You are on page 1of 15

Chương I

NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ TÂM LÝ HỌC


1. Định nghĩa và sơ lược lịch sử tâm lý học
1.1. Tâm lý học
a. Tâm lý
Từ buổi đầu lịch sử, người nguyên thủy đã có quan điểm cho rằng con người tồn tại
gồm hai phần: Thể xác và tâm hồn (linh hồn). Có thể nói, quan niệm về tâm hồn (linh hồn)
chính là cội nguồn của tâm lý người. Trong cuộc sống hàng ngày, chữ “Tâm” thường được
sử dụng ghép với các chữ khác, tạo thành các từ ghép như: “tâm địa”, “tâm can”, “tâm
tình”, “tâm tư”, “tâm trạng”,… được hiểu là lòng người thiên về mặt tình cảm. Như vậy,
“tâm lý” được dùng để chỉ những hiện tượng tinh thần của con người.
Khái niệm tâm lý trong tâm lý học bao gồm tất cả những hiện tượng tinh thần như:
Cảm giác, tư duy, tình cảm, ý chí hình thành trong đầu óc con người và điều chỉnh, điều
khiển mọi hoạt động của con người.
Như vậy, tâm lý là tất cả những hiện tượng tinh thần nảy sinh trong đầu óc con
người, gắn liền và điều hành mọi hành động, hoạt động của con nguời.
b. Tâm lý học
Nguồn gốc của từ tâm lý học (psychology) là psyche và logos (-logy) (tâm lý) rất
gần giống với "soul" (linh hồn) và logos (-logy) trong tiếng Hy Lạp, và tâm lý học trước
đây đã được coi như một nghiên cứu về linh hồn (với ý nghĩa tôn giáo của thuật ngữ này),
trong thời kỳ Thiên chúa giáo. Tâm lý học được xem là một ngành y khoa được Thomas
Willis nhắc đến khi nói về tâm lý học (trong Doctrine of the Soul) với các thuật ngữ về chức
năng não, một phần của chuyên luận giải phẫu 1862 của ông là "De Anima Brutorum"
("Hai thuyết trình về Linh hồn của Brutes")
Tâm lý học là khoa học nghiên cứu các hiện tượng tâm lý người; các quy luật nảy
sinh, vận hành và phát triển của các hiện tượng tâm lý trong hoạt động đa dạng của cuộc
sống hàng ngày ở mỗi con người.
Sự ra đời của tâm lý học với tư cách là một khoa học độc lập là thành quả của quá
trình phát triển lâu dài từ những tư tưởng, quan điểm triết học và các khoa học xã hội khác
trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại.
1.2 Sơ lược về sự hình thành và phát triển của khoa học tâm lý
1.2.1. Những tư tưởng tâm lý học thời kì cổ đại
Những tri thức đầu tiên liên quan đến tâm lý con người đã được thể hiện, phản ánh
trong các tư tưởng, trường phái triết học cổ đại, cả duy tâm lẫn duy vật.
Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Socrate (469 - 399 tr.CN) với tuyên ngôn nổi tiếng “hãy
tự biết mình” được xem là người có công đầu trong bước chuyển tư duy của triết học Hy
Lạp, từ triết học tự nhiên sang triết học xã hội, qua đó đặt ra một vấn đề lớn mang ý nghĩa
định hướng, rằng con người có thể và cần phải tự nhận thức về chính mình.
Nhà triết học duy tâm khách quan Platon (427- 347 tr.CN) với quan điểm cho rằng
“thể xác khả tử” còn “linh hồn bất tử”, nên quá trình nhận thức của con người “chỉ là sự
hồi tưởng lại của linh hồn bất tử về “thế giới ý niệm” mà nó từng trải qua nhưng đã bị quên
lãng…”
Đối lập với quan điểm duy tâm, các nhà triết học duy vật thời cổ đại khẳng định tâm
lý, tâm hồn là một, tâm hồn gắn liền với thể xác. Đại diện cho quan điểm này có các nhà
triết học duy vật như: Thales (khoảng 624 – 546 TCN); Heraclit (553 – 745 TCN);
Anaximenes (585 - 528, TCN)... cho rằng tâm hồn cũng như vạn vật đều được cấu tạo từ
các yếu tố vật chất như: nước, lửa, không khí... “Thuyết Ngũ hành” trong triết học Trung
Quốc cổ đại cho rằng Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ là năm hành chất ban đầu tạo nên vạn
vật, gồm cả tâm hồn. Democritos (460 – 370, TCN), thuyết “Nguyên tử luận” lại khẳng
định tâm hồn con người do những nguyên tử đặc biệt cấu tạo thành, rằng "nguyên tử lửa"
là nhân tố tạo nên tâm lý…
Cùng quan điểm cho rằng tâm hồn gắn liền với thể xác, nhưng Aristote (384 – 322
TCN) lại chia tâm hồn thành 3 loại khác nhau, gồm tâm hồn dinh dưỡng, tâm hồn cảm giác
(có ở cả động vật) và tâm hồn trí tuệ (chỉ có ở con người).
