You are on page 1of 11

1. Anh (chị) hãy trình bày khái niệm pháp luật ?

Phân tích các thuộc tính


của pháp luật ?
1.1. Định nghĩa
Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do nhà nước
được ban hành hoặc thừa nhận và đảm bảo thực hiện, thể hiện ý chí của giai cấp thống
trị và là nhân tố điều chỉnh các quan hệ xã hội phát triển phù hợp với lợi ích của giai
cấp mình.
1.2. Các thuộc tính cơ bản của pháp luật:
- Tính quy phạm phổ biến
Pháp luật mang tính phổ biến. Các quy phạm pháp luật có hiệu quả đối với tất cả
các cá nhân, tổ chức trong phạm vi cả nước trong khi các quy phạm tôn giáo, quy
phạm tập quán chỉ tác động lên một đối tượng chủ thể nhất định hay một địa phương
nhất định.
Ví dụ: Quy định khi điều khiển xe gắn máy hoặc các loại xe có kết cấu tương tự
phải đội mũ bảo hiểm. Với các quy định này, tất cả mọi người trên lãnh thổ Việt Nam
khi điều khiển xe gắn máy hoặc các loại xe có kết cấu tương tự đều phải tuân thủ.
- Tính xác định chặt chẽ về mặt hình thức
Pháp luật mang tính xác định chặt chẽ về hình thức. Hình thức chặt chẽ của pháp
luật được thể hiện như sau:
+ Thứ nhất, nội dung của pháp luật được thể hiện bằng những hình thức xác định.
Pháp luật không phải là hiện tượng trừu tượng mà con người không thể hoặc khó có
thể nhận thức được; trái lại, pháp luật luôn thể hiện bằng những hình thức nhất định.
Thông qua đó, con người có thể nhận thức được nội dung các quy định của pháp luật.
Thông thường, nội dung các quy phạm pháp luật thể hiện thông qua các hình thức như
các văn bản quy phạm pháp luật, các bản án của Tòa án (án lệ) và các tập quán đã
được nhà nước thừa nhận,
+ Thứ hai, để đảm bảo tính chặt chẽ về hình thức thì nội dung của các quy tắc
pháp luật cần phải được thể hiện bằng ngôn ngữ pháp lí. Nội dung các quy phạm pháp
luật phải cụ thể, chính xác, rõ ràng, một nghĩa và có khả năng áp dụng trực tiếp. Một
quy phạm pháp luật không thể diễn đạt bằng ngôn ngữ mập mờ, khó hiểu hoặc đã
nghĩa. Nếu vậy thì không thể áp dụng pháp luật một cách thống nhất và sự thống nhất
của pháp chế cũng bị đe doạ. Mặt khác, điều này sẽ tạo ra những kẽ hở pháp luật và rất
có thể có những người lợi dụng những kẽ hở này mà thực hiện những hành vi sai trái.
- Tính được bảo đảm bằng nhà nước
Pháp luật được nhà nước bảo đảm thực hiện bằng nhiều hình thức và biện pháp
khác nhau. Đó là các biện pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật để các chủ thể trong
xã hội có ý thức pháp luật và tự giác thực hiện pháp luật. Nhà nước cũng bảo đảm hiệu
lực của các quy phạm pháp luật bằng các biện pháp cưỡng chế khi cần thiết.
Pháp luật được bảo đảm bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước. Để bảo đảm
cho pháp luật được thực thi, nhà nước có cả một bộ máy chuyên làm nhiệm vụ cưỡng
chế như quân đội, cảnh sát, trại giam.
2. Anh (chị) hãy trình bày khái niệm vi phạm pháp luật ? Dấu hiệu vi phạm
pháp luật ?
2.1. Khái niệm vi phạm pháp luật
Vi phạm pháp luật là hành vi nguy hiểm cho xã hội, trái pháp luật, do người có
năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm hại hoặc đe dọa
xâm hại đến các quan hệ xã hội được nhà nước xác lập và bảo vệ.
Ví dụ: A lén lút chiếm đoạt một xe mô tô (Dream) trị giá 30 triệu đồng của B nên
A đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật (trộm cắp tài sản của công dân)
Do thù oán với A, B lén lút bỏ thuốc độc vào thức ăn của A, nhưng A không dùng
thức ăn đó, A không chết nên B đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật (phạm tội giết
người).
