You are on page 1of 5

MỘT SỐ GỢI Ý NÂNG CAO KẾT QUẢ GIẢNG DẠY MÔN HỌC HỆ

THỐNG THÔNG TIN KẾ TOÁN


ThS Bùi Mạnh Cường – Bộ môn Kiểm toán
1. Đặt vấn đề:
Học phần hệ thống thông tin kế toán là một trong những học phần quan trọng trong
chương trình đào tạo sinh viên chuyên ngành kế toán. Nội dung của môn học gồm có các nội
dung mang tính lý thuyết và ứng dụng trong thực tế nghề nghiệp kế toán, do đó để truyền tải
kiến thức môn học, giúp sinh viên hiều được lý thuyết, khả năng vận dụng trong thực tế tại
các doanh nghiệp đòi hỏi năng lực của giảng viên; trình tự, phương pháp giảng dạy môn học
hợp lý; ý thức của người học cũng như là các thiết bị hỗ trợ phục vụ cho quá trình đào tạo.
2. Giải quyết vấn đề.
2.1 Nội dung và đặc điểm môn học:
Môn học hệ thống thông tin kế toán (HTTTKT) được áp dụng cho sinh viên chuyên
ngành Kế toán, với nội dung chính là: tìm hiểu công việc kế toán theo một quy trình, từ việc
thu thập, xử lý dữ liệu và cung cấp thông tin hữu ích cho người sử dụng; các nội dung cơ bản
trong việc tìm hiểu, đánh giá và thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ cho hệ thống thông tin kế
toán; và phân tích, thiết kế hệ thống thông tin kế toán đặc biệt trong điều kiện tin học hóa.
Với đặc điểm môn học là khối lượng kiến thức nhiều, bao gồm các lĩnh vực kế toán tài
chính, kế toán quản trị, kiểm soát nội bộ, công nghệ thông tin… Các vấn đề, tình huống (bài
tập) liên quan đến môn học thông thường có nhiều phương án giải quyết trên cơ sở hợp lý.
Từ nội dung và đặc điểm môn học như trên để truyền tải khối lượng kiến thức môn học
về phía giảng viên, đòi hỏi giảng viên giảng dạy phải có kiến thức rộng trong các lĩnh vực kế
toán tài chính, kế toán quản trị, kiểm soát nội bộ và công nghệ thông tin... Ngoài ra phải được
tiếp cận những kinh nghiệm trong thực tế tại các doanh nghiệp. Đây là các yêu cầu không thể
dễ dàng có được.
Về phía người học, môn học HTTTKT tập trung vào các khái niệm mang tính trừu
tượng như hệ thống, tính hữu ích thông tin, cơ sở dữ liệu, kiểm soát chung, kiểm soát ứng
dụng; Người học phải hình dung các quy trình thu thập xử lý dữ liệu và các thông tin cần
thiết cung cấp cho người sử dụng, các chứng từ, báo cáo, thủ tục kiểm soát liên quan trong
quy trình v.v, làm cho sinh viên khó khăn trong việc tim hiểu, nghiên cứu môn học kết quả
người học chán nản, không hứng thú với các vấn đề đặt ra của môn học.
2.2 Trình tự giảng dạy và phương pháp truyền đạt

