You are on page 1of 13

CHƯƠNG 6

I. Nhận định
1. Đối thoại là thủ tục bắt buộc trong quá trình giải quyết VAHC.
Sai. Theo khoản 1 Điều 134 Luật TTHC 2015 quy định: “Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ
thẩm, Tòa án tiến hành đối thoại để các đương sự thống nhất với nhau về việc giải quyết vụ án,
trừ những vụ án không tiến hành đối thoại được, vụ án khiếu kiện về danh sách cử tri, vụ án xét
xử theo thủ tục rút gọn được quy định tại các Điều 135, 198 và 246 của Luật này.” => Đối thoại
không phải là thủ tục bắt buộc trong mọi VAHC.
2. Các căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 141 Luật TTHC năm 2015 là cơ sở duy nhất để
chủ thể có thẩm quyền ban hành quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án.
Sai. Ngoài các căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 141 Luật TTHC 2015, thì nếu VAHC có các
tình tiết rơi vào Điều 162 Luật TTHC thì có thể có quyết định hoãn phiên tòa đó.
“Điều 162. Hoãn phiên tòa
1. Các trường hợp phải hoãn phiên tòa:
a) Trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 155, khoản 1 Điều 157, khoản 2 Điều 161
của Luật này;
b) Thành viên của Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa, người phiên dịch bị thay đổi mà không có
người thay thế ngay;
c) Trường hợp phải tiến hành giám định lại theo quy định tại Điều 170 của Luật này.
2. Trường hợp hoãn phiên tòa được quy định tại khoản 2 Điều 159 và khoản 2 Điều 160 của
Luật này.”
3. Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm VAHC kết thúc vào thời điểm trước khi mở phiên tòa
xét xử sơ thẩm VAHC.
Sai. Theo Khoản 4 Điều 130 Luật TTHC năm 2015 thì trong trường hợp tạm đình chỉ giải quyết
vụ án, thời hạn chuẩn bị xét xử sẽ được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án
của Tòa án có hiệu lực pháp luật, kể cả khi đã mở phiên tòa xét xử. Vì vậy, thời hạn chuẩn bị
xét xử sơ thẩm không phải lúc nào cũng kết thúc trước thời điểm mở phiên tòa xét xử.
4. Thời hạn chuẩn bị xét xử đối với khiếu kiện QĐHC không quá 06 tháng kể từ ngày thụ
lý.
Đúng. Theo Khoản 1, 3 Điều 130 Luật TTHC 2015 thì thời hạn chuẩn bị xét xử đối với khiếu
kiện quyết định hành chính là 04 tháng kể từ ngày thụ lý. Trong trường hợp vụ án phức tạp hoặc
có trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể gia hạn 1 lần nhưng không quá 02 tháng =>
Như vậy, thời hạn chuẩn bị xét xử đối với khiếu kiện quyết định hành chính phức tạp hoặc có
trở ngại khách quan là không quá 06 tháng kể từ ngày thụ lý.
5. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, nếu phát hiện vụ việc đã thụ lý là vụ án dân sự
thì thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải ra quyết định đình chỉ vụ án đó.
Sai. Trường hợp phát hiện vụ việc đã thụ lý là vụ án dân sự không thuộc các trường hợp mà Tòa
án có quyền đình chỉ giải quyết vụ án theo Khoản 1 Điều 143 Luật TTHC 2015 nên trong
trường hợp này thì Tòa án không thể đình chỉ giải quyết vụ án. Theo Khoản 1 Điều 34 Luật
TTHC 2015 trong quá trình giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục sơ thẩm, Tòa án xác định
vụ án đó không phải là vụ án hành chính mà là vụ án dân sự và việc giải quyết vụ án này thuộc
thẩm quyền của mình thì Tòa án giải quyết vụ án đó theo thủ tục chung do pháp luật tố tụng dân
sự quy định, đồng thời thông báo cho đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.
6. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, nếu đương sự là cá nhân chết thì Tòa án phải ra quyết
định đình chỉ giải quyết vụ án.
Sai. Theo điểm a Khoản 1 Điều 141 Luật TTHC 2015 nếu đương sự là cá nhân chết mà chưa có
người thừa kế quyền, nghĩa vụ tố tụng thì Tòa án quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Nếu
người khởi kiện là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế thì Tòa án
phải ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính (khoản 1 Điều 143 Luật TTHC 2015).
