You are on page 1of 470

QUỐC HỘI CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

-------------- Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


Luật số: 55/2010/QH12 -----------------------

LUẬT
AN TOÀN THỰC PHẨM

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được
sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Quốc hội ban hành Luật an toàn thực phẩm.
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh


Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong bảo đảm an
toàn thực phẩm; điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm, sản xuất, kinh doanh thực
phẩm và nhập khẩu, xuất khẩu thực phẩm; quảng cáo, ghi nhãn thực phẩm; kiểm nghiệm
thực phẩm; phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm; phòng ngừa, ngăn chặn và khắc
phục sự cố về an toàn thực phẩm; thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm;
trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. An toàn thực phẩm là việc bảo đảm để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe,
tính mạng con người.
2. Bệnh truyền qua thực phẩm là bệnh do ăn, uống thực phẩm bị nhiễm tác nhân
gây bệnh.
3. Chất hỗ trợ chế biến thực phẩm là chất được chủ định sử dụng trong quá trình
chế biến nguyên liệu thực phẩm hay các thành phần của thực phẩm nhằm thực hiện mục
đích công nghệ, có thể được tách ra hoặc còn lại trong thực phẩm.
4. Chế biến thực phẩm là quá trình xử lý thực phẩm đã qua sơ chế hoặc thực phẩm
tươi sống theo phương pháp công nghiệp hoặc thủ công để tạo thành nguyên liệu thực
phẩm hoặc sản phẩm thực phẩm.
5. Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống là cơ sở chế biến thức ăn bao gồm cửa hàng,
quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín, nhà hàng ăn uống, cơ sở chế biến
suất ăn sẵn, căng-tin và bếp ăn tập thể.
6. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm là những quy chuẩn kỹ thuật và những
quy định khác đối với thực phẩm, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và hoạt động sản
xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm
mục đích bảo đảm thực phẩm an toàn đối với sức khoẻ, tính mạng con người.
7. Kiểm nghiệm thực phẩm là việc thực hiện một hoặc các hoạt động thử nghiệm,
đánh giá sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn tương ứng đối với thực phẩm,
2
phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bổ sung vào thực phẩm, bao gói,
dụng cụ, vật liệu chứa đựng thực phẩm.
8. Kinh doanh thực phẩm là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động
giới thiệu, dịch vụ bảo quản, dịch vụ vận chuyển hoặc buôn bán thực phẩm.
9. Lô sản phẩm thực phẩm là một số lượng xác định của một loại sản phẩm cùng
tên, chất lượng, nguyên liệu, thời hạn sử dụng và cùng được sản xuất tại một cơ sở.
10. Ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh lý do hấp thụ thực phẩm bị ô nhiễm
hoặc có chứa chất độc.
11. Nguy cơ ô nhiễm thực phẩm là khả năng các tác nhân gây ô nhiễm xâm nhập
vào thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
12. Ô nhiễm thực phẩm là sự xuất hiện tác nhân làm ô nhiễm thực phẩm gây hại
đến sức khỏe, tính mạng con người.
13. Phụ gia thực phẩm là chất được chủ định đưa vào thực phẩm trong quá trình
sản xuất, có hoặc không có giá trị dinh dưỡng, nhằm giữ hoặc cải thiện đặc tính của thực
phẩm.
14. Sản xuất thực phẩm là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động
trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác, sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản để
tạo ra thực phẩm.
15. Sản xuất ban đầu là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động trồng
trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác.
16. Sơ chế thực phẩm là việc xử lý sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh
bắt, khai thác nhằm tạo ra thực phẩm tươi sống có thể ăn ngay hoặc tạo ra nguyên liệu
thực phẩm hoặc bán thành phẩm cho khâu chế biến thực phẩm.
17. Sự cố về an toàn thực phẩm là tình huống xảy ra do ngộ độc thực phẩm, bệnh
truyền qua thực phẩm hoặc các tình huống khác phát sinh từ thực phẩm gây hại trực tiếp
đến sức khỏe, tính mạng con người.
18. Tác nhân gây ô nhiễm là yếu tố không mong muốn, không được chủ động cho
thêm vào thực phẩm, có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến an toàn thực phẩm.
19. Thời hạn sử dụng thực phẩm là thời hạn mà thực phẩm vẫn giữ được giá trị
dinh dưỡng và bảo đảm an toàn trong điều kiện bảo quản được ghi trên nhãn theo hướng
dẫn của nhà sản xuất.
20. Thực phẩm là sản phẩm mà con người ăn, uống ở dạng tươi sống hoặc đã qua
sơ chế, chế biến, bảo quản. Thực phẩm không bao gồm mỹ phẩm, thuốc lá và các chất sử
dụng như dược phẩm.
21. Thực phẩm tươi sống là thực phẩm chưa qua chế biến bao gồm thịt, trứng, cá,
thuỷ hải sản, rau, củ, quả tươi và các thực phẩm khác chưa qua chế biến.
22. Thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng là thực phẩm được bổ sung
vitamin, chất khoáng, chất vi lượng nhằm phòng ngừa, khắc phục sự thiếu hụt các chất đó
đối với sức khỏe cộng đồng hay nhóm đối tượng cụ thể trong cộng đồng.
23. Thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con
người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc
3
bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y
học.
24. Thực phẩm biến đổi gen là thực phẩm có một hoặc nhiều thành phần nguyên
liệu có gen bị biến đổi bằng công nghệ gen.
25. Thực phẩm đã qua chiếu xạ là thực phẩm đã được chiếu xạ bằng nguồn phóng
xạ để xử lý, ngăn ngừa sự biến chất của thực phẩm.
26. Thức ăn đường phố là thực phẩm được chế biến dùng để ăn, uống ngay, trong
thực tế được thực hiện thông qua hình thức bán rong, bày bán trên đường phố, nơi công
cộng hoặc những nơi tương tự.
27. Thực phẩm bao gói sẵn là thực phẩm được bao gói và ghi nhãn hoàn chỉnh,
sẵn sàng để bán trực tiếp cho mục đích chế biến tiếp hoặc sử dụng để ăn ngay.
28. Truy xuất nguồn gốc thực phẩm là việc truy tìm quá trình hình thành và lưu
thông thực phẩm.
Điều 3. Nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm
1. Bảo đảm an toàn thực phẩm là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân sản xuất,
kinh doanh thực phẩm.
2. Sản xuất, kinh doanh thực phẩm là hoạt động có điều kiện; tổ chức, cá nhân sản
xuất, kinh doanh thực phẩm phải chịu trách nhiệm về an toàn đối với thực phẩm do mình
sản xuất, kinh doanh.
3. Quản lý an toàn thực phẩm phải trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, quy
định do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do tổ chức, cá
nhân sản xuất công bố áp dụng.
4. Quản lý an toàn thực phẩm phải được thực hiện trong suốt quá trình sản xuất,
kinh doanh thực phẩm trên cơ sở phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm.
5. Quản lý an toàn thực phẩm phải bảo đảm phân công, phân cấp rõ ràng và phối
hợp liên ngành.
6. Quản lý an toàn thực phẩm phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Điều 4. Chính sách của Nhà nước về an toàn thực phẩm
1. Xây dựng chiến lược, quy hoạch tổng thể về bảo đảm an toàn thực phẩm, quy
hoạch vùng sản xuất thực phẩm an toàn theo chuỗi cung cấp thực phẩm được xác định là
nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên.
2. Sử dụng nguồn lực nhà nước và các nguồn lực khác đầu tư nghiên cứu khoa
học và ứng dụng công nghệ phục vụ việc phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm;
xây dựng mới, nâng cấp một số phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn khu vực, quốc tế; nâng
cao năng lực các phòng thí nghiệm phân tích hiện có; hỗ trợ đầu tư xây dựng các vùng
sản xuất nguyên liệu thực phẩm an toàn, chợ đầu mối nông sản thực phẩm, cơ sở giết mổ
gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp.
3. Khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đổi mới công nghệ,
mở rộng quy mô sản xuất; sản xuất thực phẩm chất lượng cao, bảo đảm an toàn; bổ sung
vi chất dinh dưỡng thiết yếu trong thực phẩm; xây dựng thương hiệu và phát triển hệ
thống cung cấp thực phẩm an toàn.
4
4. Thiết lập khuôn khổ pháp lý và tổ chức thực hiện lộ trình bắt buộc áp dụng hệ
thống Thực hành sản xuất tốt (GMP), Thực hành nông nghiệp tốt (GAP), Thực hành vệ
sinh tốt (GHP), Phân tích nguy cơ và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP) và các hệ thống
quản lý an toàn thực phẩm tiên tiến khác trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
5. Mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh ký kết điều ước, thoả thuận quốc tế về công
nhận, thừa nhận lẫn nhau trong lĩnh vực thực phẩm.
6. Khen thưởng kịp thời tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.
7. Khuyến khích, tạo điều kiện cho hội, hiệp hội, tổ chức, cá nhân trong nước, tổ
chức, cá nhân nước ngoài đầu tư, tham gia vào các hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, quy
chuẩn kỹ thuật, kiểm nghiệm an toàn thực phẩm.
8. Tăng đầu tư, đa dạng các hình thức, phương thức tuyên truyền, giáo dục nâng
cao nhận thức người dân về tiêu dùng thực phẩm an toàn, ý thức trách nhiệm và đạo đức
kinh doanh của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng.
Điều 5. Những hành vi bị cấm
1. Sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng cho thực phẩm để chế biến thực
phẩm.
2. Sử dụng nguyên liệu thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc,
xuất xứ hoặc không bảo đảm an toàn để sản xuất, chế biến thực phẩm.
3. Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử
dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc trong danh mục được phép sử dụng
nhưng vượt quá giới hạn cho phép; sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị
cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
4. Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, bị
tiêu hủy để sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
5. Sản xuất, kinh doanh:
a) Thực phẩm vi phạm quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa;
b) Thực phẩm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;
c) Thực phẩm bị biến chất;
d) Thực phẩm có chứa chất độc hại hoặc nhiễm chất độc, tác nhân gây ô nhiễm
vượt quá giới hạn cho phép;
đ) Thực phẩm có bao gói, đồ chứa đựng không bảo đảm an toàn hoặc bị vỡ, rách,
biến dạng trong quá trình vận chuyển gây ô nhiễm thực phẩm;
e) Thịt hoặc sản phẩm được chế biến từ thịt chưa qua kiểm tra thú y hoặc đã qua
kiểm tra nhưng không đạt yêu cầu;
g) Thực phẩm không được phép sản xuất, kinh doanh để phòng, chống dịch bệnh;
h) Thực phẩm chưa được đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan nhà nước có
thẩm quyền trong trường hợp thực phẩm đó thuộc diện phải được đăng ký bản công bố
hợp quy;
i) Thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc quá thời hạn sử dụng.
5
6. Sử dụng phương tiện gây ô nhiễm thực phẩm, phương tiện đã vận chuyển chất
độc hại chưa được tẩy rửa sạch để vận chuyển nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm.
7. Cung cấp sai hoặc giả mạo kết quả kiểm nghiệm thực phẩm.
8. Che dấu, làm sai lệch, xóa bỏ hiện trường, bằng chứng về sự cố an toàn thực
phẩm hoặc các hành vi cố ý khác cản trở việc phát hiện, khắc phục sự cố về an toàn thực
phẩm.
9. Người mắc bệnh truyền nhiễm tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
10. Sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại cơ sở không có giấy chứng nhận cơ sở đủ
điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
11. Quảng cáo thực phẩm sai sự thật, gây nhầm lẫn đối với người tiêu dùng.
12. Đăng tải, công bố thông tin sai lệch về an toàn thực phẩm gây bức xúc cho xã
hội hoặc thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh.
13. Sử dụng trái phép lòng đường, vỉa hè, hành lang, sân chung, lối đi chung, diện
tích phụ chung để chế biến, sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố.
Điều 6. Xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn
thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị
truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả
theo quy định của pháp luật.
2. Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định của Luật này hoặc các
quy định khác của pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm
mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi
thường theo quy định của pháp luật.
3. Mức phạt tiền đối với vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều này được
thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; trường hợp áp dụng
mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà vẫn còn
thấp hơn 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm thì mức phạt được áp dụng không quá 07 lần
giá trị thực phẩm vi phạm; tiền thu được do vi phạm mà có bị tịch thu theo quy định của
pháp luật.
4. Chính phủ quy định cụ thể về hành vi, hình thức và mức xử phạt các hành vi vi
phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm quy định tại Điều này.
CHƯƠNG II
QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG BẢO ĐẢM AN
TOÀN THỰC PHẨM

Điều 7. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm có các quyền sau đây:
a) Quyết định và công bố các tiêu chuẩn sản phẩm do mình sản xuất, cung cấp;
quyết định áp dụng các biện pháp kiểm soát nội bộ để bảo đảm an toàn thực phẩm;
b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm hợp tác trong việc thu hồi và
xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn;
6
c) Lựa chọn tổ chức đánh giá sự phù hợp, cơ sở kiểm nghiệm đã được chỉ định để
chứng nhận hợp quy;
d) Sử dụng dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy và các dấu hiệu khác cho sản phẩm theo
quy định của pháp luật;
đ) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật;
e) Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm có các nghĩa vụ sau đây:
a) Tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm, bảo đảm an toàn
thực phẩm trong quá trình sản xuất và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm do mình
sản xuất;
b) Tuân thủ quy định của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng mà thiếu
hụt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng;
c) Thông tin đầy đủ, chính xác về sản phẩm trên nhãn, bao bì, trong tài liệu kèm
theo thực phẩm theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa;
d) Thiết lập quy trình tự kiểm tra trong quá trình sản xuất thực phẩm;
đ) Thông tin trung thực về an toàn thực phẩm; cảnh báo kịp thời, đầy đủ, chính
xác về nguy cơ gây mất an toàn của thực phẩm, cách phòng ngừa cho người bán hàng và
người tiêu dùng; thông báo yêu cầu về vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng thực
phẩm;
e) Kịp thời ngừng sản xuất, thông báo cho các bên liên quan và có biện pháp khắc
phục hậu quả khi phát hiện thực phẩm không an toàn hoặc không phù hợp tiêu chuẩn đã
công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;
g) Lưu giữ hồ sơ, mẫu thực phẩm, các thông tin cần thiết theo quy định về truy
xuất nguồn gốc thực phẩm; thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc thực phẩm không
bảo đảm an toàn theo quy định tại Điều 54 của Luật này;
h) Thu hồi, xử lý thực phẩm quá thời hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn. Trong
trường hợp xử lý bằng hình thức tiêu hủy thì việc tiêu hủy thực phẩm phải tuân theo quy
định của pháp luật về bảo vệ môi trường, quy định khác của pháp luật có liên quan và
phải chịu toàn bộ chi phí cho việc tiêu hủy đó;
i) Tuân thủ quy định pháp luật, quyết định về thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà
nước có thẩm quyền;
k) Chi trả chi phí lấy mẫu và kiểm nghiệm theo quy định tại Điều 48 của Luật này;
l) Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi thực phẩm không an toàn
do mình sản xuất gây ra.
Điều 8. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm
1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm có các quyền sau đây:
a) Quyết định các biện pháp kiểm soát nội bộ để duy trì chất lượng vệ sinh an toàn
thực phẩm;
b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu thực phẩm hợp tác trong việc thu
hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn;
7
c) Lựa chọn cơ sở kiểm nghiệm để kiểm tra an toàn thực phẩm; lựa chọn cơ sở
kiểm nghiệm đã được chỉ định để chứng nhận hợp quy đối với thực phẩm nhập khẩu;
d) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật;
đ) Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm có các nghĩa vụ sau đây:
a) Tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm trong quá trình kinh
doanh và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm do mình kinh doanh;
b) Kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm, nhãn thực phẩm và các tài liệu liên
quan đến an toàn thực phẩm; lưu giữ hồ sơ về thực phẩm; thực hiện quy định về truy xuất
nguồn gốc thực phẩm không bảo đảm an toàn theo quy định tại Điều 54 của Luật này;
c) Thông tin trung thực về an toàn thực phẩm; thông báo cho người tiêu dùng điều
kiện bảo đảm an toàn khi vận chuyển, lưu giữ, bảo quản và sử dụng thực phẩm;
d) Kịp thời cung cấp thông tin về nguy cơ gây mất an toàn của thực phẩm và cách
phòng ngừa cho người tiêu dùng khi nhận được thông tin cảnh báo của tổ chức, cá nhân
sản xuất, nhập khẩu;
đ) Kịp thời ngừng kinh doanh, thông tin cho tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu
và người tiêu dùng khi phát hiện thực phẩm không bảo đảm an toàn;
e) Báo cáo ngay với cơ quan có thẩm quyền và khắc phục ngay hậu quả khi phát
hiện ngộ độc thực phẩm hoặc bệnh truyền qua thực phẩm do mình kinh doanh gây ra;
g) Hợp tác với tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, cơ quan nhà nước có thẩm
quyền trong việc điều tra ngộ độc thực phẩm để khắc phục hậu quả, thu hồi hoặc xử lý
thực phẩm không bảo đảm an toàn;
h) Tuân thủ quy định của pháp luật, quyết định về thanh tra, kiểm tra của cơ quan
nhà nước có thẩm quyền;
k) Chi trả chi phí lấy mẫu và kiểm nghiệm theo quy định tại Điều 48 của Luật này;
l) Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi thực phẩm mất an toàn do
mình kinh doanh gây ra.
Điều 9. Quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng thực phẩm
1. Người tiêu dùng thực phẩm có các quyền sau đây:
a) Được cung cấp thông tin trung thực về an toàn thực phẩm, hướng dẫn sử dụng,
vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, lựa chọn, sử dụng thực phẩm phù hợp; được cung cấp
thông tin về nguy cơ gây mất an toàn, cách phòng ngừa khi nhận được thông tin cảnh báo
đối với thực phẩm;
b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ quyền lợi của
mình theo quy định của pháp luật;
c) Yêu cầu tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp của mình theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
d) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật;
đ) Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật do sử dụng thực phẩm
không an toàn gây ra.
8
2. Người tiêu dùng thực phẩm có các nghĩa vụ sau đây:
a) Tuân thủ đầy đủ các quy định, hướng dẫn về an toàn thực phẩm của tổ chức, cá
nhân sản xuất, kinh doanh trong vận chuyển, lưu giữ, bảo quản và sử dụng thực phẩm;
b) Kịp thời cung cấp thông tin khi phát hiện nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm,
khai báo ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm với Ủy ban nhân dân nơi gần
nhất, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân
sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
c) Tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình sử dụng
thực phẩm.
CHƯƠNG III
ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM AN TOÀN ĐỐI VỚI THỰC PHẨM

Điều 10. Điều kiện chung về bảo đảm an toàn đối với thực phẩm
1. Đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, tuân thủ quy định về giới hạn vi sinh
vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng, tác
nhân gây ô nhiễm và các chất khác trong thực phẩm có thể gây hại đến sức khỏe, tính
mạng con người.
2. Tùy từng loại thực phẩm, ngoài các quy định tại khoản 1 Điều này, thực phẩm
còn phải đáp ứng một hoặc một số quy định sau đây:
a) Quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến trong sản xuất,
kinh doanh thực phẩm;
b) Quy định về bao gói và ghi nhãn thực phẩm;
c) Quy định về bảo quản thực phẩm.
Điều 11. Điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm tươi sống
1. Tuân thủ các điều kiện quy định tại Điều 10 của Luật này.
2. Bảo đảm truy xuất được nguồn gốc theo quy định tại Điều 54 của Luật này.
3. Có chứng nhận vệ sinh thú y của cơ quan thú y có thẩm quyền đối với thực
phẩm tươi sống có nguồn gốc từ động vật theo quy định của pháp luật về thú y.
Điều 12. Điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm đã qua chế biến
1. Tuân thủ các điều kiện quy định tại Điều 10 của Luật này.
2. Nguyên liệu ban đầu tạo nên thực phẩm phải bảo đảm an toàn và giữ nguyên
các thuộc tính vốn có của nó; các nguyên liệu tạo thành thực phẩm không được tương tác
với nhau để tạo ra các sản phẩm gây hại đến sức khoẻ, tính mạng con người.
3. Thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn phải đăng ký bản công bố hợp quy với
cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường.
Chính phủ quy định cụ thể việc đăng ký bản công bố hợp quy và thời hạn của bản
đăng ký công bố hợp quy đối với thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn.
Điều 13. Điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm tăng cường vi chất dinh
dưỡng
1. Tuân thủ các điều kiện quy định tại Điều 10 của Luật này.
9
2. Nguyên liệu ban đầu tạo nên thực phẩm phải bảo đảm an toàn và giữ nguyên
các thuộc tính vốn có của nó; các nguyên liệu tạo thành thực phẩm không được tương tác
với nhau để tạo ra các sản phẩm gây hại đến sức khoẻ, tính mạng con người.
3. Chỉ được tăng cường vi chất dinh dưỡng là vitamin, chất khoáng, chất vi lượng
vào thực phẩm với hàm lượng bảo đảm không gây hại đến sức khoẻ, tính mạng con người
và thuộc Danh mục theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Điều 14. Điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm chức năng
1. Tuân thủ các điều kiện quy định tại Điều 10 của Luật này.
2. Có thông tin, tài liệu khoa học chứng minh về tác dụng của thành phần tạo nên
chức năng đã công bố.
3. Thực phẩm chức năng lần đầu tiên đưa ra lưu thông trên thị trường phải có báo
cáo thử nghiệm hiệu quả về công dụng của sản phẩm.
4. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể về quản lý thực phẩm chức năng.
Điều 15. Điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm biến đổi gen
1. Tuân thủ các điều kiện quy định tại Điều 10 của Luật này.
2. Tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn đối với sức khỏe con người và môi
trường theo quy định của Chính phủ.
Điều 16. Điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm đã qua chiếu xạ
1. Tuân thủ các điều kiện quy định tại Điều 10 của Luật này.
2. Thuộc Danh mục nhóm thực phẩm được phép chiếu xạ.
3. Tuân thủ quy định về liều lượng chiếu xạ.
4. Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ
trưởng Bộ Công thương ban hành Danh mục nhóm thực phẩm được phép chiếu xạ và liều
lượng được phép chiếu xạ đối với thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
Điều 17. Điều kiện bảo đảm an toàn đối với phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế
biến thực phẩm
1. Đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, tuân thủ quy định về phụ gia thực phẩm
và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm.
2. Có hướng dẫn sử dụng ghi trên nhãn hoặc tài liệu đính kèm trong mỗi đơn vị
sản phẩm bằng tiếng Việt và ngôn ngữ khác theo xuất xứ sản phẩm.
3. Thuộc Danh mục phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm được phép
sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.
4. Đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi
lưu thông trên thị trường.
Chính phủ quy định cụ thể việc đăng ký bản công bố hợp quy và thời hạn của bản
đăng ký công bố hợp quy đối với phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm.
Điều 18. Điều kiện bảo đảm an toàn đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng
thực phẩm
10
1. Sản xuất từ nguyên vật liệu an toàn, bảo đảm không thôi nhiễm các chất độc
hại, mùi vị lạ vào thực phẩm, bảo đảm chất lượng thực phẩm trong thời hạn sử dụng.
2. Đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, tuân thủ quy định đối với dụng cụ, vật
liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
3. Đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi
lưu thông trên thị trường.
Chính phủ quy định cụ thể việc đăng ký bản công bố hợp quy và thời hạn của bản
đăng ký công bố hợp quy đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm.

CHƯƠNG IV
ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM
TRONG SẢN XUẤT, KINH DOANH THỰC PHẨM

Mục 1
ĐIỀU KIỆN CHUNG VỀ BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM
TRONG SẢN XUẤT, KINH DOANH THỰC PHẨM

Điều 19. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh
thực phẩm
1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
a) Có địa điểm, diện tích thích hợp, có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc
hại, nguồn gây ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác;
b) Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
c) Có đủ trang thiết bị phù hợp để xử lý nguyên liệu, chế biến, đóng gói, bảo quản
và vận chuyển các loại thực phẩm khác nhau; có đủ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện
rửa và khử trùng, nước sát trùng, thiết bị phòng, chống côn trùng và động vật gây hại;
d) Có hệ thống xử lý chất thải và được vận hành thường xuyên theo quy định của
pháp luật về bảo vệ môi trường;
đ) Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và lưu giữ hồ sơ về nguồn
gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình sản xuất,
kinh doanh thực phẩm;
e) Tuân thủ quy định về sức khoẻ, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản
xuất, kinh doanh thực phẩm.
2. Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ
trưởng Bộ Công thương ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định cụ thể về điều
kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh
vực được phân công quản lý.
Điều 20. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong bảo quản thực phẩm
1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải bảo đảm các điều kiện về bảo quản
thực phẩm sau đây:
11
a) Nơi bảo quản và phương tiện bảo quản phải có diện tích đủ rộng để bảo quản
từng loại thực phẩm riêng biệt, có thể thực hiện kỹ thuật xếp dỡ an toàn và chính xác, bảo
đảm vệ sinh trong quá trình bảo quản;
b) Ngăn ngừa được ảnh hưởng của nhiệt độ, độ ẩm, côn trùng, động vật, bụi bẩn,
mùi lạ và các tác động xấu của môi trường; bảo đảm đủ ánh sáng; có thiết bị chuyên dụng
điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm và các điều kiện khí hậu khác, thiết bị thông gió và các điều
kiện bảo quản đặc biệt khác theo yêu cầu của từng loại thực phẩm;
c) Tuân thủ các quy định về bảo quản của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh
thực phẩm.
2. Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ
trưởng Bộ Công thương ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định cụ thể về điều
kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong bảo quản thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân
công quản lý.
Điều 21. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong vận chuyển thực phẩm
1. Tổ chức, cá nhân vận chuyển thực phẩm phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
a) Phương tiện vận chuyển thực phẩm được chế tạo bằng vật liệu không làm ô
nhiễm thực phẩm hoặc bao gói thực phẩm, dễ làm sạch;
b) Bảo đảm điều kiện bảo quản thực phẩm trong suốt quá trình vận chuyển theo
hướng dẫn của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh;
c) Không vận chuyển thực phẩm cùng hàng hoá độc hại hoặc có thể gây nhiễm
chéo ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm.
2. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định về phương tiện vận chuyển
thực phẩm; đường vận chuyển thực phẩm đối với một số loại thực phẩm tươi sống tại các
đô thị.
Điều 22. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực
phẩm nhỏ lẻ
1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ phải tuân thủ các điều kiện bảo
đảm an toàn thực phẩm sau đây:
a) Có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm;
b) Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
c) Có trang thiết bị phù hợp để sản xuất, kinh doanh thực phẩm không gây độc hại,
gây ô nhiễm cho thực phẩm;
d) Sử dụng nguyên liệu, hóa chất, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực
phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm trong sơ chế, chế biến, bảo quản
thực phẩm;
đ) Tuân thủ quy định về sức khỏe, kiến thức và thực hành của người trực tiếp tham
gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
e) Thu gom, xử lý chất thải theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi
trường;
h) Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và lưu giữ thông tin liên quan
đến việc mua bán bảo đảm truy xuất được nguồn gốc thực phẩm.
12
2. Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ
trưởng Bộ Công thương ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định cụ thể về điều
kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ thuộc lĩnh
vực được phân công quản lý.
3. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương, quy định cụ thể điều
kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ đối với
thực phẩm đặc thù trên địa bàn tỉnh.
Mục 2
ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG SẢN XUẤT,
KINH DOANH THỰC PHẨM TƯƠI SỐNG

Điều 23. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất thực phẩm
tươi sống
1. Cơ sở sản xuất thực phẩm tươi sống phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
a) Bảo đảm các điều kiện về đất canh tác, nguồn nước, địa điểm sản xuất để sản
xuất thực phẩm an toàn;
b) Tuân thủ các quy định của pháp luật về sử dụng giống cây trồng, giống vật
nuôi; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất kích thích
tăng trưởng, chất tăng trọng, chất phát dục, chất bảo quản thực phẩm và các chất khác có
liên quan đến an toàn thực phẩm;
c) Tuân thủ quy định về kiểm dịch, vệ sinh thú y trong giết mổ động vật; về kiểm
dịch thực vật đối với sản phẩm trồng trọt;
d) Thực hiện việc xử lý chất thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi
trường;
đ) Chất tẩy rửa, chất diệt khuẩn, chất khử độc khi sử dụng phải bảo đảm an toàn
cho con người và môi trường;
e) Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc,
xuất xứ nguyên liệu thực phẩm và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình sản xuất thực
phẩm tươi sống.
2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy định cụ thể điều kiện
bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất thực phẩm tươi sống.
Điều 24. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thực
phẩm tươi sống
1. Cơ sở kinh doanh thực phẩm tươi sống phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
a) Tuân thủ các điều kiện về bảo đảm an toàn đối với dụng cụ, vật liệu bao gói,
chứa đựng thực phẩm, điều kiện về bảo đảm an toàn trong bảo quản, vận chuyển thực
phẩm quy định tại các điều 18, 20 và 21 của Luật này;
b) Bảo đảm và duy trì vệ sinh nơi kinh doanh.
2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy định cụ thể điều kiện
bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm tươi sống.
Mục 3
13

ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG SƠ CHẾ, CHẾ BIẾN
THỰC PHẨM,
KINH DOANH THỰC PHẨM ĐÃ QUA CHẾ BIẾN

Điều 25. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sơ chế, chế biến thực
phẩm
1. Bảo đảm các điều kiện quy định tại Điều 19 của Luật này.
2. Quy trình sơ chế, chế biến phải bảo đảm thực phẩm không bị ô nhiễm chéo, tiếp
xúc với các yếu tố gây ô nhiễm hoặc độc hại.
Điều 26. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu, phụ gia thực
phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, vi chất dinh dưỡng dùng để chế biến thực phẩm
1. Nguyên liệu dùng để chế biến thực phẩm phải còn thời hạn sử dụng, có nguồn
gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn và giữ nguyên các thuộc tính vốn có của nó; các
nguyên liệu tạo thành thực phẩm không được tương tác với nhau để tạo ra các sản phẩm
gây hại đến sức khoẻ, tính mạng con người.
2. Vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm được sử
dụng phải tuân thủ quy định tại Điều 13 và Điều 17 của Luật này.
Điều 27. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thực
phẩm đã qua chế biến
1. Cơ sở kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn phải bảo đảm các điều
kiện sau đây:
a) Tuân thủ quy định về ghi nhãn thực phẩm;
b) Tuân thủ các điều kiện về bảo đảm an toàn đối với dụng cụ, vật liệu bao gói,
chứa đựng thực phẩm, điều kiện về bảo đảm an toàn thực phẩm trong bảo quản thực
phẩm quy định tại Điều 18 và Điều 20 của Luật này;
c) Bảo đảm và duy trì vệ sinh nơi kinh doanh;
d) Bảo quản thực phẩm theo đúng hướng dẫn của tổ chức, cá nhân sản xuất.
2. Cơ sở kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến không bao gói sẵn phải bảo đảm
các điều kiện sau đây:
a) Có biện pháp bảo đảm cho thực phẩm không bị hỏng, mốc, tiếp xúc với côn
trùng, động vật, bụi bẩn và các yếu tố gây ô nhiễm khác;
b) Rửa sạch hoặc khử trùng các dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm trước khi
sử dụng đối với thực phẩm ăn ngay;
c) Có thông tin về xuất xứ và ngày sản xuất của thực phẩm.
Mục 4
ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG KINH DOANH DỊCH
VỤ ĂN UỐNG

Điều 28. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nơi chế biến, kinh doanh
dịch vụ ăn uống
14
1. Bếp ăn được bố trí bảo đảm không nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế
biến và thực phẩm đã qua chế biến.
2. Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh.
3. Có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh.
4. Cống rãnh ở khu vực cửa hàng, nhà bếp phải thông thoát, không ứ đọng.
5. Nhà ăn phải thoáng, mát, đủ ánh sáng, duy trì chế độ vệ sinh sạch sẽ, có biện
pháp để ngăn ngừa côn trùng và động vật gây hại.
6. Có thiết bị bảo quản thực phẩm, nhà vệ sinh, rửa tay và thu dọn chất thải, rác
thải hàng ngày sạch sẽ.
7. Người đứng đầu đơn vị có bếp ăn tập thể có trách nhiệm bảo đảm an toàn thực
phẩm.
Điều 29. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở chế biến, kinh doanh
dịch vụ ăn uống
1. Có dụng cụ, đồ chứa đựng riêng cho thực phẩm sống và thực phẩm chín.
2. Dụng cụ nấu nướng, chế biến phải bảo đảm an toàn vệ sinh.
3. Dụng cụ ăn uống phải được làm bằng vật liệu an toàn, rửa sạch, giữ khô.
4. Tuân thủ quy định về sức khoẻ, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản
xuất, kinh doanh thực phẩm.
Điều 30. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong chế biến và bảo quản thực
phẩm
1. Sử dụng thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm phải rõ nguồn gốc và bảo đảm an
toàn, lưu mẫu thức ăn.
2. Thực phẩm phải được chế biến bảo đảm an toàn, hợp vệ sinh.
3. Thực phẩm bày bán phải để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh,
chống được bụi, mưa, nắng và sự xâm nhập của côn trùng và động vật gây hại; được bày
bán trên bàn hoặc giá cao hơn mặt đất.
Mục 5
ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG KINH DOANH
THỨC ĂN ĐƯỜNG PHỐ

Điều 31. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nơi bày bán thức ăn đường
phố
1. Phải cách biệt nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm.
2. Phải được bày bán trên bàn, giá, kệ, phương tiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực
phẩm, mỹ quan đường phố.
Điều 32. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu, dụng cụ ăn
uống, chứa đựng thực phẩm và người kinh doanh thức ăn đường phố
1. Nguyên liệu để chế biến thức ăn đường phố phải bảo đảm an toàn thực phẩm,
có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
2. Dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm phải bảo đảm an toàn vệ sinh.
15
3. Bao gói và các vật liệu tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không được gây ô
nhiễm và thôi nhiễm vào thực phẩm.
4. Có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn, côn trùng và động vật gây hại.
5. Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh.
6. Tuân thủ quy định về sức khoẻ, kiến thức và thực hành đối với người trực tiếp
sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Điều 33. Trách nhiệm quản lý kinh doanh thức ăn đường phố
1. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong
kinh doanh thức ăn đường phố.
2. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm quản lý hoạt động kinh doanh thức ăn
đường phố trên địa bàn.
CHƯƠNG V
CHỨNG NHẬN CƠ SỞ ĐỦ ĐIỀU KIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM
TRONG SẢN XUẤT, KINH DOANH THỰC PHẨM

Điều 34. Đối tượng, điều kiện cấp, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an
toàn thực phẩm
1. Cơ sở được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi có
đủ các điều kiện sau đây:
a) Có đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp với từng loại hình sản
xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định tại Chương IV của Luật này;
b) Có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm trong Giấy chứng nhận đăng ký
kinh doanh.
2. Tổ chức, cá nhân bị thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực
phẩm khi không đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Chính phủ quy định cụ thể đối tượng không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ
sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Điều 35. Thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn
thực phẩm
Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng
Bộ Công thương quy định cụ thể thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều
kiện an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
Điều 36. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn
thực phẩm
1. Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm gồm có:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm;
b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
c) Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ
sinh an toàn thực phẩm theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
16
d) Giấy xác nhận đủ sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh
doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp;
đ) Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của
chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của Bộ
trưởng Bộ quản lý ngành.
2. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
được quy định như sau:
a) Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng
nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy
định tại Điều 35 của Luật này;
b) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có
thẩm quyền kiểm tra thực tế điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh
doanh thực phẩm; nếu đủ điều kiện thì phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an
toàn thực phẩm; trường hợp từ chối thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Điều 37. Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực
phẩm
1. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có hiệu lực trong thời
gian 03 năm.
2. Trước 06 tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực
phẩm hết hạn, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải nộp hồ sơ xin cấp
lại Giấy chứng nhận trong trường hợp tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Hồ sơ, trình tự, thủ
tục cấp lại được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Luật này.
CHƯƠNG VI
NHẬP KHẨU VÀ XUẤT KHẨU THỰC PHẨM

Mục 1
ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM AN TOÀN ĐỐI VỚI THỰC PHẨM NHẬP KHẨU

Điều 38. Điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm nhập khẩu
1. Thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật
liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm nhập khẩu phải tuân thủ các điều kiện tương ứng quy
định tại Chương III của Luật này và các điều kiện sau đây:
a) Phải được đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền
trước khi nhập khẩu;
b) Phải được cấp “Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu”
đối với từng lô hàng của cơ quan kiểm tra được chỉ định theo quy định của Bộ trưởng Bộ
quản lý ngành.
2. Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, thực phẩm chức năng, thực
phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thực phẩm biến đổi gen, thực phẩm đã qua chiếu xạ
phải có giấy chứng nhận lưu hành tự do hoặc giấy chứng nhận y tế theo quy định của
Chính phủ.
3. Trong trường hợp Việt Nam chưa có quy chuẩn kỹ thuật tương ứng đối với thực
phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa
17
đựng thực phẩm nhập khẩu thì áp dụng theo thỏa thuận quốc tế, điều ước quốc tế mà
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Điều 39. Kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu
1. Thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật
liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm nhập khẩu phải được kiểm tra nhà nước về an toàn
thực phẩm, trừ một số thực phẩm được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm
theo quy định của Chính phủ.
2. Thực phẩm nhập khẩu từ nước có ký kết điều ước quốc tế với Việt Nam về thừa
nhận lẫn nhau đối với hoạt động chứng nhận an toàn thực phẩm được áp dụng chế độ
kiểm tra giảm, trừ trường hợp có cảnh báo hoặc phát hiện có dấu hiệu vi phạm các quy
định của pháp luật Việt Nam về an toàn thực phẩm.
3. Chính phủ quy định cụ thể việc miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm
đối với một số thực phẩm nhập khẩu; trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về an toàn thực
phẩm tại nước sẽ xuất khẩu thực phẩm vào Việt Nam theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Điều 40. Trình tự, thủ tục và phương thức kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm
đối với thực phẩm nhập khẩu
1. Trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm,
phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng
thực phẩm nhập khẩu được thực hiện theo quy định của pháp luật về chất lượng sản
phẩm, hàng hóa và các quy định sau đây:
a) Chỉ được đưa về kho bảo quản chờ hoàn thành việc thông quan khi có giấy
đăng ký kiểm tra an toàn thực phẩm;
b) Chỉ được thông quan khi có xác nhận kết quả kiểm tra thực phẩm đạt yêu cầu
nhập khẩu.
2. Phương thức kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm, phụ
gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực
phẩm nhập khẩu bao gồm:
a) Kiểm tra chặt;
b) Kiểm tra thông thường;
c) Kiểm tra giảm.
3. Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ
trưởng Bộ Công thương quy định cụ thể cơ quan kiểm tra nhà nước về an toàn thực
phẩm, việc áp dụng phương thức kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực
phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa
đựng thực phẩm nhập khẩu thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
Mục 2
ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM AN TOÀN ĐỐI VỚI THỰC PHẨM XUẤT KHẨU

Điều 41. Điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm xuất khẩu
1. Đáp ứng các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của Việt Nam.
18
2. Phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu theo hợp đồng
hoặc điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù
hợp với quốc gia, vùng lãnh thổ có liên quan.
Điều 42. Chứng nhận đối với thực phẩm xuất khẩu
1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy chứng nhận lưu hành
tự do, chứng nhận y tế, chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ hoặc giấy chứng nhận khác có
liên quan đối với thực phẩm xuất khẩu trong trường hợp có yêu cầu của nước nhập khẩu.
2. Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ
trưởng Bộ Công thương quy định hồ sơ, thủ tục cấp các loại giấy chứng nhận quy định tại
khoản 1 Điều này thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
CHƯƠNG VII
QUẢNG CÁO, GHI NHÃN THỰC PHẨM

Điều 43. Quảng cáo thực phẩm


1. Việc quảng cáo thực phẩm do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm
hoặc người kinh doanh dịch vụ quảng cáo thực hiện theo quy định của pháp luật về quảng
cáo.
2. Trước khi đăng ký quảng cáo, tổ chức, cá nhân có thực phẩm cần quảng cáo
phải gửi hồ sơ tới cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để xác nhận nội dung quảng
cáo.
3. Người phát hành quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, tổ chức, cá
nhân có thực phẩm quảng cáo chỉ được tiến hành quảng cáo khi đã được thẩm định nội
dung và chỉ được quảng cáo đúng nội dung đã được xác nhận.
Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ
trưởng Bộ Công thương quy định cụ thể loại thực phẩm phải đăng ký quảng cáo, thẩm
quyền, trình tự, thủ tục xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm thuộc lĩnh vực được
phân công quản lý.
Điều 44. Ghi nhãn thực phẩm
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ
trợ chế biến thực phẩm tại Việt Nam phải thực hiện việc ghi nhãn thực phẩm theo quy
định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
Đối với thời hạn sử dụng thực phẩm thể hiện trên nhãn thì tùy theo loại sản phẩm
được ghi là “hạn sử dụng”, “sử dụng đến ngày” hoặc “sử dụng tốt nhất trước ngày”.
2. Đối với thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, thực phẩm đã qua chiếu xạ,
thực phẩm biến đổi gen, ngoài các quy định tại khoản 1 Điều này còn phải tuân thủ các
quy định sau đây:
a) Đối với thực phẩm chức năng phải ghi cụm từ “thực phẩm chức năng” và không
được thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào về tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh;
b) Đối với phụ gia thực phẩm phải ghi cụm từ “phụ gia thực phẩm” và các thông
tin về phạm vi, liều lượng, cách sử dụng;
c) Đối với thực phẩm đã qua chiếu xạ phải ghi cụm từ “thực phẩm đã qua chiếu
xạ”;
19
d) Đối với một số thực phẩm biến đổi gen phải ghi cụm từ “thực phẩm biến đổi
gen”.
3. Căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, Chính phủ quy định cụ thể
về ghi nhãn thực phẩm, thời hạn sử dụng thực phẩm; quy định cụ thể thực phẩm biến đổi
gen phải ghi nhãn, mức tỷ lệ thành phần thực phẩm có gen biến đổi phải ghi nhãn.
CHƯƠNG VIII
KIỂM NGHIỆM THỰC PHẨM, PHÂN TÍCH NGUY CƠ ĐỐI VỚI AN TOÀN
THỰC PHẨM, PHÒNG NGỪA, NGĂN CHẶN VÀ KHẮC PHỤC SỰ CỐ VỀ AN
TOÀN THỰC PHẨM

Mục 1
KIỂM NGHIỆM THỰC PHẨM

Điều 45. Yêu cầu đối với việc kiểm nghiệm thực phẩm
1. Kiểm nghiệm thực phẩm được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
a) Theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm hoặc tổ
chức, cá nhân khác có liên quan;
b) Phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Việc kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ hoạt động quản lý nhà nước được thực hiện
tại cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm do Bộ trưởng Bộ quản lý ngành chỉ định.
2. Việc kiểm nghiệm thực phẩm phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) Khách quan, chính xác;
b) Tuân thủ các quy định về chuyên môn kỹ thuật.
Điều 46. Cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm
1. Cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có bộ máy tổ chức và năng lực kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn quốc
gia, tiêu chuẩn quốc tế đối với cơ sở kiểm nghiệm;
b) Thiết lập và duy trì hệ thống quản lý phù hợp với yêu cầu của tiêu chuẩn quốc
gia, tiêu chuẩn quốc tế;
c) Đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật với
cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp thực hiện hoạt động chứng nhận hợp
chuẩn, hợp quy.
2. Cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm được cung cấp dịch vụ kiểm nghiệm, thu phí
kiểm nghiệm và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm nghiệm do mình
thực hiện.
3. Bộ trưởng Bộ quản lý ngành quy định cụ thể điều kiện của cơ sở kiểm nghiệm
quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 47. Kiểm nghiệm phục vụ giải quyết tranh chấp về an toàn thực phẩm
1. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp chỉ định cơ sở kiểm nghiệm kiểm
chứng để thực hiện kiểm nghiệm thực phẩm về nội dung tranh chấp. Kết quả kiểm
20
nghiệm của cơ sở kiểm nghiệm kiểm chứng được sử dụng làm căn cứ giải quyết tranh
chấp về an toàn thực phẩm.
2. Cơ sở kiểm nghiệm được chỉ định làm kiểm chứng là cơ sở kiểm nghiệm của
Nhà nước, có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này.
3. Bộ trưởng Bộ quản lý ngành quy định điều kiện đối với cơ sở kiểm nghiệm
kiểm chứng, Danh mục cơ sở kiểm nghiệm kiểm chứng đủ điều kiện hoạt động.
Điều 48. Chi phí lấy mẫu và kiểm nghiệm thực phẩm
1. Chi phí lấy mẫu và kiểm nghiệm thực phẩm để kiểm tra, thanh tra an toàn thực
phẩm do cơ quan quyết định việc kiểm tra, thanh tra chi trả.
2. Căn cứ kết quả kiểm nghiệm, cơ quan ra quyết định kiểm tra, thanh tra an toàn
thực phẩm kết luận tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm quy định
của pháp luật về an toàn thực phẩm thì tổ chức, cá nhân đó phải hoàn trả chi phí lấy mẫu
và kiểm nghiệm cho cơ quan kiểm tra, thanh tra.
3. Tổ chức, cá nhân có yêu cầu lấy mẫu và kiểm nghiệm thực phẩm phải tự chi trả
chi phí lấy mẫu và kiểm nghiệm.
4. Chi phí lấy mẫu và kiểm nghiệm trong tranh chấp, khiếu nại về an toàn thực
phẩm do người khởi kiện, khiếu nại chi trả. Trường hợp kết quả kiểm nghiệm kh ng định
tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm quy định về an toàn thực phẩm
thì tổ chức, cá nhân đó phải hoàn trả chi phí lấy mẫu và kiểm nghiệm an toàn thực phẩm
tranh chấp cho người khởi kiện, khiếu nại.
Mục 2
PHÂN TÍCH NGUY CƠ ĐỐI VỚI AN TOÀN THỰC PHẨM

Điều 49. Đối tượng phải được phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm
1. Thực phẩm có tỷ lệ gây ngộ độc cao.
2. Thực phẩm có kết quả lấy mẫu để giám sát cho thấy tỷ lệ vi phạm các quy
chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm ở mức cao.
3. Môi trường, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bị nghi ngờ gây ô nhiễm.
4. Thực phẩm, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được phân tích nguy cơ theo
yêu cầu quản lý.
Điều 50. Hoạt động phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm
1. Việc phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm bao gồm các hoạt động về
đánh giá, quản lý và truyền thông về nguy cơ đối với an toàn thực phẩm.
2. Việc đánh giá nguy cơ đối với an toàn thực phẩm bao gồm:
a) Điều tra, xét nghiệm xác định các mối nguy đối với an toàn thực phẩm thuộc
các nhóm tác nhân về vi sinh, hoá học và vật lý;
b) Xác định nguy cơ của các mối nguy đối với an toàn thực phẩm ảnh hưởng đến
sức khoẻ, mức độ và phạm vi ảnh hưởng của các mối nguy đối với sức khoẻ cộng đồng.
3. Việc quản lý nguy cơ đối với an toàn thực phẩm bao gồm:
a) Thực hiện các giải pháp hạn chế nguy cơ an toàn thực phẩm trong từng công
đoạn của chuỗi cung cấp thực phẩm;
21
b) Kiểm soát, phối hợp nhằm hạn chế nguy cơ đối với an toàn thực phẩm trong
kinh doanh dịch vụ ăn uống và các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm khác.
4. Việc truyền thông về nguy cơ đối với an toàn thực phẩm bao gồm:
a) Cung cấp thông tin về các biện pháp phòng tránh khi xảy ra các vụ ngộ độc thực
phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm do thực phẩm mất an toàn gây ra nhằm nâng cao nhận
thức và ý thức trách nhiệm của người dân về nguy cơ đối với an toàn thực phẩm;
b) Thông báo, dự báo nguy cơ đối với an toàn thực phẩm; xây dựng hệ thống
thông tin cảnh báo nguy cơ đối với an toàn thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm.
Điều 51. Trách nhiệm thực hiện phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm
Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương tổ chức việc
phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo
quy định tại Điều 49 và Điều 50 của Luật này.
Mục 3
PHÒNG NGỪA, NGĂN CHẶN VÀ KHẮC PHỤC SỰ CỐ VỀ AN TOÀN THỰC
PHẨM

Điều 52. Phòng ngừa, ngăn chặn sự cố về an toàn thực phẩm


1. Tổ chức, cá nhân phát hiện dấu hiệu liên quan đến sự cố về an toàn thực phẩm
có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Ủy ban nhân dân địa
phương nơi gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền để có biện pháp ngăn chặn
kịp thời.
2. Các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn sự cố về an toàn thực phẩm bao gồm:
a) Bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm;
b) Giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức và thực hành về an toàn thực phẩm
cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng;
c) Kiểm tra, thanh tra an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
d) Phân tích nguy cơ ô nhiễm thực phẩm;
đ) Điều tra, khảo sát và lưu trữ các số liệu về an toàn thực phẩm;
e) Lưu mẫu thực phẩm.
3. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp phòng
ngừa, ngăn chặn sự cố về an toàn thực phẩm trong phạm vi địa phương.
4. Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương tổ chức
thực hiện chương trình giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn sự cố an toàn thực phẩm; tổ
chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn đối với những sự cố về an toàn thực
phẩm ở nước ngoài có nguy cơ ảnh hưởng đến Việt Nam thuộc lĩnh vực được phân công
quản lý.
5. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng hệ thống
cảnh báo sự cố an toàn thực phẩm.
Điều 53. Khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm
1. Tổ chức, cá nhân phát hiện sự cố về an toàn thực phẩm xảy ra trong nước hoặc
nước ngoài nhưng có ảnh hưởng tới Việt Nam phải khai báo với cơ sở y tế, Ủy ban nhân
22
dân địa phương nơi gần nhất hoặc Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ
Công thương để có biện pháp khắc phục kịp thời.
2. Các biện pháp khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm bao gồm:
a) Phát hiện, cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm, bệnh
truyền qua thực phẩm hoặc các tình huống khác phát sinh từ thực phẩm gây hại đến sức
khỏe, tính mạng con người;
b) Điều tra vụ ngộ độc thực phẩm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc, bệnh truyền
qua thực phẩm và truy xuất nguồn gốc thực phẩm gây ngộ độc, truyền bệnh;
c) Đình chỉ sản xuất, kinh doanh; thu hồi và xử lý thực phẩm gây ngộ độc, truyền
bệnh đang lưu thông trên thị trường;
d) Thông báo ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm cho các tổ chức,
cá nhân có liên quan;
đ) Thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh
truyền qua thực phẩm.
3. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp khắc
phục sự cố về an toàn thực phẩm trong phạm vi địa phương.
4. Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm:
a) Quy định cụ thể việc khai báo sự cố về an toàn thực phẩm;
b) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổ chức thực hiện các biện
pháp ngăn chặn sự cố về an toàn thực phẩm xảy ra ở nước ngoài có nguy cơ ảnh hưởng
tới Việt Nam.
5. Tổ chức, cá nhân cung cấp thực phẩm mà gây ngộ độc phải chịu toàn bộ chi phí
điều trị cho người bị ngộ độc và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân
sự.
Mục 4
TRUY XUẤT NGUỒN GỐC THỰC PHẨM, THU HỒI VÀ XỬ LÝ
ĐỐI VỚI THỰC PHẨM KHÔNG BẢO ĐẢM AN TOÀN

Điều 54. Truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với thực phẩm không bảo đảm an
toàn
1. Việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn
do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện trong các trường hợp sau
đây:
a) Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;
b) Khi phát hiện thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh không bảo đảm an toàn.
2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện việc truy xuất
nguồn gốc thực phẩm đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn phải thực hiện các việc
sau đây:
a) Xác định, thông báo lô sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn;
23
b) Yêu cầu các đại lý kinh doanh thực phẩm báo cáo số lượng sản phẩm của lô sản
phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn, tồn kho thực tế và đang lưu thông trên thị
trường;
c) Tổng hợp, báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về kế hoạch thu hồi và
biện pháp xử lý.
3. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực
hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Điều 55. Thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn
1. Thực phẩm phải được thu hồi trong các trường hợp sau đây:
a) Thực phẩm hết thời hạn sử dụng mà vẫn bán trên thị trường;
b) Thực phẩm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;
c) Thực phẩm là sản phẩm công nghệ mới chưa được phép lưu hành;
d) Thực phẩm bị hư hỏng trong quá trình bảo quản, vận chuyển, kinh doanh;
đ) Thực phẩm có chất cấm sử dụng hoặc xuất hiện tác nhân gây ô nhiễm vượt mức
giới hạn quy định;
e) Thực phẩm nhập khẩu bị cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu, nước khác
hoặc tổ chức quốc tế thông báo có chứa tác nhân gây ô nhiễm gây hại đến sức khoẻ, tính
mạng con người.
2. Thực phẩm không bảo đảm an toàn bị thu hồi theo các hình thức sau đây:
a) Thu hồi tự nguyện do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm tự thực
hiện;
b) Thu hồi bắt buộc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu đối với tổ chức,
cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn.
3. Các hình thức xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn bao gồm:
a) Khắc phục lỗi của sản phẩm, lỗi ghi nhãn;
b) Chuyển mục đích sử dụng;
c) Tái xuất;
d) Tiêu hủy.
4. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn có
trách nhiệm công bố thông tin về sản phẩm bị thu hồi và chịu trách nhiệm thu hồi, xử lý
thực phẩm không bảo đảm an toàn trong thời hạn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền
quyết định; chịu mọi chi phí cho việc thu hồi, xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Trong trường hợp quá thời hạn thu hồi mà tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh
thực phẩm không thực hiện việc thu hồi thì bị cưỡng chế thu hồi theo quy định của pháp
luật.
5. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm:
a) Căn cứ vào mức độ vi phạm về điều kiện bảo đảm an toàn, quyết định việc thu
hồi, xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn, thời hạn hoàn thành việc thu hồi, xử lý thực
phẩm không bảo đảm an toàn;
24
b) Kiểm tra việc thu hồi thực phẩm không bảo đảm an toàn;
c) Xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm theo thẩm quyền do pháp luật
quy định;
d) Trong trường hợp thực phẩm có nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với
sức khỏe cộng đồng hoặc các trường hợp khẩn cấp khác, cơ quan nhà nước có thẩm
quyền trực tiếp tổ chức thu hồi, xử lý thực phẩm và yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất,
kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn thanh toán chi phí cho việc thu hồi, xử lý
thực phẩm.
6. Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ
trưởng Bộ Công thương quy định cụ thể việc thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không
bảo đảm an toàn thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
CHƯƠNG IX
THÔNG TIN, GIÁO DỤC, TRUYỀN THÔNG VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM

Điều 56. Mục đích, yêu cầu của thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực
phẩm
1. Thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận
thức về an toàn thực phẩm, thay đổi hành vi, phong tục, tập quán sản xuất, kinh doanh,
sinh hoạt, ăn uống lạc hậu, gây mất an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe, tính
mạng con người; đạo đức kinh doanh, ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất,
kinh doanh với sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng thực phẩm.
2. Việc cung cấp thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm phải bảo
đảm các yêu cầu sau đây:
a) Chính xác, kịp thời, rõ ràng, đơn giản, thiết thực;
b) Phù hợp với truyền thống, văn hoá, bản sắc dân tộc, tôn giáo, đạo đức xã hội,
tín ngưỡng và phong tục tập quán;
c) Phù hợp với từng loại đối tượng được tuyên truyền.
Điều 57. Nội dung thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm
1. Thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về an toàn thực phẩm.
2. Nguyên nhân, cách nhận biết nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua
thực phẩm và các biện pháp phòng, chống sự cố về an toàn thực phẩm.
3. Thông tin về các điển hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo đảm an toàn;
việc thu hồi thực phẩm không bảo đảm an toàn, xử lý đối với cơ sở vi phạm nghiêm trọng
pháp luật về an toàn thực phẩm.
Điều 58. Đối tượng tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực
phẩm
1. Tổ chức, cá nhân được quyền tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về an
toàn thực phẩm.
2. Ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm cho các
đối tượng sau đây:
a) Người tiêu dùng thực phẩm;
25
b) Người quản lý, điều hành các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; người trực
tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
c) Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi sống, sản xuất, kinh
doanh thực phẩm nhỏ lẻ; người dân khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó
khăn.
Điều 59. Hình thức thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm
1. Thực hiện thông qua các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về an toàn thực
phẩm.
2. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
3. Lồng ghép trong việc giảng dạy, học tập tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống
giáo dục quốc dân.
4. Thông qua hoạt động văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt của các đoàn thể,
tổ chức xã hội và các loại hình văn hoá quần chúng khác.
5. Thông qua điểm hỏi đáp về an toàn thực phẩm tại các Bộ quản lý ngành.
Điều 60. Trách nhiệm trong thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực
phẩm
1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách
nhiệm thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm.
2. Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ quản lý ngành và Thủ trưởng cơ quan ngang
bộ có liên quan có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan hữu quan cung cấp chính xác và khoa
học các thông tin về an toàn thực phẩm; kịp thời phản hồi thông tin không đúng sự thật
về an toàn thực phẩm.
3. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan
thông tin đại chúng thường xuyên thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm, lồng
ghép chương trình thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm với các chương trình
thông tin, truyền thông khác.
4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ
trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ quản lý ngành và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có liên
quan xây dựng nội dung giáo dục an toàn thực phẩm kết hợp với các nội dung giáo dục
khác.
5. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác thông tin,
giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm cho nhân dân trên địa bàn.
6. Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm ưu tiên về thời điểm, thời lượng
phát sóng để thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm trên đài phát thanh,
đài truyền hình; dung lượng và vị trí đăng trên báo in, báo hình, báo điện tử theo quy định
của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Việc thông tin, giáo dục, truyền thông về
an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng không thu phí, trừ trường
hợp thực hiện theo hợp đồng riêng với chương trình, dự án hoặc do tổ chức, cá nhân
trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ.
7. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, tổ chức xã hội có trách nhiệm thông
tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi trách nhiệm của mình.
26

CHƯƠNG X
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM

Mục 1
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM

Điều 61. Trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
2. Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an
toàn thực phẩm.
3. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có
trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
4. Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm
trong phạm vi địa phương.
Điều 62. Trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Bộ Y tế
1. Trách nhiệm chung:
a) Chủ trì xây dựng, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức
thực hiện chiến lược quốc gia, quy hoạch tổng thể về an toàn thực phẩm;
b) Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chỉ tiêu và mức giới hạn an toàn đối
với sản phẩm thực phẩm; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm;
c) Yêu cầu các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo định kỳ, đột xuất về
công tác quản lý an toàn thực phẩm;
d) Quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản
xuất, kinh doanh thực phẩm;
đ) Chủ trì tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn
thực phẩm; cảnh báo sự cố ngộ độc thực phẩm;
e) Thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với toàn bộ quá trình sản xuất, nhập khẩu, kinh
doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của các bộ khác khi cần thiết.
2. Trách nhiệm trong quản lý ngành:
a) Chủ trì xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban
hành và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch và văn bản quy
phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý;
b) Quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo
quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với phụ gia thực phẩm, chất hỗ
trợ chế biến thực phẩm, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức
năng và các thực phẩm khác theo quy định của Chính phủ;
c) Quản lý an toàn thực phẩm đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực
phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân
công quản lý;
27
d) Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trong quá
trình sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân
công quản lý.
Điều 63. Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
1. Chủ trì xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban
hành và tổ chức thực hiện các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, văn bản quy
phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
2. Quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất ban đầu nông, lâm, thủy sản, muối.
3. Quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ
chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với ng cốc,
thịt và các sản phẩm từ thịt, thủy sản và sản phẩm thủy sản, rau, củ, quả và sản phẩm rau,
củ, quả, trứng và các sản phẩm từ trứng, sữa tươi nguyên liệu, mật ong và các sản phẩm
từ mật ong, thực phẩm biến đổi gen, muối và các nông sản thực phẩm khác theo quy định
của Chính phủ.
4. Quản lý an toàn thực phẩm đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực
phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân
công quản lý.
5. Báo cáo định kỳ, đột xuất về công tác quản lý an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực
được phân công quản lý.
6. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trong quá
trình sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân
công quản lý.
Điều 64. Trách nhiệm của Bộ Công thương
1. Chủ trì xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban
hành và tổ chức thực hiện các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, văn bản quy
phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
2. Quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản,
vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với các loại rượu, bia, nước giải khát,
sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột và tinh bột và các thực phẩm khác theo
quy định của Chính phủ.
3. Quản lý an toàn thực phẩm đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực
phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân
công quản lý.
4. Ban hành chính sách, quy hoạch về chợ, siêu thị, quy định điều kiện kinh doanh
thực phẩm tại các chợ, siêu thị.
5. Chủ trì việc phòng chống thực phẩm giả, gian lận thương mại trong lưu thông,
kinh doanh thực phẩm.
6. Báo cáo định kỳ, đột xuất về công tác quản lý an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực
được phân công quản lý.
7. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trong quá
trình sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân
công quản lý.
28
Điều 65. Trách nhiệm quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân các cấp
1. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban
hành văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật địa phương; xây dựng và tổ chức
thực hiện quy hoạch vùng, cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn để bảo đảm việc quản lý
được thực hiện trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm.
2. Chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn; quản lý điều kiện bảo
đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn
đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa
bàn và các đối tượng theo phân cấp quản lý.
3. Báo cáo định kỳ, đột xuất về công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn.
4. Bố trí nguồn lực, tổ chức bồi dưỡng nâng cao chất lượng nhân lực cho công tác
bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn.
5. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, truyền thông, nâng cao nhận thức về an toàn
thực phẩm, ý thức chấp hành pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm, ý thức trách nhiệm
của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng, ý thức của người
tiêu dùng thực phẩm.
6. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn
quản lý.

Mục 2
THANH TRA AN TOÀN THỰC PHẨM

Điều 66. Thanh tra về an toàn thực phẩm


1. Thanh tra về an toàn thực phẩm là thanh tra chuyên ngành. Thanh tra an toàn
thực phẩm do ngành y tế, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngành công thương
thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.
2. Chính phủ quy định việc phối hợp giữa các lực lượng thanh tra an toàn thực
phẩm của các bộ, cơ quan ngang bộ với một số lực lượng khác trong việc bảo đảm an
toàn thực phẩm.
Điều 67. Nội dung thanh tra về an toàn thực phẩm
1. Việc thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm đối với
sản xuất, kinh doanh thực phẩm và sản phẩm thực phẩm do cơ quan quản lý nhà nước có
thẩm quyền ban hành.
2. Việc thực hiện các tiêu chuẩn có liên quan đến an toàn thực phẩm do tổ chức, cá
nhân sản xuất công bố áp dụng đối với sản xuất, kinh doanh thực phẩm và sản phẩm thực
phẩm.
3. Hoạt động quảng cáo, ghi nhãn đối với thực phẩm thuộc phạm vi quản lý.
4. Hoạt động chứng nhận hợp quy, kiểm nghiệm an toàn thực phẩm.
5. Việc thực hiện các quy định khác của pháp luật về an toàn thực phẩm.

Mục 3
KIỂM TRA AN TOÀN THỰC PHẨM
29

Điều 68. Trách nhiệm kiểm tra an toàn thực phẩm


1. Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm thuộc Bộ quản lý ngành thực hiện việc
kiểm tra an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định tại các
điều 61, 62, 63 và 64 của Luật này.
2. Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện
việc kiểm tra an toàn thực phẩm trong phạm vi địa phương theo quy định của Bộ quản lý
ngành và sự phân công của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
3. Trong trường hợp kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm có liên quan đến
phạm vi quản lý của nhiều ngành hoặc địa phương, cơ quan chủ trì thực hiện kiểm tra có
trách nhiệm phối hợp với cơ quan hữu quan thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh có liên quan để thực hiện.
4. Hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm phải bảo đảm nguyên tắc:
a) Khách quan, chính xác, công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử;
b) Bảo vệ bí mật thông tin, tài liệu, kết quả kiểm tra liên quan đến cơ quan, tổ
chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm được kiểm tra khi chưa có kết luận chính
thức;
c) Không được sách nhiễu, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh
thực phẩm;
d) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra, kết luận có liên quan.
5. Bộ trưởng Bộ quản lý ngành quy định cụ thể về hoạt động kiểm tra an toàn thực
phẩm trong phạm vi quản lý nhà nước được phân công.
Điều 69. Quyền hạn và nhiệm vụ của cơ quan quản lý an toàn thực phẩm trong
kiểm tra an toàn thực phẩm
1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan quản lý an toàn thực
phẩm có các quyền sau đây trong kiểm tra an toàn thực phẩm:
a) Quyết định thành lập đoàn kiểm tra thực hiện công tác kiểm tra theo kế hoạch
hoặc đột xuất;
b) Cảnh báo nguy cơ không bảo đảm an toàn thực phẩm;
c) Xử lý vi phạm trong quá trình kiểm tra an toàn thực phẩm theo quy định tại các
điều 30, 36 và 40 của Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
d) Giải quyết khiếu nại, tố cáo về quyết định của đoàn kiểm tra, hành vi của thành
viên đoàn kiểm tra theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
2. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan quản lý an toàn thực
phẩm có nhiệm vụ sau đây:
a) Xây dựng kế hoạch kiểm tra hằng năm trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền
quyết định;
b) Tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu; xác nhận điều
kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu;
c) Ra quyết định xử lý chậm nhất trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày
nhận được báo cáo của đoàn kiểm tra về việc tạm đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh
30
doanh, niêm phong thực phẩm, tạm dừng việc quảng cáo đối với thực phẩm không bảo
đảm an toàn.
Điều 70. Đoàn kiểm tra
1. Đoàn kiểm tra do Thủ trưởng cơ quan quản lý an toàn thực phẩm quyết định
thành lập trên cơ sở chương trình, kế hoạch kiểm tra đã được cơ quan nhà nước có thẩm
quyền phê duyệt hoặc trong trường hợp có yêu cầu kiểm tra đột xuất.
2. Trong quá trình kiểm tra an toàn thực phẩm, đoàn kiểm tra có những nhiệm vụ,
quyền hạn sau đây:
a) Yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm xuất trình các tài liệu
liên quan và xử lý vi phạm trong quá trình kiểm tra theo quy định tại Điều 30 và Điều 40
của Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa; cung cấp bản sao các tài liệu quy định tại khoản
này khi cần thiết;
b) Lấy mẫu để kiểm nghiệm khi cần thiết;
c) Niêm phong thực phẩm, tạm dừng bán thực phẩm không phù hợp, tạm dừng
quảng cáo thực phẩm có nội dung không phù hợp trong quá trình kiểm tra trên thị trường
và phải báo cáo cơ quan quản lý an toàn thực phẩm trong thời hạn không quá 24 giờ, kể
từ khi niêm phong thực phẩm, tạm dừng bán thực phẩm không phù hợp, tạm dừng quảng
cáo;
d) Yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm không phù hợp với
tiêu chuẩn đã công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật, quy định về điều kiện tương ứng có
biện pháp khắc phục, sửa chữa;
đ) Kiến nghị cơ quan quản lý an toàn thực phẩm xử lý theo thẩm quyền quy định
tại Điều 69 của Luật này;
e) Bảo đảm nguyên tắc kiểm tra quy định tại khoản 4 Điều 68 của Luật này khi
tiến hành kiểm tra;
g) Báo cáo chính xác và kịp thời kết quả kiểm tra cho cơ quan quản lý an toàn
thực phẩm.

