You are on page 1of 15

I.

Thăng Long – Hà Nội qua các cuộc kháng chiến chống xâm lược và giành
độc lập
Thăng Long - Hà Nội, một trong những Thủ đô lâu đời trên thế giới, vùng đất
địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam, tiếp thu có
chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới. Trải qua 1010 năm thăng trầm lịch sử, người
dân Thủ đô sinh sống, lao động, đối phó với thiên tai, địch họa, hình thành nền
văn hiến, hào khí Thăng Long - Hà Nội, tỏa chiếu mọi miền đất nước, sánh
ngang cùng các thành phố, thủ đô, trung tâm văn hóa, chính trị cổ kính, hoa lệ
trên thế giới.
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, các
thế hệ ông, cha ta vẫn luôn khát khao một “Thăng Long phi chiến địa”, không
đau thương, mất mát, chỉ có hòa bình, độc lập, tự do. Khi quân giặc lăm le xâm
lược, dân tộc Việt Nam luôn tìm mọi cách trì hoãn, không để chiến tranh xảy ra,
chỉ tiến hành chiến tranh khi không còn con đường nào khác.
Thăng Long - Hà Nội luôn là mục tiêu tiến công của quân xâm lược, đồng thời
là nơi chứng kiến và ghi dấu những chiến công hiển hách của dân tộc Đại Việt
trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Mỗi khi đất nước lâm nguy, tinh
thần Thăng Long lại ngời sáng, người dân Kinh kỳ cùng nhân dân cả nước nhất
tề nổi dậy, quyết chiến với kẻ thù, bảo vệ giang sơn, xã tắc. Quân giặc mạnh, ta
chưa đủ sức chống trả thì chủ động rút lui bảo toàn lực lượng, nhường lại Kinh
thành cho giặc tạm chiếm. Khi chuẩn bị đầy đủ mọi mặt thì trở về lấy lại Kinh
thành, quét sạch quân xâm lược ra khỏi non sông, bờ cõi. Mỗi khi bị kẻ thù xâm
lược, từ làng quê đến thành thị, từ thanh niên trai tráng đến các bô lão, từ trẻ em
đến phụ nữ, người tay cày, tay gươm, người tay bút, tay súng, vừa lao động, vừa
đánh giặc giữ nước. Người dân Thăng Long - Hà Nội luôn mong muốn được
sống trong hòa bình, không phải trải qua cảnh binh đao, khói lửa “máu chảy, đầu
rơi”, đó cũng là truyền thống yêu nước ngàn đời của dân tộc Việt Nam.
1. Thăng Long – Hà Nội và kháng chiến chống Tống
Thời Lý (1009-1225), sau khi dời đô, Lý Công Uẩn và các vua nhà Lý sau
này, đã trên cơ sở trung tâm chính trị, hành chính Đại La của chính quyền đô hộ
phương Bắc thời Tùy, Đường xây dựng Thăng Long trở thành một trung tâm
chính trị - hành chính, trung tâm kinh tế và trung tâm văn hóa số một của đất
nước. Bộ máy nhà nước trung ương được xây dựng và kiện toàn theo hướng tập
quyền nên Thăng Long ngay từ đầu đã trở thành trung tâm quyền lực với sự tập
trung cao. Bộ máy quan lại và quân đội tập trung về Thăng Long làm thay đổi
tính chất và làm sống dậy đô thị này: đời sống kinh tế, đời sống văn hóa đều
phát triển mạnh mẽ. Thăng Long thời Lý, bên cạnh vai trò trung tâm chính trị,
hành chính quốc gia đã nhanh chóng phát triển trở thành trung tâm kinh tế, trung
tâm văn hóa số một của quốc gia Đại Cồ Việt-Đại Việt. Tính chất hội tụ (tập
trung quyền lực, hội tụ cư dân), kết tinh (văn hóa) và lan tỏa (quyền lực và văn
hóa) của Thăng Long thời Lý dần định hình. Trên cơ sở đó, Thăng Long cùng
với cả nước thời Lý đã đạt được những thành tựu hết sức rực rỡ trong công cuộc
xây dựng và bảo vệ đất nước. Từ trung tâm quyền lực Thăng Long, nhà Lý đã
thực hiện được sự kiểm soát tương đối hiệu quả trên phạm vi cả nước và phát
huy mạnh mẽ ảnh hưởng ra bên ngoài. Và từ trung tâm quyền lực Thăng Long
nhà Lý đã tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống Tống (1075-1077) bằng
quyết định vô tiền khoáng hậu trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của
Việt Nam: đem 10 vạn quân sang đất Tống, triệt phá các căn cứ xâm lăng của
Tống (ở Khâm Châu, Liêm Châu và nhất là thành Ung Châu) và, đặc biệt, bảo
vệ an toàn trọn vẹn cho kinh thành Thăng Long bằng phòng tuyến sông Như
Nguyệt - kỳ tích mà các triều đại về sau hầu như không thực hiện được. Đó là
bài học lớn trong việc bảo vệ kinh thành trước các cuộc xâm lăng của kẻ thù.
Đại Cồ Việt - Đại Việt rực rỡ trong thế kỷ XI với nền chính trị quy củ và ổn
định, nền kinh tế năng động và phát triển, nền văn hoá đang trên đà phục hưng
mạnh mẽ là nội lực để cha ông ta đạt được thắng lợi rực rỡ trong công cuộc bảo
vệ vững chắc nền độc lập dân tộc thể hiện chói lọi trong cuộc kháng chiến chống
Tống lần thứ hai này. Làm nên những thành tựu đó là sự góp sức của toàn dân
tộc, bằng ý chí vươn lên mạnh mẽ sau hơn một ngàn năm mất nước, từ vua quan
tới chúng dân, trong đó có sự đóng góp to lớn của những tên tuổi các thế hệ đầu
tiên sinh thành trên đất Thăng Long.
Đó là Lý Thường Kiệt (1019-1105) người anh hùng dân tộc “cầm quân tất
thắng, trị nước tất an”. Ông vốn tên Ngô Tuấn, quê gốc phường Cơ Xá, sau dời
sang phường Thái Hoà (khu vực phía trên Bách Thảo ngày nay) trong thành
Thăng Long. Sử sách, bi ký, truyền thuyết kể rằng thuở nhỏ ông chăm học, say
mê luyện tập võ nghệ, nghiên cứu binh thư. Lúc đầu ông vào triều làm thị vệ
theo hầu vua, dần dần do tài năng và đức độ, ông được cất nhắc, trở thành một
tướng mưu lược của triều đình, được ban quốc tính và mang tên Lý Thường
Kiệt. Nhà Tống âm mưu xâm lược Đại Việt, bấy giờ Lý Thánh Tông đã mất, vua
Lý Nhân Tông kế nghiệp mới 9 tuổi, Lý Thường Kiệt, với tư cách là Phụ quốc
Thái uý, đã quyết định đem quân sang đất Tống triệt phá các căn cứ xâm lược
của Tống, chủ trương “tiên phát chế nhân”, như ông nói: “Ngồi yên đợi giặc
không bằng đem quân ra trước để chặn mũi nhọn của giặc”, sau đó rút quân về
nước tổ chức phòng thủ. Đây là một quyết định hết sức táo bạo và đã thành công
rực rỡ, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Tống
năm sau. Cuối năm 1076 đầu năm 1077, nhà Tống phát đại binh xâm lược nước
ta, Lý Thường Kiệt đã chủ động đưa quân lên xây dựng phòng tuyến sông Cầu
chặn địch. Cuộc kháng chiến thắng lợi, đại quân Tống bị tiêu diệt, số còn lại
phải rút về nước, kinh thành Thăng Long cũng như cả vùng đồng bằng rộng lớn
được bảo vệ tuyệt đối an toàn.

