You are on page 1of 73

DẪN NHẬP

Chương I. Một số vấn đề về phương pháp luận


I. Nguồn gốc môn học và danh xưng

1. Nguồn gốc
Khoa nghiên cứu về con người có từ rất xa xưa, ngược lên đến tận các triết gia
Hy Lạp danh tiếng thời Thượng Cổ như Platon, Aristote (TK IV TCN). Chính
Aristote đã từng viết một khảo luận có hệ thống gồm 3 tập với tựa đề “Peri Psyches”
(Bàn về Hồn). Theo ông, hồn chính là nguyên lý của sự sống. Như vậy, cần lưu ý
rằng, theo quan điểm của Aristote, khoa nghiên cứu về hồn không chỉ bàn riêng về
con người nhưng bao gồm mọi cấp độ sự sống: thảo mộc, động vật và con người (cao
nhất là con người , thấp nhất là thảo mộc). Ngoài ra, phần nghiên cứu về các hữu thể
có sự sống cũng không đứng độc lập nhưng nằm trong tổng thể gọi là Triết học về
thiên nhiên ( những vật tồn tại trong thế giới xung quanh ta).
Trong hệ thống triết học Aristote, triết học thiên nhiên được định nghĩa là khoa
học hoàn bị về các hữu thể biến dịch (Scientia perfecta entis mobilis). Khoa học hoàn
mỹ (giải thích, tìm đến những nguyên nhân tối cao). Ta gặp thấy những giả thức biến
dịch khác nhau nơi các hữu thể trong tự nhiên: biến đổi về nơi chốn, 1 sự biến đổi
của dịch chuyển, sự sinh ra và mất đi, sự tăng trưởng (lớn lên theo thời gian). Đây là
dạng thức biến dịch đặc trưng của các sinh vật. Do vậy, chính trong phần nghiên cứu
của Aristotle về các hữu thể có sự tăng trưởng mà ta gặp thấy sự bàn luận về hồn xét
như nguyên lý sự sống.
Ngày nay, phần bàn về các hữu thể biến dịch gồm các vật thể vô cơ (không có
sự sống, khoáng vật…) cũng như các sinh thể cấp thấp dưới con người được gom
chung vào bộ môn Vũ trụ học hay Triết học về Thiên nhiên; Còn chủ đề về con người
thì được tách riêng và luận bàn trong môn Tâm lý triết học. Cho nên, bộ môn Tâm lý
học ngày nay dù tên gọi vẫn gợi lại gốc gác nguyên thủy (khoa nghiên cứu về Hồn)
nhưng nội dung thì chủ yếu bàn về con người chứ không bàn về sự sống hay các sinh
thể nói chung. Ngoài ra, dựa vào lược đồ trên, chúng ta cũng thấy ngay rằng, khoa
nghiên cứu về Hồn từ khởi thủy được thực hiện theo quan niệm triết học.
2. Tên gọi của môn học
Về tên gọi của môn học, chúng ta biết rằng từ thời các triết gia Hy Lạp cho đến
thời Thánh Tôma vẫn chưa có tên gọi là Tâm lý học. Danh xưng Tâm lý học
(Psychologia) do một nhà triết học người Đức tên là Rudolph Goclenius (TK XVI)
đặt ra.

1
Về mặt từ nguyên, danh xưng Psychologia có gốc từ hai từ Hy Lạp là psyché
(hồn) và logos (tri thức, khảo luận, môn học). Như vậy, danh xưng Psychologia phản
ảnh ý tưởng nguyên thủy của các triết gia Hy Lạp khi lập ra bộ môn nghiên cứu này,
Danh từ Psychologia được dịch sang tiếng Việt là Tâm lý học. Theo Hán tự, Tâm là
trái tim, thường tượng trưng cho tình cảm và nói chung là tâm hồn con người; Lý là
lý lẽ, nguyên lý hay bản thể. Như vậy, Tâm lý học là môn nghiên cứu về các hiện
tượng trong lòng người như cảm giác, tình ý, dục vọng…
Tên gọi Psychologia trở thành phổ biến kể từ đầu thế kỷ 18 nhờ công của một
tác giả tên là Christian Wolff. Tác giả này đã cho xuất bản hai tác phẩm: Tâm lý học
thực nghiệm (1732) và Tâm lý học thuần lý (1734). Điều này cho thấy từ thế kỷ 18 đã
manh nha những bộ môn nghiên cứu mới về con người theo nhãn quan thực nghiệm
và khoa học.
Người ta muốn xây dựng khoa Tâm lý học thành một khoa học chính xác dựa
theo mô hình của các khoa học tự nhiên. Phòng thí nghiệm đầu tiên của ngành Tâm
lý thực nghiệm được Wundt thành lập tại Leipzig vào năm 1879.
Ngày nay, khi nói đến môn Tâm lý học mà không xác định gì thêm thì thường
hiểu là khoa Tâm lý thực nghiệm (khoa tâm lý học không hồn). Thế còn khoa Tâm
lý học truyền thống thì được xác định bằng những tên gọi khác nhau: Tâm lý thuần lý
(Rational Psychology), hoặc Tâm lý Triết học (Philosophical Psychology), có khi
Tâm lý Siêu hình (Metaphisical Psychology). Những cách gọi này dù không phải là
không còn giá trị nhưng dầu sao cũng có những sự hàm hồ. Vì vậy, ngày nay người ta
thường gọi môn nghiên cứu này là Triết học về con người (Philosophy of man) hay
Nhân học Triết học (philosophical Anthropology).
2. Đối tượng và phương pháp
a. Đối tượng
Để định nghĩa một môn học, điều đầu tiên là phải xác định đối tượng nghiên
cứu của nó. Như đã nói trên đây, mặc dù đã xét theo gốc gác ban đầu thì khoa nghiên
cứu về hồn (Tâm lý học) bao gồm các sinh thể thuộc mọi cấp độ của sự sống. Tuy
nhiên, theo dòng biến chuyển về mặt lịch sử của bộ môn nghiên cứu thì hiện nay
khoa này chỉ tập trung nghiên cứu con người. Như vậy, con người là đối tượng
nghiên cứu của môn Tâm lý học. Đây mới chỉ là đối tượng chất thể (objectum
materiale), tức là đối tượng chung mà thôi. Sở dĩ ta nói đối tượng chung vì con người
có thể là đối tượng nghiên cứu của nhiều bộ môn khác nhau, chẳng hạn: khoa giải
phẫu học, khoa bệnh lý học, khoa sinh lý học, khoa xã hội học, khoa văn hóa học…
Mỗi khoa học này sẽ phân biệt nhau tùy theo khía cạnh riêng biệt nào đó nơi con
người được chú trọng để nghiên cứu hay tùy theo quan điểm chiếu theo đó mà tiến
hành việc nghiên cứu. Những yếu tố này cấu thành đối tượng riêng hay còn gọi là đối
tượng mô thể (objectum formale) của môn học. Như vậy, trong khoa Tâm lý Triết
học, con người được xem xét dưới góc độ là một hữu thể. Đây không phải là hữu thể
xét cách chung (ens ut ens/ being as such) nhưng là một hữu thể xét như có những
2
hoạt động sống. Chính điều này cũng đồng thời chỉ ra khía cạnh riêng biệt cũng như
quan điểm của việc nghiên cứu. Ở đây, con người được nghiên cứu dưới góc độ là
một sinh thể, tức là một vật có sự sống và việc nghiên cứu được thực hiện theo quan
điểm triết học.
Xét về mục tiêu của môn học, khoa Tâm lý Triết học tìm cách xác định bản chất
của linh hồn cùng các quan năng của linh hồn (faculty – khả năng để hành động). Để
làm được điều đó, khoa Tâm lý Triết học không chỉ dừng lại ở việc quan sát và mô tả
các hiện tượng tâm lý nhưng còn tìm cách đạt đến những nguyên lý sâu xa nằm đằng
sau các hiện tượng ấy. Như vậy, khoa Tâm lý Triết học sẽ truy cứu đến tận những
nguyên nhân tối hậu của sự sống con người, để qua đó tìm cách xác định bản chất của
linh hồn và của các quan năng của linh hồn, và rồi cuối cùng đi tới chỗ xác định hữu
thể con người (human being) là gì. Đây cũng chính là mục tiêu của môn học. Cũng vì
vậy, bộ môn nghiên cứu này cũng là Triết học về con người.
b. Phương pháp
Xét về phương pháp nghiên cứu, khoa Tâm lý học sẽ dựa trên 3 phương pháp
chính:
- Thứ nhất là quan sát những sự kiện hay hiện tượng thuộc bình diện sinh lý và
tâm lý xảy ra nơi người khác hoặc nơi các sinh thể cấp thấp. Đây còn gọi là phương
pháp khách quan.
- Thứ đến là phương pháp nội quan tức là chủ thể nghiệm xét những gì xảy ra
nơi bản thân mình, tức là những trạng thái hay hiện tượng khác nhau của tâm giới
(những hành động cảm giác, những trạng thái xúc cảm, những ý tưởng, những xu
hướng hay dục vọng...). Đây còn gọi là phương pháp chủ quan.
- phương pháp thứ ba là suy tư phản tỉnh: dựa trên những dữ kiện quan sát được
bằng phương pháp khách quan hay chủ quan, con người suy cứu cách sâu xa hơn và
đầy đủ hơn nhằm xác định bản chất của các dữ kiện và chỉ ra nguyên nhân tối hậu
của các hiện tượng của tâm giới.
Bởi vì khoa Tâm lý Triết học không coi nhẹ phương pháp quan sát khách quan.
Cho nên, khoa này có thể sử dụng rộng rãi những kết quả nghiên cứu đến từ khoa
Tâm lý thực nghiệm. Tuy nhiên, khoa Tâm lý Triết học sẽ không chỉ dừng lại ở
những chất liệu đó nhưng phải tiến hành phân tích chúng dưới nhãn quan hữu thể học
thì mới có thể thực sự phục vụ cho lợi ích của mình.
c. Cấp độ trừu xuất
Xét về cấp độ trừu xuất, đây là khoa nghiên cứu thuộc Cấp độ Trừu xuất thứ
nhất (Trừu xuất Vật lý). Vì khoa này xuất thân là một khoa nghiên cứu của triết học
về tự nhiên, tức là nghiên cứu các hữu thể tồn tại trong thiên nhiên. Các hữu thể này
phải lệ thuộc vào yếu tố chất thể để hiện hữu và được nhận thức. Như vậy, khoa Tâm
lý Triết học chỉ gạt bỏ khỏi đối tượng nghiên cứu những sự xác định hay những đặc

3
điểm phát xuất thứ chất thể đặc thù cá biệt và chỉ giữ lại thứ chất thể chung (chất thể
khả giác) trong câu định nghĩa về sự vật mà thôi, chẳng hạn: ý niệm về con người
được xác định như sau: đó là một hữu thể có đời sống cảm giác và đời sống trí tuệ.
Sỡ dĩ tôi có thể đạt đến một ý niệm như vậy là bởi vì tôi đã gạt sang một bên tất cả
những đặc điểm riêng biệt của từng cá nhân cụ thể.
3. Tính chính đáng và sự cần thiết của khoa triết học về con người
tính chính đáng của khoa triết học về con người đặt nền trên tính chính đáng
của sự nhận thức siêu hình nói chung. Đây là vấn đề chủ yếu được giải quyết trong
khoa phê bình nhận thức luận. Ở đây, chúng ta chỉ ghi nhận vắn tắt như sau:
- Nói chung các học thuyết duy nghiệm, các khoa học thực chứng và các thuyết
duy niệm (hay duy tâm) cho rằng con người chỉ biết được các hiện tượng chứ không
biết được bản chất của sự vật. Như vậy, các lý thuyết này phủ nhận giá trị của khoa
Siêu hình học theo đường hướng của Aristote và thánh Tôma.
- Trái lại, học thuyết duy thực (réalisme) chủ trương rằng, trong và qua các hiện
tượng, lý trí con người có khả năng nhận thức hữu thể và căn cứ trên một số nguyên
tắc căn bản, lý trí có thể xác định được những nguyên nhân và nguyên lý của hữu thể.
Khoa Triết học về con người một khi chủ trương nghiên cứu con người theo
quan điểm Siêu hình học thì hẳn nhiên là phải chấp nhận lập trường duy thực và phải
biện minh cho lập trường đó khi cần.
Còn về sự cần thiết của khoa Triết học về con người có thể ghi nhận vắn gọn
như sau:
- Nếu như triết học muốn có một quan niệm tổng quát về vũ trụ thì khoa Triết
học về con người sẽ rất cần thiết. Vì con người vừa là một tiểu vũ trụ vừa là tột đỉnh
của muôn loài trong vũ trụ.
- Ngoài ra, đạo đức học cũng phải đặt nền trên khoa triết học đúng đắn về con
người. Nếu mà con người chỉ thuần túy là thể chất như thuyết duy vật chủ trương thì
sinh hoạt của con người rốt cuộc chỉ là cuộc đeo đuổi tiện nghi và khoái lạc vật chất.
Trái lại, nếu con người chỉ là tinh thần và thân xác và nhà tù giam hãm tinh thần đó
như Platon chủ trương thì mọi chủ trương đạo đức phải nhằm giải thoát con người
khỏi nhà tù hèn kém này.
Như vậy, một khoa Tâm lý Triết học hay Triết học về con người theo chiều
hướng quân bình đúng đắn quả là cần thiết để đặt con người vào đúng vị trí của nó
trong hoàn vũ, để trả lời cho những vấn đề về ý nghĩa của nhân sinh và hạnh phúc tối
hậu của con người.
II. Một số khái niệm và nguyên lý siêu hình dẫn khởi

1. Sự hữu và yếu tính

4
Trong kinh nghiệm thường ngày, chúng ta luôn bắt gặp những vật cụ thể và cá
biệt tồn tại trong thực tế. Đứng trước một vật, chúng ta thường đặt ra hai câu hỏi nền
tảng: Vật ấy có tồn tại thật hay không? (An sit?) và Vật ấy là gì? (Quid sit?). Tìm
cách trả lời thấu đáo cho hai câu hỏi ấy, khoa Hữu thể học đã chỉ ra hai nguyên lý
siêu hình nền tảng cấu tạo nên một vật, đó là sự hữu (esse) và yếu tính (essentia).
Sự hữu là điều mà nơi một vật, nó làm cho vật ấy hiện hữu hay tồn tại thực sự.
Còn yếu tính là điều mà nơi một vật, nó làm cho vật ấy là chính nó. thí dụ: yếu tính
người là điều làm cho ông A, cô B, bà C là người chứ không phải vật nào khác.
Nơi các vật thụ tạo, sự hữu và yếu tính phân biệt nhau thực sự. Chỉ Thiên Chúa
mới là chính sự hữu do từ bản chất (per essentiam). Còn sự hữu nơi thụ tạo chỉ là sự
hữu do thông dự (per participationem), tức sự hữu được Thiên Chúa tạo dựng và phú
ban cho từng vật. Do vậy, sự hữu ở nơi thụ tạo thì hữu hạn. Ngôn ngữ thông thường
cũng diễn tả chân lý này. Người ta không nói chúng ta là sự hữu nhưng nói chúng ta
có hay sở đắc sự hữu. Yếu tính là cái đón nhận sự hữu, và đồng thời giới hạn sự hữu
ở nơi chính nó.Nhưng mặt khác, chính khi đón nhận sự hữu và giới hạn sự hữu nơi
mình thì yếu tính cũng đồng thời nhờ sự hữu ấy mà được hiện thể hóa trong địa hạt
hiện hữu. Kết quả là một vật hiện hữu trong thực tế. Ngoài ra, yếu tính của các hữu
thể hữu chất hay vật thể lại được cấu tạo bởi hai nguyên lý siêu hình bổ túc cho nhau:
mô thể - bản thể và chất thể đệ nhất.
Không một hữu thể hữu chất nào lại là chính yếu tính của mình. Yếu tính của
tôi, tức điều làm cho tôi là một con người, đó là nhân tính. Tôi không phải là nhân
tính mà chỉ là sở đắc nhân tính. Tôi chia sẻ nhân tính với người khác. Điều này khác
với hữu thể thiêng liêng thuần túy, như các thiên thần chẳng hạn. Mỗi hữu thể thiêng
liêng thuần túy đều chiếm hữu trọn vẹn yếu tính của mình, đều là toàn bộ loại của
mình. Do đó, mỗi cá thể thiên thần làm thành một loại trong khi toàn thể những con
người cá thể hợp lại mới làm thành nhân loại.
2. Mô thể bản thể (forma substantialis) và chất thể đệ nhất (materia prima)
Mô thể bản thể và chất thể đệ nhất là những khái niệm trừu tượng, mà ta chỉ
có thể dùng trí tuệ để suy luận và lãnh hội chứ không thể dùng trí tưởng tượng để bày
ra hình ảnh tương ứng. Cần xác định ngay rằng mô thể bản thể không phải là hình
dáng bên ngoài hay kiểu cách của một vật, còn chất thể đệ nhất thì không phải là thứ
vật chất được nghiên cứu trong các khoa Vật lý hay Hóa học. Để phân biệt mô thể
bản thể với những đặc tính có tính chất thứ yếu, ta có thể lấy ví dụ sau: Dùng một
mẩu đất sét nặn thành viên bi. Viên bi bằng đất sét này là một bản thể hay một vật
hiện hữu độc lập. Viên bi đó có thể tròn và láng nhưng cũng có thể sần sùi và méo
mó. Nhưng trong cả 2 trường hợp đó vẫn luôn là một viên bi bằng đất sét. Cho nên,
đặc tính tròn hay méo, trơn nhẵn hay sần sùi không phải là cái làm nên bản chất của
cục đất sét. Vậy nếu ta đặt câu hỏi, cái gì làm cho đất sét là đất sét? thì câu trả lời sẽ
là mô thể bản thể của nó. Như vậy, mô thể bản thể là cái làm cho một vật là chính nó.

5
Thế còn những đặc tính tròn, méo, trơn bóng hay sần sùi chỉ là những đặc tính thứ
yếu hay còn gọi là phụ thể của cục đất sét mà thôi.
Về phần chất thể đệ nhất, cũng phải phân biệt nó với thứ chất thể được các
khoa học tự nhiên nghiên cứu. Thứ chất thể được khoa học tự nhiên nghiên cứu, nói
theo ngôn ngữ triết học, thì đó là chất thể đệ nhị hay vật liệu, chẳng hạn gỗ, sắt, đất,
đá, nước, khí... Bản thân chúng đã là những bản thể được cấu tạo bởi mô thể bản thể
và chất thể đệ nhất.
Để dễ nắm bắt về chất thể đệ nhất, chúng ta có thể lấy ví dụ sau: một khúc gỗ
sau khi đốt cháy đã biến thành than. Trong quá trình khúc gỗ bị đốt cháy có một điều
gì đó biến mất và một điều gì đó vẫn tồn tại. Điều bị biến mất ở đây chính là mô thể
bản thể của gỗ (tính gỗ - cái làm cho gỗ là gỗ), thế còn điều tồn tại chính là chất thể
đệ nhất của gỗ. Cần lưu ý rằng, chất thể đệ nhất này không phải là một thứ hóa chất
nào đó trước đây thì ở trong gỗ còn bây giờ hội tụ trong than. Đúng hơn, đó là một
nguyên lý của hữu thể mà giờ đây từ bỏ mô thể bản thể cũ để đón nhận mô thể bản
thể mới. Và như thế, chất thể đệ nhất trước đây đồng hiện hữu với mô thể bản thể của
gỗ còn bây giờ lại đồng hiện hữu với mô thể bản thể của than. Nó là cái mà khi gắn
kết với mô thể bản thể của gỗ thì tạo nên khúc gỗ và khi gắn kết với mô thể bản thể
của than thì tạo nên khúc than. Nói tóm, chất thể đệ nhất không bao giờ có thể hiện
hữu tự thân nhưng nó luôn đồng hiện hữu với một mô thể bản thể nào đó.
về phần mô thể bản thể, nó có thể hiện hữu tự thân được không? Ta cần phân
biệt các trường hợp như sau: Ở nơi những vật thuần túy vật chất, hai nguyên lý mô
thể bản thể và chất thể đệ nhất bổ túc cho nhau và lệ thuộc vào nhau. Chúng là đồng
thụ tạo, đồng hiện hữu và chỉ được nhận biết trong tình trạng đồng hiện hữu. Như
vậy, đối với các hữu thể thuần túy vật chất, mô thể bản thể của chúng không hiện hữu
tự thân nhưng hiện hữu cùng với hay đồng hiện hữu với chất thể. Đối với các sinh thể
cấp thấp, ngoài yếu tố vật chất ra, còn có một nguyên lý vượt lên trên chất thể ở một
mức độ nhất định nên trở thành nguyên điều phối các hoạt động sống cho sinh thể
(nguyên lý này còn gọi là hồn) cũng chính là mô thể bản thể của sinh vật. Tuy nhiên,
hồn của các sinh thể cấp thấp lại lệ thuộc cách nội tại vào yếu tố chất thể để tồn tại và
hoạt động, thế nên hồn thực vật và động vật cùng tồn tại và tan biến cùng một trật với
yếu tố vật chất của chúng.
Thế còn linh hồn con người vốn lập hữu tự thân, dù linh hồn lệ thuộc thân xác để tồn
tại và hoạt động, nhưng sự lệ thuộc này chỉ là ngoại tại. Bởi vậy, linh hồn vẫn tồn tại
cả khi thân xác bị hủy hoại trong cái chết.
Quan niệm về chất thể đệ nhất và mô thể bản thể trên đây còn được gọi là hình
chất thuyết (hylémorphisme) do Aristote khởi xướng. Quan niệm này rất hữu dụng để
giải thích cấu trúc thực thể luận (ontological constitution) của mọi vật, nhưng nhất là
nó giúp giải thích mối tương quan giữa cơ thể và hồn nơi sinh vật. Nơi sinh vật, mô
thể bản thể của nó , tức làm cho một vật là chính nó, cũng chính là nguyên lý của sự
sống, tức hồn của sinh vật.

6
3. Một số nguyên lý Siêu hình học thường được áp dụng trong Tâm lý học
Trong Siêu hình học có những nguyên lý cơ bản: nguyên lý đồng nhất (một vật
là chính nó), nguyên lý nhân quả (một vật nào có thì phải có nguyên nhân sinh ra nó),
nguyên lý túc lý (một điều nào đó tồn tại thì phải lý do tồn tại của nó). Đó là những
nguyên lý nền tảng cho mọi nghiên cứu. Ngoài ra, trong Tâm lý học người ta còn vận
dụng cách đặc biệt các nguyên lý sau đây:
a. Hoạt động theo sau hiện hữu (operari sequitur esse)
Nói cách dễ hiểu, bản chất làm sao thì hoạt động như vậy. Dựa trên nguyên lý
đó, chúng ta có thể nhận biết bản chất của một hữu thể hay một vật qua việc nghiên
cứu các hoạt động của nó. Đây là một nguyên lý hiển minh, trực tiếp. Bản tính hay
yếu tính chính là nguyên lý cội rễ cho mọi hoạt động của hữu thể, nếu như chúng ta
có thể nhận biết một căn nguyên bằng cách khảo sát những công hiệu của nó, Thì
cũng vậy, chúng ta có thể biết được bản chất của một hữu thể qua việc nghiên cứu
các hoạt động của nó.
Như vậy, trong Tâm lý học, chúng ta có thể khám phá ra bản chất của trí năng
và linh hồn của con người bằng cách nghiên cứu những hoạt động của nó, tức là các
hoạt động quan niệm, phán đoán, suy luận và sự tự ý thức.
b. Một công hiệu không thể hoàn bị hơn căn nguyên của nó.
Lý do là vì toàn bộ thực tại tính (reality) và sự hoàn bị của một công hiệu phải
phát xuất từ năng lực của căn nguyên sinh ra nó (trừ khi có quyền năng siêu nhiên
can thiệp). Thế mà không một vật nào lại tạo ra cái không nằm trong khả năng của
mình. Một căn nguyên không thể làm phát sinh một công hiệu có bản chất hoàn bị
hơn chính căn nguyên. Chẳng hạn, khoáng vật không thể sinh ra cây cối, cây cối
không thể sinh ra động vật, khỉ vượn không sinh ra người.
c. Nguyên lý về tỉ lệ hay loại suy
Nguyên lý về tỉ lệ hay loại suy có thể được phát biểu như sau:
Những sự hoàn bị này trước hết hiểu về những thuộc tính siêu nghiệm của hữu
thể, bao gồm tính đơn nhất, tính chân thực và tính thiện hảo. Đây là điều hiển minh,
vì mọi hữu thể đều có những thuộc tính ấy. Ngoài ra, còn hiểu về một số điều hoàn bị
khác gặp thấy nơi các hữu thể thuộc các đẳng cấp khác nhau. Chẳng hạn, sự sống ở
nơi thực vật, động vật, con người, thiên thần và Thiên Chúa; hoặc sinh hoạt cảm giác
nơi động vật và con người hoặc trí tuệ và sự tự do nơi con người, các thiên thần và
Thiên Chúa.
Áp dụng nguyên lý loại suy, ta có thể khẳng định như sau: Sự sống ngay cả ở
cấp độ thấp kém nhất cũng không bao giờ là hoàn toàn khác biệt so với sự sống ở cấp
độ tuyệt hảo nhất. Cũng vậy, sinh hoạt cảm giác nơi con vật và con người cũng
không hoàn toàn khác biệt nhau; trí tuệ và sự tự do của con người cũng không hoàn
toàn khác biệt so với trí tuệ và sự tự do của các thiên thần và Thiên Chúa. Bởi lẽ, nếu

7
hai thực tại hoàn toàn khác biệt thì ta không được phép dùng cùng một hạn từ để chỉ
về chúng. Còn nếu đã dùng cùng một hạn từ để chỉ hai thực tại khác nhau thì hẳn là
giữa chúng phải có sự tương tự nào đó. Nguyên lý này mở ra con đường cho sự nhận
thức: chúng ta có thể tìm cách hiểu biết những hữu thể cấp cao nhờ việc tìm hiểu
những hữu thể cấp thấp hoặc ngược lại. Tuy nhiên, sự hiểu biết theo cách loại suy
này cũng khá hạn chế.
d. Khái niệm về quan năng (faculty/ies)
Trong cuộc sống, tôi thực hiện nhiều hoạt động khác nhau như hô hấp, tiêu hóa,
nhìn ngắm, tưởng tượng, suy nghĩ, ước muốn… Nguyên lý chủ (principium “quod”)
thực hiện những hoạt động đó, chính là chủ thể hay bản ngã của tôi. Nguyên lý nhờ
đó (principium “quo”) tôi thực hiện các hành động ấy, lại phân chia thành nguyên lý
xa và nguyên lý gần. Nguyên lý xa nhờ đó tôi hành động, chính là bản tính của tôi,
còn nguyên lý gần nhờ đó tôi thực hiện các hoạt động, cũng lại được phân biệt tùy
theo loại hoạt động. Nếu đó là một hoạt động sinh lý thì nguyên lý gần là một cơ
quan (chẳng hạn: phổi để thở, tim để bơm máu, thận để lộc máu và đào thải độc tố).
Nếu đó là một hoạt động thuộc tâm giới chẳng hạn cảm giác, tưởng tượng, suy nghĩ,
ước muốn... thì nguyên lý gần chính là một quan năng. Như vậy, một quan năng được
định nghĩa là nguyên lý gần hay trực tiếp cho những hoạt động thuộc tâm giới. Chúng
ta nói “gần” để phân biệt nó với nguyên lý cội rễ hay nguyên lý sâu xa là chính bản
tính của hữu thể.
Không được lẫn lộn quan năng với cơ quan, cho dù đôi khi chúng gắn bó mật
thiết với nhau, chẳng hạn, trong hoạt động nhìn thì quan năng chính là thị giác (khả
năng nhìn), còn cơ quan là con mắt. Quan năng là một khả năng hành động thuộc về
linh hồn, thế còn cơ quan là một cơ phận vật chất thuộc về cơ thể. Thông thường
trong hoạt động cảm giác, một quan năng gắn kết chặt chẽ với một cơ quan. Tuy
nhiên, cần nhớ rằng, não bộ không phải là cơ quan vật chất của trí năng.
Một điểm lưu ý khác, không được coi các quan năng đó như là những hữu thể
hoàn bị và tách rời tự mình hoạt động, hay hoạt động độc lập với các quan năng khác.
Một quan năng không tự thân hành động nhưng nó là cái mà nhờ đó tôi hành động,
không phải thị giác nhìn hay trí năng suy nghĩ nhưng tôi nhìn nhờ thị giác và tôi suy
nghĩ nhờ trí năng. Ghi nhận nền tảng này sẽ giúp tránh được nhiều vấn đề sai lầm.
Con người có nhiều quan năng tương ứng với các loại hoạt động tâm lý khác
nhau. Triết học Kinh viện phân biệt, một đằng là các quan năng mà con người cùng
có chung với loài động vật, tức là các quan năng thuộc bình diện cảm giác; đằng khác
là những quan năng mà con người chia sẻ với các hữu thể thuần túy thiêng liêng, tức
là các quan năng trí tuệ hoặc tinh thần. Đây là một ghi nhận rất quan trọng như chúng
ta sẽ thấy sau này. Nơi con người, có những quan năng đem lại cho chúng ta tri thức
hay sự hiểu biết về thực tại ngoại giới hay nội giới nên được gọi là các quan năng
nhận thức. Bên cạnh đó, cũng có các quan năng, làm phát sinh các xu hướng nhờ đó
chúng ta tiến đến hoặc tránh xa các đối tượng mà ta nhận thức được, chúng được gọi

8
là quan năng thị dục. Như vậy, dù ở cấp độ cảm giác hay cấp độ trí tuệ (tinh thần),
cấp độ nào cũng có các quan năng nhận thức và các quan năng thị dục.
 Các quan năng nhận thức: (cognitive faculties)
- Ở cấp độ cảm giác gồm 5 giác quan ngoại (thị giác, thính giác, xúc giác...) và 4
giác quan nội (óc tưởng tượng, kí ức, óc thẩm định…).
- Ở cấp độ trí tuệ hay tinh thần, thì có trí năng (lý trí, trí khôn).
 Các quan năng thị dục: (Appetitive faculties)
- Ở cấp độ cảm giác, gồm tham dục, nộ dục, từ đó phát sinh diễn biến cảm xúc
như: yêu, ghét, lo sợ, tức giận, mạnh bạo, buồn phiền, vui sướng… (passion – thụ
cảm)
- Ở cấp độ tinh thần có ý muốn, ý chí.

