You are on page 1of 18

ĐỀ CƯƠNG BÀI DỰ THI

“Tìm hiểu Lịch sử và truyền thống cách mạng của nhân dân Thanh Hoá”
Năm học 2022-2023

Câu 1. Hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa cử Ban Chấp hành
Đảng bộ tỉnh gồm 03 đồng chí là những ai? Em hãy nêu những hiểu biết
của mình về đồng chí Bí thư đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá.
Gợi ý trả lời:
Thanh Hóa là một tỉnh giàu truyền thống văn hóa, yêu nước và cách
mạng. Truyền thống ấy ngày càng được nhân lên ngay sau khi Đảng bộ Cộng
sản tỉnh được thành lập.
1. Sự thành lập Đảng bộ Cộng sản tỉnh Thanh Hóa.
    Đầu tháng 1 năm 1930 Nguyễn Ái Quốc từ Xiêm (Thái Lan) đến Hương Cảng
(Trung Quốc). Với tư cách là “Phái viên của quốc tế cộng sản”, Người triệu tập
đại biểu của các tổ chức cộng sản và chủ trì hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng
sản (Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương
Cộng sản liên đoàn) thành một Đảng duy nhất tại Cửu Long - Hương Cảng
(Trung Quốc). 
    Hội nghị nhất trí tán thành việc hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một
Đảng duy nhất nhằm đủ sức đảm đương sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam,
lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thông qua chính cương vắn tắt,
sách lược vắn tắt, chương trình tóm tắt, điều lệ vắn tắt của Đảng.
       Ngay từ sau Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, xứ Bắc kỳ đặc biệt quan tâm
đến việc thành lập tổ chức cộng sản ở Thanh Hóa. Đồng chí Lê Công Thanh
được Xứ ủy cử về bắt mối, liên lạc với các hội viên Hội Việt Nam cách mạng
thanh niên ở Thanh Hóa để truyền đạt chủ trương của Xứ ủy. Đồng chí Nguyễn
Doãn Chấp cũng được Xứ ủy, ủy nhiệm về Thanh Hóa vận động thành lập Đảng
bộ.
    Ngày 25-6-1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Doãn Chấp, Hội nghị
thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở Thanh Hóa đã được tiến hành tại làng Hàm
Hạ (Đông Sơn) gồm 7 đồng chí. Sự ra đời của chi bộ Hàm Hạ là mốc son chói
lọi trong phong trào cách mạng ở Thanh Hóa trước Cách mạng Tháng Tám,
đồng thời là nền móng, là mạch nguồn sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa.
Đến tháng 7-1930, hai chi bộ cộng sản khác cũng lần lượt được thành lập ở làng
Phúc Lộc (Thiệu Hóa) và làng Yên Trường (Thọ Xuân). Như vậy đến cuối tháng
7-1930, tại Thanh Hóa đã có 3 chi bộ cộng sản đủ điều kiện về tổ chức và tư
tưởng để tiến tới thành lập Đảng bộ tỉnh.
Ngày 29-7-1930, hội nghị đại biểu của 3 chi bộ trên được tổ chức tại làng Yên
Trường (Thọ Xuân) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Doãn Chấp. Ngôi nhà
lịch sử chính là của gia đình đ/c Lê Văn Sỹ -  Bí thư Chi bộ Yên Trường, huyện
Thọ Xuân lúc bấy giờ, được chọn làm địa điểm để  tổ chức hội nghị thành lập
Đảng bộ tỉnh. Điều đặc biệt là cũng tại ngôi nhà này trước đó một tuần đã diễn
ra sự kiện thành lập chi bộ cộng sản Yên Trường, tiền thân của Đảng bộ huyện
Thọ Xuân. Hội nghị đã bàn công tác phát triển Đảng, gây dựng các tổ chức quần
chúng như: Nông hội đỏ, Công hội đỏ, Phụ nữ giải phóng... và quyết định xuất
bản tờ báo “Tiến lên” để làm cơ quan ngôn luận của Đảng bộ. Hội nghị đã
tuyên bố thành lập Đảng bộ tỉnh và bầu ban chấp hành gồm 3 đồng chí:  Lê
Thế Long, Vương Xuân Các, Lê Văn Sĩ  do đồng chí Lê Thế Long làm bí thư.
Đảng bộ Tỉnh Thanh Hóa thành lập là một sự kiện trọng đại, đánh dấu
bước ngoặt của phong trào cộng sản ở tỉnh nhà. Từ đây giai cấp công nhân, giai
cấp nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động ở Thanh Hóa đã có một chính
Đảng vô sản lãnh đạo, vững bước tiến lên lập nhiều chiến công viết tiếp những
trang sử vẻ vang trong suốt những chặng đường cách mạng của mình, góp phần
to lớn vào sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc.
2. Lê Thế Long- Bí thư đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa
Lê Thế Long sinh năm 1893, tại làng Hàm Hạ, tổng Kim Khê (nay thuộc
xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn) trong một gia đình nho học với nhiều đời làm
nghề dạy học. Lê Thế Long từ nhỏ vốn sáng dạ nên được ông và cha dạy dỗ, rèn
cặp đã học hành tấn tới. Suốt 10 năm đèn sách (1908 - 1918), Lê Thế Long sau
khi tham gia kỳ thi sát hạch ở địa phương đạt kết quả đã được dự thi Hương ở
Nghệ An vào mùa thu năm Mậu Ngọ (1918). Đây là kỳ thi cuối cùng của khoa
cử phong kiến. Vốn hiếu học, từ năm 1919 – 1921, Lê Thế Long theo học
trường Pháp - Việt tại Ý Yên, Nam Hà và đã thi đậu Tiểu học (primaire).
Những năm xa quê bôn ba theo nghiệp đèn sách, ông đã có điều kiện tìm
hiểu sách báo bí mật và những thông tin về các nhà yêu nước Phan Bội Châu,
Phan Châu Trinh… Đặc biệt là luồng gió mới của Cách mạng Tháng 10 Nga đã
được giới trí thức trẻ Việt Nam và ở Thanh Hoá tiếp nhận, ngưỡng mộ… Ông
quyết định trở về quê cùng gia đình, bà con làng xóm lao động kiếm sống từ
nghề nông và tìm sách báo tài liệu tự học để nâng cao trình độ, thực hiện hoài
bão trở thành nhà giáo giỏi và tìm con đường cứu nước.
Đầu tháng 3 năm 1922, Lê Thế Long bắt đầu đi dạy học chữ Nho ở một
gia đình tư nhân tại làng Bái Châu, tổng Bái Châu. Đến cuối năm 1923, thầy
Long đã được bố trí dạy trường công Trịnh Xá (tổng Trịnh Xá, nay thuộc xã
Yên Ninh, huyện Yên Định). Sau đó, đến cuối năm1926, thầy Long chuyển về
dạy ở thị xã Thanh Hoá.
Trong thời gian từ năm 1925 – 1929, tuy dạy học ở xa, nhưng Lê Thế
Long vẫn nhớ về quê hương. Lúc này ở Hàm Hạ, phong trào yêu nước đã dội tới
và được nhiều chiến sĩ cộng sản chú trọng gây dựng. Tháng 4/1930, đồng chí
Nguyễn Doãn Chấp được xứ uỷ Bắc Kỳ cử về Thanh Hoá, chuẩn bị cho việc
thành lập tổ chức Đảng. Ngày 18/61930, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp trở về
làng Hàm Hạ bắt liên lạc với đồng chí Lê Bá Tùng, một hội viên của Hội Việt
Nam Cách mạng Thanh niên cơ sở Hàm Hạ. Trong thời gian ở đây, đồng chí
Nguyễn Doãn Chấp đã tuyên truyền, kết nạp được 3 đồng chí vào Đảng Cộng
sản Việt Nam là Lê Bá Tùng, Lê Oanh Kiều, Lê Thế Long. Tiếp đó, công tác
tuyên truyền phát triển đảng viên được đẩy mạnh
Ngày 25/6/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Doãn Chấp, Hội
nghị thành lập chi bộ Hàm Hạ, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Thanh Hóa
đã được tiến hành, Hội nghị nhất trí bầu đồng chí Lê Thế Long làm Bí thư chi
bộ.
Giữa lúc các tổ chức Đảng, các tổ chức quần chúng và phong trào đấu
tranh của nhân toàn tỉnh đang trên đà phát triển thì Xứ uỷ Bắc kỳ bị địch khủng
bố. Ngày 21-22/12/1930, binh lính kéo về lùng sục, truy bắt đảng viên trong
tỉnh. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh và đồng chí Lê Thế Long đã bị sa vào tay
địch.
