You are on page 1of 44

Chương 1: Tổng quan về tang lễ ở Nhật Bản.

I. Các khái niệm cơ bản về tang lễ.


Trong từ điển tiếng Nhật, hai từ “葬儀 - sougi” và “お葬式 - osoushiki”, nếu
xét về mặt ngữ nghĩa thì cả hai đều được người Nhật sử dụng để nói về tang lễ. Tuy
nhiên, về mặt hình thức, “葬儀 - sougi” là dạng viết tắt của “葬送儀礼 - sousou
girei”, đôi khi sẽ được sử dụng để nói về toàn bộ quá trình chuẩn bị - chôn cất -
tưởng nhớ người chết, bao gồm cả những nghi lễ được tổ chức trước - trong - sau
khi chôn cất và có thể kéo dài đến vài năm. Còn “お葬式 - osoushiki” thường được
dùng để ám chỉ những nghi lễ ngắn hạn được tổ chức trong một tang lễ. (Shimane,
1999).
Trong cuốn sách “お葬式とお墓の知恵” của tác giả Futamura Yuusuke
(2005), “葬儀 - sougi” cũng được hiểu là cách viết tắt của “葬送儀礼 - sousou girei”,
còn “ お 葬 式 - osoushiki” là từ ghép giữa “ 葬 儀 - sougi” và “ 告 別 式 -
kokubetsushiki”. “葬儀 - sougi” là từ mang tính tôn giáo, lấy linh hồn của người đã
khuất làm trọng tâm trong các nghi lễ. Còn “告別式 - kokubetsu shiki” thiên về tính
xã hội, với các mục đích như sau: thông báo với mọi người về cái chết; kính trọng,
vinh danh người đã khuất về những đóng góp của họ cho xã hội; bày tỏ lòng biết
ơn; tang quyến thay mặt người đã khuất gửi lời cảm ơn đến những người tham dự
tang lễ. Tuy nhiên ngày nay, người Nhật thường hay sử dụng từ “お葬式 - osoushiki”
khi nói về tang lễ với hàm ý rằng các tang lễ được tổ chức là một chuỗi các nghi lễ
kết hợp đồng thời cả hai yếu tố của “葬儀 - sougi” và “告別式 - kokubetsu shiki”.
Tiếp đến hãy cùng xem qua một số định nghĩa khái quát về tang lễ.
Theo Từ điển Tiếng Việt, tang lễ là những nghi lễ, hoạt động, ứng xử đối với
người chết (Hoàng Phê, 2021). Tang lễ được thực hiện theo những tập quán cổ
truyền của dân tộc và thể hiện quan niệm của cộng đồng về cái chết, về thế giới
người chết và quan hệ giữa người chết và người sống. Dân tộc nào cũng coi tang lễ
là việc rất hệ trọng.
Shimane Katsumi (1999) đã từng định nghĩa rằng: “Tang lễ là một nghi thức đi kèm
với cái chết của một người, hay nói chung hơn là một hệ thống các nghi lễ và nghi
thức liên quan đến việc tiêu hủy một xác chết''. Tuy nhiên, nếu chúng ta giải thích
đám tang theo nghĩa rộng hơn, đó là “các hành vi xã hội đi kèm với cái chết”, thì
cũng có thể hiểu chúng là các thủ tục xã hội khác nhau diễn ra khi cơ thể một người
thay đổi từ cơ thể hữu cơ thành cơ thể vô cơ. Nó bao gồm các quy trình chuẩn bị
cho cơ thể người chết (tắm rửa, hóa trang, ướp xác, hỏa táng, chôn cất, rải tro cốt…)
đến các thủ tục hành chính, thừa kế, phúng điếu, … Theo nghĩa rộng, tang lễ có bốn
chức năng phụ thuộc lẫn nhau và cấu thành nên nội dung chủ yếu của tang lễ. Các
chức năng của tang lễ về cơ bản gồm (1) xử lý xác chết (chôn cất), (2) thừa kế kinh
tế và địa vị xã hội, (3) phục hồi và duy trì các mối quan hệ xã hội, và (4) chia sẻ,
lưu giữ ký ức.
Theo “Từ điển Tôn giáo dân tộc Nhật Bản - 日本民俗宗教事典” (Sasaki,
1998), tang lễ là một loạt các nghi lễ liên quan đến việc xử lý thi thể người đã khuất.
Thuật ngữ này được sử dụng để chỉ khoảng thời gian sau khi chết, cử hành tang lễ
cho đến thời điểm hoàn thành quá trình xử lý thi hài tạm thời như chôn cất hoặc hỏa
táng. Tang lễ có hai chức năng chính đó là xác nhận lại mối quan hệ của những
người còn sống và cầu cho linh hồn người đã khuất được an nghỉ.
Hay trong “Bách khoa toàn thư thế giới - 世界大百科事典”, tang lễ được
định nghĩa các nghi thức được cử hành từ khi xảy ra cái chết cho đến khi tiêu hủy
xác chết, nó đa dạng, phức tạp theo từng thời đại, vùng miền. Tuy nhiên trong phần
định nghĩa này không có đề cập gì đến quan điểm của những người còn sống.
Tương tự, trong “Bách khoa toàn thư về lịch sử địa phương - 郷土史大事典”
(歴史学会, 2005), tang lễ được cử hành để bày tỏ lòng tiếc thương đối với người
chết, cũng có ý kiến cho rằng tang lễ diễn ra trong một thời gian dài, kéo dài đến tận
những nghi lễ tưởng nhớ linh hồn người đã khuất.
Theo giáo sư Fujii Masao tại Đại học Taisho (2000), tang lễ có thể được định
nghĩa là quá trình mà tang quyến (gia đình có người chết) xử lý xác chết và thiết lập
mối quan hệ mới với linh hồn được cho là đã thoát ra khỏi xác chết. Một đám tang
cơ bản gồm 3 bên tham gia: gia đình tang quyến, người chết và linh hồn của người
chết. Tang lễ không chỉ có chức năng tôn giáo mà còn có chức năng xã hội tồn tại
như một phương tiện văn hóa. Về mặt tâm lý, tang lễ được cho có chức năng dung
hòa hai cảm xúc buồn bã và sợ hãi của tang quyến và những người đến dự tang lễ.
Nhìn chung, từ những quan điểm tôn giáo, văn hóa khác nhau mà chức năng
và vai trò của tang lễ có thể được đánh giá đa chiều và có đôi chút khác biệt. Nhưng
về cơ bản có thể định nghĩa tang lễ là quá trình thực hiện các lễ nghi nhằm xử lý thi
thể người chết, dựa trên cơ sở đó để tiếp tục thực hiện các vai trò tôn giáo, xã hội
khác.
II. Chức năng, ý nghĩa của tang lễ.
1. Về mặt xã hội.
Mỗi người khi còn sống đều tự tạo cho những mối quan hệ giữa người người
để giao lưu - kết nối. Vì vậy khi chết đi, tang lễ đóng vai trò như một lời thông báo
về cái chết của người đã khuất. Bên cạnh đó, nó còn có chức năng giới thiệu người
được kế thừa địa vị gia đình - xã hội của người đã khuất, cho biết ai sẽ là người lãnh
đạo gia đình trong tương lai (Yuuki Matsumoto, 2019). Bên cạnh đó, việc phân chia
tài sản và quyền thừa kế cũng được đánh giá là một chức năng của tang lễ. [Yuuki
Matsumoto. (2019). お葬式をする意味は何か. 公益財団法人 生協総合研究所]
2. Về mặt tâm lý.
Cái chết của một người để lại biết bao nỗi tiếc thương và đau buồn cho gia
đình tang quyến và các bên liên quan. Tang lễ đóng vai trò như một quá trình chăm
sóc tinh thần cho gia đình tang quyến và được cho là có ảnh hưởng đến cuộc sống
hàng ngày như công việc và trường học sau tang lễ (Yuuki Matsumoto, 2019).
Và theo Shimane (1992), gia đình tang quyến và những người tham dự tang
lễ cố gắng tưởng niệm về người đã khuất bằng cách cùng nhau chia sẻ những ký ức,
những câu chuyện và cảm xúc về người đó. [Shimane Katsumi 嶋根克己. (1992).
現代における死の受容の形式. 専修人文論集第 50 号, 専修大学]
3. Về mặt giáo dục.
Có thể hiểu rằng việc tham dự một tang lễ là một dịp để nhận ra tầm quan
trọng của cuộc sống, nhận ra rằng mọi người cuối cùng đều sẽ chết đi và thấm thía
được sự quý giá của cuộc sống. Thời gian gần đây, số trường hợp con cháu - họ
hàng vắng mặt trong tang lễ của người thân đang giảm dần, với những lý do như
bận công việc, học hành (Yuuki Matsumoto, 2019).
Một nửa xã hội này được tạo nên từ những người đã khuất. Tuy nhiên, xã hội
hiện đại dường như đã bỏ quên mối quan hệ với những người chết, tạo ra ảo tưởng
rằng xã hội chỉ bao gồm những người sống. (Soeda, 2001). Sở dĩ văn hóa và chuẩn
mực của xã hội chúng ta hình thành một hệ thống nhất định là bởi vì chúng ta kế
thừa những giá trị do tiền nhân tạo ra. Vì vậy, việc đề cao ý nghĩa giáo dục của tang
lễ là điều cần thiết. [Soeda Yoshiya 副田義也. (2001). 死者とのつながり. 副田
義也編 『死の社会学』, 岩波書店]
4. Về mặt tôn giáo.
Như đã trình bày ở phần trên, “葬儀 - sougi” là dạng viết tắt của “葬送儀礼
- sousou girei”, bao gồm một loạt những nghi lễ được cử hành từ lúc chuẩn bị cho
việc an táng, trong lúc an táng và cả những lễ tưởng niệm sau khi an táng. Những
nghi lễ này được cử hành với ý nghĩa cầu nguyện và tưởng nhớ về linh hồn của
người đã khuất. Tùy theo quan niệm của từng tôn giáo mà ý nghĩa của các lễ nghi
nãy sẽ có đôi phần khác nhau. Hàng loạt các nghi lễ được thực hiện trong tang lễ
không chỉ phục vụ chức năng tôn giáo mà còn là một quá trình chữa lành nỗi buồn
trong lòng tang quyến và những người tham dự.
III. Các yếu tố ảnh hưởng đến tang lễ Nhật Bản.
1. Quan niệm truyền thống về sinh tử của người Nhật Bản.
Vào thời cổ đại, vấn đề cốt lõi trong quan điểm của người Nhật về sinh tử là
sự hiểu biết về linh hồn, và họ giữ quan điểm nhị nguyên về linh hồn, nghĩa là tách
biệt linh hồn khỏi thể xác. Cách hiểu của họ về cái chết cũng giống như cách hiểu
của người Trung Quốc cổ đại về "linh hồn", khi thể xác và linh hồn hợp nhất thì con
người sẽ sống khỏe mạnh, khi con người chết đi thì linh hồn và thể xác sẽ tách rời
(李广志, 2017). [李广志. (2017). 古代日本人的丧葬习俗与灵魂. 宁波大学 外语
学院 浙江 宁波 ]
1.1. Quan niệm về sinh tử trong tinh thần Võ sĩ đạo Nhật Bản.
Theo Hứa Tĩnh Văn (2013), võ sĩ đạo phát triển cùng với hệ thống phong
kiến thời trung cổ ở Nhật Bản. Tầng lớp các samurai đã có tác động sâu sắc đến tâm
lý và quan niệm về cuộc sống của người Nhật. Như Inazo Nitobe đã nói, võ sĩ đạo
là một "khái niệm đạo đức truyền thống đặc biệt của người Nhật" bắt nguồn từ Nhật
Bản. Nguồn gốc của võ sĩ đạo không chỉ là Phật giáo và Thần đạo, mà còn là tư
tưởng và giới luật của Nho giáo.
Tinh thần cơ bản của võ sĩ đạo có thể được tóm tắt trong sáu từ: "trung, nghĩa,
dũng, nhân, nhã và chân thành." Trong số đó, “lòng trung thành” và “dũng cảm”
được cho là có liên quan sâu sắc đến quan điểm sống và chết của người Nhật. Nhiệm
vụ của một samurai là trung thành tuyệt đối với chủ nhân mà không tiếc mạng sống
của mình. Vì trung thành với hoàng đế hay để trả ơn cho chủ nhân, các samurai kiên
quyết đối mặt với cái chết.
Ngoài ra, sự cương quyết của võ sĩ đạo cũng gợi nhớ đến quan điểm về sự
sống và cái chết của người Nhật. Một võ sĩ đạo bị ràng buộc bởi địa vị đặc biệt của
mình, và cái chết là số phận không thể tránh khỏi. Điều quan trọng đối với các
samurai là luôn sẵn sàng từ bỏ mạng sống và hoàn thành trách nhiệm của mình. Đây
là nhận thức của samurai về cái chết. Thái độ và nhận thức về cái chết như một
nguyên tắc đạo đức của samurai được công nhận là một đặc điểm quan trọng của
tâm lý dân tộc Nhật Bản.
Tuy nhiên, trong quan điểm của võ sĩ đạo về sinh tử, không chỉ các nguyên tắc đạo
đức liên quan đến cái chết, mà cả cách suy nghĩ về "sự sống" cũng quan trọng. Trung
tâm của quan điểm về sự sống và cái chết khác nhau ở mỗi thời đại ở Nhật Bản. Vì
thời trung cổ là thời kỳ chiến tranh nên quan điểm của samurai về sinh tử tập trung
vào cái chết.
Vào thời kỳ hòa bình cận đại, bởi vì khả năng mất mạng trong một cuộc chiến
là tương đối thấp, nên quan điểm về sự sống và cái chết của các samurai thời cận
đại tập trung vào sự sống. Các samurai của thời đại này cho rằng lý tưởng nhất là
có thái độ cố gắng làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn bằng cách nghĩ về cái chết.
Trái ngược với các samurai thời trung cổ coi trọng 'sự trung thành và chính nghĩa'
hơn mạng sống của họ, các samurai thời đại này đề cao 'sự trung thực'. Samurai yêu
cầu nghiêm ngặt rằng họ không bao giờ làm bất cứ điều gì không phù hợp với phẩm
chất của một samurai. Theo điều răn này, samurai chỉ có thể thực hiện các nhiệm vụ
chính thức được giao cho họ, nhưng họ vẫn phục vụ lãnh chúa của mình với ý thức
sống chết bất cứ lúc nào.
Cùng với sự phát triển của xã hội võ sĩ đạo Nhật Bản, tinh thần võ sĩ đạo đã
hòa quyện vào tinh thần dân tộc và văn hóa Nhật Bản và trở thành trung tâm của
văn hóa Nhật Bản. Quan điểm sống chết của tầng lớp võ sĩ đạo đã trở thành tư tưởng
độc đáo trong tinh thần và văn hóa dân tộc Nhật Bản, có ảnh hưởng sâu sắc đến
hành vi và suy nghĩ của người Nhật sau này. [Hứa Tĩnh Văn. (2013). 日本人と中
国人の死生観を読み解く: 文化の違いに基づき, 実践調査を参考に. 大阪大
学大学院文学研究科臨床哲学研究室]
1.2. Quan niệm về sinh tử trong Thần đạo Nhật Bản.
Theo niềm tin của Thần đạo, có thể thấy rằng các vị thần - kami của Nhật
Bản đều sẽ chết. Điều này rất khác với sự bất tử của các vị thần trong niềm tin của
nhiều tôn giáo khác. Đây có thể là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quan điểm
sống và chết của người Nhật. Ví dụ, vị thần chết sớm nhất trong thần thoại Nhật
Bản là Izanami, và sau cái chết của cô, các vị thần được sinh ra từ chất nôn và phân
của cô. Có thể phỏng đoán rằng nguồn gốc của lối suy nghĩ này chủ yếu là nỗi sợ
hãi và xấu hổ trước những xác chết. Hơn nữa, người Nhật cổ đại tin rằng mọi người
sẽ chết và linh hồn họ sẽ xuống Âm phủ, dựa trên cái chết của thần linh.