Tham dục: đứng trước điều thiện dễ đạt tới


Đứng trước điều dữ dễ né tránh
Nộ dục: giúp ta kháng cự lại sự dữ

9
Chương II: TỔNG QUAN VỀ SINH THỂ
Từ khởi thủy, khoa Tâm lý triết học là khoa nghiên cứu về Hồn xét như nguyên
lý của sự sống. Bởi vậy sẽ là điều chính đáng nếu ngay từ mốc khởi đầu môn học
chúng ta có được một cái nhìn khái quát về sinh thể và giải thích hiện tượng sự sống
theo khoa học và nhất là theo triết học.
1. Định nghĩa sinh thể theo khoa học
Các nhà khoa học đã từng đưa ra những định nghĩa khác nhau về sinh vật. Tuy
nhiên, các định nghĩa này, hoặc chỉ có tính chất chung chung mơ hồ, hoặc cũng chỉ
nói lên được một khía cạnh phụ thuộc nào đó của sự sống hay sinh vật mà không nói
được điều cốt yếu. Bởi đó, có lẽ tốt hơn chúng ta nên định nghĩa sự sống hay sinh thể
bằng chính những hành động đặc trưng của nó. Có thể nêu tóm tắt 6 đặc tính của sinh
thể như sau:
a. Hoạt động dinh dưỡng (Nutrition)
Là sự tiếp nhận những yếu tố vật chất từ môi trường bên ngoài nhằm biến đổi
chúng thành chính cơ thể của mình. Đây còn gọi là sự đồng hóa hay quá trình trao
đổi chất. Nhờ hoạt động này mà sinh vật tự kiến tạo mình và tự duy trì. Chính trong
hoạt động dinh dưỡng mà sinh vật đã thể hiện một sự chọn lọc. Thực ra, chức năng
dinh dưỡng chỉ là một phần của hoạt động bao quát hơn, còn gọi là hoạt động chuyển
hóa hay biến dưỡng, thể hiện qua hai loại phản ứng:
 Một phản ứng làm tiêu hao các chất hữu cơ của cơ thể để tiết ra năng lượng
cần thiết nhằm duy trì sự sống, hay để hoạt động.
 Một phản ứng theo chiều ngược lại, dùng những chất đơn giản tổng hợp
thành những chất hữu cơ của cơ thể sinh vật. Đây chính là hoạt động dinh
dưỡng.
b. Sự thích ứng
Đây là khả năng tự điều chỉnh các cơ phận của sinh vật để thích ứng với những
thay đổi của môi trường, nhờ đó sinh vật có thể tồn tại. Có thể so sánh sự thích ứng
này với sự chế tác ra các dụng cụ đủ loại của con người từ thuở sơ khởi nhằm đáp
ứng nhu cầu sinh tồn. Cũng vậy, sinh vật có khả năng tự điều chỉnh cơ thể mình cho
phù hợp với những biến đổi của môi trường. Khoa tiến hóa sinh vật có thể cung cấp
cho chúng ta rất nhiều bằng chứng; có thể nêu ra vài trường hợp tiêu biểu như: hươu
cao cổ, móng của loài ngựa, lá của những loài thực vật sống ở các vùng khô cằn.
Theo một nghĩa nào đó, có thể nói đến khả năng phát minh đa dạng và kỳ diệu của
thiên nhiên như thấy thể hiện nơi cơ thể sinh vật.
c. Sự tăng trưởng

10
Một sinh vật luôn trải qua những giai đoạn phát triển khác nhau từ phôi thai cho
đến trưởng thành. Quá trình phát triển này hầu như luôn luôn tuân theo một khuôn
mẫu nhất định. Đây còn gọi là sự tăng trưởng có hướng đích. Bởi vậy, nếu quan sát
một sinh vật ở vào một giai đoạn tăng trưởng nhất định, người ta cũng có thể dự báo
trước các bước tăng trưởng tiếp theo của nó. Có thể nói, những gì diễn ra trong thời
điểm này là sự chuẩn bị cho những gì xảy đến trong tương lai. Vì vậy, Guyenot đã
gọi đây là những vận hành báo trước tương lai.
d. Cơ cấu tổ chức (organism)
Đây là đặc tính tiêu biểu của sinh vật. Mỗi sinh vật là một tổng thể gồm rất
nhiều cơ phận khác nhau, từ đơn giản đến phức tạp. Mỗi cơ phận lại có một chức
năng riêng. Tuy nhiên, tất cả chúng hoạt động cách hài hòa và hợp lực để đem lại lợi
ích chung của tổng thể, tức là sinh vật. Mỗi cơ phận chỉ tồn tại và phát huy tác dụng
của mình trong cái tổng thể đó. Cách nào đó, mỗi sinh vật có thể ví như một cỗ máy
được thiết kế cách liền lạc, bất kể vô số những bộ phận cực kỳ phức tạp của nó.
Tuy nhiên, trong khi các bộ phận của một cỗ máy chỉ là những bộ phận rời rạc
và được xếp đặt kế cận nhau thì các cơ phận của một sinh vật lại gắn kết đan quyện
vào nhau để làm nên một tổng thể duy nhất. Tính đơn nhất của một cỗ máy chỉ là
nhân tạo từ bên ngoài mà có, trong khi tính đơn nhất của sinh vật là tính đơn nhất nội
tại tự nhiên.
e. Sự truyền sinh
Đây là khả năng nhờ đó một sinh vật có thể sinh ra một sinh vật khác giống như
nó, hoặc theo cách hữu phái bằng các cơ quan sinh dục, hoặc theo cách vô phái. Đây
là điều không hề thấy nơi thế giới khoáng chất. Người ta có thể dùng các chất để tạo
nên quả trứng nhưng không thể làm cho quả trứng ấy nở thành con gà.
f. Tính hướng đích (tính cứu cánh)
Ngay cơ cấu của sinh vật đã biểu lộ tính hướng đích cách rõ rệt. Trong các cơ
quan của sinh vật không có cái nào là dư thừa: tai để nghe, mắt để xem, phổi để
thở… Ngoài ra, tính hướng đích còn được thể hiện qua các sinh hoạt hay hoạt động
của sinh vật. Nói chung, mọi sinh vật đều nhằm mục đích phát triển cơ thể và bảo tồn
nòi giống. Tính hướng đích trong hoạt động thể hiện qua các khía cạnh: hướng đích
trong sự phát triển; hướng đích trong sự bảo vệ cơ thể; hướng đích trong sự tái sinh
các cơ quan bị hư hỏng.
Kết luận:
- Sinh vật có đặc tính tự phát trong sự vận động và có một sự hướng đích từ
trong nội tại.
- Sinh vật là một vũ trụ thu nhỏ vừa đóng kín nơi mình (các hoạt động nội tại tự
bồi đắp), vừa mở ra với thế giới bên ngoài qua việc thâu nạp những chất liệu phù hợp
theo quy luật của riêng nó.

11
- Khoa học chỉ có thể mô tả sự sống hay những đặc tính của sinh vật. Tuy nhiên,
khoa học không cắt nghĩa được nguồn gốc sâu xa và bản chất của sự sống. Đây là lý
do tại sao triết học cần can thiệp để đưa ra câu định nghĩa của mình.
2. Định nghĩa triết học về sinh thể
Xét theo quan điểm hữu thể học, sinh thể là một hữu thể tự thân vận động
(movens seipsum). Đây là định nghĩa cơ bản nhất về sinh thể. Thánh Tôma cũng đã
từng đưa ra định nghĩa như sau: “Sinh vật là bản thể mà tự bản chất có khả năng tự
vận động hoặc kích hoạt mình bất cứ cách nào để hoạt động.” (ST I, q.18, a.2)
a. Giải thích một số khái niệm
+ Vận động (motus): Triết học cổ điển dùng danh từ vận động với nhiều nghĩa,
có khi hiểu về sự chuyển động theo nơi chốn, có khi hiểu theo nghĩa siêu hình học
chỉ về mọi sự chuyển đổi từ tiềm thể sang hiện thể, hơn nữa, còn có thể hiểu về bất
cứ hoạt động nào, kể cả hoạt động thuộc phạm vi tinh thần như hoạt động suy tư của
trí tuệ.
Trong triết học, người ta phân biệt hai loại hoạt động: hoạt động ngoại tác (hay
chuyển qua) và hoạt động nội tại. Hoạt động ngoại tác là hoạt động mà công năng
của nó chuyển sang một ngoại vật như: lửa đốt gỗ, chân đá quả bóng. Hoạt động này
không kiện toàn tác nhân mà chỉ kiện toàn vật thu nhận. Lửa không nhận được gì do
việc đốt nóng nhưng vật bị đốt thì nhận được sức nóng. Bên cạnh đó, có những hoạt
động không chuyển qua ngoại vật nhưng công hiệu của nó ở lại trong chính chủ thể
hoạt động. Chẳng hạn, việc dinh dưỡng, tăng trưởng, cảm giác, suy nghĩ, ước muốn
hoặc các hoạt động khác tương tự. Các hoạt động này kiện toàn chính tác nhân. Quả
vậy, trí tuệ chỉ được kiện toàn trong khi suy tư, cũng như giác quan được kiện toàn
trong khi thực hiện các hoạt động cảm giác. Hoạt động loại trước thuộc chung các vật
hữu sinh và vô sinh. Trong khi hoạt động loại sau chỉ thuộc riêng vật hữu sinh.
b. Nhận định về câu định nghĩa
Thoạt nhìn, câu định nghĩa trên về sinh thể xem ra đối nghịch với nguyên lý về
nguyên nhân tác thành – phàm vật nào vận động thì đều được lay động bởi vật khác.
Tuy nhiên, theo Aristote, sinh vật là một cơ thể có nhiều thành phần khác nhau.
Trong đó, phần này lay chuyển phần kia, phần ở trong hiện thể lay động phần còn ở
trong tiềm thể. Và vì mọi thành phần đều thuộc về một tổng thể đơn nhất là sinh vật.
Thế nên, có thể nói, mỗi sinh vật tự thân vận động. Chỉ trừ ra tác động đầu tiên thì
sinh vật phải tiếp nhận từ ngoại vật (từ chính vật sinh ra nó). Như vậy, sự tự vận động
của sinh thể cũng đồng nghĩa với hoạt động tự phát hay hoạt động nội tại. Hoạt động
nội tại là hoạt động không đi ra ngoài tác nhân nhưng kiện toàn hay hoàn thiện hóa
chính tác nhân. Như vậy, sự sống là một hoạt động nội tại. Bởi lẽ, nó kiện toàn chính
chủ thể hoạt động. Nói cách khác, nơi sinh vật, chủ thể hành động chính là nguyên
nhân cứu cánh của sự vận động của nó. Sinh vật hoạt động để tự kiện toàn bản thân
nó.

12
Như vậy, trong một hành động nội tại, chỗ khởi phát và chỗ kết thúc cũng chỉ là
một. Cũng từ đây, ta rút ra một nguyên tắc, một hoạt động càng biểu hiện mức độ
hoàn hảo của sự sống bao nhiêu thì càng mang tính nội tại bấy nhiêu và khoảng cách
giữa chỗ khởi đầu và chỗ kết thúc của hành động càng thu hẹp bấy nhiêu.
3. Hai đặc tính triết học của sinh thể
Khoa vũ trụ luận đã chứng tỏ hữu thể nói chung có hai đặc tính nổi bật: sự đơn
nhất và sự thường tồn. Chúng ta thử xét xem hai đặc tính ấy thể hiện thế nào nơi sinh
thể.
a. Sự đơn nhất mang tính hệ thống
Sinh thể là một vật có tổ chức hay một vật hữu cơ (organic), tức là một tổng thể
bao gồm nhiều bộ phận khác nhau. Tuy nhiên, các bộ phận liên hệ và tác động qua lại
với nhau một cách chặt chẽ. Bộ phận này trong hiện thể lay động bộ phận khác trong
tiềm thể, nhờ đó mà sinh vật tự thân vận động. Do đó, có luật trừ của nguyên lý, vật
nào vận động thì được lay động bởi vật khác.
Tính đơn nhất của sinh vật là tính đơn nhất mang tính tổng hợp hay tính đơn
nhất mới. Các bộ phận khác nhau của sinh vật không nằm kế cận nhau một cách ngẫu
nhiên nhưng chúng gắn kết với nhau một cách chặt chẽ và hài hòa đến độ làm nên
một tổng thể duy nhất. Một cơ phận chỉ có thể tồn tại và phát huy tác dụng nhờ và
trong cái tổng thể. Điều này hoàn toàn khác với sự ráp nối của các bộ phận trong một
cỗ máy.
b. Sự liên tồn (duration)
Mặc cho dòng thời gian tiếp diễn, mỗi sinh thể luôn bảo toàn được căn tính ổn
định của mình. Bản thân mỗi sinh thể cũng tựa như một cuốn sổ ghi lại lịch sử của
chính nó. Các hoạt động đã qua vẫn còn để lại dấu ấn trong hiện tại, đồng thời khơi
mầm cho các hoạt động tương lai. Tùy các cấp độ sự sống, quá khứ được bảo tồn
theo cách khác nhau:
 Nơi thảo mộc, quá khứ được bảo tồn dưới dạng thức của sự tăng trưởng.
 Nơi động vật, quá khứ được bảo tồn dưới dạng thức của các thói quen và kí
ức.
 Nơi con người, quá khứ được bảo tồn dưới dạng thức của thường năng
(habitus) và hoài niệm.
Nơi sinh thể, sự liên tồn là sự bảo tồn căn tính ngay giữa lòng sự tiếp diễn, hay
đúng hơn, là sự kiến tạo nên căn tính của mình qua con đường của sự tiếp diễn.
4. Nền tảng của sự sống
Trong triết học có nhiều lý thuyết được đưa ra để giải thích bản chất của sự
sống. Có thể kể ra 3 lý thuyết tiêu biểu như sau:

13
- Thuyết duy cơ (mécanisme): sự sống chỉ là kết quả của một tổ hợp của những
năng lực vật chất hoặc các phản ứng lý hóa diễn ra theo cách máy móc tự động,
không hướng đích. Nơi sinh vật, ngoài vật chất và các năng lực lý hóa, không còn gì
khác. Lý thuyết này có thể gặp thấy nơi các triết gia chủ trương nguyên tử thuyết thời
xưa và Descartes thời cận đại.
- Thuyết duy sinh cực đoan (exaggerated vitalism): thuyết này tìm cách giải
thích cơ cấu tổ chức, các sinh hoạt, tính hướng đích của sinh vật bằng một nguyên
nhân ngoại tại. Sự sống nơi sinh vật do một năng lực hay một thực thể ngoại lai lồng
vào cơ thể vật chất đã thành hình.
- Hình chất thuyết của Aristote: giải thích cấu trúc về mặt siêu hình học của mọi
vật thể bằng hai cấu tố: chất thể đệ nhất và mô thể bản thể. Nơi sinh vật, mô thể bản
thể cũng chính là nguyên lý của sự sống (hồn của sinh vật). Như vậy, lập trường của
Aristote nằm giữa hai cực: một bên là thuyết duy cơ, bên kia là thuyết duy sinh cực
đoan. Đối với thuyết duy cơ, một sinh thể chỉ là một thứ máy móc phức tạp, thuần
túy vật chất, vô hồn. Còn đối với thuyết duy sinh cực đoan, một sinh thể là một hệ
thống vật chất hoàn bị gồm chất thể đệ nhất và mô thể bản thể cộng thêm với một
nguyên lý điều hành đến từ bên ngoài để điều phối các hoạt động của nó. Về phần
học thuyết Aristote, một sinh thể là một hữu thể vật chất cũng giống như các hữu thể
vật chất khác được cấu tạo bởi chất thể đệ nhất và mô thể bản thể. Nhưng nơi các
sinh thể, mô thể bản thể này hoàn bị hơn so với mô thể nơi những vật vô sinh
(khoáng vật). Do đó, nó đóng vai trò nguyên lý của sự sống hay còn gọi là hồn. Vì
vậy, thuyết này còn được gọi là thuyết duy sinh ôn hòa (nguyên lý sự sống không
đồng nhất với chất thể và là nguyên lý nội tại nơi sinh vật).
Ở đây, chúng ta thử giải thích thuyết của Aristote cách chi tiết hơn để hiểu tại
sao trong hai yếu tố cấu tạo cơ bản của sinh thể nói trên, nền tảng của sự sống lại
nằm nơi yếu tố mô thể. Trước hết, ta xét đến yếu tố chất thể. Chất thể là chủ thể của
sự biến thiên thay đổi. Cùng với lượng, nó là nguyên lý của sự tăng bội, ngược lại với
tính đơn nhất của sinh thể. Chất thể còn là nguyên lý của sự hạn định, thiếu linh hoạt.
Nó không thể tiếp nhận hai mô thể cùng một trật. Nó không cho phép một mô thể
cũng đồng thời là mô thể nào khác. Như vậy, chất thể chỉ có thể là nguyên lý chi phối
một hành động ngoại tác chứ không thể là nguyên lý cho một hành động nội tại. Thế
mà, một hoạt động sống tự bản chất là một hoạt động nội tại, tức là khởi điểm và đích
điểm, là những cái song tồn, bởi vì đích điểm đã nằm ngay trong khởi điểm. Nguyên
lý của một hoạt động như thế không thể là chất thể mà phải là một yếu tố ít nhiều
mang đặc tính phi chất thể. Yếu tố đó không gì khác hơn là mô thể của sinh vật. Như
vậy, có thể nói, một sinh vật hoạt động cho mô thể của nó và theo mô thể của nó. Tùy
theo mức độ mô thể lệ thuộc nhiều hay ít vào chất thể để tồn tại và hoạt động mà ta
có những cấp độ sự sống hơn kém nhau.
5. Ba cấp độ của sự sống

14
Nói cách tổng quát, có thể phân biệt các cấp độ sự sống hơn kém nhau tùy theo
mức độ lệ thuộc nhiều hay ít của mô thể vào chất thể để tồn tại và hoạt động. Phân
tích cách rõ ràng hơn, ta có thể dựa trên các đặc tính của hoạt động để phân biệt các
cấp độ sự sống khác nhau. Bất kỳ sự vận động nào cũng có thể được xét theo ba tiêu
chí phân biệt cơ bản dựa trên ba câu hỏi sau đây:
- Câu hỏi thứ nhất: Tác nhân có khả năng thực hiện được chính hành động của
mình hay không?
- Câu hỏi thứ hai: Tác nhân có làm chủ được mô thể của mình để hành động
hay không?
- Câu hỏi thứ ba: Tác nhân có làm chủ được mục đích hành động của mình hay
không?
Thực vật chỉ là tác nhân thực hiện sự vận động của mình theo những quy luật tất
định. Nó không làm chủ được mô thể của mình cũng không làm chủ được mục đích
của mình. Đây là sự sống ở cấp độ thấp nhất, sự sống thực vật.
Đối với động vật, ngoài đặc tính trên, nó còn làm chủ trên chính mô thể của
mình hay làm chủ chương trình hành động của mình. Nhờ khả năng nhận thức ở cấp
độ cảm giác, con vật tự vận động mình để đi săn mồi, rượt đuổi con mồi hoặc tự vận
động mình để chạy trốn kẻ thù. Tuy nhiên, chúng chỉ hành động theo bản năng sinh
tồn chứ không ý thức được ý nghĩa của hành động. Đây là sự sống ở cấp độ cảm giác.
Đối với con người, nó không chỉ có hai đặc tính trên nhưng còn làm chủ được
chính mục đích của mình. Con người có thể tự mình xác định mục đích nhờ trí năng
và điều phối các hoạt động cho phù hợp với mục đích nhằm đạt đến chính mục đích
nhờ ý chí. Con vật luôn bị chi phối bởi quy luật đói ăn khát uống. Thế nhưng, con
người vì một mục đích cao cả có thể nhường cơm bánh của mình cho người khác
hoặc tự nguyện tiết chế việc ăn uống để đạt đến nhân đức tự chủ. Đây là sự sống ở
cấp độ tinh thần. Ở đây, tính chất tự thân vận động của hoạt động sống được thể hiện
cách hoàn hảo nhất. Tính nội tại của hoạt động trí tuệ cũng ở mức độ cao nhất, trong
đó chủ thể và đối tượng là một và đồng nhất.
Kết luận: Nơi con người có cả ba cấp độ sự sống trên đây nhưng không phải ba
đẳng cấp tách rời và chồng lên nhau trong một cá thể. Đúng hơn, nơi mỗi con người
chỉ có một sự sống duy nhất với một nguyên lý sống duy nhất (tức là Hồn). Nguyên
lý này điều phối cả ba loại sinh hoạt: thực vật, cảm giác và trí tuệ nơi con người. Sự
phát triển toàn diện nơi con người đòi hỏi cả 3 loại sinh hoạt đó hỗ trợ nhau và tiến
triển đồng nhịp. Con người không phải là tinh thần thuần túy, cũng chẳng phải là vật
chất thuần túy, nhưng cả hai kết nối và hòa hợp với nhau.

15
Phần I: SỰ SỐNG Ở CẤP ĐỘ CẢM GIÁC

Chương Dẫn nhập: SỰ NHẬN THỨC NÓI CHUNG


Sinh thể không tự đóng kín nơi mình nhưng mở ra với ngoại giới. Đặc biệt nơi
các sinh thể có khả năng nhận thức, chính nhờ hoạt động nhận thức mà sinh thể bước
vào sự thông giao (communication) với thế giới. Nhận thức chính là tiếp nhận ngoại
vật vào trong mình và một cách nào đó hóa nên chính ngoại vật. Đây cũng chính là ý
nghĩa câu nói của Aristote: “Linh hồn con người cách nào đó trở nên vạn vật.”
1. Những nhận định sơ khởi
Trước khi đi vào nội dung chính của vấn đề, chúng ta cần làm quen với một số
khái niệm cơ bản sau đây:
 Sự vật hay ngoại vật: hiểu về mọi thực tại hiện hữu thực sự, mà ở bên
ngoài chủ thể nhận thức. Đây có thể là những gì thuộc về kinh nghiệm của
ta hoặc những vật mà ta chưa từng biết đến.
 Sự hiện hữu ý hướng (intentional existence): một vật có hai cách thức hiện
hữu - hiện hữu nơi chính nó và hiện hữu nơi một chủ thể nhận thức. Cách
sau còn gọi là sự hiện hữu ý hướng. Đây là sự hiện hữu phi chất thể, tức là
hiện hữu bằng một yếu tố mô thể. Chính nhờ sự hiện hữu ý hướng này mà
một vật được một chủ thể nắm bắt và kết hợp với nó trong hành động nhận
thức.
 Đối tượng: không phải bất kỳ vật nào hiện hữu cũng là đối tượng của một
chủ thể nhận thức. Một vật chỉ trở thành đối tượng một khi nó được chủ thể
nhận thức nắm bắt, tức là khi vật ấy có được sự hiện hữu ý hướng trong chủ
thể. Nhờ sự hiện hữu ý hướng này mà sự vật tự trình diễn ngay trước chủ
thể nhận thức, cũng vì vậy mà nó được gọi là đối tượng. Objectum (ob-
jectare) trong tiếng Latinh có nghĩa là được đặt trước.
 Cái tương tự hay họa bản (similitudo/likeness): sự vật có sự hiện hữu ý
hướng bên trong chủ thể nhận thức không phải theo cách vật chất nhưng
bằng một yếu tố phi chất thể còn gọi là cái tương tự hay họa bản của vật.
Cái tương tự hay họa bản này vừa giống lại vừa khác với sự vật. Giống ở
chỗ, nó là cái phản ảnh về chính sự vật, còn khác ở cách thức hiện hữu. Sự
vật thì hiện hữu bên ngoài chủ thể còn họa bản thì hiện hữu bên trong chủ
thể. Nhờ hai đặc tính trên nên họa bản là cái nhờ đó (cái bắc cầu) một vật
“đi vào” trong một chủ thể nhận thức và trở thành đối tượng của chủ thể đó.
Nhờ vậy, chủ thể nhận thức được sự vật (lúc này sự vật đã ở trong chủ thể
như đối tượng nhờ cái họa bản).

16
2. Mô tả sự nhận thức
Trong quan niệm bình dân có những kiểu nói cho thấy đặc tính cốt lõi của sự
nhận thức. Đó chính là sự tiếp nhận một yếu tố bên ngoài vào trong mình (tiếp thu,
tiêu hóa, ngốn, nuốt trôi). Mục đích của sự tiếp nhận này là nhắm đến sự kết hợp giữa
vật chủ tri (chủ thể nhận thức) và vật thụ tri ( vật được nhận thức ). Hai vật trước
đó vẫn còn xa lạ, giờ đây bước vào tương quan với nhau.
Đặc tính của sự kết hợp: đây không phải là sự kết hợp theo kiểu lý hóa. Sự kết
hợp này không xóa nhòa ranh giới phân biệt giữa chủ thể và đối tượng. Đối tượng
vừa ở trong vừa ở trước chủ thể. Sự kết hợp này không làm biến đổi chủ thể ra khác
cũng không làm biến đổi sự vật, mỗi bên vẫn giữ nguyên là mình mà đồng thời lại
được phong phú thêm về sự hiện hữu. Sự vật thì có thêm sự hiện hữu trong chủ thể,
còn Chủ thể thì ngoài việc là chính mình còn trở nên chính đối tượng.
3. Nhận thức chính là hiện hữu siêu bội
Ở đây, ta nêu ra một tiêu chí mới để nói về hai loại và phân biệt chúng:
- Hoạt động ngoại tác hay chuyển qua là những hành động mà bên cạnh sự thao
tác, tác nhân còn sản sinh ra một sản phẩm nào đó bên ngoài mình. Chẳng hạn như
hoạt động xây cất, bên cạnh việc xây cất, nó còn sản sinh ra ngôi nhà. Có thể nói,
chính hành động xây cất nằm ở nơi sản phẩm, tức là ngôi nhà.
- Hoạt động nội tại là những hành động mà bên cạnh việc thi thố hành động ấy,
không tạo ra bất kỳ sản phẩm nào bên ngoài tác nhân, mọi chuyện kết thúc ở chính
nơi tác nhân.
* Sự nhận thức là một hoạt động nội tại
Hoạt động nội tại tự bản chất không thao tác theo kiểu một nguyên nhân tác
thành. Nó không tạo ra sản phẩm nào bên ngoài tác nhân nhưng nó là một thực tại
nằm ngay trong nội giới của chủ thể hành động. Hoạt động nội tại có vai trò phẩm
định chủ thể, nó xác định chủ thể là thế này hay thế khác. Sự nhận thức chính là một
hoạt động nội tại. Bởi lẽ khi chúng ta nhìn hay suy tưởng thì không có điều gì từ hành
động nhìn hay suy tưởng dịch chuyển sang vật được nhìn hay suy tưởng. Mọi chuyện
kết thúc ở nơi chủ thể. Điểm dừng của hành động nhìn (suy tưởng) ở ngay trong
chính chủ thể. Vậy nhận thức là một hoạt động có đích điểm (điểm dừng) ở nơi chính
nó. Nó không tạo ra điều gì bên ngoài chủ thể nhưng nó phẩm định chủ thể nhờ vào
đối tượng được nhận thức. Có thể nói, hành động nhận thức, “trao nộp” đối tượng
cho chủ thể, nhờ đó mà chủ thể biết được năng lực của mình xét như một chủ thể
nhận thức. Chẳng hạn, sở dĩ chúng ta biết được mình có thị giác (khả năng nhìn) đó
là vì có cả một vũ trụ đầy màu sắc (đối tượng) xuất hiện trước chúng ta.
4. Nguyên lý của sự nhận thức

17
Ở đây chúng ta tìm cách trả lời cho câu hỏi: do đâu mà có sự nhận thức? Sự
nhận thức là một tương quan kết hợp giữa chủ thể nhận thức và đối tượng được nhận
thức. Mỗi bên cần có những điều kiện nhất định.
Xét về phía chủ thể, nó phải có một quan năng hay một năng lực để nhận thức,
tức là các giác quan hay trí năng. Hai hòn đá để cạnh nhau nhưng không bao giờ nhận
biết nhau, vì chúng không có quan năng hay năng lực để nhận thức. Chính nhờ quan
năng nhận thức mà chủ thể mới có thể “khách thể hóa” sự vật làm cho nó hiện diện
trước chủ thể như một đối tượng. Tuy nhiên, quan năng này thoạt đầu ở trong tiềm
thể. Do vậy cần phải có một mô thể nào đó hiện thể hóa hay kích hoạt quan năng và
đưa nó vào hoạt động. Mặt khác, vì hành động nhận thức là sự kết hợp giữa chủ thể
và đối tượng, cho nên cái mô thể nói trên hẳn phải là yếu tố đến từ ngoại vật.
Xét về phía vật được nhận thức, để được nhận thức thì nó phải hiện diện ngay
trước chủ thể, tức là phải “đi vào” trong chủ thể cách nào đó. Chắc hẳn, sự vật không
thể đi vào trong chủ thể theo cách vật chất hay thể lý. Hòn đá không thể chui vào
trong con mắt của người nhìn. Thế nhưng, sự vật có thể đi vào trong chủ thể theo
cách phi chất thể, tức là bằng một yếu tố tương tự hay cái họa bản của nó. Họa bản
này thực ra là kết quả của sự tác động từ phía vật được nhận thức lên một quan năng
nhận thức của chủ thể (thoạt đầu là một tác động thể lý lên một cơ quan cảm giác).
Có thể ví như một thứ dấu ấn của ngoại vật “in” vào chủ thể do chính hoạt động của
ngoại vật và được truyền dẫn qua môi trường. Và bởi vì hoạt động thì bộc lộ bản
chất, cho nên cái họa bản vốn là kết quả của sự tác hoạt từ phía ngoại vật cũng phản
ảnh cách nào đó bản chất của sự vật. Theo cách đó, họa bản là cái tương tự với sự vật
bên ngoài. Vì là cái tương tự với ngoại vật mà lại có đặc tính phi chất thể cho nên họa
bản cũng được coi là một thứ mô thể của ngoại vật. Đây không là cái mô thể tự nhiên
nơi ngoại vật nhưng là mô thể mới hiện hữu bên trong chủ thể theo cách cách ý
hướng. Như vậy, họa bản chính là mô thể của vật thụ tri hiện diện bên trong vật chủ
tri. Chính mô thể này sẽ đóng vai trò hiện thể hóa hay kích hoạt quan năng nhận thức
để đưa nó vào hoạt động. Nhờ vậy mà có sự nhân thức đối tượng.
Cần lưu ý rằng, mô thể của vật thụ tri hiện thể hóa vật chủ tri mà không làm
biến đổi vật chủ tri cách thể lý. Nói cách chặt chẽ, vật chủ tri không bị biến đổi thành
mô thể của vật thụ tri nhưng nhờ cái mô thể đó mà chủ thể được kết nối với vật thụ
tri. Nói cách khác, cái mô thể đóng vai trò hiện thể hóa quan năng nhận thức của chủ
thể thì không làm gì khác hơn là làm cho vật thụ tri hiện diện trong và trước chủ thể.
Nhờ đó, chủ thể hướng đến và nắm giữ đối tượng như một khách thể một vật khác
mình. Sự nắm giữ này có thể coi là một sự đồng hóa, bởi vì chủ thể làm cho đối
tượng hiện hữu trong mình đồng thời chủ thể trở nên chính đối tượng.
Qua những gì trình bày trên đây, ta thấy sự vật và đối tượng cũng chỉ là một, sự
vật một khi đạt đến sự hiện hữu ý hướng trong chủ thể thì được gọi là đối tượng. Do
vậy, khi nhận thức đối tượng bên trong mình, chủ thể cũng đạt tới chính sự vật bên
ngoài.

