You are on page 1of 10

CÁCH MẠNG CÔNG NGHỆ 4.

0- CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC TRONG VIỆC


ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY KẾ TOÁN Ở BẬC ĐẠI HỌC
Th.s Mai Thanh Thủy - Th.s Nguyễn Thu Hoài
Bộ môn kế toán, Khoa Kinh tế- Quản lý, Đại học Thăng Long
Email: thuymt367@gmail.com
Điện thoại: 0914 501 234

TÓM TẮT
Cách mạng công nghệ 4.0 (CMCN 4.0) là kết quả hội tụ của nhiều công nghệ khác
nhau mà nền tảng là công nghệ số với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, internet kết nối
vạn vật, rô- bốt, công nghệ nano, công nghệ sinh học, … CMCN 4.0 sẽ tạo ra sự thay đổi
lớn trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó phải kể đến sự tác động to lớn đến
lĩnh vực giáo dục nói chung và giáo dục bậc đại học nói riêng. CMCN 4.0 cũng sẽ làm
thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu lao động và thị trường lao động thuộc mọi ngành nghề mà
ngành kế toán là một dẫn chứng. Điều này đặt ra những cơ hội và thách thức cho các
trường đại học trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy kế toán nhằm đào tạo ra nguồn
nhân lực kế toán chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu của thị trường và theo kịp sự phát
triển của khoa học công nghệ trong CMCN 4.0.
Mở đầu
Việt Nam đang cùng các nước trong khu vực và thế giới bước vào cuộc CMCN
4.0, cuộc cách mạng gắn liền những thành tựu đột phá mà nền tảng là công nghệ số. Việc
phân tích, đánh giá để xây dựng định hướng chiến lược và giải pháp phù hợp trong phát
triển nghiên cứu gắn với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ quan trọng
đối với các cơ sở giáo dục đại học thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công
nghệ cũng như kinh tế.
Ngành giáo dục đại học tại Việt Nam hiện nay mới đang ở giai đoạn tìm hiểu để
tiếp cận CMCN 4.0 mà chưa có hành động hay chiến lược cụ thể nào cho tiến trình công
nghệ hóa giáo dục sắp tới. Vậy CMCN 4.0 là gì và những tác động của nó đối với giáo
dục đại học và phương pháp dạy kế toán ở bậc đại học như thế nào? Trong phạm vi bài
viết này, tác giả đưa ra những khái niệm cơ bản về CMCN 4.0 cũng như những cơ hội,
thách thức và định hướng đối với việc đổi mới phương pháp dạy kế toán ở bậc đại học
trong bối cảnh CMCN 4.0.

1
1. Cách mạng công nghệ 4.0 và những tác động đối với giáo dục đại học
1.1 Cách mạng công nghệ 4.0 là gì?
Công nghệ 4.0 gắn liền với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (tiếp nối cuộc
cách mạng đầu tiên về năng lượng nước và hơi nước, cuộc cách mạng thứ hai ứng dụng
điện năng để sản xuất hàng loạt, và cuộc cách mạng lần thứ ba sử dụng điện tử và công
nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất) và đưa ra khái niệm về hệ thống không gian thực-
ảo (cyber- physical systerm) để phân biệt với tự động hóa điện tử (electronic automation)
đã được biết đến trước đó.
Có thể nói CMCN 4.0 là xu hướng hiện thời trong việc tự động hóa và trao đổi dữ
liệu trong công nghệ sản xuất. Nó bao gồm các hệ thống không gian thực- ảo (cyber-
physical system), Internet vạn vật và điện toán đám mây, điện toán nhận thức (cognitive
computing). CMCN 4.0 tạo ra những "nhà máy thông minh" (smart factory). Trong
các nhà máy thông minh với cấu trúc kiểu mô-đun, hệ thống thực-ảo giám sát các quy
trình thực tế, tạo ra một bản sao ảo của thế giới thực và đưa ra các quyết định phân tán.
Qua Internet Vạn Vật, các hệ thống thực-ảo giao tiếp và cộng tác với nhau và với con
người trong thời gian thực. [4]
Nhà kinh tế học Klaus Schwab, người sáng lập và chủ tịch điều hành của Diễn đàn
Kinh tế Thế giới (WEF) cũng công bố một công trình nghiên cứu công phu về vấn đề này
trong tác phẩm “The Fourth Industrial Revolution” [1] . Theo Klaus Schwab, CMCN 4.0
không chỉ là những máy móc và hệ thống thông minh mà phạm vi của nó rộng hơn nhiều.
Sự biến đổi xảy ra một cách đơn giản là những bước đột phá tiếp theo trong các lĩnh vực,
từ chuỗi gen tới công nghệ nano, từ năng lượng tái tạo đến tính toán lượng tử. Đó là sự
kết hợp của các công nghệ này và sự tương tác giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và
công nghệ sinh học khiến cho cuộc CMCN 4.0 hoàn toàn khác với các cuộc cách mạng
trước đây. Nó có thể làm thay đổi cơ bản cách con người sống, làm việc và liên hệ với
nhau và do đó có tác động sâu sắc đến hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội của thế giới.
Nối tiếp từ định nghĩa của Klaus Schwab, CMCN 4.0 sẽ diễn ra trên 3 lĩnh vực
chính gồm Vật lý, Kỹ thuật số và công nghệ sinh học. Trong lĩnh vực vật lý, bốn đại diện
vật lý dễ dàng nhận thấy bao gồm: Xe tự lái, công nghệ in 3D, robot thế hệ mới và các vật
liệu mới hay công nghệ Nano. Những yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số trong CMCN 4.0 bao
gồm: Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (Internet of Things_IoT) và dữ liệu
lớn (Big Data). Trên lĩnh vực công nghệ sinh học, Cách mạng Công nghiệp 4.0 tập trung

