You are on page 1of 43

Chương 1

TÂM LÝ HỌC LÀ MỘT KHOA HỌC

Mục tiêu:
Học xong chương này, người học có thể:
1. Xác định được đối tượng và nhiệm vụ của tâm lý học.
2. Chỉ ra được ý nghĩa và vai trò của bộ môn tâm lý học trong hệ
thống các khoa học giáo dục.
3. Chỉ ra được sự khác biệt cơ bản giữa các trường phái trong tâm lý
học, từ đó khẳng định được cách tiếp cận đúng đắn của chủ nghĩa
duy vật biện chứng về sự phát triển tâm lý người.
4. Bước đầu sử dụng được các phương pháp nghiên cứu tâm lý điển
hình trong việc tìm hiểu và nghiên cứu một số hiện tượng tâm lý
chung của con người.
5. Biết cách điều chỉnh và tự điều chỉnh thái độ, suy nghĩ của mình
cho phù hợp với hiện thực khách quan.

Khoa học không tôn giáo thì què quặt,


tôn giáo không khoa học thì mù lòa.
Albert Einstein

1
I. ĐỐI TƯỢNG VÀ NHIỆM VỤ CỦA TÂM LÝ HỌC
1. Khái niệm Tâm lý học
Tâm lý học là một khoa học chuyên nghiên cứu các hiện tượng tâm lý
người, nghiên cứu quy luật của sự nảy sinh, hình thành và phát triển của các
hiện tượng tâm lý.
Tâm lý học nghiên cứu các hiện tượng tâm lý vừa gần gũi, cụ thể, gắn bó
với con người nhưng cũng nghiên cứu những hiện tượng tâm lý rất phức tạp và
trừu tượng của con người.
Tâm lý học là nơi hội tụ nhiều khoa học nghiên cứu về con người.
Tâm lý học là bộ môn khoa học cơ bản trong hệ thống các khoa học về con
người, đồng thời nó là bộ môn nghiệp vụ trong hệ thống các khoa học tham gia
vào việc đào tạo con người, hình thành nhân cách con người nói chung và nhân
cách nghề nghiệp nói riêng.
2. Đối tượng của tâm lý học
Tâm lý bao gồm tất cả hiện tượng tinh thần xảy ra trong đầu óc của con
người, gắn liền và điều hành mọi hoạt động, hành động của con người. Chính
các hiện tượng tinh thần này điều khiển mọi hoạt động và hành động của con
người giúp cho con người nhận thức và cải tạo hiện thực khách quan và phát
triển bản thân mình.
Tâm lí học nghiên cứu dạng vận động chuyển tiếp từ vận động sinh vật
sang vận động xã hội, nghiên cứu sự phản ánh thế giới khách quan vào não con
người (hiện tượng tâm lí – với tư cách một hiện tượng tinh thần). Hiện tượng
tâm lí được nảy sinh trên não bộ do thế giới khách quan tác động vào con người
và cuối cùng thể hiện ra bằng cử chỉ, hành vi, hoạt động của con người. Hiện
tượng tâm lí này khác với các hiện tượng sinh lí, vật lí v.v…
Như vậy, đối tượng của tâm lý học chính là các hiện tượng tâm lý với tư
cách là một hiện tượng tinh thần do hiện thực khách quan tác động vào não
người, hợp thành các hoạt động tâm lý. Vì thế tâm lý học nghiên cứu sự hình

2
thành, vận hành, các quy luật hoạt động tâm lý và sự phát triển của các hiện
tượng tâm lý.
3. Nhiệm vụ của tâm lý học
Tâm lý học thực hiện các nhiệm vụ cơ bản sau:
- Nghiên cứu bản chất của hoạt động tâm lý, các quy luật phát sinh và
phát triển tâm lý.
- Tìm ra cơ chế diễn biến và thể hiện của các hiện tượng tâm lý.
- Nghiên cứu các quy luật tác động qua lại giữa các hiện tượng tâm lý
với nhau.
- Nghiên cứu những yếu tố chủ quan và khách quan tác động đến sự
phát triển tâm lý con người.
Trên cơ sở các thành tựu nghiên cứu, tâm lí học đưa ra những giải pháp
hữu hiệu cho việc hình thành, phát triển tâm lí, sử dụng tâm lí để tác động tới
nhân tố con người hiệu quả nhất. Để thực hiện các nhiệm vụ nói trên, tâm lí học
phải liên kết, phối hợp chặt chẽ với nhiều khoa học khác.
4. Vị trí và ý nghĩa của tâm lý học
a. Vị trí của tâm lý học

Triết học TLH: tâm lý học


KHTN: khoa học tự nhiên
KHXH: khoa học xã hội

TLH

KHTN KHXH

3
Con người là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học, mỗi khoa
học nghiên cứu một mặt nào đó của con người, trong đó tâm lý học chiếm một
vị trí đặc biệt. Viện sĩ Kêđơrôv cho rằng tâm lý học nằm ở vị trí trung tâm của
ba hệ thống khoa học:
Triết học cung cấp cơ sở lý luận và phương pháp luận chỉ đạo những
nguyên tắc và phương hướng chung cho tâm lý học để giải quyết những vấn đề
cụ thể của mình. Ngược lại tâm lý học đóng góp nhiều thành tựu quan trọng
làm cho triết học trở nên phong phú và sâu sắc.
Tâm lý học có quan hệ chặt chẽ với khoa học tự nhiên. Giải phẫu sinh lý
người, hoạt động thần kinh cấp cao là cơ sở tự nhiên của các hiện tượng tâm lý.
Các thành tựu của sinh vật học, di truyền học, tiến hoá luận… góp phần làm
sáng tỏ cơ chế hình thành và phát triển tâm lý. Ngược lại, tâm lý học chỉ ra
rằng sự thay đổi tâm lý trong con người có thể dẫn đến sự biến đổi về mặt sinh
học của chính họ. Tâm lý học có quan hệ gắn bó hữu cơ với khoa học xã hội và
nhân văn. Khoa học xã hội và nhân văn cung cấp cho tâm lý học những nền
tảng khoa học của sự phát triển xã hội, kinh tế, chính trị, từ đó tâm lý học có
thể chỉ ra và dự báo đặc điểm phát triển tâm lý của từng nhóm người, cộng
đồng người. Ngược lại nhiều thành tựu của tâm lý học được ứng dụng vào các
lĩnh vực kinh tế, xã hội, pháp luật, y học, văn hoá nghệ thuật, giáo dục, kinh
doanh v.v… Tâm lý học còn là cơ sở cho khoa học giáo dục. Trên cơ sở những
thành tựu của tâm lý học và việc nghiên cứu các quy luật, cơ chế hình thành và
phát triển tâm lý con người mà giáo dục vận dụng vào xây dựng nội dung,
phương pháp dạy học và giáo dục. Ngược lại giáo dục học sẽ hiện thực hoá nội
dung tâm lý cần hình thành và phát triển ở con người.
b. Ý nghĩa của Tâm lý học
Ngay trong việc phân tích vị trí của tâm lý học, chúng ta cũng đã thấy vai
trò và ý ngĩa của tâm lý học đối với các ngành khoa học. Ngoài ra cũng cần
nhấn mạnh thêm ý nghĩa của tâm lý học đối với cuộc sống xã hội con người
như:

4
- Tâm lý học có ý nghĩa về mặt lý luận, góp phần tích cực vào việc đấu
tranh chống lại các quan điểm phản khoa học về tâm lý người và khẳng
định quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử về tâm lý người.
- Tâm lý học trực tiếp phục vụ cho cho sự nghiệp giáo dục. Việc hiểu
được các yếu tố tác động đến quá trình hình thành nhân cách, các quy
luật tâm lý… sẽ giúp cho việc xây dựng chương trình dạy học và phương
pháp dạy học phù hợp với sự phát triển của người học, từ đó góp phần
vào việc đào tạo các thế hệ công dân có ích cho dân tộc và cho nhân loại.
- Tâm lý học giúp giải thích một cách khoa học những hiện tượng tâm lý
xảy ra trong bản thân mình, ở người khác, trong cộng đồng, trong xã hội
và là cơ sở của việc tự rèn luyện, tự hoàn thiện nhân cách và xây dựng
tốt mối quan hệ giao lưu, quan hệ liên nhân cách, quan hệ xã hội. Ngoài
ra tâm lý học còn có ý nghĩa thực tiễn với nhiều lĩnh vực khoa học của
đời sống.

II. CÁC QUAN ĐIỂM CƠ BẢN TRONG TÂM LÝ HỌC


Cũng như các ngành khoa học khác, tâm lý học bắt nguồn từ triết học, và về
sau trải qua hàng ngàn năm tâm lý học mới chính thức trở thành một ngành
khoa học chuyên biệt.
Có thể nói, vào thời kỳ đầu, lịch sử tâm lý học gắn liền với lịch sử triết học,
bởi triết học quan tâm tới sự hình thành và phát triển của mọi vật trong vũ trụ,
mà hạt nhân của nó là tâm lý con người. Platon (428 - 318 B.C.) đại diện cho
dòng triết học duy tâm, cho rằng hiện tượng của cả tâm lý và vật lý đều bắt
nguồn từ ý niệm tuyệt đối hay còn gọi là "Eros" (Tâm), đó là niềm hứng khởi
vô tận từ triết học. Ngược lại, Democrate (460 - 320 B.C.) đại diện cho dòng
triết học duy vật, đi tìm cái căn nguyên của động lực đầu tiên từ trong thế giới
tự nhiên của vũ trụ vạn hữu như nước, lửa, khí... và cho rằng diễn biến của tâm
lý con người hoàn toàn tùy thuộc vào các quy luật về sự vận hành của thế giới
tự nhiên. Sau đó đến Aristote (384 - 322 B.C.), một môn đệ sáng giá nhất của

5
Platon đã cho ra đời một tác phẩm tâm lý học đầu tiên dưới nhan đề "Bàn về
linh hồn". Trong tác phẩm này, ông đã đề cập đến một vấn đề rất quan trọng về
tâm lý, đó là mối liên hệ mật thiết giữa tâm lý và vật lý, hay giữa tinh thần và
cơ thể với thế giới sự vật hiện tượng (100 Great Thinkers, J.E. Greene,
Washington Square Press, New York, 1967).
Đến nửa đầu thế kỷ XVII, Descartes (1596 - 1650) dùng khái niệm "phản
xạ" để cắt nghĩa và giải thích các hoạt động tâm lý giản đơn của con người
cũng như động vật. Sau đó, Locke (1632 - 1704) cho rằng mọi hiện tượng và
diễn biến tâm lý đều phát sinh từ kinh nghiệm tri giác thông qua các giác quan.
Cả Descartes và Locke đều thuộc nhóm tư tưởng nhị nguyên, cho rằng dòng
diễn biến của tâm lý tùy thuộc vào vừa thể xác, vừa tinh thần. Cùng với nhóm
tư tưởng này, dòng "Tâm lý học kinh nghiệm" (Psychological Empirica) ra đời
bởi các nhà tâm lý như: J. Locke (1632 - 1704), Didro (1713 - 1781), Honback
(1723 - 1789) v.v...
Ở thế kỷ thứ XVIII, lần đầu tiên trong lịch sử tâm lý học phương Tây xuất
hiện một cách chính thức ngành tâm lý học qua tác phẩm "Tâm lý học kinh
nghiệm" (1732) và "Tâm lý học lý trí" (Psychological Rationalist) (1734) của
C. Wolff (1679 - 1754), một nhà triết học Ánh sáng (Enlightenment) Đức. Tuy
nhiên, ở thời kỳ đầu này, tâm lý học chỉ là bộ môn của triết học, và được sử
dụng bởi phương pháp nội quan. Cho đến thế kỷ thứ XIX, phương pháp nghiên
cứu tâm lý nội quan dần dần chuyển sang thực nghiệm bởi sự ra đời của phòng
thí nghiệm đầu tiên của Wilhelm Wundt được thành lập tại Leipzig, năm 1879.
Năm 1889, đại hội lần thứ nhất về tâm lý học được tổ chức ở Pháp và từ đó tâm
lý học được phát triển thành một khoa học độc lập bao gồm nhiều trường phái
như: Tâm lý học hành vi (Psychologie du Comportement Behaviorism) của
Watson, Tâm hình học (Psychologie de la Forme) hay Tâm lý học Gestalt của
Kohler (1887 - 1967), Wertheimer (1880 -1943) và Kofka (1886 - 1947), Phân
tâm học (Psychanalyse) của Freud v.v... Và đến những năm 20 đầu thế kỷ XX,

