You are on page 1of 4

VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 4/2020, tr 77-80 ISSN: 2354-0753

MỘT SỐ ĐIỂM MỚI TRONG CHƯƠNG TRÌNH TIẾNG VIỆT


VÀ SÁCH GIÁO KHOA TIẾNG VIỆT 1
THEO CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG 2018
Trường Đại học Tây Bắc
Lê Văn Đăng
Email: haidangdhtb@gmail.com

Article History ABSTRACT


Received: 09/3/2020 The 2018 general education program, along with many Vietnamese 1
Accepted: 25/3/2020 textbooks, is generating a lot of special attention from primary school teachers
Published: 30/4/2020 who are directly teaching as well as students who are majored in primary
education at university and the whole society. The article points out some new
Keywords points in the Vietnamese General Education Program 2018 and analyzes the
The general education structure of the types of lessons in Vietnamese 1 textbook, which is the basis
program in 2018, for orienting the way of teaching Vietnamese subjects 1 for elementary
Vietnamese language subject teachers when doing this program. Understanding the core elements of the
program, Vietnamese 2018 program and Vietnamese textbook 1 is a basic condition for good
language textbooks 1. teaching Vietnamese in elementary school.

1. Mở đầu
Sau nhiều năm thực hiện chương trình giáo dục hiện hành (Bộ GD-ĐT, 2006), để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn
bản và toàn diện GD-ĐT, Bộ GD-ĐT đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018, trong đó có
CTGDPT cấp tiểu học, được áp dụng ở tiểu học từ năm học 2020-2021, bắt đầu từ lớp 1. Để chuẩn bị tốt nhất cho
quá trình dạy học theo CTGDPT, Bộ GD-ĐT đã và đang thực hiện các khóa tập huấn hướng dẫn và định hướng cách
dạy các môn học, trong đó có môn Tiếng Việt. Tuy nhiên, để dạy tốt môn Tiếng Việt nói chung, môn Tiếng Việt lớp
1 nói riêng, cần có sự chuẩn bị về nhiều mặt để thích nghi và điều chỉnh sao cho phù hợp với điều kiện dạy học của
từng địa phương.
Đội ngũ giáo viên (GV) trực tiếp giảng dạy là một trong yếu tố quan trọng quyết định chất lượng dạy học ở bất
cứ chương trình giáo dục nào. Vì vậy, việc trang bị cho GV những điều kiện cần thiết về kiến thức, kĩ năng để làm
tốt công tác chuyên môn, hiểu được những điểm cốt lõi của chương trình, sách giáo khoa là việc làm hết sức cần
thiết, giúp họ sẵn sàng tiếp nhận thử thách mới một cách hiệu quả nhất.
2. Kết quả nghiên cứu
2.1. Về Chương trình môn Tiếng Việt tiểu học 2018
So với CTGDPT 2006, CTGDPT 2018 có những thay đổi: - Được xây dựng theo định hướng phát triển năng lực,
chú trọng tính thực tiễn, chuyển từ câu hỏi “Học sinh (HS) học được gì?” sang câu hỏi “HS làm được gì từ những
điều đã học?”; - Chú trọng hình thành phẩm chất, năng lực cho HS nhằm “góp phần chuyển nền giáo dục nặng về
truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức - trí - thể - mĩ
và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi HS”; - Tăng cường tính tích hợp và phân hóa. So với chương trình 2006,
CTGDPT môn Tiếng Việt (Bộ GD-ĐT, 2018b) chú trọng hơn định hướng dạy học tích hợp giữa phẩm chất và năng
lực, giữa ngôn ngữ và văn học, giữa thể loại và kiểu văn bản, giữa các hoạt động đọc - viết - nghe - nói, giữa nội
dung môn Tiếng Việt với các môn học khác; - Xây dựng theo hướng mở về kiến thức, ngữ liệu và thời lượng, chỉ
quy định các yêu cầu cần đạt về đọc - viết - nghe -nói; quy định các kiến thức cơ bản, cốt lõi về tiếng Việt, văn học
và một số ngữ liệu bắt buộc; - Đưa ra chỉ dẫn cụ thể về phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá kết quả dạy
học, yêu cầu của ngữ liệu được chọn để dạy học và xem đây là cách thức để chương trình đạt được mục tiêu đề ra
(Lê Phương Nga, 2019).
2.2. Về sách giáo khoa môn Tiếng Việt 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018
Điểm chung của cấu tạo sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt 1 được trình bày nhiều nhất gồm 4 phần. Mặc dù trong
mỗi bộ SGK Tiếng Việt 1 có thể được gọi bằng những tên khác nhau nhưng đều có chung mục tiêu và gồm các phần
sau (Lê Phương Nga, 2019): Làm quen hay còn gọi là Chuẩn bị; Âm và chữ, có thể gọi là phần Âm và chữ ghi âm,
Âm, Học chữ; Vần, có thể gọi là phần Học vần; Luyện tập tổng hợp. Do thời điểm viết bài, chúng tôi chưa tham khảo
hết được các bộ SGK Tiếng Việt 1 hiện nay, vì vậy, trong khuôn khổ của bài viết, chúng tôi lấy nền tảng là SGK

