You are on page 1of 390

Chịu trách nhiệm xuất bản

GIÁM ĐỐC - TỔNG BIÊN TẬP


PGS. TS. PHẠM MINH TUẤN

Chịu trách nhiệm nội dung


ỦY VIÊN HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP - XUẤT BẢN
TS. VÕ VĂN BÉ

Biên tập nội dung: ThS. NGUYỄN THỊ HẢI BÌNH


PHAN THỊ HƯƠNG GIANG
ThS. NGUYỄN VIỆT HÀ
Trình bày bìa: ThS. PHÙNG MINH TRANG
Chế bản vi tính: NGUYỄN THỊ THU THẢO
Sửa bản in: PHÒNG BIÊN TẬP KỸ THUẬT
Đọc sách mẫu: HƯƠNG GIANG
TRẦN PHAN BÍCH LIỄU

Số đăng ký kế hoạch xuất bản: 2266-2021/CXBIPH/34-23/CTQG.


Số quyết định xuất bản: 446-QĐ/NXBCTQG, ngày 29/6/2021.
Nộp lưu chiểu: tháng 7 năm 2021.
Mã ISBN: 978-604-57-6919-5.
BAN BIÊN SOẠN
PGS. TS. TRẦN ĐỨC CƯỜNG: Mở đầu, Chương II, Kết luận
PGS. TS. LÊ TRUNG DŨNG: Chương I, VI
TS. ĐỖ THỊ NGUYỆT QUANG: Chương I
TS. NGUYỄN HỮU NGUYÊN:
Chương III, IV, V
PGS. TS. ĐINH QUANG HẢI:

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

Vùng đất Nam Bộ với tư cách là một không gian địa lý và địa bàn hành
chính thân thuộc, thiêng liêng của người dân đất Việt đã trải qua một quá
trình hình thành, phát triển lâu dài, được bồi tụ chủ yếu bởi hai con sông lớn:
sông Đồng Nai và sông Mêkông. Nơi đây cũng đã từng tồn tại, phát tích của
nền văn hóa Óc Eo và các vương quốc Phù Nam, Chân Lạp phát triển huy
hoàng rồi suy tàn theo năm tháng.
Từ thế kỷ XVII, người Việt từ miền Bắc và miền Trung đã vào đây khai
phá, dựng làng, lập ấp cùng với người dân bản địa chinh phục vùng đất hoang
vu nhưng rất trù phú này. Đến thế kỷ XVIII, từ tầm nhìn chiến lược và công
lao to lớn của các chúa Nguyễn, sau này là vương triều Nguyễn, xác lập, sắp đặt
các đơn vị hành chính, vùng đất phương Nam giàu có chính thức thuộc chủ
quyền của dân tộc Việt Nam, đến nay đã được hơn 300 năm.
Vùng đất Nam Bộ với cương vực như hiện nay bao gồm cả Đông Nam Bộ
và Tây Nam Bộ - đồng bằng sông Cửu Long, có 17 tỉnh và hai thành phố trực
thuộc Trung ương, diện tích tự nhiên hơn 64.000 km2, dân số hơn 33 triệu
người với nhiều tộc người tụ cư sinh sống, gồm các dân tộc ít người bản địa,
các dân tộc thiểu số từ Trường Sơn - Tây Nguyên xuống, từ các tỉnh miền núi
phía Bắc vào, một số ít người từ các nước khác đến, nhưng chủ yếu là địa bàn
của người Kinh, người Hoa, người Khmer, người Chăm.
Về mặt địa lý, nhìn từ Bắc vào Nam, Đông Nam Bộ giáp cực Nam
Trung Bộ từ tỉnh Ninh Thuận, giáp Trường Sơn - Tây Nguyên từ các tỉnh
Lâm Đồng, Đắk Nông; có đường biên giới trên đất liền với Campuchia
từ Bình Phước tới Hà Tiên; có đường bờ biển trải dài từ Ninh Thuận
tới đất mũi Cà Mau (Biển Đông) và từ mũi Cà Mau đến Hà Tiên
(biển Tây - vịnh Thái Lan). Nằm ở ngã ba đường giao thông quốc tế, Nam Bộ
có vị trí địa - kinh tế, địa - chính trị cực kỳ quan trọng.
6 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Với tư cách một vùng đất giàu trầm tích văn hóa, đa dạng tộc người, đa
tôn giáo, giàu tiềm năng và có vị trí chiến lược trọng yếu, từ lâu Nam Bộ đã
là đối tượng nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trong nước và ở nước ngoài,
nhiều hội thảo khoa học về vùng đất này đã được tổ chức, nhiều công trình
khoa học trên các lĩnh vực đã được công bố, nhưng cho đến nay vẫn thiếu một
công trình có tầm vóc, quy mô lớn nghiên cứu toàn diện, liên ngành để có cái
nhìn toàn cảnh, sâu sắc, nhiều chiều cạnh về vùng đất phương Nam này.
Để đáp ứng yêu cầu đó, chương trình nghiên cứu tổng thể về vùng đất
Nam Bộ dưới dạng một đề án khoa học cấp nhà nước do GS. Phan Huy Lê làm
chủ nhiệm, gồm 11 đề tài khoa học đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cho
phép triển khai từ năm 2008. Từ những đề tài khoa học nghiên cứu cơ bản này,
Ban Chủ nhiệm đề án đã tổ hợp lại thành báo cáo tổng quan Quá trình hình
thành và phát triển vùng đất Nam Bộ. Sau 4 năm nghiên cứu, toàn bộ đề án đã
được Bộ Khoa học và Công nghệ nghiệm thu và đánh giá đây là chương trình
khoa học - công nghệ xuất sắc năm 2011.
Mặc dù công trình được đánh giá cao, nhưng khi xuất bản thành sách, các
tác giả phải tiếp tục bổ sung, sửa chữa, chỉnh lý trong vòng hơn 3 năm - đến
giữa năm 2015 mới chuyển giao bản thảo cho Nhà xuất bản. Sau khi tiếp nhận
bản thảo, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã huy động một đội ngũ
đông đảo biên tập viên, họa sĩ, nhân viên kỹ thuật, tổ chức biên tập, đọc duyệt,
thiết kế makét, trình bày trong hơn một năm để công trình khoa học lớn này
lần đầu tiên đến tay bạn đọc vào cuối năm 2016 đầu năm 2017.
Đây là một công trình khoa học nghiên cứu công phu, nghiêm túc, được
tiến hành bởi đội ngũ các nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trong
đó Ban Chủ nhiệm đề án và chủ biên của từng đề tài là các chuyên gia hàng
đầu trong từng giai đoạn lịch sử cũng như trong các lĩnh vực nghiên cứu. Tuy
vậy, ở một vài chương trong bộ tổng quan hoặc từng đề tài, chất lượng nghiên
cứu và hàm lượng khoa học không giống nhau, có chương, có tập chưa được
như kỳ vọng hoặc yêu cầu nghiên cứu đặt ra.
Tất nhiên mỗi đề tài khoa học là công trình độc lập, nhưng khi đặt trong
một chỉnh thể thì có đề tài không tránh được sơ lược, dàn trải; có đề tài có một
số nội dung đã được trình bày ở các đề tài khác. Vì vậy, Nhà xuất bản đã thống
nhất với chủ biên đề nghị các tác giả bổ sung, nâng cấp hoặc cắt bỏ những
trùng lặp để bộ sách tuân thủ nghiêm ngặt sự thống nhất trong chỉnh thể.
LỜI NHÀ XUẤT BẢN 7

Bộ sách về vùng đất Nam Bộ gồm bộ tổng quan, rút gọn: Vùng đất
Nam Bộ - Quá trình hình thành và phát triển, 2 tập và một bộ chuyên khảo sâu
gồm 10 tập, nghiên cứu khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực của vùng đất phương
Nam, từ điều kiện tự nhiên, quá trình lịch sử, dân cư, dân tộc, tôn giáo, thiết
chế quản lý xã hội, quá trình Nam Bộ hội nhập với khu vực và quốc tế.
Khi triển khai nghiên cứu, tên đề án và tên từng đề tài khoa học rất cụ thể
và thường khá dài, nhưng khi xuất bản, Nhà xuất bản đã trao đổi với chủ biên
thống nhất bộ sách có tên chung là Vùng đất Nam Bộ.
Riêng bộ tổng quan Vùng đất Nam Bộ - Quá trình hình thành và phát triển,
ngoài Chương mở đầu và Chương kết có 10 chương nội dung, được kết cấu
hoàn chỉnh. Nhưng với dung lượng 1.500 trang sách rất khó dung nạp trong một
cuốn sách, cho nên chúng tôi chia thành hai tập: tập I gồm Chương mở đầu và
sáu chương nội dung, tập II gồm bốn chương nội dung và Chương kết.
Riêng Chương kết, các tác giả dành mục cuối cùng để trình bày đề xuất,
kiến nghị của Ban Chủ nhiệm đề án với Đảng, Nhà nước và các cơ quan lãnh
đạo, quản lý, chúng tôi tách ra làm phần Phụ lục đặt ở cuối sách.
Như vậy kết quả nghiên cứu của đề án được công bố thành các cuốn sách
sau đây:
- Vùng đất Nam Bộ - Quá trình hình thành và phát triển, gồm 2 tập,
GS. Phan Huy Lê chủ biên.
- Vùng đất Nam Bộ, tập I: Điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái,
TS. Trương Thị Kim Chuyên chủ biên.
- Vùng đất Nam Bộ, tập II: Từ cội nguồn đến thế kỷ VII, GS. TSKH. Vũ
Minh Giang - Nguyễn Việt đồng tác giả.
- Vùng đất Nam Bộ, tập III: Từ thế kỷ VII đến thế kỷ XVI, GS.TS. Nguyễn
Văn Kim chủ biên.
- Vùng đất Nam Bộ, tập IV: Từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX,
GS. TS. Nguyễn Quang Ngọc chủ biên.
- Vùng đất Nam Bộ, tập V: Từ năm 1859 đến năm 1945, PGS.TS. Đoàn
Minh Huấn - PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hà đồng chủ biên.
- Vùng đất Nam Bộ, tập VI: Từ năm 1945 đến năm 2010, PGS.TS. Trần
Đức Cường chủ biên.
- Vùng đất Nam Bộ, tập VII: Đặc trưng tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt
văn hóa, GS. TS. Ngô Văn Lệ chủ biên.
8 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

- Vùng đất Nam Bộ, tập VIII: Thiết chế quản lý xã hội, PGS. TS. Vũ Văn Quân
chủ biên.
- Vùng đất Nam Bộ, tập IX: Tộc người và quan hệ tộc người, TS. Võ Công Nguyện
chủ biên.
- Vùng đất Nam Bộ, tập X: Tiến trình hội nhập khu vực và thế giới,
PGS. TS. Võ Văn Sen chủ biên.
Về mặt xuất bản, bộ sách được biên tập, thiết kế, trình bày thống nhất
trong từng tập và trong cả bộ sách, được in ấn đẹp, trang trọng.
Xuất bản bộ sách này chúng tôi hy vọng cung cấp cho bạn đọc, các nhà
nghiên cứu, học viên, sinh viên các học viện, nhà trường và các nhà lãnh đạo,
quản lý, các địa phương, đơn vị một khối lượng tri thức lớn, khá đầy đủ, toàn
diện và chân xác về vùng đất Nam Bộ, phục vụ cho công tác học tập, nghiên cứu
và hoạch định chính sách ở khu vực trọng yếu, năng động này của đất nước.
Bộ sách cũng cung cấp cơ sở lịch sử - pháp lý vững chắc phục vụ cuộc
đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng biên giới hòa bình,
hữu nghị.
Các tác giả và Nhà xuất bản đã nỗ lực rất cao trong nghiên cứu, biên soạn
và biên tập - xuất bản, nhưng với khối lượng công việc đồ sộ, bộ sách khó
tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót, rất mong được bạn đọc góp ý, phê bình.
Xin trân trọng giới thiệu bộ sách quý cùng bạn đọc.

Tháng 4 năm 2017


NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT
9

LỜI GIỚI THIỆU

Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ là một đề án
khoa học xã hội cấp nhà nước do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì,
được thực hiện trong thời gian từ năm 2008 đến năm 2010 và nghiệm
thu vào cuối năm 2011. Đề án gồm 11 đề tài:
1- Điều kiện địa lý tự nhiên, môi trường sinh thái tác động đến tiến
trình lịch sử và đặc trưng văn hóa vùng đất Nam Bộ do TS. Trương Thị
Kim Chuyên, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học
Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh làm Chủ nhiệm.
2- Nam Bộ từ cội nguồn đến thế kỷ VII do GS.TSKH. Vũ Minh
Giang, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia
Hà Nội làm Chủ nhiệm.
3- Nam Bộ từ thế kỷ VII đến thế kỷ XVI do PGS.TS. Nguyễn Văn
Kim, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia
Hà Nội làm Chủ nhiệm.
4- Nam Bộ từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX: Quá trình khai phá và xác
lập chủ quyền của Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ do GS.TS. Nguyễn
Quang Ngọc, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc
gia Hà Nội làm Chủ nhiệm.
5- Nam Bộ từ khi Pháp xâm lược Việt Nam đến năm 1945 do
PGS.TS. Đoàn Minh Huấn, Học viện Chính trị hành chính khu vực I
làm Chủ nhiệm.
6- Nam Bộ từ năm 1945 đến năm 2010 do PGS.TS. Trần Đức Cường,
Viện Sử học Việt Nam làm Chủ nhiệm.
7- Đặc trưng tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa của cư dân
Nam Bộ do GS.TS. Ngô Văn Lệ, Trường Đại học Khoa học xã hội và
nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh làm Chủ nhiệm.
10 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

8- Đặc trưng thiết chế quản lý xã hội ở Nam Bộ do PGS.TS. Vũ Văn


Quân, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia
Hà Nội làm Chủ nhiệm.
9- Tộc người và quan hệ tộc người ở Nam Bộ - lịch sử và hiện trạng
do TS. Võ Công Nguyện, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ làm
Chủ nhiệm.
10- Nam Bộ trong tiến trình hội nhập khu vực và thế giới của
Việt Nam do PGS.TS. Võ Văn Sen, Trường Đại học Khoa học xã hội và
nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh làm Chủ nhiệm.
11- Nghiên cứu giải pháp nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân
về lịch sử vùng đất Nam Bộ do PGS.TS. Phan Xuân Biên, Viện Nghiên
cứu xã hội, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh
làm Chủ nhiệm.
Toàn bộ kết quả nghiên cứu của các đề tài được tổng hợp trong
một công trình mang tên Quá trình hình thành và phát triển vùng đất
Nam Bộ do GS. Phan Huy Lê, Chủ nhiệm đề án, làm Chủ biên.
Công trình có một số đề tài nghiên cứu về quá trình lịch sử, nhưng
không đơn thuần là lịch sử Nam Bộ. Cùng với các lớp cắt lịch đại theo
tiến trình lịch sử, còn có những nghiên cứu trên một số lĩnh vực cơ
bản về điều kiện tự nhiên, quan hệ tộc người, thiết chế quản lý xã hội,
đời sống văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, về quá trình xác lập chủ quyền
của quốc gia Đại Việt... Trong một số đề tài lịch sử cũng có những yêu
cầu làm sáng tỏ một số nội dung quan trọng như đề tài số 2 với yêu cầu
nghiên cứu về văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, đề tài số 4 có
yêu cầu nghiên cứu sự xác lập chủ quyền của Việt Nam trên vùng đất
Nam Bộ. Đặc biệt từ kết quả nghiên cứu, đề án xác lập một nhận thức
mới coi lịch sử vùng đất Nam Bộ không phải bắt đầu khi người Việt vào
khai phá từ thế kỷ XVII mà phải ngược về quá khứ xa xưa từ khi con
người xuất hiện trên vùng đất phương Nam này.
Vùng đất Nam Bộ đã được các nhà khoa học nghiên cứu từ lâu dưới
góc độ của nhiều chuyên ngành từ địa chất, địa lý đến khảo cổ học, dân
tộc học, nhân học, xã hội học, kinh tế học, văn hóa học và sử học. Đề
án một mặt tổng hợp các kết quả nghiên cứu đó, mặt khác nghiên cứu
thêm một số nội dung cần thiết nhằm tạo ra một nhận thức tổng hợp về
LỜI GIỚI THIỆU 11

toàn bộ quá trình hình thành và phát triển của vùng đất phương Nam
này. Đó là cơ sở khoa học để hiểu biết và lý giải những nét độc đáo của
không gian lịch sử văn hóa vùng đất Nam Bộ với những trầm tích của
nhiều thời kỳ lịch sử, những biến đổi trong cấu trúc tộc người, vai trò và
cống hiến của các lớp cư dân - tộc người đã từng sinh sống trên vùng đất
này, những đặc trưng về văn hóa, phong cách, lối sống của con người
Nam Bộ, quá trình hội nhập của vùng đất Nam Bộ vào lãnh thổ của
nước Đại Việt từ thế kỷ XVII-XVIII cho đến cuộc đấu tranh bảo vệ chủ
quyền và sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước đến ngày nay.
Tham gia đề án có hơn một trăm nhà khoa học thuộc một số viện
của Viện Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học
xã hội Việt Nam) và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, một số
khoa và viện của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành
phố Hồ Chí Minh và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Các nhà khoa học
tham gia dưới nhiều phương thức như trực tiếp biên soạn, nghiên cứu
chuyên đề, điều tra khảo sát điền dã, tham luận trong các hội thảo khoa
học. Trong quá trình chuẩn bị xây dựng đề án, Bộ Khoa học và Công
nghệ đã phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức ba hội
thảo khoa học tại Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Cần Thơ: Văn
hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam (năm 2004), Vùng đất Nam Bộ cho
đến cuối thế kỷ XIX (năm 2006), Nam Bộ thời cận đại (năm 2008). Trong
quá trình triển khai đề án, Ban chủ nhiệm đề án cùng chủ nhiệm các đề
tài còn tổ chức một số hội thảo trao đổi về lịch sử nghiên cứu, phương
pháp tiếp cận và một số nội dung cơ bản của đề án như tiến trình lịch sử
xã hội, bản sắc văn hóa xã hội. Các bài tham luận trong những hội thảo
này đã được Nhà xuất bản Thế giới biên tập và in thành sáu tập kỷ yếu1.
Kết quả nghiên cứu của Đề án được Nhà xuất bản Chính trị quốc
gia Sự thật biên tập rất công phu và công bố thành một bộ sách mang
tên chung Vùng đất Nam Bộ gồm 11 tập sách. Riêng tập Tổng quan là

1. Văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, 2008; Lịch sử nghiên cứu và phương
pháp tiếp cận, 2008; Một số vấn đề lịch sử vùng đất Nam Bộ đến cuối thế kỷ XIX,
2009; Một số vấn đề lịch sử vùng đất Nam Bộ thời kỳ cận đại, 2009; Mấy vấn đề tiến
trình lịch sử xã hội, 2011; Mấy vấn đề bản sắc văn hóa xã hội, 2011.
12 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Vùng đất Nam Bộ - Quá trình hình thành và phát triển dày đến 1.500
trang chia làm hai tập. So với nội dung của các đề tài có yêu cầu thống
nhất lại tên từng tập và sắp xếp lại một số nội dung để tránh trùng lặp.
Cách phân tập và bố cục này đã được nói rõ trong Lời Nhà xuất bản.
Tập thể các tác giả đã rất cố gắng hoàn thành công trình nghiên cứu
nhưng trước một đối tượng nghiên cứu rộng lớn, bao quát nhiều nội
dung phong phú, trong đó có những vấn đề mới đang nghiên cứu và
thảo luận nên khó tránh khỏi sơ suất. Rất mong nhận được sự quan tâm
và đóng góp ý kiến của bạn đọc. Chúng tôi xin bày tỏ lời cảm ơn chân
thành đến Bộ Khoa học và Công nghệ đã tạo mọi điều kiện thuận lợi
cho việc triển khai đề án, cảm ơn Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự
thật đã dày công biên tập và xuất bản toàn bộ công trình khoa học này.

Hà Nội, mùa Hè năm 2016


GS. Phan Huy Lê
13

MỞ ĐẦU

Vùng đất Nam Bộ, tập VI - Từ năm 1945 đến năm 2010 là tập
thứ sáu trong bộ sách về Quá trình hình thành và phát triển vùng đất
Nam Bộ, đề cập đến lịch sử vùng đất Nam Bộ trong khoảng thời gian
gần đây nhất. Khi nghiên cứu và biên soạn tập sách này, chúng tôi có
thuận lợi là các sự kiện lịch sử mới xảy ra gần đây, không ít sự kiện
hiện đang trong quá trình tiếp diễn... Điều đó khiến cho việc thu thập,
khai thác tài liệu có những thuận lợi nhất định. Nhưng khó khăn cũng
bắt nguồn từ đó: Tài liệu nào xác thực? Tài liệu nào không? Đánh giá
thế nào khi sự kiện còn đang tiếp diễn, chưa đến hồi kết thúc. Dù vậy,
chúng tôi vẫn cố gắng nghiên cứu để tìm ra dòng mạch chính của lịch
sử vùng đất Nam Bộ thời kỳ này.
Ngay sau khi nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc Cách mạng Tháng
Tám năm 1945 thắng lợi và giành lại được độc lập cho đất nước, ngày
23-9-1945, thực dân Pháp đã nổ súng mở đầu cuộc chiến tranh xâm
lược với mưu đồ đặt lại ách cai trị lên đất nước Việt Nam. Nhân dân
Nam Bộ lại phải cầm vũ khí đứng lên chống xâm lược.
Cuộc chiến đấu của quân và dân Nam Bộ trong những ngày đầu
diễn ra hết sức quyết liệt, đặc biệt ở Sài Gòn - Chợ Lớn, nơi thực dân
Pháp tập trung binh lực tiến công các lực lượng cách mạng. Khi thực
dân Pháp nổ súng mở đầu hành động xâm lược, quân và dân Sài Gòn -
Chợ Lớn, trước hết là công nhân, chủ yếu tập trung trong lực lượng vũ
trang của Tổng Công đoàn Nam Bộ đã nêu cao tinh thần dũng cảm,
kiên quyết chiến đấu bảo vệ thành phố, bảo vệ chính quyền cách mạng
và nền độc lập của Tổ quốc.
14 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Khi thực dân Pháp mở rộng chiến tranh ra toàn vùng, cuộc
chiến đấu của quân và dân các địa phương Nam Bộ diễn ra giằng
co, quyết liệt. Bằng lòng quả cảm và trí thông minh, sáng tạo, nêu
cao truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc, dựa vào nhà
cửa kiên cố và các chướng ngại vật được dựng lên bằng giường,
tủ, bàn ghế, xe cộ,... quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn và nhiều địa
phương khác trong vùng đã lập nên những chiến lũy chặn địch
trên từng khu phố và thôn xóm, vừa tiêu diệt sinh lực địch, phá
hủy cơ sở hậu cần, vừa cắt đứt giao thông, gây cho quân xâm lược
Pháp nhiều khó khăn, tổn thất. Cuộc chiến đấu oanh liệt của quân
và dân Sài Gòn - Chợ Lớn và các địa phương Nam Bộ đã đóng góp
những bài học kinh nghiệm đầu tiên quý báu cho quân đội và nhân
dân Việt Nam trong việc phát động chiến tranh nhân dân trên cả
vùng nông thôn và đô thị.
Cuộc chiến đấu của quân và dân Nam Bộ, trước hết là quân và dân
Sài Gòn - Chợ Lớn đã kìm chân thực dân Pháp trong nhiều ngày, làm
thất bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của chúng, tạo điều kiện
để quân và dân cả nước có thêm thời gian chuẩn bị chiến đấu trong
cuộc kháng chiến toàn quốc. Trong suốt 9 năm kháng chiến chống
thực dân Pháp, quân và dân Nam Bộ đã thực hiện triệt để phương
châm kháng chiến “toàn dân, toàn diện”, liên tục tiến công quân xâm
lược ở mọi nơi, mọi lúc, buộc quân Pháp phải rút nhiều đồn bốt ở
vùng đồng bằng và miền núi. Thắng lợi của Chiến dịch Long Châu
Hà, Chiến dịch Sóc Trăng... làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân
cả nước.
Cùng với nhiệm vụ chiến đấu, quân và dân Nam Bộ đã hăng hái
xây dựng hậu phương kháng chiến, tăng cường xây dựng bộ máy
hành chính các cấp, thực hiện giảm tô, giảm tức, tạm cấp, tạm chia
ruộng đất cho nông dân nghèo thiếu ruộng, tiến hành các cuộc vận
động sản xuất tự túc mạnh mẽ trong nhân dân vùng căn cứ, trong
bộ đội và cơ quan, gây dựng phong trào hợp tác sản xuất, lập các tổ
vần công, đổi công và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giáo dục...
MỞ ĐẦU 15

tạo không khí hồ hởi, phấn khởi trong vùng tự do và góp phần động
viên chiến sĩ ngoài mặt trận.
Phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân đô thị, trước
hết là Sài Gòn - Chợ Lớn, đòi hòa bình, chống can thiệp Mỹ, chống
âm mưu tách Nam Bộ khỏi Việt Nam, đòi Chính phủ Pháp thương
lượng với Chính phủ Hồ Chí Minh và chấm dứt chiến tranh xâm
lược Việt Nam gây được tiếng vang lớn trong dư luận trong nước và
quốc tế.
Cuộc chiến đấu về mọi mặt của quân và dân Nam Bộ đã làm
phân tán lực lượng quân Pháp, góp phần quan trọng vào chiến công
chung của nhân dân cả nước đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược
của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, kết thúc bằng chiến thắng Điện
Biên Phủ, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Genève năm
1954, lập lại hòa bình ở Việt Nam và các nước Đông Dương trên cơ
sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của
mỗi nước.
Song, Hiệp định Genève về Việt Nam ký chưa ráo mực đã bị
chính quyền Việt Nam Cộng hòa được Mỹ tiếp sức phá hoại một
cách hệ thống. Họ không thực hiện các quyền tự do dân chủ, còn
tiến hành đàn áp dã man những người kháng chiến cũ và những
người dân yêu nước bằng một chế độ độc tài, gia đình trị, ngang
nhiên từ chối đề nghị của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
về hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước theo quy định của
Hiệp định Genève.
Cùng với nhân dân toàn miền Nam và nhân dân cả nước, nhân
dân Nam Bộ đã kiên quyết chống lại bằng các cuộc míttinh, biểu
tình, tuần hành vì hòa bình, đòi dân sinh, dân chủ và hiệp thương
tổng tuyển cử tự do để thống nhất đất nước... Bị chính quyền Việt
Nam Cộng hòa đàn áp dã man, phong trào đấu tranh của nhân dân
miền Nam phát triển thành phong trào đồng khởi - phong trào
khởi nghĩa từng phần và đồng loạt bằng sức mạnh quần chúng ở
16 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

thôn xã trên khắp miền Nam. Các tấm gương điển hình về phong
trào đồng khởi xuất hiện ở khắp các tỉnh Nam Bộ: ở Bến Tre,
Mỹ Tho, Long An, Kiến Phong, Kiến Tường, Cần Thơ, Sóc Trăng,
Bạc Liêu, Cà Mau... đẩy chế độ Việt Nam Cộng hòa vào khủng hoảng
sâu sắc và có nguy cơ sụp đổ. Để đối phó lại, Mỹ và chính quyền Việt
Nam Cộng hòa chuyển sang áp dụng chiến lược “Chiến tranh đặc
biệt”: sử dụng bộ máy quân đội, cảnh sát do Mỹ huấn luyện và trang
bị vũ khí với sự cố vấn - thực chất là chỉ huy của hàng ngàn sĩ quan
Mỹ nhằm tiêu diệt các lực lượng yêu nước ở miền Nam Việt Nam.
Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” thất bại, Mỹ buộc phải phát động
cuộc “Chiến tranh cục bộ” với việc đưa quân chiến đấu Mỹ và quân
các nước đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc, Thái Lan, Australia,
New Zealand vào tham chiến, lúc cao nhất gồm nửa triệu quân chiến
đấu Mỹ và gần 6 vạn quân đồng minh của Mỹ với đủ loại vũ khí, khí
tài chiến tranh hiện đại.
Chiến tranh cục bộ thất bại, một mặt Mỹ phải chấp nhận đàm
phán với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và tiếp đó
là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và
Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mặt khác chuyển từ chiến
lược “Chiến tranh cục bộ” sang “Việt Nam hóa chiến tranh” nhằm gỡ
thế bí cho Mỹ đặng thoát khỏi sự sa lầy ở Việt Nam mà vẫn giữ cho
chế độ Việt Nam Cộng hòa khỏi sụp đổ. Song, thực tế đã không diễn
ra như Mỹ mong muốn. Với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân
năm 1975 của quân và dân cả nước, quân đội và chính quyền Việt
Nam Cộng hòa đã bị tan rã. Sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống
nhất Tổ quốc của nhân dân Việt Nam hoàn toàn thắng lợi.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước khởi đầu từ năm
1954 đến ngày toàn thắng 30-4-1975, Nam Bộ luôn là vùng đất xảy ra
những cuộc đụng độ ác liệt giữa xâm lược và chống xâm lược, giữa cách
mạng và phản cách mạng trên tất cả các lĩnh vực quân sự, chính trị,
văn hóa, xã hội... Nhân dân Nam Bộ bất chấp khó khăn, gian khổ và hy
MỞ ĐẦU 17

sinh, mất mát, đã anh dũng vượt qua và đóng góp quan trọng vào thắng
lợi chung của dân tộc nhằm mục tiêu giải phóng hoàn toàn miền Nam,
thống nhất đất nước, xứng đáng với danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc”.
Lịch sử Nam Bộ còn có thêm 3 năm (1975-1978) chống các
hành động chiến tranh xâm lược của quân đội Campuchia Dân chủ,
bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam của Tổ quốc, đồng thời giúp
các lực lượng yêu nước, cách mạng Campuchia đánh đổ tập đoàn Pol
Pot - Ieng Xari - Khieuxamphon, cứu nhân dân Campuchia khỏi họa
diệt chủng.
Sau khi đất nước thống nhất, nhiệm vụ to lớn đặt ra cho nhân
dân Nam Bộ là cùng với nhân dân cả nước xây dựng, củng cố và giữ
gìn chính quyền cách mạng, mang lại đời sống yên lành và ấm no
cho người dân. Để thực hiện nhiệm vụ nặng nề đó, chính quyền và
nhân dân Nam Bộ đã làm hết sức mình, giữ vững an ninh chính trị,
nhờ đó, trật tự xã hội ngày càng ổn định và đã giải quyết kịp thời
nhiều vấn đề cấp bách về kinh tế và xã hội. Chính trong khoảng
thời gian từ năm 1975 đến những năm 80 của thế kỷ XX, nhân dân
Nam Bộ với lòng yêu nước nồng nàn và truyền thống cách mạng đã
vượt qua những khó khăn, thử thách trong hoàn cảnh đất nước vừa có
hòa bình, vừa có chiến tranh, chịu sự tác động của cuộc chiến tranh
bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi
họa diệt chủng; đồng thời phải vượt qua những khó khăn do sai lầm
trong công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa và hạn chế trong quản lý kinh
tế - xã hội.
Từ giữa những năm 80 của thế kỷ XX, nhân dân các địa phương
Nam Bộ hưởng ứng mạnh mẽ công cuộc đổi mới, xây dựng và phát
triển đất nước, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa
và hội nhập quốc tế, với những kết quả bước đầu rất quan trọng.
Nam Bộ luôn là khu vực phát triển năng động, góp phần tạo thế,
tạo đà cho đất nước thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân
chủ, công bằng, văn minh. Nam Bộ không chỉ là vựa lúa của cả
18 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

nước mà còn là vựa lúa của cả khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Nam Bộ không chỉ đi lên từ nông nghiệp mà còn đi lên từ các khu
công nghiệp hiện đại, chủ yếu nằm ở vùng kinh tế trọng điểm phía
Nam gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa -
Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Tiền Giang…
Là vùng đất có nhiều điều kiện thuận lợi về tự nhiên, giàu tài nguyên
và với những người dân giàu lòng yêu nước, luôn năng động và sáng tạo,
chúng ta tin tưởng Nam Bộ sẽ luôn là một trong những vùng đất phát
triển nhất của Tổ quốc.
19

Chương I

NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP


(1945 - 1954)

I- PHÁP TÁI CHIẾM NAM BỘ VÀ CUỘC ĐẤU TRANH CHỐNG XÂM


LƯỢC CỦA NHÂN DÂN NAM BỘ NHỮNG NGÀY ĐẦU KHÁNG CHIẾN
(9-1945 – 12-1946)

Ngay sau khi giành được chính quyền, cùng với cả nước, quân và
dân Nam Bộ bắt tay vào việc xây dựng bộ máy chính quyền cách mạng
nhằm tổ chức bảo vệ và phát triển thành quả vừa giành được.
Song, vừa giành được độc lập chưa đầy một tháng, nhân dân Nam
Bộ đã phải đương đầu với cuộc xâm lăng lần thứ hai của thực dân Pháp.
Bất chấp nguyện vọng độc lập của nhân dân Việt Nam, thực dân Pháp
đã từng bước thực hiện âm mưu quay lại tái chiếm Đông Dương, trước
hết là Nam Bộ, biến vùng đất trù phú này trở lại thành thuộc địa của
Pháp. Chính Jean Sainteny sau này thú nhận: “Chính phủ lâm thời Cộng
hòa Pháp và phố Oudinot hình như dành quyền ưu tiên cho Sài Gòn
và Nam Kỳ vì ở đó Pháp dự định sẽ trở lại trước tiên và chúng ta có thể
trông mong vào sự giúp đỡ của người Anh. Từ đó ảnh hưởng của Pháp
sẽ lan ra toàn cõi Đông Dương”.
Từ khi nước Pháp còn bị phát xít Đức chiếm đóng, Charles De
Gaulle - lãnh tụ kháng chiến lưu vong của Pháp - đã ra Tuyên bố ngày
24-3-1945 về vấn đề Đông Dương, trong đó nêu rõ: “Liên bang Đông
Dương sẽ cùng với nước Pháp và những nước khác của cộng đồng lập
thành một “Liên hiệp Pháp” mà lợi ích bên ngoài sẽ do nước Pháp đại diện.
20 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Đông Dương sẽ được hưởng, trong phạm vi Liên hiệp, một quyền tự do
riêng của nó. Những người thuộc quốc tịch Liên bang Đông Dương sẽ
vừa là công dân Đông Dương vừa là công dân Pháp.
Đông Dương sẽ có riêng một chính phủ Liên bang do toàn quyền
đứng đầu và gồm nhiều bộ trưởng chịu trách nhiệm trước chính phủ,
chọn hoặc trong số những người Đông Dương hoặc trong số những
người Pháp cư trú ở Đông Dương…
Một quốc hội bầu theo kiểu đầu phiếu nào thích hợp nhất với mỗi
nước của Liên bang và trong đó lợi ích của nước Pháp sẽ được đại diện,
sẽ biểu quyết những khoản thuế mọi loại cùng ngân sách Liên bang và
thảo luận những dự án luật…
Ông toàn quyền là người trọng tài của tất cả, trong lợi ích riêng
của mỗi nước. Các chính phủ địa phương sẽ được cải tiến hoặc cải tổ.
Các trọng trách và chức vụ trong mỗi nước sẽ dành chủ yếu cho những
người mang quốc tịch nước đó”1.
Ngay sau tuyên bố của De Gaulle, Pháp bắt tay chuẩn bị lực lượng
cho việc trở lại Đông Dương. Ngày 28-5-1945, Trung đoàn can thiệp nhẹ
(Corps Léger d’Intervention) của Pháp ở Algérie đổi tên thành Trung
đoàn 5 thuộc địa Pháp, được điều tới Ceylon (Sri Lanka), với quân số
861 người, trong đó có 142 người Việt. Đơn vị này cùng với Ban Đông
Dương thuộc Pháp (French Indochina Countrie Section - FICS) có sẵn
ở Ceylon, gồm 160 lính và sĩ quan người Việt và Pháp, vốn nằm trong
Lực lượng 136 (Force 136) của Bộ Tư lệnh Đông Nam Á (của Anh), tạo
thành những lực lượng vũ trang đầu tiên của Pháp chuẩn bị cho việc tái
chiếm Đông Dương. Tiếp đó, trong nửa cuối tháng 6-1945, De Gaulle
trao quyền thành lập Lực lượng Viễn chinh Pháp tại Viễn Đông (Corps
expéditionnaire français en Extrême-Orient - CEFEO) cho viên tướng
Philippe Leclèrc de Hauteclocque, người từng cầm đầu quân đội Pháp
tiến vào giải phóng Paris năm 1944.

1. Devillers Ph.: Paris - Sài Gòn - Hà Nội, tài liệu lưu trữ của cuộc chiến tranh
1944-1947, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1993, tr.84.
CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 21

Tuy nhiên, việc Pháp quay lại tái chiếm Đông Dương diễn ra không
thật sự “thuận chiều mát mái” trong điều kiện của quan hệ quốc tế
đương thời. Trong khi Pháp đang ráo riết chuẩn bị cho việc quay lại
Đông Dương thì tại Việt Nam đã diễn ra những sự kiện làm đảo lộn tình
hình tại chỗ. Chỉ trong vòng trên dưới 10 ngày cuối tháng 8-1945, do
kết quả của Cách mạng Tháng Tám, chính quyền trên cả nước đã thuộc
về nhân dân thông qua Mặt trận Việt Minh do Đảng Cộng sản Đông
Dương lãnh đạo. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội,
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc Lập tuyên bố trước thế giới
sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sự xuất hiện và từng
bước củng cố của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được đông
đảo các tầng lớp nhân dân ủng hộ, là một yếu tố mới, có tính quyết định
trong bố trí lực lượng ở Việt Nam, mà bất cứ ý đồ dàn xếp nào từ bên
ngoài đều phải tính đến.
Mặt khác, mặc dù tham gia vào các lực lượng Đồng minh trong
cuộc chiến tranh chống phát xít ngay từ những ngày đầu, trên thực tế
ảnh hưởng của Pháp trong hàng ngũ Đồng minh là không lớn. Hơn
nữa, De Gaulle và người của ông ta cũng không chiếm được cảm tình
của Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt. Trước lúc qua đời (tháng
4-1945), Roosevelt từng có ý tưởng sẽ đặt Đông Dương dưới sự quản
trị quốc tế mà không để Pháp quay lại nô dịch sau khi Chiến tranh thế
giới thứ hai kết thúc1. Ý tưởng này đã được ông đưa ra tại Hội nghị Yalta
với những người đồng cấp Winston Churchill và Joseph Staline. Mặc dù
không được Churchill chấp thuận, nhưng dường như ý tưởng này được
sự đồng tình của Staline. De Gaulle không thể không nhận thức được
tình hình trên. Trong hoàn cảnh này, Pháp chỉ có thể trông đợi vào Anh,
một cường quốc Đồng minh vốn có những lãnh thổ thuộc địa rộng lớn
trên thế giới, và do đó có những lợi ích tương đồng với Pháp trong vấn
đề thuộc địa sau chiến tranh.

1. Xem Trần Hữu Đính, Lê Trung Dũng: Cách mạng Tháng Tám 1945 - Những
sự kiện lịch sử, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000.
22 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Bởi vậy, chỉ 4 ngày sau Tuyên bố 24-3 nêu trên, ngày 28-3-1945,
Pháp đề nghị cùng Anh ký một hiệp ước về vấn đề dân sự ở Đông
Dương. Cho đến nay, những đề nghị cụ thể của Pháp chưa được công
bố, nhưng bản thân tên gọi Hiệp ước về vấn đề dân sự ở Đông Dương
cũng đủ để nói lên rằng Pháp muốn tìm kiếm sự ủng hộ của Anh trong
việc thiết lập lại chính quyền của Pháp ở Đông Dương. Mặc dù đề nghị
này chính thức bị từ chối, Pháp vẫn cho rằng đây chính là hình thức, bởi
Anh vẫn đồng ý giúp Pháp huấn luyện 100 viên chức hành chính Pháp
tại Ấn Độ. Ý đồ của Anh trong vấn đề này được lộ rõ vào giữa tháng
8-1945 trong cuộc trao đổi giữa đại sứ Anh tại Trùng Khánh (Trung
Quốc) với chính quyền Trung Hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch về
việc cùng giải giáp vũ khí của Nhật tại Đông Dương. Tại cuộc trao đổi
này, đại sứ Anh bày tỏ sự tin tưởng rằng: “Mục tiêu chung của hai chính
phủ là tái thiết lập chính quyền Pháp ở Đông Dương và tạo điều kiện
cho sự trở lại của quân đội và viên chức hành chính Pháp càng sớm càng
tốt”. Tuy nhiên, như đã thấy trên thực tế, vào thời gian này, dường như
Tưởng Giới Thạch không có cam kết gì trong việc ủng hộ ý đồ của Anh
và Pháp, mà lại có những tính toán của riêng mình trong việc sử dụng
các lực lượng Việt Nam Quốc dân đảng và Việt Nam Cách mạng đồng
minh hội. Và cuối cùng, ngày 24-8, Anh cũng đã ký với Pháp một thỏa
hiệp về nguyên tắc và cách thức khôi phục lại quyền hành của Pháp tại
Đông Dương.
Gần như đồng thời, trong chuyến công du Washington, De Gaulle
đã thuyết phục được Harry S. Truman (người kế vị Roosevelt sau khi
ông này qua đời) chính thức thừa nhận bằng văn bản cái gọi là “chủ
quyền” của nước Pháp trên xứ Đông Dương.
Cùng với điều kiện được Mỹ bật đèn xanh, Pháp có thêm chỗ dựa
đáng tin cậy trong quá trình tìm đường quay lại áp đặt chế độ thuộc
địa ở Đông Dương là Anh, quốc gia được Đồng minh trao quyền tước
khí giới quân đội Nhật Bản ở Nam Việt Nam. Là một quốc gia có nhiều
thuộc địa ở châu Á, sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945), Anh
chủ trương “giữ nguyên trạng” thuộc địa - tức thuộc địa của đế quốc
CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 23

nào trả lại cho đế quốc đó, nên Anh đã ký với Pháp một hiệp ước công
nhận “chủ quyền” của Pháp ở Đông Dương. Chủ trương này thể hiện
qua tuyên bố của tướng Douglas D. Gracey - người cầm đầu quân đội
Anh ở Nam Đông Dương: “Việc Pháp kiểm soát (Đông Dương) cả về
dân sự lẫn quân sự chỉ là vấn đề thời gian trong vài tuần lễ mà thôi”1. Và
do vậy, Nam Bộ trở thành mục tiêu đầu tiên của Pháp trên con đường
tái chiếm Đông Dương.
Được Đồng minh trao nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật Bản tại
Nam Đông Dương, Anh đã làm mọi điều cần thiết để giúp quân Pháp
quay lại nắm quyền ở Nam Bộ Việt Nam, từ việc chuyển các lực lượng
quân đội Pháp tới Nam Bộ, giải phóng và trang bị vũ khí cho những tù
binh Pháp bị Nhật Bản bắt từ sau ngày 9-3-1945, tới việc đàn áp chính
quyền cách mạng ở miền Nam Việt Nam và từng bước bàn giao quyền
quản lý khu vực này cho Pháp.
Đêm 22-8-1945, hầu như cùng lúc với việc Mesmer nhảy dù
xuống miền Bắc Việt Nam, Đại tá Pháp Jean Cédile cũng nhảy dù
xuống vùng biên giới Việt Nam - Campuchia. Cédile được quân Nhật
đưa về ở tại một căn nhà trong khuôn viên Dinh Toàn quyền cũ. Tại
đây, Cédile bắt liên lạc với một số kiều dân Pháp và cùng họ bàn kế
hoạch tái chiếm Nam Bộ. Để thực hiện được kế hoạch ấy, Cédile được
De Gaulle trao chức Ủy viên Cộng hòa tại Nam Kỳ và liên lạc với
chính quyền cách mạng. Tuy bị choáng váng trước khí thế cách mạng
sôi sục ở Sài Gòn, Cédile vẫn ngoan cố bám giữ lập trường thực dân
của Tuyên bố ngày 24-3-1945. Vì vậy các cuộc tiếp xúc không đi đến
kết quả nào.
Cuối tháng 8-1945, với danh nghĩa vào Đông Dương tước khí giới
quân đội Nhật Bản, 200.000 quân của Tưởng Giới Thạch tràn xuống
phía bắc vĩ tuyến 16, mang theo cả kế hoạch tập hợp các phần tử, các
đảng phái chịu ảnh hưởng của Trung Hoa Dân quốc để thành lập chính
quyền tay sai, thực hiện âm mưu chiếm đóng lâu dài miền Bắc Việt Nam.

1. Karnow S.: Vietnam, a history, Penguin Book, New York, 1987, p.148.
24 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Cũng với danh nghĩa trên, tại Ceylon, Sư đoàn 20 Quân đội Hoàng gia
Anh kéo theo một bộ phận quân Pháp chuẩn bị lên đường vào phía nam
vĩ tuyến 16, giúp Pháp tái chiếm Đông Dương.
Ngày 31-8-1945, một đơn vị tiền trạm của Anh tới Sài Gòn thu
xếp việc đầu hàng của quân đội Nhật Bản. Từ Ceylon, tướng Douglas
D. Gracey, Tư lệnh Sư đoàn 20 Quân đội Hoàng gia Anh, người trực
tiếp thực hiện việc giải giáp quân đội Nhật Bản và giúp Pháp trở lại
Đông Dương, buộc quân đội Nhật Bản tăng cường lực lượng tại
Sài Gòn và tước khí giới các lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam.
Ngày 4-9-1945, quân Nhật từ các tỉnh Nam Bộ kéo về Sài Gòn - Chợ
Lớn. Việc đầu tiên của lực lượng này là đòi Ủy ban hành chính lâm thời
địa phương tước khí giới lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam.
Ngày 11-9-1945, tướng Gracey và hôm sau, 2.500 quân Anh thuộc
lữ đoàn Gukas, Sư đoàn 20 đến sân bay Tân Sơn Nhất. Theo chân quân
Anh là 2 tiểu đoàn biệt kích thuộc Trung đoàn thuộc địa số 5 của Pháp1.
Ngay sau khi tới Sài Gòn, Gracey ngang ngược đòi Lâm ủy hành chính
Nam Bộ rút khỏi Nam Bộ Phủ (Dinh Toàn quyền cũ) để làm trụ sở cho
phái bộ Đồng minh. Để tránh những đụng chạm không cần thiết và
tranh thủ thời gian chuẩn bị kháng chiến, chính quyền cách mạng rút
khỏi Nam Bộ Phủ về đóng tại Dinh Đốc lý cũ.
Phản bội lời hứa chỉ dùng Nam Bộ Phủ cho phái bộ Đồng minh,
Gracey trao Nam Bộ Phủ cho quân Pháp2. Nhân dịp này, các lực lượng
Pháp tìm cách biểu dương uy thế của mình. Ngày 13-9-1945, chỉ mới
hơn 10 ngày sau lễ Độc lập của nhân dân Việt Nam, quân Pháp tổ chức
lễ chào cờ Pháp trước Nam Bộ Phủ. Sự việc này như một sự thách thức
đối với người Việt Nam vừa giành được độc lập. Ngay lập tức, hàng trăm
người dân Sài Gòn kéo đến trước Dinh Toàn quyền để phản đối. Một
số thanh niên chuẩn bị trèo vào trong dinh hạ cờ ba sắc. Lính Pháp sẵn

1. Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng bộ Thành
phố Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr. 333.
2. Trần Văn Giàu: Hồi ký, Tlđd.
CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 25

sàng nổ súng. Được cấp báo tình thế căng thẳng này, Gracey điện cho
Cédile buộc phải hạ cờ Pháp.
Không khí chiến tranh bao trùm cả Sài Gòn và toàn Nam Bộ do
hành động hiếu chiến của thực dân phản động Pháp và sự can thiệp
trắng trợn của quân Anh.
Ngày 14-9-1945, Gracey ra thông báo cấm nhân dân mang vũ khí
và biểu tình, kế đó ban hành lệnh giới nghiêm ban đêm và đóng cửa tất
cả các báo tiếng Việt ở Nam Bộ.
Ngày 19-9-1945, quân Anh để Cédile họp báo tuyên bố: “Việt Minh
không đại diện cho nhân dân Việt Nam, Việt Minh bất lực, Pháp có
nhiệm vụ lập lại trật tự, sau đó sẽ thành lập chính phủ phù hợp với
tuyên bố ngày 24 tháng 3...”.
Ngày 20-9-1945, phái bộ Anh còn tuyên bố giữ quyền kiểm soát Sài
Gòn, đòi thả những người Pháp đang bị giam giữ, buộc quân đội cách
mạng rút khỏi thành phố, đòi đặt lực lượng Quốc gia tự vệ cuộc (lực
lượng cảnh sát ở Nam Bộ) dưới quyền chỉ huy của phái bộ Anh.
Cũng trong ngày 20-9-1945, tại Sài Gòn, Gracey tuyên bố: Không
khoan dung bất cứ một cuộc tẩy chay hay đình công, bãi thị nào. Cùng
ngày, quân Anh nắm quyền kiểm soát các nhà tù.
Ngày 21-9-1945, Gracey cho phép Trung tá Rivier vào các trại tập
trung tù binh Pháp tổ chức 12 đại đội tác chiến, với quân số khoảng
1.400 người. Ngày 21-9-1945, Gracey ra lệnh thiết quân luật và thỏa
thuận với Cédile về việc “lập trật tự ở Sài Gòn”. Hành động đầu tiên sau
thỏa thuận này là việc kiểm soát Khám lớn Sài Gòn.
Ngày 22-9-1945, tại trại lính Trung đoàn thuộc địa số 11 (11e RIC)
bị quân đội Nhật Bản chiếm từ đêm 9-3-1945 và làm nơi giam giữ lính
Pháp, 1.500 tù binh Pháp khỏe mạnh được tuyển chọn, phân phát khí
giới, biên chế thành đơn vị, tỏa ra các địa điểm trọng yếu ở trung tâm
thành phố. Quân Pháp chiếm nhà tù, Bưu điện, Ty Cảnh sát và thay thế
quân Nhật chiếm giữ nhiều đồn cảnh sát ở Sài Gòn.
Tính đến đêm 22-9, số quân Pháp ở Sài Gòn đã lên đến 11.000
người, gồm: tiểu đoàn biệt kích thuộc địa 5e RIC (600 người), tù binh
26 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

của 11e RIC tái vũ trang (1.400 người), “thường dân” Pháp có vũ trang
(500 người), một lữ đoàn quân Anh (2.500 người) và khoảng 7 tiểu
đoàn quân Nhật (5.000 người)1. Pháp còn có Sư đoàn bộ binh thuộc địa
số 9 (9e RIC) đang trên đường sang Đông Dương. Lực lượng hải quân,
không quân sẵn sàng chi viện.
Phía cách mạng, tại Sài Gòn, sau khi những lực lượng vũ trang cách
mạng rút ra ngoại ô ngày 20-9, ngoài một số đơn vị Cộng hòa vệ binh
tuần tra, canh gác công sở, chỉ còn trong nội thành khoảng 6.000 tự vệ
xung phong công đoàn, 2.000 thanh niên xung phong và công an xung
phong, được chọn và tổ chức thành 320 đội xung phong với 120 súng
các loại, 3.000 lựu đạn, còn lại là gậy tầm vông, giáo mác…
Vào lúc 0 giờ ngày 23-9-1945, trong trang phục quân đội Anh, các
toán quân Pháp nổ súng tập kích các cơ quan đầu não của chính quyền
cách mạng và các điểm xung yếu khác. Quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn
dũng cảm đánh trả, nhưng quân Pháp được trang bị vũ khí đầy đủ và
đông gấp bội, nên từ 3 giờ sáng ngày 23-9 đã lần lượt chiếm Sở Cảnh sát,
trụ sở Quốc gia Tự vệ cuộc, Nhà đèn, Bưu điện, Đài Phát thanh, Kho
bạc... Quân Pháp định vượt qua cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Thị Nghè, cầu
Khánh Hội... nhưng bị chặn lại. Quân Pháp bắn giết dã man dân thường
Việt Nam. Nơi nào có lính Pháp chết thì quân Pháp lùng bắt, đánh đập,
bắn chết ngay tại chỗ bất kỳ người Việt Nam nào, vô luận đàn ông, đàn
bà, người già, trẻ em.
Suốt ngày 23-9, các đội Tự vệ chiến đấu, Thanh niên xung phong,
Công đoàn xung phong... đã đánh trả quyết liệt các mũi tấn công của
quân Pháp tại Dinh Đốc lý, trên các tuyến đường Verdun (nay là đường
Cách mạng Tháng Tám), đường Norodom (nay là đường Lê Duẩn). Đặc
biệt, tiểu đội chiến sĩ bảo vệ cột cờ Thủ Ngữ, chỉ với súng săn, dao găm,
lựu đạn, đã chiến đấu ngoan cường chống lại một đại đội quân Anh cho
đến người cuối cùng. Khâm phục tinh thần chiến đấu của lực lượng
kháng chiến, kết thúc trận đánh, viên chỉ huy quân Anh đã ra lệnh cho

1. Trần Văn Giàu: Hồi ký, Tlđd.


CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 27

đại đội do ông ta chỉ huy bồng súng chào những đối thủ đã hy sinh
oanh liệt.
Ở Sở cứu hỏa, một tiểu đội công nhân tự vệ, người trước ngã,
người sau đỡ lá cờ đỏ sao vàng, quyết cắm cho được lá cờ lên đỉnh tháp
quan sát, bốn chiến sĩ lần lượt hy sinh, nhưng quốc kỳ đã tung bay trên
đỉnh tháp.
Công nhân hỏa xa đã nhanh chóng tháo gỡ những bộ phận quan
trọng của đầu máy xe lửa, đem giấu mỗi bộ phận một nơi, rồi đốt cháy
ba kho: khu kho xa xưởng, kho đềpô Chí Hòa, kho cơ điện; đục thủng
kho dầu rồi phóng hỏa.
Trước việc Pháp công khai tiến hành chiến tranh xâm lược, ngay
sáng ngày 23-9-1945, tại căn cứ ở đường Cây Mai (nay là đường
Nguyễn Trãi), Chợ Lớn, Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ tổ chức
một cuộc họp quan trọng để bàn về những công việc trước mắt của
chính quyền cách mạng trong tình hình mới. Tham dự cuộc họp có
Trần Văn Giàu, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Nguyễn, Phạm Ngọc
Thạch, Huỳnh Văn Tiểng và một số nhà lãnh đạo khác, trong đó có
Hoàng Quốc Việt đại diện Thường vụ Trung ương Đảng và Tổng bộ
Việt Minh.
Hội nghị có hai ý kiến, một bên muốn “đánh ngay”, một bên muốn
“chỉ nên đình công, bãi thị, bất hợp tác” để chờ. Cũng có ý kiến đề nghị
tổ chức một cuộc biểu tình lớn với hàng triệu người tham gia, bất chấp
súng đạn của địch để tỏ rõ cho chúng biết: ta thà hy sinh tất cả chứ
không để mất tự do, độc lập.
Hầu hết các vị lãnh đạo Nam Bộ đứng về phía muốn phát động ngay
cuộc kháng chiến toàn dân, kịp thời trừng trị quân cướp nước. Sau hai
giờ bàn bạc, Hội nghị quyết định quyết tâm tổ chức kháng chiến chống
lại quân Pháp xâm lược, đồng thời tìm cách điện báo gấp ra Trung ương
và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội nghị thành lập Ủy ban kháng chiến
Nam Bộ do Trần Văn Giàu làm Chủ tịch, Huỳnh Văn Tiểng làm Phó
Chủ tịch. Chiều 23-9-1945, Ủy ban kháng chiến Sài Gòn - Chợ Lớn
cũng được thành lập do Nguyễn Văn Tư làm Chủ tịch và hai ủy viên là
28 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Từ Văn Ri và Huỳnh Đình Hai, đều là cán bộ của Tổng Công đoàn Nam
Bộ. Ngay sau đó, bản Tuyên cáo quốc dân được ban hành:
“Đồng bào Nam Bộ!
Vì coi quân đội Anh là đại biểu của Đồng minh tới đất nước chúng
ta giải giáp quân Nhật để đem lại hòa bình cho dân chúng Đông Dương
nên chúng tôi - Ủy ban nhân dân Nam Bộ - luôn giúp cho quân đội
Anh làm nhiệm vụ được dễ dàng. Mặc dù có nhiều điều bất mãn, đã
nhiều lần chúng tôi kêu gọi quốc dân nén lòng căm giận để chờ đợi
cuộc vận động ngoại giao với Đồng minh trên trường quốc tế nhưng
do sự nhân nhượng và dung túng của quân Anh, bọn thực dân Pháp
đã làm nhiều điều quá đáng… Không lẽ chịu nhục hoài, vì danh dự
của dân tộc, chúng ta phải coi trọng quyền lợi quốc gia, nên chúng tôi
phải đánh điện ra Chính phủ Trung ương xin cho phép kháng chiến.
Chúng tôi đã:
1- Lập Ủy ban kháng chiến để lo việc quân sự.
2- Hạ lệnh tổng đình công và bất hợp tác với người Pháp.
3- Truyền đi lục tỉnh thi hành kế hoạch phá hoại đường giao thông
tiếp tế để bao vây quân địch.
4- Kêu gọi đồng bào tố cáo Việt gian nguy hiểm...
Đồng bào thân mến!
Cương quyết phấn đấu, toàn dân hãy đoàn kết để bảo vệ quốc gia”1.
Mục tiêu của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ lúc bấy giờ là kìm giữ
quân địch trong một thời gian tương đối dài, không cho chúng ra khỏi
thành phố, nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan lãnh đạo, các cơ sở
kháng chiến di chuyển về nông thôn và chuẩn bị triển khai kháng chiến
ở các tỉnh.
Giữa lúc đó, ngày 22-9-1945, một trong những chiếc thuyền đưa các
chiến sĩ cách mạng bị địch giam giữ ở Côn Đảo về đất liền đã cập bến
miền Tây Nam Bộ... Việc các đồng chí ở Côn Đảo, trong đó có nhiều
nhà lãnh đạo và cán bộ cốt cán của Đảng trở về là nguồn tiếp sức vô

1. Theo báo Cứu quốc, số 54, ngày 29-9-1945.


CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 29

cùng quý giá cho việc lãnh đạo, chỉ đạo ở Nam Bộ trong suốt quá trình
kháng chiến.
Lúc này, nội thành Sài Gòn tổ chức thành 16 khu vực kháng chiến.
Có hai phương án tác chiến được đưa ra:
- Phương án một: Cấp bách đào giao thông hào, đục tường thông
qua các nhà trong khu phố; dựng chiến lũy, lập chướng ngại vật; dời trụ
sở Ủy ban nhân dân Nam Bộ xuống Mỹ Tho, phân tán kho tàng, thiết bị
đài phát thanh ra ngoại thành.
- Phương án hai: Lực lượng chính quy rút ra ngoại thành, bố trí
các đội tự vệ, thanh niên, công đoàn, nhân dân bán vũ trang trong nội
thành, xây dựng 160 ổ chiến đấu ở các điểm xung yếu có các chi bộ đảng
làm nòng cốt, lãnh đạo. Máy in dự trữ, một máy phát thanh được chuyển
ngay ra vùng Tân Bửu - Chợ Lớn (nay thuộc huyện Bình Chánh)…
Cuối tháng 9-1945, một cuộc họp ở Chợ Đệm do Chủ tịch Ủy ban
kháng chiến Nam Bộ Trần Văn Giàu chủ trì đã quyết định: Ngoài mặt
trận nội đô, Sài Gòn thành lập thêm 3 mặt trận “tiền tuyến vòng ngoài”
nhằm tiếp tục trong đánh ngoài vây, ngăn chặn bước tiến của quân Pháp
ra khỏi thành phố.
Mặt trận tiền tuyến Sài Gòn - Gia Định còn gọi là mặt trận phía bắc.
Hàng ngàn đồng bào đã tham gia xây dựng chiến tuyến thành nhiều
tầng, nhiều lớp, có chiều sâu. Các lực lượng thay nhau chốt chặn các
cửa ngõ, chiều sâu dựa trên ba trục: trục đường 13 (từ Thị Nghè, Hàng
Xanh đến cầu Bình Triệu), trục cầu Bông (Bà Chiểu, cầu Hang - Gò
Vấp đến cầu Bến Phân), trục cầu Kiệu (xóm Thôn, ngã ba Chú Iá ra An
Nhơn). Mặt trận này có lực lượng Nam tiến và các lực lượng vũ trang
địa phương phối hợp cùng chiến đấu chống giặc. Mặt trận do Nguyễn
Văn Tư chỉ huy.
Mặt trận tiền tuyến Sài Gòn - Chợ Lớn, còn gọi là mặt trận phía
nam, hay mặt trận số 4, có lực lượng Nhà Bè, Tân Thuận, lực lượng vũ
trang Bình Xuyên, bộ đội Ba Bang, bộ đội Bảy Trân. Trận tuyến kéo
dài từ xóm Kinh Tẻ đến đầu cầu Chữ Y (Bình Đông) lực lượng được
bố trí từ ngã ba Kinh Tẻ đến bến đò Tân Quy, từ cầu Chữ Y đến cầu
30 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Hiệp An. Mặt trận này do Nguyễn Văn Trân, sau đó là Dương Văn
Dương, chỉ huy.
Mặt trận tiền tuyến phía tây, Phú Lâm, Chợ Đệm án ngữ cửa ngõ ra
quốc lộ Đông Dương về đồng bằng sông Cửu Long, do Trần Văn Giàu,
sau đó là Nguyễn Lưu, chỉ huy.
Thực tế qua diễn biến, Sài Gòn có thêm mặt trận tiền tuyến phía tây
bắc, trận tuyến từ cầu Tham Lương án ngữ cửa ngõ ra quốc lộ 1 lên Tây
Ninh và Campuchia, còn gọi là mặt trận Tham Lương do các trận đánh
diễn ra quyết liệt ở khu vực cầu Tham Lương.
Các mặt trận tiền tuyến không chỉ chốt chặn mà còn thực hiện thọc
sâu phối hợp với lực lượng nội thành tiến công nhiều mục tiêu bên trong
thành phố, với mục tiêu kìm chế, vây hãm địch trong thời gian tương
đối dài, không cho chúng ra khỏi thành phố, tạo điều kiện cho cơ quan
lãnh đạo, các cơ sở kháng chiến di chuyển về nông thôn và các tỉnh, có
thêm thời gian để chuẩn bị kháng chiến, kể cả mặt trận nội thành. Một
vành đai vây hãm địch đã hình thành. Từ các chiến tuyến, các cuộc phá
vây của quân Pháp đánh ra bị bẻ gãy; trong khi các mũi len lỏi từ ven đô
thọc vào gắn bó với nội đô, liên tiếp gây tổn thất nặng nề cho quân địch.
Các trạm chốt trên vành đai còn làm nhiệm vụ tiếp chuyển đồng bào
trong thành phố tản cư ra ngoại ô, tiếp nhận hàng hóa tiếp tế từ các cơ
sở nội thành gửi ra vành đai cho bộ đội và cơ quan. Sài Gòn - Gia Định
đã tạo ra hình ảnh toàn dân đánh giặc trong một thành phố lớn, nơi kẻ
địch lấy làm đầu não của chúng. Chỉ mấy ngày đầu nổ súng, đã có 138 xí
nghiệp, công sở lớn, 22 kho tàng, 17 đầu máy xe lửa, 30 tàu lớn, 51 tàu
nhỏ, 200 xe hơi, 4 chợ, một số cầu đường trong thành phố và quanh Sài
Gòn bị phá hủy. Trận mở màn lớn nhất cho cuộc phản công của quân,
dân Sài Gòn là trận tấn công bót cảnh sát Thương Khẩu ở đường Jean
Eudel (nay là đường Nguyễn Tất Thành, quận 4, Thành phố Hồ Chí
Minh) của đồng bào và chiến sĩ Khánh Hội vào đêm 23-9-1945.
Ngày 25-9, nghe tin giặc chiếm Khám Lớn, bắt giam nhiều nhân
viên Chính phủ, lòng người sôi sục. Ở khu gần Khám Lớn, đồng bào
mài dao, búa, vót tầm vông chất thành đống. Ngay trong đêm 25, diễn
CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 31

ra cuộc tiến công Khám Lớn. Các chiến sĩ dân quân dùng búa tạ đập
tan cửa khám. Hầu hết thanh niên và tù chính trị ở đây kịp tung cửa
chạy ra. Trong những ngày cuối tháng 9, các trận tiến công của quân ta
thường diễn ra trên các trục giao thông ven Sài Gòn như các trận ở khu
vực cầu Bình Lợi, cầu Chữ Y… Đặc biệt ngày 30-9, Trường Quân chính
Gia Định tiến công chiếm kho gạo, vải, thu 10 súng. Cho đến ngày 30-9,
quân Pháp mới làm chủ được một dải hẹp từ bờ rạch Bến Nghé qua chợ
Bến Thành đến chợ Tân Định.
Đầu tháng 10, Ủy ban nhân dân Nam Bộ huy động lực lượng các
tỉnh Tân An, Mỹ Tho, Cần Thơ, Rạch Giá, theo quốc lộ Đông Dương
và Phú Lâm tiến công quân Pháp. Tuy nhiên, do nắm tình hình không
chắc, chuẩn bị chưa kỹ, lực lượng có hạn, trận đánh không đạt kết quả.
Cùng với cuộc chiến đấu ngoan cường của các lực lượng vũ trang
cách mạng, chấp hành mệnh lệnh của Ủy ban nhân dân Nam Bộ và lời
hiệu triệu của Tổng Công đoàn Nam Bộ, các tầng lớp nhân dân Sài Gòn
thực hiện triệt để bao vây, triệt để vườn không nhà trống, bất hợp tác với
địch... Sài Gòn trở thành một thành phố chết: không điện, thiếu nước,
thiếu lương thực, thực phẩm, không có hoạt động sản xuất, mua bán...
Mặt trận này đã gây nỗi kinh hoàng đối với quân xâm lược. Chính một
người Pháp trong cuộc đã phải than thở: “... Sống trong cảnh tối om,
chúng tôi mỗi người đều tự hỏi điều gì đã xảy ra, ngày mai ra sao, bao
nhiêu vấn đề đang thôi thúc...”. Một nhà báo Anh thừa nhận: “Chúng
tôi ở Sài Gòn rất nguy ngập về lương thực vì trên đất thì quân dân
Việt Nam phong tỏa, mà trên mặt biển thì trước kia quân Nhật đã thả
nhiều thủy lôi. Các kho gạo của Nhật trước đây đều bị người Việt Nam
phá hoại bằng cách đốt cháy hết trận này đến trận khác... Càng ngày
càng khó kiếm miếng ăn. Và nước, rất nhiều người khổ sở vì nạn khát,
nếu không nhờ thỉnh thoảng có một trận mưa”1.
Cuộc chiến đấu của quân, dân Nam Bộ vì độc lập, tự do của Tổ quốc
làm nức lòng quân, dân cả nước. Ngay sau khi nhận được điện báo,

1. Theo báo Cứu quốc, số 57, ngày 3-10-1945.


32 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biểu lộ sự


nhất trí cao với quyết tâm kháng chiến của Xứ ủy và Ủy ban nhân dân
Nam Bộ, đồng thời kêu gọi quân, dân cả nước hỗ trợ, chi viện cho cuộc
kháng chiến.
Ngày 24-9-1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa gửi huấn lệnh cho quân, dân Nam Bộ nêu rõ: “Lòng kiên
quyết dũng cảm của nhân dân Nam Bộ chống lại quân đội xâm lược
chẳng những làm cho đồng bào cả nước khâm phục, mà lại còn
chứng tỏ cho cả thế giới đều biết các quyền độc lập của nhân dân
Nam Bộ. Hiện nay đồng bào Nam Bộ đương trải qua những khó
khăn gay go, điều đó là sự dĩ nhiên trên con đường đấu tranh cho
sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đồng bào phải cương quyết giữ vững
lòng tin ở tương lai và lập tức thi hành triệt để những lời thề quả
quyết trong ngày Độc lập”1.
Sau một tuần lễ nổ súng gây hấn, quân Pháp chỉ mới chiếm
được một dải hẹp từ bờ rạch Bến Nghé qua chợ Bến Thành, đến chợ
Tân Định. Trên thực tế, quân Pháp rơi vào thế bị động, phải ra sức chống
đỡ, cố giữ nguyên trạng cho đến khi quân tăng viện kịp đến. Bị vây hãm,
quân tăng viện chưa đến, Cédille lo sợ, phải nhờ Gracey lấy danh nghĩa
“Đồng minh” đứng ra làm trung gian xin điều đình, ngừng bắn từ đầu
tháng 10-1945 với lực lượng kháng chiến.
Từ ngày 10-10-1945, quân Anh lấy danh nghĩa Đồng minh đưa
quân đi tước vũ khí quân Nhật ở các thị xã thuộc miền Đông Nam Bộ
nhằm giúp Pháp mở rộng chiếm đóng các tỉnh xung quanh Sài Gòn.
Đêm 10-10-1945, thời gian tạm ngừng bắn đã hết, quân cách mạng
mở đợt tiến công mới. Từ Xóm Chiếu vượt sang Quận Nhì, từ chợ Bến
Thành đến ga xe điện Arras, quân cách mạng đánh bót cảnh sát Boresse
(nay thuộc đường Yersin), phối hợp với cảm tử quân nội thành tràn qua
cầu Bông, cầu Kiệu đánh vào các điểm đồn trú của quân Pháp ở khu
vực Đa Kao.

1. Theo báo Cứu quốc, số 50, ngày 24-9-1945.


CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 33

Ngày 12-10, quân Pháp chọc thủng tuyến phòng thủ phía bắc
Sài Gòn, chiếm khu vực quanh sân bay Tân Sơn Nhất, Phú Mỹ, quân
Anh chiếm Gò Vấp, Gia Định. Lực lượng vũ trang chặn và bám địch,
diệt một số tên.
Ngày 15-10, quân kháng chiến bao vây và tiến công sân bay Tân Sơn
Nhất. Lực lượng Anh đóng giữ sân bay phải huy động hai đại đội thiết
giáp ra ngăn chặn. Trận đánh kéo dài suốt ba ngày liền. Trước sức phản
công quyết liệt của đối phương, quân kháng chiến phải tạm lui, đến đêm
lại tiếp tục bao vây sân bay và tiến công mạnh vào các chốt của đội tuần
tra Anh.
Lúc 5 giờ sáng ngày 16-10, quân kháng chiến lọt vào Sài Gòn, cùng
một lúc tiến công nhiều mục tiêu, đốt cháy kho chứa vỏ ruột xe và xăng
dầu của quân Anh, lửa cháy từ sáng tới chiều. Kho lương thực của Pháp
và Hãng sơn Khánh Hội bị đốt cháy. Nhà máy điện, nước vừa khôi phục
đã bị thiêu hủy.
Ở hướng nam Sài Gòn, từ 21 giờ đêm ngày 16 đến ngày 17-10, lực
lượng vũ trang Bình Xuyên phối hợp với du kích đánh địch ở xóm Dầu,
tiếp tục đánh thẳng xuống bốt cảnh sát đường Galliéni (nay là đường
Trần Hưng Đạo). Cùng ngày, quân Pháp tiến công vào An Nhơn để phá
vòng vây, bị quân ta chặn đánh diệt 7 xe thiết giáp và 3 xe khác. Trong
ngày 16-10, mặt trận phía đông bị phá vỡ, quân Pháp chiếm cầu Bông,
Bà Chiểu. Vòng vây Sài Gòn bị vỡ một mảng lớn, quân kháng chiến rút
về củng cố trận địa ở Gò Vấp, trục đường từ ngã ba Chú Iá đến An Phú
Đông. Ngày 16-10, tại cầu Hang, một cánh quân Anh - Pháp bị đánh
thiệt hại nặng, quân cách mạng thu 2 xe thiết giáp.
Cố phá vòng vây, ngày 17-10, quân Anh lại dùng 8 xe chở lính, có
thiết giáp yểm trợ, đánh lên Hóc Môn, khi đến cách Gò Vấp 5 km, lọt
vào trận địa phục kích. Hai bên giáp chiến dữ dội, quân Anh tháo chạy,
bỏ lại 5 xe và một số xác chết. Đợt phá vòng vây của quân Anh lên Hóc
Môn bị bẻ gãy. Ở mặt trận Thị Nghè, quân Anh - Pháp đã nhiều lần giải
tỏa nhưng đều bị đánh lui. Mặt trận này có lực lượng Nam tiến phối
hợp với 50 tay súng và thanh niên vũ trang địa phương tổ chức phòng
34 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

thủ theo lối trận địa chiến. Quân kháng chiến bố trí thành 3 chiến
lũy, có con sông Thị Nghè chắn ngang phía trước. Sau một thời gian
chuẩn bị, ngày 18-10, quân Anh - Pháp đã huy động tàu chiến, xe tăng,
có pháo binh yểm trợ tiến đánh Thị Nghè. Nhân dân và lực lượng vũ
trang do Nguyễn Văn Bản chỉ huy đã chống giữ rất anh dũng. Hai đơn
vị của Hồ và Bảy Trường chiến đấu hy sinh đến người cuối cùng. Quân
Pháp nhờ xe tăng và hỏa lực mạnh đã chiếm được một phần trận địa.
Nhưng tiếp sau, ta bẻ gãy nhiều đợt tiến công và đánh bật quân Pháp
ra khỏi Thị Nghè, quân Pháp rút chạy tán loạn. Trận địa Thị Nghè được
giữ vững, nhiều tên lính xâm lược bị diệt.
Ngày 19-10, lực lượng vũ trang Sài Gòn tiến công quân Pháp ở ga
Nanxi. Từ ngày 20 đến ngày 23-10, tự vệ và thanh niên xung phong liên
tiếp tiến công đường Galliéni, khách sạn Contentinal và nhiều điểm
khác trong nội thành. Cho đến cuối tháng 10-1945, nội thành Sài Gòn -
Chợ Lớn vẫn căng thẳng. Ban ngày quân Pháp huy động từng đại đội đi
lục khám từng nhà dân, đêm lại co về vị trí. Các cuộc tiến công ban đêm
của quân dân Sài Gòn vẫn tiếp diễn.
Ở phía bắc, lực lượng kháng chiến vừa tập hợp và xây dựng lực
lượng Giải phóng quân, xây dựng dân quân du kích xã, ấp, vừa liên tiếp
chặn đánh ở cầu Tham Lương, cầu Bến Phân.
Sau khi Binh đoàn thiết giáp Massu đến Sài Gòn, lực lượng Pháp ở
Nam Bộ đã lên tới 6.000 quân, bên cạnh đó là 20.000 quân Anh, 40.000
quân Nhật, tướng Leclèrc hoạch định chương trình “đánh nhanh, thắng
nhanh” theo ba giai đoạn: đánh chiếm vùng trọng yếu (trước hết là
Sài Gòn - Chợ Lớn như đã thực hiện); mở rộng chiếm đóng toàn bộ
Nam Bộ, Nam Trung Bộ; tiến hành bình định.
Cuộc hành quân về đồng bằng sông Cửu Long của quân Pháp,
có hải quân Anh hỗ trợ, chọn mục tiêu hợp điểm đầu tiên là Mỹ Tho
(cách Sài Gòn 71 km). Lực lượng chủ yếu gồm đoàn bộ binh cơ giới,
có xe tăng, xe bọc thép, chia làm nhiều mũi: một mũi theo quốc lộ
Đông Dương sẽ hợp điểm với mũi tiến công theo đường sông Tiền
tại thị xã Mỹ Tho; một mũi theo liên tỉnh lộ 5 Sài Gòn - Cần Giuộc -
CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 35

Cần Đước sẽ hợp điểm với mũi tiến công theo đường sông Soài Rạp -
Vàm Cỏ ở khu vực Cần Giuộc - Cần Đước.
Phán đoán quân Pháp mở rộng đánh chiếm về hướng tây Sài Gòn,
các tỉnh Chợ Lớn, Tân An huy động nhân dân làm chướng ngại vật và
các lực lượng vũ trang “dàn trận” đánh tiêu hao, làm chậm bước tiến của
địch. Hàng ngàn người vác dao, cuốc, xẻng ra quốc lộ Đông Dương, liên
tỉnh lộ 5 chặt cây, đào đường, đắp mô. Trên các kênh Nước Mặn và Rạch
Cát có trên 50 ghe chài chở đất làm vật cản; từng đoàn xuồng, ghe ken
dày trên sông rạch, kết lại bằng dây cáp sắt chặn ngang sông để chặn tàu
giặc. Trạm tù, cầu Bình Điền và các trạm mõ dọc quốc lộ, tỉnh lộ làm
nhiệm vụ báo tin tình hình tiến quân của địch.
Các thị xã Tân An, Mỹ Tho thực hiện tản cư dân, chỉ còn lại Hoa
kiều và người ngoại quốc, không “tiêu thổ kháng chiến” nhưng triệt phá
những gì mà quân Pháp cần, như hệ thống cấp điện, nước.
Sau khi từ Sài Gòn - Chợ Lớn các mũi tiến công đã xuất phát, đêm
23 rạng ngày 24-10-1945 tại Cần Giờ, hàng chục tàu chiến Pháp bắt
đầu rời bến. Theo đường sông, hai chiến hạm Richeleu và Triomphant
tiến vào sông Soài Rạp, tung quân ra đánh chiếm khu vực Gò Công,
Chợ Gạo, Cần Đước, Cần Giuộc, trong lúc đó một đoàn tàu chiến
khác theo sông Tiền đã đổ bộ chiếm trước thị xã Mỹ Tho vào chiều
24-10-1945.
Trên quốc lộ Đông Dương, mặt trận Chợ Đệm nổ súng khi quân
Pháp vượt qua cầu Bình Điền. Bộ đội, du kích dàn trận đánh địch,
nhưng súng nhỏ, gậy tầm vông không chặn nổi xe tăng, tuy có uy hiếp
tinh thần và làm chậm bước tiến của chúng. Quân Pháp cho quân Nhật
đi trước dọn đường, nhưng một ngày rưỡi đầu chỉ tiến được trên 20 km.
Quân Pháp lùng sục vào các làng mạc hai bên đường cướp phá, đốt nhà,
khói lửa ngùn ngụt hai bên quốc lộ. Lính Pháp mặc quân phục Anh sục
vào từng nhà bắt người, đẩy đi sửa cầu đường.
Ở vùng ven Sài Gòn, Sư đoàn thuộc địa số 9 chà đi xát lại vô cùng
ác liệt, hòng làm tan rã lực lượng vũ trang cách mạng. Các trung đoàn
thuộc địa số 21, 23 án ngữ phía bắc và tây bắc Sài Gòn.
36 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Sau khi hai cánh quân thủy, bộ hội điểm tại thị xã Mỹ Tho, địch
tiếp tục theo hướng đường sông tiến chiếm Vĩnh Long (ngày 29-10),
Cần Thơ (ngày 30-10), Cái Răng (ngày 2-11). Từ các vị trí vừa chiếm
được, chúng tiếp tục tổ chức hành quân theo đường sông Cửu Long lên
Campuchia.
Tuy cuộc chiến suốt một tháng trời trong lòng Sài Gòn đã diễn ra
trong thế tương quan lực lượng bất lợi, nhưng với tinh thần ai có súng
dùng súng, ai có gươm dùng gươm, mỗi tấc đất là một chiến hào, thực
hiện trong đánh, ngoài vây, quân và dân Sài Gòn đã bước đầu làm thất
bại âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của Pháp, vừa tôi luyện tốt nhất
cho lực lượng chiến đấu của mình, vừa tạo điều kiện cho các nơi khác
có thêm thời gian chuẩn bị cuộc chiến đấu lâu dài.
Trong bối cảnh chiến sự đang diễn ra ác liệt, ngày 15-10-1945, Xứ
ủy triệu tập cuộc họp tại Cầu Vỹ, ngoại ô thị xã Mỹ Tho bàn việc ổn định
tổ chức đảng, củng cố tổ chức Việt Minh và các tổ chức quần chúng
cách mạng. Hội nghị quyết định giải thể cả Xứ ủy Tiền phong và Xứ ủy
Giải phóng, thành lập một xứ ủy lâm thời gồm 11 người, trong đó có
các vị ở hai xứ ủy cũ và các chiến sĩ cách mạng ở Côn Đảo về. Tôn Đức
Thắng được bầu làm Bí thư. Các ủy viên Xứ ủy là Lê Duẩn, Phạm Hùng,
Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp, Trần Ngọc Danh, Lê Văn Sĩ (Võ Sĩ),
Nguyễn Văn Nguyễn, Nguyễn Văn Kỉnh, Hoàng Dư Khương và Nguyễn
Thị Thập. Hội nghị chỉ định một số bí thư tỉnh ủy và quyết định thống
nhất các tỉnh ủy ở những nơi có hai tỉnh ủy. Tổ chức Việt Minh cũng
được thống nhất và kiện toàn.
Ngày 25-10-1945, Xứ ủy Nam Bộ mở Hội nghị đại biểu các tỉnh,
thành gần chợ Thiên Hộ (xã Hậu Mỹ, huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho). Từ
sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đây là cuộc hội nghị đại biểu
đông đủ nhất của Đảng bộ Nam Bộ. Hội nghị nhận định tình hình, rút
kinh nghiệm chỉ đạo cuộc kháng chiến Nam Bộ sau Hội nghị Cây Mai
(ngày 23-9-1945), biểu dương tinh thần chiến đấu anh dũng của quân,
dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Các đại biểu đã vạch ra những non
yếu, lệch lạc trong việc xây dựng lực lượng vũ trang sau tổng khởi nghĩa,
CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 37

dự kiến sự phân hóa, tan rã tất yếu của những “sư đoàn dân quân cách
mạng”. Hội nghị đề ra hàng loạt biện pháp cấp thiết nhằm củng cố lực
lượng vũ trang: đưa đảng viên ưu tú cầm súng đi đầu và làm nòng cốt
cho các lực lượng vũ trang, tranh thủ những người tốt trong các “sư
đoàn dân quân cách mạng”, tìm cách hạn chế những tác hại do tổ chức
lực lượng vũ trang tập trung còn phức tạp gây nên. Hội nghị quyết định
gấp rút xây dựng lực lượng, lấy du kích chiến là chính, làm “vườn không
nhà trống”, đẩy mạnh công tác trừ gian, xây dựng cơ sở bí mật trong các
thành phố, thị xã bị địch chiếm, khôi phục chính quyền ở những nơi
bị tan vỡ1. Theo đề nghị của Tôn Đức Thắng, Hội nghị cử Lê Duẩn làm
Bí thư Xứ ủy lâm thời, cử Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch Ủy ban kháng
chiến Nam Bộ thay Trần Văn Giàu ra nhận công tác ở Trung ương2. Hội
nghị vừa họp xong, địch đã đánh tới, các mặt trận không liên lạc được
với nhau một cách kịp thời, chỉ huy phân tán, việc triển khai quyết định
Hội nghị Thiên Hộ phải tiến hành trong điều kiện kháng chiến Nam
Bộ chuyển sang một giai đoạn mới quyết liệt hơn. Nhưng những quyết
định của Trung ương và của Hội nghị Thiên Hộ, đặc biệt quan trọng là
tổ chức đảng phải nắm chắc lực lượng vũ trang, đảng viên ưu tú phải đi
đầu trong chiến đấu, dần dần thấm đến cơ sở, tạo điều kiện cho Nam Bộ
phát triển lực lượng một cách vững chắc, đáp ứng yêu cầu cuộc kháng
chiến lâu dài.
Cũng trong tháng 10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh phái hai cán bộ
cao cấp là Nguyễn Bình và Vũ Đức (Hoàng Đình Giong) vào tăng cường
cho lực lượng vũ trang cách mạng ở miền Nam.
Để thống nhất các lực lượng vũ trang Hóc Môn, Bà Điểm, Đức Hòa,
tháng 10-1945, một cuộc Hội nghị đã được triệu tập tại Mỹ Hạnh (Đức
Hòa), có mặt nhiều vị trong Xứ ủy và Tỉnh ủy giải phóng Gia Định, các

1. Trần Tường Vân, Nguyễn Quang Ân: Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống
Pháp (1945-1954): Những sự kiện, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1997, tr.22.
2. Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến: Lịch sử
Nam Bộ kháng chiến, tập I (1945-1954), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010,
tr.252.
38 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

đảng viên thời Nam Kỳ khởi nghĩa như: Hoàng Dư Khương, Trần Văn
Trà, Tô Ký, Cao Đức Luốc, Ba Súng, Năm Râu, Phan Văn Voi, Phan Đức,
Sáu Ngói, Hoàng Tường, Ba Nhỏ (đại diện của Huỳnh Văn Một, Chỉ
huy trưởng lực lượng Đức Hòa gồm 3 đại đội)… Hội nghị phân tích yêu
cầu phải có sức mạnh đối phó với việc mở rộng chiến tranh của quân
Anh, Pháp, với diễn biến xấu của các lực lượng vô chính phủ, lực lượng
vũ trang cách mạng phải được Đảng nắm chắc và thống nhất chỉ huy.
Trước mắt, trên vùng ven tây bắc Sài Gòn, lực lượng vũ trang thống nhất
lấy tên là Giải phóng quân liên quận Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa.
Ngoài nhiệm vụ chiến đấu, lực lượng này còn được giao nhiệm vụ làm
nòng cốt thống nhất các lực lượng vũ trang.
Bộ tham mưu (thực tế là Bộ chỉ huy) Giải phóng quân gồm Tô Ký -
Tư lệnh, Hoàng Dư Khương sau đó là Trần Văn Trà - Chính trị viên.
Bốn chỉ huy phó là Cao Đức Luốc, Văn Một, Huỳnh Tấn Chùa, Hoàng
Tế Thế. Nguyễn Đức Huy là Ủy viên tuyên truyền. Ủy viên tiếp tế là
Phạm Văn Voi. Các ban trực thuộc có: Quân giới, Vận chuyển, Y tế,
Trinh sát tình báo. Theo chủ trương của Xứ ủy, Bộ tham mưu về đóng
ở Mỹ Hạnh (Đức Hòa). Ngày 1-11-1945, Giải phóng quân làm lễ ra mắt
tại xã Mỹ Hạnh trong không khí vui mừng phấn khởi của nhân dân.
Các lực lượng du kích, tự vệ, các nhóm vũ trang vùng tây bắc
Sài Gòn gồm cả Trảng Bàng, nơi có nhóm “Thanh niên Rừng Rong”,
được thông báo Giải phóng quân liên quận ra đời, đã lần lượt kéo về
xin gia nhập. Trong lúc lực lượng vô chính phủ đang trở thành tai họa,
bản chất “bộ đội nhân dân” của lực lượng vũ trang giải phóng càng
sáng tỏ và sớm gây được lòng tin của nhân dân, được nhân dân ủng hộ,
nuôi dưỡng.
Trước và sau khi thành lập, lực lượng Giải phóng quân liên quận
được Trung ương, Xứ ủy quan tâm chỉ đạo sát sao những yêu cầu về
xây dựng chiến đấu và công tác. Công tác đảng, công tác chính trị ngày
càng đi vào nền nếp. Từ cấp trung đội trở lên có chính trị viên. Ở Gia
Định, các lực lượng vũ trang tham gia chiến đấu ở mặt trận tiền tuyến
Sài Gòn - Gia Định luân phiên nhau đánh địch ở cầu Kiệu, cầu Bông,
CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 39

Dĩ An, Thủ Đức, chốt chặn ở Bình Triệu. Ngày 20-10-1945, quân Pháp
chiếm Gò Vấp, các lực lượng vũ trang cách mạng lập phòng tuyến từ
ngã ba Chú Iá tới An Lập, Lái Thiêu gọi là chiến tuyến Tam thôn, chiến
đấu với địch ròng rã hai tháng. Tham gia đánh địch ở đây có lực lượng
Nguyễn Đình Thâu, Triệu Hải, lực lượng công đoàn. Khi mặt trận vỡ,
phần lớn lực lượng về chiến khu An Lạc. Số còn lại thuộc lực lượng
Gia Định, chủ yếu là Gò Vấp ở lại xây dựng và bảo vệ căn cứ Tỉnh ủy
An Phú Đông.
Sau khi quân Anh - Pháp phá vỡ được vòng vây Sài Gòn - Chợ Lớn
và tiếp tục đánh chiếm toàn Nam Bộ, nhiệm vụ chiến đấu của quân,
dân Nam Bộ chuyển từ kìm chân địch trong thành phố sang làm chậm
bước tiến của quân xâm lược và tiếp tục chuẩn bị mọi mặt cho cuộc
kháng chiến lâu dài. Khó khăn mới tăng lên. Đồng bào tản cư trong
những ngày bao vây địch trong Sài Gòn, lúc này trở lại để chuẩn bị đấu
tranh lâu dài ngay trong vùng bị địch tạm chiếm. Đảng viên, cán bộ, tự
vệ nội thành một phần ra bưng biền, chiến khu, một phần ở lại cùng
nhân dân nội thành xây dựng cơ sở kháng chiến. Qua tổ chức Mặt trận
Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc, cách mạng tập hợp quần chúng
từ cơ sở đường phố, xí nghiệp, liên hộ, quận, các nhân sĩ trí thức có uy
tín được mời tham gia Mặt trận Việt Minh. Thành ủy Sài Gòn và Ủy
ban kháng chiến Sài Gòn được thành lập lại. Tờ báo Cảm tử của Công
đoàn Nam Bộ, Chống xâm lăng của Mặt trận Việt Minh ra đời kịp thời
phản ánh cuộc chiến đấu của nhân dân Nam Bộ và nhân dân cả nước
chống xâm lược, cổ vũ kháng chiến lâu dài và lòng tin tất thắng của
cuộc kháng chiến.
Trước thử thách mới, bên cạnh tinh thần quyết chiến rất cao của
toàn dân, toàn quân, phong trào cách mạng vẫn còn những nhược
điểm: có bề rộng, bề nổi nhưng chưa chắc bề sâu; sự thống nhất về
quan điểm, nhất là trong xây dựng lực lượng trong hai nhóm đảng
viên chưa phải đã được giải quyết toàn bộ, tính phức tạp trong các
đơn vị vô chính phủ càng được lộ rõ khi quân Pháp phá được vòng vây
Sài Gòn - Chợ Lớn.
40 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Ở phía nam thành phố, mặt trận số 4, lực lượng chiến đấu gồm
nhiều đơn vị mang tên khác nhau. Bộ đội Cần Giuộc do Trương Văn
Bang - Tỉnh ủy viên Chợ Lớn chỉ huy, Bộ đội Bảy Trân do Nguyễn
Văn Trân - Chủ tịch huyện Cần Giuộc chỉ huy, Bộ đội Nhà Bè, Tân
Thuận, Tân Quy, Bộ đội số 2 do Nguyễn Văn Mạnh và Mai Văn Vĩnh
chỉ huy… Một lực lượng lớn với vũ khí mạnh mẽ là lực lượng Bình
Xuyên, gồm các đơn vị của Dương Văn Dương, Tư Oanh, Mai Văn
Vĩnh… Sau khi mặt trận số 4 bị vỡ, lực lượng Bình Xuyên không chạy
như Đệ nhị, Đệ tam, Đệ tứ sư đoàn mà lần lượt lui xuống Rừng Sác
lập căn cứ kháng chiến.
Lực lượng Cộng hòa vệ binh (Đệ nhất sư đoàn) do lãnh đạo nòng
cốt không đủ mạnh, bị phân hóa trước thử thách mới, một phần ra bưng
biền hoặc về các tỉnh gia nhập các đơn vị vũ trang kháng chiến, một
phần tham gia hàng ngũ ngụy binh.
Trong khi phần lớn các lực lượng tự lập chạy dài, tan rã thì các lực
lượng công đoàn, những đơn vị vũ trang tập trung, bán vũ trang, lực
lượng nhân dân du kích do các chiến sĩ cách mạng xây dựng, chỉ huy
vừa đánh địch vừa lôi kéo, thanh toán các đơn vị vũ trang vô chính phủ.
Khi vòng vây Sài Gòn - Chợ Lớn bị vỡ, các lực lượng này phần lớn
phải phân tán để bảo toàn lực lượng chuẩn bị đánh lâu dài. Do đó nội
thành có yên tĩnh nhất thời, nhưng sang tháng 11-1945, khi quân Pháp
đang dàn mỏng quân trên chiến trường, du kích lại trở vào hoạt động.
Mục tiêu tiến công của du kích lúc bấy giờ là các công thự Pháp, quân
Pháp đi lẻ, các phần tử tay sai của thực dân Pháp. Tình hình căng thẳng
đến mức chỉ huy Pháp đã phải ra lệnh cho binh lính và thường dân Pháp
không được vào mua bán ở Chợ Lớn. Hoạt động nội thành tiếp tục phát
triển, thực sự trở thành một cuộc chiến tranh nhân dân ngay trong lòng
địch. Thành phố bị quân Pháp chiếm đóng trở thành tiền phương, cũng
là hậu phương của kháng chiến.
Ngày 8-11-1945, quân kháng chiến tiến công Tổng hành dinh Cao
ủy Pháp (Phòng Thương mại cũ) khiến quân Anh, Nhật tại các tỉnh phải
khẩn cấp về Sài Gòn để cứu vãn tình hình. Ngày 21-11-1945, các vị trí
CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 41

quân Pháp ở Sài Gòn lại bị tiến công. Quân cách mạng thu 15 đại liên,
72.000 viên đạn, quân Pháp phải dùng 5 xe tải chở xác chết và lính bị
thương. Đặc biệt, ngày 8-12-1945, lúc 21 giờ, lực lượng vũ trang mở trận
tiến công lớn vào trại lính Pháp ở Đơruê (nay là đường Hùng Vương).
Bị đánh bất ngờ, hàng ngàn quân Pháp trong trại không kịp trở tay, chỉ
còn cách nằm tại chỗ bắn vung vãi. Quân cách mạng phóng lửa đốt trại,
lửa bốc cháy hai giờ liền, trại lính Pháp bị thiêu hủy. Quân Pháp chết
hàng trăm tên, số bị thương nằm chật các bệnh viện Sài Gòn. Lực lượng
vũ trang trụ cột ở nội thành gồm các đơn vị vũ trang và bán vũ trang
của các xí nghiệp, các quận, các khu lao động. Khi Pháp mở rộng lấn
chiếm, ở nội thành, bên cạnh các đội Cảm tử quân đã có trước, hàng
loạt tổ chức khác được thành lập như: Ban Trinh sát, Ban Hành động,
Ban Quân báo, Ban Công tác, Ban Trừ gian, Ban Ám sát. Tiếp sau đó, tổ
chức Tự vệ Thành lần lượt ra đời. Cán bộ, chiến sĩ các tổ chức này ngoài
công nhân, dân nghèo thành thị còn có học sinh, trí thức, các tầng lớp
thanh niên nam, nữ. Thời kỳ đầu, toàn bộ lực lượng nêu trên đặt dưới
sự chỉ huy của Ban Quân sự Thành, khẩu hiệu hoạt động là “diệt địch
ngay trong tim gan chúng”, đối tượng trừng trị và phá hoại nhằm vào ác
ôn, đầu sỏ, các cơ sở hậu cần của địch. Các căn cứ lõm bên trong dựa thế
lòng dân, ngõ hẻm, đường phố, kết hợp với căn cứ bàn đạp bên ngoài có
thế dân, thế đất bao quanh thành phố, bảo đảm tiếp tế, chỉ đạo, hậu cần
bao gồm đường dây vũ khí lấy được của địch từ nội thành ra chiến khu.
Ở ngoại vi Sài Gòn, địch liên tiếp mở các cuộc hành quân đánh phá
căn cứ và bị giáng trả nhiều đòn đau. Trên mặt trận phía tây Sài Gòn, từ
giữa tháng 11-1945, quân Pháp đánh rộng ra các vùng nông thôn, đặc
biệt đánh mạnh vào các vùng Đức Hòa, Trung Quận, Cần Giuộc, Cần
Đước, Bến Lức. Chính quyền cách mạng vừa tổ chức các khu căn cứ,
vừa cho dân tản cư về nhà cũ để ổn định thế kháng chiến lâu dài, kiên
quyết chống lập hội tề, bảo vệ chính quyền cách mạng ở nông thôn. Một
bộ phận Giải phóng quân liên quận đã gây thiệt hại nặng cho cuộc hành
quân có gần 100 xe tăng và xe vận tải quân sự của Pháp. Quân Pháp phải
tiến công lại mới chiếm được thị trấn Đức Hòa.
42 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Ngày 8-11, một đoàn xe Anh - Pháp gồm 204 chiếc, trong đó có 16
xe tăng, xe bọc thép, tiến đánh thị xã Tây Ninh. Nông dân Trảng Bàng
sau 12 ngày đêm đã chuẩn bị xong công sự, trận địa ở một khu vực gọi
là “mặt trận Suối Sâu”. Tuy nhiên, ngoài mô ụ, chướng ngại, mặt trận
chỉ có một ít lựu đạn, súng hai nòng, chai xăng và mủ cao su. Mặt trận
Suối Sâu đã nổ phát súng đầu gây khói lửa uy hiếp tinh thần địch. Đoàn
xe địch bắn xối xả hai bên đường rồi phóng qua trận địa. Phối hợp với
quân từ Sài Gòn lên, địch tiến chiếm thị trấn Gò Dầu. 10 giờ cùng ngày,
trên quốc lộ 22, cách thị xã 10 km về phía nam, quân Pháp đã lọt vào
trận địa phục kích của một bộ phận lực lượng vũ trang Tây Ninh, trong
đó có nhiều chiến sĩ là công nhân cao su, do Nguyễn Văn Đầu (Tư Đầu),
Trần Minh Ngọc, Nguyễn Đức Minh chỉ huy. Quân dân Tây Ninh đã
diệt gần 100 quân Pháp và một số xe. Đến 16 giờ, địch vào được thánh
thất Cao Đài (Long Hoa).
Chiếm xong các thị xã Tây Ninh và Thủ Dầu Một, quân Pháp thực
hiện ngay kế hoạch chiếm vùng cao su miền Đông. Bộ binh cơ giới Pháp
tiến từ thị xã Tây Ninh sang phía đông và từ Thủ Dầu Một theo quốc lộ 13
lên phía bắc. Trên quốc lộ 13, địch phải tạm dừng để củng cố vì liên tiếp
đụng phải chướng ngại và trận địa phục kích. Lực lượng công nhân cao
su chỉ có một ít súng và vũ khí thô sơ, nhưng có hàng trăm người tham
gia phục kích. Tuy nhiên, với trang bị thô sơ, trận địa chiến của ta chỉ
có thể làm chậm bước tiến của địch chứ không ngăn được chúng. Từ
ngày 12 đến ngày 13-11, quân Pháp lần lượt chiếm Quản Lợi, Lộc Ninh,
Bù Đốp.
Đến cuối tháng 11-1945, quân Pháp đã kiểm soát được các trục
giao thông chính, thị xã và các thị trấn của Tây Ninh, bắt đầu tổ chức
hệ thống ngụy quyền địa phương. Một số phần tử cơ hội, phản động
chui được vào chính quyền cách mạng trước đây bây giờ trốn ra làm tay
sai cho giặc gây nhiều khó khăn cho cách mạng, trong đó có Ba Phu,
nguyên Chủ tịch Ủy ban hành chính Tây Ninh; Hồng Hà, Lê Phẩm Ba,
Ủy viên nhân dân huyện Trảng Bàng; Cò Nam, Cảnh sát trưởng. Đặc
biệt có Henri Lực, Ủy viên tài chính ra hàng giặc đã trở thành cảnh sát
CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 43

trưởng ác ôn khét tiếng. Chính quyền cách mạng tạm thời bị tê liệt. Một
số cán bộ trở về nhà làm ăn.
Để bảo vệ lực lượng kháng chiến lâu dài, các cơ quan tỉnh, Quốc
gia tự vệ Cuộc, lực lượng vũ trang rút về Bàu Đồn, Suối Nhánh, Bến
Cầu, Thanh Điền. Quân Pháp bung ra Thanh Điền bị lực lượng của
Nguyễn Văn Đầu chặn đánh trên đường số 7, diệt 2 xe, thu một số súng
và nhiều đạn dược. Tuy chiến công chưa lớn nhưng trận đánh có sức
cổ vũ mạnh mẽ.
Các lực lượng tập trung khác của Tây Ninh lúc bấy giờ có mặt ở trận
Trẫm Vàng, mặt trận Cầu Quận, huyện Trảng Bàng, huyện Châu Thành.
Sau trận Suối Sâu, lực lượng Trảng Bàng lập căn cứ Rừng Rong, đưa một
trung đội đi nhập Giải phóng quân liên quận. Bộ phận ở lại hoạt động
binh vận thành một trung đội chiến đấu tại huyện Trảng Bàng. Ngoài ra
còn có các bộ phận vũ trang lẻ tẻ được củng cố, bám giữ tại chỗ chống
càn quét, diệt trừ Việt gian, vũ trang tuyên truyền.
Lực lượng thị xã Tây Ninh và huyện Châu Thành gồm có lực lượng
tại chỗ của Nguyễn Văn Đầu có 2 đại đội, 70 súng và lực lượng Sài Gòn
lên có 2 tiểu đội Cộng hòa vệ binh và lực lượng Cảm tử thuộc công an
Sài Gòn do anh Sĩ chỉ huy có 400 người với 40 súng. Cuối tháng 11-
1945, hai tiểu đội chi viện mặt trận Tham Lương rút về xây dựng căn cứ
ở Bến Cầu.
Trong thời kỳ đầu chống Pháp ở Tây Ninh, ngoài nạn Đệ tam, Đệ
tứ sư đoàn, Bộ đội HT29 còn có nạn Chi đội 8 Cao Đài. Nhiều cán bộ
bị bọn này thủ tiêu, trong đó có Lê Thanh Vân và Phạm Đình Mỹ, Chủ
tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến tỉnh. Các lực lượng cách mạng
vừa phải đánh Pháp, diệt bọn phản động, vừa phải đối phó với các lực
lượng vô chính phủ và nạn “cáp duồn” của lính ngụy người Khmer do
Pháp kích động chia rẽ Việt Nam - Campuchia.
Sau các trận Suối Đá, Cây Cau (xóm Phan), các lực lượng bám trụ
bàn nhau thống nhất lực lượng nhằm tập trung xây dựng căn cứ Rừng
Nhum - Cây Chò sát biên giới Việt Nam - Campuchia. Qua nhiều trận
chiến đấu với ngụy Khmer bảo vệ căn cứ và tài sản, tính mạng của
44 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

nhân dân, Rừng Nhum - Cây Chò trở thành căn cứ lâu dài. Đó là căn
cứ đầu tiên của lực lượng vũ trang tỉnh. Về sau, các cơ quan tỉnh lần
lượt về đây.
Trên mặt trận phía tây Sài Gòn từ giữa tháng 11-1945, quân Pháp
đánh rộng ra các vùng nông thôn, đặc biệt đánh mạnh vào các vùng
Đức Hòa, Trung Quận, Cần Giuộc, Cần Đước, Bến Lức. Ta vừa tổ
chức các khu căn cứ, vừa cho dân tản cư về nhà cũ để ổn định thế
kháng chiến lâu dài, kiên quyết chống lập hội tề, bảo vệ chính quyền
cách mạng ở nông thôn. Một bộ phận Giải phóng quân liên quận đã
gây thiệt hại nặng cuộc hành quân có gần một trăm xe tăng, xe vận tải
quân sự của Pháp. Quân Pháp phải tiến công lại mới chiếm được thị
trấn Đức Hòa.
Cho tới cuối tháng 11-1945, giặc Pháp đã mở thông được các đường
số 20 Sài Gòn - Đà Lạt, đường số 13 Sài Gòn - Lộc Ninh và đoạn đường
số 14 Bù Đốp, đường số 1 và số 22 Sài Gòn - Tây Ninh, đường số 16A
Sài Gòn - Mỹ Tho - Vĩnh Long - Cần Thơ. Chiến tranh đã lan tới các
tỉnh cực Nam Trung Bộ.
Từ tháng 11-1945, ở Gia Định, các cơ quan quân, dân, chính,
Đảng đã về cù lao Hạnh Phú thuộc xã An Phú Đông. Cũng tại nơi đây,
Lý Chiến Thắng, Thư ký Liên hiệp Công đoàn Sài Gòn lập trạm đón
tiếp công nhân từ thành phố ra và in báo Cảm tử. Hạnh Phú cũng là
nơi xuất phát những đội du kích Lý Thường Kiệt, Ký Con, Trần Cao
Vân, Quang Trung, Nguyễn An Ninh… ra đời trong những ngày đầu
Nam Bộ kháng chiến và hoạt động ở vùng Gò Vấp, Ba Chiểu, Phú
Nhuận, Tân Định. An Phú Đông đang đứng trước kế hoạch tấn công
lớn của quân Pháp.
Ngày 20-11-1945, tại xã An Phú, Hóc Môn, Gia Định, Nguyễn Bình
triệu tập 40 đại biểu các lực lượng quân sự ở miền Đông để bàn việc
thống nhất lực lượng vũ trang ở Nam Bộ thành Giải phóng quân Nam
Bộ, tổ chức thành các chi đội, phân chia khu vực hoạt động cho các chi
đội. Hội nghị nhất trí cử Nguyễn Bình làm Tổng Tư lệnh và Vũ Đức làm
Chính ủy Giải phóng quân Nam Bộ.
CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 45

Cuối tháng 11-1945, Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến tỉnh Gia Định
quyết định tổ chức các đoàn Thanh niên cứu quốc vũ trang thành các
đơn vị chiến đấu. Ở Gò Vấp có 3 phân đội lấy phiên hiệu từ A16 đến
A23, mỗi phân đội có 40 đến 50 người, có 25 đến 30 súng, về sau thống
nhất lấy tên bộ đội Gò Vấp do Hứa Văn Yến làm Chỉ huy trưởng. Ở Thủ
Đức, Luật sư Thái Văn Lung được giao nhiệm vụ Chỉ huy trưởng lực
lượng thanh niên vũ trang sau được tổ chức thành 3 đơn vị gọi là Bộ đội
44, Bộ đội 45, Bộ đội 46. Một bộ phận ở Tân Bình rút lên nhập với Thủ
Đức gọi là Bộ đội 43. Ở Dĩ An, lực lượng Thanh niên cứu quốc vũ trang
của Đào Sơn Tây và Trần Thắng Minh về sau thống nhất lại gọi là Bộ đội
Dĩ An do Trần Thắng Minh chỉ huy.
Sau khi có quyết định thống nhất lực lượng vũ trang, Thủ Dầu Một
là tỉnh đầu tiên thành lập chi đội (tháng 11-1945) gọi là Chi đội 1 gồm
có bộ đội Lái Thiêu, Bến Cát, Bình Lý. Chi đội trưởng đầu tiên là Huỳnh
Kim Trương. Về sau Chi đội được bổ sung lực lượng và tăng cường
thành phần Đảng trong ban chỉ huy.
Ngày 15-12-1945, một trận quyết chiến cũng là thử thách đầu tiên
lớn nhất đối với Chiến khu An Phú Đông đã diễn ra ở Hạnh Phú. Quân
Pháp và quân Anh huy động cả bộ binh, pháo, máy bay, tàu chiến thực
hiện cuộc bao vây ấp Hạnh Phú. Lực lượng bảo vệ căn cứ anh dũng
chiến đấu nhưng vì thiếu súng đạn, địch đổ bộ được lên cù lao, phá cơ
quan, bắt được một số cán bộ, đốt nhà dân. Vấn đề bám lại hay rời căn
cứ An Phú Đông đặt ra gay gắt. Hội nghị cán bộ tại Vườn Cau Đỏ (xã
Thạnh Lộc) quyết định chỉ đưa một số ít quân đi huấn luyện, còn số lớn
bám lại An Phú Đông, Thạnh Lộc dựa vào Quới Xuân, Tân Thới Hiệp,
lấy Tân Mỹ, Bình Lý, An Phú Xã làm hậu vệ, An Nhơn, Hiệp Bình và
Bình Lộc làm tiền vệ, bám dân mà ở, bám địch mà đánh. Các đội cảm
tử tiếp tục ra đời.
Biên Hòa lúc bấy giờ là tỉnh lớn nhất miền Đông Nam Bộ về
diện tích (11.300 km2), nằm trên hành lang chiến lược Bắc - Nam,
một đầu mối giao thông thủy bộ quan trọng ở phía đông Sài Gòn,
rừng núi chiếm ba phần tư diện tích, hợp với rừng Thủ Dầu Một tạo
46 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

thành một vùng chiến khu rộng lớn. Thị xã Biên Hòa chính là đỉnh
của tam giác Sài Gòn - Thủ Dầu Một - Biên Hòa, mà Leclère đã có ý
định đánh chiếm đầu tiên để tạo thế đứng trong kế hoạch lấn chiếm
toàn Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Khi quân Anh mượn danh nghĩa giải
giáp quân Nhật chiếm Biên Hòa, lực lượng miền Đông do Lương Văn
Tương chỉ huy không tổ chức đánh địch mà chạy về Xuân Lộc, Ủy
ban kháng chiến tỉnh do đó cũng tan tác. Tháng 12-1945, quân Pháp
chiếm Tân Uyên, Long Thành. Trước tình hình đó, những người yêu
nước đứng ra tập hợp lại lực lượng trên từng khu vực, tổ chức kháng
chiến. Huỳnh Văn Nghệ, một người của Ủy ban kháng chiến miền
Đông tập hợp được trên 30 người, có 30 súng rút về quê hương thị xã
Tân Tịch (huyện Tân Uyên, lúc bấy giờ thuộc Biên Hòa). Ở đây có tiểu
đội Tân Uyên, lực lượng Nguyễn Văn Quỳ (Chín Quỳ), một bộ phận
lưu lại sau Nam Kỳ khởi nghĩa. Các bộ phận này nhập lại lấy tên là Vệ
quốc đoàn Biên Hòa, lập trụ sở kháng chiến ở Tân Tịch, nơi khởi đầu
và từ đó hình thành Chiến khu Đ nổi tiếng trong lịch sử. Vùng hoạt
động ban đầu của Vệ quốc đoàn Biên Hòa thực tế chỉ có Tân Uyên và
Châu Thành.
Các hoạt động chiến đấu chống địch, xây dựng lực lượng, căn cứ,
kho tàng, xưởng công binh, xưởng tiếp tế, quân y, diệt tề, trừ gian, vận
động tòng quân được chú ý. Vấn đề gay gắt đặt ra là bộ đội phát triển
nhanh, nhân dân sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, nhưng vùng căn cứ nghèo,
ít dân nên gặp rất nhiều khó khăn. Khắc phục tình trạng đó, ta tổ chức
đường dây tiếp tế, mua bán từ vùng địch ra căn cứ, tổ chức thu thuế các
nhà tư sản ngay tại Sài Gòn, thị xã Biên Hòa, các chủ khai thác gỗ, đồng
thời vận động nhân dân vùng địch tạm chiếm ủng hộ bộ đội. Ngoài ủng
hộ vật chất, rất nhiều người cho bộ đội mượn tiền chỉ với một cái giấy
“Độc lập trả”.
Đầu tháng 1-1946, quân kháng chiến tổ chức tấn công địch ở thị xã
Biên Hòa. Lực lượng tham gia trận đánh gồm 10 phân đội Bình Xuyên
của Dương Văn Dương, các phân đội thuộc lực lượng Huỳnh Văn Nghệ,
Tô Ký, Đào Sơn Tây, Huỳnh Kim Trương. Huỳnh Văn Nghệ chỉ huy toàn
CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 47

trận. Đêm 1-1-1946, quân cách mạng tiến công các mục tiêu công sở,
nhà lao, trạm gác của địch, diệt được một số địch, bắn cháy nhiều đồn
địch, khói lửa ngùn ngụt tới sáng, địch hoảng sợ báo động cả Sài Gòn
và các tỉnh. Do lực lượng có hạn, quân cách mạng không đạt được mục
tiêu là chiếm thị xã Biên Hòa nhưng cũng gây được tiếng vang. Đồng
bào, đặc biệt là đồng bào đô thị rất phấn khởi.
Trên vùng Chiến khu Đ, ngày 22-1-1946, Pháp huy động hàng
nghìn quân, có xe tăng, thiết giáp, máy bay chi viện theo đường bộ tiến
vào căn cứ Tân Uyên nhằm tiêu diệt cơ quan chỉ huy và lực lượng vũ
trang Khu 7. Các đơn vị vũ trang ở đây mới được tổ chức lại, nhưng
chiến đấu ngoan cường, vận dụng lối đánh phục kích, tập kích, loại trên
200 tên địch, phá hủy 6 xe, bắn hỏng 1 tàu chiến. Địch buộc phải bỏ dở
cuộc hành quân. Ý đồ chiếm Tân Uyên của quân Pháp đã lộ rõ. Khu bộ
Khu 7 chủ trương thực hiện “vườn không nhà trống” khu vực thị trấn.
Cơ quan Khu 7 từ thị trấn Tân Uyên về Mỹ Lợi. Các đơn vị phòng vệ
được bố trí ở nhiều khu vực để ngăn chặn địch từ xa. Các đội vũ trang
tiếp tục củng cố công sự chờ địch đến.
Ngày 24-1-1946, quân Pháp mở đợt tấn công lớn vào Tân Uyên
bằng cả đường sông và đường bộ. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra
quyết liệt. Chiều ngày 24, Pháp dàn quân vây thị trấn, dùng pháo và máy
bay hủy diệt thị trấn và bộ binh xung phong. Tiến công chiếm thị trấn
Tân Uyên, quân Pháp đã bị tiêu diệt khoảng 220 tên, 6 xe tải, 2 xuồng.
Cơ quan Khu bộ rời Mỹ Lợi vào đóng ở Giáp Lạc, Bưng Kẻ, Lạc An.
Ngày 20-2-1946, Khu bộ Khu 7 họp bất thường tại Lạc An, quyết định
bỏ các văn phòng và võ phòng lập ra Bộ tham mưu, Văn phòng Khu bộ
và Phòng chính trị khu đặt dưới sự chỉ huy của Khu bộ trưởng và Chủ
nhiệm Chính trị bộ. Hội nghị cũng đã quyết định những vấn đề quan
trọng nhằm củng cố bộ đội, phát động du kích chiến tranh, đặc biệt ở
vùng đô thị và vùng cao su, tăng cường cán bộ và xây dựng căn cứ, tổ
chức phòng thủ.
Bà Rịa - Vũng Tàu trước kia Pháp tách làm hai tỉnh, trong tổ chức
hành chính của chính quyền cách mạng là một tỉnh. Tam giác Sài Gòn -
48 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Bà Rịa - Biên Hòa có vị trí chiến lược, là khu vực cửa ngõ quan trọng nhất
thông ra biển của Nam Bộ. Sau khi giành chính quyền, tổ chức ở đây rất
phức tạp. Lê Văn Huề, tay sai của Pháp len vào hàng ngũ cách mạng leo
lên đến chức Chủ tịch tỉnh, tiếp tục ngấm ngầm làm tay sai cho Pháp. Khi
quân Pháp chiếm Bà Rịa, lập lại các chi khu, Lê Văn Huề mang hết vàng
bạc quyên góp được trong “Tuần lễ vàng” ở Bà Rịa ra hàng Pháp.
Cuối tháng 3-1946, tại xã Long Mỹ, nơi hội tụ những người yêu
nước thoát ly đi kháng chiến của Bà Rịa, Trần Xuân Độ, một đảng viên
cộng sản thoát ly đi kháng chiến nay về triệu tập cuộc hội nghị nhằm ổn
định tình hình, xây dựng tổ chức lãnh đạo phong trào cách mạng. Trần
Xuân Độ được Hội nghị giao nhiệm vụ đứng đầu về lãnh đạo ở tỉnh. Sau
hội nghị, song song với việc thành lập hệ thống Mặt trận Việt Minh, các
lực lượng vũ trang bắt đầu tổ chức lại gồm các đội du kích (như đội du
kích Quang Trung), các đội tuyên truyền xung phong làm nhiệm vụ vũ
trang tuyên truyền, diệt tề, trừ gian. Đó là các bộ phận tiền thân của Chi
đội 16 (thành lập tháng 10-1946).
Ở các tỉnh Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Châu Đốc, Long Xuyên,
Sa Đéc, Hà Tiên, Trà Vinh… tuy bị giặc Pháp chiếm mất các thị xã, thị
trấn và đường giao thông chính nhưng vẫn củng cố được lực lượng lãnh
đạo kháng chiến, phát triển lực lượng vũ trang, đưa cán bộ trở về bám
trụ trong thị xã, tổ chức diệt tề, trừ gian, tập kích, phục kích, đánh phá
giao thông của địch.
Ngày 5-2-1946, trong một cuộc họp báo, tướng Leclèrc tuyên bố:
“Công cuộc bình định Nam Kỳ và Nam Trung Kỳ đã hoàn thành”.
Nhưng, sự thật lịch sử là: Sau 5 tháng (9-1945 - 2-1946), quân dân
Nam Bộ, Nam Trung Bộ đã chiến đấu hết sức anh dũng, làm thất bại
kế hoạch “lấy Nam Kỳ trong 18 ngày” của Leclèrc và gây tổn thất cho
địch đến mức Bộ chỉ huy Pháp phải thừa nhận sau hai tháng, số chết,
bị thương, ốm đau đã mất một phần ba quân số, quân viễn chinh đã
phải đương đầu với một cuộc chiến tranh “kỳ lạ”.
Với lực lượng vũ trang còn non yếu, quân và dân Nam Bộ và Nam
Trung Bộ đã không thể ngăn được sức tiến công của quân Pháp, một đội
CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 49

quân nhà nghề được trang bị đầy đủ lại được quân Anh giúp sức. Quân
xâm lược chiếm đóng được hầu hết các thành phố, thị xã, đường giao
thông quan trọng ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và bắt đầu càn quét “bình
định” vùng nông thôn rộng lớn. Chính quyền cách mạng và đoàn thể
ở nhiều nơi tan vỡ. Bộ đội cách mạng và lực lượng kháng chiến đứng
trước tình hình hết sức khó khăn: vũ khí, gạo, quần áo, thuốc men đều
thiếu gay gắt, nhất là ở miền Đông, có nơi phải ăn cháo, ăn củ rừng…
Thậm chí có nơi thanh niên tình nguyện tòng quân quá đông, vật chất
không đủ đảm bảo buộc phải để anh em phân tán về làm du kích ở
các xóm ấp. Nhưng chính trong những ngày gay go, ác liệt này, các lực
lượng vũ trang Nam Bộ đã xác định được phương hướng xây dựng,
thống nhất củng cố và phát triển để trở thành một bộ phận Quân đội
nhân dân có đủ sức chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Lực lượng của
cuộc chiến tranh nhân dân hình thành, bước đầu củng cố, phát triển để
kháng chiến lâu dài. Một hệ thống căn cứ kháng chiến đã hình thành ở
Nam Bộ. Có những khu áp sát đô thị và xen giữa vùng dân cư như: An
Phú Đông (Gò Vấp), Phước Long Thôn, Dĩ An (Thủ Đức), Vườn Thơm
(Trung Quận), Bình Mỹ (Hóc Môn), Rừng Sác (Nhà Bè), Long Mỹ (Bà
Rịa), Rừng Rong (Trảng Bàng)… Trong lúc đó, các chiến khu lớn có
khả năng tập trung lực lượng kháng chiến và làm căn cứ lãnh đạo, chỉ
đạo tỉnh, khu, miền như Lạc An (phát triển thành Chiến khu Đ), các
khu rừng Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, vùng núi ven biển Bà Rịa,
Đồng Tháp Mười.
Cuộc kháng chiến anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược của
nhân dân Nam Bộ được nhân dân cả nước ủng hộ mạnh mẽ. Biểu
dương lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu của quân, dân Nam Bộ,
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tôi chắc và đồng bào cả nước
đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ. Chúng
ta nên nhớ lời nói oanh liệt của nhà đại cách mạng Pháp: “Thà chết
tự do hơn sống nô lệ”. Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng
Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và
nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của
50 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

nước nhà”1. Người nêu rõ: “Trong cuộc chống xâm lăng này, các bạn
đã là bức Vạn lý Trường thành vững chắc”2. Trong thư gửi các chiến
sĩ Nam Bộ và Nam phần Trung Bộ, tháng 12-1945, Chủ tịch Hồ Chí
Minh khẳng định: “Từ ba tháng nay, các anh chị em đã đem xương
máu ra để giữ lấy từng tấc đất của Tổ quốc. Tôi, và tất cả đồng bào ở
Bắc Bộ, và phía bắc Trung Bộ, đã bao nhiêu lần tức giận khi nghe bọn
thực dân Pháp đạp lên lãnh thổ của ông cha ta, giết hại nòi giống ta.
Đã bao nhiêu lần phấn khởi khi nghe những chiến công oanh liệt do
những vị vô danh và hữu danh anh hùng của dân tộc tạo nên, đã bao
nhiêu lần hồi hộp cảm động trước những gương hy sinh vô cùng dũng
cảm của những người con yêu của Tổ quốc. Do đó, tôi càng tin chắc
rằng: Với một nước đã có những người con hy sinh như thế, anh hùng
như thế, đã có một khối toàn dân đoàn kết như thế, nước ta nhất định
không bị mất lại một lần nữa”3. Tháng 2-1946, Người tặng Nam Bộ
danh hiệu “THÀNH ĐỒNG TỔ QUỐC”.
Phong trào ủng hộ Nam Bộ kháng chiến đã trở thành một phong
trào quần chúng rộng lớn, thu hút sự tham gia của nhân dân cả nước,
thể hiện rõ qua phong trào xung phong tòng quân vào Nam Bộ trực tiếp
cùng nhân dân Nam Bộ kháng chiến, thường được gọi là phong trào
Nam tiến. Ngay từ những ngày đầu tháng 9-1945, khi tình hình Nam
Bộ bắt đầu căng thẳng, tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đều lập ra
các “Phòng Nam Bộ”, ghi tên những người tình nguyện vào Nam chiến
đấu. Hàng chục vạn thanh niên, thiếu niên, phụ nữ, kể cả các bậc phụ lão
thuộc đủ mọi tầng lớp công nhân, nông dân, thợ thủ công, sinh viên, học
sinh... và cả nhiều nhà sư cũng ghi tên tình nguyện gia nhập hàng ngũ
Giải phóng quân vào Nam cùng nhân dân Nam Bộ chiến đấu chống giặc
Pháp xâm lược. Bởi vậy, ngay từ trước khi thực dân Pháp nổ súng tấn
công các lực lượng cách mạng ở Sài Gòn, 1 trung đội Giải phóng quân
gồm 22 chiến sĩ trẻ tuổi đã lên đường từ ga Hà Nội vào Nam chiến đấu.

