You are on page 1of 4

21/09/2022

KHI CHA MẸ KHÔNG LƯU TÂM ĐẾN VIỆC DẠY CON CÁI VỀ
SỰ TRUNG THỰC

Lm. Charles Hugo Doyle

WHĐ (21.9.2022) - Cách đây nhiều năm, tôi có đọc một câu chuyện
được đăng trên khắp các mặt báo và đã để lại nơi tôi một ấn tượng
rất sâu sắc. Một cậu bé mồ côi từ khi còn nhỏ sống ở quận Madison.
Khi lên 9 tuổi, cậu được một người nông dân tên là Marquette, nhận
nuôi từ một cô nhi viện ở Milwaukee. Một thời gian sau khi được chính
thức sống trong gia đình mới, cậu bé có dịp quan sát và thấy
nơi người mẹ nuôi có một số hành vi rất tệ hại, và cậu nghĩ rằng
bổn phận của mình là phải cho người cha nuôi của mình biết. Nhưng
người phụ nữ đã kịch liệt phủ nhận lời cáo buộc đến độ người chồng tin
rằng vợ mình đã bị vu oan. Sau đó, bà khăng khăng cho rằng cậu bé
phải bị trừng phạt cho đến khi cậu rút lại những gì đã nói về bà; Người
chồng liền treo cậu bé lên xà nhà và cầm roi quất liên tiếp gần hai tiếng
đồng hồ, đến nỗi máu chảy ròng ròng trên mặt đất.

Cuối cùng, ông ta dừng lại và hỏi cậu bé rằng liệu cậu có còn
cố chấp với những gì mình đã nói không. Cậu bé đáp lại “Thưa bố, con
đã nói sự thật, và con không thể rút lại bằng cách nói dối”. Không mảy
may động lòng, người vợ tàn nhẫn một mực nói rằng người chồng phải
tiếp tục điều mà bà ta gọi là bổn phận giáo dục đứa con nuôi này. Để
rồi, những trận đòn lại bắt đầu với cơn thịnh nộ mới, và tiếp diễn cho
đến khi cậu bé đáng thương hầu như bị kiệt sức. Với chút sức lực còn
lại, cậu bé thống thiết nài xin: “Bố ơi, con sắp chết rồi! Con đã nói sự
thật!” Ngay sau đó, cậu bé tắt thở. Tòa án ở Madison đã tiếp nhận vụ
việc. Hai vợ chồng người nông dân lần lượt bị kết án tội bạo hành
và giết người. Còn cậu bé đáng thương đã được xem như là vị tử đạo
vì đã ra sức bảo vệ sự thật.

Có lẽ từ đâu đó, cậu bé mồ côi ấy đã được dạy về giá trị của sự thật, và
điều này có ý nghĩa đối với cậu hơn cả chính mạng sống. Ngày nay,
thật đáng tiếc, trẻ em không coi trọng sự thật như vậy; Trên thực tế,
nhiều trẻ em được dạy nói dối bởi chính cha mẹ của chúng.

Trung thực là một phẩm chất đạo đức khiến người ta phải nói sự thật
trong mọi hoàn cảnh. Sự trung thực loại trừ mọi hành vi đạo đức giả và
hai mặt, cũng thế, nó hướng người ta đến việc trung thành thực hiện
những lời hứa của mình. Nói dối, một cách cơ bản, được định nghĩa là
cố ý nói ngược lại với lẽ phải. Dã tâm của việc nói dối nằm ở chỗ nó liên
quan đến việc sử dụng khả năng tự nhiên theo cách trực tiếp trái ngược
với chủ đích hoặc mục đích tự nhiên. Do đó, nói dối thực chất là tội
lỗi và bị cấm bởi điều răn thứ tám và nhiều giáo huấn Kinh thánh khác.
Chẳng hạn như Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Một khi đã cởi bỏ sự gian dối,
mỗi người trong anh em hãy nói sự thật với người thân cận, vì chúng ta
là phần thân thể của nhau” (Ep 4, 25).

Không có cái gọi là kẻ nói dối bẩm sinh. Những kẻ dối trá được tạo
ra chứ không phải được sinh ra. Nếu nhìn lại những ngày đầu tiên
khi đức trẻ bắt đầu vận dụng trí khôn, cha mẹ sẽ thấy rằng, về bản
chất, đứa trẻ luôn nói sự thật. Dần dà, có lẽ vì sự thiếu kiên nhẫn; sự
thiếu hiểu biết về sự đồng cảm; cộng với sự thiếu óc tưởng tượng của
cha mẹ, đứa trẻ bắt đầu nhận ra rằng tỉ lệ phần trăm về độ chính xác và
sự thật ngày càng ít đi.

Ai cũng có thể nhận thấy rằng sự xuyên tạc là một điều luỹ tiến từ phía
nhiều bậc cha mẹ. Sự xuyên tạc có thể được bắt đầu với câu chuyện về
ông già Noel, về kiểu nói “Có ‘ông ngáo ộp’ trong tủ quần áo”, …. Có
thể nói, những xuyên tạc ấy được thêu dệt với những nền tảng rất độc
đáo.
Vậy phải làm sao, để có thể dạy con trẻ nói sự thật và tôn trọng sự thật?