Mặt khác, sự biến đổi của "cái chết" thành một thứ khác sau khi chết, có thể
là một vị thần hay một con người. Điều này được coi là có điểm chung với sự biến
hóa của vạn vật trong tư tưởng “sinh tử hóa hơi” trong Đạo giáo Trung Quốc. Các
học giả Đạo giáo tin rằng sau khi chết, con người trở thành những thứ khác một cách
vô điều kiện và vô tận. Do đó, có thể nói rằng Thần đạo Nhật Bản, giống như tư
tưởng Đạo giáo, thể hiện xu hướng hướng tới chủ nghĩa tự nhiên. (Hứa Tĩnh Văn,
2013)
1.3. Quan niệm về sinh tử trong Nho giáo Nhật Bản.
Theo giáo sư Kaji Nobuyuki, nếu như trong quan niệm của Phật giáo, sau khi
chết, linh hồn sẽ được tái sinh ở một thế giới khác, vì vậy thi thể của người chết sẽ
trở nên vô dụng và bị thiêu hoặc chôn đi. Nói cách khác, một Phật tử chân chính có
thể hiến tặng thân thể của mình ngay sau khi chết. Tuy nhiên, hầu hết những người
Nhật tự xưng là Phật tử lại không muốn hiến tặng xác sau khi chết. Lý giải cho điều
này là người Nhật vẫn còn suy nghĩ dựa trên quan điểm của Nho giáo về sự sống và
cái chết. [Kaji Nobuyuki 加地伸行. (1993). 儒教の死生観. 日本頭頸部癌学会]
Quan điểm của Nho giáo về sinh tử tương đối khác với Phật giáo. Nói một
cách dễ hiểu, đó là mong muốn được sống mãi mãi trên thế gian này. Tất nhiên, về
mặt lý thuyết thì điều này là không thể. Tuy nhiên, về mặt sinh học nói chung, khi
chúng ta nói rằng hoa giống nhau qua từng năm, chúng ta muốn nói rằng ngay cả
khi một cá thể chết đi, gen của nó vẫn còn lưu truyền. Nói cách khác, điều đó có
nghĩa là mặc dù bản thân cá nhân đó chết đi nhưng bản sao gen của con cháu anh ta
vẫn tiếp tục sống. Do đó, Nho giáo khẳng định niềm tin vào sự vĩnh hằng của cơ
thể. Mặt khác, theo quan điểm của Nho giáo, linh hồn đã khuất không đi sang thế
giới bên kia và ở lại thế giới này.
1.4. Quan niệm về sinh tử trong Phật giáo Nhật Bản.
Theo Watanabe (1974), Phật giáo hình thành ở Ấn Độ vào cuối thế kỷ thứ 6
trước Công nguyên và trải qua nhiều biến đổi trong lòng Ấn Độ, sau đó được truyền
bá sang Trung Quốc thông qua việc trao đổi mua bán của các thương nhân. Sau đó,
nó từ Trung Quốc đi qua Bán đảo Triều Tiên và du nhập vào Nhật Bản. Sau khi Phật
giáo du nhập vào Nhật Bản, đã xảy ra cuộc chiến giữa gia tộc Mononobe, những
người cố gắng bảo vệ tôn giáo truyền thống cổ xưa của Nhật Bản, và gia tộc Soga,
những người thúc đẩy Phật giáo, và cuối cùng gia tộc Soga đã giành chiến thắng.
Vào thời điểm đó, Hoàng tử Shotoku, là một tín đồ trung thành của Phật giáo mặc
dù được sinh ra trong gia đình hoàng gia, trong khi điều hành chính trị Nhật Bản,
ông đã tìm ra cách để cân bằng giữa Phật giáo và hệ thống Thiên hoàng. Phật giáo
sau đó trở thành tôn giáo chính thức của Nhật Bản. Đạo giáo và Nho giáo, là những
triết lý tôn giáo từ nước ngoài mang đến Nhật Bản, hai tôn giáo này cũng có nhiều
ảnh hưởng đến người Nhật Bản, nhưng, “trong số các tư tưởng tôn giáo ngoại lai,
tư tưởng có ảnh hưởng lâu dài và rộng rãi nhất là Phật giáo” (tr.8). [Watanabe
Shoukou 渡辺照宏. (1974). 日本の仏教. 岩波書店]
Kể từ khi Phật giáo du nhập vào Nhật Bản từ Trung Quốc vào thời Asuka
(thế kỷ thứ 6), ảnh hưởng của nó đã được lưu truyền lại cho đến tận hôm nay. Vai
trò quan trọng nhất của Phật giáo là giáo huấn con người về việc đi từ thế giới này
sang thế giới bên kia. Tư tưởng về 'Ojo - 往生', tức là đi từ thế giới đau khổ đến
thiên đường, và khái niệm về nghiệp và quả báo đã trở thành những nhận thức mới
về quan điểm sinh tử của người Nhật. Triết lý này khuyến khích con người làm càng
nhiều việc thiện càng tốt khi còn sống để có thể vào thiên đường mà không phải
chịu đau đớn sau khi chết. Điều này đã trở thành một nguyên tắc đạo đức và luân lý
cơ bản trong cuộc sống hàng ngày của cả người Nhật cổ đại và hiện đại. Vì vậy, có
thể nói tư tưởng 'Ojo - 往生' của Phật giáo là phần quan trọng nhất trong quan điểm
của người Nhật về sinh tử.
Phật giáo cũng cho rằng sống và chết là một. Điều này có nghĩa là sống là
chết, chết là sống và không có ranh giới giữa sự sống và cái chết. Sau khi Thiền
tông du nhập vào Nhật Bản, ý tưởng về “sinh tử như một” này đã trở thành một quan
điểm độc đáo về sự sống và cái chết trong xã hội Nhật Bản. Đặc biệt, nó có ảnh
hưởng sâu sắc đến việc hình thành tinh thần võ sĩ đạo. Tư tưởng sẵn sàng đón chờ
cái chết của võ sĩ đạo và hành động “harakiri - rạch bụng tự sát” là những biểu hiện
cực đoan của khuynh hướng chối bỏ thế giới này và theo đuổi thế giới bên kia. Thiền
tông yêu cầu về mặt đạo đức rằng một khi bạn đã đặt mục tiêu, bạn không còn lựa
chọn nào khác ngoài việc tiến về phía trước, vì vậy, trong tinh thần võ sĩ đạo có
nghĩa là sẵn sàng vượt qua sinh tử. Trải qua quá trình khổ luyện lâu dài, các samurai
đã thoát khỏi đau đớn, đồng thời đạt đến trạng thái tương đương với cái chết, đạt
đến “sự đồng nhất của sự sống và cái chết”.
Một ảnh hưởng khác của Phật giáo đối với quan điểm về sự sống và cái chết của
người Nhật là tang lễ. Hỏa táng vẫn là xu hướng chủ đạo ở Nhật Bản. Theo "続日
本紀" (Biên niên ký của Nhật Bản - phần tiếp theo), người đầu tiên được hỏa táng
ở Nhật Bản là nhà sư Dosho, vào năm thứ tư của Hoàng đế Monmu (năm 700). Vị
hoàng đế đầu tiên được hỏa táng là Hoàng đế Jito năm 702. Vào khoảng thế kỷ thứ
8, hỏa táng lan rộng trong giới các quan chức cấp cao, quý tộc trong triều đình và
samurai. Tuy nhiên, khi bước vào thời kỳ hiện đại, thái độ của người Nhật đối với
tang lễ và mồ mả đã thay đổi đáng kể. Ví dụ, việc tổ chức tang lễ đơn giản có hoặc
không có sự tham dự của họ hàng không còn là hiếm. Với sự ra đời của việc rải tro
và chôn cất trên cây, hình thức và phong tục của các ngôi mộ đã bắt đầu được đa
dạng hóa.
Những thay đổi như vậy cũng có thể được đánh giá từ kết quả của "Bảng câu
hỏi về quan điểm của người Nhật về sự sống và cái chết" của tác giả. Theo điều tra
bằng phiếu điều tra, 73 trong số 212 người (34,4%) cho biết họ muốn một đám tang
đơn giản và trang trọng, 62 người (29,2%) cho biết họ muốn một đám tang chỉ có
hoa và 57 người (26,9%) trả lời, "Tôi không ngại tổ chức tang lễ". Đối với vị trí của
ngôi mộ, khoảng một nửa muốn nó ở quê hương của họ hoặc nơi nào đó mà thế hệ
con cháu có thể dễ dàng tiếp cận. Điều này có vẻ giống với tư tưởng “lá rụng về cội”
của đa số người dân Trung Quốc. Có một số điểm tương đồng giữa văn hóa Nhật
Bản và Trung Quốc. Tuy nhiên, một nửa người Nhật còn lại cho rằng mộ của họ “ở
đâu cũng được”, “Không có thì tôi cũng không quan tâm (phó thác cho con cháu)”,
và “Không có thì tốt hơn”. Dựa trên các câu trả lời trên, có thể nói rằng quan điểm
của người Nhật hiện đại về tang lễ đã thay đổi ít nhiều.
2. Quan niệm hiện đại về sinh tử của người Nhật Bản.
2.1. Cái chết lâm sàng do bác sĩ thẩm định.
Bước sang thời kỳ cận đại, quyền khẳng định về cái chết của một người được
chuyển sang cho các bác sĩ và nhân viên y tế. Trên thực tế, ngày càng nhiều người
mất tại các bệnh viện, xã hội Nhật Bản ngày càng già đi, dẫn đến số ca tử vong trong
bệnh viện ngày càng tăng, thay thế cho những cái chết tại gia. Theo quan niệm Phật
giáo, việc một người mất đi là một sự kiện đòi hỏi sự trang trọng, tôn nghiêm và
điều đó đang dần biến mất cùng với sự thay đổi của xã hội. Ở Nhật Bản, lệnh cấm
y học đã được dỡ bỏ vào năm 1858, tuy nhiên mãi đến năm 1906 (năm Minh Trị
39) Luật Hành nghề Y mới được ban hành, trao độc quyền phán quyết về cái chết
vào tay các y bác sĩ.
2.2. Cái chết mang tính sinh học, là quá trình các tế bào ngưng hoạt động.
Sau khi được các y bác sĩ tuyên bố là đã chết, các tế bào trong cơ thể người
chết vẫn tiếp tục sống về mặt y học dù chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Nhiệt
độ cơ thể giảm dần và trở nên lạnh, kèm với sự xuất hiện của các vết hoại tử và sự
co giật cơ.
Như vậy, có thể nhận thấy rằng các nghi thức tang lễ hiện đại được hình thành và
thay đổi tương ứng với quá trình các tế bào trong cơ thể ngưng hoạt động.
3. Quan niệm về sinh tử trong Phật giáo Trung Quốc.
Ở Trung Quốc, người ta tin rằng sau khi chết, linh hồn lên thiên đàng, trở
thành một con người mới, hay trở thành một sinh vật sống như lợn, chó, bò hoặc trở
thành yêu ma và xuống địa ngục phụ thuộc vào những việc làm thiện và ác trong
cuộc sống. Do ảnh hưởng của tư tưởng luân hồi này, người Trung Quốc không chỉ
chú ý đến hành động của họ khi còn sống mà còn rất coi trọng nơi linh hồn và linh
hồn an nghỉ sau khi chết. Để linh hồn được yên nghỉ sau khi chết, các nhà sư thường
được mời đến tang gia để đọc kinh, làm lễ và tẩy sạch những vết nhơ và bụi bẩn của
cuộc đời họ bằng cách để tang cho những linh hồn đã khuất.
Ngoài ra, về vấn đề “sống” và “chết”, Phật giáo nêu một cách có hệ thống
các thuyết như “tam thế”, “nhân quả”, “thế giới thiên địa”. Theo đạo Phật, con người
có ba kiếp: kiếp trước, kiếp này, kiếp sau. Đời người là một vòng sinh tử, một quá
trình luân hồi. Trong quá trình này, điểm đến sau khi chết hay thế giới bên kia được
xác định tùy theo nghiệp trong cuộc sống. Có sáu cõi: Thiên đường, Địa ngục, Cõi
súc sinh, Quỷ, Thần và Con người, và những cõi này được gọi là “Lục đạo luân hồi”.
Đây là điều mà đạo Phật thường gọi là “nhân quả”. Nói cách khác, như người Trung
Quốc thường nói, ''Làm điều tốt ắt được trái tốt, làm điều xấu ắt gặp quả báo''. Dưới
ảnh hưởng của học thuyết đạo đức này, người Trung Quốc, bất kể địa vị xã hội của
họ, tin rằng có một sự tái sinh trong tương lai. Do đó, quan điểm về sự sống và cái
chết của Phật giáo này có sức thuyết phục hơn đạo đức Nho giáo, và đã trở thành
trụ cột tinh thần trong đạo đức luân lý của Trung Quốc trong hàng ngàn năm.
Phật giáo Trung Quốc nhấn mạnh việc tích lũy công đức trong thế giới này
và khuyến nghị đơn giản hóa các nghi lễ tang lễ. Điều này được thể hiện bằng các
phương tiện xử lý xác chết. Hỏa táng theo Phật giáo khác với chôn cất, phương pháp
xử lý xác chết truyền thống đã tồn tại hàng ngàn năm ở Trung Quốc. Hỏa táng cũng
thúc đẩy một sự thay đổi trong quan điểm của Nho giáo về sự sống và cái chết và
cách xử lý thi thể.
Chương 2: Tang lễ Nhật Bản truyền thống
1. Sơ lược về phong tục tang lễ của người Nhật và quan điểm về linh hồn
trước ảnh hưởng của Phật giáo từ thời kỳ sơ khai đến trước thời đại Nara:
1.1 Sơ lược về phong tục tang lễ của người Nhật
Tang lễ ở Nhật Bản đã được cử hành từ những thời kỳ đầu tiên trong lịch sử.
Tuy nhiên, đối với thời kỳ Jomon trở về trước, do chưa có những văn kiện và ghi
chép lịch sử, nên chỉ có thể dựa trên kết quả khai quật khảo cổ học để suy đoán có
sự tồn tại của tang lễ ở những thời kỳ sơ khai ấy, còn thông tin cụ thể về diễn biến
và những nghi thức được tiến hành trong tang lễ thì không có dữ liệu rõ ràng. Dựa
vào dữ liệu khảo cổ học của thời kỳ Jomon, từ những vật dụng và dấu vết đốt lửa
được tìm thấy xung quanh hố chôn, những thay đổi trong cấu trúc thượng tầng của
các ngôi mộ, có thể cho rằng đã có những nghi lễ với chức năng tương tự như tang
lễ đã được tổ chức trước khi chôn cất người chết, hoặc ít nhất những người thời đó
không chỉ đơn thuần bỏ mặc thi thể hoặc chỉ chôn đi mà không tổ chức thêm nghi
thức nào. Tang lễ thời Jomon được xem là một dịp để nâng cao uy tín qua việc trao
đổi những vật phẩm khan hiếm và phô trương thanh thế của các tập thể thông qua
việc chôn một lượng lớn đồ vật cùng với người chết từ đồ đất nung, rìu đá, gậy đá,
đến những món đồ quý hiếm trước mặt những người dự tang.
Theo tài liệu “Nguỵ Chí Oa Nhân Truyền”, vào cuối thời kỳ Yayoi, một số
phong tục để tang đã được hình thành ở Nhật Bản. Người chết được chôn cất trong
quan tài không có lớp vỏ ngoài. Trong thời gian để tang, tang quyến không ăn thịt
và những người đưa tang than khóc, một số người khác thì ca hát, nhảy múa và uống
rượu. Sau khi thực hiện xong việc chôn cất, tất cả mọi người tắm nhiều lần trong
nước. Còn dựa vào các dữ liệu khảo cổ học của thời kỳ này, những chiếc bình lớn
và các đồ dùng đặc biệt để mang bình được cho là đạo cụ sử dụng trong các nghi lễ
đám tang.
