơi thì chơi nhiệt tình nhưng nhất định về
khách sạn. Ở đây thì đó là nhà. Chia tay vợ chồng cô Vân ở khách sạn vì cả hai cô chú
đưa về.
54
 
Anh chàng đang ngồi nỉ non bên cạnh: “Bà ngoại ơi, cháu nhớ nhà lắm rồi. Bà
ơi bà, cháu nhớ nhà lắm rồi.” Nhân lấy giấy bút vạch loằng ngoằng rồi nói là viết thư
cho mẹ Mai Anh. “Cháu nhớ mẹ.” Rồi lấy bút vẽ tay mình, tay bà, đâm đầu bút vào
tay bà, bảo lấy máu. Khám bệnh nhiều quá mà.
Về khách sạn để còn đi với cô Susan. Bà mệt rồi nhưng muốn cho cháu đi chơi.
Cô chưa có gia đình nhưng rất yêu trẻ, rất thương Nhân. Đây là nơi vui chơi thứ ba cô
cho hai bà cháu đi. Những trò chơi nhẹ nhàng, phù hợp lứa tuổi, thông minh. Nhân
thích lắm. Chơi chẳng chịu về, chẳng chịu ăn. Phải ăn cô mới đưa cho một xèng để
chơi tiếp. Thế là anh chàng ăn vội để chơi. Cô thương Nhân, cứ bế cháu chơi, chơi
cùng cháu và nói là rưng rưng nước mắt. Bà thì chỉ ngồi ăn hay uống nước mà xem
thôi. 
Tối lại ông Greig, bác Sơn gọi điện động viên hai bà cháu. Nhân nói chuyện
xong lại mếu máo với bà: “Bà ơi bà cháu nhớ nhà lắm!” “Bà ơi bà, về nhà đi!”
Ngày 11 tháng 10
Sáng, hai vợ chồng Hằng – Huy và bé Chi đến, mang cho xoong để nấu cơm:
“Bà nấu cơm đừng ăn mì. Cần gì con mua cho.”
Cảm ơn hai cháu đã lo cho bà như lo cho mẹ mình vậy. Ở xa, Texas bắt đầu
lạnh mà tình cảm thật ấm áp. Lại thêm cô Thư, người Sài Gòn sang đây đã 10 năm. Cô
mới sinh con được tháng rưỡi mà nhiệt tình. Nhân lại có áo rét mới vừa vặn. Hai cô
đều khéo và tình cảm. Cô Thư sẵn sàng đưa hai bà cháu đi viện, thứ Ba đi đón bố
Nghinh.
- Thế em bé thì sao? 
- Con gửi bà nội, không thì chở theo. 
Hay vậy đấy. Ở Hà Nội tìm đâu gái đẻ như vậy. Một tháng trời còn kiêng đủ
thứ. Cảm ơn các mẹ của Thiện Nhân lắm.
Mà chẳng phải bảo, Nhân đi chơi chiều nay gọi luôn cô Hằng là “mẹ”. Bé Chi
chưa đầy hai tuổi đi sau, còn Nhân thì cô Hằng bế. Vào khu vui chơi gọi là “Bảo tàng
trẻ em”. Đêm qua mất ngủ vì Nhân đau bụng nên bà mệt quá. Ra khỏi cửa, chú Huy lại
bảo: “Cháu muốn dẫn bà đi xem nhà hát ngoài trời Miller Outdoor Theater.” Đẹp
quá. Cứ tưởng ngoài trời thì chơ vơ, hóa ra có mái chéo rất tuyệt, những hàng ghế
nhựa sạch, thẳng lối. Người đến xem ca nhạc có thể ngồi ghế, có thể nằm trên đồi cỏ,
trải khăn, mang đồ ăn uống, nằm nghe nhạc. Trên sân khấu rộng đang khớp nhạc các
bài hát Mễ. Nếu không lạnh chắc bà chẳng về vội. Đêm nay nhạc miễn phí mà.
Về khách sạn thôi, bác sĩ Tuệ đang gọi đưa sơ đồ đường đi và giấy hẹn chiều
mai ba giờ đưa Nhân vào viện. Bác sĩ hỏi: “Bác cần gì không?” Chỉ cần bác sĩ lo cho
Nhân ở bệnh viện mà thôi. Mai cô Susan nghỉ việc để đi cùng chú Quang đưa hai bà
cháu đi. Mong ngày mai suôn sẻ. Lòng nhân ái thì ở đâu cũng gặp, phải không cháu?

55
Cân đo và mũi tiêm thứ nhất
Ngày 14 tháng 10 năm 2009

Bác sĩ Tuệ thật cẩn thận, đã in cho 2 bà cháu cả chỉ dẫn đường đi, chỉ dẫn
phòng khám bệnh. Texas rộng mà, đi đâu cũng thấy rõ là lâu mới tới. Mẹ Mai Anh
bảo ở Texas cứ như là nhảy từ cửa sổ tầng hai xuống thẳng lưng ngựa để rồi phi
một mạch. Đường ô tô chạy mà tới 40 phút thì đâu có gần. Khu vực bệnh viện toàn
nhà cao tầng, đi như vào một thành phố khác.
Bệnh viện hẹn ba giờ. Cho Nhân ăn xong dỗ mãi mới ngủ. Chỉ có hai bà cháu là
Nhân chuyên ườn èo, bắt nạt bà. Bà không dám ngủ vì sợ lỡ quên giờ mà mẹ Mai Anh
khi đi không dặn hai bà cháu cách để báo thức bằng di động. Soạn áo cho hai bà cháu.
Một bộ dự phòng: Đã có lần đi chơi ị đùn, có lần đi chơi ướt hết quần áo. Trẻ con mà.
Rồi áo khoác vì lo trời trở lạnh. Cô Susan báo 10 phút nữa chú Quang tới đón. Dựng
anh chàng dậy bảo đi khám bệnh nào. Thế là tỉnh ngay. Lau rửa sạch sẽ – lát khám
bệnh mà, thay quần áo.
Đi mãi, qua bao đường và các cây cầu vượt. Susan đã gửi vào email đầy đủ
đường đi lại cho chú Quang. Anh bạn trẻ này chỉ cần mở di động là có. Lại thêm một
người cẩn thận nữa.
Tầng 11. Chú Quang xếp hàng vì còn phải nói tiếng Anh. Bà và Nhân ngồi
trông nhau. Tranh thủ chụp vài kiểu ảnh ghi nhớ.
Có mắc mớ gì không biết. Người hỏi và trả lời không rõ ý nhau. Gì vậy nhỉ?
Nếu trục trặc thì gay lắm. Lại lùi thì chết. May quá được đi đóng tiền. 3.000 đô la cho
ba mũi tiêm và còn thêm tiền khám nữa. Lúc chia tay, mẹ Mai Anh đã đưa cho bà một
cái thẻ, dạy bà trả thẻ và ghi mã số lại. Mẹ Mai Anh dặn cứ trả tiền chữa bệnh, mua
thuốc cho Nhân là bà toàn quyền sử dụng thẻ này. Đã được cầm máy hẹn rồi. Làm
xong thủ tục là được phát một máy nhỏ. Đến ai là máy phát đèn nhấp nháy gọi. Khỏi
ngóng ngóng sợ mất lượt như ở nhà mình.
Vào phòng khám rồi. Chú Quang đi cùng hai bà cháu vào. Bà nói từ lúc trên
đường: “Lát cháu phải là phiên dịch đấy.” Quang có vẻ hiền, toàn thấy cười thôi.
Trước nhất là vào Phòng cân đo để còn tính tỉ lệ thuốc. Cô y tá áo hoa mập mạp cười
tươi. Nhân bám chặt bà nên bà đành nói cân cả hai bà cháu, rồi cân bà riêng trừ đi vậy.
Cô y tá cười vui vẻ. Cháu 11 cân. Không hiểu cái chân mất đi trọng lượng bao nhiêu?
Đo chiều cao cho Nhân trên bàn, để nằm như em bé chưa biết đứng. Lại “Bà ơi!” Thế
là bà giữ đầu cho cố định, còn cô y tá giữ chân. Đơn vị đo của Mĩ khác nhà mình, bà
chưa kịp quy đổi về mét.
Sang buồng thứ hai. Chờ bác sĩ (bà hiểu thế). May quá, bác sĩ Tuệ đến. Yên tâm
rồi vì có bác Tuệ là có chuyên môn, có người hiểu về Nhân, lo cho Nhân đây rồi. Bác
sĩ Tuệ vẫn đang mặc quần áo mổ. Bà hiểu là bác sĩ phải tranh thủ. Một cô bác sĩ tóc
đen, mảnh mai (so với người ở đây) vào phòng. Cô trao đổi với bác Tuệ những gì bà
không rõ, bà chỉ đoán chắc là về hoàn cảnh cháu. Bà sang đây lúc nào cũng chỉ đoán
đại khái. Ai cũng tốt với hai bà cháu mà. Lát sau cô khám cho Nhân. Cháu khóc một
chút rồi thôi ngay, vì có gì đâu, có ai làm đau cháu đâu. Nét mặt cô lặng lặng, chắc cô
56
cũng xúc động. Cô đi rồi, bác sĩ Tuệ nói: “Đây là bác sĩ giúp cho một bác sĩ khác. Lát
nữa bà bác sĩ đó sẽ tới.”
 

 
Ở bệnh viện trẻ em, chỗ nào cũng có truyện tranh và đồ chơi nhỏ. May quá có
truyện cô Lọ Lem. Bà theo hình vẽ kể Nhân nghe. Cháu nhớ ngay bà tiên, que thần, cô
Lọ Lem, hoàng tử. Nhân có trí nhớ tốt.
Bà bác sĩ vào cùng một bác sĩ nam và bốn, năm nữ bác sĩ khác. Lát, lại thêm
một người nữa. Mọi người trao đổi, hỏi nhau, lắng nghe nhau. Bà nhìn như thấy mắt
bà bác sĩ hơi xúc động. Các bác sĩ khác im lặng. Sau đó xem thực trạng cháu. Nhân lại
gào một chút, tay vẫn giữ cuốn Lọ Lem.
Mọi người trao đổi lâu lắm. Và cháu được đi chích thuốc ngay. Bà mừng quá,
vội bấm máy cho mẹ Mai Anh để nói lời cảm ơn với bác sĩ Tuệ, các bác sĩ Mĩ. Mới
hơn bốn giờ sáng ở Việt Nam, mà vừa gọi mẹ Mai Anh đã nghe máy ngay. Thế là mẹ
Mai Anh không ngủ vì lo hai bà cháu trong viện đây mà. Xa xôi quá, lời nói ngắn mà
không nghe rõ. Bà bác sĩ nói không cần cảm ơn đâu, đó là việc bà phải làm, rồi cùng
bác Tuệ dẫn con sang phòng tiêm. Bà bác sĩ nói với nơi tiêm, quay đi quay lại xem xét.
Bác sĩ Tuệ hay thật. Là bác sĩ mà lại sợ nghe Nhân khóc khi tiêm. Bác Tuệ bảo
với bà: “Bác ở trong đó, cháu không vào đâu.” Chú Quang mở điện thoại cho Nhân
bấm trò chơi mà Nhân vẫn khóc. May không đánh rơi điện thoại. Tiêm xong, ra đã
thấy bác sĩ Tuệ đang lấy giấy hẹn thứ Tư, thứ Sáu, thứ Bảy – ba tờ. Bác sĩ Tuệ đi cùng
xuống thang máy, dặn dò, chào rất cẩn thận. Bà không hơn bác Tuệ bao nhiêu tuổi mà
bác Tuệ phong cách lịch thiệp, lễ phép làm bà ngại quá. Người Hà Nội lâu nay vốn tự
nhiên như người Hà Nội mà.
57
Cu cậu Nhân đói rồi. Xuống xe đã hỏi: “Chú ơi bây giờ mình đi ăn
chứ?” “Bà ơi có kẹo không?” Cô Susan lại đang chờ rồi. Chuyển ô tô sang xe cô, đi
ăn. Bà nói: “Cho bà ăn cơm Việt Nam thôi.”
Bà mệt rồi. Ở nhà thay đổi thời tiết bà hay đau đầu. Bà mệt vì thời gian sinh
hoạt thay đổi, kể cả đi ô tô nhiều. Chiều nay tâm lí cũng căng thẳng. Cháu tiêm được
rồi. Tiêm trong tuần thôi. Tuần sau về rồi.
Về phòng, mệt quá. Nhắn vội cho con gái là mẹ đau đầu và đi nằm. Bây giờ thì
cũng kể xong cho các mẹ về con rồi. Cảm ơn mọi người lo cho hai bà cháu. Cô Hồng
từ xa gọi rồi. Hằng, Thư gọi rồi. Có hai cô gọi sắp tới rồi. Cô ở Cali gọi thăm hỏi. Bác
Sơn gọi động viên. Bố Greig gọi từ bốn giờ sáng, lúc ở viện. Chắc quên nên Greig nói
tiếng Mĩ với bà, rồi mới nhớ ra, nói chậm vài lời tiếng Việt. Hai bà cháu không sao
đâu mọi người ạ.
 

Cô Susan, tình nguyện viên Kids Without Borders với cu Nhân

58
Bà ngoại - Nhân - Bệnh viện
Ngày 16 tháng 10 năm 2009

(Sau mũi tiêm thứ hai)


Bà ngoại
Bốn giờ sáng giờ Việt Nam, di động của mẹ Còi đổ chuông. Vồ lấy điện thoại,
chỉ kịp nghe tiếng bà ngoại nói vội: “Này, con nói chuyện với bác sĩ này.”
Bà không cần biết tiếng Anh, dẫn cháu đi bệnh viện kiểu rất gangsters Texas,
rút phắt điện thoại, “điều khiển” từ Mĩ về Việt Nam. Mũi tiêm thứ hai trong viện đã
được bà “điều binh khiển tướng” như thế.
Cu Nhân
Hai anh Minh nhớ em, xin mẹ gọi điện thoại sang gặp Nhân. “A lô anh à, a lô
em à...” Nhân sướng, ríu rít được ba câu, tự nhiên méo xẹo không nói chuyện nữa.
Nhân mếu máo: “Mẹ ơi cho con về nhà, con nhớ nhà, cho con về với anh…”
Đang vui mà ông em mếu máo làm hai anh Minh buồn theo. Ba anh em nhớ
nhau, van vỉ mẹ, làm như mẹ Còi mang tội lớn lắm của việc chia xa này.
Bệnh viện
Theo yêu cầu của Endocrine & Diabetes Clinic, Texas Childrens Hospital
(Bệnh viện Nội tiết và Đái tháo đường trực thuộc Bệnh viện Nhi Texas) các
hình ảnh chụp cu Nhân tại viện, gia đình chỉ được phép giữ làm kỉ niệm, không được
phép đưa lên web.

59
“Bà ơi, bao giờ cháu có hai chân
bà mua xe đạp cho cháu nhé!”
Ngày 17 tháng 10 năm 2009

- Nhân ơi nhanh lên đi chơi. Các cô đến rồi.


- Dép của cháu đâu rồi?
- Hai chiếc dép của cháu đây này.
- Cháu chỉ có một chân cơ mà...
***
- Nhân ra ăn cơm.
- Cháu còn cho tàu hỏa chạy đã.
- Nhân nhanh lên không cơm nở đầy bát rồi!
- Cháu còn đổ xăng cho tàu hỏa của cháu đã.
***

   
- Bà ơi bao giờ cháu có hai chân bà mua xe đạp cho cháu nhé.
- Bà sẽ mua cho cháu. Cháu có đèo bà không?
- Bà già bà không ngồi được xe đạp đâu.
***
- Bà ơi bà đeo kính vào không mù mắt đấy.
- Nhân, đừng bẻ gãy kính của bà!
***

60
 
 
- Đây là xe của cháu.
- Không phải, của cả ba anh em chơi chung.
- Không, của cháu.
- Nhân chơi một mình có buồn không? Chơi một mình mà không cho anh chơi thì sao?
- Thì là ích kỉ, tham lam. Nhưng đồ chơi của cháu.
***
- Nhân không được ăn mận nữa. Cháu ăn mấy quả rồi?
- Hai quả.
- Ăn nhiều thì sao?
- Thì đau bụng. Bà cho cháu ăn nho vậy.
***  
- Nhân không được nghịch, hỏng ti vi!
- Bà ơi trong này có gì?
- Trong này có con chuột, có con ngựa, súng, có cả thằng ác ăn thịt người mà cháu
đang xem đấy. Cháu mà nghịch nó chạy ra là hai bà cháu chạy không kịp đâu.
- Cháu sờ có thấy đâu?
- Ở đằng sau đây này. Nó bị nhốt đằng sau. Cháu nghịch hỏng máy là nó chạy ra đấy.
***
- Nhân ơi nhanh lên đi chơi. Các cô đến rồi.
- Dép của cháu đâu rồi?
- Hai chiếc dép của cháu đây này.
- Cháu chỉ có một chân cơ mà…

61
Mũi tiêm thứ ba và xét nghiệm máu
Ngày 19 tháng 10 năm 2009

Mũi tiêm thứ hai hình như đau hơn mũi tiêm thứ nhất, mũi tiêm thứ ba lại
đau hơn, vì Nhân khóc mỗi lần lại nhiều và to hơn.
Mũi tiêm thứ ba
Vẫn đi hai tiếng nhưng đường đông ô tô. Chiều thứ Sáu, mọi nơi đều nghỉ sớm.
Cả hai chiều đều nối dòng xe. Chú Quang lái lẹ, nên đến nơi vẫn đúng giờ.
Xuống tầng B2 để xe. Lên tầng 1. Rồi lên lầu 11. Bà ngoại đi nhiều đã thuộc
đường rồi, thuộc cả đường đi từ khách sạn đến bệnh viện. Nhưng lúc về thì chịu, vì
loằng ngoằng lắm. Mọi thủ tục nhanh hơn vì các cô chú đã quen với bệnh nhân này.
Nhân được bố bồng nên không mang theo xe đẩy nữa cho nhanh. Anh chàng sướng
lắm vì lúc được bế, lúc ngồi trên vai bố.
Ba người lớn cầm cái máy nhắn tin của bệnh viện và ngồi nói chuyện, chờ đến
lượt vào tiêm. Bỗng Nhân kêu lên: “Đèn nhấp nháy rồi, vào thôi.” Nhân giỏi quá.
Nhân cứ nghịch mà vẫn để ý tất cả.
Bệnh viện chiều thứ Sáu vắng vẻ. Bà y tá mọi khi tiêm cho Nhân đã thay quần
áo để chuẩn bị về. Vừa trông thấy bà, Nhân đã khóc. Anh chàng gào trước khi đau.
Chích vào mông một ống tiêm nhỏ thật nhanh của một người lành nghề, bà vừa tiêm
vừa dỗ giọng ngọt ngào. Mọi nhân viên y tế ở đây đều ngọt ngào và thân thiện với các
bệnh nhân nhỏ.
Xét nghiệm máu
Sáng thứ Bảy, bên phòng khám bệnh nghỉ. Nhân xét nghiệm bên tòa nhà khác,
cạnh đó. Đây hình như khu điều trị hay cấp cứu gì đó, vì có người ra viện, có người
nằm viện đang truyền thuốc, đẩy thuốc đi lại. Người đón, người thăm, mang hoa ra
vào
Chú Quang dẫn đường từ nơi này qua nơi khác. Vào làm thủ tục, đưa cả hộ
chiếu của Nhân, địa chỉ khách sạn. Sang chỗ khác lại nộp giấy tờ, nộp tiền. Sang chỗ
khác lấy máu. Gọi là “sang” thôi, chứ tìm ngược xuôi, đi lên đi xuống các tầng. Cả nhà
rồng rắn đi.
 

62
Nhân gào to lắm
Cô y tá người mập mạp như nhiều người gặp ở Texas này. Cô nói chuyện với
Nhân, dỗ Nhân. Chỉ một thoáng đường truyền đã dẫn máu. Ba ống nghiệm. Cháu gào
to lắm nhưng vẫn ngồi im trong lòng bố. Cô y tá bảo Nhân thế là rất ngoan, vì đa phần
trẻ quẫy đạp mạnh lắm. Ra ngoài, thấy chú Quang là chìa tay ra mách: “Chú ơi đây
này.” Bà và bố cũng tái mặt. Nhân bé tẹo, ba ống máu nhỏ thôi nhưng cũng nhiều thế.
Biết là việc cần phải thế mà cứ xót xa.
Mười hai giờ trưa thứ Hai cháu sẽ lại vào viện gặp các bác sĩ. Lại chờ đến thứ
Hai.

63
CON TRAI ĐÃ TRỞ VỀ HÀ NỘI

Con trai đã trở về Hà Nội

Ngày 27 tháng 10 năm 2009

Viết vội vài dòng

Các mẹ ở Houston và Nhân chia tay. Về mấy ngày, các mẹ và ngoại email qua
lại, ríu rít nhung nhớ lắm. Ai cũng đòi nhận ngoại của Nhân là ngoại của mình.

Trước lúc xa Houston Nhân cũng biết buồn


 

64
Đi lại dịch chuyển và chờ đợi ở các sân bay bao giờ cũng thế này: Người lớn
tha lôi lỉnh kỉnh, còn cu Nhân ôm một chiếc ô tô nghịch, không chút vội vã hay mệt
mỏi.
 

Sân ga Houston mênh mông còn Nhân nhỏ xíu. Chiếc ô tô màu xanh này Nhân
được tặng tại Houston. Nhân thích đến thế, mà về tới nhà là: “Hải Minh ơi, Nhân tặng
Hải Minh này!”
Nhân hay trốn gọi anh Hải Minh mà chỉ kêu tên, nhưng đưa cho anh bao giờ
cũng bằng hai tay.
Vừa về đến nhà con trai đã bị sốt virus triền miên. Em út mà, nên hai anh Minh
vừa sốt xong lại chuyển cho ông em một chút cho giống nhau. Thuốc giảm sốt của các
mẹ Houston trang bị cho cu Nhân đã được sử dụng hiệu quả ngay rồi.
Nhân sốt ngoan lắm, không kêu la, đòi hỏi gì cả. Nhân luôn nhắc mẹ là: “Bác sĩ
bảo con phải uống nước.” Hôm nay đã là ngày sốt thứ tư.
Quan trọng nhất là những lo lắng từ cuộc họp qua điện thoại giữa bệnh viện Mĩ
và mẹ Còi, bố đỡ đầu Greig lúc nửa đêm giờ Việt Nam. Tuần tới, gia đình sẽ nhận
được kết quả test vẫn hằng trông đợi từ bệnh viện bên Mĩ chuyển về Việt Nam.
 

65
Đã hai tuần, ba anh em thay nhau sốt trên 40 độ và tiêm, truyền liên tục. Mẹ
Còi không được ngủ là mấy, nên người bình thường nhìn chẳng khác ba “ông” bệnh
nhân. Bà ngoại vừa về lúc nửa đêm thì sáng đã phải mắt nhắm mắt mở vào viện
Nhi trông anh Hải Minh truyền thuốc. Bao nhiêu vấn đề từ việc chữa bệnh của con, mẹ
Còi chưa có lúc nào để chia sẻ được. 

66
Truyền

Ngày 30 tháng 10 năm 2009

Nhân ốm, ỉu xìu như con cún con buồn bã. Sáng nay cu Nhân phải vào viện
Nhi để truyền cho dứt sốt rồi.
Anh em mỗi người mỗi nơi thì buồn và nhớ nhau, nhưng mà ở cạnh ôm hôn, cãi
cọ nhau rồi lây sốt virus hết cả thế này đây. Anh Hải Minh thì cũng vừa mới quay lại
đi học sau hơn ba tuần nghỉ. Anh Minh bé đã bé rồi càng bé hơn. Còn cu Nhân đã bé
bỏng rồi còn bé bỏng hơn.

67
Kết quả xét nghiệm đang trên đường về Việt Nam

Ngày 11 tháng 11 năm 2009

Bệnh viện bên Mĩ đã báo kết quả đang gửi bưu điện về Việt Nam. Họ không
bảo kết quả ra sao, nên chỉ có chờ, ngày nào cũng nghĩ là hôm nay sắp nhận được.
Chắc là sắp nhận được rồi. Cu Nhân có được mổ ca mổ quan trọng trong cuộc
đời cu Nhân hay không, dự tính suôn sẻ thì sau Noel được mổ hay không, đều phụ
thuộc vào cái phong bì này mở ra tin gì. Lo đến độ không nghĩ đến nó nữa thấy tốt
hơn.
Phong bì kết quả chậm chân hơn bác Sơn của Nhân. Mới vừa chia tay ở
Houston, bác Sơn và cu Nhân đã lại ôm hôn nhau ở Việt Nam.
 


 
Thiên Minh bảo: “Hay nhỉ, bác Sơn cũng chỉ là quan tâm đến Nhân nên biết
nhà mình, thế mà bây giờ lại trở thành người thân.” Ba anh em gặp bác Sơn là vui
cười hớn hở.

68
Tin Giáng sinh cuối cùng đã không đến

Ngày 24 tháng 12 năm 2009

Chờ đợi mãi vẫn chưa nhận được kết quả từ bệnh viện Mĩ. Với cu Nhân và
tất cả các bố mẹ, tin này quan trọng bậc nhất…
Chờ đợi mãi vẫn chưa nhận được kết quả từ bệnh viện. Với cu Nhân và tất cả
các bố mẹ tin này quan trọng bậc nhất, muốn đọc nhất nên mẹ Còi biết việc ăn ngủ
nghỉ và nghịch của cu Nhân tạm xếp vào hàng thứ yếu. Chắc các bố mẹ đều muốn hỏi
tại sao lâu vậy? Câu hỏi đó mẹ Nhân cũng thường xuyên hỏi phía bệnh viện và chờ dài
cổ cái tờ giấy kết quả này.
Hôm nay Xmas, Nhân hát hò cả ngày, từ sáng đã mặc bộ quần áo ông già Noel
tí hon để vui chơi ở nhà trẻ, bây giờ là 9 giờ tối mà Nhân vẫn đang leo lên leo xuống
mấy tầng gác và hát líu lo.
Nhân hát vậy là vì hôm nay Hà Nội ấm áp hơn, Nhân dễ chịu hơn. Suốt đợt vừa
rồi rét căm căm, cu Nhân khóc ỉ ôi cả đêm vì đau nhức xương. Tối nào đi ngủ cũng
hôn nhau “Con chúc mẹ ngủ ngon!” và “Mẹ chúc con ngủ ngon không khóc nhè!”
nhưng đêm nào Nhân cũng rinh rích úp mặt lên gối và bịt miệng khóc. Nhân bịt miệng
vì Nhân đủ lớn để biết khóc sẽ làm mẹ mất ngủ, nhưng tưởng tượng xem, giữa đêm đã
nghe rên i ỉ, còn nghe tiếng khóc bị bịt chặt miệng vì thằng bé không muốn mình nghe
thấy sẽ cảm giác thế nào.
Cu Nhân vẫn đáng yêu thế. Nhân đã cao hơn nhiều dù vẫn nhẹ cân lắm. Nhân
mặc quần áo rét của anh Minh bé vừa in, còn Minh bé thì cao hẳn lên, quần ngắn
ngang chân hết cả. Mẹ mua quần mới cho Minh bé, giải thích với Nhân là anh lớn rồi
nên không mặc vừa quần nữa, còn Nhân mặc vừa xinh quần của anh. Nhân cũng xúng
xính lắm, nhưng mấy ngày lại tâm sự: “Mẹ ơi mẹ xem này, con lớn lên rồi này, nhìn
con cao chưa này… Con lớn rồi mẹ phải mua quần mới cho con nữa.”
Nhân cũng nguyên tắc lắm. Các cô giáo ở nhà trẻ cũng phải chịu Nhân. Nhân đi
ị, các cô chùi cho nhiều lần rồi nhưng cu con nhất định không chịu và cương quyết:
“Cô phải rửa cho cháu cơ, vì ở nhà mẹ cháu rửa cho cháu.” Cả trường, toàn bộ trẻ em
đều xúng xính chụp ảnh để ghép hình làm lịch gia đình, nhưng chỉ riêng cu Nhân dứt
khoát: “Cháu không thích là không thích.” Không có cách gì giúp các cô dụ Nhân
được. Thế mà khi mẹ Phong Lan Tím mời chú chụp ảnh đến trường Nhân, chỉ cần dặn
dò Nhân trước: “Chụp ảnh này để gửi cho các bố mẹ, con phải ngoan.” Nhân đầy tinh
thần trách nhiệm, miệt mài chạy khắp các ngóc ngách của trường một cách rất tự nhiên
và “nghệ thuật”.
 

69
70
Cái tin không ai mong muốn nghe

Ngày 17 tháng 01 năm 2010

Cuối cùng, cái tin xét nghiệm không ai muốn đã về tới gia đình Nhân.
Không có dấu hiệu hoạt động của cả hai tinh hoàn.
  Vậy, theo bác sĩ, con trai sẽ phải chờ đến năm chín tuổi mới phẫu thuật và cấy
ghép được.
  Nỗi lo canh cánh, làm sao con có “con chim xinh xinh” để sáu tuổi đi học của
các bố mẹ anh chị Nhân đã không xong.
Lí do:
1. Nếu phẫu thuật ngay thì tinh hoàn không hoạt động sẽ không to lên theo con trai
được. Vậy con sẽ phải cần các cuộc phẫu thuật khác khi trưởng thành hơn. Làm vậy,
được ước vọng sáu tuổi nhưng sẽ phá hỏng các phần da thịt ít ỏi quý giá còn sót lại.
Cần biết tiết kiệm cho cuộc phẫu thuật quan trọng của cuộc đời con. 
2. Nếu tinh hoàn không hoạt động sẽ phải lo cả đời việc trị liệu hormone.
3. “Chú lính chì” sẽ phải cam đảm.
4. Và cần lắm những tấm lòng biết yêu thương, khi mà có lúc hàng nghìn vạn yêu
thương ngày ngày, đêm đêm, nhiều khi không chiến thắng nổi chỉ một điều ác độc rơi
vào thằng bé đúng thời điểm.

71
Đã có nhiều việc xảy ra

Ngày 01 tháng 5 năm 2010

Nhiều việc đến nỗi mẹ Còi không đủ “thoải mái” để viết nhật kí cho Nhân.
Nhiều việc là vì:
1. Cái chân mới đá mông anh Thiên Minh được, cái chân mới đi cả ngày không bị rơi
ra, cái chân mới tuy chuẩn hơn nhiều, nhưng các cô chú Văn, Thanh... tại Đức đang
kết nối để giúp cu Nhân sang Đức vào đầu tháng Sáu gặp bác sĩ tốt nhất về chân giả,
mong muốn sắm cho con cái chân nhẹ nhất, thuận lợi nhất.
2. Nhân lại chuyển nhà lần thứ ba trong vòng có hai năm.
3. Cu Nhân chơi quay, tò mò nghiêng đầu, ghé cái mắt xuống đất xem quay nó quay ra
sao, bị nó ROẸT MỘT CÁI cắt cho một đường chéo môi. 
4. Cu Nhân vừa qua kì khám bệnh tại bệnh viện Singapore National University
Hospital (Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore) được bác sĩ Prabhakarn khám với
mong muốn có thể điều trị hormone tại đây. Lần đi này có anh Minh bé đi cùng giúp
một tay (Minh bé bảo: “Con giúp bằng hai tay đấy chứ!”). Mẹ bế Nhân lên xuống các
tầng gác để chụp chiếu, Minh bé đẩy xe và ngồi trông ba lô, quan trọng nhất là khi cu
Nhân khóc thì Minh bé dỗ em với nét mặt đầy âu lo. Nhân la hét nhiều quá, ngủ thiếp
đi tại viện là Minh bé cứ lo và thắc mắc là tại sao người ta lại tiêm thuốc mê cho em,
và mẹ chỉ cho con chỗ người ta tiêm xem có làm em đau không.

Chờ siêu âm tại bệnh viện Singapore


 

72
 
Sol (con cô Elka), Nhân, Minh bé và Iron Man ngồi xếp hàng cùng Nhân chờ đến lượt
tại bệnh viện
Bữa ăn trưa trước giờ hẹn bệnh viện với họa sĩ Lee (họa sĩ nổi tiếng người
Singapore lập trang blog riêng CHEW ON IT! để gây quỹ cho cu Nhân) và những
người bạn, các độc giả của ông trên cột tranh hoạt hình tại tờ Singapore Sunday Times
thật vui. Nhờ cu Nhân mà có người mới có dịp biết mặt họa sĩ nổi tiếng của loạt tranh
CHEW ON IT! – ông Lee Chee Chew!
Đến Singapore, cu Nhân được gặp những người bạn mới chỉ gặp nhau qua
email, qua hình ảnh... Bức ảnh dưới không có Lee vì ông là người bấm máy ảnh. Có
mấy người thôi mà các quốc tịch khác nhau: Việt Nam, Canada, Singapore, Malaysia,
Philippine. Cu Nhân đang nghịch Iron man do bà Latta, mẹ của chú Adarsh tặng.
 

73
 
Quan trọng nhất là bác sĩ tại Singapore National University Hospital cho biết,
trước khi Nhân vào cuộc điều trị dài tại Mĩ khi chín tuổi, các bác sĩ ở đây có thể phẫu
thuật giúp Nhân “phần nào” trước khi vào lớp 1. Về lại Việt Nam với lịch hẹn gần nhất
là đầu tháng Bảy, và trong thời gian từ giờ tới đó bệnh viên và gia đình sẽ liên lạc qua
email để thống nhất xem sẽ làm được gì và chi phí sẽ thế nào. Mẹ Còi là người nắm
quyền quyết định có phẫu thuật hay chờ đến khi Nhân chín tuổi, nhưng giúp cho quyết
định của mẹ Còi “chuẩn xác nhất” còn có bố Greig và cô Elka – là những người thân
trong gia đình của Nhân.

74
ĐI Ý
Rời Hà Nội

Ngày 14 tháng 10 năm 2010

Vẫn như mọi lần cu Nhân đi chữa bệnh, lần này Nhân rất oai phong trên cái ô tô
của chú Thuận với biết bao lời dặn dò và nhắn nhủ. Hải Minh và Thiên Minh buồn lắm
vì nhớ mẹ, nhưng vẫn như mọi lần, đưa cu em ra sân bay, ôm hôn nhau và dặn em phải
ngoan, phải chăm sóc mẹ, không được làm mẹ mệt.
Chuyến bay này cũng thật dài. Hà Nội qua Bangkok rồi đến Paris, từ Paris đến
Bologna để gặp bác sĩ. Sau 29 tiếng rời khỏi nhà thì mới được ngả lưng tại khách sạn.
Cu Nhân rất rất ngoan, ngủ trên máy bay, tự ăn hết suất, tự xem hoạt hình Dragons, tự
chơi trong bóng tối một mình, khẽ khàng chờ mẹ ngủ bên cạnh... Không một tiếng
than hay quấy. Đến được sân bay Paris, trời tờ mờ sáng và thật rét. May có Na Hương
trẻ trung bay cùng, không quả thật chỉ hai mẹ con thì oải đến thế nào. Nhân ngán ngẩm
hỏi: “Sao vừa xuống máy bay lại lên máy bay nữa à, mệt quá.” Còn mẹ Còi thì bảo
với Na Hương: “Chuyến đi này chị thấy mệt quá, nghĩ đến một ngày lại bay thế này
nữa chắc không chịu nổi. Hình như qua mấy năm chị già đi nhiều rồi. Không biết đến
lúc Nhân 18 tuổi tự đi lại được, tính từ giờ là còn 14 năm nữa chị có còn cố nổi
không.”
Đến sân bay Bologna thì chờ Greig từ Thổ Nhĩ Kì cũng bay sang để lo liệu việc
gặp bác sĩ với cu Nhân. Chị Phượng, người Hà Nội sang học ngành kiến trúc tại Ý, đi
sáu tiếng tàu từ năm giờ sáng để gặp hai mẹ con tận sân bay, tiếp sức cho hai mẹ con
bằng Pizza Ý chính hiệu. Cũng nhờ có chị Phượng nhanh nhẹn và tài giỏi, không cu
Nhân đã bị ghi phạt 80 euro vì bị cảnh sát bắt, can tội ngồi trên ghế trước của ô tô.
Đến được khách sạn Roma ở Bologna, đã là 29 tiếng trôi qua kể từ lúc kéo va li
ra khỏi nhà. Mẹ Còi mệt, nằm thẳng cẳng luôn, khỏi ăn uống gì. Nhân cũng chỉ ăn trên
máy bay và ngủ. Thất thường đến độ mấy ngày sau Nhân cũng chưa đi ị.
Đi xa, Nhân ngoan ngoãn và cố gắng hơn ở nhà. Nhân giữ đúng lời hứa, không
quấy mẹ, không làm mẹ mệt thêm. Chỉ khi mặt rất đần, mẹ hỏi mãi Nhân mới nói là:
“Con muốn về Nguyễn Đình Chiểu với anh Thiên Minh anh Hải Minh!”

75
Chúng mình cùng muốn gì cho con trai?

Ngày 27 tháng 10 năm 2010

- Một cái “chim” xinh xinh lớn cùng con trai theo ngày tháng.
- Một cái chân giả, làm sao giúp con đi lại được dễ dàng.
Hai mẹ con vừa trở về sau chuyến đi sang Ý gặp bác sĩ “chim cò” và bác sĩ
chân. Toàn tin tốt lành cả nên chuyến đi dù thật là mệt, thật là xa... cũng không có
nghĩa lí gì so với những thông tin thu thập được.
Con sẽ có cả hai điều còn thiếu hụt một cách hoàn hảo nhất, chỉ cần sắp xếp tốt
về chi phí và thời gian. Những ngày ở Ý và Đức, đi lại vất vả, mẹ Còi cũng không thật
khỏe khoắn, nên bây giờ về tới nhà rồi sẽ “hoàn hồn” viết nhật kí thụt lùi cho cu Nhân
mỗi ngày.
Nhưng dù nhật kí gì thì tin tốt lành và một tương-lai-có-tương-lai là điều ai
cũng ngóng đợi, và bây giờ có thể bắt đầu vui rồi!

