You are on page 1of 4

Họ và tên: Lê Nguyễn Thiên Ngọc

MSSV: 1956010005

BÀI TẬP SỐ 5

Câu 1. Tinh thần nhân văn Phục hưng qua hình tượng nhân vật Pantagruel.

Để làm sáng tỏ tinh thần nhân văn Phục Hưng qua hình tượng nhân vật Pantagruel thì
trước hết chúng ta cần tìm hiểu về chủ nghĩa nhân văn Phục hưng, cũng như tìm hiểu
về nhân vật cùng tên trong tác phẩm Pantagruel của đại văn hào Francois Rabelais.

Trải dài suốt ba thế kỷ XIV, XV, XVI - thời kỳ Phục Hưng - được biết đến là giai
đoạn lịch sử hứa hẹn mang một sự đổi mới vĩ đại mà nhân loại từng chứng kiến.
Phong trào này bắt nguồn tại Ý và dần lan rộng ra khắp châu Âu. Nó như một cơn
sóng thần ồ ạt càn quét hết thảy mọi mặt về: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa tư
tưởng,.. Có thể nói, thời kỳ này đóng vai trò như người tìm về quá khứ, hồi phục và tái
sinh những giá trị văn hóa, văn học cổ đại của Hy Lạp, La Mã. Đây cũng là thời kỳ
tiên phong góp phần củng cố nền văn hóa châu Âu, đặc biệt là về thương mại, khám
phá địa lý và các hoạt động về trí tuệ. Những hoạt động trí tuệ ấy có tác động vô cùng
to lớn đến việc thay đổi thế giới quan của con người. Nó thôi thúc con người vươn lên
khám phá những chân lý trong đời sống. Cũng chính vì thế mà hành vi tư duy rập
khuôn của xã hội dần dần bị xóa bỏ. Sự gia tăng mâu thuẫn trong quan điểm hiện tại
của cộng đồng với những ý tưởng mới đã mở đường cho sự xuất hiện của các trào lưu
nghệ thuật và trí tuệ mới. Một trong số đó được xem là nền tảng, tư tưởng cốt lõi lãnh
đạo cuộc vận động Văn hóa Phục Hưng chính là chủ nghĩa nhân văn. Vậy chủ nghĩa
nhân văn, nói một cách sơ lược, “là một hệ thống tư tưởng lấy cõi người, lấy con
người làm trọng”. Nội dung xoay quanh về việc đề cao con người, đề cao quyền sống
tự nhiên và tự do cá nhân của con người. Nó chống lại mọi tín điều tôn giáo, thần học
gò bó, những tiết chế khổ hạnh, muốn giải thoát con người khỏi những xiềng xích nhà
thờ trung cổ và giai cấp phong kiến. Nó đề cao cuộc sống thực tại, thiên đường là
ngay tại trần thế thay vì hướng cuộc sống qua bên kia thế giới.

