You are on page 1of 4

SINH HỌC

Chủ đề 2
ĐA DẠNG SINH HỌC BIỂN KHÁNH HOÀ (TIẾT 1)

A. GIỚI THIỆU BÀI HỌC:


Khánh Hoà có một vị trí đặc biệt trên lãnh thổ Việt Nam, nằm ở cực Đông của phần lục địa
và đường đẳng sâu 100 m của địa hình đáy biển chạy sát đường bờ. Cùng với các đặc điểm khác
về hải dương học, vùng biển ven bờ Khánh Hoà có sự giao lưu với các vùng biển khác trên Biển
Đông nhờ dòng chảy biến đổi theo mùa. Địa hình ven biển của tỉnh tạo ra nhiều vũng, vịnh,
đầm, phá. Các yếu tố trên đây là điều kiện thuận lợi cho sự đa dạng và phong phú của nhiều sinh
cảnh biển độc đáo. Vị trí địa lí và sự đa dạng về sinh cảnh tạo điều kiện thuận lợi cho tính đa
dạng loài cao của vùng biển ven bờ Khánh Hoà.
Bài học hôm nay sẽ giúp các em có những trải nghiệm thú vị, cùng nhau khám phá về các hệ
sinh thái biển đặc trưng của Khánh Hoà, tìm hiểu về vai trò và giá trị của các loài thuỷ hải sản có
giá trị kinh tế cao như: rong biển, tôm, cua, cá, ghẹ, mực, các loài cá cảnh biển; nhận biết sự đa
dạng của các sinh vật biển có độc tố cũng như biết cách phòng tránh,... để từ đó các em thêm
yêu quê hương mình, có ý thức giữ gìn và bảo vệ sự đa dạng sinh học biển của tỉnh nhà.
Khánh Hoà có đường bờ biển dài 385 km, cộng với địa hình ven biển phức tạp đã tạo nên nhiều
kiểu sinh cảnh biển như: vũng, vịnh, đầm, phá,... Các yếu tố này là điều kiện thuận lợi cho sự đa
dạng và phong phú về môi trường sống của nhiều loài sinh vật biển, tạo nên tính đa dạng loài cao.
Khánh Hoà được đánh giá là nơi có mức đa dạng sinh học ở vùng biển ven bờ cao nhất
Việt Nam.
B. NỘI DUNG BÀI HỌC:
I. SỰ ĐA DẠNG VỀ HỆ SINH THÁI CỦA VÙNG BIỂN KHÁNH HOÀ
Hệ sinh thái biển là tổ hợp các quần xã sinh vật biển và môi trường biển. Trong đó, các sinh
vật biển tương tác với môi trường biển để tạo nên chu trình vật chất (chu trình sinh địa hoá) và sự
chuyển hoá năng lượng ở biển.
Hệ sinh thái biển bao gồm đại dương, ruộng muối và hệ sinh thái bãi triều, cửa sông và
phá, thực vật ngập mặn và các rạn san hô ngầm, biển sâu và sinh vật đáy.
Đa dạng hệ sinh thái là sự đa dạng sinh cảnh, các quần xã sinh vật và tất cả quá trình sinh thái
khác nhau, cũng như sự biến đổi trong từng hệ sinh thái. Vùng biển Khánh Hoà có các hệ sinh
thái đặc trưng mang tính địa phương như: đầm, phá, vũng, vịnh, cửa sông, vùng ven bờ, các đảo
xa bờ,... Đây là nơi cư trú và là nơi sinh sản của nhiều loài sinh vật.
1. Hệ sinh thái vùng biển đảo xa bờ (vùng biển Quần đảo Trường Sa)
Quần đảo Trường Sa là một tập hợp hơn một trăm đảo nhỏ, bãi đá, đồi ngầm hình thành qua
quá trình phát triển rạn san hô trong một vùng biển rộng khoảng 198 964 km2. Quần đảo Trường