76
Tết năm nay là cái Tết quan trọng nhất

Ngày 18 tháng 11 năm 2010

Chỉ trông đợi có bác-sĩ-phép-màu giúp cu Nhân có cái “chim” xinh xinh có
thể lớn theo con cùng năm tháng. Gặp được bác sĩ De Castro tại Ý trong chuyến đi
khám bệnh vừa rồi, mẹ Còi không muốn bắt cu Nhân chờ đợi thêm ngày nào với
mối hoài nghi: “Hải Minh ơi, xem giúp Nhân cái “chim” của Nhân đã mọc ra tẹo
nào chưa?”
Vậy nên lịch phẫu thuật tái tạo “chim” của cu Nhân đã được chọn vào dịp Tết
âm lịch sắp tới. Nghĩ sâu xa có thể là muốn con bắt đầu một năm mới đầy ý nghĩa
bằng một ca phẫu thuật định mệnh, nhưng thực ra ca phẫu thuật cần ba tuần thì dịp
nghỉ Tết là dịp thuận lợi nhất để mẹ Còi không phải nghỉ việc quá thời hạn của cơ
quan. Chỉ thương Minh lớn và Minh bé.
Lịch phẫu thuật thì phải đặt trước, việc cần làm thì phải cố làm, nhưng chưa
biết có đủ sức không. Greig đã động viên mẹ cố gắng, cứ quyết ngày phẫu thuật đi rồi
cùng nhau đi tìm tiền cho Nhân. Bác sĩ tại Ý cũng đọc blog của Nhân, biết con trai có
nhiều người ủng hộ từ khắp nơi nên bệnh viện đã gửi báo giá giảm tới gần 50% chi phí
phẫu thuật cho cu Nhân. Tổng chi phí cần cho ca phẫu thuật và ba tuần tại Ý sẽ là
75.000 đô la. Greig, với tư cách cá nhân, đã gửi thư kêu gọi đi rất nhiều nơi, và hi
vọng ngày 26 tháng 01 con trai vẫn lên máy bay sang Ý, để ngày 29 tháng 01, là thứ
Bảy sẽ là ca mổ. Con số mà Greig kêu gọi thành công sẽ được cập nhật và báo tin vui
cho các bố mẹ của Nhân nhé.

77
Những mũi tiêm hormone nam đầu tiên

Ngày 16 tháng 12 năm 2010

Hôm nay là mũi tiêm hormone nam thứ hai, và cũng là việc hoàn thành hai
mũi hormone bắt buộc phải xong trước ngày tái tạo bộ phận sinh dục hai tuần, theo
yêu cầu của bác sĩ Ý.
Nhân là con trai và vẫn phải tiếp tục là con trai. Mũi thuốc này đau, bác sĩ bảo
thế. Và Nhân sẽ phải tiêm định kì đến cuối cuộc đời.
Cu Nhân được chăm sóc hormone nam tại Family Medical Practice Hà Nội,
thuốc được đặt từ Thái Lan.
Trước khi tiêm, mẹ Còi phiên dịch những lời dặn dò của bác sĩ tới Nhân:
“Nhân chú ý nghe này, con sẽ chuẩn bị phải tiêm cái kim tiêm này vào mông, sẽ đau
đấy nhé, nhưng sẽ tốt cho con. Mũi tiêm này sẽ giúp “chim” của con mọc lên nhanh
hơn.”
Và Nhân đã không khóc một tiếng nào.

78
Chuẩn bị cho chuyến đi

Ngày 15 tháng 01 năm 2011

Đêm 25 tới sẽ lên đường. Từ giớ tới hôm đó còn 10 ngày.


10 ngày để lo toan, co kéo sao cho trọn vẹn hành trình.
10 ngày cu Nhân sẽ phải ở tịt trong nhà, không được đến trường với các bạn, vì
tuyệt đối con trai không được ốm. Nếu sức khỏe có vấn đề thì sẽ phải hủy cả chuyến
đi, theo yêu cầu của bác sĩ.
10 ngày Nhân phải uống một số vitamin để bổ trợ sức khỏe cho ca phẫu thuật
quan trọng kéo dài bảy đến mười tiếng đồng hồ.
10 ngày, mỗi ngày ông bà lại mua một thứ quần áo, giày... đại ấm áp made in
Vietnam về vì sợ con cháu bị rét trong những ngày lạnh nhất tại châu Âu.
Cái va li to nhất đã được ông ngoại để sẵn ở giữa phòng, để mẹ Còi nhớ ra cái
gì thì mỗi ngày lại bỏ sẵn vào va li cho khỏi quên. Lần nào đi xa cũng vậy, ông biết thế
nào mẹ Còi cũng vội vội vàng vàng vào phút cuối cùng, vẫn còn cố đi làm rồi “chạy
sô” ra sân bay. Có lần còn nhớ nhầm cả giờ bay, lỡ cả chuyến.
1001 việc cho 10 ngày.

79
Hành trình đến Ý của “Chú lính chì Thiện Nhân”

Ngày 26 tháng 01 năm 2011

Hôm qua, bé Thiện Nhân cùng mẹ và anh Thiên Minh ra sân bay để đến
Frankfurt (Đức). Trong suốt 12 tiếng đồng hồ, Thiện Nhân ngoan ngoãn nghe lời mẹ
và anh Minh. Đến nơi, ba mẹ con lại vội vàng mua vé máy bay đến Ý. Sau hai chuyến
bay, ba mẹ con mệt mỏi bắt xe taxi về khách sạn. Ngày mai Nhân sẽ đến bệnh viện
gặp bác sĩ và làm các xét nghiệm.

80
Mẹ ơi con đói quá rồi

Ngày 27 tháng 01 năm 2011

“Khổ quá đi mất!” – Nhân vừa mếu máo khóc.


Bây giờ là 5 giờ 40 phút sáng. Nhân đói quá, vì hôm qua mệt, về tới khách sạn
là ngủ không cách gì gọi được. Mẹ với anh Minh bảo nhau: “Thôi để em ngủ rồi ăn
sau.” Ai ngờ bệnh viện gọi buổi tối, dặn là không được ăn gì sáng mai để còn chụp và
xét nghiệm, chuẩn bị cho thứ Bảy phẫu thuật. Thế là Nhân nhịn nguyên cả một ngày
rồi, mà mới chỉ được ăn uống tàm tạm trên máy bay thôi.
Thế mới khổ. Không lường được trước sự việc, tội nghiệp Nhân quá! 8 giờ mới
vào viện, không biết bao lâu thì Nhân được ăn.
- Mẹ ơi con đói quá rồi!
- Ừ chịu khó thôi con, không mình không mổ được. Mẹ cũng đói mà.
- Sao mẹ không ăn bánh đi?
- Không, mẹ không ăn. Bao giờ con được ăn mẹ mới ăn.
- Mẹ ăn bánh đi.
- Nhưng mà con chưa được ăn mà.
- Mẹ ăn trước đi không mẹ đói đấy. Con chờ khám xong con ăn cũng được.
Nhân nói mà giọng méo xẹo nhưng vẫn biết thương mẹ.

81
Hai giờ chiều thứ Bảy
sẽ phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục

Ngày 28 tháng 01 năm 2011

Cu Nhân mới trải qua các xét nghiệm và chụp chiếu, chuẩn bị cho ca phẫu thuật
kéo dài tám giờ đồng hồ vào 8 giờ sáng tại Bologna, tương đương 2 giờ chiều giờ Việt
Nam. Mẹ Còi sẽ được vào phòng mổ với Nhân. Nhưng xem sao đã, vì mẹ Còi không
dám chắc có chịu nổi tám tiếng này không.
Anh Minh lớn theo Nhân đi làm tất cả các xét nghiệm và giải thích cho Nhân
những yêu cầu của bác sĩ: “Em quay trái, quay sang phải, hít vào, thở ra...” “Em
không được ra ngoài trời lạnh, vì nếu ốm hay ho sẽ không phẫu thuật được”...
Nhân đã trải qua các xét nghiệm không một tiếng khóc, không một tiếng thở
dài.
Nhân rất tự tin khi có anh Minh lớn bảo vệ: “Mai em mổ rồi nhưng em không
sợ đâu. Em thích có “chim” giống anh Hải Minh!”
Mẹ, anh Thiên Minh và Greig sẽ ở bên cạnh Nhân lúc phẫu thuật.

82
Tin vui về Thiện Nhân

Ngày 29 tháng 01 năm 2011

Thay mặt gia đình cháu Thiện Nhân, xin được chúc năm mới Tân Mão hạnh
phúc thành đạt!
Cháu Thiện Nhân đang đón tết Tân Mão năm nay tại bệnh viện Bologna, Ý. 2
giờ chiều giờ Việt Nam ngày thứ Bảy tuần này (25/01/2011), tức 8 giờ sáng tại
Bologna, Ý, cháu Thiện Nhân sẽ trải qua tám tiếng phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục.
Khi ca phẫu thuật thành công, cháu Thiện Nhân sẽ có “con chim xinh xinh” như các
anh và tự tin tới lớp, đi vệ sinh cùng các bạn.
Trong suốt những năm qua, từ ngày đầu tiên cháu về với gia đình tới nay, cháu
Thiện Nhân đã nhận được biết bao yêu thương, đóng góp, và biết bao trông chờ cho ca
phẫu thuật định mệnh ngày mai.
Gia đình cháu xin được báo tin và chia sẻ tin vui này. Một lần nữa biết ơn sự
chia sẻ hết sức cảm động đã dành cho cháu suốt những năm qua.
Mai Anh và cháu Thiện Nhân cùng cả gia đình

83
Vẫn chưa thấy cửa phòng phẫu thuật mở ra

Ngày 29 tháng 01 năm 2011

2 giờ sáng ngày 29 tháng 01: Mẹ nhìn đồng hồ, bấm ngón tay tính xem mấy
tiếng nữa đến giờ đi mổ. Rồi lại nhìn đồng hồ, xem ở Việt Nam mình là mấy giờ rồi,
anh Hải Minh đang làm gì?
3 giờ sáng ngày 29 tháng 01: Mẹ đánh răng rửa mặt, chờ đến 8 giờ đưa con đi
mổ. Anh Thiên Minh nghe tiếng động, loạng quạng vào buồng tắm tìm mẹ. Anh bảo
anh sợ mẹ bỏ rơi anh rồi, nên anh vừa ngủ vừa canh chừng. Mẹ hỏi anh, sao mẹ lại bỏ
rơi anh chứ. Anh sợ mẹ thương anh ngủ ngon, không gọi anh dậy cùng đưa Nhân vào
phòng mổ. Anh Thiên Minh đã hứa với Nhân là sẽ ở trong phòng mổ với Nhân cho
Nhân đỡ sợ.
4 giờ sáng ngày 29 tháng 01: Nhân vẫn ngủ say. Tối qua, trước khi đi ngủ, các
bác sĩ vào thăm và kiểm tra tinh thần cả con cả mẹ. Bác sĩ giải thích tỉ mỉ cho mấy mẹ
con mai ca phẫu thuật sẽ thế nào. Con trai biết lo lắng hỏi xem có phải ngày mai con bị
mổ dọc từ cổ xuống bụng và chảy máu be bép không. Bác sĩ mô tả cho con là chỉ mổ
từ dưới rốn thôi và vết cắt sẽ rất không bị be bép máu. Nhân cười, bảo với mẹ: “Nếu
vậy chắc con sẽ không đau đâu, mẹ yên tâm, nhưng mà mẹ và anh vẫn phải vào phòng
mổ với con.”
5 giờ sáng ngày 29 tháng 01: Anh Thiên Minh hỏi thế nào mà mẹ nhận nuôi
em. Câu hỏi mẹ đã trả lời bao lần, mà đến giờ phút trọng đại của em thế này anh lại
nghiêm túc hỏi lại. Thì mẹ bảo, mẹ thấy em trên báo và vô tuyến thôi. Anh vẫn hỏi lại,
là con thì con không phản đối đâu, nhưng mẹ chỉ đọc báo thôi rồi mẹ đón em luôn, con
thấy mẹ cũng hơi bị điên. Mẹ có lúc nào hối hận không?
- Mẹ biết tại sao lúc mới về em cứ chỉ bám con mà không bám ai cả không?
- Ừ nhỉ. Mẹ nhớ em úp chặt mặt vào con không chịu ngẩng lên. Con có biết tại
sao không?
- Con cũng không biết, nhưng lúc mẹ đón em về con cũng bị choáng đấy.
- Tại sao choáng, mẹ kể với con và Hải Minh về em mà.
- Mẹ kể, và mẹ bảo mẹ đón em, nhưng mẹ không nói với bọn con ngày mẹ quyết
định thật. Mẹ này, chuyện mổ của Hải Minh hay nhỉ?
- Sao? Hải Minh mổ gì mẹ không nhớ?
- Thì em Hải Minh bảo khi mẹ đẻ em bác sĩ mổ THẲNG nên em không bị sao
cả, em đẹp trai lại thông minh. Bác sĩ mổ NGANG nên khi lấy con ra khỏi bụng mẹ
con lơ tơ ngơ hay quên. Còn Nhân thì bị mổ XIÊN nên mất một cái chân.
5 giờ 45 phút sáng ngày 29 tháng 01: Nhân tỉnh dậy, gọi mẹ và anh.

84
8 giờ sáng ngày 29 tháng 01: Nhân thay áo mổ và nắm chặt ngón tay anh
Thiên Minh suốt dọc đường vào phòng mổ.
2 giờ 23 phút ngày 29 tháng 01: Cửa phòng phẫu thuật mở ra lần đầu tiên. Cô
y tá thông báo: Cuộc phẫu thuật vẫn đang tiến hành tốt.

85
Con trai đã ra phòng hậu phẫu

Ngày 30 tháng 01 năm 2011

Sau chín tiếng đồng hồ, bác sĩ ra thông báo rằng ca phẫu thuật tiến hành trôi
chảy, ca phẫu thuật mất nhiều thời gian vì cần từ từ tái tạo và chỉnh cho con cái “chim”
thật đẹp.
Mẹ được vào phòng hậu phẫu với Nhân ngay nên không dùng Internet báo tin
được. Nhân nghe tiếng mẹ, mở mắt một chút, thều thào bảo: “Mẹ ơi con không khóc
đâu, mẹ đừng lo.” Rồi Nhân ngủ thiếp đi.
Thực ra mặt cu Nhân rất mệt mỏi, và đầy nước trong mắt.
Các y tá chăm sóc con đều sụt sịt hết khi thấy con chịu đựng như vậy.
Đêm qua Nhân đang ngủ thì bị nôn hết ra, phải thay toàn bộ ga gối. Lúc đó,
được thấy cái “con chim” của Nhân băng bó kín và được bác sĩ cố định cho nó dựng
đứng lên. Tuy còn đầy băng nhưng có vẻ đẹp đấy!
Bác sĩ tái tạo từ da của cu Nhân và nối vào phần cũ của cơ thể. Hi vọng hai
phần liền nhau và lưu thông máu. Mong rằng sau một thời gian nhìn không đẹp mấy
thì “con chim” sẽ đẹp như bình thường.
Con trai vẫn chưa tỉnh lại nên chưa nói chuyện được nhiều. Chờ con xem thế
nào rồi mẹ Còi sẽ báo tin tiếp.
Cần khoảng ba tháng thì vết thương sẽ lành lặn.

86
Đêm đầu tiên con vẫn li bì

Ngày 30 tháng 01 năm 2011

Đêm đầu tiên sau mổ, con vẫn li bì. Lâu lâu lại nói mê: “Mẹ ơi, mẹ ơi, con
không khóc.”
Trong tiềm thức của con là can đảm hay chịu đựng? Tuyết rơi dày ngoài kia,
trắng các ô cửa sổ, bầu trời và cây cỏ cũng phủ ga trắng xóa, nơi con nằm cũng trắng.
Sự sống trên giường bệnh kia nhỏ nhoi hay mạnh mẽ?
Con chỉ muốn làm một người đàn ông bình thường.

87
Chưa tỉnh

Ngày 31 tháng 01 năm 2011

Con vẫn phải ở phòng hậu phẫu vì đau nhiều và mệt nhiều. Thuốc giảm đau đặc
biệt có thể giúp con phải đặt trong chế độ kiểm soát toàn bộ cơ thể bằng máy móc.
Phòng hậu phẫu này rất hiện đại nên bác sĩ bảo không phải lo lắng nhiều, vì con hoàn
toàn nằm trong tầm kiểm soát.
Ca phẫu thuật đã xong, nhưng không phải như mẹ nghĩ, mổ xong là thành công.
Thành công nữa phải chờ tiếp theo là sự hồi sức và kết quả của “con chim” sau khi
được tháo băng. Hiện giờ, mới nhìn qua lớp băng dày như bó bột. Chỉ có tín hiệu đáng
mừng là Nhân kêu đau ở chỗ “con chim”, như vậy là ĐÃ CÓ CẢM GIÁC.
24/24 ở phòng hậu phẫu rất căng thẳng, vì Nhân te tua be bép, nằm bẹp và đau.
Mẹ có lúc chợt nghĩ, thằng bé đang yên lành vui chơi lại phẫu thuật đau đớn đến vậy.
Không ở cạnh Nhân khi phần cơ thể của con bị lấy đi, nhưng ở cạnh con giờ phút này,
mỗi thời khắc trôi qua thật kinh khủng. Mẹ thật không nghĩ được trước đau đớn sẽ đau
thế này.
Anh Thiên Minh thay mẹ đổi ca, ở cạnh con để khi con chợt tỉnh giấc, con mở
mắt ra rồi lại nhắm mắt, lại ngủ thiếp tiếp đi mà không phải hoảng hốt tìm người thân.
Nhân gọi: “Anh Thiên Minh ơi!” rồi xoắn chặt ngón tay anh và ngủ.
Mẹ Na Hương cũng đã đến “tiếp viện” kịp thời. Mẹ có tài giỏi cách mấy mà
trong lúc này không có Greig, mẹ Na Hương và Thiên Minh thì mẹ cũng chịu. Cả bốn
người quây vào con, ai cũng lờ đờ vì mệt và ai cũng muốn nhường người khác nghỉ
ngơi. Tất cả đều muốn ở cạnh Nhân lúc này.
Mẹ Na Hương đến giữa ngày trời tuyết mịt mùng, máy bay không hạ cánh
được, sân bay Bologna đóng cửa và hủy hết các chuyến bay. Máy bay của Mẹ Na
Hương hết nhiên liệu, phải đỗ xuống Venice và đi xe bus sang Bologna. Mẹ Na Hương
tới nơi sau chuyến bay dài với BÁNH CHƯNG, RUỐC, XÚC XÍCH, MÌ TÔM VÀ
CHÍP CHỊP cho riêng Nhân.

88
Nước mắt

Ngày 01 tháng 02 năm 2011

9 tiếng sau khi bàn tay bé xíu của con yếu ớt rời ngón tay mẹ và chìm vào với
thuốc gây mê, mẹ đang chờ con tỉnh lại. Nhân mong manh nằm trên giường bệnh
trắng toát, yếu ớt chỉ nghe tiếng máy theo dõi nhịp tim “tịch... tịch...”
 

Nỗi đau bốn năm trước


 

Sau bốn năm nỗi đau vẫn còn đó


 
Con đờ đẫn mở đôi mắt mệt mỏi đọng đầy nước mắt rồi lại thiếp đi: “Mẹ ơi, mẹ
ơi, con không khóc!”
9 tiếng sau khi bàn tay bé xíu của con yếu ớt rời ngón tay mẹ và chìm vào với
thuốc gây mê, mẹ đang chờ con tỉnh lại. Nhân mong manh nằm trên giường bệnh trắng
toát, yếu ớt chỉ nghe tiếng máy theo dõi nhịp tim “tịch... tịch...”
Mẹ vẫn nghiêm khắc với Nhân khi sự sống của con đã quá đủ nghiệt ngã. Mẹ
thường cao giọng cấm con: “Một khi đã là con trai thì không được khóc. Còn nếu
chẳng may lúc nào quá muốn khóc, nước mắt phải chảy vào trong.” Mẹ nói với con là
mẹ không bị mất chân mà mẹ cũng mệt mỏi với việc đi bệnh viện xa xôi và nhiều lần
đến thế này. Mẹ cố là vì con, nên con lại càng phải cố gắng.
Mẹ lại bắt con phải đương đầu với sự thật. Con người sợ sự thật. Con người
sống và che giấu sự thật. Con buồn vì thấy tại sao mẹ yêu con đến vậy mà mẹ để con
bị mất chân, mất “chim”. Mẹ muốn con phải trả lời, khi biết mẹ vậy con có còn yêu
mẹ?
Bốn tuổi, trong phòng mổ chờ bác sĩ gây mê, con không la hét, không trốn chạy
mà biết giấu nỗi sợ hãi vào bên trong để mà chấp nhận. Bốn tuổi, con biết quả quyết:
“Dù mẹ có làm con thế nào, con vẫn yêu mẹ, vì mẹ là mẹ của con.” Và con biết tỉ
tê: “Sau này hai anh nuôi vợ, còn con, con nuôi mẹ.” Bốn tuổi, con đối đầu với thiếu
89
hụt, con không oán thán với tất cả các ác ý, trêu đùa, không mệt mỏi với tất cả những
cắt xẻ và lắp ráp trên cơ thể. Bốn tuổi, con biết cách ước mơ. Phép màu và siêu nhân là
những giấc mơ không có thực, còn ước mơ của con bé bỏng và thực đến ghê lòng, như
chính sự hiện diện của con trên cõi đời này vậy. Con biết chọn chỉ mơ giấc mơ được
một ngày “con chim” mọc ra và to giống như “con chim” của anh Thiên Minh, Hải
Minh vậy.
Thiện Nhân, giọt nước mắt con nhỏ nhoi lăn khỏi khóe mắt khi con mê man
gọi: “Mẹ ơi, mẹ ơi, con không khóc.” Mẹ xin lỗi con, Thiện Nhân, mẹ đã đặt con vào
quy luật khắc nghiệt của thế giới con người khi con còn bé bỏng thế này. Thiện Nhân,
mẹ cũng giống như những khi dạy con không khóc, không oán giận. Nhưng giờ phút
này đây, khi hơi thở con yếu ớt dưới tấm ga trắng che đi phần cơ thể thiếu hụt đầy đau
đớn, lòng mẹ nát tan và đầy thù hận.
Con trai can đảm và vị tha, không bao giờ khóc, Nhân ơi. Nước mắt nuốt nỗi
đau vào trong lòng rồi nước mắt sẽ ứa ra khi chính lòng mình đang khóc. Mẹ yêu con,
Thiện Nhân.

90
“Con chó con” liền da

Ngày 11 tháng 02 năm 2011

Bác sĩ và y tá cả bệnh viện đều yêu Nhân, ngày nào Nhân cũng được nhận quà.
Có cô y tá được anh Minh và mẹ gọi là: “Người yêu Nhân đến kìa” vì từ khi
Nhân còn mê man đến giờ, ngày nào cô cũng hôn Nhân từ chân tới đầu.
 

Giao tiếp trong bệnh viện: Bà áo trắng nói tiếng Ý, bà áo xanh dịch sang tiếng
Anh, anh Thiên Minh dịch tiếp từ Anh sang tiếng Việt để Nhân thực hiện yêu cầu... và
ngược lại.
 

91
Mẹ Na Hương phụ trách ca ban ngày kiêm bế vác cho Nhân đỡ đau, gội đầu
cho Nhân, và khi cần, Nhân lại thỏ thẻ gọi đúng người cần gọi: “Na Hương ơi con
muốn đi ị!” (Mẹ Còi quá sướng, có thằng con thông minh biết không nên gọi mẹ lúc
nào!)
 

Bác sĩ và y tá còn yêu anh Minh hơn, vì anh Minh bôi thuốc và băng bó cho
Nhân gọn gàng.
Anh làm thì Nhân yên tâm nên không khóc, y tá thay băng thì Nhân căng thẳng,
sợ chết khiếp đi được. Nhân la toáng lên: “Sao tay y tá gì mà run thế?” 
Anh bảo với mẹ là về Việt Nam anh sẽ phụ trách việc bôi thuốc và thay băng
cho Nhân, vì anh biết làm rồi!
92
 

- Anh Minh ơi, “chim” của em đẹp không này…


- “Chim” của Nhân xịn thế còn gì, cả thế giới có mình “chim” của Nhân đẹp
nhất!
- Anh xem này, “chim” của em xịn chưa này, em bẻ thế này mà nó cũng
không bị gãy...
- Nhân phải biết giữ gìn “chim” đấy nhé, nó không mọc lại thêm một lần nữa
đâu.
- Anh ơi, anh xem này, “chim” của em còn đẹp hơn cả “chim” của anh.

93
Về nhà cũng là điều kì diệu

Ngày 12 tháng 02 năm 2011

Mọi điều bất ngờ đều là từ Nhân ra. Thứ Hai anh Minh sẽ được đi học, mẹ Còi
được về với Hải Minh, Na Hương với Greig cũng được quay trở lại vòng quay điên
cuồng của công việc và các chuyến công tác dày đặc đi khắp thế giới...
Phẫu thuật xong, Nhân “te tua” phải ở thêm phòng hậu phẫu ngoài dự định vì
Nhân đau nặng quá. Cả nhà đã phải phân công Na Hương và Thiên Minh về trước, còn
Greig và mẹ Còi ở lại, chờ Nhân về sau. Vé máy bay cũng bị thay đổi hết lịch trình.
Hóa đơn bệnh viện cũng vì thế mà tăng theo, vì chỉ riêng chi phí phát sinh cho một
đêm ở phòng hậu phẫu là 2.000 euro (khoảng 60 triệu đồng).
Nhưng bắt đầu từ thứ Ba (11 ngày sau khi mổ), hồi phục thì Nhân cũng như
Thánh Gióng, lành lại mau chóng. Vẫn băng bó và phải giảm đau, nhưng Nhân tươi
tỉnh không kêu la. Bác sĩ kiểm tra các dây thần kinh, mạch máu đều kết nối tốt, phần
thịt màu đã dần có sắc, các máu đen tụ tan dần dần...
Bác sĩ đồng ý cho Nhân về Việt Nam, ghi chuyển hồ sơ và hướng dẫn cho Nhân
về Việt Nam, và gửi thư cho bác sĩ Việt Nam gửi gắm Nhân. Cả hội mừng run, ôm hôn
nhau và hát cả ngày đêm. Greig và Na Hương chia tay bác sĩ, đi mua thuốc cho Nhân
mang về, đến nửa đêm mới xong để chuẩn bị hôm sau về.
Đồ ăn của các mẹ, mặc dù ăn liên tiếp các bữa từ phút nhận được, nhưng vẫn
còn và được mang theo trong va li để không phụ lòng của các mẹ, và vì Nhân lại khoái
món nấm, pa tê và xúp gà. Giò thì được cho vào túi xách tay mang theo ăn trên đường
cho hành trình bay dài.
Đại diện của Vietnam Airlines tại Đức lo cho mấy mẹ con chỗ ngồi vào giờ
chót và ưu tiên cho cả nhà ngồi phía trên, thoải mái hơn cho Nhân và đảm bảo có hành
trình bay tốt nhất.
Mẹ hỏi Na Hương, Thiên Minh hỏi Greig, rồi lại cùng hỏi bác sĩ cho chắc
chắn... Rồi lại cùng tự bảo nhau, chắc Nhân đặc biệt vậy nên không phải đơn giản mà
ngày xưa ngay từ khi mới đẻ, bị thương tan nát và nằm một mình trên đất lạnh, Nhân
vẫn sinh tồn sau 72 tiếng kinh hoàng như vậy. Một lần nữa được thấy sự kì lạ về cả
sức chịu đựng và khả năng sinh tồn của Nhân. Hành trình tái tạo bộ phận sinh dục vẫn
còn một vài bước nhỏ trước khi hoàn thiện. Nhưng không sao, sau khi chứng kiến ca
đại phẫu thuật, mẹ thấy yên tâm, Nhân sẽ qua được hết.

94
VỀ VIỆT NAM
Vết mổ có mủ

Ngày 17 tháng 02 năm 2011

Cu Nhân về được hai ngày, khi tất cả vẫn còn đang ngái ngủ theo múi giờ của Ý
thì vết mổ của Nhân có mủ. Chiều thứ Tư, vác vội Nhân vào bệnh viện để sát trùng,
lấy mủ làm xét nghiệm.
Ảnh chụp vết thương cũng được gửi ngay cho Dr. De Castro và cũng nhận được
ngay hướng dẫn. Quan trọng nhất bây giờ là vết thương phải khô được, các mạch máu
và dây thần kinh được tái tạo và kết nối qua cuộc phẫu thuật đều đang tiến triển tốt.
Tám rưỡi sáng mai, thứ Sáu, quay lại Family Medical Practice Hà Nội để xem
kết quả và xử lí tiếp. Đây cũng là nơi tiêm hormone nam định kì cho Nhân.

95
Thông báo của mẹ Măm

Ngày 28 tháng 02 năm 2011

Thông báo với các bố mẹ là hôm qua mẹ Hương và mẹ Linh đã đến thăm Thiện
Nhân. Vì mẹ Còi vẫn còn rất mệt từ hôm đi Ý về nên chưa thể post thông tin về Nhân
lên cho các bố mẹ biết được. Tình hình là vết nhiễm trùng của Nhân vẫn chưa khỏi,
nhưng cũng không nặng thêm. Lúc các mẹ đến cũng là lúc bác sĩ đến thay băng cho
Nhân. Cứ tưởng cu cậu sẽ khóc thét lên khi thay băng, nhưng mọi việc diễn ra im ắng
trước sự ngỡ ngàng của các mẹ. Chỉ một lúc sau đã thấy cu cậu nhảy lò cò từ trên cầu
thang xuống (khâm phục Nhân quá!) với một khuôn mặt tỉnh bơ. Theo bác sĩ thì vết
nhiễm trùng của Nhân không nghiêm trọng lắm, nhưng nhanh khỏi hay không thì lại
phụ thuộc vào Nhân, vì nếu Nhân biết giữ gìn, chạy nhảy ít, tránh va chạm nhiều thì
vết thương sẽ nhanh liền. Điều đó quả là khó khăn đối với một đứa trẻ lên bốn như
Nhân.
Còn về vụ “chim cò” của Nhân thì có lẽ ít người có thể hiểu được tường tận.
Mẹ Còi nói, có kể thì các mẹ cũng khó có thể hình dung được, nên tốt nhất là cho các
mẹ xem luôn quyển tài liệu có cả hình ảnh cho dễ. Tóm lại là quá trình tái tạo “chim
cò” cho Nhân rất gian nan. Các bác sĩ đã phải lấy chính phần da thịt ở bụng của Nhân
để rồi bây giờ Nhân đã có một “con chim xinh xinh” với hình dáng và chức năng
không khác gì của Hải Minh và Thiên Minh (có điều vì mới nên có thể chưa đẹp
bằng).
Đúng là được nhìn, được nghe mẹ Còi kể mới thấy Nhân đã phải trải qua một
thời gian cực kì khó khăn. Đến bây giờ mọi người vẫn không thể hiểu nổi tại sao Nhân
lại có sức chịu đựng ghê gớm đến như vậy. Ngay cả mẹ Còi nhiều khi cũng phải hỏi
xem Nhân có thấy đau không, nhưng cu cậu vẫn thản nhiên trả lời là con không đau.
Không hiểu con đang cố chịu đựng để mọi người đỡ lo, hay là thật sự con không thấy
đau thật. Nhưng dù là thế nào đi chăng nữa thì “Chú lính chì” của chúng ta đã rất dũng
cảm, kiên cường, xứng đáng được các bố các mẹ yêu nhiều, nhiều hơn nữa.

96
Hai tuần vất vả đã trôi qua

Ngày 01 tháng 3 năm 2011

Từ sau khi vết mủ bắt đầu xuất hiện, mỗi ngày nó một to ra thêm. Hằng ngày
đến viện thay băng và được bác sĩ khám, hằng chiều có chú y tá đến nhà sát trùng và
thay băng. Nhân cũng bị mắng và dọa mỗi ngày vì tội cứ nhảy nhảy làm vết rách càng
ngày càng to, đến cả nhà, cả các y tá, bác sĩ đều tiếc và bực mình với Nhân. Bà ngoại
phải nhốt Nhân lên cái ghế, chẳng nhẽ lại seat belt Nhân cố định lại chứ nhắc nhở suốt
cả ngày, một tí là Nhân lại quên và di chuyển.
Một tuần gửi ảnh sang cho Dr. De Castro hai lần. Vết đau không nguy hiểm,
không ảnh hưởng đến kết quả của “con chim xinh xinh” nhưng làm bác sĩ không vui vì
lâu lành hơn dự định.
Mẹ Còi vừa email sang Ý các hình ảnh mới nhất chụp vết đau và mô tả với bác
sĩ tình hình: “Vết đau đã khô hơn rất nhiều, cháu Nhân không đau.”

97
Niềm tự hào của bà ngoại

Ngày 02 tháng 3 năm 2011

Các mẹ biết không, đọc trên mạng về cậu bé Việt Nam đầu tiên đến Nam Cực,
bà ngoại nghĩ thương và tự hào về cháu mình – Thiên Minh. Bài viết trên mục Nhịp
sống trẻ. Giá như có thể viết về cháu lên đấy. Nhưng như vậy thì buồn cười quá phải
không? Bà chỉ kể với các mẹ mà thôi – kể như một lời tâm sự, chia sẻ. Tết qua cháu
theo mẹ sang Ý để giúp mẹ trông em Thiện Nhân. Tiếng là sang Ý thôi chứ bay một
chặng dài, xuống là vào viện ở trên đồi xa thành phố. Không có cháu, mẹ dù có cô Na
Hương giúp cũng rất mệt. Thiên Minh có thể bày trò chơi, có thể nói chuyện linh tinh
hợp với Nhân cho em vui, em quên bớt cái đau. Nhìn qua màn hình máy tính, thấy
Thiên Minh căng thẳng bên em những ngày sau mổ, Thiên Minh lo lắng đứng bên bác
sĩ nghe dặn dò, hỏi han, Thiên Minh ra sát máy thì thào về nhà: “Nhân vừa thay băng,
đau lắm, em ngất đi đấy. Thôi cháu vào đây, bà chờ máy nhé, bác sĩ vào.”
Cháu rất thích ăn mì Ý. Cả nhà đều bảo, chuyến này đi Ý là hợp với Thiên
Minh rồi. Tha hồ ăn nhé. Chẳng biết được mấy bữa, cháu đã gọi bà: “Bà ơi cháu sợ mì
rồi. Cháu nhớ cơm và phở lắm. Bà nhớ ngày đón cháu, bà nấu phở cho cháu ăn nhé.”
Chả là ở nhà bà cứ thương các cháu đi học sớm, vội vàng, toàn ăn ngũ cốc với sữa
tươi, cứ sáng thứ Bảy là nấu phở cả nhà cùng ăn. Một lũ bốn thằng bé mang ra hàng
lích kích lắm. Bát của Thiên Minh là cả nắm thịt bò đầy, thịt bắp hoa cực giòn và
ngon. Mì Ý ở Việt Nam chắc nấu cũng pha chút Việt cho thích hợp, cũng giống như
phở Hà Nội trong Sài Gòn vẫn nấu nước ngọt cho hợp vị người trong ấy. Mấy mẹ con,
cô cháu ăn mì Ý trên đất Ý chắc khó quen. Ngày ba bữa. Nửa tháng đều đặn. Mấy mẹ
con lại ăn mì ở bệnh viện. Bà chẳng đi đâu xa mấy khi, nhưng bà suy ra cơm bệnh viện
không thể bằng cơm ngoài tiệm chứ chưa nói cơm ở nhà mình. Thiên Minh ăn mì Ý ở
bệnh viện cơ mà.
Sáng mấy mẹ con về Việt Nam. Ông và cậu đi đón. Còn bà ở nhà nấu phở, chờ
Thiên Minh. Bà yêu Thiên Minh lắm. Ông và dì và cậu cũng vậy. Thiên Minh là dạng
“con đầu cháu sớm” mà. Thế là phở bò, cánh gà rán – món khoái khẩu của cu cậu.
Về Việt Nam, Thiên Minh lại chịu trách nhiệm thay băng cho em Nhân. Nhìn
cháu nhẹ nhàng, tỉ mỉ bóc băng cũ, lau cho em, rồi bôi thuốc, băng mới mà lắc đầu. Bà
biết bà không làm nổi. Bà chỉ nhìn thôi mà đã ngại ngần. Bụng cu Nhân còn đầy vết
khâu đang thành sẹo. “Chim” mới tạo còn đang sưng tấy, còn nhằng đường chỉ, còn
chưa xuống màu da... Lặng đi... Thương cả hai anh em. Phục cả hai anh em. Mẹ Mai
Anh và cả cô Na Hương cũng không làm nổi. Thiên Minh là con trai, là anh. Cháu
hiểu điều đó và làm tất cả.
Thiên Minh về thứ Bảy, thứ Hai tới sau đó đi học. “Cháu nhớ lớp học lắm bà
ạ.” Thiên Minh chưa đi học, bạn gọi đến bảo: “Bà ơi, bảo bạn ấy về đi học không thì
nhiều bài để luyện vào đội tuyển học sinh giỏi Toán lắm.” Sao nhỉ, từ bên Ý thì bảo
sao được nhanh đây. Đi được thứ Hai thì thứ Ba vừa đi một chút đã thấy về. Thiên
Minh mặt tái mét, đau bụng, nôn. Cháu còn mệt quá. Cháu quá bé so với với cuộc
hành trình và công việc mình đảm đương. Lại còn thay đổi múi giờ.
98
“Ông” Thiện Nhân thì vô tư. Về là ngủ đến trưa. Về là chơi theo các anh. Ngăn
không được. Quát không được. Đành phải dọa: “Nhân có muốn đứt mất ‘chim’ không?
Không sang được lại bên Ý đâu. Xa lắm mà cũng không còn tiền để đi nữa đâu...” Đủ
thứ dọa mà cu cậu vẫn nhảy tưng tưng. Nhảy rơi cả băng ra. Nhảy đứt cả chỉ, nên bị
mưng mủ. Bây giờ Thiên Minh đã khỏe lại. “Bà ơi, cháu trúng vào đội tuyển rồi.”
Thiên Minh thích ngủ với bà ngoại lắm. Ngủ với bà còn được gối đầu tay, được gác
chân lên bà... Nói như Minh: “Nhà này có con bắt nạt được bà.” Đơn giản là ngủ với
bà, cháu bé bỏng. Ngủ trên phòng mình cháu là anh lớn, còn phải nhường mẹ cho hai
em, còn phải chăm cả hai em.
Thiên Minh là như vậy. Hiền lành, thương và công bằng với các em. Ở nhà ông
bà, cháu có hai em mình là Hải Minh, Thiện Nhân, lại còn Nhật Nguyên là con dì. Dì
bị bệnh nan y đã sáu năm, nên bà đón về chăm đã lâu rồi. Con gái Mai Anh lại nuôi
thêm Thiện Nhân, thêm lo toan vất vả, nên ông bà lại đón nốt về. Các cụ nói là… “tội
bà ngoại” mà. Ông bà chẳng thấy “tội” gì. Còn ầm ĩ đến đau đầu thì tất nhiên rồi. Ông
bà mang nghiệp văn chương nên đau đầu lắm. Cũng chẳng sao. Lúc nào yên, như lúc
này chẳng hạn: Ba cháu đi học, cu Nhân ngồi ở nhà xem phim hoạt hình hoặc vẽ linh
tinh, thì bà viết. Bà quen làm việc trong ồn ào cũng chẳng sao. Ba em đều yêu và nghe
lời anh. Anh nhường nhịn, lại bày trò vui lắm. Anh còn giúp Nguyên học khi dì mệt
nữa chứ.
Cháu lớn lên sẽ vững vàng. Bà tin là vậy. Cũng có thể vì Thiên Minh là cháu
bà. Bà cũng giống như bao bà ngoại khác, có quyền yêu và khoe khoang cháu mình.
Thày David Devin dạy tiếng Anh, toán và khoa học nhiều tuổi rồi cũng rất yêu Thiên
Minh. Chủ nhật đón Thiên Minh, hai thày trò đi xe ôm đến hiệu sách, mua sách toán,
sách về vũ trụ bằng tiếng Anh để hai thày trò học.
Bây giờ có chú y sĩ thường chăm sóc sức khỏe cho dì, giúp Nhân thay băng
hằng ngày rồi. Chú tốt và giỏi lắm. Bà quên mất chú. Bà có lỗi, không nhớ để nhờ chú
ngay lúc Nhân mới về, để Thiên Minh không phải lo lắng mỗi ngày. Thiên Minh
chẳng kêu gì đâu. Cháu vẫn vậy, chỉ nghĩ đơn giản là mình phải thế thôi. Đơn giản và
nhẹ nhàng.