Các haniwa được khai quật đã cung cấp một vài thông tin về quan niệm về
cái chết của người Nhật thời Kofun. Mặc dù có tranh vẽ về một số thế lực tâm linh
như một vài vị thần Trung Quốc, nhưng chủ đề xoay quanh thế giới người chết
không xuất hiện, cho thấy người sống ở thời kỳ này có thể chưa hình thành ý niệm
về một thế giới khác sau khi chết. Và việc duy trì tình trạng như vậy ngay cả khi
Phật giáo đã bắt đầu lan rộng và phổ biến vào cuối thời kỳ này, cho thấy giai đoạn
đầu của Phật giáo ở Nhật Bản cũng chưa có mối liên hệ với Phật giáo trong tang lễ
như ngày nay.
Vào thời kỳ Asuka, đã xuất hiện một nghi thức tang lễ tên là mogari (殯). Đó
là khi người ta không chôn cất người chết ngay lập tức mà tổ chức nghi lễ trong một
loại nhà tương tự như nhà tang lễ suốt 8 ngày 8 đêm, gồm ba phần: than khóc, ca
hát - nhảy múa và lễ vật dâng cúng. Có thể nghiên cứu một nghi lễ mogari điển hình
dựa vào tang lễ của Thiên hoàng Tenmu.
Phương thức mai táng của người Nhật từ thổ táng bắt đầu chuyển sang hoả
táng vào thế kỷ VIII khi Phật giáo bắt đầu lan rộng ảnh hưởng ở Nhật Bản. Nghi
thức hoả táng nhà sư Michiaki của chùa Genkoji vào năm Thiên hoàng Monmu thứ
tư (năm 700) được xem là khởi đầu cho hoả táng tại Nhật Bản.
2. Sự thay đổi trong hình thức tang lễ Nhật Bản trong giai đoạn chuyển
giao từ thời kỳ Nara sang thời kỳ Heian
2.1 Bước ngoặt trong sự thay đổi trong hình thức tang lễ
Phật giáo thời Asuka đến Nara được tiếp nhận như một hệ thống học thuật
tiên tiến và hoàn toàn chưa xuất hiện khía cạnh Phật giáo tang lễ, thể hiện ở việc
nghĩa trang và danka đã không được tìm thấy ở những ngôi chùa cổ được xây vào
thời kì này. Những ngôi chùa thời bấy giờ không tổ chức những nghi thức tang lễ
mà chỉ đơn thuần là nơi để tiếp thu giáo lý Phật giáo. Đến bây giờ, các ngôi chùa cổ
có từ thời Nara cũng không tổ chức tang lễ cho những sư trụ trì, mà sẽ do những vị
sư của tông phái khác cử hành. Nhật Bản lần đầu tiên tiếp nhận Phật giáo từ bán đảo
Triều Tiên, nhưng kể từ đó, Nhật Bản đã trực tiếp tiếp nhận những xu hướng mới
trong Phật giáo từ Trung Quốc, nơi đã giới thiệu Phật giáo đến bán đảo Triều Tiên.
Do đó, tình hình tiếp tục là phong cách Phật giáo phát triển mạnh ở Trung Quốc đã
được truyền trực tiếp vào Nhật Bản. Từ thời cổ đại đến thời trung cổ, người Nhật
rất nhiệt tình tiếp nhận Phật giáo mới nhất từ Trung Quốc, và nhiều nhà sư đã đến
Trung Quốc. Sau đó, Phật giáo phổ biến ở Trung Quốc lần lượt được du nhập vào
Nhật Bản. Khi Nhật Bản bắt đầu hướng tới mục tiêu hiện đại hóa vào thời Minh Trị,
họ bắt đầu du nhập kiến thức phương Tây, và việc du nhập học trở nên phổ biến.
Lúc đầu, người Nhật tiếp nhận Phật giáo, vốn có tính chất học thuật mạnh mẽ, từ
Trung Quốc. Đây được gọi là “Phật giáo Nara” và trong thời kỳ Nara, các lý thuyết
Phật giáo đã được nghiên cứu tại mỗi ngôi chùa được xây dựng ở thủ đô. Đây là
“Nanto Rokushu” và sáu giáo phái này giống các trường phái học thuật hơn là giáo
đoàn.
Ông Shintani đã lập luận rằng “thế kỷ thứ tám và thứ chín là thời kỳ có nhiều
thay đổi lớn trong lịch sử của hệ thống tang lễ và lăng mộ dành cho các hoàng đế
và quý tộc”. Nhiều phong tục và nghi lễ cũ đã bị loại bỏ, và hỏa táng bắt đầu được
áp dụng và phổ biến hơn. Ông đã cho rằng sự thay đổi trong các nghi thức tang lễ
là do ảnh hưởng của tư tưởng Hakuso (薄葬 - cải cách phong tục tang lễ để tiết kiệm
chi phí) và sự liên quan của Phật giáo. Về tư tưởng Hakuso, ông đã nói rằng: “Nó
dựa trên chủ nghĩa Đức trị mang tính Nho giáo của Trung Quốc, và là một lối suy
nghĩ tránh đặt gánh nặng quá mức lên công chúng bằng cách chi nhiều tiền và công
sức cho tang lễ.” Dưới ảnh hưởng của tư tưởng Hakuso, nhiều phong tục cũ như
mogari, tuẫn tiết, tuẫn táng và shinobigoto đã bị cấm. Theo nghiên cứu của ông
Shintani, quan niệm về vong hồn cũng lên được nâng cao vào thời điểm đó. Đó là
lý do tại sao người dân đang trở nên lo lắng. Trong tình hình phức tạp này, chính
các âm dương sư (陰陽師)và các tu sĩ Phật giáo đã tích cực tham gia vào các tang
lễ và có một nơi để đóng vai trò quan trọng hơn trong đời sống của người dân thời
bấy giờ. Ông Shintani đã cho biết rằng vào nửa đầu thế kỷ thứ 10, tang lễ niệm Phật
đã được tiến hành rộng rãi trong dân gian. Ông Shitani kết luận rằng đây là một sự
thay đổi lớn từ các nghi lễ tang lễ thông thường tập trung vào các lễ tưởng niệm và
cầu siêu ma thuật sang các lễ tang và lễ tưởng niệm dựa trên niệm Phật.
2.2 Nét tiêu biểu trong tư tưởng của người Nhật giai đoạn giao nhau giữa hai
thời kỳ
Về bối cảnh thời kỳ Heian, Phật giáo Tịnh độ tông đã có tầm ảnh hưởng
mạnh mẽ. Được phát triển dựa trên thế giới quan của Phật giáo Mật tông là có những
thế giới khác nhau tồn tại song song với thế giới thực, Tịnh độ tông nhấn mạnh vào
sự tồn tại của cõi Tịnh độ, một nơi mà con người sẽ mong muốn được tái sinh sau
khi chết và sự khủng khiếp của Địa ngục nếu người chết đã phạm tội nào đó. Vì vậy,
ý thức của người Nhật về thế giới sau khi chết được phổ biến và có phần cụ thể hoá
khi bước sang thời kỳ này.
Để được tái sinh ở cõi Tịnh độ thì phải thực hành niệm Phật. Nên các nghi
thức tụng kinh niệm Phật cho người chết được hình thành từ thời kỳ này và những
tang thức khác cũng trở nên cụ thể và xa hoa hơn.
3. Những nét tiêu biểu trong tang thức thời Heian
3.1 Đặc điểm
Ở thời kỳ Heian, tang lễ của thường dân chỉ được tổ chức đơn giản. Dù số tài
liệu viết về họ bị hạn chế vì địa vị xã hội càng thấp thì các mô tả và thông tin chi
tiết có được càng ít, một phần khác là để thực hiện nhiều nghi thức đa dạng cần có
tài chính tốt trong khi những người có địa vị xã hội thấp thì không thể đáp ứng điều
đó, nhưng qua bức tranh 餓鬼草紙 được vẽ vào thế kỷ XII, vẫn có thể biết được
rằng ngay cả khi họ chỉ có thể đặt người chết trên những tấm trải bằng rơm và không
có gò đất, họ vẫn ít nhất tổ chức một buổi lễ gì đó để tưởng niệm người đã qua đời,
thể hiện ở chiếc bát được đặt bên cạnh thi hài. Ngoài ra, những người địa vị thấp
cũng cố gắng cúng thất đầy đủ.
Sự phát triển của các nghi thức tang lễ chủ yếu diễn ra trong giới quý tộc.
Đầu tiên là nhập quan và đưa tang. Sau đó là một loạt các buổi tụng kinh được tổ
chức, liên tục mỗi tháng trong 2 năm đầu tiên với tuần suất có thể lên đến 8 buổi
trong 1 tháng, đến những năm tiếp theo thì chỉ tụng kinh vào dịp giỗ.
Vì vào thời kỳ này, Tịnh độ tông phát triển nên các quý tộc Heian với mong
muốn được đến gần với cõi Tịnh độ và tái sinh trong một cõi Tịnh độ rực rỡ và tráng
lệ, đã coi trọng việc xây dựng bàn thờ sao cho xa hoa nhất, vì bàn thờ được xem là
đại diện cho cõi Tịnh độ. Ngoài ra, họ còn xây các khu vườn theo những gì được
hình dung về cõi Tịnh độ và Adida-do.
Những phong tục tang lễ tiêu biểu được ghi nhận vào thời kỳ này có thể kể
đến phong tục đặt búp bê rơm và phong tục đổi hướng gối. Búp bê rơm được đặt
vào quan tài khi có hai cái chết liên tiếp trong cùng một làng trong một năm, hoặc
khi có tang lễ vào ngày Tomobiki (友引の日), với quan niệm làm vậy sẽ ngăn người
chết không kéo theo người nào khác chết chung nữa. Phong tục đổi hướng đặt đầu
của người chết về hướng Bắc vẫn còn tồn tại ngày nay.
3.2 So sánh sơ lược về đặc điểm tang lễ thời Heian và thời hiện đại
Theo nghiên cứu của ông Shintani, đặc điểm của tang lễ thời đó khác với
ngày nay như sau : “Vấn đề là không có nhiều nghi lễ lớn tập trung vào các nhà sư,
chẳng hạn như việc đọc kinh của các nhà sư trong tang gia hoặc vườn của tang gia
trước khi xuất quan, cầu siêu người quá cố và thắp hương bởi những người tham dự,
như trong các đám tang hiện đại.” Ngoài ra, “ngay cả sau khi chết, người quá cố vẫn
được cúng những bữa ăn cho đến thời điểm hỏa táng, nhưng nó dường như không
giống như makurameshi hay makuradango, như ngày nay.” Lễ tưởng niệm người
chết được hoàn thành sớm hơn hơn là lễ kỷ niệm lần thứ 33 ngày mất, đó là lễ tưởng
niệm cuối cùng trong thời hiện đại.” Do đó, ông Shintani cho rằng giới quý tộc thời
Heian có ý thức về sự ô uế rất mạnh. Ông giải thích về việc đó như sau. “Đối với
những quý tộc này, những người mà sự thuần khiết là nguồn gốc của quyền lực,
thích hợp để tổ chức các lễ hội thần thánh dựa trên chính trị thần quyền, thì luôn cần
phải kiêng khem nghiêm ngặt, và tất cả các loại ô uế đều phải được tránh, vì vậy
ngay cả hoàng đế, người được coi là một sự tồn tại thiêng liêng, qua đời, thì việc
những người thân cận chứng kiến cái chết của ông cũng trở nên nhạy cảm về việc
liệu nó có ô uế hay không cũng rất mang tâm lý của một quý tộc.” Một đặc điểm
khác trong tang lễ của giới quí tộc thời Heian là “việc cho âm dương sư tính toán kỹ
ngày và địa điểm tang lễ” và “thổ táng được xem là một phương thức khác bên ngoài
phương thức hỏa táng phổ biến”. Bên cạnh đó, việc chôn cất ở thời kì Heian hơi
khác so với việc chôn cất thời hiện đại. Ông Shintani nói : “Đó là một phương pháp
xây dựng lăng mộ và đặt quan tài trong đó, thay vì chôn lấp hoàn toàn dưới đất như
thổ táng ngày nay.”
Như trong thời kỳ Heian, đám tang ở thời này có một số điểm tương đồng
với đám tang hiện đại. Theo nghiên cứu của Shintani, có ba điều: Đầu tiên là chuyền
đũa khi nhặt cốt. Tiếp theo là ở điểm không bao giờ được dập tắt ngọn lửa ở đầu
giường và phải quét phòng bằng chổi tre ngay sau khi xuất quan. Và có một số điểm
khác với tang lễ hiện đại. Đầu tiên là trang phục của mọi người. Ông Shintani giải
thích như sau: “’Kichiji Shidai’ (吉事次第) và ‘Kichiji ryakugi’ (吉事略儀) nói
rằng họ đội băng đầu bằng giấy xoắn, nhưng trong văn hóa dân gian hiện đại, người
dân thường đội khăn xếp bằng rơm. Ở thời hiện đại, quan tài được phủ vải, đóng
đinh. Ngoài ra, người ta nói rằng sofuku được may, điều này cũng được thấy trong
bài điếu tang của Hoàng đế Ichijo thời Heian. Tuy nhiên, ở thời hiện đại, người ta
chỉ may quần áo của người đã khuất chứ đồ tang của gia đình không được may từng
chiếc một. Đây chỉ là những chi tiết nhỏ nhưng không phải chúng vẫn là những thay
đổi theo thời đại sao?”
4. Tang lễ thời kỳ trước thời Minh Trị tới trước thế chiến thứ II
4.1 Đám tang những thời kỳ trước thời kỳ Minh Trị
Vào cuối thời Heian, gia tộc Minamoto và Heike xung đột, lịch sử Nhật Bản
dần chuyển sang thời kỳ của các samurai. Trong bối cảnh lịch sử này, những người
sáng lập “Phật giáo mới Kamakura” lần lượt xuất hiện.
Phật giáo Tịnh độ đã thay đổi từ chủ yếu phổ biến trong giới quý tộc sang
tầng lớp thường dân. Các giáo lý của Phật giáo về tái sinh thông qua thực hành Niệm
Phật được tập trung thuyết giảng, liên kết chặt chẽ Phật giáo với cái chết hơn và góp
phần phổ biến nó, nhưng họ không đi tiên phong trong các tang lễ Phật giáo.
Vào thời điểm này, đám tang vẫn chỉ được tổ chức cho những người có quyền
lực cao, và phải đến thời Kamakura, tập tục tang lễ mới lan rộng ra đến toàn dân.
Khi Mạc phủ Kamakura lần đầu tiên được thành lập, nhiều tuyên bố đã được ban
hành nêu rõ rằng: “Đừng ném xác của cha mẹ các ngươi bên vệ đường.” Tuy nhiên,
Mạc phủ đã thông qua các ngôi đền, khuyến nghị tổ chức tang lễ (hỏa táng ở những
nơi như Toribeno ở ngoại ô Kyoto) như một hành động báo hiếu. Tuy nhiên, trong
thời kỳ này chủ yếu vẫn là tầng lớp khá giả như tầng lớp quý tộc, tầng lớp võ sĩ mới
có khả năng thực hiện được, tầng lớp nông dân nghèo không đủ điều kiện và khả
năng để thực hiện được các nghi lễ mai táng cho người đã khuất.
Những thủ tục đám tang cơ bản thời Kamakura được ghi chép trong
“Kichijishidai” (吉事次第) và “Kichijiryakugi”(吉事略儀),có thể tóm tắt thành
một quá trình như sau: Đầu tiên, người ta sẽ lập một yamatsukuri-dokoro (山作所).
Đây là một nơi hoả thiêu tạm thời được xây dựng mỗi khi có tang (vì thời đó chưa
có lò hoả thiêu chuyên dụng và cố định), thường được dành để hoả táng Thiên hoàng
hoặc các quý tộc. Tiếp theo, sofuku (素服) - một loại đồ tang được làm bằng vải gai
dầu không nhuộm, sẽ được may và những thành viên gia đình được chỉ định sẽ mặc
nó. Sau khi cúng Phật thì xe bò sẽ đến và chở quan tài đi đến nơi tổ chức tang lễ,
nơi các đạo sĩ và nhà sư sẽ cử hành các nghi lễ. Cuối cùng thi thể được thiêu và tang
quyến sẽ nhặt cốt, cho vào bình và cất ở sanmaido (三昧堂) - một loại nghĩa trang
thời đó, rồi trở về.