1, 2, 3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 4,
tr. 29, 90, 154.
CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 51

Trên đường đi, trung đội được bổ sung thêm một trung đội tình nguyện
nữa ở Huế, để tạo thành một chi đội và được gọi là Chi đội 3 Giải phóng
quân Nam tiến. Bằng nhiều loại phương tiện, lúc đi tàu hỏa, khi đi bộ,
có lúc đi ô tô, ngày 7-10-1945, Chi đội 3 tới Thủ Ðức, ngoại ô Sài Gòn.
Người chỉ huy chi đội là Nam Long trực tiếp đi trinh sát thực địa và triển
khai trận đánh phá cầu Bình Lợi, ngăn không cho địch di chuyển quân
sang bờ bắc sông Sài Gòn. Cuộc chiến đấu gay go quyết liệt giữa ta và
địch hai bên bờ sông Sài Gòn diễn ra suốt 4 ngày. Ðến ngày 15-10-1945,
địch tập trung hỏa lực mạnh hơn, huy động ba canô và hàng nghìn quân
thiện chiến, chiếm lại bờ bắc cầu Bình Lợi. Chi đội được lệnh rút quân để
bảo toàn lực lượng. Bốn ngày chiến đấu trận Cầu Bình Lợi của Chi đội 3
Giải phóng quân Nam tiến đã làm nức lòng người dân Sài Gòn1.
Sau cuộc hành quân của Chi đội 3, ngày 26-9-1945, tức là 3 ngày
sau khi Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, một chi đội khác, gồm 3 đại
đội Giải phóng quân từ Bắc Kạn, Bắc Sơn và Hà Nội cũng lên đường
vào Nam từ Hà Nội. Cùng khởi hành với chi đội còn có 72 cán bộ quân
sự vừa tốt nghiệp khóa 4 Trường Quân chính Trung ương (tức Trường
Quân chính kháng Nhật trước đó), được Bộ Quốc phòng cử vào tăng
cường cho mặt trận Nam Bộ. Tiếp theo đó, rất nhiều các đơn vị khác
như Chi đội Bắc Bắc (Bắc Giang - Bắc Ninh), các chi đội Đông Triều,
Nam Định, Hải Dương, Ninh Bình, Hải Phòng, Thái Bình... lần lượt
lên tàu vào Nam sát cánh cùng đồng bào Nam Bộ chống Pháp. Những
tháng cuối năm 1945 đầu năm 1946, hầu như không có ngày nào không
có quân Nam tiến lên tàu, không có đoàn tàu nào vắng bóng quân Nam
tiến. Ở tỉnh Quảng Nam, cứ 100 thanh niên nhập ngũ thì có 37 người
xung phong Nam tiến. Đông nhất là tỉnh Quảng Ngãi, có tới 10 chi đội
được gửi vào Nam Bộ chiến đấu, chiếm tới 85% tổng số bộ đội và tự vệ
toàn tỉnh2.

1. Theo bài viết Chiến sĩ Hà Nội trong đoàn quân Nam tiến, http: www. nhandan.
com.vn-Chien-si-Ha-Noi-trong-doan-quan-Nam-tien-1036786.epi.
2. Bộ Quốc phòng: Bộ đội Nam tiến (1945-1946), Nxb. Quân đội nhân dân,
Hà Nội, 1997, tr.15.
52 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Cuộc Nam tiến của các đơn vị Giải phóng quân diễn ra trong những
năm 1945-1946 đã biểu hiện rõ nét nhất ý chí chiến đấu cho tự do, độc
lập, thống nhất Tổ quốc của quân, dân cả nước. Sau những ngày đầu của
cuộc kháng chiến, các đơn vị này đã tỏa ra khắp các chiến trường miền
Nam và đã đóng góp không nhỏ cho những thắng lợi quân sự tiếp theo
của chiến trường miền Nam trong cả cuộc kháng chiến chống Pháp và
chống Mỹ sau này.
Ngày 25-11-1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị Kháng chiến kiến
quốc. Chỉ thị nêu rõ nhiệm vụ của Nam Bộ và Nam Trung Bộ là phong
tỏa về kinh tế, chính trị những đô thị đã lọt vào tay địch, kết hợp tiến
công quân sự. Chỉ thị nêu rõ: “Nhiệm vụ chiến thuật của ta ở Nam Bộ...
là phải cắt đứt dây liên lạc giữa các thành phố đã lọt vào tay địch, phong
tỏa những thành phố ấy về kinh tế, bao vây về chính trị, nhiễu loạn
về quân sự... phải áp dụng chiến tranh du kích đến triệt để và cổ động
nhân dân thi hành chính sách bất hợp tác ở các thành thị quân địch làm
chủ và thi hành “nhà không đồng vắng” nếu quân Pháp tràn về quê”1.
Trung ương quyết định chia cả nước làm 9 chiến khu, trong đó Nam Bộ
có 3 chiến khu là Khu 7, Khu 8 và Khu 9. Chiến khu 7 gồm thành phố
Sài Gòn - Chợ Lớn và 6 tỉnh miền Đông Nam Bộ (Bà Rịa, Biên Hòa, Thủ
Dầu Một, Tây Ninh, Gia Định, Chợ Lớn). Chiến khu 8 gồm 5 tỉnh miền
Trung Nam Bộ (Tân An, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Sa Đéc), có căn cứ
Đồng Tháp Mười. Chiến khu 9 gồm 9 tỉnh miền Tây Nam Bộ (Vĩnh Long,
Trà Vinh, Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch
Giá, Hà Tiên), có Chiến khu U Minh.
Ngày 10-12-1945, tại một xã bên bờ sông Vàm Cỏ Đông, Xứ ủy
triệu tập Hội nghị Xứ ủy mở rộng và quyết định giải thể Ủy ban kháng
chiến Nam Bộ, thành lập Ủy ban kháng chiến miền Nam do Cao Hồng
Lãnh làm Chủ tịch. Các ủy viên là Đàm Minh Viễn (Chủ nhiệm tham
mưu quân sự), Trần Ngọc Danh (Chủ nhiệm chính trị), Tôn Đức Thắng
(Chủ nhiệm hậu cần). Hội nghị cũng chỉ định lại Khu bộ, bàn biện pháp

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia,
Hà Nội, 2000, t.8, tr.31-32.
CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 53

thống nhất các lực lượng vũ trang, xây dựng Chiến khu Lạc An, Đồng
Tháp, U Minh thành các chiến khu lớn, chỉ định cấp chỉ huy Khu 7 do
Nguyễn Bình làm Khu bộ trưởng, Trần Xuân Đô làm Chủ nhiệm chính
trị bộ, Dương Văn Dương làm Khu bộ phó.
Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đầu tháng 1-1946, Chủ tịch
Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương điện vào Nam Bộ cử Lê Duẩn
tham gia Ban lãnh đạo Ủy ban kháng chiến miền Nam.
Ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử theo nguyên tắc phổ thông
đầu phiếu và bỏ phiếu kín được tổ chức trong cả nước. Đây là lần đầu
tiên trong lịch sử, nhân dân Việt Nam được đi bầu đại biểu Quốc hội
của nước Việt Nam độc lập. Trước đó, ngày 5-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, Người nêu rõ: “Ngày mai, dân
ta sẽ tỏ cho các chiến sĩ ở miền Nam rằng: về mặt trận quân sự, thì các
chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị thì nhân
dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực
như một viên đạn”1. Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh,
trong những khu vực có chiến sự, vùng địch tạm chiếm ở Nam Bộ, cuộc
bỏ phiếu vẫn được tiến hành. Ngay trong thành phố Sài Gòn, dưới bom
đạn của quân Pháp, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội vẫn được tổ chức.
Bốn mươi hai cán bộ đã hy sinh trong khi vận động bầu cử, trong đó
có Nguyễn Văn Tư - Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Sài Gòn. Cuộc Tổng
tuyển cử thành công đã bầu được 333 đại biểu vào Quốc hội khóa I. Các
tỉnh Nam Bộ có số đại biểu trúng cử gồm: Thành phố Sài Gòn - Chợ
Lớn: 5 đại biểu; tỉnh Chợ Lớn: 5; Gia Định: 6; Bà Rịa: 1; Biên Hòa: 4; Thủ
Dầu Một: 3; Tân An: 2; Mỹ Tho: 6; Bến Tre: 5; Trà Vinh: 3; Vĩnh Long: 3;
Sa Đéc: 4; Châu Đốc: 3; Hà Tiên: 1; Long Xuyên: 4; Cần Thơ: 6; Sóc
Trăng: 3; Gò Công: 2; Rạch Giá: 4; Bạc Liêu: 32.

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 166.


2. Xem Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Văn phòng
Quốc hội: Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946-1960, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,
1994, tr. 364-368.
54 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Lúc này, một hệ thống căn cứ kháng chiến đã hình thành ở Nam Bộ.
Có những khu áp sát đô thị và xen giữa vùng dân cư, như An Phú Đông
(Gò Vấp), Phước Long Thôn, Dĩ An (Thủ Đức), Vườn Thơm (Trung
Quận), Bình Mỹ (Hóc Môn), Rừng Sác (Nhà Bè), Long Mỹ (Bà Rịa),
Rừng Rong (Trảng Bàng)...; các chiến khu lớn có khả năng tập trung lực
lượng kháng chiến và làm căn cứ lãnh đạo, chỉ đạo tỉnh, khu, miền như
Lạc An (phát triển thành Chiến khu Đ); các khu rừng Biên Hòa, Thủ
Dầu Một, Tây Ninh, vùng núi ven biển Bà Rịa, Đồng Tháp Mười.
Đầu năm 1946, sau khi đã thỏa thuận với Chính phủ Trùng Khánh
(Trung Quốc), đại diện của Pháp bắt tay vào thương thuyết với Chính
phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tìm cách đưa quân ra miền Bắc thay
thế quân đội Trung Hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch giải giáp
quân đội Nhật Bản, nhưng thực chất là nhằm từng bước tái lập lại chính
quyền thực dân. Cuộc đấu tranh của Chính phủ Việt Nam trên mặt trận
ngoại giao Việt - Pháp đã đưa đến Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946. Theo đó,
Pháp phải công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do có chính phủ, nghị
viện, quân đội của riêng mình, nằm trong Liên bang Đông Dương và
thuộc khối Liên hiệp Pháp; việc thống nhất 3 kỳ là do nhân dân quyết
định (Điều 1). Mặc dù có một số nhượng bộ với Pháp (cho phép Pháp
đưa 15.000 lính ra Bắc thay thế quân đội Trung Hoa Dân quốc), Hiệp
định Sơ bộ 6-3-1946 đánh dấu một thắng lợi đáng kể của nền ngoại
giao nước Việt Nam mới. Đây là văn kiện ngoại giao đầu tiên mà Việt
Nam Dân chủ Cộng hòa ký với nước ngoài, và theo đó, Pháp phải công
nhận Việt Nam là một quốc gia có chính phủ, quân đội, tài chính riêng.
Hiệp định thể hiện chủ trương “hòa để tiến” - một trong những chủ
trương sáng suốt, đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương
Đảng trong hoàn cảnh cách mạng Việt Nam đang ở tình thế “ngàn cân
treo sợi tóc”, hòa hoãn với Pháp để có thời gian chuẩn bị chiến đấu, để
đuổi quân Tưởng Giới Thạch, gạt bớt kẻ thù, tạo điều kiện thuận lợi cho
quân, dân Việt Nam, đặc biệt là quân, dân Nam Bộ chuẩn bị bước vào
cuộc kháng chiến lâu dài. Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 và sau đó là
bản Tạm ước ngày 14-9-1946 phản ánh quan điểm giành thắng lợi từng
CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 55

bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn, phù hợp với tương quan lực
lượng giữa cách mạng Việt Nam và thế lực xâm lược Pháp lúc ấy. Việc ký
các thỏa thuận này là đỉnh cao của nghệ thuật nhân nhượng có nguyên
tắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quân và dân Nam Bộ đã “biết lợi dụng
những điều kiện chính trị do cuộc đàm phán đầu tiên gây dựng được”1
để củng cố và xây dựng lực lượng. Vì vậy, “sau Hiệp định Sơ bộ 6-3-
1946, một cục diện mới xuất hiện trên khắp chiến trường từ nông thôn,
rừng núi đến đô thị còn tạm bị chiếm. Nhiều đảng bộ khu, quân khu,
tỉnh ghi nhận trong thời điểm này diễn ra “bước ngoặt”, “sinh khí mới”,
“một cơ hội hồi sinh””2.
Lòng tin tuyệt đối của quân, dân Nam Bộ đối với Chủ tịch Hồ Chí
Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sự
chi viện của lực lượng lãnh đạo từ Côn Đảo về, những chủ trương đúng
đắn của Hội nghị Thiên Hộ và đặc biệt là thời cơ do Hiệp định Sơ bộ 6-3
tạo ra... là những nhân tố hết sức quý báu tạo nên bước phát triển mới
của cuộc kháng chiến ở Nam Bộ - đặc biệt là lực lượng vũ trang. Nét
nổi bật trong toàn bộ phong trào cũng như trong xây dựng lực lượng vũ
trang là từng bước xác lập được sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng trong
kháng chiến và kiến quốc. Đảng đã huy động được lực lượng cơ bản,
lực lượng chủ lực của cuộc kháng chiến là công nhân và nông dân, đồng
thời tập hợp mọi thành phần yêu nước khác, nhất là trong đấu tranh
chính trị, vũ trang ở đô thị, vùng tạm chiếm.
Chấp hành quyết định của Bộ Tư lệnh Khu 7, ngày 1-3-1946, Tỉnh
ủy, Ủy ban kháng chiến tỉnh Gia Định triệu tập Hội nghị An Phú Đông,
thống nhất lực lượng vũ trang Gò Vấp - Dĩ An - Thủ Đức thành Chi
đội 6. Chi đội trưởng là Nguyễn Văn Dung, chính trị viên là Phạm Văn
Khung (Bí thư Tỉnh ủy Gia Định). Ngay sau khi được thành lập, Chi đội
đã tham gia trận An Phú Đông diệt hơn 100 binh lính và sĩ quan Pháp.

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 280.


2. Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến: Lịch sử Nam Bộ
kháng chiến, tập I (1945-1954), Sđd, tr.275.
56 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Đại đội trưởng Đại đội 15 thuộc Chi đội 6 là Thái Văn Lung, một trí thức
tiến bộ, một tín đồ Công giáo kính Chúa yêu nước, có uy tín đối với giới
trí thức và đồng bào Sài Gòn, người chỉ huy dũng cảm, đã trực tiếp chỉ
huy lực lượng vũ trang Thủ Đức đánh nhiều trận ác liệt khi quân Anh -
Pháp tiến chiếm Thủ Đức. Rơi vào tay giặc, anh giữ vững khí tiết trước
mọi thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ, tra tấn dã man của kẻ thù. Cuối cùng,
địch thắt cổ anh chết trong khám đường rồi phao tin anh tự tử.
Chi đội 6 có cơ sở hậu cần mạnh ở nội thành Sài Gòn, tổ chức Hội
ủng hộ chiến sĩ có đến hàng trăm cơ sở.
Chi đội 13, lực lượng Công đoàn Sài Gòn, đa số là anh em công
nhân đã tham gia chiến đấu ở nội thành ngay từ đầu kháng chiến và Mặt
trận tiền tuyến miền Đông, thành lập vào tháng 3-1946 (sau này Chi đội
trưởng là Nguyễn Văn Thìn, tức Mười Thìn).
Tháng 3-1946, từ Quân khu 7, một đoàn cán bộ do Trần Văn Trà
dẫn đầu về củng cố tình hình Khu 8 đang gặp rất nhiều khó khăn trước
sức tiến công của quân Pháp. Sau một chuyến đi nghiên cứu tình hình
trước, Trần Văn Trà lên dẫn hai trung đội Giải phóng quân liên quận trở
lại. Ở Khu 8, Trần Văn Trà tổ chức xây dựng căn cứ Đồng Tháp Mười,
Khu bộ đóng ở Bắc Chan (Mộc Hóa), tập hợp lực lượng đầu tiên xây
dựng Chi đội 14 có hai trung đội do Trần Văn Trà dẫn về cùng các lực
lượng Nguyễn Văn Vịnh, Lê Chí Giảng (Mỹ Tho), Bảy Siêu (Trung Quận -
Chợ Lớn), Lê Văn Tường (Thủ Thừa - Tân An) ra quân lần đầu đánh
thắng ở ngã tư Lagorange.
Ngày 10-3-1946, Giải phóng quân liên quận thành lập Chi đội 12 do
Tô Ký làm Chi đội trưởng, Hoàng Tế Thế làm Chính trị viên. Giải phóng
quân Đức Hòa có Tiểu đoàn 924 Vũ Văn Tần, Tiểu đoàn 922 Nguyễn
An Ninh giải phóng Cần Giuộc (Trương Văn Bang, Tiểu đoàn trưởng,
Lưu Quang Tuyến, Chính trị viên). Tiểu đoàn 923 Nguyễn Văn Tiếp,
Giải phóng quân Trung Quận (Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Chuyên,
Chính trị viên Lê Văn Ơn), thành lập Chi đội 15, Chi đội trưởng Huỳnh
Văn Một, Chính trị viên Nguyễn Văn Hượt, Chi đội 15 còn 7 biệt đội,
mỗi đội khoảng một tiểu đội.
CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 57

Ban chỉ huy đội 15 thành lập Ban vận động ủng hộ kháng chiến lên
đến 18.000 người, sau đổi là Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn, trung bình một
tháng ủng hộ 20.000 đồng.
Chi đội 11 thành phố chủ yếu là lực lượng vũ trang Tây Ninh, một
bộ phận do Ủy ban kháng chiến Nam Bộ đưa lên tăng cường gồm một
trung đội Cộng hòa vệ binh và một đội Cảm tử quân Sài Gòn, thành lập
ngày 4-4-1946 tại xã An Điền (huyện Bến Cát, tỉnh Thủ Dầu Một), Chi
đội trưởng đầu tiên là Trịnh Khánh Vàng (về sau đầu hàng Pháp), sau
đó là Nguyễn Văn Dùng, Chi đội phó là Trần Văn Đẩu.
Lực lượng Bình Xuyên của Lê Văn Viễn (Bảy Viễn trước có “đại bản
doanh” ở Phú Thọ) sau khi ra ngoại thành, tháng 1-1946 thành lập Chi
đội 9. Lúc này Bảy Viễn là Khu bộ phó, kiêm Chi đội trưởng. Văn phòng
“đại bản doanh” bị hai nhân viên Phòng nhì Pháp (Tài, Sang) lũng đoạn.
Lực lượng Bình Xuyên do Bảy Trân nắm ở Chợ Lớn, có tham gia
mặt trận số 4, sau xuống xóm Tiều (xóm người Triều Châu) ở Rừng Sác,
thành lập Chi đội 21, Nguyễn Văn Cạnh làm Chi đội trưởng.
Chi đội 25 thành lập ở Đức Hòa, đứng chân ở Trảng Bàng, thành
phần chỉ huy phức tạp, sau khi bị tước khí giới, bộ phận còn lại chạy về
Long Thành sáp nhập với bộ phận của Lê Văn Viễn (Bảy Viễn đang làm
Khu bộ phó).
Bộ đội Hoàng Thọ hình thành vào đầu kháng chiến (chỉ huy là
Hoàng Thọ), khoảng một đại đội, vẫn chống Pháp nhưng không chịu
thống nhất lực lượng, lưu động khắp chiến trường. Ngoài ra, có Chi đội 5
của Phạm Hữu Đức.
Cách mạng chủ trương xây dựng lực lượng Cao Đài, thành lập Chi
đội 8, nhưng bọn phản động Đại Việt đã nắm chỉ huy, ngấm ngầm hoạt
động chống phá cách mạng. Không nắm được Chi đội 8, nhưng cách
mạng vẫn công nhận về danh nghĩa để tranh thủ lôi kéo.
Các chi đội tỉnh như Chi đội 11 (Tây Ninh), Chi đội 16 (Bà Rịa),
Chi đội 1 (Thủ Dầu Một) đang trong quá trình tiếp tục củng cố nội
bộ. Về sau, Đảng tăng cường các chính trị viên và điều Nguyễn Ngọc
Dung thay Trịnh Khánh Vàng. Ở Thủ Dầu Một, Dàng Man Thao về thay
58 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Huỳnh Lim Trương làm Chi đội trưởng Chi đội 1. Ở Bà Rịa, Trần Xuân
Độ về làm Chính trị viên Chi đội 16…
Phòng nhì Pháp tìm mọi cách lũng đoạn nội bộ lực lượng Bình
Xuyên, nhưng được sự quan tâm của Đảng và đóng góp của nhiều đảng
viên như Bảy Trân, Trương Văn Bang, Nguyễn Văn Mạnh, Từ Văn Ri,
Nguyễn Văn Tư, Lê Ngọc Hiền… nên phần lớn lực lượng Bình Xuyên
được chuyển hóa.
Trên chiến trường miền Đông, Sư đoàn bộ binh số 3 (3e DIC) đã
thay Sư đoàn bộ binh số 9 (9e DIC). Lúc này phần lớn lực lượng Âu - Phi
bị điều ra phía bắc, lực lượng còn lại phải dàn mỏng trên “một chiến
trường không trận tuyến”. Chính sách “đốt sạch, phá sạch, giết sạch” của
Pháp chẳng những không làm cho lực lượng kháng chiến tan rã mà trái
lại càng được củng cố và phát triển.
Ở ngoại vi Sài Gòn, quân Pháp liên tiếp mở các cuộc hành quân
đánh phá căn cứ và bị giáng trả nhiều đòn đau.
Trên vùng căn cứ Phước An, Phước Thọ, Phước Long (Long Thành),
các Chi đội 2, 3, 7 Bình Xuyên bẻ gãy cuộc hành quân trên 1.000 quân
Pháp - ngụy và hàng trăm xe cơ giới có pháo binh, không quân yểm trợ,
7 tên lê dương bị bắt sống. Thời gian này, Đại đội 10 Chi đội 6 do Trần
Thắng Minh, Đào Sơn Tây chỉ huy, lập trận địa phục kích đánh thiệt hại
nặng lực lượng địch trong cuộc hành quân cấp trung đoàn vào Chiến
khu C (bắc Thủ Đức). Lực lượng vũ trang Cần Đước phục kích đánh
đoàn vận tải hậu cần của địch trên sông (gồm có tàu kéo, xà lan, ghe
chài), thu nhiều súng đạn, diệt 17 tên địch.
Đầu tháng 4-1946, tại khu vực Gò Dầu, chỉ ba ngày sau khi thành
lập, Chi đội 11 đánh một trận vận động phục kích xuất sắc. Hàng trăm
lính Âu - Phi, ngụy Khmer chia thành ba mũi tiến công bằng bộ binh
xe cơ giới, tàu đổ bộ đều bị đánh tan tác tại các khu vực xóm Mới (xã
Lộc Thuận), Bàu Gò, Sóc Khuất, Bến Đình. Đặc biệt tại Sóc Khuất, Bến
Đình, trong tình thế bị địch bất ngờ thọc sau lưng, một số cán bộ chiến
sĩ bị bắt; lực lượng của các vị chỉ huy Tư Đầu, Nam Bằng được Đại đội 3
chi viện và nhân dân phối hợp, đã linh hoạt, khẩn cấp vận động xoay
CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 59

ngược tình thế, giành chủ động, bao vây địch. Bốn phía quân cách mạng
ép vào, cùng với nhân dân bịt hết các lối ra. Cánh quân địch bị tiêu diệt
gần hết. Cán bộ, chiến sĩ cách mạng vừa bị bắt được giải thoát. Địch bỏ
xác tại chỗ hơn 100 tên. Cách mạng thu 21 súng (có một trung liên),
nhiều đạn và lựu đạn. Trận đánh đã nêu lên bài học sinh động về sự linh
hoạt vận động, hiệp đồng chặt chẽ, đặc biệt là sự phối hợp quân, dân
trong chiến đấu. Ở các khu vực Xóm Mới, Sóc Khuất, Bến Đình, bà con
trẻ, già đã cầm dao xông ra cùng bộ đội vây ép và truy kích địch.
Nhằm biểu dương lực lượng, động viên tinh thần đồng bào bị
tạm chiếm, hạ uy thế quân xâm lược, cuối tháng 4-1946, Chi đội 11
lại huy động cả ba đại đội tổ chức tập kích đồng loạt nhiều mục tiêu
trong thị xã Tây Ninh, gây cho quân Pháp nhiều tổn thất, tạo thanh
thế Vệ quốc đoàn.
Cũng trong tháng 4-1946, quân Pháp tập trung lực lượng mở rộng
cuộc hành quân lớn đánh vào Chiến khu Lạc An (Chiến khu Đ) căn cứ
Bộ Tư lệnh Khu 7. Nắm được tin đó, cách mạng có kế hoạch nghi binh,
chuyển trước toàn bộ cơ quan về Giồng Đinh, công binh xưởng khu
giao lại cho Chi đội 10, và chỉ bố trí đánh lẻ tẻ. Quân Pháp khép chặt
vòng vây vào chỗ không người.
Cuối tháng 4-1946, Hội nghị cán bộ Biên Hòa được triệu tập tại cù
lao Vịt do Nguyễn Đức Thuận chủ trì. Hội nghị phân tích tình hình,
vạch rõ những âm mưu của địch, kiểm điểm việc thống nhất các lực
lượng vũ trang… Trần Minh Trí được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Biên
Hòa. Hội nghị đề ra các công việc về xây dựng Đảng, nâng cao sự lãnh
đạo của Đảng về mọi mặt, nhất là đối với lực lượng vũ trang, Huỳnh
Văn Nghệ được cử làm Ủy viên quân sự tỉnh Biên Hòa.
Sau Hội nghị cù lao Vịt, tháng 5-1946, tại xóm Đèn (một ấp thuộc
xã Tân Hòa), Hội nghị quân sự tỉnh Biên Hòa được triệu tập. Hội nghị
quyết định hai việc lớn:
1- Nhập Vệ quốc đoàn huyện Châu Thành (60 người, 30 súng
trường), du kích Sở Tiêu (40 người, 13 súng) với Vệ quốc Biên Hòa
thành lực lượng thống nhất của tỉnh lấy tên là Vệ quốc đoàn Biên Hòa.
60 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

2- Xây dựng căn cứ Chiến khu Đ thành căn cứ chính thức của tỉnh
Biên Hòa.
Trong tháng 5 và tháng 6-1946, hai lần liên tiếp quân Pháp lại mở
cuộc hành quân lớn, mỗi lần trên 1.000 quân, đánh vào Chiến khu Đ.
Chi đội 10 tổ chức đánh địch, giết chết Thiếu tá Bicordier, diệt 2 tiểu đội
lê dương, bắn rơi 1 máy bay, bắn cháy 1 xe quân sự.
Được tăng cường lực lượng, Vệ quốc đoàn Biên Hòa biên chế thành
ba phân đội. Trước tình hình khó khăn về cung cấp, Ban chỉ huy Vệ
quốc đoàn Biên Hòa lại tổ chức ra “quận quân sự”: toàn tỉnh có chín
quận, mỗi quận có từ một đến hai đội vũ trang phụ trách một số xã vừa
làm nhiệm vụ của chính quyền vừa làm nhiệm vụ xây dựng dân quân
du kích, thu thuế, vận động nhân dân ủng hộ bộ đội. Tại Chiến khu Đ,
Quận quân sự 1 được thành lập với 5 xã căn cứ: Tân Hòa, Tân Tịch, Mỹ
Lộc, Thường Lang, Lạc An.
Tháng 6-1946, Bộ Chỉ huy Khu 7 mở hội nghị bàn việc thống nhất
và chỉ huy các lực lượng vũ trang trong toàn khu, tiếp tục tổ chức các
chi đội trên từng tỉnh. Ngay trong tháng 6, Vệ quốc đoàn Biên Hòa và
Vệ quốc đoàn huyện Long Thành thống nhất lại thành lập chi đội do
Huỳnh Văn Nghệ làm Chi đội trưởng, lực lượng lên tới 1.100 người, 380
súng trường, 13 súng máy, 25 tiểu liên, 1 súng cối, được chia thành 3 đội
A, B, C. Đến tháng 10-1946, Vệ quốc đoàn Biên Hòa chi viện lực lượng
cho Bà Rịa - Vũng Tàu để thành lập Chi đội 16.
Trước tình trạng vẫn còn những ý kiến chưa thống nhất giữa hai
nhóm đảng viên Tiền phong và Giải phóng, ngày 30-5-1946, Thường
vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị cải tổ Đảng bộ Nam Bộ. Trong thư gửi
các đảng viên Nam Bộ, Thường vụ Trung ương Đảng nghiêm khắc phê
phán những biểu hiện sai lầm, những xung đột giữa “Việt Minh cũ” với
“Việt Minh mới”, việc kết nạp theo lối “tự do ghi tên”… làm cho Đảng
rời rạc, gây ảnh hưởng xấu cho Đảng, cho cách mạng, tạo điều kiện cho
các phần tử cơ hội và khiêu khích chui vào Đảng phá hoại.
Sau khi quân Pháp đánh rộng ra toàn Nam Bộ, Xứ ủy hợp nhất
ngày 15-10-1945 lại bị phân tán, không còn sự lãnh đạo tập trung.
CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 61

Khoảng giữa năm 1946, sau khi củng cố các tỉnh ủy, tại kênh Năm
Ngàn (Đồng Tháp Mười) đã diễn ra cuộc Hội nghị thành lập Xứ ủy
lâm thời do Ung Văn Khiêm làm Bí thư. Sau đó Ủy ban kháng chiến
hành chính Nam Bộ được củng cố, Phạm Ngọc Thuần - Phó Chủ tịch,
quyền Chủ tịch thay Chủ tịch Phạm Văn Bạch ra Bắc công tác. Sự
lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến từ xứ đến tỉnh, huyện, xã trở lại
thông suốt.
Sau việc cải tổ tổ chức đảng ở Nam Bộ, chính quyền nhân dân,
các đoàn thể cứu quốc được khôi phục ở hầu hết các vùng nông thôn
Nam Bộ. Khoảng 1.000 xã trong tổng số 1.230 xã đã thành lập và khôi
phục Ủy ban kháng chiến và các tổ chức quần chúng. Tự vệ và du kích
ấp, xã được xây dựng lại. Nhân dân và lực lượng vũ trang các nơi kết
hợp tác chiến, địch vận với nổi dậy, phá từng mảng hội tề, nhổ hàng
loạt đồn bốt. Nhiều nơi có đội du kích khá mạnh như ấp 4 xã Vĩnh
Lộc, Phú Thọ (Gia Định), Hòa Lam, Thanh Tuyền, Thới Hòa (Thủ
Dầu Một).
Đi đôi với xây dựng căn cứ và phát triển lực lượng thoát ly, cách
mạng đặc biệt chú ý xây dựng lực lượng nội thành và đẩy mạnh hoạt
động sau lưng địch. Phong trào kháng chiến ở đô thị, đặc biệt là ở
Sài Gòn phát triển khá mạnh. Hàng ngàn người tham gia các ban công
tác, đội tự vệ thành. Hoạt động này bao gồm vũ trang tuyên truyền, gây
dựng cơ sở cách mạng, diệt đầu sỏ, phản động, gián điệp, đánh phá kho
tàng địch...
Tháng 4-1946, hơn 60 cán bộ Trường Quân chính Khu 7 được
phái vào Sài Gòn để xây dựng tự vệ thành 13 đại đội và 30 trung đội.
Mỗi trung đội phụ trách một khu lao động hoặc một xí nghiệp. Lực
lượng này đặt dưới sự chỉ huy của Ban Quân sự thành phố đóng tại
Vĩnh Hội. Khu 7 còn tổ chức Khoa Tình báo, các chi đội có Ban Trinh
sát, Ban Hành động, Ban Thông tin Nam Bộ cũng được thành lập.
Ngày 8-4-1946, các chiến sĩ kháng chiến cảm tử tấn công phá hủy
kho đạn lớn nhất Nam Đông Dương của Pháp, tiêu hủy 6.000 tấn bom
đạn và thuốc nổ. Đêm 18 rạng ngày 19-8-1946, du kích đột kích vào
62 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Sài Gòn, chiến đấu với quân Pháp. Suốt dọc đường từ Chợ Lớn đến
cầu Ông Lãnh, nhân dân chen chúc nghe các chiến sĩ xung phong diễn
thuyết dưới cờ đỏ sao vàng. Trước khí thế áp đảo của quần chúng, quân
Pháp kéo đến không dám làm gì lại trở về bốt. Nhân dân ở các vùng
tạm chiếm đưa con em ra bưng biền, gửi tiền bạc, quần áo, thuốc men
ra chiến khu. Phong trào ủng hộ kháng chiến, chống âm mưu lập “Xứ
Nam Kỳ tự trị” của Pháp lan rộng trong các tầng lớp nhân dân, cả tư sản,
công chức.
Đối phó với tình hình đó, Pháp tiến hành khủng bố trắng xung
quanh Sài Gòn - Chợ Lớn. Ngày 13-7-1946, trong khi triệt hạ một làng
ở Gò Vấp, sĩ quan Pháp tuyên bố: “Ở đây không cần lập hội tề, chỉ cần
bắn phá và chiếm đất”.
Sau Tạm ước 14-9-1946, Khu trưởng Nguyễn Bình chủ trương tiếp
tục chấn chỉnh các lực lượng vũ trang nội thành, phân chia khu vực hoạt
động ở nội thành Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, đặt dưới sự chỉ huy
thống nhất của Ban quân sự thành. Đến cuối năm 1946, các ban công
tác 7, 8, 9 sáp nhập và rút lực lượng tự vệ ra thành lập thêm ba ban công
tác. Ngoài ra còn có Ban 145 thuộc Khoa tình báo Khu 7 và Ban công
tác 12 do Hồ Thị Bi chỉ huy, hoạt động ở vùng Hóc Môn, Bà Điểm, trực
thuộc Chi đội 12.
Những tháng cuối năm 1946, các chi đội Vệ quốc đoàn vừa tác
chiến vừa củng cố, xây dựng lực lượng, bổ sung quân tăng cường huấn
luyện. Các chi đội đều tổ chức xưởng quân giới, chủ yếu là chế tạo đạn,
sửa chữa súng. Trường Quân chính Khu 7 tiếp tục mở các lớp đào tạo
trung đội, đại đội. Riêng Chi đội 6 có Trường Võ bị, vốn là của tỉnh Gia
Định, làm nhiệm vụ huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ của chi đội.
Trong thời gian này, Pháp tung 500 quân càn vào ấp 4 xã Vĩnh Lộc,
Chi đội 12 bí mật rút ra ngoài, chờ địch lọt vào ấp rồi trở lại vây đánh.
Bị thiệt hại nặng, quân Pháp bỏ chạy. Sau đó biết chủ lực cách mạng đã
di chuyển, quân Pháp lại càn vào Vĩnh Lộc bắn chết 380 người dân. Đó
là vụ thảm sát lớn nhất của giặc Pháp ở Nam Bộ từ đầu kháng chiến đến
lúc đó.
CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 63

Tháng 7-1946, không có đánh lớn nhưng chiến trường vẫn sôi động
từ nội thành đến biên giới. Nổi bật là các trận đánh ở suối Đá, xóm Vịnh
(Tây Ninh), Tuy An, Lộc Ninh, Bình Chánh (Thủ Dầu Một), Đức Hòa
(Chợ Lớn)… Quân Pháp liên tiếp bị tiêu hao từ 5-7 binh lính đến hàng
trăm binh lính và sĩ quan như trận đánh giao thông trên đoạn Bình Ước -
Lái Thiêu, cả đoàn xe tải Pháp có một xe bọc thép yểm trợ bị bộ đội và
du kích tiêu diệt, chỉ còn một lái xe sống sót.
Tại Đức Hòa (Chợ Lớn), ngày 23-7-1946, quân Pháp huy động
1.000 sĩ quan và binh lính có hải quân và không quân yểm trợ từ ba ngả
Lương Hòa, Cầu Xáng, Đức Hòa kéo tới bao vây Chi đội 4. Bộ đội ta vừa
bố trí bảo vệ dân, vừa tổ chức chiến đấu phá gọng kìm bao vây của địch.
Từ sáng đến 14 giờ, cuộc chiến đấu diễn ra dữ dội, ta hy sinh 2 người,
diệt 150 tên Pháp. Quân Pháp tiếp tục cho viện binh tới, nhưng bộ đội
đã rút khỏi vòng vây an toàn.
Tháng 7-1946, lợi dụng những ngày mưa to nước lớn, quân Pháp
hành quân chiếm Mộc Hóa. Khu bộ Khu 8 dời căn cứ về kênh Dương
Văn Dương. Mặc dù địch chiếm Mộc Hóa, trên một khu vực lớn của
Đồng Tháp Mười không còn bóng quân Pháp. Chiến khu Tháp Mười
đã ổn định về thế và lực. Tháng 8, địch đánh vào đây, bỏ xác trên 70
tên. Cũng vào tháng 8, theo quyết định của Trung ương, Khu bộ Khu 8
được lập lại. Trần Văn Trà được chỉ định là Khu bộ trưởng, Nguyễn Văn
Vịnh - Chính ủy, Trương Văn Giàu và Nguyễn Văn Quang - Khu bộ phó,
Nguyễn Văn Trí - Phó Chính ủy.
Ngày 26-9-1946, Pháp tập trung 2.000 quân đánh vào Đức Hòa,
tả ngạn sông Vàm Cỏ Đông. Chi đội 15 tổ chức phản kích mãnh liệt,
trong một ngày diệt 25 xe vận tải, 1 xe tăng, 1 máy bay. Cuối năm 1946,
trên chiến trường Tây Ninh diễn ra nhiều trận đánh tốt như trận đánh
giao thông ngày 2-10 trên đường Bàu Đồn - Truông Mít, lực lượng cách
mạng diệt gọn 5 xe địch, thu toàn bộ vũ khí. Trận đánh ở đông bắc Gò
Dầu, Đại đội C Chi đội 11 diệt 50 tên, thu 20 súng (tháng 11-1946). Đặc
biệt cũng trong tháng 11-1946, đại đội này đã đánh địch chạy tan tác
trong trận càn vào ấp Xóm Mới xã An Tịnh (Trảng Bàng) có xe bọc thép
64 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

gắn đại bác 20 ly yểm trợ. Toàn bộ xe bọc thép bị tiêu diệt trên cánh
đồng trước bìa Xóm Mới. Địch bỏ xác 50 tên, lực lượng cách mạng thu
1 trung liên, 10 súng trường, phá hủy 5 đại bác 20 ly. Trận đánh nổi lên
tấm gương của Trần Minh Ngọc, một người chỉ huy giỏi, cũng là xạ thủ
đại liên xuất sắc, đã lần lượt bắn chết 5 xạ thủ địch trên 5 xe bọc thép.
Tháng 11-1946, diễn ra Hội nghị quân sự Khu 8 tại Gò Lũy - Ấp Bắc,
với sự có mặt của Bộ Tư lệnh và các cơ quan Khu bộ Khu 8 và đại biểu
quân sự các tỉnh. Hội nghị ra quyết định phát động chiến tranh nhân
dân toàn khu, thống nhất các lực lượng vũ trang Khu 8. Đến đây, Khu 8
đã hoàn chỉnh về hệ thống lãnh đạo, chỉ huy, thống nhất lực lượng. Toàn
khu có 5 chi đội (3.307 người).
Ở các tỉnh khác, nhiều trận tập kích, chống càn cũng thắng lớn:
trận Cầu Móng (Gò Công) diệt gọn một trung đội địch (tháng 4-1946);
trận tập kích chiếm thị trấn Cái Bè hơn 2 giờ (ngày 20-10-1946); trận
chống càn ở xã Tân Bình Điền (Gò Công) tiêu diệt hơn 150 tên lính
Pháp (tháng 10-1946).
Song song với những cuộc hành quân chiếm những địa bàn chiến
lược, quân đội viễn chinh Pháp tìm cách dựng lại một đội ngũ tay sai ở
Nam Bộ. Hội tề đ­ược thiết lập ở nhiều nơi. Ngày 4-2-1946, “Hội đồng
t­ư vấn Nam Kỳ” đ­ược tái lập do chính Jean Cédile - kẻ lén lút nhảy dù
xuống Tây Ninh trong những ngày giữa tháng 8-1945 nhằm chuẩn bị
cho việc Pháp tái chiếm Nam Bộ - làm Chủ tịch, với 4 đại biểu Pháp và 8
đại biểu người Việt. Trong đó, 7 ng­ười Việt này thuộc dân “làng Tây”1,
được Cédile tập hợp ngay từ lúc mới đặt chân lên Nam Bộ để chuẩn bị
cho những ván bài sau đó. Đứng đầu trong số này là Nguyễn Văn Thinh,
một điền chủ hành nghề y, từng phục vụ quân đội Pháp trong Chiến
tranh thế giới thứ nhất, gia nhập làng Tây và không đọc sách tiếng Việt.
Mặc dù buộc phải công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do có
chính phủ, quân đội và tài chính riêng, các thế lực thực dân Pháp vẫn
không chịu từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta. Chưa đầy một tuần sau khi

1. Báo Chính Đạo, tập 1A.


CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 65

Hiệp định Sơ bộ được ký kết, ngày 12-3-1946, Quyền Ủy viên Cộng


hòa Pháp tại Nam Đông Dương là Jean Cédile trắng trợn tuyên bố rằng
hiệp định này chỉ là một thỏa ­ước có tính cách địa phư­ơng giữa Ủy viên
Cộng hòa Pháp ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ với “nhà cầm quyền Hà Nội”, nó
hoàn toàn không có giá trị đối với Nam Kỳ và y đánh tiếng trư­ớc rằng:
“Chính phủ Pháp có ý định sẽ thành lập ở Nam Kỳ một chính phủ có
đủ mọi quyền hành như­ở các xứ khác”. Cùng ngày, trong phiên họp
của Hội đồng tư vấn Nam Kỳ, Nguyễn Văn Thinh đọc một bản Đề nghị,
trong đó viết “... Nghĩ vì bản Sơ ­ước Pháp - Việt vừa ký kết ngày 6-3-
1946 ở Hà Nội không nói rõ ràng bản Sơ ư­ớc ấy chỉ áp dụng riêng cho
hai xứ Bắc và Trung Kỳ và tiếng Việt Nam dùng trong bản sơ ư ­ ớc có thể
làm cho ngư­ời ta hiểu lầm là có xứ Nam Kỳ trong đó, vì từ trư­ớc tới nay
tiếng Việt Nam ấy vẫn dùng để chỉ cả ba: Trung, Nam, Bắc… Cho nên
chúng tôi mong rằng, vị đại diện của n­ước Pháp ở Đông Dương sẽ công
bố chánh thức rằng bản Sơ ư­ớc 6-3-1946 sẽ để cho xứ Nam Kỳ hoàn
toàn tự trị...”.
Chớp lấy điều này, đài Paris tung tin: “Hội đồng tư vấn Nam Kỳ đã
biểu quyết cực lực phản đối Hiệp định Sơ bộ Pháp - Việt và tha thiết
đòi cho Nam Kỳ tự trị”. Hãng tin Reuters ngày 14-3 cũng phụ họa theo:
“Bốn triệu sáu mươi vạn nhân dân Nam Kỳ sẽ có chính phủ riêng và tài
chính riêng theo những điều hứa với nước Việt Nam mới gồm có Trung
và Bắc Bộ trước kia...”. Liền sau đó, các thế lực thực dân Pháp ở Nam Bộ
cùng một số phần tử theo đuôi, thực chất đã trở thành tay sai của thực
dân Pháp, gấp rút vận động hòng tổ chức ra một cái gọi là “Phong trào
tự trị”. Tại Sài Gòn và một số trung tâm đô thị khác ở Nam Bộ, họ gấp
rút tổ chức những cuộc mít tinh, biểu tình đòi Nam Kỳ tự trị mà thành
phần tham dự là một số phần tử cơ hội, những người “vô công rồi nghề”
được trả tiền...
Rõ ràng cái gọi là “phong trào tự trị” ở Nam Bộ chỉ là một kịch bản
vụng về, được những lực lượng thực dân hiếu chiến và tay chân bản xứ
của họ dựng lên, nhằm từng bước thực hiện Tuyên bố tháng 3-1945 của
Charles De Gaulle. Báo Sự thật số ra ngày 8-6-1946 viết: “... Có người
66 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

gọi lầm là phong trào Nam Kỳ tự trị. Sự thực chỉ có những m­ưu mô vận
động của một số ít trí thức bị mua chuộc. Thuyết Nam Kỳ tự trị không
có gốc rễ trong dân chúng và trái ngư­ợc với quyền lợi của nhân dân
Nam Bộ... Hiệp định Sơ bộ đã nhìn nhận một n­ước Việt Nam tự chủ,
khi đó Pháp mới đẻ ra một thuyết mới để vớt lại xứ Nam Kỳ...”.
Tuy vậy, với sự cố công của thực dân Pháp và các phần tử tay sai,
ngày 1-6-1946, cái gọi là “Chính phủ của nước Cộng hòa Nam Kỳ tự
trị” cũng chính thức ra mắt tại quảng trường Alexandre de Rhodes với
Nguyễn Văn Thinh làm Thủ tướng. Các thành viên gồm: Phó Thủ tướng:
Đại tá Nguyễn Văn Xuân; Tư pháp: Trần Văn Tý; Tài chính: Nguyễn
Thành Lập; Vận tải: Lưu Văn Lang (không nhận); Canh nông, Thương
mại và Kỹ nghệ: Ung Bảo Toàn; Giáo dục: Nguyễn Thành Giung; Lao
động và xã hội: Khương Hữu Long; Thứ trưởng An ninh: Nguyễn Văn
Tâm; Thứ trưởng An ninh Sài Gòn - Chợ Lớn: Nguyễn Tấn Cường; Thứ
trưởng Vận tải: Đỗ Văn Trà.
Mặc dù được thành lập với đầy đủ các thành phần, song trên
thực tế, chính phủ của cái gọi là “Nam Kỳ tự trị” không có chút quyền
hành nào. Mọi việc đều do Ủy viên Cộng hòa Pháp quyết định. Trả lời
phỏng vấn của báo Paris - Sài Gòn ít lâu sau khi “Nam Kỳ Quốc” ra
đời, Jean Cédile - Quyền Ủy viên Cộng hòa Pháp ở Nam Đông Dương
nói: “Vai trò của tôi đã được quy định rõ ràng. Tôi vẫn là người đại
diện cho quyền lợi Pháp. Tôi là cố vấn của Chính phủ lâm thời. Công
việc của Chủ tịch Thinh chỉ là một công việc đặc biệt về phương diện
chuyên môn”. Là một con rối trong tay các thế lực thực dân cuồng
tín, ngay từ lúc ra đời, “Nam Kỳ tự trị” và chính phủ của nó đã bị dư
luận ngay ở Sài Gòn bóc trần thực chất. Trả lời phỏng vấn của báo
Paris - Sài Gòn xung quanh sự kiện này, Bác sĩ Tung, con rể cựu Thống
đốc Krautheimer, nhận xét rằng: “Việc lập chính phủ ấy thật giống
như một vụ lừa đảo. Hiệp định 6-3 thừa nhận Việt Nam là một quốc
gia tự do và đối với hết thảy người Việt, lãnh thổ Việt Nam tức là dải
đất dọc bờ biển suốt từ Bắc Kỳ đến mũi Cà Mau. Nói Nam Kỳ là của
người Nam Kỳ chẳng khác gì la lối lên rằng xứ Bourgogne là của người
CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 67

Bourguignons… Tệ hơn nữa là lúc nhân dân nghe nói sẽ thi hành các
điều cần thiết về xã hội thì người ta lại đặt lên đầu họ một chính phủ
gồm bọn bảo thủ và đại địa chủ”. Cũng chính tờ báo này kết luận:
“... Chính phủ Nam Kỳ là con đẻ của nhà đương cục thuộc địa. Chính
phủ đó không đại diện cho nhân dân Nam Kỳ. Vì vậy nhân dân Nam
Kỳ đã tỏ ra một sự lãnh đạm hoàn toàn đối với chính phủ ấy, nói lãnh
đạm là để khỏi dùng những từ nặng hơn. Người ta nhận thấy sự lãnh
đạm ấy trong dịp lễ tựu chức mà sự vắng mặt cả dân chúng trái ngược
với sự dàn cảnh hùng vĩ quá lố lăng và có phần giống kiểu chính phủ
Vichy thời Đức chiếm”.
Mặc cho chính sách khủng bố và lừa mị của chính quyền thực
dân, các tầng lớp nhân dân ở Nam Bộ cũng như trong cả nước
Việt Nam đều đứng lên chống trả lại những hành động tráo trở và
phản lại ý chí thống nhất dân tộc của thực dân Pháp và tay sai. Tại Sài
Gòn - Gia Định, các chiến sĩ “Tự vệ thành Sài Gòn - Chợ Lớn” tổ chức
nhiều cuộc tấn công trừng trị những tên tay sai ngoan cố và phá hủy
các cơ sở quân sự của Pháp.
Ngày 12-3-1946, Dương Văn Sĩ, chủ bút tờ báo Phục hưng, kẻ tích
cực hô hào chủ trương chia cắt Việt Nam, lập chính phủ “Nam Kỳ tự trị”,
thóa mạ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, bị trừng trị. Ngày
29-3-1946 và ngày 4-4-1946, các chiến sĩ Ban Công tác số 1 lần lượt
trừng trị 2 ủy viên Hội đồng tư vấn Nam Kỳ là Trần Tấn Phát và Nguyễn
Văn Thạch.
Các tầng lớp nhân dân lao động thành phố cũng tích cực tham gia
vào cuộc đấu tranh chống lại mưu đồ chia rẽ của Pháp và tay sai. Ngày
3-8-1946, cả Sài Gòn tổng bãi công, bãi thị để ủng hộ lập tr­ường thống
nhất của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Pháp và phản đối
việc triệu tập Hội nghị Đà Lạt của các phần tử chia rẽ. Ngày 19-8-1946,
kỷ niệm một năm Tổng khởi nghĩa, nhân dân lao động Sài Gòn tổ chức
đình công bất hợp tác...
Sau khi Tạm ư­ớc Việt - Pháp ngày 14-9-1946 đ­ược ký kết, phong trào
chống “Nam Kỳ tự trị” càng trở nên sôi động. Đối đầu với một số báo chí
68 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

tay sai thực dân, ngày 12-10-1946, những tờ báo chủ trương thống nhất
đất nước ra Tuyên ngôn chung nêu rõ: “... Sự tranh đấu cho đ­ược tự do
và thống nhất là một phận sự chung, một phận sự thiêng liêng...”. Cùng
ngày, thay mặt Ban Chấp hành Trung ­ương đạo Cao Đài, ông Cao Triều
Phát tuyên thệ “Trung thành với Chính phủ Hồ Chí Minh, cương quyết
tranh đấu cho nền độc lập và thống nhất của Tổ quốc”.
Khẩu hiệu đấu tranh lúc này là “Không tuân một mệnh lệnh nào
của chính phủ bù nhìn”, “Không một xu nhỏ, không một hột lúa cho
chính phủ bù nhìn”, “Triệt để tuân theo lệnh của Ủy ban Nam Bộ”,
“Ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh”... Nhiều tờ báo ở Sài Gòn công khai
đòi hạ bệ “Chính phủ Nam Kỳ tự trị”. Tờ báo Nam Kỳ số ra ngày 14-
10-1946 đăng toàn văn bức thư­của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng
bào Nam Bộ tr­ước ngày Ng­ười lên đư­ờng qua Pháp. Ngày 28-10-1946,
tờ Justice kêu gọi: “Sức mạnh đoàn kết của 20 triệu dân Việt Nam cộng
với cả một khối lao công Pháp đã đè bẹp con quỷ thực dân... Ta đã
thắng kẻ thù ghê gớm nhờ sự đồng tâm bất cộng tác... Đứng lên! Phải
huy động toàn lực đứng lên ủng hộ bản thỏa hiệp 14-9. Yêu cầu giải
tán chính phủ tự trị...”.
Cuộc đấu tranh chính nghĩa của toàn dân đã tác động mạnh mẽ đến
tinh thần nhiều kẻ lầm đư­ờng theo giặc. Phong trào “ly khai” Chính phủ
Nguyễn Văn Thinh lan rộng. Mở đầu và điển hình là hội tề các làng ở
tỉnh Bạc Liêu tuyên bố tự giải tán. Bản tuyên bố của họ viết: “Máu chảy
ruột mềm, dẫu chúng tôi là cỏ cây cũng không thể nào chịu nổi nên
chúng tôi c­ương quyết tự giải tán... Chúng tôi không tán thành Chính
phủ bù nhìn Nguyễn Văn Thinh mà chỉ trung thành và triệt để ủng hộ
Chính phủ Hồ Chí Minh thôi... Mong đồng bào tha thứ chuyện dĩ vãng
để chúng tôi có thể đứng chung hàng ngũ với đồng bào quốc dân chiến
đấu cho Việt Nam thống nhất, tự do, độc lập và phú c­ường”.
Nhìn lại cuộc đấu tranh chống lại mưu đồ chia rẽ của các lực lượng
thực dân và tay sai ở Nam Bộ, có thể thấy đây là một cuộc đấu tranh
toàn dân, toàn quốc, trên tất cả các lĩnh vực quân sự, chính trị, ngoại
giao... Nét nổi bật trong cuộc đấu tranh này là sự có mặt của những cá
CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 69

nhân, lực lượng, vốn không được coi là thân Việt Minh, “thân cộng”.
Điều này cho thấy ý chí thống nhất dân tộc của nhân dân Việt Nam là
một sợi dây vô hình, có sức mạnh vô song. Nó vượt lên cả những khác
biệt về tư tưởng, chính trị để gắn bó toàn dân tộc vào một khối, vì lợi
ích chung của đất nước.
Cuộc đấu tranh mạnh mẽ của Chính phủ và nhân dân Việt Nam
làm cho các thế lực thực dân hết sức lúng túng, “Chính phủ tự trị Nam
Kỳ” hầu như­bị tê liệt và rơi vào tuyệt vọng. Trong một bức thư viết bằng
tiếng Pháp gửi cho một người bạn vào đầu tháng 11-1946, “Thủ tướng”
Nguyễn Văn Thinh tỏ ra đau đớn thú nhận: “Tôi bị ng­ười ta ép buộc
đóng một trò hề. Tôi đã đi quá sâu vào con đ­ường phiêu l­ưu mà không
thể trở lại đ­ược nữa... Sự gì phải đến sẽ đến không thể tránh đ­ược”. Bất
lực và tủi hổ, đêm 9-11-1946 rạng sáng ngày 10-11-1946, Nguyễn Văn
Thinh thắt cổ tự tử trong phòng ngủ. Cái chết của vị “Thủ tướng tự trị”
khởi đầu giai đoạn phá sản hoàn toàn của chính sách chia rẽ Bắc - Nam
vì lợi ích thực dân và chứng minh sức mạnh vô địch của ý chí thống
nhất dân tộc Việt Nam1.
Trước âm mưu xâm lược và chia cắt Nam Bộ của thực dân Pháp,
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi thư cho những người lãnh
đạo các nước Đồng minh vạch trần ý đồ đen tối của Pháp, nêu rõ ý chí
thống nhất, tự do, độc lập của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, yêu
cầu các nước Đồng minh can thiệp ngăn chặn hành động xâm lược
của Pháp. Trong các cuộc tiếp xúc, đàm phán với Pháp chuẩn bị cho
Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946, cũng như tại các Hội nghị trù bị Đà Lạt,
Hội nghị Fontainebleau, vấn đề Nam Bộ luôn là một trong các vấn đề
trung tâm gây nhiều tranh cãi giữa hai phía. “Vấn đề Nam Kỳ mới thật
sự là hòn đá thử vàng của các cuộc thương lượng. Một nhà sử học
Pháp coi nó là biểu tượng của sự thống nhất của nước Việt Nam...”2.

1. Xem Trần Đức Cường: “Nam Kỳ tự trị” và thất bại của mưu đồ chia cắt đất
nước, Tạp chí Khoa học xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh, số 7 (143), 2009.
2. Lưu Văn Lợi, Nguyễn Hồng Thạch: Pháp tái chiếm Đông Dương và chiến
tranh lạnh, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2002, tr.82.
70 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Tại các cuộc thương lượng này, phía Việt Nam luôn đặt ra yêu cầu
Pháp công nhận độc lập, tự do và sự thống nhất của đất nước, trong
khi phía Pháp cố lẩn tránh việc công nhận Nam Bộ là phần không thể
tách rời của Việt Nam. Các cuộc tranh cãi đôi khi rất căng thẳng. Tại
Hội nghị Đà Lạt, trước thái độ trịch thượng của phía Pháp, Võ Nguyên
Giáp đã tuyên bố: “Nếu Nam Bộ mất thì nhân dân Việt Nam chiến đấu
cho đến khi đòi lại được”. Trong cuộc mít tinh do Hội Hữu nghị Pháp -
Việt tổ chức vào ngày 11-7-1946 ở Paris, Hồ Chí Minh, người đứng
đầu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã khẳng định: Nam Bộ
là một miếng đất của Việt Nam. Đó là thịt của thịt chúng tôi; máu của
máu chúng tôi. Sự đòi hỏi đó dựa trên những nguyên nhân về chủng
tộc, lịch sử và văn hóa. Trước khi Corse trở thành đất Pháp thì Nam Bộ
đã là đất Việt Nam rồi... Tại các cuộc đàm phán ở Fontainebleau, khi
nhận được tin các thế lực Pháp và bản xứ thân Pháp tổ chức Hội nghị
Đà Lạt nhằm tiến tới thành lập Liên bang Đông Dương bao gồm Nam
Kỳ, Tây Nguyên (Tây Kỳ tự trị), Lào, Campuchia, Trưởng đoàn đàm
phán Phạm Văn Đồng đã cực lực phản đối bằng cách tuyên bố ngừng
đàm phán.
Thắng lợi của quân và dân Nam Bộ trong hơn một năm đầu
chống Pháp chẳng những đã góp phần làm đảo lộn chiến lược và kế
hoạch tác chiến của Pháp mà còn tạo điều kiện chuẩn bị mọi mặt
cho cuộc kháng chiến lâu dài của quân, dân cả nước. Cuộc kháng
chiến của quân, dân Nam Bộ ngay từ đầu đã được Trung ương Đảng,
Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhân dân cả nước đặc biệt
quan tâm. Nhiều đoàn quân Nam tiến đã được cử vào sát cánh cùng
với quân, dân Nam Bộ và Nam Trung Bộ chiến đấu chống xâm lược
Pháp. Ý chí thống nhất đất nước đã được thể hiện trong câu nói ngày
1-6-1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước
Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không
bao giờ thay đổi”1.

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.280.


CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 71

II- NHÂN DÂN NAM BỘ CÙNG CẢ NƯỚC CHỐNG THỰC DÂN PHÁP
XÂM LƯỢC (12-1946 – 7-1954)

Toàn bộ diễn biến tình hình, những sự kiện xảy ra vào cuối năm
1945 và trong năm 1946 cho thấy, mặc dù Chính phủ Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa đã có nhiều nhân nhượng nhằm tránh cho đất nước phải
trải qua một cuộc chiến tranh, song thực dân Pháp vẫn tiếp tục thực
hiện dã tâm xâm lược, không thực tâm đàm phán mà còn lợi dụng sự
kiềm chế nhân nhượng của Việt Nam để ngày càng đẩy tới chiến tranh
cả về phạm vi, quy mô, lực lượng, phương thức tiến hành. Do đó, một
lần nữa, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, nhân dân Việt Nam đã chấp nhận
một cuộc chiến đấu dù gian khổ, hy sinh nhưng nhất định thắng lợi.
Trên cơ sở chủ động chuẩn bị về tinh thần, nhạy bén và phát hiện
tình hình, phân tích đúng đắn âm mưu và hành động của địch, đánh
giá đúng thời điểm cần phải có hành động quyết định, với kinh nghiệm
kháng chiến ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và những thành quả của hơn
một năm đấu tranh giữ vững chính quyền và chuẩn bị kháng chiến, Chủ
tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng quyết định giành thế chủ động
trong bước mở đầu toàn quốc kháng chiến, mở cuộc tiến công đồng loạt
ở Thủ đô Hà Nội và các thành phố, thị xã khác.
Đêm 19 rạng ngày 20-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu
gọi toàn quốc kháng chiến, kêu gọi nhân dân cả nước đứng lên chống
thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc. Người nêu
rõ: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn
giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh
thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng
gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra
sức chống thực dân Pháp cứu nước”1.
Từ tháng 12-1946, Thường vụ Trung ương Đảng đã hai lần gửi thư,
điện cho Xứ ủy lâm thời Nam Bộ nêu rõ chủ trương của Đảng gấp rút

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 534.


72 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

chuẩn bị kháng chiến toàn quốc và nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của Nam Bộ
là không để cho Pháp đem hết tài sản chiếm được ở Nam Bộ ra đánh
Bắc, Trung”1. Xứ ủy lâm thời Nam Bộ cũng chỉ thị cho các khu: “Mở
rộng và phát triển chiến tranh du kích lên một bước mới, đẩy mạnh
đánh địch ở khắp các mặt trận, mở một cuộc tổng tiến công quấy rối,
phong tỏa, phá hoại, góp phần phá cuộc tiến công của địch trên các
chiến trường Bắc Bộ và Trung Bộ”2.
Đáp lời Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chủ trương của
Đảng, quân và dân Nam Bộ với mọi vũ khí có sẵn, cùng với quân dân
cả nước quyết tâm đánh địch ở khắp nơi, ngăn chặn bước tiến công
địch, xây dựng, củng cố lực lượng chiến đấu. Tuy cuộc kháng chiến ở
Nam Bộ và Nam Trung Bộ đã bắt đầu từ tháng 9-1945, nhưng hưởng
ứng cuộc toàn quốc kháng chiến, các địa phương và các đơn vị đã mở
nhiều cuộc tấn công quấy rối, phong tỏa và phá hoại, nhằm trợ lực cho
các địa phương khác trong toàn quốc. Trong khoảng 15 tháng, từ ngày
23-9-1945 đến ngày 19-12-1946, quân và dân Nam Bộ và Nam Trung
Bộ đã đi qua một chặng đường nhiều thử thách, hy sinh, đã hoàn thành
sứ mệnh của những chiến sĩ tiên phong trong cuộc kháng chiến trường
kỳ và gian khổ của dân tộc. Bằng xương máu, bằng ý chí quyết tâm và
lòng dũng cảm, quân dân Nam Bộ và Nam Trung Bộ đã giam chân gần
40.000 quân viễn chinh Pháp trong tổng số 70.000 quân trên toàn Đông
Dương, không cho chúng triển khai nhanh chóng kế hoạch mở rộng
chiến tranh ra các vùng khác trên đất nước Việt Nam. Điều này đã tạo
điều kiện hết sức quý báu cho quân, dân miền Bắc và Trung Bộ có thời
gian để chuẩn bị lực lượng về mọi mặt cho cuộc chiến đấu của toàn thể
dân tộc và từ khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, quân dân Nam
Bộ và Nam Trung Bộ lại phối hợp với quân dân Bắc Bộ, Trung Bộ, quân
dân cả nước chiến đấu chống kẻ thù chung.

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.8, tr.156.
2. Nguyễn Viết Tá (Chủ biên): Miền Đông Nam Bộ kháng chiến (1945-
1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, t.1, tr.119.
CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 73

Phối hợp với tiếng súng kháng chiến trên cả nước, quân dân Nam
Bộ dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và của Xứ ủy Nam Bộ, đã
“đánh địch ở khắp các mặt trận”, mở cuộc “tổng tiến công, khuấy rối,
phong tỏa, phá hoại”, góp sức cùng cả nước phá cuộc tấn công lớn
của địch ở Bắc Bộ và Trung Bộ, đồng thời kiên quyết ngăn chặn âm
mưu lợi dụng tôn giáo, chia rẽ hàng ngũ kháng chiến của địch ở Nam
Bộ. Ở khắp Nam Bộ đã diễn ra những trận “kinh tế chiến” và “giao
thông chiến” rộng lớn, quyết liệt, liên tục và kéo dài. Tại Sài Gòn - Chợ
Lớn - Gia Định, hòa cùng tiếng súng của cả nước, các ban công tác,
đội trinh sát vũ trang, công an xung phong tổ chức thắng lợi nhiều
trận tập kích vào căn cứ quân sự, kho tàng, diệt nhiều tên tay sai ác
ôn của thực dân Pháp.
Ngày 20-12-1946, 15 đội tự vệ thành và các đội cảm tử đồng loạt nổ
súng, gây tiếng vang lớn trong thành phố. Tại Sài Gòn, ngay trong tháng
1-1947, Ban công tác đột nhập vào nhà hàng La Rosethe trên đường
Mac Mahon, đặt mìn đánh sập một phần ba ngôi nhà, làm chết 7 phi
công Pháp chuyên lái máy bay đi rải bom ở các thôn làng. Cũng trong
tháng 1-1947, các chiến sĩ cảm tử đột nhập trụ sở “Mặt trận Bình dân”
tại ngã sáu, bắn chết tên Cò Ngạc, Chủ tịch Mặt trận Nam Kỳ, thu một
khẩu súng và giải tán tổ chức phản động này.
Ngày 16-2, quân cách mạng còn đột nhập đốt cháy kho hàng ở
cảng Nhà Rồng, làm thiệt hại trên 5 triệu đồng Đông Dương. Ngày
26-3-1947, Võ Hồng Tâm, đội viên tự vệ đã giết chết viên Đại tá Hans
Inpelt tại Sài Gòn. Cũng trong tháng 3-1947, một tổ trừ gian của lực
lượng Ban công tác thành đã bắn chết Lê Văn Hận và 10 phần tử tay
sai ở Chợ Lớn.
Vệ quốc quân Nam Bộ đã đánh những trận phục kích lớn. Được
sự góp sức của nhân dân, Vệ quốc quân luôn luôn chủ động đánh
nhanh, xung phong mạnh, phá hủy từng đoàn tàu, xe, đánh chìm từng
đoàn tàu chiến, diệt gọn từng trung đội, đại đội địch. Ở Cổ Cò (Sa
Đéc), Vệ quốc quân diệt 6 xe quân sự và 2 trung đội địch. Ở Tầm Vu
(Cần Thơ), Vệ quốc quân phát lệnh bắn chết viên quan 5 của Pháp. Ở
74 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Giồng Dừa (Mỹ Tho), Vệ quốc quân đánh liền hai trận, diệt gọn hàng
trăm tên địch và hàng chục xe quân sự… Ở Bạc Liêu, Thủ Dầu Một,
Biên Hòa, Vệ quốc quân liên tiếp đánh đổ từng đoàn xe lửa, diệt hàng
trăm tên địch.
Trên các trục đường giao thông, quân và dân Nam Bộ cuốc đường
sá, phá cầu cống, bóc đường sắt, dựng nhiều “cảng” ngăn sông. Vệ
quốc đoàn Nam Bộ đánh phục kích nhiều trận đạt hiệu quả cao. Tháng
5-1947, tại Mỹ Tho, bộ đội phá hàng chục xe quân sự, diệt hàng trăm
tên địch, bắt sống một bộ trưởng ngụy quyền. Nhiều cơ sở hậu cần
của địch, nhiều đồn điền cao su bị phá, nhiều đường giao thông bị
băm nát.
Sau thất bại của cuộc tiến công quy mô lớn đầy tham vọng của
Pháp lên Việt Bắc, thực dân Pháp phải thay đổi chiến lược từ “đánh
nhanh thắng nhanh” sang “đánh lâu dài” và quay về thực hiện chiến
lược bình định và củng cố vùng tạm chiếm, bắt thanh niên vào ngụy
binh. Ngay sau khi rút khỏi Việt Bắc, Pháp đã tập trung quân ở Nam
Bộ để vừa đối phó với chiến tranh du kích đang trên đà phát triển, vừa
để thực hiện chương trình bình định. Tư lệnh quân viễn chinh Pháp
ở Nam Bộ De Latour cho xây một hệ thống đồn bốt dày đặc dọc các
đường giao thông kết hợp với các cuộc hành quân càn quét để triệt phá
cơ sở kháng chiến ở Nam Bộ, điển hình là cuộc hành quân Véga đánh
vào Đồng Tháp Mười, nơi có cơ quan đầu não của địa phương như Ủy
ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ, Bộ Tư lệnh Nam Bộ, Bộ Chỉ
huy Quân khu 7. Mặc dù huy động 17 tiểu đoàn gồm đủ bộ binh, pháo
binh, thiết giáp, không quân, sau 4 ngày lùng sục, đã thất bại, phải rút
lui. Các cuộc càn quét ở căn cứ khác như rừng U Minh, Chiến khu Đ
cũng đều thất bại. Kế hoạch De Latour với hơn 1.300 tháp canh có gây
khó khăn cho kháng chiến, nhưng vẫn không bảo vệ được các đồn bốt
địch, các đường giao thông, không ngăn cản được chiến tranh du kích
phát triển.
Giữa năm 1948, thất bại trong mưu đồ “Nam Kỳ tự trị” đưa Pháp
tìm đến “lá bài Bảo Đại”, người từ đầu năm 1946 sống ở Hong Kong
CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 75

(Trung Quốc). Việc chọn Bảo Đại làm người đứng đầu “Quốc gia Việt
Nam” là để làm đối trọng với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, nhằm chống lại cuộc kháng
chiến chống xâm lược của nhân dân Việt Nam dưới chiêu bài “độc
lập” giả hiệu.
Sau các Hiệp ước Hạ Long 1 (tháng 12-1947), Hạ Long 2 (tháng
6-1948) và Élysée (ngày 8-3-1949), ngày 4-6-1949, Tổng thống Pháp
Vincent Auriol ký Luật 49/733 chấm dứt quy chế thuộc địa Pháp đối
với Nam Bộ và chính thức trả lại vùng này cho chính quyền Bảo Đại với
danh nghĩa “Quốc gia Việt Nam”. Điều đó cũng có nghĩa là về công pháp
quốc tế, chủ quyền đối với vùng đất Nam Bộ được Cộng hòa Pháp chính
thức công nhận thuộc về Việt Nam.
Xung quanh vấn đề Pháp trao Nam Kỳ cho chính quyền Bảo Đại có
một vấn đề cần được đặc biệt lưu tâm. Đó là sự nảy sinh những yêu sách
của Campuchia về lãnh thổ - biên giới đối với vùng đất Nam Bộ.
Kể từ năm 1863, Campuchia trở thành một nước được Pháp bảo
hộ và gia nhập vào xứ Đông Pháp năm 1887. Ngày 9-3-1945, quân
Nhật hất cẳng Pháp tại Đông Dương, trong đó có Campuchia. Một
chính phủ thân Nhật được dựng lên ở Phnom Penh, do Sơn Ngọc
Thành đứng đầu. Sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh, đầu năm 1946,
Pháp quay lại thực hiện mưu đồ tái lập chế độ thực dân. Ngày 7-1-
1946, Pháp và Campuchia ký Bản ghi nhớ tạm thời, quy định mối quan
hệ giữa hai nước. Theo văn kiện này, Campuchia là một nước tự trị
thuộc Liên bang Đông Dương. Văn kiện không nhắc gì tới vấn đề biên
giới. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 8 tháng sau, trong Hội nghị Đà Lạt lần
II do Georges Thierry d’Argenlieu tổ chức cùng đại biểu các lực lượng
thân Pháp ở các nước Đông Dương với mục đích phá hoại Hội nghị
Fontainebleau, đại biểu Campuchia đã đặt ra vấn đề chủ quyền của
Campuchia ở Nam Kỳ. Ông ta nói: “Các ngài biết rằng đất Nam Kỳ là
đất của Campuchia do Quốc vương Campuchia nhượng cho Hoàng đế
An Nam, nhưng không được một tài liệu ngoại giao nào phê chuẩn.
Rồi Pháp đến, Pháp đã tiến hành chiến tranh xâm lược và bình định
76 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

toàn bộ Nam Kỳ... Chính phủ Campuchia đã ngầm thừa nhận quyền
sở hữu của Pháp đối với vùng đất mà họ đã mất và về mặt pháp lý thì
đất này chưa bao giờ thuộc về An Nam”1.
Những yêu sách này của Campuchia lại được lặp lại trong giai đoạn
1948-1949, khi Pháp tiến hành đàm phán với Bảo Đại về việc trao trả
Nam Kỳ và trong tiến trình của Hội nghị Genève năm 1954 về việc lập
lại hòa bình ở Đông Dương. Những yêu sách đó được trình bày trong
những tài liệu sau:
- Thư ngày 20-1-1948 của vua Campuchia Norodom gửi Cao ủy
Pháp ở Đông Dương2 và thư ngày 2-4-1949 gửi Chủ tịch Liên hiệp Pháp3.
- Các bài phát biểu của Công chúa Yukanthor, đại diện của
Campuchia tại Đại hội đồng Liên hiệp Pháp tháng 5-19494.
- Biên bản kèm theo Hiệp ước Pháp - Campuchia ngày 8-11-19495.
- Giác thư của Campuchia về lãnh thổ của Campuchia ở Nam Việt
Nam (Nam Kỳ) - tài liệu của đoàn Campuchia ở Hội nghị Genève 19546.
Các yêu sách lãnh thổ của Campuchia thời gian này có thể tóm lược
lại như sau:
- Nam Kỳ là lãnh thổ Campuchia đã bị Việt Nam thôn tính.
- Cho tới khi Pháp xâm lược, phần lớn các tỉnh miền Tây Nam Kỳ
vẫn là lãnh thổ Campuchia. Chính Pháp đã chiếm các tỉnh miền Tây để
cùng với các tỉnh miền Đông tạo thành thuộc địa Cochinchine.

1. Dẫn theo Jennar R.M.: Các đường biên giới của nước Campuchia hiện đại
(Les frontières du Cambodge comptemporain, Paris, 1998), bản dịch của Ban Biên
giới Chính phủ, t. 1, tr. 75.
2. Xem Nguyễn Thị Hảo, Luận án tiến sĩ, tr. 87-90.
3. Xem trích đoạn trong Jennar R.M.: Các đường biên giới của nước Campuchia
hiện đại (Les frontières du Cambodge comptemporain, Paris, 1998), tập 1, bản dịch đã
dẫn, tr. 79.
4. Bài phát biểu của Công chúa Yukanthor, tài liệu do Vụ Luật pháp Quốc tế,
Bộ Ngoại giao cung cấp.
5. Hiệp ước Pháp – Campuchia, ngày 8-11-1949, tài liệu do Vụ Luật pháp
Quốc tế, Bộ Ngoại giao cung cấp.
6. Giác thư của Campuchia về lãnh thổ của Campuchia ở Nam Việt Nam
(Nam Kỳ), tài liệu do Vụ Luật pháp Quốc tế, Bộ Ngoại giao cung cấp.
CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 77

- Campuchia chỉ nhường vùng này cho riêng Pháp. Khi Pháp rút đi,
vùng này phải được trả lại cho Campuchia.
Đồng thời, tại Hội nghị Genève năm 1954, phái đoàn Campuchia
nêu ra 6 phương thức khác nhau để giải quyết vấn đề biên giới với Việt
Nam. Họ yêu sách:
“1- Hoặc tất cả hữu ngạn sông Bassac, cộng với một phần của hữu
ngạn sông Mêkông tính từ kênh Tân Châu cũng như tỉnh Trà Vinh và
Phú Quốc, và quyền được quá cảnh qua Sài Gòn.
2- Hoặc lãnh thổ chạy dài tới tận hữu ngạn sông Mêkông, các tỉnh
Hà Tiên, Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh
Long và Sa Đéc, đảo Phú Quốc, quá cảnh qua Sài Gòn và bảo vệ các dân
Khmer thiểu số trong các tỉnh khác.
3- Hoặc một nửa các tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc
Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sa Đéc, và đảo Phú Quốc, kênh Vĩnh Tế,
sử dụng cảng Sài Gòn (dành một vùng cho Campuchia) và bảo vệ các
dân Khmer thiểu số.
4- Hoặc các tỉnh Hà Tiên, Châu Đốc, Long Xuyên và một phần các
tỉnh Rạch Giá, Sa Đéc, Tân An và Tây Ninh, đảo Phú Quốc, bảo vệ các
dân Khmer thiểu số, sử dụng cảng Sài Gòn và quốc tế hóa sông Mêkông.
5- Hoặc quốc tế hóa Nam Kỳ, kênh Vĩnh Tế và quy chế miễn thuế
đối với cảng Sài Gòn.
6- Đặt Nam Kỳ và đảo Phú Quốc dưới sự quản thác của Liên
hợp quốc”1.
Những yêu sách này của Campuchia không phải là điều gì mới mẻ.
Ngay từ khi Pháp đang dòm ngó, chuẩn bị xâm lược Việt Nam, năm 1856,
vua Cao Miên (Chân Lạp) là Ang Duong gửi cho Hoàng đế Pháp
Napoléon III một bức thư bày tỏ nguyện vọng được liên minh với Pháp.
Thư của Ang Duong thuật lại vắn tắt - theo cách nhìn của ông ta -

1. Blanchard M.: Việt Nam - Campuchia: Một đường biên giới còn tranh cãi
(Vietnam - Cambodge: Une frontière contestée, L’Harmattan, Paris, 1999), bản dịch của
Ban Biên giới Chính phủ.
78 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

quá trình mà tựa hồ như Việt Nam đã cưỡng chiếm của Chân Lạp một
loạt các vùng đất. Cuối cùng, bức thư viết: “Nếu người An Nam đến
để tặng Đức Vua vùng nào trong số các vùng nói trên, tôi mong Đức
Vua không nhận vì chúng thuộc Campuchia...”1. Tuy nhiên, người
Pháp đã không công nhận “quyền” này của Cao Miên. Minh chứng
cho điều này là việc liên quân Pháp - Tây Ban Nha vẫn chỉ có quan
hệ với chính quyền Huế, bằng cách lúc thì dùng chiến tranh, khi thì
thông qua đàm phán, ký kết để chiếm đoạt cả lục tỉnh Nam Kỳ. Và lần
này cũng vậy, các yêu sách của Campuchia không được chấp nhận.
Nam Kỳ được trao lại cho chính quyền Quốc gia Việt Nam năm 1949
và các nghị quyết của Hội nghị Genève cũng không ghi nhận những
yêu sách của Campuchia.
Tóm lại, từ năm 1949, về mặt pháp lý, Pháp đã chính thức công
nhận Nam Kỳ là của Việt Nam trong một thỏa ước chính thức được
ký giữa Tổng thống Pháp là V. Auriol với người đứng đầu chính quyền
Quốc gia Việt Nam là Bảo Đại.
Song song với đấu tranh chính trị chống “giải pháp Bảo Đại”, ở
Sài Gòn - Chợ Lớn và các đô thị Nam Bộ dấy lên cao trào đấu tranh đòi
dân sinh, dân chủ.
Từ ngày 24-1-1949 đến ngày 26-1-1949, 1.000 công nhân thuộc hai
hãng bia BGI, Sosta và 600 công nhân công Xưởng Ba Son bãi công đòi
cải thiện đời sống giành thắng lợi. Tháng 2-1949, trên 1.000 nhân viên
Sở Bưu điện và Kho bạc, 200 công nhân Hãng bia Lucia, 500 công nhân
lái xe khách (Location và autobus) đồng loạt bãi công. Tiếp đến 400 học
sinh Trường máy bãi thực đòi cải thiện chế độ ăn uống, 500 công nhân
Hãng thuốc lá Bastos, 1.000 công nhân FACI bãi công đòi tăng lương.

1. Jennar R.M.: Các đường biên giới của nước Campuchia hiện đại (Les
frontières du Cambodge comptemporain, Paris, 1998), bản dịch của Ban Biên
giới Chính phủ, tập 2, tr.345. Bộ Ngoại giao Pháp còn lưu giữ 2 bản dịch ra
tiếng Pháp bức thư này. Ngoài bức thư được Jennar dẫn, còn một bản nữa,
trong đó có thêm một đoạn nhỏ nói rằng Ang Duong chỉ đòi những vùng đất
miền Tây.
CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 79

Tháng 3-1949, gần 600 công nhân Hãng Caris, 1.200 công nhân Nhà
đèn bãi công...
Phối hợp đấu tranh, chị em 36 chợ trong thành phố Sài Gòn - Chợ
Lớn đòi giảm tiền chỗ, giảm thuế môn bài.
Trong thanh niên học sinh, phong trào đấu tranh khá quyết liệt.
Ngày 23-12-1949, trùng vào ngày Bảo Đại định đến thăm, học sinh nội
trú, ngoại trú Trường Pétrus Ký và hàng trăm viên chức, nhiều công, tư
ở Sài Gòn đồng loạt bãi khóa đòi thả 5 học sinh bị Pháp bắt trước đó.
Học sinh các tỉnh Nam Bộ (như Trường Le Myre de Vilers ở Mỹ Tho,
Trường Phan Thanh Giản ở Cần Thơ...) bãi khóa hưởng ứng phong trào
đấu tranh của học sinh Sài Gòn.
Ngày 9-1-1950, đông đảo học sinh, sinh viên kéo đến Nha Học
chính Việt Nam đòi trả tự do cho các bạn bị bắt và đòi mở cửa lại các
trường học. Giám đốc Nguyễn Thành Giung thoái thác với lý do không
có thẩm quyền. Học sinh kéo sang Dinh Thủ hiến Nam Việt (nay là
Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh). Nhiều giáo viên, sinh viên và phụ
huynh đến hỗ trợ cho học sinh. Thủ hiến Nam Việt Trần Văn Hữu hứa
hẹn sẽ giải quyết và yêu cầu giải tán, nhưng đoàn biểu tình đòi phải giải
quyết yêu sách mới giải tán. Đến 3 giờ chiều, tướng Charles Chanson,
Ủy viên Cộng hòa Pháp kiêm Tư lệnh quân Pháp ở Nam Kỳ, ra lệnh cho
binh lính và cảnh sát đàn áp. Nhiều học sinh bị thương, 150 học sinh bị
bắt. Trần Văn Ơn, học sinh Trường Pétrus Ký, bị thương nặng, hy sinh
tại Nhà thương Chợ Rẫy.
Dưới sự lãnh đạo của Ban Cán sự nội thành, lễ truy điệu và đám
tang “trò Ơn” biến ngày 12-1-1950 thành một cuộc biểu tình vĩ đại lên
án thực dân Pháp và tay sai. Hơn nửa triệu người thuộc mọi giới tham
dự. Toàn thành phố bãi công, bãi thị, bãi khóa.
Sau đám tang “trò Ơn”, phong trào đấu tranh của học sinh vẫn tiếp
tục, nhất là cuộc đấu tranh của học sinh người Hoa ở Chợ Lớn chống
lệnh giải tán một số lớp của Trường Trung học Phước Kiến (Pháp nghi
là nơi xuất phát cuộc đấu tranh). Nữ sinh Trần Bội Cơ bị tra tấn đến
chết (ngày 12-5-1950). Đông đảo đồng bào và học sinh người Hoa và
80 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

người Việt tổ chức lễ truy điệu Trần Bội Cơ tại địa điểm trước Bưu điện
Chợ Lớn (nay là Bưu điện quận 5) lên án hành động man rợ của thực
dân Pháp.
Trước việc Trung Quốc, Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân
khác chính thức công nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
trong tháng 1-1950, Mỹ và Anh công nhận chính quyền Quốc gia Việt
Nam của Bảo Đại ngày 7-2-1950. Ngày 23-2-1950, một phái đoàn kinh
tế Mỹ do Richard Allen Griffin cầm đầu đến Sài Gòn, tiếp theo đoàn
khảo sát tình hình của Đại tá Philip Jessup đến Đông Dương gặp Bảo
Đại. Ngày 16-3-1950, Mỹ xúc tiến kế hoạch thao diễn lực lượng Hạm
đội 7 ở Thái Bình Dương dọc ven biển Trung Việt. Ngày 14-3-1950,
Tư lệnh hạm đội Mỹ, Thủy sư đô đốc Russel S. Berkey đi trên soái hạm
Stickwell cùng với khu trục hạm Anderson đến cảng Sài Gòn với ý định
biểu dương lực lượng nhằm uy hiếp tinh thần nhân dân Việt Nam, tạo
thế chính trị cho Bảo Đại.
Để uy hiếp tinh thần quân Mỹ và Pháp, 20 giờ 20 phút ngày 18-3-
1950, đội biệt động của Trung đoàn 300 do Nguyễn Văn Bứa và Lê Tấn
Ích chỉ huy, dùng 3 khẩu cối 82 ly nã 20 phát đạn xuống khu vực đường
Argonne (nay là đường Tôn Đức Thắng) gần chỗ đậu của hai tàu Mỹ
trên sông Sài Gòn.
Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn quyết định phát động các tầng lớp nhân
dân chống can thiệp Mỹ. Sáng 19-3-1950, hàng ngàn đồng bào tập hợp
trên sân trường Tôn Thọ Tường nghe Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng
phái đoàn đại biểu các giới, nói chuyện. Ban Cán sự nội thành chủ
trương biến mít tinh thành biểu tình chống can thiệp Mỹ. Đồng bào
giương cao cờ đỏ sao vàng, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, hô vang
khẩu hiệu: “Đả đảo đế quốc Pháp và bọn bù nhìn tay sai!”, “Đế quốc
Mỹ cút đi!”. Hình Bảo Đại, cờ vàng ba sọc đỏ, cờ Pháp, cờ Mỹ bị hạ trên
những đường có đoàn biểu tình đi qua.
Tại chợ Bến Thành, đoàn biểu tình chặn xe quân sự; lính Pháp bỏ
chạy, xe bị đốt. Tại bến cảng, đoàn biểu tình rượt đuổi lính Mỹ, giật
cờ vàng ba sọc đỏ trên đỉnh cột cờ Thủ Ngữ xuống đất. Quần chúng
CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 81

biểu tình dựng lên nhiều chướng ngại vật cản xe. Cuộc biểu tình kéo
dài tới chiều.
Sau cuộc mít tinh biểu tình phản đối quyết liệt của hàng chục vạn
nhân dân thành phố, hai tàu Mỹ lặng lẽ rời Sài Gòn chiều tối ngày
19-3-1950.
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và nhiều trí thức tham gia biểu tình bị
Pháp bắt ngay đêm 19-3-1950. Ngày 20-3-1950, báo chí Sài Gòn đồng
thanh phản đối vụ Pháp và tay sai cấm các báo tường thuật sự thật
về cuộc đấu tranh ngày 19-3-1950, bắt đăng thông báo của chính quyền
Sài Gòn. Việc đưa Luật sư Nguyễn Hữu Thọ ra tòa lại thêm cơ hội cho
lực lượng cách mạng phát động quần chúng các giới, vạch trần bộ mặt
cướp nước của đế quốc Pháp, can thiệp Mỹ và bọn bù nhìn tay sai.
Phong trào đấu tranh tại Sài Gòn và trong các đô thị tạm chiếm ở
Nam Bộ vào đầu năm 1950 khá sôi nổi, gây được tiếng vang trong cả
nước. Ngày 9-1-1950 trở thành “Ngày truyền thống của học sinh, sinh
viên toàn quốc”, còn ngày 19-3-1950 đi vào lịch sử dân tộc là “Ngày toàn
quốc chống Mỹ”.
Để đẩy mạnh cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, từ sau cuộc
kháng chiến toàn quốc, Đảng và Chính phủ càng chú trọng đến việc xây
dựng hậu phương, cơ sở quan trọng của chế độ mới.
Xây dựng hậu phương về chính trị là một trong những nhiệm vụ
quan trọng của công cuộc xây dựng và bảo vệ chế độ dân chủ cộng hòa,
trong đó nổi bật lên là xây dựng chính quyền nhân dân.
Trải qua 15 tháng chiến đấu và xây dựng (23-9-1945 - 19-12-1946),
chính quyền nhân dân từ Trung ương đến các địa phương được củng
cố và kiện toàn. Từ sau ngày kháng chiến toàn quốc, việc kiện toàn và
củng cố bộ máy chính quyền các cấp tiếp tục được đẩy mạnh. Sắc lệnh
số 01/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 20-12-1946 về tổ chức bộ
máy chính quyền trong thời kỳ đặc biệt đã quy định thành phần, chức
năng của Ủy ban bảo vệ các cấp. Vấn đề nâng cao phẩm chất và trình
độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, bồi dưỡng ý chí kiên định đấu tranh,
không sợ hy sinh, gian khổ, đồng thời chống đầu cơ thóc lúa, cục bộ địa
82 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

phương, quan liêu, quân phiệt, thiếu sản xuất, hủ hóa, vô kỷ luật... có
ý nghĩa quyết định đối với sức mạnh của Nhà nước dân chủ nhân dân.
Nam Bộ, nơi nhân dân phải đối mặt trước tiên với chiến tranh xâm
lược của thực dân Pháp, việc xây dựng chính quyền gặp nhiều khó khăn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã có những chỉ thị cụ thể để xây
dựng chính quyền địa phương, chủ yếu theo hướng gọn nhẹ, linh hoạt.
Trong các năm 1947 và 1948, Chính phủ đã cử nhiều cán bộ vào
bổ sung cho Nam Bộ. Đồng thời, để tăng cường bộ máy hành chính
các cấp, Ủy ban hành chính Nam Bộ đã đứng ra tổ chức bầu cử Hội
đồng nhân dân các cấp từ cấp xã đến cấp tỉnh, Hội đồng nhân dân cử
ra Ủy ban kháng chiến hành chính tương đương. Từ năm 1947 trở đi,
hệ thống chính quyền cách mạng ở Nam Bộ đã có bước trưởng thành
vượt bậc. Các phần tử cơ hội đã dần dần bị loại ra khỏi hệ thống chính
quyền. Chính quyền đã thực sự trở thành một công cụ sắc bén tổ chức
các tầng lớp nhân dân đấu tranh chống lại cuộc “bình định Nam Kỳ”
của thực dân Pháp. Cho đến năm 1949, toàn Nam Bộ có 649/1.042 xã
mà bộ máy chính quyền đã được thành lập. Chính quyền cách mạng đã
tổ chức, động viên quần chúng tăng gia sản xuất, tự túc ăn mặc. Chính
quyền cách mạng cùng thực hiện việc tạm cấp ruộng đất cho nông dân,
thực hiện giảm tô, thành lập các hợp tác xã, tổ đổi công, vần công...
Để tăng cường sức mạnh cho lực lượng kháng chiến, Đảng Cộng
sản Việt Nam (lúc đó tên là Đảng Cộng sản Đông Dương) rất coi trọng
công tác xây dựng Đảng, phát triển đội ngũ đảng viên và nâng cao năng
lực lãnh đạo, nhất là lãnh đạo chiến tranh của các tổ chức đảng.
Những ngày đầu kháng chiến ở Nam Bộ, khi phát hiện những sai
lầm, thiếu sót, mất đoàn kết trong Đảng bộ Nam Bộ, Trung ương Đảng
đã chấn chỉnh kịp thời, phê phán và kêu gọi các đảng viên đoàn kết
nhất trí để đương đầu với những thử thách, hoàn thành sứ mệnh lịch sử
trong giai đoạn mới.
Thực tiễn đã chỉ rõ, chỉ sau khi thống nhất về đường lối và ý chí, tổ
chức, công cuộc kháng chiến ở Nam Bộ mới thực sự tiến bước mạnh
mẽ, vững chắc.
CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 83

Trên khắp các chiến trường Nam Bộ, biết bao đảng viên đã sống và
chết, ăn hầm ở bụi để bám đất, bám dân, bám địch. Biết bao chi bộ đảng bị
địch đàn áp, lớp lớp đảng viên đã ngã xuống cho sự nghiệp kháng chiến.
Song song với công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể quần chúng
như Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân Cứu quốc, Đoàn Thanh niên
Cứu quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ... cũng được củng cố chặt chẽ hơn về
mặt tổ chức. Ngày 25-11-1946, Tổng Công đoàn Nam Bộ được đổi tên
thành Liên hiệp Nghiệp đoàn Nam Bộ, có lực lượng ở cả vùng tự do và
vùng tạm chiếm. Đầu năm 1948, số hội viên của tổ chức này ở vùng tự
do lên đến 41.000 người. Tổ chức công đoàn có vai trò quyết định trong
việc động viên tổ chức công nhân thi đua sản xuất, phát huy sáng kiến,
cải tiến kỹ thuật.
Các hội Nông dân Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc ngày càng thu hút
được sự tham gia của đông đảo hội viên. Các hội có nhiệm vụ giáo dục,
bảo vệ quyền lợi cho các hội viên, động viên họ phấn đấu cho lợi ích của
dân tộc. Riêng Hội Nông dân Cứu quốc được thành lập ở 19/21 tỉnh
thành Nam Bộ.
Công tác vận động thanh niên phát triển mạnh mẽ. Từ năm 1947
trở đi, các tổ chức Đoàn Thanh niên Cứu quốc, Liên đoàn Thanh niên
Việt Nam, Tổng hội Sinh viên Việt Nam được củng cố và lần lượt mở
đại hội. Đến năm 1949, Hội nghị đại biểu các chính đảng, đoàn thể cứu
quốc, các tôn giáo, các dân tộc đã họp tại Đồng Tháp Mười. Hội nghị
đã bầu Ủy ban Mặt trận Việt Minh Nam Bộ do Hà Huy Giáp làm chủ
nhiệm. Cũng trong năm 1947, tại các chiến khu Đồng Tháp, đại biểu 17
đoàn thể, chính đảng, tôn giáo, các nhân sĩ yêu nước thành lập Hội
Liên Việt Nam Bộ. Chủ tịch Hội là Cao Triều Phát. Những tổ chức này
đã làm chỗ dựa vững chắc cho cuộc kháng chiến của quân, dân Nam
Bộ. Hội Nông dân Cứu quốc Nam Bộ cũng phát triển nhanh chóng
do Xứ ủy và Ủy ban kháng chiến Nam Bộ có nhiều chính sách đúng
đắn đối với nông dân về ruộng đất. Trong vùng tạm chiếm, Liên hiệp
Nghiệp đoàn Nam Bộ cũng phát triển đoàn viên trong các nhà máy,
khu lao động.
84 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Ngày 5-1-1947, đại biểu các tổ chức thanh niên ở Nam Bộ, Thanh
niên Cứu quốc, Thanh niên Dân chủ, Thanh niên Tôn giáo, Thanh niên
Đoàn, Đoàn học sinh Nam Bộ tổ chức hội nghị, thống nhất thành lập
Liên đoàn Thanh niên Việt Nam ở Nam Bộ. Số lượng đoàn viên tăng lên
nhanh chóng. Ngoài ra, Đoàn Phụ nữ Cứu quốc Nam Bộ đến đầu năm
1947 đã có 210.000 đoàn viên. Bên cạnh đó, Hội Công giáo kháng chiến
Nam Bộ cũng đóng góp nhiều công sức cho kháng chiến. Công tác vận
động đoàn kết với giới trí thức, đoàn kết các dân tộc và tôn giáo cũng
được đẩy mạnh.
Cùng với An toàn khu Trung ương, khắp các khu, tỉnh và ngay cả
một số huyện, xã cùng đều tạo lập được chỗ đứng chân ngay từ đầu, khi
chiến sự lan rộng. Tại Nam Bộ, nơi địa hình ít rừng núi, đồng bằng rộng,
trống trải, Đảng chủ trương xây dựng căn cứ địa dựa vào yếu tố cơ bản
là lòng dân, lập các cơ sở chính trị giữa “rừng người”. Ở nhiều nơi đã
xây dựng được căn cứ, như căn cứ Tân Uyên của Khu 7 dọc sông Đồng
Nai; bưng biền Đồng Tháp của Khu 8, Khu 9 đặt trụ sở ở rừng Tràm,
rừng Đước và Sài Gòn - Gia Định. Các khu căn cứ hậu phương tại chỗ
đang dần dần trở thành nơi đứng chân vững chắc của cuộc kháng chiến.
Tại các khu căn cứ, việc huấn luyện chiến đấu đi dần vào nền nếp. Cũng
như tại Việt Bắc và Khu 4, Khu 5, tại các căn cứ thuộc chiến trường Nam
Bộ có chế độ huấn luyện thường kỳ cho dân quân tự vệ, du kích.
Có một thực tế là ở Nam Bộ, sau khi Cách mạng Tháng Tám năm
1945 thành công đã xuất hiện nhiều đơn vị bộ đội do đảng bộ hay chi
bộ các nơi tổ chức. Đến khi toàn quốc kháng chiến, trên chiến trường
Nam Bộ đã hình thành 27 chi đội Vệ quốc đoàn, một số đơn vị tác chiến
độc lập và đơn vị Quốc vệ đội (Công an vũ trang). Trong các năm 1946,
1947 còn có thêm 4 đơn vị “Bộ đội hải ngoại” là những Việt kiều ở Thái
Lan, Lào, Campuchia tình nguyện về nước chiến đấu trên chiến trường
Nam Bộ.
Nhằm tăng cường sự thống nhất trong công tác quân sự, ngày 12-2-
1947, Hội nghị liên khu đã quyết định thành lập Ban Quân sự Nam Bộ
do Nguyễn Thành Sơn (Nguyễn Văn Tây) phụ trách. Ngày 24-9-1948,
CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 85

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị lập Ban Quân sự Nam Bộ với tên gọi
Bộ Tư lệnh Nam Bộ, do Trung tướng Nguyễn Bình làm Tư lệnh. Ngày
21-3-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký 3 sắc lệnh, chính thức bổ nhiệm
Nguyễn Bình làm Tư lệnh, Phạm Ngọc Thuần làm Chính trị viên, Trần
Văn Trà làm Phó Tư lệnh. Phòng Dân quân Nam Bộ được thành lập, do
Lê Duẩn trực tiếp làm Trưởng phòng. Đến năm 1950, tiểu đoàn bộ đội
chủ lực đầu tiên đã xuất hiện ở Nam Bộ, đánh dấu sự trưởng thành một
bước của lực lượng vũ trang cách mạng. Cũng tính đến năm 1948, tổng
số dân quân tự vệ Nam Bộ là 270.593 người1.
Cùng với việc xây dựng lực lượng vũ trang, việc mở rộng căn cứ địa
cách mạng làm chỗ đứng chân an toàn cho cơ quan đầu não kháng chiến
ở cả nước nói chung, Nam Bộ nói riêng là một yêu cầu bức thiết. Theo
sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Bộ, ngay từ đầu cuộc kháng chiến, ta đã chú
trọng xây dựng, củng cố, phát triển 3 căn cứ chính là Chiến khu Đ ở miền
Đông, Chiến khu Đồng Tháp Mười ở miền Trung, căn cứ U Minh ở miền
Tây. Trong 3 khu trên thì Chiến khu Đồng Tháp Mười giữ vai trò đặc biệt
quan trọng, được coi là “Thủ đô kháng chiến của Nam Bộ” trong những
năm 1946-1948. Từ năm 1949, cơ quan đầu não kháng chiến Nam Bộ mới
chuyển về U Minh để tránh sự càn quét của giặc Pháp2.
Để thực hiện chủ trương vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, Chính
phủ chủ trương thực hiện mạnh mẽ chính sách giảm tô 25%. Chính
sách này do Nhà nước ban hành từ tháng 11-1945, là cơ sở pháp lý đầu
tiên để nông dân đấu tranh với phong kiến địa chủ, đã mang lại thắng
lợi đáng kể tại các khu căn cứ Nam Bộ.
Về tiền tệ, ngày 15-5-1947, Chính phủ ra Sắc lệnh cho lưu hành
trong toàn cõi Việt Nam giấy bạc Việt Nam thường được gọi là “bạc tài

1. Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc
kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia,
Hà Nội, 2000, tr.138.
2. Nguyễn Ngọc Dung: Vài nét về công tác xây dựng chính quyền cách mạng ở
Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954), Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số
419, tháng 3-2011, tr.17-31.
86 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

chính”. Khối lượng bạc Đông Dương cũ của Pháp được thu về làm vốn
cho ngành ngoại thương còn non trẻ. Tuy vậy, vì hoàn cảnh chiến tranh
nên đã hình thành các khu vực tiền tệ riêng biệt.
Ở Nam Bộ, do quân Pháp đánh tỏa ra sớm, ở các căn cứ kháng
chiến năm 1947, 1948, một số nơi lưu hành bạc tài chính Trung ương
do Khu 5 chuyển vào. Các nơi khác đóng dấu vào giấy bạc Đông Dương
từ loại 100 đồng (in màu đỏ) trở xuống để chi tiêu.
Ngày 1-11-1947, Chính phủ ra Sắc lệnh 102/SL cho phép phát hành
tín phiếu tại Nam Bộ có giá trị như giấy bạc Việt Nam, tín phiếu chủ
yếu tại các tỉnh Bạc Liêu, Cần Thơ, Sóc Trăng... Có thể nói, giấy bạc Việt
Nam ra đời lưu hành rộng rãi đã chống lại hiệu quả các kế hoạch lũng
đoạn, phá hoại của thực dân Pháp và tay sai, được sự tín nhiệm tuyệt đối
của nhân dân, dựa trên cơ sở nền kinh tế hàng hóa nhỏ tự cấp, tự túc.
Về văn hóa, mọi hoạt động văn hóa - văn nghệ đều hướng vào phục
vụ kháng chiến theo khẩu hiệu: “Tất cả để chiến thắng”. Nền văn hóa -
văn nghệ kháng chiến vươn lên mạnh mẽ và giành được những thắng
lợi đáng tự hào.
Trên thực tế, sau ngày toàn quốc kháng chiến, bình dân học vụ là
ngành đầu tiên trở lại hoạt động có khí thế và phát triển mạnh nhất.
Nha Bình dân học vụ đã sớm nhận thức rõ mối quan hệ giữa việc học
văn hóa và công tác tuyên truyền kháng chiến.
Trong năm 1947, bình dân học vụ đã có chuyển biến tốt về nội dung
và phương thức hoạt động theo yêu cầu và điều kiện của cuộc kháng
chiến toàn dân, toàn diện. Tại Nam Bộ, tháng 8-1947, Sở Giáo dục Nam
Bộ được thành lập và đã tổ chức được hai lớp huấn luyện giáo viên ở
Rạch Rít (Chợ Lớn) và Trà Cú (Trà Vinh) nhằm đào tạo giáo viên cho
miền Đông và miền Tây. Năm 1947, Nam Bộ đã có 9.400 lớp học sơ cấp,
9.435 giáo viên và 200.000 học viên, 21% trong tổng số đồng bào từ 16
đến 45 tuổi đã được đi học và thoát nạn mù chữ.
Trong hoàn cảnh kháng chiến gian khổ, chính quyền cách mạng
còn mở được một số trường tiểu học, trường thiếu sinh quân, trường
trung học nội trú ở Khu 8 và Khu 9. Đáng chú ý là Trường Trung học
CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 87

nội trú Thái Văn Lung (năm 1948), Trường Trung học nội trú Nguyễn
Văn Tố (năm 1948), Trường Trung học nội trú Huỳnh Phan Hộ (năm
1949), Trường Trung học bình dân Nguyễn Công Mỹ (1950), Trường
Trung học bình dân Huỳnh Phan Hộ (năm 1949) và Trường Trung học
Văn Chính của Khu 9 (năm 1948), Trường Văn Chính và Trường Thiếu
sinh quân ở Khu 8...
Để chăm lo sức khoẻ cho nhân dân, ngay từ tháng 9-1946, Ủy ban
kháng chiến hành chính Nam Bộ đã quyết định thành lập Sở Quân dân
y Nam Bộ và Phòng Y tế các khu. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn của cuộc
kháng chiến, hàng trăm bệnh viện, bệnh xá, trạm xá cứu thương, nhà
bảo sanh được xây dựng ở vùng tự do. Đến năm 1954, toàn Nam Bộ có
3 triệu người thoát nạn mù chữ; về y tế, toàn Nam Bộ có 4.973 bác sĩ, y
sĩ, y tá, hộ sinh...1.
Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh Nam Bộ và báo
chí ở các vùng tự do đã góp phần đắc lực vào công tác tuyên truyền chủ
trương, chính sách của Chính phủ, cổ vũ tinh thần kháng chiến, chống
lại các luận điệu phản tuyên truyền của địch, góp phần xây dựng và bảo
vệ hậu phương, xây dựng nền dân chủ cộng hòa.
Để đẩy mạnh sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp xâm
lược, tháng 2-1951, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng được
tổ chức tại Chiến khu Việt Bắc. Đại hội nêu quyết tâm lãnh đạo toàn
dân “kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công”. Sau Đại hội, từ ngày
16-2-1951 đến 20-2-1951, Thường vụ Xứ ủy Nam Bộ đã họp Hội nghị
mở rộng, nhằm triển khai những chủ trương, đường lối của Đại hội II
đối với Nam Bộ. Hội nghị đã đề ra những định hướng hầu hết trên các
lĩnh vực của công cuộc kháng chiến Nam Bộ.
- Phát triển chiến tranh đến cực độ.
- Tăng cường mạnh mẽ bộ đội địa phương.
- Xây dựng chủ lực.

1. Giáo dục Nam Bộ thời kỳ kháng chiến chống Pháp (nhiều tác giả), Nxb. Trẻ,
Thành phố Hồ Chí Minh, 2004, tr.219, 220.
88 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Về quân sự, tranh thủ sự chi viện của Trung ương, nhất là về quân
sự, củng cố và mở thêm những đường giao thông vận tải cả đường thủy
lẫn đường bộ, từ nước ngoài và từ Trung ương về Nam Bộ...1.
Tháng 5-1951, Trung ương Cục quyết định phân chia lại chiến trường,
sắp xếp lại lực lượng, kiện toàn tổ chức trên toàn Nam Bộ. Các khu 7, 8,
9 được giải thể. Chiến trường Nam Bộ được chia thành hai phân khu (lấy
sông Tiền Giang làm ranh giới địa lý) là Phân liên khu miền Đông, Phân
liên khu miền Tây và Đặc khu Sài Gòn để thuận tiện chỉ đạo.
Lực lượng vũ trang Nam Bộ cũng được sắp xếp, tổ chức lại đủ ba
thứ quân, tinh giản theo hướng tập trung xây dựng các tiểu đoàn tập
trung của tỉnh, các đại đội độc lập của huyện và phát triển các đội binh
chủng chuyên môn, chủ động tiến lên tiêu diệt địch.
Việc sắp xếp lại chiến trường và kiện toàn tổ chức đã có tác dụng
củng cố một bước căn bản về tổ chức chỉ huy chiến trường, thích ứng
với hoàn cảnh, khắc phục được một phần tình trạng bị động do địch
phong tỏa... Lực lượng vũ trang tổ chức thành tiểu đoàn, đại đội phù
hợp với khả năng cung ứng hậu cần và trang bị vũ khí cho phép, chủ
động linh hoạt tiêu diệt địch.
Trước những thất bại của thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh
xâm lược Việt Nam, chính quyền Mỹ nhanh chóng tranh thủ thời cơ bắt
đầu thực hiện âm mưu trực tiếp can thiệp sâu vào Đông Dương. Các
chuyến tàu viện trợ quân sự của Mỹ cập bến Sài Gòn ngày càng nhiều.
Đầu năm 1951, bị quân và dân Việt Nam tiến công liên tiếp ở trung
du và đồng bằng Bắc Bộ, thực dân Pháp đẩy mạnh chiến tranh tổng
lực ở mức cao độ trên khắp các chiến trường từ Nam đến Bắc theo
kế hoạch của tướng De Lattre. Một mặt thực dân Pháp tăng cường hệ
thống phòng thủ, lập vành đai trắng để ngăn chặn chủ lực Quân đội
nhân dân Việt Nam, đồng thời ngăn chặn các hành động đưa nhân lực,
vật lực ra vùng tự do của lực lượng kháng chiến. Thủ đoạn của Pháp là
càn quét, bao vây, chia cắt, kết hợp càn đi quét lại để tiêu diệt lực lượng
quân sự, đánh phá cơ sở, giành dân, cướp đoạt kinh tế trong vùng tự do.

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.12, tr.511.
CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 89

Đối với miền Đông Nam Bộ, nỗ lực hoạt động của địch nằm trong
phạm vi thực hiện chủ trương, phối hợp tiến công bằng cả kinh tế, chính
trị, quân sự nhằm đánh mạnh vào lực lượng du kích, chiến lược chiến
tranh du kích của quân đội và nhân dân Việt Nam, cướp vét và tận dụng
dự trữ, thực hiện chính sách “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” và bao
vây, cô lập Khu 7 bằng cách ngăn chặn, kiểm soát chặt chẽ Khu 8.
Đến giữa năm 1951, phạm vi chiếm đóng của Pháp ở Nam Bộ đã
mở rộng đến mức cao. Hàng nghìn đồn bốt, tháp canh được xây dựng
từ thời tướng De la Tour đã được gia cố thêm, tăng thêm hỏa lực. Cũng
từ năm 1951, tuy Pháp đã rút bớt 7 tiểu đoàn bộ binh và 1 tiểu đoàn
pháo ở Nam Bộ để đưa đi yểm trợ cho chiến trường Bắc Bộ, nhưng
chúng vẫn tiếp tục đẩy mạnh các cuộc hành quân bình định ở Nam Bộ
để thực hiện chủ trương chiến tranh tổng lực. Đặc biệt, Pháp xây dựng
lực lượng UMDC (đơn vị lưu động bảo vệ Thiên Chúa giáo), do Léon Le
Roy, một viên sĩ quan Tây lai khát máu chỉ huy ở Bến Tre1.
Từ đầu năm 1951 trở đi, quân đội viễn chinh Pháp ráo riết thiết
lập các điểm chốt chặn trên dọc hành lang Đức Hòa - Hóc Môn, kiểm
soát chặt chẽ đường biển, đường sông Vàm Cỏ, đường số 10 và số 1, cắt
đứt đường giao thông tiếp viện của ta từ miền Tây lên miền Đông; tăng
cường lực lượng bảo vệ các đường giao thông chiến lược nối thông với
Tây Nguyên (đường 14, 20), với cực Nam Trung Bộ (đường 1 và đường xe
lửa). Đồng thời, Pháp tổ chức càn quét liên tiếp các vùng xung quanh Sài
Gòn, các thị xã, thị trấn và khu vực có cơ sở quân sự, kinh tế như Gò Vấp,
Châu Đốc, Bến Tre, Cần Giuộc, Tân Sơn Nhất. Pháp còn kiểm soát được
phần lớn mạng lưới giao thông 13.300 km/14.000 km đường giao thông,
vừa ra sức đẩy mạnh “chiến tranh kinh tế”. Quân Pháp thường xuyên
dùng tàu chiến thọc sâu vào các sông và kênh xoáy, bắn phá bừa bãi vào
làng xóm ven sông, gây cho nhân dân nhiều tổn thất về người và của. Về
chính trị, chính quyền Pháp ráo riết đẩy mạnh âm mưu mua chuộc, nắm
giữ và sử dụng một số phần tử phản động thuộc các giáo phái Cao Đài,

1. Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001,
t.I, tr.148.
90 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Hòa Hảo, Thiên Chúa giáo tiến hành càn quét, cướp tài sản, thóc gạo của
nhân dân. Lợi dụng sự sơ hở của các lực lượng cách mạng, quân Pháp tập
kích một số căn cứ, pháo binh công xưởng, cướp máy móc, vũ khí. Quân
Pháp phá hoại mùa màng gây trở ngại cho sản xuất ở vùng Đồng Tháp
Mười, vùng giáp ranh. Ở đồng bằng sông Cửu Long, nhiều cánh đồng
trở nên hoang hóa. Khó khăn nhất là miền Đông, nơi vốn nghèo lúa gạo,
có nhiều công binh xưởng và cơ quan đầu não của Nam Bộ. Hoạt động
của quân Pháp đã làm cho các chiến trường của lực lượng kháng chiến bị
chia cắt, manh mún. Sự tiếp viện, liên lạc chỉ đạo từ Trung ương xuống
cơ sở, từ vùng này sang vùng khác rất khó khăn.
Sang năm 1952, quân đội Pháp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính
sách “bình định”. Tháng 2-1952, quân Pháp mở cuộc hành quân Nhà Lá
vào Chiến khu Dương Minh Châu. Tiếp đó, mở trận “Gió Lốc 2” vào
Chiến khu Đồng Tháp Mười với lực lượng hơn 3.000 quân, 75 xe lội nước,
29 tàu chiến. Ngày 24-4, Pháp lại tập trung 2.000 quân càn vào Chiến khu
Dương Minh Châu. Đặc biệt ở Sài Gòn, được sự tiếp sức của Mỹ, thực dân
Pháp dùng mọi nỗ lực cho công cuộc bình định, đẩy cao cường độ chiến
tranh xâm lược. Xung quanh Sài Gòn, quân Pháp duy trì và mở rộng
thực hiện công thức “cứ điểm nhỏ kết hợp với đội ứng chiến nhỏ”. Hàng
loạt tháp canh, đồn bốt nhỏ được xây dựng thêm, tạo thành hệ thống cứ
điểm dày đặc, vừa bảo vệ địa bàn, đường giao thông, hình thành thế bao
vây, chia cắt và ngăn chặn hoạt động của Quân đội nhân dân Việt Nam,
vừa làm chỗ dựa cho bọn tề, ngụy địa phương, làm nơi xuất phát các
cuộc càn quét nhỏ, đánh phá, cướp bóc, bắt lính. Cùng với đội biệt kích
commando là các đội ứng chiến nhỏ được thành lập làm nhiệm vụ ứng
cứu đồn bốt, tháp canh khi bị tấn công, đồng thời tổ chức thường xuyên
các cuộc hành quân gọn nhẹ, đột kích vào căn cứ đánh phá các cơ quan
và phá hoại kho tàng, công xưởng của lực lượng kháng chiến.
Bên cạnh đó, thực dân Pháp ráo riết thi hành những biện pháp về
kinh tế, chính trị nhằm củng cố và phát triển hệ thống ngụy quyền đến
tận cơ sở ấp, xã, chia rẽ nhân dân, vơ vét sức người, sức của cung cấp
cho cuộc chiến tranh.
CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 91

Nhằm phá tan âm mưu thâm độc của thực dân Pháp, đưa những
hoạt động kháng chiến ở vùng sau lưng địch, nhất là chiến tranh du
kích, vượt qua khó khăn để tiến lên, thực hiện chủ trương của Trung
ương Đảng, các đảng bộ địa phương trong vùng tạm chiếm đã dũng
cảm, đương đầu, đọ sức quyết liệt làm thất bại những âm mưu mới của
địch, tiến lên biến hậu phương địch thành tiền phương của ta. Các cấp
ủy đảng đã đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, làm cho nhân
dân thấy rõ những mưu mô xảo quyệt của địch, xác định trọng tâm của
phong trào đấu tranh là phá cho được kế hoạch bình định của chúng.
Ở Tây Ninh, An Giang, Sóc Trăng, các tỉnh ủy đã đưa những đoàn
cán bộ bám sát cơ sở, vận động nhân dân, tuyên truyền rộng rãi chính
sách đoàn kết của Đảng trong đồng bào Cao Đài, Hòa Hảo, gây dựng
cơ sở, vạch trần những tội ác của những chức sắc phản động làm tay
sai cho Pháp, vận động binh lính và giáo phái quay về với kháng chiến.
Tại Đặc khu Sài Gòn - Gia Định, trọng tâm của công tác vùng địch
tạm chiếm là hoạt động chống địch khủng bố, bảo vệ cơ sở, củng cố chi bộ
đảng, trấn áp bọn tề điệp ác ôn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, một số đơn vị
đặc công đã đột kích phá kho Nhà Bè, đốt cháy gần nửa triệu lít xăng của
địch. Bộ đội Thủ Biên tiến công vị trí Trảng Bom, tiêu diệt và bắt sống 100
tên địch, cổ vũ tích cực cho phong trào đấu tranh du kích ở hai huyện Vĩnh
Cửu, Xuân Lộc. Lực lượng vũ trang ở Chiến khu Đ đã chủ động chống càn,
bắn hỏng nhiều tàu địch trên sông Đồng Nai, bảo vệ khu du kích.
Thực hiện Chỉ thị ngày 31-7-1951 về phá kế hoạch tổng động viên
của quân Pháp, trong các vùng sau lưng địch và vùng giáp ranh, nhiều
cơ sở đảng đã lãnh đạo nhân dân dưới mọi hình thức bí mật, công khai,
hợp pháp và bất hợp pháp làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn bắt lính
của địch. Cán bộ, đảng viên bám cơ sở, kiên trì vận động quần chúng
nhất là đồng bào Cao Đài, Hòa Hảo, người Miên, đồng bào vùng Công
giáo thấy rõ âm mưu, tội ác của thực dân Pháp, thực hiện cho được
khẩu hiệu “Không một người đi lính cho giặc, không đóng góp một xu
cho giặc”. Kết quả của công tác binh vận đã động viên hàng nghìn thanh
niên gia nhập lực lượng bộ đội địa phương, dân quân du kích.
92 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Cùng với đấu tranh binh vận, quân và dân Nam Bộ đẩy mạnh chiến
tranh du kích. Nhiều trận đánh liên tục diễn ra trên khắp Nam Bộ.
Ngày 26-5-1951, Tiểu đoàn 300 tỉnh Bà Rịa Chợ Lớn đánh chìm tàu
vận tải quân sự Saint Lauberbier (trọng tải 7.000 tấn) trên sông Long
Tân, diệt hơn 1 trung đội địch.
Ngày 20-7-1951, 75 chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 303 thông báo cùng
lực lượng biệt động của tỉnh tấn công chớp nhoáng tiêu diệt 50 tên lính
Âu - Phi, bắt sống 50 tên khác ở sơ yếu khu Trảng Bom.
Ngày 31-7-1951, chiến sĩ cảm tử Phan Văn Út diệt tướng Chasan,
Ủy viên Cộng hòa kiêm Tư lệnh quân Pháp ở Nam Kỳ và Thủ hiến Nam
Phần Thái Lập Thành ở Sa Đéc.
Ngày 21-12-1951, các chiến sĩ biệt động tiến công khu an dưỡng thị
xã Vũng Tàu, diệt 52 sĩ quan Pháp.
Ngày 29-1-1952, ta tiến công chi khu Cần Giờ, án ngữ đường giao thông
trên sông Lòng Tàu và Sài Gòn có hai đại đội ngụy Cao Đài chiếm đóng.
Trong các ngày 29-1-1952 và 21-7-1952, bộ đội, đặc công tỉnh Bà
Rịa - Chợ Lớn tiêu diệt hàng loạt cơ sở địch.
Trên chiến trường Phân liên khu miền Tây, thủ đoạn của thực dân
Pháp là ra sức lấn chiếm, thu hẹp, tiến tới nắm các vùng tự do lớn nhỏ
của kháng chiến.
Trong nửa đầu năm 1951, Bộ Tư lệnh Khu 9 mở liên tiếp hai chiến
dịch Long Châu Hà 2 và Sóc Trăng 2.
Chiến dịch Sóc Trăng 2, Bộ Tư lệnh Khu 9 sử dụng Trung đoàn Tự
do, ba tiểu đoàn 406, 408, 410, bộ đội địa phương, dân quân du kích
tiến công địch đến địa bàn 3 huyện Vĩnh Châu, Thạch Tự, Long Phú
(tỉnh Sóc Trăng và Cần Thơ) nhằm tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng khu
vực kiểm soát, nối liền giao thông liên lạc giữa Khu 9 và Khu 8. Qua
một số trận đánh đồn, đánh giao thông trên sông, đánh quân tiếp viện,
ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 200 tên địch, góp phần phát triển chiến
tranh du kích ở địa phương. Song song với hoạt động quân sự, lực lượng
kháng chiến tiến hành vũ trang tuyên truyền, giúp đồng bào thấy rõ hơn
âm mưu thâm độc của Pháp.
CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 93

Chiến dịch Long Châu Hà 2, Bộ Tư lệnh Khu 9 sử dụng Trung đoàn


Tây Đô, hai đại đội Long Châu Hà, một đại đội biệt động và du kích, mở
chiến dịch tiến công địch tại hai huyện Châu Phúc và Châu Thành (tỉnh
Long Xuyên) nhằm tiêu diệt sinh lực địch, gây cơ sở chính trị, vũ trang
trong đồng bào theo đạo Cao Đài, Hòa Hảo, mở hành lang nối liền Khu 8 và
Khu 9. Kết quả, ta loại khỏi vòng chiến đấu 300 tên địch, phá lô cốt, thu 21
súng, tạo điều kiện cho lực lượng vùng trung tâm vào vùng sau lưng địch.
Qua hai chiến dịch này, kháng chiến đã tạo lại được khí thế, củng
cố lòng tin trong quần chúng, gây dựng được cơ sở trong vùng có đồng
bào Khmer Nam Bộ.
Tại Sài Gòn - Chợ Lớn, trong ngày 12-1-1951, Ban công tác số 9
diệt Henry de Lachevrotière, Chủ tịch tổ chức UDOFI, ngay tại ngã tư
Nguyễn Đình Chiểu - Trần Quốc Toản.
Tháng 3-1952, Đại đội quyết tử Nguyễn Văn Dương phối hợp với
một đại đội của Tiểu đoàn 300 tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn chặn đánh tàu
Talaken trên sông Soài Rạp.
Tháng 4-1952, các chiến sĩ đặc công nước đánh chìm tàu quân sự
Santh Louvort trên sông Long Tân.
Vang dội nhất là trận đánh bom Phú Thọ ngày 3-8-1952, Đại đội
đặc công 205 dùng mìn đánh kho Phú Thọ, làm nổ tung 52.000 tấn bom
đạn và đốt cháy hàng triệu lít xăng.
Ngày 23-9-1952, các chiến sĩ đặc công 205 đánh vào câu lạc bộ sĩ
quan không quân Pháp ở đường Công Lý (nay là Nam Kỳ khởi nghĩa).
Đặc biệt trên chiến trường Phân khu miền Đông, tháng 6-1951,
các tiểu đoàn 295, 303 phối hợp với bộ đội địa phương và dân quân du
kích đánh địch quyết liệt, bảo vệ an toàn vùng Chiến khu Đ, Chiến khu
Dương Minh Châu.
Thực hiện chủ trương “kháng chiến và kiến quốc”, trên lĩnh vực kinh
tế, các lực lượng kháng chiến ở Nam Bộ đẩy mạnh việc “tăng gia sản
xuất, tự cấp tự túc”. Với tinh thần thi đua yêu nước, quân và dân Nam
Bộ đã khắc phục khó khăn, hăng hái lao động sản xuất để tự túc một
phần lương thực, thực phẩm. Đáng quan tâm là cán bộ, bộ đội, học sinh,
94 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

người dân đều tranh thủ thời gian trồng thêm ngô, khoai, sắn, rau màu.
Nhờ đẩy mạnh tăng gia sản xuất, nền sản xuất nông nghiệp đã có bước
chuyển biến mạnh. Tháng 5-1951, Hội nghị kinh tế canh nông toàn
Nam Bộ được triệu tập. Hội nghị nhất trí chấn chỉnh ngành kinh tế
Nam Bộ, sáp nhập hai ngành kinh tế canh nông và tín dụng ngân khố
do các cấp ủy trực tiếp chỉ đạo. Nhờ các hoạt động đẩy mạnh sản xuất tự
cấp tự túc gắn liền với chính sách bao vây kinh tế địch đã giảm dần khó
khăn về lương thực. Diện tích trồng cây lương thực không ngừng mở
rộng. Năm 1951, nhân dân Đồng Tháp Mười đã trồng thêm 10.000 mẫu
lúa, thu hoạch được 133.560 tấn. Vụ mùa năm 1951-1952, nông dân ở
miền Tây Nam Bộ đã cấy được 382.170 ha, thu 440 tấn thóc, tăng hơn
vụ mùa năm 1949-1950 là 40%. Nhân dân không những đủ thóc ăn mà
còn dư thóc. Chỉ miền Đông Nam Bộ là gặp khó khăn do trận lụt năm
1952 gây ra. Vấn đề lương thực đã được khắc phục dần. Bộ đội và các cơ
quan đã tích cực cùng nhân dân tham gia sản xuất.
Đi đôi với việc chống hạn là việc phòng chống lụt, úng. Tính riêng
3 năm 1951-1953, nhân dân Nam Bộ đã bỏ ra 4.800.000 ngày công để
đắp 3.080.000 m3 đất lên các đê. Nhờ đó mà trong 9 năm kháng chiến
đã không có nạn lụt nào xảy ra.
Bên cạnh đó, nông dân Tây Nam Bộ còn hưởng ứng rất tích cực
việc đóng thuế cho chính quyền cách mạng. Riêng tỉnh Bạc Liêu, trong
năm 1951, nông dân tổ chức từng đoàn xuồng, ghe chở 600.000 giạ lúa
(12.000 tấn) nộp vào các kho thóc của Chính phủ. Đến năm 1952, Bạc
Liêu thu được 800.000 giạ lúa (16.000 tấn). Cần Thơ thu 700.000 giạ
(14.000 tấn), ngoài ra còn đóng 98.400 giạ đảm phụ kháng chiến và
900.000 đồng bạc Cụ Hồ cho ngân quỹ kháng chiến. Các năm 1952-
1953, thuế nông nghiệp thu được nhiều hơn, gấp 2,3 lần so với trước.
Cần Thơ thu được 1.800.000 giạ lúa, Sóc Trăng: 1.750.000 giạ, Bạc Liêu:
2.000.000 giạ1.

1. Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến, tập 1 (1945-1954), Nxb. Chính trị quốc
gia, Hà Nội, 2007, tr.159.
CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 95

Để có thêm vũ khí đánh địch, với điều kiện khó khăn trong việc tiếp
nhận viện trợ quốc tế, quân và dân Nam Bộ đã thực hiện việc nghiên
cứu, chế tạo, sản xuất nhiều loại vũ khí, đáp ứng yêu cầu của chiến
trường với tinh thần tự lực tự cường cao. Quân giới Nam Bộ đã chế tạo
thành công súng SS (súng rừng Sác - một loại súng chống tăng). Ngành
quân giới đã sản xuất được lựu đạn, địa lôi và thủy lôi, lựu phóng và
bom phóng, cối 60 mm và 81 mm, đạn AT, Pêta (bánh thuốc nổ)... cùng
các nguyên vật liệu như thuốc phóng, suminat thủy ngân, cồn 90o đáp
ứng yêu cầu chiến trường miền Nam, phù hợp với điều kiện địa phương
của quân giới Nam Bộ. Sau khi nhận được chi viện của Trung ương do
Liên khu 5 chuyển vào, các xưởng tập trung sản xuất mìn, lựu đạn, thủy
lôi phục vụ chiến tranh du kích. Đó là lựu đạn nằm, lựu đạn gai, lựu đạn
súng, kìm lõm (bazomin) các cỡ, thủy lôi các loại, súng cối cỡ 50 ly, 60 ly
và 81 ly, súng SKZ (súng không giật)...
Trên lĩnh vực thương nghiệp, chỉ sau hơn một năm thành lập Sở
Mậu dịch Trung ương, các phân sở mậu dịch liên khu, các chi sở mậu
dịch ở tỉnh, các chi điếm mậu dịch ở các huyện bao gồm mạng lưới cửa
hàng, kho, trạm ở những địa bàn cần thiết từ Việt Bắc đến Liên khu 4,
Liên khu 5, Nam Bộ lần lượt ra đời, từng bước được củng cố, phát triển.
Đến cuối năm 1953, doanh số bán lẻ của thương nghiệp quốc doanh về
bách hóa đã chiếm 20%, về lâm thổ sản chiếm 30% so với tổng mức luân
chuyển bán lẻ trên thị trường về những mặt hàng ấy.
Ở Nam Bộ, dưới sự hướng dẫn của Sở Mậu dịch, từ năm 1952 trở
đi, Nam Bộ đã xuất một số hàng quan trọng vào vùng tạm bị chiếm như
thóc gạo, gà vịt, than củi... Nhờ đó đã phát triển được sản xuất trong
vùng tự do, bảo đảm cung cấp cho kháng chiến và dân sinh. Nam Bộ
cũng đã biết áp dụng một cách sáng tạo biện pháp kết hối.
Chiến tranh càng kéo dài, thực dân Pháp càng bị sa lầy, rơi vào
tình thế bế tắc nghiêm trọng. Ở Pháp, phong trào phản chiến phát triển
mạnh. Ngày 7-5-1953, Chính phủ Pháp cử Đại tướng Henri Navarre
sang Đông Dương thay Raoul Salan với tham vọng giành được một
chiến thắng quyết định trong vòng 18 tháng để mở ra một lối thoát
96 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

danh dự cho nước Pháp. Nhưng “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. Cuộc
kháng chiến của quân và dân Việt Nam cũng trưởng thành về mọi mặt,
tập trung toàn lực để đánh bại kế hoạch Navarre. Thực hiện chỉ đạo của
Trung ương, từ giữa năm 1953, chiến trường Nam Bộ chuyển sang thế
tiến công và đã giành thắng lợi trong nhiều trận đánh ở cả Phân liên khu
miền Đông và Phân liên khu miền Tây, như trận Tầm Vu (Tân An), các
trận diệt đồn Hàng Dương (Bà Rịa - Chợ Lớn), Bến Tranh (Chợ Lớn),
Xẻo Rô (An Biên)..., góp sức cùng với quân, dân cả nước giành thắng lợi
trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, kết thúc bằng
cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến
thắng Điện Biên Phủ tháng 5-1954, tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ
điểm của quân đội Pháp được coi là “bất khả xâm phạm” ở Tây Bắc Việt
Nam, làm nức lòng quân, dân cả nước. Trong cuộc tiến công chiến lược
ấy, để phối hợp với chiến trường Bắc Bộ và đặc biệt là với Chiến dịch
Điện Biên Phủ, quân và dân Nam Bộ đã dốc toàn lực đẩy mạnh nhịp độ
tấn công trên khắp các địa phương Nam Bộ, trước hết là vào vùng địch
hậu của các tỉnh Gia Định Ninh, Thủ Biên, Long Châu Sa, Mỹ Tho, Cần
Thơ, Sóc Trăng, Rạch Giá, Bạc Liêu... và tấn công vào hàng loạt các trục
giao thông quan trọng của quân Pháp như quốc lộ số 1, số 13, 14, các
tuyến đường sắt Sài Gòn - Phan Thiết, Sài Gòn - Lộc Ninh... diệt nhiều
sinh lực và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của quân Pháp, như
trận đánh của đặc công vào kho quân sự ở Phú Thọ Hòa (tháng 5-1954)
đã phá hủy được 9.000 tấn bom đạn, thiêu hủy 10 triệu lít xăng dầu và
tiêu diệt 1 tiểu đoàn lính Âu - Phi của quân đội Pháp1. Những hoạt động
quân sự mạnh mẽ của quân và dân Nam Bộ đã góp phần quan trọng
kìm giữ lực lượng địch, không cho chúng chi viện cho chiến trường
chính Bắc Bộ, tạo điều kiện thuận lợi để quân ta tiêu diệt hoàn toàn tập
đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định
Genève kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

1. Phan Xuân Biên: Nam Bộ trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và
Điện Biên Phủ. In trong 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và sự nghiệp đổi mới
đất nước, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004, tr.238-239.
97

Chương II

NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN


CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC (1954-1975)

I- CÙNG VỚI TOÀN MIỀN NAM, NAM BỘ BỊ ĐẶT DƯỚI ÁCH CAI TRỊ
CỦA CHÍNH QUYỀN NGÔ ĐÌNH DIỆM

Ngay từ cuối những năm 40 của thế kỷ XX, trong khi giúp Pháp
tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ đã thực hiện chính
sách hai mặt: vừa giúp Pháp tiến hành chiến tranh thông qua việc cung
cấp vũ khí, đạn dược và các phương tiện chiến tranh khác cho quân đội
Pháp ở Đông Dương, lại vừa, tìm cách nắm thực quyền điều hành chiến
tranh thông qua các lực lượng tay sai với mưu đồ gạt Pháp ra khỏi Việt
Nam và Đông Dương.
Một biện pháp quan trọng mà Mỹ thực hiện nhằm từng bước hất cẳng
Pháp là trực tiếp nắm lấy quân đội và chính quyền do Pháp lập ra dưới tên
gọi là Quốc gia Việt Nam, biến các tổ chức này thành công cụ của Mỹ. Trên
tinh thần ấy, tháng 12-1950, Mỹ đã ký với Chính phủ Pháp và các chính
phủ bù nhìn ở Đông Dương “Hiệp ước phòng thủ chung Đông Dương”. Và
tháng 9-1951, Mỹ ký thẳng với Chính phủ Bảo Đại hiệp ước tay đôi với tên
gọi “Hiệp ước hợp tác kinh tế Việt - Mỹ” nhằm chuyển thẳng một phần viện
trợ Mỹ vào tay chính phủ này không qua Chính phủ Pháp.
Từ năm 1950 đến năm 1954, bên cạnh việc viện trợ khổng lồ vũ khí,
tiền bạc cho Pháp xâm lược Đông Dương, Mỹ còn viện trợ trực tiếp cho
Chính phủ Bảo Đại ở Việt Nam 23 triệu đôla bằng hàng hóa và khoảng
36 triệu đôla bằng tiền mặt, 15 triệu đôla vũ khí.
98 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Để thực sự nắm được chính quyền Quốc gia Việt Nam, Mỹ ráo riết
tìm kiếm cho mình một con bài chính trị. Con bài ấy chính là Ngô Đình
Diệm, một người nổi tiếng về “chống cộng”, có mâu thuẫn với Pháp và
do đó có vẻ bề ngoài là “yêu nước”, “chống Pháp”.
Mối quan hệ gắn bó giữa Ngô Đình Diệm với Mỹ đã được một tài
liệu của Bộ Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương nêu rõ: “Từ năm
1948, Diệm có quan hệ chặt chẽ với Mỹ để tập hợp lực lượng, chủ yếu là
Thiên Chúa giáo, khi có đủ sức sẽ yêu cầu Mỹ viện trợ kinh tế, ngoại giao.
Theo Diệm, Mỹ chỉ nên can thiệp khi Pháp đã suy yếu, không đủ sức theo
đuổi cuộc chiến tranh nữa”1.
Đối với Mỹ, việc đưa Ngô Đình Diệm lên làm người đứng đầu chính
quyền có sự mặc cả giữa Mỹ và Pháp. Ngay từ năm 1949, Mỹ định đưa
Ngô Đình Diệm lên nắm quyền nhưng Pháp không chấp nhận. Năm
1950, trước những thất bại của Pháp trên chiến trường Đông Dương,
đặc biệt sau Chiến dịch Biên giới, Mỹ lại gây sức ép với Pháp để đưa Ngô
Đình Diệm lên làm Thủ tướng, nhưng việc cũng không thành. Thời kỳ
1953-1954, trước những thất bại thảm hại của thực dân Pháp và vai trò
ngày càng lớn của Mỹ về các mặt quân sự, chính trị, tài chính ở Đông
Dương, trước sự sụp đổ của các chính phủ tay sai do Nguyễn Văn Tâm
và Bửu Lộc đứng đầu, và trước sức ép không sao cưỡng nổi của Mỹ,
Pháp và Bảo Đại phải chính thức mời Ngô Đình Diệm về Sài Gòn. Ngày
6-7-1954, dựa vào sự ủng hộ của Mỹ, Ngô Đình Diệm lập nội các đầu
tiên ở Sài Gòn do ông ta làm Thủ tướng kiêm Bộ Nội vụ và Quốc phòng.
Trong số 16 thành viên nội các còn lại, đa số là các phần tử thân Mỹ và
có quan hệ mật thiết với Diệm, như: Quốc vụ khanh: Trần Văn Chương,
Tổng trưởng Ngoại giao: Trần Văn Đỗ, Tổng trưởng Tài chính và Kinh
tế: Trần Văn Của, Tổng trưởng Canh nông: Phan Khắc Sửu, Bộ trưởng
tại Phủ Thủ tướng: Trần Chánh Thành. Một tháng sau khi chính phủ
thân Mỹ của Ngô Đình Diệm được thành lập ở Sài Gòn, tại một cuộc
họp quan trọng của Hội đồng an ninh Mỹ do Tổng thống Eisenhower

1. Bernard Fall: Le deux Vietnam, Payor, Paris, 1967, p. 278.


CHƯƠNG II: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC... 99

chủ trì, Hội đồng đã chính thức ra quyết định thay Pháp giữ vai trò
chính trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam thông qua 4 chính
sách lớn:
- Mỹ trực tiếp viện trợ cho chính quyền Sài Gòn, không chuyển qua
tay Pháp nữa.
- Mỹ trực tiếp chỉ huy và huấn luyện quân đội Việt Nam.
- Buộc Pháp phải rút hết quân khỏi miền Nam Việt Nam.
- Loại bỏ Bảo Đại, tay sai lâu đời của Pháp.
Nội dung của các chính sách ấy đã thể hiện rõ quyết tâm của Mỹ
biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự
của Mỹ. Điều đó cũng có nghĩa là Mỹ không hề có ý định tôn trọng các
điều khoản đã được ký kết tại Hội nghị Genève về việc tôn trọng độc lập,
chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Chủ nghĩa
thực dân mới của Mỹ khác với chủ nghĩa thực dân cũ ở chỗ: Chủ nghĩa
thực dân mới thực hiện việc cai trị gián tiếp, thông qua hệ thống chính
quyền của người bản xứ và lực lượng vũ trang bao gồm người bản xứ,
không phải là lực lượng quân viễn chinh như quân đội Pháp trước đó.
Thực hiện âm mưu lâu dài đối với Việt Nam, ngay sau khi Hiệp định
Genève được ký kết, Mỹ đã ra mặt quyết liệt chống lại việc tiến hành
tuyển cử tự do có sự giám sát quốc tế để chọn một chính phủ duy nhất
cho toàn Việt Nam. Bởi vì, theo những người lãnh đạo cao nhất của
nước Mỹ thì “cuộc tổng tuyển cử sẽ kết thúc với sự toàn thắng của miền
Bắc và thống nhất lại đất nước. Điều này cũng được ghi lại trong hồi ký
của Eisenhower. Đó cũng là dư luận của 90% dân chúng sau Hội nghị
Genève”1. Còn tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ thì nêu rõ: “Các Bị
vong lục của Hội đồng An ninh Quốc gia và các bức điện của Bộ Ngoại
giao cho thấy chính quyền Aixenhao muốn hoãn cuộc tuyển cử càng lâu
càng tốt và thông báo ý kiến đó tới ông Diệm”2.

1. Maicơn Maclia:Việt Nam, cuộc chiến tranh mười nghìn ngày, Nxb. Sự thật,
Hà Nội, 1990, tr. 14.
2. Tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ về chiến tranh xâm lược Việt Nam,
Việt Nam Thông tấn xã phát hành Tháng 8-1971, t.1, tr. 55.
100 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Việc chuyển giao quyền lực giữa Pháp và Mỹ sau Hiệp định Genève
diễn ra nhanh chóng. Ngày 20-11-1954, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ
John Foster Dulles đã báo cho Thủ tướng Pháp Pierre Mendès France
việc Mỹ sẽ trực tiếp “viện trợ” cho chính quyền Ngô Đình Diệm từ đầu
năm sau. Sang tháng 12-1954, Đô đốc Mỹ Radford, Tổng Tham mưu
trưởng quân đội Mỹ đích thân sang Sài Gòn để đôn đốc và đẩy nhanh
việc chuyển giao này. Cũng trong tháng 12-1954, với sức ép của Mỹ,
tướng Ély, Tổng Chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương đã phải ký với
tướng Mỹ Collins và chính quyền Ngô Đình Diệm hiệp ước quy định
việc tổ chức huấn luyện quân đội Sài Gòn ở miền Nam từ nay hoàn toàn
do Mỹ chịu trách nhiệm.
Ngày 23-10-1955, Ngô Đình Diệm tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lật
đổ Quốc trưởng Bảo Đại để lên làm Quốc trưởng.
Ngày 26-10-1955, Ngô Đình Diệm nhân danh Quốc trưởng Việt
Nam ban hành Hiến ước tạm thời số 1 tuyên bố chính thể quốc gia Việt
Nam là một nước cộng hòa, theo đó, Quốc trưởng đồng thời cũng là
Thủ tướng Chính phủ lấy danh hiệu là Tổng thống Việt Nam Cộng hòa
(Điều 2), đồng thời thành lập Ủy ban soạn thảo Hiến pháp (Điều 3).
Chính quyền Sài Gòn đổi gọi Bắc Việt, Trung Việt, Nam Việt là Bắc
Phần, Trung Phần, Nam Phần, sáp nhập Cao nguyên miền Nam cũ với
Trung Việt cũ thành Trung Phần; chia Trung Phần ra Cao nguyên Trung
Phần và Trung nguyên Trung Phần; chia Nam Phần ra Đông Nam Phần
và Tây Nam Phần. Tỉnh chia ra quận, quận chia ra tổng, tổng chia ra xã.
Tháng 10-1956, chính quyền Sài Gòn chia lại Nam Phần, gồm Đô
thành Sài Gòn và 20 tỉnh (ngày 22-10-1956)1. Chính quyền Ngô Đình
Diệm cho thay một số địa danh chữ Nôm hoặc có nguồn gốc chữ Khmer
bằng các địa danh chữ Hán - Việt như Bến Tre thành Kiến Hòa, Cần Thơ
thành Phong Dinh, Sóc Trăng thành Ba Xuyên, Cà Mau thành An Xuyên
và hợp nhất một số tỉnh như Bà Rịa và Vũng Tàu thành Phước Tuy, Chợ
Lớn và Tân An thành Long An, Mỹ Tho và Gò Công thành Định Tường…

1. Công báo Việt Nam Cộng hòa, năm thứ hai, số 47, thứ tư, 24-10-1956.
CHƯƠNG II: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC... 101

Việc lập các tỉnh mới, sáp nhập tỉnh… chủ yếu để thực hiện âm
mưu làm xáo trộn, khống chế các căn cứ thời kháng chiến chống Pháp
của cách mạng… Trước đó, tại Nam Phần đã lập các tỉnh: Tam Cần (ngày
9-2-1956), Mộc Hóa (ngày 17-2-1956), Phong Thạnh (ngày 17-2-1956),
Cà Mau (ngày 9-3-1956). Sau đó, tại Nam Phần lập thêm các tỉnh: Phước
Thành (ngày 23-1-1959), Chương Thiện (ngày 24-12-1961), Hậu Nghĩa
(ngày 15-10-1963), Gò Công (ngày 20-12-1963), Bạc Liêu (ngày 1-10-
1964), Châu Đốc (ngày 1-10-1964), Sa Đéc (ngày 24-9-1966).
Chủ trương của Mỹ trong giai đoạn đầu là tăng cường số “cố vấn”
và viện trợ Mỹ, xây dựng và củng cố chính quyền Ngô Đình Diệm.
Thực hiện chủ trương trên, Tổng thống Eisenhower cử tướng Collins,
nguyên Tổng Tham mưu trưởng lục quân Mỹ, sang Sài Gòn làm đại
sứ của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam Cộng hòa. Quyền lực
của viên đại sứ Mỹ ở Sài Gòn rất lớn, có thể so sánh với các viên toàn
quyền, cao ủy Pháp trước đây ở Việt Nam. Chỉ có điểm khác nhau là,
nay viên đại sứ thể hiện quyền lực một cách giấu mặt và khéo léo, tinh
vi hơn. Chính tướng H. Navarre, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông
Dương thời kỳ 1953-1954, người đã chứng kiến cuộc chuyển giao vai
trò giữa Pháp và Mỹ trong giai đoạn này đã viết trong cuốn Đông
Dương hấp hối: “Nhờ sức mạnh của đồng đôla, họ đã chiếm lấy vị trí
của chúng ta, nhưng dưới một hình thức dường như không thấy được.
Không có toàn quyền, công sứ, cao ủy Mỹ nhưng có một đại sứ Mỹ, và
không một điều gì có thể thực hiện nếu không được ông ta cho phép.
Các dân tộc tưởng mình được tự do, mà không thấy rằng mình đã bị
tiền bạc chi phối một cách khắc nghiệt, mình chỉ là con rối của Mỹ”1.
Trước khi đến Sài Gòn, Collins đã đưa ra một kế hoạch 6 điểm. Kế
hoạch mang những nội dung hết sức rõ ràng: Mỹ thay thế Pháp trong
vai trò giúp xây dựng ở miền Nam Việt Nam một chính quyền thân Mỹ.
Xé bỏ những điều khoản của Hiệp định Genève về việc tổng tuyển cử,
thống nhất nước Việt Nam. Tổ chức tổng tuyển cử riêng rẽ ở miền Nam,

1. H. NavarreH.: Agonie de l’Indochine, Librairie. Plon, Paris, 1957, p.331.


102 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

chia cắt lâu dài nước Việt Nam. Xây dựng cơ sở xã hội và chính trị cho
chính quyền Ngô Đình Diệm thông qua các biện pháp định cư có ưu đãi
gần 1 triệu người miền Bắc di cư, nhất là số tín đồ Thiên Chúa giáo, thực
hiện cải cách điền địa để xóa bỏ thành quả chính sách ruộng đất của
cách mạng, cướp lại ruộng đất trong tay nông dân lao động trao lại cho
giai cấp địa chủ và tư sản, tạo điều kiện cho tư bản Mỹ xâm nhập miền
Nam, biến miền Nam thành thị trường tiêu thụ hàng hóa Mỹ, đồng thời
tích cực đào tạo cán bộ hành chính cho chính quyền Sài Gòn.
Để giúp chính quyền Ngô Đình Diệm xây dựng bộ máy cai trị, ngay
từ năm 1955, Chính phủ Mỹ đã chỉ thị cho Trường Đại học chính trị
Michigan cử một đoàn gồm 54 cố vấn cấp cao sang làm cố vấn cho Ngô
Đình Diệm trong các việc soạn hiến pháp, xây dựng hệ thống quân đội,
tình báo, cảnh sát, nhà tù cùng các bộ máy ngoại giao, tổ chức hành
chính các cấp, đồng thời định ra các chế độ kinh tế, tài chính và tiền
tệ, thực hiện cải cách điền địa. Nhiều cố vấn Mỹ đã xử lý công việc ở
các bộ, sở như các bộ trưởng, giám đốc của Diệm. Đây là lần đầu tiên
Chính phủ Mỹ cử một phái đoàn cố vấn cấp cao đông đảo như vậy ra
nước ngoài, gần như một chính phủ đặt chồng lên một chính phủ sở tại
ở nước khác.
Mục tiêu Mỹ đặt ra lúc này: “Điều tuyệt đối cần thiết là phải có một
chính phủ dân sự mạnh, ổn định nắm chính quyền”1.
Song, ngay sau khi Hiệp định Genève được ký kết và các lực lượng
cách mạng tập kết ra Bắc, việc kiểm soát các vùng đất ở miền Nam của
chính quyền Ngô Đình Diệm gặp phải sự chống đối của các lực lượng
chính trị thân Pháp và các giáo phái. Tháng 3-1955, ở Nam Bộ đã có
xung đột mạnh mẽ giữa chính quyền Ngô Đình Diệm với các giáo phái
gọi là “Tam liên” (Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên). Các lực lượng quân
đội của Ngô Đình Diệm đánh nhau ác liệt với quân đội Hòa Hảo ở vùng
Hậu Giang và đánh nhau với quân đội Bình Xuyên ngay tại Sài Gòn.

1. Tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam,
tập I, Việt Nam Thông tấn xã phát hành, tháng 8-1971, tr. 27.
CHƯƠNG II: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC... 103

Được Mỹ hỗ trợ, phần thắng đã thuộc về Ngô Đình Diệm. Quân đội
Hòa Hảo và Bình Xuyên tan rã, còn lực lượng Cao Đài bị mua chuộc,
phản lại “Tam liên”.
Các thế lực thân Pháp, sau một thời gian chống đối, cũng đã bị lực
lượng của Ngô Đình Diệm tiêu diệt và làm cho tan rã. Đối với các giáo
phái, sau Chiến dịch Nguyễn Huệ diễn ra trong thời gian 6 tháng đầu
năm 1956 đánh vào Đồng Tháp Mười, Ô Môn, Thốt Nốt, các lực lượng
vũ trang của Hòa Hảo do Năm Lửa, Ba Cụt, Trần Văn Soái chỉ huy và
lực lượng vũ trang của Cao Đài cũng bị tiêu diệt gần hết. Một số đơn vị
vũ trang của Cao Đài quy thuận theo Ngô Đình Diệm.
Rảnh tay với lực lượng các giáo phái, dựa vào sự giúp đỡ của Mỹ, tổ
chức chính quyền Sài Gòn do Ngô Đình Diệm đứng đầu được xây dựng
khá quy củ và chặt chẽ ở miền Nam. Ở Trung ương, ngoài Quốc hội
được bầu lên qua một cuộc tổng tuyển cử là cơ quan lập pháp có Tổng
thống và kèm theo là Phủ Tổng thống với rất nhiều quyền lực. Tổng
thống vừa là Quốc trưởng, vừa là Thủ tướng. Chính phủ Sài Gòn lúc ấy
có các bộ: Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ
Kinh tế, Bộ Y tế, Bộ Công dân vụ, Bộ Lao động, Bộ Quốc gia giáo dục,
Bộ Công chính giao thông, Bộ Tài chính, Bộ Cải tiến nông thôn…
Sau khi lên làm Tổng thống, Ngô Đình Diệm ban hành bản Hiến
pháp vào ngày 26-10-1956 xác định: Việt Nam là một nước cộng hòa
(Điều 1), Tổng thống và Phó Tổng thống được bầu theo lối liên danh,
nhiệm kỳ 5 năm. Tổng thống nắm quyền điều hành toàn bộ hệ thống
cơ quan hành pháp (Điều 3). Quốc hội là cơ quan lập pháp, bầu theo lối
phổ thông, trực tiếp và kín. Các cơ quan tư pháp gồm có Thượng hội đồng
thẩm phán và đặc biệt pháp viện, hoạt động theo nguyên tắc độc lập1.
Để quản lý lãnh thổ, chính quyền Sài Gòn đã ra sức cải tổ nền
hành chính ở các địa phương miền Nam. Bộ máy hành chính được

1. Xem Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa 1956 và những vấn đề chính trị cơ bản,
Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Thành phố Hồ Chí Minh, ký
hiệu VN 1388.
104 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Ngô Đình Diệm quy định gồm các cấp là phần, tỉnh, đô thành và thành
phố, quận, tổng, xã. Ở các phần (Trung phần, Nam phần), chính quyền
Sài Gòn thiết lập chế độ đại biểu Chính phủ và ấn định lại quản hạt các
Tòa đại biểu. Những đại biểu Chính phủ chỉ làm nhiệm vụ trung gian
giữa chính quyền Trung ương và các tỉnh trưởng.
Ở các tỉnh có các tỉnh trưởng do Tổng thống bổ nhiệm và chỉ huy
trực tiếp. Tỉnh trưởng là người có quyền hành rộng rãi, là người đại diện
chính quyền Trung ương tại tỉnh, nắm quyền chỉ huy hành chính, tài
chính và tư pháp trong tỉnh.
Ở Đô thành Sài Gòn, người đứng đầu chính quyền Việt Nam Cộng
hòa (Tổng thống) trực tiếp bổ nhiệm và điều khiển đô trưởng và các phó
đô trưởng. Đô trưởng là người đại diện chính quyền Trung ương tại Đô
thành và là người điều khiển và nắm quyền chỉ huy mọi hoạt động của
thành phố. Ở Sài Gòn, có một số quận trưởng do Tổng thống bổ nhiệm.
Dưới thời Ngô Đình Diệm, quận trưởng cũng do Tổng thống bổ
nhiệm theo đề nghị của tỉnh trưởng.
Để nắm được vùng nông thôn là vùng mà trong thời kỳ kháng chiến
chống Pháp chủ yếu do cách mạng kiểm soát, chính quyền Sài Gòn lập
ra các hội đồng xã do tỉnh trưởng trực tiếp lựa chọn và bổ nhiệm nhân
viên. Chủ trương này được thực hiện trong tháng 6 và tháng 8-1956
bằng việc hủy bỏ tất cả các hội đồng xã đã được bầu từ trước đó trên
khắp lãnh thổ miền Nam Việt Nam1.
Với một chính quyền được lập nên dựa chủ yếu vào sức mạnh của
Mỹ chứ không phải bằng sự ủng hộ của nhân dân, chính quyền Sài Gòn
hết sức coi trọng việc xây dựng quân đội, coi đó là xương sống của chính
quyền Sài Gòn.
Ngay từ sau khi Hiệp định Gienève được ký kết, Mỹ đã có kế hoạch
cải tổ “Quân đội quốc gia” do Pháp lập nên để đội quân này đáp ứng
được yêu cầu của Mỹ là làm chỗ dựa cho chính quyền Sài Gòn thân Mỹ

1. Xem Trần Đức Cường (Chủ biên): Lịch sử Việt Nam, tập 12 (từ năm 1954
đến năm 1965), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2014, tr. 184-185.
CHƯƠNG II: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC... 105

và tiến tới làm lực lượng nòng cốt thực hiện “chiến lược vành đai” của
Mỹ ở Đông Nam Á.
Mỹ đã dành những khoản viện trợ quân sự không nhỏ cho quân đội
Sài Gòn: Năm 1955 là 234,8 triệu đôla, năm 1956: 180 triệu đôla, năm
1957: 162,8 triệu đôla, năm 1958: 184,3 triệu đôla, năm 1959: 143 triệu
đôla, năm 1960: 164 triệu đôla, năm 1961: 160 triệu đôla1. Mỹ cũng có
những biện pháp cụ thể như cử cố vấn, lập các phái đoàn quân sự… để
đảm bảo việc Mỹ “trực tiếp nắm lấy việc xây dựng, tổ chức, huấn luyện,
chỉ đạo” quân đội Sài Gòn.
Với viện trợ hào phóng và sự giúp đỡ tích cực của các cố vấn Mỹ,
quân đội Sài Gòn - với tên gọi chính thức là Quân đội Việt Nam Cộng
hòa phát triển nhanh chóng: Nếu đầu năm 1955 mới có 3 sư đoàn đầu
tiên là các sư đoàn 11, 21 và 31 thì đến cuối năm, đã có toàn bộ 10 sư
đoàn, 1 liên đoàn nhảy dù, 4 trung đoàn kỵ binh thiết giáp, 11 tiểu đoàn
pháo, 13 trung đoàn địa phương, 6 trung đoàn bộ binh giáo phái và một
số đơn vị thuộc quân chủng hải quân và không quân. Số quân của quân
đội Sài Gòn khoảng 20 vạn người2.
Trong thời kỳ Ngô Đình Diệm thống trị miền Nam, tín đồ Thiên
Chúa giáo được đưa làm nòng cốt trong chính quyền và quân đội Sài
Gòn để làm chỗ dựa chính trị cho Ngô Đình Diệm.
Vị linh mục nguyên là Viện trưởng Viện Đại học Huế là Cao Văn
Luận thừa nhận: “Mọi chức vụ lãnh đạo quốc gia đều trong tay người
Công giáo”3.
Trong quân đội Sài Gòn, tính đến năm 1956, phần đông các sĩ quan
cấp tướng, cấp tá là người Công giáo. Riêng cấp tướng, có đến 40% là
người Công giáo. Trong quân đội Ngô Đình Diệm có tới 40 linh mục
làm tuyên úy…

1. Xem Bùi Đình Thanh - Nguyễn Công Bình - Cao Văn Lượng…: Tám năm đấu
tranh anh dũng và gian khổ của đồng bào miền Nam, Nxb. Sử học, Hà Nội, 1962, tr. 56.
2. Xem Trần Văn Trà: Những chặng đường lịch sử của B2 thành đồng, tập I:
Hòa bình hay chiến tranh, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1992, tr.60.
3. Cao Văn Luận: Bên dòng lịch sử, Nxb. Trí Đăng, Sài Gòn, 1972, tr.315.
106 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Với một bộ máy chính quyền ngày càng được kiện toàn từ Trung
ương đến các thôn xã, một thành phần đông đảo bao gồm quân đội,
công an, tình báo, công dân vụ, từ giữa năm 1956, chính quyền Ngô
Đình Diệm triển khai giai đoạn hai “tố cộng, diệt cộng”, đánh phá có
chiều sâu, hòng quét sạch cơ sở của Đảng Cộng sản với những khẩu
hiệu như “tiêu diệt nội tuyến, diệt trừ nội tâm”, “đạp lên oán thù để thực
thi dân chủ, nhân vị quốc gia”.
Tháng 5-1957, chính quyền Ngô Đình Diệm ra Sắc lệnh “đặt cộng
sản ra ngoài vòng pháp luật” và áp dụng nhiều biện pháp “chống cộng”
rất quyết liệt: Tổ chức các buổi tập trung để “tố cộng” rộng rãi trong
nhân dân, phân loại quần chúng để phát hiện cơ sở Đảng Cộng sản, cơ
sở cách mạng, dùng các phần tử đầu hàng, đầu thú để vu cáo cách mạng,
nói xấu những người cộng sản và những người kháng chiến cũ, gài gián
điệp nằm vùng ở khắp nơi để chỉ điểm, truy lùng cán bộ, đảng viên.
Chính quyền Ngô Đình Diệm tìm mọi thủ đoạn nham hiểm đánh
vào truyền thống trọng nhân nghĩa, thủy chung của dân tộc Việt Nam
bằng cách ép buộc người dân phải vu khống những người cộng sản,
những người kháng chiến cũ, tìm cách cô lập cán bộ, chia rẽ cán bộ
với quần chúng, tập trung nhằm cách ly và phân biệt đối xử với các gia
đình kháng chiến cũ, gia đình có con em tập kết. Chúng đặt yêu cầu cho
các đợt “tố cộng, diệt cộng” là phải “tiêu diệt những phần tử cộng sản,
những tổ chức cộng sản và cả tư tưởng cộng sản”, nghĩa là tiêu diệt cả về
thể xác và niềm tin của họ.
Để thực hiện chính sách “tố cộng, diệt cộng” và tiêu diệt phong trào
cách mạng của nhân dân miền Nam, chính quyền và quân đội Sài Gòn
đã mở nhiều cuộc hành quân càn quét với quy mô lớn, hàng 2 - 3 sư
đoàn cùng lính bảo an, dân vệ, cảnh sát chiến đấu nhằm khủng bố, đàn
áp cán bộ và nhân dân. Các lực lượng quân đội Sài Gòn mở những chiến
dịch càn quét dài ngày, trên diện rộng mà trọng tâm, trọng điểm là vùng
căn cứ cũ, vùng tự do của ta trong kháng chiến chống Pháp. Ví dụ như
Chiến dịch Nguyễn Trãi ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ từ tháng 4 đến
tháng 11-1956, Chiến dịch Thoại Ngọc Hầu ở 18 tỉnh miền Tây Nam Bộ
CHƯƠNG II: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC... 107

từ tháng 5-1956 đến tháng 2-1957, Chiến dịch Trương Tấn Bửu ở miền
Đông Nam Bộ từ tháng 7-1956 đến tháng 2-1957, Chiến dịch Thồ Lô ở 8
tỉnh miền Đông Nam Bộ tháng 9-1958, Chiến dịch Hồng Châu ở ngay
vùng ven đô Sài Gòn - Gia Định tháng 7-1958.
Chính sách “tố cộng, diệt cộng” với những biện pháp dã man, thâm
độc của chính quyền Ngô Đình Diệm trong khoảng thời gian từ năm
1955 đến năm 1958 đã gây ra cho cách mạng và nhân dân miền Nam
biết bao khó khăn, tổn thất: Cơ sở đảng, cơ sở cách mạng bị thiệt hại
nghiêm trọng, phong trào đấu tranh của quần chúng bị lắng xuống
trước bạo lực tàn ác của chính quyền Việt Nam cộng hòa. Đây thực sự
là những năm “đen tối nhất” của cách mạng miền Nam với biết bao mất
mát, đau thương. Từ năm 1955 đến năm 1958, ở Nam Bộ, “khoảng 7
vạn cán bộ, đảng viên bị địch giết, gần 90 vạn cán bộ, nhân dân bị bắt,
bị tù đày, gần 20 vạn người bị tra tấn thành thương tật, chỉ còn khoảng
5 ngàn so với 60 ngàn đảng viên trước đó”1. Ngô Đình Diệm dứt khoát
xóa bỏ các giá trị pháp lý của Hiệp định Genève năm 1954, từ chối hiệp
thương tổng tuyển cử với miền Bắc nhằm thống nhất đất nước. Trả lời
Tuyên bố ngày 6-6-1955 của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
về việc “sẵn sàng mở hội nghị hiệp thương với những nhà đương cục có
thẩm quyền ở miền Nam bắt đầu từ ngày 20-7-1955, để bàn về vấn đề
tổ chức tổng tuyển cử tự do trong toàn quốc vào tháng 7-1956”, người
đứng đầu chính quyền Sài Gòn thẳng thừng khước từ qua lời tuyên bố
trên Đài phát thanh Sài Gòn ngày 16-7-1955: “Chúng ta không bị ràng
buộc vào bất kỳ hình thức nào của các hiệp định được ký kết”.
Ngô Đình Diệm còn cho thành lập Cần lao nhân vị cách mạng
Đảng do Ngô Đình Nhu trực tiếp điều khiển, là một sự kết hợp của bộ
máy chính trị độc tài, gia đình trị với một kiểu hội kín mang tính chất
khủng bố kiểu mafia. Chính quyền Sài Gòn còn cho thành lập một số
tổ chức chính trị khác để làm chỗ dựa cho mình. Trước hết phải kể đến

1. Ban chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc
kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia,
Hà Nội, 1995, tr. 310.
108 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Phong trào cách mạng quốc gia do Trần Chánh Thành cầm đầu, được
thành lập cuối năm 1954. Tổ chức này phát triển ở cả nông thôn và đô
thị, trước hết nhằm lôi kéo các công chức và nhân viên chính quyền Sài
Gòn các cấp. Để thu hút nhiều thành phần dân chúng tham gia, Phong
trào cách mạng quốc gia thành lập một số liên đoàn, như Liên đoàn tư
chức cách mạng quốc gia, Liên đoàn công chức cách mạng quốc gia,
Liên đoàn phụ nữ cách mạng quốc gia, Liên đoàn thanh niên cách mạng
quốc gia. Chính quyền Ngô Đình Diệm phát triển ồ ạt các liên đoàn này
để dễ bề kiểm soát các tầng lớp nhân dân miền Nam, tách họ ra khỏi các
tổ chức yêu nước.
Ngô Đình Diệm cũng cho thành lập một số tổ chức của các tầng
lớp trên ở miền Nam như Tập đoàn công dân của Trần Văn Lắm (cuối
năm 1954), Phong trào tranh thủ tự do do Bùi Văn Thinh cầm đầu (cuối
năm 1954). Những tổ chức này đã tích cực ủng hộ Ngô Đình Diệm nắm
quyền ở Sài Gòn.
Còn cần phải kể ra đây hai tổ chức chính trị nữa ở miền Nam vào
thời gian này, là Tổng Liên đoàn lao công của Trần Quốc Bửu và tổ chức
Thanh niên cộng hòa. Thanh niên cộng hòa, thực chất là một tổ chức
quân sự trá hình, nhằm đẩy thanh niên miền Nam vào con đường cầm
súng bảo vệ chế độ Sài Gòn.
Thực tế lịch sử cho thấy, hầu hết những tổ chức trên từ Đảng Cần
lao đến Phong trào cách mạng quốc gia, từ Thanh niên cộng hòa đến tổ
chức Phụ nữ liên đới do vợ “cố vấn” Ngô Đình Nhu là Trần Lệ Xuân cầm
đầu, đều nhằm phục vụ chế độ độc tài, gia đình trị của Ngô Đình Diệm.
Cùng với viện trợ quân sự, viện trợ kinh tế Mỹ là điểm mấu chốt
nhằm thực hiện chính sách thâm nhập về kinh tế của Mỹ vào miền Nam
Việt Nam. Có hai hình thức hoạt động kinh tế chính là viện trợ thương
mại hoá và tạo điều kiện dễ dàng cho tư bản Mỹ đầu tư trực tiếp vào
miền Nam Việt Nam. Thời gian này, Mỹ đã ký với chính quyền Sài Gòn
một số văn kiện về thuế quan, ngân hàng, tiền tệ. Ví dụ như Hiệp định
ngày 20 và 26-8-1954 cho phép các hàng viện trợ và trang bị của Mỹ
được nhập tự do và miễn mọi khoản thuế nội địa…
CHƯƠNG II: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC... 109

Với các loại hiệp định như vậy, dưới hình thức “viện trợ”, hàng hoá Mỹ
và một số nước tư bản khác đổ vào miền Nam nói chung, Nam Bộ nói riêng
ngày càng nhiều. Trong tổng số tiền “viện trợ” của Mỹ dành cho miền Nam
từ năm 1955 đến năm 1960 là khoảng 2 tỷ đôla thì ba phần tư là bằng hàng
hoá, biến miền Nam thành một thị trường tiêu thụ hàng hóa của Mỹ.

II- NHÂN DÂN NAM BỘ ĐẤU TRANH CHỐNG MỸ VÀ CHÍNH QUYỀN


SÀI GÒN THỜI KỲ 1954-1959

1. Phong trào đấu tranh chính trị đòi thi hành Hiệp định Genève
Ngày 1-8-1954, chỉ 10 ngày sau khi Hiệp định Genève ký kết, một
cuộc mít tinh khổng lồ của 50.000 người diễn ra ngay tại đô thành Sài
Gòn - Chợ Lớn hoan nghênh Hiệp định, đòi thi hành tự do dân chủ,
đòi đối phương hủy bỏ việc động viên quân đội. Đây là tiếng sấm đầu
tiên nổ ra tại trung tâm chính trị lớn nhất miền Nam, báo hiệu một giai
đoạn đấu tranh mới bắt đầu: Giai đoạn đấu tranh chính trị. Cũng vào
thời gian này, phong trào đấu tranh nổi lên rầm rộ khắp nơi. Ngày 2-8-
1954, 5.000 công nhân đồn điền cao su An Lộc bãi công liên tiếp trong
ba ngày để chào mừng Hiệp định Genève, đấu tranh đòi chủ tăng lương
20% và đòi bãi bỏ thuế đảm phụ chiến tranh.
Hòa nhịp với phong trào đấu tranh đòi thi hành nghiêm chỉnh Hiệp
định Genève của nhân dân Sài Gòn và An Lộc, trên hầu khắp các thành
phố, thị xã, làng mạc miền Nam đều có mít tinh, biểu tình với cùng
những khẩu hiệu đấu tranh là: “Hoan nghênh Hiệp định Genève lập
lại hòa bình ở Việt Nam”, “Tiến tới tổng tuyển cử tự do, thống nhất đất
nước”, “Thực hiện quyền tự do, dân chủ”... Đáng kể lúc bấy giờ có cuộc
biểu tình của gần một nghìn quần chúng của ba ấp: Bình Huề, Bình
Thạnh, Bình Thắng thuộc xã Bình Đại vào ngày 19-8-1954 chào đón các
Ủy ban liên hiệp và Ủy ban quốc tế. Ngay sau đó, nhân dân toàn huyện
Bình Đại (Bến Tre) tổ chức một cuộc biểu tình gồm 15.000 người tham
gia, trương băng cờ, khẩu hiệu mừng hòa bình, đòi thi hành nghiêm
chỉnh các điều khoản của Hiệp định Genève.
110 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Trong phong trào đấu tranh rộng rãi của quần chúng ở Sài Gòn -
Chợ Lớn hoan nghênh Hiệp định Genève và đòi hiệp thương tổng tuyển
cử thống nhất đất nước. Vào thời gian này, Phong trào bảo vệ hòa bình
Sài Gòn - Chợ Lớn được thành lập và công bố Hiệu triệu của phong
trào. Bản Hiệu triệu nêu rõ: Phong trào nhằm làm cho hòa bình ở Đông
Dương được củng cố, quyền tự do, dân chủ được bảo đảm, sự thống
nhất nước Việt Nam được thực hiện bằng tổng tuyển cử tự do.
Mục tiêu phù hợp với nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân khiến
Phong trào bảo vệ hòa bình Sài Gòn - Chợ Lớn thu hút được sự tham gia
của nhiều trí thức có uy tín, trong số đó có các vị nhân sĩ, trí thức có
uy tín: Lưu Văn Lang, kỹ sư; Thích Huệ Quang, Chủ tịch Hội Tăng già
Việt Nam; Nguyễn Văn Vỹ, Giám đốc Ngân hàng; Nguyễn Văn Liểng,
dược sĩ; các vị chủ tịch là Trần Kim Quan, dược sĩ; Nguyễn Thị Lựu, cựu
chính trị phạm; Nguyễn Văn Thời, luật sư; Nguyễn Văn Dưỡng, giáo sư
luật khoa; Nguyễn Văn Để, công nhân ở trong Ban thư ký. Người lãnh
đạo phong trào là Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và Tổng Thư ký là Giáo sư
Phạm Huy Thông1.
Tham gia Ban Chấp hành phong trào là đại biểu các đoàn thể tiến
bộ, các tổ chức quần chúng ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Toàn thành phố có 32
Ủy ban hòa bình cơ sở được bầu lên mà nhiệm vụ là lo vận động để tổ
chức Đại hội hòa bình thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn. Phong trào nhanh
chóng lan rộng ra các tỉnh khác ở miền Nam. Phong trào có quan hệ với
Ủy ban quốc tế Giám sát và Kiểm soát đình chiến, sẵn sàng can thiệp với
Ủy ban quốc tế đòi đối phương thả nhiều người bị bắt.
Trước sự phát triển mau chóng và uy tín của phong trào, chính
quyền Ngô Đình Diệm đã ra tay khủng bố. Họ bắt giữ một số người lãnh
đạo của phong trào, trong đó có Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và Giáo sư
Phạm Huy Thông. Các hành động sai trái ấy đã bị nhân dân Việt Nam
ở cả hai miền Nam - Bắc kiên quyết đấu tranh chống lại. Dư luận thế
giới cũng ủng hộ phong trào, lên án các hành động khủng bố của chính

1. Xem Trần Đức Cường (Chủ biên): Lịch sử Việt Nam, tập 12 (từ năm 1954
đến 1965), Sđd, tr. 218.
CHƯƠNG II: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC... 111

quyền Ngô Đình Diệm. Vì vậy, họ đã phải chùn bước, bốn lần đưa các
chiến sĩ của Phong trào bảo vệ hòa bình Sài Gòn - Chợ Lớn ra tòa nhưng
cả bốn lần đều không dám xử công khai, chỉ dám đưa một số người ra
khỏi Sài Gòn để giam giữ.
Phong trào bảo vệ hòa bình Sài Gòn - Chợ Lớn đã tập hợp được đông
đảo các tầng lớp nhân dân trong mặt trận chống chính quyền Ngô Đình
Diệm, lên án các hành động tàn ác của chính quyền này trước dư luận
trong nước và ngoài nước.
Hoạt động nổi bật hơn cả của phong trào là cuộc đấu tranh đòi
hiệp thương tổng tuyển cử để thống nhất Tổ quốc. Đây có thể coi là một
phong trào đấu tranh chính trị rộng lớn và sôi nổi nhất diễn ra suốt hai
năm 1955 và 1956. Phong trào nổi lên đặc biệt mạnh mẽ kể từ khi Chính
phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố: “Sẵn sàng mở hội nghị
hiệp thương với nhà đương cục ở miền Nam bắt đầu từ ngày 20-7-1955
để bàn về vấn đề tổ chức tổng tuyển cử tự do trong toàn quốc vào tháng
7-1956”. Tiếp sau đó, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại gửi
Công hàm cho chính quyền Sài Gòn nêu rõ: “Chính phủ Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa đề nghị các ông cử đại biểu để cùng đại biểu chúng tôi mở
Hội nghị hiệp thương bắt đầu từ ngày 20-7-1955 như đã quy định trong
Hiệp nghị Genève tại một địa điểm trên lãnh thổ Việt Nam do hai bên
cùng thỏa thuận, để cùng nhau bàn về vấn đề thống nhất nước nhà bằng
tổng tuyển cử tự do trong toàn quốc”.
Đề nghị của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đáp ứng được
nguyện vọng thiết tha và cháy bỏng của nhân dân Việt Nam là: hòa
bình, thống nhất đất nước, cùng nhau tiến bước trên con đường tự do,
độc lập và ấm no, hạnh phúc.
Những đề nghị hợp lý, hợp tình của Chính phủ Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa được người Việt Nam ở nước ngoài hoan nghênh, được các
lực lượng dân chủ và tiến bộ trên thế giới đồng tình và ủng hộ. Nhưng
chính quyền Ngô Đình Diệm được Mỹ ủng hộ vẫn làm ngơ, cố tình
không trả lời những đề nghị trên, nhất quyết từ chối hiệp thương và
tổng tuyển cử. Tuy nhiên, trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của
112 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

nhân dân trong cả nước, trước sự lên án của dư luận thế giới coi chính
quyền Ngô Đình Diệm là những kẻ âm mưu chia cắt lâu dài nước Việt
Nam, Ngô Đình Diệm buộc phải lên tiếng trên Đài phát thanh Sài Gòn
nhưng nội dung lại là xuyên tạc Hiệp định Genève và trắng trợn tuyên
bố “không bị ràng buộc vào bất kỳ hình thức nào của các hiệp định
được ký kết…”.
Phong trào đấu tranh đòi hiệp thương và tổng tuyển cử rầm rộ khắp
nơi thuộc Nam Bộ và ở các địa phương khác ở miền Nam. Trong tháng
7-1955, Mặt trận Liên Việt Nam Bộ kêu gọi các tầng lớp nhân dân và
ngoại kiều đấu tranh đòi mở hội nghị hiệp thương. Trong tờ truyền đơn
của Mặt trận đề ngày 1-7-1955, đã vạch trần âm mưu của Mỹ, chính
quyền Ngô Đình Diệm phá hoại tổng tuyển cử, chia cắt lâu dài Việt
Nam, biến miền Nam thành thuộc địa và căn cứ quân sự của Mỹ. Truyền
đơn còn đòi thành lập ở miền Nam Việt Nam một chính phủ dân chủ
tôn trọng Hiệp định Genève, tán thành hòa bình, thống nhất đất nước,
phải hiệp thương với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để bàn
việc thống nhất đất nước v.v.. Ngày 8-8-1955, hơn 2.000 đồng bào huyện
Đức Hòa (Chợ Lớn) míttinh, đưa kiến nghị đòi Ngô Đình Diệm phải
hiệp thương với miền Bắc. Tháng 8-1955, ở các tỉnh Sa Đéc, Gò Công,
Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Châu Đốc, Rạch Giá, Cà Mau, Bạc Liêu,
tổ chức Đảng Cộng sản và các cơ sở cách mạng huy động hàng chục vạn
quần chúng xuống đường, lấy chữ ký phản đối Mỹ và chính quyền Ngô
Đình Diệm, đòi hiệp thương tổng tuyển cử.
Phong trào đấu tranh của nhân dân Nam Bộ cũng như các địa
phương khác ở miền Nam với nội dung đòi Mỹ - Diệm phải thực hiện
nghiêm chỉnh Hiệp định Genève, đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống
nhất đất nước trong hai năm 1955-1956 diễn ra rất mạnh mẽ, liên tục,
có sự phối hợp ở toàn miền, ở từng địa phương. Phong trào đã thu hút
được sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân, của công nhân, nông dân,
trí thức, những người buôn bán, những tín đồ thuộc các tôn giáo khác
nhau như Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, đồng bào các
dân tộc thiểu số, đồng bào miền Bắc bị cưỡng ép di cư vào Nam, v.v; với
CHƯƠNG II: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC... 113

các hình thức đấu tranh rất phong phú như tổ chức mạn đàm, trao đổi
về hiệp thương, lấy chữ ký, ký kiến nghị, họp míttinh, rải truyền đơn,
căng biểu ngữ, tổ chức bãi công, bãi thị.
Tính chung trong toàn miền Nam, số người tham gia các cuộc đấu
tranh ở các địa phương rất đông đảo. Ở nông thôn, trong hai năm 1955-
1956, có trên 7 triệu lượt người tham gia đấu tranh. Riêng đợt 20-7-
1955, ở Nam Bộ đã có 500 ngàn lượt người tham gia đấu tranh. Ở thành
thị, 70% dân chúng Sài Gòn - Chợ Lớn đã đình công, bãi thị trong ngày
10-7-1955 theo lời kêu gọi của Mặt trận Liên Việt Nam Bộ nhằm biểu
dương ý chí thống nhất của toàn dân.
Có thể nói, cùng với những phong trào khác trong cuộc đấu tranh
chung của nhân dân miền Nam chống Mỹ - Diệm, phong trào đấu tranh
đòi hiệp thương và tổng tuyển cử thống nhất đất nước diễn ra rất sôi
nổi đã góp phần nâng cao tinh thần yêu nước của các tầng lớp nhân dân
miền Nam, lên án chế độ chính quyền Ngô Đình Diệm phản dân tộc.

2. Thành lập các đơn vị vũ trang cách mạng


Trước các hành động đàn áp dã man của chính quyền Ngô Đình
Diệm, từ cuối năm 1956, ở Nam Bộ, các đơn vị vũ trang quy mô từ tiểu
đội đến đại đội được thành lập. Có những đơn vị còn mang danh nghĩa
“giáo phái” hoặc liên quân chống Ngô Đình Diệm, như Tiểu đoàn Lý
Thường Kiệt hoạt động ở vùng Trà Ôn, Sa Đéc, Lấp Vò (Đồng Tháp),
Liên quân chống Ngô Đình Diệm gồm 4 tiểu đoàn mang tên Quang
Trung, Lê Lợi, Nguyễn Trung Trực, Phan Đình Phùng hoạt động ở vùng
Ô Môn, Phụng Hiệp, Châu Thành, Long Mỹ (Cần Thơ)… Sang năm
1957, trên toàn Nam Bộ đã có trên 30 đại đội vũ trang ra đời và giữa
năm 1958, Bộ Chỉ huy quân sự miền Đông Nam Bộ được thành lập (sau
đổi thành Ban quân sự miền Nam). Các căn cứ địa ở miền Đông Nam
Bộ (Chiến khu Đ), miền Tây (U Minh), miền Trung Nam Bộ (Đồng
Tháp Mười), lần lượt được xây dựng trở lại. Những căn cứ này dựa vào
căn cứ cũ nay thuộc các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, An Giang, Đồng
Tháp, Cà Mau.
114 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Từ sau Hội nghị Xứ ủy Nam Bộ đầu năm 1957, việc xây dựng và
củng cố căn cứ địa cách mạng được đẩy mạnh hơn. Giữa năm 1958,
Xứ ủy Nam Bộ chủ trương xây dựng hai căn cứ địa cách mạng ở miền
Đông Nam Bộ là căn cứ Tây Bắc ở Tây Ninh và căn cứ Đông Bắc ở vùng
Thủ Dầu Một và Biên Hòa. Căn cứ Đông Bắc chia thành 4 khu vực, có
tổ chức các đơn vị bảo vệ và xây dựng. Sau đó, căn cứ phát triển lên
phía Bình Long, Phước Long và vùng ngã ba biên giới Việt Nam - Lào -
Campuchia. Chính nhờ căn cứ mở rộng mà các lực lượng cách mạng đã
có một tuyến hành lang nối miền Nam Bộ với vùng cực Nam Trung Bộ
và Trung Trung Bộ.
Vào thời gian này, ở nhiều nơi xuất hiện những lực lượng vũ trang
và căn cứ địa rất độc đáo.
Ở Trung Nam Bộ, từ những năm 1956-1957, do quan niệm rằng
chưa được dùng bạo lực vũ trang nên một số cán bộ hoạt động bất hợp
pháp, những người kháng chiến cũ và các gia đình có người tập kết
ra Bắc đã lánh vào Đồng Tháp Mười và tự tổ chức phòng ngự. Họ lập
nhiều khu vực gọi là “địa bàn căn cứ phòng ngự”, có hệ thống báo động,
gài trái, bẫy, hầm hố chông. Địch sợ chết không dám vào. Nhờ đó mà
bảo vệ được cán bộ. Sau một thời gian, căn cứ này trở thành nơi làm việc
của Khu ủy Khu 8.
Còn ở U Minh Hạ (Tây Nam Bộ) có các “túi bất hợp pháp” gọi là
“làng rừng” của cán bộ và quần chúng. Trong làng có đội vũ trang được
trang bị súng và các vũ khí thô sơ như mã tấu, dao. Đây là những căn cứ
địa cách mạng, là nơi nuôi giấu các lực lượng vũ trang cách mạng. Đến
cuối năm 1958, Cà Mau đã có trên 15 “làng rừng” với hơn 20.000 dân.
Theo chủ trương của nhiều cấp bộ đảng, một số đơn vị vũ trang tập
trung được thành lập. Ở liên tỉnh miền Trung Nam Bộ, các lực lượng
cách mạng đã xây dựng được 3 đại đội vũ trang hoạt động ở Đồng Tháp
Mười. Liên tỉnh miền Tây cũng xây dựng được 3 đại đội vũ trang.
Ở các tỉnh Rạch Giá, Hà Tiên, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiến
Tường, Mỹ Tho, Long An, Gò Công, Bến Tre đều tổ chức được từ một
tiểu đội đến một tiểu đoàn.
CHƯƠNG II: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC... 115

Ở miền Đông Nam Bộ, có sáu đại đội vũ trang, mỗi đại đội có trên
dưới 30 người.
Cùng với sự hình thành và phát triển của các lực lượng vũ trang
và căn cứ địa cách mạng, hình thức đấu tranh vũ trang được tổ chức
và ngày càng phát triển. Các đơn vị vũ trang, mặc dù quân số rất ít, vũ
khí thô sơ, nhưng với lòng yêu nước thiết tha, lòng căm thù giặc sâu
sắc đã tích cực hoạt động vũ trang tuyên truyền, diệt ác, trừ gian, tiến
công tiêu diệt địch. Từ năm 1957, các hoạt động vũ trang rộ lên ở các
tỉnh Nam Bộ. Đêm 18-8-1957, lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ
kết hợp với Đại đội Thủ Dầu Một tiến công thị trấn Mỹ Thạnh, diệt một
số cảnh sát của chính quyền Sài Gòn, thu vũ khí. Ngày 18-9-1957, lực
lượng vũ trang Biên Hòa đột nhập Trại Be diệt bọn ác ôn, thu nhiều vũ
khí và quân trang, quân dụng, giải tỏa thế bao vây của địch đối với Chiến
khu Đ từ phía đông bắc. Tháng 11-1957, lực lượng vũ trang Cà Mau tổ
chức nhiều trận diệt ác ôn, phát động quần chúng đấu tranh thắng lợi.
Trong thời gian cuối năm 1957, các lực lượng vũ trang cách mạng
ở các tỉnh Sóc Trăng, Vĩnh Long, Biên Hòa đánh bại các cuộc càn quét
của quân đội Sài Gòn vào các khu căn cứ, đồng thời tổ chức nhiều
trận tiến công vào đồn địch, diệt nhiều binh lính, quân đội Sài Gòn,
thu vũ khí.
Sang năm 1958, các đơn vị vũ trang cách mạng ở Rạch Giá, Cần
Thơ, Long An liên tục tấn công địch, diệt ác ôn ở Đầm Dơi (Cà Mau),
Vĩnh Bình, Chợ Mới (Rạch Giá), Châu Thành (Mỹ Tho), Long Mỹ, Vị
Thanh, Ô Môn (Cần Thơ), Ba Tri (Bến Tre). Nổi bật nhất trong năm
1956 là cuộc tấn công quận lỵ và chi khu quân sự Dầu Tiếng (Thủ Dầu
Một) ngày 10-10-1956, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch đóng tại
chi khu, trong đó diệt 200 tên, bắt sống 30 tên. Sau thắng lợi này, quân
cách mạng đã làm chủ quận lỵ nhiều ngày đêm. Một số đơn vị quân đội
Sài Gòn đóng ở 20 đồn bốt xung quanh Dầu Tiếng hoảng sợ bỏ chạy.
Đây là trận đánh có quy mô lớn đầu tiên của lực lượng vũ trang miền
Nam thời chống Mỹ, thể hiện thế và lực của cách mạng đang có bước
phát triển.
116 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Ngoài ra còn có trận tiến công trụ sở Phái đoàn cố vấn quân sự Mỹ
MAAG tại Biên Hòa ngày 25-10-1956, diệt và làm bị thương 19 cố vấn Mỹ.
Đây là trận đánh đầu tiên vào các “cố vấn” Mỹ ở miền Nam, diễn ra vào thời
điểm Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm tuyên truyền về sự “ổn định” của
chế độ Sài Gòn khiến Mỹ và chính quyền Sài Gòn rất hoang mang, lo sợ1.
Những hoạt động vũ trang trên đây có tác dụng bảo vệ các cơ sở
cách mạng và thúc đẩy phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân
miền Nam chống lại các cuộc đàn áp, khủng bố, cướp bóc của quân đội
Sài Gòn, đồng thời tạo điều kiện cho việc xây dựng, củng cố và mở rộng
các căn cứ cách mạng.

III- NAM BỘ TRONG PHONG TRÀO ĐỒNG KHỞI (1959-1960)

1. Nam Bộ đồng khởi


Vào khoảng thời gian cuối năm 1958 đầu năm 1959, tình hình miền
Nam phát triển rất khẩn trương. Phong trào cách mạng ngày càng lên
cao, đấu tranh chính trị và vũ trang nổ ra ở khắp nơi. Vì vậy, chính
quyền Ngô Đình Diệm càng điên cuồng tìm cách đối phó chủ yếu qua
việc tăng cường các hành động khủng bố, đàn áp quần chúng yêu nước,
tấn công quyết liệt vào các lực lượng cách mạng. Quân đội Sài Gòn dùng
lực lượng quân sự rất lớn gồm hàng sư đoàn mở các cuộc hành quân càn
quét vô cùng dã man vào các vùng căn cứ cách mạng và vào đồng bào
yêu nước. Những hành động nói trên, không chỉ là đàn áp, khủng bố
nữa mà đã là một cuộc chiến tranh thực sự.
Cách mạng miền Nam đứng trước một tình thế cực kỳ nghiêm trọng.
Kết quả và kinh nghiệm đấu tranh chống khủng bố, giữ gìn và phát
triển lực lượng cách mạng ở miền Nam, đặc biệt là ở Nam Bộ trong thời
gian 1954-1959 phản ánh sự trưởng thành về ý thức chính trị của nhân
dân và trình độ tổ chức, chỉ đạo đấu tranh của cán bộ, đảng viên.
Trong tình hình thực tế đó, khi Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành
trung ương Đảng ra đời cũng là lúc ở miền Nam đã có những cuộc nổi

1. Xem Trận đánh 30 năm, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1958, tr. 29.
CHƯƠNG II: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC... 117

dậy vũ trang và đã xảy ra nhiều trận đánh của các lực lượng cách mạng.
Tuy nhiên, những trận đánh này, cùng với các cuộc đấu tranh chính trị,
chủ yếu vẫn là để giữ vững quyền sống và bảo toàn lực lượng, có tính
chất tự vệ. Phải đến khi Nghị quyết 15 ra đời mới thực sự thấy rõ đường
lối, phương châm, phương thức và mục tiêu đấu tranh của cách mạng
miền Nam một cách rõ ràng, hoàn chỉnh. Vì vậy, dù có chậm và chưa
đầy đủ so với sự phát triển của tình hình, Nghị quyết 15 đã có tác dụng
rất quan trọng trong việc tổ chức nhân dân miền Nam nhất tề đứng
lên, kết hợp ba mũi giáp công: quân sự, chính trị và binh vận, tiến hành
đồng khởi thắng lợi.
Cho đến cuối năm 1958, đầu năm 1959, trước phong trào đấu tranh
ngày càng lên cao của nhân dân miền Nam, Mỹ và chính quyền Ngô
Đình Diệm càng thi hành chính sách đàn áp và khủng bố vô cùng dã
man. Chúng liên tiếp mở những cuộc hành quân càn quét lớn vào các
vùng nông thôn, nhất là nông thôn Nam Bộ. Chúng càn đi quét lại nhiều
lần, thực hiện việc bắt bớ, bắn giết, đốt nhà, cướp của với mục tiêu diệt
tận gốc lực lượng cách mạng.
Theo số liệu của Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, trong năm
1959, trên toàn miền Nam, quân chủ lực của Ngô Đình Diệm đã mở 219
cuộc hành quân càn quét, trong đó có 156 cuộc càn quét cấp tiểu đoàn
đến sư đoàn. Đó là chưa kể hàng ngàn cuộc càn quét do lính bảo an, dân
vệ, cảnh sát thực hiện ở các địa phương.
Bất lực trước sự chống đối của nhân dân, Ngô Đình Diệm do hoang
mang, hoảng sợ, quay lại thanh trừng nội bộ, đàn áp những lực lượng
chống đối. Trong hai năm 1958-1959, Ngô Đình Diệm đã thải hồi hàng
chục tỉnh trưởng, hàng ngàn sĩ quan, hạ sĩ quan và nhân viên chính quyền
từ cấp trung ương đến cấp quận, xã. Ngô Đình Diệm gạt cả những dân
biểu Quốc hội không ăn cánh. Tình trạng mâu thuẫn nhau và phân hóa
gay gắt khiến chính quyền Ngô Đình Diệm đã suy yếu càng thêm suy yếu.
Điều này thể hiện rõ nhất ở hệ thống chính quyền ở các xã. Có những
vùng nông thôn, chính quyền cơ sở của Ngô Đình Diệm rệu rã, bất lực
đến mức gần như tê liệt trước phong trào đấu tranh của quần chúng.
118 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Lúc này, phong trào đấu tranh sôi động khắp miền Nam. Nhân dân
tổ chức míttinh, biểu tình, đưa kiến nghị, chất vấn nhà cầm quyền các
cấp. Ở một số vùng gồm hàng chục xã, nhân dân đánh trống, mõ liên hồi
cả đêm để biểu hiện sức mạnh của mình và phản đối chính quyền Ngô
Đình Diệm. Nhân dân ở nhiều nơi như Bến Tre, Cà Mau, Sóc Trăng,
Cần Thơ, Thủ Dầu Một tổ chức những cuộc biểu tình gồm hàng trăm,
hàng ngàn người kéo vào thị xã đấu tranh trực diện với chính quyền sở
tại, chống khủng bố và đàn áp.
Không chỉ đấu tranh chính trị, nhân dân Nam Bộ cùng với nhân dân
toàn miền Nam còn tổ chức đấu tranh vũ trang tự vệ, diệt ác trừ gian, hỗ
trợ cho đấu tranh chính trị. Các hoạt động vũ trang đã ra đời từ các năm
1957-1958 càng phát triển trong năm 1959. Ở miền Tây Nam Bộ, trong
6 tháng đầu năm 1959, có 326 vụ lật đổ chính quyền cơ sở của Ngô Đình
Diệm bằng đấu tranh “hợp pháp”. Ở miền Đông Nam Bộ, các vụ diệt ác,
trừ gian và lật đổ ách thống trị của chính quyền Ngô Đình Diệm cũng
diễn ra ở khắp nơi.
Các hoạt động vũ trang đã hỗ trợ rất đắc lực cho phong trào đấu
tranh chính trị phát triển. Trong 6 tháng cuối năm 1959, ở miền Tây Nam
Bộ có 5.609 cuộc đấu tranh chính trị làm cho cơ sở của chính quyền Ngô
Đình Diệm tan rã từng mảng trước các mũi tấn công quân sự và chính
trị của nhân dân miền Nam. Trong năm 1959, tính trong 505 xã ở miền
Trung Nam Bộ và 300 xã ở miền Tây Nam Bộ có 50% tề ấp tan rã.
Trong phong trào đấu tranh, lực lượng cách mạng lớn mạnh về mọi
mặt. Các đơn vị vũ trang, dù còn ở quy mô nhỏ, được tổ chức ở khắp nơi
và đẩy mạnh các hoạt động vũ trang tuyên truyền, diệt ác ôn, chống địch
càn quét, bảo vệ nhân dân. Các cơ sở cách mạng, sau thời kỳ tổn thất nặng
do sự khủng bố khốc liệt của địch, được phục hồi và tích cực lãnh đạo
quần chúng đấu tranh chống Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm.
Nhìn chung trên toàn miền Nam, tình thế cách mạng đã chín muồi.
Qua tình hình thực tế, Đảng cho rằng nông thôn là khâu yếu nhất của
chính quyền Sài Gòn, do đó cách mạng cần tấn công trước tiên vào
“khâu yếu” này. Lê Duẩn viết: “Ở miền Nam Việt Nam, vùng nông thôn
CHƯƠNG II: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC... 119

rộng lớn với một nền kinh tế tự nhiên không phụ thuộc nhiều vào đô
thị, đời sống nhân dân đại bộ phận là nông dân lao động gắn bó với nền
kinh tế nông nghiệp, bọn thống trị tuy nắm được đô thị nhưng không
khống chế được nông thôn một cách chặt chẽ. Vì thế, khi cách mạng
chín muồi, nông thôn là khâu yếu nhất, là nơi mà ngụy quyền lung lay
và khủng hoảng sớm nhất, do đó nhân dân có khả năng tiến hành khởi
nghĩa từng phần, phá bỏ từng mảng hệ thống cai trị của địch”1.
Vào năm 1959, ở một số vùng nông thôn Nam Bộ, nơi chính quyền
và quân đội Sài Gòn có nhiều sơ hở và là khâu yếu nhất, lực lượng cách
mạng phát triển mạnh mẽ. Trong điều kiện cụ thể ấy, dưới sự lãnh đạo
của Đảng, nhân dân miền Nam, trước hết ở vùng nông thôn tiến hành
khởi nghĩa, dùng lực lượng chính trị là chính, kết hợp với lực lượng vũ
trang, phá tan ách kìm kẹp của chính quyền Sài Gòn, làm chủ một số
vùng nông thôn rộng lớn, giành chính quyền về tay mình, lập ra các Ủy
ban tự quản, ra sức xây dựng và củng cố lực lượng, thực hiện cuộc chiến
tranh giải phóng.
Đêm 25, rạng sáng 26-8-1959, bộ đội Đinh Tiên Hoàng tỉnh Cà
Mau kết hợp với đội vũ trang tuyên truyền xã Khánh An tấn công đồn
vàm Cái Tàu, cách thị xã 10 km, diệt trung đội dân vệ và phá tan Nhà
hội đồng xã Khánh An, bắt sống 12 địch, thu 57 súng các loại. Diệt xong
đồn vàm Cái Tàu, nhân dân xã Khánh An nổi dậy, trừng trị ác ôn, giải
phóng toàn xã và tiến đến bao vây, bức rút đồn Rạch Cui. Sau đó, nhân
dân các xã Khánh Bình Đông, Khánh Bình Tây nổi trống, mõ vang trời
cùng du kích lùng diệt tề điệp và ác ôn, đánh tan trung đội bảo an và
phá khu trù mật Quản Hảo, giành quyền làm chủ. Phong trào lan rộng
ra toàn tỉnh Cà Mau. Sau đó không lâu, toàn huyện Trần Văn Thời được
giải phóng, trừ chi khu Rạch Ráng, đồn sông Ông Đốc, khu trù mật
Khai Quang. Phong trào lan rộng ra các huyện Thới Bình, Cái Nước,
Ngọc Hiển. Nhân dân, có lực lượng vũ trang hỗ trợ, nổi dậy diệt đồn bốt
địch, giải phóng quê hương.

1. Lê Duẩn: Về chiến tranh nhân dân, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1980, tr. 31.
120 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Ở Kiến Phong, ngày 26-9-1959, tại Tân Hội Cơ, Tiểu đoàn 502 bộ
đội tỉnh mưu trí phục kích địch, đánh bại cuộc càn của Trung đoàn 42
đặc nhiệm quân đội Sài Gòn.
Phấn khởi vì chiến thắng Tân Hội Cơ, Tỉnh ủy Kiến Phong kịp thời
phát động nhân dân toàn tỉnh vùng lên khởi nghĩa, thúc đẩy nhân dân
vùng Đồng Tháp Mười nổi dậy, mở các mũi tiến công quân sự, chính trị,
giành thắng lợi cho cách mạng.
Ở Tây Ninh, tháng 10-1959, nhân dân các huyện Bến Cầu, Châu Thành,
Dương Minh Châu trong 3 đêm liền liên tiếp nổi mõ, trống, đốt đuốc
sáng rực trời nổi dậy tiêu diệt bộ máy kìm kẹp của chính quyền Sài Gòn.
Tháng 11-1959, Xứ ủy Nam Bộ họp để quán triệt Nghị quyết 15, đề
ra chủ trương đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị và vũ trang, tiến
lên khởi nghĩa, giành chính quyền.
Ngay sau đó, các khu ủy, tỉnh ủy đều họp bàn kế hoạch thực hiện
Nghị quyết 15. Nghị quyết của Trung ương và các chỉ thị cụ thể của khu
ủy, tỉnh ủy về đến đâu, một khí thế mới quyết tâm tiêu diệt địch, giành
chính quyền bùng lên đến đó. Xứ ủy ra Nghị quyết nêu rõ: “Phải đẩy
mạnh đấu tranh chính trị của quần chúng, có kết hợp vũ trang tự vệ,
vũ trang tuyên truyền, diệt ác, phá kìm. Nhưng lại nhấn mạnh phải hết
sức thận trọng, tránh đưa quần chúng vào thế bất hợp pháp khi chưa
cần thiết”1.
Nghị quyết của Khu ủy Khu VIII (Trung Nam Bộ) ghi rõ: “Phát
động quần chúng nổi dậy phá thế kìm kẹp của địch, giành quyền làm
chủ nông thôn. Các tỉnh tiếp giáp Đồng Tháp Mười phải đẩy nhanh đấu
tranh chính trị kết hợp với hoạt động vũ trang hỗ trợ quần chúng phá
kìm kẹp, giành quyền làm chủ, mở rộng căn cứ du kích, đánh địch càn
quét, bảo vệ căn cứ, ra sức xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang và lực
lượng chính trị, chuẩn bị khởi nghĩa đồng loạt”. Khu ủy cũng ấn định
thời gian phát động quần chúng khởi nghĩa là tháng 1-1960.

1. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư của Xứ ủy Nam Bộ, Hồ sơ Cục Lưu trữ Văn
phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.
CHƯƠNG II: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC... 121

Quán triệt tinh thần Nghị quyết 15 của Trung ương và chủ trương
của Khu ủy Khu 8, Tỉnh ủy Bến Tre đã nhanh chóng tiến hành phát
động phong trào quần chúng nổi dậy khởi nghĩa.
Một cuộc họp cán bộ của tỉnh được tổ chức tại huyện Mỏ Cày bàn
việc khởi nghĩa và quyết định phát động một tuần lễ đồng loạt nổi dậy
trong toàn tỉnh bắt đầu từ ngày 17-1-1960. Ba xã Định Thủy, Phước
Hiệp, Bình Khánh được chọn làm “điểm” của tỉnh và do Thường vụ
Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo. Hội nghị nêu lên yêu cầu của cuộc khởi nghĩa
là đánh vào chỗ yếu nhất của địch là bộ máy kìm kẹp ở xã, ấp và xác
định tư tưởng chỉ đạo của cuộc khởi nghĩa là: “Tiến công địch liên tục,
phát triển lực lượng cách mạng hết khả năng, không hạn chế”1. Hội nghị
cũng nhấn mạnh yêu cầu “khẩn trương nhưng phải bảo đảm tuyệt đối
bí mật, cần tận dụng yếu tố bất ngờ để kẻ địch không kịp đối phó, quyết
giành thắng lợi cao nhất từ trận khởi đầu”.
Đêm 16 rạng 17-1-1960, cuộc khởi nghĩa đã nổ ra theo đúng kế
hoạch và đã giành thắng lợi nhanh chóng tại Định Thủy. Tại đây, lực
lượng vũ trang đã hỗ trợ cho quần chúng tiêu diệt tổng đoàn dân vệ,
chiếm đồn vàm Nước Trong, giải tán tề, xã, phá hết các hình thức kìm
kẹp của giặc.
Đêm 17-1, nhân dân Phước Hiệp cũng nhất tề nổi dậy, lùng bắt bọn
do thám, chỉ điểm, giải tán các tổ chức phản động, đánh bại bọn bảo an
từ quận Mỏ Cày đến ứng cứu, bao vây và chiếm trụ sở tề xã cùng đồn
dân vệ.
Tại xã Bình Khánh, sáng ngày 20-1-1960, sau khi lập kế diệt gọn
bọn công an tỉnh của Mỹ - Diệm đóng tại xã, nhân dân nhất tề xông ra
lùng bắt bọn tề điệp, bao vây và san bằng đồn dân vệ. Tại đây, trung đội
vũ trang đầu tiên của tỉnh mang phiên hiệu 264 ra đời.
Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở ba xã Định Thủy, Phước Hiệp,
Bình Khánh đã cổ vũ phong trào đồng khởi trên toàn tỉnh Bến Tre.
Phong trào nhanh chóng lan rộng ra nhiều xã thuộc huyện Mỏ Cày,

1. Địa chí Bến Tre, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991, tr. 266.
122 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Giồng Trôm, Thạnh Phú, Ba Tri, Châu Thành, Bình Đại. Quần chúng
được vũ trang bằng gậy gộc, trống, mõ, dây thừng, ống lói kéo đi cùng
các tổ vũ trang, tổ “hành động”, bao vây và bức rút hàng loạt đồn bốt,
diệt ác ôn.
Bị đánh bất ngờ và trước khí thế của quần chúng, bộ máy chính
quyền Sài Gòn ở các huyện, xã rất bối rối, hoang mang. Nhiều viên
chức, sĩ quan chính quyền và quân đội Sài Gòn bị bắt, bị diệt hoặc hoảng
sợ phải chạy trốn vào thị xã.
Chỉ sau một tuần nổi dậy khởi nghĩa, nhân dân toàn tỉnh Bến Tre
đã diệt 300 tề điệp, ác ôn, diệt và bức rút 47 đồn, thu 150 súng các loại
và nhiều đạn dược, phá nhiều “khu trù mật”, giải phóng hoàn toàn hàng
chục xã, phá thế kìm kẹp ở nhiều xã, ấp khác.
Qua những cuộc nổi dậy của quần chúng ở Bến Tre trong thời
gian này, cùng với những đợt chống địch phản kích, càn quét sau đó,
đã cho thấy: Mặc dù nằm ở một địa hình trống trải gồm ba cù lao,
xung quanh toàn sông nước, không có rừng núi để dễ bề xây dựng căn
cứ, giấu quân, và dù lực lượng vũ trang còn bé nhỏ so với lực lượng
địch, nhưng với tinh thần chiến đấu anh dũng, mưu trí, sáng tạo, với
sức mạnh của ba mũi giáp công là chính trị, quân sự và binh vận, quân
dân Bến Tre đã nổi dậy khởi nghĩa và đánh lại các cuộc càn quét, phản
kích của quân đội Sài Gòn có kết quả. Từ trong phong trào đấu tranh
chính trị của quần chúng, xuất hiện “đội quân tóc dài” với nhiều thành
tích vang dội, làm vẻ vang cho mảnh đất Bến Tre, mảnh đất miền Nam
Thành đồng Tổ quốc.
Sau thắng lợi của đợt đồng khởi đầu tiên, Bến Tre còn phát động đợt
đồng khởi tiếp theo. Nổi bật là cuộc khởi nghĩa đêm 24-9-1960 với hàng
chục vạn quần chúng xuống đường, bao vây đồn bốt quân đội Sài Gòn,
nổi mõ, đốt ống lói, đốt đuốc, biểu tình thị uy, phát loa, đưa gia đình binh
sĩ vào đồn bốt địch, kêu gọi binh lính địch đầu hàng - một phong trào đấu
tranh chính trị được phát động với việc kéo hàng vạn quần chúng vào các
thị xã, thị trấn để biểu dương khí thế cách mạng, uy hiếp tinh thần địch,
cổ vũ mạnh mẽ phong trào nổi dậy của quần chúng ở các thôn xã.
CHƯƠNG II: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC... 123

Tính cả quá trình đồng khởi trong năm 1960, quân dân Bến Tre đã
tiêu diệt, bức hàng, bức rút hơn 600 đồn của quân đội Sài Gòn, thu 1.700
súng các loại, giải phóng 72 xã, giành quyền làm chủ 300 ấp trong tổng
số 500 ấp của toàn tỉnh. Trong năm đồng khởi đầu tiên, cách mạng đã
chia 800 ha đất của địa chủ phản động, ác ôn cho nông dân lao động. Từ
phong trào đồng khởi, lực lượng cách mạng được bổ sung, tăng cường
và ngày càng vững mạnh. Đó là các đơn vị vũ trang tập trung, các cơ sở
đảng với hàng trăm đảng viên, các hội Nông dân, các đoàn thể Thanh
niên, Phụ nữ Giải phóng.
Cuộc đồng khởi ở Bến Tre thực sự là một cuộc nổi dậy của quần
chúng với khí thế ngất trời. Nó thực sự là một “ngày hội của quần chúng
bị áp bức”, vùng lên đập tan ách thống trị của kẻ thù, giành quyền làm
chủ. Cuộc đồng khởi ở Bến Tre đã cung cấp nhiều kinh nghiệm quý
báu về bạo lực cách mạng và phương thức giành chính quyền cho cách
mạng miền Nam. Và cũng từ cuộc đồng khởi, nổi bật lên nhiều tấm
gương tiêu biểu cho cách mạng miền Nam, mà một trong những tấm
gương ấy là bà Nguyễn Thị Định, lúc đó là Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre
và sau này là Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ miền Nam Việt Nam,
Phó Tư lệnh các lực lượng vũ trang Giải phóng miền Nam.
Cùng với cuộc đồng khởi ở Bến Tre, thực hiện chủ trương của Xứ
ủy Nam Bộ đánh những trận tiêu diệt lớn để lấy vũ khí địch và để cổ vũ
phong trào nổi dậy của quần chúng, ngày 26-1-1960, Ban quân sự miền
Nam đã tổ chức đánh trận Tua Hai ở Tây Ninh. Lợi dụng lúc địch sơ hở,
Ban dùng hai tiểu đoàn tấn công từ bên ngoài và một đơn vị đặc công
đột nhập vào căn cứ địch, bất ngờ nổ súng tiến công. Sau 20 phút chiến
đấu quyết liệt, các lực lượng vũ trang cách mạng đã làm chủ hoàn toàn
căn cứ Tua Hai, diệt 500 lính địch, bắt, giáo dục và thả tại chỗ 500 binh
lính quân đội Sài Gòn, thu 1.500 súng các loại.
Căn cứ Tua Hai bị tiêu diệt gây nỗi kinh hoàng cho sĩ quan và binh
lính quân đội Sài Gòn. Trong ngày 26-1-1960, hệ thống đồn bốt trên
đường 22 từ Tây Ninh đến biên giới, trên tỉnh lộ số 3 và lộ 4 rút chạy
hết. Nhân đà đó, quần chúng huyện Châu Thành diệt bốt Hòa Hiệp, giải
124 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

phóng 22 xã ở Bắc Tây Ninh. Các lực lượng cách mạng còn giải phóng
các xóm Phan, Suối Đá, Cầu Khởi, Lộc Ninh, suối Ông Hùng ở phía
đông thị xã, giải phóng Long Chữ, Long Giang, Long Phước, Bầu Đồn,
Hiệp Thạnh, Đôn Thuận, Lộc Hưng và phần lớn đất đai của An Tịnh,
Gia Lộc.
Cùng với chiến thắng Tua Hai, Tỉnh ủy Tây Ninh đã lãnh đạo
quần chúng đứng lên khởi nghĩa, giải phóng 2/3 số xã trong toàn
tỉnh, nới rộng vùng giải phóng Tây Ninh với Chiến khu Dương Minh
Châu thành một vùng căn cứ cách mạng rộng lớn ở Tây Bắc Sài Gòn -
Gia Định.
Ở Nam Bộ, Bến Tre và Tây Ninh là các tỉnh có phong trào đồng khởi
trên phạm vi toàn tỉnh từ rất sớm. Bến Tre là điển hình của loại hình
đồng khởi bắt đầu từ nổi dậy của quần chúng, từ lực lượng chính trị của
quần chúng là chủ yếu có sự hỗ trợ của lực lượng quân sự, còn Tây Ninh
là điển hình của loại hình đồng khởi bắt đầu từ tiến công quân sự kết
hợp với nổi dậy của quần chúng. Có sự tác động, hỗ trợ và thúc đẩy lẫn
nhau giữa các địa phương, sau và cùng với Bến Tre và Tây Ninh, phong
trào nổi dậy của quần chúng dấy lên mạnh mẽ khắp Nam Bộ. Chỉ trong
15 ngày cuối tháng 1-1960, ở Trung Nam Bộ, một triệu rưỡi đồng bào
ở 450 xã đã tổ chức 1.500 cuộc míttinh, biểu tình, đấu tranh đòi địch
chấm dứt càn quét, khủng bố.
Ngày 20-7-1960 cũng là dịp để phát động một đợt đấu tranh mới, ở
Trung Nam Bộ đã có 400 xã tổ chức mít tinh với 60 vạn đồng bào tham
gia. Tây Nam Bộ có trên 500 cuộc míttinh, biểu tình.
Không chỉ ở Bến Tre và Tây Ninh, phong trào thuộc các địa phương
khác ở Nam Bộ cũng đã nổi lên rất mạnh mẽ và sôi nổi. Có những cuộc
khởi nghĩa thu hút nhiều ngàn người tham gia và giành được những
thắng lợi rất có ý nghĩa.
Ở Long An, ngày 25-1-1960, lực lượng vũ trang cách mạng đã tấn
công đồn Đắc Lập, huyện Đức Hòa, mở đầu cho phong trào đồng khởi
trong tỉnh. Ngày 26-1-1960, nhân dân các huyện Đức Hòa, Đức Huệ,
Bến Lức, Cần Giuộc, Châu Thành, Thủ Thừa lần lượt đồng loạt nổi dậy.
CHƯƠNG II: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC... 125

Ở các huyện này, lực lượng vũ trang đi trước diệt các đồn bốt của quân
đội Sài Gòn, quần chúng cách mạng nổi trống, mõ, kéo theo vào các
thôn xóm bắt tề điệp, ác ôn, giải tán bộ máy kìm kẹp của chính quyền
Sài Gòn.
Ở Thủ Dầu Một, đồng khởi bắt đầu từ ngày 25-2-1960. Ở cả một
vùng rộng lớn gồm Bến Cát, Hớn Quản, Chơn Thành, Ninh Hòa, Ninh
Thạnh, nhân dân cũng đã nổi dậy, tiến công đồn địch, dẹp các tổ chức
Hội đồng hương chính do chính quyền Sài Gòn lập nên, xây dựng chính
quyền tự quản của nhân dân. Sau một tháng đồng khởi, nhân dân Thủ
Dầu Một đã diệt hơn 100 ác ôn, bức rút 10 đồn địch, thu 300 súng các
loại, giành quyền làm chủ được hơn 40 ấp thuộc 24 xã và hơn 10 làng
công nhân ở các đồn điểm trong 46 xã toàn tỉnh.
Ở Bà Rịa, đêm 2-3-1960, lực lượng vũ trang đột nhập Bình Ba, diệt 3
bốt địch, mở đầu cho cuộc nổi dậy. Nhân dân các huyện Châu Thành,
Long Đất, Xuyên Mộc tiến hành khởi nghĩa, kết hợp với lực lượng vũ
trang diệt nhiều ác ôn, giải phóng thôn ấp.
Phong trào đồng khởi đã lan rộng khắp các tỉnh đồng bằng Nam
Bộ. Ngày 14-9-1960, nhân dân các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Rạch Giá, Sóc
Trăng, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, Long An, Châu Đốc, An Giang
nổi dậy ở nhiều nơi. Các ngày 23, 24 và 25-9-1960, nhân dân nhiều xã,
ấp thuộc Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Kiến Phong, Kiến Tường lại nổi
dậy, diệt ác ôn, phá bỏ “khu trù mật”, giải phóng quê hương.
Phong trào đồng khởi ở Nam Bộ nổi lên mạnh mẽ, liên tục hết đợt
này đến đợt khác đã phá tan hai phần ba bộ máy kìm kẹp của chính
quyền ở cơ sở. Phong trào không chỉ đập tan ách thống trị của chính
quyền Sài Gòn ở nhiều vùng nông thôn rộng lớn, mà còn có tác động
cổ vũ phong trào của các tầng lớp nhân dân đô thị, trước hết là Sài Gòn,
đấu tranh đòi dân chủ, dân sinh, chống khủng bố, đàn áp.
Đợt đồng khởi cuối năm 1959, đầu năm 1960 tuy chưa đánh đổ
hoàn toàn ách thống trị của chính quyền Sài Gòn, nhưng đã đánh đổ
một mảng lớn bộ máy chính quyền cơ sở của địch ở nông thôn, làm cho
chính quyền Sài Gòn hết sức hoảng sợ.
126 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

2. Thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam
Từ kết quả của phong trào đồng khởi, hình thức chính quyền tự
quản của quần chúng ra đời ở nhiều địa phương Nam Bộ. Chính quyền
tự quản đã có những đóng góp trong việc ổn định đời sống nhân dân, tổ
chức và xây dựng lực lượng cho cách mạng.
Trong phong trào đồng khởi, lực lượng vũ trang nhân dân, một
trong những nhân tố cơ bản đảm bảo cho thắng lợi của cách mạng đã
có điều kiện phát triển.
Phong trào đồng khởi đã góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh ở
các đô thị miền Nam, thực hiện sự kết hợp giữa các địa bàn chiến lược:
rừng núi, nông thôn và đô thị cùng tấn công vào chính quyền và quân
đội Sài Gòn.
Thắng lợi của phong trào đồng khởi 1959-1960 đã mở rộng vùng
giải phóng, hình thành các căn cứ địa liên hoàn giữa các tỉnh, các huyện.
Phong trào đã phá vỡ chính sách dồn dân vào các “khu trù mật” của
chính quyền Sài Gòn.
Sau thắng lợi của phong trào đồng khởi, đáp ứng yêu cầu lịch sử và
nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, ngày 20-12-1960, tại xã Tân
Lập, huyện Châu Thành thuộc vùng giải phóng Tây Ninh, đại biểu các
dân tộc, các tôn giáo, các đảng phái yêu nước và các tầng lớp nhân dân
đã họp Đại hội và quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng
miền Nam Việt Nam. Đại hội đã cử ra Ủy ban Trung ương lâm thời do
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, một trí thức yêu nước nổi tiếng ở miền Nam
làm Chủ tịch.
Trong lời kêu gọi nhân dịp tuyên bố thành lập, Mặt trận nêu rõ: “Tất
cả hãy đứng lên, tất cả hãy đoàn kết lại! Hãy xiết chặt hàng ngũ để chiến
đấu dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng, đánh đổ ách thống
trị của đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm”1.
Bản Tuyên ngôn và Chương trình hành động 10 điểm được thông
qua tại Đại hội làm náo nức lòng người. Trong đó nêu lên cương lĩnh

1. Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1961,
tr. 9.
CHƯƠNG II: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC... 127

cho phong trào cách mạng của nhân dân để thực hiện những nhiệm
vụ lâu dài và nhiệm vụ trước mắt. Mục tiêu đấu tranh của Mặt trận là:
“Phải hòa bình! Phải độc lập! Phải dân chủ! Phải cơm no, áo ấm! Phải
hòa bình thống nhất Tổ quốc”.
Việc thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam
là kết quả tất yếu của cao trào đồng khởi trong những năm 1959-1960,
vừa là sự mở đầu cho giai đoạn mới của cách mạng miền Nam, vừa đáp
ứng kịp thời yêu cầu của cách mạng và nguyện vọng tha thiết của các
tầng lớp nhân dân ta. Mặt trận còn là ngọn cờ tập hợp các lực lượng yêu
nước ở miền Nam đấu tranh vì sự nghiệp độc lập và thống nhất của Tổ
quốc. Không chỉ dừng lại ở đó, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam
Việt Nam ra đời còn thực hiện chức năng của một chính quyền cách
mạng, quản lý lãnh thổ vùng giải phóng rộng lớn, chủ yếu là vùng nông
thôn và miền núi rộng lớn, bảo vệ an ninh cho nhân dân, bước đầu giải
quyết những vấn đề về kinh tế và xã hội… cho đến khi Chính phủ Cách
mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời vào năm 1969.
Ông Nguyễn Văn Linh, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, nguyên Bí thư
Trung ương Cục miền Nam viết: “Ngay khi vừa thành lập, Mặt trận đã
thực sự làm nhiệm vụ quản lý chính quyền với hệ thống từ xã, ấp, buôn
làng lên huyện, tỉnh và Trung ương. Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc
giải phóng thực sự là một chính phủ ở miền Nam, song song tồn tại với
chính quyền Sài Gòn”1.
Về cơ cấu tổ chức, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt
Nam có hệ thống tổ chức khá hoàn chỉnh, thực hiện có hiệu quả ý chí và
nguyện vọng của nhân dân miền Nam Việt Nam, thực hiện có hiệu quả
chức năng đối nội và đối ngoại. Về đối ngoại, điểm đặc biệt là bên cạnh
việc tổ chức hoạt động trong vùng giải phóng, Mặt trận Dân tộc giải
phóng miền Nam Việt Nam đã tích cực giải quyết việc chia ruộng đất
của các phần tử địa chủ có tội ác với nhân dân cho người thiếu ruộng

1. Chung một bóng cờ, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 13.
128 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

đất. Hàng chục vạn hécta ruộng đất đã vào tay nông dân lao động. Bình
luận về việc làm trên, Báo Diễn đàn (Anh) ngày 6-3-1964 viết: “Việt
cộng đã thắng lợi vì họ mang lại ruộng đất cho nông dân cái mà nông
dân mong muốn nhất là ruộng đất. Mặt trận Dân tộc giải phóng miền
Nam Việt Nam có chương trình rõ ràng để giải quyết vấn đề ruộng đất,
đã và đang thực hiện chương trình đó bằng cách đem lại hàng triệu
hécta ruộng đất cho nông dân ở các vùng giải phóng”.
Thắng lợi của phong trào đồng khởi đã “giáng một đòn bất ngờ vào
chiến lược Eisenhower, làm thất bại một hình thức thống trị điển hình
của chủ nghĩa thực dân mới Mỹ”. Nó “đánh dấu một bước nhảy vọt quan
trọng, chuyển cách mạng miền Nam sang thế tiến công, phát triển cao
trào cách mạng ra khắp miền, với sự kết hợp cả hai hình thức đấu tranh
chính trị và đấu tranh quân sự”1.
Tuy nhiên, phong trào đồng khởi 1959-1960 mới chỉ làm sụp đổ
chính quyền Sài Gòn ở cấp thôn xã và thất bại của địch chủ yếu là
về chính trị. Bộ máy kìm kẹp của chính quyền Sài Gòn từ quận trở
lên vẫn tồn tại, các lực lượng của quân đội Sài Gòn vẫn còn nguyên
vẹn. Các thành phố, thị xã, thị trấn vẫn do chính quyền Sài Gòn kiểm
soát. Đây là những cơ sở để ngay sau phong trào đồng khởi, địch tổ
chức phản công giành lại những vùng đất đã mất. Bởi vậy, từ năm
1961 trở đi, cuộc chiến đấu của quân, dân miền Nam còn diễn ra vô
cùng quyết liệt, đầy hy sinh, gian khổ và lâu dài mới đến ngày thắng
lợi hoàn toàn.

IV- ĐÁNH THẮNG CHIẾN LƯỢC CHIẾN TRANH ĐẶC BIỆT

Trên thế giới, Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược phản ứng linh
hoạt với ba loại chiến tranh: chiến tranh thế giới, chiến tranh cục bộ và
chiến tranh đặc biệt. Đi đôi với việc tiếp tục duy trì sức mạnh hạt nhân

1. Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội,
tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1970, tr. 51.
CHƯƠNG II: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC... 129

để kiềm chế các nước lớn, Mỹ chủ trương dùng chiến tranh hạn chế
(chiến tranh cục bộ và chiến tranh đặc biệt) bằng vũ khí thông thường
để tập trung đối phó với phong trào giải phóng dân tộc.
Xương sống của chiến tranh đặc biệt ở miền Nam Việt Nam là kế
hoạch Staley - Taylor với mục tiêu bình định miền Nam trong vòng 18
tháng bao gồm các trọng tâm: tăng cường quân đội Sài Gòn, củng cố
chính quyền các cấp và lập ấp chiến lược. Tháng 5-1961, Mỹ đưa vào
miền Nam hơn 400 lính thuộc lực lượng đặc biệt, lập căn cứ tại Nha
Trang, đồng thời gửi thêm 100 cố vấn quân sự và đoàn huấn luyện 1.600
chuyên gia tới Sài Gòn giúp Ngô Đình Diệm mở rộng, cải tổ quân đội
Sài Gòn, đưa tổng số quân Mỹ có mặt ở miền Nam từ 1.077 người (năm
1960) lên 10.960 người (năm 1962). Ngày 8-2-1962, Mỹ thiết lập Bộ Chỉ
huy quân sự Mỹ tại Sài Gòn do Đại tướng P.D.Harkin chỉ huy, gọi tắt là
MACV thay cho phái đoàn MAAG. Cũng thời gian này, Mỹ thành lập
Bộ Tư lệnh lực lượng đặc biệt để trực tiếp chỉ huy lực lượng đặc biệt của
Mỹ. Năm 1962, Mỹ và chính quyền Sài Gòn mở hàng loạt các cuộc hành
quân càn quét và hành quân bình định lớn đánh vào những vùng giải
phóng. Tháng 3-1962, chính quyền Sài Gòn dùng một sư đoàn chủ lực
mở cuộc hành quân “Mặt trời mọc” đánh vào Bến Cát và một phần tỉnh
Tây Ninh.
Trước âm mưu thâm độc và các biện pháp tàn bạo của kẻ thù,
các lực lượng cách mạng chủ trương kết hợp đấu tranh chính trị và
đấu tranh quân sự nhằm đánh bại kế hoạch Staley - Taylor, đồng thời
đẩy mạnh chiến tranh du kích và phá ấp chiến lược. Tại Long An, chỉ
trong 3 tháng cuối năm 1961, lực lượng vũ trang và nhân dân đã đánh
bại các cuộc hành quân càn quét, hành quân bình định của địch, bức
rút được hàng chục đồn bốt, giữ vững quyền làm chủ đã giành được
trong phong trào đồng khởi. Tại Cần Thơ, lực lượng vũ trang tỉnh phối
hợp với du kích các xã Phong Thạch, Gia Hòa, Hòa Tư, Vĩnh Hưng
đã đánh bại cuộc hành quân càn quét của Sư đoàn 21 quân đội Sài Gòn,
diệt nhiều địch. Phối hợp với cuộc chiến đấu của các lực lượng vũ
trang, ngày 21-2-1961, hơn 2 vạn quần chúng xung quanh thành phố
130 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Cần Thơ đã tổ chức đấu tranh chính trị, tràn vào thành phố, bao vây
Dinh tỉnh trưởng, đòi bồi thường cho những người bị giết, thả những
người bị bắt. Cuộc đấu tranh kéo dài hai ngày liền, làm tê liệt thành
phố, gây náo động vùng phụ cận, buộc chính quyền Sài Gòn phải
nhượng bộ, chấp nhận yêu sách của nhân dân. Tại miền Đông Nam
Bộ, ngày 18-9-1961, lực lượng vũ trang quân khu và tỉnh Phước Long
đánh chiếm và làm chủ thị xã Phước Bình trong 3 ngày. Trong trận
này, lực lượng cách mạng đã diệt viên tỉnh trưởng, bắt sống viên phó
chỉ huy tỉnh phụ trách bình định, làm tan rã 2.000 tên địch, thu 600
súng các loại, phá 2 đại bác 105 mm, 4 xe bọc thép, giải thoát cho 300
tù chính trị. Trên cơ sở thắng lợi này, Tiểu đoàn 700 thuộc bộ đội chủ
lực miền Đông được thành lập.
Tính chung trong năm 1961, quân và dân miền Nam đã tiến hành
đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị rộng khắp trên cả ba
vùng chiến lược, đã đánh 15.525 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu
28.968 sĩ quan và binh lính địch (có 41 sĩ quan và binh lính Mỹ), bắt
3.259 tên, thu 6.000 súng các loại. Cùng với các cuộc tấn công quân sự,
33,8 triệu lượt người đã xuống đường đấu tranh chính trị trực diện với
chính quyền Sài Gòn các cấp. Cuộc đấu tranh chính trị và binh vận của
nhân dân đã làm cho 14.500 binh sĩ quân đội đào và rã ngũ. Vùng giải
phóng được giữ vững và củng cố với hơn 1 vạn thôn, xã và gần 6 triệu
dân. Hơn 1.200 thanh niên ở các vùng giải phóng hăng hái gia nhập lực
lượng vũ trang giải phóng.
Sang năm 1962, một sự kiện chính trị quan trọng diễn ra ở miền
Nam từ ngày 16-2 đến ngày 3-3, Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc
giải phóng miền Nam Việt Nam được tổ chức trong vùng giải phóng
miền Nam Việt Nam. Đại hội đã tuyên bố bốn chủ trương cứu nước
khẩn cấp trong tình hình mới bao gồm:
1- Mỹ phải đình chỉ cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam;
2- Giải tán toàn bộ “ấp chiến lược”;
3- Thành lập ở miền Nam Việt Nam một chính phủ liên hiệp dân tộc;
4- Thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình, trung lập.
CHƯƠNG II: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC... 131

Kết thúc Đại hội, một bản tuyên bố quan trọng được đưa ra khẳng
định nhiệm vụ chung của Mặt trận là: “Đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu
tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và gây chiến, đánh đổ tập đoàn thống
trị Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ, thành lập một chính quyền
liên minh dân tộc, dân chủ rộng rãi ở miền Nam, thực hiện độc lập dân
tộc, tự do, dân chủ, cải thiện dân sinh, giữ vững hòa bình, thi hành chính
sách trung lập, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc, tích cực góp phần
bảo vệ hòa bình ở Đông Dương, Đông Nam Á và thế giới”1.
Sự kiện chính trị to lớn này có sức cổ vũ, tập hợp các tầng lớp nhân
dân miền Nam thành một khối thống nhất chống Mỹ xâm lược và tay sai.
Trên chiến trường Nam Bộ, nhiệm vụ chủ yếu lúc này là phá thế
kìm kẹp trong vùng do chính quyền Sài Gòn kiểm soát, chống càn quét,
tiêu diệt một phần sinh lực địch, xây dựng và mở rộng căn cứ miền
Đông thành căn cứ địa vững chắc. Ngay từ đầu năm 1962, cuộc đấu
tranh chống quân đội Sài Gòn càn quét, bình định và phong trào phá ấp
chiến lược phát triển mạnh mẽ. Đầu tháng 2, nhân dân Cà Mau đã nổi
dậy, tấn công tiêu diệt địch ở nhiều nơi. Tại U Minh Hạ, hàng chục ngàn
nhân dân xuống đường biểu tình kéo đến trụ sở chính quyền Sài Gòn
và các đồn bốt đấu tranh tố cáo tội ác của địch, đòi chấm dứt càn quét
khi địch huy động 9 tiểu đoàn hòng dồn 60.000 dân vào “ấp chiến lược”.
Phối hợp với các cuộc đấu tranh chính trị của quần chúng, lực lượng vũ
trang giải phóng tấn công địch ở Đầm Dơi, Cái Nước và nhiều nơi khác,
diệt 572 tên địch.
Ngày 23-3-1962, nhân dân 6 tỉnh Bình Dương, Bình Long, Phước
Tuy, Biên Hòa, Tây Ninh, Gia Định nổi dậy kết hợp với các lực lượng
vũ trang đánh trả quyết liệt cuộc hành quân “Mặt trời mọc” của 8.000
sĩ quan và binh lính quân đội Sài Gòn. Trong trận chiến đấu này, hơn
500 chiến sĩ và đồng bào hy sinh và bị thương, 1.837 người bị bắt, 3.000
ngôi nhà bị địch đốt, nhưng nhân dân không lùi bước, kiên trì đấu tranh
suốt 3 tháng ròng.

1. Xem Viện Sử học: Việt Nam, những sự kiện 1945-1986, Nxb. Khoa học xã
hội, Hà Nội, 1990, tr. 218.
132 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Tại Gò Công, ngày 9-4-1962, hơn 10.000 đồng bào đã kéo vào thị
xã và các thị trấn bao vây trụ sở chính quyền Sài Gòn đòi hủy bỏ việc
gom dân, lập ấp chiến lược. Khi bị địch đàn áp, nhân dân càng siết chặt
hàng ngũ, hô vang khẩu hiệu “Đả đảo quân giết người”, “Nợ máu phải
trả bằng máu”. Trước sức đấu tranh quyết liệt và ngày càng dâng cao của
nhân dân, chính quyền Sài Gòn phải tạm lùi bước, xoa dịu, mua chuộc
và chấp nhận một số yêu sách của nhân dân.
Ngày 12-4, hơn 30.000 đồng bào Mỹ Tho nổi dậy phá tan một số ấp
chiến lược, trở về làng cũ. Trong khi cuộc đấu tranh chính trị và quân
sự đang nổ ra ở các tỉnh đồng bằng thì ngày 26-6, các chiến sĩ biệt động
Sài Gòn đánh kho xăng Tân Sơn Nhất, đốt cháy 6 triệu lít xăng, làm
chấn động thành phố.
Những trận tấn công quân sự đã hỗ trợ tích cực cho quần chúng
đấu tranh và nổi dậy phá vỡ từng mảng ấp chiến lược và bộ máy kìm
kẹp của chính quyền Sài Gòn ở một số vùng nông thôn đồng bằng và
miền núi. Song trước mỗi một bước phát triển của cách mạng miền
Nam, Mỹ và chính quyền Sài Gòn lại càng tìm mọi biện pháp tàn bạo
và thâm độc để đối phó, sử dụng mọi phương tiện kỹ thuật, phản kích
điên cuồng, gây cho nhân dân miền Nam những thiệt hại nặng nề.
Trong ba tháng cuối năm 1962, lực lượng vũ trang các tỉnh Cà Mau,
Mỹ Tho, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Long An, Tây Ninh, Bình Dương phối hợp
với các đơn vị bộ đội chủ lực Miền và du kích, liên tục tấn công, đánh
bại các cuộc hành quân Bình Tây, Sao Mai, Thu Đông của quân đội Sài
Gòn, diệt hàng ngàn tên địch. Điển hình là trận đánh ngày 15-11 của bộ
đội huyện Cai Lậy và du kích xã Mỹ Hạnh chống địch càn quét, diệt 100
tên, bắn rơi 2 máy bay lên thẳng.
Cuộc chiến đấu chống “chiến tranh đặc biệt”, đập tan kế hoạch
Staley-Taylor diễn ra hết sức gay go, quyết liệt. Mặc dù địch gây cho các
lực lượng cách mạng những khó khăn, tổn thất không nhỏ, nhưng nhìn
chung trong năm 1962, cách mạng đã giành được thắng lợi to lớn.
Trên mặt trận quân sự, trên chiến trường Nam Bộ, lực lượng vũ
trang giải phóng miền Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu 35.000 tên địch
CHƯƠNG II: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC... 133

(có 400 lính Mỹ), làm rã ngũ 32.000 tên khác, lật đổ 18 đầu tàu hỏa, phá
sập 312 cầu, cống, bắn hỏng 12 tàu xuồng, đốt cháy các kho xăng Tân
Sơn Nhất, bắn rơi nhiều máy bay của quân đội Sài Gòn.
Trên mặt trận đấu tranh chính trị và phá ấp chiến lược, chống bình
định, hàng chục triệu lượt quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh
chống càn quét, bắn phá, gom dân, lập ấp chiến lược. Nhiều nơi như ở
Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, khi chính quyền Sài Gòn gom dân, lập
ấp chiến lược, nhân dân đối phó bằng cách ngày làm, đêm phá. Trong
ấp, nhân dân tự đốt nhà, nổi trống, mõ báo có Việt cộng, bên ngoài, du
kích phối hợp nổ súng diệt ác ôn, uy hiếp địch tạo cớ cho quần chúng
phá ấp, bung ra, đòi trở về làng cũ. Hàng chục lần địch lập lại ấp chiến
lược, nhân dân phối hợp với du kích lại phá, cứ thế giằng co quyết liệt.
Bên cạnh việc biểu tình đòi hủy bỏ ấp chiến lược, nhân dân nhiều địa
phương còn bao vây các trận địa pháo của địch, không cho chúng bắn
vào các thôn xóm, ngăn chặn xe bọc thép địch, không cho chúng càn
quét, ủi nhà. Điều đáng chú ý nữa là, chẳng những đấu tranh quyết liệt,
trực diện với địch tại chỗ, lực lượng chính trị còn kéo vào thành thị, tấn
công địch ngay tại sào huyệt của chúng.
Nét đặc trưng trong cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam chống
lại kế hoạch bình định của Mỹ và chính quyền Sài Gòn là phá ấp chiến
lược đi đôi với xây dựng làng chiến đấu. Trong năm 1962, cách mạng
đã huy động 11 triệu lượt người tham gia xây dựng hàng trăm làng
chiến đấu ở khắp các địa phương miền Nam. Địa phương điển hình
trong phong trào vừa phá ấp chiến lược, vừa xây dựng làng chiến đấu là
xã Đông Phước (Cần Thơ). Sau khi phá xong ấp chiến lược, nhân dân
trong xã đã dỡ nhà, chặt tre vót 6 triệu cây chông, đặt 29.460 hầm chông
công khai, 13.000 hầm chông bí mật xung quanh xã và tổ chức bố phòng
chống địch xâm nhập, càn quét.
Đến cuối năm 1962, chỉ riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long, các
lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương đã phá được 182 ấp chiến
lược, xây dựng 50 ấp thành làng chiến đấu. Nhân dân cùng các lực lượng
vũ trang đã phá thế kìm kẹp của địch ở 760 xã trong tổng số 902 xã; giải
134 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

phóng hoàn toàn 4.020 ấp với 3 triệu dân. Ở vùng ven Sài Gòn - Gia
Định, nhân dân đã làm chủ 167 thôn, tạo cơ sở đứng chân cho lực lượng
cách mạng ở trong địa bàn ven thành phố. Tính chung toàn miền Nam,
2.665 ấp chiến lược đã bị phá, trong đó có 484 ấp bị phá hoàn toàn, 115
ấp được xây dựng thành làng chiến đấu. Quân và dân miền Nam đã phá
thế kìm kẹp của địch ở 8.982 thôn, giải phóng hoàn toàn 4.441 ấp trong
tổng số 17.162 ấp, kiểm soát trên 6,5 triệu dân.
Tháng 1-1963, chiến thắng Ấp Bắc (Mỹ Tho) của Quân giải phóng
báo hiệu sự phá sản hoàn toàn của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”
của Mỹ. Toàn miền Nam dấy lên phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc
lập công”.
Đồng thời với mũi tiến công quân sự, phong trào đấu tranh chính
trị ở đô thị miền Nam cũng rất được coi trọng. Ở địa bàn chiến lược
quan trọng này, phong trào đấu tranh chính trị của các tầng lớp nhân
dân trong hai năm 1961-1962 vẫn tiếp tục phát triển, nổi bật nhất là
phong trào đấu tranh của công nhân và học sinh, sinh viên.
Để tiến hành cuộc chiến tranh đặc biệt, cùng với việc tiến hành quốc
sách ấp chiến lược ở nông thôn, ở các thành thị, Mỹ và chính quyền Sài
Gòn lập các “phường”, “khóm chiến lược”, các “nhóm liên gia”, các “khu
công nông” để theo dõi, kiểm soát nhân dân. Trong các xí nghiệp, nhà
máy, chính quyền Sài Gòn cài công an, mật vụ vào các bộ phận để khống
chế, theo dõi công nhân. Dù vậy, phong trào đấu tranh của công nhân
vẫn tiếp tục phát triển. Trong năm 1962, có trên 4.500 cuộc đấu tranh của
công nhân và lao động lôi cuốn trên 350.000 lượt người tham gia. Đáng
chú ý là ở ngay Sài Gòn, nơi đầu não của chế độ Việt Nam Cộng hòa, cuộc
đấu tranh của công nhân và lao động vẫn liên tiếp nổ ra. Trong 5 tháng
đầu năm 1962, công nhân Sài Gòn đã tiến hành 82 cuộc đấu tranh, trong
đó nổi bật nhất là cuộc bãi công ngày 17-2-1962 của công nhân Hãng
Vimitex đòi sửa lại chế độ làm việc đúng với luật lao động; cuộc đấu tranh
quyết liệt ngày 26-3-1962 của 50.000 công nhân các đồn điền cao su ở
miền Nam đòi tăng lương từ 20 đến 30%; cuộc đình công chiếm xưởng
của công nhân Hãng máy thu thanh Videco ngày 10-5-1963.
CHƯƠNG II: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC... 135

Cuộc đấu tranh của công nhân và lao động miền Nam trong những
năm đầu Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh đặc biệt (1961-1962) đã có
sự kết hợp giữa đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ với đấu tranh
chính trị, gây thiệt hại cho địch trong việc phục vụ, tiến hành cuộc chiến
tranh, như cuộc bãi công của công nhân thuộc Hãng dầu Xtanvac Mỹ,
cuộc đấu tranh của nhân dân thành thị chống lại việc lập “khóm, phường,
ấp chiến lược”, chống bắt phu, bắt lính, chống quân sự hóa công nhân, v.v..
Các cuộc đấu tranh của công nhân và lao động thời kỳ này đã có sự phối
hợp, ủng hộ lẫn nhau, không chỉ giữa các nhà máy, xí nghiệp mà còn
cả giữa công nhân với nông dân. Khi 400 công nhân Hãng dầu Xtanvac
bãi công thì hàng chục ngàn công nhân cao su Biên Hòa, Thủ Dầu Một,
trên 100 nghiệp đoàn ở Sài Gòn, Chợ Lớn và bà con nông dân, giới
kinh doanh lên tiếng ủng hộ. Ngày 7-1-1961, trong cuộc đấu tranh của
200.000 nông dân Mỹ Tho chống khủng bố thì hơn 1.000 công nhân
và lao động ở thành thị cũng có mặt trong cuộc biểu tình này. Tháng
9-1962, công nhân đồn điền cao su dọc đường số 15 (Sài Gòn - Vũng
Tàu) đã cùng tham gia biểu tình với nông dân địa phương phản đối Mỹ
và chính quyền Sài Gòn rải chất độc hóa học.
Cùng với giai cấp công nhân và nhân dân lao động, tầng lớp trí thức
và học sinh, sinh viên là đội ngũ đi đầu trong cuộc đấu tranh chính trị
với Mỹ và chế độ Sài Gòn ở các thành thị miền Nam. Ngoài việc phải
chịu áp bức về chính trị, kinh tế, việc chứng kiến cảnh đàn áp khốc liệt
của Mỹ và chính quyền Sài Gòn với những người có tư tưởng tiến bộ,
tầng lớp trí thức ở miền Nam còn chịu cảnh đè nén về tư tưởng, văn
hóa, sự áp đặt một nền giáo dục phi dân tộc, ngoại lai. Để tập hợp đội
ngũ thanh niên, trí thức, học sinh, sinh viên vào cuộc đấu tranh chung
chống Mỹ, giành độc lập dân tộc, ngày 9-1-1961, một số tổ chức quần
chúng như Hội Thanh niên Giải phóng miền Nam Việt Nam, đã Hội
Liên hiệp học sinh, sinh viên Giải phóng miền Nam Việt Nam được
thành lập đã mở rộng mặt trận đoàn kết thanh niên, học sinh, sinh viên
chống Mỹ, cứu nước. Ở các địa phương, Ban Cán sự thanh niên, Hội
Liên hiệp học sinh, sinh viên được thành lập. Năm 1961, Ban Cán sự
136 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

thanh niên Sài Gòn - Gia Định ra mắt. Năm 1962, Ban Chấp hành Hội
Liên hiệp học sinh, sinh viên khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định cũng
được thành lập. Từ đó, phong trào đấu tranh của thanh niên, học sinh,
sinh viên nổ ra liên tục, gây tiếng vang lớn ngay trong sào huyệt của
chính quyền Sài Gòn. Ngày 17-1-1961, hàng ngàn giáo chức, học sinh
các trường lớn ở Sài Gòn đấu tranh đòi giảm học phí trường tư, đòi cải
thiện đời sống giáo chức. Những người biểu tình đã giương cao khẩu
hiệu “chống bắt lính, miễn quân dịch cho học sinh, sinh viên”, “giảm lệ
phí cho các kỳ thi”, “tăng học bổng cho học sinh nghèo”, “chuyển ngữ
ở đại học”. Ngày 20-7-1961, nhân kỷ niệm ngày ký Hiệp định Genève,
truyền đơn, biểu ngữ, cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng xuất hiện nhiều
nơi trong các thành phố. Những khẩu hiệu đòi “thành lập chính quyền
liên minh dân tộc, dân chủ”, “thực hiện hòa bình trung lập ở miền Nam”
được tung ra ở nhiều nơi.
Trước phong trào đấu tranh quyết liệt của trí thức Sài Gòn, chính
quyền Sài Gòn đã dùng những hành động vô cùng tàn bạo để đàn áp
phong trào. Họ đã tử hình anh Trần Quang Cơ, Trưởng ban cán sự
thanh niên, sinh viên, học sinh khu Sài Gòn - Gia Định, lập “Tòa án
quân sự đặc biệt” xét xử Giáo sư Lê Quang Vịnh, Lê Hồng Tư và các
cán bộ lãnh đạo khác của phong trào thanh niên, học sinh, sinh viên
Sài Gòn. Tấm gương bất khuất của anh Trần Quang Cơ, của Giáo sư
Lê Quang Vịnh đã cổ vũ phong trào đấu tranh của thanh niên, trí thức
miền Nam. Một phong trào đấu tranh chống vụ án “ngày 24-5-1962”
phát triển mạnh mẽ trên nhiều thành thị miền Nam. Liên tiếp trong
vòng một tuần lễ, truyền đơn được rải ở các trường Phan Sào Nam, Bồ
Đề, Văn Lang, Hồng Lạc, Việt Nam học đường. Trước sức đấu tranh
mạnh mẽ của phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn và các đô thị khác
ở miền Nam, chính quyền Sài Gòn buộc phải giảm án cho những người
bị chúng tuyên án tử hình.
Cuộc đấu tranh của thanh niên, học sinh, sinh viên, giáo chức ở các
thành thị miền Nam, trước hết là ở Sài Gòn - Gia Định cùng với cuộc
đấu tranh của giai cấp công nhân, nhân dân lao động đã trực tiếp đánh
CHƯƠNG II: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC... 137

vào sào huyệt của chính quyền Sài Gòn, góp phần vào cuộc đấu tranh
chung của quân dân miền Nam đánh bại kế hoạch Staley - Taylor làm
sụp đổ cán cân chương trình bình định miền Nam trong vòng 18 tháng
của chính quyền Mỹ - ngụy.
Cho đến hết năm 1962, trong ba mục tiêu của kế hoạch Staley - Taylor
thì chỉ một mục tiêu địch đạt được, đó là việc tăng cường quân đội Sài
Gòn, sắp xếp lại tổ chức, biên chế, cải tiến trang bị kỹ thuật. Còn mục tiêu
thứ hai nhằm đánh bại chiến tranh du kích, tiêu diệt lực lượng của cách
mạng thì chẳng những địch không thực hiện được, mà trái lại, lực lượng
vũ trang giải phóng và các lực lượng dân quân, du kích ngày càng lớn
mạnh. Đối với mục tiêu bình định, Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm
dự định dồn 10 triệu nông dân vào 16.000 “ấp chiến lược”, thì đến giữa
năm 1962, đã phải điều chỉnh, rút xuống với mức 7.000 “ấp chiến lược”.
Nhưng đến cuối năm 1962, chính quyền Sài Gòn chỉ lập được 3.900 ấp,
đạt tỷ lệ 31,7% (khoảng 6 triệu dân trong tổng số 14 triệu dân toàn miền
Nam). Đây là dấu hiệu của sự sụp đổ về cơ bản chương trình bình định
miền Nam trong vòng 18 tháng, thất bại bước đầu nhưng rất quan trọng
của chiến lược chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ.

