You are on page 1of 2

GIAN LẬN TRONG THI CỬ

“Xin thầy hãy dạy cho con tôi cách chấp nhận thi rớt hơn là gian lận trong thi cử”. Đây là
câu nói đầy chân thành của tổng thống Lin-côn với thầy hiệu trưởng của con trai mình và
đằng sau câu nói này là một vấn đề vô cùng bức xúc, nhức nhối, nan giải trong xã hội
ngày nay: vấn đề gian lận trong thi cử.
Gian lận trong thi cử tức là không thành thật khi làm các bài kiểm tra, là hành vi vi phạm
quy chế thi, để hoàn thành bài thi với kết quả tốt mà sử dụng những phương thức trái
phép có thể kể đên như: quay cóp, trao đổi bài, mang tài liệu vào phòng thi, sử dụng thiết
bị di động hay thậm chí nhờ người thi hộ. Với sự đa dạng của hình thức gian lận, chúng
ta có thể nhận thấy được vấn đề này đã lan rộng đến nhường nào. Điều này phản ảnh một
thực tế vô cùng rõ ràng đó chính là sự xuống cấp về đạo đức trong một số bộ phân học
sinh, giáo viên ngày nay và ta cần quyết liệt lên án, phê phán những hành động ảnh
hưởng đến nền giáo dục – nơi đào tạo những mầm non tương lai của đất nước.
Vậy lý do dẫn đền tình trạng này là gì? Trước hết, vẫn là sự thiếu trung thực trong thi cử
của các bạn học sinh. Nhiều bạn học sinh dù lười học, không tập trung trong giờ học
nhưng vẫn luôn muốn điểm cao nên đã tìm cách gian lận để vượt qua các kì thi, các bài
kiểm tra với điểm số “đáng mơ ước”. Những liệu có phải tất cả, tất cả đều là lỗi từ học
sinh? Nếu không có những áp lực từ phía gia đình và nhà trường, không có những kì
vọng về thành tích cao được đặt lên vai những đứa trẻ còn đang tuổi ăn tuổi lớn, cái tuổi
mà còn muốn chơi, thì liệu có xảy ra tình trạng này? Nếu không bị so sánh với bạn bè
đồng trang lứa thì liệu học sinh có tìm cách để gian lận? Các bạn học sinh gian lận không
phải là điều khó hiểu nếu những câu hỏi trên được giải đáp.
Tình trạng gian lận trong thi cử đã để lại nhiều hậu quả cho xã hội ngày nay. Việc này
khiến cho các bạn học sinh một thói quen vô cùng xấu: không học bài, ôn bài và sử dụng
tài liệu khi kiểm tra. Mỗi lần gian lận thực sự là mỗi lần tự đục thêm một lỗ hổng cho
kiến thức của bản thân vì những học sinh gian lận thì làm bài sẽ không sai nên giáo viên
sẽ cho rằng học sinh đã hiểu bài và không giảng thêm. Điều này còn vô tình khiến cho bài
kiểm tra vốn được dùng để đánh giá năng lực của học sinh dường như đánh mất đi ý
nghĩa của chính nó và trở thành những bài kiểm tra để chấm điểm “sử dụng tài liệu”.
Gian lận trong thi cử ngày nay không hiếm gặp thậm chí còn có thể bắt gặp ở bất cứ nơi
nào có bài kiểm tra. Vụ gian lận thi cử ở kì thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 là
một ví dụ điển hình cho tình trạng này. Kết quả điều tra đã cho thấy có những thí sinh
chênh lệch hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Thậm chí còn có những con số lên
tới 26,8 hay 29,95 – nằm trong những điểm cao nhất cả nước trong khi điểm thực tế chỉ
nằm ở mức trung bình. Nếu những vụ việc như vậy vẫn còn tiếp tục xảy ra sẽ gây ra sự
mất niềm tin của nhiều người dân đối với nền giáo dục nước nhà.
Để khắc phục tình trạng gian lận trong thi cử này, mỗi người cần thực sự có thái độ phê
phán, lên án hiện tượng này. Nhà trường cần khắt khe hơn trong việc giám sát, kiểm tra
và xử phạt nặng hơn đối với những trường hợp vi phạm. Về phía gia đình, các bậc phụ
huynh nên khuyến khích con cố gắng học tập, không đặt nặng thành tích để con có thể
học thoải mái nhất, tránh xa các hình thức gian lận. Tuy nhiên, liệu có khắc phục được
vấn đề này không chỉ riêng cá nhân nào cần cố gắng mà tất cả đều cần chung tay góp sức
với thái độ nghiêm túc nhất.
Tôi đã không ít lần chứng kiến bạn bè xung quanh mình gian lận trong các kì thi. Dẫu
vậy, tôi nắm rõ được tầm nghiêm trọng của việc gian lận và tự nhủ bản thân không được
học tập theo những thói quen xấu ấy. Việc cần thiết hơn cả là sự cố gắng học tập, phấn
đấu của mỗi cá nhân để đẩy lùi tình trạng gian lận trong thi cử và tạo nên một môi trường
học đường văn mình, tốt đẹp hơn.

You might also like