You are on page 1of 8

Đoạn này trong sách Kim Vân Kiều truyện nằm trong hồi thứ tư (Chữ hiếu

nặng, thân này đành bỏ, nỡ để nhà tan/ Tơ duyên đứt, tình ấy khó quên, còn
nhờ em nối), được bắt đầu như sau:
“Tới đây thì nàng không cần giấu giếm chi nữa, nên cũng nói thẳng cho
Thúy Vân: Chị cùng Kim Trọng từng thề thốt: cùng nhau giai lão bách niên.
Chẳng ngờ ngày nay gặp cảnh gia biến, muốn trọn chữ hiếu tất nhiên khôn trọn
chữ tình, rồi đây, tấm thân của chị biết rằng trôi dạt vào đâu. Phỏng sử lúc ấy
mà chàng quay lại, thì tấm thân tình này ai tỏ cho ta? Thôi thì giờ đây, em hãy
ngồi lên nhận lấy của chị một lạy.
Thúy Vân sửng sốt hỏi: Ô này lạ! Cớ sao chị lại lạy em, lạy để làm gì, xin
chị cho em được rõ?
Kiều đáp: Em ơi, cái lạy của chị không bởi một việc gì khác, chỉ bởi một
sợi tơ tình giữa chàng và chị hãy còn dang dở, mong rằng em hãy vì chị trang
trải cho xong, nếu được như vậy, chị dù thịt nát xương mòn cũng được ngậm
cười ở nơi chín suối.
Nói tới đây, nàng quá cảm động, khóc chẳng ra tiếng, rồi bị ngất xỉu, đến
khi hồi tỉnh, Thúy Vân kiếm lời khuyên giải:
Chị ơi, những lời chị vừa dặn bảo, em xin hết thảy vâng theo, mong rằng
chị hãy gìn vàng giữ ngọc.

Thúy Kiều thấy Vân đã chịu nhận lời, thì lại nói tiếp: Than ôi, chàng Kim
vừa mới trở lại Liêu Dương mà việc cứu cha, cứu em lại cần gấp rút, vì thế nên
chị phải cậy đến em, này đây, giữa chàng với chị còn một bản văn thề và một
đôi xuyến, chị trao cả lại cho em, sau này em sẽ ăn ở với chàng cho được tốt
đẹp. Cứ như ý chị, thì kiếm được người tài tình như thế thật cũng khó khăn,
mong rằng bao nhiêu đính ước với chàng, em hãy trả giúp cho chị, rồi sau nên
chồng nên vợ, nghĩ đến người mệnh bạc, chắc rằng em cũng chẳng quên hiện
giờ chị cũng chẳng dám nói nhiều, vì sợ mụ mối sắp đến, nói ra có phần bất
tiện, âu là để chị viết mấy chữ để lại cho chàng. Nhớ lại cái giờ cùng nhau thề
thốt ở dưới bóng trăng, biến thành những lời nói không hết thảy.
Lại còn điều này, chị cũng nói để em biết: Trước kia có lần chị mơ thấy
Lưu Đạm Tiên, nàng bảo chị đề thơ vào tập Đoạn Trường, và lại cho biết chị
cũng là người trong Hội. Như vậy, cái đời của chị, dù sao cũng không chạy
thoát ra ngoài cái hội Đoạn Trường, trước kia chị và chàng Kim phải giữ tấm
thân trong sạch, đó là lẽ thường, nay gặp phải biến cố, thì tấm thân này sự
buồn, sự vui tùy theo ở người. Chứ mình đâu có quyền tự chủ! Âu cũng là phó
mặc tạo hóa xoay vần, ví phỏng sau này chàng Kim và em còn nhớ tình xưa
nghĩa cũ, tìm kiếm chị đây, thì cứ đến sông Tiền Đường, sẽ thấy tin tức. Vì cái
điềm đó chị đã biết trong giấc mộng, ngẫm xem dĩ vãng, đã thấy phù hợp, chắc
việc sau này cũng đúng đó thôi. Nói xong nàng lại dậm chân than khóc: Ơi Kim
Lang hỡi Kim Lang, thôi thôi thiếp đã phụ chàng rồi đó. Than xong thì nàng
ngừng thở, hai tay lạnh ngắt như đồng.