V- ĐÁNH THẮNG CHIẾN LƯỢC CHIẾN TRANH CỤC BỘ

Đầu năm 1965, cuộc chiến tranh đặc biệt mà Mỹ tiến hành chống
lại nhân dân miền Nam đã phát triển đến đỉnh cao và đứng trước nguy
cơ thất bại hoàn toàn. Để cứu vãn tình thế, Mỹ đã ồ ạt đưa quân viễn
chinh cùng với vũ khí, phương tiện chiến tranh vào miền Nam, đẩy
mạnh chiến tranh xâm lược, chuyển sang chiến lược chiến tranh cục bộ
ở miền Nam và mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc.
Chiến tranh cục bộ là loại hình chiến tranh xâm lược thực dân mới,
một trong ba hình thức chiến tranh (chiến tranh đặc biệt, chiến tranh
cục bộ, chiến tranh tổng lực) được đề ra phù hợp với chiến lược quân sự
toàn cầu “phản ứng linh hoạt”. Chiến tranh cục bộ bắt đầu từ giữa năm
1965, được tiến hành bằng lực lượng của quân viễn chinh Mỹ, quân của
138 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

một số nước thân Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và quân
của chính quyền Sài Gòn, trong đó quân Mỹ giữ vai trò quan trọng và
không ngừng tăng lên về số lượng và trang bị. Lính Mỹ có mặt ở miền
Nam Việt Nam vào cuối năm 1964 là 26.000 người, đến cuối năm
1965 lên tới 180.000 người và 20.000 lính của các nước thân Mỹ. Đó
là chưa kể 70.000 lính hải quân và không quân trên các căn cứ của Mỹ
ở Guam, Philíppin, Thái Lan và Hạm đội 7 luôn sẵn sàng tham chiến
ở miền Nam.
Sau khi đã đưa một đại đội máy bay F.105 vào Biên Hòa và một tiểu
đoàn tên lửa phòng không “Hốc” vào Đà Nẵng, ngày 8-3-1965, Mỹ cho
hai tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn 9 lính thủy đánh bộ từ Okinawa vào Đà
Nẵng, mở đầu việc đưa quân chiến đấu Mỹ vào miền Nam Việt Nam.
Ngày 26-6-1965, Westmoreland được Chính phủ Mỹ cho phép đưa
quân Mỹ ra trận “khi nào thấy cần thiết”. Ngày 17-7-1965, khi Johnson
thông báo quyết định đưa 44 tiểu đoàn Mỹ vào miền Nam Việt Nam và
chấp nhận chiến lược “tìm diệt” của Westmoreland, một quyết định đã
“vượt qua ngưỡng cửa bước vào cuộc chiến tranh trên bộ ở châu Á”, thì
cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở miền Nam Việt Nam đã bước vào
giai đoạn mới - giai đoạn “chiến tranh cục bộ”.
Tiến hành chiến tranh cục bộ ở miền Nam, Mỹ nhằm thực hiện
âm mưu:
- Nhanh chóng tạo ra ưu thế về binh lực và hỏa lực có thể áp đảo
được chủ lực Quân giải phóng bằng chiến lược quân sự mới “tìm diệt”,
cố giành lại thế chủ động trên chiến trường, đẩy lực lượng vũ trang giải
phóng về thế phòng ngự, buộc các lực lượng cách mạng Việt Nam phải
phân tán đánh nhỏ, hoặc rút về biên giới, làm cho chiến tranh cách
mạng tàn lụi dần.
- Mở rộng và củng cố hậu phương của quân đội Sài Gòn, lập đội
quân “bình định” kết hợp hoạt động càn quét với các hoạt động chính
trị và xã hội lừa bịp; tung tiền, đổ của nhiều hơn nữa, cố thực hiện cho
kỳ được “mặt trận thứ hai” nhằm “tranh thủ trái tim của nhân dân”, thực
chất là giành lại dân (trước hết là nông dân ở vùng được giải phóng dưới
CHƯƠNG II: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC... 139

sự quản lý của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam), bắt
họ trở lại chịu ách kìm kẹp của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
Ỷ vào ưu thế quân sự với đội quân đông, vũ khí hiện đại, hỏa lực
mạnh, cơ động nhanh, Mỹ vừa mới vào miền Nam đã cho quân viễn
chinh mở ngay cuộc hành quân “tìm diệt” tiến công đơn vị Quân giải phóng
ở Vạn Tường - Quảng Ngãi (tháng 8-1965). Tiếp đó, Mỹ mở liền hai cuộc
phản công chiến lược trong hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 bằng
hàng loạt cuộc hành quân vào “đất thánh Việt cộng” ở Tây Ninh thuộc
miền Đông Nam Bộ.
Ngay khi quân viễn chinh Mỹ ồ ạt đổ vào miền Nam Việt Nam
trực tiếp tham chiến, chuyển cuộc chiến tranh xâm lược từ hình thức
“đặc biệt” sang “cục bộ”, đối với Mỹ, đây vẫn là cuộc chiến tranh xâm
lược thực dân mới, tính chất và mục tiêu chính trị không có gì thay
đổi. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh này diễn ra ác liệt hơn, vì từ chỗ hoàn
toàn dựa vào quân đội Sài Gòn, nay thêm cả quân viễn chinh Mỹ và
quân của 5 nước: Nam Triều Tiên (Hàn Quốc), Thái Lan, Philippines,
Tân Tây Lan, Australia, với số quân đông và trang bị hiện đại hơn
nhiều. Song, Mỹ mở rộng chiến tranh xâm lược trong thế thua, thế bị
động, theo một chiến lược đầy những mâu thuẫn. Đó là mâu thuẫn
giữa mục đích chiến tranh là nhằm cứu vãn chế độ thực dân mới với
biện pháp xâm lược theo lối thực dân cũ. Quân Mỹ và quân các nước
ảnh hưởng của Mỹ tham chiến tại Việt Nam tuy được trang bị vũ khí
hiện đại nhưng tinh thần chiến đấu lại kém do ở thế thua, thế thất bại
và do tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh. Bản thân những người
lính viễn chinh sẽ nhanh chóng nhận ra tính chất xâm lược của cuộc
chiến tranh và họ buộc phải chịu sự hy sinh vì những âm mưu đen tối
của Chính phủ Mỹ chứ không phải vì những mục đích “tự do”, “dân
chủ” mà người ta lừa bịp. Bên cạnh đó, có thể nói, cuộc chiến tranh
phi nghĩa nên nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới lên án ngày càng
mạnh mẽ cuộc chiến tranh Mỹ đang tiến hành ở Việt Nam và Chính
phủ Mỹ càng không thể sử dụng được với mức độ giới hạn sức mạnh
kinh tế của Mỹ vào cuộc chiến tranh.
140 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Trong khi đó, cách mạng miền Nam đang ở thế thắng, còn miền Bắc
ngày càng trở nên vững mạnh và đã thật sự trở thành căn cứ địa vững
chắc của cách mạng cả nước, hậu phương lớn mạnh của cuộc kháng
chiến ở miền Nam.
Bước vào mùa khô 1965-1966, với lực lượng 720.000 quân, trong đó
quân viễn chinh Mỹ là gần 220.000, Mỹ mở tất cả 450 cuộc hành quân
lớn nhỏ, trong đó có 5 cuộc hành quân “tìm diệt” then chốt, nhằm vào
hai hướng chiến lược chính và miền Đông Nam Bộ và đồng bằng Khu 5,
với mục tiêu là đánh bại chủ lực Quân giải phóng, thực hiện cái gọi là
“bẻ gãy xương sống Việt cộng”, giành lại thế chủ động trên chiến trường,
củng cố quân đội Sài Gòn.
Quân dân miền Nam với thế trận chiến tranh nhân dân, với nhiều
phương thức tác chiến khác nhau, đã chặn đánh địch trên mọi hướng,
tiến công chúng khắp mọi nơi, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng.
Tại Nam Bộ, bên cạnh những trận đánh chặn các cuộc hành quân
càn quét của địch, như trận đánh ở Củ Chi (trong hai đợt, tháng 1 và
tháng 2-1966), các lực lượng vũ trang nhân dân trên vùng đất Nam Bộ
còn bắn pháo, tập kích vào các sân bay Tân Sơn Nhất, Phú Lợi, vào các
căn cứ Mỹ và quân đội Sài Gòn, như căn cứ Nhà Đỏ - Bông Trang (Thủ
Dầu Một) tháng 2-1966, tập kích Khách sạn Victoria ở giữa Sài Gòn
ngày 1-4-1966, diệt 200 sĩ quan Mỹ.
Bước vào mùa khô 1966-1967, với lực lượng được tăng lên hơn
980.000 quân, trong đó quân viễn chinh có 440.000, Mỹ mở cuộc phản
công chiến lược lần thứ hai, với 895 cuộc hành quân lớn nhỏ, trong đó
có 3 cuộc hành quân then chốt, vào hướng chiến lược chính là miền
Đông Nam Bộ, nhằm tiêu diệt quân chủ lực và cơ quan đầu não của
ta, tạo bước ngoặt trong chiến tranh. Đó là cuộc hành quân Attonboro
đánh vào Chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh) năm 1966, với lực
lượng 3 lữ đoàn (tương đương 3 vạn quân), cuộc hành quân Cedarfalls
đánh vào “tam giác sắt” (Trảng Bàng - Bến Súc - Củ Chi) tháng 1-1967,
với lực lượng 3 lữ đoàn Mỹ cùng 3 chiến đoàn ngụy và cuộc hành quân
Junction City đánh vào vùng Bắc Tây Ninh, sát biên giới Việt Nam -
CHƯƠNG II: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC... 141

Campuchia, là lớn nhất và dài ngày nhất, bắt đầu từ tháng 2 đến tháng
4-1967.
Trong cuộc hành quân Junction City, Mỹ tập trung lực lượng cơ
động gồm 7 lữ đoàn quân viễn chinh, 2 chiến đoàn quân đội Sài Gòn
(tổng cộng 45.000 quân, 1.000 xe tăng, xe bọc thép, xe cơ giới), bao vây,
càn quét một khu vực dài 35 cây số, rộng 25 cây số, hòng tiêu diệt cơ
quan đầu não kháng chiến (Trung ương Cục miền Nam, Bộ Chỉ huy
Quân giải phóng, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền
Nam Việt Nam) và chủ lực Quân giải phóng; phá kho tàng dự trữ; lấn
chiếm, chia cắt và triệt phá căn cứ kháng chiến; phong tỏa biên giới.
Song, cuộc tấn công đã hoàn toàn thất bại. Các cơ quan đầu não cách
mạng được bảo đảm an toàn để tiếp tục chỉ đạo cuộc chiến tranh giải
phóng, các đơn vị chủ lực Quân giải phóng vẫn đứng vững trên địa bàn
chiến lược miền Đông Nam Bộ.
Thất bại của Mỹ trong cả hai mùa khô là nặng nề và toàn diện. Sự
thất bại này không chỉ tính ở con số thiệt hại, dù là to lớn trên chiến
trường, mà điều quan trọng là sự phá sản hoàn toàn các mục tiêu chiến
lược “tìm diệt” và “bình định” của Mỹ đề ra cho hai cuộc phản công
chiến lược này.
Bên cạnh thắng lợi lớn trên mặt trận quân sự, quân dân miền Nam
còn giành nhiều thắng lợi trên mặt trận đấu tranh chính trị. Ở hầu
khắp các vùng nông thôn miền Nam, quần chúng nông dân, được sự
hỗ trợ của các lực lượng vũ trang, đã vùng lên đấu tranh chống ách
kìm kẹp của địch, trừng trị bọn ác ôn, phá từng mảng lớn “ấp chiến
lược”, làm thất bại âm mưu “bình định” giành dân của chúng. Những
“đội quân tóc dài” đã từng lập nhiều thành tích trong “chiến tranh đặc
biệt”, nay sang thời kỳ chiến tranh cục bộ cũng phát huy vai trò chiến
lược to lớn.
Trong hầu hết các thành thị miền Nam, giai cấp công nhân, các tầng
lớp lao động khác, học sinh, sinh viên, phật tử, một số binh sĩ quân đội
Sài Gòn nổi dậy đấu tranh đòi lật đổ Chính phủ của Nguyễn Văn Thiệu,
đòi quân Mỹ rút về nước, đòi các quyền tự do dân chủ, cải thiện dân
142 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

sinh. Phong trào diễn ra khá sôi nổi ở các thành phố lớn như Sài Gòn,
Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Tại Sài Gòn, ngày 21-6-1966, 7.000 công nhân Hãng RMK - BRJ
tại các công trường xây dựng sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất và cảng
Sài Gòn đã bãi công chống lại chủ hãng. Đến ngày 24-6-1966, số công
nhân tham gia đấu tranh đã lên tới 15.000 người, chiếm gần một nửa
tổng số công nhân của hãng này. Công nhân làm việc ở nhiều hãng tư
bản Mỹ cùng với gần 1.000 công nhân người Philippine và Nam Triều
Tiên làm việc tại Hãng RMK - BRJ đã hưởng ứng và phối hợp đấu
tranh. Cuộc bãi công đã làm tê liệt hơn 10 công trình xây dựng quân sự
của Mỹ ở miền Nam.
Trước khí thế đấu tranh kiên quyết của công nhân, ngày 27-6-1966,
Đại sứ Mỹ Cabot Lodge, tướng Westmoreland và chủ thầu Hãng RMK -
BRJ phải nhận giải quyết một phần yêu sách của công nhân, trong đó có
yêu sách tăng lương.
Ngày 11-1-1968, 3.500 công nhân ngành điện, nước Sài Gòn bãi
công chống chính quyền Sài Gòn cắt giảm lương, đồng thời với việc đòi
tăng lương cho công nhân.
Do bãi công của công nhân, năng lượng điện của thành phố Sài
Gòn giảm một nửa, làm cho nhiều ngành sản xuất phải ngưng hoạt
động vì thiếu điện. Sau khi bắt giam một số công nhân, chính quyền
Sài Gòn cho quân đội chiếm giữ hai nhà máy điện của thành phố. Công
nhân vẫn tiếp tục bãi công. Hưởng ứng cuộc đấu tranh của công nhân
điện, nước, ngày 12-1-1968, công nhân cảng Sài Gòn bãi công. Chính
quyền Sài Gòn phải huy động nhiều đơn vị quân đội đến bốc vác. Ngày
13-1-1968, chính quyền Sài Gòn ra lệnh cho cảnh sát dùng áp lực bắt
công nhân ngành điện, nước và công nhân bốc vác phải trở lại làm
việc. Nhưng công nhân kiên quyết chống lệnh, tiếp tục bãi công. Ngày
15-1-1968, có thêm 5.700 công nhân lái xe, dệt, điện và cao su bãi công
ủng hộ. Đêm 16-1-1968, tổng số công nhân tham gia bãi công lên đến
17.000 người bao gồm các ngành điện, nước, bốc vác, vận tải công
cộng, dệt...
CHƯƠNG II: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC... 143

Trước tình hình đó, chính quyền Sài Gòn buộc phải nhượng bộ,
nhận tăng 12% lương cho công nhân, kể từ tháng 9-19671.
Đấu tranh chính trị của nhân dân miền Nam trong thời kỳ chiến
tranh cục bộ còn trực tiếp chống cả quân viễn chinh Mỹ và quân các
nước thân Mỹ.
Từ trong kết quả của đấu tranh quân sự và chính trị, nhân dân
miền Nam đã mở rộng quyền làm chủ thêm nhiều vùng nông thôn
đồng bằng, rừng núi, ven thị. Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam
Việt Nam ngày càng mở rộng uy tín trên trường quốc tế và được nhiều
nước, nhiều tổ chức quốc tế công nhận là người đại diện chân chính của
nhân dân miền Nam Việt Nam. Đến cuối năm 1967, Mặt trận đã có cơ
quan thường trú ở các nước: Liên Xô, Cuba, Hunggari, Cộng hòa Dân
chủ nhân dân Triều Tiên, Ba Lan, Tiệp Khắc, Trung Quốc, Campuchia,
Cộng hòa Ả rập thống nhất, Algérie, Indonesia; và Cương lĩnh chính
trị của Mặt trận đã được 41 chính phủ, 12 tổ chức quốc tế, 5 tổ chức
khu vực lên tiếng ủng hộ. Cuộc chiến đấu chống Mỹ của nhân dân Việt
Nam được sự đồng tình, ủng hộ ngày càng rộng rãi của nhân dân thế
giới và của chính phủ các nước. Hội nghị nhân dân các nước Á - Phi -
Mỹ Latinh, họp trong tháng 1-1966 tại La Habana (Cuba) đã lên tiếng
ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống Mỹ xâm lược, coi
đoàn kết với Việt Nam và “việc bảo vệ sự nghiệp chính nghĩa của nhân
dân Việt Nam là nhiệm vụ trung tâm của cách mạng các nước Á - Phi -
Mỹ Latinh”.
Trong khi đó, Mỹ và chính quyền Sài Gòn ngày càng bị cô lập trên
trường quốc tế. Tòa án quốc tế xét xử tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt
Nam và Đông Dương được thành lập vào giữa năm 1967 theo sáng kiến
của nhà bác học Anh Bertrand Russell, và tội ác chiến tranh của Mỹ đã
được phanh phui trong hai phiên tòa tổ chức sau đó (năm 1967), là một
bằng chứng về sự cô lập của Mỹ.

1. Viện Sử học: Việt Nam - Những sự kiện lịch sử (1945-1975), Nxb. Giáo dục,
Hà Nội, 2002, tr. 340-341.
144 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Về phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn, sau thất bại nặng nề trong cuộc
phản công chiến lược mùa khô thứ hai (1966 và 1967), đã tăng lực lượng
quân Mỹ trên chiến trường miền Nam lên đến 525.000 người, đưa tổng
số quân tham chiến lên 1, 2 triệu người và chủ trương mở tiếp cuộc
phản công chiến lược mùa khô 3 (đông - xuân 1967-1968) vào Đông
Nam Bộ bằng cuộc hành quân mang tên “Hòn đá vàng” ngày 8-11-1967
của Sư đoàn 25 quân viễn chinh Mỹ, đánh vào Cà Tum, Chiến khu C.
Cuộc phản công vừa bắt đầu thì địch đã phát hiện quân ta có sự di
chuyển lớn vào các hướng quan trọng trên chiến trường miền Nam nên
chúng buộc phải hủy bỏ kế hoạch phản công và rút phần lớn lực lượng
về chốt giữ những vùng chiến lược quan trọng, chuẩn bị đối phó với
cuộc tiến công của quân ta.
Mỹ và chính quyền Sài Gòn dự đoán sẽ có cuộc tiến công lớn của Quân
giải phóng, nhưng không phán đoán được hướng tiến công và quy mô,
hình thức của cuộc tiến công, nên chưa có sự chuẩn bị gì cụ thể, mà chỉ ra
lệnh báo động trong toàn Miền và hủy bỏ lệnh ngừng bắn trong dịp Tết.
Chủ trương của cách mạng về một cuộc tổng công kích - tổng khởi
nghĩa được thực hiện trong tình hình đó. Cuộc tổng tiến công và nổi
dậy được mở đầu bằng cuộc tập kích chiến lược bất ngờ của chủ lực
Quân giải phóng vào hầu khắp các đô thị, trong đêm giao thừa Tết Mậu
Thân 1968, là lúc quân đội và chính quyền Sài Gòn có nhiều sơ hở và
chủ quan nhất.
Tại Sài Gòn, Quân Giải phóng đã tiến công vào tận các sào huyệt,
các vị trí quan trọng của địch, như Tòa Đại sứ Mỹ, Dinh Độc Lập, Bộ
Tổng tham mưu ngụy, Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát,
Đài phát thanh Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất, Sở chỉ huy các sư đoàn
bộ binh Mỹ số 1, 9, 25, 101.
Đi đôi với tiến công quân sự, hàng chục vạn quần chúng ở nội,
ngoại thành cũng nổi dậy phối hợp với lực lượng vũ trang ở phần lớn
các quận 4, 5, 6, để trừng trị bọn ác ôn ngoan cố, bọn mật vụ. Nhân dân
các vùng ven nổi dậy, phá ách kìm kẹp, giành quyền làm chủ.
CHƯƠNG II: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC... 145

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968, mở đầu bằng cuộc tập
kích chiến lược Tết Mậu Thân, là đòn bất ngờ góp phần quyết định chiều
hướng của cuộc chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương, làm phá sản
chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ, làm chấn động dư luận nước Mỹ
và thế giới. Mặc dù phải chịu nhiều tổn thất, song cuộc Tổng tiến công
năm 1968 của quân và dân miền Nam đã gây cho quân Mỹ và quân đội
Sài Gòn những thất bại nặng nề, tạo bước ngoặt quyết định của cuộc
kháng chiến chống Mỹ, làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của Mỹ và
chính quyền Sài Gòn, làm rung chuyển cả nước Mỹ và chấn động dư
luận thế giới, làm lung lay tận gốc ý chí xâm lược của giới cầm quyền
Mỹ, mở đầu quá trình xuống thang chiến tranh của Mỹ1.
Sau đòn bất ngờ Tết Mậu Thân, phong trào chống chiến tranh xâm
lược Việt Nam, đòi rút hết quân đội về nước của các tầng lớp nhân dân
dấy lên khắp nước Mỹ. Hạ nghị viện Mỹ cũng ra quyết nghị đòi rút tất
cả quân đội Mỹ ở Việt Nam về nước trong thời hạn ngắn nhất.
Lợi dụng tâm lý chống chiến tranh, mong muốn sớm chấm dứt
cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam và đổi mới tình hình chính trị -
xã hội nước Mỹ, Nixon tung ra lời hứa sẽ chấm dứt chiến tranh trong
vòng 6 tháng và sẽ có những thay đổi trong chính sách đối nội, đối ngoại
của nước Mỹ, để mong trúng cử tổng thống trong kỳ bầu cử cuối năm
1968. Sau khi trúng cử tổng thống, chính thức bước vào Nhà Trắng (đầu
năm 1969), Nixon đã cho ra đời học thuyết mang tên mình: “Học thuyết
Nixon” và tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh xâm lược Đông Dương.
“Học thuyết Nixon” với chiến lược quân sự tương ứng “ngăn đe thực
tế” thay thế cho chiến lược toàn cầu “phản ứng linh hoạt” của Kennedy
đã bị phá sản. Đề ra học thuyết mới, chiến lược toàn cầu mới, tập đoàn
Nixon mưu toan khôi phục lại sức mạnh của Mỹ, cố giữ vai trò “sen đầm
quốc tế”, vai trò lãnh đạo “thế giới tự do”, cố bám lấy những lợi ích đế
quốc chủ nghĩa trên thế giới.

1. Xem Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết
cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc
gia, Hà Nội, 1995, tr. 74.
146 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

VI- ĐÁNH THẮNG CHIẾN LƯỢC VIỆT NAM HÓA CHIẾN TRANH CỦA MỸ

“Học thuyết Nixon” được đề ra trên cơ sở điều chỉnh chủ trương “phi
Mỹ hóa” chiến tranh của Johnson. Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh
của Nixon giống chủ trương “phi Mỹ hóa” chiến tranh của Johnson ở
chỗ: rút dần quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, tránh những tổn
thất lớn hơn đối với quân viễn chinh Mỹ, trong lúc vẫn bám giữ miền
Nam Việt Nam.
Việt Nam hóa chiến tranh hay “phi Mỹ hóa” chiến tranh, như tên
gọi của nó, về cơ bản, sẽ là cuộc chiến tranh giữa những người Việt Nam
với nhau. Âm mưu cơ bản của Mỹ vẫn là “dùng người Việt đánh người
Việt”, với bom đạn, đôla Mỹ, do Mỹ chỉ huy và vì lợi ích của Mỹ. Điều đó
có nghĩa: Đối với Mỹ, bản chất cuộc chiến tranh không thay đổi, chỉ có
phương pháp là có đổi thay, là sự “thay đổi màu da trên xác chết”!
Trong việc thực hiện chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, chính
sách “bình định” trong tất cả các thời kỳ trước đó của cuộc chiến tranh
được nâng lên thành “quốc sách”. Tuy nhiên, dưới thời Kennedy và nhất
là thời Johnson, Mỹ vẫn lấy việc tiêu diệt các lực lượng cách mạng làm
mục tiêu đầu tiên. Đến thời Nixon, “quốc sách bình định” được nâng lên
thành lý luận và dùng làm cơ sở cho chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh.
Để thực hiện “quốc sách bình định”, chính quyền Nixon đã giúp
chính quyền Sài Gòn thiết lập một hệ thống tổ chức chính trị và vũ
trang ở cơ sở hoàn chỉnh, được huấn luyện theo kiểu thống trị của chủ
nghĩa thực dân mới. Mỹ cố tạo cho chính quyền Sài Gòn một cơ sở xã
hội kiểu chủ nghĩa thực dân mới, nên đã hỗ trợ cho chính quyền Sài
Gòn thực thi chương trình “cải cách điền địa”, ban hành “Luật người cày
có ruộng” (ngày 26-3-1970) nhằm xóa bỏ chế độ bóc lột phong kiến,
chuyển địa chủ sang kinh doanh tư bản chủ nghĩa, giúp nông dân có
ruộng đất để cày cấy (!); phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa, tạo
lập chủ nghĩa tư bản ở nông thôn, xóa bỏ ảnh hưởng sâu rộng của cách
mạng đối với nông dân, xây dựng cơ sở kinh tế, chính trị và xã hội mới
của chế độ Sài Gòn lệ thuộc Mỹ.
CHƯƠNG II: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC... 147

Đi đôi với việc thực hiện chính sách “bình định”, Mỹ còn giúp chính
quyền Sài Gòn xây dựng lực lượng quân chủ lực với hơn 1 triệu người,
được huấn luyện đầy đủ, trang bị hiện đại để có thể “tự đứng vững”, “tự
gánh vác chiến tranh” khi quân Mỹ rút hết về nước.
Quân đội Sài Gòn được tăng cường và hiện đại hóa để trở thành
công cụ hữu hiệu của Mỹ trong chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh.
Đội quân này được sử dụng vào các cuộc hành quân càn quét chống
phá cách mạng, xóa bỏ các căn cứ của Quân giải phóng, hòng đẩy quân
chủ lực giải phóng ra xa, cắt đứt con đường tiếp tế từ hậu phương lớn
miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Quân đội Sài Gòn cùng với quân
Mỹ còn bị đẩy vào các cuộc hành quân xâm lược Lào và Campuchia để
ngăn chặn con đường tiếp tế từ Bắc vào Nam và phá vỡ quan hệ đoàn
kết chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia.
Song, chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ được thực hiện
trong thế thất bại, bế tắc, chứa đầy những mâu thuẫn bên trong khó có
thể khắc phục.
Tuy nhiên, trước mắt, Mỹ và chính quyền Sài Gòn vẫn còn những
mặt mạnh tương đối về quân số, hỏa lực, khả năng cơ động, địa bàn
chiếm giữ. Đặc biệt về mặt kinh tế, quân sự thì Mỹ vẫn là nước có tiềm
lực lớn vào bậc nhất thế giới. Do đó, trong những năm đầu của Việt Nam
hóa chiến tranh (1969-1970), Mỹ đã gây cho cách mạng không ít khó
khăn, nhất là sau cuộc Tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968 với những
tổn thất nặng nề về lực lượng và việc mất những vùng rộng lớn ở nông
thôn vốn là nơi đứng chân của cách mạng.
Bước vào những năm đầu của thập kỷ 70 thế kỷ XX, những thắng
lợi quân sự trên ba chiến trường ở Đông Dương dần đẩy Mỹ và chính
quyền Sài Gòn vào thế bị động, bế tắc cả về chiến lược, chiến thuật,
chiến dịch, đã làm rung chuyển hệ thống “phòng ngự từ xa” của chiến
lược Việt Nam hóa chiến tranh.
Trên chiến trường miền Nam Việt Nam, được sự hỗ trợ của lực
lượng vũ trang nhân dân và thắng lợi quân sự cổ vũ, một phong trào
quần chúng ở hầu hết các vùng nông thôn, đồng bằng, rừng núi, ven thị
148 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

nổi dậy chống ác ôn, phá kìm kẹp, giành quyền làm chủ dần hình thành.
Phong trào nổi lên mạnh mẽ ở đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều “ấp
chiến lược” của chính quyền Sài Gòn đã bị san bằng, chương trình “bình
định” nông thôn - “xương sống” của Việt Nam hóa chiến tranh bị giáng
đòn nặng nề.
Ở thành thị, công nhân, học sinh, sinh viên, trí thức, phật tử và
các tầng lớp lao động khác đã đấu tranh mạnh mẽ dưới nhiều hình
thức phong phú, như bãi công, bãi khóa, míttinh, biểu tình, hội thảo,
đưa kiến nghị đòi các quyền tự do, dân sinh, dân chủ, đòi Mỹ rút về
nước, chống đàn áp, chống bắt lính, chống chính sách “quân sự hóa học
đường”. Phong trào nổ ra liên tục và rầm rộ, nhất là ở Sài Gòn, nơi lực
lượng học sinh, sinh viên giữ vai trò quan trọng và hành động của họ
thường “châm ngòi nổ” cho phong trào chung của các tầng lớp nhân
dân thành thị.
Nét độc đáo của phong trào học sinh, sinh viên miền Nam thời kỳ
này là từ phong trào, họ cất cao tiếng hát “Xuống đường”, “Dậy mà đi” và
họ đã đi vào từng ngõ phố, ra tận cánh đồng, nơi bà con đang sản xuất
để “nói với đồng bào” về những thủ đoạn tàn ác và thâm độc của Mỹ và
chính quyền Sài Gòn đối với nhân dân miền Nam.
Từ sau Tết Mậu Thân 1968, vấn đề thành lập chính quyền cách
mạng Trung ương trở thành yêu cầu cấp bách cả về đối nội và đối
ngoại, và trên thực tế đã có những điều kiện để thành lập một chính
quyền như vậy - đó là miền Nam đã có bộ máy chính quyền các cấp
từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã dưới hình thức là Mặt trận, có lực
lượng vũ trang cách mạng lớn mạnh, có lực lượng chính trị hùng hậu,
thống nhất trong mặt trận đoàn kết dân tộc rộng rãi.
Đáp ứng yêu cầu đó, Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam Việt Nam
được triệu tập gồm đại biểu của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam
Việt Nam, Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình ở
Việt Nam cùng đại biểu của các lực lượng yêu nước khác ở miền Nam
Việt Nam. Đại hội được tổ chức trong các ngày 6, 7 và 8-6-1969 tại một
địa điểm thuộc tỉnh Tây Ninh thuộc miền Đông Nam Bộ.
CHƯƠNG II: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC... 149

Trong bản Báo cáo chính trị đọc tại Đại hội, thay mặt Ban Trù bị, Luật
sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải
phóng miền Nam Việt Nam nêu rõ: “Thắng lợi to lớn của quân và dân ta
đã dẫn đến sự hình thành các vùng giải phóng rộng lớn từ nam sông Bến
Hải đến tận mũi Cà Mau, tạo một thế đứng mạnh mẽ cho quân và dân ta
đánh địch khắp mọi nơi. Trên những vùng giải phóng đó, chánh quyền
cách mạng đã ra đời, một chánh quyền thật sự đại diện nhiều quyền lợi và
nguyện vọng chính đáng của nhân dân ta. Các mặt công tác, sản xuất, văn
hóa, giáo dục, thông tin, y tế không ngừng phát triển. Nền móng của một
chế độ độc lập, tự do, thật sự dân chủ được xây dựng”.
Trên cơ sở phân tích tình hình trong nước, quốc tế và yêu cầu của
cách mạng miền Nam, Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam Việt Nam
đã thông qua Nghị quyết cơ bản về việc thành lập chế độ Cộng hòa miền
Nam Việt Nam và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam
Việt Nam.
Bản Nghị quyết cơ bản được thông qua tại Đại hội là văn kiện chính
trị quan trọng, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân miền Nam
Việt Nam.
Về Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam
và Ủy ban nhân dân cách mạng các cấp, Nghị quyết nêu rõ: “Chính phủ
cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là cơ quan quyền
lực cao nhất, có nhiệm vụ động viên, lãnh đạo toàn quân, toàn dân,
lãnh đạo các cấp Ủy ban nhân dân cách mạng đẩy mạnh cao trào tổng
tiến công và nổi dậy, kết hợp với đấu tranh ngoại giao nhằm đánh bại
đế quốc Mỹ xâm lược, đánh đổ ngụy quyền, thực hiện các mục tiêu độc
lập, dân chủ, hòa bình, tiến tới thống nhất đất nước”1.
Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam
được Đại hội đại biểu quốc dân giao toàn quyền điều khiển và giải quyết
mọi công tác đối nội và đối ngoại.

1. Ban Chỉ đạo biên soạn Lịch sử Chính phủ Việt Nam, Trần Đức Cường
(chủ biên): Lịch sử Chính phủ Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006,
t.2, tr. 426.
150 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Về tổ chức, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam
Việt Nam có chủ tịch, phó chủ tịch và các bộ: Quốc phòng, Ngoại giao,
Nội vụ, Kinh tế - Tài chính, Thông tin - Văn hóa, Giáo dục - Thanh niên,
Y tế - Xã hội - Thương binh, Tư pháp…
Nghị quyết cũng nêu việc thành lập Hội đồng cố vấn bên cạnh
Chính phủ cách mạng lâm thời có nhiệm vụ và quyền hạn góp ý kiến
với Chính phủ trong việc đề ra các chủ trương, chính sách đối nội và đối
ngoại, trong việc ban hành, bổ sung và sửa chữa các sắc luật, nghị định,
chỉ thị, thông tư của Chính phủ…
Đại hội đã bầu Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch, Bác sĩ
Phùng Văn Cung, Giáo sư Nguyễn Văn Kiết và nhân sĩ Nguyễn Đóa làm
Phó Chủ tịch Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt
Nam; bầu Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch và Luật sư Trịnh Đình
Thảo làm Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời
Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Nhiều vị nhân sĩ, trí thức yêu nước, nhà hoạt động cách mạng được
bầu làm bộ trưởng, thứ trưởng Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng
hòa miền Nam Việt Nam và Ủy viên Hội đồng cố vấn Chính phủ cách
mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Việc thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam
Việt Nam đã được dư luận quốc tế hoan nghênh. Nhiều nước đã công
nhận và lập quan hệ ngoại giao với Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng
hòa miền Nam Việt Nam.
Dưới sự điều hành của Chính phủ cách mạng lâm thời, sự nghiệp
cách mạng ở miền Nam phát triển nhanh chóng và vững chắc. Đến đầu
năm 1971, nhân dân miền Nam đã giành được quyền làm chủ thêm
3.600 ấp với 3 triệu dân. Bốn ban đại diện của Chính phủ đã được thành
lập ở bốn miền: Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây
Nam Bộ. Ủy ban nhân dân cách mạng được thành lập ở tất cả 44 tỉnh, 6
thành phố, 182 huyện và hơn 1.500 xã1.

1. Ủy ban Thống nhất Trung ương: Sức mạnh chiến thắng của cuộc kháng chiến
chống Mỹ, cứu nước, Viện Sử học, Ủy ban khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, tr. 33-34.
CHƯƠNG II: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC... 151

Những thắng lợi quân sự, chính trị của quân và dân Việt Nam,
Lào, Campuchia, nhất là thắng lợi ở đường 9 - Nam Lào và Đông Bắc
Campuchia vào nửa đầu năm 1971, đã làm phá sản bước đầu quan trọng
chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, Đông Dương hóa chiến tranh của
Mỹ, mở ra khả năng thực tế làm phá sản hoàn toàn chiến lược đó. Sau
thắng lợi này, tình hình so sánh lực lượng cách mạng ở Đông Dương
càng bất lợi cho Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Cách mạng Việt Nam đã
có những điều kiện và thời cơ thuận lợi cho một cuộc tiến công chiến
lược mới ngay trong năm 1972.
Ngày 30-3-1972, lợi dụng sự chủ quan, sơ hở của đối phương do
phán đoán sai thời gian, quy mô, hướng tiến công của quân cách mạng,
Quân giải phóng đã bắt đầu cuộc tiến công chiến lược theo kế hoạch với
cường độ mạnh, quy mô rộng lớn trên hầu hết các địa bàn chiến lược
quan trọng và trong thời gian ngắn đã chọc thủng ba phòng tuyến mạnh
nhất của địch là Quảng Trị, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Quân chủ lực
Sài Gòn buộc phải căng ra chống đỡ trên hầu khắp các chiến trường. Sự
yểm trợ của không quân và hải quân Mỹ tuy đã ở mức độ cao, vượt quá
khuôn khổ của Việt Nam hóa chiến tranh, cũng không làm giảm sức
tiến công của Quân giải phóng, không cứu được quân đội Sài Gòn bị
tiêu hao ngày càng nhiều và tan rã từng mảng lớn.
Cùng với những cuộc tiến công, bao vây, áp sát tiêu diệt các căn
cứ quân sự, chi khu, quận lỵ, đồn bốt của quân đội Sài Gòn, lực lượng
vũ trang nhân dân ba thứ quân đã hỗ trợ đắc lực cho nhân dân các địa
phương nổi dậy giành quyền làm chủ, đẩy mạnh chiến tranh du kích
ở những vùng do chính quyền Sài Gòn kiểm soát.
Kết quả là sau gần ba tháng chiến đấu (đến cuối tháng 6- 1972),
Quân giải phóng đã loại khỏi vòng chiến đấu một lực lượng lớn sinh lực
quân đội Sài Gòn, khoảng 25 vạn quân; phá và thu hồi một khối lượng
lớn phương tiện chiến tranh (gồm 636 xe tăng và xe bọc thép, 419 khẩu
pháo, 340 máy bay); giải phóng những vùng đất đai rộng lớn với hơn 1
triệu dân. Đây là đòn mạnh mẽ giáng vào chiến lược Việt Nam hoá
chiến tranh của Mỹ.
152 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Sau đòn mở đầu bất ngờ của các lực lượng vũ trang cách mạng,
quân đội Sài Gòn có sự yểm trợ tối đa của hỏa lực, không quân và hải
quân Mỹ, đã phản công mạnh trên khắp các chiến trường từ Quảng
Trị đến miền Đông Nam Bộ, gây cho ta nhiều thiệt hại. Phối hợp với
quân đội Sài Gòn, chính quyền Nixon thực hiện “Mỹ hóa” một phần trở
lại cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam và tiếp tục cuộc chiến tranh
không quân và hải quân phá hoại miền Bắc từ ngày 6-4-1972.
Mặc dù vậy, ý nghĩa của cuộc tiến công chiến lược năm 1972 vẫn
hết sức to lớn: mở ra bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu
nước, giáng đòn mạnh vào quân đội Sài Gòn và quốc sách “bình định”
của chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ.
Trong thời kỳ chống lại chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của
Mỹ, quân và dân miền Nam đã kết hợp mũi đấu tranh quân sự và chính
trị với cuộc đấu tranh ngoại giao.
Ngày 31-3-1968, sau đòn bất ngờ, mạnh mẽ của cuộc Tổng tiến
công và nổi dậy Tết Mậu Thân của quân dân miền Nam, Johnson tuyên
bố ngừng ném bom bắn phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và bắt đầu
nói đến thương lượng với Việt Nam.
Hội nghị hai bên ở Paris sau nhiều phiên họp trong năm 1968 vẫn
chưa giải quyết được những vấn đề cơ bản, nhưng đã mở đầu cho một
thời kỳ đấu tranh ngoại giao trên bàn hội nghị.
Ngày 1-11-1968, Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố ngừng tất cả các
cuộc ném bom bắn phá trên toàn miền Bắc. Sau sự kiện này, đấu tranh
giữa Việt Nam và Mỹ xoay quanh vấn đề chủ yếu về hình thức, thành
phần hội nghị và đã đi đến thống nhất về hình thức Hội nghị bốn bên
giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền
Nam Việt Nam (sau đó là Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa
miền Nam Việt Nam), Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa.
Sau cuộc họp trù bị ngày 18-1-1969, Hội nghị bốn bên về Việt Nam
chính thức họp phiên đầu tiên ngày 25-1-1969 tại Paris. Tham dự Hội
nghị, ngoài trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ còn có
trưởng đoàn hai bên miền Nam Việt Nam: Mặt trận Dân tộc giải phóng
CHƯƠNG II: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC... 153

miền Nam Việt Nam (sau đó là Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng
hòa miền Nam Việt Nam) và Việt Nam Cộng hòa.
Từ phiên họp đầu tiên đến khi đạt dự thảo Hiệp định Paris về Việt
Nam (tháng 10-1972), Hội nghị bốn bên ở Paris trải qua nhiều phiên
họp chung công khai và nhiều cuộc tiếp xúc riêng. Các đoàn đại biểu
Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa miền Nam Việt
Nam không bỏ qua bất cứ vấn đề quan trọng nào có liên quan đến cuộc
chiến tranh ở Việt Nam, nhưng tập trung mũi nhọn đấu tranh vào hai
vấn đề mấu chốt nhất là đòi rút hết quân viễn chinh của Mỹ và quân của
các nước thuộc phe Mỹ khỏi miền Nam và tôn trọng các quyền dân tộc
cơ bản và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam. Trên cơ
sở những thắng lợi to lớn trên các lĩnh vực quân sự, chính trị và ngoại
giao, sau quá trình đàm phán hết sức căng thẳng và quyết liệt, và sau
cả những thất bại của Mỹ trên chiến trường miền Nam và trên bầu trời
Hà Nội, Hải Phòng trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, Hiệp định Paris
về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được bốn bộ
trưởng đại diện cho bốn chính phủ tham dự Hội nghị (Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Cộng hòa miền Nam Việt Nam
và Việt Nam Cộng hòa) ký kết tại Trung tâm hội nghị quốc tế Clêbe,
Paris, Cộng hòa Pháp ngày 27-1-1973. Đây là một thắng lợi to lớn của
toàn thể dân tộc Việt Nam. Hiệp định ghi rõ: Hoa Kỳ và các nước tôn
trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Hiệp định còn nêu rõ: Hoa Kỳ rút hết quân viễn chinh và quân các
nước thân Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam, phá hết các căn cứ quân sự của
Mỹ, cam kết không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công
việc nội bộ của miền Nam Việt Nam…
Ngay sau đó, ngày 2-3-1973, Hội nghị quốc tế về Việt Nam được
triệu tập tại Paris gồm đại biểu các nước Liên Xô, Trung Quốc, Anh,
Pháp, bốn bên tham gia ký Hiệp định và bốn nước trong Ủy ban giám
sát và kiểm soát quốc tế (Ba Lan, Canada, Hungari, Indonesia) với sự có
mặt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Tất cả các nước tham dự Hội nghị
đã ký văn bản Định ước công nhận về mặt pháp lý quốc tế giá trị của
154 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Hiệp định Paris về Việt Nam và bảo đảm cho Hiệp định được thi hành
nghiêm chỉnh.
Hiệp định Paris về Việt Nam là kết quả cuộc đấu tranh ngoan cường
của nhân dân Việt Nam ở cả hai miền Nam - Bắc nhằm tiến tới loại
bỏ các thế lực xâm lược ra khỏi miền Nam Việt Nam nhằm thực hiện
quyền tự quyết của nhân dân vì nền độc lập và thống nhất của Tổ quốc.

VII- KINH TẾ - XÃ HỘI NAM BỘ TRƯỚC GIẢI PHÓNG

1. Vùng do chính quyền Sài Gòn kiểm soát


Thực trạng kinh tế - xã hội của miền Nam nói chung, Nam Bộ nói
riêng trước ngày giải phóng, gắn chặt với sự biến chuyển của tình hình
chính trị. Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm lần thứ nhất
(1957-1961), một mặt chính quyền Việt Nam Cộng hòa tiếp tục mở cửa
cho tư bản Mỹ và tư bản nước ngoài đầu tư vào miền Nam; mặt khác,
tăng cường thiết lập các ngành công nghiệp trong nước bằng việc mua
lại một số cơ sở công nghiệp của Pháp và thành lập thêm một số công
ty quốc doanh. Trước năm 1960, tình hình kinh tế - xã hội miền Nam
tương đối ổn định, vật giá ít biến động. Giai cấp tư sản miền Nam nắm
khối lượng tài sản cố định khá lớn, chi phối hoạt động kinh tế ở Sài Gòn
và các tỉnh Nam Bộ, nổi lên là vai trò quan trọng của tư sản mại bản
người Hoa. Tư bản nước ngoài tham gia ngày càng sâu vào hoạt động
kinh tế Nam Bộ. Đầu tư của tư bản nước ngoài vào Sài Gòn và vùng phụ
cận trong hai năm 1958-1959 lên đến 1,2 tỷ đôla. Các cơ sở công nghiệp
chủ yếu là công nghiệp nhẹ, công nghiệp dược phẩm, xây dựng với kỹ
thuật khá hiện đại, như xí nghiệp dược phẩm Roussel, Vina-Spécia,
Hoechst, xí nghiệp bóng điện Coteco, Pin-accu Videco.
Trong lĩnh vực kinh tế, tư bản Pháp vẫn còn chiếm một thế lực đáng
kể, sau đó đến tư bản Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Italia, Nhật Bản1.
Một số công ty quốc doanh cũng như tư nhân Việt Nam được thành

1. Lê Khoa: Tình hình kinh tế miền Nam Việt Nam (1955-1975) qua chỉ tiêu
thống kê, Viện Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, 1979.
CHƯƠNG II: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC... 155

lập, các nhà máy Âu dược, các ngành lắp ráp xe gắn máy, radio, máy
khâu, sản xuất đồ gỗ, các nhà máy chế biến thực phẩm, nhà máy hóa
chất hình thành.
Trong các ngành công nghiệp của Nam Bộ, ngành điện được chú
trọng và phát triển mạnh nhất. Nhiều ngành mới xuất hiện như ngành
lắp ráp, chế tạo sản phẩm bằng chất dẻo, sản xuất hóa dược, đồ dùng
bằng điện, thực phẩm đóng hộp. Quy mô của các xí nghiệp và ngay cả
từng ngành tuy không lớn, song có những tiến bộ về trang thiết bị kỹ
thuật. Nhiều cơ sở sản xuất nhỏ đã được trang bị máy móc hiện đại. Số
lượng cơ sở kinh doanh về cả công nghiệp và thủ công nghiệp tăng lên
rõ rệt, chất lượng hàng tiêu dùng, hàng mỹ nghệ và xuất khẩu được nâng
cao. Số vốn đầu tư cũng ngày một nhiều.
Đến năm 1965, miền Nam nói chung, Nam Bộ nói riêng không còn
là thị trường độc quyền của một nước nào. Bên cạnh Mỹ còn có các
nước và vùng lãnh thổ khác như Anh, Italia, Nhật Bản, Cộng hòa liên
bang Đức, Đài Loan, Australia, Canada. Hầu hết các vụ đầu tư của nước
ngoài đều nấp dưới hình thức xí nghiệp liên hiệp hoặc với tư sản miền
Nam hoặc với Chính phủ Việt Nam Cộng hòa.
Như vậy, có thể nói, trong thời gian 1959-1964, nền công nghiệp
Nam Bộ đã có những bước tiến mới so với giai đoạn trước. Tuy vậy, nền
công nghiệp vẫn mang tính chất què quặt, mất cân đối, chủ yếu là sản
xuất hàng tiêu dùng và mang tính chất gia công. Đến thời kỳ này, nền
công nghiệp chế tạo máy móc hoàn toàn không có. Tổng số vốn đầu tư
vào ngành sửa chữa máy móc và chế biến sản phẩm bằng kim loại quá
nhỏ bé. Các ngành công nghiệp phát triển nhất chủ yếu là những ngành
phục vụ tiêu dùng và chế biến thực phẩm từ nông sản như kỹ nghệ
bông vải, kỹ nghệ đường, kỹ nghệ giấy, gỗ, thủy tinh. Công nghiệp thực
phẩm chiếm giá trị lớn nhất trong tổng sản lượng công nghiệp, sau đó
là ngành kéo sợi và dệt.
Về nông nghiệp, chính quyền Sài Gòn vẫn tiếp tục thi hành chính
sách “cải cách điền địa”, tổ chức hợp tác xã thương nghiệp, mở rộng tín
dụng nông nghiệp và thị trường mua bán sản phẩm nông nghiệp. Trong
156 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

giai đoạn này, nông nghiệp Nam Bộ phát triển nhất vào năm 1960 và
năm 1962. Năm 1961, chỉ số phát triển nông nghiệp giảm do lụt lớn xảy
ra. Sản lượng và năng suất lúa gạo tăng hơn so với các năm trước.
Cùng với sản xuất lúa gạo, lĩnh vực chăn nuôi, trồng cây công nghiệp
cũng có những kết quả đáng kể. Năm 1962, trong khuôn khổ của “Kế
hoạch 5 năm 1962-1966”, cùng với việc dồn dân vào ấp chiến lược, chính
quyền Sài Gòn đề ra các “chương trình heo bắp” (năm 1962), “chương
trình chăn nuôi bình định”. Các chính sách này tuy không mang lại kết
quả như ý muốn, song lĩnh vực chăn nuôi cũng có tiến triển hơn trước.
Về cây công nghiệp, các cây mía, thuốc lá, dâu, bông… được chú trọng,
đặc biệt là cây cao su. Sản lượng nông phẩm xuất khẩu ngày một tăng.
Xuất khẩu gạo hằng năm qua cảng Sài Gòn đạt 340.000 tấn/năm, nhưng
sau đó giảm dần và đến năm 1964 lại phải nhập khẩu gạo.
Để phục vụ chiến tranh và phát triển kinh tế, ngành giao thông vận
tải tại Nam Bộ cũng được mở rộng và phát triển, trong đó phát triển
nhất là ngành hàng không. Vận tải ô tô và đường thủy cũng được đẩy
mạnh hơn. Riêng vận tải đường sắt phát triển nhất vào năm 1960, sau
đó giảm sút dần do điều kiện chiến tranh.
Như vậy, trong giai đoạn từ năm 1959 đến năm 1964, nền kinh tế
Nam Bộ có những bước phát triển đáng kể. Có thể nói đây là giai đoạn
phồn thịnh của nền kinh tế Nam Bộ. Tuy nhiên, nền kinh tế Nam Bộ
trong giai đoạn 1959-1964 cũng như các giai đoạn sau vẫn không thoát
khỏi sự phụ thuộc vào nước ngoài, nhất là Mỹ, và vẫn là một nền kinh
tế mất cân đối lớn.
Sau một giai đoạn bị sa sút nghiêm trọng, từ năm 1971 trở đi, tình
hình kinh tế - xã hội Nam Bộ, chủ yếu là Sài Gòn có sự chuyển biến mới
đáng kể. Thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, Mỹ và chính
quyền Sài Gòn tiến hành “bình định cấp tốc” lấn chiếm vùng nông thôn,
tạo điều kiện cho tư bản nước ngoài đầu tư vào miền Nam. Khu công
nghiệp Sài Gòn - Biên Hòa hình thành, tập trung hơn 80% năng lực sản
xuất công nghiệp của cả miền Nam. Chỉ tính vốn đầu tư của hai năm 1971-
1972 vào Sài Gòn đã gấp hơn 10 lần tổng số vốn đầu tư của 10 năm trước
CHƯƠNG II: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC... 157

đó. Đến năm 1974, riêng Sài Gòn - Gia Định có khoảng trên 38.000 cơ sở
công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp lớn nhỏ. Các cơ sở dịch vụ ngân hàng,
khách sạn, dịch vụ sửa chữa, dịch vụ ăn uống, may mặc, v.v., phát triển
mạnh. Các ngành tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp cũng được trang bị
máy móc hiện đại hơn. Kết cấu hạ tầng được củng cố và mở rộng. Hệ
thống đường sông, đường biển, đường bộ, đường hàng không được đầu tư
xây dựng thành một mạng lưới vận tải khá hoàn chỉnh. Cảng Sài gòn có
khả năng bốc xếp hơn 7 triệu tấn hàng hóa/năm, phần lớn các khâu bốc
xếp đều được cơ giới hóa. Sân bay Tân Sơn Nhất có khả năng tiếp nhận
máy bay hạng nặng, trước năm 1975, cao nhất có trên 130.000 chuyến bay
lên xuống, trên 1 triệu hành khách và 10 triệu tấn hàng hóa/năm.
Do chủ yếu sống bằng viện trợ, nên ở các vùng do chính quyền Sài
Gòn kiểm soát, thương mại, dịch vụ khá phát triển, nhất là hoạt động
ngoại thương, tỷ lệ nhập khẩu cao hơn nhiều so với xuất khẩu. Riêng
Sài Gòn đã có hơn 300 đại diện thương mại của các hãng nước ngoài
và khoảng hơn 30.000 hộ kinh doanh thương nghiệp và dịch vụ. Mặc
dù công nghiệp có sự phát triển, song nguyên liệu cho sản xuất công
nghiệp vẫn phải nhập khẩu khá nhiều. Tỷ lệ thu - chi ngân sách mất cân
đối nghiêm trọng.
Cùng với sự mất cân đối của nền kinh tế, sự phân hóa giai cấp, phân
hóa giàu - nghèo diễn ra sâu sắc cả ở thành thị và nông thôn. Trong lúc
tầng lớp tư sản dân tộc gặp phải cảnh đình trệ, phá sản thì tầng lớp tư sản
mại bản lại ngày càng bành trướng thế lực. Tư sản mại bản quan liêu và
tư sản mại bản bám vào “viện trợ” Mỹ, vào hàng nhập khẩu của các nước
tư bản phát triển vẫn chạy theo đầu tư liên doanh với nước ngoài để làm
giàu nhanh chóng. Ở Nam Bộ dưới thời Việt Nam Cộng hòa, chủ yếu là
từ năm 1965 đến năm 1975, đã xuất hiện những tư sản mại bản giàu có và
có thế lực bậc nhất như “vua lúa gạo”, “vua bột mỳ”, “vua sắt thép” và hàng
trăm tư sản khác thuộc đủ các ngành nhập nông cụ, máy móc, vận tải.
Trong lúc tư sản mại bản sống cuộc đời đế vương thì giai cấp công
nhân và đại đa số nhân dân lao động ở thành thị vẫn phải sống một
cuộc sống bấp bênh, thiếu việc làm và không đủ ăn, đội ngũ những
158 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

người buôn thúng bán bưng ngày càng đông. Ở nông thôn, cuộc sống
của nông dân càng không ổn định do chính quyền Sài Gòn thực hiện
hết chính sách “ấp chiến lược” đến “ấp tân sinh”, “ấp đời mới”, buộc họ
phải rời bỏ thôn ấp để sống ở các ấp tập trung, mang tính chất trại lính.
Không những vậy, những trận càn quét, đánh phá của quân đội Sài Gòn
đã cướp đi của nông dân không những nhà cửa, ruộng vườn, hoa màu
mà cả tính mạng, người thân của họ.
Cảnh phồn vinh ở các đô thị đã không che đậy được tính không ổn
định của nền kinh tế; không những không làm mất đi mà càng làm sâu
sắc thêm mâu thuẫn vốn có trong một xã hội thực dân kiểu mới, trong
đó chủ yếu là mâu thuẫn giữa các tầng lớp nhân dân miền Nam với
chính quyền Sài Gòn do Mỹ lập nên và ủng hộ.
Việc Mỹ đổ số tiền khổng lồ khoảng 20 tỷ đôla trong 21 năm (1954-
1975)1 vào miền Nam nói chung, Nam Bộ nói riêng đã thực sự “nuôi
sống” nền kinh tế vốn yếu ớt và mất cân đối của miền Nam Việt Nam.
Số tiền viện trợ khổng lồ ấy đã tạo nên một xã hội mang tính chất tiêu
dùng ở miền Nam. Rất nhiều hàng hóa mang tính chất xa xỉ được nhập
khẩu vào miền Nam, nhất là Sài Gòn và các đô thị để phục vụ cho hàng
triệu người nằm trong bộ máy chính quyền và quân đội Sài Gòn - những
người có thế lực - mà ít chú ý tạo nên một xã hội sản xuất vốn gắn bó với
những người dân bình thường - công nhân, nông dân, thợ thủ công...
Do nhu cầu chính trị - kinh tế, hoạt động văn hóa, giáo dục được
mở rộng. Giáo dục phổ thông và đại học phát triển khá mạnh, không
bị hạn chế như dưới thời Pháp thuộc. Chỉ tính riêng Sài Gòn, nếu dưới
thời Pháp thuộc chỉ có 19 trường tiểu học thì đến năm 1957 đã có tới 45
trường. Năm học 1954-1955, toàn thành phố Sài Gòn mới có 2.150 sinh
viên thì đến năm học 1958-1959 đã có tới 6.753 sinh viên2. Theo yêu

1. Xem Đặng Phong: Kinh tế miền Nam Việt Nam, thời kỳ 1955-1975, Nxb.
Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004, tr. 416.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh:
Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh 1930-1975, Nxb. Chính trị quốc gia,
Hà Nội, 2015, tr. 535.
CHƯƠNG II: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC... 159

cầu phát triển công nghiệp hiện đại, số lượng học sinh, sinh viên đi ra
nước ngoài học tập cũng ngày càng nhiều. Hệ thống thông tin đại chúng
được hiện đại hóa với mạng lưới truyền thanh, truyền hình, sách báo
phim ảnh khá phát triển. Hàng loạt đài phát thanh ra đời, phát gần như
suốt ngày đêm. Báo chí - xuất bản phát triển mạnh. Rạp hát, rạp chiếu
phim được sửa chữa, xây dựng lại hiện đại hơn, chỉ riêng nội thành
Sài Gòn đã có hơn 50 rạp chiếu phim, 12 rạp hát1.
“Xã hội tiêu dùng” song hành với “xã hội thời chiến” ở Nam Bộ với
sự hiện diện của đông đảo binh lính Mỹ và các nước đồng minh của
Mỹ đã tạo nên nhiều tệ nạn xã hội. Theo số liệu của chính quyền Sài
Gòn, năm 1974, riêng ở thành phố Sài Gòn đã có 500.000 người thất
nghiệp và nửa thất nghiệp, 170.000 thương phế binh, hơn 100.000 gái
mại dâm, 150.000 người nghiện ma túy, 10.000 trẻ em “bụi đời”, 10.000
người ăn xin, 200.000 trẻ mồ côi, 200.000 lưu manh du đãng, 30.000
người chuyên cờ bạc, buôn lậu2.
Từ những vấn đề xã hội nêu trên là những vấn đề về tâm lý, về
những mâu thuẫn phát sinh từ vấn đề lợi ích, vấn đề dân tộc, danh
dự, lương tâm. Ông Nguyễn Văn Hảo, nguyên Phó Thủ tướng chính
phủ Việt Nam Cộng hòa, đã viết như sau về xã hội miền Nam: “Khu
vực thịnh vượng là của thành phần dân chúng thành thị có tiếp xúc
với khu vực ngoại quốc (những người thuộc khu vực tư, hoặc các nhà
nhập cảng, các cơ quan Hoa Kỳ), họ là một thiểu số trong dân số. Về
lợi tức, họ chiếm đa số tuyệt đối. Khu vực nghèo túng là khu vực canh
nông... Sự thịnh vượng không được phân phát đồng đều. Giàu có chỉ
nằm ở thành thị và các vùng lân cận, chiến tranh chỉ nằm tại thôn
quê... Nhưng nông thôn lại không độc quyền trong việc chịu đựng
chiến tranh, ngay tại thành thị cũng có một thành phần dân chúng
khốn khổ không kém”3.

1, 2. Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015,
tr. 87, 86.
3. Nguyễn Văn Hảo: Diễn tiến kinh tế Việt Nam từ 1955-1970, tuần san Phòng
Thương mại và Công nghệ Sài Gòn, số 731-732.
160 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

2- Vùng do cách mạng kiểm soát


Đẩy mạnh sản xuất, xây dựng kinh tế dân chủ nhân dân, phát triển văn
hóa xã hội ở các vùng giải phóng là một chủ trương lớn của cách mạng.
Giải phóng nông dân khỏi những tàn tích phong kiến không đơn
thuần chỉ là đem lại ruộng đất cho họ, mà còn phải “xây dựng một chính
quyền dân chủ thực sự, một chính quyền nhân dân, làm cho nông dân
lao động thật sự trở thành người làm chủ, người cầm quyền ở nông thôn”,
phải “giải phóng lực lượng sản xuất của nông dân bị kìm hãm hàng nghìn
năm nay, trên cơ sở đó đẩy mạnh phát triển nông nghiệp kết hợp với phát
triển tiểu công nghệ, làm cho vùng nông thôn giải phóng có đủ điều kiện
đáp ứng nhu cầu của nhân dân và của kháng chiến”. Vì vậy, đi đôi với việc
đem lại ruộng đất cho nông dân, Đảng và Mặt trận Dân tộc giải phóng
miền Nam Việt Nam đã tổ chức các hình thức vần công, đổi công, hợp
tác lao động tương trợ để nông dân có thể giúp đỡ lẫn nhau, nâng cao
đời sống... Tính đến cuối năm 1965, đã có hàng triệu nông dân tham gia
vào hàng ngàn tổ vần công, đổi công. Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long,
phong trào vần công, đổi công phát triển khá mạnh. Tại miền Tây Nam
Bộ, có hơn 25.000 tổ vần công, đổi công, gồm hơn 30 vạn tổ viên.
Cùng với phong trào vần công, đổi công, phong trào tăng gia sản
xuất, thực hành các biện pháp thâm canh, tăng vụ cũng phát triển mạnh.
Nhờ thực hiện các biện pháp làm thủy lợi, diện tích canh tác, tưới tiêu
được mở rộng. Năm 1965, 2.400 km kênh ngòi đã được đào đắp. Các
phong trào thi đua, “sản xuất nhanh, nhiều, tốt, rẻ, quanh năm trồng tỉa,
bốn mùa thu hoạch” đã có tác dụng thiết thực động viên nhân dân sản
xuất và sẵn sàng chiến đấu chống địch càn quét, phá hoại. Nhờ có những
phong trào thi đua và các biện pháp sản xuất trên, năng suất lúa ở vùng
giải phóng đã đạt sản lượng cao. Ở vùng giải phóng miền Trung và Tây
Nam Bộ, năng suất lúa trung bình đạt 3 tấn/ha; trong khi đó ở vùng tạm
chiếm, năng suất lúa chỉ đạt 1,5 tấn/ha.
Trên cơ sở làm chủ ruộng vườn, nông dân trong các vùng căn cứ,
các vùng giải phóng vượt qua bom pháo địch, kiên cường bám đất, tổ
chức đào kênh mương, làm thủy lợi, cải tạo đồng ruộng, mở rộng khai
CHƯƠNG II: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC... 161

hoang phát triển sản xuất. Số lượng lương thực làm ra bà con dành
phần lớn đóng góp đảm phụ nuôi quân. Năm 1963, nông dân Tây Nam
Bộ đóng góp 2.185.300 giạ lúa, trong ba năm (1963-1965) đã đóng góp
9.948.680 giạ (210.172 tấn)1.
Sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp trong các vùng giải phóng
tuy còn nhỏ bé, nhưng từng ngày phát triển và có một vị trí quan trọng
trong nền kinh tế dân chủ nhân dân miền Nam. Ở những nơi có điều
kiện, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tiến hành khôi
phục, tổ chức các cơ sở, ngành nghề sản xuất để phục vụ chiến đấu và
đời sống nhân dân. Nhiều cơ sở sản xuất, sửa chữa vũ khí, đạn dược,
thuốc men, giấy viết, vải vóc, nông cụ đã được thành lập. Đặc biệt, hàng
trăm công xưởng sản xuất vũ khí hiện đại như mìn chống bộ binh,
chống xe tăng, súng phóng lựu đạn, thủy lôi đã đi vào sản xuất và cung
cấp trực tiếp cho cách mạng.
Trong vùng giải phóng, chính quyền cách mạng các cấp đã thành
lập các cơ sở sửa chữa máy móc như máy in, máy phát thanh, máy chữ
phục vụ sản xuất và chiến đấu. Nghề rèn, nghề nấu sắt từ quặng cũng
bắt đầu phát triển và các cơ sở này đã sản xuất được hàng vạn nông cụ
các loại phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Nghề dệt cũng được khôi phục và phát triển. Hàng vạn khung cửi
dệt đã đi vào hoạt động, cung cấp được một phần nhu cầu mặc của bộ
đội và nhân dân. Các nhà máy, xí nghiệp khác như các xí nghiệp sản
xuất xà phòng, xí nghiệp sản xuất thuốc tiêm, thuốc uống, xí nghiệp
may đã được tổ chức, xây dựng và đã cung cấp kịp thời các nhu yếu
phẩm cho nhân dân vùng giải phóng.
Ngoài các ngành nghề trên, các ngành khác như đan lát, đồ gốm,
làm đường, bánh kẹo cũng được khôi phục lại và đi vào sản xuất.
Những đổi thay ban đầu về quan hệ sản xuất và các chính sách kinh
tế của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được nhân dân

1. Xem Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến: Những vấn
đề chính yếu trong lịch sử Nam Bộ kháng chiến 1945-1975, Nxb. Chính trị quốc gia,
Hà Nội, 2011, tr. 125.
162 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

vùng giải phóng nhiệt liệt hưởng ứng và tích cực thực hiện làm cho sản
xuất ngày càng phát triển. Tuy vậy, trong điều kiện bị địch bao vây, đánh
phá ác liệt, một số ngành về công nghiệp, nhất là công nghiệp nặng chưa
có điều kiện để phát triển. Vì vậy, vùng giải phóng còn thiếu những mặt
hàng công nghiệp phục vụ sản xuất và chiến đấu. Những sản phẩm đó
vẫn phải dựa vào sự viện trợ của hậu phương miền Bắc và vào sự giao
lưu kinh tế với vùng do chính quyền Sài Gòn kiểm soát.
Những thành tựu về xây dựng và phát triển kinh tế trong vùng giải
phóng tuy mới là bước đầu, song có ý nghĩa lớn lao, khẳng định tính ưu
việt của chế độ mới dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Dân tộc giải
phóng miền Nam Việt Nam. Những thành tựu đó đã bước đầu làm biến
đổi nền kinh tế vùng giải phóng từ một nền kinh tế mang tính chất phong
kiến, thực dân thành một nền kinh tế mang tính dân chủ nhân dân. Mặt
khác, những thành tựu ấy còn làm cho vai trò, vị trí của vùng giải phóng,
như một hậu phương tại chỗ của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
ở miền Nam nói chung, ở Nam Bộ nói riêng ngày càng nâng cao. Người
dân trong vùng giải phóng có đủ tinh thần và điều kiện để tham gia kháng
chiến với nhiều hình thức. Ví như: trong khoảng thời gian từ năm 1963
đến năm 1967, nhân dân vùng ven biển ở các tỉnh thuộc Nam Bộ như
Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu trực tiếp tham gia mở
luồng rạch, bến bãi để tiếp nhận vũ khí chở từ miền Bắc chi viện cho chiến
trường Nam Bộ. Nhân dân, chủ yếu là nông dân vừa tham gia vận chuyển,
vừa bảo vệ bí mật an toàn các tuyến hành lang, bến bãi, kho vũ khí. Ở
bến An Lộc (Bà Rịa, Vũng Tàu), nhân dân cùng lực lượng du kích tham
gia nạo vét, nắn dòng chảy ở nơi bị cạn để đưa tàu chở vũ khí vào nơi
an toàn. Nhân dân các huyện Cai Lậy, Châu Thành (Mỹ Tho - nay thuộc
Tiền Giang), ngoài việc trực tiếp tham gia, còn đưa hàng ngàn phương tiện
phục vụ vận chuyển vũ khí vượt Đồng Tháp Mười về miền Đông Nam Bộ1.
Bên cạnh xây dựng, phát triển kinh tế kháng chiến, lĩnh vực văn
hóa giáo dục trong các vùng giải phóng được chú trọng. Từ trong khói

1. Xem Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến: Những vấn đề
chính yếu trong lịch sử Nam Bộ kháng chiến 1945-1975, Sđd, tr. 126-127.
CHƯƠNG II: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC... 163

lửa của cuộc chiến tranh giải phóng, một nền văn hóa nghệ thuật cách
mạng đã hình thành và ngày càng phát triển. Sau khi Mặt trận Dân tộc
giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời được nửa năm, những chiến sĩ
văn hóa kiên cường của miền Nam đã tập hợp đội ngũ của mình trong
Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam (được thành lập ngày 20-7-1961).
Cuối năm 1961, Đoàn văn công giải phóng ra đời, và năm 1962, Báo
Văn nghệ giải phóng và sau đó, Nhà xuất bản Giải phóng cũng được
thành lập. Trong 5 năm hoạt động từ 1961 đến 1965, các chiến sĩ trên
lĩnh vực văn hóa - văn nghệ đã đóng góp tiếng nói của mình, động viên
cán bộ, chiến sĩ và nhân dân miền Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng
dân tộc, vạch rõ những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của Mỹ và chính
quyền tay sai trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Những thành
tựu trên được đánh dấu bằng sự kiện “Giải thưởng văn nghệ Nguyễn
Đình Chiểu 1960-1965” do Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt
Nam trao tặng. Từ hàng ngàn chiến công của các chiến sĩ trên lĩnh vực
văn hóa vừa bám chiến trường, vừa sáng tác, đã xuất hiện 54 tác phẩm
tiêu biểu cho nền văn học, văn nghệ giải phóng như tập sách Từ tuyến
đầu Tổ quốc, Sống như anh, Người mẹ cầm súng, Những ngày gian khổ,
Hòn Đất; các bài thơ Quê hương; các bài hát Giải phóng miền Nam, Bài
ca may áo, Xuân chiến khu; những bộ phim Miền Nam anh dũng, Những
đòn sấm sét... Nhiều tấm gương điển hình trong chiến đấu được thể
hiện trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật có tác động cổ vũ cán bộ,
chiến sĩ toàn miền vì cả nước. Đó là các tấm gương của các nữ du kích
Tô Thị Huỳnh, Kim Thị Nhẫn... xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, của
chị Nguyễn Thị Út (Út Tịch)1 ở Cầu Kè, Trà Vinh, Tây Nam Bộ.
Cùng với công tác văn hóa, công tác giáo dục ở miền Nam cũng đạt
được những thành tựu đáng kể. Trong những năm khủng bố vô cùng
tàn bạo của chính quyền Ngô Đình Diệm dưới chiêu bài “tố cộng” và
“diệt cộng”, công tác giáo dục vẫn được duy trì và từng bước phát triển.

1. Chị Út Tịch là nguyên mẫu của nhân vật chính trong tác phẩm Người mẹ
cầm súng của nhà văn Nguyễn Thi với câu nói nổi tiếng: Đánh Mỹ, còn cái lai quần
cũng đánh.
164 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Nhu cầu của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đòi hỏi công tác giáo dục
phải được đẩy mạnh, góp phần củng cố vùng giải phóng đang ngày một
rộng lớn. Ngày 13-2-1963, Trung ương Cục miền Nam ra Chỉ thị số 44/CT
nêu rõ: “Dựa vào lực lượng nhân dân, cán bộ giáo dục và các nhà giáo
yêu nước kiên quyết đả phá chính sách ngu dân và các hình thức giáo
dục nô dịch, phản động, đồi trụy, ngoại lai của Mỹ ngụy, tích cực xây
dựng một nền giáo dục dân tộc, dân chủ và khoa học...1.
Tháng 10-1962, Tiểu ban giáo dục miền Nam được thành lập và đã
có cơ sở tới các địa phương để chỉ đạo phong trào giáo dục toàn Miền.
Đến năm 1964, ở vùng giải phóng đã phát hành thống nhất sách giáo
khoa dùng trong các trường học của vùng giải phóng. Cùng với sự chi
viện của ngành giáo dục miền Bắc, công tác giáo dục của ngành giáo
dục giải phóng đã đạt được những thành tựu đáng kể.
Cùng với việc xây dựng nền kinh tế mới dân chủ nhân dân, công
tác văn hóa, giáo dục đã đóng góp tích cực làm biến đổi xã hội vùng giải
phóng từ một xã hội mang nặng tính chất thực dân - phong kiến thành
một xã hội mới mang tính dân chủ nhân dân, góp phần to lớn vào sự
nghiệp chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.

VIII- NAM BỘ TRONG CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY MÙA
XUÂN NĂM 1975
Cuối năm 1974, đầu năm 1975, tình hình so sánh lực lượng ở miền
Nam thay đổi mau chóng theo chiều hướng có lợi cho cách mạng. Dù
vậy, quân đội Sài Gòn vẫn liên tiếp vi phạm lệnh ngừng bắn, không
ngừng tấn công vào vùng kiểm soát của Chính phủ cách mạng lâm
thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Trong tình hình ấy, các lực lượng vũ trang cách mạng được lệnh
kiên quyết đánh trả để bảo vệ vùng giải phóng, bảo vệ tính mạng và
tài sản của nhân dân. Trong hơn 20 ngày đêm chiến đấu (12-12-1974 -
6-1-1975), quân dân ta ở Phước Long thuộc miền Đông Nam Bộ đã tiêu

1. Sức mạnh chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb. Khoa
học xã hội, Hà Nội, 1985, tr. 234.
CHƯƠNG II: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC... 165

diệt và bắt sống 3.000 địch, thu 3.000 súng các loại, giải phóng đường 14, thị
xã và toàn tỉnh Phước Long.
Đây là tỉnh đầu tiên ở miền Nam được giải phóng hoàn toàn.
Chiến thắng Phước Long và tình hình chiến sự sau Phước Long
giúp củng cố quyết tâm tiến công chiến lược của quân, dân cả nước, bổ
sung và hoàn chỉnh kế hoạch hoàn thành giải phóng miền Nam.
Sau khi mất hoàn toàn Quân khu 1 và Quân khu 2 trong thời gian
không đầy một tháng, chính quyền Sài Gòn cho rằng phải hai tháng nữa,
Quân giải phóng mới có thể tiếp tục tiến công, nên quân đội Sài Gòn có
thời gian và khả năng để bảo vệ Quân khu 3, Quân khu 4. Quân đội Sài
Gòn tập hợp số tàn quân, củng cố lực lượng còn lại, tổ chức tuyến phòng
thủ từ xa hòng giữ phần đất còn lại từ Phan Rang trở vào, ngăn chặn, làm
chậm lại cuộc tiến công của Quân giải phóng cho đến mùa mưa, sau đó
phản kích chiếm một số vùng để mặc cả với Chính phủ cách mạng lâm
thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trên bàn đàm phán.
Về phía Mỹ, để giúp chính quyền Sài Gòn tiếp tục tồn tại, chính
quyền của Tổng thống Pho cho lập cầu hàng không khẩn cấp chuyên
chở vũ khí, trang bị cho quân đội Sài Gòn.
Từ đầu tháng 4-1975, trên mọi miền đất nước, nhân dân Việt Nam
đã sống những ngày hết sức sôi động và hào hùng. Cả dân tộc ra quân
trong mùa Xuân lịch sử với tinh thần: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo
bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải
phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”1.
Từ ngày 9-4-1975, Quân giải phóng tổ chức những cuộc tiến công
trên hướng đông, đánh vào Xuân Lộc, một căn cứ phòng thủ trọng yếu
bảo vệ Sài Gòn từ phía đông của đối phương. Ngày 21-4, trước sức tiến
công của quân đội cách mạng, quân đội Sài Gòn ở căn cứ Xuân Lộc

1. Điện số 157/ĐK: TK gửi lúc 0 giờ 30 phút, ngày 7-4-1975 (số lưu 450/ĐB)
của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh
ra mệnh lệnh cho các cánh quân. Trích trong Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân
sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), tập VIII - Toàn
thắng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.377.
166 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

buộc phải tháo chạy, thị xã Xuân Lộc và tỉnh Long Khánh hoàn toàn giải
phóng, cánh cửa phía đông Sài Gòn đã được mở sẵn để đón đại quân
cách mạng vào trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.
Trong lúc đó, Quân đoàn 2, sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ giải
phóng Đà Nẵng, được lệnh hành quân “thần tốc” hướng đến Sài Gòn
tham gia chiến dịch. Trên đường hành quân, bộ đội cách mạng tiến công
tiêu diệt một căn cứ phòng thủ từ xa nữa của quân đội Sài Gòn ở Phan
Rang (ngày 16-4), giải phóng tỉnh Ninh Thuận, sau đó phối hợp với lực
lượng quần chúng nổi dậy, giải phóng các tỉnh ven biển Khu VI. Một
loạt hải đảo miền Trung Việt Nam cũng được giải phóng. Từ ngày 14-4,
Quân khu 5 phối hợp với Bộ Tư lệnh hải quân đã lần lượt giải phóng các
đảo thuộc quần đảo Trường Sa do quân đội Sài Gòn chiếm giữ.
Cũng trong thời gian đó, do nắm được thời cơ thuận lợi ở trong nước
và trên thế giới, khi Chính phủ Mỹ, trên thực tế đã buộc phải chấp nhận sự
thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam và can thiệp vào Lào và
Campuchia, lại được sự phối hợp chiến đấu của quân đội cách mạng Việt
Nam, quân dân Campuchia đã đẩy mạnh tiến công và nổi dậy, giáng cho
quân Mỹ - Lon Non những đòn nặng nề. Ngày 17-4-1975, năm ngày sau khi
những người Mỹ cuối cùng rút về nước, các lực lượng vũ trang Campuchia
bắt đầu cuộc tổng công kích vào Thủ đô Phnôm Pênh, đập tan quân Lon
Non, tiến vào Thủ đô Phnôm Pênh, làm chủ hoàn toàn đất nước Campuchia.
Ngày 18-4, Tổng thống Mỹ ra lệnh di tản người Mỹ khỏi Sài Gòn
và đến ngày 23-4 thì tuyên bố: “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã chấm
dứt đối với Mỹ”. Ngày 21-4, Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống của Chính
phủ Việt Nam Cộng hòa, tuyên bố từ chức. Ngày 26-4, Trần Văn Hương
vừa lên thay Nguyễn Văn Thiệu làm Tổng thống được mấy hôm đã phải
tuyên bố bàn giao chức vụ cho Đại tướng Dương Văn Minh.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đến giai đoạn chót càng thêm quyết
liệt với tốc độ nhanh “một ngày bằng 20 năm”.
Ngày 26-4, sau khi chọc thủng tuyến phòng thủ từ xa của quân đội
Sài Gòn, năm cánh quân của quân đội cách mạng, gồm 4 quân đoàn chủ
lực và Đoàn 232 cùng với binh khí đã tập kết đầy đủ tại nơi quy định,
CHƯƠNG II: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC... 167

hình thành thế trận bao vây Sài Gòn.


17 giờ cùng ngày, các lực lượng cách mạng nổ súng, bắt đầu cuộc tiến
công lớn vào Sài Gòn. Quân cách mạng từ các hướng, có sự phối hợp của
lực lượng vũ trang địa phương và sự hưởng ứng của quần chúng, được
lệnh vượt qua tuyến phòng thủ vòng ngoài của đối phương, tiến thẳng
vào trung tâm Sài Gòn. Một số đơn vị quân đội Sài Gòn chống trả quyết
liệt, đặc biệt ở hướng bắc và tây bắc Sài Gòn gây cho các lực lượng cách
mạng nhiều thương vong ở ngay cửa ngõ Thành phố. Song, sự chống trả
ấy không cản được bước tiến của các lực lượng vũ trang cách mạng.
17 giờ ngày 28-4, ngay sau khi Dương Văn Minh tuyên bố nhận
chức Tổng thống, quân đội cách mạng tập kích sân bay Tân Sơn Nhất
bằng 5 máy bay A37 thu được của quân đội Sài Gòn. Tiếp đó, pháo binh
Quân giải phóng giội bão lửa vào sân bay Tân Sơn Nhất, làm tê liệt mọi
hoạt động trên sân bay, khiến cho cuộc di tản “Người liều mạng” của Mỹ
phải chuyển sang bằng máy bay lên thẳng.
Ngày 29-4, các lực lượng vũ trang cách mạng tổng công kích trên
toàn mặt trận. Tất cả các cánh quân cách mạng, gồm 15 sư đoàn quân
chủ lực đồng loạt tiến công và chỉ trong một ngày đã đập vỡ tuyến phòng
thủ vòng ngoài của quân đội Sài Gòn, ngăn cản và tiêu diệt các sư đoàn
chủ lực quân đội Sài Gòn ở Tây Ninh, đồng bằng sông Cửu Long, không
cho các đơn vị này co về Sài Gòn, tạo điều kiện cho Quân giải phóng
thọc sâu vào nội thành.
Ngày 30-4, thực hiện mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh tối cao cách mạng
Việt Nam, quân dân miền Nam vẫn kiên quyết tiếp tục tiến công theo
kế hoạch với khí thế dũng mãnh, giải phóng và chiếm lĩnh thành phố,
tước vũ khí, giải tán chính quyền các cấp của đối phương, đập tan mọi
sự chống cự của quân đội Sài Gòn.
Các binh đoàn chủ lực của Quân giải phóng từ nhiều hướng đồng
loạt tiến vào nội thành, phối hợp với lực lượng bên trong, đánh chiếm
tất cả các mục tiêu của đối phương, như sân bay Tân Sơn Nhất, Phủ
Tổng thống, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh Biệt khu thủ đô, Đài phát
thanh, Tổng nha Cảnh sát, căn cứ hải quân, cảng Bạch Đằng.
168 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

10 giờ 45 phút ngày 30-4, binh đoàn hỗn hợp của Quân đoàn 2,
bằng xe tăng và pháo binh, tiến thẳng vào Dinh Độc lập, bắt sống toàn
bộ chính quyền Trung ương, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải
tuyên bố đầu hàng không điều kiện.
11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Phủ
Tổng thống chính quyền Sài Gòn, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch
Hồ Chí Minh lịch sử.
Cùng với đại quân cách mạng tiến vào giải phóng Sài Gòn, lực lượng
vũ trang và nhân dân các tỉnh còn lại ở Nam Bộ, theo đúng kế hoạch
với phương châm “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải
phóng tỉnh” đã nhất tề đứng lên tiến công và nổi dậy chiếm các căn cứ,
quận lỵ, tỉnh lỵ, bức đối phương phải nộp vũ khí đầu hàng. Đến ngày
2-5-1975, lực lượng vũ trang và bộ máy chính quyền của Dương Văn
Minh ở Nam Bộ và trên khắp miền Nam nước ta đã tan rã hoàn toàn.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, lực lượng của
quần chúng đã phối hợp với quân chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân
du kích và toàn thể các lực lượng cách mạng khác đánh bại hoàn toàn
quân đội và chính quyền Sài Gòn, giành thắng lợi cho cách mạng. Ở Sài
Gòn và các thành phố, thị xã, thị trấn, công nhân đã chủ động đấu tranh
giữ gìn máy móc, bảo vệ xí nghiệp, cơ quan. Thanh niên, học sinh, sinh
viên vận động đồng bào xuống đường, giữ gìn trật tự, trị an đường phố,
đập tan bộ máy kìm kẹp của địch, phối hợp với bộ đội truy lùng bọn ác
ôn. Ở các vùng nông thôn, rừng núi, đồng bằng sông Cửu Long, hình thái
nổi dậy của nhân dân hết sức phong phú. Nhân lúc lực lượng quân đội và
chính quyền Dương Văn Minh ở Trung ương đầu hàng không điều kiện,
đồng bào ở miền Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long chủ động
đứng lên phối hợp cùng lực lượng vũ trang đánh đổ lực lượng quân sự và
chính trị ở địa phương, giành quyền làm chủ, giải phóng hoàn toàn miền
Nam, thống nhất đất nước, thực hiện được nguyện vọng của toàn thể dân
tộc Việt Nam: Hòa bình và thống nhất Tổ quốc.
169

Chương III

THỰC HIỆN THỐNG NHẤT


VỀ MẶT NHÀ NƯỚC, ĐỐI PHÓ VỚI
CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI TÂY NAM VÀ
KHỦNG HOẢNG KINH TẾ - XÃ HỘI
(1975-1985)

I- THI HÀNH CHẾ ĐỘ QUÂN QUẢN VÀ THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VỀ


MẶT NHÀ NƯỚC (1975-1976)

Quá trình tiến hành các chiến dịch quân sự giải phóng vùng đất
Nam Bộ cũng là quá trình thu hồi, khôi phục chủ quyền và sự toàn vẹn
lãnh thổ trên phạm vi toàn miền Nam. Đó là kết quả của cuộc kháng
chiến trường kỳ kéo dài gần 30 năm của nhân dân cả nước chống thực
dân xâm lược.
11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975 được coi là thời điểm đánh đổ hoàn
toàn chính quyền Trung ương của chế độ Sài Gòn, và đến ngày 2-5-1975,
toàn bộ chủ quyền lãnh thổ và biển đảo của vùng đất Nam Bộ đã về tay
nhân dân do Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt
Nam là đại diện về mặt pháp lý quốc tế của nhân dân miền Nam Việt Nam.

1. Thi hành chế độ quân quản, tổ chức đăng ký trình diện, học tập,
cải tạo đối với nhân viên chính quyền và quân đội Sài Gòn
Trong quá trình giải phóng các địa phương của Nam Bộ, chính
170 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

quyền cách mạng đã kịp thời tiếp quản và thay thế chính quyền các địa
phương của chế độ Sài Gòn. Ngay sau khi đánh đổ chính quyền Trung
ương của chế độ Sài Gòn, ngày 1-5-1975, ở Nam Bộ đã thành lập Ủy ban
quân quản các cấp. Đây là một hình thức chính quyền quân sự lâm thời
nhằm kịp thời giữ vững thành quả kháng chiến, duy trì trật tự xã hội,
ổn định đời sống nhân dân, đồng thời tiến hành truy quét một số nhóm
tàn quân còn ngoan cố chống đối, tổ chức đăng ký trình diện, học tập,
cải tạo đối với các thành phần đã tham gia quân đội và chính quyền của
chế độ cũ. Biện pháp quân quản còn nhằm tạo điều kiện xây dựng, củng
cố và bảo vệ chính quyền cách mạng trong thời kỳ mới hình thành và
chuyển đổi quyền lực chính trị và nhà nước trên vùng đất Nam Bộ, đồng
thời đối phó với “kế hoạch hậu chiến” của Mỹ. Kế hoạch này được xây
dựng trên cơ sở phán đoán của Mỹ cho rằng: “Việt cộng có thể chiếm
được thành phố (Sài Gòn) nhưng không thể giữ được thành phố quá ba
tuần lễ…”.
Ủy ban quân quản cấp quân khu đặt ở Sài Gòn, Chủ tịch là Thượng
tướng Trần Văn Trà, Phó Chủ tịch gồm các ông Võ Văn Kiệt, Thiếu
tướng Hoàng Cầm (Tư lệnh Quân đoàn 4), Thiếu tướng Trần Văn Danh,
ông Cao Đăng Chiếm. Ủy ban quân quản cấp tỉnh và cấp huyện ở Nam
Bộ do các bí thư và chỉ huy cao nhất về quân sự phụ trách.
Ngày 7-5-1975, Ủy ban quân quản Sài Gòn ra mắt nhân dân thành
phố tại Dinh Độc Lập. Trong cuộc mít tinh có hàng triệu người tham
gia, Chủ tịch Trần Văn Trà tuyên bố: “Cả nước đã giành được độc lập
trọn vẹn và tự do thực sự. Chỉ có đế quốc Mỹ là kẻ chiến bại. Toàn thể
dân tộc Việt Nam ta là người chiến thắng”. Lời tuyên bố đó đã thể hiện
rõ quan điểm hòa hợp dân tộc của Đảng và Nhà nước về tính chất,
nhiệm vụ của thời kỳ quân quản.
Tại Long An, ngày 15-5-1975, 5.000 đồng bào đại diện các tầng lớp
nhân dân dự cuộc mít tinh chào mừng tháng lợi kháng chiến chống Mỹ
và lễ ra mắt của Ủy ban quân quản tỉnh gồm 16 người, do ông Huỳnh
Văn Xuyên, Chính ủy Sư đoàn 5 Quân giải phóng làm chủ tịch, các phó
chủ tịch là Phạm Tấn Ngật - Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Mặt trận,
CHƯƠNG III: THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VỀ MẶT NHÀ NƯỚC... 171

Nguyễn Văn Ấp - Phó chỉ huy lực lượng quân sự tỉnh, Phạm Văn Ngọc -
Phó chính ủy Sư đoàn 5 Quân giải phóng1.
Cũng vào ngày này, tại thành phố Mỹ Tho, hơn 25.000 đồng bào đại
diện nhân dân tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công và Thành phố Mỹ Tho tham
dự mít tinh trọng thể chào mừng thắng lợi của dân tộc và dự lễ ra mắt
Ủy ban quân quản tại Mỹ Tho gồm 13 thành viên do ông Lê Văn Nhung
(Tức Tư Việt Thắng) làm Chủ tịch. Nhiệm vụ được đặt cho Ủy ban quân
quản lúc này là: thiết lập trật tự xã hội mới, giữ vững và củng cố an ninh
chính trị, từng bước ổn định đời sống nhân dân2.
Tháng 9-1975, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 24 khóa III đã
ra Nghị quyết “Về nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn
mới”, trong đó nêu rõ: “Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả nước là
ra sức khôi phục và phát triển sản xuất, đẩy mạnh công nghiệp hóa xã
hội chủ nghĩa, tích cực đưa nền kinh tế nước ta tiến nhanh lên sản xuất
lớn xã hội chủ nghĩa”.
Đối với miền Nam, Bộ Chính trị đề ra ba nhiệm vụ cấp bách:
1- Nhanh chóng củng cố hệ thống chính quyền nhân dân ở các cấp,
phát huy mạnh mẽ và tôn trọng thực sự quyền làm chủ tập thể của nhân
dân lao động. Dựa vào phong trào cách mạng của quần chúng mà xây
dựng, kiện toàn bộ máy hành chính và bộ máy kinh tế của chính quyền
từ tỉnh, thành phố đến cơ sở xã phường… kịp thời trấn áp bọn phản
cách mạng, bảo đảm vững chắc an ninh chính trị và trật tự xã hội, vừa
quản lý tốt kinh tế và văn hóa, chăm lo đời sống nhân dân…
2- Đẩy mạnh khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp, công
nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, cải tiến các hoạt động lưu thông phân
phối, phát triển mạnh thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, kiên quyết chống
đầu cơ, tích trữ, ổn định thị trường và ổn định đời sống nhân dân…

1. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Long An: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Long An
(1930-2000), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 780.
2. Xem Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang: Địa chí Tiền Giang, Tập I,
Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Tiền Giang và Trung tâm UNESCO thông tin tư liệu lịch
sử và văn hóa Việt Nam xuất bản, 2005, tr. 511.
172 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

3- Xóa bỏ giai cấp tư sản mại bản, xóa bỏ các tàn dư của giai cấp
địa chủ phong kiến; giải quyết tốt các vụ tranh chấp ruộng đất trong
nội bộ nông dân… tiến hành từng bước cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với
thương nghiệp tư bản tư doanh… chuẩn bị cải tạo đối với nông nghiệp,
tiểu thủ công nghiệp và thương nghiệp nhỏ…Kết hợp chặt chẽ cải tạo
và xây dựng để đưa toàn bộ nền kinh tế miền Nam tiến lên theo hướng
sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa…
Đó cũng là ba nội dung nhiệm vụ lớn về kinh tế, xã hội được tiến
hành ngay trong thời kỳ quân quản ở Nam Bộ.
Chế độ quân quản trên toàn miền Nam chỉ tồn tại trong vòng một
năm (1-5-1975 – 4-1976) nhưng đã giải quyết được những công việc rất
lớn, đặt nền móng cho sự chuyển đổi từ thể chế chính trị phụ thuộc Mỹ
sang thể chế chính trị cách mạng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho
công cuộc thống nhất đất nước. Những sự kiện lớn trong thời kỳ quân
quản ở Nam Bộ diễn ra như sau:
Truy quét tàn quân chống đối, tổ chức đăng ký trình diện, học tập,
cải tạo đối với nhân viên chính quyền và quân đội Sài Gòn: Đây là nhiệm
vụ cấp bách nhất phải tiến hành ngay sau ngày giải phóng. Mặc dù quân
đội Sài Gòn đã tan rã, chính quyền Trung ương của chế độ Sài Gòn đã
tuyên bố đầu hàng nhưng tình hình xã hội đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ
bất ổn về an ninh.
Số lượng nhân viên các cấp của chính quyền và binh lính, sĩ quan
quân đội Sài Gòn có đến hàng triệu người, sau khi bộ máy tan rã, một số
di tản đi nước ngoài, hầu hết ở lại cùng gia đình. Đối tượng này cư trú ở
hầu hết các địa phương của miền Nam nhưng tập trung nhiều nhất ở Sài
Gòn. Những người này sống trong tâm trạng chờ đợi và lo lắng, không
biết chính quyền cách mạng sẽ đối xử với họ như thế nào, họ có bị trả
thù bằng một cuộc “tắm máu” như người Mỹ tuyên truyền hay không?
Để ổn định tinh thần nhân dân, giữ gìn an ninh, trật tự vùng mới
giải phóng một cách cơ bản, lâu dài, chính quyền cách mạng đã tiến
hành song song với việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước là
tiến hành ngay việc nghiên cứu, phân loại các đối tượng trong binh sĩ
CHƯƠNG III: THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VỀ MẶT NHÀ NƯỚC... 173

và nhân viên trong quân đội và chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng
như các đảng phái và tổ chức chính trị khác ở vùng do chính quyền Sài
Gòn kiểm soát trước đó, thực hiện các biện pháp giáo dục, cải tạo đối
với từng loại đối tượng.
Từ ngày 30-4-1975 đến tháng 7-1975, Ban quân quản các cấp phối
hợp với lực lượng công an và các ngành tiến hành tổ chức cho các đối
tượng theo quy định đi đăng ký trình diện, đồng thời thu giữ hồ sơ, tài
liệu, vũ khí, phương tiện chiến tranh do địch để lại. Ở các tỉnh miền
Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long, các Ủy ban Quân
quản đã tổ chức cho các đối tượng ra đăng ký trình diện đạt kết quả tốt.
Cụ thể tại tỉnh Tây Ninh đã có 30.583 đối tượng ra trình diện đăng ký,
trong đó có 23.078 binh sĩ quân đội Việt Nam Cộng hòa, 3.131 nhân
viên chính quyền Việt Nam Cộng hòa, 1.543 cảnh sát, 111 đảng viên
Đảng Dân chủ. Tại Tiền Giang có 73.112 binh sĩ quân đội, nhân viên
chính quyền Việt Nam Cộng hòa ra đăng ký trình diện. Tại tỉnh Sông Bé
có 50.000 người làm việc cho chế độ cũ, trong đó có 500 sĩ quan và hàng
nghìn đối tượng khác đã đăng ký trình diện cải tạo tại chỗ. Tại Vũng
Tàu đã có 7.874 binh sĩ quân đội và nhân viên chính quyền Việt Nam
Cộng hòa đã ra đăng ký trình diện, trong đó có 1.585 cảnh sát, 195 đối
tượng trong các đảng phái. Tính từ ngày 30-4-1975 đến tháng 7-1975,
trên toàn miền Nam đã có 1.036.181 đối tượng đã ra đăng ký trình diện
và tập trung giáo dục, cải tạo1.
Trong hàng triệu người của chế độ cũ, có một số thuộc thành phần
ác ôn, có nhiều nợ máu với nhân dân, không kịp trốn đi nước ngoài,
không dám trình diện với cách mạng và nhen nhóm chống đối, phá
hoại với hy vọng mù quáng là Mỹ sẽ quay trở lại trợ giúp. Đây là thành
phần nguy hiểm nhất, là đối tượng phải truy quét, tiêu diệt để bảo vệ
thành quả cách mạng. Một số người có quan hệ với một số tổ chức nước

1. Tổng kết và phụ lục tổng kết lịch sử công tác tập trung giáo dục cải tạo đối
tượng xâm phạm an ninh quốc gia, Tài liệu Viện Lịch sử Công an. Dẫn theo Đỗ
Văn Dũng: Công an nhân dân đấu tranh chống các thế lực phản cách mạng ở Việt
Nam (1975-1985), Luận án tiến sĩ Lịch sử.
174 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

ngoài được cài lại nhằm thực hiện kế hoạch hậu chiến, đang ẩn mình
chờ thời cơ. Một số khác do lo sợ bị trả thù nên lẩn tránh không ra trình
diện, và một số quen lối cướp bóc cũng lợi dụng lúc giao thời để hoạt
động. Nhìn chung, các nhóm chống đối này chưa liên kết được với nhau
để hoạt động lớn nhưng cũng gây ra nhiều vụ phá hoại nhỏ, thậm chí
gây được một số vụ nổ ở một số trụ sở của chính quyền xã, ấp.
Trước những khó khăn, phức tạp về an ninh chính trị, trật tự và an
toàn xã hội của vùng đất Nam Bộ sau ngày giải phóng, Nghị quyết Hội
nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 29-9-1975 đã
nêu rõ nhiệm vụ quốc phòng an ninh đối với miền Nam trong giai đoạn
mới là: “Tiếp tục truy quét tàn quân địch, các lực lượng phản cách mạng
hiện hành, sẵn sàng đập tan mọi hành động bạo loạn, phá hoại, chống
đối của chúng, giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ chính quyền cách mạng”1.
Thực hiện chủ trương của Đảng, nhằm đập tan sự chống đối của
tàn quân, Ban quân quản các cấp đã huy động lực lượng vũ trang gồm
một số đơn vị chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích tiến hành
nhiều đợt truy quét ở các vùng địa hình mà tàn quân có thể ẩn nấp, tiêu
diệt và làm tan rã nhiều tổ chức đang nhen nhóm, bắt được một số phần
tử ngoan cố cầm đầu. Trong hoạt động này, lực lượng vũ trang đã được
sự trợ giúp rất nhiều của nhân dân, phần lớn các mục tiêu truy quét có
hiệu quả là do nhân dân phát hiện và báo cho chính quyền.
Chỉ tính riêng tại thành phố Sài Gòn - Gia Định, chính quyền cách
mạng đã phá 312 ổ nhóm phản động lớn, nhỏ trong các tôn giáo và các
tổ chức phản động khác, bắt 4.323 đối tượng cầm đầu; phối hợp với
công an các tỉnh phía nam bắt 4.513 đối tượng phản động khác, thu 915
súng các loại, 153 kg chất nổ, trên 9,5 tấn tài liệu phản động các loại và
nhiều súng đạn2.

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 36, tr. 400.
2. Bộ Nội vụ: Tổng kết thành tích 10 năm đấu tranh chống phản động của Công
an Thành phố Hồ Chí Minh, tài liệu của Viện Lịch sử Công an. Dẫn theo Đỗ Văn
Dũng: Công an nhân dân đấu tranh chống các thế lực phản cách mạng ở Việt Nam
(1975-1985), Luận án tiến sĩ lịch sử.
CHƯƠNG III: THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VỀ MẶT NHÀ NƯỚC... 175

Việc tiến hành tổ chức đăng ký trình diện cho nhân viên và quân
đội chế độ cũ, đồng thời tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về chính
sách khoan hồng, chính sách hòa hợp dân tộc, xóa bỏ hận thù đạt kết
quả tốt: hầu hết những người làm việc cho chế độ cũ đã trình diện, số
trốn tránh không đáng kể.
Sau khi hoàn tất công tác đăng ký trình diện, Ban quân quản các
cấp tiến hành phân loại và phân cấp quản lý. Trên cơ sở đó tiến hành
tổ chức các đợt học tập ngắn ngày và dài ngày cho từng đối tượng.
Những nhân viên cấp thấp trong chính quyền cũ và thành phần binh
lính trong quân đội Sài Gòn chỉ phải học tập lớp ngắn ngày về các
chính sách của cách mạng rồi được trở về sinh sống cùng gia đình.
Thành phần quan chức và sĩ quan cao cấp được đưa đến các trung tâm
học tập, cải tạo dài ngày.
Công tác trấn áp, truy quét các phần tử phản động đã diễn ra hết
sức phức tạp, nhất là đối với các tổ chức, nhóm phản động nằm sâu
trong các tôn giáo, trong đó có những đối tượng cầm đầu hết sức nguy
hiểm. Chúng được một số tổ chức nước ngoài bí mật cung cấp vũ khí,
tiền, các phương tiện in ấn, thông tin… để tiến hành các hoạt động
chống phá chính quyền cách mạng, gây rối trật tự trị an, làm hoang
mang tinh thần quần chúng nhân dân.
Được sự giúp đỡ của quần chúng, chính quyền cách mạng đã kịp
thời phát hiện và tiến hành các biện pháp trấn áp, trừng trị những
phần tử phản động và các tổ chức, ổ nhóm của chúng. Tiêu biểu như
các vụ trấn áp tổ chức phản động “Phong trào cách mạng dân tộc nhân
dân” do Trần Văn Nam và linh mục Trần Văn Thông cầm đầu, bắt 52
đối tượng chủ chốt, thu 25 súng các loại và các phương tiện máy in,
tiền; truy quét tổ chức phản cách mạng “Lực lượng vũ trang nhân dân
Phục quốc Việt Nam” tại rừng Long Khánh thuộc Đông Nam Bộ vào
tháng 10-1975; kịp thời phát hiện và tiêu diệt hai nhóm “Phục quốc”
ở nội thành thành phố Sài Gòn - Gia Định và các tỉnh Tây Nam Bộ,
Đông Nam Bộ; phá vụ án ở Nhà thờ Vinh Sơn, bắt giữ những phần tử
176 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

phản động ẩn nấp ở đây, đập tan âm mưu in tiền giả và lập đài phát
thanh phản động của chúng1.
Nhìn chung công tác truy quét các lực lượng chống đối đã đạt được
kết quả tốt, kịp thời làm thất bại nhiều âm mưu phá hoại của những
phần tử ngoan cố, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, bảo đảm an
toàn cho chính quyền các cấp và các mục tiêu quan trọng về kinh tế,
chính trị, văn hóa.
Việc tổ chức cho binh sĩ quân đội và nhân viên chính quyền Việt
Nam Cộng hòa, đảng viên của các đảng phái phản động, các nhân
viên trong các tổ chức chính trị phản động ra đăng ký, trình diện, khai
báo, đồng thời phân loại, đưa đi tập trung giáo dục, cải tạo dài hạn,
ngắn hạn và học tập cải tạo tại chỗ đã được thực hiện đúng quy định.
Công tác giáo dục, cải tạo đã góp phần phân hóa lực lượng phản động,
chống đối, cô lập những đối tượng cầm đầu ngoan cố, đập tan luận
điệu chiến tranh tâm lý của địch “sẽ có tắm máu ở miền Nam sau ngày
giải phóng”. Đó là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn và sáng tạo của
Đảng và Nhà nước trong bối cảnh tình hình Nam Bộ khi cách mạng
vừa thành công, chính quyền cách mạng ở nhiều địa phương còn yếu
và gặp nhiều khó khăn.
Nhiệm vụ cấp bách nhất của Ủy ban quân quản các cấp ở Nam Bộ
đã hoàn thành tốt, tạo điều kiện thuận lợi cơ bản để tiến hành các mặt
công tác khác trong thời kỳ đầu mới giải phóng.

2. Xây dựng chính quyền cách mạng các cấp, duy trì trật tự xã hội,
từng bước ổn định đời sống nhân dân, phục hồi sản xuất
Trong kháng chiến chống Mỹ, cơ cấu lãnh đạo, chỉ huy ở Nam Bộ
có cấp cao nhất là Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền, cấp khu ủy và
quân khu, cấp tỉnh ủy và tỉnh đội, cấp huyện ủy và huyện đội, cấp xã ủy

1. Bộ Nội vụ: Tổng kết thành tích 10 năm đấu tranh chống phản động của Công
an Thành phố Hồ Chí Minh, tài liệu của Viện Lịch sử Công an. Dẫn theo Đỗ Văn
Dũng: Công an nhân dân đấu tranh chống các thế lực phản cách mạng ở Việt Nam
(1975-1985), Luận án tiến sĩ Lịch sử.
CHƯƠNG III: THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VỀ MẶT NHÀ NƯỚC... 177

và xã đội, cấp chi bộ và ấp đội. Các cơ quan đó có các ban, ngành, đoàn
thể nhưng chưa hình thành hệ thống chính quyền dân sự ở cấp cơ sở.
Ngay sau ngày giải phóng (4-1975), yêu cầu đặt ra đối với Nam Bộ
cần phải có cơ cấu lãnh đạo quản lý kinh tế - xã hội thời bình khác với
lãnh đạo chỉ huy thời chiến. Từ đòi hỏi của tình hình thực tế, Trung
ương Cục, Hội đồng Cố vấn và Hội đồng Chính phủ Cách mạng lâm
thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã quyết định giải thể cơ quan lãnh
đạo cấp khu, đồng thời nhanh chóng xây dựng chính quyền cơ sở từ cấp
tỉnh trở xuống đến cấp huyện, xã.
Cơ cấu lãnh đạo, quản lý ở các tỉnh Nam Bộ gồm có các bộ phận
cơ bản là: Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ huy quân sự, các sở, ban,
ngành, các đoàn thể quần chúng trong Mặt trận. Ở các cấp dưới cũng có
cơ cấu tổ chức tương ứng nhưng quy mô nhỏ hơn.
Ở Sài Gòn, chính quyền mới đã đưa 2.500 cán bộ quân đội về xây
dựng chính quyền cơ sở phường, xã.
Chính quyền và hệ thống chính trị các cấp ở Nam Bộ được xây dựng
nhanh chóng nhưng hầu hết còn trong tình trạng rất thiếu về nhân sự,
nhất là các vị trí đòi hỏi có chuyên môn về quản lý hành chính, quản lý
kinh tế, xã hội và khoa học - kỹ thuật. Trong điều kiện đó, cán bộ của các
cấp chính quyền đều do cán bộ Đảng và cán bộ quân sự đảm nhiệm nên
vừa thiếu kinh nghiệm chuyên môn, vừa phải kiêm nhiệm nhiều chức
vụ khác. Vì vậy, hiệu quả công việc của chính quyền chưa cao nhưng
các công tác vẫn được tiến hành khá tốt, tình hình trật tự xã hội khá ổn
định, chưa xuất hiện các hoạt động của các băng nhóm tội phạm vì khí
thế chiến thắng và uy thế của chính quyền cách mạng đang rất cao đối
với mọi tầng lớp nhân dân và các thành phần xã hội. Để khắc phục một
phần tình trạng thiếu cán bộ ở miền Nam, các tỉnh miền Bắc đã được
chỉ đạo đưa một số cán bộ chính quyền và cán bộ chuyên môn vào tăng
cường cho các tỉnh miền Nam đã kết nghĩa từ trong kháng chiến.
Mặc dù chưa đầy đủ về nhân sự và chuyên môn nhưng trong thời kỳ
quân quản, chính quyền cách mạng và hệ thống chính trị đã hình thành
hệ thống chặt chẽ ở tất cả các cấp và các vùng. Đó là cơ sở vững chắc
178 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

để chính quyền cách mạng quản lý và điều hành toàn bộ đời sống kinh
tế - xã hội trên vùng đất Nam Bộ.
Đánh giá về kết quả xây dựng chính quyền ở Sài Gòn trong thời kỳ
quân quản, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận định: “Một hệ
thống chính quyền cách mạng đã hình thành ngày càng vững mạnh, đủ
sức quản lý các mặt đời sống xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự
xã hội”. Vấn đề xây dựng chính quyền ở các tỉnh thuộc Nam Bộ tuy gặp
khó khăn, thiếu cán bộ, nhưng tình hình xã hội không phức tạp như ở
thành phố Sài Gòn, nên chính quyền mới ở các tỉnh đã nhanh chóng
kiểm soát được tình hình kinh tế, xã hội tại các địa phương. Tuy nhiên,
việc duy trì trật tự xã hội, ổn định đời sống nhân dân, phục hồi sản xuất
đặt ra hết sức cấp bách lúc đó.
Về trật tự xã hội: Sự kết thúc chiến tranh ở vùng đất Nam Bộ không
đơn thuần là chấm dứt các hoạt động quân sự trên chiến trường mà còn
là sự đánh đổ cả một chính quyền cùng một thể chế chính trị cũ, xây
dựng một chính quyền và thể chế chính trị mới, đồng thời thay đổi cả
một nếp sống của hàng triệu người dân. Do đó, trong thời kỳ quá độ
của sự chuyển đổi này không tránh khỏi những thiếu sót và đó chính là
thời cơ cho các băng nhóm tội phạm và tệ nạn xã hội hoạt động trở lại.
Nam Bộ là mảnh đất có nhiều biến động trong đó có sự du nhập
lối sống Mỹ qua hơn 20 năm nên vấn đề tội phạm xã hội phát triển khá
mạnh. Tính riêng thành phố Sài Gòn, chế độ cũ đã để lại 500.000 người
thất nghiệp, 170.000 thương, phế binh, 700.000 người nhập cư lánh nạn
chiến tranh, 100.000 gái mại dâm, 150.000 con nghiện ma túy, 10.000 trẻ
bụi đời, 10.000 người ăn xin, 200.000 trẻ mồ côi, 200.000 lưu manh du
đãng, 200.000 con bạc, buôn lậu… và khoảng 400.000 binh lính trong
quân đội của chế độ cũ tan rã tại chỗ, đang sinh sống cùng gia đình1.
Do các biện pháp quân quản và uy thế của cách mạng rất cao nên
trong những ngày đầu mới giải phóng, các băng nhóm tội phạm và tệ

1. Viện Kinh tế học: 45 năm kinh tế Việt Nam (1945-1990), Nxb. Khoa học xã
hội, Hà Nội, 1990, tr. 390.
CHƯƠNG III: THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VỀ MẶT NHÀ NƯỚC... 179

nạn xã hội hầu như lắng xuống hoàn toàn, chưa dám hoạt động cướp
bóc hay thanh toán lẫn nhau. Nhìn chung, trật tự xã hội được duy trì
khá tốt ở cả đô thị và nông thôn. Đó là một trong những thành công rất
lớn của thời kỳ quân quản.
Từng bước ổn định đời sống nhân dân: Trong cuộc kháng chiến
trường kỳ, ở Nam Bộ có rất nhiều vùng chiến sự ác liệt buộc nhân dân
phải tản cư, lánh nạn đến những vùng ít bom đạn hơn (chỉ tính riêng
một huyện ở vùng ven Sài Gòn là Đức Hòa thuộc tỉnh Long An đã
có 15.000 người phải tản cư). Khi chiến tranh chấm dứt, nhu cầu hồi
hương của nhân dân ở hầu hết các địa phương là rất lớn. Tuy nhiên, sự
hồi hương không dễ dàng vì có rất nhiều khu vực chưa gỡ hết bom, mìn,
của cả hai bên, một số nơi đất đai còn bị nhiễm chất độc hóa học. Một
số người dân đã bị thương khi về ruộng vườn cũ của mình, nên gặp phải
những khó khăn mà người dân không thể tự khắc phục, cần phải có sự
hỗ trợ của chính quyền và lực lượng vũ trang trong việc phục hồi sản
xuất trên đất đai đã bị bỏ hoang hóa trong nhiều năm.
Giải quyết nạn đói: Ngay sau giải phóng, ở một số địa phương của
Nam Bộ đã bị nạn đói đe dọa. Cụ thể như huyện Đức Hòa thuộc tỉnh
Long An, chính quyền địa phương đã phải xin trợ cấp hàng chục tấn
lương thực của tỉnh để cứu đói khẩn cấp cho những đối tượng đặc biệt
khó khăn. Chính quyền huyện Đức Hòa còn cử cán bộ đi liên hệ với các
địa phương khác tìm kiếm giống cây lương thực ngắn ngày để kịp thời
cứu đói (như lên Tây Ninh xin cây khoai mỳ).
Với những cố gắng vượt bậc của nhân dân và chính quyền các
cấp, đến giữa năm 1976, ở Nam Bộ đã cơ bản khắc phục được nạn đói,
nhưng tình trạng thiếu lương thực cục bộ vẫn tồn tại một thời gian dài
ở một số nơi.
Riêng ở Sài Gòn, Trung ương đã chi viện 130.000 tấn gạo cứu đói,
lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn thành phố cũng phải tiết kiệm trên
60 tấn gạo để chia sẻ khó khăn với nhân dân.
Công tác giáo dục, y tế: Ngay trong những ngày đầu mới giải phóng,
chính quyền mới của các địa phương đã chăm lo ngay đến giáo dục bằng
180 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

những biện pháp cụ thể như: tiếp quản các trường học, cử cán bộ phụ
trách, động viên, thuyết phục các thầy cô giáo ở lại trường chuẩn bị cho
năm học mới, nhanh chóng sửa chữa những trường lớp bị hư hại trong
chiến tranh… và vận động nhân dân đăng ký cho con em đến trường.
Tất cả những công việc ấy được tiến hành gấp rút trong điều kiện thiếu
thốn nhưng đầy tinh thần trách nhiệm nên năm học đầu tiên sau giải
phóng (1975-1976) đã được khai giảng đúng thời gian ở hầu hết các địa
phương, và nhân dân rất phấn khởi đưa con em đến trường vào năm
học mới. Đây là một cố gắng và thành công rất lớn của chính quyền
cách mạng các cấp trong những ngày đầu làm chức năng quản lý xã hội.
Về công tác y tế, chính quyền mới đã tiếp quản tốt các bệnh viện
lớn, sử dụng được phần lớn đội ngũ y, bác sĩ đang làm việc và duy trì
được hoạt động bình thường của các bệnh viện. Ở các vùng nông thôn
xa đô thị, chính quyền cách mạng cũng đã nhanh chóng triển khai các
trạm dân y, trạm hộ sinh và các trạm quân y dã chiến của các đơn vị vũ
trang nhằm kịp thời khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Ở Sài Gòn và các thị xã lớn, đời sống kinh tế - xã hội của người dân
hầu như không có sự xáo trộn lớn: điện, nước vẫn được cung cấp đầy
đủ, các phương tiện giao thông vẫn hoạt động bình thường, chợ búa,
mua bán vẫn diễn ra tấp nập… Chỉ sau một ngày tạm ngưng, đài phát
thanh và đài truyền hình của thành phố lại phát sóng, kịp thời đưa tin
tức cả nước và phổ biến đường lối, chính sách của cách mạng.
Giải quyết chính sách thương binh xã hội: Cuộc kháng chiến diễn
ra ở miền Nam nói chung và Nam Bộ nói riêng trong cả thời kỳ chống
Pháp và chống Mỹ kéo dài suốt 30 năm nên đối tượng thương binh liệt
sĩ, gia đình có công với cách mạng cần giải quyết chính sách có số lượng
rất lớn. Công việc trước mắt là xác nhận các đối tượng chính sách để kịp
thời thực hiện các chế độ trợ cấp. Công tác tìm kiếm, xác minh, quy tập
hài cốt liệt sĩ, tử sĩ cũng có khối lượng công việc rất lớn và rất phức tạp,
lại thiếu cán bộ chuyên môn nghiệp vụ. Chính quyền các cấp coi đây là
công tác hết sức quan trọng, là thể hiện đạo lý nhưng do thiếu nguồn lực
nên công việc không thể tiến hành nhanh chóng.
CHƯƠNG III: THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VỀ MẶT NHÀ NƯỚC... 181

Khôi phục sản xuất: Do hoàn cảnh chiến tranh ác liệt và kéo dài,
do âm mưu phá hoại và tranh chấp ruộng đất của Mỹ và chính quyền
Sài Gòn trước đây, nên sau giải phóng, ở Nam Bộ, ruộng đất bị xáo trộn
khá nhiều. Tình trạng nông dân ở những khu vực do chính quyền Sài
Gòn kiểm soát dài ngày và vùng tranh chấp quyết liệt không có ruộng
hoặc thiếu ruộng là hiện tượng phổ biến, nhất là ở khu vực Nam Bộ.
Để thực hiện nhiệm vụ giúp đỡ nhân dân trở về ruộng vườn cũ, khôi
phục sản xuất nông nghiệp, Ban quân quản các cấp đã tổ chức các đơn
vị lực lượng vũ trang chuyên trách công tác rà phá bom mìn, giải phóng
được hàng vạn hécta đất canh tác cho nhân dân (riêng huyện Đức Hòa,
tỉnh Long An đã rà phá bom mìn hơn 100 khu vực, giải phóng hàng
trăm hécta).
Cùng với việc giải phóng đất đai để canh tác, lực lượng vũ trang còn
trực tiếp giúp đỡ những gia đình thuộc diện chính sách và những gia
đình quá khó khăn trong việc dựng nhà, khai hoang, phục hóa. Chính
quyền địa phương đã cung cấp một số vật liệu xây dựng (tấm lợp, xi
măng, gỗ, ván)… cho một số gia đình thương binh, liệt sĩ có hoàn cảnh
neo đơn.
Đồng thời với việc tạo điều kiện cho nông dân trở về ruộng vườn
cũ, khôi phục sản xuất nông nghiệp, các tỉnh Nam Bộ còn triệt để
thực hiện tinh thần Nghị quyết 254-CT của Bộ Chính trị về giải quyết
vấn đề chia ruộng đất cho các hộ thiếu ruộng hoặc không có ruộng.
Theo đó, các tỉnh đã tiến hành quốc hữu hóa đồn điền và ruộng đất
của tư bản nước ngoài, tịch thu toàn bộ ruộng đất của địa chủ phản
quốc, địa chủ đã chạy ra nước ngoài, của tư sản mại bản, vận động
địa chủ thường hiến ruộng đất. Nếu họ không chịu hiến ruộng đất,
chính quyền tỉnh ra lệnh trưng thu. Đối với địa chủ kháng chiến, vận
động họ hiến ruộng đất là chính, hoặc có thể trưng mua một phần
ruộng đất.
Đối với phú nông và tư sản nông thôn, các tỉnh cũng vận động
họ hiến điền, hoặc có thể tịch thu, trưng thu, trưng mua phần ruộng
đất thừa quá mức bình quân đầu người về ruộng đất. Đối với ruộng
182 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

đất của những người làm trong bộ máy chính quyền hoặc quân đội
Việt Nam Cộng hòa bỏ chạy ra nước ngoài cũng bị thu hồi để chia
cho nông dân.
Với những cố gắng to lớn của nhân dân và các cấp chính quyền
cùng với sự giúp đỡ trực tiếp của lực lượng vũ trang, chỉ trong mấy
tháng cuối năm 1975, hầu hết những gia đình tản cư đã trở lại ruộng
vườn của mình, từng bước ổn định cuộc sống, bắt tay vào khai hoang
phục hóa, canh tác vụ lúa đầu tiên trong hòa bình, và đến cuối năm
1976, ở các tỉnh Nam Bộ đã dần dần hoàn thành việc xóa bỏ quyền
chiếm hữu ruộng đất và tàn tích bóc lột của địa chủ, kết hợp với khôi
phục sản xuất. Tuy nhiên, sản xuất và đời sống trước mắt của nhân dân
còn rất nhiều khó khăn do thiếu vốn, thiếu vật tư nông nghiệp và thiếu
lương thực dự trữ.
Trong năm đầu giải phóng, công tác khôi phục sản xuất chủ yếu
nhằm vào nông nghiệp, lấy cây lương thực ngắn ngày làm chính để
giải quyết ngay nạn đói đang đe dọa ở một số địa phương, do đó,
các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tư nhân tạm thời bị
ngưng trệ vì thiếu nguyên liệu và chờ đợi chính sách mới. Tình trạng
đó đã gây ra nạn khan hiếm hàng tiêu dùng thiết yếu hằng ngày của
nhân dân.
Nhìn chung, nhiệm vụ ổn định đời sống nhân dân và phục hồi sản
xuất trong thời kỳ quân quản ở Nam Bộ gặp nhiều khó khăn, thử thách
lớn nhưng về cơ bản đã giữ được ổn định xã hội, không để xảy ra những
xáo trộn lớn. Đối với nhiệm vụ phục hồi sản xuất cũng mới đạt được kết
quả khiêm tốn ban đầu.
Xóa bỏ giai cấp tư sản mại bản và tàn dư phong kiến: Việc xóa bỏ
giai cấp tư sản mại bản và tàn dư phong kiến ở Nam Bộ diễn ra hết
sức khó khăn, phức tạp, bởi vì giai cấp tư sản ở đây có tiềm lực kinh tế
và chính trị khá lớn. Sau giải phóng, trên toàn miền Nam có khoảng
20.000 nhà tư sản, họ có vốn lớn và có liên hệ rất rộng rãi, chặt chẽ với
tiểu thương, nông dân và cả thị trường ngoài Việt Nam. Do đó, Đảng
CHƯƠNG III: THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VỀ MẶT NHÀ NƯỚC... 183

chủ trương: “Đối với xí nghiệp tư bản tư doanh, phải cải tạo xã hội chủ
nghĩa chủ yếu bằng con đường công tư hợp doanh”1. Còn đối với tư sản
công nghiệp thì cải tạo theo hình thức: Quốc hữu hóa các xí nghiệp tư
sản mại bản của nhân viên cao cấp trong guồng máy chính quyền cũ;
đối với tư bản tư doanh của giai cấp tư sản dân tộc thì áp dụng hình
thức công tư hợp doanh, hợp tác xã hay hình thức nào đó của chủ
nghĩa tư bản nhà nước; một số xí nghiệp nhỏ có thể tiếp tục để cho
tư nhân kinh doanh với điều kiện phải tuân theo sự hướng dẫn và chỉ
huy của Nhà nước như tham gia liên hiệp các xí nghiệp, hoặc làm “vệ
tinh” trong các tổ hợp công nghiệp, các nhóm sản phẩm do Nhà nước
lãnh đạo2.
Thực hiện chủ trương lúc đó của Đảng, ngay từ quý IV năm 1975,
đợt 1 của chiến dịch cải tạo tư sản mại bản ở các thành phố lớn miền
Nam, đã kiểm kê và trưng thu tài sản hàng hóa của 170 nhà tư sản mại
bản và 48 nhà tư thương lớn, đồng thời đánh thuế siêu ngạch hàng tồn
kho của 1.420 hộ tư sản thương nghiệp, tịch thu 270 cơ sở kinh doanh.
Cuối năm 1976, đợt 2 của chiến dịch đã được tiến hành nhằm vào tư sản
mại bản chưa được cải tạo trong đợt 1.
Kết quả là đã hình thành một mạng lưới kinh doanh rộng khắp ở
thành thị và nông thôn Nam Bộ do các tư sản thương nghiệp và tầng lớp
thương nhân lớn, nhỏ tiến hành. Trong điều kiện nền kinh tế còn phổ
biến là sản xuất nhỏ, kém phát triển, chưa tạo đủ việc làm cho người lao
động thì tình trạng số người tham gia buôn bán là hiện tượng khó tránh
khỏi ở Nam Bộ lúc bấy giờ.
Thực hiện chủ trương của Đảng về xóa bỏ giai cấp tư sản mại bản và
phong kiến, ngay trong năm 1975, và năm 1976 ở Nam Bộ đã tiến hành
hai đợt cải tạo, riêng ở Sài Gòn đã tiến hành quốc hữu hóa toàn bộ tài
sản của 171 nhà tư sản công nghiệp và 59 nhà tư sản thương mại cỡ lớn,

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 37, tr. 1017.
2. Xem Lê Duẩn: Cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội,
1980, tr. 69.
184 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

quốc doanh hóa được 400 xí nghiệp công nghiệp, khôi phục sản xuất
14.000 cơ sở tiểu thủ công nghiệp.
Có thể nói, công cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh
ở Nam Bộ được tiến hành rất khẩn trương. Các xí nghiệp của tư sản
mại bản và tư sản bỏ chạy ra nước ngoài đều nhanh chóng bị quốc hữu
hóa và chuyển sang quốc doanh. Vận tải đường sắt, đường biển, hàng
không, ngân hàng tư nhân, độc quyền phát hành tiền tệ, ngoại thương,
kinh doanh lương thực, xăng dầu, mua bán vàng bạc, đá quý… đều
được quốc hữu hóa. Việc cải tạo một cách vội vàng các thành phần kinh
tế lúc đó được gọi là “phi xã hội chủ nghĩa” theo mô hình ở miền Bắc
trước đây mà không tính đến những điều kiện cụ thể của miền Nam nói
chung, của Nam Bộ nói riêng đã là nguyên nhân gây nên nhiều yếu kém,
bất cập, kéo hiệu quả của một nền kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp
rất thiếu năng động...
Thực hiện chính sách hòa hợp dân tộc: Cuộc kháng chiến chống Mỹ
có những yếu tố của một cuộc nội chiến. Tính chất ấy xuất hiện trong
thời kỳ đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt và chiến lược Việt Nam
hóa chiến tranh. Yếu tố ấy tạo ra sự phân cách ngay trong khối quần
chúng nhân dân, thậm chí ngay trong một dòng họ, một gia đình: một
bên là những người phục vụ trong chính quyền và quân đội Việt Nam
cộng hòa - một bên là những người tham gia kháng chiến. Khi chiến
tranh chấm dứt, trong xã hội không tránh khỏi sự phân biệt giữa bên
chiến thắng và bên thất bại, thậm chí có thể xảy ra sự trả thù cá nhân.
Yếu tố tâm lý xã hội này được phía Mỹ lợi dụng để tuyên truyền về một
cuộc “tắm máu” sau chiến tranh. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra vì
Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ cách
mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã kịp thời đưa ra chính
sách hòa hợp dân tộc đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng và tình cảm
của nhân dân. Chính sách ấy được Chủ tịch Ủy ban quân quản Sài Gòn -
Gia Định, Thượng tướng Trần Văn Trà tuyên bố với những người đã
tham gia Chính phủ do ông Dương Văn Minh làm tổng thống: “Đối với
chúng ta, không có kẻ thua, người thắng mà chỉ có dân tộc Việt Nam
CHƯƠNG III: THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VỀ MẶT NHÀ NƯỚC... 185

chúng ta thắng Mỹ”1. Lời tuyên bố ấy đã làm yên lòng nhiều người đã
từng phục vụ cho chế độ Sài Gòn trước đó và họ đã tự nguyện trình
diện, thực hiện tốt các đợt học tập để được trở về đoàn tụ với gia đình,
tiếp tục cuộc sống bình thường của một công dân.
Tinh thần hòa hợp dân tộc và xóa bỏ hận thù không chỉ thể hiện ở
quan điểm chính trị mà còn diễn ra rất tự nhiên trong từng cộng đồng
và từng gia đình vì thực chất đây là vấn đề nội bộ của một nền văn
hóa đã có bề dày lịch sử mấy ngàn năm. Nền văn hóa ấy không thể bị
chia cắt bằng mấy chục năm dùng bạo lực và lối sống thực dụng của
phương Tây.
Tinh thần hòa hợp dân tộc được thể hiện cụ thể bằng việc trả tự
do và quyền công dân cho 400.000 binh lính chế độ cũ chỉ sau 3 ngày
tập trung học tập chính sách hòa hợp dân tộc của Đảng và Nhà nước.
Hơn 30.000 sĩ quan trung, cao cấp của quân đội Sài Gòn đã không bị
coi là “tù binh chiến tranh” mà chỉ phải tập trung học tập, cải tạo và lần
lượt được phục hồi quyền công dân (chỉ trừ một số ngoan cố, cực đoan
phải học tập lâu hơn). Thành công bước đầu của việc thực hiện chính
sách hòa hợp dân tộc là yếu tố thuận lợi căn bản để bước vào thời kỳ
xây dựng xã hội mới.

