You are on page 1of 8

BÀI 5: PHÒNG, CHỐNG MỘT SỐ LOẠI TỘI PHẠM XÂM HẠI DANH DỰ

NHÂN PHẨM CỦA NGƯỜI KHÁC

LỜI MỞ ĐẦU
Danh dự, nhân phẩm cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Mọi
hành vi bằng lời nói hoặc hành động làm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác
là hành vi trái pháp luật. Người thực hiện hành vi này tùy vào mức độ của hành vi vi
phạm mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phòng, chống các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của người khác là vấn đề đặc biệt
quan trọng trong giai đoạn hiện nay, cần huy động sức mạnh của các cấp, các ngành và
toàn xã hội.
các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội. Do đó, để thực
hiện tốt việc phòng, chống tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người, các chủ thể
phòng, chống tội phạm này cần thực hiện đồng bộ, tổng hợp, vận dụng linh hoạt, sáng
tạo các biện pháp phòng, chống xã hội và các biện pháp phòng, chống nghiệp vụ.
I. NHỮNG HIỂU BIẾT CHUNG VỀ BỘ LUẬT HÌNH SỰ HIỆN HÀNH
1. Khái niệm
Bộ Luật hình sự là một ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, bao gồm
hệ thống các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành, xác định những hành vi nào
nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm, đồng thời quy định hình phạt đối với những
tội phạm ấy.
Bộ Luật hình sự có những đặc trưng cơ bản sau đây:
Bộ Luật hình sự là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật của nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bộ Luật hình sự bao gồm hệ thống quy phạm
pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến Nhà nước và người phạm tội.
Bộ Luật hình sự là ngành luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quy định
tội phạm và hình phạt.
2. Vai trò của Bộ Luật hình sự
Bộ Luật hình sự có vai trò bảo vệ các quan hệ xã hội được các luật khác thiết
lập, thông qua việc trừng trị các hành vi xâm hại các quan hệ xã hội đó; là công cụ sắc
bén, hữu hiệu để đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần đắc lực vào bảo vệ độc
lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước,
bảo vệ nhân dân và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; góp phần tích cực loại bỏ những
yếu tố gây cản trở tiến trình đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì
mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
3. Nhiệm vụ của Bộ Luật hình sự
Bộ Luật hình sự có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước,
bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền bình
đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự
pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội; giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp
luật, phòng, chống và đấu tranh chống tội phạm.
4. Tổng quan về Bộ Luật hình sự hiện hành
Bộ Luật hình sự hiện hành (Bộ Luật hình sự năm 2015; sửa đổi, bổ sung năm
2017) bao gồm có 03 phần, 26 chương, 426 điều; Cụ thể là:
- Chương I: Điều khoản cơ bản
Gồm 04 điều (từ Điều 01 - Điều 04).
- Chương II: Hiệu lực của Bộ Luật hình sự
Gồm 03 điều (từ Điều 05 - Điều 07).
- Chương III: Tội phạm
Gồm 12 điều (từ Điều 08 - Điều 19).
- Chương IV: Những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự.
Gồm 07 điều (từ Điều 20 - Điều 26).
- Chương V: Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự
Gồm 02 điều (Điều 27 và Điều 29).
- Chương VI: Hình phạt
Gồm 16 điều (từ Điều 30 - Điều 45).
- Chương VII: Các biện pháp tư pháp
Gồm 04 điều (từ Điều 46 - Điều 49).
- Chương VIII: Quyết định hình phạt
Gồm 10 điều (từ Điều 50 - Điều 59).
- Chương IX: Thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời
hạn chấp hành hình phạt
Gồm 09 điều (từ Điều 60 - Điều 68).
- Chương X: Xóa án tích
Gồm 05 điều (từ Điều 69 - Điều 73).
- Chương XI: Những quy định đối với pháp nhân thương mại phạm tội
Gồm 16 điều (từ Điều 74 - Điều 89).
- Chương XII: Những quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
Gồm 18 điều (từ Điều 90 - Điều 107).