Các quan điểm duy vật và duy tâm tiếp tục cuộc đấu tranh không khoan nhượng về
lập trường thế giới quan xung quanh mối quan hệ giữa tồn tại và tinh thần, tâm lý và vật
chất…
1.2.2. Những tư tưởng tâm lý học thời Phục hưng và cận đại
Trong suốt “Đêm trường Trung cổ”, với sự chi phối gần như tuyệt đối của thần quyền,
tâm lý học và khoa học nói chung trở thành “nô lệ của thần học”. Những tư tưởng tâm lý
học thời kỳ này mang tính chất thần bí - bản thể huyền bí. Các nghiên cứu, quan điểm tiến
bộ đều bị kìm hãm bởi cái bóng quá lớn của quyền lực nhà thờ...
Bước qua thời kỳ Phục hưng, khoa học nói chung được giải phóng, theo đó tâm lý
học cũng đạt được những bước phát triển mới.
Đến thế kỷ XVII, triết gia R. Descartes (1596 - 1650) theo phái “nhị nguyên luận”
cho rằng vật chất và tâm hồn là hai thực thể cùng song song tồn tại. Theo Descartes, cơ thể
con người phản xạ như một cái máy, còn tinh thần, tâm lý của con người thì không thể biết
được. Quan điểm của ông đã tạo tiền đề cho việc tìm ra cơ chế phản xạ trong hoạt động
tâm lý về sau.
Thế kỷ XVIII đánh dấu thời kì tâm lý học bắt đầu có tên gọi. Nhà triết học Đức
C.Wolff (1679-1754) đã chia nhân chủng học ra thành hai thứ khoa học, một là khoa học
về cơ thể, hai là khoa học về tâm lý học. Với hai tác phẩm của ông được xuất bản: “Tâm
lý học kinh nghiệm” (1732), và “Tâm lý học lý trí” (1734), “Tâm lý học” chính thức ra đời.
Đến thế kỷ XIX, L. Feuerbach (1804 - 1872), nhà triết học duy vật lớn nhất trước thời
đại của C. Mác đã đưa ra quan điểm mới về tâm lý. Theo ông, tinh thần, tâm lý không thể
tách rời khỏi não người, nó là sản phẩm của thứ vật chất phát triển tới mức độ cao là bộ
não người. Tâm lý là hình ảnh của thế giới khách quan.
1.2.3. Tâm lý học trở thành khoa học độc lập
Bước sang thế kỷ XIX, do yêu cầu của sản xuất và đời sống, nhân loại đã đạt được
nhiều thành tựu quan trọng trên bình diện khoa học. Trong đó phải kể đến một loạt những
thành tựu liên quan trực tiếp đến sự phát triển của bộ môn tâm lý học như: thuyết tiến hóa
của S. Darwin (1809 -1882), thuyết tâm sinh lý học cảm giác của H. Helmholz (1821 -
1894), tâm lý học phát sinh của Ph. Ganton (1822 - 1911) cùng các nghiên cứu quan trọng
về tâm thần học…
Đặc biệt, năm 1879, W. Wundt (1832 - 1920), một nhà tâm lý học và sinh lý
học người Đức, người được coi là cha đẻ của ngành tâm lý học, đã thành lập phòng thí
nghiệm chính thức đầu tiên cho nghiên cứu tâm lý học tại Đại học Leipzig, Đức. Một năm
sau phòng thí nghiệm này đã chuyển thành Viện tâm lý học đầu tiên trên thế giới, nơi xuất
bản các tạp chí tâm lý học. Đồng thời ông cũng cho ra đời tạp chí khoa học đầu tiên cho
bộ môn này năm 1881.
Như vậy, từ chủ nghĩa duy tâm coi ý thức chủ quan là đối tượng của tâm lý học và
con đường nghiên cứu tâm lý bằng phương pháp tự quan sát, nội quan, tâm lý học đã đạt
được bước tiến mới, chuyển sang con đường nghiên cứu ý thức một cách khách quan, bằng
quan sát, phân tích, thực nghiệm...
1.2.4. Những tư tưởng tâm lý học trong thời kì hiện đại
Đầu thế kỉ XX, các dòng phái tâm lý học khách quan ra đời, đó là: Tâm lý học hành
vi, Tâm lý học Gestalt, Phân tâm học. Trong thế kỉ XX còn có những dòng phái tâm lý học
khác có vai trò nhất định trong lịch sử phát triển khoa học tâm lý hiện đại như dòng phái
Tâm lý học nhân văn, Tâm lý học nhận thức. Đặc biệt, sau Cách mạng tháng Mười Nga
(1917), dòng phái tâm lý học hoạt động do các nhà tâm lý học Xô viết sáng lập đã đem lại
những bước ngoặt lịch sử đáng kể trong tâm lý học.
a. Tâm lý học hành vi (J. Watson (1878 – 1958, Mỹ)
Chủ nghĩa hành vi do nhà tâm lý học Mỹ J.Watson sáng lập với ý định xây dựng một
nền tâm lý học tối tân và khoa học, đối tượng nghiên cứu chỉ có hành vi của con người và
ở động vật không tính đến yếu tố nội tâm.