Trường hợp người khởi kiện là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của người đó được thừa kế
thì người thừa kế tham gia tố tụng (Khoản 1 Điều 59 Luật TTHC 2015).
7. Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án không thể có hiệu lực thi hành ngay.
Sai. Bản án, quyết định đình chỉ vụ án giải quyết khiếu kiện về danh sách cử tri có hiệu lực thi
hành ngay. Đương sự không có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát không có quyền kháng nghị.
Bởi vì thời gian diễn ra bầu cử có giới hạn, chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nên quyết định đình
chỉ giải quyết vụ án về danh sách cử tri phải có hiệu lực thi hành ngay.
Cơ sở pháp lí: Khoản 1 Điều 202 LTTHC 2015.
8. Nếu người khởi kiện là cá nhân đã chết thì Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án.
Sai. Theo khoản 1 Điều 143 LTTHC 2015 người khởi kiện là cá nhân đã chết quyền và nghĩa vụ
tố tụng của họ không được thừa kế thì Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án. Theo điểm a Khoản 1
Điều 141 Luật TTHC 2015 nếu đương sự là cá nhân chết mà chưa có. người thừa kế quyền,
nghĩa vụ tố tụng thì Tòa án quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ Nhưng nếu họ có người thừa
kế quyền và nghĩa vụ tố tụng thì người thừa kế sẽ tham gia tố tụng ( Theo khoản 1 Điều 59 Luật
TTHC 2015).
.9. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, nếu phát hiện người khởi kiện không có năng lực
hành vi TTHC đầy đủ thì Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện.
Sai. Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện nếu phát hiện người khởi kiện không có năng lực hành vi
TTHC đầy đủ trong giai đoạn Tòa án thụ lý vụ án chứ không phải trong giai đoạn chuẩn bị xét
xử.
Cơ sở pháp lý: điểm h khoản 1 Điều 143 và điểm b khoản 1 Điều 123 Luật TTHC 2015.
10. Quyền bổ sung yêu cầu là quyền dành riêng cho người khởi kiện.
Sai. Căn cứ theo khoản 1 Điều 173 thì quyền bổ sung, yêu cầu của đương sự được Hội đồng xét
xử chấp nhận nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi
kiện hoặc yêu cầu độc lập ban đầu. Cho nên người khởi kiện là một thành phần trong đương sự
nên không là quyền dành riêng.
11. Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án chỉ được ban hành trong giai đoạn chuẩn bị
xét xử sơ thẩm VAHC.
Sai. Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án không chỉ được ban hành trong giai đoạn chuẩn bị
xét xử sơ thẩm VAHC mà còn có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Cơ sở pháp lý: khoản 2 Điều 141 Luật TTHC năm 2015.
12. Thẩm phán được phân công thụ lý vụ án không có trách nhiệm gửi thông báo thụ lý vụ
án cho người khởi kiện.
Sai. Thẩm phán thụ lý vụ án vào ngày người khởi kiện nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
Trường hợp người khởi kiện được miễn nộp tiền tạm ứng án phí hoặc không phải nộp tiền tạm
ứng án phí thì ngày thụ lý vụ án là ngày Thẩm phán thông báo cho người khởi kiện biết việc thụ
lý. Vì vậy Thẩm phán vẫn có trách nhiệm gửi thông báo thụ lý cho người khởi kiện.
Cơ sở pháp lý: khoản 2 Điều 125 Luật TTHC năm 2015.
13. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, đương sự được quyền nghiên cứu hồ sơ vụ
án.
Sai. Căn cứ Điều 55 thì không có quy định rằng đương sự được quyền nghiên cứu hồ sơ vụ án
và điểm b khoản 6 Điều 61 Luật TTHC 2015 thì chỉ có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp
của đương sự mới được nghiên cứu hồ sơ vụ án. Do đó người bị kiện, người khởi kiện không có
quyền nghiên cứu hồ sơ vụ án trong mọi giai đoạn xét xử.
14. Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm
cũng là Thẩm phán được phân công thụ lý vụ án.
Sai. Căn cứ khoản 1 Điều 127 và căn cứ theo điểm b khoản 1 Điều 37 Luật TTHC 2015 thì
Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án bảo đảm đúng nguyên tắc
vô tư, khách quan, ngẫu nhiên. Do đó Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án trong giai
đoạn xét xử không đương nhiên là Thẩm phán được phân công thụ lý vụ án mà phải được
Chánh án quyết định.