Mãi cho đến thời Edo, đám tang mới phổ biến một cách khắp cả Nhật Bản.
Mạc phủ Tokugawa, với mục đích đàn áp muốn Thiên Chúa giáo, đã ra lệnh cho
các nhà sư Phật giáo tổ chức tang lễ và buộc cách thức Terauke (寺檀制度). Cách
duy nhất để công dân chứng minh rằng họ không phải là Cơ đốc nhân là tổ chức
tang lễ tại các đền thờ. Hiện tại, có một khuôn mẫu cho rằng tang lễ của Nhật Bản
được thực hiện bởi các linh mục trong đền thờ, nhưng trên thực tế, đó là một tập tục
tương đối mới bắt đầu từ thời Edo. Thái độ đối với việc xử lý xác chết và chăm sóc
sau khi chết đối với linh hồn của người quá cố ngày càng quan trọng trong việc phân
biệt các đám tang "kiểu Thần đạo" với các đám tang liên quan đến Phật giáo; trong
thời kỳ Edo, những khác biệt này trở thành đặc điểm của các cộng đồng “đối kháng”
chống lại quyền lực xã hội, kinh tế và chính trị của các tổ chức Phật giáo dưới hệ
thống Mạc phủ Tokugawa. Theo Itaru Katsuta - tiến sĩ khoa Văn học tại Đại học
Kyoto , các đám tang trên khắp Nhật Bản đã trở nên nhiều và đa dạng đến mức rất
khó để tóm tắt tất cả chúng thành một khuôn mẫu duy nhất. Tài liệu nghiên cứu
được sử dụng để tham khảo về tang lễ thời kỳ đầu hiện đại là Soshiki-cho (葬式帳).
Trong Soshiki-cho, tác giả thậm chí đề cập đến 2 điểm được xem là điều trái với lẽ
thường khi tác giả tham khảo các hình thức đám tang được tổ chức sau khi người
điều hành công việc kinh doanh hiệu sách ở Osaka vào thời điểm đó mất. "Đầu tiên
là việc đám tang được tổ chức một cách rình rang và hào nhoáng với số lượng người
đến dự tang đông đúc và nhiều loại đạo cụ tang lễ được sử dụng. Hiện nay, người ta
hạn chế việc đưa tang một cách náo nhiệt như vậy; điều thứ hai là việc tiến hành
tang lễ từ giữa trưa và trang trọng ngay trung tâm của Osaka. Nói cách khác, thời
cận đại đã có xu hướng tổ chức những đám tang xa hoa. Về thời kỳ phổ biến của nó,
ông Katsuta đã viết, "Xu hướng văn hóa làm cho đám tang trở nên xa hoa đã trở nên
phổ biến trong một bộ phận dân chúng muộn nhất là vào giữa thế kỷ 16 và đến giữa
thế kỷ 17 và đã chắc chắn chiếm được cảm tình chung của mọi người”. Thế thì động
lực nào đã thôi thúc người dân thời ấy tổ chức tang lễ hoành tráng như vậy? Đầu
tiên là cần giải thích vấn đề thành lập hệ thống “nhà” như sau."...một gia đình kế
thừa họ và tài sản gia đình xuyên suốt theo dòng phụ hệ đã phải mất một thời gian
dài từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18 để thống nhất xu hướng hoa mỹ hóa tang lễ được hình
thành và xác lập một cách phổ biến trong dân chúng với xu hướng phổ biến của đại
chúng từ nửa trước thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 18; cùng với sự hình thành - xác lập
của “nhà", như một phần của sự phô trương gia thế, mọi người đã làm những tang
lễ trở nên xa hoa…” Tuy nhiên, Katsuta chưa hài lòng với cách giải thích đó, "chắc
chắn phải có ý định nào đó từ phía những người đưa tang." Đằng sau thái độ tích
cực của tang gia đối với sự hào nhoáng, có ẩn chứa lòng hiếu thảo của những người
con đối với bậc sinh thành và sự khao khát ‘danh vọng’." Nhưng bên cạnh đó cũng
có một số phê phán về thực trạng ma chay thời bấy giờ là ‘bất hiếu với cha mẹ và
ham hư danh’. Một số nghiên cứu đã lập luận rằng “Con người ngày nay không bày
tỏ lòng hiếu thảo khi cha mẹ còn sống, nhưng khi cha mẹ qua đời, họ tổ chức tang
lễ linh đình, mời nhiều nhà sư và người đến đưa tang, và thể hiện rằng đây chính là
sự báo hiếu, nhưng điều đó thật sự khó tin. Ngay cả lễ cầu siêu cho các linh hồn của
người quá cố thì họ cũng chỉ có thể nhận được một phần nhỏ phước lành, và phần
phước lành còn lại toàn bộ sẽ thuộc về con cháu, và để theo đuổi những điều phù
phiếm đó, con cái cúng bái cho cha mẹ dường như chỉ vì thanh danh của bản thân.”
Ông Katsuta đã chỉ ra trong nghiên cứu của mình rằng một trong những lý do khiến
cho những đám tang được tổ chức một cách hoành tráng là do “những kỳ vọng và
áp lực của xã hội đã đặt lên vai những người đưa tang”.
4.2 Tang lễ thời kỳ Minh Trị tới trước Thế chiến II
Hầu hết các đám tang của người Nhật đều theo phong cách Phật giáo, mặc
dù đám tang của Thần đạo và Cơ đốc giáo cũng được cử hành và một số người ngày
nay thích những đám tang phi tôn giáo hơn. Trong quá khứ, tang lễ Phật giáo bao
gồm hai nghi thức chính: sogi, nghi thức an táng và kokubetsu-shiki, nghi thức tiễn
biệt. Điều đầu tiên là mang ý nghĩa Phật giáo là dẫn người đã khuất lên thiên đàng,
trong khi điều thứ hai là mang đến cơ hội để chia tay người đã khuất. Bước sang
thời Minh Trị, tình trạng tang lễ, đặc biệt là ở trung tâm Tokyo, đã thay đổi đáng kể
do các chính sách hiện đại hóa. Trong số đó, thay đổi đáng kể nhất là tính thế tục
chiếm ưu thế hơn tính tôn giáo trong tang lễ. Một đặc điểm nổi bật của đám tang
thời Minh Trị là đám tang dài và trang nghiêm, trong đó thi thể được vận chuyển từ
nhà của một người đến nhà tang lễ. Đặc biệt là trong đám tang của những người nổi
tiếng, những đám tang lộng lẫy và hoành tráng giống như đám rước của daimyo thời
Edo rất phổ biến. Báo chí đã chú ý đến đám tang này và dành hết tâm sức để đưa tin
về hiện trường, giống như một chương trình truyền hình trên màn ảnh rộng ngày
nay. Từ thời Minh Trị trở đi, như đã thấy trong ví dụ về "đám tang" này, việc hình
thức hóa các phong tục trở nên tự do hơn so với các nghi lễ tôn giáo ban đầu, và
theo nghĩa đó, mức độ tự do trong tang lễ dần dần tăng lên. Trong những năm gần
đây, mức độ tự do trong đám tang thậm chí còn tăng cao hơn nữa. Ví dụ như trong
đám tang của ông Honda Soichiro, không áo tang, nhang khói, nhạc Mozart vang
lên, trên màn hình chiếu đoạn phim kể lại cuộc đời của ông. Từ khoảng thời gian
này, ngành công nghiệp tang lễ dần trở thành một ngành chú trọng đến dịch vụ và
hệ thống tang lễ hiện tại đã triển khai một hệ thống cho phép tang quyến lựa chọn
một đám tang phù hợp với giá trị của họ, chẳng hạn như đám tang tư nhân, đám tang
bạn bè, đám tang gia đình. Theo cách này, tang lễ ở Nhật Bản đã trải qua một sự
thay đổi lớn từ các nghi lễ tập trung vào Nho giáo và Phật giáo được thiết lập vào
thời Edo sang một màu sắc ít tôn giáo hơn và phong tục tập quán hơn.
Môi trường xung quanh đám tang thời hiện đại đã thay đổi một cách đáng kể.
Những thay đổi của Minh Trị Duy tân và Thần đạo trở là quốc giáo. Năm 1876, chế
độ Mạc phủ Tokugawa kết thúc với việc khôi phục chế độ cai trị của hoàng gia, và
hướng cai trị trực tiếp của hoàng đế được chỉ ra bởi Sắc lệnh khôi phục chế độ cai
trị của hoàng gia. Chính phủ Minh Trị ban đầu vì muốn áp dụng chế độ Luật lệnh
nên đã chọn chính sách nhà nước thần quyền. Dựa trên chính sách này, Jingikan (uỷ
viên Thần đạo) đã được phục hồi và đã đạt được sự tách biệt giữa Thần đạo và Phật
giáo, trong khi Cơ đốc giáo vẫn bị cấm như trước. Những chính sách như vậy của
chính phủ mới, đặc biệt là việc thực hiện quốc giáo hóa Thần đạo, và sự thay đổi
hướng đi sau đó đã có tác động lớn đến cách thức tổ chức tang lễ tại thời gian. Vào
ngày 18 tháng 7 năm 1873, chính phủ Minh Trị ban hành một điều khoản ngắn với
tựa đề “Nghiêm cấm các nghi thức hỏa táng”. Do đó hỏa táng đã bị cấm. Một trong
những nguyên nhân dẫn đến việc này là sự ưu tiên về vấn đề sức khoẻ của cộng
đồng. Hỏa táng ban đầu bị cấm dựa trên tư tưởng của Thần đạo nhưng đã không
được xem xét nhiều về ý nghĩa tôn giáo ở giai đoạn bãi bỏ và chính phủ đã quyết
định thay đổi rằng là dựa trên quan điểm sức khỏe cộng đồng. Sau đó, phương pháp
hỏa táng truyền thống đã hoàn toàn bị loại bỏ trong đời sống của người dân Nhật
Bản. Vào đầu thời kỳ Minh Trị, có nhiều xu hướng về hỏa táng và nghĩa địa, nhưng
các nghi lễ tang lễ truyền thống vẫn được áp dụng. Nghi thức tang lễ thời Minh Trị
ngay cả những vùng thành thị như Tokyo cũng được quy định bao gồm lễ viếng,
nghi lễ xuất quan, đưa tang ở nhà riêng và nghi thức tang lễ và thổ hoả táng ở chùa
hoặc nhà tang lễ. Đặc biệt đoàn đưa tang từ nhà riêng đến nơi tổ chức tang lễ được
chú trọng nhất, với đám tang chủ yếu ở các thành phố, dần dần nó trở nên mở rộng.
Nhưng hiện tượng tang lễ cồng kềnh ở các thành thị thời Minh Trị vẫn còn tồn tại.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là sự xuất hiện của các công
ty tang lễ. Trong bước chuyển qua thời hiện đại xuất những công ty bán và cho thuê
thiết bị tang lễ. Trong thời hiện đại, những công ty như vậy được gọi là nhà quan tài
hoặc koshiya (輿屋). Tuy nhiên, vào giữa thời kỳ Minh trị đã có thay đổi lớn. Nguồn
gốc của công ty tang lễ, từ nửa sau của thập kỷ Minh Trị, nhà kinh doanh cho thuê
thiết bị tang lễ, và nhà kinh doanh hợp đồng lao động vốn đảm nhận việc vận chuyển
của thiết bị tang lễ, đã bắt đầu đảm nhận cả hai và toàn bộ tang lễ. Nó được gọi là
‘công ty tang lễ’.
Vào thời Taisho, đoàn người đưa tang bị bãi bỏ. Một trong những sự thay đổi
tiêu biểu của môi trường sống. Đoàn người đưa ma phải trải qua một hành trình dài
từ nhà tang lễ trong thành phố đến ngôi chùa bên ngoài thành phố, và việc những
người đưa tang đã quen với phương tiện dần không tham gia đoàn người đưa tang
là một diễn biến tự nhiên. Đó là một trong các nguyên nhân mà việc bãi bỏ các đoàn
người đưa ma và thay đổi phong cách tang lễ đã bắt đầu từ xã hội tương đối thượng
lưu. Vì đoàn đưa tang bị huỷ bỏ, việc sử dụng xe tang bắt đầu. Có 1 tang lễ thời
Minh Trị khá đặc biệt. Đó là lễ an táng của Chomin Nakae (中江兆民). Đám tang
của ông đã khai sinh ra lễ truy điệu (告別式). Giữa thời kỳ mà tang lễ cồng kềnh đã
phổ biến, một buổi lễ làm thay đổi đáng kể cách thức tổ chức tang lễ truyền thống.
Đó là sự khởi đầu ‘lễ truy điệu’ được tổ chức trong tang lễ của Nakae Chomin Nghi
lễ tang lễ của Nakae Chōmin rất đặc biệt. Quy trình tang lễ bình thường vào thời
điểm đó về cơ bản là lễ viếng tại nhà, xuất quan từ nhà đến bodaiji (菩提寺), cử
hành tang lễ, sau đó đến lò hỏa táng. Nhưng trong tang lễ của ông, họ tổ chức lễ đưa
tang đã được loại bỏ những yếu tố tôn giáo, thay vì đến chùa thì nhà tang lễ Aoyama
đã được chọn làm nơi cử hành, thay vì đọc kinh thì người ta đọc điếu từ (lời chia
buồn), điểu ca (bài hát chia buồn), điếu thơ (thơ chia buồn), thay vì thắp nhang thì
lễ truy điệu đã được tổ chức. Thứ tự và khuôn khổ của các nghi lễ không khác nhiều
so với tang lễ thời bấy giờ, nhưng các hầu hết các nghi thức tôn giáo nói cách khác
là Phật giáo đã bị loại bỏ so với các tang lễ khác thời bấy giờ. Lễ tiễn biệt của
Chomin Nakae cũng đã là một buổi lễ phi tôn giáo. Sau đó, vào cuối thời đại Taisho,
dịch vụ làm lễ truy diệu tại nhà đã lan rộng trong dân chúng. Trọng tâm của đám
tang đã thay đổi từ lễ đưa tang cồng kềnh sang lễ truy diệu.
Trong khi đến thập kỷ thứ tư của thời kỳ Showa vẫn còn 80% đám tang được
tổ chức tại nhà riêng với sự hỗ trợ của cộng đồng láng giềng thì bước sang những
thập kỷ cuối, đã có những chuyển biến lớn trong việc tổ chức tang lễ khi tỷ lệ tổ
chức đám tang ở nhà tang lễ và chùa Phật giáo ở đô thị lên đến hơn 70%. Có thể
thấy xu hướng tổ chức đám tang ngoài phạm vi gia đình và cộng đồng đã phát triển
mạnh (Himonya, 1994). Dù địa điểm tổ chức tang lễ thay đổi, nhưng những đặc
điểm cơ bản của một tang lễ Phật giáo vẫn được giữ nguyên. Bàn thờ được đặt ở
một đầu của căn phòng, xung quanh là hoa và lễ vật. Ở giữa gồm quan tài được phủ
một tấm vải, bài vị trên đó ghi kaimyo (戒名), di ảnh, lư hương và một bát cơm
cúng với đôi đũa dựng đứng.
Tang lễ sẽ được khai mạc với lời phát biểu của ban tổ chức tang lễ (do công
ty dịch vụ tang lễ thuê). Sau phần đọc kinh của các nhà sư, điếu văn và những thông
điệp chia buồn sẽ được đọc. Khi các nhà sư tụng kinh lần thứ hai thì khách dự tang
sẽ lên thắp hương. Xong nghi thức thắp hương thì tang lễ bế mạc, thường là với lời
phát biểu và cảm ơn của người đưa tang trưởng đến những người đã tham dự tang
lễ.