Hành vi này được hiểu là tổng số các cử động bề ngoài được nảy sinh để đáp ứng một
kích thích nào đó, theo công thức kích thích - phản ứng (Stimulus - Response). Các cử
động này thực hiện chức năng thích nghi với môi trường xung quanh. Vì có thể quan sát
được các cử động này, nên có thể và phải nghiên cứu chúng một cách khách quan, từ đó
rút ra kết luận có thể điều khiển và hình thành hành vi của con người theo phương pháp
thử và sai. Với quan điểm như vậy, nên năm 1921 Watson đã tuyên bố: “Giao cho tôi 12
đứa trẻ mới sinh, ai muốn đứa này thành nhà khoa học, đứa khác thành tướng cướp,… tôi
sẽ có cách tạo ra những con người như vậy”. Đây được xem là dòng tâm lý học duy vật
máy móc vì coi con người như cỗ máy, hoặc động vật biết nói. Đây là quan điểm tự nhiên
chủ nghĩa, đồng nhất phản ứng với nội dung tâm lý bên trong làm mất tính chủ thể, tính xã
hội của tâm lý con người, đồng nhất tâm lý con người với tâm lý động vật. Quan điểm này
là thực dụng và phi lịch sử, không phản ánh được cuộc sống thực của con người cụ thể,
đang sống, làm việc và hoạt động trong các điều kiện lịch sử xã hội.
b. Tâm lý học Gestalt (tâm lý học cấu trúc)
Học thuyết tâm lý học Gestalt thuộc trường phái tâm lý học duy tâm khách quan, ra
đời ở Đức do May Wertheimer, Wolfgang Kohler và Kurt Koffka sáng lập. Các nhà tâm
lý học cấu trúc cho rằng bản chất hiện tượng tâm lý vốn có tính cấu trúc, vì vậy nghiên cứu
phải theo xu hướng tổng thể với cả một cấu trúc chỉnh thể.
c. Phân tâm học
Phân tâm học là học thuyết tâm lý được sáng lập bởi Sigmund Freud (1856 - 1939),
một bác sĩ người Áo. Ông cho rằng chính yếu tố vô thức mới là yếu tố quyết định nhất
trong tâm lý con người.
Theo học thuyết của Freud, bộ máy tinh thần của con người bao gồm 3 thành phần:
Cái ấy (id), cái tôi (ego) và siêu tôi (super-ego), được gọi là mô hình cấu trúc.
Cái ấy (id) là nguồn gốc của tất cả những ham muốn sinh học. Những ham muốn này
của id có tính nguyên sơ, mang tính đòi hỏi ngay và cần được thoả mãn hoàn toàn. Quá
trình của nó không có lý trí và có tính lôi cuốn.
Cái tôi (ego) xuất hiện từ nhu cầu của id để cân bằng với sự thoả mãn trong thực tế.
Ego gồm những cách thức ứng xử và suy nghĩ đã được hình thành trong cuộc sống thông
qua những kinh nghiệm để đối phó với thế giới bên ngoài nhằm giúp con người thích nghi
với thực tế cuộc sống.
Cái siêu tôi (super-ego), là những tiêu chuẩn thu được trong quá trình phát triển nhân
cách. Đó là sự kiềm chế các họat động của phần id và phần ego. Siêu tôi ngăn không cho
ý thức thực hiện những phần sai trái để thỏa mãn các bản năng. Phần siêu tôi gần giống
lương tâm.
Luận điểm cơ bản của Freud coi bản năng sinh dục là cội nguồn của toàn bộ thế giới
tinh thần, từ nội tâm đến hành vi bên ngoài, thậm chí kể cả sáng tạo nghệ thuật.
d. Tâm lý học nhân văn
Đại biểu cho dòng tâm lý học này là Carl Ransom Rogers (1902 - 1987) và
Abraham Maslow (1908 - 1970), đều là nhà tâm lý học người Mỹ. Họ cho rằng bản chất
con người vốn là tốt đẹp, có lòng vị tha, có tiềm năng sáng tạo. Tâm lý học cần giúp con
người tìm được bản ngã đích thực của mình. Con người cần đối xử với nhau một cách tế
nhị, cởi mở lẫn nhau. Tuy nhiên tâm lý học nhân văn tách con người khỏi các mối quan hệ
xã hội, chú ý tới mặt nhân văn trừu tượng trong con người. Họ không thấy được nguồn gốc
hình thành tính nhân văn đó có ở hoạt động sống của mỗi người trong xã hội loài người,
tách con người ra khỏi mối quan hệ xã hội.
e. Tâm lý học nhận thức
Học thuyết này do Jean Piaget (1896 - 1980), G. Bruno (Thụy Sỹ) sáng lập. Trường
phái này lấy hoạt động nhận thức của con người làm đối tượng nghiên cứu của mình.
f. Tâm lý học hoạt động
Dòng phái này do các nhà tâm lý học Liên Xô (cũ) như L.X.Vugotxky,
X.L.Rubinstein, A.N.Leonchev cùng nhiều nhà tâm lý của Đức, Pháp, Bungari sáng lập.
