You are on page 1of 8

CÔNG TY TNHH SỰ KIỆN VÀ DỊCH VỤ DU LỊCH

SẮC VIỆT
MST: 1602099767
Đơn vị sản xuất chương trình ĐUA SẮC TRANH TÀI
Đơn vị sản xuất chương trình QUÊ HƯƠNG TÌNH ĐẤT
TÌNH NGƯỜI
Địa chỉ: Số 110/6 Trần Hưng Đạo – phường Châu Phú A – TP
Châu Đốc – tỉnh An Giang
Hotline: 0918 789 368
Email: sacvietofficial2212@gmail.com
Fb: https://www.facebook.com/sacvietevent

KỊCH BẢN
“NIỀM TIN”
THAM DỰ LIÊN HOAN VĂN NGHỆ NÔNG DÂN TỈNH AN GIANG LẦN V NĂM 2023

Báo cáo chương trình:


Ngày 02/08/2023 (Thứ Tư) tại Trung tâm VHTT&TT Thị xã Tịnh Biên
Thời gian dự thi:
Ngày 03/08/2023 (Thứ Năm) tại Công trường Trưng Nữ Vương – TP Long Xuyên
(Lưu hành nội bộ)
Thời lượng: dự kiến 15 phút
Cập nhật vào lúc 8h ngày 01/08/2023

*Đơn vị dự thi: Hội Nông dân Thị xã Tịnh Biên.


*Chỉ đạo nội dung: Ông Lê Phước Hiểu – Chủ tịch Hội Nông dân Thị xã Tịnh Biên.
*Chỉ đạo thực hiện: Ông Lý Thanh Tùng – Phó Chủ tịch Hội Nông dân Thị xã Tịnh
Biên.
*Chịu trách nhiệm chương trình: Ông Trần Thanh Tùng – Phó GĐ TTVHTT&TT Thị
xã Tịnh Biên.
*Kịch bản tổng thể: Duy Tân Nguyễn.
*Kịch bản tiểu phẩm: Vân Anh – Duy Tân.
*Đạo diễn: Nguyễn Duy Tân – Giám đốc Công ty TNHH Sự Kiện Và Dịch Vụ Du Lịch
Sắc Việt; Hội viên Hội Sân khấu tỉnh An Giang.
*Chủ nhiệm: Huỳnh Thị Thanh Nhàn – Đội trưởng đội Văn nghệ tuyên truyền.
*Âm thanh – Ánh sáng: Hoàng Chương.
*Biên đạo: Thế Lâm.
*Thiết kế – Visual: Linh Nghi.
*Quay phim: ………………….
*Nhiếp ảnh: DAS.
*Make up: Thúy An.
*Phục trang – đạo cụ – cảnh trí: Thanh Nhàn – Duy Linh.
*Biểu diễn: …………………………………………………………………………………

Kịch bản NIỀM TIN – Liên hoan Văn nghệ Nông dân tỉnh An Giang lần V năm 2023 1
Kịch bản

NIỀM TIN

Tác giả: Vân Anh – Duy Tân

Nhân vật

1. Thành 25 tuổi. Chịu khó, ham học hỏi. Nhà sáng lập và điều
hành Công ty Vạn Thành – chuyên sản xuất các mặt
hàng liên quan đến cây thốt nốt.

2. Hạnh 30 tuổi. Chị bà con với Thành. Lành nghề nhưng bảo
thủ, ngại thay đổi.

3. Ông Tư 70 tuổi. Ông nội của Thành và Cường. Thương cháu và


luôn ủng hộ, đặt niềm tin vào cháu của mình.