- Chương XIII Các tội xâm phạm an ninh quốc gia
Gồm 15 điều (từ Điều 108 - Điều 122).
- Chương XIV: Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự
con người
Gồm 34 điều (từ Điều 123 - Điều 156)
- Chương XV: Các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân
chủ của công dân
Gồm 11 điều (từ Điều 157 - Điều 167).
- Chương XVI: Các tội xâm phạm sở hữu
Gồm 13 điều (từ Điều 168 - Điều 180).
- Chương XVII: Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình
Gồm 07 điều (từ Điều 181 - Điều 187).
- Chương XVIII: Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế
Gồm 47 điều (từ Điều 188 - Điều 234).
- Chương XIX: Các tội phạm về môi trường
Gồm 12 điều (từ Điều 235 - Điều 246).
- Chương XX: Các tội phạm về ma túy
Gồm 13 điều (từ Điều 247 - Điều 259).
- Chương XXI: Các tội phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng
Gồm 70 điều (từ Điều 260 - Điều 329).
- Chương XXII: Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính
Gồm 22 điều (từ Điều 330 - Điều 351).
- Chương XXIII: Các tội phạm về chức vụ
Gồm 15 điều (từ Điều 352 - Điều 366).
- Chương XXIV: Các tội xâm phạm hoạt động thư pháp
Gồm 25 điều (từ Điều 367 - Điều 391)
- Chương XXV: Các tội xâm phạm nghĩa vụ trách nhiệm của quân nhân và
trách nhiệm của người phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu
Gồm 29 điều (từ Điều 392 - Điều 420).
- Chương XXVI: Các tội phá hoại hòa bình chống loài người và tội phạm
chiến tranh.
Gồm 05 điều (từ Điều 421 - Điều 425).
II. PHÒNG, CHỐNG TỘI XÂM PHẠM NHÂN PHẨM, DANH DỰ CON
NGƯỜI
1. Khái niệm nhân phẩm, danh dự của con người
Nhân phẩm, danh dự của con người là những yếu tố về tinh thần, bao gồm phẩm
giá, giá trị, sự tôn trọng, tình cảm yêu mến của những người xung quanh, của xã hội đối
với người đó. Hành vi xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người là làm cho người
đó bị xúc phạm, tổn thương về tinh thần và xấu hổ đối với những người xung quanh,
người trong gia đình, tập thể, trong nhân dân, trong xã hội tùy thuộc vào vị thế, vai trò
và nhiệm vụ, tuổi tác của người đó và mức độ của hành vi phạm tội.
2. Đặc điểm của tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người
Các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người là những hành vi nguy
hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ Luật hình sự, do người có năng lực trách
nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện một cách có lỗi xâm
phạm quyền được tôn trọng và bảo vệ về nhân phẩm, danh dự của người khác.
Các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người được quy định trong Bộ
Luật hình sự có các đặc điểm sau:
Thứ nhất, các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người là những hành
vi nguy hiểm cho xã hội
Các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người không phải là hành vi
của con người chung chung mà là hành động cụ thể, được chủ thể nhận thức và điều
khiển, có nội dung trái với yêu cầu và đòi hỏi của pháp luật hình sự. Hành vi của con
người không thể và chưa thể là tội phạm nếu nó chưa mang tính nguy hiểm cho xã hội
dưới những dạng nhất định; hành vi đó bao gồm hành động phạm tội và không hành
động phạm tội. Do đó, đặc điểm của các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con
người phải là những hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Thứ hai, các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người phải được quy
định trong Bộ Luật hình sự
Như mọi tội phạm khác, các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người
phải là những hành vi đã được quy định trong Bộ Luật hình sự, xâm hại tới khách thể
được luật hình sự bảo vệ, đó là quyền bất khả xâm phạm về nhân phẩm, danh dự của
con người.
Phần chung của Bộ Luật hình sự quy định dấu hiệu pháp lý chung của tội phạm.
Phần các tội phạm quy định dấu hiệu pháp lý đặc trưng của các tội xâm phạm nhân
phẩm, danh dự của con người được quy định tại một số điều luật trong Chương XIV
Bộ Luật hình sự năm 2017 bao gồm các điều luật từ 141 đến 149.