3. Tổ chức lại các đơn vị hành chính


Trong suốt thời kỳ kháng chiến kéo dài 30 năm, tổ chức hành chính
của hai bên trên vùng đất Nam Bộ có nhiều sự khác nhau cả về địa danh
và phạm vi lãnh thổ, vì vậy sau chiến tranh cần có sự thống nhất để quản
lý hành chính.
Thực hiện Nghị quyết số 245-NQ/TW ngày 20-9-1975 của Bộ Chính
trị về việc bỏ khu, hợp tỉnh; Nghị quyết số 16-NQ/TWC ngày 20-9-1975
của Thường vụ Trung ương Cục miền Nam về việc giải thể khu, sáp
nhập tỉnh; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 20-12-1975 của Bộ Chính trị

1. Chung một bóng cờ (về Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam),
Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 814.
186 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

về việc điều chỉnh hợp nhất một số tỉnh miền Nam, tháng 2-1976, Hội
đồng Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã
ra Nghị định về việc giải thể khu, hợp nhất tỉnh ở miền Nam Việt Nam.
Theo các văn bản trên, từ năm 1976, toàn miền Nam bao gồm 20 tỉnh và
một thành phố lớn. Trong đó, miền Trung, Tây Nguyên và Nam Trung
Bộ gồm 8 tỉnh là: Bình Trị Thiên, Quảng Nam Đà Nẵng, Nghĩa Bình,
Phú Khánh, Gia Lai Kon Tum, Đắk Lắk, Thuận Hải, Lâm Đồng.
Riêng địa bàn Nam Bộ có sự điều chỉnh về tổ chức hành chính
như sau:
Tỉnh Bà Rịa, Long Khánh, Biên Hòa và thành phố Biên Hòa hợp
nhất thành tỉnh Đồng Nai.
Tỉnh Thủ Dầu Một, Bình Phước hợp nhất thành tỉnh Sông Bé.
Tỉnh Long An, Kiến Tường hợp nhất thành tỉnh Long An.
Tỉnh Mỹ Tho, Gò Công và thành phố Mỹ Tho hợp nhất thành tỉnh
Tiền Giang.
Tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh hợp nhất thành tỉnh Cửu Long.
Tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ hợp nhất thành
tỉnh Hậu Giang.
Tỉnh Kiến Phong và một số huyện của Sa Đéc hợp nhất thành tỉnh
Đồng Tháp.
Tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu hợp nhất thành tỉnh Minh Hải.
Tỉnh Rạch Giá và một số huyện của Long Châu Hà hợp nhất thành
tỉnh Kiên Giang.
Tỉnh An Giang, một số huyện của Sa Đéc, một số huyện của Long
Châu Hà, một số huyện của Long Châu Tiền hợp nhất thành tỉnh An
Giang.
Tỉnh Tây Ninh.
Tỉnh Bến Tre.
Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.
Việc hợp nhất, đổi tên và tổ chức các tỉnh có quy mô lớn là nhằm mục
đích giảm bớt các đầu mối để tăng cường hiệu lực chỉ đạo, quản lý, đồng
thời tạo ra những đơn vị hành chính lớn đủ khả năng độc lập trong phát
CHƯƠNG III: THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VỀ MẶT NHÀ NƯỚC... 187

triển toàn diện về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên trên thực tế, việc này đã tạo
ra sự xáo trộn và gây khá nhiều khó khăn về quản lý hồ sơ hành chính và
quản lý dân số. Mặt khác, quy mô dân số lớn, địa bàn quá rộng đã vượt
quá khả năng kiểm soát và quản lý của chính quyền các cấp.
Về hành chính, trước khi đất nước thống nhất, ở miền Nam đã từng
tồn tại hai hệ thống chính quyền đối lập. Trong vùng chính quyền Sài
Gòn kiểm soát, tên gọi các vùng đất khác nhau của đất nước như Bắc
Việt, Trung Việt, Nam Việt được thay đổi, gọi là Bắc Phần, Trung Phần,
Nam Phần; đồng thời chính quyền Sài Gòn sáp nhập Cao nguyên miền
Nam cũ với Trung Việt cũ thành Trung nguyên Trung Phần; chia Nam
Phần ra Đông Nam Phần và Tây Nam Phần. Tỉnh chia ra quận, quận
chia ra tổng, tổng chia ra xã, ở Trung phần, quận chia ra xã, không có
tổng. Đến tháng 10-1956, chính quyền Sài Gòn chia lại Nam phần gồm
Đô thành Sài Gòn và 22 tỉnh1.
Trong vùng tự do và sau đó là vùng giải phóng trước khi thành lập
Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam năm
1969, từ vĩ tuyến 17 trở vào có hệ thống các liên khu, khu, tỉnh, huyện,
xã. Ở Nam Bộ có Xứ ủy Nam Bộ (từ năm 1961 là Trung ương Cục miền
Nam). Sau khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam
Việt Nam được thành lập, Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất
lãnh đạo tập trung thống nhất các bộ và các cấp chính quyền. Ở khu
có Ban đại diện Chính phủ, ở các tỉnh, huyện, xã đều thành lập ủy ban
nhân dân cách mạng và các tổ chức đảng, đoàn thể cách mạng trong
Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Về tổ chức quân sự, trong kháng chiến chống Mỹ, ở Nam Bộ có ba
quân khu là Quân khu 7, Quân khu 8, Quân khu 9 và Khu Sài Gòn - Gia
Định. Sau khi giải thể cấp khu ủy, các quân khu cũng được tổ chức lại
thành hai quân khu: Quân khu 7 (gồm Quân khu 7 và Khu Sài Gòn - Gia
Định) và Quân khu 9 (gồm Quân khu 8 và Quân khu 9).

1. Nguyễn Quang Ân: Việt Nam, những thay đổi địa danh và địa giới hành
chính (1945-2002), Nxb. Thông tấn, Hà Nội, 2003, tr. 65.
188 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Địa bàn Quân khu 7 gồm các tỉnh thành: Sài Gòn - Gia Định, Long
An, Tây Ninh, Sông Bé, Đồng Nai.
Địa bàn Quân khu 9 gồm các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp,
An Giang, Kiên Giang, Minh Hải.
Về lực lượng vũ trang, mỗi quân khu có một sư đoàn bộ binh và các
đơn vị binh chủng, hỏa lực cấp tiểu đoàn và trung đoàn. Mỗi tỉnh có từ
1 đến 2 tiểu đoàn bộ binh và một số phân đội hỏa lực. Mỗi huyện có từ 1
đến 2 đại đội bộ binh, mỗi xã có từ 1 đến 2 trung đội dân quân du kích,
mỗi ấp có 1 tổ đến 1 tiểu đội du kích. Ngoài ra, đứng chân và hoạt động
trên địa bàn Nam Bộ còn có Quân đoàn 4 và các đơn vị của các binh,
quân chủng do Bộ Tổng tham mưu quản lý.

4. Tổ chức Hội nghị hiệp thương thống nhất đất nước


Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 9-1975)
đề ra nhiệm vụ thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, đã khẳng định:
“Hoàn thành thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh,
tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”1. Hội nghị nhấn mạnh: “Thống
nhất đất nước vừa là nguyện vọng thiết tha bậc nhất của đồng bào cả
nước, vừa là quy luật khách quan của sự phát triển cách mạng Việt Nam,
của lịch sử dân tộc Việt Nam”2.
Thực hiện chủ trương ấy, ngày 27-10-1975, Ủy ban Thường vụ Quốc
hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã họp phiên đặc biệt thông qua đề
án thực hiện thống nhất đất nước về mặt Nhà nước và cử đoàn đại biểu
miền Bắc dự hội nghị hiệp thương với đoàn đại biểu miền Nam.
Ngày 5 và 6-11-1975, tại thành phố Sài Gòn cũng tiến hành hội nghị
mở rộng gồm: đại biểu Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng
miền Nam Việt Nam, Ủy ban Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ
và hòa bình Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền
Nam Việt Nam, Hội đồng cố vấn Chính phủ và đại biểu nhân sĩ, trí thức
miền Nam. Hội nghị đã thảo luận về chủ trương và các biện pháp thống

1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.36, tr. 397, 395.
CHƯƠNG III: THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VỀ MẶT NHÀ NƯỚC... 189

nhất đất nước và cử đoàn đại biểu miền Nam tiến hành hội nghị hiệp
thương với đoàn đại biểu miền Bắc.
Hội nghị hiệp thương thống nhất đất nước tiến hành từ ngày 15 đến
ngày 21-11-1975 tại thành phố Sài Gòn. Đoàn đại biểu miền Bắc gồm 25
thành viên, Trưởng đoàn là Trường Chinh - Ủy viên Bộ Chính trị Trung
ương Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Các Phó Trưởng đoàn là Hoàng
Văn Hoan, Trần Hữu Dực. Đoàn đại biểu miền Nam có 25 thành viên,
trưởng đoàn là Phạm Hùng - Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng
Lao động Việt Nam, Bí thư Đảng bộ miền Nam. Các Phó Trưởng đoàn
gồm: Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, luật sư
Trịnh Đình Thảo. Hội nghị đã diễn ra trong không khí phấn khởi, thắm
tình ruột thịt Bắc Nam.
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng,
Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa
miền Nam Việt Nam đã đọc diễn văn khai mạc hội nghị hiệp thương
thống nhất đất nước. Diễn văn khẳng định: “Thắng lợi của kháng chiến
chống Mỹ là thắng lợi rất vững chắc của sự nghiệp độc lập dân tộc và
thống nhất tổ quốc …đó là thắng lợi của cả dân tộc Việt Nam ta, Nam,
Bắc cùng kề vai sát cánh chiến đấu chống kẻ thù chung. Thắng lợi đó đã
mở ra một giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam: giai đoạn hoàn thành
sự nghiệp thống nhất nước nhà và đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh lên
chủ nghĩa xã hội…Thống nhất nước nhà vừa là nguyện vọng tha thiết bậc
nhất của đồng bào cả nước, vừa là quy luật khách quan của sự phát triển
lịch sử của Việt Nam”.
Trưởng đoàn đại biểu miền Bắc Trường Chinh đọc báo cáo chính
trị “Thực hiện thống nhất nước nhà về mặt nhà nước”. Trưởng đoàn đại
biểu miền Nam Phạm Hùng đọc báo cáo “Tiến lên sớm hoàn thành
thống nhất tổ quốc”.
Hội nghị xác định: thống nhất nước nhà là thống nhất giữa hai
miền về chính trị và xã hội, cụ thể là về cơ cấu kinh tế, quan hệ sản xuất,
thành phần xã hội, tổ chức nhà nước, Hiến pháp, pháp luật, văn hóa và
190 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

tư tưởng… Hội nghị cũng xác định “thống nhất về nhà nước là khâu
chính”. Hội nghị khẳng định: “Cần hoàn thành thống nhất nước nhà trên
cơ sở độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đó là sự thống nhất trọn vẹn và
vững chắc nhất” .
Hội nghị đã ra thông báo khẳng định nước Việt Nam là một, dân
tộc Việt Nam là một, và Hội nghị nhấn mạnh: Cần tổ chức sớm cuộc
tổng tuyển cử trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam để bầu ra Quốc hội chung
cho cả nước. Là cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam hoàn
toàn độc lập và chủ nghĩa xã hội. Quốc hội đó sẽ xác định thể chế nhà
nước, bầu ra các cơ quan lãnh đạo nhà nước và quy định Hiến pháp mới
của nước Việt Nam thống nhất.
Hội nghị hiệp thương thống nhất đất nước đã thành công tốt đẹp,
đã đạt được sự thống nhất rất cao về tất cả các vấn đề sẽ tiến hành như
thời gian và biện pháp tiến hành tổng tuyển cử, bầu Quốc hội chung
của cả nước.
Hội nghị có hai văn kiện quan trọng nhất là “Thông cáo của hội nghị
hiệp thương chính trị thống nhất đất nước” và văn kiện “Những vấn đề
đã được hai đoàn đại biểu nhất trí thông qua trong hội nghị hiệp thương
chính trị thống nhất Tổ quốc”.
Trong kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa V nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa từ ngày 22 đến 27-12-1975, Ban Thường vụ Quốc hội đã đạt
được sự nhất trí với các cơ quan có trách nhiệm ở miền Nam Việt Nam
về chương trình ba điểm:
Một là, tổ chức hội nghị hiệp thương chính trị giữa đại biểu hai
miền Bắc, Nam nhằm thống nhất nhận định về yêu cầu và nội dung của
toàn bộ sự nghiệp hoàn thành thống nhất nước nhà, về tầm quan trọng
và tính cấp bách cũng như bước đi, biện pháp của việc thống nhất về
mặt Nhà nước.
Hai là, bàn về việc tổ chức tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội chung của
cả nước Việt Nam thống nhất trên cả nước theo nguyên tắc phổ thông,
bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Cuộc bầu cử sẽ được tổ chức trên
cả nước vào cùng một ngày vào thời gian nửa đầu năm 1976.
CHƯƠNG III: THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VỀ MẶT NHÀ NƯỚC... 191

Ba là, triệu tập kỳ họp đầu tiên của Quốc hội chung của cả nước để
nghe Hội đồng bầu cử toàn quốc báo cáo kết quả cuộc tổng tuyển cử và
xác nhận tư cách đại biểu, nghe báo cáo về dự thảo hiến pháp mới của
nước Việt Nam thống nhất, bầu Ủy ban dự thảo hiến pháp của Quốc
hội, quyết định tên nước, Quốc huy, Quốc kỳ, Quốc ca và Thủ đô, bầu
cơ quan lãnh đạo của nhà nước…
Kết quả kỳ họp đã chính thức phê chuẩn kết quả của hội nghị hiệp
thương chính trị thống nhất đất nước.
Ở miền Nam, Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời
Cộng hòa miền Nam Việt Nam cũng tiến hành phê chuẩn chính thức
kết quả của hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất đất nước.
Đến cuối năm 1975, Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Cộng hòa miền
Nam Việt Nam đã hoàn tất cơ sở chính trị và pháp lý cho việc thống
nhất đất nước bằng những văn kiện cụ thể của “hội nghị hiệp thương
chính trị thống nhất đất nước” do các đoàn đại biểu của hai miền tiến
hành tại Sài Gòn. Tinh thần của sự thống nhất mang tính toàn diện và
triệt để từ thể chế chính trị, ý thức hệ, kinh tế, xã hội, văn hóa và chủ
quyền lãnh thổ.
Ngày 25-4-1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung trên
phạm vi cả nước được tiến hành và thành công tốt đẹp. Đây là lần thứ
hai cuộc Tổng tuyển cử được tổ chức trong cả nước sau lần Tổng tuyển
cử đầu tiên (tổ chức ngày 6-1-1946). Hơn 23 triệu cử tri (98,8% tổng số
cử tri) đi bầu đã bầu ra 492 đại biểu. Riêng ở Nam Bộ đã có 97% cử tri
tham gia bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân ba cấp (phần lớn binh
sĩ trong quân đội Sài Gòn đã được phục hồi quyền công dân cũng được
tham gia bầu cử).
Sau khi thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, miền
Nam Việt Nam nói chung và vùng đất Nam Bộ nói riêng đã trở thành
một bộ phận lãnh thổ của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Thể chế Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Mặt trận Dân tộc giải phóng
miền Nam Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ trong sự nghiệp thống
nhất Tổ quốc và kết thúc sứ mạng lịch sử vẻ vang của mình.
192 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Từ ngày 24-6 đến ngày 2-7-1976, Quốc hội của nước Việt Nam
thống nhất họp kỳ đầu tiên ở Hà Nội. Quốc hội thông qua chính sách
đối nội và đối ngoại của nước Việt Nam thống nhất. Về nhiệm vụ chiến
lược của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới là hoàn thành thống
nhất nước nhà, đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên
chủ nghĩa xã hội, miền Bắc phải tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội và
hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, miền Nam phải đồng thời
tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Quốc
hội quyết định lấy tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (từ
ngày 2-7-1976), Quốc kỳ là cờ đỏ sao vàng, Quốc ca là bài Tiến quân ca,
Quốc huy mang dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hà Nội
là Thủ đô của nước Việt Nam thống nhất, thành phố Sài Gòn đổi tên là
Thành phố Hồ Chí Minh.
Khoảng thời gian sau một năm giải phóng là thời kỳ thực hiện
chế độ quân quản, công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ở miền
Nam Việt Nam nói chung và trên vùng đất Nam Bộ nói riêng đã đạt
được những thành tựu to lớn, nhất là sự kiện thống nhất nước nhà
về mặt Nhà nước, đã chứng tỏ một cách hùng hồn ý chí của toàn
dân đối với việc xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất và
đi lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời Nam Bộ cũng đứng trước những
thử thách, khó khăn không nhỏ của thời kỳ hàn gắn vết thương
chiến tranh trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,
môi trường.
Những thành tựu lớn nhất đã đạt được trong thời kỳ này là đã thu
hồi trọn vẹn chủ quyền lãnh thổ miền Nam nói chung, trong đó có vùng
đất Nam Bộ, kịp thời trấn áp các hoạt động phá hoại của tàn quân, quản
lý chặt chẽ các đối tượng đã tham gia quân đội và chính quyền trong chế
độ cũ; xây dựng và bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng các cấp;
giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội; ổn định từng bước đời sống
nhân dân, khắc phục nạn đói, chăm lo y tế, giáo dục, bước đầu khôi
phục sản xuất nông nghiệp; thực hiện tốt chính sách hòa hợp dân tộc,
xóa bỏ hận thù sau chiến tranh.
CHƯƠNG III: THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VỀ MẶT NHÀ NƯỚC... 193

Bên cạnh những thành tích to lớn đã đạt được như giữ vững an
ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, bước đầu ổn định đời sống nhân
dân vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thử thách lớn trong thời kỳ này là:
Mỹ chưa từ bỏ âm mưu và các thủ đoạn phá hoại, bạo loạn ở miền Nam
và kế đó là bao vây, cấm vận hòng gây khó khăn cho nước Việt Nam
thống nhất. Lực lượng của “kế hoạch hậu chiến” do Mỹ nuôi dưỡng còn
ở lại khá nhiều, các nhóm tàn quân chống đối còn có khả năng hoạt
động phá hoại ở nhiều địa phương. Hậu quả chiến tranh rất nặng nề cả
về kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường. Đã xuất hiện tình trạng thiếu
đói cục bộ, tình trạng khan hiếm hàng tiêu dùng, nhiều ngành kinh tế
đình đốn. Tệ nạn xã hội đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Rất thiếu cán
bộ để xây dựng chính quyền, thiếu nhân lực và nguồn lực để giải quyết
khối lượng công tác thương binh xã hội rất lớn. Tình trạng vượt biên
trái phép diễn ra ồ ạt và rộng khắp ở nhiều địa phương, gây không khí
hoang mang, giảm sút lòng tin trong nhân dân. Gánh nặng về quản lý,
tổ chức học tập, cải tạo cho hàng vạn sĩ quan và nhân viên cao cấp trong
chính quyền của chế độ cũ, thiếu nhân lực và nguồn lực để khắc phục
hậu quả về môi trường phục vụ cho sản xuất như rà phá bom mìn, làm
sạch các khu vực bị nhiễm chất độc hóa học…
Với bề dày truyền thống dựng nước, giữ nước và đấu tranh cách
mạng, với khí thế hân hoan chào đón hòa bình, chào đón sự kiện thống
nhất đất nước, nhân dân Nam Bộ cùng cả nước nỗ lực vượt qua những
khó khăn thử thách để bước vào thời kỳ mới: xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc thống nhất, tiến lên xã hội chủ nghĩa.

II- BẢO VỆ CHỦ QUYỀN VÀ AN NINH TỔ QUỐC Ở TUYẾN BIÊN GIỚI


TÂY NAM, GIỮ VỮNG ỔN ĐỊNH CHÍNH TRỊ, TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI

Đây là thời kỳ rất đặc biệt đối với vùng đất Nam Bộ vì nó là thử
thách lớn nhất sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ và ngay
sau khi đất nước thống nhất và vùng đất Nam Bộ đã trở thành một bộ
phận không thể tách rời, đồng thời giữ vị trí quan trọng trong sự nghiệp
194 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

bảo vệ, xây dựng và phát triển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam; là thời kỳ vừa phải đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược trên
toàn tuyến biên giới với Campuchia Dân chủ, vừa đối phó với tình trạng
khủng hoảng kinh tế - xã hội diễn biến ngày càng gay gắt. Những khó
khăn, thử thách đó là sự cản trở rất lớn đối với công cuộc xây dựng và
phát triển vùng đất Nam Bộ.
Bên cạnh những khó khăn rất lớn, thời kỳ này cũng có những thuận
lợi cơ bản là: đất nước đã thống nhất, các vùng lãnh thổ đều được phát
triển và bảo vệ bằng tiềm lực và sức mạnh của cả nước. Đối với quan
hệ quốc tế, vị thế và uy tín của Việt Nam đã được nâng lên một tầm cao
mới sau chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Đó là những điều kiện khách quan và chủ quan của vùng đất Nam
Bộ trong thời kỳ phát triển này.

1. Bảo vệ chủ quyền và an ninh Tổ quốc ở biên giới Tây Nam


Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam do tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary
ở Campuchia gây ra ngay sau khi Việt Nam vừa mới giành thắng lợi vẻ
vang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó là một bất ngờ
lớn đối với Việt Nam và cộng đồng quốc tế.

a- Nguồn gốc và quá trình dẫn đến cuộc chiến tranh biên giới
Tây Nam
Cuộc chiến tranh biên giới với Campuchia do tập đoàn Pol Pot -
Ieng Sary gây ra, nếu muốn hiểu rõ nguồn gốc của nó phải bắt đầu từ sự
xuất hiện chế độ Khmer đỏ do Pol Pot đứng đầu.
Trong thời kỳ Mỹ thực hiện chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh
ở miền Nam Việt Nam, ý đồ chiến lược của Mỹ là mở rộng chiến tranh
ra toàn cõi Đông Dương nhằm đánh vào “yết hầu” và “dạ dày” của cuộc
kháng chiến ở miền Nam, để nó tự tàn lụi. Cụ thể là Mỹ sẽ đánh lên
khu vực Nam Lào và Đông Bắc Campuchia là hai đầu của con đường
chiến lược Trường Sơn - nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến
lớn miền Nam, nơi có đầu mối các con đường vận chuyển quân sự và
CHƯƠNG III: THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VỀ MẶT NHÀ NƯỚC... 195

tập trung nhiều kho tàng chứa vũ khí, khí tài và lương thực của các lực
lượng kháng chiến ở miền Nam.
Để chuẩn bị cho việc thực hiện ý đồ này, Mỹ đã bật đèn xanh cho
nhóm Lon Nol Siric Matak làm đảo chính lật đổ Quốc trưởng Norodom
Sihanouk ngày 18-3-1970. Đây là hành động nhằm làm thay đổi chính
sách trung lập ở Campuchia, dọn đường về pháp lý cho Mỹ và chính
quyền Sài Gòn có thể đưa quân chiến đấu vượt qua đường biên giới tấn
công sang đất Campuchia. Ngay sau khi đưa Lon Nol lên nắm quyền,
ngày 29-4-1970, một lực lượng lớn của quân Mỹ và quân đội Việt Nam
Cộng hòa từ Nam Bộ vượt biên giới tấn công sâu vào lãnh thổ của vùng
Đông Bắc Campuchia.
Thực hiện chủ trương “Đông Dương là một chiến trường” của Trung
ương Cục miền Nam, đồng thời để giúp đỡ cách mạng Campuchia,
Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã triển khai lực lượng chủ lực
chặn đánh các cánh quân Mỹ và quân đội Sài Gòn để bảo vệ và mở rộng
căn cứ địa ở Nam Lào và Đông Bắc Campuchia.
Sau khi quân Mỹ rút khỏi Campuchia, đầu năm 1971, quân đội Việt
Nam Cộng hòa đã mở hai chiến dịch quy mô lớn đánh sang Nam Lào
và Đông Bắc Campuchia. Quân giải phóng miền Nam Việt Nam và lực
lượng quân sự do miền Bắc chi viện đã đánh bại hai cuộc hành quân lớn
này, giữ vững tuyến đường chiến lược và làm suy yếu đáng kể khối chủ
lực của quân đội Sài Gòn.
Phát huy thắng lợi trên chiến trường Lào và Campuchia, giữa
năm 1971, Quân giải phóng miền Nam đã phát triển, tấn công đánh
bại hoàn toàn hai cuộc hành quân lớn của lực lượng của Lon Nol
là các chiến dịch Chen La 1 và Chen La 2, giúp cho lực lượng của
Khmer đỏ mở rộng vùng giải phóng và làm chủ tình hình Campuchia.
“Khmer đỏ” lúc đầu là lực lượng kháng chiến của những người yêu
nước Campuchia đã cùng sát cánh với Việt Nam kháng chiến chống
thực dân Pháp. Sau đó, những người cách mạng chân chính như Sơn
Ngọc Minh, Tu Sa Muk lần lượt bị thủ tiêu và Pol Pot chiếm lấy vị trí
lãnh đạo Khmer đỏ.
196 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Ngay từ khi ký Hiệp định Genève lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông
Dương (tháng 7-1954), Pol Pot đã tỏ thái độ bất đồng với những quan
điểm của Đảng Lao động Việt Nam trong quan hệ hữu nghị với chính
quyền vương quốc Campuchia. Sách lược của Pol Pot là lợi dụng Việt
Nam để chống Mỹ, nhưng ngầm coi Việt Nam là kẻ thù của Campuchia.
Cuối năm 1971, Pol Pot từ Pháp trở về Campuchia làm Tổng Bí
thư Đảng Cộng sản, đồng thời chỉ thị cho hàng ngàn cán bộ, đảng
viên Campuchia tập kết ra miền Bắc Việt Nam năm 1954 phải trở về
Campuchia hoạt động. Từ đó Pol Pot thực hiện chính sách vừa lợi dụng
lực lượng Quân giải phóng miền Nam Việt Nam trong việc đánh lại Lon
Nol vừa ngấm ngầm tiến hành những hành động chống Việt Nam.
Pol Pot đã triệu tập hội nghị cán bộ ở vùng giải phóng Campuchia
và mời đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam tham dự với mục đích nhắc
lại những quan điểm thù địch. Sau hội nghị này, Pol Pot vừa thanh trừng
nội bộ, gạt hết những người cho là thân Việt Nam, vừa ngấm ngầm
phá hoại, cướp phá các cơ sở hậu cần và giết hại cán bộ, chiến sĩ Quân
giải phóng miền Nam1. Những hành động ấy được Pol Pot giải thích
với phía Việt Nam là “trên không có chủ trương, do dưới manh động”
nhằm tránh né việc điều tra và giải quyết.
Sau khi Hiệp định Paris (tháng 1-1973) được ký kết, theo đề nghị
của Khmer đỏ, phần lớn lực lượng Quân giải phóng rút về miền Nam,
chỉ để lại một số đơn vị và vũ khí lớn giúp họ đánh bại Lon Nol, chiếm
Phnôm Pênh và giải phóng Campuchia ngày 17-4-1975.
Ngay sau khi chiếm được PhnômPênh, Pol Pot bắt đầu thực hiện
chính sách “10 không” (không tôn giáo, không thành thị, không tiền
tệ, không trường học, không buôn bán, không bệnh viện…) mà thực
chất là chính sách “diệt chủng”. Khmer đỏ đuổi hết dân ra khỏi Thủ đô
Phnôm Pênh và các đô thị khác, bắt họ về các vùng nông thôn làm lao

1. Theo tài liệu tổng kết của Quân khu 7, năm 1972, lực lượng của Pol Pot đã
cướp phá một số kho tàng, cướp đi một số lương thực, vũ khí, giết hại và làm bị
thương 580 cán bộ chiến sĩ Quân giải phóng miền Nam Việt Nam.
CHƯƠNG III: THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VỀ MẶT NHÀ NƯỚC... 197

động khổ sai. Những người tỏ ra phản đối sẽ bị giết không cần xét xử.
Chúng tiến hành rất nhiều cuộc sát hại tập thể, đồng thời thành lập
nhiều trại tập trung lớn để giam giữ và thủ tiêu hàng triệu người dân vô
tội. Theo Pol Pot, mục tiêu của những biện pháp này là nhằm thanh lọc
triệt để, chỉ để lại những người thật trung thành với Khmer đỏ để tiến
hành chiến tranh chống Việt Nam.
Tất cả những gì diễn ra ở Campuchia, Việt Nam chỉ coi là “những
vấn đề nội bộ của bạn” nên không xử lý như một nguy cơ có thể dẫn đến
xung đột quân sự giữa hai nước, thậm chí Việt Nam còn buông lỏng việc
nắm bắt tình hình Campuchia (giải thể bộ phận tình báo và cơ quan đại
diện ở Phnôm Pênh) nên không nắm được tính chất phức tạp và nguy
hiểm đang diễn ra ở Campuchia.
Ngày 30-4-1975, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam giải phóng
Sài Gòn. Ngày 2-5-1975, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam giải
phóng hoàn toàn các tỉnh Tây Nam Bộ. Ngày 8-5-1975, Pol Pot cho lực
lượng đánh chiếm đảo Phú Quốc, tiến công, tàn sát dân thường Việt
Nam ở đảo Thổ Chu và một vài điểm trên biên giới tỉnh An Giang.
Từ ngày 15 đến ngày 18-5-1975, lực lượng Quân khu 9 và Hải quân
Việt Nam đã tiến công giành lại đảo Phú Quốc; từ ngày 21 đến ngày 30-
5-1975 lấy lại đảo Thổ Chu và một số đảo nhỏ khác.
Ngay từ những tháng cuối năm 1975 và suốt năm 1976, tập đoàn
Pol Pot vừa xây dựng lực lượng, vừa hoạt động phá hoại ven biên giới
với Nam Bộ nhằm trinh sát địa hình, cướp bóc và thăm dò thái độ phản
ứng của Việt Nam. Tháng 7-1975, chúng đột nhập kho vũ khí của Việt
Nam ở Đồi Thơ thuộc Tây Ninh, giết hại người giữ kho và lấy đi 80 khẩu
súng. Ở Tây Ninh, chúng dời một số cột mốc biên giới ở Gò Dầu, Kà Tum,
xâm canh ở Mộc Bài, Khuốc, Vạc Sa, Tà Nốt, Tà Đạt… Chúng còn tấn
công đồn biên phòng số 7 và số 8 ở Bu Prăng. Chúng thường xuyên cho
những toán nhỏ từ một tiểu đội đến trung đội biệt kích thọc sâu vào đất
Việt Nam, tiến hành gài mìn, bắt trâu, bò, giết người. Tính chung trong
nửa cuối năm 1975, chúng xâm phạm biên giới Nam Bộ 18 vụ, trong năm
1976, số vụ xâm phạm tăng lên đến 171 vụ. Tính từ năm 1973 đến năm 1976,
198 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

chính quyền Pol Pot - Ieng Sary đã khủng bố, tàn sát, cướp bóc và đuổi
28.000 hộ gồm 206.692 Việt kiều về nước.
Đó là nguồn gốc và quá trình dẫn đến nguy cơ bùng nổ một cuộc
chiến tranh xâm lấn biên giới. Thực tế lịch sử cho thấy những hoạt động
khiêu khích ấy xuất phát từ lòng hận thù dân tộc của tập đoàn Pol Pot
mà vấn đề biên giới chỉ là cái cớ để tiến hành chiến tranh xâm lược. Tuy
nhiên, quá trình diễn ra khá đặc biệt: trong khi phía Pol Pot chuẩn bị
khá ráo riết và trắng trợn, còn phía lãnh đạo Việt Nam lại chưa coi đó là
nguy cơ xảy ra xung đột quân sự nên chỉ đối phó theo từng sự vụ, chưa
vạch ra chiến lược bảo vệ biên giới một cách rõ ràng.

b- Diễn biến cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới ở vùng Nam Bộ
Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Việt Nam với
Campuchia chỉ kéo dài hai năm (1977-1979) nhưng hậu quả kinh tế - xã
hội của nó khá nặng nề đối với Việt Nam. Cuộc chiến tranh ấy có ba giai
đoạn: Giai đoạn thứ nhất: Pol Pot phát động chiến tranh xâm lấn biên
giới, Việt Nam đối phó bị động; giai đoạn thứ hai: Việt Nam phản công
đẩy lùi lực lượng Khmer đỏ về lãnh thổ Campuchia; giai đoạn thứ ba:
Việt Nam cùng lực lượng cách mạng Campuchia tấn công đánh đổ chế
độ diệt chủng Khmer đỏ, chấm dứt chiến tranh biên giới.
Giai đoạn 1: Pol Pot phát động chiến tranh xâm lấn biên giới, Việt
Nam đối phó bị động (4-1977 – 12-1977).
Đến đầu năm 1977, lực lượng vũ trang của Pol Pot có tổng cộng 12
sư đoàn, tổng quân số khoảng 110 ngàn quân. Chúng đưa 5 sư đoàn
(gồm các sư đoàn mang số hiệu 801, 920, 3, 4, 230, chiếm 41% tổng lực
lượng) áp sát các vị trí then chốt dọc biên giới Việt Nam - Campuchia,
tăng cường hoạt động khiêu khích, do thám và chuẩn bị tấn công.
Đúng vào dịp kỷ niệm 2 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam
Việt Nam, đêm 30-4-1977, chính quyền Pol Pot - Ieng Sary huy động 3
trung đoàn của Sư đoàn 2, 4 tiểu đoàn kỹ thuật pháo binh mặt đất, pháo
cao xạ, cơ giới và trinh sát thuộc Quân khu Tây Nam, 2 tiểu đoàn địa
phương quân của hai tỉnh Kandal và Tà Keo và một số binh sĩ quân đội
CHƯƠNG III: THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VỀ MẶT NHÀ NƯỚC... 199

Việt Nam Cộng hòa cũ người Khmer Nam Bộ đồng loạt tiến công trên
toàn tuyến biên giới miền Tây Nam Bộ từ Hà Tiên đến An Giang với
tham vọng rất lớn là “thành lập tỉnh thứ 19 của Campuchia ở An Giang”.
Hướng tấn công chủ yếu của chúng nhằm vào An Giang và Kiên
Giang, hướng nghi binh, phối hợp là Hà Tiên, Tịnh Biên.
Ở hướng nghi binh, chúng tấn công hàng chục điểm gồm: Hà Tiên,
Giang Thành, Đầm Chích, Tịnh Biên, Bảy Núi, Châu Đốc, Khánh Bình,
Khánh An, Hồng Ngự, Tân Hồng… Chúng đánh chiếm đến đâu đóng
chốt đến đó và tăng thêm lực lượng để mở rộng vùng kiểm soát.
Ở hướng chủ yếu, chúng tấn công xuống Phú Tân rồi đánh xuống
núi Phú Cường thuộc An Giang. Ở Kiên Giang, chúng đánh chiếm trận
địa pháo binh ở Giồng Kè, tấn công Nhà máy xi măng Kiên Lương.
Các đơn vị thọc sâu của Pol Pot đã tấn công vào nông trường
của Sư đoàn 4 của Quân khu 9 ở khu vực rừng tràm thuộc Hà Tiên;
chúng phá cầu trên lộ 48 - đoạn từ Châu Đốc đi Tịnh Biên, Chi Lăng.
Chúng còn xuống tận Vĩnh Xương thuộc Đồng Tháp để cướp và giết
hại trâu, bò.
Quân khu 9 đã triển khai lực lượng vũ trang ngăn chặn các cánh
quân của Pol Pot nhưng trong tình thế bị bất ngờ nên bị động về thế
trận, hiệu quả chiến đấu rất hạn chế, không bảo vệ được sự an toàn
tính mạng và tài sản của nhân dân ở những nơi bị địch tấn công. Cụ
thể như Sư đoàn 330 của Quân khu 9 vừa phải đối phó với cánh quân
địch tấn công ở Phú Tân, vừa phải cơ động về chặn đánh địch ở núi
Phú Cường.
Mặc dù phải đối phó khá bị động nhưng lực lượng Quân khu 9 cũng
đã gây cho địch khá nhiều thương vong (theo số liệu Quân khu 9, các
lực lượng vũ trang Việt Nam loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 1.500 lính
Khmer đỏ), đẩy lùi nhiều cánh quân địch trở về bên kia biên giới; nhưng
lực lượng Pol Pot còn giữ được ba điểm trên địa phận tỉnh An Giang là
xã Khánh Bình, xã Khánh An và xã Lạc Quới.
Sau sự kiện quân Pol Pot tấn công xâm lấn biên giới, Quân khu 9,
Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương Việt Nam nhận định: “Đây là
200 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

một sự kiện cực kỳ nghiêm trọng vi phạm trắng trợn lãnh thổ của ta do
Khmer đỏ gây ra, Bộ Chính trị chỉ thị báo động cho các quân khu tăng
cường chuẩn bị chiến đấu, sẵn sàng đối phó với địch”.
Ngày 6-7-1977, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ
Việt Nam đã gửi Công hàm cho Đảng và Chính phủ Campuchia Dân
chủ do Pol Pot lãnh đạo. Nội dung Công hàm phản đối hành động gây
chiến tranh biên giới của phía Campuchia và bày tỏ thiện chí của Việt
Nam là hai bên cùng đàm phán để giải quyết các vấn đề tồn tại về xung
đột biên giới. Phía Pol Pot đã không đáp ứng thiện chí này mà tiếp tục
chuẩn bị chiến tranh.
Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Thường
vụ Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 7 họp hội nghị ngày 12-5-1977
xác định quyết tâm “…bất cứ tình huống nào lực lượng vũ trang Quân
khu cũng sẵn sàng chiến đấu, khẩn trương hoàn thành mọi công tác
chuẩn bị, bảo vệ toàn vẹn tuyến biên giới toàn Quân khu, bảo vệ tính
mạng, tài sản của nhân dân, cơ sở sản xuất, các kho tàng ở biên giới,
tránh những thiệt hại cho dân và lực lượng vũ trang của ta, không để bị
bất ngờ, bị động đối phó lúng túng…”.
Thực hiện quyết tâm trên, Quân khu 7 đã nhanh chóng triển khai kế
hoạch phòng thủ biên giới, phân công trách nhiệm như sau: lực lượng
vũ trang địa phương làm nhiệm vụ chiến đấu tại chỗ để bảo vệ tính
mạng và tài sản của nhân dân, chủ lực Quân khu và Quân đoàn 4 làm
nhiệm vụ cơ động, sẽ tổ chức những trận đánh tiêu diệt quân địch nếu
chúng vượt biên giới. Quân khu tổ chức thêm 3 trung đoàn biên phòng
(Trung đoàn 201, 205, 6), xây dựng, củng cố một số đồn, chốt dọc biên
giới, làm kế hoạch sơ tán dân các xã giáp biên giới.
Về kế hoạch tác chiến: theo chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu, Quân
khu 7 và Quân đoàn 4 làm kế hoạch hợp đồng, xác định các khu vực tác
chiến phòng thủ chủ yếu gồm: nam - bắc liên tỉnh lộ 13 (Phước Tân, Ba
Chàm, Tà Nông), nam - bắc quốc lộ 1 (Mộc Bài, Bến Cầu), bắc đến tây
bắc thị xã Tây Ninh (Xa Mát, Lò Gò). Quân đoàn 4 sẵn sàng triển khai
từ 1 đến 2 trung đoàn phối hợp chiến đấu với Quân khu 7.
CHƯƠNG III: THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VỀ MẶT NHÀ NƯỚC... 201

Tháng 7-1977, lực lượng Quân đoàn 4 (phối hợp với Quân khu 7)
được lệnh rút về phía sau huấn luyện, và Quân khu 7 nhận được chỉ thị
thành lập thêm 1 sư đoàn mới (Sư đoàn 303).
Đầu tháng 9-1977, Quân khu 7 triển khai lực lượng bộ binh, pháo binh
và thiết giáp lên Tây Ninh và Sông Bé làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu.
Thời kỳ chuẩn bị chiến đấu của Quân khu 7 kéo dài hơn 4 tháng
(30-4-1977 – 25-9-1977) nhưng “…còn bộc lộ nhiều thiếu sót trong kế
hoạch phòng thủ và sẵn sàng chiến đấu… nhiều đơn vị có biểu hiện
chủ quan, mất cảnh giác nghiêm trọng… chậm xác định kẻ thù và đối
tượng tác chiến…”. Như vậy là mặc dù đã có thực tế về sự kiện biên giới
Quân khu 9 bị quân Pol Pot tiến công xâm lấn và Quân Khu 7 đã triển
khai lực lượng nhưng về chiến lược vẫn chưa đánh giá hết ý đồ rất nguy
hiểm của Khmer đỏ. Theo lôgich thông thường thì dường như Khmer
đỏ không có động cơ, không có mục tiêu cụ thể và không đủ khả năng
để tấn công với quy mô lớn hơn ở An Giang và Kiên Giang.
Ngày 18-9-1977, chính quyền Pol Pot - Ieng Sary lại mở cuộc tiến
công vào biên giới Việt Nam ở khu vực Cồn Ông (Đồng Tháp). Đêm
21-9, chúng đồng loạt nổ súng tiến công các đồn, trạm trên toàn tuyến
biên giới với tỉnh Đồng Tháp. Cuộc tiến công quy mô lớn của quân Pol Pot
trên toàn tuyến biên giới miền Đông Nam Bộ nổ ra lúc 0 giờ ngày 25-
9-1977. Lực lượng địch gồm 2 sư đoàn, 2 trung đoàn và 7 tiểu đoàn tổ
chức tiến công tuyến biên giới thuộc ba huyện của Tây Ninh là Tân Biên,
Châu Thành và Bến Cầu. Ý đồ của chúng là giết hại dân thường người
Việt Nam, cướp phá tài sản, chiếm đất, sửa lại đường biên giới, nếu điều
kiện thuận lợi có thể chiếm luôn thị xã Tây Ninh.
Ở khu vực Tân Biên: Địch sử dụng 1 sư đoàn, 1 trung đoàn và 3 tiểu
đoàn địa phương tấn công, cướp bóc và tàn sát dân thường ở các xã Tân
Phú, Tân Lập, Tân Hội. Chúng tấn công 4 chốt biên phòng (ở Tà Đạt,
Đập Đá, đồi 62, Khuốc). Chúng tập kích làm thiệt hại nặng và đẩy lui
một đại đội của Trung đoàn 201 đang đóng quân ở gần Xa Mát. Chúng
tấn công đồn biên phòng Xa Mát nhưng bị đẩy lui. Ở nhiều địa điểm
khác, chiến sự diễn ra ở thế giằng co.
202 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Ở khu vực Bến Cầu, Châu Thành: Lực lượng địch có 1 trung đoàn, 3
tiểu đoàn địa phương tấn công trên chính diện rộng 20 km, chiều sâu 5 km,
bao gồm các điểm: Bến Cầu, Long Khánh, Cây Me, Thúc Múc, Long
Phước… Thủ đoạn của địch là: dùng lực lượng nhỏ tấn công kiềm chế,
giữ chân các đơn vị vũ trang của Việt Nam để cho lực lượng chính tàn
sát, giết hại và cướp bóc. Trên khu vực này, chúng tàn sát hơn 800 dân
thường, đốt cháy gần 500 nóc nhà, cướp đi gần 300 trâu, bò.
Mặc dù đã chuẩn bị kế hoạch tác chiến nhưng do chủ quan nên
trong ngày đầu tấn công của địch, lực lượng Quân khu 7 vẫn bị bất ngờ
và bị động đối phó. Kết quả chiến đấu: Ta diệt được hàng trăm tên địch,
thu 30 súng nhưng thiệt hại của ta cũng khá lớn: lực lượng vũ trang hy
sinh 31 người, bị thương 49 người, mất tích 2 người, dân thường bị giết
gần 1.000 người, hàng trăm nóc nhà bị cháy, hàng trăm gia súc bị giết
và bị cướp.
Sau một ngày địch tấn công vùng biên giới Tây Ninh, ngày 26-9-1977,
Quân khu 7 thành lập Bộ Chỉ huy tiền phương đóng ở Thiện Ngôn
(thuộc Tân Biên), đồng thời ra lệnh điều động Sư đoàn 5 cùng pháo
binh, cao xạ, cơ giới lên vùng biên giới Tây Ninh. Cùng ngày, Quân khu 7
được tăng cường một trung đoàn của Quân đoàn 4.
Lực lượng lớn của Quân khu 7 bắt đầu thực hành phản công từ ngày
29-9-1977. Trên hướng Tân Biên, phản kích địch ở Xa Mát, Tà Nông.
Trên hướng Bến Cầu, Châu Thành, ta dùng không quân ném bom
chốt địch ở Cây Me và Bến Trại. Đến ngày 2-10-1977, lực lượng Quân
đoàn 4 và Tây Ninh có thiết giáp hộ tống tiến công địch ở các điểm
Cây Me, Long Thuận, Bến Trại, cầu Thúc Múc, Long Khánh… Các trận
đánh diệt được hơn 60 tên lính Pol Pot, thu được 10 khẩu súng. Cũng
trong thời gian từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10-1977, lực lượng Quân
khu 7 phản công địch ở nam Xa Mát và bắc Bảy Bàu nhưng không đẩy
lui được địch.
Sau hơn một tuần đối phó với cuộc chiến tranh xâm lấn biên giới,
ngày 3-10-1977, Quân khu ủy Quân khu 7 họp hội nghị và ra nghị quyết
về nhiệm vụ mới nêu rõ: “… các lực lượng vũ trang Quân khu kiên
CHƯƠNG III: THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VỀ MẶT NHÀ NƯỚC... 203

quyết hoàn thành nhiệm vụ: bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, không dung
thứ bất cứ xâm phạm nào của bọn phản động Campuchia… đồng thời
luôn tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Campuchia… khi cần thiết phải
chủ động, kịp thời tấn công mạnh… tuyên truyền, vận động nhân dân
và lực lượng vũ trang Campuchia cùng ta giải quyết nghiêm chỉnh vấn
đề biên giới…”.
Từ ngày 8-10-1977, trên địa bàn Quân khu 7 có sự điều chỉnh về
lực lượng phối thuộc của các đơn vị và bàn giao trách nhiệm chiến đấu
trên địa bàn Tân Biên cho Quân đoàn 3. Bộ Chỉ huy tiền phương của Bộ
Tổng tham mưu quyết định sẽ mở chiến dịch phản công trên toàn tuyến
biên giới từ ngày 23 đến ngày 31-10-1977. Mục tiêu của chiến dịch này
là đẩy lui quân địch về đất Campuchia. Lực lượng tham gia chiến dịch
gồm 4 sư đoàn của Quân khu 7, Quân đoàn 4, Quân đoàn 3.
Trên cả ba hướng phản công của Quân khu 7, Quân đoàn 4 và Quân
đoàn 3, quân địch đều bị đẩy lùi về đất Campuchia, các đơn vị Việt Nam
đã truy đuổi sâu vào đất địch từ 5 - 10 km rồi nhanh chóng rút về đất
Việt Nam.
Ngày 4-11-1977, lực lượng Quân đoàn 4 đã tấn công Sở chỉ huy tiền
phương Quân khu 203 của Pol Pot, diệt hơn 200 tên, bắt sống 5 tên...
Mặc dù bị thiệt hại khá nhiều và phải lui về đất Campuchia nhưng quân
địch không từ bỏ những hành động phiêu lưu mới. Đến ngày 15-11-1977,
địch tập trung lực lượng lớn gồm 5 sư đoàn chủ lực và 5 trung đoàn địa
phương chuẩn bị mở đợt tiến công lớn. Mục tiêu của đợt tấn công này
là các khu vực sông Vàm Cỏ, Bến Sỏi và thị xã Tây Ninh.
Đêm 16-11-1977, địch tiến hành tấn công trên hai hướng: nam,
bắc tỉnh lộ 13 - đoạn từ Lò Gò đến bắc Sà Neng có chiều dài 25 km,
chúng tiến sâu vào đất Việt Nam từ 7 đến 8 km, đốt phá hàng trăm nóc
nhà và cướp lúa của dân. Hướng đánh về Bến Sỏi bị chặn lại cách mục
tiêu 3 km.
Trong suốt tháng 11-1977, lực lượng hai bên chiến đấu giằng co
trên các khu vực: cao điểm 79, 62, làng 24, Tà Nốt, Tà Đạt, địch đánh
chiếm đồn biên phòng Phước Tân nhưng sau đó, lực lượng Sư đoàn 9
204 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

và biên phòng Việt Nam chiếm lại, cả hai bên đều bị thiệt hại khá nhiều.
Địch đóng một số chốt trên tuyến sông Vàm Cỏ và thường xuyên hoạt
động đánh phá trên khu vực từ Bến Cầu, Tà Đạt, Xóm Giữa, Bàu Ky đến
phía tây Bến Sỏi.
Trước tình hình đó, Quân khu 7 chủ trương tăng cường các biện
pháp hỗ trợ phòng thủ như công sự, chiến hào, bờ tường đất, gài mìn,
lựu đạn để hạn chế hoạt động của địch. Biện pháp này nhằm tạo điều
kiện rút một số đơn vị về phía sau để củng cố, bổ sung quân số, chuẩn
bị cho nhiệm vụ tiếp theo.
Kết quả chiến đấu: Các lực lượng vũ trang của Việt Nam đã tiêu diệt
750 tên địch, làm bị thương hàng ngàn tên, thu hơn 400 súng, đánh thiệt
hại nặng 6 tiểu đoàn của Pol Pot. Phía Việt Nam hy sinh và bị thương
606 người, sử dụng 507 tấn vũ khí, đạn dược.
Nhìn chung diễn biến giai đoạn thứ nhất của cuộc chiến tranh bảo
vệ biên giới trên toàn tuyến thuộc địa bàn Nam Bộ từ tháng 4-1977 đến
tháng 12-1977 có những biểu hiện phía Việt Nam chủ quan, nên bị bất
ngờ về chiến lược, chậm xác định bản chất của cuộc xung đột nên chưa
có chiến lược rõ ràng về tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ
biên giới; bị động về chiến dịch và chiến thuật nên không ngăn chặn có
hiệu quả các cánh quân của địch, không tấn công truy kích sâu vào đất
địch nên để chúng phục hồi nhanh chóng và tiếp tục tấn công sang đất
Việt Nam; chưa bảo vệ hiệu quả tài sản và tính mạng của nhân dân vùng
biên giới.
Giai đoạn 2: Tiến hành phản công đuổi quân địch về đất Campuchia,
xây dựng tuyến phòng thủ biên giới (12-1977 – 12-1978).
Cuối tháng 11-1977, riêng khu vực đối diện với Quân khu 7, Khmer
đỏ bố trí 11 sư đoàn áp sát biên giới với ý định tấn công đường 22, liên
tỉnh lộ 13 và uy hiếp trực tiếp thị xã Tây Ninh.
Để đối phó trực tiếp với âm mưu này, phía Việt Nam đã có sự chuẩn
bị kế hoạch phản công như sau: lực lượng Quân khu 7, Quân đoàn 4,
Quân đoàn 3 được củng cố, dàn thế trận phản công nhằm quét sạch
quân địch khỏi lãnh thổ Việt Nam. Cụ thể là sẽ tấn công các khu vực:
CHƯƠNG III: THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VỀ MẶT NHÀ NƯỚC... 205

Rumđuôn, Phum Đa, Mê Mốt, Sam Rông, Snuon, cầu sông Tê, cầu
sông Sơ Lông… Đó là những bàn đạp tấn công của Khmer đỏ trên đất
Campuchia, đồng thời sẽ đánh địch phản kích trên khu vực lộ 7 thuộc
đất Việt Nam.
Đêm 21-12-1977, chiến dịch phản công lớn bắt đầu. Bước thứ nhất:
từ ngày 22-12 đến ngày 25-12-1977, lực lượng Quân khu 7 bất ngờ tiến
công Mê Mốt và một số điểm trên lộ số 7, quân địch tháo chạy về bên
kia biên giới. Bước thứ hai: từ ngày 25-12-1977 đến ngày 5-1-1978, lực
lượng Quân khu đánh chiếm Snuon và đánh phản kích trên đường liên
tỉnh số 13.
Cùng thời gian, lực lượng Quân đoàn 3 tiến công Krết, Strưng, Đầm
Be, Prathit (Công Pông Chàm). Quân đoàn 4 tấn công hướng Bến Cầu
(Tây Ninh), giải phóng một số vùng đất thuộc Việt Nam bị quân Khmer
đỏ chiếm giữ dọc đường số 1 và một số mục tiêu trên đất Campuchia
như: Chi Pu, chấk, Prasốt, Công Pông Rô.
Bị tấn công mạnh và lo sợ sự nổi dậy của lực lượng cách mạng
Campuchia chân chính, Khmer đỏ vừa chống đỡ vừa mở mặt trận ngoại
giao. Ngày 31-12-1977, chúng đã vu cáo Việt Nam xâm lược trước dư
luận thế giới.
Cùng ngày 31-12-1977, Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Xã hội chủ
nghĩa Việt Nam cũng chính thức thông báo với thế giới về cuộc xung
đột biên giới giữa Việt Nam và Campuchia và nêu rõ những hành động
gây chiến của Khmer đỏ và về quyền tự vệ chính đáng của Việt Nam
nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình. Để tỏ rõ thiện chí hòa bình
với Campuchia, ngày 5-1-1978, toàn bộ lực lượng Việt Nam đã rút về
nước sau khi đã truy kích địch sang một số nơi thuộc đất Campuchia
sát biên giới.
Kết quả chiến dịch phản công của Việt Nam từ 21-12-1977 đến ngày
5-1-1978 đã quét sạch được quân Khmer đỏ ra khỏi lãnh thổ Việt Nam,
đánh thiệt hại nặng một số đơn vị cấp tiểu đoàn của chúng, tiêu diệt 320
tên, bắt sống 74 tên, thu được 517 khẩu súng và một số kho tàng quân
206 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

sự. Chiến dịch này, lực lượng Việt Nam còn bảo vệ được 15.897 người
dân Campuchia đã lánh nạn chiến tranh sang Việt Nam. Việc quân đội
Việt Nam rút hết về nước đêm 5-1-1978 đã chứng tỏ cho thế giới thấy
lập trường hòa bình của Việt Nam và làm cho Khmer đỏ không còn cớ
để xuyên tạc, vu khống.
Ngày 12-1-1978, Bộ Tổng tham mưu Việt Nam ra mệnh lệnh số
04/ML về chủ trương trước mắt đối với vấn đề biên giới Campuchia là:
đẩy mạnh đấu tranh chính trị, ngoại giao, kết hợp với trừng trị bằng
quân sự, phân hóa nội bộ địch, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của dư
luận quốc tế đối với lập trường đúng đắn, có tình, có lý của Việt Nam.
Bộ Tổng tham mưu cũng ra lệnh cho lực lượng vũ trang luôn ở tư thế
sẵn sàng chiến đấu cao nhất, kiên quyết đập tan mọi mưu đồ của địch
xâm phạm lãnh thổ, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, củng cố,
xây dựng lực lượng vũ trang, nhanh chóng xây dựng tuyến phòng thủ
biên giới vững chắc, đồng thời ổn định trật tự xã hội ở nội địa.
Về phía Khmer đỏ: Ngày 13-1-1978, Trung ương Đảng của Pol Pot
đã đưa ra chỉ thị về đường lối tiến hành chiến tranh toàn diện và lâu dài
chống Việt Nam với bốn biện pháp cơ bản: “Đánh địch về mặt quân sự,
đánh địch về mặt chính trị, gián điệp, tâm lý chiến, đánh địch về kinh
tế làm cho chúng đói kém liên tục, đánh địch và tìm mọi cách cắt đứt
đường vận chuyển lương thực, đạn dược của quân đội khi chúng vào
đất nước ta”.
Mặc dù thái độ thù địch của Campuchia đã rõ ràng và trắng trợn
nhưng ngày 5-2-1978, phía Việt Nam vẫn kiên trì đưa ra đề nghị giải
quyết hòa bình cuộc xung đột bằng nội dung gồm ba điểm:
Một là, chấm dứt ngay mọi hoạt động thù địch ở vùng biên giới, lực
lượng vũ trang mỗi bên đóng quân sâu trong lãnh thổ của mình, cách
đường biên giới 5 km.
Hai là, hai bên sẽ gặp nhau tại Hà Nội hoặc Phnôm Pênh, hoặc một
địa điểm trên biên giới giữa hai nước để bàn và ký một hiệp ước cam kết
tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
CHƯƠNG III: THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VỀ MẶT NHÀ NƯỚC... 207

Ba là, hai bên sẽ thỏa thuận một hình thức thích hợp bảo đảm quốc
tế và quan sát quốc tế đối với hiệp ước biên giới1.
Không chấp nhận các đề nghị thiện chí của Việt Nam, phía
Campuchia tiếp tục những động thái chuẩn bị cho những cuộc tấn công
quân sự tiếp theo. Họ vẫn điều động và bố trí 19/23 sư đoàn dọc biên
giới với Việt Nam. Thủ đoạn hoạt động mới của địch là hoạt động đột
kích nhỏ trên diện rộng (từ lộ số 1 đến liên tỉnh lộ 13 và đường 22), cùng
lúc đánh nhiều điểm trên vùng biên giới rồi rút quân về đất Campuchia.
Trong vòng một tháng từ ngày 16-1 đến ngày 18-2-1978, trên khu vực
này, quân Khmer đỏ đã gây ra 398 vụ vi phạm biên giới, trong đó có 66
cuộc hành quân lấn chiếm (như đánh chiếm lộ ủi, bắc Kà Tum, Bảy Bàu,
Tà Nốt, Tà Đạt, vây ép đồn biên phòng Tống Lê Chân…), 168 lần bắn
pháo sang các làng mạc Việt Nam, làm cháy 97 ngôi nhà, giết chết 139
người. Lực lượng Việt Nam đã đánh trả những hành động lấn chiếm,
diệt một số tên địch nhưng không ngăn được các hoạt động quấy rối
diễn ra liên tục.
Trong tháng 3-1978, Khmer đỏ tập trung hơn 5 sư đoàn trên khu
vực bắc Tây Ninh, Sông Bé, chúng tổ chức nhiều cuộc hành quân cấp
tiểu đoàn, liên tục đánh phá và lấn chiếm các vùng đất Việt Nam. Ngày
16-3-1978, quân Khmer đỏ đã gây ra vụ thảm sát lớn ở hai thôn Thiên
Hương và Thiên Phước thuộc huyện Bù Đốp, tỉnh Sông Bé. Chúng đã
hủy diệt hai thôn này, sát hại gần 300 người - phần lớn là người già và
trẻ em. Trong tháng này, quân Khmer đỏ gây ra 442 vụ vi phạm biên giới
(trong đó có 146 cuộc hành quân lấn chiếm, 155 lần bắn pháo vào làng
mạc Việt Nam).
Từ cuối tháng 3-1978, phía Việt Nam bắt đầu thay đổi phương
pháp bảo vệ biên giới: các quân khu và các địa phương được lệnh phải
huy động lực lượng tại chỗ và từ phía sau chi viện để xây dựng tuyến
phòng thủ biên giới bằng các biện pháp cụ thể như: đào công sự chiến

1. Xem Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,
2000, tr. 313.
208 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

đấu, đào chiến hào cơ động lực lượng, đắp tường chống đạn kết hợp
đào hào chống tăng, gài mìn, lựu đạn, cắm chông, trồng tre làm vật
cản… trên toàn tuyến biên giới. Đối với lực lượng vũ trang, kiên quyết
khắc phục tình trạng phòng ngự bị động, hoạt động quân sự không
còn bị giới hạn trên đất Việt Nam mà sẽ tổ chức các đơn vị cơ động
mạnh, tổ chức các cuộc tiến công một số địa bàn bên đất Campuchia
nhằm ngăn chặn các hoạt động của địch, hỗ trợ công tác xây dựng
tuyến phòng thủ biên giới.
Trong công cuộc xây dựng tuyến phòng thủ biên giới, phía Việt
Nam không chỉ sử dụng lực lượng vũ trang và nhân dân tại chỗ mà
còn huy động tất cả nhân lực và vật lực của cả các ngành kinh tế, các
địa phương không có biên giới đóng góp sức người, sức của trực tiếp
xây dựng tuyến phòng thủ. Riêng các tỉnh miền Đông Nam Bộ đã
đóng góp khoảng 80.000 lượt người (đi dân công), tổng cộng 640.000
ngày công, đào đắp 543.888 m3 đất, trồng 800.000 gốc tre tạo thành
lũy tre dài 28.786 m, cắm 1,5 triệu cây chông, hình thành một tuyến
dài 34.352 m, bố trí 37.812 bàn chông sắt, đào 9.629 m hào, dựng 5.585 m
rào kẽm gai… và xây dựng nhiều chướng ngại vật khác. Như vậy, công
việc bảo vệ và phòng thủ biên giới là công sức của toàn thể nhân dân
Nam Bộ.
Tính chung kết quả chiến đấu 6 tháng đầu năm 1978, lực lượng
Quân khu 7 đã loại khỏi vòng chiến đấu 3.969 tên địch, bắt sống 74 tên,
thu được 1.764 súng các loại cùng với 13 tấn đạn dược. Lực lượng Quân
khu hy sinh 271 người, bị thương 1.977 người, dùng hết 1.896 tấn vũ
khí, mất 88 khẩu súng, bị phá hủy 4 xe bọc thép M113.
Từ tháng 5-1978, phía Việt Nam đã giúp đỡ lực lượng kháng chiến
Campuchia thành lập “Lực lượng vũ trang đoàn kết Campuchia” với
quân số 125 người do Hun Xen chỉ huy. Quân khu 7 có nhiệm vụ tiếp
tục giúp bạn nhằm tăng quân số lên từ 1.000 đến 2.000 quân, tổ chức từ 1
đến 2 tiểu đoàn có khả năng chiến đấu.
Bước sang tháng 5-1978, tình hình nội bộ Khmer đỏ có sự phân
hóa mạnh, Pol Pot thẳng tay đàn áp và thanh trừng, buộc những người
CHƯƠNG III: THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VỀ MẶT NHÀ NƯỚC... 209

yêu nước chân chính và các nhóm ly khai phải chạy vào rừng lập căn cứ.
Nắm được tình hình đó, phía Việt Nam đã chủ động thành lập nhiều
nhóm trinh sát thọc sâu vào các cánh rừng tìm cách bắt liên lạc với
những nhóm ly khai ở vùng 20 và vùng 22 của Campuchia.
Trong khi phải dồn nỗ lực vào đối phó với chiến tranh bảo vệ biên
giới, tình hình Nam Bộ cũng diễn biến khá phức tạp: công tác cải tạo xã
hội chủ nghĩa đã làm cho khủng hoảng kinh tế - xã hội thêm trầm trọng.
Làn sóng người vượt biên trái phép phát triển ở tất cả các địa phương có
bờ biển, đồng thời các thế lực thù địch bên ngoài còn kích động tạo ra
vụ “nạn kiều” để vu khống Việt Nam đã xua đuổi người Hoa, gây mất ổn
định xã hội, nhất là ở những đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh,
Biên Hòa, Vũng Tàu… Lợi dụng tình hình kinh tế - xã hội khó khăn, các
nhóm chống đối cũng tăng cường hoạt động. Trong nửa đầu năm 1978,
công tác truy quét đã bắt và gọi hàng 1.343 phần tử chống đối, bao gồm
các thành phần như tàn quân, tội phạm chống đối chính trị, và hàng
chục băng đảng…, trong đó có nhóm phản động đã có âm mưu tập kích
cơ quan Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Tình hình biên giới Việt Nam - Campuchia trong 6 tháng cuối năm
1978 vẫn diễn ra khá phức tạp, tuy lực lượng của Khmer đỏ yếu dần
nhưng chúng vẫn tăng cường hoạt động quân sự ở vùng biên giới và
gây cho phía Việt Nam nhiều khó khăn và tổn thất. Trong thời kỳ này,
những hoạt động chiến đấu bảo vệ biên giới của Việt Nam chia làm ba
bước lớn:
Bước thứ nhất, từ 10-6-1978 đến ngày 30-7-1978: mở chiến dịch tấn
công đánh chiếm đường số 7. Sau gần hai tháng kết hợp chiến đấu với
lực lượng cách mạng của Campuchia, kết quả đã mở thông được lộ số 7
từ Mê Mốt đến Snuon, tạo ra bàn đạp rất quan trọng cho lực lượng bạn
đứng chân và chiến đấu.
Bước thứ hai, từ ngày 1-8-1978 đến ngày 15-11-1978: giữ vững khu
vực đã chiếm, đánh phản kích và tấn công làm suy yếu quân địch. Cụ
thể là: từ ngày 1-8 đến ngày 31-8-1978, đánh mạnh trên hướng Snuon
và bắc Tây Ninh. Từ ngày 9-11 đến ngày 15-11-1978, tăng cường tấn
210 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

công trên hai hướng Snuon và bắc Tây Ninh, đã thu được kết quả lớn:
loại khỏi vòng chiến đấu 3.721 tên địch, thu 85 súng các loại, bảo vệ cho
2.800 người dân Campuchia lánh nạn sang Việt Nam.
Đến thời điểm này, Việt Nam đã giúp cho cách mạng Campuchia
xây dựng được 14 tiểu đoàn, đồng thời đã bắt liên lạc được với các nhóm
ly khai của Heng Samrin, Chea Sim… Có cả một tiểu đoàn Khmer đỏ và
hàng vạn người dân Campuchia chạy sang Việt Nam lánh nạn.
Bước thứ ba, từ ngày 15-11-1978 đến ngày 20-12-1978: Mở rộng địa
bàn kiểm soát, tăng cường tấn công, chuẩn bị cho tác chiến mùa khô.
Lực lượng Việt Nam đã tấn công địch ở nhiều địa bàn quan trọng của
chúng, diệt nhiều sinh lực địch; đồng thời lực lượng Khmer đỏ cũng
tổ chức được những cuộc tấn công trên một số đoạn biên giới và đánh
sang đất Việt Nam, chúng thường xuyên bắn pháo vào khu vực thị xã
Tây Ninh và Trảng Lớn.
Phía cách mạng Campuchia cũng có bước trưởng thành rất lớn: Với
sự giúp đỡ của Việt Nam, đã thành lập được 21 tiểu đoàn, 135 tiểu đội
và 93 đội công tác vũ trang.
Trên cơ sở có lực lượng vũ trang và có vùng giải phóng, ngày 2-12-1978,
Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia đã ra mắt tại Snuon,
Chủ tịch Mặt trận là ông Heng Samrin. Ngày 4-12-1978, Mặt trận ra
tuyên bố nêu rõ cương lĩnh đấu tranh là: “Đoàn kết toàn dân, nổi dậy
đánh đổ tập đoàn phản động gia đình trị Pol Pot - Ieng Sary, bè lũ độc
tài quân phiệt trong nước làm tay sai cho bọn phản động nước ngoài.
Xóa bỏ chế độ tàn ác đẫm máu của chúng, thiết lập chế độ dân chủ nhân
dân, phát huy truyền thống Ăng Kor, làm cho nước Campuchia thực sự
là một nước hòa bình, độc lập, dân chủ, trung lập, không liên kết và tiến
lên chủ nghĩa xã hội góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung cho
hòa bình, ổn định ở khu vực Đông Nam châu Á”.
Tình hình Campuchia chuyển biến khá nhanh nên đến giữa tháng
12-1978, Bộ Chỉ huy tối cao của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước
Campuchia đã đề ra quyết tâm hành động cấp bách: “Chính lúc này hơn
lúc nào hết, quần chúng cách mạng đã sẵn sàng đợi lệnh xuất phát của
CHƯƠNG III: THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VỀ MẶT NHÀ NƯỚC... 211

một cuộc tiến công và nổi dậy, lật đổ bọn phản bội Pol Pot - Ieng Sary.
Chính lúc này các tổ chức cách mạng cũng đã chuẩn bị chu đáo đưa
quần chúng cách mạng vào cuộc chiến đấu cuối cùng giành lại chính
quyền về tay nhân dân”. Sự ra đời của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu
nước Campuchia với cương lĩnh hành động đúng đắn và sự hỗ trợ của
Việt Nam là điều kiện và thời cơ để đánh đổ tập đoàn Pol Pot, giải phóng
nhân dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng.
Giai đoạn 3: Giúp đỡ cách mạng Campuchia đánh đổ tập đoàn phản
động Khmer đỏ và bảo vệ thành quả cách mạng (22-12-1978 –1989).
Giai đoạn này chia làm hai thời kỳ: thời kỳ thứ nhất: giúp đỡ lực
lượng cách mạng Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Khmer đỏ; thời
kỳ thứ hai: quân tình nguyện Việt Nam ở lại giúp Campuchia giữ vững
thành quả cách mạng, xây dựng chính quyền và lực lượng vũ trang.
Giúp đỡ cách mạng Campuchia đánh đổ chế độ Khmer đỏ (22-12-
1978 – 31-1-1979).
Đến tháng 12-1978, cục diện cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam
đã có sự thay đổi căn bản. Nội bộ Khmer đỏ đã phân hóa và chia rẽ khá
nặng, lực lượng vũ trang của chúng tuy còn nhiều sư đoàn nhưng đã suy
yếu nhiều sau hai năm chiến tranh. Lực lượng cách mạng Campuchia đã
có ngọn cờ lãnh đạo là Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia,
đã có lực lượng vũ trang hơn 20 tiểu đoàn, đã có vùng giải phóng giáp
Việt Nam. Về phía Việt Nam, tuyến phòng thủ biên giới đã được xây
dựng và củng cố tương đối vững chắc, lực lượng tham gia chiến đấu bảo
vệ biên giới đã được củng cố, có khả năng cơ động xa, tác chiến lớn. Đó
là những điều kiện và thời cơ để đánh đổ chế độ Khmer đỏ, cứu nhân
dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng.
Ngày 17-12-1978, Bộ chỉ huy Việt Nam và lực lượng cách mạng
Campuchia đã vạch ra kế hoạch tác chiến năm 1978-1979 gồm ba
chiến dịch:
Chiến dịch thứ nhất: Lực lượng Quân khu 7 sẽ tấn công trước trên
hướng thứ yếu, đánh chiếm thị xã Kratie, giải phóng các tỉnh phía đông
Campuchia.
212 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Chiến dịch thứ hai: Lực lượng Quân khu 9 và Quân đoàn 4 sẽ tấn
công tiêu diệt sinh lực địch, đánh tan các sư đoàn phía trước của chúng.
Chiến dịch thứ ba: Các lực lượng sẽ tiến vào giải phóng Phnôm Pênh,
đánh đổ chế độ Khmer đỏ, giải phóng hoàn toàn Campuchia khỏi họa
diệt chủng.
Tham gia kế hoạch này gồm một phần lực lượng của các đơn vị:
Quân khu 7, Quân khu 9, Quân khu 5, Quân đoàn 4, Quân đoàn 3 và
các tiểu đoàn của lực lượng cách mạng Campuchia. Kế hoạch này nhằm
vào 5 mục tiêu chiến lược là: tiêu diệt và làm tan rã 19 sư đoàn của địch;
giải phóng Phnôm Pênh; chiếm sân bay Pô Cheng Tông; chiếm cảng
Công Pông Xom; khóa chặt biên giới Campuchia - Thái Lan.
Trên khu vực của chiến dịch thứ nhất: Ngày 22-12-1978, Quân khu 7
và các lực lượng cách mạng Campuchia bắt đầu tấn công hướng Kratie
và vượt sông Mêkông. Để đối phó với hướng này, ngày 23-12-1978,
Khmer đỏ cho ba sư đoàn vượt biên giới tấn công vào khu vực Bến Sỏi,
Bến Cầu (thuộc Tây Ninh) và uy hiếp thị xã Tây Ninh nhằm căng kéo
lực lượng và phá thế tấn công của Việt Nam. Cánh quân này bị chặn
đánh bởi các lực lượng vũ trang địa phương của Quân khu 7.
Một hướng tấn công của Việt Nam nhằm vào nam sông Tê, đánh
chiếm Vàm Dương. Quân Khmer đỏ chống trả quyết liệt, chúng dùng cả
không quân để ngăn chặn bước tiến công của phía Việt Nam.
Từ ngày 24-12-1978, lực lượng Việt Nam và Campuchia cách mạng
tiến công nhiều mục tiêu quan trọng như: cầu sông Tê, Can Tuốt, Soài
Chịa. Ngày 30-12-1978, làm chủ hoàn toàn thị xã Kratie, giải phóng
hoàn toàn một tỉnh đầu tiên cho lực lượng cách mạng Campuchia.
Từ ngày 31-12-1978, các lực lượng từ Kratie phát triển tấn công
đánh chiếm ngã ba Xan Đan, Srê Bau, Som Bô, tiếp tục đánh về hướng
Công Pông Chàm, Núi Chị, Công Pông Thom. Từ ngày 2-1-1979 tấn
công Tà Âm, Chàm Lạc, Dầu Dò.
Trên khu vực của chiến dịch thứ hai, là hướng tấn công chủ yếu:
Lực lượng Quân khu 9 và Quân đoàn 4 tiến công từ ngày 24-12-1978,
chia làm 3 bước:
CHƯƠNG III: THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VỀ MẶT NHÀ NƯỚC... 213

Bước một: đánh chiếm một số bàn đạp tấn công như bắc kinh
Vĩnh Tế, tấn công Sở chỉ huy sư đoàn của địch ở Prochay, Kirivong
(tây núi Som).
Bước thứ hai: hình thành đột phá, thọc sâu chiếm nhiều mục tiêu
quan trọng, tấn công Tà Keo, đập tan tuyến ngăn chặn của địch, mở
đường tiến vào Phnôm Pênh.
Bước thứ ba: đánh chiếm Phnôm Pênh, sân bay Pô Chen Tông ngày
7-1-1979.
Từ ngày 8-1-1979 đến ngày 16-1-1979, truy kích, lần lượt giải
phóng các tỉnh còn lại của Campuchia. Từ ngày 17-1 đến ngày 10-3-
1979: đánh quân địch phản kích ở Tà Keo và nhiều nơi khác, giải phóng
nhiều khu tập trung của Khmer đỏ. Ngày 7-1-1979 là mốc lịch sử quan
trọng, là ngày giải phóng Phnôm Pênh, đánh đổ chế độ diệt chủng của
Khmer đỏ. Sự sụp đổ của chế độ này cũng là sự kết thúc căn bản cuộc
chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Việt Nam nói chung và của
vùng đất Nam Bộ nói riêng nhưng hậu quả của cuộc chiến tranh thì còn
lâu dài đối với nhân dân Việt Nam và nhân dân Campuchia.

2. Khắc phục hậu quả cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới
Tây Nam, giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội ở Nam Bộ
Mặc dù Việt Nam đã chiến thắng trong cuộc chiến tranh bảo vệ
biên giới Tây Nam, đồng thời đã giúp đỡ lực lượng yêu nước Campuchia
đánh đổ chế độ Khmer đỏ, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn
diệt chủng nhưng cuộc chiến tranh này đã để lại những hậu quả khá
nặng nề về nhiều mặt.
Về quân sự: do không tiêu diệt được toàn bộ lực lượng vũ trang của
Khmer đỏ và ban lãnh đạo của Pol pot nên chúng đã dựa vào vùng biên
giới Thái Lan và sự trợ giúp của các thế lực phản động quốc tế để tiếp
tục hoạt động. Trong khi đó, chính quyền cách mạng của Campuchia
vừa mới được thành lập trong điều kiện đất nước hoang tàn sau nạn diệt
chủng, lực lượng vũ trang cách mạng còn quá ít về số lượng và thiếu
thốn về trang bị vũ khí. Trong hoàn cảnh ấy, Quân tình nguyện Việt
214 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Nam buộc phải ở lại để làm chỗ dựa cho chính quyền cách mạng, bảo
vệ nhân dân Campuchia và ngăn chặn lực lượng Khmer đỏ quay trở lại.
Nếu không ngăn chặn lực lượng Khmer đỏ, chúng sẽ quay lại đánh phá
biên giới như đã từng làm trước đó. Như vậy cuộc chiến tranh biên giới
lại có thể tái diễn và kéo dài, gây mất ổn định và làm suy yếu Việt Nam.
Quân tình nguyện Việt Nam ở lại Campuchia với số lượng hàng vạn
quân, phải chiến đấu liên tục với các nhóm tàn quân Pol Pot để bảo vệ
chính quyền và nhân dân, đồng thời còn giúp bạn vận động quần chúng
phục hồi sản xuất, xây dựng chính quyền cơ sở. Các hoạt động đó kéo
dài 10 năm (từ năm 1979 đến năm 1989), đã có hàng ngàn chiến sĩ Việt
Nam hy sinh và bị thương trong khi làm nhiệm vụ và đến nay cũng chưa
quy tập hết hài cốt các liệt sĩ để đưa về Việt Nam, đồng thời cũng tốn
kém hàng vạn tấn vũ khí. Việt Nam đã phải hao tốn nhiều về tiềm năng
quân sự để vừa giúp bạn vừa phòng thủ biên giới từ xa.
Về chính trị, ngoại giao: bản chất của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ
quốc ở biên giới Tây Nam là chính nghĩa thuộc về Việt Nam và lực
lượng cách mạng Campuchia. Đó là cuộc chiến đấu tự vệ của Việt Nam
và là cuộc nổi dậy của nhân dân Campuchia chống chế độ diệt chủng
của Khmer đỏ. Tuy nhiên, các thế lực thù địch với Việt Nam luôn tìm
cách xuyên tạc sự thật này, chúng dựa vào cái cớ về sự có mặt của quân
đội Việt Nam trên lãnh thổ Campuchia để cáo buộc đó là sự “xâm lược,
chiếm đóng”. Thủ đoạn chính trị, ngoại giao này của chúng đã gây không
ít khó khăn cho Việt Nam về đối ngoại, chúng đã đạt được kết quả nhất
định - làm cho một số quốc gia tuy không thù địch với Việt Nam nhưng
họ bị chi phối bởi các thế lực khác, nên cũng đã lên tiếng phản đối Việt
Nam đóng quân tại Campuchia.
Về kinh tế: đây là thời kỳ Việt Nam đang rơi vào tình trạng khủng
hoảng kinh tế - xã hội khá trầm trọng do những sai lầm về quản lý kinh
tế vĩ mô, về duy trì quá lâu cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp, lại phải
chi phí cho hàng vạn quân tình nguyện đang chiến đấu ở nước ngoài
đồng thời phải cứu trợ cho hàng vạn người dân Việt Nam và Campuchia
ở vùng biên giới nên khó khăn càng gay gắt hơn.
CHƯƠNG III: THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VỀ MẶT NHÀ NƯỚC... 215

Về xã hội: cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới kéo dài 2 năm, sau đó là
10 năm Quân tình nguyện Việt Nam ở lại Campuchia đã tạo ra những
hệ quả xã hội khá phức tạp. Chiến tranh và khủng hoảng kinh tế là môi
trường cho các băng nhóm tội phạm phục hồi hoạt động, nạn mại dâm,
buôn lậu, trộm cắp và nạn chợ đen là hệ quả tất yếu của sự nghèo đói.
Khủng hoảng kinh tế - xã hội đã kích hoạt cho tình trạng vượt biên trái
phép diễn ra rất phức tạp ở khắp các địa phương, số người vượt biên
tăng lên hằng tháng.
Trong khi cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc đang diễn ra ác liệt ở biên
giới thì ở các tỉnh của Nam Bộ, các nhóm chống đối chính trị cũng lợi
dụng thời cơ tăng cường hoạt động. Tuy nhiên, các hoạt động truy quét
của lực lượng vũ trang và mạng lưới an ninh nhân dân đã phát hiện và
phá vỡ hầu hết những âm mưu của chúng, giữ vững được an ninh chính
trị. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, đến thời điểm năm 1979, các vụ trọng
án tăng 12% so với năm 1978, các vụ án hình sự lên đến 17.000 vụ so với
11.000 vụ của năm 1976.
Trên phạm vi cả nước, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam
và bảo vệ biên giới phía Bắc đã để lại những hậu quả lâu dài. Đó là tính
chất phức tạp, khó khăn và lâu dài của vấn đề biên giới và toàn vẹn lãnh
thổ của Việt Nam.

3. Cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khắc phục khủng
hoảng kinh tế - xã hội
Đây là thời kỳ xây dựng kinh tế - xã hội trên vùng đất Nam Bộ trong
hoàn cảnh rất đặc biệt: hậu quả của cuộc chiến tranh kéo dài gần 30
năm còn rất nặng nề, chưa có điều kiện hàn gắn thì cuộc chiến tranh
bảo vệ biên giới Tây Nam và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc lại nổ
ra. Bên cạnh đó là công cuộc cải tạo quan hệ sản xuất làm đảo lộn nền
kinh tế và cơ chế quản lý lạc hậu của nền sản xuất nhỏ đã kìm hãm sức
sản xuất. Tất cả những yếu tố đó tạo ra tình trạng khủng hoảng kinh tế -
xã hội trầm trọng và kéo dài trên phạm vi cả nước, trong đó Nam Bộ là
một trong những địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
216 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Thời kỳ này có hai vấn đề lớn là: thực hiện công cuộc cải tạo quan
hệ sản xuất và phát triển sản xuất, khắc phục khủng hoảng kinh tế -
xã hội.

a- Thực hiện công cuộc cải tạo quan hệ sản xuất


Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và được thực hiện
ngay sau khi thống nhất đất nước. Cải tạo quan hệ sản xuất thực chất
là chuyển toàn bộ nền kinh tế của miền Nam đang phát triển theo mô
hình tư bản chủ nghĩa, dựa trên chế độ tư hữu, theo cơ chế thị trường,
sang nền kinh tế dựa trên chế độ công hữu do Nhà nước chỉ huy. Sự
chuyển đổi này ảnh hưởng đến hầu hết người dân Nam Bộ, từ những
người buôn bán nhỏ, thợ thủ công, đến các doanh nghiệp lớn.
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội
đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12-1976) đã xác định đặc
điểm và nhiệm vụ của cả nước như sau:
Một là, nước ta đang ở trong quá trình từ một xã hội mà nền kinh
tế còn phổ biến là sản xuất nhỏ tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua
giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa.
Hai là, cả nước hòa bình, độc lập và thống nhất, đang tiến lên chủ
nghĩa xã hội với nhiều thuận lợi rất lớn, song cũng còn nhiều khó khăn do
hậu quả chiến tranh và tàn dư của chủ nghĩa thực dân mới kiểu Mỹ gây ra.
Ba là, cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam tiến hành trong hoàn
cảnh quốc tế thuận lợi, song cuộc đấu tranh để giải quyết vấn đề “ai
thắng ai” giữa thế lực cách mạng và thế lực phản cách mạng trên thế giới
còn quyết liệt và phức tạp1.
Đại hội Đảng lần thứ IV đã thông qua kế hoạch phát triển kinh tế -
xã hội 5 năm sau khi thống nhất đất nước (1976-1980), trong đó có các
nội dung chính là: phát triển và cải tạo kinh tế, văn hóa, phát triển khoa
học, kỹ thuật. Đại hội Đảng IV đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ và chỉ
tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm với hai mục tiêu cơ bản là:

1. Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 37, tr. 505-507.
CHƯƠNG III: THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VỀ MẶT NHÀ NƯỚC... 217

- Xây dựng một bước cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.
- Cải thiện một bước đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân1.
Đường lối chung về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã được
xác định trong Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng như sau: “Đẩy mạnh
công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của
chủ nghĩa xã hội, đưa nền kinh tế nước ta từ sản xuất nhỏ lên sản xuất
lớn xã hội chủ nghĩa. Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý
trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ… vừa xây dựng kinh
tế trung ương vừa phát triển kinh tế địa phương… trong một cơ cấu kinh
tế quốc dân thống nhất…”2.
Đối với miền Nam nói chung, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành
Trung ương Đảng đánh giá: “nhiệm vụ cải tạo quan hệ sản xuất mới bắt
đầu, còn là một nhiệm vụ rất nặng nề và phức tạp. Xóa bỏ triệt để quyền
chiếm hữu phong kiến về ruộng đất và những tàn tích bóc lột phong
kiến, quốc hữu hóa những cơ sở công thương nghiệp của tư sản mại
bản, của bọn phản quốc và bọn tư sản chạy ra nước ngoài; tiến hành cải
tạo xã hội chủ nghĩa đối với tư bản tư doanh, đối với nông nghiệp, thủ
công nghiệp, tiểu công nghiệp và thương nghiệp nhỏ. Chính sách cải
tạo xã hội chủ nghĩa đối với những thành phần này là: sử dụng, hạn chế
và cải tạo công nghiệp tư bản tư doanh chủ yếu bằng hình thức công
tư hợp doanh; hợp tác hóa nông nghiệp đi đôi với xây dựng huyện, đưa
nông nghiệp lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa; cải tạo thủ công nghiệp
và tiểu công nghiệp bằng con đường hợp tác hóa là chủ yếu và bằng các
hình thức khác; cải tạo thương nghiệp nhỏ chủ yếu bằng cách chuyển
dần tiểu thương sang sản xuất”3.
Từ sự chỉ đạo của đường lối chung, các địa phương ở Nam Bộ phải
vận dụng để vạch ra những nhiệm vụ cụ thể.

1. Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.37, tr. 1000.
2, 3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.37, tr.524,
557-558.
218 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Tháng 4-1977, trong khi ở biên giới Tây Nam đã xuất hiện nguy cơ
xung đột vũ trang nhưng Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương
ở Nam Bộ vẫn xác định nhiệm vụ kinh tế - xã hội chủ yếu là: Tập trung
lực lượng tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa nhằm tạo điều kiện và mở
đường cho sản xuất phát triển theo hướng tiến lên sản xuất lớn xã hội
chủ nghĩa, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân. Như vậy trên địa bàn
vùng đất Nam Bộ, công cuộc cải tạo quan hệ sản xuất được tiến hành
song song với cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam.
Đối với công thương nghiệp:
Tháng 7-1976, Bộ Chính trị họp đề ra Nghị quyết nêu rõ quyết tâm
hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư
bản tư doanh trong thời gian 5 năm. Đến tháng 3-1979, Bộ Chính trị
quyết định rút ngắn thời gian hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa công
thương nghiệp xuống còn 2 năm, tức là phải hoàn thành trong năm
1977-1978.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, tháng 4-1977, Hội đồng Chính
phủ đã ban hành một số chính sách quy định những đối tượng cải tạo
đối với các tỉnh miền Nam. Quyết định số 100-CP (ngày 12-4-1977)
nêu rõ: Cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thương nghiệp tư nhân ở các
tỉnh phía Nam phải đạt mục đích, yêu cầu là trên cơ sở xây dựng và
phát triển thương nghiệp quốc doanh và thương nghiệp hợp tác xã theo
đúng đường lối, chủ trương của Đảng và Chính phủ, thực hiện xóa bỏ
thương nghiệp tư bản chủ nghĩa, xây dựng thương nghiệp xã hội chủ
nghĩa thống nhất, trong đó thương nghiệp quốc doanh giữ vai trò chủ
đạo (nắm khâu bán sỉ và phần lớn khâu bán lẻ, trước hết nhắm vào các
mặt hàng thuộc nhu cầu thiết yếu đối với đời sống, sản xuất và xuất
khẩu)… thúc đẩy quá trình phân phối lại lao động, giảm bớt số người
buôn bán quá đông, xóa bỏ nạn đầu cơ, buôn bán trái phép, tích cực
chuyển tư sản thương nghiệp và phần lớn tiểu thương sang sản xuất.
Qua gần hai năm thực hiện ở miền Nam, thương nghiệp quốc
doanh đã chiếm lĩnh khoảng 30% hàng hóa bán sỉ và hơn 30% hàng
hóa bán lẻ. Mạng lưới hợp tác xã mua bán đã được thiết lập ở 60% xã,
CHƯƠNG III: THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VỀ MẶT NHÀ NƯỚC... 219

phường nông thôn đồng bằng và 40% xã miền núi. Nhìn chung, mạng
lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa còn yếu kém, phạm vi hoạt động
hạn hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất và đời sống, chưa phát huy
tác dụng quyết định trên thị trường.
Từ thực tế đó, Hội nghị tháng 12-1977 của Ban Chấp hành Trung
ương (khóa IV) quyết định xúc tiến mạnh mẽ hơn nữa công cuộc
cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam, xóa bỏ tư sản thương nghiệp,
cải tạo trung thương và tiểu thương… phấn đấu đến cuối năm 1978,
thương nghiệp xã hội chủ nghĩa phải nắm được tuyệt đại đa số các
loại hàng thiết yếu và trên 60% giá trị bán lẻ, đưa phần lớn tiểu thương
sang sản xuất.
Thực hiện nghị quyết Trung ương, ngày 16-2-1978, Thủ tướng
Chính phủ ra Chỉ thị số 115-TTg về Phát triển nhanh chóng lực lượng
thương nghiệp xã hội chủ nghĩa và cơ bản hoàn thành cải tạo thương
nghiệp tư bản chủ nghĩa ở các tỉnh, thành phố phía Nam.
Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ, các
tỉnh thành miền Nam bước vào đợt cải tạo lớn: Thành phố Hồ Chí
Minh và các tỉnh phía Nam đồng loạt tiến hành “chiến dịch” xóa bỏ
kinh doanh thương nghiệp của các nhà tư sản thương nghiệp và tư
thương để chuyển họ sang sản xuất. Đúng 14 giờ ngày 23-3-1978, các
đoàn công tác đồng loạt tiến hành kiểm kê trên tất cả các địa bàn đối
với 14 ngành hàng do nhà nước quy định thống nhất quản lý. Công việc
này được hoàn thành trong vòng 3 đến 4 ngày. Đến cuối tháng 3-1978
chuyển sang công tác trưng mua và mua lại các loại hàng hóa, vật tư để
Nhà nước nắm quyền quản lý. Đã xóa bỏ kinh doanh tư nhân đối với 13
ngành hàng, chuyển hẳn sang diện Nhà nước quản lý, bao gồm các mặt
hàng như: vải sợi, chất đốt, dụng cụ gia đình bằng nhôm, đồng, than, vật
liệu điện, xe đạp, phụ tùng xe đạp...
Nhà nước tiến hành đổi tiền để thống nhất một đồng tiền trong cả
nước, đồng thời kiểm kê các vật tư, hàng tiêu dùng trong các cửa hàng
của hơn 55.000 hộ tư thương, đã giao cho thương nghiệp quốc doanh
quản lý và sử dụng 6.320 cơ sở kinh doanh của tư sản thương nghiệp.
220 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Hơn 90.000 hộ tiểu thương được chuyển về vùng nông thôn tham gia
sản xuất nông nghiệp hoặc đi vùng kinh tế mới.
Cùng với công tác cải tạo thương nghiệp, tại miền Nam nói chung,
các tỉnh Nam Bộ nói riêng, Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo tiến hành
cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.
Theo báo cáo của Ban Công nghiệp Trung ương, tính đến tháng 5-1979,
tất cả các xí nghiệp công quản lúc đầu đã được chuyển thành các xí
nghiệp quốc doanh gồm 294 xí nghiệp do Trung ương quản lý và 1.384
xí nghiệp do các tỉnh và thành phố quản lý; cải tạo theo hình thức công
tư hợp doanh gồm có 45 xí nghiệp thuộc các ngành do Trung ương
quản lý và 468 xí nghiệp do địa phương quản lý. Riêng đối với tiểu thủ
công nghiệp đã thành lập được 500 hợp tác xã và 5.000 tổ hợp tác với
hơn 250.000 lao động. Tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có 144 hợp tác xã
với 27.634 lao động và 1.964 tổ hợp tác với 75.284 lao động, chiếm 71%
tổng số lao động thủ công của thành phố. Các tỉnh khác ở Nam Bộ, số
thợ thủ công được tổ chức lại chiếm khoảng 40% tổng số thợ thủ công
tại các địa phương.
Như vậy, chỉ sau một thời gian ngắn tiến hành đợt cải tạo lớn, hầu
hết các cơ sở tư bản tư doanh đã biến thành các xí nghiệp quốc doanh
dưới nhiều hình thức. Những cơ sở thủ công nghiệp được gom lại thành
các hợp tác xã, làm ăn tập thể, những người buôn bán nhỏ cũng được tổ
chức thành hợp tác xã mua bán…
Kết quả của đợt cải tạo này là: các xí nghiệp quốc doanh và công
tư hợp doanh đã chiếm được 70% tổng giá trị sản lượng công nghiệp,
một số cơ sở sản xuất vẫn làm ăn có hiệu quả. Toàn bộ phương tiện vận
tải biển được đưa vào quốc doanh hoặc công tư hợp doanh. Ngành cơ
khí, sửa chữa nhỏ đã có 66% vào hợp tác xã. Ngành vận tải quốc doanh
đã đảm nhiệm 90% khối lượng vận chuyển theo kế hoạch Nhà nước.
Theo số liệu của Ban cải tạo Trung ương, trên phạm vi toàn miền Nam
có 3.560 đơn vị tư bản tư doanh công nghiệp, với 250.000 lao động. Đối
với tiểu công nghiệp đã thành lập được 4.000 tổ đoàn kết sản xuất, 5.000
tổ hợp tác sản xuất, 500 hợp tác xã… thu hút 70% lao động có tay nghề.
CHƯƠNG III: THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VỀ MẶT NHÀ NƯỚC... 221

Đối với lực lượng lao động thương nghiệp: đã chuyển 5.000 tư sản
thương nghiệp sang sản xuất, chuyển 90.000 tiểu thương đi lao động,
sử dụng 15.000 người vào mạng lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa.
Đến cuối năm 1978, Nhà nước đã nắm hầu hết các ngành sản xuất quan
trọng như: 100% ngành năng lượng, 45% ngành cơ khí, 45% ngành
lương thực, 100% ngành bia, nước ngọt, thuốc lá, 45% ngành chế biến
đường và dầu thực vật, 60% ngành dệt, 100% ngành sản xuất giấy, 60%
ngành sản xuất bột ngọt. Mạng lưới thương nghiệp quốc doanh và hợp
tác xã tăng gấp đôi về số lượng, thu mua nông sản tăng 24%, thu mua
hàng công nghiệp tăng 9%, ngành bán lẻ tăng 12%... Đối với hàng công
nghiệp và tiêu dùng, thương nghiệp quốc doanh mới nắm được 60%
lượng hàng hóa, còn 40% vẫn lưu thông ở thị trường tự do và “chợ đen”.
Tháng 12-1978, Hội nghị tổng kết công tác cải tạo công thương
nghiệp họp tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đánh giá “đã cơ bản hoàn
thành cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh trong năm 1978”. Hội
nghị cũng nhận định: trong quá trình thực hiện còn biểu hiện nóng vội,
nặng về xóa bỏ, cấm đoán, thiếu kế hoạch xây dựng, làm ồ ạt và quá chú
trọng biện pháp hành chính… đăng ký kinh doanh quá chậm, tiến hành
đổi tiền trước khi kiểm kê hàng nên để hư hao, mất mát khá nhiều hàng
hóa, vật tư.
Công cuộc cải tạo công thương nghiệp được đánh giá là đã đạt mục
tiêu “bước đầu thu hẹp được sự lũng đoạn của tư sản thương nghiệp, nhất
là tư sản Hoa kiều đối với nền kinh tế”. Tuy nhiên, mặt hạn chế của công
tác này cũng rất lớn và được nhận xét là: “… mới chỉ cải tạo trên mặt
hình thức… yếu tố quyết định cho cải tạo là phát triển sản xuất và nâng
cao đời sống nhân dân thì chưa làm được, thậm chí phá vỡ quy trình
hợp lý của sản xuất, xé lẻ các xí nghiệp… không nắm chắc điều tra cơ
bản, bỏ sót hộ lớn, thu gom hàng hóa, vật tư mà không quản lý nổi…
một số cán bộ hư hỏng… chính sách công tư hợp doanh không phát
huy được mặt tích cực…”.
Nhìn chung công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương
nghiệp ở miền Nam nói chung và ở Nam Bộ đã thực hiện tương đối
222 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

đầy đủ về khối lượng công việc theo sự chỉ đạo của Đảng và Chính phủ
nhưng trên thực tế, hiệu quả kinh tế - xã hội rất hạn chế, thậm chí là làm
ngưng trệ hoặc kìm hãm nhiều ngành sản xuất, không những không cải
thiện được đời sống nhân dân như Nghị quyết nêu mà còn làm cho tình
trạng khan hiếm lương thực, hàng tiêu dùng trở nên trầm trọng hơn,
kéo theo nhiều mặt tiêu cực khác nảy sinh trong xã hội. Kết quả là kinh
tế tư nhân bị phủ định mà không thực hiện được mục đích phát triển
sản xuất.
Có thể nói, cuộc cải tạo tư sản công thương nghiệp ở miền Nam nói
chung và Nam Bộ nói riêng trong một chừng mực nào đó lại là đánh vào
chính nền kinh tế quốc dân, đánh vào đời sống của nhân dân.
Quá trình cải tạo công thương nghiệp ở Nam Bộ thể hiện qua tình
hình thực tế ở Thành phố Hồ Chí Minh như sau:
Trong ba năm đầu sau giải phóng, Thành phố đã xóa bỏ giai cấp
tư sản mại bản, cải tạo hình thức tư sản thương nghiệp, hạn chế sự chi
phối kinh tế của giai cấp tư sản nói chung, thành phần kinh tế xã hội
chủ nghĩa có tăng lên nhất định. Trong thời kỳ 1979-1981, ở Thành
phố Hồ Chí Minh lại có tình trạng buông lỏng công tác cải tạo. Trong
công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, tình trạng tự phát tư bản chủ
nghĩa lan rộng, nhiều hộ làm ăn phi pháp giàu lên rất nhanh. Trong
thương nghiệp xã hội chủ nghĩa có hiện tượng tuồn hàng Nhà nước
cho tư thương để kiếm lợi nhuận, coi nhẹ nhiệm vụ phục vụ đời sống
nhân dân.
Từ năm 1982, trên tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 01 của Bộ
Chính trị, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định công tác
cải tạo là trọng tâm nhằm tạo bước chuyển biến căn bản vào cuối năm
1985. Trên tinh thần chỉ đạo của Thành ủy, công tác cải tạo ở thành phố
không còn đơn thuần là “xóa” và “cấm” mà chú trọng hơn đến phương
thức quản lý mới nhằm tăng sản phẩm xã hội phục vụ đời sống nhân
dân. Kết quả của cách làm mới này là giá trị tổng sản lượng công nghiệp,
tiểu thủ công nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh năm 1984 đã tăng
27,1% so với năm 1983.
CHƯƠNG III: THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VỀ MẶT NHÀ NƯỚC... 223

Đối với nông nghiệp:


Sau hơn hai năm phục hồi sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh miền
Nam để giải quyết lương thực nhưng hiệu quả còn rất thấp do ảnh
hưởng của thời tiết và tình trạng thiếu vật tư nông nghiệp, đến tháng
4-1978, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 43-CT/TW về nắm vững và đẩy mạnh
cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp ở miền Nam. Chỉ thị nêu rõ:
hợp tác hóa nông nghiệp phải đi từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, phải
thích hợp với từng vùng, phải bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, cùng có
lợi, quản lý dân chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Do nông
nghiệp ở miền Nam còn trong tình trạng cá thể, phân tán và tự phát nên
khi cải tạo phải có hình thức quá độ, giản đơn để tập hợp đông đảo nông
dân… từ đó tiến hành giáo dục, hướng dẫn nông dân làm quen dần với
lao động tập thể, chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho hợp tác hóa nông nghiệp.
Từ đầu năm 1977, Bộ Chính trị và Chính phủ đã giao cho Bộ Nông
nghiệp xây dựng thí điểm 3 hợp tác xã nông nghiệp ở Nghĩa Bình, Bình
Trị Thiên và Tiền Giang. Đây là mô hình tập thể hóa theo kiểu miền Bắc
được áp dụng dưới hai dạng tập đoàn sản xuất và hợp tác xã.
Sau một thời gian thí điểm, năm 1978 đã triển khai rộng rãi phong
trào hợp tác hóa trên toàn miền Nam. Chỉ trong vòng 1 năm đã thành
lập 8.959 tập đoàn sản xuất, 1.131 hợp tác xã1.
Ngày 8-9-1978, Hội đồng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 221-CP
Về việc tập trung sức chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải tạo nông nghiệp ở
miền Nam. Nhằm hoàn thành công tác này vào năm 1980, Hội đồng
Chính phủ yêu cầu các địa phương miền Nam phải tập trung vào các
vấn đề sau đây:
Đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, đến năm 1980 phải
hoàn thành đưa nông dân vào các tổ chức làm ăn tập thể như tổ đoàn
kết sản xuất, tập đoàn sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp…

1. Viện Kinh tế học: 45 năm kinh tế Việt Nam (1945-1990), Nxb. Khoa học xã
hội, Hà Nội, 1990, tr.106.
224 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Khẩn trương nghiên cứu xây dựng chính sách hợp tác hóa nông
nghiệp, bước đầu điều tra về sở hữu ruộng đất và tư liệu sản xuất nông
nghiệp của các tầng lớp nông dân.
Tích cực củng cố các hợp tác xã nông nghiệp đã xây dựng để làm
hình mẫu giáo dục nông dân đi lên hợp tác hóa.
Tích cực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phục vụ kịp thời cho yêu cầu mở
rộng phong trào hợp tác hóa.
Đẩy mạnh công tác xây dựng huyện điểm và xây dựng cấp huyện
theo Chỉ thị và Nghị quyết số 33 của Hội đồng Chính phủ.
Tăng cường công tác giáo dục, phát động tư tưởng quần chúng,
phát huy quyền làm chủ tập thể của nông dân lao động và đấu tranh
chống địch phá hoại hợp tác xã nông nghiệp.
Ngày 15-11-1978, Bộ Chính trị ra Chỉ thị 57-CT/TW Về việc xóa
bỏ các hình thức bóc lột của phú nông, tư sản nông thôn và tàn dư bóc lột
phong kiến.
Trên cơ sở Chỉ thị của Bộ Chính trị, ngày 14-12-1978, Hội đồng
Chính phủ ra Quyết định số 319-CP Về việc xóa bỏ triệt để các hình thức
bóc lột tư bản chủ nghĩa về ruộng đất ở nông thôn miền Nam. Cùng với
Quyết định này, Hội đồng Chính phủ còn ban hành kèm theo hướng
dẫn thực hiện chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với lực lượng cơ
giới nông nghiệp tư nhân ở các tỉnh miền Nam.
Việc cải tạo nông nghiệp bằng hình thức thành lập tập đoàn và hợp
tác xã sản xuất nông nghiệp được tiến hành khá nhanh ở miền Nam nói
chung và ở Nam Bộ nói riêng.
Tính đến cuối năm 1979 đã có 647,5 nghìn hộ (chiếm 21,1% tổng
số hộ) đã vào 1.286 hợp tác xã và 685,6 nghìn hộ (chiếm 22,4% tổng số
hộ) đã vào 15.309 tập đoàn sản xuất1.
Như vậy, chỉ trong vòng 1 năm đã đưa gần nửa số hộ vào làm ăn tập
thể, trong đó có nhiều nơi đã có 80% số hộ tham gia sản xuất tập thể
dưới hình thức hợp tác xã và tập đoàn sản xuất.

1. Viện Kinh tế học: 45 năm kinh tế Việt Nam (1945-1990), Sđd, tr.106.
CHƯƠNG III: THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VỀ MẶT NHÀ NƯỚC... 225

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian rất ngắn, các hình thức đó đã bộc
lộ những nhược điểm và bất cập. Hầu hết các hợp tác xã và tập đoàn
phải quản lý theo kiểu hành chính gồm các nội dung như: cấp, phát,
giao, nộp và hiện vật hóa các giao dịch kinh tế (tính công lao động bằng
thóc hoặc nông sản). Cách quản lý đó dẫn đến hệ quả là năng suất lao
động rất thấp, đời sống nông dân sa sút rất nhanh, những hiện tượng
tiêu cực cũng nảy sinh khá nhiều như thiếu công bằng trong phân công
lao động, trong phân phối sản phẩm. Chính vì thế mà các hình thức làm
ăn này tự tan rã rất nhanh, có nhiều nơi không thành lập được hợp tác
xã và tập đoàn hoặc vừa thành lập xong, chưa qua một mùa lúa đã tan
rã, chỉ còn hình thức là cái tên hợp tác xã.
Đến cuối năm 1979, tình trạng tan rã của hợp tác xã và tập đoàn
sản xuất nông nghiệp đã lên đỉnh điểm. Tuy nhiên, đến năm 1980, trên
phạm vi toàn miền Nam đã xây dựng được 1.518 hợp tác xã, trong đó
có 1.005 là bậc cao và 9.350 tập đoàn (quy mô một hợp tác xã ở miền
Nam trung bình khoảng 312 ha/519 hộ, 1.003 lao động, một tập đoàn
sản xuất nông nghiệp có khoảng 40 ha, 38 hộ), nhưng chỉ thu hút được
35,6% hộ nông dân, tức là không thực hiện được chỉ tiêu mà Đảng và
Chính phủ đề ra là năm 1980 phải hoàn thành hợp tác hóa và đưa tất cả
nông dân vào con đường làm ăn tập thể.
Nhìn lại toàn bộ vấn đề cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp -
mà thực chất là công hữu hóa ruộng đất, công cụ lao động và tập thể hóa
lao động nông nghiệp, từ sự chỉ đạo của đường lối đến kết quả thực hiện
nổi lên mấy vấn đề sau:
Những nguyên tắc mà nghị quyết của Đảng nêu ra là tự nguyện và
làm từ thấp lên cao tự nó mâu thuẫn với chỉ tiêu đến năm 1980 phải
hoàn thành hợp tác hóa và đưa tất cả nông dân vào làm ăn tập thể vì chỉ
trong vòng 3 năm (1978-1980) không thể thay đổi được tập quán sản
xuất nông nghiệp đã hình thành hơn 3 thế kỷ của nông dân Nam Bộ.
Mặt khác, mô hình hợp tác hóa đã không thành công ở miền Bắc lại áp
dụng cho miền Nam mà không hề có sự thay đổi.
226 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Nhìn chung chủ trương mang tính chiến lược về cải tạo quan hệ
sản xuất đối với công thương nghiệp và nông nghiệp ở miền Nam và
ở Nam Bộ không những đã không đạt được mục tiêu phát triển sản
xuất và cải thiện đời sống nhân dân mà ngược lại đã làm đảo lộn hoàn
toàn nền kinh tế của miền Nam và làm cho tình trạng khủng hoảng
kinh tế - xã hội càng trở nên trầm trọng hơn. Hai chiến dịch cải tạo
đối với công thương nghiệp và nông nghiệp với mong muốn tạo nên
liều thuốc chữa trị căn bệnh thiếu hụt của nền kinh tế thì trái lại đã
trở thành một yếu tố góp phần làm tăng thêm sự thiếu hụt trong nền
kinh tế.
Đến khi đổi mới, Đảng và Chính phủ đã đánh giá đây là “chủ
trương sai lầm” do không nắm vững quy luật phát triển kinh tế - xã
hội của thời kỳ quá độ từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn nên đã nóng
vội, duy ý chí muốn thay đổi ngay quan hệ sản xuất và công hữu hóa
toàn bộ nền kinh tế.
Tình hình cải tạo nông nghiệp ở Nam Bộ được thể hiện rõ qua thực
tế ở Thành phố Hồ Chí Minh:
Trong ba năm đầu mới giải phóng, đến năm 1979, Thành phố Hồ
Chí Minh đã xây dựng được 790 tập đoàn sản xuất nông nghiệp, 10 hợp
tác xã và 4 nông trường, đưa được 52% số hộ và 42% diện tích ruộng
đất vào làm ăn tập thể. Nhưng đến cuối năm 1981, chỉ còn 18% số hộ và
8,8% diện tích còn theo con đường làm ăn tập thể.
Việc tập thể hóa nhanh chóng ở Nam Bộ theo kiểu miền Bắc đã gây
nên phản ứng mạnh mẽ của nông dân do đặc điểm địa lý và tập quán
canh tác của bà con dẫn đến năng suất lao động và thu nhập của người
nông dân tập thể ở mọi nơi đều thấp hơn nông dân cá thể. Năm 1980,
diện tích canh tác giảm 2,45 nghìn hécta so với năm 1978, sản lượng
lương thực cũng giảm 410 nghìn tấn. Đến cuối năm 1980, toàn miền
Nam chỉ còn 3.739 tập đoàn sản xuất và 137 hợp tác xã, trong đó vùng
Nam Bộ chiếm số lượng nhỏ.
Từ năm 1982, trên tinh thần chỉ đạo mới của Bộ Chính trị và Thành
ủy, công tác cải tạo nông nghiệp đã có những thay đổi theo hướng tích
CHƯƠNG III: THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VỀ MẶT NHÀ NƯỚC... 227

cực hơn. Nguyên tắc “tự nguyện, quản lý dân chủ, cùng có lợi” được tôn
trọng cùng với duy trì hình thức “tập đoàn sản xuất” quy mô nhỏ vừa
sức quản lý, tình hình cải tạo nông nghiệp đã có chuyển biến cụ thể.
Đến cuối năm 1984, đã có 70% số hộ và diện tích canh tác làm ăn tập
thể theo cách tổ chức và quản lý mới.

b- Xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục khủng hoảng
Công cuộc xây dựng kinh tế - xã hội ở vùng đất Nam Bộ thời kỳ
này diễn ra trong hoàn cảnh vừa có chiến tranh bảo vệ biên giới, vừa
thực hiện việc chuyển đổi quan hệ sản xuất của toàn bộ nền kinh tế nên
gặp rất nhiều khó khăn nảy sinh trong quá trình phát triển. Xây dựng
kinh tế - xã hội bao gồm rất nhiều nội dung nhưng phần này chỉ trình
bày những vấn đề chủ yếu là: tình hình kinh tế - xã hội Nam Bộ sau
chiến tranh biên giới, việc thực hiện các chính sách xã hội, thực hiện kế
hoạch nhà nước về phát triển của các ngành kinh tế, củng cố an ninh,
quốc phòng.
Tình hình kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân Nam Bộ
Trong hai năm đầu mới giải phóng (1975-1976), đời sống nhân dân
còn tạm thời ổn định do còn lượng dự trữ về lương thực và vật tư sản
xuất của các năm trước, do máy móc, thiết bị chưa xuống cấp, những
bất cập của các chính sách chưa phát huy tác hại, do chiến tranh biên
giới chưa gay gắt, thời tiết khá thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp…
Nhưng dần dần hệ thống quản lý cũ từ miền Bắc đem vào áp dụng ở
miền Nam đã bộc lộ nhược điểm trước tình hình mới làm ảnh hưởng
không nhỏ đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Sản xuất tăng chậm,
không đáp ứng được yêu cầu ổn định đời sống nhân dân và có tích lũy
để công nghiệp hóa. Hiệu quả sản xuất và đầu tư thấp, lãng phí công
suất thiết bị kỹ thuật trong xí nghiệp, năng suất lao động giảm, chất
lượng sản phẩm sút kém. Tài nguyên chưa được sử dụng hợp lý. Những
mất cân đối lớn trong nền kinh tế quốc dân giữa cung - cầu về lương
thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, vật tư, phân bón…, giữa thu và chi,
giữa xuất khẩu và nhập khẩu, lưu thông bị ngăn chặn, phân phối rối ren,
228 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

giá cả mất ổn định… đã có những tác động tiêu cực đến sản xuất và đời
sống của người lao động.
Từ năm 1977, đời sống của nhân dân bắt đầu giảm sút. Điều đó thể
hiện rất rõ qua sự gia tăng rất nhanh chỉ số giá cả trên thị trường hằng
năm. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, giá sinh hoạt năm 1978 tăng 15,3%
so với năm 1977. Trong khi đó, thương nghiệp tập thể và nhà nước chỉ
chiếm một tỷ trọng nhỏ do lượng hàng hóa rất hạn chế cả về số lượng,
chất lượng và phương thức phân phối rất phiền hà, không kịp thời. Chế
độ phân phối nhu yếu phẩm theo định lượng cho cán bộ, công nhân
viên nhà nước và lực lượng vũ trang cũng lâm vào tình trạng thiếu thốn
về số lượng và chất lượng. Thực tế quỹ hàng hóa do Nhà nước quản lý
chỉ bảo đảm khoảng một phần tư định lượng được quy định cho cán bộ
công nhân viên chức và nhân dân lao động. Nạn thiếu lương thực rất
gay gắt, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phải ăn độn có lúc đến 90%
là những loại lương thực ngoài gạo. Tiền lương thực tế của cán bộ công
nhân viên giảm hằng năm từ 17% đến 27%/năm do trượt giá.
Đến năm 1979, tình hình khủng hoảng kinh tế - xã hội trở nên trầm
trọng hơn: riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh, số người thất nghiệp và
thiếu việc làm thường xuyên lên đến 300.000 người, số công nhân viên
chức bỏ cơ quan nhà nước ra làm bên ngoài lên tới 20.000 người. Trong
khi đó, chỉ số tiêu dùng tăng nhanh: năm 1979 tăng 30,9%, năm 1980
tăng 20,3%, năm 1981 tăng 42%... và giá trị thực tế của tiền lương chỉ
còn bằng một phần ba so với năm 1976,
Về trật tự xã hội, diễn biến cũng phức tạp theo đà suy thoái kinh tế:
riêng Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1979, các vụ trọng án tăng 12% so
với năm 1978, án hình sự lên đến 17.000 vụ (so với 11.000 vụ của năm
1976). Đặc biệt là các vụ vượt biên trái phép vẫn gia tăng hàng tháng ở
hầu hết các địa phương thuộc Nam Bộ.
Thời kỳ này không những thực hiện chế độ bao cấp theo định lượng
trong phân phối nhu yếu phẩm và hàng tiêu dùng mà còn có chủ trương:
giao cho mỗi địa phương nhiệm vụ phải quản lý chặt nguồn lương thực
và hàng hóa của mình, không cho đưa sang các địa phương khác để Nhà
CHƯƠNG III: THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VỀ MẶT NHÀ NƯỚC... 229

nước điều hành và thống nhất trong quản lý và phân phối. Thực hiện
chủ trương này, các địa phương cấp tỉnh, huyện phải lập các trạm kiểm
soát lương thực, hàng hóa trên tất cả các đầu mối giao thông ra vào địa
phận của mình, tạo ra tình trạng “ngăn sông cấm chợ”. Tình trạng đó
đã tạo ra sự thừa và thiếu giả tạo đối với tất cả các địa phương vì không
nơi nào có đủ tất cả các mặt hàng đáp ứng nhu cầu của nhân dân và sản
xuất. Đó là điều kiện và thời cơ xuất hiện “thị trường chợ đen” và một
số người đầu cơ hưởng lợi từ sự chênh lệch giá giữa các địa phương và
giữa hàng cung cấp với hàng ngoài thị trường tự do. “Chợ đen” là hiện
tượng tiêu cực, không lành mạnh đối với nền kinh tế nhưng trong hoàn
cảnh cụ thể của thời kỳ đó, nó cũng có mặt tích cực nhất định là đã góp
phần điều hòa thị trường, khắc phục một phần tình trạng thừa, thiếu giả
tạo giữa các khu vực và giữa những người tiêu dùng.
Nhận định về nguyên nhân bị lún sâu vào khủng hoảng kinh tế -
xã hội từ năm 1979 trên phạm vi cả nước nói chung và vùng đất Nam
Bộ nói riêng, Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị năm 1980 cho rằng: đó
là tác hại nghiêm trọng của bệnh hành chính bao cấp trong phương
thức quản lý kinh tế, buông lỏng chuyên chính vô sản trên lĩnh vực
phân phối lưu thông. Quan trọng nhất và cơ bản nhất là khuyết điểm
trong khâu tổ chức sản xuất; một phần cơ sở vật chất bị bỏ sót không
sử dụng hết, một phần bị mất mát, một phần bị xé lẻ, phân tán, quan
hệ cơ cấu kinh tế thống nhất vốn có giữa các địa phương ở miền Nam
nay bị chia cắt. Năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế xuống thấp
nghiêm trọng, người lao động không được bù đắp tương xứng với công
sức bỏ ra. Tình trạng khủng hoảng ấy thể hiện rất rõ ở Thành phố Hồ
Chí Minh: Thành phố như bị bao vây về kinh tế nên phải “chạy ăn từng
bữa” cho 3,5 triệu dân.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ II
(năm 1980) cũng phản ánh tình hình chung của Nam Bộ thời kỳ này
như sau: “…Ở những năm đầu của thời kỳ quá độ, tình hình Thành
phố chưa thật ổn định, cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đang có
những khó khăn rất gay gắt và có mức phức tạp. Nền kinh tế bị đảo lộn
230 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

lại quản lý theo một cơ chế có nhiều mặt không phù hợp cho nên ngày
càng thêm mất cân đối nghiêm trọng… sự đánh giá mặt tích cực cách
mạng của quần chúng chưa xuyên suốt ở các cấp bộ đảng, cùng với cơ
chế quản lý chung có nhiều mặt không còn phù hợp đang dẫn đến nguy
cơ triệt tiêu động lực của chế độ làm chủ tập thể, không khuyến khích
tài năng và nhiệt tình lao động. Một bộ phận dân cư túng thiếu đang
xao xuyến trước tình hình căng thẳng về nhiều mặt và đời sống ngày
càng sa sút”.
Nhận định về tình hình thời kỳ này, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn
Linh cho rằng: “…chúng ta choáng ngợp với thắng lợi nhanh gọn… một
mặt chưa có kinh nghiệm quản lý kinh tế, xã hội nói chung… bỡ ngỡ
trước nhiệm vụ mới: không phải lật đổ nữa mà là xây dựng…”.
Trên cơ sở những nhận định đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh
đã đúc kết thực tiễn và rút ra năm vấn đề khuyết điểm có tính lý luận
dẫn đến tình trạng khủng hoảng của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng
và Nam Bộ nói chung:
Một là: … không đủ bình tĩnh để nhìn thành phố một khi được giải
phóng, hiển nhiên trở thành tài sản của chính chế độ ta… nên chưa biết
giữ gìn chăm sóc thành phố như máu thịt của mình…
Hai là: … chưa nhận thức được thực trạng kinh tế - xã hội của thành
phố, sau 21 năm sống dưới chế độ thực dân mới đã là một khu vực có
trình độ phát triển tư bản chủ nghĩa nhất định… nên đã áp dụng phương
thức quản lý của nền sản xuất nhỏ và nặng về chính trị chung chung…
Ba là: … không đủ hiểu biết về lịch sử của quá trình hình thành và
vai trò của nền công nghiệp thành phố trong cơ cấu công - nông nghiệp
của khu vực… cũng không đủ hiểu biết về tác động của ngoại thương
đối với sự sống còn của thành phố đồng thời là của cả miền Nam và cả
nước… chưa phân biệt được sự khác nhau về quản lý của thời kỳ xây
dựng hòa bình so với thời kỳ chiến tranh.
Bốn là: … chưa đánh giá chặt chẽ những tồn đọng mà chế độ mới
phải giải quyết… như thất nghiệp, tệ nạn xã hội và những tàn dư về lối
sống của chủ nghĩa thực dân mới để lại…
CHƯƠNG III: THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VỀ MẶT NHÀ NƯỚC... 231

Năm là: … chưa xác định rõ hai mục tiêu của hoạt động kinh tế là
mở rộng, nâng cao sản xuất và cải thiện đời sống nhân dân…
Những vấn đề mà Thành phố Hồ Chí Minh nêu ra cũng là những
vấn đề chung của cả Nam Bộ và đó là bối cảnh của thời kỳ tiếp tục thực
hiện nhiệm vụ vừa cải tạo quan hệ sản xuất vừa phát triển các ngành
kinh tế, từng bước khắc phục tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội
trên phạm vi Nam Bộ.
Thực hiện chủ trương xây dựng kinh tế - xã hội từ năm 1979 đến
năm 1985:
Trong thời kỳ này, các tỉnh Nam Bộ thực hiện nhiệm vụ do sự chỉ
đạo thống nhất của Hội đồng Chính phủ theo chủ trương, kế hoạch
chung của cả nước sau đây:
Thực hiện chủ trương xây dựng “pháo đài huyện”: cụ thể là trong một
thời gian ngắn phải xây dựng mỗi huyện thành một đơn vị chiến lược,
vừa là một “pháo đài quân sự”, vừa là một đơn vị nông, công nghiệp, có
khả năng độc lập tác chiến và tồn tại khi có chiến tranh xảy ra1. Chủ
trương này được triển khai quán triệt và thực hiện trên phạm vi cả nước
và ở Nam Bộ nhưng thực tế khi tiến hành xây dựng cho thấy: cấp huyện
không hội đủ các điều kiện về quy mô lãnh thổ, dân số, tài nguyên và
nguồn lực để trở thành đơn vị chiến lược độc lập. Nếu xây dựng theo
mô hình này thì chỉ là hình thức và lại làm suy giảm sức mạnh và lợi
thế của sự thống nhất. Chủ trương này sau đó được điều chỉnh và trở
thành “Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố”, mạnh cả về quân
sự, kinh tế và xã hội.
Chấn chỉnh cơ cấu tổ chức bộ máy chính quyền các cấp: để thực hiện
nhiệm vụ này đối với các tỉnh miền Nam, Chính phủ đã điều động hàng
vạn cán bộ của các bộ, ngành và các tỉnh của miền Bắc vào chi viện xây
dựng chính quyền các cấp ở miền Nam. Mô hình tổ chức chính quyền
các cấp cũng thống nhất như trên phạm vi cả nước.