Khi động quan thì quan tài được mở nắp để những người thân thiết có thể nhìn người
quá cố lần cuối và đặt hoa vào quan tài. Sau đó, quan tài sẽ được đóng đinh và đặt
lên xe tang chở đến nơi hoả táng. Chỉ những thành viên gia đình và bạn vè thân thiết
cùng đi theo đến nơi hoả táng. Trước khi hoả táng, nghi thức thắp hương tiễn biệt
lần cuối và tụng kinh sẽ được tiến hành. Khi hoả táng xong, những người trong gia
đình sẽ dùng đũa để nhặt cốt vào bình. Cuối cùng, một bữa tiệc cảm ơn những người
thân và những người đưa tang đã giúp đỡ tang quyến tổ chức tang lễ sẽ được dọn ra.
Chương 3: Sự thay đổi của tang lễ Nhật Bản hiện nay
1. Bối cảnh hiện nay
1.1 Bối cảnh dẫn đến sự thay đổi từ tang lễ truyền thống đến tang lễ hiện
đại
Tang lễ được xem là một trong những phong tục truyền thống gắn liền với
đời sống phong tục của người dân Nhật Bản. Tuy nhiên, đối với thế hệ ngày nay,
những tang lễ được xem là truyền thống thực chất đã được cải tiến để đáp ứng với
những thay đổi trong xã hội. Với sự tăng trưởng kinh tế, sự đổi thay trong các mối
quan hệ gia đình và lối sống hiện đại hóa của mỗi cá nhân, tang lễ Nhật Bản từ lâu
đã có những thay đổi lớn để phù hợp với đời sống xã hội Nhật Bản. Quá trình đổi
mới của tang lễ đã được bắt đầu từ cuối thời Minh Trị, những sự thay đổi đã dần
được chấp nhận và thay thế cho các tập tục truyền thống cho đến ngày nay. Có thể
nói, sự đổi mới trong tang lễ được đẩy mạnh từ cuối thời Minh Trị là một trong
những kết quả do làn sóng đô thị hóa mang lại.
Đến những năm 1960, Nhật Bản trên đà tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và
các nghi thức tang lễ dần chuyển biến. Điều tác động mạnh mẽ nhất cho sự cải tiến
trong tang lễ đó là sự xuất hiện của các nhà dịch vụ tang lễ trở nên cần thiết để tiếp
quản các hoạt động trong tang lễ. Mọi người bắt đầu xu hướng tìm kiếm và tổ chức
những đám tang trông hoành tráng và nguy nga. Như trang trí bàn thờ một cách lộng
lẫy, xa hoa và tập hợp số lượng người lớn đưa tang. Vào những năm 1980, nhà tang
lễ 斎場 dần hoàn thiện hơn và nghi thức tổ chức đám tang trở nên nghiêm túc.
Trong dịch vụ của các nhà tang lễ còn có cơ sở 式場, giúp cho việc thay vì phải đưa
tang ở ngoài trời vì có thể tổ chức trong nhà. Nhà tang lễ thời điểm đó như một địa
điểm để tổ chức những đám tang có quy mô lớn vì tại đây không bị bó buộc số lượng
bàn thờ và công năng. Vì vậy, ở nhà tang lễ trở thành thứ không thể thiếu trong tang
lễ Nhật Bản. Tuy nhiên, đến năm 1992 cũng là thời điểm Nhật Bản chịu sự sụp đổ
của nền kinh tế bong bóng, tang lễ Nhật Bản đã trải qua bước ngoặt chuyển biến
lớn. Những bàn thờ và vật dụng xa xỉ được trưng bày trong nghi lễ không còn được
ưa chuộng và dần biến mất. Từ đó, nền tảng cho tang lễ mang tính cộng đồng trở
nên lung lay và sự suy yếu giữa các mối quan hệ họ hàng dần thể hiện rõ. Ngoài ra,
các công ty chuyên về dịch vụ tang lễ cũng buộc phải tái cơ cấu nên niềm tin của
khách hàng dần sụp đổ.
Đến năm 1995, khái niệm “đám tang gia đình” bắt đầu xuất hiện và lan rộng.
Ngoài ra còn có hình thức đám tang chỉ có người thân tổ chức được gọi là “đám
tang bí mật”. Sau này, chủ nghĩa cá nhân dần lan rộng và phát triển trong xã hội
Nhật Bản, nghi lễ đám tang trở nên độc lập và cô lập hơn. Hơn nữa, khi các mối
quan hệ trong trong cộng đồng địa phương hay thậm chí trong gia đình trở nên yếu
đi và mất liên kết, các đám tang hiện nay càng ngày trở nên càng nhỏ. Bên cạnh
những tập tục truyền thống không thể thiếu thì hình thức đơn giản hóa tang lễ vẫn
được duy trì và cải tiến cho đến hiện tại.
1.2 Những nguyên nhân dẫn đến sự chuyển biến trong tang lễ mới
Nhóm nghiên cứu cho rằng có 4 nguyên nhân chính dẫn đến sự chuyển biến
trong tang lễ mới ở các lĩnh vực như văn hóa - xã hội, kinh tế. Đó là do quá trình đô
thị hóa khu vực, chi phí dành cho tang lễ quá đắt, thiếu nơi chôn cất và sự thay đổi
về ý thức tín ngưỡng của người Nhật hiện đại.
Đầu tiên là quá trình đô thị hóa khu vực. So với 100 năm trước đám tang
không thể được tiến hành nếu không có sự hỗ trợ của cộng đồng địa phương và
người thân. Hợp tác xã địa phương đã từng đóng vai trò chính trong việc tổ chức
tang lễ. Hợp tác xã không phải là một tổ chức chỉ liên quan đến tang lễ mà là một
phần của hiệp hội khu phố dành cho phúc lợi chung của khu phố. Vì vậy tang lễ ở
Tokyo cũng như các đám tang truyền thống ở nông thôn vào thời kỳ Minh Trị, sự
hỗ trợ của các thành viên trong cộng đồng địa phương nhiều hơn sự hỗ trợ của nhân
viên các công ty tang lễ. Bởi lẽ, họ là những người đảm nhận hầu hết các phần việc
quan trọng của một đám tang của thành viên trong cộng đồng mình, dựa trên nguyên
tắc hỗ trợ lẫn nhau và sự kết nối giữa các thế hệ. Ở đây không có chỗ cho những
nhà cung cấp dịch vụ tang lễ chuyên nghiệp, hoặc cùng lắm thì cũng chỉ là cung cấp
hòm áo quan và các dụng cụ dùng trong nghi thức tôn giáo (Phật giáo) mà thôi. Bên
cạnh đó, trong các tang lễ truyền thống trước đây, gia đình có nghĩa vụ phải thông
báo cho một số lượng lớn người có quan hệ với người quá cố, bao gồm họ hàng thân
thiết, các đồng nghiệp, bạn bè và người quen. Đồng thời, những người thân thiết với
người quá cố hoặc gia đình có nghĩa vụ điều chỉnh lịch trình cá nhân và công việc
để tham dự lễ tang. Tang lễ sẽ được tổ chức sao cho việc tiếp xúc với người quá cố
và tham gia vào các nghi lễ của tang lễ bắt đầu từ mối liên hệ gần gũi nhất và phía
sau là những người có mối liên hệ xa hơn.Tuy nhiên, ở Nhật Bản hiện nay, do số
lượng người làm các công việc có giờ giấc tương đối linh hoạt như nông nghiệp
giảm đi và số lượng người làm việc trong các công ty tăng lên, họ khó có thể xin
nghỉ làm để dự đám tang của hàng xóm. Dần dần, sự kết nối giữa các mối quan hệ
trở nên lỏng lẻo, gia đình người quá cố cũng không thể mong đợi sự hợp tác của các
cộng đồng lân cận và họ buộc phải sử dụng dịch vụ của các công ty tang lễ. Kết quả
là cộng đồng địa phương dần xa rời vai trò chủ thể của mình trong tang lễ, và ở đây
có sự “thoát ly” khỏi việc tham dự đám tang của những người hàng xóm trong khu
vực. Cũng vì thế mà các tang lễ xa hoa đã dần được thay thế bằng những tang lễ nhỏ
gọn và có phần khiêm tốn hơn. Những cái chết trong gia đình cũng không còn được
thông báo rộng rãi nữa và trong một số trường hợp, chúng được cố tình giữ bí mật.
Những người đầu tiên trở nên thờ ơ đối với sự thay đổi của tang lễ này là những
người từ cộng đồng địa phương, tiếp theo là các đồng nghiệp và các họ hàng ở xa.
Vì vậy các tang lễ thời nay thường được gia đình tổ chức nhỏ và riêng tư hơn, xu
hướng tang lễ riêng tư đang ngày càng chiếm ưu thế vì hầu hết các đám tang hiện
nay được coi là việc riêng của gia đình tang quyến, chỉ có họ hàng và bạn bè thân
thiết đến tham dự. Không chỉ thế, hiện nay, do quá trình đô thị hóa mà những thế
hệ trẻ trong gia đình cũng dần rời xa gia đình, sự kết nối giữa thế hệ sau và thế hệ
trước cũng không còn bền vững. Vì vậy, không dễ để nhận thấy những người già
không còn trông đợi vào tang lễ được tổ chức bởi gia đình mà đã dần giao lại việc
tổ chức tang lễ của mình cho các công ty dịch vụ tang lễ.
Quá trình đô thị hóa không chỉ gây ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa gia đình
tang quyến và cộng động địa phương mà còn khiến mối quan hệ giữa người dân và
các ngôi chùa cũng ngày càng trở nên yếu đi. Trước đây, mọi người có xu hướng
đến những ngôi chùa trong khu vực mình sinh sống và những nghi lễ trong tang lễ,
kể cả chôn cất sẽ được các nhà sư của ngôi chùa đó tiến hành. Không chỉ mang vai
trò nhà sư, họ còn được xem như những “giáo viên”, đồng thời cũng được xem như
là nhân vật lõi lạc được người dân kính trọng. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa đã
khiến nhiều người dân bắt buộc phải di cư đến các nơi khác để tìm việc làm. Vì vậy,
mối quan hệ giữa người dân và các ngôi chùa tại quê nhà cũng yếu đi và cũng chính
điều đó đã khiến họ cảm thấy không còn gần gũi với các ngôi chùa và không có nhu
cầu tìm kiếm một ngôi chùa mới tại địa phương họ đang sinh sống để tiếp tục. Hiện
nay, khi có những người dân di cư do quá trình đô thị hóa qua đời cũng dần ít thấy
sự liên lạc với các ngôi chùa tại quê nhà để có thể tổ chức tang lễ. Nếu có cần nhà
sư trong tang lễ, họ sẽ tìm kiếm thông qua các công ty dịch vụ tang lễ.
Nguyên nhân thứ hai dẫn đến sự thay đổi trong việc tổ chức tang lễ hiện nay đó là
do chi phí tổ chức tang lễ quá đắt đỏ. Nguyên nhân về kinh tế này đã tồn tại và thay
đổi liên tục kể từ sau Thế chiến thứ hai đến tận thời điểm hiện tại. Sau Thế chiến
thứ 2, nền kinh tế Nhật Bản lâm vào tình cảnh khó khăn vì Nhật Bản là đất nước
thua trận, chính phủ đã đưa ra những chính sách nhằm giảm thiểu các khoản chi tiêu
không cần thiết trong đó có các khoản chi tiêu cho tang lễ. Tuy nhiên, cùng với sự
tăng trưởng thần kỳ trong nền kinh tế 1955-1973 và sự xuất hiện của nền kinh tế
bong bóng 1986-1991 đã vực dậy nền kinh tế Nhật Bản. Cũng chính vì việc kinh tế
được phục hồi nhanh chóng, Nhật Bản không còn nỗi lo về vấn đề kinh tế nữa nên
các khoản chi tiêu không cần phải cắt giảm thêm, sự xa hoa trong việc tổ chức tang
lễ đã quay trở lại. Từ quan điểm lịch sử, thế giới của những đám tang xa hoa, những
bàn thờ quy mô lớn và những đền thờ kiểu miếu mạo trong thời kỳ kinh tế tăng
trưởng nhanh chóng mang cảm giác chứa đựng đầy sự tiếc nuối khi những người
thân trong gia đình đã chết trong hoặc sau chiến tranh và không thể đoàn tụ. Cảm
giác này có lẽ được sinh ra từ thực tế là các gia đình của người quá cố có đủ khả
năng tài chính.Theo số liệu điều tra vào năm 1990, chi phí trung bình cho tang lễ là
3.544.000 yên, tức khoảng 690.000.000 Việt Nam đồng và số tiền trên chưa bao
gồm tiền cho ngôi mộ ở nghĩa trang. Giá tiêu chuẩn cho một ví trí tại nghĩa trang là
từ 3.500.000 đến 4.000.000 yên. Sau khi kinh tế bị ảnh hưởng do kinh tế bong bóng
của Nhật Bản bị vỡ cùng với việc cộng đồng làng xã bị tan rã như đã đề cập ở
nguyên nhân đầu tiên, người dân Nhật Bản đã dần không còn tổ chức những tang lễ
xa hoa, hoành tráng nữa mà thay vào đó là những tang lễ nhỏ gọn và có phần khiêm
tốn hơn. Tuy những người tham dự khi đến tang lễ sẽ phúng điếu như một lời chia
buồn với gia đình tang quyến, nhưng những khoản đóng góp như vậy thường vượt
xa các chi phí từ phục vụ ăn uống đến phí địa điểm. Bên cạnh đó, các nghi lễ truyền
thống của Phật giáo, chiếm phần lớn các tang lễ của Nhật Bản, thường được tổ chức
trong hai ngày, với lễ đánh thức được tổ chức vào buổi tối đầu tiên và lễ tang và hỏa
táng chính thức vào ngày hôm sau. Một khoản chi phí mà nhiều người thấy đặc biệt
mờ ám là việc cúng dường tiền mặt cho các nhà sư Phật giáo - những người đọc
kinh trong các buổi lễ và đặt tên theo tôn giáo cho người chết ở thế giới bên kia. Các
nhà sư được trả trung bình khoảng 200.000 yên cho các dịch vụ như vậy. Hiếm khi
có một bảng giá rõ ràng, nhưng một lễ vật lớn hơn được hiểu là để đảm bảo cho một
pháp danh của người quá cố. Cùng với sự giải thể của hệ thống hỗ trợ Phật giáo,
người dân nhận thấy việc xuất hiện của các nhà sư trong tang lễ không phải là một
điều cần thiết. Trong những đám tang nhỏ, bạn bè hoặc người thân của người quá
cố sẽ đọc kinh thay vì thầy cúng. Trong lễ tang, tên người quá cố cũng sẽ được
xướng lên thay vì phải bỏ một số tiền lớn để có được pháp danh. Việc không chi trả
tiền để thuê các nhà sư giúp gia đình người quá cố tiết kiệm được khoảng tiền về
phí hộ niệm và phí pháp danh cho người quá cố.
Hơn nữa, theo số liệu năm 2010, số người chết tại bệnh viện là 77,9% trong khi số
người chết tại nhà chỉ có 12,6%. Chính sự gia tăng cũng góp phần làm thay đổi quá
trình tổ chức tang lễ. So với khi chết tại nhà, nếu có người chết trong bệnh viện, thi
thể sẽ phải vận chuyển một quãng đường dài hơn. Vì vậy, việc tổ chức tang lễ đã
trở nên bất khả thi do khoảng cách xa hơn mà các thi thể cần được vận chuyển khi
qua đời tại bệnh viện, điều đó cũng sẽ làm gia tăng chi phí tổ chức tang lễ. Nếu
không thuê các chuyên gia bên ngoài để cung cấp các dịch vụ cần thiết như sắp xếp
hội trường, vận chuyển hài cốt, thực hiện nghi lễ và lo ăn uống cho khách thì cũng
sẽ giảm bớt phần nào chi phí tổ chức tang lễ. Vì vậy, nhiều gia đình bắt đầu lựa chọn
sử dụng những nơi như nhà tang lễ và đền thờ nhằm tiết kiệm chi phí vận chuyển.
Hoặc vài gia đình thậm chí còn chọn phong cách tang lễ được gọi là chokusou, tức
là hỏa táng người quá cố ngay lập tức dẫn đến nghi lễ không còn được tổ chức và tỷ
lệ tổ chức đám tang tại nhà đang dần giảm xuống.