Trường phái này lấy triết học Max-Lenin làm cơ sở lý luận và phương pháp luận, coi tâm
lý là sự phản ánh hiện thực khác quan vào não thông qua hoạt động. Tâm lý người được
hình thành trong hoạt động, giao tiếp và trong các mối quan hệ xã hội.
2. Đối tượng, nhiệm vụ của tâm lý học……………………………….
3. Bản chất, chức năng và phân loại các hiện tượng tâm lý
3.1. Bản chất các hiện tượng tâm lý người
Các quan niệm khác nhau về bản chất các hiện tượng tâm lý người
Quan niệm duy tâm khách quan cho rằng tâm lý của con người là do Thượng đế, do
trời sinh ra và nhập vào thể xác con người. Tâm lý con người không phụ thuộc vào thế giới
khách quan cũng như điều kiện thực tại của đời sống.
Quan niệm duy vật tầm thường cho rằng tâm lý - tâm hồn cũng như mọi sự vật hiện
tượng đều được cấu tạo từ vật chất, do vật chất trực tiếp sinh ra, tâm hồn giống như gan
tiết ra mật. Quan niệm này đồng nhất cái vật lý, cái sinh lý với cái tâm lý, phủ nhận vai trò
của chủ thể, tính tích cực năng động của tâm lý, ý thức, phủ nhận bản chất xã hội của tâm
lý và tính tích cực của tâm lý con người.
Chủ nghĩa duy vật biện chứng khẳng định, tâm lý người là sự phản ánh hiện thực
khách quan vào não người thông qua chủ thể và tâm lý người có bản chất xã hội - lịch sử.
* Bản chất các hiện tượng tâm lý người theo quan điểm duy vật biện chứng
Theo quan điểm duy vật biện chứng, tâm lý người có nguồn gốc từ hiện thực khách
quan, cơ sở sinh lý của tất cả các hiện tượng tâm lý là phản xạ có điều kiện và cơ sở vật
chất của hiện tượng sinh lý cũng như hiện tượng tâm lý là não bộ. Tâm lý người được hiểu
là sự phản ánh thế giới khách quan vào não, sự phản ánh này mang tính chủ thể và có bản
chất xã hội lịch sử.
3.1.1. Tâm lý người là chức năng của bộ não
Tâm lý con người không phải là bộ não mà là chức năng của bộ não. Não người là cơ
quan có tổ chức cao nhất, nó là cơ sở vật chất đặc biệt, là trung tâm điều hòa các hoạt động
sống cơ thể.
Xét về mặt sinh lý, một hình ảnh tâm lý là một phản xạ có điều kiện, diễn ra qua ba
khâu:
- Khâu tiếp nhận: Những kích thích từ thế giới bên ngoài tác động vào các giác quan
của cơ thể (mắt, tai, mũi, miệng, da) tạo nên hưng phấn theo dây thần kinh hướng tâm dẫn
truyền lên não.
- Khâu xử lý thông tin diễn ra trong não bộ: Khi bộ não tiếp nhận kích thích, ở đây
sẽ diễn ra quá trình xử lý thông tin tạo nên những hình ảnh tâm lý.
- Khâu trả lời: Sau khi tạo nên những hình ảnh tâm lý, từ trung ương thần kinh các
hưng phấn sẽ theo dây thần kinh ly tâm dẫn truyền đến các bộ phận của cơ thể để có phản
ứng đáp trả.
Với tư cách là trung tâm điều khiển hoạt động của con người, cấu trúc của não gồm
ba phần: (1) Não trước là phần lớn nhất và phức tạp nhất của não, bao gồm đồi thị, dưới
đồi, hệ viền và vỏ não; (2) Não giữa là một phần nhỏ của thân não nằm giữa não trước và
não sau, chức năng chủ yếu là xử lý các quá trình cảm giác; (3) Não sau bao gồm tiều não
và hai cấu trúc nằm dưới thân não là hành tủy và cầu não, có vai trò quan trọng trong điều
khiển những cử động của các cơ. Trong đó, vùng vỏ não được xem là trung tâm của những
hoạt động tâm lý cấp cao như tư duy, tưởng tượng, ngôn ngữ được phân thành bốn vùng
chính tương ứng với bốn chức năng khác nhau: (1) Vùng trán: vùng định hướng không
gian và thời gian; (2) Vùng đỉnh: vùng vận động; (3) Vùng thái dương: vùng thính giác;
(4) Vùng chẩm: vùng thị giác. Ngoài ra não người còn có những vùng chuyên biệt như
vùng nói Broca, vùng viết, vùng nghe hiểu tiếng nói Wemicke, vùng nhìn hiểu chữ viết
Dejerine.
Sự phân vùng chức năng chỉ mang tính chất tương đối vì trên thực tế mỗi một hiện
tượng tâm lý diễn ra cần sự phối hợp của nhiều vùng khác nhau trên vỏ não, tạo thành một
hệ thống chức năng. Mỗi vùng có thể tham gia thực hiện nhiều hiện tương tâm lý khác
nhau.
