You are on page 1of 126

LỜI NÓI ĐẦU

Ngày nay, kiến thức tâm lý học cần thiết cho mọi lĩnh vực của cuộc sống, từ
việc đánh giá con người đến công việc và đời sống nội tâm của mỗi người. Môn tâm
lý học đại cương là môn học cung cấp những kiến thức cơ bản về tâm lý người và
những quy luật tâm lý tương ứng, là nền tảng giúp sinh viên có thể tiếp thu các kiến
thức tâm lý học chuyên sâu và tâm lý học nghề nghiệp.
Nhằm giúp sinh viên Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh có
tài liệu học tập hiệu quả, sát với yêu cầu thực tiễn đề ra, Bộ môn Khoa học xã hội &
Nhân văn, Khoa Lý luận chính trị cùng phối hợp với các giảng viên trực tiếp giảng
dạy môn học tổ chức biên soạn tài liệu học tập “Tâm lý học đại cương” dành cho
sinh viên các hệ đang học tập tại Trường. Về cấu trúc, tài liệu được kết cấu gồm 5
chương:
- Chương 1: Những vấn đề cơ bản về tâm lý học
- Chương 2: Hoạt động - giao tiếp và sự hình thành ý thức
- Chương 3: Hoạt động nhận thức
- Chương 4: Đời sống tình cảm và ý chí
- Chương 5: Nhân cách - sự hình thành và phát triển nhân cách.
Tài liệu được biên soạn theo trình tự từ lý thuyết đến câu hỏi ôn tập và bài tập
tình huống. Mỗi phần là một chủ ý của nhóm tác giả nhằm giúp người học đi từ nhận
thức đến thực hành và vận dụng vấn đề đã học vào việc giải quyết các tình huống
thường gặp trong cuộc sống và nghề nghiệp tương lai. Trong tài liệu có sử dụng một
số hình ảnh, số liệu, sơ đồ, biểu đồ và thông tin của các nhà nghiên cứu, đồng
nghiệp, tập thể tác giả trân trọng cảm ơn và rất mong được sự cho phép của quý vị.
Dù đã rất cố gắng, nhưng cũng không tránh khỏi những thiếu sót trong quá trình biên
soạn tài liệu. Chúng tôi xin chịu trách nhiệm và rất mong nhận được góp ý từ quý
đồng nghiệp và các bạn sinh viên để tài liệu ngày một hoàn thiện hơn.

Mọi góp ý xin gửi về: Khoa Lý luận chính trị, trường Đại học Ngân hàng
Thành phố Hồ Chí Minh, Tầng 2 khu Hiệu bộ, 56 Hoàng Diệu 2, Thủ Đức, thành
phố Hồ Chí Minh, email: khoallct@buh.edu.vn

Trân trọng!

1
Chương I
NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ TÂM LÝ HỌC

A. Mục tiêu
Kiến thức
- Cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về khoa học tâm lý;
- Giúp người học hiểu và phân tích được bản chất, chức năng, phân loại các hiện
tượng tâm lý người;
- Giúp người học có hiểu biết về lịch sử hình thành và phát triển của khoa học
tâm lý;
- Trình bày được hệ thống các phương pháp nghiên cứu tâm lý người;
Kỹ năng
- Hình thành cho người học những kỹ năng cơ bản về nghiên cứu tâm lý, nhìn
nhận đánh giá con người;
- Rèn luyện, phát triển kỹ năng tư duy tích cực, kỹ năng giải quyết vấn đề…
Thái độ
- Hình thành thái độ sống, nhìn nhận vấn đề tích cực trong cuộc sống và giao tiếp;
- Có ý thức sẵn sàng hợp tác, tương tác tích cực với mọi người;
- Có hứng thú học tập tâm lý học và vận dụng tâm lý học vào việc học tập, rèn
luyện và trong ứng xử.
B. Nội dung
1. Định nghĩa và sơ lược lịch sử tâm lý học
1.1. Tâm lý học
a. Tâm lý
Từ buổi đầu lịch sử, người nguyên thủy đã có quan điểm cho rằng con người
tồn tại gồm hai phần: Thể xác và tâm hồn (linh hồn). Có thể nói, quan niệm về tâm
hồn (linh hồn) chính là cội nguồn của tâm lý người. Trong cuộc sống hàng ngày, chữ
“Tâm” thường được sử dụng ghép với các chữ khác, tạo thành các từ ghép như: “tâm
địa”, “tâm can”, “tâm tình”, “tâm tư”, “tâm trạng”,… được hiểu là lòng người thiên
về mặt tình cảm. Như vậy, “tâm lý” được dùng để chỉ những hiện tượng tinh thần
của con người.

2
Từ điển Tiếng Việt định nghĩa: “Tâm lý là tổng thể những nhận thức, tình cảm,
ý chí, v.v… làm thành thế giới nội tâm, thế giới bên trong của con người”.
Khái niệm tâm lý trong tâm lý học bao gồm tất cả những hiện tượng tinh thần
như: Cảm giác, tư duy, tình cảm, ý chí hình thành trong đầu óc con người và điều
chỉnh, điều khiển mọi hoạt động của con người.
Như vậy, tâm lý là tất cả những hiện tượng tinh thần nảy sinh trong đầu óc
con người, gắn liền và điều hành mọi hành động, hoạt động của con nguời.
b. Tâm lý học
Nguồn gốc của từ tâm lý học (psychology) là psyche và logos (-logy) (tâm lý)
rất gần giống với “soul” (linh hồn) và logos (-logy) trong tiếng Hy Lạp, và tâm lý
học trước đây đã được coi như một nghiên cứu về linh hồn (với ý nghĩa tôn giáo của
thuật ngữ này), trong thời kỳ Thiên chúa giáo. Tâm lý học được xem là một ngành y
khoa được Thomas Willis nhắc đến khi nói về tâm lý học (trong Doctrine of the
Soul) với các thuật ngữ về chức năng não, một phần của chuyên luận giải
phẫu 1862 của ông là “De Anima Brutorum” (Hai thuyết trình về Linh hồn của
Brutes)
Tâm lý học là khoa học nghiên cứu các hiện tượng tâm lý người; các quy
luật nảy sinh, vận hành và phát triển của các hiện tượng tâm lý trong hoạt động đa
dạng của cuộc sống hàng ngày ở mỗi con người.
Sự ra đời của tâm lý học với tư cách là một khoa học độc lập là thành quả của
quá trình phát triển lâu dài từ những tư tưởng, quan điểm triết học và các khoa học xã
hội khác trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại.
1.2 Sơ lược về sự hình thành và phát triển của khoa học tâm lý
1.2.1. Những tư tưởng tâm lý học thời kì cổ đại
Những tri thức đầu tiên liên quan đến tâm lý con người đã được thể hiện, phản
ánh trong các tư tưởng, trường phái triết học cổ đại, cả duy tâm lẫn duy vật.
Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Socrate (469 - 399 tr.CN) với tuyên ngôn nổi
tiếng “hãy tự biết mình” được xem là người có công đầu trong bước chuyển tư duy
của triết học Hy Lạp, từ triết học tự nhiên sang triết học xã hội, qua đó đặt ra một vấn
đề lớn mang ý nghĩa định hướng, rằng con người có thể và cần phải tự nhận thức về
chính mình.
3
Nhà triết học duy tâm khách quan Platon (427- 347 tr.CN) với quan điểm cho
rằng “thể xác khả tử” còn “linh hồn bất tử”, nên quá trình nhận thức của con người
“chỉ là sự hồi tưởng lại của linh hồn bất tử về “thế giới ý niệm” mà nó từng trải qua
nhưng đã bị quên lãng…”
Đối lập với quan điểm duy tâm, các nhà triết học duy vật thời cổ đại khẳng
định tâm lý, tâm hồn là một, tâm hồn gắn liền với thể xác. Đại diện cho quan điểm
này có các nhà triết học duy vật như: Thales (khoảng 624 – 546 TCN); Heraclit (553
– 745 TCN); Anaximenes (585 - 528, TCN)... cho rằng tâm hồn cũng như vạn vật
đều được cấu tạo từ các yếu tố vật chất như: nước, lửa, không khí... “Thuyết Ngũ
hành” trong triết học Trung Quốc cổ đại cho rằng Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ là năm
hành chất ban đầu tạo nên vạn vật, gồm cả tâm hồn. Democritos (460 – 370, TCN),
thuyết “Nguyên tử luận” lại khẳng định tâm hồn con người do những nguyên tử đặc
biệt cấu tạo thành, rằng “nguyên tử lửa” là nhân tố tạo nên tâm lý…
Cùng quan điểm cho rằng tâm hồn gắn liền với thể xác, nhưng Aristote (384 –
322 TCN) lại chia tâm hồn thành 3 loại khác nhau, gồm tâm hồn dinh dưỡng, tâm
hồn cảm giác (có ở cả động vật) và tâm hồn trí tuệ (chỉ có ở con người).
Các quan điểm duy vật và duy tâm tiếp tục cuộc đấu tranh không khoan
nhượng về lập trường thế giới quan xung quanh mối quan hệ giữa tồn tại và tinh
thần, tâm lý và vật chất…
1.2.2. Những tư tưởng tâm lý học thời Phục hưng và cận đại
Trong suốt “Đêm trường Trung cổ”, với sự chi phối gần như tuyệt đối của thần
quyền, tâm lý học và khoa học nói chung trở thành “nô lệ của thần học”. Những tư
tưởng tâm lý học thời kỳ này mang tính chất thần bí - bản thể huyền bí. Các nghiên
cứu, quan điểm tiến bộ đều bị kìm hãm bởi cái bóng quá lớn của quyền lực nhà thờ...
Bước qua thời kỳ Phục hưng, khoa học nói chung được giải phóng, theo đó tâm
lý học cũng đạt được những bước phát triển mới.
Đến thế kỷ XVII, triết gia R. Descartes (1596 - 1650) theo phái “nhị nguyên
luận” cho rằng vật chất và tâm hồn là hai thực thể cùng song song tồn tại. Theo
Descartes, cơ thể con người phản xạ như một cái máy, còn tinh thần, tâm lý của con
người thì không thể biết được. Quan điểm của ông đã tạo tiền đề cho việc tìm ra cơ
chế phản xạ trong hoạt động tâm lý về sau.

4
Thế kỷ XVIII đánh dấu thời kỳ tâm lý học bắt đầu có tên gọi. Nhà triết học Đức
C.Wolff (1679-1754) đã chia nhân chủng học ra thành hai thứ khoa học, một là khoa
học về cơ thể, hai là khoa học về tâm lý học. Với hai tác phẩm của ông được xuất
bản: “Tâm lý học kinh nghiệm” (1732), và “Tâm lý học lý trí” (1734), “Tâm lý học”
chính thức ra đời.
Đến thế kỷ XIX, L. Feuerbach (1804 - 1872), nhà triết học duy vật lớn nhất
trước thời đại của C. Mác đã đưa ra quan điểm mới về tâm lý. Theo ông, tinh thần,
tâm lý không thể tách rời khỏi não người, nó là sản phẩm của thứ vật chất phát triển
tới mức độ cao là bộ não người. Tâm lý là hình ảnh của thế giới khách quan.
1.2.3. Tâm lý học trở thành khoa học độc lập
Bước sang thế kỷ XIX, do yêu cầu của sản xuất và đời sống, nhân loại đã đạt
được nhiều thành tựu quan trọng trên bình diện khoa học. Trong đó phải kể đến một
loạt những thành tựu liên quan trực tiếp đến sự phát triển của bộ môn tâm lý học
như: thuyết tiến hóa của S. Darwin (1809 -1882), thuyết tâm sinh lý học cảm giác
của H. Helmholz (1821 - 1894), tâm lý học phát sinh của Ph. Ganton (1822 - 1911)
cùng các nghiên cứu quan trọng về tâm thần học…
Đặc biệt, năm 1879, W. Wundt (1832 - 1920), một nhà tâm lý học và sinh lý
học người Đức, người được coi là cha đẻ của ngành tâm lý học, đã thành lập phòng
thí nghiệm chính thức đầu tiên cho nghiên cứu tâm lý học tại Đại học Leipzig, Đức.
Một năm sau phòng thí nghiệm này đã chuyển thành Viện tâm lý học đầu tiên trên
thế giới, nơi xuất bản các tạp chí tâm lý học. Đồng thời ông cũng cho ra đời tạp chí
khoa học đầu tiên cho bộ môn này năm 1881.
Như vậy, từ chủ nghĩa duy tâm coi ý thức chủ quan là đối tượng của tâm lý học
và con đường nghiên cứu tâm lý bằng phương pháp tự quan sát, nội quan, tâm lý học
đã đạt được bước tiến mới, chuyển sang con đường nghiên cứu ý thức một cách
khách quan, bằng quan sát, phân tích, thực nghiệm...
1.2.4. Những tư tưởng tâm lý học trong thời kỳ hiện đại
Đầu thế kỉ XX, các dòng phái tâm lý học khách quan ra đời, đó là: Tâm lý học
hành vi, Tâm lý học Gestalt, Phân tâm học. Trong thế kỉ XX còn có những dòng phái
tâm lý học khác có vai trò nhất định trong lịch sử phát triển khoa học tâm lý hiện đại
như dòng phái Tâm lý học nhân văn, Tâm lý học nhận thức. Đặc biệt, sau Cách mạng

5
tháng Mười Nga (1917), dòng phái tâm lý học hoạt động do các nhà tâm lý học Xô
viết sáng lập đã đem lại những bước ngoặt lịch sử đáng kể trong tâm lý học.
a. Tâm lý học hành vi (J. Watson (1878 – 1958, Mỹ)
Chủ nghĩa hành vi do nhà tâm lý học Mỹ J.Watson sáng lập với ý định xây
dựng một nền tâm lý học tối tân và khoa học, đối tượng nghiên cứu chỉ có hành vi
của con người và ở động vật không tính đến yếu tố nội tâm.
Hành vi này được hiểu là tổng số các cử động bề ngoài được nảy sinh để đáp
ứng một kích thích nào đó, theo công thức kích thích - phản ứng (Stimulus -
Response). Các cử động này thực hiện chức năng thích nghi với môi trường xung
quanh. Vì có thể quan sát được các cử động này, nên có thể và phải nghiên cứu
chúng một cách khách quan, từ đó rút ra kết luận có thể điều khiển và hình thành
hành vi của con người theo phương pháp thử và sai. Với quan điểm như vậy, nên
năm 1921 Watson đã tuyên bố: “Giao cho tôi 12 đứa trẻ mới sinh, ai muốn đứa này
thành nhà khoa học, đứa khác thành tướng cướp,… tôi sẽ có cách tạo ra những con
người như vậy”. Đây được xem là dòng tâm lý học duy vật máy móc vì coi con
người như cỗ máy, hoặc động vật biết nói. Đây là quan điểm tự nhiên chủ nghĩa,
đồng nhất phản ứng với nội dung tâm lý bên trong làm mất tính chủ thể, tính xã hội
của tâm lý con người, đồng nhất tâm lý con người với tâm lý động vật. Quan điểm
này là thực dụng và phi lịch sử, không phản ánh được cuộc sống thực của con người
cụ thể, đang sống, làm việc và hoạt động trong các điều kiện lịch sử xã hội.
b. Tâm lý học Gestalt (tâm lý học cấu trúc)
Học thuyết tâm lý học Gestalt thuộc trường phái tâm lý học duy tâm khách
quan, ra đời ở Đức do May Wertheimer, Wolfgang Kohler và Kurt Koffka sáng lập.
Các nhà tâm lý học cấu trúc cho rằng bản chất hiện tượng tâm lý vốn có tính cấu
trúc, vì vậy nghiên cứu phải theo xu hướng tổng thể với cả một cấu trúc chỉnh thể.
c. Phân tâm học
Phân tâm học là học thuyết tâm lý được sáng lập bởi Sigmund Freud (1856 -
1939), một bác sĩ người Áo. Ông cho rằng chính yếu tố vô thức mới là yếu tố quyết
định nhất trong tâm lý con người.
Theo học thuyết của Freud, bộ máy tinh thần của con người bao gồm 3 thành
phần: Cái ấy (id), cái tôi (ego) và siêu tôi (super-ego), được gọi là mô hình cấu trúc.

6
Cái ấy (id) là nguồn gốc của tất cả những ham muốn sinh học. Những ham
muốn này của id có tính nguyên sơ, mang tính đòi hỏi ngay và cần được thoả mãn
hoàn toàn. Quá trình của nó không có lý trí và có tính lôi cuốn.
Cái tôi (ego) xuất hiện từ nhu cầu của id để cân bằng với sự thỏa mãn trong
thực tế. Ego gồm những cách thức ứng xử và suy nghĩ đã được hình thành trong cuộc
sống thông qua những kinh nghiệm để đối phó với thế giới bên ngoài nhằm giúp con
người thích nghi với thực tế cuộc sống.
Cái siêu tôi (super-ego), là những tiêu chuẩn thu được trong quá trình phát triển
nhân cách. Đó là sự kiềm chế các họat động của phần id và phần ego. Siêu tôi ngăn
không cho ý thức thực hiện những phần sai trái để thỏa mãn các bản năng. Phần siêu
tôi gần giống lương tâm.
Luận điểm cơ bản của Freud coi bản năng sinh dục là cội nguồn của toàn bộ thế
giới tinh thần, từ nội tâm đến hành vi bên ngoài, thậm chí kể cả sáng tạo nghệ thuật.
d. Tâm lý học nhân văn
Đại biểu cho dòng tâm lý học này là Carl Ransom Rogers (1902 - 1987) và
Abraham Maslow (1908 - 1970), đều là nhà tâm lý học người Mỹ. Họ cho rằng bản
chất con người vốn là tốt đẹp, có lòng vị tha, có tiềm năng sáng tạo. Tâm lý học cần
giúp con người tìm được bản ngã đích thực của mình. Con người cần đối xử với nhau
một cách tế nhị, cởi mở lẫn nhau. Tuy nhiên tâm lý học nhân văn tách con người
khỏi các mối quan hệ xã hội, chú ý tới mặt nhân văn trừu tượng trong con người. Họ
không thấy được nguồn gốc hình thành tính nhân văn đó có ở hoạt động sống của
mỗi người trong xã hội loài người, tách con người ra khỏi mối quan hệ xã hội.
e. Tâm lý học nhận thức
Học thuyết này do Jean Piaget (1896 - 1980), G. Bruno (Thụy Sỹ) sáng lập.
Trường phái này lấy hoạt động nhận thức của con người làm đối tượng nghiên cứu
của mình.
f. Tâm lý học hoạt động
Dòng phái này do các nhà tâm lý học Liên Xô (cũ) như L.X.Vugotxky,
X.L.Rubinstein, A.N.Leonchev cùng nhiều nhà tâm lý của Đức, Pháp, Bungari sáng
lập. Trường phái này lấy triết học Max-Lenin làm cơ sở lý luận và phương pháp
luận, coi tâm lý là sự phản ánh hiện thực khác quan vào não thông qua hoạt động.

7
Tâm lý người được hình thành trong hoạt động, giao tiếp và trong các mối quan hệ
xã hội.
2. Đối tượng, nhiệm vụ của tâm lý học
2.1. Đối tượng của tâm lý học
Đối tượng của tâm lý học là nghiên cứu các hiện tượng tâm lý với tư cách là
hiện tượng tinh thần do thế giới khách quan tác động vào não con người sinh ra, gọi
chung là các hoạt động tâm lý. Tâm lý học nghiên cứu sự hình thành vận hành và
phát triển của hoạt động tâm lý, các quy luật của hoạt động tâm lý và cơ cấu tạo nên
chúng .
2.2. Nhiệm vụ của tâm lý học
Nhiệm vụ cơ bản của tâm lý học là nghiên cứu bản chất hiện tượng tâm lý, các
quy luật nảy sinh và phát triển tâm lý, cơ chế diễn biến và thể hiện tâm lý, quy luật
về mối quan hệ giữa các hiện tượng tâm lý.
Cụ thể: Những yếu tố khách quan, chủ quan nào đã tạo ra tâm lý người; Cơ chế
hình thành và biểu hiện của hoạt động tâm lý; Tâm lý của con người hoạt động như
thế nào? Chức năng vai trò của tâm lý đối với hoạt động của con người.
Như vậy có thể nêu ba nhiệm vụ cụ thể của tâm lý học là: Nghiên cứu bản chất
hoạt động tâm lý cả về số lượng lẫn chất lượng; Phát hiện các quy luật nảy sinh, hình
thành và phát triển tâm lý; Tìm ra cơ chế diễn biến và thể hiện của các hiện tượng
tâm lý.
Trên cơ sở những thành tựu nghiên cứu, tâm lý học đưa ra những giải pháp hữu
hiệu cho việc hình thành và phát triển tâm lý, sử dụng tâm lý trong nhân tố con người
có hiệu quả nhất.
3. Bản chất, chức năng và phân loại các hiện tượng tâm lý
3.1. Bản chất các hiện tượng tâm lý người
Các quan niệm khác nhau về bản chất các hiện tượng tâm lý người
Quan niệm duy tâm khách quan cho rằng tâm lý của con người là do Thượng
đế, do trời sinh ra và nhập vào thể xác con người. Tâm lý con người không phụ thuộc
vào thế giới khách quan cũng như điều kiện thực tại của đời sống.
Quan niệm duy vật tầm thường cho rằng tâm lý - tâm hồn cũng như mọi sự vật
hiện tượng đều được cấu tạo từ vật chất, do vật chất trực tiếp sinh ra, tâm hồn giống
như gan tiết ra mật. Quan niệm này đồng nhất cái vật lý, cái sinh lý với cái tâm lý,
8
phủ nhận vai trò của chủ thể, tính tích cực năng động của tâm lý, ý thức, phủ nhận
bản chất xã hội của tâm lý và tính tích cực của tâm lý con người.
Chủ nghĩa duy vật biện chứng khẳng định, tâm lý người là sự phản ánh hiện
thực khách quan vào não người thông qua chủ thể và tâm lý người có bản chất xã hội
- lịch sử.
* Bản chất các hiện tượng tâm lý người theo quan điểm duy vật biện chứng
Theo quan điểm duy vật biện chứng, tâm lý người có nguồn gốc từ hiện thực
khách quan, cơ sở sinh lý của tất cả các hiện tượng tâm lý là phản xạ có điều kiện và
cơ sở vật chất của hiện tượng sinh lý cũng như hiện tượng tâm lý là não bộ. Tâm lý
người được hiểu là sự phản ánh thế giới khách quan vào não, sự phản ánh này mang
tính chủ thể và có bản chất xã hội lịch sử.
3.1.1. Tâm lý người là chức năng của bộ não
Tâm lý con người không phải là bộ não mà là chức năng của bộ não. Não người
là cơ quan có tổ chức cao nhất, nó là cơ sở vật chất đặc biệt, là trung tâm điều hòa
các hoạt động sống cơ thể.
Xét về mặt sinh lý, một hình ảnh tâm lý là một phản xạ có điều kiện, diễn ra qua
ba khâu:
- Khâu tiếp nhận: Những kích thích từ thế giới bên ngoài tác động vào các giác
quan của cơ thể (mắt, tai, mũi, miệng, da) tạo nên hưng phấn theo dây thần kinh
hướng tâm dẫn truyền lên não.
- Khâu xử lý thông tin diễn ra trong não bộ: Khi bộ não tiếp nhận kích thích, ở
đây sẽ diễn ra quá trình xử lý thông tin tạo nên những hình ảnh tâm lý.
- Khâu trả lời: Sau khi tạo nên những hình ảnh tâm lý, từ trung ương thần kinh
các hưng phấn sẽ theo dây thần kinh ly tâm dẫn truyền đến các bộ phận của cơ thể để
có phản ứng đáp trả.
Với tư cách là trung tâm điều khiển hoạt động của con người, cấu trúc của não
gồm ba phần: (1) Não trước là phần lớn nhất và phức tạp nhất của não, bao gồm đồi
thị, dưới đồi, hệ viền và vỏ não; (2) Não giữa là một phần nhỏ của thân não nằm giữa
não trước và não sau, chức năng chủ yếu là xử lý các quá trình cảm giác; (3) Não sau
bao gồm tiều não và hai cấu trúc nằm dưới thân não là hành tủy và cầu não, có vai
trò quan trọng trong điều khiển những cử động của các cơ. Trong đó, vùng vỏ não
được xem là trung tâm của những hoạt động tâm lý cấp cao như tư duy, tưởng tượng,
9
ngôn ngữ được phân thành bốn vùng chính tương ứng với bốn chức năng khác nhau:
(1) Vùng trán: vùng định hướng không gian và thời gian; (2) Vùng đỉnh: vùng vận
động; (3) Vùng thái dương: vùng thính giác; (4) Vùng chẩm: vùng thị giác. Ngoài ra
não người còn có những vùng chuyên biệt như vùng nói Broca, vùng viết, vùng nghe
hiểu tiếng nói Wemicke, vùng nhìn hiểu chữ viết Dejerine.
Sự phân vùng chức năng chỉ mang tính chất tương đối vì trên thực tế mỗi một
hiện tượng tâm lý diễn ra cần sự phối hợp của nhiều vùng khác nhau trên vỏ não, tạo
thành một hệ thống chức năng. Mỗi vùng có thể tham gia thực hiện nhiều hiện tượng
tâm lý khác nhau.
Tóm lại, não hoạt động theo hệ thống chức năng và muốn có hiện tượng tâm lý
người phải đảm bảo có sự tác động của thế giới khách quan vào não và não hoạt
động bình thường.
3.1.2 Tâm lý người là sự phản ánh hiện thực khách quan vào não người thông
qua chủ thể
Mọi sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan đều có bản chất phản ánh ở
các dạng khác nhau như phản ánh vật lý (quyển sách để lại hình ảnh phản chiếu trong
tấm gương), hóa học (Natri kết hợp với Clo tạo ra muối), cơ học (bước đi để lại vết
chân trên cát), sinh lý (thức ăn nghiền nát thành chất dinh dưỡng được hấp thụ để
nuôi cơ thể), xã hội (nghị định chuẩn bị được ban hành thường có sự góp ý của Đại
biểu Quốc hội hoặc người dân). Phản ánh có thể hiểu là sự tác động qua lại giữa hai
hay nhiều hệ thống vật chất mà kết quả để lại dấu vết ở cả hệ thống tác động lẫn hệ
thống chịu sự tác động. Tâm lý cũng là một dạng phản ánh nhưng rất đặc biệt vì nó
là trung gian giữa phản ánh sinh lý và phản ánh xã hội.
Phản ánh tâm lý là sự tác động qua lại giữa thế giới khách quan và não người,
đây là cơ quan vật chất có cấu trúc phức tạp nhất trong sinh giới. Kết quả của sự tác
động này là để lại một dấu vết trên não, mang nội dung tinh thần, đó chính là hình
ảnh tâm lý. Như vậy, thực chất tâm lý chính là hình ảnh về thế giới khách quan. Nói
cách khác, thế giới khách quan chính là nguồn gốc nội dung của tâm lý người. Tuy
nhiên, hình ảnh này không khô cứng như hình ảnh phản chiếu trong gương hay thu
được từ máy chụp hình và nó có những đặc điểm riêng biệt.
* Đặc điểm của phản ánh tâm lý

10
- Tính trung thực: Hình ảnh tâm lý phản ánh trung thực những thuộc tính của
thế giới khách quan như màu sắc, hình dạng, âm thanh, mùi, vị, quy luật... trừ những
trường hợp con người có bệnh về thần kinh hay các cơ quan nhận thức có vấn đề
khiến sự phản ánh bị sai lệch, bóp méo. Nhờ có sự phản ánh trung thực này mà con
người có thể hiểu đúng về thế giới khách quan để từ đó có những tác động thay đổi
cải tạo một cách hợp lý nhằm phục vụ cho lợi ích của con người.
- Tính tích cực: Phản ánh tâm lý mang tính tích cực được thể hiện ở chỗ con
người không ngừng tác động vào thế giới khách quan để cải tạo thay đổi nó cho phù
hợp với mục đích của mình. Ngoài ra, trong quá trình phản ánh thế giới khách quan,
con người cố gắng vận dụng, sử dụng thêm rất nhiều kinh nghiệm, nỗ lực cá nhân để
phản ánh.
- Tính sáng tạo: Hình ảnh về thế giới khách quan được phản ánh mang cái mới,
sáng tạo tùy thuộc vào kinh nghiệm và mức độ tích cực của chủ thể.
* Tính chủ thể của tâm lý người
Trong phản ánh thế giới khách quan, thế giới khách quan tác động vào một chủ
thể nhất định và nó được khúc xạ qua “lăng kính” của chủ thể tạo nên những hình
ảnh tâm lý mang màu sắc riêng biệt, không hoàn toàn trùng khớp với hiện thực. Tính
chủ thể thể hiện như sau:
- Mỗi chủ thể trong khi tạo ra hình ảnh tâm lý về thế giới đã đưa vốn hiểu biết,
vốn kinh nghiệm, đưa cái riêng của mình (về nhu cầu, xu hướng, kiến thức, kinh
nghiệm)... vào trong hình ảnh đó, làm cho nó mang đậm màu sắc chủ quan
- Cùng một hiện thực khách quan tác động vào nhiều chủ thể khác nhau sẽ cho
ra những hình ảnh tâm lý có sắc thái, mức độ khác nhau ở từng chủ thể.
- Cùng một hiện thực khách quan tác động vào một chủ thể trong những thời
điểm, hoàn cảnh, trạng thái cơ thể, tâm trạng khác nhau thì sẽ có những biểu hiện và
sắc thái khác nhau.
- Thông qua các mức độ và sắc thái tâm lý khác nhau mà mỗi chủ thể tỏ thái độ,
hành vi khác nhau đối với hiện thực.. Ví dụ: Cùng nhìn thấy các cửa hiệu thời trang
giảm giá (Sale off) đến 70% nhưng có người thì hào hứng, quyết định mua sắm ngay,
có người thì chần chừ cân nhắc, có người thì thờ ơ với việc giảm giá này.
Nguyên nhân dẫn đến tính chủ thể này trước hết là do sự khác biệt về đặc điểm
cấu tạo hệ thần kinh, cơ quan cảm giác vì con người khi sinh ra chỉ bình đẳng về mặt
11
sinh học trên phương diện loài chứ không bình đẳng trên phương diện cá thể. Ngoài
ra, khi phản ánh thế giới khách quan, con người vận dụng tất cả tri thức, kinh nghiệm
sống, nhu cầu sở thích của mình để tạo nên hình ảnh tâm lý, mà tất cả những yếu tố
này khác nhau ở mỗi người. Một lý do khác, mỗi con người có môi trường sống khác
nhau, cho dù cùng sống chung một mái nhà, học cùng một lớp nhưng mức độ tham
gia hoạt động giao tiếp khác nhau thì cũng dẫn đến những khác biệt trong phản ánh
tâm lý.
Như vậy, tâm lý người là hình ảnh chủ quan về thế giới khách quan, hình ảnh
chủ quan này vừa mang tính trung thực, vừa mang tính tích cực và sáng tạo, sinh
động. Từ đó, muốn nghiên cứu tâm lý người thì cần tìm hiểu môi trường sống của
người đó cũng như phải tác động thay đổi môi trường sống nếu như muốn hình thành
hoặc thay đổi một nét tâm lý nào đó ở con người. Bên cạnh đó, phản ánh tâm lý có
tính chủ thể nên trong ứng xử giao tiếp cần tôn trọng cái riêng của mỗi người, nhìn
thấy tính chủ thể của mỗi người trong đánh giá, tránh sự áp đặt cũng như quá đề cao
vai trò cá nhân.
3.1.3. Tâm lý người có bản chất xã hội và có tính lịch sử
Tâm lý người phản ánh chính nền văn hóa xã hội, mà người đó sống, nền văn
hóa xã hội càng đa dạng thì tâm lý con người sẽ càng phong phú. Tâm lý người là sự
phản ánh hiện thực khách quan, là chức năng của não, là kinh nghiệm xã hội lịch sử
biến thành cái riêng của mỗi người. Tâm lý con người khác xa với tâm lý của một số
loài động vật cao cấp ở chỗ: Tâm lý người có bản chất xã hội và mang tính lịch sử.
a. Bản chất xã hội
Tâm lý người là sự tác động qua lại giữa não và thế giới khách quan, thế giới
khách quan gồm có phần tự nhiên và phần xã hội. Phần xã hội chính là các mối quan
hệ kinh tế xã hội, quan hệ đạo đức, pháp quyền, các mối quan hệ con người - con
người, từ quan hệ gia đình, làng xóm, quê hương, khối phố cho đến các quan hệ
nhóm, các quan hệ cộng đồng... do con người tạo nên, sống trong đó và nó tác động
ngược trở lại con người. Tất cả các yếu tố xã hội đó cần có để phản ánh vào não và
từ đó hình thành được tâm lý người đúng nghĩa. Tâm lý người có nguồn gốc từ thế
giới khách quan, nhưng chính nguồn gốc xã hội là cái quyết định nên tâm lý người.
Trong thực tế, lịch sử ghi chép lại những đứa trẻ “hoang dã” được tìm thấy
trong rừng, có cấu tạo thể chất hoàn toàn bình thường, cùng sống trong thế giới
12
khách quan nhưng những biểu hiện hoàn toàn không phải là tâm lý người như không
nói được, không giao tiếp được với người khác, di chuyển bằng hai tay hai chân,
dùng miệng ăn hoặc uống trực tiếp. Điều này nói lên việc con người thoát ly khỏi các
quan hệ xã hội, quan hệ người - người sẽ làm cho tâm lý mất bản tính người.
Sự phát triển diễn ra theo hai con đường, con đường di truyền và con đường xã
hội. Ở loài vật, con đường di truyền là chủ yếu; còn ở con người, con đường xã hội là
chủ yếu, cụ thể là thông qua giáo dục, hoạt động và giao tiếp. Tâm lý của mỗi cá
nhân là kết quả lĩnh hội tiếp thu vốn kinh nghiệm xã hội loài người, nền văn hoá xã
hội thông qua hoạt động, giao tiếp, giáo dục. Chính qua sự dạy dỗ của cha mẹ, thầy
cô, người lớn và bằng hoạt động và giao tiếp của chính bản thân, con người lĩnh hội,
chiếm lĩnh những cái chung của nền văn hóa xã hội để biến nó thành cái riêng của
chính mình, từ đó sáng tạo thêm những cái mới góp phần làm nền văn hóa xã hội
phong phú và đa dạng hơn nữa.
b. Bản chất lịch sử
Tâm lý của mỗi người hình thành, phát triển và biến đổi cùng với sự phát triển
của lịch sử cá nhân, dân tộc và cộng đồng.
Xã hội không phải bất biến mà trải qua những thời đại khác nhau mỗi xã hội sẽ
được đặc trưng bởi một nền văn hóa, kinh tế đạo đức, chính trị khác nhau. Chính vì
vậy tâm lý người ở mỗi một thời đại, một xã hội khác nhau sẽ mang dấu ấn của thời
đại và xã hội đó, tạo nên sự khác biệt tâm lý giữa các thế hệ.
Mỗi con người theo thời gian có những biến cố, sự kiện xảy ra trong cuộc đời
khiến cho tâm lý cũng thay đổi theo sự phát triển, vận động ấy.
Từ bản chất xã hội lịch sử của tâm lý người, có thể thấy để tìm hiểu rõ tâm lý
con người, đánh giá đúng đắn bản chất các hiện tượng tâm lý thì cần phải nghiên cứu
không chỉ môi trường sống của người đó mà còn phải tập trung cụ thể vào hoàn
cảnh, điều kiện gia đình, các sự kiện, biến cố quan trọng xảy ra trong cuộc đời của
họ. Đồng thời, thông qua hiểu biết về lịch sử, kinh tế, văn hóa xã hội, có thể phán
đoán, mô tả nét tâm lý chung của con người trong thời đại, bối cảnh xã hội lịch sử
đó. Ngoài ra, tâm lý người được hình thành thông qua hoạt động và giao tiếp nên cần
tổ chức các hoạt động đa dạng, mở rộng các mối quan hệ xã hội để tăng cường mức
độ lĩnh hội cũng như hình thành những hiện tượng tâm lý cần thiết.
3.2 Chức năng của các hiện tượng tâm lý
13
Chức năng định hướng: Tâm lý thực hiện chức năng định hướng cho con
người trong cuộc sống thể hiện ở việc xác lập động cơ, mục đích hoạt động. Tùy vào
mục đích, động cơ khác nhau, tâm lý sẽ thôi thúc con người hướng hoạt động của
mình để đạt được mục đích ấy, chiếm lĩnh đối tượng cũng như kiềm hãm những hành
động, hoạt động không cần thiết trong quá trình hoạt động.
Chức năng động lực: Đó là chức năng thôi thúc, lôi cuốn con người hoạt động,
khắc phục mọi khó khăn vươn tới mục đích đề ra.
Chức năng điều khiển: Chính nhờ chức năng này mà con người có mục đích,
mục tiêu của cuộc sống, đặt ra kế hoạch, chương trình phấn đấu lâu dài để đạt tới,
làm cho hoạt động của con người trở nên có ý thức, đem lại hiệu quả nhất định.
Chức năng kiểm tra điều chỉnh: Là chức năng tự đánh giá kết quả hoạt động
của con người so với yêu cầu, ý định đặt ra để xem mục đích hoạt động đã đạt đến
đâu và điều chỉnh cho phù hợp.
3.3. Phân loại các hiện tượng tâm lý
a. Căn cứ vào thời gian tồn tại, các hiện tượng tâm lý được phân thành ba loại:
Quá trình tâm lý, trạng thái tâm lý và thuộc tính tâm lý.
Quá trình tâm lý là những hiện tượng tâm lý có mở đầu và kết thúc rõ ràng,
thời gian tồn tại tương đối ngắn. Loại hiện tượng tâm lý này có tính diễn biến rõ ràng
và xuất hiện sớm trong đời sống cá thể, bao gồm: Quá trình nhận thức (Cảm giác, tri
giác, trí nhớ, tưởng tượng, tư duy, ngôn ngữ); Quá trình cảm xúc (vui mừng, tức
giận, dễ chịu, khó chịu, nhiệt tình, thờ ơ...); Quá trình hành động ý chí.
Các trạng thái tâm lý là hiện tượng tâm lý diễn ra trong thời gian tương đối dài,
việc mở đầu và kết thúc không rõ ràng, không có đối tượng riêng nên phải đi kèm
các hiện tượng tâm lý khác, đóng vai trò làm nền cho các hiện tượng tâm lý đó như:
Chú ý đi kém với quá trình nhận thức (chú ý nghe giảng), phân vân đi kèm với tư
duy, tâm trạng đi với cảm xúc
Các thuộc tính tâm lý là những hiện tượng tâm lý tương đối ổn định, khó hình
thành và khó mất đi, tạo thành những nét riêng của nhân cách, là bốn nhóm thuộc
tính tâm lý cá nhân như: Xu hướng, tính cách, khí chất và năng lực.
b. Căn cứ vào sự tham gia của ý thức, hiện tượng tâm lý được phân thành hiện
tượng tâm lý có ý thức và hiện tượng tâm lý không có ý thức.