4. Dì 2 50 tuổi. Mẹ của Hạnh. Vui vẻ, hoạt bát.

5. Cô 6 45 tuổi. Chủ tịch Hội Nông dân Thị xã.

Kịch bản NIỀM TIN – Liên hoan Văn nghệ Nông dân tỉnh An Giang lần V năm 2023 2
Tại nhà ông Tư
Hạnh: Nội ơi nội… nội ơi…
Ông Tư: Hạnh hả con?
Hạnh: Dạ! Nội ơi, bánh canh nè nội. Nãy đi giao đường ngang Vĩnh Trung, con ghé mua
về cho nội đó. Nội ăn đi cho nóng…
Ông Tư: Con lo giao hàng cho kịp, còn mua chi mất thời gian.
Hạnh: Chèng ơi… biết nội thích nên có dịp đi ngang con ghé mua, có mất bao nhiêu đâu.
Con dặn để cá, khoanh giò, bò viên cho nội đó. Ngon nội hén.
Ông Tư: Ngon… ngon lắm…bánh canh ngon. Nội thấy con dạo này buôn bán êm hả con?
Hạnh: Dạ, cũng ổn. Con mới bỏ thêm được mấy mối nữa.
Ông Tư: Thấy con làm được như vậy nội cũng mừng. Mà… nghĩ tới thằng Thành nội lo
quá.
Hạnh: Nhắc tới nó là con thấy bực. Làm đường thốt nốt là nghề truyền thống của gia đình
mình, thì cứ theo đó mà làm. Từ đời ông bà nội tới đời ba mẹ con, chú thiếm út cũng làm
như vậy. Chú thiếm mất sớm, nội nuôi nó ăn học, học tới Đại học cũng bằng nghề đường
này. Nội vất vả lo cho nó học đại học mấy năm trời, tưởng về nó làm được chuyện gì
trọng đại… ai dè… nó báo thêm.
Ông Tư: Nội nghe nó nói, nó muốn áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất đường
đó con.
Hạnh: Nội ơi, khoa học kỹ thuật bây giờ phát triển nhưng đó là với ngành nghề nào kìa.
Chứ cái chuyện nấu đường thốt nốt, đó giờ Tịnh Biên mình vẫn nấu như vậy, người ta vẫn
mua ầm ầm. Con cũng chả hiểu, nó nghiên cứu… rồi mời cái gì… kỹ sư, chuyên gia gì đó.
Mà nội thấy đó, nó thất bại biết bao nhiêu lần rồi.
Ông Tư: Nó học công nghệ thực phẩm mà. Nó nói với nội, nó đang nghiên cứu cho ra sản
phẩm mới, đạt chất lượng cao. Sản phẩm mà thành công có thể bán cao hơn nhiều với giá
hiện tại đó con.
Hạnh: Trời ơi… nội nghĩ đi, đường thốt nốt thì cũng chỉ là nấu từ nước thốt nốt thôi. Bình
thường người ta mua 45 – 50 ngàn 1kg. Giờ nó bán 70 – 80 ngàn. Là nội, nội có mua
không?
Ông Tư: Ờ thì…
Hạnh: Mà thôi… Kệ nó đi nội ơi, nội đừng rầu lo rồi ảnh hưởng tới sức khoẻ. Thôi con
qua kho, lát còn đi giao đường cho mấy cửa hàng ngoài chợ nữa.
Hạnh vừa đi thì Thành bước vào với vẻ mặt buồn buồn…
Thành: Thưa ông nội con mới về!
Ông Tư: Có chuyện gì mà cái mặt buồn hiu vậy con?
Thành: Con… con…
Ông Tư: Nói nội nghe đi, có chuyện gì? Không thành công nữa rồi hả con.
Thành: Dạ nội.