1
Bất cứ với một môn học nào, Trình tự giảng dạy và phương pháp truyền đạt đóng vai
trò quan trọng nhằm đưa kiến thức đến được với người học cũng như có thể vận dụng được
trong thực tiễn. Với nội dung rộng, tính trừu tượng thì trình tự giảng dạy và phương pháp
truyền đạt đang được áp dụng trong môn học này tôi đã áp dụng cho sinh viên các lớp đại học
chuyên ngành kế toán Khóa 52 và Cao đẳng Kế toán khóa 53 như sau:
Bước 1: Tìm hiểu lý thuyết hệ thống thông tin kế toán (HTTTKT1) Phương pháp giảng
dạy là: Giảng viên cung cấp bài bài giảng, tài liệu và các bài tập tình huống gắn liền với các
chủ đề của môn học, với phương pháp này giảng viên giảng dạy trên lớp, cung cấp các kiến
thức trong nội dung môn học, sau đó đưa ra các gợi ý để giải quyết các tính huống này.
Phương pháp này giúp người học tìm hiểu các nội dung lý thuyết của môn học sau đó
giải quyết các tình huống giả định để làm rõ nội dung lý thuyết cần tìm hiểu, trên cơ sở lý
thuyết đã học và cách thức giải quyết vấn đề phát sinh, để từ đó giải quyết các vấn đề phát
sinh trong thực tế tại doanh nghiệp. Qua đó giúp người học hiểu được nội dung môn học các
yêu cầu trong thực tế và công việc mình phải làm. Ngoài ra, phương pháp này giúp cho sinh
viên viên rèn luyện kỹ năng tìm kiếm tài liệu, làm việc nhóm, ứng dụng công nghệ thông tin
trong giải quyết công việc thực tế.
Khó khăn trong bước này là việc xây dựng, và cập nhật, các tình huống giả định cũng
như trong thực tế. Hiện tại các giáo trình, tài liệu trong nước phục vụ cho việc tìm hiểu,
nghiên cứu môn học này rất hạn chế, các tài liệu nước ngoài thì đa dạng nhưng khó khăn về
chi phí mua tài liệu, biên dịch, cũng như tính phù hợp của các tình huống đặt ra giữa nước
ngoài và điều kiện trong nước. Đối với các tình huống thực tế tại doanh nghiệp thì khó khăn
trong việc chia sẻ thông tin, sự hỗ trợ của doanh nghiệp trong hoạt động đào tào liên quan
đến môn học…
Về phía sinh viên, chưa có nhiều điều kiện thực tế tại các doanh nghiệp nên khó hình
dung các quy trình xử lý công tác kế toán, các yêu cầu về cung cấp thông tin của người sử
dụng tại các doanh nghiệp, ngoài ra sinh viên chưa chủ động trong việc tìm hiều các nội dung
môn học, nghiên cứu tài liệu, trao đổi với giảng viên và giải quyết các bài tập tình huống.
Bước 2: Ứng dụng phần mềm kế toán trong xử lý công việc kế toán tại đơn vị: Phương
pháp giảng dạy thực hiện thông qua hướng dẫn sử dụng phần mềm kế toán trên lớp, sau đó thực
hành trên phòng máy về tổ chức xử lý dữ liệu của các bài tập lớn do giảng viên thiết kế.
Trong bài tập này, người học sẽ được thực hành trên một doanh nghiệp mô phỏng với
các nghiệp vụ kế toán phát sinh trong 1 kỳ kế toán. Sinh viên phải tập hợp, sắp xếp, kiểm tra
các dữ liệu được cung cấp bởi giảng viên sau đó tiến hành nhập dữ liệu vào phần mềm kế

2
toán, kết xuất ra các thông tin theo yêu cầu như: Báo cáo tài chính, Báo cáo thuế, bảng lương,
khấu hao, giá thành sản phẩm… so sánh các tình huống phát sinh khi sử dụng các phương
pháp kế toán khác nhau, lý giải nguyên nhân dẫn đến sự khác nhau này…
Điều quan trọng ở đây không phải là nghiệp vụ đó được phản ánh như thế nào trong
sổ sách kế toán như các môn học kế toán truyền thống khác, mà là quá trình thiết lập, xử lý
và kiểm soát nghiệp vụ đó như thế nào từ lúc trước, trong và sau khi ghi nhận nghiệp vụ đó
vào trong sổ sách kế toán.
Khó khăn trong bước này là trang bị bản quyền phần mềm, cập nhật phần mềm theo
yêu cầu thực tế trong hoạt động giảng dạy, sự đồng bộ của trang thiết bị của nhà trường trong
giảng dạy lý thuyết và thực hành của sinh viên.
Giảng viên chưa có nhiều điều kiện để tham gia các lớp tập huấn, trao đổi về ứng
dụng phần mềm kế toán trong hoạt động giảng dạy cũng như thực tế tại doanh nghiệp.
Bước 3: Thiết kế chương trình xử lý công tác kế toán (HTTTKT3,4): Phương pháp
giảng dạy được thực hiện thông qua hướng dẫn của giảng viên trên lớp, sau đó đưa ra các tình
huống để sinh viên tìm hiểu và đề xuất các giải pháp xử lý. Sau khi thiết kế chương trình xử lý
công tác kế toán (Ứng dụng MS Excel, MS Access) sinh viên sẽ nhập dữ liệu bài tập lớn của
bước 2, sau đó kiểm tra đối chiếu kết quả giữa chương trình thiết kế và phần mềm kế toán.
Nội dung của bước này giúp có thể cho người học ôn tập lại các kiến thức đã học, hiểu
và nhìn thấy rõ ràng toàn bộ quá trình xử lý kế toán; các yêu cầu và ứng dụng các thủ tục
kiểm soát trong quá trình thiết kế chương trình xử lý; thiết lập các báo cáo tài chính theo quy
định và chủ động truy suất dữ liệu, tạo các báo cáo quản lý cung cấp cho nhà quản trị.
Khó khăn trong bước này là: Là Sinh viên chuyên ngành Kế toán do đó điều kiện học
và nghiên cứu kiến thức về tin học cụ thể là Excel và Access còn hạn chế, dẫn đến bị động
trong việc nghiên cứu nội dung của môn học, trình trạng này phổ biến đối với sinh viên các
lớp cao đẳng 53.
3 Một số giải pháp:
3.1 Liên kết chặt chẽ hơn nữa với các doanh nghiệp:
Thông qua việc kết hợp đào tạo giữa nhà trường với các công ty cung cấp các dịch vụ
kế toán cho các doanh nghiệp; công ty cung cấp giải pháp phần mềm kế toán; và các doanh
nghiệp, giúp nhà trường có điều kiện hình thành được các bài tập tình huống thực từ các
doanh nghiệp trong thực tế phục vụ cho quá trình giảng dạy, các giải pháp phần mềm hỗ trợ
giảng dạy, sinh viên có điều kiện thực tế tại các doanh nghiệp, và nắm bắt được các yêu cầu
thực tế từ đó có những điều chỉnh kịp thời về chương trình, cách thức đào tạo để sinh viên tốt