Thúy Vân thấy chị ngất đi, còn đương luống cuống, bỗng đâu nàng lại hồi
tỉnh lên tiếng gọi Vân: Em ơi, chị không khóc nữa, vì mẹ sắp trở về rồi, mẹ về,
tất nhiên mụ mối cũng đến, chị thấy việc này có liên can đến án đạo tặc, những
người thân cận, hỏi ai còn dám dính líu với mình. Vậy người lấy chị tất nhiên là
người phương xa, sau khi xong việc, họ sẽ giục giã lên đường, bấy giờ ruột tằm
bối rối, muốn viết một chữ cũng chẳng được nào. Vậy hãy đem bút giấy để chị
viết trước mấy lời.
Thúy Vân vội vàng đi lấy các thứ, thoạt cầm lấy bút nàng lại thở dài, hai
hàng nước mắt bỗng lại tuôn ra như suối, rồi nức nở than:
Chàng Kim hỡi hỡi, trước kia mà thiếp phải giữ tấm thân, chẳng để cho
chàng tùy theo ý muốn, chỉ vì thiếp sợ sau này cái đêm hợp cẩn biết lấy vật chi
đối chất với chàng. Ví chăng lúc ấy mà thiếp sớm có ngày nay, thì thiếp có giữ
làm chi. Tội nghiệp! Than xong, nàng vội gạt lệ viết một bức thư.
THƯ RẰNG:
Thiếp tôi Thúy Kiều là kẻ mệnh bạc, tai vạ xảy tự chân tường, dâng thư đã
chẳng học đặng nàng Oanh, bán mình há nhẽ chịu thua Ả Lý? Vẫn biết bán
mình là thiếp làm một việc tủi nhục cho chàng, thực là đáng hổ, đáng giận.
Nhưng mà nghĩ lại: Cái đêm dưới đèn cự tuyệt, thiếp cam chịu tội cùng chàng,
chàng mà nhớ lại, sao khỏi oán hận thiếp đây. Than ôi! Số phận mỏng manh,
mối tình chẳng cho chị chắp, thôi thì lược khăn hầu hạ, tơ duyên phải cậy em
xe. Ví chẳng nề hà, vui lòng hạ cố, thì ân tình trước họa chăng thiếp đây báo
đáp được một phần nào. Mai đây chân trời góc bể, li biệt đến kì, nhớ khi dưới
nguyệt chén thề, thành câu chuyện hão. Còn lại cây cầm khúc oán, một gói
hương thừa, ngày khác em nó cùng chàng so tơ lựa phím, trông ra cành cây
ngọn cỏ, thấy gió hiu hiu là lúc hồn thiếp bay về, lúc ấy chàng nên vì thiếp rưới
một chén rượu, rửa nỗi oan khiên, thì thiếp ơn chàng vạn bội! Trong lúc tử sinh
li biệt, có thế mà thôi, giấy ngắn tình dài, kể sao xiết nỗi, mong chàng nên gìn
vàng giữ ngọc, đừng nghĩ đến thiếp làm chi.
Thư đệ trước án Kim Thiên Lý
Đứa em xấu số là Vương Thúy Kiều kính lạy”
Viết xong bức thư bỏ vào trong một chiếc phong bì, mặt ngoài đề hai dòng
chữ: “Kim Thiên Lý minh huynh mở coi, và giao lại cho Thúy Vân thu nhận”.
Nàng vừa trao thư cho Vân xong, thì phía ngoài có tiếng gọi ngõ, vội vàng
ra mở thấy mẹ đã về, theo sau là một mụ mối." (Phạm Đan Quế - Truyện Kiều
đối chiếu, trang 115 - 119).
Đoạn thơ của Nguyễn Du từ câu số 723 Cậy em em có chịu lời, đến câu số
758 Một hơi lặng ngắt đôi tay giá đồng, gồm 36 câu thơ lục bát, một trang in.
Trước khi đối sánh hai đoạn, cần nói thêm về sự thay đổi lớn của Nguyễn
Du khi viết đoạn thơ này.