99
Điều tầm thường nhất

Ngày 05 tháng 3 năm 2011

Hãy hỏi tôi đi: “Trên cõi đời này âm thanh nào tuyệt vời nhất?” Tôi sẽ cho bạn
biết tiếng nước tiểu phun mạnh thành tia kì diệu đến thế nào!
Bạn hãy hỏi tôi: “Cái gì trên đời này là đẹp nhất?” Tôi sẽ say sưa kể cho bạn
nghe về vẻ đẹp đầy kiêu hãnh của "con chim xinh xinh" đẹp đến thế nào!
Tiếng nước tiểu thoát ra khỏi cơ thể nghe đầy hào sảng. Hình hài của “con
chim” mang đầy mãnh lực, hình thành trên cơ thể bằng máu, bằng nước mắt và bằng
sự chịu đựng đến gai lòng.
Sự sống luôn chất chứa những nỗi đau tột cùng nhất, và nỗi đau cho lại ta giá trị
vô giá của những điều ta cho là tầm thường nhất.
Mẹ yêu con, Thiện Nhân.

100
Vết thương sau một tháng

Ngày 08 tháng 3 năm 2011

Bây giờ không phải là hai lần một tuần gửi email hình ảnh “con chim xinh
xinh” sang Ý cho bác sĩ, mà hằng ngày, vào hai giờ chiều giờ Việt Nam là đều phải
gửi ảnh cùng một góc chụp sang cho các bác sĩ. Lí do là vì Nhân nhiễm trùng lâu lành
quá, cả nhà, rồi Greig, Na Hương, các bác sĩ đều lo mất ăn mất ngủ. Ai cũng mong
điều tốt nhất cho cu Nhân nên bất cứ chuyện gì xảy ra ngoài ý muốn đều gây căng
thẳng cho tất cả mọi người.
Cu Nhân cũng đã biết lo theo và bớt nghịch ngợm hơn

101
Tuần qua

Ngày 22 tháng 3 năm 2011

Hà Nội thay đổi thời tiết mỗi ngày. Hôm nay nóng, mai rất rét. Hôm sau lại
nồm ẩm chảy nước.
Cu Nhân vẫn uống kháng sinh, vết thương vẫn chưa lành lại. Khe rách gây
nhiễm trùng có vẻ khô hơn và khép lại gần nhau hơn. “Con chim xinh xinh” cũng nhờ
vậy mà tròn trịa hơn. Nhân vẫn ở nhà không được đi học, vì tốt nhất khi “chim xinh”
chưa thật hoàn mĩ thì chưa xuất hiện ở lớp. Các bạn còn nhỏ sao biết khen để động
viên, chẳng may chê bai thì chết dở. Chỉ có anh Minh lớn và anh Minh bé mới “thần
tượng” “chim xinh”, suýt xoa cả ngày khen: “Chim của Nhân đẹp quá!”
Thực ra, sau 9 tiếng mổ, cuốn, kéo, cắt, lại thêm chưa lành hẳn, lấy đâu ra vẻ
đẹp nhanh vậy. Dr. De Castro dặn thư thả cũng phải ba tháng, mà bây giờ còn chưa
lành vậy chắc lại lâu hơn. Từ từ, vội gì nhỉ, có cần thì 18 tuổi mới cần, nhỉ?
Mẹ Còi cũng gặp rắc rối, vì sau khi mổ, đầu cứ lâu lâu hoặc đổi giời lại đau
điên cuồng. Minh bé cứ hỏi: “Sao lâu không thấy mẹ cười?”

102
Rớt nước mắt

Ngày 13 tháng 4 năm 2011

Nhân vẫn chưa đi học được, ở nhà nghịch cả ngày. Nhân gọi: “A lô, 113 đến
nhà bắt ngay con chuột nhắt đang phá nhà tôi!” Bà hỏi nháo nhác: “Chuột nhắt
đâu?” Nhân chỉ ngay vào bà ngoại (vì bà tuổi chuột). Bà bảo, từ lúc mẹ của bà mất tới
giờ chưa ai gọi tên cúng cơm của bà như vậy
Ngày nào mẹ đi làm bà cũng gọi điện mách vì Nhân có tội này tội kia. “Nhàn
cư vi” ở nhà mà. Mẹ quát Nhân: “Con nói mẹ nghe con mắc tội gì?” “Dạ, con mắc tội
vừa ngoan vừa hư ạ!”
Nửa đêm cả nhà đã ngủ say, mẹ chợt nghe tiếng khóc rinh rích. Lôi mãi mới
được cu Nhân trùm kín trong chăn ra. Nước mắt con đầm đìa, thất thểu, người toát hết
mồ hôi như xông hơi vì trùm chăn mùa hè. Gặng hỏi mãi: “Vì sao con khóc? Ai trêu
con? Ai làm con buồn? Con buồn cái gì?...” Nhân chỉ lắc đầu: “Con không sao đâu.”
Mẹ phải gọi anh Thiên Minh dậy để xử lí vấn đề. Hai anh em ôm nhau thủ thỉ
hồi lâu, anh mới quay ra bảo mẹ: “Nhân bảo em muốn chim em khỏi.”

103
Hiện tại và kế hoạch cho ngày mai

Ngày 28 tháng 4 năm 2011

Vết mổ của Nhân không khỏi được 100%, đấy là nguyên nhân đau đầu trong
suốt những ngày qua. Đau đầu để tìm ra giải pháp đưa cu Nhân sang lại Ý sớm nhất.
Việc “chim xinh” rất quan trọng, “sai một li đi một dặm”, kì vọng của ngay chính cu
Nhân vào “con chim xinh xinh” phải được như các anh rất cao, nên quả thực những
ngày qua rất căng thẳng. Chính thằng bé cũng stress vì lo lắng.
 
Ngay cả cái rốn, tưởng vô thưởng vô phạt, với Nhân cũng là vấn đề cần phải
giải tỏa. Ngày bị con thú ăn, còn cả rau cả máu, nên con thú chén cu Nhân băng lên tận
rốn. Cái rốn đâu có còn. Nhưng trước kia Nhân vẫn nghĩ cái rốn sẽ như cái chân, cái
“chim”, một ngày sẽ lành. “Con chim xinh xinh” mọc rồi, ngày nào trong lúc nằm sát
trùng, thay băng, Nhân cũng ngóc cái cổ lên để giám sát, rồi Nhân tự hỏi: “Sau này
“chim” khỏi rồi thì cái rốn sẽ như rốn của anh Hải Minh phải không?”
 
Sau một tháng thu xếp, tính toán và lo âu từng ngày, mẹ Còi với Greig đã
chuyển hết phương án này sang phương án khác, các bác sĩ tại Ý cũng vậy... Dr. De
Castro và Mario đã quyết định: Một trong hai người sẽ bay sang Việt Nam sớm hơn dự
định. “Dự định” ở đây là mong muốn của Mẹ Còi và Greig đã trình bày với bác sĩ sau
khi phẫu thuật cho Nhân tại bệnh viện Ý: Mời các bác sĩ tiếp tục giúp các trường hợp
em bé tại Việt Nam không may mắn gặp các vấn đề về bộ phận sinh dục.
 
Mong muốn đã có, bác sĩ đã nhận lời, nhưng để thu xếp được việc hoàn thiện
các bộ hồ sơ (hiện nay đang có bốn trường hợp bé trai khác gặp vấn đề về bộ phận
sinh dục) cần khá nhiều thời gian. Bé Trường bị điện cao thế giật cụt cả hai tay và mất
bộ phận sinh dục. Bé Trường kém anh Minh lớn một tuổi. Bé Danh hơn cu Nhân một
tuổi, bị tàu hỏa chẹt qua mất chân trái và bộ phận sinh dục... Và còn tiếp các trường
hợp đau lòng khác nữa mà cu Nhân cần phải giúp các bạn. Nhân còn bé, nên Greig, Na
Hương, anh Thiên Minh, các bố mẹ, anh chị của Nhân từ khắp Việt Nam và thế giới sẽ
cùng chung tay với Nhân.

104
Ngày mai cu Nhân nhập viện

Ngày 02 tháng 11 năm 2011

Mẹ Còi cứ vội vã đủ chuyện nên giờ mới cho ba anh em ngủ để sắp đồ mai
nhập viện. Ngày kia Nhân phẫu thuật. Lần này phẫu thuật tại Việt Nam, không phải xa
xôi cách trở nên hình như mọi thứ cứ như bẵng quên. Quên ngày, quên tháng, quên
mai sẽ phải làm gì. Viết vội mấy dòng chào các bố mẹ, anh chị của cu Nhân, mong cả
nhà thứ lỗi vì mãi giờ này mới báo tin con trai ngày mai chuẩn bị vào phòng mổ. Bác
sĩ Robeto từ nước Ý xa xôi, bác sĩ người Ý nữa, bác sĩ Tuệ từ Mĩ, các bác sĩ của bệnh
viện Nhi… sẽ cùng giúp cu Nhân trải qua ca phẫu thuật lần thứ… bao nhiêu chẳng kịp
tính, để mong hoàn thiện hình hài.
Nhân cũng đã khác với Nhân của trước ca đại phẫu thuật bên Ý Tết vừa qua.
Nhân đã lớn hơn nhiều. Và hình như càng lớn người ta càng mệt mỏi và thấm thía.
Trước giờ chuẩn bị, Nhân bàn với mẹ, Na Hương và Greig: “Thôi, con không phẫu
thuật nữa đâu, thế cũng được rồi.”
Thằng bé đã mệt hơn, đã mỏi hơn. Hành trình phía xa kia còn dài. Ai còn, ai
mất. Hành trình vẫn nối tiếp hành trình.

105
Giờ G đã đến

Ngày 02 tháng 11 năm 2011

Cảm giác lần này khác hẳn những lần đưa Nhân đi bệnh viện trong mấy năm
qua. Một mình Nhân, mọi thứ thật đơn giản, nhưng với 31 đứa trẻ, 31 gia đình, chủ
yếu đến từ các tỉnh xa xôi tới thủ đô Hà Nội, mà vẫn chỉ có từng ấy bàn tay. Có những
lúc, chỉ mong mình có thêm 48 tiếng mỗi ngày, thêm hai cánh tay nữa để có nhiều thời
gian hơn với các em. 31 đứa trẻ, 31 gia đình, tất cả đều kì vọng vào sự kì diệu của y
học. Dẫu biết rằng tỉ lệ rủi ro cao vì tất cả các ca phẫu thuật đều được xếp vào loại
nặng, nhưng tất cả đều có chung niềm tin. Dường như ngọn lửa niềm tin vẫn sưởi ấm
chúng tôi, để có thêm sức mạnh cho các gia đình, cho chương trình.
 
Ai cũng có công việc, ai cũng có gia đình, ai cũng có những nỗi lo riêng cho
cuộc sống. Nhưng những lo lắng thường nhật ấy sẽ được gác lại hai tuần để tập trung
cho 31 bạn của Nhân. Kì vọng vào một ngày mai, các em sẽ được là người bình
thường, được đến trường và không phải sống với nỗi mặc cảm và lo âu nữa. Rồi ngày
mai trời sẽ sáng…
 

Na Hương chịu trách nhiệm kiểm tra từng giờ: Em nào đang phải xét nghiệm,
em nào đến giờ nhập viện để mai phẫu thuật đã nhập viện chưa?

106
Bây giờ Nhân khóc thế nào?

Ngày 04 tháng 11 năm 2011

Thằng bé đã khóc khi làm các thủ tục ngay trước khi phẫu thuật.

Con khóc không phải vì cái kim truyền đau, không phải vì sợ hãi. Vẫn những
giọt nước mắt lăn qua khoé mắt, nhưng trong đó có thêm sự mệt mỏi. Nhân la lên,
không phải ĐAU LẮM! mà cứ la LÂU LẮM!
“Mẹ ơi con không thích đâu, lâu lắm...”

107
Phẫu thuật!

Ngày 05 tháng 11 năm 2011

 
Lần này cu Nhân làm phẫu thuật, cấy hai quả bóng khí dưới da vùng bẹn. Mỗi
ngày, mỗi tuần từ giờ tới tháng Tư sẽ phải bơm chút ít khí một vào, dần dần đến khi
hai cái túi to lên như trái bóng nhỏ. Làm vậy để kéo dãn da của cu Nhân, để lấy cho
cuộc đại phẫu thuật nữa vào tháng Tư tới, hoàn thiện cái “con chim xinh xinh” trước
khi vào lớp 1.
Một rưỡi chiều, cu Nhân ra khỏi phòng mổ. Con thở khò khè khò khè, thi
thoảng tỉnh vài giây, kịp để nước mắt chảy qua khoé mắt rồi lại chìm vào mê man.

108
“Con muốn để cho mẹ ngủ”

Ngày 07 tháng 11 năm 2011

Nhân được về nhà và mời bác sĩ đến nhà chăm sóc thay vì nằm bệnh viện 10
ngày sau phẫu thuật. Ở bệnh viện ủ ê bao nhiêu thì về nhà với hai anh Minh, cu Nhân
cười tươi bấy nhiêu. Hai anh Minh phục vụ cu Nhân ăn, chơi Lego, tè… ngay tại
giường. Mẹ cũng yên tâm, vì như vậy cu Nhân không đến nỗi nào.
Đêm, Nhân ngủ một mình một giường bé, vì sợ anh Minh ngủ không biết lại
phang chân tay vào chỗ khâu vá của cu Nhân. Hai anh Minh ngủ say. Mẹ cũng ngủ say
vì ở với Nhân trong viện chẳng ngủ được là bao. Đang ngủ, nghe tiếng khóc thút tha
thút thít:
- Nhân à, sao vậy con, con muốn đi tè à? Sao con không gọi mẹ dậy?
Thút thít khóc và lắc đầu.
- Ai làm gì con à?
Lắc lắc cái đầu.
- Vậy con nói cho mẹ biết đi, sao con trai yêu của mẹ lại khóc vậy?
- Con đau lắm…
- Sao con không gọi mẹ, mẹ cho con uống thuốc, mẹ thức chờ cùng con…
- Con đau lắm… Nhưng con muốn để cho mẹ ngủ.
Nhân tất nhiên rất đau, nôn khá nhiều sau ca phẫu thuật, nhưng mọi việc đều
ổn. Cu Nhân sẽ được xin về sớm để chăm sóc y tế đặc biệt tại nhà. Mẹ Còi sáng kiến
video lại các thao tác hướng dẫn của bác sĩ khi thay băng, bơm khí... để có thể làm
được chính xác cho Nhân khi xuất viện.

109
“Kệ em, em chảy máu để mẹ Mai chăm sóc em”
Ngày 21 tháng 11 năm 2011

“Con chó con liền da” đã di chuyển khắp nhà và còn đề nghị được đi học lại,
chỗ phẫu thuật đã không còn chảy máu, chỉ còn sưng chút thôi.
Nhân vừa khỏe thì anh Minh bé bị sốt cao. Minh bé học lớp 1 rồi mà vẫn hay
ốm ặt ẹo. Mẹ ngủ cạnh, trông Minh bé và chườm hạ sốt liên tục. Nhân ngủ với Minh
lớn.
Chiều qua Nhân hỏi mẹ: “Mẹ ơi, phẫu thuật và sốt thì cái nào nặng hơn?”
Mẹ tất nhiên chột dạ ngay: “Phẫu thuật quan trọng hơn chứ con, anh Hải Minh
sốt thì mình cần giảm sốt cho anh thôi là ổn.” Mỗi lần anh sốt lên, mặt đỏ bừng là
Nhân tự biết lao đi lấy miếng dán hạ sốt để chườm trán, lấy thuốc và cốc để mẹ pha
cho anh...
Thế nhưng tối qua mẹ đón Minh lớn đi học thêm về, trên đường Minh lớn bảo
mẹ: “Em Nhân bảo với con là em buồn lắm, vì mẹ chỉ chăm sóc Hải Minh thôi. Em
còn cứ cạy chảy máu cái vết khâu ở chân cụt, con bảo sao Nhân cứ cạy thế, đau lắm,
em bảo kệ em, em chảy máu để mẹ Mai chăm sóc em.”

110
Nợ ai – Ai nợ

Ngày 21 tháng 01 năm 2012

Hà Nội, hôm nay là 29 Tết, ai cũng đã về nhà nấy, buồn hay vui cũng là ngày
mọi người có mặt ở nhà. Hà Nội trời đổ nồm, mưa lây phây và thật u ám. Có lẽ những
ai chưa trải qua cái nồm đặc trưng của Hà Nội thì không thể nào hình dung nổi “nồm”
là gì và nó u ám con người ta đến thế nào.
 
Ẩm ướt và ảm đạm. Nồm. Trời màu xám lét đến chảy nước, sàn nhà, tường nhà
cũng chảy nước, không khí cũng đọng những hạt nước li ti... Và con người cũng vậy.
 
Trưa 29 Tết. Tạm xong mấy việc nhà, cuốn xong cái nồi nem to với bà ngoại.
Nằm nghĩ ngợi “Nợ ai – Ai nợ”. Đời.
 
Cu Nhân đã tiêm mũi kích da thứ hai vào ngày giáp Tết. Đau. Đau hơn lần đầu
tiên. Chắc tại dần dần sẽ đau và khó chịu hơn. Chỉ biết là chắc tại vì có bị như Nhân
đâu mà biết được. Nhiều những điều không biết, và tốt hơn là không phải biết. Bế
Nhân, tha lôi ra vào toilet. Nhưng yêu.
Năm ngoái, giờ này, Nhân mổ tại Ý, Nhân thều thảo bảo: “Sau này lớn lên con
chăm sóc mẹ nhé.” Giờ này, sau một năm, Nhân vẫn vậy, nghĩ cho mẹ nhiều hơn nghĩ
cho mình.
- Chị bế giúp em vào toilet với. Chị phải bế một tay ở cổ em, một tay đỡ chân,
để em ngang ra, không em đau lắm. 
- Được, thế mẹ Mai vẫn bế em thế nào để chị bế?
- Mẹ bế ôm chặt em vào lòng, thế là em đau lắm, nhưng em không nói với mẹ.
Em chịu được, không mẹ mệt.
Ngày cuối năm, nhìn qua rồi lại nghĩ lại. Đúng là “nợ ai” nhiều hơn “ai nợ”.
Quên quên nhớ nhớ, nhiều cái email chưa trả lời, nhiều tin nhắn đọc, rồi xúc động, rồi
không biết nhắn lại thế nào, nhiều lời gửi gắm chưa thực hiện, những con số âm
thầm nhảy đến tài khoản không biết ai với ai, và còn một hồ sơ bệnh án chuyển nhanh
tới nhà nằm nguyên góc bàn chưa mở...
Ba anh em Minh Nhân đang ngủ chồng ngủ chất lên nhau trong cái chăn ấm áp.
Trẻ con bây giờ cũng là người lớn. Người ta sinh ra để lớn và để mỗi năm lại chờ. Chờ
cho ngày cuối cùng trôi qua, xóa sổ mọi buồn vui, để trông đến một năm mới. Và ai
cũng có điều để trông đợi.

111
Ba ngày Tết

Ngày 52 tháng 01 năm 2012

“Mẹ ơi con đau, mẹ bế con đi tè, con không đi được”


“Đau lắm, mẹ đừng bế nữa, để con tự đi”
Chàng trai của mẹ rên rỉ suốt. Điều này hiếm thấy ở cu Nhân, vì Nhân rất dũng
cảm và luôn luôn tự cắn răng chịu vì lo mẹ mệt.
Mẹ thì đã quá quen với việc ốm đau của mấy đứa, vì nhiều con mà, đứa này
khỏi sẽ quay vòng sang đứa khác ốm. Quen rồi, nên con ốm thì trông, sốt thì hạ sốt,
đau thì giảm đau... Quen thế, nên mấy hôm chàng trai của mẹ sốt, mẹ cứ nghĩ cũng
bình thường thôi, đêm ngủ cầm tay Nhân để biết lúc nào sốt lên còn chườm hạ nhiệt.
Còn Nhân vẫn như mọi khi, tự cố gắng, cố đến nỗi đêm qua không cố nổi nữa, bật rên
lên và bắt đầu khóc nức nở từng cơn. Tại đổi thời tiết, vết cụt xương chân và các vết
mổ sưng tấy lên phát sốt, làm con đau rấm rứt.
- Nhân à, lúc nào con không cố được nữa, con bảo mẹ cho con uống thuốc giảm
đau này nhé. Nhưng con phải nhớ, đây là thuốc mạnh, chỉ nên dùng khi nào quá đau
thôi, nếu dùng nhiều quá khi đau sẽ không hiệu nghiệm nữa.
Nhân rên rỉ:
- Vậy thôi mẹ ơi con chưa uống đâu. Con cố được...
- Con uống đi, đau vậy là mẹ thấy đau lắm rồi đấy.
- Thôi, mẹ, con mới đau xương thôi chưa phải là nhức xương, con sẽ cố được
để để dành thuốc.
- Uống ngay! Con đừng bướng với mẹ. Con biết tính mẹ rồi đấy, mẹ cáu điên
lên bây giờ!
Hôm nay là sang mùng Ba Tết – Tết con Rồng.

112
Đi cả vào trong giấc ngủ

Ngày 01 tháng 02 năm 2012

Hà Nội đã ấm hơn lên được mấy ngày, con trai cũng không phải uống thuốc
giảm đau nữa, nhưng ngủ thì đến khổ mẹ và anh Thiên Minh. Thiên Minh bảo: “Thôi
mẹ để con ngủ với ‘ông’ Nhân cho, không ‘ông’ ý ngủ kiểu đó thì mẹ mệt, không đi
làm được đâu.” Còn mẹ Còi thì nhận ngủ cùng Nhân vì thương anh Minh còn đi học.
Lí do là sau đợt đau dài, Nhân nhăn nhó, rên lên hình như đã quen, nên đi cả
vào giấc ngủ. Không đau nữa nhưng ngủ mặt cứ nhăn nhó, kêu i ỉ và liên tục trở mình
vặn vẹo, rên rỉ.
Mẹ Còi mệt nên cũng cáu chứ. Mới đầu lôi Nhân dậy, hỏi: “Con đau ở đâu, có
đau không, phải bảo với mẹ chứ?” thì Nhân kêu không đau. Hỏi mãi, “không đau”
mãi, rồi lại cứ kêu rên i ỉ mãi... Ai mà chịu được. Điên cả thần kinh. Cáu Nhân,
nghiêm cấm “không đau” thì không kêu, không mẹ chuyển Nhân ra ngoài ngủ. Cáu rồi
lại sợ khi Nhân đau thật không dám kêu, lại phải dặn: “Nếu con đau mà không gọi mẹ
dậy thì con cũng lại bị ra ngoài ngủ luôn.” Mệt quá nói vậy, chứ phải chịu thôi, mong
con trai bé bỏng thư thả bình thản trong giấc ngủ.

113
Cố lên “Chú lính chì”

Ngày 22 tháng 4 năm 2012

Nhân không kêu gào, vì có lẽ Nhân hiểu mẹ Còi và những người thân yêu
bên cạnh Nhân xót xa thế nào khi nhìn Nhân đau đớn.
Trong đợt phẫu thuật tháng 11 vừa qua tại viện Nhi Trung Ương, cu Nhân cùng
với nhiều bạn nhỏ khác đã phải chèn hai túi giãn da vào hai bên bẹn để tạo thêm da,
chuẩn bị cho ca phẫu thuật tiếp theo của quá trình tái tạo bộ phận sinh dục. Theo như
lịch trình thì Nhân và các bạn sẽ được phẫu thuật tiếp vào tháng Tư năm nay, tuy nhiên
có nhiều điều kiện chưa đủ nên đợt phẫu thuật được hoãn lại đến ngày 10 - 26 tháng
Sáu.
Theo yêu cầu của bác sĩ, hai túi giãn da phải được bơm căng nước làm nhiều
lần, mỗi lần cách nhau hai tháng để da có thời gian phát triển. Mỗi lần bơm thêm nước
vào túi giãn da với Nhân thực sự rất đau đớn, nhưng Nhân không kêu gào, vì có lẽ
Nhân hiểu mẹ Còi và những người thân yêu bên cạnh Nhân xót xa thế nào khi nhìn
Nhân đau đớn.
Hai túi nước ở hai bên bẹn khiến Nhân gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng
ngày, Nhân chỉ được ngồi một chỗ, không được chạy nhảy, đùa nghịch như các anh,
các bạn cùng lứa. Nhân buồn và tủi thân. Cố lên “Chú lính chì”.
Nhân giờ đã năm tuổi, sắp bước vào “đại học chữ to” rồi. Nhưng trước khi đi
học, Nhân còn phải trải qua một cuộc phẫu thuật quan trọng vào tháng Sáu tới. Hi
vọng mọi điều tốt đẹp sẽ đến với cu Nhân, để con vững bước tự tin và lớp 1 như bao
“chàng trai” khác.
Cùng phẫu thuật như Nhân đợt này còn có nhiều bạn khác nữa, tất cả đều là ca
khó, hãy cùng cầu chúc cho Nhân và các bạn của Nhân.
Thông tin về cấy túi dãn da:
 
(1) Dãn da và mô
(2) Lỗ chích
(3) Ống thông
(4) Da
(5) Túi dãn da
(6) Túi dãn da khi chưa
được bơm căng
(7) Vùng da dãn
(8) Túi dãn da được bơm
căng dung dịch
(9) Da dãn dần khi túi dãn
da được bơm căng
(10) Mô cơ
114
115
Phần Hai
Được ở nhà thật tuyệt

Mừng sinh nhật bé Thiện Nhân

Ngày 16 tháng 7 năm 2008

Hôm qua, 15 tháng Bảy, bé Thiện Nhân, em bé bị tai nạn khủng khiếp ngay khi
vừa chào đời, đã có một buổi sinh nhật vui và ấm cúng cùng bố mẹ và các bạn.
Mặc dù trời đổ mưa tầm tã từ hơn bảy giờ, căn phòng vẫn đông vui và đầy ắp
tiếng cười.

Chương trình được sự hỗ trợ tổ chức của các bố mẹ tình nguyện Phong Lan
Tím, Đoàn Hòa Thuận, Hà Kin và các cô chú ở Le Club đã diễn ra suôn sẻ và náo
nhiệt.
Lúc nào cũng vậy, trẻ con luôn là tâm điểm của sự quan tâm và tình yêu
thương. Được ngắm các con vui đùa, lòng ông bố bà mẹ nào cũng thấy ấm áp. Thiện
Nhân là tâm điểm của sự quan tâm trong buổi tối này.
Nhìn cậu bé nhỏ nhắn và nhanh thoăn thoắt, gương mặt dễ thương lanh lợi, ai
cũng muốn nhìn, và cay cay nơi sống mũi.
Có người nói, ngày Nhân sinh ra là ngày định mệnh. Ngày Nhân được đón về
với gia đình và sống trong vòng tay yêu thương của cộng đồng là ngày sinh ra Nhân
lần thứ hai.
Đến hôm nay, Thiện Nhân đã và đang được sự quan tâm của biết bao người.
“Chú lính chì” bé bỏng cũng đã mang biết bao cảm xúc về lòng nhân, về điều tốt đánh
thức hay gieo vào tâm hồn mọi người.
116
Buổi sinh nhật đầu tiên trong đời của “Chú lính chì” bé bỏng đã thật vui, thật
ấm áp tình người sẻ chia. 

117
Trời mưa và những chiếc ô tô trong tủ lạnh

Ngày 08 tháng 8 năm 2008

Mưa quất nước trộn với tiếng nhạc disco của sàn nhảy gần nhà. Không thể nào
ngủ được mặc dù mệt rũ sau mấy ngày trời biết bao nhiêu sự kiện. Nhân và Minh bé
đã ngủ rồi, sau khi ôm bình sữa nằm khểnh. Những dòng chữ của chú Trần Anh, cả cũ
cả mới, chạy qua chạy lại trong đầu. Mưa ràn rạt át cả tiếng gió tạt.
Những lo lắng của các bố mẹ cho đêm Trung thu không trăng không mưa hiện
lên rõ mồn một. Lại càng nghe mưa và không thể nào chợp mắt. Rồi nhớ lại chiếc tủ
lạnh với đầy ô tô bên trong, làm chiều nay giật bắn mình khi mở cánh tủ. Chiếc tủ lạnh
Nhân vẫn thường bị mắng vì tội thỉnh thoảng lại chui vào ngồi cho mát lưng, ráo mồ
hôi.
Không sao, tủ lạnh có thể đựng ô tô lớn nhỏ. Trung thu không trăng cũng có thể
có cả mưa. Cu Nhân nữa, cũng là điều không thể mong ước thành có thể.

Bé Nhân rất kháu khỉnh

118
Được ở nhà thật là tuyệt

Ngày 10 tháng 9 năm 2008

Đoàn tụ và sáng Chủ nhật ngọt ngào.


Cuối cùng thì cả nhà cũng đã được bên nhau. Cuộc sống ngọt ngào lại bắt đầu.
Sáng sớm Chủ nhật đã lại “ông” con nào đang trình bày ý kiến ầm ĩ ngoài
phòng. Loáng thoáng, chẳng biết là “ông” Nhân hay “ông” Minh bé đang có vấn đề
cần bày tỏ nữa, vì hai ông này dạo này đến khóc cũng giống giống nhau. Hai thằng rúc
rích rúc rích xui nhau nghịch rồi ôm nhau ngủ.
Đến trưa, Nhân lăn ra làm giấc nữa trong lúc anh Minh bé chơi với Mickey và
máy bay, quà của mẹ mang về.

119
Cu Nhân thì tít mít, chắc sáng dậy sớm quá

Rồi, em dậy rồi và đang ngái ngủ đây.

120
Chúng tỏ ra rất “thông đồng” với nhau
Độ kiên nhẫn của Nhân đã được chứng minh với câu “Điêng à!” Giờ phát hiện
ra cu cậu còn nói rất nhiều, hát rất nhiều. Hôm ở Mĩ, bác lái xe taxi sau cả giờ đồng hồ
kiên nhẫn nghe các câu líu lo tiếng Việt và các bài hát của Nhân đã phải thốt lên:
“Mày làm ơn nói tiếng Anh được không?”
Ai đến nhà, nhìn Hải Minh và Nhân, cũng phải lắc đầu lè lưỡi với mẹ Còi vì có
những ba “ông” con trai. Được cái là Thiên Minh đã lớn và chững chạc hơn, thích đọc
sách. Nhưng đấy là lúc cậu chưa vui đùa thôi. Chứ vui đùa thì chắc cũng nổ nhà.
Cả bố và mẹ về đã phải đi làm ngay, trông hai người vẫn còn mệt mỏi. Nhân thì
ríu rít, nhí nhố ngay khi hết ngái ngủ. Thương nhất là anh Hải Minh, trông rõ là gầy đi,
lại vừa bị viêm phế quản. Đúng là bao giờ có mẹ vẫn hơn.
Mọi người giờ đã hiểu tâm trạng của mẹ Còi. Nửa đêm tỉnh dậy, chạy lại nhòm
nhòm xem có phải con mình đang ngủ không. Nơm nớp lo vì nếu chỉ thấy mình ông
Nhân mà không có Thiên Minh, Hải Minh đâu, thì rõ ràng vẫn còn đang ở bên Mĩ rồi.
Nhưng may quá không phải vậy. Chuyến đi thành công, thành công, nhưng về đến nhà
mới càng thấm thía: “Giá như không cần phải đi đâu thì tốt biết bao.”

121
Bé Thiện Nhân ngày đầu đi học

Ngày 27 tháng 9 năm 2008

“Đi học! Sunrise Kidz!” – Thiện Nhân bi bô đọc theo bố tên trường mầm non
trong lúc lau mặt chuẩn bị cho ngày đầu tiên đi học. Ở trường, Nhân ngoan ngoãn
làm theo cô giáo, cười với các bạn và đi lại bằng chiếc xe tập đi.
Biết hoàn cảnh của Thiện Nhân, Ban Giám hiệu trường Mầm non Sunrise Kidz
đã quyết định tặng học bổng trị giá 140 triệu đồng cho bốn năm học của bé. Trước
hôm đưa Nhân tới trường, mẹ Còi đã gặp gỡ các cô giáo trong lớp để chia sẻ những
thông tin về cách hướng dẫn bé tập đi, cách tháo, lắp chân giả...
Nhân được nhận vào trường là niềm vui lớn, đây cũng là cách để bé được hòa
nhập, tiếp xúc với các bạn cùng trang lứa. Có cô giáo khi gặp và nghe kể về Nhân đã
khóc, nhưng mẹ Còi muốn Nhân được đối xử như những đứa trẻ bình thường khác, để
con không cảm thấy mình đặc biệt.
Từ hôm nay, “Chú lính chì” sẽ bắt đầu đi học, bắt đầu hòa nhập với các bạn.

122
Ngày cuối tuần vui vẻ

Ngày 29 tháng 9 năm 2008

Hạnh phúc khi cả nhà mình cùng đi dạo, cùng vui và bên nhau tối thứ Bảy.
Căn nhà có chiều ngang ba mét, không đủ chỗ cho chàng trai của mẹ quay xe.
Vướng cái giá sách, vướng cái bàn ăn, rồi lại mắc vào cái chân giường. Chưa kịp di
chuyển đã tắc tị, vì vậy con cứ nhấc béng cả xe lên từng bước cho xong. 
Thế là không tốt đâu. Thế là người và xe đánh nhau chứ đâu phải là đồng hành,
mà chàng trai của mẹ cần phải đồng hành với cái xe này vài năm nữa cơ đấy.
Mẹ đang viết nhật kí cho con, đến đoạn này thì cửa phòng bị xô vào, tí nữa bay
cả mẹ Còi cả máy tính, vì Thiên Minh tha lôi con lên.
“ÔI TRỜI ƠI MỆT QUÁ, NHÂN RÕ LÀ NẶNG!” – Thiên Minh vừa la vừa thở.
Con thò cái mặt tròn như bánh bao, cười toe toét, còn Thiên Minh thì thở hết hơi, kính
tụt xuống xộc xệch nơi sống mũi. Con chuột tha con chuột!
Hôm nào bố trực muộn về lúc nửa đêm thì sáng hôm sau bố không phải đi làm,
Nhân và anh Hải Minh được ra hồ Hoàn Kiếm cho rộng rãi hơn chiều ngang ba mét
của nhà mình. Chàng trai vừa đánh nhau với cái xe, vừa đồng hành với nó để đi bộ từ
đầu Thủy Tạ đến đầu Tràng Tiền. Anh Hải Minh lăng xăng đằng trước, lăng xăng
đằng sau Nhân để động viên và giục giã.
Hì hụi hì hụi với cái chân và cái xe, nên dù nhiều người quanh Bờ Hồ nhận ra
cu Nhân đều động viên con, nhưng cu Nhân chẳng kịp ngẩng đầu lên nhận ra ai, và
chẳng kịp chào ai cả.
Có một người xuất hiện ở Bờ Hồ làm cả Nhân và Hải Minh hò reo loạn xạ, vứt
hết cả xe cộ lẫn cả hành trình mà sà vào lòng. Mẹ Phong Lan Tím nhớ ba anh em, giữa
giờ làm bỏ về tìm mấy anh em, mang theo bánh ngọt. Thế là hành trình Thủy Tạ –
Tràng Tiền của các chàng trai có người tiếp sức. Tập đi ở Mĩ cũng chẳng được sướng
như thế này.

Thơm thảo mời mẹ nào!

123
“Thôi! Đừng khóc nữa! Nhân cho ô tô nhớ!”

Ngày 01 tháng 10 năm 2008

Con biết dỗ dành bạn mới đi học: “Thôi! Đừng khóc nữa! Nhân cho ô tô
nhớ!” Con biết nhường ô tô cho bạn.
Con thấy các bạn đứng lên để hát, con cũng đứng lên. Bạn Bin rất thích con,
cầm tay con đứng dậy để hai bạn hát giống các cô. Cô sợ con bị ngã, cô dắt con. Con
rất thích được chơi với các bạn như vậy.
Chiều nay, các cô nhìn con tập thể dục, vừa rất buồn cười lại vừa rất thương
con. Con đứng vào xe và tập thể dục theo cô. Khi cô chuyển sang động tác bụng, cô
đưa hai tay lên, con quên mất là mình đang chỉ đứng trên một chân, con đưa tay lên rồi
vội đưa tay xuống bám chặt vào chiếc xe để lấy lại thăng bằng. Các cô rất buồn cười vì
sự nhanh nhẹn của con. Các bạn rất tốt, giúp Thiện Nhân. Bạn Bin ra cho con bám vào
bạn, sau đó các con lại cười với nhau rất vui. Các cô cũng vui theo.