1. Thời kỳ này trong cả nước có 400 huyện.


232 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Trách nhiệm và quyền hạn của chính quyền cấp tỉnh ở Nam Bộ
được xác định trong Nghị định số 108-CP ngày 13-5-1978 của Hội đồng
Chính phủ, trong đó có quy định rõ về trách nhiệm và quyền hạn quản
lý tài chính, ngân sách của các cấp.
Tổ chức, quyền hạn, chức năng của hội đồng nhân dân các cấp được
quy định trong Chỉ thị số 280/TTg ngày 15-5-1978.
Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 438-CP ngày 10-12-1979
về tổ chức, quản lý hành chính nhà nước đối với Đặc khu Vũng Tàu -
Côn Đảo là một đơn vị hành chính tương đương cấp thành phố trực
thuộc Trung ương.
Ngày 3-1-1981, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 03/QĐ-CP
quy định danh xưng của các cấp thuộc thành phố là quận và phường,
thuộc tỉnh là huyện và xã.
Năm 1980, Quốc hội ban hành Hiến pháp mới cho cả nước nhưng
bản Hiến pháp này có nhiều điểm bất cập nên không phát huy được
nhiều tác dụng thúc đẩy công cuộc xây dựng kinh tế - xã hội của cả nước.
Thực hiện quản lý hành chính nhà nước đối với công tác văn hóa - xã
hội: Ngày 11-11-1977, Hội đồng Chính phủ ra Nghị quyết số 297-CP
về một số chính sách đối với tôn giáo, trong đó quy định bảo đảm các
quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân cả nước.
Ngày 15-11-1977, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị về công tác các dân tộc
thiểu số ở các tỉnh miền Nam nhằm thực hiện quyền bình đẳng giữa các
dân tộc và xóa bỏ sự chênh lệch về trình độ kinh tế và văn hóa giữa các
dân tộc, đưa miền núi tiến kịp miền xuôi.
Về cải tiến quản lý kinh tế: Ngày 8-1-1978, Hội đồng Chính phủ ra
Nghị quyết số 10/CP về công tác giá cả trong tình hình mới nhằm thống
nhất thành một hệ thống trên phạm vi cả nước. Ngày 25-4-1978, Chính
phủ ban hành Quyết định số 87-CP về việc thống nhất tiền tệ trên phạm
vi cả nước, thu hồi tiền cũ, phát hành tiền mới.
Trên đây là những văn bản chỉ đạo và điều hành của Chính phủ về
phát triển kinh tế - xã hội thống nhất trên phạm vi cả nước, trong đó
Nam Bộ chiếm tỷ trọng lớn nhất về công nghiệp và nông nghiệp.
CHƯƠNG III: THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VỀ MẶT NHÀ NƯỚC... 233

Đến năm 1979, công cuộc hợp tác hóa ở các tỉnh Nam Bộ mới bắt
đầu bước sang thời kỳ mới, chủ yếu là hình thành các tập đoàn sản xuất,
đã xây dựng được 13.246 tập đoàn. Nhưng do tiến hành ồ ạt, chuẩn bị
chưa tốt và do thiên tai nên hơn 4.000 tập đoàn sản xuất gặp khó khăn
và bị tan rã dần dần. Hơn nữa trong năm 1979, do tình hình chung của
đất nước có nhiều khó khăn, phức tạp nên ở nhiều địa phương đã có
tình trạng buông lỏng quản lý công tác cải tạo nông nghiệp.
Đối với công tác cải tạo công thương nghiệp cũng có vấn đề, đến
năm 1979, công tác cải tạo và quản lý thị trường bị buông lỏng, nhiều cơ
sở đã cải tạo không tiếp tục được củng cố vững chắc. Do đó, tư sản tuy
đã được xóa bỏ nhưng chưa thật sự chịu cải tạo, mà tiếp tục lũng đoạn,
phá rối thị trường, tranh mua, tranh bán với Nhà nước, đầu cơ, tích trữ,
nâng giá, gây ra nhiều khó khăn cho sản xuất và đời sống nhân dân.
Từ giữa năm 1979, tình hình sản xuất trên phạm vi cả nước giảm
sút làm cho nền kinh tế càng thêm mất cân đối, đời sống nhân dân ngày
càng khó khăn. Những khó khăn về đời sống và bế tắc trong sản xuất đã
phản ánh một thực tế về sự bất cập trong các chủ trương, chính sách của
Nhà nước. Trước đòi hỏi bức bách của xã hội, tháng 8-1979, Hội nghị
lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đưa ra chủ trương đổi
mới một số chính sách lớn, nhằm khuyến khích các thành phần kinh
tế “bung ra” sản xuất. Thực hiện chỉ đạo của Hội nghị Trung ương, Hội
đồng Chính phủ đã ban hành một số chỉ thị mới, cụ thể là: ngày 16-8-1979
ra lệnh bãi bỏ các trạm kiểm soát lương thực và hàng hóa của các tỉnh;
ngày 10-9, ra Chỉ thị tận dụng ruộng đất vào sản xuất nông nghiệp; ngày
3-10-1979, ra Chỉ thị khuyến khích chăn nuôi; ngày 13-10-1979, ra Chỉ
thị mở rộng thương nghiệp xã hội chủ nghĩa; ngày 5-11-1979 ban hành
chính sách, quy định về phân phối thu nhập sản phẩm trong hợp tác xã
và tập đoàn sản xuất nông nghiệp.
Để cụ thể hóa những chủ trương trên, Hội đồng Chính phủ đã
ban hành một số nghị định cụ thể về điều lệ đăng ký kinh doanh công
thương nghiệp và dịch vụ cho các khu vực kinh tế tập thể và cá thể,
quy định về việc các doanh nghiệp tập thể và tư nhân mở tài khoản ở
234 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

các ngân hàng, ra các chỉ thị hướng dẫn thực hiện pháp lệnh về chính
sách thuế.
Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 23-6-1980 về
cải tiến công tác phân phối, lưu thông, chuyển từ phương thức quản lý
hành chính, bao cấp sang quản lý hạch toán kinh tế. Hội đồng Chính
phủ thành lập Ban chỉ đạo cải tiến phân phối lưu thông.
Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị và một loạt các nghị định của
Hội đồng Chính phủ là bước đầu thay đổi trong phương thức quản lý và
phát triển kinh tế. Sự thay đổi đó đã phát huy hiệu quả bước đầu là ngăn
chặn đà suy giảm đối với sản xuất công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp
trên phạm vi cả nước và Nam Bộ nhưng nhìn chung năm 1980, nhiều
mặt khó khăn cơ bản vẫn chưa khắc phục được.
Sau Hội nghị lần thứ chín của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IV),
ngày 13-1-1981, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị số 100-CT/TW cải tiến công
tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao
động” trong hợp tác xã nông nghiệp. Ngày 7-4-1981, Hội đồng Chính
phủ đã ra Nghị quyết số 148-CP về phát triển nông nghiệp đồng bằng
sông Cửu Long trong thời gian tới (1981-1985) nhấn mạnh các vấn đề
như: cung cấp phân bón, giống cây trồng, vật nuôi, cung ứng vật tư
nông nghiệp, thủy lợi, cơ giới nông nghiệp, chế biến sản phẩm, quy
hoạch nông nghiệp, áp dụng khoa học - kỹ thuật, phân bố lao động
nông nghiệp…
Trong khoảng thời gian các năm 1979-1980, ở Nam Bộ đã giải
quyết tình trạng ách tắc trong phân phối, lưu thông. Tỉnh Long An
đã thực hiện thí điểm phương thức “bù giá vào lương” gây chấn động
trong dư luận cả nước và được nhiều địa phương thực hiện. Có thể
đánh giá đây là một bước đột phá, mang lại sự phấn khởi cho người
lao động và góp phần hạn chế khuyết tật và chế độ phân phối một
thời thực hiện mô hình kế hoạch hóa chỉ huy, tập trung, hành chính
cung cấp...
Nhìn chung thành tựu về kinh tế - xã hội thời kỳ 1976-1981 trên
phạm vi cả nước và Nam Bộ còn rất thấp so với năng lực và yêu cầu của
CHƯƠNG III: THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VỀ MẶT NHÀ NƯỚC... 235

đất nước. Vấn đề lương thực, thực phẩm chưa giải quyết được một cách
vững chắc, lao động xã hội chưa sử dụng hết, vấn đề năng lượng, giao
thông vận tải thiếu hụt trầm trọng, mất cân đối nghiêm trọng trong xuất
nhập khẩu, thị trường và vật giá không ổn định, đời sống nhân dân nói
chung, nhất là ở những vùng bị thiên tai gặp khó khăn ngày càng lớn.
Kỷ cương và pháp luật bị buông lỏng, quyền làm chủ của nhân dân bị vi
phạm ở nhiều nơi…
Những khó khăn trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan sau
đây: tình trạng yếu kém vốn có của nền kinh tế mà sản xuất nhỏ còn
phổ biến, đồng thời do hậu quả nặng nề của các cuộc chiến tranh chưa
kịp khắc phục và thiên tai xảy ra liên tiếp. Nhìn chung, kế hoạch nhà
nước (1976-1981) được thực hiện trong những điều kiện không bình
thường, đất nước vừa có hòa bình vừa có chiến tranh, vừa có khủng
hoảng kinh tế - xã hội. Nguyên nhân chủ quan của những khó khăn
trên là: những sai lầm về chính sách quản lý kinh tế, quản lý xã hội do
chưa nắm chắc các quy luật kinh tế và chưa nắm chắc tình hình thực
tế, cùng những đặc điểm khác nhau giữa các vùng miền của đất nước.
Duy trì quá lâu cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp. Nguyên
nhân bao trùm là chủ trương mang tính duy ý chí khi dành ưu tiên
cho phát triển công nghiệp nặng, coi nhẹ sản xuất nông nghiệp trong
khi năng lực thực tế của nền kinh tế chưa đủ khả năng phát triển công
nghiệp nặng. Tuy nhiên từ những thực tế tiêu cực của thời kỳ này,
Đảng và Chính phủ đã nhận ra những sai lầm về lý luận và chỉ đạo thực
tiễn, đó là những kinh nghiệm làm cơ sở cho những điều chỉnh chính
sách của thời kỳ tiếp theo.
Xây dựng kinh tế - xã hội giai đoạn từ năm 1982 đến năm 1985
Tháng 3-1982, Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ V. Đại hội đánh giá một cách khách quan những
thành tựu và những sai lầm, thiếu sót về lãnh đạo đường lối của nhiệm
kỳ Đại hội lần thứ IV của Đảng. Trên cơ sở đó, Đại hội xác định thời
kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam phải trải qua nhiều chặng
đường, chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội
236 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

của Việt Nam là từ 1981 đến 1990. Đại hội đề ra bốn mục tiêu kinh tế -
xã hội và 10 chính sách lớn để thực hiện các mục tiêu đó.
Tinh thần của đường lối Đại hội Đảng lần thứ V là: kết hợp đúng
đắn công nghiệp và nông nghiệp. Trước mắt “tập trung sức phát triển
mạnh nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, đưa nông nghiệp
một bước lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa... Đó là những nội dung chính
của công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong chặng đường trước mắt... Kết
hợp đúng đắn xây dựng kinh tế trung ương với phát triển mạnh kinh tế
địa phương... Bảo đảm sự phù hợp giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản
xuất, kết hợp chặt chẽ cải tạo quan hệ sản xuất với tổ chức lại và phát
triển sản xuất... Ở miền Bắc có ba thành phần kinh tế (quốc doanh, tập
thể và cá thể), ở miền Nam còn năm thành phần kinh tế (quốc doanh,
tập thể, công tư hợp doanh, cá thể, và tư bản tư nhân)”1.
Đại hội xác định mục tiêu trước mắt của kế hoạch 5 năm (1981-
1985) là: “cơ bản ổn định được tình hình kinh tế và xã hội, đáp ứng
những nhu cầu cấp bách và thiết yếu nhất của đời sống nhân dân, giảm
nhẹ những chỗ mất cân đối nghiêm trọng nhất của nền kinh tế, khắc
phục một bước quan trọng tình trạng không bình thường về phân phối,
lưu thông, tăng thêm tiền đề và điều kiện để tiến lên mạnh mẽ và vững
chắc hơn trong những năm sau”2.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội V của Đảng, các tỉnh Nam Bộ tích
cực triển khai hoạt động trên các lĩnh vực:
Phát triển nông nghiệp:
Tiếp tục tiến hành điều chỉnh ruộng đất, lấy hình thức tổ chức tập
đoàn sản xuất là chính. Ngay từ trước đó, ngày 26-9-1981, các tỉnh đã ra
quy định về giá thu mua nông sản và giá bán vật tư nông nghiệp nhằm
đẩy mạnh trao đổi hai chiều với nông dân.
Hội nghị của Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng và Ban Bí thư họp
ngày 22 và 23-2-1983 đã ra Chỉ thị về những công việc cấp bách cần làm
ngay trong năm 1983 và những năm 1983-1985 ở các tỉnh Nam Bộ là:

1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t. 43, tr. 71-75, 96.
CHƯƠNG III: THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VỀ MẶT NHÀ NƯỚC... 237

Phải hoàn thành dứt điểm công tác điều chỉnh ruộng đất và tổ chức nông
dân vào các tập đoàn sản xuất. Ngày 25-2-1983, Hội đồng Nhà nước đã
ban hành Pháp lệnh về thuế nông nghiệp.
Đến cuối năm 1983, trên phạm vi cả nước đã có 90% các hợp tác xã
và tập đoàn sản xuất thực hiện chính sách khoán sản phẩm đến người
lao động. Cách làm mới này thực chất là trao quyền chủ động nhiều hơn
cho nông dân khi họ canh tác trên ruộng đất của mình. Chính vì thế đã
bước đầu tạo ra động lực lao động sản xuất đối với nông dân và hạn chế
được một phần những tiêu cực nảy sinh trong quản lý sản xuất ở các
hợp tác xã và tập đoàn sản xuất nông nghiệp.
Chỉ thị khoán 100 của Ban Bí thư (tháng 1-1981) đối với nông
nghiệp là một sự đổi mới về tư duy quản lý kinh tế nhưng khi đi vào
thực tiễn đã bộc lộ những bất cập về định mức khoán không sát với thực
tế, lãng phí cơ sở vật chất và vật tư nông nghiệp, phân công lao động và
phân phối sản phẩm trong các hợp tác xã không hợp lý, thiếu công bằng
gây ra mất đoàn kết… Sau Chỉ thị 100, Ban Bí thư ra tiếp một loạt chỉ
thị khác về nông nghiệp. Đó là Chỉ thị 19 về điều chỉnh ruộng đất, đẩy
mạnh cải tạo nông nghiệp ở nông thôn miền Nam; Chỉ thị 29 về giao
đất, giao rừng và củng cố quan hệ sản xuất ở miền núi; Chỉ thị 35 về phát
triển kinh tế gia đình; Chỉ thị 50 về kiện toàn quốc doanh nông nghiệp;
Chỉ thị 60 về hoàn thiện cơ chế khoán đến nhóm và người lao động. Hội
đồng Bộ trưởng ra Nghị quyết số 154-HĐBT ngày 14-12-1983 để chấn
chỉnh những nhược điểm của việc thi hành Chỉ thị 100 và hoàn thiện
những quy định khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động nhằm
thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.
Năm 1984, sản xuất nông nghiệp được mùa, và một số ngành chăn
nuôi, thủy sản cũng phát triển khá hơn, tuy nhiên những nhược điểm
lớn trong sản xuất nông nghiệp vẫn chưa khắc phục được nhiều. Để
đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp đúng với vị trí mặt trận hàng đầu, cuối
tháng 2 đến đầu tháng 3-1984, Hội đồng Chính phủ đã triệu tập hội nghị
tổng kết về nông nghiệp 3 năm (1981-1983). Hội nghị đánh giá những
thành tựu sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua và đề ra phương
238 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

hướng tới nhằm hoàn thiện hơn nữa cơ chế quản lý nông nghiệp, hướng
đến một nền nông nghiệp phát triển toàn diện, gắn với công nghiệp và
xuất khẩu.
Sau hội nghị tổng kết nông nghiệp, ngày 24-4-1984, Hội đồng Bộ
trưởng ra Chỉ thị số 146­-CT nhằm phấn đấu thực hiện vượt mức kế
hoạch sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
Ngày 20-12-1984, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra Chỉ thị số 430-CT
yêu cầu các ngành có liên quan đến cải tạo nông nghiệp ở miền Nam
phải hoàn thành sớm công tác điều tra cơ bản, phân vùng và lập kế
hoạch cụ thể.
Nam Bộ vốn là vựa lúa lớn của Việt Nam, đã từng xuất khẩu gạo
ra thị trường thế giới, nhưng sau năm 1975 cũng thiếu lương thực do
rất nhiều nguyên nhân khách quan như: hậu quả chiến tranh, thiên
tai bão lụt, sâu bệnh, thiếu vật tư nông nghiệp…, và nguyên nhân chủ
quan là chính - đó là chính sách điều chỉnh ruộng đất bất hợp lý theo
kiểu “cào bằng” gây tâm lý bất mãn đối với nhiều nông dân, nhất là với
những gia đình có công trong hai cuộc kháng chiến. Chính sách cải
tạo nông nghiệp và sự áp đặt lối làm ăn tập thể với cách quản lý quan
liêu và thiếu minh bạch đã kìm hãm động lực lao động sản xuất của
con người.
Công tác cải tạo nông nghiệp ở Nam Bộ tuy đạt chỉ tiêu cao về số
lượng thành lập các tập đoàn sản xuất nhưng phần lớn cũng chỉ tồn tại
về mặt hình thức, còn thực chất là người dân tự làm rồi nộp sản phẩm
theo định mức, hầu như không có sự quản lý theo kiểu bình công chấm
điểm. Hầu hết các hợp tác xã và nông trường quản lý sản xuất theo kiểu
hành chính và đều làm ăn thua lỗ, thu nhập của xã viên rất thấp.
Chẳng hạn ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An: ở một tập đoàn làm
ăn khá nhất của thị trấn Đức Hòa thì một lao động có khoảng 90 ngày
công/năm, mỗi công được chia 17,75 kg thóc, tính ra được khoảng 1.600
kg thóc/1 năm. Một tập đoàn làm ăn kém ở thị trấn Hậu Nghĩa thì một
lao động chỉ có 100 ngày công/năm, mỗi công được chia 6 kg thóc, tính
ra chỉ được 600 kg thóc/1 năm. Với hiệu quả kinh tế như vậy thì một lao
CHƯƠNG III: THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VỀ MẶT NHÀ NƯỚC... 239

động nông nghiệp không đủ nuôi một gia đình có người già và trẻ em,
đồng thời các tập đoàn cũng không thể hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất
lương thực mà Nghị quyết đã đề ra. Do đó, nhân dân không ủng hộ cách
làm ăn này nên không muốn vào tập đoàn. Từ thực tế ấy, Huyện ủy Đức
Hòa đã chủ trương không thành lập thêm các tập đoàn mà chỉ củng cố
10/30 tập đoàn và 368/581 tổ đoàn kết đang làm ăn tương đối khá, theo
cách tự chủ sản xuất ở từng hộ gia đình, có sự tương trợ, giúp đỡ lẫn
nhau. Trên thực tế đến cuối năm 1978, ở Đức Hòa mới có 0,06% diện
tích canh tác của toàn huyện được đưa vào làm ăn tập thể.
Cách làm này cũng được áp dụng ở nhiều địa phương khác ở Nam
Bộ, tuy không theo đúng quy định và hướng dẫn của cấp trên nhưng
phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và làm ăn có hiệu quả hơn nên
các địa phương đã mạnh dạn thực hiện và chịu trách nhiệm, đồng thời
thường xuyên báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên.
Từ khi thực hiện Chỉ thị khoán 100 của Ban Bí thư, sản xuất nông
nghiệp ở các tỉnh Nam Bộ đã khá hơn. Tình hình ở huyện Đức Hòa
(Long An) đã phản ánh điều đó: trong ba năm (1983-1985), sản lượng
lương thực tăng bình quân hằng năm 16% và đến năm 1985 đã đạt gần
57.000 tấn, bình quân lương thực đầu người đã đạt 300 kg thóc/năm.
Tuy sản lượng lương thực chưa đạt chỉ tiêu đề ra nhưng đã khắc phục
được tình trạng thiếu ăn hằng năm như trước đây. Đến năm 1985, Đức
Hòa đã chuyển đổi được 5.000 ha sang canh tác lúa năng suất cao, đồng
thời chuyển 2.000 ha lúa năng suất thấp sang trồng cây công nghiệp có
hiệu quả kinh tế cao hơn.
Về chăn nuôi, tổng số đàn trâu bò ở Đức Hòa tăng 10.000 con, gần
đạt chỉ tiêu đề ra. Đàn gia súc lớn phát triển nhanh là do nhân dân đã
yên tâm, không sợ phải đưa gia súc vào hợp tác xã và do huyện đã tranh
thủ được sự hỗ trợ từ bên ngoài về khâu thú y, phòng dịch và nguồn
thức ăn cho gia súc. Riêng đàn heo chỉ đạt khoảng 47% chỉ tiêu đề ra vì
giá cả thu mua không hợp lý nên không khuyến khích được nhân dân
chăn nuôi. Diện tích trồng mía đã đạt 1.400 ha nhưng mới bằng 2/3 chỉ
tiêu đề ra.
240 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Sản xuất nông nghiệp bắt đầu có chiều hướng phát triển tốt trên
toàn huyện Đức Hòa từ những năm 1983-1985 là do những nguyên
nhân khách quan như: thời tiết thuận lợi hơn, đã mạnh dạn điều chỉnh
quy hoạch đất canh tác, điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp
hơn với điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng. Nguyên nhân quan trọng
hơn là đã vận dụng tốt Chỉ thị khoán 100 của Ban Bí thư Trung ương
và huyện đã giao đất vùng bưng cho nông dân sử dụng ổn định 15 năm.
Chủ trương này rất sáng tạo và mạnh dạn vì vào thời điểm đó, cấp trên
chưa có chỉ thị về giao đất cho nông dân và đang là thời kỳ vận động làm
ăn tập thể. Trên thực tế, việc thực hiện tốt khoán 100 và giao đất lâu dài
cho nông dân đã tạo ra sự tin tưởng, phấn khởi và tạo ra động lực lao
động sản xuất trong nhân dân.
Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp thời kỳ này nổi bật nhất là
“Chương trình khai thác Đồng Tháp Mười” được Ban lãnh đạo tỉnh Long
An khởi xướng từ năm 1983 (từ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ
III). Nội dung cụ thể của chương trình này là: xây dựng mới và cải tạo
hệ thống giao thông thủy và bộ, kết hợp với nạo vét và đào mới hệ thống
kênh mương để rửa chua phèn cho đất đai, tăng năng suất diện tích đang
canh tác, đồng thời khai hoang, mở rộng diện tích canh tác mới.
Để thực hiện “Chương trình khai thác Đồng Tháp Mười”, Long An
đã thành lập thí điểm đơn vị làm kinh tế gồm những thanh niên đủ tiêu
chuẩn nghĩa vụ quân sự nhưng không biên chế thành đơn vị bộ đội mà
đưa đi xây dựng đường giao thông, đào đắp kênh mương, khai hoang
và sản xuất lương thực trên địa bàn Đồng Tháp Mười. Sau khi thí điểm
thành công và được sự cho phép của Chính phủ, Long An đã lần lượt
thành lập thêm 5 đoàn kinh tế, đặt tên là “Đoàn Đồng Tháp” (có số thứ
tự từ 1 đến 5), để khai thác từng vùng rộng lớn. Cùng với các đoàn kinh
tế do tỉnh trực tiếp quản lý, Long An còn vận động, khuyến khích nhân
dân các huyện đông dân lên lập nghiệp ở Đồng Tháp Mười với nhiều
chính sách ưu đãi về đất đai và mức thuế nên bình quân hằng năm có
hơn 100 hộ từ các nơi lên lập nghiệp, mỗi năm khai hoang được hơn
1.000 ha đưa vào canh tác.
CHƯƠNG III: THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VỀ MẶT NHÀ NƯỚC... 241

Trong hai năm 1983-1984, Long An đã huy động một khối lượng
rất lớn sức người, sức của vào chương trình khai thác Đồng Tháp Mười:
bao gồm 40 triệu đồng (thời giá 1983), 4 triệu 250 ngàn ngày công, đào
đắp gần 3 triệu m3 đất. Các công trình thủy lợi đã bảo đảm canh tác hai
vụ cho 1.500 ha thuộc huyện Thạnh Hóa, 3.000 ha thuộc huyện Tân
Thạnh, 2.000 ha thuộc Mộc Hóa và 3.000 ha thuộc huyện Vĩnh Hưng.
Nhìn chung diện tích canh tác hai vụ ở Đồng Tháp Mười đã tăng rất
nhanh: từ 100 ha ban đầu đã tăng lên 25.000 ha vào năm 1985. Công
cuộc mở mang Đồng Tháp Mười không chỉ có nông nghiệp mà bước
đầu đã có những cơ sở công nghiệp như: xí nghiệp khai thác than bùn,
xí nghiệp cơ khí, xí nghiệp chế biến gỗ và xí nghiệp gạch được xây dựng
trên địa bàn huyện Mộc Hóa.
Ngay từ những năm đầu thực hiện “Chương trình khai thác Đồng
Tháp Mười” đã thu được kết quả khá tốt: Long An đã tăng được đáng
kể sản lượng lương thực: từ 450.000 tấn (năm 1982) lên 600.000 tấn
(năm 1985), đạt bình quân 530 kg/người - vượt chỉ tiêu giao nộp lương
thực và chỉ tiêu do Đại hội Đảng bộ đề ra. Ngoài việc tăng sản lượng
lương thực, Đồng Tháp Mười còn tăng diện tích trồng cây tràm từ 15.000
ha (năm 1983) lên 60.000 ha (năm 1985), đồng thời các cây nguyên liệu
làm giấy và cây lấy dầu như các loại bạch đàn, cây tràm, cây bàng dệt
chiếu… cũng được trồng nhiều ở Đức Hòa, Đức Huệ, Thủ Thừa, Bến
Lức, Tân Thạnh, Mộc Hóa…
Thời kỳ này Long An còn tiến hành chương trình thủy lợi lớn ở
huyện Đức Hòa và đã tăng được gấp đôi diện tích trồng đậu phộng (lạc),
từ 5.000 ha (năm 1983) lên 10.000 ha (năm 1985) và sản lượng đậu cũng
tăng từ 7.000 tấn (năm 1983) lên 13.000 tấn (năm 1985).
Từ kết quả cụ thể của “Chương trình khai thác Đồng Tháp Mười” từ
năm 1983 đến năm 1985, Long An chủ trương tiếp tục phát huy những
thành quả và mở rộng chương trình trên quy mô lớn hơn. Tỉnh Long
An đã mở tổng cộng 17 điểm kinh tế mới và phát động phong trào làm
lúa hai vụ.
242 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Trong khi đó, ở một số địa phương ven biển Nam Bộ, việc khai thác,
đánh bắt xa bờ được khuyến khích, coi trọng. Ở Tiền Giang, nếu năm
2001 có 1.275 tàu với 157.463 mã lực thì 5 năm sau, toàn tỉnh có 1.185
chiếc tàu khai thác, đánh bắt thủy sản, trong đó có 532 chiếc đánh bắt
xa bờ với tổng công suất 157.291 mã lực. Như vậy, số lượng phương tiện
giảm, nhưng công suất bình quân tăng, phù hợp với khai thác xa bờ1.
Một ví dụ khác là tình hình sản xuất nông nghiệp ở ngoại thành
Thành phố Hồ Chí Minh đã có sự cải thiện đáng kể: tổng sản lượng đã
tăng từ 8% năm 1981 lên 33% năm 1984.
Tình hình sản xuất nông nghiệp ở Long An và ngoại thành Thành
phố Hồ Chí Minh trong thời kỳ này phản ánh tình hình chung của cả
Nam Bộ là có hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất: sản xuất nông nghiệp
sa sút nhanh trong những năm đầu mới giải phóng do hậu quả chiến
tranh, do thiên tai và do chính sách cải tạo, điều chỉnh ruộng đất không
hợp lý. Giai đoạn thứ hai, phát triển khá hơn do sự điều chỉnh đường
lối: xác định nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, tăng cường đầu tư, điều
chỉnh quy mô và cách quản lý các hợp tác xã và tập đoàn, do vận dụng
tốt Chỉ thị 100 khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động, và do thời
tiết thuận lợi hơn. Tuy nhiên về chỉ đạo và quản lý sản xuất nông nghiệp
vẫn chưa thoát khỏi cơ chế tập trung, hành chính và bao cấp nên chưa
giải phóng được sức sản xuất của hàng triệu nông dân và sản xuất lương
thực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước.
Phát triển công nghiệp:
Cho đến năm 1983, tình hình sản xuất công nghiệp của cả nước và
Nam Bộ vẫn còn trong tình trạng đình đốn. Toàn bộ nền công nghiệp
mới chỉ khai thác được 50% công suất máy móc do mất cân đối nghiêm
trọng giữa năng lượng, nguyên liệu và phụ tùng thay thế, sửa chữa.
Công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến giảm sút cả về số lượng mặt
hàng và các chỉ tiêu chất lượng, một số ngành công nghiệp nặng như

1. Xem Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang: Địa chí Tiền Giang, Tập I,
Sđd, tr. 524.
CHƯƠNG III: THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VỀ MẶT NHÀ NƯỚC... 243

khai thác than, điện lực rất yếu kém, kéo theo các ngành khác giảm khả
năng sản xuất.
Cùng với những cố gắng tìm biện pháp và đôn đốc thực hiện nhằm
nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, Chính phủ vẫn chủ trương đẩy
mạnh công cuộc cải tạo quan hệ sản xuất đối với công thương nghiệp
tư bản tư doanh. Cụ thể là: các xí nghiệp lớn của tư bản tư doanh từng
bước cải tạo biến thành các xí nghiệp quốc doanh hoặc công tư hợp
doanh hay xí nghiệp hợp tác thuộc sở hữu tập thể. Đối với tiểu thủ công
nghiệp thì từng bước vận động đưa các thợ thủ công vào con đường làm
ăn tập thể trong các tổ chức hợp tác xã trên nguyên tắc tự nguyện, cùng
có lợi và quản lý dân chủ.
Những chủ trương trên nhằm mục tiêu khôi phục và nâng cao năng
lực sản xuất cho công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp nhưng khi áp dụng
vào thực tế thì kết quả gần như ngược lại. Các xí nghiệp quốc doanh hóa
làm ăn không có lãi vì nhiều lý do nhưng chủ yếu là do cung cách quản
lý hành chính với những chỉ tiêu, kế hoạch cứng nhắc, không gắn sản
xuất với thị trường, những hợp tác xã thủ công nghiệp cũng chung tình
trạng như vậy nên sản xuất công nghiệp vẫn không phát triển được.
Công tác cải tạo quan hệ sản xuất trong công nghiệp chủ yếu tiến
hành ở các tỉnh miền Nam mà tập trung nhiều nhất ở Nam Bộ với hai
trung tâm công nghiệp lớn đã có từ trước giải phóng là Sài Gòn và khu
công nghiệp Biên Hòa thuộc tỉnh Đồng Nai. Nam Bộ cũng là nơi có
nhiều ngành nghề tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp như dệt may,
gốm sứ, lò đường, ép dầu thực vật thủ công, nghề mộc, sửa chữa cơ khí
nhỏ, sản xuất xe đạp, phụ tùng xe máy…
Tất cả các cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ở các
địa phương thuộc Nam Bộ như Thành phố Hồ Chí Minh, Long An,
Tiền Giang, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu... trong đó, tập trung tại
Thành phố Hồ Chí Minh đều bị tác động tiêu cực do công cuộc cải tạo
quan hệ sản xuất gây ra cùng với tình trạng thiếu vốn đầu tư và thiếu
nguyên liệu nên sản xuất bị đình đốn, tạo ra nạn khan hiếm hàng tiêu
dùng ngày càng gay gắt, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của cả nước.
244 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Sau thời gian buông lỏng cải tạo và phát triển tự phát, từ năm 1982,
Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành chấn chỉnh lại và quy hoạch các
ngành kinh tế - kỹ thuật. Trên cơ sở phát huy năng lực của các xí nghiệp
quốc doanh đủ sức giữ vai trò chủ đạo, dần dần gắn với khâu gia công
của ngành tiểu thủ công nghiệp để đưa vào quỹ đạo xã hội chủ nghĩa.
Thành phần tập thể trong tiểu thủ công nghiệp đã chiếm 60%. Đối với
một số ngành công nghiệp chủ yếu như cơ khí, dệt, thành phố đã đưa
vào cơ chế quản lý thống nhất. Một số xí nghiệp công tư hợp doanh đã
áp dụng hình thức kinh doanh chia lãi giữa Nhà nước với chủ tư sản.
Nhìn chung, ngành công nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh đang
thoát dần ra khỏi cơ chế quản lý hành chính, bao cấp và đang áp dụng
cơ chế hạch toán kinh tế nên đã bắt đầu có bước chuyển biến tích cực
trong sản xuất. Tổng sản lượng công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của
Thành phố năm 1984 đã tăng 27,1% so với năm 1983.
Lưu thông, phân phối:
Tình hình lưu thông phân phối hàng hóa ở Nam Bộ và trên phạm
vi cả nước trong những năm từ 1981 đến 1985 diễn ra rất phức tạp: hầu
như tất cả các loại hàng hóa phục vụ đời sống hằng ngày của nhân dân
đều khan hiếm, giá cả ở thị trường tự do tăng cao quá mức so với đồng
lương, giá cả của các mặt hàng cung cấp lại quá thấp so với nhu cầu thực
tế của người dân nên Nhà nước phải bù lỗ quá nhiều. Chính sách “ngăn
sông cấm chợ” tạo ra tình trạng thừa và thiếu giả tạo ở nhiều nơi và
tạo ra thị trường “chợ đen” chuyên mua lại hàng cung cấp và mua tem
phiếu để bán lại với giá cao hơn trên thị trường tự do. Ở Nam Bộ, tư sản
thương nghiệp đã gây ra những “cơn sốt” bột ngọt, thịt heo, chi phối giá
vàng, làm hỗn loạn thị trường trong từng thời điểm. Đôi khi chúng có
thể tác động trong thị trường cả nước, gây khó khăn thêm cho sản xuất
và tiêu dùng cá nhân. Đứng trước thực trạng thị trường như vậy, nhiều
địa phương ở Nam Bộ đã phải tự định ra các giải pháp khác nhau. Có
trường hợp trái với quy định của Nhà nước. Các liên doanh giữa thương
nghiệp quốc doanh với tư nhân, nhất là ở cấp huyện ra đời ồ ạt trong
khoảng thời gian từ 1981 đến 1985, nhằm khống chế hoạt động của tư
CHƯƠNG III: THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VỀ MẶT NHÀ NƯỚC... 245

thương, nhưng trên thực tế lại bị lợi dụng, núp dưới danh nghĩa quốc
doanh để buôn bán đầu cơ, gây khó khăn thêm cho sự kiểm kê, kiểm
soát của Nhà nước. Vì vậy, phần lớn “liên doanh thương nghiệp” đã tan
rã. Nguyên nhân của hiện tượng này là các mặt hàng cung cấp vừa thiếu,
vừa không phù hợp đối với nhu cầu rất đa dạng của từng đối tượng nên
mọi người phải tự điều chỉnh nhu cầu bằng cách thông qua “chợ đen”,
mặc dù phải chịu thiệt về giá cả. Đây cũng là bài học phải trả giá cho
sự yếu kém trong quản lý và hoạt động của thương nghiệp quốc doanh.
Về công tác thu mua của Nhà nước: nguồn nông sản và hàng hóa ở
các tỉnh Nam Bộ tương đối nhiều hơn các địa phương khác nhưng việc
thu mua của Nhà nước vẫn gặp khó khăn vì thiếu tiền và đặc biệt là giá
quy định quá thấp nên người dân bán cho tư thương có lợi hơn.
Về công tác phân phối: các tỉnh Nam Bộ đều làm theo cách chung
của cả nước là bán các mặt hàng cung cấp với giá rất rẻ cho cán bộ công
nhân viên và nhân dân nhưng với số lượng rất ít, không đủ cho nhu
cầu cuộc sống hằng ngày. Riêng ở tỉnh Long An đã mạnh dạn làm theo
cách khác là: tính giá trị các mặt hàng được cung cấp theo giá tương đối
sát với thị trường để phát bằng tiền thay vì bán các mặt hàng đó với giá
không thực tế-gọi là “bù giá vào lương”. Cách làm này đã giảm được rất
nhiều tình trạng “chợ đen”, giảm được gánh nặng thu mua và cấp phát
của thương nghiệp quốc doanh, đồng thời tăng cường được hoạt động
kinh doanh của các hợp tác xã mua bán. Long An là địa phương đi đầu
trong quá trình cải tiến phương thức lưu thông phân phối trên phạm vi
Nam Bộ và cả nước.
Trước tình hình biến động của thị trường, Hội đồng Bộ trưởng đã
nghiêm túc tự phê bình và thừa nhận: “chưa quản lý được chặt chẽ việc
nắm và bảo quản nguồn hàng… chưa quản lý được các nguồn thu tài
chính… chưa quản lý thị trường theo đúng yêu cầu, chưa có biện pháp
hiệu quả để chống đầu cơ buôn lậu, sơ hở và chậm trong việc chỉ đạo giá
cả nên tạo sơ hở cho kẻ xấu lợi dụng…”.
Ngày 29-5-1981, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 220/CP về
giá bán lẻ. Giá ổn định vẫn được duy trì đối với 9 mặt hàng cung cấp
246 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

theo định lượng và một số mặt hàng tiêu dùng cung cấp không định
lượng. Với mức giá Nhà nước quy định từ năm 1956 đến năm 1958, bên
cạnh hệ thống cung cấp theo mức giá cũ (giá thịt, gạo, nước mắm… đã
hình thành từ năm 1960), Quyết định 220/CP ban hành hệ thống giá
bán lẻ chỉ đạo mới cao gấp 10 đến 15 lần so với giá cung cấp ổn định.
Đối với một số loại hàng không thuộc diện thiết yếu và hàng cung cấp,
đắt tiền, áp dụng giá kinh doanh thương nghiệp nhằm tích lũy và hạn
chế tiêu dùng. Mức giá thu mua mới theo hợp đồng hai chiều bằng 5 lần
so với giá mua theo nghĩa vụ trước đây.
Đối với các tỉnh Nam Bộ, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số
148-HĐBT quy định tỷ lệ trao đổi các loại tư liệu sản xuất lấy lúa làm
đơn vị quy đổi: Đổi cho kinh tế tập thể 1 kg urê bằng 3 kg lúa, đổi cho
kinh tế cá thể 1 kg urê bằng 3,5 kg lúa. Giá mua lúa có hàng trao đổi là
2,5 đồng/kg và giá mua không có hàng trao đổi là 3 đồng/kg. Vấn đề
phức tạp nhất là điều chỉnh hệ thống giá bán buôn. Hệ thống giá bán
buôn mới được áp dụng từ ngày 1-1-1982 theo Quyết định số 28-HĐBT
ngày 19-2-1982. Mức giá mới cao gấp 5 - 7 lần so với trước tổng điều
chỉnh giá năm 1981. Vì vậy, đầu năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng chỉ đạo
tiến hành cuộc cải cách giá và lương lần thứ nhất. Mục tiêu chính của
cuộc cải cách là: Nhà nước quy định rất nhiều giá cho nhiều đối tượng
khác nhau nhưng nhìn chung mới là thay đổi mức giá chứ chưa thay
đổi cơ chế quản lý giá nên chỉ sau một thời gian ngắn, các giá quy định
không tồn tại được trước biến đổi của thị trường và quy luật cung cầu,
dẫn đến tình trạng Nhà nước vẫn bội chi, đời sống cán bộ, công nhân
viên chức và nhân dân vẫn khó khăn, không được cải thiện.
Sau khi có Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V và Hội nghị
Trung ương lần thứ ba (khóa V), ngày 30-12-1982, Hội đồng Bộ trưởng
đã ra nghị quyết về công tác lãnh đạo và nêu quyết tâm “lập lại trật tự trên
mặt trận phân phối, lưu thông”. Nghị quyết nêu 6 biện pháp lớn:
1- Nhà nước thống nhất quản lý hợp đồng hai chiều theo giá chỉ đạo…
2- Nhà nước nắm toàn bộ hàng công nghiệp và phần lớn hàng tiểu
thủ công nghiệp.
CHƯƠNG III: THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VỀ MẶT NHÀ NƯỚC... 247

3- Mở rộng mạng lưới thương nghiệp quốc doanh và tập thể, chuyển
tư thương sang sản xuất, chống đầu cơ tích trữ.
4- Mở rộng mạng lưới tín dụng, ngân hàng, thu hút tiền tiết kiệm
của nhân dân bằng công trái.
5- Ổn định giá cả, tăng cường kỷ luật giá cả…
6- Đẩy mạnh phong trào tiết kiệm.
Nghị quyết của Hội đồng Bộ trưởng khi đi vào thực tế thực hiện
đã không diễn ra như mong muốn, nhiều địa phương và đơn vị không
thực hiện được hoặc không thực hiện đúng mà do quy luật cung cầu và
thị trường chi phối mạnh hơn. Trước thực tế đó, Hội đồng Bộ trưởng đã
tích cực đôn đốc và nhắc nhở các địa phương thực hiện. Hội nghị lần
thứ tư Ban Chấp hành Trung ương (khóa V) cũng yêu cầu Nhà nước
phải tăng cường các biện pháp làm chủ thị trường.
Mặc dù Đảng và Nhà nước có nhiều nghị quyết, chỉ thị về ổn định
thị trường, ổn định đời sống nhân dân nhưng tình hình vẫn diễn biến
phức tạp, các mục tiêu kinh tế - xã hội vẫn chưa thực hiện tốt.
Trước tình hình đó, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung
ương Đảng (khóa V) (tháng 7-1984) đã bàn chuyên đề về các biện pháp
cấp bách trong phân phối, lưu thông, đã xác định khâu đột phá chính là
cải tiến chế độ tiền lương.
Ngày 25-8-1984, Hội đồng Bộ trưởng ban hành quy định 14 mặt
hàng Nhà nước độc quyền, cấm tư nhân kinh doanh.
Ngày 16-10-1984, Hội đồng Bộ trưởng lại ra Quyết định 134-HĐBT
quy định phân cấp quản lý lương thực.
Đến Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa
V) họp từ ngày 10 đến ngày 17-6-1985 mới đưa ra chủ trương mạnh
mẽ về xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp trong phân phối, lưu thông và
quản lý kinh tế1. Hội nghị xác định: Xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu,
bao cấp trong giá và lương là “khâu đột phá có tính chất quyết định để

1. Xem: Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tám (Tháng
6-1985), in trong Tìm hiểu lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam qua các đại hội và Hội
nghị Trung ương 1930-2002, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2003, tr. 953.
248 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

chuyển hẳn nền kinh tế sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa” và
nêu rõ: “Cuộc điều chỉnh lớn và toàn diện về giá - lương - tiền lần này
phải tiến hành khẩn trương, kiên quyết nhưng phải tính toán thận trọng
các phương án vững chắc, gắn chặt với việc xây dựng và hoàn chỉnh cơ
chế quản lý mới”. Hội nghị cũng đề ra những nội dung chủ yếu nhằm cải
tiến căn bản chế độ giá - lương - tiền như sau:
Tính đủ chi phí hợp lý trong giá thành sản phẩm, thực hiện chế độ
một giá trong toàn bộ hệ thống giá.
Tiền lương phải đủ sống và tái tạo sức lao động, trả lương bằng tiền.
Chuyển mọi hoạt động sản xuất kinh doanh sang hạch toán kinh tế.
Chuyển ngân hàng sang hoạt động kinh doanh.
Để thực hiện chủ trương cải cách giá - lương - tiền, Bộ Chính trị và
Chính phủ đã quyết định thực hiện đổi tiền như một biện pháp nhằm
bình ổn giá trên cơ sở Nhà nước nắm được nguồn tiền.
Ngày 14-9-1985, Hội đồng Bộ trưởng quyết định thực hiện đổi tiền,
1 đồng tiền mới có mệnh giá gấp 10 lần tiền cũ và quy định mức rút tiền
cho từng đối tượng. Công việc đổi tiền trên phạm vi cả nước hoàn thành
vào ngày 18-9-1985 nhưng trong quá trình thực hiện bộc lộ nhiều thiếu
sót nên để xảy ra tình trạng mua bán đẩy giá lên, một số người giàu có phải
thuê mướn và nhờ người khác đổi tiền nhằm phân tán tài sản, sợ đồng tiền
nằm trong ngân hàng sẽ bị mất giá và không được rút ra để kinh doanh.
Ngày 18-9-1985, Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định cải tiến tiền
lương, lấy cơ sở tính toán mức sống qua giá lúa hiện hành. Hệ thống
lương mới thống nhất cũng được áp dụng từ ngày 1-9-1985.
Ngày 20-9-1985, Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định về hệ thống giá
mới. Quyết định 238/HĐBT quy định mức giá bình quân và khung giá
thóc của tất cả các tổ chức kinh doanh, tập thể và cá nhân. Khu vực Hậu
Giang, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Minh Hải được quy định
mức giá lúa bình quân là 1,65 đồng/kg, khung giá từ 1,5 - 1,7 đồng/kg.
Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn tiến hành ba biện pháp lớn
một cách nóng vội nên không những không bình ổn được thị trường
mà còn tạo ra tình trạng hỗn loạn thêm: giá cả thị trường tăng đột biến
CHƯƠNG III: THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VỀ MẶT NHÀ NƯỚC... 249

ngoài sự kiểm soát của Nhà nước, ngân sách Nhà nước bội chi ngày
càng lớn, tiền lương thực tế bị giảm sút nhanh chóng, đời sống nhân
dân, nhất là những người hưởng lương ngày càng khó khăn hơn… Tất
cả những hiện tượng đó tạo ra tâm lý hoang mang, thiếu tin tưởng trong
nhân dân vào sự lãnh đạo và điều hành kinh tế của Nhà nước.
Tháng 2-1986, Bộ Chính trị đã chỉ ra những nguyên nhân và hậu
quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội do những sai lầm trong việc thực
hiện đổi tiền và điều chỉnh giá - lương - tiền gây ra.
Lĩnh vực phân phối, lưu thông diễn ra ở Thành phố Hồ Chí Minh
phản ánh tình hình chung của cả Nam Bộ. Trong thời kỳ này, trên lĩnh
vực phân phối, lưu thông - mà thực chất là phát triển ngành thương mại
xã hội chủ nghĩa diễn ra ba giai đoạn:
Giai đoạn đầu: từ 1975 đến 1979: bước đầu xây dựng hệ thống
thương nghiệp xã hội chủ nghĩa trên cơ sở cải tạo thương nghiệp tư
doanh.
Giai đoạn hai: từ 1979 đến 1981: do buông lỏng quản lý nên rơi vào
tình trạng rối loạn thị trường tự do và hệ thống phân phối, lưu thông
của quốc doanh.
Giai đoạn thứ ba: từ 1982 đến 1984: từng bước thiết lập lại trật tự
trên mặt trận lưu thông, phân phối.
Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế và là thị trường lớn
nhất của Nam Bộ nên lĩnh vực lưu thông, phân phối có tính chi phối và
định hướng đối với toàn vùng.
Bước chuyển biến về lưu thông, phân phối ở Thành phố Hồ Chí Minh
bắt đầu từ khi có Nghị quyết Trung ương 6 và Nghị quyết 26/ BCT
tháng 6-1980, Nghị quyết 01/BCT về công tác của thành phố năm 1982.
Qua 10 năm xây dựng, thành phố đã hình thành được hệ thống thương
nghiệp xã hội chủ nghĩa từ trên xuống dưới. Thương nghiệp quốc doanh
có 11 công ty chuyên doanh, 4 cửa hàng tổng hợp với 2.300 điểm bán
lẻ, các công ty thương nghiệp cấp quận, huyện và mạng lưới bán lẻ đến
phường, xã. Hệ thống hợp tác xã thương nghiệp cũng hình thành ở các
cấp với 3.000 điểm bán lẻ. Nguồn hàng của ngành thương nghiệp thành
250 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

phố do Trung ương cung cấp chỉ chiếm khoảng 20% nhưng khá ổn định,
còn lại khoảng trên 70% là nguồn hàng từ hợp đồng hai chiều, từ thu
mua tại thành phố và các tỉnh lân cận. Do đó, nguồn hàng thu mua được
đã tăng nhanh hằng năm: năm 1981 tăng gấp 3 lần năm 1980, năm 1984
tăng gấp đôi so với năm 1983. Vào thời điểm Tết Nguyên đán 1984-1985,
tỷ trọng thương nghiệp xã hội chủ nghĩa đã chiếm 60% thị trường toàn
thành phố. Về dịch vụ, đã thành lập các công ty cấp quận với những dịch
vụ thiết yếu như sửa chữa xe máy, may mặc, điện gia dụng, sửa chữa
nhà…, cả thành phố có 300 điểm dịch vụ. Thành phố đã tổ chức hình
thức “cửa hàng hợp tác kinh doanh” giữa Nhà nước với trung và tiểu
thương về lĩnh vực dịch vụ ăn uống để đưa một bộ phận của thị trường
tự do vào con đường làm ăn tập thể, thành phố cũng tăng cường quản
lý các hộ thương nghiệp cá thể trên 5 nội dung chính là: đăng ký kinh
doanh, sổ sách, doanh số, giá, thuế, đồng thời tăng cường công tác kiểm
tra, quản lý thị trường để chống lại nạn đầu cơ tích trữ và nạn “chợ đen”.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã từng bước nối lại quan hệ xuất -
nhập khẩu với các nước như Campuchia, Lào, Liên Xô, Ấn Độ, Nhật,
Pháp và một số nước Bắc Âu… nhưng tỷ trọng và mặt hàng xuất khẩu
còn rất hạn chế và nghèo nàn.
Tuy đã cố gắng rất nhiều, thương nghiệp xã hội chủ nghĩa đã phát triển
nhiều cả về số lượng và chất lượng nhưng nhìn chung đến năm 1985, thị
trường thành phố vẫn chưa ổn định một cách vững chắc. Theo Bí thư
Thành ủy Nguyễn Văn Linh thì có 6 nguyên nhân chính sau đây: Chưa
nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và sự tác động trực tiếp của phân phối,
lưu thông đối với sản xuất và đời sống; chưa thấy hết tính phức tạp và
quyết liệt của cuộc đấu tranh mang tính giai cấp giữa thương nghiệp xã
hội chủ nghĩa với thương nghiệp tư bản chủ nghĩa; trên mặt trận phân
phối lưu thông, lãnh đạo có lúc nóng vội, có lúc buông lỏng; quản lý
thương nghiệp bằng biện pháp hành chính, mệnh lệnh nên không đáp
ứng được tính linh hoạt về kinh doanh; thiếu kinh nghiệm về thị trường
nên không quản lý được một đội ngũ thương nhân đã dày dạn kinh
nghiệm ở thị trường lớn Sài Gòn; quan niệm và cung cách quản lý hành
CHƯƠNG III: THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VỀ MẶT NHÀ NƯỚC... 251

chính, quan liêu, bao cấp còn quá nặng nề, ngành thương nghiệp còn
coi nhẹ kinh doanh, coi nặng mệnh lệnh, ban phát…
Nhìn chung mặt trận phân phối lưu thông của Thành phố Hồ Chí
Minh và của Nam Bộ nói chung còn đang đứng trước những khó khăn,
thử thách lớn giữa nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống với nhận
thức quy luật kinh tế và phương thức quản lý thị trường. Cơ chế quản lý
cũ đã dần trở thành “hành chính, quan liêu, bao cấp”, gây ra những tác
động tiêu cực, không kích thích người lao động và các đơn vị cơ sở năng
động, sáng tạo trong kinh doanh. Cho đến trước khi thực hiện công
cuộc đổi mới, cơ chế hành chính quan liêu, bao cấp với đặc trưng cơ bản
là các phương thức kinh tế được tiến hành không phù hợp với yêu cầu
của cơ chế tác động các quy luật kinh tế, do đó làm giảm sút, thậm chí
không đưa lại hiệu quả kinh tế.

c- Phát triển văn hóa - xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân
Ngay trong những ngày đầu giải phóng, các tỉnh Nam Bộ, đặc biệt là
Thành phố Hồ Chí Minh đã cố gắng duy trì việc làm cho hàng trăm ngàn
công nhân trong các ngành công nghiệp, dịch vụ. Để giải quyết số lao
động thất nghiệp ở các đô thị, chính quyền các tỉnh đã tổ chức đưa hàng
chục vạn người đi xây dựng các vùng kinh tế mới, đồng thời huy động
hàng chục nghìn thanh niên đi xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng kinh
tế mới theo cách thức tự hạch toán kinh tế. Trong vòng 10 năm, riêng
Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có số người thất nghiệp nhiều nhất ở Nam
Bộ đã tạo thêm được 600.000 việc làm cho các ngành kinh tế.
Bên cạnh những biện pháp kiên quyết nhằm xóa bỏ các tệ nạn xã
hội như mại dâm, nghiện hút..., tiến hành các đợt truy quét, thu gom
các loại văn hóa phẩm đồi trụy, tăng cường kiểm tra, quản lý, ngăn chặn
các biểu hiện không lành mạnh trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, việc
xây dựng con người mới được coi trọng, trở thành một trong những
nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ và chính quyền các cấp. Trong 10 năm
đầu sau giải phóng, các cơ sở xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh đã
tiếp nhận, giúp đỡ 70.000 lượt người, trong đó 18% người hành nghề
252 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

mại dâm, 17,8% người nghiện hút, 31% người ăn xin và không nơi
nương tựa, 19% là trẻ em bụi đời sống ngoài đường phố. Kết quả đã
giúp đỡ để 13.000 người trở lại cuộc sống bình thường, trong đó 80%
người hành nghề mại dâm đã chuyển nghề, tổ chức cai nghiện thành
công 50% con nghiện.
Nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu học tập của nhân dân, các địa
phương ở Nam Bộ đã chuyển toàn bộ hệ thống giáo dục cũ sang hệ
thống giáo dục mới xã hội chủ nghĩa, hình thành tổ chức bộ máy giáo
dục các cấp từ mẫu giáo đến đại học, tiến hành công lập hóa tất cả
các trường tư. Bậc học mẫu giáo phát triển khá nhanh, bậc học phổ
thông được cải tạo và mở rộng. Các trường đại học, cao đẳng, trung học
chuyên nghiệp và dạy nghề được cải tạo và đầu tư xây dựng mới. Việc
xóa nạn mù chữ và bổ túc văn hóa được chú trọng, các lớp bình dân học
vụ được thành lập ở nhiều nơi, thu hút hàng vạn người tham gia học
tập. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi tập trung khá đông người mù chữ,
chỉ sau hai năm, đã cơ bản xóa xong nạn mù chữ. Hệ thống trường phổ
thông hằng năm thu hút 1 triệu học sinh, có 18 trường đại học, cao đẳng
thu hút 24.000 sinh viên, trong 10 năm đã đào tạo được 10.000 cán bộ có
trình độ đại học, hệ bổ túc văn hóa nâng cao trình độ cho hàng ngàn cán
bộ tại chức. Hệ thống trung học dạy nghề có 80 trường, đã đào tạo được
35.000 người có tay nghề, các cơ sở dạy nghề tư nhân và các xí nghiệp
tự đào tạo được 100.000 công nhân.
Lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe của nhân dân được quan tâm,
vừa cải tạo các cơ sở y tế tư nhân vừa khôi phục và phát triển, kiện toàn
mạng lưới y tế rộng khắp, từng bước xây dựng, củng cố và phát triển
bổ sung các tuyến ở nông thôn, hình thành hệ thống y tế nhà nước
và tập thể. Nhiều bệnh viện, trạm y tế, nhà hộ sinh, xí nghiệp bào chế
dược được nâng cấp, xây dựng. Các cơ sở phòng, chống các bệnh xã hội
được thành lập. Hệ thống các công ty dược - vật tư y tế được tổ chức
đáp ứng nhu cầu thuốc chữa bệnh và vật tư y tế. Công tác đào tạo, phát
triển đội ngũ cán bộ y tế được chú trọng. Trong điều kiện hết sức khó
khăn, ngành y tế các tỉnh Nam Bộ đã có những nỗ lực vượt bậc trong
CHƯƠNG III: THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VỀ MẶT NHÀ NƯỚC... 253

việc chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Thành phố Hồ Chí Minh trở
thành trung tâm y tế lớn phục vụ chữa bệnh cho nhân dân các tỉnh Nam
Bộ. Sau 10 năm, cấp thành phố đã quản lý 20 bệnh viện và 1 viện điều
dưỡng, tổng cộng 11.300 giường bệnh. Cấp quận, huyện quản lý 11 bệnh
viện và 57 phòng khám bệnh khu vực. Thành phố đã có 18.000 cán bộ y
tế, đạt tỷ lệ 5 y, bác sĩ/10.000 dân (trước năm 1975 chỉ có 3 bác sĩ/10.000
dân). Để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, bên cạnh mạng lưới y tế
nhà nước là chủ yếu, ở một số nơi còn tổ chức những phòng khám tập
thể ngoài giờ, phòng khám tư nhân, nhằm góp phần giảm bớt những
khó khăn về đời sống của cán bộ y, bác sĩ, nhân viên y tế, đồng thời giải
quyết được một khối lượng khá lớn bệnh nhân, giảm sức ép cho các cơ
sở y tế nhà nước. Công tác kế hoạch hóa gia đình, sinh đẻ có kế hoạch
được triển khai rộng khắp nhằm bảo đảm tốt sức khỏe bà mẹ và trẻ em,
giảm tỷ lệ gia tăng dân số.
Việc thực hiện chính sách thương binh xã hội được chú trọng, thực
hiện tốt việc trợ cấp cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, giải quyết hồ
sơ, chế độ cho các đối tượng chính sách có công với cách mạng; công tác
quy tập hài cốt các liệt sĩ, xây dựng nghĩa trang liệt sĩ ở các địa phương
được tiến hành khẩn trương. Trong vòng 10 năm, chỉ riêng Thành phố
Hồ Chí Minh đã cấp 4.000 ha đất, 11.223 căn hộ trong nội thành, cung
cấp 6.500 khung nhà cho khu vực ngoại thành, vận động xây dựng 5.000
ngôi nhà tình nghĩa cho gia đình thương binh, liệt sĩ, giải quyết việc làm
cho 5.180 người là thân nhân thương binh, liệt sĩ.
Phong trào thể dục - thể thao phát triển rộng khắp từ quận, huyện
đến các phường, xã, trong tất cả các lứa tuổi, đặc biệt là trong các trường
học. Ngay sau ngày giải phóng, các địa phương đã tiếp quản và công lập
hóa tất cả các cơ sở vật chất - kỹ thuật thể dục - thể thao phục vụ nhu cầu
của các tầng lớp nhân dân. Các hoạt động thể thao như bóng đá, bóng
chuyền, bóng bàn,... phát triển mạnh thu hút hàng vạn người tham gia.
Các lĩnh vực báo chí, xuất bản có sự phát triển đáng kể, góp phần
nâng cao tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống mới trong nhân dân. Hệ
thống nhà văn hóa, rạp chiếu bóng được đầu tư xây dựng khang trang.
254 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp được khôi phục và xây dựng mới.
Công tác báo chí - xuất bản được chú trọng, tỉnh nào cũng có ít nhất
một tờ báo, riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã có 3 nhà xuất bản và hàng
chục tờ báo của Trung ương và địa phương, phát hành tới hàng chục
triệu bản/năm.
Nhìn chung đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân các tỉnh Nam
Bộ đã có sự thay đổi rất nhiều so với trước giải phóng, đó là một quá
trình thay đổi những giá trị cũ bằng những giá trị văn hóa mới. Sự thay
đổi đó diễn ra không đơn giản mà là một cuộc đấu tranh lâu dài, phức
tạp, nhất là nó lại diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế - xã hội
với rất nhiều biểu hiện tiêu cực đang tồn tại và phát triển.

d- Củng cố an ninh - quốc phòng và xây dựng chính quyền nhân


dân vững mạnh
Sau chiến tranh biên giới Tây Nam, tình hình biên giới đã ổn định,
không còn xung đột quân sự, nhưng Quân tình nguyện Việt Nam vẫn
phải ở lại Campuchia để giúp bạn củng cố chính quyền và truy quét
tàn quân Khmer đỏ. Công tác xây dựng an ninh, quốc phòng ở các tỉnh
Nam Bộ tập trung vào vấn đề “chống chiến tranh phá hoại nhiều mặt”
của các thế lực thù địch bên ngoài, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh là
trọng điểm hoạt động phá hoại của kẻ địch.
Nhằm phá hoại kinh tế, các thế lực thù địch dùng đủ mọi thủ đoạn
như bao vây, cô lập kinh tế, phá hoại máy móc, phá hoại thị trường bằng
các thủ đoạn đầu cơ tích trữ, buôn lậu, trốn thuế, làm hàng giả… Các
thủ đoạn của chúng nhằm mục đích “đánh vào dạ dày để cho cái đầu
phải gục xuống”. Trên mặt trận văn hóa - xã hội, các thủ đoạn phá hoại
nhằm vào việc gia tăng các tệ nạn xã hội, đồng thời dùng các thủ đoạn
lừa bịp, tuyên truyền xuyên tạc hòng gây mất ổn định xã hội, tạo khả
năng gây bạo loạn.
Trước các thủ đoạn đó, chính quyền các địa phương Nam Bộ, đặc
biệt là Thành phố Hồ Chí Minh đã huy động lực lượng vũ trang, lực
lượng công an, phát động quần chúng phá vỡ nhiều âm mưu phá hoại,
CHƯƠNG III: THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VỀ MẶT NHÀ NƯỚC... 255

bạo loạn, bắt gọn nhiều nhóm vũ trang xâm nhập, trong đó có cả những
nhóm gián điệp do Trung Quốc và Thái Lan tổ chức. Hầu như các hoạt
động phá hoại, lật đổ đều bị đập tan.
Nét nổi bật trong thời kỳ đầu tiên sau giải phóng ở Nam Bộ, là tổ
chức đảng và chính quyền các cấp đã tin cậy và dựa vào quần chúng,
khơi dậy truyền thống tốt đẹp của các tầng lớp nhân dân để xây dựng
chính quyền cách mạng. Quần chúng đã thực sự là lực lượng quan trọng
nhất xây dựng và bảo vệ chính quyền, phát hiện và giúp chính quyền
cách mạng loại trừ những phần tử xấu, phê phán những biểu hiện sai
trái, khích lệ những việc làm đúng, tích cực hưởng ứng các chủ trương,
chính sách của cấp ủy và chính quyền các cấp, góp phần giữ vững an
ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Nhìn chung, mặt trận an ninh - quốc phòng ở Nam Bộ, đặc biệt là
Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được thành quả rất lớn là giữ vững ổn
định chính trị, trật tự xã hội, làm thất bại hoàn toàn “cuộc chiến tranh phá
hoại nhiều mặt” của kẻ thù, bảo đảm cuộc sống an bình của nhân dân.
Sau thời kỳ quân quản, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn
quốc lần thứ IV của Đảng, các tỉnh Nam Bộ tiếp tục củng cố và xây
dựng chính quyền nhân dân theo mô hình ba cấp: tỉnh/thành, quận/
huyện, phường/xã. Mỗi cấp đều có Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân
dân. Dưới phường/xã còn có khu phố và tổ dân phố, hai cấp này không
nằm trong hệ thống chính quyền nhưng rất quan trọng vì trực tiếp liên
hệ với nhân dân. Ngoài hệ thống lãnh đạo và quản lý nhà nước còn có
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức quần chúng. Các cơ quan lãnh đạo và
quản lý cùng với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức quần chúng tạo thành
hệ thống chính trị. Ở mỗi cấp cơ sở đều có tổ chức đảng, mặt trận và các
đoàn thể quần chúng cùng chính quyền hợp thành cơ chế Đảng lãnh
đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Hoạt động của chính quyền
cách mạng có hai nội dung: quản lý hành chính và tổ chức các cơ sở
kinh tế - đời sống xã hội.
Thực hiện Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân,
tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày
256 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

càng đi vào nền nếp. Nhận thức về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và
trách nhiệm của thành viên Hội đồng nhân dân các cấp từng bước được
nâng cao. Hoạt động của Hội đồng nhân dân ngày càng tiến bộ, thực tế đã
quyết định được những vấn đề quan trọng của địa phương về các phương
hướng, biện pháp lớn nhằm phát triển kinh tế - văn hóa xã hội, quyết
định ngân sách, kiểm tra giám sát hoạt động của Tòa án nhân dân. Mối
quan hệ giữa Hội đồng nhân dân với Ủy ban nhân dân cũng tốt hơn. Việc
nghiên cứu, giải quyết các kiến nghị, đề xuất của đại biểu Hội đồng nhân
dân cũng ngày càng cụ thể. Các thành viên Ủy ban nhân dân được phân
công phụ trách từng khối công tác, tổ chức thực hiện các nghị quyết của
Hội đồng nhân dân và chỉ thị, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp trên
và của Hội đồng Bộ trưởng. Ở cấp quận, huyện đã dần dần hình thành
các phòng, ban thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chức năng tham
mưu cho Ủy ban quản lý kinh tế - xã hội. Hoạt động của Ủy ban nhân dân
tỉnh, thành phố và quận, huyện tập trung vào bộ phận thường trực gồm
chủ tịch, các phó chủ tịch phụ trách khối và ủy viên thư ký.
*
* *
Có thể nói, đây là thời kỳ phát triển rất đặc biệt của cả nước, nhất là
với Nam Bộ. Thời kỳ này chồng chất những khó khăn khách quan và chủ
quan. Vết thương của cuộc chiến tranh 30 năm chưa lành thì chiến tranh
biên giới Tây Nam lại xảy ra. Thiên tai, mất mùa liên tiếp cùng với cơ chế
quản lý kinh tế lạc hậu, công cuộc cải tạo quan hệ sản xuất duy ý chí…,
tất cả những yếu tố đó đã đưa đất nước vào một thời kỳ khủng hoảng
kinh tế - xã hội trầm trọng, trong đó Nam Bộ là địa bàn khủng hoảng gay
gắt nhất. Lợi dụng tình thế khó khăn đó, các thế lực chống đối tìm mọi
cách phá hoại hòng làm mất ổn định chính trị của Việt Nam.
Trước những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua được ấy,
nhân dân Nam Bộ vẫn đoàn kết cùng Đảng và Nhà nước khắc phục mọi
khó khăn, giữ vững ổn định chính trị, vừa tìm đường tháo gỡ khó khăn,
vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
257

Chương IV

THỰC HIỆN ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI,


TỪNG BƯỚC RA KHỎI
KHỦNG HOẢNG KINH TẾ - XÃ HỘI
(1986-1996)

Đây là thời kỳ Nam Bộ cùng cả nước bước đầu thực hiện đường lối
đổi mới của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI và lần thứ VII của
Đảng Cộng sản Việt Nam, với những kế hoạch phát triển kinh tế - xã
hội nhằm đưa đất nước thoát dần ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh
tế - xã hội, xóa bỏ cơ chế quản lý hành chính, quan liêu, bao cấp, xây
dựng cơ chế quản lý theo hạch toán kinh tế và từng bước xây dựng kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quá trình này đã làm thay
đổi hẳn bộ mặt kinh tế, xã hội của vùng đất Nam Bộ.

I- ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI CỦA ĐẢNG VÀ ĐIỀU KIỆN KINH TẾ - XÃ HỘI
TRÊN PHẠM VI CẢ NƯỚC VÀ NAM BỘ

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986)
đánh dấu bước chuyển biến rất quan trọng về phương hướng xây dựng
kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và đối với Nam Bộ nói riêng.
Đại hội đã đưa ra những quyết sách thể hiện tinh thần đổi mới mạnh
mẽ cả về tư duy và chính sách quản lý kinh tế - xã hội.
Đại hội xác định nhiệm vụ bao trùm của cả nước trong những năm
sau đó là: “Ổn định mọi mặt tình hình kinh tế - xã hội, tiếp tục xây dựng
258 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

những tiền đề cần thiết cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ
nghĩa trong chặng đường tiếp theo”1.
Đại hội đã thông qua kế hoạch nhà nước 5 năm (1986-1990) phát
triển kinh tế - xã hội, trước mắt là thực hiện ba chương trình kinh tế lớn
là: lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu. Ba chương
trình này có mối liên hệ chặt chẽ, là tiền đề và thúc đẩy lẫn nhau và là
cốt lõi của kế hoạch nhà nước 5 năm (1986-1990).
Đại hội đã nêu ra những biện pháp cụ thể nhằm thực hiện các mục
tiêu, đồng thời dự báo những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực
hiện kế hoạch 5 năm của Nhà nước. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc
lần thứ VI đã biểu hiện quyết tâm to lớn, kiên quyết chuyển hướng nền
kinh tế theo hướng phù hợp hơn với hoàn cảnh và đặc điểm kinh tế - xã
hội của đất nước và xu thế chung của thế giới.
Đường lối đổi mới do Đại hội đề ra bắt nguồn từ nhận thức mới về
con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, là sự quyết tâm từ bỏ
những quan điểm và cách làm kém hiệu quả của cơ chế cũ mang nặng
tính tập trung quan liêu, bao cấp, thể hiện tinh thần đổi mới mạnh mẽ
về tư duy quản lý kinh tế và quyết tâm rất cao nhằm đưa đất nước ra
khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, đồng thời cũng biểu hiện
quan điểm toàn diện trong các chủ trương xây dựng kinh tế, văn hóa, xã
hội, an ninh quốc phòng, đối nội và đối ngoại.
Thực hiện đường lối đổi mới của Đại hội, Trung ương Đảng, Chính
phủ đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách cụ thể đưa đất nước vượt qua
khủng hoảng kinh tế - xã hội.
Ngày 1-3-1987, Hội đồng Bộ trưởng đã ra Chỉ thị bãi bỏ tất cả các
trạm kiểm soát hàng hóa trên các trục đường giao thông. Chỉ thị này
lập tức phát huy tác dụng tích cực, thị trường bắt đầu được khai thông,
hàng hóa ở những nơi thừa chảy về những nơi thiếu.
Tháng 4-1987, Ban Chấp hành Trung ương (khóa VI) ra Nghị quyết

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội
VI, VII, VIII, IX), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.42.
CHƯƠNG IV: THỰC HIỆN ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI... 259

về những vấn đề cấp bách trong phân phối lưu thông, trong đó nêu ba
biện pháp và chủ trương giảm bốn hiện tượng tiêu cực đang nảy sinh.
Ba chính sách lớn là: giá cả, tiền lương và tài chính. Phấn đấu để
giảm bốn vấn đề là: giảm lạm phát, giảm tốc độ tăng giá, giảm bội chi
ngân sách nhà nước, giảm khó khăn về đời sống của bộ phận ăn lương.
Ngày 22-4-1987, Hội đồng Bộ trưởng ra Chỉ thị về những công việc
cần làm ngay trong năm 1987 gồm: yêu cầu các địa phương trên phạm
vi cả nước phải tăng cường tuyên truyền, giải thích đường lối đổi mới
của Đảng, phải có đề án, kế hoạch cụ thể nhằm thực hiện ba chính sách
và bốn giảm mà Trung ương đã đề ra.
Hội đồng Bộ trưởng đã chỉ đạo cụ thể về việc điều chỉnh chính sách
giá cả, tiền lương, sửa đổi và ban hành một số cơ chế hoạt động của các
ngành thương nghiệp, lương thực, ngân hàng; ban hành quy định về
đổi mới công tác kế hoạch hóa và hạch toán trong các xí nghiệp quốc
doanh, đồng thời dự thảo chính sách đối với kinh tế tư nhân, cá thể, gia
đình và công tư hợp doanh.
Những chủ trương đổi mới bước đầu đó có ảnh hưởng tích cực trên
phạm vi toàn quốc. Đối với Nam Bộ, những đổi mới về chính sách có
tác động trực tiếp và rất mạnh mẽ đối với nền kinh tế vốn đã quen với
sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường nhưng đang bị kìm hãm bởi
cơ chế quản lý quan liêu, bao cấp.
Bước vào thời kỳ thực hiện đường lối đổi mới do Đại hội Đảng lần
thứ VI vạch ra, đất nước ta nói chung và vùng đất Nam Bộ nói riêng
đứng trước những khó khăn, thuận lợi to lớn.
Đường lối đổi mới đã tạo ra nguồn lực và động lực mới cho sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, mở
ra hướng đúng đắn cho đổi mới tư duy và phong cách lãnh đạo của
Đảng và phương thức quản lý kinh tế - xã hội của Nhà nước cùng với
đổi mới các hoạt động kinh tế của Nhà nước và nhân dân, tạo ra tinh
thần phấn khởi và khắc phục được một phần sự giảm sút niềm tin của
nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ
khủng hoảng kinh tế - xã hội sau chiến tranh, phù hợp với tình hình
260 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

kinh tế - xã hội trong nước và xu thế cải cách mà các nước xã hội chủ
nghĩa đang tiến hành.
Mặc dù phải đối phó với chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây
Nam và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc và tình trạng
khủng hoảng kinh tế nhưng trong thời gian 10 năm hòa bình, với sự giúp
đỡ và hợp tác toàn diện của Liên Xô, Việt Nam đã xây dựng được một số
công trình hạ tầng kỹ thuật rất căn bản và có giá trị kinh tế lâu dài, bước
đầu mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể.
Trải qua 10 năm đầy sóng gió vừa phải đối phó với chiến tranh biên
giới vừa phải đương đầu với khủng hoảng kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà
nước ta đã chứng tỏ được bản lĩnh chính trị vững vàng, để lãnh đạo đất
nước vượt qua khó khăn, thử thách, đồng thời đã tích lũy được nhiều
kinh nghiệm quý báu về điều hành và quản lý phát triển kinh tế - xã hội
trong điều kiện hòa bình.
Thuận lợi căn bản nhất của đất nước là khối đoàn kết toàn dân được
xây dựng và củng cố vững mạnh trong cuộc đấu tranh lâu dài giành độc lập
dân tộc. Toàn dân khát khao xây dựng lại cuộc sống hòa bình, thịnh vượng
và hạnh phúc, đó là động lực mạnh mẽ nhất để phát triển kinh tế - xã hội.
Những điều kiện thuận lợi to lớn nêu trên phần lớn mang tính chất
chính trị, tinh thần, còn những khó khăn của thời kỳ đầu đổi mới lại rất
cụ thể, đó là: Hậu quả nặng nề về kinh tế - xã hội do sai lầm của chính
sách giá - lương - tiền (năm 1985) đã làm cho tình trạng khủng hoảng
kinh tế - xã hội càng trở nên trầm trọng trên phạm vi cả nước.
Nền sản xuất bị kìm hãm trong cơ chế quan liêu, bao cấp quá lâu
dài đã trở nên trì trệ, tốc độ phục hồi còn chậm, sản xuất chưa đáp ứng
được nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong nước. Sản lượng xuất khẩu
không đáng kể, trong khi nhu cầu nhập khẩu rất cao, nhưng nguồn
ngoại tệ lại quá yếu và thiếu (chủ yếu dựa vào đồng rúp của Liên Xô).
Ngân sách nhà nước bị bội chi lớn do phải chi tiêu cho chiến tranh
biên giới nên Nhà nước còn phải dựa nhiều vào viện trợ nước ngoài
(viện trợ nước ngoài năm 1986 chiếm 8,4% ngân sách, năm 1988 chiếm
12,7% ngân sách, chủ yếu từ Liên Xô).
CHƯƠNG IV: THỰC HIỆN ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI... 261

Lạm phát diễn ra rất phức tạp và ở mức cao, trong 3 năm liền luôn
ở mức 3 con số (năm 1986 là 774,7%, năm 1987 là 223,1%, năm 1988
là 393,8%). Lạm phát đã đẩy giá cả leo thang đến mức không kiềm
chế được (chỉ số tăng giá năm 1986 là 20%, năm 1987 là 10%, năm
1988 là 14%). Tình trạng vỡ nợ tín dụng xảy ra ở khắp các địa phương
làm cho một số đơn vị kinh tế quốc doanh ngưng trệ sản xuất hoặc bị
phá sản. Đời sống nhân dân còn hết sức khó khăn, nhất là lực lượng
vũ trang và khối cán bộ công nhân viên nhà nước. Các tệ nạn xã hội
như trộm cắp, băng đảng, buôn lậu, mại dâm, nghiện hút, tham ô, hối
lộ diễn biến phức tạp. Làn sóng người vượt biên trái phép, nhất là ở
Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thuộc Nam Bộ hầu như chưa có
dấu hiệu giảm xuống.
Lợi dụng tình hình khủng hoảng kinh tế - xã hội đang trầm trọng,
các lực lượng thù địch từ bên ngoài và bên trong cùng tăng cường hoạt
động phá hoại bằng nhiều thủ đoạn thâm độc. Các thế lực bên ngoài tập
trung tấn công vào lĩnh vực văn hóa, chính trị và ý thức hệ, phủ nhận
chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên tạc chủ nghĩa xã
hội, phủ nhận vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam,
đòi thực hiện “đa nguyên, đa đảng”, xuyên tạc về tình hình “nhân quyền”,
xuyên tạc tính chất nhân đạo của Quân tình nguyện Việt Nam đang ở
Campuchia, vu cáo Việt Nam xâm lược, chiếm đóng Campuchia, lôi kéo
một số nước để thực hiện ý đồ cô lập ngoại giao đối với Việt Nam. Các
lực lượng chống đối bên trong ra sức kích động vấn đề dân tộc và tôn
giáo nhằm gây hận thù và chia rẽ khối đoàn kết toàn dân, tuyên truyền
cho tổ chức “phục quốc Champa”, kêu gọi “giải phóng Khmer Krom”.
Chúng đưa ra những luận điệu: “Người Khmer hướng về Campuchia”,
“giải phóng cao nguyên Đề Ga”, đòi “tự do” cho 16 châu người Thái ở
vùng núi Tây Bắc, cho người “xưng vua” ở vùng người Mông, tiến hành
móc nối, phục hồi lực lượng FULRO và tăng cường hoạt động phá hoại
các chính sách dân tộc và tôn giáo ở Tây Nguyên. Những thế lực đội lốt
tôn giáo chống đối Việt Nam liên tục tuyên truyền chống cộng trên các
đài phát thanh (của Vaticăng và đài “nguồn sống”), họ còn vận động để
262 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Vaticăng “phong thánh” cho 117 người (ngày 19-6-1988), trong đó có


nhiều người chống đối được gọi là “tử vì đạo” .
Trên phạm vi quốc tế, Mỹ tiếp tục thực hiện chính sách bao vây
cấm vận và cô lập Việt Nam, sử dụng những người Việt Nam từng làm
việc cho chế độ cũ đang sống ở Mỹ để tổ chức lực lượng và tiến hành
các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc nhằm gây xáo trộn, hoang mang
trong nhân dân. Cơ quan tình báo CIA của Mỹ đã tài trợ và chỉ đạo
Hoàng Cơ Minh (nguyên Đô đốc hải quân Sài Gòn) thành lập “Mặt trận
Quốc gia thống nhất giải phóng miền Nam Việt Nam”.
Chủ quyền biển đảo bị đe dọa, quần đảo Trường Sa của Việt Nam
luôn bị tranh chấp, lấn chiếm bằng các thủ đoạn quân sự. Biên giới phía
Bắc và Tây Nam tuy không còn xung đột vũ trang quy mô lớn nhưng
còn ẩn chứa nhiều yếu tố bất ổn có thể bùng nổ ở quy mô cục bộ. Ở
vùng biên giới của Nam Bộ, những hậu quả của cuộc chiến tranh biên
giới với Khmer đỏ vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn.
Hệ thống xã hội chủ nghĩa bước vào tình trạng khủng hoảng chính
trị, kinh tế và bắt đầu tan rã từng phần. Tình hình ấy tác động tiêu cực
đến Việt Nam không chỉ về tinh thần và lòng tin vào tính chất ưu việt
của chế độ xã hội chủ nghĩa, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế vì
Việt Nam đang phải dựa chủ yếu vào sự viện trợ về nhiều mặt của Liên
Xô và các nước xã hội chủ nghĩa để tái thiết sau chiến tranh.
Tóm lại, Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới trong hoàn
cảnh có quá nhiều thử thách, khó khăn cả về tình hình thế giới, trong
nước, cả về kinh tế và xã hội. Tuy nhiên đó cũng chính là lý do và tình
thế đòi hỏi Việt Nam phải đổi mới để thoát ra khỏi tình thế hiểm nghèo.
Ở Nam Bộ, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, khó khăn chung của
cả nước, còn có nét riêng, là về xã hội có tính phức tạp cao hơn nhưng
về kinh tế lại thuận lợi hơn so với cả nước. Đặc điểm ấy được thể hiện
qua những vấn đề cụ thể sau:
Mặc dù đã giải phóng được hơn 10 năm nhưng di sản văn hóa, xã
hội của chủ nghĩa thực dân kiểu mới vẫn còn khá đậm nét. Quá trình
xây dựng xã hội mới và việc thực hiện chính sách hòa hợp dân tộc còn
CHƯƠNG IV: THỰC HIỆN ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI... 263

nhiều thiếu sót do đó chưa xóa hết ấn tượng phân biệt giữa hai bên
trong cuộc chiến. Rất nhiều gia đình có người thân là sĩ quan và nhân
viên cao cấp trong chính quyền Sài Gòn còn đang phải tập trung học
tập trong các trại cải tạo. Những nhóm tệ nạn xã hội của chế độ cũ như:
băng đảng trộm cắp, tội phạm, mại dâm, nghiện hút, buôn lậu… còn
khá nhiều và đang hoạt động trở lại với quy mô lớn hơn.
Về kinh tế, Nam Bộ có điều kiện phục hồi và phát triển nhanh hơn
trên nhiều mặt cơ bản như: về sản xuất nông nghiệp có diện tích đất
canh tác rộng lớn, phì nhiêu, thuận lợi cho cả trồng cây lương thực, cây
công nghiệp và đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản. Về công nghiệp, còn
khá nhiều cơ sở chế biến nông sản, sản xuất hàng tiêu dùng, cơ khí,
năng lượng, thủy điện… với trình độ công nghệ khá tiên tiến so với
vùng Đông Nam Á. Những cơ sở này có thể nhanh chóng phục hồi sản
xuất và đạt hiệu quả cao nếu có chính sách quản lý phù hợp. Về dịch vụ
thương mại, Thành phố Hồ Chí Minh và Nam Bộ có nhiều cơ sở khá
hiện đại như ngân hàng, trung tâm thương mại, phương tiện vận tải
bộ, thủy và kết cấu hạ tầng giao thông khá tốt như bến cảng, sân bay,
hệ thống đường bộ, đường sông. Một thuận lợi lớn của Nam Bộ là con
người Nam Bộ năng động, dám nghĩ, dám làm, đã tiếp xúc khá sớm
với kinh tế thị trường, sản xuất hàng hóa, và có thế mạnh về hoạt động
thương mại quy mô quốc gia và quốc tế.

II- NAM BỘ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH 5 NĂM PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ


HỘI (1986-1990)

Nam Bộ bước vào thực hiện đường lối đổi mới với những khó khăn
thử thách lớn hơn về xã hội, nhưng về kinh tế lại có những điều kiện
thuận lợi hơn so với các vùng miền và cả nước. Đó là điểm xuất phát
khi bước vào thời kỳ đổi mới, xây dựng và bảo vệ vùng đất phía Nam
của đất nước.
Nhiệm vụ trọng tâm của Nam Bộ trong thời gian đầu thực hiện
công cuộc đổi mới tập trung vào hai khu vực chính. Khu vực thứ nhất
264 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

là Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ (chủ yếu là Biên
Hòa), là nơi tập trung sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu. Khu vực
thứ hai là đồng bằng sông Cửu Long (miền Tây Nam Bộ), tập trung sản
xuất lương thực, thực phẩm. Trên cơ sở sản xuất cho nhu cầu nội địa,
nâng cao chất lượng để dành một phần cho xuất khẩu.
Theo đó, “Thành phố Hồ Chí Minh phải đầu tư cho các cơ sở
sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Đi đôi với việc củng cố
và phát triển các ngành nghề tiểu, thủ công nghiệp, kể cả kinh tế gia
đình, củng cố và tăng cường thương nghiệp xã hội chủ nghĩa tạo nên
một cơ cấu kinh tế hợp lý để phát huy tác dụng của Thành phố Hồ
Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn. Cùng với việc xây dựng và phát
triển công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp, thành phố cần xây dựng
vành đai lương thực ở ngoại thành, khai thác tiềm năng lao động đất
đai để có khả năng cung ứng nông sản cho thành phố. Thành phố Hồ
Chí Minh phát huy tinh thần “cùng cả nước, vì cả nước” vươn lên
trở thành một trung tâm kinh tế - văn hóa lớn của khu vực và của cả
nước, đóng góp xứng đáng vào việc thực hiện ba chương trình kinh
tế lớn của cả nước”.
Trong khi khẩn trương đưa các kết quả nghiên cứu khoa học kỹ
thuật vào áp dụng nhằm thực hiện thắng lợi chương trình kinh tế lớn,
“các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phải coi trọng nhiệm vụ cải tạo và
hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, củng cố các hợp tác xã,
tập đoàn sản xuất nông nghiệp, xây dựng nền sản xuất nông nghiệp
toàn diện”.

1. Xây dựng và phát triển kinh tế


a- Xây dựng và phát triển kinh tế ở miền Tây Nam Bộ
Để thực hiện chương trình kinh tế lớn về sản xuất nông nghiệp, các
tỉnh Nam Bộ đã đẩy mạnh công tác khai hoang, phục hóa, mở rộng diện
tích canh tác, đồng thời tích cực xây dựng các công trình thủy lợi vừa
và nhỏ bằng nguồn lực của địa phương và sự hỗ trợ vốn của Chính phủ.
CHƯƠNG IV: THỰC HIỆN ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI... 265

Trên lĩnh vực nông nghiệp ở Nam Bộ, đầu năm 1988 có những biến
động lớn tác động cả hai chiều tích cực và tiêu cực đến sản xuất.
Ngày 5-4-1988, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10/NQ/TW
về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp. Nội dung cơ bản của nghị quyết
là: xóa bỏ cơ chế quản lý quan liêu bao cấp trong nông nghiệp, chuyển
sang cơ chế tự chủ, tự hạch toán, tự chịu trách nhiệm. Nghị quyết xác
định hợp tác xã nông nghiệp là đơn vị tự chủ, tự quản, hộ gia đình xã
viên là đơn vị nhận khoán với hợp tác xã. Các hộ xã viên được giao
ruộng khoán ổn định trong vòng 15 năm, xóa bỏ chế độ chấm công
điểm và phân phối sản phẩm theo công điểm, mức khoán được quy
định theo chất lượng ruộng đất và ổn định trong 5 năm.
Nghị quyết số 10-NQ/TW (gọi tắt là khoán 10) thực chất là trao lại
quyền sử dụng có giới hạn về ruộng đất cho nông dân (15 năm), giải
phóng nông dân ra khỏi cung cách quản lý cứng nhắc của các hợp tác
xã, mức khoán sản phẩm cũng tương tự như đóng thuế nông nghiệp.
Những yếu tố ấy đã tạo ra động lực về lợi ích của nông dân nên sản xuất
nông nghiệp có bước phát triển rất mạnh cả về diện tích canh tác và sản
lượng nông sản.
Chính sách khoán sản phẩm đến hộ nông dân có ý nghĩa đặc biệt
đối với vùng canh tác lúa lớn nhất của cả nước ở đồng bằng sông Cửu
Long vì nó đáp ứng được một phần tập quán làm ăn lâu đời của nông
dân ở vùng này.
Trong khi chính sách khoán 10 nhanh chóng có tác động tích cực
đến sản xuất nông nghiệp ở Nam Bộ, thì đồng thời tình trạng tranh
chấp ruộng đất lại bùng phát mạnh hơn trên diện rộng và rất gay gắt ở
nhiều địa phương. Nguyên nhân của tình trạng này là hậu quả của thời
kỳ điều chỉnh ruộng đất theo kiểu “cào bằng”, “xáo canh”, mà không tính
đến yếu tố chính sách, lao động và sở hữu. Khi chính sách khoán 10 trao
lại quyền sử dụng ruộng đất ổn định 15 năm thì nông dân đòi lại phần
ruộng cũ của mình mà hợp tác xã đã phân cho người khác. Tình hình
tranh chấp đất đai diễn ra khá phức tạp vì liên quan đến nhiều đối tượng
như: giữa các hộ nông dân, giữa các xã giáp nhau, giữa các nông trường,
266 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

lâm trường với các địa phương… có những nơi xung đột biến thành các
cuộc đấu tranh của đông người, thậm chí tranh chấp bằng bạo lực. Tình
trạng tranh chấp ruộng đất không những đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản
xuất lương thực ở Nam Bộ mà quan trọng hơn là ảnh hưởng đến lòng
tin của nhân dân đối với tính công bằng trong chính sách ruộng đất của
Đảng và Nhà nước.
Trước tình hình diễn biến ngày càng phức tạp, ban lãnh đạo các
tỉnh ở Nam Bộ đã tổ chức những đoàn công tác xuống từng địa bàn có
tranh chấp để bàn bạc trực tiếp với nông dân. Trên tinh thần quán triệt
luật đất đai của Nhà nước, Nghị quyết số 47-CT/TW ngày 31-1-1988
của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 5-4-1988 và với quan
điểm “dân là gốc”, các tỉnh Nam Bộ đã nhanh chóng giải quyết hợp tình
hợp lý nhiều vụ tranh chấp cụ thể, làm cho tình hình đỡ căng thẳng,
từng bước đi đến giải quyết căn bản tình trạng tranh chấp đất đai trong
năm 1988 và 1989. Cụ thể như ở tỉnh Long An có tới 13.229 vụ tranh
chấp lớn nhỏ, trong năm 1988 tỉnh đã giải quyết tốt được 12.504 vụ,
chiếm 94,52%, chỉ còn 725 vụ, phần lớn là tranh chấp cá nhân trong họ
hàng thân tộc về quyền thừa kế, đất hương hỏa…
Giải quyết tốt vấn đề tranh chấp đất đai ở Nam Bộ vừa có ý nghĩa
rất lớn về kinh tế vì nó tạo động lực sản xuất cho hàng triệu nông dân,
đồng thời có ý nghĩa chính trị, xã hội to lớn vì đã giữ vững được ổn định
chính trị, trật tự xã hội, là điều kiện tiên quyết để thực hiện công cuộc
đổi mới trong thời kỳ đầu còn nhiều bỡ ngỡ và thử thách.
Là trọng tâm sản xuất lương thực trong quá trình thực hiện kế
hoạch 5 năm, trên toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long những năm
đầu thực hiện đổi mới đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, thể hiện
rõ nhất ở sản lượng lương thực tăng nhanh hằng năm. Năm 1985, toàn
vùng sản xuất được 6,9 triệu tấn lương thực, năm 1989 sản xuất 9 triệu
tấn, năm 1991 sản xuất 10,4 triệu tấn, năm 1993 sản xuất 11 triệu tấn,
tính bình quân mỗi năm tăng sản lượng 1 triệu tấn lương thực so với
năm trước. Đã có 7 tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt mức 1
triệu tấn lương thực/năm, đặc biệt An Giang có thể đạt 2 triệu tấn/năm.
CHƯƠNG IV: THỰC HIỆN ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI... 267

Sản lượng lương thực ở đồng bằng sông Cửu Long tăng nhanh
không những đã bảo đảm đủ lương thực cho cả nước mà còn đưa Việt
Nam từ chỗ phải nhập khẩu lương thực trở thành nước xuất khẩu lương
thực đứng thứ ba thế giới.
Theo số liệu năm 1993, thu nhập GDP bình quân đầu người của
Việt Nam khoảng 166 USD/người thì ở đồng bằng sông Cửu Long bình
quân đầu người đã đạt 213 USD/người.
So sánh tốc độ tăng trưởng GDP của đồng bằng sông Cửu Long với
cả nước trong những năm đầu đổi mới như sau: thời kỳ 4 năm từ năm
1981 đến năm 1985, tốc độ tăng trưởng của cả nước là 5,0% thì tốc độ
tăng trưởng của đồng bằng sông Cửu Long chỉ là 3%, nhưng đến thời kỳ
từ 1986 đến 1990, tốc độ cả nước là 6% thì tốc độ của đồng bằng sông
Cửu Long là 10,9%. Thời kỳ từ 1991 đến 1992, tốc độ cả nước là 7,1% thì
tốc độ của đồng bằng sông Cửu Long là 9,5%.
Chỉ tính riêng tốc độ tăng trưởng về tỷ trọng sản lượng nông nghiệp
so với cả nước thì năm 1986, đồng bằng sông Cửu Long chiếm 32,8%,
đến năm 1990 tăng lên 36,1% và năm 1992 là 37,6%. Tốc độ tăng trưởng
sản lượng nông nghiệp bình quân thời kỳ 1986 đến 1990 của đồng bằng
sông Cửu Long là 7,5% thì thời kỳ 1991-1992 là 11%/năm.
Nhìn chung tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm xã hội của vùng
đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ đầu đổi mới là 8,4%, cao hơn tốc độ
chung của cả nước là 6%, trong đó tốc độ các ngành kinh tế như sau:
nông nghiệp tăng 7,63%, công nghiệp 6,58%, xây dựng cơ bản 17,34%,
dịch vụ 12,79%.
Nhìn từ góc độ sinh thái, nhân văn và tiềm năng, điều kiện phát
triển kinh tế thì vùng đồng bằng sông Cửu Long có thể chia thành ba
tiểu vùng là: Tiểu vùng giữa sông Tiền và sông Hậu, Tiểu vùng bắc
sông Tiền và tiểu vùng tây sông Hậu. Sự phát triển trên từng vùng có
sự khác nhau:
Tiểu vùng giữa sông Tiền và sông Hậu (gồm các tỉnh Vĩnh Long, Trà
Vinh, Bến Tre): Đây là vùng đất nông nghiệp gồm một phần là vùng đất
nhiễm mặn ven biển thuộc Bến Tre và Trà Vinh, còn lại là vùng đất phù
268 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

sa rất màu mỡ và rộng lớn nằm giữa hai con sông. Vùng này cho năng
suất lúa khá cao. Tuy nhiên, đặc điểm của vùng này là dân số đông, mật
độ cư trú khá cao, vùng đất phù sa đã khai thác hết nên bình quân diện
tích canh tác trên đầu người thấp hơn các vùng khác. Vì vậy, tốc độ tăng
trưởng GDP bình quân hằng năm cũng thấp hơn các vùng khác: năm
1992 Vĩnh Long tăng trưởng 5,9%, Trà Vinh tăng trưởng 6,9%, Bến Tre
tăng trưởng dưới 4%, tính chung tốc độ tăng trưởng của tiểu vùng là
hơn 5,5%. Tỷ lệ cư dân đô thị chiếm 8,38%.
Tiểu vùng tây sông Hậu (gồm các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Minh
Hải, Cần Thơ, Sóc Trăng): Vùng này chiếm 58% diện tích và 51% dân
số của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tổng sản lượng lương thực
của tiểu vùng này gần gấp rưỡi sản lượng của hai tiểu vùng kia cộng
lại. Tiểu vùng này không chỉ có thế mạnh về trồng lúa mà do có ba mặt
giáp biển nên còn có tính đa dạng sinh học, tạo ra những ngành kinh
tế ngoài nông nghiệp như đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản, khai thác
lâm nghiệp ở các khu rừng ngập mặn, ngập phèn, ngập nước ngọt. Tiểu
vùng này còn có lợi thế về giao thương trong và ngoài nước do có những
con sông lớn, những cửa biển thuận lợi cho giao thông đường thủy và
có một số cảng biển. Tỷ lệ cư dân đô thị chiếm 20,43%, cao nhất so với
hai tiểu vùng kia.
Tiểu vùng bắc sông Tiền (bao gồm các tỉnh Tiền Giang, Long An,
Đồng Tháp): Vùng này có tiềm năng đất nông nghiệp rộng lớn ở phía
bắc là Đồng Tháp Mười đang được khai thác, đồng thời có vùng đất phù
sa ở Tiền Giang và nam Long An là vùng lúa cao sản và chất lượng cao.
Do có lợi thế đó mà tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn tiểu vùng giữa
sông Tiền và sông Hậu, cụ thể là năm 1992: Tiền Giang tăng trưởng 7,7%,
Long An tăng trưởng 16,4%, Đồng Tháp tăng trưởng 7,4%, tốc độ tăng
trưởng trung bình của cả tiểu vùng là 10,5%. Tỷ lệ cư dân đô thị chiếm
14,80%.
Trên tiểu vùng bắc sông Tiền thời kỳ này đã phát huy thành quả của
chương trình cải tạo, khai thác tiềm năng Đồng Tháp Mười của tỉnh
Long An. Chương trình này đã xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp
CHƯƠNG IV: THỰC HIỆN ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI... 269

trên một vùng rộng lớn, khai thác được nhiều diện tích canh tác và tăng
sản lượng lương thực đáng kể, góp phần to lớn thực hiện ba chương
trình kinh tế lớn.
Chương trình Đồng Tháp Mười của Long An đã được Chính phủ
đánh giá “là một chương trình chiến lược, vừa tổng hợp, vừa cụ thể, vừa
thực tiễn, vừa rất khoa học, có thuận lợi và cũng nhiều khó khăn, phức
tạp ngay từ lúc khởi đầu. Thực tiễn ở Long An đã tăng thêm niềm tin
cho nhiều nhà khoa học và giúp thêm Trung ương có đủ cơ sở đánh giá
tiềm năng to lớn về nông - lâm - ngư nghiệp của vùng Đồng Tháp Mười.
Từ cách làm thích hợp của Long An đã đem lại hiệu quả là có khả năng
phát triển nhanh để có tỷ suất hàng hóa cao góp phần cho kinh tế cả
vùng, cả nước, tăng thu nhập cho nhân dân trong vùng. Một điều rất rõ
ràng là không có đầu tư nào rẻ hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn là đầu
tư vào sản xuất lúa ở Đồng Tháp Mười”.
Từ nhận định đó, Chính phủ quyết định mở rộng mô hình khai
thác toàn bộ vùng Đồng Tháp Mười gồm ba tỉnh có liên quan là Long
An, Đồng Tháp và Tiền Giang.
Ngày 18-3-1988, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ra Chỉ thị 74/CP về
việc “Phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng Tháp Mười trong kế hoạch
1988-1990” theo hướng: “… lấy nhiệm vụ sản xuất lương thực, thực
phẩm làm nhiệm vụ trung tâm, đồng thời đẩy mạnh trồng rừng (chủ
yếu là cây bạch đàn, cây tràm). Phải từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng
bảo đảm cho phát triển nông - lâm - ngư nghiệp, thực hiện phân bố lại
lao động và dân cư bảo đảm yêu cầu phát triển sản xuất cùng với phát
triển kinh tế, phải đặc biệt chú trọng từng bước nâng cao đời sống văn
hóa tinh thần của dân cư trong vùng”.
Chương trình khai thác Đồng Tháp Mười được đẩy mạnh trong
thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến năm 1991 đã đạt kết quả cụ thể như
sau: đã khai hoang và đưa vào sử dụng 50.000 ha đất trồng lúa, chuyển
được 15.000 ha lúa một vụ lên hai vụ, đưa tổng sản lượng toàn vùng từ
250.000 tấn (năm 1986) lên 600.000 tấn (năm 1991) (chủ yếu là lúa hàng
hóa), chiếm 60% tổng sản lượng lương thực toàn tỉnh.
270 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Sự phát triển kinh tế vùng Đồng Tháp Mười đã làm thay đổi bộ mặt
văn hóa - xã hội và phân bố dân cư. Tính đến năm 1990, riêng vùng Đồng
Tháp Mười thuộc Long An đã tiếp nhận thêm 26.000 hộ/51.000 nhân
khẩu từ nhiều nơi đến định cư, lập nghiệp (trong đó 24.000 hộ/40.000
nhân khẩu đến từ các huyện trong tỉnh Long An).
Vùng Đồng Tháp Mười thuộc Long An đã thành lập thêm 18 xã và 1
huyện, đồng thời tiến hành từng bước xây dựng Mộc Hóa thành trung
tâm kinh tế, văn hóa - xã hội của Đồng Tháp Mười.

b- Xây dựng và phát triển kinh tế ở miền Đông Nam Bộ


Ngay sau khi có đường lối đổi mới của Đại hội Đảng lần thứ VI,
Chính phủ đã đưa ra chủ trương thành lập các “tam giác kinh tế” trọng
điểm ở các khu vực. Trên phạm vi cả nước có tam giác kinh tế ở miền
Bắc (đơn vị hạt nhân là Hà Nội, cùng với Hải Phòng và Quảng Ninh),
tam giác kinh tế miền Trung (Đà Nẵng là hạt nhân - cùng với Huế và
Quảng Ngãi), tam giác kinh tế trọng điểm phía Nam (lấy Thành phố
Hồ Chí Minh làm hạt nhân, cùng với Biên Hòa và Bà Rịa - Vũng Tàu).
Để thực hiện nhiệm vụ sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu, Thành
phố Hồ Chí Minh và Biên Hòa - Đồng Nai đã tích cực khôi phục sản
xuất cho các xí nghiệp và khuyến khích các thành phần kinh tế bung ra
sản xuất. Các cơ sở sản xuất công nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh và
Đông Nam Bộ đã góp phần to lớn vào tốc độ tăng trưởng sản xuất công
nghiệp của cả nước: năm 1986 tăng 7,3% so với năm 1985, đến năm
1987 tăng 6,7% so với năm 1986. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ xây dựng
và phát triển thì ngành công nghiệp ở Nam Bộ chủ yếu dựa vào sự khôi
phục năng lực sản xuất cho những cơ sở cũ nhưng chưa đầy đủ, chưa
xây dựng được nhiều cơ sở công nghiệp mới có trình độ công nghệ tiên
tiến hơn.
Thành phố Hồ Chí Minh có vai trò hạt nhân trong tam giác kinh
tế phía Nam vì vừa có tiềm năng lớn nhất về công nghiệp, vừa là đầu
mối giao thông đường biển và đường không đối với khu vực và thế
giới. Tinh thần đổi mới của Đại hội Đảng lần thứ VI với chủ trương
CHƯƠNG IV: THỰC HIỆN ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI... 271

huy động tất cả các thành phần kinh tế đã tạo điều kiện cho Thành phố
Hồ Chí Minh phục hồi sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Rất
nhiều cơ sở sản xuất đã được phục hồi và nâng cao hiệu quả sản xuất
như: ngành dệt may (tiêu biểu là Công ty dệt Phong Phú và Công ty dệt
Thành Công), ngành da giày (xí nghiệp Biti’s), các xí nghiệp chế biến
thực phẩm (dầu ăn, bột ngọt, sữa, bia, nước giải khát, thực phẩm đông
lạnh…), xí nghiệp chế biến cao su, xí nghiệp cơ khí (Cophaco). Nhìn
chung đây là thời kỳ “bung ra sản xuất” rất sôi nổi và nhanh chóng đưa
ra thị trường được nhiều hàng tiêu dùng phục vụ cho nhu cầu hằng
ngày của nhân dân và một phần cho xuất khẩu. Tuy nhiên, phần lớn
hàng xuất khẩu vẫn còn ở dạng bán thành phẩm nên lợi nhuận chưa cao
và chưa có sức cạnh tranh.
Về kinh tế đối ngoại, trong năm 1988 đã có 5 dự án đầu tư nước
ngoài với tổng số vốn là 69 triệu USD.
Ở Biên Hòa: từ trước năm 1975 đã là khu công nghiệp tập trung khá
nhiều cơ sở sản xuất có công nghệ tương đối tiên tiến so với khu vực
Đông Nam Á như: vật liệu xây dựng, cơ khí nông nghiệp, công nghiệp
chế biến, công nghiệp thực phẩm, điện gia dụng, điện tử… Sau một
thời gian trì trệ do ảnh hưởng của công tác cải tạo quan hệ sản xuất,
đến năm 1987, hầu hết các xí nghiệp đã được phục hồi sản xuất và đưa
ra thị trường nhiều sản phẩm công nghiệp, hàng tiêu dùng và một phần
xuất khẩu.
Ở Bà Rịa - Vũng Tàu: tuy không có nhiều xí nghiệp sản xuất hàng
tiêu dùng nhưng có tầm quan trọng đặc biệt trong tam giác kinh tế
trọng điểm phía Nam vì đó là thành phố của ngành công nghiệp dầu khí
còn non trẻ của Việt Nam.
Tóm lại, về xây dựng và phát triển kinh tế ở Nam Bộ đã hình thành
hai khu vực với những tiềm năng khác nhau và bổ trợ cho nhau. Đó là
tiềm năng rất lớn về nông - lâm - ngư nghiệp ở miền Tây Nam Bộ và
tiềm năng rất lớn về phát triển công nghiệp ở miền Đông Nam Bộ. Tuy
nhiên, những tiềm năng ấy mới được khai thác bước đầu, hoặc mới
được phục hồi sau một thời gian trì trệ hàng chục năm.
272 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

2. Phát triển văn hóa - xã hội


Trong hoàn cảnh đất nước còn trong tình trạng khủng hoảng kinh
tế - xã hội khá trầm trọng, việc chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho
nhân dân còn nhiều hạn chế, nhất là đối với những vùng sâu, vùng xa,
vùng căn cứ cách mạng cũ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân
còn nhiều khó khăn do thiếu đường giao thông, thiếu trường học cho
con em nhân dân, thiếu trạm y tế và thuốc chữa bệnh, thiếu hàng tiêu
dùng thiết yếu, có nơi còn thiếu cả lương thực.
Ở các thành phố và thị xã, thị trấn, tình hình lại phức tạp theo
hướng khác. Đó là tình trạng vượt biên trái phép vẫn diễn biến phức
tạp, các loại tệ nạn xã hội phát triển theo chiều hướng xấu như nạn trộm
cướp, nạn mại dâm, cờ bạc, mê tín dị đoan, nạn chợ đen, tham ô hối
lộ… diễn ra khá phổ biến.
Tình hình xã hội vốn đã phức tạp do khủng hoảng kinh tế gây ra,
lại thêm những thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của kẻ thù luôn tìm mọi
cách xuyên tạc, chia rẽ giữa nhân dân với Đảng và chính quyền, chia rẽ
tôn giáo và sắc tộc, chia rẽ Bắc - Nam.
Mặc dù tình hình còn rất nhiều khó khăn to lớn như vậy nhưng
chính quyền các địa phương thuộc Nam Bộ vẫn cố gắng thực hiện các
chính sách xã hội do Đảng và Chính phủ ban hành.
Trước hết và quan trọng nhất vẫn là chính sách đối với những người
có công trong hai cuộc kháng chiến, gồm các công việc: xây dựng nghĩa
trang liệt sĩ, quy tập hài cốt liệt sĩ về các nghĩa trang, chứng nhận và thực
hiện chính sách trợ cấp đối với thương binh và gia đình liệt sĩ, chứng nhận
và thực hiện chính sách với những gia đình, cá nhân có công với cách
mạng. Công việc này ở tất cả các địa phương đều có khối lượng rất lớn
và rất khó khăn vì thời gian của hai cuộc kháng chiến quá dài, số lượng
thương binh, liệt sĩ rất nhiều và phần lớn hồ sơ lưu trữ đã bị thất lạc.
Đối với nhân dân ở vùng sâu, vùng xa và vùng căn cứ cũ, chính
quyền các cấp cố gắng sửa chữa cầu đường, lập trường mẫu giáo, tiểu
học, lập trạm y tế, nhà hộ sinh, làm công tác vệ sinh phòng bệnh… giúp
CHƯƠNG IV: THỰC HIỆN ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI... 273

nhân dân đỡ khó khăn trong việc khám, chữa bệnh và bảo vệ sức khỏe
cộng đồng. Ngành văn hóa thông tin cố gắng tăng cường lắp đặt các
trạm phát thanh, truyền thanh đến thôn, ấp và lập các đội chiếu phim
đi phục vụ những vùng hẻo lánh. Các địa phương đều chú ý và cố gắng
phát động phong trào văn nghệ quần chúng và thể dục thể thao trong
các cơ quan, xí nghiệp và trong nhân dân.
Chính sách hòa hợp dân tộc tiếp tục được thực hiện tốt, nhất là
đối với những gia đình mất người thân trong cuộc chiến và có người
thân đang tập trung học tập cải tạo. Đối với những người đã hết hạn tập
trung cải tạo đã được trở về gia đình và được phục hồi quyền công dân.
Nhìn chung trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, các cấp chính quyền địa
phương luôn thực hiện nghiêm chỉnh các chính sách của Đảng và Nhà
nước nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn nên hiệu quả và chất lượng
thực hiện các mặt công tác xã hội chưa cao.

3. Xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh


Về an ninh, quốc phòng ở Nam Bộ thời kỳ này có ba vấn đề lớn là:
giữ vững an ninh chính trị, chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo
loạn lật đổ ở nội địa; củng cố giữ vững biên giới; giúp đỡ nhân dân
Campuchia xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng.
Đối với vấn đề thứ nhất, các địa phương ở Nam Bộ cũng như trong
cả nước đều triển khai công tác xây dựng “Khu vực phòng thủ tỉnh -
thành phố” với mục tiêu: mạnh về kinh tế, mạnh về chính trị và mạnh
về quân sự để có thể chiến đấu độc lập trong thế chiến tranh nhân dân
nếu có chiến tranh xâm lược xảy ra, đồng thời xây dựng thế trận an ninh
nhân dân để có thể đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”,
bạo loạn lật đổ, giữ vững ổn định chính trị ở từng địa phương.
Các địa phương và hai Quân khu ở Nam Bộ đều có kế hoạch tác
chiến phòng thủ và chống bạo loạn lật đổ, hằng năm đều có tổ chức diễn
tập theo các tình huống trong kế hoạch. Các địa phương đều thực hiện
nghiêm chỉnh Luật nghĩa vụ quân sự, hằng năm động viên đủ số thanh
niên nhập ngũ.
274 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Đối với vấn đề bảo vệ biên giới: các địa phương có đường biên
giới đều tích cực phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời vận động và
giúp đỡ nhân dân ổn định đời sống, phát triển sản xuất để xây dựng và
củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân
nhằm bảo vệ vững chắc và xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị với
Campuchia.
Đối với nhiệm vụ quốc tế: thời kỳ này còn có rất nhiều đơn vị quân
tình nguyện của hai Quân khu và của các tỉnh Nam Bộ đang làm nhiệm
vụ trên đất Campuchia. Các đơn vị này có nhiệm vụ truy quét, tiêu diệt
các nhóm tàn quân của Khmer đỏ còn đang hoạt động, bảo vệ tính
mạng, tài sản của nhân dân Campuchia, đồng thời giúp bạn xây dựng
và bảo vệ chính quyền cách mạng. Để thực hiện nhiệm vụ này không
chỉ có các tỉnh có biên giới mà tất cả các tỉnh của Nam Bộ đều đóng
góp sức người, sức của, lương thực, thực phẩm để nuôi quân và giúp đỡ
nhân dân các tỉnh của nước bạn. Nhiệm vụ này đã hoàn thành tốt đẹp
và Quân tình nguyện Việt Nam đã rút hết về nước vào cuối năm 1989.
Hai vấn đề bảo vệ vững chắc biên giới và làm nhiệm vụ quốc tế có
mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Các đơn vị Quân tình nguyện đã đánh
địch từ nội địa của Campuchia, làm cho chúng không có khả năng tấn
công, quấy rối vùng biên giới, đồng thời củng cố vững chắc biên giới
chính là công tác bảo đảm hậu phương trực tiếp của các đơn vị quân
tình nguyện đang làm nhiệm vụ chiến đấu.
Nhìn lại việc thực hiện kế hoạch 5 năm 1986-1990 cũng là kế hoạch 5
năm đầu tiên của thời kỳ đổi mới, tình hình kinh tế - xã hội ở vùng đất
Nam Bộ đã có nhiều lĩnh vực chuyển biến tích cực, cụ thể và rõ nét.
Về phát triển kinh tế: các chỉ tiêu cơ bản của ba chương trình kinh
tế lớn đều đạt được, nhất là chương trình sản xuất lương thực đã thành
công lớn hơn dự định, góp phần quan trọng đưa Việt Nam thoát khỏi
danh sách các nước phải nhập khẩu lương thực và trở lại là nước xuất
khẩu gạo. Chương trình sản xuất hàng tiêu dùng cũng đạt các chỉ tiêu
chính nhưng điều quan trọng hơn là đã phục hồi và nâng cao năng lực
sản xuất cho các cơ sở công nghiệp của các thành phần kinh tế, tạo đà
CHƯƠNG IV: THỰC HIỆN ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI... 275

mạnh mẽ cho thời kỳ sau. Riêng chương trình sản xuất hàng xuất khẩu
chưa đạt yêu cầu cao, vẫn còn ở tình trạng xuất cảng bán thành phẩm
nên chưa tạo được giá trị cao, chưa có sức cạnh tranh mạnh. Sự thành
công của ba chương trình kinh tế lớn đã bước đầu chặn đứng được đà
khủng hoảng kinh tế - xã hội đang ngày càng trầm trọng.
Về văn hóa - xã hội đã tạo được bước chuyển biến bước đầu theo
chiều hướng tích cực nhưng thành quả còn hạn chế do chưa đủ điều
kiện về kinh tế, tài chính.
Về an ninh, quốc phòng: đã giữ vững được ổn định chính trị, trật
tự xã hội, đánh bại nhiều âm mưu gây bất ổn của kẻ thù, giữ vững vùng
biên giới, không để xảy ra xung đột quân sự.
Tóm lại, mặc dù đất nước chưa ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh
tế - xã hội nhưng việc thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ tư có
ý nghĩa rất lớn là chứng minh và khẳng định tính đúng đắn của đường
lối đổi mới, đồng thời chặn đứng được đà khủng hoảng đang diễn biến
phức tạp, tạo tiền đề về lý luận, thực tiễn và sự đồng thuận của nhân dân
để tiếp tục con đường đổi mới mạnh mẽ và toàn diện hơn.

III- PHÁT HUY THÀNH QUẢ ĐỔI MỚI, TỪNG BƯỚC THOÁT KHỎI
KHỦNG HOẢNG KINH TẾ - XÃ HỘI

Từ những tiền đề về lý luận và thực tiễn mà Đại hội Đảng lần thứ
VI đã tạo ra, Đại hội Đảng lần thứ VII (tháng 6-1991) đề ra Cương lĩnh
xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến
lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000. Đây là những
chỉ đạo và định hướng phát triển kinh tế - xã hội tầm vĩ mô trên phạm
vi toàn quốc.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã
hội xác định mục tiêu xây dựng “nhà nước của nhân dân, do nhân dân,
vì nhân dân”1. “Nhà nước Việt Nam thống nhất ba quyền lập pháp, hành
pháp và tư pháp, với sự phân công rành mạch ba quyền đó”2.

1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 51, tr. 135, 146.
276 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Đại hội lần thứ VII đề ra mục tiêu tổng quát cho thời kỳ từ 1991 đến
1995 như sau: “vượt qua khó khăn thử thách, ổn định và phát triển kinh
tế - xã hội, tăng cường ổn định chính trị, đẩy lùi tiêu cực và bất công xã
hội, đưa nước ta cơ bản ra khỏi tình trạng khủng hoảng”1.
Sau khi có Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VII và Cương lĩnh xây
dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tình hình thế
giới có những thay đổi lớn ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh
tế - xã hội của Việt Nam. Đó là sự sụp đổ của thể chế chính trị ở Liên
Xô làm cho các hiệp định hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật,
an ninh quốc phòng giữa Liên Xô với Việt Nam tạm thời mất hiệu lực.
Sự kiện này đã làm cho nền kinh tế Việt Nam rơi vào tình trạng thiếu
nguyên liệu, thiếu năng lượng, thiếu nguồn ngoại tệ, các hoạt động xuất
khẩu và nhập khẩu chủ yếu cũng bị đình trệ. Năm 1991, thời tiết cũng
không thuận lợi nên vụ đông xuân bị thiệt hại nặng về sản lượng lương
thực trên cả ba miền đất nước.
Cuối năm 1991, Ban Chấp hành Trung ương đã triệu tập Hội nghị
lần thứ 2 khóa VII nhằm bàn biện pháp ổn định và phát triển kinh tế -
xã hội những năm 1992-1995 và nhiệm vụ trước mắt của năm 1992. Hội
nghị xác định trọng tâm của thời kỳ này là lập lại trật tự trong nền kinh
tế, lành mạnh các quan hệ xã hội, tạo môi trường và điều kiện phát
huy mạnh mẽ tiềm năng trong nước, tận dụng có hiệu quả những khả
năng mới trong việc mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, mở rộng thị
trường, thu hút vốn và công nghệ từ bên ngoài, tạo chỗ đứng trên thị
trường thế giới.

1. Xây dựng, phát triển kinh tế ở Nam Bộ thời kỳ 1991-1995


Trên tinh thần chỉ đạo của đường lối Đại hội Đảng lần thứ VII và
kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của Chính phủ, các tỉnh ở
Nam Bộ bước đầu xây dựng kinh tế - xã hội theo hướng phát triển công
nghiệp và gắn với giải quyết các vấn đề xã hội nhằm đưa địa phương
mình và đất nước thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội.

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 51, tr.89.
CHƯƠNG IV: THỰC HIỆN ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI... 277

Về xây dựng, phát triển kinh tế


Ngay sau khi có đường lối đổi mới của Đại hội Đảng lần thứ VI
(năm 1986), trong khi từng địa phương trong cả nước còn đang tìm
cách thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội thì Đảng và Nhà nước đã
có ý tưởng về phát triển các “vùng kinh tế”. Đó là sự đổi mới về tư duy
từ phát triển theo từng tỉnh sang hướng quy hoạch những vùng kinh tế
lớn để khai thác thế mạnh đặc thù của từng khu vực.
Trên phạm vi toàn quốc, căn cứ vào yếu tố địa - kinh tế và những
tiềm năng đặc thù, Việt Nam có 6 vùng kinh tế là: vùng đồng bằng sông
Hồng, vùng Đông Nam Bộ, vùng duyên hải Trung bộ, vùng trung du,
miền núi Bắc bộ, vùng Tây Nguyên, vùng Tây Nam Bộ (đồng bằng sông
Cửu Long). Trong đó vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ thuộc địa
phận Nam Bộ.
Trên tinh thần đó, ngay từ cuối năm 1987, Việt Nam đã ban hành
Luật đầu tư nước ngoài nhằm thu hút vốn cho các vùng kinh tế. Đến
năm 1991, Chính phủ ban hành Nghị định 322/HĐBT ngày 18-10-1991
về quy chế khu chế xuất. Đến cuối năm 1994 lại ban hành Nghị định
192/CP ngày 28-12-1994 về quy chế khu công nghiệp.
Các vùng kinh tế được đánh giá về tiềm năng và phương hướng
phát triển như sau:
Vùng Đông Nam Bộ: bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai,
Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh. Vùng Đông
Nam Bộ có yếu tố địa - kinh tế khá thuận lợi: là nơi có những đầu
mối giao thông lớn nối với các vùng trong nước và quốc tế như: sân
bay quốc tế, cảng biển quốc tế, quốc lộ 1 xuyên Việt, quốc lộ 22 nối
với Campuchia - Thái Lan, đường sông Mêkông nối với Campuchia…
Vùng này đã đạt trình độ phát triển kinh tế cao hơn các vùng khác trong
cả nước. Đây sẽ là vùng đại diện cho sự phát triển năng động và hội
nhập quốc tế tích cực của Việt Nam.
Đông Nam Bộ là vùng có tốc độ đô thị hóa khá nhanh, tỷ lệ dân
số sinh sống ở đô thị đã đạt trên 43%. Trong vùng này có Thành phố
Hồ Chí Minh là trung tâm lớn về kinh tế, công nghiệp, thương mại,
278 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

dịch vụ, khoa học kỹ thuật, đồng thời là cửa ngõ giao thương với nước
ngoài bằng đường hàng không, đường biển, đường sông và đường bộ.
Lực lượng lao động ở Thành phố Hồ Chí Minh có số lượng lớn và chất
lượng cao hơn so với các vùng khác, đồng thời cũng là nơi thu hút rất
nhiều lao động từ các nơi khác đến. Thành phố Hồ Chí Minh có vai trò
trung tâm kinh tế, vai trò hạt nhân, đầu tàu, có sức lan tỏa lớn ra toàn
vùng Nam Bộ.
Hướng phát triển của Đông Nam Bộ sẽ là trung tâm công nghiệp
lớn của cả nước, đóng vai trò đi đầu trên các lĩnh vực, nhất là công
nghiệp hóa phải hướng đến các ngành có hàm lượng kỹ thuật cao phục
vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Vùng Tây Nam Bộ (Đồng bằng sông Cửu Long): bao gồm 12 tỉnh từ
Long An đến Cà Mau, diện tích tự nhiên 39.570 km2, dân số 14,6 triệu
người (số liệu năm 1999). Đây là vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu
Long có đất đai canh tác rất phì nhiêu, có thế mạnh về sản xuất nông sản
nhiệt đới như: lương thực (lúa), nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn trái.
Thực trạng của đồng bằng sông Cửu Long thời điểm đó là: kết
cấu hạ tầng gồm giao thông đường bộ, mạng lưới điện, cung cấp nước
sạch, bưu chính viễn thông còn yếu và thiếu, giáo dục đào tạo kém
phát triển, nhìn chung trình độ dân trí còn thấp, sản xuất nông nghiệp
bị ảnh hưởng của lũ lụt hằng năm, công nghiệp, dịch vụ chưa phát
triển, mức sống của nhân dân còn thấp, tích lũy từ nội bộ nền kinh tế
còn rất nhỏ.
Định hướng phát triển của vùng này là nền nông nghiệp, sinh thái,
coi trọng thâm canh, lợi dụng và chung sống với lũ lụt. Chú trọng bảo
vệ, chống cháy rừng, phát triển ngành thủy sản trở thành ngành kinh tế
mũi nhọn, góp tỷ trọng lớn trong xuất cảng thủy sản của cả nước.
Về công nghiệp, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến lương thực,
thực phẩm, phát triển mạnh thương mại, dịch vụ và các loại hình du
lịch sinh thái. Phát huy hiệu quả của mạng lưới giao thông đường thủy
sẵn có, từng bước hoàn chỉnh mạng đường bộ, cảng sông, cảng biển,
cảng hàng không trong phạm vi nội địa và quốc tế.
CHƯƠNG IV: THỰC HIỆN ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI... 279

Như vậy, trong tổng thể 6 vùng kinh tế của cả nước, Nam Bộ chiếm
hai vùng quan trọng và có thế mạnh so với các vùng khác là công nghiệp
ở miền Đông và nông nghiệp ở miền Tây Nam Bộ. Việc xác định các
vùng kinh tế trên phạm vi cả nước là tiền đề hình thành các vùng kinh
tế trọng điểm sau này.
Trên cơ sở định hướng phát triển tổng quát của các vùng kinh tế
như trên, ở mỗi vùng đã hình thành những “tam giác tăng trưởng” như:
ở phía Bắc có tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, ở Trung Bộ
có tam giác Huế - Đà Nẵng - Quảng Ngãi, miền Đông Nam Bộ hình
thành tam giác Thành phố Hồ Chí Minh - Biên Hòa - Vũng Tàu, trong
đó Thành phố Hồ Chí Minh đóng vai trò hạt nhân với sự đa dạng của
các ngành công nghiệp và dịch vụ với trình độ kỹ thuật khá cao, Biên
Hòa đã là trung tâm công nghiệp nhẹ và cơ khí, Vũng Tàu hình thành
trung tâm công nghiệp dầu khí và dịch vụ đường biển.
Sự phát triển kinh tế ở miền Đông Nam Bộ thời kỳ này chủ yếu tập
trung vào phát triển công nghiệp ở “tam giác tăng trưởng” là Thành phố
Hồ Chí Minh - Biên Hòa - Vũng Tàu. Tình hình diễn ra cụ thể như sau:
Ở Thành phố Hồ Chí Minh, ngay sau khi có quy chế về khu chế xuất
(năm 1991), Thành phố đã đi đầu với việc xây dựng “khu chế xuất Tân
Thuận” thuộc huyện Nhà Bè, gần cảng Sài Gòn. Sự ra đời của khu chế
xuất đầu tiên này là một bước đột phá, tạo ra tiền đề và kinh nghiệm để
Thành phố Hồ Chí Minh mạnh dạn kêu gọi đầu tư nước ngoài để phát
triển công nghiệp.
Từ kinh nghiệm của khu chế xuất Tân Thuận, Thành phố Hồ Chí
Minh quyết định phát triển nhanh loại hình này nên năm 1992 đã
thành lập “Ban quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất” (Hepza),
đồng thời cho ra đời một loạt các doanh nghiệp được mở rộng quy mô
và nâng cao công nghệ. Đến năm 1994, sau khi có quy chế khu công
nghiệp, Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành xây dựng thêm khu chế xuất
thứ hai ở Linh Trung với quy mô lớn hơn và đa dạng sản phẩm hơn so
với Tân Thuận.
280 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Trong thời gian từ năm 1991 đến 1995, ở Thành phố Hồ Chí Minh
ra đời gần 20 tổng công ty và công ty lớn thuộc nhiều ngành như: ngành
dệt may có 3 công ty lớn (Phong Phú, Thành Công, Việt Thắng), chế
biến thực phẩm có ba nhà máy dầu ăn (Tường An, Tân Bình, Thủ Đức),
Công ty sữa Vinamilk, bột ngọt Vifon. Ngành rượu bia có Công ty bia
Sài Gòn, nước ngọt Chương Dương. Ngành cơ khí, điện có Nhà máy
bóng đèn Điện Quang, Nhà máy chế tạo quạt máy Cophaco, chế biến
cao su Casumina. Ngành dịch vụ có Công ty bưu chính viễn thông,
Công ty du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist), Công ty xăng dầu (Saigon
Petro), Công ty bảo hiểm (Bảo Minh)… và rất nhiều công ty nhỏ khác.
Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Thành phố Hồ Chí Minh thời
kỳ này cũng có những bước phát triển rõ nét so với trước và năm sau
tăng hơn năm trước: năm 1988 có 16 dự án với tổng số vốn là 69 triệu USD,
đến năm 1991 tăng lên là 75 dự án, tổng vốn là 585 triệu USD, năm 1992
có 86 dự án/676 triệu USD, năm 1993 có 102 dự án/1 tỷ 556 triệu USD,
năm 1994 có 125 dự án/1 tỷ 507 triệu USD, năm 1995 có 155 dự án/2 tỷ
281 triệu USD. Đến năm 1995, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã
thu hút được vốn đầu tư của hàng chục nước, trong đó có 15 nước có
vốn đầu tư nhiều nhất: đứng đầu là Đài Loan với 133 dự án/1 tỷ 929.690
triệu USD, Hồng Kông với 81 dự án/1 tỷ 630.173 triệu USD... (đứng
cuối danh sách này là Đức với 7 dự án/207,073 triệu USD).
Ở Biên Hòa, hầu hết các xí nghiệp trong khu công nghiệp được
phục hồi và mở rộng quy mô sản xuất. Ở Vũng Tàu, ngành công nghiệp
khai thác dầu khí liên doanh với Liên bang Nga cũng đang phát triển và
mở rộng quy mô.
Nhìn chung sự tăng trưởng kinh tế ở Đông Nam Bộ chủ yếu dựa
vào sự phát triển công nghiệp của tam giác tăng trưởng Thành phố Hồ
Chí Minh - Biên Hòa - Vũng Tàu. Cùng với sự phát triển công nghiệp,
các mặt khác của nền kinh tế cũng có điều kiện phát triển nhanh hơn
như xây dựng hạ tầng cơ sở giao thông vận tải, cụ thể là mở rộng, sửa
chữa và làm mới nhiều đường bộ nhằm khai thác các vùng kinh tế và
CHƯƠNG IV: THỰC HIỆN ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI... 281

nâng cao đời sống cho nhân dân. Mở rộng mạng lưới điện quốc gia
phục vụ sản xuất, thủy lợi và đời sống nhân dân.
Về xây dựng cơ bản, thời kỳ này ở miền Đông Nam Bộ có những
công trình lớn đã phát huy tác dụng và mới đưa vào sử dụng là:
Nhà máy thủy điện Trị An được khởi công xây dựng từ năm 1984,
hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 1987, công suất 400 MW, sản lượng
hằng năm khoảng 1,7 tỷ KWh. Đến thời kỳ này, ngoài hiệu quả về cung
cấp điện còn phát huy tác dụng thủy lợi và thủy sản.
Hồ chứa nước ngọt ở Dầu Tiếng thuộc tỉnh Tây Ninh được xây
dựng từ những năm 1981-1985, có diện tích mặt nước 27.000 ha, sức
chứa 1,5 tỷ m3 nước. Hồ Dầu Tiếng là công trình thủy lợi lớn nhất ở
miền Đông Nam Bộ, giải quyết tưới tiêu cho một vùng đất canh tác rộng
lớn từ Tây Ninh, Bình Dương đến Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một
tiềm năng lớn về nông nghiệp của miền Đông Nam Bộ.
Công trình đường dây tải điện cao thế 500 KV đi qua 14 tỉnh - từ
thủy điện Hòa Bình vào đến Thành phố Hồ Chí Minh (trạm biến áp Phú
Lâm) - được khởi công xây dựng từ năm 1992 đến tháng 5-1994 chính
thức hòa vào mạng lưới điện quốc gia. Công trình thế kỷ này tạo ra lực
đẩy rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và đặc
biệt quan trọng đối với vùng đất Nam Bộ - nơi có hai vùng kinh tế lớn
về công nghiệp và nông nghiệp của cả nước.
Công trình thủy điện Thác Mơ ở khu vực miền núi thuộc tỉnh
Phước Long cũng được xây dựng trong thời kỳ này (có diện tích mặt hồ
110 km2, dung tích chứa 1,36 tỷ m3 nước, công suất 150 MW) và đưa vào
khai thác đầu năm 1995.
Ngoài những công trình xây dựng cơ bản lớn kể trên, hệ thống giao
thông đường bộ, đường thủy và các ga hàng không ở Thành phố Hồ Chí
Minh và miền Đông cũng được duy tu, mở rộng và nâng cấp ở các khu
vực trung tâm và đầu mối giao thông quan trọng. Đó là sự đầu tư xây
dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế trong
vùng và tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài.
282 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Những công trình lớn đã được xây dựng kể trên đã làm thay đổi
một bước bộ mặt kinh tế - xã hội của miền Đông Nam Bộ, tạo cơ sở, tiền
đề cho sự phát triển nhanh sau này.
Ở miền Tây Nam Bộ (ĐBSCL), tuy không có những công trình xây
dựng lớn như miền Đông nhưng kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật cũng
được đầu tư sửa chữa, nâng cấp khá nhiều, như hệ thống đường thủy
với rất nhiều cây cầu, hiện đại hóa các bến phà lớn qua sông Tiền, sông
Hậu, nạo vét các tuyến giao thông đường thủy quan trọng nối với Thành
phố Hồ Chí Minh. Mạng lưới điện quốc gia tiếp tục được nối dài và mở
rộng phục vụ cho sản xuất, cung cấp điện cho các trạm bơm thủy lợi
và điện sinh hoạt cho nhân dân các thị trấn, thị xã và nhiều vùng nông
thôn. Nhìn chung, cho đến năm 1995, bộ mặt miền Tây Nam Bộ cũng
đã có sự thay đổi theo chiều hướng khởi sắc hơn.