2. Thăng Long – Hà Nội và kháng chiến chống quân Nguyên – Mông


Sau nhiều lần cho sứ giả sang đe dọa, năm 1258, đế chế Mông Cổ kéo quân
xâm lược Đại Việt. Trước sức mạnh của kẻ thù, triều đình nhà Trần đã dùng kế
“thanh dã” đánh giặc. Vua Trần Thánh Tông ra lệnh cho hoàng tộc, các quan và
gia đình họ cùng dân chúng 61 phường trong kinh thành rút khỏi Thăng Long.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, dân chúng kinh thành sơ tán để đánh giặc.
Triều đình cho chuyển tất cả các kho tàng, của báu với mục đích không để thứ gì
lọt vào tay giặc. Công lao to lớn này thuộc về Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung,
vợ của Thái sư Trần Thủ Độ, người sáng lập ra triều Trần và là linh hồn của
cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất. Bà đã tổ chức cho
hoàng gia, các gia đình tướng sĩ đang chiến đấu ngoài mặt trận rời khỏi kinh
thành an toàn. Tại nơi sơ tán, bà sắp xếp lại cuộc sống, đồng thời cho dân chúng
thu gom vũ khí, cung cấp cho quân đội.

Quân giặc ào vào chiếm được kinh thành dễ dàng mà không gặp phải sự kháng
cự nào, nhưng chúng bất ngờ vì Thăng Long chỉ là tòa thành trống rỗng. Chúng
cho quân lùng sục, song bao trùm 61 phường là không gian lặng im không tiếng
gà gáy, không tiếng chó sủa khiến chúng hoang mang lo lắng. Chúng chỉ tìm
thấy trong ngục thất những tên sứ giả bị trói chặt, trong đó có những tên đã chết.
Đó là những sứ giả được phái sang dụ dỗ, đe dọa, buộc triều Trần phải đầu hàng.
Chúng bị đánh bật khỏi kinh đô sau trận chiến ở Đông Bộ Đầu (khu vực đầu
Hàng Than, Hòe Nhai ngày nay) vào ngày 29-1-1258. Đó là trận quyết chiến
chiến lược. Thua trận, quân Mông Cổ buộc phải rút khỏi Thăng Long, và trong
cuộc chiến này, chúng chỉ chiếm được Thăng Long trong 11 ngày (từ ngày 18-1
đến 29-1-1258).

Lần thứ hai, năm 1285, quân Nguyên xâm chiếm Đại Việt và Thăng Long là
đích cuối. Chúng chiếm được kinh thành, nhưng “cung thất nhẵn không”, chỉ
tìm thấy những tờ chiếu của vua Nguyên bị xé bỏ. Không để cho quân giặc có
thời gian định thần, quân dân Đại Việt đã phản công kẻ thù tại bến Hàm Tử,
Chương Dương, Tây Kết ở phía nam Thăng Long. Cùng với đó là trận thọc sâu
vào phường Giang Khẩu (đầu phố Hàng Buồm ngày nay) do Trung Thành
Vương chỉ huy, buộc quân địch phải tháo chạy. Trong cuộc kháng chiến chống
quân Nguyên Mông lần thứ hai này, Thăng Long bị chiếm hơn 3 tháng (từ ngày
18-2 đến cuối tháng 5-1285).

Buộc phải rút khỏi Thăng Long nhưng quân Nguyên vẫn không từ bỏ dã tâm
xâm chiếm Đại Việt. Ngày 2-2-1288, giặc lại chiếm Thăng Long lần thứ ba
nhưng chúng không thể tiêu diệt được triều đình và quân đội nhà Trần. Chiến
lược đánh nhanh, thắng nhanh và cướp lương thực nuôi quân thất bại, đẩy quân
Nguyên vào tình thế khó khăn. Chúng điên cuồng tàn phá kinh thành và sục sạo
ra các vùng xung quanh để cướp bóc lương thực nhưng vấp phải lối đánh du
kích khiến chúng hoảng loạn.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, làng Cổ Sở, tên Nôm là Kẻ Giá (nay là xã Yên Sở
và Đắc Sở, huyện Hoài Đức) là một làng chiến đấu tiêu biểu. Sách chép:
“Khoảng niên hiệu Nguyên Phong (1251 - 1258) đời Trần, người Thát Đát vào
cướp. Đi đến địa phương này, ngựa khuỵu chân không đi được, dân chúng ra
đánh, chém được đầu giặc, quân giặc chạy tan. Khoảng năm Trùng Hưng (1285
- 1293), giặc lại vào cướp, đi đến đâu cũng đốt phá mà ấp ấy vẫn như được che
chở, không bị xâm phạm mảy may”. Ngựa của giặc bị khuỵu chân là do dân Cổ
Sở đào hầm đánh bẫy. Làng này chỉ cách Thăng Long mấy chục dặm, dân bám
làng, bám đất, đánh cho chúng tan tác. Chủ soái của giặc là Thoát Hoan từng
ngấm đòn thất bại trước đây vội rút quân về Vạn Kiếp. Trong cuộc kháng chiến
chống quân Nguyên Mông lần thứ ba, quân giặc chỉ chiếm được Thăng Long
trong 32 ngày (từ ngày 2-2 đến 5-3-1288).