Cuối năm 1935, đồng chí Lê Thế Long cùng các đồng chí Lê Chủ, Trịnh
Huy Quang, Bùi Đạt… được trả tự do và đã bắt liên lạc với Đảng tiếp tục hoạt
động. Tháng 3/1936, nhận nhiệm vụ phân công của Đảng bộ, đồng chí Lê Thế
Long đã tổ chức dạy học chữ Quốc Ngữ để truyên truyền cách mạng cho nhân
dân địa phương. Mục đích của lớp học không chỉ dạy Quốc Ngữ mà qua đó
tuyên truyền tinh thần yêu nước, giác ngộ cách mạng cho thế hệ trẻ.
Đang say sưa với công tác giảng dạy và dẫn dắt học viên đến với cách
mạng thì đồng chí Lê Thế Long ngã bệnh hiểm nghèo. Những năm tháng hoạt
động cách mạng gian khó, lại bị địch bắt tù đày tra khảo khiến sức lực đồng chí
dần suy kiệt. Ngày 17 tháng 11 năm Bính Tý (tức 30/12/1936), Lê Thế Long -
một Đảng viên cộng sản kiên trinh, Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Thanh Hoá đã
vĩnh viễn ra đi giữa tuổi 43 đầy hoài bão, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho bạn
bè, đồng chí và nhân dân Thanh Hoá.

Câu 2. Những địa danh sau: Hang Treo, Chiến khu Ngọc Trạo (thuộc
huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá) có liên quan đến sự kiện lịch sử quan
trọng nào trong phong trào phản đế cứu quốc của tỉnh Thanh Hoá? Nêu
tóm tắt nội dung và ý nghĩa của sự kiện đó?
Gợi ý trả lời:
Hang Treo, Chiến khu Ngọc Trạo - một trong những chiến khu du
kích đầu tiên của cả nước, nơi thành lập đội du kích Ngọc Trạo- tiền thân
của lực lượng vũ trang Thanh Hóa.
Ngọc Trạo thuộc tổng Trạc Nhật, huyện Thạch Thành, nằm về phía Tây
Bắc tỉnh Thanh Hóa, cách huyện lỵ Kim Tân (Thạch Thành) 15km, cách đồn
lính khố xanh ở Bỉm Sơn khoảng hơn 10km về phía Đông Bắc.
Vào những năm 1940 – 1941, Ngọc Trạo là một bản của đồng bào dân tộc
Mường, chỉ có 43 hộ dân với 215 người được phân bố khắp thung lũng. Ngọc
Trạo nằm trong vùng đồi núi tương đối hiểm trở, cây cối um tùm rậm rạp, các
đường mòn qua rừng, qua suối chỉ có dân bản địa mới thông hiểu đường đi lối
lại.
Nơi đây có vị trí đặc biệt quan trọng và khá thuận lợi, có núi rừng bao bọc
xung quanh, có đường giao thông liên huyện nối liền với các khu căn cứ cách
mạng: Hà Trung, Yên Định, Vĩnh Lộc; vừa có đường đi Phố Cát, Kim Tân để từ
đó liên hệ với vùng rừng núi phía Tây rộng lớn của tỉnh Thanh Hóa; lại có
đường thẳng xuống Bỉm Sơn, Tam Điệp một phòng tuyến đặc biệt hiểm yếu và
lợi hại mà hơn hai trăm năm trước đại binh của Vua Quang Trung – Nguyễn
Huệ đã từng chọn làm nơi phục binh, đồng thời lại có đường về hang Treo xã Hà
Long huyện Hà Trung nơi đã từng là đồn trú của các nghĩa sỹ Cần Vương. Rồi
từ Ngọc Trạo có thể đi tắt sang tỉnh Ninh Bình để liên hệ với đồng bằng Bắc Bộ
và xứ ủy Bắc Kỳ, rất thuận lợi cho việc huấn luyện cán bộ, huấn luyện du kích,
dễ dàng liên lạc với các khu căn cứ cách mạng.
Mặt khác, nhân dân Ngọc Trạo vốn giàu lòng yêu nước và tinh thần chiến
đấu, thiết tha với độc lập tự do. Từ năm 1886 hưởng ứng chiếu “Cần Vương”
của vua Hàm Nghi, trong làng đã có nhiều người đi lính sơn phòng cho cụ Tống
Duy Tân và bản thân cụ Tống Duy Tân cũng đã từng qua lại vùng này nhiều lần.
Đến thời kỳ 1930 - 1931; 1936 - 1939, nơi đây từng là cơ sở hoạt động cách
mạng của các đồng chí Đảng viên; Nhiều tổ chức quần chúng được thành lập
như: “Hội tương tế ái hữu”; “Hội truyền bá Quốc ngữ”; “Hội đọc sách báo”
v.v…Tác phẩm “Vấn đề dân cày” của Qua Ninh và Vân Đình (tức đồng chí
Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp) được giới thiệu, tuyên truyền rộng rãi tại
đây. Những quần chúng giác ngộ cách mạng như: Tôn Viết Nghiệm, Tôn Viết
Minh, Bùi Oanh … đã tích cực vận động nhân dân trong vùng tham gia các hoạt
động cứu nước.
Năm 1940, tiếp thu tinh thần Nghị quyết TW6 (tháng 11/1939), Tỉnh ủy
Thanh Hóa đã kịp thời chỉ đạo việc xây dựng các đoàn thể phản đế cứu quốc ở
Ngọc Trạo. Tháng 3/1941, Mặt trận phản đế cứu quốc huyện Thạch Thành chính
thức thành lập. Nhiều cuộc mít tinh, biểu tình được tổ chức ở các làng Phúc Lộc,
Cẩm Bào, Xuân Áng nhằm tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân xây
dựng lực lượng vũ trang chống Pháp, đuổi Nhật.
Giữa năm 1941, trong lúc phong trào ở các huyện Thiệu Hóa, Thọ Xuân
đang bị kẻ thù uy hiếp thì Thạch Thành, Vĩnh Lộc lúc này vẫn còn là nơi an
toàn. Cơ sở cách mạng Thạch Thành được mở rộng ra đến vùng Phố Cát, Bỉm
Sơn giáp Ninh Bình. Do đó điều kiện để thành lập một khu căn cứ huấn luyện
cán bộ, huấn luyện du kích, chuẩn bị cho phong trào khởi nghĩa vũ trang đã chín
muồi.
Theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, tháng 6 năm 1941, Tỉnh ủy Thanh
Hóa triệu tập Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng tại làng Phúc Tỉnh (huyện Thiệu Hóa).
Hội nghị đánh giá đầy đủ tình hình ta và địch trong tỉnh, đồng thời đề ra chủ
trương xây dựng lực lượng vũ trang, tiến tới “ thành lập căn cứ địa cách
mạng từ Tây Bắc đến Đông Nam Thanh Hóa”
Sau một thời gian nghiên cứu, khảo sát, nhận thấy Ngọc Trạo là vùng đất
“địa lợi, nhân hòa” cuối tháng 7/1941, Tỉnh ủy quyết định thành lập Chiến khu
Ngọc Trạo (nay là xã Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành). Ban Lãnh đạo chiến khu
gồm ba đồng chí:
- Đồng chí Đặng Châu Tuệ - Thường trực Tỉnh ủy phụ trách chung
- Đồng chí Trần Tiến Quân- Tỉnh ủy viên phụ trách công tác an toàn khu.
- Đồng chí Đặng Văn Hỷ - Tỉnh ủy viên phụ trách công tác an toàn khu.
Chiến khu đã hình thành, mọi hoạt động đều dặt dưới sự chỉ huy chặt chẽ
và thống nhất của ban lãnh đạo chiến khu. Nhân dân Ngọc Trạo phấn khởi, đặt
tất cả niềm tin vào Đảng và cách mạng.
Cùng với việc thành lập chiến khu, cơ quan ấn loát của Tỉnh ủy cũng
được chuyển về Ngọc Trạo. “Báo Tự Do” và các tài liệu tuyên truyền của Đảng
trở thành một vũ khí tuyên truyền sắc bén, hiệu quả góp phần cổ vũ, động viên
nhân dân khắp mọi miền hướng về chiến khu cách mạng.