14
Hiện tượng tâm lý có ý thức là hiện tượng tâm lý được chủ thể nhận biết đang
diễn ra, có sự bày tỏ thái độ và có thể điều khiển, điều chỉnh được chúng.
Hiện tượng tâm lý chưa có ý thức là những hiện tượng tâm lý không được chủ
thể nhận biết đang diễn ra. Vì vậy, không thể bày tỏ thái độ hay điều khiển, điều
chỉnh được chúng.
c. Kiểu phân loại thành hiện tượng tâm lý sống động (thể hiện trong hành vi,
hoạt động) và hiện tượng tâm lý tiềm tàng (tích động trong sản phẩm hoạt động).
4. Phương pháp nghiên cứu của tâm lý học
Phương pháp quan sát nhằm nghiên cứu những biểu hiện bên ngoài của tâm
lý người (hành vi, cử chỉ, nét mặt, lời nói, dáng điệu,...) diễn ra trong điều kiện sinh
hoạt tự nhiên, bình thường của họ để từ đó rút ra kết luận. Quan sát có nhiều hình
thức: Quan sát toàn diện, quan sát bộ phận, quan sát có trọng điểm, quan sát trực tiếp
hay gián tiếp và tự quan sát.
Phương pháp điều tra bằng phiếu hỏi sử dụng phiếu trưng cầu ý kiến với một
hệ thống câu hỏi đã được soạn sẵn nhằm thu thập những thông tin cần thiết về hiện
tượng tâm lý cần nghiên cứu. Câu hỏi trong phiếu bao gồm có thể là câu hỏi đóng,
loại câu hỏi có nhiều đáp án để lựa chọn và câu hỏi không có đáp án lựa chọn mà cá
nhân tự trả lời.
Phương pháp thực nghiệm là phương pháp tác động vào đối tượng một cách
chủ động trong những điều kiện đã được khống chế, để gây ra ở đối tượng những
biểu hiện cần nghiên cứu, có thể lặp đi lặp lại nhiều lần đo đạc định lượng, định tính
một cách khách quan. Có hai loại: Thực nghiệm trong phòng thí nghiệm và thực
nghiệm tự nhiên, được tiến hành trong điều kiện bình thường của cuộc sống.
Trắc nghiệm là một phép thử để đo lường tâm lý, đã được chuẩn hoá trên một
số lượng người tiêu biểu. Có nhiều loại trắc nghiệm khác nhau để xác định các loại
phẩm chất tâm lý sinh lý của con người như: Khả năng trí tuệ, năng lực, trí nhớ, độ
nhạy cảm của các giác quan, đời sống tình cảm…
Phương pháp nghiên cứu sản phẩm hoạt động là phương pháp dựa vào sản
phẩm (vật chất, tinh thần) của hoạt động do con người tạo ra để nghiên cứu đánh giá
tâm lý như trí tuệ, tình cảm, tính cách...
Phương pháp đàm thoại là cách thức thu nhập thông tin về hiện tượng tâm lý
được nghiên cứu dựa vào các nguồn thông tin thu thập được trong quá trình trò
15
chuyện. Nguồn thông tin có thể bao gồm các câu trả lời và các yếu tố hành vi như cử
chỉ, ngôn ngữ của người trả lời. Phỏng vấn có thể bao gồm nhiều hình thức: Trực
tiếp hoặc gián tiếp, phỏng vấn cá nhân hoặc nhóm.
5. Tâm lý học và mối liên hệ với các khoa học khác
Tâm lý học là một khoa học trung gian giữa khoa học xã hội và khoa học tự
nhiên, vì tâm lý học nghiên cứu các hoạt động tâm lý con người. Các hiện tượng tâm
lý người có cơ sở vật chất là đặc điểm sinh học (cơ thể, não, giác quan, hệ thần kinh)
và đồng thời tâm lý người lại có bản chất xã hội, phản ánh cuộc sống xã hội lịch sử
vì thế tâm lý học vừa có tính chất của khoa học tự nhiên và vừa có tính chất của khoa
học xã hội.
5.1. Tâm lý học và sinh lý học
Các tri thức của sinh vật học, đặc biệt là sinh lý học thần kinh giúp cho tâm lý
học nghiên cứu, giải thích được các hiện tượng tâm lý khác nhau của con người từ
chú ý, tri giác, trí nhớ, đến các hiện tượng tâm lý cao cấp như tình cảm, năng lực,…
tạo ra sự vững chắc của khoa học tâm lý. Khi nghiên cứu sinh lý học thần kinh của
người cần phải nghiên cứu nó trong mối quan hệ với tâm lý người, nếu không con
người chỉ là một loài động vật thuần túy và sẽ rơi vào thuyết sinh vật hoá con người.
5.2. Tâm lý học và triết học
Các luận điểm cơ bản của triết học chỉ đạo, định hướng cho sự phát triển tâm lý
học và giải quyết các vấn đề cơ bản của tâm lý: Bản chất tâm lý, động lực của sự
phát triển tâm lý, xu hướng phát triển tâm lý,... giúp cho tâm lý học đạt được những
thành tựu khoa học to lớn và phục vụ đời sống xã hội. Ngược lại, tâm lý học cũng
đóng góp cho triết học nhiều thành tựu nghiên cứu để chứng minh, giải thích hay cụ
thể hoá các nguyên lý, tư tưởng triết học và làm phong phú thêm triết học.
5.3. Tâm lý học và giáo dục
Đời sống tâm lý con người rất phong phú, phức tạp vừa mang cái chung của cả
cộng đồng người chịu sự quy định của các điều kiện lịch sử xã hội cụ thể, vừa mang
cái riêng của một lứa tuổi, cái chủ thể của một người cụ thể. Vì vậy, muốn thành
công trong dạy học và giáo dục thì phải hiểu tâm lý con người để có hướng tác động
cho phù hợp. Tâm lý học là cơ sở cho giáo dục học, cung cấp những tri thức về tâm
lý người, vạch ra đặc điểm tâm lý, quy luật hình thành, phát triển tâm lý con người
với tư cách vừa là chủ thể vừa là khách thể của giáo dục. Ngược lại, những nghiên
16
cứu lý luận và thực tiễn của giáo dục học là các minh chứng cho sự đúng đắn, khoa
học của các kiến thức tâm lý, làm phong phú thêm cho khoa học tâm lý, tạo ra.
5.4. Vai trò của tâm lý học trong thực tiễn
Tâm lý con người có chức năng định hướng, điều khiển, điều chỉnh nên tâm lý
học có vai trò to lớn với tất cả các lĩnh vực hoạt động của con người như: Lao động
sản xuất, y tế, giáo dục, thể thao, an ninh quốc phòng.
Mục đích cao nhất của hoạt động lao động là tạo ra năng suất lao động cao.
Muốn vậy phải chú ý nhiều mặt từ việc chế tạo công cụ lao động, đảm bảo an toàn
lao động, tổ chức lao động hợp lý khoa học, xây dựng bầu không khí lao động tập
thể, động viên khen thưởng trong lao động... tất cả các mặt đó của lao động đều cần
đến các tri thức tâm lý học lao động, tâm lý học kĩ sư, tâm lý học xã hội. Lĩnh vực
quản lý xã hội và đặc biệt công tác tổ chức cán bộ vận dụng nhiều tri thức tâm lý
học. Vấn đề hiểu người, dùng người, bồi dưỡng và đánh giá con người trong công
việc, bầu không khí tâm lý trong tập thể quản lý, dư luận xã hội, các quan hệ cá nhân
khác nhau trong tập thể đều sử dụng các tri thức tâm lý và đồng thời là các vấn đề
của tâm lý học.
Ngoài ra, hầu khắp các lĩnh vực khác nhau của xã hội như: tư pháp, thanh
tra, y tế, thương mại, du lịch... đều cần sự có mặt của khoa học tâm lý, sự ra đời các
khoa học liên ngành như tâm lý học y học, tâm lý học tư pháp, tâm lý học du lịch... là
minh chứng cụ thể khẳng định vai trò to lớn của tâm lý học với các khoa học khác và
cuộc sống xã hội con người. Đặc biệt với công tác giáo dục, lĩnh vực “trồng người”,
tâm lý học có vị trí đặc biệt quan trọng, những tri thức tâm lý học là cơ sở khoa học
cho việc định hướng đúng trong dạy học và giáo dục học sinh: Hiểu tâm lý lứa tuổi là
cơ sở cho dạy học, giáo dục phù hợp, sử dụng các biện pháp các phương tiện giáo
dục có hiệu quả đem lại chất lượng cao cho công tác giáo dục học sinh.
TÓM TẮT
Tâm lý là toàn bộ những hiện tượng tinh thần nảy sinh trong não người, gắn liền
và điều khiển toàn bộ hoạt động, hành vi của con người.
Tâm lý học là khoa học chuyên nghiên cứu về hiện tượng tâm lý người, có
nhiệm vụ phát hiện các quy luật tâm lý; lý giải, dự báo hành vi, thái độ của con
người; đưa ra các giải pháp phát huy nhân tố con người hiệu quả nhất, ứng dụng
trong các lĩnh vực hoạt động và nâng cao chất lượng cuộc sống.
17
Lịch sử phát triển của tâm lý học trải qua ba giai đoạn: (1) Thời cổ đại (2) Từ
thế kỷ thứ XIX trở về trước, (3) Tâm lý học chính thức trở thành một khoa học độc
lập vào năm 1879 bằng sự kiện Wihelm Wundt thành lập phòng thí nghiệm chính
thức đầu tiên nghiên cứu về tâm lý lại trường Đại học Leipzig (Đức).
Những quan điểm tâm lý học hiện đại ngày nay gồm có: Tâm lý học hành vi,
Tâm lý học Ghestal (Tâm lý học cấu trúc), Phân tâm học, Tâm lý học nhân văn, Tâm
lý học nhận thức, Tâm lý học hoạt động (Tâm lý học Marxist).
Theo quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, tâm lý người là sự phản
ánh thế giới khách quan vào não thông qua chủ thể, trên cơ sở vật chất là hoạt động
theo hệ thống chức năng của bộ não, mang bản chất xã hội và có tính lịch sử.
Tâm lý có chức năng định hướng, động lực, điều khiển và kiểm tra điều chỉnh
hoạt động hành vi của con người.
Các hiện tượng tâm lý được phân loại theo nhiều cách. Cách phân loại phổ biến
là căn cứ vào thời gian tồn tại (quá trình tâm lý, trạng thái tâm lý và thuộc tính tâm
lý) hoặc dựa vào sự tham gia của ý thức (hiện tượng tâm lý có ý thức và hiện tượng
tâm lý không có ý thức) hoặc phân loại thành hiện tượng tâm lý sống động và hiện
tượng tâm lý tiềm tàng
Các phương pháp nghiên cứu tâm lý cụ thể là phương pháp quan sát, điều tra
bằng bảng hỏi hoặc phỏng vấn, trắc nghiệm, phân tích sản phẩm và thực nghiệm.
C. LUYỆN TẬP
1. Câu hỏi củng cố
Câu 1: Trình bày những nét cơ bản lịch sử hình thành khoa học tâm lý?
Câu 2: Trình bày mối liên hệ giữa khoa học tâm lý với các khoa học khác (Triết
học, sinh lý học, giáo dục học)?
Câu 3: Phân tích bản chất xã hội lịch sử của tâm lý người. Từ đó rút ra những
bài học cần thiết cho việc trau dồi, phát triển bản thân.
Câu 4: Phân biệt quá trình tâm lý, trạng thái tâm lý, thuộc tính tâm lý.
2. Câu hỏi trắc nghiệm
Câu 1: Tâm lý người là sản phẩm của hoạt động và giao tiếp, do đó khi nghiên
cứu tâm lý người cần:
a. Phải tổ chức hoạt động và các quan hệ giao tiếp để nghiên cứu, phát triển và cải
tạo tâm lý con người
18
b. Trong các quan hệ giao tiếp, ứng xử phải quan tâm đến nguyên tắc sát đối tượng
c. Phải nghiên cứu môi trường xã hội, nền văn hóa xã hội trong đó con người sống và
hoạt động
d. Phải nghiên cứu hoàn cảnh trong đó con người sống và hoạt động
Câu 2: Sự phản ánh tâm lý của con người mang tính
a. Chủ thể, đậm màu sắc cá nhân b. Khách quan
c. Thời đại, lịch sử d. Năng động
Câu 3: Tâm lý người mang tính chủ thể là do
a. Sự khác nhau về đặc điểm cơ thể: Hệ thần kinh, não bộ,…
b. Khác nhau do hoàn cảnh sống và điều kiện giáo dục
c. Khác nhau về tính tích cực hoạt động trong các mối quan hệ xã hội và giao tiếp
d. Cả ba ý trên đều đúng
Câu 4: “Tâm lý người là sản phẩm của hoạt động và giao tiếp của con người
trong các mối quan hệ xã hội” thể hiện rằng
a. Tâm lý người mang tính cá nhân
b. Tâm lý người mang bản chất xã hội - lịch sử
c. Tâm lý người mang tính sáng tạo
d. Tâm lý người mang tính bất biến
Câu 5: Thuộc tính tâm lý mang đặc điểm nào sau đây?
a. Không thay đổi b. Khó thay đổi
c. Dễ thay đổi d. Dễ hình thành
Câu 6: “Hiện tượng tâm lý nào được hình thành trong thời gian dài và khó mất
đi” là
a. Quá trình tâm lý b. Trạng thái tâm lý
c. Thuộc tính tâm lý d. Hiện tượng tâm lý
Câu 7: “Hiện tượng tâm lý nào có mở đầu, có diễn biến, kết thúc rõ ràng” là
a. Quá trình tâm lý b. Trạng thái tâm lý
c. Thuộc tính tâm lý d. Hiện tượng tâm lý
Câu 8: Hiện tượng tâm lý nào sao đây là trạng thái tâm lý?
a. Buồn vu vơ b. Bực bội vì đói bụng
c. Cả A và B đều đúng d. Cả A và B đều sai

19
Câu 9: Quan điểm cho rằng: “Tâm lý người là do Thượng đế, do Trời sinh ra”
là quan điểm thuộc về trường phái nào?
a. Duy tâm chủ quan b. Duy tâm khách quan
c. Duy vật biện chứng d. Duy vật tầm thường
Câu 10: Quan điểm “Nam nữ thụ thụ bất thân” được hình thành chịu ảnh
hưởng bởi bản chất tâm lý người nào?
a. Tính xã hội lịch sử b. Tính chủ thế
c. Tính máy móc c. Tính giáo dục – dạy học
3. Tình huống
Bức hình sau đây minh họa cho vấn đề nào của bản chất tâm lý người? Phân tích,
giải thích đáp án của anh chị? Bài học anh chị rút ra được là gì?

D. Tài liệu cần đọc thêm


1. Trần Trọng Thủy. (2000). Tâm lý học đại cương. NXB Giáo dục, Hà Nội.
2. Nguyễn Quang Uẩn. (1999). Tâm lý học đại cương. NXB Đại học Quốc gia
Hà Nội.
3. Huỳnh Văn Sơn & Lê Thị Hân. (2012). Tâm lý học đại cương. NXB Đại học
Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.

20
Chương II
HOẠT ĐỘNG - GIAO TIẾP VÀ SỰ HÌNH THÀNH
PHÁT TRIỂN TÂM LÝ, Ý THỨC

A. Mục tiêu
Kiến thức
- Trình bày được sự hình thành và phát triển tâm lý người, phân tích được cơ
sở tâm lý người.
- Xác định được khái niệm hoạt động: Định nghĩa, đặc điểm, cấu trúc, các loại
hoạt động; Xác định được khái niệm giao tiếp như một dạng hoạt động: Định nghĩa,
chức năng các loại; Chứng minh được tâm lý là sản phẩm của hoạt động và giao tiếp.
- Phân tích được sự hình thành ý thức: Khái niệm ý thức, các cấp độ của ý thức,
sự hình thành, phát triển ý thức về phương diện loài người và phương diện cá thể.
Phân tích được chú ý - điều kiện của hoạt động có ý thức.
Kỹ năng
- Vận dụng các hiểu biết về hoạt động và giao tiếp để phân tích, giải thích sự
hình thành và phát triển tâm lý, ý thức.
Thái độ
- Đánh giá đúng vai trò quan trọng của hoạt động và giao tiếp trong việc hình
thành, phát triển tâm lý, ý thức con người
- Có ý thức rèn luyện tâm lý, ý thức bản thân thông qua việc tích cực tham gia
vào các hoạt động
B. Nội dung
1. Hoạt động
1.1. Định nghĩa và đặc điểm
Bất kì sự vật, hiện tượng nào cũng luôn vận động. Bằng vận động và thông qua
vận động mà sự vật, hiện tượng tồn tại và thể hiện đặc tính của nó. Vận động là
thuộc tính vốn có, là phương thức tồn tại của sự vật và hiện tượng (ở con người là
hoạt động)

21
Hoạt động là mối quan hệ tác động qua lại giữa con người và thế giới (khách
thể) để tạo ra sản phẩm cả về phía thế giới và cả về phía con người (chủ thể). Trong
mối quan hệ đó, có hai quá trình diễn ra đồng thời, bổ sung và thống nhất với nhau
Quá trình đối tượng hóa: Chủ thể chuyển năng lực và các phẩm chất tâm lý của
mình thành sản phẩm của hoạt động, tâm lý người được bộc lộ, khách quan hóa
trong quá trình làm ra sản phẩm. Đây là quá trình xuất tâm.
Quá trình chủ thể hóa: Con người chuyển nội dung khách thể (quy luật, bản
chất, đặc điểm… của khách thể) vào bản thân mình, tạo nên tâm lý, ý thức, nhân
cách của bản thân. Đây là quá trình nhập tâm.
Như vậy, trong hoạt động, con người vừa tạo ra sản phẩm về thế giới, vừa tạo ra
tâm lý, ý thức của mình (tâm lý, ý thức, nhân cách được bộc lộ, hình thành và phát
triển trong hoạt động)
Đặc điểm của hoạt động
Tính đối tượng: Đối tượng là cái chúng ta tác động vào, nhắm vào, hướng vào
để chiếm lĩnh hay thay đổi, có thể là sự vật, hiện tượng, khái niệm, quan hệ, con
người, nhóm người.... Đối tượng là những cái có thể thoả mãn nhu cầu nào đó của
con người, thúc đẩy con người hoạt động. Từ đây, tạo nên động cơ của hoạt động.
Động cơ của hoạt động là yếu tố thúc đẩy con người tác động vào đối tượng hay thế
giới đối tượng để thay đổi nó, biến nó thành sản phẩm hoặc tiếp nhận nó tạo nên một
năng lực mới, một nét tâm lý mới hay một sản phẩm hữu hình nào đó.
Tính chủ thể: Chủ thể là con người có ý thức tác động vào khách thể - đối
tượng của hoạt động. Chủ thể hoạt động có thể là cá nhân hoặc nhóm người. Sản
phẩm của hoạt động và quá trình tiến hành hoạt động sẽ giúp ta hiểu được chủ thể là
ai và năng lực của họ như thế nào. Khi chủ thể của hoạt động khác nhau và cách thức
tiến hành khác nhau sẽ tạo ra những sản phẩm với chất lượng khác nhau.
Tính mục đích: Hoạt động bao giờ cũng có tính mục đích. Mục đích ở đây
không được hiểu theo nghĩa tiêu cực như mang ý nghĩa cá nhân hay sự toan tính hoặc
là ý thích riêng, mong muốn, ý định chủ quan... mà là biểu tượng về sản phẩm của
hoạt động nhằm thỏa mãn nhu cần nào đó của chủ thể. Mục đích điều chỉnh, điều
khiển hoạt động và là cái con người hướng tới cũng như là động lực thúc đẩy hoạt
động. Mục đích của hoạt động trả lời cho câu hỏi: hoạt động để làm gì. Tính mục

22
đích gắn liền với tính đối tượng và tính mục đích vừa mang tính cá nhân, vừa luôn bị
chế ước bởi nội dung xã hội và các quan hệ xã hội.
Hoạt động vận hành theo nguyên tắc gián tiếp: Trong hoạt động, con người
phải sử dụng những công cụ nhất định: Công cụ lao động và công cụ tâm lý (tiếng
nói, chữ viết, kinh nghiệm, hình ảnh tâm lý). Những công cụ này giữ chức năng
trung gian giữa chủ thể và đối tượng hoạt động, tạo ra tính gián tiếp của hoạt động.
Điều này chỉ ra sự khác biệt về chất giữa hoạt động của con người với hành vi bản
năng của con vật.
1.2. Các dạng hoạt động
Hoạt động vui chơi: Là hình thức hoạt động chủ yếu của trẻ trước tuổi đi học
và cũng là hình thức hoạt động của các lứa tuổi sau. Trong vui chơi đặc biệt là trò
chơi có chủ đề và mang tính tập thể có “quy tắc” thì tình bạn, ý thức tập thể, tính
kiên trì, dũng cảm, tính tự kiềm chế được phát triển.
Hoạt động học tập: Là hoạt động chủ yếu của học sinh, học tập không những
giúp phát triển trí tuệ mà còn bồi dưỡng những phẩm chất đạo đức.
Hoạt động xã hội: Là phương tiện quan trọng để hình thành tính cách cho con
người, thông qua hoạt động xã hội, con người nhận thấy rõ mình là một thành viên
của xã hội, có trách nhiệm đóng góp vào nhiệm vụ chung.
Hoạt động lao động: Thông qua lao động, con người mới thực sự có tinh thần
tự giác cao, có đầy đủ quyết tâm và nghị lực vượt qua mọi khó khăn. Qua lao động,
con người biết quý trọng lao động, quý người lao động, sản phẩm lao động. Qua lao
động sẽ hình thành tính kỷ luật, óc tổ chức, tác phong nhanh nhẹn, tháo vát .
2. Giao tiếp
2.1 Định nghĩa và đặc điểm
Giao tiếp là là sự tiếp xúc tâm lý giữa người với người thông qua đó con người
trao đổi thông tin, cảm xúc, tác động qua lại và ảnh hưởng lẫn nhau, trong đó giao
tiếp xác lập và vận hành các mối quan hệ người - người, hiện thực hóa các quan hệ
xã hội giữa chủ thể này và chủ thể khác.
Đặc điểm
Giao tiếp luôn mang tính mục đích: Tính mục đích trong giao tiếp thể hiện rõ
thông qua việc tiến hành các cuộc giao tiếp, thiết lập các mối quan hệ xã hội hay thực

23
hiện các hành vi giao tiếp, là mô hình kết quả mang ý nghĩa tinh thần hay ý nghĩa
trên bình diện tâm lý - tình cảm
Giao tiếp là sự tác động giữa chủ thể với chủ thể: Giao tiếp là sự tác động
động song phương và đa chiều. Trong giao tiếp sẽ không có ai là khách thể hoàn toàn
hay chủ thể hoàn toàn mà cả hai đều là chủ thể tương tác một cách tích cực và chủ
động.
Giao tiếp mang tính phổ biến: Giao tiếp có tính phổ biến vì mọi cá nhân, mọi
con người đều có nhu cầu giao tiếp. Trong suốt tiến trình phát triển, trong những mối
quan hệ khác nhau, con người đều thực hiện nhu cầu giao tiếp của chính mình. Tính
phổ biến của giao tiếp còn thể hiện ở việc giao tiếp có mặt trong hầu hết hoạt động
sống của con người. Nhu cầu giao tiếp có liên quan đến những nhu cầu cơ bản của
con người. Trong giao tiếp, con người không chỉ thỏa mãn nhu cầu giao tiếp mà còn
hình thành, phát triển và thỏa mãn những nhu cầu khác.
2.2. Chức năng của giao tiếp
Chức năng thông tin hai chiều giữa các chủ thể tham gia giao tiếp: Biểu hiện
ở khía cạnh truyền thông của giao tiếp thể hiện qua hai mặt truyền tin và nhận tin.
Qua giao tiếp mà con người trao đổi với nhau những thông tin nhất định, truyền đạt
kiến thức, kinh nghiệm,... cho nhau. Mỗi cá nhân trong giao tiếp vừa là nguồn phát
thông tin vừa là nguồn thu thông tin.
Chức năng tổ chức, điều khiển, phối hợp hành động của một nhóm người
trong cùng một hoạt động cùng nhau. Đây là chức năng dựa trên cơ sở xã hội. Nhờ
chức năng này, con người có thể phối hợp cùng nhau để giải quyết một nhiệm vụ
nhất định đạt tới mục tiêu đề ra trong quá trình giao tiếp.
Chức năng điều khiển, điều chỉnh hành vi: Thể hiện ở sự tác động, ảnh hưởng
lẫn nhau trong giao tiếp. Đây là một chức năng quan trọng trong giao tiếp vì trong
quá trình giao tiếp cá nhân có thể tác động, gây ảnh hưởng đến người khác đồng thời
người khác cũng có thể tác động, gây ảnh hưởng đối với cá nhân đó. Qua đó, cá nhân
có thể điều chỉnh hành vi của mình cũng như điều khiển hành vi của người khác
trong giao tiếp. Trong giao tiếp, cá nhân có thể tác động đến động cơ, mục đích, quá
trình ra quyết định và hành động của người khác.
Chức năng xúc cảm: Chức năng này giúp con người thỏa mãn những nhu cầu
xúc cảm, tình cảm. Trong giao tiếp, cá nhân có thể biểu lộ thái độ, tâm trạng của
24
mình đối với người khác cũng như có thể bộc lộ quan điểm, thái độ về một vấn đề
nhất định. Ngược lại, qua giao tiếp cá nhân cũng có thể nhận biết những xúc cảm,
tình cảm nhất định của các cá nhân khác. Vì vậy giao tiếp cũng là một trong những
con đường hình thành tình cảm của con người.
Chức năng nhận thức và đánh giá lẫn nhau: Trong quá trình giao tiếp, các
chủ thể luôn diễn ra quá trình nhận thức tri thức về tự nhiên, xã hội, nhận thức bản
thân và nhận thức về người khác nhằm hướng tới những mục đích khác nhau trong
giao tiếp. Giao tiếp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho con người trong quá trình nhận
thức tri thức về tự nhiên, xã hội giúp con người lĩnh hội được khối lượng kiến thức
khổng lồ của nhân loại. Bên cạnh đó, giao tiếp là phương tiện giúp cá nhân tự nhận
thức bản thân. Qua đó, cá nhân tiếp thu những đánh giá của về bản thân mà từ đó có
sự đối chiếu và tự nhận thức, tự đánh giá lại, tự điều chỉnh bản thân. Ngược lại, cá
nhân cũng có sự nhận thức người khác qua giao tiếp nhằm tìm hiểu, đánh giá về đối
tượng mình giao tiếp từ đó mà có sự định hướng phù hợp trong giao tiếp.
Chức năng giáo dục và phát triển nhân cách: Thông qua giao tiếp, con người
tham gia vào các mối quan hệ xã hội mà từ đó hình thành, phát triển nhân cách của
mình do đó giao tiếp là điều kiện để tâm lý, nhân cách cá nhân phát triển bình thường
và thông qua giao tiếp nhiều phẩm chất của con người, đặc biệt là các phẩm chất đạo
đức được hình thành và phát triển. Nói cách khác, giao tiếp giúp con người tiếp nhận
những kinh nghiệm và những chuẩn mực thông qua đó có sự hình thành và phát triển
nhân cách một cách toàn diện trên bình diện con người - cá nhân.
2.3. Phân loại giao tiếp
Căn cứ vào sự tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp của chủ thể và đối tượng
Giao tiếp trực tiếp: Là loại giao tiếp được tiến hành đồng thời cùng một thời
điểm có mặt hai hay nhiều người.
Giao tiếp gián tiếp: Đó là những trường hợp giao tiếp được thực hiện qua
phương tiện trung gian (thư, báo chí, truyền thanh, truyền hình...), nói cách khác,
giao tiếp gián tiếp là loại giao tiếp mà đối tượng giao tiếp không có mặt ở thời điểm
cần tiếp xúc.
Căn cứ vào mục đích, nhiệm vụ hoạt động của nhóm xã hội, cá nhân
Giao tiếp chính thức: Là sự giao tiếp giữa các thành viên trong một nhóm xã
hội hoặc các nhóm xã hội chính thức, nghi thức giao tiếp được dư luận xã hội hoặc
25
pháp luật, phong tục tập quán quy định. Ví dụ: Giao tiếp giữa nhân viên với khách
hàng, giữa các đồng nghiệp với nhau, giao tiếp giữa học sinh và giáo viên được luật
pháp quy định…
Giao tiếp không chính thức: Là sự giao tiếp giữa các cá nhân trong các nhóm
không chính thức với nhau. Ví dụ: Sự tiếp xúc giữa các cá nhân trên xe đò, người
cùng xem phim, mua hàng …
Trong tâm lý học xã hội
Giao tiếp định hướng xã hội: Là loại giao tiếp mà chủ thể giao tiếp với tư cách
là đại diện cho xã hội nhằm truyền tin, thuyết phục hoặc kích thích đối tượng giao
tiếp hoạt động.
Giao tiếp định hướng - nhóm: Là loại giao tiếp mà chủ thể giao tiếp với tư
cách đại diện cho một nhóm xã hội, nhằm giải quyết những vấn đề trong nhóm đặt ra
trong học tập, sản xuất, kinh doanh, chiến đấu…
Giao tiếp định hướng cá nhân: Là loại giao tiếp giữa các cá nhân xuất phát từ
mục đích, động cơ, nhu cầu, hứng thú, cảm xúc… của cá nhân.
2.4. Mối quan hệ giữa hoạt động và giao tiếp
Trong hoạt động đối tượng, con người là chủ thể tác động vào thế giới đồ vật là
khách thể, là sự phản ánh mối quan hệ giữa con người với thế giới đồ vật. Giao tiếp
là sự phản ánh mối quan hệ giữa con người với con người, đó là quan hệ giữa chủ thể
với chủ thể.
Giao tiếp là một dạng đặc biệt của hoạt động vì giao tiếp cũng có những đặc
điểm như hoạt động, cũng có cấu trúc vĩ mô như hoạt động bao gồm: động cơ, mục
đích, điều kiện - phương tiện, đối tượng, sản phẩm...
Hoạt động và giao tiếp là hai phạm trù đồng đẳng. Hoạt động và giao tiếp có
nhiều điểm khác nhau nhưng chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau trong cuộc
sống con người. Giao tiếp diễn ra như một điều kiện của hoạt động. Trong từng hoạt
động cụ thể, khi tương tác cùng nhau, khi phối hợp cùng nhau, con người luôn cần có
sự giao tiếp cùng nhau, giao tiếp để hiểu biết, giao tiếp để triển khai hoạt động, giao
tiếp để động viên, giao tiếp cùng nhau hướng đến mục tiêu của hoạt động. Trong
trường hợp này, giao tiếp là một mặt của hoạt động, trở thành một thành phần của
hoạt động. Ngược lại, hoạt động có thể là điều kiện để thực hiện quan hệ giao tiếp
giữa con người với con người. Cụ thể như chỉ khi hoạt động cùng nhau, làm việc
26
cùng nhau, con người mới có thể giao tiếp một cách tích cực và hiệu quả mà trong
những trường hợp khác thì giao tiếp gần như rất khó có thể diễn ra. Như vậy, giao
tiếp là điều kiện để con người hoạt động cùng nhau. Ngược lại, hoạt động là điều
kiện để con người thực hiện quan hệ giao tiếp. Nói như thế nghĩa là hoạt động và
giao tiếp là hai mặt không thể thiếu của đời sống con người.
2.5. Vai trò của hoạt động - giao tiếp đối sự hình thành, phát triển tâm lý người
Tâm lý học duy vật biện chứng đã khẳng định: Tâm lý con người có nguồn gốc
từ bên ngoài, từ thế giới khách quan chuyển vào trong não của mỗi người, trong đó
quan hệ xã hội, nền văn hóa xã hội là cái quyết định bản chất tâm lý người. Tâm lý
người là kinh nghiệm xã hội lịch sử chuyển thành kinh nghiệm của bản thân thông
qua hoạt động và giao tiếp.
Hoạt động và giao tiếp là nơi nảy sinh ra tâm lý, đồng thời cũng là nơi tâm lý
vận hành, thực hiện vai trò của mình đối với cuộc sống. Vì vậy, tâm lý là sản phẩm
của hoạt động và giao tiếp.
3. Ý thức và sự hình thành tâm lý ý thức
3.1. Khái niệm ý thức trong tâm lý người
Ý thức là một từ được dùng nhiều trong đời sống hàng ngày với nhiều nghĩa.
Theo nghĩa rộng, ý thức được dùng gần đồng nghĩa với khái niệm như: Tinh thần, tư
tưởng, tâm lý… (ý thức kỷ luật, ý thức vươn lên). Theo nghĩa đó, từ ý thức đồng
nghĩa với khái niệm tâm lý con người và bao gồm các hiện tượng như: Cảm giác, tư
duy, nhu cầu, tình cảm… Theo nghĩa hẹp, khái niệm ý thức được dùng để chỉ một
cấp độ đặc biệt trong tâm lý con người.
Ý thức là năng lực hiểu được các tri thức về thực tại khách quan và năng lực
hiểu được thế giới chủ quan của chính bản thân
Ý thức có quan hệ mật thiết với nhận thức. Thông thường trước khi làm một
việc gì, mỗi cá nhân luôn tính toán kỹ, xem nên làm như thế nào, dự định sẽ thu được
kết quả gì, sẽ gặp hậu quả nào… Việc dự tính và làm theo các dự tính đó là hoạt
động của ý thức. So sánh công việc của người thợ dệt và con nhện giăng tơ, Mác chỉ
ra rằng người thợ dệt khác con nhện ở chỗ trước khi dệt người ấy đã biết đến kết quả
công việc ở trong đầu người ấy, nói một cách khác hoạt động của người thợ dệt là
hoạt động có ý thức. Như vậy, ý thức và nhận thức có điểm chung, nhưng không phải
là một. Nghĩa là sự vật nào đó là đối tượng của suy nghĩ, rồi bản thân sự suy nghĩ về
27
sự vật ấy lại trở thành đối tượng của chính sự suy nghĩ. Đó chính là ý thức. Nếu quá
trình nhận thức đem lại tri thức (hiểu biết) về hiện thực khách quan, thì ý thức là
năng lực hiểu biết về tri thức (hiểu biết) ấy. Vì vậy, có thể nói vắn tắt rằng ý thức là
tri thức của tri thức, hiểu biết của hiểu biết. Tất cả những hiện tượng tâm lý đều phản
ánh hiện thực khách quan. Hiện thực khách quan tác động vào não tạo ra các hình
ảnh tâm lý. Các hình ảnh đó là đối ,tượng trực tiếp của ý thức. Vì vậy có thể nói. ý
thức là phản ánh của phản ánh.
Ý thức không chỉ biểu hiện trong sự hiểu biết hiện thực khách quan mà
còn biểu hiện ở sự xác định thái độ đối với hiện thực khách quan. Mác - Anghen
đã viết: “Ý thức tồn tại đối với tôi là tồn tại một thái độ nào đó đối với sự vật này hay
sự vật khác; động vật không biết “tỏ thái độ” đối với một sự vật nào cả và hoàn toàn
không biết “tỏ thái độ” của nó đối với sự vật khác là không tồn tại một thái độ nào
cả”. Trong khi phản ánh hiện thực khách quan, con người biết phân tích, đánh giá về
nó. Phản ánh của con người với hiện thực khách quan cũng có sự lựa chọn, lúc thì tò
mò, ngạc nhiên, lúc thì thắc mắc, băn khoăn, đối với cái này thì yêu thương, cái kia
thì căm ghét… có những thái độ mang sắc thái trí tuệ, có những thái độ mang sắc
thái cảm xúc, trong nhiều trường hợp thái độ của con người vừa mang sắc thái trí tuệ,
vừa mang sắc thái cảm xúc. Những thái độ muôn màu, muôn vẻ đó là biểu hiện ý
thức của con người đối với hiện thực khách quan.
Ý thức là năng lực hiểu được các tri thức về thế giới khách quan và năng lực
hiểu được thế giới chủ quan trong chính bản thân mình. Nhờ đó người ta có thể cải
tạo thế giới khách quan và hoàn thiện bản thân mình.
3.2. Sự hình thành và phát triển ý thức
3.2.1. Lịch sử xuất hiện ý thức con người
a. Sự hình thành con người về mặt thể chất
Con người tiến hóa từ động vật nhưng con người có thể đứng thẳng, có tiếng
nói, đó chính là hai yếu tố về mặt thể chất để làm cho con người khác con vật.
Thế đứng thẳng làm cho não phát triển: Trước hết, tạo không gian cho não phát
triển, làm cho tầm nhìn của người rộng hơn, luồng thông tin từ bên ngoài tác động
vào não người nhiều hơn, làm cho trọng lượng não người phát triển hơn. Về diện
tích, não bộ người khác xa diện tích não động vật. Vùng trán não người có diện tích
chiếm 30% diện tích bộ não, còn khỉ hình người tỷ lệ này chiếm 15%.
28
Do thế đứng thẳng, tay của người được giải phóng làm những chức năng khác,
tay người thực hiện những chức năng cầm nắm, động tác phát triển, làm cho con
người hoàn chỉnh, động tác tinh vi làm cho não phát triển.
Có tiếng nói: Cơ quan phát âm của con người khác con vật, do có ngôn ngữ làm
cho não người có những trung khu mà động vật không có.
b. Vai trò của lao động trong việc hình thành con người và ý thức
Mac-Anghen đã từng chỉ ra rằng: Sự khác biệt căn bản giữa con người và con
vật kể cả về thể chất lẫn tâm lý đều được cắt nghĩa bằng lao động. Bởi vì lao động
không chỉ làm cho con người hoàn thiện về cấu tạo cơ thể mà còn là nhân tố quan
trọng thúc đẩy sự phát triển con người, làm nảy sinh ý thức con người.
Chính lao động đã làm cho con người trở thành một thực thể xã hội, làm cho
con người có bản chất xã hội, làm cho con người từ một cá thể sinh vật trở thành một
cá nhân có nhân cách. Lao động của con người mang tính xã hội vì:
- Lao động của con người là lao động tập thể, lao động cùng nhau.
- Lao động của con người đòi hỏi sự thống nhất các thao tác, thống nhất sự quản
lý, nên thông qua lao động mà sự giúp nhau sơ đẳng của bầy đàn trở thành hợp tác
lao động.
- Lao động có tính chất tập thể như vậy, nên khi tham gia lao động, con người
không thể tránh khỏi mối quan hệ qua lại lẫn nhau. Đó là quan hệ giữa con người với
con người, con người với tự nhiên.
- Do lao động mà con người ngày càng mở rộng phạm vi cư trú của mình. Cũng
chính trong quá trình lao động mà con người nhận thức được thiên nhiên, xã hội và
nhận thức được chính bản thân mình.
- Lao động còn ảnh hưởng tích cực đến các cơ quan lao động đó là bàn tay và
khối óc.
- Lao động làm cho bàn tay con người không chỉ là cơ quan lao động mà nó còn
là cơ quan nhận thức và là công cụ của sự sáng tạo.
- Lao động làm ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của bộ não, làm cho bộ
não không những phát triển về cấu tạo mà còn phát triển cả về chức năng, não có khả
năng tư duy đặc biệt vì khi lao động luôn luôn đặt ra cho con người những vấn đề bắt
buộc họ phải giải quyết, do đó kích thích bộ não họ phát triển. Như vậy, lao động
không những đã làm biến đổi tự nhiên mà còn làm biến đổi cả bản thân con người.
29
Mặt khác, lao động sản xuất còn có tác dụng làm cho nhu cầu của con người ngày
càng phong phú và phát triển về đạo đức. Hay nói cách khác làm cho nhu cầu của
con người ngày càng mang tính xã hội hóa.
c. Vai trò của ngôn ngữ trong việc hình thành ý thức
Bên cạnh lao động thì ngôn ngữ cũng là một nhân tố quan trọng của việc hình
thành ý thức con người. Mac-Anghen đã phát biểu: “Trước hết là lao động, sau lao
động, đồng thời với lao động là ngôn ngữ, đó là hai yếu tố cơ bản, giúp cho não vượn
biến thành não người”. Con vật không có ngôn ngữ (theo nghĩa hẹp là tiếng nói), ở
động vật bậc cao thì nó có khả năng báo hiệu bằng âm thanh nhưng không phải là
tiếng nói. Nhờ có lao động mà hình thức báo hiệu bằng âm thanh phát triển cao ở
động vật gần người nhất được biến thành ngôn ngữ.
Ngôn ngữ sau khi được hình thành thì nó có tác động to lớn đến việc hình thành
và phát triển ý thức. Ngôn ngữ làm cho hoạt động nhận thức của con người phát
triển. Nhờ có ngôn ngữ mà hoạt động nhận thức của con người có khả năng tư duy
trừu tượng, tư duy khái quát. Ngôn ngữ làm cho con người có thể nhận thức được
bản thân mình; giúp con người biểu đạt được mục đích của hành động và ngôn ngữ
góp phần hình thành các mối quan hệ của con người với con người, biểu đạt thái độ
của con người đối với thế giới xung quanh và đối với bản thân.
3.3. Chú ý - điều kiện của hoạt động có ý thức
3.3.1. Khái niệm chú ý
Không có một quá trình tâm lý nào lại diễn ra một cách có hiệu quả nếu không
có sự tập trung chú ý. Người ta thường nói “mắt thứ hai, tai thứ bảy” để chỉ sự thiếu
chú ý trong những ngày đầu tuần và cuối tuần. Vì vậy, muốn hoàn thành tốt nhiệm
vụ được giao, con người cần phải tập trung chú ý. Chú ý là một trạng thái tâm lý đi
kèm theo các quá trình tâm lý khác, có tác dụng hướng các quá trình này tập trung
vào một hay một số đối tượng nhất định, tạo điều kiện cho đối tượng đó được phản
ánh một cách tốt nhất. Sở dĩ nói chú ý là một trạng thái tâm lý vì nó luôn luôn đi
kèm theo các quá trình tâm lý mà chủ yếu là quá trình nhận thức, bản thân chú ý
không phải là một quá trình tâm lý mà chỉ là một điều kiện đặc biệt. Chẳng hạn, ta
nói chú ý nhìn, chú ý nghe... chứ không có chú ý chung chung.
a. Các loại chú ý