6
xuất hiện Tâm lý học Mac-xit của Setchenov, K. Kornilov, L.S. Vygotsky,
Rubinstein v.v…
1. Wilhelm Wundt

Wundt (1832 – 1920)

a. Thân thế và sự nghiệp


Wilhelm Wundt (sinh ngày 16 tháng 8 năm 1832 và mất ngày 31 tháng 8
năm 1920) là một nhà tâm lý học và sinh lý học người Đức. Cùng với William
James, ông được coi là cha đẻ của ngành tâm lý học. Năm 1879, Wundt thành
lập phòng thí nghiệm chính thức đầu tiên cho nghiên cứu tâm lý học tại Đại học
Leipzig, đồng thời ông cũng cho ra đời tạp chí khoa học đầu tiên cho bộ môn
này vào năm 1881.
Wundt sinh ra trong gia đình trí thức, tuy sống trong bầu không khí trí
thức của hai bên gia đình nội ngoại nhưng ông luôn là một con người nhút nhát,
e dè và sợ các tình huống mới. Năm đầu tiên ở trung học ông không có bạn bè,
luôn mơ mộng, thường xuyên bị thầy cô đánh đập và phải ở lại lớp. Sau khi tốt
nghiệp trung học ban triết học ông ghi danh vào chương trình chuẩn bị y khoa
năm 1855. Năm 24 tuổi ông đến Berlin và quyết định theo đuổi sự nghiệp
nghiên cứu sinh lý học thực nghiệm thay vì tiếp tục ngành y. Sau một năm, ông
làm trợ tá phòng thí nghiệm. Sau đó ông đã giảng khóa đầu tiên về tâm lý học
như là một khoa học tự nhiên và viết cuốn sách đầu tay của ông "Những đóng
góp hướng tới một lý thuyết về cảm quan tri giác". Ông là người có công trong
việc tạo dấu mốc cho sự ra đời của khoa học tâm lý (1879).
b. Đối tượng nghiên cứu
Wundt quan tâm nghiên cứu cảm giác, tri giác và ý thức.

7
c. Phương pháp nghiên cứu
Thí nghiệm, thực nghiệm.
Nội quan (tức là tự quan sát, tự thể nghiệm trong chính mình).
d. Nội dung học thuyết
Toàn bộ tâm lý học của Wundt xuất phát từ quan niệm coi con người là
một thể thống nhất tâm vật lý.
2. Sigmund Freud và phân tâm học

Sigmund Freud (1856 – 1939)

a. Thân thế sự nghiệp của Freud


Ông sinh năm 1856 và mất năm 1939. Ông là bác sĩ thần kinh và tâm
thần người Áo, gốc Do Thái. Ông sinh ra ở Tiệp Khắc. Từ nhỏ ông đã tỏ ra rất
thông minh, có năng khiếu lạ lùng về ngôn ngữ. Ông bắt đầu học trung học
năm 9 tuổi và luôn đứng đầu lớp. Năm 17 tuổi ông tốt nghiệp trung học hạng
ưu. Năm 25 tuổi ông đỗ tiến sỹ y học, sau đó đi dạy và tham gia nhiều công
trình nghiên cứu về tủy, nơron và bệnh thần kinh. Từ năm 1897 ông được đề
nghị bổ nhiệm làm giáo sư đại học Viên. Ông là người sáng lập hội đồng phân
tâm học tại Viên năm 1908. Ông sáng lập ra hiệp hội phân tâm học quốc tế năm
1910 và lập nhà xuất bản phân tâm học năm 1918.
Các tác phẩm chính của ông: Dự án về một nền tâm lý học khoa học và
những nghiên cứu về bệnh Hysteria, Lý giải các giấc mơ, 3 tiểu luận về lý
thuyết tình dục, vật tổ và sự cấm kỵ.
b. Đối tượng nghiên cứu
Ông quan tâm nghiên cứu vô thức để biết một cách khách quan tâm lý
thực sự của con người. Ông quan niệm, tất cả các hiện tượng tâm thần con

8
người về bản chất là hiện tượng vô thức. Vô thức là phạm trù chủ yếu trong đời
sống tâm lý con người. Mọi hoạt động trong tâm trí đều bắt nguồn trong vô
thức và tùy theo tương quan của những lực lượng thôi thúc và ngăn cản được
biểu hiện ra theo những quy luật khác hẳn với ý thức. Trong các loại vô thức
thì đam mê tính dục có một vị trí đặc biệt quan trọng trong toàn bộ đời sống
tâm lý con người.
c. Phương pháp nghiên cứu
Phân tích tâm lý người bệnh để tìm cho được nguồn gốc gây bệnh ẩn dấu
sâu trong vô thức người bệnh. Cách thức mà ông tiến hành là thôi miên để giúp
người bệnh nhớ lại những điều đã trải qua. Việc giải tỏa tắc nghẽn trong tâm
thần người bệnh sẽ làm cho bệnh thuyên giảm hoặc mất đi.
d. Nội dung học thuyết
Ông xác định bộ máy tâm thần con người bao gồm:
Cái Nó
Cái nó bao gồm tất cả những cái gì con người có được từ khi mới sinh ra
tức là tất cả những cái gì được quy định về mặt cấu tạo. Cái nó chính là biểu
hiện của cái di truyền, có xu hướng thỏa mãn những nhu cầu bẩm sinh của cá
nhân. Cái nó và cái vô thức được ẩn dấu sâu bên trong bộ máy tâm thần. Những
xung lực phát ra từ cái nó chính là năng lượng Libido và sức thôi thúc của
Libido cắt nghĩa cho đa số hành vi con người. Cái nó chứa đựng bản năng như
đói, khát, tính dục và bản năng này được điều khiển bởi nguyên lý khoái lạc.
Cái tôi
Cái tôi là cái trung gian giữa cái nó và cái bên ngoài. Về mặt nguồn gốc,
cái tôi được xem là một phần của cái nó nhưng đã bị tách khỏi cái nó để tiếp
xúc với cái bên ngoài. Khi đó cái tôi chống lại cái nó bằng cách giành quyền
làm chủ những đòi hỏi xung lực và quyết định việc thỏa mãn hay chưa thỏa
mãn ngay những đòi hỏi của xung lực. Công việc của cái tôi là làm cho các ước
muốn của cái nó phù hợp với cái thực tại tương ứng trong môi trường vật lý.

9
Cái tôi bị chi phối bởi nguyên lý thực tại vì nó làm thỏa mãn một nhu cầu nào
đó một cách thực sự chứ không phải là tưởng tượng.
Cái siêu tôi
Cái siêu tôi là lực lượng đối lập với cái tôi, ngăn cản cái tôi trong quá
trình phát triển, kìm hãm sự thỏa mãn của cái tôi.
e. Đánh giá học thuyết
+ Ưu điểm:
Đóng góp to lớn của Phân tâm học là đưa ra giả thuyết về vô thức, tiềm
thức là những mặt quan trọng trong đời sống tâm lý con người.
Đưa ra một số cơ chế tâm lý như cơ chế tự vệ, dồn nén, các mặc cảm,
đồng nhất hóa, các giai đoạn phát triển nhân cách (gồm 4 giai đoạn: lỗ miệng,
hậu môn, âm vật và dương vật, cá nhân hướng đối tượng ra bên ngoài).
Tư tưởng khoa học đúng đắn: tâm lý học phải có một con đường riêng
của mình. Sự xuất hiện của phân tâm học một cách khách quan làm cho tâm lý
học phát triển. Phương pháp giải tỏa tâm lý đã được sử dụng khá rộng rãi, hiệu
quả trong các bệnh viện tâm thần.
+ Hạn chế:
Do quá nhấn mạnh đến mặt vô thức trong con người, phân tâm học đã
không thấy được mặt bản chất trong ý thức con người, không thấy được bản
chất xã hội - lịch sử của các hiện tượng tâm lý người.
Con người trong phân tâm học là con người cơ thể, con người sinh vật bị
phân ly ra nhiều mảng, con người với những mong muốn chủ yếu là thỏa mãn
các đam mê tính dục, đối lập với xã hội.
3. Jean Piaget và tâm lý học nhận thức

10
Jean Piaget (1869 – 1989)

a. Thân thế sự nghiệp của Piaget


Ông sinh năm 1869 Nasaten và mất năm 1989. Ông là con một nhà sử
học nổi tiếng. Ông là một thần đồng khoa học, mới 10 tuổi ông đã có công trình
nghiên cứu về chim sẻ trắng làm chấn động giới sinh học ở Tây Âu. Xuất thân
từ nhà sinh vật học, ông sớm nhận ra rằng các khoa học sinh vật có thể đóng
góp quan trọng vào nhận thức luận nhưng muốn đi từ sinh vật học tới nhận thức
luận phải qua tâm lý học.
b. Đối tượng nghiên cứu
Jean Piaget quan tâm nghiên cứu về trí tuệ, tư duy đặc biệt là tư duy của
trẻ trong lứa tuổi đi học.
c. Phương pháp nghiên cứu
Quan sát trẻ trong khi chơi.
Thực nghiệm và trắc nghiệm.
Lâm sàng tâm lý.
d. Nội dung học thuyết
Nét nổi bật trong học thuyết của ông là thuyết cân bằng hóa. Ông xem tư
duy logic, tư duy toán học có khả năng tạo ra sự cân bằng cao nhất. Cân bằng
tâm lý chính là sự bù trừ do các hoạt động của chủ thể trả lời các xâm nhập từ
ngoài vào. Khi cơ thể có một nhu cầu nào đó, con người rơi vào trạng thái mất
cân bằng. Nếu kéo dài tình trạng này sẽ dẫn đến căng thẳng, khó chịu. Muốn
làm cho trẻ phát triển nhận thức tư duy, suy nghĩ tích cực thì phải làm cho trẻ
mất cân bằng hay đó chính là việc tạo ra tình huống có vấn đề.