Trước đây, nhiều công ty Nhật Bản quan tâm khá sâu vào đời sống nhân viên. Khi
đó, các công ty thường giám sát đám tang, đặc biệt đối với những người từng là
quản lý cấp cao và chu cấp gần như toàn bộ chi phí cho tang lễ. Tuy nhiên, dù đã
giảm chi phí so với trước khi nền kinh tế bong bóng bị vỡ thì chi phí tổ chức cho
một lễ tang truyền thống tại Nhật Bản vẫn nằm trong bảng xếp hạng quốc gia có
chi phí cho một lễ tang truyền thống đắt đỏ nhất thế giới, trung bình khoảng 2,31
triệu yên tương đương 501 triệu Việt Nam đồng. Con số này gấp khoảng 5 lần so
với chi phí tang lễ trung bình ở Mỹ - nơi chỉ hơn 4.100 USD tức khoảng 94 triệu
đồng cho mỗi lễ tang. Bên cạnh đó, trong 3 năm gần đây, cả thế giới nói chung và
Nhật Bản nói riêng đều phải đối mặt với dịch bệnh COVID 19. Sự xuất hiện của
COVID 19 đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế của hầu hết các
quốc gia. Và vì số tiền chi tiêu cho tang lễ quá lớn mà lại không cần thiết nên ngày
nay, hiếm công ty nào còn tham gia vào vấn đề này. Đó cũng là nguyên nhân khiến
những đám tang truyền thống giảm sút bởi gia đình người mất không đủ kinh tế để
gánh vác.
Nguyên nhân thứ ba dẫn đến sự thay đổi trong việc tổ chức tang lễ hiện nay
đó là do thiếu diện tích đất để chôn cất. Do tình trạng nhiều người dân tập trung quá
mức ở các khu vực thành thị mà tình trạng thiếu đất và giá đất tăng vọt đã trở thành
vấn đề nghiêm trọng. Đất dành để chôn cất ở nghĩa trang cũng nằm trong tình trạng
khan hiếm. Các kế hoạch quy hoạch đất để làm nghĩa trang cũng vấp phải những
phản đối do gây ảnh hưởng đến môi trường. Trong bối cảnh lo lắng về việc phá hủy
môi trường thiên nhiên để xây dựng nghĩa trang rộng lớn, khuynh hướng hối hận về
việc không coi trọng môi trường tự nhiên trong xã hội công nghiệp đã xuất hiện.
Không chỉ vậy, Nhật Bản hiện nay còn là một đất nước đang đối mặt với sự
già hóa dân số bởi số lượng trẻ nhỏ được sinh ra ngày càng giảm, hình thức gia đình
2 người già sống chung với nhau, hộ sống độc thân, gia đình không có con... ngày
càng tăng; đã làm các vấn đề liên quan đến tính kế thừa ngày càng trầm trọng vì vậy
hình thức mộ gia đình ie haka không còn được sử dụng nhiều nữa vì mộ gia đình
“ie haka” vốn cần diện tích nhất định; cùng với sự gia tăng của gia đình hạt nhân
như đã nêu, sẽ làm tăng nguy cơ thiếu mộ nếu vẫn giữ nguyên cách xây mộ truyền
thống. Mộ gia đình hiện nay cũng bị xem là không phù hợp thời đại và rủi ro về việc
thiếu đi sự kế thừa từ các thế hệ sau. Bên cạnh đó, sau chiến tranh, xã hội Nhật Bản
trải qua biến đổi từ xã hội nông nghiệp thành xã hội công nghiệp, kéo theo sự di dân
lớn của lực lượng lao động từ nông thôn ra thành thị. Chính trong bối cảnh gia đình
hạt nhân ngày càng gia tăng, đã khiến mối liên kết gia đình trở nên lỏng lẻo dẫn đến
gia đình “ie” khó duy trì. Bởi vì dù lúc mua, được trao quyền sử dụng vĩnh viễn
nhưng trên thực tế nếu phí quản lý không được con cháu - người thừa kế mộ chi trả
trong 1 khoảng thời gian, thì hợp đồng bị hủy. Vì vậy, những phương thức mới như
“mộc thụ táng”, hình thức rải tro,... đã ra đời. “Mộc thụ táng” là phương thức chôn
cất khi một cây, hoa được trồng trên đỉnh của đống tro được rải hay là phương thức
rải tro ở gốc cây. Phí sử dụng vĩnh viễn của hình thức này là 140.000 yên, phí quản
lý vĩnh viễn là 60.000 yên, tổng cộng 200.000 yên (tương đương 40 triệu đồng).
Không cần phải có người kế thừa, chăm sóc mộ. So với việc xây mộ thì việc sở hữu
“mộc thụ táng” tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều.
Trong quá trình tồn tại và phát triển của xã hội Nhật Bản, các quan niệm về
đời sống, tín ngưỡng hay tôn giáo cũng từng bước được thay đổi để phù hợp với xã
hội hiện đại. Đây cũng là một trong những lý do giải thích cho quá trình thay đổi
các nghi thức tang lễ và hình thức tang lễ mới. Đầu tiên là quan niệm về cái chết
thay đổi dẫn đến hình thức mai táng thay đổi từ chôn cất sang hỏa táng. Nếu như
hình thức chôn cất mất nhiều năm để có thể biến bộ xương người trở thành cát bụi
thì hình thức hỏa táng có thể làm điều đó trong thời gian ngắn hơn rất nhiều. Điều
này đã làm giảm bớt đi khả năng gây ô nhiễm môi trường do không cần phải trải
qua quá trình phân hủy xác chết cũng như giảm bớt nỗi sợ hãi về sự ô uế của cái
chết cho con người. Ngoài việc giảm bớt nỗi sợ về sự ô uế, hỏa táng còn mang lại
sự thuận tiện trong việc tiết kiệm không gian chôn cất, ngăn chặn động vật hoang
dã gây hư hại hài cốt và không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Bên
cạnh hỏa táng, một hình thức mai táng khác cũng đang dần trở nên phổ biến là “mộc
thụ táng”. Từ xa xưa, ở Nhật đã tồn tại tín ngưỡng thờ rừng, thể hiện mối liên hệ
mật thiết của con người và cây cối. Theo đó, người Nhật luôn tin rằng rừng là nơi
linh thiêng, cây cối là nơi trú ngụ của các linh hồn, kết nối với vũ trụ và chung sống
cùng không gian với con người, vì vậy trong tâm thức người Nhật luôn rất coi trọng
rừng. Trong tín ngưỡng Thần đạo của Nhật Bản, tinh thần kính trọng, hòa hợp với
thiên nhiên rất mạnh mẽ. Theo đó, có thể thấy rằng từ vựng “mộc thụ táng - tang
thức tự nhiên” tuy mới nhưng nội dung, ý nghĩa của nó có lịch sử lâu đời tại Nhật.
Việc xuất hiện những đặc tính mới “không cần bia mộ tưởng niệm”, thậm chí “vô
hình thức” (mukeika) (không hình dạng mộ cụ thể), “thời gian sử dụng giới hạn
(yukigenka), “thời gian sử dụng vĩnh viễn” vượt quá giới hạn gia đình dựa trên sự
quản lý của công ty bán mộ ; “cá nhân hóa”, “tập thể hóa ( cùng chôn cất với người
khác) v.v… đã phản ánh khuynh hướng “cá nhân hóa” trong gia đình ; cũng như
trong khái niệm thờ cúng tổ tiên thì so với tính chất “thờ cúng tổ tiên” truyền thống
vốn tượng trưng cho tổ chức gia đình thống nhất và đảm bảo sự che chở của tổ tiên
bảo vệ gia đình,…,tính chất “tưởng niệm tổ tiên” (memorialism) đã ngày càng trở
nên rõ nét hơn
1.3 Những hình thức tang lễ hiện nay
a. Tang lễ gia đình
Tang lễ gia đình hiện nay rất phổ biến trong xã hội Nhật Bản. Quy mô đám
tang chỉ tập trung trong gia đình, họ hàng thân thiết, còn bạn bè và người quen ở
ngoài thì không được phép tham dự. Thậm chí, trong một số trường hợp, người
ngoài gửi thư điện tín bày tỏ sự chia buồn cũng bị từ chối. Thường những đám tang
gia đình được thực hiện tổ chức dựa trên ý muốn của người đã khuất. Vì đám tang
gia đình thường ít được thông báo nên số người biết và mời đến cũng ít đến, đa phần
là thành viên trong gia đình. Từ đây, có thể mường tượng được lễ tang với số ít
người tham dự và cảnh vật cũng rất đơn giản. Đây cũng là dịp gia đình quây quần
bên nhau, trò chuyện và hồi tưởng lại những kỉ niệm khi tang quyến còn sống. Có
thể không khí tang lễ có phần buồn man mác nhưng vẫn ấm cúng vì sự khắng khít
hơn giữa các thành viên trong gia đình. Tuy vậy, nếu người qua đời có mối quan hệ
với cộng đồng địa phương hay cộng đồng văn phòng thì người nhà vẫn có thể được
viếng thăm, giúp đỡ sau khi tang lễ kết thúc.
Những đám tang gia đình được tổ chức theo cách đơn giản hóa hết mức có
thể, người nhà tang quyến chỉ cần nơi để tổ chức tang lễ và một số vật dụng trưng
bày cần thiết. Thậm chí, nhiều gia đình không cần đến bàn thờ hay những thiết bị
trang hoàng cho không khí tang lễ. Có trường hợp trong di nguyện của người chết,
họ mong muốn được đặt một vật ưa thích thể hiện cá tính hay đam mê của mình
ngay giữa trung tâm tang lễ. Vì số lượng người tham gia ít và mọi thứ đều được đơn
giản hóa nên các nghi lễ cũng được lược bỏ trong nhiều nhà. Họ tiến hành những
nghi thức cơ bản và sau khi đám tang kết thúc, mọi người sẽ cùng nhau quây quần
lại với nhau ăn một bữa tối. Tuy tang lễ hiện đại nhìn chung không còn kết nối mọi
người trong cộng đồng lại với nhau nhưng nếu tổ chức theo đám tang gia đình thì
lại thành công trong việc gắn kết mỗi cá nhân trong gia đình khắn khít hơn.
b. Tang lễ sống
Tang lễ sống là đám tang vẫn được tổ chức tuy đối tượng của đám tang đó
vẫn còn sống và cũng chính họ là người tổ chức tang lễ. Có thể xem đây như là một
bữa tiệc chia tay và thể hiện sự biết ơn đối với những người đã từng giúp đỡ, chăm
sóc trong cuộc sống tang quyến. Đám tang sống trước kia rất phổ biến giữa những
người nổi tiếng như Rokusuke Ei và Takeshi Yoro, sau này cũng đã một số người
bình thường tổ chức tang lễ sống cho chính mình. Họ tổ chức tang lễ không chỉ để
tỏ lòng biết ơn đối với người chăm sóc họ trong khoảng thời gian đau bệnh mà còn
muốn tạo cơ hội để nhìn thấy người thân, bạn bè quây quần với nhau vì mình. Ngoài
ra, một số người tự muốn chi trả cho đám tang của mình, không muốn trở thành
gánh nặng tài chính cho gia đình. Hầu hết tang lễ sống đều là phi tôn giáo. Tuy nhiên,
vẫn có một số trường hợp được thực hiện dựa trên nghi lễ Phật giáo. Quy trình tang
lễ sống thường bao gồm lễ khai mạc, giới thiệu nhân vật chính qua các đoạn video
hoặc trình chiếu, sau đó là bài phát biểu chia buồn từ người đại diện bạn bè, thậm
chí còn có phần giải trí để không khí trở nên vui tươi và cuối cùng là một bữa tối.
Suốt quá trình, buổi lễ có thể diễn ra một cách long trọng hoặc đơn giản, điều đó
phụ thuộc vào ý của tang quyến. Đối với khách mời tham dự, họ thường được quy
định theo ý muốn của người tổ chức từ trang phục cho đến quà phúng điếu. Ngoài
ra, những hành động như vỗ tay và tiếng cười được xem là điều bình thường trong
tang lễ sống.
c. Tang lễ phi tôn giáo
Tang lễ phi tôn giáo là một hình thức đám tang tự do, không bị ràng buộc bởi
bất cứ nghi thức hay quan niệm của một tôn giáo nào. Hình thức tang lễ này gần này
đang nhận được sự quan tâm của nhiều người vì những tác động kinh tế và tư tưởng
tôn giáo của xã hội Nhật Bản hiện nay. Vì vậy, đám tang phi tôn giáo còn được gọi
đám tang miễn phí. Đặc điểm của đám tang phi tôn giáo là quá trình thực hiện buổi
lễ có thể theo ý muốn của người tổ chức hoặc người đã khuất. Khác với đám tang
bình thường, sau khi được tuyên bố khai mạc thì trong đám tang này sẽ không có
nghi thức đọc kinh mà mọi người sẽ cùng nhau có một phút im lặng để mặc niệm.
Kế tiếp là những màn trình diễn ưa thích của tang quyến, một bữa tiệc và video ôn
lại những kỷ niệm. Sau đó, đại diện gia đình sẽ đọc những lời chia buồn và lời tri
ân đến những người tham dự. Những nghi lễ như dâng hoa, chia tay người chết, di
quan đến lò hỏa táng vẫn được thực hiện bình thường. Sau cùng mọi người cùng
nhau ở lại ăn tối sau lễ hỏa táng. Ngày nay số lượng tang lễ phi tôn giáo đang gia
tăng, các công ty tang lễ và những người tổ chức phải đề ra những ý tưởng để thực
hiện trong suốt khoảng thời gian tang lễ diễn ra. Vì các quy tắc và nghi lễ tôn giáo
đã bị gỡ bỏ nên sự vai trò từ phía nhà tang lễ không lớn như những đám tang thông
thường khác. Những nghi thức hay quy định thực hiện trong buổi lễ thường được
dựa theo nguyện vọng của người chết.
2. Đặc điểm tang lễ hiện đại Nhật Bản
2.1 Các yếu tố làm nên đặc trưng tang lễ hiện đại
a. Nhà tang lễ
Nhà tang lễ là yếu tố ảnh hưởng đến văn hóa tang lễ Nhật Bản nhiều nhất.
Khi đất nước trở nên hiện đại hóa, các công ty dịch vụ cũng triển cách nhanh chóng
chuyên cung cấp các dịch vụ và tiếp quản các hoạt động trong đám tang. Từ sau
những năm 1990, văn hóa tang lễ đánh dấu chuyển biến khi lễ tang không còn tổ
chức trong nhà riêng mà chỉ tổ chức trong nhà tang lễ. Mục đích ban đầu của nhà
tang lễ chính là cung cấp không gian, phòng lễ cho những lễ tang lớn, nhưng dần
điều này điều này trở thành nhu cầu của mọi người. Vì khi lễ tang tổ chức tại nhà
tang lễ, giữa lúc bối rối tang quyến không cần phải dọn dẹp, trang trí và trưng bày
vật dụng để phù hợp với nghi thức lễ tang. Các công ty tang lễ sẽ hỗ trợ các thiết bị,
thiết lập bàn thờ và các phòng nghi lễ cũng như cung cấp các vật dụng nhằm hoàn
thiện nghi lễ. Với sự tiện lợi này, mọi người sẵn sàng bỏ ra một khoảng chi phí cho
các nhà dịch vụ tang lễ thay vì tự tổ chức tại gia. Trong trường hợp tang lễ tổ chức
tại nhà hoặc chùa, dịch vụ tang lễ vẫn có thể trọng dụng thông qua việc hướng dẫn
các nghi thức cho người đưa tang và cung cấp những vật dụng cần thiết.
