You are on page 1of 4

CUỘC ĐỐI THOẠI GIỮA HỒN TRƯƠNG BA VÀ ĐẾ

THÍCH VỀ QUAN ĐIỂM SỐNG

I. MỞ BÀI
Giáo sư Phan Ngọc đã từng nhận xét về tác giả Lưu Quang Vũ: "Không ai bằng Vũ trong biệt tài
làm nên cái muôn thuở trong cái đời thường, biến cổ tích, huyền thoại thành truyện thời sự, dùng
cái hư để nói cái thực, dùng cái thô lỗ để khẳng định cái cao quý". Thật vậy, kịch của Lưu Quang
Vũ là sự kết hợp hấp dẫn giữa tính hiện đại với giá trị truyền thống, giàu tính triết lí và mang
đậm ý nghĩa nhân văn. Và “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là một tác phẩm bay bổng và đáng chú
ý nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông. Đặc biệt là đoạn trích tái hiện cuộc đối thoại giữa
Trương Ba và Đế thích về quan điểm sống từ đó thể hiện thông điệp sâu sắc mà tác giả muốn gửi
gắm.

II. THÂN BÀI


1. Khái quát
Đoạn trích thuộc cảnh VII trong vở kịch xuất sắc nhất của Lưu Quang Vũ - “Hồn Trương Ba, da
hàng thịt” được viết năm 1981 đến năm 1984 ra mắt và công diễn nhiều lần trên sân khấu trong
và ngoài nước. Tác giả đã xây dựng một vở kịch hiện đại dựa trên cốt truyện dân gian, đặt ra
nhiều vấn đề mới mẻ, có ý nghĩa tư tưởng và triết lí nhân văn sâu sắc. Đồng thời ngợi ca vẻ đẹp
tâm hồn của nhân vật Trương Ba trong cuộc đấu tranh chống lại sự giả tạo và dung tục, bảo vệ
quyền được sống đích thực và khát vọng hoàn thiện nhân cách.

2. Giới thiệu Trương Ba


Trương Ba là người làm vườn gần 60 tuổi, chất phác, ngay thẳng, đánh cờ giỏi, yêu thương vợ
con, bị bắt chết nhầm do sự tắc trách của Nam Tào và Bắc Đẩu. Đế Thích - tiên cờ vì quý Trương
Ba và muốn sửa sai nên cho hồn Trương Ba sống lại trong xác anh hàng thịt. Tuy sống lại nhưng
Trương Ba không hề hạnh phúc mà gặp rất nhiều phiền toái đau khổ vì phải sống giả tạo, trái tự
nhiên. Đã có lúc phần thắng nghiêng về xác hàng thịt khi lấn át, chi phối và bắt hồn Trương Ba
chiều theo những dung tục tầm thường. Chính lời độc thoại của Trương Ba trước khi gặp Đế
Thích “Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ, mày đã tìm được đủ mọi cách
để lấn át ta… Nhưng lẽ nào ta lại chịu thua mày, khuất phục mày và tự đánh mất mình” đã thể
hiện cuộc đấu tranh nội tâm vô cùng dữ dội của Trương Ba để tìm mọi cách được sống là chính
mình.

3. Phân tích đoạn trích cuộc đối thoại giữa Trương Ba và Đế Thích về quan
điểm sống (sgk/149) “Ông Đế Thích ạ … chẳng cần biết”
Ý 1: HỒN TRƯƠNG BA MONG MUỐN THOÁT KHỎI XÁC HÀNG THNT
Trương Ba đã đốt hương mời Đế Thích để bày tỏ nguyện vọng, mong muốn của hồn Trương Ba
“Tôi không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt được nữa, không thể được!”. Lời thoại trực tiếp
bộc lộ cảm xúc qua câu cảm thán kết hợp với điệp ngữ hai lần sử dụng câu phủ định “Tôi không
thể, không thể được” cho thấy quyết tâm rời bỏ xác hàng thịt là ý chí sắt đá của Trương Ba khi
đã thấm thía nghịch cảnh trớ trêu của mình “Hồn Trương Ba, xác hàng thịt”. Mà theo cách nói
của Chế Lan Viên trong một bài thơ đã từng cảnh báo:
“Để nuôi sống xác thân
Đem làm thịt linh hồn.”
(Đoạn cuối thế kỉ - Chế Lan Viên)