18
5. Họa bản – dấu chỉ có tính mô thể (Formal sign)
Đặc tính chung của dấu chỉ: dấu chỉ là cái làm xuất hiện trong tâm trí ta một
điều gì khác với chính nó. Chẳng hạn, cột khói khiến người ta nghĩ đến lửa, bức ảnh
chân dung khiến người ta nghĩ đến người được chụp ảnh. Người ta phân biệt hai loại
dấu chỉ:
- Dấu chỉ khí cụ (dấu chỉ mang tính chất thể): đây là loại dấu chỉ mà thoạt tiên
nó thu hút sự chú ý của chủ thể dừng lại trên chính nó, rồi sau đó, nó mới hướng chủ
thể đến thực tại mà nó biểu thị. Dấu chỉ ở đây thoạt tiên được nhận biết trong đặc tính
chất thể của nó, rồi sau đó, nó mới được nhận biết trong đặc tính của nó xét như dấu
chỉ. Chẳng hạn thoạt nhìn thấy cột khói, ta chú ý ngay đến vị trí, độ lớn, màu sắc của
nó, rồi sau đó ta mới ý thức rằng cột khói kia là dấu báo hiệu vụ hỏa hoạn đang xảy
ra.
- Dấu chỉ có tính mô thể: tức là loại dấu chỉ thoạt tiên làm cho chủ thể nhận biết
ngay sự vật hay thực tại mà nó nhằm báo hiệu rồi sau đó bản thân nó mới được nhận
biết. Do vậy, nó là biểu tượng trong suốt của cái khác. Có thể so sánh nó với cặp mắt
kiếng, khi ta đeo kiếng thì nó giúp ta nhìn thấy rõ ngay vật đối diện trước khi ta nhận
ra mình đang đeo kiếng. Cái họa bản mà ta nói trên đây là dấu chỉ thuộc loại này.
Họa bản thoạt tiên không được nhận biết nơi chính nó, nhưng nó hướng chủ thể tới
thẳng đối tượng. Chỉ sau đó, bằng một tác động phản tỉnh của chủ thể thì họa bản
mới được nhận biết như một dấu chỉ. Khi đó, chủ thể có thể nói được rằng: tôi có một
hình ảnh về cái bàn học trong đầu. Đây chỉ là một hành động đến sau hay hành động
thứ cấp. Như vậy, ta rút ra kết luận quan trọng này: Họa bản không phải là cái được
nhận thức nhưng là cái nhờ đó sự vật hay đối tượng được nhận thức.
6. Ý nghĩa của một số thuật ngữ tương đương với họa bản
* Ý hướng (intentio) :
Trong học thuyết của Aristote, họa bản còn được gọi là intentio hay gọi cách
đầy đủ hơn là forma intentionalis. Cách gọi này cho thấy yếu tố xác định sự nhận
thức là một mô thể. Mô thể này đem lại cho sự vật một sự hiện hữu ý hướng ở trong
chủ thể nhận thức, nghĩa là nó làm cho chủ thể hoàn toàn quy hướng đến sự vật xét
như một đối tượng ở trong mình. Như vậy, Aristote đi trước hiện tượng luận hơn 20
thế kỷ.
* Ảnh niệm (species):
Họa bản còn được gọi là ảnh niệm. Trong tâm lý học, ảnh niệm cũng là mô thể
của vật thụ tri nhưng đạt tới sự hiện hữu ý hướng trong chủ thể nhận thức và nhờ nó
mà vật thụ tri tự phô trình trước chủ thể như đối tượng.
* Ấn ảnh và diễn ảnh:
Trong trường hợp ảnh niệm là kết quả của sự tác động trực tiếp của ngoại vật
lên chủ thể nhận thức như một sự “in dấu ấn” của nó trên chủ thể thì nó được gọi là

19
ấn ảnh (species impressa). Thế còn diễn ảnh (species expressa) là hình ảnh hay một
thứ họa bản được tái dựng về sự vật do chính chủ thể chủ động kiến tạo, chứ không
do sự tác kích trực tiếp của ngoại vật. Giả thiết là chủ thể trước đó đã từng nhận thức
sự vật cách trực tiếp và được phẩm định nhờ ấn ảnh của sự vật, nên giờ đây chủ thể
có thể tái dựng hình ảnh của vật cho dù lúc này sự vật không còn hiện diện ở đó cách
thể lý.
Có 2 loại diễn ảnh, trước hết là Diễn ảnh do trí tưởng tượng tái dựng về một đối
tượng đã biết trước đó nhưng hiện vắng mặt, diễn ảnh này còn gọi là ảnh tượng
(phantasme). Đây là một thứ ảnh còn thuộc cấp độ cảm giác; bên cạnh đó trong sự
nhận thức của trí tuệ, vì ảnh tưởng của trí tưởng tưởng còn dính dấp với các điều kiện
chất thể của sự vật nên không tương thích với trí năng, cho nên trí năng cũng cần
kiến tạo ra một thứ diễn ảnh vô chất tương xứng để nhận thức yếu tính sự vật. Diễn
ảnh này chính là quan niệm, ý niệm, hay tâm từ (mental word).
7. Tính vô chất: nền tảng của sự nhận thức
Trong hoạt động nhận thức, vật chủ tri tiếp nhận mô thể của các vật thụ tri vào
mình theo cách phi chất thể. Nhờ đó, chủ thể có thể nắm giữ sự vật như một đối
tượng trong mình. Vậy vấn đề đặt ra là: Vật chủ tri phải có bản chất thực thể luận
như thế nào để có thể tiếp nhận mô thể của vật khác?
Có hai cách tiếp nhận mô thể mới:
- Tiếp nhận theo cách chất thể (chất thể đệ nhất): Chủ thể ( cái đứng làm trụ để
tiếp nhận sự thay đổi) từ bỏ mô thể cũ để tiếp nhận mô thể mới và biến nó thành mô
thể của mình. Như vậy, chủ thể này trở thành chủ thể của mô thể mới theo lối chất
thể. Theo cách này, một chủ thể không thể tiếp nhận hai mô thể cùng một trật. Đây
chính là cách tiếp nhận mô thể mới của chất thể đệ nhất.
- Tiếp nhận theo cách phi chất thể (cách vô chất): Chủ thể tiếp nhận mô thể mới
nhưng không tiếp nhận nó như mô thể của mình mà như mô thể của vật khác (chủ thể
không từ bỏ mô thể vốn có của mình để trở thành mô thể mới). Nhờ vậy, chủ thể vẫn
giữ nguyên là mình mà không bị biến đổi ra khác. Đây chính là cách mà vật chủ tri
tiếp nhận mô thể của vật thụ tri. Do vậy ta nói vật chủ tri là chủ thể của mô thể của
vật thụ tri theo cách phi chất thể. Điều này cho phép nó hiện hữu siêu bội vượt trên
chính mình bằng cách thâu thập nơi mình các mô thể, các cấu trúc của các sự vật.
* Tính vô chất của vật chủ tri:
Từ những gì được trình bày trên đây, ta thấy vật chủ tri xét trong bản chất thực
thể luận của nó phải tách mình khỏi chất thể ở một mức độ nhất định để hiện hữu và
hoạt động theo mô thể của mình, chứ không phải theo tiềm thể tính. Vật chủ tri ở cấp
độ nhận thức cảm giác cũng đã đạt đến một mức độ vô chất nhất định nhưng chưa
phải là tính thiêng liêng. Ở cấp độ này, vật chủ tri hoạt động thông qua các quan năng
cảm giác vốn gắn liền với các cơ quan thể lý. Các cơ quan này tiếp nhận theo cách
thể lý các kích thích đến từ ngoại vật. Tuy nhiên, ứng với sự kích thích thể lý ban đầu

20
này lại có một sự tiếp nhận không mang tính chất thể từ phía vật chủ tri, tức là tiếp
nhận mô thể của cái khác. Dầu vậy, đối tượng được phô trình trước chủ thể vẫn dính
dấp các điều kiện thuộc về chất thể, mang đặc tính cụ thể, cá biệt được xác định trong
không gian thời gian.
Thế còn đối với sự nhận thức ở cấp độ trí tuệ, trí năng là quan năng thuần túy
tinh thần không lệ thuộc nội tại vào bất kỳ cơ quan thể lý nào để hoạt động, kể cả não
bộ. Một cách tương ứng, đối tượng nhận thức của nó là yếu tính, trừu tượng, phổ quát
và tất yếu. Ở đây, sự nhận thức đạt đến cấp độ vô chất còn cao hơn nữa, gọi là tính
thiêng liêng (spirituality).
Kết luận: Hoạt động nhận thức và sự sống
Hoạt động nhận thức, nhất là sự nhận thức của trí tuệ là biểu hiện cao nhất của
sự sống. Ở đây, sự sống đạt tới tính nội tại ở mức độ cao nhất. Mục đích của sự nhận
thức là làm cho mô thể của chủ thể được thêm phong phú. Riêng đối với hữu thể có
lý trí là con người, bằng việc kết hợp với mô thể của vật khác xét như vật khác, chủ
thể tự phô trình trước chính mình. Đây chính là sự tự ý thức.

21
Chương I: TRI GIÁC (PERCEPTION)
1. Định nghĩa tri giác
* Kinh nghiệm về tri giác
Trong sinh hoạt nhận thức cảm giác của chúng ta, khi nhận thức các thực tại
chung quanh thì không phải là chúng ta nhận thức một mớ hỗn độn, rời rạc của
những phẩm tính khả giác khác nhau như màu sắc, hình dáng, âm thanh, mùi vị, nhiệt
độ... nhưng chúng ta hầu như luôn luôn nhận thức các sự vật hay đối tượng toàn khối,
liền lạc, có cấu trúc rõ ràng và có một đường biên phân định rạch ròi trên cái nền
không gian, khiến ta dễ dàng phân biệt nó với các vật khác xuất hiện trong cùng
khung cảnh đó. Chẳng hạn, khi chúng ta nhìn thì thường là nhìn thấy một ngôi nhà,
một cái cây hay một con chó cụ thể. Khi chúng ta nghe thì thường là nghe thấy những
từ ngữ, câu nói, những giai điệu rõ ràng. Đó chính là tri giác, vốn thuộc về kinh
nghiệm nhận thức thông thường của một người trưởng thành.
* Phân biệt giữa cảm giác (sensation) và tri giác (perception)
Cảm giác là sự nhận biết về một khía cạnh khả giác nào đó đang kích hoạt lên
một cơ quan cảm giác tương ứng. Tri giác là sự nhận thức về chính sự vật đang gây
ra các yếu tố kích thích trên các cơ quan cảm giác. Như vậy, cảm giác chỉ quy chiếu
vào các yếu tố kích thích (màu sắc, âm thanh, nhiệt độ…), còn tri giác thì luôn quy
chiếu vào sự vật gây nên sự kích thích (quả táo màu đỏ, con chim sáo đang hót trên
cây, khóm hồng tỏa hương thơm). Thí dụ, thoạt bước vào một lớp học, nếu tôi nói tôi
nhìn thấy cái gì đó đo đỏ phía bục giảng thì tôi đang nói về cảm giác của mình; nếu
tôi nói tôi nhìn thấy cái khăn lau bảng màu đỏ trên bàn giáo sư thì tôi đang nói về tri
giác của mình. Tương tự khi vừa bước vào khu vườn, nếu tôi nói tôi ngửi thấy mùi gì
thoang thoảng thì tôi đang nói về cảm giác của mình, còn nếu tôi nói tôi ngửi thấy
mùi hoa của cây mộc lan ở giữa vườn thì tôi đang nói về tri giác của mình.
Tri giác luôn liên hệ tới các cảm giác trong quá khứ thuộc cùng loại hoặc thuộc
các loại khác nhờ ký ức và phối hợp các loại cảm giác ấy lại với nhau để nhận biết sự
vật đã gây nên các cảm giác ấy. Nghe tiếng gọi cửa (cảm giác), tôi nhận ra ngay đó là
người bạn thân đang gọi. Vì vậy, người ta còn nói tri giác là nhớ lại. Như vậy, tri giác
bao gồm sự đóng góp của mọi chức năng nhận thức: 5 giác quan ngoại, 4 giác quan
nội, đặc biệt là kí ức và trí tưởng tượng và của cả trí năng nữa. Ngoài ra, nó còn thấm
đượm sắc thái cảm xúc của chính chủ thể nhận thức. Nhìn ngắm phong cảnh với tâm
trạng buồn thì thường cảnh vật cũng ít nhiều mang sắc thái ảm đạm. Tóm lại, có thể
định nghĩa, tri giác là một hành động nhận thức (về cơ bản thì thuộc bình diện cảm
giác) có tính tổng thể, trong đó, các giác quan ngoại, các giác quan nội và trí năng
cùng phối hợp với nhau để đạt tới một sự vật trong thế giới tự nhiên. Nói cách khác,
tri giác vật nào tức là tôi phán đoán rằng, nó có thực ở ngoài; đồng thời, tôi phán

22
đoán nó là vật gì nhất định. Vì vậy câu phán đoán then chốt trong tri giác là câu phán
đoán về thực tại. Tri giác là nhìn nhận thực tại tính của vật.
2. Một số đặc tính của tri giác
 Trong hoạt động tri giác, đối tượng tự phô bày trước chủ thể như một tổng
thể, một toàn khối. Cái tổng thể thì được nhận thức trước các thành phần, nghĩa là
không phải tôi thấy các khía cạnh rời rạc trước rồi mới ráp nối chúng lại thành cái
tổng thể.
 Là một nhận thức có tính tổng hợp từ hoạt động của nhiều quan năng. Nhờ
hoạt động của các giác quan ngoại, đối tượng hiện diện trước chủ thể như là cái khác.
Nhờ hoạt động của kí ức và trí tưởng tượng, các dữ kiện cảm giác được ban cho một
cấu trúc hay một khuôn hình. Nhìn vài nét chấm phá ta nhận ra ngay hình con chó,
nhìn thấy một phần của cái cửa sổ ta nhận ra ngay đó là cánh cửa sổ của 1 ngôi nhà.
Nhìn mặt tiền của ngôi nhà quen, tôi hình dung ra mặt lưng của nó mà tôi từng biết.
Nhờ trí năng thực tiễn (óc thẩm định), đối tượng được ban cho một ý nghĩa liên quan
đến vẻ đẹp, sự hữu dụng, sự cần thiết cho đời sống.
 Tri giác là chức năng nhận thức sơ khởi nhất. Nó khai mào đời sống tâm lý
của tôi. Nó là sự nhận thức tương thích và tự nhiên nhất của con người. Xét vì cả khi
con người suy tư bằng ý tưởng thì nó vẫn phải quay trở về với ảnh tượng để giúp nó
hình dung về đối tượng được suy tư.
 Tuy nhiên, tri giác vẫn còn là sự nhận thức ở cấp độ cảm giác. Nó chưa đạt
đến yếu tính của thực tại, mà chỉ nhắm đến các sự vật cụ thể gắn với những nét đặc
thù được xác định trong không gian, thời gian. Cũng vì vậy mà tri giác không ổn
định, một phần do đối tượng luôn dịch biến về phẩm tính và lượng tính, một phần
khác do nó thấm đượm sắc thái cảm xúc của chủ thể nhận thức. Trong những phần
tiếp theo, việc xem xét hoạt động của các quan năng cảm giác riêng biệt sẽ luôn phải
để ý đến phần đóng góp của nó đối với cái tri giác này.

23
Chương II: SỰ NHẬN THỨC BẰNG CÁC GIÁC QUAN NGOẠI
(NGŨ QUAN)
1. Đối tượng của các giác quan ngoại
Theo quan điểm sinh học phổ thông, có thể nói rằng, chức năng của các giác
quan là làm cho sinh vật thiết lập tương quan với môi trường vật lý mà nó sống trong
đó, và đây cũng chính là môi trường mà sinh vật phải thích nghi để tồn tại. Tất cả các
giác quan đều chung sức để thực hiện điều đó. Vì vậy, có thể nói cách khái quát rằng,
đối tượng của các giác quan của chúng ta là môi trường vật lý hay vũ trụ vật chất
hoặc toàn bộ các vật thể có liên hệ tới chúng ta. Đây mới chỉ là đối tượng chất thể
của các giác quan. Thế còn đối tượng mô thể của giác quan, chính là cái khía cạnh mà
chiếu theo đó, các sự vật bất luận là vật nào xuất hiện trước giác quan của ta. Chẳng
hạn, một vật xét như là có màu sắc thì xuất hiện trước thị giác, một vật xét như là
phát ra âm thanh thì xuất hiện trước thính giác. Như vậy, màu sắc hoặc âm thanh
chính là đối tượng mô thể của giác quan. Về đối tượng mô thể, người ta còn phân biệt
đối tượng tự thân (per se) và đối tượng ngẫu tùy (per accidens).
a. Đối tượng tự thân là đối tượng trực tiếp, là điều mà một giác quan nhận biết
chiếu theo bản chất của nó hay do cấu tạo của nó. Trong khoa Tâm lý học hiện đại,
người ta còn gọi đây là dữ kiện cảm giác nguyên sơ hay tinh khôi hoặc cũng có thể
coi là đây là dữ kiện trực tiếp của giác quan (dữ kiện thô chưa được xử lý). Cần ghi
nhận rằng, cảm giác nguyên sơ là điều hiếm thấy nơi người trưởng thành bởi vì tâm
trí họ luôn thêm vào cho cái dữ kiện nguyên sơ này các ký ức, các ý niệm, các giải
thích, phán đoán... Đối tượng tự thân còn được phân chia thành đối tượng riêng và
đối tượng chung.
- Đối tượng riêng là điều chỉ có thể được nhận biết bởi một giác quan duy nhất.
Như vậy, nó là đối tượng mô thể theo nghĩa chặt của một giác quan hay còn gọi là
nhân tố kích thích tương ứng hoặc phẩm tính khả giác (Locke gọi là phẩm tính đệ
nhị). Chính đối tượng riêng là nền tảng để phân biệt các giác quan khác nhau.
- Đối tượng chung là đối tượng có thể được nhận biết bởi nhiều giác quan khác
nhau, trong hoặc qua đối tượng riêng của chúng. Như vậy, mỗi giác quan nắm bắt đối
tượng chung theo cách riêng của mình. Chẳng hạn, sự chuyển động được thị giác
nhận biết như là sự thay đổi vị trí của các vệt màu được thính giác nhận biết như là sự
thay đổi của các âm thanh, được vị giác nhận biết như là sự tiếp nối của các vị khác
nhau. Aristote đã tìm ra 5 loại thực tại khả giác được coi là đối tượng chung: sự
chuyển động và sự yên nghỉ, số mục (mấy cái, mấy đơn vị), hình thù (méo,..) và
kích thước (to, nhỏ). Locke gọi đây là phẩm tính đệ nhất. Ba loại đầu có thể được
mọi giác quan nắm bắt, thế còn hình thù và kích thước thì có thể được thị giác và xúc
giác nắm bắt.

24
b. Đối tượng ngẫu tùy hay đối tượng gián tiếp. Đó là điều mà giác quan không
tự nó nhận biết nhưng do trí tuệ thêm vào cho đối tượng trực tiếp. Đây là toàn bộ
những yếu tố không trực tiếp đến từ giác quan nhưng được trí tuệ hòa phối với cái
đối tượng được giác quan trực tiếp cảm nhận, đến độ trong thực tế ta cứ tưởng nó là
điều do giác quan nhận biết, chẳng hạn nhìn thấy người bạn, nghe tiếng một chiếc xe
hơi chạy ngang qua cổng, hoặc ngửi thấy mùi thơm của trái sầu riêng. Thực ra, đối
với thị giác, nhìn tức là nhìn thấy màu sắc hay hình thể chứ không thể nhìn thấy
người bạn; cũng vậy, đối với thính giác, nghe là nghe thấy âm thanh chứ không thể
nghe thấy xe hơi chạy ngang qua. Trong thực tế, nếu ta nhìn thấy người bạn thân hay
nghe tiếng xe hơi, thì đó là do trí năng đã góp phần vào. Do vậy, người bạn, cái xe
hơi, hay nói chung một bản thể hữu chất (corporeal substance) nào đó chính là đối
tượng ngẫu tùy của giác quan ngoại.
2. Sự tồn tại và sự đa dạng của các giác quan ngoại
Xét theo quan điểm sinh vật học, sự tồn tại và sự đa dạng của các giác quan là
do các nhu cầu sinh tồn của các sinh vật cấp cao. Sự phân biệt và sự phân loại các
giác quan được thực hiện dựa vào đối tượng riêng. Nguyên tắc tâm lý học này của
Aristote đã được ứng dụng trong khoa Tâm lý học hiện tượng luận ngày nay. Chẳng
hạn, chúng ta chỉ biết được rằng chúng ta có thị giác, đó là vì có cả một vũ trụ đầy
màu sắc đang phô bày cho chúng ta và trước chúng ta.
Khởi đi từ đối tượng, người ta trở ngược lên đến chức năng (quan năng) là cái
trao ban đối tượng cho chủ thể. Các triết gia cổ thời kể ra năm giác quan ngoại khác
nhau: thị giác là giác quan của màu sắc, thính giác là giác quan của âm thanh, khứu
giác là giác quan của các loại mùi, vị giác là giác quan của các khẩu vị, , xúc giác là
giác quan của nhiệt độ, lực cản. Nhưng các tác giả này cũng đã nhận thức được rằng,
xúc giác còn là một giống bao gồm nhiều loại khác nhau. Đó chính là cánh cửa mở ra
cho tất cả những xác định của khoa Tâm lý học thực nghiệm sau này. Thật vậy, trong
Tâm lý học thực nghiệm, người ta còn phân biệt các loại giác quan khác nhau: giác
quan về cơ bắp, về sự vận động, về toàn thân, giác quan về sự đau đớn, về thân nhiệt,
về phương hướng, về sự thăng bằng… Rất có thể, rồi đây người ta sẽ còn khám phá
thêm những giác quan khác nữa. Tuy nhiên, việc phân chia thành 5 giác quan cũng kể
là rất xác thực rồi.
3. Bản chất của giác quan
Hẳn nhiên, ở đây chúng ta xem xét vấn đề theo quan điểm siêu hình học. Chúng
ta sẽ cố gắng xác định khái niệm này theo từng bước càng lúc càng sát sao hơn.
a. Giác quan là một quan năng (faculty/power)
Bởi vì, sinh thể bằng cách này hay cách khác phản ứng lại những kích thích từ
môi trường chung quanh, cho nên phải nhận là, nơi nó có khả năng hay năng lực để
thực hiện các tác động này. Một quan năng không phải là một hữu thể lại càng không
phải một bản thể. Bởi vì, nó không có sự hiện hữu riêng, nó không hiện hữu độc lập

25
nhưng chỉ hiện hữu trong một sinh thể. Chính sinh thể này mới là một bản thể. Như
vậy, quan năng là một phụ thể. Vị thế thực thể luận (ontological status) của nó được
xác định rõ ràng trong công thức này: “Non est ens sed entis” (không phải hữu thể
nhưng là thuộc về hữu thể).
b. Giác quan là một khả năng thụ động
Nói thế không có nghĩa là giác quan thì thuần túy thụ động, mà trái lại nó là một
khả năng để hành động. Phải giữ vững điều này để đối lại lập trường của Kant vốn
định nghĩa hoạt động cảm giác chỉ như một chức năng thuần túy thụ động, tức khả
năng tiếp nhận các ấn ảnh và ông dành tính chủ động cho sự lãnh hội của trí năng mà
thôi. Thế mà như chúng ta sẽ thấy, ngay cả trí năng cũng có tính thụ động và hoạt
động cảm giác thì cũng có một tính chủ động nhất định bởi vì nó đem lại sự nhận
thức. Tuy nhiên, giác quan chỉ bước vào hoạt động, chỉ chuyển từ tiềm năng sang
hiện thể nếu như thoạt đầu nó được lay động, nghĩa là được kích hoạt bởi ngoại giới:
“Sensus est potentia passiva quae nata est immutari ab exteriori sensibili” (ST I,
q.78, a.3) (Giác quan là một khả năng thụ động, mà do bản chất, nó được lay động
bởi yếu tố khả giác bên ngoài).
c. Giác quan không phải là thể chất cũng không phải thiêng liêng
Giác quan không phải là cái gì thuần túy chất thể, vật chất. Nó không thể bị
giảm thiểu vào cơ quan. Chẳng hạn, thị giác (khả năng nhìn) thì không thể bị đồng
hóa với con mắt. Thật vậy, nếu một cơ quan mà không được hồn làm cho linh hoạt
(animated) thì dù nó có được kích thích cách mấy cũng vô ích. Và như vậy, nó cũng
vô phương đem lại cảm giác.
Mặt khác, giác quan cũng không phải thiêng liêng. Sự vận hành của các cơ quan
không chỉ là điều kiện để có cảm giác nhưng sự vận hành đó còn là yếu tố cấu tạo của
cảm giác, đến độ ta có thể nói: cảm giác là hoạt động của một cơ quan. Thánh Tôma
đưa ra bằng chứng như sau: cường lực quá cao của sự kích thích sẽ làm hỏng giác
quan.
Từ đó chúng ta rút ra nguyên lý này: “sentire non est propirum corporis, neque
animae, sed conjuncti” (ST I, q.77, a.5) . Hành động cảm giác là kết quả của sự phối
hợp chặt chẽ giữa hồn và xác. Tuy nhiên, giác quan cũng có thể được gọi là một quan
năng của linh hồn (potentia animae), bởi vì chính linh hồn đem lại sự sống cho cơ thể
và do đó cũng đem lại cái khả năng cảm nhận. Hồn là cội rễ của sinh hoạt cảm giác.
4. Diễn tiến của hành động cảm giác
Ở đây ta phân tích hành động cảm giác thành các bước khác nhau để dễ nắm bắt vấn
đề. Trong thực tế các bước này xảy ra gần như đồng thời. Một hành động cảm giác có
thể được phân tích thành 4 bước như sau:

- Bước 1: kích thích và thụ nhận vật lý

26
Các vật thể do các phẩm tính năng hoạt của chúng tác kích lên các cơ quan cảm
giác (làn sóng quang học tác động lên võng mạc, làn sóng âm thanh đập vào màng
nhĩ). Đây là một tác động thể lý lên cơ quan cảm giác. Giai đoạn này có thể được
nghiên cứu trong khoa vật lý.
- Bước 2: những biến đổi về sinh lý
Từ những kích thích vật lý đó nảy sinh những phản ứng sinh lý phức tạp nơi cơ
quan cảm giác và nơi não bộ. Chẳng hạn, khi ánh sáng chạm đến mắt tôi thì làm phát
sinh những phản ứng sinh lý trong võng mạc của tôi, trong thần kinh thị giác cũng
như trong trung tâm thị giác ở não. Giai đoạn này được nghiên cứu trong khoa sinh
lý.
- Bước 3: diễn biến tâm lý thụ động
Cùng với sự thay đổi sinh lý diễn ra nơi trung tâm não bộ thì đồng thời xảy ra
một sự thay đổi nào đó có tính chất ý hướng nơi quan năng cảm giác tương ứng. Tức
là sự tiếp nhận từ phía quan năng theo cách phi chất thể đối với mô thể của ngoại vật
(màu sắc, âm thanh...) từ phía ngoại vật, đồng thời được coi là việc in ảnh niệm của
nó vào quan năng theo cách ý hướng hay cách phi chất thể. Ở giai đoạn này, các diễn
biến không còn quan sát được theo cách thực nghiệm nhưng chỉ có thể dùng suy luận
để biện giải. Chúng ta biết rằng giai đoạn này phải diễn ra, chẳng vậy thì sẽ không
giải thích được cảm giác.
- Bước 4: diễn biến tâm lý chủ động
Cái ấn ảnh được tạo ra trong quan năng cũng đồng thời kích hoạt quan năng để
đưa nó vào hoạt động. Một khi được phẩm định nhờ mô thể của đối tượng. Quan
năng sẽ phản ứng lại bằng cách quy hướng đến đối tượng và nhờ đó mà tôi biết được
đối tượng: tôi nhìn, tôi nghe hoặc ngửi thấy đối tượng. Đây có thể ví như một thứ ánh
sáng nội tại, một sự ý thức từ phía quan năng soi chiếu vào đối tượng để nó được phô
bày trước chủ thể.
Tóm lại, bước 4 là bước trọng tâm của hoạt động cảm giác. Vì nó thể hiện tính
chủ động của quan năng trong việc nhận thức đối tượng. Tuy nhiên, nếu xét cách chặt
chẽ thì tính chủ động này đã thể hiện cách nào đó ngay trong việc tiếp nhận ấn ảnh.
Nếu quan năng không thể hiện cách tiếp nhận riêng của mình thì ấn ảnh cũng không
thể được tạo ra. Như vậy, bước 3 và bước 4 gắn kết vào nhau và xảy ra gần như đồng
thời. Một ấn ảnh được tạo ra trong quan năng thì ngay lập tức nó cũng kích hoạt quan
năng và đưa quan năng bước vào hoạt động. Mỗi hành vi nhận thức đều là một hoạt
động nội tại. Nó bắt đầu và kết thúc ở nơi chính quan năng nhận thức. Như vậy, có
thể nói 3 bước đầu chỉ là chuẩn bị cho bước cuối cùng, tức là chúng làm cho đối
tượng hiện diện cách ý hướng bên trong chủ thể hay quan năng cảm giác (nhờ ấn
ảnh). Nhờ vậy, chủ thể mới có thể quy hướng đến đối tượng và kết hợp với đối tượng
trong hành động nhận thức.
5. Các cảm giác có tính khách quan hay không?