Trên đất Hà Nội hiện còn dấu tích của 3 lần kháng chiến chống Nguyên Mông,
đó là đình Giảng Võ (ngõ 612, đường La Thành, phường Giảng Võ, quận Ba
Đình), thờ Bà Chúa Kho. Tương truyền, bà là người giữ kho của triều Trần, đã
cất giấu, phân tán của cải, lương thực trong kho, quyết không để lọt vào tay giặc.
Một dấu tích khác là đình làng Ngọc Hồi (xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì) thờ 3
anh em họ Lỗ. Theo thần tích, họ đã chiêu mộ quân lính đánh giặc cùng với triều
đình.

Với tài tổ chức của các vua Trần và đội ngũ tướng soái tài ba cùng dân chúng
Thăng Long anh dũng, quân dân Đại Việt lập nên chiến công 3 lần chiến thắng
quân xâm lược Nguyên Mông hùng mạnh.

3.Thăng Long – Hà Nội và kháng chiến chống giặc Minh


Đời vua Trần Dụ Tông (1341-1369) ăn chơi sa đọa, cùng những tranh đoạt
quyền lực đã khiến nhà Trần suy vi.

Nhân dịp này, Hồ Quý Ly đã thao túng quyền bính, tiến tới thay thế nhà Trần
lập ra nhà Hồ (1400-1407). Hồ Quý Ly xây dựng một đô thành mới ở Thanh
Hóa, gọi là Tây Đô. Thăng Long đổi thành Đông Đô, nhưng chỉ sáu năm sau
Đông Đô chịu một tai hoạ.

Năm 1406, nhà Minh phái 80 vạn quân sang xâm lược Đại Việt. Cuộc kháng
chiến do nhà Hồ lãnh đạo bị thất bại. Đông Đô bị đổi tên thành Đông Quan, trở
thành sào huyệt của địch. Chúng phá hoại các di sản văn hóa. Chuông Quy
Điền của chùa Một Cột, tháp chùa Báo Thiên bị phá để lấy đồng đúc súng đạn.
Sách vở bị đốt, bia đá bị đập.

Quân Minh tiến hành những chính sách đàn áp khủng bố dã man như thiêu
sống người, mổ bụng người, những thủ đoạn bóc lột tàn tệ: Thuế rượu tăng gấp
ba lần thời Hồ, "bấy giờ Kinh lộ đều phụ thuộc nhà Minh, trăm họ phải làm sai
dịch, nộp lương cho quan quân nhà Minh... Những thợ giỏi trong nhân dân bị
bắt đem về Trung Quốc, có tới 7.700 thợ của nhiều nghề" (Toàn thư).

Ngoài ra chúng còn tiêu hủy những thứ có văn tự của người Việt. Nhân dân
Thăng Long đã nhiều lần vùng lên chống lại kẻ thù. Vùng Từ Liêm luôn sôi
động khiến giặc không yên. Năm 1410, có khởi nghĩa của Lê Nhị ở Từ Liêm
và Thanh Oai, của Lê Khang ở Thanh Trì... Nhiều người con ưu tú của Thăng
Long đã ra đi tìm đường cứu nước như Nguyễn Trãi, Phạm Văn Xảo...

Năm 1418, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ. Sau khi giải phóng phía Nam,
năm 1426 nghĩa quân đánh ra Đông Quan. Sau trên 300 ngày đêm (22/11/1426
đến tháng 12/1427), chiến dịch giải phóng Đông Quan thắng lợi, quân Minh
buộc phải đầu hàng tại hội thề Đông Quan.

Ngày 3/1/1428, toán quân Minh cuối cùng rời khỏi Đông Quan. Đất nước
thanh bình, toàn dân được lắng nghe Bình Ngô đại cáo, một hùng văn của đại
văn hào Nguyễn Trãi. Bản hùng văn này được viết tại đại bản doanh Bồ Đề,
bên bờ trái sông Hồng nay thuộc phường Bồ Đề, quận Long Biên
4.Thăng Long – Hà Nội và kháng chiến chống quân Thanh
Năm Kỷ Dậu (1789) vua Quang Trung thống lĩnh đại quân Tây Sơn hành quân
thần tốc ra Bắc tiêu diệt đồn Ngọc Hồi, Khương Thượng, đánh thẳng vào kinh
thành Thăng Long. Sau khi thắng giặc nhà Vua cho lập đàn chẩn tế, tu sửa
chùa Bộc làm nơi quy y cho quân sĩ nhà Thanh. Những chiến thắng và hành
động nhân văn đó đã thể hiện khát vọng hòa bình, truyền thống nhân nghĩa của
người dân Thăng Long - Hà Nội và dân tộc Việt Nam.

5. Thăng Long – Hà Nội và kháng chiến chống thực dân Pháp.

Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta. Chúng tiến công Hà Nội hai lần,
vào các năm 1873 và 1882. Nhân dân Hà Nội đã cùng với nhân dân cả nước
đứng lên bảo vệ Tổ quốc. Các dấu tích các cuộc tiến công của Pháp vào Hoàng
thành hiện vẫn còn. Cửa ô Thanh Hà sau này được đặt tên là Ô Quan Chưởng để
ghi nhớ chiến tích thà hy sinh tất cả, quyết không cho địch vào thành. Thời kỳ
này còn ghi lại hai chiến công của quân dân Hà Nội đã mưu trí tiêu diệt đội quân
xâm lược Pháp do hai viên sĩ quan là Gác-ni-ê và Ri-vi-e chỉ huy ở Cầu Giấy
vào năm 1873, 1883. Ðây chính là các biểu tượng cho tinh thần chiến đấu ngoan
cường trước giặc ngoại xâm của quân dân Hà Nội. Hai tấm gương trung dũng,
lẫm liệt "sống chết với Thành Hà" của Kinh lược sứ Nguyễn Tri Phương (1802-
1873) và Tổng đốc Hoàng Diệu (1821-1882) sống mãi với Thủ đô.

