You are on page 1of 3

Biển Cà Ná

Biển Cà Ná dài 3km toạ lạc tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận cách
thành phố Phan Rang- Tháp Chàm 32km về phía Nam. Nơi đây được mệnh danh là
“ cung đường thiên lý” hay “cung đường biển gọi” bởi vừa nằm bên đường quốc lộ
1A vừa nằm bên đường sắt Thống Nhất
“Cà Ná” có ba cách để giải nghĩa :
+ Một là nơi đây trước kia là nơi nghỉ dưỡng của vua chúa, quý tộc và một lần có
vị vua nhà Nguyễn cùng hoàng hậu kinh lý và nghỉ chân tại vùng đất này. Thấy nơi
đây có nhiều mõm đá nhô ra như nàng tiên cá nằm trên bờ nên đặt vùng đất này là
“nàng tiên cá” sau đọc trại âm thành Cà Ná
+ Hai : từ “ Cà Ná” là đọc trại âm của từ Canăk trong tiếng Chămpa cổ ý chỉ vùng
đất này có núi nhô ra sát biển và vùng biển có nhiều đá ngầm
+ Ba : Thời Chămpa thì cách vùng biển này 1km về phía Tây có một ngôi làng
Chăm cổ tên là Rabha Ralavw ( nay không còn nữa), trên có con suối chảy róc rách
quanh năm lại có công dụng chữa bệnh nên được người dân gọi là Suối Tiên ( nay
là suối Vĩnh Hảo). Lúc bấy giờ từ QL1A (ngày nay) có đường tẻ lên làng và suối
tiếng Chăm gọi là “Canah Kluw”- “Canah” là tẻ ra còn “Kluw” là ngã ba .Sau này
người Việt về đây sinh sống và đọc trại thành “Cà Ná Lâu” dần dần từ bỏ từ “Lâu”
thành Cà Ná như bây giờ .
Ngoài Núi Điện Bà cao ngất với nhiều mõm đá nhô ra sát biển, tít xa là Hòn
Lao với Giếng Tiên và thạch động bảy màu cùng đàn khỉ hàng trăm con được thả
tự nhiên trên đảo thì còn có cảng Cà Ná – 1 trong ba ngư trường lớn nhất cả nước.
Nhắc về vùng biển thì không thể không nhắc về làng chài mà nhắc về làng
chài thì không thể nào không nhắc về “ Tín ngưỡng thờ cá ông”. Tín ngưỡng thờ
Cá Ông nhằm đem đến nhiều may mắn cho ngư dân làm nghề đánh cá, ra khơi vào
lộng. Đây là một dạng thức thờ vật linh, nhiên thần, vị thần độ mạng cho những
người đi biển.
Tục thờ cúng Cá Ông tương truyền được biết đến từ thời Nguyễn với
các câu chuyện liên quan tới việc Cá Ông cứu mạng cho Vua Gia long - Nguyễn
Ánh khi chạy trốn quân Tây Sơn. Khi thắng trận, Vua Gia Long đã phong tặng Cá
Ông là Nam Hải Đại tướng quân và cho lập lăng miếu thờ cúng, sắc phong. Ngoài
ra, việc Cá Ông cứu người và cứu ghe thuyền của ngư dân cũng thường được lưu
truyền trong nhiều cộng đồng ngư dân ven biển bằng những câu chuyện truyền
miệng mang màu sắc huyền thoại như:
Thứ nhất, trong truyền thuyết của người Chăm cá voi ở chính là hóa thân
của vị thần một vị thần sóng biển Cha Aih va, Po Riyak sẽ rẽ sóng đến nâng đỡ
thuyền, ghe bị lâm nạn, sẽ đưa người bị nạn vào bờ. là một thế lực linh thiêng, phù
trợ cho người đi biển đã đưa lại cho ngư dân một niềm tin. Gắn bó với biển khơi
muôn trùng nhiều giông bão, niềm tin đó của ngư dân được kiểm chứng từ những
hiện tượng có thật là cá voi cứu người, cứu thuyền lưu truyền trên vùng đất mới…
Thứ hai, đối với người Việt và người Hoa Cá Ông là tiền thân của đức Quan
Thế Âm Bồ Tát. Đức Phật này trong một lần hóa thân thành ông Nam Hải để đi
tuần du biển Nam Hải, nhìn lướt qua sóng gió đại dương Nam Hải, ngài không
khỏi đau lòng thấy muôn ngàn sinh linh gặp cơn phong ba bão táp phải bỏ mình
giữa biển khơi. Trước cảnh tượng đau lòng đó, Bồ Tát liền cởi chiếc pháp y xé tan
thành từng mảnh vụn thả xuống mặt biển mênh mông. Mỗi mảnh vụn theo nguyện
ý của Bồ Tát đã biến thành một cá Ông, sau đó Quan Âm Bồ Tát lấy bộ xương Voi
ban cho để cá Ông có thân hình to lớn. Để giúp cá Ông làm tròn trách nhiệm cứu
người, Đức Bồ Tát đã ban cho cá Ông phép thu đường, giúp cho cá Ông ở bất cứ
nơi nào, cần đến nơi đâu để cứu nạn đều kịp thời. Nhờ có phép thu đường mà cá
Ông đã kịp ứng cứu các thuyền lâm nạn không kể ở hải điểm nào, xa bao nhiêu.