2.2. Các dấu hiệu của vi phạm pháp luật
- Dấu hiệu thứ nhất: Hành vi xác định của con người,
Vi phạm pháp luật trước hết phải là hành vi xác định của chủ thể (được thể hiện ra
thế giới khách quan dưới dạng hành động và không hành động của con người), mang
tính nguy hiểm cho xã hội (gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại cho những quan hệ
xã hội được nhà nước xác lập và bảo vệ).
Ví dụ: Hành vi giết người được thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành
động như A dùng súng bắt chết B vi phạm pháp luật được thể hiện ra bên ngoài bằng
hành động (xử sự chủ động của con người); hoặc A (mẹ) không cho con bú trong 02
ngày dẫn đến cái chết của con mình là trẻ sơ sinh bị dị tật nặng vi phạm pháp luật
được thể hiện dưới hình thức không hành động (xử sự thụ động).
- Dấu hiệu thứ hai: Vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật.
Những biểu hiện của hành vi trái pháp luật như:
+ Chủ thể làm một việc mà pháp luật cấm (A thực hiện hành vi trộm cắp, giết
người).
+ Chủ thể sử dụng quyền hạn vượt quá giới hạn mà pháp luật cho phép (giết
người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng).
+ Chủ thể không thực hiện nghĩa vụ mà nhà nước bắt buộc (chủ DNTN không
thực hiện nghĩa vụ đóng thuế; bên mua trong hợp đồng mua bán tài sản không thanh
toán cho bên bán tài sản khi đã nhận tài sản).
- Dấu hiệu thứ ba: Vi phạm pháp luật phải chứa đựng lỗi của chủ thể.
Lỗi là trạng thái tâm lí phản ánh thái độ tiêu cực của chủ thể đối với hành vi nguy
hiểm cho xã hội mà mình đã thực hiện và hậu quả nguy hiểm hoặc nguy cơ gây hậu
quả nguy hiểm cho xã hội mà mình gây ra, thể hiện dưới hai hình thức là cố ý hoặc vô
ý.
Người thực hiện hành vi trái pháp luật chỉ bị xem là có lỗi khi hành vi mà chủ thể
đã thực hiện là kết quả của sự lựa chọn, quyết định của họ, trong khi người đó có đủ
điều kiện khách quan và chủ quan để lựa chọn một cách xử sự khác phù hợp với pháp
luật.
Ví dụ: A không có lỗi trong tình huống sau: A điều khiển xe gắn máy tham gia
giao thông với tốc độ 20 – 25km/h trên đường bộ trong khu vực đông dân cư (tốc độ
tối đa cho phép là 40km/h). B là người điểu khiển xe đạp trước mặt A, đã đột ngột lăng
xe ra giữa đường để chuyển hướng Vì vậy, bánh xe trước của A xổ mạnh vào phía sau
xe đạp của B, B bị ngã xuống đường bê tông nhựa, gãy tay. Hành vi gây tai nạn giao
thông đó thực hiện trong điều kiện A không thể lựa chọn một cách xử sự khác phù hợp
với pháp luật được. A không có lỗi đối với hành vi trái pháp luật mà mình đã gây ra,
- Dấu hiệu thứ tư: Vi phạm pháp luật phải là hành vi do người có năng lực
trách nhiệm pháp lý thực hiện,
Năng lực trách nhiệm pháp lí là khả năng của chủ thể vi phạm pháp luật, vào thời
điểm thực hiện hành vi, họ hoàn toàn có khả năng nhận thức được tính chất nguy hiểm
cho xã hội và hậu quả của hành vi mà mình thực hiện; khả năng điều khiển được hành
vi khả năng tự chịu trách nhiệm pháp lí về hành vi của mình.
Để xác định chủ thể của hành vi trái pháp luật có được những khả năng đó hay
không, nhà nước đã căn cứ vào độ tuổi và khả năng lí trí của chủ thể vào thời điểm họ
thực hiện hành vi trái pháp luật để quy định vấn đề trên.
Ví dụ: Trong lĩnh vực hình sự, nhà nước ta quy định, cá nhân có năng lực trách
nhiệm hình sự là người từ đủ 14 tuổi, có năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ là người
từ đủ 16 tuổi, không mắc bệnh tâm thần hoặc một loại bệnh khác làm mất khả năng
nhận thức, làm chủ hành vi, Người đủ 14 tuổi là chủ thể của tội phạm rất nghiêm
trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Người đủ 16 tuổi là chủ thểcủa mọi tội phạm
mà họ gây ra.