Ảnh hưởng của chiến khu ngày càng mở rộng. Tên tri huyện Thạch Thành
Sầm Văn Kim và tên đồn trưởng Bỉm Sơn đưa lính đến tuần tra, dò xét. Song
nhờ sợ đùm bọc che chở, giúp đỡ của đồng bào, chiến khu Ngọc Trạo vẫn được
an toàn.
Lực lượng ban đầu gồm 21 chiến sỹ cách mạng được chọn lựa từ nhiều
huyện trong Tỉnh, vượt vòng vây của mật thám đã về Ngọc Trạo tụ họp.
Sau một thời gian tập kết lực lượng và chuẩn bị địa bàn, ngày 18/9/1941, Ban
Lãnh đạo chiến khu quyết định chuyển toàn bộ lực lượng về Hang Treo (xã Hà
Long, huyện Hà Trung), cách Ngọc Trạo 15km. Tại đây, đêm 19/9/1941, đội du
kích Ngọc Trạo dưới sự chỉ huy của đồng chí Đặng Châu Tuệ chính thức làm
lễ thành lập. Bên ánh lửa hồng, dưới lá cờ Đảng quang vinh, 21 chiến sĩ du kích
với gương mặt sáng quắc, kiên nghị xếp hàng làm lễ tuyên thề nguyện hy sinh
phấn đấu đến giọt máu cuối cùng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bài
hát “Đời ta bấy lâu khổ rồi” - bài Đội ca của đội du kích Ngọc Trạo vang lên
với âm hưởng hào hùng trong niềm hân hoan phấn khởi của tất cả mọi người. Và
bài hát đã trở thành bài "Đội ca"
"Đời ta khổ bấy lâu rồi
Mà sao vẫn cam chịu hoài
Đời mình tự mình phải cứu
Chớ trông cậy vào ai
Công nông binh đoàn kết
Trên con đường giai cấp đấu tranh
Búa liềm kia dắt chúng ta lên đường
Đại đồng".
Việc thành lập đội du kích chiến khu Ngọc Trạo đã gây tiếng vang lớn
cho nhân dân, cổ vũ nhiều thanh niên yêu nước trong tỉnh tình nguyện lên chiến
khu hoạt động. Đội du kích gồm 21 chiến sỹ ưu tú tiền thân của lực lượng vũ
trang Thanh Hoá sau này, mang số thứ tự từ 1 đến 21 do đồng chí Đặng Châu
Tuệ trực tiếp làm chỉ huy trưởng.
Sự ra đời của đội du kích Ngọc Trạo đánh dấu bước trưởng thành to lớn
của LLVT cách mạng Thanh Hóa nói chung và ở huyện Thạch Thành nói riêng.
Từ nay, Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đã có một lực lượng vũ trang thoát ly đầu
tiên, làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ
trang sau này. Đây là một lực lượng có tổ chức chặt chẽ. Tất cả đều mặc quần áo
nông dân, có thêm túi dết, xà cạp xanh. Mỗi chiến sĩ đều được trang bị một con
dao nhọn, cán bộ được thêm một khẩu súng kíp, việc học tập chính trị, văn hóa
và huấn luyện quân sự đều được tiến hành khẩn trương và rất kỉ luật.
3. Qúa trình hoạt động và chuyển hóa của đội du kích Ngọc Trạo.
Đêm 19/9/1941, đội du kích Ngọc Trạo dưới sự chỉ huy của đồng chí
Đặng Châu Tuệ chính thức làm lễ thành lập - Đây là một trong những lực lượng
vũ trang tập trung tiền thân của lực lượng vũ tranh Tỉnh Thanh Hoá.
Sau khi thành lập, để tăng cường lực lượng, khắp nơi trong tỉnh du kích được
tuyển lựa về ngày một đông. Đến cuối tháng 9/1941 số du kích lên tới 80 người,
trong đó có 8 chiến sĩ từ Ninh Bình vào và một số thanh niên của các tỉnh Nghệ
An, Hà Tĩnh, Thái Bình đang làm ăn và theo học ở Thanh Hóa cũng được giác
ngộ và tự nguyện gia nhập đội du kích Ngọc Trạo. Đội được biên chế thành hai
trung đội; mỗi trung đội gồm một tiểu đội súng, một tiểu đội dao-kiếm, tổ trinh
sát, tổ y tế, tổ hậu cần. Trang bị của đội viên gồm có: Quần áo nông dân, túi dết,
xà cạp xanh, một con dao nhọn. Cán bộ được phát thêm khẩu súng kíp Thời gian
làm việc của đội là: Buổi sáng tập quân sự, chiều học chính trị, và buổi tối học
tập văn hoá, sinh hoạt văn nghệ.
Quân số tăng, khó khăn về hậu cần xuất hiện, “có những ngày anh em
phải ăn lá cây, quả rừng, thay cơm”. Trong khi đó kẻ thù đã phát hiện ra địa
điểm đóng quân của ta.
Ngày 25/9/1941, nhận thấy Hang Treo nằm sâu trong rừng vắng giữa hai
huyện Thạch Thành và Hà Trung không được thuận tiện cho việc giao thông,
liên lạc, tiếp tế, mở rộng địa bàn hoạt động của đội du kích đã trưởng thành,
đồng thời xét thấy kẻ thù đã lạc hướng do thám, Ban lãnh đạo đã quyết định
chuyển toàn bộ lực lượng về đóng tại đồi Ma Mầu- cách làng Ngọc Trạo 7.800m
về phía Tây Bắc.
Khu vực đồi Ma Mầu có rừng cây rậm rạp, ở độ cao khoảng 500m, các
đồi Yên ngựa liền nhau tạo thành thể liên hoàn. Từ đây có thể quan sát được đối
phương từ Hà Trung lên và từ Thạch Thành tới.
Tại đây, các chiến sĩ du kích dựng lán trại, san lấp bãi tập, lập 3 bốt gác, chốt ở
ba đỉnh đồi (Trạc Lòi, Ba Cao và đồi Riềng) theo hình tam giác. Mọi hoạt động
của chiến khu nhanh chóng được ổn định. Từ việc luyện tập đến việc sinh hoạt
đều được sắp xếp theo một thời gian biểu chặt chẽ. Các chiến sĩ không chỉ hăng
say luyện tập quân sự như: Tập võ, bắn súng, tập đâm mác, đâm dao găm, đánh
giáp lá cà, học chính trị, học văn hóa, văn nghệ mà còn học thêm tiếng dân tộc
Mường để làm tốt công tác dân vận. Mối tình quân với dân vùng Ngọc Trạo và
phụ cận ngày càng gắn bó keo sơn.
Đội du kích đã lớn lên. Nhưng toàn bộ việc ăn ướng của du kích đều do
nhân dân Ngọc Trạo đảm nhận. Hàng ngày đội tự vệ nữ lo việc cơm nước từ nhà
mang lên đồi Ma Mầu. Còn các cụ già thì lo việc luyện cám rang để làm lương
khô dự trữ cho du kích. Các tự vệ nam ở Ngọc Trạo ngà đêm tuần tra canh gác
trong làng, dẫn đường chuyển tài liệu, thuốc men và vũ khí cho cán bộ chiến sĩ
lên chiến khu. Còn ở gia đình, nhiều người làm tên, làm nỏ, mở lò rèn làm vũ
khí cho du kích, người thì đi chợ Kim Tân mua muối, thuốc men, vải, đá in lô
mang lên cho du kích.
Từ Ngọc Trạo, nhân dân khắp mọi nơi trong tỉnh đã mở thêm các lò rèn
cung cấp dao, kiếm, quyên góp nỏ, súng săn, lương thực thực phẩm, chở đá in,
mực, giấy cho xưởng ấn loát, mua sắm quần áo, thuốc men, đạn dược… tiếp tế
cho chiến khu.
Với ý định hoàn chỉnh chiến khu để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài,
tăng thêm quân số với quy mô rộng lớn, Tỉnh ủy quyết định tuyển chọn thêm
500 chiến sĩ tự vệ ở các phủ, huyện về Ngọc Trạo. Huyện uỷ phản đế các huyện
Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Yên Định đã lựa chọn những đội viên du kích tiêu biểu
nhất trong vùng và lấy: “Đa Ngọc làm địa điểm tập kết chuyển quân lên chiến
khu”.