2
vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong Nông nghiệp, Thủy sản, Y dược, chế
biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu.
1.2 Tác động của CMCN 4.0 đối với giáo dục đại học
Giáo sư John Vũ từng đề cập trong cuốn sách “Giáo dục trong thời đại tri thức” [3]
về ba kiểu hệ thống giáo dục đang tồn tại ngày nay, đó là giáo dục truyền thống, giáo dục
trong thời đại công nghiệp và giáo dục thời đại thông tin. Hệ thống giáo dục truyền thống
ra đời đầu tiên và tập trung vào các tri thức cơ bản của xã hội nông nghiệp, hệ thống giáo
dục trong thời đại công nghiệp tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu của công nghiệp bằng
việc hướng dẫn sinh viên các kiến thức chuyên môn theo quy trình sản xuất số đông và
giáo dục thường chấm dứt sau khi sinh viên tốt nghiệp. Trong khi đó giáo dục thời đại
thông tin lại “tập trung phần lớn vào các tri thức kỹ thuật và ứng dụng của công nghệ để
giải quyết các vấn đề”. Có thể thấy giáo dục thời đại thông tin gắn liền với cuộc CMCN
4.0, mà nền tảng là sự phát triển của công nghệ số.
CMCN 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số và internet đã giúp cho cả
người dạy và người học có thể tiếp cận nguồn thông tin hay những kiến thức mới nhất
trên thế giới một cách dễ dàng và nhanh chóng. Nếu như trước đây việc tìm kiếm tài liệu
giấy làm tốn nhiều thời gian và công sức thì giờ đây chỉ cần một thiết bị điện tử thông
minh có kết nối internet, giảng viên, sinh viên đều có thể có được nguồn tài liệu tham
khảo quý báu. Công nghệ số cũng sẽ giúp cho giờ học trở nên hấp dẫn và sinh động hơn
với việc sử dụng những video tái hiện thực tế. Trong tương lai, công nghệ số sẽ tạo ra
những mô hình ảo để mô phỏng thực tế cho các môn học chuyên ngành ở bậc đại học như
phòng kế toán ảo, ngân hàng ảo, thị trường chứng khoán ảo,… để sinh viên có thể tiếp
cận gần hơn với thực tế công việc của mình sau khi tốt nghiệp.
Sự xuất hiện của mạng xã hội và những không gian tương tác đã giúp cho giáo dục
nói chung và giáo dục đại học nói riêng vượt lên trên mọi giới hạn về không gian và thời
gian. Rất nhiều những khóa học online ở nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội ra
đời và thu hút một lượng lớn người học. Việc tương tác, trao đổi giữa người dạy và người
học cũng trở nên thuận tiện và cởi mở hơn. Thậm chí việc thi cử để đánh giá kết quả học
tập của sinh viên cũng hoàn toàn có thể thực hiện được thông qua mạng lưới kết nối của
internet. Mô hình đào tạo trực tuyến đang trong giai đoạn đầu phát triển nhưng đã cho
thấy tính ưu việt trong việc tiết kiệm thời gian, chi phí và linh hoạt khi người học có thể
học mọi lúc, mọi nơi chỉ với một thiết bị thông minh có kết nối internet.