Nguyễn Du đã bỏ hồi thứ 5 và hồi thứ 6. Nhà thơ chỉ giữ lại chi tiết Vương
ông lao đầu vào cột định tự tử và lời khuyên can của Thúy Kiều. Hai chi tiết này
được đưa lên hồi 4, lại đặt vào trước khi Thúy Kiều trao duyên cho Thúy Vân.
Nguyễn Du cũng đưa chi tiết đoạn đầu của hồi thứ 7 nói về việc Kiều thao
thức, Thúy Vân chợt tỉnh giấc xuân ghé đến hỏi han, xuống hồi 4 nói về việc
trao duyên. Ở hồi 4, sau khi Kiều quyết định bán mình, mẹ nàng đi theo bọn
công sai để nhận đường lối sau này đưa cơm cho tiện, ở nhà còn hai chị em, hai
người nói chuyện và Kiều lạy Vân, trao duyên cho em, không có chuyện "Thúy
Vân chợt tỉnh giấc xuân” (trang 115-116).
Bây giờ chúng ta sẽ xem xét việc Nguyễn Du đã cấu trúc lại nội dung bốn
hồi 4, 5, 6, 7 như thế nào về thứ tự các sự việc.
Trong kim Vân Kiều truyện, trật tự các sự việc theo thứ tự như sau:
1) Kim Trọng nghe tin dữ phải về hộ tang, Kim Trọng báo tin và từ biệt
Kiều. 2) Kiều về nhà, bố mẹ về báo tin sợ bị hai thằng bán tơ khai. 3) Sai nha ập
đến tra khảo Vương ông và Vương Quan. 4) Kiều quyết định bán mình cứu gia
đình. 5) Kiều trao duyên cho Vân. 6) Mụ mối đưa Mã Giám Sinh đến bắt đầu
cuộc mua bán. 7) Giấc mơ Kiều gặp Kim Trọng. 8) Kiều làm 8 bài thơ.
Trong Thúy Kiều, Nguyễn Du sắp xếp lại:
1) Kim Trọng nghe tin dữ phải về hộ tang, Kim Trọng báo tin và từ biệt
Kiều. 2) Sai nha ập đến tra khảo Vương ông và Vương Quan. 3) Kiều quyết
định bán mình cứu gia đình. 4) Mụ mối đưa Mã Giám Sinh đến bắt đầu cuộc
mua bán. 5) Vương ông định tự tử, Kiều khuyên can. 6) Mã Giám Sinh trao
tiền. 7) Kiều trao duyên cho Vân.
Qua so sánh trên, chúng ta thấy Nguyễn Du đã làm một cuộc thay đổi lớn
lao như thế nào khi dồn nội dung có trong 4 hồi vào một đoạn thơ liền mạch,
trong đó đưa phần “trao duyên” vốn ở giữa hồi thứ 4 xuống phần cuối của đoạn
thơ dài từ câu số 529 đến câu số 758. Có thể thấy thêm rằng trong Kim Vân
Kiều, nàng Kiều vừa quyết định bán mình thì đã “trao duyên” ngay cho Thúy
Vân. Như vậy là vẫn nghĩ cho tình riêng của mình khá sớm. Trong khi ở
Thúy Kièu, Nguyễn Du để cho các sự việc mua bán xong xuôi, Vương ông
được tha về nhà; rồi Mã Giám Sinh đã trao tiền bạc. Lúc đó Kiều mới nghĩ
đến mối tình riêng, mới “trao duyên” cho Thúy Vân. Như thế tính cách của
nàng coi trọng chữ Hiếu hơn chữ Tình, hi sinh tình riêng để làm trọn nghĩa vụ
cứu gia đình càng được khắc họa nổi bật.
Đoạn trao duyên trong TK cụ thể như sau:
Bây giờ sẽ xem xét chi tiết phần trao duyên Nguyễn Du đã làm những gì
khác.
- Thứ nhất, Nguyễn Du bỏ chi tiết sau khi Kiều lạy Vân, Vân hỏi cớ sao
lạy. Kiều trả lời, rồi xúc động quá, ngất xỉu. (trang 116).
- Thứ hai, Nguyễn Du để cho Kiều nói một mạch với Vân. Không để cho
Thúy Vân nói lại. Khi nói xong thì Kiều ngất.