CHƯƠNG XI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 71. Hiệu lực thi hành


Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2011.
Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm số 12/2003/PL-UBTVQH11 hết hiệu lực kể
từ ngày Luật này có hiệu lực.
Điều 72. Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao
trong Luật; hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Luật này để đáp ứng yêu cầu
quản lý nhà nước.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII,
kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2010.
Ký bởi: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Email: thongtinchinhphu@chinhphu.vn
Cơ quan: Văn phòng Chính phủ
Thời gian ký: 18.04.2017 11:10:30 +07:00
Người ký: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Email: thongtinchinhphu@chinhphu.vn
Cơ quan: Văn phòng Chính phủ
Thời gian ký: 10.12.2021 16:38:39 +07:00
Ký bởi: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Email: thongtinchinhphu@chinhphu.vn
Cơ quan: Văn phòng Chính phủ
Thời gian ký: 03.05.2017 11:21:46 +07:00

CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017 35

BỘ Y TẾ
BỘ Y TẾ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 50/2016/TT-BYT Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2016

THÔNG TƯ
Quy định giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm

Căn cứ Luật an toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010;


Căn cứ Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính
phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm;
Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính
phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm;
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định giới hạn tối đa dư lượng thuốc
bảo vệ thực vật trong thực phẩm:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong
thực phẩm được sản xuất trong nước, nhập khẩu.
2. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh
thực phẩm và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
TrongThông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (Maximum Residue Level -
viết tắt là MRL) là hàm lượng tối đa của một tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong
thực phẩm (đơn vị tính: mg/kg thực phẩm).
2. Tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (Pesticide Residue) là các chất tồn dư trong
thực phẩm do sử dụng một loại thuốc bảo vệ thực vật.
Tồn dư thuốc bảo vệ thực vật có thể từ các nguồn chưa biết, không thể tránh
khỏi (như từ môi trường) hoặc từ việc sử dụng hóa chất.
Tồn dư thuốc bảo vệ thực vật bao gồm các dẫn xuất của thuốc bảo vệ thực vật
như các sản phẩm chuyển đổi, chuyển hóa, sản phẩm phản ứng và các tạp chất
được coi là có ý nghĩa về độc tính.
3. Giới hạn tối đa dư lượng từ nguồn khác (Extraneous Maximum Residue
Limit - viết tắt là EMRL) là hàm lượng tối đa trong thực phẩm của một tồn dư
thuốc bảo vệ thực vật hoặc chất ô nhiễm từ môi trường (bao gồm cả việc sử dụng
36 CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

các hóa chất trong nông nghiệp trước đây), không bao gồm tồn dư từ việc sử dụng
các thuốc bảo vệ thực vật hoặc chất ô nhiễm trực tiếp hoặc gián tiếp đối với thực
phẩm (đơn vị tính: mg/kg thực phẩm).
4. Lượng ăn vào hàng ngày chấp nhận được (Acceptable Daily Intake - viết tắt
là ADI) là lượng ăn vào hàng ngày của một hóa chất trong suốt cuộc đời mà không
gây hại tới sức khỏe con người (đơn vị tính: mg/kg thể trọng).
5. Mã số thuốc bảo vệ thực vật (viết tắt là Code) là mã số thuốc bảo vệ thực vật
của Ủy ban Tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế (CODEX).
Điều 3. Ban hành giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong
thực phẩm
Giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm được quy định
tại Phụ lục ban hành kèm Thông tư này.
Điều 4. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2017.
Phần 8 “Giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm” ban
hành kèm Quyết định số 46/2007/QĐ-BYT ngày 19 tháng 12 năm 2007 của Bộ
trưởng Bộ Y tế về “Quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong
thực phẩm” hết hiệu lực từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
2. Cục An toàn thực phẩm có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan
chức năng có liên quan tổ chức thực hiện Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân
phản ánh kịp thời về Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) để xem xét, giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

Nguyễn Thanh Long


37

PHỤ LỤC
GIỚI HẠN TỐI ĐA DƯ LƯỢNG THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT TRONG THỰC PHẨM
(Ban hành kèm theo Thông tư số 50/2016/TT-BYT ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL


STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
1 20 2,4-D 0,01 2,4-D Các loại quả mọng và quả nhỏ khác 0,1
Quả có múi thuộc họ cam quýt 1 Po
Nội tạng ăn được của động vật có vú 5
Trứng 0,01 (*)
Ngô 0,05
Thịt động vật có vú, trừ động vật có vú ở biển 0,2
Sữa nguyên liệu 0,01
Quả dạng táo 0,01 (*)
Khoai tây 0,2
Thịt gia cầm 0,05 (*)
Nội tạng ăn được của gia cầm 0,05 (*)
Gạo đã xát vỏ 0,1
Lúa mạch đen 2
Lúa miến 0,01 (*)
Đậu tương (khô) 0,01 (*)
Các loại quả có hạt 0,05 (*)
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Mía 0,05
Ngô ngọt (nguyên bắp) 0,05 (*)
Các loại quả hạch 0,2
Lúa mì 2
2 56 2-Phenylphenol 0,4 Tổng hàm lượng Quả có múi thuộc họ cam quýt 10 Po
2-Phenylphenol và Natri Nước cam ép 0,5 PoP
2-Phenylphenol tự do hoặc Lê 20 Po
phức hợp, tính theo
2-Phenylphenol
37

37
38
38
Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL
STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
3 177 Abamectin 0 - 0,001 Đối với thực phẩm có Hạnh nhân 0,01 (*)
nguồn gốc từ thực vật: Táo 0,02
Avermectin B1a. Đối với Mỡ gia súc 0,1 (1)
sản phẩm có nguồn gốc Thận gia súc 0,05 (1)
động vật: Avermectin B1a.
Gan gia súc 0,1 (1)
Tồn dư tan trong chất béo.
Thịt gia súc 0,01 (*)
Sữa gia súc 0,005
Quả có múi thuộc họ cam quýt 0,01 (*)
Hạt cây bông 0,01 (*)
Dưa chuột 0,01
Thịt dê 0,01 (*)
Sữa dê 0,005
Nội tạng ăn được của dê 0,1
Hoa bia khô 0,1
Lá rau diếp 0,05
Các loại dưa, trừ dưa hấu 0,01 (*)
Lê 0,02
Ớt ta khô 0,2
Ớt ngọt (gồm cả ớt ngọt Pimento) 0,02
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Khoai tây 0,01 (*)


Bí mùa hè 0,01 (*)
Dâu tây 0,02
Cà chua 0,02
Các loại quả óc chó 0,01 (*)
Dưa hấu 0,01 (*)
Ớt ta 0,01 (7)

38
39

Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL


STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
4 95 Acephate 0 - 0,03 Acephate Artiso (cả cây) 0,3
Đậu đỗ các loại (trừ đậu tằm và đậu tương) 5
Các loại bắp cải 2
Quả nam việt quất 0,5
Nội tạng ăn được của động vật có vú 0,05
Trứng 0,01 (*)
Thịt động vật có vú, trừ động vật có vú ở biển 0,05
Sữa nguyên liệu 0,02
Ớt ta khô 50
Mỡ gia cầm 0,1
Thịt gia cầm 0,01 (*)
Nội tạng ăn được của gia cầm 0,01 (*)
Gạo đã xát vỏ 1
Đậu tương (khô) 0,3
Các loại gia vị 0,2 (*)
Cà chua 1
Dầu cọ 0,01 (7)
5 246 Acetamiprid 0 - 0,07 Đối với thực phẩm có Đậu đỗ các loại (trừ đậu tằm và đậu tương) 0,4
nguồn gốc từ thực vật: Đậu hạt đã bóc vỏ 0,3
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Acetamiprid. Đối với thực


phẩm có nguồn gốc từ động Các loại quả mọng và quả nhỏ khác 2 trừ nho và
vật: tổng của Acetamiprid dâu tây
và các chất chuyển hóa Các loại bắp cải 0,7
desmethyl (IM-2-1) của
Acetamiprid. Tồn Cần tây 1,5
Anh đào 1,5
Quả có múi thuộc họ cam quýt 1
39

39
40
40
Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL
STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
Hạt cây bông 0,7
Nội tạng ăn được của động vật có vú 0,05
Trứng 0,01 (*)
Các loại cải bông (bao gồm cải làn và hoa lơ) 0,4
Các loại rau ăn quả (trừ bầu bí) 0,2 trừ ngô ngọt
và nấm
Các loại rau bầu bí 0,2
Tỏi 0,02
Các loại nho 0,5
Mỡ động vật có vú (trừ chất béo sữa) 0,02
Thịt động vật có vú, trừ động vật có vú ở biển 0,02
Sữa nguyên liệu 0,02
Quả xuân đào 0,7
Củ hành 0,02
Quả đào 0,7
Đậu đã tách vỏ (hạt mọng) 0,3
Ớt ta khô 2
Các loại mận (bao gồm cả mận khô) 0,2 trừ mận khô
Quả dạng táo 0,8
Thịt gia cầm 0,01 (*)
Nội tạng ăn được của gia cầm 0,05 (*)
Mận khô 0,6
Hành hoa 5
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Dâu tây 0,5


Các loại quả hạch 0,06
6 117 Aldicarb 0,003 Đối với thực phẩm có Lúa mạch 0,02
nguồn gốc từ thực vật: Đậu (khô) 0,1
tổng của Aldicarb, Cải Brussels 0,1
Aldicarb Sulphoxide và
Aldicarb Sulphone, tính Quả có múi thuộc họ cam quýt 0,2
theo Aldicarb Hạt cà phê 0,1
Hạt cây bông 0,1

40
41

Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL


STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
Dầu hạt cây bông 0,01 (*)
Các loại nho 0,2
Ngô 0,05
Thịt động vật có vú, trừ động vật có vú ở biển 0,01 (*)
Sữa nguyên liệu 0,01
Củ hành 0,1
Hạt lạc 0,02
Dầu lạc ăn được 0,01 (*)
Quả hồ đào Pecan 1
Lúa miến 0,1
Đậu tương (khô) 0,02 (*)
Các loại gia vị từ quả và quả mọng 0,07
Các loại gia vị từ củ và thân rễ 0,02
Củ cải đường 0,05 (*)
Mía 0,1
Hạt hướng dương 0,05 (*)
Khoai lang 0,1
Lúa mì 0,02
7 1 Aldrin and 0,0001 Tổng của HHDN và
Rau củ 0,05 E
Dieldrin HEOD (tan trong chất béo)
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Hạt ngũ cốc 0,02 E


Quả có múi thuộc họ cam quýt 0,05 E
Trứng 0,1 E
Các loại rau bầu bí 0,1 E
Đậu Hà Lan đã tách vỏ (hạt mọng) 1 E
Rau ăn lá 0,05 E
Rau họ đậu 0,05 E
Thịt động vật có vú, trừ động vật có vú ở biển 0,2 (fat), E
41

41
42
42
Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL
STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
Sữa 0,006 F, E
Quả dạng táo 0,05 E
Thịt gia cầm 0,2 E
Các loại đậu lăng 0,05 E
Các loại rau từ rễ và củ 0,1 E
8 260 Ametoctradin Đối với thực phẩm có Các loại rau họ bắp cải, cải bắp, cải bông 9
nguồn gốc từ thực vật: Cần tây 20
Ametoctradin. Đối với Dưa chuột 0,4
thực phẩm có nguồn gốc
Nho khô (gồm cả quả lý chua khô và nho khô không 20
từ động vật: tổng của
hạt)
Ametoctradin, M650F01
và M650F06, tính theo Trứng 0,03 (*)
Ametoctradin. Tồn dư Các loại rau ăn quả (trừ bầu bí) 1,5 trừ ngô ngọt
không tan trong chất béo. và nấm
Các loại rau bầu bí 3 trừ dưa chuột
Tỏi 1,5
Các loại nho 6
Hoa bia khô 30
Rau ăn lá 50
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Củ hành 1,5
Ớt ta khô 15
Khoai tây 0,05
Mỡ gia cầm 0,03 (*)
Thịt gia cầm 0,03 (*)
Nội tạng ăn được của gia cầm 0,03 (*)
Hẹ tây 1,5
Hành hoa 20

42
43

Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL


STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
9 272 Aminocyclopyrac- 0-3 Aminocyclopyrachlor. Tồn Nội tạng ăn được của động vật có vú 0,3
hlor dư không tan trong chất béo
Mỡ động vật có vú (trừ chất béo sữa) 0,03
Thịt động vật có vú, trừ động vật có vú ở biển 0,01
Sữa nguyên liệu 0,02
10 220 Aminopyralid 0 - 0,9 Aminopyralid và các hợp Lúa mạch 0,1
chất có thể bị thủy phân Nội tạng ăn được của động vật có vú 0,05 trừ thận
của nó, tính theo
Trứng 0,01 (*)
Aminopyralid
Thận của gia súc, dê, lợn và cừu 1
Thịt động vật có vú, trừ động vật có vú ở biển 0,1
Sữa nguyên liệu 0,02
Yến mạch 0,1
Thịt gia cầm 0,01 (*)
Nội tạng ăn được của gia cầm 0,01 (*)
Lúa mì lai lúa mạch đen 0,1
Lúa mì 0,1
Cám lúa mì chưa chế biến 0,3
11 122 Amitraz 0,01 Tổng của Amitraz và Thịt gia súc 0,05 (1)
N-(2,4-dimethylphenyl)- Anh đào 0,5
N'-methylformamidine,
Hạt cây bông 0,5
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

tính theo N-(2,4-


dimethylphenyl)-N'- Dầu hạt bông thô 0,05
methylformamidine Dưa chuột 0,5
Nội tạng ăn được của gia súc, lợn và cừu 0,2 (1)
Sữa nguyên liệu 0,01 (*), (1)
Các loại cam ngọt, cam chua (gồm cả các quả lai 0,5
giống cam)
Quả đào 0,5
Thịt lợn 0,05 (1)
43

43
44
44
Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL
STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
Quả dạng táo 0,5
Thịt cừu 0,1 (1)
Cà chua 0,5
12 79 Amitrole 0,002 Amitrole Các loại nho 0,05
Quả dạng táo 0,05 (*)
Các loại quả có hạt 0,05 (*)
13 2 Azinphos-Methyl 0 - 0,03 Azinphos-methyl Hạnh nhân 0,05
Táo 0,05
Quả việt quất xanh (sim Mỹ) 5
Bông lơ xanh 1
Anh đào 2
Hạt cây bông 0,2
Quả nam việt quất 0,1
Dưa chuột 0,2
Các loại quả (trừ các quả đã liệt kê khác) 1
Các loại dưa, trừ dưa hấu 0,2
Quả xuân đào 2
Quả đào 2
Lê 2
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Quả hồ đào Pecan 0,3


Ớt ta khô 10
Ớt ngọt (gồm cả ớt ngọt Pimento) 1
Các loại mận (bao gồm cả mận khô) 2
Khoai tây 0,05 (*)
Đậu tương (khô) 0,05 (*)
Các loại gia vị 0,5 (*)
Mía 0,2

44
45

Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL


STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
Cà chua 1
Các loại rau (trừ các loại đã được liệt kê) 0,5
Các loại quả óc chó 0,3
Dưa hấu 0,2
14 129 Azocyclotin 0 - 0,003 Cyhexatin Táo 0,2
Quả lý chua đen, quả lý chua đỏ, quả lý chua trắng 0,1
Các loại nho 0,3
Các loại cam ngọt, cam chua (gồm cả các quả lai giống 0,2
cam)
Lê 0,2
15 229 Azoxystrobin 0 - 0,2 Azoxystrobin. Tồn dư tan Artiso (cả cây) 5
trong chất béo Măng tây 0,01 (*)
Chuối 2
Lúa mạch 1,5
Các loại quả mọng và quả nhỏ khác 5 trừ nam việt quất,
nho và dâu tây
Các loại rau họ bắp cải, cải bắp, cải bông 5
Rau củ 10
Khế 0,1
Cần tây 5
Quả có múi thuộc họ cam quýt 15
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Hạt cà phê 0,03


Hạt cây bông 0,7
Quả nam việt quất 0,5
Rau gia vị khô 300 trừ hoa bia khô
Nội tạng ăn được của động vật có vú 0,07
Trứng 0,01 (*)
Các loại rau ăn quả (trừ bầu bí) 3 trừ nấm và
ngô ngọt
45

45
46
46
Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL
STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
Các loại rau bầu bí 1
Sâm 0,1
Sâm khô (kể cả sâm đỏ) 0,3
Chiết xuất sâm 0,5
Các loại nho 2
Các loại rau gia vị 70
Hoa bia khô 30
Rau họ đậu 3
Rau xà lách 3
Lá rau diếp 3
Ngô 0,02
Dầu ngô ăn được 0,1
Xoài 0,7
Thịt động vật có vú, trừ động vật có vú ở biển 0,05 (fat)
Các loại chất béo từ sữa 0,03
Sữa nguyên liệu 0,01
Yến mạch 1,5
Đu đủ 0,3
Hạt lạc 0,2
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Ớt ta khô 30
Hạt dẻ cười 1
Chuối lá 2
Khoai tây 7 Po
Thịt gia cầm 0,01 (*)
Nội tạng ăn được của gia cầm 0,01 (*)
Các loại đậu lăng 0,07 trừ đậu nành
Gạo 5

46
47

Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL


STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
Các loại rau từ rễ và củ 1 trừ khoai tây
Lúa mạch đen 0,2
Lúa miến 10
Đậu tương (khô) 0,5
Các loại quả có hạt 2
Dâu tây 10
Hạt hướng dương 0,5
Các loại quả hạch 0,01
Lúa mì lai lúa mạch đen 0,2
Lúa mì 0,2
Rau diếp xoăn 0,3
16 155 Benalaxyl 0 - 0,07 Benalaxyl Các loại nho 0,3
Rau xà lách 1
Các loại dưa, trừ dưa hấu 0,3
Củ hành 0,02 (*)
Khoai tây 0,02 (*)
Cà chua 0,2
Dưa hấu 0,1
17 172 Bentazone 0 - 0,09 Đối với thực phẩm có Đậu (khô) 0,04
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

nguồn gốc từ thực vật: Đậu đỗ các loại (trừ đậu tằm và đậu tương) 0,01 Quả xanh và
tổng của bentazone, hạt non; (*)
6-hydroxybentazone and Đậu hạt đã bóc vỏ 0,01 hạt mọng non;
8-hydroxybentazone tính
(*)
theo bentazone. Đối với
thực phẩm có nguồn gốc Hạt ngũ cốc 0,01 (*)
từ động vật: Bentazone. Trứng 0,01 (*)
Tồn dư không tan trong Đậu trồng (khô) 1
chất béo. Đậu lima (quả non và/hoặc hạt non) 0,1
47

47
48
48
Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL
STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
Các loại rau gia vị 0,1
Hạt lanh 0,02 (*)
Sữa nguyên liệu 0,01 (*)
Củ hành 0,04
Hạt lạc 0,05 (*)
Đậu (quả và hạt mọng non) 1,5
Khoai tây 0,1
Thịt gia cầm 0,03 (fat)
Nội tạng ăn được của gia cầm 0,07
Đậu tương (khô) 0,01 (*)
Hành hoa 0,08
Ngô ngọt (nguyên bắp) 0,01 (*)
18 261 Benzovindiflupyr 0 - 0,05 Benzovindiflupyr. Tồn dư Nội tạng ăn được của động vật có vú 0,01 (*)
tan trong chất béo Trứng 0,01 (*)
Mỡ động vật có vú (trừ chất béo sữa) 0,01 (*)
Thịt động vật có vú, trừ động vật có vú ở biển 0,01 (*)
Sữa nguyên liệu 0,01 (*)
Mỡ gia cầm 0,01 (*)
Thịt gia cầm 0,01 (*)
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Nội tạng ăn được của gia cầm 0,01 (*)


Đậu tương (khô) 0,05
19 219 Bifenazate 0 - 0,01 Tổng của Bifenazate và Đậu (khô) 0,3
Bifenazatediazene Quả dâu đen (dâu ta) 7
(diazenecarboxylic acid, Hạt cây bông 0,3
2-(4-methoxy-[1,1'-biphenyl-
3-yl] 1-methylethyl ester), Quả mâm xôi (gồm cả mâm xôi lai và mâm xôi đỏ sẫm) 7
tính theo Bifenazate. Tồn Nho khô (gồm cả quả lý chua khô và nho khô không hạt) 2
dư tan trong chất béo Nội tạng ăn được của động vật có vú 0,01 (*)

48
49

Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL


STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
Trứng 0,01 (*)
Các loại rau bầu bí 0,5
Các loại nho 0,7
Hoa bia khô 20
Rau họ đậu 7
Thịt động vật có vú, trừ động vật có vú ở biển 0,05 (fat)
Các loại chất béo từ sữa 0,05
Sữa nguyên liệu 0,01 (*)
Các loại bạc hà 40
Ớt ta 3
Ớt ngọt (gồm cả ớt ngọt Pimento) 2
Quả dạng táo 0,7
Thịt gia cầm 0,01 (*), (fat)
Nội tạng ăn được của gia cầm 0,01 (*)
Quả mâm xôi (phúc bồn tử/ngấy hương/dâu rừng) đen 7
và đỏ
Các loại quả có hạt 2
Dâu tây 2
Cà chua 0,5
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Các loại quả hạch 0,2


20 178 Bifenthrin 0 - 0,01 Bifenthrin (tổng các đồng Chuối 0,1
phân). Tồn dư tan trong Lúa mạch 0,05 (*)
chất béo Quả dâu đen (dâu ta) 1
Các loại rau họ bắp cải, cải bắp, cải bông 0,4
Quả có múi thuộc họ cam quýt 0,05
Hạt cây bông 0,5
Quả mâm xôi (gồm cả mâm xôi lai và mâm xôi đỏ sẫm) 1
49

49
50
50
Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL
STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
Nội tạng ăn được của động vật có vú 0,2
Cà tím 0,3
Hoa bia khô 20
Ngô 0,05 (*)
Thịt động vật có vú, trừ động vật có vú ở biển 3 (fat)
Các loại chất béo từ sữa 3
Sữa nguyên liệu 0,2
Cây mù tạt 4
Các loại ớt 0,5
Ớt ta khô 5
Các loại đậu lăng 0,3
Lá củ cải (gồm cả lá cây họ cải) 4
Hạt cải dầu 0,05
Dầu hạt cải dầu ăn được 0,1
Quả mâm xôi (phúc bồn tử/ngấy hương/dâu rừng) đen 1
và đỏ
Các loại rau từ rễ và củ 0,05
Các loại gia vị từ quả và quả mọng 0,03
Các loại gia vị từ củ và thân rễ 0,05
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Dâu tây 1
Trà xanh, đen 30
Cà chua 0,3
Các loại quả hạch 0,05
Lúa mì 0,5 Po
Cám lúa mì chưa chế biến 2
Mầm lúa mì 1 Po

50
51

Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL


STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
21 93 Bioresmethrin 0,03 Bioresmethrin Lúa mì 1 Po
Cám lúa mì chưa chế biến 5
Bột lúa mì 1 PoP
Mầm lúa mì 3 PoP
Lúa mì chưa rây 1 PoP
22 144 Bitertanol 0,01 Bitertanol Quả mơ 1
(tan trong chất béo) Chuối 0,5
Lúa mạch 0,05 (*)
Anh đào 1
Dưa chuột 0,5
Nội tạng ăn được của động vật có vú 0,05 (*)
Trứng 0,01 (*)
Thịt động vật có vú, trừ động vật có vú ở biển 0,05 (*), (fat)
Sữa nguyên liệu 0,05 (*)
Quả xuân đào 1
Yến mạch 0,05 (*)
Quả đào 1
Các loại mận (bao gồm cả mận khô) 2
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Quả dạng táo 2


Thịt gia cầm 0,01 (*)
Nội tạng ăn được của gia cầm 0,01 (*)
Lúa mạch đen 0,05 (*)
Cà chua 3
Lúa mì lai lúa mạch đen 0,05 (*)
Lúa mì 0,05 (*)
51

51
52
52
Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL
STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
23 221 Boscalid 0 - 0,04 Boscalid. Tồn dư tan Táo 2
trong chất béo Chuối 0,6
Lúa mạch 0,5
Các loại quả mọng và quả nhỏ khác 10 trừ dâu tây, nho
Các loại rau họ bắp cải, cải bắp, cải bông 5
Rau củ 5
Hạt ngũ cốc 0,1 trừ lúa mạch, yến
mạch, lúa mạch
đen và lúa mì
Quả có múi thuộc họ cam quýt 2
Dầu cam chanh ăn được 50
Hạt cà phê 0,05 (*)
Nho khô (gồm cả quả lý chua khô và nho khô không hạt) 10
Nội tạng ăn được của động vật có vú 0,2
Trứng 0,02
Các loại rau ăn quả (trừ bầu bí) 3 trừ nấm và
ngô ngọt
Các loại rau bầu bí 3
Các loại nho 5
Hoa bia khô 60
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Quả kiwi 5
Rau ăn lá 40
Rau họ đậu 3
Thịt động vật có vú, trừ động vật có vú ở biển 0,7 (fat)
Các loại chất béo từ sữa 2
Sữa nguyên liệu 0,1
Yến mạch 0,5
Hạt có dầu 1

52
53

Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL


STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
Ớt ta khô 10
Hạt dẻ cười 1
Mỡ gia cầm 0,02
Thịt gia cầm 0,02
Nội tạng ăn được của gia cầm 0,02
Mận khô 10
Các loại đậu lăng 3
Các loại rau từ rễ và củ 2
Lúa mạch đen 0,5
Rau từ thân và rễ 30
Các loại quả có hạt 3
Dâu tây 3
Các loại quả hạch 0,05 trừ hạt dẻ cười;
(*)
Lúa mì 0,5
24 47 Bromide Ion 1 Bromide Ion từ tất cả các Quả bơ 75
nguồn trừ Bromine liên Đậu tằm (quả xanh và hạt non) 500
kết cộng hóa trị Bông lơ xanh 30
Các loại bắp cải 100
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Cần tây 300


Hạt ngũ cốc 50
Quả có múi thuộc họ cam quýt 30
Dưa chuột 100
Chà là sấy hoặc sấy khô trộn đường 100
Quả khô 30
Nho khô (gồm cả quả lý chua khô và nho khô không hạt) 100
Rau gia vị khô 400
53

53
54
54
Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL
STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
Quả vả sấy khô hoặc sấy khô trộn đường 250
Các loại quả (trừ các quả đã liệt kê khác) 20
Đậu Hà Lan (quả non), (hạt mọng non) 500
Rau xà lách 100
Đậu bắp 200
Đào khô 50
Ớt ta khô 200
Ớt ngọt (gồm cả ớt ngọt Pimento) 20
Mận khô (xem các loại mận) 20
Củ cải ri/Củ cải 200
Các loại gia vị 400
Bí mùa hè 200
Dâu tây 30
Cà chua 75
Lá củ cải đỏ 1000
Củ cải Turnip vườn 200
Lúa mì chưa rây 50
25 70 Bromopropylate 0,03 Bromopropylate Quả có múi thuộc họ cam quýt 2
Đậu thường (quả và/hoặc hạt non) 3
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Dưa chuột 0,5


Các loại nho 2
Các loại dưa, trừ dưa hấu 0,5
Các loại mận (bao gồm cả mận khô) 2
Quả dạng táo 2
Bí mùa hè 0,5
Dâu tây 2

54
55

Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL


STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
26 173 Buprofezin 0 - 0,009 Buprofezin. Tồn dư Hạnh nhân 0,05 (*)
không tan trong chất béo Táo 3
Chuối 0,3
Lá húng quế 3 (7)
Anh đào 2
Quả có múi thuộc họ cam quýt 1
Hạt cà phê 0,4
Nho khô (gồm cả quả lý chua khô và nho khô không hạt) 2
Nội tạng ăn được của động vật có vú 0,05 (*)
Các loại rau bầu bí 0,7
Các loại nho 1
Xoài 0,1
Thịt động vật có vú, trừ động vật có vú ở biển 0,05 (*)
Sữa nguyên liệu 0,01 (*)
Quả xuân đào 9
Quả ôliu 5
Quả đào 9
Lê 6
Các loại ớt 2
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Ớt ta 10
Ớt ta khô 10
Các loại mận (bao gồm cả mận khô) 2
Dâu tây 3
Trà xanh 30
Cà chua 1
27 174 Cadusafos 0 - 0,0005 Cadusafos. Tồn dư không Chuối 0,01
tan trong chất béo
55

55
56
56
Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL
STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
28 7 Captan 0 - 0,1 Captan Hạnh nhân 0,3
Quả việt quất xanh 20
Anh đào 25
Dưa chuột 3
Nho khô (gồm cả quả lý chua khô và nho khô không hạt) 50
Nho 25
Các loại dưa, trừ dưa hấu 10
Quả xuân đào 3
Đào lông 20
Các loại mận (bao gồm cả mận khô) 10
Quả dạng táo 15 Po
Khoai tây 0,05
Quả mâm xôi đỏ, Quả mâm xôi đen 20
Các loại gia vị từ củ và thân rễ 0,05
Dâu tây 15
Cà chua 5
29 8 Carbaryl 0 - 0,008 Carbaryl Măng tây 15
Củ cải đường 0,1
Cà rốt 0,5
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Quả có múi thuộc họ cam quýt 15


Quả nam việt quất 5
Cà tím 1
Thận của gia súc, dê, lợn và cừu 3
Gan của gia súc, dê, lợn và cừu 1
Ngô 0,02 (*)
Dầu ngô thô 0,1
Thịt động vật có vú, trừ động vật có vú ở biển 0,05

56
57

Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL


STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
Sữa nguyên liệu 0,05
Dầu oliu nguyên chất 25
Quả ôliu 30
Ớt ta 0,5
Ớt ta khô 2
Ớt ngọt (gồm cả ớt ngọt Pimento) 5
Cám gạo chưa chế biến 170
Trấu gạo 50
Gạo được đánh bóng 1
Lúa miến 10 Po, T
Đậu tương (khô) 0,2
Dầu đậu tương thô 0,2
Các loại gia vị từ quả và quả mọng 0,8
Các loại gia vị từ củ và thân rễ 0,1
Hạt hướng dương 0,2
Dầu hạt hướng dương thô 0,05
Ngô ngọt (nguyên bắp) 0,1
Khoai lang 0,02 (*)
Cà chua 5
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Nước ép cà chua 3
Sốt cà chua 10
Các loại quả hạch 1
Củ cải Turnip vườn 1
Lúa mì 2
Cám lúa mì chưa chế biến 2
Bột lúa mì 0,2
Mầm lúa mì 1
57

57
58
58
Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL
STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
30 72 Carbendazim 0,03 Tổng của Benomyl, Quả mơ 2
Carbendazime và Măng tây 0,2
Thiophanate-methyl, tính Chuối
0,2
theo Carbendazim
Lúa mạch 0,5
Đậu (khô) 0,5
Các loại quả mọng và quả nhỏ khác 1 trừ nho
Cải Brussels 0,5
Cà rốt 0,2
Thịt gia súc 0,05 (*)
Anh đào 10
Mỡ gà 0,05 (*)
Hạt cà phê 0,1
Đậu thường (quả và/hoặc hạt non) 0,5
Dưa chuột 0,05 (*)
Nội tạng ăn được của động vật có vú 0,05 (*)
Trứng 0,05 (*)
Đậu Hà Lan đã tách vỏ (hạt mọng) 0,02
Dưa chuột ri 0,05 (*)
Các loại nho 3
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Rau xà lách 5
Xoài 5
Sữa nguyên liệu 0,05 (*)
Quả xuân đào 2
Các loại cam ngọt, cam chua (gồm cả các quả lai giống cam) 1
Quả đào 2
Hạt lạc 0,1 (*)
Ớt ta 2

58
59

Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL


STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
Ớt ta khô 20
Dứa 5
Các loại mận (bao gồm cả mận khô) 0,5
Quả dạng táo 3
Thịt gia cầm 0,05 (*)
Hạt cải dầu 0,05 (*)
Gạo đã xát vỏ 2 (*)
Lúa mạch đen 0,1
Đậu tương (khô) 0,5
Các loại gia vị từ quả và quả mọng 0,1
Các loại gia vị từ củ và thân rễ 0,1
Bí mùa hè 0,5
Củ cải đường 0,1 (*)
Cà chua 0,5
Các loại quả hạch 0,1 (*)
Lúa mì 0,05 (*)
31 96 Carbofuran 0 - 0,001 Carbofuran và 3-hydroxy Măng tây 0,06 (7)
Carbofuran, tính theo Chuối 0,01 (*)
Carbofuran. Tồn dư không Mỡ gia súc 0,05 (*)
tan trong chất béo
Hạt cà phê 1
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Hạt cây bông 0,1


Nội tạng ăn được của gia súc, dê, ngựa, lợn và cừu 0,05 (*)
Mỡ dê 0,05 (*)
Mỡ ngựa 0,05 (*)
Ngô 0,05 Dựa trên sử dụng
Carbosulfan, (*)
Quýt 0,5 Dựa trên sử dụng
Carbosulfan
59

59
60
60
Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL
STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
Thịt gia súc, dê, ngựa, lợn và cừu 0,05 (*)
Các loại cam ngọt, cam chua (gồm cả các quả lai 0,5
giống cam)
Mỡ lợn 0,05 (*)
Hạt cải dầu 0,05 (*)
Gạo đã xát vỏ 0,1
Mỡ cừu 0,05 (*)
Lúa miến 0,1 (*)
Các loại gia vị từ củ và thân rễ 0,1
Củ cải đường 0,2
Mía 0,1 (*)
Hạt hướng dương 0,1 (*)
32 145 Carbosulfan 0 - 0,01 Carbosulfan Măng tây 0,02 (7)
Hạt cây bông 0,05
Nội tạng ăn được của động vật có vú 0,05 (*)
Trứng 0,05 (*)
Ngô 0,05 (*)
Quýt 0,1
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Thịt động vật có vú, trừ động vật có vú ở biển 0,05 (*); (fat)
Các loại cam ngọt, cam chua (gồm cả các quả lai giống 0,1
cam)
Thịt gia cầm 0,05 (*)
Nội tạng ăn được của gia cầm 0,05 (*)
Các loại gia vị từ quả và quả mọng 0,07
Các loại gia vị từ củ và thân rễ 0,1
Củ cải đường 0,3

60
61

Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL


STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
33 230 Chlorantraniliprole 0-2 Chlorantraniliprole. Tồn Artiso (cả cây) 2
dư tan trong chất béo Đậu đỗ các loại (trừ đậu tằm và đậu tương) 0,8 quả và hạt non xanh
Các loại quả mọng và quả nhỏ khác 1
Các loại rau họ bắp cải, cải bắp, cải bông 2
Cà rốt 0,08
Cần tây 7
Hạt ngũ cốc 0,02 trừ gạo
Quả có múi thuộc họ cam quýt 0,7
Hạt cà phê 0,05
Hạt cây bông 0,3
Nội tạng ăn được của động vật có vú 0,2
Trứng 0,2
Các loại rau ăn quả (trừ bầu bí) 0,6
Các loại rau bầu bí 0,3
Hoa bia khô 40
Rau ăn lá 20
Mỡ động vật có vú (trừ chất béo sữa) 0,2
Thịt động vật có vú, trừ động vật có vú ở biển 0,2 (fat)
Các loại chất béo từ sữa 0,2
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Sữa nguyên liệu 0,05


Các loại bạc hà 15
Đậu (quả và hạt mọng non) 2
Đậu đã tách vỏ (hạt mọng) 0,05
Ớt ta khô 5
Quả dạng táo 0,4
Quả lựu 0,4
Mỡ gia cầm 0,01 (*)
61

61
62
62
Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL
STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
Thịt gia cầm 0,01 (*), (fat)
Nội tạng ăn được của gia cầm 0,01 (*)
Củ cải ri/Củ cải 0,5
Lá củ cải (gồm cả lá cây họ cải) 40
Hạt cải dầu 2
Gạo 0,4
Gạo được đánh bóng 0,04
Các loại rau từ rễ và củ 0,02 trừ cà rốt
và củ cải
Đậu tương (khô) 0,05
Các loại quả có hạt 1
Mía 0,5
Hạt hướng dương 2
Ngô ngọt (nguyên bắp) 0,01 (*)
Các loại quả hạch 0,02
34 12 Chlordane 0,0005 Đối với thực phẩm có nguồn Hạnh nhân 0,02 E
gốc từ thực vật: cis-and Dầu hạt bông thô 0,05 E
trans-chlordane (tan trong Trứng 0,02 E
chất béo). Đối với thực
phẩm nguồn gốc động vật: Các loại rau quả (trừ một số rau quả có quy định cụ thể) 0,02 (*), E
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

cis- and trans-chlordane và Quả phỉ 0,02 E


Oxychlordane (tan trong Dầu hạt lanh thô 0,05 E
chất béo) Ngô 0,02 E
Thịt động vật có vú, trừ động vật có vú ở biển 0,05 (fat), E
Sữa 0,002 F, E
Yến mạch 0,02 E
Quả hồ đào Pecan 0,02 E
Thịt gia cầm 0,5 (fat), E

62
63

Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL


STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
Gạo được đánh bóng 0,02 E
Lúa mạch đen 0,02 E
Lúa miến 0,02 E
Dầu đậu tương thô 0,05 E
Dầu đậu tương tinh luyện 0,02 E
Các loại quả óc chó 0,02 E
Lúa mì 0,02 E
35 254 Chlorfenapyr 0 - 0,03 Chlorfenapyr. Tồn dư tan Anh đào Acerola 99
trong chất béo
36 15 Chlormequat 0,05 Chlormequat cation Lúa mạch 2
(thường dùng dưới dạng Hạt cây bông 0,5
chloride) Trứng 0,1
Thịt dê 0,2
Thận của gia súc, dê, lợn và cừu 0,5
Gan của gia súc, dê, lợn và cừu 0,1
Thịt gia súc, lợn và cừu 0,2
Sữa gia súc, dê và cừu 0,5
Yến mạch 10
Thịt gia cầm 0,04 (*)
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Nội tạng ăn được của gia cầm 0,1


Hạt cải dầu 5
Dầu hạt cải thô 0,1 (*)
Lúa mạch đen 3
Cám lúa mạch đen chưa chế biến 10
Bột lúa mạch đen 3
Lúa mạch đen chưa rây 4
Lúa mì lai lúa mạch đen 3
63

63
64
64
Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL
STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
Lúa mì 3
Cám lúa mì chưa chế biến 10
Bột lúa mì 2
Lúa mì chưa rây 5
37 81 Chlorothalonil 0 - 0,02 Đối với thực phẩm có Chuối 15
nguồn gốc từ thực vật: Cải Brussels 6
Chlorothalonil. Đối với Cần tây 20
thực phẩm có nguồn gốc
từ động vật: SDS-3701 Củ cải Thụy Sỹ 50
(2,5,6-trichloro-4- Anh đào 0,5
hydroxyisophthalonitrile). Đậu thường (quả và/hoặc hạt non) 5
Tồn dư không tan trong Quả nam việt quất 5
chất béo.
Dưa chuột 3
Quả lý chua đen, quả lý chua đỏ, quả lý chua trắng 20
Nội tạng ăn được của động vật có vú 0,2
Các loại cải bông (bao gồm cải làn và hoa lơ) 5
Dưa chuột ri 3
Quả lý gai 20
Các loại nho 3
Tỏi tây 40
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Mỡ động vật có vú (trừ chất béo sữa) 0,07


Thịt động vật có vú, trừ động vật có vú ở biển 0,02
Các loại dưa, trừ dưa hấu 2
Sữa nguyên liệu 0,07
Củ hành 0,5
Hành Trung Quốc 10
Hành ta 10
Đu đủ 20

64
65

Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL


STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
Quả đào 0,2
Hạt lạc 0,1
Ớt ta khô 70
Ớt ngọt (gồm cả ớt ngọt Pimento) 7
Mỡ gia cầm 0,01
Thịt gia cầm 0,01
Da gia cầm 0,01
Nội tạng ăn được của gia cầm 0,07
Các loại đậu lăng 1
Các loại rau từ rễ và củ 0,3
Hành hoa 10
Bí mùa hè 3
Dâu tây 5
Cà chua 5
38 201 Chlorpropham 0 - 0,05 Chlorpropham Thịt gia súc 0,1 (fat)
(tan trong chất béo) Nội tạng ăn được của gia súc 0,01 (*)
Các loại chất béo từ sữa 0,02
Sữa nguyên liệu 0,01 (*)
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Khoai tây 30 Po
39 17 Chlorpyrifos 0 - 0,01 Chlorpyrifos. Tồn dư tan Hạnh nhân 0,05
trong chất béo Chuối 2
Bông lơ xanh 2
Các loại bắp cải 1
Cà rốt 0,1
Thận gia súc 0,01
Gan gia súc 0,01
65

65
66
66
Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL
STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
Thịt gia súc 1 (fat)
Hoa lơ 0,05
Cải bẹ trắng (dạng pe-tsai) 1
Quả có múi thuộc họ cam quýt 1
Hạt cà phê 0,05
Đậu thường (quả và/hoặc hạt non) 0,01
Hạt cây bông 0,3
Dầu hạt cây bông 0,05 (*)
Quả nam việt quất 1
Nho khô (gồm cả quả lý chua khô và nho khô không 0,1
hạt)
Trứng 0,01 (*)
Các loại nho 0,5
Ngô 0,05
Dầu ngô ăn được 0,2
Sữa gia súc, dê và cừu 0,02
Củ hành 0,2
Quả đào 0,5
Đậu (quả và hạt mọng non) 0,01
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Quả hồ đào Pecan 0,05 (*)


Ớt ta khô 20
Ớt ngọt (gồm cả ớt ngọt Pimento) 2
Thịt lợn 0,02 (fat)
Nội tạng ăn được của lợn 0,01 (*)
Các loại mận (bao gồm cả mận khô) 0,5
Quả dạng táo 1
Khoai tây 2

66
67

Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL


STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
Thịt gia cầm 0,01 (fat)
Nội tạng ăn được của gia cầm 0,01 (*)
Gạo 0,5
Thịt cừu 1 (fat)
Nội tạng ăn được của cừu 0,01
Lúa miến 0,5
Đậu tương (khô) 0,1
Dầu đậu tương tinh luyện 0,03
Các loại gia vị từ quả và quả mọng 1
Các loại gia vị từ củ và thân rễ 1
Các loại gia vị dạng hạt 5
Dâu tây 0,3
Củ cải đường 0,05
Ngô ngọt (nguyên bắp) 0,01
Trà xanh, đen 2
Các loại quả óc chó 0,05 (*)
Lúa mì 0,5
Bột lúa mì 0,1
Cà chua 0,5 (7)
Quả nhãn 0,5 (7)
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Quả vải 2 (7)


Ớt ta 3 (7)
Đậu tương (hạt non) 1 (7)
40 90 Chlorpyrifos- 0 - 0,01 Chlorpyrifos-methyl. Tồn Quả có múi thuộc họ cam quýt 2
Methyl dư tan trong chất béo
Nội tạng ăn được của động vật có vú 0,01
Cà tím 1
Trứng 0,01 (*)
67

67
68
68
Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL
STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
Các loại nho 1
Thịt động vật có vú, trừ động vật có vú ở biển 0,1 (fat)
Các loại chất béo từ sữa 0,01 (*)
Sữa nguyên liệu 0,01 (*)
Các loại ớt 1
Ớt ta khô 10
Quả dạng táo 1
Khoai tây 0,01 (*)
Thịt gia cầm 0,01 (fat)
Nội tạng ăn được của gia cầm 0,01 (*)
Gạo 0,1
Lúa miến 10 Po
Các loại gia vị từ quả và quả mọng 0,3
Các loại gia vị từ củ và thân rễ 5
Các loại gia vị dạng hạt 1
Các loại quả có hạt 0,5
Dâu tây 0,06
Cà chua 1
Lúa mì 10 Po
Cám lúa mì chưa chế biến 20 PoP
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

41 187 Clethodim 0,01 Tổng của Clethodim và Đậu (khô) 2


hợp chất chuyển hóa của Đậu đỗ các loại (trừ đậu tằm và đậu tương) 0,5 (*)
nó gồm các gốc 5-(2-
ethylthiopropyl)cyclohexe Hạt cây bông 0,5
ne-3-one and 5-(2- Dầu hạt bông thô 0,5 (*)
ethylthiopropyl)-5- Dầu hạt cây bông 0,5 (*)
hydroxycyclohexene-3-one
và các dạng Sulphoxide, Nội tạng ăn được của động vật có vú 0,2 (*)
Sulphone, tính theo Trứng 0,05 (*)
Clethodim Đậu trồng (khô) 2

68
69

Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL


STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
Tỏi 0,5
Thịt động vật có vú, trừ động vật có vú ở biển 0,2 (*)
Sữa nguyên liệu 0,05 (*)
Củ hành 0,5
Hạt lạc 5
Khoai tây 0,5
Thịt gia cầm 0,2 (*)
Nội tạng ăn được của gia cầm 0,2 (*)
Hạt cải dầu 0,5
Dầu hạt cải thô 0,5 (*)
Dầu hạt cải dầu ăn được 0,5 (*)
Đậu tương (khô) 10
Dầu đậu tương thô 1
Dầu đậu tương tinh luyện 0,5 (*)
Củ cải đường 0,1
Hạt hướng dương 0,5
Dầu hạt hướng dương thô 0,1 (*)
Cà chua 1
42 156 Clofentezine 0 - 0,02 Đối với thực phẩm có Quả có múi thuộc họ cam quýt 0,5
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

nguồn gốc từ thực vật: Dưa chuột 0,5


Clofentezine. Đối với thực
Quả lý chua đen, quả lý chua đỏ, quả lý chua trắng 0,2
phẩm có nguồn gốc từ
động vật: tổng của Nho khô (gồm cả quả lý chua khô và nho khô không 2
Clofentezine và các dạng hạt)
chuyển hóa có chứa gốc Nội tạng ăn được của động vật có vú 0,05 (*)
2-chlorobenzoyl, tính theo Trứng 0,05 (*)
Clofentezine. Tồn dư tan Các loại nho 2
trong chất béo.
Thịt động vật có vú, trừ động vật có vú ở biển 0,05 (*)
69

69
70
70
Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL
STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
Các loại dưa, trừ dưa hấu 0,1
Sữa nguyên liệu 0,05 (*)
Quả dạng táo 0,5
Thịt gia cầm 0,05 (*)
Nội tạng ăn được của gia cầm 0,05 (*)
Các loại quả có hạt 0,5
Dâu tây 2
Cà chua 0,5
Các loại quả hạch 0,5
43 238 Clothianidin 0 - 0,1 Clothianidin. Tồn dư Artiso (cả cây) 0,05
không tan trong chất béo Quả bơ 0,03
Chuối 0,02
Lúa mạch 0,04
Đậu đỗ các loại (trừ đậu tằm và đậu tương) 0,2
Các loại quả mọng và quả nhỏ khác 0,07 trừ nho
Các loại rau họ bắp cải, cải bắp, cải bông 0,2
Hạt cacao 0,02 (*)
Cần tây 0,04
Quả có múi thuộc họ cam quýt 0,07
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Hạt cà phê 0,05


Nho khô (gồm cả quả lý chua khô và nho khô không hạt) 1
Nội tạng ăn được của động vật có vú 0,02 trừ gan, (*)
Trứng 0,01 (*)
Các loại rau ăn quả (trừ bầu bí) 0,05 trừ ngô ngọt
Các loại rau bầu bí 0,02 (*)
Nước nho ép 0,2
Các loại nho 0,7

70
71

Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL


STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
Rau ăn lá 2
Rau họ đậu 0,01 (*)
Gan của gia súc, dê, lợn và cừu 0,2
Ngô 0,02
Mỡ động vật có vú (trừ chất béo sữa) 0,02 (*)
Xoài 0,04
Thịt động vật có vú, trừ động vật có vú ở biển 0,02 (*)
Sữa nguyên liệu 0,02
Các loại bạc hà 0,3
Hạt có dầu 0,02 (*)
Đu đủ 0,01 (*)
Quả hồ đào Pecan 0,01 (*)
Ớt ta khô 0,5
Dứa 0,01 (*)
Quả dạng táo 0,4
Bỏng ngô 0,01 (*)
Mỡ gia cầm 0,01 (*)
Thịt gia cầm 0,01 (*)
Nội tạng ăn được của gia cầm 0,1
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Mận khô 0,2


Các loại đậu lăng 0,02
Gạo 0,5
Các loại rau từ rễ và củ 0,2
Lúa miến 0,01 (*)
Rau từ thân và rễ 0,04 Trừ Artiso và
cần tây
Các loại quả có hạt 0,2
71

71
72
72
Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL
STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
Mía 0,4
Ngô ngọt (nguyên bắp) 0,01 (*)
Trà xanh, đen 0,7
Lúa mì 0,02 (*)
44 263 Cyantraniliprole 0 - 0,03 Cyantraniliprole. Tồn dư Các loại rau họ bắp cải, cải bắp, cải bông 2
không tan trong chất béo Các loại quả mọng 4
Cần tây 15
Anh đào 6
Hạt cà phê 0,03
Nội tạng ăn được của động vật có vú 0,05
Trứng 0,01
Các loại rau ăn quả (trừ bầu bí) 0,5 trừ nấm và
ngô ngọt
Các loại rau bầu bí 0,3
Tỏi 0,05
Rau ăn lá 20 trừ xà lách
Rau xà lách 5
Mỡ động vật có vú (trừ chất béo sữa) 0,01
Thịt động vật có vú, trừ động vật có vú ở biển 0,01
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Sữa nguyên liệu 0,02


Củ hành 0,05
Hành ta 8
Quả đào 1,5
Ớt ta khô 5
Các loại mận (bao gồm cả mận khô) 0,5
Quả dạng táo 0,8
Khoai tây 0,05

72
73

Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL


STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
Mỡ gia cầm 0,01
Thịt gia cầm 0,01
Nội tạng ăn được của gia cầm 0,01
Mận khô 0,8
Các loại rau từ rễ và củ 0,05 trừ khoai tây
Hẹ tây 0,05
Hành hoa 8
45 179 Cycloxydim 0 - 0,07 Cycloxydim, các sản phẩm Đậu (khô) 30
chuyển hóa và biến chất Đậu đỗ các loại (trừ đậu tằm và đậu tương) 15 quả xanh và
có thể bị oxy hóa thành 3- hạt non
(3-thianyl) glutaric acid Củ cải đường 0,2
S-dioxide và 3-hydroxy-3- Các loại rau họ bắp cải, cải bắp, cải bông 9
(3-thianyl) glutaric acid
Cà rốt 5
S-dioxide, tính theo
Cây cần tây 1
cycloxydim. Tồn dư không
tan trong chất béo. Nội tạng ăn được của động vật có vú 0,5
Trứng 0,15
Các loại nho 0,3
Cải xoăn 3
Tỏi tây 4
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Rau xà lách 1,5


Lá rau diếp 1,5
Hạt lanh 7
Ngô 0,2
Mỡ động vật có vú (trừ chất béo sữa) 0,1
Thịt động vật có vú, trừ động vật có vú ở biển 0,06
Sữa nguyên liệu 0,02
73

73
74
74
Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL
STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
Củ hành 3
Các loại đậu (khô) 30
Đậu đã tách vỏ (hạt mọng) 15
Các loại ớt 9
Ớt ta khô 90
Quả dạng táo 0,09 (*)
Khoai tây 3
Mỡ gia cầm 0,03 (*)
Thịt gia cầm 0,03 (*)
Nội tạng ăn được của gia cầm 0,02
Hạt cải dầu 7
Gạo 0,09 (*)
Đậu tương (khô) 80
Các loại quả có hạt 0,09 (*)
Dâu tây 3
Củ cải đường 0,2
Hạt hướng dương 6
Củ cải Thụy Điển 0,2
Cà chua 1,5
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

46 273 Cyflumetofen 0 - 0,1 Đối với thực phẩm có Quả có múi thuộc họ cam quýt 0,3
nguồn gốc từ thực vật: Dầu cam chanh ăn được 36
Cyflumetofen. Đối với
thực phẩm có nguồn gốc Nho khô (gồm cả quả lý chua khô và nho khô không 1,5
từ động vật: tổng của hạt)
Cyflumetofen và 2- Nội tạng ăn được của động vật có vú 0,02
trifluoromethylbenzoic
Các loại nho 0,6
acid, tính theo
Cyflumetofen . Tồn dư Mỡ động vật có vú (trừ chất béo sữa) 0,01 (*)
không tan trong chất béo. Thịt động vật có vú, trừ động vật có vú ở biển 0,01 (*)

74
75

Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL


STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
Sữa nguyên liệu 0,01 (*)
Quả dạng táo 0,4
Dâu tây 0,6
Cà chua 0,3
Các loại quả hạch 0,01 (*)
47 157 Cyfluthrin/beta- 0 - 0,04 Cyfluthrin (tổng của các Táo 0,1
cyfluthrin đồng phân). Tồn dư tan Các loại bắp cải 0,08
trong chất béo Hoa lơ 2
Quả có múi thuộc họ cam quýt 0,3
Hạt cây bông 0,7
Dầu hạt bông thô 1
Nội tạng ăn được của động vật có vú 0,02
Cà tím 0,2
Trứng 0,01 (*)
Thịt động vật có vú, trừ động vật có vú ở biển 0,2 (fat)
Sữa nguyên liệu 0,01
Lê 0,1
Các loại ớt 0,2
Ớt ta khô 1
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Khoai tây 0,01 (*)


Thịt gia cầm 0,01 (*), (fat)
Nội tạng ăn được của gia cầm 0,01 (*)
Hạt cải dầu 0,07
Đậu tương (khô) 0,03
Các loại gia vị từ quả và quả mọng 0,03
Các loại gia vị từ củ và thân rễ 0,05
Cà chua 0,2
75

75
76
76
Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL
STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
48 146 Cyhalothrin (bao 0 - 0,02 Cyhalothrin (tổng của các Quả mơ 0,5
gồm lambda- đồng phân). Tồn dư tan Măng tây 0,02
cyhalothrin) trong chất béo Lúa mạch 0,5
Các loại quả mọng và quả nhỏ khác 0,2
Rau củ 0,2
Các loại bắp cải 0,3
Anh đào 0,3
Quả có múi thuộc họ cam quýt 0,2
Nho khô (gồm cả quả lý chua khô và nho khô không 0,3
hạt)
Các loại cải bông (bao gồm cải làn và hoa lơ) 0,5
Các loại rau ăn quả (trừ bầu bí) 0,3 trừ nấm
Các loại rau bầu bí 0,05
Thận của gia súc, dê, lợn và cừu 0,2
Rau họ đậu 0,2
Gan của gia súc, dê, lợn và cừu 0,05
Ngô 0,02
Xoài 0,2
Thịt động vật có vú, trừ động vật có vú ở biển 3 (fat)
Sữa nguyên liệu 0,2
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Quả xuân đào 0,5


Yến mạch 0,05
Hạt có dầu 0,2
Quả ôliu 1
Quả đào 0,5
Ớt ta khô 3
Các loại mận (bao gồm cả mận khô) 0,2 trừ mận khô
Quả dạng táo 0,2

76
77

Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL


STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
Các loại đậu lăng 0,05
Gạo 1
Các loại rau từ rễ và củ 0,01 (*)
Lúa mạch đen 0,05
Các loại gia vị từ quả và quả mọng 0,03
Các loại gia vị từ củ và thân rễ 0,05
Mía 0,05
Các loại quả hạch 0,01 (*)
Lúa mì lai lúa mạch đen 0,05
Lúa mì 0,05
Cám lúa mì chưa chế biến 0,1
Đậu tương (hạt non) 0,2 (7)
Đậu bắp 0,03 Chỉ áp dụng đối
với Lambda-
cyhalothrin, (7)
Lá húng quế 0,5 Chỉ áp dụng đối
với Lambda-
cyhalothrin, (7)
49 67 Cyhexatin 0,007 Tổng của Azocyclotin and Táo 0,2
Cyhexatin, tính theo Quả lý chua đen, quả lý chua đỏ, quả lý chua trắng 0,1
Cyhexatin Các loại nho 0,3
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Các loại cam ngọt, cam chua (gồm cả các quả lai 0,2
giống cam)
Lê 0,2
Ớt ta khô 5
50 118 Cypermethrins 0 - 0,02 Cypermethrin (tổng các Artiso (cả cây) 0,1
(bao gồm alpha- đồng phân). Tồn dư tan Măng tây 0,4
and zeta- trong chất béo Lúa mạch 2 Po
cypermethrin)
Các loại rau họ bắp cải, cải bắp, cải bông 1
77

77
78
78
Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL
STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
Khế 0,2
Hạt ngũ cốc 0,3 trừ gạo, lúa mạch,
yến mạch, lúa
mạch đen và
lúa mì
Quả có múi thuộc họ cam quýt 0,3 trừ các loại bưởi
hoặc bưởi Đông
Nam Á và quất
Hạt cà phê 0,05 (*)
Nho khô (gồm cả quả lý chua khô và nho khô không hạt) 0,5
Quả sầu riêng 1
Nội tạng ăn được của động vật có vú 0,05 (1), (*)
Cà tím 0,03
Trứng 0,01 (*)
Các loại rau bầu bí 0,07
Các loại nho 0,2
Rau ăn lá 0,7
Tỏi tây 0,05
Rau họ đậu 0,7
Quả vải 2
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Quả nhãn 1
Xoài 0,7
Thịt động vật có vú, trừ động vật có vú ở biển 2 (1), (fat)
Các loại chất béo từ sữa 0,5
Sữa nguyên liệu 0,05 (1)
Yến mạch 2 Po
Hạt có dầu 0,1
Đậu bắp 0,5

78
79

Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL


STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
Dầu oliu tinh luyện 0,5
Dầu oliu nguyên chất 0,5
Quả ôliu 0,05 (*)
Củ hành 0,01 (*)
Đu đủ 0,5
Ớt ta 2
Ớt ta khô 10
Ớt ngọt (gồm cả ớt ngọt Pimento) 0,1
Quả dạng táo 0,7
Mỡ gia cầm 0,1
Thịt gia cầm 0,1 (fat)
Nội tạng ăn được của gia cầm 0,05 (*)
Các loại đậu lăng 0,05 (*)
Bưởi Đông Nam Á và Bưởi chùm (bao gồm các dòng 0,5
lai giống bưởi ngoài giống bưởi chùm)
Gạo 2
Các loại rau từ rễ và củ 0,01 trừ củ cải
đường, (*)
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Lúa mạch đen 2 Po


Các loại gia vị từ quả và quả mọng 0,5
Các loại gia vị từ củ và thân rễ 0,2
Các loại quả có hạt 2
Dâu tây 0,07
Củ cải đường 0,1
Mía 0,2
Ngô ngọt (nguyên bắp) 0,05 (*)
79

79
80
80
Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL
STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
Trà xanh, đen 15
Cà chua 0,2
Các loại quả hạch 0,05 (*)
Lúa mì 2 Po
Cám lúa mì chưa chế biến 5
Rau họ thập tự 1 (7)
Tỏi nhánh 0,5 (7)
Củ hẹ tây 0,1 (7)
Đậu đũa Yardlong 0,2 (7)
51 239 Cyproconazole 0 - 0,02 Cyproconazole. Tồn dư Đậu (khô) 0,02 (*)
tan trong chất béo. Hạt ngũ cốc 0,08 trừ ngô, gạo và
lúa miến
Hạt cà phê 0,07
Hạt cà phê đã rang và sơ chế 0,1
Nội tạng ăn được của động vật có vú 0,5
Trứng 0,01 (*)
Ngô 0,01 (*)
Thịt động vật có vú, trừ động vật có vú ở biển 0,02 (fat)
Sữa nguyên liệu 0,01
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Các loại đậu (khô) 0,02 (*)


Đậu đã tách vỏ (hạt mọng) 0,01
Thịt gia cầm 0,01 (*)
Nội tạng ăn được của gia cầm 0,01 (*)
Hạt cải dầu 0,4
Đậu tương (khô) 0,07
Dầu đậu tương tinh luyện 0,1
Củ cải đường 0,05

80
81

Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL


STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
52 207 Cyprodinil 0 - 0,03 Cyprodinil. Tồn dư tan Hạnh nhân 0,02 (*)
trong chất béo Quả bơ 1
Lúa mạch 3
Đậu (khô) 0,2
Đậu đỗ các loại (trừ đậu tằm và đậu tương) 0,7 Quả xanh và
hạt non
Đậu hạt đã bóc vỏ 0,06
Các loại quả mọng và quả nhỏ khác 10 trừ nho
Rau ăn lá của họ cải 15
Các loại bắp cải 0,7
Cà rốt 0,7
Nho khô (gồm cả quả lý chua khô và nho khô không hạt) 5
Rau gia vị khô 300 trừ hoa bia khô
Nội tạng ăn được của động vật có vú 0,01
Trứng 0,01 (*)
Các loại cải bông (bao gồm cải làn và hoa lơ) 2
Các loại rau ăn quả (trừ bầu bí) 2 trừ nấm và
ngô ngọt
Các loại rau bầu bí 0,5
Các loại nho 3
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Các loại rau gia vị 40


Rau ăn lá 50 trừ rau ăn lá
họ cải
Thịt động vật có vú, trừ động vật có vú ở biển 0,01 (*), (fat)
Sữa nguyên liệu 0,0004 (*), F
Củ hành 0,3
Củ cải vàng 0,7
Ớt ta khô 9
81

81
82
82
Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL
STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
Quả dạng táo 2
Thịt gia cầm 0,01 (*), (fat)
Nội tạng ăn được của gia cầm 0,01 (*)
Mận khô 5
Củ cải ri/Củ cải 0,3
Các loại quả có hạt 2
Lúa mì 0,5
Cám lúa mì chưa chế biến 2
53 169 Cyromazine 0 - 0,06 Cyromazine Artiso (cả cây) 3
Đậu (khô) 3
Bông lơ xanh 1
Cần tây 4
Đậu gà (khô) 3
Dưa chuột 2
Nội tạng ăn được của động vật có vú 0,3
Trứng 0,3
Các loại rau ăn quả (trừ bầu bí) 1 trừ nấm và ngô
ngọt nguyên bắp
Đậu lăng (khô) 3
Rau xà lách 4
Lá rau diếp 4
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Đậu lima (quả non và/hoặc hạt non) 1


Đậu lupin (khô) 3
Xoài 0,5
Thịt động vật có vú, trừ động vật có vú ở biển 0,3
Các loại dưa, trừ dưa hấu 0,5
Sữa nguyên liệu 0,01
Nấm 7
Cây mù tạt 10

82
83

Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL


STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
Củ hành 0,1
Ớt ta khô 10
Thịt gia cầm 0,1
Nội tạng ăn được của gia cầm 0,2
Hành hoa 3
Bí mùa hè 2
54 21 DDT 0,01 Tổng của p,p'-DDT, Cà rốt 0,2 E
o,p'-DDT, p,p'-DDE và Hạt ngũ cốc 0,1 E
p,p'-TDE (DDD), Trứng 0,1 E
(tan trong chất béo) Thịt động vật có vú, trừ động vật có vú ở biển 5 (fat) E EMRL:
1-5 mg/kg
Sữa 0,02 FE
Thịt gia cầm 0,3 (fat) E EMRL:
0,1-0,3 mg/kg
55 135 Deltamethrin 0,01 Tổng của Deltamethrin, Táo 0,2
alpha-R- và trans- Cà rốt 0,02
deltamethrin (1R-
[1alpha(R*),3alpha]]-3- Hạt ngũ cốc 2 Po
(2,2-dibromoethenyl)-2,2- Quả có múi thuộc họ cam quýt 0,02
dimethyl- Trứng 0,02 (*)
cyclopropanecarboxylic Các loại cải bông (bao gồm cải làn và hoa lơ) 0,1
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

acid, cyano(3-
phenoxyphenyl)methyl Các loại rau bầu bí 0,2
ester và [1R- Các loại nho 0,2
[1alpha(S*),3beta]]-3-(2,2- Quả phỉ 0,02 (*)
dibromoethenyl)-2,2- Thận của gia súc, dê, lợn và cừu 0,03 (*)
dimethyl-
cyclopropanecarboxylic Rau ăn lá 2
acid, cyano(3- Tỏi tây 0,2
phenoxyphenyl)methyl Rau họ đậu 0,2
ester), (tan trong chất béo)
Gan của gia súc, dê, lợn và cừu 0,03 (*)
83

83
84
84
Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL
STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
Thịt động vật có vú, trừ động vật có vú ở biển 0,5 (1), (fat)
Sữa nguyên liệu 0,05 F
Nấm 0,05 F
Quả xuân đào 0,05
Quả ôliu 1
Củ hành 0,05
Quả đào 0,05
Các loại mận (bao gồm cả mận khô) 0,05
Khoai tây 0,01 (*)
Thịt gia cầm 0,1 (fat)
Nội tạng ăn được của gia cầm 0,02 (*)
Các loại đậu lăng 1 Po
Củ cải ri/Củ cải 0,01 (*)
Các loại gia vị từ quả và quả mọng 0,03
Các loại gia vị từ củ và thân rễ 0,5
Dâu tây 0,2
Hạt hướng dương 0,05 (*)
Ngô ngọt (nguyên bắp) 0,02 (*)
Trà xanh, đen 5
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Cà chua 0,3
Các loại quả óc chó 0,02 (*)
Cám lúa mì chưa chế biến 5 PoP
Bột lúa mì 0,3 PoP
Lúa mì chưa rây 2 PoP
Ớt ta 0,1 (7)
Măng tây 0,1 (7)
Xoài 0,2 (7)

84
85

Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL


STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
56 22 Diazinon 0 - 0,005 Diazinon. Tồn dư tan Hạnh nhân 0,05
trong chất béo Quả dâu đen ( dâu ta) 0,1
Quả dâu rừng 0,1
Bông lơ xanh 0,5
Các loại bắp cải 0,5
Dưa vàng 0,2
Cà rốt 0,5
Anh đào 1
Trứng gà 0,02 (*)
Thịt gà 0,02 (*)
Nội tạng ăn được của gà 0,02 (*)
Cải bẹ trắng (dạng pe-tsai) 0,05
Đậu thường (quả và/hoặc hạt non) 0,2
Quả nam việt quất 0,2
Dưa chuột 0,1
Quả lý chua đen, quả lý chua đỏ, quả lý chua trắng 0,2
Đậu Hà Lan đã tách vỏ (hạt mọng) 0,2
Thịt dê 2 (1), (fat), V
Hoa bia khô 0,5
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Cải xoăn (bao gồm cả cải thân cao thẳng) 0,05


Thận của gia súc, dê, lợn và cừu 0,03 (1), V
Quả kiwi 0,2
Su hào 0,2
Rau xà lách 0,5
Lá rau diếp 0,5
Gan của gia súc, dê, lợn và cừu 0,03 (1), V
Ngô 0,02 (*)
85

85
86
86
Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL
STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
Thịt gia súc, lợn và cừu 2 (1), (fat), V
Sữa nguyên liệu 0,02 (1)
Củ hành 0,05
Quả đào 0,2
Ớt ta khô 0,5
Ớt ngọt (gồm cả ớt ngọt Pimento) 0,05
Dứa 0,1
Các loại mận (bao gồm cả mận khô) 1
Quả dạng táo 0,3
Khoai tây 0,01 (*)
Mận khô 2
Củ cải ri/Củ cải 0,1
Quả mâm xôi (phúc bồn tử/ngấy hương/dâu rừng) đen 0,2
và đỏ
Các loại gia vị từ quả và quả mọng 0,1 (*)
Các loại gia vị từ củ và thân rễ 0,5
Các loại gia vị dạng hạt 5
Rau chân vịt 0,5
Hành hoa 1
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Bí mùa hè 0,05
Dâu tây 0,1
Củ cải đường 0,1
Ngô ngọt (nguyên bắp) 0,02
Cà chua 0,5
Các loại quả óc chó 0,01 (*)
Tỏi 0,05 (7)
Đậu đũa 0,5 (7)

86
87

Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL


STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
Đậu bò 0,2 (7)
Đậu tương 0,2 (7)
Mù tạt 0,5 (7)
57 240 Dicamba 0 - 0,3 Đối với thực phẩm có Măng tây 5
nguồn gốc từ thực vật: Lúa mạch 7
Dicamba. Đối với thực Hạt cây bông 0,04 (*)
phẩm có nguồn gốc từ
động vật: tổng của Nội tạng ăn được của động vật có vú 0,7
Dicamba và DCSA, tính Trứng 0,01 (*)
theo Dicamba. Tồn dư Ngô 0,01 (*)
không tan trong chất béo Mỡ động vật có vú (trừ chất béo sữa) 0,07
Thịt động vật có vú, trừ động vật có vú ở biển 0,03
Sữa nguyên liệu 0,2
Mỡ gia cầm 0,04
Thịt gia cầm 0,02
Nội tạng ăn được của gia cầm 0,07
Lúa miến 4
Đậu tương (khô) 10
Mía 1
Ngô ngọt (hạt) 0,02
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Lúa mì 2
58 274 Dichlobenil 0 - 0,01 2,6-dichlorobenzamide. Các loại rau họ bắp cải, cải bắp, cải bông 0,05
Tồn dư không tan trong Các loại quả Cane berries 0,2
chất béo Cần tây 0,07
Hạt ngũ cốc 0,01 (*)
Nho khô (gồm cả quả lý chua khô và nho khô không hạt) 0,15
Nội tạng ăn được của động vật có vú 0,04
Trứng 0,03
87

87
88
88
Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL
STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
Các loại rau ăn quả (trừ bầu bí) 0,01 trừ nấm và ngô
ngọt, (*)
Các loại rau bầu bí 0,01 (*)
Nước nho ép 0,07
Các loại nho 0,05
Rau ăn lá 0,3
Mỡ động vật có vú (trừ chất béo sữa) 0,01 (*)
Thịt động vật có vú, trừ động vật có vú ở biển 0,01 (*)
Sữa nguyên liệu 0,01 (*)
Củ hành 0,01 (*)
Hành ta 0,02
Ớt ta khô 0,01 (*)
Mỡ gia cầm 0,02
Thịt gia cầm 0,03
Nội tạng ăn được của gia cầm 0,1
Các loại đậu lăng 0,01 (*)
59 82 Dichlofluanid 0,3 Dichlofluanid Táo 5
Dưa chuột 5
Quả lý chua đen, quả lý chua đỏ, quả lý chua trắng 15
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Quả lý gai 7
Các loại nho 15
Rau xà lách 10
Củ hành 0,1
Quả đào 5
Lê 5
Các loại ớt 2
Ớt ta khô 20

88
89

Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL


STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
Khoai tây 0,1
Quả mâm xôi (phúc bồn tử/ngấy hương/dâu rừng) đen 15
và đỏ
Dâu tây 10
Cà chua 2
60 83 Dichloran 0,01 Dicloran. Tồn dư tan Cà rốt 15 Po
trong chất béo Các loại nho 7
Quả xuân đào 7 Po
Củ hành 0,2
Quả đào 7 Po
61 25 Dichlorvos 0 - 0,004 Dichlorvos. Tồn dư không Nội tạng ăn được của động vật có vú 0,01 (*)
tan trong chất béo Trứng 0,01 (*)
Mỡ động vật có vú (trừ chất béo sữa) 0,01 (*)
Thịt động vật có vú, trừ động vật có vú ở biển 0,01 (*)
Sữa nguyên liệu 0,01 (*)
Mỡ gia cầm 0,01 (*)
Thịt gia cầm 0,01 (*)
Nội tạng ăn được của gia cầm 0,01 (*)
Gạo 7
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Cám gạo chưa chế biến 15 PoP


Gạo đã xát vỏ 1,5 PoP
Gạo được đánh bóng 0,15 PoP
Các loại gia vị 0,1 (*)
Lúa mì 7 Po
Cám lúa mì chưa chế biến 15 PoP
Bột lúa mì 0,7 PoP
Lúa mì chưa rây 3 PoP
89

89
90
90
Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL
STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
62 26 Dicofol 0 - 0,002 Đối với thực phẩm có Các loại gia vị từ quả và quả mọng 0,1
nguồn gốc từ thực vật: Các loại gia vị từ củ và thân rễ 0,1
Dicofol (tổng của các o,p'
Các loại gia vị dạng hạt 0,05 (*)
và p,p' isomer). Tồn dư tan
trong chất béo Trà xanh, đen 40
63 224 Difenoconazole 0 - 0,01 Đối với thực phẩm có Măng tây 0,03
nguồn gốc từ thực vật: Chuối 0,1
Difenoconazole. Đối với
Đậu đỗ các loại (trừ đậu tằm và đậu tương) 0,7
thực phẩm có nguồn gốc
từ động vật: tổng của Các loại rau họ bắp cải, cải bắp, cải bông 2
Difenoconazole và 1-[2- Cà rốt 0,2
chloro-4-(4-chloro- Cây cần tây 0,5
phenoxy)- phenyl]-2- Cần tây 3
(1,2,4-triazol)-1-yl-
Anh đào 0,2
ethanol), tính theo
Difenoconazole. Tồn dư Quả có múi thuộc họ cam quýt 0,6
tan trong chất béo. Dưa chuột 0,2
Nho khô (gồm cả quả lý chua khô và nho khô không hạt) 6
Nội tạng ăn được của động vật có vú 1,5
Trứng 0,03
Các loại rau ăn quả (trừ bầu bí) 0,6 trừ nấm và
ngô ngọt
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Tỏi 0,02 (*)


Dưa chuột ri 0,2
Sâm 0,08
Sâm khô (kể cả sâm đỏ) 0,2
Chiết xuất sâm 0,6
Các loại nho 3
Tỏi tây 0,3
Rau xà lách 2

90
91

Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL


STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
Lá rau diếp 2
Xoài 0,07
Thịt động vật có vú, trừ động vật có vú ở biển 0,2 (fat)
Các loại dưa, trừ dưa hấu 0,7
Sữa nguyên liệu 0,02
Quả xuân đào 0,5
Quả ôliu 2
Củ hành 0,1
Đu đủ 0,2
Chanh leo 0,05
Quả đào 0,5
Đậu (quả và hạt mọng non) 0,7
Ớt ta khô 5
Các loại mận (bao gồm cả mận khô) 0,2
Quả dạng táo 0,8
Khoai tây 4 Po
Thịt gia cầm 0,01 (*), (fat)
Nội tạng ăn được của gia cầm 0,01 (*)
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Hạt cải dầu 0,05


Đậu tương (khô) 0,02 (*)
Hành hoa 9
Bí mùa hè 0,2
Củ cải đường 0,2
Hạt hướng dương 0,02
Các loại quả hạch 0,03
Lúa mì 0,02 (*)
91

91
92
92
Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL
STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
64 130 Diflubenzuron 0 - 0,02 Diflubenzuron. Tồn dư Lúa mạch 0,05 (*)
tan trong chất béo Quả có múi thuộc họ cam quýt 0,5
Nội tạng ăn được của động vật có vú 0,1 (*)
Trứng 0,05 (*)
Thịt động vật có vú, trừ động vật có vú ở biển 0,1 (fat)
Sữa nguyên liệu 0,02 (*) F
Nấm 0,3
Cây mù tạt 10
Quả xuân đào 0,5
Yến mạch 0,05 (*)
Quả đào 0,5
Hạt lạc 0,1
Ớt ta 3
Ớt ta khô 20
Ớt ngọt (gồm cả ớt ngọt Pimento) 0,7
Các loại mận (bao gồm cả mận khô) 0,5
Quả dạng táo 5
Thịt gia cầm 0,05 (*), (fat)
Gạo 0,01 (*)
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Các loại quả hạch 0,2


Lúa mì lai lúa mạch đen 0,05 (*)
Lúa mì 0,05 (*)
65 214 Dimethenamid-P 0 - 0,07 Dimethenamid-P và các Đậu (khô) 0,01 (*)
dạng đồng phân đối ảnh Củ cải đường 0,01 (*)
của nó Trứng 0,01 (*)
Tỏi 0,01 (*)

92
93

Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL


STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
Ngô 0,01 (*)
Thịt động vật có vú, trừ động vật có vú ở biển 0,01 (*)
Sữa nguyên liệu 0,01 (*)
Củ hành 0,01 (*)
Hạt lạc 0,01 (*)
Khoai tây 0,01 (*)
Thịt gia cầm 0,01 (*)
Nội tạng ăn được của gia cầm 0,01 (*)
Hẹ tây 0,01 (*)
Lúa miến 0,01 (*)
Đậu tương (khô) 0,01 (*)
Củ cải đường 0,01 (*)
Ngô ngọt (nguyên bắp) 0,01 (*)
Khoai lang 0,01 (*)
66 151 Dimethipin 0 - 0,02 Dimethipin Hạt cây bông 1
Dầu hạt bông thô 0,1
Dầu hạt cây bông 0,1
Nội tạng ăn được của động vật có vú 0,01 (*)
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Trứng 0,01 (*)


Thịt động vật có vú, trừ động vật có vú ở biển 0,01 (*)
Sữa nguyên liệu 0,01 (*)
Khoai tây 0,05 (*)
Thịt gia cầm 0,01 (*)
Nội tạng ăn được của gia cầm 0,01 (*)
Hạt cải dầu 0,2
Hạt hướng dương 1
93

93
94
94
Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL
STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
67 27 Dimethoate 0,002 Dimethoate Artiso (cả cây) 0,05
Măng tây 0,05 (*)
Lúa mạch 2
Cải Brussels 0,2
Bắp cải xa voa 0,05 (*)
Nội tạng ăn được của gia súc 0,05 (*)
Hoa lơ 0,2
Cần tây 0,5
Anh đào 2
Quả có múi thuộc họ cam quýt 5 trừ quất
Trứng 0,05 (*)
Rau xà lách 0,3
Mỡ động vật có vú (trừ chất béo sữa) 0,05 (*)
Xoài 1 Po
Thịt gia súc, dê, ngựa, lợn và cừu 0,05 (*)
Sữa gia súc, dê và cừu 0,05 (*)
Quả ôliu 0,5
Lê 1
Đậu (quả và hạt mọng non) 1
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Ớt ta khô 3
Ớt ngọt (gồm cả ớt ngọt Pimento) 0,5
Khoai tây 0,05
Mỡ gia cầm 0,05 (*)
Thịt gia cầm 0,05 (*)
Nội tạng ăn được của gia cầm 0,05 (*)
Nội tạng ăn được của cừu 0,05 (*)
Các loại gia vị từ quả và quả mọng 0,5

94
95

Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL


STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
Các loại gia vị từ củ và thân rễ 0,1 (*)
Các loại gia vị dạng hạt 5
Củ cải đường 0,05
Lá củ cải đỏ 1
Củ cải Turnip vườn 0,1
Lúa mì 0,05
Bắp cải 2 (7)
Cà chua 1 (7)
Đậu đũa Yardlong 0,05 (7)
68 225 Dimethomorph 0 - 0,2 Dimethomorph (tổng các Artiso (cả cây) 2
đồng phân). Tồn dư không Đậu hạt đã bóc vỏ 0,7
tan trong chất béo Bông lơ xanh 4
Các loại bắp cải 6
Cần tây 15
Rau mát 10
Nho khô (gồm cả quả lý chua khô và nho khô không hạt) 5
Nội tạng ăn được của động vật có vú 0,01 (*)
Trứng 0,01 (*)
Các loại rau ăn quả (trừ bầu bí) 1,5
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Các loại rau bầu bí 0,5


Tỏi 0,6
Các loại nho 3
Hoa bia khô 80
Su hào 0,02
Tỏi tây 0,8
Rau xà lách 10
Thịt động vật có vú, trừ động vật có vú ở biển 0,01 (*)
95

95
96
96
Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL
STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
Sữa nguyên liệu 0,01 (*)
Củ hành 0,6
Hành ta 9
Đậu đã tách vỏ (hạt mọng) 0,15
Ớt ta khô 5
Dứa 0,01 (*)
Khoai tây 0,05
Thịt gia cầm 0,01 (*)
Nội tạng ăn được của gia cầm 0,01 (*)
Hẹ tây 0,6
Rau chân vịt 30
Hành hoa 9
Dâu tây 0,5
Lá khoai môn 10
69 87 Dinocap 0,008 Tổng của các đồng phân Táo 0,2
Dinocap và Dinocap Dưa chuột 0,7
phenols, tính theo Các loại rau bầu bí 0,05 (*)
Dinocap
Các loại nho 0,5
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Các loại dưa, trừ dưa hấu 0,5


Quả đào 0,1
Các loại ớt 0,2
Ớt ta khô 2
Bí mùa hè 0,07
Dâu tây 0,5 trừ dâu tây trồng
ở nhà kính
Cà chua 0,3

96
97

Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL


STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
70 255 Dinotefuran 0 - 0,2 Đối với thực phẩm có Các loại rau họ bắp cải, cải bắp, cải bông 2
nguồn gốc từ thực vật: Cần tây 0,6
Dinotefuran. Đối với thực
Hạt cây bông 0,2
phẩm có nguồn gốc từ
Quả nam việt quất 0,15
động vật: Dinotefuran,
Nho khô (gồm cả quả lý chua khô và nho khô không hạt) 3
1-methyl-3-(tetrahydro-
3furylmethyl) urea (UF) Nội tạng ăn được của động vật có vú 0,1
tính theo Dinotefuran. Trứng 0,02 (*)
Tồn dư không tan trong Các loại rau ăn quả (trừ bầu bí) 0,5 trừ ngô ngọt
chất béo và nấm
Các loại rau bầu bí 0,5
Các loại nho 0,9
Rau ăn lá 6 trừ cải xoong
Thịt động vật có vú, trừ động vật có vú ở biển 0,1
Sữa nguyên liệu 0,1
Quả xuân đào 0,8
Củ hành 0,1
Quả đào 0,8
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Ớt ta khô 5
Thịt gia cầm 0,02 (*)
Nội tạng ăn được của gia cầm 0,02 (*)
Gạo 8
Gạo được đánh bóng 0,3
Hành hoa 4
Cải xoong 7
97

97
98
98
Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL
STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
71 30 Diphenylamine 0,08 Diphenylamine Táo 10 Po
Nước táo ép 0,5 PoP
Thận gia súc 0,01 (*)
Gan gia súc 0,05
Thịt gia súc 0,01 (*), (fat)
Các loại chất béo từ sữa 0,01
Sữa nguyên liệu 0,01 (*)
Lê 5 Po
72 31 Diquat 0 - 0,006 Diquat. Tồn dư không tan Chuối 0,02 (*)
trong chất béo Lúa mạch 5
Đậu (khô) 0,2
Quả điều Cajou (pseudofruit) 0,02 (*)
Quả đào lộn hột 0,02 (*)
Hạt điều 0,02 (*)
Quả có múi thuộc họ cam quýt 0,02 (*)
Hạt cà phê 0,02 (*)
Nội tạng ăn được của động vật có vú 0,05 (*)
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

Trứng 0,05 (*)


Các loại rau ăn quả (trừ bầu bí) 0,01 trừ ngô ngọt và
nấm, (*)
Đậu lăng (khô) 0,2
Thịt động vật có vú, trừ động vật có vú ở biển 0,05 (*)
Sữa nguyên liệu 0,01 (*)
Yến mạch 2