3
Bên cạnh đó, giáo dục đại học được coi là một quá trình mà trong đó người học
chính là những sản phẩm đầu ra để cung ứng cho thị trường lao động. Giáo dục đại học
đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nhằm đáp
ứng nhu cầu của mọi lĩnh vực trong đời sống, xã hội cũng như là nguồn cung cấp nhân
lực tối cần thiết cho xã hội. Cuộc CMCN 4.0 ra đời và phát triển đã có những tác động
mạnh mẽ đến thị trường lao động, và qua đó ảnh hưởng trực tiếp đến giáo dục nói chung
và giáo dục bậc đại học nói riêng. CMCN 4.0 là cơ hội lớn để các trường đại học tiếp cận
nhanh với những tiến bộ mới nhất của khoa học công nghệ, phát huy vai trò trong đào tạo
nguồn nhân lực chất lượng cao và cung cấp các kết quả nghiên cứu. Trong cuộc CMCN
4.0, việc đào tạo bậc đại học sẽ không dừng lại ở việc đào tạo các kỹ năng làm việc mang
tính chuyên môn như hiện nay mà đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn nhằm đáp ứng được
sự cạnh tranh toàn cầu trong thị trường lao động. Giáo dục đại học sẽ không thể chỉ dừng
lại là dạy nghề mà sẽ phải trang bị được cho sinh viên những kỹ năng mới, trong đó mấu
chốt là khả năng suy nghĩ, phân tích và học tập không ngừng để thích ứng được với sự
thay đổi nhanh chóng của công nghệ. Như vậy, kết quả đánh giá cho quá trình học tập sẽ
không còn là bằng cấp mà chính là những giá trị mà mỗi cá nhân, mỗi sinh viên tạo ra cho
thị trường lao động nói riêng và cho xã hội nói chung.