- Thứ ba, Nguyễn Du bỏ đoạn Kiều kể về giấc mơ gặp Lưu Đạm Tiên.
- Thứ tư, Nguyễn Du bỏ chi tiết: "Nói xong nàng lại dậm chân than khóc”.
- Thứ năm, Nguyễn Du bỏ chi tiết Vân luống cuống thấy chị ngất, “bỗng
đâu nàng lại hồi tỉnh, lên tiếng gọi Vân”.
- Thứ sáu, Nguyễn Du bỏ chi tiết Kiều đòi giấy bút để viết thư cho Kim
Trọng.
- Thứ bảy, Nguyễn Du lấy nội dung thư viết cho Kim Trọng, biến thành lời
dặn dò của Kiều với Thúy Vân.
Mai sau, dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy, so tơ phím này
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về
- Thứ tám, Nguyễn Du thêm đoạn Kiều than cho mối tình không thành và
phận bạc của mình.
Bây giờ trâm gãy gương tan
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân
Trăm nghìn gửi lạy tình quân
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi
Phận sao phận bạc như vôi
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.
- Thứ chín, Nguyễn Du đưa lời than “Ơi Kim Lang hỡi Kim Lang, thôi thôi
thiếp đã phụ chàng rồi đó. Than xong thì nàng ngừng thở, hai tay lạnh ngắt như
đồng” xuống để kết thúc đoạn trao duyên. Đồng thời cũng kết thúc luôn cả nội
dung của hồi thứ tư (kết hợp với hồi 5, hồi 6 và một phần đầu hồi 7).
Chín điều thay đổi của Nguyễn Du, nhưng mạch thơ không thay đổi mà
vẫn đảm bảo sự mạch lạc, hợp lí. Đó chẳng phải là sự sáng tạo của người có bản
lĩnh cao cường hay sao!

Mối liên hệ giữa Truyện Kiều của Nguyễn Du và Kim Vân Kiều truyện
của Thanh Tâm Tài Nhân phản ánh qui luật phát triển chung của các nền văn
học trung đại trên thế giới. Điều đặc biệt là, từ nguồn chất liệu vay mượn của
một tác phẩm “không lấy gì làm xuất sắc”(B.L.Riptin), thiên tài Nguyễn Du đã
tạo nen một kiệt tác. Ở đây, chúng ta bàn về vấn đề này qua Trao duyên - một
trong những trích đoạn tiêu biểu nhất cho thành tựu tư tưởng và nghệ thuật của
Truyện Kiều.
Trong Truyện Kiều, sự kiện Thuý Kiều trao duyên cho Thuý Vân được Nguyễn
Du miêu tả trong một tình huống mới, khác hẳn so với Kim Vân Kiều truyện.
Thanh Tâm Tài Nhân để cho việc trao duyên diễn ra ngay sau quyết định bán
mình, đan xen cùng nhiều sự kiện khác và kéo dài trong suốt ba hồi (trên tổng
số 20 hồi). Khi đó, Vương ông và Vương Quan vẫn bị bọn công sai đưa đi;
Vương bà phải theo chúng để biết lối mang cơm nước. Còn lại hai chị em, Thuý
Kiều lập tức bày tỏ nỗi lòng với Thuý Vân; mời em ngồi lên lạy tạ “nhờ em đền
bồi thay chị” và gắng vượt qua nỗi đau khổ để viết thư từ biệt Kim Trọng. Dẫu
nhiều lúc khóc gọi Kim Trọng; mấy lần đau đớn đến ngất đi nhưng khi tỉnh lại
Thuý Kiều vẫn bình tĩnh, chủ động, can trường như một đấng nam nhi. Mụ mối
đưa Mã Giám Sinh tới, nàng tự đứng ra mặc cả bán mình, thu xếp các thủ tục
mua bán, tự viết hôn thư. Nàng nhận bạc còn đem cân lại, thấy thiếu năm lạng,
bắt họ Mã phải “bù thêm cho đủ số”... Quan sát những hành động đó, người đọc
tất nhiên thán phục trước “cái tài nhìn đời sáng suốt, làm việc quyết đoán” song
không khỏi cảm thấy sự khiên cưỡng của tác giả trong cách miêu tả hành động,
tâm lí nhân vật. Nó không thực sự phù hợp với một cô gái trẻ sinh ra, lớn lên
trong khung cảnh “Êm đềm trướng rủ màn che” lần đầu tiên phải đối mặt với
những biến cố dữ dội, kinh hoàng. Hơn nữa, ngay trong lúc mọi việc còn ngổn
ngang, rối bời, còn phải lo lắng cho số phận của cha và em như thế, thật khó có
thể nghĩ và tính toán chu toàn cho mình, cho người yêu...