30
Chú ý không chủ định là loại chú ý không có mục đích tự giác, không có ý
định dùng một biện pháp nào mà vẫn chú ý được, do đặc điểm của bản thân đối
tượng và quan hệ của nó với xu hướng cá nhân. Chẳng hạn, sinh viên đang ngồi học
trong lớp, có tiếng động mạnh ngoài cửa lớp, hành lang, cả lớp hướng sự chú ý ra
ngoài sân. Đi đường thấy đông người tụ tập nên dừng lại xem,... Đó chính là sự chú ý
không chủ định..
Những nguyên nhân gây ra chú ý không chủ định:
- Do cường độ tương đối mạnh của vật kích thích so với ngoại cảnh (kể cả
cường độ vật lý, tâm lý và xã hội).
- Do tính tương phản của vật kích thích so với ngoại cảnh.
- Do biến đổi của vật kích thích.
- Do quan hệ của đối tượng với nhu cầu, hứng thú, sở thích cá nhân.
- Phụ thuộc vào đặc điểm sinh lý.
Chú ý không chủ định có những đặc điểm như sau:
- Không có mục đích đặt trước, không cần biện pháp nào mà vẫn chú ý được.
- Không đòi hỏi cố gắng nên không căng thẳng thần kinh.
- Chú ý không chủ định kém bền vững.
Tuy chú ý không chủ định không đòi hỏi sự cố gắng nỗ lực của ý chí nên không
gây căng thẳng thần kinh nhưng lại kém bền vững. Hơn nữa không phải lúc nào cũng
có thể gây được chú ý không chủ định, nên ngoài chú ý không chủ định còn có chú ý
có chủ định.
Chú ý có chủ định là loại chú ý có mục đích tự giác, có kế hoạch, có biện pháp
để hướng sự chú ý vào đối tượng cần thiết, nó đòi hỏi sự nỗ lực nhất định. Đặc điểm
của chú ý có chủ định:
- Có đề ra mục đích, nhiệm vụ, kế hoạch và biện pháp để chú ý.
- Có tính chất bền vững.
- Có sự nỗ lực ý chí, do đó gây căng thẳng thần kinh dẫn đến sự mệt mỏi.
Sự chuyển hoá giữa hai loại chú ý: Hai loại chú ý trên đều có ưu điểm và
nhược điểm, để phát huy ưu điểm khắc phục nhược điểm, chúng ta cần có sự phối
hợp giữa hai loại chú ý với nhau. Chẳng hạn, khi giáo viên yêu cầu sinh viên đọc tài
liệu tham khảo, sinh viên phải có kế hoạch để đọc (chú ý có chủ định), nhưng khi
đọc thấy tài liệu rất hứng thú, hấp dẫn, đọc một mạch xong lúc nào không hay (chú ý
31
không chủ định), đó chính là sự chuyển hoá giữa hai loại chú ý. Sự chuyển hoá giữa
hai loại chú ý là sự chú ý có chủ định lúc đầu, trở thành chú ý không chủ định về sau
và ngược lại.
b. Các thuộc tính của chú ý
Sức tập trung chú ý: Là khả năng chỉ chú ý đến một phạm vi đối tượng tương
đối hẹp, cần thiết cho hành động lúc đó và không chú ý đến mọi chuyện khác.
Sự bền vững của chú ý: Là khả năng tập trung tư tưởng lâu hay mau vào một
phạm vi đối tượng của hoạt động.
Sự di chuyển chú ý: Là khả năng lần lượt tập trung chú ý vào những phạm vi
đối tượng nhất định của một hoạt động hoặc nhiều hoạt động kế tiếp nhau.
Sự phân phối chú ý: Là khả năng cùng một lúc tập trung sức chú ý (hoặc di
chuyển chú ý rất nhanh) đến vài ba phạm vi đối tượng và phản ánh từng phạm vi đó
rõ ràng, chính xác như nhau, đảm bảo cả hai, ba hoạt động phải tiến hành song song
với nhau ấy một cách có hiệu quả như nhau.
Ý thức của con người mang tính chất chủ định, chủ tâm, sự dự kiến trước nhờ
đó mà dẫn tới hành động. Hay nói một cách đầy đủ, ý thức thường thể hiện ra bằng
sự chú ý. Chú ý chính là sự tập trung của ý thức vào đối tượng, sự vật, hiện tượng
nào đó nhằm phản ánh được tốt hơn để hành động, hoạt động có kết quả. Vì vậy,
chúng ta có thể nói chú ý là điều kiện của hoạt động có ý thức.
PHẦN TÓM TẮT
- Khái niệm và hai quá trình của hoạt động: Hoạt động là mối quan hệ tác động
qua lại giữa con người và thế giới (khách thể) để tạo ra sản phẩm cả về phía thế giới,
cả về phía con người (khách thể), hai quá trình của hoạt động gồm: Khách thể hóa và
chủ thể hóa.
- Các đặc điểm của hoạt động: Tính chủ thể, tính đối tượng, tính mục đích và
hoạt động vận hành theo nguyên tắc gián tiếp.
- Khái niệm và đặc điểm của giao tiếp: Giao tiếp là sự tiếp xúc tâm lý giữa
người với người thông qua đó con người trao đổi thông tin, cảm xúc, tác động qua lại
và ảnh hưởng lẫn nhau mà trong đó giao tiếp xác lập và vận hành các mối quan hệ
người - người, hiện thực hóa các quan hệ xã hội giữa chủ thể này và chủ thể khác.
Giao tiếp có những đặc điểm sau: Tính mục đích, tính phổ biến, sự tác động giữa chủ
thể với chủ thể.
32
- Mối quan hệ giữa hoạt động và giao tiếp: giao tiếp là một dạng đặc biệt của
hoạt động vì nó cũng có những đặc điểm như hoạt động, cũng có cấu trúc vĩ mô như
hoạt động. Hoạt động và giao tiếp là hai phạm trù đồng đẳng. Hoạt động và giao tiếp
có nhiều điểm khác nhau nhưng chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau trong cuộc
sống con người. Giao tiếp là điều kiện để con người hoạt động cùng nhau. Ngược lại,
hoạt động là điều kiện để con người thực hiện quan hệ giao tiếp. Nói như thế nghĩa là
hoạt động và giao tiếp là hai mặt không thể thiếu của đời sống của con người.
- Tâm lý người là sản phẩm của hoạt động và giao tiếp, đồng thời hoạt động và
giao tiếp cũng là động lực của sự hình thành và phát triển tâm lý.

C. LUYỆN TẬP
1. Câu hỏi củng cố
Câu 1: Hoạt động là gì? Phân tích các đặc điểm của hoạt động trong tâm lý
học.
Câu 2: Giao tiếp là gì? Nêu chức năng của giao tiếp.
Câu 3: Vì sao nói ý thức là hình thức phản ánh tâm lý cao nhất chỉ có ở người?
Câu 4: Nêu các con đường và điều kiện hình thành ý thức cá nhân.
Câu 5: Chú ý là gì? Phân tích các thuộc tính cơ bản của chú ý.
Câu 6: Tại sao nói chú ý sau chủ định là loại chú ý có hiệu quả nhất đối với
hoạt động nhận thức của con người?
2. Câu hỏi trắc nghiệm
Câu 1: Giao tiếp là
a. Sự tiếp xúc tâm lý giữa con người - con người
b. Quá trình con người trao đổi về thông tin, về cảm xúc
c. Con người tri giác lẫn nhau và ảnh hưởng tác động qua lại lẫn nhau
d. Cả a, b và c
Câu 2: Trong các ý dưới đây, ý nào không phải là đặc điểm của hoạt động?
a. Hoạt động bao giờ cũng là quá trình chủ thể tiến hành các hành động trên đồ vật
cụ thể
b. Hoạt động bao giờ cũng được tiến hành bởi một chủ thể nhất định. Chủ thể có thể
là một người hoặc nhiều người

33
c. Hoạt động bao giờ cũng có mục đích là tạo ra sản phẩm thoả mãn nhu cầu của chủ
thể
d. Hoạt động bao giờ cũng nhằm vào đối tượng nào đó để làm biến đổi nó hoặc tiếp
nhận nó
Câu 3: Trường hợp nào dưới đây được xếp vào giao tiếp?
a. Em bé đang ngắm cảnh đẹp thiên nhiên
b. Con khỉ gọi bầy
c. Em bé vuốt ve, trò chuyện với chú mèo
d. Giáo viên giảng bài
Câu 4: Trong tâm lý học hoạt động, khi phân chia các giai đoạn lứa tuổi trong
quá trình phát triển cá nhân, ta thường căn cứ vào
a. Các hoạt động mà cá nhân tham gia
b. Những phát triển đột biến tâm lý trong từng thời kỳ
c. Hoạt động chủ đạo của giai đoạn đó
d. Tuổi đời của cá nhân
Câu 5: Để định hướng, điều khiển, điều chỉnh việc hình thành các phẩm chất
tâm lý của cá nhân, điều quan trọng nhất là
a. Tổ chức cho cá nhân tiến hành các hoạt động và giao tiếp trong môi trường tự
nhiên và xã hội phù hợp
b. Tạo ra môi trường sống lành mạnh, phong phú
c. Tổ chức hình thành ở cá nhân các phẩm chất tâm lý mong muốn
d. Cá nhân tự tổ chức quá trình tiếp nhận các tác động của môi trường sống để hình
thành cho mình các phẩm chất tâm lý mong muốn
Câu 6: Đối tượng của hoạt động
a. Có trước khi chủ thể tiến hành hoạt động
b. Có sau khi chủ thể tiến hành hoạt động
c. Được hình thành và bộc lộ dần trong quá trình hoạt động
d. Là mô hình tâm lý định hướng hoạt động của cá nhân
Câu 7: Trong tâm lý học, hoạt động là
a. Phương thức tồn tại của con người trong thế giới
b. Sự tiêu hao năng lượng, thần kinh, cơ bắp của con người tác động vào hiện thực
khách quan để thoả mãn các nhu cầu của cá nhân
34
c. Mối quan hệ tác động qua lại giữa con người và thế giới để tạo ra sản phẩm cả về
phía thế giới, cả về phía con người
d. Điều kiện tất yếu đảm bảo sự tồn tại của cá nhân
Câu 8: Động cơ của hoạt động là
a. Đối tượng của hoạt động
b. Cấu trúc tâm lý bên trong của chủ thể
c. Khách thể của hoạt động
d. Bản thân quá trình hoạt động
Câu 9: Hoạt động học của sinh viên, sinh viên là:
a. Đối tượng của hoạt động
b. Mục đích của hoạt động
c. Chủ thể của hoạt động
d. Động cơ của hoạt động
Câu 10: Hoạt động giao tiếp của con người có chức năng gì?
a. Trao đổi thông tin
b. Nhận thức và tác động ảnh hưởng lẫn nhau
c. Trao đổi cảm xúc
d. Cả a,b,c đúng
3. Bài tập tình huống
Bài tập 1: Một bạn sinh viên năm thứ nhất tâm sự rằng: Từ nhỏ tới khi đi học
đại học sống ở một vùng quê nghèo khó, ít được giao tiếp hay làm việc nhóm trong
học tập, … Năm nay, bước vào môi trường học mới gặp nhiều bỡ ngỡ, đặc biệt là
cách học ở đại học khác rất nhiều, phải thường xuyên làm việc nhóm trong giờ lên
lớp cũng như bài tập về nhà. Nhưng trong lúc làm việc nhóm bạn và các bạn hay cãi
nhau và làm việc không được hiệu quả. Mỗi khi cãi nhau như vậy bạn ấy thường
thiếu lý lẽ để thuyết phục nên rất dễ nổi cáu với các bạn trong nhóm,… Nhiều lần
như vậy, bạn bị bạn bè trong nhóm than phiền, thậm chí bị cô lập,…
Anh/chị lý giải về mối liên hệ giữa môi trường tự nhiên, xã hội và tâm lý
người như thế nào trong trường hợp này.
Bài tập 2: Chỉ trong vòng 5 năm kể từ ngày ra trường, Q - một nữ nhân viên
ngân hàng xinh đẹp, tài giỏi đã trải qua 5 công ty khác nhau với 3 vị trí khác nhau. Q
quan niệm rằng: Còn trẻ, còn cơ hội thì vẫn còn thử thách để tìm cho mình một nơi
35
làm việc phù hợp, một vị trí công việc yêu thích và phù hợp với những gì mình đáng
có.
Anh/chị đánh giá thế nào về quan niệm của Q.
Bài tập 3: Trong một cuộc phỏng vấn tuyển dụng nhân viên cho chi nhánh
ngân hàng của mình. Một thành viên ban tuyển dụng hỏi tất cả các ứng viên rằng:
Ngoài kiến thức chuyên môn được đào tạo một cách bài bản, năng lực làm việc trong
lĩnh vực ngân hàng hay kinh nghiệm làm việc,… theo anh/chị thì việc tham gia các
hoạt động xã hội khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học có ý nghĩa cho buổi
phỏng vấn hôm nay không?
Và khi đó, nếu bạn là một trong các ứng viên trên thì bạn sẽ trả lời như thế nào?
Bài tập 4: Một số phụ huynh luôn dặn dò con cái của mình khi đi học đại học
xa nhà chỉ nên tập trung vào việc học tập, ngoài ra không nên tham gia vào các hoạt
động như: làm thêm hoặc hoạt động ngoài học tập vì như thế có thể dẫn đến sự xao
nhãng và ảnh hưởng xấu đến việc học tập.
Bạn đồng tình hay phản đối ý kiến này của các bậc phụ huynh? Nếu phản đối,
bạn sẽ giải thích như thế nào cho các bậc phụ huynh chấp nhận quan điểm của mình?
Bài tập 5: Liệt kê những ưu điểm và những hạn chế của bản thân trong giao
tiếp với bạn bè, giáo viên và các mối quan hệ khác
D. Tài liệu cần đọc thêm
1. A.R.Luria. (2003). Cơ sở Tâm lý học thần kinh. NXB Giáo dục.
2. Phạm Minh Hạc, Nguyễn Kế Hào, Nguyễn Quang Uẩn. (1991). Tâm lý học.
NXB Giáo dục, Hà Nội.
3. Nguyễn Xuân Thức. (2006). Tâm lý học đại cương. NXB Đại học Sư phạm,
Hà Nội.
4. Nguyễn Quang Uẩn, Trần Hữu Luyến, Trần Quốc Thành. (1998). Tâm lý học
đại cương. NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.

36
Chương III
HOẠT ĐỘNG NHẬN THỨC

A. Mục tiêu
Kiến thức
- Phân tích được các khái niệm cơ bản của quá trình nhận thức: nhận thức cảm
tính, nhận thức lý tính, trí nhớ, …
- So sánh được sự giống và khác nhau giữa hai quá trình nhận thức: cảm tính và
lý tính.
- Giải thích được vai trò của trí nhớ.
Kỹ năng
- Nhận diện được năng lực nhận thức của bản thân.
- Biết đánh giá những ưu điểm và nhược điểm trong quá trình nhận thức của
bản thân.
Thái độ
- Có thái độ đúng mực trong việc nhận xét, đánh giá nhận thức, về thế giới quan
của người khác.
- Sẵn sàng thể hiện năng lực nhận thức của bản thân trước các vấn đề của cuộc
sống.
B. Nội dung
Khái quát chung về nhận thức
Hoạt động nhận thức của con người tuân theo quy luật chung: “Từ trực quan
sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn, đó là con
đường biện chứng của sự nhận thức chân lý, của sự nhận thức hiện thực khách quan”
(V.I.Lênin).
Trong việc nhận thức thế giới, con người có thể đạt tới những mức độ nhận thức
khác nhau, từ thấp tới cao, từ đơn giản đến phức tạp. Mức độ nhận thức thấp là nhận
thức cảm tính bao gồm cảm giác và tri giác, trong đó con người phản ánh những cái
bên ngoài, những cái đang trực tiếp tác động vào giác quan. Mức độ cao là nhận thức
lý tính, trong đó con người phản ánh những cái bản chất bên trong, những mối quan

37
hệ có tính quy luật. Nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính có quan hệ biện chứng
chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau, chi phối lẫn nhau trong cùng một hoạt động
nhận thức thống nhất của con người.
Đặc điểm của hoạt động nhận thức: Hoạt động nhận thức là quá trình tâm lý;
Phạm vi phản ánh của hoạt động nhận thức rộng; Nội dung phản ánh của hoạt động
nhận thức phong phú, đa dạng: Các thuộc tính bên ngoài và bên trong của sự vật hiện
tượng; Các mối liên hệ và quan hệ của sự vật hiện tượng tồn tại trong thế giới khách
quan; Hoạt động nhận thức gồm nhiều quá trình: Cảm giác, tri giác, tư duy, tưởng
tượng, trí nhớ; Sản phẩm của hoạt động nhận thức phong phú và đa dạng.
1. Nhận thức cảm tính
Nhận thức cảm tính là mức độ nhận thức đầu tiên, mức độ thấp nhất, trong đó
cảm giác là hình thức phản ánh tâm lý khởi đầu, là hình thức định hướng đầu tiên của
cơ thể trong thế giới. Trên cơ sở nảy sinh những cảm giác ban đầu mà có tri giác, vì
thế có thể nói tri giác là hình thức phản ánh cao hơn trong cùng một nấc thang nhận
thức cảm tính. Cảm giác và tri giác có mối quan hệ chặt chẽ và chi phối lẫn nhau
trong mức độ nhận thức “trực quan sinh động” về thế giới.
1.1. Cảm giác
1.1.1. Khái niệm cảm giác
a. Định nghĩa cảm giác
Cảm giác là quá trình tâm lý phản ánh một cách riêng lẻ từng thuộc tính của sự
vật, hiện tượng khi chúng đang trực tiếp tác động vào giác quan.
b. Đặc điểm của cảm giác
Cảm giác là quá trình tâm lý đơn giản nhất, nghĩa là có mở đầu, diễn biến và
kết thúc một cách rõ ràng. Nhưng nó có vai trò rất quan trọng đối với hoạt động
nhận thức của con người. Kích thích gây ra cảm giác chính là các sự vật, hiện
tượng trong hiện thực khách quan và các trạng thái sinh lý của bản thân.
Cảm giác mới chỉ phản ánh từng thuộc tính riêng lẻ, bề ngoài của sự vật,
hiện tượng (như màu sắc, hình dạng, mùi vị, âm thanh…) thông qua hoạt động
của từng giác quan riêng lẻ chứ chưa phản ánh trọn vẹn các thuộc tính của sự vật,
hiện tượng.
Cảm giác phản ánh hiện thực khách quan một cách trực tiếp. Cảm giác chỉ
xảy ra khi sự vật hiện tượng đang trực tiếp tác động vào các giác quan của chúng
38
ta. Nếu sự vật hiện tượng mất đi thì kết thúc quá trình cảm giác. Ví dụ: Khi âm
thanh tác động vào thính giác ta có cảm giác nghe.
Cảm giác có cả ở con người và con vật, nhưng cảm giác ở người khác về
chất so với cảm giác của động vật. Cảm giác của con người mang bản chất xã hội
lịch sử và là sản phẩm của xã hội lịch sử. Cảm giác của con người có sự tham gia
của tư duy và ý thức nên chất lượng phản ánh của nó hơn hẳn con vật.
Cảm giác của con người còn phụ thuộc vào trạng thái sức khỏe, tâm trạng,
kinh nghiệm sống, ngôn ngữ, tâm thế, tri thức nghề nghiệp và các quá trình tâm
lý khác…
c. Phân loại cảm giác
Dựa vào vị trí của nguồn kích thích nằm ở bên ngoài hay bên trong cơ thể, cảm
giác được chia thành hai nhóm: Những cảm giác bên ngoài do những kích thích bên
ngoài cơ thể gây nên và những cảm giác bên trong do những kích thích bên trong cơ
thể gây nên.
Cảm giác bên ngoài: Gồm có năm giác quan (Thị giác, thính giác, khứu giác,
vị giác, mạc giác)

Hình minh họa 1: Năm giác quan


• Cảm giác nhìn (thị giác) cho con người biết những thuộc tính hình dạng, độ
lớn, số lượng, độ xa, độ sáng và màu sắc của đối tượng. Cảm giác nhìn chiếm vị trí
quan trọng nhất trong việc thu nhận thông tin từ thế giới bên ngoài (90% lượng thông
tin con người thu nhận được bằng giác quan là do thị giác mang lại).

39
• Cảm giác nghe (thính giác) cho biết thuộc tính âm thanh của đối tượng như
cường độ âm thanh, độ cao thấp của âm thanh và các âm sắc. Thính giác có vai trò
quan trọng sau thị giác.
• Cảm giác ngửi (khứu giác) cho biết thuộc tính mùi của đối tượng.
• Cảm giác nếm (vị giác) cho biết thuộc tính vị của đối tượng.
Có 4 loại cảm giác nếm cơ bản: Chua, ngọt, mặn, đắng. Sự kết hợp của các loại
cảm giác này tạo nên sự đa dạng của vị giác.
• Cảm giác da (mạc giác) cho biết sự đụng chạm, sức ép của vật vào da, cũng
như nhiệt độ của vật. Có năm loại cảm giác da: Cảm giác đụng chạm, cảm giác nén,
cảm giác nóng, cảm giác lạnh và cảm giác đau.
Cảm giác bên trong
• Cảm giác vận động: Khi các cơ, gân, khớp xương trong cơ thể bị kích thích sẽ
tạo nên cảm giác vận động, nó tham gia vào sự vận động của cơ thể, báo hiệu mức
độ co của cơ và vị trí của các phần cơ thể.
• Cảm giác thăng bằng: Cho biết vị trí và phương hướng chuyển động của đầu
so với phương của trọng lực. Khi cơ quan thăng bằng bị kích thích quá mức sẽ gây ra
mất thăng bằng khiến con người cảm thấy chóng mặt, buồn nôn.
• Cảm giác cơ thể: Là loại cảm giác cho biết tình trạng hoạt động của cơ quan
nội tạng, gồm các cảm giác: Đói, no, khát, buồn nôn và những cảm giác có liên quan
tới quá trình hô hấp và tuần hoàn.
• Cảm giác rung: Phản ánh sự rung động của các sự vật. Nó do các dao động
của không khí tác động lên bề mặt thân thể tạo nên. Cảm giác này đặc biệt phát
triển mạnh ở những người khuyết tật (nhất là người vừa điếc vừa câm).
Các cảm giác bên ngoài và các cảm giác bên trong luôn tác động qua lại và
ảnh hưởng lẫn nhau, tạo nên sự đa dạng phong phú về cảm giác của con người.
d. Vai trò của cảm giác
Cảm giác là mối liên hệ trực tiếp giữa cơ thể và môi trường xung quanh. Nhờ có
mối liên hệ đó mà con người có khả năng định hướng và thích nghi với môi trường.
Là hình thức đầu tiên của hoạt động nhận thức, cảm giác giúp con người thu
nhận những tài liệu trực quan sinh động, cung cấp tài nguyên liệu cho các quá trình
nhận thức cao hơn.

40
Cảm giác là con đường nhận thức hiện thực khách quan đặc biệt quan trọng đối
với người khuyết tật.
Là điều kiện quan trọng đảm bảo trạng thái hoạt động của vỏ não, nhờ đó đảm
bảo cho hoạt động thần kinh của con người diễn ra bình thường
1.2. Các quy luật cơ bản của cảm giác
a. Quy luật về ngưỡng cảm giác
Mỗi giác quan đã được chuyên môn hóa để phản ánh một dạng kích thích thích
hợp với nó, song không phải mọi kích thích tác động vào giác quan đều gây ra cảm
giác. Kích thích quá yếu không đủ để gây nên cảm giác, kích thích quá mạnh có thể
làm mất cảm giác. Muốn gây ra cảm giác thì kích thích phải đạt tới một giới hạn
nhất định, giới hạn mà ở đó kích thích gây ra được cảm giác gọi là ngưỡng cảm
giác.
Ngưỡng cảm giác có hai loại: Ngưỡng tuyệt đối của cảm giác và ngưỡng sai
biệt của cảm giác.
Ngưỡng tuyệt đối của cảm giác gồm
- Ngưỡng tuyệt đối phía dưới: Là cường độ kích thích tối thiểu đủ gây ra cảm
giác.
- Ngưỡng tuyệt đối phía trên là cường độ kích thích tối đa mà ở đó vẫn còn cảm
giác.
- Phạm vi giữa ngưỡng tuyệt đối phía dưới và ngưỡng tuyệt đối phía trên gọi là
vùng cảm giác được, trong đó có vùng phản ánh tốt nhất.
- Ngưỡng sai biệt là mức độ chênh lệch tối thiểu về cường độ hoặc tính chất của
hai kích thích đủ để ta phân biệt được hai kích thích đó.
Ngưỡng tuyệt đối và ngưỡng sai biệt của cảm giác là khác nhau ở mỗi loại cảm
giác khác nhau và mỗi người khác nhau.
Ngưỡng cảm giác tỷ lệ nghịch với tính nhạy cảm của mỗi người.Tính nhạy cảm
(độ nhạy cảm) là năng lực cảm nhận được các kích thích vào các giác quan. Ngưỡng
tuyệt đối dưới càng thấp thì tính nhạy cảm càng cao. Ngưỡng sai biệt càng nhỏ thì
tính nhạy cảm sai biệt càng lớn. Tính nhạy cảm sai biệt là năng lực cảm nhận được
sự khác nhau giữa hai kích thích cùng loại. Ngưỡng cảm giác có thể thay đổi tùy theo
lứa tuổi, trạng thái sức khỏe, trạng thái tâm sinh lý, tính chất nghề nghiệp và khả
năng rèn luyện của mỗi người.
41
b. Quy luật về sự thích ứng của cảm giác
Để đảm bảo cho sự phản ánh được tốt nhất và bảo vệ hệ thần kinh khỏi bị
hủy hoại, cảm giác của con người có khả năng thích ứng với kích thích.
Tính thích ứng là khả năng thay đổi độ nhạy cảm của cảm giác cho phù hợp
với sự thay đổi của cường độ kích thích. Khi cường độ kích thích tăng thì độ
nhạy cảm của cảm giác giảm, khi cường độ kích thích giảm thì tăng độ nhạy cảm
của cảm giác. Ví dụ: Khi đang ở chỗ sáng (cường độ kích thích của ánh sáng
mạnh) bước vào chỗ tối (cường độ kích thích của ánh sáng yếu), lúc đầu không
nhìn thấy gì, phải sau một thời gian mới dần dần thấy rõ (thích ứng). Trong
trường hợp này đã xảy ra hiện tượng tăng độ nhạy cảm của cảm giác.
Quy luật thích ứng có ở tất cả các loại cảm giác, nhưng mức độ thích ứng ở
các cảm giác khác nhau thì khác nhau. Có những loại cảm giác có khả năng thích
ứng cao như thị giác (trong bóng tối tuyệt đối thì độ nhạy cảm với ánh sáng tăng
tới gần 200.000 lần sau 40 phút), cảm giác đau thì khả năng thích ứng rất kém.
Khả năng thích ứng của cảm giác có thể phát triển do hoạt động và rèn luyện
(công nhân luyện kim, có thể chịu đựng được nhiệt độ cao tới 50°C - 60°C trong
hàng giờ đồng hồ)
Quy luật này thể hiện rõ ở sự thích ứng nghề nghiệp của người lao động.
Nhờ có tính thích ứng mà cảm giác của con người có thể phản ánh những kích
thích có cường độ biến đổi trong một phạm vi rất lớn. Nếu được rèn luyện đúng
đắn thì tính thích ứng sẽ phát triển rất cao và trở nên bền vững.
c. Quy luật về sự tác động qua lại giữa các cảm giác
Con người là một chỉnh thể thống nhất, các giác quan của con người có quan hệ
chặt chẽ với nhau. Mặt khác thế giới tác động đến con người bằng nhiều thuộc tính,
tính chất do vậy gây nên ở con người nhiều cảm giác. Các cảm giác không tồn tại ở
con người một cách biệt lập, riêng rẽ mà chúng tác động qua lại với nhau. Kết quả
của sự tác động qua lại giữa các cảm giác là làm thay đổi độ nhạy cảm của một cảm
giác này dưới tác động của các cảm giác khác.
Quy luật chung của sự tác động qua lại giữa các cảm giác là: Kích thích yếu lên
một cơ quan phân tích này sẽ làm tăng độ nhạy cảm của một cơ quan phân tích khác,
sự kích thích mạnh lên một cơ quan phân tích này sẽ làm giảm độ nhạy cảm của một
cơ quan phân tích kia.
42
Sự tác động qua lại giữa các cảm giác có thể diễn ra một cách đồng thời hay
nối tiếp, có thể những cảm giác cùng loại hay khác loại. Sự tác động qua lại giữa
những cảm giác cùng một loại được gọi là hiện tượng tương phản trong cảm giác: Đó
là sự thay đổi cường độ hay chất lượng của cảm giác do ảnh hưởng của kích thích
cùng loại diễn ra trước đó hay đồng thời.
Có hai loại tương phản trong cảm giác
Tương phản đồng thời: Tương phản đồng thời là sự thay đổi cường độ và chất
lượng của cảm giác dưới ảnh hưởng của một kích thích cùng loại xảy ra đồng thời.
Ví dụ: Nếu đặt hai tờ giấy màu xám như nhau lên nền màu trắng và nền màu đen thì
cảm thấy tờ giấy màu xám đặt trên nền trắng có màu sẫm hơn tờ giấy xám đặt trên
nền đen hoặc hình ảnh có kích cỡ tương đương nhau đặt trong hai bối cảnh khác
nhau dẫn đến kết quả thị giác sai lệch (hình minh họa)

Hình minh họa 2: Sự tương phản đồng thời của thị giác

Tương phản nối tiếp: Tương phản nối tiếp là sự thay đổi cường độ và chất
lượng của cảm giác dưới ảnh hưởng của một kích thích cùng loại xảy ra trước đó. Ví
dụ: Nhúng tay phải vào chậu nước lạnh và nhúng tay trái vào chậu nước nóng. Sau
đó nhúng cả hai bàn tay vào chậu nước ấm thì thấy bàn tay phải nóng hơn, còn bàn
tay trái thì mát dịu đi.
Hiện tượng loạn cảm giác: Là hiện tượng do sự kết hợp khá vững chắc giữa
một số cảm giác đến mức khi gây cảm giác này sẽ làm xuất hiện cảm giác khác. Ví

43
dụ: Khi lấy hai thanh nứa (hay hai miếng kính) cọ sát vào nhau ta sẽ cảm thấy “ghê
người”. Ở đây kích thích thính giác đã gây ra cảm giác cơ thể.
1.2. Tri giác
1.2.1. Khái niệm tri giác
a. Định nghĩa tri giác
Tri giác là quá trình tâm lý phản ánh một cách trọn vẹn các thuộc tính của sự
vật, hiện tượng khi chúng đang trực tiếp tác động vào các giác quan.
b. Đặc điểm của tri giác
Tri giác được hình thành và phát triển trên cơ sở những cảm giác nhưng tri giác
không phải là phép cộng đơn giản của các cảm giác mà là sự phản ánh cao hơn so
với cảm giác. Do vậy tri giác cũng có những đặc điểm giống với cảm giác nhưng
cũng có những đặc điểm khác với cảm giác. Các đặc điểm cơ bản của tri giác như
sau: Tri giác là một quá trình tâm lý; tri giác phản ánh một cách trọn vẹn các thuộc
tính bề ngoài của sự vật, hiện tượng; tri giác phản ánh hiện thực khách quan một
cách trực tiếp; tri giác là một hành động tích cực của con người.
So sánh quá trình cảm giác và tri giác
- Là quá trình tâm lý.
Giống nhau - Phản ánh thuộc tính bề ngoài của sự vật, hiện tượng.
- Phản ánh sự vật, hiện tượng đang trực tiếp tác động vào giác
quan.
Khác nhau Cảm giác Tri giác
Phản ánh một thuộc tính riêng Phản ánh các thuộc tính bề ngoài
Nội dung
lẻ bề ngoài của sự vật, hiện của sự vật, hiện tượng
phản ánh
tượng
Cảm giác thành phần - Phản ánh sự vật, hiện tượng một
cách trọn vẹn
- Phản ánh sự vật, hiện tượng theo
Kết quả
những cấu trúc nhất định
Tri giác là một hành động tích cực
của con người

44
c. Phân loại tri giác
Tri giác không gian: Là sự phản ánh không gian tồn tại của các sự vật, hiện
tượng một cách khách quan. Loại tri giác này giữ vị trí quan trọng trong sự tác
động qua lại của con người với môi trường, là điều kiện cần thiết để con người
định hướng trong môi trường. Ví dụ: Căn cứ vào mùi có thể xác định vị trí của
cửa hàng bán thức ăn.
Tri giác không gian cho biết độ lớn, nhỏ của sự vật, chiều sâu, độ xa và
phương hướng của sự vật, hiện tượng. Khi tri giác cơ quan phân tích thị giác giữ
vai trò đặc biệt quan trọng. Nhưng không phải bao giờ ta cũng tri giác đúng các
sự vật, hiện tượng, mà đôi khi cũng có sự tri giác sai lệch, hiện tượng đó gọi là ảo
giác không gian.
Tri giác thời gian: Là sự phản ánh độ dài lâu, tốc độ và tính kế tục khách
quan của các sự vật, hiện tượng trong hiện thực. Những khoảng cách thời gian
được xác định bởi các quá trình diễn ra trong cơ thể theo những nhịp điệu nhất
định (nhịp tim, nhịp thở, thức ngủ…). Cảm giác nghe và vận động hỗ trợ cho sự
đánh giá các khoảng thời gian chính xác nhất. Nội dung của hoạt động, trạng thái
tâm lý và lứa tuổi có ảnh hưởng lớn đến việc tri giác thời gian. Chẳng hạn: Khi
hứng thú đối với công việc thì thời gian trôi nhanh, khi chán nản thấy thời gian
trôi đi quá chậm…
Tri giác vận động: Phản ánh những biến đổi về vị trí của các sự vật trong
không gian. Loại tri giác này phụ thuộc vào khoảng cách chuyển động của vật và
sự di chuyển của người đang tri giác. Chẳng hạn những vật chuyển động quá
nhanh hay quá chậm ta cũng khó có thể tri giác được.
Tri giác con người: Là quá trình nhận thức lẫn nhau của con người trong
những điều kiện giao tiếp trực tiếp. Đây là loại tri giác đặc biệt vì đối tượng là
con người. Loại tri giác này do giá trị xã hội quy định, nó có chức năng điều
chỉnh quá trình hoạt động và giao tiếp của con người, đặc biệt là trong quá trình
dạy học và giáo dục.
Các loại tri giác trên giúp con người phản ánh những hình thức tồn tại của
sự vật hiện tượng. Nó không phải do bẩm sinh mà được hình thành trong hoạt
động thực tiễn của cá nhân.

45
d. Quan sát và năng lực quan sát
Quan sát là một hình thức tri giác cao nhất, mang tính tích cực, chủ động và có
mục đích rõ ràng, làm cho con người khác xa con vật. Quá trình quan sát trong hoạt
động, đặc biệt trong rèn luyện đã hình thành nên năng lực quan sát.
Năng lực quan sát là khả năng tri giác nhanh chóng và chính xác những điểm
quan trọng, chủ yếu và đặc sắc của sự vật, hiện tượng cho dù những điểm đó khó
nhận thấy hoặc có thể là thứ yếu.
Năng lực quan sát ở mỗi người là khác nhau và phụ thuộc vào những đặc điểm
nhân cách, biểu hiện ở kiểu tri giác hiện thực khách quan như:
- Kiểu tổng hợp (thiên về tri giác nhưng mối quan hệ chú trọng đến chức năng ,
ý nghĩa, coi nhẹ các chi tiết).
- Kiểu phân tích (chủ yếu tri giác những thuộc tính bộ phận).
- Kiểu phân tích - tổng hợp (giữ được sự cân đối giữa 2 kiểu trên).
- Kiểu cảm xúc (chủ yếu phản ánh cảm xúc, tâm trạng do đối tượng gây ra).
Những kiểu tri giác này cũng như tri giác không phải là cố định mà được thay
đổi do mục đích và nội dung của hoạt động.
e. Vai trò của tri giác
Với tư cách là mức độ nhận thức cảm tính cao hơn cảm giác, tri giác có vai trò
quan trọng đối với con người, nó là thành phần chính của nhận thức cảm tính, nhất là
ở người trưởng thành.
Tri giác là điều kiện quan trọng cho sự định hướng hành vi và hoạt động của
con người một cách nhanh chóng và chính xác hơn trong môi trường xung quanh.
Hình thức tri giác cao nhất là “quan sát” là một mặt tương hỗ độc lập cho hoạt động
đạt kết quả cao. Tri giác cung cấp các thông tin cần thiết cho hoạt động tư duy, tưởng
tượng và sáng tạo.
1.2.2. Các quy luật cơ bản của tri giác
a. Quy luật về tính đối tượng của tri giác
Hình ảnh trực quan mà tri giác đem lại bao giờ cũng thuộc về một sự vật, hiện
tượng của thế giới bên ngoài. Sản phẩm của quá trình tri giác (hình tượng) một mặt
phản ánh đặc điểm bề ngoài của sự vật, hiện tượng, mặt khác nó là hình ảnh chủ
quan của thế giới khách quan. Tính đối tượng của tri giác nói lên sự phản ánh hiện
thực khách quan chân thực của tri giác. Nhờ mang tính đối tượng mà hình ảnh tri
46
giác là cơ sở định hướng và điều chỉnh hành vi, hoạt động của con người phù hợp với
thế giới xung quanh.
b. Quy luật về tính lựa chọn của tri giác
Các sự vật, hiện tượng trong thế thế giới khách quan vô cùng đa dạng và
phức tạp. Trong cùng một lúc chúng có thể đồng thời tác động vào các giác quan
của ta. Trong trường hợp đó, con người không thể phản ánh tất cả các sự vật, hiện
tượng đó được, mà con người chỉ có khả năng phản ánh một vài đối tượng nào đó
trong vô số các sự vật, hiện tượng xung quanh. Đó là tính lựa chọn của tri giác,
hay nói cách khác tri giác là một quá trình hoạt động tích cực, trong đó con
người thực hiện sự lựa chọn.
Tính lựa chọn của tri giác thực chất là quá trình chủ thể hoạt động tích cực
để tách được đối tượng ra khỏi bối cảnh để tri giác đối tượng một cách rõ ràng.
Sự lựa chọn của tri giác không mang tính chất cố định, mà vai trò của đối tượng
và bối cảnh có sự giao hoán cho nhau có nghĩa là một vật lúc này là đối tượng
nhưng khi khác lại là bối cảnh và ngược lại. Vì vậy, những thuộc tính của đối
tượng càng khác biệt với thuộc tính của bối cảnh thì càng tri giác dễ dàng, đầy đủ
hơn.