11
Các thao tác ở tất cả các trình độ đều nhằm thực hiện sự đồng hóa và
điều ứng. Đồng hóa là quá trình chủ thể tiếp nhận khách thể vào cấu trúc hoạt
động, tức là xử lý các tác động bên ngoài nhằm đạt một mục tiêu nào đó. Điều
ứng là quá trình chủ thể đem cấu trúc hoạt động đã được tạo ra trước đó thích
ứng theo khách thể. Đồng hóa và điều ứng tạo nên trí thông minh con người.
Theo Piaget có 4 giai đoạn phát triển trí tuệ đó là giai đoạn cảm giác vận
động, giai đoạn tiền thao tác tư duy, giai đoạn tư duy cụ thể, giai đoạn phát
triển tư duy trừu tượng.
e. Đánh giá học thuyết
+ Ưu điểm:
Nghiên cứu tâm lý con người, nhận thức con người trong mối quan hệ
với môi trường, với cơ thể, não bộ.
Phát hiện ra nhiều sự kiện có giá trị trong các vấn đề tri giác, trí nhớ, tư
duy, ngôn ngữ.
Xác định được nhiều phương pháp nghiên cứu cho tâm lý.
+ Hạn chế:
Coi nhận thức con người như là sự nỗ lực của ý chí để đưa đến sự thay
đổi vốn kinh nghiệm, vốn tri thức của chủ thể nhằm thích nghi, cân bằng với
thế giới.
Tư duy phát triển theo 4 giai đoạn. Tuy nhiên trong thực tế có một số trẻ
phát triển rất sớm hay rất chậm về tư duy.
4. John Watson và tâm lý học hành vi
a. Thân thế sự nghiệp

John Watson (1878 – 1958)

12
J. Watson sinh năm 1878 và mất năm 1958 tại miền Nam nước Mỹ. Tôn
giáo là đề tài chính trong tuổi thơ ấu của ông vì mẹ ông là một người rất sùng
đạo. Ngược lại, cha ông là người luôn say rượu. Sự xung khắc vợ chồng cuối
cùng đã khiến cha ông bỏ vợ con năm 1891. Watson rất gắn bó với cha nên sự
ra đi này đã biến ông thành một đứa trẻ quậy phá. Ông được bổ nhiệm làm giáo
sư khi khi ông chưa đầy 30 tuổi. Từ 1908, Watson theo đuổi thuyết hành vi và
say mê nghiên cứu nhiều phản ứng hành vi trên động vật, đặc biệt là ở chuột.
b. Đối tượng nghiên cứu
Ông đi sâu ngiên cứu hành vi của con người.
c. Phương pháp nghiên cứu
Quan sát thực nghiệm, thử nghiệm.
Hình thành phản xạ có điều kiện.
Báo cáo bằng lời.
d. Nội dung học thuyết
Tâm lý học hành vi tuyên bố không quan tâm đến việc mô tả giảng giải
các trạng thái tâm lý của ý thức mà chỉ quan tâm đến hành vi của tồn tại người.
Đối tượng của tâm lý học là hành vi. Hành vi được xem là tổ hợp các phản ứng
của cơ thể trước các kích thích của môi trường bên ngoài.
Theo ông có 4 loại hành vi: hành vi bên ngoài, hành vi bên trong, hành vi
tự động minh nhiên và hành vi tự động mặc nhiên. Theo ông mọi việc con
người làm kể cả suy nghĩ đều thuộc một trong bốn loại hành vi này.
Quan sát cũng như giảng giải hành vi đều phải tuân theo công thức S - R.
Trong đó S là kích thích, R là phản ứng. Kích thích có thể là một tình huống
tổng quát của môi trường hay một điều kiện bên trong nào đó của sinh vật.
Với công thức S - R, ông đã đặt cho thuyết hành vi mục đích cao cả là
điều khiển hành vi động vật và con người. Lấy nguyên tắc "thử - sai" làm
nguyên tắc khởi thủy điều khiển hành vi.
e. Đánh giá học thuyết
+ Ưu điểm:

13
Mở rộng đối tượng tâm lý học đó là hành vi và quan tâm nghiên cứu
hành vi, tâm lý học hành vi đã trở thành một khoa học khách quan và chuyển
sang tâm lý học duy vật.
+ Hạn chế:
Thay đổi mục tiêu chính của tâm lý học từ việc mô tả các trạng thái của ý
thức sang việc tiên đoán và kiểm soát hành vi.
Làm cho hành vi bên ngoài trở thành nội dung hầu như duy nhất của tâm
lý học. Gạt bỏ khái niệm ý thức ra khỏi tâm lý học .
Đồng nhất hành vi con người và hành vi động vật.
5. Wertheimer, Kofka, Kohler và Tâm lý học Gestalt
Tâm lý học Gestalt được khởi xướng do ba nhà tâm lý người Đức là
Wertheimer, Kofka, Kohler.

M. Kurt Kofka - một trong ba thành viên của tâm lý học Gestalt

a. Thân thế sự nghiệp của ba ông


+ Wertheimer (1880 - 1943) học trung học đến 18 tuổi rồi học đại học
luật, sau đó chuyển hướng quan tâm sang triết học. Ông đậu bằng tiến sỹ hạng
ưu năm 1904 về sự phát hiện nói dối. Sau đó ông giảng dạy tại các trường đại
học.
+ Kofka (1886 - 1941) đậu tiến sỹ ở đại học Berlin năm 1908. Năm 1924
ông sang Mỹ và giảng dạy tại đây cho đến khi qua đời.
+ Kohler (1887 - 1967) đậu tiến sỹ năm 1909 tại đại học Berlin. Từ 1910
- 1913 ông cộng tác với hai người trên trong việc nghiên cứu để cho ra đời
phong trào hình thức (Form). Từ 1921 ông công tác tại các trường đại học ở

14
Đức. Năm 1935 ông sang giảng dạy tại Mỹ cho đến lúc nghỉ hưu vào năm
1958.
b. Đối tượng nghiên cứu
Nghiên cứu tâm lý nói chung nhưng nhấn mạnh vào tri giác, tư duy,
những khác biệt hành vi trí tuệ giữa người và động vật.
c. Nội dung học thuyết
Hầu như các kiến thức chúng ta có được ngày nay về tri giác có được
nhờ trường phái tâm lý học Gestalt (Wertheimer, Kofka, and Kohler). Các nhà
tâm lý học Gestalt mà đặc biệt là Wertheimer đã khám phá ra các quy luật về tổ
chức tri giác. Phát biểu nổi tiếng của Gestalt về tri giác là “tổng thể khác xa với
tổng cộng các thành tố”.
c1. Tri giác hình - nền: Nếu nhìn ra ngoài cửa sổ, chúng ta có thể nhìn
thấy mọi người, thấy nhà cửa, xe cộ (đối tượng), và có thể thấy cây cỏ, trời
mây, chim chóc (bối cảnh). Ở bất kỳ chỗ nào, thời điểm nào, sự vật chúng ta
muốn tri giác luôn là hình ảnh trên một nền nào đó. Xe cộ trên nền một đường
phố sẽ dễ dàng tri giác hơn khi chúng chất đống trong một bãi đồng nát. Chim
trên nền trời sẽ dễ được tri giác hơn chim nằm trong bụi. Hình thường gần với
chúng ta hơn nền. Bình thường, chúng ta có thể tri giác ngay được đâu là hình,
đâu là nền. Chúng ta chỉ ý thức được quá trình này khi sự phân biệt giữa hình
và nền không rõ ràng hoặc tạo ra nhiều cách tri giác khác nhau. Trong trường
hợp này, tri giác của chúng ta thường không kiên định, dễ thay đổi.

15
Khi ta tri giác thì bao giờ cũng có một phần của trường tri giác nổi bật
lên, đậm nét, rõ ràng và có ý nghĩa còn những vật xung quanh thì mờ nhạt,
không có ý nghĩa. Giữa chúng có sự tách biệt tương đối tạo nên cái gọi là hình
và nền. Về quan hệ giữa hình và nền, các nhà tâm lý học Gestalt cho rằng, hình
là cái được sắp xếp gần hơn nền bởi tính hiệu quả của định vị chủ quan. Hình
có thay đổi được không là phụ thuộc vào nền. Do các nền khác nhau mà cùng
có một hình có thể cảm nhận khác nhau.
c2. Luật về hình thức hợp lý (good form/pragnanz) do Kohler mô tả. Luật
này cho rằng khi tri giác sự vật, hiện tượng, chúng ta sẽ có xu hướng tổ chức,
sắp xếp các thông tin theo một hình thức, cấu trúc hợp lý, cân đối, thứ tự, đơn
giản và có nghĩa. Luật này cho phép chúng ta giải thích được cách thức chúng
ta tri giác sự vật hiện tượng. Luật này bao gồm các nguyên tắc:

Nguyên tắc về sự khép kín: chúng ta sẽ tri giác hoàn chỉnh một vật kể cả
khi nó bị thiếu các thành tố.
Nguyên tắc về sự tương đồng: Những thành tố tương tự nhau sẽ được tri
giác cùng nhau như trong cùng một tổng thể hoặc tập hợp.
OXXXXXXXXXX
XOXXXXXXXXX
XXOXXXXXXXX
XXXOXXXXXXX

16
XXXXOXXXXXX
XXXXXOXXXXX
Trong ví dụ này, chúng ta sẽ nhìn thấy ngay hàng chéo chữ O giữa một
loạt chữ X, hơn là từng hàng ngang có chữ X và O.
Nguyên tắc về sự kề gần: các vật ở gần nhau về mặt không gian hoặc thời
gian sẽ được tri giác như thuộc về nhau. Ví dụ, quan sát hình dưới đây:
*************************
*************************
*************************

Chúng ta sẽ nhìn thấy 3 hàng ngang dấu (*) hơn là nhìn thấy 25 hàng dọc (*).
Nguyên tắc về sự liên tục:

Chúng ta sẽ tri giác hình trên là một hình tròn với 2 đường thẳng hay là
một đường thẳng đi qua một hình tròn? Thông thường, chúng ta sẽ tri giác là
một đường thẳng (bị hình tròn che mất một đoạn). Đó chính là nguyên tắc về sự
liên tục, thị giác sẽ tri giác các điểm hoặc một đường thẳng bị gãy, gấp đoạn
như một tổng thể liên tục.
Nguyên tắc về chung một số phận (common fate): các thành tố cùng
đang chuyển động về một hướng được tri giác như một tập thể hoặc cùng tổng
thể. Một nhóm các con chim tụ với nhau được tri giác thành một đàn chim.
c3. Quy luật về tính không đổi: hình ảnh do tri giác tạo ra có tính chất ổn
định. Sở dĩ như vậy là vì tất cả các hiện tượng tâm lý đều tuân theo quy luật của
thuyết đồng cấu đồng hình. Hình ảnh tâm lý vốn có cấu trúc trọn vẹn, cấu trúc
này không phải do sự vật hiện tượng gây nên mà do yếu tố tâm lý vốn có trong
não gây nên.
c4. Quy luật bừng hiểu: sự tích lũy lượng thông tin về sự vật hiện tượng
từ thế giới khách quan đạt đến mức độ nào đó cùng với sự kích thích từ môi