2. Cơ hội và thách thức của CMCN 4.0 trong việc đổi mới phương pháp giảng
dạy kế toán bậc đại học
2.1 Thực trạng phương pháp giảng dạy kế toán bậc đại học tại Việt Nam
Phương pháp giảng dạy là cách thức sử dụng các nguồn lực trong giáo dục như
giáo viên, trường lớp, dụng cụ học tập, các phương tiện vật chất cụ thể để giáo dục người
học. Điều 39 Luật giáo dục Việt Nam [5] cũng quy định giảng dạy bậc đại học hay “đào
tạo trình độ đại học giúp sinh viên nắm vững kiến thức chuyên môn và có kỹ năng thực
hành thành thạo, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc
chuyên ngành được đào tạo…”. Như vậy có thể hiểu phương pháp giảng dạy ở bậc đại
học bao gồm việc thiết kế bài giảng, sử dụng các công cụ dạy học, kỹ thuật dạy học hay
phương pháp truyền đạt của người dạy để người học có thể nắm được kiến thức chuyên
môn và có thể vận dụng vào thực tế công việc sau khi tốt nghiệp.
Trong lĩnh vực kế toán, phương pháp giảng dạy được áp dụng ở hầu hết các trường
đại học hiện nay vẫn là phương pháp thuyết trình truyền thống. Đây là phương pháp dạy
học trong đó giáo viên dùng lời để trình bày, giảng giải nội dung dạy học một cách hệ
thống, chi tiết. Thuyết trình được sử dụng phổ biến trong giảng dạy nội dung lí thuyết
4
mang tính hệ thống, phức tạp và cho số lượng sinh viên lớn. Thuyết trình định hướng một
cách tổng thể về đối tượng nghiên cứu của môn học và kết hợp cách truyền đạt kiến thức
theo kiểu thông báo và khả năng tiếp nhận kiến thức thụ động. Song song với việc thuyết
trình lý thuyết, giảng viên sẽ hướng dẫn sinh viên làm các bài tập giả định để luyện tập lại
các kiến thức đã học. Với phương pháp thuyết trình truyền thống này, việc học vẫn lấy
giảng viên làm trung tâm, sinh viên chỉ nghe và làm theo các hướng dẫn của giảng viên,
tiếp thu kiến thức một cách thụ động mà chưa chịu tìm tòi, sáng tạo, chưa phát huy được
tinh thần tự học, tự nghiên cứu để biến kiến thức của người dạy thành kiến thức của người
học.
Trong các trường đại học ở Việt Nam, bài giảng các môn kế toán vẫn tập trung
vào việc hướng dẫn các kỹ thuật ghi chép, phương pháp tính toán theo chuẩn mực, chế độ
kế toán Việt Nam hiện hành nên nội dung bài giảng phần nào khô khan, không tạo được
hứng thú cho sinh viên. Với khối lượng kiến thức lớn từ hệ thống chuẩn mực, chế độ kế
toán, bài giảng các môn kế toán bậc đại học vẫn đang đi sâu vào chi tiết, đòi hỏi sinh viên
phải nhớ quá nhiều các tình huống kế toán trên lý thuyết mà chưa hướng đến mục tiêu
cung cấp cho sinh viên cái nhìn khái quát, tổng thể, từ đó yêu cầu sinh viên phải tự tìm
tòi, nghiên cứu thêm các nguồn kiến thức bên ngoài trường học.
Một hạn chế nữa của phương pháp giảng dạy kế toán hiện nay ở Việt Nam chính là
chưa bám sát thực tế mà chỉ thiên về lý thuyết. Sinh viên có thể được trang bị các kiến
thức chuyên ngành kế toán một cách đầy đủ nhưng lại chưa hình dung được công việc kế
toán cụ thể được tiến hành như thế nào. Sinh viên được học rất nhiều ở nhà trường nhưng
vẫn lúng túng khi đi làm thực tế tại các doanh nghiệp. Mặc dù sinh viên chuyên ngành kế
toán đều được yêu cầu đi thực tập tại các doanh nghiệp, tuy nhiên thực tế việc thực tập
chưa mang lại hiệu quả như mong đợi do chưa có sự hợp tác đầy đủ giữa nhà trường và
doanh nghiệp. Như vậy việc giảng dạy kế toán bậc đại học vẫn chỉ gói gọn trong phạm vi
trường học mà chưa có sự kết nối trực tiếp với nơi sử dụng nguồn nhân lực do nhà trường
đào tạo là các doanh nghiệp.
Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, công việc kế toán không còn
đơn thuần là làm việc với giấy tờ, sổ sách thủ công mà thay thế bằng hệ thống các phần
mềm kế toán, phần mềm quản trị doanh nghiệp. Với đặc thù là môn học mang tính thực
hành cao, nhưng việc đưa phần mềm kế toán vào giảng dạy theo mô hình kế toán mô
phỏng vẫn chưa được phổ biến.