98
99

Mã Tên thuốc BVTV Tồn dư thuốc BVTV MRL


STT ADI Thực phẩm Ghi chú
(Code) (tên hoạt chất) cần xác định (mg/kg)
Các loại đậu (khô) 0,3
Quả dạng táo 0,02 (*)
Khoai tây 0,1
Thịt gia cầm 0,05 (*)
Nội tạng ăn được của gia cầm 0,05 (*)
Hạt cải dầu 1,5
Đậu tương (khô) 0,3
Các loại quả có hạt 0,02 (*)
Dâu tây 0,05 (*)
Hạt hướng dương 0,9
Lúa mì 2
Cám lúa mì chưa chế biến 2
Bột lúa mì 0,5
Lúa mì chưa rây 2
CÔNG BÁO/Số 295 + 296/Ngày 27-4-2017

(Xem tiếp Công báo số 297 + 298)


99

99
BỘ Y TẾ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆ T NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số: 46/2007/QĐ-BYT
Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 2007

QUYẾT ĐỊNH
Về việc ban hành “Quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm”

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 49/2003/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ về việc
Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm số 12/2003/PL-UBTVQH11 ngày 26 tháng 7
năm 2003 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;
Căn cứ Nghị định số 163/2004/NĐ-CP ngày 7 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ về việc quy
định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ
Y tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học
và hóa học trong thực phẩm”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ng ày đăng Công báo.
Bãi bỏ Quyết định số 867/1998/QĐ-BYT ngày 04 tháng 4 năm 1998 của Bộ trưởng Bộ Y
tế về việc ban hành “Danh mục tiêu chuẩn vệ sinh đối với lương thực, thực phẩm”. Trong
trường hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng được ban hành thì giới hạn tối đa vi sinh
vật và tồn dư các chất ô nhiễm trong thực phẩm được thực hiệntheo Quy chuẩn kỹ thuật đó.
Điều 3. Các Ông (Bà): Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Vụ trưởng các Vụ: Khoa
học và Đào tạo, Pháp chế - Bộ Y tế; Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Giám đốc Sở Y
tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và Thủ
trưởng Y tế các ngành chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Nơi nhận: KT. BỘ TRƯỞNG


- Như Điều 3; THỨ TRƯỞNG
- BT. Nguyễn Quốc Triệu (để b/c);
- VPCP (Phòng Công báo 02 bản);
- Bộ Tư pháp (Cục KTVB QPPL) ;
- Các Bộ, ngành liên quan;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở Y tế các tỉ nh, thành phố trực thuộ c TW;
- Viện: DD, Pasteur Nha Trang,
VSYTCC, VSDT Tây Nguyên;
- Website: Chính phủ, Bộ Y tế; Cao Minh Quang
- Phòng QT-HCII Bộ Y tế;
- Lưu: VT, ATTP, PC.
QUY ĐỊNH
Giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm
(Ban hành kèm Quyết đ ịnh số 46/2007/QĐ-BYT ngày 19/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Phần 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
1. Phạm vi áp dụng
Quy định này quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học, hóa học trong thực phẩm và danh
mục các chất hỗ trợ chế biến được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩ m.
2. Đối t ượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến và kinh doanh
thực phẩm tại Việt Nam.
3. Các từ viết tắt
- ADI (Acceptable Daily Intake): Lượng ăn vào hàng ngày chấp nhận được
- GAP (Good Agriculturing Practice): Thực hành tốt sản xuất nông nghiệp
- GMP (Good Manufacturing Practice): Thực hành tốt sản xuất
- ML (Maximum Level): Giới hạn tối đa
- MRL (Maximum Residue Level): Giới hạn dư lượng tối đa
- UHT (Ultra Heat Treated): Xử lý ở nhiệt độ cao
- MPN (Most Probable Number Method): Kỹ thuật đếm số có xác suất lớn nhất.
- B. cereus: Bacillus cereus
- Cl.botulinums: Clostridium botulinums
- Cl. perfringens: Clostridium perfringens
- E.coli: Escherichia coli
- P.aeruginosa: Pseudomonas aeruginosa
- S. aureus: Staphylococcus aureus
- TSVSVHK: Tổng số vi sinh vật hiếu khí
- V. Parahaemolyticus: Vibrio parahaemolyticus
- TSBTNM-M: Tổng số bào tử nấm men - nấm mốc
- dm: decimet
- kg: kilogam
- l: lít
- v/v: đơn vị tính theo thể tích trên thể tích
- mg: miligam
- ml: mililit
- mm: milimet
- g: microgam
4. Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đ ây được hiểu như sau:
4.1. Thuốc thú y là những chất hoặc hợp chất có nguồn gốc từ động vật, thực vậ t, vi
sinh vật, khoáng chất, hoá chất được dùng để phòng bệnh, chẩn đoán bệnh, chữa bệnh hoặc để
phục hồi, điều chỉnh, cải thiện các chức năng của cơ thể động vật, bao gồm dược phẩm, hoá chất,
vắcxin, hoocmon, một số chế phẩm sinh học khác và một số vi sinh vật dùng trong thú y.
4.2. Thuốc bảo vệ thực vật là chế phẩm có nguồn gốc từ hoá chấ t, thực vậ t, động vậ t, vi sinh
vật và các chế ph ẩm khác dùng để phòng, trừ sinh vật g ây hại tài nguyên thực vậ t.
4.3. Chất hỗ trợ chễ biến thực phẩm là chất được sử dụng trong quá trình chế biến nguyên
liệu thực phẩm hoặc thành phần thực phẩm nhằm hoàn thiện công nghệ xử lý, chế biến thực
phẩm.
4.4. Lượng ăn vào hàng ngày chấp nhận được (ADI) là lượng của một loại hóa chất
được đưa vào cơ thể hàng ngày mà không gây ảnh hưởng có hại tới sức khoẻ con ng ười (đơn vị
tính: mg/kg thể trọng).
4.5. Giới hạn tối đa dư lượng (MRL) thuốc thú y là lượng tối đa một loại thuốc thú y sau
khi sử dụng còn lại trong thực phẩm và được tính theo microgam thuốc thú y trong một kilogam
thực phẩm dạng rắn hoặc một lít thực phẩm dạng lỏng.
4.6. Giới hạn tối đa dư lượng (MRL) thuốc bảo vệ thực vật là lượng tối đa một loại thuốc
bảo vệ thực vật chấp nhận tồn tại trong nông sản, thực phẩm mà không gây hại cho con người.
MRL được biểu thị bằng miligam thuốc bảo vệ thực vật trong một kilogam thực phẩm.
4.7. Giới hạn tối đa (ML) là giới hạn của một chất ô nhiễm cụ thể hoặc chất độc tự
nhiên cụ thể được phép có trong thực phẩm tính theo miligam chất ô nhiễm hoặc chất độc tự
nhiên trên kilôgam thực phẩm (mg/kg).
4.8. Sản phẩm thịt chế biến không qua xử lý nhiệt (non-heat treated processed meat)
là sản phẩm chế biến từ thịt mà quy trình công nghệ không qua công đoạn xử lý nhiệt sao cho
nhiệt độ trung tâm sản phẩm dưới 70oC và không nhất thiết phải gia nhiệt trước khi ăn.
4.9. Sản phẩm thịt chế biến có qua xử lý nhiệt (heat-treated processed meat) là sản
phẩm chế biến từ thịt qua quy trình công nghệ có công đoạn xử lý nhiệt đảm bảo nhiệt độ trung
tâm sản phẩm trên 70oC và không nhất thiết phải gia nhiệt trước khi ăn.
4.10. Thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận
trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng
và giảm bớt nguy cơ bệnh tật.
4.11. Dụng cụ chứa đựng thực phẩm là dụng cụ được dùng với mục đích
để chuẩn bị, nấu nướng, phục vụ bữa ăn và bảo quản thực phẩm hoặc đồ uống.
4.12. Dụng cụ dùng để nấu là dụng cụ dùng để đun nóng khi chế biến thực phẩm và đồ uống
bằng phương pháp gia nhiệt thông thường hoặc vi sóng.
4.13. Dụng cụ bằng gốm là dụng cụ dùng để chứa đựng thực phẩm bao gồm các dụng cụ
được làm bằng sứ, đất nung.
4.14. Dụng cụ chứa đựng có lòng nông phẳng là dụng cụ bằng gốm hoặc thủy tinh có độ
sâu bên trong không quá 25 mm được đo từ điểm sâu nhất đến bề mặt ngang đi qua điểm tràn.
4.15. Dụng cụ chứa đựng bằng gốm có lòng sâu là dụng cụ bằng gốm có
độ sâu bên trong lớn hơn 25 mm được đo từ điểm sâu nhất đến bề mặt ngang đi qua điểm
tràn. Dụng cụ chứa đựng có lòng sâu được chia làm các nhóm:
- Cỡ nhỏ: có dung tích nhỏ hơn 1,1 lít;
- Cỡ lớn: có dung tích từ 1,1 lít đến 3 lít;
- Dùng để bảo quản: có dung tích từ 3 lít trở lên;
- Cốc, chén: dụng cụ bằng gốm cỡ nhỏ có lòng sâu (có dung tích khoảng
240 ml) thường được sử dụng để đựng đồ uống như cà phê, chè ở nhiệt độ cao.
4.16. Dụng cụ chứa đựng bằng thủy tinh có lòng sâu là dụng cụ bằng thủy tinh có độ
sâu bên trong lớn hơn 25 mm được đo từ điểm sâu nhất đến bề mặt ngang đi qua điểm tràn.
Dụng cụ chứa đựng có lòng sâu được chia làm các nhóm:
- Cỡ nhỏ: có dung tích nhỏ hơn 600 ml;
- Cỡ lớn: có dung tích từ 600 ml đến 3 lít;
- Dùng để bảo quản: có dung tích từ 3 lít trở lên.
5. Soát xét, bổ sung
Hàng năm, Bộ Y tế tổ chức xem xét giới hạn tối đa vi sinh vật và tồn dư các chất ô
nhiễm trong thực phẩm trên cơ sở đảm bảo sức khoẻ cho người tiêu dùng, phù hợp quy đ ịnh của
các nước trên thế giới và của Codex.
Phần 2.
GIỚI HẠN TỐI ĐA DƯ LƯỢNG THUỐC THÚ Y TRONG THỰC PHẨM

1. ABAMECTIN (Thuốc trừ giun sán)


ADI: 0 - 2 g/kg thể trọng/ngày
Xác định hoạt chất: Avermectin B1a
Thực phẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Trâu, bò
Gan 100
Thận 50
Mỡ 100
2. ALBENDAZOLE (Thuốc trừ giun sán)
ADI: 0 - 50 g/kg thể trọng/ngày
Xác định hoạt chất: 2-aminosulfone, trừ sữa
Thực phẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Thịt 100
Gan 5000
Thận 5000
Sữa (g/l) 100
Mỡ 100
3. ALTRENOGEST
ADI: 0 - 40 g/kg thể trọng/ngày
Xác định hoạt chất: Altrenogest
Thực ph ẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Lợn
Thịt 1
Gan 4
4. APRAMYCIN
ADI: 0 - 25 g/kg thể trọng/ngày
Xác định hoạt chất: Apramycin
Thực ph ẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Lợn
Thận 100
5. AZAPERONE
ADI: 0 - 6 g/kg thể trọng/ngày
Xác định hoạt chất: Tổng azaperone và azaperol
Thực phẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Lợn
Thịt 60
Gan 100
Thận 100
Mỡ 60
6. BENZYLPENICILLIN/PROCAINE BENZYLPENICILLIN (Thuốc kháng sinh)
ADI: 0 - 30 g penicillin/kg thể trọng/ngày. Dư lượng của ben zylpenicillin và procaine
benzylpenicillin phải thấp hơn mức này.
Xác định hoạt chất: Benzylpenicillin
Thực ph ẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Trâu, bò
Thịt 50
Gan 50
Thận 50
Sữa ( g/l) 4
Lợn
Thịt 50
Gan 50
Thận 50

Thịt 50 Chỉ áp dụng đối với procaine benzylpenicillin
Gan 50 Chỉ áp dụng đối với procaine benzylpenicillin
Thận 50 Chỉ áp dụng đối với procaine benzylpenicillin
7. CARAZOLOL
ADI: 0 - 0,1 g/kg thể trọng/ngày
Xác định hoạt chất: Carazolol
Thực phẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Lợn
Thịt 5
Gan 25
Thận 25
Mỡ/Da 5
8. CEFTIOFUR
ADI: 0 - 50 g/kg thể trọng/ngày
Xác định hoạt chất: Desfuroyl ceftiofur
Thực phẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Trâu, bò
Sữa (g/l) 100
Th ịt 1000
Gan 2000
Thận 6000
Mỡ 2000
Lợn
Thịt 1000
Gan 2000
Mỡ 2000
Thận 6000
9. CHLORTETRACYCLINE/OXYTETRACYCLINE/TETRACYCLINE
ADI: 0 - 30 g/kg thể trọng/ngày
Xác định hoạt chất: Các thuốc cùng gốc, dạng đơn hoặc kết hợp
Thực phẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Trâu, bò
Thịt 200
Gan 600
Thận 1200
Sữa (g/l) 100
Lợn
Thịt 200
Gan 600
Thận 1200
Cừu
Thịt 200
Gan 600
Thận 1200
Sữa (g/l) 100
Gia cầm
Thịt 200
Gan 600
Thận 1200
Trứng 400

Thịt 200 Chỉ áp dụng đối với oxytetracycline
Tôm hùm
Thịt 200 Chỉ áp dụng đối với oxytetracycline
10. CLORSULON
ADI: 0 - 8 g/kg thể trọng/ngày
Xác định hoạt chất : Clorsulon
Thực phẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Trâu, bò
Thận 1000
Thịt 100
11. CLOSANTEL (Thuốc trừ giun sán)
ADI: 0 - 30 g/kg thể trọng/ngày
Xác định hoạt chất: Closantel
Thực phẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Trâu, bò
Thịt 1000
Gan 1000
Thận 3000
Mỡ 3000
Cừu
Thịt 1500
Gan 1500
Thận 5000
Mỡ 2000
12. CYFLUTHRIN (Thuốc trừ sâu)
ADI: 0 - 20 g/kg thể trọng/ngày
Xác định hoạt chất: Cyfluthrin
Thực phẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Trâu, bò
Thịt 20
Gan 20
Thận 20
Mỡ 200
Sữa (g/l) 40
13. CYHALOTHRIN (Thuốc trừ sâu)
ADI: 0 - 5 g/kg thể trọng/ng ày
Xác định hoạt chất: Cyhalothrin
Thực phẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Trâu, bò
Thịt 20
Gan 20
Thận 20
Mỡ 400
Sữa (g/l) 30
Lợn
Thịt 20
Gan 20
Thận 20
Mỡ 400
Cừu
Thịt 20
Gan 50
Thận 20
Mỡ 400
14. CYPERMETHRIN VÀ ALPHA - CYPERMETHRIN (Thuốc trừ sâu)
ADI: 0 - 20 g/kg thể trọng/ngày cho cả Cypermethrin và alpha-Cypermethrin
Xác định hoạt chất: Tổng lư ợng tồn dư Cypermethrin
Thực ph ẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Trâu, bò và cừu
Thịt 50
Gan 50
Thận 50
Mỡ 1000
15. DANOFLOXACIN (Thuốc kháng sinh)
ADI: 0 - 20 g/kg thể trọng/ngày
Xác định hoạt chất: Danofloxacin
Thực phẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Trâu, bò
Thịt 200
Gan 400
Thận 400
Mỡ 100
Lợn
Thịt 100
Gan 50
Thận 200
Mỡ 100

Thịt 200
Gan 400
Thận 400
Mỡ 100 Tỷ lệ mỡ/da là bình thường
16. DECOQUINATE
ADI: 0 - 75 g/kg trọng lư ợng/ngày
Xác định hoạt chất: Decoquinate
Thực ph ẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Trâu, bò
Thịt 1000

Thịt 1000

Thịt 1000
17. DELTAMETHRIN (Thuốc trừ sâu)
ADI: 0 - 10 g/kg thể trọng/ngày
Xác định hoạt chất: Deltamethrin
Thực ph ẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Trâu, bò
Thịt 30
Gan 50
Thận 50
Mỡ 500
Sữa (g/l) 30
Cừu
Thịt 30
Gan 50
Thận 50
Mỡ 500

Thịt 30
Gan 50
Thận 50
Mỡ 500
Trứng 30
18. DEXAMETHAZON
ADI: 0 - 0,015 g/kgthể trọng/ngày
Xác định hoạt chất: Dexamethazon
Thực ph ẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Thịt 0,5
Gan 2,5
Thận 0,5
Sữa (g/l) 0,3
19. DICLAZURIL (Thuốc chống sinh vật đ ơn bào)
ADI: 0 - 30 g/kg thể trọng/ng ày
Xác định hoạt chất: Diclazuril
Thực phẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Cừu, thỏ, gia cầm
Thịt 500
Gan 3000
Thận 2000
Mỡ 1000
20. DICYCLANIL (Thuốc trừ sâu)
ADI: 0 - 7 g/kg thể trọng/ng ày
Xác định hoạt chất: Dicyclanil
Thực ph ẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Cừu
Thịt 150
Gan 125
Thận 125
Mỡ 200
21. DIHYDROSTREPTOMYCIN/STREPTOMYCIN (Thuốc kháng sinh)
ADI: 0 - 50 g/kg thể trọng/ngày đối với dư lượng của dihydrostreptomycin và streptomycin
Xác định hoạt chất: Tổng dihydrostreptomycin và streptomycin
Thực ph ẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Trâu, bò và cừu
Sữa (g/l) 200
Thịt 600
Gan 600
Thận 1000
Mỡ 600
Lợn, gà
Thịt 600
Gan 600
Thận 1000
Mỡ 600
22. DIMINAZENE
ADI: 0 - 100 g/kg thể trọng/ng ày
Xác định hoạt chất: Diminazene
Thực phẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Trâu, bò
Sữa (g/l) 150 Giới hạn định lư ợng bởi phương pháp phân tích
Thịt 500
Gan 12000
Thận 6000
23. DORAMECTIN (Thuốc trừ giun sán)
ADI: 0 - 0,5 g/kg thể trọng/ng ày
Xác định hoạt chất: Doramectin
Thực ph ẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Trâu, bò
Thịt 10
Gan 100
Thận 30
Mỡ 150
Lợn
Thịt 5
Gan 100
Thận 30
Mỡ 150
24. EPRINOMECTIN (Thuốc trừ giun sán)
ADI: 0 - 10 g/kg thể trọng/ng ày
Xác định hoạt chất: Eprinomectin B1a
Thực phẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Trâu, bò
Thịt 100
Gan 2000
Thận 300
Mỡ 250
Sữa (g/l) 20
25. ENROFLOXACIN
ADI: 0 - 3 g/kg thể trọng/ng ày
Xác định hoạt chất: Desethylene ciprofloxacin
Thực phẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Trâu, bò
Gan 100
26. FEBANTEL/FENBENDAZOLE/OXFENDAZOLE (Thuốc trừ giun sán)
ADI: 0 - 7 g/kg thể trọng/ng ày
Xác định hoạt chất: Tổng fenbendazole, oxfendazole và oxfendazole sulphone, tính theo đương
lượng oxfendazole sulphone
Thực ph ẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Trâu, bò và cừu
Sữa (g/l) 100
Thịt 100
Gan 500
Thận 100
Mỡ 100
Lợn, dê và ngựa
Thịt 100
Gan 500
Thận 100
Mỡ 100
27. FLORFENICOL
ADI: 0 - 10 g/kg/thể trọng/ngày
Xác định hoạt chất: Florfenicol
Thực ph ẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Trâu, bò
Thịt 300
Gan 3700
Lợn
Thịt 200
Gan 2500
Cá trê
Thịt 1000
28. FLUAZURON (Thuốc trừ sâu)
ADI: 0 - 40 g/kgthể trọng/ngày
Xác định hoạt chất: Fluazuron
Thực phẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Trâu, bò
Thịt 200
Gan 500
Thận 500
Mỡ 7000
29. FLUBENDAZOLE (Thuốc trừ giun sán)
ADI: 0 - 12 g/kg thể trọng/ng ày
Xác định hoạt chất: Flubendazole
Thực phẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Lợn
Thịt 10
Gan 10
Gia cầm
Thịt 200
Gan 500
Trứng 400
30. FLUMEQUINE (Thuốc kháng sinh)
ADI: 0 - 30 g/kgthể trọng/ngày
Xác định hoạt chất: Flumequine
Thực phẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Trâu, bò, cừu, l ợn và gà
Thịt 500
Gan 500
Thận 3000
Mỡ 1000
Cá hồi
Thịt 500
31. FLUNIXIN
ADI: 0 - 0,72 g/kg thể trọng/ng ày
Xác định hoạt ch ất: Flunixin
Thực phẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Trâu, bò
Sữa (g/l) 2
Thịt 25
Gan 125
Lợn
Thịt 25
Gan 30
Cá trê
Thịt 1000
32. GENTAMICIN (Thuốc kháng sinh)
ADI: 0 - 20 g/kg thể trọng/ng ày
Xác định hoạt chất: Gentamicin
Thực phẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Trâu, bò
Thịt 100
Gan 2000
Thận 5000
Mỡ 100
Sữa (g/l) 200
Lợn
Thịt 100
Gan 2000
Thận 5000
Mỡ 100
33. IMIDOCARB (Thuốc chống sinh vật đ ơn bào)
ADI: 0 - 10 g/kgthể trọng/ngày
Xác định hoạt chất: Imidocarb
Thực ph ẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Trâu, bò
Thịt 300
Gan 2000
Thận 1500
Mỡ 50
Sữa (g/l) 50
34. ISOMETAMIDIUM
ADI: 0 - 100 g/kgthể trọng/ngày
Xác định hoạt chất: Isometamidium
Thực ph ẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Trâu, bò
Thịt 100
Gan 500
Thận 1000
Mỡ 100
Sữa (g/l) 100
35. IVERMECTIN (Thuốc trừ giun sán)
ADI: 0 - 1 g/kg thể trọng/ng ày
Xác định hoạt chất: 22,23-Dihydroavermectin B1a (H2B1a)
Thực phẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Trâu, bò
Mỡ 40
Gan 100
Sữa (g/l) 10
Cừu, lợn
Mỡ 20
Gan 15
36. LAIDLOMYCIN
ADI: 0 - 7,5 g/kgthể trọng/ngày
Xác định hoạt chất: Laidlomycin
Thực ph ẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Trâu, bò
Gan 200
37. LASALOCID
ADI: 0 - 10 g/kg/thể trọng/ngày
Xác định hoạt chất: Lasalocid
Thực phẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Trâu, bò
Gan 700

Da (có dính mỡ) 1200
Gan 400
Gà tây
Gan 400
Thỏ
Gan 700
Cừu
Gan 100
38. LEVAMISOLE (Thuốc trừ giun sán)
ADI: 0 - 6 g/kgthể trọng/ngày
Xác định hoạt chất: Levamisole
Thực ph ẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Trâu, bò, cừu, lợn và gia
cầm
Thịt 10
Gan 100
Thận 10
Mỡ 10
39. LINCOMYCIN (Thuốc kháng sinh)
ADI: 0 - 30 g/kgthể trọng/ngày
Xác định hoạt chất: Lincomycin
Thực phẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Lợn
Thịt 200
Gan 500
Thận 1500
Mỡ 100 MRL đối v ới mỡ dưới da là 300 g/kg

Thịt 200
Gan 500
Thận 500
Mỡ 100 MRL đối với mỡ dưới da là 300 g/kg
Trâu, bò
Sữa (g/l) 150
40. MONENSIN
ADI: 0 - 12,5 g/kgthể trọng/ngày
Xác định hoạt chất: Monensin
Thực phẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Trâu, bò
Các phần ăn đư ợc 50

Các phần ăn đư ợc 50
41. MOXIDECTIN (Thuốc trừ giun sán)
ADI: 0 - 2 g/kgthể trọng/ngày
Xác định hoạt chất: Moxidectin
Thực phẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Trâu, bò
Thịt 20 Nồng độ rất cao và rất khác nhau ở vị trí tiêm
trong khoảng thời gian là 49 ngày sau khi dùng
thuốc
Gan 100
Thận 50
Mỡ 500
Cừu
Thịt 50
Gan 100
Thận 50
Mỡ 500
Hươu, nai
Thịt 20
Gan 100
Thận 50
Mỡ 500
42. NARASIN
ADI: 0 - 5 g/kg thể trọng/ng ày
Xác định hoạt chất: Narasin
Thực phẩm MRL (g/kg) Ghi chú

Mỡ bụng 480
43. NEOMYCIN (Thuốc kháng sinh)
ADI: 0 - 60 g/kgthể trọng/ngày
Xác định hoạt chất: Neomycin
Thực phẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Trâu, bò
Thịt 500
Gan 500
Thận 1000
Mỡ 500
Sữa 1500

Thịt 500
Gan 500
Thận 1000
Mỡ 500
Trứng 500
Dê, cừu, lợn, gà tây và
vịt
Thịt 500
Gan 500
Thận 10000
Mỡ 500
44. NICARBAZIN (Thuốc chống sinh vật đơn bào)
ADI: 0 - 400 g/kgthể trọng/ngày
Xác định hoạt chất: Nicarbazin
Thực phẩm MRL (g/kg) Ghi chú

Thịt 200 Áp dụng đối v ới gà giò
Gan 200 -nt-
Thận 200 -nt-
Mỡ/Da 200 -nt-
45. PHOXIM (Thuốc trừ sâu)
ADI: 0 - 4 g/kg thể trọng/ng ày
Xác định hoạt chất: Phoxim
Thực phẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Dê, cừu và l ợn
Thịt 50
Gan 50
Thận 50
Mỡ 400
46. PIRLIMYCIN (Thuốc kháng sinh)
ADI: 0 - 8 g/kgthể trọng/ngày
Xác định hoạt chất: Pirlimycin
Thực ph ẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Trâu, bò
Sữa (g/l) 100
Thịt 400
Gan 1000
Thận 400
Mỡ 100
47. RACTOPAMINE
ADI: 0 - 1,25 g/kg thể trọng/ng ày
Xác định hoạt chất: Ractopamine hydrochloride
Thực phẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Trâu, bò
Thịt 30
Gan 90
Lợn
Thịt 50
Gan 150
48. SARAFLOXACIN (Thuốc kháng sinh)
ADI: 0 - 0,3 g/kg thể trọng/ng ày
Xác định hoạt chất: Sarafloxacin
Thực phẩm MRL (g/kg) Ghi chú

Thịt 10
Gan 80
Thận 80
Mỡ 20
Gà tây
Thịt 10
Gan 80
Thận 80
Mỡ 20
49. SEMDURAMICIN
ADI: 0 - 180 g/kg thể trọng/ng ày
Xác định hoạt chất: Semduramicin
Thực phẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Gà giò
Thịt 130
Gan 400
Lợn
Thịt 50
Gan 150
50. SPECTINOMYCIN (Thuốc kháng sinh)
ADI: 0 - 40 g/kg thể trọng/ng ày
Xác định hoạt chất: Spectinomycin
Thực phẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Trâu, bò
Sữa (g/l) 200
Thịt 500
Gan 2000
Thận 5000
Mỡ 2000
Cừu, lợn
Thịt 500
Gan 2000
Thận 5000
Mỡ 2000

Trứng 2000
Thịt 500
Gan 2000
Thận 5000
Mỡ 2000
51. SPIRAMYCIN (Thuốc kháng sinh)
ADI: 0 - 50 g/kg thể trọng/ng ày
Xác định hoạt chất: Trâu, bò và gà xác định tổng spiramycin và neospiramycin; lợn xác định
spiramycin tương đương (dư lượng hoạt tính chống vi khuẩn).
Thực ph ẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Trâu, bò
Sữa (g/l) 200
Thịt 200
Gan 600
Thận 300
Mỡ 300
Lợn
Thịt 200
Gan 600
Thận 300
Mỡ 300

Thịt 200
Gan 600
Thận 800
Mỡ 300
52. SULFADIMIDINE (Thuốc kháng sinh)
ADI: 0 - 50 g/kg thể trọng/ng ày
Xác định hoạt chất: Sulfadimidine
Thực ph ẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Trâu, bò
Sữa (g/l) 25
Không quy định loài
Thịt 100
Gan 100
Thận 100
Mỡ 100
53. THIABENDAZOLE (Thuốc trừ giun sán)
ADI: 0 - 100 g/kg thể trọng/ng ày
Xác định hoạt chất: Tổng thiabendaz ole và 5-hydroxythiabendazole
Thực phẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Trâu, bò và dê
Sữa (g/l) 100 Mức giới hạn này bao gồm cả dư lượng từ thức
ăn gia súc do thực hành nông nghiệp
Thịt 100 -nt-
Gan 100 -nt-
Thận 100 -nt-
Mỡ 100 -nt-
Cừu và lợn
Thịt 100 -nt-
Gan 100 -nt-
Thận 100 -nt-
Mỡ 100 -nt-
54. TILMICOSIN (Thuốc kháng sinh)
ADI: 0 - 40 g/kg thể trọng/ng ày
Xác định hoạt chất: Tilmicosin
Thực phẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Trâu, bò
Thịt 100
Gan 1000
Thận 300
Mỡ 100
Lợn
Thịt 100
Gan 1500
Thận 1000
Mỡ 100
Cừu
Sữa (g/l) 50
Thịt 100
Gan 1000
Thận 300
Mỡ 100
55. TRENBOLONE ACETATE (Hoạt chất tăng trưởng)
ADI: 0 - 0,02 g/kg thể trọng/ng ày
Xác định hoạt chất: Thị t trâu, bò, xác định beta-Trenbolone
Gan trâu, bò, xác định alpha-Trenbolone
Thực ph ẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Trâu, bò
Thịt 2
Gan 10
56. TRICLABENDAZOLE (Thuốc trừ giun sán)
ADI: 0 - 3 g/kg thể trọng/ng ày
Xác định hoạt chất: 5-Chloro-6-(2’,3’-dichlorophenoxyl)-benzimidazole-2-one
Thực phẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Trâu, bò
Thịt 200
Gan 300
Thận 300
Mỡ 100
Lợn
Thịt 100
Gan 100
Thận 100
Mỡ 100
57. TRICLORFON (METRIFONAT) (Thuốc trừ sâu)
ADI: 0 - 2 g/kg thể trọng/ng ày
Xác định hoạt chất:
Thực phẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Trâu, bò
Sữa (g/l) 50
58. VIRGINIAMYCIN
ADI: 0 - 250 g/kg thể trọng/ng ày
Xác định hoạt chất: Virginiamycin
Thực phẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Lợn
Thịt 100
Gan 300
Thận 300
Mỡ 300
59. ZERANOL (Hoạt chất tăng trưởng)
ADI: 0- 0,5 g/kgthể trọng/ngày
Xác định hoạt chất: Zeranol
Thực ph ẩm MRL (g/kg) Ghi chú
Trâu, bò
Thịt 2
Gan 10

Phần 3.
GIỚI HẠN TỐI ĐA ĐỘC TỐ VI NẤM TRONG THỰC PHẨM

Loại thực phẩm Tên độc tố vi nấm ML (g/kg)


Thực phẩm (chung cho các loại thực phẩm) Aflatoxin B1 5
Thực phẩm (chung cho các loại thực phẩm) Aflatoxin B1B2G1G2 15
Hạt ngũ cốc và các sản phẩm ngũ cốc Ochratoxin A 5
Trái cây và nước trái cây Patulin 50
Nước trái cây cô đặc và các sản phẩm từ chúng 50
Bột mì và các sản phẩm chế biến từ bột mỳ Deoxynivalenol (DON) 1000
Ngô và các hạt ngũ cốc khác Zearalenone 1000
Ngô Fumonisin 1000
Sữa và các sản phẩm sữa Aflatoxin M1 0.5

Phần 4.
QUY ĐỊNH VỆ SINH AN TOÀN
ĐỐI VỚI BAO BÌ, DỤNG CỤ CHỨA ĐỰNG THỰC PHẨM
4.1. Quy định giới hạn tối đa kim loại nặng thôi nhiễm từ dụng cụ chứa đựng thực phẩm
bằng gốm và thủy tinh

Loại dụng cụ n Giới hạn thôi nhiễm Đơn vị Giới hạn Giới hạn
cho phép của chì của cadimi
Dụng cụ chứa đựng bằng 4 Trung bình ≤ giới hạn mg/dm2 0,8 0,07
gố m, thủy tinh có lòng
nông phẳng
Dụng cụ bằng gốm có 4 Tất cả các mẫu ≤ giới hạn mg/l 2 0,5
lòng sâu cỡ nhỏ
Dụng cụ bằng gốm có 4 Tất cả các mẫu ≤ giới hạn mg/l 1 0,25
lòng sâu cỡ lớn
Dụng cụ bằng gốm có 4 Tất cả các mẫu ≤ giới hạn mg/l 0,5 0,25
lòng sâu dùng để bảo quản
Cốc, chén 4 Tất cả các mẫu ≤ giới hạn mg/l 0,5 0,25
Dụng cụ dùng để nấu 4 Tất cả các mẫu ≤ giới hạn mg/l 0,5 0,05
Chú thích:
n: số mẫu xét nghiệm.

4.2. Quy định giới hạn tối đa kim loại nặng thôi nhiễm từ dụng cụ chứa đựng thực phẩm
bằng thuỷ tinh có lòng sâu

Dụng cụ bằng thủy tinh n Giới hạn thôi nhiễm Đơn vị Giới hạn Giới hạn
có lòng sâu cho phép của chì của cadimi
Cỡ nhỏ 4 Tất cả các mẫu ≤ giới hạn mg/l 1,5 0,5
Cỡ lớn 4 Tất cả các mẫu ≤ giới hạn mg/l 0,75 0,25
Dùng để bảo quản 4 Tất cả các mẫu ≤ giới hạn mg/l 0,5 0,25
Chú thích: n: số mẫu xét nghiệm.

4.3. Quy định giớ i hạn tối đa thôi nhiễm từ hợp kim chế tạo đồ hộp (không kể loại đựn g thự c
phẩm khô, dầu , mỡ)

Tên kim loạ i Phương pháp thử nghiệm và giớ i hạn


Điều kiện ngâm chiết Dung dịch ngâm thôi Giới hạn cho phép
Arsen 0
60 C trong 30 phút Nước Không quá 0,2 mg/kg
0,5% axit xitric (As2O3)
Cadimi 0
60 C trong 30 phút Nước Không quá 0,1 mg/kg
0,5% axit xitric
Chì 0
60 C trong 30 phút Nước Không quá 0,4 mg/kg
0,5% axit xitric
Phenol 600C trong 30 phút Nước Không quá 5 mg/kg
Formalđehyt Âm tính
Cặn khô 250C trong 1 giờ n-heptan Không quá 90 mg/kg

600C trong 30 phút 20% etanol Không quá 30 mg/kg

600C trong 30 phút Nước


4% axit axetic
Epiclohyđrin 250C trong 2 giờ n-heptan Không quá 0,5 mg/kg
Vinylclorua Không quá 50C trong 24 giờ Etanol Không quá 0,05 mg/kg

4.4. Quy đị nh giới hạn tối đa thôi nhiễ m từ nhự a tổng hợp

Loại thiết bị Kiểm tra Phương pháp thử nghiệm và giới hạn
nguyên liệu Chỉ tiêu Điều kiện Dung dịch Giới hạn cho phép
kiểm tra ngâm chiết ngâm thôi
Cao su tổng Cadimi không Chì 0
60 C trong 4% axit Không quá 1 mg/kg
hợp (tiêu quá 100 mg/kg Lượng 30 phút axetic
chuẩn chung) Chì không quá KMnO4 sử Nước Không quá 10 mg/kg
100 mg/kg dụng
Cao su tổng Phenol 600C trong Nước Âm tính
hợp từ Formalđehyt 30 phút Âm tính
Formalđehyt Cặ n sấy khô 4% axit Không quá 30
(tiêu chuẩn axetic mg/kg
đặc biệt)
Nylon (PA) Caprolac- 600 trong 30 20% etanol Không quá 15 mg/kg
tam phút
Cặn khô 25C trong 1 n-heptan Không quá 30 mg/kg
giờ
600C trong 20% etanol
30 phút
600C trong Nước
30 phút 4% axit
axetic
Polymetyl Cặn khô 250C trong n-heptan Không quá 120
pentene 1 giờ mg/kg
(PMP)
600C trong 20% etanol Không quá 30 mg/kg
30 phút
600C trong Nước
30 phút 4% axit
axetic
Polycacbonat - Bisphenol A Bisphenol A 250C trong n-heptan Không quá 2,5
(PC) (bao gồm (phenol và 1 giờ mg/kg
phenol và p-t- p- t-butyl
butyl phenol) phenol) 600C trong 20% etanol
không quá 500 30 phút
mg/kg 600C trong Nước
- Diphenyl 30 phút 4% axit
cacbonat axetic
không quá 500 Cặn khô 25 C trong n-heptan
0 Không quá 30 mg/kg
mg/kg - 1 giờ
- Amin
600C trong 20% etanol
(trictylamin và
tributylamin) 30 phút
không quá 1 600C trong Nước
mg/kg) 30 phút 4% axit
axetic
Polyvinyl Cặn khô 250C trong n-heptan Không quá 30
alcol (PVA) 1 giờ mg/kg

600C trong 20% etanol


30 phút
600C trong Nước
30 phút 4% axit
axetic
Polystyren Tổng số chất Cặn khô 250C trong n-heptan Không quá 240
(PS) bay hơi 1 giờ mg/kg
(styren, toluen,
etylbenzen 600C trong 20% etanol Không quá 30
30 phút mg/kg
isopropylbenz
en và n- 600C trong Nước
propylbenzen) 30 phút 4% axit
không quá axetic
5000 mg/kg
Polyvinyliden - Bari không Cặn khô 25oC trong n-heptan Không quá 30
clorua quá 100 mg/kg 1 giờ mg/kg
(PVDC) - Vinyliden
clorua không 600C trong 20% etanol
quá 6 mg/kg 30 phút
600C trong Nước
30 phút 4% axit
axetic
Polymetyl Metyl 600C trong 20% etanol Không quá 15
metacrylate metacrylat 30 phút mg/kg
(PMMA) Cặn khô 250C trong n-heptan Không quá 30
1 giờ mg/kg

600C trong 20% etanol


30 phút
600C trong Nước
30 phút 4% axit
axetic

4.5. Quy định vệ sinh an toàn chất tẩy rửa dùng để rửa d ụng cụ tiếp xúc với thực phẩm

Thành phần cho phép Tiêu chuẩn


và cách sử dụng
Đặc tính kỹ thuật của - Arsen (As) không quá 0,05 mg/kg (tính theo As2O3)
chất tổng h ợp - Chì (Pb) không quá 1 mg/kg
- Metanol không quá 1 mg/ml
Thành phần cơ bản của dung dị ch (có pH)
+ Chất tẩy rửa là axit béo pH: 6,0 - 10,5.
+ Chất tẩy rửa khác pH trên 6,0 - 8,0.
- Không có enzym hoặc các thành phần khác có tác dụng tẩy trắng
Chất thơm theo danh mục cho phép của Bộ Y tế
Phụ gia thực phẩm theo danh mục cho phép của Bộ Y tế
Độ phân hủy sinh học (Biodegradability) không thấp hơn 85%
Tiêu chuẩn sử dụng Nồng độ sử dụng (tác dụng bề mặt):
+ Chất tẩy rửa là axit béo không quá 0,5%
+ Chất tẩy rửa khác: không quá 1,0%
Rau quả không được ngâm trong dung dịch có chất tẩy rửa quá 5 phút
Rau quả, dụng cụ ăn sau khi rửa có sử dụng chất tẩy rửa phải được tráng
kỹ bằng nước sạch theo yêu cầu sau:
+ Nước từ vòi: rau quả ít nhất là 30 giây, dụng cụ chia ăn ít nhất là 5
giây
+ Nước trong chậu: thay nước sạch ít nhất là 2 lần

4.6. Quy định giới hạn tối đa kim loại nặng thôi nhiễm từ dụng cụ chứa đựng, bảo quản và
đun nấu thực phẩm (trừ dụng cụ bằng gốm, thuỷ tinh)
4.6.1. Giới hạn tối đa kim loại nặng thôi nhiễm từ dụng cụ chứa đựng, bảo quản thực
phẩm
4.6.1.1. Quy định giới hạn tối đa thôi nhiễm kim loại nặng

TT Tên kim loại ML (mg/kg)


1 Antimon (Sb) 0,2
2 Arsen (As) 0,2
3 Cadimi (Cd) 0,2
4 Chì (Pb) 2

4.6.1.2. Ghi chú phương pháp kiểm tra


Chuẩn bị mẫu kiểm tra dụng cụ ch ứa đựng bảo quản như sau:
a. Rửa dụng cụ bằng xà phòng và tráng nhiều lần bằng nước sạch, không tiếp xúc với bề
mặt đồ chứa đựng thực phẩm khi đã rửa xong.
b. Đổ đầy dung dịch axit axetic 4% (v/v), để 24 giờ tại nhiệt độ phòng (ghi lượng dung
dịch trước khi lấy phân tích).
c. Sau 24 giờ quấy đều dung dịch axit axetic 4% và lấy một lượng đủ để phân tích định
lượng Sb, As, Cd, Pb.
4.6.2. Giới hạn tối đa kim loại nặng thôi nhiễm từ dụng cụ đun nấu thực phẩm
4.6.2.1. Quy định giới hạn tối đa thôi nhiễm kim loại nặng

TT Tên kim loại ML (mg/kg)


1 Antimon (Sb) 0,7
2 Arsen (As) 0,7
3 Cadimi (Cd) 0,7
4 Chì (Pb) 7

4.6.2.2. Ghi chú phương pháp kiểm tra


Chuẩn bị mẫu kiểm tra dụng cụ đun nấu như sau:
a. Rửa dụng cụ bằng xà phòng và tráng nhiều lần bằng nước sạch, không tiếp xúc với bề
mặt đồ chứa đựng thực phẩm khi đã rửa xong.
b. Đổ dung dịch axit axetic 4% (v/v) đến khoảng 2/3 dung tích dụng cụ đun nấu, đánh dấu
mức dung tích ban đầu, đun sôi dung dịch trong 2 giờ. Trong quá trình đun sôi, liên tục đổ thêm
dung dịch axit axetic 4% tới vạch đánh dấu dung tích ban đầu trước khi đun. Sau đó để nguội đổ
thêm dung dịch axit axetic 4% tới vạch đánh dấu, để ở nhiệt độ phòng trong 22 giờ (ghi lượng
dung dịch trước khi
lấy phân tích).
c. Sau 22 giờ quấy đều dung dịch axit axetic 4% và lấy một lượng đủ để phân tích định
lượng Sb, As, Cd, Pb.
Phần 5.
GIỚI HẠN TỐI ĐA KIM LOẠI TRONG THỰC PHẨM

TT Tên kim loại Loại thực phẩm ML (mg/kg)


1 Antimon (Sb) Sữa và sản phẩm sữa 1,0
Thịt và sản phẩm thịt 1,0
Cá và sản phẩm cá 1,0
Dầu, mỡ 1,0
Sản phẩm rau, quả (trừ nước ép rau, quả) 1,0
Chè và sản phẩm chè 1,0
Cà phê 1,0
Cacao và sản phẩm cacao 1,0
Gia vị 1,0
Nước chấm 1,0
Nước ép rau, quả 0,15
Đồ uống có cồn 0,15
Nước giải khát cầ n pha loãng trước khi dùng 0,15
Nước giải khát dùng ngay 0,15
Thực phẩm đặc biệt:
- Thức ăn cho trẻ dưới 1 tuổi 1,0
- Thực phẩm đóng hộp cho trẻ dưới 1 tuổi và trên 1 tuổi 1,0
- Thực phẩm từ ngũ cốc cho trẻ dưới 1 tuổi và trên 1 tuổi 1,0
2 Arsen (As) Sữa và sản phẩm sữa 0,5
Thịt và sản phẩm thịt 1,0
Rau câu (đối với arsen vô cơ) 1,0
Tôm, cua (đối với arsen vô cơ) 2,0
Cá (đối với arsen vô cơ) 2,0
Động vật thân mềm (đối với arsen vô cơ) 1,0
Dầ u, mỡ 0,1
Sản phẩm rau, quả (trừ nước ép rau, quả) 1,0
Chè và sản phẩm chè 1,0
Cà phê 1,0
Cacao và sản phẩm cacao 1,0
Gia vị 5,0
Nước chấm 1,0
Nước ép rau, quả 0,1
As (tiếp) Đồ uống có cồn 0,2
Nước giải khát cầ n pha loãng trước khi dùng 0,5
Nước giải khát dùng ngay 0,1
Ngũ cốc 1,0
Thực phẩm chức năng 5,0
Thự c phẩm đặc biệt:
- Thức ăn cho trẻ dưới 1 tuổi 0,1
- Thực phẩm đóng hộp cho trẻ dưới 1 tuổi và trên 1 tuổi 0,1
- Thự c phẩm từ ngũ cốc cho trẻ dưới 1 tuổi và trên 1 tuổi 0,1
3 Cadimi (Cd) Sữ a và sản phẩm sữ a 1,0
Thịt trâu, bò, cừu, lợn và gia cầm 0,05
Thịt ngựa 0,2
Thận trâu, bò, cừu, lợn và gia cầm 1,0
Gan trâu, bò, cừu và lợn và gia cầm 0,5
Cá (trừ các loại cá dưới đây) 0,05
Cá ngừ, cá vền, cá trồng châu Âu, cá đối, cá thu, cá mòi, 0,1
cá bơn
Động vật thân mềm 2 mảnh vỏ 1,0
Tôm, cua, giáp xác 0,5
Dầu, mỡ 1,0
Rau, quả (trừ rau ăn lá, rau thơm, nấm, rau ăn thân, rau 0,05
ăn củ và khoai tây)
Rau ăn lá, rau thơm, cần tây, nấm 0,2
Rau ăn thân, củ (trừ cần tây và khoai tây) 0,1
Khoai tây (đã bỏ vỏ) 0,1
Các loại rau khác (trừ nấm và cà chua) 0,05
Chè và sản phẩm chè 1,0
Cà phê 1,0
Sô cô la và sản phẩm cacao 0,5
Gia vị 1,0
Nước chấm 1,0
Nước ép rau, quả 1,0
Đồ uống có cồn 1,0
Nước giải khát cần pha loãng trước khi dùng 1,0
Nước giải khát dùng ngay 1,0
Lạc 0,1
Hạ t lúa mì, hạt mầm, gạo 0,2
Cd (tiếp) Đậu nành 0,2
Ngũ cốc, đậu đỗ (trừ cám, mầm, lúa mì, gạo, đậu nành và 0,1
lạc)
Thự c phẩm chức năng 0,3
Thực phẩm đặc biệt:
- Thức ăn cho trẻ dưới 1 tuổi 1,0
- Thự c phẩm đóng hộp cho trẻ dưới 1 tuổi và trên 1 tuổi 1,0
- Thự c phẩm từ ngũ cốc cho trẻ dưới 1 tuổi và trên 1 tuổi 1,0
4 Chì (Pb) Sữa và sản phẩm sữa 0,02
Thịt trâu, bò, gia cầm, cừu và lợn 0,1
Phần ăn được của trâu, bò, lợn, gia cầm (ruột, đầu, 0,5
đuôi...)
Dầ u, mỡ, bao gồm chất béo trong sữa 0,1
Cá (trừ các loại cá dưới đây) 0,2
Cá ngừ, cá vền, cá nuôi châu Âu, cá đối, cá thu, cá mòi, 0,4
cá bơn
Động vật thân mềm 2 mảnh vỏ 1,5
Thự c phẩm chức năng 10,0
Tôm, cua, giáp xác, trừ thịt cua nâu 0,5
Quả 0,1
Quả nhỏ, quả mọng và nho 0,2
Nước ép quả, nước ép quả cô đặc (sử dụng ngay) và 0,05
necta quả
Rau, bao gồm khoai tây gọt vỏ (trừ cải bắp, rau ăn lá, 0,1
nấm, hoa bia và thảo mộc)
Cải bắp (trừ cải xoăn), rau ăn lá (trừ rau bina) 0,3
Ngũ cốc, đậu đỗ 0,2
Chè và sản phẩm chè 2,0
Cà phê 2,0
Cacao và sản phẩm cacao 2,0
Gia vị 2,0
Nước chấm 2,0
Đồ uống có cồn 0,5
Rượu vang 0,2
Thức ăn cho trẻ dưới 1 tuổi 0,02
5 Thủy ngân Sữa và sản phẩm sữa 0,05
(Hg) Thị t và sản phẩm thịt 0,05
Tất cả các loài cá (trừ loài ăn thịt) 0,5
Hg (tiếp) Cá ăn thịt (cá mập, cá kiếm, cá ngừ, cá lớn răng nhọn...) 1,0
Tôm, cua, động vật thân mềm 2 mảnh vỏ 0,5
Thự c phẩm chức năng 0,5
Dầu, mỡ 0,05
Sản phẩm rau, quả (trừ nước ép rau, quả) 0,05
Chè và sản phẩm chè 0,05
Cà phê 0,05
Cacao và sản phẩm cacao 0,05
Gia vị 0,05
Nước chấm 0,05
Nước ép rau, quả 0,05
Đồ uống có cồn 0,05
Nước giải khát cầ n pha loãng trước khi dùng 0,05
Nước giải khát dùng ngay 0,05
Thực phẩm đặc biệt:
- Thức ăn cho trẻ dưới 1 tuổi 0,05
- Thực phẩm đóng hộp cho trẻ dưới 1 tuổi và trên 1 tuổi 0,05
- Thực phẩm từ ngũ cốc cho trẻ dưới 1 tuổi và trên 1 tuổi 0,05
6 Thiếc (Sn) Thự c phẩm đóng hộp trừ đồ uống 200
Đồ uống đóng hộp, bao gồm nước ép rau, quả 100
Thực phẩm đóng hộp cho trẻ dưới 1 tuổi và trên 1 tuổi,
trừ sản phẩm dạng bột, khô:
- Thực phẩm đóng hộp cho trẻ em và thực phẩm làm từ 50
ngũ cốc cho trẻ dưới 1 tuổi và trên 1 tuổi
- Thức ăn đóng hộp cho trẻ dưới 1 tuổi và từ 1 đến 3 tuổi 50
bao gồm sữa
- Thực phẩm ăn kiêng và thực phẩm sử dụng với mục 50
đích đặc biệt đóng hộp cho trẻ dư ới 1 tuổi
7 Đồ ng (Cu) Sữ a và sản phẩm sữ a 30
Thịt và sản phẩm thịt 20
Cá và sản phẩm cá 30
Dầu, mỡ 0,5
Sản phẩm rau, quả (trừ nước ép rau, quả) 30
Chè và sản phẩm chè 150
Cà phê 30
Cacao và sản phẩm cacao 70
Gia vị 30
Cu (tiếp) Nước chấm 30
Nước ép rau, quả 10
Đồ uống có cồn 5,0
Nước giải khát cầ n pha loãng trước khi dùng 10
Nước giải khát dùng ngay 2,0
Thực phẩm đặc biệt:
- Thứ c ăn cho trẻ dưới 1 tuổi 5,0
- Thực phẩm đóng hộp cho trẻ dưới 1 tuổi và trên 1 tuổi 5,0
- Thực phẩm từ ngũ cốc cho trẻ dưới 1 tuổi và trên 1 tuổi 5,0
8 Kẽm (Zn) Sữ a và sản phẩm sữ a 40
Thịt và sản phẩm thịt 40
Cá và sản phẩm cá 100
Dầ u, mỡ 40
Sản phẩm rau, quả (trừ nước ép rau, quả) 40
Chè và sản phẩm chè 40
Cà phê 40
Cacao và sản phẩm cacao 40
Gia vị 40
Nước chấm 40
Nước ép rau, quả 5,0
Đồ uống có cồn 2,0
Nước giải khát cần pha loãng trước khi dùng 25
Nước giải khát dùng ngay 5,0
Thự c phẩm đặc biệt:
- Thức ăn cho trẻ dưới 1 tuổi 40
- Thực phẩm đóng hộp cho trẻ dưới 1 tuổi và trên 1 tuổi 40
- Thự c phẩm từ ngũ cốc cho trẻ dưới 1 tuổi và trên 1 tuổi 40

Phần 6.
GIỚI HẠN VI SINH VẬT TRO NG THỰC PHẨM
GIỚI HẠN VI SINH VẬT TRONG THỰC PHẨM KHÔNG ĐƯỢC PHÉP
VƯỢT QUÁ GIỚI HẠN ĐƯỢC QUY ĐỊNH TẠI CÁC BẢNG DƯỚI ĐÂY:
6.1. Giới hạn cho phép vi sinh vật trong sữa và sản phẩm sữa

TT SẢN PHẨM LOẠI VI KHUẨN GIỚI HẠN VI SINH VẬT


(Trong 1g hoặc 1ml sản phẩm) (*)
1 Sữa dạng lỏng và đồ uống từ sữa bao gồm sữa dạng lỏng được bổ sung hương liệu
hoặc các phụ gia thực phẩm khác
1.1 Các sản phẩm được TSVSVHK (a) 5x105
thanh trùng bằng Coliforms Không có
phương pháp Pasteur E. coli Không có
(hoặc <3 MPN)
S. aureus Không có
Listeria monocytogenes Không có
Salmonella.spp Không có
1.2 Các sản phẩm được tiệt TSVSVHK (a) 102
trùng bằng phư ơng Coliforms Không có
pháp UHT hoặc các E. coli Không có
phương pháp tiệt trùng (hoặc <3 MPN)
bằng nhiệt độ cao khác
S.aureus Không có
Listeria monocytogenes Không có
Salmonella.spp Không có
2 Sữa lên men bao gồm sữa lên men dạng lỏng và đặc
Coliforms 10
E. coli Không có
(hoặc< 3 MPN)
S.aureus Không có
Listeria monocytogenes Không có
Salmonella.spp Không có
Nấm men 102
Nấm mốc 102
3 Sữa dạng bột
TSVSVHK 5x105
Coliforms 10
B.cereus 102
E.coli Không có
(hoặc < 3 MPN)
S.aureus 10
Listeria monocytogenes Không có
Salmonella.spp Không có
4 Sữa đặc
Listeria monocytogenes Không có
Salmonella.spp Không có
5 Kem sữa (cream)
5.1 Kem sữa được tiệt Coliforms 10
trùng bằng phư ơng E. coli Không có
pháp Pasteur (hoặc <3 MPN)
S. aureus Không có
Listeria monocytogenes Không có
Salmonella.spp Không có
5.2 Kem sữa được tiệt TSVSVHK (b) 102
trùng bằng phư ơng Coliforms Không có
pháp UHT E.coli Không có
(hoặc < 3 MPN)
S. aureus Không có
Listeria monocytogenes Không có
Salmonella.spp Không có
6 Phomat
Coliforms 104
E. coli 102
S. aureus 102
Listeria monocytogenes Không có
Salmonella.spp Không có
0
a) TSVSVHK ở 21 C
(b) TSVSVHK ở 300C
(*) Tính trên 25g hoặc 25 ml đối với Salmonella.spp và Listeria monocytogenes

6.2. Quy định giới hạn cho phép vi sinh vật trong thịt và sản phẩm thịt

TT SẢN PHẨM LOẠ I VI SINH VẬT GIỚI HẠN VI SINH VẬT


(Trong 1g hoặc 1ml sản phẩm) (*)
1. Thịt tươi, đông lạ nh
1.1 Thịt tươi, thịt đông TSVSVHK 105
lạnh ng uyên con hoặc Coliforms
cắt miếng 102
E. coli 102
S. aureus 102
Cl.perfringens 102
Salmonella Không có
1.2 Thịt tươi, thịt đông TSVSVHK 106
lạnh x ay nhỏ Coliforms 102
E. coli 102
S. aureus 102
Cl.perfringens 102
Salmonella Không có
2. Thịt và sản phẩm thịt chế biến không xử lý nhiệt (sử dụng trực tiếp)
2.1 Thịt và sản phẩm thịt TSVSVHK 103
dạng muối, xông khói Coliforms 50
E. coli 10
S. aureus 102
Cl.perfringens 102
Salmonella Không có
Listeria monocytogenes Không có
2.2 Thịt và sản phẩm thịt Coliforms 50
lên men E. coli 10
S. aureus 102
Cl.perfringens 102
Salmonella Không có
Listeria monocytogenes Không có
3. Thịt và sản phẩm thịt đã qua xử lý nhiệt
3.1 Thịt và sản TSVSVHK 104
phẩm thịt đóng
Coliforms 50
gói
E. coli Không có
(hoặc < 3 MPN)
S. aureus 102
Cl.perfringens 10
Cl. botuliniums Không có
Salmonella Không có
Listeria monocytogenes Không có
3.2 Thịt và sản TSVSVHK 105
phẩm thịt không
Coliforms 50
đóng gói
E. coli Không có
(hoặc < 3 MPN)
S. aureus 102
Cl.perfringens 102
Salmonella Không có
Listeria monocytogenes Không có
3.3 Thịt khô TSVSVHK 105
Coliforms 50
E. coli Không có
(hoặc < 3 MPN)
S. aureus 102
Cl.perfringens 102
Salmonella Không có
Listeria monocytogenes Không có
3.4 Thịt hộp E. coli Không có
(hoặc < 3 MPN)
S. aureus Không có
Cl.perfringens Không có
Cl.botuliniums Không có
Salmonella Không có
(*) Tính trên 25g hoặc 25ml đối với Salmonella, Listeria monocytogenes.
6.3. Quy định giới hạn cho phép vi sinh vật trong cá và thuỷ sản

TT SẢN PHẨM LOẠI VI SINH VẬT GIỚI HẠN VI SINH VẬT


(Trong 1g hoặc 1ml sản phẩm) (*)
1 Cá và thủy sản tư ơi: cá TSVSVHK 106
đông lạnh, cá tươi, các E.coli
loại nhuyễn thể, các 102
sản phẩm của cá (phải S.aureus 102
xử lý nhiệt trước khi sử Cl.perfringens 102
dụng)
Salmonella Không có
V. parahaemolyticus 102
2 Sản phẩm chế biến từ TSVSVHK 105
cá và thủy sản: tôm, cá Coliforms 10
hấp nóng, hun khói, E.coli 3
chả cá, chả mực, các
S.aureus 10
loại giáp xác, nhuyễn
Cl.perfringens 10
thể luộc, hấp (dùng
Salmonella Không có
trực tiếp, không qua xử
V. parahaemolyticus 10
lý nhiệt trước khi sử
dụng) TSBTNM-M 10
3 Thủy sản khô sơ chế TSVSVHK 106
(Phải xử lý nhiệt trước Coliforms
khi sử dụng) 102
E.coli 10
S.aureus 102
Cl.perfringens 20
Salmonella Không có
V. parahaemolyticus 102
(*) Tính trên 25g hoặc 25 ml đối với Salmonella

6.4. Quy định giới hạn cho phép vi sinh vật trong trứng và sản phẩm trứng

TT SẢN PHẨM LOẠI VI SINH VẬT GIỚI HẠN VI SINH VẬT


(trong 1g hay 1ml thực phẩm) (*)
1 Trứng tư ơi, dịch trứng TSVSVHK 105
tươi hoặc đông lạnh Coliforms 102
E.coli 3
S.aureus 10
Salmonella Không có
2 Sản phẩm chế biến từ TSVSVHK 103
trứng (đã tiệt trùng Coliforms 10
theo phương pháp E.coli Không có
Pasteur) S.aureus 3
Salmonella Không có
(*) Tính trên 25g hoặc 25 ml đối với Salmonella

6.5. Quy định giới hạn cho phép vi sinh vật trong ngũ cốc và sản phẩm ngũ cốc
TT SẢN PHẨM LOẠI VI SINH VẬ T GIỚI HẠN VI SINH VẬ T
(trong 1g hay 1ml thực phẩm) (*)
1 Sản phẩm chế biến từ TSVSVHK 106
ngũ cốc, khoai củ, đậu Coliforms
đỗ: bột, miến, mỳ sợi 103
(có xử lý nhiệt trước E.coli 102
khi sử dụng) S.aureus 102
Cl. perfringens 102
B.cereus 102
TSBTNM-M 103
2 Sản phẩm chế biến từ TSVSVHK 104
ngũ cốc, khoai củ, đậu, Coliforms 10
đỗ: bánh, bột (dùng E.coli 3
trực tiếp, không qua xử S.aureus 10
lý nhiệt trước khi sử
Cl. perfringens 10
dụng)
B.cereus 10
TSBTNM-M 102

6.6. Quy định giới hạn cho phép vi sinh vật trong rau, quả và sản phẩm rau, quả

TT SẢN PHẨM LOẠI VI SINH VẬT GIỚI HẠN VI SINH VẬT


(trong 1g hay 1ml thực phẩm) (*)
1 Rau quả tư ơi, rau quả TSVSVHK Giới hạn bởi G.A.P
đông lạnh Coliforms 10
E.coli Giới hạn bởi GAP
S.aureus Giới hạn bởi GAP
Cl. perfringens Giới hạn bởi GAP
Salmonalla Không có
2 Rau quả muối, rau quả TSVSVHK 104
khô Coliforms 10
E.coli Không có
Cl. perfringens 10
B.cereus 102
TSBTNM-M 102
(*) Tính trên 25g hoặc 25 ml đối với Salmonella

6.7. Quy định giới hạn cho phép vi sinh vật trong nước khoáng và nước giải khát đóng
chai

TT SẢN PHẨM LOẠI VI SINH VẬT GIỚI HẠN VI SINH VẬT


(trong 1g hay 1ml thực phẩm) (**)
1 Nước giải khát có cồn TSVSVHK 10
E.coli Không có
S.aureus Không có
Streptococci faecal Không có
P.aeruginosa Không có
Cl. Perfringens Không có
2 Nước giải khát không TSVSVHK 102
cồn Coliforms 10
E.coli Không có
S.aureus Không có
Streptococci faecal Không có
P.aeruginosa Không có
TSBTNM-M 10
Cl. Perfringens Không có
3 Nước khoáng đóng TSVSVHK Giới hạn bởi GMP
chai Coliforms Không có
Streptococci faecal Không có
P.aeruginosa Không có
Cl. Perfringens Không có
(**) Tính trên 250ml đối với nước khoáng đóng chai

6.8. Quy định giớ i hạn cho phép vi sinh vật trong gia vị và nước chấm

TT SẢN PHẨM LOẠ I VI SINH VẬT GIỚI HẠN VI SINH VẬT


(trong 1g hay 1ml thực phẩm) (*)
1 Gia vị TSVSVHK 104
Coliforms 102
E.coli 3
S.aureus 102
Salmonella Không có
TSBTNM-M 102
2 Nước chấm nguồn TSVSVHK 104
gốc động vật Coliforms 102
E.coli Không có
S.aureus 3
Cl.perjringens 10
Salmonella Không có
V.parahaemolyticus 10
3 Nước chấm nguồn TSVSVHK 104
gốc thực vật Coliforms 102
E.coli Không có
S.aureus 3
Cl. Perfringens 10
Salmonella Không có
TSBTNM-M 10
(*)Tính trên 25g hoặc 25ml đối với Salmonella

6.9. Quy định giớ i hạn cho phép vi sinh vật trong thức ăn đặc b iệt
TT SẢN PHẨM LOẠ I VI SINH VẬT GIỚI HẠN VI SINH VẬ T
(trong 1g hay 1ml thực phẩm) (*)
1 Thức ăn khô và thức ăn TSVSVHK 105
dinh dưỡng cho trẻ em, Coliforms
thức ăn thay thế đặc 102
biệt (phải xử lý nhiệt E.coli 10
trước khi sử dụng) S.aureus 102
Cl. perfringens 10
Salmonella Không có
B.cereus 102
2 Thức ăn khô và thức ăn TSVSVHK 104
dinh dưỡng cho trẻ em, Coliforms 10
thức ăn thay thế đặc E.coli Không có
biệt (dùng trực tiếp, S.aureus 3
không qua xử lý nhiệt
Cl. perfringens 10
trước khi sử dụng)
Salmonella Không có
B.cereus 10
(*) Tính trên 25g đối với Salmonella

6.10. Quy định giới hạn cho phép vi sinh vật trong kem và nước đá

TT SẢN PHẨM LOẠI VI SINH VẬT GIỚI HẠN VI SINH VẬT


(trong 1g hay 1ml thực phẩm) (*)
Kem, nước đá TSVSVHK 5.104
Coliforms 102
E.coli Không có
S.aureus 10
Salmonella Không có
Cl. perfringens 10
(*) Tính trên 25g hoặc 25ml đối với Salmonella

6.11. Quy định giới hạn cho phép vi sinh vật trong đồ hộp

TT SẢN PHẨM LOẠI VI SINH VẬT GIỚI HẠN VI SINH VẬT


(trong 1g hay 1ml thực phẩ m)
Sản phẩm chế biến từ E.coli Không có
thịt, cá đóng hộp, rau S.aureus Không có
quả đóng hộp Cl. perfringens Không có
Cl. botulinums Không có
TSBTNM-M Không có

6.12. Quy định giới hạn cho phép vi sinh vật trong dầu, mỡ
TT SẢN PHẨ M LOẠ I VI SINH VẬT GIỚI HẠN VI SINH VẬT
(trong 1g hay 1ml thực phẩm) (*)
Dầu, mỡ TSVSVHK 103
Coliforms 10
E.coli 3
S.aureus Không có
Salmonella Không có
TSBTNM-M Không có
(*)Tính trên 25g hoặc 25ml đối với Salmonella

Phần 7
DANH MỤC CÁC CHẤT HỖ TRỢ CHẾ BIẾN ĐƯỢC PHÉP SỬ DỤNG
TRONG SẢN XUẤT VÀ CHẾ BIẾN THỰC PHẨM
 Tên tiếng Việt tra theo Từ điển hoá học Việt Nam.
 Tên tiếng Anh, lĩ nh vực sử dụng và mức tồn dư tối đa (MRL) theo Codex.