124
Tội lỗi chất chồng

Ngày 15 tháng 10 năm 2008

“Á á á!” – Ai đó hét ré lên trên gác. Bố mẹ lao lên xem sự tình. Anh Hải Minh
bị Nhân cắn chảy cả máu tay, khóc thét lên. Thiên Minh rối rít dỗ em. Bố mẹ: “Ai có
lỗi? Thiên Minh, Hải Minh và Nhân, ai có lỗi?” Thiên Minh: “Lần này Nhân có lỗi,
Nhân tự nhiên cắn Hải Minh.”
Khổ thân Hải Minh. Thương anh.
Hải Minh la khóc ầm ĩ, Nhân cũng la toáng lên.
Bố em ra tay hỏi han, quát nạt một chặp, Nhân không chịu xin lỗi. Chết, Nhân
hư thế? Bố cáu lắm, tha cổ Nhân sang phòng làm việc, đóng chặt cửa lại.
Hải Minh, Thiên Minh chạy theo nhưng bị nhốt ở ngoài. Hải Minh la tán
loạn: “Bố ơi, bố ơi thôi, thôi con tha lỗi cho Nhân rồi!”
Cửa mở, Nhân lê lạch cạch ra ngồi cạch Hải Minh, khóc thút thít vẻ hối lỗi,
nhưng vẫn không xin lỗi anh. Thiên Minh và mẹ xúm vào khuyên can: “Nhanh lên,
xin lỗi Hải Minh đi rồi Hải Minh yêu!”
Mãi rồi Nhân cũng ôm anh, thì thào xin lỗi để cả nhà xuống ăn cơm. Hải Minh
hôn em vội.
Nhưng thế chưa hết.
Bố gọi:
- Nhân ơi!
Nhân: 
- Gì?
Chết Nhân rồi, hư đúng lúc bố đang cáu dở.
Bố: 
- Nhân! Hư! Người lớn gọi phải thế nào? Hải Minh! Con dạy em xem phải thế
nào?
Hải Minh cuống lên: 
- Nhân! Anh bảo, Nhân “Dạ” đi, nhanh lên. “Dạ” đi…
Nhân: 
- Dạ!

125
Bố: 
- Hải Minh, Thiên Minh, gọi Nhân xem Nhân trả lời thế nào?
Hải Minh: 
- Nhân ơi!
Nhân: 
- Dạ!
Thiên Minh: 
- Anh bảo Nhân này!
Nhân: 
- Dạ!
Được rồi. Tiếp, tội thứ ba là cô giáo ghi vào sổ liên lạc: “Con không chịu chào
cô. Cô nhắc con chào, con bướng bỉnh bảo: ‘KHÔNG’”
Bố: 
- Nhân, bố dạy, đến trường gặp cô giáo con phải nói thế nào?
Nhân khóc lóc.
Hải Minh: 
- Nói nhanh lên, nói theo anh đây này, không bố cáu. “Con… chào cô… ạ!”
Nhân: 
- Con… chào cô… ạ!
Hải Minh: 
- Đấy, thế chứ. Nhân ngoan thế mới được yêu.
Thiên Minh: 
- Để anh đi tìm “LEGO” băng tay cho Hải Minh.

126
Thày giáo của Nhân – anh Minh bé tinh nghịch
Tình trạng Hải Minh hiện kém xa trong ảnh: Bị ốm ở nhà đã mấy ngày nay,
mình Nhân đi học được. Trán phải bị rách còn chưa lành. Mí mắt trái bị một vệt dài do
Nhân cào. Ngón trỏ trái được “LEGO” vì Nhân “kinh dị”, vừa cắn vừa giật ra. Cổ tay
hai bên đều có “đồng hồ hình răng màu tím” vì Nhân cắn. Cuối cùng là cổ áo trễ
xuống nên thòi ra một đám sứt sẹo đã đóng vảy, cũng là do Nhân cào.

127
Ba anh em cần mấy chiếc ô tô?

Ngày 20 tháng 11 năm 2008

Chỉ Nhân được tặng ô tô. Thế là “ông” Nhân cong đít điều khiển ô tô, còn
anh Hải Minh khóc thút thít…
- Chỉ mình Nhân có ô tô, sao con không có?
- Con lớn mà, con cao hơn Nhân mà. Ví dụ nhé: Chiều nay Nhân ho, không
được phép uống coca lạnh, còn con lớn hơn, con được uống. Có sao đâu? Lúc nào
cũng có những việc khác nhau mà.
- Nhưng mà con thích chơi nhất là ô tô…
- Mẹ đã nói rồi, con cao hơn Nhân mà, con đứng lên mẹ xem cao hơn thế nào
nào?
- Không đâu…
- Con trai không bao giờ khóc, chỉ con gái thôi. Mẹ không đồng ý con trai lại
khóc.
- Nhưng tại sao chỉ con gái được khóc thôi?
- Vì con gái yếu hơn mà, con là con trai, lớn thế này còn gì?
- ….
- Con biết tính mẹ rồi, mẹ không bao giờ dỗ nhiều. Khi mẹ dỗ mà không nghe
mẹ sẽ không dỗ nữa.
- Nhưng mẹ bảo Nhân cho con mượn ô tô đi…
- Mẹ không bảo, đúng là của Nhân mà, Nhân sẽ có quyền quyết định.
-…
- Nhưng con thấy không, em còn bé, em chưa biết chơi, mẹ thấy em toàn đâm
vào tường mà. Mẹ nhớ là lúc trước con có một cái ô tô, con biết điều khiển sang trái,
sang phải, không đâm vào tường, có đúng không? Vì con là người lớn hơn em rồi mà.
- Nhưng, nhưng em không đồng ý để con hướng dẫn em cách chơi.
Vậy ba anh em cần mấy chiếc ô tô?
Thực ra không phải cần ba cái ô tô giống nhau, mà cần ngay từ đầu hãy nói:
“ĐÂY LÀ Ô TÔ CHUNG NHAU, HÃY ĐỂ ANH LỚN HƠN HƯỚNG DẪN EM
CÁCH CHƠI NHÉ!”

128
129
Lớn lên ai nuôi mẹ?

Ngày 03 tháng 12 năm 2008

Các mẹ giục copy ảnh của Nhân để làm lịch, mà mấy ngày vừa rồi không ngóc
cái cổ lên mà bật máy tính được. Tuần vừa rồi chỉ mình Nhân được đi học sau suốt ba
tuần cu Nhân ốm đau dặt dẹo, còn anh Minh bé thì phải ở nhà “chăm sóc mẹ”. Minh
bé “oai” lắm, vì thế là quan trọng hơn cu Nhân và hơn cả anh Thiên Minh bận đi học
rồi.
Vắt khăn lạnh chườm đầu cho mẹ thì Minh bé nhúng vào nước, sau đó trải
xuống dưới đất cẩn thận gấp phẳng phiu như gấp thủ công, rồi sau nữa thì cả khăn cả
nước ròng ròng được trịnh trọng để lên trán mẹ. Không có anh Minh bé nghỉ học ở nhà
“chăm sóc mẹ” thì cũng không có ai nhát lấy nước, nhát lấy khăn, nhát thì (khỏe ghê!)
đỡ hẳn được cả mẹ ngồi dậy.
Cu Nhân đi học về cũng lao lên gác, lăng xăng hỏi: “Mẹ ơi mẹ ốm à?” Nhân sờ
sờ mẹ, thân thiện: “Con chăm sóc mẹ nhá!” Rồi lịch kịch tha cốc nước lại cho mẹ
uống. Cũng cẩn thận, khéo léo với cái cốc to đầy nước, nghiêng nghiêng di chuyển mà
không sóng ra ngoài tí nào. Thế nhưng, chỉ lúc sau, nhoắt một cái, nghịch lộn một
vòng kungfu bay nguyên cả người vào cái cốc, đổ hết cả ra.
“Con không thích thì thôi!” Cu Nhân là vậy, thường ngày cũng cứ thấy sao là
nói vậy. Cả nhà ra Hàng Dầu chọn giày. Anh Minh lớn được đôi giày mới để đi học
mùa đông cho ấm áp. Anh Minh bé thì đã có giày của anh Minh lớn. Còn Nhân cũng
có giày của cô Dương gửi tặng, nhưng hai anh Minh lăng xăng, cứ thích thích thử giày
cho Nhân. Bố mẹ thấy hai anh quan tâm em thế cũng gật đầu trả tiền, nhưng Nhân dứt
khoát: “Không, em không thích giày!”
Nhân chỉ thích đi chiếc dép xăng đan cũ của Minh bé. Chiếc dép có hai quai
dính khá là nhiều công đoạn, thế nhưng ra khỏi cửa là Nhân phải đi chiếc dép vào, cho
dù có là bố mẹ bế trên tay hay ngồi xe đẩy cũng vậy. Cứ phải lôi chiếc dép ra, ngồi tỉ
mẩn tự đi, tự dán ngay ngắn hai cái quai.
“Con không thích thì thôi!” Mẹ đã từng bảo Nhân mặc cái áo cũ của chị Thóc
rất xinh, nên mẹ hay cho Nhân mặc. Thế mà chàng trai bắt đầu biết rồi đấy. Bây giờ
mà mặc cho cái áo hoa của chị Thóc là lột phăng ra, la oai oái: “Con không thích cái
áo này, con mặc áo màu xanh cơ!”
“Con không thích thì thôi!” Cu Nhân không thích là khóc, vừa thương vừa
cũng buồn cười. Người ta chỉ la “không thích” thôi, còn Nhân la “không thích thì
thôi”. Cu Nhân la lối như vậy trong lúc nằm làm khuôn để lắp chân mới. Cái chân cũ
lại ngắn rồi mà. Mỗi lần lắp chân là vậy, vì chân cu Nhân không còn chỗ nào để kẹp
chân giả vào nên phải chế tác cả một cái mông giả kèm quai đeo mới dính cái chân vào
được. Mỗi khi Nhân béo lên một tí, hay lớn thêm lên, là không những chân ngắn mà
cái mông giả cũng không thể nào vừa được nữa.

130
Nhúng vải bột vào nước – Đắp lên người để lấy khuôn –  Đợi khô thì mới nhấc
khuôn ra, “giải phóng” cho “ông” Nhân – Sau đó khoảng một tháng, quay lại thử
khuôn – Cắt tỉa khuôn theo mông và chân cho phù hợp – Quay lại lần sau để thử lại, đi
qua đi lại xem thoải mái chưa… (Có lần nhiều nhất phải quay đi quay lại tới 10 lần
như vậy trước khi được sở hữu ôm cái chân về nhà.)
Lần này Nhân may mắn hơn, vì toàn bộ linh kiện hiện của cái chân sắp tới được
nhập từ Pháp, chỉ phần lắp ráp gia công tại Việt Nam. Cu Nhân được sự giúp đỡ tài trợ
của Viet Ortho tại Hà Nội và Tổ chức nhân đạo Coeur de bambou (Pháp).
Chàng trai Thiện Nhân không thèm mặc áo hoa của con gái nữa và sắp xuất
hiện với cái chân xịn thế này này:
- Mỏm cụt bằng chất liệu Polyetilen.
- Bao mỏm cụt bằng silicon y tế (để chân giả bám chắc vào cơ thể bằng chất
liệu mềm và không gây kích ứng da).
- Khớp gối dùng cho trẻ em.
- Bàn chân giả cho trẻ em.
- Vỏ mút thẩm mĩ bọc ngoài.
Chiều dài bàn chân sẽ phải điều chỉnh theo độ lớn của cu Nhân và các chi tiết
cho phần đùi và ống chân sẽ được điều chỉnh định kì ba tháng một lần. Các ổ mỏm cụt
cũng có thể phải điều chỉnh hoặc làm lại, tuỳ theo mức độ thay đổi thể tích của mỏm
cụt trong thời gian cu Nhân lớn dần.
Bố mẹ chuẩn bị cho cu Nhân điều trị và lắp ráp chân tại Mĩ, nhưng lần vừa rồi
đi phẫu thuật, con còn nhỏ, chưa được tập luyện, nên chưa lắp ngay được cái
chân “xịn” theo mong đợi. Khi con lên bốn hoặc năm tuổi sẽ bắt đầu ca phẫu thuật đầu
tiên trong tiến trình mười đến mười lăm năm lắp ráp để làm người đàn ông bình
thường, nên đến lúc đó sẽ song song xử lí vụ “chân cẳng” tiếp. Ưu tiên hàng đầu
cho “vụ án” kia, cu Nhân nhỉ.
Câu hỏi mẹ vẫn thường được nhận là sẽ tiếp tục chữa trị cho con thế nào, sẽ hết
tổng bao nhiêu tiền? Nhưng mẹ chẳng phải chuyên gia y tế, có cu Nhân rồi mới vừa đi
vừa mò mẫm. Vết thương của cu Nhân thì cũng độc nhất vô nhị, nước Mĩ làm thành
công cho con thì cũng được ghi nhận là thành tựu khoa học của ngành y thế giới
luôn. Sẽ là bao nhiêu phẫu thuật? Sẽ thành công đến đâu? Sẽ cần hết bao nhiêu tiền
nữa? Giống như bố vẫn trêu mẹ: “Em hỏi anh thì anh biết hỏi ai?”
Bố mẹ, Elka, Greig, Na Hương, Bác Sơn… đều đang đi tìm câu trả lời tốt nhất
cho tất cả các câu hỏi này và mong muốn chia sẻ mọi cơ hội, mọi khó khăn với tất cả
các bố mẹ của con.
Thế nên mong muốn phải kèm với may mắn. Và mẹ đi, tập đi cũng giống như
con vậy thôi, từng bước, từng bước, để chọn cho con điều gì tốt nhất mà mẹ có thể,
chàng trai ạ. 

131
132
Cuộc chiến với… múi quýt

Ngày 04 tháng 12 năm 2008

Ba anh em cùng ăn quýt. Cu Nhân khéo tay, còn được anh Thiên Minh nhờ bóc
vỏ hộ. Đột nhiên Hải Minh giữ lại ba múi quýt trong lòng bàn tay: “Em để phần cho
bố Nghinh.” Nhân cũng xòe tay: “Em để phần cho bố Nghinh.”
Minh lớn, Minh bé nghe vậy, chộp luôn “ông” Nhân, vì ai cũng biết tỏng “ông”
Nhân thích ăn hoa quả, khó mà cầm lòng được.
Minh lớn: 
- A, Hải Minh ngoan quá, để phần bố. Nhân cũng ngoan nữa, Nhân cũng biết
để phần bố!
Minh bé: 
- Anh xem em này! – Rồi xòe tay ra khoe ba múi quýt ngay ngắn.
Hai Minh quay sang chăm sóc mẹ, nhoằng một cái, Nhân “chén” tỏm đi một
múi quýt. Hai anh Minh hét lên: “Ơ Nhân đã nói là để phần bố rồi cơ mà. Nhân ki bo
à?”
“Ông” Nhân đã tách ba múi quýt ra và đã ăn mất một, hai tay cầm hai múi còn
lại xòe ra cho anh Minh xem.
Minh lớn: 
- Thôi được rồi, Nhân đã bảo là phần bố, Nhân không được ăn đâu đấy!
Nhân: 
- Vâng ạ!
Hai anh Minh lần này vừa nói chuyện với mẹ vừa đề phòng “ông” Nhân sát sao
hơn. Miệng nói chuyện nhưng mắt Minh lớn và Minh bé liếc “ông cu em” liên tục.
Nhân nhè nhè hai ông anh sơ hở, chén luôn một múi nữa gọn lỏn.
Lần này thì căng rồi. Nhân và múi quýt còn lại một bên, một bên là hai ông anh
vừa giám sát vừa động viên nhắc nhở: “Chúng mình cùng phần bố nhỉ? Nhân và Hải
Minh cùng không ki bo nhỉ.” Hải Minh “Vâng ạ!” rõ là to và dứt khoát cho Nhân làm
mẫu “Dạ!” a dua theo.
Hai anh Minh không nói chuyện với mẹ nữa mà tập trung cao độ canh thằng em
và múi quýt. Nhân lân la đưa lên miệng, hai anh lại nhắc khéo: “Nhân ngoan không ki
bo đúng không?” Nhân lại lấy múi quýt ra “trình” hai ông anh và cười toét: “Vâng
ạ.” Cũng khổ thân “ông” Nhân không đừng được, nhét vào miệng mấy lần đều bị hai
anh dụ dỗ cho tự giác lấy ra, cho đến khi nghe tiếng bố đi lên gác, cả ba thằng lao ra
đón.
133
Thiên Minh: 
- Bố ơi, Hải Minh và Nhân cùng ngoan phần quýt cho bố này. Bố phải ăn ngay
hết đi!
Nhân và Hải Minh tranh nhau:
- Bố ơi, của bố này!
Bố chẳng hiểu sự tình gì, thấy con bắt ăn bằng được, phải nuốt hết. Xong xuôi,
hai thằng anh mới tranh nhau kể lại chuyện. Hải Minh xòe tay, khẳng định: 
- Con phần bố thế này này, con không hề chạm vào.
Bố: 
- Thảo nào bố ăn múi quýt của “ông” Nhân, thấy nát nhũn kinh kinh…
Hai thằng anh cười sặc sụa:
- Hải Minh ngoan không ki bo. Nhân cũng không ki bo, Nhân nhỉ?
Nhân “Vâng ạ!” rõ là to vì anh Thiên Minh bảo Nhân không ki bo. Mặt Nhân
hồ hởi và xoay xoay người bằng cách lăng hai tay quanh phòng. Trong niềm vui của
cu Nhân, mẹ thấy một phần vì Nhân không ki bo, mà cũng vì Nhân có cảm giác thoát
nạn với múi quýt. Bố mà chưa xuất hiện ngay thì Nhân còn phải tự đấu tranh với bản
thân đến là khổ!

134
Lại cái múi quýt

Ngày 02 tháng 01 năm 2009

Nhân ăn cơm thật nhanh để được ăn quýt. Mẹ để quả quýt trên bàn, mặt đầy uy
quyền làm cu Nhân cuống lên cố gắng.
- Mẹ đưa con nhé? – Cu Nhân gạ gẫm, muốn cầm vào tay cho chắc ăn.
- Không được, mẹ để đây là của con. Con cứ ăn xong cơm nhanh lên rồi con
lấy.
- Mẹ nhá, mẹ nhá…
Anh Minh bé biết rõ nhất tính của “ông” em nên lừa lừa lại chạm nhẹ vào quả
quýt và dịch dịch làm Nhân càng cuống cuồng.
Minh bé: 
- Nhân ơi, nó đang chuyển động này…
Nhân la lối: 
- Mẹ ơi! Hải Minh trêu con!
Ăn xong thìa cuối, mặt Nhân tí tớn lắm, nắm chặt quýt trong tay. Anh cu Nhân
tách một múi chìa cho mẹ:
- Mẹ ăn đi!
- Thôi, Nhân ngoan lắm, con ăn đi.
- Mẹ ăn đi! – Nhân nhét bằng được quýt vào miệng mẹ, mặt mũi rất hoan hỉ.
Vừa ăn vừa thương thằng con, nghĩ khổ thân. Nhưng Nhân lại tiếp tục bóc quýt
cho mẹ ăn. Khổ quá đi mất thôi, vừa từ chối, vừa ăn, mà chẳng biết “ông” con tử tế
thật hay đùa.
Sau, hai bàn tay xinh xinh cầm hai múi quýt cuối cùng cười toét: “Thôi, cái này
là của con.”
Hóa ra là thật.

135
136
“Cháu biết bò lê đấy”

Ngày 27 tháng 02 năm 2009

Mẹ nghe có lần con trò chuyện với một cô: “Cháu biết bò lê đấy.” Thực ra đấy
là việc con nhận ra vì con thấy khác với mọi người thôi.
Hai tuổi con đã biết:
- Tự bóc chuối, bóc quýt.
- Tự xúc cơm.
- Biết đếm từ 1 đến 10.
- Biết màu xanh, màu da cam…
- “Biết” nghịch ngợm nhất lớp.
- “Biết” trêu mẹ, bịt miệng cười rúc rích: “Con không yêu mẹ đâu!”
- Biết xin lỗi, nhận lỗi, biết cuối mỗi câu phải “Ạ!”
- Con biết tự đánh răng. Bắt chước anh Hải Minh, “thuốc đánh răng” các con
gọi là “thuốc kem răng”.
- Con còn biết cố gắng nữa đấy chứ!

137
Làm “chủ nhân của hộp bánh”

Ngày 19 tháng 5 năm 2009

Nhân sắp ba tuổi, không biết sau này con có nhớ cái cảm giác của ngày hôm
nay, khi được làm “chủ nhân hộp bánh”. Nhân cũng rõ là “oai”, vác hộp bánh lò
cò qua lại trong nhà và liên tục cái miệng như chưa tin vào sự thật trong tay
này: “Mẹ ơi, con là chủ nhân của hộp bánh đúng không mẹ? Hải Minh ơi, cái này
Nhân làm chủ, mẹ bảo thế?”
Nhân sắp ba tuổi, và con biết “chủ nhân” của một món đồ có nghĩa là mình toàn
quyền việc sử dụng và phân phối món đồ đó. Nhân có chủ quyền đồ chơi, quần áo...
nhưng chưa bao giờ được tin tưởng ghi nhận là “chủ” của một vấn đề ăn uống cả. Lí
do đơn giản là Nhân cầm gì vào tay sẽ “chén” hết bay ngay, không kịp chia cho hai
anh, mà cũng không kịp để dành lại cho chính mình. Nhân chén tuột luôn, khỏi cần
biết ngon hay không, to hay nhỏ, nhiều hay ít.
Nhân sắp ba tuổi, mẹ cho làm “chủ nhân” của cả hộp bánh, có nghĩa là Nhân
phải biết tính toán: Ăn vào lúc nào? Ai được ăn? Ăn bao nhiêu và dành lại bao nhiêu?
Và quan trọng nhất, đã là “chủ”, có quyền hạn, sẽ khá là phải rộng lượng, nhường
phần lớn hơn, ngon hơn cho người khác. Từ trước tới giờ anh Hải Minh được phân
công là “chủ của hộp kẹo”.
Nhân cứ ghen mãi vì điều đó. Anh Hải Minh “toàn quyền sinh sát” với hộp kẹo
luôn. Mẹ phong cho Hải Minh chức như vậy vì ba lí do:
Thứ nhất là muốn khuyên khích anh Hải Minh ăn kẹo, vì anh chẳng bao giờ
chịu ăn cái nào.
Thứ hai là ngăn cho Nhân ăn lung tung không xin phép, vì Hải Minh rất nguyên
tắc.
Còn nữa, là để Nhân phải dè chừng không dám cào mặt Hải Minh rách ra,
không Hải Minh cắt hết xuất ăn của Nhân là nguy to.
Anh Thiên Minh là “chủ nhân của truyện” vì anh phải có trách nhiệm đọc
truyện cho Hải Minh và Nhân nghe. Không phân công như vậy thì anh Thiên Minh dại
gì đọc truyện trẻ con mẫu giáo, và mẹ sẽ phải gánh vác việc này trong khi rất rất ngại
đọc và đau đầu khi Nhân và Hải Minh tranh nhau, bắt đọc hai truyện khác nhau cùng
lúc. Hai anh chàng mù tịt chữ nhìn Thiên Minh như thần tượng, đố dám cậy bé bắt nạt
anh.
Đấy là lí do tối nay Nhân “oai” đến vậy và sướng ra mặt khi là “chủ nhân”.
Nhân còn: “Mẹ, mẹ... Mẹ... Con không ăn bánh, con để dành, vì hôm nay con ăn cơm
no rồi!” (Mọi khi á, còn lâu!).
Ba con làm mẹ nhớ lại lần đầu tiên được ông bà cho sở hữu một khoản tiền nho
nhỏ: Mẹ đã đi bộ một mạch từ hồ Hai Bà Trưng lên cửa hàng ở phố Tràng Tiền để

138
mua một con dao. Mẹ rất nhớ cảm giác thật là “oai” khi sở hữu trong túi một con dao,
bấm ra bấm vào âm thầm trong túi áo cho lưỡi dao dài ra rồi ngắn lại. Mẹ không tìm
thấy kẻ xấu, chứ không thì chắc chắn lúc đó mẹ đã đâm một nhát. Bây giờ là con dao
dọc giấy với nhiều khấc, nhưng lúc đó với mẹ là cả một vũ khí lợi hại trang bị cho các
mơ ước giang hồ của mình.
 

139
Gửi mẹ Măm

Ngày 04 tháng 6 năm 2009

Mẹ đón anh đi học về, thấy Nhân ngồi ôm hộp quà của mẹ Măm còn
“nguyên hình khuôn khổ không bị rách rời chắp vá”. Nhân đúng là hay bị phạt
nhất nhà vì tội vô kỉ luật.
Nhưng nhiều lúc Nhân cũng được làm gương cho hai anh. Ngoại bảo: “Ti và
anh Hải Minh không ăn ngoan. Hai thằng xách dép cho em Nhân!” Thế là cả mấy
thằng cười rinh rích: “Em Nhân có một chiếc dép, làm sao hai thằng cùng xách
được!”
Mẹ Măm à, mẹ Còi không che che giấu giấu, nên Nhân hiện giờ đang chấp
nhận sự thật một cách nhẹ nhàng. Chỉ không biết sau này có giữ cho con sự thanh thản
được không. Nhân bịt miệng cười, bảo: “Bố ơi, con bị cụt chân đấy.” Bố cũng đùa,
đập vào cái chân lành: “Bậy, chân con đây còn gì.” Nhân cười to hơn: “Bố đùa con!”
Tối 01 tháng 6, khu phố Nhân ở tổ chức liên hoan cho các cháu thiếu nhi. Toàn
bộ trẻ con lớn bé, các ông bà, các bác lãnh đạo phường, Hội Phụ nữ, trẻ em… tới dự.
Cháu nào xung phong lên hát thì sẽ có quà tặng là gói bim bim. Bố mẹ cùng động
viên Nhân: “Lên hát bài Cây dây leo đi con.” Anh Thiên Minh thì can ngăn, vì anh
luôn ngại các trò biểu diễn trước đám đông. Nhân gật đầu đồng ý làm bố mẹ thích chí
lắm, giục Nhân giơ tay xung phong.
Bố te tái vác Nhân lên sân khấu, lên đến nơi, Nhân đòi: “Mẹ cơ.” Mẹ chạy
theo, mang cái ghế xinh xinh chuẩn bị để Nhân ngồi. Rút cuộc là Nhân từ chối, đòi đi
xuồng.
Xuống dưới, thấy các anh chị hát được vỗ tay, được nhận quà, Nhân lại phấn
khích, đồng ý lên hát. Bố lại hồ hởi vác Nhân lên. Anh Thiên Minh càu nhàu mẹ: “Sao
mẹ cứ bảo em lên như thế, làm khổ em.” 
Mẹ bảo: “Thiên Minh này, con và Hải Minh không biểu diễn không sao, nhưng
mẹ muốn em Nhân mạnh dạn, tự tin trước mọi người. Thế tốt hơn cho em, có đúng
không con?”

140
Con chim sẻ nhỏ

Ngày 28 tháng 6 năm 2009

Buổi tối, cơm nước xong, bà nội và bốn mẹ con ra vườn hoa dạo mát. Có một
chú chim sẻ nhỏ nằm trên mặt đất, “chíu chít” cái mỏ kêu liên tục. Ba anh em xúm
quanh. 
- Mẹ ơi, con chim này bị rơi khỏi tổ, nó còn bé quá chưa biết bay!
- Các con không được chạm tay vào, không con chim sẽ chết mất đấy!
- Tại sao vậy mẹ?
- Con chim này bé quá, khi các con cầm vào nó sẽ truyền mùi từ tay các con
sang, và con chim mẹ sẽ không nhận ra mùi con chim con của nó nữa. Khi không nhận
ra con mình, nó sẽ không nuôi con chim này nữa, và con chim non sẽ chết vì đói và
lạnh.
Các con tin vào lời mẹ nói mà không biết rằng một phần mẹ không muốn các
con mang chú chim bé bỏng đấy về nhà. Nó sẽ chết vì quá bé, và các con sẽ rất buồn.
Còn nữa, mẹ nhớ có câu nói: “chim sa cá nhảy” sẽ rất độc.
Ba anh em cổ vũ chú chim bay lên. Con chim bé xíu đập đôi cánh yếu ớt và
nhảy nhảy đôi chân mảnh mong cất lên khỏi mặt đất.
Thiên Minh: 
- Có phải mẹ là người thương con chim này nhất không? Vì mẹ đã thấy thời
chiến tranh rồi mà, có rất nhiều người bị chết phải không mẹ?
Hải Minh: 
- Vấn đề… Vấn đề là con chim này đang tập bay. Nó cũng giống như con người
ý. Con người lớn lên, tập đi xe máy cũng nghiêng nghiêng thế này. Con chim mẹ không
thể mang nó lên tổ được, vì khi ôm nó vào lòng chim mẹ sẽ không còn đôi cánh để bay
lên nữa, đúng không mẹ?
Thiện Nhân: 
- Mẹ ơi, mẹ ơi, con chim này nó đói!
Mẹ không nói với các con những điều mẹ suy nghĩ. Hôm nay con chim nhỏ này
có thể được nuôi hoặc không, con chim này có thể sống hoặc chết. Mẹ không phải là
người quyết định. Điều đó cũng sẽ không quyết định sự lớn khôn của các con. Mẹ biết
cảm xúc của các con ngày hôm nay, một ngày nào đó sẽ trở lại đúng vào lúc các con
cần đưa ra những quyết định trong cuộc sống sau này.

141
- Mẹ nghĩ là nó khát nước. Hay mẹ mua chai nước cho nó uống nhé? – Mẹ vừa
nói vừa nhìn bà nội vì thường ngày bà rất tiết kiệm, ở nhà có nước mà đi mua chai
nước lọc như thế sẽ rất lãng phí.
Nhưng bà cho mẹ tiền ngay, bảo mẹ Mai Anh đi mua nước đi, để bà ở đây canh
chừng ba cháu.
Mẹ thấy thật nhẹ nhõm khi nghe bà nói. Khi cầm chai nước quay lại, chú bảo vệ
đang cầm con chim và hỏi: 
- Các cháu có muốn mang về nhà nuôi không? Nếu không chú để nó ở gốc cây
cao đằng kia.
- Nếu vậy con chim có chết không chú? – Ba anh em nhao nhao hỏi.
- Có thể nó sẽ chết.
Mẹ cầm chai nước, nhìn bà nội, nhìn ba con. Mẹ chờ mấy bà cháu quyết định.
Bà bảo:
- Các cháu mang nó về nuôi, khi nào nó bay được, các cháu thả nó bay về với
chim mẹ!
- Vâng ạ. 
Cả ba anh em vui lắm. Anh Thiên Minh đựng con chim nhỏ khum khum trong
tay, Hải Minh nhặt những chiếc lá vàng đưa cho Nhân giữ để mang về lót ổ cho con
chim non. Bà nội thì bảo các cháu: “Mình mang về nuôi vào cái chậu rồi úp cái rổ lên
trên.” Rồi bà bảo: “Cho con chim nhỏ ăn cơm nguội.”
Mẹ tra google: “Chim sa cá nhảy”.
Bà nội:
- Trên đường về ai cũng bảo bà là “chim sa cá nhảy”, nhưng bà thương nó.
Thiên Minh:
- Con nghĩ là các cụ nói thế thôi, vì có thể ngày xưa đúng chứ không phải lúc
nào cũng đúng.
Hải Minh:
- Thế bay được rồi thì mẹ nó có nhớ nó không? Anh Thiên Minh đã cầm tay vào
con chim rồi mẹ nó có nhận ra nó nữa không?
Thiện Nhân:
- Hải Minh ơi, Hải Minh, Nhân bảo nó biết bay lên thật cao!

142
Cái này với Nhân... dễ!

Ngày 01 tháng 5 năm 2009

Con đi xem xiếc “Alibaba” với hai anh. Anh Minh bé đã vào rạp xiếc mấy lần
nên chững chạc hướng dẫn cho cu Nhân mọi thứ giả – thật ở đây. “Ông” Nhân thì há
miệng vì lần đầu tiên thấy cái trò này lạ quá.
Con ngồi im thít theo dõi được một lúc, cu Nhân bắt đầu gọi: “Mẹ ơi! Mẹ ơi!”
liên tục và lắp lắp trình bày: “Mẹ ơi cái này dễ, con giỏi hơn. Ở nhà con còn lộn được
từ trên bàn xuống...” 
Đúng thật, cu Nhân là trùm lộn nhào, cúi một cái là cái chân văng lên trời,
người lộn tròn xoe một vòng. Nhân còn thường xuyên leo lên bàn làm việc cao ơi là
cao và thích thú nhảy tròn xuống. Tưởng tượng Nhân tự đi lên cầu thang đã “kinh”,
nhưng sự thực, “bay” một cái là Nhân ở trên cao nhất và “veo” một cái là xuống mặt
đất. Cu Nhân còn leo lên cầu thang bằng cách lộn ngược, cái chân duy nhất đi trước,
rồi đến hai tay và mới đến lượt cái đầu. Chưa hết trò, Nhân ngồi ở mép bậc thang tầng
ba gọi Thiên Minh: “Anh ơi anh đá đít em xuống đi!”
 

143
Trẻ con đi xem xiếc để làm gì?

Ngày 12 tháng 7 năm 2009

Câu hỏi này cần phải hỏi, vì ba anh em Minh lớn, Minh bé, Thiện Nhân đi
xem xiếc tới hai lần liên tiếp, và còn xem đúng một vở xiếc “Alibaba”. Còn nhớ,
ngay lần đầu tiên anh Minh lớn đi xem thì không thấy thú vị. Với anh Minh, xiếc
thì phải là xiếc, chứ xiếc mà cứ hát múa loạn xạ thì không đúng kiểu.
Anh Minh bé “ông cụ” thì nguyên tắc và nhớ dai, xem đến lần thứ hai chỉ còn
có một chi tiết làm anh quan tâm từ lần trước, là chọn chỗ ngồi nhìn thẳng trực diện
vào cái hang châu báu, xem thực ra nó đóng, mở bằng cách nào, và con quái vật ba đầu
có ăn thịt cậu bé rồi vứt xương ra không?
Thiện Nhân đi xem lần thứ hai thì vẫn hết sức chăm chú. Vậy Nhân chăm chú
cái gì?
Suốt cả tháng sau đó, bữa cơm chiều nào Nhân cũng lắp bắp: “Mẹ ơi mẹ đố con
câu đố trong Alibaba đi!”
Mẹ Còi mà muốn cả ba con tập trung ăn ngoan thì phải nghĩ ra đủ loại các câu
đố liên quan đến Alibaba để ba anh em thi tài và cứ thế tự xúc cơm.
- Mẹ đố đi, đố đi. Mẹ đố con trước cơ!
- Rồi, tất cả ăn một thìa rồi mẹ mới nói, mẹ phải nghĩ từ từ mới ra câu đố khó
chứ!... Tướng cướp mở cửa hang bằng cách gì?
- Vừng ơi, vừng ơi… Mở cửa ra… – Nhân cướp lời nhanh, nhắc lại chính xác từ
từ ngữ đến ngữ điệu, động tác của tên tướng cướp.
Một thìa cơm.
- Mẹ đố nhé: Alibaba mặc áo màu gì?
- Màu trắng! – Anh Minh bé tính cẩn thận nên thắng trước.
- Còn vợ của Alibaba?
- Áo màu đỏ! – Vẫn là anh Minh bé.
Và một thìa cơm.
- Trong kịch “Alibaba”, có bao nhiêu tên cướp?
- Mười hai! – Câu này chỉ có anh Minh lớn trả lời được.
- Thế lần lượt từng người kể mẹ nghe, trong “Alibaba” có các con thú gì xuất
hiện?

144
- Con voi, con khỉ, con rắn, con ngựa… Con đại bàng… Con quái vật ba đầu…
Con gà do tên tướng cướp ăn… Con người, hì hì… Con ngựa người! (Vì con này do
người đóng giả, và từ khó này do cu Nhân phát ngôn ra.)
Ba anh em thích thú, tranh cướp nhau hét tên từng con vật và cười ngặt nghẽo.
Một thìa cơm.
“Thế các tên tướng cướp trốn vào đâu?”
“Thế Alababa và vợ nhảy từ trên cao xuống dưới bằng cách nào?”
“Vợ Alibaba tên là gì nào?”
“Quái vật ba đầu thì là có mấy đầu mèo? Mấy đầu chó?”

Vậy đấy: Mỗi câu đố đổi lại một thìa cơm. Hết bữa cơm của ba anh em là bao
nhiêu câu đố. Và một tháng thì cần tất cả bao nhiêu câu đố trong “Alibaba”?
Mẹ Còi xoay xỏa đủ cách sau mỗi ngày để vẫn là trong “Alibaba” mà không
được lặp lại câu hỏi. Và bữa cơm hôm nay:
- Đố các con: trong “Alibaba” ai là người tốt?
- Alibaba! – Nhân hét trước.
- Sali, vợ Alibaba. – Anh Minh bé.
- Muông thú của Alibaba! – Anh Minh lớn.
- Rồi, thế những ai là xấu?
- Tên tướng cướp, quái vật ba đầu, anh của Alibaba… – Nhân và anh Minh bé
hồ hởi vận dụng trí nhớ.
- Còn người xấu nữa là người dạy khỉ, vì liên tục đánh các con khỉ ngay trên
sân khấu. Xấu tổng thể luôn, vì xấu từ diễn kịch đến ngoài cuộc đời! – Anh Minh lớn,
lớn hơn hai em.
Còn Mẹ Còi cần các câu hỏi mới trong “Alibaba” cho các thìa cơm chiều mai.