5
2.2 Cơ hội và thách thức từ CMCN 4.0 với việc đổi mới phương pháp giảng
dạy kế toán bậc đại học
Cuộc CMCN 4.0 cùng với những tiến bộ về khoa học, công nghệ sẽ hỗ trợ giảng
viên trong việc số hóa bài giảng, thiết kế những bài giảng sinh động, hấp dẫn, từ đó gia
tăng động cơ của người học thông qua các hoạt động thực tế, nghe nhìn trực quan và cải
tiến lối trình bày diễn đạt. Sinh viên sẽ không chỉ đơn thuần học lý thuyết mà sẽ được
thực hành làm kế toán thông qua mô hình phòng kế toán ảo. Mô hình này sẽ tái hiện lại
hoạt động của phòng kế toán trong một kỳ hoạt động, nhằm giúp sinh viên làm quen với
hệ thống chứng từ thực tế, biết cách xử lý chứng từ và ghi chép vào sổ sách, lên được báo
cáo. Sinh viên sẽ dễ dàng hình dung ra được quy trình kế toán trên thực tế.
Cuộc CMCN 4.0 sẽ tạo ra một môi trường giáo dục mang tính toàn cầu, việc giảng
dạy sẽ không còn giới hạn trong phạm vi lớp học. Khái niệm phòng học ảo, thầy giáo ảo
sẽ không còn xa lạ mà trở thành xu hướng giáo dục trong tương lai. Người giảng viên sẽ
không cần tốn nhiều thời gian đứng lớp nhưng vẫn có thể truyền thụ kiến thức của mình
đến sinh viên. Sinh viên hoàn toàn có thể học được kiến thức cơ bản từ các nguồn tài liệu
đã được số hóa. Vai trò truyền thụ kiến thức của người dạy sẽ dần được thay thế bằng vai
trò định hướng, cố vấn cho người học để người học tự mình tìm kiếm thông tin tri thức,
sáng tạo trong việc vận dụng kiến thức vào thực tế. Giảng viên cũng đồng thời là người
tạo ra môi trường học tập cho sinh viên để sinh viên có thể tự do trao đổi, thảo luận với
nhau và với người thầy của mình để tháo gỡ những vướng mắc về kiến thức, giúp nâng
cao kỹ năng giải quyết vấn đề cho sinh viên. Đây là một thuận lợi lớn đối với việc giảng
dạy những môn học được coi là khô khan và kém hấp dẫn như kế toán.
Ngoài ra, việc ứng dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong việc đánh giá kết
quả học tập của sinh viên sẽ diễn ra nhanh chóng, chính xác và có độ công bằng cao. Việc
ra đề, chấm thi các môn chuyên ngành kế toán vốn tốn nhiều thời gian, công sức của giảng
viên sẽ trở nên nhẹ nhàng, nhanh chóng khi có hệ thống ngân hàng đề đã được số hóa. Hoạt
động thi cử cũng hoàn toàn có thể thực hiện thông qua mạng internet. Thậm chí việc chấm
thi cũng có thể thực hiện tự động, góp phần tiết kiệm tối đa nguồn lực cho xã hội.
Bên cạnh những cơ hội kể trên, CMCN 4.0 cũng tạo nên sự cạnh tranh toàn cầu
trong hệ thống giáo dục đại học thế giới; đặt ra thách thức lớn đối với các trường ĐH
trước sự gia tăng đầu tư gắn với những yêu cầu khắt khe hơn của các doanh nghiệp cho
đào tạo và nghiên cứu công nghệ cao. Theo bà Lương Thị Ánh Tuyết, Giám đốc công ty
kiểm toán PWC Việt Nam, bộ phận kế toán- tài chính hiện nay dành đến 66% thời gian để

6
xử lý chứng từ và sẽ tiến đến mô hình lý tưởng chỉ là 11% cho xử lý chứng từ [5]. Để đạt
được mô hình lý tưởng này bộ phận kế toán tại các doanh nghiệp sẽ ứng dụng những
thành tựu của cuộc CMCN 4.0 như công nghệ đám mây, quy trình tự động hóa, trí thông
minh nhân tạo. Rút ngắn thời gian xử lý chứng từ chỉ là một ví dụ nhỏ cho thấy nhu cầu
của thị trường lao động sẽ bị thu hẹp do tác động của tự động hóa hay trí tuệ ảo. Nếu sinh
viên tốt nghiệp ra trường chỉ có kiến thức kế toán đơn thuần mà không có kỹ năng giải
quyết vấn đề, không biết cách tiếp cận với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, không
thích ứng được với những mô hình tự động hóa thì sẽ bị loại khỏi thị trường lao động.
Việc thay đổi phương pháp giảng dạy kế toán để đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao
động chính là một thách thức không nhỏ đối với các trường ĐH đào tạo kế toán hiện nay.
Nền tảng của cuộc CMCN 4.0 là sự kết nối giữa thế giới thực -ảo thông qua các
phần mềm công nghệ thông tin, kỹ thuật số và kết nối mạng. Do đó, để đào tạo ra được
nguồn nhân lực kế toán chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong thời
đại mới, đội ngũ giảng viên kế toán của các trường Đại học cũng cần nâng cao trình độ,
tiếp cận với những công nghệ, khoa học mới nhất về việc ứng dụng kỹ thuật số và mạng
internet vào công tác kế toán tại các doanh nghiệp. Đội ngũ giảng viên cũng là đối tượng
tiếp xúc trực tiếp với sinh viên, tạo ra môi trường học tập của sinh viên. Giảng viên sẽ
không chỉ cung cấp các kiến thức chuyên ngành thông thường mà sẽ phải hỗ trợ sinh viên
trong việc trang bị những kỹ năng cần thiết, cách thức tự học và học tập suốt đời để thích
ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ. Đây chính là một áp lực đòi hỏi đội ngũ
giảng viên phải thay đổi quan điểm, tư duy của mình về việc dạy và học nhằm hình thành
phương pháp giảng dạy hữu hiệu cho sinh viên.
Không những thế CMCN 4.0 còn đòi hỏi sự thay đổi về hình thức giảng dạy để
thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, kỹ thuật số và mạng
internet. Hình thức giảng dạy online thông qua mạng internet, phòng học kế toán ảo có
kết nối internet và trang bị phần mềm kế toán là cơ hội cho sinh viên tiếp cận thực tế và
học tập hiệu quả nhưng cũng đặt ra thách thức về việc đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại, đáp
ứng được các ứng dụng của khoa học công nghệ.
3. Định hướng đổi mới phương pháp dạy kế toán ở bậc đại học trong bối cảnh
CMCN 4.0
Việc đổi mới phương pháp giảng dạy kế toán bậc đại học trong bối cảnh cuộc
CMCN 4.0 là một nhu cầu cấp thiết và cần có lộ trình thực hiện. Đổi mới phương pháp