2. Phát triển văn hóa - xã hội ở Nam Bộ thời kỳ 1991-1995


Đây là thời kỳ cả nước nỗ lực vượt bậc thực hiện đường lối đổi mới
nhằm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội
cho nên lĩnh vực xây dựng văn hóa và thực hiện các chính sách xã hội
của Đảng và Nhà nước có tầm quan trọng không kém so với phát triển
kinh tế. Riêng ở Nam Bộ, tình hình xã hội và an ninh, quốc phòng tồn
tại những yếu tố phức tạp hơn các vùng miền khác vì những di sản văn
hóa, xã hội nặng nề của chủ nghĩa thực dân mới còn khá rõ nét, hậu quả
của cuộc kháng chiến 30 năm và cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam
còn chưa khắc phục hết.
Về giáo dục: hệ thống giáo dục từ mầm non đến trung học và đại
học ở các thành phố và thị xã của Nam Bộ đã cơ bản ổn định và phát
triển. Nhiều trường được nâng cấp cả về cơ sở vật chất và trình độ của
đội ngũ cán bộ giảng dạy để đạt tiêu chuẩn quốc gia. Bên cạnh hệ thống
trường công lập đã có thêm các hình thức trường dân lập, trường bán
công để đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân.
Bên cạnh hệ thống trường giáo dục kiến thức còn có hệ thống các
trường, các trung tâm dạy nghề do các địa phương và do tư nhân mở ra
CHƯƠNG IV: THỰC HIỆN ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI... 283

cũng đã đáp ứng được một phần nhu cầu đào tạo công nhân có tay nghề
cho các ngành sản xuất.
Ngoài loại hình giáo dục chính quy, các hình thức bán chính quy
khác như hàm thụ, tại chức, bổ túc, bình dân học vụ xóa nạn mù chữ
vẫn được duy trì ở các địa phương nhằm từng bước nâng cao trình độ
cho cán bộ, công chức đang làm việc.
Riêng ở vùng nông thôn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng
căn cứ kháng chiến cũ, tình trạng thiếu trường lớp, thiếu giáo viên
ở tất cả các cấp học còn khá phổ biến. Để từng bước khắc phục tình
trạng này, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương đã có nhiều
cố gắng đầu tư xây dựng, nâng cấp, xóa dần những ngôi trường dựng
tạm bằng tre lá, có chính sách đãi ngộ để khuyến khích giáo viên đến
vùng sâu vùng xa, sửa chữa những con đường, những cây cầu, bến đò
để học sinh đến trường đỡ khó khăn, vất vả hơn. Cùng với những cố
gắng cải tạo cơ sở vật chất, các địa phương còn thực hiện trợ cấp khó
khăn cho các gia đình thuộc diện chính sách và khó khăn để con em
họ có thể đến trường.
Tất cả những cố gắng trên đã hình thành và duy trì được mạng
lưới giáo dục rộng khắp đến tất cả những khu dân cư đối với độ tuổi
học sinh từ mầm non đến phổ thông. Tỷ lệ trẻ em được đến trường đạt
khá cao. Tuy nhiên, số lượng và chất lượng của các cơ sở giáo dục đào
tạo còn ở tình trạng phân bố không đều vì đây là vấn đề phụ thuộc vào
khả năng kinh tế của Nhà nước và của các địa phương nên không thể
khắc phục được đồng đều và nhanh chóng, chỉ có thể cải thiện, nâng
cao từng bước theo khả năng đầu tư thực tế về tài chính của Nhà nước
và của từng địa phương.
Về y tế, chăm lo sức khỏe cộng đồng: hệ thống các viện nghiên cứu,
các bệnh viện lớn cấp Trung ương, cấp thành phố và cấp tỉnh trên địa
bàn Nam Bộ đã được nâng cấp, hiện đại hóa từng bước, đáp ứng ngày
càng cao nhu cầu khám, chữa những bệnh hiểm nghèo ngay ở trong
nước. Các trung tâm y khoa lớn nhất và hiện đại nhất ở Nam Bộ đều tập
trung ở Thành phố Hồ Chí Minh như Bệnh viện Chợ Rẫy, Viện Tim,
284 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Bệnh viện chống Lao, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, Bệnh viện Nhi đồng,
Trung tâm chấn thương, chỉnh hình, Bệnh viện quân đội 175, Trường
Đại học y dược, Viện Y học dân tộc… và nhiều phòng khám đa khoa ở
các quận, huyện.
Ở vùng nông thôn, các tỉnh đều có bệnh viện đa khoa ở thị xã, ở
cấp huyện có bệnh viện quy mô nhỏ hơn, ở hầu hết các xã đã có trạm
y tế, nhà hộ sinh. Tuy nhiên, chất lượng và số lượng các cơ sở y tế chưa
đều, nhất là các vùng sâu, vùng xa, những nơi đường giao thông còn
khó khăn thì các cơ sở y tế cũng còn đơn sơ, thiếu các thiết bị y khoa tối
thiểu, thiếu y bác sĩ.
Mặc dù mạng lưới y tế nông thôn còn nhiều hạn chế về nhiều mặt
nhưng công tác vệ sinh, phòng dịch được tiến hành hằng năm khá sâu
rộng, bảo đảm thực hiện khá đầy đủ các chương trình tiêm phòng dịch
bệnh cho hầu hết đối tượng trẻ em thuộc tất cả các địa phương.
Ngoài hệ thống bệnh viện và trung tâm Tây y, các địa phương ở
Nam Bộ còn xây dựng nhiều trung tâm nghiên cứu, chữa bệnh bằng
Đông y, y học cổ truyền, khai thác và trồng được nhiều loại cây dược
liệu có giá trị chữa bệnh được phổ biến rộng rãi trong nhân dân.
Nhìn chung, lĩnh vực y tế mặc dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn
nhưng về cơ bản đã thể hiện được sự chăm lo sức khỏe cộng đồng của
Nhà nước đối với tất cả các thành phần cư dân đang sinh sống trên địa
bàn Nam Bộ.
Về thực hiện các chính sách xã hội: vấn đề lớn nhất của chính sách
xã hội vẫn là thực hiện các chế độ đối với những cá nhân và gia đình
có công trong kháng chiến bao gồm các đối tượng như: trợ cấp thương,
bệnh binh, thực hiện trợ cấp đối với các gia đình thương binh, liệt sỹ,
tiếp tục xác nhận và thực hiện chính sách khen thưởng đối với những
người có công, tiếp tục tìm kiếm hài cốt liệt sỹ đưa về các nghĩa trang…
Trong lĩnh vực này, ở Nam Bộ đã phát động phong trào “đền ơn đáp
nghĩa” với những chương trình cụ thể như: xây nhà tình nghĩa, nhà tình
thương cho các gia đình thương binh, liệt sỹ, nhận phụng dưỡng các Mẹ
Việt Nam anh hùng có hoàn cảnh khó khăn… Phong trào này thu hút
CHƯƠNG IV: THỰC HIỆN ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI... 285

được sự ủng hộ, tham gia rất rộng rãi của các cơ quan, đoàn thể, doanh
nghiệp nhà nước và tư nhân.
Đi cùng với phong trào “đền ơn đáp nghĩa” là chương trình “xóa
đói giảm nghèo” của Nhà nước, đã đưa ra những chuẩn nghèo ở đô thị
và nông thôn, đồng thời huy động nhiều nguồn lực từ Trung ương đến
địa phương và các ngành kinh tế để thực hiện. Bộ máy quản lý và điều
hành chương trình “xóa đói giảm nghèo” được thành lập từ Trung ương
đến địa phương và cơ sở để quản lý và sử dụng hợp lý quỹ xóa đói giảm
nghèo đối với từng đối tượng và có biện pháp cụ thể như: cho vay vốn
với lãi suất thấp hoặc không lãi suất để sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ kinh
phí học nghề, hướng dẫn kỹ thuật, tạo việc làm… Nhìn chung chương
trình xóa đói, giảm nghèo trong thời kỳ này của Việt Nam và ở Nam Bộ
đã đạt được những kết quả to lớn, giảm được tỷ lệ đói nghèo ở hầu hết
các địa phương. Kết quả của chương trình này ở Việt Nam đã được các
tổ chức của Liên hợp quốc đánh giá rất cao.
Về xây dựng đời sống văn hóa, thể dục thể thao: theo đà tăng trưởng
kinh tế, hệ thống các cơ sở sinh hoạt và hoạt động văn hóa cũng được
chú ý đầu tư xây dựng và phát triển. Ở Thành phố Hồ Chí Minh đã xây
dựng các trung tâm vui chơi, giải trí quy mô lớn như Công viên văn hóa
Đầm Sen, Kỳ Hòa, Suối Tiên, các công viên nước, các nhà văn hóa lớn
như Cung văn hóa Lao động, Nhà văn hóa Phụ nữ… Hệ thống các viện
bảo tàng, nhà hát, công viên, vườn bách thú… cũng được đầu tư nâng
cấp, sửa chữa.
Ở tất cả các quận, huyện đều xây dựng nhà văn hóa và các hình thức
khác như các trung tâm, tụ điểm biểu diễn ca nhạc, các câu lạc bộ thơ
ca, sinh vật cảnh, đờn ca tài tử, võ thuật, thể dục dưỡng sinh, thể dục
thẩm mỹ…
Nếu so với những năm 80 là thời kỳ khủng hoảng kinh tế - xã hội
trầm trọng nhất thì đời sống vật chất và văn hóa - tinh thần của nhân
dân Nam Bộ thời kỳ này tuy còn khó khăn, thiếu thốn một số mặt nhưng
nhìn chung đã được cải thiện đáng kể.
286 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

3. Củng cố quốc phòng, an ninh ở Nam Bộ thời kỳ 1991-1995


Ngay trong thời kỳ Quân tình nguyện Việt Nam còn làm nhiệm vụ
quốc tế trên đất bạn Campuchia, đường lối xây dựng quốc phòng của
Việt Nam đã có sự điều chỉnh từ chủ trương xây dựng các địa bàn quân
sự cấp huyện (pháo đài quân sự huyện) chuyển sang chủ trương xây
dựng các khu vực phòng thủ có quy mô cấp tỉnh và thành phố (khu vực
phòng thủ tỉnh - thành phố). Đó là sự mở rộng không gian của một địa
bàn quân sự có khả năng độc lập cao trong trường hợp phải đối phó với
cuộc chiến tranh xâm lược cục bộ. Từ năm 1981, một số địa phương
trọng điểm của Nam Bộ như Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh đã
tiến hành diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh - thành phố với các nội dung:
chuyển trạng thái kinh tế, xã hội từ thời bình sang thời chiến, sơ tán dân
sự, chống bạo loạn lật đổ, chống tiến công đường không và tác chiến
chống quân đổ bộ đường biển và đường không.
Sau khi Quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ quốc tế
và rút hoàn toàn về nước (năm 1989), các địa phương ở Nam Bộ đẩy
mạnh xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh - thành phố cả về hạ tầng cơ
sở và hoàn chỉnh từng bước các kế hoạch, phương án tác chiến phòng
thủ trong nội địa và chống, xâm lược từ bên ngoài. Công tác quân sự
địa phương được củng cố và tăng cường, trong đó nhiệm vụ quan trọng
nhất là thực hiện đầy đủ Luật nghĩa vụ quân sự, tuyển quân để xây dựng
các đơn vị bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương.
Riêng các địa phương có đường biên giới với Campuchia như Sông
Bé, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang được chỉ
đạo tiến hành nghiên cứu xây dựng mô hình các xã biên giới với yêu
cầu mạnh cả về quân sự, chính trị, kinh tế - xã hội. Các xã biên giới phải
có khả năng phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng và các đơn vị
bộ đội, có thể phát hiện sớm các hành động xâm nhập biên giới và đối
phó với mọi tình huống. Các xã biên giới phải chú trọng về xây dựng,
phát triển kinh tế để thu hút dân cư, làm cơ sở xây dựng thế trận an
ninh nhân dân. Các xã biên giới có tầm quan trọng rất lớn đối với quốc
CHƯƠNG IV: THỰC HIỆN ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI... 287

phòng, an ninh vì đó là địa bàn trực tiếp để xây dựng biên giới hòa bình,
hữu nghị, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của vùng đất
Nam Bộ.
Nhìn chung thời kỳ mười năm đầu thực hiện đường lối đổi mới,
công cuộc xây dựng và bảo vệ chủ quyền trên vùng đất Nam Bộ đã đạt
được những thành quả lớn trên nhiều mặt:
Nổi bật nhất là những thành quả về phát triển kinh tế: do khai thác
và phát huy được thế mạnh về sản xuất công nghiệp của miền Đông
Nam Bộ và sản xuất nông nghiệp của miền Tây Nam Bộ nên đã tạo được
tốc độ phát triển kinh tế rất nhanh, đóng vai trò dẫn đầu về sản xuất
lương thực thực phẩm và sản xuất công nghiệp so với các vùng kinh
tế khác của cả nước. Sau mười năm đổi mới, bộ mặt kinh tế - xã hội ở
Nam Bộ đã có nhiều đổi thay theo chiều hướng tích cực: trên toàn vùng
đã mọc lên nhiều công trình xây dựng lớn như thủy lợi, thủy điện, khu
công nghiệp, đường giao thông, cầu cống, các khu công viên giải trí…
Sự phát triển kinh tế đó đã tạo ra cơ sở vật chất để thúc đẩy sự phát triển
của các mặt khác.
Trên lĩnh vực văn hóa, xã hội: thành quả thấy rõ nhất là đời sống nhân
dân đã được cải thiện rõ rệt, trên cơ sở phát triển các ngành kinh tế đã giải
quyết được nhiều công ăn việc làm cho người lao động, giảm tỷ lệ thất
nghiệp ở các đô thị lớn, thu hút nguồn lao động dồi dào ở các vùng nông
thôn. Đã không còn nạn thiếu đói ở một bộ phận cư dân và nạn khan hiếm
hàng tiêu dùng. Trên cơ sở đó, việc thực hiện các chính sách xã hội đã được
đầu tư nhiều hơn: Các chương trình xóa đói, giảm nghèo được triển khai
ngày càng rộng rãi và hiệu quả hơn. Đã xuất hiện phong trào “xây dựng
nhà tình nghĩa, nhà tình thương” và các phong trào “đền ơn đáp nghĩa”
chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình thương binh, liệt sỹ,
gia đình có công với cách mạng. Việc chăm lo sức khỏe cộng đồng, y tế,
giáo dục và văn hóa, văn nghệ được chú ý đầu tư phát triển đến các vùng
nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn về giao thông và kinh
tế. Những cố gắng ấy là yếu tố quan trọng để giữ vững ổn định chính trị và
trật tự xã hội trong điều kiện kinh tế còn khó khăn.
288 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh: thành quả rõ nhất là đã làm
thất bại tất cả các âm mưu phá hoại, gây rối của các nhóm chống đối từ
bên ngoài, giữ vững trật tự xã hội, bảo vệ đời sống lao động hòa bình
của nhân dân. Trên lĩnh vực bảo vệ chủ quyền quốc gia, đã hoàn thành
nhiệm vụ quốc tế đối với nước bạn Campuchia, đồng thời xây dựng thế
trận chiến tranh nhân dân và thế trận phòng thủ vững chắc, từng bước
xây dựng và củng cố các khu vực hòa bình, hữu nghị trên toàn tuyến
biên giới Tây Nam của đất nước.
Trên lĩnh vực bảo vệ môi trường: đã có những cố gắng lớn trong
việc khôi phục những khu vực rừng núi bị tàn phá trong chiến tranh,
gây dựng lại các khu rừng phòng hộ; nhưng cũng đã xuất hiện những
dấu hiệu ô nhiễm công nghiệp, việc khai thác và bảo vệ rừng chưa tốt
ở một số nơi. Tuy nhiên trong thời kỳ này, vấn đề môi trường chưa trở
thành gay gắt, nhưng đã có sự cảnh báo của công trình nghiên cứu
khoa học.
Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng lần thứ VIII (tháng 6-1996) đã
nhận định và đánh giá tổng quát về thành tựu sau mười năm đổi mới
như sau: “Công cuộc đổi mới trong 10 năm qua đã thu được những
thành tựu to lớn, có ý nghĩa rất quan trọng. Nhiệm vụ do Đại hội VII đề
ra cho 5 năm 1991-1995 đã được hoàn thành về cơ bản.
Nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, nhưng một số mặt
còn chưa vững chắc.
Nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu của thời kỳ quá độ là chuẩn
bị tiền đề cho công nghiệp hóa đã cơ bản hoàn thành cho phép chuyển
sang thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”1.
Trong thành tựu chung rất to lớn của đất nước có phần đóng góp không
nhỏ của nhân dân vùng đất Nam Bộ.

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII,
Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 67-68.
289

Chương V

VÙNG ĐẤT NAM BỘ


TRONG THỜI KỲ ĐẨY MẠNH
SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA
VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ (1996-2010)
Đây là thời kỳ phát triển với tốc độ rất nhanh ở Nam Bộ trên tất cả
các mặt: kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển kinh
tế của cả nước. Đồng thời, đây cũng là thời kỳ xuất hiện những thách
thức lớn về khủng hoảng kinh tế thế giới, về biến đổi khí hậu toàn cầu
và bảo vệ môi trường.

I- BỐI CẢNH QUỐC TẾ VÀ TÌNH HÌNH TRONG NƯỚC

Trong thời kỳ 10 năm đầu thực hiện đường lối đổi mới (1986-1996),
mục tiêu trước mắt của Việt Nam chỉ là nỗ lực đưa đất nước thoát khỏi
tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội và sự cô lập về ngoại giao quốc
tế. Về chủ trương, mặc dù đã phân bố thành 7 vùng kinh tế nhưng nhìn
chung cả nước vẫn phát triển theo điều kiện tự nhiên của từng vùng, cố
gắng sản xuất lương thực và hàng tiêu dùng nhằm khắc phục tình trạng
khủng hoảng. Trên cơ sở những thành quả phát triển kinh tế đã đạt
được sau 10 năm đổi mới, đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã
hội nên từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, các khu vực đã được
quy hoạch tổng thể và có sự phân công vai trò, trách nhiệm đối với sự
phát triển của cả nước.
290 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Thời kỳ này, công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở
Nam Bộ diễn ra trong bối cảnh quốc tế và trong nước khác nhiều so với
các giai đoạn trước.
Đặc trưng nổi bật của bối cảnh kinh tế thế giới những năm đầu của
thế kỷ XXI là cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, mà trọng
tâm là cách mạng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh
học, công nghệ vật liệu mới và công nghệ đáy đại dương. Đặc biệt, sự
xâm nhập nhanh của tri thức và công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại vào
sản xuất thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp mới. Đồng
thời những ngành dịch vụ như tài chính, ngân hàng, tư vấn, thương mại
điện tử, v.v. phát triển vượt trội làm cho khu vực dịch vụ tăng rất nhanh,
hình thành nên các ngành kinh tế chủ lực và mũi nhọn mới làm thay đổi
cơ cấu kinh tế truyền thống.
Toàn cầu hóa kinh tế tạo cơ hội giao lưu kinh tế, thúc đẩy quan hệ về
thương mại, du lịch và đầu tư. Các công ty xuyên quốc gia đóng vai trò then
chốt trong sự phát triển kinh tế toàn cầu, hình thành nên sự phân công lao
động mới. Việc tham gia vào mạng sản xuất toàn cầu đã trở thành yêu cầu
đối với các nền kinh tế; sự tùy thuộc lẫn nhau, hội nhập, cạnh tranh và
hợp tác giữa các nước đang trở thành phổ biến. Kinh tế tri thức phát triển
mạnh và tri thức đang trở thành lợi thế chủ yếu của mỗi quốc gia.
Sự gia nhập của Việt Nam vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)
và Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) đã tác động rất lớn đến cơ
cấu kinh tế của vùng và từ đó tác động đến cấu trúc không gian kinh tế -
xã hội của cả nước nói chung và của vùng Nam Bộ nói riêng.
Mặt khác, sự biến đổi khí hậu toàn cầu do tình trạng trái đất nóng
dần lên có thể sẽ gây ra nhiều hơn những thảm họa môi trường như bão
lụt nhiều hơn, nước mặn xâm nhập sâu hơn… ảnh hưởng đến sản xuất
nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và du lịch của vùng Nam Bộ.
Triển vọng phát triển kinh tế ở các nước lớn và các liên minh khu
vực ASEAN trở thành một cộng đồng gắn kết và chia sẻ. Các nước Đông
Nam Á đang thực hiện chiến lược phát triển một cách vững chắc, và
cạnh tranh, phát triển trong xu hướng hợp tác đa dạng.
CHƯƠNG V: VÙNG ĐẤT NAM BỘ TRONG THỜI KỲ... 291

Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực kinh tế năng động
nhất, nơi có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, môi trường đầu tư được cải
thiện, xuất khẩu tăng nhanh hơn so với các khu vực khác trên thế giới.
Việt Nam là nước nằm trong khu vực này, có nhiều cơ hội hợp tác phát
triển, thu hút các nguồn tài chính và mở rộng thị trường.
Tổ chức ASEAN dựa trên 3 trụ cột: Cộng đồng An ninh, Cộng
đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hoá - Xã hội, nguyên tắc chung được
đưa ra để tự lựa chọn là: công nghệ cao phải là hàng đầu, tiếp đó là sử
dụng nhiều lao động. Việt Nam sẽ là một thành viên chủ động và tích
cực phát huy vai trò liên kết các chương trình phát triển trong khu vực.
Thành tựu lớn nhất của 10 năm đổi mới là đất nước đã thoát khỏi
khủng hoảng kinh tế - xã hội, đồng thời thoát khỏi tình trạng bị cô lập
về ngoại giao quốc tế. những thành tựu này là tiền đề thuận lợi về vật
chất và tinh thần để nhân dân cả nước và nhân dân Nam Bộ bước vào
thời kỳ phát triển mới.
Những thuận lợi cơ bản của đất nước và Nam Bộ khi bước vào thời
kỳ này là sau 10 năm thực hiện đường lối đổi mới, đã đạt được những
thành tựu rất lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh, quốc phòng.
Những thành tựu đó là bằng chứng hùng hồn khẳng định sự đúng đắn
của đường lối đổi mới do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của
Đảng đề ra, đẩy lùi những khó khăn, bế tắc về thực tế phát triển và về
đường lối, đưa nước ta thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội
trầm trọng, đồng thời tạo ra cơ sở kinh tế, kỹ thuật và đà phát triển để
bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao niềm
tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và tương lai của đất nước.
Về đối ngoại, Việt Nam đứng trước những thuận lợi mới: về cơ bản
đất nước đã thoát ra khỏi sự bao vây, cô lập về ngoại giao sau cuộc
chiến tranh với Mỹ và cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam với Khmer
đỏ. Đầu năm 1994, Mỹ đã bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận khinh tế đối
với Việt Nam và đến năm 1995, hai nước đã bình thường hóa quan hệ
ngoại giao. Cũng trong năm 1995, Việt Nam được chính thức kết nạp
vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Năm 1995, Việt Nam
292 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

cũng nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và tiến
hành vòng đàm phán đầu tiên.
Phương hướng xây dựng kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng
trên phạm vi cả nước trong thời kỳ này được định hình bằng đường lối
chiến lược do Đại hội VIII, Đại hội IX và Đại hội X của Đảng đề ra:
Đại hội VIII đã tổng kết đánh giá, kiểm điểm 10 năm thực hiện
đường lối đổi mới của Đại hội VI và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội
VII, đề ra chủ trương, nhiệm vụ nhằm kế thừa, phát huy những thành
tựu, ưu điểm đã đạt được; điều chỉnh, bổ sung, phát triển đường lối đổi
mới để tiếp tục đưa sự nghiệp đổi mới của đất nước tiến lên. Đại hội
khẳng định tiếp tục nắm vững hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, nhấn mạnh nước ta đã chuyển sang
thời kỳ phát triển mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa
đất nước. Đại hội VIII đề ra kế hoạch 5 năm 1996-2000 và quyết định
phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội là:
- Đẩy mạnh công cuộc đổi mới một cách toàn diện và đồng bộ.
- Phát triển nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị
trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả cao và bền vững đi đôi với
giải quyết những vấn đề bức xúc về xã hội.
- Cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao tích lũy từ nội bộ nền
kinh tế1.
Đại hội cũng nêu rõ những khó khăn còn tồn tại là:
- Kinh tế Việt Nam còn phát triển chưa vững chắc, lạc hậu, trình độ
kém, thu nhập quốc dân, năng suất còn thấp, đời sống nhân dân khó
khăn, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm cao.
- Xã hội nảy sinh nhiều hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí,
buôn lậu và nhiều tiêu cực còn tồn tại trong Nhà nước.
- Trình độ khoa học - kỹ thuật kém, không đáp ứng nhu cầu đất
nước. Tình trạng chảy máu chất xám xuất hiện.

1. Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
VIII, Sđd, tr. 168.
CHƯƠNG V: VÙNG ĐẤT NAM BỘ TRONG THỜI KỲ... 293

Đại hội IX đã tổng kết, đánh giá, kiểm điểm 15 năm thực hiện đường
lối đổi mới của Đại hội VI và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII,
đề ra chủ trương, nhiệm vụ nhằm kế thừa, phát huy những thành tựu, ưu
điểm đã đạt được; điều chỉnh, bổ sung, phát triển đường lối đổi mới để
tiếp tục đưa sự nghiệp đổi mới của đất nước tiến lên trong thời đại mới.
Đại hội khẳng định tiếp tục nắm vững hai nhiệm vụ chiến lược là
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp
hóa, hiện đại hóa đất nước.
Xuất phát từ đặc điểm tình hình trong và ngoài nước, Đại hội IX
của Đảng đề ra Chiến lược 10 năm 2001-2010 và quyết định phương
hướng, nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội là:
- Đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển.
- Nâng cao rõ rệt đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân.
- Tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước
công nghiệp theo hướng hiện đại1.
Đại hội X khẳng định, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu
của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công
cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển2.
Quá trình xây dựng kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng trên
vùng đất Nam Bộ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng nằm trong
sự định hình của đường lối do các đại hội Đảng vạch ra và ba kỳ đại hội
Đảng cũng là ba điểm mốc đánh dấu sự phát triển kinh tế - xã hội rất
nhanh của Nam Bộ thời kỳ này.
Do hai vùng miền Đông và miền Tây có những điều kiện và đặc
điểm tự nhiên khác nhau nên phương hướng phát triển của từng vùng
cũng khác nhau. Nhìn chung là miền Đông phát triển theo hướng sẽ
trở thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và lớn nhất của đất nước,
ngành kinh tế chủ yếu của vùng này sẽ là công nghiệp, dịch vụ và kinh

1. Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
IX, Nxb. Chính trị quốc gia, 2001, tr. 159.
2. Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 11.
294 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

tế đối ngoại. Miền Tây phát triển theo hướng phát huy thế mạnh là vùng
sản xuất lương thực lớn nhất của đất nước.
Từ phương hướng chiến lược do các đại hội Đảng vạch ra, hai vùng
của Nam Bộ cùng bước vào thời kỳ phát triển mới.

II- XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI Ở ĐÔNG NAM BỘ

1. Điều kiện và chủ trương đẩy mạnh xây dựng, phát triển kinh tế -
xã hội ở miền Đông Nam Bộ
Ngay từ những năm 1986-1987, chủ trương phát triển vùng kinh tế
trọng điểm đã được Đảng và Nhà nước chú trọng và thu hút sự nghiên
cứu của nhiều cơ quan và các nhà khoa học. Kết quả của những nghiên
cứu ấy đã xác định được ba tam giác tăng trưởng của đất nước, trong đó,
Nam Bộ là một trong ba tam giác tăng trưởng gồm Thành phố Hồ Chí
Minh - Biên Hoà - Vũng Tàu. Sau đó “tam giác tăng trưởng” được thay
thế bằng khái niệm “vùng kinh tế trọng điểm”.
Từ những năm 1995-1998, vùng Đông Nam Bộ được tiến hành quy
hoạch dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ và sự tham
gia tích cực, rộng rãi của các bộ, ngành, các địa phương, các nhà khoa
học và các chuyên gia kinh tế, trên cơ sở đó, Đông Nam Bộ đã được quy
hoạch thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ngày 24-10-1997, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số
910/1997/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh
tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ giai đoạn từ nay đến năm 2010. Theo quyết
định này, vùng Đông Nam Bộ bao gồm 8 tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương là Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Bình Phước,
Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận, với
diện tích 34.904,2 km2, chiếm hơn 10,5% diện tích tự nhiên của cả nước.
Ngày 23-2-1998, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 44/1998/QĐ-TTg
về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng
kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010. Theo Quyết định này, vùng
kinh tế trọng điểm phía Nam gồm bốn đơn vị hành chính là: Thành phố
CHƯƠNG V: VÙNG ĐẤT NAM BỘ TRONG THỜI KỲ... 295

Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, và tỉnh Bình
Dương, với diện tích tự nhiên 12.604,4 km2, dân số là 8 triệu 591,8 nghìn
người, chiếm 3,8% diện tích và 11,21% dân số của cả nước.
Ngày 29-8-2005, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 53-NQ/TW về phát
triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam
Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và định hướng
đến năm 2020 cũng xác định Đông Nam Bộ bao gồm 8 tỉnh.
Theo Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 7-9-2006, vùng kinh tế
trọng điểm phía Nam gồm 8 tỉnh, thành phố. Riêng Đông Nam Bộ gồm
6 tỉnh, thành phố là1: tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương,
Tây Ninh, Bình Phước và Thành phố Hồ Chí Minh, với diện tích tự
nhiên là 23.554,6 km2, chiếm 7,1% về diện tích tự nhiên.
Nghị quyết số 53-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số
123/2006/QĐ-TTg ngày 29-5-2006 của Thủ tướng Chính phủ đặt ra
những nội dung cần thiết phải tiến hành lập quy hoạch tổng thể phát
triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ.
Nghị quyết số 53-NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: “Tiến hành rà
soát quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của vùng nhằm phát
huy tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh, bền vững”.
Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số
53-NQ/TW tại Quyết định số 123/2006/QĐ-TTg ngày 29-5-2006 của
Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh việc cần thiết phải tiến hành rà
soát, điều chỉnh, bổ sung lập quy hoạch vùng cho phù hợp với tình hình
mới, nhất là trong điều kiện hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế.
Thông báo số 950/TB-VPCP ngày 17-7-2007 thông báo ý kiến chỉ
đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp với
các bộ, ngành liên quan lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã
hội các vùng kinh tế đến năm 2020. Quy hoạch phải xác định rõ các

1. Văn kiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam thời kỳ 2001-2010
năm 2000 có xác định 6 vùng, trong đó vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng
điểm phía Nam gồm 6 tỉnh, thành phố. Nghị quyết số 53-NQ/TW của Bộ Chính
trị ngày 29-8-2005 xác định vùng có 7 tỉnh, thành phố.
296 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

nhiệm vụ trọng yếu về phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng,
định hướng và giải pháp phát triển kinh tế, xã hội, môi trường và an
ninh, quốc phòng của vùng đến năm 2020.
So với các quy hoạch tổng thể đã được xây dựng từ những năm 1997-
1998, đến nay xuất hiện nhiều vấn đề mới cần phải rà soát, điều chỉnh, bổ
sung, lập mới cho phù hợp với tình hình mới như: phạm vi của vùng Đông
Nam Bộ chỉ gồm 6 tỉnh (không có Ninh Thuận, Bình Thuận). Phải xác định
phương hướng phát triển kinh tế - xã hội tới năm 2020. Cần bổ sung yếu tố
Việt Nam vào WTO, làn sóng vốn đầu tư FDI, vấn đề biến đổi khí hậu, môi
trường toàn cầu, vấn đề khu dân cư, nhà ở cho công nhân, hạ tầng đô thị…
Vùng đất Đông Nam Bộ có đủ các tiềm năng và điều kiện để xây dựng và
phát triển theo định hướng và quy hoạch của Đảng và Chính phủ.
Những tiềm năng và điều kiện của miền Đông Nam Bộ:
Vùng Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh, thành phố (Thành phố Hồ Chí
Minh, tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa -
Vũng Tàu). Diện tích tự nhiên của vùng là 23.554,6 km2, dân số năm
2008 là 12,83 triệu người, chiếm 7,1% về diện tích và 14,9% về dân số so
với cả nước. Phía tây và tây nam tiếp giáp với các tỉnh đồng bằng sông
Cửu Long; phía đông và đông bắc giáp các tỉnh phía nam vùng duyên
hải Nam Trung Bộ và Biển Đông; phía bắc và tây bắc giáp Vương quốc
Campuchia, có đường biên giới dài 479 km, với các cửa khẩu quốc tế ở
Mộc Bài, Xa Mát (Tây Ninh), Hoa Lư (Bình Phước).
Vùng Đông Nam Bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong sự
nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; hội tụ phần lớn các điều
kiện và lợi thế nổi trội để có thể phát triển công nghiệp, dịch vụ, đi đầu
trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đặc biệt phát triển công
nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, tin học, công nghiệp dầu
khí và sản phẩm hóa dầu; phát triển dịch vụ cao cấp, dịch vụ du lịch,
dịch vụ viễn thông, tài chính, ngân hàng; nghiên cứu, ứng dụng và triển
khai khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao...
Vùng Đông Nam Bộ có Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh
tế, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, khoa học kỹ thuật, đầu mối giao
CHƯƠNG V: VÙNG ĐẤT NAM BỘ TRONG THỜI KỲ... 297

thông và giao lưu quốc tế lớn nhất của cả nước; có Vũng Tàu là thành
phố cảng và dịch vụ công nghiệp nằm ở “Mặt tiền duyên hải” phía Nam,
là cầu nối và “cửa ngõ” lớn giao lưu kinh tế với thế giới; các tỉnh Tây
Ninh, Đồng Nai, Bình Phước và Bình Dương, nhất là khu vực dọc theo
đường 51, quốc lộ 14, quốc lộ 22 có điều kiện thuận lợi để phát triển
công nghiệp, có trục đường xuyên Á chạy qua.
Vùng Đông Nam Bộ là khu vực phát triển kinh tế năng động, đạt
mức tăng trưởng cao nhất cả nước, có nhiều trung tâm kinh tế, công
nghiệp, thương mại, dịch vụ, khoa học kỹ thuật, đầu mối giao thông và
giao lưu quốc tế, có lực lượng lao động dồi dào, tay nghề cao; có nhiều
cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ; có hệ thống đô thị phát
triển, các khu công nghiệp phát triển mạnh, trở thành trung tâm và đầu
mối giao lưu của các tỉnh phía Nam với cả nước và quốc tế, được gắn
kết bằng đường bộ, đường biển, đường hàng không, tạo điều kiện thuận
lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong vùng cũng như mở rộng các
quan hệ kinh tế liên vùng và quốc tế.
Vùng Đông Nam Bộ nằm trên tuyến đường biển quốc tế quan
trọng, ở điểm trung chuyển trên tuyến đường hàng không quốc tế từ
Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây, trên tuyến đường xuyên Á nối liền
giữa các nước Đông Nam Á lục địa; đồng thời nằm trong khu vực có
nền kinh tế phát triển năng động của thế giới với các trung tâm lớn như
Băng Cốc, Xingapo, Cuala Lămpơ,... vì thế, vùng có lợi thế lớn trong
thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng thị trường, khai thác các cảng trung
chuyển quốc tế... để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Vùng
Đông Nam Bộ còn giữ vị thế địa chính trị và an ninh, quốc phòng quan
trọng hàng đầu ở khu vực phía Nam Việt Nam.
Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của vùng bao gồm:
Điều kiện tự nhiên: Nằm trong khu vực chuyển tiếp giữa các vùng
Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long,
vùng Đông Nam Bộ vừa có địa hình miền núi, trung du, vừa có địa hình
vùng đồng bằng và ven biển có độ dốc thấp dần từ Bắc xuống Nam, từ
Tây sang Đông.
298 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Địa hình đa dạng với khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo với
mùa mưa và mùa khô rõ rệt, nền nhiệt, ẩm cao, ít thay đổi trong năm.
Nhiệt độ trung bình hằng năm luôn ở mức cao (xấp xỉ 27oC), lượng bức
xạ tương đối ổn định trong năm 150 kcal/cm3/năm. Lượng mưa bình
quân hằng năm từng khu vực khác nhau nhưng dao động trong khoảng
1.500 - 3.000 mm. Khí hậu tương đối ổn định, ít có thiên tai, bão lụt.
Tuy nhiên trong vòng 10 năm vừa qua, điều kiện khí hậu, thủy văn
diễn biến phức tạp hơn so với trước: sự phân hóa mưa theo mùa, gây
thiếu nước trong mùa khô, gió khô nóng, sương muối, giông, tình trạng
thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn khá nghiêm trọng vào mùa nắng tại
nhiều khu vực của vùng. Đây là vấn đề ảnh hưởng đến cây trồng, vật
nuôi và cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của vùng.
Trong vùng có hai hồ thủy lợi lớn kết hợp với thủy điện là Dầu
Tiếng và Trị An với dự trữ hằng năm khoảng 3,6 tỷ m3. Đây là nguồn
dự trữ quan trọng cho nông nghiệp, đẩy mặn và đưa nước ngọt vào cho
nhiều khu vực nông nghiệp ven sông vào mùa khô, sản xuất khối lượng
điện năng lớn và điều tiết cung cấp một phần nước cho các trung tâm
đô thị và khu công nghiệp.
Tài nguyên đất: Vùng Đông Nam Bộ có nhiều loại đất khác nhau
như đất cát gồm đất bãi cát ven biển, đất mặn, đất phèn, đất phù sa,
đất xám, đất đỏ... Đến năm 2008 đã sử dụng 98% diện tích toàn vùng
vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng các công trình sản xuất, dịch vụ và
mạng lưới kết cấu hạ tầng.
- Đất nông - lâm - nghiệp có 1,9 triệu ha, chiếm 80,6% diện tích tự
nhiên của vùng (đất sản xuất nông nghiệp: 1,3 triệu ha, đất lâm nghiệp:
513,2 nghìn ha, nuôi trồng thủy sản: 26,4 nghìn ha)...
- Đất phi nông nghiệp có 390,1 nghìn ha, chiếm 16,6% diện tích đất
tự nhiên, Đông Nam Bộ là vùng có tỷ lệ đất phi nông nghiệp lớn nhất
so với các vùng khác trong cả nước (đất ở 60,4 nghìn ha, đất ở đô thị
25.785 ha, đất ở nông thôn 48.875 ha).
- Đất chuyên dùng đã sử dụng 165,3 nghìn ha, trong đó: đất trụ sở
cơ quan và công trình sự nghiệp 2.099 ha, đất quốc phòng, an ninh 32,7
CHƯƠNG V: VÙNG ĐẤT NAM BỘ TRONG THỜI KỲ... 299

nghìn ha. Đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp: 28.862 ha, chiếm
17,46% diện tích đất chuyên dùng, tập trung chủ yếu ở Thành phố Hồ
Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó đất
dành cho các khu công nghiệp chiếm trên 70%.
- Đất chưa sử dụng của toàn vùng còn 65,8 nghìn ha, chiếm 2,8%
diện tích tự nhiên.
Tài nguyên nước và thủy năng: Hệ thống sông Đồng Nai là hệ
thống sông lớn thứ ba nước ta (sau hệ thống sông Hồng - sông Thái
Bình và sông Mêkông), có diện tích lưu vực khoảng 44,1 nghìn km2;
tổng lượng nước trung bình hằng năm khoảng 37 tỷ m3, chiếm khoảng
4,4% so với cả nước, trong đó gần 10% nguồn nước từ bên ngoài chảy
vào. Việc khai thác, sử dụng nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất ở
vùng phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước của sông Đồng Nai, sông Bé,
sông La Ngà, sông Sài Gòn.
Khả năng cấp nước cho các địa phương ở hạ lưu gồm Thành phố
Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương phụ thuộc chủ yếu vào các hồ
chứa lớn hiện có như Dầu Tiếng, Trị An, Hàm Thuận - Đa Mi, Thác Mơ,
Đơn Dương,... và các hồ chứa trên các bậc thang thủy điện đã được quy
hoạch như: Đại Ninh, Cần Đơn, Phước Hòa... Dự báo đến năm 2020,
các hồ chứa thủy điện trên các dòng chính thuộc lưu vực sông Đồng
Nai được đưa vào khai thác, sử dụng thì về cơ bản lượng nước trong các
tháng mùa khô vẫn đủ để duy trì dòng chảy, đẩy mặn cho hạ lưu và nhà
máy nước Tân Hiệp và Hóa An.
Nguồn thủy năng của vùng tập trung ở tỉnh Đồng Nai với công
suất lý thuyết ước tính lên tới 581,5 nghìn kW, trong đó sông Đồng
Nai 580.572 kW, sông Lá Buông 765 kW, sông La Ngà 144 kW, sông Ray 40 kW.
Đây là những nguồn thủy năng cho phép phát triển mạnh mẽ công
nghiệp điện phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của vùng
và cả nước.
Tài nguyên rừng: Diện tích rừng phân bố tập trung ở tỉnh Đồng Nai,
Bình Phước, các tỉnh khác diện tích không nhiều. Thảm thực vật khá
phong phú (77 họ, 336 giống, 892 loài). Các loại rừng phòng hộ, rừng
300 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

đặc dụng tập trung chủ yếu ở khu vực đầu nguồn của hệ thống sông
Đồng Nai, vườn quốc gia Cát Tiên, Côn Đảo, khu bảo tồn thiên nhiên
Bù Gia Mập, Bình Châu - Phước Bửu... Rừng cung cấp nguyên liệu giấy
được trồng rải rác ở các tỉnh trong vùng.
Tài nguyên biển: Vùng Đông Nam Bộ có chiều dài bờ biển 171 km,
tài nguyên biển có: dầu khí, cảng biển, đánh bắt hải sản, dịch vụ, du
lịch... Nguồn lợi từ biển còn có vùng ven biển, bãi triều, hải đảo… là
những địa bàn nuôi trồng thủy hải sản, khai thác muối, tổ chức hậu cần
dịch vụ, khai thác hải sản ngoài khơi... nên có điều kiện phát triển mạnh
nghề đánh bắt, nuôi trồng và chế biến hải sản.
Vùng thềm lục địa rộng hơn 100.000 km2, giàu tài nguyên, quan
trọng nhất là dầu khí với trữ lượng dầu mỏ lên tới 3-4 tỷ tấn và khoảng
500 tỷ m3 khí; với vịnh Gành Rái rộng 50 km2 tiếp giáp 5 tỉnh, là cửa
biển quan trọng của vùng Nam Bộ và cả nước, có thể xây dựng các
chùm cảng biển.
Tài nguyên khoáng sản: Một số loại có giá trị, nhiều loại cho phép
khai thác quy mô công nghiệp như: dầu khí, đá vôi và đá xây dựng, đất
sét làm gạch ngói, cát thủy tinh, kaolin, titan, laterit...
Dầu khí phân bố rộng trên vùng thềm lục địa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
với trữ lượng dự báo: dầu mỏ 3 - 4 tỷ tấn và trên 500 tỷ m3 khí, phân bố
chủ yếu ở bể Cửu Long và bể Nam Côn Sơn. Trữ lượng dầu mỏ đã xác
minh có thể đưa vào khai thác khoảng 400 triệu m3 dầu và 100 tỷ m3 khí.
Nguồn nhân lực:
Dân số: đến năm 2008, theo số liệu thống kê, dân số trung bình của
vùng Đông Nam Bộ là khoảng 12,6 triệu người, nếu cộng thêm khoảng
1,4 triệu dân nhập cư vào vùng thì dân số của cả vùng khoảng gần 14,0
triệu người, chiếm 16,3% dân số cả nước. Dân số tại Thành phố Hồ Chí
Minh chiếm 52,1%, Đồng Nai chiếm 17%, Bình Dương 8,3%; Tây Ninh 8%.
Các tỉnh Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu có quy mô dân số dưới 1
triệu người.
Mật độ dân số của vùng là 595,0 người/km2, gấp gần 2,3 lần mật độ
dân số của cả nước (260 người/km2). Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh
CHƯƠNG V: VÙNG ĐẤT NAM BỘ TRONG THỜI KỲ... 301

có mật độ dân số cao nhất (3.990 người/km2). Đông Nam Bộ là vùng có


tỷ lệ tăng dân số cao nhất cả nước (3,2%/năm).
Vùng Đông Nam Bộ có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước và tốc độ
đô thị hóa nhanh, dân số thành thị chiếm 57,1% (cả nước là 29,6%),
trong đó Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao
nhất 83,2%. Các tỉnh tiếp theo là Bà Rịa - Vũng Tàu 49,8%, Đồng Nai
33,2%, Bình Dương 29,9%. Các tỉnh còn lại tỷ lệ đô thị hóa thấp như Tây
Ninh 16,8%, Bình Phước 15,8%.
Trình độ dân trí: Vùng Đông Nam Bộ có một hệ thống đào tạo đại
học và sau đại học thuộc quy mô lớn nhất so với cả nước. Toàn vùng
có 30 trường đại học và cao đẳng, hơn 800 trường trung học chuyên
nghiệp và dạy nghề. Nguồn nhân lực dồi dào, với trình độ dân trí cao
hơn các địa phương khác. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh, nơi tập
trung đến 37% tổng số cán bộ khoa học của cả nước, tạo ra lợi thế so
sánh cho vùng và là điều kiện quan trọng để phát huy tác động lan tỏa,
cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao cho các khu vực khác trong
cả nước.

2. Xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ


a-Về phát triển kinh tế
Nhìn chung trong hơn 20 năm đổi mới, vùng Đông Nam Bộ đã có
bước phát triển vượt bậc cả về tốc độ tăng trưởng kinh tế, xây dựng cơ
sở vật chất - kỹ thuật và chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp hàng
hóa. Đây là vùng đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong cả nước, từng
khu vực trong vùng đều có sự phát triển. So với các mục tiêu quy hoạch
đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1997, hầu hết các chỉ tiêu,
nhất là các chỉ tiêu xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Trong 10 chỉ
tiêu chủ yếu có 2-3 chỉ tiêu vượt quy hoạch.
Trong suốt giai đoạn này, vùng Đông Nam Bộ liên tục duy trì được
tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước: Tổng sản phẩm trong nước
(GDP) thời kỳ 1996-2000 tăng trung bình 8,2%. Thời kỳ 2001-2005,
302 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

tăng trưởng đạt 8,4%. Thời kỳ 2006-2010 đạt 6,4%, gần bằng tốc độ
tăng trung bình cả nước (6,8%). Tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng
phụ thuộc rất lớn vào mức tăng trưởng của Thành phố Hồ Chí Minh và
Bà Rịa - Vũng Tàu.
GDP/người vùng Đông Nam Bộ từ 15,4 triệu đồng năm 2000 tăng
lên 27,3 triệu đồng năm 2005, năm 2008 đạt khoảng 41,4 triệu đồng và
năm 2010 ước đạt khoảng 55,4 triệu đồng. GDP/người của từng tỉnh rất
khác nhau (GDP/người của Bà Rịa - Vũng Tàu gấp 4,35 lần GDP/người
của cả vùng Đông Nam Bộ, GDP/người của Thành phố Hồ Chí Minh
gấp 1,24 lần, GDP/người của Đồng Nai và Bình Dương bằng 0,60 lần,
GDP/người của Tây Ninh bằng 0,4 lần và GDP/người của Bình Phước
bằng 0,23 lần GDP/người của cả vùng Đông Nam Bộ).
Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng khai thác lợi thế của từng
ngành, cụ thể như sau:
Thời kỳ 2000-2005, cơ cấu ngành tính theo GDP của nền kinh tế
vùng có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp,
nhưng sang thời kỳ 2006-2010 tăng nhanh cả về công nghiệp và dịch vụ.
Tỷ trọng nhóm ngành nông - lâm - thủy sản đã giảm từ 6,9% (năm
2000) xuống 5,2% (năm 2005), 5,1% (năm 2008) và dự kiến khoảng
4,7% (năm 2010).
Tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 56,3% (năm
2000) lên 62,3% (năm 2005) và giảm xuống 58,3% (năm 2008), dự kiến
sẽ giảm xuống 56,3% vào năm 2010; tỷ trọng nhóm ngành dịch vụ giảm
từ 36,8% (năm 2000) xuống còn 34,8% (năm 2005) và tăng dần lên
36,6% (năm 2008).
So với cơ cấu kinh tế của cả nước, ngành công nghiệp, xây dựng của
vùng chiếm tỷ trọng cao hơn và độ dịch chuyển cơ cấu kinh tế trong
vùng cũng lớn hơn, từ 53,1% năm 2000 tăng lên 57,3% năm 2005, đến
năm 2007 đạt 58,7% và dự kiến năm 2010 sẽ đạt khoảng 57,5% (cả nước
từ 36,7% nằm tăng lên 41% năm 2005); tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp
trong GDP nhỏ hơn, từ 6,9% năm 2005 xuống 4,5% năm 2010 (cả nước
là 24,5% năm 2005 xuống 20,9% năm 2010).
CHƯƠNG V: VÙNG ĐẤT NAM BỘ TRONG THỜI KỲ... 303

Sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế ngành đã góp phần quan trọng vào
việc thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy việc thu hút lao động: cơ cấu sử
dụng lao động theo ngành thời kỳ 2001-2010 của vùng Đông Nam Bộ
có sự chuyển dịch theo hướng giảm tương đối tỷ trọng lao động hoạt
động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và tăng tỷ trọng lao động
trong các ngành công nghiệp.
Tính đến năm 2008, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng
Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung nhiều khu công nghiệp, khu
chế xuất (có 72 khu, tổng diện tích đất tự nhiên trên 21 nghìn ha; tỷ lệ:
chiếm 86% số lượng khu công nghiệp và 77% tổng diện tích khu công
nghiệp toàn vùng). Trong đó, tỉnh Đồng Nai dẫn đầu về số lượng khu
công nghiệp (27) và diện tích khu công nghiệp (8.216 ha). Số khu đã lấp
đầy 100% diện tích chiếm 20%, lấp đầy trên 60% diện tích chiếm 36%,
lấp đầy từ 30%-60% diện tích chiếm 23%, lấp đầy dưới 30% diện tích
chiếm 21%.
Thực hiện chủ trương chung và xuất phát từ yêu cầu thực tế của
tình hình, tại vùng Nam Bộ, cơ cấu kinh tế theo lãnh thổ có sự phân
bố khá rõ theo ba tiểu vùng với những đặc điểm và điều kiện phát triển
khác nhau:
- Tiểu vùng I (trung tâm): Thành phố Hồ Chí Minh là hạt nhân
của vùng Đông Nam Bộ, với diện tích 2.095,2 km2 (chiếm 6,9% diện
tích toàn vùng), dân số năm 2009 khoảng 7.123,3 nghìn người, mật độ
dân số là 3.399 người/km2. Năm 2009, Thành phố Hồ Chí Minh chiếm
47,4% về GDP, 44,8% giá trị xuất khẩu, 45,8% tổng thu ngân sách của cả
vùng, GDP/người gấp 1,2 lần mức bình quân toàn vùng.
- Tiểu vùng II (Đông Bắc): bao gồm Đồng Nai, Bình Dương và Bà
Rịa - Vũng Tàu, có diện tích khoảng 10.572,5 km2 (chiếm 34,8% diện
tích toàn vùng), dân số năm 2009 khoảng 4.960,6 nghìn người với mật
độ dân số là 469 người/km2. Năm 2009, tiểu vùng này đóng góp 40,7%
về GDP, 41,0% giá trị xuất khẩu, 47,5% tổng thu ngân sách của vùng.
GDP/người năm 2009 gấp 1,5 lần GDP/người toàn vùng.
- Tiểu vùng III (Tây Bắc): bao gồm Tây Ninh và Bình Phước, là tiểu
304 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

vùng có diện tích rộng nhất, khoảng 10.886,9 km2 (chiếm 35,8% diện
tích toàn vùng), dân số ít nhất, khoảng 1.941,7 nghìn người (năm 2009)
với mật độ 178 người/km2. Đến năm 2009, tiểu vùng đóng góp 4,2% GDP,
12,1% giá trị xuất khẩu, 4,6% tổng thu ngân sách của cả vùng. GDP/
người năm 2005 bằng 0,3 lần GDP/người toàn vùng.
Mỗi tiểu vùng đều đã đi dần vào khai thác được lợi thế so sánh,
hình thành được các trung tâm sản xuất hàng hóa lớn, tập trung gắn
với phát triển công nghiệp chế biến. Phát triển công nghiệp tại các tiểu
vùng đều đã gắn kết tăng quy mô, năng lực với nâng cao hiệu quả phát
triển; kết hợp phát triển các doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Tập trung
xây dựng các ngành công nghiệp then chốt, tạo ra quá trình phân bố
công nghiệp ngày càng trải rộng, lan tỏa và tăng tính liên kết trong nội
bộ vùng, nhất là đối với các ngành quan trọng như công nghiệp công
nghệ cao, điện và điện tử, sắt thép, dầu khí, hàng tiêu dùng…
Về thu, chi ngân sách: Tổng thu ngân sách nhà nước vùng Đông
Nam Bộ tăng từ 59,4 nghìn tỷ đồng năm 2000 (chiếm 65,51% tổng
thu ngân sách của cả nước) lên 111,1 nghìn tỷ đồng năm 2005 (chiếm
62,34% tổng thu ngân sách cả nước), năm 2008 đạt 225,5 nghìn tỷ đồng,
năm 2010 dự kiến đạt khoảng 319 nghìn tỷ đồng (chiếm 62% tổng thu
ngân sách cả nước)1.
Tổng chi ngân sách nhà nước của vùng Nam Bộ năm 2000 đạt 9,8
nghìn tỷ đồng tăng lên 13,2 nghìn tỷ đồng năm 2005 và dự kiến năm
2010, chi ngân sách đạt khoảng 60,8 nghìn tỷ đồng (Đông Nam Bộ là
vùng có tỷ lệ thu/chi ngân sách cao nhất cả nước).
Lĩnh vực xuất khẩu: Là mũi nhọn kinh tế của vùng Đông Nam Bộ.
Năm 2005, tổng kim ngạch xuất khẩu của vùng đạt khoảng 24,4 tỷ USD,
giá trị xuất khẩu bình quân đầu người gấp 5,5 lần cả nước (nếu không
kể dầu khí thì gấp 3,8 lần). Chỉ tiêu xuất khẩu bình quân đầu người của
Đông Nam Bộ tăng gần 2,2 lần sau 5 năm (từ 755 USD lên 1.633 USD)

1. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2010 dự kiến là 461,5 nghìn
tỷ đồng (theo Tổng quan kinh tế - xã hội Việt Nam (2006-2010), Nxb. Thống kê,
Hà Nội, tháng 11-2009, tr. 81).
CHƯƠNG V: VÙNG ĐẤT NAM BỘ TRONG THỜI KỲ... 305

và cao hơn nhiều so với mức bình quân của các vùng khác trong cả
nước. Đây là vùng kinh tế có độ mở lớn nhất cả nước.
Kim ngạch nhập khẩu của vùng Đông Nam Bộ năm 2008 đạt 32,1
tỷ USD, tăng 18,15% so với năm 2007 và chiếm 38,7% tổng kim ngạch
nhập khẩu của cả nước. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu bình quân giai
đoạn 2006-2008 là 39,7%. Giá trị nhập khẩu bình quân là 2.441 USD/người,
tăng 57% so với năm 2005.
Nhìn chung, vùng Đông Nam Bộ đóng góp ngày càng cao vào thành
quả chung về phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, cụ thể là: tính đến
năm 2008, so với cả nước, vùng Đông Nam Bộ chỉ chiếm 9,24% diện
tích tự nhiên, 14,9% dân số nhưng tỷ lệ đô thị hóa là 48,4%, gấp 1,78
lần của cả nước (cả nước là 27,0%); vùng đã đóng góp 34,8% GDP của
cả nước. GDP/người của vùng đạt khoảng 55,4 triệu đồng (gấp 3,2 lần
GDP/người của cả nước). Tỷ trọng giá trị công nghiệp của vùng trong
tổng giá trị toàn ngành công nghiệp cả nước tăng từ 38,3% năm 1995
lên 44,7% năm 2008.
Vùng Đông Nam Bộ tập trung nhiều khu công nghiệp nhất cả nước.
Các khu công nghiệp chiếm 60,5% diện tích đất công nghiệp cả nước
với tỷ lệ lấp đầy khoảng 60%; chiếm 55,4% số vốn đầu tư trực tiếp nước
ngoài (FDI) và 60% số dự án, 75% vốn đầu tư trong nước vào các khu
công nghiệp của cả nước.
Huy động vốn đầu tư cho phát triển:
Vốn đầu tư toàn xã hội: trong 5 năm 2001-2005, tổng số vốn khoảng
320,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,1% vốn đầu tư của cả nước; trong đó vốn
từ ngân sách chiếm 11%, nguồn vốn tín dụng khoảng 3%, nguồn vốn
của nhân dân và doanh nghiệp chiếm khoảng 57%, vốn đầu tư trực tiếp
nước ngoài chiếm khoảng 29%. Hai năm 2006 và 2007, vốn đầu tư toàn
xã hội tăng trưởng rất cao do môi trường đầu tư được cải thiện nhanh
chóng trước khi Việt Nam trở thành thành viên WTO. Đến năm 2008,
tốc độ tăng vốn đầu tư chậm hẳn do tình hình kinh tế thế giới và trong
nước gặp nhiều khó khăn, lạm phát cao. Trong 3 năm từ 2006 đến 2008,
306 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

toàn vùng vẫn tập trung đầu tư với tỷ trọng cao, đạt 463 nghìn tỷ đồng,
chiếm 32,2% tổng vốn đầu tư của cả nước.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: trong thời kỳ 1988-2008, toàn vùng
đã thu hút được 5.305 dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài, với tổng
số vốn đăng ký 43.995,3 triệu USD, chiếm 56,9% tổng số dự án và 54,2%
tổng số vốn đăng ký của cả nước.
Việc thu hút FDI ở trong vùng tiếp tục có chuyển biến nhanh và
thu hút được nhiều dự án như ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương,
Đồng Nai... là do thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, cải tiến
các thủ tục đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Thành phố Hồ Chí Minh đã chú trọng đầu tư xây dựng các khu đô
thị mới, khu công nghệ kỹ thuật cao. Tính đến năm 2008, đã xuất hiện
Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao thành phố, Khu đô thị
nam thành phố, Khu đô thị tây bắc; đồng thời phát triển hạ tầng kỹ
thuật đô thị.
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có sức thu hút đầu tư nước
ngoài mạnh nhất, chiếm tới 30% số dự án và 25% vốn đăng ký so với
cả nước. Trong vùng Đông Nam Bộ thì riêng Thành phố Hồ Chí Minh
chiếm 48,6% số dự án và 43,2% số vốn đăng ký so với cả vùng (Đồng
Nai chiếm 16,9% số dự án và 25,6% tổng vốn đăng ký; Bình Dương
chiếm 24,5% số dự án và 14,6% số vốn đăng ký; Bà Rịa - Vũng Tàu
chiếm 3,9% số dự án và 12,3% số vốn đăng ký so với toàn vùng). Hai
tỉnh Tây Ninh và Bình Phước, lượng vốn đầu tư nước ngoài còn khiêm
tốn. Tổng số dự án đầu tư vào hai địa phương này là 282 dự án với tổng
số vốn là 1.551,4 triệu USD, chiếm 6,1% tổng số dự án, 4,3% số vốn
đăng ký FDI toàn vùng.
Nguồn vốn FDI tập trung vào ngành công nghiệp - xây dựng và
dịch vụ, và tập trung vào tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Thành phố
Hồ Chí Minh, ba địa phương này đã chiếm 89% số dự án của ngành
trên toàn vùng. Đối với ngành dịch vụ có 683 dự án với tổng vốn đầu tư
4,652 tỷ USD, riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã có 600 dự án với tổng
vốn đầu tư 3,28 tỷ USD.
CHƯƠNG V: VÙNG ĐẤT NAM BỘ TRONG THỜI KỲ... 307

Với việc cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, như Quốc
hội ban hành Luật đầu tư, thực hiện sáng kiến Việt - Nhật, ký Hiệp
định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, đề án kết nối kinh tế Việt Nam -
Xingapo, tích cực đàm phán gia nhập WTO và ký các hiệp định song
phương hoặc các hiệp định bảo hộ đầu tư với các quốc gia, lãnh thổ trên
thế giới, các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ đã tích cực, chủ động thực
hiện vận động, xúc tiến đầu tư, biến vùng Đông Nam Bộ trở thành vùng
hấp dẫn đầu tư lớn nhất cả nước. Số lượng các nhà đầu tư, các doanh
nhân, các chủ tập đoàn kinh tế lớn đến tìm hiểu và đầu tư ngày càng
tăng và cao nhất cả nước.
Vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA): Trong những năm qua, nguồn
vốn ODA tập trung vào vùng đạt khoảng 1.860,02 triệu USD. Các chương
trình, dự án ODA tập trung vào các lĩnh vực như cấp thoát nước và phát
triển hạ tầng đô thị chiếm 26,06%, giao thông vận tải 35,14%, năng lượng
24,66%, môi trường 6,06%, giáo dục và đào tạo 2,91%...
So sánh với các vùng khác trên cả nước thì nguồn vốn ODA cho
các chương trình, dự án trong vùng Đông Nam Bộ thụ hưởng và trực
tiếp quản lý ở mức cao hơn. Điều này cho thấy sự năng động, chủ
động của chính quyền các địa phương trong vùng trong việc tìm kiếm
các nguồn lực từ bên ngoài nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của
địa phương.
Từ năm 1993 đến 2008, tổng giá trị ODA được hợp thức hóa bằng
việc ký kết các hiệp định vùng Đông Nam Bộ đạt 3.689,02 triệu USD,
trong đó 3.534,97 triệu USD vốn vay và 154,05 triệu USD là viện trợ
không hoàn lại (vốn ODA chiếm 95,8%, viện trợ không hoàn lại chiếm
4,2%).
Nguồn vốn ODA này đã hỗ trợ đáng kể cho các tỉnh trong vùng,
góp phần cải thiện đời sống cho nhân dân như cải tạo hoặc xây mới
hệ thống cấp nước cho các thị xã, tỉnh lỵ; xây dựng đường giao thông
nông thôn; xây dựng cơ sở y tế; khôi phục và bảo vệ rừng; xóa đói, giảm
nghèo... Các dự án Trung ương phát triển kinh tế vùng và liên vùng tập
308 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

trung chủ yếu vào nâng cấp, xây dựng cảng biển, cảng hàng không, xây
dựng các nhà máy, trạm truyền tải điện quy mô lớn, đường quốc lộ, đào
tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bảo vệ rừng... Các dự án, chương
trình ODA do vùng thụ hưởng trực tiếp tập trung chủ yếu vào các lĩnh
vực giao thông, năng lượng, thoát nước và vệ sinh môi trường, phát
triển đô thị. Các lĩnh vực này chiếm tỷ trọng cao (44,3%) trong tổng số
nguồn vốn ODA.
Cụ thể ở khu vực Đông Nam Bộ, tỉnh Bình Dương thời kỳ này đã
đạt được những thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội. Tính chung
tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng bình quân 15% hằng năm, cơ cấu
ngành kinh tế chuyển dịch đúng định hướng đã đề ra là “tăng tỷ trọng
dịch vụ, ổn định tỷ trọng công nghiệp và giảm tỷ trọng nông nghiệp”.
Năm 2007, cơ cấu kinh tế của tỉnh Bình Dương là công nghiệp - dịch vụ -
nông nghiệp với tỷ lệ tương ứng là 64,4% - 29,2% - 6,4%, tỷ trọng công
nghiệp tăng thêm 0,9%, dịch vụ tăng thêm 1,1%, nông nghiệp giảm
2% so với năm 2005. GDP bình quân đầu người năm 2007 đạt 21 triệu
đồng, gấp 1,45 lần năm 20051.
Đối với tỉnh Đồng Nai, tổng sản phẩm quốc nội đạt tốc độ tăng
trưởng cao, bình quân 3 năm 2006-2008 tăng 15%, trong đó ngành công
nghiệp, xây dựng tăng bình quân hằng năm là 16,9%, dịch vụ tăng bình
quân 10%, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 15%.
Quy mô GDP theo giá thực tế năm 2008 đạt 53.855 tỷ đồng, gấp
1,74 lần năm 2005; GDP bình quân đầu người theo giá thực tế năm 2008
là 21,716 triệu đồng (tương đương 1.316 USD), GDP bình quân đầu
người năm 2008 là 1.068,8 USD, tăng gấp 1,35 lần năm 2005, đạt 76,3%
mục tiêu đến năm 2010.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tỷ trọng ngành
công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng, ngành nông, lâm nghiệp và thủy
sản giảm. Cơ cấu kinh tế của ngành công nghiệp, xây dựng năm 2005

1. Xem Tổng quan kinh tế - xã hội Việt Nam (2006-2010), Sđd, tr. 359.
CHƯƠNG V: VÙNG ĐẤT NAM BỘ TRONG THỜI KỲ... 309

chiếm 57%, ngành dịch vụ chiếm 28%, ngành nông, lâm nghiệp và thủy
sản chiếm 15%. Đến năm 2008, ngành công nghiệp, xây dựng chiếm
57,9%, ngành dịch vụ chiếm 31,5%, ngành nông, lâm nghiệp và thủy
sản chiếm 10,6%1.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ở mức cao và
tiếp tục được duy trì trong những năm 2006-2010. Tính bình quân trong
hai năm rưỡi (2006-2008) tăng 21,95%/năm, vượt 1,3% so với Nghị quyết
của tỉnh đề ra, GDP bình quân đầu người đạt 4.447 USD/người/năm vào
cuối năm 2008, tăng gấp đôi so với những năm 2001-2005.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó ngành dịch vụ
tăng dần. Cụ thể là ngành công nghiệp, xây dựng đạt 62,54%, dịch vụ
33,37%, nông nghiệp 4,09%. Giá trị bình quân của sản xuất công nghiệp
trong 2 năm rưỡi (2006-2008) tăng 22,92% và trong thời gian này đã thu
hút được 70 dự án đầu tư vào khu công nghiệp với tổng số vốn 6,368 tỷ
USD và 10.148,27 tỷ đồng, nâng tổng số dự án đầu tư trong khu công
nghiệp lên 180 dự án, tập trung vào một số ngành công nghiệp chủ lực
như 15 nhà máy sản xuất thép, 4 nhà máy sản xuất điện, Nhà máy đạm
Phú Mỹ…
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã quy hoạch 45 cụm công nghiệp, tiểu
thủ công nghiệp với quy mô 2.900 hécta của các ngành, nghề chế biến
nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, da giày… nhằm mục
tiêu chuyển dịch lao động nông thôn, di dời, sắp xếp lại cơ sở tiểu thủ
công nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ còn nằm xen kẽ trong khu dân cư,
giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường khu dân cư, tạo điều kiện cho
nông thôn phát triển2.
Đặc biệt, tại Thành phố Hồ Chí Minh, tốc độ phát triển kinh tế vẫn
giữ được mức cao, các nguồn lực xã hội được phát huy, cơ cấu kinh tế
chuyển dịch đúng hướng, các loại thị trường từng bước được mở rộng
và phát triển. Ngành dịch vụ có tốc độ tăng trưởng ngày càng cao, bình
quân tăng 13,4%/năm, trong đó năm 2006 tăng 13,8%, năm 2007 tăng

1, 2. Xem Tổng quan kinh tế - xã hội Việt Nam (2006-2010), Sđd, tr. 527, 261.
310 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

14,3%, 6 tháng đầu năm 2008 tăng 10,8%. Đặc biệt là các ngành dịch vụ
chủ yếu của thành phố là tài chính - ngân hàng, du lịch, bưu chính viễn
thông và vận tải, dịch vụ cảng, kho bãi tăng rất mạnh.
Từ năm 2007, ngành công nghiệp của thành phố bắt đầu tăng nhanh
hơn. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2006 tăng 13,4%, năm 2007 tăng
13,6%, 6 tháng đầu năm 2008 tăng 13,4%. Tốc độ tăng trưởng các ngành
cần nhiều lao động như dệt may, da giày,… có xu hướng giảm dần, các
ngành có hàm lượng khoa học kỹ thuật, giá trị như cơ khí, chế tạo, điện,
điện tử, hóa dược phẩm có xu hướng tăng dần.
Thời kỳ này, thành phố thực hiện chủ trương di dời các cơ sở sản
xuất gây ô nhiễm ra khỏi thành phố, đạt hơn 90%. Tính đến năm 2008,
trên địa bàn thành phố đã có 14 khu công nghiệp, 2 khu chế xuất, có
950 doanh nghiệp đang hoạt động với số vốn đầu tư 4,2 tỷ USD, thu
hút 22.000 lao động; tổng kim ngạch xuất khẩu từ năm 2005 đến 2008
đạt 6,5 tỷ USD, tăng bình quân 12%/năm, chiếm tỷ trọng 29% tổng kim
ngạch xuất khẩu. Thành phố đang tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch để lập
thêm 7 khu công nghiệp chuyên ngành, tạo điều kiện ứng dụng công
nghệ cao.
Giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp bình quân tăng 5,08%/năm.
Nếu năm 2005 chỉ tăng 1,6% thì năm 2006 tăng 5,6%, năm 2007 tăng
5,1%, 6 tháng đầu năm 2008 tăng 4%. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế
trong nông nghiệp theo hướng tích cực. Cuối năm 2005, trồng trọt
chiếm tỷ lệ 26,6%, chăn nuôi 33,5%, lâm nghiệp 2,5%, thủy sản 28,8%,
dịch vụ nông, lâm nghiệp 8,5% thì đến 6 tháng đầu năm 2008: trồng trọt
chiếm tỷ lệ 28,1%, chăn nuôi 34,4%, lâm nghiệp 1,3%, thủy sản 24,7%,
dịch vụ nông nghiệp tăng lên 11,6%1.

b- Về phát triển xã hội


- Hệ thống giáo dục phát triển tốt, đa dạng các ngành học từ bậc giáo
dục mầm non, phổ thông đến cao đẳng, đại học. Hệ thống giáo dục cao

1. Xem Tổng quan kinh tế - xã hội Việt Nam (2006-2010), Sđd, tr. 142.
CHƯƠNG V: VÙNG ĐẤT NAM BỘ TRONG THỜI KỲ... 311

đẳng và đại học không những phục vụ cho các địa phương trong vùng mà
còn phục vụ cho hầu hết các tỉnh phía Nam. Tất cả các tỉnh, thành phố đã
hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ vào năm
2000, Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở từ
năm 2002. Mục tiêu chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, kiên cố hóa trường lớp
đã được các cấp, các ngành chú ý đúng mức. Công tác xã hội hóa giáo dục
trong vùng phát triển mạnh.
Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung quy hoạch lại hệ thống các cơ
sở đào tạo (đại học, cao đẳng, dạy nghề) theo hướng chủ động đào tạo
các ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại nhằm nâng cao chất lượng nguồn
nhân lực. Đã quy hoạch, phát triển mạng lưới trường lớp trên địa bàn
10/24 quận, huyện.
Đến năm 2008, toàn Thành phố Hồ Chí Minh có 366 trường ngoài
công lập trên tổng số 1.461 trường học ở các cấp bậc học phổ thông. Chỉ
trong thời gian từ năm 2005 đến 2008 đã có 106 trường được xây mới,
trong đó có 84 trường mầm non, 22 trường phổ thông, phòng học được
xây dựng mới là 2.152 phòng.
Năm học 2008-2009, toàn Thành phố có 1.218 triệu học sinh các
cấp, có 617 trường mầm non, 467 trường tiểu học, 243 trường trung
học cơ sở, 134 trường trung học phổ thông, tổng cộng 44.264 giáo viên
các cấp, bậc học, với tổng số 27.438 phòng học. Đó là những thành tích
rất đáng tự hào của công tác giáo dục và đào tạo ở Thành phố Hồ Chí
Minh những năm qua.
Hoạt động văn hóa - xã hội của thành phố ngày càng đa dạng,
phong phú, từng bước đáp ứng yêu cầu cải thiện đời sống vật chất và
văn hóa cho nhân dân. Công tác xã hội hóa cũng đạt nhiều thành tựu
đáng kể. Thành phố cũng đã đạt được những thành tựu quan trọng
trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, cơ sở vật chất
ngành y tế không ngừng được mở rộng và nâng cấp. Mạng lưới y tế,
đặc biệt là y tế cơ sở được quan tâm đầu tư, từng bước được củng cố
và phát triển.
312 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội được chú trọng và triển
khai thực hiện tốt. Thành phố đã tổ chức chăm lo cho những gia đình
cá nhân thuộc diện chính sách có công, diện trợ cấp xã hội, dân nghèo.
Vùng Đông Nam Bộ tập trung nhiều cơ sở đào tạo, nhất là các
trường cao đẳng, đại học (có 64 trường, chiếm 27% tổng số trường
cao đẳng và đại học của cả nước). Tổng số giảng viên và sinh viên tại
các trường hệ cao đẳng và đại học là 13.720 giảng viên và 447.998 sinh
viên, chiếm 22,6% đội ngũ giảng viên và 26,7% tổng số sinh viên cao
đẳng và đại học của cả nước. Vùng Đông Nam Bộ là trung tâm dạy
nghề lớn nhất của khu vực phía Nam. Năm 2008, toàn vùng có 2.103
giáo viên và 45.924 học sinh khối trung học chuyên nghiệp, chiếm
18% đội ngũ giáo viên và 19% lực lượng học sinh trung học chuyên
nghiệp toàn quốc.
Về y tế: Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu trong cả
nư­ớc về phát triển y học kỹ thuật cao, áp dụng khoa học kỹ thuật y tế
hiện đại về nhiều chuyên ngành, đặc biệt là các kỹ thuật về cấy ghép phủ
tạng, mổ nội soi, thụ tinh trong ống nghiệm, mổ tách cặp sơ sinh... thực
hiện nhiều ca phẫu thuật phối hợp từ xa (telemedicine). Nhiều bệnh
viện ở Thành phố Hồ Chí Minh đạt trình độ kỹ thuật chuyên sâu cao
nhất cả nước.
Mạng l­ưới y tế cơ sở ngày càng đ­ược củng cố và phát triển; 100% xã,
phường có cán bộ y tế phục vụ. Đến cuối năm 2008, trên 86,8% số trạm
y tế có bác sĩ, cao nhất so với cả n­ước. Mạng l­ưới khám, chữa bệnh đã
đ­ược đầu t­ư nâng cấp và thực sự có những tiến bộ mới. Hệ thống cung
ứng các dịch vụ y tế được mở rộng, tỷ lệ ngư­ời ốm được chăm sóc về y
tế tăng lên. Nhiều kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị đã đ­ược áp
dụng thành công và triển khai rộng.
Công tác văn hóa, thông tin, thể dục thể thao: Các hoạt động thông
tin, cổ động, triển lãm, phát thanh truyền hình, báo chí, xuất bản, thể
dục, thể thao hoạt động thường xuyên và có hiệu quả. Công tác giữ gìn,
bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa được chú trọng.
CHƯƠNG V: VÙNG ĐẤT NAM BỘ TRONG THỜI KỲ... 313

Thực hiện công tác xã hội: Tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ thất nghiệp tiếp


tục giảm; an ninh, trật tự xã hội và quản lý đô thị có nhiều tiến bộ,
thực hiện tốt các chương trình phát triển xã hội. Công tác xóa đói,
giảm nghèo đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, tạo cơ hội
cho người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản; làm tốt công
tác truyền thông, nâng cao dân trí; tăng việc làm, thu nhập cải thiện
đời sống nhân dân. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xóa
đói, giảm nghèo và tạo việc làm; chú trọng đào tạo cán bộ cho các xã
nghèo, cử cán bộ tỉnh, huyện và đội ngũ trí thức về giúp các xã nghèo.
Lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, động viên
mọi người tham gia xóa đói, giảm nghèo. Xây dựng quỹ khám chữa
bệnh cho người nghèo và quỹ hỗ trợ giáo dục cho học sinh nghèo...
Với các giải pháp trên, mỗi năm bình quân vùng Đông Nam Bộ có
khoảng 20 nghìn hộ đã thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo năm 2008
xuống 2,3% (theo chuẩn mới).
Phong trào xây dựng xã, phường lành mạnh, không có tệ nạn xã hội
được các địa phương trong vùng chú trọng như đẩy mạnh chương trình
3 giảm: ma túy, mại dâm, tội phạm. Ngành lao động, thương binh và xã
hội đã tổ chức đúc kết các mô hình cai nghiện có hiệu quả như mô hình
3 giai đoạn (cộng đồng - công trường - cộng đồng), chương trình định
cư cách ly môi trường ma túy của Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhìn chung, sau hơn 20 năm đổi mới, các tỉnh của vùng Đông
Nam Bộ đã xây dựng được một tiềm lực kinh tế mạnh, bao gồm các cơ
sở vật chất - kỹ thuật và công nghiệp chiếm tỷ trọng đáng kể so với cả
nước. Vùng Đông Nam Bộ sớm tiếp cận với cơ chế kinh tế thị trường,
đã mạnh dạn và sáng tạo trong việc vận dụng cơ chế ấy theo định
hướng xã hội chủ nghĩa, đây là một lợi thế nổi trội so với các vùng
khác của cả nước.
Là trung tâm đầu mối dịch vụ và thương mại tầm cỡ khu vực và
quốc tế nên có sức hút mạnh đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước,
và thu hút lao động từ ngoài vùng. Đông Nam Bộ vốn là vùng công
314 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

nghiệp trọng yếu lớn nhất của cả nước, đã hình thành và liên kết mạng
lưới các khu công nghiệp tập trung và phát triển các ngành công nghiệp
mũi nhọn và cơ bản. Là môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư phát triển
công nghiệp. Tỷ lệ cho thuê đất tại các khu công nghiệp khoảng 53,9%
diện tích có thể cho thuê.
Vùng Đông Nam Bộ có những sản phẩm cho giá trị xuất khẩu cao
như cao su, điều, hồ tiêu và cây ăn quả. Ngoài ra, các loại cây công
nghiệp ngắn ngày, hoa màu như mía, thuốc lá, lạc, bông, vải, sắn, ngô,
giá trị cũng vào loại nhất, nhì so với các vùng khác.
Đã hình thành hệ thống đào tạo và trung tâm nghiên cứu khoa học,
trung tâm y tế có trình độ cao, đảm bảo đào tạo và cung cấp dịch vụ y tế
cho cả vùng; là một trong hai vùng có khu công nghệ cao và trung tâm
tin học, đào tạo và sản xuất phần mềm của cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn đó, tình hình kinh tế -
xã hội Nam Bộ vẫn còn nhiều hạn chế. Cơ cấu kinh tế tuy có sự chuyển
dịch nhanh hơn mức bình quân cả nước, song chưa tạo ra tiền đề cho
sự tăng tốc và nâng cao khả năng cạnh tranh. Công nghiệp phát triển
nhanh nhưng chưa bền vững và không đồng bộ, cơ cấu công nghiệp
thiếu hợp lý; hiện đại hóa chưa đi đôi với công nghiệp hóa. Sản xuất
nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào sự biến động của thị trường, giá
cả, chất lượng sản phẩm thấp, giá thành cao, kém sức cạnh tranh, hiệu
quả sản xuất kinh doanh thấp. Quan hệ sản xuất nông nghiệp chưa thực
sự thích ứng với cơ chế mới, đặc biệt là sự liên kết hợp tác giữa các khâu:
khoa học công nghệ, sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trình độ công nghệ,
cơ cấu công nghệ nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu, việc đổi mới công
nghệ và ứng dụng công nghệ cao còn chậm. Kết cấu hạ tầng chưa theo
kịp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng đang trong tình
trạng ngày càng quá tải. Quy hoạch đô thị, quản lý đô thị và khu công
nghiệp còn bất cập. Tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm
nguồn nước và vấn đề xử lý rác thải rắn đang là vấn đề nóng trong vùng.
Cơ cấu lao động dịch chuyển chậm, chất lượng lao động thấp, chưa đáp
CHƯƠNG V: VÙNG ĐẤT NAM BỘ TRONG THỜI KỲ... 315

ứng được yêu cầu. Nhiều vấn đề xã hội đang đặt ra cấp bách phải giải
quyết. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị còn trên 6%, khu vực nông
thôn mới sử dụng 75% thời gian làm việc (bằng gần 1/4 tổng số lao động
không có việc làm). Mức lương tính theo giờ của công nhân khoảng
0,45 USD, là mức cao so với các vùng khác trong cả nước, nhưng là
mức rất thấp trong khu vực và quốc tế. Trong khi cơ cấu GDP đạt được
những bước tiến nhất định, thì cơ cấu lao động chuyển dịch còn chậm.
Tỷ trọng lao động trong khu vực nông nghiệp - nông thôn giảm không
đáng kể (từ 31,3% năm 2000 xuống 25,5% năm 2005 và khoảng 21%
năm 2008); tỷ trọng lao động trong ngành công nghiệp tăng từ 27% năm
2000 lên 35% năm 2008. Khu vực dịch vụ, tuy có tạo thêm khá nhiều
việc làm mới (chủ yếu gắn với khu vực tư nhân sau Luật doanh nghiệp),
song cũng chưa làm chuyển cơ cấu một cách căn bản. Điều đó làm tăng
thêm áp lực việc làm, thất nghiệp trong vùng vốn đã cực kỳ gay gắt.
Việc đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao chưa được chú trọng thỏa
đáng. Mâu thuẫn giữa thiếu lao động có tay nghề và thừa lao động nhập
cư vẫn chưa có hướng giải quyết; đình công trong các khu công nghiệp
trong vài năm gần đây có chiều hướng tăng và đang đặt ra nhiều vấn đề
cần giải quyết.
Đó là những yếu tố làm cho năng lực cạnh tranh của toàn bộ nền
kinh tế Nam Bộ còn yếu. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày nay, vấn
đề này trở thành nghiêm trọng.
Những hạn chế, yếu kém đó do nhiều nguyên nhân. Chưa có giải
pháp chủ động chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, do đó chưa tạo điều
kiện khai thác tiềm năng của vùng, chưa phát huy được vai trò đầu tàu,
chức năng trung tâm công nghiệp, dịch vụ của vùng. Công nghiệp hóa
của vùng chưa đi đôi với hiện đại hóa. Phân bố vốn đầu tư từ ngân sách
vẫn còn dàn trải, kéo dài thời gian thực hiện dự án, làm giảm hiệu quả
đầu tư. Công tác sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước ở một số địa
phương thực hiện vẫn còn chậm. Liên kết, phối hợp phát triển vùng còn
yếu. Yếu tố nguồn nhân lực chưa được toàn dụng, chất lượng lao động
316 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

chưa đáp ứng được yêu cầu. Cơ chế phối hợp trong quản lý chưa được
làm rõ về chức năng và tổ chức, gây ra nhiều hạn chế đối với việc hợp
tác phát triển.

III- XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG TÂY NAM BỘ
(ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG)

1. Điều kiện xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nam Bộ
Vùng đồng bằng sông Cửu Long (Tây Nam Bộ) bao gồm 13 tỉnh,
thành phố: Long An, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long,
Bến Tre, Kiên Giang, thành phố Cần Thơ, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc
Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Vùng đồng bằng sông Cửu Long nằm ở cực
Nam của Tổ quốc, phần đất liền trải dài từ 11o - 8o30’ vĩ độ Bắc (từ Long
An đến Cà Mau) và từ 103o50’ - 106o50’ kinh độ Đông (từ Kiên Giang
đến Bến Tre). Phía bắc và tây bắc giáp Vương quốc Campuchia; giáp
Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh (vùng Đông Nam Bộ). Phía tây và
tây nam giáp vịnh Thái Lan. Phía đông và đông nam giáp Biển Đông.
Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những đồng bằng châu thổ
rộng và phì nhiêu ở Đông Nam Á và thế giới, là vùng sản xuất lương
thực, nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản và vùng cây ăn trái nhiệt đới
lớn của cả nước.
Đồng bằng sông Cửu Long có bờ biển dài hơn 700 km, với khoảng
360.000 km2 vùng đặc quyền kinh tế, giáp Biển Đông và vịnh Thái Lan
có điều kiện thuận lợi phát triển vận tải biển, phát triển kinh tế biển
(đặc biệt là phát triển khai thác hải sản, công nghiệp khai thác khoáng
sản dưới lòng biển, xuất nhập khẩu, du lịch biển...).
Đồng bằng sông Cửu Long nằm giữa một khu vực kinh tế năng
động và phát triển, liền kề với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - phát
triển năng động nhất Việt Nam, bên cạnh các nước Đông Nam Á - một
khu vực kinh tế năng động và phát triển, là những thị trường và đối tác
đầu tư quan trọng.
CHƯƠNG V: VÙNG ĐẤT NAM BỘ TRONG THỜI KỲ... 317

Đồng bằng sông Cửu Long nằm giáp Campuchia, gần Tây Nguyên
là những vùng đất có nguồn tài nguyên khoáng sản, rừng phong phú,
thuận lợi cho việc phát triển, giao lưu và hợp tác kinh tế.
Đồng bằng sông Cửu Long nằm trong khu vực có đường giao thông
hàng hải và hàng không quốc tế quan trọng, giữa Nam Á và Đông Á
cũng như với châu Đại Dương và các quần đảo khác trong Thái Bình
Dương, vị trí này hết sức quan trọng cho giao lưu quốc tế.
Đồng bằng sông Cửu Long nằm trên địa hình tương đối bằng
phẳng, mạng lưới sông ngòi, kênh rạch phân bố rất dày thuận lợi cho
giao thông đường thủy vào bậc nhất so với các vùng khác ở nước ta.
Do phần lớn lãnh thổ nằm ở vị trí trũng, thấp nên đất dễ bị lún
và có nơi bị ngập lũ hằng năm, ảnh hưởng đến sản xuất, xây dựng và
đời sống.
Ngoại trừ một vài khu vực có đá lộ thiên ở vùng Tứ giác Long
Xuyên, còn lại có địa hình bằng phẳng, cao độ trung bình xấp xỉ 0,8m
trên mực nước biển trung bình, chỉ có dọc theo biên giới phía Bắc với
Campuchia, cao độ mặt đất khoảng 1,5m trên mực nước biển trung
bình. Vào thời kỳ lũ lớn, một số nơi trên thượng lưu của đồng bằng
sông Mêkông từ phía dưới Công Pông Chàm đến phía trên Cần Thơ bị
ngập sâu có chỗ đến 4,5m. Hiện tượng xói mòn đang xảy ra dọc theo bờ
Biển Đông, trong khi đó quá trình bồi tích đang tiếp tục mở rộng thêm
bán đảo Cà Mau về phía nam và phía tây.
Nền đất đồng bằng sông Cửu Long thuộc dạng đất yếu (bùn sét,
bùn sét pha, bùn cát pha). Việc xây dựng các công trình dân dụng và
công nghiệp trên vùng đất này gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi phải đầu
tư nhiều vào việc xử lý nền móng.
Về khí hậu, đồng bằng sông Cửu Long có một nền nhiệt cao và ổn
định trong toàn vùng. Nhiệt độ và ánh nắng là một trong những lợi
thế để phát triển một nền nông nghiệp nhiệt đới với nhiều chủng loại
cây, con, tạo nên sự đa dạng trong sản xuất và trong chuyển dịch cơ
cấu sản xuất.
318 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Lượng mưa trung bình năm ở đồng bằng sông Cửu Long biến động
theo không gian và thời gian tạo nên hai mùa tương phản là mùa mưa
và mùa khô. Lượng mưa bình quân cả vùng đạt 1.520-1.580 mm.
Mưa theo mùa đã và đang gây ra những trở ngại đáng kể cho sản
xuất nông nghiệp và đời sống cư dân: mùa mưa thường đi kèm với ngập
lũ trong khoảng 50% diện tích toàn đồng bằng; mùa khô thường đi kèm
với việc thiếu nước tưới, gây khó khăn cho sản xuất, nhất là khu vực bị
ảnh hưởng của mặn, phèn; tất cả những điều đó làm tăng thêm tính thời
vụ cũng như nhu cầu dùng nước không đều giữa các mùa của sản xuất
nông nghiệp.
Tài nguyên thiên nhiên của vùng
Tài nguyên đất và hiện trạng sử dụng đất: Vùng đồng bằng sông Cửu
Long có 8 nhóm đất chính là:
Nhóm đất phù sa: ở vùng ven và giữa hệ thống sông Tiền và sông
Hậu, có diện tích khoảng 1.184.857 ha (chiếm 31,66% diện tích đất đai
toàn vùng, khoảng 1/3 tổng diện tích đất phù sa của cả nước).
Nhóm đất phèn: ở vùng Đồng Tháp Mười, vùng Tứ giác Long Xuyên,
vùng trũng trung tâm bán đảo Cà Mau, với tổng diện tích 1.600.263 ha
(chiếm hơn 40% diện tích toàn vùng). Hiện nay, phần lớn đất phèn đã
được khai thác để trồng lúa và đã trồng được 2 vụ. Số còn lại khoảng
10% dưới rừng ngập mặn và những vùng phèn sâu ở Đồng Tháp, Tứ
giác Long Xuyên và bán đảo Cà Mau.
Nhóm đất mặn: ở dọc theo vành đai ven Biển Đông và vịnh Thái
Lan, chiếm diện tích khoảng 744.547 ha. Hiện nay, loại đất mặn nhiều
thường chỉ được sử dụng một vụ lúa mùa, mùa khô thường bỏ hoang.
Nhiều vùng đất mặn đã được nông dân lợi dụng nước thủy triều để nuôi
trồng thủy sản trong đồng ruộng. Đất mặn trung bình và ít: diện tích
loại đất này là 586.422 ha, chiếm 78,76% diện tích nhóm đất mặn. Hiện
nay, đại bộ phận đất được trồng hai vụ lúa, những nơi chủ động tưới tiêu
thường có năng suất cao. Đây cũng là địa bàn trồng lúa có năng suất và
chất lượng cao, cũng như thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản hơn
vùng nội đồng.
CHƯƠNG V: VÙNG ĐẤT NAM BỘ TRONG THỜI KỲ... 319

Nhóm đất xám: có diện tích khoảng 134.656 ha, tập trung chủ yếu
tại các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang. Đất xám thích
hợp với việc trồng cây ăn quả và các loại cây hoa màu như: đậu các loại,
rau màu, thuốc lá...
Nhóm đất than bùn: ở vùng U Minh ở Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà
Mau. Đất than bùn đang được sử dụng dưới hình thức khác nhau, có
nơi lên luống trồng rau, sắn, dứa. Than bùn dưới rừng tràm còn là nơi
dự trữ nước ngọt phục vụ đời sống nhân dân và cho sản xuất.
Nhóm đất đỏ vàng: diện tích 2.420 ha, chiếm 0,06% diện tích toàn
vùng, chủ yếu ở An Giang, Kiên Giang, chỉ có thể trồng cây công nghiệp
lâu năm, trồng rừng.
Nhóm đất xói mòn: diện tích 8.787 ha, chiếm 0,23% diện tích toàn
vùng, chủ yếu ở An Giang, Kiên Giang. Loại đất này bị tác động mạnh
của xói mòn và gây hậu quả xấu đối với vùng đất thấp bên dưới.
Nhóm đất cát: diện tích 43.318 ha, chiếm 1,16% diện tích toàn vùng,
phân bố chủ yếu ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre,
Trà Vinh, Vĩnh Long, thành phố Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc
Liêu, Cà Mau.
Tài nguyên nước: nguồn nước mặt ở đồng bằng sông Cửu Long
khá dồi dào, bao gồm hệ thống sông và hệ thống kênh đào chằng chịt,
mang nguồn nước dàn trải hầu như rộng khắp đồng bằng, lớn nhất
và chủ yếu nhất là hai hệ thống sông chính là sông Cửu Long và sông
Vàm Cỏ.
Nước ngầm ở đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là có trữ
lượng lớn, khoảng trên 84 triệu m3/ngày. Hiện nay tổng lượng nước
ngầm đang khai thác sử dụng là 106 ngàn m3/ngày đêm, hiện đang có
hơn 320.000 giếng các loại với tổng lưu lượng khai thác 220.000 m3/ngày.
Chế độ thủy văn làm cho gần 2 triệu ha đất ở đồng bằng sông Cửu
Long bị ngập lũ kéo dài từ tháng 8 đến tháng 12 với các cấp độ ngập
khác nhau (vùng ngập gồm địa phận 9 tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Kiên
Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An và Bến Tre,
với 53 huyện, thị). Ngập lũ đã và đang gây ra những khó khăn nhất định
320 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

cho sản xuất và đời sống dân sinh. Tuy nhiên, lũ cũng mang nguồn
phù sa bồi đắp cho đồng ruộng, dòng chảy lũ có tác dụng tốt trong
việc cải tạo môi trường nước và cải tạo đất, vệ sinh đồng ruộng. Mặt
khác, nguồn nước ngọt quan trọng này được cung cấp cho sản xuất
nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, kinh tế dân sinh và tạo nên một vùng
sinh thái nước ngọt rộng lớn.
Thủy triều Biển Đông theo sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ
xâm nhập sâu vào đồng bằng và ảnh hưởng lên phần lớn diện tích của
đồng bằng sông Cửu Long. Sự xâm nhập của thủy triều kéo theo sự
xâm nhập của mặn, mặn đang làm ảnh hưởng (cả tích cực đến tiêu
cực) đến sản xuất của khoảng 1,7 triệu ha đất ở vùng ven biển và ven
các sông lớn.
Hệ thống kênh đào hiện đã nối thông sông Tiền với sông Vàm Cỏ,
nối thông các vùng nằm sâu trong nội đồng ra sông chính, nối sông
Tiền sang sông Hậu và sông Hậu ra biển Tây, ra sông Cái Lớn và các
sông ở phía nam như Mỹ Tranh, Gành Hào, Ông Đốc.
Tài nguyên rừng: diện tích đất lâm nghiệp gần 330 ngàn ha (năm
2008), chủ yếu là rừng ngập mặn và chua phèn ven biển, phân bố tập
trung ở hai tỉnh: Kiên Giang và Cà Mau. Rừng ngập nước ở Cà Mau và
một phần Kiên Giang là kiểu rừng đặc biệt thuộc loại quý, hiếm trên
thế giới. Ở các khu rừng ngập mặn có hai loài cây gỗ chính là cây đước
và cây mắm, hai loài cây này chi phối hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Tiềm năng nuôi trồng thủy sản: sau khi Chính phủ ra Nghị quyết
số 09/2000/NQ-CP thì diện tích có khả năng phát triển nuôi trồng
thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng tăng. Đến năm
2008, diện tích nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ có khoảng
886,2 ngàn ha, chiếm 89% tổng diện tích có khả năng nuôi trồng thủy
sản nước mặn, nước lợ trên toàn quốc. Diện tích nuôi trồng thủy sản
nước ngọt khoảng 480 ngàn ha, chiếm 52% diện tích nuôi trồng thủy
sản nước ngọt toàn quốc. Toàn vùng có khoảng 42 ngàn ha diện tích
có khả năng phát triển nuôi sinh thái trong rừng ngập mặn, chiếm
51% diện tích rừng ngập mặn.
CHƯƠNG V: VÙNG ĐẤT NAM BỘ TRONG THỜI KỲ... 321

Tài nguyên khoáng sản có các loại như:


Dầu khí: ở thềm lục địa tiếp giáp Biển Đông và vịnh Thái Lan.
Trong đó, bể trầm tích Nam Côn Sơn có tiềm năng lớn nhất, khoảng 3
tỷ tấn dầu quy đổi.
Đá vôi: chủ yếu ở khu vực Hà Tiên, Kiên Lương với trữ lượng khoảng
440 triệu tấn, trữ lượng có khả năng khai thác công nghiệp khoảng 246
triệu tấn, hiện khai thác khoảng 2 triệu tấn/năm.
Ngoài ra, còn các loại khoáng sản khác như: đá Andesit, granite, đất
sét làm gạch ngói, cát, sỏi xây dựng, than bùn, nước khoáng.
Tài nguyên văn hóa, du lịch: vùng đồng bằng sông Cửu Long có
một hệ thống sông rạch chằng chịt, những vườn cây ăn trái, những
chợ nổi tấp nập trên sông, những vùng đa dạng sinh học, những khu
rừng nguyên sinh... Đó là những tài nguyên du lịch rất hấp dẫn bởi
tính quý hiếm.
Về văn hóa, lịch sử: có các di chỉ khảo cổ Óc Eo, Gò Tháp, Lưu Cừ,
Thành Mới… khá hấp dẫn các nhà nghiên cứu. Các chùa chiền, lễ hội,
địa điểm hành hương, hang động, làng nghề... cũng là những tài nguyên
du lịch có giá trị.
Nguồn nhân lực: theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm
2009 dân số toàn vùng là 17.178,9 nghìn người (chiếm 20,5% dân số cả
nước) trong đó dân số đô thị là 3.922,3 nghìn người, chiếm 22,8% tổng
dân số của vùng. Mật độ dân số trung bình là 436 người/km2 (gấp 1,7
lần mật độ dân số trung bình của cả nước), tốc độ tăng dân số thời kỳ
2001-2005 trung bình khoảng 1,09%/năm và giai đoạn 2006-2008 giảm
xuống 0,84%/năm. Tỷ lệ dân số thành thị tăng từ 17,6% năm 2000 lên
20,9% năm 2005 và đạt khoảng 21,5% năm 2008, thấp hơn so với mức
trung bình của cả nước (28,1%).
Vùng đồng bằng sông Cửu Long có cơ cấu đa dân tộc nhưng người
Việt chiếm khoảng 92,3%, sau đó là người gốc Khmer chiếm khoảng 6,4%
và người Hoa chiếm khoảng 1,2%, còn lại là các dân tộc thiểu số khác.
Lực lượng lao động toàn vùng năm 2008 là 9.928 ngàn người. Từ
sau năm 2000, chất lượng nguồn nhân lực của toàn vùng được nâng lên
322 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

khá nhanh, tuy nhiên tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2008 mới đạt
20,58% (bình quân cả nước là 25%). Ngoài ra còn có sự chênh lệch lớn
giữa các địa phương trong vùng (Cần Thơ: 35,2%, Long An: 24%, Bến
Tre: 11,4%, Hậu Giang: 13,1%, Kiên Giang: 15,4%).
Tổng số lao động làm việc trong nền kinh tế tăng từ 8.052 ngàn
người năm 2000 lên hơn 9.611 ngàn người năm 2008, bình quân giai
đoạn 2001-2005 tăng 2,11%/năm, giai đoạn 2006-2008 tăng 2,44%/năm.
Tỷ trọng lao động ngành nông - lâm - ngư nghiệp giảm liên tục, năm
2000 là 74,4%, đến năm 2008 còn 66%. Tuy nhiên, quá trình chuyển
dịch này vẫn chậm hơn mức trung bình của cả nước.
Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị của vùng đã giảm dần từ
6,15% năm 2000 xuống còn 4,87% năm 2005 và 4,12% năm 2008. Tỷ lệ
thiếu việc làm tại khu vực nông thôn năm 2008 là 7,11%, cao hơn mức
bình quân chung của cả nước (6,1%).

2. Thực hiện xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nam Bộ
(1997-2010)
Với sự nỗ lực cao độ, trải qua hơn 10 năm phấn đấu, kinh tế - xã hội
Tây Nam Bộ (đồng bằng sông Cửu Long) đã đạt được nhiều thành tựu
đáng kể. Nhìn chung, kinh tế có mức tăng trưởng khá, cao hơn trung
bình cả nước.
Cùng với việc triển khai thực hiện Quyết định số 173/2001/ QĐ-TTg
ngày 6-11-2001 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội
vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2001-2005 và Quyết định số
26/2008/QĐ-TTg ngày 5-2-2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban
hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với
các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2010, đến
nay, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có bước phát triển mới: tình
hình kinh tế - xã hội trong vùng đã có những khởi sắc, cơ cấu kinh tế
chuyển dịch theo hướng tích cực, những lợi thế trong vùng bước đầu
được phát huy, nhiều mô hình tốt trong sản xuất, kinh doanh đã xuất
CHƯƠNG V: VÙNG ĐẤT NAM BỘ TRONG THỜI KỲ... 323

hiện và đang được nhân rộng, kết cấu hạ tầng từng bước phát triển, đáp
ứng được một phần các yêu cầu bức xúc của vùng. Nhờ thực hiện việc
chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng nên tốc độ tăng trưởng kinh tế
trong vùng bình quân đạt 7,7%/năm giai đoạn 2001-2005 và 7,5%/năm
giai đoạn 2006-2010.
Cơ cấu kinh tế theo ngành đã có sự chuyển dịch đáng kể theo hướng
giảm tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản và tăng tỷ trọng các ngành
công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Tỷ trọng ngành nông - lâm - ngư
nghiệp đã giảm từ 49,5% năm 2000 xuống 47,3% năm 2005 và dự kiến
còn 45,5% năm 2010.
Trong giai đoạn 2001-2005, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế
của vùng đều vượt mục tiêu đề ra trong Quyết định số 173/2001/QĐ-TTg
của Thủ tướng Chính phủ cũng như các mục tiêu đề ra trong quy hoạch
trước đây. Cụ thể, năm 2005, sản lượng lúa của vùng đạt 19,73 triệu tấn
(bằng 123-132% so với mục tiêu), sản lượng thủy sản đạt trên 1,8 triệu
tấn (bằng 106% so với mục tiêu), chỉ tiêu về tốc độ tăng kim ngạch xuất
khẩu bình quân hằng năm giai đoạn 2001-2005 đạt 17,6% (gần đạt mục
tiêu đề ra là tăng 18-20%). Sản lượng trái cây của vùng cũng tăng khá
nhanh, đạt khoảng 2,3 triệu tấn năm 2005.
Đến năm 2008, sản lượng lúa của vùng đạt 20,68 triệu tấn, sản
lượng thủy sản đạt trên 2,7 triệu tấn. Sản lượng trái cây đạt khoảng 2,7
triệu tấn năm 2008.
Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng: Hệ thống kết cấu hạ tầng giao
thông, thủy lợi đã từng bước được đầu tư phát triển, nhiều công trình
mới, trọng điểm đã được đưa vào sử dụng góp phần đáp ứng yêu cầu
phát triển kinh tế - xã hội cho vùng ngày càng khá hơn trước. Nhiều
tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đã được nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới như:
Quốc lộ 1A đang được triển khai mở rộng giai đoạn 2, đang khởi
công xây dựng một số tuyến mới N1, N2 song song với trục Bắc -
Nam quốc lộ 1A, mở rộng tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, tuyến nam
Sông Hậu...
324 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Các cụm, tuyến dân cư vùng ngập lũ đã được tiến hành xây dựng,
từng bước góp phần ổn định đời sống nhân dân trong vùng ngập sâu.
Đời sống nhân dân được cải thiện từng bước: giai đoạn 2001-2005
một số chỉ tiêu về lĩnh vực đời sống, văn hóa, xã hội đã thực hiện có kết
quả, đạt và vượt so với mục tiêu của Quyết định số 173/2001/QĐ-TTg đề
ra đến năm 2005, như đã giảm từ 27,03% số hộ nghèo toàn vùng năm
2001 xuống còn 5,18% năm 2005 theo chuẩn nghèo giai đoạn 2001-
2005 (mục tiêu là 10%), tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm xuống còn
22% (mục tiêu là 22-25%), số hộ nông thôn được cung cấp điện đạt
89,7% (mục tiêu là 70-80%), được sử dụng nước sạch đạt mục tiêu đề
ra (trên 60%).
Trong giai đoạn 2006-2008, tỷ lệ hộ của vùng đã giảm từ 17,27%
năm 2005 xuống còn 10,1% năm 2008 (theo chuẩn nghèo áp dụng cho
giai đoạn 2006-2010). Đến năm 2008, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng vẫn
giữ như mức năm 2005, tỷ lệ số hộ nông thôn được cung cấp điện đạt
95%, được sử dụng nước sạch đạt trên 65%.
Các địa phương trong vùng đã lồng ghép nguồn vốn của các
chương trình mục tiêu quốc gia, từng bước xóa đói, giảm nghèo, làm
cho bộ mặt ở nông thôn ngày càng đổi mới, một bộ phận đồng bào
dân tộc Khmer, đồng bào nghèo ngày càng có cuộc sống ổn định và
phát triển khá hơn trước.
Mặc dù trong giai đoạn vừa qua, vùng đồng bằng sông Cửu Long
có mức tăng trưởng kinh tế đạt cao hơn kế hoạch, tuy nhiên còn khá
nhiều mặt xã hội không đạt được mục tiêu đề ra. Cụ thể như tỷ lệ lao
động qua đào tạo năm 2005 mới đạt 16,43%, (mục tiêu đề ra là 20-25%),
và đến năm 2008 mới đạt khoảng 26% (trong đó lao động qua đào tạo
nghề là 20,6%). Giải quyết việc làm đến năm 2005 mới đạt 1,475 triệu
người, thấp so với mục tiêu đề ra là 1,8-2 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp
khu vực thành thị năm 2005 là 4,87%, cao hơn mức phấn đấu đề ra là
dưới 4% và đến năm 2008 còn khoảng 4,12%. Số sinh viên năm 2005
là 51 người/1 vạn dân, năm 2008 là 85 người/1 vạn dân (mục tiêu đề ra
CHƯƠNG V: VÙNG ĐẤT NAM BỘ TRONG THỜI KỲ... 325

đến năm 2005 là 60-70 sinh viên/1 vạn dân và đến năm 2010 là 150 sinh
viên/1 vạn dân).
Một trong những chỉ tiêu rất quan trọng là chuyển dịch cơ cấu lao
động không đạt mục tiêu đề ra. Đến năm 2005, lao động nông nghiệp
vẫn còn chiếm 71,6% cơ cấu lao động của vùng và đến năm 2008 vẫn
còn khoảng 66% (cao hơn nhiều so với cả nước là 52,6%).
Thu - chi ngân sách: Trong thời gian qua, thu ngân sách toàn vùng
đạt khá, trong đó thu nội địa có tốc độ tăng nhanh, bình quân tăng
khoảng 16%/năm giai đoạn 2001-2005 và tăng lên 22,6%/năm giai đoạn
2006-2008. Tuy nhiên, tỷ trọng thu ngân sách của vùng so với cả nước
không lớn, nguyên nhân cơ bản là tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế
theo hướng công nghiệp hóa còn chậm, tỷ trọng GDP của lĩnh vực công
nghiệp trong cơ cấu kinh tế của khu vực còn thấp. Mặt khác, Nhà nước
có chính sách miễn, giảm thu thuế sử dụng đất nông nghiệp, đây là
nguồn thu chiếm tỷ trọng khá lớn của khu vực. Vì vậy, tỷ trọng thu
ngân sách nhà nước trong thời gian qua mới chiếm khoảng 10% so với
cả nước. Về chi ngân sách mới chỉ đáp ứng được khoảng 65-70% so với
nhiệm vụ chi của phần ngân sách do địa phương quản lý (chưa kể chi
ngân sách Trung ương trên địa bàn).
Đầu tư phát triển: Trong 5 năm 2001-2005, tổng vốn đầu tư trên địa
bàn vùng khoảng 180.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước
khoảng 47.400 tỷ đồng, chiếm khoảng 26,3%, đạt 96,7% kế hoạch, tăng
bình quân khoảng 16%/năm; vốn ODA khoảng 10.122 tỷ đồng, chiếm
5,6%; vốn FDI khoảng 7.335 tỷ đồng, chiếm 4,1%; vốn tín dụng nhà
nước khoảng 11.165 tỷ đồng, chiếm 6,2%; nguồn vốn khác khoảng
103.978 tỷ đồng, chiếm khoảng 57,8%.
Trong 3 năm 2006-2008, tổng vốn đầu tư trên địa bàn khoảng 225,9
ngàn tỷ đồng, trong đó vốn FDI khoảng 12,15 ngàn tỷ đồng.
Nhờ sự tập trung nguồn lực cho vùng, nhiều công trình kết cấu
hạ tầng quan trọng đã hoàn thành và đang triển khai thực hiện đã góp
phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Các dự án
326 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

công nghiệp lớn cũng bước đầu hình thành, góp phần chuyển dịch cơ
cấu kinh tế của vùng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Về phát triển các ngành, lĩnh vực:
Về thủy lợi: tổng vốn huy động từ các nguồn đầu tư toàn vùng trong
5 năm (2001-2005) khoảng 7.300 tỷ đồng (vốn Trung ương chiếm 40%).
Đã xây dựng 56/93 công trình thủy lợi, trong đó có 30/93 công trình
hoàn thành, 26/93 công trình đang tiếp tục thi công. Ngoài ra, ngân sách
nhà nước đã đầu tư khắc phục thiên tai (chống xói, lở đê, kè) khoảng
trên 510 tỷ đồng và nguồn vốn từ ODA dành cho thủy lợi khoảng gần
2.000 tỷ đồng, nhờ vậy đã đáp ứng một phần nhu cầu cấp bách đối với
dân sinh và tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản.
Trong các năm 2006-2008, toàn vùng có 45 dự án sử dụng vốn trái
phiếu Chính phủ, với tổng số vốn đầu tư là 2.000 tỷ đồng. Bố trí ưu tiên
tập trung vốn để hoàn thành các dự án dở dang và các công trình cấp
bách, phát huy hiệu quả cao, sớm đưa vào khai thác, sử dụng theo đúng
mục tiêu.
Phát triển giao thông vận tải: tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản được
thực hiện trong 5 năm của ngành khoảng 20.000 tỷ đồng (vốn ngân sách
nhà nước chiếm khoảng trên 30%).
Đã nâng cấp đưa vào sử dụng các công trình như: cảng Cần Thơ,
Cái Cui; đang nâng cấp hai tuyến đường sông Thành phố Hồ Chí
Minh - Kiên Lương; xây dựng các bến phà Cổ Chiên, Đại Ngãi, các
cảng hàng không: Cần Thơ, Phú Quốc, Cà Mau, Rạch Giá... Đã và
đang tập trung vốn cho nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ và các
tuyến đường ngang quan trọng. Đến nay, tuyến quốc lộ 1A đã hoàn
thành nâng cấp (giai đoạn 1), đang triển khai mở rộng (giai đoạn 2),
tập trung xây dựng cầu Cần Thơ (thông xe cuối tháng 4-2010), tuyến
N1, N2, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, tuyến nam
sông Hậu, tuyến Quảng Lộ - Phụng Hiệp, các quốc lộ: 30, 50, 60, 61,
62, 63, 80... Đang đầu tư hệ thống đường trên đảo Phú Quốc, chuẩn bị
nạo vét luồng Định An...
CHƯƠNG V: VÙNG ĐẤT NAM BỘ TRONG THỜI KỲ... 327