Hình minh họa 3: Quy luật về tính lựa chọn của tri giác

47
Tính lựa chọn của tri giác phụ thuộc vào các yếu tố khách quan và chủ quan.
Nhóm các yếu tố khách quan bao gồm đặc điểm của vật kích thích (cường độ, nhịp
điệu vận động, sự tương phản...); đặc điểm của các điều kiện bên ngoài khác (khoảng
cách từ vật đến ta, độ chiếu sáng của vật...); sự tác động bằng ngôn ngữ của người
khác... Nhóm các yếu tố chủ quan gồm: Nhu cầu, hứng thú, tình cảm, xu hướng của
cá nhân, vốn kinh kiệm sống...
c. Quy luật về tính có ý nghĩa của tri giác
Tri giác được nảy sinh do sự tác động trực tiếp của các sự vật vào cơ quan
cảm nhận, những hình ảnh tri giác luôn có một ý nghĩa xác định. Khi tri giác sự
vật hiện tượng một cách có ý thức thì có thể gọi được tên sự vật đó và có thể xếp
sự vật đang tri giác vào một nhóm sự vật hiện tượng xác định, cũng có thể khái
quát chúng bằng một từ xác định… Con người có được khả năng đó là nhờ tri
giác luôn gắn liền với quá trình tư duy, với sự hiểu biết về bản chất của sự vật.
Nếu tri giác được càng nhiều thuộc tính, nhiều bộ phận của đối tượng thì
quá trình tri giác càng có ý nghĩa hơn. Ở đây kinh nghiệm sống có vai trò rất
quan trọng đối với tính ý nghĩa của tri giác, đặc biệt là vai trò của ngôn ngữ.
Trong quá trình dạy học khi giáo viên sử dụng đồ dùng trực quan cần phải chú ý
đến quy luật này giúp học sinh tri giác một cách đầy đủ, sâu sắc hơn.
d. Quy luật về tính ổn định của tri giác
Tính ổn định của tri giác là khả năng phản ánh tương đối ổn định về sự vật, hiện
tượng nào đó khi điều kiện tri giác đã thay đổi.
Tính ổn định của tri giác thể hiện rõ trong các trường hợp tri giác về độ lớn,
hình dạng, màu sắc của đối tượng.
Tính ổn định của tri giác phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Cấu trúc của sự vật tương đối ổn định trong một thời gian, thời điểm nhất
định.
- Cơ chế tự điều chỉnh đặc biệt của hệ thần kinh dựa trên mối liên hệ ngược
giúp cơ thể phản ánh được những đặc điểm của đối tượng đang tri giác cùng với
những điều kiện tồn tại của nó.
- Vốn kinh nghiệm phong phú về đối tượng .

48
e. Tính ảo giác (Ảo ảnh tri giác)
Trong một số trường hợp với những điều kiện thực tế xác định, nhưng tri
giác có thể không cho hình ảnh đúng về sự vật hiện tượng. Hiện tượng này gọi là
ảo giác. Ảo ảnh tri giác là sự phản ánh sai lầm về sự vật hiện tượng có thật đang tác
động vào các giác quan của con người. Ảo giác là một hiện tượng có tính quy luật
xảy ra ở tất cả mọi người bình thường và có ở tất cả các loại tri giác. Mỗi loại ảo
giác đều có nguyên nhân riêng của nó.

Hình minh họa 4: Ảo ảnh của tri giác


Nguyên nhân gây ảo ảnh tri giác.
- Do quy luật khách quan của sự vật, hiện tượng.
- Do đặc điểm của đối tượng và bối cảnh tri giác.
- Do đặc điểm cấu tạo của não và giác quan.
f. Quy luật tổng giác
Hình ảnh tri giác không chỉ phụ thuộc vào tính chất, đặc điểm của vật kích
thích, mà còn phụ thuộc vào bản thân chủ thể tri giác. Sự phụ thuộc của hình ảnh
tri giác vào nội dung đời sống tâm lý con người được gọi là hiện tượng tổng giác.
Trong khi tri giác thế giới, con người không chỉ phản ánh thế giới bằng những
giác quan cụ thể mà toàn bộ những đặc điểm nhân cách của con người cũng tham gia
tích cực vào quá trình tri giác, làm cho khả năng tri giác của con người sâu sắc, tinh
vi và chính xác hơn. Những đặc điểm nhân cách đã hình thành ở cá nhân bao gồm:
Tư duy, trí nhớ, cảm xúc, tâm trạng, chú ý, tâm thế, kinh nghiệm, vốn hiểu biết, năng

49
lực nhận thức, kỹ năng, kỹ xảo, nhu cầu, hứng thú, tình cảm,... Những đặc điểm nhân
cách này chi phối đối tượng tri giác, tốc độ tri giác, độ chính xác của tri giác.
Khả năng tổng giác của con người được hình thành và phát triển trong hoạt
động nhận thức và hoạt động thực tiễn. Khả năng tổng giác trở thành một năng lực
nhận thức đặc biệt của con người.
Trong quá trình dạy học và giáo dục cần tính đến kinh nghiệm, những hiểu
biết, nhu cầu, hứng thú, tâm thế… của học sinh nhằm nâng cao hiệu quả tri giác
và năng lực quan sát ở học sinh, tránh hiện tượng “yêu nên tốt, ghét nên xấu” dễ
dẫn đến sai lầm. Mặt khác, trong giao tiếp hàng ngày cần phải gây ấn tượng tốt
với đối tượng ngay trong những buổi đầu gặp gỡ để duy trì mối quan hệ tốt đẹp
giữa hai bên.
Tóm lại: Các quy luật của tri giác có quan hệ bổ sung cho nhau làm cho tri
giác của con người ngày thêm đa dạng phong phú và mang tính chất chủ thể cao.
Vì vậy, khi đánh giá khả năng tri giác của mỗi cá nhân và rèn luyện năng lực tri
giác của bản thân cần phải chú ý đến các quy luật nói trên.
2. Nhận thức lý tính
Nhận thức cảm tính có vai trò quan trọng trong đời sống tâm lý của con người,
nó cung cấp nguyên vật liệu cho các hoạt động tâm lý cao hơn. Nhưng thực tế cuộc
sống luôn đặt ra những vấn đề mà bằng nhận thức cảm tính con người không thể
nhận thức và giải quyết được. Muốn cải tạo thế giới, con người phải đạt tới một mức
độ nhận thức cao hơn - nhận thức lý tính. Nhận thức lý tính gồm hai quá trình: Tư
duy và tưởng tượng.
2.1. Tư duy
2.1.1. Khái niệm tư duy
a. Định nghĩa
Tư duy là quá trình tâm lý phản ánh những thuộc tính bản chất, những mối liên
hệ và quan hệ mang tính quy luật của các sự vật, hiện tượng trong thế giới khách
quan mà ta chưa biết.
Tư duy là hình thức cao nhất của sự phản ánh, là mức độ nhận thức mới về
chất so với cảm giác, tri giác. Nếu cảm giác, tri giác chỉ phản ánh thuộc tính bề
ngoài, những mối quan hệ, liên hệ về không gian và thời gian, thì tư duy phản

50
ánh những thuộc tính bản chất bên trong, những mối liên hệ, quan hệ có tính chất
quy luật của sự vật, hiện tượng.
Ví dụ: Đứng trước một con người, nhận thức cảm tính cho ta biết nét mặt,
hình dáng, cử chỉ… Còn tư duy cho ta biết được phần nào đó quan điểm, lập
trường, tính cách, tài năng… những cái bản chất bên trong của nhân cách. Tuy
rằng tư duy phản ánh thuộc tính bản chất bên trong của sự vật, hiện tượng nhưng
không phải bao giờ tư duy cũng đi đến cái đúng, mà tư duy cũng có thể đi đến cái
sai. Điều đó nhắc nhở con người cần phải cẩn thận trong khi nhìn nhận đánh giá
sự việc, cần biết kết hợp hiện tượng bên ngoài với bản chất bên trong.
Tư duy phản ánh khái quát các thuộc tính bản chất của sự vật, hiện tượng để
rút ra quy luật chung của những sự vật, hiện tượng đó. Tư duy phản ánh cái chưa
biết tức là phản ánh cái mới, nhờ nó mà ta mới có khả năng giải quyết những vấn
đề do thực tiễn đề ra.
Tư duy con người mang bản chất xã hội lịch sử, nó gắn liền với ngôn ngữ.
Tư duy được hình thành và phát triển trong quá trình lao động và quá trình giao
tiếp giữa con người với con người trong các mối quan hệ xã hội. Hiện nay, khoa
học kỹ thuật phát triển nhưng con người vẫn là chủ thể duy nhất của quá trình tư
duy đích thực.
b. Đặc điểm của tư duy
* Tính có vấn đề của tư duy
Trong thực tế tư duy chỉ nảy sinh khi gặp tình huống có vấn đề. Nhưng
không phải bất cứ tác động nào của hoàn cảnh đều xuất hiện quá trình tư duy.
Tình huống có vấn đề là tình huống luôn chứa đựng một nội dung cần xác định, một
nhiệm vụ cần giải quyết, một vướng mắc cần tháo gỡ trong học tập cũng như trong
cuộc sống mà chủ thể bằng vốn hiểu biết hiện tại, bằng phương pháp hành động đã
có không thể giải quyết được. Để nhận thức, con người cần phải vượt ra khỏi phạm
vi những hiểu biết cũ và đi tìm cái mới, đạt mục đích mới.
Trong tình huống có vấn đề luôn có sự mâu thuẫn giữa mục đích đề ra và
phương pháp để đạt được mục đích đó. Khi tình huống có vấn đề xuất hiện sẽ
kích thích con người tư duy, nhưng không phải bất cứ hoàn cảnh có vấn đề nào
cũng có hoạt động tư duy (Nếu nó quá dễ hoặc quá khó thì cũng không có tư
duy). Vì vậy, tư duy chỉ nảy sinh trong tình huống có vấn đề, được con người
51
nhận thức một cách đầy đủ và có nhu cầu chuyển thành nhiệm vụ của tư duy để
giải quyết vấn đề đó. Khi gặp tình huống có vấn đề mới thì cá nhân cần phải xác
định được cái gì đã biết, cái gì cần tìm và mối liên hệ giữa cái đã biết và cái cần
tìm như thế nào để có nhu cầu muốn biết, muốn tìm cái mới.
Tuy nhiên, không phải mọi bài toán, mọi câu hỏi khó đều trở thành tình huống
có vấn đề. Tình huống có vấn đề mang tính chủ quan đối với mỗi cá nhân, nghĩa là
cá nhân thực sự nhận thức được tình huống và có nhu cầu giải quyết tình huống ấy.
Mặt khác cá nhân phải có những tri thức cần thiết liên quan đến vấn đề hay tình
huống ấy, có những kinh nghiệm nhất định và hứng thú để giải quyết vấn đề sau
những cố gắng nhất định. Nói tóm lại, tình huống có vấn đề mang tính chủ thể và
cùng một tình huống, nó sẽ là tình huống có vấn đề với người này nhưng lại không là
tình huống có vấn đề với người khác. Như thế, để con người tư duy, điều cần chú ý
là phải tạo ra tình huống có vấn đề và biến nó trở thành sự bức xúc và khát khao giải
quyết một cách tích cực và bền bỉ.
*Tính gián tiếp của tư duy
Nhận thức cảm tính mới chỉ phản ánh bản thân sự vật một cách trực tiếp. Tư
duy có khả năng phản ánh sự vật, hiện tượng một cách gián tiếp thông qua các
dấu hiệu, kinh nghiệm, ngôn ngữ, những công cụ lao động…
Ví dụ: Nhân viên chăm sóc khách hàng qua điện thoại có thể phỏng đoán
khách hàng thuộc kiểu khí chất nào (nóng nảy, bình thản,..) căn cứ vào tốc độ,
âm lượng giọng nói, phong cách giao tiếp (nói liên tục, nói nhiều, hay chịu lắng
nghe),…
Nhờ khả năng phản ánh gián tiếp của tư duy đã giúp con người nhận thức
thế giới một cách sâu sắc hơn và mở rộng khả năng hiểu biết của con người đến
vô tận. Nhờ tính phản ánh gián tiếp của tư duy đã giúp con người phản ánh được
cái quá khứ, cái hiện tại và cái trong tương lai, phản ánh được những cái mà cảm
giác tri giác không thể phản ánh được. Dựa vào các quy luật và các mối liên hệ
giữa các hiện tượng xảy ra trong thiên nhiên mà con người có thể hiểu biết được
và khám phá được những gì xảy ra trên mặt trăng, mặt trời, sao Kim, sao Hỏa…
một cách gián tiếp.
* Tính trừu tượng và tính khái quát của tư duy

52
Trong một sự vật, hiện tượng bao giờ cũng có những thuộc tính riêng đặc
trưng cho đối tượng đó và có những thuộc tính chung khái quát của hàng loạt các
đối tượng cùng loại. Nhận thức cảm tính mới chỉ phản ánh từng thuộc tính riêng
lẻ rời rạc của một sự vật cụ thể, chứ chưa có khả năng khái quát hàng loạt sự vật
cùng loại. Tư duy không chỉ phản ánh sự vật, hiện tượng một cách riêng lẻ cụ thể,
mà có khả năng phản ánh sự vật, hiện tượng một cách khái quát. Có nghĩa là tư
duy có khả năng trừu xuất khỏi đối tượng những thuộc tính không bản chất mà
chỉ giữ lại những dấu hiệu bản chất chung nhất đặc trưng cho nhiều sự vật, hiện
tượng cùng loại, đó chính là tính trừu tượng của tư duy. Ví dụ: Dấu hiệu bản chất
của kim loại là có tính dẫn nhiệt và dẫn điện…
Tính khái quát tư duy là tư duy có khả năng đi sâu vào nhiều sự vật, hiện
tượngnhằm vạch ra những thuộc tính chung, những mối liên hệ và quan hệ có tính
quy luật giữa chúng. Nhờ tư duy phản ánh khái quát các sự vật, hiện tượng mà ta
biết được quy luật phát triển chung của xã hội, biết được những cái mà ta không
thể biết được bằng nhận thức cảm tính. Nhờ tính khái quát của tư duy mà ta có
thể phân loại được sự vật đó thuộc nhóm sự vật, hiện tượng nào và nó có đặc tính
gì… Tính khái quát không chỉ giúp ta giải quyết những nhiệm vụ hiện tại, mà
còn có thể dự kiến được những cái trong tương lai.
* Tư duy quan hệ chặt chẽ với ngôn ngữ
Trong nhận thức cảm tính dù có ngôn ngữ hay không có ngôn ngữ tham gia
thì quá trình cảm giác, tri giác vẫn diễn ra. Nhưng nếu không có ngôn ngữ thì
không có bất cứ một quá trình tư duy nào, vì ngôn ngữ là hình thức biểu đạt
những sản phẩm của tư duy (ý nghĩ, khái niệm…). Ngôn ngữ là một mặt không
thể tách rời của tư duy, không có ngôn ngữ thì không có tư duy. Ngược lại, nếu
không có tư duy thì ngôn ngữ chỉ là một chuỗi âm thanh vô nghĩa, không có nội
dung và nó cũng chẳng khác gì những tín hiệu âm thanh của loài động vật.
Nhưng tư duy không phải là ngôn ngữ, mà tư duy và ngôn ngữ có mối quan hệ
biện chứng với nhau, đó là mối quan hệ giữa nội dung và hình thức. Nhờ có ngôn
ngữ mà ngay từ khâu mở đầu của quá trình tư duy con người đã đặt ra được vấn đề
cần giải quyết. Rồi từ đó sử dụng ngôn ngữ để tiến hành các thao tác tư duy: Phân
tích, tổng hợp, so sánh, khái quát hoá và trừu tượng hoá.
* Tư duy liên hệ mật thiết với nhận thức cảm tính
53
Tuy là mức độ nhận thức cao hơn hẳn về chất so với nhận thức cảm tính,
nhưng tư duy không tách rời nhận thức cảm tính. Tư duy dù trừu tượng, khái quát
đến mấy cũng phải dựa vào các tài liệu trực quan mà cảm giác và tri giác đưa lại.
Hơn nữa, muốn tư duy trước hết phải tri giác được hoàn cảnh có vấn đề, tri giác
được các sự kiện. Như vậy tri giác là một khâu, là thành phần của quá trình tư
duy. Kết quả của tư duy đòi hỏi phải được kiểm tra bằng thực tiễn thông qua các
quá trình nhận thức cảm tính. Mặt khác, tư duy cũng ảnh hưởng đến nhận thức
cảm tính, nhờ có tư duy mà chủ thể có thể tri giác đối tượng một cách nhanh
chóng và chính xác hơn. Tư duy ảnh hưởng đến tính lựa chọn, tính ý nghĩa và
tính ổn định của tri giác.
2.1.2. Các giai đoạn của tư duy
Tư duy là một hành động trí tuệ, là quá trình giải quyết một nhiệm vụ nào
đó nảy sinh trong quá trình nhận thức hay trong hoạt động thực tiễn. Quá trình đó
được thực hiện bởi các thao tác trí tuệ nhất định theo các giai đoạn sau:
a. Xác định vấn đề, biểu đạt nó thành nhiệm vụ của tư duy
Xuất hiện tình huống có vấn đề là một điều kiện quan trọng của tư duy. Khi
gặp một tình huống có vấn đề, chủ thể tư duy phải ý thức được đó là tình huống có
vấn đề đối với bản thân mình; phải phát hiện ra mâu thuẫn trong tình huống có vấn
đề - mâu thuẫn giữa cái đã biết với cái phải tìm, phải tạo ra nhu cầu cần giải quyết,
biết tìm những tri thức đã có trong vốn kinh nghiệm cá nhân có liên quan tới vấn đề,
sử dụng các tri thức đó vào giải quyết vấn đề trên cơ sở đó đề ra nhiệm vụ tư duy.
b. Xuất hiện các liên tưởng - huy động các tri thức, kinh nghiệm
Huy động các tri thức, vốn kinh nghiệm có liên quan tới vấn đề làm xuất hiện
trong đầu chủ thể tư duy những mối liên tưởng xung quanh vấn đề đang giải quyết
c. Sàng lọc các liên tưởng và hình thành giả thuyết
Các tri thức, kinh nghiệm và liên tưởng xuất hiện đầu tiên còn mang tính
chất rộng rãi chưa thực sát với nhiệm vụ đề ra. Trên cơ sở sàng lọc các liên tưởng,
gạt bỏ những cái không cần thiết sẽ hình thành giả thuyết, tức là cách giải quyết
cho phù hợp với nhiệm vụ của tư duy. Chính sự đa dạng của các giả thuyết cho
phép xem xét cùng một sự vật hiện tượng từ nhiều hướng khác nhau để tìm ra
cách giải quyết đúng đắn nhất.
d. Kiểm tra giả thuyết
54
Kiểm tra giả thuyết về cách giải quyết vấn đề để từ đó chính xác hóa, khẳng
định giả thuyết hoặc phủ định giả thuyết.
+ Nếu giả thuyết đúng thì khẳng định giả thuyết và đi đến giải quyết vấn đề.
+ Nếu giả thuyết sai thì bác bỏ, xây dựng giả thuyết mới, rồi kiểm tra lại.
e. Giải quyết vấn đề
Khi giả thuyết đã được kiểm tra và khẳng định thì sẽ được thực hiện, trả lời
cho vấn đề được đặt ra và kiểm tra lại kết quả.

Sơ đồ 2: Các giai đoạn của tư duy

2.1.3. Các thao tác tư duy


a. Phân tích - Tổng hợp
Phân tích: Là quá trình dùng trí óc để phân đối tượng nhận thức thành những
thuộc tính, những bộ phận, các mối liên hệ, quan hệ giữa chúng để nhận thức đối
tượng sâu sắc hơn.

55
Tổng hợp: Là quá trình dùng trí óc để hợp nhất những thuộc tính, những thành
phần đã được phân tích thành một chỉnh thể để nhận thức đối tượng bao quát hơn.
Phân tích và tổng hợp có mối quan hệ mật thiết với nhau, phân tích được
tiến hành trên cơ sở tổng hợp và tổng hợp được thực hiện trên kết quả của phân
tích.
b. So sánh
Là quá trình dùng trí óc để xác định sự giống nhau hay khác nhau, sự đồng
nhất, hay không đồng nhất, sự bằng nhau hay không bằng nhau giữa các sự vật, hiện
tượng. Thao tác này cũng có quan hệ chặt chẽ với phân tích và tổng hợp. So sánh
là cơ sở của mọi sự hiểu biết và tư duy. Nhờ có sự so sánh các sự vật hiện tượng
với nhau mà ta có thể lĩnh hội các tài liệu học tập với tất cả tính đa dạng độc đáo
và phức tạp của chúng.
c. Trừu tượng hóa – Khái quát hóa
Trừu tượng hóa: Là quá trình dùng trí óc để gạt bỏ những bộ phận, những thuộc
tính, những liên hệ, quan hệ thứ yếu, không cần thiết và chỉ giữ lại những yếu tố cần
thiết cho tư duy.
Khái quát hóa: Là quá trình dùng trí óc để hợp nhất nhiều đối tượng khác nhau
thành một nhóm, một loại… trên cơ sở chúng có cùng một số thuộc tính và những
liên hệ, quan hệ chung nhất định.
Những thuộc tính chung gồm có hai loại: Những thuộc tính chung giống
nhau và những thuộc tính chung là những thuộc tính bản chất. Vì vậy, nếu khái
quát hóa chỉ dựa trên những dấu hiệu chung giống nhau thì dễ dẫn đến sai lầm.
Ví dụ: Một số học sinh đã sai lầm khi xếp cá voi vào loài cá…
Trừu tượng hóa và khái quát hóa có quan hệ qua lại với nhau. Muốn khái
quát hóa đối tượng thì ta phải trừu tượng hóa những dấu hiệu không bản chất.
Khái quát hóa chính là sự tổng hợp ở mức độ cao.
Tóm lại: Trong quá trình tư duy các thao tác tư duy có quan hệ mật thiết với
nhau, chúng thống nhất với nhau theo một hướng nhất định để giải quyết các
nhiệm vụ của tư duy. Việc thực hiện các thao tác tư duy có thể không tuân theo
một thứ tự nhất định và cũng không nhất thiết phải sử dụng tất cả các thao tác
trong một quá trình tư duy.
2.1.4. Phân loại tư duy
56
a. Xét theo mức độ phát triển của tư duy
Tư duy trực quan hành động: Loại tư duy này nảy sinh rất sớm ở trẻ dưới 3
tuổi. Để nhận biết đối tượng thì con người phải giải quyết bằng những hành động
cụ thể thông qua quá trình tương tác giữa con người (trẻ em) với thế giới đồ vật.
Tư duy trực quan hình ảnh: Loại tư duy này chủ yếu dựa vào những hình
ảnh trực quan của đối tượng đang tri giác. Loại tư duy này được phát triển mạnh
ở trẻ lên 4 tuổi.
Tư duy trừu tượng, có hai loại
- Tư duy hình tượng: Kết quả của quá trình tư duy này cho ta một hình
tượng chứ không phải là một khái niệm. Loại tư duy này phát triển mạnh ở
những người nghệ sĩ.
- Tư duy từ ngữ - logic: Loại tư duy này tạo nên những khái niệm, phán
đoán nhờ đó mà ta có thể phản ánh khái quát những dấu hiệu thuộc tính, những
mối quan hệ giữa các sự vật hiện tượng. Đây là loại tư duy phát triển ở mức độ
cao nhất, phức tạp nhất của con người vì nó phản ánh sự vật hiện tượng một cách
sâu sắc và hoàn chỉnh nhất.
b. Xét theo hình thức biểu hiện của nhiệm vụ và phương thức giải quyết vấn
đề
Tư duy thực hành: Là loại tư duy mà nhiệm vụ đề ra một cách trực quan cụ
thể và phương thức giải quyết bằng những hành động cụ thể. Ví dụ: Người thợ
sửa chữa máy móc.
Tư duy hình ảnh cụ thể: Nhiệm vụ dưới hình thức một hình ảnh cụ thể và
phương thức giải quyết phải dựa trên hình ảnh đã có.
Ví dụ: Đích đến có hai con đường nhưng ta chọn con đường ngắn hơn để đi.
Tư duy lý luận: Nhiệm vụ đề ra dưới hình thức lý luận và việc giải quyết
nhiệm vụ phải đòi hỏi sử dụng những khái niệm tri thức lý luận.Ví dụ: Giáo viên
giảng bài, tư duy của học sinh khi học bài.
Các loại tư duy trên có mối quan hệ mật thiết với nhau. Trong thực tế ít có
trường hợp ta sử dụng một loại tư duy mà cần có sự phối hợp các loại tư duy với
nhau, nhưng trong đó có một loại giữ vai trò chủ đạo.
2.2. Tưởng tượng

57
Thực tiễn đặt ra cho con người nhiệm vụ nhận thức, cải tạo và sáng tạo thế giới.
Một trong những phương thức đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn là tư duy. Song không
phải trong bất cứ trường hợp nào, các vấn đề do thực tiễn đặt ra đều được giải quyết
bằng tư duy. Có trường hợp khi gặp những hoàn cảnh có vấn đề, con người khó có
thể dùng tư duy để giải quyết nó, mà phải dùng một phương thức hoạt động nhận
thức khác - nhận thức bằng tưởng tượng.
2.2.1. Khái niệm tưởng tượng
a. Định nghĩa tưởng tượng
Tưởng tượng là quá trình tâm lý phản ánh những cái chưa từng có trong kinh
nghiệm của cá nhân bằng cách xây dựng những hình ảnh mới trên cơ sở những biểu
tượng đã có.
Bản chất của tưởng tượng:
Nội dung phản ánh: Tưởng tượng phản ánh cái mới, những cái chưa có trong
kinh nghiệm của cá nhân hoặc của xã hội. Cái mới được tưởng tượng tạo ra dưới
hình thức biểu tượng mới bằng cách sáng tạo ra nó, xây dựng nó trên cơ sở những
biểu tượng đã biết.
Phương thức phản ánh: Tưởng tượng tạo ra những hình ảnh mới (biểu tượng
mới - biểu tượng của tưởng tượng) trên cơ sở những biểu tượng đã biết nhờ các
phương thức hành độngnhư: Chắp ghép, liên hợp, nhấn mạnh, điển hình hóa, loại
suy...
Sản phẩm của tưởng tượng là các biểu tượng của tưởng tượng: Đây là hình
ảnh mới do con người tạo ra trên cơ sở những biểu tượng của trí nhớ. Khác với biểu
tượng của trí nhớ là hình ảnh của sự vật, hiện tượng trước đó đã tác động vào não
người còn biều tượng của tưởng tượng là hình ảnh mới khái quát hơn do con người
tự sáng tạo ra trên cơ sở biểu tượng của trí nhớ.
b. Đặc điểm của tưởng tượng
Tưởng tượng nảy sinh trước hoàn cảnh có vấn đề. Đứng trước một tình huống
có vấn đề, tùy thuộc vào tính bất định (không xác định, ít rõ ràng) của hoàn cảnh có
vấn đề mà con người sử dụng nhận thức bằng tư duy hay tưởng tượng. Nếu gặp tình
huống có vấn đề mà tính bất định quá lớn, chủ thể nhận thức chỉ mới có thông tin
gần đúng về tình huống, khó có thể giải quyết vấn đề bằng tư duy thì quá trình giải
quyết nhiệm vụ sẽ diễn ra theo cơ chế tưởng tượng. Giá trị của tưởng tượng chính
58
là tìm được lối thoát trong tình huống có vấn đề ngay cả khi không đủ điều kiện
để tư duy.
Tưởng tượng phản ánh hiện thực khách quan một cách gián tiếp và khái
quát, nhưng mang tính độc đáo, sáng tạo hơn so với quá trình tư duy.
Tưởng tượng có quan hệ chặt chẽ với nhận thức cảm tính và ngôn ngữ.
So sánh quá trình tư duy và tưởng tượng
So sánh Tư duy Tưởng tượng
- Là quá trình tâm lý
- Nảy sinh trước tình huống có vấn đề
Giống nhau
- Có sự tham gia của ngôn ngữ
- Liên hệ chặt chẽ với nhận thức cảm tính

- Phản ánh thuộc tính bản chất, mối liên hệ - Phản ánh cái chưa có trong kinh
và quan hệ mang tính quy luật của sự vật - nghiệm của cá nhân
hiện tượng.
- Tính bất định của tình huống có vấn đề - Tính bất định của tình huống có
Khác nhau
không cao vấn đề đề cao
- Giải quyết tình huống có vấn đề bằng cách - Giải quyết tình huống có vấn đề
suy lý, logic bằng cách chắp ghép, kết dính...từ
biểu tượng đã có

Kết quả Khái niệm Biểu tượng của tưởng tượng

c. Vai trò của tưởng tượng


Tưởng tượng có vai trò rất quan trọng trong bất kỳ hoạt động nào của con
người.
Tưởng tượng giúp con người định hướng hoạt động của mình bằng cách xây
dựng trước mô hình tâm lý về kết quả cuối cùng của hoạt động và đảm bảo việc
tiến hành hoạt động để đi đến kết quả đó. Nếu không hình dung ra được kết quả
công việc của mình thì ta khó có thể bắt đầu công việc được. Đây là sự khác nhau
cơ bản giữa lao động của con người và những hành động theo bản năng của con
vật.

59
Tưởng tượng là cơ sở của mọi phát minh khoa học vĩ đại, vì nó giúp cho các
nhà khoa học thu thập những thông tin sự kiện để tạo ra các phát minh vĩ đại đó.
Tưởng tượng giúp nhà giáo dục hiểu sâu sắc thế giới bên trong của học sinh
để xác định nội dung, phương pháp và hình thức dạy học và giáo dục có hiệu
quả.
Tưởng tượng giúp cho con người vượt qua một vài giai đoạn của hoạt động
trí tuệ, khi mà tri thức của con người không đủ sức giải quyết vấn đề.
Tưởng tượng có ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành và phát triển toàn bộ
nhân cách của con người. Đây cũng chính là căn cứ để đánh giá nhân cách của
mỗi người như căn cứ vào hình mẫu lý tưởng của con người.
Tưởng tượng có vai trò to lớn trong đời sống tinh thần của con người, nó có
liên quan đến xúc cảm và có thể là nguồn gốc làm xuất hiện các tình cảm sâu sắc
và bền vững. Ngoài ra, tưởng tượng còn ảnh hưởng tới các quá trình hoạt động
của cơ thể, nó có thể tạo ra những phản ứng nhất định của một cơ quan nào đó
trong cơ thể con người. Chẳng hạn như hiện tượng ám thị hay bệnh tưởng…
2.2.2. Các loại tưởng tượng
a. Căn cứ vào mức độ tham gia của ý thức có 2 loại tưởng tượng
• Tưởng tượng không chủ định là loại tưởng tượng không theo mục đích
trước. Ví dụ: Đang dạo chơi bỗng nhiên ngước nhìn các đám mây trên bầu trời, đôi
khi tưởng tượng thấy hình mặt người hay hình một con thú. Đó là hình ảnh tưởng
tượng không chủ định.
• Tưởng tượng có chủ định là loại tưởng tượng theo một mục đích đặt ra
trước, có kế hoạch và có phương pháp nhất định nhằm tạo ra hình ảnh mới. Loại
này gồm tưởng tượng tái tạo và tưởng tượng sáng tạo.
Tưởng tượng tái tạo là quá trình tạo ta những hình ảnh mới đối với cá nhân
người tưởng tượng dựa trên sự mô tả của người khác, của sách vở, tài liệu. Ví dụ:
Học sinh tưởng tượng ra được những điều thầy giáo mô tả trên lớp.
Tưởng tượng sáng tạo là quá trình xây dựng những hình ảnh mới chưa có
trong kinh nghiệm của bản thân, cũng như chưa có trong xã hội. Đây là một phần
không thể thiếu được trong hoạt động sáng tạo nói chung của con người.
b. Căn cứ vào tính tích cực của tưởng tượng có thể chia làm 2 loại
• Tưởng tượng tiêu cực (mơ mộng)
60
• Tưởng tượng tích cực: Đây là loại tưởng tượng định hướng cho hoạt động
và thúc đẩy con người hoạt động để biến tưởng tượng thành hiện thực.
Ước mơ và lý tưởng là hình thức đặc biệt của tưởng tượng. Ước mơ là một
loại tưởng tượng tổng quát về tương lai, biểu hiện những mong muốn, ước ao gắn
liền với nhu cầu của con người. Lý tưởng là một hình ảnh mẫu mực, rực sáng mà con
người muốn vươn tới. Nó là động cơ mạnh mẽ thôi thúc con người hoạt động vươn
tới tương lai.
c. Các cách sáng tạo hình ảnh mới của tưởng tượng
• Thay đổi kích thước, số lượng: Là cách tạo ra biểu tượng mới bằng cách thay
đổi kích thước, số lượng, độ lớn … nhằm tăng lên hay giảm đi hình dáng của nó so
với hiện thực. Ví dụ: Hình tượng người khổng lồ, người tý hon; Phật nghìn tay,
nghìn mắt,…
• Chắp ghép: Là phương pháp ghép các bộ phận của nhiều sự vật, hiện tượng
khác nhau để tạo ra hình ảnh mới. Các bộ phận hợp thành hình ảnh mới không bị chế
biến mà chỉ là sự ghép nối, kết dính giản đơn. Ví dụ: Hình ảnh con rồng Châu Á,
hình ảnh đầu người mình cá…

Hình minh họa 4: Con rồng Châu Á


• Nhấn mạnh: Là cách tạo hình ảnh mới bằng việc nhấn mạnh đặc biệt hoặc
đưa lên hàng đầu một phẩm chất hay một quan hệ nào đó của sự vật, hiện tượng này

61
với các sự vật hiện tượng khác. Ví dụ: Xây dựng những nét điển hình của một loại
nhân vật trong văn học, nghệ thuật, hội họa…
• Loại suy: Là cách tạo ra những hình ảnh mới trên cơ sở mô phỏng, bắt chước
những chi tiết, những bộ phận, những sự vật có thật. Ví dụ: Từ bàn chân con vịt mô
phỏng chế tạo ra bộ phận chân vịt của tàu thủy
• Liên hợp: Là cách tạo hình ảnh mới bằng việc liên hợp các bộ phận của nhiều
sự vật với nhau. Các bộ phận tạo nên hình ảnh mới đều bị cải biến trong mối tương
quan mới. Ví dụ: Thủy phi cơ là sự kết hợp giữa tàu thủy và máy bay; Xe điện bánh
hơi là kết quả của sự liên hợp giữa ô tô và tàu điện.

Hình minh họa 5: Thủy phi cơ


3. Trí nhớ
3.1. Định nghĩa trí nhớ
Nhận thức cảm tính chỉ phản ánh được sự vật, hiện tượng khi chúng trực
tiếp tác động vào giác quan của ta. Trí nhớ phản ánh các sự vật, hiện tượng đã tác
động vào chúng ta trước đây mà không cần có sự tác động của bản thân chúng
trong hiện tại. Hay nói cách khác trí nhớ phản ánh những kinh nghiệm mà con
người đã trải qua. Kết quả của trí nhớ là tạo ra trong đầu ta những biểu tượng.
Trí nhớ là một quá trình tâm lý phản ánh những kinh nghiệm đã có của cá nhân
dưới hình thức biểu tượng bằng cách ghi nhớ, gìn giữ và làm xuất hiện lại những
điều mà con người đã trải qua.
Biểu tượng là những hình ảnh của sự vật hiện tượng được nảy sinh trong
đầu óc con người khi những sự vật, hiện tượng đó không còn trực tiếp tác động

62
vào các giác quan. Ví dụ: Khi để cuốn sách ở trước mặt thì có hình ảnh cuốn sách
trong đầu. Nhưng cất cuốn sách đó đi rồi thì hình ảnh cuốn sách vẫn hiện ra rõ
nét trong óc. Hình ảnh đó chính là biểu tượng của trí nhớ.
Biểu tượng là sản phẩm của trí nhớ, nó được hình thành trên cơ sở của sự tri
giác. Vì vậy, nó vừa mang tính trực quan cụ thể, vừa mang tính khái quát, nên trí
nhớ được xếp vào giai đoạn chuyển tiếp trung gian giữa nhận thức cảm tính và
nhận thức lý tính. Trí nhớ không chỉ là thành phần của hoạt động nhận thức thuần
tuý, mà nó còn là thành phần cơ bản tạo nên nhân cách con người. Do đó, trí nhớ
có vai trò rất quan trọng trong đời sống hoạt động của con người.
3.2. Các giai đoạn của quá trình trí nhớ
3.2.1. Giai đoạn ghi nhớ
Ghi nhớ là quá trình lưu trữ lại trong não con người những hình ảnh của sự
vật, hiện tượng trong quá trình tri giác. Sự ghi nhớ là quá trình ghi nhận thông tin
trong não con người hay còn gọi là quá trình tạo vết, là quá trình thành lập đường
liên hệ thần kinh tạm thời vững chắc trên vỏ não để sau này có thể khôi phục lại
được do tác động của những kích thích khác nhau. Có hai cách ghi nhớ: Ghi nhớ
không chủ định và ghi nhớ có chủ định.
Ghi nhớ không chủ định: Là loại ghi nhớ không đề ra mục đích từ trước,
không cần dùng một cách thức nào để ghi nhớ và không đòi hỏi sự nỗ lực của ý
chí. Độ bền vững của loại ghi nhớ này phụ thuộc vào đặc điểm của đối tượng,
vào sự thoả mãn nhu cầu của cá nhân, vào mục đích hoạt động… Ghi nhớ không
chủ định giúp ta có thể nhớ được một số lớn những hiện tượng trong cuộc sống,
làm cho vốn kinh nghiệm sống của con người ngày càng thêm phong phú. Khi
ghi nhớ không chủ định phù hợp với mục đích của cá nhân thì nó sẽ trở thành ghi
nhớ có chủ định.
Ghi nhớ có chủ định: Là loại ghi nhớ với mục đích đã được định trước.
Trong quá trình ghi nhớ đòi hỏi phải có các biện pháp, phương tiện và có sự nỗ
lực của ý chí. Ghi nhớ có chủ định là hình thức ghi nhớ chủ yếu của trí nhớ. Kết
quả của loại ghi nhớ này phần lớn phụ thuộc vào mục đích, động cơ, tâm thế của
sự ghi nhớ. Ghi nhớ có chủ định được tiến hành bằng hai cách: Ghi nhớ máy móc
và ghi nhớ có ý nghĩa.