7
giảng dạy kế toán tại một trường đại học cần thực hiện một cách bài bản và sẽ cần đến sự
phối hợp của cả nhà trường và giảng viên.
Về phía nhà trường, trước hết cần có sự thay đổi tư duy về giáo dục, đặt ra mục
tiêu hàng đầu là đạo tạo ra đội ngũ kế toán có chất lượng cao, có kiến thức liên ngành,
thích nghi được với sự thay đổi nhanh chóng của khoa học và công nghệ. Nhà trường cần
tạo điều kiện cho giảng viên tham gia các khóa học nhằm nâng cao các kiến thức về công
nghệ giảng dạy, về kỹ thuật số hóa và trí tuệ nhân tạo, làm tiền đề để giảng viên thiết kế
ra những bài giảng chất lượng. Kế toán là lĩnh vực có tính thực hành cao, nhà trường cũng
nên tạo điều kiện để giáo viên có thể tham gia làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp,
nhằm tiếp cận sâu hơn về thực tế kế toán cũng như nắm bắt được nhu cầu về lao động của
doanh nghiệp. Nhà trường cũng nên kết hợp với đội ngũ giảng viên kế toán để thiết kế
chương trình giảng dạy kế toán một cách linh hoạt hơn, hướng tới phát triển các kỹ năng
phù hợp với CMCN 4.0, phát triển tư duy hệ thống và liên ngành. Ngoài ra, nhà trường
cũng cần đầu tư cơ sở hạ tầng đầy đủ như trang bị phòng học mô phỏng kế toán thực tế
với hệ thống máy tính có kết nối internet, mua một số phần mềm kế toán, phần mềm quản
trị doanh nghiệp có bản quyền để tạo điều kiện cho sinh viên thực hành.
Về phía giảng viên- đội ngũ trực tiếp thực hiện công cuộc đổi mới phương pháp
giảng dạy kế toán ở bậc đại học cần có những kế hoạch cụ thể để hoàn thiện phương pháp
giảng dạy của mình theo hướng lấy người học làm trung tâm, cá nhân hóa quá trình học,
đa dạng hóa phương thức học với việc tăng cường học trực tuyến, học qua trải nghiệm với
môi trường và thiết bị ảo. Nghiên cứu phải gắn chặt với đào tạo nguồn nhân lực chất
lượng cao và đổi mới sáng tạo, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.
Đối với bài giảng chuyên ngành kế toán, giảng viên nên thiết kế lại theo hướng gợi
mở với các ví dụ sinh động, trực quan thông qua video, báo chí,… Bài giảng các môn
chuyên ngành kế toán kết hợp việc cập nhật các chuẩn mực, chế độ kế toán Việt Nam với
việc mở rộng sang các chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS), chuẩn mực quốc tế về báo cáo
tài chính (IFRS). Giảng viên cũng nên tham khảo thêm các giáo trình kế toán nước ngoài
với cách tiếp cận phong phú, đa dạng hơn các giáo trình trong nước hiện nay. Với nhu cầu
đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh CMCN 4.0, bài giảng kế toán sẽ
không chỉ cung cấp kiến thức về nghề nghiệp mà còn cần cung cấp thêm các kiến thức về
công nghệ trong kế toán, quản lý dữ liệu kế toán, các ứng dụng kết nối internet trong kế
toán và kể cả đạo đức nghề nghiệp … nhằm trang bị cho người học đầy đủ các kỹ năng
cần thiết để thích nghi được với môi trường làm việc công nghệ cao trong tương lai.