27
a. Một vài ghi nhận nền tảng
Như đã thấy trên đây, trong một hành động cảm giác, trước hết, ngoại vật, thông
qua các phẩm tính khả giác của nó, tác kích trực tiếp lên một cơ quan cảm giác của
chủ thể theo lối vật lý. Đây là hoạt động chuyển qua của ngoại vật vì nó kết thúc ở
nơi cơ quan cảm giác của chủ thể, và gây nên những biến đổi lý hóa nơi đó. Đây có
thể coi là bước đầu của việc ngoại vật “in dấu ấn” của nó lên chủ thể nhận thức.
Về phía chủ thể nhận thức, sự thụ nhận của chủ thể cũng đồng nhất với tác động
từ phía ngoại vật. Dựa trên nguyên tắc siêu hình học, tác động và thụ động thì đồng
nhất về phương diện thực thể luận, chỉ khác biệt về góc nhìn mà thôi. Nói cách khác,
ngoại vật tác động thế nào, chủ thể tiếp nhận thế ấy. Sự thụ nhận này hoàn tất khi
quan năng cảm giác tiếp nhận mô thể ý hướng của ngoại vật, và theo cách đó, ngoại
vật có được sự hiện hữu ý hướng trong chủ thể và được chủ thể nắm bắt.
Như vậy, có thể nói được rằng, hành động cảm giác của chủ thể đang khi kết
thúc ở nơi giác quan (cơ quan cảm giác) thì cũng đồng thời vươn ra tới được ngoại
vật. Bởi lẽ, chính ngoại vật, thông qua tác động hiện thực của các phẩm tính khả giác
của nó, đã “đi vào” được trong chủ thể theo cách ý hướng và hiện diện ở đó như đối
tượng.
Thế nhưng vấn để đặt ra là các hành động cảm giác đạt tới được ngoại vật theo
mức độ nào. Trước hết cần ghi nhận rằng, các giác quan chỉ cho phép chúng ta nhận
thức được các phụ thể ngoại tại của các sự vật chứ không nắm bắt được yếu tính của
chúng. Nghĩa là, các giác quan chỉ cho chúng ta biết được một số phẩm tính khả giác
của sự vật mà thôi, mà đó lại là những phẩm tính có thể thay đổi tùy theo tình trạng
vật lý của sự vật. Nói tóm, các giác quan chỉ cho chúng ta biết về ngoại vật trong
mức độ nó ảnh hưởng hay tác động trên chúng ta.
b. Một số điểm cần lưu ý về tính tương đối của cảm giác (sensations)
Ở đây có một số khía cạnh cần phân biệt để khỏi đưa ra những kết luận vội
vàng về tính chất tương đối của hành động cảm giác.
* Xét về phẩm tính khả giác (sensible qualities), một phẩm tính khả giác xét như
nó thuộc về một vật chủ quản thì nó có thể thay đổi một khi vật chủ quản bị biến chất
hoặc thay đổi. Chẳng hạn, vị cay nồng của rượu có thể biến thành vị chua một khi
rượu bị hỏng, biến chất; mùi vị thơm ngon của quả táo có thể mất đi nếu quả táo để
lâu ngày bị hư thối. Cho nên nếu rượu hóa chua thì vị giác sẽ cảm nhận được vị chua
của nó, đó là do rượu bị hỏng chứ không phải do vị giác sai lệch.
* Xét về các giác quan (senses), chúng cũng có một tính khách quan nhất định.
Theo thánh Tôma, một giác quan thì không sai lầm về đối tượng riêng của nó. Giác
quan hoặc vận hành hoặc không vận hành. Nếu nó không vận hành thì cũng không có
cảm giác, còn nếu nó vận hành thì nhất thiết là nó sẽ vận hành tốt, bởi vì hoạt động
của nó (thụ động) đồng nhất với hoạt động của ngoại vật. Vậy, không có sai lầm của

28
các giác quan, chỉ có sai lầm trong việc giải thích các dữ kiện khả giác và trong phán
đoán theo sau đó.
* Xét về hành động cảm giác (sensations), nó luôn tương tùy (relative) với chủ
thể. Chính ở đây, người ta có thể nói đến tính tương đối của cảm giác theo nghĩa
thông dụng. Trước hết, cảm giác thì tương tùy với bản chất của các giác quan. Mỗi
giác quan tùy theo cấu tạo của nó sẽ thực hiện một sự chọn lọc giữa một khối bao la
những tác động của muôn vật đang phô diễn trong vũ trụ. Vậy, quả đúng như các triết
gia hoài nghi đã nói, nếu chúng ta có các giác quan được cấu tạo kiểu khác thì thế
giới sẽ xuất hiện cho chúng ta theo bộ mặt khác. Tiếp đến, cảm giác còn tương tùy
với tình trạng của các giác quan: khỏe mạnh, mệt mỏi, bão hòa, thương tật. Nó còn
tương tùy với ảnh hưởng của các cảm giác đi trước hoặc theo sau. Đây là một sự kiện
mà những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật thường khai thác, nhất là trong
lĩnh vực âm nhạc, hội họa, điện ảnh. Sau cùng, nó còn tương tùy với sự chú ý và do
đó tương tùy với nhân tố điều khiển sự chú ý của chúng ta, tức là các xu hướng và ý
chí. Vì vậy, trong một chừng mực nào đó, quả đúng là người ta chỉ nhìn cái người ta
ưa thích và chỉ cảm nhận những gì người ta thực sự muốn cảm nhận.
6. Kết luận: Vai trò của cảm giác
Vai trò riêng biệt của hoạt động cảm giác của các giác quan ngoại là làm cho tất
cả các giác quan nội được kết nối với thực tại. Và do đó, nó đem lại cho các giác
quan nội một tính chất hiện thực dù không tiếp cận trực tiếp với thực tại. Như vậy, tri
giác, xét như sự nhận thức tổng hợp của mọi giác quan, cũng có được tính chất khách
quan.
Các hoạt động cảm giác nói chung là nguồn cung cấp hình ảnh cho hoạt động
của trí năng. Chúng là khí cụ cần thiết của trí năng. Do các giác quan ngoại gắn liền
với các cơ quan thể lý trong hoạt động nên chúng giúp làm sáng tỏ mối liên hệ khắng
khít giữa linh hồn và thân xác. Thân xác thông qua các cơ quan của nó góp phần vào
hoạt động cảm giác không chỉ như một điều kiện nhưng như chính yếu tố cấu tạo của
cảm giác.

29
Chương III: TỔNG GIÁC (Sensus communis)
1. Ghi nhận chung về các giác quan nội (Internal senses)
Các giác quan nội được đề cập ở đây không phải các giác quan có chức năng
nhận biết về tình trạng của các cơ quan nội tại trong cơ thể như cảm giác về cơ bắp,
cảm giác toàn thân, cảm giác thăng bằng… Trên đây chúng ta đã ghi nhận rằng
những loại cảm giác này được coi là thuộc về chức năng của các loại xúc giác khác
nhau. Các loại xúc giác này vẫn chỉ là các giác quan ngoại, bởi vì đối tượng của
chúng dù ở bên trong cơ thể nhưng vẫn nằm ngoài chính các giác quan, hay có thể
nói, nằm ngoài ý thức.
Các giác quan nội có đối tượng trực tiếp là hành động cảm giác đến từ các giác
quan ngoại. Cùng với việc nắm bắt hành động cảm giác của giác quan ngoại thì
chúng cũng gián tiếp nắm bắt đối tượng bao hàm trong hành động cảm giác ấy. Như
vậy, đối tượng trực tiếp của các giác quan ngoại thì trở thành đối tượng gián tiếp của
các giác quan nội. Nói cách khác, các giác quan nội không tiếp xúc trực tiếp với
ngoại giới.
Theo triết học Kinh viện, các giác quan nội gồm có: tổng giác, óc tưởng tượng,
kí ức và óc thẩm định (estimative power/faculty, cogitative power) (ST I, q.78, a.4).
Não bộ và hệ thần kinh trung ương là cơ quan thể lý của các giác quan nội.
2. Định nghĩa tổng giác
Trước hết, cần lưu ý rằng, hạn từ sensus communis trong Tâm lý học cổ điển mà
ta chuyển dịch sang tiếng việt là “tổng giác” thì trong các ngôn ngữ Tây Âu ngày
nay, nó lại được dùng theo nghĩa khác trong cách dùng thông dụng hiện nay. Hạn từ
Sens commun thường được hiểu là lương tri, tức là khả năng lãnh hội của trí tuệ trong
hoạt động tự phát của nó hoặc khả năng phân biệt lẽ phải. Theo nghĩa này, lương tri
là điều thuộc trí năng. Thế còn tổng giác trong tâm lý học cổ điển được hiểu là một
giác quan nội đặc biệt. Và do đó, nó thuộc bình diện nhận thức cảm giác.
Ngoài ra, tính từ communis trong danh từ tổng giác không có ý nói rằng nó là
một giác quan chuyên biệt để nhận thức các đối tượng khả giác chung. Đó là điều
không cần thiết vì các đối tượng này đã được nắm bắt bởi các giác quan ngoại. Cần
nhớ rằng, tổng giác là một giác quan nội nên chức năng cảm giác của tổng giác
không nằm trên cùng một bình diện với các giác quan ngoại. Tức là, nó không trực
tiếp hướng đến các đối tượng ngoại giới, nhưng hướng đến các cảm giác của chúng ta
về các đối tượng ấy. Từ những ghi nhận trên, ta có thể định nghĩa: tổng giác là một
giác quan nội có đối tượng là các dữ kiện khả giác hay các cảm giác đến từ các giác
quan ngoại. Nó tổng hợp các yếu tố đó, đối chiếu chúng với nhau và thực hiện chức
năng ý thức ở cấp độ cảm giác.
3. Các chức năng của tổng giác

30
Tổng giác có 3 chức năng sau đây:
a. Chức năng tổng hợp
Giữa các điều khả giác như: màu đỏ, vị ngọt, âm thanh… có một sự cách biệt
đáng kể đến độ không một giác quan ngoại đơn lẻ nào có thể làm công việc tổng hợp
tất cả các dữ kiện khả giác ấy và quy chúng cho cùng một vật. Thị giác chỉ nắm bắt
được màu sắc mà không nắm bắt được các khẩu vị hoặc âm thanh, vị giác thì chỉ nắm
bắt được vị ngọt hoặc vị chua mà không nắm bắt được màu này hay màu nọ cũng
không nắm bắt được các âm thanh. Như vậy, để biết màu vàng và vị chua thuộc về
cùng một vật (quả chanh) thì cần phải có một quan năng vừa khác với thị giác vừa
khác với vị giác nhưng lại có khả năng nắm bắt được cả màu sắc lẫn khẩu vị. Quan
năng mới có chức năng tổng hợp này chính là tổng giác.
b. Chức năng so sánh hay đối chiếu
Tổng giác là quan năng tiếp nhận cùng một trật các dữ kiện cảm giác khác nhau
thì hẳn nhiên nó có thể thực hiện việc so sánh giữa chúng với nhau. Chẳng hạn, tổng
giác có thể phân biệt giữa trắng và ngọt, giữa mùi thơm và tiếng động… Như vậy,
tổng giác vừa bảo toàn tính đơn nhất của mình (chỉ một quan năng duy nhất), lại vừa
tiếp nhận tính đa phức của những nhận thức cảm giác khác nhau. Tổng giác không
sản sinh ra các nhận thức đó, nhưng thực hiện sự phân định giữa chúng.
c. Chức năng ý thức ở cấp độ cảm giác
Đây chưa phải là sự ý thức về bản ngã hay sự tự ý thức nhưng mới chỉ là sự ý
thức về các hành động của mình tức là sự ý thức ở cấp độ sơ khởi. Các giác quan
ngoại không có được sự ý thức này, bởi lẽ chúng gắn chặt với một cơ quan thể lý.
Con mắt nhìn thấy màu sắc nhưng nó lại không “thấy” được chính hành động nhìn
màu sắc của nó. Cũng vậy, tai nghe được âm thanh nhưng lại không “nghe” được
chính hành động nghe của nó. Bên cạnh đó, kinh nghiệm lại cho thấy rằng, khi chúng
ta nhận thức bằng giác quan về một đối tượng nào đó, chúng ta không chỉ cảm nhận
đối tượng nhưng còn biết mình đang có hành động cảm nhận ấy. Chẳng hạn, khi
chúng ta nhìn một vật, chúng ta không chỉ nhìn thấy vật đó nhưng còn biết được là
mình đang có hành động nhìn. Chính tổng giác cho phép một chủ thể cảm giác không
chỉ cảm nhận đối tượng nhưng còn có ý thức về chính hành động cảm nhận mình
đang có. Không có sự ý thức này, chúng ta sẽ chẳng bao giờ rút tay ra khỏi chậu
nước nóng mà vô tình chúng ta nhúng tay vào đó, cũng chẳng né khi bị ai đó đấm.
Chức năng ý thức này thấy có ở nơi cả con vật. Chúng ta có thể quan sát thấy rằng,
một con vật thường giương mắt nhìn một đối tượng nào đó. Điều này chứng tỏ, con
vật cảm nhận được sự khác biệt giữa nhìn và không nhìn, giữa không thấy gì khi
nhắm mắt hoặc ngoảnh đi nơi khác và nhìn thấy điều gì đó khi mở mắt để nhìn.
Chẳng vậy, con vật sẽ không bỏ chạy khi nó nhìn thấy kẻ thù.
4. Kết luận

31
- Nhờ tổng giác mà hành động tri giác có được tính chất của mình như là sự
nhận thức về cái toàn khối.
- Tổng giác cho phép chủ thể cảm giác nhận thức được đối tượng như là cái
khác. Sự ý thức về cái khác ở đây mới chỉ ở cấp độ sơ khởi (khác đối chiếu với cơ thể
của nó) nhưng cũng đủ để cho phép trẻ em hoặc con vật sử dụng cầm, nắm các đồ
vật.
- Nhờ chức năng ý thức của tổng giác, ta có thể rút ra hệ luận này: không có
cảm giác nào mà lại là vô thức, bởi lẽ một cảm giác có thể mang tính ý thức nhiều
hay ít đôi khi nằm trong tiềm thức nhưng dứt khoát không bao giờ là điều vô thức.
Nếu nó là điều vô thức thì cũng có nghĩa là nó không còn tồn tại như một cảm giác.

32
Chương IV: ÓC TƯỞNG TƯỢNG
1. Định nghĩa
Trước hết, phải nhìn nhận óc tưởng tượng là một giác quan nội không tiếp xúc
trực tiếp với ngoại giới. Tính nội tại của nó là điều dễ nhận thấy, vì ở đây, hoàn toàn
không có sự lệ thuộc vào sự hiện diện thể lý của một đối tượng bên ngoài. Với óc
tưởng tượng, chủ thể rút vào trong nội giới sâu hơn, cái phần biểu lộ tính thụ động
cũng giảm thiểu đi. Tuy nhiên, óc tưởng tượng cũng chỉ là một quan năng cảm giác,
vì đối tượng của nó vẫn còn mang những đặc tính cụ thể (hic et nunc) cả khi óc tưởng
tượng tự hình dung ra điều gì đó có tính chất mô hình hay cấu trúc thì những hình
ảnh đó cũng không thoát khỏi đặc tính cụ thể. Từ những ghi nhận trên, ta có thể đưa
ra định nghĩa như sau: Óc tượng tượng là một quan năng cảm giác nội, nhờ đó, chủ
thể tự hình dung hay tái dựng lại các đối tượng đã biết trước đó bằng các giác quan
ngoại nhưng lúc này, các đối tượng không hiện diện cách thể lý trước chủ thể.
2. Hình ảnh hay ảnh tượng (phantasme)
Trong sự nhận thức của các giác quan ngoại, chủ thể cần đến một thứ họa bản
nhờ đó mà chủ thể kết nối với đối tượng. Tương tự như vậy, trong sự nhận thức của
óc tưởng tượng, chủ thể cũng cần đến một thứ họa bản để làm chỗ kết thúc cho hoạt
động của óc tưởng tượng. Cái họa bản này là do chính óc tưởng tượng tạo ra, dựa
trên những ấn ảnh của đối tượng đã biết và còn được lưu trữ trong nó. Như vậy, cái
họa bản trong trường hợp này là họa bản được kiến tạo hay còn gọi là diễn ảnh.
Chính trong cái diễn ảnh này, đối tượng được phô trình trước chủ thể.
Cần lưu ý: Ở đây, chủ thể không đạt tới đối tượng như cái hiện hữu ở bên ngoài
như trong trường hợp nhận thức bằng các giác quan ngoại, nhưng đạt tới đối tượng
trong ảnh tượng. Mặt khác, cái ảnh tượng mà trong đó đối tượng được nắm bắt thì có
tính ý hướng, nghĩa là, nó hướng chủ thể đến thẳng đối tượng chứ không phải đến
chính nó.
3. Hai chức năng chính của óc tưởng tượng
a. Chức năng lưu trữ
Nhờ hoạt động của các giác quan ngoại, chủ thể tiếp nhận một mô thể mới. Chủ
thể tiếp nhận vào mình mô thể của đối tượng nhưng không đánh mất mô thể của
mình. Thế mà không có gì buộc chúng ta phải nghĩ rằng, chủ thể sẽ mất đi cái mô thể
mới đó một khi hành động cảm giác chấm dứt, nghĩa là khi sự tác động của đối tượng
dừng lại. Chính từ cái mô thể còn lưu lại dấu ấn đó mà óc tưởng tượng kiến tạo nên
các ảnh tượng. Dầu vậy, không nên hiểu óc tưởng tượng như một kho chứa ù lì bất
động của những hình ảnh đã có sẵn đấy. Đúng hơn, nên nhìn óc tưởng tượng theo
khía cạnh năng động, tức là xét nó như một quan năng tự phát của sự sống. Theo

33
chiều hướng này thì sự lưu trữ hình ảnh của óc tưởng tượng không gì khác hơn là khả
năng của nó trong việc kiến tạo các hình ảnh.
b. Chức năng tái dựng
Chức năng này hệ tại việc ý thức về cái mô thể được lưu trữ, hay chính xác hơn,
hệ tại việc kiến tạo một hình ảnh, tức là cái diễn ảnh khởi từ ấn ảnh được lưu trữ. Cần
lưu ý rằng, cái hình ảnh làm tái hiện đối tượng cho chúng ta thì đổi mới từng lần. Nó
không bao giờ là cũng một hình ảnh ấy, dù rằng luôn có một số yếu tố cho phép nhận
ra cũng một đối tượng. Chính vì thiếu khả năng nội quan nên chúng ta cứ tưởng là,
cũng một hình ảnh đồng nhất được tái dựng cho mọi lần.
Hai chức năng trên có liên hệ mật thiết với nhau. Nhờ hai chức năng ấy mà óc
tưởng tượng vượt trên sự nhận thức của các giác quan ngoại:
- Cảm giác đến từ giác quan ngoại thì cầm giữ chúng ta trong tính tức thời và
tính tiếp diễn. Còn óc tưởng tượng thì đem lại tính liên tục và tính đơn nhất.
- Do không lệ thuộc vào sự hiện diện thể lý của đối tượng, óc tưởng tượng chế
giảm uy thế của đối tượng và đem lại cho chủ thể một sự độc lập lớn hơn đối với thế
giới.
4. Ảo giác và hư giác
Thánh Tôma đã nói như sau: Giác quan thì không sai lầm về đối tượng riêng của
nó, thế còn những sự tưởng tượng thì thường hay sai lạc. Óc tưởng tượng thường bày
ra những hình ảnh không đúng với thực tế, khiến ta phán đoán sai lầm. Do vậy mà
người ta nói rằng sự tưởng tượng thường dẫn đến các sai lầm. Hai trường hợp nghiêm
trọng nhất là ảo giác (illusion) và hư giác (hallucination). Cần lưu ý rằng không
được ghim vào các hiện tượng này để phủ nhận giá trị khách quan của hoạt động cảm
giác như một số tác giả đã làm. Điều quan trọng là phải phân biệt rõ thế nào là cảm
giác và thế nào là ảo giác hay hư giác, để từ đó nhìn nhận rằng ảo giác hay hư giác là
một tình trạng bệnh lý về cảm giác và tìm cách khắc phục. Thế còn đánh đồng mọi
cảm giác với hư giác thì quả là điều vô lý.
5. Kết luận: Vai trò của óc tưởng tượng
- Đối với sinh hoạt cảm giác ngoại, óc tưởng tượng cung cấp một cái khung hay
cái nền để lồng các cảm giác ngắt quãng, rời rạc vào trong những cấu trúc khả dĩ liên
kết chúng lại. Ngoài ra, óc tưởng tượng thâu kết các cảm giác vốn có tính cấp thời
thành một chuỗi liên tục và hòa phối với các cảm giác đến sau.
- Đối với trí năng, óc tưởng tượng đóng vai trò cầu nối giữa sự nhận thức thuộc
địa hạt cảm giác và sự nhận thức của trí tuệ. Óc tưởng tượng cung cấp chất liệu cho
hoạt động trừu xuất của trí năng. Cần lưu ý rằng, đối tượng của trí năng là yếu tính
phổ quát tồn hữu trong sự vật đặc thù. Nhưng trí năng không hướng trực tiếp đến sự
vật đặc thù mà phải hướng đến cái hình ảnh, mà trong đó đối tượng đặc thù được
trình bày cho nó. Hình ảnh này do óc tưởng tượng cung cấp. Nhờ khả năng khái quát

34
hóa các cảm giác, óc tưởng tượng cung cấp cho trí năng một đối tượng theo một cấu
trúc được định sẵn. Nhờ đó, các dữ kiện cảm giác bớt đi những nét rườm rà, sẵn sàng
cho hoạt động trừu xuất của trí năng.
- Ngoài ra, óc tưởng tượng còn có tầm quan trọng đối với lãnh vực hoạt động
của con người do khả năng thăm dò tương lai (prospection). Óc tưởng tượng là sự
khởi hứng cho sự sáng tạo nghệ thuật và những phát minh khoa học.
- Mặt khác, óc tưởng tượng còn có thể có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực
trong lãnh vực luân lý. Từ đó nảy sinh vấn đề phải làm chủ óc tưởng tượng sao cho
nó phát huy điều tích cực và chế giảm điều tiêu cực.
- Cuối cùng, óc tưởng tượng còn đóng vai trò rất đặc biệt trong các giấc mơ.

35
Chương V: KÝ ỨC
1. Định nghĩa
Ký ức (memoni) có thể được hiểu theo nghĩa rộng, tức là hiểu về sự bảo lưu quá
khứ theo bất kỳ dạng thức nào. Theo nghĩa này thì mọi sự sống đều là ký ức, vì nơi
sinh vật, quá khứ còn được bảo lưu trong hiện tại. Nơi thực vật, sự bảo lưu quá khứ
được thể hiện trong sự tăng trưởng của nó. Nơi con vật, sự bảo lưu quá khứ còn được
thể hiện nơi các tập quán và các cơ chế tự động của cơ thể. Đây là thứ ký ức thuộc
lãnh vực thực thể luận. Theo nghĩa chặt, ký ức là chức năng thuộc lãnh vực nhận thức
hay còn gọi là lãnh vực ý hướng. Trong hoạt động của ký ức cùng với một hình ảnh
về cái đã biết được tái dựng trong hiện tại, luôn đòi phải có một sự nhận thức hay một
sự lượng định nào đó về thời gian, chính ở chỗ đó mà ký ức khác với óc tưởng tượng.
Óc tưởng tượng cũng lưu trữ và tái dựng các hình ảnh nhưng nó lại không có sự quy
chiếu vào thời gian. Mặt khác, ký ức cũng không đòi chủ thể phải có một ý niệm trừu
tượng về thời gian, chỉ cần có kinh nghiệm về thời gian cũng đủ. Ký ức cũng không
đòi một sự đo lường chính xác về thời gian khách thể theo thiên văn hay xã hội. Đối
với ký ức, chỉ cần một cảm tưởng rằng đó là cái đã biết cũng đủ. Bởi vì, cảm tưởng
đó chính là mối tương quan với quá khứ. Dù rằng, cái quá khứ này có thể mơ hồ
không định rõ. Do vậy, người ta định nghĩa ký ức là quan năng cảm giác nội nhờ đó
con người nhận biết quá khứ như quá khứ. Thánh Tôma cũng định nghĩa ký ức là
giác quan để cảm nhận thời gian (sentire tempus) mà ở đây chủ yếu hiểu về thời gian
trong chiều kích quá khứ của nó.
2. Một số điểm cần lưu ý
a. Cái quá khứ được ký ức bảo lưu là một hữu thể ý hướng
Như đã nói trên đây, trong lãnh vực thực thể luận, cái quá khứ thì được bảo lưu
trong chính sự tồn tại của sinh vật trong hữu thể tự nhiên của nó, cho nên nó là điều
hiện thực. Thế còn trong lãnh vực ý hướng, cái quá khứ được bảo lưu chỉ nằm trong
địa hạt nhận thức, cho nên nó chỉ là một hữu thể ý hướng. Mặt khác, cũng chính vì
tính ý hướng của sự nhận thức, cho nên điều mà chúng ta nhận thức nhờ ký ức là
chính quá khứ chứ không chỉ là một hình ảnh về quá khứ. Thế mà, cái quá khứ xét
trong chính thực tại tính của nó, là cái không còn tồn tại. Do vậy, nhờ ký ức mà quá
khứ được trao ban cho chủ thể không chỉ như cái đang có đó trong chủ thể mà thậm
chí còn như cái đã qua, cái không còn tồn tại trong thực tế.
b. Ký ức là quan năng cảm giác gần với trí năng
Ký ức thì chưa phải trí năng vì đối tượng của nó được định vị trong thời gian,
mà thời gian thì gắn liền với tính chất thể. Bởi vậy, ký ức làm tái hiện lại một sự kiện
quá khứ trong những điều kiện cá biệt và đặc thù vốn xác định nó trong một thời
điểm nhất định. Tuy nhiên, ký ức nắm bắt được cái lý tính của trật tự giữa các biến

36
cố. Nó nắm được thứ tự trước sau của các biến cố, cái nọ so với cái kia. Về điểm này,
ký ức được coi là quan năng cảm giác gần với trí năng.
3. Ký ức và bản ngã
Ký ức không chỉ tái dựng một sự kiện quá khứ xét như quá khứ nhưng nó còn là
sự nhận thức về cái quá khứ của tôi. Ký ức xâu kết tất cả sự kiện quá khứ thành một
chuỗi liên tục và đặt chuỗi liên tục đó trước sự ý thức của chủ thể. Chính khi ý thức
về sự liên tục đó thì chủ thể cũng thoáng nhận ra mình trong cái toàn thể tính liên tục
của hữu thể mình. Nếu không có sự liên tục ấy, ý thức về bản ngã sẽ chỉ có tính cấp
thời, tức là sự lóe lên rồi vụt tắt, đứt khúc, rời rạc. Một ý thức như vậy cũng chẳng
hơn vô thức bao nhiêu. Như vậy, ký ức giúp đem lại sự cảm nhận về bản ngã nhưng
nó chưa phải sự tự ý thức đúng nghĩa. Một người mất trí nhớ thì cũng không thể nói
được mình là ai. Xét ở góc độ xã hội, tức là xét trên bình diện hiện tượng, cũng có thể
coi là người đó đánh mất căn tính của mình.
4. Vai trò của ký ức
Xét về sự đóng góp của ký ức đối với tri giác, ký ức có vai trò dự lập chủ thể
đối diện với đối tượng. Các cảm giác và óc tưởng tượng thì kết nối với các đối tượng
tồn tại trong thế giới. Ký ức thì lại hướng về phía đối cực, tức là phía chủ thể, để góp
phần xác lập chủ thể.
Con người là một hữu thể mang chiều kích thời gian. Chính trong sự chinh phục
thời gian mà con người có được sự ý thức về bản ngã. Sự chinh phục này cũng chính
là một sự sáng tạo nên thời gian mà ở đây hiểu là thời gian riêng tư hay chủ quan như
một thứ chất liệu giúp vào cho sự tự ý thức của chủ thể. Chính ở đây mà ký ức góp
phần của mình bằng việc giải trừ tính chất thể đối với một sự kiện quá khứ vốn dính
bám đầy tính chất thể để nó trở thành hữu thể ý hướng ở trong và cho chủ thể. Điều
này nhằm phục vụ cho sự chinh phục thời gian và cũng là sự chinh phục bản ngã của
chủ thể.

