You are on page 1of 2

Trường THPT Chuyên Lê HỒng Phong KIỂM TRA THƯỜNG XUYÊN MÔN NGỮ VĂN

Lớp: - Tên: Thời gian làm bài: 30 phút (Không kể thời gian phát đề)

Đọc kĩ văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới

CẦN GIỜ: LỄ NGHINH ÔNG – NÉT ĐẸP CHƯA BAO GIỜ MẤT

(CAO) Cứ đến ngày độ 15 -17 tháng Tám âm lịch hằng năm, huyện Cần Giờ lại tổ chức lễ hội truyền thống Nghinh
Ông - truyền thống quan niệm dân gian, tôn vinh “Ðức ngài Cá Ông”, hay còn gọi là Nam Hải Tướng Quân

Truyền thuyết “Đức Ngài Cá Ông”


Theo dân gian truyền miệng, đức tin của những người con xứ biển luôn hướng về hai hình tượng tâm linh lớn nhất là
Mẹ Quan Âm Nam Hải và Đức Ngài Cá Ông. Dù là ngư dân kéo lưới thả chài ở đâu đi chăng nữa, ai cũng tâm niệm khi đi
biển gặp sóng to gió lớn, nếu cầu xin Ðức Ngài hiển linh thì Ðức Ngài sẽ hiện lên trong xác của một cá Voi khổng lồ hộ
tống tàu bè cập bến an toàn.
Chính vì sự lưu truyền đó mà cá Ông hay cá Voi là một linh vật, một vị thần phù trợ hết sức linh thiêng đối với người
đi biển. Mỗi khi cá Ông gặp nạn, xác trôi dạt vào bờ đều được những ngư dân tổ chức an táng thật trang trọng và tổ chức
thờ cúng. Từ truyền miệng, niềm tin này lớn dần và trở thành tín ngưỡng phổ biến của ngư dân, cầu mưa thuận gió hòa,
cầu quốc thái dân an, đặc biệt cầu mong sự an toàn cho những người đi biển…
Sẽ có rất nhiều du khách không hiểu lấy cơ sở từ đâu mà ngư dân lại có niềm tin đó, nhưng tôi tin khi tận mắt thấy bộ
cốt (xương) dài tới 12 mét của “Ðức Ngài Cá Ông” (gặp nạn trôi dạt vào bờ từ năm 1971), hiện được thờ cúng tại miếu
Nam Hải Tướng Quân (Lăng Ông thủy tướng) tại huyện Cần Giờ.
Theo lời dẫn của người vạn trưởng, bộ cốt ở dọc sống lưng của Ngài không nhô cao như thường thấy, mà lõm sâu bè
như một chiếc ghe, như thể, Ngài đã dùng phần lưng của mình để nâng tàu, ghe mà kéo đi, để ngư dân về lại được đất
liền. Không biết thực hư ra sao nhưng đối với hầu hết ngư dân thì Nam Hải Tướng Quân là có thật và là vị cứu tin đáng
tin cậy giữa bao la trời, biển. Vậy là, hàng năm cứ đến rằm tháng Tám, nhân dân khắp huyện Cần Giờ lại tưng bừng tổ
chức hội “Nghinh Ông Thủy tướng” với những phong tục truyền thống.

