You are on page 1of 4

Nếu như ví đất nước Việt Nam ta là 1 bức tranh, thì danh lam thắng cảnh sẽ làm

nên cái hồn của bức tranh này. Nhắc đến danh lam thắng cảnh, ta sẽ không thể
quên nhắc đến Vịnh Hạ Long-một kiệt tác của thiên nhiên. Vịnh Hạ Long đẹp từ
ngàn đời xưa, từ thuở đất nước còn sơ khai. Sau bao nhiêu năm, vẻ đẹp của Vịnh
Hạ Long không bao giờ lỗi thời, để khi nghe tên khu quần thể này, ai cũng sẽ nghĩ
đến một nơi có cảnh sắc hữu tình, là phép màu mà tạo hóa ban tặng.

Vịnh Hạ Long là một vịnh nhỏ, nằm ở phần bờ tây của Vịnh Bắc Bộ . Vịnh có diện
tích tổng cộng khoảng 1553km2, gồm vùng lõi và vùng đệm. Vùng đệm ở ngoài,
rộng, có diện tích 1119km2, vùng lõi ở trong, được bảo vệ bởi vùng đệm, có diện
tích khoảng 434km2. Vịnh có rất nhiều đảo lớn nhỏ khác nhau, lên đến 1969 hòn
đảo, trong số đó, đảo đá vôi chiếm phần lớn. Vùng lõi được UNESCO công nhận là
Di sản Thiên nhiên Thế giới, gồm 775 đảo, nhiều đảo, bãi tắm nổi tiếng.

Trong tiềm thức của người Việt, từ lâu đã hình thành những truyền thuyết về sự
hình thành của Vịnh Hạ Long. Truyền thuyết phổ biến nhất, được truyền tai nhau
nghe nhiều nhất, tương truyền rằng: thời xa xưa, đất nước ta thường bị thuyền
giặc ngoại xâm kéo vào xâm lược .Ngọc Hoàng trên trời thấy thế, thương tình nên
đã phái Rồng Mẹ cùng đàn Rồng Con của mình xuống nhằm giúp người Việt đánh
đuổi giặc. Đàn rồng vừa xuống tới thì gặp thuyền giặc ùn ùn kéo đến, đàn rồng
liền phun lửa, chẳng mấy chốc mà thuyền giặc chỉ còn là đống tro tàn. Đàn rồng
không về trời mà ở lại hạ giới, nơi Rồng Mẹ đáp xuống là Hạ Long, nơi đàn Rồng
Con đáp xuống là Bái Tử Long, từ đó hình thành nên Vịnh Hạ Long ngày nay.

Để có được tên gọi Hạ Long như bây giờ, vịnh đã đi qua rất nhiều giai đoạn của
nước Việt Nam chúng ta, mỗi thời kì lại có một tên riêng. Thời Bắc thuộc xưa, nơi
đây được gọi là Lục Châu hay Lục Hải. Các thời kì sau, Lý, Trần, Lê, tên được đổi lại
thành nhiều tên khác: Hoa Phong, Hải Đông, An Bang, Vân Đồn, Ngọc Sơn hoặc
Lục Thủy. Mãi đến giai đoạn cuối thế kỉ XIX, tên gọi của vịnh mới chính thức là Hạ
Long, xuất hiện lần đầu trong một vài thư tịch, bản đồ hàng hải của Pháp.

