You are on page 1of 5

2.2.

Làm rõ việc áp dụng pháp luật trong quá trình giải quyết khiếu nại
2.2.1. Về thẩm quyền
Theo tình huống, ông Nguyễn Văn A làm đơn khiếu nại với nội dung khiếu nại
liên quan đến quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú do Phó Thủ trưởng CQĐT ra quyết
định trước đây và mặc dù sau đó CQĐT đã xác định ông Nguyễn Văn A không liên
quan đến hành vi phạm tội của các đối tượng trong vụ án nên không cần phải tiếp tục
làm việc với CQĐT nhưng sau đó vẫn không hủy bỏ quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú
đã áp dụng trước đó đối với ông A. Ông cho rằng việc áp dụng quyết định đó đối với
ông bây giờ là không đúng, nên ngày 12/4/2019 ông Nguyễn Văn A làm đơn khiếu nại
gửi đến VKSND huyện M để yêu cầu giải quyết. Sau khi nhận được đơn khiếu nại của
ông Nguyễn Văn A, VKSND huyện M trả lại đơn cho ông A với lý do đơn không
thuộc thẩm quyền giải quyết của VKSND huyện M và hướng dẫn cho ông A gửi đơn
đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Khi phân loại đơn khiếu nại căn cứ vào thẩm quyền giải quyết thì tại điểm a
Khoản 1 Điều 9 Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải
quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (Ban hành kèm theo Quyết định số
222/QĐ-VKSTC ngày 22 tháng 6 năm 2023 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối
cao) – viết tắt là Quy chế 222 quy định rằng “a) Phân loại theo thẩm quyền gồm: Đơn
thuộc thẩm quyền giải quyết; đơn thuộc thẩm quyền kiểm sát việc giải quyết; đơn không
thuộc thẩm quyền giải quyết và kiểm sát việc giải quyết”. Theo đó, VKSND căn cứ vào
Khoản 1 Điều 29 Luật Tổ chức VKSND thì đơn khiếu nại của ông A sẽ không thuộc
thẩm quyền giải quyết của VKSND.
Hơn nữa, căn cứ vào khoản 1 Điều 10 Thông tư 19/2022/TT-BCA quy định việc
tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn khiếu nại, đơn kiến nghị, phản ánh trong Công an nhân
dân và Khoản 1 Điều 475 BLTTHS thì “Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng
của Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra trừ khiếu nại về
việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam do Thủ trưởng Cơ
quan điều tra xem xét, giải quyết” thì ông A khiếu nại đối với hành vi không hủy
quyết định Cấm đi khỏi nơi cư trú của Phó Thủ trưởng CQĐT Công an huyện M là
ông Lưu Văn T nên khiếu nại này do Thủ trưởng CQĐT xem xét, giải quyết. Như vậy
đây là khiếu nại trong hoạt động tư pháp nên theo Khoản 1 Điều 483 BLTTHS thì
khiếu nại của ông A thuộc thẩm quyền kiểm sát giải quyết của VKSND. Đồng thời căn
cứ vào Khoản 2 Điều 9 Quy chế 222 về xử lý đơn thì “Đối với đơn khiếu nại thuộc
thẩm quyền kiểm sát việc giải quyết của Viện kiểm sát cấp mình thì chuyển đơn đến cơ
quan có thẩm quyền giải quyết và thực hiện thẩm quyền kiểm sát việc giải quyết theo
quy định của pháp luật và của Ngành”. Do đó, hướng xử lý của VKSND huyện M trả
lại đơn cho ông A với lý do đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết của VKSND
huyện M và hướng dẫn cho ông A gửi đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết
là không tuân thủ quy định pháp luật về phân loại đơn, xử lý đơn. Mà khi đó VKSND
huyện M cần chuyển đơn khiếu nại của ông A đến CQĐT huyện M để CQĐT tiến
hành giải quyết và thực hiện việc kiểm sát giải quyết.