Nét văn hóa mặn mà xứ biển


Dù ngày lễ chính của hội là ngày 16-8 (âm lịch), nhưng dọc theo vùng biển Cần Giờ, công tác chuẩn bị đã được tổ
chức, khắp nơi tập trung trang hoàng rực rỡ cho lễ Nghinh Ông. Ban đầu, đây chỉ là ngày hội mang tính địa phương, tuy
nhiên, hiện nay, lễ hội không chỉ là một tập tục dân gian mà đây còn là một nét văn hóa độc đáo, mặn mà của vùng đất
này. Theo dự kiến, trong năm 2017, sự kiện sẽ được nâng tầm và trở thành một trong những lễ hội lớn của TP.HCM.
Lễ hội cụ thể sẽ được chia thành ba phần chính: lễ rước Ông từ biển – do các ghe, tàu thực hiện; lễ rước kiệu và diễu
hành đưa Ông về Lăng và nghi lễ xây chầu đại bội tại Lăng.
Phần lễ rước Nghinh Ông từ biển, gọi là đám rước “Sắc phong Thần Ðức Ông Nam Hải” , gồm một tàu chính được
trang trí hoa, cờ phướn và khoảng 200 ghe, tàu sẽ thực hiện nghi thức trực tiếp ở ngoài biển. Theo đó, những người ở trên
tàu chính sẽ phải mặc đúng nghi lễ, quân binh từ thời Gia Long, còn số tàu còn lại tháp tùng thì được tự ý trang hoàng cờ,
phướn rực rỡ để đón chào Ngài.
Theo tục, binh lính sẽ cung nghinh kiệu Đức Ông Nam Hải cùng các sắc phong lên tàu chính. Tàu chính sẽ dẫn đầu
đoàn tàu ra biển qua hướng Vũng Tàu. Sau khi chạy một vòng ra biển và khấn vái xong, đoàn lễ sẽ quay trở về bến Cần
Giờ để chuyển sang phần tiếp theo của Lễ: rước kiệu và diễu hành đưa Ông về Lăng.
Tại đây, hai con rồng thật dài uốn lượn nhịp nhàng mở đường cho các đoàn tôm, cua, cá theo sau, có cả đoàn người đi
trên những chiếc cà kheo tạo thêm nét hóm hỉnh cho cuộc diễu hành… Nhiều nhà gần Lăng Ông đem hương án, gồm
nhang đèn, trái cây, gà vịt quay... ra trước cửa nhà cúng lễ. Ấy là chưa kể đến, tiếng hò reo, pháo tay rộn rã của những
người xem hội đứng dọc 2 bên dường, tạo một không khí lễ hội thật trang nghiêm nhưng cũng không kém phần náo nhiệt.
Hình 1- Lễ Nghinh Ông trên biển

Hình 2 – Đón đoàn Nghinh Ông về Lăng Thủy Tướng


Bên cạnh các hoạt động như viếng nghĩa trang liệt sĩ Rừng Sác; lễ thượng Đại kỳ; lễ mừng công ngư, thả hoa đăng trên
biển; lễ Nghinh Ông trên biển và đón đoàn Nghinh Ông về Lăng Ông Thủy Tướng; tổ chức các trò chơi dân gian mang
tính đặc trưng ngành nghề vùng biển; biểu diễn nghệ thuật…. còn có nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao, ca nhạc được
diễn ra xuyên suốt trong khuôn khổ sự kiện. Tạo điểm nhấn cho khách du lịch về sự kết hợp giữa ẩm thực và văn hóa
nghệ thuật.
Đến với Cần Giờ vào dịp lễ Nghinh Ông, du khách ngoài việc thưởng thức các loại hải sản tươi sống ngon lành, mà
còn được chiêm ngưỡng những giá trị văn hóa cổ truyền độc đáo của ngư dân vùng biển.
(Theo Hoàng Sơn, Báo Công An Thành phố Hồ Chí Minh online, 18.09.2016)
Câu 1: Dựa vào văn bản, hãy cho biết lễ hội Nghinh Ông được chia thành mấy phần chính, đó là những phần nào? (1.0)
Câu 2: Theo văn bản, lễ hội Nghinh Ông bắt nguồn từ tín ngưỡng gì? (1.0)
Câu 3: Cho biết đề tài của văn bản trên. (1.0)
Câu 4: Phân tích tác dụng của đề mục, sa-pô trong việc thể hiện thông tin chính của văn bản? (3.0)
Câu 5: Chỉ ra một dẫn chứng cho thấy sự kết hợp giữa yếu tố miêu tả và thuyết minh trong mục 2 của văn bản và phân tích mục
đích sử dụng yếu tố miêu tả đó. (1.5)
Câu 6: Chỉ ra yếu tố phi ngôn ngữ sử dụng trong văn bản và cho biết tác dụng của yếu tố đó. (1.5)
Câu 7: Văn bản gợi lên trong bạn suy nghĩ gì về văn hóa, con người xứ biển? (1.0)

You might also like