Như đã nói ở trên, Vịnh Hạ Long nổi tiếng có nhiều đảo, ngoài ra còn có các hang
động, làm nên một hệ thông đảo và hang khổng lồ. Các đảo được chia làm hai
dạng là đảo đá vôi và đảo phiến thạch, có tuổi địa chất khoảng 250-280 triệu năm,
là thành quả của quá trình vận động của trái đất, các quá trình bào mòn, phong
hóa hàng triệu năm. Trên các đảo là các hang động muôn hình vạn trạng, có hang
ở trên bờ, có hang lại nửa nổi nửa chìm, làm vịnh trở thành một mê cung mênh
mông. Người dân nơi đây cũng từ các hình dáng của đảo, hang động mà hình
thành nên các tên gọi độc đáo, như: Hòn Lã Vọng tựa ông lão ngồi câu cá; Hòn
Đầu Người gợi khuôn mặt suy tư; Hòn Con Cóc trông như con cóc ngồi chễm chệ
giữa biển, Hòn Gà Chọi lại nom giống đôi gà; Hòn Rồng mang dáng vẻ một con
rồng đang lướt trên mặt nước;… Ngoài ra, một số hòn đảo không được gọi theo
hình ảnh chúng gợi ra, mà theo những truyền thuyết, lịch sử hoặc các đặc sản chỉ
có trên những hòn đảo đó, có thể kể đến như : Núi Bài Thơ có khắc trên đó một
bài thơ thất ngôn bát cú, từ đó hình thành nên tên gọi; Đảo Ngọc Vừng, Đảo Minh
Châu được gọi vậy một phần là do nghề ngọc trai ở hai nơi này phát triển, một
phần là do tương truyền ngày xưa đảo có rất nhiều ngọc trai, sáng cả một vùng
trời;… Không những thế, vịnh cũng có những hang động nổi tiếng như: Hang
Sửng Sốt với những công trình thiên nhiên vĩ đại bằng thạch nhũ cảnh quan kì bí
nhưng tuyệt sắc; Động Thiên Cung rất rộng, có bốn trụ đá trông như cột đình của
kiến trúc cung đình cổ kính; Hang Trinh Nữ gây ấn tượng với hình ảnh người con
gái xõa tóc, ánh mắt hướng ra biển, nhìn xa xăm cùng chuyện tình buồn;… Có
những đảo, hang động thay đổi hình dáng theo góc nhìn, nhờ vào các truyền
thuyết và hình dáng của chúng, các hang và đảo như trở thành một sinh vật sống.
Các bãi tắm đẹp cùng bãi cát vàng óng cũng là một nét rất đặc biệt, khó lòng
cưỡng lại của vịnh.

Vịnh Hạ Long vì đã trải qua rất nhiều thời kì, biến cố lịch sử nên nơi đây trở thành
một mắt xích vô cùng quan trọng, in đậm các vết tích lịch sử. Trên đảo Ngọc Vừng,
các nhà khoa học phát hiện ra những công cụ bằng đá thô sơ, đồ vật bằng gốm,
đồ trang sức bằng đá và xương động vật, nghiên cứu được chúng thuộc thời đại
hậu kì đá mới. Kết quả khảo cổ vịnh cho thấy, trên vịnh có nhiều nền văn hóa từ
rất lâu về trước như nền văn hóa Hạ Long, Cái Bèo, Soi Nhụ cùng một số trầm tích,
hóa thạch của loài nhuyễn thể, nhiều hạt chuỗi làm từ vỏ ốc, các nền văn hóa ven
biển này chứng tỏ phương thức khai thác các sản vật từ biển, bắt cá đã hình
thành cách đây hàng thiên niên kỷ trước.

Không chỉ đặc biệt vì cảnh quan hay di tích lịch sử, mà vịnh còn có hệ sinh thái,
thảm thực vật rất đa dạng và phát triển, nhiều loài thực, động vật quý hiếm có tên
trong Sách đỏ Việt Nam. Vịnh Hạ Long có hai hệ sinh thái lớn là "hệ sinh thái rừng
kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới" và "hệ sinh thái biển và ven bờ", hai hệ lớn
này lại chia ra thành nhiều dạng sinh thái khác. Ngoài các loài thuốc, động vật quý
hiếm, vịnh còn là nơi sinh sống của các loài nhuyễn thể, san hô, nhiều loài là đặc
hữu, chỉ có ở vịnh Hạ Long. Đảo Ba Mùn có thể nói là một trong những đảo tiêu
biểu nhất của vịnh trong việc bảo tồn hệ sinh thái, Vườn Quốc Gia Bái Tử Long
nằm trên đảo. Đảo là nơi tọa lạc của Trung tâm cứu hộ động vật biển lớn nhất
miền bắc, làm nhiệm vụ nghiên cứu, chăm sóc các loài sinh vật quý hiếm. Đảo còn
có nhiều loại gỗ quý như táu mật, kim giao núi đất….

Không dừng lại ở vẻ đẹp cảnh quan hay hệ thống sinh thái, vịnh còn đem lại nhiều
giá trị kinh tế cho người dân nơi đây nói riêng và đất nước ta nói chung. Vịnh thu
hút khách du lịch đến mỗi năm rất đông, giúp ngành kinh tế du lịch nơi đây trở
nên đa dạng. Vịnh có tiềm năng thủy hải sản lớn, đặc biệt thích hợp cho các hoạt
động nuôi trồng và đánh bắt hải sản nhờ vào điều kiện thuận lợi về khí hậu, sông
ngòi, và nhu cầu của khách du lịch nên ngành thủy hải sản của vịnh phát triển
mạnh. Giao thông đường thủy cũng là một trong những thế mạnh của vịnh, bởi
vịnh kín, ít chịu tác động sóng gió và mạng lưới kênh rạch chằng chịt, những điều
kiện này cho phép xây dựng một số hệ thống cảng lớn, hỗ trợ buôn bán bằng
thuyền cũng như phương tiện du lịch.

You might also like