Trong dòng chảy của văn học Phục Hưng, một trong những tác phẩm nổi bật, hiện lên
như một bông hoa rực rỡ giữa muôn vàn loài hoa đang tranh nhau khoe sắc, không thể
không kể đến là bộ tiểu thuyết "Gargantua và Pantagruel" của Rabelais. Lấy cảm hứng
từ văn hóa dân gian, Rabelais đã xây dựng những hình ảnh kỳ cục của các nhân vật, từ
đó, tài tình thể hiện những lý tưởng nhân văn đặc trưng của thời đại ông. Thời đại của
ông là thời đại mà con người vươn lên xây dựng một xã hội mới cùng với sự tự do và
tư tưởng tiến bộ, góp phần khai sinh ra những “người khổng lồ”. Đó là những con
người “khổng lồ về tư tưởng, về nhiệt tình và tính cách, khổng lồ về tài năng mọi mặt
và sự hiểu biết sâu rộng”. Và kiểu người khổng lồ ấy khi xuất hiện trong văn học đã
trở thành hình tượng nhân vật Pantagruel trong tác phẩm cùng tên mà Francois
Rabelais dày công xây dựng. Hình tượng Pantagruel đã được phóng đại một cách tối
đa với thân hình khổng lồ: khiến cho Badebec - mẹ cậu - phải chết khi sinh cậu ra vì
cậu quá lớn; một mình tạo ra tảng đá kê cao cho đám học trò trèo lên tiêu khiển mỗi
lúc rỗi; lấy ngón tay út nhẹ nhàng nhấc bổng cái chuông đã nằm dưới đất từ hơn 214
năm tại Orleans lên vì nó “to đến nỗi không thể dùng một khí cụ gì để nhấc nó lên”;...
Cùng với thân hình khổng lồ ấy chính là sức ăn khủng khiếp của Pantagruel: khi còn
nhỏ mỗi bữa cậu nốc hết sữa của 4600 con bò cái; xé tan xác một con gấu và ăn sống
nuốt tươi ngon lành; chén đẫy yến tiệc lớn trong buổi khánh tiếc;...Chính những sự
phóng đại tối đa này đã thể hiện tinh thần nhân văn Phục Hưng: sự phục hồi thân xác,
thể hiện lí tưởng, khát vọng sống, sự mạnh mẽ, khỏe khoắn,... Bên cạnh đó, tinh thần
nhân văn Phục Hưng còn được thể hiện ở hình tượng nhân vật Pantagruel thông qua
các khía cạnh về trí tuệ kiệt xuất (“có óc thông minh những hai lần nếp gấp […] dầu ô
liu”); tinh thần ham học hỏi (học tại nhiều tổ chức giáo dục ở nhiều nơi), sự vận động
không ngừng nghỉ trong công cuộc tìm kiếm, tiếp thu những cái hay, cái mới, hướng
đến sự phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực. Có thể xem Pantagruel như một hình
mẫu lý tưởng tiêu biểu cho tinh thần nhân văn Phục Hưng, thể hiện ước muốn con
người được đề cao, được nâng lên tầm cao mới, và rằng con người mới chính là trung
tâm, là “gương mẫu và kích thước đo lường vạn vật”.

Qua việc xây dựng hình tượng nhân vật Pantagruel khổng lồ, Francois Rabelais đã
gột tả sinh động những nét đặc trưng về tinh thần nhân văn thời kỳ Phục Hưng. Có thể
nói, tác phẩm như một luồng gió tươi mới thổi qua nền văn học giai đoạn lúc bấy giờ,
rồi bay lên, vút hun hút vào không trung, mang theo sức ảnh hưởng cùng những giá trị
to lớn thổi mãi đến muôn vàn đời sau.

Nguồn tài liệu tham khảo


1. Frăngxoa Rabơle (1981), Păngtagruyen (Tuấn Đô dịch), Nxb. Văn học, Hà Nội
2. Đặng Thai Mai, Tác phẩm, Nxb. Văn Học, Hà Nội, 1978, tr. 326-355
3. NHÀ VĂN FRANCOIS RABELAIS: TIỂU SỬ VÀ SÁNG TẠO, 03/06/ 2021,
truy xuất từ:
https://vie.agromassidayu.com/pisatel-fransua-rable-biografiya-i-tvorchestvo-re
ad-520369

Câu 2. Nêu nhận xét về cái hài trong tác phẩm của Molière.
Để có thể nêu nhận xét về cái hài trong tác phẩm của Molière trước tiên chúng ta cần
tìm hiểu sơ lược về tác giả cũng như tác phẩm của ông. Từ đó, mới có cái nhìn tổng
quan và nhận xét xác thực nhất về cái hài mà những tác phẩm của ông đã thể hiện.

Molière, tên thật là Jean-Baptiste Poquelin. Ông là một nhà viết hài kịch, một diễn
viên, một nhà dàn cảnh, một nhà đạo diễn. Molière đã “suốt đời hy sinh tận tụy cho
nghệ thuật chân chính, lấy cái cười để cải tạo xã hội”, kế tục và phát huy mạnh mẽ
nền hề kịch dân gian Pháp. Từ đó, sáng lập ra nền hài kịch dân tộc Pháp và thế giới.
Có thể nói, chính ông là người đã đưa hài kịch trở thành một thể loại “thượng đẳng”.
Một trong những kiệt tác kinh điển mà ông để lại cho đời, không thể không kể đến là
tác phẩm “Tartuffe”. Không đơn giản chỉ là một vở hài kịch, ẩn sau đó là cả một sự
thể hiện thâm trầm về những bức tranh hiện thực của xã hội Pháp thế kỷ XVII.