Ngày 8-10-1941, sau nhiều lần trinh sát, bọn mật thám phát hiện được lực
lượng của ta tập trung tại Đa Ngọc (xã Yên Giang, huyện Yên Định). Đêm hôm
ấy chúng đưa lính bất ngờ đột nhập vào Đa Ngọc - nơi tập kết hơn 100 chiến sĩ
tự vệ trước khi hành quân lên chiến khu. Tại đây đã nổ ra cuộc chiến đấu ác liệt
đầu tiên giữa tự vệ Đa Ngọc với kẻ thù. Trong trận chiến đấu này, đồng chí
Nguyễn Đức Tẻo bị thương nặng, anh dũng hy sinh tại Đa Ngọc.
Được nhân dân hết lòng ủng hộ giúp đỡ, ngay trong đêm, các chiến sĩ du kích
quyết định rời khỏi làng Đa Ngọc, chia thành nhiều tổ băng rừng hành quân lên
Ngọc Trạo. Nhưng kế hoạch không thành.
Rạng sáng ngày 19/10/1941, thực dân Pháp bí mật cho quân tấn công vào
chiến khu Ngọc Trạo. Cuộc chiến đấu đầu tiên giữ đội duc kích Ngọc Trạo và
bọn lính khố xanh diễn ra hết sức quyết liệt. Một đội lính hơn 100 tên dưới sự
chỉ huy của các sỹ quan Pháp, trong đó có tên quan Một, trưởng đồn Bỉm Sơn
Dumorat và một lũ mật thám bí mật tiến về rừng núi Ngọc Trạo giữa đêm
khuya. Một toán khác khoảng 50 tên bố trí tập kích quân ta bên đình Ngọc Trạo.
Các chiến sĩ vừa đánh giáp lá cà, dùng dao, kiếm, mã tấu quần nhau với địch,
vừa xung phong, dùng loa kêu gọi binh lính quay súng trở về với nhân dân.
Cuộc chiến đấu dằng co kéo dài, bọn địch tập trung về phía trước đình Ngọc
Trạo để cố thủ lực lượng, còn quân du kích thì rút về phía sau nương sắn làng
Ngọc trạo tiếp tục chiến đấu. Đồng chí Phạm Văn Hinh, trưởng ban quân báo bị
thương nặng, biết mình không thể sống được đã đề nghị đồng đội cho nằm lại để
khỏi ảnh hưởng tới cuộc chiến đấu.
Trước tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường của các chiến sĩ du
kích, quân địch hoang mang lo sợ không dám liều mạng tấn công. Một số nhanh
chóng rút khỏi trận địa, tập trung lực lượng bắn xối xả về phía quân du kích. Ba
chiến sĩ du kích Phạm Văn Hinh, Hoàng Văn Môn, Đỗ Văn Tước đã hy sinh anh
dũng trong trận chiến đấu này.
Sau khi cùng bà con làm lễ truy điệu cho các đồng chí, cất dấu tài liệu và
vạch kế hoạch đấu tranh chống khủng bố cho đồng bào Ngọc Trạo. Để bảo toàn
lực lượng, ngay tối 19/10/1941, ban chỉ huy chiến khu đã quyết định cho toàn
đội du kích vượt vòng vây chuyển về phía Bắc huyện Vĩnh Lộc. Tối 25/10/1941
toàn đội đã tập kết tại đình làng Cẩm Bào ( xã Vĩnh Long huyện Vĩnh Lộc),
thông qua kế hoạch phân tán lực lượng về các địa phương để tránh sự truy lùng
khủng bố của địch, cùng nhân dân tiếp tục đấu tranh chống khủng bố, bảo vệ cơ
sở cách mạng, duy trì phong trào đánh Pháp đuổi Nhật cứu nước.
Chiến khu Ngọc Trạo bị tan vỡ, chiến sỹ Ngọc Trạo bị khủng bố ác liệt,
phần lớn bị bắt, tù đày. Số ít thoát được vẫn tiếp tục hoạt động bí mật. Nhưng dù
ở trong tù hay còn hoạt động bí mật gian khổ, các chiến sỹ Ngọc Trạo vẫn giữ
vững khí tiết cách mạng, chí khí tiến công và tinh thần anh dũng, quật khởi.
Chiến khu Ngọc Trạo chỉ tồn tại 3 tháng, nhưng tinh thần cách mạng bất khuất,
dũng cảm của đồng bào và chiến sỹ Ngọc Trạo là tấm gương sáng cho nhân dân
trong Tỉnh noi theo đứng lên chống thực dân xâm lược. Ngọc Trạo còn để lại
một bài học xương máu về tổ chức, xây dựng căn cứ địa, bảo vệ và phát triển
lực lượng cách mạng khi lực lượng quân thù đang còn mạnh.
“Chiến khu du kích Ngọc Trạo tuy không còn, nhưng ngọn lửa đỏ từ hang
Treo- Ngọc Trạo đã lan tỏa về mọi miền quê tỉnh Thanh Hóa, bền bỉ cháy, để từ
đó góp phần thổi bùng lên ngọn lửa tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng
8/1945, mở ra một kỷ nguyên mới- kỷ nguyên độc lập tự do cho nước nhà”.
Chiến khu du kích Ngọc Trạo - một trong những chiến khu du kích đầu
tiên của cả nước, đỉnh cao của phong trào phản đế cứu quốc ở Thanh Hóa, giai
đoạn 1940 - 1941. Đội du kích và Chiến khu Ngọc Trạo đã hoàn thành nhiệm vụ
mà Trung ương và Tỉnh ủy giao. Đó là sự tiếp nối của tiếng súng Bắc Sơn và
Nam Kỳ khởi nghĩa, là nguồn sức mạnh cổ vũ to lớn đối với Đảng bộ và nhân
dân tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời cũng để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu
trong công tác xây dựng lực lượng vũ trang và chiến tranh du kích; kết hợp sức
mạnh chính trị với sức mạnh vũ trang, khởi nghĩa từng phần, chớp thời cơ tiến
tới tổng khởi nghĩa góp phần làm nên thành công của cuộc Cách mạng tháng
Tám năm 1945.
Với tầm vóc và ý nghĩa lịch sử to lớn ấy, năm 1991 nhân dịp kỷ niệm 50
năm  ngày thành lập Đội du kích Ngọc Trạo, UBND huyện Thạch Thành đã xây
dựng Tượng đài chiến sĩ du kích Ngọc Trạo. Tượng đài được đặt ở vị trí chính
giữa khu trung tâm, là biểu tượng cao đẹp về khí phách anh hùng của các chiến
sĩ du kích Ngọc Trạo. Để mùa thu hàng năm vào ngày 19/9 con cháu ở khắp mọi
miền Tổ quốc lại tụ hội về đây tri ân, tưởng nhớ những người con cảm tử của
quê hương Thanh Hóa./.

Câu 3. Người anh hùng huyền thoại quên thân mình cứu pháo trong chiến
dịch Điện Biên Phủ năm 1954 là ai? Trình bày sơ lược vài nét về người anh
hùng đó.
Gợi ý trả lời:
Để góp phần vào sự thành công của chiến thắng Điện Biên Phủ
(7/5/1954) đã có biết bao tấm gương anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn xuân
xanh. Họ, những người chiến sĩ mang trên mình một tình yêu Tổ Quốc, sẵn
sàng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.Trong đó, anh hùng Tô Vĩnh
Diện đã dũng cảm lấy thân mình cứu pháo.
Anh hùng Tô Vĩnh Diện sinh năm 1924, ở xã Nông Trường, huyện Nông
Cống, tỉnh Thanh Hóa. Anh sinh ra trong một gia đình nghèo, lên 8 tuổi đã phải
đi ở cho địa chủ, suốt 12 năm đi ở đợ anh luôn phải chịu bao cảnh áp bức, bất
công. Năm 1946 anh tham gia dân quân ở địa phương, đến năm 1949 anh xung
phong đi bộ đội.
Tháng 5/1953, quân đội ta thành lập các đơn vị pháo cao xạ để chuẩn bị
đánh lớn. Tô Vĩnh Diện được điều về làm tiểu đội trưởng một đơn vị pháo cao
xạ. Trong quá trình hành quân cơ động trên chặng đường hơn 1.000km tới vị trí
tập kết để tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, anh luôn nhận những nhiệm vụ
khó khăn, nặng nhọc, động viên giúp đỡ đồng đội kéo pháo đến nơi an toàn.