145
Chúc mừng sinh nhật con trai

Ngày 14 tháng 7 năm 2009

Ngày mai là tròn ba năm ngày con chào đời. Con chào đời không giống bất
kì một em bé nào, thế nên cũng hiếm một em bé nào có một ngày sinh nhật được
mong chờ đến vậy.
Các mẹ trên mạng từ lâu rồi đã lao xao: “Sắp đến sinh nhật con rồi, sao Ban
chấp hành im ắng vậy?” Ban chấp hành xin nhận lỗi với các bố mẹ và con trai, đúng
là mấy tháng qua, Hội chúng mình không có một hoạt động tập thể nào. Chúng mình,
dù muốn hay không, nhưng một sự thật: Cơm áo gạo tiền, những lo toan, bận rộn đời
thường phần nào làm mình không làm trọn vẹn trọng trách. Đó là một lời thanh minh
rất chân thật, không biết có được các bố mẹ chấp nhận hay không, nhưng có một điều
không bao giờ thay đổi: đó là lời “cam kết theo con suốt cuộc đời” vẫn hằn đậm trong
tim và thói quen mỗi sáng vội vàng lướt qua blog của con, để biết chắc rằng con và gia
đình vẫn khỏe mạnh, đầm ấm, ríu rít và đáng yêu.
Giữa tháng 9 này, rất có thể con sẽ lại được bố mẹ đưa sang Mĩ phẫu thuật. Con
trai lại sắp đối mặt với bông, dao, kìm, kéo. Cơ thể bé xíu, non nớt của con lại sắp phải
trải qua những lần phẫu thuật dài hàng chục tiếng đồng hồ. Đau đớn hôm nay, nhưng
con sẽ có nụ cười và niềm hạnh phúc ngày mai. Mạnh mẽ lên con trai nhé.
Đó cũng là lí do mà sinh nhật con năm nay không tổ chức rộng rãi như năm
ngoái. Chúng mình để dành, để làm một “Big Event” vào tháng 9. Đến tháng 9, chúng
mình sẽ đến chia tay con, sẽ cùng nhau nhường cơm, xẻ áo, quyên cho con một phần
viện phí, các bố mẹ nhé.
Một bể cá nho nhỏ với một đàn cá xinh xinh đã đến với con và hai anh trong
dịp sinh nhật này. Hằng ngày, ba chàng trai sẽ vây quanh bể cá, cho cá ăn. Mẹ đã
tưởng tượng ra đôi mắt tròn, trong vắt và cái miệng cong veo bình phẩm liên hồi của
Nhân. Và chắc chắn rồi, mẹ Còi cũng sẽ có rất nhiều những câu chuyện ngộ nghĩnh và
nhân văn về ba chàng trai và bể cá.
Ngày mai, các bố mẹ của năm nhóm đã có kế hoạch đến ngôi nhà số 11 ngõ
Nhà Chung để thăm con và hai anh của con. Thay mặt các bố mẹ trong Thiện Nhân
Hội, mẹ chúc con trai mạnh khỏe, mạnh mẽ, kiên cường và mãi mãi đáng yêu như bây
giờ, con trai nhé.

146
Sinh nhật ba tuổi

Ngày 20 tháng 7 năm 2009

Sinh nhật ba tuổi con chơi hì hụi với các bạn. Sinh nhật ở nhà nên con là chủ và
các bạn là khách. Con thật “oai”. Các bố mẹ thì có nhiều thời gian ngồi cạnh nhau và
trò chuyện. Chuyện về cuộc sống bận rộn quá, nên thấy có lúc thiếu giao lưu với nhau.
Chuyện về công việc làm ăn nhiều khó khăn hơn. Chuyện có bố mẹ của Thiện Nhân
đang sốt virus trong bệnh viện. Chuyện con ốm, con hư. Chuyện phải hẹn nhau cuối
tuần các gia đình đi uống cà phê, ăn sáng...

147
Bố Thuận làm nhiệm vụ quan trọng nhất là phân phát nến. Nhân chỉ mới ba tuổi
nên sẽ chỉ có ba cái nến, mà ai cũng muốn làm chủ một cây nến.

Nhân ba tuổi đang thổi ba cây nến, mà có đến bốn cây nến khác đang chờ ở
xung quanh.

Chiếc bánh sinh nhật này không được cắt như thông thường, mà cu Nhân và các
bạn đều chọc ngón tay thẳng vào bốc và mút... Nhân tóm thẳng vào, moi quả dâu tây
lên để “chén”.

Bạn của Nhân cũng vậy. Không cần dĩa và đĩa cho phức tạp. Chỉ cần nhón tay
một cái là được một miếng “mút” khá to.

Yêu quý nhau, mời nhau cũng bằng bánh kem trên ngón tay.

Câu chuyện của cái bể cá ngày sinh nhật ba tuổi bắt đầu bằng cu Nhân: “Mẹ
Lan ơi, nhìn này. Con cá đang ị!” “À, con cá ị rất dài, như là pháo hoa” “Con cá biết
ị là con cá chưa bị thiu” “Ha ha ha!”

Anh Bin lớn rồi, lại rất “bác học”, nên nhìn Nhân chơi cái trò “siêu nhân” tỉ mà
tỉ mẩn này, anh Bin thấy “hay hay”.

Nhân biết mẹ Lan đến là để dự sinh nhật mình, nên toàn quyền sở hữu mẹ Lan
Tím. Mẹ Còi chỉ ngồi chuyện trò với mẹ Lan một tí mà Nhân chép miệng: “Chán
quá...” và vẫy vẫy cái tay gọi mẹ Lan Tím: “Ra đây, ra đây!”

148
Cái lều được gửi từ Sài Gòn ra có ba khoanh nối với nhau như con tàu ba
khoang. Tất nhiên anh Minh lớn có cái khoang lớn rộng rãi có thể ngồi đọc sách trong
đó. Anh Minh bé có cái khoang giữa, xinh xinh như Minh bé, và có cửa sổ sáng sủa.
Cu Nhân tất nhiên là cái khoang “em út”, nhưng khổ nỗi cái khoang này lại nhỏ hẳn
nên Nhân không thể ngồi mà cũng không thể nằm duỗi dài thoải mái, co ro như cún
con trong cái khoang thuộc quyền sở hữu của mình.

Em Bống cứ dính chặt vào mẹ mặc dù rất hay đến chơi với bạn Nhân, và có lần
còn tự ý không xin phép mẹ, rủ: “Bạn Nhân về nhà Bống chơi đi!”

Bống không chịu ăn cái món “bánh kem mút ngón tay” của bạn áo vàng, lịch sự
hơn hẳn lũ con trai.

Nhân có sinh nhật thật là vui. Đùa reo và chạy nhảy, tranh nhau bóng với các
bạn.

Bố Trung tặng Nhân cái bảng và bút viết. Nhân chỉ vẽ toàn hình tròn, nhưng với
Nhân đó là ông mặt trời, cái bánh, quả bóng, quả táo...

Sinh nhật ở nhà nên Nhân khá “oai” với các bạn, và đôi lúc khá ki bo không
chịu cho bạn mượn đồ chơi. Cái khẩu súng Ben Ten này Nhân cầm trên tay cả tối, cô
bạn không thể nào cầm vào được. Khổ thân, bạn lại chỉ thích khẩu súng, nên bạn buồn
thiu.

Bàn tay xinh xinh cầm bút, chỉ nhoáy một cái là cả cái bảng, cả quần áo, cả
người Nhân nữa, toàn là hình tròn...

149
Một, hai, ba… Bài thể dục buổi sáng

Ngày 30 tháng 7 năm 2009

9 giờ tối.
- Mẹ Mai ơi mẹ Mai! Ở lớp con buổi sáng tập thể dục đấy! Một, hai, ba, nào thể
dục buổi sáng!
Nhân đột nhiên hào hứng kể chuyện với mẹ, hai tay khua khua tập thể dục.
Miệng cũng khua khua.
Mẹ chột dạ ngay vì trời đã tối, chẳng liên quan đến chuyện học chuyện hành gì,
con chẳng vô cớ trò chuyện.
- Thế dục thế nào con?
- Con tập với các bạn và giơ tay thế này, thế này… – Con diễn tả lại, mặt mũi
rất tươi.
- Thế lúc tập thể dục con có bị ngã không? – Mẹ vẫn thẳng thắn thế vì mẹ hiểu
con.
- Không, con không bị ngã đâu mẹ Mai ạ. – Cu Nhân giọng rất bao la.
- Vậy con đứng dựa vào đâu, như thế nào mà không ngã? – Mẹ không tha Nhân
vì mặt con quá vui vẻ, vui vẻ đến thấy thiếu sự an tâm.
Con vẫn cười, cười buồn hơn nhưng trực diện: 
- Mẹ Mai ơi, con chỉ có một chân nên con không tập được thể dục cùng các
bạn. Vì con chỉ có một chân, con ngồi xem các bạn tập.
- Không đúng. Con đứng được, con có chân giả rồi, con còn có xe nữa. Vậy thế
có sao không?
- Không sao mẹ ạ.
- Đúng rồi, không sao.
Mẹ luôn muốn dạy con dũng cảm, nhưng hôm nay mẹ xót lòng. Con nói dối vì
con thấy sự thật, và rồi còn biết nói dối để mẹ không thấy con biết buồn. Nhưng con
lại cần chia sẻ với mẹ, nên con tâm sự với mẹ theo cách riêng của con.

150
Cái chân lành lặn và một câu chuyện

Ngày 05 tháng 3 năm 2010

Đêm hôm qua, anh Minh lớn và Minh bé cuống cuồng lấy đũa, lấy thước kẻ,
lấy băng, giúp mẹ nẹp cái chân cho đầu gối ông em không cử động được. Gọi bác sĩ,
xin vào Việt Đức khâu ngay. Mẹ vác Nhân với cái chân ngược lên, mặc quần áo
bệnh viện, ghì Nhân lên cái bàn để khâu.
Tất cả là vì Nhân vào đi vệ sinh trước giờ ngủ và khuỵu chân cái “oạch”, chém
cái đầu gối vào cạnh của bậc cửa toilet, đứt luôn một dọc chảy bét máu và lòi cả mỡ
trắng trắng ra. Kinh hết hồn. Tóm tay vào cái vết rách để cho nó khỏi banh ra, mấy mẹ
con sơ cứu “ông” Nhân bằng đũa, thước kẻ của Thiên Minh, nẹp băng vòng vòng vòng
cả cái cẳng chân nhiều vòng để giữ thẳng cái đầu gồi. Không khâu không được vì đúng
đầu gối, cử động không cách gì mà tự liền được.
Gọi điện cầu cứu, Na Hương phi đến gấp để ở nhà với Minh lớn Minh bé, chờ
Nhân đi vào viện. Ba cô cháu nhà đấy sợ quá, ngồi ôm nhau ở ghế đi văng đến lúc
Nhân khâu xong về.
Trong phòng, Nhân la oái oái: “Mẹ ơi con muốn nắm áo của mẹ... Các anh của
em ơi... Con muốn mẹ đưa con ra khỏi bệnh viện để về nhà... Con không thích đâu...”
Và tất nhiên là con khóc thê khóc thảm khi bác sĩ rút từng mũi chỉ. Nhưng dù
sao Nhân vẫn là “Chú lính chì” dũng cảm và chẳng giống ai, nên khóc la chói tai vậy
nhưng “ông con” biết giữ nguyên cái chân không chút xê dịch trong quá trình khâu,
người cũng vậy, dính chặt cứng lên bàn, toát hết cả mồ hôi. Hai tay nắm chặt tay và áo
mẹ khóc: “Con muốn mẹ ở đây với con!”
Ra khỏi bệnh viện là cu Nhân nín khóc luôn, kêu: “Con hết đau rồi mẹ ạ, về
nhà thôi!” Và đúng đến cửa nhà mới vô vàn xúc động... Cu Nhân thở phào một cái và
thốt ra: “Em yêu các anh.” Hai “ông” anh thì vẫn đầy âu lo, ngồi nguyên chờ đợi
“ông” em ra sao. Nhân ôm chầm từng anh, òa khóc nức nở, vừa ôm hôn vừa khóc
vừa: “Em yêu anh của em.”

151
Buổi tối mùa đông Hà Nội

Ngày 09 tháng 3 năm 2010

Minh bé và cu Nhân chơi với nhau trong phòng, Minh lớn đọc truyện bên cạnh.
Mẹ đi ra đi vào dọn dẹp, bẵng một lúc, vào phòng chỉ còn Minh lớn vẫn đang đọc
truyện, hỏi hai em đâu thì không biết.
Tìm ra cả hai ông trong phòng tắm, trần truồng đang tắm cho nhau. Nhân toe
toét cười: “Mẹ ơi anh Hải Minh đang tắm cho con!”
Giữa tối mùa đông Hà Nội, hai ông con cứ xịt và yêu thương dội thẳng nước
lạnh lên nhau. Hoảng hồn, sờ vào hai thằng, lạnh toát toàn toạt!
Nhân cứ làm như vừa thoát khỏi chiến tranh nên mới thấy hết giá trị của yêu
thương mà lúc “ngon lành” không cảm nhận được. Tóm lại, Nhân uống giảm đau ngủ
luôn một giấc ngon lành, Hải Minh thì mất ngủ đến gần sáng, Thiên Minh thì mất hết
thước kẻ đi học, mẹ thì mất đũa ăn cơm.

152
“Chú lính chì” đi cắt chỉ

Ngày 12 tháng 3 năm 2010

Dũng cảm nhất vẫn là cu Nhân. Ngồi chờ cắt chỉ trong hoàn cảnh phòng cấp
cứu chốc chốc lại có người bị tai nạn được đưa vào, giường bên cạnh thì có một chú
đang bị khâu, kêu thê thảm. Tất nhiên là người cắt chỉ phải nhường bác sĩ cho người bị
khâu và người tai nạn. Và thế là cu Nhân ngồi chứng kiến. Bình tĩnh kinh người. 
Mãi rồi cũng đến lượt. Nhân tự kéo cái ống quần cao lên, duỗi thẳng cái chân ra
chờ. Nhân tóm một tay chặt vào tay mẹ, một tay giữ ống quần và hỏi mẹ: “Con có cần
cầm chỉ lên cho bác sĩ cắt không?”
Không một chút mếu, khóc. Cắt chỉ tất nhiên là không đau, nhưng cảnh tình cấp
cứu xung quanh thế mà không làm “ông” Nhân thần hồn nát thần tính mà còn định lôi
cái chỉ lên để giúp bác sĩ “tác nghiệp” nữa thì chịu!

153
Nghỉ hè (1)

Ngày 01 tháng 6 năm 2010

Cả ba anh em cùng nghỉ hè. Các con cùng vui, còn người lớn thì khác. Thường
ngày đi làm đã đầu tắt mặt tối cho đảm bảo giờ chiều cả nhà, thì nay phải lo thêm ăn
trưa và liên tục gọi điện về xem sao. Ba anh em thì luôn luôn giục: “Mẹ đi làm đi,
chúng con lớn rồi, ở nhà anh Thiên Minh sẽ là chủ, bọn con nghe lời anh Thiên
Minh.”
Ngày tháng trôi qua, cu Nhân đã “già” thêm nhiều rồi. Có lẽ là Nhân đã biết
hết. Nhưng không sao cả. Gương mặt bầu bĩnh đáng yêu có thêm nét “ông cụ”, nhưng
dù sao Nhân cũng phải lớn hơn.
Năm nay tưởng chừng như là một năm yên ả vì không có những chuyến đi rất
xa, những event nhộn nhịp, nhưng lại là năm căng thẳng và bận rộn nhất kể từ khi đón
cu Nhân về nhà. Nhiều lúc cũng nghĩ đến sau này, thay vì sẽ có hai đứa con chăm sóc,
mình sẽ có ba anh. Thay ba ca cũng đủ: Sáng, chiều, tối.

154
Thử rồi sẽ biết

Ngày 15 tháng 6 năm 2010

Chẳng ai như bà ngoại, các cháu nghỉ hè ở nhà, chạy nhảy như giặc, Nhân luôn
luôn chạy chậm hơn các anh, mà bảo mãi là phải chờ em, các anh lại mải đùa, không
phải lúc nào cũng nhớ được việc “tế nhị” ấy. Thế là bà lấy cái dây nilon, buộc hết chân
phải của cu Tí, Hải Minh lại. Cho biết thế nào!
Bà gọi điện khoe mẹ Còi: “Bà buộc một chân lại, nhảy mấy cái là mặt tái mét,
hết cả hơi. Cho biết thương em Nhân thế nào!”
Các anh gọi điện mách mẹ: “Bà buộc chân bọn con bằng cái dây màu đỏ!”

155
Chăm sóc nhau

Ngày 16 tháng 9 năm 2010

Sáng nay mẹ thấy bàn chải đánh răng của Hải Minh còn thuốc, mẹ la ầm Hải
Minh tội tối qua đánh răng không chịu đánh nhiều lần và thiếu sạch sẽ. Hải Minh ngái
ngủ chưa trả lời, còn Nhân vội vội vàng vàng nhảy ra: “Mẹ ơi lúc nãy... Lúc nãy con
đánh răng con lấy sẵn thuốc cho Hải Minh đấy.”
Ngồi vào mâm cơm là Nhân lò cò vác bát một vòng quanh bàn ra xới cơm chăm
sóc mẹ. Ăn một lúc là Nhân lặng lẽ rót cốc nước để trước mặt mẹ, và chỉ chờ mẹ giật
mình vì bất ngờ để cười toe toét.

156
Con muốn giống các anh

Ngày 17 tháng 12 năm 2010

 
Đối với Nhân, cái gì cũng phải giống hai anh Minh. Từ xưa tới giờ đều vậy.
Mặc áo giống anh. Thích hoạt hình anh thích. Đi tè phải cố giống anh. Anh ốm Nhân
cũng phải được uống thuốc. Mẹ xì mũi cho anh, Nhân không có mũi cũng phải cho
Nhân xì một cái... Giờ anh Minh bé phải luyện chữ để sang năm học lớp 1 thì Nhân
cũng xin: “Mẹ ơi cho con học giống anh Hải Minh.” Mỗi ngày anh Hải Minh tập viết
chữ thì Nhân cũng phải một bàn, một ghế, một đèn, một sách... nắn nót viết nét
xổ thẳng thôi. 
Mẹ giao cho Minh bé dạy Nhân học số từ 1 đến 7, nếu kiểm tra mà Nhân không
thuộc thì cả hai anh em không được đi ngủ. Nhân phải nịnh anh Minh bé để anh giúp
chỉ số cho: “Đây là số mấy?” Còn Minh bé thì nghiêm túc đến hết cả hơi, chỉ đi chỉ
lại, “ông” em vẫn đọc nhầm lung tung. Càng sai lại càng cuống. Minh bé gọi Minh lớn
cầu cứu: “Anh Thiên Minh ơi, anh dạy Nhân giúp em đi. Tại em hiền quá hay sao, dạy
mãi Nhân không thuộc bài.” 
Còn mẹ, mẹ chỉ muốn kiểm tra tình đồng đội của mấy anh em thôi.

157
Sổ liên lạc của Nhân

Ngày 30 tháng 12 năm 2010

158
159
Tắm cũng theo công nghệ dây chuyền

Ngày 22 tháng 01 năm 2011

Hà Nội rét, các trường đều nghỉ học suốt. Còn Nhân không rét cũng được
nghỉ học ở nhà để đảm bảo sức khỏe, chờ ngày phẫu thuật.
Rét lắm, nên mỗi lần tắm cho mấy anh em là người lớn phải phối hợp. Bà ngoại
tắm cho từng thằng trong chậu nước ấm, xong anh chàng nào là chuyển ra cho ông sấy
tóc, sấy cổ, sấy toàn thân rồi mặc quần áo. Nhân bé nhất nên lúc nào cũng đòi phải
được tắm trước. Cu Nhân khôn lắm, tắm trước sẽ nhiều nước nóng hơn mà!
 

160
Tiền

Ngày 07 tháng 02 năm 2011

Hải Minh chưa biết mệnh giá tiền, chưa biết cộng tiền, và tất nhiên chưa biết
giá trị của tiền. Hải Minh cứ thấy nhiều tờ tiền là thích rồi. Với Hải Minh,
500 ngàn với 50 ngàn có khác gì nhau. Bà cũng thấy chưa cần dạy Hải Minh về tiền
vội. Đời người hồn nhiên, thờ ơ với tiền bạc được mấy thời gian.
Hải Minh ở nhà ăn Tết với bà ngoại vì mẹ và anh đi làm “chim” cho
Nhân. Được một hai lần đi với bố lên cơ quan chơi, còn đâu Hải Minh ở nhà với bà
suốt. Bà thì ốm lai rai, không nặng mà cũng chẳng khỏi. Mẹ bảo Hải Minh ở nhà trông
bà cho mẹ. Thế là nếu không có ông ở nhà thì Hải Minh không đi đâu cả. Có lúc,
thấy cháu ngồi xem hoạt hình mãi cạnh bà, ông rủ sang công viên chơi. Nhà ông bà
cạnh công viên mà. Cháu bảo: “Cháu phải ở nhà trông bà, mẹ dặn thế.” Cứ ở nhà nên
tiền mừng tuổi của Hải Minh ít lắm so với các anh em họ. Toàn tiền của ông, của bà,
của bố, của dì và cậu là chính. Tiền mừng tuổi thì 200 ngàn, 100 ngàn, 50 ngàn. Thấy
Hải Minh mới biết đếm số lượng, bà bèn đổi sang tiền 10 ngàn cho số tờ nhiều lên. Hải
Minh thích lắm. Có ai mừng tuổi là đưa bà giữ hộ.
  - Thế cháu nhờ bà giữ tiền hộ để làm gì? 
- Mẹ về thì bà đưa cho mẹ để chữa bệnh cho em Nhân.
Lúc trước khi mẹ đi, Hải Minh thấy bà và mẹ cứ lo tiền nong cho em. Chi phí
thì nhiều, mà nhỡ phát sinh thì sao. Lúc tính toán, hai mẹ con không biết Hải
Minh đã để ý. Bà yêu Hải Minh lắm. Cứ bé bé, xinh xinh. Cứ ngây ngây thơ thơ.
Tưởng Hải Minh không biết gì, hóa ra còn biết nhiều điều mà bà không ngờ tới. Trẻ
con là vậy đấy. Cứ tưởng chúng nghịch ngợm, chúng vô tư…

161
Trao đổi linh hồn

Ngày 12 tháng 5 năm 2011

Mẹ sợ nhất không phải là việc chữa bệnh cho cu Nhân, mà là việc theo dõi dạy
dỗ Nhân. Nhân đáng yêu, nhưng bố mẹ nào mà hay đến thăm Nhân đều biết Nhân có
khá nhiều tội, nhiều lúc làm mẹ vô vàn lo lắng.
Tội lôm côm, tội nói dối, tội lấy đồ của anh phá trộm, tội ăn tham không chịu
chia phần, tội bướng đầu, người lớn mắng không sợ, cứ nhìn chằm chằm, tội không
ngồi yên ăn, cứ nhảy khắp nhà, ăn mãi không hết... Nhiều lúc mẹ quát hết hơi và đét cả
đít Nhân nữa đấy, chứ có phải lúc nào cũng yêu chiều đâu. Còn giờ, Nhân khác nhiều
lắm, CV trong sạch dần dần.
Cho đến hôm qua…
Mẹ vào phòng, thấy nước bọt khắp cửa ra vào. Anh nào nhổ nước bọt nghịch
bẩn. Mẹ quát: “Nhân, Hải Minh, ai nhổ nước bọt đây?”
Cả Hải Minh và Nhân đều bảo: “Con không nhổ.” Mặt Nhân trắng bệch vì
cuống.
Mẹ hỏi từng đứa đều không nhận, nhưng trông mặt Nhân sợ hơn tất cả. May
cho Nhân là mẹ phát hiện ra ngay sao Nhân sợ đến vậy, vì thực lần này không phải cu
Nhân làm, nhưng anh ta nhiều tội quá nên biết sợ, cuống vì lo nói thật giờ mẹ sẽ không
tin. Mẹ quay anh Hải Minh trước, anh phải thú nhận là con không nhổ, nhưng vì con
há miệng ra, nước bọt nó rơi xuống sàn nhà.
Thế là Hải Minh bị xử lí liền một lúc ba tội:
1 - Nhổ nước bọt, chơi bẩn thỉu;
2 - Nói dối, không tự giác nhận tội;
3 - Không thẳng thắn, dám “sáng tạo” vòng vo lí do bao biện.
Nhưng chưa bao giờ mặt Nhân “dãn nở” đến như vậy. “dãn nở” thực sự, vì CV
của Nhân “trong sạch” hơn Hải Minh. Nhân nhảy qua nhảy lại, ngoáy mông trên một
chân, hát lá la: “Thiện Nhân vô tội, Thiện Nhân không nói dối, Thiện Nhân “number
one”! Mẹ ơi, con đã đổi vị trí linh hồn với anh Hải Minh rồi. Con không bao giờ nói
dối nữa rồi!”

162
Câu chuyện cái áo rét,
cái hộp đánh giày
và một lời hứa

Ngày 14 tháng 5 năm 2011

Anh Minh lớn phóng cái xe đạp lớn. Anh Minh bé đạp cái xe đạp bé. Thiện
Nhân ra sức nhấn bàn đạp cái xe đạp tí hon trong công viên. Được một chốc thấy cả ba
anh em ngồi khóc nức khóc nở.
Không phải ba thằng bị ai bắt nạt, mà vì anh Thiên Minh gặp một anh bẩn thỉu
mặc cái áo sơ mi cũn cỡn trong công viên, đang ăn chịu của bác bán tào phớ. Mấy anh
em chuyện trò tâm sự là: Bố mẹ anh bỏ nhau, không ai nuôi anh, anh béo như vậy là vì
ngày bé anh chỉ ăn toàn gạo nếp; đã bốn tháng nay anh sống trong công viên và xin
đồ ăn thừa, ăn chịu; tối anh ngủ luôn ngoài trời, đêm mùa đông Hà Nội rét cắt da thịt
anh vẫn chỉ có mỗi cái áo cộc, nằm co quắp tại góc hiên của Nhà Cười. Hôm nào
được cho chút tiền là anh để dành để thuê chỗ ngủ có chăn ấm trong đêm khi giá rét,
thuê tại Bách Khoa với giá 20 ngàn một đêm...
Anh nói với ba anh em nhà Thiên Minh: Bây giờ anh thế thôi, nhưng một ngày
anh sẽ khác chứ. Lúc đó các em mà muốn mua gì bố mẹ không cho mua hay cần gì cứ
bảo anh, anh sẽ mua cho. Anh dự định sẽ để dành tiền để mua một bộ đánh giày trong
Bách Khoa để đi kiếm tiền.
Ba anh em Thiên Minh khóc, thiểu não trình bày với mẹ, xin mẹ cho hằng tuần,
vào sáng Chủ nhật, đến công viên để chơi với anh, và trình bày với ông ngoại để xin
ông quần áo của ông, vì anh tội nghiệp và vì anh là người tốt.
Ông ngoại và ba anh em đi chọn quần áo: Áo khoác phải thật ấm, có thể mặc
thay chăn, nhưng không được quá đẹp, vì ông bảo, nếu cho anh áo đẹp quá sẽ hại anh,
người ta sẽ không thương, không cho anh ăn nữa. Mẹ bảo, các con phải vào công viên
tìm ngay lại anh, đừng đợi đến Chủ nhật tuần sau như các con đã hẹn, vì như thế là sẽ
thêm một tuần nữa anh bị rét khi đêm về. Các con đừng ngại, đừng sợ. Anh có là
người xấu cũng không sao, người xấu và người tốt đều sẽ bị đói, sẽ bị rét như nhau,
giúp một người đang thiếu không bao giờ phải nghĩ người ta nói thật hay nói dối, tốt
hay xấu.
Anh Thiên Minh xin mẹ tiền để mua cho anh bộ đồ đánh giày nhưng mẹ không
cho, mẹ bảo: “Con hãy lấy cho anh vay bằng tiền mừng tuổi của con, và khi đưa tiền
con nhớ phải hẹn: Anh phải có trách nhiệm một ngày đó phải trả lại số tiền này. Nếu
chỉ cho anh tiền anh ăn thì rồi sẽ hết, nếu chỉ cho vay, không cho hẳn bộ đánh giày,
cũng sẽ giúp anh cố gắng hơn và sống có trách nhiệm. Còn con, con chỉ có ngần đó
tiền mừng tuổi, nếu con cho hết đi con sẽ không còn khả năng giúp một người khác.”

163
Mẹ đứng từ xa chờ các con đưa áo, đưa hộp đánh giày và tự dặn dò nhau. Khi
chia tay, mẹ vẫy anh lại và dặn: “Cô cho các em chơi với con, nhưng con phải hứa
không được nói dối em, không được dạy em chơi các trò xấu.”
Và cái áo ấm như cái chăn đã được cho đi. Bộ đánh giày đã được cho vay. Bọn
trẻ có một lời hứa: Sau này khi nào cần gì hãy đến tìm nhau.

164
Lại một em nữa giống mình

Ngày 01 tháng 7 năm 2011

Nhân đã quen với chuyện có những điều trẻ con không thích cũng phải làm, vì
ngoài sở thích ra, con người còn phải có trách nhiệm. Anh Minh bé cũng thường dạy
Nhân bốn giá trị cơ bản anh được học ở trường: Giá trị hòa bình, giá trị tôn trọng, giá
trị chia sẻ, giá trị trách nhiệm.
Mỗi ngày Nhân đều tham gia với mẹ, chị Thư và anh Minh lớn việc soạn hồ sơ,
đánh mã số, lên danh sách... các hồ sơ nhận được. Mẹ sợ nhầm lẫn nên từng tờ giấy
bệnh viện, đơn trình bày, giấy khai sinh, ảnh... của các bạn đều được dán một cái nhãn
mã số đồng nhất. Nhân rất chăm chỉ làm việc này, và còn cẩn thận xem lại từng cái
ảnh xem mình có dán đúng chiều hay không. Dán từng cái, từng cái label, cả trăm cái.
Nhân còn dán cả một cái label lên má và bảo: “Con là bệnh mang mã số VN741.” Có
lúc Nhân thích thú, có lúc thì căng thẳng đăm chiêu. Đến bà, mẹ, chị Thư đều không
mấy khi dám nhìn các ảnh vết thương trực diện, chỉ soạn xếp khoa học để chuyển bác
sĩ, nhưng Nhân thì xem từng ảnh rất cẩn thận và Nhân thở dài: “Lại một em nữa giống
mình!”
Mẹ nói chuyện, hỏi Nhân có biết cả nhà đang làm gì không, Nhân bảo:
“Có, con phải giúp cả các em khác nữa, vì các em cũng bị như con, nên phải giúp.”

165
Trời đày – Trời cho

Ngày 10 tháng 8 năm 2011

1.
Mẹ Mai Anh bận quá nên bàn giao việc nhận hồ sơ và trả lời các gia đình qua
điện thoại cho bà ngoại. Thế là mỗi khi nghe tiếng chuông cửa, các cháu lại reo ầm
lên: “Bà ơi ra nhận hồ sơ.”
Còn Thiện Nhân lầm bầm: “Lại thêm một em bé nữa giống mình.”
2.
Bác bưu tá của bưu điện Hà Nội ngày nào cũng rẽ vào nhà 25.
- Lại hồ sơ phải không bác?
- Vâng, hôm nay nhiều đấy.
Bác xé tờ giấy chuyển của bưu điện, xếp chồng lên nhau, đưa bút cho bà và nói:
- Bác kí mạnh vào, ghi tên thôi cũng được, cho nó in xuống các tờ dưới.
Có hôm trời mưa thất thường, bác bưu tá ùa vào nhà. Bà kí trong này và nhận
hồ sơ cho khỏi ướt.
Biết là việc bác thường xuyên làm mà bà cứ ái ngại.
- Bác đi nắng suốt ngày, không mặc áo dài tay. Bác sần sùi lên thế kia?
- Rôm đấy bà ạ. Mặc áo dài tay vướng quá. Cháu cũng quen rồi!
3.
Sáng sớm, chưa đến bảy giờ, đã có chuông cửa. Trời mưa mà ai đến sớm thế!
Thì ra có hai mẹ con bé đi từ Quảng Ninh lên.
“Con chào bà đi.” Cậu bé nhỏ nhắn, khuôn mặt giống mẹ. Người phụ nữ vừa
bước vào vừa nói vội:
- Cháu đi từ ba giờ sáng. Cháu ở ngoài đảo. Cháu lên sớm để gặp chị, hỏi cụ
thể xem cần những thủ tục gì.
- Cứ như hướng dẫn thôi cháu. Hai mẹ con đi thế này khổ quá mà không cần
thiết. Thế túi của cháu đâu?
- Cháu chỉ có túi bé này thôi bà ạ. Gặp chị Mai Anh xong cháu về luôn. Hai vợ
chồng cháu trồng cây ngoài đảo. Cháu mang cả con đi theo.
Mấy ngày sau. Lại có điện thoại gọi từ sớm:

166
- Bà ơi, cháu đây.
Tôi nhận ra ngay giọng mẹ con nhà ngoài đảo.
- Cháu gửi bưu điện rồi.
- Tốt rồi, nhận được bà sẽ gọi điện báo cho cháu cháu ngay.
4.
Gần trưa. Chuông cửa réo. Ngoài cửa là một người đàn ông to cao:
- Cháu chào bà. Cháu từ Thanh Hóa ra. Cháu muốn gặp chị Mai Anh để nộp
hồ sơ cho con cháu.
- Cháu vào đây. Có gì cháu trao đổi với bà là được rồi.
- Cháu mang hồ sơ nộp cho con trai cháu.
Giở hồ sơ ra kiểm tra. Mai Anh đã dặn rồi: “Con bận lắm. Mẹ nghe điện thoại
trả lời hộ con. Việc này hợp với mẹ đấy. Mẹ nhớ hồ sơ cần những gì nhé. Con biết mẹ
lại mủi lòng khi nghe các trường hợp. Nhưng mẹ phải xác định rõ cho mọi người. Việc
chữa là do bác sĩ quyết định. Chữa được ai và như thế nào là do bệnh của mỗi cháu và
do bác sĩ chỉ định.”
Ảnh cháu chụp ngồi ở cầu thang. Cậu bé to, đẹp như bố nó.
- Cháu có mấy con?
- Bà ơi cháu chỉ dám đẻ một đứa thôi. Cháu lo lắm. Cháu là con trưởng nhưng
chẳng dám sinh tiếp. Nhỡ lại không may thì sao.
Vừa nói, mắt người đàn ông to cao, đang là giáo viên thể dục ở một trường
trung học đang dâng dâng nước mắt.
Có thể nói gì ngoài một lời an ủi, động viên?
5.
Cũng sợ thật nếu sinh tiếp mà đứa sau lại bị bệnh giống đứa trước thì sao.
Nhiều gia đình bị chất độc màu da cam cứ sinh tiếp đứa thứ hai, đứa thứ ba. Người ta
hi vọng, hi vọng để bù cho thất vọng. Cũng chẳng biết lựa chọn sao bây giờ. Có gia
đình gửi ảnh người anh bị bệnh, lại kèm thêm ảnh bé em con gái xinh xắn đang chơi
với anh. Cháu bé sau không sao cả.
Lại chuông của bác bưu tá.
Bà ngoại ngạc nhiên tự hỏi: “Sao nhà này gửi nhiều ảnh thế? Sao lại có những
hai bản sao giấy khai sinh?”
Thì ra nhà này hai anh em đều bị bệnh giống nhau. Khổ quá. Biết sẽ ra sao đây.
6.

167
- Cháu ơi, còn thiếu xác nhận của địa phương hay nơi làm việc cũng được.
Cháu có vấn đề gì đâu. Nhưng khi cần thiết, mình có đủ giấy tờ, thủ tục. Nếu cháu
hoàn cảnh khó khăn thì có xác nhận càng tốt.
- Bà ơi cháu không muốn xin xác nhận. Cháu muốn tương lai con cháu còn có
một gia đình.
- Không sao đâu. Cũng chỉ là chứng nhận cháu ở địa phương thôi, như kiểu tờ
sơ yếu lí lịch ấy mà. Bà hiểu. Cháu yên tâm.
7.
Vào một hôm nọ. Điện thoại reo, có một giọng nói lạ:
- A lô, chị Mai Anh ạ!
- Không cô là mẹ Mai Anh. Cháu cần gì cứ nói. Cô vẫn cùng chị lo mọi việc cho
Thiện Nhân nên nắm được. Mai Anh còn phải đi làm.
- Cô ơi, cháu ở báo Dân Trí trong Thành phố Hồ Chí Minh. Cháu nối máy, cô
nói chuyện với gia đình cháu bé bị bệnh.
- May quá. Cô đã đọc hồ sơ trường hợp này mà không thấy có số điện thoại để
báo tin lại.
8.
Hai vợ chồng trẻ, đèo một cậu bé tới sáng Chủ nhật.
- Cháu ở ngay Hà Nội nên cháu mang hồ sơ tới trực tiếp.
Bà lại giở ra xem thiếu giấy tờ gì không. Cậu bé nghịch ngợm quanh mẹ.
- Cháu có mấy đứa?
- Bà ơi cháu không dám đẻ nữa. – Người mẹ khóc không thành tiếng, nước mắt
ràn rụa.
- Bà ơi bà nhớ giúp vợ chồng cháu. – Người chồng cũng nghẹn ngào.
Bà và Mai Anh có thể làm gì hơn đây. Bây giờ đã hơn 80 trường hợp. Mấy
tháng tuổi có. Hơn hai mươi tuổi có. Con trai nhiều. Con gái chỉ có năm, bảy trường
hợp. Lòng người dẫu mênh mông nhưng sức người hạn hẹp. Mời được bác sĩ sang đã
là may. Bây giờ số các cháu bị bệnh hiểm nghèo đông vậy, sắp xếp sao để cho bác sĩ
đồng ý khám tất cả, sắp xếp sao cho lịch khám cho hợp lí, thuận tiện với mỗi gia đình.
Các cháu bệnh nặng nhẹ khác nhau. Bà đọc hồ sơ, xem ảnh các cháu, dù không phải
bác sĩ bà cũng cảm nhận được đôi phần đau xót của các bố mẹ và bệnh nhân. Nhiều
lúc cầm ảnh mà lướt nhanh. Bà nhiều tuổi rồi mà còn không nén được. Em Thư mới
tốt nghiệp đại học, đến giúp bà và chị Mai Anh xếp hồ sơ. Cô gái trẻ ngồi cả ngày dán
mã từng bức ảnh, từng tờ giấy, kể cả phong bì gửi của các gia đình. Bé Thiện Nhân
ngồi bên, xin chị cho dán từng mẩu giấy nhỏ để điền mã hồ sơ. Thiện Nhân làm cẩn
thận và nghiêm túc. Nhân nghe và tự hiểu: “Lại thêm một em nữa giống mình.”

