You are on page 1of 2

LỜI NÓI ĐẦU

Trong nhiều thập kỷ vừa qua, theo đà phát triển của đất nước, nhiều công trình
cảng và bể cảng đã được xây dựng và đưa vào khai thác. Đến nay, cũng như các nước
phát triển hay có trình độ phát triển tương đương, chúng ta phải đối đầu với vấn đề duy
trì và nâng cấp các công trình để đáp ứng được yêu cầu của phát triển kinh tế biển với
hiệu quả cao nhất về kinh tế. Theo số liệu thống kê nhiều nước phát triển chi phí cho bảo
trì hay nâng cấp các công trình cảng hiện có lớn hơn, hay thậm chí lớn hơn nhiều chi phí
phát triển các cảng mới. Xu hướng đó chắc chắn chúng ta sẽ gặp phải trong thời gian
không xa tới.

Để đạt được mục đích về hiệu quả kinh tế nói trên, quản lý một dự án xây dựng
cảng cần được thực hiện theo nguyên tắc “Quản lý chu kỳ dự án” hay còn gọi là “Quản
lý vòng đời”. Điều này có nghĩa là cần chú ý đến toàn bộ vòng đời của dự án bao gồm
các giai đoạn quy hoạch và thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo trì, cải tạo và/hoặc xây
dựng lại, tái sử dụng và/hoặc dỡ bỏ.
Trong Sổ tay Phần II này tác giả tập trung giới thiệu kinh nghiệm của các nước
phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Bắc Âu và của PIANC trong lĩnh vực quy hoạch, thiết kế ,
quản lý bảo trì theo nguyên tắc “Quản lý vòng đời” công trình cảng và bể cảng.

Sách gồm 16 chương và các phụ lục. Các chương từ Chương 1 đến Chương 10
giới thiệu các giải pháp về thiết kế để đảm bảo độ bền lâu cũng như kéo dài tuổi thọ khai
thác của công trình cảng. Nội dung này tiếp tục một số nội dung đã trình bầy trong Sổ
tay Phần I.

Từ Chương 11 đến Chương 16 giới thiệu về triết lý “Quản lý vòng đời” công trình
cảng và bể cảng cũng như các ứng dụng cụ thể cho các loại hình công trình cảng và bể
cảng. Đã giới thiệu về các chương trình kiểm tra (mà chúng ta hay gọi là thanh tra kỹ
thuật hay kiểm định) công trình cảng, bao gồm mục đích, nội dung, phương pháp kiểm
tra và cuối cùng là xếp hạng công trình theo tình trạng kỹ thuật và các đề xuất hành động
tiếp theo đối với công trình được thanh tra. Trong đó có giới thiệu một nội dung rất thiết
thực nhưng còn nhiều thử thách đối với các nhà kỹ thuật công trình là “ước tính tuổi thọ
còn lại”. Đồng thời đã giới thiệu về các kết quả nghiên cứu mới về tiến trình xuống cấp
của các bộ phận công trình và công trình cảng theo chuỗi Markov hay “chuỗi biến
dạng”… Làm rõ được tiến trình xuống cấp và các nguyên nhân trực tiếp gây ra, chúng ta
sẽ có được các giải pháp đúng đắn trong các quyết định tiếp theo.
Khác với biên soạn các tài liệu tiêu chuẩn, trong Sổ tay này tác giả giữ nguyên
các nội dung liên quan đến điều kiện khí hậu băng tuyết vì cho rằng điều này tốt cho các
kỹ sư Việt Nam khi hội nhập với hoạt động kỹ thuật ở các nước khác cũng như về nhận
thức kỹ thuật hiểu rõ bản chất của một số giải pháp kỹ thuật trong vùng có nhiệt độ thấp.

Tác giả cũng giữ nguyên các đại lượng vật lý theo các hệ đo lường SI và hệ đơn vị
Anh vì lý do: hệ đơn vị Anh cũng rất quen thuộc trong các tài liệu kỹ thuật của Mỹ và nếu
quy đổi ra SI sẽ gặp phải nhiều số lẻ không thích hợp cho sử dụng.

Hiện nay về vấn đề bảo trì và kiểm định công trình cảng chúng ta mới có tiêu
chuẩn cơ sở do Cục Hàng Hải Việt Nam ban hành, được biên soạn dựa trên tài liệu tiêu
chuẩn của Nga. Trong chương trình hợp tác giữa Bộ Giao thông vận tải Việt nam và Bộ
Đất đai, Hạ tầng và Du lịch của Nhật Bản, Viện Khoa học Công Nghệ GTVT và các
chuyên gia hai nước đang biên soạn Tiêu chuẩn Bảo trì Công trình Cảng dựa theo tiêu
chuẩn Nhật Bản và theo kế hoạch sẽ hoàn thành trong năm 2020. Hy vọng các nguồn tài
liệu này sẽ giúp các kỹ sư Việt Nam nắm vững hơn các nội dung kỹ thuật trong lĩnh vực
bảo trì công trình cảng theo triết lý ‘Quản lý vòng đời”.

Do vấn đề mới và kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực này ở Việt nam chưa được
đánh giá và tổng kết đầy đủ, bản thân tác giả dù đã cố gắng tìm hiểu và tập hợp kiến
thức mới của các nước tiên tiến và có nhiều thành tựu trong lĩnh vực này nhưng có thể
cuốn sách này không tránh khỏi các thiếu sót. Rất mong nhận được sự thông cảm và góp
ý của các đồng nghiệp để có thể tu chỉnh khi cần thiết.

Nhận dịp này cũng xin chân thành cảm ơn GS TS Lương Phương Hậu và PGS TS
Phạm văn Giáp, Trường Đại học Xây dựng đã xem trước bản thảo và đóng góp nhiều ý
kiến quý báu về nội dung và chất lượng trình bầy. Tác giả cũng xin cảm ơn ThS Nguyễn
Đức Hậu và KS Tô Trung Hiếu và một số đồng nghiệp trong Trung tâm KHCN Cảng và
Đường thủy , Viện Khoa học và Công nghệ GTVT đã giúp đỡ hoàn thành bản thảo này.

Tác giả cũng xin chân thành cảm ơn Kỹ sư Trần Tấn Phúc Chủ tịch Hội đồng
Quản trị Công ty PORTCOAST đã hỗ trợ rất nhiều cho lần xuất bản Sổ tay Phần I cũng
như nguồn tài liệu cần thiết.

PGS TS Nguyễn Hữu Đẩu

You might also like