37
Chương VI: ÓC THẨM ĐỊNH (ESTIMATIVE
POWER/FACULTY)
1. Định nghĩa
Để có thể tồn tại trong thiên nhiên, con vật không chỉ tìm kiếm hoặc né tránh
những gì phù hợp hay không phù hợp với các giác quan ngoại của chúng. Nhưng hơn
thế nữa, chúng phải tìm kiếm hoặc lẩn tránh những gì có lợi hay có hại cho toàn bộ
bản thân chúng, tức là cho sự sinh tồn của chúng. Đây là điều các giác quan ngoại
không nhận biết được. Thị giác của con cừu chỉ nhận biết được màu lông của con sói
hay khướu giác của nó chỉ nhận biết được mùi của sói chứ không biết được sự nguy
hại của sói đối với loài cừu. Như vậy, con vật cần có một giác quan đặc biệt, vượt
trên các giác quan ngoại để giúp nó nhận biết được những đối tượng liên quan đến sự
thiện ích của toàn thân nó. Đây phải là một giác quan nội, đối tượng của nó là sự hữu
ích hay tác hại của các sự vật được nhận thức. Sự hữu ích hay tác hại này cũng là một
thứ phẩm tính khả giác mà không một giác quan ngoại nào nhận biết được. Vì vậy,
phẩm tính này còn được gọi là “intentio insensata”. Nhờ giác quan nội đặc biệt này
mà con chim nhận biết được lợi ích của cọng rơm để làm tổ, con chó nhận biết được
lợi ích của một số loại cây cỏ để chữa bệnh, con cừu nhận biết được sự nguy hại của
con sói để chạy trốn. Tâm lý học cổ điển gọi giác quan đặc biệt này là óc thẩm định.
Từ những điều trên, có thể định nghĩa óc thẩm định là một quan năng cảm giác nội
giúp con vật nhận biết được điều lợi, điều hại cho sự sống của chính nó.
Như vậy, óc thẩm định giả thiết sự nhận thức về một sự vật cụ thể nhưng nó còn
giả thiết sự tưởng tượng (mường tượng, ngờ ngợ) về một điều gì khác không có đó,
tức là cái công hiệu, cái hành động tương lai của sự vật đang được nhận thức kia. Óc
thẩm định nhắm đến cái tương lai được tưởng tượng ra, dù được tưởng tượng cách
hết sức mơ hồ đi nữa.
2. Sự tương tự với trí năng
 Sự tương tự với trí năng thể hiện ở 2 khía cạnh sau đây:

- Đối tượng của óc thẩm định có một tính chất phổ quát nào đó, vì đối tượng của
nó liên quan đến sự sống toàn diện của con vật.
- Sự nhận thức của óc thẩm định vượt trên khả năng nhận thức của các giác
quan ngoại. Đối tượng của óc thẩm định là điều lợi, điều hại của một vật. Đối tượng
này vượt khỏi tầm nắm bắt của các giác quan ngoại. Chính trong một thực tại khả
giác được các giác ngoại nắm bắt, óc thẩm định nhận thức được điều vượt khỏi các
giác quan ngoại. Vì vậy, nó còn được gọi là trí năng được thông dự.
 Tuy nhiên, cũng phải ghi nhận sự khác biệt giữa óc thẩm định và trí năng:

38
- Óc thẩm định không nắm bắt được điều phổ quát cũng không thâm nhập vào
yếu tính của sự vật.
- Óc thẩm định không thực hiện được việc diễn dịch hay quy nạp như trí năng.
Nó bị hạn định vào cái đặc thù hic et nunc và do đó nó còn lệ thuộc vào chất thể. Con
chim chỉ nắm bắt được sự hữu ích của cọng rơm này cho một cái tổ cụ thể đang được
làm chứ nó không nắm bắt được bản chất của rơm, bản chất của tổ, mối tương quan
giữa phương tiện và mục đích. Các nhà Tâm lý học hiện đại gọi óc thẩm định là sự
nhận thức theo bản năng. Đây là sự nhận thức chuẩn xác nhưng giới hạn, không sai
lầm nhưng đóng kín.
 Ghi nhận về khái niệm trí khôn con vật:
“Trí khôn” ở đây chỉ được dùng theo nghĩa loại suy thôi. Khái niệm trí khôn con vật
là khái niệm của Tâm lý học hiện đại. Trí khôn của một số loài vật cao cấp còn vượt
xa hơn óc thẩm định. Tuy nhiên, các thí nghiệm cho thấy rằng trí khôn của một con
vật tinh khôn nhất cũng không bằng trí khôn của một em bé, chính yếu tố ngôn ngữ
làm nên sự khác biệt này.
3. Óc tinh nhạy (cogitative power)
Con người là con vật có trí khôn và trí khôn con người ảnh hưởng trên sự vận
hành của các bản năng. Trí khôn kiện toàn các bản năng cho nên đây không còn là
bản năng của con vật mà là bản năng của con người. Nơi con người, óc thẩm định
gần với trí năng nên nó cũng mất đi tính rập khuôn của bản năng và thay vào đó là sự
linh hoạt. Do vậy, nơi con người, óc thẩm định trở thành óc tinh nhạy. Đây là một
loại lý trí đặc thù. Nó hệ tại việc đối chiếu các trường hợp riêng lẻ để rút ra quy tắc
thực tiễn cho hành động. Tuy nhiên, đây chưa phải là chức năng lý luận bằng diễn
dịch hay quy nạp, chưa có sự chuyển dịch từ những trường hợp đặc thù sang điều phổ
quát mà chỉ là chuyển dịch từ điều đặc thù này sang điều đặc thù khác mà thôi. Óc
tinh nhạy chính là nguồn gốc của kinh nghiệm nơi con người. Kinh nghiệm có được
là do việc đúc kết nhiều trường hợp, nhiều tình huống đã trải nghiệm để từ đó rút ra
một quy luật thực tiễn cho hành động. Vì được triển nở trong những chuyện cụ thể,
cho nên óc tinh nhạy có tầm quan trọng rất lớn đối với đời sống thực tiễn. Nó có thể
đủ dùng cho cuộc sống. Và trong thực tế, nó đã đủ dùng cho con người hàng ngàn
năm trước khi bắt đầu kỷ nguyên khoa học kỹ thuật. Khoa học không thể hoàn toàn
thay thế nó. Bởi vì, khoa học thì trừu tượng, khoa học đặt ra các quy luật phổ quát,
trong khi đó, hành động lại luôn gắn với các tình huống cụ thể. Về sự đóng góp cho
tri giác, óc tinh nhạy là nguồn mạch của thứ cảm quan thực tiễn, nó đem lại cho các
sự vật chung quanh ta một ý nghĩa liên quan đến sự hữu dụng trong cuộc sống
thường nhật của con người.

39
Phần 2: ĐỜI SỐNG TRÍ TUỆ
Tri giác là hành động nhận thức thông thường nhất trong đời sống con người
vốn là một tinh thần nhập thể. Tuy nhiên, đó không phải là hành động có tính chất
loại biệt của con người (Specific difference). Con người là một con vật có lý trí. Do
vậy, sự nhận thức ở cấp độ trí tuệ mới là điều thuộc về bản chất đặc trưng của con
người. Nó là điểm hội tụ của tất cả các hoạt động nhận thức khác của con người. Nói
tóm, suy tư là hoạt động mà trong đó con người đạt đến đích điểm của sự hoàn bị của
mình. Mặc dù hoạt động tư duy luôn được khơi mào trong một hành động tri giác của
con người, thế nhưng, sinh hoạt tư duy xét trong bản chất tinh ròng của nó thì phân
biệt với sinh hoạt cảm giác. Đây là sự phân biệt về bản chất chứ không chỉ là phân
biệt về cấp độ. Bên cạnh đó, cần ghi nhận rằng, theo quan điểm triết học Tôma, hai
sinh hoạt đó tuy có tính chất khác biệt nhau nhưng lại liên hệ mật thiết và phối hợp
chặt chẽ với nhau để tạo nên một đời sống tâm lý duy nhất. Đây là lập trường trung
dung giữa thuyết duy cảm giác và thuyết duy ý niệm.

Chương I: TỔNG QUAN VỀ HOẠT ĐỘNG NHẬN THỨC


THUỘC TRÍ TUỆ
Trong chương này, chúng ta sẽ đưa ra cái nhìn khái quát về hoạt động nhận
thức của trí tuệ, nhằm chứng tỏ đây là một hoạt động nhận thức khác biệt và trổi
vượt hơn hoạt động nhận thức thuộc bình diện cảm giác. Đây là sự khác biệt về bản
chất chứ không chỉ khác biệt về cấp độ. Để chứng tỏ điều này, trước hết, chúng ta sẽ
so sánh giữa ý niệm và hình ảnh (ảnh tượng) nhằm nêu bật sự khác biệt về bản chất
giữa chúng. Tiếp đến, chúng ta sẽ xác định đối tượng mô thể của trí năng để cho
thấy rằng đây là điều hoàn toàn nằm ngoài tầm nắm bắt của các giác quan.
I. So sánh ý niệm và hình ảnh

Dựa vào kinh nghiệm nhận thức, chúng ta có thể nhận thấy những sự khác biệt
giữa hình ảnh và ý niệm như sau:
1. Ý niệm thì phổ quát còn hình ảnh thì đặc thù
Theo cách thông thường, ý niệm về một vật cũng chính là câu định nghĩa về vật
đó. Chẳng hạn, ý niệm hình vuông chính là câu định nghĩa về hình vuông được phát
biểu như sau: là một hình tứ giác có bốn cạnh bằng nhau và bốn góc vuông. Câu định
nghĩa này đúng cho mọi hình vuông, bất kể màu sắc, kích thước, chất liệu, vị trí. Thế
còn hình ảnh về hình vuông thì chỉ ứng với một hình vuông cụ thể nào đó do những
đặc tính cụ thể cá biệt (hic et nunc) của nó. Chẳng hạn cái mặt bàn làm việc của tôi là
một hình vuông, có cạnh 1 mét, bằng gỗ, màu nâu, đặt cạnh cửa sổ... Khi tôi hình

40
dung ra hình ảnh về cái mặt bàn hình vuông đó thì nó chỉ tương ứng với cái bàn cụ
thể ấy mà thôi. Vậy ý niệm thì phổ quát còn hình ảnh thì đặc thù.
2. Ý niệm thì không đổi còn hình ảnh thì thay đổi
Ý niệm ở đây hiểu là ý niệm xét trong chính nó, chứ không phải xét nơi một chủ
thể hay nơi các chủ thể khác nhau. Ý niệm xét trong chính nó tức xét cách khách
quan thì không thay đổi. Câu định nghĩa về hình vuông từ xưa đến nay vẫn thế,
không thay đổi. Bỏ mất đi một đặc tính cốt yếu nào trong ý niệm đó thì cũng có nghĩa
là phá vỡ nó. Về phần hình ảnh thì nó biến đổi không ngừng do những phụ thể ngoại
tại của một vật, có thể biến đổi theo thời gian. Hôm nay, tôi có một hình ảnh nhất
định về cái bàn làm việc của tôi, một thời gian sau tôi thu nhỏ đều 4 cạnh, sơn nó
màu khác và dùng nó vào việc khác thì tôi lại có hình ảnh khác về nó. Bên cạnh đó,
hình ảnh do trí tưởng tượng tái dựng về cùng một vật có thể thay đổi từng lần do yếu
tố chủ quan hay cảm tính của chủ thể nhận thức chi phối.
3. Ý niệm thì trừu tượng còn hình ảnh thì cụ thể
Ở đây ta muốn nói đến đặc tính hoàn toàn vô chất của ý niệm so với hình ảnh.
Chúng ta đã biết do đặc tính ý hướng, hình ảnh về 1 vật đã đạt đến mức độ vô chất
nhất định. Tuy nhiên nó vẫn còn gắn với những điều kiện về chất thể (hic et nunc)
của đối tượng, nên vẫn còn mang tính cụ thể. Trái lại trong ý niệm không còn bất kỳ
một biểu hiện nào gắn với chất thể. Bởi lẽ để đi tới một ý niệm, chẳng hạn như ý
niệm hình vuông thì người ta đã phải giải trừ đi tất cả những đặc tính riêng biệt, cụ
thể gắn với những hình vuông riêng lẻ khác nhau để chỉ giữ lại những đặc tính cốt
yếu nhất vốn biểu đạt các hình vuông đó trong những gì chúng có chung với nhau.
Những đặc tính này hẳn phải vượt trên chất thể. Do vậy, ý niệm thì trừu tượng còn
hình ảnh thì cụ thể.
4. Chỉ có ý niệm mà không có hình ảnh
Có những trường hợp người ta chỉ có thể có một ý niệm về một sự vật hay một
thực tại chứ mà thể có một hình ảnh tương ứng về nó. Chẳng hạn, ý niệm về một hình
đa giác với 10.000 cạnh, ý niệm về công bằng, ý niệm về chân lý, ý niệm về Thiên
Chúa. Bên cạnh đó, có những ý tưởng hết sức bình thường mà không một hình ảnh
nào mô tả nổi: chẳng hạn, bởi vì, do đó, lại nữa, mặt khác, ngõ hầu, vì chưng, một
khi, dầu vậy, mặc lòng… Hoặc trong một câu nói rất đơn giản này: “Ngày mai, tôi sẽ
đi về nhà quê”. Người ta không thể khơi gợi ra một hình ảnh dù phong phú đến đâu
mà lại có thể tương đương với toàn bộ ý tưởng của câu nói đó.
5. Định nghĩa ý niệm
Như vậy, có một sự khác biệt căn cốt giữa hình ảnh và ý niệm đến độ không thể
giản lược ý niệm vào hình ảnh. Hình ảnh thì đặc thù và hay thay đổi, còn ý niệm thì
phổ quát, bất biến và trừu tượng. Vậy hẳn cũng phải có một sự khác biệt căn cốt giữa
các giác quan và trí năng. Gốc rễ của sự khác biệt này là do các giác quan trong hoạt
động của chúng vẫn còn lệ thuộc cách nội tại vào yếu tố chất thể, còn trí năng thì

41
hoàn toàn vượt trên chất thể để đạt tới tính vô chất đúng nghĩa. Từ những nhận xét
trên đây, ta có thể rút ra định nghĩa sơ khởi về ý niệm như sau: Ý niệm là cái họa bản
được kiến tạo về một sự vật; trong cái họa bản ấy, sự vật được biểu đạt theo cách
phổ quát, bất biến và trừu tượng.
II. Đối tượng của trí năng

1. Điều khả niệm (intellegibile) là gì?


Trong phần nghiên cứu về sinh hoạt cảm giác, chúng ta đã biết đối tượng mô thể
của các giác quan ngoại là các phẩm tính khả giác, tức là các phụ thể ngoại tại nơi sự
vật (chẳng hạn: màu sắc, âm thanh, khẩu vị…), nhờ đó mà sự vật tác động đến các cơ
quan cảm giác của ta. Thế nhưng, điều mà các giác quan nhận biết nơi sự vật mới chỉ
là một phần thôi, có thể ví như phần vỏ bọc hay “lớp da” của các sự vật. Như vậy,
còn có một điều gì khác nằm ẩn sâu bên trong cái vỏ bọc của các đặc tính khả giác,
đó là điều các giác quan không nắm bắt được. Hẳn nhiên, để nắm bắt đối tượng này
đòi phải có một quan năng trỗi vượt hơn các giác quan. Quan năng này chính là trí
năng. Hạn từ trí năng gốc bởi tiếng Latinh là intellectus, nghĩa là intus legere (đọc ở
bên trong). Đặt cho trí năng tên gọi đó cũng hàm ý rằng, nơi các sự vật mà các giác
quan trình bày trước ý thức của chủ thể còn có điều gì đó ở trong cốt lõi của sự vật
mà các giác quan không nắm bắt được, và cũng bởi vì chỉ có trí năng mới có thể nắm
bắt được cái bên trong ấy. Cho nên, cái đó có thể được gọi cách khái quát là điều khả
niệm.
Vậy chúng ta thử tìm cách xác định xem điều khả niệm thực chất là gì?. Trong
phần nói về nhận thức cảm giác, chúng ta đã biết điều khả giác là điều luôn biến thiên
thay đổi, cho nên nó chỉ thuộc về sự vật một cách tùy phụ. Thế còn, điều khả niệm thì
hẳn phải khác, nó phải là điều thuộc về sự vật một cách thiết yếu, nghĩa là điều khả
niệm là cái nhờ đó sự vật là chính nó, là cái có tính chất thường tồn và tất yếu. Tất cả
những biến thiên thay đổi chỉ diễn ra ở bề mặt của sự vật mà không thể đụng đến cái
phần cốt lõi đó. Từ những điều trên đây, chúng ta rút ra rằng, điều khả niệm là điều
mà nơi một vật, nó là cái tất yếu, luôn đồng nhất với chính nó. Thế mà chúng ta lại
biết rằng, cái là một, tất yếu đồng nhất không gì khác hơn là chính hữu thể. Vậy điều
khả niệm chính là hữu thể. Hay nói cách khác, hữu thể chính là đối tượng của trí
năng.
2. Hữu thể - đối tượng mô thể chung của trí năng
Trước hết, cần ghi nhận rằng, thuật ngữ “đối tượng mô thể chung” ở đây hàm ý
rằng có các loại trí năng khác nhau: thấp nhất là trí năng con người, tiếp đến là trí
năng của các thiên thần và trên cùng là trí năng của Thiên Chúa, và hữu thể là đối
tượng mô thể bất kỳ trí năng nào, dù hoàn hảo tuyệt đối hay kém hoàn hảo nhất. Nói
cách khác, đã là trí năng thì đều có đối tượng mô thể là hữu thể. Theo nguyên tắc loại
suy, chúng ta biết rằng, trí năng con người cho dù hữu hạn và bị ràng buộc vào những
điều kiện thực tế của thân xác, nhưng đó cũng vẫn là một trí năng. Do vậy, ta có thể

42
nhận thấy nơi đó ít nhiều đặc điểm chung cho mọi trí năng. Từ đó, chúng ta có thể
dựa vào kinh nghiệm vốn có về trí năng con người để rút ra những quy luật hành
động chung cho mọi trí năng. Về điểm này thánh Tôma cho rằng trí năng đạt tới mọi
vật dưới khía cạnh hữu thể. Ngài viết: “cái đầu tiên rơi vào trong tầm nắm bắt của
trí năng chính là hữu thể cũng tựa như cái đầu tiên được thị giác nhận biết chính là
màu sắc” (C. Gentiles, II, c.83). Thật vậy, trong tất cả các hoạt động của mình, trí
năng con người đều đạt tới đối tượng dưới khía cạnh hữu thể (sub ratione entis). Các
hoạt động này có thể quy về ba loại chính: lãnh hội đơn thuần, phán đoán và suy
luận. Nhờ sự lãnh hội đơn thuần, ta nắm bắt được cái mà sự vật là. Nhờ phán đoán, ta
phát biểu rằng, sự vật thì hiện hữu hoặc sự vật là thế này hay là thế khác. Nhờ suy
luận, ta chứng tỏ tại sao sự vật hiện hữu hay tại sao sự vật là như thế. Như vậy, hữu
thể là đối tượng mô thể chung của trí năng. Tuy nhiên, khi xét riêng về trí năng con
người thì người ta phát biểu như sau: hữu thể là đối tượng mô thể tương xứng của trí
năng con người (adequate object). Thuật ngữ mới này muốn nói đến tầm vươn rộng
của trí năng con người đối với đối tượng của nó là hữu thể. Ở đây có ý khẳng định
rằng trí năng con người bằng những cách thức khác nhau có thể hiểu biết mọi loại
hữu thể:
 Hữu thể là đối tượng chung của trí năng (intellect as such).
 Hữu thể là đối tượng tương xứng của trí năng con người (human
intellect).
Từ đây, ta rút ra vài hệ luận như sau:
a. Hữu thể tự nó khả niệm
Một vật sẽ là khả niệm tùy theo mức độ nó hiện hữu. Một vật càng hiện hữu
cách mãnh liệt và hoàn bị bao nhiêu thì lại càng khả niệm bấy nhiêu. Tuy nhiên, nói
thế không có nghĩa là bất kỳ hữu thể nào cũng đều tương xứng với bất kỳ trí năng
nào. Chẳng hạn, Thiên Chúa vốn là hữu thể thuần túy, hoàn hảo, vô biên nên Người
cũng khả niệm cách tuyệt mức xét nơi chính Người, nhưng lại không như thế đối với
chúng ta, bởi lẽ, hữu thể của Thiên Chúa vượt trên trí tuệ hữu hạn của chúng ta. Về
điểm này, thuyết Tôma không thể chấp nhận lập trường của Kant khi ông này cho
rằng ta chỉ biết được hiện tượng mà không biết được vật tại thân. Mượn ngôn từ của
Kant ta có thể nói rằng: Cái tại thân (hữu thể) cũng là một thứ hiện tượng, chỉ có
điều nó không xuất hiện trước giác quan nhưng trước trí năng.
b. Hư vô tự nó không quan niệm được
Ta chỉ có thể quan niệm hư vô như là sự phủ quyết một hữu thể. Do đó, hữu thể
phải được quan niệm trước hư vô. Hư vô có thể là đặc thù khi ta phủ quyết một hữu
thể đặc thù nào đó, hư vô cũng có thể là tuyệt đối khi ta phủ quyết mọi hữu thể. Như
vậy, không thể chấp nhận lập trường của những tác giả như Sartre chẳng hạn, cho
rằng ta biết hư vô trước khi biết hữu thể. Trái lại, thánh Tôma cho rằng, hữu thể tự nó
khả niệm và nó tạo ra cái nền cho tất cả những gì có thể được nhận thức, ta chỉ có thể
quan niệm về hư vô khi đối chiếu với hữu thể: Primum quod in intellectu cadit est
43
ens, secundum vero negatio entis (De potentia, 9, 7 ad 15) – Cái đầu tiên rơi vào sự
nắm bắt của trí năng, là hữu thể, sau đấy là sự phủ quyết của hữu thể.
c. Trí năng con người trên nguyên tắc có thể hiểu biết bất cứ hữu thể nào
Cho dù giới hạn và bất toàn thế nào đi nữa, trí năng con người vẫn là một trí
năng có đối tượng là hữu thể. Thực ra, vẫn còn vô số các sự vật mà trí năng con
người còn chưa biết. Bên cạnh đó, theo lý và theo thực tế, trí năng con người không
tài nào thấu hiểu được các hữu thể thượng đẳng, đặc biệt là Thiên Chúa. Tuy nhiên,
không có điều gì mà trí năng con người tuyệt đối không thể vươn tới được. Đối tượng
riêng của trí năng là hữu thể khả niệm bao gồm mọi khác biệt và mọi loại hữu thể có
thể có. Thật vậy, tất cả những gì có thể hiện hữu thì đều có thể được nhận biết. Như
vậy, đối tượng của trí năng con người bao gồm các hữu thể trong hiện thực khách
quan cũng như các hữu thể thuộc trí, các hữu thể thực hữu cũng như các hữu thể có
thể hiện hữu, các hữu thể tự nhiên cũng như các hữu thể siêu nhiên. Lập trường này
nhằm chống lại thuyết Bất khả tri vốn chủ trương rằng, có hữu thể nào đó tuyệt đối
không thể biết được. Đây là điều phi lý không thể chấp nhận.
3. Đối tượng mô thể riêng trực tiếp của trí năng con người
Trên đây chúng ta đã nói, duy mình tinh thần hay trí tuệ mới nắm bắt được hữu
thể. Trên nguyên tắc, trí tuệ con người có thể hiểu biết bất kỳ hữu thể nào. Tuy nhiên,
trong hoàn cảnh thực tế, trí năng con người lại là một tinh thần nhập thể. Thế nên,
điều phù hợp trước tiên đối với nó chính là hữu thể khả giác, tức là hữu thể được hiện
thể hóa trong chất thể. Thánh Tôma khẳng định như sau: Trong đời sống hiện tại của
chúng ta, đối tượng đầu tiên của trí năng, đó không phải là bất kỳ hữu thể nào nhưng
là hữu thể của những thực tại hữu chất, và qua đó, trí năng đạt tới một sự nhận thức
về tất cả các thực tại khác (ST I, q. 87, a. 3, ad 1). Theo thánh Tôma, sự lệ thuộc của
trí tuệ chúng ta vào các cơ quan của cơ thể cũng như vào các hình ảnh của giác quan
để hoạt động chính là bằng chứng cho thấy đối tượng riêng trực tiếp của trí tuệ con
người là hữu thể hữu chất. Kinh nghiệm cho thấy, ý niệm về một vật bao giờ cũng
được hình thành từ những hình ảnh khả giác do các giác quan và óc tưởng tượng
cung cấp. Bên cạnh đó, khi chúng ta tìm cách lãnh hội điều gì hoặc muốn trình bày
cho người khác hiểu điều gì thì chúng ta thường phải dùng đến các hình ảnh làm thí
dụ. Mặt khác, khi các cơ quan cảm giác bị hỏng hóc dẫn đến sự hạn chế trong hoạt
động của óc tưởng tượng hoặc kí ức thì trí năng cũng không thể hoạt động được.
Chẳng hạn, một người mù bẩm sinh không thể có ý niệm trực tiếp về màu sắc, tuy
nhiên, nếu được hướng dẫn để hiểu thế nào là một chấn động, một tần số và được giải
thích cách khoa học về màu sắc là một chấn động ứng với một tần số nhất định, thì
người mù cũng có thể có được một quan niệm nào đó về ánh sáng và màu sắc. Tuy
nhiên, đây không phải là một kiến thức trực tiếp mà chỉ là một kiến thức loại suy.
Để dễ nắm bắt vấn đề, ta có thể diễn tả luận đề trên bằng các điểm sau đây:
a. Trí năng con người trực tiếp nhận biết các vật hữu chất (đối tượng chất thể).

44
b. Nó chỉ trực tiếp nhận biết các vật hữu chất và phải là những vật đã được các
giác quan nhận thức và hiện đang được trí tưởng tượng tái dựng lại trong ảnh tượng.
c. Đối với các vật hữu chất này, trí năng ít nhất cũng biết được yếu tính của
chúng cách lờ mờ.
d. Trí năng khác giác quan ở chỗ: giác quan biết đối tượng dưới hình thức cụ
thể, cá biệt còn trí năng thì biết đối tượng dưới hình thức trừu tượng, phổ quát nghĩa
là được gỡ bỏ khỏi mọi đặc tính cá biệt.
* Lưu ý về danh từ yếu tính:
Khi ta nói trí năng nắm bắt được yếu tính của sự vật thì ở đây không hiểu yếu
tính theo nghĩa chặt chẽ và siêu hình của danh từ này. Cho nên, lập trường Tôma
không có ý nói chúng ta trực tiếp nhận biết yếu tính của các vật thể, vì hiển nhiên
chúng ta phải trải qua rất nhiều nỗ lực của khoa học mới có thể đạt được điều đó.
Nhiều khi sau bao công trình nghiên cứu, ta vẫn bất lực không giải thích nổi yếu tính
của một số vật. Danh từ yếu tính ở đây được dùng tương đương với danh từ
quidditas. Hạn từ này có một ý nghĩa khá rộng, nó không nhất thiết phải là một sự
xác định chặt chẽ về sự vật nhưng đó có thể chỉ là một ý niệm mờ nhạt và sơ sài về
một vật. Chẳng hạn, đứng trước một vật nào đó chỉ cần ta xác định được đối tượng là
một động vật, một cái cây, một thứ động cơ hay chí ít cũng nói được đó là một hữu
thể thì như thế cũng kể là ta đã biết được cái quidditas của sự vật.
Kết luận:
Qua phần trình bày về đối tượng riêng của trí năng, chúng ta càng thấy rõ hơn
mối liên hệ chặt chẽ giữa hai cấp độ nhận thức khác nhau: sự nhận thức của các giác
quan và sự nhận thức của trí tuệ. Có thể nói, trong hoạt động nhận thức của mình, trí
năng lệ thuộc các cảm giác, óc tưởng tượng, các giác quan và cả cơ thể. Đây là sự lệ
thuộc khách thể vì nó liên quan đến đối tượng của trí năng. Trí năng phải nhờ đến sự
trợ giúp của sinh hoạt cảm giác mới có được đối tượng của mình mà tư duy. Aristote
đã diễn tả sự lệ thuộc này như sau: Omnis cognitio a sensu – Mọi sự nhận thức là từ
giác quan. Thánh Tôma cũng đồng quan điểm khi cho rằng: Nihil in intellectu quod
non prius fuerit in sensu – Không có gì ở trong trí năng mà trước đó không ở trong
giác quan (ST I, q. 84, a. 3).

45
Chương 2: NGUỒN GỐC CÁC Ý NIỆM
I. Tóm lược về thuyết bẩm sinh và thuyết duy nghiệm

1. Thuyết bẩm sinh (innatism)


Nhìn chung thuyết bẩm sinh chủ trương rằng, từ khi sinh ra chúng ta đã mang
theo mình toàn bộ hoặc một số ý niệm về các sự vật. Lập trường này được qui về cho
ba tác giả tiêu biểu là Platon, Descartes và Kant.
Đối với Platon, khi còn ở nơi thượng giới, linh hồn đã từng chiêm ngắm các mô
thể khả niệm của thế giới linh tượng và chúng đã để lại trong linh hồn những phản
ảnh của chúng. Khi nhập thân trong xác thể, linh hồn đã mang theo mình những phản
ảnh đó tựa như những ý niệm trong tình trạng “ngủ vùi”. Nhờ linh hồn tiếp xúc với
thế giới vật thể vốn mô phỏng thế giới linh tượng, cho nên, các ý niệm ấy được đánh
thức hay được nhớ lại.
Đối với Descartes, chúng ta có các loại ý niệm với nguồn gốc khác nhau, trong
đó, một số ý niệm dường như được chúng ta thủ đắc từ lúc mới sinh ra. Theo ông, các
ý tưởng rõ ràng và phân minh là do Thiên Chúa đặt để vào trong linh hồn. Đối với
những ý niệm mà con người vốn có sẵn nơi mình, do trí năng hoạt động mà nó tự rút
ra những ý niệm đó chứ không cần nhờ đến sự đóng góp của kinh nghiệm giác quan.
Đối với Kant, các mô thức tiên nghiệm (không gian, thời gian) và 12 phạm trù
tiên nghiệm là những điều bẩm sinh. Chúng có vai trò tổ chức và cấu trúc hóa các dữ
kiện của cảm giác và là những quy luật phổ quát và tất yếu của tư duy.
Các tác giả trên đây dù có những sắc thái khác biệt trong lập trường nhưng họ
có cùng một quan điểm chung, đó là: ý niệm là sản phẩm của một mình trí tuệ.
Nhận định: Nhìn chung, các lối quan niệm này đều bộc lộ những điểm yếu và
không thật sự thuyết phục. Đối với Platon, điểm yếu trong lý thuyết của ông nằm ở
chỗ, ông cho rằng, việc kiến tạo một ý niệm chỉ đơn thuần là việc sở đắc một ấn
tượng. Đối với Descartes, lý luận của ông không chặt chẽ khi cho rằng, ý niệm về vô
biên, thì không thể đến từ các vật khả giác, nên hẳn là nó phải là ý niệm bẩm sinh.
Ông đã không thấy được rằng, ý niệm đó có thể là do trí tuệ kiến tạo bằng con đường
loại suy dựa trên các dữ kiện do các giác quan cung cấp. Kant có phần đúng khi cho
rằng, các quy luật tất yếu và phổ quát không thể đến trực tiếp từ kinh nghiệm cảm
giác. Tuy nhiên, ông lại không thấy được rằng, các quy luật ấy có thể được trí năng
nắm bắt như là các tương quan giữa các yếu tính. Thế mà các yếu tính này lại được
trí năng trừu xuất từ kinh nghiệm cảm giác. Dầu sao các tác giả này cũng không hoàn
toàn phủ nhận vai trò của thế giới khả giác cũng như của các giác quan đối với linh
hồn, ít nhất chúng tác động để làm cho các ý niệm chuyển đổi từ tình trạng tiềm ẩn
sang tác động hiển tỏ.