3. Anh (chị) hãy nêu khái niệm hợp đồng lao động, các loại hợp đồng lao
động ?
3.1. Khái niệm hợp đồng lao động
Theo Điều 15 BLLĐ, HĐLĐ là sự thoả thuận giữa NLĐ và NSDLĐ về việc làm
có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong HĐLĐ.
3.2. Các loại hợp đồng lao động
Theo quy định tại Điều 22 BLLĐ, HĐLĐ phải được giao kết theo một trong các
loại sau đây:
- HĐLĐ không xác định thời hạn: là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác
định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng,
- HĐLĐ xác định thời hạn: là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn,
thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến
36 tháng.
- HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12
tháng.

4. Anh (chị) hãy phân tích và cho ví dụ các loại vi phạm pháp luật ?
Căn cứ vào tính chất nguy hại cho xã hội của hành vi; tính chống đối xã hội của
chủ thể; mức độ gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại cho xã hội và loại chế tài dự
kiến áp dụng đối với chủ thể vi phạm pháp luật, vi phạm pháp luật được phân loại
thành: vi phạm hình sự (tội phạm); vi phạm hành chính; vi phạm dân sự; vi phạm kỉ
luật.
- Vi phạm hình sự (tội phạm):
Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự,
do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm
phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc; xâm phạm chế độ
chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội,
quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức; xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân
phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân; xâm phạm các
lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa”.
Ví dụ: A trộm cắp 10.000.000 đồng của B.
- Vi phạm hành chính:
Là hành vi (hành động hoặc không hành động) nguy hiểm cho xã hội, trái pháp
luật, có lỗi (cố ý hoặc vô ý) do cá nhân có năng lực trách nhiệm hành chính hoặc tổ
chức thực hiện, xâm phạm trật tự nhà nước và xã hội, các quy tắc quản lí, sở hữu nhà
nước, tổ chức, tư nhân), các quyền, tự do và các lợi ích hợp pháp của công dân mà
không phải là tội phạm hình sự và theo quy định của pháp luật phải chịu trách nhiệm
hành chính.
Ví dụ: Công ty trách nhiệm hữu hạn do A làm chủ, trốn thuế 80.000.000 đồng
- Vi phạm pháp luật dân sự:
Là hành vi nguy hại cho xã hội, trái pháp luật, có lỗi do cá nhân có năng lực trách
nhiệm pháp lí hoặc tổ chức có nghĩa vụ mà không thực hiện, thực hiện không đúng
nghĩa vụ gây ra; hoặc gây thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần cho các chủ thể khác mà
theo quy định của pháp luật, họ phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại.
Ví dụ: A thuê nhà của B, nhưng 03 tháng liên tiếp A không thanh toán tiền thuế
nhà cho B mà không có lí do.
- Vi phạm kỉ luật:
Là hành vi nguy hại cho xã hội, trái pháp luật (không thực hiện đúng kỉ luật lao
động, học tập, công tác), có lỗi do cán bộ công chức nhà nước thi hành công vụ hoặc
thực hiện nhiệm vụ trong quá trình tiến hành tố tụng gây ra, gây thiệt hại về tài sản cho
cơ quan, đơn vị mình; hoặc xâm hại đến quyền tự do, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ
chức khác bởi các quyết định áp dụng trái pháp luật, gây hậu quả nguy hại, ảnh hưởng
xấu đến uy tín của cơ quan, ngành nghề, lĩnh vực hoạt động của chủ thể, theo quy định
của pháp luật họ phải gánh chịu chế tài kỉ luật, gánh chịu trách nhiệm vật chất thông
qua việc bồi thường thiệt hại hoặc hoàn trả khoản bổi thường thiệt hại tài sản cho cơ
quan, đơn vị mình.
Ví dụ: A là viên chức làm việc trong cơ quan nhà nước đã vi phạm kỉ luật lao
động, không chấp hành nội quy của cơ quan về thời gian làm việc.
5. Phân tích cơ cấu của quy phạm pháp luật? Văn bản quy phạm pháp luật
là gì ? Liệt kê một số văn bản Luật do Quốc Hội ban hành trong thời gian gần
đây ?