Kịch bản NIỀM TIN – Liên hoan Văn nghệ Nông dân tỉnh An Giang lần V năm 2023 3
Ông Tư: Trời! Nội nhớ lần này con có mời các chuyên gia cùng làm nên nội nghĩ phải
thành công chứ.
Thành: Lỗi cũng tại con. Thật ra lần này con muốn đưa ra sản phẩm là đường viên chất
lượng cao, được sản xuất theo một quy trình, có kiểm soát chặt chẽ. Đặc biệt là không sử
dụng chất tẩy, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Ông Tư: Nếu như con nói thì phải thành công chứ sao lại thất bại?
Thành: Dạ… Muốn có sản phẩm tốt thì trước tiên nguyên liệu phải đảm bảo chất lượng.
Con vì muốn giúp bà con có thêm thu nhập nên mua nước thốt nốt một cách đại trà, không
kiểm soát nguyên liệu đầu vào, chính vì vậy mà ảnh hưởng đến thành phẩm.
Ông Tư: Rồi bây giờ con tính sao với số đường đó. Mình có thể bán rẻ lấy lại ít vốn được
không con?
Thành: Dạ không được nội ơi! Thà bỏ chứ con không bán ra thị trường sản phẩm không
đạt chất lượng. Con muốn sản phẩm của Công ty Vạn Thành đến tay người tiêu dùng phải
đạt chất lượng như mong muốn. Chứ con không muốn vì chút lợi nhỏ mà làm ảnh hưởng
uy tín Công ty.
Ông Tư: Vậy con làm lại mẻ đường mới hả?
Thành: Dạ… lần này con sẽ kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào. Nhất định
con sẽ thành công. Mà… Ông nội ơi…
Ông Tư: Sao con?
Thành: Ông nội giúp con lần này nữa được không? Vừa rồi con đã dồn hết vốn nên bây
giờ… Giúp con lần này nữa thôi…
Hạnh: Thôi nghe… em đừng có phiền ông nội. Em đã tiêu tốn biết bao nhiêu rồi, bây giờ
còn muốn làm nội khổ thêm hả?
Thành: Em chỉ xin nội giúp em lần này nữa thôi, chắc chắn em sẽ thành công mà chị. Bao
nhiêu năm nay em mày mò nghiên cứu, chỉ còn một bước này nữa à.
Hạnh: Thôi đi em ơi, lấy gì đảm bảo. Chị đã nói em nhiều lần rồi, cứ y như cũ mình làm.
Chị nè, vẫn theo cách truyền thống gia đình mình làm, bán vẫn đắt, khách vẫn mua, cất
nhà cất cửa khang trang. Còn em, em coi lại em đi. Em có gì? Mất thời gian, công sức,
tiền bạc mà ảnh hưởng đến nội nữa.
Thành: Chị… chị có cách làm của anh, em có cách nghĩ của em. (quay sang ông nội) Nội
ơi… Cây thốt nốt là món quà quý mà thiên nhiên ban tặng cho Tịnh Biên quê mình. Bà
con mình sống cũng dựa vào cây thốt nốt. Rất nhiều món được làm từ thốt nốt trong đó có
đường.
Bốn năm Đại học cùng với quá trình tự nghiên cứu, con muốn ứng dụng khoa học
kỹ thuật vào trong sản xuất để nâng cao chất lượng đặc sản quê mình. Đó là điều luôn con
mong muốn. Nội ơi… nội tin con lần này đi nội.
Hạnh: Thôi đi, đừng có mơ mộng giữa ban ngày. Em nói chuyện thấy lý tưởng quá. Muốn
làm thì tự làm đi, đừng có kéo nội vào rồi lấy tiền dưỡng già của nội để thoả mãn cái ích
kỷ cá nhân của mình.
Thành: Chị… Chị nói vậy mà nghe được… Chị thật quá đáng.