Huyền thoại này đã ảnh hưởng sâu sắc về lòng nhân ái, đức hy sinh trong
tâm thức của cư dân ven biển. Đối với họ, những người sống lênh đênh giữa biển
khơi, bão tố hiểm nguy luôn đe dọa họ. Khi đó, cá Ông trở thành chỗ dựa tinh thần
trong niềm tin bất diệt của ngư dân. Niềm tin này, ban đầu là một nhu cầu giúp
người ta chịu đựng gian khổ hiểm nguy trong cuộc mưu sinh, dần dần dấu vết của
niềm tin hằn sâu vào tiềm thức, trở thành tín ngưỡng dân gian. Cộng đồng ngư dân
làm nghề đánh cá biển, tùy theo các địa phương thường gọi Cá Ông bằng nhiều
danh xưng tôn kính mang biểu tượng dân gian khác nhau như: Đức Ông, Cá Ngài,
Ông Nam Hải, Ông Lớn, Ông Cậu, Ông Lộng, Ông Khơi, Ông Chuông, Ông Kìm,
Ông Phướn, Ông Sứa,... Khi Cá Ông sống, ngư dân gọi là Ông Sanh (là ân nhân
cứu sống sinh mạng của họ những khi bão to gió lớn trên biển); khi Cá Ông chết
thì gọi là Ông Lụy (ngư dân chịu tang như đối với người thân của mình).
Theo quan niệm dân gian, Cá Voi không phải là một sinh vật biển bình
thường mà là sự hiện diện của một vị thần biển. Theo lệ, ai phát hiện được “ông
lụy” thì có bổn phận chôn cất và để tang Ông như để tang chính cha mẹ mình. Ngư
dân vùng biển tin rằng người nào gặp được “Ông Lụy” thì sẽ được nhiều ơn lộc
trời ban, những chuyến ra khơi sau đó luôn đánh bắt được nhiều hải sản. Còn đối
với dân làng thì người địa phương có câu: “Thấy ông vào làng như vàng vào tủ”.
Nơi thờ cá Ông được ngư dân gọi là miếu Ông, hoặc Lăng ông.
Lễ cúng Cá Ông là một trong những lễ hội lớn nhất của ngư dân ven biển, lễ
cúng này không có ngày thống nhất chung, tùy theo từng làng nghề và từng địa
phương mà người ta có những ngày cúng riêng, có làng chọn ngày cá ông đầu tiên
lụy hoặc ngày nhận sắc của Vua phong. Hàng năm, ngư dân chọn ngày “ông lụy”
làm lễ cúng giỗ theo nghi thức Nghinh Ông. Lễ cúng này được thường tổ chức
lồng ghép với Lễ hội cầu ngư. Đây cũng là dịp để người ngư dân tỏ lòng biết ơn
đối với một sinh vật “thiêng” ở biển, mà trong tâm thức của họ vẫn chứa đựng một
niềm tin về sự giúp đỡ của cá Ông khi gặp tai nạn. Trong ngày lễ, bàn thờ được
trang hoàng hết sức rực rỡ, trang nghiêm. Tại các gia đình hành nghề đi biển,
người ta đặt bàn hương án bày đồ lễ cúng. Trên mỗi tàu thuyền đều giăng đèn kết
hoa. Còn trong làng, người ta chọn ra một ban nghi lễ là các vị cao niên, có uy tín
với bạn chài và không bị mắc tang chế. Tại lăng (miếu) Đức Ông, vị chánh bái
dâng đồ tế lễ và đọc văn tế nói lên lòng biết ơn của dân làng đối với công đức Cá
Ông và cầu mong một mùa đánh bắt an toàn, bội thu.