46
2. Thuyết duy nghiệm
Thuyết này do các tác giả thuộc trường phái duy nghiệm Anh như David Hume,
John Locke, ngoài ra còn có Taine và các tác giả theo thuyết Maxs. Dù cách quan
niệm của họ có những sắc thái hơn kém khác nhau, nhưng tất cả đều có một lập
trường chung, theo đó, ý niệm chỉ là sự phản ảnh của sự vật vào trong não bộ. Như
vậy, không có sự khác biệt giữa ý niệm và hình ảnh. Ý niệm cũng chỉ là một dạng
của hình ảnh mà thôi, đúng hơn, nó là cái hình ảnh chung về một loại sự vật, nhờ đó,
ta áp dụng cho vô số cá vật khác nhau thuộc loại đó.
Nhận định: Sai lầm của thuyết duy nghiệm nằm ở chỗ, nó đã coi sự nhận thức
trí tuệ chỉ là một quá trình cơ học. Thuyết này không thấy rằng, trí năng nắm bắt
được chính hữu thể của sự vật, đó là điều vượt khỏi tầm của các giác quan và óc
tưởng tượng.
II. Lập trường của Aristote

1. Mối liên hệ giữa hình ảnh và ý niệm


Nếu xét trong bản chất và trong cấu trúc riêng của chúng thì giữa ý niệm và hình
ảnh không có sự liên tục. Ý niệm thì cho chúng ta thấy được một cốt tính, một yếu
tính bất khả phân, còn hình ảnh thì chỉ trình bày cho chúng ta những tổng hợp gồm
các khía cạnh khả giác, những khía cạnh này cũng làm nên một sự duy nhất nhưng
không có tính thiết yếu.
Tuy nhiên, xét về phương diện chức năng, thì hẳn nhiên là giữa hình ảnh và ý
niệm có một sự liên tục. Sự kiến tạo nên ý niệm luôn khởi sự từ hình ảnh do các giác
quan và óc tưởng tượng cung cấp. Ngoài ra, trong những phán đoán, chẳng hạn như
Giáp là người hay cái bàn này hình vuông, thì trí năng và các giác quan cùng hội ngộ
để quy gán những ý niệm trừu tượng, phổ quát của trí tuệ cho các vật đơn lẻ và cụ
thể.
2. Mô tả sự hình thành ý niệm
Theo nguyên lý chung về sự nhận thức, chúng ta đã biết rằng, để một đối tượng
được nhận thức thì nó phải hiện diện trong chủ thể nhận thức theo cách phi chất thể,
tức là bằng một yếu tố tương tự của nó hay còn gọi là cái mô thể ý hướng của vật.
Cái mô thể ý hướng này xét như là cái đến từ ngoại vật thì còn được gọi là ấn ảnh.
Chính ấn ảnh này sẽ đóng vai trò kích hoạt quan năng nhận thức để làm cho chủ thể
quy hướng về đối tượng và kết hợp với đối tượng, nhờ vậy mà ta có sự nhận thức đối
tượng.
Vậy đâu là cái ấn ảnh sẽ đóng vai trò kích hoạt trí năng. Chúng ta đã biết, trí
năng không biết được điều gì mà không nhờ các giác quan, thế nên cái ấn ảnh này
hẳn phải đến từ ngoại vật thông qua các giác quan. Có thể nói, trong cấp độ nhận
thức cảm giác, sự phản ảnh về ngoại vật đạt đến mức độ tinh luyện nhất trong các
ảnh tượng của óc tưởng tượng. Tuy vậy, các ảnh tượng này, xét nguyên chúng thì vẫn

47
chưa phải là những ấn ảnh khả niệm có thể kích hoạt trí năng vì ảnh tượng thì vẫn
còn gắn với những điều kiện về chất thể nên chưa xứng tầm với trí năng.
Do vậy, trí năng phải chủ động kiến tạo nên cái ấn ảnh phù hợp cho mình. Việc
kiến tạo này cũng chính là hoạt động trừu xuất của trí năng nhằm vào ảnh tượng do
óc tưởng tượng cung cấp. Công việc trừu xuất này do trí năng chủ động thực hiện.
Kết quả của sự cộng tác giữa ảnh tượng và trí năng chủ động chính là ấn ảnh khả
niệm, được tạo ra trong trí năng thụ động và được trí năng thụ động tiếp nhận. Chính
nó sẽ đóng vai trò kích hoạt trí năng thụ động để đưa trí năng từ tình trạng tiềm thể
bước vào hoạt động. Một khi được tài bồi hay phẩm định nhờ ấn ảnh khả niệm, trí
năng thụ động sẽ phản ứng lại bằng cách kết hợp với cái ấn ảnh khả niệm này và tạo
ra trong chính mình một thứ diễn ảnh biểu đạt yếu tính của đối tượng. Và trong cái
diễn ảnh này, trí năng lãnh hội yếu tính của sự vật. Cái diễn ảnh này cũng chính là
tâm từ, quan niệm hay ý niệm.
3. Một số điểm cần ghi nhận
a. Trí năng chủ động đóng vai trò như nguyên nhân tác thành trong việc tạo ra
ấn ảnh khả niệm từ ảnh tượng. Như vậy, có thể coi nó là cầu nối giữa hai bình diện
nhận thức thuộc cảm giác và trí tuệ. Cần hiểu cho đúng về tác động trừu xuất của trí
năng chủ động. Đây không phải là “việc thiêng liêng hóa” ảnh tượng (từ chỗ khả giác
biến thành thiêng liêng), nhưng đúng hơn, trí năng chủ động chỉ hiện thể hóa, tức là
đưa ra ánh sáng, cái ấn ảnh khả niệm còn trong tiềm thể ở nơi ảnh tượng. Mặt khác,
cũng không nên hiểu công việc này chỉ đơn thuần là việc dò tìm ấn ảnh khả niệm vốn
có sẵn đó rồi trong ảnh tượng và chỉ việc rút ra thôi. Đúng hơn, trừu xuất là tác động
trên các dữ kiện cảm giác để tạo ra ấn ảnh khả niệm. Trí năng chủ động có thể được
so sánh như thứ ánh sáng của trí tuệ, nhờ nó mà điều khả niệm trong tiềm thể vốn ở
nơi ảnh tượng được trở thành sáng tỏ, cũng tương tự như ánh sáng làm chuyển đổi
các màu sắc từ trong tiềm thể bước sang hiện thể.
Ánh sáng thì không nhìn xem nhưng nhờ nó mà ta nhìn xem các vật. Cũng vậy,
trí năng chủ động không phải quan năng nhận thức nhưng nó làm cho cái khác nhận
thức. Nơi mỗi người phải có một trí năng chủ động riêng biệt chứ không phải chỉ có
một trí năng chủ động chung cho mọi người như Avicenna (980 – 1037) và Averròes
(1126 – 1198) chủ trương.
b. Ảnh tượng không chỉ là chất liệu của sự nhận thức thuộc trí tuệ, đúng hơn,
ảnh tượng cũng đóng vai trò là nguyên nhân trong việc tạo ra ấn ảnh khả niệm, nhưng
đây chỉ là nguyên nhân khí cụ và thứ cấp. Sự tương tự giữa ấn ảnh khả niệm với sự
vật là do phần đóng góp của ảnh tượng. Kinh nghiệm cho thấy tri thức thuộc cảm
giác càng đầy đủ bao nhiêu thì tri thức trí tuệ càng sáng tỏ bấy nhiêu. Như vậy, ấn
ảnh khả niệm là kết quả của hoạt động phối hợp giữa trí năng chủ động và óc tưởng
tượng, nên sẽ mang dấu ấn của cả hai. Tuy nhiên, ấn ảnh này không nằm ở nơi trí
năng chủ động cũng không ở nơi óc tưởng tượng nhưng được tạo ra ở nơi trí năng thụ
động.

48
c. Trí năng thụ động mới thực sự là quan năng nhận thức đối tượng. Trí năng
này thoạt đầu ở trong tiềm thể cũng tựa như một tấm bảng trên đó chưa ghi điều gì.
Chính nhờ được kích hoạt bởi ấn ảnh khả niệm mà nó mới bắt đầu bước vào hoạt
động. Trí năng thụ động không chỉ tiếp nhận ấn ảnh khả niệm nhưng còn phản ứng
lại bằng cách kết hợp cách mãnh liệt với ấn ảnh ấy để tạo ra cho mình một diễn ảnh
biểu đạt yếu tính của sự vật và trong cái diễn ảnh này, trí năng lãnh hội yếu tính của
sự vật. Có hai cách gọi quan năng này: xét như là quan năng tiếp nhận mô thể khả
niệm của sự vật thì ta gọi nó là trí năng thụ động; còn xét như là quan năng có thể
trở thành mô thể của mọi vật thì ta gọi nó là trí năng khả hữu.
4. Tầm quan trọng của học thuyết Aristote
Học thuyết của Aristote về sự nhận thức trí tuệ và sự trừu xuất có thể giúp làm
sáng tỏ được nhiều vấn đề:
Trước hết, nó giúp hiểu được lý do của sự kết hợp bản thể giữa linh hồn và xác
thể. Linh hồn ở trong xác thể không phải như trong một nhà tù. Các hoạt động thể lý
của thân xác tạo điều kiện cho những hoạt động của các giác quan. Còn hoạt động
của các giác quan là để phục vụ cho hoạt động trí tuệ. Như vậy, thân xác không chỉ là
công cụ của linh hồn, cùng với linh hồn nó chung phần làm nên bản thể duy nhất của
con người.
Cách thức giải trình về trí năng chủ động nêu bật được tính chủ động của trí
năng con người trong việc kiến tạo nên chính đối tượng khả niệm cho mình. Qua đó,
trí năng thể hiện tính tự phát trong hoạt động riêng của nó. Trí năng chủ động thực thi
vai trò nguyên nhân đích thực trong việc tạo ra điều khả niệm. Nhưng nói cho đúng
thì trí năng con người không tạo ra đối tượng mà chỉ là tìm gặp đối tượng trong thế
giới vốn tự thân khả niệm trước khi con người chú ý tới nó.
Để suy tư, con người cần đến hoạt động của các giác quan, tức là phải có sự lệ
thuộc vào ngoại giới. Đây cũng là điểm chung giữa thuyết của Aristote với thuyết
duy nghiệm. Tuy nhiên, hoạt động của trí tuệ không thể bị giảm thiểu vào cùng một
bình diện với sự nhận thức giác quan. Thật vậy, nếu như trí năng cần đến các giác
quan để tiếp nhận đối tượng của mình, nếu như sự trừu xuất được thao tác trên các dữ
kiện cảm giác, thì dầu vậy trí năng qua sự trừu xuất vẫn nắm bắt được trong các sự
vật chính hữu thể của chúng. Điều này vốn vượt quá khả năng của các giác quan. Qua
đó, trí năng thể hiện bản chất thiêng liêng của mình. Nó hình thành nên một địa hạt
khác của sự nhận thức. Linh hồn con người, như Aristote đã nói, có thể nhận biết mọi
vật.

49
Chương 3: BA HOẠT ĐỘNG CỦA TRÍ NĂNG
VÀ VIỆC TRÍ NĂNG NHẬN THỨC ĐIỀU ĐẶC THÙ
I. Ba hoạt động của trí năng

1. Lãnh hội đơn thuần (simple apprehension)


Sự lãnh hội đơn thuần được định nghĩa là tác động qua đó trí năng nắm bắt yếu
tính của các sự vật nhưng không quyết mà cũng không chối gì cả. Đây là tác động
đầu tiên của trí tuệ. Sỡ dĩ nó được gọi là sự lãnh hội bởi vì trong hoạt động này, trí
năng như thể đồng hóa một đối tượng mà nó nắm bắt được trong các sự vật. Theo
một nguyên tắc của tâm lý học, giữa chủ thể và cái mô thể được tiếp nhận phải có
một sự tương ứng. Trí năng vốn có bản chất thiêng liêng nên nó chỉ có thể lãnh hội
các yếu tính trừu tượng là cái có cấp độ vô chất ngang bằng với trí năng. Thế mà
trong thực tế, trí năng con người trước tiên gặp gỡ các hữu thể hữu chất. Do vậy, trí
năng phải chủ động kiến tạo nên cái mô thể khả niệm phù hợp cho mình. Ở đây, ta
thấy có sự tương đương xét về cấp độ vô chất giữa đối tượng (yếu tính trừu tượng),
trí năng (quan năng nhận thức) và linh hồn (chủ quản của trí năng). Như chúng ta sẽ
thấy, sự tương đương ấy sẽ được dùng làm cơ sở để chứng minh tính thiêng liêng và
tính bất tử của linh hồn.
2. Phán đoán (judgment)
Phán đoán là tác động thứ hai của trí năng con người. Trong hoạt động này, trí
năng an nghỉ và tự hoàn thiện mình. Phán đoán được định nghĩa là tác động qua đó trí
năng khẳng định bằng cách liên kết và phủ định bằng cách phân ly. Trong sự lãnh hội
đơn thuần, cái yếu tính khả niệm xuất hiện trước trí năng như một điều tuyệt đối hiểu
theo nghĩa nó là cái đến từ bên ngoài. Nó có một sự hiện hữu độc lập với chủ thể.
Yếu tính này xét trong chính nó thì trí năng con người không thể tạo ra được mà chỉ
có thể tìm gặp được nó trong cái thế giới mà chủ thể đang đối diện, tức là trong các
sự vật. Bởi vậy, một khi nắm bắt được yếu tính của sự vật được biểu đạt trong một ý
niệm, trí năng phải quy hoàn sự nhận thức của mình bằng cách khẳng định rằng, đối
tượng hiện diện trong trí năng thì hiện hữu như một thực tại siêu nghiệm, nghĩa là nó
là phản ảnh của cái thực tại bên ngoài tâm trí. Chính cái thực tại bên ngoài mới là
thước đo trí năng chứ không phải ngược lại. Bởi đó, bằng một phán đoán, trí năng
khẳng định sự hiện hữu bên ngoài tâm trí của các đối tượng được biểu đạt trong các
quan niệm. Chính trong phán đoán mà trí năng đạt đến chân lý. Như vậy, đang khi
yếu tính là linh hồn của tác động lãnh hội đơn thuần thì sự hiện hữu lại là linh hồn
của phán đoán.
3. Suy luận (reasoning)
Suy luận là hoạt động thứ ba của trí năng và được định nghĩa là tác động qua đó
trí tuệ nhờ vào những gì đã biết mà đạt đến một sự nhận thức mới. Hoạt động suy
50
luận không có mục đích tự thân. Người ta suy luận nhằm đạt tới một phán đoán
chung kết, tức là nhằm tìm kiếm một chân lý – đối tượng của phán đoán ấy. Như vậy,
phán đoán là mục đích của hai hoạt động còn lại của trí tuệ. Hoạt động suy luận biểu
lộ hai khía cạnh riêng biệt của trí năng con người.
Trước hết, có một vận hành tiến về phía trước, một bước tiến từ chân lý này đến
chân lý khác, từ điều đã biết đến điều chưa biết. Bước tiến này là dấu hiệu cho thấy
tiềm thể tính của trí năng. Sinh hoạt tri thức là một cuộc chinh phục dày công, tức là
tìm kiếm tri thức mới từ những điều đã biết, nhờ vậy mà có sự tiến bộ trong tri thức.
Thứ đến, trong hoạt động suy luận, trí năng thực thi vai trò của một nguyên
nhân trên chính mình. Nói cách khác, chính sự am hiểu các tiền đề là nguyên nhân
đưa đến sự am hiểu các câu kết luận. Trí tuệ rút tỉa chân lý từ chính nó và như vậy,
nó tự chuyển hóa mình từ tiềm thể sang hiện thể. Điều này càng cho thấy tính chủ
động và tính nội tại của trí tuệ.
II. Việc trí năng nhận thức điều đặc thù

Trên đây, chúng ta đã biết rằng hoạt động phán đoán nhằm khẳng định sự hiện
hữu khách quan của thực tại ngoài tâm trí. Do vậy, thông thường một phán đoán sẽ
phải bao gồm ba yếu tố: chủ từ là vật đơn lẻ; thuộc từ là cái phổ quát, tức là một ý
niệm chẳng hạn như người, ngựa, hình vuông, màu xanh...; động từ “là” để nối kết
hai hạn cực kia. Chẳng hạn, ta có phán đoán Giáp là người, cái bàn này hình vuông.
Phán đoán là sự liên kết giữa hai hạn cực - một đơn lẻ và một phổ quát - và hoạt động
này diễn ra trong trí tuệ. Thế nhưng, trí tuệ chúng ta lại chỉ nhận thức các sự vật bằng
các yếu tính trừu tượng. Vậy, trí tuệ bằng cách nào biết vật đặc thù để nhờ đó mà
thực hiện được phán đoán. Trong phần nói về nguồn gốc ý niệm, chúng ta đã thấy
rằng trí năng chỉ trực tiếp nhận thức điều phổ quát, tức yếu tính trừu tượng của sự
vật. Tuy nhiên, trí năng cũng nhận biết điều đặc thù theo cách gián tiếp nhờ vào tác
động phản tỉnh. Nghĩa là sau khi trí năng nhận biết một yếu tính trừu tượng, phổ quát
thì trí năng quay trở về với chính tác động nhận thức đó, rồi trở về với cái ảnh khả
niệm vốn là nguyên lý của hành động nhận thức kia, và rồi, nó quay trở về với cả cái
ảnh tượng nữa, cái mà từ đó ảnh khả niệm đã được rút ra. Như vậy, bằng cách quay
trở về với ảnh tượng, trí năng cũng gián tiếp nhận thức điều đặc thù, vốn là nguồn
cung cấp ảnh tượng.
Cần nhắc lại rằng, trí năng chỉ có thể biết các ý niệm phổ quát, muốn nhận biết
cá vật, nó phải quy tập nhiều ý niệm phổ quát sao cho cái tập hợp đó chỉ ứng với một
cá vật duy nhất. Thí dụ, một vật hình vuông có cạnh dài 1 mét, cao 8 tấc, màu vàng,
bằng gỗ, do tôi tự đóng, đặt trong phòng làm việc của tôi. Mỗi ý tưởng được diễn tả
qua các cụm từ đó đều phổ quát vì có thể gán cho nhiều cá vật khác nhau nhưng tổng
hợp tất cả lại thì nó chỉ ứng với một cá vật duy nhất, thế mà cá vật ấy lại đang được
biểu thị trong một ảnh tượng do trí tưởng tượng cung cấp.

51
Cần ghi nhận rằng, sự phản tỉnh đưa trí năng trở về với ảnh tượng. Thế nhưng,
không phải trí năng mà là óc tưởng tượng mới nhận biết ảnh tượng. Sự liên kết giữa
hai quan năng diễn ra trong sự duy nhất của chủ thể. Cũng một con người duy nhất
suy nghĩ về sự tập hợp các ý niệm đồng thời tưởng tượng ra cá thể tương ứng. Vậy có
thể nói, nhờ việc quay trở về với ảnh tượng mà trí năng nhận biết điều đặc thù.
Kết luận:
Trong phần nói về phán đoán, chúng ta đã thấy rằng sự nhận thức của trí tuệ con
người không thể hoàn thành trong sự lãnh hội đơn thuần nhưng chỉ xảy đến trong một
phán đoán mà thôi. Thế mà trong một phán đoán, một hạn cực luôn là điều đặc thù.
Do vậy, nhất thiết là mọi sự lãnh hội đều hàm súc sự quay trở về với ảnh tượng, để
nhờ đó mà thực hiện một phán đoán. Vậy việc quay trở về với ảnh tượng là một yếu
tố nền tảng của hoạt động thứ hai. Nó có thể được coi như bước đệm để chuyển từ
hoạt động thứ nhất sang hoạt động thứ hai. Thánh Tôma tóm kết như sau: Như vậy,
trí năng trực tiếp nhận thức điều phổ quát nhờ vào ảnh khả niệm và gián tiếp nhận
biết điều đặc thù vốn là nguồn cung cấp các ảnh tượng, và theo cách đó, trí năng
kiến tạo nên mệnh đề “Socrates là người” ( ST I, q. 86, a. 1).
Lập trường trên đây cho phép duy trì sự phân biệt loại định giữa sự nhận thức
thuộc trí tuệ và sự nhận thức thuộc cảm giác, cho dù ở mức độ tinh luyện cao nhất.
Mặt khác, nó cũng cho phép duy trì sự tiếp xúc của trí tuệ với các sự vật trong thế
giới này, với các thực tại trần thế, với toàn bộ cái hiện thực sinh động này.

52
Chương 4: TRÍ NĂNG CON NGƯỜI VÀ SỰ TỰ Ý THỨC
Chúng ta đã tìm hiểu ba loại hoạt động của trí tuệ, trong đó nổi bật nhất là phán
đoán. Nhờ phán đoán, chủ thể nhận thức nắm bắt được sự tồn tại của sự vật trong cái
“tự thân” của nó. Thế mà việc nắm bắt được sự vật trong cái tự thân của nó cũng hàm
ý rằng, chủ thể nhận thức được sự phân biệt giữa đối tượng với bản thân mình. Qua
đó, chủ thể khẳng định về sự hiện hữu của mình. Do vậy, suy cho cùng, là một trí tuệ
thì cũng có nghĩa là một sự ý thức về mình, một sự nhận biết mình như là một ai đó,
một ngôi vị.
I. Trí năng nhận biết chính mình

1. Sự tự ý thức là gì?
Trong tiếng Latinh, hạn từ conscientia được ghép bởi hai từ cum và scientia,
nghĩa là cái đi kèm với sự nhận thức. Theo cách dùng cổ điển, conscientia được dùng
theo nghĩa đạo đức học để chỉ sự cảnh báo trong nội tâm về luân lý tính của một hành
vi và được dịch sang tiếng Việt là lương tâm.
Tuy nhiên, trong triết học và nhất là tâm lý học hiện đại, hạn từ conscientia có
một nghĩa rộng hơn và thường được dùng theo nghĩa nhận thức luận. Theo nghĩa này,
nó được dịch sang tiếng Việt là sự ý thức. Xét theo tâm lý học, mọi nhận thức đều
được coi là sự ý thức.
Và do tính chất nội tại của sự nhận thức, sự ý thức này nơi con người trong một
mức độ nào đó cũng có thể được coi là sự tự ý thức. Trong tình trạng ý thức, chẳng
những chúng ta nhận thức điều gì đó nhưng chúng ta còn biết mình đang có hành
động nhận thức. Chúng ta nắm bắt được chính hành động nhận thức của mình. Hơn
nữa, nhờ trí năng, chúng ta không chỉ ý thức về các hành động hoặc trạng thái trong
nội giới của mình nhưng còn có ý thức về chính bản ngã của mình. Đây chính là sự tự
ý thức đúng nghĩa nhất chỉ có nơi hữu thể có lý tính. Trong tâm lý học cổ điển, sự tự
ý thức này được diễn tả bằng các khái niệm tương đương như sự tự biết mình hay sự
phản tỉnh.
2. Trí năng tự bản chất phân cực thành chủ thể và đối tượng
Như chúng ta đã biết tính vô chất là nền tảng thực thể luận của sự nhận thức.
Một vật càng vô chất thì càng có thể được nhận thức. Bên cạnh đó, một vật càng vô
chất thì càng có khả năng để nhận thức cái khác. Trí năng do bản chất thiêng liêng
nên vừa hoàn toàn khả niệm xét như một đối tượng, lại vừa hoàn toàn thông tuệ xét
như một chủ thể nhận thức. Do vậy, có thể nói, trí năng ngay từ đầu đã ở trong tư thế
tự phân chia thành chủ thể và đối tượng của sự nhận thức. Nói cách khác, trí năng xét
như đối tượng đã thường xuyên hiện diện trước chính nó xét như một chủ thể nhận
thức. Theo Tôma, chính do sự hiện diện thường trực này của trí năng trước chính nó
mà trí năng đã có một sự nhận thức theo cách thường năng về chính mình. Thực ra,
53
đây mới chỉ là một sự nhận thức hàm ẩn, một cảm thức mơ hồ và liên tục, và do đó
có tính chất vô thức. Đây có thể coi là một tình trạng chờ đợi, ấp ủ, đang lấy đà để
sẵn sàng bật ra thành một sự nhận thức hiện động về chính mình. Vấn đề ở đây là,
nếu trí năng đã thường xuyên hiện diện trước chính nó, vậy do đâu mà trí năng không
thể nhận biết mình cách trực tiếp? Như chúng ta đã biết, trong tình trạng của một tinh
thần nhập thể, trí năng con người không thể nhận thức điều gì mà không hướng đến
các ảnh tượng. Thế mà bản thân trí năng xét như đối tượng, là thực tại thiêng liêng
nên không thể được nắm bắt cách trực tiếp bởi chính nó nhưng trí năng chỉ nắm bắt
được chính mình cách gián tiếp nhờ vào việc nắm bắt chính các hành động của mình.
3. Trí năng có khả năng phản tỉnh
Trong sinh hoạt nhận thức thuộc cảm giác, chúng ta đã ghi nhận rằng, chính
tổng giác có thể thực hiện chức năng ý thức ở bình diện cảm giác vì tổng giác nắm
bắt được các hành động cảm giác của các giác quan ngoại. Tuy nhiên, đây cũng chưa
phải là phản tỉnh đúng nghĩa, vì tổng giác chỉ nắm bắt được hành động của các giác
quan ngoại, chứ không nắm bắt được hành động của chính nó. Trên bình diện trí tuệ,
phản tỉnh có nghĩa là qui gập lại trên chính mình để soi chiếu vào các hoạt động của
mình và chính bản thân mình. Đây chính là sự hồi qui trọn vẹn (reditio completa).
Chỉ có các quan năng thiêng liêng mới có khả năng phản tỉnh đúng nghĩa. Bởi vì, các
hoạt động của chúng vốn là điều phổ quát nên cũng đồng thời trở thành đối tượng
phù hợp của các quan năng ấy. Như vậy, ý muốn có thể muốn chính hành động của
mình xét vì hành động ấy là điều thiện, còn trí năng có thể hiểu biết chính hành động
của mình xét vì hành động ấy là điều thật. Do vậy, phản tỉnh chính là con đường trực
tiếp nhất để trí năng tiếp cận những thực tại thiêng liêng trong nội giới.
4. Trí năng nhận biết chính mình nhờ phản tỉnh
Như đã biết, trí năng thoạt đầu ở trong tiềm thể và cần đến sự kích hoạt của một
ảnh khả niệm để bước từ tiềm thể sang hiện thể. Chính khi bước vào hoạt động và
nắm bắt được một yếu tính khả niệm thì trí năng ngay lập tức hồi qui trên chính hành
động của mình, để rồi từ đó nhận ra mình như là căn nguyên của hành động ấy. Đây
không phải là một sự lý luận nhưng có thể coi như là một thứ “trực cảm” của trí năng
chính trong và qua hành động của mình. Như vậy, để có hành động phản tỉnh thì tiên
vàn trí năng phải trực tiếp nhận thức một đối tượng nào đó thuộc ngoại giới. Thánh
Tôma viết như sau: Trong tất cả các quan năng vốn có khả năng hồi qui trên chính
các hành động của mình, trước hết đòi hỏi rằng, quan năng đó phải thực hiện một
hành động hướng đến một đối tượng khác với chính nó, rồi sau đó, nó mới quay trở
về trên chính mình. Bởi vì, nếu trí năng biết rằng mình biết thì nhất thiết là nó phải
biết điều gì đó trước đã. Thế rồi như một hệ quả kéo theo, nó mới biết rằng mình biết
(Contra gentiles, II, ch. 26). Nói cách khác, nhận thức một điều gì đó thì diễn ra trước
khi biết rằng mình nhận thức. Như vậy, trí năng đạt đến sự nhận biết hiện động về
chính mình qua trung gian của một hành động trí tuệ diễn ra trước đó.