5.1. Cơ cấu của quy phạm pháp luật
Về phương diện kĩ thuật, quy phạm pháp luật được hợp thành từ ba bộ phận: giả
định, quy định và chế tài.
Giả định
- Khái niệm: Giả định là một bộ phận của quy phạm pháp luật trong đó nêu lên
những hoàn cảnh, điều kiện có thể xảy ra trong đời sống thực tế mà cá nhân hay tổ
chức sẽ gặp và phải làm theo hướng dẫn của quy phạm pháp luật..
Ví dụ: Khoản 1, Điều 148 BLHS năm 2015 quy định: “Người nào biết mình bị
nhiễm HIV mà cố ý lây truyền HIV cho người khác, trừ trường hợp nạn nhân đã biết
về tình trạng nhiễm HIV của người bị HIV và tự nguyện quan hệ tình dục, thì bị phạt
tù từ 01 năm đến 03 năm”.
- Vai trò: Giả định xác định phạm vi tác động của pháp luật tới các quan hệ xã
hội. Phạm vi tác động được xác định dựa trên một trong hai yếu tố là điều kiện, hoàn
cảnh, tình huống... và chủ thể hoặc trong nhiều trường hợp phải xác định dựa trên cả
hai yếu tố này.
- Yêu cầu: Nội dung những hoàn cảnh, điều kiện, tình huống... nêu trong phần giả
định phải đầy đủ rõ ràng, chính xác, sát với thực tế.
- Cách xác định: Để xác định bộ phận giả định trong quy phạm, những nội dung
nào trả lời cho câu hỏi chủ thể nào, trong hoàn cảnh, điều kiện nào
- Phân loại: Căn cứ vào số lượng hoàn cảnh, điều kiện, giả định được chia thành
hai loại.
+ Giả định giản đơn: chỉ nêu lên một hoàn cảnh, điều kiện, hoặc nêu lên nhiều
hoàn cảnh, điều kiện nhưng giữa chúng không có mối liên hệ ràng buộc lẫn nhau.
+ Giả định phức tạp: nêu lên nhiều hoàn cảnh, điều kiện và giữa chúng có mối
liện hệ ràng buộc lẫn nhau.
Quy định
- Khái niệm: Quy định là bộ phận trung tâm của quy phạm pháp luật, trong đó
nêu lên cách thức xử sự mà cá nhân hay tổ chức ở vào hoàn cảnh, điều kiện đã nếu
trong bộ phận giả định được phép hoặc buộc phải thực hiện.
Bộ phận quy định của quy phạm pháp luật chứa đựng mệnh lệnh của Nhà nước,
Thông qua phần quy định, chủ thể trong hoàn cảnh, điều kiện đã nêu trong bộ phận giả
định biết được mình được làm gì, không được làm gì: phải làm theo cách thức như thế
nào? Như vậy, bộ phận quy định thường chỉ ra các quyền mà các chủ thể được hưởng
hoặc những nghĩa vụ pháp lí mà họ phải thực hiện.
Ví dụ: Điều 173, BLDS năm 2015 quy định về nghĩa vụ tôn trọng, bảo đảm trật tự
xã hội: “Khi thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản thì chủ thể phải tôn
trọng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, không được lạm dụng quyết để gây mất trật tự,
an toàn xã hội, làm thiệt hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền, lợi
ích hợp pháp của người khác”. Bộ phận quy định của quy phạm là: gây mất trật tự, an
toàn xã hội, làm thiệt hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền, lợi
ích hợp pháp của người khác”.
- Vai trò: Quy định của quy phạm pháp luật chứa đựng mệnh lệnh của Nhà nước,
là sự mô hình hoá ý chí của Nhà nước, cụ thể hoá cách thức xử sự của các chủ thể khi
tham gia vào quan hệ pháp luật.
- Yêu cầu: Mức độ chính xác, rõ ràng, chặt chẽ của bộ phận quy định là một trong
những điều kiện bảo đảm nguyên tắc pháp chế.
- Cách xác định: Bộ phận quy định trong quy phạm là những từ trả lời cho câu hỏi
“chủ thể sẽ xử sự như thế nào?
- Phân loại; Căn cứ vào mệnh lệnh được nêu trong trong bộ phận quy định, có hai
loại quy định.
+ Quy định dứt khoát: chỉ nêu một cách xử sự và các chủ thể buộc phải xử sự
theo mà không có sự lựa chọn,
+ Quy định không dứt khoát; nêu ra hai hoặc nhiều cách xử sự và các tổ chức
hoặc cá nhân có thể lựa chọn cách xử sự.