Sa có tính đa dạng sinh học cao, với hàng trăm rạn san hô là nơi cư ngụ lí tưởng và là nơi nuôi
dưỡng nguồn lợi thuỷ sản dồi dào cho vùng biển Đông.
Thực vật trên cạn có cây bàng vuông, cây phong ba là những cây di sản của quần đảo Trường
Sa. Thực vật dưới nước có hơn 255 loài rong và tảo biển, 7 loài cỏ biển.
Động vật có nhiều loài quý hiếm như rùa biển, ốc tai tượng khổng lồ, các loài cá mập, cá vẹt.
2. Hệ sinh thái các đảo ven bờ
Ven bờ biển Khánh Hoà có gần 200 hòn đảo lớn nhỏ (Hòn Mun, Hòn Rơm, Hòn Một, Hòn
Tằm, Hòn Tre,...). Đây là nơi cư trú và phát triển của nhiều loài sinh vật biển. Về thực vật, điển hình
là rong nâu. Về động vật, có rất nhiều loài quý hiếm. Đặc biệt, cụm đảo Hòn Nội được mệnh
danh là “vương quốc yến hang”, nơi cư trú của hàng ngàn con chim yến, với đặc sản nổi tiếng
là “yến sào”
3. Hệ sinh thái đầm, vũng, vịnh
Đây là vùng nước biển ăn sâu vào đất liền và được bao bọc bởi đất liền. Xếp theo thứ tự diện
tích từ lớn đến nhỏ, Khánh Hoà có: vịnh Vân Phong, vịnh Nha Trang, vịnh Cam Ranh (Cam
Ranh trong và Cam Ranh ngoài hay vũng Bình Ba), vịnh Bình Cang, vụng Bến Gỏi, đầm Nha
Phu và đầm Thuỷ Triều.
a. Hệ sinh thái rừng ngập mặn
- Rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái, là nơi cư trú và sinh sản của
nhiều loài tôm, cua, cá,… mang lại nhiều lợi ích cho con người và các hệ sinh thái xung
quanh.
- Phân bố: đầm Thuỷ Triều, Nha Phu, Tuần Lễ (vịnh Vân Phong).
- Thực vật đặc trưng: bần, đước, mắm biển.
- Động vật đặc trưng: cua bùn, tôm sú.
b. Hệ sinh thái thảm cỏ biển
Phân bố: đầm Già, hòn Mỹ Giang, đầm Thuỷ Triều, đầm Nha Phu, vịnh Vân Phong, vịnh
Cam Ranh.
- Thực vật đặc trưng: cỏ xoan, cỏ vích, cỏ lá dừa, cỏ kiệu.
- Thảm cỏ biển là nơi cư trú của nhiều loài tôm, cua, cá, rùa, ốc. Thảm cỏ biển có vai trò ổn
định, giúp cân bằng đa dạng sinh học và duy trì nguồn lợi thuỷ sản.
c. Hệ sinh thái rạn san hô
- Phân bố: xung quanh hầu hết các đảo, trên các bãi cạn và chạy dọc nhiều vùng bờ từ Đại
Lãnh đến Cam Ranh.
- Rạn san hô được ví như rừng mưa nhiệt đới dưới đáy biển, vì là nơi cư trú của nhiều loài
sinh vật đáy và cá rạn. Cá rạn san hô rất đa dạng, ở vịnh Nha Trang đã ghi nhận được 528 loài và
vịnh Vân Phong là 267 loài
II. SỰ ĐA DẠNG VỀ NHÓM LOÀI SINH VẬT BIỂN CÓ ÍCH Ở KHÁNH HOÀ
Những loài thuỷ hải sản nào của Khánh Hoà được khai thác, chế biến để phục vụ cho
đời sống và xuất khẩu?
1. Nhóm thực vật có ích
a. Thực vật bậc thấp
Gồm các loài rong và tảo biển được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như: chế biến
thực phẩm, y dược, mĩ phẩm.
Một số loài rong biển mọc tự nhiên tại vùng biển Khánh Hoà được khai thác và dùng cho