Khác với Thanh Tâm Tài Nhân, Nguyễn Du không chủ tâm tạo dựng hình
tượng Thuý Kiều như một “tay hào kiệt trong bạn quần thoa”(tr 45). Người
thiếu nữ được nuôi dưỡng trong cảnh phong lưu ấy khi phải đối mặt với tai họa
cũng rất cứng cỏi, giàu nghị lực. Nhưng lời lẽ, cách ứng xử... vẫn toát lên vẻ dịu
hiền, đằm thắm; có cả nét thơ ngây, trong sáng của một cô gái mười lăm, mười
sáu tuổi. Kể từ giây phút quyết định “Làm con trước phải đền ơn sinh thành”,
Thuý Kiều không một lần không nghĩ đến Kim Trọng, như thể chỉ cần một kỉ
niệm tình yêu thức dậy là sẽ lấy đi của nàng tất cả sức lực và lòng can đảm. Phải
đến khi “Việc nhà đã tạm thong dong”, cha và em đã thoát khỏi gông cùm và
sáng hôm sau Mã Giám Sinh sẽ đến lấy người - nàng mới dám sống với nỗi đau
khổ của mình. Đối diện với lòng mình, Thuý Kiều chấp nhận số phận éo le, bất
hạnh nhưng không nguôi được nỗi day dứt, đau đớn vì phải phụ lời thề ước sâu
nặng, thiêng liêng; phải để lại cho người yêu nỗi đau dang dở
Như vậy, sáng tạo của Nguyễn Du không đơn giản chỉ là lược bỏ nhiều chi tiết,
sắp xếp, tổ chức lại các sự kiện, xây dựng tình huống mới... mà chủ yếu là biến
đổi tính cách nhân vật và sử dụng những phương thức biểu đạt của riêng mình.
Ngòi bút của cụ Nguyễn Tiên Điền đã “khai sinh” một Thuý Kiều mới với “chất
Việt Nam thuần tuý và nồng hậu”(M.Durant). Cô Kiều của Thanh Tâm Tài
Nhân thiên về lí trí và luôn có ý thức nêu cao tấm gương liệt nữ nên hay thuyết
giáo về chuyện đạo lí. Trong khi đó, nàng Kiều của Nguyễn Du lại nặng về tình
cảm, nghĩ nhiều đến bổn phận tự nhiên với những người ruột thịt: “Thà rằng
liều một thân con/ Hoa dù rã cánh, lá còn xanh cây”. Nàng không coi việc bán
mình là hành động phi thường của liệt nữ, hiếu nữ mà là lẽ thường của người
làm con, làm chị. (Tinh thần vị tha cao cả mà giản dị, thầm lặng đó toát lên từ
nhiều hình tượng nhân vật nữ của văn học Việt Nam – từ cổ tích, ca dao, truyện
Nôm... đến các tác phẩm hiện đại.) Cho nên, lời Thuý Kiều nhờ cậy, dặn dò lúc
trao duyên chứa đựng không chỉ tình nghĩa với Kim Trọng mà cả tấm lòng yêu
thương, trân trọng và biết ơn dành cho Thuý Vân “Ngày xuân em hãy còn dài/
Xót tình máu mủ thay lời nước non”. Nàng nghĩ em còn trẻ, còn nhiều cơ hội để
có được tình yêu, hạnh phúc của riêng mình. Hơn nữa với Thuý Vân lúc đó,
chàng Kim dẫu có hào hoa phong nhã nhưng mới chỉ là một “người dưng”!
