You are on page 1of 6

SO SÁNH PHÁP LUẬT QUỐC TẾ - PHÁP LUẬT VIỆT NAM

1. Miễn trách do sự kiện bất khả kháng

Trong hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế, quyền và nghĩa vụ của các bên được
xác lập thông qua hợp đồng và các bên phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của mình
như đã thỏa thuận trong hợp đồng. Khi có bên vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng thì phải
bị áp dụng các chế tài. Chế tài ở đây được đặt ra như là một biện pháp trừng phạt các bên
khi vi phạm hợp đồng, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của bên bị vi phạm và bảo đảm cho
các bên có ý thức tuân thủ nghĩa vụ được ghi nhận trong hợp đồng của mình, bảo đảm
các bên thực hiện đúng hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, trong một số trường hợp có hành vi
vi phạm xảy ra nhưng họ được miễn trách nếu đáp ứng được những điều kiện nhất định
theo pháp luật. Do đó, miễn trách trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là việc
không áp dụng những chế tài trong trường hợp có sự vi phạm hợp đồng của bên vi phạm
đối với bên bị vi phạm. Đây là nội dung quan trọng trong hợp đồng mua bán hàng hóa
quốc tế vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và nghĩa vụ của các bên, góp phần đảm bảo
sự cân bằng về quyền lợi, chia sẻ rủi ro, ngăn ngừa sự trốn tránh trách nhiệm giữa các
bên.

Miễn trách do sự kiện bất khả kháng là trường hợp được miễn trách phổ biến nhất
trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.

Khoản 1 Điều 79 CISG 1980 quy định: “Một bên không chịu trách nhiệm về việc
không thực hiện bất kỳ một nghĩa vụ nào đó của họ nếu chứng minh được rằng việc
không thực hiện ấy là do một trở ngại nằm ngoài sự kiểm soát của họ và người ta không
thể chờ đợi một cách hợp lý rằng họ phải tính tới trở ngại đó vào lúc giao kết hợp đồng
hoặc là tránh được hay khắc phục các hậu quả của nó”. Như vậy, để một sự kiện trở
thành sự kiện bất khả kháng cần thỏa mãn bốn điều kiện: (i) việc không thực hiện nghĩa
vụ đó phải do một trở ngại và trở ngại đó phải nằm ngoài tầm kiểm soát của các bên; (ii)
trở ngại này không thể lường trước một cách hợp lý tại thời điểm ký kết hợp đồng; (iii) sự
kiện và hậu quả của nó không thể tránh được hoặc không thể khắc phục được và; (iv) có
mối quan hệ nhân quả trực tiếp giữa việc vi phạm hợp đồng và sự kiện trở ngại. Trách
nhiệm chứng minh thỏa mãn bốn điều kiện này thuộc về bên vi phạm muốn được miễn
trách.

Pháp luật Việt Nam cũng quy định sự kiện bất khả kháng là một trường hợp được
miễn trách nhiệm. Cụ thể tại điểm b khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại 2005 quy định
bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả
kháng. Tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Sự kiện bất khả kháng là
sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục
được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. Tương tự như
CISG 1980, theo pháp luật Việt Nam để sự kiện trở thành sự kiện bất khả kháng cũng cần
đáp ứng đủ bốn điều kiện: (i) là sự kiện xảy ra một cách khách quan; (ii) sự kiện đó
không thể lường trước được; (iii) đã áp dụng mọi biện pháp, khả năng cho phép nhưng
không thể khắc phục được; (iv) có mối quan hệ nhân quả giữa sự kiện bất khả kháng và
hành vi vi phạm hợp đồng.