Tóm lại, não hoạt động theo hệ thống chức năng và muốn có hiện tượng tâm lý người
phải đảm bảo có sự tác động của thế giới khách quan vào não và não hoạt động bình thường.
3.1.2 Tâm lý người là sự phản ánh hiện thực khách quan vào não người thông qua
chủ thể
Mọi sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan đều có bản chất phản ánh ở các dạng
khác nhau như phản ánh vật lý (quyển sách để lại hình ảnh phản chiếu trong tấm gương),
hóa học (Natri kết hợp với Clo tạo ra muối), cơ học (bước đi để lại vết chân trên cát), sinh
lý (thức ăn nghiền nát thành chất dinh dưỡng được hấp thụ để nuôi cơ thể), xã hội (nghị
định chuẩn bị được ban hành thường có sự góp ý của Đại biểu Quốc hội hoặc người dân).
Phản ánh có thể hiểu là sự tác động qua lại giữa hai hay nhiều hệ thống vật chất mà kết
quả để lại dấu vết ở cả hệ thống tác động lẫn hệ thống chịu sự tác động. Tâm lý cũng là
một dạng phản ánh nhưng rất đặc biệt vì nó là trung gian giữa phản ánh sinh lý và phản
ánh xã hội.
Phản ánh tâm lý là sự tác động qua lại giữa thế giới khách quan và não người, đây
là cơ quan vật chất có cấu trúc phức tạp nhất trong sinh giới. Kết quả của sự tác động này
là để lại một dấu vết trên não, mang nội dung tinh thần, đó chính là hình ảnh tâm lý. Như
vậy, thực chất tâm lý chính là hình ảnh về thế giới khách quan. Nói cách khác, thế giới
khách quan chính là nguồn gốc nội dung của tâm lý người. Tuy nhiên, hình ảnh này không
khô cứng như hình ảnh phản chiếu trong gương hay thu được từ máy chụp hình và nó có
những đặc điềm riêng biệt.
* Đặc điểm của phản ánh tâm lý
- Tính trung thực: Hình ảnh tâm lý phản ánh trung thực những thuộc tính của thế giới
khách quan như màu sắc, hình dạng, âm thanh, mùi, vị, quy luật... trừ những trường hợp
con người có bệnh về thần kinh hay các cơ quan nhận thức có vấn đề khiến sự phản ánh bị
sai lệch, bóp méo. Nhờ có sự phản ánh trung thực này mà con người có thể hiểu đúng về
thế giới khách quan để từ đó có những tác động thay đổi cải tạo một cách hợp lý nhằm
phục vụ cho lợi ích của con người.
- Tính tích cực: Phản ánh tâm lý mang tính tích cực được thể hiện ở chỗ con người
không ngừng tác động vào thế giới khách quan để cải tạo thay đổi nó cho phù hợp với mục
đích của mình. Ngoài ra, trong quá trình phản ánh thế giới khách quan, con người cố gắng
vận dụng, sử dụng thêm rất nhiều kinh nghiệm, nỗ lực cá nhân để phản ánh.
- Tính sáng tạo: Hình ảnh về thế giới khách quan được phản ánh mang cái mới, sáng
tạo tùy thuộc vào kinh nghiệm và mức độ tích cực của chủ thể.
* Tính chủ thể của tâm lý người
Trong phản ánh thế giới khách quan, thế giới khách quan tác động vào một chủ thể
nhất định và nó được khúc xạ qua “lăng kính” của chủ thể tạo nên những hình ảnh tâm lý
mang màu sắc riêng biệt, không hoàn toàn trùng khớp với hiện thực. Tính chủ thể thể hiện
như sau:
- Mỗi chủ thể trong khi tạo ra hình ảnh tâm lý về thế giới đã đưa vốn hiểu biết, vốn
kinh nghiệm, đưa cái riêng của mình (về nhu cầu, xu hướng, kiến thức, kinh nghiệm)... vào
trong hình ảnh đó, làm cho nó mang đậm màu sắc chủ quan
- Cùng một hiện thực khách quan tác động vào nhiều chủ thể khác nhau sẽ cho ra
những hình ảnh tâm lý có sắc thái, mức độ khác nhau ở từng chủ thể.
- Cùng một hiện thực khách quan tác động vào một chủ thể trong những thời điểm,
hoàn cảnh, trạng thái cơ thể, tâm trạng khác nhau thì sẽ có những biểu hiện và sắc thái khác
nhau.
- Thông qua các mức độ và sắc thái tâm lý khác nhau mà mỗi chủ thể tỏ thái độ, hành
vi khác nhau đối với hiện thực.. Ví dụ: Cùng nhìn thấy các cửa hiệu thời trang giảm giá
(Sale off) đến 70% nhưng có người thì hào hứng, quyết định mua sắm ngay, có người thì
chần chừ cân nhắc, có người thì thờ ơ với việc giảm giá này.