3
nghiệp đáp ứng ngay những yêu cầu từ phía công ty tuyển dụng . Về phía doanh nghiệp, đây
là cơ hội để quảng bá hình ảnh, đưa ra các yêu cầu của mình đối với nhà trường, đồng thời có
điều kiện để tuyển dụng các ứng viên tiềm năng trong tương lai thông qua các hoạt động thực
tế của sinh viên tại đơn vị. Ngoài ra các doanh nghiệp có thêm các giải pháp để giải quyết
các vấn đề gặp phải tại đơn vị.
3.2 Nâng cao trình độ của giảng viên.
Để giảng dạy môn học HTTTKT yêu cầu người dạy không ngừng nâng cao trình độ,
cập nhật các kiến thức về kế toán, kiểm soát nội bộ, công nghệ thông tin… Để thực hiện điều
này yêu cầu giảng viên ngoài việc tìm hiểu kiến thức từ các nguồn tại liệu cần phải đi tìm
hiểu thực tế tại các doanh nghiệp, trao đổi kiến thức thông qua các chương trình đào tạo và
hội thảo chuyên ngành, và thiết lập các nhóm nghiên cứu để có thể chia sẻ và cập nhật kiến
thức môn học.
3.3 Đa dạng hóa phương pháp giảng dạy
Sử dụng đa dạng hóa các phương pháp giảng dạy khác nhau, điều này tránh sự nhàm
chán, tạo sự hứng thú và khơi dậy các khả năng của sinh viên. Thông qua các phương pháp
giảng dạy tích cực, thực tế tại doanh nghiệp, các chuyên đề trao đổi, thảo luận với chuyên
gia, doanh nghiệp… Từ đó giúp người học hiểu rõ hơn về lý thuyết, cách thức vận dụng để
giải quyết các tình huống tại doanh nghiệp, và có thêm các trải nghiệm để hoàn thiện bản
thân.
3.4 Tính tự giác của người học
Với nội dụng trải rộng trong nhiều lĩnh vực và ứng dụng công nghệ thông tin trong
công tác kế toán, do đó để dễ dàng tiếp thu môn học yêu cầu người học giành nhiều thời gian
nghiên cứu, tìm hiểu tài liệu, trao đổi giữa các thành viên trong nhóm, với giảng viên để hiểu
rõ hơn về lý thuyết và cách thức giải quyết vấn đề.
Tự hoàn thiện các kỹ năng của bản thân đặc biệt là khả năng ứng dụng công nghệ
thông tin thông qua việc sử dụng thành thạo các phần mềm kế toán, MS Excel, MS Access,
MS Visio..
3.5 Về phía Nhà trường
Để đáp ứng yêu cầu các hoạt động giảng dạy trong môn học, nhà trường cần hoàn
thiện cơ sở vật chất như hệ thống âm thanh, máy chiếu, internet, tài liệu tham khảo trên thư
viện, các phòng thực hành đáp ứng yêu cầu môn học.
Tạo điều kiện giảng viên đi thực tế tại các doanh nghiệp, tham dự các khóa học đào
tạo và các hội thảo chuyên ngành hệ thống thông tin kế toán.

4
4 Kết luận
Với mục tiêu của môn học giúp sinh viên nắm vững được các kiến thức nghề nghiệp
đáp ứng yêu các cầu ngày càng cao và đa dạng của xã hội, do đó, để thực hiện được điều này
đòi hỏi sự nỗ lực rèn luyện, không ngừng nâng cao trình độ, phương pháp giảng dạy phù hợp
của giảng viên; sự chủ động trong học tập, nghiên cứu và rèn luyện của sinh viên. Ngoài ra
một yếu tố quan trọng góp phần thành công trong quá trình đào tạo là hệ thống cơ sở vật chất
phù hợp đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu của giảng viên và sinh viên.

You might also like