Thứ ba, các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người được thực hiện
một cách có lỗi của người phạm tội
Việc khẳng định lỗi của các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người
như một đặc điểm cơ bản của nhóm tội phạm này là sự khẳng định chính sách hình
sự của Nhà nước ta trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm đối với các tội
xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người là “không chấp nhận quy tội khách
quan, nghĩa là quy trách nhiệm hình sự cho người chỉ căn cứ vào việc người đó thực
hiện hành vi gây thiệt hại cho xã hội mà không căn cứ vào lỗi của họ” . Dấu hiệu lỗi
của người phạm các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người nói lên thái
độ tâm lý chủ quan của họ. Chỉ đối với những người có lỗi, việc áp dụng hình phạt
và các chế tài hình sự khác mới thực sự có ý nghĩa giáo dục, cải tạo và trừng trị họ.
Thứ tư, các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người do người có
năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện
Tùy vào từng tội phạm xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người cụ thể
cũng như mức cao nhất của khung hình phạt mà Bộ Luật hình sự quy định cho mỗi tội
phạm đó, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự khác nhau. Có trường hợp từ 16 tuổi trở lên,
nhưng cũng có trường hợp từ đủ 14 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm về các tội xâm
phạm nhân phẩm, danh dự của con người theo quy định của Bộ Luật hình sự.
3. Các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người
a) Các tội xâm phạm tình dục
Tội xâm phạm tình dục là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định
trong Bộ Luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách
cố ý xâm phạm đến quyền được tôn trọng về nhân phẩm, danh dự của người khác,
làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường cả về thể chất và tinh thần của họ.
Nhóm tội xâm phạm tình dục được quy định trong Bộ Luật hình sự năm 2015
(sửa đổi, bổ sung năm 2017) gồm các tội: Tội hiếp dâm (Điều 141); Tội hiếp dâm
người dưới 16 tuổi (Điều 142); Tội cưỡng dâm (Điều 143); Tội cưỡng dâm người từ
đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144); Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ
tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145); Tội dâm ô đối với
người dưới 16 tuổi (Điều 146); Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu
dâm (Điều 147).
b) Các tội mua bán người
Đây là tội xâm phạm đến sức khoẻ con người, xâm phạm đến quyền bất khả xâm
phạm về thân thể con người. Thực tế hiện nay ở nước ta, lợi dụng nhu cầu của những
bệnh nhân cần thay thế một bộ phận cơ thể, trong xã hội đã xuất hiện những nhóm người
môi giới, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người.
Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định rõ một số tội
danh mua bán người, gồm: Tội mua bán người (Điều 150); Tội mua bán người dưới
16 tuổi (Điều 151); Tội đánh tráo người dưới 01 tuổi (Điều 152); Tội chiếm đoạt
người dưới 16 tuổi (Điều 153); Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể
người (Điều 154).
c) Các tội làm nhục người khác
Đây là hành vi phạm tội hành hạ người khác xâm phạm đến quyền được bảo hộ
về thân thể, sức khoẻ, uy tín, nhân phẩm, danh dự của người khác.
Trong Bộ Luật hình sự năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định tại
Điều 140 - Tội hành hạ người khác; Điều 155 - Tội làm nhục người và Điều 156 - Tội
vu khống.
d) Nhóm tội khác như
Hành vi phạm tội lây truyền HIV cho người khác và cố ý truyền HIV cho người
khác “cũng làm ảnh hưởng đến nhân phẩm, danh dự con người”. Các hành vi phạm
tội lây truyền HIV cho người khác (Điều 148) và cố ý truyền HIV cho người khác
(Điều 149) làm tổn thương đến sức khoẻ của người khác, bên cạnh đó, các hành vi
phạm tội này còn làm ảnh hưởng đến tinh thần của nạn nhân.