Nguyên nhân dẫn đến tính chủ thể này trước hết là do sự khác biệt về đặc điểm cấu
tạo hệ thần kinh, cơ quan cảm giác vì con người khi sinh ra chỉ bình đẳng về mặt sinh học
trên phương diện loài chứ không bình đẳng trên phương diện cá thể. Ngoài ra, khi phản
ánh thế giới khách quan, con người vận dụng tất cả tri thức, kinh nghiệm sống, nhu cầu sở
thích của mình để tạo nên hình ảnh tâm lý, mà tất cả những yếu tố này khác nhau ở mỗi
người. Một lý do khác, mỗi con người có môi trường sống khác nhau, cho dù cùng sống
chung một mái nhà, học cùng một lớp nhưng mức độ tham gia hoạt động giao tiếp khác
nhau thì cũng dẫn đến những khác biệt trong phản ánh tâm lý.
Như vậy, tâm lý người là hình ảnh chủ quan về thế giới khách quan, hình ảnh chủ
quan này vừa mang tính trung thực, vừa mang tính tích cực và sáng tạo, sinh động. Từ đó,
muốn nghiên cứu tâm lý người thì cần tìm hiểu môi trường sống của người đó cũng như
phải tác động thay đổi môi trường sống nếu như muốn hình thành hoặc thay đổi một nét
tâm lý nào đó ở con người. Bên cạnh đó, phản ánh tâm lý có tính chủ thể nên trong ứng xử
giao tiếp cần tôn trọng cái riêng của mỗi người, nhìn thấy tính chủ thể của mỗi người trong
đánh giá, tránh sự áp đặt cũng như quá đề cao vai trò cá nhân.
3.1.3. Tâm lý người có bản chất xã hội và có tính lịch sử
Tâm lý người phản ánh chính nền văn hóa xã hội, mà người đó sống, nền văn hóa xã
hội càng đa dạng thì tâm lý con người sẽ càng phong phú. Tâm lý người là sự phản ánh
hiện thực khách quan, là chức năng của não, là kinh nghiệm xã hội lịch sử biến thành cái
riêng của mỗi người. Tâm lý con người khác xa với tâm lý của một số loài động vật cao
cấp ở chỗ: Tâm lý người có bản chất xã hội và mang tính lịch sử.
a. Bản chất xã hội
Tâm lý người là sự tác động qua lại giữa não và thế giới khách quan, thế giới khách
quan gồm có phần tự nhiên và phần xã hội. Phần xã hội chính là các mối quan hệ kinh tế
xã hội, quan hệ đạo đức, pháp quyền, các mối quan hệ con người - con người, từ quan hệ
gia đình, làng xóm, quê hương, khối phố cho đến các quan hệ nhóm, các quan hệ cộng
đồng... do con người tạo nên, sống trong đó và nó tác động ngược trở lại con người. Tất cả
các yếu tố xã hội đó cần có để phản ánh vào não và từ đó hình thành được tâm lý người
đúng nghĩa. Tâm lý người có nguồn gốc từ thế giới khách quan, nhưng chính nguồn gốc
xã hội là cái quyết định nên tâm lý người.
Trong thực tế, lịch sử ghi chép lại những đứa trẻ “hoang dã” được tìm thấy trong rừng,
có cấu tạo thể chất hoàn toàn bình thường, cùng sống trong thế giới khách quan nhưng
những biểu hiện hoàn toàn không phải là tâm lý người như không nói được, không giao
tiếp được với người khác, di chuyển bằng hai tay hai chân, dùng miệng ăn hoặc uống trực
tiếp. Điều này nói lên việc con người thoát ly khỏi các quan hệ xã hội, quan hệ người -
người sẽ làm cho tâm lý mất bản tính người.
Sự phát triển diễn ra theo hai con đường, con đường di truyền và con đường xã hội.
Ở loài vật, con đường di truyền là chủ yếu; còn ở con người, con đường xã hội là chủ yếu,
cụ thể là thông qua giáo dục, hoạt động và giao tiếp. Tâm lý của mỗi cá nhân là kết quả
lĩnh hội tiếp thu vốn kinh nghiệm xã hội loài người, nền văn hoá xã hội thông qua hoạt
động, giao tiếp, giáo dục. Chính qua sự dạy dỗ của cha mẹ, thầy cô, người lớn và bằng hoạt
động và giao tiếp của chính bản thân, con người lĩnh hội, chiếm lĩnh những cái chung của
nền văn hóa xã hội để biến nó thành cái riêng của chính mình, từ đó sáng tạo thêm những
cái mới góp phần làm nền văn hóa xã hội phong phú và đa dạng hơn nữa.
b. Bản chất lịch sử
Tâm lý của mỗi người hình thành, phát triển và biến đổi cùng với sự phát triển của
lịch sử cá nhân, dân tộc và cộng đồng.
Xã hội không phải bất biến mà trải qua những thời đại khác nhau mỗi xã hội sẽ được
đặc trưng bởi một nền văn hóa, kinh tế đạo đức, chính trị khác nhau. Chính vì vậy tâm lý
người ở mỗi một thời đại, một xã hội khác nhau sẽ mang dấu ấn của thời đại và xã hội đó,
tạo nên sự khác biệt tâm lý giữa các thế hệ.