63
Ghi nhớ máy móc: Là loại ghi nhớ dựa vào những mối liên hệ bề ngoài của
sự vật hiện tượng mà không cần hiểu nội dung cũng như ý nghĩa của sự vật hiện
tượng. Ghi nhớ máy móc là lặp đi lặp lại nhiều lần một cách đơn giản đối tượng
cần ghi nhớ. Học thuộc lòng (học vẹt) là một biểu hiện điển hình của loại ghi nhớ
này. Nhìn chung, học sinh ghi nhớ máy móc trong các trường hợp sau: Không thể
hiểu hoặc không chịu tìm hiểu ý nghĩa của tài liệu; Các phần của tài liệu rời rạc
không có quan hệ lôgic với nhau; Giáo viên thường xuyên yêu cầu trả lời đúng từng
câu từng chữ trong sách giáo khoa.
Ghi nhớ máy móc thường dẫn đến sự lĩnh hội tri thức một cách hình thức và tốn
nhiều thời gian. Tuy nhiên phương pháp ghi nhớ này sẽ trở nên hữu ích trong trường
hợp phải ghi nhớ những tài liệu không có nội dung khái quát như số điện thoại, số tài
khoản ngân hàng, ngày tháng năm sinh…
Ghi nhớ có ý nghĩa: Là loại ghi nhớ dựa vào sự hiểu biết nội dung, bản chất
và mối quan hệ lôgic có tính quy luật của các sự vật hiện tượng. Ghi nhớ có ý
nghĩa gắn liền với hoạt động tư duy giúp con người hiểu được bản chất và mối
quan hệ có tính quy luật của các sự vật hiện tượng, nó được dựa trên sự hiểu biết
của con người nên nó rất bền vững khó quên. Nếu có lỡ quên thì vẫn có thể suy
luận ra để nhớ lại vấn đề. Đây là phương pháp ghi nhớ chủ yếu trong học tập của
học sinh, đảm bảo sự lĩnh hội tri thức một cách sâu sắc, bền vững, nếu quên thì cũng
dễ nhớ lại hơn. Nó tốn ít thời gian hơn ghi nhớ máy móc song lại tiêu hao năng
lượng thần kinh nhiều hơn.
3.2.2. Giai đoạn gìn giữ
Là giai đoạn củng cố vững chắc những dấu vết đã được hình thành trên vỏ não.
Quá trình gìn giữ có thể được diễn ra đồng thời hay diễn ra ngay sau quá trình
ghi nhớ. Gìn giữ diễn ra theo hai cách là gìn giữ tích cực và gìn giữ tiêu cực.
Gìn giữ tiêu cực: Là sự gìn giữ dựa trên sự tri giác đi tri giác lại nhiều lần đối
với tài liệu một cách giản đơn.
Gìn giữ tích cực: Là sự gìn giữ được thực hiện bằng cách nhớ lại trong những
tài liệu đã ghi nhớ mà không phải tri giác lại tài liệu đó.
Trong hoạt động học tập của học sinh, quá trình gìn giữ được gọi là ôn tập. Để
gìn giữ (ôn tập) tốt nên: Ôn tập một cách tích cực; ôn tập ngay, không để lâu sau khi
đã ghi nhớ tài liệu; ôn xen kẽ, không nên chỉ ôn liên tục một môn học; ôn rải rác
64
không nên ôn tập trung liên tục trong một thời gian dài; ôn tập phải có nghỉ ngơi;
thay đổi các hình thức và phương pháp ôn tập.
3.2.3. Giai đoạn nhận lại và nhớ lại
Đây là giai đoạn giúp tái hiện lại những hình ảnh đã được ghi nhớ trên vỏ não.
Nhận lại là quá trình nhớ được đối tượng đã tri giác trước đây mà hiện tại
đối tượng đó lại xuất hiện trước chủ thể một lần nữa. Nhận lại là một quá trình
đơn giản diễn ra trước quá trình nhớ lại, nên nó không phải là tiêu chuẩn để đánh
giá trí nhớ của con người. Tính chính xác của sự nhận lại phụ thuộc vào mức độ
bền vững của sự ghi nhớ, phụ thuộc vào sự giống và khác nhau của hình ảnh cũ
và hình ảnh mới. Vì thế, có khi nhận lại bị sai do đối tượng gặp lại khác nhiều so
với hình ảnh trước đây.
Nhớ lại là quá trình làm xuất hiện lại trong não những hình ảnh của sự vật,
hiện tượng trước đây đã được tri giác mà hiện tại sự vật, hiện tượng đó không
còn trước mặt nữa. Nhớ lại có thể diễn ra một cách không chủ định hoặc có chủ
định. Nó mang tính chủ thể rõ nét vì nó phụ thuộc vào kinh nghiệm sống và tính
chất hoạt động. Nhớ lại là khâu cuối cùng của trí nhớ, nó là tiêu chuẩn để đánh
giá trí nhớ của con người.
Nhận lại và nhớ lại đều có thể không chủ định hoặc có chủ định. Khi sự nhớ lại
có chủ định đòi hỏi phải có sự khắc phục những khó khăn nhất định, phải có sự nỗ
lực của ý chí được gọi là sự hồi tưởng. Khi sự nhớ lại các hình ảnh cũ được khu trú
trong không gian và thời gian được gọi là hồi ức. Trong hồi ức, chủ thể không chỉ
nhớ lại các đối tượng đã qua mà còn đặt chúng vào một thời gian và địa điểm nhất
định.
Các quá trình của trí nhớ có vai trò vị trí khác nhau nhưng chúng có quan hệ
chặt chẽ và thống nhất với nhau. Trong đó, quá trình ghi nhớ và quá trình gìn giữ
là tiền đề, điều kiện của sự nhận lại và nhớ lại. Mặt khác, nhận lại và nhớ lại sẽ
giúp con người có thể ghi nhớ và gìn giữ thông tin một cách tốt hơn.
3.2.4. Sự quên và cách chống quên
a. Định nghĩa
Quên là không thể nhận lại hoặc nhớ lại đối tượng đã ghi nhớ trước đây vào
thời điểm cần thiết. Quên là quá trình mất dần thông tin trong trí nhớ. Khi quên
thì những đường liên hệ thần kinh tạm thời, những dấu vết đã được hình thành
65
trước đây đã bị ức chế và không thể khôi phục lại được trong một thời gian lâu
dài hay tạm thời.
Các mức độ quên như sau:
Quên hoàn toàn: Không thể nhận lại và nhớ lại được những hình ảnh đã được
ghi nhớ.
Quên cục bộ: Không thể nhớ lại được nhưng có thể nhận lại được những
hình ảnh đã được ghi nhớ.
Hiện tượng sực nhớ tức là trong một thời gian dài không thể nhớ lại được
nhưng trong một lúc nào đó lại đột nhiên nhớ lại được.
b. Quy luật quên
Sự quên cũng diễn ra theo quy luật nhất định: Con người thường quên những gì
không liên quan đến đời sống hoặc ít liên quan, những cái gì không phù hợp với
hứng thú, sở thích của cá nhân. Những cái không được sử dụng thường xuyên trong
hoạt động hàng ngày của cá nhân cũng dễ quên. Con người cũng hay quên khi gặp
những kích thích mới lạ hay kích thích mạnh so với kích thích quen thuộc.
Sự quên diễn ra theo một thứ tự xác định: Quên cái tiểu tiết, vụn vặt trước; quên
cái đại thể, chính yếu sau.
Sự quên diễn ra với tốc độ không đồng đều: Ở giai đoạn đầu tốc độ quên khá
lớn, về sau tốc độ quên càng giảm dần.
Về nguyên tắc quên là một hiện tượng hợp lý và hữu ích.
c. Biện pháp chống quên
Gắn tài liệu cần ghi nhớ vào tài liệu học tập của người học, làm cho nội dung
đó trở thành mục đích của hành động, hình thành được nhu cầu, hứng thú của người
học đối với tài liệu đó.
Tổ chức hoạt động dạy học một cách khoa học như giải lao khi chuyển từ tài
liệu này sang tài liệu khác, không nên dạy học kế tiếp nhau hai bộ môn có nội dung
tương tự.
Tổ chức cho người học tái hiện tài liệu học tập, làm bài tập ứng dụng ngay sau
khi ở trường về nhà, ôn tập ngay sau khi học tài liệu mới, sau đó việc ôn tập có thể
thưa dần.

66
PHẦN TÓM TẮT
Hoạt động nhận thức là hoạt động phản ánh thế giới xung quanh bằng các giác
quan và não bộ. Hoạt động này gồm hai mức độ: Nhận thức cảm tính (với cảm giác
và tri giác), nhận thức lý tính (với tư duy và tưởng tượng) và trí nhớ được xem là
bước chuyển từ nhận thức cảm tính sang nhận thức lý tính.
- Cảm giác (khái niệm, đặc điểm và các quy luật của nó).
+ Cảm giác là quá trình nhận thức phản ánh một cách riêng lẻ từng thuộc tính
của sự vật, hiện tượng khi chúng đang trực tiếp tác động vào giác quan.
+ Các đặc điểm của cảm giác: Cảm giác là một quá trình tâm lý, cảm giác chỉ
xuất hiện khi sự vật tác động trực tiếp vào các giác quan, cảm giác phản ánh một
cách riêng lẻ từng thuộc tính bề ngoài của sự vật hiện tượng.
+ Các quy luật của cảm giác: Quy luật về ngưỡng cảm giác, quy luật về sự
thích ứng của cảm giác, quy luật tác động lẫn nhau giữa các cảm giác khác nhau, quy
luật tác động lẫn nhau giữa các cảm giác cùng loại (tương phản).
- Tri giác (khái niệm, đặc điểm và các quy luật của nó).
+ Tri giác là quá trình nhận thức phản ánh một cách trọn vẹn các thuộc tính
của sự vật, hiện tượng khi chúng đang trực tiếp tác động vào giác quan.
+ Các đặc điểm của tri giác: Tri giác là một quá trình tâm lý, tri giác chỉ xuất
hiện khi sự vật tác động trực tiếp vào các giác quan, tri giác phản ánh một cách trọn
vẹn các thuộc tính bề ngoài của sự vật hiện tượng, tri giác có thể gọi tên đối tượng và
độ chính xác trong phản ánh cao hơn cảm giác.
+ Các quy luật của tri giác: Quy luật về tính đối tượng của tri giác, quy luật về
tính lựa chọn của tri giác, quy luật về tính có ý nghĩa của tri giác, quy luật về tính ổn
định của tri giác, quy luật về tính ảo ảnh của tri giác, quy luật về tính tổng giác của
tri giác.
- Tư duy (khái niệm, đặc điểm, các giai đoạn của quá trình tư duy và các thao
tác tư duy).
+ Tư duy là một quá trình nhận thức phản ánh những thuộc tính bản chất,
những mối liên hệ, quan hệ có tính quy luật của sự vật hiện tượng khách quan mà
trước đó ta chưa biết.

67
+ Tư duy có các đặc điểm sau: Tính có vấn đề của tư duy, tính gián tiếp của tư
duy, tính khái quát của tư duy, tư duy có quan hệ mật thiết với nhận thức cảm tính, tư
duy có quan hệ mật thiết với ngôn ngữ.
+ Quá trình tư duy gồm có các giai đoạn: Xác định vấn đề và biểu đạt thành
nhiệm vụ tư duy, huy động các tri thức, sàng lọc các tư tưởng, kiểm tra giả thuyết,
giải quyết vấn đề.
+ Các thao tác tư duy: Phân tích - tổng hợp (phân tích là tách một cái “toàn
thể” thành các yếu tố, các thành phần cấu tạo nên nó, tổng hợp là thao tác trong đó
chủ thể đưa những thuộc tính, thành phần đã được phân tích thành một chỉnh thể), so
sánh (so sánh là thao tác trí tuệ xác định sự giống nhau và khác nhau giữa các sự vật,
hiện tượng), trừu tượng hóa - khái quát hóa (trừu tượng hóa là gạt bỏ những thuộc
tính những bộ phận, những quan hệ không cần thiết về một phương diện nào đó và
chỉ lại những yếu tố cần thiết để tư duy, khái quát hóa là thao tác chủ thể tìm ra một
thuộc tính chung cho nhiều hiện tượng hay sự vật), cụ thể hóa (cụ thể hóa là thao tác
chủ thể chuyển từ trừu tượng hóa và khái quát hóa về với hiện tượng cụ thể).
- Tưởng tượng (khái niệm, đặc điểm, cách thức sáng tạo hình ảnh mới trong
tưởng tượng).
+ Tưởng tượng là quá trình tâm lý phản ánh những cái chưa từng có trong
kinh nghiệm của cá nhân bằng cách xây dựng những hình ảnh mới dựa trên cơ sở
những biểu tượng đã có.
+ Tưởng tượng có các đặc điểm sau: Tưởng tượng nảy sinh trong hoàn cảnh
có vấn đề (tính có vấn đề của tưởng tượng mang tính bất định nhiều hơn tính có vấn
đề của tư duy), ngôn ngữ là điều kiện cần thiết cho tưởng tượng, tưởng tượng phản
ánh gián tiếp - khái quát, tưởng tượng liên hệ chặt chẽ với nhận thức cảm tính.
+ Các cách sáng tạo hình ảnh mới trong tưởng tượng: Thay đổi kích thước, số
lượng của sự vật hay các thành phần của sự vật, nhấn mạnh các chi tiết, thành phần,
thuộc tính của sự vật, chắp ghép, liên hợp, điển hình hóa, loại suy.
- Trí nhớ (khái niệm, đặc điểm và các quá trình cơ bản của nó):
+ Trí nhớ là quá trình tâm lý phản ánh những kinh nghiệm đã trải qua của con
người dưới hình thức biểu tượng.
+ Đối tượng của trí nhớ rất đa dạng và sản phẩm của trí nhớ là biểu tượng.
Biểu tượng có tính trực quan và khái quát.
68
+ Các quá trình cơ bản của trí nhớ: Quá trình ghi nhớ, quá trình tái hiện và
quên. Ghi nhớ là quá trình ghi lại và giữ lại (lưu trữ) trong não con người những hình
ảnh của sự vật, hiện tượng trong quá trình tri giác. Ghi nhớ gồm ghi nhớ không chủ
định (không có mục đích từ trước) và ghi nhớ có chủ định (có mục đích từ trước, có
sự nỗ lực khi ghi nhớ). Sự tái hiện là một quá trình trí nhớ làm sống lại những nội
dung đã ghi nhớ. Sự tái hiện bao gồm sự nhận lại và nhớ lại. Trong tái hiện bao gồm
sự nhận lại và sự nhớ lại. Nhận lại là quá trình làm nảy sinh ở trong não những hình
ảnh của sự vật, hiện tượng đã được con người tri giác trước kia, giờ đây lại được xuất
hiện một lần nữa. Nhớ lại là quá trình làm xuất hiện lại trong não những hình ảnh của
sự vật và hiện tượng con người đã tri giác trước đây, mà hiện tại sự vật, hiện tượng
đó không còn trực tiếp tác động vào các giác quan và não nữa. Nhớ lại bao gồm hồi
tưởng và hồi ức. Quên là không tái hiện lại được nội dung đã ghi nhớ trước đây vào
thời điểm cần thiết.

C. LUYỆN TẬP
1. Câu hỏi củng cố
Câu 1: Trình bày khái niệm cảm giác, các loại cảm giác và ý nghĩa của chúng
trong đời sống và hoạt động của con người.
Câu 2: Trình bày các quy luật của cảm giác và nêu ứng dụng trong công việc,
cuộc sống.
Câu 3: Trình bày khái niệm tri giác, các loại tri giác và ý nghĩa của chúng trong
đời sống và hoạt động của con người.
Câu 4: Trình bày các quy luật của tri giác và nêu ứng dụng trong công việc,
cuộc sống.
Câu 5: Phân biệt cảm giác và tri giác?
Câu 6: Khái niệm, đặc điểm của tư duy?
Câu 7: Căn cứ vào các giai đoạn tư duy, hãy phân tích quá trình tư duy của bản
thân trước một vấn đề bất kỳ (tự chọn).
Câu 8: Trình bày sự giống và khác nhau giữa tư duy và tưởng tượng.
Câu 9: Trình bày các giai đoạn của trí nhớ.
Câu 10: Trình bày về sự quên và các biện pháp chống quên. Áp dụng cho bản
thân như thế nào trong học tập để nâng cao hiệu quả ghi nhớ?
69
2. Câu hỏi trắc nghiệm
Câu 1: “Khi tri giác bị quy định bởi vật kích thích bên ngoài và những nhân tố
nằm trong bản thân chủ thể tri giác” thì đó là sự thể hiện của quy luật nào?
a. Tính ổn định
b. Tính có ý nghĩa
c. Tổng giác
d. Tính lựa chọn
Câu 2: “ Quá trình nhận thức có mối liên hệ chặt chẽ với ngôn ngữ” là đặc điểm
đặc trưng của
a. Tri giác
b. Tư duy
c. Cảm giác
d. Tình cảm
Câu 3: “Tay người mẹ vừa giặt xong trong nước lạnh, sờ tay lên trán con tưởng
con bị sốt, nhưng khi cặp nhiệt độ thì không phải” là quy luật
a. Ngưỡng cảm giác
b. Sự tác động nối tiếp giữa các cảm giác
c. Thích ứng của cảm giác
d. Sự tác động đồng thời giữa các cảm giác
Câu 4: Mức độ chịu đau càng ngày càng tăng thể hiện quy luật nào của cảm
giác?
a. Quy luật thích ứng của cảm giác
b. Quy luật ngưỡng cảm giác
c. Quy luật tác động qua lại giữa các cảm giác
d. Không có quy luật nào
Câu 5: Khi tri giác con người trên màn hình tivi, máy vi tính hay tranh ảnh… ta
vẫn có được đầy đủ các đặc điểm về chiều cao, cân nặng thể hiện quy luật
a. Tính ổn định của tri giác
b. Tính có ý nghĩa của tri giác
c. Tính lựa chọn của tri giác
d. Tính tổng giác
Câu 6: Cường độ kích thích tối thiểu để gây được cảm giác được gọi là
70
a. Vùng cảm giác được
b. Ngưỡng cảm giác phía trên
c. Ngưỡng cảm giác phía dưới
d. Chưa tới ngưỡng cảm giác phía dưới
Câu 7: Đặc điểm nào sau đây nói về tư duy?
a. Phản ánh những thuộc tính bản chất
b. Phản ánh những mối liên hệ và quan hệ bên trong có tính quy luật của sự vật hiện
tượng
c. Phản ánh cái mới mà ta chưa biết
d. Cả ba ý trên
Câu 8: Sản phẩm của tư duy của con người là:
a. Khái niệm
b. Phán đoán
c. Suy lý
d. cả a,b,c đều đúng
Câu 9: Đâu là điểm giống nhau giữa cảm giác và tri giác?
a. Phản ánh một cách riêng lẻ các thuộc tính của sự vật hiện tượng
b. Phản ánh một cách trọn vẹn các thuộc tính của sự vật hiện tượng
c. Phản ánh sự vật hiện tượng một cách trực tiếp, cụ thể
d. Phản ánh dấu hiệu bản chất của sự vật hiện tượng
Câu 10: Tưởng tượng sáng tạo có các đặc điểm
a. Luôn được thực hiện có chủ định
b. Luôn tạo ra cái mới cho cá nhân và xã hội
c. Luôn có giá trị với xã hội
d. Cả A, B, C đều đúng
Câu 11: Điều nào không đúng với trí nhớ có chủ định?
a. Có sử dụng biện pháp để ghi nhớ
b. Có sự nỗ lực ý chí trong ghi nhớ
c. Có trước trí nhớ không chủ định
d. Có mục đích định trước
Câu 12: Hiệu quả của ghi nhớ có chủ định phụ thuộc vào đặc trưng nào sau
đây
71
a. Động cơ, mục đích ghi nhớ
b. Khả năng gây cảm xúc của tài liệu
c. Hành động được lặp lại nhiều lần
d. Tính mới mẻ của tài liệu
Câu 13: Ghi nhớ không chủ định ít phụ thuộc vào điều nào nhất?
a. Sự nỗ lực của chủ thể ghi nhớ
b. Tài liệu có liên quan đến mục đích ghi nhớ
c. Tài liệu tạo nên nội dung hoạt động
d. Sự hấp dẫn của tài liệu
Câu 14: Vai trò của trí nhớ đối với quá trình nhận thức cảm tính và lý tính
là:
a. Cầu nối giữa nhận thức cảm tính và lý tính
b. Lưu giữ thông tin cảm tính
c. Lưu giữ thông tin lý tính
d. Lưu giữ thông tin và là cầu nối giữa nhận thức cảm tính và lý tính
Câu 15: Tư duy của con người chỉ nảy sinh (xuất hiện) khi nào?
a. Có câu hỏi đặt ra
b. Có bài tập yêu cầu
c. Có khó khăn xảy ra
d. Có các tình huống có vấn đề
3. Bài tập tình huống
Bài tập 1: Hiện tượng học sinh lên trả bài cũ và không nhớ được nội dung,
nhưng chỉ cần được bạn hoặc giáo viên nhắc một câu ngắn hoặc một chi tiết ngắn thì
có thể hoàn thành được việc trả bài này là hiện tượng nào của đời sống tâm lý? Cách
khắc phục hiện tượng này.
Bài tập 2: Trường hợp nào dưới đây có cách dùng từ “cảm giác” đúng với khái
niệm cảm giác trong tâm lý học? Tại sao?
a. Cảm giác tiếc nuối cứ đeo đẳng theo Mai từ khi nói lời từ chối trở thành nhân
viên của ngân hàng A
b. Cảm giác nhức đầu, buồn nôn khi ngửi thấy mùi nước hoa quá nồng nặc
trong phòng
c. Cảm giác rất thân quen với người vừa gặp mặt
72
d. Cảm giác vừa bực vừa thương cùng xuất hiện khi nhìn thấy “người ấy”
Bài tập 3: Tại sao trong thẩm mỹ thời trang lại có lời khuyên sau “Những
người mập mạp, đẫy đà không nên mặc các trang phục sọc ngang và ngược lại, người
gầy gò, mảnh mai không nên mặc trang phục sọc dọc”?
Bài tập 4: Phân tích quá trình tư duy của bản thân khi được yêu cầu trả lời câu
hỏi “Con gà có trước hay quả trứng có trước?
D. Tài liệu đọc thêm
1. Phạm Minh Hạc, Nguyễn Kế Hào, Nguyễn Quang Uẩn. (1991). Tâm lý học.
NXB Giáo dục, Hà Nội.
2. Phan Trọng Ngọ, Đinh Thị Tứ. (2010). Tâm lý học trẻ em. NXB Giáo dục,
Hà Nội.
3. Nguyễn Xuân Thức. (2006). Tâm lý học đại cương. NXB Đại học Sư phạm,
Hà Nội.
4. Nguyễn Quang Uẩn, Trần Hữu Luyến, Trần Quốc Thành. (1998). Tâm lý học
đại cương. NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội

73
Chương IV
ĐỜI SỐNG TÌNH CẢM VÀ Ý CHÍ

A. Mục tiêu
Kiến thức
- Phân tích được khái niệm tình cảm, các đặc điểm của tình cảm; Chỉ ra các
mức độ và các loại tình cảm; Xác định được vai trò của tình cảm đối với cuộc sống
của con người, trình bày được các quy luật của tình cảm.
- Phân tích được khái niệm ý chí, hành động ý chí và cấu trúc của hành động ý
chí.
- Nêu được các định nghĩa về kỹ năng, kỹ xảo, thói quen, phân biệt được kỹ xảo
và thói quen; Trình bày được các quy luật hình thành kỹ xảo.
Kỹ năng
Vận dụng các hiểu biết về tình cảm, ý chí, hành động ý chí và các hành động tự
động hóa để phân tích, giải thích các hiện tượng tâm lý có liên quan
Thái độ
- Có hứng thú đối với việc phân tích, giải thích các biểu hiện và trải nghiệm tình
cảm, các hành động của bản thân và trân trọng các biểu hiện tình cảm của người khác
- Quan tâm tới việc vận dụng những hiểu biết vào học tập, rèn luyện và ứng xử.
B. Nội dung
1. Đời sống tình cảm
1.1. Khái niệm
Trong cuộc sống những gì làm con người thỏa mãn nhu cầu thì sẽ khiến con
người thấy vui sướng hay mừng rỡ dẫn đến yêu thương, ham muốn… Ngược lại,
những gì làm cản trở việc thỏa mãn nhu cầu thì tạo ra sự căm giận hoặc xót xa.
Những hiện tượng mừng rỡ, yêu thương, phấn khởi, căm giận, xót xa, bất bình…
chính là biểu hiện của xúc cảm và tình cảm. Vậy, xúc cảm và tình cảm là sự phản
ánh hiện thực khách quan, biểu thị thái độ là thái độ thể hiện sự rung cảm của con
người đối với sự vật, hiện tượng có liên quan tới nhu cầu, động cơ của chính cá nhân
đó.

74
Phân biệt xúc cảm và tình cảm
Xúc cảm là những rung động của con người đối với từng sự vật, hiện tương
riêng lẻ có liên quan đến nhu cầu, động cơ của người đó trong những tình huống nhất
định. Ở đây cần lưu ý là xúc cảm chỉ xuất hiện khi con người phản ứng trực tiếp với
tình huống, hoàn cảnh trong đó từng sự vật, hiện tượng riêng lẻ đang tác động lên
người đó. Những xúc cảm này liên quan đến nhu cầu vật chất và cả nhu cầu tinh thần
của con người. Riêng ở loài vật, xúc cảm cũng xuất hiện những chủ yếu liên quan
đến nhu cầu vật chất và mang chức năng sinh vật, giúp chúng tồn tại trong thế giới tự
nhiên. Ở con người, những xúc cảm này được xây dựng lại và chịu ảnh hưởng của
kinh nghiệm xã hội. Do đó, cách thức thể hiện xúc cảm ở con người được xã hội hóa
và mang dấu ấn văn hóa dân tộc, khác hẳn với động vật.
Khác với xúc cảm, tình cảm cũng là những rung động nhưng nó biểu thị thái độ
của con người đối với một loạt sự vật, hiện tượng có liên quan đến nhu cầu, động cơ
của chủ thể chứ không phải là những rung động đối với từng sự vật, hiện tượng riêng
lẻ. Chẳng hạn như, tình yêu là thể hiện của thái độ chấp nhận và hài lòng về một con
người nào đó với toàn bộ những đặc điểm nhân cách lẫn hình thể. Tình cảm không
thể hiện một các trực tiếp như xúc cảm trong những tình huống xác định mà nó tồn
tại ở dạng tiềm tàng và được nhận biết một cách gián tiếp thông qua những xúc cảm
cụ thể. Chính sự khái quát hóa các xúc cảm cùng loại tạo thành một dạng tình cảm
nhất định. Do đó, tình cảm mang tính khái quát hơn và có tính chất ổn định bền vững
hơn so với xúc cảm. Tình cảm là một thuộc tính tâm lý chỉ có ở con người, giúp con
người thực hiện những chức năng xã hội.
Sự giống và khác nhau giữa xúc cảm và tình cảm
Phân biệt Xúc cảm Tình cảm
- Đều phản ánh hiện thực khách quan.
Giống nhau - Phản ánh mối quan hệ giữa sự vật và hiện tượng có liên quan đến sự
thỏa mãn nhu cầu.
- Có cả ở con người và động vật - Chỉ có ở con người
- Là một quá trình tâm lý - Là thuộc tính tâm lý
Khác nhau
- Có tính chất nhất thời - Có tính chất ổn định
- Luôn luôn ở trạng thái hiện - Thường ở trạng thái tiềm tàng

75
thực
- Xuất hiện trước - Xuất hiện sau
Thực hiện chức năng sinh vật - Thực hiện chức năng xã hội
(giúp con người định hướng và (giúp con người định hướng và
thích nghi với môi trường bên thích nghi với xã hội với tư cách
ngoài với tư cách là một cá thể là một nhân cách)
- Gắn liền với phản xạ không - Gắn liền với phản xạ có điều
điều kiện kiện

1.2. Đặc điểm của tình cảm


Tính nhận thức: Tình cảm được nảy sinh trên cơ sở những xúc cảm của con
người trong quá trình nhận thức đối tượng và được biểu hiện ở chỗ những nguyên
gây nên tình cảm thường được chủ thể nhận thức rõ ràng. Hay nói cách khác, yếu tố
nhận thức, rung động và phản ứng cảm xúc là ba yếu tố làm nảy sinh tình cảm.
Trong đó, nhận thức được xem là “cái lý” của tình cảm, nó làm cho tình cảm có tính
đối tượng xác định. Yếu tố nhận thức, cũng giống như sự rung động, sự phản ứng
xúc cảm là yếu tố tất yếu để nảy sinh tình cảm.
Tính xã hội: Tình cảm hình thành trong môi trường xã hội, tình cảm mang tính
xã hội chứ không phải là những phản ứng sinh lí đơn thuần. Các xúc cảm, tình cảm
của con người cũng khác với xúc cảm, tình cảm ở động vật. Xúc cảm, tình cảm ở
người mang tính xã hội, nảy sinh do những đối tượng xã hội và hướng vào điều
chỉnh hành động của con người cho phù hợp với đòi hỏi của xã hội. Vì tính xã hội
hình thành trong môi trường xã hội nên gia đình, bạn bè, nhà trường, xã hội là những
môi trường chính thức tác động trực tiếp tới tình cảm của mỗi người. Chính những
môi trường này hình thành nên tình cảm mang tính xã hội. Bên cạnh đó, môi trường
sống, hoàn cảnh kinh tế... cũng là tác động hình thành tình cảm.
Tính khái quát: Đây là đặc điểm đặc trưng cho tình cảm. Tình cảm xuất hiện
do một loại hay một phạm trù các sự vật hiện tượng tác động gây nên, chứ không
phải do một sự vật hiện tượng đơn lẻ nào. Tình cảm, do vậy, có tính khái quát cao,
nhất là những tình cảm mang tính chất thế giới quan.
Tính ổn định: Tình cảm là thuộc tính tâm lý, là những kết cấu tâm lý ổn định,
tiềm tàng của nhân cách, khó hình thành và khó mất đi. Nếu xúc cảm là thái độ nhất
76
thời, có tính tình huống thì tình cảm là những thái độ ổn định của con người đối với
hiện thực xung quanh và đối với bản thân. Chính vì vậy mà tình cảm là một thuộc
tính tâm lý, một đặc trưng quan trọng của nhân cách con người, dựa vào đó có thể
đưa ra những nhận định đánh giá về con người.
Tính chân thực: Tình cảm phản ánh chân thực nội tâm và thái độ ngay cả khi
con người cố che dấu nó bằng những động tác giả ngụy trang bên ngoài.
Tính đối cực (tính hai mặt): Tình cảm có tính đối cực vì nó gắn liền với sự thỏa
mãn hay không thỏa mãn nhu cầu của con người. Trong một hoàn cảnh nhất định,
một số nhu cầu được thỏa mãn, còn một số nhu cầu bị kìm hãm hoặc không được
thỏa mãn – tương ứng với điều đó, cảm xúc của con người được phát triển và mang
tính đối cực: yêu – ghét; vui – buồn; sợ hãi – can đảm …
1.3 Các mức độ của đời sống tình cảm
Đời sống tình cảm rất đa dạng, phong phú được thể hiện qua 3 mức độ như sau
a. Màu sắc xúc cảm là mức độ thấp nhất của đời sống tình cảm là một sắc thái
của cảm xúc đi kèm theo quá trình cảm giác.
Ví dụ: Cảm giác về màu xanh lá cây gây cảm xúc khoan khoái, nhẹ nhõm, dễ
chịu. Cảm giác về màu đỏ gây cảm giác rạo rực, nhức nhối,… Trong tiếng Việt có
nhiều từ nói lên màu sắc cảm xúc của cảm giác. Ví dụ: “đỏ lòm”, “xanh lè”,...
b. Xúc cảm là mức độ tình cảm cao hơn màu sắc xúc cảm, là thể nghiệm trực
tiếp của một tình cảm nào đó. Xúc cảm có hai mức độ:
Xúc động: Là một dạng của xúc cảm có cường độ rất mạnh nhưng xảy ra trong
một thời gian ngắn và khi xảy ra xúc động con người thường không làm chủ được
bản thân mình, ví dụ “cả giận mất khôn”. Khi xúc động thường có những biến đổi
lớn của quá trình cơ thể (đỏ mặt, giận run người, ngất lịm,…). Xúc động là quá trình
ngắn diễn ra theo từng “cơn” (cơn giận, cơn ghen,…).
Tâm trạng: Là một dạng khác của xúc cảm, nó có cường độ trung bình và yếu
tồn tại một thời gian tương đối dài. Tâm trạng là một trạng thái xúc cảm bao trùm lên
toàn bộ hoạt động của cá nhân, có ảnh hưởng rõ rệt đến toàn bộ hành vi của cá nhân
trong một thời gian dài. Người mang tâm trạng thường không ý thức được nguyên
nhân gây ra tâm trạng ấy. Nguồn gốc của tâm trạng rất khác nhau, có nguồn gốc gần,
có nguồn gốc xa. Một trong những nguồn gốc chủ yếu để nảy sinh tâm trạng là vị trí
của cá nhân trong xã hội. Sự hài lòng hay không hài lòng đối với mọi việc xảy ra
77
trong cuộc sống, trong việc học tập ở nhà trường, trong quan hệ với thầy cô, bạn bè,
trong gia đình,… Một tâm trạng xấu hay chán nản kéo dài của một học sinh là dấu
hiệu của sự trắc trở trong cuộc sống của cá nhân đó. Trong trường hợp này đòi hỏi
phải có sự tác động khoa học, khéo léo vào học sinh và tùy theo khả năng mà loại trừ
những nguyên nhân khách quan gây ra tâm trạng đó.
c. Tình cảm là những thái độ cảm xúc ổn định của con người đối với những sự
vật, hiện tượng của hiện thực khách quan, là sản phẩm cao cấp của sự phát triển
những quá trình cảm xúc trong điều kiện xã hội.
Tình cảm được hình thành và biểu hiện qua xúc cảm. Tuy nhiên xúc cảm và
tình cảm không đồng nhất với nhau. Tình cảm hình thành trong thời gian tương đối
dài trên cơ sở khái quát nhiều xúc cảm, nếu chỉ có thời gian ngắn tình cảm không dễ
xuất hiện ngay được mà chỉ có thể có xúc cảm. Tình cảm cũng là nguyên nhân của
xúc cảm và biểu hiện qua xúc cảm. Mối quan hệ của xúc cảm và tình cảm là mối
quan hệ nhân quả. Xúc cảm và tình cảm đều biểu thị thái độ của con người đối với
thế giới, nhưng xúc cảm và tình cảm cũng có những điểm khác nhau.
* Tình cảm của con người có nhiều loại và nhiều cấp độ khác nhau
Căn cứ vào cường độ của tình cảm thì có sự say mê. Sự say mê là loại tình cảm
có cường độ mạnh, nó tồn tại lâu dài và ổn định ở mỗi cá nhân. Sự say mê được phân
loại thành say mê tích cực và say mê tiêu cực dựa theo tính chất xã hội của đối tượng
của sự say mê. Nếu đó là một đối tượng có ý nghĩa xã hội tiêu cực (cờ bạc, rượu
chè...) thì sự say mê ấy là tiêu cực, nó làm cho con người suy yếu cả tinh thần và thể
chất. Nó ngăn cản con người vươn lên trong hoạt động. Ngược lại, nếu đó là một đối
tượng có ý nghĩa xã hội tích cực (nghệ thuật, khoa học...) thì sự say mê ấy là tích
cực. Loại say mê này, người ta gọi là hăng say, nhiệt tình, thường thúc đẩy con người
hoạt động một cách mạnh mẽ.
Tình cảm hình thành dựa trên sự thỏa mãn hay không thỏa mãn những nhu cầu
khác nhau của con người. Do các nhu cầu của con người được phân cấp thành những
nhu cầu bậc thấp hơn (nhu cầu sinh lý - cơ thể) và nhu cầu bậc cao (nhu cầu xã hội),
nên tình cảm cũng được phân loại thành tình cảm cấp cao và tình cảm cấp thấp. Tình
cảm cấp thấp là những tình cảm liên quan đến nhu cầu sinh lý cơ thể, nó có ý nghĩa
sinh học to lớn – báo hiệu về trạng thái sinh lý của cơ thể. Tình cảm cấp cao là những
tình cảm mang ý nghĩa xã hội rõ rệt – nói lên thái độ của con người đối với những
78
hiện tượng khác nhau của đời sống xã hội. Tình cảm cấp cao gồm có: Tình cảm đạo
đức, tình cảm trí tuệ, tình cảm thẩm mỹ, tình cảm hành động.
Tình cảm đạo đức là những tình cảm liên quan đến sự thỏa mãn hay không thỏa
mãn nhu cầu đạo đức của con người. Tình cảm đạo đức thể hiện thái độ của con
người đối với những người khác, đối với tập thể, cộng đồng và đối với trách nhiệm
xã hội của bản thân. Tình cảm đạo đức có các hình thức như tình yêu thương con
người, tình cảm nghĩa vụ, tình bạn bè...
Tình cảm trí tuệ là những tình cảm nảy sinh trong quá trình hoạt động trí tuệ,
liên quan đến những quá trình nhận thức và sáng tạo – đến sự thỏa mãn hay không
thỏa mãn nhu cầu nhận thức và sáng tạo của con người. Những tình cảm trí tuệ, ví dụ
lòng ham hiểu biết, sự hoài nghi, sự ngạc nhiên... , phản ánh thái độ của con người
đối với các tư tưởng, các quá trình và kết quả của hoạt động trí tuệ.
Tình cảm thẩm mỹ là những tình cảm liên quan đến nhu cầu thẩm mỹ. Tình cảm
thẩm mỹ thể hiện thái độ thẩm mỹ của con người đối với hiện thực (tự nhiên, xã hội,
lao động và bản thân con người), thể hiện thị hiếu thẩm mỹ và được thể nghiệm
trong những trạng thái khoái cảm nghệ thuật đặc trưng. Loại tình cảm này, cùng với
những loại tình cảm cấp cao khác, được nảy sinh trong đời sống xã hội, bị quy định
bởi xã hội và thể hiện trình độ phát triển về mặt xã hội của cá nhân.
Tình cảm hoạt động là sự thể hiện thái độ của con người đối với một hoạt động
nhất định, liên quan đến sự thỏa mãn hay không thỏa mãn nhu cầu đối với việc thực
hiện hoạt động đó. Ở đây bản thân hoạt động của con người là đối tượng của một thái
độ nhất định của cá nhân. Lòng yêu lao động, sự tôn trọng các giá trị lao động, ham
thích thể thao... là những hình thức của tình cảm hoạt động.
Tình cảm có tính chất thế giới quan: Đây là mức độ cao nhất của tình cảm con
người. Trong tiếng Việt, loại tình cảm này được diễn đạt bằng những từ “tính”,
“lòng”, “tinh thần” ở đầu danh từ: “tính giai cấp”, “tính kỷ luật”, “lòng yêu nước”,
“tinh thần trách nhiệm”, “tinh thần giai cấp”,…
1.4. Các quy luật của đời sống tình cảm
a. Quy luật lây lan của xúc cảm và tình cảm
Xúc cảm tình cảm của người này có thể truyền, lây sang người khác. Trong
cuộc sống hàng ngày ta thường thấy hiện tượng vui lây, buồn lây, một hiện tượng
tâm lý biểu hiện rõ rệt của quy luật này là hiện tượng “hoảng loạn”.
79
Nền tảng của quy luật này là tính xã hội trong tình cảm của con người, tuy
nhiên, việc lây lan tình cảm từ chủ thể này sang chủ thể khác không phải là con
đường chủ yếu để hình thành tình cảm.
Quy luật này có ý nghĩa rất to lớn trong các hoạt động tập thể như: Học tập, lao
động, chiến đấu, kinh doanh, tiếp thị… Trong giáo dục quy luật này là cơ sở của
nguyên tắc giáo dục trong tập thể và thông qua tập thể.
b. Quy luật thích ứng của xúc cảm và tình cảm
Xúc cảm tình cảm nào đó được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, lặp đi lặp lại nhiều
lần một cách không thay đổi thì cuối cùng sẽ bị suy yếu bị lắng xuống, đó là hiện
tượng “chai sạn” của tình cảm.
Ví dụ: Những người nhút nhát luôn cảm thấy sợ hãi, lo lắng khi đứng nói trước
đám đông nhưng vì điều kiện công việc bắt buộc thường xuyên phải thực hiện các
bài thuyết trình sản phẩm trước khách hàng nên dần dần không còn cảm thấy sợ hãi
hay ghét bỏ việc phải nói trước đám đông.
Quy luật thích ứng gây ra sự nhàm chán trong đời sống tình cảm, trong mối
quan hệ giữa người - người với nhau. Đôi khi không nắm rõ quy luật này có thể dẫn
đến sự đổ vỡ một mối quan hệ. Vì thế, để tránh hiện tượng “chai sạn” hay sự thích
ứng thì chủ thể phải chú tâm tạo ra những xúc cảm, tình cảm mới bằng cách tác động
thay đổi môi trường xung quanh và chính bản thân mình. Tuy nhiên, nhờ sự thích
ứng con người mới vượt qua được những xúc cảm, tình cảm tiêu cực không mong
muốn.
c. Quy luật tương phản của xúc cảm và tình cảm
Tương phản là sự tác động qua lại giữa xúc cảm tình cảm âm tính và dương tính
tích cực và tiêu cực thuộc cùng một loại.
Trong quá trình hình thành hoặc biểu hiện tình cảm, sự xuất hiện hay suy yếu
của một tình cảm này có thể làm tăng hoặc giảm một tình cảm khác xảy ra đồng thời
hay nối tiếp. Ví dụ: Sau khi chấm một loạt bài thi rất yếu thì có một bài khá khiến
người giáo viên cảm thấy hài lòng nhiều hơn so với trường hợp bài khá ấy nằm trong
một loạt bài khá tương đương.
d. Quy luật di chuyển của tình cảm
Hiện tượng “giận cá chém thớt” hay “yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau ghét
cả tông chi họ hàng” là biểu hiện của quy luật di chuyển tình cảm.
80
Tình cảm có thể được di chuyển từ đối tượng này sang đối tượng khác. Quy luật
này nhắc nhở chúng ta phải chú ý kiểm soát thái độ xúc cảm của mình, làm cho nó
mang tính chọn lọc tích cực, tránh “vơ đũa cả nắm”; “Giận cá chém thớt”.
e. Quy luật pha trộn tình cảm
Sự pha trộn xúc cảm tình cảm là sự kết hợp màu sắc âm tính của biểu tượng với
màu sắc dương tính của nó. Tính pha trộn cho phép hai xúc cảm, hai tình cảm đối lập
nhau có thể tồn tại cùng một con người, chúng không loại trừ nhau mà quy định lẫn
nhau, như ghen tuông, lo âu và tự hào là những xúc cảm tồn tại trong cùng một thời
điểm với nhau. Quy luật này cho thấy tính phức tạp và nhiều khi mâu thuẫn giữa tình
cảm của con người.
Cái gì càng khó khăn, gian khổ mới đạt được thì khi đạt được càng tự hào,… đó
là biểu hiện của quy luật pha trộn tình cảm.
f. Quy luật hình thành tình cảm
Tình cảm được hình thành từ quá trình tổng hợp hóa, động hình hóa, khái quát
hóa những xúc cảm đồng loại (cùng một phạm trù, cùng một phạm vi đối tượng).
Ví dụ tình cảm yêu mến, kính trọng cha mẹ của con cái là do tổng hợp hóa,
động hình hóa, khái quát hóa những xúc cảm của con cái có được khi thường xuyên
được nhận sự chăm sóc của cha mẹ. Nhưng khi đã hình thành thì tình cảm lại thể
hiện qua các xúc cảm và chi phối các xúc cảm. Như vậy, muốn hình thành tình cảm
của con người thì phải đi từ xúc cảm, đảm bảo sự lặp lại và động hình hóa những xúc
cảm này.
1.5. Vai trò của tình cảm
Trong tâm lý học, tình cảm chính là mặt tập trung nhất, đậm nét nhất nhân cách
của con người
Tình cảm có vai trò vô cùng to lớn trong cuộc sống và hoạt động của con người.
Tình cảm thúc đẩy con người hoạt động, giúp con người vượt qua những khó khăn
trở ngại gặp phải trong quá trình hoạt động. Sự thành công của mọi việc phụ thuộc
không nhỏ vào thái độ của con người đối với công việc đó.
Đối với hoạt động nhận thức: Tình cảm là nguồn động lực mạnh mẽ kích
thích con người tìm tòi chân lý. Ngược lại, nhận thức là cơ sở, là cái lý của tình cảm,
cái lí chỉ đạo tình, lý và tình là hai mặt của một vấn đề nhân sinh quan thống nhất của
con người.
81
Đối với hoạt động: Xúc cảm, tình cảm nảy sinh và biểu hiện trong hoạt động,
đồng thời nó là một trong những động lực thúc đẩy con người hoạt động.
Đối với đời sống: Xúc cảm, tình cảm có vai trò to lớn đối với đời sống của con
người (kể cả mặt sinh lý lẫn tinh thần) con người không có cảm xúc thì không thể tồn
tại được. Khi con người “đói tình cảm” thì toàn bộ hoạt động sống không thể phát
triển bình thường. TÌnh cảm thúc đẩy con người hoạt động, giúp vượt qua khó khăn,
trở ngại gặp phải trong cuộc sống
Đối với công tác giáo dục con người: Xúc cảm và tình cảm giữ một vị trí, vai
trò vô cùng quan trọng: vừa là điều kiện, vừa phương tiện giáo dục, đồng thời cùng
là nội dung và mục đích giáo dục.
2. Ý chí
2.1. Khái niệm ý chí
Con người là một chủ thể tích cực vì con người không chỉ nhận thức thế giới và
tỏ thái độ như thế nào đối với thế giới mà còn phản ứng trở lại thế giới và cải tạo nó
theo mục đích có lợi cho mình. “ Hoàn cảnh sáng tạo ra con người, trong chừng mực
và mức độ nhất định, con người sáng tạo ra hoàn cảnh” (C.Mác), đồng thời con
người còn kiểm soát và điều chỉnh hoạt động của mình, điều khiển hành vi của mình,
đây là một hình thức mới, hình thức đặc biệt của tính tích cực.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký, bị liệt đôi tay từ nhỏ, nhưng ông đã tập viết
bằng chân, nhờ có quyết tâm cao, vượt qua khó khăn, khắc phục nhược điểm của thể
chất, ông đã tốt nghiệp khoa ngữ văn của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và trở
thành giáo viên dạy giỏi. Việc ông nỗ lực vượt lên trên những khó khăn, trở ngại để
đi đến mục đích ta gọi là ý chí.
Ý chí là mặt năng động của ý thức, là khả năng tâm lý cho phép con người vượt
qua những khó khăn trở ngại để thực hiện được hành động có mục đích.
2.2. Đặc điểm của ý chí
Ý chí của con người mang tính chất xã hội và lịch sử. Ý chí của con người được
hình thành và biến đổi tuỳ theo những điều kiện xã hội - lịch sử. Vì mỗi thời đại khác
nhau, tính chất, mục đích hành động của con người cũng khác nhau.
Ý chí không tồn tại độc lập ngoài hành động mà nó luôn luôn tồn tại trong hành
động cụ thể nhất định. Ý chí của con người được nảy sinh và hình thành trong quá