15. Giai đoạn chuẩn bị xét xử bắt đầu từ khi Tòa án ra thông báo thụ lý đơn khởi kiện.
Sai. Căn cứ khoản 1 Điều 126 và Điều 130 LTTHC 2015. Thì trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày
thụ lý đơn khởi kiện thì Thẩm phán đã thụ lý vụ án mới đưa ra thông báo cho các đương sự.
Như vậy giai đoạn chuẩn bị xét xử được bắt đầu từ khi Tòa án thụ lý vụ án chứ không phải là
khi Tòa án ra thông báo thụ lý.
16. Trường hợp qua đối thoại nếu các đương sự đã thống nhất với nhau về việc giải quyết
vụ án thì Thẩm phán ra quyết định công nhận kết quả đối thoại thành, đình chỉ việc giải
quyết vụ án.
Sai. Căn cứ Khoản 3 Điều 140 thì trong trường hợp các đương sự đã đối thoại thống nhất với
nhau về việc giải quyết vụ án thì trong thời hạn là 7 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của
Tòa án thì các bên tham gia đối thoại phải thực hiện xong cam kết của mình và gửi cho Tòa án,
thì lúc này Thẩm phán mới ra quyết định công nhận kết quả đối thoại thành, và đình chỉ việc
giải quyết Tòa án để tránh việc một trong các bên tham gia đối thoại không thực hiện đúng cam
kết và ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên còn lại. Cho nên nếu một trong các
đương sự không thực hiện đúng cam kết của mình thì Thẩm phán sẽ tiếp tục tiến hành các thủ
tục để mở phiên tòa xét xử vụ án.
17. Tòa án đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án thì người khởi kiện không có quyền
khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án đó.
Sai. Theo khoản 1 Điều 144 Luật TTHC 2015 thì khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án,
đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án đó, nếu việc khởi kiện
này không có gì khác với vụ án đã bị đình chỉ về người khởi kiện, người bị kiện và quan hệ
pháp luật có tranh chấp, trừ các trường hợp bị đình chỉ theo quy định tại các điểm b, c và e
khoản 1 Điều 123, điểm b và điểm đ khoản 1 Điều 143 của Luật này và trường hợp khác theo
quy định của pháp luật.
Do đó, nếu thuộc trường hợp tại các điểm b, c và e khoản 1 Điều 123, điểm b và điểm đ khoản 1
Điều 143 của Luật này và trường hợp khác theo quy định của pháp luật thì người khởi kiện vẫn
được quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án ngay cả khi đã ra quyết định đình chỉ.
18. Kiểm sát viên được quyền tham gia tất cả các phiên họp của Tòa án.
Sai. Đối với phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại, thành
phần tham gia gồm: Thẩm phán chủ trì phiên họp; Thư ký phiên họp ghi biên bản; Đương sự
hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của
đương sự (nếu có); Người phiên dịch (nếu có); không quy định có Kiểm sát viên.
CSPL: theo khoản 1 Điều 137 Luật TTHC 2015.
19. Thời hạn chuẩn bị xét xử với các loại khiếu kiện khác nhau là như nhau.
Sai.
- Đối với trường hợp khiếu kiện là QĐHC, HVHC, QDDKLBTV thì có thời hạn chuẩn bị
xét xử là 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Với vụ án phức tạp hoặc có trở ngại khách quan thì
Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử một lần, nhưng không quá
02 tháng.
- Đối với trường hợp khiếu kiện là QĐGQKN về QĐXLVVCT, QĐGQKN trong hoạt
động kiểm toán nhà nước thì có thời hạn chuẩn bị xét xử là 02 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án.
Với vụ án phức tạp hoặc có trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn
thời hạn chuẩn bị xét xử một lần, nhưng không quá 01 tháng.
- Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử
được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Do đó, qua từng trường hợp thì thời hạn xét xử các loại khiếu kiện là khác nhau.
CSPL: theo Điều 130, khoản 2 Điều 116 Luật TTHC 2015.
20. Tất cả quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án đều có thể bị kháng cáo, kháng
nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Sai. Đối với trường hợp giải quyết khiếu kiện về danh sách cử tri thì bản án, quyết định sẽ có
hiệu lực thi hành ngay, đương sự không có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát không có quyền
kháng nghị. Tức là việc giải quyết vụ án có khiếu kiện về danh sách cử tri chỉ dừng lại ở cấp sơ
thẩm chứ không có thủ tục phúc thẩm. Điều này nhằm tránh kéo dài thời gian ảnh hưởng đến
quyền lợi và tiến trình bầu cử.