TT Tiếng Việt Tiếng Anh Lĩnh vực sử dụng MRL


(mg/kg)
1. Các tác nhân chống 1. Antifoam agents
tạo bọt
1. Sản phẩm ankylen oxit Alkylene oxide adduct Sản xuất nước quả
2. Đimetylpolysiloxan Dimethylpolysiloxane Bia, dầu và mỡ
3. Copolyme etilenoxit - Ethylene oxide - propylene Sản xuất nước quả
propilen oxit oxide copolymers
4. Metyl este của axit béo Fatty acid methyl ester
5. Este poliankilen glicol Fatty acid polyakylene
của axit béo (1-5 phân tử
glycol ester (1-5 moles
etylen oxit hay propylenethylene oxide or
oxit) propylene oxide)
6. Ete glycol - Ancol béo Fatty alcohol-glycol ether Sản xuất nước quả
HO-CH2-CH2-OR
R=CnH2n+1, n=8-30
7. Ancol béo, CnH2n+1OH Fatty alcohols (C8-C30)
n=8-30
8. Dầu dừa đó hydrogen húa Hydrogenated coconut oil Sản xuất bỏnh kẹo 5 - 15
9. Este acyl béo ưa nước Hydrophillic fatty acyl Sản xuất nước quả
gắn thờm chất mang ester, linked to a neutral
trung tớnh carrier
10. Dung dịch Alfa metyl Alpha - methyl glycoside Sản xuất nước quả
glycozit water
11. Hỗn hợp các dẫn xuất Mixture of naturally Sản xuất nước quả
acyl béo tổng hợp và tự occurring and synthetic
nhiờn với các chất nhũ fatty acyl derivatives, with
húa added emulgators
12. Sản phẩm không sinh ion Non-ionogenic alkylene Sản xuất nước quả
ankylen oxit với chất nhũ oxide adduct with
húa emulgator
13. Các oxo-ancol C9-C30 Oxoalcohols C9-C30
14. Ancol polyetoxyl húa, Polyethoxylated alcohols, Sản xuất nước quả
biến tớnh modified
15. Copolyme polyglycol Polyglycol copolymer Sản xuất nước quả
16. Este polyoxyetylen của Polyoxyethylene esters of
axit béo C8-C30 C8-C30 fatty acids
17. Este polyoxyetylen của Polyoxyethylene esters of
oxoancol C9-C30 C9-C30 oxoalcohols
18. Metyl glycozit este dầu Methylglycoside coconut Sản xuất nước quả
dừa oil ester
19. Hỗn hợp este Mixtures of
polyoxyetylen và polyoxyethylene and
polyoxypropylen của các polyoxypropylene esters
axit béo C8-C30 of C8-C30 fatty acids
20. Ancol bậc cao biến tớnh. Modified higher alcohol Sản xuất nước quả
21. Polyme khối Polypropylene- Sản xuất nước quả
polypropylen - polyetylen proethylene block polymer
22. Este của axit béo thực vật Vegetable fatty acid esters Sản xuất nước quả
23. Axyl béo thực vật (ưa Vegetable fatty acyl Sản xuất nước quả
nước) (hydrophillic)
2. Các chất xúc tác 2. Catalysts
24. Nhụm Alluminium Dầu thực phẩm
được hydro hoỏ
25. Crụm Chromium Dầu thực phẩm < 0,1
được hydro hoá
26. Đồng Copper Dầu thực phẩm < 0,1
được hydro hoá
27. Đồng cromat Copper chromate Dầu thực phẩm
được hydro hoá
28. Đồng cromit Copper chromite
29. Mangan Manganese Dầu thực phẩm < 0,4
được hydro hoá
30. Molipđen Molybdenum Dầu thực phẩm < 0,1
được hydro hoỏ
31. Niken Nickel Đường; rượu <1
Sản xuất dầu cứng < 0,8
Dầu thực phẩm 0,2 - 1,0
được hydrohoá
32. Palađi Palladium Dầu thực phẩm < 0,1
được hydro hoá
33. Platin Platinum Dầu thực phẩm <0,1
được hydro hoá
34. Kali kim loại Potassium metal Dầu thực phẩm este <1
hoỏ
35. Kali metylat (metoxit) Potassium methylate Dầu thực phẩm este <1
(methoxide) hoỏ
36. Kali etylat (etoxit) Potassium ethylat Dầu thực phẩm este <1
(ethoxide) hoỏ
37. Bạc Silver Dầu thực phẩm <0,1
được hydrogen hoá
38. Natri amid Sodium amide Dầu thực phẩm <1
este hoỏ
39. Natri etylat Sodium ethylate Dầu thực phẩm este <1
hoỏ
40. Natri metylat (metoxit) Sodium methylate Dầu thực phẩm este <1
(methoxide) hoỏ
41. Axit triflometan sunfonic Trifluoromethane sulfonic Chất thay thế bơ <0,01
(CF3 SO3H) acid cacao
42. Zirconi Zirconium
3. Các tác nhân làm 3. Clarifying agents/
trong/chất trợ lọc filtration aids
43. Đất sét hấp phụ (tẩy màu, Absorbent clays Thủy phân tinh bột;
đất tự nhiên hay hoạt (bleaching, natural, or đường; dầu thực vật
tính) activated earths)
44. Anbumin Albumin
45. Asbestos Asbestos
46. Bentonit Bentonite Thủ y phân tinh bột
47. Nhựa đivinylbenzen Chloromethylated Chế biến tinh bột <1
clometyl hóa và amin hóa aminated styrene -
divinylbenzene resin.
48. Điatomit Diatomaceous earth Sản xuất nước quả
Thủ y phân tinh bột
49. Copolyme đivinylbenzen- Divinylbenzen - Thự c phẩm dạng 0,00002
etyl vinylbenzen ethylvinylbenzen lỏng (trừ nước có chiết suất
copolymer ga) từ
copolyme
50. Đất sét hoạt tính Fulleris earth Thủy phân tinh bột
51. Nhựa trao đổi ion Ion exchange resins (see
ion exchange resins)
52. Isinglass Ising lass
53. Cao lanh Kaolin
54. Magiờ axetat Magnesium acetate
55. Perlite Perlite Thủy phân tinh bột
56. Axit polymaleic và natri Polymaleic acid and Xử lý đường <5
polymaleat sodium
Polymaleate
57. Tananh Tannin
58. Than hoạt tớnh, than Vegetable carbon Thủy phân tinh bột
khụng cú hoạt tớnh (activated, unactivated)
4. Tác nhân làm lạnh và 4. Category contact
làm mát freezing and cooling
agents
59. Điclofluorometan Dichlorofluoromethane Thực phẩm đông 100
lạnh
5.Tác nhân làm khô/ tác 5. Desiccating
nhân chống đóng bánh agent/anticaking agents
60. Nhụm stearat Aluminum stearate
61. Canxi stearat Calcium stearate
62. Magiê stearat Magnesium stearate
63. Octađecylammoni axetat Octadecylammonium
(trong amoni clorua acetate (in ammmonium
(C18H37NH3OOCCH3) chloride)
64. Kali nhụm silicat Potassium aluminum
silicate
65. Natri canxi silicoaluminat Sodium calcium
silicoaluminate
6.Chất tẩy rửa (tác nhân 6. Detergents (wetting
làm ẩm) agents)
66. Đioctyl natri Dioctyl sodium Nước quả tươi <10
sunfosucxinat sulfosuccinate
67. Các hợp chất amoni bậc 4 Quaternary ammonium
compounds
68. Natri lauryl sunfat Sodium lauryl sulphate Mỡ và dầu thực <1
phẩm
69. Natri xylen sunfonat Sodium xylene sulphonate Mỡ và dầu thực <1
phẩm
7. Các tác nhân cố định 7. Enzyme
enzim và chất mang immobilization agents
and supports
70. Polyetylenimin Polyethylenimine
71. Glutaranđehit Glutaraldehyde
72. Đietylaminoetyl Diethylaminoethyl
xenluloza cellulose
8. Chế phẩm enzim 8.Enzyme preparations
(kể cả các enzim đó được (including immobilized
cố định trên chất mang) enzymes)
Chế phẩm enzim có Animal - derived
nguồn gốc từ động vật preparations
73. Catalaza (gan bũ hay Catalase (bovine or horse
ngựa) liver)
74. Chymosin (bờ, dờ non, Chymosin (calf, kid, or
cừu non) lamb abomasum)
75. Chymosin A từ Chymosin A from Sữ a vún cục trong
Eschorichia coli K-12 Eschorichia coli K - 12 phomát và các sản
chứa gene prochymosin containing calf phẩm sữa khác
A của bờ prochymosin A gene)
76. Chymosin B Chymosin B produced
from
Aspergillus niger var
awamori containing calf
prochymosin B gene
77. Lipaza (dạ dày bũ) Lipase (bovine stomach)
(Tuyến nước bọt hay thực (salivary glands or
quản của bê, dê non, cừu forestomach of calf, kid,
non) (heo hay tụy bũ) or lamb) (hog or bovine
pancreas)
78. Lysozim (l ũng trắng Lysozyme (egg whites) Bơ, phomat
trứng)
79. Pepsin, avian (của chim, Pepsin, avian
gia cầm) (proventicum of poultry)
80. Photpholipaza (tụy) Phospholipase (pancreas) Sản xuất bỏnh
81. Rennet (dạ dày bũ, dờ Rennet (bovine, calf, goat,
hay cừu) kid, or sheep, lamb
stomach)
82. Typsin (Tụy heo hay bũ) Typsin (porcine or bovine
pancreas)
Chế phẩm enzim cú Plant - derived
nguồn gốc từ thực vật preparations
83. Chymopapain (từ quả đu Chymopapain (Carica
đủ) papaya)
84. Ficin (từ cõy sung) Ficin (Ficus spp)
85. Liposydaza (từ đậu nành) Liposydase (soya) Sản xuất bỏnh
86. Men rượu Alcohol dehydrogenase
(Saccharomyces (Saccharomyces cerevisia)
cerevisia)
87. Alpha- galactosidaza Alpha galactosidase
88. Arabinofuranosidaza Arabinofuranosidease
89. Beta-glucanaza Beta glucanase
90. Cellobiaza Cellobiase
91. Xenlulaza Cellulase Chế biến rau quả,
nước quả, bánh
nướng, bia, tinh
bột, dịch chiết (cà
phê, chố, gia vị)
92. Dextranaza Dextranase
93. Endo-beta glucanaza Endo-beta glucanase Bia
94. Esteraza Esterase
95. Exo-alpha glucozidaza Exo-alpha glucosidase
(được cố định trên chất (immobilized) (same
mang) (cùng nguồn như sources as above) no more
trên) không nhiều hơn than 10mg/kg
10mg/kg glutaraldehyd glutaraldehyde
96. Glucoamylaza hay Glucoamylase or Thủy phân tinh bột
amyloglucosidaza amyloglucosidase Sản xuất xirụ gluco
97. Glucose isomeraza Glucose isomerase Xirô gluco đồng
phân hóa
98. Hemixenlulaza Hemicellulase Chế biến rau quả,
nước quả, bánh
nướng, bia, tinh
bột, dịch chiết (cà
phê, chè, gia vị)
99. Inulinaza Inulinase
100. Invertaza Invertase
101. Isoamylaza Isoamylase
102. Lactaza Lactase Sản phẩm sữa
103. Lactoperoxidaza Lactoperoxidase
104. Decacboxylaza đối với Malic acid decarboxylase
axit malic
105. Maltaza hay Maltase or
anphaglucosidaza alphaglucosidase
106. Melibiaza (anpha- Melibiase (alpha-
galactosidaza) galatosidase)
107. Enzim khử nitrat Nitrate reductase
108. Pectin esteraza Pectin esterase
109. Pectinlyaza Pectinlyase
110. Polygalacturonaza Polygalacturonase
111. Proteaza Protease Sản xuất bỏnh pho
mát, thủy phân tinh
bột, xirụ glucose,
mantoza, nha
112. Pullulanaza Pullulanase Thủy phân tinh bột
113. Serin proteinaza Serine proteinase
114. Tannaza Tannase
115. Xylanaza Xylanase Sản xuất bánh, ngũ
cốc lên men, sản
xuất tinh bột, nư ớc
quả ép, rượu vang
116. Beta-xylosidaza Beta-xylosidase Sản xuất bỏnh
9.Các tác nhân keo tụ 9. Flocculating agents
117. Nhựa acrylat - acrylamit Acrylate - acrylamide Sản xuất đường 10 trong
resin dung dịch
đường
118. Chitin/chitosan Chitin/chitosan
119. Phức của muối nhụm hũa Complexes of soluble Nước uống
tan và axit photphoric aluminum salt and
phosphoric acid
120. Copolime đimetylamin- Dimethylamine - Chế biến đường <5
epiclohidrin epichlorohydrin
copolymer
121. Đất sét chuổi vải (dạng Fuller’s earth (calcium
Canxi của Natri analogue of sodium
montmmorillonit) montmorillonite)
122. Huyết thanh dạng khụ và Dried and powdered blood
dạng bột plasma
123. Nhựa acrylamit biến tớnh Modified acrylamide resin Đường, nước sôi
124. Axit poliacrylic Polyacrylic acid Đường
125. Poliacrylamit Polyacrylamide Đường (củ cải)
126. Natri poliacrylat Sodium polyacrylate Đường (củ cải )
127. Trinatri điphotphat Trisodium diphosphate
128. Trinatri orthophotphat Trisodium orthophosphate
10. Nhựa trao đổi ion, 10. Ion exchange resins,
màng và rây phân tử membranes and
molecular sieves
129. Copolyme của metyl Completely hydrolyzed Chất mang để thủy <1 (tính
acrylat và đivinylbenzen copolymers of methyl phân tinh bột theo tổng
bị thủy p hân hoàn toàn acrylate and các bon
divinylbenzene and hữu cơ)
acrylonitrile
130. Đietylentriamin, Diethylenetriamine,
trietylentetramin, triethylenetetramine,
tetraetylenpantamin được tetraethylenepentamine
tạo mạng với epiclohiđrin cross - linked with
epichlorohydrin
131. Copolyme của axit Metacrylic acid-
metacrylic và divinylbenzene copolymer
đivinylbenze
132. Copolyme của axit Methacrylic acid-
metacrylic và divinylbenzene copolymer
đivinylbenzen với nhóm with RCOO active groups
hoạt động RCOO
133. Polystyren và Polystyrene- Đường, dị ch cất Chất di
đivinylbenzen cầu hóa divinylbenzene reticulum chuyển từ
bằng các nhóm with trimethylammonium nhựa <1
trimetylammoni groups
11. Chất bôi trơn, các 11. Lubricants, release
tác nhân loại bỏ và and anti - stick agents,
chống kẹt cứng, trợ moulding aids
khuụn
134. Đimetylpolisiloxan Dimethylpolysiloxane
(CH3-
[ Si(CH3)2] - CH3
12. Tác nhân kiểm soát 12. Micro-oganism
vi sinh vật control agents
135. Đioxit clo Cl02 Chlorine dioxide Bột
136. Hipoclorit Hypochlorite Dầu thực phẩm
137. Iodophors Iodophors Dầu thực phẩm
138. Axit peraxetic Peracetic acid
139. Hợp chất amoni bậc 4 Quaternary ammonium Dầu thực phẩm
compounds
140. Muối của axit sunfurơ Salt of sulfurous acid Thủy phân tinh bột < 100
ngụ xay
141. Hệ enzim lactoperoxiđaza Lactoperoxidase system
(latoperoxiđaza, gluco (lactoperoxidase, glucose
oxiđaza, muối thioxianat) oxidase, thiocyanate salt)
13. Tác nhân đẩy tơi và 13. Propellant and
các khí bao gói packaging gases
142. Khụng khớ Air
143. Acgon Argon
144. Cacbon đioxit Carbon dioxide
145. Clopentafluoroetan Chloropentafluoroethane
146. Điclođifluorometan Dichlorodifluoromthan
147. Heli Helium
148. Hiđro Hydrogen
149. Nitơ oxit Nitrous oxide
150. Octa fluoroxyclobutan Octafluorocyclobutane
151. Propan Propane
152. Triclorofluorometan Trichlorofluoromethane
14. Các dung môi, quá 14. Solvents, extraction
trình chiết và chế biến and processing
153. Axeton (đimetylxeton) Acetone (dimethyl ketone) Hương liệu, màu < 30, 2, &
dầu thực phẩm 0,1
154. Amyl axetat Amyl acetate Hương liệu, màu
155. Benzyl ancol Benzyl alcohol Hương liệu, màu
axit béo
156. Butan Butane Hương liệu, dầu <1,01
thực phẩm
157. Butan-1,3-điol Butane-1,3-diol Hương liệu
158. Ancol 1- Butylic Butan - 1-ol Axit béo, hương <1000
liệu, màu
159. Ancol 2- Butylic Butanol-2-ol Hương liệu 1
160. Butyl axetat Butyl acetate
161. Xiclohexan Cyclohexane Hương liệu, dầu <1
thực phẩm
162. Đibutyl ete Dibutyl ether Hương liệu <2
163. 1,2- đicloetan (điclo etan) 1,2- Dichlororethane Loại cafein trong <5
(Dichloroethane) sản phẩm
164. Điclofluorometan Dichlorodifluoromethane Hương liệu <1
165. Đietyl xitrat Diethyl citrate Hương liệu, màu
166. Đietyl ete Diethyl ether Hương liệu, màu <2
167. Etyl axetat Ethyl acetate
168. Ancol n-octyl n-octyl alcohol Acid Xitric
169. Pentan Pentane Hương liệu, dầu <1
thực phẩm
170. Ete dầu hỏa Petroleum ether (light Hương liệu, dầu <1
petroleum) thực phẩm
171. Propan 1,2 - điol Propane - 1,2 - diol Axit béo, hương
liệu màu
172. Ancol 1- Propiolic Propane- 1-ol Axit béo, hương
liệu màu
173. Ancol tectiary butyl Tertiary butyl alcohol
174. 1,1,2 - tricloetylen 1,1,2- Trichloroethylene Hương liệu, dầu <2
thực phẩm
175. Triđođexylamin Tridodecylamine Acid citric
176. Toluen Toluene Hương liệu <1
177. Etyl metyl xeton Ethylmethylketone Hương liệu, axit <2
(Butanon) (butanone) béo, màu cà phê,
chè đó loại cafein
178. Glyxerin tributyrat Glycerol tributyrate Hương liệu, màu
179. Hexan Hexane Hương liệu, dầu <0,1
thực phẩm
180. Isobutan Isobutane Hương liệu <1
181. Hyđrocacbon từ Isoparaffinic petroleum Acid citric
isoparafinic dầu mỏ hydrocarbons
182. Isopropyl myristat Isopropyl myristate Hương liệu, màu
183. Clorua metylen Methylene chloride Dầu thực phẩm <0,02
(điclometan) (dichloromethane)
184. Metyl propanol -1 Methyl propanol -1 Hương liệu 1
15. Tác nhân tẩy rửa và 15.Washing and peeling
búc vỏ agents
185. Amoni orthophosphat Ammonium Rau quả
(NH4)3PO4 orthophosphate
186. Điamoni orthophosphat Diammonium Đồ hộp quả và rau
(5% trong dung dị ch orthophosphate, (5%
nước) aquaous solution)
187. Đitiocacbamat Dithiocarbamate Củ cải đường
188. Etylen điclorid Ethylene dichloride Củ cải đường 0,00001
(đicloetan) trong củ
cải đường
và không
được có
trong
đường
189. Ete etylen glicol Ethylene glycol Củ cải đường 0,00003
monobutyl monobutyl ether trong củ
cải đường
và không
được có
trong
đường
190. Hiđro peroxit (H2O2) Hydrogen peroxide Củ cải đường
191. Monoetanolamin Monoethanolamine Củ cải đường 0,0001
trong củ
cải đường
và không
được có
trong
đường
192. Kali bromua Potassium bromide Rau quả
193. Natri hipoclorit Sodium hypochlorite Rau quả
194. Natri tripoliphosphat Sodium tripolyphosphate
19 Tetra kali pyrophosphat Tetrapotassium Củ cải đường 0,00002
pyrophosphate trong củ
cải đường,
không
được có
trong
đường
196. Tetra natri Tetrasodium Củ cải đường 0,000003
etilenđiamintetra axetat ethylenediaminetetraacetat trong củ
e cải đường,
không
được có
trong
đường
197. Trietanolamin Triethanolamine Củ cải đường 0,00005
trong củ
cải đường,
không
được có
trong
đường
16.Các chất hỗ trợ chế 16. Other processing aids
biến khác
198. Nhụm ôxit Aluminum oxide
199. Canxi tactrat Calcium tartrate
200. Axit erythorbic Erythorbic acid
201. Etyl parahyđroxybenzoat Ethyl
parahydroxybenzoate
202. Axit giberelic Gibberellic acid
203. Magie tactrat Magnesium tartrate
204. Kali giberelat Potassium gibberellate
205. Natri Sodium
206. Natri silicat Sodium silicates
PHỤ LỤC APPENDIX
Danh mục các hợp chất Codex inventory of all
hỗ trợ chế biến được compounds as processing
dùng làm phụ gia aids
(Bao gồm tất cả các chất (Includes substances that
có thể dùng cho các chức may serve other functions)
năng khác)
1.Tác nhân chống tạo 1.Antifoam agents
bọt
207. Hiđroxianisol butyl hóa Butylated hydroxyanisole
(chất chống oxi hóa trong (as antioxidant in
thiết bị loại bọt) defoamers)
208. Hyđroxytoluen butyl hóa Butylated hydroxytoluene
(chất chống oxi húa trong (as antioxidant in
thiết bị loại bọt) defoamers)
209. Axit béo Fatty acids
210. Lecitin hyđroxyl hóa Hydroxylated lecithin
211. Magarin Margarine
212. Mono - và điglycerit của Mono - and diglycerides
các axit béo of fatty acids
213. Axit oleic từ các axit béo Oleic acid from tall oil
của dầu nặng fatty acids
214. Sáp dầu mỏ Petroleum wax
215. Sáp dầu mỏ (tổng hợp) Petroleum wax (synthetic)
216. Petrolatum Petrolatum
217. Polietilen glicol Polyethylene glycol
218. Polypropylen glicol Polypropylene glycol
219. Polysorbat 60 Polysorbate 60
220. Polysorbat 65 Polysorbate 65
221. Polysorbat 80 Polysorbate 80
222. Propylen glicol alginat Propylene glycol alginate
22 Silic đioxit Silicon dioxide

224. Axit béo của dầu đỗ Soybean oil fatty acids


tương
2.Các chất xúc tác 2.Catalysts
225. Amoniac Ammonia
226. Amonibisulphit Ammonium bisulfite
227. Sắt (II) sulphat Ferrous sulfate
228. Đioxit lưu huỳnh Sulfur dioxide
3.Các tác nhân làm 3.Clarifying agents/
trong/ trợ lọc filtration aids
229. Acacia Acacia
230. Carrageenan/Furcelleran Carrageenan/ Furcelleran
231. Casein Casein
232. Gelatin (ăn được) Gelatin (edible)
4. Nhựa trao đổi ion 4. Ion exchange resins
233. Axit photphoric Phosphoric acid
234. Đioxit silic vô định hình - Silicon dioxide amorphous
silica hyđrogel - silica hydrogel
235. Silica sol bền vững trong Stabilized aqueous silica
nước sol
236. Axit tanic Tannic acid
237. Bột gỗ/ than mựn Wood flour/ Sawdust
5. Các chất ổn định màu 5. Colour stabilizers
238. Đextroza Dextrose
239. Natri pirophosphat axit Sodium acid
pyrophosphate
6. Các tác nhân làm 6. Contact freezing and
lạnh và làm mát cooling agennts
240. Nước muối Brine (eg, Salt brine)
7. Các tác nhân làm 7. Desicating
khô/ tác nhân chống agent/anticaking agents
đông tụ
241. Silic đioxit vô định hình - Silicon dioxide amorphous
silicagel - silica gel
242. Tricanxi đioctophotphat Tricalcium
diorthophosphate
8. Dung môi (Chiết và 8. Solvents(extraction
chế biến) and processing)
243. Benzyl benzoat Benzyl benzoate
244. 1,2 - đicloetan 1,2 - Dichlororethane
(đicloetan) (Dichloethane)
245. Đietyl tactrat Diethyl tartrate
246. Etanol Ethanol
247. Etyl lactat Ethyl lactate
248. Isobutanol (2- Isobutanol (2-
metylpropan -1- ol) methylpropan -1- ol)
249. Ancol Isopropyl Isopropyl alcohol
250. Metanol Methanol
251. Metyl propanol -1 Methyl propanol -1
252. Axit nitric Nitric acid
253. 2 - Nitropropan 2- Nitropropane
254. n-Octyl alcohol n-Octyl alcohol
255. Propan-2- ol (isopropyl Propane 2- ol (isopropyl
ancol) alcohol)
256. Triclorofluorometan Trichlorofluoromethane
257. Nước Water
9. Các chất điều chỉnh 9. Fat crystal modifiers
tinh thể chất béo biến
tính
258. Este poliglixerin của axit Poliglycerol esters of fatty
béo acids
259. Natri đođexylbenzen Sodium dodecylbenzene
sunfonat sulphonate
260. Natri lauryl sunfat Sodium lauryl sulphate
261. Sorbitan monostearat Sorbitan monostearate
262. Sorbitan tristearat Sorbitan tristearate
10. Tác nhân keo tụ 10. Flocculating agents
263. Nhựa acrylamit Acrylamide resins
264. Axit xitric Citric acid
265. Silica Silica
11. Các chất bôi trơn, 11. Lubricants, relase
các tác nhân tẩy rửa và and anti - stick agents,
chống dính, trợ khuôn moulding aids
266. Sáp ong Beeswax
267. Sáp carnauba Carnauba wax
268. Dầu thầu dầu Castor oil
269. Dầu cá nhà táng hiđro Hydrogenated sperm oil
hóa
270. Lecitin lecithin
271. Magie trisilicat Magnesium trisilicate
272. Mono - và điglixerit của Mono - and diglycerides
các axit béo of fatty acids
273. Parafin và dầu parafin Paraffin and paraffin oils
274. Nhựa cỏnh kiến Shellac
275. Axit stearic Stearic acid
276. Stearin Stearins
277. Talc Talc
278. Tetranatri điphotphat Tetrasodium diphosphate
279. Tricanxi photphat Tri - calcium phosphat
12. Các tác nhân kiểm 12. Micro - organism
soát vi sinh vật control agents
280. Đinatri etilen bis Disodium ethylene bis
đithiocacbamat dithiocarbamate
281. Etylenđiamin Ethylenediamine
282. Propylen oxit Propylene oxide
283. Natri clorua Sodium chlorite
13.Tác nhân tách đẩy và 13. Propellant and
các khí đóng gói packaging gases
284. Oxy Oxygen
14.Các tác nhân rửa và 14. Washing and peeling
búc vỏ agents
285. Axit oleic Oleic acid
15.Chất dinh dưỡng 15.Yeast nutrients
men
286. Amoni clorua Ammonium chloride
287. Amoni sulphat Ammonium sulphate
288. Amoni phosphat Ammonium phosphates
289. Vitamin B tổng hợp B - Complex vitamins
290. Biotin Biotine
291. Đồng sulphat Cupric sulphate
292. Sắt (II) amonisulphat Ferrous ammonium
sulphate
293. Sắt sulphat(II) Ferrous sulphate
294. Inositol Inositol
295. Magie sulphat Magnesium sulfate
296. Niaxin Niacin
297. Axit pantothenic Pantothenic acid
298. Kali hidro cacbonat Potassium hydrogen
carbonate
299. Enzim tự phân giải Yeast autolysates
300. Kẽm sulphat Zinc sulphate
16.Các chất hỗ trợ chế 16.Other processing aids
biến khác
301. Sản phẩm ankylen oxit Alkylene oxide adduct
302. Amoni bicacbonat Ammonium bicarbonate
303. BHA BHA
304. BHT BHT
305. Canxi phosphat Calcium phosphate
306. Hương caramen Caramel flavoring
307. Đinatri hiđro phosphat Disodium hydrogen
phosphate
308. Axit béo từ dầu đậu Fatty acid of soybean oil
tương
309. Ancol béo - glycol ether Fatty alcohol - glycol ether
310. Dầu đậu tương được phân Fractionated soybean oil
đoạn
311. Axit fumaric Fumaric acid
312. Glyxerol tripropionat Glycerol tripropionate
313. Glyxin Glycine
314. Axit clohyđric Hydrochloric acid
315. Magiờ clorua Magnesium chloride
316. Magiờ xitrat Magnesium citrate
317. Magiê hiđroxit Magnesium hydroxide
318. Magiờ phosphat Magnesium phosphate
319. Anpha- metyl glucosit  - Methyl glycoside
trong nước water
320. Sản phẩm ankilen oxit Non - ionogenic alkylene
khụng ion húa với chất oxide adduct with
phân tỏn emulgator
321. Axit oxalic Oxalic acid
322. Alcol polietoxi hóa, được Polyethoxylated alcohol,
biến tính modified
323. Polyphosphat Polyphosphate
324. Polyme khối Polypropylene -
polypropylen - polyetylen polyethylene block
polymer
325. Kali phosphat Potassium phosphates
326. Kali sulphat Potassium sulfate
327. Propyl galat Propyl gallate
328. Propan-1-ol Propan -1-ol
329. Propan-1,2-diol Propane -1,2 - diol
330. Natri bisulphit Sodium bisulfite
331. Natri bicacbonat Sodium bicarbonate
332. Natri hexameta phosphat Sodium
hexametaphosphate
333. Natri metabisulphit Sodium metabisulfite
334. Mono natri phosphat, Sodium phosphate
NaH2PO4 monobasic
335. Đi natri phosphat Sodium phosphate dibasic
Na2HPO4
336. Tri natri phosphat, Sodium phosphate tribasic
Na3PO4
337. Natri poliacrylat -nhựa Sodium polyacrylate -
acrylamit acrylamide resin
338. Natri tactrat Sodium tartrate
339. Este axyl béo sobitan và Sorbitan - fatty acyl esters
este của axit béo and polyoxyethylene -20-
polioxietilen-20- sobitan. sorbitan fatty acyl esters
340. Lexitin đậu tương Soy lecithin
341. Axit sulphuric Sulfuric acid
342. Axit tanic với dịch chiết Tannic acid with
quebracho quebracho extract
343. Este axit béo thực vật Vegetable fatty acid esters
344. Axyl béo thực vật (ưa Vegetable fatty acyl
nước) (hydrophillic)
345. Xyloza Xylose

Phần 8.
GIỚI HẠN TỐI ĐA DƯ LƯỢNG THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT TRONG THỰC PHẨM
Tên thông dụng lấy theo tên danh mục thuốc của Bộ Nông nghiệp và PTNT (Quyết định
số 31/2006/QĐ-BNN ngày 27/4/2006).
Tên hóa học lấy theo tên tiếng Anh của IUPAC
 Code (CAC) - Mã thuốc bảo vệ thực vật xếp theo danh mục của Codex Alimentarius
Pesticides
8.1. Giớ i hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm xếp theo tên
thuốc

Số Code Thuốc bảo vệ thực vật ADI Thực phẩm MRL


TT (CAC) Tên thông Tên hóa học (mg/kg) (mg/k
dụng g)
1. 121 2,4,5-T (2,4,5- 0,03 Táo, mơ, trứng, sữa, 0,01
trichlorophenoxy) thịt, gạo, lúa mạch,
acetic acid mía, lúa mì
2. 20 2,4-D (2,4 - 0,01 Trứng, sữa, đậu tư ơng, 0,01
dichlorophenoxy) quả dạng táo
acetic acid Ngô, lúa miến 0,05
Quả mâm xôi, dâu tây 0,1
vàcác loại quả mọng,
gạo
Thịt gia súc, khoai tây 0,2
Cam quýt 1
Lúa mạch đen, lúa mì 2
Phủ tạng động vật có 5

3. 56 2-phenyl Biphenyl-2-ol 0,4 Nước cam quýt 0,5
phenol Cam quýt 10
Lê 20
4. 177 Abamectin Avermectin B1a, 0,002 Sữa dê, sữa gia súc 0,005
Avermectin B1b Thịt dê, thịt gia súc, 0,01
dưa chuột, khoai tây,
dưa hấu, bầu bí mùa hè,
cam quýt, hạt bông, hồ
đào, hạnh nhân
Lê, táo, dâu tây, cà 0,02
chua, hạt tiêu, ớt ngọt
Thận gia súc, rau diếp 0,05
Gan, mỡ gia súc, phủ 0,1
tạng dê, hoa bia khô
5. 95 Acephate (RS)-(O,S- 0,03 Trứng, thịt gia cầ m, 0,01
dimethyl phủ tạng gia cầm
acetylphosphoram Sữa 0,02
i dothioate) Thịt, phủ tạng gia súc 0,05
Mỡ gia cầm, củ cải 0,1
đường
Đậu tương (khô), actisô 0,3
Cà chua, khoai tây 0,5
Hạt bông, cây bông cải 2
xanh, súp lơ
Rau diếp 5
Lá và ngọn cây củ cải 10
đường, cây linh lăng
6. 117 Aldicarb (EZ)-2-methyl-2- 0,003 Thịt gia súc, sữa, dầu 0,01
(methylthio)propi hạt bông, dầu lạc (đã
o naldehyde O- chế biến)
methylcarbamoyl Đậu tương (khô), lạc, 0,02
ox ime lúa mì, lúa mạch
Ngô, hạt hướng dương, 0,05
vỏ và thân của lúa
mạch và lúa miến, củ
cải đường
Hạt cà phê, hạt bông, 0,1
đậu khô các loại, khoai
lang, cây mía, cải
Bruxen, hành tỏi tây
Cam quýt, nho 0,2
Khoai tây, lúa miến 0,5
khô (vỏ và thân), ngô
khô, ngô cho súc vật
Lá và ngọn cây củ cải 1
đường, hồ đào
7. 1 Aldrin và 0,0001 Sữa 0,006
dieldrin Hạt ngũ cốc 0,02
Nước cam quýt, nước 0,05
táo, hành lá, đậu lăng ,
rau họ đậu, rau tươi
Trứng, rau quả họ bầu 0,1
bí, rau thân củ
Thịt gia súc, thịt gia 0,2
cầm
8. 122 Amitraz N,N′- 0,01 Sữa 0,01
[(methylimino)di Thịt gia súc, thịt lợn, 0,05
m ethylidyne]di- dầu hạt bông (thô)
2,4- xylidine Thịt cừu 0,1
Phủ tạng gia súc 0,2
Cam ngọt, quả dạng 0,5
táo, anh đào, đào, hạt
bông, dưa chuột, cà
chua
9. 79 Amitrole 1H-1,2,4-triazole- 0,0005 Nho, quả dạng táo, quả 0,05
3- ylamine hạch
10. 163 Anilazine 4,6-dichloro-N- 0,1 Sữa 0,01
(2- Thịt gia cầm, thịt gia 0,02
chlorophenyl)- súc, trứng
1,3,5 -triazin-2- Cà chua, cần t ây 10
amine
11. 2 Azinphos - S-3,4-dihydro-4- 0,005 Đậu tương (khô), khoai 0,05
methyl oxo-1,2,3- tây, quả hạnh
benzotriazin-3- Cây mía, hạt bông, dưa 0,2
ylmethyl O,O- tây, dưa chuột, dưa hấu
dimethyl Quả óc chó, quả hồ đào 0,3
phosphorodithioat Các loại rau 0,5
e Cà chua, hạt tiêu, cải 1
xanh, quả các loại (trừ
các loại đã có trong
danh mục)
Táo, lê, anh đào, mận 2
(cả mận khô), xuân
đào, đào
Vỏ quả hạnh, quả mâm 5
xôi, lá linh lăng
Thân rễ linh lăng 10
12. 129 Azocyclotin Tri(cyclohexyl)- 0,007 Sữa, sản phẩm từ sữa 0,05
1H -1,2,4-triazol- Cà pháo 0,1
1- yltin Nho, đậu đỗ non, thịt 0,2
động vật có vú
Dâu tây, dưa chuột, ớt 0,5
ngọt
Dưa chuột bao tử 1
Cam quýt 2
13. 155 Benalaxyl Methyl N - 0,05 Khoai tây 0,02
phenylacetyl - N - Dưa chuột, hạt tiêu 0,05
2,6 - xylyl - DL- Dưa (trừ dưa hấu) 0,1
alaninate Hoa bia khô, nho, hành 0,2
Cà chua 0,5
14. 137 Bendiocarb 2,2 - dimethyl - 0,004 Sữa, thịt, mỡ và phủ 0,05
1,3 - benzodioxol tạng (gia cầm, gia súc),
- 4 - yl trứng, ngô, khoai tây,
methylcarbamate củ cải đường
Thận gia súc 0,2
15. 69 Benomyl Methyl [1- 0,02 Cà phê hạt, dưa chuột, 0,1
[(butylamino)carb cà chua
o nyl]-1H- Chuối, cam 0,5
benzimidazol-2- Cần tây, rau họ đậu, 1
yl]carbamate xoài, hành củ, gạo
Nước cam quýt 2
16. 172 Bentazone 3 - isopropyl - 1H 0,1 Sữa, thịt, trứng, lạc, 0,05
- 2,1,3- đậu tư ơng, đậu L ima,
benzothiadiazin - đậu đỗ khô, đậu t ằm
4(3H) - one 2,2 - khô
dioxide Hạt lanh, hành, khoai 0,1
tây, lúa mì, lúa miến,
lúa mạch, lúa mạch
đen, yến mạch, gạo
Đậu đỗ non, ngô 0,2
Đậu Hà Lan khô 1
Lá linh lăng 2
17. Bifenazate 1-methylethyl 2- 0,01 Sữa, thịt và phủ tạng 0,01
(4- methoxy[1,1’ gia súc (lợn, cừu, bò,
-biphenyl]-3-yl) ngựa, dê) trứng, thịt và
hydrazine phủ tạng gia cầm
carboxylate

Lúa mì, lúa mạch, gạo, 0,02


ngô, kiều mạch, hạt
ngũ cốc khác, đậu
tương, đậu Hà Lan, lạc,
các loại đậu kh ác,
khoai lang, củ cải
đường, cây mía, thân lá
củ cải, củ cải đỏ, củ cải
ngựa, cải xoong, cải
bắp, cải xoăn, cải
Bruxen, súp lơ, cải hoa,
rau họ thập tự khác,
ngưu bàng, rau diếp,
rau diếp xoăn, hành tây,
tỏi tây, măng tây, củ cải
vàng, mùi tây, cần tây,
rau họ hoa tán, rau chân
vịt, măng tre, gừng,
nấm ă n, quả mâm xôi,
Khoai tây, ổi,
lê tàu, dứa, khoai sọ,
lạc tiên, 0,05
khoai
ả c lang
qu hà là, h ạt cải dầ u,
càỡphê,
M bò, ca
mỡcaogia súc, gan 0,1
gia súc
Xoài, hạt dẻ, hồ đào 0,2
Pecan, hạnh nhân, quả
óc chó
Cam quýt, chanh, cam 0,7
ngọt, nho, bí ngô
Cà chua, quả mộc qua, 1
sơn trà Nhật, hồng,
mận Nhật, hạt bông
Táo, lê, đào, xuân đào, 2
đu đủ, nho khô, quả
cheri, chè mận
Nho, mơ, 3

Dâu tây 5

Hoa bia 15

18. 178 Bifenthrin 2- 0,02 Trứng gà 0,01


methylbiphenyl- Cam chanh, nho, khoai 0,05
3- ylmethyl (1RS, tây, ngô và thân ngô,
3RS)-3-[(Z)-2- lúa mạch, thịt, mỡ và
chloro-3,3,3- phủ tạng của gà, sữa,
trifluoroprop-1- thận và gan gia súc
enyl]-2,2- Thân và vỏ lúa mì, cây 0,2
dimethylcyclopro ngô khô
pa necarboxylate Đậu Hà Lan, thịt và mỡ 0,5
gia súc, lúa mạch, lúa

Dâu tây 1
Cám lúa mì (chưa chế 2
biến)
Hoa bia khô 10
19. 93 Bioresmethrin 5 - benzyl - 3- 0,03 Lúa mì, lúa mì nguyên 1
furylmethyl chất, bột mì
(1R,3R)- 2,2- Mầm lúa mì 3
dimethyl- 3- (2- Cám lúa mì (chưa chế 5
methylprop-1- biến)
enyl)
cyclopropanecarbo
xylate
20. 144 Bitertanol (1RS,2RS;1RS, 0,01 Trứng, thịt và phủ tạng 0,01
2SR)-1- gia cầm
(biphenyl-4- Lúa mạch, lúa mì, yến 0,05
yloxy)-3,3- mạch, lạc, sữa
dimethyl-1- (1H- Chuối, dưa chuột 0,5
1,2,4-triazol-1- Quả đào, mơ, quả xuân 1
yl)butan-2-ol đào
(20:80 ratio of Quả loại táo, mận (cả 2
(1RS,2RS)- and mận khô)
(1RS,2SR)- Cà chua 3
isomers)
21. 47 Bromide ion 1 Các loại quả, mận khô, 20
ớt ngọt
Cam quýt, quả khô, cây 30
bông cải xanh
Hạt ngũ cốc, lúa mì 50
thô, đào (khô)
Cà chua, bơ 75
Nho khô, bắp cải, rau 100
diếp, chà là (khô và
tẩm đường), dưa chuột
Muớp tây, củ cải, củ 200
cải vườn, bí mùa hè
Sung (khô và ướp 250
đường)
Cần tây 300
Gia vị, thảo mộc khô 400
Hạt đậu tằm non, đậu 500
Hà Lan non
22. 70 Bromopropyla Isopropyl 4,4 - 0,03 Quả bí mùa hè, dưa 0,5
te dibromobenzilate chuột, dưa (trừ dưa
hấu)
Dâu tây, quả loại táo, 2
nho, cam quýt, mận (cả
mận khô)
Đậu đỗ non 3
23. 173 Buprofezin (EZ)-2-tert- 0,01 Cam quýt 0,5
butylimino-3- Dưa chuột, cà chua 1
isopropyl-5-
phenyl-1,3,5-
thiadiazinan-4-
one
24. 174 Cadusafos S,S-di-sec-butyl 0,0003 Chuối 0,01
O- ethyl Khoai tây 0,02
phosphorodithioat
e
25. 7 Captan 3a,4,7,7a- 0,1 Khoai tây 0,05
tetrahydro-2- Hạnh nhân 0,3
[(trichloromethyl) Dưa chuột, xuân đào 3
th io]-1H- Đào, cà chua 15
isoindole- Dâu tây, quả Việt quất, 20
1,3(2H)- dione quả mâm xôi
Táo, lê 25
26. 8 Carbaryl 1- naphthyl 0,003 Ngô, khoai lang 0,02
methylcarbamate Sữa, sản phẩm sữa, thịt 0,05
gia súc, dầu hướng
dương
Củ cải đường, ngô 0,1
ngọt, dầu ngô
Đậu tương, dầu đậu 0,2
tương, bột mì, khoai
tây, thịt (dê, cừu và gia
súc)
Cà rốt 0,5
Cà pháo, gạo, gan gia 1
súc, mầm lúa mì, qủa
hạnh
Lúa mì, cám lúa mì 2
chưa chế biến
Thận lợn, nước cà chua 3
Táo, nho, lê, hạt tiêu, ớt 5
ngọt, cà chua, đậu đỗ,
đậu Hà Lan non, bắp
cải, lúa mạch, táo,
chuối, yến mạch, lúa
mạch đen
Dâu tây, cam quýt 7
Mận (cả mận khô), anh 10
đào, mơ, đào, rau lá,
mướp tây, xuân đào,
quả mâm xôi (đỏ, đen),
bột cà chua nghiền
Măng tây, đậu tương 15
Lúa miến 20
Dầu ôliu 25
Lá và ngọn cây củ cải 100
đường, đậu leo, lạc
khô, lá cây lúa miến, lá
linh lăng, lá đậu, lá đậu
tương
27. 72 Carbendazim Methyl 0,03 Hạt cà phê, lạc, măng 0,1
benzimidazol-2 - tây, quả hạnh
ylcarbamate
Đậu tương (khô) 0,2
Mận, cà chua, cải 0,5
Bruxen
Khoai lang, chuối 1
Xoài, mơ, đào, xuân 2
đào, đậu đỗ
Khoai tây, quả dạng táo 3
Lúa mạch, táo khô 5
28. 96 Carbofuran 2,3- dihydro-2,2- 0,002 Thịt, mỡ và phủ tạng 0,05
dimethylbenzofura (của ngựa, trâu, bò, dê,
n-7 - yl cừu, lợn), sữa, ngô, hạt
methylcarbamate ối, lúa mì, ngô, yến
cải dầu
Chu 0,1
mạch, mía, hành củ, cà
pháo, cà chua, ngô tươi,
củ cải đường, lúa miến,
hạt có dầu, hạt hư ớng
dương, khoai tây
Củ cải đường, gạo lật, 0,2
súp lơ ngọn cây củ cải
Lá và 0,3
đường
Lúa miến 0,5
Cà phê hạt 1
Thân rễ lá linh lăng 10
29. 11 Carbophenoth S-4- Sữa 0,004
ion chlorophenylthio Quả óc chó, khoai tây 0,02
me thyl O,O-
diethyl Dầu ôliu thô 0,1
phosphorodithioat Ôliu, củ cải đường 0,2
e Súp lơ 0,5
Thịt trâu bò, thịt cừu, 1
táo, mơ, đào, mận, quả
loại
Cam,táo
quýt, rau bina 2
30. 145 Carbosulfan 2,3-dihydro-2,2- 0,01 S ữa 0,03
dimethylbenzofur
an -7-yl Trứng, thịt và phủ tạng 0,05
(dibutylaminothio động vật có vú, thịt và
) phủ tạng gia cầm, ngô,
methylcarbamate khoai tây, hạt bông,
Cam quýt
gạo, lá và ngọn củ cải 0,1
đường
Củ cải đường 0,3
31. 97 Cartap S,S'-(2-dimethyl 0,1 Gạo, gừng, hạt dẻ, ngô 0,1
aminotrimethylen tươi, khoai tây
) Bắp cải 0,2
bis(thiocarbamate Nho 1
)
Cải Trung Quốc 2
Chè (xanh, đen) 20
32. 80 Chinomethion 6-methyl-1,3- 0,006 Sữa 0,01
at dithiolo[4,5-
Dưa hấu 0,02
b]quinoxalin-2-
one Thịt động vật có vú 0,05
Nho, bơ, hạt ngũ cốc, 0,1
quả hạnh, dưa các loại
trừ dưa hấu, dưa chuột
Táo, dâu tây 0,2
Cam quýt 0,5
Đu đủ 5
33. 12 Chlordane 1,2,4,5,6,7,8,8- 0,0005 Sữa 0,002
octachloro- Quả hạnh, trứng, rau 0,02
2,3,3a,4,7,7a - quả, ngô, lúa mạch đen,
hexahydro-4,7 - gaọ, yến mạch, lúa mì,
methanoindene quả phỉ, lúa miến, hồ
Dầu hạt óc
đào, quả bông
chóthô, dầu 0,05
đậu tương thô, dầu hạt
Th ịt gia
lanh thô cầm 0,5
34. 14 Chlorfenvinph (EZ)-2-chloro-1- 0,0005 Sữa 0,008
os (2,4-
Gạo, ngô, lúa mì, hạt 0,05
dichlorophenyl)vi
bông, lạc, tỏi tây, hành,
ny l diethyl
cà pháo, cải bắp, khoai
phosphate
tây,
Súp khoai
lơ, cà lang
chua 0,1
Thịt gia súc 0,2
Cà rốt, cần tây 0,4
Cam quýt 1
35. 15 Chlormequat 2- 0,05 Thịt gia cầm 0,04
chloroethyltrimethy
Trứng, phủ tạng gia 0,1
l ammonium
cầm, gan gia súc
Thịt dê, thịt gia súc, 0,2
lợn, cừu
Sữa d ê, thận lợn, thận 0,5
cừu, dê, gia súc
Bột mì 2
Lúa mì, lúa mạch đen 3
Hạt cải dầu 5
Yến mạch 100
36. 16 Chlorobenzila Ethyl 4,4′- 0,02 Sữa (trâu, bò, dê, cừu) 0,05
te dichlorobenzilate
Khoai tây 0,2
Cam, quýt, dưa tây 1
Nho, quả loại hạch 2
Táo 5
37. 81 Chlorothalonil Tetrachloroisopht 0,03 Ngô ngọt, chuối 0,01
ha lonitrile
Lạc 0,05
Lúa mì, lúa mạch 0,1
Đào, khoai tây, củ cải 0,2
đường
Nho, anh đào, hành tỏi 0,5
khô
Bắp cải, súp lơ, cà rốt 1

Dưa (trừ dưa hấu) 2

Lá cần tây, mùi tây 3

Đậu đỗ non, nho Hylạp, 5


cà chua, dưa chuộ t,
Việt quất, cây bông cải
xanh, cải Bruxen, bí,
cam quýthạt tiêu
Ớt ngọt, 7
Cần tây 10

Lá và ngọn củ cải 20
17 Chlorpyrifos O,O- diethyl 0- 0,01 đường
Trứng, đậu đỗ, gan gia 0,01
3,5,6- trichloro - súc, bầu dục gia súc,
2- thịt gia cầm và phủ
pyridylphosphorot tạng gia
Sữa gia súc,
cầ m,sữa
ngôdê, ọt
ngsữa 0,02
hi oate cừu, thịt lợn
Dầu hạt bông, hạt 0,05
bông, hành, cải bắp,
súp lơ, nấm, khoai tây,
Cà rốt,đường,
củ cải nho cần
khô,tâyđậu 0,1
tương, bột mì
Dầu ngô, hành tỏi tây 0,2
Hạt bông, dâu tây 0,3
Nho, đào, mận, gạo, lúa 0,5
miến, lúa mì, cà chua
Thịt cừu, thịt gia súc, 1
bắp cải, cải thìa, cam
quýt
Quả kivi, chuố i, khoai 2
tây, cải hoa, hạt tiêu,
chè xanh, chè đen
Lá linh lăng 20
Lá và ngọn củ cải 40
đường
39. 90 Chlorpyrifos- 0,0-dimethyl 0- 0,01 Sữa, nấm 0,01
methyl 3,5,6-trichloro-2-
Thịt, mỡ và phủ tạng 0,05
pyridyl
(của gà và gia súc),
phosphorothioate
trứng, quả chà là
Đậu đỗ con non, cà 0,1
pháo, rau diếp, cải
Trung Quốc, bắp cải,
gạo, chè (xanh, đen),
Nho
quả actisô, củ cải 0,2
Cà chua, ớt, đào, táo, 0,5
cam, bánh mì trắng
Bột mì, bánh mì 2
Lúa mì, lúa miến 10
Cám lúa mì (chưa chế 20
biến)
40. 156 Chlofentezine 0,02 Sữa gia súc 0,01
Thịt gia súc, trứng, thịt 0,05
và phủ tạng của gia
cầm, nho Hy Lạp (đỏ,
đen)
Phủ tạng của gia súc 0,1
Quả hạch 0,2
Cam quýt, quả dạng táo 0,5
Nho, dưa chuột 1
Dâu tây 2
41. 187 Clethodim (5RS)-2-{(E)-1- Trứng, sữa 0,05
[(2E)-3-
Thân lá củ cải đường, 0,1
chloroallyloxyimi
củ cải đường, dầu
n o]propyl}-5-
hướng dương
Thịt gia súc, phủ tạng 0,2
[(2RS)-2-
(ethylthio)propyl] gia súc, thịt gia cầm
-3- Hạt bông, dầu hạt 0,5
hydroxycyclohex- bông, đậu, hạt cải dầu,
2-en-1-one tỏi, hành tỏi tây, hạt
Cà chua,
hướng dầu đậu tư ơng
dương 1
Đậu Hà Lan, đậu khô 2
các loại.
Lạc 5
Thân lá linh lăng 10
42. 179 Cycloxydim (5RS)-2-[(EZ)-1- 0,07 Củ cải đường, rau diếp, 0,2
(ethoxyimino)but xà lách cuốn, tỏi tây
yl]-3-hydroxy-5- Cà rốt, nho, dâu tây 0,5
[(3RS)-thian-3- Lá và ngọn củ cải 1
yl]cyclohex-2-en- đường, đậu đỗ non, đậu
1- one Hạt dầu, khoai tây,
cải non
Hà Lan 2
đậu Hà Lan đã bóc vỏ,
đậu khô, đậu tư ơng
43. 157 Cyfluthrin (RS)-ỏ-cyano-4- 0,02 Sữa gia ọ cải ắp
khô, rausúc
h b 0,01
fluoro-3- Ngô, hạt bông, hạt cải 0,05
phenoxybenzyl dầu
(1RS,3RS;1RS,3S Ớt ngọt, hạt tiêu 0,2
R)-3-(2,2- Táo, cà chua 0,5
dichlorovinyl)-
2,2-
dimethylcyclopro
pa necarboxylate
44. 146 Cyhalothrin (RS)-ỏ-cyano-3- 0,002 Dầu hạt bông, hạt 0,02
phenoxybenzyl bông, khoai tây
(1RS,3RS)-3-
[(Z)-2-chloro-
3,3,3-
Quả dạng táo, bắp cải 0,2
trifluoropropenyl]
-2 , 2-
45. 67 Cyhexatin dimethylcyclopro
Tricyclohexyltin 0,007 Sữa, sản phẩm từ sữa 0,05
pa necarboxylate
hydroxide Nho, thịt động vật có 0,2

Cam, quýt, táo, lê, cà 2
46. 118 Cypermethrin (RS)-ỏ-cyano-3- 0,05 chua
Ngô, sữa, trứng, thịt gia 0,05
phenoxybenzyl cầm, phủ tạng động vật
(1RS,3RS;1RS, có vú, hạt cà phê, lạc,
3SR)-3-(2,2- đậu tương khô, ngô
dichlorovinyl)- tươi, nấ m, đậu đã bóc
2,2- vỏ, đậu Hà Lan non,
dimethylcyclopro Hành củ,củ
rau thân tỏi tây 0,1
pa necarboxylate Lúa mì, thịt động vật 0,2
có vú, hạt có dầu (trừ
lạc), dưa chuột, cà pháo
Dâu tây và một số loại 0,5
quả nhỏ khác, dầu thực
vật, hạt tiêu, cà chua,
đậu đỗ non, tỏi tây, lúa
Anh
mạch đào, mận (bao 1
gồm cả mận khô), cải
xoăn, rau họ bắp cải
Cam quýt, quả loại táo, 2
xuân đào, đào, rau diếp,
Ngô khô,vịtlá linh lăng,
rau chân 5
thân cây lúa miến, thân
Chè (xanh,
cây lúa mì đen) 20
47. 207 Cyprodinil 4-cyclopropyl-6- Sữa 0,0004
methyl-N-phenyl-
Thịt và phủ tạng động 0,01
2-
vật có vú, trứng, thịt và
pyrimidinamine
phủ tạng gia cầm
Hạnh nhân 0,02
Vỏ qủa hạnh nhân, táo 0,05
Dưa chuột, cà pháo, 0,2
bầu bí mùa hè
Hành tây, tỏi tây 0,3
Hạt tiêu, ớt ngọt, cà 0,5
chua, đậu các loại, lúa

Lê 1
Dâu tây, cám lúa mì 2
Lúa mạch, nho 3
Nho khô, mận 5
Rau diếp, xà lách cuốn, 10
hạt ngũ cốc
48. 169 Cyromazine N- cyclopropyl- 0,02 Sữa 0,01
1,3,5-triazine-
Thịt cừu, thịt gia cầm 0,05
2,4,6 -triamine
Dưa chuột, dưa các loại 0,2
(trừ dưa hấu)
Cà chua 0,5
Hạt tiêu 1
Rau diếp, xà lách, nấ m, 5
cần tây
49. 21 DDT 4,4'-(2,2,2- 0,02 Sữa 0,02
trichloroethane-
1,1- Hạt ngũ cốc, trứng 0,1
diyl)bis(chlorobe Cà rốt 0,2
nzene)
Thịt gia cầm 0,3
Thịt gia súc 5
50. 135 Deltamethrin (S)- - cyano-3- 0,01 Khoai tây, củ cải 0,01
phenoxybenzyl
(1R, 3R)- 3-(2,2- Trứng, phủ tạng gia 0,02
dibromovinyl)- cầm, hồ đào, ngô ngọt,
2,2- cà rốt, cam quýt
dimethylcyclopro Gan gia súc, thận lợn, 0,03
- panecarboxylate thận cừu, thịt gia cầm,
thịt động vật có vú
Sữa, nấm ăn, hành tỏi 0,05
tây, quả hạnh, hạt
hướng dương, actisô
Cải hoa 0,1
Táo, nho, dâu tây, rau 0,2
đậu, rau quả họ bầu bí,
tỏiộtt ây
B mì, cà chua 0,3
Rau lá, ngũ cốc khô 0,5

Đậu khô, đậu lăng 1


(khô), hạt ngũ cốc, lúa
mì nguyên chất, đậu Hà
Hạt
Lan ngũ
khô,cốc
ô liu, sung 2
Cám lúa mì (chưa chế 5
biến), chè (xanh, đen)
51. 22 Diazinon O,O-diethyl 0-2- 0,002 Quả óc chó, khoai tây 0,01
isopropyl-6- Sữa, ngô tư ơi, trứng, 0,02
methyl(pyrimidin thịt và phủ tạng gà
e-4-yl)
phosphorothioate Gan, thận gia súc, lợn, 0,03
dê, cừu
Quả hạnh, hành, cải 0,05
xoăn, tỏi tây, cải thìa,
bầu bí, hạt tiêu, ớt ngọt
Củ cải đường, dâu tây, 0,1
dứa, dưa chuột, củ cải
Nho Hy Lạp, quả mâm ,2
xôi, quả ki vi, quả táo,
su hào, đậu đỗ non,
đào, cdưa
Bắp đỏ, đậu
ải, bông cải xanh, 0,5
rau diếp, xà lách cuốn,
cà chua, cà rốt, rau
chân
Anh vịt đào, mận tươi, 1
hành tây.
Quả mận khô, nước 2
táo, thịt dê, thịt gia súc,
thịt lợn, thịt cừu
Vỏ quả hạnh, lá và 5
ngọn củ cải đường
52. 82 Dichlofluanid N- 0,3 Lúa mạch, yến mạch, 0,1
dichlorofluoromet lúa mạch đen, lúa mì,
h ylthio-N′,N′- hành tỏi tây, khoai tây
dimethyl-N- Cà pháo 1
phenylsulfamide
Quả anh đào, hạt tiêu, 2
cà chua, đậu đỗ non.
Táo, bơ, đào, dưa chuột 5

Quả dâu tằm 7

Quả mâm xôi, rau diếp, 10


dâu tây
Nho, dâu rừng 15

53. 25 Dichlorvos 2,2-dichlorovinyl 0,004 Sữa 0,02


dimethyl
phosphate Thịt động vật có vú, 0,05
thịt gia cầm
Xoài 0,1
Nấm 0,5
Bột mì 1
Lúa mì đã xay 2
Hạt ngũ cốc 5
Lúa mì chưa chế biến, 10
mầm hạt lúa mì
54. 83 Dicloran 2,6-dichloro- 4- 0,01 Cà chua, hành tây, tỏi 0,2
nitroaniline tây
Nho, dâu tây, xuân đào, 7
mận (tươi, khô)
Cà rốt 15
55. 26 Dicofol 2,2,2- trichloro- 0,002 Hồ đào, quả óc chó 0,01
1,1-bis (4-
chlorophenyl) Trứng, phủ tạng gia 0,05
ethanol cầm
Hạt bông, đậu (khô), 0,1
sữa, thịt gia cầm
Dưa (trừ dưa hấu) 0,2

Dưa chuột, dầu hạt 0,5


bông
Bí, hạt tiêu, cà chua, 1
mận, phủ tạng gia súc,
ớt đỗ non
Đậu 2

Thịt gia súc, quả mận 3


khô.
Nước cam quýt, nho, 5
đào, anh đào
Hoa bia khô, chè (xanh, 50
56. 130 Diflubenzuron 1-(4- 0,02 đen)
Gạo 0,01
chlorophenyl)-3-
Sữa 0,02
(2,6-
difluorobenzoyl) Trứng, thịt gia cầm 0,05
urea
Thịt gia súc 0,1
Nấm, đậu tư ơng (khô) 0,3
Cam quýt 0,5
Táo, lê, mận (cả mận 5
khô)
57. 151 Dimethipin 2,3-dihydro-5,6 0,02 Sữa, thịt và phủ tạng 0,01
dimethyl- 1,4 động vật có vú, trứng,
dithi-ine 1,1,4,4- thịt và phủ tạng gia
cầm
tetraoxide Khoai tây 0,05

Hạt cải dầu, dầu hạt 0,1


bông, dầu hạt hướng
dương, dầu hạt bông
thô, dầu hạt hướng
dương
Hạt cảithô
dầu 0,2

Hạt bông, hạt hướng 1


dương
58. 27 Dimethoate O,O-dimethyl S- 0,002 Actisô, măng tây, cải 0,05
methylcarbamoyl bắp, cải sa voa, lúa mì,
m ethyl dầu ô liu, khoai tây, thịt
phosphorodithioat gia súc, dê, ngựa, lợn,
e cừu, sữa gia súc, sữa
dê, sữa cừu, trứng, mỡ
gia
Hànhcầm, ịt gia
củ, thcủ cải,cầcải
m, 0,2
Cần tạng
phủ
xoăn tây, ôgia
liucầm 0,5

Lá và ngọn cây củ cải 1


đường, nho, dâu tây,
chuối, táo, lê, hạt tiêu,
cà chua, rau bina
Nho Hy Lạp (đen), cam 2
quýt, anh đào, đào, cải
bắp, súp lơ, rau diếp
59. 87 Dinocap (RS)-2,6-dinitro- 0,008 Rau quả họ bầu bí 0,05
4- octylphenyl
crotonates and Quả đào 0,1
(RS)-2,4-dinitro-
Hạt tiêu, táo 0,2
6- octylphenyl
crotonates in Cà chua 0,3
which “octyl” is a
mixture of 1- Nho, dâu tây 0,5
methylheptyl, 1-
60. 29 Diphenyl ethylhexyl and 1-
Biphenyl Cam quýt 110
propylpentyl
groups
61. 30 Diphenylamin N- 0,02 Sữa gia súc 0,004
phenylbenzenamin
Thận gia súc, thịt gia 0,01
súc
Gan gia súc 0,05

Nước táo 0,5

Lê 5

Táo 10
62. 31 Diquat 1,1'-ethylene-2,2'- 0,002 Sữa 0,01
bipyridyldiylium Rau các loại trừ số rau 0,05
dibromide salt đã liệt kê ở phần này,
thịt và phủ tạng động
vật có vú, trứng, ngô,
dầu thực vật thô, khoai
Lúa,
tây, thđậu
ịt vàkhô,
phủđậu lăng,
tạng gia 0,2
đậu
cầm Hà Lan khô, đậu
Bột
tươnglúakhô
mì 0,5

Hạt bông, gạo lật, hạt 1


hướng dương
Lúa mì nguyên 2
chất,yến mạch, lúa
miến,
Cám lúalúa mì
mì,chưa
hạt chế
cải 5
dầu lúa mạch
biến,
Gạo 10
Thân rễ linh lăng 100
63. 74 Disulfoton O,O-diethyl S-2- 0,0003 Sữa gia súc, sữa dê, sữa 0,01
ethylthioethyl cừu
phosphorodithioat Trứng, thịt gia cầ m, 0,02
e măng tây, ngô, ngô
ngọt, yến mạch
Hạt bông, đậu hà lan 0,1
xanh, dứa, lạc, hồ đào
Pecanngũ cốc, hạt cà
Hạt 0,2
phê, củ cải đường, củ
Rau các loại
cải Nhật Bản trừ một số 0,5
rau đã đư ợc liệt kê, yến
Ngô,
mạch ngô tươi, gạo, 1
khoai tây, lúa mì
Lá và ngọn cây củ cải 2
đường
Ngô khô, vỏ và thân 3
lúa mạch
Rau khoai, thân rễ cây 5
linh lăng
64. 180 Dithianon 5,10-dihydro- 0,01 Bưởi, nho, loại cam có 3
5,10- vỏ mỏng, quýt
dioxonaphtho[2,3 Nước táo, quả anh đào 5
- b]-1,4-dithiine-
2,3- dicarbonitrile Hoa bia khô 100

65. 105 Dithiocarbamat 1 Sữa, trứng, thịt động 0,05


es vật có vú
Phủ tạ ng động vật có 0,1
vú, thịt và phủ tạng gia
cầm, lạc, quả hạnh, bí
(mùa đông), ngô tươi,
măng tây, khoai tây
Khoai tây, bí xanh 0,2
Dưa (trừ dưa hấu), củ 0,5
cải đường, hành củ, tỏi,
tỏi
Dưatâychuột, cà rốt, lúa 1
mạch, lúa mì, dưa hấu,
ớt ngọt, cà rốt, bí mùa

Chuối, táo, dứa, dưa 2
chuột, xoài, cam chua,
cam ngọt, cà chua
Bắp cải, nho, đu đủ, 5
quả dạng táo, dâu tây,
anh đào, mận (gồm cả
mận khô), lúa mạch
Rau diếp, xà lách cuốn, 10
quýt, hành tây
Cải xoăn 15
Lá và ngọn củ cải 20
đường, vỏ quả hạnh
nhân
Lúa mạch 25
Hoa bia khô 30
66. 84 Dodine 1- 0,01 Quả anh đào 3
dodecylguanidini
Đào, xuân đào, quả 5
um acetate
dạng táo
67. 99 Edifenphos O- ethyl S,S- 0,003 Trứng, sữa 0,01
diphenyl
Thịt và phủ tạng của 0,02
phosphorodithioat
(trâu, bò, gà, vịt), gạo
e
Gạo lật 0,1
Thóc lúa 1

68. 32 Endosulfan 1,4,5,6,7,7- 0,006 Sữa 0,004


hexachloro-
8,9,10- Củ cải đường, thịt động 0,1
trinorborn-5-en- vật có vú, gạo, hạt cà
2,3- phê, hạt ca cao
ylenebismethylen
e sulfite Hành củ, khoai lang, cà 0,2
rốt, khoai tây, lúa mì
Dầu hạt bông (thô), đậu 0,5
đỗ non, đậu ván, đậu
Hà Lan non, dưa chuột,
cải hoa, súp lơ, cam
ngọt, cam chua, hạt cải
dầu, bầu bí mùa hè, cà
chua
Quả loại táo, anh đào, 1
mận (cả mận khô), hạt
bông, cải xoăn, rau
diếp, đậu tương, bắp
cải, nho, hạt hướng
Rau chân vịt, cần tây, 2
dương, lá linh lăng, lá
cải bắp, càủ pháo
và ngọn c cải đường
Chè (xanh, đen) 30

69. 33 Endrin (1R,4S,4aS,5S,6S 0,0002 Thịt gia cầm 1


,7R,8R,8aR)-
1,2,3,4,10,10-
hexachloro-
1,4,4a,5,6,7,8,8a-
octahydro-6,7-
epoxy-1,4:5,8-
dimethanonaphth
al ene
70. 204 Esfenvalerate (S)-ỏ-cyano-3- Trứng, thịt và phủ tạng 0,01
phenoxybenzyl gia cầm, hạt cải dầu
(S)-2-(4-
chlorophenyl)-3-
methylbutyrate

71. 106 Ethephon 2- Sữa gia súc 0,05


chloroethylphospho
Thịt gia súc, dê, ngựa, 0,1
nic acid
lợn, cừu, thịt gia cầm
Trứng gà, phủ tạng gia 0,2
súc, phủ tạng gia cầm
Quả hồ đào 0,5
Lúa mạch, lúa mạch 1
đen, lúa mì, nho
Cà chua, táo khô, hạt 2
bông
Táo, nho khô, hạt tiêu 5
Anh đào, sung (đã sấy 10
hoặc tẩm đường)
Quả mâm xôi 20
72. 107 Ethiofencarb -ethylthion 0- Sữa, trứng, thịt (trâu, 0,02
tolyl bò, lợn, gà, vịt)
methylcarbmate Lúa mạch, đại mạch, 0,05
lúa mì, yến mạch
Củ cải đườ ng 0,1
Khoai tây, củ cải 0,2
Dưa chuộ t 1
Táo tầu, đậu đỗ, nho 2
Hy Lạp, cà pháo
Táo, mơ, quả actisô, cải 5
Trung Quốc, đào, lê,
mận, lá và ngọn cây củ
ải đư
cQuả ờ ngđào, rau diếp
anh 10
73. 34 Ethion O,O,O′,O′- 0,002 Sữa 0,02
tetraethyl S,S′-
Ngô 0,05
methylene
bis(phosphorodith Quả anh đào, quả hạnh, 0,1
io ate) quả óc chó, hồ đào, hạt
dẻ
Thịt dê, ngựa, lợn, cừ u, 0,2
trứng, thịt và phủ tạ ng
gia cầm
Hạt bông, dưa chuột, bí 1
Đào, xuân đào, tỏi, 1
hành, hạt tiêu, cà pháo
Nho, dâu tây, cam quýt, 2
lê, mận, dưa tây, cà
Thịt
chua,trâu,
đậu bò
đỗ 2,5
Chè (xanh, đen) 5
74. 149 Ethoprophos O- ethyl S,S- 0,0004 Sữa, thịt gia súc, cà 0,01
dipropyl chua, dưa chuộ t
phosphorodithioat Nho, dâu tây, chuố i, 0,02
e dứa, mía, ngô, lạc, hành
củ, dưa tây, dưa chuột,
đậu tương, rau diếp, hạt
tiêu, cà chua, đậu Hà
Lan, cải bắp, dưa chuộ t
bao tử, củ cải đườ ng,
Khoai lang, khoai tây, 0,05
củ cải Thụy Điển
hạt tiêu
75. 35 Ethoxyquin 1,2-dihydro- 0,005 Lê 3
2,2,4-
trimethylquinolin
76. 184 Etofenprox -6-yl
2-(4- ethyl ether 0,03 Khoai tây 0,01
ethoxyphenyl)-2-
methylpropyl 3- Quả dạng táo 1
phenoxybenzyl
ether
77. 123 Etrimfos O-6-ethoxy-2- 0,003 Cây và củ cải đường, 0,01
ethylpyrimidin-4- quả anh đào, trứng, đậu
yl O,O-dimethyl tương, sữa, thịt trâu, bò
phosphorothioate và phủ tạng của chúng
Thịt gà, vịt 0,02
Mơ, đào, súp lơ 0,05
Gạo, hẹ, bắp cải, dưa 0,1
chuột, củ cải, khoai tây
Mậ n, nho, cà chua, đậu 0,2
Hà Lan, đậu đỗ, quả
actisô
Cải xoăn 0,5
Bột mì, táo 1
Lúa mì, lúa mạch, ngô 5

78. 208 Famoxadone (RS)-3-anilino-5- Trứng, thịt gia cầm, 0,01


methyl-5-(4- phủ tạng gia cầm
phenoxyphenyl)-
Khoai tây 0,02
1,3-oxazolidine-
2,4- dione Sữa 0,03
Lúa mì 0,1

Lúa mạch, dưa chuột, 0,2


bầu bí mùa hè
Thịt và phủ tạng động 0,5
vật có vú
Nho, cà chua 2
Nho khô 5

79. 85 Fenamiphos (RS)-(ethyl 4- 0,0008 Sữa 0,005


methylthio-m-
Thịt gia súc, thịt gia 0,01
tolyl
cầm, phủ tạng gia cầm,
isopropylphospho
trứng
Dứa, hạt bông, lạc, bắp 0,05
ra midate)
cải, súp lơ, dưa (trừ dưa
hấu), đậu tương khô, củ
cải đường, quả kivi,
cây bông cải xanh, cải
Nho, chuối, hạt cà phê, 0,1
Bruxen
khoai lang, cà phê xay
Cà chua, cà rốt, khoai 0,2
tây
Cam 0,5
80. 192 Fenarimol (RS)-2,4′- 0,01 Thịt gia súc, gan và 0,02
dichloro- ỏ- thận gia súc, hồ đào
(pyrimidin-5- Pecan
Gan gia súc, dưa (trừ 0,05
yl)benzhydryl dưa hấu)
alcohol
Trà actisô 0,1
Nho khô, chuối 0,2
Nho, quả có vỏ cứng 0,3
Quả đào, ớt ngọt 0,5
Dâu tây, quả anh đào 1

Hoa bia khô, bột táo 5


khô
81. 197 Fenbuconazol (RS)-4-(4- 0,03 Chuối, hạt hướ ng 0,05
e chlorophenyl)-2- dương, hồ đào Pecan,
phenyl-2-(1H- quả bí mùa hè, mỡ gia
1,2,4-triazol-1- súc, thận gia súc, gan
ylmethyl)butyroni gia súc, thịt gia súc, sữa
tr ile gia súc, trứng, thịt gia
Lúa mì, lúa mạch đen, 0,1
cầm, phủ tạng gia cầm

Dưa chuột, dưa các loại 0,2


(trừ dưa hấu)
Quả đào, mơ 0,5
Nho khô, quả anh đào 1
Thân và vỏ lúa mỳ khô 3

82. 109 Fenbutatin Bis [tris (2- 0,03 Sữa, thịt động vật có 0,05
oxide methyl-2- vú, trứng, thịt và phủ
phenylpropyl) tin] ạng tạng
tPhủ gà gia súc 0,2
oxide
Quả hạnh, hồ đào, dưa 0,5
chuột, quả óc chó
Cà chua 1
Mận cả mận khô 3
Nho, cam, quýt, quả 5
dạng táo
Quả đào 7

Dâu tây, anh đào, quả 10


mận khô
Nho khô 20
Bột táo nghiền khô 40

Bột nho nghiền khô 100

83. 37 Fenitrothion O,O-dimethyl O- 0,005 Sữa 0,002


4- nitro-m-tolyl
Thịt động vật có vú, 0,05
phosphorothioate
hành củ, dưa chuột,
Hạt
khoaicatây
cao, súp lơ, đậu 0,1
tương khô, hạt tiêu, cà
pháo mì trắng, củ cải,
Bánh 0,2
Chètây(xanh, đen), nho,
tỏi 0,5
dâu tây, lê, táo, đậu Hà
Lan non, anh đào, bắp
cải, rau diếp, cà chua
Gạo trắng, đào 1

Bột mì, cam quýt 2


Lúa mì nguyên chất 5
Thóc lúa 10
Cám lúa mì chưa chế 20
biến, c ám gạo

84. 185 Fenpropathrin (RS)-  - cyano- 0,03 Trứng, phủ tạng gia 0,01
phenoxybenzyl cầm
2,2,3,3 -
Thịt gia cầm 0,02
tetramethyl
cyclopropanecarb Phủ tạng gia súc 0,05
o xylate
Sữa gia súc 0,1

Dưa chuột bao tử, cà 0,2


pháo
Thịt gia súc 0,5
Hạt bông, ớt ngọt, cà 1
chua
Dầu hạt bông thô 3
Quả dạng táo, nho 5

85. 188 Fenpropimorp (RS)-cis-4-[3-(4- Mỡ động vật có vú (trừ 0,01


h tert-butylphenyl)- chất béo từ sữa), sữa,
2- methylpropyl]- mỡ gia cầm, trứng, thịt
2,6- gia cầm, phủ tạng gia
dimethylmorpholi cầm động vật có vú
Thịt 0,02
ne Thận gia súc, lợn, dê, 0,05
cừu, củ cải đường
Gan gia súc, dê, lợn, 0,3
cừu
Lúa mạch, yến mạch, 0,5
lúa mạch đen, lúa mì
Lá và ngọn củ cải 1
đường
Chuối 2
Thân lá lúa mạch 5
86. 193 Fenpyroximat Tert-butyl (E)-ỏ- Sữa gia súc 0,005
e (1,3-dimethyl-5-
Thận, gan gia súc 0,01
phenoxypyrazol-
4- Thịt gia súc 0,02
ylmethyleneamin
oo xy)-p-toluate Cam ngọt, cam chua 0,2
Hoa bia khô 10
87. 38 Fensulfothion O,O-diethyl O-4- 0,0003 Chuối, thịt trâu bò, thịt 0,02
methylsulfinylphe dê và phủ tạng của dê
n yl Lạc, dứa 0,05
phosphorothioate
Thịt và phủ tạng cừu 0,02

Ngô, hành, khoai tây, 0,01


củ cải đường, cà chua,
củ cải Thụy Điển
88. 39 Fenthion O,O-dimethyl O- 0,007 Sữa, gạo lật 0,05
4- methylthio-m-
Ôliu, dầu ôliu 1
tolyl
phosphorothioate Cam quýt, anh đào, 2
thịt
89. 40 Fentin Triphenyltin 0,0005 Khoai tây, gạo 0,1
Củ cải đườ ng 0,2
Hoa bia (khô) 0,5

90. 119 Fenvalerate (RS)-ỏ-cyano-3- 0,02 Phủ tạng động vật có 0,02
phenoxybenzyl vú
(RS)-2-(4- Rau thân củ 0,05
chlorophenyl)-3- Sữa, dầu hạt bông, hạt 0,1
methylbutyrate hướng dương, lạc c ủ,
đậu tương (khô), ngô
tươi, đậu bóc vỏ, đậu
Hà Lan
Bột mì, hạt bông, dưa 0,2
tây (trừ dưa hấu), dưa
chuột, quả hạnh
Bí, dưa hấu, ớt ngọt 0,5

Quả mọng và các quả 1


nhỏ khác, thịt động vật
có vú, cải Trung Quốc,
cà chua, đậu đỗ (trừ
đậu tằm
Cam và qu
quýt, ả loại
đậu tương)
táo, 2
anh đào, ngũ cốc, súp
lơ, rau diếp, cần tây,
cây bông cải xanh, cải
Cải bắp
Bruxen 3

Cám lúa mì (chưa chế 5


biến), quả kivi, quả đào

Cải xoăn 10

Thân rễ linh lăng 20

91. 202 Fipronil 5-amino-1-(2,6- Lúa mạch, yến mạch, 0,002


dichloro-ỏ,ỏ,ỏ- lúa mạch đen, hạt
trifluoro-p-tolyl)- hướng dương, lúa mì
4- Chuối 0,005
trifluoromethylsul
fi nylpyrazole-3- Ngô, gạo, thịt gia cầm 0,01
carbonitrile
Bắp cải, sữa gia súc, 0,02
thận gia súc, trứng, phủ
tạng gia cầm, khoai tây,
cải
Ganhoa
gia súc, ngô bao tử 0,1

Củ cải đường, lá và 0,2


ngọn củ cải đường

Thịt gia súc 0,5

92. 152 Flucythrinate (RS)-ỏ-cyano-3- 0,02 Ngô tươi, hạt cà phê, 0,05
phenoxybenzyl hạt cải dầu, đậu (khô),
(S)-2-(4- khoai tây, củ cải Nhật,
difluoromethoxyp củ cải
Hạt đường
bông 0,1
h enyl)-3-
methylbutyrate Lúa mạch, yến mạch, 0,2
lúa mì, dầu hạt bông, cà
chua, họ cải bắp
Bắp cải, actisô 0,5
Nho 1
Lá và ngọn cây củ cải 2
đường
Hoa bia (khô) 10
93. 211 Fludioxonil 4-(2,2-difluoro- Thịt (động vật có vú), 0,01
1,3- benzodioxol- sữa, thịt gia cầm, đậu
4- yl)-1H-pyrrole- tương khô, hạt hư ớng
3- carbonitrile dương, ngôhạt
Khoai tây, ngọt
cải dầu 0,02
Hạt ngũ cốc, hạt bông, 0,05
phủ tạng gia súc, trứng
phủ tạng gia cầm
Hạt hạnh nhân 0,2
Hành tây, tỏi tây 0,5
Cải hoa, cà rốt 0,7
Quả mâm xôi, nho, bắp 2
cải
Dâu tây 3
Dâu rừng, hành tây 5
Húng quế, hẹ tây, mù 10
tạt xanh, cải xoong
Húng quế khô 50
94. 195 Flumethrin (RS)-ỏ-cyano-4- 0,004 Sữa gia súc 0,05
fluoro-3-
phenoxybenzyl
(1RS,3RS;1RS, Thịt gia súc 0,2
3SR)-(EZ)-3-(õ,4-
dichlorostyryl)-
2,2-
dimethylcyclopro
95. 165 Flusilazole pa necarboxylate
Bis(4- 0,001 Thịt, mỡ và sữa của 0,01
fluorophenyl) trâu bò, trứng gà, thịt
(methyl)(1H- và phủ tạng gà, củ cải
1,2,4- triazol-1- đường
Phủ tạng gia súc 0,02
ylmethyl)silane
Hạt cải dầu 0,05

Chuối, lúa mạch, lúa 0,1


mạch đen, lúa mì
Nước táo 0,2
Nho, xuân đào, đào, 0,5

Nho khô 1
Lúa mạch, lúa mì, lúa 2
mạch (vỏ và thân)
96. 206 Flutolanil ỏ,ỏ,ỏ-trifluoro-3′- Thịt động vật có vú, 0,05
isopropoxy-o- sữa, trứng, thịt và phủ
toluanilide tạng gia cầm
Thận gia súc (lợn, dê, 0,1
cừu)
Gan gia súc (lợn, dê, 0,2
cừu)

Gạo 1

Gạo lật 2

Cám gạo 10

97. 41 Folpet N- 0,1 Khoai tây 0,1


(trichloromethylthio
Dưa chuột, hành tây, 1
) phthalimide
tỏi t ây
Nho 2
Các loại dưa trừ dưa 3
hấu
Dâu tây 20
98. 42 Formothion S- 0,02 Cam quýt 0,2
[formyl(methyl)c
ar bamoylmethyl]
O,O-dimethyl
99. 175 Gluphosinate- phosphorodithioat 0,02 Sữa 0,02
ammonium e
Măng tây, củ cải 0,05
đường, cà rốt, đậu đỗ
non, ngô bao tử, hành
tỏi tây, dầu hư ớng
dương, thịt gia cầm,
Ngô tươi, hành củ, dầu 0,1
trứng, thịt động vật có
hạt bông thô, quả có vỏ

cứng, quả dạng táo, quả
kivi, lá và ngọn củ cải
đường, đậu tư ơng khô,
Chuối 0,2
cam quý, lựu và các
quả mọng khác
Nho Hy Lạp, khoai tây 0,5

Đậu đỗ khô, đậu tằm 2

Đậu Hà Lan khô 3

Hạt hư ớng dương, hạt 5


cải dầu
100. 158 Glyphosate N- 0,3 Dầu hạt bông 0,05
(phosphonomethy Ngô tươi, quả kivi, gạo, 0,1
l) glycine lúa miến, trứng, sữa và
thịt gia súc, thịt lợn,
thịt
Hạt gia
đậucầm
tương non 0,2

Bột mì 0,5

Ngô, phủ tạng lợn 1

Phủ tạng gia súc, đậu 2


khô
Lúa mì nguyên chất, 5
đậu Hà Lan khô, đậu
tương non, lúa mì
Hạt cải dầu, hạt bông 10

Lúa mạch, yến mạch, 20


cây lúa miến, đậu
tương khô, cám lúa mì
(chưa
Vỏ và chế bing
thân ến)
ũ cốc 100

Đậu tương khô 200

101. 114 Guazatine Guazatine 0,03 Dứa, hạt ngũ cốc, mía, 0,1
khoai tây
Cam quýt, dưa tây 5

102. 194 Haloxyfop (RS)-2-{4-[3- Chuối, cam quýt, nho, 0,05


chloro-5- quả dạng táo
(trifluoromethyl)-
2-
103. 43 Heptachlor 1,4,5,6,7,8,8-
pyridyloxy]pheno 0,0001 Sữa 0,006
heptachloro-3a,
x y}propionic
4,7,7a-
acid Cam, quýt, dứa 0,01
tetrahydro-4,7-
methanoindene Hạt ngũ cốc, hạt bông, 0,02
dầu đậu tương tinh chế
Trứng 0,05

Thịt gia súc, gia cầm 0,2

Bã dầu đậu tương 0,5

104. 170 Hexaconazole (RS) -2- (2,4 - 0,005 Cà phê hạt 0,05
diclorophenyl) -1-
(1H-1,2,4- Nho, chuối, táo, lúa mì 0,1
triazol-1-yl)
105. 176 Hexythiazox hexan -2- ol
(4RS,5RS)-5-(4- 0,03 Dưa chuột, cà chua 0,1
chlorophenyl)-N- Quả mận (cả mận khô), 0,2
cyclohexyl-4- nho Hy Lạp (đỏ, đen)
methyl-2-oxo- Dâu tây, cam quýt, táo, 0,5
1,3- thiazolidine- đỗ
3- carboxamide
Nho, quả anh đào, quả 1
đào
Hoa bia khô 2
106. 45 Hydrogen Hydrocyanic acid 0,05 Bột mì 6
cyanide
Hạt ngũ cốc 75