Kịch bản NIỀM TIN – Liên hoan Văn nghệ Nông dân tỉnh An Giang lần V năm 2023 4
Ông Tư: Thôi… Hai đứa có im đi không! Hai con làm nội đau lòng quá.
Hạnh – Thành: Con….Con xin lỗi nội.
Ông Tư ngồi xuống chõng tre, hai cháu ngồi xuống hai bên, im lặng trong giây lát, ông
chỉ về phía cánh đồng có hàng cây thốt nốt cao cao…
Ông Tư: Các con thấy gì không…
Màn hình LED chiếu cảnh hai đứa bé vui vẻ, hồn nhiên bên ông Tư. Hai đứa bé chạy giỡn
cùng nhau, một bé ngã, bé kia thấy vậy chạy lại đỡ và phủi bụi.
Rồi cả hai cùng cười... Hai cậu chạy lại ôm nội líu lo…
Hạnh: Nội ơi… cây thốt nốt cao quá nội.
Thành: Mai mốt em lớn, em còn cao hơn cây thốt nốt luôn.
Thành: Vậy em có cao bằng chị không?
Ông Tư: Hai con cao hơn cây thốt nốt vậy sao đi vô nhà đây, chắc lủng nóc luôn quá.
Hạnh: Ông ơi, lớn lên con đi lấy nước thốt nốt và nấu đường thay ông hé.
Thành: Em nữa, em cũng muốn làm giống chị.
Hạnh: Hai chị em mình cùng làm tiếp ông nội luôn nè.
Ông Tư: Hai cháu của ông ngoan quá. Cây thốt nốt đã nuôi sống gia đình mình, nuôi sống
bà con quê mình đó con. Nhưng trước hết hai con phải ăn mau chóng lớn, cố gắng học
hành cho ông bà, ba mẹ an tâm. Và nhớ phải luôn hòa thuận, giúp đỡ nhau khi gặp khó
khăn nghe con.
Màn hình LED tắt, chuyển lại sân khấu
Hạnh: Dạ con nhớ… "Anh em như thể tay chân…
Thành: …Rách lành đùm bọc, dở hay dỡ đần”.
Hạnh: Tụi con xin lỗi nội!
Ông Tư: Tuổi trẻ có ước mơ, có hoài bão là điều tốt. Lần này con có niềm tin không?
Thành: Thưa nội, đúng là con đã nhiều lần thất bại nhưng từ những thất bại con đã rút ra
rất nhiều bài học. Con xin nội và chị Hạnh hãy tin con lần này và cho con một cơ hội nữa.
Ông Tư: Được. Nội tin con …. Hạnh, con…
Hạnh: Dạ, con theo nội… nhưng… (quay sang Thành) chị không muốn em nói suông
nữa, chờ em chứng minh đó.
Thành: Chị yên tâm, em sẽ không phụ lòng của nội và chị đâu.
Ngày cúng mâm tiên, giỗ Bà Tư
Dì Hai – con dâu ông Tư, mẹ của Hạnh đang làm bánh bò chuẩn bị đám giỗ
Dì Hai: Tía… mình làm mẻ bánh bò này là xong, con dọn đồ lên cho tía cúng má nhe.
Ông Tư: Ừa, chắc đủ rồi đó. Mai cúng mâm chính xong, trước khi cô bác ra về, nhớ gửi
người ít bánh làm quà. À, bây để bánh lên cúng má bây chưa?