CSPL: theo khoản 1 Điều 202 Luật TTHC 2015.
II. Bài tập
Bài 1: Ngày 01/03/2019, Cục trưởng Cục thuế thành phố H ban hành quyết định số 112/QĐ-
CT xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Công ty TNHH Hoài Thương (có trụ sở đặt
tại huyện NT, tỉnh DN) với số tiền 500 triệu đồng. Không đồng ý với QĐHC trên, ngày
06/05/2019 ông M là Giám đốc của công ty TNHH Hoài Thương đã khởi kiện với yêu cầu
hủy bỏ Quyết định số 112/QĐ-CT và buộc người bị kiện bồi thường thiệt hại 10 triệu đồng do
QĐHC trái pháp luật gây ra. Ngày 14/05/2019 Tòa án đã tiến hành thụ lý vụ án. Anh/chị
hãy:
a. Xác định thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm trong vụ án trên? Thời hạn xét xử sơ thẩm
sẽ được xác định lại như thế nào nếu ngày 10/09/2019 Tòa án ban hành quyết định tạm
đình chỉ giải quyết vụ án và có quyết định tiếp tục giải quyết vụ án vào ngày 15/12/2019?
Vì đây là quyết định hành chính nên thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm trong vụ án trên là 04
tháng kể từ ngày Tòa án tiến hành thụ lý vụ án, tức là từ ngày 14/05/2019 đến ngày 14/09/2019
(Khoản 1 Điều 130 LTTHC 2015).
Trong trường hợp Tòa án ban hành quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án ngày 10/09/2019
và có quyết định tiếp tục giải quyết vụ án vào ngày 15/12/2019 thì thời hạn chuẩn bị xét xử
được tính lại kể từ quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật (Khoản
4 Điều 130 LTTHC 2015) tức là thời hạn chuẩn bị xét xử sẽ được tính lại từ ngày 15/12/2019
đến ngày 15/04/2019 (04 tháng).
b. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm người bị kiện cho rằng người khởi kiện chậm
thi hành Quyết định số 112/QĐ-CT dẫn đến thiệt hại cho Nhà nước nên yêu cầu Tòa án có
thẩm quyền buộc người khởi kiện bồi thường thiệt hại 100 triệu đồng. Theo Anh/Chị, yêu
cầu của người bị kiện có được đồng ý hay không và tại sao?
Yêu cầu của người bị kiện không được đồng ý vì người bị kiện không có quyền yêu cầu bồi
thường thiệt hại do quyết định hành chính gây ra (Khoản 1 Điều 7 LTTHC 2015).
c. Giả sử trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm VAHC ông M chết. Hỏi tư cách đương
sự trong vụ án trên có thay đổi hay không?Vì sao?
Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, ông M là người khởi kiện, khi ông M chết nếu ông M
có người thừa kế quyền, nghĩa vụ tố tụng thì tư cách đương sự lúc này sẽ không thay đổi
(Khoản 1 Điều 59 LTTHC 2015). Còn đối với trường hợp ông M không có người thừa kế quyền
nghĩa vụ tố tụng thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án (Điểm a Khoản 1 Điều 143
LTTHC 2015).
Bài 2: Ngày 15/5/2018, bà N bị Chủ tịch UBND huyệt T ra quyết định xử phạt vi phạm hành
chính về hành vi xây dựng nhà trái phép. Không đồng ý với quyết định trên, bà N đã khởi
kiện VAHC và được Tòa án thụ lý, 03 tháng kể từ ngày thụ lý, theo yêu cầu của người bị
kiện. Tòa án ra quyết định tạm đình chỉnh giải quyết vụ án để người bị kiện thu thập thêm
tài liệu, chứng cứ. Theo Anh/Chị:
a. Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án có đúng với quy định của pháp
luật hay không? Vì sao? Nếu không đồng ý với quyết định trên, bà N có thể làm gì để bảo
vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình?
Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án không đúng với quy định của pháp luật.
Căn cứ khoản 1 Điều 141 thì việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án là không phù hợp.