54
II. Một số điểm cần ghi nhận

a. Trí năng là quan năng của linh hồn. Do đặc tính thiêng liêng, trí năng chính là
quan năng đặc trưng nhất của linh hồn con người, nhờ đó mà linh hồn được xác định
là hồn suy lý (Intellective soul). Có sự trùng khớp giữa trí năng và linh hồn. Đây cũng
là lý do tại sao chính thánh Tôma thường dùng hai khái niệm này theo lối hoán
chuyển như thể chúng chỉ là một. Do vậy, những gì ở đây chúng ta nói về trí năng tức
là cũng hiểu về linh hồn – chủ quản trực tiếp của trí năng và hẳn nhiên, những gì nói
về linh hồn thì suy cho cùng, đó chính là nói về chính con người xét như một chủ thể
hiện hữu trong thực tế.
b. Sự nhận thức mà trí năng hay linh hồn có về mình là một sự nhận thức diễn ra
không cần đến sự trung gian của một ảnh khả niệm. Khi trí năng bước vào hiện thế
thì hành động của trí năng đang ở trong chính nó theo cách vô chất, thế mà hiện hữu
trong một chủ thể theo cách vô chất, đó chính là điều kiện để được nhận thức. Và như
vậy, trí năng không thể không nhận biết chính tác động của mình cùng với thành quả
của nó, tức một quan niệm vô chất. Khi nhận biết hành động của mình thì trí năng
cũng đồng thời nhận biết mình như là tác nhân, như là chủ thể thực hiện chính hành
động đó.
c. Khi nói linh hồn tự biết mình, thì điều đó không có ý nói rằng, linh hồn biết
được chính yếu tính của mình. Đúng hơn, linh hồn chỉ trực tiếp biết mình như một
chủ thể đang hiện hữu. Để biết chính yếu tính của mình, linh hồn phải thực hiện việc
lý luận theo phép loại suy. Đây là điều đòi hỏi nhiều công sức. Mặt khác, linh hồn chỉ
biết mình dưới góc độ nó đang thực hiện một hành động trong lúc này, bởi lẽ, linh
hồn không phải luôn luôn hành động. Do vậy, để linh hồn nhận thức mình như một
toàn thể tính tồn hữu (existing totality), thì cần có sự góp phần của kí ức.

55
Phần III: ĐỜI SỐNG XÚC CẢM CỦA CON NGƯỜI
(AFFECTIVE LIFE/ AFFECTIVITY)

Chương 1: TỔNG QUAN VỀ THỊ DỤC THUỘC CẤP ĐỘ CẢM


GIÁC
I. Thị dục và điều thiện

1. Đời sống xúc cảm là gì?


Trên đây, chúng ta đã tìm hiểu về sinh hoạt nhận thức của con người bao gồm 2
cấp độ: cảm giác và trí tuệ. Nhìn chung, trong các hoạt động nhận thức, chủ thể tiếp
nhận các sự vật vào mình và đồng hóa chúng theo cách ý hướng. Và như thế, chủ thể
trở nên muôn vật. Bên cạnh đó, trong kinh nghiệm thường ngày, chúng ta còn nhận
thấy trong nội giới của mình có một vận hành theo hướng ngược lại, lôi kéo con
người về phía thế giới của các sự vật. Trong vận hành này, con người đạt đến các vật
trong chính sự thực hữu sinh động của chúng chứ không phải là sở đắc chúng theo
cách ý hướng. Đây là một cuộc tiếp xúc hiện sinh với thế giới. Do vậy, vận hành này
có tính chất hiện thực và xuất thần. Cái vận hành hướng về phía các vật khác chỉ có
thể được giải thích bằng cái xu hướng căn bản nơi mỗi vật, đó là cái xu hướng khao
khát hay tìm kiếm sự hoàn hảo của chính mình. Chính cái xu hướng căn bản đó sẽ
dẫn đến những động thái muôn màu muôn vẻ của chủ thể trong mối liên hệ với
những sự vật cụ thể. Đó có thể là những cuộc tìm kiếm hay trốn chạy. Những sự tiếp
cận hay lãng tránh, kèm theo đó là những tâm trạng phấn khích hay u sầu. Tất cả
những động thái tiến tới hay lùi xa đan quyện với những cung bậc cảm xúc đa dạng
ấy, góp phần thêu dệt nên đời sống xúc cảm của chúng ta. Do vậy, khái niệm đời
sống xúc cảm có nghĩa bao quát hơn là những rung động tình cảm hay cảm xúc yêu
ghét, vui buồn, sợ hãi, giận dữ… Những cảm xúc này chỉ là một phần trong đời sống
xúc cảm. Đúng hơn, đời sống xúc cảm chính là vận hành của các quan năng thị dục
của linh hồn ở cả cấp độ cảm giác cũng như tinh thần biểu hiện ra nơi các xu hướng,
hay các sự hướng chiều về các điều thiện hoặc né tránh các điều dữ cùng các tâm
trạng cảm xúc đan xen trong đó.
2. Tìm hiểu các khái niệm thị dục và điều thiện
Cách chung, khái niệm thị dục được hiểu là quan năng hay năng lực của linh
hồn, từ đó phát xuất ra các xu hướng, các sự nghiêng chiều hay ham muốn. Cần lưu ý
rằng, thị dục và điều thiện là hai khái niệm có liên hệ chằng chéo với nhau, không thể
định nghĩa điều này mà không đưa điều kia vào câu định nghĩa. Do đó, người ta định
nghĩa, thị dục là nguyên lý từ đó phát xuất ra các xu hướng nơi một hữu thể hướng
đến điều thiện của nó. Và ngược lại, điều thiện là đối tượng của thị dục. Hay nói theo
Aristote, sự thiện là điều mà tất cả mọi vật đều có một sự hướng chiều về đó. Điều
56
thiện nếu xét như là điều mà tác nhân hướng đến, vì nó mà tác nhân hành động thì nó
trở thành mục đích. Mục đích cũng bao hàm ý tưởng về điểm đến. Do đó, mục đích là
chỗ kết thúc vận hành của thị dục. Như vậy, mục đích là điều thiện mà ngoài nó ra,
người ta không còn tìm kiếm điều thiện nào khác, ít là xét trong một trật tự nhất định
của thực tại.
Thế còn phương tiện là điều dẫn tới mục đích. Phương tiện tự thân không có
được đặc tính đáng mến chuộng. Sỡ dĩ phương tiện cũng được coi là một điều thiện,
xét vì nó thông dự vào sự thiện hảo của mục đích. Thí dụ, uống thuốc đắng nhằm đạt
đến sức khỏe của cơ thể. Sự thiện thể hiện nguyên nhân tính (causality) đối với chủ
thể hay thị dục không theo cách của một nguyên nhân mô thể hay nguyên nhân tác
thành. Sự thiện hay mục đích thể hiện vị thế nguyên nhân bằng cách làm cho mình
được yêu mến. Như vậy, sự thiện đánh thức, gọi mời tình yêu nơi chủ thể. Nó làm
phát sinh thứ tình yêu được cảm nhận cách thụ động nơi chủ thể, và theo sau đó, là sự
hướng chiều của chủ thể về phía đối tượng. Augustinô đã từng nói: “Tình yêu của tôi
là sức nặng của tôi” (Amor meus pondus meum).
3. Phân loại các thị dục
a. Thị dục tự nhiên (natura appetite)
Bất kỳ hữu thể nào, kể cả các vật vô tri, cũng mang trong mình các xu hướng
hay các sự hướng chiều. Chẳng hạn, vật nặng thì rơi xuống, lửa thì bốc lên cao, nam
châm hút kim loại, cây cối mọc lên cao… Nguồn gốc của các xu hướng này nằm ở
nơi mô thể tự nhiên của vật, vì mô thể là nguyên lý của bản tính, và do đó, là nguyên
lý của các hoạt động tự nhiên. Ta có nguyên tắc: mỗi mô thể đều kéo theo một xu
hướng (Ad omnem forumam sequitur inclinatio). Do vậy, các xu hướng xuất phát từ
bản tính của sự vật, còn được gọi là thị dục tự nhiên, chúng được ghi khắc nơi chính
bản tính của sự vật. Cần ghi nhận rằng, nơi con người cũng vẫn có những thị dục tự
nhiên thuộc bản năng, chẳng hạn: bản năng dinh dưỡng, bản năng tính dục hay bản
năng sống kết đoàn. Dù những thị dục này có được chủ thể nhận biết hay không thì
chúng vẫn tồn tại. Tuy nhiên, nơi con người, chúng có thể được kiểm soát bởi thị dục
cấp cao. Bên cạnh đó, nơi con người cần phải kể đến một thứ thị dục tự nhiên khác,
chính do việc con người sở đắc các quan năng nhận thức. Thật vậy, xét nguyên việc
con người có các quan năng nhận thức đó thì nó đã có những xu hướng tự nhiên về
việc cảm nhận và hiểu biết. Chẳng hạn, mắt tự bản chất hướng đến hành đồng nhìn,
tai tự bản chất hướng đến hành động nghe, trí năng hướng đến hành động để hiểu
biết. Thế nhưng khi các quan năng này thực hiện việc nhận thức một đối tượng nhất
định trong hiện thực, thì mô thể ý hướng sở đắc được sẽ làm phát sinh trong chủ thể
các thị dục mới không còn phải là thị dục tự nhiên nhưng là thị dục được khơi gợi (sự
thèm muốn quả xoài đó).
b. Thị dục được khơi gợi (elicited appetite)
Đây là thị dục thuộc riêng các vật hữu tri vì thị dục này theo sau sự nhận thức về
một điều thiện nào đó. Ở đây, chúng ta gặp lại nguyên tắc, mỗi mô thể đều kéo theo
57
một xu hướng khác với trường hợp mô thể tự nhiên. Cái mô thể ở đây là mô thể ý
hướng được chủ thể tiếp nhận vào mình qua hoạt động nhận thức. Chính do mô thể
này mà nảy sinh trong chủ thể một sự hướng chiều về đối tượng. Chẳng hạn, một
cách tự nhiên, tôi có xu hướng thâu nạp dưỡng chất cho cơ thể. Thế nhưng, thị dục tự
nhiên về dinh dưỡng ấy thì không đủ để tôi ao ước một thanh kẹo sôcôla, cần phải có
một “ấn ảnh” nào đó về sự thơm ngon, hấp dẫn của kẹo sôcôla ở trong tôi, ấn ảnh đó
có được là do tôi đã có dịp nếm thử một thanh sôcôla trước đó.
Nơi con người có hai cấp độ nhận thức khác nhau: nhận thức thuộc cảm giác và
nhận thức thuộc trí tuệ. Tương ứng với hai cấp độ nhận thức ấy, người ta cũng phân
biệt hai loại thị dục được khơi gợi: thị dục cảm giác và thị dục trí tuệ. Các thị dục
cảm giác thì theo sau sự nhận thức thuộc bình diện cảm giác và hướng đến một đối
tượng cụ thể; còn thị dục trí tuệ thì theo sau một sự nhận thức thuộc trí tuệ và có đối
tượng là điều thiện được trí tuệ nhận thức cách trừu tượng.
Tóm lại cần ghi nhận tầm quan trọng của các thị dục trong sinh hoạt tâm lý.
Chúng là gốc rễ của toàn bộ đời sống xúc cảm. Bởi vì, các tình cảm và các thụ cảm
không gì khác hơn là các tâm trạng hoặc các trạng thái ý thức vốn nảy sinh từ các xu
hướng được thỏa mãn hay bị bóp nghẹt. Các thị dục còn là nguyên lý của đời sống
hoạt động, bởi vì, hoạt động thì đi liền sau các xu hướng. Sau hết, các thị dục còn ảnh
hưởng trên thao tác của sự nhận thức, bởi vì trong con người có một xu hướng tự
nhiên về việc cảm nhận và hiểu biết.
II. Thị dục cảm giác

1. Định nghĩa
Thị dục cảm giác phân biệt với thị dục tự nhiên căn cứ vào nguồn gốc của nó.
Thị dục tự nhiên thì theo sau mô thể tự nhiên của sự vật, còn thị dục cảm giác thì
theo sau một mô thể ý hướng được tiếp nhận vào chủ thể qua sự nhận thức của các
giác quan. Chính trong tư cách là cái được nhận thức mà mô thể ấy làm phát sinh
trong chủ thể một xu hướng. Chính các nhu cầu của sự sống nơi con vật và con người
đòi buộc chúng phải hướng tới điều mà chúng nhận biết không chỉ để biết mà thôi,
nhưng còn vì những mục đích hữu dụng khác. Đó là lý do tại sao nảy sinh thị dục
mới từ chính sự nhận thức thuộc cảm giác. Do vậy, nó được gọi là thị dục cảm giác.
2. Phân loại
Tâm lý học cổ điển phân chia thị dục cảm giác thành hai loại: tham dục
(concupiscible appetite) và nộ dục (irascible appetite). Cần ghi nhận rằng, sự hướng
chiều về điều thiện thì cũng đồng thời bao hàm một xu hướng theo chiều ngược lại,
tức là sự né tránh đối với điều dữ hay điều xấu. Cách chung, chúng ta có xu hướng
tìm kiếm hay khao khát điều thiện (khoái lạc) và tránh né điều dữ (điều gây đau đớn,
khó chịu), xu hướng này gọi là tham dục. Tuy nhiên, điều thiện mà chúng ta tìm kiếm
có thể là điều khó đạt tới. Cũng vậy, điều dữ có thể là điều có tính chất đe dọa. Trong

58
trường hợp này, chúng ta có xu hướng chiến đấu để thắng vượt các trở ngại, cũng
như kháng cự lại điều dữ có tính chất đe dọa, xu hướng này gọi là nộ dục.
Trong tâm lý học hiện đại, nhất là phân tâm học của Freud, người ta cũng gặp
thấy hai khái niệm tương đương: dục năng (libido) và bản năng gây hấn (instinct of
aggressiveness). Xét về mối liên hệ giữa tham dục và nộ dục, thánh Tôma cho rằng,
không thể giảm lược cái nọ vào cái kia vì cả hai đều cần thiết. Ngoài ra, nộ dục thì
quy hướng đến tham dục. Sỡ dĩ nộ dục nảy sinh, đó là để giúp cho tham dục đạt đến
điều nó khao khát. Ngài viết: “Nộ dục chẳng khác nào một lá chắn của tham dục. Nộ
dục nổi dậy chống lại những trở ngại trong việc đạt tới những điều dễ chịu mà tham
dục đang ngưỡng vọng, và chống lại những nguyên nhân gây tổn hại mà tham dục né
tránh. Do đó, tất cả những thụ cảm (passions) thuộc nộ dục thì bắt nguồn từ những
thụ cảm thuộc tham dục và cũng kết thúc nơi một thụ cảm nào đó thuộc tham dục.
Cơn giận chẳng hạn, nảy sinh từ một nỗi buồn đang xâm chiếm chủ thể và khi nó đã
giải tỏa nỗi buồn khỏi chủ thể rồi, thì nó lại nguôi dịu thành một tâm trạng vui tươi.”
(ST I, q. 81, a. 2)
3. Các thụ cảm (passion)
a. Tìm hiểu khái niệm
Trước hết cần ghi nhận rằng, hạn từ passio trong tâm lý học cổ điển thì có nghĩa
khác với hạn từ passio trong tâm lý học hiện đại. Trong tâm lý học cổ điển, passio
biểu thị một diễn biến hay một động thái (motus/movement) thuộc địa hạt xúc cảm,
chẳng hạn: yêu, ghét, giận dữ, sợ hãi và luôn đi kèm với một phản ứng của cơ thể. Vì
vậy, nó có thể được dịch sang tiếng việt là thụ cảm hay cảm xúc. Thế còn passio theo
tâm lý học hiện đại thì lại biểu thị sự rối loạn về mặt xúc cảm ở bình diện cảm giác,
tức là một cảm xúc nào đó “đè bẹp” các cảm xúc khác để chiếm lĩnh vị thế độc tôn
trong việc chi phối chủ thể. Chẳng hạn, một tình yêu mê cuồng hay các chứng nghiện
ngập chính là biểu hiện của thứ cảm xúc này. Theo nghĩa này, nó được dịch sang
tiếng Việt là đam mê.
Hạn từ thụ cảm có gốc bởi động từ “pati” trong tiếng Latinh, nghĩa là thụ nhận,
chịu tác động của cái khác. Nghĩa tầm nguyên cho thấy rằng, cái thực tại thuộc tâm
giới này được coi như một diễn biến thụ lãnh. Tính chất thụ động thể hiện cách rõ rệt
qua những chuyển biến trong cơ thể vốn đi kèm với các diễn biến thuộc xúc cảm.
Những chuyển biến ấy là điều mà chúng ta phải chấp nhận dù muốn hay không.
Chẳng hạn, sự giận dữ làm cho tái mặt, sự xấu hổ khiến mặt đỏ bừng, sự sợ hãi làm
cho tay chân run rẩy, đau buồn khiến nước mắt nước mũi giàn giụa. Như vậy, trong
một thụ cảm, người ta phân biệt hai cấu tố: một cấu tố chất thể, tức là các biến đổi
nơi cơ thể và một cấu tố mô thể, là điều phát xuất từ thị dục. Chẳng hạn, trong một
cơn giận, yếu tố chất thể là sự nóng bừng của máu trong huyết quản, còn yếu tố mô
thể hệ tại sự khao khát báo thù. Lối giải thích này cho phép thiết lập được một tương
quan hợp lý giữa điều thuộc tâm giới và điều thuộc cơ thể trong hiện tượng thụ cảm.
b. Phân loại các thụ cảm
59
Các triết gia cổ thời đã phân chia thành 11 thụ cảm khác nhau, tùy theo đối
tượng mà thị dục nhắm đến là điều thiện khả giác hay điều dữ khả giác, cùng với các
điều thiện khác nhau của chúng (chẳng hạn, có mặt hay vắng mặt, thắng được hay bất
khả thắng…). Có 6 thụ cảm thuộc về tham dục, 5 thụ cảm thuộc về nộ dục.
Tương quan với điều thiện Tương quan với điều dữ
6 thụ cảm do Yêu thích Chê ghét
tham dục
Thèm khát (vắng mặt) Tởm gớm (vắng mặt)
Vui sướng (có mặt) Buồn phiền (có mặt, không
tránh được)
5 thụ cảm do nộ Hy vọng (vắng, khó đạt) Bạo dạn (vắng, thắng được)
dục
Thất vọng (vắng, bất Lo sợ (vắng, không thắng được)
khả)
Giận dữ (có mặt, thắng được)
4. Chuỗi liên kết dây chuyền của các thụ cảm
Để chứng tỏ cách thức các thụ cảm nảy sinh trong ý thức của chủ thể như thế
nào, chúng ta thử lấy một trường hợp tiêu biểu để minh họa: giả sử đây là một điều
thiện khó đạt, và có một vật cản ngăn cách ta với điều thiện ấy (một cây hoa quý mọc
ở bờ sông bên kia chẳng hạn!).

Thế thì cái vận hành (motus) đầu tiên nảy sinh chính là sự yêu thích mà ta dành
cho điều thiện ấy xét nơi chính nó; đây là đầu mối của tất cả những diễn biến tiếp
theo.

Do bởi chính sự kiện điều thiện kia là cái được ta yêu thích, cho nên vật cản
(dòng sông) ngăn cách ta với điều thiện sẽ xuất hiện cho ta như một điều dữ; và do
đó, nó trở thành đối tượng của sự chê ghét.

Đồng thời nảy sinh nơi ta sự khao khát đối với điều thiện (vắng mặt, chưa đạt
được) và sự tởm gớm đối với vật cản (lúc này ta chưa đối đầu trực tiếp với nó).

Thế rồi, tùy theo từng trường hợp: nếu vật cản kia là điều mà ta có thể thắng
vượt được (nếu ta biết bơi, hoặc có thuyền) thì nảy sinh trong ta niềm hy vọng; còn
nếu nó là điều ta không thể vượt thắng được thì nảy sinh trong ta nỗi thất vọng.

Niềm hy vọng lại làm nảy sinh sự mạnh dạn: ta tiến về phía vật cản. Thế rồi sự
giận dữ bùng lên khi ta đối mặt với mặt nó. Cuối cùng, khi vật cản đã bị khắc phục
hoặc đánh bại, và ta có trong tay điều thiện mong ước thì khi ấy sẽ là tâm trạng phấn
khởi, vui tươi.
60
Trong trường hợp ngược lại thì nỗi thất vọng sẽ làm nảy sinh sự sợ hãi (sợ chết
đuối). Ta đành thoái lui trước vật cản. Trường hợp này không có sự giận dữ vì ta
không giáp mặt với vật cản. Thay vào đó, lập tức nảy sinh trong ta tâm trạng buồn
sầu vì không chiếm hữu được điều thiện ta mong ước.

5. Cách phân loại theo tâm lý học hiện đại


Các nhà tâm lý học ngày nay đưa ra một cách phân loại mới, không chú trọng
đến con số, nhưng chú trọng đến các dạng thức mà các diễn biến xúc cảm có thể mặc
lấy trong đời sống cụ thể của chủ thể. Mỗi diễn biến xúc cảm như yêu, ghét, vui,
buồn, bạo dạn, lo sợ… có thể được xét hoặc như là tình cảm (sentiment), hoặc như
đam mê (passion), hoặc như cơn xúc động (emotion).
a. Tình cảm
Tình cảm dựa trên cơ sở sự nhận thức quân bình về đối tượng. Do vậy, tình cảm
thì bình lặng, an hòa, sáng suốt. Điều này làm nó khác hẳn với đam mê. Tình cảm
không chỉ đem lại trạng thái quân bình trong tâm giới, nhưng nó còn điều tiết cả
những hoạt động của chủ thể cho phù hợp với hoàn cảnh và bản chất của đối tượng.
Tắt một lời, tình cảm chính là sự mực thước của linh hồn, và là sự trưởng thành về
xúc cảm.
b. Cơn xúc động
Cơn xúc động là một trạng thái xúc cảm cao độ, mà hiệu quả đầu tiên của nó là
làm xáo trộn các chức năng của tâm trí. Khi bị xúc động, chủ thể sẽ mất khả năng
kiểm soát trí tuệ, phán đoán bị tê liệt. Sự xúc động không những làm xáo trộn trong
tâm giới nhưng còn phá vỡ sự quân bình của cơ thể: rối loạn về nhịp tim, hơi thở, bắp
thịt. Sự xúc động còn làm cho cách ứng xử ra tệ hại: nó khiến chủ thể biểu lộ những
cử chỉ hoàn toàn ngược lại với cử chỉ phải có trong một tình huống nhất định.
c. Đam mê
Đam mê là một sự dao động của xúc cảm, có tính chất khu trú và kéo dài. Về
điểm này, nó khác với sự xúc động vốn là một cơn dao động đột ngột và không kéo
dài. Đam mê giới hạn tầm nhìn của lý trí, nó khiến tâm trí bị gắn chặt vào một đối
tượng. Xét cho cùng, đam mê khiến người ta rơi vào thái độ quy ngã triệt để. Kẻ rơi
vào cơn đam mê ra như bị ám ảnh, luẩn quẩn với chính mình và mất khả năng khai
mở với thế giới của tha nhân. Hiệu quả của đam mê trên cơ thể không được rõ nét
như trong sự xúc động. Tuy nhiên, do đặc tính độc tôn của đam mê, nó ngăn cản chủ
thể thích ứng với cả một dải những bổn phận của mình, cũng như những lề thói của
đời sống xã hội. Nói chung, đam mê làm xáo trộn cách ứng xử của con người. Hiểu
như thế, nó là một thứ tâm bệnh.

61
62
Chương 2: Ý CHÍ – THỊ DỤC TINH THẦN
I. Sự hiện hữu và bản chất của ý chí

a. Kinh nghiệm thường ngày với những tình huống khác nhau xác nhận về sự
tồn tại của một xu hướng cấp cao nơi con người. Thật vậy, mỗi một hành vi tự chủ
đích thực mà chúng ta thể hiện trong cuộc sống đều là một sự biểu lộ tiềm ẩn của ý
chí. Trong các hành động như vậy, chúng ta đều ý thức được về thực tế này, là có
những xu hướng cấp thấp nơi chúng ta bị đặt dưới sự kiểm soát của một xu hướng
cao hơn. Xu hướng cao hơn này chính là ý chí. Thực ra cũng có trường hợp, sự tự
chủ này chỉ có tính chất bề ngoài. Chẳng hạn, khi một kẻ gian chịu thúc thủ trước ví
tiền dày cộm của người khác vì sợ bị bắt và rơi vào cảnh tù tội thì thái độ của hắn
không phải sự tự chủ đúng nghĩa, phần nào cũng giống như động thái của con chó bị
đói nhưng không dám tấp lấy miếng thịt trên bàn của chủ vì sợ ăn đòn. Ngoài trường
hợp này ra thì còn có vô số trường hợp cho thấy người ta tự kiềm chế những xu
hướng hạ đẳng chỉ vì những lý do thuần túy tinh thần hay cao thượng chứ không phải
để tránh những đau đớn thể lý hay để chiếm được một sự thỏa mãn nào đó.
Mặt khác, kinh nghiệm còn cho thấy rằng, đôi khi chúng ta chủ động muốn một
đối tượng gây khó chịu cho cơ thể hoặc đi ngược với những xu hướng của cảm giác.
Chẳng hạn, khi chúng ta uống một liều thuốc đắng, chịu đựng một cuộc phẫu thuật
đau đớn hoặc thực hiện một công việc khó khăn. Trong những trường hợp này, chúng
ta không bị lôi cuốn bởi những sự thiện vật chất và khả giác nhưng bởi sự thiện do trí
tuệ giãi bày.
Ngoài ra, còn có thể kể đến hiện tượng về sự chú ý có chủ ý. Sự chú ý có chủ ý
thì khác với sự chú ý tự phát. Sự chú ý tự phát là sự tập trung của các giác quan hay
trí tuệ vào một đối tượng vốn thu hút một trong những thị dục cấp thấp nào đó.
Chẳng hạn như khi xem một bộ phim hấp dẫn. Thế còn trong sự chú ý có chủ ý,
chúng ta tập trung các giác quan và trí tuệ vào đối tượng vốn không lối cuốn những
xu hướng thuộc cảm giác của chúng ta. Sở dĩ chúng ta tập trung chú ý vào đó là vì
chúng ta muốn như thế và chúng ta muốn là vì trí năng mách bảo cho chúng ta rằng
tập trung chú ý vào đó là tốt. Chẳng hạn, tập trung trí óc để đọc một cuốn giáo trình
khô khan nhưng hữu ích cho kỳ thi sắp tới.
b. Về phương diện triết học, xem ra không quá khó để chứng minh sự tồn tại của
một thị dục tinh thần nơi con người. Thật vậy, trên đây chúng ta đã chứng tỏ rằng, thị
dục được khơi gợi thì đi theo sau và tương ứng với bản chất của quan năng nhận
thức. Thế mà trong phần nghiên cứu về lãnh vực nhận thức, chúng ta đã chứng tỏ
được rằng, nơi con người có quan năng nhận thức tinh thần, tức là trí tuệ vốn không
lệ thuộc cách nội tại vào chất thể. Điều này đem lại cho con người một địa hạt nhận
thức trổi vượt hơn sự nhận thức của các giác quan. Như vậy, một cách tương ứng,

63
con người cũng có thứ thị dục thuộc tinh thần mà ta gọi là ý muốn hay ý chí
(voluntas/the will). Vậy tương tự như trí năng, ý chí có bản chất thiêng liêng.
II. Đối tượng của ý chí

1. Đối tượng của ý chí là điều thiện phổ quát


Xét cách chung, đối tượng của một thị dục luôn là một điều thiện. Trên đây, ta
đã xác định, đối tượng của thị dục cảm giác là một điều thiện đặc thù, khả giác. Thế
còn ý chí, tức thị dục tinh thần chỉ hướng đến điều thiện của nó, sau khi trí năng đã
có thể đưa ra phán đoán về điều thiện ấy. Thế mà, trí năng lại nhận thức đối tượng
bằng các ý niệm. Cho nên, điều thiện được trí năng trình bày trong một ý niệm thì sẽ
mang những đặc tính: phổ quát, tất yếu và trừu tượng. Vậy chính điều thiện phổ quát
là đối tượng mô thể của ý chí. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là ý chí hướng
đến ý niệm về điều thiện hoặc ý chí yêu mến ý niệm về điều thiện.
Cần nhớ rằng, thị dục xét cách chung luôn hướng đến các sự vật trong sự hiện
hữu cụ thể, chứ không phải trong cái biểu đạt về chúng (hình ảnh, ý niệm). Bởi đó,
khi nói rằng, đối tượng của ý chí là điều thiện phổ quát thì người ta có ý nói rằng,
trong một thực tại cụ thể, đặc thù và hiện thực, chính khía cạnh của Điều Thiện
(Ratio Boni) thể hiện nơi ấy mới là cái lôi kéo ý chí. Nói cách khác, đứng trước một
sự vật cụ thể, trí năng sẽ làm cho ý chí thấy được khía cạnh của điều thiện mà vật ấy
hàm chứa. Và vì ý chí là thị dục của điều thiện nên nó sẽ hướng đến sự vật ấy. Chẳng
hạn, đứng trước một mâm cỗ, thị dục cảm giác hướng đến nó vì những món ăn khoái
khẩu nhưng thị dục tinh thần hướng đến mâm cỗ vì trí năng giãi bày cho nó ý nghĩa
của tình bạn (ratio boni).
* Khi ta nói đối tượng của ý chí là điều thiện thì như vậy cũng có nghĩa là, điều
xấu hay điều dữ, xét nguyên nó, không bao giờ được ý chí muốn hay yêu thích. Nó
không thể được yêu thích. Thật vậy, cả khi ai đó muốn một điều xấu thì đó chính là
vì người ấy thực sự nhắm đến một khía cạnh thiện hảo nào đó: một cảm xúc dễ chịu
hoặc để chấm dứt một điều xấu lớn hơn.
Vậy thì phải hiểu thế nào về tội lỗi? Phải chăng không có ai xấu xa một cách cố
ý? Hay phải chăng, tội nhân nào cũng đều do ngu muội mà ra cả? Chúng ta cần nhớ
điều này là người ta có thể muốn một điều thiện vô trật tự, đang khi biết rõ rằng đó là
điều vô trật tự (tìm cách mồi chài người đã có gia đình). Thế mà đang khi muốn điều
thiện vô trật tự ấy, người ta đã phạm một lỗi lầm về luân lý, bởi vì, tội hệ ở chính sự
ước muốn điều vô trật tự. Cũng không thể tự biện hộ rằng, tôi chỉ muốn điều thiện
chứ không muốn điều vô trật tự. Ở đây, không thể nào tách điều thiện ra khỏi điều vô
trật tự, cả hai gắn kết với nhau về mặt thực thể luận. Cho nên, đang khi muốn điều
thiện ấy thì người ta cũng đồng thời muốn điều vô trật tự vốn bao hàm trong đó.
2. Ý chí muốn hạnh phúc một cách tất yếu
Trên bình diện tâm lý, điều thiện phổ quát thường được diễn tả bằng một khái
niệm tương đương là hạnh phúc. Hạnh phúc là điều thiện gồm thâu trong nó mọi điều
64
tốt đẹp. Đó là điều thiện làm no thỏa, đổ tràn trên con người cả một dải những năng
lực muôn màu muôn vẻ của nó. Đó là điều mà mọi con người kiên tâm tìm kiếm suốt
cả cuộc đời dù họ đi theo những con đường khác nhau hoặc dùng đến những phương
tiện khác nhau. Hạnh phúc, đó chính là điều tôi muốn. Đây chính là cái nguyên lý
làm nền cho toàn bộ sinh hoạt xúc cảm của con người.
Đứng trước một đối tượng thiện hảo toàn diện là hạnh phúc, ý chí không thể
không ước muốn. Nó không thể muốn điều ngược lại, cũng tương tự như trí năng
không thể chối bỏ chân lý hiển nhiên. Hay nói cách khác, ý chí muốn hạnh phúc cách
tất yếu. Duy điều thiện toàn diện và trọn vẹn như thế mới có thể áp đặt trên ý chí
cách tất yếu. Trái lại, đối với các điều thiện đặc thù, chỉ xét nguyên việc chúng là cái
đặc thù thì đã thấy là chúng không biểu hiện điều thiện toàn diện, và xét dưới góc độ
này thì chúng có thể bị xem là các điều xấu (chọn nó thì có thể cướp mất của tôi một
điều thiện khác). Và vì lẽ đó, chúng có thể được muốn hoặc không muốn bởi ý chí
vốn có đặc quyền hướng đến cùng một thực tại hay sự vật theo những khía cạnh khác
nhau của sự vật ấy. Nếu tôi coi đó là điều thiện, tôi sẽ chọn nó; còn nếu tôi coi nó là
điều xấu, tôi sẽ không chọn. Chính ở chỗ này mà ta nói đến sự tự do của ý chí.
III. Xếp loại các hoạt động của ý chí