Lễ hội Nghinh Ông dù được tổ chức ở địa phương nào thì cũng sẽ có 2 phần bắt
buộc là phần lễ và phần hội. Phần lễ sẽ bao gồm lễ tế và lễ rước kiệu của Nam hải
Tướng quân xuống thuyền rồng ra biển. Sau phần lễ là phần hội, phần này bao gồm
những hoạt động vui chơi và ăn uống.
Nghi thức trọng thể trong ngày vía ông của ngư dân Việt là đám rước với
kiệu Nghinh ông từ ngoài biển về. Đám rước đông hàng ngàn người. Ngư dân mời
ông về trong ngày vía để bày tỏ ý nguyện và lòng biết ơn hòa quyện, gắn bó trong
niềm chung vui đầm ấm. Những ngày cúng ông không khí vạn chài nhộn nhịp như
trong ngày Tết. Trên bến, dưới thuyền cờ hoa lộng lẫy, làng cá tấp nập khách thập
phương. Nghi thức, ý nghĩa biểu tượng chung là vậy, nhưng các bước cúng ông
trong ngày vía giữa các vùng, miền cũng có nhiều điểm khác nhau. Ở Trung Bộ
người ta chủ yếu nghinh/cúng ông trong ngày vía, nhưng ở Nam Bộ, bên cạnh nghi
thức ấy, sau khi đã rước ông về dinh/miếu là khởi cúng Tiền hiền, Hậu hiền. Lễ
cúng những người có công lập làng trước khi vào Chánh tế-cúng ông, là sự tri ân
của cư dân trên vùng đất mới khai phá, tạo ra nét riêng trong cách bài trí các đối
tượng tôn thờ và thứ tự các bước trong nghi thức cúng ông. Không phải chỉ có thế,
trong nhiều ngôi đền cá ông trên đất Nam Bộ còn thờ cả Quan Công, Thiên Y A
Na, Bà Ngũ Hành, trước đền/lăng/dinh ông còn thờ tượng Phật Bà Quan Âm,… mà
miền Trung không làm như vậy. Ngoài ra, nghi thức thờ cúng cá ông của các tỉnh
Trung Bộ có lễ xuống biển; ở Khánh Hòa có tục hèm mang đậm dấu vết của văn
hóa Chăm; ở Bình Thuận có trò diễn bạn chèo Nghinh ông, nhưng ở Nam Bộ
không có những nghi thức này.
Tục thờ cúng cá ông của người Việt, từ Trung Bộ vào tới Nam Bộ, về cơ bản
là giống nhau, nhưng sắc thái văn hóa địa phương, vùng miền không chỉ thể hiện
trong cách xây dựng đền miếu, sự bổ sung các đối tượng thờ cúng do đó có các
bước cúng lễ khác nhau mà còn để lại từng dấu ấn trong phần hội lễ.
Ngày nay, tục thờ cúng cá ông có vai trò, vị trí quan trọng trong đời sống
văn hóa, tinh thần và tâm linh của ngư dân ven biển. Lễ hội Nghinh ông là một
hoạt động văn hóa/tín ngưỡng thu hút nhiều ngư dân và khách du lịch. Sự phát
triển của tín ngưỡng này đến thời hiện đại càng tỏ ra phù hợp với nhu cầu bảo vệ
môi trường sinh thái, động vật nguy cấp… Trong khi nhiều quốc gia tiên tiến vẫn
tìm cách săn cá voi thì những người dân chài Việt Nam đã bảo vệ loại động vật
nguy cấp đó theo cách của mình, một cách bảo vệ rất văn hóa…

You might also like