thực phẩm như: rong mứt để sản xuất loại tấm dùng cuốn sushi hay tẩm gia vị làm snack; rong
đỏ, rong lục và rong nâu dùng để tách chiết các hợp chất sinh học dùng trong y học.
Hiện nay, Khánh Hoà đã trồng quảng canh rong sụn và rong nho tại Cam Lâm, Ninh Hoà,
Vạn Ninh để phục vụ việc tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho
tỉnh. Rong nho được người dân ưa chuộng và sử dụng như một loại rau xanh trong các món rau
trộn thường dùng. Rong câu dùng để tách chiết chế phẩm sinh học carrageenan.
b. Thực vật bậc cao
Gồm các loài cỏ biển và cây thân gỗ ngập mặn (đước, mắm, bần,…) thường gặp ở các vùng
nước nông ven biển, đầm, vịnh. Chúng tạo nên hệ sinh thái có năng suất và có tính đa dạng
sinh học cao, đặc trưng cho vùng biển ven bờ
2. Nhóm động vật biển có ích
a. Nhóm các loài cá thương phẩm
Nhóm này gồm khoảng 200 loài(1) cá ven bờ như: cá mú sáu sọc, cá hè chấm đỏ, cá hồng
chấm đen,… và nhiều loài cá xa bờ như: cá ngừ đại dương, cá bè xước, cá mập,... Đây là nhóm
có giá trị kinh tế cao, được ngư dân khai thác để làm thức ăn và chế biến xuất khẩu.
b. Nhóm các loài cá cảnh biển
Nhóm này gồm khoảng 250 loài(2) thuộc các họ: cá thia, cá bàng chài, cá bướm. Những
loài này sống chủ yếu ở rạn san hô. Khánh Hoà nổi tiếng với những họ cá cảnh biển đặc hữu (chỉ
gặp ở vùng biển Khánh Hoà) như: họ cá nheo, họ cá kìm, họ cá ngọc, họ cá chìa vôi, họ cá mặt
quỷ, họ cá lưỡi dong.
c. Nhóm các loài thân mềm và giáp xác
Nhóm thân mềm gồm các loài ốc (ốc xà cừ, ốc đụn cái, ốc cối nâu,...) và các loài nhuyễn thể
hai mảnh (tu hài, trai ngọc, sò huyết, hào sữa, trai tai tượng lớn, sò mai, vẹm xanh, bào ngư,…)
dùng làm thực phẩm và sản xuất hàng mĩ nghệ. Các loài mực có giá trị kinh tế như: mực nang,
mực ống, mực lá, bạch tuộc.
Nhóm các loài giáp xác gồm các loài tôm, cua, ghẹ nổi tiếng của Khánh Hoà như: cua bùn,
cua huỳnh đế, ghẹ xanh, tôm mũ ni, tôm hùm, tôm sú,… Đây là những loài thuỷ sản cho giá trị
kinh tế cao.
CÁC EM HÃY TRẢ LỜI CÁC CÂU HỎI VÀO GIẤY KIỂM TRA NHÉ!
Câu 1: Vì sao nói Khánh Hoà có sự đa dạng sinh học ở vùng biển ven bờ cao nhất Việt Nam?
Theo em, sự đa dạng sinh học biển của Khánh Hoà được thể hiện qua các yếu tố nào?
Câu 2: Vùng biển Khánh Hoà có những hệ sinh thái nào, được phân bố ở đâu? Mỗi hệ sinh thái
được đặc trưng bởi các loài sinh vật nào?
Câu 3: Kể tên 3 hệ sinh thái đặc trưng cho sinh cảnh vũng, vịnh, đầm, phá ở Khánh Hoà. Cho
biết vai trò của các hệ sinh thái này.
Câu 4: Hệ sinh thái vùng biển Quần đảo Trường Sa có các loài thực vật và động vật đặc trưng
nào?
Câu 5: Trình bày đặc điểm của các hệ sinh thái: rừng ngập mặn, thảm cỏ biển và rạn san hô

You might also like