8
Phương pháp thuyết trình truyền thống trong giảng dạy kế toán hiện nay cần được
thay thế bằng các phương pháp dạy học tích cực hơn như phương pháp đặt vấn đề,
phương pháp dạy học theo nhóm, phương pháp nghiên cứu tình huống. Với những nội
dung lý thuyết chuyên ngành, giảng viên có thể sử dụng phương pháp đặt vấn đề để yêu
cầu sinh viên tự tìm tòi, nghiên cứu thông tin trong hệ thống tài liệu có sẵn trên thư viện
điện tử. Những giờ trao đổi, thảo luận theo nhóm sẽ kết hợp với việc xử lý các tình huống
kế toán bám sát thực tế nhằm cung cấp cho sinh viên cái nhìn đa chiều về lĩnh vực kế toán
và biết cách vận dụng một cách linh hoạt hơn các kiến thức đã học. Vai trò của người
giảng viên sẽ trở thành người định hướng, tháo gỡ những vướng mắc cho sinh viên.
Những phương pháp này sẽ góp phần giảm thiểu thời gian thuyết giảng của người dạy,
thúc đẩy sinh viên phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu, chủ động, sáng tạo, góp phần
hình thành tư duy giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, tư duy ra quyết định- là những kỹ
năng không thể thiếu trong thời đại CMCN 4.0.
Đặc biệt trong CMCN 4.0, khi mà hệ thống thực- ảo, mạng lưới internet kết nối
vạn vật,… ngày một phát triển thì việc xây dựng mô hình phòng kế toán ảo để sinh viên
thực hành chính là một cách để sinh viên tiếp thu kiến thức hiệu quả. Người giảng viên sẽ
thiết kế những tài liệu thực hành mô phỏng hoạt động kế toán thực tế theo các mô hình
doanh nghiệp khác nhau (doanh nghiệp thương mại, doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp
xây lắp,…). Sinh viên sẽ có cơ hội trở thành người nhân viên kế toán trong một phòng kế
toán của doanh nghiệp, được trực tiếp tham gia toàn bộ quy trình kế toán, từ lập/cập nhật
chứng từ vào các phần mềm kế toán đến việc xử lý số liệu để kết xuất ra những báo cáo
tài chính cho doanh nghiệp.
Người giảng viên cũng nên mở rộng phạm vi giảng dạy ngoài lớp học thông qua
các buổi hội thảo tìm hiểu thực tế, kết nối với doanh nghiệp, hợp tác với doanh nghiệp
trong các hoạt động nghiên cứu, tập huấn và tư vấn.
4. KẾT LUẬN
CMCN 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số và internet đã và đang thay
đổi cách thức dạy và học trong nhà trường nói chung và ở bậc đại học nói riêng. Giáo dục
trong thời đại thông tin nói chung cần tập trung vào kỹ thuật và ứng dụng công nghệ để
giải quyết vấn đề. Cuộc CMCN 4.0 sẽ tạo ra một môi trường giáo dục mang tính toàn cầu,
việc giảng dạy sẽ không còn giới hạn trong phạm vi lớp học. Trong giai đoạn cách mạng
công nghệ 4.0, nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin kịp thời và chính xác cho các đối tượng
sử dụng, công việc kế toán thủ công cần phải được thay thế bằng hệ thống các phần mềm

9
kế toán, phần mềm quản trị doanh nghiệp. Thực tế này đã đặt ra những thách thức đối với
việc giảng dạy môn kế toán ở bậc đại học. Với đặc thù là môn học mang tính thực hành
cao, việc đưa phần mềm kế toán vào giảng dạy cũng như xây dựng các phòng thực hành
kế toán ảo là nhu cầu cấp thiết hiện nay. Chỉ có như vậy thì việc giảng dạy trong nhà
trường mới thực sự kết nối được với nhu cầu của các doanh nghiệp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Klaus Schwab, The Fourth Industrial Revolution, 2016, World economic
forum, 1st edition, page 7, Geneva Switzerland
[2] Quốc hội, Luật giáo dục, 2005, ban hành ngày 14 tháng 6 năm 2005.
[3] John Vũ, Giáo dục trong thời đại tri thức, 2016, Nhà xuất bản Lao động
[4] https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%B4ng_nghi%E1%BB%87p_4.0
[5] https://vietstock.vn/2017/09/cach-mang-40-anh-huong-the-nao-den-bo-phan-
tai-chinh-ke-toan-cua-doanh-nghiep-4262-558966.htm

10

You might also like