 Ngày ấy, để chi viện cho chiến trường Điện Biên phủ, cùng với các loại vũ khí
như DKZ-82B10, P40, P41, và các loại súng bộ binh như đại liên, tiểu liên AK,
thì hai khẩu pháo lựu loại 105mm và cao xạ 37mm được quyết định đưa đến
chiến trường. Nhưng đưa pháo vào trận địa bằng cách nào vừa bảo đảm an toàn
bí mật, vừa kịp thời gian khẩn trương triển khai đội hình chiến đấu là cả một kế
hoạch hành quân gian khổ. Trong khi đó lực lượng ta mỏng, địa hình hiểm trở,
nhiều dốc cao, vực sâu, rừng rậm chằng chịt và liên tục bị quân địch trinh thám
dò la kiểm soát bằng không quân. Trước tình hình ấy, Bộ Chỉ huy Chiến dịch
quyết định: “Huy động lực lượng tại chỗ, kéo pháo vào trận địa bằng sức người,
hành quân ban đêm, bảo đảm tuyệt mật”. Hai khẩu pháo hạng nặng loại 105mm
và cao xạ 37mm do Liên Xô sản xuất lúc đó được coi là “gia bảo quốc gia” khẩn
trương được chằng dây, ngụy trang cho cuộc hành quân bí mật. Sau 3 ngày vận
chuyển từ Tuần Giáo, Lai Châu, trưa ngày 16/1/1954, hai khẩu pháo được tập
kết tại ki-lô-mét 63, đường 42.
Cuộc hành quân bắt đầu từ đêm 16/01/1954. Với tinh thần quyết
tâm “bằng sức người, pháo vào trận địa”, các chiến sĩ Điện Biên và công binh
sử dụng dây thừng, dây dù, dây rừng tại chỗ để kéo pháo. Có chỗ phải vượt qua
núi cao 1.450m, kéo pháo lội qua dòng suối chảy xiết do nước mưa rừng đổ về.
Mặc cho trời rét căm căm, mặc cho núi cao, đèo dốc, vực thẳm, rừng chằng chịt,
các chiến sĩ Điện Biên vẫn kiên cường kéo pháo. Tất cả không ai chùn bước.
Trước tình hình phòng ngự kiên cố của địch, để thay đổi chiến thuật cách đánh,
ngày 26/01/1954, Tổng tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định đổi
phương án tác chiến từ  “Đánh nhanh thắng nhanh” sang “Đánh chắc tiến chắc”.
Các đơn vị pháo nhận được mệnh lệnh phối hợp với các đơn vị bộ binh kéo pháo
trở ra. Đơn vị của anh Tô Vĩnh Diện được lệnh kéo pháo ra điểm tập kết tại bản
Bắng Hôm để ăn tết Giáp Ngọ và chờ lệnh mới.
Ngày 01/2/1954, đơn vị anh trên đường kéo pháo ra, đến một con dốc cao
và hẹp ở gần Bản Chuối. Anh cùng một pháo thủ phụ trách điều khiển càng pháo
để chỉnh hướng cho một đơn vị bộ đội kéo dây tời giữ pháo, thì bất ngờ quân
Pháp bắn pháo từ Mường Thanh lên. Đơn vị kéo giữ pháo nằm rạp xuống, đồng
thời dây tời bị đứt. Pháo mất đà lăn qua chèn. Chiến sĩ pháo thủ Lê Văn Chi bị
càng pháo hất xuống vực. Pháo tiếp tục mất đà trôi dần về phía sau. Trong hoàn
cảnh vô cùng khó khăn đó, Tô Vĩnh Diện hô anh em “Thà hy sinh quyết bảo vệ
pháo”, và anh buông tay lái xông lên phía trước, lấy thân mình chèn vào bánh
pháo, nhờ đó các anh em đồng đội kịp ghìm giữ pháo. Tuy cản được pháo lăn
xuống vực, nhưng Tô Vĩnh Diện bị bánh xe của khẩu pháo nặng hơn 2 tấn đè lên
người trọng thương. Giây cuối cùng khi được đồng đội đưa ra để đi cấp cứu,
nhưng không kịp. Trước khi hy sinh, câu cuối anh hỏi đồng đội: “Pháo có việc
gì không?”. Tấm gương hy sinh vô cùng anh dũng của anh đã cổ vũ mạnh mẽ
toàn đơn vị vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, chuẩn bị chiến đấu và chiến đấu
thắng lợi. Khi hy sinh anh là Tiểu đội trưởng pháo cao xạ 37 ly, thuộc Đại đội
827, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367.
Anh được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Ngày
7/5/1955, Tô Vĩnh Diện được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa truy
tặng Huân chương Quân công hạng Nhì và được tặng danh hiệu Anh hùng lực
lượng vũ trang nhân dân.
68 năm đã trôi qua, hành động chèn lưng cứu pháo của anh Tô Vĩnh Diện
mãi mãi khắc sâu vào tim những người lính Cụ Hồ và những người đang sống.
Đối với thế hệ trẻ ngày nay, hành động dũng cảm của anh như một “cú hích” về
sự xả thân hy sinh. Nó sống mãi với thời gian, tươi mới về tinh thần cống hiến
và vẹn nguyên giá trị quên mình vì Tổ quốc.

Câu 4. Những đóng góp to lớn của quân, dân Thanh Hoá trong cuộc kháng
chiến chống Mĩ cứu nước (1954- 1975)?
Gợi ý trả lời:
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), dưới sự lãnh đạo
của Đảng bộ Thanh Hóa, quân và dân Thanh Hoá luôn chắc tay súng bảo vệ
vững chắc quê hương, khôi phục sản xuất, hàn gắn vết thương chiến tranh, giữ
vững mạch máu giáo thông và làm tròn nghĩa vụ hậu phương với cách mạng
miền Nam ruột thịt.
1. Nhân dân Thanh Hóa bảo vệ vững chắc quê hương trong cuộc
kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).
1.1. Khôi phục sản xuất, hàn gắn vết thương chiến tranh, cải tạo và xây dựng
chủ nghĩa xã hội.
Cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954) thắng lợi, hòa bình được lập
lại ở miền Bắc. Nhưng nhân dân miền Nam vẫn phải sống trong ách thống trị
bạo tàn của bè lũ Mỹ- Ngụy. Thực hiện chủ trương, đường lối của Trung ương
Đảng, nhân dân cả nước cùng lúc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng
là xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất
Tổ quốc. Cùng với nhân dân miền Bắc, Thanh Hóa nhanh chóng thực hiện công
cuộc hàn gắn hậu quả tàn phá của chiến tranh, khôi phục và phát triển sản xuất,
ổn định đời sống nhân dân.
Trong gần 10 năm cải tạo và xây dựng cơ sở vật chất ban đầu cho CNXH,
nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền, sự nỗ lực phấn đấu của mọi
tầng lớp nhân dân trên địa bàn nên KT-XH phát triển, tiềm lực QP-AN của tỉnh
được tăng cường đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước. Tỉnh đã dồn
sức xây dựng nhiều cơ sở công trình thiết yếu phục vụ đời sống, đồng thời chú
trọng áp dụng tiến bộ của công nghiệp vào sản xuất nông nghiệp nên năng suất
lao động được nâng cao, đời sống nhân dân được cải thiện. Phong trào thi đua
xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến ở tất cả các ngành, các cấp được đẩy
mạnh. Các điển hình tiên tiến trong nông nghiệp như Đông Phương Hồng, Yên
Trường, trong công nghiệp như cơ khí Thành Công, trong giáo dục như Hải
Nhân... được nhân rộng trên toàn miền Bắc. Thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ
nhất Thanh Hóa đã đạt được một số thành tựu quan trọng trong phát triển KT-
XH với nhiều cơ sở vật chất, công trình được đầu tư xây dựng.
1.2. Chiến đấu bảo vệ quê hương.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Thanh Hóa là địa bàn trọng điểm
được xác định là hướng chiến lược quan trọng ở tuyến đầu của cuộc kháng chiến
chống Mỹ, cứu nước của Quân khu; là cầu nối giữa hậu phương lớn miền Bắc và
tiền tuyến lớn miền Nam; là kho dự trữ hậu cần quan trọng. Theo chỉ đạo của
Trung ương, nhằm chủ động đối phó với âm mưu thủ đoạn đánh phá miền Bắc
của đế quốc Mỹ, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp chuẩn
bị kỹ về mọi mặt cho cuộc chiến tranh, bảo vệ quê hương, góp phần cùng quân
dân cả nước làm nên những chiến thắng oanh liệt. Tiêu biểu:
Trận đánh máy bay Mỹ phá hoại của quân và dân Lạch Trường ngày
05/8/1964.