107. 46 Hydrogen Phosphine Quả khô, rau khô, gia 0,01


phosphide vị, hạt ca cao, lạc, quả
hạnh
Hạt ngũ cốc 0,1
108. 110 Imazalil (RS)-1-(õ- 0,03 Lúa mì 0,01
allyloxy-2,4-
Dưa chuột, dưa chuột 0,5
dichlorophenyleth
bao tử
yl) imidazole
Dâu tây, chuối, quả 2
hồng vàng Nhật Bản,
dưa (trừ dưa hấu)
Quả loại táo, khoai tây, 5
cam quýt
109. 206 Imidacloprid 1-[(6-chloro-3- Trứng, sữa, thịt gia 0,02
pyridinyl)methyl] cầm, phủ tạng gia cầm,
- N-nitro-2- ngô mì
Bột ngọt 0,03
imidazolidinimine
Chuối, hạt ngũ cốc, tỏi 0,05
tây, hạt hồ đào, hạt cải
dầu, củ cải đường, phủ
tạng gia
Hành tây,súc
tỏi tây 0,1
Cà pháo, ngô tươi, 0,2
xoài, các loại dưa, dưa
hấu, mận
Cám lúa mì 0,3
Táo, mơ, đào, cải hoa, 0,5
cải Bruxen, bắp cải,
súp lơ, khoai tây, cà
chua chuột, nho, lê, hạt
Dưa 1
tiêu
Các loại đậu khác (trừ 2
các loại đã có trong
danh mục), rau diếp, xà
lách
Yến cuốn
mạch, lúa mạch, lá 5
và ngọn củ cải đường
Hoa bia khô 10
110. 111 Iprodione 3-(3,5- 0,06 Đậu khô, củ cải đường 0,1
dichlorophenyl)-
N- isopropyl-2,4- Hành, tỏi, quả hạnh 0,2
dioxoimidazolidin
e -1-carboxamide Hạt cải dầu, hạt hướng 0,5
dương
Mầm rau diếp xoăn 1

Lúa mạch, đậu đỗ non, 2


dưa chuột
Cà chua, nước táo, quả 5
kivi
Dâu tây, quả loại táo, 10
đậu Hà Lan, đào, anh
đào, nho, gạo lật, ngọn
rau
Lá diếp, cà rốtbông cải
rau diếp, 25
xanh
Quả mâm xôi 30

111. 131 Isofenphos (RS)-(O-ethyl O- 0,001 Sữa 0,01


2-
isopropoxycarbon Chuối, ngô, mỡ (động 0,02
yl phenyl vật), thịt và phủ tạng
isopropylphospho động vật, hạt nho, củ
ra midothioate) cải Thụy Điển, cần tây
Hành, khoai tây 0,1

112. 199 Kresoxim - Methyl (E)- Sữa 0,01


methyl methoxyimino[ỏ-
Dưa chuộ t, phủ tạ ng và 0,05
(o-tolyloxy)-o-
mỡ động vật có vú (trừ
tolyl]acetate
chất béo từ sữa), thịt
động vật có vú, thịt gia
cầm, lúa mạch đen, lúa
Lúa
mì mạch 0,1
Ôliu, quả dạng táo 0,2
Nho tươi, cam ngọt, 0,5
cam chua
Dầu ô liu 0,7
Nho 1
Nho khô 2
Rơm và cỏ khô, hạt ngũ 5
cốc
113. 48 Lindane 1,2,3,4,5,6- 0,001 Sữa, phủ tạng gia súc, 0,01
hexachlorocycloh phủ tạng gia cầ m, lúa
ex ane mạch, yến mạch, lúa
mì, lúa miến, ngô, ngô
Thịt
ngọt gia cầm, khoai tây, 0,05
hạt cải dầu
Củ cải đường, lá và 0,1
ngọn cây củ cải đư ờng,
đậu Hà Lan non, thịt
gia
Nho,súcnho Hy Lạp, táo, 0,5
anh đào, mận (cả mận
khô), hạt ngũ cốc, bắp
cải, súp lơ, lê, cải
Cùi và vỏ
Bruxen, cải dừa,
xa voahạt ca 1
cao, su hào, đậu khô,
củ cải
Rau diếp xoăn, rau 2
diếp, thịt gia súc (thịt
lợn, cừu) rau bina, cà
114. 49 Malathion Diethyl 0,02 chua
Nước ép cà chua 0,01
[(dimethoxyphosp
Ngô ngọt 0,02
h inothioyl)-
thio]butanedioate Hạt tiêu 0,1
Dưa chuột, cải vườn 0,2
Quả mâm xôi, lê, súp 0,5
lơ, su hào, ớt, cà pháo,
đậu Hà Lan, rau thân
củ,
Dâucàtây,
chua
cần tây, măng 1
tây, hành tỏi tây
Bột mì, bột lúa mạch 2
đen, táo, đậu đỗ non,
lúa mì nguyên chất, mù
Cải xoăn, rau chân vịt
tạt xanh 3
Cam, quýt 4
Cây bông cải xanh 5
Mận (cả mận khô), anh 6
đào, đào
Quả khô, quả mâm xôi, 8
hạt ngũ cốc, hạt đậu
lăng, rau diếp xoăn,
ngọn rau diếp, nho, quả
mọng, cải bắp, đậu lăng
khô, rau bina, quả hạch,
Quả
bắp cmâm xôi Quốc
ải Trung 10
115. 102 Maleic 6- hydroxy- 2H- 0,3 Hành tỏi tây, hành tăm 15
hydrazide pyridazin - 3-one Khoai tây 50
116. 124 Mecarbam S-(N- 0,03 Sữa, thịt và phủ tạng 0,01
ethoxycarbonyl- gia súc
N- Cam, quýt 2
methylcarbamoyl
m ethyl) O,O-
117. 138 Metalaxyl diethyl
Methyl N- 0,03 Hạt ngũ cốc, hạt bông, 0,05
phosphorodithioat
(methoxyacetyl)- đậu tương, hạt đậu Hà
e
N- (2,6-xylyl)- lan, hạt hướng dương,
DL- alaninate măng tây, khoai tây, cà
rốt, củ cải đường
Lạc 0,1
Hồng xiêm, cải Bruxen, 0,2
các loại dưa, dưa hấu,
dâu
Cải rừng
hoa, cải bắp, súp 0,5
lơ, dưa chuột, dưa
chuột bao tử, cà chua
Nho, quả dạng táo, hạt 1
tiêu
Rau diếp, xà lách cuốn, 2
rau chân vịt, hành tây,
Cam
tỏi tâyquýt 5
Hoa bia khô 10
118. 125 Methacrifos Methyl (E)-3- 0,006 Sữa, trứng, thịt gà vịt, 0,01
(dimethoxyphosp thịt và phủ tạng trâu, bò
hi nothioyloxy)-
2- methylacrylate
119. 100 Methamidoph (RS)-(O,S- 0,004 Thịt và phủ tạng gia 0,01
os dimethyl súc, trứng, thịt và phủ
phosphoramidothi tạng gia cầm
o ate) Sữa, củ cải đường, thân 0,02
lá củ cải đường
Khoai tây 0,05
Đậu tương 0,1
Súp lơ, bắp cải 0,5
Dưa chuột, hạt tiêu, ớt 1
Láọtlinh lăng
ng 2
Hoa bia (khô) 5
Lá và ngọn củ cải 30
120. 51 Methidathion S-2,3-dihydro-5- 0,001 đường
Sữa 0,001
methoxy-2-oxo-
Hạt điều 0,01
1,3,4- thiadiazol- Mỡ, thịt và phủ tạng 0,02
3- ylmethyl O,O- gia súc, gia cầm (trâu
dimethyl bò, dê, cừu, lợn, gà vịt),
phosphorodithioat Dứa,
trứng,qu ả hạnh,
khoai tây hồ đào, 0,05
e quả óc chó, dưa chuột,
củ cải đường, quả
actisô, củ cải
Ngô, hành càcủchua,
củ,đỏ, cải 0,1
đậu Hà Lan non, hạt cải
dầu, hoa rum khô, cải
ắp, đậu
bAnh khô,mận,
đào, đậu leo
xuân 0,2
đào, đào, cây lúa miến
Táo, chè (xanh, đen), 0,5
hạt hư ớng dương
Hạt ôliu, hạt bông, nho, 1

Chanh, cam, bưởi, dầu 2
ôliu thô, dầu hạt bông
Hoa bia khô, quýt 5

Lá linh lăng 10
121. 132 Methiocarb 4 - methylthio - 0,02 Cam quýt, hạt ngũ cốc, 0,05
3,5- xylyl sữa, trứng, thịt gia cầm,
methylcarbamate quả phỉ, ngô tư ơi, củ
cải đường, quả acti sô,
B ắpcải
hạt cải,
dầucải xoăn, súp 0,2
lơ, rau diếp, cải
Bruxen, bông cải xanh
Dâu tây 1
122. 94 Methomyl S-methyl (EZ)-N- 0,03 Sữa, thịt và phủ tạng 0,02
(methylcarbamoyl gia súc, thịt và phủ tạng
o gia cầm, trứng, ngô,
xy)thioacetimidat dầu ngô, khoai tây, lúa
e miộtếnmì
B 0,03
Dầu hạt bông 0,04
Đậu các loại, hạt cải 0,05
dầu
Củ cải đường, lạc, đậu 0,1
khô, đậu tương non,
Dứa,
khoailúa
tâymiến, hành củ, 0,2
dưa tây, dưa chuột, bí,
dưa hấu, đậu tương
(khô), cà pháo,
Lúa mạch, ủ hẹ
yến cmạch, 0,5
tây
lúa mì, hạt bông, hành,
hạt đậu Hà Lan đã bóc
vỏ
Cam, quýt, hạt tiêu, cà 1
chua, lá cây lúa miến,
ớt
Bạc hà khô, quả loại 2
táo, súp lơ, ngô tươi,
măng tây, cần tây, đậu
đỗ nonđào, xuân đào,
Nho, 5
bắp cải, cải xoăn, ngọn
rau diếp, đậu Hà Lan
non, rau bina, lá lạc, lúa
mạch, yến mạch, lúa mì
(vỏ và thân)
Lá linh lăng 20

123. 147 Methoprene Isopropyl (E,E) - 0,1 Trứng, sữa gia súc 0,05
(RS)- 11-
Phủ tạng gia súc 0,1
methoxy - 3,7,11
- trimethyldodeca Thịt gia súc, dầu ngô, 0,2
- 2,4 - dienoate nấm
Bột mì, lạc 2
Lúa mì nguyên chất, 5
hạt ngũ cốc
124. 209 Methoxyfenozi N-tert-butyl-N′- Trứng, sữa, thịt và phủ 0,01
de (3- methoxy-o- tạng gia cầm
toluoyl)-3,5-
Phủ tạng gia súc, ngô, 0,02
xylohydrazide
ngô ngọt
Thịt gia súc 0,05
Nho 1
Hạt tiêu, quả dạng táo, 2
mận, cà chua
Cải hoa, nho khô 3
Táo khô, bắp cải, hạt 7
bông
Cần tây, rau diếp, xà 15
lách cuốn
Mù tạt xanh 30

Ngô bao tử 50

125. 186 Metiram Zinc ammoniate 0,03 Khoai tây 0,1


ethylenebis(dithio
c arbamate) - Lúa mì 0,2
poly(ethylenethiu
ra m disulfide) Dưa chuột, cà rốt 0,5

Chuối, anh đào, mận, 1


dưa tây, rau diếp xoăn
Táo, lê, cà chua 3
Nho Hy Lạp, nho, rau 5
diếp, cần tây
126. 53 Mevinphos (EZ)-2- 0,0008 Dưa (trừ dưa hấu), bắp 0,05
methoxycarbonyl- cải đỗ non
Đậu 0,1
1 -methylvinyl
dimethyl Cam, quýt, dưa chuột, 0,2
phosphate cà chua
Nho, rau bina 0,5
Dâu tây, súp lơ, bông 1
cải xanh, cải Bruxen
127. 54 Monocrotoph Dimethyl (E) -1- 0,0006 Sữa 0,002
os methyl-2-
(methylcarbamoyl Sản phẩm sữa, thịt và 0,02
) vinyl phosphate phủ tạng gia súc, lúa
mì, cây mía, trứng, thịt
và phủ tạng gia cầm
Ngô, dầu hạt bông thô, 0,05
đậu tư ơng non, khoai
tây, củ cải đư ờng
Hạt cà phê, hạt bông, 0,1
hành củ, đậu Hà Lan
non
Cam, quýt, bắp cải, súp 0,2
lơ, đậu đỗ non
Hoa bia, táo, lê, cà 1
128. 181 Myclobutanil (RS)-2-(4- 0,03 chua
Sữa, thịt và phủ tạng 0,01
chlorophenyl)-2- gia súc, trứng, thịt và
(1H-1,2,4-triazol- phủ tạng gia cầm
1- ylmethyl) Quả mận, quả mơ 0,2
hexanenitrile
Cà chua 0,3
Mận khô, nho Hy Lạp 0,5
đen, quả loại táo, đào
Nho, anh đào, dâu tây 1
Chuối, quả hạch, hoa 2
bia khô
129. 217 Novaluron (RS)-1-[3- Thịt gà, thịt gia cầm, 0,01
chloro-4- (1,1,2- phủ tạng gia cầ m,
trifluoro-2- trứng, lúa mì, lúa mạch,
trifluoromethoxye lúa mạch đen, ngô, hạt
tho xy)phenyl]-3- ngũ cốc, đậu tương,
đậu khô các loại, lạc,
củ cải Nhật Bản, củ cải
(2,6- Đường, cây mía, rau họ 0,02
difluorobenzoyl)u bầu bí, bắp cải Trung
rea Quốc, cải Bruxen,
actisô, rau diếp, xà
lách, hành tây, dưa tây,
dưa hấu, cà rốt, chanh,
cam, nho, dưa Nhật,
chuối, xoài, đu đủ,
hồng, dứa, ổi, lạc tiên,
chà là,tây,hạtkhoai
Khoai hư ớng
sọ, 0,05
dương, mơ, mận,
khoai lang, khoai mỡ, hồ
đào Pecan,
nấm ăn ạt
chè, h cà

phê,pháo
hạt ca cao, hoa bia 0,5
khôịt dê, thịt lợn, thịt gia
Th 0,7
súc, phủ tạng gia súc
Cải bắp, cà chua, hạt 1
bông
Táo, lê, sơn trà Nhật 3
130. 55 Omethoate 2- Bản rốt, hạt ngũ cốc,
Cà 0,05
dimethoxyphosph khoai tây, củ cải đường
in oylthio-N- Cần tây, hành, đậu Hà 0,1
methylacetamide Lan, rau bina
Đậu đỗ (trừ đậu tư ơng), 0,2
cải hoa muộn, bắp cải,
súp lơ, dưa chuột, cải
xoăn, rau diếp,
Hạt tiêu, dâu củ cải cà
tây, 1
chua
Cam, quýt, nho Hy Lạp 2
131. 126 Oxamyl (EZ)-N,N- 0,03 Trứng, sữa, thịt và phủ 0,02
dimethyl-2- tạng gia súc, thịt và phủ
methylcarbamoylo tạng gia cầm
xy imino-2- Lạc 0,05
(methylthio)
acetamide Cà rốt, khoai tây, rau 0,1
thân củ
Hạt bông, thân lá cây 0,2
lạc
Dứa 1
Táo, dưa tây, dưa 2
chuột, bí, dưa hấu, ớt
ngọt, cà chua, lạc khô
Cam, quýt, cần tây 5

132. 161 Paclobutrazol (2RS,3RS)-1-(4- 0,1 Quả hạnh 0,05


chlorophenyl)-
4,4- dimethyl-2-
(1H-1,2,4-triazol- Táo 0,5
1- yl)pentan-3-ol
133. 57 Paraquat 1,1'-dimethyl- 0,004 Sữa, trứng 0,01
4,4'- bipyridinium
Rau các loại, thịt và 0,05
phủ tạng gia súc, dầu
hướ ng dương, dầu hạt
bông
Đậu tương khô, ngô 0,1
Hoa bia khô, quả lạc 0,2
tiên, hạt bông, khoai
tây
Gạo, lúa mạch, thận gia 0,5
súc
Hạt ôliu 1
Hạt hướng dương 2
Gạo 10
134. 58 Parathion O,O-diethyl O-4- 0,004 Táo, hạt hướng dương, 0,05
nitrophenyl khoai tây, tỏi tây, đậu
phosphorothioate tương khô
Ngô 0,1
Các loại quả cam, 0,5
chanh, quýt, ôliu
Quả mơ, quả đào, hạt 1
bông
Dầu ôliu 2
Lúa miến 5

135. 59 Parathion - O,O-dimethyl O- 0,003 Mận (cả mận khô) 0,01


methyl 4- nitrophenyl
phosphorothioate Bắp cải, củ cải đường, 0,05
khoai tây
Táo 0,2
Đào, đậu Hà Lan (khô) 0,3
Nho 0,5
Nho khô 1
136. 182 Penconazole (RS)-1-[2-(2,4- 0,03 Sữa gia súc 0,01
dichlorophenyl)
pentyl]-1H-1,2,4- Trứng và thịt gà, thịt và 0,05
triazole phủ tạng gia súc
Đào, xuân đào, dưa 0,1
hấu), dâu tây
Cà chua, nho, nước táo 0,2

Hoa bia khô, nho khô 0,5


137. 120 Permethrin 3- 0,05 Hạt cà phê, hạt cải dầu, 0,05
phenoxybenzyl(1 quả hồ trăn, củ cải
R S)-cis,trans-3- đường, khoai tây, đậu
(2,2- tương
Sữa, phủkhôtạng động vật 0,1
dichlorovinyl)- có vú, dầu đậu tương
2,2- thô, dầu hạt bông,
dimethylcyclopro trứng, thịt gia cầ m, lạc,
pa necarboxylate quả hạnh, su hào, đậu
khô, ngô tươi, nấm, đậu
Hà Lan, cà rốt, củ cải
Cam,
Nhật Bản,quýt,dưa
hành
(trừ hoa,
dưa 0,5
súp
hấu) lơ, dưa chu ột, bí,
cải ngựa, dưa chuộ t bao
tử, tỏi tây, hạt bông,
Thịt
bột lúađộng
mì vật có vú, 1
dâu tây, hạt ôliu, dầu
hạt hướng dương, hạt
tiêu, cà pháo, cà chua,
măng tây, quả mâm
Lúa cải
xôi, mì Bruxen,
nguyênđậu đỗ
chất, 2
non, hạt
mầm lúahướng
mì, dương
nho Hy
Lạp, nho, quả lý gai,
quả loại táo, ngũ cốc,
ngọn rau diếp,
Bắp cải xavoa,quả ngọn
kivi, 5
loại
bắp cải, cải xoăn, cải
quả hạch, bông cải
xanh, rau bina
bắp Trung Quốc, cám
lúa mì chưa chế biến
Chè (xanh, đen), vỏ và 20
thân cây lúa miến
Bột táo nghiền (khô), 50
hoa bia (khô), đậu
Ngô khô cỏ linh lăng
tươngkhô, 100
138. 127 Phenothrin 3-phenoxybenzyl 0,07 khô
Gạo 0,1
(1RS,3RS;1RS,
3SR)-2,2- Bột mì 1
dimethyl-3-(2-
methylprop-1- Lúa mì, lúa mạch, lúa 2
enyl)cyclopropan miến
eca rboxylate
Mầm lúa mì, cám lúa 5

139. 128 Phenthoate S-ỏ- 0,003 Sữa 0,01
ethoxycarbonylbe
Thịt trâu, bò, trứng, gạo 0,05
n zyl O,O-
dimethyl Cam quýt 1
phosphorodithioat
e
140. 112 Phorate O,O-diethyl S- 0,0005 Ngô, lúa miến, lúa mì, 0,05
ethylthiomethyl sữa, dầu lạc, trứng, hạt
phosphorodithioat bông, đậu tương khô,
e ngô tươi, củ cải đường,
củ cải đường khô, thịt
độngđỗ,
Đậu vậtlạc
có vú 0,1
Khoai tây, ngô 0,2
Lá và ngọn cây củ cải 1
141. 60 Phosalone S-6-chloro-2,3- 0,02 đường
Thịt cừ u, quả hồ đào 0,05
dihydro-2-oxo-
1,3- benzoxazol- Hạnh nhân 0,1
3- ylmethyl O,O-
diethyl Quả dạng táo 2
phosphorodithioat
142. 103 Phosmet O,O-dimethyl
e S- 0,01 Sữa, đậu Hà Lan (khô) 0,02
phthalimidomethy
Ngô, khoai tây, hạt 0,05
l
bông
phosphorodithioat Quả hạch 0,1
e
Đậu Hà Lan non 0,2
Thịt gia súc 1
Cam, quýt, mơ, xuân 5
đào
Nho, quả mâm xôi, táo, 10
lê, đào, khoai lang, ngô
khô, lá đậu Hà Lan, đậu
143. 61 Phosphamido (EZ)-2-chloro-2- 0,0005 Hà
RauLan
thânkhô
củ 0,05
n diethylcarbamoyl-
1 -methylvinyl Hạt ngũ cốc, dưa chuột, 0,1
dimethyl dưa hấu, rau diếp, cà
phosphate Dâu
chua tây, anh đào, mận 0,2
(cả mận khô), đào, bắp
cải, rau bina, hạt tiêu,
đậu Hà Lan, đậu đỗ, cà
rốt, cần
Cam, quýt
tây 0,4

144. 141 Phoxim O,O-diethyl ỏ- 0,001 Hạt ngũ cốc, sữa, thịt 0,05
cyanobenzylidene cừu, hạt bông, hành,
a bắp cải, súp lơ, ngô
minooxyphospho tươi, đậu đỗ, khoai tây
Rau diếp 0,1
no thioate
Thịt trâu, bò, cà chua 0,2
145. 62 Piperonyl 5-[2-(2- 0,2 Sữa, nước quả cam 0,05
butoxide butoxyethoxy)eth quýt
Các loại quả sấy khô, 0,2
oxymethyl]-6-
quả sung, thận gia súc
propyl-1,3-
(lợn,
Thận,dê,
bầucừdục
u) gia súc, 0,3
benzodioxole
nước cà chua
Rau thân củ 0,5
Trứng, gan gia súc, rau 1
quả họ bầu bí, lạc củ
Cà chua, hạt tiêu 2
Thịt gia súc, cam quýt 5
Thịt gia cầm 7
Bột mì, phủ tạng gia 10
cầm
Hạt ngũ cốc, lúa mì 30
(bộ t lẫn cám)
Rau diếp, rau chân vịt, 50
mù tạt xanh
Dầu ngô, cám lúa mì 80
Mầm lúa mì 90
Đậu Hà lan 200

146. 101 Pirimicarb 2-dimethylamino- 0,02 Sữa, trứng, thịt động 0,05
5,6- vật có vú, cam, quýt,
dimethylpyrimidi lúa mạch, yến mạch,
n-4-yl lúa mì, hạt bông, hồ
dimethylcarbamat đào, ngô tươi, củ cải
e Đậu (đã bóc
đườ ng, củ vỏ)
cải, khoai 0,1
tây Hà Lan non, hạt
Đậu 0,2
cải
Dâudầutây, nho Hy Lạ p, 0,5
cam, quýt, mận (cả
mận khô), đào, hành
củ, xu hào, mâm xôi,
tỏi
Đậutây
đỗ non, cà chua, cà 1
pháo, rau bina, ớt ngọt,
rau diếp, rau diếp xoăn,
rau mùi tây, bắp cải,
súp lơ, dưa chuột, cải
xoong, quả loại táo, cây
bông cải xanh, cải
Ớt quả, hạt
Bruxen, tiêutây, dưa
cần 2
chuột bao tử
Thân rễ linh lăng 20

Lá linh lăng 50
147. 86 Pirimiphos - O-2- 0,03 Sữa, thịt và phủ tạng 0,01
methyl diethylamino-6- gia súc, trứng, thịt gia
methylpyrimidin- cầm và phủ tạng gia
4- yl O,O- cầm
Hạt ngũ cốc 7
dimethyl
phosphorothioate Cám lúa mì chưa chế 15
biến, c ám gạo chưa chế
148. 142 Prochloraz N-propyl -N-2- 0,01 biến
Sữa, thịt gia cầm, quả 0,05
(2,4,6- hạch, hạt lanh
trichlorophenoxy)
Trứng 0,1
ethyl imidazole
-1- carboxamide Phủ tạng gia cầm, hạt 0,2
cà phê
Thịt gia súc, hạt hướng 0,5
dương
Hạt cải dầu 0,7

Dầu hướng dương 1

Hạt ngũ cốc, nấm 2


Cám lúa mì 7

Cam quýt 10
149. 136 Procymidone N-(3,5- 0,1 Hạt hướng dương, hành 0,2
dichlorophenyl)- tây, tỏi tây
1,2-
Dầu hướng dương thô 0,5
dimethylcyclopro
pa ne-1,2- Đậu đỗ non, lê 1
dicarboximide
Dưa chuột, dưa chuột 2
bao tử, bắp cải, mận
Đậu Hà Lan xanh 3
Nho, ngọn rau diếp, hạt 5
tiêu, cà chua
Quả mâm xôi, dâu tây, 10
anh đào
150. 171 Profenofos (RS)-(O-4- 0,01 Sữa 0,01
bromo-2-
chlorophenyl O- Trứng 0,02
ethyl S-propyl
phosphorothioate) Dầu đậu tư ơng, củ cải 0,05
đường, khoai tây, dầu
hạt bông, đậu tương
khô, đỗ
Đậu động vật có vú
thịtnon 0,1
Cải Bruxen, ớt ngọt 0,5
Cam, bắp cải 1
Cà chua, hạt bông 2
Hạt tiêu, ớt 5

151. 148 Propamocarb Propyl 3- 0,1 Dâu tây, bắp cải 0,1
(dimethylamino) Súp lơ, củ cải đư ờng, 0,2
propylcarbamate cần tây
Cà chua, ớt ngọt, cải 1
Bruxen
Dưa chuột 2

Củ cải 5
Ngọn rau diếp, xà lách 10
cuốn
152. 113 Propargite 2-(4-tert- 0,01 Sữa, thịt và phủ tạng 0,1
butylphenoxy)cyc gia súc, trứng, thịt và
lo hexyl prop-2- phủ tạng gia cầ m, hạt
ynyl sulfite bông, lạc, quả hạnh,
Đậu
quả óc (khô), ước táo,
chó, nkhoai tây, 0,2
ột ngô, dầu hạt bông
bngô
Nước cam, dầu lạc, khô 0,3
dầu lạc
Dầu ngô 0,5
Nước nho 1
Cà chua 2

Táo, cam quýt 3


Lê, chè (xanh, đen) 5

Đào, xuân đào, mơ, 7


nho, mận, dâu tây
Nho khô, vỏ quả cam 10
quýt khô
Đậu đỗ non 20
Bột nho nghiền (khô) 40

Vỏ quả hạnh nhân 50

Hoa bia (khô) 100

153. 160 Propiconazole (2RS,4RS;2RS, 0,04 Sữa 0,01


4SR)-1-[2-(2,4-
dichlorophenyl)- Xoài, quả hạnh, hồ đào, 0,05
4- propyl-1,3- lúa mạch, lúa mạch
dioxolan-2- đen, yến mạch, lúa mì,
ylmethyl]-1H- mía, lạc, hạt cải dầu, củ
1,2,4-triazole cải đường, thịt và phủ
tạng động vật có vú,
trứng,
Chu ối,thịt
hạtgia
càcầm
phê, lạc 0,1
củ
Lá và ngọn củ cải 0,5
đường, quả nho
Loại quả hạch 1
154. 75 Propoxur 2- 0,02 Khoai tây 0,02
isopropoxyphenyl
methylcarbamate Sữa, thịt động vật có 0,05
vú, hành, cà chua, đậu
non, cà rốt
Gạo, dưa chuột, khoai 0,1
tây
Su hào 0,2
Cải bắp xa voa, ngọn 0,5
rau diếp
Đậu đỗ non, tỏi tây, rau 1
họ đậu
Rau bina 2

Quả mâm xôi, dâu tây, 3


nho Hy Lạp, táo, lê,
đào, anh đào, mận (cả
155. 153 Pyrazophos Ethyl 2- 0,004 mận khô), cây
Lúa mạch, lúa lý
mìgai 0,05
diethoxyphosphin
ot hioyloxy-5- Dưa chuột, dưa (trừ 0,1
methylpyrazolo[1 dưa hấu), cải Bruxen
,5-a]pyrimidine-
Cà rốt, dâu tây 0,2
6- carboxylate
156. 63 Pyrethrins 0,04 Cam quýt, rau quả họ 0,05
bầu bí, hạt tiêu, rau
thân củ, cà chua
Sung 0,1

Các loại quả sấy khô 0,2

Hạt ngũ cốc 0,3

Lạc 0,5

Đậu Hà Lan 1

157. 200 Pyriproxifen 2-[1-Methyl-2-(4- Thịt và phủ tạng gia 0,01


phenoxyphenoxy) súc, dầu hạt bông
ethoxyl] pyridine Hạt bông 0,05

Cam quýt 0,5


158. 64 Quintozene Pentachloronitrob 0,007 Lúa mạch, lúa mì, hạt 0,01
e nzene bông, đậu tư ơng, đậu
Hà lan, ngô, củ cải
đường
Đậu đỗ, cà chua 0,02

Trứng 0,03

Cải hoa, hạt tiêu, gia vị 0,05

Bắp cải, thịt và phủ 0,1


tạng gà
Lạc 0,5

159. 203 Spinosad A mixture of 50- Hạnh nhân, hạt bông, 0,01
95% dầu hạt bông, trứng,
(2R,3aS,5aR,5bS, khoai tây, đậu tư ơng,
9S,13S,14R,16aS, ngô
Quả ngọt
kivi 0,05
16bR)-2-(6-
deoxy-2,3,4-tri- Táo 0,1
O- methyl-ỏ-L-
mannopyranosylo Rau quả họ bầu bí, thịt 0,2
x y)-13-(4- gia cầm
dimethylamino-
2,3, 4,6- Cam quýt, rau họ đậu 0,3
tetradeoxy-õ-D-
erythropyranosylo Nho 0,5
x y)-9-ethyl-
2,3,3a,5a,5b,6,7,9 Sữa gia súc, thận gia 1
,10,11,12,13,14,1 súc, hạt ngũ cốc, nho
5,16a,16b- khô
Vỏ quả hạnh nhân, rau 2
hexadecahydro- cải các loại, cần tây,
14- methyl-1H- cám lúa mì, gan gia súc
as- indaceno[3,2-
d]oxacyclododeci Thịt gia súc 3
ne-7,15-dione and
Ngô 5
50-5%
(2S,3aR,5aS,5bS,
Rau tươi các loại 10
9S,13S,14R,16aS,
16bS)-2-(6-
deoxy-2,3,4-tri-
O- methyl-ỏ-L-
160. 189 Tebuconazole mannopyranosylo
(RS)-1-p- 0,03 Sữa gia súc 0,01
x y)-13-(4-
chlorophenyl-4,4-
dimethylamino-
dimethyl-3- (1H- Bí mùa hè 0,02
2,3,4,6-
1,2,4-triazol-1-
tetradeoxy-õ-D- Lúa mì, yến mạch, lúa 0,05
ylmethyl)pentan-
erythropyranosylo mạch đen, chuối, lạc,
3- ol
x y)-9-ethyl- hạt cải dầu, trứng, thịt
2,3,3a,5a,5b,6,7,9 và phủ tạng gà, thịt và
,10,11,12,13,14,1 phủ tạng gia súc
5,16a,16b-
hexadecahydro-
Lúa mạch, cà chua, dưa 0,2
Quảộtdạng táo, ớt ngọt
chu 0,5
Quả đào 1
Nho 2
Nho khô 3
Anh đào 5
161. 196 Tebufenozide N-tert-butyl-N′- 0,02 Sữa 0,01
(4- ethylbenzoyl)-
Trứng, thịt gia cầm, 0,02
3,5-
phủ tạng gia súc
dimethylbenzohy
dr azide Hạnh nhân, quả hồ đào, 0,05
thịt gia súc
Gạo lật 0,1
Quả đào, quả kivi, cải 0,5
hoa
Quả dạng táo, cà chua 1
Cam quýt, dâu rừng, 2
nho, hạt cải dầu
Quả mâm xôi 3
Bắp cải 5
Rau tươi 10
Lá bạc hà 20
Vỏ quả hạnh nhân 30
162. 115 Tecnazene 1,2,4,5 - 0,02 Khoai tây 1
tetrachloro- 3-
Rau diếp 2
nitrobenzene
163. 190 Teflubenzuro 1-(3,5-dichloro- 0,01 Khoai tây 0,05
n 2,4-
Quả mận (cả mận khô) 0,1
difluorophenyl)-3-
(2,6- Ngọn bắp cải 0,2
difluorobenzoyl)
urea Cải Bruxen 0,5

Quả dạng táo 1

164. 167 Terbufos S- tert- 0,0002 Lúa mạch, trứng, lúa 0,01
butylthiomethyl mì, sữa gia súc, ngô,
O,O-diethyl ngô rang, ngô ngọt
phosphorodithioat Chuối, thịt và phủ tạng 0,05
e gia súc, thịt và phủ tạng
gà, hạt mù tạt, lạc,
hành củ, ngọn bắp cải,
đậu tương, bông cải
xanh, dầ u hạt cải, hạt
C ủ cải ạt c
cà phê,đường
h ây cải dầu 0,1
Ngô khô cho gia súc, 1
lạc khô và lá lạ c cho gia
súc, vỏ thân ngũ cốc
cho gia súc, lá ngọn củ
165. 65 Thiabendazol 2-(thiazol-4 -yl) 0,1 cải đường
Thịt gia c(khô)
ầ m, rau diếp 0,05
e benzimidazole xoăn
Trứng, thịt gia súc 0,1
Sữa 0,2
Gan gia súc 0,3
Thận gia súc 1
Quả dạng táo 3
Xoài, chuối 5
Đu đủ, cam quýt 10
Khoai tây 15
Nấm ăn 60
166. 154 Thiodicarb (3EZ, 12EZ)- 0,03 Sữa, thịt 0,02
3,7,9,13-
tetramethyl-5,11- Lạc, đậu, đậu tương, 0,05
dioxa-2,8,14- khoai tây
trithia-4,7,9,12- Củ cải đườ ng 0,1
tetraazapentadeca
Dứa, lúa miến, hành, 0,2
-3,12-diene-6,10-
dưa tây, dưa chuột, bí,
dione
dưa hấu, đậu tương
khô, cà pháo
Lúa mạch, yến mạch, 0,5
lúa mì, hạt bông, hành,
đậu Hà Lan
Cam, quýt, hạt tiêu, cà 1
chua
Bạc hà khô, quả loại 2
táo, súp lơ, ngô tươi,
măng tây, cần tây
Nho, đào, xuân đào, 5
bắp cải, cải xoăn, rau
diếp, đậu Hà Lan, rau
bina
Hoa bia 10
167. 76 Thiometon S-2-ethylthioethyl 0,003 Củ cải đườ ng (lá, củ và 0,05
O,O-dimethyl ngọn), hạt ngũ cốc, hạt
phosphorodithioat mù tạt, hạt nho, cà rốt,
e khoai tây
Dầu hạt bông 0,1

Nho, dâu tây, táo, lê, 0,5


mắc cọp, mận, mơ, anh
đào, đào, rau mùi tây,
lạc, bắp cải, rau diếp,
hạt tiêu, cà pháo, cà
Hoa bia 2
chua, đậu đỗ, cần tây
168. 77 Thiophanate - Dimethyl 4,4' - 0,08 Hạt ngũ cốc, thịt gà 0,1
methyl (O- phenylene)bis Nấm 1
(3-
Mận (gồm cả mận khô) 2
thioallophanate)
Lá và ngọn cây củ cải 5
đường, quả mâm xôi,
táo, lê, rau diếp, cà
Nho,
chua, càcam
rốt quýt, anh 10
đào,
Cần tđào
ây 20
169. 191 Tolclofos- O-2,6-dichloro-p- 0,07 Củ cải 0,1
methyl tolyl O,O- Khoai tây 0,2
dimethyl Rau diếp, xà lách 2
phosphorothioate
170. 162 Tolylfluanid N- 0,1 Nho Hy Lạp 0,5
dichlorofluoromet Dưa chuột 1
h ylthio-N′,N′- Tỏi tây, hạt tiêu 2
dimethyl-N-p- Nho, cà chua 3
tolylsulfamide Dâu tây, quả dạng táo. 5
Rau diếp, xà lách cuốn 15
Hoa bia khô 50
171. 133 Triadimefon (RS)-1-(4- 0,03 Lá và ngọn củ cải 0,05
chlorophenoxy)- đường khô, xoài, sữa,
3,3 -dimethyl-1- thịt động vật có vú,
(1H-1,2,4-triazol- trứng, thịt gia cầm, hạt
1- yl)butan-2-one cà phê, củ hành, hành
hoa, đậu xanh khô, đậu
Hà Lan non
Yến mạch, lúa mạch 0,1
đen, lúa mì, củ cải
đường, rau quả họ bầu
bí, ớt ngọt, dâu tây
Cà chua, nho Hy Lạp 0,2
(đỏ, đen)
Nho, quả loại táo, lúa 0,5
mạch
Quả mâm xôi 1
Lá và ngọn cây củ cải 2
đường, dứa, vỏ và thân
khô của lúa mạch
Hoa bia khô 10
172. 168 Triadimenol 0,05 Sữa 0,01
(1RS,2RS;1RS,2S Thịt động vật có vú, 0,05
R)-1-(4- trứng, thịt gia cầm, củ
chlorophenoxy)- cải đường khô, xoài,
3,3-dimethyl-1- hành củ, hành hoa, đậu
(1H-1,2,4-triazol- xanh khô
1- yl)butan-2-ol Hạt cà phê, củ cải 0,1
đường, ớt ngọt, đậu Hà
Lan non, dâu tây
Lúa mì, lá và ngọn củ 0,2
cải đường khô, chuối,
lúa mạch đen, yến
mạch
Nho Hy Lạp (đen, đỏ, 0,5
trắng), quả mâm xôi,
nước táo, lúa mạch, cà
chua
Actisô, dứa, lá và ngọn 1
củ cải đường
Nho, rau quả họ bầu bí 2
Vỏ và thân khô của lúa 5
mạch, yến mạch, lúa
mạch đen, lúa mì , hoa
bia khô
173. 143 Triazophos O,O - diethyl O- 0,001 Sữa và thịt gia súc 0,01
1- phenyl-1H- Đậu tằm (đã bóc vỏ) 0,02
1,2,4 -triazol - 3- Hạt ngũ cốc, hạt cà 0,05
yl phê, hành củ, đậu
phosphorothioate tương khô, khoai tây,
củ cải đường, dâu tây
Hạt bông, bắp cải, súp 0,1
lơ, đậu Hà Lan non,
cải Bruxen
Đậu đỗ non, quả loại 0,2
táo
Cà rốt 0,5
174. 66 Trichlorfon Dimethyl 2,2,2 - 0,01 Rau mùi tây, cà pháo, 0,05
trichloro - 1- cà rốt, củ cải đường,
hydroxyethyl sữa
phosphonate Atisô, củ cải, đậu L ima, 0,1
đậu đỗ, mù tạt, đậu
tương, đậu đũa, bí ngô,
lạc, hạt lanh, hạt bông,
hạt nho, thịt và phủ
tạng (trâu, bò, lợn,
cừu), quả anh đào, cam
quýt
Đào, cải xoăn, súp lơ, 0,2
ngô tươi, cà chua, củ
cải, cần t ây
Nho, bắp cải, rau diếp, 0,5
rau bina
Dâu tây, chuối, hạt tiêu 1
Táo 2
175. 213 Trifloxystrobi Methyl (E)- Sữa 0,02
n methoxyimino- Trứng, thận gia súc 0,04
{(E)-ỏ-[1-(ỏ,ỏ,ỏ- (lợn, dê, cừu), thịt và
trifluoro-m- phủ tạng gia cầm
tolyl)ethylidenea Gan gia súc (dê, lợn, 0,05
mi nooxy]-o- cừu), thịt động vật có
tolyl}acetate vú, củ cải đường
Lúa mì 0,2
Lúa mạch 0,5
Quả dạng táo 0,7
Nho 3
Nho khô 5
176. 116 Triforine N,N′- 0,02 Hạt ngũ cốc 0,1
{piperazine-1,4- Cải Bruxen 0,2
diylbis[(trichloro Rau quả họ bầu bí, cà 0,5
me chua
thyl)methylene]} Nho Hy Lạp, dâu tây, 1
dif ormamide đậu đỗ non
Táo, anh đào, mận (cả 2
mận khô)
Đào 5
177. 78 Vamidothion O,O-dimethyl S- 0,008 Gạo, hạt ngũ cốc 0,2
(RS)-2-(1- Nho, đào, củ cải đường 0,5
methylcarbamoyl Nước táo 1
et hylthio)ethyl
phosphorothioate
178. 159 Vinclozolin (RS)-3-(3,5- 0,01 Sữa, thịt gia súc, trứng, 0,05
dichlorophenyl)- thịt gà
5- methyl-5- Khoai tây 0,1
vinyl-1,3- Quả dạng táo, hạt cải 1
oxazolidine-2,4- dầu, hành củ, ngọn cải
dione bắp, súp lơ, dưa chuột,
dưa chuột bao tử, dưa
(trừ dưa hấu), đậu Hà
Lan đã bóc vỏ
Đậu đỗ non, rau diếp 2
xoăn
Cà chua, ớt ngọt 3
Quả mâm xôi, nho Hy 5
Lạp, nho, anh đào, rau
diếp, xà lách, ngọn rau
diếp, anh đào, cây lý
gai, quả Việt quất
Dâu tây, quả kivi 10
Hoa bia khô 40

8.2. Giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm xếp theo
nhóm thực phẩm

TT Code Tên thuốc bảo vệ thực vật MRL


(mg/kg)
Chung cho các loại hoa quả (ngoại trừ một số hoa quả có danh mục cụ thể)
1 2 Azinphos - methyl 1
2 47 Bromide ion 20
3 32 Endosufan 2
4 12 Chlordane 0,02
Cam, quýt, chanh, bư ởi (quả có múi)
1 20 2,4 - D 1
2 56 2 - phenylphenol 10
3 177 Abamectin 0,01
4 117 Aldicarb 0,2
5 1 Aldrin and dieldrin 0,05
6 122 Amitraz 0,5
7 129 Azocyclotin 2
8 178 Bifenthrin 0,05
9 47 Bromide ion 30
10 70 Bromopropylate 2
11 173 Buprofezin 0,5
12 8 Carbaryl 7
13 96 Carbofuran 2
14 145 Carbosulfan 0,1
15 80 Chinomethionat 0,5
16 17 Chlorpyrifos 1
17 90 Chlorpyrifos-methyl 0,5
18 156 Clofentezine 0,5
19 67 Cyhexatin 2
20 118 Cypermethrin 2
21 135 Deltamethrin 0,02
22 26 Dicofol 5
23 130 Diflubenzuron 0,5
24 27 Dimethoate 2
25 180 Dithianon 3
26 105 Dithiocarbamates 10
27 32 Endosulfan 0,5
28 34 Ethion 5
29 85 Fenamiphos 0,5
30 109 Fenbutatin oxide 5
31 193 Fenpyroximate 0,2
32 37 Fenitrothion 2
33 39 Fenthion 2
34 110 Fenvalerate 2
35 175 Glufossinate - mamonium 0,1
36 194 Haloxyfop 0,05
37 43 Heptachlor 0,01
38 176 Hexythiazox 0,5
39 110 Imazalil 5
40 206 Imidacloprid 1
41 199 Kresoxim- methyl 0,5
42 49 Malathion 4
43 124 Mecarbam 2
44 138 Metalaxyl 5
45 51 Methidathion 5
46 132 Methiocarb 0,05
47 94 Methomyl 1
48 53 Mevinphos 0,2
49 54 Monocrotophos 0,2
50 126 Oxamyl 5
51 58 Parathion 0,5
52 120 Permethrin 0,5
53 103 Phosmet 5
54 62 Piperonyl butoxide 5
55 61 Phosphamidon 0,4
56 101 Pirimicarb 0,05
57 86 Pirimiphos - methyl 2
58 142 Prochloraz 10
59 171 Profenofos 1
60 113 Propargite 3
61 63 Pyrethrins 0,05
62 200 Pyriproxifen 0,5
63 203 Spinosad 0,3
64 196 Tebufenozide 2
65 65 Thiabendazole 10
66 77 Thiophanate - methyl 10
Quả bư ởi chùm
1 117 Aldicab 0,2
2 79 Amitrole 0,05
3 129 Azocyclotin 0,2
4 155 Benalaxyl 0,2
5 178 Bifenthrin 0,05
6 70 Bromopropylate 2
7 8 Carbaryl 5
8 81 Chlorothalonil 0,5
9 17 Chlorpyrifos 0,5
10 90 Chlorpyrifos - methyl 0,2
11 156 Clofentezine 1
12 179 Cycloxydim 0,5
13 67 Cyhexatin 0,2
14 207 Cyprodinil 3
15 135 Deltamethrin 0,2
16 82 Dichlofluanid 15
17 83 Dicloran 7
18 26 Dicofol 5
19 87 Dinocap 0,5
20 180 Dithianon 3
21 105 Dithiocarbamates 5
22 32 Endosulfan 1
23 106 Ethephon 1
24 149 Ethoprophos 0,02
25 208 Famoxadone 2
26 192 Fenarimol 0,3
27 197 Fenbuconazole 1
28 109 Fenbutatin oxide 5
29 185 Fenpropathrin 5
30 211 Fludioxonil 2
31 165 Flusilazole 0,5
32 41 Folpet 2
33 194 Haloxyfop 0,05
34 176 Hexythiazox 1
35 206 Imidacloprid 1
36 111 Iprodione 10
37 199 Kresoxim-methyl 0,5
38 49 Malathion 8
39 51 Methidathion 1
40 94 Methomyl 5
41 209 Methoxyfenozide 1
42 181 Myclobutanil 1
43 59 Parathion-methyl 0,5
44 182 Fenconazole 0,2
45 120 Permethrin 2
46 103 Phosmet 5
47 136 Procymidone 5
48 113 Propargite 7
49 160 Propiconazole 0,5
50 203 Spinosad 0,5
51 189 Tebuconazole 2
52 196 Tebufenozide 2
53 162 Tolylfluanid 3
54 133 Triadimefon 0,5
55 168 Triadimenol 2
56 213 Trifloxystrobin 3
57 159 Vinclozolin 5
Quả dạng táo
1 20 2,4 - D 0,01
2 1 Adrin and dieldrin 0.05
3 122 Amitraze 0.5
4 79 Amitrole 0,05
5 144 Btertanol 2
6 70 Bromopropylate 2
7 72 Carbendazim 3
8 17 Chlorpyrifos 1
9 156 Cofentezine 0,5
10 146 Cyhalothrin 0,2
11 118 Cypermethrin 2
12 135 Deltamethrin 0,2
13 22 Diazinon 0,3
14 130 Diflubenzuron 5
15 180 Dithianon 5
16 105 Dithiocarbamates 5
17 84 Dodine 5
18 32 Edosufan 1
19 184 Ehofenprox 1
20 192 Fenarimol 0,3
21 197 Fenbuconazole 0,1
22 109 Fenbutatin oxide 5
23 185 Fenpropathrin 5
24 119 Fenvalerate 2
25 152 Fucythrinate 0,5
26 165 Fusilazole 0,2
27 175 Gufossinate - mamonium 0,05
28 194 Haloxyfop 0,05
29 110 Imazalil 5
30 111 Irodione 5
31 199 Kresoxim-methyl 0,2
32 49 Malathion 2
33 138 Metalaxyl 1
34 94 Methomyl 2
35 209 Methoxyfenozide 2
36 181 Myclobutanyl 0,5
37 182 Penaconazole 0,2
38 120 Permethrin 2
39 60 Phosalone 2
40 101 Primicarb 1
41 189 Tebuconazole 0,5
42 196 Tebufenozide 1
43 190 Teflubenzuron 1
44 65 Thiabendazole 3
45 162 Tolylfluanid 5
46 133 Triadimefon 0,5
47 168 Triadiamenol 0,5
48 143 Triazophos 0,2
49 78 Vamidothion 1
50 159 Vinclozolin 1
Táo
1 177 Abamectin 0,02
2 2 Azinphos - methyl 2
3 7 Captan 25
4 8 Carbaryl 5
5 80 Chinomethionat 0,2
6 17 Chlorpyrifos 1
7 90 Chlorpyrifos - methyl 0,5
8 157 Cyfluthrin 0,5
9 67 Cyhexatin 2
10 207 Cyprodinil 0,05
11 82 Dichloluanid 5
12 130 Diflubenzuron 5
13 27 Dimethoate 1
14 87 Dinocap 0,2
15 30 Diphenylamine 10
16 84 Dodine 5
17 106 Ethephon 5
18 36 Fenchlorphos 0,7
19 170 Hexaconazole 0,1
20 176 Hexythiazox 0,5
21 206 Imidacloprid 0,5
22 48 Lindane 0,5
23 49 Malathion 2
24 51 Methidathion 0,5
25 126 Oxamyl 2
26 161 Paclobutrazol 0,5
27 58 Parathion 0,05
28 60 Phosalone 5
29 103 Phosmet 10
30 61 Phosphamidon 0,5
31 86 Pirimiphos - methyl 2
32 113 Propargite 3
33 203 Spinosad 0,1
34 75 Propoxur 3
35 153 Pyrazophos 1
36 65 Thiabendazole 10
37 77 Thiophanate - methyl 5
38 116 Triforine 2

1 56 2 - phenylphenol 25
2 177 Abamectin 0,02
3 2 Azinphos - methyl 2
4 178 Bifenthrin 0,5
5 7 Captan 25
6 8 Carbaryl 5
7 15 Chlormequat 3
8 17 Chlorpyrifos 0,5
9 67 Cyhexatin 2
10 207 Cyprodinil 1
11 82 Dichloluanid 5
12 130 Diflubenzuron 1
13 27 Dimethoate 1
14 84 Dodine 5
15 30 Diphenylamine 5
16 35 Ethoxyquin 3
17 37 Fenitrothion 0,5
18 176 Hexythiazox 0,5
19 206 Imidacloprid 1
20 48 Lindane 0,5
21 49 Malathion 0,5
22 51 Methidathion 1
23 103 Phosmet 10
24 61 Phosphamidon 0,5
25 86 Pirimiphos - methyl 2
26 113 Propargite 5
27 75 Propoxur 3
28 65 Thiabendazole 10

29 77 Thiophanate - methyl 5
Quả lựu
1 20 2,4 D 0,05
2 79 Amitrole 0,05
3 156 Clofentezine 0,2
4 207 Cyprodinil 2
5 135 Deltamethrin 0,05
6 105 Dithiocarbamates 7
7 175 Glufossinate - mamonium 0,05
8 181 Myclobutanil 2
9 161 Paclobutrazol 0,05
10 120 Permethrin 2
11 60 Phosalone 2
12 142 Prochloraz 0,05
13 113 Propargite 4
14 160 Propiconazole 1
Quả họ đào
1 122 Amitraz 0,5
2 2 Azinphos - methyl 2
3 93 Bioresmethrin 2
4 7 Captan 10
5 81 Chlorothanonil 0,5
6 118 Cypermethrin 1
7 22 Diazinon 1
8 82 Dichloluanid 2
9 26 Dicofol 5
10 27 Dimethoate 2
11 180 Dithianon 5
12 105 Dithiocarbamates 1
13 84 Dodine 2
14 32 Endosufan 1
15 106 Ethephon 10
16 192 Fenarimol 1
17 197 Fenbuconazole 1
18 109 Fenbutatin oxide 10
19 39 Fenthion 2
20 119 Fenvalerate 2
21 176 Hexythiazox 1
22 111 Iprodione 10
23 48 Lindane 0,5
24 49 Malathion 6
25 51 Methidathion 0,2
26 181 Myclobutanyl 1
27 59 Parathion - methyl 0,01
28 61 Phosphamidon 0,2
29 86 Pirimiphos - methyl 2
30 136 Procymidone 10
31 75 Propoxur 3
32 77 Thiophanate - methyl 10
33 116 Triforine 2
34 159 Vinclozolin 5
Mận (bao gồm cả mận khô)
1 2 Azinphos - methyl 2
2 144 Bitertanol 2
3 70 Bromopropylate 2
4 8 Carbaryl 10
5 118 Cypermethrin 1
6 22 Diazinon 1
7 83 Dichloran 10
8 26 Dicofol 1
9 130 Diflubenzuron 1
10 27 Dimethoate 0,5
11 105 Dithiocarbamates 1
12 32 Endosufan 1
13 109 Fenbutatin oxide 3
14 176 Hexythiazox 0,2
15 48 Lindane 0,5
16 49 Malathion 6
17 51 Methidathion 0,2
18 181 Myclobutanyl 0,2
19 59 Parathion - methyl 0,01
20 61 Phosphamidon 0,2
21 101 Pirimicarb 0,5
22 86 Pirimiphos - methyl 2
23 113 Propargite 7
24 75 Propoxur 3
25 190 Teflubenzuron 0,1
26 77 Thiophanate - methyl 2
27 116 Triforine 2
Quả mơ
1 144 Bitertanol 1
2 8 Carbaryl 10
3 165 Flusilazole 0,5
4 181 Myclobutanyl 0,2
5 58 Parathion 1
6 103 Phosmet 5
7 113 Propargite 7
Quả chanh và cha nh lá cam
1 178 Bifenthrin 0,05
2 51 Methidathion 2
3 58 Parathion 0,5
Dâu tây và một số loại quả nhỏ khác
1 20 2,4 - D 0,1
2 118 Cypermethrin 0,5
3 119 Fenvalerate 1
4 175 Glufossinate - mamonium 0,1
Quả mâm xôi, dâu rừng
1 20 2,4 - D 0,1
2 8 Carbaryl 10
3 17 Chlorpyrifos 0,2
4 22 Diazinon 0,2
5 82 Dichloluanid 15
6 110 Imazalil 2
7 111 Iprodione 30
8 49 Malathion 8
9 138 Metalaxyl 0,2
10 59 Parathion - methyl 0,01
11 120 Permethrin 1
12 101 Pirimicarb 0,5
13 86 Pirimiphos - methyl 1
14 136 Procymidone 10
15 75 Propoxur 3
16 77 Thiophanate - methyl 5
17 133 Triadimefon 1
18 168 Triadiamenol 0,5
19 159 Vinclozolin 5
Quả dâu tằm
1 80 Chinomethionat 0,1
2 82 Dichloluanid 7
3 59 Parathion - methyl 0,01
4 120 Permethrin 2
5 86 Pirimiphos - methyl 1
6 160 Propiconazole 3
7 77 Thiophanate - methyl 5
8 116 Triforine 1
9 159 Vinclozolin 5
Nho
1 117 Aldicarb 0,2
2 129 Azocyclotin 0,2
3 155 Benalaxyl 1
4 70 Bromopropylate 2
5 8 Carbaryl 5
6 80 Chinomethionat 0,1
7 81 Chlorothanonil 0,5
8 17 Chlorpyrifos 1
9 90 Chlorpyrifos - methyl 0,2
10 156 Clofentezine 1
11 179 Cycloxydim 0,5
12 67 Cyhexatin 0,2
13 135 Deltamethrin 0,05
14 82 Dichloluanid 15
15 83 Dichloran 10
16 26 Dicofol 5
17 27 Dimethoate 1
18 180 Dithianon 3
19 105 Dithiocarbamates 5
20 84 Dodine 5
21 149 Ethoprophos 0,02
22 85 Fenamiphos 0,1
23 192 Fenarimol 0,3
24 197 Fenbuconazole 1
25 109 Fenbutatin oxide 5
26 37 Fenitrothion 0,5
27 185 Fenpropathrin 5
28 152 Flucythrinate 1
29 165 Flusilazole 0,5
30 41 Folpet 2
31 170 Hexaconazole 0,1
32 176 Hexythiazox 1
33 111 Iprodione 10
34 48 Lindane 0,5
35 49 Malathion 8
36 138 Metalaxyl 1
37 51 Methidathion 1
38 94 Methomyl 5
39 53 Mevinphos 0,5
40 181 Myclobutanyl 1
41 120 Permethrin 2
42 103 Phosmet 10
43 136 Procymidome 5
44 113 Propargite 10
45 160 Propiconazole 0,5
46 77 Thiophanate - methyl 10
47 133 Triadimefon 0,5
48 168 Triadiamenol 2
49 78 Vamidothion 0,5
50 159 Vinclozolin 5
Dâu tây
1 129 Azocyclotin 0,5
2 178 Bifenthrin 1
3 47 Bromide ion 30
4 70 Bromopropylate 2
5 7 Captan 20
6 8 Carbaryl 7
7 80 Chinomethionat 0,2
8 156 Clofentezine 2
9 179 Cycloxydim 0,5
10 67 Cyhexatin 0,5
11 135 Deltamethrin 0,05
12 22 Diazinon 0,1
13 82 Dichloluanid 10
14 83 Dichloran 10
15 27 Dimethoate 1
16 84 Dodine 5
17 149 Ethoprophos 0,02
18 192 Fenarimol 1
19 109 Fenbutatin oxide 10
20 37 Fenitrothion 0,5
21 41 Folpet 20
22 176 Hexythiazox 0,5
23 110 Imazalil 2
24 111 Iprodione 10
25 48 Lindane 3
26 49 Malathion 1
27 53 Mevinphos 1
28 182 Penconazole 0,1
29 120 Permethrin 1
30 61 Phosphamidon 0,2
31 101 Pirimicarb 0,5
32 86 Pirimiphos - methyl 1
33 136 Procymidone 10
34 148 Propamocarb 0,1
35 113 Propargite 7
36 75 Propoxur 3
37 153 Pyrazophos 0,2
38 65 Thiabendazole 3
39 77 Thiophanate - methyl 5
40 162 Tolylfluanid 3
41 133 Triadimefon 0,1
42 168 Triadiamenol 0,1
43 143 Triazophos 0,05
44 116 Triforine 1
45 159 Vinclozolin 10
Quả chà là
1 90 Chlorpyrifos - methyl 0,05
Quả sung
1 47 Bromide ion 250
2 106 Ethephon 10
3 112 Propargite 2
4 135 Deltamethrin 0,01
Quả ô liu
1 8 Carbaryl 30
2 135 Deltamethrin 1
3 27 Dimethoate 0,5
4 39 Fenthion 1
5 199 Kresoxim-methyl 0,2
6 51 Methidathion 1
7 57 Paraquat 1
8 58 Parathion 0,5
9 120 Permethrin 1
10 86 Pirimiphos - methyl 5
Hồng Nhật Bản
1 80 Chinomethionat 0,05
2 110 Imazalil 2
Quả cà chua
1 95 Acephate 0,5
2 122 Amitraz 0,5
3 163 Anilazine 10
4 2 Azinphos - methyl 12
5 155 Benalaxyl 0,5
6 47 Bromide ion 75
7 173 Buproferin 1
8 7 Captan 15
9 8 Carbaryl 5
10 96 Carbofuran 0,1
11 81 Chlorothanonil 5
12 17 Chlorpyrifos 0,5
13 90 Chlorpyrifos - mehyl 0,5
14 157 Cyfluthrin 0,5
15 67 Cyhexatin 2
16 118 Cypermethrin 0,5
17 169 Cyromazine 0,5
18 135 Deltamethrin 0,02
19 22 Diazinon 0,5
20 82 Dichloluanid 2
21 83 Dichloran 0,5
22 26 Dicofol 1
23 130 Diflubenzuron 1
24 27 Dimethoate 1
25 105 Dithiocarbamates 0,5
26 149 Ethoprophos 0,02
27 85 Fenamiphos 0,2
28 109 Fenbutatin oxide 0,1
29 37 Fenitrothion 0,5
30 185 Fenpropathrin 1
31 119 Fenvalerate 1
32 152 Flucythrinate 0,2
33 176 Hexythiazox 0,1
34 111 Iprodione 5
35 48 Lindane 2
36 49 Malathion 3
37 138 Metalaxyl 0,5
38 100 Methamidophos 0,01
39 51 Methidathion 0,1
40 94 Methomyl 1
41 53 Mevinphos 0,2
42 181 Myclobutanyl 0,3
43 126 Oxamyl 2
44 182 Penconazole 0,2
45 120 Permethrin 1
46 61 Phosphamidon 0,1
47 101 Pirimicarb 1
48 86 Pirimiphos - methyl 1
49 136 Procymidone 5
50 171 Profenofos 2
51 148 Propamocarb 1
52 113 Propargite 2
53 75 Propoxur 0,05
54 64 Quintozene 0,1
55 189 Tebuconazole 0,2
56 77 Thiophanate - methyl 5
57 162 Tolylfluanid 2
58 168 Triadiamenol 0,5
59 133 Triadimefon 0,2
60 116 Triforine 0,5
61 159 Vinclozolin 3