Hệ thống giao thông địa phương cũng từng bước được nâng cấp,
mở rộng, tạo được sự kết nối tốt hơn với hệ thống quốc lộ. Tuy nhiên,
kết cấu hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang
trong tình trạng còn yếu kém: nhiều tuyến đường bộ, đường sông quan
trọng chưa được nâng cấp; chưa có cảng biển lớn để đáp ứng nhu cầu
xuất - nhập khẩu, chưa có sân bay quốc tế, toàn vùng còn 176 xã chưa
có đường ô tô đến trung tâm xã và cụm xã... Tình trạng ấy đã làm hạn
chế việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước đến với vùng.
Về xây dựng cụm, tuyến dân cư: kết hợp với xây dựng các công
trình phúc lợi công cộng như trường học, trạm xá... đã đảm bảo được
cho người dân sống trong vùng ngập lũ có cuộc sống an toàn, ổn định,
không phải di dời khi lũ lụt xảy ra; đồng thời đã tạo điều kiện thuận lợi
để phát triển sản xuất, phù hợp với điều kiện, tập quán sinh hoạt của
nhân dân sống trong vùng.
Trong 5 năm, Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch đầu tư, tôn tạo nền
vượt lũ cho các cụm tuyến dân cư ở 549 xã, phường, thị trấn thuộc ba
vùng: ngập sâu, ngập vừa và ngập nông để giải quyết khó khăn, cho dân
cư sinh sống ở các vùng ngập lũ với tổng số vốn từ ngân sách nhà nước
là 2.000 tỷ đồng.
Đến năm 2008, cơ bản hoàn thành việc tôn nền, xây dựng các bờ
bao ở các khu vực dân cư có sẵn, hoàn thành trên 90% công trình giao
thông nội bộ, 72% hệ thống thoát nước, 75% cụm tuyến có công trình
cấp nước sinh hoạt, cấp điện. Bố trí khoảng 95% số hộ vào sống ổn
định trong các cụm tuyến, bờ bao đã hoàn thành. Trong quá trình thực
hiện đã có phát sinh tăng thêm nguồn vốn đầu tư, ngày 14-6-2007, Thủ
tướng Chính phủ đã có Quyết định số 749/QĐ-TTg bổ sung vốn tôn
nền, đắp bờ bao cho các địa phương. Nhìn chung, đây là chương trình
được đánh giá là đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội cao ở
vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long.
Thực hiện chính sách hỗ trợ đối với đồng bào nghèo người Khmer:
trong những năm qua, vùng đã thực hiện chính sách hỗ trợ phù hợp về
328 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

nhà ở đối với các gia đình chính sách, đồng bào nghèo, đặc biệt là số hộ
gia đình đồng bào Khmer có đời sống khó khăn, không có khả năng tự
tạo lập nhà ở.
Cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các địa phương và nhân
dân trong vùng đã thực hiện vận động phong trào giúp đỡ đồng bào
giải quyết về đất đai, xây dựng nhà ở nhằm ổn định đời sống. Kết quả
đã góp phần giải quyết ổn định đời sống cho khoảng 100.000 hộ đồng
bào Khmer.
Về thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp học: thực hiện
Quyết định số 59/2002/QĐ-TTg ngày 15-11-2002 của Thủ tướng Chính
phủ về kiên cố hóa trường lớp học, cùng với sự đóng góp của người dân
trong vùng, toàn vùng cơ bản giải quyết được 12.000 phòng học kiên cố,
xóa tình trạng học ca ba và phòng học tạm bằng tranh tre, nứa lá.
Đã và đang đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật cho các trường đại học
Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, cho hệ thống trường trung học chuyên
nghiệp, dạy nghề, cao đẳng của các bộ, ngành đóng trong vùng. Đến
nay, phần lớn các tỉnh trong khu vực đã có trường cao đẳng sư phạm
được xây dựng hoàn chỉnh, một số nơi được hỗ trợ trang thiết bị từ các
dự án vốn vay ODA.
Những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông
Cửu Long trong những năm 2006-2010 được thể hiện trên một số nội
dung chủ yếu như sau:
Nền kinh tế của thành phố Cần Thơ phát triển ổn định và có bước
chuyển biến mới, chú trọng nhiều hơn đến mục tiêu tăng trưởng và
chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa và đô thị
hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế. Tăng
trưởng kinh tế duy trì ở mức cao, bình quân trong ba năm 2006-2008
tăng 15,88%, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 12,6 triệu đồng
(năm 2005) lên 24,5 triệu đồng (năm 2008). Cơ cấu kinh tế chuyển
dịch theo hướng từng bước hình thành cơ cấu kinh tế công nghiệp -
dịch vụ - nông nghiệp công nghệ cao. Kinh tế nông nghiệp, nông
CHƯƠNG V: VÙNG ĐẤT NAM BỘ TRONG THỜI KỲ... 329

thôn phát triển, hình thành vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa chất
lượng cao, cung cấp phần lớn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến
và xuất khẩu.
Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực được nâng cao do chi ngân sách
nhà nước cho giáo dục tăng đáng kể, chiếm 16,7% tổng chi ngân sách
năm 2006 lên 19,27% năm 2007 và 17,53% năm 2008. Chương trình
mục tiêu quốc gia về y tế, phát triển nguồn nhân lực, kỹ thuật y tế và
công tác xã hội hóa trong lĩnh vực y tế từng bước phát huy hiệu quả.
Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân được quan
tâm. Công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình được thực hiện tốt, với các
nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản, duy trì tốt xu thế giảm sinh.
Công tác xóa đói, giảm nghèo được chỉ đạo và thực hiện thường
xuyên; giải quyết việc làm cho 123.390 lao động; năm 2008, tỷ lệ dân cư
nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh đạt 79%, tỷ lệ dân thành phố
được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 94,5%.
Tỉnh Đồng Tháp tiếp tục phát triển kinh tế với nhịp độ ngày càng
cao và đồng bộ trên cả ba lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, thương
mại và dịch vụ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch khá nhanh. GDP của tỉnh
năm 2008 đạt 11.440 tỷ đồng, tăng gấp 1,54 lần so với năm 2005, bình
quân ba năm 2006-2008 tăng 15,53%/năm, trong đó năm 2006 tăng
14,27%, năm 2007 tăng 15,79%, năm 2008 tăng 16,56%. Tỷ trọng nông,
lâm nghiệp, thủy sản năm 2008 giảm 10,82% so với năm 2005, tỷ trọng
công nghiệp, xây dựng tăng 7,95%, tỷ trọng thương mại, dịch vụ tăng
2,87%. Kinh tế tăng trưởng cao cùng với việc kìm chế gia tăng dân số đã
nâng thu nhập bình quân đầu người năm 2008 lên 615 USD/người/năm,
gấp 1,5 lần so với năm 2005.
Cơ cấu lao động cũng đã có sự chuyển dịch tích cực. Năm 2008, số
lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm 10,7%
so với năm 2005, chiếm 66,6% tổng lao động toàn xã hội trên địa bàn
của tỉnh, lao động khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 5,7%, lao động
khu vực dịch vụ tăng 5%.
330 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội của tỉnh Đồng Tháp trong thời gian
này cũng đạt kết quả tích cực, trong đó giáo dục và đào tạo phát triển đa
dạng về quy mô, loại hình trường lớp. Năm học 2007-2008, toàn tỉnh có
646 trường trong đó có 60 trường đạt chuẩn quốc gia, có 19.002 cán bộ
quản lý và giáo viên, 356.076 học sinh.
Hoạt động khoa học, công nghệ và môi trường được quan tâm. Vấn
đề dân số, lao động, việc làm và giảm nghèo đạt kết quả nổi bật. Lực
lượng lao động của Đồng Tháp năm 2008 có 1,114 triệu lao động trong
độ tuổi, chiếm 66,16% dân số.
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được đẩy mạnh. Hoạt động
văn hóa, thông tin, thể dục thể thao tiếp tục phát triển. Công tác xã hội
luôn được quan tâm thực hiện tốt.
Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tây Ninh đạt kết quả
tốt. Nền kinh tế phát triển tương đối toàn diện, đạt mức tăng trưởng
với tốc độ khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, lợi thế
của từng ngành, từng lĩnh vực được phát huy, khai thác tốt hơn. Tổng
sản phẩm bình quân đạt 16%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt
853 USD/người. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng
công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp trong GDP. Giá trị sản
xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng bình quân hằng năm là 7,7%. Chất
lượng sản xuất hàng hóa ngày càng được nâng lên, ứng dụng khoa học -
công nghệ vào sản xuất được mở rộng, phát huy được lợi thế đất đai.
Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng bình quân hằng năm 12%. Diện
tích đất có rừng đến năm 2007 đạt 43.388 hécta, độ che phủ tự nhiên đạt
37,4%. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hằng năm là 19,2%,
trong đó khu vực kinh tế nhà nước tăng 11,9%, khu vực dân doanh tăng
19,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng 20,7%. Giá trị sản
xuất các ngành dịch vụ tăng bình quân 26,7%. Tổng kim ngạch xuất
khẩu đạt 1.175 triệu USD.
Trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều dự án trong các khu công
nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu như khu liên hợp công
CHƯƠNG V: VÙNG ĐẤT NAM BỘ TRONG THỜI KỲ... 331

nghiệp - đô thị - dịch vụ Phước Đông - Bời Lời với quy mô 2.850 hécta,
khu công nghiệp - dịch vụ Bourbon - An Hòa…
Công tác văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển và đạt những kết quả
tích cực. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo phát triển. Tỉnh Tây Ninh hoàn
thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở trước 1 năm so với chỉ tiêu đề
ra. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ; công tác
phòng bệnh, chữa bệnh và khống chế dịch bệnh có hiệu quả. Y tế chất
lượng cao bước đầu phát triển.
Tại các tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang, Bến Tre, tốc độ tăng trưởng
kinh tế đều đạt khá, bình quân đạt 9,97%/năm (Bến Tre), 12,28% (Hậu
Giang), 12,5% (Tiền Giang). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng
tích cực. Đến năm 2008, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Bến Tre với
tỷ trọng công nghiệp, xây dựng đạt 16,9%, dịch vụ đạt 30,4%, nông, lâm,
thủy sản đạt 5,36%; đối với tỉnh Hậu Giang tỷ trọng các ngành tương
ứng đã đạt mức tăng: 18,93% - 17,12% - 4,01%; đối với tỉnh Tiền Giang
đạt các mức tăng: 23,9% - 13,5% - 5,3%.
Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động có sự chuyển dịch đáng kể, lợi thế
từng vùng, từng ngành sản phẩm của các tỉnh đều được phát huy, hiệu
quả và sức cạnh tranh, các chỉ tiêu về sản xuất nông nghiệp, dịch vụ đạt
mức cao và đa dạng hơn, sản xuất công nghiệp đi vào chiều sâu theo
hướng tăng chất lượng. Phát triển lực lượng sản xuất gắn chặt với củng
cố và xây dựng quan hệ sản xuất mới. Chuyển dịch cơ cấu đầu tư, tích
cực đầu tư mới đi đôi với nâng cấp chất lượng, phát triển kết cấu hạ
tầng kinh tế - xã hội đô thị và nông thôn làm động lực cho sự phát triển
nhanh và bền vững.
Đời sống nhân dân các tỉnh được cải thiện và từng bước được nâng
cao, thu nhập bình quân đầu người của Bến Tre tăng từ 7,36 triệu đồng
năm 2005 lên 12,26 triệu đồng năm 2008, của Hậu Giang đạt 10,127
triệu đồng/người/năm (năm 2008), tăng 1,52 lần so với năm 2005.
Các lĩnh vực khoa học - công nghệ, giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội tại
các tỉnh đều có tiến bộ, nhất là vấn đề giải quyết việc làm, xóa đói, giảm
332 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

nghèo. Việc lập lại trật tự an toàn giao thông thu được kết quả tốt, quốc
phòng và an ninh được tăng cường.
Công tác giáo dục - đào tạo của các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Hậu
Giang từ năm 2006 trở đi liên tục phát triển cả về quy mô và chất lượng,
mạng lưới trường lớp không ngừng được mở rộng, chuẩn hóa, tạo điều
kiện thuận lợi để học sinh đến trường, nhất là học sinh trên địa bàn
nông thôn. Tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học giảm dần, tỷ lệ giáo viên đạt
chuẩn, tiêu chuẩn ở các cấp học ngày càng tăng. Các tỉnh được công
nhận hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Đào tạo nghề tại
các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp được mở rộng quy mô,
ngành nghề.
Công tác phòng, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều
chuyển biến khá. Hoạt động của hệ thống y tế từ tỉnh xuống đến cơ sở
được củng cố, các bệnh viện tỉnh, trung tâm y tế huyện được đầu tư
nâng cấp, trang bị các thiết bị y tế mới, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ
thuật trong chuẩn hóa và điều trị bệnh. Việc lồng ghép các chương trình
y tế quốc gia đảm bảo tiến bộ và chất lượng. Công tác tiêm chủng mở
rộng cho trẻ em ở Hậu Giang luôn đạt trên 95%, đã thanh toán bệnh
bại liệt, uốn ván sơ sinh, khống chế bệnh bạch hầu, ho gà; tỷ lệ trẻ em
dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng chỉ còn 19%. Tỉnh Tiền Giang phấn đấu
năm 2010 có 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã. Tỉnh cũng đầu
tư nâng cấp các bệnh viện huyện, bệnh viện đa khoa khu vực, tỉnh, các
bệnh viện chuyên khoa.
Hoạt động văn hóa thông tin có tiến bộ, hướng vào việc tuyên
truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của
Nhà nước. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”
được củng cố, phát triển về số lượng và chất lượng. Năm 2008, tỉnh
Bến Tre có 59 xã, phường văn hóa; tỉnh Hậu Giang có 25/71 đơn vị xã,
phường, thị trấn văn hóa, xét công nhận 83% tổng số hộ đạt tiêu chuẩn
gia đình văn hóa. Phát thanh truyền hình đã mở rộng phủ sóng khắp
toàn tỉnh. Phong trào thể dục thể thao quần chúng tiếp tục phát triển,
CHƯƠNG V: VÙNG ĐẤT NAM BỘ TRONG THỜI KỲ... 333

tỷ lệ dân số tham gia luyện tập thường xuyên, số trường học dạy thể dục
thể thao không ngừng tăng lên.
Đối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khác như Vĩnh Long,
Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, nhìn
chung tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức độ khá, nhưng không đồng
đều giữa các tỉnh. Tại Vĩnh Long, kinh tế liên tục tăng với tốc độ cao
nhưng có biểu hiện chững lại, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng
tích cực. Tổng sản phẩm bình quân giai đoạn 2006-2008, GDP tăng
12,35%/năm, cao hơn 3,76% so với giai đoạn 2001-2005. GDP khu
vực nông, lâm, thủy sản tăng 6,21%/năm, công nghiệp, xây dựng tăng
23,59%/năm, dịch vụ tăng 13,78%/năm. Kinh tế của tỉnh Kiên Giang
phát triển ổn định và tăng khá, bình quân giai đoạn 2006-2007 tăng
11,6%, thu nhập bình quân đầu người đạt 721 USD. Tỉnh An Giang,
mức tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2006-2007 đạt 11,36%; sự
chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh còn chậm do nông nghiệp An Giang
còn chi phối lớn, công nghiệp tuy phát triển nhưng chủ yếu là công
nghiệp chế biến phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu sản xuất từ nông
nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người ở An Giang tăng 2 triệu đồng/
người/năm, đạt 14,6 triệu đồng vào năm 2008.
Kinh tế của tỉnh Cà Mau đạt mức tăng trưởng khá cao. Năm
2009, GDP đạt khoảng 13,021 tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm 2008,
trong đó khu vực dịch vụ tăng 12,7%, công nghiệp, xây dựng tăng
5,12%, nông nghiệp tăng 1,94%. Thu nhập bình quân đầu người đạt
15,844 triệu đồng, tương đương 880 USD. Cơ cấu kinh tế chuyển
dịch đúng hướng, nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra, tỷ trọng nông,
lâm, thủy sản chiếm 41,97%, công nghiệp, xây dựng chiếm 34,08%,
dịch vụ chiếm 23,95%.
Công tác giáo dục - đào tạo được các tỉnh đồng bằng sông Cửu
Long quan tâm chỉ đạo, gắn với xây dựng chương trình phát triển nguồn
nhân lực đến năm 2020 và kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng
cao giai đoạn 2008-2015. Từ năm 2006 đến 2008, tỉnh Kiên Giang tập
334 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, tăng cường đội ngũ
giáo viên, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học. Tỉnh đã đưa vào
sử dụng 1.563 phòng học, giảm tỷ lệ phòng học bằng cây lá xuống 5% và
không còn lớp học ca 3. Các trường cao đẳng, dạy nghề, trung cấp đều
mở rộng quy mô đào tạo, xã hội hóa một số mặt trong giáo dục - đào
tạo, giải quyết một phần nhu cầu dạy nghề cho người lao động, nâng tỷ
lệ qua đào tạo từ 9,2% năm 2005 lên 13,1% năm 2007.
Toàn tỉnh Vĩnh Long năm học 2007-2008 có 490 trường với 7.558
lớp, tổng số 213.057 học sinh, trong đó có 43 trường đạt chuẩn quốc
gia; đã có 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập, tỷ lệ thanh niên
từ 15 - 18 tuổi đã tốt nghiệp trung học cơ sở, đạt tỷ lệ 87,19%. Đặc biệt,
tỉnh Vĩnh Long còn tổ chức xét cử tuyển cho học sinh người Khmer đỗ
tốt nghiệp lớp 12 vào học các trường đại học và dự bị đại học ở Thành
phố Hồ Chí Minh. Kết thúc năm học 2006-2007, tỉnh Vĩnh Long có
1.676 lượt học sinh thi đỗ vào các trường đại học, 70 lượt học sinh đỗ
vào các trường trung cấp chuyên nghiệp ngoài tỉnh. Các trường đại học,
trung học chuyên nghiệp trong tỉnh tiếp nhận đào tạo 3.120 sinh viên
vào năm học 2007-2008.
Tỉnh An Giang có 34 trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Mạng
lưới trung tâm giáo dục thường xuyên đã phủ kín các huyện, thị xã,
thành phố; trung tâm học tập cộng đồng đã phủ kín các xã, phường, thị
trấn. Chất lượng giáo dục - đào tạo ổn định và tăng ở tất cả các ngành,
bậc học, cấp học.
Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được các tỉnh quan
tâm. Toàn tỉnh An Giang, tính đến năm 2008, có 4 bệnh viện tuyến tỉnh,
11 bệnh viện đa khoa, 11 phòng khám đa khoa với tổng số giường bệnh
công lập là 2.850 giường bệnh, nếu tính cả của bệnh viện tư nhân thì
tổng số là 3.040 giường bệnh.
Tỉnh Cà Mau cũng tăng cường công tác dự phòng, chủ động phòng,
chống dịch bệnh; tăng cường công tác đào tạo, phấn đấu đạt 5,5 bác sĩ,
dược sĩ/1 vạn dân. Phấn đấu đến năm 2010 có 100% xã, phường, thị trấn
CHƯƠNG V: VÙNG ĐẤT NAM BỘ TRONG THỜI KỲ... 335

đạt chuẩn y tế quốc gia. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc, bảo
vệ sức khỏe nhân dân. Đẩy nhanh xây dựng bệnh viện đa khoa, xúc tiến
chuẩn bị đầu tư các bệnh viện chuyên khoa để đáp ứng yêu cầu chuẩn
hóa và chữa bệnh cho nhân dân.
Tại Kiên Giang, năm 2007 có 88,7% số xã có trạm y tế, 83,3% ấp có
tổ y tế, 61,9% trạm y tế có bác sĩ và 65% trạm y tế đạt tiêu chuẩn quốc
gia. Các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện được đầu tư xây mới, nâng cấp sửa
chữa và tăng cường trang thiết bị để nâng cao chất lượng khám và điều
trị bệnh.
Các tỉnh cũng tập trung công tác giải quyết việc làm, xóa đói, giảm
nghèo và các vấn đề xã hội khác. Tỷ lệ hộ nghèo ở Kiên Giang năm 2005
từ 14,2% giảm xuống còn 8,98% vào năm 2007, có 24/42 xã đã thoát
khỏi diện xã đặc biệt khó khăn. Bình quân hằng năm giải quyết việc làm
ổn định cho 26.000 lao động.
Tỉnh An Giang có 33 cơ sở dạy nghề với 27 ngành nghề đào tạo từ
cấp cơ sở trở lên, 27 ngành nghề dạy thường xuyên cho người lao động.
Tỉnh cũng tổ chức giải quyết việc làm cho 83.750 lao động trên toàn
tỉnh. Riêng xuất khẩu lao động không đạt chỉ tiêu.
Công tác giảm nghèo được tập trung nhiều giải pháp thiết thực, góp
phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh.
Các tỉnh đã triển khai thực hiện tốt, kịp thời các chính sách đối với
các đối tượng có công, các đối tượng hưởng bảo trợ xã hội. Xây dựng
nhà tình nghĩa, cấp thẻ bảo hiểm y tế, trợ cấp thường xuyên cho các gia
đình chính sách, trẻ em và người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Lĩnh vực văn hóa cũng có nhiều tiến bộ. Hầu hết các tỉnh đều thực
hiện tốt cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Toàn tỉnh Vĩnh Long có 37 xã văn hóa, 164.867 gia đình văn hóa, 639
khóm, ấp văn hóa, 570 cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa, 21.302 cá
nhân đạt danh hiệu văn hóa. Tỉnh Kiên Giang có trên 85% hộ gia đình,
tổ dân quân tự vệ đạt chuẩn văn hóa, 64,5% ấp, khóm, khu phố văn hóa,
90,8% đơn vị văn minh, 63% xã, phường, thị trấn có phong trào văn hóa
336 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

tốt. Tỉnh Cà Mau phấn đấu năm 2010 có 100% huyện, thành phố và 50%
xã, phường, thị trấn hình thành được trung tâm văn hóa - thể thao cấp
huyện, cấp xã.
Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi, rộng
khắp trên tất cả các tỉnh với nhiều hình thức và nội dung phong phú,
đặc biệt là phong trào thể dục thể thao ở các vùng nông thôn, trong
các trường học, lực lượng vũ trang. Nhìn chung, các tỉnh đồng bằng
sông Cửu Long đã gắn phát triển văn hóa - xã hội với phát triển kinh
tế. Các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, công tác bảo vệ, chăm sóc
sức khỏe cho nhân dân được thực hiện tốt, có hiệu quả. Kết quả của các
hoạt động đó đã góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, tăng cường tốc
độ tăng trưởng kinh tế, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống vật
chất cũng như tinh thần của nhân dân.
Nhìn chung, trong những năm qua vùng đồng bằng sông Cửu Long
đã đạt được những thành tựu rất quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Song, bên cạnh đó vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Kinh tế tăng trưởng
chưa ổn định và chưa vững chắc, kinh tế phát triển chủ yếu theo chiều
rộng; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đưa tiến bộ khoa học và công
nghệ vào sản xuất còn rất chậm; chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh
tranh của sản phẩm còn thấp. Cơ cấu kinh tế của vùng đã có sự chuyển
dịch theo hướng tích cực nhưng đến năm 2008 tỷ trọng của ngành nông
lâm nghiệp trong GDP còn khoảng 45,9%.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội chưa đáp ứng được yêu
cầu phát triển, thu hút đầu tư và cải thiện đời sống nhân dân. Do điều
kiện địa hình không thuận lợi nên suất đầu tư lớn hơn nhiều so với
các vùng khác.
Chất lượng nguồn nhân lực, các chỉ số về giáo dục, đào tạo, dạy
nghề trong vùng còn thấp xa so với mức bình quân chung của cả nước
(tỷ lệ học sinh trung học phổ thông đi học đúng độ tuổi mới đạt 43,1%;
tỷ lệ học sinh phổ thông bỏ học trong học kỳ I năm học 2008-2009 là
0,88% so với bình quân chung cả nước là 0,56%, tỷ lệ bình quân 85 sinh
CHƯƠNG V: VÙNG ĐẤT NAM BỘ TRONG THỜI KỲ... 337

viên/1 vạn dân; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 26%, trong đó qua đào tạo
nghề 20,6%). Dân số đông, một bộ phận dân cư có cuộc sống còn nhiều
khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao, nhất là ở vùng ngập lũ sâu và trong
đồng bào Khmer.
Vùng có gần một nửa diện tích bị ngập lũ từ 3 đến 4 tháng mỗi năm,
tuy có mang lại phù sa và nguồn lợi thủy sản phong phú nhưng vừa có
mặt hạn chế lớn đối với canh tác nông nghiệp và gây nhiều khó khăn
cho cuộc sống của dân cư; có tới 60 vạn ha đất nhiễm phèn và trên 70
vạn ha đất nhiễm mặn, muốn cải tạo phải đầu tư rất lớn; cốt đất thấp,
thường bị ngập lụt trên diện rộng, dài ngày.
*
* *
Sau gần 15 năm thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ
động hội nhập quốc tế, Nam Bộ đã có bước tiến rất dài với tốc độ tăng
trưởng GDP nhanh và đều (từ 7 đến 8%/năm), bộ mặt kinh tế - xã hội
và cảnh quan có những thay đổi lớn. Sự đổi mới dễ nhận thấy nhất
là mạng lưới giao thông đường bộ đã được mở rộng và nâng cấp khá
nhiều, phương tiện giao thông vận tải rất đa dạng, phong phú và hiện
đại hơn. Các khu công nghiệp, khu chế xuất mọc lên khắp nơi, các
đô thị mới hình thành được quy hoạch khang trang và hiện đại, công
nghệ thông tin phát triển mạnh và đi vào đời sống của từng người
dân... Đời sống vật chất và văn hóa - tinh thần của nhân dân được cải
thiện rõ rệt, rõ nhất là ở các đô thị lớn, chương trình xóa đói, giảm
nghèo và an sinh xã hội đạt kết quả to lớn, được quốc tế thừa nhận và
đánh giá cao.
Bên cạnh những thành tựu nổi bật và ấn tượng ấy là những thách
thức không nhỏ của quá trình phát triển, đó là vấn đề bảo vệ bản sắc
văn hóa Việt Nam trước sự tấn công mạnh của những mặt tiêu cực
trong văn hóa ngoại nhập. Một thách thức lớn khác là sự trả giá quá đắt
cho tình trạng môi trường sinh thái bị hủy hoại do đô thị hóa và công
nghiệp hóa của chính nền kinh tế Việt Nam gây ra. Mặt khác, trong xu
338 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Việt Nam nói chung và Nam Bộ
nói riêng cũng bị ảnh hưởng trực tiếp của tình trạng khủng hoảng kinh
tế thế giới và sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Đó là thách thức khó tránh
khỏi của quá trình phát triển và hội nhập quốc tế.
339

Chương VI

QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG BIÊN GIỚI


HÒA BÌNH, HỮU NGHỊ
GIỮA VÙNG ĐẤT NAM BỘ
VỚI VƯƠNG QUỐC CAMPUCHIA
(1975-2010)
Công cuộc xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị giữa vùng đất
Nam Bộ của Việt Nam với vương quốc Campuchia là một quá trình liên
tục, lâu dài và phức tạp. Quá trình này được thực hiện theo ba nội dung
lớn: một là quá trình hình thành và tồn tại tuyến biên giới giữa Nam Bộ
của Việt Nam với Campuchia qua các thời kỳ lịch sử; hai là quá trình
hình thành các hiệp định biên giới giữa Việt Nam với Campuchia từ sau
khi giải phóng hoàn toàn miền Nam (sau năm 1975); ba là tình hình xây
dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân ở tuyến biên
giới Nam Bộ.

I- QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ TỒN TẠI ĐƯỜNG BIÊN GIỚI GIỮA NAM
BỘ VỚI CAMPUCHIA QUA CÁC THỜI KỲ LỊCH SỬ

Đường biên giới của vùng đất Nam Bộ với vương quốc Campuchia
được hình thành trong quá trình đi mở đất phương Nam của cư dân
người Việt dưới thời các chúa Nguyễn và triều Nguyễn, bắt đầu từ thế
kỷ XVI-XVII. Quá trình này diễn ra trong hình thái kinh tế - xã hội
phong kiến nên nó mang theo đặc trưng của thời đại ấy là: biên giới
340 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

giữa các quốc gia phong kiến chưa định hình, còn đang trong quá
trình xác lập bằng nhiều biện pháp kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa
và di dân.
Từ cuối thế kỷ XVI, nhiều nhóm cư dân người Việt từ Đàng
Ngoài đã đi theo đường biển vào vùng đất Mô Xoài (Bà Rịa) và Sài
Gòn. Đến cuối thế kỷ XVII, khu vực này đã có khoảng 4 vạn hộ
người Việt. Trên cơ sở đó, năm 1698, Chúa Nguyễn Phúc Chu (lúc
đó còn ở Phú Xuân) đã phái quan chức của triều đình là Lễ Thành
Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam lập ra các đơn vị hành chính gọi là
xứ Gia Định được chia thành ba dinh: Phiên Trấn, Trấn Biên và Long
Hồ. Thời Vua Gia Long gọi vùng này là Gia Định Thành, bao gồm
5 trấn: Phiên An (địa hạt Gia Định), Biên Hòa, Vĩnh Thanh (tức là
Vĩnh Long và An Giang), Vĩnh Tường và Hà Tiên. Năm 1834, Vua
Minh Mạng gọi là Nam Kỳ1.
Đó là quá trình xác lập lãnh thổ Nam Bộ của Nhà nước phong kiến
Việt Nam, đồng thời cũng là quá trình hình thành cơ bản chủ quyền
giữa vùng đất Nam Bộ với vương quốc Campuchia nhưng chưa xác
định đường biên giới cụ thể trên đất liền và trên biển. Quá trình này
phản ánh tính chất biến động lãnh thổ và biên giới của thời đại phong
kiến, đồng thời phản ánh tương quan thực tế giữa hai quốc gia láng
giềng về khả năng kiểm soát lãnh thổ. Tuy nhiên, biên giới lúc đó chưa
được vạch ra một cách chính xác trên bản đồ và chỉ có giá trị đối với hai
nước, chưa nằm trong công pháp quốc tế.
Năm 1859, Pháp đánh chiếm thành Gia Định, lợi dụng cơ hội đó,
Quốc vương Campuchia lúc đó là Ang Dương đã bày tỏ ý muốn bãi bỏ
hiệp ước nhường đất cho An Nam đã ký lần cuối vào năm 1846, nhưng
Pháp không chấp nhận.
Năm 1862, triều đình Huế cắt ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Biên
Hòa, Gia Định và Định Tường) nhượng cho Pháp.

1. Xem Trần Đức Cường (Chủ biên): Lịch sử hình thành và phát triển vùng
đất Nam Bộ (Từ khởi thủy đến năm 1945), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2014.
CHƯƠNG VI: QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG BIÊN GIỚI HÒA BÌNH, HỮU NGHỊ... 341

Đến năm 1863, khi ký hiệp ước chấp nhận sự bảo hộ của Pháp, một
lần nữa, phía Campuchia lại đưa ra đề nghị lấy lại vùng đất Nam Kỳ
nhưng đã bị chính quyền Pháp từ chối.
Năm 1867, Pháp đơn phương tuyên bố toàn bộ sáu tỉnh Nam Kỳ là
lãnh địa của Pháp.
Năm 1887, thực dân Pháp thành lập “Liên bang Đông Dương” gồm
một xứ thuộc địa Nam Kỳ và bốn xứ bảo hộ. Để quản lý hành chính
và khai thác thuộc địa thuận lợi, Pháp đã tiến hành việc phân định các
ranh giới giữa các xứ trong Liên bang Đông Dương, đặc biệt là ranh giới
giữa Nam Kỳ và Cao Miên.
Quá trình thực dân Pháp tiến hành phân định ranh giới Việt Nam
với Campuchia diễn ra từ năm 1870 đến 1942, trong đó có Thỏa ước
năm 1870 và Thỏa ước 1873 có ý nghĩa pháp lý quan trọng nhất.
Ranh giới Nam Kỳ - Campuchia chia làm ba phân đoạn:
1. Phân đoạn phân ranh giới và cắm mốc theo Công ước hoạch
định vĩnh viễn đường biên giới giữa Nam Kỳ và Campuchia từ Tây Ninh
đến Hà Tiên năm 1873. Ngày 15-7-1873, Thống đốc Nam Kỳ và Nhà vua
Norodom ký Công ước hoạch định vĩnh viễn đường biên giới giữa Nam
Kỳ và Campuchia từ Tây Ninh đến Hà Tiên ấn định 124 cột mốc. Mốc
số 1 đặt ở Tây Ninh, mốc số 124 đặt ở Hà Tiên. Đến năm 1876 đã hoàn
thành việc cắm mốc giới trên thực địa theo công ước này.
2. Phân đoạn phân ranh giới và cắm mốc theo các biên bản hoạch
định ranh giới giữa Pháp và Campuchia từ mốc 124 ra biển. Đoạn biên
giới từ mốc số 124 đến bờ biển Hà Tiên đã được xác định bởi các biên
bản hoạch định ranh giới ký ngày 23-1-1872 và ngày 5-4-1876. Năm
1876, hai bên đã nhất trí tiến hành phân giới cắm mốc toàn bộ đoạn
biên giới này.
3. Phân đoạn phân ranh đoạn biên giới từ ngã ba Trung Kỳ - Nam
Kỳ - Campuchia (Đắk Lắk ngày nay) đến điểm hợp lưu Toonlee Tru -
Toonlee Chàm (Tây Ninh ngày nay) bởi các văn bản hành chính của
nhà chức trách Pháp, Nghị định ngày 26-7-1893 của Thống đốc Nam
Kỳ quyết định thành lập huyện Cần Lê thuộc tỉnh Thủ Dầu Một và Nghị
342 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

định ngày 31-7-1914 của Toàn quyền Đông Dương (Điều 3: điều chỉnh
đoạn biên giới giữa các tỉnh Thủ Dầu Một và Công Pông Chàm).
Thỏa ước 1873 phân định biên giới Nam Kỳ với Campuchia từ Tây
Ninh đến bờ vịnh Thái Lan được xác định bằng 124 cột mốc. Cột trụ
thứ 124 đặt cách phía bắc kênh Vĩnh Tế và làng Hòa Thành của Việt
Nam 1.200 m (các điểm mốc này lại không được vẽ vào Bản đồ địa dư
Đông Dương năm 1951).
Do có một số phát sinh trong quá trình quản lý thực tế, Toàn
quyền Đông Dương đã ban hành một số văn bản để điều chỉnh. Cụ
thể như sau:
Nghị định ngày 20-3-1898 điều chỉnh đoạn biên giới từ mốc 41 đến
mốc 50 thuộc tỉnh Long An và Svay Rieng.
Nghị định ngày 10-12-1898 sửa đổi một số đoạn trên biên giới giữa
tỉnh Tây Ninh và tỉnh Svay Rieng.
Năm 1910, một ủy ban được thành lập để nghiên cứu, sửa đổi
biên giới giữa các tỉnh Hà Tiên (Kiên Giang ngày nay) và Kampot, Tây
Ninh và Prey Veng, Thủ Dầu Một (Bình Phước ngày nay) và Công
Pông Chàm.
Năm 1935, Khâm sứ Campuchia lập một ủy ban để nghiên cứu ranh
giới vùng Mêkông - Bassac và đề nghị điều chỉnh đoạn biên giới từ mốc
số 84 đến mốc số 88; đồng thời cắm thêm một số mốc mới.
Năm 1936, ranh giới giữa Châu Đốc và Prey Veng được sửa đổi bởi
Nghị định ngày 11-12-1936 của Toàn quyền Đông Dương, điều chỉnh
đoạn biên giới từ mốc số 80 đến mốc số 83.
Nghị định ngày 26-7-1942 sửa đổi ranh giới giữa Kandal và Châu
Đốc đoạn từ mốc số 89 đến mốc số 94.
Để phục vụ cho chính sách cai trị thuộc địa, thực dân Pháp đã cho
vẽ bản đồ Đông Dương, gọi là Bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 do Sở Địa
chính Đông Dương xuất bản, trong đó có tuyến biên giới giữa Nam Bộ
với Campuchia được vẽ trên cơ sở sự phân định từ trước khi Pháp xâm
chiếm Nam Bộ. Trong Bản đồ Bonne, đường biên giới giữa Nam Bộ với
Campuchia còn nhiều đoạn chưa vẽ hoặc chưa rõ ràng.
CHƯƠNG VI: QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG BIÊN GIỚI HÒA BÌNH, HỮU NGHỊ... 343

Có thể coi thời điểm thực dân Pháp lập Bản đồ Bonne là mốc đánh
dấu sự phân chia lãnh thổ của ba nước Đông Dương không còn là quan
hệ nội bộ của Đông Dương riêng mà đã có giá trị quốc tế vì các nước
phương Tây thời đó đều thừa nhận Đông Dương là phần lãnh thổ thuộc
địa của nước Pháp gọi là Đông Pháp.
Tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp độc chiếm Đông Dương,
Chính phủ Trần Trọng Kim do Nhật dựng nên đã tuyên bố sáp nhập
Nam Kỳ thành một bộ phận của nước Việt Nam.
Tháng 8-1945, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thành công cuộc
khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền từ tay phát xít Nhật. Ủy ban
hành chính lâm thời Nam Bộ đã ra mắt ngày 25-8-1945 do Trần Văn
Giàu làm Chủ tịch.
Ngày 2-9-1945, tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc
bản Tuyên ngôn độc lập trước toàn thế giới, khai sinh nước Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa. Nền độc lập ấy được xác lập trên phần lãnh thổ Việt
Nam đã hình thành trong lịch sử. Cuối tháng 9-1945, thực dân Pháp trở
lại xâm chiếm Việt Nam, chúng vẫn duy trì các đường biên giới ba nước
Đông Dương như trong bộ Bản đồ Bonne có từ trước Chiến tranh thế
giới thứ hai.
Thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn ngày 23-9-1945 rồi
dần đánh rộng ra toàn Nam Bộ. Chính phủ “Nam Kỳ quốc” được thành
lập theo sự chỉ đạo của Pháp hòng tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam.
Đầu năm 1946, trước khi sang Pháp tìm kiếm một giải pháp hòa
bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi đồng bào Nam Bộ khẳng
định: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam.
Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ
thay đổi!”1.
Không đánh bại được Việt Minh, Pháp phải dùng “giải pháp Bảo
Đại”, công nhận nền độc lập và sự thống nhất của Việt Nam. Ngày
22-5-1949, Quốc hội Pháp chính thức bỏ phiếu thông qua việc trả

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 280.


344 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Nam Bộ cho Việt Nam. Nam Bộ trở thành lãnh thổ nằm trong quốc
gia Việt Nam.
Sau thất bại quân sự ở Điện Biên Phủ, thực dân Pháp buộc phải
ký Hiệp định Genève lập lại hòa bình ở Đông Dương. Theo Hiệp định
này, Việt Nam tạm thời bị chia làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17 là giới
tuyến quân sự tạm thời. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiểm
soát miền Bắc, chính quyền Sài Gòn (Việt Nam Cộng hòa) kiểm soát
miền Nam. Đường biên giới giữa Việt Nam Cộng hòa và vương quốc
Campuchia vẫn được kế thừa như thời còn là thuộc địa của Pháp.
Khi thay thế vai trò của thực dân Pháp ở Nam Việt Nam, quân Mỹ
đã vẽ bản đồ quân sự Đông Dương (gọi là Bản đồ UTM tỷ lệ 1/50.000),
riêng đường biên giới giữa Nam Bộ với Campuchia vẫn dựa trên cơ sở
Bản đồ Bonne (tỷ lệ 1/100.000) của Pháp.
Chính phủ vương quốc Campuchia lúc đó (do Quốc trưởng Sihanuok
đứng đầu) đã từng đưa ra yêu cầu về “quyền lịch sử” đối với vùng đất
Nam Kỳ trong các hội nghị với Pháp và hội nghị về Đông Dương nhưng
không nhận được sự đồng tình của bên nào. Bắt đầu từ năm 1959, quân
đội Sài Gòn liên tiếp xâm phạm biên giới với Campuchia. Cuối năm
1963, Campuchia đã đàm phán với chính quyền Sài Gòn nhưng không
đạt được kết quả về việc quân đội Sài Gòn tôn trọng đường biên giới
hiện có.
Sau thất bại về đàm phán với chính quyền Sài Gòn, Quốc trưởng
Sihanouk đã quay sang đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, và đã đạt được
kết quả là tuyên bố ngày 31-5 và ngày 8-6-1967: “Thừa nhận và cam
kết tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia trong đường biên giới
hiện nay”.
Cuối năm 1968, có 34 quốc gia đã thừa nhận đường biên giới của
Việt Nam - Campuchia, điều đó cũng có nghĩa là quốc tế đã thừa nhận
tính bất di bất dịch của đường biên giới đó.
Thực hiện âm mưu, mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương, đầu
năm 1970, Mỹ đã tạo ra cuộc đảo chính lật đổ Sihanouk để chính quyền
CHƯƠNG VI: QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG BIÊN GIỚI HÒA BÌNH, HỮU NGHỊ... 345

mới của Lon Nol lên nắm quyền, cho phép quân Mỹ và quân đội Sài
Gòn vượt biên giới tấn công các căn cứ của Quân giải phóng miền Nam
Việt Nam.
Sau cuộc đảo chính Sihanouk, lực lượng vũ trang của Mặt trận Dân
tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã giúp đỡ lực lượng Khmer đỏ
đánh bại lực lượng của Lon Nol thân Mỹ và giành được chính quyền.
Thế nhưng Khmer đỏ lại chịu ảnh hưởng của thế lực bên ngoài nên
lại có những hành động xâm lấn biên giới với Việt Nam ngay khi cuộc
kháng chiến chống Mỹ vừa kết thúc. Pol Pot chủ trương giải quyết biên
giới bằng bạo lực và đưa ra luận điệu: “Trước kia những nhà lãnh đạo
của chúng ta đã bán Campuchia Krom cho Việt Nam… Chúng ta phải
tiến hành chiến tranh để lấy lại Campuchia Krom… ở đâu có cây thốt
nốt thì đó là đất của Khmer, Châu Đốc, Hà Tiên có cây thốt nốt ta phải
chiếm luôn…”.
Ngày 4-5-1975, một toán quân Khmer đỏ đột kích đảo Phú Quốc,
hành quyết hơn 500 dân thường ở đảo Thổ Chu. Sau đó, quân Khmer đỏ
đã bị đẩy lui. Trận đánh ở Phú Quốc diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa
Việt Nam và Trung Quốc đang xấu đi và Trung Quốc đã tăng cường
viện trợ quân sự cho lực lượng vũ trang Khmer đỏ.
Mưu đồ của Khmer đỏ được thể hiện rõ trong phát biểu của Tà
Mốc, Tư lệnh Quân khu Tây Nam Campuchia: “Campuchia có chủ
trương phát động quân đội Campuchia là đến tháng 5-1977 sẽ đánh
Việt Nam đến cây thốt nốt (ở làng Ông - Chợ Bà Chiểu - Bình Thạnh),
đến Sài Gòn. Trước mắt là đánh chiếm kênh Vĩnh Tế dọc biên giới, sông
Bắc Đại, sau đó sẽ đánh đến Sài Gòn”1. Quân Khmer đỏ đã tiến hành hai
cuộc xâm nhập quy mô lớn vào Việt Nam. Cuộc tấn công lớn đầu tiên
diễn ra tháng 4-1977, quân chính quy Khmer đỏ tiến sâu vào lãnh thổ
Việt Nam khoảng 10 km, chiếm một số vùng ở tỉnh An Giang và tàn sát
một số lớn dân thường. Cuộc tấn công thứ hai diễn ra vào ngày 25-9-1977,

1. Theo Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến: Chuyên đề:
Lịch sử chiến tranh chống Khmer đỏ xâm lược, bảo vệ Tổ quốc trên hướng Tây Nam,
Thành phố Hồ Chí Minh, 2003, tr. 28.
346 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

bốn sư đoàn quân Khmer đỏ đánh chiếm nhiều điểm ở các huyện Tân
Biên, Bến Cầu, Châu Thành (tỉnh Tây Ninh), đốt phá 471 ngôi nhà, giết
hại gần 800 dân thường.
Để đối phó với hành động xâm lược tàn bạo ấy, ngày 31-12-1977,
phía Việt Nam buộc phải sử dụng 6 sư đoàn, vượt biên giới đánh vào
sâu trong lãnh thổ Campuchia đến tận sông Neak Loeung. Ngay sau đó,
ngày 5-1-1978, Việt Nam đã rút toàn bộ lực lượng về nước. Cuộc phản
công ấy chỉ như lời “cảnh cáo” đối với hành động phiêu lưu quân sự của
Khmer đỏ.
Sau trận phản công đó, phía Việt Nam đã đề nghị một giải pháp
ngoại giao nhằm thiết lập một vùng phi quân sự dọc biên giới, nhưng
Pol Pot từ chối và chúng tiếp tục những hành động mang tính thù địch
đối với Việt Nam. Ngày 1-2-1978, Trung ương Đảng Cộng sản của
Pol Pot họp bàn chủ trương chống Việt Nam và quyết định thành lập
thêm 15 sư đoàn quân chủ lực. Nghị quyết của họ nêu rõ: “Chỉ cần mỗi
ngày diệt vài chục, mỗi tháng diệt vài ngàn, mỗi năm diệt vài ba vạn
thì có thể đánh 10, 15, đến 20 năm. Thực hiện 1 diệt 30, hy sinh 2 triệu
người Campuchia để tiêu diệt 50 triệu người Việt Nam”.
Để thực hiện âm mưu trên, Pol Pot đã điều 13 trong số 17 sư đoàn
chủ lực và một số trung đoàn địa phương của chúng liên tục tấn công
vào lãnh thổ Việt Nam, có nơi vào sâu tới 15-20 km. Trong các đợt tấn
công đó, quân Khmer đỏ đã thực hiện nhiều cuộc thảm sát người Việt,
điển hình nhất là vụ giết hại tập thể 3.157 dân thường Việt Nam ở xã Ba
Chúc, thuộc tỉnh An Giang vào tháng 4-1978.
Ngày 13-12-1978, Khmer đỏ đã huy động 10 trong số 19 sư đoàn
(khoảng 50.000 đến 60.000 quân) tiến công xâm lược Việt Nam trên
toàn tuyến biên giới: 3 sư đoàn đánh vào Bến Sỏi với mục tiêu chiếm
thị xã Tây Ninh, 2 sư đoàn đánh vào Hồng Ngự (Đồng Tháp), 2 sư đoàn
đánh khu vực Bảy Núi (An Giang), 1 sư đoàn đánh Trà Phô, Trà Tiến
(Kiên Giang). Tại những vùng chúng tạm thời chiếm đóng, quân Khmer
đỏ đã thực hiện những hành động diệt chủng đối với người Việt, như
chúng đã từng làm với hàng triệu người dân Campuchia.
CHƯƠNG VI: QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG BIÊN GIỚI HÒA BÌNH, HỮU NGHỊ... 347

Trước hành động xâm lược trắng trợn và tàn bạo ấy, phía Việt Nam
buộc phải mở chiến dịch phản công quy mô lớn. Cuộc phản công lớn
bắt đầu từ những ngày cuối tháng 12-1978 và đến ngày 7-1-1979 đã
đánh chiếm Phnôm Pênh và sau đó giải phóng hoàn toàn đất nước
Campuchia khỏi sự cai trị của Khmer đỏ, giúp cho lực lượng chân
chính của nước này giành lại chính quyền, giúp nhân dân Campuchia
thoát khỏi “họa diệt chủng”. Tuy nhiên, tàn quân Khmer đỏ vẫn còn khá
nhiều, chúng dựa vào các căn cứ địa rừng núi ở nội địa và khu vực giáp
Thái Lan để tồn tại và tiếp tục hoạt động chống Việt Nam và cướp bóc
các thôn làng của người dân Campuchia.
Ngày 5-1-1979, các đại biểu của phái cách mạng Campuchia (gồm
66 người) đã tổ chức cuộc họp ở Mimot để bàn về việc thành lập một
đảng cộng sản mới. Đảng này lấy lại tên đã có từ năm 1951 là Đảng
Nhân dân cách mạng Campuchia.
Ngày 7-1-1979, đáp ứng lời kêu gọi của Mặt trận cứu nước
Campuchia, quân tình nguyện Việt Nam đã hỗ trợ nhân dân
Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Khmer đỏ của Pol pot. Sau khi
chế độ Campuchia Dân chủ bị lật đổ, Nhà nước Cộng hòa nhân dân
Campuchia được thành lập.
Đầu năm 1981, Campuchia thông qua hiến pháp mới, sau đó là
cuộc bầu cử toàn quốc để chọn ra 117 đại biểu Quốc hội. Chính quyền
mới của Campuchia đã được một số nước công nhận, trong khi đó
Chính phủ của Pol pot vẫn được các nước phương Tây, Trung Quốc và
khối ASEAN công nhận nên vẫn là thành viên của Liên hợp quốc. Đó
là khó khăn về ngoại giao trong việc giải quyết vấn đề biên giới vào thời
điểm này.

II- NHỮNG HIỆP ƯỚC BIÊN GIỚI GIỮA CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM VỚI VƯƠNG QUỐC CAMPUCHIA

Sau khi kết thúc cuộc Chiến tranh biên giới Tây Nam với Khmer đỏ,
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chính quyền mới ở Campuchia
348 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

bắt đầu quá trình sử dụng các biện pháp ngoại giao, pháp lý để giải quyết
những vấn đề liên quan đến biên giới do lịch sử để lại, đồng thời tiến
hành những công tác cụ thể xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu
nghị, ổn định và phát triển.
Ngay sau khi thành lập Nhà nước Cộng hòa nhân dân Campuchia,
tại Thủ đô Phnôm Pênh, ngày 18-2-1979, Việt Nam và Campuchia đã ký
hiệp ước đầu tiên về hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Bản
hiệp ước có 9 điều đề cập đến những cam kết và sự hợp tác mọi mặt,
trong đó, Điều 4 về giải quyết biên giới được ghi rõ: “Hai bên cam kết
sẽ giải quyết bằng thương lượng hòa bình tất cả những bất đồng có thể
nảy sinh trong quan hệ giữa hai nước. Hai nước sẽ đàm phán để ký một
hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa hai nước trên cơ sở đường
biên giới hiện tại, quyết tâm xây dựng đường biên giới này thành một
đường biên giới hòa bình, hữu nghị lâu dài giữa hai nước”. Hiệp ước
đã được ký bởi Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Hội đồng nhân dân cách mạng
Campuchia Heng Samrin.
Ngày 7-7-1982, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam và Campuchia
lại ký “Hiệp định về Vùng nước lịch sử của nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Campuchia”. Hiệp định
có ba điều về vùng biển đảo của tỉnh Kiên Giang thuộc Việt Nam (gồm
đảo Phú Quốc và quần đảo Thổ Chu) và vùng biển đảo của tỉnh Kampot
thuộc Campuchia (gồm nhóm đảo Poulo Wai). Điều 3 của Hiệp định
thỏa thuận: “… lấy đường Prévié được vạch ra từ năm 1939 làm đường
phân chia đảo khu vực này. Việc tuần tiễu, kiểm soát trong vùng nước
lịch sử sẽ do cả hai bên cùng tiến hành. Việc đánh bắt hải sản của nhân
dân địa phương trong vùng này vẫn theo tập quán làm ăn từ trước
tới nay. Đối với việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên trong khu
vực đó, hai bên sẽ cùng nhau thỏa thuận”. Hiệp định được ký bởi Bộ
trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch và Bộ trưởng Ngoại giao
Campuchia Hun Sen.
CHƯƠNG VI: QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG BIÊN GIỚI HÒA BÌNH, HỮU NGHỊ... 349

Ngày 20-7-1983, tại Thủ đô Phnôm Pênh, hai nước lại ký “Hiệp ước
về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam với Cộng hòa nhân dân Campuchia”.
Hiệp ước gồm 4 điều, trong đó Điều 1 có những thỏa thuận quan
trọng nhất về giải quyết biên giới đã ghi rõ: “Trên đất liền, hai bên coi
biên giới hiện tại giữa hai nước được thể hiện trên bản đồ tỷ lệ 1/100.000
của Sở Địa chính Đông Dương, thông dụng trước năm 1954 hoặc gần
năm 1954 nhất (kèm theo 26 mảnh bản đồ được hai bên xác nhận) là
đường biên giới quốc gia giữa hai nước. Ở những nơi nào đường biên
giới chưa được vẽ trên bản đồ, hoặc hai bên chưa thấy hợp lý thì hai bên
sẽ cùng bàn bạc giải quyết trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau,
vì lợi ích của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Campuchia, phù hợp với
luật pháp quốc tế và thực tiễn quốc tế”.
Hiệp ước được ký bởi Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Cơ
Thạch và Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hun Sen.
Ngày 20-7-1983, tại Phnôm Pênh, Việt Nam và Campuchia ký
“Hiệp định về quy chế biên giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Campuchia”.
Hiệp định gồm 4 điểm (19 điều).
Điểm I: về “Đường biên giới và khu vực biên giới”: trong đó có
điều khoản về hai bên sẽ thành lập các đơn vị hành chính tương đương
dọc biên giới để tạo điều kiện cho nhân dân hai bên đi lại làm ăn thuận
tiện hơn.
Điểm II: về “Quản lý khu vực biên giới”: quy định cụ thể và chi tiết
về việc làm ăn, đi lại, cư trú, chữa bệnh, bảo vệ rừng…
Điểm III: về “Kiểm soát việc qua lại biên giới”: thỏa thuận về việc
hai bên mở 8 cửa khẩu trên đường bộ và đường sông, quy định về thủ
tục kiểm soát đi lại, kiểm soát các mặt hàng buôn bán…
Điểm IV: về “Điều khoản chung” thỏa thuận về việc hợp tác giải
quyết những vấn đề tranh chấp nảy sinh trong cuộc sống hằng ngày.
Hiệp định được ký bởi Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Cơ
Thạch và Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hun Sen.
350 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Ngày 22-1-1985, tại Phnôm Pênh, Việt Nam và Campuchia đã ký


“Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Campuchia”. Hiệp
ước xác định việc kế thừa tất cả những hiệp định, hiệp ước liên quan
đến biên giới mà hai nước đã ký từ năm 1979. Hiệp ước có 5 điều và
rất nhiều chi tiết cụ thể đến từng đoạn địa hình, từng đoạn sông, suối
và đến từng tọa độ được xác định trên bản đồ biên giới. Hiệp ước thỏa
thuận thành lập “Ủy ban liên hợp phân giới trên thực địa và cắm mốc
biên giới quốc gia”. Nghị định thư cuối cùng của Hiệp ước là phụ lục
bản đồ đường biên giới quốc gia do Ủy ban liên hợp lập sau khi hoàn
thành phân giới trên thực địa và cắm mốc. Bản đồ này sẽ thay thế bản
đồ cũ trước khi cắm mốc. Hiệp định được ký bởi Bộ trưởng Ngoại
giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch và Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia
Hun Sen.
Sau 7 năm đàm phán (1979-1985), Việt Nam và Campuchia đã thỏa
thuận được những nguyên tắc cơ bản về phân định biên giới trên bộ
và trên biển. Những nguyên tắc này được thể hiện trong các Hiệp ước
tháng 7-1982, Hiệp ước tháng 7-1983 và Hiệp ước tháng 12-1985, trong
đó Hiệp ước tháng 12-1985 có tầm quan trọng đặc biệt vì nó được soạn
thảo chặt chẽ, chi tiết và rất cụ thể, tạo cơ sở pháp lý và biện pháp cụ
thể để hình thành đường biên giới trên thực địa và trên bản đồ, làm cơ
sở pháp lý vững chắc cho chủ quyền lãnh thổ và biên giới giữa hai nước
Việt Nam và Campuchia.
Hiệp ước năm 1985 đã ấn định sẽ cắm 322 mốc biên giới trên toàn
bộ tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia có chiều dài 1.137 km. Đến
năm 1989, hai bên đã triển khai cắm được 72 cột mốc trên đoạn biên
giới dài 200 km (khoảng 1/5 số cột mốc và chiều dài biên giới), nhưng
sau đó phía Campuchia nảy sinh vấn đề nội bộ nên đã ngừng công việc,
do đó Hiệp ước năm 1985 chưa được thực hiện như đã thỏa thuận.
Trước những khó khăn nội bộ của Campuchia, phía Việt Nam đã
rất mềm dẻo, kiên trì chờ đợi và 10 năm sau đã nối lại được cuộc đàm
phán về biên giới.
CHƯƠNG VI: QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG BIÊN GIỚI HÒA BÌNH, HỮU NGHỊ... 351

Ngày 10-10-2005, tại Thủ đô Hà Nội, Việt Nam và Campuchia đã


ký “Hiệp ước giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương
quốc Campuchia bổ sung hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm
1985”. Bản Hiệp ước có 6 điều, bao gồm rất nhiều điểm bổ sung, chỉnh
sửa cụ thể cho những điểm chưa rõ, chưa cụ thể hay chưa chính xác của
Hiệp ước năm 1985.
Bản Hiệp ước bổ sung năm 2005 có ý nghĩa rất lớn đối với mối quan
hệ giữa hai nước về vấn đề biên giới vì nó đã khởi động lại việc thi hành
một hiệp ước hoạch định biên giới đã bị ngưng trệ 10 năm, đồng thời bổ
sung, chỉnh sửa nhiều điểm nên đã tạo ra điều kiện để tiến hành nhanh
hơn các công tác cụ thể. Trong Hiệp ước bổ sung này, hai bên cùng bày
tỏ quyết tâm sớm hoàn tất việc phân định biên giới trên bản đồ và trên
thực địa để xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, củng cố mối quan hệ
đặc biệt bền vững giữa hai nước.
Hiệp ước bổ sung được ký kết bởi Thủ tướng Chính phủ Việt
Nam Phan Văn Khải và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia
Hun Sen.
Ngay sau khi ký Hiệp ước bổ sung, hai bên đã thống nhất kế hoạch
triển khai công tác phân giới, cắm mốc: dự kiến cắm tất cả 314 cột mốc
gồm ba loại là: mốc đại, mốc trung và mốc ở khu vực ngập lụt (bao gồm
10 tỉnh có biên giới của cả hai bên).
Kế hoạch cụ thể về phân giới, cắm mốc được phân theo từng năm
như sau: Năm 2006, hai bên thống nhất sẽ cắm mốc trước ở các cửa
khẩu quốc tế và quốc gia, nơi có đông dân cư và tầm quan trọng trong
phát triển, giao lưu kinh tế. Trong số được ưu tiên cắm mốc có cửa khẩu
Bavet của Campuchia và cửa khẩu Mộc Bài của Việt Nam.
Năm 2007 dự kiến sẽ cắm xong 100 cột mốc được tiến hành đồng
loạt từ Bắc xuống Nam. Hoàn thành xây dựng cột mốc tại các cửa khẩu
đối diện quan trọng như: Xà Xía (Kiên Giang) và Lốc (Kampot), Bonuê
(Bình Phước) và Snoul (Kratie), Xa Mát (Tây Ninh) và Trapcang phnong
(Công Pông Chàm), Lệ Thanh (Gia Lai) và An đông Pech (Rattankiri),
Tịnh Biên (An Giang) và Phnôm Đơn (Tà Keo)…
352 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Năm 2008, hai bên sẽ xác định xong đường biên giới trên bản đồ và
trên thực địa tại những điểm quan trọng nhất của toàn tuyến biên giới,
cắm xong mốc ở điểm đầu và điểm cuối của tuyến biên giới và cắm xong
mốc ở tất cả các cửa khẩu của hai nước.
Trên thực tế, việc thực hiện kế hoạch cắm mốc biên giới mấy năm
qua diễn biến chậm hơn dự kiến do những nguyên nhân sau đây:
Cả hai bên đều thiếu nhân lực và cán bộ kỹ thuật đủ trình độ
chuyên môn.
Bộ bản đồ dùng cho cắm mốc đã quá cũ và lạc hậu, không chính xác
nên mất rất nhiều thời gian xác minh, chỉnh lý.
Thực trạng cư trú của dân cư hai bên đường biên rất khó phân định.
Điều kiện thời tiết, nhất là mùa mưa rất khó khăn cho việc xác định địa
hình và tọa độ trên thực địa.
Trong năm 2007-2008, hai bên đã tập trung cắm mốc tại các cửa
khẩu, các khu dân cư và địa điểm có tầm quan trọng cho phát triển kinh
tế. Tại hầu hết các cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính đã được cắm
mốc, trừ cửa khẩu Tịnh Biên - Phnôm Đơn (An Giang - Tà Keo) - mốc
275 và điểm tận cùng biên giới đất liền - mốc 314.
Đến cuối năm 2008, hai bên đã hoàn tất được 4/5 công việc vẽ bản
đồ biên giới, chỉ còn 100 km đường biên chưa được chuyển vẽ trên bản
đồ, xác định được 1/3 vị trí cắm mốc và cắm xong 1/5 số mốc phải cắm
trên toàn tuyến biên giới. Mặc dù chưa đạt mục tiêu hoàn thành phân
giới, cắm mốc vào cuối năm 2008, nhưng kết quả quan trọng này đã tạo
tiền đề cho việc đẩy nhanh tiến độ phân giới, cắm mốc trong những
năm tiếp theo.
Từ năm 2010, Việt Nam và vương quốc Campuchia đã triển khai
việc phân giới song song với cắm mốc. Hai bên nhất trí cao nguyên tắc
giải quyết từ dễ đến khó, tuân thủ đúng Hiệp ước 1985 và Hiệp ước bổ
sung 2005, các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hoàn thành phân giới,
cắm mốc vào cuối năm 2012. Hai bên thống nhất một loạt biện pháp
chỉ đạo các đội phân giới, cắm mốc xây dựng ngay mốc sau 7-10 ngày
xác định được vị trí, tổ chức hoàn thiện ngay các văn bản, biên bản cắm
CHƯƠNG VI: QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG BIÊN GIỚI HÒA BÌNH, HỮU NGHỊ... 353

mốc, giải quyết ngay các điểm tồn đọng. Hai bên đã hợp tác chặt chẽ
để triển khai mở thầu, chấm thầu và ký hợp đồng với Công ty Bloom
(Đan Mạch) xây dựng bộ bản đồ địa hình biên giới đất liền Việt Nam -
Campuchia. Hợp đồng đã được ký tháng 1-2011 và ba bên đã triển khai
bay chụp, xây dựng bản đồ biên giới vào đầu năm 2011.
Tóm lại, sau 30 năm giải quyết vấn đề biên giới ở Nam Bộ với
Campuchia (1979-2009), thành quả mà hai nước đạt được về mặt pháp
lý là rất to lớn, về cơ bản đã loại bỏ được những yêu sách vô lý về biên
giới của một số phần tử cố tình gây bất ổn cho mối quan hệ hữu nghị
giữa Việt Nam và Campuchia, cơ bản giữ vững được an ninh trên vùng
biên giới. Tuy nhiên, công việc phân giới, cắm mốc gặp khó khăn về
nhiều mặt nên tiến hành chậm hơn so với kế hoạch dự kiến. Cả hai bên
đều tỏ rõ quyết tâm phải hoàn thành dứt điểm công tác cắm mốc biên
giới trong năm 20121.

III- PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ XÂY DỰNG QUỐC PHÒNG


TOÀN DÂN, AN NINH NHÂN DÂN TRÊN TUYẾN BIÊN GIỚI VÙNG NAM BỘ

Đường biên giới trên bộ của Nam Bộ với Campuchia có độ dài


817 km, chiếm hai phần ba độ dài toàn tuyến biên giới Việt Nam -
Campuchia (1.137 km), chạy qua 6 tỉnh của Nam Bộ là: Bình Phước, Tây
Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang. Nhìn từ góc độ quân
sự và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân thì toàn tuyến biên giới Nam
Bộ có ba khu vực khác nhau về địa lý quân sự và tình hình kinh tế, xã hội.

1. Khu vực thứ nhất (tỉnh Bình Phước và tỉnh Tây Ninh) xây dựng và
phát triển vùng biên giới
Hai tỉnh Bình Phước và Tây Ninh có địa hình rừng núi, trong đó có
khu vực núi cao (thuộc Bình Phước) và khu vực rừng bằng (thuộc Tây
Ninh). Ở vùng núi, rất thuận lợi cho lực lượng từ bên ngoài có thể xâm

1. Đến nay việc phân giới cắm mốc trên biên giới Việt Nam - Campuchia mới
chỉ hoàn thành được khoảng 90%.
354 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

nhập quy mô nhỏ nhưng không thuận lợi cho việc triển khai các hướng
tấn công với lực lượng lớn. Ở vùng rừng bằng, đối phương có thể xâm
nhập nhỏ, vừa có thể triển khai tấn công bằng lực lượng lớn có vũ khí
và phương tiện chiến tranh hạng nặng.
Về phía Việt Nam, sẽ rất khó khăn trong việc kiểm soát chặt chẽ
đường biên và chống xâm nhập nhỏ ở vùng núi, đồng thời khó hình
thành thế trận quân sự phòng thủ ở vùng rừng bằng vì đối phương có
thể mở nhiều đường tiến quân. Khu vực này còn có ba trục đường lớn
(đường xuyên Á, đường 22, đường 13), ngoài giá trị kinh tế còn có ý
nghĩa quân sự, quốc phòng rất lớn vì đó là ba hướng phòng thủ và phản
công chính nếu có chiến tranh xâm lược xảy ra ở Nam Bộ. Vùng này còn
có núi Bà Đen là một cao điểm có tầm quan sát quân sự trên một vùng
biên giới rất rộng thuộc tỉnh Tây Ninh.
Về xã hội, vùng này dân cư còn thưa, phân bố không đều, nhất là
vùng rừng núi sát biên giới có nhiều nơi chưa có dân sinh sống. Thành
phần dân cư gồm có: người Việt, người gốc Khmer, và một số tộc người
thiểu số vùng nam Tây Nguyên. Về tôn giáo, tín ngưỡng có đạo Tin Lành,
Cao Đài, Phật giáo và các tín ngưỡng địa phương. Nhìn chung, tình hình
xã hội khá ổn định, chưa xảy ra xung đột lớn về sắc tộc và tôn giáo.
Về kinh tế, tiềm năng của vùng này không lớn, chủ yếu là khai thác
tài nguyên rừng và trồng cây công nghiệp như cao su, cà phê, tiêu, mía,
cây lương thực chủ yếu là bắp, mì, các loại đậu... Tiềm năng du lịch chưa
được khảo sát kỹ và chưa được khai thác nhiều. Tiềm năng công nghiệp
cũng chưa phát triển. Tiềm năng kinh tế đối ngoại khá lớn với những
cửa khẩu tương đối thuận lợi như Mộc Bài, Thiện Ngôn. Nhìn chung,
trình độ phát triển kinh tế - xã hội còn thấp so với các vùng nội địa.

2. Khu vực thứ hai (tỉnh Long An và tỉnh Đồng Tháp) xây dựng và phát
triển vùng biên giới
Biên giới thuộc hai tỉnh Long An và Đồng Tháp có địa hình đồng
bằng, thế đất thấp, ngập nước vào mùa mưa, nhiều sông ngòi, kênh rạch
CHƯƠNG VI: QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG BIÊN GIỚI HÒA BÌNH, HỮU NGHỊ... 355

và địa hình rất trống trải, hầu như không có những cánh rừng rậm như
ở Tây Ninh. Địa hình này thuận lợi cho đối phương xâm nhập lực lượng
nhỏ bằng đường thủy nhưng khó khăn cho việc triển khai lực lượng lớn
có vũ khí nặng và phương tiện chiến tranh hiện đại. Về phía Việt Nam,
thuận lợi cho quan sát, phát hiện các động thái di chuyển lực lượng của
đối phương từ xa nhưng rất khó khăn trong tổ chức thế trận phòng thủ
vì địa thế thấp, địa hình trống trải, khó xây dựng những công trình quân
sự vững chắc, khó cơ động lực lượng lớn và vũ khí nặng vì phần lớn phải
lệ thuộc vào đường thủy.
Về xã hội: phân bố dân cư vùng giáp biên còn rất thưa, phần lớn là
người Việt, một số ít là người Khmer, hầu như không có các tộc người
khác. Tóm lại, tình hình xã hội cũng không có vấn đề phức tạp.
Về kinh tế: vùng này có tiềm năng nông nghiệp rất lớn, với thế
mạnh là trồng lúa, chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản. Kinh tế đối
ngoại có cửa khẩu Mộc Hóa, Hồng Ngự và các hoạt động buôn bán
nhỏ qua biên giới của người dân. Nhìn chung, đây là vùng kinh tế nông
nghiệp khá ổn định, tiềm năng công nghiệp và kinh tế đối ngoại chưa
khai thác hết. Tiềm năng kinh tế du lịch không nhiều, giao thông đường
bộ chưa phát triển.
Nhìn chung, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của vùng giáp biên
giới Campuchia thuộc hai tỉnh Long An và Đồng Tháp còn thấp so với
các vùng nội địa.

3. Khu vực thứ ba (tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang) xây dựng và
phát triển vùng biên giới
Biên giới thuộc hai tỉnh An Giang và Kiên Giang vừa có địa hình
đồng bằng ngập nước, vừa có vùng núi đá thấp (khu vực Bảy Núi, Hà
Tiên), không thuận lợi cho những hoạt động quân sự lớn.
Về xã hội: dân cư còn thưa, phần lớn là người Việt nhưng số người
Khmer sinh sống gần đường biên nhiều hơn ở Long An và Đồng Tháp,
và nhiều người có quan hệ gia đình, huyết thống với người Campuchia
356 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

bên kia biên giới. Tín ngưỡng ở vùng này rất đa dạng, nhiều lễ hội, tín
ngưỡng địa phương rất lâu đời và nổi tiếng. Nhìn chung tình hình xã
hội không phức tạp, người dân hai bên biên giới làm ăn và sinh sống
hiền hòa với nhau.
Về kinh tế: vùng biên An Giang và Kiên Giang cũng là vùng nông
nghiệp, nông sản chính là lúa; kinh tế du lịch cũng khá phát triển, như
vùng Bảy Núi có nhiều cơ sở tôn giáo, nhiều lễ hội, tín ngưỡng địa
phương và những địa điểm hành hương hằng năm, thu hút rất nhiều du
khách. Tiềm năng công nghiệp chưa có điều kiện phát triển.
Về chủ trương xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh
nhân dân trên vùng biên giới của Nam Bộ được xác định như sau:
Chủ trương chung về xây dựng “khu vực phòng thủ tỉnh, thành
phố” là mỗi địa phương cấp tỉnh phải có tiềm lực kinh tế, chính trị, quân
sự mạnh để có khả năng đánh bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo
loạn, lật đổ và có thể độc lập chiến đấu, tiêu diệt, cầm chân lực lượng
lớn của địch khi có chiến tranh xâm lược cục bộ xảy ra.
Đối với các tỉnh có biên giới thì nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng
thủ sẽ nặng hơn và nội dung xây dựng biên giới vững mạnh, hòa bình,
ổn định phải được đặt lên hàng đầu.
Sau đây là những hoạt động thực tiễn xây dựng biên giới hòa bình,
hữu nghị trong kế hoạch tổng thể xây dựng “khu vực phòng thủ tỉnh,
thành phố” ở một số địa phương thuộc Nam Bộ, cụ thể là hai tỉnh đầu
và cuối đường biên giới Nam Bộ là tỉnh Bình Phước ở phía bắc, giáp với
Gia Lai của Tây Nguyên và tỉnh Kiên Giang ở phía nam là đoạn biên giới
cuối cùng của Nam Bộ với Campuchia.
Đối với tỉnh Kiên Giang, đường biên giới của tỉnh này có độ dài
57 km, chạy qua địa phận thị xã Hà Tiên và huyện Kiên Lương của
Việt Nam và đối diện với tỉnh Kampot và Tà Keo của Campuchia. Kiên
Giang có một cửa khẩu quốc tế (Hà Tiên), một cửa khẩu quốc gia và 6
cửa khẩu nhỏ, ngoài ra còn có nhiều đường mòn qua biên giới.
Theo báo cáo của Biên phòng Kiên Giang thì tình hình trên tuyến
CHƯƠNG VI: QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG BIÊN GIỚI HÒA BÌNH, HỮU NGHỊ... 357

biên giới diễn biến khá phức tạp: các nhóm phản động lưu vong và các
đảng phái đối lập ở Campuchia tăng cường kích động mâu thuẫn dân
tộc và những đòi hỏi đất đai của người Khmer Campuchia đối với Việt
Nam. Tình trạng tranh chấp đất đai, khiếu kiện đông người còn diễn
ra khá thường xuyên và kéo dài, tình trạng buôn lậu qua biên giới khá
phổ biến, thậm chí những vụ cướp có vũ trang cũng đã xảy ra ở các
xã biên giới.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Kiên Giang thực hiện chương
trình phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới, trước mắt tập trung xây
dựng chợ trung tâm biên giới ở thị xã Hà Tiên. Nhìn chung, khu vực
biên giới còn rất nhiều khó khăn, cụ thể là hạ tầng giao thông còn lạc
hậu, phương tiện đi lại, vận chuyển còn thiếu thốn. Lĩnh vực y tế, giáo
dục còn rất hạn chế, trình độ dân trí còn thấp, tỷ lệ trẻ em không đến
trường và số người mù chữ còn cao. Nhìn chung đời sống nhân dân,
nhất là đồng bào Khmer Nam Bộ trên vùng biên giới còn nhiều khó
khăn, thiếu cả vốn và phương tiện làm ăn… Tình trạng này dễ bị kẻ xấu
lợi dụng phản tuyên truyền và lừa bịp. Đây là khó khăn lớn đối với việc
xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và ổn định.
Từ thực trạng những khó khăn của vùng biên giới, tỉnh Kiên Giang
đã đề ra các giải pháp mang tính toàn diện nhằm nâng cao chất lượng
xây dựng biên giới:
Biện pháp thứ nhất là: nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các
cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể; tăng cường tuyên truyền,
vận động và phát huy sức mạnh quần chúng nhân dân thực hiện nhiệm
vụ xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.
Biện pháp thứ hai là: đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội
gắn với không ngừng củng cố thế trận quốc phòng, an ninh, tạo nên sức
mạnh tổng hợp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.
Biện pháp thứ ba là: chủ động tiến hành công tác đối ngoại để kịp
thời xử lý các vấn đề xảy ra trên biên giới, phối hợp đấu tranh, phòng,
chống các loại tội phạm và các hoạt động chống phá của địch, đẩy mạnh
358 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

giao lưu, hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa hai bên biên giới Việt Nam -
Campuchia.
Biện pháp thứ tư là: phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, mở
rộng dân chủ đi đôi với tăng cường trật tự, kỷ cương, giải quyết tốt các
vấn đề dân tộc, tôn giáo trên địa bàn biên giới.
Biện pháp thứ năm là: xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững
mạnh và phát huy tốt vai trò nòng cốt của bộ đội biên phòng, kết hợp
chặt chẽ với các lực lượng quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh
biên giới.
Riêng đối với tỉnh Bình Phước, đường biên giới của tỉnh có chiều
dài 240 km, trong đó 204 km chạy theo sông, suối, 36 km chạy trên
đất liền, rừng núi. Chiều sâu của tuyến biên giới từ 8 đến 22 km, có
bốn cửa khẩu, trong đó có cửa khẩu quốc tế Hoa Lư. Đường biên giới
của tỉnh Bình Phước chạy qua 15 xã của ba huyện. Dân số các xã biên
giới khoảng 101.950 người, bao gồm 16 tộc người khác nhau, trong
đó người Việt chiếm 80%, còn lại là các nhóm người Khmer và dân tộc
thiểu số khác.
Về địa hình, tuyến biên giới của tỉnh có hai khu vực khác nhau rõ
rệt: khu vực phía bắc giáp với Đắk Nông có địa hình, địa thế khá hiểm
trở, phức tạp, rất khó đi lại, nhất là vào mùa mưa. Khu vực phía nam
giáp Tây Ninh có địa hình tương đối bằng phẳng, chủ yếu là các khu
rừng tái sinh.
Về hạ tầng giao thông: Bình Phước có quốc lộ 13 từ Thành phố
Hồ Chí Minh đến cửa khẩu Hoa Lư, có quốc lộ 14 nối với Tây Nguyên,
ngoài ra còn có mạng giao thông liên tỉnh, liên huyện khá thuận lợi.
Về kinh tế - xã hội: nhìn chung Bình Phước còn nhiều khó khăn,
hạn chế, trình độ dân trí chưa cao, hạ tầng kinh tế, kỹ thuật còn lạc hậu
và thiếu thốn. Tình trạng di dân tự do đến Bình Phước còn diễn biến
phức tạp: chỉ tính riêng 15 xã biên giới đã có khoảng 25.000 người di cư
từ nơi khác đến (chiếm 1/4 dân số trên tuyến biên giới). Tình hình trật
tự xã hội ở các xã này khá phức tạp như nạn phá rừng làm rẫy, vượt biên
CHƯƠNG VI: QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG BIÊN GIỚI HÒA BÌNH, HỮU NGHỊ... 359

buôn lậu, vận chuyển, khai thác lâm sản trái phép, nạn cờ bạc, ma túy,
trộm cắp cũng khá phổ biến.
Về an ninh chính trị cũng khá phức tạp vì các nhóm chống đối đang
lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng, sắc tộc, lợi dụng truyền đạo để tuyên
truyền xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng và chính quyền nhằm
kích động nhân dân tranh chấp đất đai, tổ chức khiếu kiện đông người,
khiếu kiện vượt cấp… Tình trạng này là trở lực khá lớn đối với quá
trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội ở vùng biên giới.
Bình Phước có đường biên giới với ba tỉnh phía Campuchia là
Mondulkiri, Kratie và Công Pông Chàm. Tình hình chính trị và trật
tự xã hội bên phía bạn tương đối ổn định. Các tỉnh này đều do Đảng
Nhân dân Campuchia (CPP) kiểm soát nên có mối quan hệ tốt với Việt
Nam trên tinh thần cùng hợp tác giải quyết những vấn đề liên quan
đến biên giới và lãnh thổ. Nhân dân hai bên thường qua lại thăm hỏi,
mua bán, du lịch, chữa bệnh bình thường, thân thiện. Tuy nhiên, vùng
này của Campuchia cũng còn là khu vực chưa phát triển nên kết cấu
hạ tầng kinh tế, kỹ thuật còn lạc hậu và nhân dân còn nghèo. Chính
quyền Campuchia có chủ trương cho nước ngoài thuê đất nên một số
công ty của Việt Nam đã đầu tư trồng cây công nghiệp lâu năm, bước
đầu là trồng cao su (Công ty cao su Tây Nam, Công ty liên doanh Phú
Riềng - Kratie, Công ty cao su Đồng Phú, Công ty cao su Sông Bé...). Sự
có mặt của các công ty Việt Nam làm ăn bên đất bạn có ý nghĩa rất lớn
cả về phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng và xây dựng biên giới hòa
bình, hữu nghị.
Vấn đề xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị của Bình Phước được
lồng ghép trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
và theo sự chỉ đạo chung của Đảng và Chính phủ. Về mặt chỉ đạo, căn cứ
vào Chỉ thị số 15/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy đã
ra Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 30-10-1998 về phát triển kinh tế miền
núi, vùng đồng bào dân tộc thời kỳ 1998-2000, trong đó có các xã vùng
biên giới. Ngoài ra, Tỉnh ủy còn ra các nghị quyết chuyên đề như Nghị
360 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

quyết số 03/NQ/TU về tăng cường bảo vệ an ninh biên giới, Chỉ thị
số 03/CT/TU về xây dựng các xã biên giới, dân tộc miền núi vững mạnh
toàn diện. Trên cơ sở những nghị quyết và chỉ thị đó, Bình Phước tiến
hành xây dựng các mặt đối với vùng biên giới như sau:
Phát triển kinh tế trên ba huyện biên giới:
Về nông nghiệp: Tỉnh đã vận động nhân dân và hướng dẫn khoa
học - kỹ thuật để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ việc cấy lúa
manh mún trên những ruộng nhỏ chuyển sang tận dụng thế mạnh
của đất bazan để trồng cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao hơn như
cao su, ca cao, cà phê, tiêu, điều… với quy mô diện tích lớn, cung cấp
sản phẩm cho xuất khẩu, đồng thời phát triển chăn nuôi gia súc như
trâu, bò, dê, heo và gia cầm.
Các hình thức kinh tế trang trại áp dụng các mô hình VAC, VACR
phát triển khá thành công ở nhiều nơi.
Về công nghiệp, vùng biên giới đã xây dựng được một số cơ sở công
nghiệp chế biến nông, lâm sản và Nhà nước đã đầu tư xây dựng nhà
máy xi măng công suất 2 triệu tấn/năm. Tiềm năng thủy điện của vùng
biên giới Bình Phước đã được khai thác tốt, đã xây dựng được ba nhà
máy thủy điện (Thác Mơ 150 MW, Cần Đơn 72 MW, Srok phu Miêng
51 MW). Điện lưới quốc gia đã đến trung tâm của tất cả 15 xã biên giới,
đã có 60% dân số biên giới được sử dụng điện sản xuất và sinh hoạt.
Ngành điện lực cũng đã xuất khẩu một lượng điện năng sang các tỉnh
Campuchia đối diện với Bình Phước.
Về phát triển giao thông nông thôn: vận dụng phương châm “Nhà
nước và nhân dân cùng làm”, tỉnh đã trải nhựa và lát bê tông các con
đường đến trung tâm xã, ngoài ra thường xuyên duy tu, bảo dưỡng các
đường liên xã, liên ấp và đường dân sinh cho nhân dân đi làm ăn.
Trên vùng biên giới Bình Phước còn có đơn vị kinh tế của Bộ Quốc
phòng là Binh đoàn 16 đang triển khai mô hình phát triển kinh tế kết
hợp quốc phòng.
Về phát triển kinh tế cửa khẩu: theo chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh
CHƯƠNG VI: QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG BIÊN GIỚI HÒA BÌNH, HỮU NGHỊ... 361

Bình Phước đã tập trung vào thực hiện kế hoạch xây dựng và phát
triển kinh tế ở cửa khẩu Hoa Lư thuộc huyện Lộc Ninh với đối tác bên
Campuchia là tỉnh Kratie.
Nhìn chung về phát triển kinh tế trên vùng biên giới của Bình
Phước có nhiều thuận lợi và đạt được những kết quả to lớn, có ý nghĩa
cả về kinh tế, xã hội, văn hóa và an ninh, quốc phòng. Các thành tựu về
kinh tế đóng vai trò nền tảng, căn bản và lâu dài đối với vấn đề xây dựng
biên giới hòa bình, hữu nghị.
Về phát triển văn hóa - xã hội, trọng tâm là cuộc vận động “Toàn
dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, trong đó lồng
ghép với tuyên truyền giác ngộ nhân dân không mắc mưu kẻ xấu. Tất
cả 15 xã biên giới đều thành lập Đội tuyên truyền văn hóa, các xã của
đồng bào dân tộc đều thành lập Hội đồng già làng và Đội văn hóa cồng
chiêng. Sinh hoạt văn hóa quần chúng được tổ chức thường xuyên và có
sự phối hợp với các đơn vị bộ đội biên phòng trên địa bàn. Hiện nay, tất
cả các ấp và sóc biên giới đã có cụm loa truyền thanh, tất cả 15 xã biên
giới đã xây dựng Bưu điện văn hóa. Đến nay, ở các xã biên giới đã có
64% số hộ có tivi và 80,67% số hộ có radio.
Về giáo dục - đào tạo: tất cả 15 xã biên giới đã có trường tiểu học
và trung học cơ sở, khu vực biên giới còn có 3 trường trung học phổ
thông và hệ thống giáo dục thường xuyên (bổ túc văn hóa), có trường
trung học dân tộc nội trú dành riêng cho con em đồng bào dân tộc thiểu
số. Ngành giáo dục đã đầu tư xây dựng 160 phòng học, trong đó có 40
phòng được xây dựng kiên cố. Bộ đội biên phòng Bình Phước giúp đỡ
sửa chữa 160 phòng học cấp 4, mua sắm 94 bộ bàn ghế học tập, 2 bảng
viết, một số sách, bút và đồ dùng học tập, tổng trị giá khoảng 46.750.000
đồng. Từ năm 2000 đến 2007 đã tổ chức được 28 lớp xóa mù chữ cho
908 học viên, trong đó có một số cán bộ ấp và sóc. Tỷ lệ biết chữ ở độ
tuổi từ 15 đến 35 đã đạt 92%.
Về phổ cập giáo dục: đã đưa được 247 học sinh đến trường và giúp
đỡ cho 413 học sinh đã bỏ học trở lại trường học. Đội ngũ giáo viên ở
362 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

các trường biên giới đã được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo Nghị
định 35 của Chính phủ.
Về mạng lưới y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng: tất cả 15 xã biên
giới đã có trạm y tế, có nữ hộ sinh, hoặc y sĩ sản, nhi, có 8 bác sĩ, tất cả
các thôn, ấp có nhân viên y tế cộng đồng. Bộ đội biên phòng đã giúp
đỡ xây dựng một phòng khám quân - dân y kết hợp tại xã Lộc An, Lộc
Ninh. Đơn vị kinh tế của Bộ Quốc phòng giúp xây dựng một trạm xá ở
xã Thiện Hưng, Bù Đốp. Quân khu 7 giúp xây dựng một trạm xá ở Tà
Thiết, Lộc Ninh (trị giá 700 triệu đồng). Các trung tâm y tế dự phòng
của tỉnh và huyện kết hợp với các bệnh viện lớn ở Thành phố Hồ Chí
Minh và Quân khu 7 thường xuyên cử y, bác sĩ và các đoàn y tế xuống
các xã biên giới để khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho nhân dân
chống lại các bệnh phổ biến trên vùng rừng núi như sốt rét, sốt xuất
huyết, bệnh đường ruột… Trong ba năm từ 2006 đến 2008 đã tổ chức
khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 28.606 lượt người với tổng
giá trị 380 triệu đồng.
Về xây dựng thế trận an ninh - quốc phòng: trước hết là công tác
tuyên truyền, giáo dục được đặc biệt chú trọng nhằm làm cho toàn thể
cán bộ địa phương và nhân dân các xã biên giới hiểu rõ những chủ
trương, Đảng, Nhà nước, chính sách về xây dựng biên giới của Chính
phủ và của tỉnh, huyện, đồng thời hiểu rõ những âm mưu về “diễn biến
hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực chống đối có thể tiến hành ở
khu vực biên giới.
Lực lượng vũ trang các cấp từ dân quân tự vệ xóm ấp đến các đơn vị
biên phòng và lực lượng chủ lực cấp trên làm nòng cốt trong công cuộc
xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và vững chắc, hằng năm đều có
diễn tập phòng thủ trên khu vực ba huyện biên giới theo phương án A,
A2 (chống chiến tranh xâm lược và chống bạo loạn lật đổ).
Công tác tuần tra, kiểm soát được tiến hành thường xuyên và khá
chặt chẽ. Lực lượng biên phòng kết hợp với địa phương đã phát hiện và
xử lý nhiều vụ vi phạm quy chế biên giới, xử lý những đối tượng cư trú
CHƯƠNG VI: QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG BIÊN GIỚI HÒA BÌNH, HỮU NGHỊ... 363

trái phép, đối tượng bị pháp luật truy nã, thu giữ nhiều phương tiện vận
chuyển và hàng buôn lậu, vận động dân giao nộp các loại vũ khí không
được phép lưu giữ.
Lực lượng dân quân tự vệ thuộc các xã và các lâm trường được
xây dựng và huấn luyện thường xuyên cả về quân sự và chính trị. Lực
lượng này đã đạt tỷ lệ 3% dân số các xã biên giới. Lực lượng công an
các cấp được tăng cường, đủ sức giữ gìn trật tự xã hội trên vùng biên
giới. Các xã biên giới đã tổ chức được 290 tổ an ninh nhân dân, đây
là mạng lưới an ninh nhân dân có vai trò rất quan trọng đối với vùng
biên giới.
Xây dựng mối quan hệ thân thiện và hợp tác với chính quyền và
nhân dân các địa phương Campuchia có chung đường biên giới với
Bình Phước là một mặt công tác vô cùng quan trọng, góp phần to lớn
vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội nói chung và thúc đẩy công tác
phân ranh, cắm mốc được tiến hành thuận lợi và nhanh chóng.
Những kết quả về xây dựng toàn diện vùng biên giới của tỉnh Bình
Phước được thể hiện qua những con số và những công trình cụ thể
sau đây:
- Đầu tư 3,5 tỷ đồng cho chương trình định canh, định cư trên khu
vực biên giới.
- Đầu tư 2 tỷ đồng cho chương trình ổn định dân di cư tự do đến
vùng biên giới.
- Đầu tư 36 tỷ đồng cho dự án phát triển kinh tế các xã nghèo vùng
biên giới.
- Đầu tư 28 tỷ đồng cho dự án cụm xã trung tâm biên giới.
- Đầu tư 130 tỷ đồng từ năm 2001 đến năm 2006 cho dự án đường
tuần tra biên giới có độ dài 177 km. Từ năm 2007 đến năm 2010 sẽ nhựa
hóa và bê tông hóa đường biên giới Phước Long. Dự án này mang lại lợi
ích cả về quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội cho vùng
biên giới.
- Thực hiện Chương trình 134, tỉnh đã cấp 361 ha đất sản xuất cho
364 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

288 hộ nông dân nghèo thuộc các xã biên giới của huyện Bù Đốp và
Phước Long.
- Đầu tư 11,1 tỷ đồng cho dự án xây dựng đường dây điện nối các
cụm dân cư với 5 đồn biên phòng, đồng thời đầu tư thực hiện 4 dự án
kinh tế khác.
- Quân khu 7 đầu tư 30 tỷ đồng xây dựng khu định cư cho 62 hộ
đồng bào Khmer ở sóc Tà Thiết, Lộc Thịnh, Lộc Ninh.
- Binh đoàn 16 thực hiện dự án trồng 1.800 ha cao su dọc tuyến biên
giới từ Bù Đốp đến Phước Long, giải quyết việc làm cho 220 hộ dân,
trong đó có 80 hộ đồng bào Khmer và dân tộc thiểu số.
- Kết quả xóa đói, giảm nghèo: thời điểm năm 2000, riêng ở địa bàn
biên giới Bình Phước có 611 hộ đói, 1.545 hộ nghèo. Đến năm 2008 đã
xóa được số hộ đói, số hộ nghèo còn chiếm 13,42% (theo chuẩn mới).
Về công tác cắm mốc biên giới: tỉnh Bình Phước được giao nhiệm
vụ cắm mốc ở 18 vị trí, gồm 28 cột mốc. Tính đến năm 2009, tỉnh đã xây
dựng 9 vị trí với 13 cột mốc, hoàn thành tiến độ do Chính phủ giao và
đạt 50% khối lượng công việc. Dự kiến đến hết năm 2010 sẽ hoàn thành
toàn bộ các vị trí và cột mốc trên toàn tuyến biên giới của tỉnh.
Về hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh bạn Campuchia: Bình
Phước có bốn cửa khẩu, trong đó có cửa khẩu quốc tế Hoa Lư đi sang
tỉnh Kratie, cửa khẩu Hoàng Diệu sang tỉnh Mondulkiri, cửa khẩu Tân
Tiến sang tỉnh Kratie, cửa khẩu Tà Vát sang tỉnh Công Pông Chàm.
Ngoài ra còn nhiều con đường mòn qua biên giới do các đồn biên phòng
quản lý cho người dân hai bên đi lại buôn bán, làm ăn. Các công ty cao
su đã trồng được 5.000/10.000 ha được giao. Theo số liệu năm 2008,
tổng kim ngạch xuất khẩu của các cửa khẩu của Bình Phước đạt 20,27
triệu USD, tổng kim ngạch nhập khẩu là 19,03 triệu USD.
Tình hình xây dựng các xã biên giới của tỉnh Bình Phước phản ánh
những nỗ lực to lớn của phía Việt Nam về xây dựng biên giới hòa bình,
hữu nghị, đồng thời cũng phản ánh tính chất khó khăn, phức tạp và
những yêu cầu rất lớn đối với mục tiêu đề ra.
CHƯƠNG VI: QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG BIÊN GIỚI HÒA BÌNH, HỮU NGHỊ... 365

Thực tế xây dựng biên giới ở hai địa phương đầu và cuối của tuyến
biên giới Nam Bộ cho thấy nhiều vấn đề cần giải quyết trong quá trình
xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và cùng phát triển. Tính
chất vững mạnh của tuyến biên giới không chỉ tùy thuộc vào sức mạnh
của khu vực phòng thủ của mỗi tỉnh mà tùy thuộc nhiều hơn vào sức
mạnh tổng hợp được tạo ra từ sự bố trí lực lượng hợp lý trên toàn tuyến
và những kế hoạch tác chiến tổng thể, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các
lực lượng.
Nhìn trên toàn tuyến biên giới Nam Bộ dưới góc độ an ninh quốc
phòng, nếu chiến tranh xâm lược cục bộ xảy ra thì khu vực biên giới Tây
Ninh sẽ là hướng tấn công chủ yếu của quân xâm lược vì ở đó có những yếu
tố địa lý, quân sự cho phép triển khai lực lượng lớn với binh khí, kỹ thuật
hiện đại. Đó là khâu xung yếu nhất nên phải được ưu tiên về bố trí lực lượng
vũ trang ba cấp đủ sức đối phó với chiến tranh quy mô lớn nếu nó xảy ra.
Nhìn từ góc độ xây dựng “khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố” và
triển khai thế trận an ninh nhân dân thì khả năng của toàn tuyến biên
giới còn hạn chế về nhiều mặt: Kinh tế chưa phát triển, đời sống vật chất
và tinh thần của nhân dân còn nhiều khó khăn nên chưa thu hút thêm
được dân cư đến làm ăn, sinh sống. Khi dân số thấp thì ảnh hưởng trực
tiếp đến khả năng huy động lực lượng bán vũ trang tại địa phương, hạn
chế khả năng xây dựng cơ sở an ninh trong quần chúng và hạn chế khả
năng huy động nhân lực, tài lực khi có chiến tranh nổ ra.
Tóm lại, phát triển kinh tế để thu hút dân cư lên vùng biên giới là
vấn đề có tính chiến lược lâu dài trong công cuộc xây dựng nền quốc
phòng toàn dân vững mạnh. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và
an ninh nhân dân trên tuyến biên giới Nam Bộ có ý nghĩa chiến lược to
lớn đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước vì đó
là yếu tố đảm bảo ổn định và an ninh cho vùng kinh tế trọng điểm và
vựa lúa lớn nhất của đất nước.
Tình hình trên toàn tuyến biên giới Nam Bộ hiện nay đã đi vào
ổn định do nỗ lực của cả hai bên. Tuy nhiên, biên giới không chỉ là
366 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

việc riêng của hai nước mà nó luôn bị các thế lực bên ngoài tác động.
Cuộc Chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1977-1979 là một bài học
lịch sử cần ghi nhớ để chúng ta có cái nhìn đúng đắn về xây dựng thế
trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trên tuyến biên giới
của Nam Bộ.
367

KẾT LUẬN

Nam Bộ là phần lãnh thổ thiêng liêng, là vùng đất có vị trí quan
trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa và an ninh, quốc phòng của Việt
Nam. Từ lâu đời, Nam Bộ đã là một bộ phận không thể tách rời của Tổ
quốc Việt Nam. Đồng bào Nam Bộ là một phần máu thịt không thể chia
cắt của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ:
“Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam
Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ
thay đổi”1.
Kế tục và phát huy truyền thống bất khuất, kiên cường và tinh thần
lao động cần cù của dân tộc Việt Nam, người Nam Bộ, từ thế hệ này
sang thế hệ khác đã góp phần cùng nhân dân cả nước xây dựng và bảo
vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam, trong đó có vùng đất Nam Bộ.
Về điều kiện tự nhiên: Nam Bộ là vùng đất phía Nam của Tổ quốc,
có vị trí địa lý kinh tế khá thuận lợi để phát triển nông nghiệp, công
nghiệp và phát triển kinh tế đối ngoại vì nằm trên hành lang giao thông
đường biển giữa các cường quốc kinh tế ở Bắc Á và các quốc gia Đông
Nam Á. Nam Bộ có những hải cảng tốt và có tuyến giao thông đường
bộ nối với Campuchia và Thái Lan. Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh
là một đô thị lớn, nằm ở trung tâm của Nam Bộ. Thành phố ven biển
này nổi tiếng là cửa ngõ giao thương quốc tế từ rất sớm trong lịch sử và
hiện vẫn là một cảng lớn và quan trọng về kinh tế và giao thông đường
biển quốc tế trong vùng Đông Nam Á. Không dừng lại ở đó, Thành phố

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 280.


368 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Hồ Chí Minh hiện nay với dân số gần 10 triệu người đang phát triển
mạnh mẽ để trở thành một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, thương
mại và dịch vụ của khu vực Đông Nam Á.
Về tài nguyên đất đai, Nam Bộ trải dài từ nam Tây Nguyên đến giáp
vịnh Thái Lan, và hình thành hai vùng lớn là miền Đông Nam Bộ và
miền Tây Nam Bộ (đồng bằng sông Cửu Long) có những đặc điểm và
thế mạnh khác nhau về phát triển kinh tế - xã hội:
Miền Đông Nam Bộ là bậc thềm của cao nguyên Bôlôven thuộc
nước Lào, thấp dần về hướng đông nam. Đây là vùng đất đỏ bazan có
thế đất khá cao so với mặt biển, mang tính chất của một vùng trung du:
có nhiều đồi núi thấp và những khu rừng bằng phẳng. Đông Nam Bộ có
những con sông lớn như sông Đồng Nai, sông Bé, sông Vàm Cỏ, sông
Sài Gòn. Điều kiện tự nhiên ấy phản ánh thế mạnh phát triển cây công
nghiệp như cao su, mía đường, các loại cây có dầu, chăn nuôi gia súc
lớn; đồng thời có nhiều mặt bằng rất thuận lợi cho xây dựng, phát triển
công nghiệp nhẹ, công nghiệp nặng và phát triển giao thông vận tải
đường bộ, đường hàng không. Đông Nam Bộ hầu như không có khoáng
sản trong lòng đất và rất ít diện tích trồng lúa nước nhưng bù lại là có
bờ biển khá dài, có điều kiện xây dựng cảng lớn, ở thềm lục địa có tiềm
năng lớn về dầu khí và là một ngư trường rộng lớn, có nhiều tiềm năng
phát triển ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản.
Miền Tây Nam Bộ còn gọi là đồng bằng sông Cửu Long là vùng hạ
lưu sông Mêkông, với hai con sông lớn là sông Tiền, sông Hậu và mạng
lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, tạo thành một vùng đất ngập
nước theo mùa, được coi là một trong những vùng sinh thái ngập nước
quý hiếm của thế giới. Điều kiện tự nhiên ấy tạo ra thế mạnh phát
triển kinh tế nông nghiệp với các ngành chủ yếu là trồng lúa nước, cây
ăn trái, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và phát triển giao thông đường
thủy. Tây Nam Bộ như một bán đảo, có hai mặt đông và tây là biển. Do
điều kiện địa hình thấp nên không xây dựng được những cảng biển
lớn nhưng đó là ngư trường đầy tiềm năng để phát triển ngư nghiệp
quy mô lớn.
KẾT LUẬN 369

Tóm lại, Nam Bộ có hai vùng tiềm năng và thế mạnh để phát triển
hai ngành kinh tế cơ bản là: Công nghiệp ở miền Đông và nông nghiệp ở
miền Tây. Hai thế mạnh ấy có thể kết hợp chặt chẽ, bổ trợ lẫn nhau sẽ
tạo ra một vùng kinh tế lớn, toàn diện và đầy tiềm năng.
Về nguồn nhân lực: Nam Bộ có dân số khoảng 29 triệu 251,5 ngàn
người, chiếm 34,5% dân số cả nước (số liệu năm 2007 của Viện chiến
lược kinh tế - Trung tâm nghiên cứu kinh tế miền Nam), mật độ cư trú
khá cao, dân số tương đối trẻ, nguồn lao động khá dồi dào nhưng nhìn
chung chất lượng khoa học - kỹ thuật chưa cao, thành phần lao động
giản đơn chiếm tỷ lệ khá lớn.
Ở các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Biên Hòa,
Cần Thơ… tập trung khá nhiều trí thức và các chuyên gia bậc cao của
các ngành khoa học. Nguồn nhân lực là điều kiện quan trọng nhất của
vùng đất Nam Bộ để phát triển kinh tế - xã hội nhưng còn ở dạng tiềm
năng, chưa được nâng cao về chất lượng.
Về văn hóa, xã hội: Nam Bộ là vùng đất đa tộc người, người Việt
chiếm hơn 90%, tiếp đó là người Hoa, người Khmer, người Chăm
và một số ít là người thiểu số của vùng rừng núi Tây Nguyên. Người
Việt và người Hoa sinh sống chủ yếu ở các đô thị và vùng đồng bằng,
người Khmer sinh sống nhiều ở miền Tây Nam Bộ và ven biên giới với
Campuchia, người Chăm có nhiều ở Thuận Hải, các tộc người thiểu số
khác sinh sống ở vùng rừng núi giáp nam Tây Nguyên. Sự phân bố tộc
người diễn ra tự nhiên và do lịch sử để lại đã phản ánh sự phát triển
không đều về kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ.
Nam Bộ là vùng đa tôn giáo, trong đó có hai tôn giáo lớn là Phật
giáo và Thiên Chúa giáo, ngoài ra còn có rất nhiều tín ngưỡng dân gian,
bản địa như: đạo Cao Đài, Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu
Nghĩa…; và rất nhiều đền thờ cùng các mùa lễ hội tôn thờ các thần linh,
thánh Mẫu như Bà Chúa Xứ, Bà Chúa Ngọc, Lễ nghinh Ông…
Tuy là vùng đa dân tộc, đa tôn giáo, tín ngưỡng nhưng trong suốt
hơn chiều dài lịch sử từ khi Nam Bộ thuộc chủ quyền Việt Nam, hầu
như không xảy ra xung đột về dân tộc và tôn giáo, ngoại trừ một thời
370 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

kỳ ngắn dưới thời Nguyễn xảy ra tình trạng “diệt đạo” nhằm vào tín
đồ Công giáo. Nhìn chung, các cộng đồng cư dân ở Nam Bộ sống khá
hòa thuận trong lao động, sản xuất và trong chiến đấu bảo vệ đất nước,
nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)
và chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ
quốc. Các cộng đồng dân tộc ở đây đã phát huy tinh thần đoàn kết dân
tộc chặt chẽ trong công cuộc chống thực dân, đế quốc. Trên tinh thần
“Tổ quốc trên hết”, “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất
nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, trong hai cuộc kháng chiến thần
thánh của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhân
dân Nam Bộ luôn là những người “đi trước về sau”, kiên gan chiến đấu,
không ngại hy sinh, gian khổ, xứng đáng với danh hiệu “Thành đồng Tổ
quốc”. Truyền thống yêu nước của nhân dân Nam Bộ sẽ là cơ sở vững
chắc cho việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền, lãnh
thổ ở vùng đất Nam Bộ. Đó là một trong những điều kiện rất thuận lợi
đối với quá trình xây dựng kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền, lãnh
thổ ở vùng đất Nam Bộ.
Sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để
nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống ấm
no, hạnh phúc. Song, do chủ quan, duy ý chí và sự chống phá của các
thế lực thù địch, Việt Nam, trong đó có Nam Bộ rơi vào cuộc khủng
hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, đời sống nhân dân gặp nhiều khó
khăn. Trước tình hình đó, từ năm 1986, Việt Nam thực hiện đường lối
đổi mới toàn diện đất nước, trong đó có các nhiệm vụ trọng tâm là: Xây
dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc
tế. Việt Nam đã chính thức là thành viên của Hiệp hội các nước Đông
Nam Á (ASEAN), thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO),
tham gia nhiều định chế tài chính quốc tế khác. Đó là cơ hội rất lớn
để phát triển kinh tế, khoa học - kỹ thuật và tiếp thu văn hóa thế giới
nhưng đồng thời đó cũng là những thách thức lớn đối với việc bảo vệ
những giá trị văn hóa truyền thống và bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh
thổ của đất nước nói chung và của vùng đất Nam Bộ nói riêng.
KẾT LUẬN 371

Sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã, nguy cơ chiến tranh thế
giới không còn nhưng vẫn có khả năng xảy ra chiến tranh cục bộ ở một
số nơi trên thế giới. Đối với Việt Nam, không phải không có những thế
lực quốc tế ngăn cản Việt Nam trở thành quốc gia hùng mạnh sau chiến
tranh nên đã tìm cách kìm hãm cả về kinh tế, quốc phòng và gây mất ổn
định ở Việt Nam.
Môi trường chính trị thế giới đặt Việt Nam vào những thử thách
đặc biệt đòi hỏi phải vừa hội nhập với kinh tế thị trường, toàn cầu hóa,
vừa giữ vững được mục tiêu độc lập, tự chủ trong công cuộc phát triển
đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mà nội dung cụ thể là xây
dựng một đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Về quốc phòng, an ninh: Sau khi giành được độc lập và thống nhất
đất nước, vấn đề quân sự phải được xác định dưới góc độ bảo vệ chủ
quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, khác hẳn với cách nhìn của thời
kỳ đang tiến hành chiến tranh giải phóng. Từ góc độ mới, vùng đất Nam
Bộ có những đặc điểm sau đây:
Nhân dân Nam Bộ là người đi trước so với cả nước trong cuộc
kháng chiến chống thực dân Pháp kéo dài 9 năm. Sau đó, Nam Bộ là
chiến trường chính, là người về sau trong cuộc kháng chiến chống Mỹ
kéo dài 21 năm. Bề dày truyền thống đó là di sản tinh thần yêu nước, ý
chí kiên cường và quyết tâm chống xâm lược, là kho tàng kinh nghiệm
hoạt động quân sự, chính trị. Đó là nền tảng sức mạnh để có thể bảo vệ
vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của vùng đất Nam Bộ nếu có
chiến tranh xâm lược xảy ra. Bên cạnh mặt thuận lợi căn bản đó, vùng
đất Nam Bộ cũng đứng trước những thách thức không nhỏ trong việc
bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Vùng đất Nam Bộ có cả bờ biển ở hướng đông, hướng nam và biên
giới trên đất liền ở hướng tây. Đặc điểm này chi phối rất nhiều nhiệm
vụ an ninh, quốc phòng.
Thềm lục địa của Nam Bộ có một số quần đảo như Côn Đảo, Phú
Quốc và một số đảo khác có ý nghĩa quan trọng về kinh tế và quốc
372 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

phòng nhưng khả năng bảo vệ còn hạn chế vì các đảo khá xa đất liền và
tiềm lực về hải quân và không quân của Việt Nam chưa đủ mạnh.
Đường biên giới phía tây với Campuchia kéo dài (hơn 800 km)
chạy qua ba khu vực địa hình: rừng núi, rừng bằng và đồng bằng ngập
nước. Mặc dù trong những năm qua, Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam và Chính phủ vương quốc Campuchia đã có nhiều cố
gắng, nhưng không phải không có những khó khăn trong việc phân
định biên giới giữa hai nước, tạo lập vùng biên giới hòa bình, hữu nghị
Việt Nam - Campuchia.
Song, với truyền thống bất khuất, kiên cường và thông minh, sáng
tạo trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhân dân Nam Bộ nhất
định sẽ hoàn thành sứ mệnh vẻ vang xây dựng vùng đất Nam Bộ ngày
càng giàu mạnh, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc
Tổ quốc Việt Nam.
373

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng, toàn tập (tập 8), Nxb.
Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,
tập 4, 5.
3. Ban biên soạn Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến: Lịch sử Tây Nam
Bộ kháng chiến (tập 1, 2, 3), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010.
4. Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng
bộ Thành phố Hồ Chí Minh (1930-1975), Nxb. Chính trị quốc gia -
Sự thật, Hà Nội, 2014.
5. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Long An: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Long
An (1930-2000), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005.
6. Ban Chỉ đạo biên soạn Lịch sử Chính phủ Việt Nam: Lịch sử Chính
phủ Việt Nam (tập 1, 2, 3), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.
7. Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng
kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học,
Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.
8. Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng
kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Thắng lợi và bài học,
Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996.
9. Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Chiến
tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975 - Thắng lợi và bài học,
Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.
10. Ban Chỉ đạo và Ban Biên tập truyền thống Tây Nam Bộ: Tây Nam
Bộ 30 năm kháng chiến (1945-1975), tháng 12-2000.
374 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

11. Ban Lịch sử quân sự Minh Hải: Hậu cần nhân dân Minh Hải, 30
năm chiến tranh giải phóng (1945-1975), Minh Hải, 1994.
12. Ban Liên lạc tù chính trị và tù binh Thành phố Hồ Chí Minh: Phong
trào đấu tranh trong nhà tù thực dân đế quốc, bản đánh máy, 2005.
13. Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng An Giang: Lịch sử Đảng bộ tỉnh An
Giang, 1986.
14. Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Bến Tre: Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng
sản Việt Nam tỉnh Bến Tre (1930-1985), 1985.
15. Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng bộ tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà
Vinh: Lịch sử Vĩnh Trà, 1995.
16. Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Kiên Giang: Tìm hiểu Kiên Giang, 1986.
17. Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Minh Hải: Những trận đánh của lực
lượng vũ trang tỉnh Minh Hải, 1994.
18. Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tiền Giang: Lịch sử Đảng bộ Tiền
Giang (1927-1954), 1985.
19. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Minh Hải: Lịch sử Đảng bộ Minh Hải
(1930-1975) (Sơ thảo), Nxb. Cà Mau.
20. Báo Cứu quốc, năm 1945-1946.
21. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh - Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh:
Lịch sử Trà Vinh, 1995.
22. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cửu Long: Cửu Long 21 năm kiên
cường đánh Mỹ, 1986.
23. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh An Giang: Những trận đánh trong chiến
tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc của lực lượng vũ trang tỉnh An
Giang, 1999, tập 1, tập 2.
24. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bến Tre: 30 năm kháng chiến chống Pháp,
chống Mỹ (1945-1975), Bến Tre, 1990.
25. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cà Mau: Minh Hải - 30 năm đấu tranh giải
phóng (1945-1975), Nxb. Mũi Cà Mau, 1986.
26. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Tháp: 30 năm kháng chiến của quân
dân Đồng Tháp (1945-1975), 1990.
TÀI LIỆU THAM KHẢO 375

27. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Tháp: Lịch sử Sa Đéc - Long Châu
Tiền - Long Châu Sa trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
28. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kiên Giang: Kiên Giang - 30 năm kháng
chiến (1945-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1987.
29. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Minh Hải: Những trận đánh của lực lượng
vũ trang Minh Hải, 1994.
30. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tiền Giang: Cuộc kháng chiến 30 năm của
quân và dân Tiền Giang, 1988.
31. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tiền Giang: Những trận đánh của lực
lượng vũ trang Tiền Giang (1945-1975), 2 tập, 1993-1994.
32. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Trà Vinh: Lực lượng vũ trang nhân dân Trà
Vinh - 30 năm kháng chiến (1945-1975), Nxb. Quân đội nhân dân,
Hà Nội, 1998.
33. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Vĩnh Long: Lực lượng vũ trang nhân dân
Vĩnh Long- 30 năm kháng chiến (1945-1975), Nxb. Quân đội nhân
dân, Hà Nội, 1999.
34. Bộ Quốc phòng - Quân Khu 7: Lịch sử Bộ Chỉ huy Miền (1961-
1976), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004.
35. Bộ Tư lệnh Quân khu IX: Quân khu IX - 30 năm kháng chiến (1945-
1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1998.
36. Bùi Chí Dũng: Tóm tắt việc giải quyết đường biên giới trên đất liền
trong thời kỳ thực dân Pháp qua các văn bản, Kỷ yếu hội thảo khoa
học Biên giới Tây Nam, Hà Nội, 1996.
37. Ca Văn Thỉnh: Mạc thị gia phả và trận Rạch Gầm - Xoài Mút, Tạp
chí Nghiên cứu lịch sử, số 79, 1965.
38. Cao Văn Luận: Bên dòng lịch sử, Nxb. Trí Đăng, Sài Gòn, 1972.
39. Cao Văn Lượng: Lịch sử cách mạng miền Nam Việt Nam (1954-
1965), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991.
40. Chính sách dân tộc - những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Sự thật,
Hà Nội, 1990.
41. Chung một bóng cờ, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993.
376 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

42. Công an nhân dân Đồng Tháp: Lịch sử Công an nhân dân Đồng
Tháp (1945-1954), 1987.
43. Đặng Phong: Kinh tế miền Nam Việt Nam thời kỳ 1955-1975,
Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004.
44. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7: Lịch sử miền Đông Nam Bộ và
cực Nam Trung Bộ kháng chiến (1945-1975), Nxb. Chính trị quốc
gia, Hà Nội, 2011.
45. Đảng ủy - Chỉ huy Cục Hậu cần Quân khu 9: Lịch sử Hậu cần Lực
lượng vũ trang nhân dân đồng bằng sông Cửu Long (1945-1975),
Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1998.
46. Đinh Quang Hải: Hoạt động thương mại giữa vùng tự do và vùng
Pháp chiếm đóng trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân
Pháp, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 7, 2005.
47. Đinh Thị Thu Cúc (chủ biên): Lịch sử Việt Nam, tập X (1945-1950),
Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2013.
48. Đinh Văn Liên: Tìm hiểu họ, tên của người Khmer ở đồng bằng sông
Cửu Long, in trong Những vấn đề dân tộc học ở miền Nam Việt Nam,
tập 2, Thành phố Hồ Chí Minh, 1978.
49. Đinh Văn Liên: Vấn đề dân số và phân bố dân cư Khmer ở đồng
bằng sông Cửu Long, in trong Văn hóa văn nghệ truyền thống của
người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, Kỷ yếu Hội nghị khoa học
tại Hậu Giang, Viện nghiên cứu Lý luận và Lịch sử nghệ thuật, ấn
hành, 4-1981.
50. Đinh Văn Liên: Về sự phân bố các vùng dân cư tôn giáo ở Nam Bộ,
Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số Nghiên cứu Lịch sử 259, 1991.
51. Đinh Xuân Lâm (chủ biên): Đại cương lịch sử Việt Nam, tập II, Nxb.
Giáo dục, Hà Nội, 1998.
52. Đỗ Khắc Tùng: Vài đặc điểm của thân tộc, hôn nhân và gia đình
người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, in trong Những vấn đề
dân tộc học ở miền Nam Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, 1978,
tập 2.
TÀI LIỆU THAM KHẢO 377

53. Đỗ Thị Nguyệt Quang: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với
sự nghiệp giáo dục Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 9-2000.
54. Đỗ Thị Nguyệt Quang: Tìm hiểu về cuộc đấu tranh chống văn hóa -
giáo dục nô dịch ở vùng tạm bị chiếm trong thời kỳ kháng chiến chống
thực dân Pháp (1945-1954), Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 4-1986.
55. Đỗ Thị Nguyệt Quang: Vài nét về nền giáo dục Việt Nam trước và
trong năm đầu toàn quốc kháng chiến, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử,
số 5-1996.
56. Giáo dục Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp, Nxb. Trẻ, Thành
phố Hồ Chí Minh, 2002.
57. GS.TSKH. Vũ Minh Giang (chủ biên): Lược sử vùng đất Nam Bộ -
Việt Nam, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2006.
58. Hoàng Xuân Hãn: Một vài ký vãng về Hội nghị Đà Lạt, Nxb. Văn
hóa, Hà Nội, 1996.
59. Hội đồng biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến: Lịch sử Nam Bộ
kháng chiến, tập I (1945-1954), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,
2010.
60. Hội đồng biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến: Lịch sử Nam Bộ
kháng chiến, tập II (1954-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,
2010.
61. Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Đảng bộ miền Đông Nam Bộ:
Lịch sử Đảng bộ miền Đông Nam Bộ lãnh đạo kháng chiến chống
thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975), Nxb. Chính trị quốc gia,
Hà Nội, 2003.
62. Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến: Những
vấn đề chính yếu trong lịch sử Nam Bộ kháng chiến 1945-1975, Nxb.
Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.
63. Hội Khoa học Lịch sử: Nam Bộ xưa và nay, Hà Nội, 1998.
64. Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh: Nam Bộ đất và
người, tập IX, Nxb. Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
378 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

65. Hồng Kiều: Về các đơn vị hành chính ở Nam Bộ qua các chế độ,
Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 184, 1979.
66. Huỳnh Minh: Sa Đéc xưa và nay, Sài Gòn, Cánh Bằng, 1971.
67. Huỳnh Minh: Vĩnh Long xưa và nay, Sài Gòn, Cánh Bằng, 1967.
68. Huỳnh Minh: Định Tường xưa và nay, Sài Gòn, 1969.
69. Huỳnh Minh: Gò Công xưa và nay, Sài Gòn, 1969.
70. Lâm Quang Huyên: Cách mạng ruộng đất ở miền Nam Việt Nam,
Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985.
71. Lâm Thanh Tòng: Một số đặc điểm cư trú của người Khơme ở Sóc
Trăng, Tạp chí Dân tộc học, số 4.
72. Lê Cung: Phong trào Phật giáo miền Nam 1963, Nxb. Thuận Hóa, 2008.
73. Lê Duẩn: Về chiến tranh nhân dân, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1980.
74. Lê Hoàng Văn: Lịch sử Nam tiến của dân tộc Việt Nam tại miền Tây
Nam phần, Tạp chí An Bình, số 1, 1972.
75. Lê Hương: Biên giới Việt - Miên, Tạp chí Thời nay, 1965.
76. Lê Hương: Người Việt gốc Miên, Sài Gòn, 1969.
77. Lê Khoa: Tình hình kinh tế miền Nam Việt Nam 1955-1975 qua chỉ
tiêu thống kê, Viện Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, 1979.
78. Lê Mậu Hãn (chủ biên): Lịch sử Chính phủ Việt Nam, tập I (1945-
1950), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008.
79. Lê Minh: Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh, 1984.
80. Lê Trung Dũng: Vấn đề biên giới - lãnh thổ giữa Nam Kỳ và
Campuchia giai đoạn 1945-1979, in trong Quá trình hình thành và
phát triển vùng đất Nam Bộ: Mấy vấn đề tiến trình lịch sử, xã hội,
Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2011.
81. Lê Văn Năm: Sản xuất hàng hóa và thương nghiệp ở Nam Bộ từ đầu
thế kỷ XVII.
82. Lịch sử Bà Rịa - Vũng Tàu kháng chiến 1945-1975, Nxb. Quân đội
nhân dân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO 379

83. Lịch sử Bình Phước kháng chiến 1945-1975, Nxb. Chính trị quốc gia,
Hà Nội, 2002.
84. Lịch sử Đồng Tháp, Thành phố Hồ Chí Minh, 1993.
85. Lịch sử hậu cần Lực lượng vũ trang nhân dân đồng bằng sông Cửu
Long (1945-1974), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1998.
86. Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975),
Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1994.
87. Lịch sử Việt Nam (tập 12, 14, 15), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2014.
88. Lương Văn Nghê: Cà Mau xưa và An Xuyên nay, Sài Gòn, Trung
tâm học liệu, 1972.
89. Lưu Văn Lợi: Năm mươi năm ngoại giao Việt Nam, tập II: Ngoại
giao Việt Nam 1975-1995, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1998.
90. Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Nxb. Sự thật, Hà
Nội, 1961.
91. Nam Bộ dân tộc và tôn giáo, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005.
92. Nguyễn Anh Tuấn: Chính sách tiền tệ ở Việt Nam, Sài Gòn, 1968.
93. Nguyễn Công Bình: Mặt trận dân tộc thống nhất trong Cách mạng
Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1963.
94. Nguyễn Hùng: Nam Bộ những nhân vật một thời vang bóng, Nxb.
Công an nhân dân, 2003.
95. Nguyễn Văn Linh: Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm, Nxb. Chính trị
quốc gia, Hà Nội, 2015.
96. Nguyễn Ngọc Mão (chủ biên): Lịch sử Việt Nam, tập XV (1986-
2000), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2014.
97. Nguyễn Văn Linh: Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm, Nxb. Sự thật,
Hà Nội, 1985.
98. Nguyễn Văn Nhật (chủ biên): Lịch sử Việt Nam, tập XI (1951-1954),
Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2013.
99. Nguyễn Văn Nhật (chủ biên): Lịch sử Việt Nam, tập XIII (1965-1975),
Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2014.
380 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

100. Nguyễn Việt: Nam Bộ và Nam phần Trung Bộ trong hai năm đầu
kháng chiến (1945-1946), Nxb. Văn - Sử - Địa, 1958.
101. Nhiều tác giả: Phong trào Nam Tiến 1945-1946, Nxb. Quân đội
nhân dân, Hà Nội, 1997.
102. Niên giám thống kê Việt Nam 1964-1975, Sài Gòn, 1975.
103. Phạm Quang Toàn: Vai trò của làng xã chiến đấu trong chiến tranh
nhân dân ở miền Nam, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 136, 1971.
104. Phạm Thành Vinh: Kinh tế miền Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1957.
105. Phan An: Vài nét về âm mưu của Mỹ - ngụy đối với đồng bào Khmer
Nam Bộ, Tạp chí Dân tộc học, số 4, 1997.
106. Phan An: Vấn đề trung nông Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, in
trong Những vấn đề dân tộc học ở miền Nam Việt Nam, tập 2, 1978.
107. Phan Quang: Đồng bằng sông Cửu Long, Nxb. Văn hóa, 1981.
108. Phan Thị Yến Tuyết: Truyền thống đấu tranh cách mạng của đồng
bào Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, in trong Những vấn đề dân
tộc học ở miền Nam Việt Nam, tập 2, 1978.
109. Phòng Khoa học lịch sử quân sự - Quân khu 9: Những trận đánh
trong chiến tranh giải phóng ở đồng bằng sông Cửu Long, tập 1
(1989), tập 2 (1990), tập 3 (1991), tập 4 (1992), tập 5 (1993), tập 6
(1993), tập 7 (1994).
110. Quốc Anh: Bài học lịch sử của “Nam Kỳ tự trị” - số phận của những
kẻ đi ngược lại ý chí thống nhất của dân tộc Việt Nam, Tạp chí Nghiên
cứu lịch sử, số 178, 1978.
111. Sơn Nam: Đồng bằng sông Cửu Long - nét sinh hoạt xưa, Thành phố
Hồ Chí Minh, 1985.
112. Sơn Nam: Tìm hiểu đất Hậu Giang, Sài Gòn, Phù sa, 1959.
113. Sự thật về vấn đề biên giới Việt Nam - Campuchia (Sách trắng Bộ Ngoại
giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), đăng trên báo
Nhân dân, số ra ngày 8-4-1978.
TÀI LIỆU THAM KHẢO 381

114. T.X.: Pokunpar và Trương Quyền hay là ý nghĩa cuộc liên minh chiến
đấu của hai dân tộc Khơme và Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lịch
sử, số 133, 1970.
115. Thạch Phương - Nguyễn Trọng Minh: Địa chí Bà Rịa - Vũng Tàu,
Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005.
116. Thạch Phương, Lưu Quang Tuyến (chủ biên): Địa chí Long An,
Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1989.
117. Thạch Phương, Đoàn Tứ (chủ biên): Địa chí Bến Tre, Nxb. Khoa
học xã hội, 1991.
118. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang: Địa chí Tiền Giang,
Tập I, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang và Trung tâm UNESCO
Thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam, 2005.
119. Trần Đức Cường (chủ biên): Lịch sử hình thành và phát triển vùng
đất Nam Bộ (từ khởi thủy đến năm 1945), Nxb. Khoa học xã hội,
Hà Nội, 2014.
120. Trần Đức Cường (chủ biên): Lịch sử Việt Nam, tập XII (1954-1965),
Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2014.
121. Trần Đức Cường (chủ biên): Lịch sử Việt Nam, tập XIV (1975-
1986), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2014.
122. Trần Đức Cường: “Nam Kỳ tự trị” và thất bại của mưu đồ chia cắt
đất nước, Tạp chí Khoa học xã hội, số 7 (131), 2009.
123. Trần Đức Cường: Chiến trường Nam Bộ trong cuộc tấn công chiến
lược Đông Xuân 1953-1954, in trong Chiến thắng Điện Biên Phủ,
sức mạnh dân tộc và tầm vóc thời đại, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà
Nội, 1994.
124. Trần Đức Cường: Chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ với Chiến
dịch Việt Bắc Thu Đông 1947, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 5, 1997.
125. Trần Đức Cường: Nam Bộ với kháng chiến toàn quốc, Tạp chí Nghiên
cứu lịch sử, số 5, 1996.
382 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

126. Trần Đức Cường: Nỗi ám ảnh của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm
lược Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 2,1994.
127. Trần Đức Cường: Ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của thắng lợi
mùa xuân 1975, in trong Thắng lợi kháng chiến chống Mỹ và 20
năm xây dựng đất nước sau chiến tranh, Nxb. Khoa học xã hội,
Hà Nội, 1995.
128. Trần Hoàng Diệu - Nguyễn Anh Tuấn (chủ biên): Địa chí Tiền
Giang, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang và Trung tâm UNESCO
Thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam, 2005.
129. Trần Hoàng Kim: Đồng bằng sông Cửu Long - vị trí và tiềm năng,
Nxb. Thống kê, Hà Nội, 1991.
130. Trần Hữu Đính - Lê Trung Dũng: Cách mạng tháng Tám 1945 -
Những sự kiện lịch sử, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000.
131. Trần Thanh Phương: Cửu Long địa chí, Nxb. Cửu Long, 1989.
132. Trần Thanh Phương: Minh Hải địa chí, Nxb. Mũi Cà Mau, Cà Mau, 1985.
133. Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng (chủ biên): Địa chí văn hóa Thành
phố Hồ Chí Minh, tập I, II. Thành phố Hồ Chí Minh, 1998.
134. Trần Văn Giàu: Hồi ký (1940-1945), Bản đánh máy, lưu tại Viện Sử học.
135. Trần Văn Thọ (Chủ biên): Kinh tế Việt Nam 1955-2000 tính toán
mới, phân tích mới, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2000.
136. Trần Văn Giàu: Miền Nam giữ vững thành đồng, Nxb. Khoa học xã
hội, Hà Nội, 1964.
137. Trần Văn Trà: Những chặng đường lịch sử của B2 thành đồng, tập I:
Hòa bình hay chiến tranh, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1992.
138. Vấn đề dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long, Nxb. Khoa học xã hội,
Hà Nội, 1991.
139. Viện Kinh tế học: Tư liệu tham khảo tình hình kinh tế miền Nam
Việt Nam; 3 tập, Hà Nội, 1969.
140. Viện Nghiên cứu phát triển (Phan Xuân Biên chủ biên): Thành phố
Hồ Chí Minh 35 năm xây dựng và phát triển, Nxb. Tổng hợp Thành
phố Hồ Chí Minh, 2012.
TÀI LIỆU THAM KHẢO 383

141. Viện Văn hóa: Mấy đặc điểm văn hóa đồng bằng sông Cửu Long, 1984.
142. Võ Sĩ Khải: Văn hóa Đồng bằng Nam Bộ (Di tích kiến trúc cổ),
Thành phố Hồ Chí Minh, 2002.
143. Võ Trần Nhã (chủ biên): Lịch sử Đồng Tháp Mười, Thành phố Hồ
Chí Minh, 1993.
144. Devillers, Philippin: Histoire du Vietnam de 1940 à 1952. Nxb.
Seuil, Paris, 1952.
145. B. Bernard Fall: U.S. Policies in Indochina 1940-1960, Last Reflection
on a War, Nxb. Doubleday & Company, New York, 1967.
146. Navarre H.: Agonie de L’Indochine, Librairie Plon, Paris, 1957.
147. Hémery, Damiel: Ho Chi Minh de l’Indochine au Vietnam. Nxb.
Gallimard, Paris, 1990.
148. Jennar R.M.: Các đường biên giới của nước Campuchia hiện đại,
Ban Biên giới.
149. Blanchard Michel: Vietnam - Cambodge - Une frontière contestée.
Nxb. Harmattan, Paris, 1999.
150. Philippe De Villers: Paris - Sài Gòn - Hà Nội, Tài liệu lưu trữ của
cuộc chiến tranh 1944-1947, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1993.
151. Poole, Peter A: Nước Mỹ và Đông Dương từ Roosevelt đến Nixon
(bản dịch), Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1986.
152. Robert S.Mc Namara: Nhìn lại quá khứ, tấm thảm kịch và những bài
học về Việt Nam (bản dịch), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995.
153. Ruscio, Alain: Les Communistes français et la guerre d’Indochine
1944-1954, Nxb. L’Harmattan, Paris, 1985.
154. Sainteny. J: Histoire d’une paix manquée: Indochine 1945-1947, Nxb.
Ami0t-Dumont, Paris, 1953.
155. Sonvan Nari, Nah Niud Ben Youssof: Quan hệ Khơme - Chàm trên
đồng bằng sông Cửu Long, in trong Văn hóa văn nghệ truyền thống
của người Khơme ở đồng bằng sông Cửu Long, Kỷ yếu Hội nghị khoa
học tại Hậu Giang, Viện Nghiên cứu lý luận và lịch sử nghệ thuật
ấn hành, 4-1981.
384 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

156. Tonnesson, Stern: The Vietnamese Rovolinh on of 1945 - Roosevelt,


Ho Chi Minh and De Gaulle in a World at War, International Peace
Research Institute. Oslo, 1991.
385

MỤC LỤC

Trang
Lời Nhà xuất bản 5
Lời giới thiệu 9
Mở đầu 13

Chương I
NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP
(1945-1954) 19
I- Pháp tái chiếm Nam Bộ và cuộc đấu tranh chống xâm lược
của nhân dân Nam Bộ những ngày đầu kháng chiến (9-1945-
12-1946) 19
II- Nhân dân Nam Bộ cùng cả nước chống thực dân Pháp xâm
lược (12-1946 – 7-1954)
71
Chương II
NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC
(1954 -1975) 97
I- Cùng với toàn miền Nam, Nam Bộ bị đặt dưới ách cai trị 97
của chính quyền Ngô Đình Diệm
II- Nhân dân Nam Bộ đấu tranh chống Mỹ và chính quyền Sài
Gòn thời kỳ 1954-1959 109
III- Nam Bộ trong phong trào Đồng khởi (1959-1960) 116
IV- Đánh thắng chiến lược chiến tranh đặc biệt 128
V- Đánh thắng chiến lược chiến tranh cục bộ 137
VI- Đánh thắng chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ 146
VII- Kinh tế - xã hội Nam Bộ trước giải phóng 154
VIII-Nam Bộ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân
năm 1975 164
386 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010

Chương III
THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VỀ MẶT NHÀ NƯỚC,
ĐỐI PHÓ VỚI CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI TÂY NAM
VÀ KHỦNG HOẢNG KINH TẾ - XÃ HỘI
(1975-1985) 170

I- Thi hành chế độ quân quản và thực hiện thống nhất về mặt
nhà nước (1975 - 1976) 170
II- Bảo vệ chủ quyền và an ninh Tổ quốc ở tuyến biên giới Tây
Nam, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội 193

Chương IV
THỰC HIỆN ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI,
TỪNG BƯỚC RA KHỎI KHỦNG HOẢNG KINH TẾ - XÃ HỘI
(1986-1996) 257
I- Đường lối đổi mới của Đảng và điều kiện kinh tế - xã hội
trên phạm vi cả nước và Nam Bộ 257
II- Nam Bộ thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã
hội (1986-1990) 263
III- Phát huy thành quả đổi mới, từng bước thoát khỏi khủng
hoảng kinh tế - xã hội 275

Chương V
VÙNG ĐẤT NAM BỘ TRONG THỜI KỲ ĐẨY MẠNH
SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA
VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ (1996-2010) 289

I- Bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước 289


II- Xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội ở Đông Nam Bộ 294
III- Xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nam Bộ (đồng
bằng sông Cửu Long) 316

Chương VI
QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG BIÊN GIỚI HÒA BÌNH,
HỮU NGHỊ GIỮA VÙNG ĐẤT NAM BỘ
VỚI VƯƠNG QUỐC CAMPUCHIA (1975-2010) 339

I- Quá trình hình thành và tồn tại đường biên giới giữa Nam
Bộ với Campuchia qua các thời kỳ lịch sử 339
MỤC LỤC 387

II- Những hiệp ước biên giới giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam với Vương quốc Campuchia 347
III- Phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng quốc phòng toàn dân,
an ninh nhân dân trên tuyến biên giới vùng Nam Bộ 353
Kết luận 367
Tài liệu tham khảo 373

You might also like