168
Bà chỉ biết nói lời yên tâm, dẫu bà cũng chẳng hiểu phải yên tâm sao đây. Cứ
ngẫm mấy chữ “trời đày – trời cho”. Cứ cầu mong thôi. Bác sĩ dẫu giỏi tầm cỡ thế giới
cũng không phải phù thủy. Làm sao có thể giúp cho tất cả các cháu đã nộp hồ sơ đây?
Bà và các bố mẹ cùng cầu mong vậy.
Còn bao mẩu chuyện về các bé. Những mẩu chuyện kể không thể hết vì chặng
đường của chúng ta cần phải làm dài lắm, cho bé trai lớn lên được làm một người đàn
ông bình thường, cho bé gái được yêu và làm người mẹ. Nào ta cùng cầu nguyện…

169
Bà ở nhà với Thiện Nhân thôi

Ngày 10 tháng 02 năm 2012

1.
Thiện Nhân ở nhà với bà ngoại thôi. Hai bà cháu trong căn phòng nhỏ bừa bộn
của bà. Bừa vì giường chiếu, áo quần. Bừa vì bà làm việc, bày bừa thơ phú, tài liệu.
Bừa vì bánh kẹo mà bà hỏi:
- Treo túi bánh kẹo để nhử con gì Nhân nhỉ?
- Con chó. – Nhân vừa nhai kẹo vừa nói rất nhanh
- Con chó nào nhỉ?
- Chó Thiện Nhân.
Chả là Nhân tuổi Tuất, cầm tinh con chó mà. Nhân thường khoe mọi người:
- Cháu là con chó đầu người. Anh Hải Minh là con khỉ đầu người.
Cái gì Nhân cũng biết.
Hai bà cháu cứ vậy đấy, ở nhà với nhau. Bà ngồi máy tính viết bài, đọc báo.
Nhân xem hoạt hình, hết Bibi lại Cartoon Network, rồi Thế giới động vật. Các nhà thơ
bạn bà ngạc nhiên khi thấy bà có thể sáng tác trong ồn ào của ti vi, của các cháu. Quen
hết. Quen với ồn ào của các cháu. Không có tiếng phim của Nhân thì bà lại bật nhạc
của bà. Hai con gái đã cóp nhạc mẹ ưa thích vào máy tính rồi. Quen hết. Lâu dần thành
thói quen. Việc bà, việc cháu chẳng sao hết. Tất nhiên, thỉnh thoảng lại: “Bà ơi cháu
chọn con mèo… Cháu chọn siêu nhân xanh…”
 

170
 
 2.
Nhân bây giờ lớn rồi. Trước ai mặc áo quần gì cho Nhân cũng được. Nhà bốn
đứa trẻ, toàn con trai bé bé gần bằng nhau. Sáng gọi bốn thằng dậy, ăn sáng, đi học.
Chiều tắm cho cả bốn thằng, ăn chiều rồi chuẩn bị học. Khi nào cũng vội, cũng rối tinh
cả nhà lên. Có anh thi thoảng ngái ngủ, khóc nhè. Anh cu Nhân không khóc bao giờ,
nhưng lại nhảy lung tung. Bây giờ Nhân biết chọn quần áo rồi. Bà bảo, phải đỏ cùng
đỏ hoặc với trắng, đen. Bà bảo màu nào phải màu ấy, nhìn giống giống nhau. Nhân
nhiều quần áo lắm. Của các anh em “sang tên”. Của mọi người tặng. Bữa bão lụt, bà
đã lựa đi bao áo quần gửi bọn trẻ, mà Nhân vẫn còn nhiều. Nhân tự chọn quần áo theo
ý mình làm cả nhà vội và tất nhiên Nhân bị mắng. Sáng nay ngồi phòng bà mà còn
khoe: “Cháu mặc vậy đẹp không?” “Đẹp.” Nhân vẽ cũng đẹp mà. Nhân dùng màu lên
tranh đẹp lắm. Hôm Noel Nhân mặc bộ quần áo đỏ xinh lắm. Được bà khen, Nhân cứ
chờ giặt khô lại mặc. Bà sợ quá, phải giấu đi. 
3.
Thôi thế là một ngày đã hết hộp ô mai. Chiều bà cầm lên còn mấy quả và toàn
gừng. Lát lại thấy túi kẹo treo ở cửa lột sột. Quay lại đã thấy mồm Nhân lúng búng.
Hết ô mai thì bắt đâu ăn sang gừng vậy. Các anh ăn vặt ít thôi, chắc tại đi học cả ngày.
Nhân thì gì cũng ăn. Ở nhà “buồn mồm” lắm. Nhân ăn táo, bưởi chua ngọt cũng ăn
tuốt. Có quả quất ở cây cũng hỏi ăn được không. Nhưng nho thì cu cậu thích nhất.
May quá có Nhân. Hai mẹ (dì Hiền em mẹ cũng gọi “mẹ” luôn) và các anh lười ăn hoa
quả. Ăn cơm cũng nhanh, nếu đói là ba lưng cơm luôn. Ăn bát đầu nhanh, bát sau bắt
đầu nhảy múa. Ở nhà với bà cả ngày buồn cẳng. Chiều các anh về, nói luôn mồm, ngọ
nguậy lung tung.
 
4.
Bây giờ anh Thiên Minh lớn, tắm lấy rồi. Còn Thiện Nhân, Hải Minh và
Nguyên là ông hoặc bà phải tắm cho nhanh kẻo lạnh, mà sạch. Từ đợt tháng 8 năm
2011, qua giáo sư Ý mổ, rồi mấy tuần Nhân lại tiêm 20 cc nước vào hai bên cạnh, chỗ
bụng gần sườn, là bà không dám kì ở bụng cho Nhân nữa. Chỉ có thể quay đi, chỉ có
thể bảo Nhân tự kì. Sợ mạnh tay làm Nhân đau. Hai bên là hai bọng nước to, sợ đụng
vào lỡ mạnh tay, hỏng việc. Thiện Nhân chịu đựng giỏi, mà bà chịu đựng kém.
 

171
Gà luộc nên phải ngót là đúng thôi
5.
“Bà ơi, em Nhân đút đồ chơi vào mũi rồi.” Khổ quá. Thế là vứt máy tính, bổ ra.
Cu cậu mặt tái mét. Anh Nguyên thì hét lên: “Em có khều ra được không?”
“Ngồi yên đấy để bà xem. Thế đồ chơi như thế nào?” “Nhựa màu đỏ. Đây bà
ạ.” – Anh Nguyên nhanh tay vẽ hình miếng đồ chơi. Bằng mặt ngón tay chỏ của bà, có
hình như con sao biển. “Hai cháu ngồi yên, đừng hét em nữa, để bà gọi bạn bà trong
bệnh viện.” May quá, bạn bà làm ở khoa tai mũi họng bệnh viện Hữu Nghị.
- Chị mang cháu vào ngay đi!
Một lát sau, bạn lại gọi:
- Chị ơi, nhớ đừng để cháu nằm xuống hay cố khều ra nhé. Nó tụt sâu vào thì
mệt đấy.
Gọi báo cho ông ngoại và mẹ biết, rồi gọi ngay bác xe ôm quen thuộc đi vào
viện.
Nhân ngồi lên ghế khám. Bác sĩ soi vào đã nhìn thấy đồ chơi. Xịt thuốc tê, nong
mũi. Nhân ngồi im và giơ tay cho bà:
- Bà nắm tay cháu đi.
- Sao vậy cháu? – Bác sĩ quan tâm hỏi.
- Không sao đâu em ạ. Cháu đi bệnh viện chỉ cần mẹ hay bà cầm tay là cháu
không sợ.
Xong rồi. Bà chụp mẩu đồ chơi ấy để sau này Nhân xem.
Hai bà cháu lại đi bác xe ôm quen về. Đến nhà trả tiền, bác không lấy. “Bác
không lấy tiền chở Nhân đâu.” Đưa Nhân đến trường, bế Nhân lên tầng ba bác cũng
không nề hà.
172
6.
Chẳng ai lấy tiền phục vụ Nhân cả. Ông, bà, rồi các cháu đều đi cắt tóc cạnh
nhà. Các anh đều phải tính tiền. May chú thợ này còn cắt cho trẻ em. Nhiều cửa hàng
không cắt đâu. Cắt trẻ em khó, mà tiền công không thể tính như người lớn. Chú không
bao giờ lấy tiền cắt tóc cho Nhân. Chú cắt cho Nhân đẹp, vì Nhân là người đặc biệt
mà. Nhân ghê lắm, tóc dài mà không cho bà cắt đâu, dù bà tự đề cao bà cắt đẹp lắm.
Nhân bảo, đi hiệu mới đẹp. Nhân bắt đầu lớn rồi, có ý thức về mình rồi.

173
Con bọ ngựa

Ngày 25 tháng 3 năm 2012

Ba anh em Nhân ở thành phố, mà thành phố bây giờ khác với thành phố của mẹ
Còi nhiều năm về trước khi cùng tuổi Nhân bây giờ, nên không biết con bọ ngựa, con
bọ dừa, con cánh cam... Tan làm, mẹ mang chú bọ ngựa “oai hùng” này về cho ba anh
em nuôi nên sướng lắm. Cu Nhân “hi sinh” ngay cái hộp kẹo sô cô la đồng tiền vàng
mẹ tặng Nhân trong lần mẹ đi chụp cắt lớp não ở Thái Lan, lót cái lá để làm
giường cho chú bọ ngựa. Đây là thứ tài sản mà Nhân quý lắm, vì sô cô la này,
tiền vàng lấp lánh này, và mẹ tặng riêng này. Anh Minh bé thì đổ ngay ngăn quần áo
ra, lấy cái hộp nhựa làm cái chuồng to để chú có nhiều oxy. Minh lớn thì tra cứu
Internet xem bọ ngựa ăn gì...
Ba anh em chổng mông đi bắt muỗi, lấy nước uống, lấy đèn học chiếu cho chú
bọ ngựa được ấm áp... Mẹ Còi thì nhắc liên tục, các con chăm sóc thì phải đầy đủ có
cả ăn, uống, ngủ... phải dọn vệ sinh thơm tho khi chú bọ ngựa đi ị đi tè nữa. Chăm sóc
ai thì phải thế, chứ chỉ cho ăn cho chơi và ngắm thôi thì lúc nào chẳng vui, và ai cũng
làm được.
Vui thế nhưng mẹ Còi giao hẹn: Chỉ nuôi chú bọ ngựa đúng ba ngày, ba ngày
sau ba anh em sẽ đợi tới tối muộn, thả chú lên cái lá cây trên sân thượng cho chú bọ
ngựa một đêm yên tĩnh nhấm nháp những giọt sương đêm và quơ côn trùng bay qua để
lấy sức, sớm mai tạm biệt ba anh em, chú tiếp tục vác kiếm theo “hành trình giang hồ”
của “đấng nam nhi” đầu đội trời, chân đạp “lá”.

174
Phần tiếp theo của câu chuyện cái chân

Ngày 22 tháng 4 năm 2012

“Mẹ ơi, con có quà cho mẹ đấy” – Nhân hôn mẹ Còi và kéo cổ mẹ ghé vào má
mình – “Mẹ xem con đi nạng này, mẹ xem này, chân con đỡ bị lệch ngay rồi này, và
hai mông cũng bằng nhau nữa!”
Nhân nhiều lúc bướng không chịu đi nạng vì nhảy sẽ nhanh hơn, nhưng cu
Nhân cũng biết những lúc đấy mẹ rất rầu lòng, nên quà cho mẹ Còi không gì bằng là
chàng trai của mẹ chịu chăm chỉ đi nạng cho mẹ yên tâm.
“Mẹ ơi, thôi con không cần mổ chân nữa không tốn tiền, con đi nạng thế này là
tốt rồi, mẹ xem này, con còn nhanh hơn anh Hải Minh đây này!” – Nhân lúc nào
cũng lo cho mẹ trước cho mình, giống như hai anh. Anh Minh bé ở trường về, trình
bày xin mẹ mua xe ô tô giống các bạn, mẹ hứa thứ Bảy nghỉ mẹ đưa mấy anh em đi,
cùng mua vì cùng ngoan, nhưng đến thứ Bảy lại tự chạy ra bảo mẹ: “Thôi mẹ, con
nghĩ đừng mua đồ chơi nữa, con chơi rồi lại hỏng, mẹ giữ tiền, nhỡ cần nộp tiền học
hay chữa bệnh cho Nhân.”
Mẹ đi vắng, cu Nhân ở nhà tâm sự với bà ngoại: “Bà ơi cháu không thích đi
nạng đâu, đi nạng là ba chân, cháu không thể có ba chân, cháu không thích ba chân.”
“Ba chân đâu, cái chân đã mất sao cháu lại tính?” – Bà ngoại nói vậy, nhưng
bà biết, dù là cái chân bị cụt lên đến tận khớp háng nhưng cu Nhân vẫn yêu quý nó
lắm, và trong sâu thẳm Nhân vẫn mong chờ nó mọc ra lại, như Nhân đã chờ đợi “con
chim xinh xinh”.

175
Làm mẹ không dễ

Ngày 25 tháng 4 năm 2012

Đang ngủ đêm, nghe tiếng khóc khẽ khẽ và tiếng gọi “Mẹ ơi!” rất khẽ. Mở mắt
nhìn quanh không thấy gì, mẹ lại ngủ tiếp, vì đêm qua cũng mệt. Rồi lại nghe tiếng
gọi, tiếng khóc vẫn khẽ, nhưng gấp gáp hơn. Tìm thấy Nhân co ro núp sau cửa ra vào
phòng ngủ, khóc gọi mẹ nhưng mặt xanh lét vì sợ: “Mẹ ơi con bị ị đùn.”
 
Đúng là tai nạn hi hữu, vì từ nhỏ cu Nhân không bị vậy. Tội Nhân bé nhỏ rúm
ró nên mẹ không thấy cáu Nhân, mà đành tỉ mẩn xát xà phòng nhiều lần, kì cọ Nhân.
Bẩn be bép khắp người. Anh cu biết thân biết phận, cun cút đề phòng mẹ cho đến khi
mãi không thấy mẹ mắng mới “dãn nở” cái mặt ra, vừa tắm lúc bốn giờ sáng vừa cười
toét. Còn mẹ thì sao mà cười nổi, sát trùng Nhân rồi còn lau dọn sàn nhà, sàn phòng
tắm, giặt quần áo kinh khủng của Nhân.
 
Quay lại ngủ lúc năm giờ sáng, nghĩ mình là người mẹ tốt và ngủ tiếp với hai
mắt cay xè. Nhưng rồi có một người nhắc nhở mẹ cần chú ý chăm sóc các con chu
đáo, điều độ đúng giờ hơn, chứ trẻ con ban ngày mải chơi không đi ị, đêm ngủ say mới
chạy không kịp thì đâu phải lỗi của trẻ nhỏ.

176
Phần Ba
Những mẩu chuyện nhỏ

Hai mảnh rách và bốn mũi khâu

Ngày 19 tháng 12 năm 2008

Hai bác sĩ của bệnh viện Răng Hàm Mặt được mời gấp sang bệnh viện
Việt Đức để khâu cho cu Nhân cho đúng chuyên ngành, vì ở bệnh viện Việt Đức các
bác sĩ vừa thương con, vừa lo con sẽ bị xấu trai. Thông thường, mấy mũi khâu chỉ là
tiểu phẫu cần gây tê, nhưng cu Nhân được quyết định tiền gây mê để xử lí cho chuẩn
nhất. Bốn mũi khâu vắt qua viền môi xuống dưới để kẹp lấy hai mảnh rách.
Thứ ba tới con sẽ cắt chỉ. Bác sĩ nói có thể khâu chỉ tự tiêu và con sẽ
không đau, nhưng sẽ để lại cái sẹo, nên khâu chỉ phải cắt và như vậy vết khâu sẽ đẹp
hơn và không ảnh hưởng đến độ xinh trai.
Sau một ngày, cu Nhân nhìn đã bớt kinh khủng rồi. Mẹ đeo kính, nhìn cu Nhân
ngủ để soi thật rõ, cũng thở nhẹ hơn vì cái miệng vẫn xinh xinh yêu yêu.
Con là con khỉ, hay ăn hoa quả và leo trèo. Con trèo phắt lên đàn của anh. Ghé
cái mông ngồi trên phím đàn, chân còn lại dịch dịch trên ghế và nhảy cái mông
theo để dập ra tiếng nhạc. Và rồi rơi xuống, ra nông nỗi vậy.

177
Đúng thật là cũng chết mệt với cu Nhân

Ngày 21 tháng 12 năm 2008

Mặc dù đã hết đau, nhưng đeo cái “dây điện” trên môi ngày mai mới cắt chỉ, cu
Nhân không chịu ăn. Dỗ ngon ngọt theo đúng phương pháp giáo dục và yêu thương,
không nghe.
Nhịn ăn, nhịn cả uống sữa hai ngày, nên kết lại là mẹ phải hét cho một trận
khiếp vía mới thút thít ăn. Nói chung là cũng muốn được cu Nhân yêu, nhưng không
mặt nghiêm không được, anh cu này nhõng nhẽo, lấn tới ngay. Làm cái mặt đằng đằng
sát khí, la lối mệt hết cả hơi, đổi lại mới được hết bát cháo trong tích tắc. Hỏi Nhân:
“Mẹ mắng con là vì sao?” Thút thít bảo: “Vì mẹ yêu con.”
- Nhân, mẹ thương ai nhất nhà này?
- Con.
Chẳng biết “hắn” có nghĩ vậy không, hay thấy mẹ “kinh” quá, đáp liều cho yên
thân.
Ngày 22 tháng 12 năm 2008

Sáng nay, mẹ Thư ngồi trong lớp trò chuyện với con và hỏi tại sao hôm qua con
khóc. Con nói cười rất vui vẻ. Mẹ Thư vừa nói chuyện vừa để chân của mình vào chân
của con (mẹ không để ý). Con bỗng nhiên nói rất to: “Mẹ! Đừng đạp con!” làm các
mẹ rất buồn cười và bất ngờ về câu nói đó.
Con thấy mẹ Trang mặc áo, con hỏi: “Mẹ Thư ơi! Mẹ Trang đi đâu?” Mẹ Thư
trêu: “Mẹ Trang đi lấy chồng.” Con lừ mắt rất nhanh và nói: “Bậy nào!” Các mẹ lại
được một trận cười vì những câu nói ngộ nghĩnh của con.
Con ăn uống có tiến bộ, ăn nhanh và tự xúc. Hôm nay con ăn nhiều thanh long.
Cô lấy lần thứ ba rồi, con vẫn thích ăn nữa: “Mẹ! Mẹ! Cho con ăn nữa!”

178
“Ông” Nhân chơi sang

Ngày 23 tháng 12 năm 2008

- Nhân ơi ăn nhanh lên để còn đi cắt chỉ.


- A a a, anh ơi em được đi cắt chỉ…
Mẹ muốn con xác nhận là có chỉ ở môi, đi cắt chỉ không phải đi chơi mà reo
lên:
- Nhân, mẹ hỏi này, con cắt chỉ ở đâu?
- Con cắt chỉ ở Mĩ ạ.

179
“Phép màu, quá là phép màu luôn!”

Ngày 23 tháng 12 năm 2008

Minh lớn vừa loay hoay mở gói quà chung nhau vừa lẩm bẩm: “Phép màu, quá
là phép màu luôn!” Minh bé và Nhân chầu hẫu ngồi quanh để xem Ông già Noel tặng
ba anh em quà gì.
Minh bé nhắc lại lời Ông già Noel: “Ông là Ông già Noel đi phát quà cho các
cháu, phát quà cho các cháu nào ngoan!”
Cu Nhân: 
- Anh ơi, anh biết không, Ông… ông… ông già Noel của em đấy!
Tiếng chuông bấm “kính coong” với sự xuất hiện của Ông già Noel làm lũ nhóc
vui điên lên, loạn cả nhà cửa.
Nhưng có một điều làm anh Thiên Minh trách mẹ: “Sao mẹ không kịp chụp
ảnh, mình sẽ đặt tên bức ảnh là Ông già Noel đầu tiên của Nhân đội mũ bảo hiểm!”
Lũ nhóc ngặt nghẽo: “Buồn cười quá đi mất!”
Mẹ Thủy mẹ em Tít ơi, ba chàng trai của mẹ vui đúng như lời mẹ chúc trong
tấm thiệp Giáng Sinh: “Chúc ba chàng trai vui vẻ!”
Chưa hết… Phép màu đang làm ba thằng chổng mông thảo luận, cùng viết thư
tiếp tục cho Ông già Noel: 
- Cho Nhân chiếc găng tay ấm nhé!
- Vâng ạ.
- Anh thì xin cái bút viết cho đẹp.
- “Ông ơi cháu chúc ông mạnh khỏe, ông cho cháu một cái ô tô có điều khiển
từ xa nhé.” Phải… Phải chúc ông mạnh khỏe thì Ông già Noel mới tặng được, đúng
không anh?
- Nắp bút của anh đâu rồi, tìm cho anh đi không anh lại phải xin thêm cái nắp
bút để bù lại…

180
“Mẹ đấy!”

Ngày 03 tháng 01 năm 2009

- Hải Minh, ai đẻ ra Hải Minh?


- Mẹ!
- Nhân, ai đẻ ra con?
- Mẹ!
- Đúng rồi. Thế mẹ yêu ai nhỉ?
- Con! Mẹ ơi, bồng. Mẹ bồng, mẹ bồng!
- Một, hai, ba, mẹ bồng. Trời ơi hôi quá, ai đẻ ra thằng Nhân hôi thế này?
- Mẹ đấy!

181
Ước có thêm một điều ước

Ngày 18 tháng 01 năm 2009

Anh Thiên Minh hỏi mẹ:


- Mẹ ơi, bây giờ mẹ có ba điều ước, mẹ ước những gì?
- Mẹ không biết nữa. Đối với mẹ quan trọng nhất là thấy các con khôn lớn. Thế
con sẽ ước ba điều gì?
- Trước tiên là con ước sẽ viết chữ đẹp. Thứ hai là… (mẹ đã hứa với Thiên
Minh là giữ bí mật điều này) và thứ ba là con sẽ ước có thêm thật nhiều điều ước.
Điều thứ ba này con đã nghĩ từ rất lâu rồi.
- Thế còn em Nhân, tại sao con không ước cho em? Chữ viết đẹp thì xấu một
chút cũng được mà làm sao quan trọng bằng em Nhân được?
- Hi hi, mẹ đúng là! Con đã ước ra nhiều điều ước nữa rồi thì cần gì phải tiết
kiệm như thế. Thế con hỏi mẹ nhé, nếu chỉ có một điều ước cho Nhân thì mẹ sẽ ước gì?
- Mẹ ước em sẽ trở thành một người bình thường.
- Thế có nghĩa là mẹ ước em sẽ có đủ ngay hai cái chân á? Sai rồi! Tại sao mẹ
lại không nghĩ được giống như con nghĩ? Trước khi ước một điều gì mình cần phải
nghĩ trước là điều đó có đúng không đã chứ.
- Thế một điều ước duy nhất của con cho em là gì?
- Con nghĩ là em đã quen với việc có một chân rồi, nếu có ngay hai chân như
bình thường em sẽ không quen được và em sẽ bị ngã mất. Mình cần phải ước sẽ có
một bác sĩ thật giỏi, chữa được cho cái chân của em dài dần ra và bác sĩ sẽ giúp em
tập dần với cái chân đó.

182
Chúc ngủ ngon

Ngày 02 tháng 3 năm 2009

Minh bé và mẹ trò chuyện.


- Mẹ, mẹ, mẹ... Mẹ yêu ai nhất?
- Mẹ yêu con nhất.
- Không phải, mẹ yêu ai nhất nữa?
- Anh Thiên Minh nữa.
- Không phải, con hỏi mẹ yêu ai nhất nữa cơ mà?
- À, con muốn mẹ yêu Nhân nhất đúng không?
- Đúng rồi. Thế mẹ thương ai nhất?
- Mẹ thương Nhân nhất được không?
- Đúng rồi, giống như con... Con có một anh thôi còn Nhân có hai anh mẹ ạ.
Con cũng yêu Nhân nhất, lúc Nhân hư con cũng yêu.

183
Tuần không phiếu Bé ngoan

Ngày 07 tháng 3 năm 2009

Ba ngày rồi, hôm nào đi học về sổ liên lạc của con cũng có tội không ngoan. Ba
ngày rồi, hôm nào đón con là các cô cũng mách một loạt tội. Ba ngày rồi, hôm nào sau
bữa cơm chiều con cũng bị ngồi đối chất với bố mẹ. Ba ngày rồi bị phạt, và cả ba ngày
xin lỗi.
- Quấy phá, làm theo ý mình.
- Nghịch ngợm.
- Lười tô màu.
- Nói chuyện với bạn Bảo Linh trong giờ ngủ trưa.
- Không nghe lời và đạp cô giáo.

184
Chắc là phiếu Bé ngoan động viên

Ngày 13 tháng 3 năm 2009

Anh Minh lớn bận học, ngày nào cũng ăn cơm và làm xong bài tập thì đã quá
muộn nên không được phép viết lách nhật kí học tập cho “ông em”. Hôm nay thứ Sáu,
lúc ăn cơm anh nói ngay: “Hôm nay ăn xong con không học bài đâu nhé, cho con
mượn máy tính.”
Vừa gõ sổ liên lạc cho Nhân, anh Minh lớn vừa lầm bầm: “‘Ông’ Nhân này hư
quá. Thế mà tuần này Nhân được lại phiếu Bé ngoan. Chắc là phiếu Bé ngoan động
viên rồi.”

185
Nghỉ hè (2)

Ngày 23 tháng 6 năm 2009

Tháng Sáu này con ở nhà cả ngày, nghỉ hè. Các anh cũng nghỉ hè nên thật là vui
và loạn xạ. Lúc nào mẹ bước chân vào nhà cũng có người mách tội. Hết anh mắc tội
lại em mắc tội.
Greig với Na Hương đưa Nhân đi xem xiếc. Lần này anh Thiên Minh không
phải giữ ghế khư khư vì đã có Na Hương ôm Nhân trong lòng cả buổi.
Nhiều em bé khóc nhè vì sợ, nhưng cu Nhân rất “oai”.
Nghỉ hè, mẹ cho Nhân về ông bà ngoại chơi. Nhân chơi ngoan, ăn ngoan, nên
chắc Nhân ở với ông bà ngoại không nghịch phá như ở nhà. Khi dì Hiền bị mệt, ông bà
bàn bạc là có khi phải trả Nhân về nhà, sợ đêm dì mệt quá còn tập trung chăm dì.
Nghe phong thanh, Nhân lao ra đi dép và đứng dựa cửa luôn. Bảo vào, Nhân
nhất định: “Thôi, cháu đi về nhà với mẹ Mai cháu!”
Bà bảo: “À cái thằng này im im, chơi rất ngoan, nhưng trong đầu ‘ông’ ấy
muốn về nhà mà không nói ra!”

186
Cái chong chóng bơi

Ngày 02 tháng 8 năm 2009

Cu Nhân và hai anh đi tắm biển. Anh có quần bơi, kính bơi, em cũng có quần
bơi, kính bơi. Anh có áo phao, em cũng có áo phao.
Anh Thiên Minh lúc nào cũng “lớn rồi nghịch rồ nghịch dại” – theo nhận xét
của anh Minh bé. Anh mặc áo phao vào chân thay cho vào cổ và nhảy xuống. Không
cứu kịp thì anh chết sặc, vì hai chân anh bị lôi chổng lên trời, còn đầu thì chỉm nghỉm,
không thể nào tự xoay chiều được. Minh bé làu bàu: “Anh Thiên Minh lớn rồi mà
không biết tự điều khiển chính bản thân mình.”
Còn Nhân: Oai vệ mặc quần bơi xanh đỏ, đeo kính rất chuyên nghiệp, áo phao
thắt gọn gàng.
Thả cu Nhân xuống biển.
Và rồi Nhân mất thăng bằng, vì vốn dĩ con không thể thăng bằng được nổi. Áo
phao làm Nhân nổi, nhưng một bên chân thiếu làm Nhân thiếu thăng bằng… Cứ thế,
cả hai điều kiện kéo Nhân xuồng và lôi Nhân lên tròn… tròn… tròn… như cái chong
chóng.
Sóng biển nữa, làm “cái chong chóng” vật lộn đến là vất vả.
Lên bờ: “Con lên được bờ rồi, biển thua con rồi.”
Sau hồi vật lộn, cái chong chóng chiến thắng cái cối xay gió mới “oai”, vì anh
cu Nhân lên tới bờ, thấy biển không còn đuổi theo mà đánh nhau tiếp được nữa.

187
Một kiểu quy định

Ngày 13 tháng 01 năm 2010

Định không ghi lại chuyện này nhưng không nhịn được nếu cứ giữ một mình:
Nhân vừa ăn cơm vừa nhảy như kangaroo, chị cáu quá, quát, Nhân không nghe,
chị chạy theo, với tay đét cho Nhân một phát vào cẳng. Anh cu khóc nức khóc nở, vừa
khóc vừa nấc nấc lu loa lên: “Chị... không... không... có quyền đánh em... Chỉ mẹ của
em mới có quyền được đánh em thôi!”

188
Có anh có em

Ngày 03 tháng 02 năm 2010

Câu chuyện bắt đầu là do anh Thiên Minh nhận phần thưởng học sinh giỏi,
mang về cái hộp bút và rất nhiều bút chì. Đã thành thói quen, ba anh em ai có gì cũng
chia phần cho người khác, kể cả quà sinh nhật của mình.
Nhân và Hải Minh chưa đi học, được anh Minh dự định phát cho mỗi người
một cái bút chì, nhưng hai thằng em lại thích cái ngòi nhọn của bút mực (tất nhiên là
không được Minh lớn “duyệt”) và cái hộp bút cơ. Nhân kéo luôn về phía mình, vì tác
phong của Nhân là vậy, còn Hải Minh thì gân cổ nói lí lẽ, vì tác phong của Hải Minh
là vậy. Tranh nhau cái hộp mà chỉ có một, nên phải oẳn tù tì...
Oẳn tù tì nhiều vòng nhưng bất phân thắng bại. Cả hai cùng ra kéo, rồi cả hai
cùng ra quả đấm. Hăng máu lắm, nên Minh lớn một tay giữ hộp bút, một tay giữ Nhân,
vì cu cậu dễ dàng cho Hải Minh xơi quả đấm thật!
Và rốt cuộc, Minh bé đổi kiểu, sáng tác ra “núi lửa” với lí luận là “núi lửa” có
thể phá hủy tất, người cũng chết nữa là cái kéo của Nhân. Nhân thì vẫn tư thế một tay
chơi “fair play”, còn một tay sẵn sàng lấy đồ để chạy mất.
  Cứ như vậy, lúc nào nhà cửa cũng chỉ toàn “xử kiện” và “lí luận”, mệt đầu lắm!

189
Mẹ đẻ ra con cách nào nhỉ?

Ngày 07 tháng 02 năm 2010

- Mẹ ơi, mẹ đẻ ra con nhé! – Cu Nhân ì èo.


- Đồng ý! Thế nhưng mẹ đẻ ra con cách nào nhỉ?
- Thì giống con chuột túi, mẹ cho con vào túi rồi mẹ đẻ ra ý!
 ***
Nhân: 
- Hải Minh ơi, mẹ đẻ ra anh Thiên Minh trước, nên mẹ yêu anh Thiên Minh thứ
nhất. Rồi mẹ đẻ ra em.
Minh bé: 
- Không đúng, rồi mẹ đẻ ra anh. Mẹ yêu anh nhất, còn mẹ yêu anh Thiên Minh
thứ một!
Nhân: 
- Xong rồi... xong rồi.... mẹ đẻ ra em, mẹ cũng yêu em nhất và yêu anh Thiên
Minh thứ một!
***
Nhân và Hải Minh rất thích gạ gẫm, xin mẹ chơi trò đẻ trứng.
1. Hai thằng chui vào chăn, trùm kín và ôm nhau nằm co ro.
2. Mẹ ngồi lên chăn cho hai thằng bẹp dí và hét: “Đẻ quả trứng, đẻ quả trứng!”
3. Chặn tất cả gối lên cái đống trứng trong chăn rồi hét tiếp: “Vùi trong cát, vùi
trong cát!”
4. Hai tay xoa xoa khắp cái quả trứng to đùng, hai thằng nhột, cố nhịn cười
nhưng vẫn rích rích. Vừa xoa xoa, mẹ vừa hét: “Ánh mặt trời tỏa sáng, tỏa sáng! Sưởi
ấm sưởi ấm!”
5. Vừa kéo chăn lộ ra cu Nhân và Minh bé vừa nói: “Nở ra, nở!”
6. Lúc thì quả trứng nở ra khủng long cổ dài, lúc thì ra con khỉ con gãi gãi tai,
nhảy và kêu: “Khạc khạc! Monkey! Monkey!” Có lúc trứng nở ra bức tượng là hai anh
em đứng giơ tay giơ chân bất động...
Tùy thuộc vào anh Minh bé và Nhân thích làm sao để mẹ bất ngờ.

190
Cúng giao thừa

Ngày 13 tháng 02 năm 2010

Ba anh em thức chờ giao thừa cùng mẹ. Đúng nửa đêm thắp hương, chắp tay:
- Các con xin gì nào?
Anh Minh lớn: 
- Con xin bí mật không nói to được.
Minh bé: 
- Con xin cụ sức khỏe, học giỏi.
Nhân chắp tay nhưng cười tươi lắm: 
- Con xin cụ hoa quả.
Lúc đốt vàng mã cu Nhân hét toáng lên:
- Sao lại đốt phí tiền thế?

191
Không phải chuyện đùa

Ngày 19 tháng 02 năm 2010

Mẹ Mai Anh vẫn nghĩ chuyện gì Nhân cũng hay kể với mẹ, nào ai nói gì, ai chỉ
gì... thế nhưng không ngờ nổi có một chuyện cu Nhân giấu thật kín một mình cho đến
tận khi về thăm bà ngoại:
- Bà ngoại ơi cháu bảo này, tại sao mẹ Mai của cháu lại vứt cháu đi khi cháu
mới đẻ ra, để con thú rừng ăn chân của cháu?
- Không đúng, ai bảo cháu vậy?
- Thì.. thì... người ta bảo cháu…
- Không phải, tại có con thú to đùng bắt cháu đi, may mẹ Mai đánh nhau mãi
mới thắng và cứu được cháu.
***
- Hải Minh ơi, mẹ Mai đánh nhau với con thú cứu Nhân đấy. Hải Minh có nhìn
thấy con thú không?
- Không, nhưng chắc là con hà mã đấy, vì anh thấy con hà mã rất to.
- Hôm trước Nhân đi vườn bách thú, Nhân thấy con voi to hơn.
- Anh nghĩ, hay là người ngoài hành tinh nhỉ…

192
Là con gì và cười ngặt nghẽo

Ngày 01 tháng 3 năm 2010

Ba anh em vẫn chơi trò câu đố, ngày nào cũng đố. Nhân từ hóng cái tai nghe và
cười góp chuyện, giờ cũng “bao la”, “bao la”.
Minh lớn:
- Anh đố Hải Minh với Nhân là anh có biết bay không?
Nhân:
- Không anh không biết bay, chỉ siêu nhân và con chim mới biết bay thôi.
Minh bé:
- Có, anh có biết bay. Khi nào anh chết đi anh sẽ bay... bay... bay lên thiên
đàng (Minh bé vẫy vẫy hai cái tay, nhìn anh Minh rất tự hào là anh sẽ lên thiên đàng!)
Minh bé:
- Anh đố Nhân nhé, có năm con chim, người ta bắn chết một con chim, hỏi còn
mấy con?
Nhân:
- Bốn con chim.
Minh lớn:
- Không còn con chim nào, vì nó đã bay hết đi.
Minh bé:
- Sai hết rồi. Còn một con chim. Vì bốn con bay đi, còn lại một con chim chết.
Minh lớn:
- Trên cây làm gì còn con chim nào?
Minh bé:
- Nhưng em có bảo là con chim đậu trên cây đâu. Ở đất nên chết còn ở đất.
Nhân:
- Hải Minh ăn gian! Đến lượt em, em có ý kiến, em đố anh nhé, thế con gì có
bốn chân mà lại cất một chân đi?
Minh lớn:
- Con chó...

193
Minh bé:
- Anh nghĩ là con chuột túi…
Nhân:
- Sai hết rồi. Anh chịu chưa? Là con Thiện Nhân! (Nhân cười ngặt nghẽo với
hai anh Minh)
Đêm qua Hà Nội trở nồm, sáng nay chuyển mưa phùn, cu Nhân khóc ì èo cả
đêm, nằm lăn lộn, rơi “bụp” từ giường xuống đất hai lần.

194
Bàn luận giới tính

Ngày 15 tháng 3 năm 2010

Ba chàng trai: Bốn tuổi, năm tuổi và mười tuổi bàn luận chuyện “tình yêu”,
“con trai con gái”...
- Bao giờ em lớn lên, “chim” em cũng lớn lên, sẽ to bằng cái cột nhà.
- Eo, thế thì to “vãi chưởng”! 
- À này, em biết con trai và con gái, ai là người làm bẩn phòng vệ sinh không?
- Con gái! Vì con gái đi vệ sinh thì dẫm lên toilet còn con trai thì không.
 ***
- Nhân và Hải Minh có thấy cái chú hôm nay ngồi nói chuyện với một cô ở chỗ
mình đánh cầu lông không?
- Có, em có thấy. Ngồi cạnh cái xe máy á?
- Chú đấy hôm trước đánh cầu lông mình cũng thấy đấy, nhưng mà hôm trước
lại ngồi cùng với một cô khác...
 ***
- Nếu khi lớn lên anh có nhiều tiền mà anh lại có vợ không tốt, thì anh sẽ cho
hết tiền đi. Tốt nhất là mang đi ủng hộ.
- Vợ xấu mà có nhiều tiền để mà chết à, thế thì lại càng dễ xấu hơn.
- Ủng hộ người nghèo à?
- Ủng hộ gì thì anh còn phải nghĩ đã.

195
“Mẹ cháu đi làm chưa về”

Ngày 18 tháng 5 năm 2010

Các mẹ đến thăm Nhân, bà ngoại nhắc: “Nhân, con chào các mẹ đi!”
- Mẹ cháu đi làm chưa về! – Nhân “dứt điểm”.
Nhân đã lớn hơn rồi, không phải là nói gì Nhân làm theo thế.