Bên cạnh đó vì thời gian chuẩn chuẩn bị xét xử sơ thẩm của quyết định hành chính là 04 tháng
kể từ ngày thụ lý vụ án (khoản 1 Điều 130 LTTHC 2015) nhưng theo vụ án trên thì người bị
kiện yêu cầu Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án để thu thập thêm chứng cứ khi
chỉ mới 03 tháng kể từ ngày thụ lý tức là thời hạn chuẩn bị xét xử lúc này vẫn còn nên không
thể yêu cầu Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án.
Nếu không đồng ý với quyết định trên, bà N có thể làm đơn kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm
để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo khoản 2 Điều 141 LTTHC.
b. Khi vụ án được tiếp tục giải quyết, trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Chủ
tịch UBND huyện T đã ra quyết định hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tòa
án sẽ xử lý như thế nào trong trường hợp trên?
Chủ tịch UBND huyện T đã ra quyết định hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì
Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính nếu bà N đồng ý rút đơn khởi kiện
(Điểm e Điều 143 LTTHC 2015). Trong trường hợp bà N không đồng ý rút đơn khởi kiện thì
Tòa án vẫn phải đưa vụ án ra xét xử để bảo đảm nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt
của người khởi kiện (Điều 8 LTTHC).
CHƯƠNG 7
I. Nhận định
1. Trường hợp người khởi kiện rút đơn khởi kiện tại phiên tòa sơ thẩm thì HĐXX sẽ đỉnh
chỉ giải quyết vụ án.
Sai => Căn cứ vào khoản 2 Điều 165 và khoản 1 Điều 143 thì khi người khởi kiện rút đơn khởi
kiện trong trường hợp có yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án
chỉ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu của người khởi kiện đã rút chứ không
đình chỉ giải quyết cả vụ án.
2. HĐXX sơ thẩm có thể buộc người bị kiện phải bồi thường thiệt hại cho người khởi kiện
nếu xét thấy QĐHC bị khởi kiện là trái pháp luật.
Đúng => Căn cứ vào điểm g khoản 2 Điều 193 thì Tòa án có quyền quyết định buộc cơ quan, tổ
chức bồi thường thiệt hại, khôi phục quyền lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân nếu
xét thấy QĐHC bị khởi kiện trái pháp luật.
3. Khi được TA triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà người khởi kiện, người đại diện của họ vắng
mặt tại phiên tòa sơ thẩm thì HĐXX phải đình chỉ giải quyết yêu cầu của họ.
Sai=> Căn cứ vào điểm a khoản 2 Điều 157 thì HĐXX sẽ không đình chỉ vụ án trong trường
hợp người khởi kiện, người đại diện của họ của họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
4. HĐXX sở thẩm có thể kiến nghị người đứng đầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem
xét trách nhiệm của người bị kiện.
Đúng => Căn cứ vào điểm h khoản 2 Điều 193: HĐXX có quyền kiến nghị với cơ quan nhà
nước có thẩm quyền, người đứng đầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của
cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước.
5. Trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt hoặc không thể tiếp tục tham gia phiên tòa mà
không có Kiểm sát viên dự khuyết có mặt tại phiên tòa từ đầu thay thế thì Tòa án phải
hoãn phiên tòa.
Sai => Căn cứ Khoản 1 Điều 156, Điều 162 quy định có hai trường hợp:
- Trường hợp KSV không thể tiếp tục tham gia phiên tòa do tình trạng sức khỏe hoặc do sự kiện
bất khả kháng, trở ngại khách quan khác mà không có KSV dự khuyết có mặt từ đầu thay thế thì
hoãn phiên tòa (Khoản 2 Điều 156, Điểm a Khoản 1 Điều 187).
- Trường hợp KSV vắng mặt thì vẫn tiến hành xét xử.
6. Việc đối đáp của đương sự tại phiên tòa sơ thẩm được tiến hành theo sự điều khiển của
Hội đồng xét xử.
Sai => Căn cứ vào điểm d khoản 1 Điều 188 quy định các đương sự đối đáp theo sự điều khiển
của Chủ tọa phiên tòa chứ không phải được tiến hành theo sự điều khiển của hội đồng xét xử.
7. Trong trường hợp Hội thẩm nhân dân vắng mặt tại phiên tòa xét xử sơ thẩm VAHC thì
Hội Đồng xét xử có thể không hoãn phiên tòa.