Mỗi con người theo thời gian có những biến cố, sự kiện xảy ra trong cuộc đời khiến
cho tâm lý cũng thay đổi theo sự phát triển, vận động ấy.
Từ bản chất xã hội lịch sử của tâm lý người, có thể thấy để tìm hiểu rõ tâm lý con
người, đánh giá đúng đắn bản chất các hiện tượng tâm lý thì cần phải nghiên cứu không
chỉ môi trường sống của người đó mà còn phải tập trung cụ thể vào hoàn cảnh, điều kiện
gia đình, các sự kiện, biến cố quan trọng xảy ra trong cuộc đời của họ. Đồng thời, thông
qua hiểu biết về lịch sử, kinh tế, văn hóa xã hội, có thể phán đoán, mô tả nét tâm lý chung
của con người trong thời đại, bối cảnh xã hội lịch sử đó. Ngoài ra, tâm lý người được hình
thành thông qua hoạt động và giao tiếp nên cần tổ chức các hoạt động đa dạng, mở rộng
các mối quan hệ xã hội để tăng cường mức độ lĩnh hội cũng như hình thành những hiện
tượng tâm lý cần thiết.
3.2 Chức năng của các hiện tượng tâm lý
Chức năng định hướng: Tâm lý thực hiện chức năng định hướng cho con người
trong cuộc sống thể hiện ở việc xác lập động cơ, mục đích hoạt động. Tùy vào mục đích,
động cơ khác nhau, tâm lý sẽ thôi thúc con người hướng hoạt động của mình để đạt được
mục đích ấy, chiếm lĩnh đối tượng cũng như kiềm hãm những hành động, hoạt động không
cần thiết trong quá trình hoạt động.
Chức năng động lực: Đó là chức năng thôi thúc, lôi cuốn con người hoạt động, khắc
phục mọi khó khăn vươn tới mục đích đề ra.
Chức năng điều khiển: Chính nhờ chức năng này mà con người có mục đích, mục
tiêu của cuộc sống, đặt ra kế hoạch, chương trình phấn đấu lâu dài để đạt tới, làm cho hoạt
động của con người trở nên có ý thức, đem lại hiệu quả nhất định.
Chức năng kiểm tra điều chỉnh: Là chức năng tự đánh giá kết quả hoạt động của
con người so với yêu cầu, ý định đặt ra để xem mục đích hoạt động đã đạt đến đâu và điều
chỉnh cho phù hợp.
3.3. Phân loại các hiện tượng tâm lý
a. Căn cứ vào thời gian tồn tại, các hiện tượng tâm lý được phân thành ba loại: Quá
trình tâm lý, trạng thái tâm lý và thuộc tính tâm lý.
Quá trình tâm lý là những hiện tượng tâm lý có mở đầu và kết thúc rõ ràng, thời gian
tồn tại tương đối ngắn. Loại hiện tượng tâm lý này có tính diễn biến rõ ràng và xuất hiện
sớm trong đời sống cá thể, bao gồm: Quá trình nhận thức (Cảm giác, tri giác, trí nhớ, tưởng
tượng, tư duy, ngôn ngữ); Quá trình cảm xúc (vui mừng, tức giận, dễ chịu, khó chịu, nhiệt
tình, thờ ơ...); Quá trình hành động ý chí.
Các trạng thái tâm lý là hiện tượng tâm lý diễn ra trong thời gian tương đối dài, việc
mở đầu và kết thúc không rõ ràng, không có đối tượng riêng nên phải đi kèm các hiện
tượng tâm lý khác, đóng vai trò làm nền cho các hiện tượng tâm lý đó như: Chú ý đi kém
với quá trình nhận thức (chú ý nghe giảng), phân vân đi kèm với tư duy, tâm trạng đi với
cảm xúc
Các thuộc tính tâm lý là những hiện tượng tâm lý tương đối ổn định, khó hình thành
và khó mất đi, tạo thành những nét riêng của nhân cách, là bốn nhóm thuộc tính tâm lý cá
nhân như: Xu hướng, tính cách, khí chất và năng lực.
b. Căn cứ vào sự tham gia của ý thức, hiện tượng tâm lý được phân hành hiện tượng
tâm lý có ý thức và hiện tượng tâm lý không có ý thức.
Hiện tượng tâm lý có ý thức là hiện tượng tâm lý được chủ thể nhận biết đang diễn
ra, có sự bày tỏ thái độ và có thể điều khiển, điều chỉnh được chúng.
Hiện tượng tâm lý chưa có ý thức là những hiện tượng tâm lý không được chủ thể
nhận biết đang diễn ra. Vì vậy, không thể bày tỏ thái độ hay điều khiển, điều chỉnh được
chúng.
c. Kiểu phân loại thành hiện tượng tâm lý sống động (thể hiện trong hành vi, hoạt
động) và hiện tượng tâm lý tiềm tàng (tích động trong sản phẩm hoạt động).