17
trường làm chúng ta “ngộ ra” hay bừng sáng vấn đề, giống như hiện tượng mà
người ta vẫn thường gọi là Orika.
d. Đánh giá học thuyết
+ Ưu điểm:
Tâm lý học Gestalt nêu bật được đặc điểm riêng biệt của quá trình tư duy
đó là tính tích cực của chủ thể nhằm giải quyết vấn đề như tính sáng tạo của tư
duy, quy luật phân tích, tổng hợp. Các quy luật mà các nhà Gestalt tìm ra hiện
nay vẫn được tiếp tục nghiên cứu và vận dụng vào thực tiễn cuộc sống.
Trong xu hướng tâm lý học hiện đại ngày nay còn có nhiều khái niệm có
nguồn gốc từ Gestalt như hướng thông tin, điều khiển…
+ Hạn chế:
Tâm lý học Gestalt phủ nhận vai trò của hoạt động thực tiễn, của ngôn
ngữ, đánh đồng hoạt động trí tuệ giữa người và động vật. Lý giải tâm lý như là
một trường đặc biệt kiểu từ trường, điện trường, trường hấp dẫn trong vật lý
học. Chỉ tính đến sự phát triển tâm lý theo con đường tiến hóa của thế giới
động vật. Nhiều thuật ngữ và khái niệm của Gestalt còn mơ hồ vì vậy khó đưa
vào thực nghiệm như: hình thức, luật toàn cảnh (Pragnanz), trực giác, cân bằng
và mất cân bằng ý thức.
6. Abraham Maslow và Tâm lý học nhân văn

Abraham Maslow (1908 – 1970)

a. Thân thế và sự nghiệp


Maslow sinh tại Brooklyn, NewYork, con của một gia đình thường dân
người Do Thái. Lớn lên, ông vào Đại học Wisconsin, ngành tâm lý học và đậu

18
cử nhân năm 1930, đến năm 1934 ông đậu tiến sĩ. Sau khi tốt nghiệp, ông trở
về New York tiếp tục làm việc và nghiên cứu tại Đại học Columbia. Maslow đã
từng làm việc, tiếp xúc với các nhà tâm lý học nổi tiếng như E. L. Thorndike,
E.Fromm, A. Adler, M. Wertheimer... và đề tài mà ông chuyên chú nhất là về
lý thuyết nhân tính.
b. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu là con người trọn vẹn với các giá trị và nhu cầu
bậc cao. Tâm lý học nhân văn phát triển những học thuyết về nhân cách, nghiên
cứu về tâm lý học trị liệu lấy cá nhân làm trung tâm.
c. Phương pháp nghiên cứu
Điều trị lấy cá nhân làm trung tâm.
d. Nội dung học thuyết
Phê phán tâm lý học hành vi: nghiên cứu tâm lý con người mà bỏ qua
các tâm lý ý thức, kinh nghiệm, xem con người như là một cỗ máy.
Phê phán phân tâm học: nghiên cứu tâm lý mà chỉ tập trung vào những
rối loạn cảm xúc.
Điểm chính của tâm lý học nhân văn là tập trung vào tính đặc thù của
con người. Theo Maslow, các nhu cầu con người được sắp xếp theo thứ bậc.
Các nhu cầu càng thấp trong thứ bậc, chúng càng giống với nhu cầu của loài
vật và ngược lại. Ông đưa ra thang thứ bậc nhu cầu của con người gồm: nhu
cầu sinh lý, nhu cầu an toàn, nhu cầu yêu thương, nhu cầu tôn kính và nhu cầu
tự mình thực hiện.
Tâm lý học nhân văn có những quan điểm lạc quan về con người, nhấn
mạnh tính tích cực, độc đáo của con người. Họ cho rằng con người có khả năng
tự điều khiển số phận của mình.
d. Đánh giá học thuyết
+ Ưu điểm:

19
Đóng góp chính của dòng tâm lý học này là việc nó mở rộng lĩnh vực
của tâm lý học, thổi một sức sống mới vào tâm lý học. Nó nghiên cứu toàn thể
con người.
+ Hạn chế:
Mô tả về con người giống như mô tả của văn học, thi ca hay tôn giáo.
Tâm lý học nhân văn phê bình các dòng tâm lý học khác nhưng thực ra các
dòng tâm lý học khác đều có những cống hiến quan trọng cho sự cải thiện số
phận con người là mục tiêu chính mà tâm lý học nhân văn theo đuổi.
7. L. S. Vygotsky và Tâm lý học hoạt động
Được khởi xướng bởi các nhà tâm lý học Nga mà đại diện tiêu biểu là
L. S. Vygotsky (1896 – 1934), Leonchiev, Rubinstein.

L. S. Vygotsky

a. Thân thế và sự nghiệp


L. S. Vygotsky sinh ngày 5/11/1896 tại thị trấn Oócsa, nước Cộng hòa
Bạch Nga (Belarutsia). Bố là nhân viên ngân hàng, mẹ là người có học thức,
khi nhỏ ông học ở nhà với gia sư theo phương pháp đối thoại của Socrate - hỏi
đáp qua lại, chất vấn việc định nghĩa, khái niệm để hiểu sâu hơn. Năm 1913 sau
khi tốt nghiệp phổ thông ông thi đỗ vào trường Đại học tổng hợp Moscow. Sau
đó (năm 1917) ông trở về Gomel dạy văn học và tâm lý học ở một trường trung
cấp sư phạm.
Mặc dầu không được đào tạo chuyên sâu về Tâm lý học nhưng ông là
người rất quan tâm nghiên cứu về những vấn đề Tâm lý học từ khi còn là sinh
viên: vấn đề tư duy và ngôn ngữ; vấn đề giáo dục trẻ khuyết tật; yếu tố trung

20
gian của hoạt động tâm lý; các vấn đề của tâm lý học sư phạm, tâm lý học nghệ
thuật…
Năm 1924 L.S Vygotsky về làm việc ở viện Tâm lý học ở Moscow. Ông
đã đóng góp cho sự nghiệp tâm lý học thế giới gần 180 công trình khoa học,
trong đó có 135 công trình đã được công bố. Đặc biệt, vào năm 1925, với bài
viết “Ý thức như một vấn đề của tâm lý học hành vi” trong đó ông đã phân tích
sự khủng hoảng của tâm lý học lúc bấy giờ và đưa ra những kiến giải nhằm xây
dựng một nền tâm lý học theo chủ nghĩa Macxit. Bài báo này có giá trị như
cương lĩnh mở đầu xây dựng nền tâm lý học hoạt động theo chủ nghĩa Mác.
Với những nghiên cứu của mình L.S. Vygotsky được đánh giá là người đặt
nền móng cho tâm lý học hoạt động, những tư tưởng của ông có ảnh hưởng
quyết định đến toàn bộ nền tâm lý học Xô Viết thế kỷ XX, ông còn được xem
như là một trong những người đầu tiên sáng lập ra tâm lý học phát triển.
Năm 1934, ông mất vì bệnh lao phổi. Mặc dù mất sớm (38 tuổi) nhưng với
những công trình mà L.S. Vygotsky để lại cho nền tâm lý học Xô Viết nói
riêng và nền tâm lý học thế giới nói chung, ông xứng đáng được tôn vinh là
một trong những nhà tâm lý học kiệt xuất của thế kỷ XX và cũng là nhà tâm lý
học Xô Viết được tâm lý học phương Tây nhắc đến nhiều nhất.
b. Đối tượng nghiên cứu
L.S. Vygotsky và các nhà tâm lý học Xô viết cũ đã nghiên cứu những tác
phẩm của Mác - Lênin và lấy chủ nghĩa này làm phương pháp luận để xây
dựng nền tâm lý học Macxit. Dòng tâm lý học này chủ trương xem xét:
- Con người là tồn tại xã hội, tồn tại lịch sử, tồn tại lý trí, tồn tại lao
động, tồn tại có tình cảm.
- Hành vi và tâm lý được xét trong quá trình hoạt động và phạm trù hoạt
động có vai trò to lớn và quan trọng trong nền tâm lý học Macxit. Hoạt
động là chìa khóa tìm hiểu, đánh giá, hình thành và điều khiển tâm lý.
- Ý thức được hình thành bởi các mối quan hệ xã hội giữa con người với
thế giới xung quanh. Ý thức được tạo bởi tồn tại xã hội tức là cuộc

21
sống thực, các quan hệ thực của con người và chính ý thức là sản phẩm
của cuộc sống đó, quan hệ đó. Hoạt động giao lưu tạo ra tâm lý, ý thức
và ngôn ngữ.
c. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu tâm lý bằng phương pháp hoạt động, trong mối quan hệ với
hoạt động có đối tượng.
d. Nội dung cơ bản
Mối quan hệ giữa ý thức và hành vi
Trong cương lĩnh xây dựng nền tâm lý học Macxit, L. S. Vygotsky nhấn
mạnh cần phải nghiên cứu cả hành vi và ý thức, nghiên cứu chúng trong mối
quan hệ với nhau vì giữa chúng có quan hệ tác động qua lại lẫn nhau, cùng tồn
tại thống nhất trong con người.

Ý thức
Ý thức Hành vi
Hành vi

Cấu trúc hành vi ở cá nhân có:


+ Kinh nghiệm di truyền.
+ Kinh nghiệm di truyền kết hợp với kinh nghiệm tự tạo.
(Cả 2 loại kinh nghiệm trên đều có ở người và động vật).
+ Kinh nghiệm lịch sử: kinh nghiệm từ các thế hệ trước để lại cho thế hệ
sau trong hệ thống các sản phẩm vật chất và tinh thần.
+ Kinh nghiệm xã hội: kinh nghiệm được truyền cho nhau giữa những
người (thế hệ) đang sống trong cùng một giai đoạn lịch sử. Thực chất, kinh
nghiệm xã hội cũng là một phần của kinh nghiệm lịch sử.
+ Kinh nghiệm kép: là nói đến quá trình kép xảy ra trong khi tiến hành
hoạt động lao động của con người, đồng thời đó cũng là kinh nghiệm kép thu

22
được trong quá trình lao động: biểu tượng tâm lý hình thành ở trong đầu và
thao tác cử động tay chân làm biến đổi khách thể. Chính kinh nghiệm kép nói
lên mối quan hệ thống nhất giữa ý thức và hành vi, giữa cái biểu hiện ra bên
ngoài với tâm lý bên trong.
Ông cũng nhấn mạnh đến phương pháp nghiên cứu, cần nghiên cứu tâm lý
bằng phương pháp hoạt động, nghiên cứu tâm lý trong mối quan hệ với hoạt
động có đối tượng. Quan điểm này về sau đã được các học trò của ông như
A.N. Leonchiev, X.L. Rubinstein, A.R. Luria… hoàn thiện trong nguyên tắc
“coi tâm lý con người là hoạt động”, tâm lý không hề đóng kín bên trong mà
được biểu hiện ra bên ngoài, thể hiện trong hoạt động, thông qua hoạt động.
Chính trong hoạt động mà con người phát hiện ra logic của đối tượng, lĩnh hội
và chuyển nó thành tri thức kinh nghiệm của bản thân. Phát triển tâm lý người
là phát triển nhân cách của con người cụ thể mà nét chủ yếu của sự phát triển
đó được biểu hiện rõ, trông thấy được, là phát triển hành vi của con người đó.
Con đường nhận thức, phát hiện ra các quy luật phát triển nhân cách không thể
là sự cảm nhận trực giác, mô tả hay suy lý mà là thực nghiệm khoa học.
Nguyên tắc gián tiếp
Đặc trưng hoạt động của các chức năng tâm lý người được cấu tạo theo
nguyên tắc gián tiếp. Điều đó có nghĩa là phản ánh tâm lý không diễn ra trực
tiếp mà phải phản ánh qua khâu trung gian, cụ thể là trong hoạt động, con
người sử dụng công cụ kỹ thuật và công cụ tâm lý:
+ Công cụ kỹ thuật: là phương tiện của hoạt động bên ngoài, ví dụ như
máy móc, phương tiện kỹ thuật…, là yếu tố trung gian giữa tác động của chủ
thể và khách thể, làm biến đổi khách thể và chính công cụ kỹ thuật giúp chủ thể
làm chủ quá trình tự nhiên.
+ Công cụ tâm lý: là phương tiện của hoạt động bên trong, ví dụ như ngôn
ngữ nói, viết, con số, ký hiệu, hình ảnh, những công cụ hỗ trợ cho trí nhớ như
nút thắt, hạt đậu, vết chặt trên cột nhà, vết chạm trên đá…, là phương tiện tác
động lên hành vi của người khác và của chính mình, không trực tiếp làm biến

23
đổi khách thể. Công cụ tâm lý giúp con người làm chủ hành vi của mình, làm
cho hoạt động trở nên có chủ định.
Nguyên tắc gián tiếp làm cho hành vi, hoạt động của con người khác xa
với mối quan hệ giữa động vật và môi trường và làm cho tâm lý người khác xa
về chất so với các hiện tượng tâm lý ở động vật. Nguyên tắc gián tiếp khẳng
định sự quy định của tính xã hội - lịch sử đối với tâm lý người vì các công cụ
đều là sản phẩm của những quá trình lịch sử - xã hội. Quan niệm này khác hẳn
với quan niệm của chủ nghĩa hành vi. Kính thích không tác động trực tiếp đến
con người làm xuất hiện hành vi mà bao giờ cũng thông qua chính chủ thể.
Chính vì vậy công thức S R được thay bằng sơ đồ:

S là kích thích
R là phản ứng trả lời
O là công cụ tâm lý - yếu tố trung gian.