Tháng 7-1888, Tổng thống Pháp ra sắc lệnh lập thành phố Hà Nội, đứng đầu là
viên Ðốc lý. Thời kỳ này, Hà Nội ở giữa ba dòng sông là sông Hồng, sông Kim
Ngưu, sông Tô Lịch. Người Pháp phá dỡ nhiều công trình kiến trúc cũ, xây
dựng các tòa nhà kiểu Pháp. Hầu hết các công ty lớn của tư bản Pháp đều đặt trụ
sở chính tại Hà Nội, như các công ty luyện kim và mỏ Ðông Dương (1899),
bông vải sợi Bắc Kỳ, điện, nước Ðông Dương (1900). Cầu Ðume (cầu Long
Biên) bắc qua sông Hồng khánh thành năm 1902. Thành cổ Hà Nội bị phá để
xây các khu trại lính. Ðặc biệt, chúng đã phá hủy Ðiện Kính Thiên, chỉ còn lại
nền điện và thềm đá khắc đôi rồng, thay vào đó là Nhà con rồng hai tầng làm Sở
chỉ huy pháo binh của Pháp. Rồi nhiều khu phố kiểu Pháp (vẫn quen gọi là "khu
phố Tây") đã hình thành, chủ yếu ở các tuyến nay là đường hoặc phố như Ðinh
Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Ngô Quyền, Lý Thái Tổ, Tràng Tiền, Hai Bà Trưng,
Trần Hưng Ðạo, Lý Thường Kiệt, Phan Ðình Phùng... Chính quyền đô hộ xây
dựng một số công trình kiến trúc mang phong cách châu Âu để phục vụ cho việc
cai trị và hoạt động của bộ máy thực dân như: Phủ Toàn quyền, Phủ Thống sứ,
Nhà hát lớn, Nhà thờ lớn, Ngân hàng Quốc gia, nhà Bưu điện, Trường Viễn
Ðông Bác Cổ, ga Hà Nội.

Vào thời kỳ này, tình trạng bóc lột giai cấp, bóc lột thuộc địa của thực dân Pháp
ngày càng trở nên trầm trọng trong cuộc sống của người Việt Nam ở đô thị.
Chính vì thế, đội ngũ công nhân của Hà Nội đã bắt đầu hình thành và phát triển,
trong đó có một số lượng công nhân có trình độ kỹ thuật và có ý thức giác ngộ
cách mạng. Họ trở thành hạt nhân, làm nên cơ sở để đội ngũ công nhân phát
triển, trưởng thành về chất lượng và số lượng, từng bước trở thành một lực
lượng chính trị quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Tháng 3-1929, tại nhà 5D Hàm Long, Hà Nội, Chi bộ Ðảng Cộng sản đầu tiên
của Việt Nam được thành lập, là dấu ấn quan trọng của phong trào cách mạng
Việt Nam. Ngày 3-2-1930, Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Từ đây, thực hiện
nghị quyết của Trung ương và Xứ ủy, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ðảng bộ Hà
Nội, nhiều phong trào cách mạng chống khủng bố của quân thù, hưởng ứng
phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh được triển khai khắp nội, ngoại thành. Sau Ðại
hội lần thứ nhất của Ðảng (3-1935) và Ðại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản (7-
1935), với việc Thành ủy Hà Nội chính thức được thành lập (3-1937), phong
trào cách mạng ở Hà Nội phát triển mạnh mẽ, với nhiều hình thức phong phú,
như đấu tranh công khai, báo chí, nghị trường, bãi công của công nhân, mít-tinh
chào mừng Ngày Quốc tế Lao động 1-5... Hà Nội trở thành một trong những địa
phương đi đầu trong cuộc đấu tranh cho hòa bình, tự do và dân chủ.

Khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra (1-9-1939). Dưới ách thống trị của
thực dân Pháp và sau đó là Pháp - Nhật (10-1940), Hà Nội lâm vào tình trạng
"khủng hoảng thiếu", cuộc sống của các tầng lớp nhân dân ngột ngạt, sa sút.
Trước tình hình đó, dưới ánh sáng các nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần
thứ 6, 7, 8, dựa vào các chi bộ ở các nhà máy xe lửa Gia Lâm, nhà máy Stai,
Avia, Ga Hà Nội, ngành in, ngành thủy tinh, ngành giặt, ngành mộc..., Ðảng bộ
Hà Nội đã có những phương thức hoạt động mới như xây dựng một vùng "an
toàn" ở hai bên bờ sông Hồng, đặt cơ quan chỉ đạo tại nhiều vùng quanh nội
thành để lãnh đạo chống khủng bố, khôi phục và phát triển cơ sở đảng và quần
chúng, nhanh chóng xây dựng lực lượng cách mạng, chuẩn bị tích cực mọi mặt
đón thời cơ khởi nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng bộ Hà Nội, phong trào bãi
công của công nhân nội thành, phong trào đấu tranh của nông dân ngoại thành
đã thu được nhiều thắng lợi. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), thực
hiện Chỉ thị "Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" của Trung ương,
phong trào cách mạng ở Hà Nội chuyển biến mạnh. Phong trào đấu tranh của
công nhân sôi nổi và mang tính chất của cuộc tập dượt, biểu dương lực lượng
chính trị. Cùng với phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân ngoại thành,
Hà Nội ra đời những lực lượng tuyên truyền vũ trang đầu tiên. Từ tháng 4-1945
trở đi, các đoàn thể công nhân cứu quốc, thanh niên cứu quốc ở Hà Nội đều
thành lập các đội tự vệ, tự vệ chiến đấu và tuyên truyền xung phong với nhiều
hoạt động gây tiếng vang lớn trong thành phố. Ðó là những hoạt động diễn
thuyết của Ðoàn thanh niên xung phong Hoàng Diệu, phong trào trừ gian của
Ðội danh dự trừ gian, phong trào phá kho thóc Nhật...