Nàng thấu hiểu rằng, em gái cũng phải thiệt thòi, cũng có công ơn to lớn khi
“chịu lời” ủy thác này. Để Thuý Kiều nói những lời như thế trong cảnh trao
duyên, Nguyễn Du còn “phục bút” cho bi kịch Thúy Vân và cảnh đoàn viên
nhiều ngậm ngùi của mười lăm năm sau...
Đoạn trích Trao duyên cũng là bằng chứng tiêu biểu cho giá trị riêng của
phương thức tái hiện đời sống mà Nguyễn Du lựa chọn. Nếu Thanh Tâm Tài
Nhân tận dụng được thế mạnh của tự sự và ngôn ngữ văn xuôi thì Nguyễn Du
lại đặc biệt thành công trong nghệ thuật trữ tình. Tác giả Kim Vân Kiều truyện
đan cài sự kiện trao duyên giữa rất nhiều sự kiện khác, khéo léo cuốn người đọc
vào cái hiện thực đời thường ngồn ngộn chất sống, làm nổi bật lên một Thuý
Kiều với bản lĩnh khác xa người thường. Song ở đây, tính cách Thuý Kiều chủ
yếu vẫn được bộc lộ qua lời nói, cử chỉ, hành động - kiểu nhân vật ngoại hiện
quen thuộc của tiểu thuyết chương hồi. Nguyễn Du lại tách riêng cuộc trao
duyên, tập trung miêu tả diễn biến nội tâm của Thuý Kiều, mang đến cho người
đọc cái thế giới phong phú, phức tạp, bí ẩn không cùng của trái tim tình yêu.
Ngôn ngữ nhân vật với các hình thức đối thoại, độc thoại... được tác giả sử dụng
như một phương tiện đắc lực để khám phá, khắc hoạ “con người bên trong”. Lời
Thuý Kiều nhờ cậy em vừa trang trọng (cậy, chịu lời, lạy, thưa) vừa gần gũi
(chắp mối tơ thừa, mặc em) nói lên được cả tính chất hệ trọng của việc trao
duyên, cả sự trông chờ, tin cậy của tình ruột thịt. Lời kể ngắn gọn mà vẫn đủ để
Thuý Vân hiểu mối tình sâu nặng (khi gặp, khi ngày quạt ước, khi đêm chén
thề); lời thuyết phục thấm đượm ân tình khiến Thuý Vân không thể và không nỡ
chối từ (xin em hãy vì xót tình máu mủ mà thay lời nước non chứ không phải vì
chàng Kim là người tài tình khó lòng mà gặp)... Lời lẽ tinh tế, giọng điệu điềm
tĩnh tưởng chừng Thuý Kiều đã vượt qua được nỗi đau nhưng đến lúc trao kỉ
vật, thì tâm trạng nhân vật lập tức thay đổi. Lời dặn dò em bây giờ đầy những
mâu thuẫn, xót xa, tiếc nuối. Để rồi cuối cùng, nàng lại phải trở về với những
day dứt, đau khổ lúc ban đầu “Ôi Kim lang hỡi Kim lang/ Thôi thôi thiếp đã phụ
chàng từ đây”... Chỉ trong một đoạn thơ ngắn, Nguyễn Du đã vẽ nên một bức
tranh tâm trạng với rất nhiều cung bậc, trạng thái cảm xúc, nhiều biến động tinh
tế. Phan Ngọc đã không hề nói quá khi ông gọi Truyện Kiều là “quyển sách của
một ngàn tâm trạng”.