Ngoài ra, với sự suy yếu trong tính cộng đồng đã góp phần cho xu hướng
dịch vụ nhà tang lễ thêm phần phát triển và lan rộng. Trước khi dịch vụ nhà tang lễ
trở nên phổ biến, tang lễ trước đây là nghi lễ chung mà đối tượng không chỉ là gia
đình, người thân của tang quyến mà còn là cả cộng đồng địa phương và cộng đồng
văn phòng. Ngày nay, lối sống và giá trị của con người đã trở nên đa dạng hóa nên
tư duy của người Nhật Bản về tang lễ, chôn cất và mồ mả cũng thay đổi. Theo thời
gian, xã hội Nhật Bản càng ngày càng sống biệt lập và dần mất tính cộng đồng, các
đám tang cũng từ đó trở thành nghi lễ riêng tư và quy mô tổ chức chỉ trong phạm vi
giữa các thành viên gia đình và họ hàng. Vì khi tang lễ diễn ra, tang quyến không
cần sự giúp đỡ và hỗ trợ của những người trong cộng đồng địa phương. Việc quản
lý và tổ chức đám tang từ đó chuyển từ cộng đồng địa phương sang các nhà dịch vụ
tang lễ. Đặc biệt là ở các khu vực thành thị, lối sống đề cao tính cá nhân trở nên phổ
biến hơn, nhiều người không cảm thấy thoải mái hay hài lòng việc có quá nhiều
trong cộng đồng tham gia lễ tang. Từ đó, những phong tục tang lễ truyền thống dần
bị đánh mất, đặc biệt là những tập tục mang bản chất quan hệ cộng đồng như Gozen
và gạo Pháp. Khi các dịch vụ tang lễ cứ tiếp tục phát triển, những tục lệ truyền thống
dần bị mai mục và mối liên kết cộng đồng cũng dần phai nhạt. Có thể thấy tầm ảnh
hưởng của nhà tang lễ đối với văn hóa tang lễ Nhật Bản rất lớn. Bởi vì đây là cơ sở
để tổ chức, cung cấp thiết bị, không gian và dàn xếp các lễ tang. Nếu các công ty
dịch vụ tang lễ thay đổi những tập tục thì sẽ các nghi thức cũng dễ dàng từ đó thay
đổi theo mà phần lớn mọi người đều không biết.
b. Xe tang
Bên cạnh nhà tang lễ, xe tang cũng được xem là yếu tố điển hình cho tang lễ
Nhật Bản. Trước khi xe tang ra đời, các đám tang chở quan tài trong kiệu từ nhà ra
mộ hoặc lò hỏa táng, những người đưa tang đi theo tạo thành một đám rước. Phong
tục rước đám tang này đã được thành lập từ xa xưa và được duy trì cho đến khi xe
tang xuất hiện. Xe tang du nhập vào đầu thời Taisho, thời kỳ với xu hướng cơ giới
hóa phát được thúc đẩy phát triển và đến đầu thời Showa, thiết kế dần được thay đổi
thành dạng kiệu. Vào thời Taisho, sự đô thị hóa và hiện đại hóa phương tiện giao
thông ngày càng được đẩy mạnh, nhịp sống người dân Nhật Bản trở nên nhộn nhịp
hơn và đám tang dần mất đi tính uy nghiêm. Việc vận chuyển quan tài đến nghĩa
trang và lò hỏa táng bằng cách đi bộ chiếm nhiều thời gian và gây cản trở, ùn tắc
giao thông. Vì vậy, ý nghĩ về việc vận chuyển quan tài người chết bằng xe ô tô được
hình thành. Sự phổ biến của xe tang tiếp tục lan rộng đặc biệt ở các khu thành thị và
phong tục đám tang đã bị thay thế một cách nhanh chóng. Lý do lớn nhất dẫn đến
sự loại bỏ tập tục động quan truyền thống là vì không còn phù hợp với nhịp sống đô
thị hóa và hiện đại hóa của người Nhật thời bấy giờ. Qua đó có thể thấy những
phong tục lâu đời có thể bị thay đổi nếu gây ra cản trở cho sự phát triển xã hội hay
không thể đáp ứng cho đời sống hiện đại. Vào những năm 1950 đến 1960, khi Nhật
Bản trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế, xe tang hình điện thờ (xe tang Miya gata) với
nguyên liệu, họa tiết hoành tráng trở nên ưa chuộng. Tuy nhiên, từ thời kỳ kinh tế
bong bóng sụp đổ đến nay, xe tang vẫn tiếp tục được sử dụng trong các tang lễ Nhật
Bản nhưng đã được đơn giản hóa nhất có thể, đúng với vai trò đơn giản là vận
chuyển người chết.
c. Bàn thờ
Nếu vào thời Taisho, thước đo thể hiện sự hoành tráng của một đám tang
được thể hiện qua sự nguy nga của xe tang thì từ thời Showa trở đi điều đó được thể
hiện qua sự trang trọng của bàn thờ. Trước khi bàn thờ xuất hiện, vật trưng bày tang
lễ gồm có quan tài, bài vị và lư hương được đặt trên bàn cùng với vòng hoa và lễ
vật. Sau này, vào thời Showa, bàn thờ trở nên phổ biến và trở thành vật trung tâm
trong phòng tang lễ. Cụ thể hơn, vào năm 1953, người buôn bán thiết bị tang lễ bắt
đầu bán bàn thờ cho các công ty tang lễ và chỉ trong vòng mười năm, bàn thờ được
sử dụng cách rộng rãi. Thậm chí, vào thời điểm này bàn thờ được xem như là công
cụ phản ánh địa vị xã hội và sức ảnh hưởng của tang quyến và sự nghiêm trang của
lễ tang được đánh giá dựa theo số bậc của bàn thờ. Với sự phát triển của nhà tang lễ
và xe tang, tầm quan trọng của bàn thờ cũng ngày càng được nâng cao trong thời kỳ
tăng trưởng kinh tế. Vì là vật mà mọi người đều hướng sự tập trung vào nên nó đã
được xem là biểu tượng tang lễ. Bàn thờ góp phần cho không khí nghi lễ trở nên
trang nghiêm và lộng lẫy. Bàn thờ với nguyên liệu là gỗ trơn là tài sản của nhà tang
lễ, chỉ được cũng cho tang quyến vào thời điểm tổ chức tang lễ. Với đám tang hiện
đại, phần lớn bàn thờ đều từ các nhà tang lễ hỗ trợ sẽ có mức giá và chất lượng khác
nhau. Cứ như thế, bàn thờ được minh họa như một hình thức kinh doanh cho thuê
của các nhà tang lễ.
d. Lò hỏa táng
Nhắc đến văn hóa tang lễ Nhật Bản thì không thể nào không nhắc đến lò hỏa
táng. Hỏa táng đã xuất hiện từ khoảng 1300 năm trước và là hình thức phổ biến và
gắn liền với tang lễ người Nhật. Đến thời Minh Trị, chính phủ đã ban hành luật cấm
hỏa táng nhưng chỉ hai năm sau đó luật này đã bị bãi bỏ vì thiếu nghĩa trang để chôn
cất, đặc biệt là ở các khu vực thành thị. Hơn nữa, vì sức khỏe cộng động, chính phủ
đã đẩy mạnh hình thức hỏa táng và cấm chôn cất ở những nơi tập trung dân cư. Năm
1897, luật phòng chống bệnh truyền nhiễm được ban hành và tỷ lệ người chết hỏa
táng gia tăng. Từ đó, những lò hỏa táng đầu tiên được xây dựng để đáp ứng nhu cầu
xử lý xác chết. So với việc hỏa táng thông thường trước kia, sự ra đời của lò hỏa
táng giúp tiết kiệm nguồn nguyên liệu như gỗ quý, nhân công, khói mùi và giảm bớt
chi phí cho gia đình tang quyến. Đến thời Taisho, thay vì sử dụng củi, than đá và
dầu nặng được sử dụng làm nhiên liệu chính cho lò hỏa táng. Nhờ đó quá trình thiêu
xác được rút ngắn và người thân có thể nhận tro cốt trong ngày. Trong thời điểm
này, sự ra đời và phát triển của lò hỏa táng ngày càng lan rộng, thậm chí được đặt
tên cơ sở như nhà tang lễ và mở rộng thêm các sảnh để tổ chức nghi lễ đánh thức và
tiễn biệt người qua đời. Theo số lượng của trang e-sougi.jp, năm 1940, tỷ lệ người
chết thực hiện hỏa táng chiếm hơn một nửa, 55,7%. Từ những năm 1970, với sự
phát triển khoa học công nghệ, lò hỏa táng đã được hiện đại hóa và cải thiện nhiều
phương diện. Dầu hỏa và khí đốt được sử dụng làm nhiên liệu chính. Đồng thời tăng
cường sử dụng các thiết bị để kiểm soát dioxin, khiến khói trở nên vô hại và mùi
biến mất. Vì thế mà tỷ lệ hỏa táng đã tăng lên 91,1% vào năm 1980. Hiện nay, nhằm
bảo vệ môi trường, chính phủ đã khuyến cáo xử lý xác chết bằng cách hỏa táng được
biệt là ở các khu vực thuộc Tokyo và Osaka.
Với sự phổ biến và thúc đẩy của chính phủ, tỷ lệ hỏa táng tiếp tục tăng và lò
hỏa táng không ngừng được cải tiến. Kết quả đến năm 2015, tỉ lệ người chết hỏa
táng lên đến gần 98,3%.
Qua đó, song song với sự hiện đại hóa đất nước và sự gia tăng tỷ lệ hỏa táng.
Hỏa táng nay không còn là một nghi thức tôn giáo nữa mà là một hình thức truyền
thống gắn liền trong tang lễ người Nhật. Đây cũng chính là điều làm nên sự hiện đại
và phát triển công nghệ của đất nước Nhật Bản.
e. Lăng mộ
Từ khi Nhật Bản du nhập văn hóa Âu Mỹ, hình dáng của bia mộ Nhật Bản
và phương Tây mang nhiều nét tương đồng mặc dù xét về phong cách bia mộ của
Nhật Bản có điểm khác biệt. Tuy nhiên, gần đây đã bắt đầu trào lưu ra đời những
ngôi mộ độc đáo. Dưới sự tác động của sự thay đổi lối sống và tư duy của người
Nhật, ngày càng có nhiều đồ vật được thiết kế để khắc họa nét cá tính hay đặc trưng
của bản thân và bia mộ cũng không phải ngoại lệ.
Sự thay đổi trong phong cách bia mộ không chỉ thể hiện qua suy nghĩ, tư duy
mà còn được thể hiện qua sự thay đổi trong hình hình thức nghĩa trang. Một số nghĩa
trang tự do được thành lập kèm theo sản xuất bia mộ dựa theo yêu cầu của khách
hàng. Dịch vụ liên quan đến tang lễ tiếp tục mở rộng và trở nên đa dạng hơn. Nhờ
đó mộ từ một nơi vừa nhằm để tưởng nhớ người quá cố nhưng cũng để thể hiện cá
tính hay đam mê của họ khi còn sống. Tuy phong cách xây dựng ngôi mộ này chưa
nhiều nhưng đang có xu hướng ngày càng tăng. Ngoài ra, hình thức mộ tập thể cũng
đang phát triển. Mộ tập thể là mộ không xác định số lượng người, bất kể có quan hệ
huyết thống hay gia đình thì sẽ đều được tập trung vào một nơi nhất định, hay còn
được gọi là mộ chung. Trong đó, hài cốt của nhiều người được chôn với nhau.
Ngoài ra, từ sau những năm 1980, bắt đầu xuất hiện những hình thức “mộ
tưởng niệm vĩnh viễn” hay “chôn cất tự nhiên” phát triển rầm rộ, thúc đẩy cho sự
chuyển hóa về mồ mả lẫn đa dạng hóa trong các nghi lễ tưởng niệm người quá cố.
Từ đó dẫn đến “cuộc cách mạng mồ mả”. Ngôi mộ tưởng niệm vĩnh viễn được thực
hiện qua hình thức chôn cất tự nhiên. Chôn cất tự nhiên có nghĩa là rải tro, thể hiện
ý niệm giải phóng con người khỏi chính ngôi mộ và thể xác, được hòa mình với
thiên nhiên sau khi chết. Tương tự như đám tang, mộ Nhật Bản cũng đã có những
bước tiến đổi mới nhằm đáp ứng xã hội đa dạng hóa và đề cao chủ nghĩa cá nhân.
2.2 Sự khác biệt giữa tang lễ hiện đại với tang lễ truyền thống
Như đã đề cập phía trước, đám tang hiện đại không còn cần đến sự hỗ trợ của
cộng đồng địa phương mà phó thác vào dịch vụ nhà tang lễ. Vì vậy, yếu tố khiến
văn hóa tang lễ truyền thống và hiện đại hình thành ranh giới là sự ra đời của các
nhà tang lễ. Tang lễ truyền thống là tang lễ được tổ chức tại gia hoặc chùa, lực lượng
tham gia chuẩn bị chính là gia đình tang quyến và những người hàng xóm láng giềng,
người thân quen, họ hàng, bạn bè hay cả đồng nghiệp. Tang lễ hiện đại là gia đình
tang quyến mua dịch vụ của công ty tang lễ, không cần sự can thiệp của cộng đồng.
Hình thức tang lễ thuần Nhật được tổ chức theo phong cách Phật giáo. Giao
thông thời xưa không nhộn nhịp như ngày nay nên đã tạo ra sự khác biệt đáng kể
trong các nghi lễ và phong tục giữa các vùng. Ở mỗi vùng đều có chùa Phật giáo để
người dân tụ tập tiến hành tổ chức tang lễ, từ đó cũng thành lập một nhóm tang lễ
là những người được cử ra trong cộng đồng với những vai trò nhất định để giúp đỡ
hộ gia đình có người thân qua đời. Nhiệm vụ nhóm tang lễ rất quan trọng và thực
hiện những vai trò trọng yếu trong suốt quá trình tang lễ diễn ra, cụ thể là hỗ trợ
thực hiện những nghi thức trước và giữa tang lễ. Các vai trò bao gồm quản lý chi
tiêu - vật dụng tang lễ, thông báo, tiếp khách, trang trí, chuẩn bị thức ăn, đào hố để
chôn. Với phương thức này, hầu hết những vai trò cần thiết đều do cộng đồng địa
phương đảm nhận và cung cấp, nếu không có họ thì đám tang không thể tổ chức
được. Tuy nhiên, khi đất nước đến thời kỳ đô thị hóa, số lượng người dân tập trung
di cư lên đô thị sinh sống ngày càng đông. Điều này dẫn đến sự thưa thớt dân số và
tan rã trong cộng đồng địa phương, các nhóm tang lễ thiếu hụt nhân sự và tang lễ
không thể thực hiện một cách hoàn thiện được. Vì vậy, hệ thống tổ chức tang lễ
buộc phải có sự đổi mới. Dần dần các đám tang không còn được chuẩn bị từ cộng
đồng địa phương, thay vào đó là sự điều hành của chuyên gia tang lễ được thuê. Từ
đó, bắt đầu phát sinh một ngành công nghiệp mới - dịch vụ tang lễ. Với sự phổ biến
của công ty tang lễ, những tập tục đáng ra do cộng đồng địa phương hỗ trợ đã không
còn và tầm hiểu biết của mọi người về tang lễ, đặc biệt là thế hệ trẻ, dần trở nên hạn
hẹp. Mọi việc từ đầu đến cuối đều được sắp xếp và an bài bởi những người từ công
ty tang lễ. Họ không nằm cùng huyết thống hay bất kỳ mối liên hệ nào với tang
quyến. Người nhà tang quyến gần như ủy thác mọi việc cho các chuyên gia tang lễ,
nên khi đứng trước các tình huống đều nghe theo sự sắp xếp của bộ phận dịch vụ
tang lễ. Do đó, tang lễ hiện nay gần như không thể tổ chức nếu không sử dụng dịch
vụ của các công ty. Cứ thế, tang lễ từ một nghi thức liên kết mối quan hệ cộng đồng
trở thành một chiến lược tiếp thị mà nhiều người sử dụng dịch vụ không hay biết.