77
VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 4/2020, tr 77-80 ISSN: 2354-0753

Tiếng Việt 1 bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục của tác giả Đỗ Việt Hùng (tổng chủ biên) làm ngữ liệu
để phân tích cấu tạo chung cho mỗi loại bài cụ thể.
2.2.1. Phần Làm quen
Các bài học Làm quen có thể được trình bày trong SGK hoặc chỉ được trình bày trong sách giáo viên. Không
phải tất cả các cuốn sách đều đưa nội dung ôn lại hình dáng của các chữ cái vào giai đoạn Làm quen bởi các chữ cái
này đã được giới thiệu ở trường mầm non. So với các loại bài khác, số lượng loại bài này chiếm tỉ trọng ít hơn. Ví
dụ minh họa cách trình bày loại bài Làm quen được thể hiện ở Tuần 1, Bài 2, Tiếng Việt 1, tập 1 (Đỗ Việt Hùng và
cộng sự, 2019, tr 12-13) (hình 1a, 1b):

Hình 1a Hình 1b
Quan sát bài học, chúng ta thấy, bài học gồm các yếu tố như sau: - Tên bài: a, b, c, d, đ, e; A, B, C, D, Đ, E;
- Hoạt động Tìm: ở hoạt động này được trình bày toàn bộ trang sách thứ nhất với mục tiêu chính là giúp HS nhớ lại
hình dáng các chữ cái đã được giới thiệu ở trường mầm non, nhận ra hình dáng của chúng trong các đồ vật xung
quanh. Để giúp HS tìm đúng, SGK đưa ra hình ảnh vẽ các đồ vật có chứa hình vẽ giống với hình ảnh của các chữ
cái; - Hoạt động Tìm và Đọc: hoạt động Tìm và Đọc được trình bày trọn vẹn trong trang sách thứ hai, với mục tiêu
chính là giúp HS đọc được các chữ cái rời trong các thẻ chữ và tìm được các chữ cái ở dạng in thường và in hoa ứng
với các âm theo hai bước, đó là: tương tác thầy - trò và tương tác trò - trò.
2.2.2. Bài học Âm và chữ
Loại bài này có hai cách trình bày trên các trang sách của các bài Học vần nói chung:
- Cách thứ nhất, chỉ trình bày nội dung cần học trên vật liệu mẫu là một từ. Với mỗi từ đưa ra trong mỗi bài học
đều có tranh minh họa kèm theo là gợi ý quan trọng giúp HS nhận diện từ một cách dễ dàng.
Ví dụ: Tuần 2, Bài: c - a, Tiếng Việt 1, tập 1, (Đỗ Việt Hùng và cộng sự, 2019).
- Cách thứ hai, trình bày quy trình bài học (khởi động, khám phá, ghi nhớ) và cách học của HS với cấu trúc như
sau: + Tên bài: chữ c, a; + Hoạt động Tìm (khởi động): giúp HS tìm được chữ cái trong vòng tròn và nhận biết được
chúng có trong các tiếng/từ: cô, na, cơ, đa kèm với tranh minh họa cho các từ đó; + Hoạt động Khám phá: giúp HS
đọc được tiếng từ đọc trơn đến đánh vần và phân tích chúng bằng lời nói: ca; cờ - a - ca; tiếng ca gồm âm c và âm
a; + Hoạt động Đọc, tìm tiếng ứng dụng trong từ: giúp HS tìm tiếng đã cho trong từ và đọc các từ đó: ca nô, ca sĩ,
ca múa; + Hoạt động Viết: giúp HS viết được các chữ theo mẫu dựa trên các kí hiệu ghi chữ được trình bày trên
dòng kẻ ô li theo mẫu.
Ngoài ra, ở các bài tiếp theo có thêm các hoạt động khác, như: + Hoạt động Đọc từ ứng dụng kết hợp với mở
rộng vốn từ; + Hoạt động Tạo tiếng; + Hoạt động Đọc câu, đoạn, bài ứng dụng.
Ví dụ minh họa: Tuần 2, Bài 6: c a, Tiếng Việt 1, tập 1 (Đỗ Việt Hùng và cộng sự, 2019, tr 22-23):