Nguyễn Du không chỉ khám phá, tái hiện một quá trình diễn biến tâm lí phong
phú, phức tạp mà còn lí giải sự vận động của quá trình ấy bằng “phép biện
chứng tâm hồn”. Mở đầu cảnh trao duyên, Thuý Kiều nói năng bình tĩnh, sáng
suốt vì nàng ngỡ đã tìm được cách chu toàn khi cậy nhờ em hoàn thành lời
nguyện ước. Vậy mà chỉ cần nhìn thấy những kỉ vật, là tiếng nói của trái tim đã
lấn át lí trí. Kỉ vật gọi về kỉ niệm, kỉ niệm đánh thức tình yêu, tình yêu trào dâng
mãnh liệt cuốn đi tất cả những ảo tưởng về chuyện chắp mối tơ thừa, thay lời
nước non, ngậm cười chín suối! Nó buộc nàng phải trở về với thực tại chia lìa,
đổ vỡ không thể hàn gắn, không gì bù đắp nổi: đứt gánh tương tư, trâm gãy bình
tan, tơ duyên ngắn ngủi, thiếp đã phụ chàng... Nàng có thể trao hết cho em chiếc
thoa, tờ mây, phím đàn, mảnh hương nhưng làm sao dứt khỏi lòng mình một
tình yêu nồng thắm, sâu sắc tự buổi đầu gặp gỡ? Thuý Kiều bất lực trước trái
tim yêu thương tha thiết mãnh liệt của chính mình! Và khối tình vẫn còn nguyên
vẹn ấy, nàng sẽ phải mang theo trên suốt hành trình đằng đẵng của mười lăm
năm đoạn trường.
Bàn về sáng tạo của Nguyễn Du, không thể không nói đến nghệ thuật sử
dụng ngôn ngữ. Tôi vẫn nghĩ đây là bình diện so sánh quan trọng nhất. Nó sẽ
mang đến câu trả lời thích đáng cho câu hỏi vì sao một tác phẩm có nguồn gốc
“ngoại lai” lại chiếm giữ vị trí đặc biệt như thế trong đời sống văn học, văn hoá
của nhân dân Việt Nam. Truyện Kiều đã được dịch ra nhiều thứ tiếng nhưng có
lẽ không thể có một bản dịch nào chuyển tải hết được cái linh diệu của thứ ngôn
ngữ mà Nguyễn Du dùng để tạo nên công trình tuyệt mĩ này. Phải đọc Truyện
Kiều bằng Tiếng Việt; phải đặt từng từ ngữ, hình ảnh, nhịp điệu... của mấy ngàn
câu thơ lục bát uyển chuyển kia trong bầu khí quyển của văn hoá và tâm hồn
Việt, mới cảm nhận hết được sáng tạo thiên tài của Nguyễn Du... Chỉ cần lướt
qua vài yếu tố ngôn ngữ trong đoạn trích Trao duyên, cũng đã thấy được phần
nào thành tựu nghệ thuật vĩ đại đó.
Đọc Kim Vân Kiều truyện, có thể dễ dàng nhận thấy thế mạnh của Thanh Tâm
Tài Nhân trong việc tạo dựng cốt truyện hấp dẫn với hệ thống chi tiết phong
phú, có khả năng phản ánh hiện thực rộng lớn. Có lẽ đây cũng là lí do khiến
Nguyễn Du mượn tác phẩm này làm cái bình để rót vào đó những suy ngẫm,
trăn trở, khát khao, ước vọng... của riêng mình. Khi thực hiện mục đích đó,
Nguyễn Du đã tìm đến một thế mạnh khác – sức mạnh của ngôn ngữ thơ, sự
giàu có của tiếng mẹ đẻ. Ông lược bỏ cái thô nhám của ngôn ngữ văn xuôi,
dùng khả năng biểu đạt, tính biểu cảm cao độ của từ ngữ thay cho nhiều chi tiết.