Với chiến dịch “Mũi tên xuyên”, vào lúc 12 giờ 30 phút ngày 5-8-1964, từ
2 tàu sân bay Ti-côn-đê-gô-ra và Côn–xtơ-lê-xơn thuộc hạm đội 7 của Mỹ ở
ngoài khơi Đà Nẵng cho 64 lần chiếc máy bay gồm các loại máy bay cánh quạt
A1 “giặc trời”, A4 “diều hâu” và các loại máy bay phản lực F4 “con ma”, F8
“thập tự quân” đã bay vào bắn phá Lạch Trường (Thanh Hoá), sông Gianh
(Quảng Bình), Vinh, Bến Thuỷ (Nghệ An), thị xã Hòn Gai (Quảng Ninh ).
Ngay sau khi máy bay Mỹ xuất hiện bắn phá cửa Lạch Trường và công
kích vào các tàu hải quân ta. Đơn vị dân quân các xã Ngư Lộc, Đa Lộc, Minh
Lộc, Hoà Lộc thuộc huyện Hậu Lộc; xã Hoằng Trường huyện Hoằng Hoá; tự vệ
đánh cá Lạch Trường; Đại đội 19 Phòng không bảo vệ trạm ra đa; đồn công an
vũ trang 74… nhanh chóng vào vị trí sẵn sàng chiến đấu.
15 giờ 15 phút trận chiến đấu tại Lạch Trường kết thúc, quân và dân khu
vực Lạch Trường phối hợp chiến đấu ngoan cường bắn rơi 2 máy bay giặc Mỹ.
Chiến thắng ngày 5-8-1964, đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam. Với
quân dân Thanh Hóa, đây là thế trận chiến tranh nhân dân đầu tiên chống lại
chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ trên địa bàn.
Chiến thắng Lạch Trường Thanh Hoá đã góp  phần vào chiến thắng chung
của quân và dân miền Bắc trong ngày 5-8-1964, hạ 8 máy bay giặc Mỹ; cổ vũ
quân và dân miền Bắc hăng hái quyết đánh, quyết thắng giặc Mỹ; góp phần vào
cổ vũ đồng bào, chiến sỹ miền Nam tiến lên giết giặc lập công.
Chiến thắng Hàm Rồng- Nam Ngạn (3,4/4/1965)
Bị thất bại ở chiến trường miền Nam, cuối năm 1964, đầu năm 1965 đế
quốc Mỹ vạch kế hoạch ném bom miền Bắc, xác định từ Hà Nội vào đường mòn
Hồ Chí Minh có 60 điểm tắc, trong đó Hàm Rồng- Thanh Hóa được xem là
“điểm tắc lý tưởng”, là “đầu mút của khu vực cán xoong”. Phá sập cầu Hàm
Rồng, Mỹ sẽ cắt đứt được mạch máu giao thông Bắc - Nam, đồng thời phá hoại
nền kinh tế Thanh Hóa, làm suy yếu vai trò của hậu phương đối với tiền tuyến
miền Nam.
13 giờ ngày 3/4/1965, cuộc tấn công của đế quốc Mỹ vào khu vực Hàm
Rồng bắt đầu. Từng tốp máy bay phản lực hiện đại đủ các loại F105, F8,
RF101... lao vào đánh cầu Hàm Rồng liên tục trong 2 giờ 36 phút. Bầu trời Hàm
Rồng vang rền tiếng gầm rú của máy bay giặc, mặt đất rung chuyển bởi những
loạt bom hạng nặng của kẻ thù dồn dập dội xuống. 
Bằng nhiều phương án tác chiến, lực lượng phòng không Hàm Rồng - Nam
Ngạn - Yên Vực đã sử dụng pháo cao xạ 57 ly của Trung đoàn 234 chặn đánh
vòng ngoài trên nhiều tầng, nhiều hướng, ở mọi độ cao... làm cho đội hình chiến
đấu của máy bay giặc Mỹ rối loạn và không thể công kích mục tiêu như dự định
của chúng. Những chiếc nào lọt vào gần cầu lập tức bị các trận địa cao xạ trên
đồi Không tên, đồi Ba cây thông, núi Ngọc, núi Rồng nổ súng tan xác.
Đến chiều 4/4, các tốp máy bay Mỹ tiếp tục đánh từ hướng Tây Nam với hy
vọng lợi dụng ánh sáng mặt trời tấn công liên tục... Nhưng quân, dân Hàm Rồng
- Nam Ngạn - Yên Vực vẫn tỉnh táo, hiên ngang đáp trả bằng những đường đạn
chính xác, những lưới lửa chăng dày, nhiều tầng, nhiều hướng khiến giặc lái
hoảng hồn phải ném bom bừa bãi rồi tháo chạy. Đến 16 giờ, trận chiến đấu kết
thúc.
Sau 2 ngày chiến đấu kiên cường, Thanh Hoá đã bắn rơi 47 máy bay giặc
Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái, bảo vệ an toàn cầu Hàm Rồng khiến dư luận nước
Mỹ xôn xao, bạn bè yêu chuộng công lý và hòa bình trên toàn thế giới khâm
phục.
Chiến thắng Hàm Rồng đã tiếp thêm niềm tin, ý chí và sức mạnh của cả
dân tộc quyết tâm đánh thắng giặc Mĩ xâm lược. Chiến thắng Hàm Rồng (3-
4/4/1965), không chỉ là niềm tự hào của người dân xứ Thanh, mà còn là niềm tự
hào, kiêu hãnh của mỗi người dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ,
cứu nước.
Trận đánh máy bay Mỹ phá hoại của Trung đội dân quân gái Hoa Lộc
huyện Hậu Lộc, ngày 16/6/1967.
3 giờ chiều, ngày 16 tháng 6 năm 1967, giặc Mỹ cho hai máy bay phản lực
đến bắn phá ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Những cô gái dân quân Hậu Lộc
(đội nữ dân quân gái Hoa Lộc được thành lập ngày 1/6/1967) đã chiến đấu dũng
cảm, mưu trí, hợp đồng chặt chẽ, nổ súng đồng loạt bắn tan xác một máy bay
phản lực địch bằng 27 viên đạn súng bộ binh.
Chiến công vẻ vang của các nữ dân quân Hoa Lộc đã đưa số máy bay Mỹ bị bắn
rơi trên miền Bắc, tính đến ngày 16 tháng 6 năm 1967 lên 2.030 chiếc. Chiến
tích này của đội dân quân gái Hoa Lộc có ý nghĩa rất lớn, hòa chung với niềm
vui của cả nước, vì đây là dấu chấm hết cho chiến lược chiến tranh phá hoại lần
thứ nhất của đế quốc Mỹ (năm 1965 – 1968) hòng phá hoại miền Bắc, căn cứ
địa – hậu phương vững chắc của miền Nam.
Trận đánh máy bay Mỹ phá hoại của Trung đội Lão dân quân xã
Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa ngày 14/10/1967.
12 giờ ngày 14-10-1967, một tốp 2 chiếc F.4H từ hướng biển bay vào lượn
qua trận địa. Ngày 14-10-1967, khi nhận được thông báo sẵn sàng chiến đấu,
cùng với các lực lượng khác, các lão dân quân Hoằng Trường cũng vào trận địa.
Mũ rơm đội đầu, mỗi người vào một vị trí sẵn sàng nhả đạn. Nửa chiều, lợi
dụng lúc nắng “xiên khoai” máy bay Mỹ lại từ biển ập vào đánh phá Hàm Rồng.
Gặp lưới lửa phòng không nhả đạn, nhiều chiếc trút bom bừa bãi để tháo chạy.
Từ trận địa ở lưng chừng núi, phát hiện máy bay Mỹ tháo chạy ra hướng biển,
súng phòng không của các lão dân quân bắt đầu nhả đạn đón đầu. Đợi máy bay
vào đúng phần tử bắn, các cụ bình tĩnh theo lệnh chỉ huy đồng loạt nổ súng. Ba
khẩu 12,7mm rung lên với 92 viên đạn chính xác “kết liễu” số phận chiếc máy
bay F.4 H.
Ngày 18-10-1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen ngợi Trung đội
lão dân quân Hoằng Trường và tặng 18 cụ, mỗi cụ một Huy hiệu của Người.
Bên cạnh những chiến công tiêu biểu nêu trên, cuối năm 1971, đế quốc Mỹ
tiến hành chiến tranh phá hoại lần thứ 2 ra miền Bắc. Quân dân Thanh Hóa mà
tiêu biểu là quân dân khu vực Hàm Rồng, Sao Vàng, đảo Mê, đảo Nẹ, Tĩnh Gia,
Hoằng Hóa, Quảng Xương, Như Xuân, Ngọc Lặc, Bá Thước, Quan Hóa... dũng
cảm bắn rơi 92 máy bay phản lực (trong đó có 2 chiếc B52), bắn chìm và bắn
cháy 25 tàu chiến Mỹ, buộc Chính phủ Mỹ phải ký kết Hiệp định Pari, rút quân
về nước (1973).