Ý chí có nhiều hoạt động khác nhau, cần phân biệt rõ ràng để nghiên cứu về sự
tự do. Thánh Tôma đã trình bày 6 loại hoạt động của ý chí xen kẽ với 6 hoạt động
của trí năng theo nguyên tắc: hoạt động của ý chí thì theo sau hoạt động của trí năng.
Ở đây, chúng ta chỉ xét riêng 6 hoạt động của ý chí. Chúng được chia thành hai loại:
các hoạt động nhắm thẳng vào mục đích và các hoạt động nhắm vào các phương tiện
dẫn tới mục đích. Nếu xét theo trình tự trước sau thì trật tự của các hoạt động này
diễn ra như sau:
a. Ước muốn chớm phát (simplex volitio): đây là một ước muốn mới bộc phát,
chưa hữu hiệu hoặc mới chỉ là một sự ưng thuận sơ khởi đối với điều thiện do trí tuệ
giới thiệu, “cũng hay đấy”.
b. Ý định (intentio): Là hành động ước muốn hữu hiệu đối với điều thiện kia và
nhắm đến nó như mục tiêu để theo đuổi, “tôi muốn làm được nó”.
c. Ưng thuận (consensus): Trong phạm vi lý thuyết, consentire có nghĩa là có
cùng suy nghĩ, cùng quan điểm với ai đó; còn trong phạm vi thực hành, nó có nghĩa
là chiều theo ý muốn, lời mời gọi hoặc yêu cầu của người khác. Như vậy, ưng thuận
ở đây hiểu là hành động của ý chí của một người chấp thuận các phương tiện được đề
nghị nhằm đạt đến mục tiêu, “đồng ý”.
d. Lựa chọn (electio): Là hành động của ý chí quyết định lựa chọn một phương
tiện duy nhất trong những cái khác nhau để đạt tới mục tiêu. Đây là hành động chính
yếu của ý chí. Nó biểu lộ sự tự do của con người, “lấy ngay”.
e. Sử dụng (usus activus): Nói chung là vận dụng vật gì vào một công việc, ví
dụ, sử dụng con dao để cắt bánh. Ở đây hiểu là một hành động của ý chí huy động
65
mọi quan năng và nguồn lực của con người như trí năng, trí tưởng tượng, ngôn ngữ,
cơ phận, tay chân…, kể cả các dụng cụ bên ngoài, để thực hiện một công việc gì. Sở
dĩ gọi đây là hành động của ý chí vì ý chí đóng vai trò chủ chốt, “vào việc”.
f. Thụ hưởng (fruitio): Đây là hành động vui hưởng sự thiện đã chiếm hữu được,
“thật tuyệt”.
Khi theo dõi tiến trình hoạt động của ý chí, ta thấy được tính chất đặc trưng của
con người, tức là biết quy hướng về một mục đích, không buông trôi bất định, biết
cân nhắc lựa chọn theo ý kiến của mình, không hùa theo dư luận, biết vận dụng năng
lực để đạt tới mục tiêu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải các bước luôn diễn
tiến theo trình tự từ đầu đến cuối, cũng có nhiều khi chúng ta đốt giai đoạn: có những
hành vi chỉ dừng lại ở sự ước mơ và không được đem ra thi hành; có những hành vi
được thi hành cách hấp tấp, thiếu cân nhắc; cũng có những hành vi đã được tính toán,
khởi sự nhưng lại bị bỏ dở trước khi đạt đến đích.
IV. Ý chí với các thụ cảm

Ý chí và các thụ cảm cùng thuộc về địa hạt xúc cảm của các thị dục nhưng
thuộc hai cấp độ khác nhau: cấp độ cảm giác và cấp độ tinh thần. Ý chí là quan năng
tinh thần nên hẳn nhiên là cao trọng hơn các thụ cảm vốn xuất phất từ các thị dục
cảm giác. Ở đây, ta thử xét đến ảnh hưởng qua lại giữa chúng.
1. Các thụ cảm tác động đến ý chí
Trước hết, cần ghi nhận rằng, các thụ cảm không thể tác động trực tiếp vào ý chí
vì đôi bên thuộc hai đẳng cấp khác nhau. Tuy vậy, các thụ cảm có thể tác động trên ý
chí bằng hai cách, một về về chủ thể, một về phía đối tượng.
* Về phía chủ thể, các thụ cảm và ý chí đều có chung một chủ thể là con người.
Nói chung, các thụ cảm có thể làm thay đổi tư chất và tính tình con người. Do vậy,
nó cũng làm biến đổi cảm thức của con người về thiện ác. Theo nguyên tắc triết học,
con người thế nào nhắm mục đích thế ấy. Chẳng hạn, một con người chủ trương sống
phóng khoáng, dễ dãi trong tương quan với người khác phái dễ sa đà vào các cuộc
phiêu lưu tình ái bất chính. Khi đam mê dâng lên tột bậc, nó có thể làm lu mờ ý chí,
làm cho con người mất khả năng tập trung chú ý và nhận định chính xác. Lúc đó,
người ta chỉ con thấy nơi đối tượng những gì hợp với đam mê.
* Về phía đối tượng, thông qua trí tưởng tượng, các thụ cảm có thể tô điểm đối
tượng hoặc bôi nhọ cho thêm gớm ghiếc. Lý trí nhận xét và phán đoán dựa theo trí
tưởng tượng, còn ý chí thì chiều theo phán đoán thiên lệch của nó.
2. Ý chí điều khiển các thụ cảm
Aristote đã đưa ra một nhận xét thật chí lý: Ý chí không có quyền thống trị trên
các thụ cảm nhưng chỉ có quyền chính trị mà thôi. Nói cách khác, các thụ cảm không
tuyệt đối phục tùng ý chí như tay chân của ta. Chúng có hoạt động riêng biệt, độc lập
phần nào với ý chí và cũng có thể chống lại ý chí. Vậy, ý chí có thể điều khiển các
66
thụ cảm bằng cách phong tỏa hay lèo lái chúng. Có thể tạm dùng kiểu so sánh đó,
một đằng, ý chí có thể lèo lái dòng suy nghĩ làm cho ta quên lãng đối tượng quyến rũ,
đằng khác, ý chí cũng có thể ra lệnh thi hành những cử chỉ làm ta xa lánh đối tượng.
Thí dụ: ngoảnh mặt đi, chỗi dậy đi dạo một vòng, nhảy vào hồ nước lạnh. Trong cả
hai trường hợp, nếu ý chí biết kiên trì thì nó có thể từ từ dập tắt một thụ cảm hay đam
mê lệch lạc. Ngược lại, người ta cũng có thể kích động một thụ cảm bằng chính
phương pháp trên.

67
Chương III: SỰ TỰ DO CỦA Ý CHÍ
I. Cái nhìn tổng quát về sự tự do

1. Khái niệm
Trong tiếng Latinh, libertas gốc bởi động từ liberare là giải phóng, giải thoát,
nó chỉ mọi hình thức miễn trừ, tháo gỡ, hay cởi bỏ khỏi một ràng buộc, một trở ngại
hay sự cưỡng ép về bất kỳ phương diện nào. Thí dụ: cá tự do bơi lội trong nước, chim
chóc tự do bay lượn trên bầu trời, con người được tự do đi lại, tự do chọn chỗ ở, nghề
nghiệp, bạn giao lưu, đảng phái, tôn giáo, một quốc gia có chủ quyền thì tự do quyết
định về vận mạng của mình.
Trong lãnh vực tâm lý học, khi nói về tự do, trước tiên, chúng ta cần ghi nhận
rằng, sự tự do không phải là một hữu thể, một bản thể hay một quan năng, thậm chí
nó cũng không phải là một hành động. Sự tự do chỉ là đặc tính của một số hành động
của ý chí thực hiện. Có thể nói, sự tự do là một phụ thể ở cấp độ thứ ba, bởi vì bản
thể là con người, còn ý chí là một quan năng (phụ thể cấp một) của con người, những
hành động phát xuất từ ý chí thì xếp vào phụ thể cấp hai và trong những hành động
này, một số thì có đặc tính tự do.
2. Phân loại
Người ta thường phân biệt sự tự do thành hai loại cơ bản: tự do trong hành động
hay tự do ngoại tại và tự do trong ý muốn hay tự do nội tại.
a. Sự tự do ngoại tại
Đây là sự tự do trong việc thi thố các hành động biểu hiện ra bên ngoài chủ thể.
Nó giả thiết sự thong dong không bị cưỡng bách hay chế tài về một phương diện nào
đó. Theo nghĩa này, người ta nói đến sự tự do về thể lý, tức là không bị trói tay, xích
chân, giam giữ…; sự tự do về dân sự, tức là hành động trong những lãnh vực thông
thường của đời sống, tự do làm ăn, đi lại, kết hôn…..trong khuôn khổ quy định của
luật pháp. Sự tự do về chính trị, tức là tự do tham gia trực tiếp vào bộ máy của nhà
nước hoặc đóng góp ý kiến trong việc ấn định các chính sách của chính quyền, sự tự
do lương tâm, tức là tự do bày tỏ chính kiến của mình kể cả những ý kiến phản biện
đối với chính quyền; tự do về đạo đức, tức là tự do hành động mà không bị áp đặt hay
cản trở bởi một điều luật luân lý hay một bổn phận nào đó; chẳng hạn, tự do hiến
tặng tài sản cho một tổ chức từ thiện mà không bị ngăn trở gì hoặc tự do hiến tặng
nếu chết bất ưng.
b. Sự tự do nội tại
Đây là sự tự do đúng nghĩa, còn gọi là tự do tâm lý. Sự tự do này nằm trong nội
giới của chủ thể. Dù sự tự do thuộc loại trên có thể bị hạn chế cách này hay cách khác
nhưng chủ thể vẫn không bị tước mất thứ tự do loại sau này. Một tù nhân lương tâm
68
bị hạn chế về quyền biểu đạt chính kiến vẫn hoàn toàn tự do cưu mang lý tưởng của
mình. Ý chí thể hiện sự tự do này khi nó tự quyết định về hành động của mình. Nó
làm chủ trên hành động của mình. Và do đó, có thể nói, nó là người cầm trịch, người
có quyền định đoạt Vì vậy mà sự tự do này còn được gọi là sự tự do tự quyết hay tự
do lựa chọn (liberum arbitrium/ free-will). Sự tự do tự quyết này thể hiện theo hai
khía cạnh: tự do khởi tác (freedom of excirsice) là tự do trong việc muốn làm hay
không làm; tự do định loại (freedom of specification) là tự do trong việc chọn cái này
hay cái khác, chẳng hạn chọn đi bộ hay đi xe, chọn học trường công hay trường tư,
chọn sống độc thân thay vì lập gia đình…
Cần lưu ý rằng, trong trường hợp chỉ có một điều thiện duy nhất được đề nghị
thì ý chí không thể hiện sự tự do định loại. Tuy nhiên, nó vẫn còn tự do để quyết định
hành động hay không hành động. Như thế, ý chí vẫn thể hiện đặc tính tự do của
mình. Trong thực tế của cuộc sống, khi ai đó nói rằng, tôi thực sự không có lựa chọn,
thì thực ra, người ấy không hoàn toàn mất tự do mà chỉ là mất thứ tự do định loại
thôi.
II. Sự tự do tự quyết của ý chí

1. Ý chí có sự tự do tự quyết
Trước hết cần xác định rằng, khi ta nói ý chí có khả năng tự quyết hay lựa chọn
thì sự lựa chọn của ý chí chỉ nhằm vào các phương tiện dẫn tới mục đích mà thôi.
Mục đích đúng nghĩa thì không thể lựa chọn, thế còn trong trường hợp có nhiều mục
đích trung gian dẫn tới mục đích tối hậu, ta có thể thực hiện việc lựa chọn trên các
mục đích trung gian đó, vì thực chất chúng cũng chỉ là các phương tiện dẫn tới mục
đích tối hậu. Ta không có quyền lựa chọn mục đích tối hậu cũng tương tự như ta
không có quyền lựa chọn sinh ra làm người hoặc lựa chọn cha mẹ của mình. Để
chứng tỏ ý chí có sự tự do tự quyết, chúng ta sẽ tìm cách chứng minh rằng, những
quyết định của con người trong những hoàn cảnh cụ thể không bị tất định một chiều,
nghĩa là trong một trường hợp cụ thể, khi có sẵn mọi điều kiện để hành động, con
người vẫn có quyền quyết định lựa chọn làm hay không làm, làm việc này hay việc
khác. Cần ghi nhận rằng, có những cách khác nhau để chứng tỏ con người có tự do
trong hành động. Chẳng hạn, dựa trên kinh nghiệm chung của nhân loại, tất cả mọi
người trưởng thành ai cũng có ý thức là mình có tự do trong lãnh vực luân lý, sự
thưởng phạt, khen, chê, khuyên bảo hoặc sự tồn tại của các nhà tù, giả thiết là con
người có tự do. Ở đây, chúng ta chỉ chủ yếu chứng minh theo quan điểm của siêu
hình học mà thôi.
* Chứng minh dựa vào bản chất của ý chí. Thánh Tôma đã trình bày luận chứng
này một cách đơn giản và rõ ràng như sau: Ý chí theo sau một quan niệm về điều
thiện. Nếu đối tượng được nhận thức như là một điều thiện tuyệt đối về mọi phương
diện thì ý chí sẽ hướng đến đối tượng đó cách tất yếu, tức là không thể không ước
muốn nó; trái lại, nếu đối tượng chỉ được nhận thức như là một điều thiện hảo về
một phương diện nào đó thôi, lúc đó, ý chí không nhất thiết ước muốn nó. Nhưng

69
ngoài hạnh phúc tối hậu ra, không một đối tượng nào có thể được gọi là tuyệt đối tốt
đẹp, tuyệt đối hấp dẫn đối với ta. Do đó, ngoài mục đích tối hậu, ý chí không bị tất
định phải theo đuổi một điều thiện nào cả. Nếu nó ước muốn vật nào thì chỉ vì nó đã
tự ý lựa chọn.
Như vậy, gốc rễ của tự do nằm ở nơi lý trí, vì nhờ lý trí so sánh điều thiện tương
đối với điều thiện tuyệt đối mà con người có thể tự do lựa chọn các điều thiện tương
đối. Vì vậy, có thể quả quyết cách tiên thiên rằng: mọi hữu thể có lý trí đều có tự do.
Điều này cũng phù hợp với lẽ thường, vốn thừa nhận rằng, một hành vi được thực
hiện trong tình trạng điên loạn hay trong giấc ngủ hoặc trong một số tình trạng bị
đam mê chi phối thì không phải hành vi tự do đích thực và không thể quy trách
nhiệm (đầy đủ) cho chủ thể.
* Chứng minh bằng cách căn cứ vào bản chất của lý trí, hay nói đúng hơn, căn
cứ vào sự cách biệt giữa bình diện suy luận và bình diện hành động. Theo Tôma, con
người vì có trí tuệ nên không thể hành động cách tất định theo bản năng như thú vật
nhưng hành động theo sự phán đoán của lý trí. Tuy nhiên, có cả một khoảng cách xa
vời từ những điều tất yếu và chắc chắn về phương diện lý luận tới những trường hợp
cụ thể và bất tất của hành động. Không bao giờ từ những nguyên tắc căn bản ta có thể
suy ra cách chắc chắn việc gì nhất định phải làm trong một hoàn cảnh cụ thể. Do đó,
trước những trường hợp như vậy, quyết định của ta không thể tất yếu và bị định
hướng một chiều theo kiểu những diễn dịch trong siêu hình học hay toán học. Ta
hành động hay không hành động, hành động cách này hay cách khác là do một sự lựa
chọn tự do của ta trong mỗi hoàn cảnh.( Sum P1, Q83, a1). Như vậy, cần lưu ý là, khi
chúng ta quả quyết là con người có tự do thì không có ý nói rằng mọi con người
trong thực tế bao giờ cũng hành động cách tự do hoặc mọi hành động của con người
đều có đặc tính tự do. Bởi lẽ, con người chỉ hành động cách tự do khi có thể sử dụng
lý trí và không bị cưỡng bách cách ngoại tại hay nội tại. Đam mê thường làm gia tăng
tính hữu ý hay cố ý của hành động nhưng lại làm giảm thiểu và đôi khi có thể hủy bỏ
tính tự do trong hành động.
2. Tương quan giữa ý trí và trí năng trong sự tự do lựa chọn
Cách chung, người ta nói rằng, ý chí thì tự do khi nó tự mình quyết định về một
hành động nào đó. Nói cách khác, một hữu thể tự do thì là nguyên nhân của chính
mình – Liberum est, quod sui causa est. Đối với các hữu thể thụ tạo, câu định nghĩa
trên chỉ có ý nói rằng, một hữu thể tự do thì chính mình là nguyên nhân cho hành
động của mình. Vậy phải chăng nhờ vào ý chí tự quyết, con người tự điều động mình
đi tới hành động? Trước hết, sự tự quyết của ý chí không có gì là mâu thuẫn cả. Xét
dưới cùng một góc độ, ý chí không thể vừa ở trong hiện thế lại vừa ở trong tiềm thể.
Ý chí ở trong hiện thể đối với mục đích nhưng ở trong tiềm thể đối với một phương
tiện nào đó để đạt tới mục đích ấy. Ý chí bị lay động bởi mục đích nhưng nó lại tự
vận động mình để chọn lấy một phương tiện. Chúng ta thử tìm cách làm sáng tỏ cơ
cấu của một hành động quyết định. Ý chí luôn được lay động bởi một lý do, bởi cái

70
mô thể ý hướng của một điều thiện cụ thể vốn có được sức lôi cuốn nhờ vào mối liên
hệ của nó với Điều Thiện.
Nhưng vì điều thiện cụ thể này không phải là điều thiện lý tưởng, cho nên, nó
không lôi cuốn ý chí cách tất yếu, tự thân nó không có tính chất thuyết phục. Như
vậy, sự quyết định hệ tại việc đưa ra một lý do thuyết phục để chọn điều thiện ấy. Ý
chí luôn thuận theo cái lý do mạnh hơn. Thế nhưng, chính ý chí đã góp phần làm cho
cái lý do ấy trở nên thuyết phục cho mình. Ý chí làm điều đó bằng cách đình chỉ sự
so đo lưỡng lự của trí năng, tức là buộc trí năng phải đưa ra một phán đoán: “ Ừ! Đó
là điều tốt nhất, đó là điều phải làm”. Bằng không thì trí năng vẫn cứ tiếp tục đong
đưa, cân nhắc, xem xét không biết cho đến bao giờ mới thôi. Nói cách khác, ý chí
thuận theo cái phán đoán thực hành chung kết. Nhưng chính ý chí đã góp phần làm
cho cái phán đoán ấy trở thành chung kết.
Ở đây, chúng ta đứng trước vấn đề về tính tương tác giữa trí năng và ý chí, mỗi
cái lay động cái kia theo cách của mình. Như đã biết, ý chí theo sau và lệ thuộc trí
năng vì ý chí được khơi gợi từ một quan niệm về điều thiện, nhưng một khi ý chí
được khơi động bởi trí năng thì lập tức có sự tương tác giữa hai quan năng đó. Ý chí
có thể hướng trí năng chú trọng tới đối tượng nó yêu thích để biết rõ hơn, và ngược
lại, trí năng khi hiểu rõ đối tượng thì cũng làm cho tình yêu gia tăng. Như vậy, có sự
tác động qua lại của hai quan năng này. Theo Tôma, trí năng lay động ý chí bằng
cách định loại cho hành động của ý chí, còn ý chí thì lay động trí năng bằng cách làm
cho trí năng thực hiện thao tác của nó (thúc đẩy việc suy nghĩ để sớm đưa ra phán
đoán chung kết về phương tiện tốt nhất). Hẳn nhiên là, sự định loại thì lệ thuộc vào
sự khởi tác. Tôi chỉ muốn điều nào đó nếu tôi nghĩ tới nó nhưng tôi chỉ nghĩ tới nó,
nếu tôi muốn khởi tác việc suy nghĩ. Do vậy, việc tôi tự dấn mình vào một phán đoán
thực hành chung kết như thế, đó là một hành động do ý chí đóng vai trò chủ đạo.
Như vậy, sự tự do thể hiện qua sự tự quyết của ý chí là kết quả của sự phối hợp
hành động giữa trí năng và ý chí. Thánh Tôma đã khẳng định điều này khi cho rằng,
cội rễ của tự do thì nằm ở nơi ý chí như chủ thể nhưng nằm ở nơi lý trí như nguyên
nhân. Nói thế có nghĩa là, đặc tính tự do thì gắn với ý chí xét như chủ thể của cái đặc
tính ấy, nhưng sỡ dĩ ý chí có được như vậy là nhờ trí năng. Chính mối tương quan và
sự tác động qua lại của ý chí với trí năng đã là nguồn mạch đem lại sự tự do của ý
chí. Như vậy, xét cách chặt chẽ, sự tự do không phải là điều đặc trưng của một mình
ý chí hay trí năng, nhưng là của cả hệ thống, tức là của cả chủ thể là con người.
3. Sự tự do lựa chọn không phải là cốt tính của sự tự do
Chắc hẳn khi một người thể hiện sự tự do lựa chọn trong một hoàn cảnh nhất
định thì người đó cho thấy mình có tự do. Dầu vậy, cốt tính của sự tự do không hệ ở
khả năng lựa chọn. Đây chỉ là một khía cạnh của sự tự do mà thôi bởi lẽ một người
cho mình thấy có tự do khi tự ý chọn một hành vi xấu xa, nhưng một mặt khác, khi
hành động như thế anh ta lại trở thành nô lệ cho các đam mê thấp kém của mình. Bên
cạnh đó, cũng có những trường hợp ý chí hành động cách tất yếu, tức là không thể

71
lựa chọn cách khác, nhưng không vì thế mà hành động đó đi ngược lại với sự tự do
của chủ thể. Chẳng hạn, Thiên Chúa và các phúc nhân trên trời không có khả năng
lựa chọn điều xấu, nhưng không phải vì thế mà các ngài không có tự do. Sự tất yếu
này được thánh Tôma gọi là tất yếu bản nhiên (natural necessity). Và ngài xác định
rằng, sự tất yếu bản nhiên không tương phản với ý muốn, và do đó, cũng không cất
mất sự tự do của con người. Vậy không thể định nghĩa tự do mà chỉ dựa vào khả
năng tự quyết hay khả năng lựa chọn của ý chí. Đúng hơn, cốt tính của sự tự do hệ tại
khả năng hành động theo xu hướng nội tại riêng của mình, không gặp trở ngại hay
cưỡng ép từ bất kỳ tác nhân ngoại tại nào. Nói cách khác, chủ thể tự do thì không lệ
thuộc vào cái khác nhưng là chủ quản của các hành động của mình không chịu bất kỳ
sự nô dịch nào. Thánh Tôma đã diễn tả cách ngắn ngọn: vật nào là nguyên nhân của
chính mình thì tự do. Như vậy, sự tự do xét như khả năng tự quyết của con người
chưa phải là sự tự do hoàn hảo. Thực ra, nó nhằm để vun đắp, xây dựng thứ tự do
hoàn hảo hơn tức là sự tự do xét như khả năng tự chủ. Một vị thánh nhờ tình yêu xuất
phát từ đức ái đã đạt tới mức nội tâm hóa luật của Thiên Chúa đến độ luật ấy trở
thành xu hướng tự nhiên (nội tại) của chính mình và khi vị thánh dùng khả năng tự
quyết để giữ luật cách tự nguyện thì sự việc diễn ra như thể ông đang đi theo cái
khuynh hướng thâm sâu của linh hồn. Như vậy, sự tự do tự quyết một khi được tôi
luyện để trở thành sự tự do tự chủ thì sẽ giúp con người dần dần thắng vượt được hai
sự nô lệ. Trước hết, sự nô lệ cho các dục vọng xấu, khi hành động ngược với trật tự
tự nhiên của ý chí, vốn hướng đến điều thiện toàn hảo, tuyệt đối. Thứ đến, sự nô lệ
khi giữ luật vì sợ hãi chứ không phải vì tình bạn, tức là hành động theo luật ngược
với ý muốn lăng loàn của mình chỉ vì sợ.
4. Ý chí và chủ thể tính
a. Mối liên hệ giữa ý chí và địa hạt xúc cảm thuộc cảm giác
Qua những gì trình bày trên đây, chúng ta nhận ra mối liên hệ chặt chẽ giữa
những gì thuộc thị dục tinh thần, tức ý chí, với những gì thuộc thị dục cảm giác và cả
những thị dục tự nhiên. Có thể nói, khả năng tự quyết của ý chí không đi tới chỗ loại
trừ thế giới của các thị dục tự nhiên, các xu hướng thuộc cảm giác và các bản năng
của con người. Đúng hơn, trong toàn bộ tính phức tạp của địa hạt xúc cảm thuộc bình
diện cảm giác. Hành động tự do tìm gặp được nơi ấy tựa như một thứ chất liệu để từ
đó làm nổi bật lên diện mạo độc đáo của ngôi vị.
b. Ý chí và sự tự ý thức
Chắc hẳn, ý chí không tự biết mình nhưng nó có thể góp phần làm cho chủ thể
nhân loại có ý thức về bản thân mình. Như đã biết, hành động của ý chí là một xu
hướng đi theo sau một mô thể ý hướng do trí năng nhận thức. Do vậy, hành động đó
cũng có đặc tính vô chất như chủ thể của nó là ý chí. Vậy mà, trong hành động của ý
chí, trí năng và ý chí tác động qua lại trên nhau đến độ có thể nói cái này ở trong cái
kia. Như thế cũng có nghĩa là hành động của ý chí đã ở trong trí năng theo cách vô
chất và do đó nó không thể không được trí năng nhận biết. Tóm lại, hành động của ý

72
chí đang khi kích hoạt thao tác của trí năng thì cũng đồng thời được trí năng nhận
biết. Nói cách chính xác thì hành động tự ý thức là hành động của chính chủ thể. Vậy
đang khi nhận thấy mình như tác nhân thực hiện ước muốn chủ thể nhân loại biết
rằng mình đang hiện hữu, chủ thế ấy có ý thức về mình.
c. Sự tự do của ý chí, tức xây dựng bản ngã
Trong một hành động tự do, chính chủ thể ấn định cho mình lý do hành động và
vì vậy anh ta ý thức được rằng, những hành động ấy là của anh ta, chính anh ta là tác
giả của hành động. Sự ý thức về quyền tự chủ trong hành động cũng kéo theo sự ý
thức về trách nhiệm của chủ thể đối với hành động của mình. Như vậy, tính tự do
trong hành động và sự tự ý thức của chủ thể triển nở song hành với nhau. Nói cách
khác, có một mối liên hệ chặt chẽ giữa bản ngã và sự tự do. Một con người càng tự
do trong hành động bao nhiêu thì càng thể hiện bản ngã hoặc nhân cách của mình bấy
nhiêu. Đó là lý do sâu xa khiến người ta ghì chặt lấy sự tự do của mình và ra sức bảo
vệ nó dù phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.
Sau cùng, các hành động tự do còn giúp con người kiến tạo ngôi vị của mình
trên bình diện tâm lý và luân lý. Trước hết, con người tự xác định mình bằng việc xác
định cái định hướng nền tảng của mình (Tôi đặt mục đích đời mình ở đâu?). Thế rồi
trong thực tế, bằng những hành động tự do qua việc sống những mối tương quan hiện
thực từng ngày với thế giới, với tha nhân, với bản thân và với Thiên Chúa. Con người
dần dần tạo nên yếu tính cá biệt độc đáo của mình. Như thế, chúng ta đang tự xác
định mình một cách cá vị, cũng tựa như bản tính nhân loại chung xác định cho chúng
ta về mặt chủng loại vậy. Và nếu hiểu theo nghĩa này thì cái nguyên lý đầu tiên của
triết học hiện sinh (hiện hữu đi trước yếu tính) cũng có phần đúng.

73

You might also like