Ý 2: QUAN ĐIỂM SỐNG CỦA TRƯƠNG BA


Tiếp đến, Trương Ba đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm sống của mình. Quan điểm sống cao đẹp -
sống phải là chính mình “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn
được là tôi toàn vẹn”. Lời thoại thể hiện nghịch cảnh hiện tại của Trương Ba: đang sống bất nhất
giữa cái “bên trong” và cái “bên ngoài”. “Bên trong” chính là linh hồn, cảm xúc, tư tưởng nhân
cách cao đẹp của Trương Ba đối lập với “bên ngoài” là xác thịt thô phàm, dung tục của anh hàng
thịt. Hiểu theo nghĩa rộng hơn “bên ngoài” còn là hoàn cảnh sống, là nhu cầu tự nhiên, là dục
vọng bản năng. Trương Ba đã nhận ra sự tha hoá của linh hồn mình khi phải chiều theo, nhượng
bộ và thoả hiệp với nhu cầu bản năng. Đây chính là sự dằn vặt, đau khổ, trăn trở của nhân vật. Vì
vậy Trương Ba cương quyết thể hiện khát vọng cá nhân “Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Đây là
tiếng nói, nhu cầu chính đáng được sống “toàn vẹn”, hoà hợp và thống nhất giữa “bên trong - bên
ngoài”, giữa thể xác và tâm hồn. Sự sống chỉ thật sự có ý nghĩa khi con người được sống tự
nhiên, trọn vẹn với những giá trị vốn có và theo đuổi còn ngược lại, sống không thuận lẽ tự
nhiên, không thuận theo tạo hoá, sống không được là chính mình thì đó là một bi kịch nghiệt
ngã.

Ý 3: QUAN ĐIỂM CỦA ĐẾ THÍCH


Trước những yêu cầu chính đáng của Trương Ba, Đế Thích lại lập luận khuyên Trương Ba nên
chấp nhận cuộc sống như hiện tại vì trên trời dưới đất đều thế cả. Trương Ba đừng cố gắng làm
viên bi lăn ngược vòng mà hãy chấp nhận, hãy biết cách thoả hiệp để được sống. Đế Thích đã lấy
tâm lý đám đông để áp đặt lên quan điểm sống của mình thông qua bằng chứng có vẻ như thuyết
phục "Ngay cả tôi đây. Ở bên ngoài, tôi đâu có được sống theo những điều tôi nghĩ bên trong.
Mà cả Ngọc Hoàng nữa, chính người lắm khi cũng phải khuôn ép mình cho xứng với danh vị
Ngọc Hoàng". Hơn nữa Đế Thích cho rằng hồn muốn tồn tại phải có nơi trú ngụ “Ra khỏi thân
xác hồn chẳng còn là gì nữa” mà bây giờ thân xác của Trương Ba đã tan rửa trong bùn đất. Như
vậy, với Đế Thích, không ai được sống là chính mình bởi sống có nghĩa là tồn tại còn tồn tại như
thế nào thì do hoàn cảnh, điều kiện mà con người buộc phải quy thuận. Nhà văn Nguyễn Minh
Châu cũng từng nêu lên quan điểm của mình: “Trong từng con người luôn luôn có tiếng gọi thì
thầm “Đừng nói thế, đừng làm thế!”. Rồi lại có một lời thúc giục khác “Cứ nói bừa đi, cứ làm
bừa đi””.

Ý 4: TRƯƠNG BA PHỦ NHẬN VÀ CHỈ RA SỰ SAI TRÁI TRONG QUAN ĐIỂM CỦA
ĐẾ THÍCH
Ngay lập tức, Trương Ba đã đổi giọng lên án quan điểm của Đế Thích “Sống nhờ vào đồ đạc, của
cải của người khác, đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh
hàng thịt”. Trương Ba đã đưa ra sự so sánh đồ đạc, vật chất và bản thân. Đồ đạc, của cải, vật chất
mượn của người khác đã là chuyện không nên. Huống chi sống nhờ, sống gửi, sống kí sinh vào
thân xác kẻ khác là điều xấu hổ đáng lên án. Với Trương Ba, không thể sống với bất cứ giá nào
được dù được sống làm người là quý giá nhưng được sống đúng, sống trọn vẹn với những giá trị
mình vốn có và theo đuổi thì càng đáng quý hơn. Từ đó Trương Ba thẳng thắn chỉ ra quan điểm
sai lầm của Đế Thích “Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông
chẳng cần biết”. Lời thoại đã kiên quyết chỉ trích quan điểm của Đế Thích là suy nghĩ đơn giản,
hời hợt, thiếu thực tế và vô tình đẩy người khác vào nghịch cảnh và bi kịch. Với Trương Ba, sống
không chỉ là tồn tại mà cuộc sống cần phải có ý nghĩa. Ý nghĩa đó được tạo nên khi con người
sống là chính mình, biết hi sinh, cống hiến vì người khác.