Trong tác phẩm “Tartuffe” của Molière ta bắt gặp nhiều loại tiếng cười với những
tầng ý nghĩa khác nhau. Tác giả đã thành công sử dụng tiếng cười hề kịch để khắc họa
tính cách hai nhân vật chính. Trong khi Orgon thì u mê mù quáng một cách hết sức
khôi hài, thì Tartuffe lại vô cùng cáo già, nham hiểm. Chính tính cách được cường
điệu hóa như vậy đã góp phần làm bật lên tiếng cười, thông qua đó cũng mang những
ý nghĩa phê phán nhất định. Bên cạnh tiếng cười hề kịch, Molière còn vận dụng linh
hoạt một loạt tiếng cười khác như: tiếng cười khôi hài, tiếng cười châm biếm, tiếng
cười mỉa mai, tiếng cười bi kịch. Ta có thể bắt gặp tiếng cười mỉa mai trong vở
Tartuffe ở lớp 4 khi Orgon hỏi chuyện cô hầu gái Dorine về tình hình nhà cửa. Sau khi
được Dorine thông báo rằng bà Elmire (tức vợ của Orgon) bị ốm thì Orgon liền hỏi
ngay sang: “Còn ông Tartuffe?” và tiếp theo sau đó là một loạt điệp khúc “Tội nghiệp”
mà ông dành cho Tartuffe. Điều buồn cười ở đây chính là sự đối lập về tình trạng sức
khỏe của Tartuffe với điệp khúc “Tội nghiệp” của Orgon. Có thể nói, đó là tiếng cười
mỉa mai mà tác giả dành cho Orgon mà cũng chính là dành cho những kẻ sùng đạo
một cách mù quáng. Không chỉ là một hình thức để giải trí, các tiếng cười được trong
vở “Tartuffe” còn được tác giả vận dụng một cách vô cùng linh hoạt, khéo léo để
thẳng thắn vạch trần bộ mặt bọn thầy tu Thiên Chúa giáo, bọn giả mộ đạo, giả đạo
đức, nêu lên hiện tượng đạo đức có thật trong xã hội. Qua đó, nhắc nhở con người cần
phải có sự tỉnh táo cần thiết trong niềm tin tôn giáo.

Tương tự như vậy, trong tác phẩm “Lão hà tiện” của Molière ta cũng bắt gặp những
loại tiếng cười quen thuộc được ông sử dụng xoay vòng, đan xen một cách đầy tinh tế,
sáng tạo, khi thì là tiếng cười mỉa mai, lúc thì là tiếng cười châm biếm,... Những tiếng
cười được khéo léo cài cắm thông qua những chi tiết, tình huống, tính cách nhân vật,...
nhằm phản ánh, lên án hay tố cáo những vấn đề nhức nhối của xã hồi thời bấy giờ.
Như vậy, có thể nói cái hài trong tác phẩm của Molière là cái hài được sử dụng đan
lồng nhiều kỹ thuật cũng như đa dạng về chủ đề. Cái hài ở đây không đơn thuần là
một hình thức giải trí mà còn để giúp cho khán giả theo dõi, nắm bắt các sự kiện trong
vở kịch, nắm bắt những vấn đề trung tâm mang tính chất thời sự mà tác giả muốn
phản ánh. Bên cạnh đó, cái hài này còn là những thông điệp mà Molière muốn truyền
tải. Đó là cái hài đầy chiều sâu, cái hài của những quan điểm nghệ thuật đầy tiến bộ,
cái hài mang giá trị giáo dục thẩm mỹ sâu sắc, cái hài gắn với những cung bậc cảm
xúc khác nhau. Cái hài này, đôi khi, cũng mang lắm yếu tố bi kịch, tiếng cười ở đây
cũng pha lắm cái vị chua chát, xót xa trước những tấn trò đời. Có lẽ cũng vì thế mà
Lep Nikolayevich Tolstoy đã gọi Molière là “nhà họa sĩ giỏi nhất” của thời đại.

Nguồn tài liệu tham khảo


1. Tactupy (Đỗ Đức Hiểu dịch), Nxb. Sân Khấu, Hà Nội, 2006
2. Tiếng cười trong vở "Tactuyp" của Môlie, Tổng biên tập TS Trần Doãn Tiến,
20/07/2011, truy xuất từ:
https://dangcongsan.vn/van-hoc-nghe-thuat/tieng-cuoi-trong-vo-tactuyp-cua-m
olie-78919.html

You might also like