Chế tài
- Khái niệm: Chế tài là một bộ phận của quy phạm pháp luật, nêu lên các biện
pháp tác động mà nhà nước dự kiến áp dụng đối với cá nhân hay tổ chức nào không
thực hiện đúng mệnh lệnh của Nhà nước đã nêu ở bộ phận quy định của quy phạm
pháp luật.
Ví dụ: Khoản 1, Điều 228, BLHS năm 2015 quy định về tội vi phạm các quy định
về sử dụng đất đai: "Người vào lấn chiếm đất, chuyển giayền sử dụng đất hoặc sử
dụng đất trái với các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, đã bị xử
phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án
tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng phạt
cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.
Bộ phận chế tài là: “.. bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng phạt
cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.
+ Chế tài dân sự: là các biện pháp xử lí do Toà án nhân dân hoặc trọng tài kinh tế
áp dụng đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật dân sự.
+ Chế tài kỉ luật: là biện pháp xử lí do thủ trưởng cơ quan nhà nước hoặc thủ
trưởng cơ quan cấp trên nơi có cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên vi phạm kỉ luật
lao động học tập, công tác.
5.2. Văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam
Văn bản quy phạm pháp luật là một hình thức văn bản do cơ quan nhà nước ban
hành hoặc phối hợp ban hành theo thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục luật định,
trong đó có các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung, được nhà nước bảo đảm thực
hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội cơ bản và được áp dụng nhiều lần trong đời
sống xã hội".
Ví dụ: Văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành là bộ luật, luật và nghị
quyết.
6. Thừa kế là gì ?Có mấy loại thừa kế ? Khi nào thì chia thừa kế theo pháp
luật ? Pháp luật quy định như thế nào về chia thừa kế theo pháp luật ?
Thừa kế là thừa kế là việc chuyển dịch tài sản của người đã chết cho người còn
sống, tài sản để lại được gọi là di sản.
Thừa kế được chia thành thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc.
Chia thừa kế theo pháp luật khi:
– Không có di chúc;
– Di chúc không hợp pháp;
– Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với
người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại
vào thời điểm mở thừa kế;
– Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền
hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Thừa kế theo pháp luật áp dụng với các phần di sản:
- Không được định đoạt trong di chúc;
- Có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
- Có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền
hưởng di sản; từ chối nhận di sản; chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người
lập di chúc
Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế:
- Hàng thừa kế thứ nhất: Vợ, chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi
của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai: Ông bà nội, ngoại; anh, chị, em, ruột của người chết;
cháu ruột gọi người chết là ông bà nội, ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba: Cụ nội, ngoại; bác, chú, cậu, cô, dì ruột; cháu gọi người
chết là bác, chú, cô, dì ruột; chắt gọi người chết là cụ nội, ngoại.
7. Anh (chị) hãy trình bày các giai đoạn tiến hành giải quyết vụ án hình sự ?
7.1. Khởi tố vụ án hình sự
Giai đoạn khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn đầu tiên của quá trình tố tụng hình
sự. Trong giai đoạn này, các cơ quan có thẩm quyền tố tụng tiến hành tiếp nhận, giải
quyết thông tin về tội phạm, ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự.
Việc kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội
phạm. Cơ quan điều làm nhiệm vụ tiếp nhận tin, giải quyết tin và ra quyết định khởi tố
hay không khởi tố vụ án.
Theo đó, chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác
định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ:
– Tố giác của cá nhân;
– Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
– Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng;
– Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước;
– Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm;
– Người phạm tội tự thú.
7.2. Điều tra vụ án hình sự
Giai đoạn điều tra vụ án hình sự là giai đoạn cơ quan điều tra, cơ quan được giao
nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tiến hành các biện pháp điều tra hợp
pháp, thu thập chứng cứ, tài liệu để xác định tội phạm và người phạm tội; xác định
thiệt hại do tội phạm gây ra; xác định nguyên nhân và điều kiện phạm tội, yêu cầu cơ
quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp khắc phục và ngăn ngừa.
Giai đoạn này bắt đầu từ sau khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự và kết thúc ở
việc Cơ quan điều tra ra bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc kết luận điều tra
đình chỉ điều tra. Trong giai đoạn này, Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm
sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra vụ án hình sự.