2. Nhân dân Thanh Hóa làm tròn nghĩa vụ hậu phương với cách
mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước (1954-
1975).
Không chỉ anh dũng trên mặt trận trực tiếp chống kẻ thù, lập nên những
chiến công vang mãi với non sông, trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước,
quân và dân Thanh Hóa còn đi đầu về những đóng góp hết sức to lớn trên các
mặt trận làm tròn nhiệm vụ là hậu phương lớn của miền Nam ruột thịt, cùng cả
nước làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975 của dân tộc.
*Trong công tác tuyển quân: từ năm 1955 đến năm 1975, toàn tỉnh đã tuyển
được 227.082 thanh niên nhập ngũ vào quân đội.
* Chi viện chiến trường: Trung đoàn 14 huấn luyện quân tăng cường (từ tháng
4/1970 – 1975), đã huấn luyện và giao cho các chiến trường 78 tiểu đoàn, (có 4
tiểu đoàn nữ); năm 1972 là năm giao cao nhất bằng 17 tiểu đoàn.
Ngoài ra, trong vai trò hậu phương vững chắc, nhân dân và lực lượng vũ
trang Thanh Hóa đã tạo ra mạng lưới giao thông thủy, bộ thông suốt để chi
viện chiến trường miền Nam
21 năm kháng chiến chống Mĩ, cứu nước, tỉnhThanh Hoá đã có 227. 082 người
gia nhập quân đội, bằng 10,15% dân số toàn tỉnh. Những người con ưu tú của
nhân dân Thanh Hoá với truyền thống “Lam Sơn”, “Hàm Rồng” đã hiến cả
tuổi thanh xuân và máu xương của mình cho sự nghiệp giải phóng miền Nam.
Dọc theo Trường Sơn, trên khắp các chiến trường miền Nam đều có mặt những
người con quê Thanh. Với tinh thần “mỗi người làm việc bằng hai”, “thóc không
thiếu một cân”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”... nhân dân Thanh Hoá đã chắt
chiu để góp sức mình cho kháng chiến. Góp gió thành bão, chính công sức của
đồng bào Thanh Hoá đã góp phần làm nên cơn bão táp cách mạng cuồn cuộn
triều dâng thác đổ cuốn phăng đồn bốt Mỹ- Nguỵ, giải phóng miền Nam, thống
nhất đất nước./.

Câu 5. Trình bày khái quát những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu mà Đại
hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ XIX đề ra trong nhiệm kỳ
2020-2025? Em cần làm gì để góp phần xây dựng quê hương Thanh Hoá
ngày càng văn minh, giàu đẹp?
Gợi ý trả lời
1. Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:
Một là, phát triển kinh tế nhanh và bền vững trở thành một cực tăng
trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.
- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ
cột tăng trưởng và 6 hành lang kinh tế để tạo không gian mới cho phát triển kinh
tế - xã hội của tỉnh.
+ 4 trung tâm kinh tế động lực, gồm: Trung tâm động lực TP. Thanh Hóa
- TP. Sầm Sơn; Trung tâm động lực phía Nam (Khu kinh tế Nghi Sơn); Trung
tâm động lực phía Bắc (Thạch Thành - Bỉm Sơn); Trung tâm động lực phía Tây
(Lam Sơn - Sao Vàng).
+ 5 trụ cột tăng trưởng, gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; Nông
nghiệp; Du lịch; Dịch vụ Y tế; Phát triển hạ tầng.
+ 6 hành lang kinh tế, gồm: Hành lang kinh tế ven biển; Hành lang kinh
tế Bắc Nam; Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh; Hành lang kinh tế Đông
Bắc; Hành lang kinh tế trung tâm; Hành lang kinh tế quốc tế.
- Lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông, lâm, thủy sản theo hướng sản xuất
hàng hóa quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, gắn với xây dựng thương hiệu sản
phẩm. Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai để tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô
lớn, ứng dụng công nghệ cao; đến hết năm 2025, diện tích đất nông nghiệp được
tích tụ, tập trung tăng thêm 32.000ha. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào
nông nghiệp, xây dựng thương hiệu đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Quy
hoạch lại vùng mía nguyên liệu, cao su, bảo đảm phát triển bền vững. Phát triển
chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi
giá trị. Phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; tập
trung phát triển rừng sản xuất gỗ lớn đạt 56.000ha. Phát huy hiệu quả tiềm năng,
phát triển thủy sản trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn. Đẩy mạnh xây dựng
xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí an toàn thực phẩm.
- Tập trung phát triển công nghiệp với tốc độ cao, trọng tâm là công
nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến, chế tạo; thu hút
đầu tư các dự án công nghiệp mới quy mô lớn; đưa Thanh Hóa trở thành một
trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp.
Thu hút đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng các khu kinh tế, khu
công nghiệp. Tiếp tục phát triển tiểu thủ công nghiệp, chú trọng sản xuất các sản
phẩm phục vụ du lịch, xuất khẩu.
Phát triển ngành xây dựng đạt trình độ cao trong các lĩnh vực thiết kế, xây
dựng công trình, vật liệu xây dựng, phát triển đô thị và nhà ở. Huy động các
nguồn vốn xã hội hóa phát triển nhà ở xã hội, cao ốc hiện đại, đáp ứng yêu cầu
phát triển kinh tế - xã hội và phát triển đô thị.
- Tiếp tục phát triển mạnh các ngành dịch vụ. Khuyến khích phát triển
mạnh hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị tại các thành phố, thị xã và thị
trấn các huyện. Xúc tiến thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Na Mèo làm trung tâm
giao thương hàng hóa với nước bạn Lào. Chú trọng thu hút đầu tư xây dựng kết
cấu hạ tầng du lịch. Khai thác hiệu quả lợi thế của cụm cảng nước sâu Nghi Sơn
để phát triển mạnh dịch vụ cảng biển, vận tải biển; xây dựng trung tâm logistics
cấp vùng hạng I tại Khu kinh tế Nghi Sơn. Ban hành chính sách mở thêm các
đường bay mới trong nước và quốc tế đi, đến Cảng hàng không Thọ Xuân. Phát
triển thông tin truyền thông với công nghệ hiện đại, độ phủ rộng, chất lượng cao.
Phát triển dịch vụ tài chính, ngân hàng theo hướng hiện đại, đa dạng các dịch vụ
và tiện ích theo chuẩn quốc tế.
- Tiếp tục phát triển mạnh doanh nghiệp; đổi mới phương thức hoạt động
của kinh tế tập thể, hợp tác xã, gắn với nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Hai là, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sức hấp dẫn
mới để đẩy mạnh thu hút đầu tư, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các
nguồn lực cho đầu tư phát triển. Rà soát, khắc phục những hạn chế, yếu kém,
nâng cao thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả
quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR
INDEX). Bổ sung, xây dựng mới các quy hoạch, nhất là quy hoạch phân khu
chức năng trong Khu kinh tế Nghi Sơn mở rộng. Đầu tư phát triển hệ thống hạ
tầng đồng bộ, hiện đại. Ban hành các cơ chế, chính sách, tạo sức hấp dẫn mới.
Tổ chức hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước.
Tiếp tục cơ cấu lại đầu tư công, ưu tiên bố trí vốn đẩy nhanh tiến độ thực
hiện và hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn đối với phát
triển kinh tế - xã hội của tỉnh; quan tâm đầu tư cho khu vực miền núi, vùng đồng
bào dân tộc thiểu số.
Ba là, tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ,
thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, nhất là trong xúc
tiến đầu tư và thương mại, huy động và phân bổ nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ
tầng, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ;
xây dựng các tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng.
Bốn là, đẩy mạnh phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới. Tập trung
huy động các nguồn lực đầu tư đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa ở các khu vực thành
phố, thị xã và những nơi có điều kiện; hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ
tầng xã hội, kiến trúc cảnh quan tại các đô thị động lực: Thành phố Thanh Hóa,
thành phố Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn, thị xã Nghi Sơn, đô thị Lam Sơn - Sao
Vàng. Xây dựng một số khu đô thị đẹp, hiện đại.