Điều này phải được bắt đầu ngay từ những lời nói, hành vi của cha mẹ.
Ví dụ:

Khi cha mẹ hứa sẽ để đèn trong phòng của trẻ khi trẻ đi ngủ, thì nên để
đèn sáng. Nếu đã hứa “Mẹ sẽ ở ngay dưới nhà nếu con cần mẹ”, mà
ngay sau đó, mẹ bỏ sang nhà hàng xóm ngồi tán gẫu. Nếu vậy, trẻ sẽ
học trung thực như thế nào?

Khi đứa trẻ lớn hơn và xin vài ngàn để mua một cây kem và được nói
rằng "Bố không có một đồng nào trong túi cả", nhưng sau đó, người bố
lại đưa tiền và sai đứa con đi mua cho mình bao thuốc lá! Có người nói
dối ở đây, và đứa trẻ biết đó là ai!. Nếu một đứa trẻ được mẹ sai chạy
ra cửa để trả lời rằng: “Mẹ cháu không có nhà”, trong khi đó, rõ ràng là
người mẹ đang sấy tóc trong phòng! Vậy thì ai đang dạy ai nói dối?

Vấn đề càng trở nên tệ hại hơn, khi nhiều bậc cha mẹ làm cho việc nói
thật trở thành một việc rất khó khăn.

Giả sử đứa trẻ vô tình làm vỡ chiếc bình mà bạn rất thích, và đứa trẻ
sẵn sàng nhìn nhận hành động đó; thì cha mẹ cần khôn ngoan đủ để
khen ngợi trẻ về sự trung thực và biết nhận lỗi, và sẵn sàng bỏ qua
việc trẻ lỡ tay làm bể chiếc bình. Thật thế, chẳng có chiếc bình nào trên
đời này xứng với giá của sự thật!

Còn nếu bạn ngớ ngẩn, đúng ra là ngu ngốc, để vung tay tát cho đứa
trẻ, vì đã nói ra sự thật là nó làm bể chiếc bình. Rất có thể, từ rày về
sau, để tránh bị la mắng hoặc đánh đập, đứa trẻ sẽ tìm cách nói dối!
Nều đúng nhu thế, thì vô hình trung, bạn đã dạy cho con mình rằng nói
ra sự thật lại rất rủi ro, vậy tại sao phải bận tâm?

Trong trường hợp khác, khi có bằng chứng cho thấy đứa trẻ nói dối,
bạn liền nổi nóng, phùng mang trợn mắt để quát tháo, đe nẹt, thậm chí
đánh đập đứa trẻ, thì đây thật sự là một cách rất kém để cho trẻ nhận
ra hành vi sai trái của nó. Trái lại, bạn hãy bình tĩnh giải thích và cho trẻ
hình dung là gia đình, thế giới sẽ rơi vào trạng thái khủng khiếp như thế
nào nếu mọi người nói dối. Nhắc trẻ về điều răn thứ tám, không cho
phép nói dối....

Ngoài ra, bạn cũng có thể kể cho trẻ về mẫu gương của những vị Thánh
sống trung thực, mà Hạnh Thánh Anrê Avellino (1521-1608) là một ví
được. Là người thông thái, có bằng cấp về luật dân sự, cha Avellino
người bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một linh mục trạng
sư ở Naples. Một ngày nọ, đang rất nóng lòng muốn thắng một vụ án,
dù không quan trọng lắm, cha Avellino cho phép mình đưa ra một tuyên
bố mà cha biết là sai sự thật. Sau đó, khi đọc Kinh thánh, cha bắt gặp
những lời này trong sách Khôn ngoan 1, 11: “Ăn gian nói dối giết hại
linh hồn”. Cha Avellino đã rất hối hận đến độ cha từ bỏ công việc của
mình tại tòa án pháp luật để dành thời gian còn lại cho việc chăm sóc
các linh hồn.

***

Ở một khía cạnh, con cái chính là tấm gương phản chiếu của cha mẹ.

- Có những lời nói không đúng sự thật cha mẹ nói với con, nói trước
mặt con mà cha mẹ tưởng là vô hại;

- Có những thói quen đi ngược lại những gì đã hứa với trẻ, mà cha mẹ
tưởng là chuyện nhỏ, không quan trọng;

- Có những cách hành xử thiếu kiên nhẫn, thiếu tinh tế, đến độ độc
đoán… mà cha mẹ cho là cần thiết khi dạy trẻ

thì lại đã trở thành nguyên cớ khiến trẻ không biết đâu là sự thật; nói sai
sự thật; không dám nói sự thật.

Phải chăng, để trẻ dám nghĩ đúng, nói đúng, làm đúng với sự thật, với
lẽ phải, với giới răn của Chúa, cha mẹ cũng hãy bắt đầu làm những điều
đó ngay trong từng chi tiết của cuộc sống hàng ngày?

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP


Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: catholicexchange.com (17. 8. 2022)

You might also like