S R

Theo L.S. Vygotsky “Công cụ tâm lý - là các cấu thành nhân tạo. Về bản
chất chúng có tính chất xã hội chứ không phải tính chất sinh học, hay là sự
thích ứng có tính chất cá nhân. Chúng hướng vào việc làm chủ các quá trình
của người khác hay của bản thân mình, cũng như kỹ thuật hướng vào việc làm
chủ các quá trình tự nhiên”… Nhờ vậy, hành vi người không còn đơn thuần là
hành vi phản ứng mà trở thành hành vi tích cực. Trong sơ đồ trên, ta thấy trong
mối quan hệ S - R còn có mối quan hệ S - O và R - O. Ở đây, các chức năng
tâm lý giữ vai trò công cụ trong quá trình con người làm chủ bản thân và tác

24
động vào môi trường. Do vậy, công cụ tâm lý càng sắc bén thì con người càng
có nhiều khả năng phản ánh chính xác hơn các tác động của hiện thực. Chính
trong cơ chế gián tiếp chứa đựng cả kinh nghiệm lịch sử (thế hệ trước truyền lại
cho thế hệ sau), kinh nghiệm xã hội (người này truyền cho người kia) lẫn kinh
nghiệm cá nhân (từng người sáng tạo ra), chức năng tâm lý gián tiếp được
L.S.Vygotsky gọi là chức năng tâm lý cấp cao, đặc trưng của con người.
Quan điểm về sự phát triển tâm lý, nhân cách
(Thể hiện rõ trong học thuyết văn hóa - xã hội).
Ông nhận rõ vai trò đặc biệt của môi trường xã hội trong quá trình phát
triển trí tuệ và tâm lý của trẻ. Nguồn gốc của toàn bộ những khái niệm, ý
tưởng, kỹ năng, kỹ xảo và thái độ của chúng ta là thế giới xã hội của chúng ta.
Trẻ nội tâm hóa những gì được lựa chọn từ những hiện tượng văn hóa xã hội
(khác với J. Piaget, nội tâm hóa ở đây liên quan nhiều hơn đến mặt xã hội). Sự
tương tác xã hội làm cho tư duy và hành vi của trẻ từng bước thay đổi một cách
liên tục trong bối cảnh văn hóa. Sự phát triển nhận thức có nguồn gốc từ sự tác
động qua lại giữa những người trong nền văn hóa đó. Những quá trình tâm lý
bao gồm các ý tưởng, sự kiện, thái độ, cách thức nhưng trước hết chúng là
những quá trình xã hội. Sự tác động qua lại của xã hội quyết định cái gì làm
chúng ta cảm thấy buồn, vui, lo lắng. Mỗi nền văn hóa, mỗi một xã hội quy
định sự lựa chọn nội dung riêng cho việc học của trẻ. Nội dung học liên quan
đến những tri thức, kỹ năng cần thiết cho sự thành công của trẻ trong nền văn
hóa - xã hội đó. Ví dụ, những đứa trẻ bán hàng rong phải học cách tính nhẩm
nhanh và không nhầm lẫn để tính tiền của khách, những đứa trẻ ở biển phải học
bơi, câu cá… từ nhỏ.
Ngoài ra, ông còn nhấn mạnh vai trò tác động của người lớn trong sự phát
triển trí tuệ của trẻ. Trẻ phát triển trí tuệ thông qua quá trình cùng hoạt động,
hợp tác với người lớn và với những trẻ khác. Theo quan điểm của
L.S.Vygotsky, trẻ học được cách tư duy và hình thành các hành vi làm nên một
con người có văn hóa thông qua sự tương tác với những người có hiểu biết cao

25
hơn. Đặc trưng của quá trình phát triển là sự chuyển hóa từ những hoạt động do
người khác điều khiển sang các hoạt động do mình tự điều khiển. Nguồn gốc
của các quá trình phát triển trí tuệ bên trong là từ hoạt động vốn ban đầu là ở
bên ngoài và từ những hoạt động tâm lý giữa người này với người khác.
Lý thuyết thời kỳ nhạy cảm
Mỗi thời kì phát triển có một chức năng tâm lý phát triển chiếm ưu thế.
Nói cách khác, ở mỗi lứa tuổi, não có khả năng bắt đầu tiếp thu nhanh và tốt
hơn so với lứa tuổi khác đối với một loại tác động nhất định nào đó. Ví dụ, trẻ
từ 1 đến 2 tuổi tri giác phát triển, các chức năng khác như trí nhớ, cảm xúc, tư
duy chỉ diễn ra thông qua tri giác, phụ thuộc vào tri giác… Tất nhiên, khả năng
đó ở trẻ này có thể không giống với trẻ khác. Chức năng tâm lý ưu thế của mỗi
giai đoạn lứa tuổi tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất để chủ thể đạt mức phát
triển tối đa trong lứa tuổi đó.
Lý thuyết thời kỳ nhạy cảm gắn bó với thuyết phát triển hệ thống liên chức
năng. Các chức năng tâm lý bao giờ cũng hoạt động theo hệ thống, trong đó tùy
từng lứa tuổi, từng thời điểm của hoạt động mà một chức năng nào đó giữ vai
trò chính. Mặt khác, theo ông sự phát triển tâm lý không phải là sự phát triển và
hoàn thiện từng chức năng riêng lẻ mà chính là sự biến đổi mối liên hệ tương
quan giữa các chức năng tâm lý quy định sự phát triển của từng chức năng.
Như vậy, theo cách hiểu của Vygotsky, nhân cách cũng là một tổ hợp tâm lý có
cấu trúc toàn vẹn, sự hình thành nhân cách ở trẻ là quá trình phát triển không
chỉ biểu hiện ở sự tăng thêm những cấu tạo, những chức năng tâm lý mới, mà
giữa các chức năng, các quá trình và các thuộc tính tâm lý cá nhân còn có
những mối quan hệ qua lại, có sự ảnh hưởng lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau, tạo
thành một cấu trúc toàn vẹn.
Đề xướng cách nhìn mới về hoạt động dạy và học
Nhấn mạnh vai trò của hoàn cảnh xã hội và hợp tác. Dạy học phải đi trước
sự phát triển. Ông phê phán xu hướng dạy học theo đuôi sự phát triển, trong đó
sự chín muồi, sự phát triển xảy ra trước quá trình dạy học.

26
Theo L. S. Vygotsky, trong suốt quá trình phát triển của trẻ đều diễn ra 2
mức độ: vùng phát triển hiện tại và vùng phát triển gần nhất.
- Vùng phát triển hiện tại: là trình độ mà ở đó các chức năng tâm lý đã
đạt đến độ chín muồi.
- Vùng phát triển gần nhất: trong đó các chức năng tâm lý đang trưởng
thành nhưng chưa chín muồi.
Về phương diện thực tiễn, mức độ phát triển hiện tại biểu hiện qua tình
huống trẻ tự mình độc lập giải quyết những nhiệm vụ mà không cần bất kỳ sự
giúp đỡ nào từ bên ngoài. Nói cách khác, đó là mức phát triển mà đứa trẻ có thể
tiếp thu, trẻ có thể tự mình giải quyết các vấn đề (xác định bởi khả năng giải
quyết vấn đề một mình).
Mức độ phát triển gần nhất là vùng của khả năng phát triển gần đạt tới
(nằm giữa tương lai gần và hiện thực). Ở mức độ này, trẻ chưa tự mình thực
hiện được nhiệm vụ mà chỉ thực hiện được khi có sự hợp tác, giúp đỡ của
người khác và sau đó trẻ sẽ tự mình thực hiện được những nhiệm vụ tương ứng
(xác định bởi khả năng giải quyết vấn đề khi có sự giúp đỡ, hướng dẫn của
người lớn hoặc những người có năng lực hơn). Nghĩa là vùng phát triển gần
nhất (A1’) đã chuyển thành vùng phát triển hiện tại tiếp theo (A2) và lại xuất
hiện vùng phát triển gần nhất tiếp theo (A2’). Cứ như thế trong tương lai, vùng
phát triển gần nhất sẽ trở thành vùng phát triển hiện tại và trẻ tự mình giải
quyết được các vấn đề không cần sự giúp đỡ của người khác.

A2
,
A2
A1
,
A1 A1: vùng phát triển hiện tại 1
A1’: vùng phát triển gần nhất 1
A2: vùng phát triển hiện tại 2
A2’: vùng phát triển gần nhất 2

27
Như vậy, hai mức độ phát triển của trẻ thể hiện hai mức độ chín muồi của
các chức năng tâm lý ở các thời điểm khác nhau. Đồng thời chúng luôn vận
động, vùng phát triển gần hôm nay sẽ trở thành vùng phát triển hiện tại ngày
mai và xuất hiện vùng phát triển gần nhất mới. Điều này làm cho quá trình phát
triển của trẻ diễn ra theo chiều hướng đi lên, có sự kế thừa và phát triển liên tục
từ trình độ này đến trình độ khác ngày càng cao.
d. Đánh giá
+ Ưu điểm
- Là người có những đóng góp to lớn về mặt lý luận cũng như thực tiễn
cho sự phát triển của tâm lý học nói chung và trường phái tâm lý học hoạt động
nói riêng.
- Là người đặt nền móng cho tâm lý học hoạt động. Đưa ra yêu cầu xây
dựng một phương pháp luận đúng đắn mới về chất so với các trường phái tâm
lý học khách quan khác. Bằng cách lấy khái niệm hoạt động trong học thuyết
Macxit làm khái niệm trung tâm, ông cố gắng đưa tâm lý học thoát ra khỏi
khủng hoảng, bế tắc trong tâm lý học duy tâm, thần bí, nội quan, duy vật máy
móc, sinh vật hóa tâm lý con người.
- Quan điểm về phương pháp nghiên cứu tâm lý, nhân cách bằng hoạt
động, con đường nhận thức, phát hiện ra các quy luật phát triển nhân cách
không thể là sự cảm nhận trực giác, mô tả hay suy lý mà là thực nghiệm khoa
học đã mở ra hướng nghiên cứu tâm lý, nhân cách gắn với đời sống thực tiễn
của con người hơn.
- Quan điểm về vùng phát triển gần là một đóng góp lớn cho tâm lý học và
giáo dục học, quan điểm này của ông đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà
nghiên cứu, đặc biệt là tâm lý học phương Tây. Cho đến nay quan điểm này
vẫn còn nguyên giá trị và được áp dụng rộng rãi trong nền giáo dục của nhiều
quốc gia trên thế giới. Trong thực tiễn, bất kỳ giáo viên nào cũng ít nhiều vận
dụng hoặc có việc làm phù hợp với hệ thống lý luận của L. S. Vygotsky. Điều
đó nói lên tính phổ biến và phạm vi tác động rộng lớn của hệ thống lý luận này.