Chẳng hạn, Thuý Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân lúc bắt đầu trao duyên đã vừa
khóc vừa nói (có Thuý Vân trước mặt): “Chàng Kim! Chàng Kim! Trước đây
thiếp cố giữ vẹn tấm thân, không chiều ý chàng là sợ trong đêm hợp cẩn, không
lấy gì làm tin. Nếu sớm biết có biến ngày nay như thế này thì lúc ấy còn giữ làm
chi”(tr 52). Thật khó hình dung một thiếu nữ được nuôi dạy trong nền nếp nho
gia lại dễ dàng nói thẳng một vấn đề như thế trước mặt người khác, dù đó là em
ruột. Mặt khác, có thật hợp lí không khi để cho những suy nghĩ ấy xuất hiện
ngay khi Kiều chưa bán mình xong, chưa phải gánh chịu cái cảnh “Một cơn
mưa gió nặng nề/ Thương gì đến ngọc, tiếc gì đến hương”? Nguyễn Du đã đưa
câu nói kia khỏi cảnh trao duyên và chuyển thành ý nghĩ của Thuý Kiều trong
tâm trạng nhục nhã, ê chề, phẫn uất sau khi thất thân với Mã Giám Sinh và diễn
đạt bằng những từ ngữ hàm súc, tế nhị: “Biết thân đến bước lạc loài/ Nhị đào
thà bẻ cho người tình chung”... Hoặc chi tiết Thuý Kiều trao cho em kỉ vật được
tác giả Kim Vân Kiều truyện miêu tả hai lần, lối tả vẫn nặng về kể việc. Lần đầu
Thuý Kiều nói với Thuý Vân: Chị với chàng Kim có một tờ minh ước, một đôi
vòng bạc, xin đưa cả cho em, mong em khéo giữ gìn, để làm mối ăn ở về sau”(tr
51). Lần thứ hai, nàng viết trong thư gửi lại cho Kim Trọng: “Một cây hồ cầm,
một tập oán khúc và một gói hương trầm để lại. Sau này có lúc chàng cùng em
thiếp, vợ chồng đốt hương ngâm vịnh, ca khúc dạo đàn, nếu thấy gió lạnh hiu
hiu, khói hương quanh quất thì ấy là hồn thiếp ở đấy.”(tr83). Nguyễn Du gộp cả
thành lời Thuý Kiều nhắn nhủ em và sáng tạo kiểu ngôn ngữ đối thoại có khả
năng biểu hiện diễn biến tâm trạng: “Chiếc thoa với bức tờ mây/ Duyên này thì
giữ, vật này của chung”. Hai tiếng của chung hàm ẩn bao nhiêu xót xa, tiếc
nuối. Duyên trao cho em rồi mà như vẫn muốn “xí phần” cho mình. Từ ngữ và
cấu trúc đối của câu thơ (duyên – thì giữ, vật – của chung) gợi liên tưởng đến
bàn tay ngập ngừng, lưu luyến, không nỡ xa rời những kỉ vật tình yêu. Tâm
trạng ấy càng đậm nét hơn khi Thuý Kiều trao nốt cho Vân kỉ vật của đêm thề
nguyền: “Mai sau dù có bao giờ/ Đốt lò hương ấy, so tơ phím này”. Câu thơ sáu
tiếng được ngắt thành ba nhịp ngắn và không trọn nghĩa khiến ta có cảm giác
như nghe thấy tiếng nghẹn ngào, nức nở của một người muốn nói mà không
thốt nổi thành lời. Những từ ngữ bình thường, thậm chí tầm thường như ấy, này
bỗng hoá thành phi thường trong câu thơ của Nguyễn Du. Không có chúng,
phím đàn, mảnh hương chỉ là đồ vật, có thể thay thế, có thể mua được. Có
chúng, đồ vật biến thành kỉ vật thiêng liêng, duy nhất, vô giá... Những từ Hán
Việt, những ước lệ, ẩn dụ cổ điển (tương tư, keo loan, quạt ước, chén thề, bồ
liễu, trúc mai, dạ đài, trâm gãy bình tan...) song hành một cách tự nhiên, nhuần
nhuyễn cùng lời ăn tiếng nói bình dị, dân dã (giữa đường đứt gánh, chắp mối tơ
thừa, mặc em, xót tình máu mủ, vật này của chung, có ngần ấy thôi, bạc như
vôi...)... Vì thế, chẳng cần nhiều chi tiết, nhiều lời, tác giả Truyện Kiều vẫn tái
hiện được những biến động tinh tế, vô hình của nội tâm; mức độ sâu sắc, mãnh
liệt của tình yêu và nỗi đau...
Tìm hiểu sơ qua một đoạn trích Trao duyên, đã có thể hiểu vì sao Truyện Kiều
của Nguyễn Du có sức rung động mãnh liệt đối với mọi tầng lớp, mọi thế hệ
người Việt trong gần ba thế kỉ qua. Và nói theo cách của Hoài Thanh, thì một
tác phẩm có khả năng đi sâu vào tâm hồn của một nòi giống cũng sẽ có sức
mạnh thấm sâu vào tâm hồn nhân loại.

You might also like