82
trình lao động và những hoạt động khác. Chỉ có trong quá trình lao động, con người
mới cần có ý chí và ý chí chỉ được thể hiện trong những hành động cụ thể nhất định.
Ý chí không tách rời nhận thức và xúc cảm của con người. Nhận thức càng sâu
sắc, rõ ràng thì quyết tâm càng cao. Tình cảm càng mãnh liệt thì ý chí càng kiên
cường.
2.3. Các phẩm chất của ý chí
Tính mục đích của ý chí: Để trở thành một sinh viên giỏi, cá nhân phải phấn
đấu thường xuyên liên tục, không mệt mỏi trong học tập, ngoài ra còn phải gạt bỏ
mục đích thứ yếu hoặc những mục đích không liên quan để phấn đấu cho mình mục
đích chính là trở thành một sinh viên giỏi, đó là mục đích của ý chí. Vậy, tính mục
đích của ý chí là một phẩm chất của ý chí cho phép con người điều chỉnh hành vi của
mình theo mục đích xác định và khả năng gạt bỏ những mục đích không liên quan
đến mục đích chính.
Tính độc lập của ý chí: Tính độc lập của ý chí là một phẩm chất của ý chí cho
phép con người buộc hành động của mình phục tùng những quan điểm và niềm tin
của bản thân mình, không bị chi phối bởi những tác động bên ngoài. Tuy nhiên, tính
độc lập của ý chí không đồng nghĩa với sự bảo thủ, ngang ngạnh, từ chối mọi ảnh
hưởng tích cực từ bên ngoài.
Tính quyết đoán: Tính quyết đoán của ý chí là khả năng đưa ra những quyết
định kịp thời, dứt khoát trên cơ sở tính toán, cân nhắc, chắc chắn. Người quyết đoán
luôn hành động có suy nghĩ, dũng cảm, nhanh nhạy, đúng lúc.
Tính kiên cường của ý chí: Tính kiên cường là một phẩm chất của ý chí về
mặt cường độ của ý chí, cho phép con người có những quyết định bền vững và có cơ
sở đúng đắn trong trường hợp khó khăn để đạt mục đích.
Tính kiên cường thể hiện thông qua tính kiên trì, cho phép con người khắc phục
khó khăn, trở ngại để thực hiện đến cùng mục đích đặt ra. Cần phân biệt tính kiên trì
với sự ương bướng. Sự ương bướng chính là sự kiên trì không có mục đích còn kiên
cường là sự sẵn sàng dựa trên những kỹ năng để tiến tới đạt mục đích, bất chấp sự
nguy hiểm cho tính mạng hay cho lợi ích của cá nhân. Ngược lại với tính dũng cảm
là sự hèn nhát. Hèn nhát là nét ý chí tiêu cực là sự lo âu cho cuộc sống riêng của
mình, cho tính mạng của mình dẫn đến từ chối và phản bội lại nghĩa vụ của mình.

83
Tính tự chủ và tính tự kiềm chế: Là kỹ năng và thói quen kiểm tra hành, kiềm
hãm những hành động không cần thiết hoặc có hại trong trường hợp nào đó.
2.4. Hành động ý chí
a. Định nghĩa
Ý chí của con người bao giờ cũng thể hiện trong hành động, trong các cử chỉ
nhằm thực hiện một mục đích đặt ra từ trước. Những hành động được điều chỉnh bởi
ý chí, gọi là hành động ý chí, còn những hành động không được điều chỉnh bằng ý
chí, gọi là hành động không chủ định hay hành động không ý chí.
Hành động ý chí là loại hành động có chủ tâm, được điều khiển một cách tự
giác và luôn luôn hướng tới mục đích đặt trước, nó gắn liền với ý chí con người.
b. Các giai đoạn của hành động ý chí
Mỗi hành động ý chí có thể được chia ra làm ba giai đoạn
Giai đoạn chuẩn bị: Là giai đoạn hành động trí tuệ, giai đoạn suy nghĩ, cân
nhắc các khả năng khác nhau. Giai đoạn này bao gồm các khâu:
• Đề ra và ý thức một cách rõ ràng mục đích của hành động.
• Lập kế hoạch và lựa chọn phương tiện, phương pháp hành động.
• Quyết định hành động.
Giai đoạn thực hiện: Giai đoạn này có hai hình thức
• Hình thức hành động ý chí bên ngoài.
• Hình thức kiềm hãm các hành động ý chí bên trong
Trong quá trình thực hiện hành động có thể gặp những khó khăn đòi hỏi con
người phải nỗ lực ý chí để vượt qua nhằm thực hiện đến cùng mục đích đã đặt ra.
Giai đoạn đánh giá kết quả hành động: Là giai đoạn xem xét, đối chiếu kết quả
với mục đích đặt ra. Kết quả phù hợp với mục đích thì hành động kết thúc.
Sự đánh giá này cũng là động lực, động cơ của hành động tiếp theo, giúp chúng
ta có những cố gắng mới.
2.5. Hành động tự động hóa
a. Định nghĩa
Hành động ý chí là hành động đặc trưng của con người. Tuy nhiên, hành động
của con người không chỉ có hành động ý chí mà còn có hành động tự động hoá.
Chẳng hạn, khi mới học đan len thì hành động đan len là hành động có ý thức, nhưng

84
khi đã đan thành thạo, người đan len, lúc này có thể vừa đọc truyện vừa đan len, lúc
đó việc đan len của người này đã trở thành hành động tự động hóa.
Hành động tự động hoá là loại hành động mà lúc đầu là hành động có ý chí, có
ý thức nhưng do lặp đi, lặp lại nhiều lần hoặc do luyện tập mà về sau trở thành hành
động tự động hóa, nghĩa là không có sự kiểm soát trực tiếp của ý thức mà vẫn thực
hiện có kết quả.
b. Kỹ xảo và quy luật hình thành kỹ xảo
Kỹ xảo là một loại hành động tự động hoá một cách có ý thức, nghĩa là tự động
hoá nhờ luyện tập.
Kỹ xảo có những đặc điểm sau:
• Không có sự kiểm soát thường xuyên của ý thức, không cần sự kiểm tra bằng
thị giác.
• Động tác mang tính chất khái quát, không có động tác thừa, kết quả cao mà ít
tốn năng lượng thần kinh và cơ bắp
Các quy luật hình thành kỹ xảo
• Quy luật về sự tiến bộ không đồng đều của kỹ xảo
Trong quá trình luyện tập, kỹ xảo hình thành theo các chiều hướng sau:
+ Khi mới luyện tập thì nhanh, sau đó chậm dần, ví dụ: Tập xe đạp ban đầu
thực hiện nhanh (vài ngày) sau đó chậm lại (vài tháng mới thuần thục).
+ Khi mới luyện tập thì tiến bộ chậm, đến một giai đoạn nào đó thì tăng nhanh,
ví dụ: Lúc mới tập đàn chậm, sau khi đã quen phím và nhìn nốt nhanh thì tốc độ tiến
bộ chậm lại, một thời gian dài luyện tập mới đạt đến trình độ thuần thục, điêu luyện.
• Quy luật “đỉnh” của phương pháp luyện tập
Kết quả cao nhất có thể đạt được của một phương pháp cụ thể gọi là “đỉnh” của
phương pháp đó.
Muốn đạt kết quả cao hơn nữa thì phải thay đổi phương pháp khác để có “đỉnh”
cao hơn. Ví dụ: Học tiếng anh bằng đĩa CD đã bão hòa, có thể học bằng cách giao
tiếp trực tiếp để nâng cao trình độ hơn.
• Quy luật về sự tác động qua lại giữa các kỹ xảo đã có và kỹ xảo mới

85
Trong quá trình luyện tập kỹ xảo mới, những kỹ xảo đã có luôn ảnh hưởng rõ
rệt đến việc hình thành kỹ xảo mới theo hai hướng: Ảnh hưởng tích cực và ảnh
hưởng tiêu cực.
Ảnh hưởng tích cực: Ảnh hưởng tốt, có lợi cho việc hình thành kỹ xảo mới
nhanh hơn như biết đi xe đạp rồi tập xe máy sẽ nhanh hơn, hoặc học tiếng Anh rồi
học tiếng Pháp cũng dễ hơn.
Ảnh hưởng tiêu cực: Ảnh hưởng xấu, gây cản trở cho việc hình thành kỹ xảo
mới, còn gọi là “giao thoa” kỹ xảo. Ví dụ như một người chơi bóng bàn giỏi nhưng
khi chuyển sang chơi quần vợt thì kỹ xảo của bóng bàn sẽ cản trở khi mới chơi quần
vợt
• Quy luật dập tắt kỹ xảo
Một kỹ xảo được hình thành nhưng nếu không được luyện tập, củng cố lâu ngày
sẽ yếu dần và có thể mất hẳn (bị dập tắt). Ví dụ như việc học ngoại ngữ không củng
cố thường xuyên thì rất dễ bị mất đi các kỹ năng, vốn từ đã học.
PHẦN TÓM TẮT
Những sự vật hiện, hiện tượng thỏa mãn nhu cầu của con người thì mang đến
những xúc cảm, tình cảm dương tính, ngược lại sẽ khiến nảy sinh những xúc cảm,
tình cảm âm tính. Xúc cảm là những rung động của con người đối với từng sự vật,
hiện tượng riêng lẻ có liên quan đến nhu cầu, động cơ của người đó trong những tình
huống nhất định. Tình cảm là những rung động biểu thị thái độ của con người đối với
một loạt sự vật, hiện tượng có liên quan đến nhu cầu, động cơ của chủ thể.
- Tình cảm có những đặc điểm cơ bản sau: Tính nhận thức, tính chân thật, tính
xã hội, tính khái quát, tính ổn định và tính đối cực.
- Đời sống tình cảm của con người rất đa dạng và phong phú, phức tạp. Dựa vào
cường độ, sự tham gia của ý thức, tính ổn định và đối tượng phản ánh mà đời sống
tình cảm được phân chia thành các mức độ sau: Màu sắc xúc cảm của cảm giác, xúc
cảm (có hai dạng đặc biệt là xúc động và tâm trạng) và tình cảm.
- Đời sống tình cảm tuân theo những quy luật nhất định và được thể hiện rất rõ
trong cuộc sống hàng ngày. Những quy luật của tình cảm bao gồm: Quy luật thích
ứng, quy luật di chuyển, quy luật lây lan, quy luật cảm ứng, quy luật pha trộn và quy
luật hình thành tình cảm. Sự hiểu biết các quy luật này giúp con người kiểm soát và
điều chỉnh được xúc cảm, tình cảm của bản thân cũng như của người xung quanh.
86
- Đời sống tình cảm không chỉ giúp bảo vệ con người khỏi những nguy hiểm
mà còn mang đến cho con người những hiểu biết về bản thân mình rõ hơn, từ đó phát
triển nhân cách theo chiều hướng tích cực. Đặc biệt, xúc cảm, tình cảm được xem
như động lực, động cơ quan trọng chi phối toàn bộ đời sống con người trong các lĩnh
vực nhận thức và hoạt động thực tiễn.
- Nhận thức và đời sống tình cảm là hai mặt khác nhau trong tâm lý người
nhưng nó có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nhận thức làm nền tảng cho xúc cảm,
tình cảm của con người. Ngược lại, xúc cảm, tình cảm lại ảnh hưởng, chi phối nhận
thức. Ở khía cạnh nào thì mối quan hệ này cũng mang hai mặt là tích cực hoặc tiêu
cực. Con người cần biết cân bằng giữa nhận thức và đời sống tình cảm để cuộc sống
có ý nghĩa và hài hòa.
- Ý chí là mặt năng động của ý thức, là khả năng tâm lý cho phép con người
vượt qua những khó khăn trở ngại để thực hiện được hành động có mục đích.
- Các phẩm chất của ý chí: Tính mục đích của ý chí; Tính độc lập của ý chí;
Tính quyết đoán; Tính kiên cường của ý chí; Tính tự chủ và tính tự kiềm chế
Hành động ý chí là hành động có ý thức, có chủ tâm, đòi hỏi nỗ lực khắc phục
khó khăn thực hiện đến cùng mục đích đã đề ra.
- Đặc điểm của hành động ý chí: Hành động ý chí mang tính mục đích. Hành
động ý chí xuất phát từ tâm lý của chủ thể.
- Các giai đoạn của hành động ý chí: giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn quyết định
thực hiện hành động, giai đoạn thực hiện hành động và giai đoạn đánh giá.
- Hành động tự động hoá là loại hành động mà lúc đầu là hành động có ý chí, có
ý thức nhưng do lặp đi, lặp lại nhiều lần hoặc do luyện tập mà về sau trở thành hành
động tự động hóa.
- Kỹ xảo mang tính chất kỹ thuật, thường được đánh giá về mặt thao tác, ít gắn
với tình huống, có thể ít bền vững nếu không thường xuyên luyện tập - củng cố, con
đường hình thành chủ yếu của kỹ xảo là luyện tập có mục đích và có hệ thống.

C. LUYỆN TẬP
1. Câu hỏi củng cố
Câu 1: Xúc cảm, tình cảm là gì? Vai trò của xúc cảm, tình cảm.

87
Câu 2: Phân biệt xúc cảm với tình cảm; Phản ánh của xúc cảm, tình cảm với
phản ánh của lý trí.
Câu 3: Tại sao nói tình cảm là mặt cốt lõi, là mặt tập trung của nhân cách?
Phân tích mối quan hệ giữa xúc cảm và tình cảm.
Câu 4: Các quy luật của đời sống tình cảm. Cho ví dụ minh họa.
Câu 5: Ý chí là gì? Đặc điểm của ý chí và ý chí có những phẩm chất nào?
Câu 6: Hành động ý chí là gì? Nó bao gồm những giai đoạn nào?
2. Câu hỏi trắc nghiệm
Câu 1: Câu ca dao sau thể hiện quy luật nào trong đời sống tình cảm?
“Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay,
Qua sông nhớ suối, có ngày nhớ đêm”.
a. Quy luật di chuyển
b. Quy luật pha trộn
c. Quy luật lây lan
d. Quy luật tương phản
Câu 2: Căn cứ để phân chia các mức độ đời sống tình cảm là gì?
a. Nội dung của các thể nghiệm cảm xúc
b. Hình thức biểu hiện các thể nghiệm
c. Tính chất của cảm xúc
d. Cả a, b, c.
Câu 3: Đặc điểm nào sau đây không phải là đặc điểm của hành động ý chí?
a. Có mục đích
b. Có sự khắc phục khó khăn.
c. Tự động hoá
d. Có sự lựa chọn phương tiện, biện pháp hành động
Câu 4: Đoạn trích dưới đây mô tả giai đoạn nào trong hành động ý chí?
“Trong một đám thiếu niên tụ tập ở khu sân tập thể G. Một thiếu niên lớn đang đứng
hút thuốc lá và bắt đầu chìa thuốc mời các em khác, một số em không nói gì. Thấy
thế, em thiếu niên lớn nói: “Sợ à! Thế mà cũng đòi là đàn ông”, nhiều em nghe vậy
có chiều đắn đo, lưỡng lự”.
a. Hình thành mục đích
b. Đấu tranh động cơ.
88
c. Thực hiện
d. Quyết định
Câu 5: Đặc điểm nào dưới đây không thuộc về thói quen?
a. Bền vững, ăn sâu vào nếp sống
b. Được đánh giá về mặt đạo đức
c. Mang tính nhu cầu nếp sống
d. Ít gắn bó với tình huống
Câu 6: Những người đã biết một ngoại ngữ trước, sau đó học thêm một ngoại
ngữ khác sẽ tốt hơn, có hiệu quả hơn. Hiện tượng này là biểu hiện quy luật nào
của việc hình thành kĩ xảo?
a. Quy luật về sự tác động lẫn nhau giữa các kỹ xảo
b. Quy luật tiến bộ không đồng đều
c. Quy luật đỉnh cao của phương pháp luyện tập
d. Quy luật dập tắt kỹ xảo
Câu 7: Phẩm chất nào của ý chí cho phép con người quyết định và thực hiện
hành động theo quan điểm và niềm tin của mình?
a. Tính tự kiềm chế, tự chủ
b. Tính kiên cường
c. Tính độc lập
d. Tính quyết đoán
Câu 8: Khía cạnh nào dưới đây thể hiện tập trung nhất, đậm nét nhất của nhân
cách con người?
a. Nhận thức b. Tình cảm
c. Ý chí d. Hành động
Câu 9: Hiện tượng “ghen tuông” trong quan hệ vợ chồng hay trong tình yêu
nam nữ là biểu hiện của quy luật nào dưới đây?
a. Thích ứng. b. Pha trộn.
c. Di chuyển. d. Lây lan.
Câu 10: Nội dung nào dưới đây thể hiện rõ vai trò chủ yếu của tình cảm?
a. Tình cảm là ánh đèn pha soi đường cho hành động cá nhân.
b. Tình cảm là động lực thúc đẩy cá nhân hành động.
c. Tình cảm là nội dung cơ bản của nhân cách.
89
d. Tình cảm là cái gốc, là cốt lõi của nhân cách.
3. Bài tập tình huống
Bài tập 1: A là nhân viên mới vào làm việc trong ngân hàng XYZ. Vì lí do
công việc, mỗi ngày A đều được gặp gỡ và giao tiếp với B - một Giám đốc chi nhánh
tuổi trẻ, tài cao nhưng đã có gia đình. Vì là nhân viên mới, A được B chỉ bảo tận
tình, chu đáo và đã có lúc A nghĩ mình yêu B. Tuy nhiên, A biết và luôn ý thức rằng
B đã có gia đình nên mình không được phép phá vỡ gia đình người khác hay yêu một
người có vợ con. Nghĩ là nghĩ như thế nhưng càng ngày A không thể ngăn cản nổi
tình cảm đã dành cho B. Giờ thì phải làm sao? A trăn trở mãi trong tình cảm thầm
kín như thế suốt nhiều ngày dài. A không biết có nên nghỉ làm để tránh mặt B và
chấm dứt tình yêu dành cho B.
Anh/chị có thể tư vấn giúp A?
Bài tập 2: H là một nhân viên ngân hàng rất giỏi, trong 4 năm đi làm H luôn
đạt danh hiệu Lao động xuất sắc. Tuy nhiên, dạo gần đây vì gia đình có chuyện buồn
nên H đã rất lơ là trong công việc,… Tuy hiểu chuyện cá nhân nhưng do H đã có quá
nhiều lần vi phạm quy định của cơ quan và có rất nhiều lời ra tiếng vào. Giám đốc rất
muốn giúp H nhưng không biết phải nói chuyện với H như thế nào.
Hãy đặt trường hợp anh/chị là giám đốc, anh/chị hãy trò chuyện cùng H để giúp
H lấy lại thăng bằng trong cuộc sống.
Bài tập 3: Một bé gái năm nay được 14 tuổi. Do dậy thì sớm nên biết yêu từ rất
sớm. Bố mẹ em biết vậy thì ngăn cấm, hết lần này đến lần khác. Nhưng em chỉ bỏ
được một thời gian lại quay sang yêu người khác. Đến lần mới đây nhất, em lại yêu
một thanh niên chơi bời, lêu lổng. Một lần em ấy nhìn thấy trong tin nhắn của cậu
con trai kia nhắn tin cho cô gái khác thì tự tử, nhưng kịp thời được phát hiện nên đã
được cứu kịp. Buồn một nỗi là em lại đi nói với mọi người là vì bố em chửi bới nên
nó mới tự tử. Gia đình em đã khuyên ngăn, tâm sự cũng không được. Bây giờ, em
vẫn lén lút yêu cậu con trai đó và còn nói với mọi người rằng không thể bỏ được cậu
con trai kia.
Hãy sử dụng những hiểu biết của anh/chị về tình cảm, ý chí và hành động ý chí
để giúp em gái này thoát khỏi hoàn cảnh trên.
D. Tài liệu cần đọc thêm

90
1. Phạm Minh Hạc, Nguyễn Kế Hào, Nguyễn Quang Uẩn. (1993). Tâm lý học
(Sách dùng trong các trường sư phạm). NXB Giáo dục, Hà Nội.
2. Trần Trọng Thủy, Nguyễn Quang Uẩn, Lê Ngọc Lan. (1998). Tâm lý học
(Giáo trình đào tạo giáo viên tiểu học hệ CĐSP và SP12+2). NXB Giáo dục, Hà
Nội.
3. Trần Trọng Thủy. (2002). Bài tập thực hành Tâm lý học. NXB Đại học Quốc
Gia Hà Nội.

91
Chương V
NHÂN CÁCH - SỰ HÌNH THÀNH
VÀ PHÁT TRIỂN NHÂN CÁCH

A. Mục tiêu
Kiến thức
- Xác định được khái niệm nhân cách trong mối quan hệ với các khái niệm
khác: Con người, cá nhân, cá tính, chỉ ra được các đặc điểm cơ bản của nhân cách.
- Nêu được các quan điểm về cấu trúc của nhân cách và ý nghĩa của chúng
trong công tác chuyên môn của mình, trình bày được các thuộc tính cơ bản của nhân
cách.
- Chỉ ra và phân tích được các yếu tố chi phối sự hình thành và phát triển nhân
cách, chỉ ra được các biểu hiện của năng khiếu để phát hiện và bồi dưỡng kịp thời,
nêu được các hành vi sai lệch nhân cách và phương hướng khắc phục.
Kỹ năng
- Vận dụng những hiểu biết về nhân cách và các thuộc tính của nhân cách vào
việc phân tích, giải thích các hiện tượng tâm lý theo quan điểm khoa học.
- Rút ra được những bài học cần thiết từ những hiểu biết về nhân cách và sự
hình thành, phát triển nhân cách trong việc đánh giá, nhìn nhận mọi người xung
quanh.
Thái độ
- Có hứng thú với việc quan sát các biểu hiện và đánh giá nhân cách của bản
thân.
- Quan tâm tới việc vận dụng những hiểu biết về nhân cách vào việc học tập,
rèn luyện và ứng xử.
B. Nội dung
1. Khái niệm nhân cách
1.1. Định nghĩa con người, nhân cách
Khi nghiên cứu về con người, các ngành khoa học khác nhau đã xây dựng
những mô hình với những nội dung khác nhau tùy thuộc vào những cách tiếp cận.
Khi xem xét, nhìn nhận một con người với tư cách là một thành viên của xã hội, một

92
chủ thể của các mối quan hệ và các hoạt động thì con người ấy được đánh giá như
một nhân cách.
Con người: Con người là khái niệm chung chỉ một giống loài động vật thuộc
bậc thang cao nhất của sự tiến hóa vật chất có lao động, có ngôn ngữ và sống thành
xã hội. Là thực thể tự nhiên, con người mang những đặc điểm sinh học và chịu sự chi
phối của các quy luật sinh học. Là một thực thể xã hội, con người mang dấu ấn của
nền văn hóa - xã hội và chịu sự chi phối của các quy luật xã hội. Hai mặt tự nhiên và
xã hội trong con người hòa quyện và tương tác với nhau tạo nên sự khác biệt so với
các giống loài động vật khác. Vì thế, cũng có thể định nghĩa: con người là một thực
thể sinh vật - xã hội - văn hóa.
Cá nhân: Thuật ngữ cá nhân dùng để chỉ một con người cụ thể, hay một cá thể
người - đơn vị người nhỏ nhất. Cá nhân còn mang ý nghĩa là một thành viên của xã
hội, cộng đồng; đồng thời cũng dùng để phân biệt nó với các cá nhân khác và với
nhóm người mà nó là thành viên. Là một cá thể người, mỗi cá nhân có những đặc
điểm sinh học riêng, đặc điểm tâm lý riêng và vai trò xã hội nhất định.
Cá tính: Thuật ngữ cá tính dùng để chỉ những đặc điểm riêng biệt, không lặp lại
về mặt tâm lý và sinh lý của mỗi cá nhân, tạo nên sự khác biệt và độc đáo ở họ so với
những cá nhân khác.
Chủ thể: Thuật ngữ này dùng để chỉ một cá nhân đang thực hiện các hoạt động
có mục đích, có ý thức nhằm nhận thức và cải tạo thế giới. Khái niệm chủ thể để
nhấn mạnh vai trò làm chủ trong mối quan hệ với khách thể, tạo nên sự biến đổi
khách thể và biến đổi chính bản thân.
Hiện nay, có nhiều quan niệm về nhân cách. Ngay từ năm 1937, Allport đã nêu
lên 50 định nghĩa khác nhau. Dưới đây là một số ví dụ được trích dẫn từ những công
trình vào khoảng năm 70 của thế kỷ trước.
- Nhân cách là một trật tự động (dynamic) của các hệ thống tâm-thể trong cá
nhân quy định những sự thích nghi độc đáo đối với môi trường xung quanh của họ
(G.W.Allport).
- Nhân cách là khái niệm chỉ mọi sự kiện hợp thành lịch sử cuộc đời của cá
nhân (H.Thomae).
- Nhân cách của một cá nhân là cấu trúc độc đáo của các thuộc tính
(J.P.Guilford).
93
- Nhân cách là một cơ cấu có tổ chức của các quá trình và trạng thái tâm lý liên
quan đến cá nhân (R.Linton).
- Nhân cách là cơ quan điều khiển thể xác, một thiết chế tác động đến những sự
biến đổi không ngừng từ lúc được sinh ra đến khi chết (H.A.Murray).
Khi tổng quan về vấn đề này, Lê Đức Phúc còn nêu lên một số cách hiểu khác:
- Nhân cách là một tồn tại cá nhân nhất định, độc nhất vô nhị, không thể phân
chia, được đặc trưng bởi sự thể hiện tính cách do tư chất và môi trường tạo ra
(W.Arnold).
- Nhân cách là hành vi của một người trong một tình huống nhất định (R.B
Cattell).
- Nhân cách là cá nhân cụ thể, lịch sử, sinh động gắn với những quan hệ thực tế
đối với thế giới hiện thực (X.L.Rubinstêin).
- Nhân cách là một sản phẩm xã hội - lịch sử, chủ thể có ý thức xã hội - có trách
nhiệm (J.P.Galpêrin).
- Nhân cách phát triển toàn diện là một người có năng lực và sẵn sàng hành
động ngày càng độc lập (tự động) và có ý thức trong những phạm vi hoạt động hết
sức đa dạng, có ý nghĩa xã hội trong sự tác động chung, tập thể đối với những người
khác (A.Kossakowski).
- Nhân cách là hệ thống sinh động của những quan hệ xã hội giữa các phương
thức hành vi, cơ sở chung, đầy đủ nhất để xem xét những mặt khác nhau của đời
sống cá nhân (L.Sève).
- Nhân cách còn có thể được định nghĩa là:
a) Những thuộc tính tâm lý của con người mà nhờ chúng, chúng ta có thể dự
báo hoặc chí ít cũng chẩn đoán được các hành động của con người.
b) Những thuộc tính đó là những cấu tạo lý luận, vì thế, kiểu loại và số lượng
của chúng phụ thuộc vào lý thuyết chúng ta sử dụng;
c) Những thuộc tính đó phục vụ cho việc dự báo hoặc chẩn đoán hành động có
liên quan, vì thế, kiểu loại và số lượng của chúng còn phụ thuộc vào nhiệm vụ
nghiên cứu (K.Ôbukhôpxki).
- Nhân cách là những mẫu hành vi ứng xử có tính kiên định và những quá trình
tâm lý trong mối quan hệ, giữa chủ thể và bản thân, khởi xướng từ bên trong cá nhân
(J.M.Burger).
94
Như vậy, các nhà tâm lý học định nghĩa nhân cách theo nhiều cách khác nhau,
song chung cho tất cả vẫn là hai khái niệm cơ bản: Tính độc nhất vô nhị (uniqueness)
và các kiểu đặc trưng của ứng xử. Nhân cách (personality) được coi như bộ phức hợp
các phẩm chất tâm lý độc nhất vô nhị ảnh hưởng đến các kiểu đặc trưng ứng xử của
một cá nhân qua các tình huống và thời gian khác nhau. Một mặt, nó liên hệ đến các
đặc điểm đặc trưng phân biệt người này với người khác - tức là đến các hành vi ứng
xử nào khiến cho một cá nhân thành độc đáo, khác biệt hẳn người khác. Mặt khác, nó
được dùng là phương tiện giải thích tính ổn định hay bất biến trong hành vi ứng xử
của con người khiến cho họ hành động nhất quán vừa trong những bối cảnh khác biệt
nhau, vừa qua các thời kỳ kéo dài.
Và đây là định nghĩa đang được nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam chấp nhận:
Nhân cách là một hệ thống các đặc điểm tâm lý ổn định của một cá nhân, nó quy
định hành vi xã hội và giá trị xã hội của cá nhân đó.
Những đặc điểm tâm lý tạo nên nhân cách thường biểu hiện ở ba mức độ:
Mức độ bên trong cá nhân: Bộc lộ trong không gian tồn tại của riêng cá nhân.
Mức độ này thể hiện tính cá thể, tính khác biệt cá thể, tính độc đáo của nhân cách.
Mức độ này phản ánh mặt văn hóa - lịch sử của cá nhân cụ thể, với tư cách là một
chủ thể của tính tích cực xã hội.
Mức độ bên ngoài cá nhân: Còn gọi là mức độ liên cá nhân của nhân cách, tồn
tại trong sự giao tiếp giữa chủ thể cá nhân này với chủ thể cá nhân khác. Nhân cách
chỉ có thể được nhìn nhận, phản ánh trong hệ thống những mối quan hệ liên cá nhân,
trong hoạt động cộng đồng và trong quan hệ hợp tác lẫn nhau.
Mức độ siêu cá nhân: Được biểu hiện ra ngoài bằng hoạt động và các sản
phẩm của con người, tạo nên dấu ấn trong xã hội.
Sự toàn vẹn của nhân cách thể hiện ở sự thống nhất của cả ba mức độ trên.
Nhân cách của mỗi người không phải tự nhiên mà có, không phải được sinh ra đồng
thời với việc họ được sinh ra, mà nhân cách được hình thành, phát triển qua quá trình
hoạt động và giao tiếp của mỗi người trong suốt cuộc đời.
1.2. Các đặc điểm cơ bản của nhân cách
a. Tính ổn định
Nhân cách là những đặc điểm tâm lý đã ổn định, thường trực ở một người, bền
vững, đặc trưng cho người đó. Những thuộc tính của nhân cách được hình thành
95
không dễ dàng qua những quá trình hoạt động của cá nhân, đồng thời chúng mang
tính chất bền vững, khó mất đi khi đã được hình thành. Dưới sự tác động của nhiều
yếu tố trong cuộc sống, từng nét nhân cách có thể bị thay đổi nhưng một cách tổng
quát, chúng vẫn tạo thành một cấu trúc trọn vẹn và tương đối ổn định.
Ví dụ: Một người có tính trung thực sẽ thể hiện nét nhân cách này một cách
thường xuyên trong nhiều công việc, nhiều mối quan hệ và nhiều tình huống. Vì thế,
những nét nhân cách và cấu trúc nhân cách khó hình thành, khó thay đổi. Tuy nhiên,
nhân cách không phải là bất biến mà có tính linh hoạt (khả biến). Từng thuộc tính có
thể biến đổi, nhưng về mặt tổng thể thì chúng vẫn tạo thành một cấu trúc trọn vẹn và
tương đối ổn định. Những nét nhân cách có thể thay đổi theo thời gian, dưới tác động
của giáo dục của hoàn cảnh sống và sự rèn luyện của mỗi cá nhân. Sự biến đổi này
có thể theo các chiều hướng: Một là phong phú và hoàn thiện, hai là suy thoái, lệch
chuẩn và ba là diễn ra sự “phân ly” nhân cách (những biểu hiện bệnh lý về nhân cách
mà chứng đa nhân cách là một dạng phân ly nhân cách điển hình).
Tính ổn định giúp ta phân biệt nhân cách này với nhân cách khác; giúp ta có thể
dự đoán được kiểu hành vi của một người mang nhân cách nào đó để có sự tác động
cho phù hợp trong quản lý lãnh đạo.
b. Tính thống nhất
Các thuộc tính tâm lý của nhân cách không tồn tại rời rạc mà nằm trong mối
quan hệ tác động lẫn nhau, tạo thành một hệ thống. Khi thay đổi một đặc điểm sẽ kéo
theo sự thay đổi cả hệ thống ấy. Nhân cách là một chỉnh thể thống nhất giữa các
phẩm chất, các đặc điểm của cá nhân, kết hợp hài hòa tạo nên cái riệng, cái đơn nhất,
độc đáo của mỗi người.
Ví dụ: Tính cẩn thận, quả quyết + Nhân ái, tinh thần trách nhiệm = Người trung
thực, có tính cách mạng, tinh thần tập thể.
Tính cẩn thận, quả quyết + Có kỷ luật, tham lam, ích kỷ = Người độc đoán,
chuyên quyền, ích kỷ.
Tính can đảm + Sự xả thân = Nhân cách anh hùng.
Tính can đảm + Lòng tham = Nhân cách kẻ cướp.
Nhân cách còn là sự thống nhất hài hòa của các thuộc tính ở các cấp độ “Nội cá
nhân”, “Liên cá nhân” và “Siêu cá nhân”. “Nội cá nhân” là những thuộc tính, đặc
điểm ổn định được hình thành ở mỗi cá nhân, bao gồm những nết, những tính, những
96
thói, tật… riêng của họ. Những nét thuộc về “Liên cá nhân” được hình thành và thể
hiện trong các mối quan hệ và trong hoạt động đa dạng của họ như: tính quảng giao,
tính hợp tác, tính giữ lời hứa… thuộc tính “Siêu cá nhân” là những nét nhân cách có
tầm ảnh hưởng xã hội rộng hơn, tạo nên những chuyển biến trong xã hội và thể hiện
cao nhất giá trị xã hội của họ, đây là những cống hiến, đóng góp của nhân cách cho
xã hội. Tính thống nhất của nhân cách cho phép chúng ta luôn nhìn nhận, đánh giá và
giáo dục nhân cách một cách hoàn chỉnh, toàn diện, không biệt lập và tách rời. Cần
dựa trên những nét nhân cách được hình thành trước đó làm cơ sở, tiền đề cho sự
hình thành những nét nhân cách mới.
c. Tính giao lưu
Thông qua sự giao lưu tiếp xúc trong xã hội, con người gia nhập vào các mối
quan hệ xã hội, tiếp thu các chuẩn mực đạo đức, các năng lực của xã hội, hệ thống
giá trị xã hội, từ đó chuyển hóa thành những phẩm chất nhân cách của cá nhân. Cũng
qua giao lưu, con người được người khác đánh giá và thừa nhận trong từng mối quan
hệ cụ thể. đồng thời, mỗi cá nhân tác động ảnh hưởng đến người khác tạo nên sự
chuyển biến thay đổi ở họ. Trên cơ sở giao lưu, cá nhân tự điều khiển, điều chỉnh bản
thân mình cho phù hợp với từng hoàn cảnh và các chuẩn mực xã hội. Với đặc điểm
này, cần đặt con người trong các mối quan hệ xã hội để tác động và giáo dục, cần
xây dựng các mối quan hệ trong nhóm, tập thể lành mạnh và chú trọng mở rộng và tổ
chức những hình thức giao lưu phù hợp cho từng đối tượng.
d. Tính tích cực
Ý thức tự điều chỉnh của mỗi người là do hệ thống những đặc điểm nhân cách
quy định. Nhân cách là chủ thể của hoạt động và giao tiếp, là sản phẩm của xã hội
nên nó thể hiện tính tích cực rõ nét. Mỗi cá nhân được thừa nhận và đánh giá nhân
cách chính là nhờ vào tính tích cực trong việc thể hiện bản thân, nhận thức thế giới,
cải tạo thế giới, và cải tạo chính bản thân mình. Từ đó tạo nên giá trị xã hội của mỗi
người. Nhân cách còn thể hiện tính tích cực trong việc luôn có khuynh hướng vươn
tới sự tiến bộ, những giá trị cao đẹp, sự hoàn thiện trong xã hội.
Tóm lại: Nhân cách là một hệ thống các đặc điểm tâm lý ổn định giúp cá nhân
làm chủ được hành vi, hoạt động của mình, là một chủ thể của hoạt động.
1.3. Cấu trúc tâm lý của nhân cách

97
Theo nghĩa chung nhất, cấu trúc của bất kỳ một sự vật, hiện tượng nào cũng đều
là một cấu tạo nhất định, được đặc trưng bởi một sự tổ chức nhất định.
Cũng như mọi tổ chức khác, đời sống tâm lý của con người có một cấu tạo xác
định. Trừu xuất khỏi những đặc điểm cá thể của đặc trưng tâm lý mỗi người, thì có
thể xác lập được một cấu trúc điển hình của nhân cách con người nói chung. Giống
hệt như cơ thể của người này khác với người kia (cao hay thấp, béo hay gầy…)
nhưng loại trừ những khác biệt đó thì cấu trúc cơ thể mọi người đều giống nhau: Đều
có những cơ quan, bộ phận như nhau, chúng được tổ chức, sắp xếp theo một kiểu
cách khác nhau.
Có thể nêu ra mấy quan niệm về cấu trúc của nhân cách nhìn chung được nhiều
người chấp nhận, như sau:
• Quan niệm coi nhân cách bao gồm 3 lĩnh vực cơ bản là: Nhận thức (bao gồm
cả tri thức và năng lực trí tuệ), rung cảm (tình cảm và thái độ) và ý chí (phẩm chất ý
chí, kỹ năng, kỹ xảo, thói quen).
• Quan niệm coi nhân cách bao gồm 4 tiểu cấu trúc: Xu hướng (thế giới quan,
lý tưởng, hứng thú, tâm thế…), kinh nghiệm (trí thức, kỹ năng, kỹ xảo, thói quen),
đặc điểm của cảm xúc, tình cảm), các thuộc tính sinh học quan trọng (khí chất, giới
tính, lứa tuổi, các đặc điểm bệnh lý, v.v…).
• Quan niệm nhân cách có nhiều tầng: Tầng “nổi”, sáng tỏ (bao gồm ý thức, tự
ý thức và ý thức nhóm) và tầng “sâu”, tối tăm (bao gồm tiềm thức và vô thức).
• Quan niệm về các mặt đào tạo của nhân cách: Đức, trí, thể, mỹ… và quan
niệm về 4 thuộc tính phức hợp của nhân cách là xu hướng, tính cách, năng lực và khí
chất.
1.3.1. Xu hướng của nhân cách
Đó là hệ thống những thúc đẩy quy định tính lựa chọn của các thái độ và tính
tích cực của con người. Xu hướng bao gồm nhiều thuộc tính khác nhau, bao gồm
một hệ thống các nhu cầu, hứng thú, niềm tin, lý tưởng tác động qua lại lẫn nhau.
Trong đó có một thành phần nào đấy chiếm ưu thế và có ý nghĩa chủ đạo, đồng thời
các thành phần khác giữ vai trò chỗ dựa, làm nền.
+ Nhu cầu: Là nền tảng tạo ra xu hướng.