Hình 2a Hình 2b

78
VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 4/2020, tr 77-80 ISSN: 2354-0753

2.2.3. Bài Học vần


Trên các trang sách của bài Học vần, kiểu chữ, màu chữ, cỡ chữ, độ đậm của chữ đều có ý nghĩa của riêng. Kiểu
chữ in là để đọc, kiểu chữ thường là mẫu để tập viết. Phần chữ được in khác màu là nội dung âm, vần mới. Chữ của
phần lệnh, của nội dung mới sẽ có kích cỡ lớn hơn cỡ chữ của phần ví dụ và của nội dung ứng dụng. Cách trình bày
như vậy giúp GV và HS dễ dàng nhận biết các yêu cầu khác nhau đặt ra trong một bài học. Trên mỗi trang sách,
ngoài phần chữ, còn có các hình minh họa cho các từ ngữ hoặc nội dung bài đọc, làm cho trang sách trở nên hấp dẫn,
giúp HS cách đọc hình ảnh, hiểu được nghĩa của các từ ngữ và góp phần hiểu thêm nội dung bài đọc hiệu quả.
Cách trình bày trong mỗi bài học gồm: - Tên bài; - Hoạt động Khám phá: giúp HS nhận ra được các vần trong
tiếng, từ khóa, biết đánh vần, đọc trơn được tiếng và cách đọc tiếng chứa vần. Ở mỗi vần đều đưa ra tranh ảnh đại
diện cho nghĩa của từ khóa, tiếng khóa, vần và mô hình vần. Đối với các bài mà mô hình vần xuất hiện lần đầu tiên
(vần có hai âm hoặc ba âm), hoạt động Khám phá sẽ đi kèm với ghi nhớ trên mô hình vần và cách đánh vần; - Hoạt
động Đọc từ ứng dụng, kết hợp với mở rộng vốn từ: giúp HS đọc và tìm được những vần mới có trong từ, hiểu được
nghĩa biểu vật của các từ ngữ ứng dụng dựa trên tranh ảnh đi kèm với từ ngữ ứng dụng đó; - Hoạt động Tạo tiếng:
giúp HS tìm những tiếng mới có các vần vừa học và học cách tạo tiếng mới theo mô hình đã cho dựa vào mẫu kết
quả cho sẵn và mẫu quy trình thực hiện; - Hoạt động Đọc đoạn, bài ứng dụng: giúp HS đọc được thành tiếng và đọc
hiểu đoạn, bài ứng dụng dựa vào tranh ảnh kèm theo và một câu hỏi/bài đọc hiểu, các câu hỏi này chỉ mang tính chất
gợi ý chứ không phải là bất biến; - Hoạt động Nói và Nghe: giúp HS hỏi - đáp được một câu gắn với bài đọc và nghi
thức giao tiếp; - Hoạt động Viết: giúp HS viết được các vần theo mẫu dựa vào các kí hiệu ghi vần được trình bày
mẫu trên dòng kẻ ô li;
Ví dụ minh họa: Tuần 7, Bài 31: ai , ay, Tiếng Việt 1, tập 1 (Đỗ Việt Hùng, 2019a, tr 74-75) (hình 3a, 3b):

Hình 3a Hình 3b
Về cơ bản, các hoạt động của loại bài này không có nhiều khác biệt so với cách trình bày trong SGK chương
trình hiện hành. Tuy nhiên, SGK chương trình 2018 ở hoạt động khám phá quy trình đi ngược lại so với hoạt động
hình thành âm, vần mới trong SGK chương trình hiện hành. Ở hoạt động từ ngữ ứng dụng có thêm các tranh ảnh
minh họa cho các từ ngữ này.
2.2.4. Bài Luyện tập tổng hợp
Loại bài này có mục tiêu tổng hợp các kiến thức đã học, thời lượng có thể rất khác nhau. Bài Luyện tập tổng hợp
lấy một bài đọc làm trung tâm và tích hợp luyện đọc, viết, nói và nghe. Trong bài Luyện tập tổng hợp, nhiều yêu cầu
cần đạt được đặt ra với các mức độ khác nhau: - Hoạt động Đọc thành tiếng: giúp HS đọc đúng và rõ ràng, tốc độ
đọc phù hợp, biết ngắt, nghỉ hơi đúng chỗ, đồng thời dựa vào tranh minh họa và từ ngữ cần tìm hiểu nghĩa; - Hoạt
động Đọc hiểu: tích hợp các mục tiêu: đọc hiểu, kiến thức tiếng Việt, luyện nói và nghe, viết kĩ thuật, viết ý tưởng
thông qua việc trả lời các câu hỏi/bài tập và các tranh minh họa cùng với một số mẫu cho sẵn; - Hoạt động Nói và
nghe: giúp HS luyện nói và nghe theo các chủ đề khác nhau được bài học đưa ra thông qua các yêu cầu dựa trên mẫu
cho sẵn; - Bài học Tập viết: hoạt động này HS có vở Tập viết riêng, có thể được tích hợp trong bài đọc hoặc cũng có
thể tách rời ra thành một bài độc lập. Hoạt động viết giúp HS viết đúng chữ viết thường các chữ cái, vần, cụm từ,
câu; chữ số (từ 0 đến 9) dựa trên các bài tập cụ thể được trình bày trong từng bài; - Bài học Chính tả: ở một số bài
có hoạt động Chính tả được tích hợp trong bài đọc hoặc cũng có thể tách rời như một bài độc lập. Hết giai đoạn
Luyện tập tổng hợp, HS nhìn - viết hoặc nghe - viết đúng một đoạn chính tả một đoạn thơ, đoạn văn dài khoảng 30
đến 35 chữ, biết viết chữ hoa,...