Ngày 8-8-1945, Liên Xô tuyên chiến với phát-xít Nhật. Ngày 14-8, sau khi gần
một triệu lính Nhật của đạo quân Quan Ðông xin hạ vũ khí, Nhật hoàng chính
thức tuyên bố đầu hàng Ðồng minh. Trước thời cơ đó, tuy chưa nhận được chủ
trương của Trung ương vì Hội nghị toàn quốc của Ðảng và Quốc dân đại hội
đang họp ở Tân Trào, theo chỉ thị của Xứ ủy Bắc Kỳ về việc xúc tiến khởi nghĩa
giành chính quyền ở các tỉnh do Xứ ủy phụ trách, Thành ủy Hà Nội đã triệu tập
Hội nghị cán bộ quân sự bất thường tại chùa Hà để bàn công tác quân sự chuẩn
bị khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội. Ngày 16-8, Quân lệnh số 1 của Ủy
ban khởi nghĩa toàn quốc đã được quán triệt trong hội nghị cán bộ Hà Nội mở
rộng. Không khí khởi nghĩa ở Hà Nội lan rộng và dâng cao. Chiều 17-8, tại
Quảng trường Nhà hát Lớn thành phố - nay là Quảng trường Cách mạng Tháng
Tám, có cuộc mít-tinh do Tổng hội viên chức tổ chức nhằm hô hào nhân dân
ủng hộ chính quyền bù nhìn. Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội, với kế hoạch
"tương kế tựu kế", đã nhanh chóng phá vỡ cuộc mít-tinh này, chiếm diễn đàn để
tuyên truyền cách mạng. Ðây là những giây phút đầu tiên của cuộc Tổng khởi
nghĩa ở Hà Nội. Sáng 19-8-1945, từ các cửa ô Cầu Giấy, Chợ Dừa, Cầu Dền,
Ðống Mác, Yên Phụ, các vùng ngoại thành Bưởi, Nghĩa Ðô, Hà Ðông, Thanh
Trì, Thường Tín, Ðan Phượng, Hoài Ðức, từ bên kia sông Hồng, đồng bào nườm
nượp hướng về Nhà hát Lớn, sau mít-tinh là biểu tình vũ trang đánh chiếm Phủ
Khâm sai, Tòa Thị chính, Sở cảnh sát trung ương, trại Bảo an binh, kho bạc, Sở
mật thám... Ngày 2-9, Hà Nội vinh dự được chọn làm địa điểm để Chính phủ
lâm thời ra mắt nhân dân cả nước và là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản
Tuyên ngôn Ðộc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ
nguyên mới của dân tộc: kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Mùa
thu rực nắng, từ Ba Ðình lịch sử, tiếng nói Bác Hồ và lời thề độc lập của toàn
dân Việt Nam vang dội non sông và truyền đi khắp năm châu.

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Thủ đô Hà Nội đứng trước tình hình
vô cùng phức tạp. Các đế quốc xâm lược đều muốn tìm cách nắm lấy Hà Nội -
một vị trí chiến lược hàng đầu cực kỳ quan trọng - nhằm xóa bỏ thành quả Cách
mạng Tháng Tám. Hà Nội trở thành trung tâm đầu não cách mạng của cả nước,
gắn chặt với vận mệnh sống còn của dân tộc.

Ðược sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Ðảng và Bác Hồ, tuy phải đối mặt với
muôn vàn khó khăn, phức tạp, Ðảng bộ Hà Nội đã nhanh chóng củng cố và phát
huy sức mạnh của chính quyền nhân dân, các tổ chức cứu quốc trong Mặt trận
Việt Minh, lãnh đạo thực hiện các cuộc vận động lớn như diệt giặc đói, diệt giặc
dốt, diệt giặc ngoại xâm; tổ chức Tuần lễ văn hóa cứu quốc ủng hộ đồng bào
Nam Bộ, tổ chức Ngày kháng chiến Nam Bộ. Ðảng bộ và nhân dân Hà Nội đã
hoàn thành nhiệm vụ to lớn, nặng nề, vừa đấu tranh bảo vệ chính quyền trung
ương, củng cố chính quyền địa phương, vừa tranh thủ tăng cường lực lượng về
mọi mặt, sẵn sàng đối phó với mọi tình thế.

Trong vòng một năm trước khi cuộc kháng chiến toàn quốc nổ ra, Hà Nội có
vinh dự là nơi diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước và góp phần thực
hiện tốt các nhiệm vụ quan trọng. Nhân dân Hà Nội cùng cả nước tham dự cuộc
Tổng tuyển cử, bầu Chủ tịch Hồ Chí Minh vào Quốc hội khóa đầu tiên của nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hiệp định Sơ bộ được ký kết giữa ta và Pháp tại
Hà Nội ngày 6-3-1946, đặt cơ sở chính thức cho việc đàm phán hai bên. Hà Nội
là nơi ra đời bản Chỉ thị "hòa để tiến" ngày 9-3-1946 của Trung ương Ðảng ta.