Điều kiện để một sự kiện được xem là sự kiện bất khả kháng cụ thể được hiểu như
sau:

(i) Việc không thực hiện nghĩa vụ đó phải do một trở ngại và trở ngại đó phải nằm
ngoài tầm kiểm soát của các bên: Là sự kiện, hiện tượng nằm ngoài ý chí của hai bên, sự
kiện phát sinh không do lỗi của hai bên;

(ii) Trở ngại này không thể lường trước một cách hợp lý tại thời điểm ký kết hợp
đồng: Là sự kiện mà hai bên không thể lường trước được tại thời điểm giao kết do các
vấn đề như bao gồm các sự kiện tự nhiên như thiên tai, hỏa hoạn, cháy nổ, lũ lụt, sóng
thần, bệnh dịch hay động đất hoặc các sự kiện do con người tạo nên như bạo động, nổi
loạn, chiến sự, chống đối, phá hoại, cấm vận, bao vây, phong tỏa và bất kỳ hành động
chiến tranh nào hoặc hành động thù địch cộng đồng nào;

(iii) Sự kiện và hậu quả của nó không thể tránh được hoặc không thể khắc phục
được: Theo đó thì bên có nghĩa vụ đã nỗ lực tìm mọi cách, biện pháp trong khả năng để
thực hiện nghĩa vụ mà hai bên đã ký kết nhưng vẫn không thể làm thay đổi hậu quả là
không thể thực hiện nghĩa vụ do sự kiện, hiện tượng đó mang lại;

(iv) Có mối quan hệ nhân quả trực tiếp giữa việc vi phạm hợp đồng và sự kiện trở
ngại.

Như vậy, CISG 1980 và pháp luật Việt Nam có cách tiếp cách tiếp cận tương tự khi
quy định trường hợp miễn trách do sự kiện bất khả kháng.

2. Hậu quả pháp lý của miễn trách do sự kiện bất khả kháng

Khi sự kiện xảy ra làm cho một bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng
nghĩa vụ của mình như trong hợp đồng và sự kiện này đáp ứng đủ điều kiện để trở thành
sự kiện bất khả kháng thì bên vi phạm sẽ được miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm
của mình.

Theo khoản 3 Điều 79 CISG 1980 quy định: “Sự miễn trách được quy định tại điều
này chỉ có hiệu lực trong thời kỳ tồn tại trở ngại đó”. Theo đó thì việc miễn trách đó
không phải kéo dài trong cả quá trình thực hiện hợp đồng mà việc miễn trách đó chỉ giới
hạn trong thời gian tồn tại sự trở ngại. Do đó, trong quá trình thực hiện hợp đồng, khi có
một sự kiện xảy ra làm gián đoạn quá trình thực hiện hợp đồng thì sự gián đoạn này chỉ là
tạm thời, nó không làm chấm dứt nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. Và nếu sự kiện
này là sự kiện bất khả kháng được miễn trách nhiệm, thì việc miễn trách này chỉ tồn tại
trong một khoảng thời gian nhất định, là khoảng thời gian mà sự kiện bất khả kháng tồn
tại, diễn ra. Khi sự kiện bất khả kháng đó không tồn tại nữa thì việc miễn trách cũng
chấm dứt và các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình. Sự kiện bất khả
kháng này có khả năng làm kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ hợp đồng so với ban
đầu, tức là trong trường hợp các bên phải thực hiện nghĩa vụ đúng như thỏa thuận trong
hợp đồng nhưng trong quá trình thực hiện hợp đồng có tồn tại một sự kiện khách quan
được miễn trách thì bên vi phạm sẽ có thêm một khoảng thời gian là thời gian sự kiện
khách quan tồn tại để tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình. Do đó, thời gian kéo dài thực
hiện hợp đồng nên bao gồm thời gian tồn tại sự kiện khách quan cộng với khoảng thời
gian hợp lý để khắc phục hậu quả. Điều này sẽ đảm bảo được quyền và lợi ích, không gây
nhiều bất lợi, khó khăn cho bên vi phạm. Tuy nhiên, cũng cần có một quy định về thời
gian rõ ràng, hợp lý để bên bị vi phạm không phải chịu quá nhiều thiệt hại, tổn thất.