28
- Một đóng góp khác mà L. S. Vygotsky đã đưa vào lý thuyết dạy học của
ông và mới đây đã được đánh giá một cách đầy đủ. Dường như ông là người
đầu tiên quan tâm tới những quá trình nhận thức, có liên quan với sự ý thức cá
nhân về quá trình tư duy của bản thân. Các công trình của ông đã chỉ ra bằng
cách nào đứa trẻ nhận thức được những suy nghĩ của mình cùng những khái
niệm được sử dụng và có sự kiểm soát đối với chúng.
+ Hạn chế
Mặc dù chủ trương nghiên cứu mối quan hệ tác động qua lại giữa các yếu
tố bên trong và các yếu tố văn hóa song thực tế L. S. Vygotsky đã chú ý nhiều
hơn đến các yếu tố văn hóa. Tuy ông cho rằng yếu tố tự nhiên và yếu tố xã hội
kết hợp với nhau để đưa ra con đường phát triển duy nhất cho trẻ nhưng ông lại
nói rất ít về yếu tố tự nhiên.
L.S. Vygotsky cho rằng sự phát triển tâm lý không phải là sự hoàn thiện
một chức năng tâm lý riêng lẻ nào đó mà luôn có mối liên hệ với các chức năng
tâm lý khác nhưng ông quá nhấn mạnh các chức năng tâm lý, quá trình trí tuệ
cấp cao nên không thấy rõ mối quan hệ mật thiết giữa các quá trình, chức năng
tâm lý thấp hơn với các quá trình, chức năng tâm lý cấp cao, không thấy được
những quá trình trí tuệ thấp hơn đóng góp như thế nào vào các quá trình trí tuệ
cấp cao.
Ông nhấn mạnh đến vai trò của người lớn nhưng trên thực tế chúng ta thấy
rằng, trong một chừng mực nào đó cũng cần để trẻ phát huy khả năng tự khám
phá vì rằng sự giúp đỡ, hướng dẫn của người lớn là quan trọng nhưng không
phải là phương pháp duy nhất để phát triển tâm lý, nhân cách của trẻ. Trong
một số trường hợp trẻ học bằng cách quan sát trực tiếp và luyện tập nhiều hơn
là tham gia cùng và nhận lời hướng dẫn bằng ngôn ngữ của người lớn.

III. CÁC NGUYÊN TẮC VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU TRONG


TÂM LÝ HỌC
1. Các nguyên tắc nghiên cứu tâm lý

29
a. Nguyên tắc quyết định luận duy vật biện chứng
Nguyên tắc này khẳng định tâm lý có nguồn gốc là thế giới khách quan và
nội dung của tâm lý là sự phản ánh của hiện thực vào não của con người. Nói
cách khác tâm lý là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Tâm lý của cá
nhân là kinh nghiệm lịch sử xã hội loài người biến thành cái riêng của mỗi
người. Tâm lý có chức năng là định hướng, điều khiển điều chỉnh hoạt động,
hành vi của con người và tác động trở lại thế giới, biến đổi thế giới. Khẳng định
tiền đề vật chất của sự phát triển tâm lý là não người, quan điểm duy vật biện
chứng nêu rõ tính quyết định của yếu tố xã hội đối với sự phát triển tâm lý
người. Muốn phát triển và cải tổ tâm lý, phải phát triển và cải tạo xã hội. Chính
vì vậy, nghiên cứu tâm lý phải gắn với việc nghiên cứu đặc điểm môi trường
sống và giáo dục, đặc điểm bẩm sinh di truyền và vốn kinh nghiệm đã có của
đối tượng nghiên cứu.
b. Nguyên tắc thống nhất tâm lý, ý thức, nhân cách với hoạt động
Hoạt động là phương thức hình thành, phát triển và thể hiện tâm lý, ý thức
nhân cách và ngược lại tâm lý, ý thức, nhân cách lại điều khiển hoạt động, vì
thế chúng thống nhất với nhau. Nhà nghiên cứu phải nhìn nhận và nghiên cứu
đối tượng trong hoạt động, coi trẻ là chủ thể của hoạt động. Nguyên tắc này
cũng khẳng định tâm lý luôn vận động và phát triển. Cần phải nghiên cứu tâm
lý trong sự vận động của nó, qua sự diễn biến cũng như qua sản phẩm của hoạt
động.
c. Nguyên tắc nghiên cứu các hiện tượng tâm lý trong mối liên hệ giữa
chúng với nhau và giữa chúng với các hiện tượng khác
Phải nghiên cứu các hiện tượng tâm lý trong mối liên hệ giữa chúng với
nhau và trong mối liên hệ với các loại hiện tượng khác: các hiện tượng tâm lý
không tồn tại một cách biệt lập mà chúng có quan hệ mật thiết với nhau, bổ
sung cho nhau, chuyển hoá qua nhau đồng thời chúng còn chi phối và chịu sự
chi phối của các hiện tượng khác.

30
Nguyên tắc này giúp nghiên cứu các hiện tượng tâm lý một cách bản chất
chứ không chỉ dừng lại ở hiện tượng bên ngoài, để đảm bảo tính chính xác,
khách quan tuyệt đối, tránh những kết luận chủ quan vội vàng.
d. Tính cụ thể trong nghiên cứu tâm lý
Phải nghiên cứu tâm lý của một con người cụ thể, của một nhóm người cụ
thể, chứ không nghiên cứu tâm lý một cách chung chung. Điều này có nghĩa là
đối tượng và khách thể trong nghiên cứu tâm lý phải xác định rõ ràng, nghiên
cứu cái gì, trên ai, thuộc độ tuổi nào, trong nhóm xã hội nào v.v…
2. Các phương pháp nghiên cứu tâm lý
Phương pháp nghiên cứu tâm lý là con đường, cách thức mà người nghiên
cứu sử dụng để tìm hiểu, khám phá, hay biến đổi hiện tượng tâm lý ở đối tượng
nghiên cứu. Có nhiều phương pháp nghiên cứu và mỗi phương pháp nghiên
cứu có công cụ nghiên cứu của mình.
a. Phương pháp quan sát
Quan sát là loại tri giác có chủ định, nhằm xác định đặc điểm của đối tượng
qua những biểu hiện bên ngoài như: hành động, cách nói năng...
Phương pháp quan sát được dùng rất nhiều trong nghiên cứu tâm lý học, nó
có thể dùng một cách độc lập hay dùng hỗ trợ với các phương pháp khác.
Quan sát có nhiều hình thức: quan sát toàn diện hay quan sát bộ phận, quan
sát có trọng điểm, quan sát trực tiếp hay gián tiếp…
Quan sát là một phương pháp rất quan trọng trong tâm lý học vì những tài
liệu ghi chép được là rất quí cho người nghiên cứu.
Phương pháp quan sát có những ưu nhược sau:
Ưu điểm:
- Nhà nghiên cứu thu thập những sự kiện về hành vi tự nhiên của đối
tượng nghiên cứu, hành vi sống, thật.
- Nhà nghiên cứu có điều kiện quan sát đối tượng nghiên cứu như một cá
nhân hoàn chỉnh, trong mối liên quan với những hành động khác, với
những lời nói, cử chỉ, điệu bộ.

31
- Có thể quan sát được mối quan hệ của đối tượng nghiên cứu này với
những đối tượng nghiên cứu khác, để từ đó hiểu được những nguyên
nhân gây nên một hành vi nào đó.
- Hiểu được mối quan hệ của đối tượng nghiên cứu với nhà giáo dục để từ
đó đánh giá đúng những tác động của nhà giáo dục đến họ.
Bên cạnh những ưu điểm, phương pháp quan sát còn có một số hạn chế
trong phạm vi và vận dụng của nó:
- Sự dính liền của những sự kiện nghiên cứu với những hoàn cảnh khác
của đời sống ở đối tượng nghiên cứu đòi hỏi nhà nghiên cứu phải làm
việc nhiều để tách những mặt bản chất của hiện tượng nghiên cứu.
- Nhà nghiên cứu chỉ ghi lại cái gì biểu hiện rõ ra bên ngoài ở đối tượng
nghiên cứu, còn bản thân không gây ra một hiện tượng nào mà họ muốn
nghiên cứu.
- Nhà nghiên cứu không thể tiến hành quan sát lại cùng một hiện tượng.
- Những sự kiện thu thập được bằng phương pháp quan sát này thường
được ghi lại dưới hình thức miêu tả. Nếu dùng những phương tiện kỹ
thuật hiện đại thì có thể không đảm bảo tính tự nhiên của đối tượng
nghiên cứu.
Trong tâm lý học, cùng với việc quan sát khách quan, có phương pháp tự
quan sát như tự thể nghiệm, tự mô tả diễn biến tâm lý của mình, nhưng phải
tuân theo yêu cầu khách quan, tránh suy diễn chủ quan.
Để tiến hành quan sát, người nghiên cứu cần xác định mục tiêu quan sát thật
rõ ràng, sau đó thiết kế công cụ hỗ trợ quan sát. Kỹ năng ghi chép và phát hiện
được những dấu hiệu cần quan sát là điều hết sức quan trọng đối với hiệu quả
của phương pháp này. Cụ thể:
- Xác định mục đích quan sát: quan sát cái gì, toàn diện hay bộ phận và
quan sát này phục vụ cho mục đích nào của đề tài.
- Lập kế hoạch quan sát: xác định thời gian, địa điểm, số lượng người
được quan sát, người quan sát và phương tiện quan sát.