Chú trọng xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Chỉnh trang khu vực nông thôn theo hướng văn minh, xanh, sạch, đẹp, bảo tồn
và giữ gìn văn hóa đặc trưng.
Năm là, đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ; nâng cao chất lượng
các hoạt động văn hóa - xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa
học công nghệ trong tất cả các lĩnh vực; khuyến khích ứng dụng các thành tựu
của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tạo đột phá trong phát triển kinh
tế - xã hội. Đầu tư khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu phần mềm tập
trung, hạ tầng thiết yếu và phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển
đổi số, phát triển kinh tế số, chính quyền điện tử, đô thị thông minh.
- Phát triển mạnh văn hóa, thể thao, tạo nền tảng để Thanh Hóa trở thành
một trong những trung tâm lớn về văn hóa, thể thao của khu vực và cả nước. Rà
soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa. Tiếp tục
huy động các nguồn lực để tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn
hóa, cách mạng, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể. Đẩy mạnh
phong trào xây dựng tập thể, cá nhân kiểu mẫu. Nâng cao chất lượng hoạt động
thông tin, báo chí. Xây dựng và triển khai Đề án phát triển thể dục thể thao tỉnh
Thanh Hóa, ưu tiên các môn thể thao thành tích cao có thế mạnh.
- Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, gắn với nâng
cao chất lượng nguồn nhân lực. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giữ
vững thành tích giáo dục mũi nhọn trong nhóm dẫn đầu cả nước. Đổi mới mạnh
mẽ phương pháp dạy và học, việc thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục, đào
tạo, công tác quản lý giáo dục, coi trọng quản lý chất lượng. Tiếp tục sắp xếp
mạng lưới trường học; rà soát, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo
viên. Đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển giáo dục.
Lựa chọn chương trình đào tạo tiên tiến, gắn với chuẩn đầu ra, trang bị
cho lao động những kỹ năng, kiến thức và công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu của
thị trường lao động, phục vụ nhân lực cho các ngành kinh tế của tỉnh. Rà soát,
sắp xếp lại mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các trung tâm
giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm phù hợp với yêu cầu đào tạo và sử dụng nguồn
nhân lực của tỉnh.
- Đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ trong các bệnh viện công lập; khuyến
khích xã hội hóa, hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế để tăng cường đầu tư cơ sở
vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở y tế; đưa dịch vụ y tế trở thành 1 trong 5 trụ
cột tăng trưởng. Tiếp tục ban hành chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế chất
lượng cao làm việc tại tỉnh. Thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, công tác dân
số và phát triển.
- Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách hỗ
trợ giảm nghèo; ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, giúp người
nghèo phát triển sinh kế, ổn định đời sống, tự vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Thúc
đẩy chuyển dịch việc làm khu vực nông thôn theo hướng phi nông nghiệp. Đẩy
mạnh thực hiện chính sách BHXH, BHTN. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ
trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về dân tộc, tôn giáo.
Sáu là, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động
phòng chống thiên tai, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Thực hiện tốt
công tác quản lý đất đai. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, tập kết, vận
chuyển, chế biến khoáng sản. Huy động các nguồn lực để đầu tư hệ thống hạ
tầng kỹ thuật, hệ thống xử lý nước thải, chất thải tại Khu kinh tế Nghi Sơn, các
khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đô thị. Xây dựng kế hoạch di chuyển các cơ
sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi các đô thị, khu dân cư; di dời
các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trên thượng nguồn Sông Mã, Sông Chu vào các
cụm công nghiệp, làng nghề. Ban hành chính sách khuyến khích các thành phần
kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các công trình, dự án xử lý chất thải. Nâng cao
năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bảy là, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính
trị, trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn
dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân, xây dựng khu vực
phòng thủ vững chắc. Xây dựng lực lượng quân sự, công an, biên phòng cách
mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ
trong mọi tình huống. Chủ động nắm, dự báo tình hình, triển khai các phương án
bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Xây dựng, củng cố đường biên giới với
nước bạn Lào hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Tiếp tục thực hiện hiệu
quả chủ trương tăng cường cán bộ biên phòng cho các xã biên giới.
Thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự, kịp thời giải quyết triệt để
các vụ việc phức tạp ngay tại cơ sở, không để hình thành “điểm nóng”. Chủ
động đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm; từng bước đẩy lùi các tai, tệ nạn xã
hội. Thực hiện tốt công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo; giải quyết kịp
thời, triệt để các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp.
Tám là, triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả công tác đối ngoại, trọng
tâm là kinh tế đối ngoại. Tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác với một số
tỉnh, thành phố ở một số nước, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài,
nhất là các đối tác chiến lược, quan trọng. Nâng cao năng lực hội nhập quốc tế,
nhất là năng lực thực thi và khả năng thích ứng của địa phương, doanh nghiệp về
các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Thực hiện tốt công tác quản
lý người nước ngoài sinh sống, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh theo quy
định của pháp luật.
Chín là, tăng cường xây dựng Đảng bộ đoàn kết, vững mạnh cả về chính
trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn
Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,
những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên và
Nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn các biểu hiện quan liêu,
tham nhũng, lãng phí. Chú trọng xây dựng văn hóa trong Đảng, trong hệ thống
chính trị, nhất là văn hóa trong thực thi công vụ, văn hóa phục vụ Nhân dân của
đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo
của các cấp ủy đảng.
- Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng; tập
trung làm chuyển biến về nhận thức, đổi mới tư duy, tinh thần chủ động, sáng
tạo, khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Thực
hiện tốt việc nắm tình hình và kịp thời định hướng dư luận xã hội. Tăng cường
công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Làm tốt công tác báo cáo viên,
tuyên truyền miệng, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên.
- Xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây
dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm với
yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Trọng tâm là tiếp tục thực hiện sắp xếp
tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của
Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị
(khóa XII). Rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy chế, quy định về công tác tuyển
dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức ở các cấp, các ngành; coi trọng tiêu chí về
bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, đặc biệt là hiệu quả thực thi nhiệm vụ để
đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức
chiến đấu, tạo chuyển biến rõ rệt về chất lượng hoạt động của các loại hình tổ
chức cơ sở đảng.
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng;
kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm. Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát cán
bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để kịp thời phát hiện,
ngăn chặn từ xa, từ đầu, giải quyết từ sớm các vi phạm. Quan tâm kiện toàn,
củng cố tổ chức bộ máy và cán bộ cơ quan ủy ban kiểm tra các cấp. Nâng cao
hiệu lực, hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Hội đồng
nhân dân các cấp. Xây dựng Ủy ban nhân dân các cấp tinh gọn, hoạt động hiệu
lực, hiệu quả; hoàn thiện hệ thống thể thế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường
thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân sản xuất, kinh doanh; xây dựng chính
quyền điện tử.
- Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, hoạt động của
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng,
Chính quyền với Nhân dân; xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn
dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để phát triển nhanh và bền vững.
Phát huy truyền thống cách mạng của Đảng bộ tỉnh trong 90 năm qua, Đại
hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, quân và dân
các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, chủ động, sáng tạo, tranh thủ thời cơ, vận hội
mới, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu
nước, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị
quyết Đại hội đã đề ra, xây dựng Thanh Hóa đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh
dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và
Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030
trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn
bình quân cả nước./.
2. Em cần làm gì để góp phần xây dựng quê hương Thanh Hoá ngày
càng văn minh,giàu đẹp ( Hs tự trình bày suy nghĩ của mình về vai trò của
mình trong công cuộc xây dựng quê hương Thanh Hoá ngày càng giàu đẹp).
- Ví dụ: + Học tập thật tốt, chăm ngoan để đạt nhiều thành tích làm rạng danh
ngôi trường em đang học.
+ Quảng bá di sản văn hoá đến bạn bè để nâng cao ý thức tự hào về truyền thống
quê hương.
– Chăm chỉ, sáng tạo, học tập, lao động; có mục đích, động cơ học tập
đúng đắn, học tập để mai sau xây dựng quê hương.
– Quan tâm đến đời sống chính trị- xã hội của địa phương đồng thời Thực
hiện tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; đồng
thời vận động mọi người xung quanh cùng thực hiện theo đúng quy định của
pháp luật.
– Tích cực tham gia góp phần xây dựng quê hương bằng những việc làm
thiết thực, phù hợp khả năng như: tham gia bảo vệ môi trường, phòng chống tệ
nạn xã hội, xoá đói giảm nghèo...

You might also like