1 47 Bromide ion 75
2 72 Carbendazim 0,5
3 80 Chinomethionat 0,1
4 138 Metalaxyl 0,2
5 142 Prochloraz 5
6 196 Tebufenozide 1
7 65 Thiabendazole 15
Chuối
1 144 Bitertanol 0,5
2 174 Cadusafos 0,01
3 8 Carbaryl 5
4 72 Carbendazim 1
5 96 Carbofuran 0,1
6 81 Chlorothanonil 0,01
7 17 Chlorpyrifos 2
8 135 Deltamethrin 0,05
9 27 Dimethoate 1
10 105 Dithiocarbamates 2
11 149 Ethoprophos 0,02
12 85 Fenamiphos 0,05
13 192 Fenarimol 0,2
14 197 Fenbuconazole 0,05
15 109 Fenbutatin oxide 10
16 165 Flusilazole 0,1
17 188 Fenpropimorph 2
18 202 Fipronil 0,005
19 175 Glufossinate - mamonium 0,2
20 194 Haloxyfop 0,05
21 170 Hexaconazole 0,1
22 110 Imazalil 2
23 206 Imidacloprid 0,05
24 181 Myclobutanil 2
25 126 Oxamyl 0,2
26 142 Prochloraz 5
27 160 Propiconazole 0,1
28 189 Tebuconazole 0,05
29 167 Terbufos 0,05
30 65 Thiabendazole 5
31 168 Triadiamenol 0,2
Quả Kivi
1 8 Carbaryl 10
2 17 Chlorpyrifos 2
3 135 Deltamethrin 0,05
4 22 Diazinon 0,2
5 85 Fenamiphos 0,05
6 119 Fenvalerate 5
7 175 Glufossinate - mamonium 0,05
8 158 Glyphosate 0,1
9 111 Iprodione 5
10 127 Phenothrin 2
11 142 Prochloraz 2
12 196 Tebufenozide 0,5
13 159 Vinclozolin 10
Quả xoài
1 72 Carbendazim 2
2 27 Dimethoate 1
3 105 Dithiocarbamates 2
4 206 Imidacloprid 0,2
5 142 Prochloraz 2
6 160 Propiconazole 0,05
7 65 Thiabendazole 5
8 133 Triadimefon 0,05
9 168 Triadiamenol 0,05
Đu đủ
1 80 Chinomethionat 5
2 105 Dithiocarbamates 5
3 142 Prochloraz 1
4 65 Thiabendazole 10
Quả lạc tiên
1 57 Paraquat 0,2
Quả dứa
1 72 Carbendazim 5
2 135 Deltamethrin 0,01
3 22 Diazinon 0,1
4 74 Disulfoton 0,1
5 32 Endosufan 2
6 106 Ethephon 2
7 149 Ethoprophos 0,02
8 85 Fenamiphos 0,05
9 43 Heptachlor 0,01
10 51 Methidathion 0,05
11 94 Methomyl 0,2
12 126 Oxamyl 1
13 133 Triadimefon 2
14 168 Triadiamenol 1
Rau (trừ một số loại rau cụ thể)
1 2 Azinphos - methyl 0,5
2 31 Diquat 0,05
3 74 Disulfoton 0,5
4 32 Endosufan 2
5 57 Paraquat 0,05
Rau củ
1 1 Aldrin and dieldrin 0,05
Rau củ trừ củ rau thì là
1 135 Deltamethrin 0,1
Tỏi
1 105 Dithiocarbamates 0,5
Tỏi tây
1 179 Cycloxydim 0,2
2 118 Cypermethrin 0,5
3 105 Dithiocarbamates 0,5
4 37 Fenitrothion 0,2
5 58 Parathion 0,05
6 120 Permethrin 0,5
7 101 Pirimicarb 0,5
8 75 Propoxur 1
Hành
1 117 Aldicarb 0,1
2 155 Benalaxyl 0,2
3 172 Bentazone 0,1
4 72 Carbendazim 2
5 96 Carbofuran 0,1
6 81 Chlorothanonil 0,5
7 17 Chlorpyrifos 0,05
8 118 Cypermethrin 0,1
9 22 Diazinon 0,05
10 82 Dichloluanid 0,1
11 83 Dichloran 10
12 27 Dimethoate 0,2
13 105 Dithiocarbamates 0,5
14 32 Endosufan 0,2
15 149 Ethoprophos 0,02
16 37 Fenitrothion 0,05
17 175 Glufossinate - mamonium 0,05
18 111 Iprodione 0,2
19 102 Maleic hydrazide 15
20 138 Metalaxyl 2
21 51 Methidathion 0,1
22 94 Methomyl 0,2
23 54 Monocrotophos 0,1
24 126 Oxamyl 0,05
25 101 Pirimicarb 0,5
26 136 Procymidone 0,2
27 75 Propoxur 0,05
28 167 Terbufos 0,05
29 143 Triazophos 0,05
30 159 Vinclozolin 1
Hành hoa
1 22 Diazinon 1
2 105 Dithiocarbamates 10
3 120 Permethrin 0,5
4 133 Triadimefon 0,05
5 168 Triadiamenol 0,05
Rau họ bắp cải
1 95 Acephate 2
2 47 Bromide ion 100
3 8 Carbaryl 5
4 14 Chlorfenvinphos 0,05
5 81 Chlorothanonil 1
6 17 Chlorpyrifos 0,05
7 90 Chlorpyrifos - methyl 0,1
8 179 Cycloxydim 2
9 146 Cyhalothrin 0,2
10 118 Cypermethrin 1
11 135 Deltamethrin 0,2
12 22 Diazinon 2
13 103 Diflubenzuron 1
14 27 Dimethoate 2
15 105 Dithiocarbamates 5
16 149 Ethoprophos 0,02
17 85 Fenamiphos 0,05
18 37 Fenitrothion 0,5
19 119 Fenvalerate 3
20 152 Flucythrinate 0,5
21 48 Lindane 0,05
22 49 Malathion 8
23 138 Metalaxyl 0,5
24 100 Methamidophos 0,5
25 51 Methidathion 0,1
26 132 Methiocarb 0,2
27 94 Methomyl 5
28 53 Mevinphos 1
29 59 Parathion - methyl 0,2
30 120 Permethrin 5
31 61 Phosphamidon 0,2
32 101 Pirimicarb 1
33 86 Pirimiphos - methyl 2
34 171 Profenofos 1
35 148 Propamocarb 0,1
36 64 Quintozene 0,02
37 190 Teflubenzuron 0,2
38 167 Terbufos 0,05
39 143 Triazophos 0,1
40 159 Vinclozolin 1
Cải xanh, cải hoa
1 95 Acephate 2
2 2 Azinphos - methyl 1
3 47 Bromide ion 30
4 81 Chlorothanonil 5
5 17 Chlorpyrifos 2
6 22 Diazinon 0,5
7 32 Endosulfan 0,5
8 85 Fenamiphos 0,05
9 119 Fenvalerate 2
10 211 Fludioxonil 0,7
11 152 Flucythrinate 0,2
12 206 Imidacloprid 0,5
13 111 Iprodione 25
14 49 Malathion 5
15 138 Metalaxyl 0,5
16 132 Methiocarb 0,2
17 53 Mevinphos 1
18 59 Parathion - methyl 0,2
19 120 Permethrin 2
20 61 Phosphamidon 0,2
21 101 Pirimicarb 1
22 64 Quintozene 0,05
23 196 Tebufenozide 0,5
24 167 Terbufos 0,05
Cải Bruxen
1 117 Aldicarb 0,1
2 72 Carbendazim 0,5
3 14 Chlorfenvinphos 0,05
4 81 Chlorothanonil 5
5 130 Diflubenzuron 1
6 27 Dimethoate 0,2
7 85 Fenamiphos 0,05
8 119 Fenvalerate 2
9 206 Imidacloprid 0,5
10 48 Lindane 0,05
11 138 Metalaxyl 0,2
12 100 Methamidophos 1
13 132 Methiocarb 0,2
14 53 Mevinphos 1
15 120 Permethrin 1
16 61 Phosphamidon 0,2
17 101 Pirimicarb 1
18 86 Pirimiphos - methyl 2
19 171 Profenofos 0,5
20 148 Propamocarb 1
21 153 Pyrazophos 0,1
22 190 Teflubenzuron 0,5
23 143 Triazophos 0,1
24 116 Triforine 0,2
Cải xa voa
1 27 Dimethoate 0,05
2 48 Lindane 0,5
3 120 Permethrin 5
4 75 Propoxur 0,5
Súp lơ
1 95 Acephate 2
2 14 Chlorfenvinphos 0,1
3 81 Chlorothanonil 1
4 17 Chlorpyrifos 0,05
5 27 Dimehtoate 2
6 32 Endosulfan 0,5
7 85 Fenamiphos 0,05
8 37 Fenitrothion 0,1
9 119 Fenvalerate 2
10 206 Imidacloprid 0,5
11 48 Lindane 0,5
12 49 Malathion 0,5
13 138 Metalaxyl 0,5
14 100 Methamidophos 0,5
15 132 Methiocarb 0,2
16 94 Methomyl 2
17 53 Mevinphos 1
18 120 Permethrin 0,5
19 101 Pirimicarb 1
20 86 Pirimiphos - methyl 2
21 171 Profenofos 0,5
22 148 Propamocarb 0,2
23 143 Triazophos 0,1
24 159 Vinclozolin 1
Su hào
1 22 Diazinon 0,2
2 48 Lindane 1
3 49 Malathion 0,5
4 120 Permethrin 0,1
5 101 Pirimicarb 0,5
6 75 Propoxur 0,2
Loại quả bầu bí
1 1 Aldrin and dieldrin 0,1
2 135 Deltamethrin 0,2
3 87 Dinocap 0,05
4 33 Endrin 0,05
5 203 Spinosad 0,2
6 133 Triadimefon 0,1
7 168 Triadiamenol 2
8 116 Triforine 0,5
Dưa, trừ dưa h ấu
1 2 Azinphos - methyl 0,2
2 129 Azocyclotin 0,5
3 155 Benalaxyl 0,1
4 70 Bromopropylate 0,5
5 8 Carbaryl 3
6 72 Carbendazim 2
7 80 Chinomethionat 0,1
8 81 Chlorothanonil 2
9 169 Cyromazine 0,2
10 67 Cyhexatin 0,5
11 169 Cyromazine 0,2
12 135 Deltamethrin 0,01
13 26 Dicofol 0,2
14 105 Dithiocarbamates 0,5
15 32 Endosulfan 0,5
16 149 Ethoprophos 0,02
17 85 Fenamiphos 0,05
18 192 Fenarimol 0,05
19 197 Fenbuconazole 0,2
20 119 Fenvalerate 0,2
21 41 Folpet 3
22 130 Imazalil 2
23 206 Imidacloprid 0,2
24 138 Metalaxyl 0,2
25 94 Methomyl 0,2
26 126 Oxamyl 2
27 182 Penconazole 0,1
28 120 Permethrin 0,1
29 153 Pyrazophos 0,1
30 159 Vinclozolin 1
Dưa chuột
1 177 Abamectin 0,01
2 122 Amitraz 0,5
3 2 Azinphos - methyl 0,2
4 129 Azocyclotin 0,5
5 155 Benalaxyl 0,05
6 144 Bitertanol 0,5
7 47 Bromide ion 100
8 70 Bromopropylate 0,5
9 173 Buproferin 1
10 7 Captan 3
11 8 Carbaryl 3
12 72 Carbendazim 0,5
13 80 Chinomethionat 0,1
14 81 Chlorothanonil 5
15 156 Clofentezine 1
16 67 Cyhexatin 0,5
17 118 Cypermethrin 0,2
18 169 Cyromazine 0,2
19 22 Diazinon 0,1
20 82 Dichloluanid 5
21 26 Dicofol 0,5
22 105 Dithiocarbamates 2
23 32 Endosulfan 0,5
24 149 Ethoprophos 0,02
25 208 Famoxadone 0,2
26 197 Fenbuconazole 0,2
27 109 Fenbutatin oxide 0,5
28 37 Fenitrothion 0,05
29 119 Fenvalerate 0,2
30 41 Folpet 2
31 176 Hexythiazox 0,1
32 110 Imazalil 0,5
33 206 Imadacloprid 1
34 111 Iprodione 2
35 199 Kresoxim-methyl 0,05
36 49 Malathion 0,2
37 138 Metalaxyl 0,5
38 100 Methamidophos 1
39 51 Methidathion 1
40 132 Methiocarb 0,05
41 94 Methomyl 0,2
42 147 Methoprene 0,2
43 54 Monocrotophos 0,2
44 126 Oxamyl 2
45 182 Penconazole 0,1
46 120 Permethrin 0,5
47 61 Phosphamidon 0,1
48 101 Pirimicarb 1
49 86 Pirimiphos - methyl 1
50 136 Procymidone 2
51 148 Propamocarb 2
52 113 Propargite 0,5
53 75 Propoxur 0,1
54 153 Pyrazophos 0,1
55 189 Tebuconazole 0,2
56 162 Tolylfluanid 1
57 159 Vinclozolin 1
Dưa chuột bao tử
1 129 Azocyclotin 1
2 72 Carbendazim 2
3 80 Chinomethionat 0,1
4 67 Cyhexatin 1
5 149 Ethoprophos 0,02
6 185 Fenpropathrin 0,2
7 138 Metalaxyl 0,5
8 120 Permethrin 0,5
9 101 Pirimicarb 1
10 136 Procymidone 2
11 162 Tolylfluanid 2
12 159 Vinclozolin 1
Bí ngô
1 8 Carbaryl 3
2 105 Dithiocarbamates 0,2
Quả bí
1 177 Abamectin 0,01
2 47 Bromide ion 200
3 70 Bromopropylate 0,5
4 8 Carbaryl 3
5 72 Carbendazim 0,5
6 81 Chlorothanonil 5
7 22 Diazinon 0,05
8 26 Dicofol 1
9 105 Dithiocarbamates 1
10 32 Endosulfan 0,5
11 208 Famoxadone 0,2
12 197 Fenbuconazole 0,05
13 206 Imidacloprid 1
14 119 Fenvalerate 0,5
15 138 Metalaxyl 0,2
16 94 Methomyl 0,2
17 126 Oxamyl 2
18 120 Permethrin 0,5
19 189 Tebuconazole 0,02
Rau quả khác trừ bầu bí
1 135 Deltamethrin 0,2
Hạt tiêu
1 142 Prochloraz 10
Quả ớt
1 56 2 - phenylphenol 1
2 129 Azocyclotin 0,5
3 155 Benalaxyl 0,05
4 47 Bromide ion 20
5 8 Carbaryl 5
6 81 Chlorothanonil 7
7 17 Chlorpyrifos 0,5
8 90 Chlorpyrifos - methyl 0,5
9 157 Cyfluthrin 0,2
10 67 Cyhexatin 0,5
11 118 Cypermethrin 0,5
12 169 Cyromazine 1
13 22 Diazinon 0,05
14 82 Dichloluanid 2
15 26 Dicofol 1
16 27 Dimethoate 1
17 87 Dinocap 0,2
18 105 Dithiocarbamates 1
19 149 Ethoprophos 0,02
20 192 Fenarimol 0,5
21 37 Fenitrothion 0,1
22 185 Fenpropathrin 1
23 119 Fenvalerate 0,5
24 49 Malathion 0,1
25 138 Metalaxyl 1
26 100 Methamidophos 2
27 94 Methomyl 0,7
28 209 Methoxyfenozide 2
29 54 Monocrotophos 0,2
30 126 Oxamyl 2
31 120 Permethrin 1
32 61 Phosphamidon 0,2
33 62 Piperonyl butoxide 2
34 101 Pirimicarb 2
35 86 Pirimiphos - methyl 1
36 136 Procymidone 5
37 171 Profenofos 5
38 148 Propamocarb 1
39 63 Pyrethrins 0,05
40 64 Quintozene 0,01
41 203 Spinosad 0,3
42 189 Tebuconazole 0,5
43 196 Tenbufenozide 1
44 133 Triadimefon 0,1
45 168 Triadiamenol 0,1
46 159 Vinclozolin 3
Mướp tây
1 8 Carbaryl 10
2 47 Bromide ion 200
Cà pháo
1 129 Azocyclotin 0,1
2 8 Carbaryl 1
3 72 Carbendazim 0,5
4 96 Carbofuran 0,1
5 17 Chlorpyrifos 0,2
6 90 Chlorpyrifos - methyl 0,1
7 67 Cyhexatin 0,1
8 118 Cypermethrin 0,2
9 207 Cyprodinil 0,2
10 82 Dichloluanid 1
11 37 Fenitrothion 0,1
12 185 Fenpropathrin 0,2
13 206 Imidacloprid 0,2
14 49 Malathion 0,5
15 94 Methomyl 0,2
16 54 Monocrotophos 0,2
17 120 Permethrin 1
18 101 Pirimicarb 1
Ngô bao tử
1 20 2,4 D 0,05
2 8 Carbaryl 0,1
3 96 Carbofuran 0,1
4 81 Chlorothanonil 2
5 81 Chlorothalonil 0,01
6 118 Cypermethrin 0,05
7 135 Deltamethrin 0,02
8 98 Dialifos 0,02
9 22 Diazinon 0,02
10 74 Disulfoton 0,02
11 105 Dithiocarbamates 0,1
12 119 Fenvalerate 0,01
13 152 Flucythrinate 0,05
14 158 Glyphosate 0,1
15 206 Imidacloprid 0,02
16 48 Lindane 0,01
17 49 Malathion 0,02
18 132 Methiocarb 0,05
19 94 Methomyl 2
20 120 Permethrin 0,1
21 103 Phosmet 0,05
22 101 Pirimicarb 0,05
23 203 Spinosad 0,01
24 167 Terbufos 0,01
Nấm
1 17 Chlorpyrifos 0,05
2 90 Chlorpyrifos - methyl 0,01
3 118 Cypermethrin 0,05
4 169 Cyromazine 5
5 135 Deltamethrin 0,05
6 25 Dichlorvos 0,5
7 130 Diflubenzuron 0,3
8 147 Methoprene 0,2
9 120 Permethrin 0,1
10 86 Pirimiphos - methyl 5
11 142 Prochloraz 2
12 65 Thiabendazole 60
13 77 Thiophanate - methyl 1
Cải xoăn
1 17 Chlorpyrifos 1
2 118 Cypermethrin 1
3 22 Diazinon 0,05
4 27 Dimethoate 0,5
5 105 Dithiocarbamates 15
6 32 Endosufan 1
7 119 Fenvalerate 10
8 49 Malathion 3
9 94 Methomyl 5
10 120 Permethrin 5
Rau diếp
1 177 Abamectin 0,05
2 95 Acephate 5
3 1 Aldrin and Dieldrin 0,05
4 47 Bromide ion 100
5 17 Chlorpyrifos 0,1
6 90 Chlorpyrifos - mehyl 0,1
7 179 Cycloxydim 0,2
8 118 Cypermethrin 2
9 169 Cyromazine 5
10 22 Diazinon 0,5
11 82 Dichloluanid 10
12 83 Dichloran 10
13 27 Dimethoate 2
14 105 Dithiocarbamates 10
15 32 Endosufan 1
16 149 Ethoprophos 0,02
17 37 Fenitrothion 0,5
18 119 Fenvalerate 2
19 111 Iprodione 25
20 48 Lindane 2
21 49 Malathion 8
22 138 Metalaxyl 2
23 100 Methamidophos 1
24 132 Methiocarb 0,2
25 94 Methomyl 5
26 59 Parathion - methyl 0,5
27 120 Permethrin 2
28 61 Phosphamidon 0,1
29 101 Pirimicarb 1
30 86 Pirimiphos - methyl 5
31 136 Procymidone 5
32 148 Propamocarb 10
33 75 Propoxur 0,5
34 64 Quintozene 3
35 77 Thiophanate - methyl 5
36 191 Tolclofos - methyl 2
37 162 Tolylfluanid 1
38 159 Vinclozolin 5
Khoai tây
1 20 2,4 - D 0,2
2 177 Abamectin 0,01
3 95 Acephate 0,5
4 117 Aldicarb 0,5
5 2 Azinphos - methyl 0,05
6 155 Benalaxyl 0,02
7 137 Bendiocarb 0,05
8 172 Bentazone 0,1
9 178 Bifenthrin 0,05
10 174 Cadusafos 0,02
11 7 Captan 0,05
12 8 Carbaryl 0,2
13 72 Carbendazim 3
14 96 Carbofuran 0,1
15 81 Chlorothanonil 0,2
16 17 Chlorpyrifos 0,05
17 187 Clethodim 0,5
18 179 Cycloxydim 2
19 146 Cyhalothrin 0,02
20 135 Deltamethrin 0,01
21 22 Diazinon 0,01
22 82 Dichloluanid 0,1
23 151 Dimethipin 0,05
24 27 Dimethoate 0,05
25 31 Diquat 0,05
26 74 Disulfoton 0,5
27 105 Dithiocarbamates 0,2
28 32 Endosufan 0,2
29 184 Ethofenprox 0,01
30 149 Ethoprophos 0,02
31 208 Famoxadone 0,02
32 85 Fenamiphos 0,2
33 37 Fenitrothion 0,05
34 40 Fentin 0,1
35 202 Fipronil 0,02
36 211 Fludioxonil 0,02
37 152 Flucythrinate 0,05
38 41 Folpet 0,02
39 175 Glufossinate - mamonium 0,5
40 110 Imazalil 5
41 48 Lindane 0,05
42 102 Maleic hydrazide 50
43 138 Metalaxyl 0,05
44 100 Methamidophos 0,05
45 51 Methidathion 0,02
46 94 Methomyl 0,1
47 54 Monocrotophos 0,05
48 126 Oxamyl 0,1
49 57 Paraquat 0,2
50 58 Parathion 0,05
51 59 Parathion - methyl 0,05
52 120 Permethrin 0,05
53 112 Phorate 0,2
54 103 Phosmet 0,05
55 101 Pirimicarb 0,05
56 86 Pirimiphos - methyl 0,05
57 171 Profenofos 0,05
58 113 Propargite 0,1
59 75 Propoxur 0,02
60 203 Spinosad 0,01
61 64 Quintozene 0,2
62 190 Teflubenzuron 0,05
63 115 Tecnazene 20
64 65 Thiabendazole 15
65 191 Tolclofos - methyl 0,2
66 143 Triazophos 0,05
67 159 Vinclozolin 0,1
Khoai sọ
1 72 Carbendazim 0,1
Rau ăn lá
1 1 Aldrin and dieldrin 0,05
2 47 Bromide ion 1000
3 8 Carbaryl 10
4 135 Deltamethrin 0,5
5 59 Parathion - methyl 2
6 101 Pirimicarb 1
Các loại rau họ đậu
1 1 Aldrin and dieldrin 0,05
2 129 Azocyclotin 0,2
3 172 Bentazone 0,2
4 144 Bitertanol 0,5
5 47 Bromide ion 500
6 70 Bromopropylate 3
7 8 Carbaryl 5
8 72 Carbendazim 2
9 81 Chlorothanonil 5
10 17 Chlorpyrifos 0,2
11 90 Chlorpyrifos - mehyl 0,1
12 179 Cycloxydim 2
13 67 Cyhexatin 0,2
14 118 Cypermethrin 0,5
15 135 Deltamethrin 0,1
16 22 Diazinon 0,2
17 82 Dichloluanid 2
18 26 Dicofol 2
19 27 Dimethoate 0,5
20 32 Endosufan 0,5
21 149 Ethoprophos 0,02
22 37 Fenitrothion 0,5
23 119 Fenvalerate 1
24 175 Glufossinate - mamonium 0,5
25 158 Glyphosate 0,2
26 43 Heptachlor 0,02
27 176 Hexythiazox 0,5
28 111 Iprodione 2
29 48 Lindane 0,1
30 49 Malathion 2
31 138 Metalaxyl 0,05
32 51 Methidathion 0,1
33 94 Methomyl 5
34 53 Mevinphos 0,1
35 54 Monocrotophos 0,2
36 126 Oxamyl 0,2
37 59 Parathion - methyl 1
38 120 Permethrin 1
39 112 Phorate 0,1
40 103 Phosmet 0,2
41 61 Phosphamidon 0,2
42 101 Pirimicarb 1
43 86 Pirimiphos - methyl 0,5
44 136 Procymidone 1
45 171 Profenofos 0,1
46 113 Propargite 20
47 75 Propoxur 1
48 64 Quintozene 0,01
49 133 Triadimefon 0,05
50 168 Triadiamenol 0,1
51 143 Triazophos 0,2
52 159 Vinclozolin 2
Cà rốt
1 8 Carbaryl 0,5
2 96 Carbofuran 0,5
3 14 Chlorfenvinphos 0,4
4 81 Chlorothanonil 1
5 17 Chlorpyrifos 0,1
6 179 Cycloxydim 0,5
7 21 DDT 0,2
8 135 Deltamethrin 0,02
9 22 Diazinon 0,5
10 83 Dichloran 15
11 27 Dimethoate 1
12 105 Dithiocarbamates 1
13 32 Endosufan 0,2
14 85 Fenamiphos 0,2
15 211 Fludioxonil 0,7
16 175 Glufossinate - mamonium 0,05
17 111 Iprodione 10
18 48 Lindane 0,2
19 138 Metalaxyl 0,05
20 126 Oxamyl 0,1
21 59 Parathion - methyl 1
22 120 Permethrin 0,1
23 61 Phosphamidon 0,2
24 86 Pirimiphos - methyl 1
25 75 Propoxur 0,05
26 153 Pyrazophos 0,2
27 77 Thiophanate - methyl 5
28 143 Triazophos 0,5
Các loại đậu hạt khô
1 117 Aldicarb 0,1
2 172 Bentazone 1
3 8 Carbaryl 1
4 72 Carbendazim 2
5 81 Chlorothalonil 0,2
6 187 Clethodim 2
7 81 Chlorothanonil 0,2
8 179 Cycloxydim 2
9 135 Deltamethrin 1
10 26 Dicofol 0,1
11 31 Diquat 0,2
12 74 Disulfoton 0,2
13 152 Flucythrinate 0,05
14 175 Glufossinate - mamonium 3
15 158 Glyphosate 5
16 111 Iprodione 0,1
17 48 Lindane 1
18 49 Malathion 2
19 51 Methidathion 0,1
20 94 Methomyl 0,05
21 59 Parathion - methyl 0,05
22 120 Permethrin 0,1
23 103 Phosmet 0,02
24 113 Propargite 0,2
25 64 Quintozene 0,2
26 133 Triadimefon 0,05
27 168 Triadiamenol 0,05
Đậu tư ơng khô
1 20 2,4 D 0,01
2 177 Abamectin 0,02
3 95 Acephate 0,3
4 117 Aldicarb 0,02
5 2 Azinphos - methyl 0,05
6 172 Bentazone 0,05
7 8 Carbaryl 0,2
8 72 Carbendazim 0,2
9 96 Carbofuran 0,2
10 17 Chlorpyrifos 0,1
11 187 Clethodim 10
12 179 Cycloxydim 2
13 118 Cypermethrin 0,05
14 130 Diflubenzuron 0,1
15 31 Diquat 0,2
16 32 Endosulfan 1
17 149 Ethoprophos 0,02
18 85 Fenamiphos 0,05
19 37 Fenitrothion 0,1
20 119 Fenvalerate 0,1
21 211 Fludioxonil 0,01
22 175 Glufossinate - mamonium 2
23 158 Glyphosate 20
24 138 Metalaxyl 0,05
25 100 Methamidophos 0,1
26 94 Methomyl 0,2
27 126 Oxamyl 0,1
28 57 Paraquat 0,1
29 58 Parathion 0,05
30 120 Permethrin 0,05
31 112 Phorate 0,05
32 171 Profenofos 0,05
33 64 Quintozene 0,01
34 203 Spinosad 0,01
35 167 Terbufos 0,05
36 143 Triazophos 0,05
Rau thân củ
1 1 Aldrin and dieldrin 0,1
2 118 Cypermethrin 0,05
3 135 Deltamethrin 0,01
4 119 Fenvalerate 0,05
5 49 Malathion 0,5
6 126 Oxamyl 0,1
7 120 Permethrin 0,5
8 61 Phosphamidon 0,2
9 159 Vinclozolin 5
Các loại củ cải trừ củ cải đư ờng
1 47 Bromide ion 200
2 8 Carbaryl 2
3 72 Carbendazim 0,1
4 90 Chlorpyrifos - methyl 0,1
5 22 Diazinon 0,1
6 27 Imethoate 0,5
7 149 Ethoprophos 0,02
8 37 Fenitrothion 0,2
9 48 Lindane 1
10 49 Malathion 3
11 51 Methidathion 0,05
12 59 Parathion - methyl 0,05
13 120 Permethrin 0,1
14 101 Pirimicarb 0,05
15 148 Propamocarb 5
16 191 Tolclofos - methyl 0,1
Khoai lang
1 117 Aldicarb 0,1
2 32 Endosulfan 0,2
3 72 Carbendazim 1
4 85 Fenamiphos 0,1
5 103 Phosmet 10
6 117 Aldicarb 0,1
7 149 Ethoprophos 0,02
Củ cải đường
1 95 Acephate 0,1
2 117 Aldicarb 0,05
3 137 Bendiocarb 0,05
4 8 Carbaryl 0,1
5 72 Carbendazim 0,1
6 96 Carbofuran 0,1
7 81 Chlorothanonil 0,2
8 17 Chlorpyrifos 0,05
9 179 Cycloxydim 0,2
10 22 Diazinon 0,2
11 27 Dimethoate 0,2
12 74 Disulfoton 0,2
13 105 Dithiocarbamates 0,5
14 32 Endosufan 0,1
15 149 Ethoprophos 0,02
16 85 Fenamiphos 0,05
17 40 Fentin 0,2
18 152 Flucythrinate 0,05
19 165 Flusilazole 0,01
20 175 Glufossinate - mamonium 0,05
21 111 Iprodione 0,1
22 48 Lindane 0,1
23 138 Metalaxyl 0,05
24 100 Methamidophos 0,05
25 51 Methidathion 0,05
26 132 Methiocarb 0,05
27 94 Methomyl 0,1
28 54 Monocrotophos 0,05
29 59 Parathion - methyl 0,05
30 120 Permethrin 0,05
31 112 Phorate 0,05
32 101 Pirimicarb 0,05
33 171 Profenofos 0,05
34 148 Propamocarb 0,2
35 160 Propiconazole 0,05
36 167 Terbufos 0,1
37 133 Triadimefon 0,1
38 168 Triadiamenol 0,1
39 143 Triazophos 0,05
40 78 Vamidothion 0,5
Giá đậu tương
1 27 Dimethoate 0,5
2 111 Iprodione 1
3 65 Thiabendazole 0,05
4 159 Vinclozolin 2
Actisô
1 95 Acephate 0,3
2 90 Chlorpyrifos - mehyl 0,1
3 135 Deltamethrin 0,05
4 27 Dimethoate 0,05
5 192 Fenarimol 0,1
6 152 Flucythrinate 0,5
7 100 Methamidophos 0,2
8 51 Methidathion 0,05
9 132 Methiocarb 0,05
10 59 Parathion - methyl 2
11 168 Triadiamenol 1
Măng tây
1 8 Carbaryl 15
2 72 Carbendazim 0,1
3 27 Dimethoate 0,05
4 74 Disulfoton 0,02
5 105 Dithiocarbamates 0,1
6 175 Glufossinate - mamonium 0,05
7 49 Malathion 1
8 138 Metalaxyl 0,05
9 94 Methomyl 2
10 120 Permethrin 1
Cần tây
1 163 Anilazine 10
2 47 Bromide ion 300
3 72 Carbendazim 2
4 81 Chlorothanonil 10
5 17 Chlorpyrifos 0,05
6 169 Cyromazine 5
7 27 Dimethoate 1
8 32 Endosufan 2
9 119 Fenvalerate 2
10 49 Malathion 1
11 100 Methamidophos 1
12 94 Methomyl 2
13 209 Methoxyfenozide 15
14 126 Oxamyl 5
15 59 Parathion - methyl 5
16 120 Permethrin 2
17 101 Pirimicarb 1
18 148 Propamocarb 0,2
19 203 Spinosad 2
20 77 Thiophanate - methyl 20
Các loại ngũ cốc
1 1 Aldrin and dieldrin 0,02
2 47 Bromide ion 50
3 80 Chinomethionat 0,1
4 21 DDT 0,1
5 135 Deltamethrin 2
6 25 Dichlorvos 5
7 74 Disulfoton 0,2
8 37 Fenitrothion 10
9 119 Fenvalerate 2
10 211 Fludioxonil 0,05
11 43 Heptachlor 0,02
12 46 Hydrogen phosphide 0,1
13 206 Imidacloprid 0,05
14 48 Lindane 0,5
15 49 Malathion 8
16 138 Metalaxyl 0,05
17 132 Methiocarb 0,05
18 147 Methoprene 5
19 120 Permethrin 2
20 61 Phosphamidon 0,1
21 62 Piperonyl butoxide 30
22 86 Pirimiphos - methyl 7
23 63 Pyrethrins 3
24 142 Prochloraz 2
25 203 Spinosad 1
26 77 Thiophanate - methyl 0,1
27 143 Triazophos 0,05
28 116 Triforine 0,1
29 78 Vamidothion 0,2
Lúa mạch
1 117 Aldicarb 0,02
2 163 Anilazine 0,2
3 172 Bentazone 0,1
4 178 Bifenthrin 0,05
5 144 Bitertanol 0,05
6 72 Carbendazim 5
7 15 Chlormequat 2
8 81 Chlorothanonil 0,1
9 118 Cypermethrin 0,5
10 82 Dichloluanid 0,1
11 31 Diquat 5
12 74 Disulfoton 0,2
13 105 Dithiocarbamates 1
14 106 Ethephon 1
15 208 Famoxadone 0,2
16 197 Fenbuconazole 0,2
17 188 Fenpropimorth 0,5
18 202 Fipronil 0,002
19 152 Flucythrinate 0,5
20 165 Flusilazole 0,1
21 158 Glyphosate 20
22 111 Iprodione 2
23 199 Kresoxim-methyl 0,1
24 48 Lindane 0,01
25 94 Methomyl 2
26 101 Pirimicarb 0,05
27 142 Prochloraz 0,5
28 160 Propiconazole 0,05
29 153 Pyrazophos 0,05
30 64 Quintozene 0,01
31 189 Tebuconazole 0,2
32 167 Terbufos 0,01
33 133 Triadimefon 0,5
34 168 Triadiamenol 0,5
35 213 Trifloxystrobin 0,5
Ngô
1 20 2,4 - D 0,05
2 177 Abamectin 0,05
3 117 Aldicarb 0,05
4 137 Bendiocarb 0,05
5 172 Bentazone 0,2
6 178 Bifenthrin 0,05
7 9 Carbon disulphide 0,1
8 145 Carbosulfan 0,05
9 12 Chlordane 0,02
10 17 Chlorpyrifos 0,05
11 157 Cyfluthrin 0,05
12 118 Cypermethrin 0,05
13 22 Diazinon 0,02
14 31 Diquat 0,05
15 74 Disulfoton 0,02
16 32 Endosulfan 0,1
17 149 Ethoprophos 0,02
18 202 Fipronil 0,01
19 175 Glufossinate - mamonium 0,1
20 158 Glyphosate 1
21 48 Lindane 0,01
22 51 Methidathion 0,1
23 94 Methomyl 0,02
24 54 Monocrotophos 0,05
25 126 Oxamyl 0,05
26 57 Paraquat 0,1
27 58 Parathion 0,1
28 112 Phorate 0,05
29 103 Phosmet 0,05
30 113 Propargite 0,1
31 64 Quintozene 0,01
32 167 Terbufos 0,01
Yến mạch
1 172 Bentazone 0,1
2 144 Bitertanol 0,1
3 8 Carbaryl 5
4 96 Carbofuran 0,1
5 12 Chlordane 0,02
6 15 Chlormequat 10
7 82 Dichloluanid 0,1
8 31 Diquat 2
9 74 Disulfoton 0,02
10 188 Fenpropimorth 0,02
11 202 Fipronil 0,002
12 152 Flucythrinate 0,2
13 158 Glyphosate 20
14 48 Lindane 0,01
15 94 Methomyl 0,02
16 101 Pirimicarb 0,05
17 142 Prochloraz 0,5
18 160 Propiconazole 0,05
19 189 Tebuconazole 0,05
20 133 Triadimefon 0,1
21 168 Triadiamenol 0,2
Gạo
1 20 2,4 - D 0,1
2 172 Bentazone 0,1
3 8 Carbaryl 1
4 17 Chlorpyrifos 0,1
5 90 Chlorpyrifos - methyl 0,1
6 31 Diquat 10
7 74 Disulfoton 1
8 32 Endosufan 0,1
9 40 Fentin 0,1
10 158 Glyphosate 0,1
11 57 Paraquat 10
Lúa mạch đen
1 20 2,4 - D 2
2 172 Bentazone 0,1
3 144 Bitertanol 0,05
4 8 Carbaryl 5
5 12 Chlordane 0,02
6 15 Chlormequat 3
7 82 Dichloluanid 0,1
8 106 Ethephon 1
9 197 Fenbuconazole 0,1
10 165 Flusilazole 0,1
11 142 Prochloraz 0,5
12 160 Propiconazole 0,05
13 189 Tebuconazole 0,05
14 133 Triadimefon 0,1
15 168 Triadiamenol 0,2
Lúa miến
1 20 2,4 - D 0,05
2 117 Aldicarb 0,1
3 172 Bentazone 0,1
4 96 Carbofuran 0,1
5 145 Carbosulfan 0,02
6 12 Chlordane 0,02
7 17 Chlorpyrifos 0,5
8 90 Chlorpyrifos - methyl 10
9 31 Diquat 2
10 158 Glyphosate 20
11 51 Methidathion 0,2
12 94 Methomyl 0,02
13 57 Paraquat 0,5
14 58 Parathion 5
15 112 Phorate 0,05
Lúa mì
1 20 2,4 - D 2
2 117 Aldicarb 0,02
3 172 Bentazone 0,1
4 178 Bifenthrin 0,5
5 93 Bioresmethrin 1
6 144 Bitertanol 0,05
7 8 Carbaryl 2
8 96 Carbofuran 0,1
9 12 Chlordane 0,02
10 15 Chlormequat 3
11 17 Chlorpyrifos 0,5
12 90 Chlorpyrifos - methyl 10
13 118 Cypermethrin 0,2
14 207 Cyprodinil 0,5
15 82 Dichloluanid 0,1
16 27 Dimethoate 0,05
17 74 Disulfoton 0,2
18 31 Diquat 2
19 105 Dithiocarbamates 1
20 106 Ethephon 1
21 208 Famoxadone 0,1
22 197 Fenbuconazole 0,1
23 152 Flucythrinate 0,2
24 165 Flusilazole 0,1
25 158 Glyphosate 5
26 170 Hexaconazole 0,1
27 110 Imazalil 0,01
28 199 Kresoxim-methyl 0,05
29 48 Lindane 0,01
30 94 Methomyl 2
31 54 Monocrotophos 0,02
32 112 Phorate 0,05
33 101 Pirimicarb 0,05
34 160 Propiconazole 0,05
35 153 Pyrazophos 0,05
36 167 Terbufos 0,01
37 133 Triadimefon 0,1
38 168 Triadiamenol 0,2
Bỏng ngô
1 167 Terbufos 0,01
Cây mía
1 20 2,4 - D 0,05
2 117 Aldicarb 0,1
3 2 Azinphos - methyl 0,2
4 96 Carbofuran 0,1
5 149 Ethoprophos 0,02
6 54 Monocrotophos 0,02
7 126 Oxamyl 0,05
8 160 Propiconazol 0,05
9 196 Tebufenozide 1
Quả hạnh
1 177 Abamectin 0,01
2 2 Azinphos - methyl 0,05
3 8 Carbaryl 1
4 72 Carbendazim 0,1
5 80 Chinomethionat 0,1
6 12 Chlordane 0,02
7 207 Cyprodinil 0,02
8 22 Diazinon 0,05
9 105 Dithiocarbamates 0,1
10 109 Fenbutatin oxide 0,5
11 119 Fenvalerate 0,2
12 46 Hydrogen phosphide 0,01
13 111 Iprodione 0,2
14 51 Methidathion 0,05
15 120 Permethrin 0,1
16 60 Phosalone 0,1
17 113 Propargite 0,1
18 160 Propiconazole 0,05
Các loại quả hạch
1 2 Azinphos - methyl 0,3
2 8 Carbaryl 10
3 80 Chinomethionat 0,02
4 12 Chlordane 0,02
5 22 Diazinon 0,01
6 26 Dicofol 0,01
7 106 Ethephon 0,2
8 109 Fenbutatin oxide 0,5
9 49 Malathion 8
10 51 Methidathion 0,05
11 132 Methiocarb 0,05
12 120 Permethrin 0,05
13 113 Propargite 0,1
14 196 Tebufenozide 0,05
Quả hồ đào
1 117 Aldicarb 1
2 2 Azinphos - methyl 0,3
3 12 Chlordane 0,02
4 26 Dicofol 0,01
5 74 Disulfoton 0,1
6 105 Dithiocarbamates 0,1
7 192 Fenarimol 0,02
8 197 Fenbuconazole 0,05
9 109 Fenbutatin oxide 0,5
10 206 Imidacloprid 0,05
11 51 Methidathion 0,05
12 101 Pirimicarb 0,05
13 160 Propiconazole 0,05
14 196 Tebufenozide 0,01
Hạt có dầu
1 96 Carbofuran 0,1
2 118 Cypermethrin 0,2
3 63 Pyrethrins 1
Hạt mù tạt, hạt cải dầu, hạt lanh
1 172 Dentazone 0,1
2 72 Carbendazim 0,1
3 179 Cycloxydim 2
4 157 Cyfluthrin 0,05
5 151 Dimethipin 0,2
6 31 Diquat 2
7 152 Flucythrinate 0,05
8 165 Flusilazole 0,05
9 175 Glufossinate - mamonium 5
10 158 Glyphosate 10
11 111 Iprodione 0,5
12 48 Lindane 0,05
13 100 Methamidophos 0,1
14 51 Methidathion 0,1
15 132 Methiocarb 0,05
16 120 Permethrin 0,05
17 101 Pirimicarb 0,2
18 142 Prochloraz 0,5
19 160 Propiconazole 0,05
20 189 Tebuconazole 0,05
21 167 Terbufos 0,05
22 159 Vinclozolin 1
Hạt bông
1 95 Acephate 2
2 177 Abamectin 0,01
3 117 Aldicarb 0,1
4 122 Amitraz 0,5
5 2 Azinphos - methyl 0,2
6 8 Carbaryl 1
7 96 Carbofuran 0,1
8 145 Carbosulfan 0,05
9 15 Chlormequat 0,5
10 17 Chlorpyrifos 0,05
11 187 Clethodim 0,5
12 157 Cyfluthrin 0,05
13 146 Cyhalothrin 0,02
14 26 Dicofol 0,1
15 130 Diflubenzuron 0,2
16 151 Dimethipin 1
17 32 Endosufan 1
18 106 Ethephon 2
19 85 Fenamiphos 0,05
20 185 Fenpropathrin 1
21 119 Fenvalerate 0,2
22 152 Flucythrinate 0,1
23 158 Glyphosate 10
24 43 Heptachlor 0,02
25 138 Metalaxyl 0,05
26 100 Methamidophos 0,1
27 51 Methidathion 1
28 94 Methomyl 0,5
29 54 Monocrotophos 0,1
30 126 Oxamyl 0,2
31 57 Paraquat 0,2
32 58 Parathion 1
33 120 Permethrin 0,5
34 112 Phorate 0,05
35 101 Pirimicarb 0,05
36 171 Profenofos 2
37 113 Propargite 0,1
38 64 Quintozene 0,03
39 143 Triazophos 0,1
Lạc củ
1 117 Aldicarb 0,02
2 172 Bentazone 0,05
3 144 Bitertanol 0,1
4 8 Carbaryl 2
5 72 Carbendazim 0,1
6 81 Chlorothanonil 0,05
7 187 Clethodim 5
8 118 Cypermethrin 0,05
9 135 Deltamethrin 0,01
10 74 Disulfoton 0,1
11 105 Dithiocarbamates 0,1
12 149 Ethoprophos 0,02
13 85 Fenamiphos 0,05
14 119 Fenvalerate 0,1
15 46 Hydrogen phosphide 0,01
16 138 Metalaxyl 0,1
17 94 Methomyl 0,1
18 147 Methoprene 2
19 54 Monocrotophos 0,05
20 126 Oxamyl 0,05
21 120 Permethrin 0,1
22 112 Phorate 0,1
23 86 Pirimiphos - methyl 25
24 113 Propargite 0,1
25 160 Propiconazole 0,1
26 63 Pyrethrins 0,5
27 64 Quintozene 0,5
28 189 Tebuconazole 0,05
29 167 Terbufos 0,05
Hạt hướng dương
1 177 Abamectin 0,05
2 117 Aldicarb 0,05
3 8 Carbaryl 0,2
4 96 Carbofuran 0,1
5 187 Clethodim 0,5
6 135 Deltamethrin 0,05
7 151 Dimethipin 1
8 31 Diquat 1
9 197 Fenbuconazole 0,05
10 119 Fenvalerate 0,1
11 175 Glufossinate - mamonium 5
12 111 Iprodione 0,5
13 138 Metalaxyl 0,05
14 51 Methidathion 0,5
15 57 Paraquat 2
16 58 Parathion 0,05
17 120 Permethrin 1
18 136 Procymidone 0,2
Ca cao hạt
1 135 Deltamethrin 0,05
2 37 Fenitrothion 0,1
3 46 Hydrogen phosphide 0,01
4 48 Lindane 1
5 138 Metalaxyl 0,2
Cà phê hạt
1 117 Aldicarb 0,1
2 72 Carbendazim 0,1
3 96 Carbofuran 1
4 17 Chlorpyrifos 0,05
5 118 Cypermethrin 0,05
6 135 Deltamethrin 2
7 74 Disulfoton 0,2
8 32 Endosulfan 0,1
9 85 Fenamiphos 0,1
10 152 Flucythrinate 0,05
11 170 Hexaconazole 0,05
12 138 Metalaxyl 0,2
13 126 Oxamyl 0,1
14 120 Permethrin 0,05
15 142 Prochloraz 0,2
16 160 Propiconazole 0,1
17 167 Terbufos 0,05
18 133 Triadimefon 0,05
19 168 Triadiamenol 0,1
20 143 Triazophos 0,05
Cây mùi tây
1 81 Chlorothalonil 3
2 101 Pirimicarb 1
Gia vị
1 46 Hydrogen phosphide 0,01
2 47 Bromide ion 400
Thịt
1 20 2,4 - D 0,05
2 117 Aldicarb 0,01
3 1 Aldrin and dieldrin 0,2
4 172 Bentazone 0,05
5 80 Chinomethionat 0,05
6 12 Chlordane 0,05
7 67 Cyhexatin 0,2
8 118 Cypermethrin 0,2
9 21 DDT 5
10 135 Deltamethrin 0,03
11 25 Dichlorvos 0,05
12 130 Diflubenzuron 0,05
13 151 Dimethipin 0,02
14 31 Diquat 0,05
15 105 Dithiocarbamates 0,05
16 32 Endosufan 0,1
17 109 Fenbutatin oxide 0,05
18 37 Fenitrothion 0,05
19 39 Fenthion 2
20 119 Fenvalerate 1
21 43 Heptachlor 0,2
22 132 Methiocarb 0,05
23 94 Methomyl 0,02
24 147 Methoprene 0,2
25 120 Permethrin 1
26 112 Phorate 0,05
27 86 Pirimiphos - methyl 0,05
28 142 Prochloraz 0,5
29 171 Profenofos 0,05
30 113 Propargite 0,1
31 160 Propiconazole 0,05
32 75 Propoxur 0,05
33 133 Triadimefon 0,05
34 168 Triadiamenol 0,05
Thịt gia súc
1 95 Acephate 0,1
2 122 Amitraz 0,1
3 163 Anilazine 0,02
4 137 Bendiocarb 0,05
5 178 Cifenthrin 0,5
6 8 Carbaryl 0,2
7 72 Carbendazim 0,1
8 96 Carbofuran 0,05
9 17 Chlorpyrifos 2
10 90 Chlorpyrifos - mehyl 0,05
11 156 Clofentezine 0,05
12 169 Cyromazine 0,05
13 22 Diazinon 0,7
14 26 Dicofol 3
15 106 Ethephon 0,1
16 192 Fenarimol 0,2
17 185 Fenpropathrin 0,5
18 195 Flumethrin 0,2
19 165 Flusilazole 0,01
20 158 Glyphosate 0,1
21 48 Lindane 2
22 124 Mecarbam 0,01
23 100 Methamidophos 0,01
24 51 Methidathion 0,02
25 54 Monocrotophos 0,02
26 181 Myclobutanyl 0,01
27 57 Paraquat 0,05
28 182 Penconazole 0,05
29 103 Phosmet 1
30 142 Prochloraz 0,1
31 189 Tebuconazole 0,05
32 167 Terbufos 0,05
33 65 Thiabendazole 0,1
34 143 Triazophos 0,01
35 159 Vinclozolin 0,05
Mỡ gia súc
1 95 Acephate 0,1
2 137 Bendiocarb 0,05
3 178 Bifenthrin 0,5
4 96 Carbofuran 0,05
5 90 Chlorpyrifos - methyl 0,05
6 165 Flusilazole 0,01
7 100 Methamidophos 0,01
8 51 Methidathion 0,02
9 142 Prochloraz 0,5
Nội tạng gia súc
1 122 Amitraz 0,2
2 163 Anilazine 0,02
3 137 Bendiocarb 0,2
4 178 Bifenthrin 0,05
5 96 Carbofuran 0,05
6 90 Chlorpyrifos - mehyl 0,05
7 156 Clofentezine 0,1
8 118 Cypermethrin 0,05
9 135 Deltamethrin 0,05
10 26 Dicofol 1
11 130 Diflubenzuron 0,05
12 151 Dimethipin 0,02
13 31 Diquat 0,05
14 105 Dithiocarbamates 0,1
15 106 Ethephon 0,2
16 192 Fenarimol 0,05
17 109 Fenbutatin oxide 0,2
18 185 Fenpropathrin 0,05
19 119 Fenvalerate 0,02
20 165 Flusilazole 0,02
21 158 Glyphosate 2
22 124 Mecarbam 0,01
23 51 Methidathion 0,02
24 147 Methoprene 0,1
25 54 Monocrotophos 0,02
26 181 Myclobutanyl 0,01
27 57 Paraquat 0,5
28 182 Penconazole 0,05
29 120 Permethrin 0,1
30 142 Prochloraz 5
31 160 Propiconazole 0,05
32 65 Thiabendazole 0,1
Sữa
1 20 2,4 - D 0,01
2 95 Acephate 0,02
3 117 Aldicarb 0,01
4 1 Aldrin and dieldrin 0,006
5 122 Amitraz 0,01
6 163 Anilazine 0,01
7 129 Azocyclotin 0,05
8 137 Bendiocarb 0,05
9 172 Bentazone 0,05
10 178 Bifenthrin 0,05
11 8 Carbaryl 0,05
12 72 Carbendazim 0,1
13 96 Carbofuran 0,05
14 80 Chinomethionat 0,01
15 12 Chlordane 0,002
16 17 Chlorpyrifos 0,02
17 90 Chlorpyrifos - mehyl 0,01
18 156 Clofentezine 0,01
19 157 Cyfluthrin 0,01
20 67 Cyhexatin 0,05
21 118 Cypermethrin 0,05
22 169 Cyromazine 0,01
23 21 DDT 0,02
24 135 Deltamethrin 0,05
25 22 Diazinon 0,02
26 25 Dichlorvos 0,02
27 26 Dicofol 0,1
28 130 Diflubenzuron 0,02
29 151 Dimethipin 0,01
30 31 Diquat 0,01
31 105 Dithiocarbamates 0,05
32 32 Endosufan 0,004
33 106 Ethephon 0,05
34 109 Fenbutatin oxide 0,05
35 37 Fenitrothion 0,002
36 185 Fenpropathrin 0,1
37 39 Fenthion 0,05
38 119 Fenvalerate 0,1
39 195 Flumethrin 0,05
40 165 Flusilazole 0,01
41 158 Glyphosate 0,1
42 43 Heptachlor 0,006
43 94 Methomyl 0,02
44 147 Methoprene 0,05
45 54 Monocrotophos 0,002
46 181 Myclobutanyl 0,01
47 57 Paraquat 0,01
48 182 Penconazole 0,01
49 120 Permethrin 0,1
50 112 Phorate 0,05
51 103 Phosmet 0,02
52 101 Pirimicarb 0,05
53 86 Pirimiphos - methyl 0,01
54 142 Prochloraz 0,05
55 171 Profenofos 0,01
56 113 Propargite 0,1
57 160 Propiconazole 0,01
58 75 Propoxur 0,05
59 189 Tebuconazole 0,01
60 167 Terbufos 0,01
61 65 Thiabendazole 0,1
62 133 Triadimefon 0,05
63 168 Triadiamenol 0,01
64 143 Triazophos 0,01
65 159 Vinclozolin 0,05
Thịt gia cầm
1 95 Acephate 0,1
2 1 Aldrin and dieldrin 0,2
3 163 Anilazine 0,02
4 137 Bendiocarb 0,05
5 178 Bifenthrin 0,05
6 8 Carbaryl 0,5
7 72 Carbendazim 0,1
8 12 Chlordane 0,5
9 17 Chlorpyrifos 0,2
10 90 Chlorpyrifos - mehyl 0,05
11 156 Clofentezine 0,05
12 118 Cypermethrin 0,05
13 169 Cyromazine 0,05
14 135 Deltamethrin 0,03
15 22 Diazinon 0,02
16 25 Dichlorvos 0,05
17 26 Dicofol 0,1
18 130 Diflubenzuron 0,05
19 151 Dimethipin 0,02
20 31 Diquat 0,05
21 105 Dithiocarbamates 0,1
22 33 Endrin 0,1
23 106 Ethephon 0,1
24 109 Fenbutatin oxide 0,05
25 185 Fenpropathrin 0,02
26 165 Flusilazole 0,01
27 158 Glyphosate 0,1
28 43 Heptachlor 0,2
29 48 Lindane 0,7
30 51 Methidathion 0,02
31 132 Methiocarb 0,05
32 54 Monocrotophos 0,02
33 181 Myclobutanyl 0,01
34 182 Penconazole 0,05
35 120 Permethrin 0,1
36 113 Propargite 0,1
37 160 Propiconazole 0,05
38 189 Tebuconazole 0,05
39 167 Terbufos 0,05
40 65 Thiabendazole 0,05
41 77 Thiophanate - methyl 0,1
42 133 Triadimefon 0,05
43 168 Triadiamenol 0,05
44 159 Vinclozolin 0,05
Mỡ gia cầm
1 95 Acephate 0,1
2 137 Bendiocarb 0,05
3 178 Bifenthrin 0,05
4 72 Carbendazim 0,1
5 90 Chlorpyrifos - mehyl 0,05
6 51 Methidathion 0,02
Da và phủ tạng gia cầm
1 163 Anilazine 0,02
2 137 Bendiocarb 0,05
3 178 Bifenthrin 0,05
4 8 Carbaryl 5
5 90 Chlorpyrifos - mehyl 0,05
6 156 Clofentezine 0,05
7 135 Deltamethrin 0,01
8 22 Diazinon 0,02
9 26 Dicofol 0,05
10 151 Dimethipin 0,02
11 31 Diquat 0,05
12 105 Dithiocarbamates 0,1
13 106 Ethephon 0,2
14 109 Fenbutatin oxide 0,05
15 185 Fenpropathrin 0,01
16 165 Flusilazole 0,01
17 51 Methidathion 0,02
18 54 Monocrotophos 0,02
19 181 Myclobutanyl 0,01
20 189 Tebuconazole 0,05
21 167 Terbufos 0,05
Trứng
1 20 2,4 - D 0,01
2 95 Acephate 0,01
3 1 Aldrin and dieldrin 0,1
4 163 Anilazine 0,02
5 137 Bendiocarb 0,05
6 172 Bentazone 0,05
7 178 Bifenthrin 0,01
8 8 Carbaryl 0,5
9 72 Carbendazim 0,1
10 12 Chlordane 0,02
11 17 Chlorpyrifos 0,01
12 90 Chlorpyrifos - mehyl 0,05
13 156 Clofentezine 0,05
14 118 Cypermethrin 0,05
15 169 Cyromazine 0,2
16 21 DDT 0,1
17 135 Deltamethrin 0,02
18 22 Diazinon 0,02
19 26 Dicofol 0,05
20 130 Diflubenzuron 0,05
21 151 Dimethipin 0,01
22 31 Diquat 0,05
23 105 Dithiocarbamates 0,05
24 106 Ethephon 0,2
25 36 Fenchlorphos 0,05
26 188 Fenpropimorph 0,01
27 165 Flusilazole 0,01
28 158 Glyphosate 0,1
29 114 Guazatine 0,1
30 44 Hexachlorobenzene 0,05
31 48 Lindane 0,01
32 51 Methidathion 0,02
33 132 Methiocarb 0,05
34 147 Methoprene 0,05
35 54 Monocrotophos 0,02
36 181 Myclobutanyl 0,01
37 57 Paraquat 0,01
38 182 Penconazole 0,05
39 120 Permethrin 0,1
40 112 Phorate 0,05
41 101 Pirimicarb 0,05
42 86 Pirimiphos - methyl 0,05
43 171 Profenofos 0,02
44 113 Propargite 0,1
45 160 Propiconazole 0,05
46 189 Tebuconazole 0,05
47 167 Terbufos 0,01
48 133 Triadimefon 0,05
49 168 Triadiamenol 0,05
50 159 Vinclozolin 0,05
Các loại quả khô
1 47 Bromide ion 250
2 22 Diazinon 2
3 26 Dicofol 3
4 106 Ethephon 10
5 192 Fenarimol 0,2
6 109 Fenbutatin oxide 20
7 165 Flusilazole 1
8 46 Hydrogen phosphide 0,01
9 49 Malathion 8
10 181 Myclobutanyl 0,5
11 182 Penconazole 0,5
12 86 Pirimiphos - methyl 0,5
13 113 Propargite 10
Dược thảo khô
1 47 Bromide ion 400
Rau khô
1 46 Hydrogen phosphide 0,01
2 63 Pyethrins 1
Hoa bia khô
1 177 Abamectin 0,1
2 155 Benalaxyl 0,2
3 178 Bifenthrin 10
4 72 Carbendazim 50
5 135 Deltamethrin 5
6 22 Diazinon 0,5
7 26 Dicofol 50
8 27 Dimethoate 3
9 180 Dithianon 100
10 105 Dithiocarbamates 30
11 192 Fenarimol 5
12 40 Fentin 0,5
13 152 Flucythrinate 10
14 138 Metalaxyl 10
15 100 Methamidophos 5
16 51 Methidathion 5
17 94 Methomyl 10
18 57 Paraquat 0,2
19 59 Parathion - methyl 1
20 182 Penconazole 0,5
21 120 Permethrin 50
22 113 Propargite 100
23 153 Pyrazophos 10
24 133 Triadimefon 10
25 168 Triadiamenol 5
26 159 Vinclozolin 40
Gạo đã xay
1 20 2,4 - D 0,01
2 8 Carbaryl 5
3 96 Carbofuran 0,1
4 12 Chlordane 0,02
5 31 Diquat 1
6 37 Fenitrothion 1
7 39 Fenthion 0,05
8 111 Iprodione 10
9 57 Paraquat 0,5
10 59 Parathion - methyl 1
11 86 Pirimiphos - methyl 2
12 75 Propoxur 0,1
13 196 Tebufenozide 0,1
Cám lúa mạch, lúa mì, gạo
1 178 Bifenthrin 2
2 93 Bioresmethrin 5
3 8 Carbaryl 20
4 90 Chlorpyrifos - mehyl 20
5 135 Deltamethrin 5
6 25 Dichlorvos 10
7 31 Diquat 5
8 37 Fenitrothion 20
9 119 Fenvalerate 5
10 158 Glyphosate 20
11 49 Malathion 20
12 147 Methoprene 10
13 120 Permethrin 5
14 86 Pirimiphos - methyl 20
Hạt cà phê rang
1 85 Fenamiphos 0,1
Cám lúa mì đã chế biến
1 37 Fenitrothion 2
Mầm lúa mì
1 93 Bioresmethrin 3
2 25 Dichlorvos 10
3 120 Permethrin 2
Bột mì, lúa mạch đen
1 178 Bifenthrin 0,2
2 93 Bioresmethrin 1
3 8 Carbaryl 0,2
4 90 Chlorpyrifos - mehyl 2
5 135 Deltamethrin 0,2
6 25 Dichlorvos 1
7 31 Diquat 0,5
8 37 Fenitrothion 2
9 119 Fenvalerate 0,2
10 158 Glyphosate 0,5
11 49 Malathion 2
12 147 Methoprene 2
13 120 Permethrin 0,5
14 86 Pirimiphos - methyl 2
Lúa mì, lúa mạch đen nguyên chất
1 178 Bifenthrin 0,5
2 93 Bioresmethrin 1
3 47 Bromide ion 50
4 8 Carbaryl 2
5 135 Deltamethrin 1
6 25 Dichlorvos 2
7 31 Diquat 2
8 37 Fenitrothion 5
9 119 Fenvalerate 2
10 158 Glyphosate 5
11 49 Malathion 2
12 147 Methoprene 5
13 120 Permethrin 2
14 86 Pirimiphos - methyl 5
Chè xanh, đen
1 90 Chlorpyrifos - mehyl 0,1
2 118 Cypermethrin 20
3 135 Deltamethrin 10
4 26 Dicofol 50
5 32 Endosufan 30
6 37 Fenitrothion 0,5
7 152 Flucythrinate 20
8 113 Propargite 10
9 51 Methidathion 0,5
10 120 Permethrin 20
Dầu thực vật thô
1 122 Amitraz 0,05
2 12 Chlordane 0,05
3 17 Chlorpyrifos 0,05
4 146 Cyhalothrin 0,02
5 26 Dicofol 0,5
6 151 Dimethipin 0,1
7 31 Diquat 0,05
8 32 Endosufan 0,5
9 185 Fenpropathrin 3
10 39 Fenthion 1
11 119 Fenvalerate 0,1
12 152 Flucythrinate 0,2
13 175 Glufossinate - Mamonium 0,05
14 158 Glyphosate 0,05
15 43 Heptachlor 0,5
16 51 Methidathion 2
17 54 Monocrotophos 0,05
18 57 Paraquat 0,05
19 58 Parathion 2
20 120 Permethrin 1
21 112 Phorate 0,05
22 86 Pirimiphos - methyl 15
23 167 Terbufos 0,05
Dầu thực vật đã chế biến
1 117 Aldicarb 0,01
2 12 Chlordane 0,02
3 146 Cyhalothrin 0,02
4 118 Cypermethrin 0,5
5 26 Dicofol 0,5
6 151 Dimethipin 0,02
7 27 Dimethoate 0,05
8 119 Fenvalerate 0,1
9 152 Flucythrinate 0,2
10 158 Hlyphosate 0,05
11 43 Heptachlor 0,02
12 147 Methoprene 0,2
13 57 Paraquat 0,05
14 120 Permethrin 0,1
15 112 Phorate 0,05
16 86 Pirimiphos - methyl 15
17 136 Procymidone 0,5
18 171 Profenofos 0,05
Dầu ôliu đã chế biến
1 8 Carbaryl 1
2 27 Dimethoate 0,05
Dầu cacao
1 48 Lindane 1
Bánh mì
1 90 Chlorpyrifos - mehyl 2
2 37 Fenitrothion 0,2
3 86 Pirimiphos - methyl 1
Sản phẩm sữa
1 20 2,4 - D 0,05
2 129 Azocyclotin 0,05
3 8 Carbaryl 0,1
4 67 Cyhexatin 0,05
5 54 Monocrotophos 0,02
Cá khô
1 63 Pyrethrins 3
2 86 Pirimiphos 8
Dưa hấu
1 2 Azinphos - methyl 0,2
2 80 Chinomethionat 0,02
3 22 Diazinon 0,2
4 105 Dithiocarbamates 0,5
5 119 Fenvalerate 0,5
6 138 Metalaxyl 0,2
7 100 Methamidophos 0,5
8 94 Methomyl 0,2
9 54 Monocrotophos 0,1
10 126 Oxamyl 2
11 61 Phosphamidon 0,1
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

QCVN 8-1:2011/BYT

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA


ĐỐI VỚI GIỚI HẠN Ô NHIỄM ĐỘC TỐ VI NẤM
TRONG THỰC PHẨM

National technical regulation


on the limits of mycotoxins contamination in food

HÀ NỘI - 2011
Lời nói đầu

QCVN số 8-1:2011/BYT do Ban soạn thảo Quy chuẩn


kỹ thuật quốc gia về giới hạn ô nhiễm sinh học và hoá
học trong thực phẩm biên soạn, Cục An toàn vệ sinh
thực phẩm trình duyệt và được ban hành theo Thông
tư số 02/2011/TT-BYT ngày 13 tháng 01 năm 2011
của Bộ trưởng Bộ Y tế.
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA
ĐỐI VỚI GIỚI HẠN Ô NHIỄM ĐỘC TỐ VI NẤM TRONG THỰC PHẨM

National technical regulation


on the limits of mycotoxins contamination in food

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh


Quy chuẩn này quy định giới hạn ô nhiễm độc tố vi nấm trong thực phẩm và
các yêu cầu quản lý có liên quan.
2. Đối tượng áp dụng
Quy chuẩn này áp dụng đối với:
a) Các tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực
phẩm có nguy cơ ô nhiễm độc tố vi nấm.
b) Các tổ chức, cá nhân có liên quan.
3. Giải thích từ ngữ và các chữ viết tắt
Trong Quy chuẩn này, các từ ngữ và chữ viết tắt dưới đây được hiểu như
sau:
3.1. Giới hạn ô nhiễm độc tố vi nấm trong thực phẩm: mức tối đa (ML-Maximum
level) lượng độc tố vi nấm đó được phép có trong thực phẩm (đơn vị tính: µg/kg).
3.2. Thực phẩm có nguy cơ ô nhiễm độc tố vi nấm: các thực phẩm, nhóm thực
phẩm quy định tại Mục II (Quy định kỹ thuật) của Quy chuẩn này.
3.2. Aflatoxin tổng số: tổng hàm lượng aflatoxin B1, B2, G1 và G2.
3.3. Fumonisin tổng số: tổng hàm lượng fumonisin B1 và B2
3.4. KQĐ: Không quy định.
3.5. Sơ chế: là việc sử dụng biện pháp phân loại hoặc biện pháp xử lý vật lý khác.
3.6. AOAC (Association of Official Analytical Chemists): Hiệp hội các nhà hoá phân
tích chính thống.

1
QCVN 8-1:2011/BYT

II. QUY ĐỊNH KỸ THUẬT

1. Giới hạn ô nhiễm aflatoxin trong thực phẩm

ML (µg/kg)
TT Tên thực phẩm
Aflatoxin Aflatoxin Aflatoxin
B1 tổng số M1
1.1 Lạc và các loại hạt có dầu khác sử dụng làm
thực phẩm hoặc làm thành phần nguyên liệu
của thực phẩm (không bao gồm lạc và các
loại hạt có dầu khác sử dụng để sản xuất
dầu thực vật)
.................................................................................................................................................................
Phải sơ chế trước khi sử dụng 8 15 KQĐ
.................................................................................................................................................................
Sử dụng trực tiếp không cần sơ chế 2 4 KQĐ
1.2 Hạt Almonds, hạt dẻ cười (pistachios), nhân
hạt mơ (apricot kernels) sử dụng làm thực
phẩm hoặc làm thành phần nguyên liệu của
thực phẩm
.................................................................................................................................................................
Phải sơ chế trước khi sử dụng 12 15 KQĐ
.................................................................................................................................................................
Sử dụng trực tiếp không cần sơ chế 8 10 KQĐ
1.3 Hạt Hazelnuts sử dụng làm thực phẩm hoặc
làm thành phần nguyên liệu của thực phẩm
.................................................................................................................................................................
Phải sơ chế trước khi sử dụng 8 15 KQĐ
.................................................................................................................................................................
Sử dụng trực tiếp không cần sơ chế 5 10 KQĐ
1.4 Các loại hạnh nhân khác (không bao gồm
các sản phẩm quy định trong mục 1.2; 1.3)
sử dụng làm thực phẩm hoặc làm thành
phần nguyên liệu của thực phẩm
.................................................................................................................................................................
Phải sơ chế trước khi sử dụng 5 10 KQĐ
.................................................................................................................................................................
Sử dụng trực tiếp không cần sơ chế (bao
gồm sản phẩm chế biến từ các loại hạnh 2 4 KQĐ
nhân này)
1.5 Quả khô sử dụng làm thực phẩm hoặc làm
thành phần nguyên liệu của thực phẩm
.................................................................................................................................................................
Phải sơ chế trước khi sử dụng 5 10 KQĐ
.................................................................................................................................................................
Sử dụng trực tiếp không cần sơ chế 2 4 KQĐ
1.6 Các loại ngũ cốc và sản phẩm chế biến từ
ngũ cốc, bao gồm cả sản phẩm ngũ cốc đã
qua chế biến (không bao gồm các sản phẩm 2 4 KQĐ
quy định tại mục 1.7; 1.10; 1.12 )

2
QCVN 8-1:2011/BYT

1.7 Ngô và gạo, phải sơ chế trước khi sử dụng


làm thực phẩm hoặc làm thành phần nguyên 5 10 KQĐ
liệu của thực phẩm
1.8 Sữa và các sản phẩm từ sữa (bao gồm cả
KQĐ KQĐ 0,5
sữa nguyên liệu)
1.9 Gia vị:
Ớt: bao gồm tất cả các loại, tương ớt, ớt bột,
ớt cựa gà, ớt cay.
Hạt tiêu khô bao gồm cả tiêu trắng và tiêu
đen 5 10 KQĐ
..........................................................................................
Hạt nhục đậu khấu.
..........................................................................................
Gừng và nghệ
..........................................................................................
Hỗn hợp các loại gia vị trên

1.10 Thực phẩm chế biến từ ngũ cốc(processed


cereal-based food) và các thực phẩm khác
dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi (dạng khô) 0,1 KQĐ KQĐ
(không bao gồm sản phẩm quy định tại mục
1.11, 1.12)
1.11 Thức ăn công thức dành cho trẻ dưới 36
tháng tuổi (Infant formulae and follow-on KQĐ KQĐ 0,025
formulae)
1.12 Thực phẩm sử dụng với mục đích y tế đặc
biệt dành cho trẻ dưới 12 tháng tuổi (Dietary
0,1 KQĐ 0,025
foods for special medical purposes intended
specifically for infants)
Ghi chú: các mục 1.1 đến 1.4 quy định cho phần ăn được của hạt (sau khi đã tách vỏ)

2. Giới hạn ochratoxin A trong thực phẩm

ML
TT Tên thực phẩm
(µg/kg)
2.1 Ngũ cốc chưa qua chế biến 5

2.2 Ngũ cốc sử dụng làm thực phẩm, các sản phẩm từ ngũ cốc (đã và
chưa qua chế biến) (không bao gồm các sản phẩm quy định tại phần 3
2.9 và 2.10)

2.3 Nho khô (currants, raisins và sultanat) 10


2.4 Hạt cà phê rang và cà phê bột (không bao gồm cà phê hòa tan) 5
2.5 Cà phê hòa tan (cà phê uống liền) 10
2.6 Rượu vang, rượu vang nổ và rượu vang hoa quả (không bao gồm
2
rượu mùi và rượu vang có độ cồn không thấp hơn 15o)

3
QCVN 8-1:2011/BYT

2.7 Rượu vang có hương thơm (aromatised wine), đồ uống pha chế từ
2
rượu vang có hương thơm, cocktail từ rượu vang có hương thơm
2.8 Nước nho ép, nước nho ép cô đặc hoàn nguyên, nectar nho, dịch nho
2
ép (grape must) và dịch nho ép hoàn nguyên sử dụng làm thực phẩm
2.9 Thực phẩm chế biến từ ngũ cốc và các thực phẩm khác dành cho trẻ
0,5
dưới 36 tháng tuổi (dạng khô)
2.10 Thực phẩm sử dụng với mục đích y tế đặc biệt dành cho trẻ dưới
0,5
12 tháng tuổi
2.11 Gia vị:
Ớt : bao gồm tất cả các loại , tương ớt, ớt bột, ớt cựa gà , ớt cay.
............................................................................................................................................................................................
Hạt tiêu: hạt khô bao gồm cả tiêu trắng và tiêu đen
............................................................................................................................................................................................ 30
Hạt nhục đậu khấu
............................................................................................................................................................................................
Gừng và nghệ
............................................................................................................................................................................................
Hỗn hợp các loại gia vị trên
2.12 Sản phẩm chiết xuất từ cam thảo (1kg sản phẩm thu được từ 3-4 kg rễ 80
cam thảo) dùng trong chế biến nước giải khát và bánh kẹo

3. Giới hạn ô nhiễm patulin trong thực phẩm

ML
TT Tên thực phẩm (µg/kg)
3.1
Nước quả ép, nước quả ép cô đặc hoàn nguyên, necta quả 50

3.2 Đồ uống có cồn (spirit drinks), rượu táo (cider) và các loại đồ uống lên
50
men khác từ táo hoặc có chứa nước táo ép
Những sản phẩm từ táo (phần thịt quả) bao gồm mứt táo, táo nghiền
3.3 sử dụng làm thực phẩm (không bao gồm sản phẩm quy định tại 25
mục 3.4 và 3.5)

3.4 Nước táo ép và sản phẩm từ táo (phần thịt quả), bao gồm mứt táo và
10
táo nghiền dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi
3.5 Thực phẩm khác (không bao gồm các thực phẩm chế biến từ ngũ cốc)
dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi 10

4
QCVN 8-1:2011/BYT

4. Giới hạn ô nhiễm deoxynivalenol trong thực phẩm*

ML
TT Tên thực phẩm
(µg/kg)

4.1 Ngũ cốc chưa qua chế biến (không bao gồm lúa mì, yến mạch và ngô) 1.250
4.2 Lúa mì và yến mạch chưa qua chế biến 1.750
4.3 Ngô chưa qua chế biến (không bao gồm ngô chưa qua chế biến dùng
1.750
để chế biến bằng phương pháp xay ướt)
4.4 Ngũ cốc, bột ngũ cốc, cám (bran), hạt mầm (germ) sử dụng làm thực
750
phẩm (không bao gồm sản phẩm quy định tại mục 4.7)
4.5 Mỳ ống (khô - hàm lượng nước khoảng 12%) 750
4.6 Bánh mì, bánh nướng (pastries), bánh quy, bánh snack và đồ ăn điểm
500
tâm (breakfast) từ ngũ cốc
4.7 Thực phẩm chế biến từ ngũ cốc và các thực phẩm khác dành cho trẻ
200
dưới 36 tháng tuổi (dạng khô)

*Ghi chú: không áp dụng giới hạn ô nhiễm deoxynivalenol trong ngũ cốc và sản phẩm chế
biến từ ngũ cốc cho gạo và các sản phẩm chế biến từ gạo.

5. Giới hạn ô nhiễm zearalenone trong thực phẩm*

ML
TT
Tên thực phẩm (µg/kg)

5.1 Ngũ cốc chưa qua chế biến (không bao gồm ngô) 100
5.2 Ngô chưa qua chế biến (không bao gồm ngô chưa qua chế biến
350
dùng để chế biến bằng phương pháp xay ướt)
5.3 Ngũ cốc, bột ngũ cốc, cám, hạt mầm dùng làm thực phẩm (không
75
bao gồm sản phẩm quy định tại mục 5.6 ; 5.7 ; 5.8)
5.4 Dầu ngô tinh chế 400
5.5 Bánh mì, bánh nướng, bánh quy, bánh snack và đồ ăn điểm tâm từ
50
ngũ cốc (không bao gồm bánh snack và đồ ăn điểm tâm từ ngô)
5.6 Ngô sử dụng làm thực phẩm, bánh snack và đồ ăn điểm tâm từ ngô 100
5.7 Thực phẩm chế biến từ ngũ cốcvà các thực phẩm khác dành cho trẻ
20
dưới 36 tháng tuổi (dạng khô)

*Ghi chú: Không áp dụng giới hạn ô nhiễm zearalenone trong ngũ cốc và sản phẩm chế biến
từ ngũ cốc cho gạo và các sản phẩm chế biến từ gạo.

5
QCVN 8-1:2011/BYT

6. Giới hạn ô nhiễm fumonisin tổng số trong thực phẩm

ML
TT Tên thực phẩm
(µg/kg)

Ngô chưa qua chế biến (không bao gồm ngô chưa qua chế biến
6.1 4.000
dùng để chế biến bằng phương pháp xay ướt)
6.2 Ngô sử dụng làm thực phẩm, thực phẩm từ ngô (không bao gồm
1.000
sản phẩm quy định tại mục 6.3; 6.4)
6.3 Bánh snack và đồ ăn điểm tâm từ ngô 800
Thực phẩm chế biến từ ngô và các thực phẩm khác dành cho trẻ
6.4 200
dưới 36 tháng tuổi

III. LẤY MẪU VÀ PHƯƠNG PHÁP THỬ

1. Lấy mẫu: theo hướng dẫn tại Thông tư 16/2009/TT-BKHCN ngày 02 tháng 6
năm 2009 của Bộ Khoa học và Công nghệ về hướng dẫn kiểm tra nhà nước về chất
lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường và các quy định khác của pháp luật có liên
quan.
2. Phương pháp thử
Các yêu cầu kỹ thuật trong Quy chuẩn này được thử theo các phương pháp dưới
đây (các phương pháp này không bắt buộc áp dụng, có thể sử dụng các phương pháp
thử khác tương đương):
2.1. Xác định aflatoxins:
• Theo phương pháp của AOAC 975.36, AOAC 2005.08, AOAC 994.08, AOAC
990.32, AOAC 2000.16, AOAC 2000.08
2.2. Xác định độc tố ochratoxin A:
• Théo phương pháp của AOAC 991.44, AOAC 2000.09, AOAC 2001.01
2.3. Xác định độc tố patulin:
• Theo phương pháp của: AOAC 2000.02
2.4. Xác định độc tố deoxinivalenol:
• Theo phương pháp của: AOAC 986.17
2.5. Xác định độc tố fumonisin:
• Theo phương pháp của: AOAC 995.15, AOAC 2001. 04
2.6. Xác định độc tố zearalenone:
• Theo phương pháp của: AOAC 994.01, AOAC 985.18

6
QCVN 8-1:2011/BYT

IV. QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ

Các sản phẩm thực phẩm quy định tại Mục II - Quy định kỹ thuật phải được kiểm
tra an toàn để đảm bảo sản phẩm không chứa độc tố vi nấm vượt quá giới hạn ô nhiễm
quy định tại Quy chuẩn này. Việc kiểm tra các sản phẩm thực phẩm có nguy cơ ô nhiễm
độc tố vi nấm được thực hiện theo các quy định của pháp luật.

V. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN

Tổ chức các nhân không được nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm
thực phẩm chứa độc tố vi nấm vượt quá giới hạn ô nhiễm quy định trong quy chuẩn
này.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao Cục An toàn vệ sinh thực phẩm chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng
có liên quan hướng dẫn triển khai và tổ chức việc thực hiện Quy chuẩn này.

2. Căn cứ vào yêu cầu quản lý, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm có trách nhiệm
kiến nghị Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn này.

3. Trong trường hợp các tiêu chuẩn và quy định pháp luật được viện dẫn trong
Quy chuẩn này có sự thay đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì áp dụng theo văn bản
mới.

7
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

QCVN 8-2:2011/BYT

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA


ĐỐI VỚI GIỚI HẠN Ô NHIỄM KIM LOẠI NẶNG
TRONG THỰC PHẨM
National technical regulation on the limits
of heavy metals contamination in food

HÀ NỘI - 2011
Lời nói đầu

QCVN 8-2:2011/BYT do Ban soạn thảo Quy chuẩn kỹ


thuật quốc gia về giới hạn ô nhiễm hoá học và sinh học
biên soạn, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm trình duyệt
và được ban hành theo Thông tư số 02/2011/TT-BYT
ngày 13 tháng 01 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA
ĐỐI VỚI GIỚI HẠN Ô NHIỄM KIM LOẠI NẶNG
TRONG THỰC PHẨM
National technical regulation on the limits
of heavy metals contamination in food

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chuẩn này quy định giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm và các
yêu cầu quản lý có liên quan.

2. Đối tượng áp dụng

Quy chuẩn này áp dụng đối với:

2.1. Các tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm
có nguy cơ ô nhiễm kim loại nặng.

2.2. Tổ chức, cá nhân có liên quan.

3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chuẩn này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

3.1. Giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm: mức tối đa (ML-maximum limit)
hàm lượng kim loại nặng đó được phép có trong thực phẩm (đơn vị tính: mg/kg hoặc
mg/l).

3.2. Thực phẩm có nguy cơ ô nhiễm kim loại nặng: các thực phẩm, nhóm thực phẩm
quy định tại Mục II (Quy định kỹ thuật) của quy chuẩn này.

3.3. Lượng ăn vào hàng tuần có thể chấp nhận được tạm thời (Provisional Tolerable
Weekly Intake) (PTWI): lượng một chất ô nhiễm kim loại nặng được đưa vào cơ thể
hàng tuần mà không gây ảnh hưởng có hại đến sức khoẻ con người (đơn vị tính:
mg/kg thể trọng)

3.4. AOAC (Association of Official Analytical Chemists): Hiệp hội các nhà hoá phân
tích chính thống.

1
Lượng ăn vào hàng tuần có thể chấp nhận được tạm thời

TT Kim loại nặng PTWI (mg/kg thể trọng) Ghi chú

1 Arsen (As) 0,015 Tính theo arsen vô cơ

2 Cadmi (Cd) 0,007

3 Chì (Pb) 0,025

4 Thuỷ ngân (Hg) 0,005

5 Methyl thuỷ ngân (MeHg) 0,0016

6 Thiếc (Sn) 14

II. QUY ĐỊNH KỸ THUẬT

1. Giới hạn ô nhiễm arsen (As) trong thực phẩm

TT Tên thực phẩm ML


(mg/kg hoặc mg/l)
1 Các sản phẩm sữa dạng bột 0,5

2 Các sản phẩm sữa dạng lỏng 0,5


3 Các sản phẩm phomat 0,5
4 Các sản phẩm chất béo từ sữa 0,5
5 Các sản phẩm sữa lên men 0,5
6 Dầu và mỡ động vật 0,1

7 Bơ thực vật, dầu thực vật 0,1

8 Rau khô, quả khô 1, 0

9 Chè và sản phẩm chè 1, 0

10 Cà phê 1, 0

11 Cacao và sản phẩm cacao (bao gồm sôcôla) 1, 0


12 Gia vị (không bao gồm bột cà ri) 5,0

13 Bột cà ri 1, 0

14 Muối ăn 0,5

15 Đường 1, 0

16 Mật ong 1, 0

17 Nước khoáng thiên nhiên 0,01

18 Nước uống đóng chai 0,01

19 Nước chấm 1, 0

20 Dấm 0,2

2. Giới hạn ô nhiễm cadmi (Cd) trong thực phẩm

TT Tên thực phẩm ML


(mg/kg hoặc mg/l)
1 Các sản phẩm sữa dạng bột 1, 0

2 Các sản phẩm sữa dạng lỏng 1, 0

3 Các sản phẩm phomat 1, 0

4 Các sản phẩm chất béo từ sữa 1, 0

5 Các sản phẩm sữa lên men 1, 0

6 Thịt trâu, thịt bò, thịt lợn, thịt cừu, thịt gia cầm 0, 05

7 Thịt ngựa 0, 2

8 Gan trâu, gan bò, gan lợn, gan cừu, gan gia cầm, gan ngựa 0,5

9 Thận trâu, thận bò, thận lợn, thận cừu, thận gia cầm, thận
1,0
ngựa

10 Rau họ thập tự (cải) 0,05

0,05

0,05

3
QCVN 8-2:2011/BYT

.........................................................................................................................................................................................................................

.........................................................................................................................................................................................................................

31 Nước chấm 1,0

32 Dấm 1,0

33 Cá cơm, cá ngừ, cá vền hai sọc, cá chình, cá đối mục, cá sòng


0,1
Nhật Bản, cá Luvar, cá mòi, cá trích

4
34 Cơ thịt cá kiếm 0,3

35 Giáp xác (không bao gồm phần thịt nâu của ghẹ, đầu và ngực
0,5
của tôm hùm và các loài giáp xác lớn)

36 Nhuyễn thể hai mảnh vỏ 2,0

37 Nhuyễn thể chân đầu (không bao gồm nội tạng) 2,0

38 Thủy sản và sản phẩm thủy sản khác 0,05

3. Giới hạn ô nhiễm chì (Pb) trong thực phẩm

TT Tên thực phẩm ML


(mg/kg hoặc mg/l)
1 Các sản phẩm sữa dạng bột (tính theo 1000ml sữa pha chuẩn
0,02
theo hướng dẫn của nhà sản xuất – ready to use)

2 Các sản phẩm sữa dạng lỏng (sữa tươi nguyên chất thanh
trùng, sữa tươi nguyên chất tiệt trùng, sữa tươi thanh trùng, 0,02
sữa tươi tiệt trùng, sữa tiệt trùng)

3 Các sản phẩm phomat 0,02

4 Sữa cô đặc (sữa đặc), sữa gầy cô đặc (sữa đặc) có bổ sung
chất béo thực vật (tính theo 1000ml sữa pha chuẩn theo 0,02
hướng dẫn của nhà sản xuất)

5 Các sản phẩm chất béo từ sữa 0,02

6 Các sản phẩm sữa lên men 0,02

7 Thịt trâu, thịt bò, thịt lợn, thịt cừu, thịt gia cầm 0,1

8 Phụ phẩm của trâu, bò, lợn, gia cầm 0,5

9 Dầu và mỡ động vật 0,1

10 Bơ thực vật, dầu thực vật 0,1

11 Rau họ thập tự (cải) (không bao gồm cải xoăn) 0,3

12 Hành 0,1

13 Rau ăn quả (không bao gồm nấm) 0,1

5
QCVN 8-2:2011/BYT

14 Rau ăn lá (không bao gồm rau bina) 0,3

15 Rau họ đậu 0,2

16 Rau ăn củ và ăn rễ (bao gồm khoai tây đã gọt vỏ) 0,1

17 Nấm 0,3

18 Ngũ cốc 0,2

19 Các loại quả nhiệt đới 0,1

20 Các loại quả mọng 0,2

21 Các loại quả có múi 0,1

22 Các loại quả họ táo, lê 0,1

23 Các loại quả có hạt 0,1

24 Thạch và mứt (mứt quả) 1,0

25 Rau khô, quả khô 2,0

26 Rau, quả đóng hộp 1,0

27 Chè và sản phẩm chè 2,0

28 Cà phê 2,0

29 Cacao và sản phẩm cacao (bao gồm sôcôla) 2,0

30 Gia vị (bao gồm bột cà ri) 2,0

31 Muối ăn 2,0

32 Đường tinh luyện 0,5

33 Mật ong 2,0

34 Thức ăn công thức dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi (chế biến
0,02
ăn liền theo hướng dẫn của nhà sản xuất – ready to use)

35 Thực phẩm bổ sung 3,0

36 Nước ép rau, quả (bao gồm necta, uống liền) 0,05

37 Nước khoáng thiên nhiên 0,01

38 Nước uống đóng chai 0,01

6
QCVN 8-2:2011/BYT

39 Rượu vang 0,2

40 Nước chấm 2,0

41 Dấm 0,5

42 Cơ thịt cá 0,3

43 Giáp xác (không bao gồm phần thịt nâu của ghẹ, đầu và ngực
0,5
của tôm hùm và các loài giáp xác lớn)

44 Nhuyễn thể hai mảnh vỏ 1,5

45 Nhuyễn thể chân đầu (không bao gồm nội tạng) 1,0

4. Giới hạn ô nhiễm thủy ngân (Hg) trong thực phẩm

TT Tên thực phẩm ML


(mg/kg hoặc mg/l)
1 Các sản phẩm sữa dạng bột 0,05

2 Các sản phẩm sữa dạng lỏng 0,05

3 Các sản phẩm phomat 0,05

4 Các sản phẩm chất béo từ sữa 0,05

5 Các sản phẩm sữa lên men 0,05

6 Chè và sản phẩm chè 0,05

7 Cà phê 0,05

8 Cacao và sản phẩm cacao (bao gồm sôcôla) 0,05

9 Gia vị (bao gồm bột cà ri) 0,05

10 Muối ăn 0,1

11 Đường 0,05

12 Mật ong 0,05

13 Thực phẩm bổ sung 0,1

14 Nước khoáng thiên nhiên 0,001

7
QCVN 8-2:2011/BYT

15 Nước uống đóng chai 0,006

16 Nước chấm 0,05

17 Dấm 0,05

18 Cá vây chân, cá da trơn, cá ngừ, cá chình, cá sơn, cá tuyết, cá


bơn lưỡi ngựa, cá cờ, cá bơn buồm, cá phèn, cá nhông lớn, cá
1,0
tuyết nhỏ, cá nhám góc, cá đuối, cá vây đỏ, cá cờ lá, cá hố, cá
bao kiếm, cá vền biển, cá mập, cá thu rắn, cá tầm, cá kiếm

19 Giáp xác (không bao gồm phần thịt nâu của ghẹ, đầu và ngực
0,5
của tôm hùm và các loài giáp xác lớn)

20 Thủy sản và sản phẩm thủy sản khác 0,5

5. Giới hạn ô nhiễm methyl thủy ngân (MeHg) trong thực phẩm

TT Tên thực phẩm ML


(mg/kg)
1 Cá (không bao gồm các loại cá ăn thịt) 0,5

2 Cá ăn thịt (cá mập, cá kiếm, cá ngừ, cá măng và các loại cá


1,0
khác)

6. Giới hạn ô nhiễm thiếc (Sn) trong thực phẩm

TT Tên thực phẩm ML


(mg/kg hoặc mg/l)
1 Các sản phẩm sữa dạng bột (đựng trong bao bì tráng thiếc) 250

2 Các sản phẩm sữa dạng lỏng (đựng trong bao bì tráng thiếc) 250
3 Các sản phẩm phomat (đựng trong bao bì tráng thiếc) 250
4 Các sản phẩm chất béo từ sữa (đựng trong bao bì tráng thiếc) 250
5 Các sản phẩm sữa lên men (đựng trong bao bì tráng thiếc) 250

8
QCVN 8-2:2011/BYT

6 Thịt nấu chín đóng hộp (thịt băm, thịt đùi lợn, thịt vai lợn), thịt
bò muối, thịt chế biến đóng hộp
............................................................................................................................................................................................................................
Sản phẩm trong hộp tráng thiếc 200
............................................................................................................................................................................................................................
Sản phẩm trong các loại hộp không tráng thiếc 50

7 Rau, quả đóng hộp 250

8 Đồ uống đóng hộp 150

9 Các thực phẩm đóng hộp khác 250

III. PHƯƠNG PHÁP LẤY MẪU VÀ PHƯƠNG PHÁP THỬ

1. Lấy mẫu

Lấy mẫu theo hướng dẫn tại Thông tư 16/2009/TT-BKHCN ngày 2


tháng 6 năm 2009 của Bộ Khoa học và Công nghệ về hướng dẫn kiểm tra
Nhà nước về chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường và các quy định
khác của pháp luật có liên quan.