32
- Tiến hành quan sát: theo dõi và ghi chép những biểu hiện và diễn biến
của đối tượng, những thông tin định tính cũng như định lượng có liên
quan đến mục đích của đề tài.
b. Phương pháp điều tra – phỏng vấn
Là phương pháp dùng một số câu hỏi đặt ra cho một số lớn đối tượng
nghiên cứu nhằm thu thập ý kiến chủ quan của họ về một vấn đề nào đó. Có thể
trả lời viết hoặc trả lời miệng.
Có thể điều tra thăm dò chung hoặc điều tra chuyên đề để đi sâu một số
khía cạnh nào đó.
Các bước thực hiện phương pháp:
Xây dựng kế hoạch điều tra – phỏng vấn: điều tra cái gì, để làm gì, ở
đâu, lực lượng tham gia, kinh phí, thời gian….
Xây dựng mẫu phiếu điều tra (bảng hỏi): Bảng hỏi là công cụ để thu thập
các dữ kiện cần nghiên cứu, nó gồm hệ thống các câu hỏi về các vấn đề cần
nghiên cứu được sắp xếp theo ý đồ của người nghiên cứu. Trong bảng hỏi
thường có hai loại câu hỏi cơ bản: đóng và mở. Câu hỏi đóng là những câu hỏi
có sẵn phương án trả lời, câu hỏi mở là những câu hỏi mà người được hỏi tự
viết ra những ý kiến trả lời của mình theo yêu cầu của câu hỏi.
Các yêu cầu khi xây dựng bảng hỏi:
- Mở đầu bảng hỏi phải trình bày rõ mục đích của cuộc điều tra phỏng
vấn và tính bảo mật của thông tin (có thể khuyết danh).
- Các câu hỏi đưa ra phải ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu và phù hợp với
mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu. Tránh những câu hỏi mập mờ đa
nghĩa và áp đặt.
- Các câu hỏi đưa ra phải hình dung được các phương án trả lời, nhất là
câu hỏi mở.
- Phải sắp xếp xen kẽ câu hỏi mở và đóng và những câu hỏi kiểm tra
tính trung thực của những câu trả lời.

33
- Đối với những câu hỏi đóng, người nghiên cứu phải xác định phương
án trả lời đầy đủ, cụ thể và sắp xếp theo trật tự nhất định.
- Câu hỏi tìm hiểu về bản thân người được điều tra như giới tính, nghề
nghiệp, tuổi tác, trình độ học vấn… và tên, địa chỉ nếu có thể. Câu
hỏi này có thể để ở đầu hoặc cuối bảng hỏi.
Chọn mẫu điều tra: mẫu điều tra là tập hợp phần tử (khách thể) được chọn
lựa mang tính chất đặc trưng – phổ biến cho một nhóm khách thể nào đó. Mẫu
điều tra đa dạng và phong phú tuỳ theo từng đề tài.
Mẫu có thể mang tính chất xác suất hoặc không xác suất.
Để chọn được một mẫu điều tra chính xác, cần phải căn cứ vào:
- Giả thuyết khoa học và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài.
- Hiểu biết lý luận vững chắc về nhóm khách thể được chọn làm mẫu.
- Xác định độ lớn của mẫu phù hợp với điều kiện khách quan và chủ quan.
- Định hướng trước được việc xử lý kết quả theo mẫu đã chọn (khai thác
theo hướng nào?).
Tiến hành điều tra
Sau khi xây dựng bảng hỏi, chọn được mẫu điều tra, người nghiên cứu phải
chọn lựa hình thức điều tra phù hợp: qua phone, gặp trực tiếp… và cách thu lại
phiếu điều tra cũng như thời gian hoàn tất phiếu…
c. Phương pháp thực nghiệm
Thực nghiệm là quá trình tác động vào đối tượng một cách chủ động trong
những điều kiện đã được khống chế để tạo ra ở đối tượng những biểu hiện về
quan hệ nhân quả, tính quy luật hay cơ chế hoạt động của chúng. Thực nghiệm
có thể lặp đi lặp lại nhiều lần, đo đạc, định lượng, định tính một cách khách
quan các hiện tượng cần nghiên cứu.
Có 2 loại thực nghiệm: Thực nghiệm tự nhiên và thực nghiệm trong phòng
thí nghiệm.
Thực nghiệm trong phòng thí nghiệm: phương pháp này được tiến hành
dưới điều kiện khống chế một cách nghiêm khắc các ảnh hưởng bên ngoài,

34
người làm thí nghiệm tự tạo ra những điều kiện để làm nảy sinh hay phát triển
một nội dung tâm lý cần nghiên cứu, do đó có thể tiến hành nghiên cứu tương
đối chủ động hơn so với quan sát và thực nghiệm tự nhiên.
Thực nghiệm tự nhiên: được tiến hành trong điều kiện bình thường của hoạt
động sống, trong quá trình quan sát, nhà nghiên cứu chỉ thay đổi những yếu tố
riêng rẽ của hoàn cảnh, còn trong thực nghiệm tự nhiên, nhà nghiên cứu có thể
chủ động gây ra biểu hiện và diễn biến tâm lý bằng cách khống chế một số
nhân tố không cần thiết cho việc nghiên cứu, làm nổi bật những yếu tố cần thiết
có khả năng giúp cho việc khai thác, tìm hiểu các nội dung cần thực nghiệm.
Tùy theo mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu mà người ta phân biệt thực nghiệm
tự nhiên nhận định và thực nghiệm hình thành.
Thực nghiệm nhận định: chủ yếu nêu lên thực trạng của vấn đề nghiên cứu ở
một thời điểm cụ thể. Thí dụ nghiên cứu ảnh hưởng của những động cơ khác
nhau đến hoạt động học tập của học sinh. Nhà nghiên cứu tổ chức 3 nhóm học
sinh học tập với 3 động cơ khác nhau.
Thực nghiệm hình thành: còn gọi là thực nghiệm giáo dục, trong đó tiến
hành các tác động giáo dục, rèn luyện nhằm hình thành một phẩm chất tâm lý
nào đó ở nghiệm thể. Ở đây mục đích nghiên cứu là sự phát triển tâm lý của đối
tượng nghiên cứu trong điều kiện mà nhà nghiên cứu tạo ra. Sự hình thành
những đặc điểm tâm lý không trong hoàn cảnh tự nhiên vốn có mà trong hoàn
cảnh nhà nghiên cứu tạo ra. Thí dụ: phát triển trí tuệ cảm xúc cho học sinh
thông qua tác phẩm văn học. Đây là một phương pháp chủ yếu của thế kỷ XX,
các nhà tâm lý học không chỉ hiểu tâm lý mà còn phải làm ra tâm lý, tức là phải
tổ chức hoàn cảnh để làm nảy sinh ra những nét tâm lý mới.
Tuy nhiên, dù thực nghiệm tiến hành trong điều kiện tự nhiên hay trong
phòng thí nghiệm cũng khó có thể kiểm soát tất cả các yếu tố ảnh hưởng từ
khách quan cũng như chủ quan. Chính vì vậy cần tiến hành thực nghiệm một
vài lần và phối hợp với nhiều phương pháp nghiên cứu khác.
Thực nghiệm có những ưu điểm sau đây:

35
- Nhà nghiên cứu không phải chờ đợi cho tới khi trẻ biểu lộ ra cái mà mình
định nghiên cứu.
- Nhà nghiên cứu có thể lặp đi lặp lại nhiều lần thí nghiệm của mình, kiểm tra
những kết quả thu được. Đặc biệt quan trọng là có thể thay đổi một số điều
kiện và như vậy xác định được ảnh hưởng của chúng tới hiện tượng được
nghiên cứu.
- Kết quả thí nghiệm có thể ghi vắn tắt, đơn giản. Nhưng kèm theo việc ghi
lại kết quả nhà nghiên cứu phải có một biên bản chi tiết ghi lại cả quá trình
thực nghiệm.
- Sự phân tích biên bản thực nghiệm đơn giản hơn sự chỉnh đốn những điều
ghi chép của quan sát.
Tuy nhiên thực nghiệm cũng có những nhược điểm:
- Nhà nghiên cứu gây ra hiện tượng tâm lý để nghiên cứu nên tính chất tự
nhiên sẽ bị mất đi.
- Câu trả lời vắn tắt cho một số câu hỏi thực nghiệm sẽ làm cho người ta
không có biểu tượng hoàn chỉnh về cá tính.
- Tiến hành thực nghiệm đòi hỏi sự chuẩn bị đặc biệt là phải nắm vững kỹ
xảo kỹ thuật tiến hành thực nghiệm để thực nghiệm thuần khiết khoa học
và mang tính chính xác.
Tiến hành thực nghiệm có thể theo các bước sau:
- Xác định mục đích thực nghiệm thật rõ ràng.
- Hình thành giả thuyết khoa học: phỏng đoán về diễn biến ở mức độ tốt
hơn của đối tượng thực nghiệm sau thực nghiệm.
- Xác định các biến số (tiêu chí hay các thông số) của đối tượng thực
nghiệm. Những biến số này được biểu đạt trong hệ thống các khái niệm
công cụ.
- Tổ chức thực nghiệm xác định thực trạng đối tượng trước thực nghiệm.
- Xây dựng hệ thống các tác động theo mục đích thực nghiệm đề ra.

36
- Tiến hành thực nghiệm hình thành nhằm tạo ra ở đối tượng thực nghiệm
một trình độ phát triển mới, các biến số thay đổi từ mức độ thấp lên mức
độ cao.
- Tiến hành thực nghiệm kiểm tra đầu ra của đối tượng thực nghiệm (ở cả
2 lớp thực nghiệm và đối chứng).
- Thu thập cứ liệu theo các tiêu chí biêu hiện sự phát triển của đối tượng
nghiên cứu qua quá trình thực nghiệm. Kết quả thực nghiệm được phân
tích về mặt định tính cũng như định lượng.
- Rút ra những kết luận khoa học từ thực nghiệm.
d. Phương pháp trắc nghiệm (Test)
Trắc nghiệm (test) là những bài tập tiêu chuẩn hoá ngắn gọn soạn ra để xác
định mức độ phát triển của những hiện tượng tâm lý khác nhau. Như vậy, trắc
nghiệm là một phép thử để đo lường tâm lý đã được tiêu chuẩn hóa trên một số
lượng người tiêu biểu trong một thời điểm nhất định. Sau đó bộ test này sẽ
được sử dụng để đo lường trên người khác.
Test được đưa ra cho tất cả trẻ em cũng như người lớn có kèm theo lời chỉ
dẫn đã tiêu chuẩn hoá. Đáp án của các bài tập cũng đã được định trước. Test
được đánh giá theo tiêu chuẩn thảo ra trước.
Test có những ưu điểm sau:
- Xác định được chuẩn mực của sự phát triển tâm lý và so sánh nó với một
chuẩn mực nào đó.
- Test cho phép tổ chức nghiên cứu có tính chất lặp lại và thay đổi, nghĩa
là sự nghiên cứu có tính chất so sánh đối tượng và nhóm đối tượng
nghiên cứu trong những thời gian khác nhau, trong điều kiện khác nhau.
- Tính xác định và tính ngắn gọn của Test cho nhà nghiên cứu khả năng
nhanh chóng thu thập số lượng tài liệu lớn.
- Test không đòi hỏi một sự chuẩn bị dài hạn đặc điểm hay một sự trang bị
phức tạp, triển khai test đơn giản về mặt công cụ, chỉ cần sử dụng giấy,
bút, tranh vẽ…

37
- Test có khả năng làm bộc lộ hiện tượng tâm lý cần đo thông qua thực
hiện nhiệm vụ Test.
- Có khả năng lượng hóa, chuẩn hóa tiêu chí cần đo
Tuy nhiên Test cũng có những nhược điểm:
- Test không tính đến nguyên nhân của sự thành công hay thất bại.
- Test chủ yếu cho ta biết kết quả, ít bộc lộ quá trình suy nghĩ của nghiệm
thể để đi đến kết quả.
- Khó soạn thảo một bộ Test đảm bảo tính khách quan
Test trọn bộ bao gồm 4 phần:
- Văn bản test.
- Hướng dẫn cách tiến hành.
- Hướng dẫn đánh giá.
- Bản chuẩn hóa.
Trong tâm lý học có: Test về nhận thức (trí tuệ) của Binet - Simon,
Weschler, Raven và Test về nhân cách của Eyzenk, Rochard, Murray… và
nhiều trắc nghiệm các hiện tượng tâm lý khác.
e. Phương pháp trắc đạc xã hội
Phương pháp trắc đạc xã hội này để hiểu thêm các mối quan hệ của đối
tượng nghiên cứu trong nhóm và xác định vị trí xã hội của đối tượng trong
nhóm.
Cơ sở: Vị trí xã hội của đối tượng nghiên cứu được xác định bởi hai chỉ
số: ảnh hưởng xã hội (SI) và ưa chuộng xã hội (SP). SI và SP được đo bằng sự
lựa chọn ba người trong nhóm mà mình thích nhất (LM) và không thích nhất
(LL).
SI = LM + LL; SP = LM - LL
Như vậy, SI là loại chỉ số có tính xã hội có thể nhìn thấy được bởi tổng
số của các giá trị (LM + LL), trong khi đó SP là sự ưa chuộng tương đối của
đối tượng ở trong từng nhóm cộng đồng.