196
Sốt 8 độ

Ngày 28 tháng 5 năm 2010

Mẹ đi công tác mấy ngày, gọi về, Nhân mếu máo: “Mẹ đi vắng, con bị sốt ở
trường, các cô cho con uống thuốc. Con bị sốt 8 độ!”

197
Có thể đi được bằng đầu

Ngày 08 tháng 9 năm 2010

Nhân với anh Minh bé là hay tâm sự nhất. Nhân tin tưởng, nhờ Minh bé kiểm
tra “chim” giúp Nhân. Minh bé năm tuổi, mới biết chữ “O” và chữ “Ô”, rủ rỉ với
Nhân:
- Bao giờ anh biết đọc một cách thực sự, anh sẽ tra mạng, đọc cho Nhân nghe
về Nhân nhé.
Nhân: 
- Thôi không cần, em nghe rồi. Ngày xưa em bị con thú ăn mất chân phải mà
em không hề khóc luôn, mà em vẫn sống.
Minh bé: 
- Có chứ, Nhân bị con thú ăn, Nhân đau nên khóc đấy chứ. Nhưng quan trọng
nhất là Nhân không chết. Nhân nằm đây, gối đầu lên chân anh đi.
Nhân: 
- Đúng rồi em không bị chết. Em có một chân thôi. Nếu không có chân em sẽ đi
bằng tay, nếu không có tay, em sẽ đi bằng đầu.

198
“Mẹ nói dối mau đi!”

Ngày 08 tháng 9 năm 2010

Hải Minh bật lao lên, ghé tai mẹ, nói vội: “Mẹ ơi, mẹ nói dối mau đi!”
Sáng nay, anh Minh lớn và Minh bé dậy từ năm giờ sáng làm mẹ cũng phải dậy
theo. Nhân nằm sấp trên gối, ngủ khò khò.
Minh bé làm nũng, nằm trên bụng mẹ, nói đủ chuyện: “Mẹ kể lại là đẻ con ra
như thế nào đi? Kể cả chuyện anh Thiên Minh húc vào bụng mẹ làm con ở trong bụng
đau choáng váng… Mẹ kể lại đi, xem con và anh Thiên Minh ai chui ra nhanh hơn để
mẹ không bị đau…” 
Chuyện của Minh bé, nhưng Minh lớn cũng thích tham gia và muốn biết trong
hai anh em ai nghịch trong bụng mẹ hơn ai. Minh lớn rất tự hào kể lại: “Ngày xưa anh
ở trong bụng mẹ, anh đạp mạnh, lúc mẹ đang ăn no anh thấy chật quá, anh đạp một
cái vào đúng dạ dày, nên mẹ nôn hết đồ ăn ra…” Minh lớn cũng vẫn bé thôi, vẫn thích
làm nũng và cười ngượng khi mẹ kể lại chuyện ngày xưa…
Đang rúc rích chuyện “trong bụng mẹ” thì Nhân lồm cồm tỉnh ngủ, lao ngay ra
tranh chỗ bụng mẹ với Hải Minh và dụi dụi làm nũng. Đang đà câu chuyện, Nhân cũng
tham gia: “Ngày xưa con với anh Hải Minh ai chui ra trước?”

199
Nhân và Minh bé

Ngày 02 tháng 01 năm 2011

Nhân mặc áo nỉ có mũ ấm áp, còn Hải Minh thì mặc áo phông dài tay.
Mẹ mắng:
- Hải Minh! Mặc ngay áo vào không chết rét!
Hải Minh:
- Con không rét, con là đàn ông.
Nhân:
- Đàn gì mà chẳng rét được!
Hải Minh:
- Ai cho Nhân trêu anh?
Nhân:
- Thì đúng rồi còn gì, thì đàn bò cũng rét nữa là…
 

200
Với Nhân thế nào là tỉ rưỡi

Ngày 11 tháng 3 năm 2011


Chết cười, không thể nào nhịn được với con!
Trưa nay đi kiểm tra về, bác sĩ Brian ở Family Medical Practice Hà Nội bảo vết
thương của con lành được sáu mươi đến bảy mươi phần trăm rồi. Bác sĩ hướng dẫn mẹ
cách sát trùng và thay băng khác cho phù hợp với giai đoạn này. Ngày thay ít nhất ba
lần.
Tối, lôi Nhân nằm trên cái khăn bông để sát trùng và băng bó. Mẹ cầm cái kéo
di di bông thuốc xung quanh, Nhân cứ ngọ ngoậy cười, rung rinh cái bụng làm mẹ run
cả tay. 
Mẹ quát: “Nhân, nằm yên không mẹ cắt vào người mất bây giờ!”
Nhân thủng thẳng không chút lo lắng: “Mẹ mà cắt là mất tỉ rưỡi của mẹ bây
giờ đấy!”

Nhân ngồi vậy sẽ không bị gập vào các vết khâu từ vùng rốn trở xuống

201
Chơi thế không công bằng

Ngày 13 tháng 6 năm 2011

“Nu na nu nống đánh trống phất cờ, mở hội thi đua, chân ai sạch sẽ, gót đỏ
hồng hào, không bẩn tí nào, được vào đánh trống!” 
Ba anh em duỗi dài chân chơi Nu na nu nống với mẹ. Lượt một, Minh bé thắng,
được co một chân lên. Lượt hai, Nhân thắng, cũng được co một chân lên.
Minh bé mải chơi, đang vui mà tự nhiên như vậy chung cuộc là Nhân thắng, vì
Nhân không còn chân nào bị duỗi dài để Nu na nu nống...
Minh bé hét lên: “Như thế không công bằng!”

202
Lắc các bình sữa cho đều

Ngày 21 tháng 6 năm 2011

Anh Minh bé bị ốm, nằm buồn thiu, không muốn ăn gì. Mẹ giao cho Nhân ngồi
cạnh trông anh, nếu anh cần gì hay làm sao thì Nhân gọi mẹ, vì mẹ cũng bao nhiêu
việc, không ngồi ôm Minh bé cả ngày được.
Nhân lóc cóc giặt khăn, lau mặt cho anh Hải Minh, lấy nước uống, đồ chơi lên
giường cho anh, ngoan ngoan ngồi “canh anh Hải Minh” đúng như mẹ dặn.
Hải Minh không ngồi dậy nên mẹ tìm cái bình sữa, pha, dụ Hải Minh uống.
Minh bé nhăn nhó kêu: “Mẹ lắc sữa chưa đều, con không uống được.” Nhân lấy bình
sữa, bảo: “Để em!” Rồi cầm bình sữa, tươi cười nhảy lò cò lóc cóc quanh giường mấy
vòng. Nhân cười động viên anh: “Hải Minh, em lắc sữa cho Hải Minh siêu không?”
Vì Nhân chỉ cần cầm cái bình, đi kiểu của Nhân, là sữa đã đủ bị lắc “long óc” ra
rồi.
 

203
Nhân cũng biết phân biệt cái nào chỉ để sành điệu

Ngày 02 tháng 7 năm 2011

Đi qua showroom xe máy bóng lộn, cu Nhân bảo: “Mẹ nên mua xe máy mới
cho mẹ đi, vì con thấy xe mẹ bẩn và cũ rồi.” Mẹ Còi đã đi cái xe Mio nhiều năm, rơi cả
cái logo, mũi xe cũng bị rách vì ngã “oạch” mà lười không đi hàn lại. Nhưng mẹ Còi
thích cái xe đó vì nhẹ cân giống mẹ Còi, vì là xe bà ngoại mua cho, vì xe có chỗ an
toàn cho Nhân đứng ở trên, hai anh Minh ngồi đằng sau cái yên dài, mỗi chiều đón ba
anh em đi học về.
- Nhân ạ, mẹ nghĩ xe để đi thôi mà, mẹ con mình vẫn đi được tốt, sao cần đổi
con nhỉ?
- Đúng rồi mẹ, xe kia để “sành điệu” thôi mà, xe “hoành tráng” lại tốn xăng,
tiết kiệm để đi học và chữa bệnh mẹ ạ!
- Thật không? Mẹ đi xe xấu không sao chứ Nhân? 
- Không sao đâu mẹ ạ.

204
Cu Nhân phát biểu chỉ có chuẩn

Ngày 05 tháng 7 năm 2011

Trước giờ đi làm, mẹ giao bài cho mấy anh em ở nhà tự học: Nhân phải nối các
con số và tô màu, Hải Minh phải luyện tô chữ vì năm nay học lớp 1 mà nét xổ thẳng,
xổ nghiên còn ngoằn ngoèo như giun.
Nhân vui vẻ nhận lệnh ngay, còn Hải Minh bắt đầu: “Mẹ ơi, con thích học bài
vào buổi tối hơn, hay là bây giờ con nghỉ ngơi, tối con sẽ học, hay là ý mẹ thế nào, mẹ
quyết định thế nào?”
Minh bé đưa ra cả loạt ý vòng quanh hỏi ý kiến mẹ, nhưng với mục đích để
không phải viết chữ. Mẹ thì không muốn bắt ép Hải Minh, để Hải Minh tự giác, nên
cũng vòng quanh nêu ý kiến.
Cu Nhân sốt ruột: “Thôi Hải Minh không phải hỏi mẹ, để em quyết định cho.
Hải Minh không cần học, cần chơi thôi. Đi học, cô giáo sẽ hỏi, sao học dốt thế? Thế là
xong, khỏi phải lằng nhà lằng nhằng.”

205
“Anh đừng có coi thường em”

Ngày 30 tháng 8 năm 2011

Mẹ ốm, Nhân với anh Minh bé chăm sóc mẹ, cho mẹ uống thuốc, lấy khăn lau
mặt, chườm trán... Trong lúc mẹ ngủ miên man, nghe tiếng Minh bé với Nhân trò
chuyện:
- Sau này lớn lên, Nhân ở nhà chăm sóc mẹ, còn anh đi làm kiếm tiền, nuôi mẹ
với Nhân.
- Em cũng đi làm kiếm tiền nuôi mẹ chứ.
- Thôi, Nhân chăm sóc mẹ đi, để anh đi làm. Nhân có một chân, làm sao đi làm
vất vả được.
- Hải Minh đừng có coi thường em. Lớn lên em sẽ đi làm nuôi mẹ cho Hải Minh
xem.
- Anh đi làm chứ, anh học xong, khi nào mẹ già, về hưu, anh sẽ đến công ti làm
thay công việc của mẹ.
- Hải Minh đừng có hòng, Hải Minh học dốt thế mà đòi làm được việc thay vị
trí của mẹ!

206
“Đấy là anh thơm Nhân đấy!”

Ngày 05 tháng 01 năm 2012

Ngủ dậy sáng nay, Nhân bò lên người anh Minh bé, làm nũng anh.
Hai anh em hơn kém nhau một tuổi, nhiều lúc như là bạn, thế nhưng Minh bé ra
dáng anh hẳn, còn Nhân thì to sắp bằng anh mà vẫn nhõng nhẽo với Minh bé.
Minh bé:
- Nhân, lúc nãy Nhân ngủ không phải mẹ Mai thơm Nhân đâu, mà là anh thơm
Nhân đấy. Lúc ngủ Nhân ngoan và xinh nhất, nên anh thơm Nhân!

207
Hai lớp 1

Ngày 22 tháng 02 năm 2012

Anh Minh bé: 


- Con đã học xong sách Tiếng Việt tập Một rồi, con nghĩ con phải dạy Nhân,
không thì Nhân vào lớp 1 mà không biết đánh vần thì nguy.
Minh Bé mang bảng chữ cái, thước kẻ, vở cũ, sách tập Một, bảo Nhân từ giờ
phải để anh dạy cho.
Khổ nỗi, anh Minh bé vẫn còn non nớt lắm, mới học được nửa lớp 1, viết còn
run lập cập mà lôi Nhân ra dạy học.
- Đây nhé Nhân, bảng chữ cái này, mỗi dòng có sáu chữ cái, mỗi ngày anh dạy
Nhân học một dòng, thì chỉ mấy ngày là Nhân biết chữ. Nào, Nhân thích học Toán
trước hay học viết chữ?
Nhân co ro, ngồi lệch trên một mông, ngó anh Minh bé, chăm chú. Mẹ Còi và
ông ngoại núp sau cánh cửa phòng, ghé tai nghe trộm. Ông ngoại yêu Hải Minh nhất
nhà nên tự hào lắm, cứ đứng cười vui sướng.
Được một lúc, trong phòng hai anh em Minh – Nhân bắt đầu loạn:
- Nhân, không nghe lời anh thế sao anh dạy được. Anh để kệ Nhân mù chữ bây
giờ!
- Em có cãi Hải Minh đâu mà – Nhân mếu máo một cách uất ức với Minh bé. –
Anh bảo em viết, nhưng anh nhìn này, chữ viết mẫu của anh xấu thế, em mà viết theo,
xấu hết chữ của em thì sao?
Chết cười. Bây giờ ngày nào ông ngoại cũng bảo Nhân: “Nhân bậy bạ quá, ai
cho chê chữ của giáo sư Hải Minh là thế nào?”

208
 

209
LỜI CUỐI
Tôi không đơn độc 
 

Mẹ Mai Anh, bé Thiện Nhân và bác sĩ Roberto


De Castro tại Hà Nội, trong đợt khám và phẫu
thuật tháng Sáu năm 2012 (Ảnh: Tự Trung)
 
Hơn năm năm trước, khi có dự định đón cháu Thiện Nhân về sống với gia đình,
tôi đã nhận được một lời khuyên chân thành: Đừng bao giờ bắt đầu một việc làm
không có kết thúc. Tôi đã bắt đầu, và quả thật, cái hành trình năm năm ấy, cho tới bây
giờ, mỗi ngày lại là những điểm khởi đầu mới, khó khăn mới.
Các vết thương từ khi mới lọt lòng của Thiện Nhân, dù đã qua bao nhiêu đợt
chữa trị, vẫn còn đó nỗi đau, và đau đáu nỗi thèm khát trở lại thành một con người
bình thường. Năm năm ấy, Thiện Nhân cũng có đủ thời gian để lớn khôn thêm, cháu
không thể mãi hồn nhiên, ngây thơ, không biết đặt câu hỏi, đặt dấu lặng buồn cho số
phận khác thường của mình.
Và trên hành trình của mình, nay Thiện Nhân có thêm nhiều bạn đồng cảnh ngộ
nữa, tôi cũng có thêm nhiều ông bố, bà mẹ khác, thêm những người tình nguyện làm
bạn đồng hành. Con đường của chúng tôi đang đi có đầy đủ các cung bậc vui buồn của
cuộc sống, lúc tấp nập yêu thương, lúc lặng lẽ cô độc. Là một người mẹ, nhìn con đau
đớn, tôi không khỏi có lúc trách trời trách đất. Là một người tình nguyện, lúc khó khăn
đến tuyệt vọng, tôi không khỏi có lúc hoang mang, tủi thân.
Những lúc ấy, tôi tự nhủ mình phải nuốt nước mắt vào trong để luôn bình tĩnh,
vì Thiện Nhân rất cần một chỗ dựa, các gia đình bệnh nhi khác cần một niềm tin vững
vàng.
Nhưng trong vài phút ít ỏi được giao lưu trong đêm nhạc Hành trình Thiện
Nhân vừa qua, tôi đã nghẹn lòng. Phút nghẹn lòng ấy, tôi không nghĩ đến hoàn cảnh
con trai mình và hàng trăm em bé khác, tôi nghĩ đến những người đọc báo, xem truyền
hình từ khắp nơi đã quyên góp để giúp đỡ chúng tôi. Từ 50 ngàn đồng dành dụm tiền
ăn sáng của một em bé, đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng của một doanh nghiệp, lại
có cả một nhà hảo tâm nhắn: “Tôi sẽ đóng góp, nhưng đến tháng 10 mới có đủ tiền”...
210
Giữa lúc kinh tế khó khăn, mọi người đã nhín nhút gửi đến cho Hành trình
Thiện Nhân, qua báo Tuổi Trẻ, qua tài khoản của tôi trên thiennhan.info, qua tài khoản
của Quỹ phòng chống thương vong châu Á. Cùng với những khoản tiền ấy là hàng
trăm lời chúc yêu thương, động viên, chia sẻ. Những đóng góp ấy với chúng tôi thật sự
mang ý nghĩa đổi đời.
Tôi nghẹn lòng vì tấm lòng của hàng trăm người.
Muốn nói một lời cảm ơn, nhưng một lời cảm ơn không thể đủ, bởi những
người đóng góp đã không chỉ cho chúng tôi một sự giúp đỡ, mà còn cho chúng tôi một
niềm tin, để có thể tiếp tục hành trình lẫn lộn giữa hạnh phúc và bất hạnh, yêu thương
và đau đớn của mình... Và tôi thật sự hiểu rằng chúng tôi không đơn độc trên Hành
trình Thiện Nhân.
Trần Mai Anh

211
Phần Bốn
Những tấm lòng
bay cùng Thiện Nhân

Lời của bà ngoại viết cho Nhân (1)

“Tìm đâu lóng lánh của sương


Trả cho mắt cháu không vương nắng chiều
Thẳm sâu một cõi cô liêu
Một vườn hoang rớt bao điều xót xa”
Bà cứ nghĩ: Rồi Nhân lớn lên sẽ sao nhỉ? Chỉ vài tháng nữa thôi, Nhân nhìn
năm anh em tắm, Nhân sẽ buồn thế nào? Chiều hôm Hải Minh tắm xong chưa mặc
quần áo chạy ra, Nhân chỉ anh, vừa cười vừa nói: “Chim. Chim.” Nhân về ngoại, chỉ ra
bậc thềm ở cửa ngồi cũng đòi dép. Cháu lấy của Ti một chiếc dép lê, xỏ vào chân rồi lê
ra cửa ngồi. Bà lại khóc. Phải cháu đã hiểu không Nhân? Trời cho cháu rất nhiều: cho
cháu chịu được sự cắn xé, cho cháu vượt qua đớn đau, cho cháu bao tấm lòng nhân ái,
cho cháu đến với mẹ Mai Anh – bố Nghinh, đến với gia đình nhà bà. Và trên cả, đó
là cho cháu sự thông minh, nhạy cảm, nghị lực sống. 
Bà cứ nghĩ: Rồi Nhân đi học sẽ thế nào nhỉ? Ngoài phố chưa có lối đi, chưa có
lối lên cho người khuyết tật. Ở nơi công cộng, ở trường học chưa có nhà vệ sinh cho
người khuyết tật. Lúc bà còn đi dạy học, có học sinh đi xe lăn, đến cổng trường, các
bạn chờ nhấc lên hè, nhấc người và xe qua thềm vào lớp. Rồi còn bao nhiêu nữa...
Những thói xấu đè nặng, cố hữu hơn cả khuyết tật: Tò mò, đưa chuyện, câu chuyện
làm quà... Có phải tại bà già, xưa rồi hay nghĩ lung tung.
Đôi mắt cháu gợi cho bà bao điều nghĩ ngợi. Cứ nghĩ thôi, miên man những khi
rảnh rỗi, những khi vắng lặng, như lúc này đây chẳng hạn. Mẹ cháu chắc lại kêu bà
mất thôi. Mẹ cháu là đứa con gái yếu đuối nhất, bà chăm chút nhiều nhất khi còn nhỏ.
Thế mà mẹ cháu đã lớn khôn, nghị lực, cứng rắn trước bao biến động của cuộc sống.
Mẹ đã đón Nhân về. 
Bà cứ nghĩ xa xôi vậy thôi, dẫu ý nghĩ của bà rất thực, thực như sự thực cháu đã
vượt qua, thực như sự thực cháu đang đón nhận, thực như ngày mai đang đón đợi
cháu. Bà nghĩ. Đôi mắt cháu nói là cháu cũng đã biết nghĩ. Mọi người cũng nghĩ.
Nhưng chúng ta đón nhận tất cả. Nhìn ảnh cháu quát bà bác sĩ “Điêng à” mà cháu
vẫn đứng vẫn đi, bà biết là Nhân không gục ngã. Những đứa trẻ khác đi bệnh viện
không được như cháu đâu. Chúng ta sẽ vượt qua nhọc nhằn, rất nhọc nhằn đấy
cháu, để làm người bình thường. 

212
Cảm ơn người đã đặt tên cho cháu – THIỆN NHÂN – cái tên đầy ý nghĩa. Khép
lại ngày đã qua, không phải để quên, mà để đón nhận ngày mới. Mươi mười lăm năm
chữa chạy là chặng đường dài. Đường đời còn dằng dặc nữa cơ mà cháu. Bà tin con
gái mình, bà tin cháu. Bước đầu đã có thành công, chúng ta bước tiếp. Cứ “Điêng à”
và cứ bước đi, cháu. 
Hãy bước những bước đớn đau nhưng vững vàng của cháu cùng các anh
em. Mẹ Mai Anh sẽ nuôi dạy cháu như hai anh Minh, như bà đã nuôi dạy mẹ. Bây giờ
cháu đã hiểu cần phải làm gì. Ngày mai cháu sẽ hiểu cần phải như thế nào hơn
nữa, cháu nhé.

213
Những tấm lòng bay cùng Thiện Nhân
(Thư gửi cho Nhân của các mẹ)

Nhân à, chú Thuận và các cô chú đã post nhiều bài về vụ trung thu sớm của con
rồi. Cô là người đến muộn. Cũng như cô đã là người biết đến con quá muộn, mặc dù
biết mẹ Mai Anh từ nhiều năm. Cách đây mấy tháng, khi lần đầu tiên nhìn thấy mẹ
Mai Anh trong đoạn video về Thiện Nhân trên một website nào đó, cô đã ngã ngửa ra,
ú ớ, “Ô hoá ra là Mai Anh này. Vẫn cứ nghe anh Nghinh, chị Mai Anh. Giờ mới biết
chính là Mai Anh mà mình từng quen biết.” Rồi cô mon men liên hệ với mẹ Mai Anh.
Hàng tháng giời toàn nói chuyện công việc. Đã bao nhiêu lần cô định đánh liều hỏi mẹ
Mai Anh về Thiện Nhân, nhưng cô cứ hèn không dám hỏi. Đã bao nhiêu lần cô định
đánh liều xin mẹ Mai Anh cho cô đến nhà con chơi, mang theo em Sói Con, nhưng cô
lại ngại. Sợ nhà con phải tiếp nhiều khách quá. Cho đến một hôm mẹ Mai Anh tình cờ
nhắc đến Thiện Nhân và một buổi tiệc nào đó sắp diễn ra, cô mới chớp ngay lấy cơ
hội. Rồi cô đánh liều hỏi mẹ Mai Anh để được tham gia vào Ban tổ chức những event
sắp diễn ra của Thiện Nhân. Sao cô lại đánh liều… muộn như thế được nhỉ?
Hôm đầu tiên họp với Ban tổ chức, loanh quanh tưởng ai hoá ra lại là bác
Phong Lan Tím, cũng là người cô quen biết từ nhiều năm rồi. Rồi loanh quanh tí nữa
trong mấy hôm chuẩn bị cho đêm trung thu, cô lại phát hiện thêm nhiều nhiều người
quen nữa. Mẹ Mai Anh nói không sai tí nào, con cứ nối những việc tình cờ và những
con người tình cờ lại với nhau ….
Nhân à, ngày mai con bay rồi, con có nhớ trên tấm bản đồ “Bay cùng Thiện
Nhân tới Mĩ” có bao nhiêu tấm vé máy bay xanh đỏ tím vàng với những lời nhắn gửi
đầy tình cảm của các bố mẹ và các bạn, những người muốn “cùng bay nào” với con
không? Cô chắc là mẹ Còi bố Nghinh và hai anh Minh đã đọc hết những lời nhắn gửi
đó cho con nghe rồi nhỉ.

Nhân đây, cô muốn thay mặt Ban tổ chức, cám ơn tất cả các bố mẹ và các bạn,
đã đăng kí “cùng bay nào” với con, và cùng đóng góp một phần nhỏ cho bố Nghinh
mẹ Còi trong chuyến hành trình sang Mĩ sắp tới (Đi Mĩ thích lắm cu Nhân ạ. Nhớ bảo
mẹ Còi cho đi Disney World nhé. Con sẽ thích mê tơi đi đấy).
214
Lời của bà ngoại viết cho Nhân (2)
Bao giờ Nhân biết đọc

Ngày 02 tháng 9 năm 2008

Bà cứ nghĩ xa xôi vậy thôi... Mươi mười lăm năm chữa chạy là chặng đường
dài. Đường đời còn dằng dặc nữa cơ mà cháu. Bà tin con gái mình. Bà tin cháu.
…Thiện Nhân à, thêm Nhân, bà có sáu đứa cháu trai (chẳng có cô bé xinh xắn
nào, buồn quá!). Cháu sẽ lớn lên dưới mái nhà mình cùng các anh em như vậy, phải
không?

Cháu sẽ lớn lên cùng các anh em


Đọc tin cháu, xem ảnh cháu, bà thấy cu Nhân thông minh, giống như các anh
em của cháu vậy. Cháu vẫy chào mọi người, cháu tự chơi, tự chấm khoai ăn, tự mặc áo
để mổ... Thiện Nhân hay thật. Cháu không quấy khóc, không bám nhằng nhẵng bố mẹ,
cháu hòa nhập, cháu biết cần phải làm gì, phải không? 
Bà ngắm ảnh cháu cười, nhìn mặt cháu căng thẳng, mắt cháu mệt mỏi khi chuẩn
bị vào phòng mổ, nhìn cháu bặm môi vịn hai thanh xà tập đi, như nghe tiếng cháu
khóc, làu bàu “Điêng à” mà vừa thương vừa cảm phục. 
Nhân hồn nhiên. Nhân nghị lực. Nhân đáng yêu biết bao. Từ ngày đầu tiên cháu
về, tắm cho cháu, bà đã khóc. Mỗi lần nhìn cháu lê trong nhà chơi đùa với các anh, bà
cũng khóc. Bà nhìn vào cháu và đôi mắt cháu lúc nào cũng theo bà, nhất là khi đêm
tối. Bà khó ngủ vì đã lớn tuổi, vì bao lẽ ở đời, và bây giờ là đôi mắt cháu. Lặng lẽ,
thẳm sâu. Mới có hai tuổi đầu mà sao ánh mắt xa xăm làm vậy.

215
Viết cho cháu
Ngày 09 tháng 01 năm 2010

1.
Bà nhớ Nhân nên đón cháu về ở chơi nhà bà ít ngày. Thật không may, bà bị
ngã, bị bong gân. Bà đau lắm, không đi lại được. Thế là đành gọi mẹ Mai đón Nhân
về. Nhân đứng cạnh bà, mặt buồn rười rượi, tay để lên chân đau của bà, Nhân dặn bà,
giọng buồn thiu: “Bà cố ăn cho mau lớn bà nhé!” 
Và chiều nào, ông ngoại ra nhà con gái thăm các cháu, Nhân cũng hỏi: “Ông ơi
bà ngoại đã khỏi chân chưa?”
  Năm đứa cháu nội ngoại của bà chưa đứa nào biết hỏi như vậy.
 
2.
Mẹ Mai Anh đèo ba anh em về thăm ông bà ngoại. Nhân ngồi vào ghế nhựa bé
đặt dưới chân mẹ. Hai anh Minh ôm nhau ngồi đằng sau. Anh Minh lớn hay say xe ô
tô nên mẹ Mai cứ đèo xe máy cả ba như vậy. Thật là liều. 
Đến nhà bà, Nhân chưa xuống ngay mà cứ loay hoay thò tay vào cái giỏ xe bé
tẹo, lục lọi. Bà ra đón thì vừa vặn Nhân tìm thấy và xòe tay đưa cho bà một vật tròn
đen bằng nhựa be bé và nói: “Bà ơi khuy áo của bà đây này!”
Ôi Nhân, cháu thật tuyệt vời. Bà chỉ còn biết ôm cháu mà thơm, mà nghẹn
ngào. Lúc ở bên Mĩ, chiếc áo của bà bị tuột mất khuy. Cả ba tháng sau khi về Hà Nội,
Nhân vẫn nhớ. Cháu nhặt ở nhà mình, từ chỗ nào hay trong đống đồ chơi, một hình
nhựa đen tròn giống như chiếc khuy cất ở đâu mà nhớ mang về cho bà ngoại.

3.
- Nhân này, cháu có nhớ những ngày bà cháu mình ở bên Mĩ không?
- Lúc ở bên Mĩ, có hai bà cháu mình, buồn bà nhỉ.
Nhân biết nhiều lắm, nhiều hơn người lớn nghĩ. Nhân nhớ nhiều lắm, nhớ
những điều người lớn nói về Nhân. Lúc ở bên Mĩ, cứ ngồi lên ô tô là Nhân cột dây và
nhắc bà ngoại: “Bà ơi bà ‘seat belt’ chưa?” Về Hà Nội, mỗi lần lên ô tô, bà lại nhớ lời
Nhân nhắc nhở.
Lúc ở bên Mĩ, Nhân thủ thỉ với bà nhiều điều không ngờ Nhân biết như vậy.
Giải thích cho cháu hiểu sao đây. Bà chỉ mong cháu được chỉnh hình bình thường như
các anh em. Bà lo lắm khi Nhân lớn và đi học tiểu học. Anh Ti con dì Hiền đi học về
là chạy cuống vào nhà vệ sinh. Anh nói: “Ở trường khai và đông lắm, con không đi
tiểu.” Còn Nhân sẽ sao? Giá như Nhân được thay đổi môi trường khi cháu bắt đầu đi
học nhỉ. Nhưng thay đổi thế nào và làm sao thì bà cũng không biết nữa.

216
4.
Ông ngoại có tiền nhuận bút. Tiêu gì? Ông dẫn lần lượt từng cháu đi mua quần
áo mới. Mẹ Mai Anh kể, ở nhà mẹ giải thích với Nhân là Nhân mặc quần của anh vừa
xinh rồi, còn anh lớn hơn nên quần ngắn hết, mẹ phải mua quần mới cho anh.
Nhân “Vâng ạ.” Nhưng phải mấy ngày sau Nhân đứng lên ở xe máy và bảo: “Con lớn
rồi này, con cao nhìn được cả đường rồi này, mẹ cũng phải mua cho con quần mới.”
Nhân có nhiều quần áo đẹp và tốt của các anh. Nhưng Nhân cũng phải có quần
mới chứ. Thế là ông đẩy xe đưa Nhân ra siêu thị trẻ em mua quần mới. Nhân thích
lắm. Nhân thay ngay, không cần chờ về nhà.
 
5.
Nhân biết bảo: “Cu Ti là em, Ti phải gọi Nhân bằng anh.”
Mai Thi, con của cậu, lớn tuổi hơn Nhân. Cu Ti con của dì càng lớn hơn. Thế
mà bây giờ Nhân biết rồi, Nhân là con mẹ Mai Anh, Nhân phải làm anh. Đáo để thế
đấy.
 
6.
Ti có một hộp ngậm ho màu xanh, ngọt và hơi cay thôi. Nhân về bà ăn kẹo
bánh, hoa quả nhiều lắm. Chỉ mình Nhân chịu ăn mọi loại quả, nhất là quýt ngọt.
Nhưng Nhân thích viên ngậm ho của Ti. Cho một viên không được. Nhân muốn lấy cả
hộp. Không được, Nhân ăn vạ. Bố mẹ không nói được. Nhân có bà ngoại thương, lập
tức bồng và xin Ti cho Nhân. Chà, gào to quá. Gào bằng được hộp ngậm ho vẫn chưa
nín. Mẹ Mai Anh nhà Nhân ghê gớm, mặt hầm hầm cả với hai bà cháu: “À, dám cậy
có bà thương, lu loa lên. Con ra khỏi nhà bà sẽ biết! Đồ của Ti, Ti không cho con đã
lấy mà còn dám la lối ầm nhà ầm cửa. Tội này còn to hơn tội đòi đồ của người khác.”
Thế nhưng bà bảo ở lại ngủ với bà, Nhân nhất định: “Không, cháu về với mẹ
cháu!”
“Chú lính chì” dũng cảm, lòng cản đảm mà chú Trần Anh và bao bố mẹ kì vọng
ở con đã càng lúc càng cần phải theo dõi biểu hiện của con sát sao. Nhân biết bịt
miệng khóc khi đau, Nhân biết quay mặt vào tường khóc oà nức khóc nở khi ba anh
em tranh nằm cạnh mẹ, Nhân biết về tỉ tê kể với mẹ khi ban ngày người ta bảo thằng
này cụt chân, Nhân biết hỏi riêng: “Hải Minh, xem hộ Nhân chim Nhân mọc ra tẹo
nào chưa?”...

217
“Nhân cao hơn chú rồi”

Ngày 30 tháng 9 năm 2008

Và tôi hi vọng một điều là khi lớn lên, em cũng sẽ biết cúi người xuống lắng
nghe tôi, khi đó đã già, đã ngày càng nhỏ đi, suốt ngày chỉ biết mỗi một giọng “làu
bàu”: “Nhân đã cao hơn chú rồi đấy.”
Một điều mẹ Còi khẳng định trước tiên: Nhân phải được hoà đồng, Nhân phải
được đến trường đến lớp để có một không gian mở và mặc sức tư duy sáng tạo. Chưa
cần phải to tát, nhưng chỉ cần khám phá thế giới xung quanh mà Nhân chưa từng được
biết tới, chỉ cần những câu hỏi “bà”, hỏi “chị” ở lớp, những cử chỉ rất tự chủ của Nhân
khi tập đi trong lúc các bạn đang ngồi đợi bố mẹ đón, mới thấy kích thích phát triển tư
duy với Nhân lúc này có ý nghĩa hết sức quan trọng. 
Einstein sở dĩ trở thành nhà khoa học vĩ đại, một đặc điểm nổi bật nhất là ông
hay đặt câu hỏi, như chính ông đã nói: “Tôi không có tài năng đặc biệt gì, chẳng qua
thích hỏi vặn vẹo mà thôi.” Và ông cho rằng, trí tưởng tượng quan trọng hơn tri thức,
vì tri thức có hạn, trong khi đó trí tưởng tượng bao quát mọi thứ trên thế giới.
Thế mới sinh ra sự khác biệt, có người tư duy giống như chiếc đèn pin, chiếu đi
chiếu lại chỉ có thể chiếu sáng được vài mét, có người tư duy tốt giống như mặt trời
chiếu sáng được khắp nơi. Vượt qua được chính mình khi sống trong cuộc sống thực,
giao tiếp thực và được các cô, các bạn cỗ vũ, Nhân đã lanh lợi lại càng lanh lợi hơn, đã
thông minh lại càng thông minh hơn.
Điều thứ hai, tuổi thơ là thời kì đầy ắp những ước mơ. Nên khi cho Nhân đi học
là lúc cho Nhân bước vào một thế giới đầy mơ ước, nhằm khẳng định bản ngã. Thế
mới có những lúc ước mơ dường như không thực tế lại có thể trở thành hiện thực. Câu
chuyện sau là một ví dụ. 
Xưa có một người chăn cừu nghèo khổ dắt hai đưa con thơ đi chăn cừu thuê.
Một hôm, ba bố con lùa đàn cừu tới chân núi, đúng lúc đó có đàn sếu bay qua đầu họ,
rồi biến mất xa tít chân trời. Con trai út hỏi:
- Đàn sếu bay đi đâu hả bố?
Người bố trả lời:
- Chúng bay tới một nơi ấm áp, làm tổ ở đấy để qua mùa đông giá rét.
Con trai cả chớp mắt, thèm thuồng nói:
- Nếu bố con mình biết bay như đàn sếu thì hay biết mấy.
Người bố im lặng một lúc rồi nói với hai người con:
- Nếu các con muốn, các con cũng có thể bay lên trời.

218
Hai đứa con vỗ thử hai tay, không bay lên được. Chúng nhìn ông bố bằng ánh
mắt nghi ngờ. Người chăn cừu nói:
- Để bố bay cho các con xem nhé. 
Thế là ông vẫy cánh tay, chịu, cũng không bay lên được Người chăn cừu quả
quyết:
- Đó là tại bố già rồi nên không bay lên được, các con còn nhỏ, nếu không
ngừng cố gắng thì nhất định sẽ bay được lên trời, bay đến nơi đâu mà các con thích.
Lời nói của ông bố khiến hai đứa con ấp ủ ước mơ bay lên trời cao và nỗ lực
không biết mệt mỏi để phát kiến ra cách bay lên. Nhờ vậy chiếc máy bay đầu tiên trên
thế giới đã được ra đời. Và đó chính là hai anh em nhà Wright người Mĩ.
“Thương cho roi, cho vọt”. Tôi khá ghét câu này, vì ngày bé tôi rất hay bị ăn
đòn. Nhưng khi lớn lên, tôi hiểu được lời nói ý nhị và đầy gửi gắm của cha ông mình
xưa kia khi răn dạy con cái. Nuôi Nhân đã khó, việc dạy Nhân lại càng khó hơn. Thế
nên tôi mới nhắc lại, mọi thử thách với Nhân và ba mẹ mình chưa phải là giai đoạn
tăng tốc mà mới chỉ bắt đầu chuẩn bị để leo dốc mà thôi. 
Nhân lém lỉnh với mẹ Phong Lan Tím. Nhân đôi lúc bướng bỉnh với mẹ Mai
Anh. Nhân hiền lành khi chia tay ba đi học. Nhân không mè nheo. Nhân ngoan ngoãn
chơi. Nhân nhất quyết gọi cô giáo là “bà”, là “chị”. Nhân có phiếu Bé ngoan trong
tuần đầu tiên đến lớp… Đó mới chỉ là ngoại hàm. Còn nội hàm sẽ là những phương
pháp điều tiết để kích thích Nhân phát triển tự nhiên nhưng không tự do, hòa đồng
nhưng không mô phỏng, sao chép. 
Nếu tinh ý sẽ thấy trong những bé bơ vơ được thu nhận ở chùa Bồ Đề, trong sự
đày đọa bằng chính sự nhẫn tâm của người mẹ mà bé Hảo phải chịu đựng, rồi trong
những thiếu thốn, những nỗi khổ đau khác đâu đó ta bắt gặp trên đường đời, sẽ có
bóng dáng của Nhân.
Đó là một trong những lí do vì sao Nhân lại có nhiều người yêu thương đến thế,
lại có nhiều bố, nhiều mẹ đến thế, lại làm những người như tôi có nhiều đêm thao thức
đến thế. Ở vị trí của Nhân, thua thiệt nhiều nhưng cũng không phải là không có cơ hội.
Rồi sẽ đến lúc Thiện Nhân còn hơn cả một danh từ. Thiện Nhân sẽ là khởi đầu cho
những ý tưởng, hành động cao cả biết hi sinh cho sự sống tốt đẹp của con người. Vấn
đề là cộng đồng chúng ta cần làm gì để giúp Nhân dần nhận thức được sức nặng trên
đôi cánh thiên sứ tình yêu thương của mình mà Thượng đế muốn em hiện diện. 
Nhân đi học rồi đấy. Nhân và ba mẹ mình tất tả bắt đầu một hành trình mới rồi
đấy. Nếu được đồng hành bên Nhân giống như một người bạn tri kỉ, tôi sẽ biết cúi
xuống lắng nghe cảm xúc của Nhân, và tôi hi vọng một điều, khi lớn lên, em cũng sẽ
biết cúi người xuống lắng nghe tôi, khi đó đã già, đã ngày càng nhỏ đi, suốt ngày chỉ
biết mỗi một giọng “làu bàu”: “Nhân đã cao hơn chú rồi đấy.”
Chú Đặng Trần Anh

219
Tự khúc…
Ngày 25 tháng 11 năm 2008

Mang một mùa đông ấm


Đến gõ cửa từng nhà
Nụ hồng sương lấm tấm
Cười vui trong nắng ca.