Kịch bản NIỀM TIN – Liên hoan Văn nghệ Nông dân tỉnh An Giang lần V năm 2023 5
Dì Hai: Dạ con để lên rồi tía ơi. Hồi còn sống má thích ăn bánh bò thốt nốt lắm nên con
phải nhớ chớ.
Ông Tư: Nhà người ta đám giỗ gói bánh ít, bánh tét còn nhà này toàn làm bánh bò không.
Dì Hai: Có sao đâu tía, bánh bò quê mình mà.
Ông Tư: Ờ…Thằng Thành sáng đi Long Xuyên với cô Sáu bên Hội Nông dân Thị xã. Nó
nói đi công việc gì quan trọng của Công ty nó. Xong là về liền mà giờ không thấy tăm hơi
đâu hết.
Dì Hai: Chắc nó sắp về rồi á tía, hôm nay nay mâm tiên giỗ bà nội, nhất định phải về mà.
Ông Tư: Sáng nó còn nói, chiều về có bất ngờ cho tía nữa. Nào nó về, gọi tía nghe (đi vô
trong).
Thành: Thưa má Hai con mới về.
Cô Sáu: Đi từ xa đã nghe mùi bánh bò thơm phức rồi hà. Chào chị Hai, chuẩn bị đám giỗ
xong hết chưa chị?
Dì Hai: Dạ cũng gần xong rồi cô! Cô ngồi chơi. Thành à, ông nội trông con sớm giờ đó.
Thành: Dạ con biết rồi. Nội ơi… nội… con về rồi nè nội ơi... (Ông Tư đi ra) con có cái
này tặng nội. Nội mở ra xem đi.
Ông Tư: Về rồi hả con? Cái gì đây? Giấy chứng nhận Óc cóp… Ủa, cái này là…
Thành: Dạ… đây là giấy chứng nhận đường viên thốt nốt Bảy Núi và nước màu thốt nốt
của Công ty con đạt chuẩn OCOP đó nội.
Dì Hai: Khoan khoan, Ô cớp… chứng nhận Ô cớp… nó là gì vậy con?
Cô Sáu: Dạ chứng nhận OCOP là hoạt động đánh giá, xác nhận về hoạt động sản xuất,
chất lượng sản phẩm đạt các yêu cầu theo chương trình OCOP. Theo đó, sản phẩm đủ điều
kiện cũng như được biết đến như một sản phẩm có chất lượng, đặc trưng, tiêu biểu, truyền
thống của địa phương và người dân ở đó đó chị Hai.
Thành: Mà nội ơi, má Hai ơi… được đánh giá tới 4 sao lận nhe.
Dì Hai: Cái này má biết nè, giống như khách sạn 3 sao, 4 sao, … càng nhiều sao thì càng
chất lượng đúng không con?
Thành: Dạ đúng rồi má Hai ơi. (Ôm ông nội, xúc động) Con… con cảm ơn nội đã luôn tin
tưởng con, ủng hộ con.
Ông Tư: Vậy là… Cuối cùng thì… (xúc động, quay vào bàn thờ) Bà ơi, vợ chồng thằng
Út ơi… Thành Thành lần này thành công thật rồi... thành công thật rồi.
Dì Hai: Kìa tía… thằng Thành nó thành công tía phải vui chứ!
Ông Tư: Tía vui… vui chứ.
Dì Hai: Con giỏi quá. Mà Thành nè, con coi có cách nào giúp chị Hạnh con không. Mai
nó giao đường cho người ta mà giờ bị hư hết rồi.
Thành: Ủa sao bị hư vậy má Hai?
Dì Hai: Tại nhân công canh lửa không đều nên đường bị đỏ, không đặc, hư hết trơn. Nó
đang lo lắm hay con cho mượn đường bên con giao đỡ cho người người ta được không?
Kịch bản NIỀM TIN – Liên hoan Văn nghệ Nông dân tỉnh An Giang lần V năm 2023 6
Hạnh: Không được đâu mẹ, đường của con bỏ cho khách chỉ có 40k 1kg. Đường bên
công ty Thành giá 80k 1kg, sao mà lấy được.
Thành: Cái này, có người giúp được chị nè. Cô Sáu…
Hạnh: À đúng rồi, sao con không nghĩ ra cô Sáu. Hội nông dân của mình có Chi hội sản
xuất và tiêu thụ đường thốt nốt mà.
Cô Sáu: Ừ, thì đó, cô nói con vô hoài mà con cứ lần lựa. Vô chi hội để những người cùng
làm đường có thể chia sẻ kinh nghiệm, tương trợ giúp đỡ nhau.
Hạnh: Dạ, vậy cô Sáu hướng dẫn cho con vô hội nha cô. Mà trước mắt cô ráng giúp con
tìm nguồn hàng để mai con giao cho khách. Không có, chắc con chết quá.
Cô Sáu: Để cô, cô sẽ nhờ các hội viên hỗ trợ, chắc không vấn đề gì đâu.
Thành: Con cảm ơn cô Sáu.
Dì Hai: Trời ơi cô Sáu, cô đúng là cứu tinh. Lát tặng cô hai hai chục bánh bò để thay lời
cảm ơn ngen.
Thành: Nếu vậy thì má Hai phải tặng cho cô Sáu hai chục nữa. Vì thời gian qua, cô Sáu
đã hỗ trợ, động viên con rất nhiều trong quá trình thành lập Công ty và cũng chính cô
hướng dẫn con các thủ tục tham gia OCOP nên con mới được giấy chứng nhận như hôm
nay đó má Hai.
Dì Hai: Chèng ơi, nếu vậy phải tặng hết luôn mấy nồi bánh này mới đúng à.
Cô Sáu: Thôi thôi, nhìu vậy chắc tui đi bán bánh bò luôn quá! Đây là trách nhiệm của Hội
Nông dân mà, phải hỗ trợ hết mình cho bà con, cho doanh nghiệp mà chị.
Thành: Dạ. Thật sự con mong muốn bên cạnh việc phát triển nghề truyền thống của địa
phương thì mình phải ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao sản lượng, chất lượng, đáp
ứng nhu cầu của thị trường trong nước và cả nước ngoài. Con mong muốn mô hình sản
xuất của mình thành công từ đó nhân rộng, phát triển sẽ giải quyết được việc làm cho bà
con, khỏi phải đi tha phương tìm việc. Chị Hạnh ơi, chị là người có kinh nghiệm trong
nghề, em mong chị sẽ hỗ trợ em trong khâu quản lý sản xuất, còn em sẽ tìm đối tác, lo đầu
ra cho sản phẩm.
Dì Hai: Ừ, mẹ thấy này hay nè con.
Ông Tư: Nội thấy vậy được đó con. Đứa đối nội, đứa đối ngoại. Anh em đoàn kết một
lòng. Còn gì bằng.
Hạnh: Chị…
Thành: Chị đồng ý nhe chị. Em còn đang nghiên cứu thêm một số mặt hàng. Sắp tới
không chỉ có đường, nước màu mà còn có thốt nốt rim, thốt nốt tươi hay chè thốt nốt ăn
liền, thốt nốt đóng hộp… Nói chung, từ cây thốt nốt có thể làm gì để phát triển đời sống
người dân, đóng góp cho quê hương thì Công ty Vạn Thành nghiên cứu làm hết.
Hạnh: Ok. Chị đồng ý với em.
Thành: Em cảm ơn chị! Nội ơi, sẵn đây con muốn thưa với nội một chuyện.
Ông Tư: Chuyện gì vậy con?
Thành: Dạ… nội cho con xin miếng đất vườn thốt nốt của nội…