Trên thực tế, nạn nhân của những hành vi phạm tội này sẽ bị nhiễm HIV, vì thế
họ mang tâm lý mặc cảm, lo sợ người khác kỳ thị; khi bị cộng đồng, tập thể, gia đình
phát hiện HIV, bản thân nạn nhân khó chứng minh bản thân là nạn nhân của các hành
vi phạm tội trên mà thường bị quy chụp là “vi phạm các tệ nạn xã hội” (như quan hệ
tình dục với người hành nghề mại dâm hoặc sử dụng ma tuý). Chính những hệ luỵ của
hành vi phạm tội này đã làm cho nạn nhân ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân phẩm,
danh dự của bản thân họ.
4. Một số biện pháp phòng, chống các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự
của con người
a) Các biện pháp về kinh tế-xã hội
Đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng
công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên các địa bàn. Nâng cao dân trí, thu hẹp khoảng cách
giàu - nghèo và bất bình đẳng xã hội. Các địa phương huy động và lồng ghép các
nguồn lực xã hội để đẩy mạnh đầu tư ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó
khăn, nhằm giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chế
độ, chính sách với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo.
Tăng cường mở các lớp đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động ở các
địa phương, đặc biệt ưu tiến đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người dân ở vùng sâu,
vùng xa. Có chính sách xoá mù chữ cho phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, tạo cơ hội
học tập cho trẻ em thông qua các biện pháp miễn giảm học phí, hỗ trợ cơ sở vật chất;
mở các lớp tình thương cho trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đặc biệt
chú trọng gắn kiến thức văn hoá cho học sinh với giáo dục kỹ năng sống để trẻ em,
phụ nữ tự bảo vệ mình trước các nguy cơ bị xâm hại.
b) Các biện pháp về văn hoá-giáo dục
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tội xâm
phạm nhân phẩm, danh dự trong cộng đồng dân cư, xác định đây là nhiệm vụ thường
xuyên, liên tục cần được triển khai sâu rộng với nhiều hình thức, đa dạng, phong phú
phù hợp với từng đối tượng, vùng miền và địa phương.
Đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền phù hợp với từng vùng,
miền, từng đối tượng, coi trọng các biện pháp truyền thống như: truyền miệng, in ấn
tờ rơi, pa-nô, áp phích, tranh ảnh biếm họa, nhất là tuyên truyền qua hệ thống loa
truyền thanh của các thôn, bản, khu phố...
c) Tăng cường giáo dục của gia đình, nhà nước và xã hội
Đối với mỗi gia định cần phải quan tâm và có chiến lược giáo dục con cháu
hiệu quả, tạo nên một gia đình có truyền thống, nền nếp gia phòng để con cháu phấn
đấu để xứng đáng với truyền thống của gia đình. Giáo dục bằng cách cách nêu gương
của cha mẹ, anh, chị trong gia định của như lối sống, ứng xử đúng mực của mình
người xung quanh để từ đó con cái học tập, noi theo; cha mẹ phải gương mẫu trong
mọi lời nói, hành động, tránh xa các vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã
hội…
Đối nhà trường cần chú trọng đến giáo dục cả đạo đức lẫn kiến thức; lồng ghép
nội dung giáo dục giới tính, sức khoẻ sinh sản cho học sinh; giáo dục cho học sinh
(đặc biệt bé gái) biết cách phòng vệ và tránh những nguy cơ có thể dẫn đến các hành
vi xâm phạm tình dục và buôn bán người.
Đối với đoàn thể xã hội tăng cường các hình thức tuyên truyền, giáo dục để mọi
người cảnh giác trước các hành vi phạm tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con
người.
d) Tăng cường quản lý nhà nước về an ninh, trật tự xã hội ở các địa phương
Tăng cường các biện pháp quản lý giáo dục đối với các đối tượng có tiền án,
tiền sự, có biểu hiện vi phạm pháp luật tại cộng đồng; tăng cường trách nhiệm của
chính quyền các cấp trong việc quản lý nhân khẩu, hộ tịch, tạm trú, tạm vắng trên địa
bàn dân cư của tỉnh, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng nhiều đồng bào dân tộc thiểu
số.