4. Phương pháp nghiên cứu của tâm lý học……………………………
5. Tâm lý học và mối liên hệ với các khoa học khác
Tâm lý học là một khoa học trung gian giữa khoa học xã hội và khoa học tự nhiên, vì
tâm lý học nghiên cứu các hoạt động tâm lý con người. Các hiện tượng tâm lý người có cơ
sở vật chất là đặc điểm sinh học (cơ thể, não, giác quan, hệ thần kinh) và đồng thời tâm lý
người lại có bản chất xã hội, phản ánh cuộc sống xã hội lịch sử vì thế tâm lý học vừa có
tính chất của khoa học tự nhiên và vừa có tính chất của khoa học xã hội.
5.1. Tâm lý học và sinh lý học
Các tri thức của sinh vật học, đặc biệt là sinh lý học thần kinh giúp cho tâm lý học
nghiên cứu, giải thích được các hiện tượng tâm lý khác nhau của con người từ chú ý, tri
giác, trí nhớ, đến các hiện tượng tâm lý cao cấp như tình cảm, năng lực,… tạo ra sự vững
chắc của khoa học tâm lý. Khi nghiên cứu sinh lý học thần kinh của người cần phải nghiên
cứu nó trong mối quan hệ với tâm lý người, nếu không con người chỉ là một loài động vật
thuần túy và sẽ rơi vào thuyết sinh vật hoá con người.
5.2. Tâm lý học và triết học
Các luận điểm cơ bản của triết học chỉ đạo, định hướng cho sự phát triển tâm lý học
và giải quyết các vấn đề cơ bản của tâm lý: Bản chất tâm lý, động lực của sự phát triển tâm
lý, xu hướng phát triển tâm lý,... giúp cho tâm lý học đạt được những thành tựu khoa học
to lớn và phục vụ đời sống xã hội. Ngược lại, tâm lý học cũng đóng góp cho triết học nhiều
thành tựu nghiên cứu để chứng minh, giải thích hay cụ thể hoá các nguyên lý, tư tưởng triết
học và làm phong phú thêm triết học.
5.3. Tâm lý học và giáo dục
Đời sống tâm lý con người rất phong phú, phức tạp vừa mang cái chung của cả cộng
đồng người chịu sự quy định của các điều kiện lịch sử xã hội cụ thể, vừa mang cái riêng
của một lứa tuổi, cái chủ thể của một người cụ thể. Vì vậy, muốn thành công trong dạy học
và giáo dục thì phải hiểu tâm lý con người để có hướng tác động cho phù hợp. Tâm lý học
là cơ sở cho giáo dục học, cung cấp những tri thức về tâm lý người, vạch ra đặc điểm tâm
lý, quy luật hình thành, phát triển tâm lý con người với tư cách vừa là chủ thể vừa là khách
thể của giáo dục. Ngược lại, những nghiên cứu lý luận và thực tiễn của giáo dục học là các
minh chứng cho sự đúng đắn, khoa học của các kiến thức tâm lý, làm phong phú thêm cho
khoa học tâm lý, tạo ra.
5.4. Vai trò của tâm lý học trong thực tiễn
Tâm lý con người có chức năng định hướng, điều khiển, điều chỉnh nên tâm lý học có
vai trò to lớn với tất cả các lĩnh vực hoạt động của con người như: Lao động sản xuất, y tế,
giáo dục, thể thao, an ninh quốc phòng.
Mục đích cao nhất của hoạt động lao động là tạo ra năng suất lao động cao. Muốn vậy
phải chú ý nhiều mặt từ việc chế tạo công cụ lao động, đảm bảo an toàn lao động, tổ chức
lao động hợp lí khoa học, xây dựng bầu không khí lao động tập thể, động viên khen thưởng
trong lao động... tất cả các mặt đó của lao động đều cần đến các tri thức tâm lý học lao
động, tâm lý học kĩ sư, tâm lý học xã hội. Lĩnh vực quản lý xã hội và đặc biệt công tác tổ
chức cán bộ vận dụng nhiều tri thức tâm lý học. Vấn đề hiểu người, dùng người, bồi dưỡng
và đánh giá con người trong công việc, bầu không khí tâm lý trong tập thể quản lí, dư luận
xã hội, các quan hệ cá nhân khác nhau trong tập thể đều sử dụng các tri thức tâm lý và đồng
thời là các vấn đề của tâm lý học.
Ngoài ra, hầu khắp các lĩnh vực khác nhau của xã hội như: tư pháp, thanh tra, y
tế, thương mại, du lịch... đều cần sự có mặt của khoa học tâm lý, sự ra đời các khoa học
liên ngành như tâm lý học y học, tâm lý học tư pháp, tâm lý học du lịch... là minh chứng
cụ thể khẳng định vai trò to lớn của tâm lý học với các khoa học khác và cuộc sống xã hội
con người. Đặc biệt với công tác giáo dục, lĩnh vực “trồng người", tâm lý học có vị trí đặc
biệt quan trọng, những tri thức tâm lý học là cơ sở khoa học cho việc định hướng đúng
trong dạy học và giáo dục học sinh: Hiểu tâm lý lứa tuổi là cơ sở cho dạy học, giáo dục
phù hợp, sử dụng các biện pháp các phương tiện giáo dục có hiệu quả đem lại chất lượng
cao cho công tác giáo dục học sinh.

You might also like