Khi tình hình ngày càng căng thẳng do thực dân Pháp công khai phá hoại Tạm
ước 14-9, ngang nhiên cướp bóc, bắn giết nhân dân, Ðảng bộ Hà Nội sẵn sàng
đối phó với tình huống xấu nhất là thực dân Pháp gây chiến tranh. Ðược Trung
ương Ðảng và Bác Hồ chỉ đạo trực tiếp, nhân dân Thủ đô sẵn sàng chiến đấu và
phục vụ chiến đấu với tinh thần "vì danh dự Tổ quốc và quyền lợi của dân tộc,
chúng ta quyết không chịu lùi bước". Ðúng 20 giờ ngày 19-12-1946, công nhân
nhà máy điện phá máy. Ðèn điện trong thành phố vụt tắt. Ðó là mệnh lệnh chiến
đấu. Cả thành phố nổ súng. Các pháo đài Láng, Xuân Tảo, Xuân Canh, Ðào
Xuyên nã đại bác vào các trại lính Pháp trong thành. Cả Hà Nội anh dũng vùng
lên chiến đấu, mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ðón nhận Lời
kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả Hà Nội bắt đầu
cuộc toàn quốc kháng chiến trường kỳ và gian khổ. Những tấm gương chiến đấu
anh dũng của Chính trị viên Ðại đội Lê Gia Ðỉnh, Trung đội trưởng Trần
Thành, các tự vệ công nhân Bưu điện Bờ Hồ... có ở khắp Hà Nội. Sáng 14-1-
1947, tại rạp Tố Như (phố Hàng Bạc, nay là rạp Chuông Vàng), các chiến sĩ
quyết tử, đeo khăn quàng đỏ, tượng trưng cho tinh thần quyết chiến thắng và sẵn
sàng hy sinh vì độc lập, tự do, tuyên thệ: "Chúng ta thề sống chết với Thủ đô Hà
Nội... Giặc Pháp muốn chiếm Thủ đô, nhưng chúng ta còn thì Thủ đô không bao
giờ mất". Các lực lượng vũ trang Hà Nội đã viết nên bản anh hùng ca xứng đáng
với lời khen ngợi của Bác Hồ đối với các chiến sĩ Thủ đô: "Các em là đội cảm
tử, các em quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, các em là đại biểu cái tinh thần tự
tôn, tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại". Ðảng bộ Hà Nội đã lãnh đạo
quân và dân Thủ đô chiến đấu cực kỳ dũng cảm, giam chân địch 60 ngày đêm
trong thành phố, tiêu hao một bộ phận lớn sinh lực địch, đánh bại âm mưu "đánh
nhanh, thắng nhanh" của thực dân Pháp, cổ vũ nhân dân cả nước vững tin vào
đường lối kháng chiến đúng đắn của Ðảng và khơi dậy sức mạnh của cả dân tộc
đứng lên bảo vệ nền độc lập, tự do.

Trước tình hình giặc Pháp siết chặt vòng vây vô cùng nguy hiểm, được Bác Hồ
và Bộ Tổng chỉ huy đồng ý, lực lượng chiến đấu rút khỏi Hà Nội "về hậu
phương xây dựng lực lượng lớn mạnh hơn nữa để kháng chiến lâu dài". Hà Nội
bước vào thời kỳ mới của cuộc kháng chiến với tinh thần "toàn dân đoàn kết,
kháng chiến lâu dài". Từ năm 1946 trở đi, Hà Nội không chỉ là nơi tập trung lính
Pháp bảo vệ thành phố, mà còn là nơi tập trung các đơn vị quân đội Pháp cho cả
chiến trường Ðông Dương. Nhận thức rõ vị trí của Hà Nội đối với cuộc kháng
chiến cả nước, Hà Nội quyết tâm đẩy mạnh phong trào cách mạng theo hướng
tăng cường chiến tranh du kích, phá phòng tuyến địch, thu hẹp phạm vi chiếm
đóng của chúng, làm chủ ngoại thành ban đêm, tiến lên làm chủ ban ngày, tăng
cường hoạt động quân sự ở nội thành làm áp lực xây dựng cơ sở.

Từ năm 1949, tương quan lực lượng giữa ta và địch đã thay đổi, ta càng đánh
càng mạnh. Hà Nội tích cực củng cố cơ sở, đẩy mạnh đấu tranh quân sự, chính
trị, sẵn sàng phối hợp với cả nước chuyển sang phản công chiến lược. Do cả ta
và Pháp đều nhận thức rõ tầm quan trọng của Hà Nội, nên cũng từ đây, cuộc đấu
tranh ở Hà Nội ngày càng trở nên quyết liệt và vô cùng khó khăn, phức tạp.
Nhân dân Hà Nội, dưới sự lãnh đạo của Ðảng bộ Hà Nội đã làm thất bại cuộc
"chiến tranh tổng lực" và chính sách "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng
người Việt đánh người Việt" của thực dân Pháp.

Khi Trung ương quyết định phải đập tan kế hoạch Na-va, tập trung lực lượng
bao vây Ðiện Biên Phủ, Hà Nội kịp thời đẩy mạnh đấu tranh kết hợp các mặt
chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự đưa phong trào tiến lên kịp phối hợp với
chiến trường chính nhằm đánh địch ngay ở nơi hậu cứ an toàn nhất của chúng.
Những kế hoạch đánh phá lớn bằng hành động quân sự, đấu tranh chống bắt
lính, đốt phá kho dù, đánh sân bay của quân dân Hà Nội đã gây khó khăn lớn
cho Pháp trong việc tiếp tế cho Ðiện Biên Phủ. Ðó là những thành tích góp phần
làm nên một Ðiện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Ngày 20-7-1954, Hội nghị Giơ-ne-vơ về Ðông Dương kết thúc thắng lợi. Ðảng
bộ và nhân dân Hà Nội bước vào cuộc đấu tranh mới, đòi nghiêm chỉnh thi hành
Hiệp định Giơ-ne-vơ và khẩn trương chuẩn bị mọi mặt tiếp quản thành phố. Tuy
vẫn còn nhiều khó khăn do Hà Nội nằm trong khu vực tập kết của quân đội Pháp
80 ngày và Pháp lợi dụng thời gian đó để phá hoại ta về mọi mặt, nhưng Ðảng
bộ Hà Nội đã dựa vào dân, gắn bó với dân, giữ vững được cơ sở quần chúng
trong vùng bị địch tạm chiếm, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô.
15 giờ ngày 10-10-1954, hàng vạn nhân dân Hà Nội dự lễ chào cờ chiến thắng.
Cờ đỏ Sao vàng, hình ảnh thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam, tượng trưng cho
độc lập, chủ quyền của dân tộc, tung bay trên đỉnh Cột cờ cổ kính. Trong ngày
hội lớn Giải phóng Thủ đô, nhân dân Hà Nội vui mừng đón nhận lời kêu gọi của
Chủ tịch Hồ Chí Minh "làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và
phồn thịnh"