7.3. Truy tố
Giai đoạn truy tố là giai đoạn Viện kiểm sát tiến hành các biện pháp do pháp luật
quy định để xem xét quyết định việc truy tố bị can ra Tòa án để xét xử. Giai đoạn truy
tố bắt đầu khi Viện kiểm sát nhận được hồ sơ kèm bản kết luận điều tra đề nghị truy tố
của Cơ quan điều tra và kết thúc khi Viện kiểm sát quyết định truy tố bị can trước Tòa
án bằng bản cáo trạng hoặc bằng quyết định truy tố (theo thủ tục rút gọn) hoặc ra quyết
định đình chỉ vụ án.
Trong giai đoạn truy tố, ngoài chức năng truy tố, Viện kiểm sát còn có nhiệm vụ,
quyền hạn kiểm sát việc tuân theo pháp luật của những người tham gia tố tụng; yêu
cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người
tham gia tố tụng vi phạm pháp luật; kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện
pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.
7.4. Xét xử vụ án hình sự
Giai đoạn xét xử vụ án hình sự là giai đoạn tòa án tiến hành các biện pháp do
pháp luật quy định để xét xử vụ án, ra bản án đối với người bị Viện kiểm sát truy tố và
Tòa án quyết định đưa ra xét xử. Giai đoạn xét xử bắt đầu sau khi Tòa án thụ lý hồ sơ
vụ án kèm theo bản cáo trạng hoặc quyết định truy tố (theo thủ tục rút gọn) của Viện
kiểm sát.
Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy
tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử. Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản
khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội
khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố. Trường hợp xét thấy cần xét
xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để
Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị
cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có
quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.
Trong giai đoạn xét xử, Tòa án tiến hành xét xử sơ thẩm và nếu có kháng cáo,
kháng nghị thì tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án. Bản án, quyết định của Tòa án sơ
thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật và được đưa ra thi
hành.
Bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng
cáo hoặc kháng nghị thì phải đưa ra xét xử lại vụ án theo thủ tục phúc thẩm. Quyền
kháng cáo thuộc về bị cáo, người bào chữa, bị hại, nguời có quyền lợi nghĩa vụ liên
quan đến vụ án,… Quyền kháng nghị thuộc về Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và cấp
trên của Tòa án sơ thẩm. Khi xét xử Hội đồng xét xử chỉ xử lại những phần bị kháng
cáo, kháng nghị trong bản án của tòa sơ thẩm, nhưng trên cơ sở xem xét toàn bộ vụ án.
Tòa phúc thẩm có thể ra một trong các quyết định sau: bác kháng cáo, kháng nghị giữ
nguyên bản án sơ thẩm, sửa án sơ thẩm; hủy án sơ thẩm để điều tra hoặc xét xử lại;
hủy án sơ thẩm và đình chỉ vụ án. Bản án, quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật
và được đưa ra thi hành.
7.5. Xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật
Xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật là việc Tòa án tiến
hành xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám
đốc thẩm, tái thẩm hoặc xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân
dân tối cao.
Trường hợp bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát
hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án thì người có thẩm
quyền sẽ kháng nghị và Tòa án sẽ phải mở phiên tòa xét lại bản án, quyết định theo thủ
tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
Trường hợp bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật được
phát hiện có tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định
mà tòa án không biết được khi bản án, quyết định đó thì người có thẩm quyền sẽ ra
quyết định kháng nghị và tòa án phải mở phiên tòa xét lại bản án, quyết định đó theo
thủ tục tái thẩm.
Trường hợp có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân
dân tối cao vó vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới
có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân
dân tối cao không biết được khi ra quyết định đó thì Ủy ban thường vụ Quốc hội có
quyền yêu cầu, Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối
cao có quyền kiến nghị; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có quyền đề nghị Hội đồng
thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại quyết định đó và Hội đồng thẩm phán
tòa án nhân dân tối cao có quyền đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
xem xét lại quyết định đó và Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải mở
phiên họp để xem xét lại quyết định đó.
7.6. Thủ tục thi hành án
Về bản chất, tố tụng hình sự là trình tự, thủ tục giải quyết thông tin về tội phạm
và thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự. Thủ tục thi hành án hình sự
không phải là thủ tục tố tụng hình sự và thi hành án hình sự không phải là giai đoạn
của tố tụng hình sự.

You might also like