Cho một bình yên nhé


Con sóng nhỏ hiền hòa
Là thẳm sâu lòng Mẹ
Ước tim mình… bao la.

Vọng xa miền kí ức
Của năm tháng nhạt nhòa
Mọi ưu phiền trôi hết
Người yêu người thiết tha…

Bố em Măng

220
Hôm nay là ngày mồng Một
Ngày 27 tháng 11 năm 2008

Sáng nay, như mọi ngày, mẹ dậy sớm tập thể dục, chuẩn bị bữa sáng cho cha
con Bé Tí và Beam, hôn tạm biệt cha con Bé Tí và Beam đi làm, đi học.
Sáng nay, không như thường lệ, mẹ dậy rất sớm để thắp hương ở bàn thờ Tổ
tiên và đi làm sớm hơn, mẹ đi đến đền thờ Bà Lê Chân… Hôm nay là ngày mồng Một
tháng Mặt Trăng.
Mẹ dâng hương cầu xin Trời Phật, mẹ cầu xin các Đấng linh thiêng, cầu xin Bà
Nữ tướng phù hộ độ trì cho cả nhà, cho người thân, cho Thiện Nhân, cho bố mẹ
Nghinh Anh và cả gia đình con ở 118 Hàng Bạc (Hà Nội).
Mẹ không phải là người am hiểu về thực thi tín ngưỡng, về lễ nghi tụng niệm
nếu không muốn nói là chẳng biết gì, nhưng mẹ tin là Tâm tuy vô hình nhưng lại là sợi
dây ràng buộc vạn hữu. Mẹ cầu xin cho Thiện Nhân của mẹ luôn luôn khoẻ mạnh, cầu
xin cho con có sức chịu đựng dẻo dai, cầu xin cho con trai của mẹ sẽ được chữa trị
thành công để con đích thực là một chàng trai Thiện Nhân hiện hữu giữa cuộc đời.
Một lời cầu khẩn của mẹ thì mỏng manh, nhưng nếu có ngàn vạn lời khẩn cầu thì sẽ
làm cảm động cả Trời Đất. Mẹ tin là Tâm ta thành kính mà cầu khẩn Thần linh thì
Thần linh ắt thấu tỏ.
Mẹ tin là từng ngày, từng giờ, các ông bố bà mẹ yêu con ở khắp mọi nơi đều
cầu chúc mọi điều tốt lành cho con trai của mẹ.
Hôm nay là ngày mồng Một. Mẹ ra Đền làm lễ dâng hương, mẹ thấy lòng thanh
thản. Hoà mình vào dòng người hối hả ngược xuôi, mẹ bất chợt mỉm cười, mẹ nhận ra
rằng mình cần phải sống tốt hơn để được nhận những điều mình cầu khẩn, để những
điều mẹ cầu xin cho con linh ứng!
Hôm nay là ngày mồng Một, cầu chúc cho mọi người yêu Nhân may mắn, tốt
lành!
Mẹ Tí và Beam

221
Những ngày Sài Gòn ấm áp
Gặp gỡ
Ngày 30 tháng 10 năm 2008
 
Một bó hoa nhỏ và băng rôn viết lời chào mừng, các mẹ đứng đợi gia đình
Nhân ở sân bay. Sảnh sân bay Nội địa bị cháy, thế nên các mẹ cứ ngơ ngác không biết
sẽ đón Nhân ở đâu, mãi sau mới biết sảnh đến Nội địa chuyển sang sảnh Quốc tế.
Các mẹ lần đầu gặp nhau mà tíu ta tíu tít. Háo hức, hồi hộp, nôn nóng… Không
thể diễn tả được cảm xúc của các mẹ khi dán mắt lên dòng chữ của bảng điện tử, chỉ
mong chữ “hạ cánh” hiện lên sau chữ “chuyến bay từ: Hà Nội”.
Tim cứ giật thon thót mỗi khi thấy đứa trẻ nào trên tay bố mẹ, mỗi khi thấy ai
đeo kính như mẹ Mai Anh. Các mẹ cứ kiễng chân tìm, mắt dáo dác hồi lâu mà cũng
chưa thấy “bố em – mẹ em” đâu cả, mọi người tự nhủ “mỗi người bế một con trai thì
lấy va li làm sao, khiêng xe tập đi của Nhân thế nào… Chắc loay hoay nên lâu vậy.”
Thế rồi mọi người reo lên, có mẹ còn không đi đúng lối, cứ thế mà trèo qua
hàng ghế. Bố Nghinh mang vác đồ đạc, mẹ Mai Anh bế Nhân, còn anh Minh bé rất
ngoan, nắm áo mẹ đi sau cùng.
Chẳng hiểu thế nào các mẹ ạ, nước mắt em cứ thế rưng rưng.

Nhân đang ngủ say, vậy mà các mẹ, người nắm tay, người nắm chân, hôn rối
rít, mẹ nào cũng giành bế Nhân. Cu cậu đang ngủ nên phát cáu, bắt đầu lè nhè.
Mẹ Hana lúc ấy ôm anh Minh bé. Các mẹ ạ, anh Minh bé gầy lắm – xương sát
với da, mẹ Hana ôm mà thấy tay cứ rộng rinh ấy. Nhưng Minh bé không chịu bế đâu,
anh Minh thích tự đi, vừa đi vừa nhìn, hai tay đút túi quần như là đi khám điền thổ
vậy.

222
Mọi người lên taxi cùng về khách sạn. Lúc này Nhân đã tỉnh rồi, các mẹ nghe
Nhân nói chuyện mà thích mê đi, nhưng chỉ nghe âm thanh thôi, còn ý nghĩa thì phải
qua “thông dịch viên” Minh bé.
Nhưng mà các mẹ chú ý nhé, đừng tỏ ra quan tâm Nhân nhiều quá, cu cậu biết
đấy. Biết được quan tâm là hay làm phách, hay mè nheo, và hư nữa.
Bố Nghinh nghiêm khắc lắm, mỗi câu đều phải nhắc thêm tiếp vĩ ngữ “ạ”. Nhân
có thích gì cũng phải được cho phép đã, không được tùy tiện đâu.
Về tới khách sạn, lần đầu tiên mẹ Hana được ôm Nhân. Có bế Nhân trên tay,
cảm giác thiếu hụt mới thật sự rõ ràng. Mẹ Hana thoáng rùng mình nghĩ về sự đau đớn
con đã phải chịu. Các mẹ đã bao giờ gánh nước bằng quang nhưng chỉ có một thùng
chưa? Bế Nhân cũng khó thế đấy các mẹ ạ. Chẳng thể làm gì ngoài việc thơm mãi vào
má con thôi, lại cảm phục mẹ Mai Anh quá.
Khuya lắm rồi, các con mệt, bố mẹ cũng mệt. Mẹ Mai Anh còn say xe nên bụng
trống trơn từ chiều đến khuya. Các mẹ khác cũng phải về vì hôm sau vẫn phải đi làm.
Nhân và gia đình phải nghỉ để còn nhiều việc đang đợi ngày mai.
Mẹ Hana

223
Ngày bận rộn – ngày đẹp trời

Ngày 12 tháng 12 năm 2008

Hai giờ sáng mới ngủ, năm rưỡi sáng anh Minh bé và Nhân đã bị kéo tai lôi
dậy. Nhân phải tham gia chương trình với Dương Tử Quỳnh vào sáng sớm. Mẹ Hana
không được tham dự buổi sáng toàn “sao” này nên chẳng biết viết thế nào, mà mẹ
đoán là đoạn này có các cô chú phóng viên viết hộ mẹ rồi, nhỉ!
 

Chơi đùa với ngôi sao phim hành động (Ảnh: VnExpress)
 
Thức khuya dậy sớm như vậy, đến bố Nghinh còn ngất ngây nữa là các con và
mẹ Còi. Sau chương trình buổi sáng, cả nhà lót dạ vội vã, rồi mau mau về “kềnh” một
tí. Nhân và Minh bé “kềnh” từ trước khi lên giường, tuyệt đối không vẫy đuôi vẫy tai
gì được. Kế hoạch cho các con đi Thảo cầm Viên bị phá sản lần thứ nhất.
 
Chiều, hai giờ, lại tiếp tục có buổi họp báo. Hơn bốn giờ mẹ Mai Anh mới xong
việc. Kể cả thời gian di chuyển, có tất cả sáu mươi phút để bố mẹ Nghinh – Anh tự
chuẩn bị cho mình và chuẩn bị cho hai cu con (sau khi xóa đi xóa lại nhiều lần, mẹ
Hana vẫn quyết định viết là “hai cu con”, vì mẹ tin là thằng cu của mẹ nhất định sẽ là
một thằng cu hòan hảo).
 
Trong 60 phút đó bố mẹ Nghinh Anh đã làm gì?
Mẹ Hana chịu, nếu là mẹ con nhà Hana thì chỉ kịp chí chóe tắm rửa thay quần
áo, còn tóc tai thì chắc chưa kịp chải cũng nên.
 
Vậy mà: Bố Nghinh đã kịp đi xe ôm ra tận Võ Văn Tần mua cơm cho hai cu
con ăn trước (chủ yếu là Nhân thôi, còn Minh lười ăn lắm).
224
 
Mẹ Mai Anh đã kịp làm cho hai cu cậu sạch sẽ thơm tho, tinh tươm áo xống.
 
Hai cu con đã kịp ăn lót dạ và mút hết hai bình sữa.
 
Bố Nghinh và mẹ Mai Anh cũng đâu ra đấy rồi, còn đủ thời gian post bài “Cái
bậc cửa gỗ cũ kĩ”.
 
Hơn năm giờ chiều, mẹ Hana, mẹ Tin Tin và Thái Hà đón gia đình tại Khách
sạn.
 
Viết đến đây mới thấy mẹ Hana cứng rắn cực. Thái Hà vừa thấy cu Nhân là hai
tay bưng mặt: “Ôi ôi, sao trên ảnh thấy phổng phao lắm cơ mà…” Như thường lệ, mẹ
Tin Tin chẳng bao giờ cất lời, chỉ lặng lẽ ngồi xuống góc giường, mắt cũng đỏ hoe.
 
Lúc này Nhân đang mải chơi lộn tùng phèo với anh Minh bé.
 
Bọn nhóc nhà các mẹ có chơi lộn tùng phèo bao giờ không? Nghĩa là cắm đầu
xuống, hai chân dang ra, đầu và hai chân tạo thành ba điểm tựa trên mặt phẳng như là
chân kiềng ấy, rồi lộn một vòng.
 
Các mẹ nghĩ xem Nhân chơi trò ấy thế nào?
 
Cứ lật nghiêng đi, và tất cả chúng ta đều phải chấp nhận rằng: cái lộn vòng
không bao giờ tròn cả!
 
Buổi chiều trời cứ sụt sùi mưa, thế mà thật may buổi tối lại tạnh ráo, thời tiết rất
mát mẻ, rất dễ chịu.
 
“Đi ‘tơi’, đi ‘tơi’, đi ‘tơi’!” – Hai anh em Minh – Nhân vui vẻ reo hò khi cả nhà
ra xe, nhằm hướng Văn Thánh.
 
Ở Văn Thánh có các mẹ, ở Văn Thánh có chú Sơn ở tổ chức “Mọi trẻ em – một
thế giới”, có chú Phước, và có bố Greig, có bao nhiêu tấm lòng đang đợi cả nhà mình.

Mẹ Hana

225
Văn thánh

Ngày 12 tháng 12 năm 2008

Không mô tả thì chắc ai cũng hình dung được Nhân bị các fan hâm mộ “tấn
công” thế nào, liên tục làm “diễn viên”, đèn máy ảnh chớp nháy liên hồi, không ngơi
chuyền từ tay này sang tay khác, tội nghiệp cu con của mẹ (các mẹ này, các mẹ nghĩ
xem ở tuổi Nhân thì cu cậu thích gì? Thích bạn, thích đồ chơi, thích những thứ lạ
lẫm… Em thấy đừng nghịch con cũng là một cách yêu con vậy).
Trong tất cả mọi người thì Nhân thích chơi với chú Sơn nhất (mẹ gọi là “chú”
thì Nhân phải gọi là “ông” đấy nhé) vì chú Sơn không ôm ghì lấy Nhân và làm dáng để
chụp ảnh, chú Sơn vác Nhân trên vai cho cu cậu có thể nhìn xa nhất, chú Sơn làm máy
bay cho Nhân dang rộng tay bay lên, rõ ràng là Nhân rất an tâm và tin cậy khi được
tựa vào đôi cánh tay vững vàng của người đàn ông nhân hậu ấy.

 
 

226
 
Mẹ Hana phụ trách tổ hậu cần nên suốt buổi tối ở Văn Thánh mẹ chỉ quan tâm
đến bàn ghế, thức ăn, quà cáp, tiền nong… Mẹ rất là lạnh lùng với Nhân và đôi khi còn
quát nữa, he he, mẹ Hana rất tệ (Tuy nhiên mẹ Hana cũng rất kiêu kì mà kể rằng: Sau
rốt thì có lúc Nhân đã “mẹ Hana cơ” mà không theo bố Nghinh, và Minh bé ôm cổ mẹ
Hana mà thơm rất kêu khi chia tay đấy nhé).
Quay lại câu chuyện ở Văn Thánh, mẹ Hana không biết kể sao cho hết những
tình cảm của mọi người, ai cũng muốn hỏi chuyện nên chẳng ai ăn được mấy. Mẹ Mai
Anh đang bị ho rất nặng và chắc chắn sẽ càng nặng thêm vì không lúc nào ngớt
chuyện, chắc mẹ Mai Anh hiểu rằng cũng ai cũng quý cả nhà, ai cũng yêu con nên mới
thế, mẹ nhỉ!
Buổi tối thân mật ấm cúng, không phải ai cũng có thể dành trọn thời gian ở bên
Nhân, có những mẹ tranh thủ đi làm về là đến sớm với Nhân rồi phải về ngay, có
những mẹ chỉ có thể đến muộn nhưng ở lại đến cùng, có những mẹ từ tận Bình Dương
chỉ đến gửi gắm chút tình nghĩa rồi tất tả ra về cho kịp xe, chỉ một điều chung nhất là
ai nấy cũng đến bằng tình yêu và sự ngưỡng mộ.
Bố Greig mệt nhòai với một ngày quá nhiều sự kiện vẫn đến để bế Nhân một
lúc, rồi lại ra về mà chẳng kịp uống một cốc nước, mẹ Hana mời ở lại thì bố Greig đùa
là: “How lucky I am, too many mommies, only me daddy!” – “Tôi thật là may mắn vì
chỉ có mình tôi là bố giữa toàn là các mẹ thế này!”
Chú Sơn đến cùng hai người bạn làm báo, chú kể cặn kẽ từng chi tiết về Nhân
cho các bạn của chú, chú kể về công việc của tổ chứ Kids Without Borders với bao
nhiêu là em bé bất hạnh, mẹ Hana ngồi tiếp chuyện các chú mà thấy mình thật là vô
ích trong đời sống này, chú Sơn bảo trợ hai trại trẻ mồ côi và giúp đỡ rất nhiều các em
bé khuyết tật.
  Một mình mẹ Hana thì chẳng thể diễn tả hết được, nên mẹ Hana nhặt ở đây
những cảm xúc chân thực nhất của các mẹ khác: 
227
Mẹ Tin Tin:
Chị không tả được, cảm giác vừa lâng lâng, vừa mừng khi được ôm con trong
tay, nhưng lại thấy có cái gì đó mà suốt cuộc đời này không gì có thể bù đắp lại cho
thằng bé.
Đứng trước gia đình Nghinh – Anh, mình như hạt cát giữa sa mạc bao la, nhỏ
nhoi và vô vị quá… Đến nỗi mình chỉ muốn đứng ở một góc nào đó rồi dõi theo bước
chân con đi thôi… Nói chung là nhiều cảm xúc khó tả lắm em ạ!
Hôm qua, nhìn thấy con ngây thơ chơi đùa cùng các mẹ mà chưa nhận thức
được những mất mát…. Tự nhiên chị lại thấy nghẹn… Chỉ vài tháng, vài năm nữa
thôi… Nhân sẽ biết đọc, đọc những dòng comment, những trang nhật kí của mẹ Còi,
của mẹ Hana… Nhân sẽ suy nghĩ và buồn như thế nào em nhỉ? Ước gì Nhân mãi là
đứa trẻ hồn nhiên của ngày hôm qua, để không phải biết rằng trên đời này còn nhiều
điều nghiệt ngã quá…
Hôm qua về mà không ngủ được em a, một thằng bé có đôi mắt tinh anh nhưng
lẫn trong đó vẫn có cái gì đó buồn và sâu sắc… Những câu hỏi ngây thơ, những bài
hát Nhân hát líu lo trên đường đến Văn Thánh… Những câu chuyện của chị Mai Anh
và cuộc hành trình chị hướng cho Nhân đi thấm đẫm tình người… Bao nhiêu đó cũng
chẳng đủ và sẽ chẳng bao giờ bù đắp được cho đứa trẻ như Nhân, và sẽ chẳng bao giờ
gọi là đủ… Vì Nhân của chúng ta sẽ mãi mãi chẳng bao giờ lành lặn… Sao ông trời
lại có thể bất công như thế? Có cái gì đó đăng đắng ở cổ họng, có cái gì đó mà theo
như Thái Hà nói là không với tới… Mình đã thật sự thấy được cảm giác đó…
Mẹ Thu Vân:
Đã lâu lắm rồi mẹ không viết nhật kí cũng như không tâm sự cũng ai bằng
những dòng viết thế này. Kể cả nhật kí viết cho con của mẹ cũng không.
Khi gặp con cũng như gặp gia đình con, mẹ không sao quên được hình ảnh con:
“Chú thương binh” – “Chú lính chì” dũng cảm. Một sự cố gắng hết sức để có được
những vui đùa cùng các bạn, các anh. Khi mẹ đặt con xuống ghế, như một bản năng,
con bám vào thành ghế, lê cái chân lành còn lại dựa vào để lấy thăng bằng. Tự nhiên
tim mẹ đau nhói, thương con mà không được khóc, vì mẹ biết con nhạy cảm lắm, con
có thể hiểu được ngay mẹ suy nghĩ gì.
Để bế được con, mẹ đã phải giành từ tay các bà mẹ khác. Mẹ dụ con đi xem cá,
mẹ đã nghe được tiếng con nói thật dễ thương: “Cá đâu rồi, cá đâu rồi?” Trời tối như
vậy làm sao thấy cá được, nhưng mẹ vẫn chỉ ra xa và nói: “Kia kìa!” Con đâu có hiểu
được vì sao mẹ dối con, chỉ vì mẹ muốn được ôm con trong lòng một chút thôi, một
chút thôi là đã có mẹ khác lại giành con giống như mẹ rồi.
Con rất cương nghị và chững chạc, con đòi xuống đất, tựa vào thành cầu, lê
từng bước đề tìm xem cá ở đâu. Giá như lúc này có thêm chiếc chân nữa chắc mẹ
không giữ kịp con đâu, và mẹ vẫn mong rằng một ngày nào đó mẹ được nhìn thấy con
đi bằng hai chân, dù đó là chiếc chân giả.
Thương con mà không biết nói sao cho hết, mẹ chỉ dõi nhìn theo con, mẹ còn
phải làm nhiệm vụ của mẹ Hana giao cho nữa, dù không được ôm con thật nhiều trong

228
buổi tiệc hôm đó nhưng mẹ lại được ở bên con cho đến tận khi con về khách sạn.
Đúng như mẹ Mai Anh nói, con cái gì cũng bỏ vào miệng, mẹ nhìn thấy con hái được
quả gì đó, mẹ cũng không biết là độc hay không độc, con nhét vào miệng, mẹ giằng
lấy bỏ đi mà không được, phải công nhận con nhỏ thế mà đã biết giành lại những gì là
của mình một cách mãnh liệt, giống như con đã giành lại sự sống.
Dat My Nguyen:
Thật là tội nghiệp cho con. Cứ mỗi lần vào blog của Thiện Nhân, mình cứ ngồi
khóc hu hu. Trong lòng đau như xé, cảm giác sao mà tức tưởi. Ôi nói đến Thiện Nhân
thì không còn gì để mà nói. Thực lòng mình cũng thấy có nhiều nỗi đau, nỗi bất hạnh
đầy khắp mọi nơi, nhưng sao với Thiện Nhân mình có cảm giác như con là một trong
những dòng máu đang chảy trong người mình vậy đó.
Cứ nhìn vào con trai của mình là mình lại thấy hình bóng Thiện Nhân. Mình cứ
ước gì mình ở sát nhà Thiện Nhânm để ngày ngày phụ giúp mẹ Mai Anh chăm sóc cho
cháu (Vì mình đang có cháu nhỏ hơn Thện Nhân bốn tháng). Có thể bữa cháo, bữa
cơm.
Không biết mẹ Hana suy nghĩ như thế nào, chứ mình muốn Thiện Nhân hãy là
đứa trẻ bé bỏng như bây giờ thôi, đừng có lớn và trưởng thành. Vì mình sợ khi đã hiểu
biết con thấy mình thiếu hụt một phần cơ thể, con sẽ nghĩ như thế nào. Đau khổ, xấu
hổ, rồi... Ôi nghĩ đến thôi mà mình đã thấy rụng rời. Sao mà tội nghiệp đến như vậy.
***
… Còn nhiều lắm, nhiều lắm những tâm sự của các mẹ sau khi gặp Nhân và gia
đình.
Tối muộn, mọi người cứ bịn rịn mãi mới chia tay. Sáng mai thứ Sáu, Nhân và
bố mẹ sẽ phải làm việc với tổ chức y tế bàn việc tiếp tục phẫu thuật như thế nào.
Mong cả nhà có một giấc ngủ ngon.
Cảm xúc chung của mọi người em tổng kết lại bằng một câu của mẹ Tom:
Mẹ Tom:
Vừa gặp Nhân xong về đến nhà là chị có cảm giác rất nhớ cu cậu, y như là lâu
lắm chưa gặp vậy.
Mẹ Hana

229
Bí bo bí bo, Nhân tập lái ô tô

Ngày 12 tháng 12 năm 2008

Sáng thứ Sáu, Nhân và bố mẹ Nghinh – Anh có buổi làm việc với các chú bên
tổ chứ Kids Without Borders và sẽ thảo luận với tổ chức y tế về việc phẫu thuật cho
Nhân.
Làm gì thì làm, nhất định chiều thứ Sáu, Minh – Nhân sẽ đi xem con hà mã và
con hươu cao cổ, bố mẹ đã hứa thế rồi đấy nhé.
Cắt nốt ngày phép cuối cùng, mẹ Hana gõ cạch cạch cửa phòng buổi trưa, khi
mà cả nhà đang ngủ say.
Các mẹ khoan hãy trách là mẹ Hana vô duyên, số là có chuyện thế này: Mẹ
Hana thường hay đi taxi của một bác, bác tên là bác Ngàn. Mấy hôm đợi Nhân, mẹ đã
háo hức đi nói chuyện với bác về con trai, bác nghe về Nhân và rất xúc động, vì thế
bác dặn với mẹ Hana rằng: “Lúc nào cô đón cháu nhỏ đó thì cho tôi theo với, tôi muốn
cầu nguyện cho cháu bé.” Bác Ngàn là một người công giáo.
Công việc của bác là lái taxi nên tiền thuê taxi bác phải trả theo giờ, vì thế mẹ
Hana sợ bác lỡ mất việc, đánh liều gõ cửa lúc cả nhà đang ngủ. Lúc ấy mỗi mình Nhân
đang thức, mẹ Hana dự định bế Nhân xuống sảnh gặp bác nhưng Nhân không chịu, lại
khóc ầm lên. Sức của mẹ Hana quả là không thể chống lại Nhân một khi Nhân đã
không đồng ý, Nhân đúng là không như những đứa trẻ khác chỉ cần lảng sang một thứ
nào đó là quên ngay mà theo, còn với Nhân mọi tài năng dụ dỗ được mẹ Hana ứng
dụng đều vô hiệu. Nhân được trả về với mẹ Mai Anh mà chưa gặp được bác Ngàn.
Sau một lúc lâu chờ đợi, bác Ngàn đành đi làm và dặn rằng: “Bác sẽ quay lại
sau, hãy gọi bác bất cứ khi nào thấy tiện.”
Mẹ Hana ở lại và chuẩn bị cho Nhân – Minh đi chơi. Trời lại bắt đầu mưa! Vậy
là kết hoạch đi “vườn thú” phá sản lần thứ hai.
Có lẽ trời mưa, bọn thú cũng chui vào hang hết, chẳng còn đâu mà xem, vậy
nên các mẹ quyết định cho hai anh em đi chơi ở “vườn trẻ” Saigon Center.
 

230
  
Các mẹ chiều Minh và Nhân lắm nhé, kẹo ngọt, bánh, kem, đồ chơi, tô tượng,
thú nhún, ô tô,… hai anh em thích ơi là thích.
Bác Hồ bảo: “Trẻ em như búp trên cành, biết ăn, biết ngủ, biết học hành là
ngoan.”
Nhân của chúng ta cực ngoan.
Lại nhớ câu chuyện mẹ Mai Anh kể: “Quãng thời gian đầu khi Nhân mới về, có
cái gì Nhân cũng ăn, và ăn rất nhiều. Khi ấy, lần đầu tiên Nhân được biết rằng thức
ăn ngoài việc làm no còn có mùi vị thơm ngon nữa, cái gì Nhân cũng đưa lên mũi
ngửi, kể cả mùi nhựa của đôi dép mới.”
Mẹ Hana chép lại ở đây một đoạn mẹ Thu Vân viết cho con trai:
“Tối hôm trước gặp con mà trong đầu mẹ lúc nào cũng nghĩ về con, cuối giờ
chiều dù mưa mẹ vẫn tranh thủ đi công việc rồi đến gặp con, trông con trai mẹ thật
thương và tội nghiệp, ai cũng đi được xe bằng hai chân, còn con lê chiếc xe bằng một
chân của mình, rồi ngã lộn xuống, con đứng dậy và đi tiếp, nhìn thấy vậy mẹ thương
231
quá, sao con thiệt thòi đến vậy, con trai? Thương con, mẹ cũng chỉ biết nhìn con mà
chẳng giúp đựơc gì con cả.
Con rất tự lập, con thấy mẹ Mai Anh ra ngoài, con lết ra đi dép để theo mẹ Mai
Anh, mẹ bế con mà con không chịu, con tự cầm lấy chiếc dép của mình để tự đi lấy,
phải công nhận là con rất khéo léo, mới hơn hai tuổi mà con đã biết tự đi đôi dép
loằng ngoằng mấy cái dây, nhìn con đi dép mà thương lắm cơ.
Khi các mẹ cho con đi ăn gà rán, cái đùi gà còn nóng mà con cứ đòi cầm lấy tự
ăn, nóng quá thì tự thổi, thật đáng yêu vô cùng, lúc đó chẳng ai có máy ảnh để chụp
cho con nhỉ. Con giỏi thật Thiện Nhân ạ, hai tuổi mà ăn được đủ thứ, con trai mẹ hơn
ba tuổi rồi mà ăn gì cũng bỏ bã, mẹ chẳng biết đên khi nào anh mới ăn đựơc như
con…”
 

 
Có mẹ hỏi: “Nhân có ăn được cơm chưa, có cần gọi cháo riêng cho con
không?” Mẹ Mai Anh bảo: “Nhân phải ăn cơm từ lúc biết ăn rồi, các mẹ ạ.” Mẹ Hana
nghe mà xót xa trong lòng.
Nết ăn, nết chơi của Nhân thật là ngoan, phải chăng sự “từng trải” đã dạy cho
con biết giá trị của cuộc sống là vậy.
Với Nhân, chơi cũng là một cuộc đấu tranh.
Cả buổi chiều đi chơi, mẹ Mai Anh cứ đứng ngồi không yên, tin về việc mưa lụt
ở Hà Nội làm bố mẹ lo quá. Lo cho người ở nhà một già một trẻ, bà nội yếu và hay sợ,
Minh lớn đã phải nghỉ học hôm qua. Tuy vậy, khi gọi điện về, anh Minh lớn vẫn
chững chạc trả lời: “Bố mẹ và các em cứ ở trong đó đi, ngoài nay mưa to lắm, ngập
hết đường phố nên bố mẹ đừng về vội.” Vậy nên bố mẹ Nghinh – Anh lại càng
thương.
Sau khi chơi ở Saigon Center, các mẹ cho hai anh em đi ăn gà rán. Có mình
Nhân ăn thôi, còn mẹ Mai Anh và Minh bé chỉ chấm mút đôi chút. Mẹ Hana thỉnh

232
thoảng lén lén nhét vào miệng Minh miếng gà và giả vờ kể những câu chuyện giật gân
để cu cậu quên đi mà ăn, cũng chẳng đựơc là mấy. Suốt mấy hôm vào Thành phố Hồ
Chí Minh, Minh bé chẳng ăn gì, chỉ uống sữa thôi.
Có thêm mẹ gì đó đến chơi với Nhân, nhưng mẹ Hana quên mất không hỏi tên
(Mẹ nó đọc bài này thì cho em xin lại tên và số liên lạc nhé, để em cộng cái gì gì mà
mẹ nó dúi dúi vào danh sách).
Đến bây giờ, ngồi viết lại những dòng này, sao mẹ nhớ hai anh em thế cơ chứ.
Mẹ Hana

233
Một khoảng riêng tư

Ngày 12 tháng 12 năm 2008

Lần này mẹ Hana viết về một khoảng suy nghĩ riêng tư của mẹ Hana, vì mẹ
Hana may mắn có nhiều thời gian riêng bên Nhân và gia đình hơn một chút. Mỗi đoạn
tranh thủ viết vào những lúc khác nhau nên dòng suy nghĩ cũng khác nhau.
Đôi bàn tay con
Mẹ Mai Anh quyết định về vào đêm thứ Sáu. Dù đã gọi khắp nơi nhưng cũng
không lấy được chuyến bay, thế là quyết định ra sân bay ngồi đợi, hi vọng mong manh
rằng có ai đó bỏ chuyến thì xen vào.
Buổi chiều thu dọn hành lí, bố Nghinh phải vật lộn với cái xe tập đi của Nhân.
Trông thế chứ tháo ráp phức tạp lắm đấy ạ. Mẹ Mai Anh thì phải tiếp một vài người
khách dưới sảnh, để lại hai anh cu chơi với nhau trên phòng.
Mẹ Hana không muốn phá vỡ cuộc chơi của các con nên chỉ ngồi nhìn từ một
góc, vậy mà cũng giật mình thon thót khi con lăn lộn, lúc nào cũng long chong như
ngã đến nơi, cái chân lành vắt va vắt vẻo.
Đa số các mẹ chỉ chứng kiến hình ảnh Nhân ngồi hoặc đứng bằng chân giả, còn
nếu gặp Nhân ở các buổi hội họp thì con trai sẽ không bao giờ chạm đất mà thường là
chuyển từ tay mẹ này sang tay mẹ khác. Các mẹ có bao giờ nghĩ trong cuộc sống hằng
ngày, con trai bé bỏng của chúng ta di chuyển thế nào không?
Để di chuyển từ chỗ này đến chỗ khác khi không mang chân giả, cách duy nhất
của Nhân là lết đi bằng mông và hai bàn tay.
Hơn tất cả, mẹ thương hai bàn tay của Nhân. Mẹ xót quá đôi bàn tay bé nhỏ làm
cả phần việc của cái chân bị mất, đôi bàn tay lúc nào cũng lấm.
Có một túi quả sơ ri trên bàn, con thích ăn lắm nên lết đến gần bốc một nắm và
bỏ vào mồm, mẹ không kịp chặn lại để lau tay, để nhặt cuống. Nhân cầm mấy quả lết
đi vừa chơi vừa ăn, lúc nhả hột Nhân lại lết đến chỗ cái túi đựng rác. Nhìn con bé nhỏ
lết đi giữa gầm bàn gầm ghế, mẹ muốn bế con lên, nhưng Nhân nhất định không chịu.
Nhân rất không thích khi ai đó cứ túm lấy mình.
Cứ lau rồi lại lấm hai bàn tay. Đôi bàn tay có thể lấm, nhưng hãy giữ cho tâm
hồn con đựơc thanh cao, con trai yêu quý của mẹ.
Bác Ngàn
Bác Ngàn lái taxi không đợi ai gọi đã lại chực chờ Nhân ở dưới, bác gọi cho mẹ
và xin phép lên gặp Nhân. Bác xin phép bố mẹ Nghinh – Anh và cầu nguyện cho
Nhân, đặt tay lên người Nhân, bác gửi những lời van xin tới Chúa, đấng mà bác tin là
sẽ ban phép lạ cho Nhân. Mẹ Hana vốn là người vô thần, nhưng bất giác mẹ tin là
đấng cứu thế ắt nghe được những lời chân thành ấy.

234
Thật lạ là Nhân rất chịu khi bác cầu nguyện, cu cậu nằm im lắng nghe và cứ để
yên bàn tay bác đặt lên người mình một lúc rất lâu, dường như Nhân hiểu được ý nghĩa
công việc mình đang cùng làm vậy.
Mẹ Hana không thể nhớ chính xác từng lời cầu nguyện, chỉ hiểu rằng trong đó
có sự cầu chúc mạnh khỏe, niềm kiêu hãnh và tự tin dù cơ thể không nguyên vẹn, lời
chúc phúc cho việc làm thật đẹp đẽ của bố mẹ Nghinh – Anh và mong muốn tình yêu
thương luôn vây quanh và tràn ngập.
“Mẹ Hana cơ”
Mọi người ra sân bay với tinh thần là nếu không đi được tối nay thì sẽ về nhà
mẹ Hana nghỉ lại. Lúc này trong em có các suy nghĩ cực kì mâu thuẫn, nửa muốn được
việc cho cả nhà, nửa muốn mọi người về nhà mình cho thêm phần ấm cúng.
Đây cũng là lúc mà Nhân “Mẹ Hana cơ.” Các mẹ có thể hình dung em đã hạnh
phúc đến thế nào không, cảm giác đó có thể gọi là kiêu hãnh – bởi tất cả các mẹ phải
công nhận là chúng ta chỉ có thể diễn vở kịch tình yêu với người lớn – còn với lăng
kính trong suốt của trẻ con, để được nhận tình yêu và sự tin cậy chỉ có cách duy nhất là
trao đi.
Cũng muốn kể cho các mẹ nghe một cảm giác rất thực của mẹ Hana lúc Nhân
cầm bình sữa và mút, khi ấy mẹ bảo là: “Hay là Nhân ‘ti’ mẹ nhé?” Mọi người đều
cười nhưng từ sâu thẳm lòng mẹ, mẹ muốn cho Nhân ti thật, để thỏa cái ích kỉ của mẹ
là muốn thấy Nhân gần hơn, và để một lần trong đời con biết thế nào là bầu sữa mẹ.
Không gì cả…
Có một chuyện em băn khoăn mãi không biết kể với các mẹ thế nào, chuyện mà
chính bố mẹ Nghinh – Anh cũng e dè khi nói đến (thôi thì xem xong rồi các mẹ cũng
nên quên đi và nghĩ về một tương lai tích cực nhé):
Các mẹ luôn có trong đầu câu hỏi về “vết thương của con trai hiện nay ra sao”,
đúng không ạ?
Câu trả lời đơn giản là: “Không gì cả!”
Đôi khi người ta bị ám ảnh khổ sở vì đã chứng kiến cái gì, còn mẹ Hana khổ sở
vì đã “không thấy gì cả”. Hoàn toàn phẳng lì và một cái lỗ bé xíu. Mẹ hỏi: “Sao mẹ
Mai Anh nói là có một chút cơ mà?” “Có đấy chứ, nhưng chỉ thấy được khi ấn vào
cho con đi tè thôi”, ngắn lắm, ngắn hơn cả độ dày miệng cốc thủy tinh các mẹ ạ.
Ba lần hạnh phúc
Dù mẹ Hana đã xin phép các mẹ cho được một khoảng riêng tư, nhưng không
phải là cho một mẹ nào đó có tên là Hana, mà là khoảng riêng tình yêu của một người
mẹ có con nhỏ, nó sẽ giống rất nhiều tình yêu của những mẹ có con nhỏ khác.
Cũng như các mẹ, khi tức sữa nghĩa là con mình đang khát. Khi con bệnh ắt các
mẹ sẽ bồn chồn. Khi con làm điều gì không phải chúng ta là người đau đớn. Khi con
lớn lên, chúng ta luôn là người hãnh diện.

235
… và như vậy, mẹ Mai Anh có gấp ba lần những cảm xúc đó so với mẹ Hana,
gấp ba lần sự hi sinh, gấp ba lần sự cực nhọc, gấp ba lần lòng dũng cảm, và chắc chắn
rồi, ông trời sẽ mang đến cho mẹ Mai Anh gấp ba lần hạnh phúc.
Mẹ Hana

236
Phần Năm
Triển lãm của Thiện Nhân

237

You might also like