6.Thăng Long – Hà Nội và kháng chiến chống đế quốc Mỹ


Ðầu năm 1965, khi đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại miền bắc,
Hà Nội cùng cả nước chuyển sang thời kỳ mới, vừa sản xuất, vừa chiến đấu góp
phần đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Hà Nội chuyển
mọi hoạt động từ thời bình sang thời chiến, vừa sơ tán nhà máy, kho tàng, thực
hiện công tác phòng không nhân dân, vừa thay đổi phương thức phục vụ của
ngành thương nghiệp, bệnh viện, trường học. Công tác xây dựng lực lượng
chiến đấu, tổ chức đánh địch cũng được tiến hành khẩn trương. Ngày 19-5-1965,
Sư đoàn phòng không 361 làm nhiệm vụ bảo vệ Hà Nội được thành lập. Hưởng
ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Không có gì quý hơn độc lập, tự
do!" ngày 17-7-1966, quân dân Hà Nội nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ
xâm lược. Ðến tháng 12-1967, quân và dân Hà Nội đã bắn rơi chiếc máy bay thứ
1.600 trên miền bắc. Năm 1967 đã có 191 máy bay Mỹ bị quân và dân Hà Nội
bắn rơi. Ðến khi Chính phủ Mỹ tuyên bố chấm dứt hoàn toàn không điều kiện
cuộc chiến tranh phá hoại miền bắc, quân dân Hà Nội đã bắn rơi 258 chiếc máy
bay, trong tổng số 3.243 máy bay Mỹ bị bắn rơi trên miền bắc. Hà Nội không
những chiến đấu giỏi, mà còn sản xuất khá, bảo đảm cầu đường thông suốt. Hòa
chung khí thế của miền bắc, Hà Nội tiếp tục dấy lên những phong trào thi đua
lớn như: "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang", "Ba quyết tâm". Công nhân "chắc tay
búa, vững tay súng", xã viên hợp tác xã "chắc tay cày, vững tay súng"... Khi đế
quốc Mỹ mở lại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai đối với Hà Nội, quân dân
Hà Nội đề cao cảnh giác, nhanh chóng chuyển sang thời chiến, tiếp tục bắn rơi
nhiều máy bay của đế quốc Mỹ. Từ tháng 4 đến tháng 8-1972, Hà Nội đã bắn rơi
63 máy bay Mỹ. Là trung tâm của hậu phương lớn, cùng với việc thực hiện
nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa chiến đấu, nhân dân Hà Nội làm tốt nhiệm vụ chi
viện cho chiến trường miền nam.

Từ ngày 18-12-1972, đế quốc Mỹ lại huy động một lực lượng lớn máy bay B.52
mở chiến dịch tập kích chiến lược bằng không quân đánh phá liên tục 12 ngày
đêm vào nhiều nơi ở nội thành và ngoại thành Hà Nội. Ðế quốc Mỹ hy vọng
bằng sức mạnh "không lực Hoa Kỳ" sẽ đánh đòn quyết định vào ý chí chiến đấu
của quân và dân Thủ đô, buộc nhân dân ta phải khuất phục và nhận những điều
kiện của chúng trên bàn đàm phán ở Hội nghị Pa-ri. Nhưng đế quốc Mỹ đã tính
toán nhầm. Quân và dân Thủ đô đã chủ động, bình tĩnh, vững vàng bước vào
cuộc quyết chiến chiến lược. Sau 12 ngày đêm, quân và dân Thủ đô đã chiến
đấu dũng cảm, kiên cường, cùng với quân dân miền bắc làm nên trận "Ðiện Biên
Phủ trên không" vĩ đại, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng đường không quy
mô lớn nhất của đế quốc Mỹ. Trong 12 ngày đêm, quân, dân Hà Nội đã bắn rơi
30 máy bay Mỹ, trong đó có 23 máy bay B.52 và hai chiếc F.111. Ðây là chiến
công xuất sắc nhất trong lịch sử chiến tranh nhân dân của ta chống chiến tranh
phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ trên miền bắc. Chiến thắng đó là một
trong những đỉnh cao thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã
góp phần đánh sập uy thế không lực Hoa Kỳ, buộc chúng phải ký Hiệp định Pa-
ri rút quân đội viễn chinh về nước, chấm dứt 115 năm chiếm đóng của quân đội
thực dân đế quốc trên đất nước ta.

Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, sản xuất và chi viện tiền tuyến,
quân, dân Thủ đô đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh bốn lần gửi thư khen và tặng
cờ thưởng; được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuyên dương công trạng "Hà Nội
lập công to xứng đáng là Thủ đô Anh hùng của cả nước"; được Nhà nước tặng
thưởng một Huân chương Sao Vàng, một Huân chương Ðộc lập hạng nhất, danh
hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; bạn bè quốc tế khâm phục. Hà Nội
tự hào là "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người".

Từ năm 1973, cùng với việc khôi phục kinh tế, phát triển sản xuất, phát triển văn
hóa, tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất của CNXH, ổn định kinh tế và đời sống
nhân dân, Hà Nội đáp ứng ngày càng cao cho sự nghiệp giải phóng miền nam.
Lớp lớp thanh niên Thủ đô tiếp tục lên đường giải phóng miền nam. Từ năm
1965 đến 1975, Hà Nội đã động viên tuyển quân 29 đợt, với gần 100 nghìn
người bổ sung cho các đơn vị bộ đội thường trực chiến đấu bảo vệ Thủ đô và chi
viện cho các chiến trường.

Ngày 30-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Ngày 15-5-1975, lễ mừng
chiến thắng được tổ chức trọng thể tại Hà Nội với sự tham dự của 700 nghìn
nhân dân Thủ đô. Trong ngập tràn niềm vui với bài ca Như có Bác Hồ trong
ngày vui đại thắng, nhân dân Hà Nội tự hào đã cùng nhân dân cả nước thực hiện
trọn vẹn điều mong muốn của Bác Hồ, giải phóng miền nam, thống nhất Tổ
quốc, non sông quy về một mối. Nhân dân Hà Nội bước vào thời kỳ cùng nhân
dân cả nước xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN.
II. Vai trò của Thăng Long – Hà Nội trong các cuộc kháng chiến chống xâm
lược và giành độc lập

Thăng Long – Hà Nội là một thủ đô anh hùng, đã góp phần quan trọng vào các
cuộc kháng chiến chống xâm lược và giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Thủ
đô đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, trong đó
có Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh.:

 Thăng Long – Hà Nội là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị và quân sự của đất
nước, vì vậy việc bảo vệ Thăng Long – Hà Nội có ý nghĩa quan trọng đối với
việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
 Thăng Long – Hà Nội là nơi tập trung nhiều nhân tài, văn hóa, khoa học, vì vậy
việc bảo vệ Thăng Long – Hà Nội có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo vệ tinh
hoa của dân tộc Việt Nam.
Thăng Long – Hà Nội là một thành phố có truyền thống anh hùng, vì vậy việc
bảo vệ Thăng Long – Hà Nội có ý nghĩa quan trọng đối với việc khơi dậy tinh
thần yêu nước của nhân dân Việt Nam.
III, Các di tích lịch sử của Thăng Long – Hà Nội theo dòng lịch sử các cuộc
kháng chiến.
Thăng Long - Hà Nội là một trong những trung tâm văn hóa và lịch sử quan
trọng nhất của Việt Nam. Thành phố này đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử
quan trọng và nhiều cuộc chiến tranh ác liệt, nhưng vẫn đứng vững và góp phần
bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Dưới đây là một số di tích
lịch sử và văn hóa nổi bật tại Thăng Long - Hà Nội:
1. Hoàng thành Thăng Long - Cố đô Hà Nội: Đây là một trong những di
tích lịch sử quan trọng nhất của Hà Nội, được UNESCO công nhận là Di
sản Văn hóa Thế giới. Hoàng thành Thăng Long là biểu tượng của sự kiên
cường và sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong việc bảo vệ lãnh thổ khỏi
các cuộc xâm lược và chiến tranh.
2. Chùa Một Cột: Là biểu tượng tôn thờ của người dân Hà Nội và cả nước.
Chùa Một Cột thể hiện lòng yêu mến và tôn kính đối với các vị thần linh
và là một biểu tượng văn hóa của người dân Thăng Long - Hà Nội.
3. Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Là ngôi trường đầu tiên của Việt Nam,
được xây dựng để tôn vinh các học giả và nhà thơ văn nổi tiếng. Đây cũng
là nơi thể hiện tinh thần học hành và kiên định trong việc bảo vệ văn hóa
và tri thức của dân tộc.
4. Hồ Hoàn Kiếm: Là biểu tượng không chỉ của Hà Nội mà còn của cả đất
nước. Hồ Hoàn Kiếm có nhiều câu chuyện lịch sử và huyền bí, kết hợp
với môi trường thiên nhiên xinh đẹp.
5. Di tích lịch sử Long Biên: Cầu Long Biên là biểu tượng của sự chống trả
quyết liệt của nhân dân Hà Nội và cả nước trong các cuộc chiến tranh.
Cầu này đã chứng kiến nhiều biến cố lịch sử và vẫn đứng vững, tượng
trưng cho sự kiên cường và lòng yêu nước.
(+) Những di tích lịch sử và văn hóa tại Thăng Long - Hà Nội đã góp phần xây
dựng nên tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước của người dân Việt Nam. Dù đã
trải qua nhiều khó khăn và cuộc chiến tranh, những di tích này vẫn đứng vững
và tiếp tục truyền tải thông điệp về tình yêu quê hương và sự tự hào về lịch sử
dân tộc.
IV. Truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam.
Truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam là một phần quan trọng trong lịch
sử của quốc gia. Nó thể hiện sự kiên nhẫn, tinh thần đoàn kết, và ý chí của nhân
dân trong việc bảo vệ đất nước khỏi xâm lược và xây dựng quốc gia phồn thịnh.
Thăng Long - Hà Nội, với vai trò là trung tâm văn hóa và chính trị của nước ta,
đóng góp quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy truyền thống anh hùng này.
1. Kháng chiến chống quân xâm lược: Trong suốt lịch sử, dân tộc Việt Nam
đã trải qua nhiều cuộc kháng chiến chống lại các thế lực xâm lược, từ
nguyên thủy đến hiện đại. Thăng Long - Hà Nội từng là tâm điểm của nhiều
cuộc chiến tranh quan trọng, và người dân Thăng Long đã nhiều lần đứng
lên chống lại quân xâm lược, từ đó hình thành truyền thống anh hùng kiên
cường.
2. Tinh thần đoàn kết và sự hy sinh: Truyền thống anh hùng của dân tộc Việt
Nam thể hiện tinh thần đoàn kết, sự hi sinh vì quê hương, và lòng tự hào về
đất nước. Tại Thăng Long - Hà Nội, nhiều cuộc kháng chiến đã chứng kiến
sự đoàn kết và hy sinh của nhân dân, từ đó truyền cảm hứng cho thế hệ sau.
3. Phát huy giá trị văn hóa: Thăng Long - Hà Nội không chỉ là nơi diễn ra
các sự kiện lịch sử quan trọng mà còn là trung tâm văn hóa của quốc gia.
Văn hóa và truyền thống anh hùng được thể hiện qua các di tích, ngôi đền,
chùa, những câu chuyện dân gian và những nghệ sĩ nổi tiếng. Như vậy,
Thăng Long - Hà Nội đóng góp vào việc gìn giữ và truyền tải truyền thống
anh hùng qua thời gian.
4. Lòng tự hào về quốc gia: Truyền thống anh hùng gắn liền với lòng tự hào
về quê hương và quốc gia. Thăng Long - Hà Nội, với những di tích và câu
chuyện lịch sử, góp phần xây dựng và thúc đẩy tinh thần tự hào của người
dân Việt Nam về đất nước và truyền thống anh hùng.
Tóm lại, Thăng Long - Hà Nội không chỉ là nơi lưu giữ di tích lịch sử mà còn là
biểu tượng của truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam. Vai trò của Thăng
Long - Hà Nội nằm trong việc gìn giữ, tôn vinh và truyền tải những giá trị về
tinh thần đoàn kết, sự hy sinh và tự hào quê hương qua các thế hệ.

Tài liệu tham khảo

Hào khí Thăng Long - Hà Nội - Tạp chí Quốc phòng toàn dân (tapchiqptd.vn)
Thăng Long ba lần kháng chiến chống Nguyên Mông (hanoimoi.vn)
Kinh thành Thăng Long và cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý | Tạp chí
Tuyên giáo (tuyengiao.vn)
Thăng Long - Hà Nội thời Nguyễn và buổi đầu chống thực dân Pháp xâm lược
(1802 - 1929) (nhandan.vn)

You might also like