Ý 5: KẾT LUẬN VÀ MỞ RỘNG


Như vậy, quan điểm sống của Đế Thích là quan điểm tuy xuất phát từ lòng tốt nhưng còn đơn
giản, phiến diện, sai lầm còn quan điểm của Trương Ba là quan điểm đúng đắn, cao đẹp và toàn
diện. Từ bi kịch của hồn Trương Ba ta liên tưởng đến bi kịch của Chí Phèo trong truyện ngắn
cùng tên của Nam Cao. Nếu bi kịch của Chí Phèo là bi kịch của con người nhưng bị lưu manh
hoá và cự tuyệt quyền được sống, được làm một con người thì bi kịch của Trương Ba là bi kịch
của con người khi không thể sống là chính mình, đau khổ vì bị sự trói buộc nghiệt ngã của phần
xác đối với phần hồn. Cả Nam Cao và Lưu Quang Vũ tuy ở hai thời điểm khác nhau, nhưng họ
vẫn có niềm tin vào con người. Cho đến cuối cùng, nhân vật họ đã chọn cái chết để Trương Ba
có thể được sống là chính mình, Chí Phèo không quay lại cuộc sống của “quỷ dữ” làng Vũ Đại.

4. Chốt nghệ thuật


Hình tượng nhân vật hồn Trương Ba trong đoạn trích cuộc tranh luận giữa Trương Ba và Đế
Thích về quan điểm sống đã được xây dựng thành công nhờ vào tài năng nghệ thuật của tác giả
Lưu Quang Vũ. Đó chính là sự hấp dẫn của kịch bản văn học và nghệ thuật sân khấu, sự kết hợp
giữa tính hiện đại với các giá trị truyền thống, giữa phê phán mạnh mẽ, quyết liệt và chất trữ tình
đằm thắm, bay bổng. Cùng với đó là sự sáng tạo lại độc đáo cốt truyện dân gian, nghệ thuật dựng
cảnh, dựng đối thoại, độc thoại nội tâm, hành động của nhân vật phù hợp với hoàn cảnh và tính
cách góp phần phát triển tình huống kịch mang đến chiều sâu triết lý, khách quan, sâu sắc.

5. Nhận xét quan điểm của Lưu Quang Vũ: sống là chính mình (thông điệp tác
giả muốn gửi gắm: sống là chính mình)
Hình tượng nhân vật hồn Trương Ba trong đoạn trích cuộc đối thoại với Đế Thích về quan điểm
sống đã thể hiện sâu sắc quan điểm sống của tác giả Lưu Quang Vũ. Được sống làm người thật
quý giá, nhưng sống đúng là mình, sống trọn vẹn những giá trị vốn có và theo đuổi còn quý giá
hơn. Sự sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi con người được sống tự nhiên, hài hoà giữa thể xác và
tâm hồn, giữa bên trong và bên ngoài. Con người phải luôn biết đấu tranh với nghịch cảnh, với
chính bản thân, chống lại sự dung tục để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần
cao quý.

III. KẾT BÀI


Nhà phê bình Nguyễn Thế Vinh đã từng nói: "Lưu Quang Vũ đã đi tiên phong từ những năm 80.
Tất cả những thông điệp ông đưa ra cho đến thời điểm này vẫn là tư tưởng tiên phong". Bằng
ngòi bút tài hoa của mình, tác giả Lưu Quang Vũ đã mang đến cho người đọc một “Hồn Trương
Ba, da hàng thịt” với vô vàn những điều quý giá về nghệ thuật và giá trị nội dung. Đáng nhớ nhất
chính là hình tượng nhân vật Trương Ba tượng trưng cho khát vọng được sống là chính mình.
Qua đó tôn lên giá trị nhân đạo của tác phẩm mà Lưu Quang Vũ muốn truyền tải. Có lẽ vì vậy
mà nhiều thập kỉ trôi qua, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” vẫn vô cùng sáng giá trên kệ sách văn
học và trở nên bất tử, bất biến với thời gian.

You might also like