2. Phương pháp thử

Yêu cầu kỹ thuật quy định trong Quy chuẩn này được thử theo các phương
pháp dưới đây (có thể sử dụng phương pháp thử khác có độ chính xác tương
đương):

2.1. Phương pháp xác định hàm lượng arsen


• TCVN 7601: 2007: Thực phẩm. Xác định hàm lượng arsen bằng phương pháp
bạc dietyldithiocacbamat
• TCVN 7770: 2007 (ISO 17239 : 2004): Rau, quả và sản phẩm rau, quả - Xác
định hàm lượng arsen - Phương pháp đo phổ hấp thụ nguyên tử giải phóng
hydrua
• TCVN 6626: 2000 (ISO 11969:1996) Chất lượng nước – Xác định hàm lượng
arsen – Phương pháp đo phổ hấp thụ nguyên tử (kỹ thuật hydrua)

9
QCVN 8-2:2011/BYT

• AOAC 973.78 Arsenic (total) Residues in Animal Tissues - Spectrophotometric


Method (Tồn dư arsen tổng số trong mô động vật – Phương pháp quang phổ)
• AOAC 986.15: Arsenic, cadmium, lead, selenium and zinc in human and pet
foods (Arsen, cadmi, chì, selen và kẽm trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi).

2.2. Phương pháp xác định hàm lượng chì


• TCVN 7602: 2007 (AOAC 972.25): Thực phẩm. Xác định hàm lượng chì bằng
phương pháp quang phổ hấp thụ nguyên tử
• TCVN 7766: 2007 (ISO 6633: 1984): Rau, quả và sản phẩm rau, quả - Xác
định hàm lượng chì - Phương pháp đo phổ hấp thụ nguyên tử không ngọn lửa
• TCVN 8126: 2009: Thực phẩm. Xác định hàm lượng chì, cadmi, kẽm, đồng và
sắt. Phương pháp quang phổ hấp thụ nguyên tử sau khi đã phân hủy bằng vi
sóng

2.3. Phương pháp xác định hàm lượng cadmi


• TCVN 7603: 2007 (AOAC 973.34): Thực phẩm. Xác định hàm lượng cadmi
bằng phương pháp quang phổ hấp thụ nguyên tử
• TCVN 7768-1: 2007 (ISO 6561-1: 2005): Rau, quả và sản phẩm rau, quả - Xác
định hàm lượng cadmi. Phần 1: Phương pháp đo phổ hấp thụ nguyên tử dùng
lò graphit

• TCVN 7768-2: 2007 (ISO 6561-2: 2005): Rau, quả và sản phẩm rau, quả - Xác
định hàm lượng cadmi. Phần 2: Phương pháp đo phổ hấp thụ nguyên tử ngọn
lửa

2.4. Phương pháp xác định hàm lượng thiếc


• TCVN 7788: 2007: Đồ hộp thực phẩm – Xác định hàm lượng thiếc bằng quang
phổ hấp thụ nguyên tử
• TCVN 7769: 2007 (ISO 17240: 2004): Sản phẩm rau, quả - Xác định hàm
lượng thiếc - Phương pháp đo phổ hấp thụ nguyên tử ngọn lửa

2.5. Phương pháp xác định hàm lượng thủy ngân


• TCVN 7604: 2007 (AOAC 971.21): Thực phẩm. Xác định hàm lượng thuỷ ngân
bằng phương pháp quang phổ hấp thụ nguyên tử không ngọn lửa
• TCVN 7877: 2008 (ISO 5666: 1999): Chất lượng nước – Xác định thuỷ ngân

10
QCVN 8-2:2011/BYT

2.6. Phương pháp xác định hàm lượng methyl thủy ngân

• AOAC 983.20: Mercury (methyl) in fish and shellfish: Gas chromatographic


method (Methyl thủy ngân trong cá và tôm cua – Phương pháp sắc ký khí)
• AOAC 988.11: Mercury (methyl) in fish and shellfish: Rapid gas
chromatographic method (Methyl thủy ngân trong cá và tôm cua – Phương
pháp sắc ký khí nhanh)
• AOAC 990.04: Mercury (methyl) in seafood: Liquid chromatographic - atomic
absorption spectrophotometric method (Methyl thủy ngân trong hải sản –
Phương pháp sắc ký lỏng – quang phổ hấp thụ nguyên tử)

IV. QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ

Các sản phẩm thực phẩm quy định tại Mục II - Quy định kỹ thuật phải được
kiểm tra an toàn để đảm bảo sản phẩm không chứa kim loại nặng vượt quá giới hạn ô
nhiễm quy định tại Quy chuẩn này. Việc kiểm tra các sản phẩm thực phẩm có nguy cơ
ô nhiễm kim loại nặng được thực hiện theo các quy định của pháp luật.

V. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN

Tổ chức các nhân không được nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm
thực phẩm chứa kim loại nặng vượt quá giới hạn ô nhiễm quy định trong quy chuẩn
này.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao Cục An toàn vệ sinh thực phẩm chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức
năng có liên quan hướng dẫn triển khai và tổ chức việc thực hiện Quy chuẩn này.

2. Căn cứ vào yêu cầu quản lý, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm có trách nhiệm
kiến nghị Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn này.

3. Trong trường hợp các tiêu chuẩn và quy định pháp luật được viện dẫn trong
Quy chuẩn này có sự thay đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì áp dụng theo văn bản
mới.

11
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

QCVN 8-3: 2012/BYT

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA


ĐỐI VỚI Ô NHIỄM VI SINH VẬT TRONG THỰC PHẨM

National technical regulation


of Microbiological contaminants in food

HÀ NỘI - 2012
Lời nói đầu

QCVN số 8-3:2012/BYT do Ban soạn thảo Quy chuẩn kỹ thuật


quốc gia về giới hạn ô nhiễm hoá học và sinh học biên soạn,
Cục An toàn vệ sinh thực phẩm trình duyệt và được ban hành
theo Thông tư số 05/2012/TT-BYT ngày 01 tháng 3 năm 2012
của Bộ trưởng Bộ Y tế.
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA
ĐỐI VỚI Ô NHIỄM VI SINH VẬT TRONG THỰC PHẨM
National technical regulation
of Microbiological contaminants in food

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chuẩn này quy định mức giới hạn về ô nhiễm vi sinh vật trong thực
phẩm đối với các sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm: sữa và sản phẩm sữa; trứng và
sản phẩm trứng; thịt và sản phẩm thịt; thủy sản và sản phẩm thủy sản; sản phẩm dinh
dưỡng công thức dành cho trẻ từ 0 đến 36 tháng tuổi; nước khoáng thiên nhiên đóng chai,
nước uống đóng chai và nước đá dùng liền; kem; rau, quả và sản phẩm rau, quả (sau đây
gọi tắt là thực phẩm) và các yêu cầu quản lý có liên quan.

2. Đối tƣợng áp dụng

Quy chuẩn này áp dụng đối với:

2.1. Các tổ chức, cá nhân xuất nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh các thực phẩm quy
định tại khoản 1.

2 . 2 . C ơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

3. Giải thích từ ngữ và ký hiệu viết tắt

Trong Quy chuẩn này các từ ngữ và ký hiệu viết tắt dưới đây được hiểu như
sau:

3.1. Giới hạn ô nhiễm vi sinh vật trong thực phẩm là mức giới hạn tối đa vi sinh vật
được phép có trong thực phẩm.

3.2. Phân loại chỉ tiêu


Chỉ tiêu loại A: là chỉ tiêu bắt buộc phải kiểm nghiệm khi tiến hành đánh giá
hợp quy.

Chỉ tiêu loại B: là chỉ tiêu không bắt buộc phải kiểm nghiệm khi tiến hành đánh
giá hợp quy nếu nhà sản xuất thực hiện kiểm soát mối nguy trong quá trình sản xuất
QCVN 8-3:2012/BYT

(theo HACCP hoặc GMP). Trong trường hợp nhà sản xuất không áp dụng kiểm soát
mối nguy trong quá trình sản xuất thì bắt buộc phải kiểm nghiệm các chỉ tiêu này.

3.3. Ký hiệu viết tắt

- n: số mẫu cần lấy từ lô hàng để kiểm nghiệm.

- c: số mẫu tối đa cho phép có kết quả kiểm nghiệm nằm giữa m và M. Trong n
mẫu kiểm nghiệm được phép có tối đa c mẫu cho kết quả kiểm nghiệm nằm giữa m
và M.

- m: giới hạn dưới, nếu trong n mẫu kiểm nghiệm tất cả các kết quả không vượt
quá giá trị m là đạt.

- M: giới hạn trên, nếu trong n mẫu kiểm nghiệm chỉ 01 mẫu cho kết quả vượt
quá giá trị M là không đạt.

- TSVSVHK: Tổng số vi sinh vật hiếu khí.

- KPH: Không phát hiện.

4
QCVN 8-3:2012/BYT

II. QUY ĐỊNH KỸ THUẬT

1. Giới hạn ô nhiễm vi sinh vật trong sữa và sản phẩm sữa

Giới hạn cho


Kế hoạch phép
lấy mẫu (CFU/ml hoặc Phân loại
TT Sản phẩm Chỉ tiêu
CFU/g) chỉ tiêu

n c m M

Enterobacteriaceae 5 2 <1 5 A
Các sản phẩm
1.1 sữa dạng lỏng
L. monocytogens(1) 5 0 102 A

Enterobacteriaceae 5 0 101 A

Staphylococci dương
5 2 101 102 A
tính với coagulase

Nội độc tố của


1.2 Các sản phẩm Staphylococcus
sữa dạng bột 5 0 KPH (2) B
(Staphylococcal
enterotoxin)

L. monocytogens(1) 5 0 102 A

Salmonella 5 0 KPH (2) A

1.3 Các sản phẩm phomat

Staphylococci dương
5 2 104 105 A
tính với coagulase

Nội độc tố của


Phomat đƣợc sản Staphylococcus
1.3.1 5 0 KPH (2) B
xuất từ sữa tƣơi (Staphylococcal
nguyên liệu enterotoxin)

L. monocytogens(1) 5 0 102 A

Salmonella 5 0 KPH (2) A

Ghi chú: : (1)


đối với sản phẩm dùng ngay
(2)
trong 25g hoặc 25ml

5
QCVN 8-3:2012/BYT

Giới hạn cho


Kế hoạch phép
lấy mẫu (CFU/ml hoặc Phân loại
TT Sản phẩm Chỉ tiêu
CFU/g) chỉ tiêu

n c m M

E. coli 5 2 102 103 A

Staphylococci dương
5 2 102 103 A
tính với coagulase

Phomat đƣợc sản Nội độc tố của


1.3.2
xuất từ sữa đã Staphylococcus
5 0 KPH (2) B
qua xử lý nhiệt (Staphylococcal
enterotoxin)

L. monocytogens(1) 5 0 102 A

Salmonella 5 0 KPH (2) A

E. coli 5 2 102 103 A

Staphylococci dương
5 2 102 103 A
tính với coagulase
Phomat whey
1.3.3 (sản xuất từ whey Nội độc tố của
đã qua xử lý Staphylococcus
nhiệt) 5 0 KPH (2) B
(Staphylococcal
enterotoxin)

L. monocytogens(1) 5 0 102 A

Staphylococci dương
5 2 101 102 A
tính với coagulase
Phomat tƣơi
1.3.4 đƣợc sản xuất từ Nội độc tố của
sữa hoặc whey Staphylococcus
(sữa hoặc whey 5 0 KPH (2) B
(Staphylococcal
đã qua xử lý enterotoxin)
nhiệt)
L. monocytogens(1) 5 0 102 A

Các sản phẩm


1.3.5 L. monocytogens(1) 5 0 102 A
phomat khác

Ghi chú: : (1)


đối với sản phẩm dùng ngay
(2)
trong 25g hoặc 25ml

6
QCVN 8-3:2012/BYT

Giới hạn cho


Kế hoạch phép
lấy mẫu (CFU/ml hoặc Phân loại
TT Sản phẩm Chỉ tiêu
CFU/g) chỉ tiêu

n c m M

1.4 Các sản phẩm chất béo từ sữa

E. coli 5 2 101 102 A

Cream và bơ L. monocytogens(1) 5 0 102 A


1.4.1

Salmonella 5 0 KPH (2) A

1.4.2 Chất béo sữa,


dầu bơ, chất béo
sữa đã tách
nƣớc, dầu bơ đã L. monocytogens(1) 5 0 102 A
tách nƣớc và chất
béo từ sữa dạng
phết

1.5 Các sản phẩm sữa lên men

Các sản phẩm Enterobacteriaceae 5 2 <1 5 A


1.5.1 sữa lên men đã
qua xử lý nhiệt L. monocytogens(1) 5 0 102 A

1.5.2 Các sản phẩm


sữa lên men
L. monocytogens(1) 5 0 102 A
không qua xử lý
nhiệt

2. Giới hạn ô nhiễm vi sinh vật trong trứng và sản phẩm trứng

Giới hạn cho


Kế hoạch phép
lấy mẫu (CFU/ml hoặc Phân loại
TT Sản phẩm Chỉ tiêu
CFU/g) chỉ tiêu

n c m M

Enterobacteriaceae 5 2 101 102 B


Các sản phẩm
2.1
trứng
Salmonella 5 0 KPH (2) A

: (1)
Ghi chú: đối với sản phẩm dùng ngay
(2)
trong 25g hoặc 25ml
7
QCVN 8-3:2012/BYT

3. Giới hạn ô nhiễm vi sinh vật trong thịt và sản phẩm thịt

Kế hoạch Giới hạn cho


lấy mẫu phép (CFU/g) Phân loại
TT Sản phẩm Chỉ tiêu
chỉ tiêu
n c m M

TSVSVHK 5 2 5x105 5x106 B


Thịt và sản phẩm
3.1 chế biến từ thịt
sử dụng trực tiếp E. coli 5 2 5x101 5x102 B
không cần xử lý
nhiệt
Salmonella 5 0 KPH (2) A

Thịt và sản phẩm TSVSVHK 5 2 5x105 5x106 B


3.2 chế biến từ thịt
phải qua xử lý E. coli 5 2 5x102 5x103 B
nhiệt trƣớc khi sử
dụng
Salmonella 5 0 KPH (2) A

3.3 Gelatine và
Salmonella 5 0 KPH (2) A
collagen

4. Giới hạn ô nhiễm vi sinh vật trong thủy sản và sản phẩm thủy sản

Kế hoạch Giới hạn cho Phân loại


TT Chỉ tiêu lấy mẫu phép (CFU/g) chỉ tiêu
Sản phẩm

n c m M

4.1 Nhuyễn thể hai E. coli 1 0 230(3) 700(3) B


mảnh vỏ, động vật
chân bụng, động
vật da gai, hải tiêu
(tunicates) còn Salmonella 5 0 KPH (2) A
sống

E. coli 5 2 1 101 B
4.2 Giáp xác và động
vật thân mềm có
vỏ hoặc đã bỏ vỏ Staphylococci dương
5 2 102 103 B
gia nhiệt tính với coagulase

Salmonella 5 0 KPH (2) A

Ghi chú: : (2)


trong 25g hoặc 25ml
(3)
MPN/100g cơ thịt và nội dịch

8
QCVN 8-3:2012/BYT

5. Giới hạn ô nhiễm vi sinh vật trong sản phẩm dinh dƣỡng công thức dành cho trẻ
từ 0 đến 36 tháng tuổi

Kế hoạch Giới hạn cho


Chỉ tiêu lấy mẫu phép (CFU/g) Phân loại
TT Sản phẩm
chỉ tiêu
n c m M

Salmonella 30 0 KPH (2) A

Enterobacter
Sản phẩm dinh 30 0 KPH (4) A
sakazakii
dƣỡng công thức
5.1 dạng bột cho trẻ
đến 12 tháng tuổi Enterobacteriaceae 10 0 KPH (4) B

Bacillus cereus giả định 5 1 5x101 5x102 B

Salmonella 30 0 KPH (2) A

Sản phẩm dinh Enterobacter


30 0 KPH (4) A
dƣỡng công thức sakazakii
5.2 với các mục đích y
tế đặc biệt cho trẻ Enterobacteriaceae 10 0 KPH (4) B
đến 12 tháng tuổi

Bacillus cereus giả định 5 1 5x101 5x102 B

Sản phẩm dinh


dƣỡng công thức Enterobacteriaceae 5 0 KPH (4) B
với mục đích ăn
5.3 dặm cho trẻ từ 6
đến 36 tháng tuổi Salmonella 30 0 KPH (2) A

Thực phẩm chế Coliform 5 2 <3 20 A


5.4 biến từ ngũ cốc
cho trẻ từ 6 đến
36 tháng tuổi Salmonella 10 0 KPH (2) A

Ghi chú: : (2) trong 25g hoặc 25ml


(4)
trong 10g hoặc 10ml
(5)
Chỉ quy định đối với sản phẩm dành cho trẻ đến 12 tháng tuổi

9
QCVN 8-3:2012/BYT

6. Giới hạn ô nhiễm vi sinh vật trong rau, quả và sản phẩm rau, quả

Kế hoạch Giới hạn cho


lấy mẫu phép (CFU/g) Phân loại
TT Sản phẩm Chỉ tiêu
chỉ tiêu
n c m M

6.1 Rau mầm (ăn ngay


không qua xử lý Salmonella 5 0 KPH (2) A
nhiệt)

E. coli 5 2 102 103 B


6.2 Rau ăn sống
Salmonella 5 0 KPH (2) A

E. coli 5 2 102 103 B


6.3 Quả ăn ngay
Salmonella 5 0 KPH (2) A

7. Giới hạn ô nhiễm vi sinh vật trong kem

Giới hạn cho


Kế hoạch Phân loại
Chỉ tiêu phép (CFU/ml
TT lấy mẫu chỉ tiêu
Sản phẩm hoặc CFU/g)

n c m M

7.1 Kem Enterobacteriaceae 5 2 101 102 B


(Đối với các loại
kem có chứa sữa) Salmonella 5 0 KPH (2) A

Ghi chú: : (2)


trong 25g hoặc 25ml

10
QCVN 8-3:2012/BYT

8. Giới hạn ô nhiễm vi sinh vật trong nƣớc khoáng thiên nhiên đóng chai, nƣớc
uống đóng chai và nƣớc đá dùng liền

8.1 Kiểm tra lần đầu

Phân loại
TT Chỉ tiêu Lƣợng mẫu (ml) Yêu cầu
chỉ tiêu

E. coli hoặc coliform


8.1.1 1x 250 KPH A
chịu nhiệt

8.1.2 Coliform tổng số 1x 250 A

Nếu số vi khuẩn (bào tử)


8.1.3 Streptococci fecal 1x 250 ≥1 và ≤2 thì tiến hành kiểm A
tra lần thứ2.
Pseudomonas Nếu số vi khuẩn (bào tử)
8.1.4 1x 250 A
aeruginosa >2 thì loại bỏ

Bào tử vi khuẩn kỵ
8.1.5 1x50 A
khí khử sulfit

8.2 Kiểm tra lần thứ hai

Giới hạn cho phép


Kế hoạch lấy mẫu
(CFU/ml) Phân loại
TT Chỉ tiêu
chỉ tiêu
n c m M

8.2.1 Coliform tổng số 4 1 0 2 A

8.2.2 Streptococci fecal 4 1 0 2 A

Pseudomonas
8.2.3 4 1 0 2 A
aeruginosa

Bào tử vi khuẩn kỵ
8.2.4 4 1 0 2 A
khí khử sulfit

11
QCVN 8-3:2012/BYT

III. PHƢƠNG PHÁP LẤY MẪU VÀ PHƢƠNG PHÁP THỬ

1. Lấy mẫu

Lấy mẫu theo hướng dẫn tại Thông tư 16/2009/TT-BKHCN ngày 2 tháng
6 năm 2009 của Bộ Khoa học và Công nghệ về hướng dẫn kiểm tra Nhà nước
về chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường và các quy định khác của
pháp luật có liên quan.

2. Phƣơng pháp thử

Yêu cầu kỹ thuật quy định trong Quy chuẩn này được thử theo các
phương pháp dưới đây (các phương pháp này không bắt buộc áp dụng, có
thể sử dụng phương p h á p t h ử k h á c t ư ơ n g đ ư ơ n g ) :

- TCVN 4884: 2005 (ISO 4833:2003) Vi sinh vật trong thực phẩm và thức ăn
chăn nuôi - Phương pháp định lượng vi sinh vật trên đĩa thạch - Kỹ thuật đếm khuẩn
lạc ở 300C.

- TCVN 4829: (ISO 6579: 2002) Vi sinh vật trong thực phẩm và thức ăn chăn
nuôi - Phương pháp phát hiện Salmonella trên đĩa thạch.

- TCVN 7924-1: 2008 (ISO 16649 -1: 2001) Vi sinh vật trong thực phẩm và
thức ăn chăn nuôi - Phương pháp định lượng Escherichia coli dương tính -
glucuronidaza, Phần 1: Kỹ thuật đếm khuẩn lạc ở 44oC sử dụng màng lọc và 5-
bromo-4-clo-3-indolyl -D-glucuronid.

- TCVN 7924-2: 2008 (ISO 16649 -2: 2001) Vi sinh vật trong thực phẩm và
thức ăn chăn nuôi - Phương pháp định lượng Escherichia coli dương tính -
glucuronidaza, Phần 2: Kỹ thuật đếm khuẩn lạc ở 44oC sử dụng 5-bromo-4-clo-3-
indolyl -D-glucuronid.

- TCVN 7924-3: 2008 (ISO 16649 -3: 2001) Vi sinh vật trong thực phẩm và
thức ăn chăn nuôi- Phương pháp định lượng Escherichia coli dương tính -
glucuronidaza, Phần 3: Kỹ thuật đếm số có xác suất lớn nhất sử dụng 5-bromo-4-
clo-3-indolyl- -d-glucuronid.

12
QCVN 8-3:2012/BYT

- TCVN 7700-2: 2007 (ISO 11290-2:1998, With amd 1: 2004) Vi sinh vật trong
thực phẩm và thức ăn chăn nuôi - Phương pháp phát hiện và định lượng Listeria
monocytogenes, Phần 2: Phương pháp định lượng.

-TCVN 4830-1:2005 (ISO 6888-1:1999, with Amd, 1:2003) Vi sinh vật trong
thực phẩm và thức ăn chăn nuôi - Phương pháp định lượng Staphylococci có phản
ứng dương tính với coagulase (Staphylococcus aureus và các loài khác) trên đĩa
thạch, Phần 1: Kỹ thuật sử dụng môi trường Baird-Parker.

- TCVN 4830-2:2005 (ISO 6888-2:1999, with Amd, 1:2003) Vi sinh vật trong
thực phẩm và thức ăn chăn nuôi - Phương pháp định lượng Staphylococci có phản
ứng dương tính với coagulase (Staphylococcus aureus và các loài khác) trên đĩa
thạch, Phần 2: Kỹ thuật sử dụng môi trường thạch fibrinogen huyết tương thỏ.

- TCVN 4830-3:2005 (ISO 6888-3: 2003) Vi sinh vật trong thực phẩm và thức
ăn chăn nuôi - Phương pháp định lượng Staphylococci có phản ứng dương tính với
coagulase (Staphylococcus aureus và các loài khác) trên đĩa thạch, Phần 3: Phát
hiện và dùng kỹ thuật đếm số có xác xuất lớn nhất (MPN) để đếm số lượng nhỏ.

- TCVN 6191-2:1996 (ISO 6461-2:1986) Chất lượng nước – Phát hiện và


đếm số bào tử vi khuẩn kị khí khử sulfit (Clostridia), Phần 2: Phương pháp màng
lọc.

- TCVN 4882:2007 (ISO 4831: 2006) Vi sinh vật trong thực phẩm và thức ăn
chăn nuôi - Phương pháp định lượng coliforms - Kỹ thuật đếm số có xác suất lớn
nhất.

- TCVN 6848:2007 (ISO 4832: 2006) Vi sinh vật trong thực phẩm và thức ăn
chăn nuôi - Phương pháp định lượng coliforms - Kỹ thuật đếm khuẩn lạc.

- TCVN 5518-1:2007 (ISO 21528-1: 2004) Vi sinh vật trong thực phẩm và
thức ăn chăn nuôi - Phương pháp phát hiện và định lượng Enterobactericeae, Phần
1: phát hiện và định lượng bằng kỹ thuật MPN có tiền tăng sinh.

- TCVN 7850-2008 (ISO/TS 22964:2006) Vi sinh vật trong thực phẩm và thức
ăn chăn nuôi - Phương pháp phát hiện và định lượng Enterobacter sakazakii.

- ISO 16266:2006 Water quality – Detection and enumeration of

13
QCVN 8-3:2012/BYT

Pseudomonas aeruginosa – Method by membrane filtration (Chất lượng nước –


Phát hiện và định lượng Pseudomonas aeruginosa – Phương pháp lọc màng).

- ISO 7899-2:2000 Water quality – Detection and enumeration of intestinal


enterococci, Part 2: Membrane filtration method (Chất lượng nước – Phát hiện và
đếm khuẩn liên cầu khuẩn đường ruột, Phần 2: Phương pháp lọc màng).

IV. QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ

Các thực phẩm quy định tại Mục II phải được kiểm tra chất lượng, an toàn để
đảm bảo ô nhiễm vi sinh vật không vượt quá giới hạn quy định tại Quy chuẩn này.

Đối với các thực phẩm đã được quy định trong “Quy định giới hạn tối đa ô
nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm” ban hành kèm theo Quyết định số
46/2007/QĐ-BYT ngày 19/12/2007 của Bộ Y tế nhưng chưa được quy định trong
Quy chuẩn kỹ thuật này sẽ tiếp tục áp dụng theo Quyết định số 46/2007/QĐ-BYT.

V. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN

Tổ chức, cá nhân chỉ được phép sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, nhập khẩu
các thực phẩm phù hợp với giới hạn ô nhiễm vi sinh vật được quy định tại Quy
chuẩn kỹ thuật này.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao Cục An toàn vệ sinh thực phẩm chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức
năng có liên quan hướng dẫn triển khai và tổ chức việc thực hiện Quy chuẩn này.

2. Căn cứ vào yêu cầu quản lý, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm có trách nhiệm
kiến nghị Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn này.

3. Trong trường hợp các tiêu chuẩn và quy định pháp luật được viện dẫn trong
Quy chuẩn này có sự thay đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì áp dụng theo văn
bản mới.

14
CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
------- Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 115/2018/NĐ-CP Hà Nội, ngày 04 tháng 9 năm 2018

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật an toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

Chƣơng I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và mức phạt, biện
pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi
phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

2. Vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm quy định tại Nghị định này bao gồm:

a) Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm;

b) Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, cung
cấp thực phẩm;

c) Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu, xuất
khẩu và vi phạm quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh
doanh, cung cấp thực phẩm;

d) Vi phạm quy định về quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; kiểm
nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ, phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn
thực phẩm; truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không an toàn.

3. Các hành vi vi phạm hành chính khác trong lĩnh vực liên quan đến an toàn thực phẩm không
được quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại các nghị định khác của Chính phủ về xử
phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan để xử phạt.
Điều 2. Hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả

1. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, cá nhân, tổ chức vi phạm phải
chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền.

2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về an
toàn thực phẩm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ 01 tháng đến
06 tháng, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 01 tháng đến 24 tháng;

b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 12 tháng được thực hiện theo quy định tại
khoản 2 Điều 25 của Luật xử lý vi phạm hành chính;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

3. Ngoài hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, tổ chức, cá nhân vi phạm hành
chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Buộc tái xuất thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu
bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm;

b) Buộc tiêu hủy thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật
liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, nguyên liệu, chất, hóa chất, kháng sinh,
thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật; tài liệu, ấn phẩm thông tin, giáo dục truyền thông về an toàn
thực phẩm có nội dung vi phạm; tang vật vi phạm; lô hàng thủy sản không bảo đảm an toàn thực
phẩm;

c) Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn;

d) Buộc thu hồi thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu
bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm vi phạm; tài liệu, ấn phẩm đã phát hành;

đ) Buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế
biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm vi phạm;

e) Buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm;

g) Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo vi phạm;

h) Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực
phẩm;

i) Buộc ngừng việc sử dụng phương tiện vận chuyển;

k) Buộc hủy bỏ kết quả kiểm nghiệm, Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập
khẩu;

l) Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không
còn.
Điều 3. Quy định về mức phạt tiền tối đa, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính

1. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là
100.000.000 đồng đối với cá nhân, 200.000.000 đồng đối với tổ chức, trừ các trường hợp quy
định tại khoản 5 Điều 4; khoản 6 Điều 5; khoản 5 Điều 6; khoản 7 Điều 11; các khoản 1 và 9
Điều 22; khoản 6 Điều 26 Nghị định này.

2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ quy định
tại khoản 5 Điều 4; khoản 6 Điều 5; khoản 5 Điều 6; khoản 7 Điều 11; Điều 18; Điều 19; các
khoản 1 và 9 Điều 22; Điều 24; khoản 6 Điều 26 Nghị định này là mức phạt đối với tổ chức. Đối
với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt
tiền đối với cá nhân.

3. Tổ chức quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này gồm:

a) Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp gồm: Doanh nghiệp tư
nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và các đơn vị phụ thuộc
doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện);

b) Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật hợp tác xã gồm: Hợp tác xã, liên hiệp
hợp tác xã;

c) Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật đầu tư gồm: Nhà đầu tư trong nước,
nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài;

d) Văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; văn phòng đại diện
của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam;

đ) Tổ chức xã hội, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp;

e) Các đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

4. Cá nhân quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này là các đối tượng không thuộc quy định tại
khoản 3 Điều này.

Chƣơng II

HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ PHẠT, MỨC PHẠT VÀ BIỆN
PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ

Mục 1. VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM AN TOÀN ĐỐI VỚI SẢN
PHẨM THỰC PHẨM

Điều 4. Vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu để sản xuất, chế biến, cung cấp thực
phẩm

1. Phạt tiền từ 01 lần đến 02 lần giá trị sản phẩm vi phạm đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng nguyên liệu đã quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng đối với nguyên
liệu thuộc diện bắt buộc phải ghi thời hạn sử dụng;
b) Sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ;

c) Sử dụng sản phẩm từ động vật, thực vật để sản xuất, chế biến thực phẩm mà không được kiểm
tra vệ sinh thú y, kiểm dịch thực vật theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng sản phẩm từ động
vật, thực vật để sản xuất, chế biến thực phẩm mà có chỉ tiêu an toàn thực phẩm không phù hợp
với quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc không phù hợp quy định pháp luật hoặc đã
kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch thực vật nhưng không đạt yêu cầu.

3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng động vật chết do
bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm
hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật
bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá dưới 10.000.000 đồng.

4. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng nguyên liệu là sản phẩm từ động vật, thực vật, chất, hóa chất không thuộc loại dùng
làm thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm;

b) Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp
luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do
bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên mà
chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

5. Phạt tiền từ 05 lần đến 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 4
Điều này trong trường hợp áp dụng mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt tương ứng mà vẫn
còn thấp hơn 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 01 tháng đến 03
tháng đối với vi phạm quy định tại các khoản 3 và 4 Điều này;

b) Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 10 tháng đến 12
tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này;

c) Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 20 tháng đến 24 tháng
đối với sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm vi phạm quy định tại các khoản 4 và
5 Điều này.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tiêu hủy nguyên liệu, thực phẩm vi phạm quy định tại Điều này;

b) Buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm vi
phạm quy định tại các khoản 4 và 5 Điều này.

Điều 5. Vi phạm quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm
trong sản xuất, chế biến thực phẩm
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm,
chất hỗ trợ chế biến thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng theo quy định nhưng đã quá
thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ
thuật, quy định an toàn thực phẩm tương ứng, trừ vi phạm quy định tại điểm a khoản 5 Điều này;

b) Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm thuộc danh mục được phép sử
dụng theo quy định nhưng không đúng đối tượng thực phẩm;

c) Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm thuộc danh mục được phép sử
dụng theo quy định nhưng vượt quá mức sử dụng tối đa cho phép.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm,
chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm
hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong
sản xuất, chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá dưới 10.000.000 đồng.

5. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm có chứa hoặc nhiễm một trong các
kim loại nặng, chất độc hại vượt giới hạn cho phép;

b) Sử dụng phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh
mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000
đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

6. Phạt tiền từ 05 lần đến 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 5
Điều này trong trường hợp áp dụng mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt tương ứng mà vẫn
còn thấp hơn 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

7. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 01 tháng đến 03
tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này;

b) Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 03 tháng đến 05
tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này;

c) Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 10 tháng đến 12
tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 6 Điều này;

d) Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 20 tháng đến 24 tháng
đối với sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm vi phạm quy định tại các khoản 5 và
6 Điều này.
8. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tiêu hủy thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm vi phạm quy
định tại Điều này;

b) Buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm vi
phạm quy định tại các khoản 5 và 6 Điều này.

Điều 6. Vi phạm quy định về sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ
thực vật trong sản xuất, chế biến thực phẩm

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng chất, hóa chất quá
thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng.

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng chất, hóa chất vượt
quá giới hạn cho phép hoặc không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm
tương ứng.

3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng hoặc ngoài
danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá dưới
10.000.000 đồng;

b) Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật chưa được phép sử
dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá
dưới 50.000.000 đồng.

4. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng hoặc ngoài
danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ
10.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật chưa được phép sử
dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá
từ 50.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

5. Phạt tiền từ 05 lần đến 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 4
Điều này trong trường hợp áp dụng mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt tương ứng mà vẫn
còn thấp hơn 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 01 tháng đến 03
tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 03 tháng đến 05
tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này;
c) Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 10 tháng đến 12
tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này;

d) Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 20 tháng đến 24 tháng
đối với sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm vi phạm quy định tại các khoản 4 và
5 Điều này.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tiêu hủy thực phẩm, chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật vi
phạm quy định tại Điều này;

b) Buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm vi
phạm quy định tại các khoản 4 và 5 Điều này.

Điều 7. Vi phạm quy định về tăng cƣờng vi chất dinh dƣỡng vào thực phẩm

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện tăng cường
vi chất dinh dưỡng là vitamin, khoáng chất, chất vi lượng thuộc danh mục bắt buộc phải tăng
cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm theo quy định của pháp luật.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế thực phẩm; hoặc buộc tiêu hủy thực phẩm đối với
vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 8. Vi phạm quy định về sử dụng dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp
với thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng dụng cụ, vật liệu
bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định
an toàn thực phẩm tương ứng để sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng dụng cụ, vật liệu
bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm có chứa chất độc hại hoặc nhiễm chất độc
hại để sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng
đối với vi phạm quy định tại Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế; hoặc buộc tiêu hủy dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa
đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm đối với vi phạm quy định tại Điều này.

Mục 2. VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM
TRONG SẢN XUẤT, KINH DOANH, CUNG CẤP THỰC PHẨM
Điều 9. Vi phạm quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất,
kinh doanh, bảo quản thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm,
dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng người tiếp xúc trực
tiếp với thực phẩm mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; đeo đồng hồ,
vòng, lắc; ăn uống, hút thuốc, khạc nhổ trong khu vực sản xuất thực phẩm, phụ gia thực phẩm,
chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực
phẩm.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cống rãnh thoát nước thải bị ứ đọng; không được che kín;

b) Dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy;

c) Không có ủng hoặc giầy, dép sử dụng riêng trong khu vực sản xuất thực phẩm, phụ gia thực
phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với
thực phẩm.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quy trình sản xuất thực phẩm không theo nguyên tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào cho
đến sản phẩm cuối cùng;

b) Khu vực sản xuất, kho chứa thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ
trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm có
côn trùng, động vật gây hại xâm nhập;

c) Khu vực chứa đựng, kho bảo quản không có hoặc không đầy đủ giá, kệ, biển tên, nội quy, quy
trình, chế độ vệ sinh;

d) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ về theo dõi nhiệt độ, độ ẩm và các điều kiện
khác đối với nguyên liệu, sản phẩm có yêu cầu bảo quản đặc biệt tại khu vực chứa đựng, kho bảo
quản;

đ) Sử dụng người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế
biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không đáp
ứng kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;

e) Không bố trí riêng biệt theo quy định của pháp luật về nơi bảo quản nguyên liệu, thành phẩm,
sơ chế, chế biến, đóng gói, nhà vệ sinh, rửa tay, thay đồ bảo hộ và các khu vực phụ trợ liên quan;

g) Khu vực chiết rót nước khoáng thiên nhiên đóng chai, nước uống đóng chai không kín; không
tách biệt với các khu vực khác; không được trang bị hệ thống diệt khuẩn không khí.

4. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không có hoặc không đầy đủ thiết bị chuyên dụng để kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, thông gió và
các yếu tố khác ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm đối với từng loại sản phẩm;
b) Không phân loại, bảo quản riêng biệt phế thải, nguyên liệu, thành phẩm hoặc bán thành phẩm
bị hỏng, hết hạn sử dụng với các nguyên liệu và sản phẩm phục vụ để sản xuất, kinh doanh;

c) Bảo quản nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, sản phẩm thực
phẩm không phù hợp với điều kiện bảo quản ghi trên nhãn của sản phẩm đó hoặc không phù hợp
với điều kiện bảo quản do tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm đã công bố;

d) Không thực hiện thu gom, xử lý chất thải, rác thải trong phạm vi của cơ sở sản xuất theo quy
định của pháp luật;

đ) Sử dụng các hóa chất tẩy rửa, sát trùng không phù hợp quy định để rửa, khử trùng tay, vệ sinh
cá nhân và trang thiết bị, dụng cụ;

e) Sử dụng hoá chất diệt chuột, diệt côn trùng và động vật gây hại trong khu vực sản xuất, kho
chứa thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm,
dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Nơi sản xuất, chế biến, kinh doanh, bảo quản không cách biệt với nguồn ô nhiễm bụi, hóa chất
độc hại và các yếu tố gây hại khác;

b) Tường, trần, nền nhà khu vực sản xuất, kinh doanh, kho bảo quản bị thấm nước, rạn nứt, ẩm
mốc;

c) Không có hoặc không đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện rửa và khử trùng phù hợp
quy định để rửa, khử trùng tay, vệ sinh cá nhân và trang thiết bị, dụng cụ;

d) Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực
phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không đáp ứng kiến
thức về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;

đ) Vi phạm các quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp
luật trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản; trang thiết bị, dụng cụ; người trực tiếp sản xuất, kinh
doanh, trừ các hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4, các điểm a, b, c và d khoản 5, các
khoản 6 và 7 Điều này.

6. Phạt tiền đối với cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm thuộc đối tượng bắt buộc thiết lập và áp
dụng hệ thống phân tích nguy cơ và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP) hoặc các hệ thống quản lý
an toàn thực phẩm tiên tiến khác theo quy định của pháp luật trong quá trình sản xuất, kinh doanh
thực phẩm theo một trong các mức sau đây:

a) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cơ sở có thiết lập và áp dụng nhưng
không đầy đủ theo quy định hoặc không phù hợp thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh thực
phẩm của cơ sở;

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cơ sở có thiết lập và áp dụng nhưng
hồ sơ hệ thống quản lý không đủ độ tin cậy hoặc không thực hiện hành động sửa chữa, khắc phục
khi thông số giám sát tại điểm kiểm soát tới hạn bị vi phạm;
c) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cơ sở không thiết lập và áp dụng hệ
thống quản lý theo HACCP hoặc các hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tiên tiến khác.

7. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng người đang mắc các bệnh mà theo quy định của pháp luật không được tham gia trực
tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng
cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm;

b) Sử dụng nước không đáp ứng quy chuẩn thuật hoặc không bảo đảm vệ sinh theo quy định của
pháp luật tương ứng để sản xuất; để vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ sản xuất thực phẩm,
phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc
trực tiếp với thực phẩm.

8. Hình thức phạt bổ sung:

a) Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 01 tháng đến 03
tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái
phạm;

b) Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 01 tháng đến 03
tháng đối với vi phạm quy định tại các điểm b và c khoản 6 và khoản 7 Điều này.

Điều 10. Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong vận chuyển thực
phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa
đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không đáp ứng điều kiện bảo quản theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc quy định an toàn thực
phẩm tương ứng trong quá trình vận chuyển;

b) Vận chuyển chung thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ,
vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm với các loại hàng hóa khác có nguy
cơ gây ô nhiễm thực phẩm, trừ vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phương tiện vận
chuyển gây ô nhiễm thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật
liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.

3. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phương tiện đã vận
chuyển chất độc hại chưa được tẩy rửa sạch để vận chuyển thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất
hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển chung thực
phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng
tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm với chất, hóa chất độc hại có nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:


a) Buộc ngừng việc sử dụng phương tiện vận chuyển đối với vi phạm quy định tại Điều này;

b) Buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế hoặc buộc tiêu hủy thực phẩm, phụ gia thực
phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với
thực phẩm vi phạm quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.

Điều 11. Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh
doanh thực phẩm tƣơi sống có nguồn gốc thủy sản

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi bảo quản, vận chuyển, khai
thác các loài thủy sản có xuất xứ từ cơ sở nuôi cấm thu hoạch, vùng nuôi thủy sản cấm thu hoạch.

2. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi thu gom, sơ chế các loài thủy
sản có xuất xứ từ cơ sở nuôi cấm thu hoạch, vùng nuôi thủy sản cấm thu hoạch.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi thuê người khác vận
chuyển, khai thác các loài thủy sản có xuất xứ từ cơ sở nuôi cấm thu hoạch, vùng nuôi thủy sản
cấm thu hoạch.

4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi chế biến thủy sản có xuất
xứ từ cơ sở nuôi cấm thu hoạch, vùng nuôi thủy sản cấm thu hoạch.

5. Phạt tiền đối với hành vi đưa tạp chất vào thủy sản; sản xuất, kinh doanh, sử dụng thủy sản có
tạp chất do được đưa vào hoặc có chất bảo quản cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử
dụng theo một trong các mức sau đây:

a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi trực tiếp đưa tạp chất vào thủy
sản hoặc sử dụng thủy sản có tạp chất do được đưa vào để sản xuất, chế biến thực phẩm;

b) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức đưa tạp chất vào
thủy sản; sơ chế, chế biến thủy sản có chứa tạp chất do được đưa vào hoặc thực hiện các hoạt
động thu gom, vận chuyển, bảo quản thủy sản có tạp chất do được đưa vào để sản xuất, chế biến,
kinh doanh thực phẩm, trừ vi phạm quy định tại điểm a khoản 5 Điều này;

c) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, chế biến, kinh
doanh thực phẩm thủy sản có chất bảo quản là chất, hóa chất cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục
được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

6. Phạt tiền đối với hành vi khai thác, thu gom, sơ chế, bảo quản, chế biến, kinh doanh các loài
thủy sản có độc tố tự nhiên theo một trong các mức sau đây:

a) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi cố ý khai thác loài thủy sản
có độc tố tự nhiên gây nguy hại đến sức khỏe con người bị cấm dùng làm thực phẩm theo quy
định của pháp luật;

b) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển thủy sản có độc
tố tự nhiên gây nguy hại đến sức khỏe con người, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm
quyền cho phép;
c) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi thuê người khác vận chuyển
thủy sản có độc tố tự nhiên gây nguy hại đến sức khỏe con người, trừ trường hợp được cơ quan
nhà nước có thẩm quyền cho phép;

d) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi thu gom, sơ chế, bảo
quản, chế biến, kinh doanh các loài thủy sản có độc tố tự nhiên gây nguy hại đến sức khỏe con
người dùng làm thực phẩm, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

7. Phạt tiền từ 05 lần đến 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 5,
các điểm b, c và d khoản 6 Điều này trong trường hợp áp dụng mức tiền phạt cao nhất của khung
tiền phạt tương ứng mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm mà chưa đến mức truy
cứu trách nhiệm hình sự.

8. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ 04 tháng đến
06 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 7 Điều này;

b) Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 01 tháng đến 03
tháng đối với vi phạm quy định tại các khoản 4 và 5, điểm d khoản 6 Điều này;

c) Tịch thu tang vật đối với vi phạm quy định tại Điều này.

9. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế thực phẩm hoặc buộc tiêu hủy lô hàng thủy sản
không đảm bảo an toàn thực phẩm đối với vi phạm quy định tại Điều này.

Điều 12. Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh
doanh động vật, sản phẩm động vật tƣơi sống sử dụng làm thực phẩm

1. Phạt tiền từ 01 lần đến 02 lần giá trị thực phẩm vi phạm đối với hành vi kinh doanh thực phẩm
tươi sống có nguồn gốc động vật trên cạn bị ôi thiu, biến đổi màu sắc, mùi vị.

2. Phạt tiền từ 02 lần đến 03 lần giá trị thực phẩm vi phạm đối với hành vi kinh doanh thực phẩm
tươi sống có nguồn gốc động vật trên cạn bị ô nhiễm vi sinh vật; tồn dư chất, hóa chất vượt giới
hạn theo quy định của pháp luật.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế thực phẩm hoặc buộc tiêu hủy thực phẩm đối với vi
phạm quy định tại Điều này.

Điều 13. Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh
doanh thực phẩm tƣơi sống có nguồn gốc thực vật

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không có quy định nội bộ về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất;
b) Không thực hiện đánh giá nội bộ ít nhất mỗi năm một lần theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi sơ chế, chế biến thực phẩm
mà không có các quy trình kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào và sản phẩm cuối cùng.

3. Phạt tiền từ 01 lần đến 02 lần giá trị thực phẩm vi phạm đối với hành vi sản xuất, kinh doanh
thực phẩm tươi sống có nguồn gốc thực vật có ít nhất một trong các chỉ tiêu an toàn thực phẩm
vượt quá giới hạn theo quy định của pháp luật.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế thực phẩm hoặc buộc tiêu hủy thực phẩm đối với vi
phạm quy định tại khoản 3 Điều này.

Điều 14. Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thực
phẩm đã qua chế biến không bao gói sẵn và bao gói sẵn đối với cơ sở kinh doanh thực
phẩm nhỏ lẻ

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh thực phẩm bị hỏng,
mốc, bụi bẩn hoặc tiếp xúc với các yếu tố gây ô nhiễm khác.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Nơi kinh doanh, bày bán, bảo quản thực phẩm bị côn trùng, động vật gây hại xâm nhập;

b) Vi phạm quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong bảo quản thực
phẩm;

c) Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với dụng cụ, vật liệu bao
gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế thực phẩm hoặc buộc tiêu hủy thực phẩm đối với vi
phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 15. Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch
vụ ăn uống thuộc loại hình cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng tin kinh doanh ăn uống, bếp ăn
tập thể; bếp ăn, nhà hàng ăn uống, nhà hàng ăn uống của khách sạn, khu nghỉ dƣỡng; cửa
hàng ăn uống, cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín và các loại
hình khác thực hiện việc chế biến, cung cấp thực phẩm

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không bảo đảm vệ sinh;

b) Không có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực
phẩm đã qua chế biến;

c) Nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập;
d) Sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn
móng tay; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3
bước;

b) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn;

c) Thiết bị, phương tiện vận chuyển, bảo quản suất ăn sẵn, thực phẩm dùng ngay không bảo đảm
vệ sinh; gây ô nhiễm đối với thực phẩm;

d) Cống rãnh thoát nước thải khu vực chế biến bị ứ đọng; không được che kín;

đ) Không có nhà vệ sinh, nơi rửa tay;

e) Dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng người trực tiếp chế
biến thức ăn không đáp ứng kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

4. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng nước không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật hoặc không bảo đảm vệ sinh theo quy định
của pháp luật tương ứng để chế biến thức ăn; để vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến,
ăn uống;

b) Chủ cơ sở không đáp ứng kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;

c) Không thực hiện thu gom, xử lý chất thải, rác thải trong phạm vi của cơ sở kinh doanh dịch vụ
ăn uống theo quy định của pháp luật;

d) Vi phạm các quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp
luật trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, trừ các hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3,
các điểm a, b và c khoản 4, khoản 5 Điều này.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng người đang mắc
các bệnh mà theo quy định của pháp luật không được tham gia trực tiếp kinh doanh dịch vụ ăn
uống.

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm từ
01 tháng đến 03 tháng đối với vi phạm quy định tại các khoản 4 và 5 Điều này.

Điều 16. Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức
ăn đƣờng phố

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định của pháp luật để bày bán
thức ăn;

b) Thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập;

c) Không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực
phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;

b) Người đang mắc các bệnh mà theo quy định của pháp luật không được trực tiếp tham gia kinh
doanh thức ăn đường phố;

c) Sử dụng phụ gia thực phẩm được sang chia, san chiết không phù hợp quy định của pháp luật
để chế biến thức ăn;

d) Sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh để chế biến thức ăn; để vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ
phục vụ chế biến, ăn uống;

đ) Vi phạm các quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp
luật trong kinh doanh thức ăn đường phố, trừ các hành vi quy định tại khoản 1, các điểm a, b, c
và d khoản 2 Điều này.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc tiêu hủy thực phẩm đối với vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.

Điều 17. Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thực phẩm
biến đổi gen, thực phẩm chiếu xạ

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không tuân thủ các quy
định về vận chuyển, lưu giữ thực phẩm biến đổi gen, sinh vật biến đổi gen sử dụng làm thực
phẩm.

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sản xuất, kinh doanh thực phẩm từ sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen
không có tên trong Danh mục sinh vật biến đổi gen được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện sử dụng
làm thực phẩm;

b) Sản xuất, kinh doanh thực phẩm từ sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen
có tên trong Danh mục sinh vật biến đổi gen được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện sử dụng làm
thực phẩm nhưng không có giấy xác nhận sinh vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực
phẩm;

c) Sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo quản bằng phương pháp chiếu xạ không thuộc danh mục
nhóm thực phẩm được phép chiếu xạ;
d) Thực hiện chiếu xạ thực phẩm nhưng không tuân thủ quy định về liều lượng chiếu xạ hoặc
chiếu xạ thực phẩm tại cơ sở chưa đủ điều kiện và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo
quy định của pháp luật.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc tiêu hủy thực phẩm đối với vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 18. Vi phạm quy định về Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ ăn uống
mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trừ trường hợp không thuộc
diện phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật
và vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, kinh doanh thực
phẩm mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trừ trường hợp không
thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và vi phạm quy định
tại khoản 3 Điều này.

3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất thực phẩm bảo vệ
sức khỏe mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực
hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo lộ trình quy định của pháp luật.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thu hồi thực phẩm đối với vi phạm quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này;

b) Buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế hoặc buộc tiêu hủy thực phẩm đối với vi phạm
quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này.

Mục 3. VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM ĐỐI
VỚI THỰC PHẨM NHẬP KHẨU, XUẤT KHẨU VÀ VI PHẠM QUY ĐỊNH KHÁC VỀ
ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG SẢN XUẤT, KINH DOANH,
CUNG CẤP THỰC PHẨM

Điều 19. Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thực phẩm
nhập khẩu, xuất khẩu

1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện kiểm tra
nhà nước về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật trong nhập khẩu hoặc xuất khẩu thực
phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng
tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.

2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong
nhập khẩu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao
gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm:
a) Sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung bản tự công bố sản phẩm, bản công bố sản phẩm, Giấy
tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu
nhập khẩu, Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (Chứng thư) và các loại giấy tờ, tài liệu khác;

b) Cung cấp thông tin, sử dụng tài liệu không đúng sự thật về lô hàng, mặt hàng nhập khẩu để
được áp dụng phương thức kiểm tra giảm hoặc miễn kiểm tra về an toàn thực phẩm hoặc để
chuyển từ phương thức kiểm tra chặt sang phương thức kiểm tra thông thường;

c) Đưa ra lưu thông trên thị trường lô hàng, mặt hàng thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ
chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm thuộc
đối tượng phải được cấp “Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu” trước
khi thông quan mà không thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu thực phẩm, phụ
gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực
tiếp với thực phẩm thuộc đối tượng áp dụng phương thức kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm
không có lấy mẫu kiểm nghiệm hoặc miễn kiểm tra về an toàn thực phẩm mà sản phẩm hoặc lô
sản phẩm lưu thông trên thị trường có ít nhất một trong các chỉ tiêu an toàn thực phẩm không phù
hợp với mức quy định tại quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định của pháp luật tương ứng hoặc mức
công bố; sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng chủ
yếu tạo nên công dụng của sản phẩm không phù hợp với mức công bố.

4. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán thực phẩm thuộc
diện miễn kiểm tra an toàn thực phẩm đối với thực phẩm xuất khẩu nhưng bị quốc gia nhập khẩu
trả về mà không thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật trước khi lưu
thông trên thị trường.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật đối với vi phạm quy định tại các điểm a và c khoản 2 Điều này trong trường
hợp còn tang vật vi phạm;

b) Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng
đối với sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm vi phạm quy định tại khoản 1 Điều
này;

c) Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 03 tháng đến 05 tháng
đối với sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm vi phạm quy định tại khoản 2 Điều
này;

d) Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 05 tháng đến 07 tháng
đối với sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm vi phạm quy định tại khoản 3 Điều
này;

đ) Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 07 tháng đến 09 tháng
đối với sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm vi phạm quy định tại khoản 4 Điều
này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:


a) Buộc tái xuất thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu
bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm đối với vi phạm quy định tại khoản 1 Điều
này;

b) Buộc thu hồi thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu
bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm đối với vi phạm quy định tại điểm b khoản 2,
các khoản 3 và 4 Điều này;

c) Buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế hoặc buộc tiêu hủy thực phẩm, phụ gia thực
phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với
thực phẩm vi phạm quy định tại các khoản 3 và 4 Điều này;

d) Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không
còn đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;

đ) Buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm vi
phạm quy định tại Điều này.

Điều 20. Vi phạm quy định về tự công bố sản phẩm

1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện thông báo, đăng tải, niêm yết bản tự công bố sản phẩm theo quy định của
pháp luật;

b) Không nộp 01 bản tự công bố sản phẩm đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định
của pháp luật;

c) Không lưu giữ hồ sơ đã tự công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật;

d) Tài liệu bằng tiếng nước ngoài trong hồ sơ tự công bố sản phẩm không được dịch sang tiếng
Việt và không được công chứng theo quy định.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây về sử
dụng phiếu kết quả kiểm nghiệm để tự công bố sản phẩm:

a) Sử dụng phiếu kết quả kiểm nghiệm đã hết hiệu lực;

b) Phiếu kết quả kiểm nghiệm không đầy đủ chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo quy định của pháp
luật;

c) Phiếu kết quả kiểm nghiệm có ít nhất một trong các chỉ tiêu an toàn thực phẩm không phù hợp
với quy chuẩn, tiêu chuẩn tương ứng hoặc không phù hợp quy định của pháp luật;

d) Phiếu kết quả kiểm nghiệm được cấp bởi phòng kiểm nghiệm không được chỉ định hoặc không
được công nhận phù hợp ISO 17025;

đ) Phiếu kết quả kiểm nghiệm không phải là bản chính hoặc bản sao chứng thực.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm có ít nhất một trong các
chỉ tiêu an toàn thực phẩm không phù hợp với mức quy định tại quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định
của pháp luật tương ứng hoặc mức công bố hoặc mức ghi trên nhãn đối với sản phẩm không có
bản tự công bố sản phẩm;

b) Nội dung yêu cầu về an toàn thực phẩm tự công bố không phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn
tương ứng hoặc không phù hợp quy định của pháp luật.

4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm mà không có bản tự công
bố sản phẩm theo quy định của pháp luật;

b) Tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện phải đăng ký bản công bố sản phẩm theo
quy định của pháp luật.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, nhập khẩu thực phẩm từ 01 tháng đến 03
tháng đối với vi phạm quy định tại các khoản 3 và 4 Điều này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thu hồi thực phẩm đối với vi phạm quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này;

b) Buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế hoặc buộc tiêu hủy thực phẩm đối với vi phạm
quy định tại điểm a khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều này;

c) Buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với vi phạm quy định tại khoản 2, điểm b khoản 3
và điểm b khoản 4 Điều này.

Điều 21. Vi phạm quy định về đăng ký bản công bố sản phẩm

1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm có ít nhất một
trong các chỉ tiêu an toàn thực phẩm không phù hợp với mức quy định tại quy chuẩn, tiêu chuẩn,
quy định của pháp luật tương ứng hoặc mức công bố hoặc mức ghi trên nhãn đối với sản phẩm
không có Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm;

b) Sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có ít nhất một trong các chỉ
tiêu chất lượng chủ yếu tạo nên công dụng của sản phẩm không phù hợp với mức công bố hoặc
mức ghi trên nhãn đối với sản phẩm không có Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm mà
chưa đến mức là hàng giả theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký bản công bố
sản phẩm theo quy định của pháp luật trong sản xuất, nhập khẩu sản phẩm thuộc diện phải đăng
ký bản công bố sản phẩm hoặc sản xuất, nhập khẩu sản phẩm thuộc diện phải đăng ký bản công
bố sản phẩm mà không có Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định của pháp
luật.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, nhập khẩu thực phẩm từ 01 tháng đến 03
tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thu hồi thực phẩm đối với vi phạm quy định tại Điều này;

b) Buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế; hoặc buộc tiêu hủy thực phẩm đối với vi phạm
quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.

Điều 22. Vi phạm quy định khác về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh
doanh, nhập khẩu, cung cấp thực phẩm

1. Phạt tiền từ 01 lần đến 02 lần giá trị sản phẩm vi phạm đối với hành vi buôn bán, lưu thông
trên thị trường sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm mà có
ít nhất một trong các chỉ tiêu an toàn thực phẩm không phù hợp với mức quy định tại quy chuẩn,
tiêu chuẩn, quy định của pháp luật tương ứng hoặc mức công bố hoặc mức ghi trên nhãn đối với
sản phẩm không có bản tự công bố, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm; sản phẩm
thực phẩm bảo vệ sức khỏe có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng chủ yếu tạo nên công
dụng của sản phẩm không phù hợp với mức công bố hoặc mức ghi trên nhãn đối với sản phẩm
không có Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm mà chưa đến mức là hàng giả theo quy
định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm về
sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe sau đây:

a) Không thiết lập, duy trì hệ thống quản lý chất lượng để kiểm soát quá trình sản xuất, lưu thông
phân phối nhằm bảo đảm sản phẩm đạt chất lượng theo tiêu chuẩn đã công bố và an toàn đối với
người sử dụng cho đến hết hạn sử dụng;

b) Không thực hiện duy trì hoạt động vệ sinh hàng ngày đối với hệ thống nhà xưởng, thiết bị và
tiện ích phụ trợ;

c) Không thực hiện và lưu trữ đầy đủ hồ sơ, tài liệu về sản xuất, kiểm soát chất lượng, lưu thông
phân phối để truy xuất mọi lô sản phẩm theo quy định của pháp luật;

d) Không áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát trong quá trình sản xuất để phòng, tránh nguy
cơ nhầm lẫn, ô nhiễm, nhiễm chéo; không ghi chép kết quả vào hồ sơ ngay khi thực hiện thao tác
hoặc ngay sau khi hoàn thành công đoạn sản xuất;

đ) Xuất nguyên vật liệu để sử dụng khi chưa được đánh giá đạt chất lượng; xuất bán sản phẩm
khi chưa được đánh giá đạt chất lượng theo yêu cầu;

e) Không theo dõi độ ổn định của sản phẩm theo quy định của pháp luật;

g) Không có quy trình quy định giải quyết khiếu nại, thu hồi sản phẩm, hoạt động tự kiểm tra
hoặc có quy trình quy định nhưng không thực hiện theo quy trình; không ghi chép, lưu giữ đầy đủ
hồ sơ về các hoạt động giải quyết khiếu nại, thu hồi sản phẩm, tự kiểm tra.
3. Phạt tiền đối với hành vi buôn bán, lưu thông trên thị trường sản phẩm thuộc diện tự công bố
sản phẩm hoặc đăng ký bản công bố sản phẩm mà không thực hiện công bố sản phẩm theo quy
định của pháp luật hoặc không có bản tự công bố sản phẩm, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố
sản phẩm theo một trong các mức sau đây:

a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với trường hợp giá trị sản phẩm vi phạm
đến 3.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp giá trị sản phẩm vi phạm
từ trên 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với trường hợp giá trị sản phẩm vi phạm
từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;

d) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp giá trị sản phẩm vi phạm
từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;

đ) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với trường hợp giá trị sản phẩm vi
phạm từ trên 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng;

e) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp giá trị sản phẩm vi
phạm từ trên 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng;

g) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với trường hợp giá trị sản phẩm vi
phạm từ trên 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng;

h) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với trường hợp giá trị sản phẩm vi
phạm từ trên 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;

i) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với trường hợp giá trị sản phẩm vi phạm
từ trên 100.000.000 đồng.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không tự công bố lại sản phẩm, đăng ký lại bản công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật
trong trường hợp sản phẩm có sự thay đổi về tên sản phẩm, xuất xứ, thành phần cấu tạo;

b) Không thực hiện thông báo bằng văn bản về nội dung thay đổi sau công bố đến cơ quan nhà
nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc có thông báo nhưng nội dung thông báo
không phù hợp nội dung thay đổi của sản phẩm hoặc không có tài liệu phù hợp quy định của
pháp luật chứng minh cho sự thay đổi;

c) Sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung bản tự công bố sản phẩm, bản công bố sản phẩm, Giấy
tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, phiếu kết quả kiểm nghiệm, Giấy chứng nhận cơ sở đủ
điều kiện an toàn thực phẩm và các loại giấy tờ, tài liệu khác;

d) Không thực hiện theo quy định về sang chia, san, chiết trong sản xuất, kinh doanh phụ gia thực
phẩm;
đ) Bày bán phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm trong cơ sở kinh doanh hoá chất
dùng cho mục đích khác.

5. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, lưu thông trên thị trường thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất
hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm
không phù hợp với thông tin về sản phẩm đã công bố, trừ vi phạm quy định tại điểm a khoản 1
Điều này;

b) Buôn bán sản phẩm, nguyên liệu sản xuất, nhập khẩu chỉ dùng để sản xuất gia công hàng xuất
khẩu hoặc phục vụ cho việc sản xuất nội bộ của tổ chức, cá nhân không tiêu thụ tại thị trường
trong nước mà đã được miễn thực hiện thủ tục công bố sản phẩm và miễn kiểm tra nhà nước về
an toàn thực phẩm nhập khẩu theo quy định của pháp luật.

6. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật,
quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 01 người
đến 04 người;

b) Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm
hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá
dưới 10.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 5.000.000 đồng;

c) Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm
hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại
Việt Nam trị giá dưới 50.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 20.000.000 đồng.

7. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu, buôn
bán, lưu thông trên thị trường thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm có
chứa chất độc hại hoặc nhiễm chất độc hại hoặc có chất, dược chất không thuộc loại dùng làm
thực phẩm.

8. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật,
quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 05 người
trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà có sử dụng chất, hóa chất phụ gia thực phẩm
hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá
từ 10.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính trên 5.000.000 đồng mà chưa đến mức truy cứu
trách nhiệm hình sự;

c) Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà có sử dụng chất, hóa chất phụ gia thực phẩm
hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại
Việt Nam trị giá từ 50.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính trên 20.000.000 đồng mà chưa
đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
9. Phạt tiền từ 05 lần đến 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm đối với hành vi quy định tại các điểm b
và c khoản 8 Điều này trong trường hợp áp dụng mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt
tương ứng mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm mà chưa đến mức truy cứu trách
nhiệm hình sự.

10. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm
từ 01 tháng đến 03 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 7 Điều này;

b) Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm
từ 03 tháng đến 05 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 8 Điều này;

c) Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm
từ 10 tháng đến 12 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 9 Điều này;

d) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính đối với vi phạm quy định tại điểm c khoản 4 Điều này;

đ) Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 10 tháng đến 12 tháng
đối với sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm vi phạm quy định tại điểm a, b khoản
4, điểm a khoản 5 Điều này;

e) Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 12 tháng đến 16 tháng
đối với sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm vi phạm quy định tại khoản 6 Điều
này;

g) Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 16 tháng đến 20 tháng
đối với sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm vi phạm quy định tại khoản 7 Điều
này;

h) Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 20 tháng đến 24 tháng
đối với sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm vi phạm quy định tại các khoản 8 và
9 Điều này.

11. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thu hồi thực phẩm đối với vi phạm quy định tại các khoản 1, 5, 6, 7, 8 và 9 Điều này;

b) Buộc tiêu hủy thực phẩm đối với vi phạm quy định tại các khoản 1, 6, 7, 8 và 9 Điều này;

c) Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực
phẩm đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 6 và điểm a khoản 8 Điều này;

d) Buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm vi
phạm quy định tại điểm a, b khoản 4, điểm a khoản 5, các khoản 6, 7, 8 và 9 Điều này.

Mục 4. VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ QUẢNG CÁO, THÔNG TIN, GIÁO DỤC, TRUYỀN
THÔNG; KIỂM NGHIỆM THỰC PHẨM; PHÂN TÍCH NGUY CƠ; PHÒNG NGỪA,
NGĂN CHẶN VÀ KHẮC PHỤC SỰ CỐ VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM; TRUY XUẤT
NGUỒN GỐC ĐỐI VỚI THỰC PHẨM KHÔNG BẢO ĐẢM AN TOÀN
Điều 23. Vi phạm quy định về quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực
phẩm

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ
sức khỏe mà không có nội dung khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác
dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp thông tin
về an toàn thực phẩm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm có nội
dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị
bệnh.

4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Phát hành tài liệu, ấn phẩm thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm không
chính xác, không đúng sự thật;

b) Đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng thông tin về an toàn thực phẩm không chính
xác, không đúng sự thật.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thu hồi tài liệu, ấn phẩm đã phát hành đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 Điều
này;

b) Buộc tiêu hủy tài liệu, ấn phẩm đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 Điều này;

c) Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo đối với vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;

d) Buộc cải chính thông tin đối với vi phạm quy định tại khoản 3 và điểm b khoản 4 Điều này.

Điều 24. Vi phạm quy định về kiểm nghiệm thực phẩm và kiểm tra nhà nƣớc về an toàn
thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu

1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Đưa thông tin sai về năng lực kiểm nghiệm hoặc phạm vi được công nhận chỉ định kiểm
nghiệm phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của cơ sở kiểm nghiệm;

b) Không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm không lưu trữ hồ sơ kiểm nghiệm, thử nghiệm theo quy định
của pháp luật;

b) Cơ quan kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu không lưu trữ hồ sơ kiểm tra theo
quy định của pháp luật.
3 Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi đánh tráo hoặc giả mạo mẫu
thực phẩm dùng để kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm mà chưa đến
mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

4 Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung giấy chứng nhận kết quả phân tích phiếu kết quả kiểm
nghiệm, thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu hoặc các giấy tờ khác có
liên quan đến kiểm nghiệm thực phẩm và kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu;

b) Cố ý làm sai kết quả kiểm nghiệm, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm
nhập khẩu;

c) Cung cấp kết quả kiểm nghiệm, kết quả kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm sai sự thật;

d) Không thực hiện việc kiểm nghiệm, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhưng vẫn cấp
giấy chứng nhận kết quả phân tích, phiếu kết quả kiểm nghiệm kết quả kiểm tra nhà nước về an
toàn thực phẩm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

5. Hình thức hình phạt bổ sung:

a) Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động kiểm nghiệm, kiểm tra nhà nước về an toàn thực
phẩm nhập khẩu từ 06 tháng đến 12 tháng đối với vi phạm quy định tại các khoản 3 và 4 Điều
này;

b) Tịch thu tang vật đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 Điều này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc cải chính thông tin đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Buộc hủy bỏ kết quả kiểm nghiệm, thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập
khẩu đối với vi phạm quy định tại các điểm b, c và d khoản 4 Điều này.

Điều 25. Vi phạm quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố về an toàn thực
phẩm và thực hiện các giải pháp hạn chế nguy cơ mất an toàn thực phẩm

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo với cơ quan
nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện sự cố an toàn thực phẩm.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện hoặc thực
hiện không đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn sự cố về an toàn thực phẩm theo yêu
cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện hoặc thực
hiện không đầy đủ các giải pháp hạn chế nguy cơ mất an toàn thực phẩm theo yêu cầu của cơ
quan nhà nước có thẩm quyền.
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi che dấu, làm sai lệch, xóa
bỏ hiện trường, bằng chứng về sự cố an toàn thực phẩm hoặc các hành vi cố ý khác cản trở việc
phát hiện, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm.

Điều 26. Vi phạm quy định về truy xuất nguồn gốc đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm,
chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với
thực phẩm không bảo đảm an toàn

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi không lưu trữ thông tin hoặc
lưu trữ không đầy đủ thông tin để truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

2. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện thông báo lô sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của
pháp luật;

b) Không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ, kịp thời về số lượng sản phẩm của lô sản phẩm
không bảo đảm an toàn, tồn kho thực tế và đang lưu thông trên thị trường;

c) Không tổng hợp, báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các biện pháp xử lý lô sản phẩm
không bảo đảm an toàn;

d) Báo cáo không chính xác về lô sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi thu hồi, xử lý thực phẩm
không bảo đảm an toàn không phù hợp quy định của pháp luật hoặc không đúng nội dung yêu
cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện các biện
pháp ngăn chặn kịp thời khi phát hiện sản phẩm của mình đang lưu thông hoặc đã đưa vào sử
dụng mà không bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật hoặc có chỉ tiêu an toàn
thực phẩm không phù hợp với mức quy định tại quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định của pháp luật
tương ứng hoặc mức công bố; sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có ít nhất một trong các chỉ
tiêu chất lượng chủ yếu tạo nên công dụng của sản phẩm không phù hợp với mức công bố.

5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện thu hồi
theo quy định của pháp luật đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn.

6. Phạt tiền từ 01 lần đến 02 lần giá trị sản phẩm vi phạm đối với hành vi buôn bán sản phẩm
hoặc lô sản phẩm đã có thông báo ngừng, tạm ngừng lưu thông hoặc quyết định thu hồi của cơ
quan nhà nước có thẩm quyền.

7. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật đối với vi phạm quy định tại khoản 6 Điều này trong trường hợp còn tang vật
vi phạm;

b) Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 20 tháng đến 24 tháng
đối với sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm vi phạm quy định tại khoản 6 Điều
này.
8. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không
còn đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 Điều này;

b) Buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm vi
phạm quy định tại khoản 6 Điều này.

Chƣơng III

THẨM QUYỀN LẬP BIÊN BẢN VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ THẨM QUYỀN XỬ
PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 27. Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính

1. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 28 29, 30, 31, 32, 33 và
34 của Nghị định này theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

2. Công chức, viên chức thuộc các ngành: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công
Thương và công chức, viên chức, người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân,
trong các cơ quan được quy định tại Điều 28, 29, 30, 31, 32, 33 và 34 của Nghị định này đang thi
hành công vụ, nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao về lĩnh vực an toàn thực
phẩm.

Điều 28. Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:

a) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 10.000.000 đồng đối với tổ
chức;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt
quy định tại điểm a khoản này;

c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm b khoản 3 Điều 2 của Nghị định này.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:

a) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với tổ
chức;

b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy tiếp nhận
đăng ký bản công bố sản phẩm có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá
mức tiền phạt quy định tại điểm a khoản này;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g, h, i, k và l khoản 3
Điều 2 Nghị định này.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:

a) Phạt tiền đến mức tối đa theo quy định tại Nghị định này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy tiếp nhận
đăng ký bản công bố sản phẩm có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định này.

Điều 29. Thẩm quyền của thanh tra

1. Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực
về an toàn thực phẩm đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt tiền đến 500.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 1.000.000 đồng đối với tổ chức;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá
mức tiền phạt quy định tại điểm a khoản này;

c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm b khoản 3 Điều 2 của Nghị định này.

2. Chánh thanh tra Sở Y tế, Chánh thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh
thanh tra Sở Công Thương, Chánh thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chánh thanh tra
Sở Thông tin và Truyền thông, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục
trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi
cục trưởng Chi cục Thủy sản, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy
sản và các chức danh tương đương được Chính phủ giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên
ngành liên quan đến an toàn thực phẩm theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn có quyền:

a) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với tổ
chức;

b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm Giấy tiếp nhận
đăng ký bản công bố sản phẩm có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá
mức tiền phạt quy định tại điểm a khoản này;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định này.

3. Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở (gồm: Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Sở Công Thương, Sở Văn hóa, Thể thao va Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Chi cục
An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Chăn nuôi và Thú y,
Chi cục Thủy sản, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản và tương đương),
Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Tổng cục, Cục thuộc Bộ Y tế Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao va Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền
thông (gồm: Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Trồng trọt, Cục Chăn
nuôi, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường
Nông sản, Cục An toàn thực phẩm, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Cục Báo
chí, Cục Xuất bản, in và Phát hành và tương đương) có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại
khoản 2 Điều này.

4. Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp bộ của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông có
quyền:

a) Phạt tiền đến 70.000.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 140.000.000 đồng đối với tổ
chức;

b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm Giấy tiếp nhận
đăng ký bản công bố sản phẩm có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá
mức tiền phạt quy định tại điểm a khoản này;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định này.

5. Chánh Thanh tra Bộ Y tế, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh
Thanh tra Bộ Công Thương, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Chánh Thanh tra
Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Cục trưởng Cục Thú y, Cục
trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Cục trưởng
Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị
trường Nông sản, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình
và Thông tin điện tử, Cục trưởng Cục Báo chí, Cục trưởng Cục Xuất bản, in và Phát hành và các
chức danh tương đương được Chính phủ giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, theo
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có quyền:

a) Phạt tiền đến mức tối đa theo quy định tại Nghị định này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm Giấy tiếp nhận
đăng ký bản công bố sản phẩm có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định này.

Điều 30. Thẩm quyền của Công an nhân dân

1. Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền:

Phạt tiền đến 500.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 1.000.000 đồng đối với tổ chức.

2. Trạm trưởng, Đội trưởng của người được quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:

Phạt tiền đến 1.500.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 3.000.000 đồng đối với tổ chức.

3. Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trạm trưởng Trạm Công an cửa khẩu, khu chế
xuất có quyền:
a) Phạt tiền đến 2.500.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 5.000.000 đồng đối với tổ chức;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt
quy định tại điểm a khoản này;

c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm b khoản 3 Điều 2 của Nghị định này.

4. Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông; Trưởng
phòng Công an cấp tỉnh gồm: Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham
nhũng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường
sắt, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi
trường, Trưởng phòng An ninh kinh tế có quyền:

a) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với tổ
chức;

b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm Giấy tiếp nhận
đăng ký bản công bố sản phẩm có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá
mức tiền phạt quy định tại điểm a khoản này;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm b, đ, e, g, h, i, k và l khoản 3 Điều
2 của Nghị định này.

5. Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền:

a) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với tổ
chức;

b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm Giấy tiếp nhận
đăng ký bản công bố sản phẩm có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá
mức tiền phạt quy định tại điểm a khoản này;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm b, đ, e, g, h, i, k và l khoản 3 Điều
2 của Nghị định này.

6. Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng, Cục trưởng Cục Cảnh
sát giao thông, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Cục trưởng Cục
An ninh kinh tế tổng hợp, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp, Cục trưởng
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu có quyền:

a) Phạt tiền đến mức tối đa theo quy định tại Nghị định này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm Giấy tiếp nhận
đăng ký bản công bố sản phẩm có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm b, đ, e, g, h, i, k và l khoản 3 Điều
2 của Nghị định này.

Điều 31. Thẩm quyền xử phạt của Bộ đội biên phòng

1. Chiến sĩ Bộ đội biên phòng đang thi hành công vụ có quyền:

Phạt tiền đến 500.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 1.000.000 đồng đối với tổ chức.

2. Trạm trưởng, Đội trưởng của người được quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:

Phạt tiền đến 2.500.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 5.000.000 đồng đối với tổ chức.

3. Đồn trưởng Đồn biên phòng, Hải đội trưởng Hải đội biên phòng, Chỉ huy trưởng Tiểu khu biên
phòng, Chỉ huy trưởng biên phòng Cửa khẩu cảng có quyền:

a) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với tổ
chức;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt
quy định tại điểm a khoản này;

c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm b, đ, e, i và l khoản 3 Điều 2 của
Nghị định này.

4. Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng cấp tỉnh, Chỉ huy trưởng Hải đoàn biên phòng trực thuộc
Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng có quyền:

a) Phạt tiền đến mức tối đa theo quy định tại Nghị định này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm Giấy tiếp nhận
đăng ký bản công bố sản phẩm có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm b, đ, e, i và l khoản 3 Điều 2 của
Nghị định này.

Điều 32. Thẩm quyền của Cảnh sát biển

1. Cảnh sát viên Cảnh sát biển đang thi hành công vụ có quyền:

Phạt tiền đến 1.500.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 3.000.000 đồng đối với tổ chức.

2. Tổ trưởng Tổ nghiệp vụ Cảnh sát biển có quyền:

Phạt tiền đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức.

3. Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển, Trạm trưởng Trạm Cảnh sát biển có quyền:
a) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 20.000.000 đồng đối với tổ
chức;

b) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm b khoản 3 Điều 2 của Nghị định này.

4. Hải đội trưởng Hải đội Cảnh sát biển có quyền:

a) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 40.000.000 đồng đối với tổ
chức;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá
mức tiền phạt quy định tại điểm a khoản này;

c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, đ, e, i và l khoản 3 Điều 2
của Nghị định này.

5. Hải đoàn trưởng Hải đoàn Cảnh sát biển có quyền:

a) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng đối với cá nhân và 60.000.000 đồng đối với tổ chức;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá
mức tiền phạt quy định tại điểm a khoản này;

c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, đ, e, i và l khoản 3 Điều 2
của Nghị định này.

6. Chỉ huy trưởng Vùng Cảnh sát biển có quyền:

a) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với tổ
chức;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá
mức tiền phạt quy định tại điểm a khoản này;

c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, đ, e, i và l khoản 3 Điều 2
của Nghị định này.

7. Cục trưởng Cục Cảnh sát biển có quyền:

a) Phạt tiền đến mức tối đa theo quy định tại Nghị định này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm Giấy tiếp nhận
đăng ký bản công bố sản phẩm có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, đ, e, i và l khoản 3 Điều 2
của Nghị định này.

Điều 33. Thẩm quyền của Hải quan


1. Công chức Hải quan đang thi hành công vụ có quyền:

Phạt tiền đến 500.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 1.000.000 đồng đối với tổ chức.

2. Đội trưởng thuộc Chi cục Hải quan, Đội trưởng thuộc Chi cục kiểm tra sau thông quan có
quyền:

Phạt tiền đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức.

3. Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Chi cục trưởng Chi cục kiểm tra sau thông quan, Đội trưởng
Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Đội trưởng
Đội kiểm soát chống buôn lậu, Đội trưởng Đội thủ tục Hải quan, Hải đội trưởng Hải đội kiểm
soát trên biển và Đội trưởng Đội kiểm soát bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thuộc Cục điều tra chống
buôn lậu Tổng cục Hải quan có quyền:

a) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với tổ
chức;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt
được quy định tại điểm a khoản này;

c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, đ, e, h, k và l khoản 3 Điều 2
của Nghị định này.

4. Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan thuộc Tổng
cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có
quyền:

a) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với tổ
chức;

b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy tiếp nhận
đăng ký bản công bố sản phẩm có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt
được quy định tại điểm a khoản này;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, đ, e, h, k và l khoản 3 Điều 2
của Nghị định này.

5. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan có quyền:

a) Phạt tiền đến mức tối đa theo quy định tại Nghị định này;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, đ, e, h, k và l khoản 3 Điều 2
của Nghị định này.

Điều 34. Thẩm quyền xử phạt của Quản lý thị trƣờng


1. Kiểm soát viên thị trường đang thi hành công vụ có quyền:

Phạt tiền đến 500.000 đồng đối với cá nhân và 1.000.000 đồng đối với tổ chức.

2. Đội trưởng Đội Quản lý thị trường có quyền:

a) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với tổ
chức;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt
được quy định tại điểm a khoản này;

c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g h, i, k và l khoản 3
Điều 2 của Nghị định này.

3. Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương, Trưởng phòng chống buôn
lậu, Trưởng phòng chống hàng giả, Trưởng phòng kiểm soát chất lượng hàng hóa thuộc Cục
Quản lý thị trường có quyền:

a) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với tổ
chức;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt
được quy định tại điểm a khoản này;

c) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm Giấy tiếp nhận
đăng ký bản công bố sản phẩm có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 2 của Nghị định này.

4. Cục trưởng Cục Quản lý thị trường có quyền:

a) Phạt tiền đến mức tối đa theo quy định tại Nghị định này;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

c) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy tiếp nhận
đăng ký bản công bố sản phẩm có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 2 của Nghị định này.

Điều 35. Phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực
phẩm

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt
hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính quy
định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều
14, Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 23, Điều 24,
Điều 25, Điều 26 của Nghị định này theo thẩm quyền quy định tại Điều 28 Nghị định này và
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
2. Người có thẩm quyền xử phạt của cơ quan Thanh tra, người được giao thực hiện nhiệm vụ
thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực về an toàn thực phẩm thuộc các ngành: Y tế, Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính,
xử phạt hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành
chính quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12,
Điều 13, Điều 14, Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều
23, Điều 24, Điều 25, Điều 26 của Nghị định này theo thẩm quyền quy định tại Điều 29 Nghị
định này và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

3 Người có thẩm quyền xử phạt của cơ quan Công an có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành
chính, xử phạt hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm
hành chính quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều
12, Điều 13, Điều 14, Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22,
Điều 23, Điều 24, Điều 25, Điều 26 của Nghị định này theo thẩm quyền quy định tại Điều 30
Nghị định này và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

4. Người có thẩm quyền xử phạt của Bộ đội Biên phòng quy định tại Điều 31 Nghị định này và
Cảnh sát biển quy định tại Điều 32 Nghị định này có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành
chính, xử phạt hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi
phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm liên quan đến hoạt động thu gom, bán, cung
cấp, nhập khẩu thực phẩm quy định tại khoản 3, điểm b khoản 4 và khoản 5 Điều 4; các Điều 10,
11; các khoản 1 và 4 Điều 19; điểm a khoản 4 Điều 20; khoản 2 Điều 21; điểm b khoản 1, các
điểm b và c khoản 6 Điều 22, khoản 6 Điều 26 của Nghị định này theo chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn được giao.

5. Người có thẩm quyền xử phạt của cơ quan Hải quan quy định tại Điều 33 Nghị định này có
thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt hành chính và áp dụng các biện pháp khắc
phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm quy định
tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19; các khoản 2, 3 và 4 Điều 20; Điều 21; điểm a khoản 5, khoản 6,
khoản 7, khoản 8, khoản 9 Điều 22; khoản 4 Điều 24 của Nghị định này phát hiện được tại địa
bàn thuộc thẩm quyền quản lý của Hải quan mà Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi
phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan chưa quy định.

6. Người có thẩm quyền xử phạt của Quản lý thị trường quy định tại Điều 34 Nghị định này có
thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt hành chính và áp dụng các biện pháp khắc
phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7,
Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều
18, Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 23, Điều 24, Điều 25, Điều 26 của Nghị định này
thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương về an toàn thực phẩm và chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn được giao.

7. Người có thẩm quyền xử phạt của Thanh tra Thông tin và Truyền thông quy định tại Điều 29
Nghị định này có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính; xử phạt hành chính và áp dụng
các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 23 Nghị
định này và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

8. Người có thẩm quyền xử phạt của Thanh tra Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định tại Điều
29 Nghị định này có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt hành chính và áp
dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 15,
khoản 1 Điều 18, Điều 23 Nghị định này và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Chƣơng IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 36. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 10 năm 2018.

2. Nghị định này thay thế Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính
phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

Điều 37. Điều khoản chuyển tiếp

1. Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm xảy ra trước ngày Nghị định
này có hiệu lực mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng các quy
định có lợi cho cá nhân, tổ chức vi phạm.

2. Các hành vi vi phạm liên quan đến sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy,
Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm mà còn hiệu lực theo quy định tại
khoản 1 Điều 42 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy
định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm thì áp dụng xử lý vi phạm như sau:

a) Sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy, Giấy xác nhận công bố phù hợp
quy định an toàn thực phẩm nay theo quy định của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP thuộc diện tự
công bố sản phẩm thì áp dụng quy định của Nghị định này đối với sản phẩm thuộc diện tự công
bố để xử phạt;

b) Sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy, Giấy xác nhận công bố phù hợp
quy định an toàn thực phẩm nay theo quy định của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP thuộc diện đăng
ký bản công bố sản phẩm thì áp dụng quy định của Nghị định này đối với sản phẩm thuộc diện
đăng ký bản công bố để xử phạt.

Điều 38. Trách nhiệm hậu kiểm

1. Bộ Y tế Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân các
tỉnh thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện hậu kiểm về an toàn thực
phẩm thông qua hoạt động thanh tra kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý
theo quy định pháp luật; phân công, giao cơ quan quản lý an toàn thực phẩm của bộ, Ủy ban nhân
dân chịu trách nhiệm hậu kiểm về an toàn thực phẩm.

2. Hoạt động hậu kiểm được thực hiện thường xuyên, liên tục đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh,
nhập khẩu, quảng cáo thực phẩm sau khi cơ sở tiến hành các hoạt động công bố sản phẩm, sản
xuất sản phẩm, nhập khẩu sản phẩm, buôn bán, lưu thông trên thị trường, quảng cáo sản phẩm và
các hoạt động khác liên quan đến sản xuất, chế biến, kinh doanh, kiểm nghiệm thực phẩm, kiểm
tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu.

3. Bảo đảm nguyên tắc tránh chồng chéo về đối tượng, địa bàn và thời gian hậu kiểm. Việc xử lý
chồng chéo thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra và phân công, phân cấp
quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Điều 39. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm chủ trì hướng dẫn, tổ chức và kiểm tra việc thi hành Nghị
định này.

2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công Thương có trách
nhiệm hướng dẫn, tổ chức và kiểm tra việc thi hành Nghị định này thuộc phạm vi quản lý; phối
hợp với Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn, tổ chức và kiểm tra việc thi hành Nghị định này.

3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan
chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ


Nơi nhận: THỦ TƢỚNG
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; (đã ký)
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí Thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước; Nguyễn Xuân Phúc
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KGVX (2). XH
Người ký: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Email: thongtinchinhphu@chinhphu.vn
Cơ quan: Văn phòng Chính phủ
Thời gian ký: 10.02.2022 09:05:19 +07:00

58 CÔNG BÁO/Số 39 + 40/Ngày 08-01-2022

CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM


Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 124/2021/NĐ-CP Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2021

NGHỊ ĐỊNH
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP
ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm
hành chính về an toàn thực phẩm và Nghị định số 117/2020/NĐ-CP
ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm
hành chính trong lĩnh vực y tế

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11
năm 2020;
Căn cứ Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch
mắc phải ở người (HIV/AIDS) ngày 29 tháng 6 năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn
dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) ngày 16 tháng 11 năm 2020;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế;
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 115/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi
phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28
tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh
vực y tế.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP
ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành
chính về an toàn thực phẩm
1. Bổ sung một số khoản của Điều 2 như sau:
a) Bổ sung điểm m vào sau điểm l khoản 3 như sau:
CÔNG BÁO/Số 39 + 40/Ngày 08-01-2022 59

"m) Buộc nộp lại giấy tờ, tài liệu đã bị sửa chữa, tẩy xóa.";
b) Bổ sung khoản 4 vào sau khoản 3 như sau:
"4. Việc thi hành các hình thức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả phải
bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) Trường hợp áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động có thời
hạn, người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính có trách
nhiệm gửi văn bản thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phối hợp
theo dõi, kiểm tra, tổng hợp báo cáo khi hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt;
b) Trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại giấy tờ,
tài liệu đã bị sửa chữa, tẩy xóa, người ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính có
trách nhiệm gửi văn bản thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc
tiếp nhận để thu hồi;
c) Các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.".
2. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 3 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:
"1. Mức phạt tiền tối đa về an toàn thực phẩm là 100.000.000 đồng đối với cá
nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1
và 5 Điều 4; khoản 6 Điều 5; khoản 5 Điều 6; khoản 7 Điều 11; các khoản 1 và 9
Điều 22; khoản 6 Điều 26 Nghị định này. Đối với các hành vi vi phạm quy định tại
khoản 1 Điều 4, khoản 1 Điều 22 và khoản 6 Điều 26 Nghị định này nếu áp dụng
mức tiền phạt cao nhất theo quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật Xử lý vi phạm
hành chính mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm thì mức phạt tối
đa được áp dụng bằng 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm.";
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:
"2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt đối với cá
nhân, trừ quy định tại các khoản 1 và 5 Điều 4; khoản 6 Điều 5; khoản 5 Điều 6;
khoản 6 Điều 9; khoản 7 Điều 11; Điều 18; Điều 19; điểm a khoản 3 Điều 20;
khoản 1 Điều 21; các khoản 1 và 9 Điều 22; Điều 24; khoản 6 Điều 26 Nghị định
này là mức phạt đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính
mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
60 CÔNG BÁO/Số 39 + 40/Ngày 08-01-2022

Cá nhân vi phạm quy định tại các khoản 1 và 5 Điều 4; khoản 6 Điều 5;
khoản 5 Điều 6; khoản 6 Điều 9; khoản 7 Điều 11; Điều 18; Điều 19; điểm a
khoản 3 Điều 20; khoản 1 Điều 21; các khoản 1 và 9 Điều 22; Điều 24; khoản 6
Điều 26 Nghị định này mức phạt tiền được giảm đi một nửa.".
3. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 9 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:
"1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng
người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không mang đầy đủ bảo hộ lao động
theo quy định; không cắt ngắn móng tay; đeo đồng hồ, vòng, lắc; ăn uống, hút
thuốc lá, khạc nhổ trong khu vực sản xuất thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ
trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với
thực phẩm.";
b) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 như sau:
"b) Dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy theo quy định;";
c) Bổ sung điểm d vào sau điểm c khoản 2 như sau:
“d) Không duy trì bảo đảm vệ sinh nơi kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến.”;
d) Sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 3 như sau:
"đ) Sử dụng người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực
phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp
xúc trực tiếp với thực phẩm không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn
thực phẩm;";
đ) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 5 như sau:
"d) Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ
chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với
thực phẩm không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm;";
e) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 6 như sau:
"a) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cơ sở có thiết lập
nhưng không đầy đủ theo quy định hoặc không áp dụng đầy đủ trong thực tế hoặc
không phù hợp thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm của cơ sở;";
g) Sửa đổi, bổ sung các điểm a và b khoản 7 như sau:
CÔNG BÁO/Số 39 + 40/Ngày 08-01-2022 61

"a) Sử dụng người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực
phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp
xúc trực tiếp với thực phẩm mà đang bị mắc bệnh: tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E,
viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp;
b) Sử dụng nước không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật hoặc không bảo đảm vệ
sinh theo quy định của pháp luật tương ứng để sản xuất hoặc để vệ sinh trang thiết
bị, dụng cụ phục vụ sản xuất thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến
thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.".
4. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 10 như sau:
"b) Vận chuyển chung thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến
thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm
cùng các loại hàng hóa khác có nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm.".
5. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 5 Điều 11 như sau:
"a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi trực tiếp
đưa tạp chất vào thủy sản;".
6. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 15 như sau:
a) Bổ sung điểm đ vào sau điểm d khoản 1 như sau:
"đ) Không bảo đảm ngăn ngừa nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến
và thực phẩm đã qua chế biến trong bố trí bếp ăn.";
b) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 như sau:
"d) Cống rãnh thoát nước thải khu vực cửa hàng, nhà bếp bị ứ đọng; không
được che kín;";
c) Sửa đổi, bổ sung điểm e khoản 2 như sau:
"e) Không có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh;";
d) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:
"3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng
người trực tiếp chế biến thức ăn không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn
thực phẩm.";
đ) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 4 như sau:
"b) Chủ cơ sở không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm;";
e) Sửa đổi, bổ sung khoản 5 như sau:
62 CÔNG BÁO/Số 39 + 40/Ngày 08-01-2022

"5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng
người trực tiếp chế biến thức ăn mà đang bị mắc bệnh: tả, lỵ, thương hàn, viêm gan
A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp.".
7. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 16 như sau:
"b) Người trực tiếp chế biến thức ăn mà đang bị mắc bệnh: tả, lỵ, thương hàn,
viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp;".
8. Sửa đổi, bổ sung các khoản 1, 2 và 3 Điều 18 như sau:
"1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kinh
doanh dịch vụ ăn uống mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn
thực phẩm hoặc có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng
đã hết hiệu lực, trừ trường hợp không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ
điều kiện an toàn thực phẩm.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất,
kinh doanh thực phẩm mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn
thực phẩm hoặc có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng
đã hết hiệu lực, trừ trường hợp không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ
điều kiện an toàn thực phẩm.
3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các
hành vi sau đây:
a) Sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có Giấy chứng nhận cơ sở
đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (sau đây gọi tắt
là GMP) hoặc có Giấy chứng nhận GMP nhưng đã hết hiệu lực, trừ trường hợp sản
xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên dây chuyền sản xuất thuốc dược liệu, thuốc
cổ truyền hoặc trường hợp khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
b) Buôn bán, lưu thông trên thị trường sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe
sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu đã được cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp
quy định an toàn thực phẩm hoặc Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm
trước ngày 01 tháng 7 năm 2019 mà không thực hiện bổ sung Giấy chứng nhận
GMP hoặc chứng nhận tương đương trước khi sản xuất.".
9. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 19 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 2 như sau:
CÔNG BÁO/Số 39 + 40/Ngày 08-01-2022 63

"2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các
hành vi sau đây trong nhập khẩu hoặc xuất khẩu thực phẩm, phụ gia thực phẩm,
chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực
tiếp với thực phẩm:";
b) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 như sau:
"a) Sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung bản tự công bố sản phẩm, bản công
bố sản phẩm, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, Thông báo kết quả xác
nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu, Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm
(Chứng thư), Giấy chứng nhận lưu hành tự do và các loại giấy tờ, tài liệu khác;";
c) Bổ sung điểm d vào sau điểm c khoản 2 như sau:
"d) Thực hiện xuất khẩu lô hàng thực phẩm không đúng khối lượng, quy cách
sản phẩm như đã đăng ký để được thẩm định, cấp Giấy chứng nhận an toàn thực
phẩm (Chứng thư).";
d) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 5 như sau:
"a) Tịch thu tang vật đối với vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều này
trong trường hợp còn tang vật vi phạm;";
đ) Bổ sung điểm e vào sau điểm đ khoản 6 như sau:
"e) Buộc nộp lại giấy tờ, tài liệu đã bị sửa chữa, tẩy xóa đối với vi phạm quy
định tại điểm a khoản 2 Điều này.".
10. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 20 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 như sau:
"b) Không công bố trên Hệ thống thông tin dữ liệu cập nhật về an toàn thực
phẩm hoặc không nộp 01 bản tự công bố sản phẩm đến cơ quan nhà nước có thẩm
quyền theo quy định;";
b) Bổ sung điểm e vào sau điểm đ khoản 2 như sau:
"e) Không có phiếu kết quả kiểm nghiệm trong hồ sơ tự công bố sản phẩm còn
thời hạn tại thời điểm tự công bố theo quy định.";
c) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 3 như sau:
"a) Sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm không
phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc quy định của cơ quan có thẩm
quyền hoặc tiêu chuẩn đã công bố;".
64 CÔNG BÁO/Số 39 + 40/Ngày 08-01-2022

11. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 21 như sau:


"1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất
hoặc nhập khẩu sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm không phù
hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc quy định của cơ quan có thẩm quyền
hoặc tiêu chuẩn đã công bố.".
12. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 22 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:
"1. Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm về buôn bán, lưu thông trên thị
trường sản phẩm thực phẩm được quy định như sau:
a) Phạt tiền từ 01 lần đến 02 lần tổng giá trị sản phẩm thực phẩm vi phạm đã
tiêu thụ đối với hành vi buôn bán, lưu thông trên thị trường sản phẩm thực phẩm
không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố; sản phẩm thực phẩm thuộc diện phải
được sản xuất tại cơ sở có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
hoặc chứng nhận tương đương mà không thực hiện theo quy định;
b) Phạt tiền từ 02 lần đến 03 lần tổng giá trị sản phẩm thực phẩm vi phạm đã
tiêu thụ đối với hành vi thay thế, đánh tráo, thêm, bớt thành phần hoặc chất phụ gia
so với tiêu chuẩn đã công bố;
c) Phạt tiền từ 03 lần đến 05 lần tổng giá trị sản phẩm thực phẩm vi phạm đã
tiêu thụ đối với hành vi thay thế, đánh tráo, thêm, bớt thành phần hoặc chất phụ gia
hoặc có chỉ tiêu an toàn không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc
quy định của cơ quan có thẩm quyền.";
b) Bổ sung các điểm h, i, k, l, m và n vào sau điểm g khoản 2 như sau:
"h) Nhân sự tham gia sản xuất không được đào tạo, đào tạo lại về các nguyên
tắc cơ bản Thực hành sản xuất tốt thực phẩm bảo vệ sức khỏe;
i) Không có bản mô tả công việc cho nhân sự chủ chốt, nhân sự có trách nhiệm
và các nhóm nhân sự của các bộ phận theo quy định;
k) Không có quy trình sản xuất được phê duyệt cho mỗi sản phẩm;
l) Không thực hiện và không duy trì thường xuyên để giám sát việc triển khai,
áp dụng và tuân thủ quy định Thực hành sản xuất tốt thực phẩm bảo vệ sức khỏe
và đưa ra biện pháp khắc phục cần thiết, kịp thời;
CÔNG BÁO/Số 39 + 40/Ngày 08-01-2022 65

m) Không có hợp đồng hoặc có hợp đồng nhưng không được xác định rõ ràng,
thống nhất và không được kiểm soát thực thi chặt chẽ trong trường hợp có sản xuất
và/hoặc kiểm nghiệm theo hợp đồng;
n) Không thực hiện lưu giữ mẫu nguyên liệu ban đầu, thành phẩm theo quy định
hoặc có lưu giữ mẫu nhưng không đủ lượng mẫu và thời gian lưu theo quy định.";
c) Bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 như sau:
"2a. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các
hành vi vi phạm về sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe quy định tại khoản 2 Điều
này trong trường hợp tái phạm.";
d) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 5 như sau:
"a) Sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, lưu thông trên thị trường thực phẩm, phụ
gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa
đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không phù hợp với thông tin về sản phẩm đã
công bố, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này;";
đ) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 6 như sau:
"a) Nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực
phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 01 người đến 04 người mà chưa đến mức
truy cứu trách nhiệm hình sự;";
e) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 8 như sau:
"a) Nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực
phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 05 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu
trách nhiệm hình sự;";
g) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 10 như sau:
"a) Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh,
cung cấp thực phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng đối với vi phạm quy định tại các
khoản 2a và 7 Điều này;";
h) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 11 như sau:
"b) Buộc tiêu hủy thực phẩm đối với vi phạm quy định tại các khoản 6, 7, 8 và 9
Điều này;";
i) Bổ sung các điểm đ và e vào sau điểm d khoản 11 như sau:
66 CÔNG BÁO/Số 39 + 40/Ngày 08-01-2022

"đ) Buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế hoặc buộc tiêu hủy thực
phẩm đối với vi phạm quy định tại các khoản 1, 3 và 5 Điều này;
e) Buộc nộp lại giấy tờ đã bị sửa chữa, tẩy xóa đối với vi phạm quy định tại
điểm c khoản 4 Điều này.".
13. Bổ sung điểm c vào sau điểm b khoản 6 Điều 24 như sau:
"c) Buộc nộp lại giấy tờ đã bị sửa chữa, tẩy xóa đối với vi phạm quy định tại
điểm a khoản 4 Điều này.".
14. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 26 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung tên Điều 26 như sau:
"Điều 26. Vi phạm quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối
với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ,
vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không bảo đảm
an toàn";
b) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 như sau:
"b) Không thiết lập hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm
hoặc có thiết lập nhưng không đầy đủ thông tin; không thực hiện truy xuất nguồn
gốc sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn theo quy định;";
c) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 như sau:
"d) Không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin
truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm theo quy định của pháp luật;".
15. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 28 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 như sau:
"b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt
quá 10.000.000 đồng đối với cá nhân và 20.000.000 đồng đối với tổ chức;";
b) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 và điểm c khoản 3 như sau:
"c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;".
16. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 29 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 như sau:
"b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt
quá 1.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000 đồng đối với tổ chức;";
CÔNG BÁO/Số 39 + 40/Ngày 08-01-2022 67

b) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 2 như sau:


"2. Chánh thanh tra Sở Y tế; Chánh thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn; Chánh thanh tra Sở Công Thương; Chánh Thanh tra Sở Văn hóa và Thể
thao, Chánh Thanh tra Sở Du lịch, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa, Thông tin, Thể
thao và Du lịch; Chánh thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông; Chi cục trưởng
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế; Chi cục trưởng Chi cục Thú y
vùng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch động vật vùng thuộc Cục Thú y; Chi cục
trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng thuộc Cục Bảo vệ thực vật; Chi cục
trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Trung Bộ, Chi cục
trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nam Bộ thuộc Cục
Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản; Chi cục trưởng Chi cục về trồng trọt
và bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y, thủy sản, quản lý chất lượng nông lâm và thủy
sản, thủy lợi, đê điều, phòng, chống thiên tai, lâm nghiệp, phát triển nông thôn
thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quyền:";
c) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 như sau:
"c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt
quá 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức;";
d) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:
"3. Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở (gồm: Sở Y tế; Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Công Thương; Sở Văn hóa, Thể thao và Du
lịch, Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch; Sở Thông tin và
Truyền thông; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ
thực vật; Chi cục Chăn nuôi và Thú y; Chi cục Thủy sản; Chi cục Quản lý chất
lượng nông lâm sản và thủy sản); Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Tổng
cục, Cục thuộc Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công
Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông (gồm:
Tổng cục Thủy sản; Cục Thú y; Cục Bảo vệ thực vật; Cục Trồng trọt; Cục Chăn
nuôi; Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản; Cục Chế biến và Phát
triển thị trường Nông sản; Cục An toàn thực phẩm; Cục Phát thanh, Truyền hình
và Thông tin điện tử; Cục Báo chí; Cục Xuất bản, In và Phát hành) có thẩm quyền
xử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều này.";
68 CÔNG BÁO/Số 39 + 40/Ngày 08-01-2022

đ) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 4 như sau:


"c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt
quá 140.000.000 đồng đối với cá nhân và 280.000.000 đồng đối với tổ chức;";
e) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 5 như sau:
"5. Chánh Thanh tra Bộ Y tế; Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn; Chánh Thanh tra Bộ Công Thương; Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa Thể
thao và Du lịch; Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông; Tổng cục trưởng
Tổng cục Thủy sản; Cục trưởng Cục Thú y; Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật; Cục
trưởng Cục Trồng trọt; Cục trưởng Cục Chăn nuôi; Cục trưởng Cục Quản lý chất
lượng nông lâm sản và thủy sản; Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường
Nông sản; Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm; Cục trưởng Cục Phát thanh,
Truyền hình và Thông tin điện tử; Cục trưởng Cục Báo chí; Cục trưởng Cục Xuất
bản, In và Phát hành có quyền:";
g) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 5 như sau:
"c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;".
17. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 30 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 2 như sau:
"2. Trưởng trạm, Đội trưởng của người được quy định tại khoản 1 Điều này
có quyền:";
b) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 3 như sau:
"3. Trưởng Công an cấp xã; Trưởng đồn Công an, Trưởng trạm Công an cửa
khẩu, khu chế xuất, Trưởng Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế, Thủy đội
trưởng có quyền:";
c) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 3 như sau:
"b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt
quá 5.000.000 đồng đối với cá nhân và 10.000.000 đồng đối với tổ chức;";
d) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 4 như sau:
"4. Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh
chính trị nội bộ; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính
về trật tự xã hội; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông; Trưởng
phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công
CÔNG BÁO/Số 39 + 40/Ngày 08-01-2022 69

nghệ cao; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh gồm: Trưởng phòng An ninh chính trị
nội bộ; Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu;
Trưởng phòng Cảnh sát giao thông; Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ -
đường sắt; Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ; Trưởng phòng Cảnh sát
đường thủy; Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường;
Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao;
Trưởng phòng An ninh kinh tế có quyền:";
đ) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 4 như sau:
"a) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 40.000.000
đồng đối với tổ chức;";
e) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 4 như sau:
"c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt
quá 40.000.000 đồng đối với cá nhân và 80.000.000 đồng đối với tổ chức;";
g) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 5 và điểm c khoản 6 như sau:
"c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;";
h) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 6 như sau:
"6. Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ; Cục trưởng Cục An ninh kinh tế;
Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Cục trưởng Cục
Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội; Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội
phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông; Cục
trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Cục trưởng Cục An
ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Cục trưởng Cục An
ninh nội địa có quyền:".
18. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 31 như sau:
a) Bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 như sau:
"2a. Đội trưởng Đội đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Đoàn
đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm có quyền:
a) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân và 20.000.000 đồng đối với
tổ chức;
b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá
20.000.000 đồng đối với cá nhân và 40.000.000 đồng đối với tổ chức;
70 CÔNG BÁO/Số 39 + 40/Ngày 08-01-2022

c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm b khoản 3 Điều 2
Nghị định này.";
b) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 3 như sau:
"3. Đồn trưởng Đồn biên phòng; Hải đội trưởng Hải đội biên phòng; Chỉ huy
trưởng Ban chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng có quyền:";
c) Sửa đổi, bổ sung các điểm b và c khoản 3 như sau:
"b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt
quá 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức;
c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, đ, e, i và l
khoản 3 Điều 2 Nghị định này.";
d) Bổ sung khoản 3a vào sau khoản 3 như sau:
"3a. Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Cục
Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng có quyền:
a) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với
tổ chức;
b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá
100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức;
c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, i
và l khoản 3 Điều 2 Nghị định này.";
đ) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 4 như sau:
"4. Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng cấp tỉnh; Hải đoàn trưởng Hải đoàn biên
phòng; Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội
biên phòng có quyền:";
e) Sửa đổi, bổ sung các điểm c và d khoản 4 như sau:
"c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, i
và l khoản 3 Điều 2 Nghị định này.".
19. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 32 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 4 như sau:
"b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt
quá 40.000.000 đồng đối với cá nhân và 80.000.000 đồng đối với tổ chức;";
CÔNG BÁO/Số 39 + 40/Ngày 08-01-2022 71

b) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 5 như sau:


"5. Hải đoàn trưởng Hải đoàn Cảnh sát biển; Đoàn trưởng Đoàn trinh sát,
Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy thuộc Bộ Tư lệnh
Cảnh sát biển Việt Nam có quyền:";
c) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 5 như sau:
"b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt
quá 60.000.000 đồng đối với cá nhân và 120.000.000 đồng đối với tổ chức;";
d) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 6 như sau:
"6. Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển; Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật thuộc
Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam có quyền:";
đ) Bổ sung điểm a1 vào sau điểm a khoản 6 như sau:
"a1) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực
phẩm, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm có thời hạn hoặc đình chỉ
hoạt động có thời hạn;";
e) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 6 như sau:
"b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;";
g) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 7 như sau:
"7. Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam có quyền:";
h) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 7 như sau:
"c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;".
20. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 33 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 2 như sau:
"2. Đội trưởng, Tổ trưởng thuộc Chi cục Hải quan; Tổ trưởng thuộc Đội Kiểm
soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Đội
trưởng thuộc Chi cục kiểm tra sau thông quan có quyền:";
b) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 3 như sau:
"3. Chi cục trưởng Chi cục Hải quan; Chi cục trưởng Chi cục kiểm tra sau
thông quan, Đội trưởng Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương; Đội trưởng Đội Điều tra hình sự, Đội trưởng Đội kiểm
soát chống buôn lậu, Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển và Đội trưởng Đội
72 CÔNG BÁO/Số 39 + 40/Ngày 08-01-2022

kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thuộc Cục Điều
tra chống buôn lậu; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan thuộc Cục
Kiểm tra sau thông quan có quyền:";
c) Sửa đổi, bổ sung các điểm b và c khoản 3 như sau:
"b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt
quá 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức;
c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, h,
k, l và m khoản 3 Điều 2 Nghị định này.";
d) Sửa đổi, bổ sung các điểm c và d khoản 4 như sau:
"c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, h,
k, l và m khoản 3 Điều 2 Nghị định này.";
đ) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 5 như sau:
"c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, h,
k, l và m khoản 3 Điều 2 của Nghị định này.".
21. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 34 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 2 như sau:
"2. Đội trưởng Đội Quản lý thị trường; Trưởng phòng Nghiệp vụ thuộc Cục
Nghiệp vụ quản lý thị trường có quyền:";
b) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 như sau:
"b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt
quá 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức;";
c) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 3 như sau:
"3. Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ
quản lý thị trường thuộc Tổng cục Quản lý thị trường có quyền:";
d) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 3 như sau:
"b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;";
đ) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 4 như sau:
"4. Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường có quyền:".
CÔNG BÁO/Số 39 + 40/Ngày 08-01-2022 73

22. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 và khoản 5 Điều 35 như sau:


"4. Người có thẩm quyền xử phạt của Bộ đội Biên phòng quy định tại Điều 31
Nghị định này và Cảnh sát biển quy định tại Điều 32 Nghị định này có thẩm quyền
lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt hành chính và áp dụng các biện pháp
khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn
thực phẩm liên quan đến hoạt động thu gom, bán, cung cấp, nhập khẩu thực phẩm
quy định tại khoản 3, điểm b khoản 4 và khoản 5 Điều 4; các điều 10 và 11; các
khoản 1 và 4 Điều 19; điểm a khoản 4 Điều 20; khoản 2 Điều 21; khoản 1, các
điểm b và c khoản 6 Điều 22; khoản 6 Điều 26 Nghị định này theo chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
5. Người có thẩm quyền xử phạt của cơ quan Hải quan quy định tại Điều 33
Nghị định này có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm
hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi
phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm quy định tại Điều 19; các
khoản 2, 3 và 4 Điều 20; Điều 21; điểm a, b khoản 5, khoản 6, khoản 7, khoản 8,
khoản 9 Điều 22; khoản 4 Điều 24 Nghị định này nếu phát hiện được các hành vi
này tại địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý của Hải quan mà Nghị định của Chính
phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan chưa quy định.".
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP
ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành
chính trong lĩnh vực y tế
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 1 như sau:
"4. Khi phát hiện các hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 3 Điều 7;
điểm b khoản 6 Điều 38; các điểm a và b khoản 7 Điều 44; khoản 6 Điều 48; điểm a
khoản 2 Điều 52; khoản 3 Điều 53; điểm a khoản 1 Điều 54; điểm c khoản 4
Điều 56; điểm d khoản 5, khoản 7 Điều 57; khoản 7 Điều 58; khoản 7 Điều 59;
điểm a khoản 4 Điều 60; điểm c khoản 5 Điều 67; khoản 3 Điều 68; điểm b khoản 2
Điều 70; các điểm a và b khoản 3 Điều 73; khoản 4 Điều 80; các điểm d, đ, e, g
và h khoản 2 Điều 85; các điểm d, đ, e, g, h và i khoản 2 Điều 86 Nghị định này
hoặc trường hợp tái phạm đối với các hành vi vi phạm quy định tại các điểm a và b
khoản 3 Điều 7; khoản 9 Điều 15; khoản 6 Điều 40; điểm a khoản 6 Điều 44;
điểm b khoản 5 Điều 67 và các khoản 2, 3 Điều 80 Nghị định này mà căn cứ vào
74 CÔNG BÁO/Số 39 + 40/Ngày 08-01-2022

tính chất, mức độ của hành vi xét thấy có dấu hiệu tội phạm theo quy định của điều
luật tương ứng trong Bộ luật Hình sự, người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc
chuyển hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự
theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 62 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự có quyết định không
khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự thì cơ quan có
thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự trả lại hồ sơ vụ việc cho người có thẩm quyền
xử phạt đã chuyển hồ sơ đến theo quy định tại khoản 3 Điều 62 của Luật Xử lý vi
phạm hành chính để xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này.".
2. Sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 2 Điều 2 như sau:
"đ) Đơn vị sự nghiệp;".
3. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 3 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm s khoản 3 như sau:
"s) Buộc nộp lại cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng chỉ hành nghề;
giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y
tế; giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; giấy chứng nhận lưu hành tự do
cho trang thiết bị y tế sản xuất trong nước; giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên
liệu làm thuốc; số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm; phiếu tiếp nhận hồ
sơ công bố; giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc; giấy chứng nhận
lưu hành đối với trang thiết bị y tế thuộc loại C, D.";
b) Bổ sung khoản 4 vào sau khoản 3 như sau:
"4. Việc thi hành các hình thức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả phải
bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) Trường hợp áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động có thời
hạn, người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính có trách
nhiệm gửi văn bản thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phối hợp
theo dõi, kiểm tra, tổng hợp báo cáo khi hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt;
b) Trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại giấy
phép, chứng chỉ hành nghề, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có
trách nhiệm gửi văn bản thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc
tiếp nhận để thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề;
CÔNG BÁO/Số 39 + 40/Ngày 08-01-2022 75

c) Các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.".
4. Sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 4 như sau:
"6. Thẩm quyền phạt tiền của các chức danh được quy định tại Chương III
Nghị định này là thẩm quyền phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính của
cá nhân, thẩm quyền phạt tiền tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền phạt tiền cá nhân.".
5. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 12 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 như sau:
"a) Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống
dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế, bao gồm:
đeo khẩu trang, sát khuẩn, giữ khoảng cách, khai bao y tế và các biện pháp khác;";
b) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 như sau:
"c) Không tham gia chống dịch theo quyết định huy động của người có thẩm
quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm m khoản 5 Điều 38 và điểm b khoản 4
Điều 39 Nghị định này;";
c) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 4 như sau:
"a) Không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế khi ra vào vùng
có dịch thuộc nhóm A;";
d) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 5 như sau:
"b) Không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được
ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch theo các nghị quyết, quyết định, chỉ thị và văn
bản khác của cơ quan có thẩm quyền;".
6. Sửa đổi, bổ sung điểm e khoản 3 Điều 20 như sau:
"e) Thực hiện xét nghiệm HIV đối với người dưới 15 tuổi, người mất năng lực
hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người bị
hạn chế năng lực hành vi dân sự khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản của cha,
mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp, người đại diện của người đó, trừ trường hợp cấp
cứu theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.".
7. Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu của Điều 32 như sau:
"Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành
vi sau đây:"
76 CÔNG BÁO/Số 39 + 40/Ngày 08-01-2022

8. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 38 như sau:


a) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 4 như sau:
"a) Người hành nghề đăng ký hành nghề cùng một thời gian tại các cơ sở khám
bệnh, chữa bệnh khác nhau; người hành nghề thực hiện hành nghề không đúng thời
gian đăng ký đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc hành nghề không
đúng điều động, phân công của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của
pháp luật;";
b) Bổ sung điểm đ sau điểm d khoản 4 như sau:
"đ) Người hành nghề không đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo
quy định của pháp luật.";
c) Bổ sung điểm m sau điểm l khoản 5 như sau:
"m) Người hành nghề không chấp hành quyết định huy động của cơ quan nhà
nước có thẩm quyền khi có thiên tai, thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm.";
d) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 8 như sau:
"a) Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong
thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm b, c, d, đ,
e, g, h, i, k, l và m khoản 5 Điều này;".
9. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 39 như sau:
a) Bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 như sau:
"2a. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các
hành vi sau đây:
a) Thu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cao hơn giá đã niêm yết;
b) Thu cao hơn chi phí khám bệnh, chữa bệnh đã được bảo hiểm y tế thanh
toán, trừ trường hợp khoản thu chênh lệch do sử dụng dịch vụ theo yêu cầu, do
vượt quá phạm vi thanh toán của bảo hiểm y tế.";
b) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 7 như sau:
"a) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời
hạn từ 02 tháng đến 04 tháng đối với hành vi quy định tại điểm đ khoản 2, điểm b
khoản 3, khoản 4, điểm c khoản 5 và các điểm b, c, d, e khoản 6 Điều này;".
CÔNG BÁO/Số 39 + 40/Ngày 08-01-2022 77

10. Bổ sung điểm đ vào sau điểm d khoản 1 Điều 40 như sau:
"đ) Không lập hoặc lập sổ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy
đủ theo quy định của pháp luật.".
11. Bổ sung Điều 48a vào sau Điều 48 như sau:
"Điều 48a. Vi phạm quy định về hoạt động dược lâm sàng của cơ sở khám
bệnh, chữa bệnh
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành
vi sau đây:
a) Không bố trí đủ số lượng người làm công tác dược lâm sàng theo lộ trình
quy định của pháp luật;
b) Không bố trí người có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật làm công
tác dược lâm sàng.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi bố trí người
phụ trách công tác dược lâm sàng không có chứng chỉ hành nghề dược hoặc đang
trong thời gian bị thu hồi chứng chỉ hành nghề dược, đình chỉ hành nghề dược.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không tổ
chức hoạt động dược lâm sàng theo lộ trình quy định của pháp luật.".
12. Sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 2 Điều 51 như sau:
"đ) Cho phép cơ sở sản xuất, kinh doanh tặng mẫu, tặng quà liên quan đến sản
phẩm sữa thay thế sữa mẹ trong cơ sở y tế;".
13. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 56 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 như sau:
"b) Không thực hiện thủ tục thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền
đối với các thay đổi nhỏ thuộc trường hợp yêu cầu thông báo trước khi lưu hành
thuốc và nguyên liệu làm thuốc;";
b) Sửa đổi, bổ sung điểm c và d khoản 3 như sau:
"c) Không thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành
với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được phê duyệt trước khi lưu hành thuốc,
nguyên liệu làm thuốc đối với các thay đổi lớn, thay đổi nhỏ cần được phê duyệt;
78 CÔNG BÁO/Số 39 + 40/Ngày 08-01-2022

d) Sản xuất và lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc có thay đổi so với hồ sơ
đăng ký thuốc đã được phê duyệt mà pháp luật quy định phải thực hiện thủ tục cấp
giấy đăng ký lưu hành.";
c) Bổ sung khoản 6 vào sau khoản 5 như sau:
"6. Trong trường hợp có từ 02 thuốc, nguyên liệu làm thuốc trở lên thuộc cùng
một hành vi vi phạm tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều này và được phát hiện trong một
lần thanh tra, kiểm tra thì xử phạt một hành vi và áp dụng tình tiết tăng nặng.".
14. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 57 như sau:
a) Bổ sung điểm d vào sau điểm c khoản 1 như sau:
"d) Không lưu trữ mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong kiểm nghiệm thuốc,
nguyên liệu làm thuốc theo quy định của pháp luật.";
b) Sửa đổi, bổ sung các điểm a, b và c khoản 2 như sau:
"a) Sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc có thay đổi nhỏ so với hồ sơ đăng
ký thuốc đã được phê duyệt thuộc trường hợp phải thông báo cho cơ quan có thẩm
quyền theo quy định của pháp luật nhưng không thông báo, trừ trường hợp quy
định tại điểm b khoản 1 Điều 56 Nghị định này;
b) Sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc có thay đổi nhỏ so với hồ sơ đăng ký
thuốc đã được phê duyệt nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nội
dung thay đổi theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm c
khoản 3 Điều 56 Nghị định này;
c) Không thực hiện lưu mẫu thuốc thành phẩm ít nhất 12 tháng sau khi hết hạn
dùng của thuốc; không thực hiện lưu mẫu nguyên liệu là hoạt chất dùng cho sản
xuất thuốc ít nhất 12 tháng sau khi hết hạn dùng của thành phẩm sản xuất từ
nguyên liệu đó;";
c) Sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 3 như sau:
"đ) Sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc có thay đổi lớn so với hồ sơ đăng ký
thuốc đã được phê duyệt nhưng chưa được phê duyệt nội dung thay đổi theo quy định
của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 3 Điều 56 Nghị định này;";
d) Bổ sung điểm i vào sau điểm h khoản 4 như sau:
"i) Sản xuất thuốc từ dược chất được sản xuất bởi cơ sở sản xuất không có tài
liệu chứng minh đáp ứng thực hành tốt sản xuất nguyên liệu làm thuốc theo quy
CÔNG BÁO/Số 39 + 40/Ngày 08-01-2022 79

định của pháp luật hoặc cơ sở không đáp ứng thực hành tốt sản xuất nguyên liệu
làm thuốc theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền.".
15. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 58 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 như sau:
"a) Mua, bán thuốc, nguyên liệu làm thuốc làm mẫu đăng ký, kiểm nghiệm,
nghiên cứu khoa học, tham gia trưng bày tại triển lãm, hội chợ; mua, bán nguyên
liệu làm thuốc được cấp phép nhập khẩu để sản xuất thuốc xuất khẩu không đúng
quy định;";
b) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 3 như sau:
"b) Không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng thực hành
tốt phân phối thuốc theo quy định của pháp luật;";
c) Sửa đổi, bổ sung các điểm d và đ khoản 3 như sau:
"d) Không có cơ chế chuyển thông tin hoặc chuyển thông tin không đầy đủ về
việc phân phối thuốc, chất lượng thuốc giữa nhà sản xuất với khách hàng và việc
chuyển giao thông tin cho cơ quan quản lý liên quan khi được yêu cầu;
đ) Cơ quan có thẩm quyền kết luận cơ sở duy trì đáp ứng nguyên tắc, tiêu
chuẩn thực hành tốt phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc ở mức độ 3.";
d) Sửa đổi, bổ sung khoản 9 như sau:
"9. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc tiêu hủy toàn bộ số thuốc, nguyên liệu làm thuốc đối với hành vi quy
định tại điểm b khoản 4 và khoản 6 Điều này.".
16. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 59 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 như sau:
"b) Không có khu vực riêng cho các sản phẩm không phải là thuốc hoặc không có
biển hiệu tại khu vực riêng ghi rõ "sản phẩm này không phải là thuốc" hoặc để lẫn sản
phẩm không phải là thuốc cùng với thuốc đối với trường hợp có kinh doanh thêm mỹ
phẩm, thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật;";
b) Sửa đổi, bổ sung các điểm đ và e khoản 3 như sau:
"đ) Bán lẻ vắc xin;
e) Không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng thực hành
tốt cơ sở bán lẻ thuốc theo quy định của pháp luật;";
80 CÔNG BÁO/Số 39 + 40/Ngày 08-01-2022

c) Sửa đổi, bổ sung các điểm h và i khoản 3 như sau:


"h) Không chuyển thông tin hoặc chuyển thông tin không đầy đủ về việc mua
bán thuốc, chất lượng thuốc giữa nhà cung cấp với khách hàng khi được yêu cầu
theo quy định của pháp luật, trừ cơ sở bán lẻ dược liệu;
i) Cơ quan có thẩm quyền kết luận cơ sở chưa đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn
thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc.";
d) Bổ sung điểm g vào sau điểm e khoản 4 như sau:
"g) Bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc.";
đ) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 9 như sau:
"c) Buộc tiêu hủy toàn bộ số thuốc, dược liệu đối với hành vi quy định tại
khoản 6 Điều này.";
e) Bổ sung khoản 10 vào sau khoản 9 như sau:
"10. Trong trường hợp có từ 02 thuốc, nguyên liệu làm thuốc trở lên vi phạm
quy định tại điểm g khoản 4 Điều này và được phát hiện trong một lần thanh tra,
kiểm tra thì xử phạt một hành vi và áp dụng tình tiết tăng nặng.".
17. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 60 như sau:
a) Bổ sung các điểm c và d vào sau điểm b khoản 1 như sau:
"c) Không tiến hành lưu mẫu thuốc thành phẩm ít nhất 12 tháng sau khi hết
hạn dùng của thuốc;
d) Không tiến hành lưu mẫu nguyên liệu là hoạt chất dùng cho sản xuất thuốc
ít nhất 12 tháng sau khi hết hạn dùng của thành phẩm sản xuất từ nguyên liệu đó.";
b) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 3 như sau:
"b) Cơ quan có thẩm quyền kết luận cơ sở duy trì đáp ứng nguyên tắc, tiêu
chuẩn thực hành tốt bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc ở mức độ 3;";
c) Bổ sung điểm đ vào sau điểm d khoản 5 như sau:
"đ) Nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc từ các cơ sở cung cấp thuốc,
nguyên liệu làm thuốc không thuộc các trường hợp cơ sở được cung cấp theo quy
định của pháp luật.";
d) Sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 6 như sau:
"đ) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hàng hóa có giá
trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;".
CÔNG BÁO/Số 39 + 40/Ngày 08-01-2022 81

18. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 66 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 như sau:
"d) Cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bán
thuốc với mức thặng số bán lẻ cao hơn mức thặng số bán lẻ tối đa theo quy định
của pháp luật.";
b) Bổ sung khoản 6 vào sau khoản 5 như sau:
"6. Trong trường hợp có từ 02 thuốc, nguyên liệu làm thuốc trở lên thuộc cùng
một hành vi vi phạm tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều này và được phát hiện trong một
lần thanh tra, kiểm tra thì xử phạt một hành vi và áp dụng tình tiết tăng nặng.".
19. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 68 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:
"2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi đưa sản
phẩm mỹ phẩm ra lưu thông khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp
số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm hoặc hành vi đưa sản phẩm mỹ
phẩm ra lưu thông sau thời điểm số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm
hết thời hạn mà chưa công bố lại theo quy định của pháp luật.";
b) Bổ sung khoản 6 sau khoản 5 như sau:
"6. Trong trường hợp có từ 02 sản phẩm mỹ phẩm trở lên vi phạm thuộc cùng
một hành vi vi phạm tại các khoản 1, 2, 3 Điều này và được phát hiện trong cùng
một lần thanh tra, kiểm tra thì xử phạt một hành vi và áp dụng tình tiết tăng nặng.".
20. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 70 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 4 như sau:
"a) Buộc thu hồi và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm mỹ phẩm đối với hành vi quy
định tại các khoản 1 và 2 Điều này. Trường hợp sản phẩm mỹ phẩm không đạt tiêu
chuẩn về khối lượng, thể tích đóng gói quy định tại điểm d khoản 1 Điều này thì
không buộc tiêu hủy;";
b) Bổ sung khoản 5 vào sau khoản 4 như sau:
"5. Trong trường hợp có từ 02 sản phẩm mỹ phẩm trở lên vi phạm thuộc cùng
một hành vi vi phạm tại các khoản 1, 2 Điều này và được phát hiện trong cùng một
lần thanh tra, kiểm tra thì xử phạt một hành vi và áp dụng tình tiết tăng nặng.".
82 CÔNG BÁO/Số 39 + 40/Ngày 08-01-2022

21. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 71 như sau:
a) Bổ sung điểm đ vào sau điểm d khoản 2 như sau:
"đ) Kinh doanh mỹ phẩm có Hồ sơ thông tin sản phẩm (PIF) nhưng không đầy
đủ theo quy định của pháp luật.";
b) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 3 như sau:
"b) Kinh doanh mỹ phẩm không có hoặc không xuất trình Hồ sơ thông tin sản
phẩm (PIF) trong thời hạn theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu kiểm tra của
cơ quan có thẩm quyền;";
c) Bổ sung khoản 5 vào sau khoản 4 như sau:
"5. Trong trường hợp có từ 02 sản phẩm mỹ phẩm trở lên vi phạm thuộc cùng
một hành vi vi phạm tại các khoản 1, 2, 3 Điều này và được phát hiện trong cùng
một lần thanh tra, kiểm tra thì xử phạt một hành vi và áp dụng tình tiết tăng nặng.".
22. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 72 như sau:
a) Sửa đổi bổ sung khoản 1 như sau:
"1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi chủ sở
hữu số lưu hành trang thiết bị y tế không công khai kết quả phân loại trang thiết bị
y tế đã ban hành theo quy định của pháp luật.";
b) Sửa đổi, bổ sung các điểm d, đ và e khoản 2 như sau:
"d) Không có văn bản báo cáo với cơ quan hải quan nơi đã thực hiện thông
quan hàng hóa và cơ quan đã cấp số lưu hành đối với trường hợp trang thiết bị y tế
đã được cấp số lưu hành mà có sử dụng bản kết quả phân loại đã bị thu hồi và đã
thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa nhưng chưa bán đến người sử dụng;
đ) Văn bản báo cáo cơ quan hải quan đã thực hiện thông quan hàng hóa không
nêu số lượng trang thiết bị y tế đã thông quan đối với trường hợp trang thiết bị y tế
đã được cấp số lưu hành mà có sử dụng bản kết quả phân loại đã bị thu hồi và đã
thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa nhưng chưa bán đến người sử dụng;
e) Văn bản báo cáo cơ quan đã cấp số lưu hành không nêu rõ số lượng trang
thiết bị y tế đã thông quan và các hợp đồng mua bán (nếu có) đối với trường hợp
trang thiết bị y tế đã được cấp số lưu hành mà có sử dụng bản kết quả phân loại đã
bị thu hồi và đã thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa nhưng chưa bán đến người
sử dụng;";
CÔNG BÁO/Số 39 + 40/Ngày 08-01-2022 83

c) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 3 như sau:


"b) Chủ sở hữu số lưu hành không dừng lưu hành trang thiết bị y tế; không
thực hiện các biện pháp thu hồi trang thiết bị y tế có số lưu hành mà hồ sơ cấp số
lưu hành có sử dụng bản kết quả phân loại đã bị thu hồi và đã thực hiện thủ tục
thông quan hàng hóa nhưng chưa bán đến người sử dụng.";
d) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 5 như sau:
"a) Đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi
quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;".
23. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 73 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:
"1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không lập
văn bản thông báo sự thay đổi kèm theo các tài liệu liên quan đến thay đổi hoặc
không cập nhật các tài liệu thay đổi vào hồ sơ công bố đã công khai trên Công thông
tin điện tử về quản lý trang thiết bị y tế theo thời hạn quy định khi có một trong các
thay đổi liên quan đến hồ sơ công bố trước đó theo quy định của pháp luật.";
b) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 như sau:
"b) Sản xuất trang thiết bị y tế khi không đạt tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất
lượng ISO 13485.";
c) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 3 như sau:
"c) Sản xuất trang thiết bị y tế khi chưa thực hiện thủ tục công bố đủ điều kiện
sản xuất trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật.";
d) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:
"4. Hình thức xử phạt bổ sung:
Đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi
quy định tại khoản 1, điểm b khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều này.";
đ) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 5 như sau:
"a) Buộc nộp lại phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố đủ điều kiện sản xuất trang thiết
bị y tế đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều này;".
24. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 74 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 như sau:
84 CÔNG BÁO/Số 39 + 40/Ngày 08-01-2022

"a) Lưu hành trang thiết bị y tế trên thị trường khi không có nhãn đầy đủ các
thông tin theo quy định của pháp luật;";
b) Sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 1 như sau:
"đ) Không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc không cập
nhật các tài liệu thay đổi vào hồ sơ đăng ký lưu hành đã công khai trên Cổng thông
tin điện tử về quản lý trang thiết bị trong thời hạn quy định khi có sự thay đổi theo
quy định của pháp luật trong quá trình lưu hành trang thiết bị y tế;";
c) Sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 1 như sau:
"g) Lưu hành trang thiết bị y tế trên thị trường mà cơ sở sản xuất chưa được cấp
giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO 13485 và chưa được lưu
hành tại bất kỳ quốc gia nào trên thế giới đối với trang thiết bị y tế nhập khẩu;";
d) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 như sau:
"a) Không thực hiện lại việc công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với trang thiết bị
y tế thuộc loại A, B theo quy định của pháp luật;";
đ) Sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 2 như sau:
"g) Không báo cáo cơ quan Công an khi phát hiện thất thoát trang thiết bị y tế
có chứa chất ma túy và tiền chất, nguyên liệu sản xuất trang thiết bị y tế có chứa
chất ma túy và tiền chất;";
e) Sửa đổi, bổ sung điểm l khoản 2 như sau:
"l) Không duy trì hiệu lực của giấy lưu hành, giấy ủy quyền, giấy xác nhận
đủ điều kiện bảo hành trong thời gian số lưu hành còn giá trị theo quy định của
pháp luật.";
g) Sửa đổi, bổ sung các điểm b, c, d và đ khoản 3 như sau:
"b) Sửa chữa, tẩy xóa làm thay đổi nội dung phiếu tiếp nhận công bố tiêu
chuẩn áp dụng đối với trang thiết bị y tế thuộc loại A, B;
c) Sửa chữa, tẩy xóa làm thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký lưu hành
đối với trang thiết bị y tế thuộc loại C, D;
d) Tài liệu trong hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với trang thiết bị y tế
thuộc loại A, B không bảo đảm tính hợp pháp theo quy định của pháp luật;
đ) Tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký lưu hành
đối với trang thiết bị y tế thuộc loại C, D không bảo đảm tính hợp pháp theo quy
định của pháp luật.";
CÔNG BÁO/Số 39 + 40/Ngày 08-01-2022 85

h) Sửa đổi, bổ sung các điểm a và b khoản 4 như sau:


"a) Lưu hành trang thiết bị y tế thuộc loại A, B trên thị trường khi không có
phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng hoặc chưa được cấp giấy phép
nhập khẩu;
b) Lưu hành trang thiết bị y tế thuộc loại C, D trên thị trường khi không có số
giấy chứng nhận đăng ký lưu hành hoặc chưa được cấp giấy phép nhập khẩu;";
i) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 5 như sau:
"a) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính là phiếu tiếp nhận, giấy chứng nhận,
tài liệu, hồ sơ đối với các hành vi quy định tại các điểm d và đ khoản 3 Điều này;";
k) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 6 như sau:
"b) Buộc nộp lại phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với
trang thiết bị y tế thuộc loại A, B hoặc giấy chứng nhận lưu hành đối với trang
thiết bị y tế thuộc loại C, D đối với hành vi quy định tại các điểm b, c, d và đ
khoản 3 Điều này.".
25. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 77 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:
"1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không lập
văn bản thông báo về sự thay đổi kèm theo các tài liệu có liên quan đến sự thay đổi
hoặc không cập nhật các tài liệu vào hồ sơ công bố đã công khai trên cổng thông
tin điện tử về quản lý trang thiết bị y tế trong thời hạn quy định khi có sự thay đổi
liên quan đến hồ sơ công bố trước đó.";
b) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 như sau:
"b) Tư vấn trang thiết bị y tế khi chưa được Bộ Y tế công khai thông tin và hồ
sơ công bố đủ điều kiện tư vấn về kỹ thuật trang thiết bị y tế;".
26. Bổ sung Điều 78a vào sau Điều 78 như sau:
"Điều 78a. Vi phạm quy định về quản lý giá trang thiết bị y tế
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các
hành vi sau đây:
a) Không đăng tải thông tin về kê khai giá trên Cổng thông tin của Bộ Y tế
trước khi đưa trang thiết bị y tế đầu tiên lưu hành trên thị trường Việt Nam;
86 CÔNG BÁO/Số 39 + 40/Ngày 08-01-2022

b) Kê khai giá không kèm theo đầy đủ các thành phần thông tin theo quy định
của pháp luật;
c) Không thực hiện việc cập nhật giá kê khai trang thiết bị y tế khi có thay đổi;
d) Không thực hiện việc giải trình các yếu tố cấu thành giá khi có yêu cầu của
cơ quan có thẩm quyền;
đ) Kê khai giá trang thiết bị y tế khi không phải là chủ sở hữu số lưu hành
trang thiết bị y tế hoặc không phải là nhà phân phối được chủ sở hữu số lưu hành
trang thiết bị y tế chỉ định kê khai giá.
2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các
hành vi sau đây:
a) Không thực hiện việc kê khai giá trang thiết bị y tế trước khi lưu hành tại
Việt Nam;
e) Mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai hoặc mua bán cao hơn
giá kê khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán.".
27. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 103 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 như sau:
"c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt
quá 6.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về dân số; 10.000.000 đồng đối
với vi phạm hành chính về y tế dự phòng, phòng, chống HIV/AIDS, bảo hiểm y tế,
khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế;";
b) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 như sau:
"d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;".
28. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 104 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 như sau:
"c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt
quá 600.000 đồng đối với vi phạm hành chính về dân số; 1.000.000 đồng đối với vi
phạm hành chính về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS, bảo hiểm y tế,
khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế;";
CÔNG BÁO/Số 39 + 40/Ngày 08-01-2022 87

b) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 2 như sau:


"2. Chánh Thanh tra các Sở, Chi Cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa
gia đình thuộc Sở Y tế, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở và Trưởng
đoàn thanh tra chuyên ngành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được giao thực
hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có quyền:";
c) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 như sau:
"d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt
quá 30.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về dân số; 50.000.000 đồng đối
với vi phạm hành chính về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS; 75.000.000
đồng đối với vi phạm hành chính về bảo hiểm y tế; 100.000.000 đồng đối với vi
phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế;";
d) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 3 như sau:
"3. Chánh Thanh tra Bộ; Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa
gia đình; Cục trưởng Cục Quản lý dược; Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa
bệnh; Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế; Cục trưởng Cục Y tế dự phòng
có quyền:";
đ) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 4 như sau:
"d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt
quá 42.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về dân số; 70.000.000 đồng đối
với vi phạm hành chính về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS;
105.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về bảo hiểm y tế; 140.000.000 đồng
đối với vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang
thiết bị y tế;".
29. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 105 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 2 như sau:
"2. Đội trưởng Đội Quản lý thị trường, Trưởng phòng Nghiệp vụ thuộc Cục
Nghiệp vụ quản lý thị trường có quyền:";
b) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 như sau:
"c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt
quá 50.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về dân số, y tế dự phòng, khám
bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế;";
88 CÔNG BÁO/Số 39 + 40/Ngày 08-01-2022

c) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 3 như sau:


"3. Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ
quản lý thị trường thuộc Tổng cục Quản lý thị trường có quyền:";
d) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 3 như sau:
"c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;".
30. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 106 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 2 như sau:
"2. Trưởng trạm, Đội trưởng của người được quy định tại khoản 1 Điều này
có quyền:";
b) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 3 như sau:
"3. Trưởng Công an cấp xã; Trưởng đồn Công an; Trưởng trạm Công an cửa
khẩu, khu chế xuất; Trưởng Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế; Thủy đội
trưởng có quyền:";
c) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 3 như sau:
"c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt
quá 3.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về dân số và đến 5.000.000 đồng
đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng, phòng, chống HIV/AIDS, bảo hiểm
y tế, khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế;";
d) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 4 như sau:
"4. Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh
chính trị nội bộ; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính
về trật tự xã hội; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông; Trưởng
phòng Công an cấp tỉnh, gồm: Trưởng phòng An ninh kinh tế; Trưởng phòng An
ninh chính trị nội bộ; Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội;
Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Trưởng phòng
Cảnh sát giao thông; Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt;
Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ; Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy;
Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; Thủy
đoàn trưởng có quyền:";
CÔNG BÁO/Số 39 + 40/Ngày 08-01-2022 89

đ) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 4 như sau:


"d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt
quá 12.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về dân số; 20.000.000 đồng đối
với vi phạm hành chính về y tế dự phòng, phòng, chống HIV/AIDS; 30.000.000
đồng đối với vi phạm hành chính về bảo hiểm y tế; 40.000.000 đồng đối với vi
phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế;";
e) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 5 như sau:
"d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;";
g) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 6 như sau:
"6. Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ; Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý
hành chính về trật tự xã hội; Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự
xã hội; Cục trưởng Cục An ninh kinh tế; Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống
tội phạm về môi trường; Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông; Cục trưởng Cục
Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu có quyền:".
31. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 107 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 2 như sau:
"2. Đội trưởng, Tổ trưởng thuộc Chi cục Hải quan; Tổ trưởng thuộc Đội Kiểm
soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Đội
trưởng, thuộc Chi cục kiểm tra sau thông quan có quyền:";
b) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 3 như sau:
"3. Chi cục trưởng Chi cục Hải quan; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau
thông quan, Đội trưởng Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương; Đội trưởng Đội Điều tra hình sự, Đội trưởng Đội kiểm
soát chống buôn lậu, Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển và Đội trưởng Đội
kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thuộc Cục Điều
tra chống buôn lậu; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan thuộc Cục
Kiểm tra sau thông quan có quyền:";
c) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 3 như sau:
"c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt
quá 50.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng và phòng,
chống HIV/AIDS, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế;";
90 CÔNG BÁO/Số 39 + 40/Ngày 08-01-2022

d) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 4 như sau:


"d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;".
32. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 108 như sau:
a) Bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 như sau:
"2a. Đội trưởng Đội đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Đoàn
đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 3.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về dân số; đến
5.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng và phòng, chống
HIV/AIDS; đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa
bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá
6.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về dân số; 10.000.000 đồng đối với vi
phạm hành chính về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS; 20.000.000 đồng
đối với vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang
thiết bị y tế;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm c và đ khoản 1
Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.";
b) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 3 như sau:
"3. Đồn trưởng Đồn biên phòng; Hải đội trưởng Hải đội biên phòng; Chỉ huy
trưởng Ban chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng có quyền:";
c) Sửa đổi, bổ sung các điểm c và d khoản 3 như sau:
"c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt
quá 12.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về dân số; 20.000.000 đồng đối
với vi phạm hành chính về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS; 40.000.000
đồng đối với vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và
trang thiết bị y tế;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm c, d và đ
khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và khoản 3 Điều 3 Nghị định
này.";
CÔNG BÁO/Số 39 + 40/Ngày 08-01-2022 91

d) Bổ sung khoản 3a vào sau khoản 3 như sau:


"3a. Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Cục
Phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về dân số; đến
25.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng và phòng, chống
HIV/AIDS; đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa
bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá
30.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về dân số; 50.000.000 đồng đối với
vi phạm hành chính về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS; 100.000.000
đồng đối với vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và
trang thiết bị y tế;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm c, d, đ và i
khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và khoản 3 Điều 3 Nghị
định này.";
đ) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 4 như sau:
"4. Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng cấp tỉnh, Hải đoàn trưởng Hải đoàn Biên
phòng, Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội
biên phòng có quyền:";
e) Sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 4 như sau:
"đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm c, d, đ và i
khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và khoản 3 Điều 3 Nghị
định này.".
33. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 109 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 4 như sau:
"c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt
quá 12.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về dân số; 20.000.000 đồng đối
với vi phạm hành chính về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS; 40.000.000
đồng đối với vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và
trang thiết bị y tế;";
92 CÔNG BÁO/Số 39 + 40/Ngày 08-01-2022

b) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 5 như sau:


"5. Hải đoàn trưởng Hải đoàn Cảnh sát biển, Đoàn trưởng Đoàn trinh sát, Đoàn
trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát
biển Việt Nam có quyền:";
c) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 5 như sau:
"c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt
quá 18.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về dân số; 30.000.000 đồng đối
với vi phạm hành chính về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS; 60.000.000
đồng đối với vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và
trang thiết bị y tế;";
d) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 6 như sau:
"6. Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật thuộc
Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam có quyền:";
đ) Bổ sung điểm b1 vào sau điểm b khoản 6 như sau:
"b1) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn;";
e) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 6 như sau:
"c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;".
34. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 110 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung các điểm c và d khoản 3 như sau:
"c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt
quá 50.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng và phòng,
chống HIV/AIDS;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm i khoản 1 Điều 28
của Luật Xử lý vi phạm hành chính và khoản 3 Điều 3 Nghị định này.";
b) Sửa đổi, bổ sung các điểm c và d khoản 4 như sau:
"c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm i khoản 1
Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và khoản 3 Điều 3 Nghị định này.";
CÔNG BÁO/Số 39 + 40/Ngày 08-01-2022 93

c) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 5 như sau:


"d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm i khoản 1
Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và khoản 3 Điều 3 Nghị định này.".
35. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 111 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 như sau:
"b) Phạt tiền đến 37.500.000 đồng đối với vi phạm hành chính về đóng bảo
hiểm y tế;";
b) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 như sau:
"d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt
quá 75.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về đóng bảo hiểm y tế;";
c) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 như sau:
"b) Phạt tiền đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về đóng bảo
hiểm y tế;";
d) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 3 như sau:
"b) Phạt tiền đến 52.500.000 đồng đối với vi phạm hành chính về đóng bảo
hiểm y tế;".
đ) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 3 như sau:
"d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt
quá 105.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về đóng bảo hiểm y tế;".
36. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 112 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 5 như sau:
"5. Người có thẩm quyền xử phạt của cơ quan Hải quan có thẩm quyền lập
biên bản vi phạm hành chính, xử phạt hành chính, áp dụng các biện pháp khắc
phục hậu quả theo phạm vi quản lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và
theo thẩm quyền quy định tại Điều 107 Nghị định này đối với các hành vi vi phạm
quy định tại các Điều 7, 11, 12, 13, 14, 25, 26, 27, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35, 36,
37, 60, 64, 71, 76; các khoản 1 và 2 Điều 6; điểm b khoản 1 Điều 54; các khoản 6
và 7 Điều 58; các khoản 6 và 7 Điều 59; điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 65; các
điểm d và d khoản 2 Điều 72; các điểm a, b khoản 4 Điều 74 và điểm c khoản 2
Điều 75 Nghị định này.";
94 CÔNG BÁO/Số 39 + 40/Ngày 08-01-2022

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 7 như sau:


"7. Người có thẩm quyền xử phạt của Cảnh sát biển có thẩm quyền lập biên
bản vi phạm hành chính, xử phạt hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục
hậu quả theo phạm vi quản lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và theo
thẩm quyền quy định tại Điều 109 Nghị định này đối với các hành vi vi phạm quy
định tại các Điều 5, 6, 7, 10, 11, 12, 13, 14, 17, 19, 22, 24, 25, 26, 27, 30, 31, 32,
33, 34, 35, 36, 37, 60, 65, 71, 76, 80, 83, 96, 97, 102; điểm b khoản 3 Điều 8; điểm b
khoản 3 Điều 9; các điểm a và b khoản 3 Điều 16; điểm g khoản 2, khoản 3 Điều 23;
các khoản 1, 2, 3, các điểm a, b, c, g khoản 4, điểm a khoản 5 Điều 29; các khoản
1, 3, 5, 6 và 7 Điều 38; điểm b khoản 4 Điều 39; khoản 4 Điều 40; điểm b khoản 1
Điều 45; điểm b khoản 3 Điều 48; điểm b khoản 1 Điều 52; khoản 1, điểm b khoản 2,
các điểm a và b khoản 3 Điều 64; khoản 2 Điều 68; khoản 1 Điều 74; khoản 2
Điều 78 và điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 95 Nghị định này.";
c) Sửa đổi, bổ sung khoản 11 như sau:
"11. Người có thẩm quyền xử phạt của Thanh tra ngành Văn hóa, Thể thao và
Du lịch có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt hành chính và áp
dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo phạm vi quản lý, chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn được giao và theo thẩm quyền quy định tại Điều 104 Nghị định này đối
với hành vi vi phạm quy định tại các Điều 5, 19, 25, 26, 30, 31, 32, 33, 34, 36, 37,
49, 50, 51, 67, 69, 78, 96, 97; các điểm b và c khoản 3 Điều 12; khoản 2 Điều 14;
các khoản 1, 2, 3, các điểm a, b, c, e, g khoản 4, điểm a khoản 5 Điều 29 và điểm b
khoản 2 Điều 35 Nghị định này.".
Điều 3. Thay thế, bãi bỏ một số quy định của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP
ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành
chính về an toàn thực phẩm và Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 9
năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh
vực y tế
1. Thay thế cụm từ "Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi" bằng
cụm từ "Buộc nộp lại" tại điểm c khoản 9 Điều 38; điểm c khoản 8 Điều 39;
điểm b khoản 5 Điều 52; điểm b khoản 3 Điều 54; điểm b khoản 5 Điều 56; các
điểm b và c khoản 9 Điều 57; điểm b khoản 5 Điều 68; điểm b khoản 4 Điều 70;
điểm b khoản 4 Điều 71; điểm b khoản 6 Điều 72; các điểm a và b khoản 5
CÔNG BÁO/Số 39 + 40/Ngày 08-01-2022 95

Điều 75; điểm b khoản 4 Điều 76; khoản 4 Điều 77 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP
ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính
trong lĩnh vực y tế.
2. Bãi bỏ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 9, điểm d khoản 10 Điều 22,
điểm b khoản 5 Điều 24 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018
của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
3. Bãi bỏ quy định tại các điểm c, d khoản 2 Điều 39; các điểm b, c, g, h
khoản 2, khoản 4, điểm a khoản 6 Điều 72; điểm b khoản 3 Điều 73; điểm b
khoản 1 Điều 74; các điểm b và d khoản 2 Điều 75; khoản 2 Điều 78; điểm c
khoản 5 Điều 107; điểm c khoản 1, điểm c khoản 2 và điểm c khoản 3 Điều 111
Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định
xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Điều 4. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.
2. Đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, an toàn thực
phẩm xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà sau đó mới bị phát
hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng các quy định về xử phạt quy định
tại Nghị định này nếu Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy
định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn cho cá nhân, tổ chức vi phạm.
Điều 5. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính
phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức, cá
nhân có liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn và thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ


KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG

Vũ Đức Đam

You might also like