Tại khoản 5 Điều 79 CISG 1980 quy định: “Các quy định tại điều này không cản
trở từng bên được sử dụng mọi quyền khác ngoài quyền được bồi thường thiệt hại chiếu
theo Công ước này”. Nghĩa là khi sự kiện bất khả kháng được miễn trách thì bên vi phạm
chỉ được miễn bồi thường thiệt hại, ngoài ra những biện pháp khác vẫn có thể được áp
dụng, điều này tạo lại sự cân bằng cho cả hai bên trong hợp đồng, bên bị vi phạm không
phải gánh chịu mọi thiệt hại mà có thể chia sẻ cho bên vi phạm; từ đó bên vi phạm sẽ có
trách nhiệm tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình. Ngoài ra, khoản 5 Điều 79 CISG 1980
không hạn chế bất kỳ một biện pháp nào ngoài bồi thường thiệt hại, cho nên tùy vào từng
trường hợp cụ thể, tùy thuộc vào mức thiệt hại thực tế xảy ra mà các bên tự lựa chọn thỏa
thuận cho mình một biện pháp phù hợp để áp dụng nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại
xảy ra cho cả hai bên.

Hậu quả pháp lý của miễn trách theo pháp luật Việt Nam, căn cứ vào Điều 296 Luật
Thương mại 2005 quy định về biện pháp xử lý khi xảy ra sự kiện bất khả kháng bao gồm:
kéo dài thời hạn thực hiện hợp đồng và từ chối thực hiện hợp đồng trong trường hợp bất
khả kháng. Cụ thể tại khoản 1 Điều 296 Luật Thương mại 2005 quy định:

“Trong trường hợp bất khả kháng, các bên có thể thỏa thuận kéo dài thời hạn thực hiện
nghĩa vụ hợp đồng; nếu các bên không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì
thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được tính thêm một thời gian bằng thời gian xảy ra
trường hợp bất khả kháng cộng với thời gian hợp lý để khắc phục hậu quả, nhưng không
được kéo dài quá các thời hạn sau đây:

a) Năm tháng đối với hàng hoá, dịch vụ mà thời hạn giao hàng, cung ứng dịch vụ được
thỏa thuận không quá mười hai tháng, kể từ khi giao kết hợp đồng;
b) Tám tháng đối với hàng hoá, dịch vụ mà thời hạn giao hàng, cung ứng dịch vụ được
thỏa thuận trên mười hai tháng, kể từ khi giao kết hợp đồng”.
Khi xảy ra sự kiện bất khả kháng, về nguyên tắc chung thì bên vi phạm được miễn
trách. Nhưng việc miễn trách không giải phóng các bên ra khỏi nghĩa vụ ban đầu, các bên
phải có trách nhiệm tiếp tục thực hiện những nghĩa vụ như đã thỏa thuận trong hợp đồng.
Điều này cho thấy Luật Thương mại 2005 luôn đề cao tính tự do thỏa thuận của các bên.
Tuy nhiên, pháp luật cũng có quy định cụ thể trong trường hợp các bên không có sự thỏa
thuận hoặc không thỏa thuận được với nhau về việc kéo dài thời hạn thì thời hạn thực
hiện nghĩa vụ hợp đồng được tính thêm một khoản thời gian bằng thời gian xảy ra sự kiện
bất khả kháng cộng với thời gian hợp lý để khắc phục hậu quả, nhưng không được kéo
dài quá năm tháng hoặc tám tháng tùy thuộc vào thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng
mà các bên đã ký kết là không quá hai tháng hay trên mười hai tháng. Quy định của Luật
Thương mại 2005 đã đưa ra một khung thời hạn cụ thể, điều này hạn chế tranh chấp xảy
ra, giúp các bên có thể xác định hoặc dự báo được về thời gian thực hiện hợp đồng. Tuy
nhiên, trong một số trường hợp sự kiện bất khả kháng có thể kéo dài hơn khoảng một đến
hai năm; ví dụ như đại dịch Covid-19 thì lúc này quy định của pháp luật trong việc giới
hạn chỉ được phép kéo dài tối đa năm tháng hoặc tám tháng sẽ trở nên cứng nhắc và
không hợp lý gây khó khăn cho bên vi phạm trong việc khắc phục hậu quả để tiếp tục
thực hiện hợp đồng. Quan điểm của nhóm là nên giới hạn khoảng thời gian hợp lý để
khắc phục hậu quả chứ không nên giới hạn cả khoảng thời gian kéo dài thực hiện hợp
đồng như vậy.
Theo khoản 4 Điều 296 Luật Thương mại 2005 cũng loại trừ trường hợp hợp đồng
mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có thời hạn cố định về giao hàng hoặc hoàn thành
dịch vụ thì việc kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng không được áp dụng. Tuy nhiên,
quy định này cũng có nhiều bất cập do không đề cập đến hướng giải quyết. Trong những
trường hợp không kéo dài thời hạn thực hiện hợp đồng như thế này, việc tiếp tục thực
hiện hợp đồng là không thể và thông thường hợp đồng sẽ bị chấm dứt. Tuy nhiên về
nguyên tắc bên vi phạm rơi vào sự kiện bất khả kháng lên sẽ được miễn trách nhiệm,
không phải chịu chế tài. Mà hợp đồng cũng không tiếp tục thực hiện, do đó bên bị vi
phạm là bên phải gánh chịu mọi tổn thất, điều này khiến cho pháp luật không cân bằng
được trong quan hệ của các bên, gây nhiều bất cập, tranh chấp trong giao lưu thương mại.
Tiếp đó, luật cho phép các bên kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng nhưng
không quy định rõ về cách thức tiếp tục thực hiện hợp đồng giữa các bên. Các bên phải
thực hiện đúng theo thỏa thuận ban đầu trong hợp đồng hay là cá bên có thể thực hiện
khác thỏa thuận ban đầu hay không thì luật không quy định rõ.
Trong trường hợp này CISG cho phép các bên thực hiện các biện pháp khắc phục
như là giao hàng thay thế hoặc là giảm giá hàng hóa. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho các
bên khi tiếp tục thực hiện hợp đồng, không gây khó khăn cho bên vi phạm và cũng không
để cho bên bị vi phạm chịu quá nhiều thiệt hại, tổn thất.
Trong trường hợp đã kéo dài quá thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng thì các bên
có quyền từ chối thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Khoản 2 Điều 296 Luật Thương mại 2005
quy định: “Trường hợp kéo dài quá các thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này, các bên
có quyền từ chối thực hiện hợp đồng và không bên nào có quyền yêu cầu bên kia bồi
thường thiệt hại.” Pháp luật Việt Nam cho các bên nhiều sự lựa chon tuy nhiên lại không
đề cập đến hậu quả pháp lý của việc từ chối thực hiện hợp đồng này như thế nào, hợp
đồng này sẽ chấm dứt vào thời điểm từ chối thực hiện hợp đồng hay làm cho hợp đồng
không có hiệu lực ngay từ thời điểm ký kết thì pháp luật Việt Nam không quy định rõ
ràng.
Khi từ chối thực hiện hợp đồng thì bên từ chối phải có nghĩa vụ thông báo cho bên
kia biết trước theo khoản 3 Điều 296 Luật Thương mại 2005 quy định: “Trường hợp từ
chối thực hiện hợp đồng thì trong thời hạn không quá mười ngày, kể từ ngày kết thúc thời
hạn quy định tại khoản 1 Điều này bên từ chối phải thông báo cho bên kia biết trước khi
bên kia bắt đầu thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng”. Quy định này nhằm loại bỏ trường
hợp một bên đã thực hiện nghĩa vụ hợp đồng hoặc đang chuẩn bị thực hiện các nghĩa vụ
hợp đồng mà bên kia lại không muốn thực hiện dẫn đến làm cho một bên tổn thất nặng nề
hơn nữa. Vì vậy, để giảm thiểu tổn thất pháp luật quy định muốn từ chối thực hiện hợp
đồng thì phải có nghĩa vụ thông báo cho bên kia biết trước khi bên kia bắt đầu thực hiện
nghĩa vụ hợp đồng của mình. Tuy nhiên pháp luật lại không quy định rõ phương thức xử
lý như thế nào khi bên muốn từ chối thực hiện hợp đồng không thực hiện đúng nghĩa vụ
thông báo như luật định.
Pháp luật Việt Nam không cho phép các bên từ chối hợp đồng ngay từ ban đầu mà
phải trải qua thời gian kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng; Nếu quá thời hạn
thực hiện đó một bên không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia mới có quyền từ
chối thực hiện hợp đồng. Vậy thì trong trường hợp các bên không muốn kéo dài thời hạn
thực hiện hợp đồng mà muốn chấm dứt hợp đồng ngay sau khi xảy ra sự kiện bất khả
kháng xảy ra thì pháp luật lại không cho phép. Việc quy định như vậy sẽ gây khó khăn
cho các bên trong một số trường hợp nếu kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng
thì hợp đồng cũng không thể tiếp thực hiện được hoặc nếu kéo dài thời gian thực hiện thì
sẽ gây thêm quá nhiều tổn thất và thiệt hại cho các bên.
Quy định của CISG 1980 đã quy định rõ ràng về vấn đề này hơn so với pháp luật
Việt Nam cụ thể theo khoản 4 Điều 79 CISG 1980 quy định: “Bên nào không thực hiện
nghĩa vụ của mình thì phải báo cáo cho bên kia biết về trở ngại và ảnh hưởng của nó đối
với khả năng thực hiện nghĩa vụ. Nếu thông báo không tới tay bên kia trong một thời hạn
hợp lý từ khi bên không thực hiện nghĩa vụ đã biết hay đáng lẽ phải biết về trở ngại đó
thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại do việc bên kia không nhận được
thông báo”. Theo đó nếu một bên không thực hiện được nghĩa vụ của mình do trở ngại
thì phải báo cáo lại với bên kia, còn nếu trong trường hợp không thông báo hay thông báo
không tới trong một thời hạn hợp lý thì bên thực hiện nghĩa vụ hợp đồng sẽ phải chịu
trách nhiệm về thiệt hại do bên không thực hiện không nhận được thông báo.