2.2.2. Về thời hạn
Dựa vào tình huống và căn cứ theo Khoản 1 Điều 475 BLTTHS “1. Khiếu nại
đối với quyết định, hành vi tố tụng của Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Phó Thủ trưởng
Cơ quan điều tra trừ khiếu nại về việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm
giữ, tạm giam do Thủ trưởng Cơ quan điều tra xem xét, giải quyết trong thời hạn 07
ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại” thì Thủ trưởng CQĐT Công an huyện M là ông
Huỳnh Công L phải tiến hành xem xét, giải quyết trong thời hạn 7 ngày từ ngày nhận
được khiếu nại do VKSND huyện M chuyển đến. Tuy nhiên, trong tình huống, hướng
xử lý đơn của VKSND huyện M là không tuân thủ quy định về xử lý đơn theo điểm a
Khoản 1 Quy chế 222 nên “Ngày 13/4/2019 ông A gửi đơn khiếu nại đến Cơ quan
CSĐT Công an huyện M để xem xét giải quyết theo quy định pháp luật. Thủ trưởng Cơ
quan CSĐT Công an huyện M là ông Huỳnh Công L đã thụ lý giải quyết khiếu nại”
nên thời hạn giải quyết khiếu nại có thể xác định theo hai trường hợp:
- Trường hợp 1: Trường hợp VKSND huyện M tiến hành chuyển đơn ngay cho
CQĐT Công an huyện M và CQĐT nhận được đơn ngay vào ngày 12/4/2019 thì trong
vòng 7 ngày tức hết ngày 19/4/2019 là hết thời hạn giải quyết
- Trường hợp 2: Trường hợp VKSND huyện M tiến hành phân loại, xử lý đơn
nên ngày 13/4/2019 CQĐT công an huyện M mới nhận được đơn thì trong vòng 7
ngày tức hết ngày 20/4/2019 là hết thời hạn giải quyết
Trong tình huống, đến ngày 22/4/2019 Thủ trưởng CQĐT Công an huyện M
mới ban hành quyết định giải quyết khiếu nại. Như vậy, đã vượt quá thời hạn giải
quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định tại Điều 475 BLTTHS năm 2015 dù có xác định
theo thời hạn theo hướng nào. Bởi vậy, VKS phải kiểm sát chặt chẽ hoạt động giải
quyết khiếu nại, kịp thời thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của VKS trong qúa trình kiểm
sát giải quyết khiếu nại của CQĐT huyện M theo Điều 483 BLTTHS, nên khi đã quá
thời hạn mà Thủ trưởng CQĐT vẫn không ra QĐ giải quyết khiếu nại thì tiến hành yêu
cầu CQĐT ra quyết định giải quyết khiếu nại, theo quy định pháp luật tố tụng hình sự.
2.2.3. Về thủ tục giải quyết khiếu nại
Nhìn chung, thủ tục giải quyết khiếu nại được quy định bao gồm một số hoạt
động như sau:
- Kiểm tra điều kiện thụ lý, thụ lý khiếu nại;
- Yêu cầu cá nhân, đơn vị có liên quan giải trình, cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên
quan đến hành vi, quyết định bị khiếu nại.
- Xác minh nội dung khiếu nại, việc xác minh phải có kế hoạch xác minh được
phê duyệt và kết thúc xác minh phải có báo cáo kết quả xác minh nội dung khiếu nại
và đề xuất hướng giải quyết khiếu nại. Trong trường hợp kết quả xác minh nội dung
khiếu nại và yêu cầu của người khiếu nại còn khác nhau, thì phải tổ chức đối thoại với
người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ
nội dung khiếu nại, việc đối thoại phải tiến hành công khai, dân chủ và phải được lập
biên bản, kết quả đối thoại là một trong các căn cứ để giải quyết khiếu nại;
- Áp dụng biện pháp cần thiết để ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra;
- Người có thẩm quyền giải quyết phải ban hành văn bản giải quyết khiếu nại,
quyết định giải quyết khiếu nại phải được gửi cho người khiếu nại, người bị khiếu nại,
Viện kiểm sát cấp trên có thẩm quyền
Trong tình huống sau khi nhận được đơn khiếu nại, Thủ trưởng CQĐT– ông
Huỳnh Công L đã trực tiếp thụ lý đơn khiếu nại, trực tiếp giải quyết. Thủ trưởng tiến
hành xác minh nội dung khiếu nại bằng cách yêu cầu Phó Thủ trưởng CQĐT Công an
huyện M là ông Lưu Văn T có văn bản giải trình về việc không hủy quyết định cấm đi
khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Văn A, kèm hồ sơ vụ án liên quan đến ông
Nguyễn Văn A. Rõ ràng, kết quả xác minh nội dung khiếu nại và yêu cầu của người
khiếu nại là trùng khớp, do đó không cần phải tổ chức đối thoại. Sau khi xem xét khiếu
nại, Thủ trưởng CQĐT – ông Huỳnh Công L đã ban hành quyết định giải quyết khiếu
nại của ông Nguyễn Văn A là từ chối hủy bỏ biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với
ông Nguyễn Văn A – tức Thủ trưởng CQĐT đồng ý với quan điểm của Phó Thủ
trưởng CQĐT. Như vậy, nhìn chung trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại trên đã được
CQĐT Công an huyện M thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về thủ tục giải
quyết khiếu nại
2.2.4. Về nội dung
VKS phải tiến hành kiểm sát việc áp dụng pháp luật để giải quyết khiếu nại của
CQĐT. Trong tình huống, sau khi tiếp nhận đơn khiếu nại, Thủ trưởng CQĐT đã tiến
hành nghiên cứu, giải quyết nội dung khiếu nại. Ngày 22/4/2019 Thủ trưởng CQĐT
Công an huyện M – ông Huỳnh Công L đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại
của ông Nguyễn Văn A như sau: “Từ chối hủy quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú ngày
10/3/2019 do ông Lưu Văn T ban hành với lý do chưa hết thời hạn điều tra vụ án nên
không thể hủy quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú”.