Đúng => Căn cứ vào khoản 2 Điều 155 trường hợp hội thẩm nhân dân vắng mặt hoặc không thể
tiếp tục tham gia xét xử vụ án nhưng có Hội thẩm nhân dân dự khuyết tham gia phiên tòa từ đầu
thì những người này được thay thế hội thẩm nhân dân vắng mặt để tham gia xét xử vụ án và sẽ
không hoãn phiên tòa.
8. Khi tất cả những người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên tòa xét xử so thẩm thì Hội
đồng xét xử phải hoãn phiên tòa.
Sai => Tòa án có thể tiến hành xét xử vắng mặt tất cả các đương sự, người tham gia tố tụng khi
có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 168.
9. Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, người khởi kiện bổ sung yêu cầu bồi thường thiệt hại thì
có thể được Hội đồng xét xử chấp nhận.
Đúng => Căn cứ vào khoản 1 Điều 173; khoản 1 Điều 7 thì người khởi kiện có quyền bổ sung
thêm yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu những QĐHC, HVHC, QĐKLBTV, QĐGQKN về
QĐXLVVCT trái pháp luật gây ra thiệt hại cho người khởi kiện. Người khởi kiện có nghĩa vụ
cung cấp tài liệu, chứng cứ để bổ sung yêu cầu bồi thường thiệt hại, đồng thời yêu cầu đó không
được vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện hoặc yêu cầu độc lập ban đầu thì HĐXX có thể chấp
nhận.
10. Đối với thủ tục giải quyết khiếu kiện về danh sách cử tri, Tòa án không thể ra quyết
định tạm đình chỉ giải quyết vụ án hoặc hoãn phiên tòa.
Đúng => Căn cứ vào khoản 1 Điều 199 thì TA không thể ra quyết định tạm đình chỉ vụ án hoặc
hoãn phiên tòa. Và căn cứ vào Điều 201 thì việc hoãn phiên tòa không được áp dụng đối với
việc giải quyết khiếu kiện về danh sách cử tri.
11. Hội đồng xét xử sơ thẩm VAHC có thể không có Hội thẩm nhân dân.
Đúng => Căn cứ vào khoản 1 Điều 249 thì việc xét xử sơ thẩm vụ án hành chính theo thủ tục rút
gọn do một Thẩm phán thực hiện và thủ tục này thì không có Hội thẩm nhân dân.
12. Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hành chính, đương sự có quyền đề nghị thay đổi
người đại diện của người bị kiện.
Sai => Căn cứ vào khoản 14 Điều 55 thì đương sự có quyền yêu cầu thay đổi người tiến hành tố
tụng, người tham gia tố tụng. Tuy nhiên, quyền này là quyền thay đổi người tham gia tố tụng ở
phía đương sự đưa ra yêu cầu thay đổi chứ không thể yêu cầu thay đổi người tham gia tố tụng
của đương sự còn lại, ở đây là phía người bị kiện, cụ thể là người đại diện của người bị kiện.
13. Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hành chính, nếu phát hiện thời hiệu khởi kiện đã
hết thì Hội đồng xét xử sẽ tạm ngừng.
Sai => Căn cứ vào khoản 1 Điều 187 Luật TTHC năm 2015 thì trường hợp trên không thuộc các
trường hợp mà HĐXX phải tạm ngừng phiên tòa. Mà căn cứ vào điểm g khoản 1 Điều 143 thì
trong trường hợp này Tòa án sẽ phải ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.
14. Trong trường hợp QĐHC là đối tượng khởi kiện có nội dung không đúng với quy định
của pháp luật, Hội đồng xét xử sơ thẩm có quyền sửa đổi QĐHC đó.
Sai => Căn cứ vào khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 193 thì đối với QĐHC không đúng với quy
định của PL thì HĐXX sẽ kiến nghị cách thức xử lý đối với quyết định hành chính trái pháp luật
đã bị huỷ chứ HĐXX không có thẩm quyền sửa đổi QĐHC đó.
15. Phiên tòa xét xử sơ thẩm VAHC không nhất thiết phải trải qua thủ tục hỏi tại phiên
tòa.
Đúng => Căn cứ vào Điều 168 Luật TTHC 2015 về thủ tục xét xử xét vắng mặt tất cả những
người tham gia tố tụng không trải qua thủ tục hỏi được quy định tại khoản 1 Điều 177.
16. Có trường hợp chủ thể được quyền tham gia hỏi tại phiên tòa sơ thẩm cũng được
quyền tham gia tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm.
Đúng => Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 177 và điểm b khoản 1 Điều 188 thì người bảo vệ
quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện được quyền tham gia hỏi và được quyền tham gia
tranh tụng tại phiên tòa.