3. Nhận xét

Qua phần so sánh Pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam về miễn trách do sự kiện
bất khả kháng và hậu quả pháp lý của miễn trách do sự kiện bất khả kháng, ngoài những
điểm giống về điều kiện để một sự kiện được xem là sự kiện bất khả kháng, nhóm rút ra
những điểm khác biệt sau:

CISG 1980 quy định rõ sự miễn trách này chỉ có hiệu lực trong thời kỳ tồn tại sự
kiện bất khả kháng, trong khi đó pháp luật Việt Nam không nêu rõ điều này mà chỉ quy
định kéo dài thời hạn thực hiện hợp đồng trong trường hợp bất khả kháng.

CISG 1980 cũng quy định nhiều biện pháp khắc phục trong trường hợp miễn trách
do sự kiện bất khả kháng xảy ra, giúp các bên dễ dàng lựa chọn một biện pháp phù hợp.
Còn đối với pháp luật Việt Nam chỉ quy định về việc kéo dài thời hạn thực hiện hợp đồng
và từ chối thực hiện hợp đồng trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng. Ngoài ra,
những quy định về hậu quả của việc miễn trách này vẫn còn tồn tại khá nhiều điểm bất
cập, chưa quy định rõ ràng, điều này gây khó khăn cho các bên trong quá trình giao kết
và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.

You might also like