Kịch bản NIỀM TIN – Liên hoan Văn nghệ Nông dân tỉnh An Giang lần V năm 2023 7
Hạnh: Cái gì mà xin đất… em định lấy đất của nội làm gì nữa?
Thành: Dạ hổng có, em xin mượn miếng đất của nội để phát triển mô hình sinh thái.
(Quay sang nội) Con sẽ mở điểm dừng chân kết hợp với bán các sản phẩm của Công ty.
Khách du lịch đến với Tịnh Biên có thể ghé vào đây, vừa ngồi thưởng thức ly nước thốt
nốt mát lạnh, vừa ngắm nhìn cảnh đẹp của núi rừng, những hàng cây thốt nốt lâu đời…
Bên cạnh, hoà mình vào thiên nhiên trong lành còn có thể tìm hiểu – trải nghiệm quy trình
sản xuất các đặc sản. Dần dần mở rộng thêm các hình thức như: homestay nghỉ dưỡng,
cắm trại… Đây cũng chính là một hình thức quảng bá sản phẩm kết hợp du lịch.
Ông Tư: Này nội thấy hay à. Đất đó cho hai đứa tuỳ ý sử dụng. Nội ủng hộ hết mình.
Cô Sáu: Đúng là tuổi trẻ, dám nghĩ dám làm. Ai nói tuổi trẻ phải ra biển lớn để va chạm,
mới mở mang được nhiều thứ; còn ru rú ở quê thì không phát triển được gì. Sai. Nghĩ vậy
là quá sai lầm.
Dì Hai: Đúng rồi, tôi cũng nghĩ như chị Sáu. Cần gì phải đi đâu xa, chỉ cần có tài năng, có
tâm huyết, có tình yêu đối với quê hương thì ở đâu cũng phát triển được thôi.
Hạnh: Cái này là chị đồng ý hai tay, hai chân với em luôn nè.
Ông Tư: Đúng rồi… Một năm khởi đầu từ mùa xuân – Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ.
Chúng ta phải có niềm tin với tuổi trẻ. Vì tuổi trẻ các con chính là mùa xuân của Tịnh
Biên quê mình đó.
Hạnh – Thành: Dạ ông nội! Tuổi trẻ Tịnh Biên: năng động, sáng tạo trong phát triển
kinh tế địa phương…
Tất cả: Góp phần xây dựng Thị xã Tịnh Biên ngày càng văn minh, giàu đẹp, nghĩa
tình.

Kịch bản NIỀM TIN – Liên hoan Văn nghệ Nông dân tỉnh An Giang lần V năm 2023 8

You might also like