17. Nếu đương sự không đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại thì Hội đồng xét xử không
được quyền buộc cơ quan, tổ chức bồi thường thiệt hại do QĐHC trái pháp luật gây ra.
Đúng => Căn cứ vào khoản 1 Điều 7 và Điều 8 thì việc yêu cầu bồi thường thiệt hại là quyền
của người khởi kiện, người có quyền và lợi ích liên quan nên họ sẽ tự định đoạt nó. Tòa án chỉ
giải quyết theo yêu cầu của đương sự.
18. Trường hợp tại phiên tòa sơ thẩm, người bị kiện xuất trình QĐHC mới sửa đổi quyết
định bị khởi kiện thì Tòa án bắt buộc phải xem xét tính hợp pháp của quyết định sửa đổi
để có phán quyết về việc giải quyết vụ án đúng pháp luật.
Sai => Căn cứ vào khoản 3 Điều 165 thì trường hợp đương sự xuất trình quyết định HC mới mà
QĐHC đó liên quan đến quyết định bị khởi kiện và không thuộc thẩm quyền của TA đang xét
xử sở thẩm vụ án thì HĐXX đình chỉ việc xét xử và chuyển hồ sơ vụ án cho TA có thẩm quyền
19. Kiểm sát viên được quyền phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa sơ
thẩm.
Đúng => Căn cứ Điều 190 tại phiên tòa Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về hai vấn đề đó là: Việc
tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân,
Thư ký Tòa án và của người tham gia tố tụng hành chính, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến khi Hội
đồng xét xử nghị án; phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án.
20. Sau khi bản án của Tòa án đã được ban hành thì không được sửa chữa, bổ sung.
Sai => Căn cứ Khoản 1 Điều 197 Sau khi bản án, quyết định của Tòa án được ban hành có thể
được sửa chữa, bổ sung trong trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm
lẫn hoặc tính toán sai.
II. Bài tập
Bài 1: Ngày 06/07/2019, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh CT (có trụ sở
đặt tại thành phố CT, tỉnh CT) đã ban hành Quyết định số 342/QĐ-XPVP về việc xử phạt vi
phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn M với số tiền là 10 triệu đồng do có hành vi gây ô
nhiễm môi trường. Cho rằng Quyết định trên là sai, ngày 08/07/2019 ông khiếu nại và
Chánh Thanh tra tỉnh CT đã ban hành Quyết định số 112/QĐ-GQKN giải quyết khiếu nại
lần đầu với nội dung bác khiếu nại của ông M. Ngày 26/8/2019, ông M khởi kiện vụ án hành
chính và vụ việc đã được Tòa án thụ lý giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
a. Anh (Chị) hãy xác định đối tượng mà ông M có thể khởi kiện trong vụ án trên.
Vì ông M không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại số 112 của Chánh thanh tra tỉnh CT
nên đối tượng ông M có thể khởi kiện trong vụ án trên là quyết định số 112 căn cứ khoản 1 Điều
115 LTTHC.
b. Tại phiên tòa sơ thẩm, Hội thẩm nhân dân vắng mặt, Hội đồng xét xử sẽ xử lý như thế
nào?
Tại phiên tòa sơ thẩm, Hội thẩm nhân dân vắng mặt thì căn cứ theo khoản 2 và khoản 3 Điều
155LTTHC:
- Trường hợp Hội thẩm nhân dân vắng mặt hoặc không thể tiếp tục tham gia xét xử vụ án nhưng
có Hội thẩm nhân dân dự khuyết tham gia phiên tòa từ đầu thì những người này được thay thế
thành viên Hội đồng xét xử vắng mặt để tham gia xét xử vụ án.
- Trường hợp không có Hội thẩm nhân dân dự khuyết để thay thế thành viên Hội đồng xét xử
theo quy định tại khoản 2 Điều này thì phải hoãn phiên tòa.
c. Tại phiên tòa sơ thẩm, ông M phát hiện Thư ký tòa là em ruột của Kiểm sát viên nên đã
yêu cầu thay đổi Thư phiên ký phiên tòa. Theo Anh (Chị) Hội đồng xét xử có chấp nhận
yêu cầu này không?