38
Sau khi hỏi các đối tượng về các câu hỏi trên, có thể hỏi thêm vì sao họ
lại chọn những người đó. Như vậy ta sẽ thiết lập được mối quan hệ của đối
tượng trong nhóm, quan hệ với các bạn như thế nào và các bạn đối với đối
tượng ra sao. Hơn nữa qua đây ta biết được những mối quan hệ nào là mối quan
hệ hai chiều (lựa chọn nhau), quan hệ nào là quan hệ đơn phương (lựa chọn
một chiều). Điều này cũng quan trọng vì ta thấy rõ hơn tình thế của đối tượng ít
nhất là ở thời điểm nghiên cứu.
f. Phương pháp phân tích sản phẩm của hoạt động
Phương pháp phân tích sản phẩm hoạt động là phương pháp dựa vào kết
quả sản phẩm của đối tượng để nghiên cứu các chức năng, diễn biến tâm lý của
người đó trong quá trình tạo ra sản phẩm. Mặc dù có những giá trị xác định,
nhưng những sản phẩm hoạt động không cho phép nhà nghiên cứu thấy rõ quá
trình hoạt động tạo ra sản phẩm. Chính vì vậy, sản phẩm được lựa chọn vào
nghiên cứu cần tìm hiểu thêm về quá trình tạo sản phẩm. Điều này giúp nhà
nghiên cứu loại trừ các yếu tố can thiệp từ bên ngoài. Vì vậy nếu chỉ dựa vào
những số liệu thu được từ phương pháp này thì người nghiên cứu có thể phạm
sai lầm.
g. Phương pháp nghiên cứu tiểu sử cá nhân
Là phương pháp có thể nhận ra các đặc điểm tâm lý cá nhân thông qua việc
phân tích tiểu sử cuộc sống của cá nhân đó, góp phần cung cấp một số tài liệu
cho việc chẩn đoán tâm lý của đối tượng.
Các phương pháp nghiên cứu tâm lý con người khá phong phú. Mỗi phương
pháp đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Muốn nghiên cứu các chức
năng tâm lý một cách khoa học, khách quan, chính xác, cần phải sử dụng các
phương pháp nghiên cứu phù hợp với vấn đề nghiên cứu và có sự phối hợp
đồng bộ các phương pháp nghiên cứu với nhau để đem lại kết quả khách quan,
toàn diện.
h. Phương pháp lâm sàng

39
Phương pháp lâm sàng rất gần với phương pháp trò chuyện. Trong phương
pháp lâm sàng, nhà nghiên cứu thường nêu ra cho khách thể nghiên cứu một
nhiệm vụ, hoặc một loại kích thích nào đó để gây ra một phản ứng. Khi khách
thể đã phản ứng, nhà nghiên cứu sẽ nêu ra các câu hỏi hoặc nhiệm vụ tiếp theo,
với hy vọng làm sáng tỏ các câu trả lời trước đó của khách thể. Các câu hỏi sẽ
tiếp tục cho đến khi nhà nghiên cứu có được những thông tin cần thiết. Mặc dù
các khách thể thường được hỏi những câu giống nhau trong giai đoạn đầu của
nghiên cứu, nhưng việc trả lời những câu hỏi này của họ sẽ quyết định những
câu hỏi tiếp theo mà nhà nghiên cứu đặt ra. Vì vậy, trong nghiên cứu bằng
phương pháp lâm sàng, mỗi đối tượng là một khách thể đơn nhất.
Mấu chốt của phương pháp lâm sàng là nghệ thuật đặt câu hỏi, quan sát,
lắng nghe và ghi chép cách trả lời cũng như các phản ứng của nghiệm thể nhằm
ghi lại đầy đủ cách tiến hành, cách lập luận và cấu trúc của những suy luận đó.
Từ những câu trả lời, những phản ứng của khách thể, nhà nghiên cứu có thể
đưa ra yêu cầu, chỉ trích, động viên... để dẫn dắt họ hành động và nói ra được
cách suy nghĩ, cách hành động của mình. Với từng khách thể khác nhau, nhà
nghiên cứu có thể có cách ứng xử và các thủ thuật khêu gợi phù hợp, miễn là
có được thông tin chính xác, đầy đủ về diễn biến phản ứng của đối tượng. Việc
tiến hành phương pháp này trên mỗi khách thể trong suốt thời gian dài phát
triển của nó sẽ cung cấp hệ thống thông tin, mà việc phân tích chúng sẽ cho nhà
nghiên cứu bức tranh về sự phát sinh, phát triển tâm lý cá nhân qua các giai
đoạn lứa tuổi.
i. Phương pháp xử lý thông tin
Kết quả thu thập thông tin từ công việc nghiên cứu tài liệu, số liệu thống
kê, quan sát hoặc thực nghiệm tồn tại dưới dạng định tính và định lượng. Các
thông tin này cần được xử lý để xây dựng các luận cứ, được khái quát hoá để
làm bộc lộ các quy luật phục vụ cho việc chứng minh hoặc bác bỏ giả thuyết.
Xử lý thông tin định lượng: Thông tin định lượng có thể được trình bày
dưới nhiều dạng tuỳ theo tính hệ thống và khả năng thu thập thông tin. Thông

40
tin định lượng được thể hiện trong nghiên cứu gồm: con số rời rạc, bảng số
liệu, biểu đồ, đồ thị.
Xử lý thông tin định tính: thông tin định tính có thể được xử lý bằng cách
mô tả và suy diễn theo logic bản chất của sự vật hiện tượng. Và để nhận dạng
chuẩn xác mối liên hệ bản chất, người nghiên cứu có thể mô tả dưới dạng sơ
đồ:
- Sơ đồ song song: là sơ đồ mô tả mối liên hệ đồng thời giữa các yếu tố.
- Sơ đồ nối tiếp: là loại sơ đồ mô tả mối liên hệ kế tiếp nhau trong cấu
trúc của một sự vật.
- Sơ đồ các liên hệ tương tác.
- Sơ đồ hệ thống có điều khiển.
- Sơ đồ hình cây.
- Sơ đồ hình thoi.

TỪ KHÓA

Tâm lý học: là một khoa học chuyên nghiên cứu các hiện tượng tâm lý người,
nghiên cứu sự nảy sinh, hình thành và phát triển của các hiện tượng tâm lý.
Phân tâm học: Phân tích tâm lý người bệnh để tìm cho được nguồn gốc gây
bệnh ẩn dấu sâu trong vô thức người bệnh. Con người trong phân tâm học là
con người cơ thể, con người sinh vật bị phân ly ra nhiều mảng, con người với
những mong muốn chủ yếu là thỏa mãn các đam mê tính dục, đối lập với xã
hội.
Đồng hóa: là quá trình chủ thể tiếp nhận khách thể vào cấu trúc hoạt động, tức
là xử lý các tác động bên ngoài nhằm đạt một mục tiêu nào đó.
Điều ứng: là quá trình chủ thể đem cấu trúc hoạt động đã được tạo ra trước đó
thích ứng theo khách thể. Đồng hóa và điều ứng tạo nên trí thông minh con
người.

41
Tâm lý học hành vi: là khoa học tâm lý nghiên cứu về hành vi con người. Tâm
lý học hành vi tuyên bố không quan tâm đến việc mô tả giảng giải các trạng
thái tâm lý của ý thức mà chỉ quan tâm đến hành vi của tồn tại người. Hành vi
được xem là tổ hợp các phản ứng của cơ thể trước các kích thích của môi
trường bên ngoài.
Tâm lý học Gestalt: hình ảnh do tri giác tạo ra có tính chất ổn định. Sở dĩ như
vậy là vì tất cả các hiện tượng tâm lý đều tuân theo quy luật của thuyết đồng
cấu đồng hình. Hình ảnh tâm lý vốn có cấu trúc trọn vẹn, cấu trúc này không
phải do sự vật hiện tượng gây nên mà do yếu tố tâm lý vốn có trong não gây
nên.
Tâm lý học nhân văn: có những quan điểm lạc quan về con người, nhấn mạnh
tính tích cực, độc đáo của con người. Họ cho rằng con người có khả năng tự
điều khiển số phận của mình.
Vùng phát triển (của L. S. Vygotsky): trong suốt quá trình phát triển của trẻ
đều diễn ra 2 mức độ: vùng phát triển hiện tại và vùng phát triển gần nhất.
- Vùng phát triển hiện tại: là trình độ mà ở đó các chức năng tâm lý đã
đạt đến độ chín muồi.
- Vùng phát triển gần nhất: trong đó các chức năng tâm lý đang trưởng
thành nhưng chưa chín muồi.

CÂU HỎI ÔN TẬP


1. Hãy nêu đối tượng, nhiệm vụ, vị trí và vai trò của tâm lý học.
2. Hãy phân tích ưu, nhược của các quan điểm trong tâm lý học được
trình bày trong tài liệu.

BÀI TẬP
1. Dựa theo quan điểm của Tâm lý học hoạt động, hãy xây dựng mối
quan hệ giữa chủ thể và đối tượng qua hoạt động học tập.

42
2. Dựa theo quan điểm của Tâm lý học hành vi, hãy xây dựng hệ thống
kích thích để hình thành một hành vi mong muốn cho bản thân hoặc
đối tượng giáo dục.
3. Dựa theo quan điểm của Tâm lý học nhận thức, hãy lấy ví dụ chứng
minh về sự phát triển tư duy của con người qua 4 giai đoạn.
4. Dựa theo quan điểm của Tâm lý học nhân văn, hãy lấy ví dụ chứng
minh lý thuyết về các nhu cầu của Abraham Maslow.
5. Dựa theo quan điểm của S. Freud và phân tâm học, hãy lấy ví dụ
chứng mình về bộ máy tâm thân của con người.
6. Hãy nêu cách triển khai các phương pháp nghiên cứu tâm lý.

TÀI LIỆU ĐỌC THÊM


1. Phạm Minh Hạc (cb), 2003, Một số công trình tâm lý học A.N.Lêôngchiép, Nhà
xuất bản Giáo dục.
2. Phan Trọng Ngọ, (2003), Các lý thuyết phát triển tâm lý người, NXB ĐHSP
Hà Nội.
3. Nguyễn Quang Uẩn, (2003), Tâm lý học đại cương, NXB ĐHSP Hà Nội.

43

You might also like