98
Nhu cầu là sự đòi hỏi tất yếu mà cá nhân thấy cần phải được thỏa mãn trong
những điều kiện nhất định để có thể tồn tại và phát triển. Nó tạo nên trạng thái mất
cân bằng tạm thời giữa con người với môi trường xung quanh.
Thuyết nhu cầu phân tầng của A. Maslow
Tầng 1: Nhu cầu sinh học
Tầng 2: Nhu cầu an toàn
Tầng 3: Nhu cầu nhu cầu xã hội
Tầng 4: Nhu cầu được tôn trọng
Tầng 5: Nhu cầu tự thể hiện
Mỗi nhu cầu trong hệ thống thứ bậc phải được thỏa mãn trong mối tương quan
với môi trường để người đó có thể phát triển khả năng cao nhất của mình.
Nhu cầu của con người rất đa dạng, có tính chu kỳ, và khác xa về chất so với
con vật - luôn mang bản chất xã hội. Mỗi cá nhân luôn có nhiều nhu cầu được sắp
xếp theo một thang bậc nhất định. Chính sự sắp xếp này, cùng với cách thỏa mãn nhu
cầu cũng như phản ứng của cá nhân khi được thỏa mãn hay không thỏa mãn nhu cầu
sẽ bộc lộ giá trị xã hội của họ.
+ Hứng thú: Là thái độ cảm xúc đặc biệt của cá nhân hướng vào một đối tượng
nào đó vừa có ý nghĩa trong cuộc sống vừa mang lại khoái cảm cho cá nhân khi hoạt
động trong một thời gian dài. Hứng thú nảy sinh chủ yếu do tính hấp dẫn về cảm xúc
của nội dung hoạt động và thể hiện ở sự tập trung chú ý cao độ, ở sự say mê.
Hứng thú tạo nên sự đam mê trong hoạt động, làm nảy sinh khát vọng hành
động, tăng sức làm việc, tăng tính tích cực tự giác trong lao động. Vì vậy hứng thú
làm tăng hiệu quả của hoạt động.
+ Lý tưởng: Là mục tiêu cao đẹp, mẫu mực, tương đối hoàn chỉnh có sức mạnh
lôi cuốn toàn bộ cuộc sống của cá nhân để vươn tới nó.
Lý tưởng vừa mang tính hiện thực vừa mang tính lãng mạn; Mang tính lịch sử
và mang tính giai cấp. Trong lý tưởng chứa đựng mặt nhận thức sâu sắc và mặt tình
cảm mãnh liệt của chủ thể đối với mục tiêu của mình.
* Tính chất của lý tưởng
- Tính hiện thực: Lý tưởng là hình ảnh tưởng tượng, nhưng không là cái viển
vông mà luôn xuất phát từ hiện thực. Hình ảnh lý tưởng có thể là sự mô phỏng theo

99
hình mẫu thực tế, cũng có thể là sự tổng hợp từ rất nhiều những “chất liệu” hiện thực
để xây dựng nên hình ảnh hoàn thiện, hoàn mỹ với cá nhân.
- Tính lãng mạn: Lý tưởng là hình ảnh của tương lai, cái khiến con người thấy
hấp dẫn và mong ước đạt tới, hình ảnh lý tưởng được con người ôm ấp, tôn thờ,
mường tượng với màu sắc tươi thắm, rực rỡ, bay bổng.
- Tính xã hội - lịch sử: Lý tưởng cá nhân có nguồn gốc từ xã hội, lý tưởng phản
ánh những đặc điểm thời đại, giai cấp và điều kiện xã hội mà cá nhân đang sống. Mỗi
giai đoạn lịch sử nhất định có những lý tưởng chung của một dân tộc một giai cấp,
chúng đều được thể hiện trong lý tưởng riêng của các cá nhân.
Lý tưởng là nơi tập trung sức mạnh của xu hướng nhân cách, nó có chức năng
xác định mục tiêu, điều khiển toàn bộ hoạt động của con người. Chính vì vậy, trang
bị cho con người lý tưởng là trang bị cho họ con đường sống.
+ Thế giới quan: Là hệ thống các quan điểm cơ bản về thế giới mà cá nhân dựa
vào đó để quan sát, nhìn nhận thế giới và xác định phương châm hành động của con
người.
Thế giới quan của cá nhân là sự kết hợp của nhiều thành phần như quan điểm
chính trị, tri thức khoa học, chuẩn mực đạo đức, tôn giáo và thẩm mỹ, được hình
thành trong cuộc sống dưới ảnh hưởng của giáo dục và sự tham gia tích cực vào các
mối quan hệ xã hội. Thế giới quan cho con người bức tranh tổng thể về thế giới, từ
đó quyết định hành vi thái độ của con người. Gồm các loại:
- Thế giới quan duy vật
- Thế giới quan duy tâm
- Thế giới quan khoa học.
+ Niềm tin: Là phẩm chất của thế giới quan, là kết tinh của nhận thức - tình
cảm - ý chí được con người thể nghiệm, trở thành chân lý bền vững của mỗi cá nhân.
Niềm tin tạo nên nghị lực, ý chí cho con người trong hành động.
Thế giới quan và niềm tin trở thành động lực thúc đẩy những hành vi xã hội của
nhân cách.
Tổng hợp các mặt biểu hiện của xu hướng nhân cách sẽ nhìn thấy con người
muốn hướng tới đâu trong cuộc sống.
1.3.2. Những khả năng của nhân cách

100
Bao gồm một hệ thống các năng lực, bảo đảm cho sự thành công của hoạt động.
Các năng lực của cá nhân là tiền đề tâm lý bảo đảm cho những xu hướng của nhân
cách trở thành hiện thực, chúng liên quan và tác động qua lại với nhau. Thông
thường có một năng lực nào đó chiếm ưu thế, còn các năng lực khác thì phụ thuộc
vào nó và tăng cường cho nó (tức năng lực chủ đạo).
Năng lực là tập hợp những phẩm chất tâm lý cá nhân phù hợp với yêu cầu đặc
trưng của một hoạt động nào đó và đảm bảo cho hoạt động đó thực hiện có hiệu quả.
Năng lực vừa là tiền đề vừa là kết quả của hoạt động.
- Các loại năng lực: Năng lực chung (là những năng lực cần thiết cho nhiều hoạt
động khác nhau. Ví dụ: năng lực phân tích, trí nhớ, suy luận, tri giác không gian...)
và năng lực chuyên môn/năng lực riêng (là sự kết hợp độc đáo những thuộc tính
chuyên biệt đáp ứng yêu cầu đối với một lĩnh vực chuyên môn nhất định. Ví dụ:
năng lực Toán học, năng lực Âm nhạc, năng lực Hội họa, năng lực Sư phạm...).
- Các mức độ của năng lực: Khả năng → năng lực → tài năng → thiên tài
+ Năng lực: Mức độ hoàn thành có kết quả một hoạt động nào đó. Ở mức này,
nhiều người có thể đạt được.
+ Tài năng: Mức độ cao của năng lực, biểu thị sự hoàn thành công việc nhanh
chóng, hoàn hảo, sáng tạo, với thành tích cao ít người sánh kịp. Sản phẩm làm ra
thường có giá trị lớn, mang tính độc đáo và mới mẻ. Người tài năng thường có sáng
kiến trong công việc, ở họ có sự kết hợp của nhiều năng lực trong nhiều hoạt động
phức tạp.
+ Thiên tài: Mức độ cao nhất của năng lực, biểu thị sự hoàn thành một cách đặc
biệt xuất sắc có một không hai trong một lĩnh vực hoạt động nào đó. Thành tựu mà
thiên tài đạt được có ý nghĩa tạo ra những giá trị mới, một bước ngoặt mới của sự
phát triển trong một hoặc nhiều lĩnh vực, mở ra con đường mới, thời kỳ mới cho
nhân loại.
- Các yếu tố thành phần tạo ra năng lực: Tư chất, tri thức, kinh nghiệm, kỹ
năng, kỹ xảo.
+ Tư chất: Là những điều kiện sinh học vốn có khi con người được sinh ra, kế
thừa từ thế hệ trước bằng con đường di truyền sinh học. Người có tư chất thuận lợi,
có “năng khiếu”, sẽ là điều kiện để có khả năng đạt đến mức độ cao của năng lực, đó
là tài năng và thiên tài. Tuy nhiên, năng khiếu đó chỉ được phát huy trong các điều
101
kiện: Được phát hiện; Được đặt trong môi trường phù hoạt động phù hợp; Được sự
tác động phù hợp của xã hội, của giáo dục; Sự rèn luyện của bản thân
Những cá nhân có tư chất khiếm khuyết, thiếu hụt vẫn có thể có hình thành
năng lực trên cơ sở các yếu tố còn lại
+ Tri thức: Là hệ thống kiến thức được cá nhân biến thành của riêng mình. Sự
hiểu biết là điều kiện không thể thiếu để chủ thể hoạt động đạt hiệu quả.
+ Kinh nghiệm: Là những giá trị, những tinh hoa được chủ thể tích lũy qua hoạt
động thực tiễn, qua quá trình lao động. Đồng thời chủ thể có thể vận dụng chính
những kinh nghiệm đó vào những hoạt động khác để đạt hiệu quả cao hơn.
+ Kỹ năng: Là hệ thống các thao tác được chủ thể phối hợp một cách nhuần
nhuyễn để thực hiện công việc có hiệu quả. Kỹ năng thể hiện cách thức chủ thể vận
dụng tri thức, kinh nghiệm vào việc tiến hành hoạt động một cách nhanh chóng, đúng
quy trình, đúng yêu cầu, đúng tiến độ. Khi kỹ năng được rèn luyện thường xuyên thì
trở thành kỹ xảo. Kỹ xảo giúp chủ thể thực hiện công việc điêu luyện, tốn ít năng
lượng thần kinh, mà hiệu quả cao.
Những yếu tố này tạo điều kiện cần thiết để chủ thể có thể có năng lực trong
một lĩnh vực nhất định, đồng thời năng lực giúp cá nhân tiếp thu tri thức, kinh
nghiệm, kỹ năng, kỹ xảo dễ dàng hơn. Năng lực luôn gắn liền với hoạt động nhất
định, kết quả của hoạt động sẽ là cơ sở đánh giá năng lực của chủ thể trong lĩnh vực
đó.
Rõ ràng là, cấu trúc của xu hướng nhân cách sẽ ảnh hưởng đến tính chất của
mối tương quan giữa các năng lực của nhân cách. Về phần mình, sự phân hoá của
các năng lực sẽ lại ảnh hưởng đến thái độ lựa chọn của nhân cách đối với hiện thực.
1.3.3. Phong cách hành vi của nhân cách
Phong cách, cũng như các đặc điểm tâm lý trong hành vi của nhân cách là do
tính cách và khí chất của nhân cách ấy quy định.
Tính cách (tính tình) là hệ thống thái độ của con người đối với thế giới xung
quanh và bản thân, được thể hiện trong hệ thống hành vi của họ.
Cấu trúc của tính cách bao gồm:
- Hệ thống thái độ, bao gồm các mặt thái độ: Thái độ đối với xã hội; Thái độ đối
với người khác; Thái độ đối với lao động; Thái độ đối với bản thân; Thái độ đối với

102
môi trường → Tập hợp các thái độ này tạo nên mặt nội dung của tính cách, nói lên
tính chất của nhân cách, là mặt đạo đức của con người.
- Hệ thống hành vi, cử chỉ, cách nói năng → Đây chính là mặt hình thức của
tính cách.
Nội dung và hình thức của tính cách không tách rời nhau mà luôn thống nhất
hữu cơ với nhau. Mối quan hệ giữa nội dung và hình thức của tính cách là mối quan
hệ đa dạng, phức tạp tạo nên những kiểu người khác nhau trong xã hội. Từ đó việc
đánh giá tính cách trở nên khó khăn.
Lưu ý
Ở những người bình thường luôn có cả nét tính cách tích cực lẫn tiêu cực.
Tính cách hình thành từ hành vi → Thói quen → Tính cách → “Số phận” -
Nhân cách.
Tính cách mang tính ổn định nhưng có thể thay đổi. Tính cách tạo nên phong
cách hành vi của con người trong môi trường xã hội và phương thức giải quyết
những nhiệm vụ thực tế của họ.
Khí chất (tính khí): Là một tập hợp các đặc điểm tâm lý cá nhân quy định các
sắc thái khác nhau về cường độ, tốc độ, nhịp độ của hành vi và hoạt động bộc lộ ra
bên ngoài. Tính khí thể hiện rõ diễn biến hoạt động tâm lý của cá nhân, thể hiện
trong những điều kiện hoạt động khác nhau, tình huống khác nhau và làm cho hành
vi của chủ thể mang màu sắc cảm xúc.
Dựa vào kiểu hoạt động thần kinh cấp cao, phân loại 4 kiểu khí chất: Hoạt bát,
Bình thản, Nóng nảy, Ưu tư. Các kiểu này được thể hiện cụ thể trong ứng xử của cá
nhân ở mỗi tình huống nhất định. Kiểu khí chất nào cũng có những ưu điểm và hạn
chế của nó khi cá nhân hoạt động và giao tiếp.
Việc phân chia các kiểu khí chất cũng chỉ mang tính quy ước, vì trong thực tế,
không có cá nhân nào chỉ có biểu hiện của một kiểu duy nhất. Hệ thống tính cách và
khí chất của cá nhân góp phần quy định phong cách hành vi của nhân cách đó.
1.3.4. Hệ thống điều khiển của nhân cách
Hệ thống này thường được gọi là “Cái tôi” của nhân cách. “Cái tôi” là một cấu
tạo tự ý thức của nhân cách, nó thực hiện sự tự ý thức của nhân cách, nó thực hiện sự
tự điều chỉnh - tăng cường hay làm giảm bớt hoạt động, tự kiểm tra và sửa chữa các
hành vi và hành động, dự kiến và hoạch định cuộc sống và hoạt động của cá nhân.
103
Tuỳ theo mức độ phát triển mà hệ thống tự điều chỉnh này được củng cố và con
người trở thành chủ nhân của các sức mạnh của mình. Tuỳ thuộc vào sự giáo dục và
lối sống của đứa trẻ và người lớn mà phẩm chất của “Cái tôi” được xác định, khả
năng tự điều chỉnh các sức mạnh và phương tiên của bản thân được xác định.
Mỗi người là một nhân cách thống nhất giữa các bản ngã - “cái tôi” sau: Cái tôi
thể lý; Cái tôi xã hội; Cái tôi tâm lý.
Biểu tượng về “cái Tôi” của bản thân sẽ quy định mức độ kỳ vọng, mức độ phát
triển của các năng lực.
1.3.5 Cấu trúc hai mặt Đức – Tài
Trong cách nói quen thuộc của người Việt Nam chúng ta, các bộ phận trên
trong cấu trúc của nhân cách được sắp xếp thành hai mặt thống nhất với nhau là đức
và tài, hay phẩm chất và năng lực, dưới dự chỉ đạo của ý thức bản ngã (“cái Tôi”).
Có thể biểu diễn cấu trúc đó theo sơ đồ sau:

Ý thức bản ngã (“cái Tôi”)

Đức (phẩm chất) Tài (năng lực)


- Phẩm chất xã hội (hay đạo đức - chính - Năng lực xã hội hoá: Khả năng thích
trị): Thế giới quan, niềm tin, lý tưởng, lập ứng, năng lực sáng tạo, cơ động, mềm
trường, thái độ chính trị, thái độ lao động dẻo, linh hoạt trong toàn bộ cuộc sống xã
…. hội.
- Phẩm chất cá nhân (hay đạo đức tư - Năng lực chủ thể hoá: Khả năng biểu
cách): các nết, cái thói, các “thú” (ham hiện tính độc đáo, đặc sắc, khả năng biểu
muốn) hiện cái riêng, cái “bản lĩnh” của cá nhân.
- Phẩm chất ý chí: Tính kỷ luật, tính tự - Năng lực hành động: Khả năng hành
chủ, tính mục đích, tính quả quyết, tính động có mục đích, có điều khiển, chủ
phê phán.v.v… động tích cực, đánh giá.
- Cung cách ứng xử: Tác phong, lễ tiết, - Năng lực giao tiếp: Khả năng thiết lập
tính khí.v.v… và duy trì quan hệ với người khác.

104
Mặc dù chưa có công trình nghiên cứu một cách hệ thống đủ sức thuyết phục
nhưng trong thực tiễn, quan niệm về cấu trúc nhân cách “Đức - Tài” hình như được
các nhà tâm lý Việt Nam thấy dễ chấp nhận vì cho rằng cấu trúc này sát hợp với thực
tiễn xã hội của hiện nay. Thực tế là, quan niệm “Đức - Tài” đang chi phối, chỉ đạo
các hoạt động giáo dục, đào tạo, các vấn đề về đánh giá con người ở Việt Nam.
Như vậy, cấu trúc tâm lý của nhân cách khá phức tạp, nhiều mặt và cơ động.
Tất cả mọi thành phần của nhân cách đều liên hệ qua lại và chế ước lẫn nhau. Với sự
phát triển của nhân cách thì trong cấu trúc của nó cũng có những biến đổi. Đồng thời,
cấu trúc của mỗi nhân cách lại tương đối ổn định, nó chứa đựng những hệ thống
thuộc tính điển hình cho mỗi cá nhân, đặc trưng cho cá nhân đó như là một con
người mà ta có thể chờ đợi ở họ những hành vi và cử chỉ hoàn toàn xác định trong
những tình huống này hay tình huống kia. Tóm lại, mỗi con người đều là sự thống
nhất của cái ổn định và cái biến đổi, thể hiện được tính mềm dẻo, linh hoạt và thực
hiện được một lối sống phù hợp với các điều kiện khác nhau.
2. Sự hình thành và phát triển nhân cách
2.1 Các yếu tố chi phối sự hình thành nhân cách
Hình thành nhân cách được hiểu là một quá trình khách quan mang tính quy
luật, trong đó một người thể hiện mình vừa trong tư cách là đối tượng của sự tác
động vừa trong tư cách là chủ thể của hoạt động và giao tiếp.
2.1.1. Nhân cách không phải bẩm sinh mà được hình thành
Trẻ em sinh ra là một con người (đại biểu của loài người) có những đặc điểm
mang sắc thái riêng (cá tính) những chưa là một nhân cách. Lọt lòng mẹ trẻ rơi vào
môi trường xã hội đầu tiên, được người lớn nuôi dưỡng, chăm sóc đáp ứng các nhu
cầu cơ thể của trẻ và ngay trong tháng đầu của cuộc đời ở trẻ bắt đầu nảy sinh một
loại nhu cầu mới; khác biệt với những nhu cầu đầu tiên. Đó là “Nhu cầu về những ấn
tượng bên ngoài”, có đặc điểm không bão hoà, càng có nhiều ấn tượng mới tác động
đến trẻ thì nhu cầu tiếp nhận chúng càng tăng ở trẻ. Theo LI.Bojovich thì nhu cầu
này xuất hiện ở trẻ vào khoảng từ tuần lễ thứ 3 đến thứ 5. Những ấn tượng mới từ thế
giới bên ngoài (màu sắc, âm thanh, mùi vị v.v…) là những kích thích làm cho các
giác quan và hệ thần kinh, trước hết là vở não của trẻ hoạt động. Nhờ đó các chức
năng của chúng phát triển. Có thể xem “nhu cầu về những ấn tượng bên ngoài” là
động lực chính của sự phát triển nhận thức bước đầu ở trẻ.
105
Trong những tháng đầu của tuổi sơ sinh (0-1 tuổi) trẻ không những tăng trưởng
về thể chất, mà đời sống tâm lý của trẻ cũng được phát triển. Trình độ phát triển tâm
lý đạt đến một mức độ nhất định thì trở thành một nhân cách.
2.1.2. Các yếu tố hình thành nhân cách
Phân tích quá trình hình thành nhân cách, tâm lý học đã xác định có hai nhóm
yếu tố với tư cách là cơ sở tự nhiên và cơ sở xã hội của sự hình thành nhân cách.
a. Yếu tố tự nhiên và nhân cách
Tâm lý là chức năng của não, toàn bộ hoạt động của não là hoạt động phản xạ,
mà các phản xạ đều gắn với các giác quan, với quá trình thần kinh và các bộ phận
tương ứng của cơ thể. Tất cả các hiện tượng tâm lý đều có cơ sở sinh lý là phản xạ có
điều kiện (I.P.Pavlov).
Học thuyết về hoạt động thần kinh cấp cao đã xác định cụ thể mối liên hệ mật
thiết giữa sinh lý và tâm lý. Đó là, hệ thống tín hiệu thứ nhất - cơ sở sinh lý của nhận
thức cảm tính, trực quan, tư duy cụ thể và các cảm xúc cơ thể; Còn hệ thống tín hiệu
thứ hai - cơ sở sinh lý của tư duy ngôn ngữ, ý thức, tình cảm, các chức năng tâm lý
cấp cao.
Khí chất, một thuộc tính phức hợp của nhân cách cơ cơ sở sinh lý là 4 kiểu hoạt
động thần kinh cơ sở.
Như vậy, những đặc điểm giải phẫu sinh lý của cơ thể, của các giác quan, của
não, đặc biệt là của hệ thần kinh có vai trò rất quan trọng trong sự hình thành nhân
cách. A.N.Lêônchiep đã xác nhận: “Sự vận hành của hệ thần kinh tạo thành một tiền
đề không thể thiếu đối với sự phát triển nhân cách”. Thực tế cuộc sống cho thấy
những khuyết tật của hệ thần kinh và các giác quan có ảnh hưởng nhất định đến tốc
độ và chất lượng phát triển tâm lý, nhân cách (trẻ thiểu năng trí tuệ, trẻ câm, mù,
điếc…). Đối với trẻ em bình thường những yếu tố tự nhiên trên đây là những tiền đề,
những điều kiện cần thiết cho sự phát triển tâm lý, nhân cách. Song, chúng không
quy định sẵn nội dung, mức độ, chiều hướng phát triển (năng lực, năng khiếu, tài
năng gì; hứng thú, sở thích, tính cách như thế nào…). Về vấn đề này A.N.Lêônchiep
cũng cho rằng: “Những đặc điểm của hoạt động thần kinh cấp cao của cá nhân sẽ
không biến thành những đặc điểm nhân cách và cũng không quy định nhân cách của
người ấy”.

106
Đề cập đến yếu tố tự nhiên không thể bỏ qua yếu tố di truyền. Mỗi con người
sinh ra đã nhận được từ thế hệ trước những đặc điểm giải phẫu sinh lý của cơ thể,
của hệ thần kinh theo con đường di truyền. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu những đứa
trẻ sinh đôi cùng trứng cho thấy rõ: Những đặc điểm bẩm sinh và di truyền về thể
chất giống “hệt” nhau, nhưng trong điều kiện thực nghiệm nhà nghiên cứu đã sử
dụng phương pháp dạy học khác nhau đối với từng trẻ thì sự khác biệt đã thể hiện rõ
trong kết quả của một số hoạt động sáng tạo mà trẻ cùng tham gia (A.R.Luria,
V.N.Konbanovsky, A.N.Mirenova).
Trong thực tế cuộc sống không hiếm những trường hợp những cặp trẻ sinh đôi
cùng trứng khi lớn lên có hứng thú sở thích, năng lực, nguyện vọng… khác nhau do
chúng hoạt động và giao tiếp xã hội trong những hoàn cảnh cụ thể khác nhau.
Những điều này chứng tỏ yếu tố di truyền chịu sự chế ước của điều kiện sống,
của yếu tố xã hội. Hơn nữa, bản thân yếu tố di truyền cũng biến đổi dưới tác động
của môi trường và hoạt động của cá nhân. Như vậy, các yếu tố bẩm sinh, di truyền
nói riêng, yếu tố tự nhiên nói chung chỉ là tiền đề, mà “tiền đề của sự phát triển nhân
cách là không mang sắc thái nhân cách”
b. Yếu tố xã hội và nhân cách
Yếu tố xã hội bao gồm những tác động từ phía môi trường xã hội và những hoạt
động của chủ thể trong môi trường đó ở cấp độ vi mô.
Môi trường vĩ mô được hiểu là toàn bộ những sự kiện và hiện tượng của đời
sống xã hội diễn ra trong phạm vi rộng về không gian và kéo dài về thời gian. Môi
trường vĩ mô vượt quá giới hạn của địa phương nơi trẻ sinh sống (phường, xã, thành
phố, tỉnh, quốc gia…). Về thời gian, môi trường vĩ mô bao gồm cả quá khứ (di sản
văn hoá vật thể và phi vật thể…), hiện tại (nền văn hoá vật chất và nền văn hoá tinh
thần hiện hữu…) và tương lai (viễn cảnh về mô hình phát triển của đất nước…). Môi
trường vĩ mô là những điều kiện bên ngoài có ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp,
nhiều hay ít tùy thuộc mối quan hệ của chủ thể với môi trường đó (quan tâm, thích
thú, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng…). Ngày nay, thời đại công nghệ điện tử với
việc sử dụng Internet thì môi trường vĩ mô càng vượt qua biên giới quốc gia đối với
thế hệ trẻ.

107
Môi trường vi mô được giới hạn trong phạm vi hẹp, gần gũi với cuộc sống
thường nhật của trẻ ở gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, Đội thiếu niên Tiền
phong, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, câu lạc bộ,...
Đối với trẻ nhỏ môi trường gia đình có ảnh hưởng thường xuyên, liên tục và
trực tiếp. Không chỉ những điều cha mẹ dạy bảo, chỉ dẫn, uốn nắn để giáo dục trẻ
“học ăn, học nói, học gói, học mở”, mà bầu không khí tâm lý - đạo đức cùng với tình
cảm gắn bó ruột thịt của người thân là những tác động có sức cảm hoá mạnh mẽ. Vì
vậy, gia đình thuận hoà, êm ấm, hạnh phúc sẽ trở thành môi trường vi mô ưu thế,
thuận lợi nhất đối với sự phát triển tâm lý, nhân cách của trẻ. Ngược lại, phần lớn
những trẻ em hư, vị thành niên phạm pháp đều có tuổi thơ dữ dội vì đã lớn lên và
được giáo dục trong môi trường gia đình bất hoà, xung đột, không còn là tổ ấm của
trẻ.
Với chức năng và nhiệm vụ đào tạo thế hệ trẻ, nhà trường có vai trò chủ đạo,
định hướng cho sự hình thành và phát triển nhân cách học sinh thông qua các hình
thức và nội dung của các loại hình hoạt động dạy học và giáo dục. Đó là: Học tập
văn hoá, lao động hướng nghiệp, văn nghệ, thể dục thể thao,… Dưới sự tổ chức,
hướng dẫn của nhà trường, của thầy cô giáo học sinh tham gia các loại hình hoạt
động đó với tư cách là chủ thể nhằm lĩnh hội nội dung đối tượng của hoạt động và
nội dung của những quan hệ nhân cách diễn ra trong quá trình hoạt động và giao tiếp.
Chỉ trong môi trường của nhà trường học sinh mới có điều kiện phát triển nhân cách
toàn diện theo yêu cầu của mục tiêu giáo dục.
Ngoài học tập văn hoá, hầu hết những loại hình hoạt động trên được Đội, Đoàn
cùng với nhà trường tổ chức trong thời gian ngoài giờ lên lớp trong khuôn viên nhà
trường hoặc tại các địa bàn khác (câu lạc bộ, sân vận động, nơi tham quan, cắm trại
v.v…). Tham gia các hoạt động ngoài giờ lên lớp học sinh có cơ hội mở rộng phạm
vi giao tiếp và hoạt động tập thể, hoạt động xã hội, có điều kiện mở rộng tầm hiểu
biết xã hội, rèn luyện tính năng động, tính tháo vát, kỹ năng hợp tác, kỹ năng giao
tiếp, ứng xử v.v…
Môi trường vĩ mô hay môi trường vi mô là nguồn gốc, là điều kiện xã hội cần
thiết, nhưng không trực tiếp quyết định sự hình thành và phát triển nhân cách. Trong
những trường hợp vì nguyên nhân nào đó (gia đình tan vỡ, chán học vì học lực quá
kém…) trẻ em không gắn bó với gia đình, không háo hức đến trường và chỉ tìm thấy
108
niềm vui, sự thoả mãn trong giao tiếp với nhóm bạn lang thang hoặc say mê với
những trang “web đen, web bẩn” trên mạng Internet thì ảnh hưởng tự phát của môi
trường vi mô có thể làm suy thoái nhân cách, bởi trẻ đã tham gia “hết mình” vào các
hoạt động không lành mạnh đó. Ngược lại có nhiều học sinh đã sử dụng Internet để
thu thập những thông tin, tư liệu, ảnh v.v… phục vụ việc học tập các môn học (Địa
lý thế giới, Văn học nước ngoài, Lịch sử cổ đại, Thực hành ngoại ngữ.v.v…). Nhờ
những hình thức sử dụng Internet lành mạnh học sinh đã phát huy tính chủ động, tích
cực, sáng tạo trong hoạt động học tập và tiếp thu kiến thức một cách toàn diện.
Môi trường vi mô hay vĩ mô có thể ảnh hưởng xấu hay tốt đến cá nhân là do cá
nhân đó bị cuốn hút bởi những tác động xấu hay tốt của môi trường, một khi chúng
phù hợp với những giá trị mà cá nhân đó đang hướng tới. Chính những tác động hấp
dẫn từ môi trường bên ngoài đáp ứng nhu cầu của chủ thể (giao tiếp, giải trí, nhận
thức .v.v…) đã trở thành động cơ thúc đẩy chủ thể hoạt động một cách tự giác, tích
cực. Như vậy “cái bên ngoài” đã tác động thông qua “cái bên trong”
(X.L.Rubinstein). Về sự tác động qua lại giữa cá nhân và môi trường K.Marx đã xác
nhận: “Hoàn cảnh tạo ra con người trong chừng mực con người tạo ra hoàn cảnh”.
c. Hoạt động và nhân cách
Để tồn tại và phát triển con người phải vươn tới chiếm lĩnh những đối tượng
thỏa mãn nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần của bản thân. Quá trình chiếm lĩnh đó
diễn ra trong hoạt động đối tượng mà con người thực hiện với tư cách là chủ thể. Quá
trình lĩnh hội khái niệm, tri thức, kỹ năng, kỹ xảo,… (hoạt động học tập) cũng như
quá trình lĩnh hội cách sử dụng công cụ lao động và các đồ dùng khác (hoạt động lao
động) là làm cho cơ cùng với hệ thần kinh có chức năng vận động tương ứng, phát
triển và dần dần hình thành những năng lực mới, những chức năng tâm lý mới.
K.Marx viết: “Sự tiếp thu một tổng thể những công cụ sản xuất cũng là sự phát triển
một tổng thể những năng lực trong bản thân cá nhân”.
Khi đạt đến một trình độ nhất định của sự phát triển tâm lý, nhân cách, chủ thể
của hoạt động đối tượng không chỉ chiếm lĩnh mà còn sáng tạo các sản phẩm của nền
sản xuất xã hội - lịch sử, làm phong phú thêm thế giới đối tượng. Đó là nền văn hoá
vật chất và văn hoá tinh thần, nơi chứa đựng những tri thức khoa học, kỹ năng, kỹ
xảo lao động, quan điểm thẩm mỹ, năng lực, ý chí, ngôn ngữ, lối sống,.v.v… mà con
người, qua các thế hệ, đã vật chất hoá trong sản phẩm lao động của mình. Dưới sự
109
hướng dẫn, tổ chức của người lớn trẻ em thực hiện hoạt động, bằng hoạt động trẻ
lĩnh hội những kinh nghiệm xã hội - lịch sử từ nền văn hoá đó, tạo nên sự phát triển
tâm lý, nhân cách của bản thân.
d. Giao tiếp và nhân cách
Từ mối quan hệ hoạt động - nhân cách có thể khẳng định: Tâm lý, nhân cách
con người chỉ được hình thành bởi hoạt động, trong hoạt động. Song, cuộc sống của
con người có hai mặt: “Anh làm gì” (hoạt động) và “Anh quan hệ với ai” (giao tiếp)
(B.F.Lomov). Trên thực tế, chỉ có hoạt động nói chung, bao gồm hoạt động với đồ
vật và hoạt động với người khác (giao tiếp) cho nên giao tiếp cũng là hoạt động.
Hoạt động và giao tiếp luôn gắn bó mật thiết với nhau trong cuộc sống của mỗi cá
nhân.
Trong tâm lý học có nhiều định nghĩa khác nhau về giao tiếp. Song, có thể hiểu
bản chất của giao tiếp là quá trình tác động qua lại, trao đổi thông tin, ảnh hưởng lẫn
nhau, nhận thức lẫn nhau giữa các cá nhân trong quan hệ giao tiếp. Chức năng và vai
trò của giao tiếp đặc biệt quan trọng. K.Marx xem giao tiếp - vừa là phương tiện hình
thành, củng cố bản chất xã hội trong con người, vừa là cơ chế tiếp thu kinh nghiệm
xã hội (tri thức, kỹ năng, quy tắc, phong tục, tập quán.v.v…) A.N.Lêônchiep đã chỉ
rõ: “Quá trình đứa trẻ lĩnh hội những hành động đặc thù của con người diễn ra trong
giao tiếp”. Như vậy, hoạt động với đồ vật và giao tiếp là yếu tố trực tiếp quyết định
sự hình thành nhân cách.
e. Giáo dục và nhân cách
Nhân cách được hình thành bởi hoạt động với đồ vật và giao lưu, nhưng hình
thành theo xu hướng nào một cách có chủ định và có hệ thống. Đó là vai trò của giáo
dục, bởi chính giáo dục là sự điều khiển quá trình hình thành và phát triển nhân cách
trong các hoạt động đó.
Giáo dục là hoạt động đặc biệt, khác với những ảnh hưởng ngẫu nhiên và tự
phát của môi trường ở chỗ, có mục đích, có kế hoạch, có chương trình và sử dụng
những hình thức và phương pháp tác động dựa trên cơ sở khoa học (Tâm lý học trẻ
em và Sư phạm, Lý luận dạy học, Lý luận giáo dục,…)
Với nghĩa rộng, giáo dục bao gồm giáo dục nhà trường, giáo dục xã hội và giáo
dục gia đình, trong đó giáo dục nhà trường là quá trình tác động một cách chuyên
biệt, không chỉ cung cấp cho học sinh những tri thức khoa học cơ bản, hiện đại, mà
110
thông qua việc dạy học còn hình thành ở học sinh những năng lực và phẩm chất trí
tuệ, hứng thú - nhu cầu nhận thức, động cơ học tập.v.v... Mặt khác, việc giáo dục
thông qua các hình thức sinh hoạt tập thể (lớp học, Đội Thiếu niên Tiền Phong, Đoàn
Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh) và hoạt động xã hội công ích là những tác động
đặc thù ảnh đến sự phát triển những phẩm chất đạo đức của nhân cách (xu hướng,
động cơ đạo đức, tính cách, lối sống, kỹ năng, kỹ xảo .v.v...).
Giáo dục xã hội thông qua sách, báo, phim ảnh, nhà hát, Đài truyền thanh,
truyền hình, giao tiếp xã hội... với những nội dung lành mạnh là những tác động tích
cực hỗ trợ cho giáo dục nhà trường. Giáo dục gia đình tuy không chương trình, kế
hoạch và nội dung xác định như giáo dục nhà trường; song, với việc tổ chức cuộc
sống có nền nếp, trật tự, gia phong, với việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa cha
mẹ và con cái, giữa các thành viên của gia đình thuộc các thế hệ.v.v... là những tác
động góp phần tạo nên nền tảng ban đầu của sự hình thành nhân cách. Nói chung,
những tác động đúng đắn sẽ làm nảy nở những phẩm chất nhân cách tốt đẹp, ngăn
ngừa những thói hư tật xấu, Macarenko, nhà giáo dục nổi tiếng của Liên Xô (cũ) đã
nhấn mạnh rằng, ông chưa từng biết một trường hợp nào mà nhân cách tốt của học
sinh lại nảy sinh bên ngoài một hoàn cảnh giáo dục lành mạnh và ngược lại, một
nhân cách hư hỏng lại cho một hoàn cảnh giáo dục đúng đắn gây ra.
Như vậy, giáo dục giữ vai trò chủ đạo quyết định xu hướng hình thành và phát
triển nhân cách.
Trong những trường hợp đặc biệt giáo dục có thể phát huy tối đa mặt mạnh của
các yếu tố khác. Những trẻ em, học sinh có tư chất (sự kết hợp những đặc điểm giải
phẫu và những đặc điểm chức năng tâm - sinh lý) trong một lĩnh vực với tác động
giáo dục có thể phát triển năng khiếu về lĩnh vực đó (năng khiếu toán, văn, âm
nhạc.v.v...). Ngược lại đối với những em khuyết tật, giáo dục chuyên biệt có thể bù
đắp những thiếu hụt do yếu tố bẩm sinh, di truyền hoặc do di chứng của một số bệnh
gây ra (viêm não, bại liệt...). Những trẻ em suy thoái nhân cách (nhiễm thói hư tật
xấu, vi phạm pháp luật...) thông qua những biện pháp giáo dục lại có thể uốn nắn,
điều chỉnh sự phát triển nhân cách lệch lạc so với các chuẩn mực xã hội.
Giáo dục có vai trò cực kỳ to lớn, nhưng giáo dục không vạn năng và học sinh
không chịu sự tác động của giáo dục một cách thụ động. Giáo dục không thể “đem
cho” và học sinh không chỉ “đón nhận”. Nhân cách học sinh không phải chỉ là sản
111
phẩm trực tiếp của giáo dục. Vì vậy, giáo dục chỉ có thể phát huy tối đa vai trò chủ
đạo trong điều kiện tổ chức, hướng dẫn học sinh tham gia hoạt động và giao tiếp với
tư cách là chủ thể. Hoạt động tích cực của chủ thể là yếu tố quyết định trực tiếp của
sự hình thành nhân cách.
Tóm lại, từ những điều kiện phân tích về các yếu tố hình thành nhân cách có thể
đi đến khái niệm “Hình thành nhân cách”. Đó là một quá trình khách quan, mang
tính quy luật về sự biến đổi con người từ một thực thể tự nhiên trở thành một thực
thể xã hội trong quá trình tác động qua lại với môi trường với tư cách là chủ thể của
hoạt động và giao tiếp.
2.2. Con đường hình thành và phát triển nhân cách
Làm gì và làm như thế nào để hình thành và phát triển nhân cách. Có thể tìm ra
nhiều con đường và có nhiều biện pháp. Song, chủ yếu là bằng con đường dạy học,
giáo dục và tự giáo dục.
2.2.1 Con đường dạy học và sự phát triển nhân cách
Dạy học theo quan niệm cũ với phương pháp dạy học truyền thống thì chỉ có
thầy là chủ thể của hoạt động dạy học, còn trò là khách thể tiếp thu một cách thụ
động những điều thầy dạy. Với cách tiếp cận hoạt động - nhân cách, hoạt động dạy -
học bao gồm hoạt động dạy của thầy và hoạt động học của trò. Dưới sự hướng dẫn
của thầy, trò phải tích cực hành động để tự mình lĩnh hội tri thức. Hành trở thành
phương pháp học tập và là yếu tố quyết định trực tiếp chất lượng lĩnh hội tri thức.
Hoạt động dạy - học có sự hợp tác sư phạm đã phát huy tính tích cực chủ động, sáng
tạo của trò và hứng thú, động cơ học tập cũng được củng cố và phát triển.
2.2.2 Con đường giáo dục và sự phát triển nhân cách học sinh
Có nhiều con đường giáo dục: Giáo dục trong gia đình, giáo dục trong và ngoài
nhà trường, giáo dục trong lao động, bằng lao động, giáo dục trong tập thể, bằng tập
thể v.v... Mỗi con đường giáo dục có hiệu quả không như nhau đối với trẻ em, học
sinh ở các lứa tuổi khác nhau.
Đối với trẻ em trước tuổi học (vườn trẻ, mẫu giáo) con đường giáo dục gia đình
có ảnh hưởng quyết định đến sự hình thành xu hướng và tính cách của trẻ. Những
phẩm chất đạo đức của nhân cách trẻ được hình thành thông qua giao tiếp giữa
những người thân cùng huyết thống với nội dung hướng vào việc giáo dục trẻ nói lời