Thường xuyên tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân trong đấu tranh,
phòng, chống tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người. Phối hợp với các tổ
chức đoàn thể tích cực vận động quần chúng tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, chủ
động hỗ trợ các lực lượng chức năng tấn công trấn áp tội phạm.
Tăng cường các biện pháp liên quan đến hoạt động phát hiện và xử lý hành vi
phạm các tội xâm phạm nhân phẩm, nhân phẩm của con người. Phối hợp chặt chẽ
giữa lực lượng chức năng, quần chúng nhân dân và các đoàn thể trong việc nâng cao ý
thức pháp luật, nâng cao hiểu biết về các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con
người, chủ động, tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm.
e) Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các chủ thể, lực lượng trong phòng, chống
các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người ở các địa phương
Tăng cường thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, gắn phòng, chống xã
hội với phòng, chống nghiệp vụ. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên
truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an
ninh, trật tự, các nhóm đối tượng có nguy cơ phạm tội và nguy cơ bị xâm hại cao, gắn
với phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa, không có tội phạm, tệ nạn xã hội và các
chương trình phát triển kinh tế-xã hội khác ở địa phương.
Nâng cao tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; tập
trung giải quyết những vấn đề bức xúc về tội phạm và tệ nạn xã hội, không để hình
thành địa bàn phức tạp; ba ngành Công an - Viện Kiểm sát - Tòa án cần tăng cường
công tác phối hợp trong điều tra, tuy tố, xét xử và thi hành án đối với tội phạm xâm
phạm nhân phẩm, danh dự, đồng thời tổ chức xét xử lưu động các vụ án điểm phục vụ
công tác phòng, chống tội phạm này.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, khắc phục sơ hở, thiếu
sót trong công tác quản lý nhằm phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là
các lĩnh vự quản lý cư trú.
III. VAI TRÒ, TRÁCH NHIỆM CỦA SINH VIÊN
1. Sinh viên phải có nhận thức đúng đắn về vai trò, trách nhiệm của công dân
đối với công tác phòng, chống tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người.
2. Sinh viên phải tự giác chấp hành các quy định về phòng, chống các tội xâm
phạm nhân phẩm, danh dự của con người ở nhà trường và địa phương nơi cư trú.
3. Tích cực tham gia vào các phong trào phòng, chống các tội xâm phạm nhân
phẩm, danh dự của con người ở địa phương, nơi học tập công tác.
4. Nâng cao ý thức cảnh giác, tích cực tham gia hoạt động phòng chống tội
phạm ở địa phương, phát hiện những hiện tượng tiêu cực, những hành vi vi phạm
pháp luật cung cấp cho cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn và giải quyết.
KẾT LUẬN
Con người luôn là vấn đề quan trọng hàng đầu của mọi chính sách xã hội và
pháp luật. Bảo vệ con người trước hết là bảo vệ tính mạng, sức khỏe, bảo vệ nhân
phẩm, danh dự của họ, vì đó là những vấn đề có ý nghĩa quan trọng hàng đầu đối với
con người. Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy
định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về
sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay
bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khoẻ, xúc phạm danh dự,
nhân phẩm”. Bộ Luật hình sự chính là cơ chế bảo vệ hữu hiệu đối với danh dự nhân,
phẩm của con người, tránh khỏi sự xâm hại đến từ các chủ thể khác.
Sinh viên cần đề cao vai trò, trách nhiệm trong bảo vệ tính mạng, sức khỏe,
nhân phẩm, danh dự của chính bản thân mình; đồng thời tuyên truyền, vận động nhân
dân chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, đề cao cảnh giác, tố giác tội phạm xây
dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ
quốc góp phần bảo vệ an ninh, chính trị, an toàn xã hội ở địa phương mình một cách
hiệu quả.
NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
1. Nhận thức của anh (chị) về tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người
được quy định trong Bộ Luật hình sự hiện hành? Hãy đề xuất một số nội dung, biên
pháp phòng, chống tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người?
2. Vai trò, trách nhiệm của sinh viên trong công tác phòng, chống tội xâm phạm
nhân phẩm, danh dự của con người ở tập thể mình công tác?

You might also like