79
VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 4/2020, tr 77-80 ISSN: 2354-0753

Ví dụ: Bài Luyện tập tổng hợp đọc văn bản văn học, Tuần 26, Bài Làm anh, Tiếng Việt 1, tập 2 (Đỗ Việt Hùng,
2019b, tr 78) (hình 4):

Hình 4 Hình 5 Hình 6


2.2.5. Bài học Đọc mở rộng
Mỗi tuần có một bài Đọc mở rộng, có thể gồm một hoặc hai văn bản và chỉ dẫn nguồn đọc mở rộng. Mục tiêu
của bài học Đọc mở rộng giúp HS hiểu văn bản; dựa vào hướng dẫn biết tìm nguồn đọc theo chủ đề, thể loại văn bản
với vật liệu chính là văn bản, tranh minh họa và gợi ý nguồn chỉ dẫn, câu hỏi/bài tập đọc hiểu.
Ví dụ, Bài học Đọc mở rộng “Răng xinh đi đâu?”, Tuần 24, Tiếng Việt 1, tập 1 (Đỗ Việt Hùng, 2019a, tr 64)
(hình 5).
2.2.6. Bài học Kể chuyện
Mỗi tuần có một 1 bài Kể chuyện được thực hiện trong 1 tiết với các hình thức khác nhau, như: xem - kể, đọc -
kể và nghe - kể.
Mục tiêu của bài học Kể chuyện giúp HS kể lại được một đoạn hoặc câu chuyện ngắn với sự gợi ý và tranh minh
họa. Văn bản của bài nghe - kể được in trong sách giáo viên.
Ví dụ Bài học Kể chuyện “Bông hoa cúc trắng”, Tuần 26, Tiếng Việt 1, tập 2 (Đỗ Việt Hùng, 2019b, tr 83) (hình 6).
3. Kết luận
CTGDPT 2018 và sách giáo khoa Tiếng Việt 1 vừa được ban hành đem đến những thay đổi căn bản so với
chương trình 2006 về mục tiêu, hướng tiếp cận, phương pháp dạy học cho đến cách đánh giá kết quả học tập của HS.
Vì vậy, để dạy học Tiếng Việt 1 (Chương trình tiếng Việt 2018) thực sự có hiệu quả, bên cạnh việc hiểu được những
yếu tố cốt lõi về mục tiêu, phương pháp dạy học, cách đánh giá kết quả học tập..., chúng ta cần có cách hiểu sâu sắc
về cấu trúc của từng loại bài học. Đây thực sự là những yếu tố quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả dạy học môn
Tiếng Việt 1.

Tài liệu tham khảo


Bộ GD-ĐT (2006). Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2006 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành chương
trình giáo dục phổ thông.
Bộ GD-ĐT (2018a). Chương trình giáo dục phổ thông - Chương trình tổng thể (Ban hành kèm theo Thông tư số
32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT).
Bộ GD-ĐT (2018b). Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-
BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT).
Đỗ Việt Hùng (tổng chủ biên), Lê Phương Nga (chủ biên), Thạch Thị Lan Anh, Lương Thị Hiền (2019a). Tiếng Việt
1, tập 1, bản mẫu. NXB Giáo dục Việt Nam.
Đỗ Việt Hùng (tổng chủ biên), Lê Phương Nga (chủ biên), Thạch Thị Lan Anh, Lương Thị Hiền (2019b). Tiếng Việt
1, tập 2, bản mẫu. NXB Giáo dục Việt Nam.
Hoàng Hòa Bình (1997). Một số vấn đề quan điểm xây dựng chương trình Tiếng Việt tiểu học cho năm 2000, sách
giáo khoa Tiếng Việt tiểu học hiện hành và Chương trình Tiếng Việt tiểu học sau năm 2000. Kỉ yếu Hội thảo
khoa học toàn quốc. NXB Giáo dục.
Lê Phương Nga (2019). Dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. NXB Đại học
Sư phạm.

80

You might also like