112
hay (lễ phép), làm việc tốt (chăm chỉ), ứng xử đẹp (hiếu thảo) và hình thành ở trẻ
những thói quen tốt trong sinh hoạt gia đình (gọn gàng, ngăn nắp, giờ nào việc ấy...)
Đối với học sinh, nhất là học sinh Trung học cơ sở, con đường giáo dục nhà
trường sẽ kém hiệu quả nếu chỉ giới hạn trong những giờ dạy môn Đạo đức (công
dân giáo dục) trên lớp. Ở lứa tuổi thiếu niên trẻ có nhu cầu giao tiếp mạnh mẽ. Có
khát vọng chiếm được uy tín và sự thừa nhận của bạn bè, muốn tìm cho mình “chỗ
đứng” trong tập thể bạn cùng học. Nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lớp nên và cần
phải tận dụng tập thể học sinh như là một công cụ giáo dục đặc biệt. Nội dung giáo
dục đạo đức của nhà trường phải trở thành yêu cầu của tập thể, trở thành dư luận
chung trong tập thể. Để tự khẳng định vị trí của mình trong tập thể thiếu niên cố gắng
đáp ứng những yêu cầu của tập thể, tự điều chỉnh thái độ và hành vi đạo đức theo dư
luận chung của tập thể. Như vậy, con đường giáo dục nhà trường phải thông qua giao
tiếp của trẻ trong tập thể mới phát huy được hiệu quả.
2.2.3. Con đường giáo dục bằng tập thể, trong tập thể và phát triển nhân cách
Tuy nhiên, ảnh hưởng của tập thể đối với từng thành viên không như nhau tùy
thuộc vào vị trí của mỗi học sinh trong tập thể. Muốn ảnh hưởng của tập thể vào từng
em, phải tạo cho trẻ có một vị trí nhất định trong hệ thống những quan hệ liên nhân
cách. Những chuẩn mực xã hội, những giá trị đạo đức... một khi trở thành dư luận
chung của tập thể, thành chuẩn đánh giá và tự đánh giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp và
mạnh mẽ nhất đến sự hình thành những phẩm chất đạo đức của nhân cách học sinh.
Kết quả thực nghiệm giáo dục đã chứng tỏ các biện pháp tác động thử nghiệm:
Tổ chức tập thể học sinh theo mô hình tự quản, thực hiện nguyên tắc luân phiên chỉ
huy; thu hút học sinh vào những hoạt động chung, hoạt động tập thể; điều chỉnh thái
độ và hành vi đạo đức thông qua dư luận chung của tập thể... đã có ảnh hưởng mạnh
mẽ và trực tiếp đến sự hình thành ở thiếu niên học sinh không chỉ một số phẩm chất
nhân cách riêng lẻ (ý thức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, ý thức tương trợ v.v...) mà
đã ảnh hưởng một cách tổng hợp, tạo nên những biến đổi cơ bản trong cấu trúc nhân
cách của các em (hình thành khả năng tự nhận thức, tự đánh giá, tự ý thức v.v...)
2.2.4. Con đường tự giáo dục và phát triển nhân cách
Đối với người trưởng thành, những định hướng giá trị được thể hiện trong nhu
cầu, hứng thú, lý tưởng, niềm tin v.v... tạo nên hệ thống thứ bậc những động cơ
tương đối bền vững, không chỉ thúc đẩy những hành vi, hoạt động riêng lẻ, mà còn
113
có sức mạnh tự điều khiển, tự điều chỉnh sự phát triển nhân cách của bản thân. Khi
đó tác động của tự giáo dục giữ vị trí chủ đạo, cá nhân có thể tự ý thức, tự đánh giá,
tự rèn luyện, tự hoàn thiện nhân cách theo những chuẩn mực xã hội và tháng giá trị
xã hội. Sức mạnh của tự giáo dục có thể biến đổi nhân cách theo hướng tốt lên. Và
ngược lại, sự tự điều khiển, tự điều chỉnh cũng có thể làm cho nhân cách suy thoái
tuỳ thuộc vào bản lĩnh của mỗi người có vững vàng hay không trước những khó
khăn, thử thách của cuộc đời; trước những cám dỗ, những tác động không lành mạnh
của nền kinh tế thị trường.
Nhân cách trưởng thành không có nghĩa là “nhất thành bất biến”, tuy rằng ở
tuổi trưởng thành cấu trúc nhân cách đã tương đối ổn định, rất khó thay đổi tính cách,
nếp sống, thói quen... nhất là khi về già. Song, trong thực tế không ít trường hợp
người trưởng thành với bề dày kinh nghiệm sống vấn có thể sa ngã. Nhân cách con
người hoàn thiện nhiều hay ít (“nhân vô thập toàn”) là tuỳ thuộc vào yếu tố tự giáo
dục trên cơ sở tự nhận thức, tự đánh giá một cách khách quan.
2.3. Sự hình thành và phát triển kỹ năng sống với tư cách là một mặt quan
trọng của nhân cách con người hiện đại
Xã hội hiện đại với sự thay đổi toàn diện về kinh tế, văn hoá, xã hội và lối sống
với tốc độ nhanh đã làm nảy sinh những vấn đề mà trước đây con người chưa gặp,
chưa trải nghiệm, chưa phải ứng phó, chưa phải đương đầu. Hoặc có những vấn đề
đã xuất hiện trước đây, nhưng nó chưa phức tạp, khó khăn và đầy thách thức như
trong xã hội hiện đại, nên con người dễ hành động theo cảm tính và không tránh khỏi
rủi ro. Chính vì vậy con người sống trong xã hội hiện đại cần phải có kỹ năng sống
để sống thành công và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Để phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống, chúng ta mong muốn
mỗi người có một cuộc sống tích cực, lành mạnh, hạnh phúc. Chính vì vậy, kỹ năng
sống đã trở thành một hợp phần quan trọng trong nhân cách con người sống trong xã
hội hiện đại.
3. Vấn đề xây dựng mô hình nhân cách con người Việt Nam
Từ những năm cuối của thế kỷ 20, có một số vấn đề nổi lên, thu hút sự quan
tâm đặc biệt của các nhà tâm lý học, giáo dục học, xã hội học không chỉ ở Việt Nam
mà ở nhiều nước trên thế giới là vấn đề mô hình nhân cách con người đáp ứng yêu
cầu xã hội khi loài người bước vào thế kỷ 21. Tất cả các nhà nghiên cứu đều đề cập
114
đến những thách thức mà con người và các quốc gia trên thế giới sẽ phải đối mặt
trong thế kỷ 21 để từ đó khẳng định cho tính đúng đắn của mô hình nhân cách mà
mình đưa ra. Đó là: Sự cạnh tranh toàn cầu, là ảnh hưởng của công nghệ thông tin, là
sự thay đổi và định nghĩa lại thế giới nghề nghiệp do sự chuyển từ sản xuất sản phẩm
sang cung cấp dịch vụ, rồi sự thay đổi quy mô của các công ty,… Ở Mỹ, một số nhà
tâm lý học, thuộc lĩnh vực tâm lý học tổ chức lao động công nghiệp đã nghiên cứu đề
xuất mô hình nhân cách người lao động Mỹ đáp ứng yêu cầu xã hội của thế kỷ 21.
Trong tình hình cạnh tranh với các nước trên thế giới như Hàn Quốc, Hồng Kông,
Singapore,… đòi hỏi người lao động Mỹ phải được đào tạo và phát triển nghề nghiệp
tốt dựa trên cơ sở phát triển tốt của các tổ chức. Một vài phẩm chất quan trọng của
người lao động Mỹ được nhấn mạnh là: Có các kỹ năng lao động phát triển cao; có
tính độc đáo, sáng tạo; có khả năng thích ứng cao; có khả năng làm việc theo nhóm;
có thái độ tích cực đối với lao động.
Một số các nhà tâm lý học lao động Nga, khi đề cập đến các chiến lược tâm lý -
giáo dục chủ yếu của việc đào tạo nghề cũng đưa ra chiến lược phát triển nhân cách
nghề nghiệp, trong đó có nhấn mạnh rằng hạt nhân đạo đức là cơ sở của nhân cách
nghề nghiệp và được hình thành trong quá trình giáo dục có định hướng. Các nhà
nghiên cứu (A.K.Marcôva,…) có đưa ra một loạt yêu cầu về các phẩm chất cần có
của một người lao động trong giai đoạn phát triển hiện nay, như: Là người phát triển
hài hoà; Có những mối quan tâm hứng thú vượt ra khỏi phạm vi nghề nghiệp; Là
người sáng tạo, sáng kiến; Là người hoài nghi; Là người luôn hướng tới sự tự hoàn
thiện bản thân với tư cách là người lao động; Là người luôn biết rõ vị trí của mình;
Là người có khả năng làm việc theo nhóm.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, đào tạo nghề không phải chỉ là cung cấp kiến
thức, kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp, hình thành những phẩm chất nhân cách nghề
nghiệp. Mà quan trọng hơn là phải làm thế nào để trên cơ sở những cái đó hình thành
được ở con người tính sáng tạo, sự tự thể hiện mình và lòng mong muốn tự hoàn
thiện bản thân.
Trong những năm gần đây, một số nhà nghiên cứu của châu Á, trong đó có
Trung Quốc cũng rất quan tâm vấn đề này. Chẳng hạn, theo Ihang Lyhai Hunkai, mô
hình nhân cách lý tưởng của thời đại kinh tế tri thức gồm có những đặc trưng sau
đây: Khám phá, coi trọng thực tế, phê phán, đổi mới, không ngừng tiến thủ (tố chất
115
nhân cách có tinh thần khoa học); Tôn trọng giới tự nhiên và quy luật sinh thái, yêu
quý môi trường (giá trị phát triển hài hoà giữa con người và tự nhiên); Đoàn kết, hợp
tác, quan tâm, yêu mến người khác (thực hiện sự phát triển hài hoà giữa con người và
xã hội, thúc đẩy sự vận động lành mạnh của xã hội); Không ngừng vươn lên, tự hoàn
thiện mình.
Để đáp ứng hiện đại hoá, các nhà nghiên cứu đã đưa ra 12 đặc trưng cơ bản của
con người hiện đại và có thể quy chúng vào 4 nhóm phẩm chất là: Mưu cầu biến đổi;
Trọng tri thức; Tự tin; Cởi mở
Trong số 12 phẩm chất đưa ra, có những phẩm chất cụ thể như: Sẵn sàng tiếp
thu những kinh nghiệm mới, những tư tưởng mới và những phương thức hành vi
mới; Sẵn sàng tiếp thu những cải cách và biến đổi; Có thái độ tôn trọng những cách
suy nghĩ, những cách nhìn nhận khác nhau trong mọi mặt; Tôn trọng tri thức, dốc hết
khả năng thu nhận tri thức; Chú trọng đến hiện tại và tương lai, đúng giờ, quý thời
gian; Có kế hoạch; Hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng, tự trọng, …
Hiện nay đất nước ta đang đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa
đất nước. Sự nghiệp hiện đại hoá đất nước chỉ có thể thành công khi nó được những
con người hiện đại hoá thực hiện. Điều này đặt ra một nhiệm vụ quan trọng, cần phải
hình thành nhân cách con người mới, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Để đáp ứng yêu
cầu phát triển đất nước, cần phải có nguồn nhân lực phát triển ở trình độ cao, luôn
luôn đổi mới và có phong cách sống mới.
Vì thế, một loạt nghiên cứu đã được tiến hành nhằm đề xuất những mô hình
nhân cách của con người Việt Nam cần được giáo dục, hình thành và phát triển trong
giai đoạn mới.
Chẳng hạn, các nhà nghiên cứu chương trình “Con người Việt Nam - mục tiêu
và động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội đã đưa ra những định hướng cơ bản về
nhân cách con người Việt Nam như sau: Con người có niềm tin vững chắc và quyết
tâm cao thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước bằng ý chí và tài năng trí
tuệ, bằng khoa học và công nghệ; Con người đậm đà bản sắc dân tộc, có tinh thần
yêu nước, yêu độc lập, tự do, có lòng tự hào dân tộc, có tinh thần tự lực tự cường, có
tinh thần hoà hợp, hoà bình, hữu nghị; Con người có bản chất nhân văn, nhân đạo,
nhân ái trong quan hệ người - người; Có ý thức cộng đồng; có ý thức trách nhiệm
trước đất nước gia đình, bản thân; Coi trọng chữ tín, có tinh thần làm chủ; Con người
116
khoa học: Phát triển cao về trí tuệ, ham khoa học, tiếp thu tinh hoa nhân loại; Có ý
thức nghiên cứu, khai thác các di sản văn hoá dân tộc; Có tư duy tổng hợp, linh hoạt,
sáng tạo; Con người công nghệ: Được đào tạo, có tay nghề cao, năng động, tự chủ,
làm việc có tính đến hiệu quả, có đầu óc quản lý kinh doanh; Có ý thức tiết kiệm,
làm giàu chính đáng cho bản thân, cho gia đình, cho đất nước; Có tác phong công
nghiệp; Có khả năng thích ứng cao; Con người có thể lực cường tráng; Có kiến thức,
kỹ năng rèn luyện thân thể; Biết tổ chức cuộc sống có văn hoá; Con người công dân:
Có ý thức về quyền lợi và nghĩa vụ công dân, hiểu biết và sống, làm việc theo Pháp
luật; Có ý thức bảo vệ môi trường; Con người có cá tính và bản sắc riêng, hoài bão,
tự chủ, năng động; Có tinh thần tôn trọng, hợp tác với người khác,…
Tương tự, khi đề cập đến con người Việt Nam thế kỷ 21, ngay từ năm 1999,
một số nhà khoa học đã nhấn mạnh đến những phẩm chất sau đây: Yêu nước; Đạo
đức; Tinh thần khoa học; Độc lập suy nghĩ; Ý thức kỷ luật; Con người hạnh phúc, tự
do; Khả năng thuyết phục; Tài năng đích thực.
Trên cơ sở phân tích, bổ sung, khái quát các nghiên cứu ở trong và ngoài nước,
nhóm tác giả nghiên cứu đề tài “Mô hình nhân cách con người Việt Nam trong thời
kỳ Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã đề xuất một mô hình nhân cách phát
triển toàn diện gồm các phẩm chất sau: Có lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã
hội. Đạo đức trong sáng. Giữ gìn phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc, có nghị
lực tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại; Có ý chí kiên cường, hoài bão lớn lao, phát
huy tiềm năng của dân tộc và tính tích cực của cá nhân; Có tư duy sáng tạo và óc
thực nghiệm, có kỹ năng thực hành giỏi, tay nghề cao, tác phong công nghiệp, tinh
thần tổ chức kỷ luật cao, tinh thần trách nhiệm cao; Có lòng nhân ái, tôn trọng và hợp
tác được với người khác; có sức khoẻ, có khả năng tự hoàn thiện không ngừng, năng
động và thích ứng; Có tinh thần pháp luật và ý thức công dân, ý thức bảo vệ môi
sinh, biết yêu cái đẹp.
Một số tác giả khác lại phác thảo mô hình nhân cách con người Việt Nam gồm
5 thành phần cơ bản là: Con người nhân văn và xã hội; Con người công nghệ; con
người thích nghi cao; Con người thiên nhiên (có sức khoẻ, có thể lực); Con người
sáng tạo.
Qua những ví dụ nên ra trên đây, có thể nói, trong những điều kiện kinh tế xã
hội khác nhau, có sự khác nhau về trọng tâm và mức độ, nhưng các mặt cơ bản tạo
117
nên mô hình nhân cách con người phát triển toàn diện của các quốc gia hiện nay là
tương tự như nhau và tập trung vào các mặt: Trí tuệ, cảm xúc, tinh thần, thể chất, hay
nói một các khác, là tổng hợp của tâm lực, trí lực, thể lực.
Trong một nghiên cứu độc lập do Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện “Nghiên
cứu xác lập cơ sở khoa học cho quy trình phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng
nhân tài phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” có một nhánh mang tên
“Cơ sở khoa học và xây dựng các tiêu chí phát hiện, tuyển chọn nhân tài khoa học -
công nghệ, lãnh đạo - quản lý và kinh doanh” của tác giả Nguyễn Huy Tú, trên cơ sở
phân tích các lý thuyết khác nhau trong tâm lý học về tài năng, nhân tài, một mô hình
nhân cách nhân tài đã được đề xuất. Đó là một cấu trúc gồm 6 thành tố có quan hệ
hữu cơ và có thứ bậc chặt chẽ với nhau: Thái độ tích cực đối với sự tiến bộ xã hội;
mục đích sống riêng vững bền, cao cả, trong sáng; động cơ và hứng thú mạnh mẽ; trí
tuệ cao (tư duy sáng tạo, trí tuệ xã hội, trí tuệ cảm xúc); tri thức rộng và kỹ năng
thành thạo; các phẩm chất quá trình bền vững.
Mô hình chung này được đưa vào áp dụng trong từng lĩnh vực hoạt động cụ thể
từ đó đề xuất mô hình nhân tài của lĩnh vực tương ứng. Chẳng hạn, mô hình nhân tài
khoa học - công nghệ bao gồm các phẩm chất sau: Có thế giới quan duy vật biện
chứng và duy vật lịch sử; am hiểu triết học, đặc biệt triết học Mác-Lênin, kinh tế,
chính trị học Mác-Lênin; có thái độ đồng thuận, tán thành, ủng hộ tuyệt đối công
cuộc đổi mới kinh tế, xã hội ở Việt Nam hiện nay; có mục đích sống riêng kiểu
“Sống để làm việc” chứ không phải “Sống để hưởng thụ”; có vốn tri thức khoa học
rộng và vốn tri thức sâu rộng trong ngành khoa học - công nghệ yêu thích. Am hiểu
lịch sử và hiện trạng công nghệ - sản xuất trên thế giới, khu vực và Việt Nam; say mê
khoa học và công nghệ, dùng hầu hết thời gian cho khoa học - công nghệ yêu thích.
Biết tổ chức lao động một cách khoa học; năng lực nhận thức, trí thông minh IQ trên
trung bình; năng lực sáng tạo CQ trên trung bình; năng lực toán học và logic học trên
trung bình; có trí tuệ xã hội SQ trên trung bình; một số phẩm chất nhân cách đặc biệt
thuận lợi cho nhận thức tri thức và sáng tạo công nghệ (năng lực tập trung, tính kiên
định mục đích, cởi mở thông thoáng, hài hước, quảng giao, sẵn sàng đương đầu với
thử thách, rủi ro…).

118
Việc đề xuất xây dựng các mô hình lý thuyết như thế này có ý nghĩa quan trọng
trong việc nhận dạng, tuyển chọn đào tạo và đánh giá kết quả đào tạo nguồn nhân lực
chất lượng cao cho đất nước, định hướng rèn luyện cho thanh niên, sinh viên..
PHẦN TÓM TẮT
- Nhân cách là phạm trù nền tảng, lĩnh vực phức tạp và đa diện của Tâm lý học.
Để hiểu nhân cách cần phân biệt với một số khái niệm có liên quan: con người, cá
nhân, cá tính, chủ thể.
- Nhân cách là sản phẩm muộn trong quá trình phát triển cá thể, khi con người
sống hoạt động, giao tiếp trong xã hội loài người, đạt đến mức trưởng thành và có ý
thức với tư cách là chủ thể của hoạt động.
- Nhân cách là tổ hợp những thuộc tính tâm lý của cá nhân, thể hiện bản sắc và
giá trị xã hội của con người.
- Nhân cách có bốn đặc điểm: Tính ổn định bền vững, khó hình thành, khó thay
đổi), tính thống nhất (sự kết hợp thành một tổng thể, các thành phần và đặc điểm có
mối liên hệ và tương tác lẫn nhau), tính tích cực (mỗi nhân cách đóng góp cho người
khác, cho xã hội và bản thân), tính giao lưu (nhân cách gắn bó, nảy sinh và thể hiện
trong giao lưu).
- Cấu trúc nhân cách bao gồm những thành phần được sắp xếp theo những cách
nhất định và có mối quan hệ với nhau. Có nhiều quan điểm về cấu trúc nhân cách.
Những kiểu cấu trúc thường được sử dụng và có ý nghĩa với trong giáo dục và đào
tạo là: cấu trúc nhân cách gồm hai mặt đức và tài, cấu trúc nhân cách gồm 4 thành
phần: Xu hướng của nhân cách, khả năng của nhân cách, phong cách hành vi của
nhân cách và “cái tôi” - hệ thống điều khiển của nhân cách.
- Những thuộc tính điển hình của nhân cách:
+ Xu hướng: hệ thống thúc đẩy, quy định chiều hướng của nhân cách. Các mặt
biểu hiện của xu hướng như: nhu cầu, hứng thú, lý tưởng, thế giới quan và niềm tin.
+ Tính cách là những phương thức hành vi ổn định nói lên thái độ của con
người với hiện thực và bản thân. Tính cách là sự kết hợp của tính ổn định và tính linh
hoạt, tính độc đáo và tính điển hình. Cấu trúc tính cách gồm hệ thống thái độ (với tự
nhiên, với xã hội, với người khác, với công việc với bản thân...) và hệ thống hành vi.
Hai mặt trong cấu trúc tính cách có mối quan hệ thống nhất và tác động qua lại.

119
+ Khí chất là những thuộc tính nhân cách thể hiện sắc thái hoạt động tâm lý ở
một cường độ, tốc độ, nhịp độ. Các kiểu hoạt động thần kinh cấp cao là cơ sở sinh lý
của khí chất, chúng in dấu ấn khá lớn lên các biểu hiện khí chất của con người, tuy
nhiên khí chất không phải là bẩm sinh, khí chất chịu ảnh hưởng lớn của giáo dục và
tự rèn luyện. Có bốn kiểu khí chất điển hình: Khí chất linh hoạt, khí chất nóng nảy,
khí chất bình thản và khí chất ưu tư. Mỗi kiểu khí chất đều có ưu điểm và nhược
điểm. Giáo dục khí chất không phải là việc thay đổi từ kiểu khí chất này sang kiểu
khí chất khác, mà hướng vào việc phát huy những ưu điểm, hạn chế những nhược
điểm của từng kiểu khí chất.
+ Năng lực là những thuộc tính nhân cách nói lên hiệu quả hoạt động của con
người trong một lĩnh vực hoạt động nhất định. Người ta thường phân loại năng lực
chung và năng lực chuyên môn. Con người khác nhau ở các loại năng lực và mức độ
của năng lực. Người ta thường phân chia các mức độ năng lực như sau: năng lực
(mức hoàn thành có kết quả), tài năng (hoàn thành xuất sắc, sáng tạo), thiên tài (mức
hoàn thành kiệt xuất, có một không hai, tạo ra bước phát triển mới trong một lĩnh
vực). Năng lực phát triển dựa trên tư chất của cá nhân (các thuộc tính sinh lý thần
kinh và chức năng của chúng), tuy nhiên tư chất không quyết định năng lực. Năng
khiếu là dấu hiệu sớm về một năng lực nào đó khi con người chưa được đào tạo và
giáo dục. Năng khiếu là mầm mống và không quyết định năng lực.
- Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách, mỗi yếu
tố giữ vai trò khác nhau: Yếu tố tự nhiên là tiền đề vật chất, yếu tố môi trường đóng
vai trò quan trọng, là nguồn gốc, nội dung của nhân cách, giáo dục giữ vai trò chủ
đạo, hoạt động và giao tiếp giữ vai trò quyết định trực tiếp sự hình thành và phát
triển nhân cách.
C. LUYỆN TẬP
1. Câu hỏi củng cố
Câu 1: Nhân cách là gì? Phân tích các đặc điểm của nhân cách.
Câu 2: Thế nào là năng lực? Phân tích các mức độ năng lực cá nhân.
Câu 3: Phân tích mối quan hệ giữa năng lực với tư chất, giữa năng lực với thiên
hướng và năng lực với tri thức kỹ năng, kỹ xảo.
Câu 4: Phân tích vai trò của giáo dục đối với sự hình thành và phát triển nhân
cách.
120
Câu 5: Phân tích vai trò của hoạt động cá nhân đối với sự hình thành và phát
triển nhân cách.
Câu 6: Tại sao nói hoạt động và giao tiếp cá nhân có vai trò quyết định trực tiếp
đến sự hình thành và phát triển nhân cách cá nhân?
Câu 7: Thế nào là các chuẩn mực hành vi và các mức độ sai lệch hành vi? Làm
thế nào để khắc phục các sai lệch hành vi?
2. Câu hỏi trắc nghiệm
Câu 1: Đâu là phát biểu đúng về nhân cách?
a. Tổ hợp những đặc điểm, những thuộc tính tâm lý của cá nhân, biểu hiện bản sắc và
giá trị xã hội của con người.
b. Một cá nhân có ý thức đang thực hiện một vai trò xã hội nhất định.
c. Một con người, với đầy đủ các thuộc tính tâm lý do các mối quan hệ xã hội quy
định (gia đình, họ hàng, làng xóm...).
d. Một con người với những thuộc tính tâm lý tạo nên hoạt động và hành vi có ý
nghĩa xã hội của cá nhân.
Câu 2: Yếu tố có vai trò quyết định trực tiếp đối với sự hình thành, phát triển
nhân cách là gì?
a. Giáo dục. b. Hoạt động của cá nhân.
c. Tác động của môi trường sống. d. Sự gương mẫu của người lớn.
Câu 3: Nguồn gốc tính tích cực của nhân cách là gì?
a. Hệ thống các động cơ và thái độ được hình thành trên cơ sở của các mối quan hệ
xã hội và điều kiện giáo dục.
b. Ý hướng vô thức đã có sẵn đối với sự khoái cảm, quyết định mọi hoạt động sáng tạo
của con người.
c. Những tác động văn hoá xã hội hình thành ở con người một cách tự phát, giúp con
người có khả năng thích ứng trước những đòi hỏi của cuộc sống xã hội.
d. Hoạt động của cá nhân trong điều kiện môi trường thay đổi.
Câu 4: Có thể căn cứ vào cách thức nào khi phân loại nhân cách?
a. Phân loại nhân cách theo định hướng giá trị.
b. Phân loại nhân cách qua giao tiếp.
c. Phân loại nhân cách qua sự bộc lộ bản thân trong hoạt động và giao tiếp.
d. Cả a, b và c.
121
Câu 5: Yếu tố nào dưới đây không phải là đặc điểm của nhu cầu?
a. Nhu cầu bao giờ cũng có đối tượng.
b. Nội dung của nhu cầu do những điều kiện và phương tiện thỏa mãn nó quy định.
c. Nhu cầu bao giờ cũng gắn liền với sự tồn tại của cơ thể.
d. Nhu cầu của con người mang bản chất xã hội.
Câu 6: Tập thể tác động của đến nhân cách thông qua phương thức nào?
a. Hoạt động cùng nhau.
b. Dư luận tập thể.
c. Truyền thống tập thể và bầu không khí tập thể.
d. Cả a, b và c.
Câu 7: Sự sai lệch hành vi trong sự phát triển nhân cách là do nguyên nhân nào?
a. Cá nhân nhận thức sai hoặc không đầy đủ, hoặc do sự biến dạng của các chuẩn
mực xã hội.
b. Quan điểm riêng của cá nhân khác với chuẩn mực chung.
c. Cá nhân cố tình vi phạm các chuẩn mực.
d. Cả a, b và c.
Câu 8: Luận điểm điểm nào dưới đây không phản ánh đúng vai trò quyết định
trực tiếp của hoạt động cá nhân đối với sự hình thành và phát triển nhân cách?
a. Thông qua hoạt động, con người tiếp thu nền văn hoá xã hội và biến chúng thành
năng lực của riêng mình, đồng thời cũng thông qua hoạt động con người bộc lộ ra
ngoài những năng lực đó.
b. Hoạt động của con người là hoạt động có mục đích, mang tính xã hội, tính cộng
đồng và được thực hiện bằng những công cụ do con người sáng tạo ra.
c. Hoạt động của con người thường được diễn ra dưới nhiều hình thức phong phú,
sinh động và biến đổi vai trò của mình trong mỗi thời kỳ phát triển nhân cách cá
nhân.
d. Sự hình thành và phát triển nhân cách mỗi người phụ thuộc vào hoạt động chủ đạo
của một giai đoạn phát triển.
Câu 9: Trong các đặc điểm sau đây của nhân cách, đặc điểm nào thể hiện thuộc
tính của khí chất?
a. Hồng là cô gái yêu đời, sôi nổi, tốt bụng nhưng rất dễ quên lời hứa với người khác.
b. Mai hứng thú với nhiều thứ nhưng hứng thú của Mai thường không ổn định, chóng
122
nguội đi.
c. Mơ ước của Lan là sẽ trở thành cô giáo, nên em rất chịu khó sưu tập những câu
chuyện về nghề Giáo viên.
d. Nam hoạt động tích cực trong tập thể, nhất là những hoạt động công ích.
Câu 10: Luận điểm nào dưới đây không phản ánh đúng vai trò chủ đạo của giáo
dục đối với sự hình thành và phát triển nhân cách?
a. Giáo dục quyết định chiều hướng, con đường hình thành và phát triển nhân cách.
b. Thông qua giáo dục, thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau các kinh nghiệm xã hội
mà các thế hệ trước đã tích lũy được.
c. Giáo dục vạch ra phương hướng và con đường cho sự phát triển nhân cách.
d. Giáo dục có thể phát huy tối đa các tiềm năng của cá nhân và các yếu tố khách
quan trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách.
3. Bài tập tình huống
Bài tập 1: Ba năm học đại học, vốn dĩ T không phải là sinh viên năng động,
dạn dĩ mà trái lại T là sinh viên ít tham gia các hoạt động, thuộc tuýp người nhút
nhát, hay sợ sệt,… Giờ đã là sinh viên năm thứ 4, chỉ còn vài tháng nữa là ra trường,
T bắt đầu nhận ra sự thiếu hụt của bản thân. Vì thế, bạn ấy bắt đầu tích cực tham gia
hầu hết các hoạt động, giao tiếp với nhiều người, đi ra ngoài vui chơi nhiều hơn, …
với mục đích nhằm khắc phục những nhược điểm của bản thân.
Anh/chị nghĩ thế nào về hành động của T?
Bài tập 2: Một chị có 2 đứa con sinh đôi giống nhau như đúc. Chị thắc mắc
“Lúc nhỏ 2 đứa nó như 1, ví dụ mua cho thằng em cái gì thì cũng phải mua cho thằng
anh cái đó. Hoặc anh ngủ thì em cũng ngủ. Anh khóc thì em cũng khóc. Em đòi cái
gì thì anh cũng đòi giống y như thế… Vậy mà… giờ lớn lên, tự nhiên 2 đứa 2 tính
nết khác nhau mà mình không hiểu tại sao?”.

Nếu anh/chị nghe được thắc mắc này thì anh/chị lý giải thế nào?

Bài tập 3: Có nhận định cho rằng: Nhân viên ngân hàng phải hội đủ các yếu tố:
Bản lĩnh, tri thức, cầu tiến, năng động, hoạt ngôn,“dám nghĩ dám làm”, cao thượng,
nhạy cảm, và nhiều nhiều yếu tố khác nữa.

Theo anh/chị điều này có đúng không? Hãy phác họa chân dung 1 nhân viên
ngân hàng trong thời kỳ toàn cầu hóa.

123
D. Tài liệu cần đọc thêm
1. Phạm Minh Hạc & Lê Đức Phúc. (2004). Một số vấn đề nghiên cứu nhân
cách. NXB Chính trị quốc gia.
2. Hergenhahn B. R. (2003). Nhập môn lịch sử Tâm lý học. NXB Thống kê
(Bản tiếng Việt), Hà Nội.
3. Đặng Thành Hưng. (1991). Nhân cách của con người như chức năng tự thiết
kế bản thân mình (lược dịch). Tạp chí Khoa học Giáo dục, số 27/1991.
4. Nguyễn Công Khanh. (2003). Khái niệm nhân cách và những cách tiếp cận
nhân cách theo quan điểm phương Tây. Tạp chí Tâm lý học, số 5/2003.
5. Nguyễn Công Khanh. (2003). Vấn đề đo lường các nét nhân cách. Tạp chí
Tâm lý học, số 7/2003.
6. Leontiev A. N. (1989). Hoạt động – ý thức – Nhân cách. NXB Giáo dục, Hà
Nội.
7. Trần Trọng Thủy. (2000). Mô hình nhân cách con người Việt Nam trong thời
kỳ CNH – HĐH đất nước. Báo cáo đề tài khoa học công nghệ 04 – 04.
8. Trần Trọng Thuỷ. (1991). Vấn đề nhân cách trong Tâm lý học phương Tây.
Tạp chí Khoa học Giáo dục số 27 và 28/1991.

124
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phạm Minh Hạc & Lê Đức Phúc. (2004). Một số vấn đề nghiên cứu nhân cách.
NXB Chính trị quốc gia.
2. Hergenhahn B. R. (2003). Nhập môn lịch sử Tâm lý học. NXB Thống kê (Bản
tiếng Việt), Hà Nội.
3. Đặng Thành Hưng. (1991). Nhân cách của con người như chức năng tự thiết kế
bản thân mình (lược dịch). Tạp chí Khoa học Giáo dục, số 27/1991.
4. Nguyễn Công Khanh. (2003). Khái niệm nhân cách và những cách tiếp cận nhân
cách theo quan điểm phương Tây. Tạp chí Tâm lý học, số 5/2003.
5. Nguyễn Công Khanh. (2003). Vấn đề đo lường các nét nhân cách. Tạp chí Tâm lý
học, số 7/2003.
6. Leontiev A. N. (1989). Hoạt động – ý thức – Nhân cách. NXB Giáo dục, Hà Nội.
7. Phan Trọng Ngọ, Đinh Thị Tứ. (2010). Tâm lý học trẻ em. NXB Giáo dục, Hà
Nội.
8. Trần Trọng Thủy. (2000). Mô hình nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ
CNH – HĐH đất nước. Báo cáo đề tài khoa học công nghệ 04 – 04.
9. Trần Trọng Thuỷ. (1991). Vấn đề nhân cách trong Tâm lý học phương Tây. Tạp
chí Khoa học Giáo dục số 27 và 28/1991.
10. Trần Trọng Thủy, Nguyễn Quang Uẩn, Lê Ngọc Lan. (1998). Tâm lý học (Giáo
trình đào tạo giáo viên tiểu học hệ CĐSP và SP12+2). NXB Giáo dục, Hà Nội.
11. Trần Trọng Thủy. (2002). Bài tập thực hành Tâm lý học. NXB Đại học Quốc Gia
Hà Nội.
12. Trần Trọng Thủy. (2000). Tâm lý học đại cương. NXB Giáo dục, Hà Nội.
13. Nguyễn Xuân Thức. (2006). Tâm lý học đại cương. NXB Đại học Sư phạm, Hà
Nội.
14. Huỳnh Văn Sơn và Lê Thị Hân (chủ biên), Tâm lý học đại cương, Nhà xuất bản
Đại học Sư phạm TP. HCM.
15. Huỳnh Văn Sơn & Lê Thị Hân. (2012). Tâm lý học đại cương. NXB Đại học Sư
phạm thành phố Hồ Chí Minh.
16. Nguyễn Quang Uẩn. (1999). Tâm lý học đại cương. NXB Đại học Quốc gia Hà
Nội.

125
17. Nguyễn Quang Uẩn, Trần Hữu Luyến, Trần Quốc Thành. (1998). Tâm lý học đại
cương. NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.
18. Nguyễn Quang Uẩn, Nguyễn Văn Lũy, Đinh Văn Vang. (2007). Giáo trình Tâm
lý học đại cương. NXB Đại học Sư phạm.

126

You might also like