Các công ty dịch vụ tang lễ lợi dụng điều này, đã đưa ra chi phí đắt đỏ nhưng không
rõ ràng, minh bạch. Từ đó, tang lễ ngày càng trở nên xa hoa và đắt đỏ trong thời kỳ
kinh tế tăng trưởng. Tuy sau thời kỳ kinh tế bong bóng sụp đổ, lễ tang Nhật Bản đã
được đơn giản hóa hơn rất nhiều nhưng vẫn tiếp tục là nan đề cho đến ngày nay vì
chi phí tổ chức vẫn còn đắt. Thậm chí, các khoản thanh toán mà người nhà tang
quyến phải chịu chiếm đến một phần lớn thu nhập trung bình một năm. Điều này đã
làm dấy lên sự lo lắng về việc tổ chức đám tang ngày nay, đặc biệt là những người
cao tuổi, họ lo lắng rằng sự ra đi của mình trở thành gánh nặng cho con cháu, gia
đình.
Vì sự tốn kém trong việc tổ chức các nghi lễ, quan điểm của nhiều người
cũng đã thay đổi. Đối với tang lễ truyền thống, việc thực hiện các nghi lễ là điều cần
thiết vì đằng sau đó đều có chiều sâu ý nghĩa nhất định. Tuy nhiên đối với tang lễ
hiện đại, không ít người cho rằng những nghi lễ đều thật vô nghĩa và họ bỏ qua các
nghi thức, thực hiện an táng trực tiếp. Bên cạnh đó, tỷ lệ “đám tang gia đình” và
“đám tang bí mật” cũng đã gia tăng đáng kể trong thời đại này. Việc người nhà qua
đời chỉ có gia đình và họ hàng thân thiết biết, không thông báo cho cộng đồng xung
quanh. Những tập tục như thăm viếng, chia buồn cùng người nhà tang quyến dường
như không còn phổ biến. Điều này trái ngược lại với đám tang truyền thống, khi có
ai trong cộng đồng qua đời thì tin tức sẽ được lan truyền nhanh chóng và mọi người
cùng nhau tập trung tại nhà của tang quyến để chuẩn bị tổ chức tang lễ. Quy mô của
tang lễ hiện đại dần trở nên thu hẹp và nhỏ lại so với tang lễ truyền thống.
Điều này cho thấy mối quan hệ giữa các hộ gia đình và các cá nhân trong
cộng đồng trong đám tang truyền thống trở nên thân thiết hơn thì trái lại, mối quan
hệ trong đám tang hiện đại không thể hiện tình cảm gắn bó mà thể hiện bản chất
thương mại giữa công ty dịch vụ tang lễ và khách hàng. Sau khi đám tang kết thúc,
mối quan hệ giữa công ty và khách hàng vẫn tiếp tục duy trì một cách sòng phẳng.
Tuy nhiên, mối quan hệ này không hẳn chỉ là một cuộc giao dịch. Thông qua các
chuyên gia tang lễ, phía công ty luôn cố gắng xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt
đẹp với khách hàng. Điều này được thực hiện qua nhiều cách thức như đến thăm gia
đình tang quyến dù tang lễ đã được tổ chức sau một khoảng thời gian, các nhạc
trưởng gửi tặng thiệp mời cho người nhà tang quyến, người của công ty gọi điện
bày tỏ sự cảm thông cũng như chia buồn đến gia đình. Ngoài ra, nếu phía khách
hàng có điều gì không hài lòng trong dịch vụ thì có thể được giảm chi phí. Hơn nữa,
với sự cạnh tranh trong thị trường dịch vụ tang lễ, các công ty luôn cố gắng tạo mối
quan hệ tự nhiên và thoải mái với khách hàng. Trong khi đó đám tang truyền thống,
sau khi tang lễ kết thúc, mối quan hệ trong cộng đồng địa phương được duy trì một
cách bền chặt hơn. Điều này đồng nghĩa với việc phía người nhà tang quyến cũng
có nghĩa vụ phải giúp đỡ những hộ gia đình khác khi tang lễ diễn ra. Nếu như sau
này, các hộ gia đình khác có đám tang nhưng những nhà từng nhận được sự giúp đỡ
lại không hỗ trợ đền đáp sẽ bị lên án và bị xem thiếu trách nhiệm. Nói cách khác,
trong đám tang truyền thống mọi người cùng cộng đồng nương tựa vào nhau còn
trong đám tang hiện đại sự phụ thuộc chỉ thể hiện ở phía các công ty dịch vụ.
Có thể thấy, so với đám tang truyền thống, đám tang hiện đại tồn tại nhiều vấn đề
và lo ngại nhưng điều này không đồng nghĩa với việc đám tang truyền thống luôn
tích cực và đám tang hiện đại là tiêu cực. Mỗi hình thức đều có những nhược điểm
và ưu điểm khác nhau. Trong đám tang truyền thống, ý thức và tư duy của cộng
đồng luôn có phần mê tín hơn, từ đó dẫn đến những điều kiêng kỵ. Còn trong đám
tang hiện đại, mọi người có suy nghĩ cởi mở và tân tiến hơn, không còn quan trọng
hóa những nghi thức dân gian mê tín. Ví dụ, sau khi một đám tang lớn kết thúc,
những bông hoa còn sót lại trong buổi lễ sẽ được trao tặng cho những người tham
gia, như thể hiện sự biết ơn cho sự hiện diện của họ. Đối với đám tang cộng đồng,
đa phần mọi người đều không dám đem những bông hoa đó về nhà vì quan niệm đó
là điềm gở, không may mắn. Trái lại ở đám tang hiện nay, đặc biệt là phụ nữ, họ
chọn những bông hoa yêu thích mang về nhà mình. Ngoài ra giá trị được thể hiện
trong đám tang truyền thống và đám tang thương mại còn được thể hiện qua mối
liên hệ giữa người sống và người chết. Trong các nghi lễ truyền thống, mọi người
quan niệm rằng trong vòng bốn mươi chín ngày sau khi chết, người sống phải có
nghĩa vụ cân bằng mối quan hệ với người chết vì người sống được thừa kế và hưởng
quyền từ người chết. Nếu không có sự cân bằng này thì linh hồn người chết có thể
trở nên nguy hiểm, gây cản trở trong cuộc sống người sống. Nghĩa vụ này được thực
hiện bằng những lễ nghi thể hiện sự tôn trọng đối với người chết. Khi đến ngày thứ
bốn mươi chín, người chết lúc đó sẽ được coi như đã chuyển hóa thành thần an lành
và phù hộ cho gia đình. Nhưng đối với quan niệm ngày nay, những ý nghĩ về sự cân
bằng quan hệ với người chết hay hy vọng được thừa kế và phù hộ không còn quan
trọng hóa như trước. Trong các nghi lễ tang lễ, người sống có quyền đưa ra quyết
định mức độ đám tang phù hợp cho người chết. Điều này phản ánh lên được mối
quan hệ, tình cảm của người chết khi còn sống đối với gia đình và người thân. Đây
cũng là phần quan trọng trong việc tưởng niệm người đã khuất. Đối tượng được tổ
chức đám tang đa phần là người lớn tuổi, nên đôi khi việc tưởng nhớ đến những
công lao, đóng góp của họ khó thực hiện vì những người đồng trang lứa cũng đã
qua đời trước họ. Đứng trước tình hình đó, các công ty dịch vụ tang lễ sẽ cố gắng
tìm những thông tin, tuy dù không nhiều nhưng vẫn có thể phát triển thành một bài
diễn văn cảm động, ca ngợi về những phẩm chất của tang quyến. Khiến cho người
tham gia tang lễ nhớ đến những phẩm hạnh và công đức của người chết. Điều này
đã làm nên một nét đẹp trong đám tang hiện đại. Không chỉ về mặt ý nghĩa tinh thần,
công ty tang lễ vẫn luôn nỗ lực thay đổi hình ảnh tang lễ bằng cách cải thiện không
gian tươi tắn hơn, giảm bớt sự u buồn và không khí nặng nề thường có trong đám
tang.
Bên cạnh yếu tố về các hoạt động, những yếu tố khác cũng tạo nên sự khác
biệt trong tang lễ giữa tang lễ truyền thống và hiện đại. Đầu tiên là nơi chết. Khi hệ
thống y tế trở nên hiện đại thì đa phần sự ra đi của người chết đều ở trong bệnh viện,
khác với trước đây khi người xưa thường chết tại nhà của họ. Trong vòng 50 năm
trở lại đây, tỷ lệ tử vong ở bệnh viện và nhà có sự chuyển biến rõ rệt. Bất kể vùng
miền, tỷ lệ người chết đa số đều ở bệnh viện. Kế đến là phương thức mai táng. Như
đã đề cập trước đây, tỷ lệ hỏa táng ở Nhật Bản hiện nay gần 100% và được mệnh
danh là đất nước tiên tiến nhất trong việc hỏa táng. Mặc dù vậy, vào những năm đầu
thế kỷ 20, tỷ lệ hỏa hỏa táng chưa đến 30% và phần lớn đều thực hiện hình thức
chôn cất thông thường. Sau đó, với tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhiều lò hỏa táng
được xây dựng từ khu vực thành thị đến vùng nông thôn. Yếu tố thứ ba cũng là yếu
tố đã được đề cập nhiều lần trước đó, địa điểm tổ chức tang lễ.
So với tang lễ truyền thống thường tổ chức tại nhà thì tang lễ hiện đại tập
trung tổ chức ở trong hội trường nhà tang lễ. Xu hướng thực hiện đám tang trong
nhà tang lễ phát triển đặc biệt ở các khu vực thành thị vì số người gia tăng nhanh
chóng, tập trung sống ở chung cư, nhà tập thể. Sau này, xu hướng lan rộng đến các
vùng nông thôn. Mặc dù, nhà ở có diện tích rộng và vẫn có điều kiện để tổ chức
đám tang tại gia nhưng nhận thấy điểm tiện lợi của nhà tang lễ, mọi người vẫn ưa
chuộng thực hiện tang lễ thông qua dịch vụ của các công ty. Theo số liệu từ báo cáo
thống kê thường niên của Bộ y tế, Lao động và Phúc lợi, vào năm 1995, tỷ lệ tang
lễ tổ chức tại gia ở Tokyo vẫn còn phổ biến, chiếm 42%. Nhưng vào năm 2001, tỷ
lệ này đã giảm xuống chỉ còn 11,3%. Điều này cho thấy ngành công nghiệp dịch vụ
tang lễ ngày càng phát triển và được mọi người lựa chọn.
Từ những yếu tố trên đã dẫn đến sự thay đổi những nghi lễ trong quá trình tổ
chức tang lễ. Trong đám tang truyền thống, các trình tự nghi lễ đều được thực hiện
ở những nơi có khoảng cách địa lý gần và người tham gia hầu như không sử dụng
phương tiện giao thông nào. Đầu tiên là tang quyến chết tại nhà, sau đó người nhà
cùng cộng đồng địa phương tổ chức đám tang, kế đến đem thi thể đưa ra đồng và
chôn cất. Còn trong đám tang hiện đại, việc vận chuyển thi thể người chết không
thể thực hiện được nếu như không có các phương tiện giao thông. Như đã đề cập ở
phần trước, bệnh viện là nơi người chết trút hơi thở cuối cùng, sau đó người nhà đưa
thi thể về nhà rồi đến nơi tổ chức tang lễ và cuối cùng là đến lò hỏa táng. Sau khi
thi thể được hỏa táng và trở thành tro cốt thì sẽ đặt vào trong ngôi mộ. Qua đó có
thể thấy trong tang lễ hiện đại, việc vận chuyển thi thể người chết được thực hiện
liên tục và các điểm đến đều ở vị trí cố định, buộc phải có sự hỗ trợ của xe cộ. Ở
các khu vực đông dân, việc thực hiện nghi lễ di quan truyền thống (野辺送り-
nobeokuri) bị cấm vì gây cản trở giao thông nên các nhà tang lễ thực hiện tang lễ
không còn ở ngoài trời mà ở trong nhà.
3. Đánh giá và dự đoán xu hướng tương lai
Chỉ mới vài thập kỷ trước, tang lễ là sự kiện lớn không chỉ đối với gia đình
và người thân của tang quyến mà còn đối với cộng đồng địa phương và cộng đồng
nơi làm việc. Những thay đổi trong tang lễ diễn ra từ năm 1995 khiến tang lễ hiện
nay dần mất đi địa vị của mình, cũng như ít được coi là nghi lễ xã hội và được cá
nhân hóa hơn. Do xuất hiện dịch bệnh COVID 19, các tang lễ truyền thống cũng
đang dần có xu hướng giảm tổ chức. Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, các đám
tang được tiến hành theo nghi lễ rút gọn. Một số công ty khởi nghiệp phất lên nhờ
cung cấp dịch vụ mai táng nhỏ gọn, chi phí thấp. Xu hướng này đang trên đà nở rộ
khi virus corona chủng mới khiến người người phải ở trong nhà, các sự kiện tập
trung đông người bị hủy. Bởi vậy, tang lễ tiễn đưa những người đã khuất theo truyền
thống đã được rút gọn. Dịch vụ tang lễ ở Nhật Bản đã trở nên vô cùng phát triển đến
mức có tên gọi riêng “ngành công nghiệp tang lễ”. Các dịch vụ tang lễ tuy có ích
trong việc giúp đỡ cộng đồng người cao tuổi hay những người không có chuyên
môn để có thể tổ chức tang lễ nhưng lại quá tốn kém và không góp phần giúp cải
thiện việc hạn chế chi tiêu cho tang lễ dù đã có sự thay đổi về giá thuê so với các
thời đại trước. Hiện nay, nhiều người dân không còn nhu cầu muốn tổ chức tang lễ
do kinh phí quá đắt, vì vậy họ đã chuyển sang những hình thức mai táng khác để
tiết kiệm chi phí hơn. Theo số liệu thống kê, trong tương lai, hình thức hỏa táng vẫn
sẽ được ưa chuộng tại Nhật Bản do hiện tại số lượng người Nhật sử dụng hình thức
này chiếm đến hơn 90%. Tuy nhiên, trong bối cảnh thay đổi của các yếu tố ảnh
hưởng như cấu trúc gia đình, ý thức tôn giáo, môi trường...đã dẫn đến nhiều thay
đổi, khuynh hướng mới ra đời. Trong đó, "mộc thụ táng'' đang dần trở nên phổ biến
và được ưa chuộng hơn. Dựa vào các số liệu điều tra, cuộc điều tra tổng hợp về sự
thay đổi ý thức liên quan đến việc thờ cúng, người mất - mai táng và mộ” do giáo
sư Suzuki Iwayumi - đại diện nhóm nghiên cứu thuộc viện cao học đại học Tohoku,
thực hiện năm 2003 và 2011, quy mô toàn quốc với đối tượng điều tra là 2000 người
nam và nữ tuổi từ 20 tuổi trở lên, đã cho thấy kết quả thể hiện hầu hết mọi người
đều biết đến hình thức này và có suy nghĩ về nó một cách tích cực. Thêm vào đó, ở
các địa phương đều thực hiện nhiều hoạt động, các buổi nói chuyện, tư vấn... với sự
tham gia của nhiều nhà chuyên môn để phổ biến hình thức này đến mọi người. Vì
vậy nhóm nghiên cứu nghĩ rằng, bên cạnh hình thức hỏa táng thì “mộc thụ táng”
trong tương lai cũng sẽ là hình thức được người dân Nhật Bản ưa chuộng và chọn
cho mình. Vì ngoài ý nghĩa về mặt tôn giáo, tín ngưỡng và tiết kiệm được chi phí
làm tang lễ cũng như chôn cất thì “mộc thụ táng” còn góp phần cải thiện tình hình
môi trường hiện nay của Nhật Bản và giải quyết tình trạng thiếu đất chôn cất của
hình thức mộ gia đình. Hiện nay, hầu hết người dân Nhật Bản hiện nay không còn
ưa chuộng tang lễ nữa do kinh phí tổ chức của nó quá đắt đỏ và các nghi thức tang
lễ lại vô cùng phức tạp. Tuy vậy, nhóm nghiên cứu cho rằng việc liệu tang lễ sẽ biến
mất hay vẫn tiếp tục tồn tại trong tương lai hay không là một câu hỏi chưa có lời
giải đáp.

You might also like