Căn cứ vào khoản 14 Điều 55 thì ông M có quyền yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng,
người tham gia tố tụng, cụ thể ở đây là Thư ký tòa án. Trong trường hợp này Thư ký tòa án là
em ruột của Kiểm sát viên nên căn cứ vào khoản 3 Điều 47 thì HĐXX sẽ phải chấp nhận yêu
cầu của ông M.
d. Bản án hành chính sơ thẩm tuyên bác yêu cầu của người khởi kiện và giữ nguyên
QĐHC bị kiện. Anh (Chị) có nhận xét gì về phán quyết trên của Tòa án?
Căn cứ vào điểm a khoản 2 Điều 193 LTTHC 2015 thì Hội đồng xét xử có quyền quyết định
bác yêu cầu khởi kiện, nếu yêu cầu đó không có căn cứ pháp luật. Như vậy trong trường hợp
này nếu Tòa án cho rằng QĐHC bị kiện đã được ban hành đúng với pháp luật; bên phía người
khởi kiện không đưa ra được bất cứ tài liệu, chứng cứ nào cho rằng QĐHC đó trái quy định
pháp luật thì Tòa án bác yêu cầu của người khởi kiện là hoàn toàn hợp lý.
Bài 2: Bà A là chủ hộ kinh doanh dịch vụ nhà trọ bình dân tại phường TN, thành phố P,
tỉnh X. Vào khoảng 21 giờ 10 phút ngày 23/4/2018, Đoàn kiểm tra đến kiểm tra và lập Biên
bản vi phạm hành chính số 11/BB-VPHC. Căn cứ biên bản vi phạm trên, ngày 28/04/2018
Chánh Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh X đã ban hành Quyết định số
23/QĐ-XPHC phạt bà M số tiền 5.000.000 đồng. Quyết định xử phạt được trao cho bà M
cùng ngày. Bà M muốn khởi kiện VAHC đối với quyết định xử phạt nêu trên. Hỏi:
a. Tòa án có thẩm quyền thụ lý và tư cách đương sự trong vụ án.
-Bà M khởi kiện VAHC đối với Quyết định xử phạt VPHC do Chánh Thanh tra Sở VHTTVDL
ban hành, nên căn cứ vào khoản 3 Điều 32 Luật TTHC năm 2015 thì Tòa án có thẩm quyền thụ
lý vụ án này là TAND tỉnh X.
-Tư cách đương sự trong vụ án căn cứ vào khoản 7 Điều 3 Luật TTHC năm 2015:
+Người khởi kiện: bà M.
+Người bị kiện: Chánh Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh X.
+Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: các thành viên của Đoàn kiểm tra.
b. Thời hiệu khởi kiện.
- Căn cứ vào điểm a khoản 2 Điều 116 Luật TTHC năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện là 1 năm
kể từ ngày nhận được quyết định hành chính, theo đó trong vụ án này thời hiệu khởi kiện là 1
năm tính từ ngày bà M nhận được Quyết định số 23/QĐ-XPHC tức là từ ngày 28/04/2018 đến
hết ngày 28/04/2019.
c. Nêu cách thức giải quyết của Hội đồng xét xử nếu tại phiên tòa sơ thẩm:
*c1: Người bị kiện được triệu tập hợp lệ lần thứ nhất nhưng vắng mặt.
Tình huống này sẽ có 2 trường hợp xảy ra, căn cứ vào khoản 1 Điều 157 Luật TTHC năm 2015:
-Trường hợp 1: Người khởi kiện vắng mặt thì Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa.
-Trường hợp 2: Người khởi kiện có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì vẫn tiến hành xét xử.
*c2: Hội thẩm nhân dân vì lý do sức khỏe không thể tiếp tục tham gia phiên toà.
Tình huống này sẽ có 2 trường hợp xảy ra, căn cứ vào khoản 2 Điều 155 và điểm a khoản 1
Điều 187 Luật TTHC năm 2015:
-Trường hợp 1: Do tình trạng sức khỏe mà Hội thẩm nhân dân không thể tiến hành phiên tòa thì
Hội đồng xét xử có quyền tạm ngừng phiên tòa.
-Trường hợp 2: Do tình trạng sức khỏe mà Hội thẩm nhân dân không thể tiếp tục tham gia xét
xử nhưng có Hội thẩm nhân dân dự khuyết tham gia phiên tòa từ đầu thì những người này được
thay thế thành viên Hội đồng xét xử vắng mặt để tham gia xét xử vụ án.
Cảm ơn cô đã đọc đến đây ạ!

You might also like