Trước đó, sau quá trình điều tra thì ngày 10/4/2019, CQĐT Công an huyện M
xác định ông Nguyễn Văn A không liên quan đến hành vi phạm tội của các đối tượng
trong vụ án nên không cần phải tiếp tục làm việc với CQĐT. Ngày 10/4/2018, Giám
đốc Công ty X ra quyết định hủy quyết định tạm đình chỉ chức vụ với ông Nguyễn
Văn A để ông tiếp tục làm việc tại công ty. Ngoài ra, căn cứ vào Điều 123 BLTTHS
về căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú thì việc áp dụng quy
định này để bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện
kiểm sát, Tòa án. Ngoài ra, căn cứ Điều 125 BLTTHS quy định về hủy bỏ hoặc thay
thế biện pháp ngăn chặn thì tại Khoản 2 có quy định “2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm
sát, Tòa án hủy bỏ biện pháp ngăn chặn khi thấy không còn cần thiết hoặc có thể thay
thế bằng biện pháp ngăn chặn khác”. Pháp luật chưa quy định cụ thể thế nào là
“không còn cần thiết”, bởi vậy việc áp dụng quy định này vẫn còn phụ thuộc vào ý chí
của người có thẩm quyền ra quyết định hủy bỏ. Tuy nhiên, việc CQĐT không thể hủy
biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú với lý do chưa hết thời hạn điều tra vụ án là không có
căn cứ bởi lẽ sau khi quá trình điều tra đã xác định ông A không liên quan đến hành vi
phạm tội đối với vụ án cần giải quyết. Do vậy, ông A sẽ không gây khó khăn cho việc
điều tra, truy tố, xét xử cũng như đảm bảo thi hành án.
Để thực hiện tốt quá trình kiểm sát giải quyết khiếu nại, Viện kiểm sát cần kịp
thời phát hiện thông qua việc nghiên cứu kỹ yêu cầu khiếu nại và áp dụng các biện
pháp kiểm sát phù hợp để nắm bắt nội dung khiếu nại. Qua đó sau khi nhận được
quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng CQĐT chuyển đến, KSV phải kiểm tra
xem cơ quan có thẩm quyền áp dụng các quy định của pháp luật có phù hợp không,
ngoài các quy định của pháp luật thì có căn cứ, chứng cứ nào khác để kết luận không,
các căn cứ, chứng cứ có hợp pháp không, các lập luận, đánh giá có chính xác, thuyết
phục không. Sau khi kiểm tra phải đánh giá CQĐT giải quyết khiếu nại có vi phạm
không và vi phạm như thế nào về nội dung giải quyết khiếu nại, từ đó đưa ra hướng xử
lý phù hợp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại. Như vậy, trong
tình huống này, việc vẫn áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú với lí do
chưa hết thời hạn điều tra là không có căn cứ. Mà CQĐT huyện M cần phải hủy bỏ
biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông A. Tuy nhiên, khi ban hành quyết định
giải quyết khiếu nại của ông A về vấn đề đó, Thủ trưởng CQĐT huyện M đã không
giải quyết đúng theo quy định pháp luật. Theo đó, KSV cần áp dụng các biện pháp
kiểm sát phù hợp hoặc ban hành các văn bản kiến nghị, kháng nghị tùy theo mức độ vi
phạm.
TLTK:
1.Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết
khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (Ban hành kèm theo Quyết định số
222/QĐ-VKSTC ngày 22 tháng 6 năm 2023 của Viện trưởng Viện kiểm sát
nhân dân tối cao)
2. Bộ luật tố tụng dân sự
3.Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội (2019), Giáo trình Giải quyết và kiểm sát việc
giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, Nxb Tư pháp, Hà Nội.
4.Thông tư 19/2022/TT-BCA quy định việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn khiếu
nại, đơn kiến nghị, phản ánh trong Công an nhân dân

You might also like