You are on page 1of 34

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ PHÂN TÍCH BÁO CÁO TÀI CHÍNH

Mục tiêu chương

1. Giải thích phân tích hoạt động kinh doanh và mối quan hệ giữa phân tích hoạt
động kinh doanh và phân tích báo cáo tài chính.
2. Trình bày về các giai đoạn của phân tích hoạt động kinh doanh và phân tích báo
cáo tài chính
3. Trình bày các kỹ thuật phân tích báo cáo tài chính

Phân tích báo cáo tài chính là một phần quan trọng và không thể thiếu được trong phân
tích hoạt động kinh doanh. Phân tích hoạt động kinh doanh là một quy trình đánh giá những triển
vọng và rủi ro của một doanh nghiệp. Quy trình này bao gồm phân tích môi trường kinh doanh
và chiến lược của doanh nghiệp cũng như tình hình tài chính và kết quả hoạt động kinh doanh
của doanh nghiệp. Phân tích hoạt động kinh doanh là rất hữu ích cho rất nhiều quyết định kinh
doanh như đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu, huy động vốn vay, định giá cổ phiếu lần đầu phát
hành ra công chúng, đánh giá doanh nghiệp khi sáp nhập, mua lại, ….. Phân tích báo cáo tài
chính là sự vận dụng các công cụ và kỹ thuật phân tích đối với báo cáo tài chính và dữ liệu liên
quan nhằm đưa ra những ước tính và thông tin hữu ích phục vụ cho phân tích hoạt động kinh
doanh. Phân tích báo cáo tài chính có vai trò làm giảm sự phiến diện, tính không chắc chắn và sự
thiếu chính xác trong các quyết định kinh doanh. Chương này trình bày về phân tích hoạt động
kinh doanh và vai trò của phân tích báo cáo tài chính. Chương này cũng trình bày một số công cụ
và kỹ thuật phân tích báo cáo tài chính có thể vận dụng trong phân tích báo cáo tài chính doanh
nghiệp. Qua chương này, người học cũng có thể hiểu được các ứng dụng của phân tích hoạt động
kinh doanh, xác định các bước trong quá trình phân tích hoạt động kinh doanh, và cho thấy mối
quan hệ giữa các bước này cũng như vai trò của chúng đối với phân tích báo cáo tài chính doanh
nghiệp.

1. Giới thiệu về phân tích hoạt động kinh doanh

1
Phân tích báo cáo tài chính là một phần của phân tích hoạt động kinh doanh. Phân tích
hoạt động kinh doanh là việc đánh giá triển vọng và rủi ro của doanh nghiệp nhằm đưa ra các
quyết định kinh doanh. Những quyết định kinh doanh cũng liên quan đến các hoạt động định giá
cổ phiếu và định giá nợ, đánh giá rủi ro tín dụng, dự báo lợi nhuận, kiểm toán,... Phân tích hoạt
động kinh doanh giúp cho các quyết định được chính xác hơn thông qua các hoạt động đánh giá
môi trường kinh doanh của một doanh nghiệp, chiến lược kinh doanh cũng như tình hình tài
chính và kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

1.1. Các loại phân tích hoạt động kinh doanh

Phân tích báo cáo tài chính là một phần quan trọng và không thể tách rời của phân tích
hoạt động kinh doanh. Mục tiêu của phân tích hoạt động kinh doanh là làm tăng tính chính xác
của các quyết định kinh doanh bằng cách đánh giá các thông tin có sẵn về tình hình tài chính của
doanh nghiệp, đội ngũ quản lý, kế hoạch kinh doanh cũng như chiến lược và môi trường kinh
doanh của doanh nghiệp. Phân tích hoạt động kinh doanh được áp dụng dưới nhiều hình thức,
đóng vai trò quan trọng trong những quyết định của những nhà phân tích chứng khoán, tư vấn
đầu tư, quản lý quỹ, ngân hàng đầu tư, đánh giá tín dụng, ngân hàng thương mại và các nhà đầu
tư cá nhân. Phân tích hoạt động kinh doanh bao gồm phân tích tín dụng, phân tích chứng khoán,
và rất nhiều hoạt động phân tích hoạt động kinh doanh khác.

1.1.1. Phân tích tín dụng

Các chủ nợ cho cho một doanh nghiệp vay nợ với kỳ vọng sẽ nhận được toàn bộ khoản nợ gốc
đã cho vay cộng với lãi suất trong tương lai. Đây là loại hình tài trợ mang tính tạm khi chủ nợ
mong đợi hoàn trả nợ gốc cùng với lãi suất. Các chủ nợ cho doanh nghiệp vay vốn dưới nhiều
hình thức và mục đích khác nhau. Tín dụng thương mại có thể đến từ các nhà cung cấp hàng hóa
dịch vụ. Họ cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ cho doanh nghiệp và nhận được tiền thanh toán
trong vòng một khoảng thời gian hợp lý. Số ngày thu tiền bán hàng bình quân của các nhà cung
cấp thường phù hợp với các tiêu chuẩn trung bình ngành. Hầu hết các khoản tín dụng thương mại
ngắn hạn, có số ngày thu tiền bán hàng bình quân dao động từ 30 đến 60 ngày, với một mức
chiết khấu thanh toán phù hợp khi các doanh nghiệp thanh toán sớm. Các khoản tín dụng thương

2
mại ngắn hạn thường không phải trả lãi. Thay vào đó, các nhà cung cấp (chủ nợ thương mại) sẽ
thu được lợi nhuận từ lợi nhuận từ việc tăng doanh thu từ việc bán chịu. Các chủ nợ phi thương
mại cung cấp tài chính cho một doanh nghiệp thông qua một hợp đồng vay nợ, thường là bằng
văn bản, với thời hạn thanh toán nợ gốc và lãi cụ thể trong tương lai. Loại tài chính này có thể là
ngắn hạn hay dài hạn và phát sinh trong một loạt các nghiệp vụ tiếp theo. Trong tài chính tín
dụng thuần túy, lợi ích cho các chủ nợ thường mang tính chất cố định (ví dụ như lãi suất). Điều
này có nghĩa là các chủ nợ thường nhận được lãi suất cố định tính trên nợ gốc quy định trên hợp
đồng vay nợ. Tuy nhiên, chủ nợ có thể chịu rủi ro không được thanh toán. Điều này có nghĩa là
chủ nợ sẽ không nhận được cả vốn gốc và lãi khi người vay nợ gặp khó khăn về tài chính. Mối
quan hệ không đối xứng giữa rủi ro và lợi nhuận có ảnh hưởng đáng kể đến chủ nợ cũng được
xem xét trong phân tích tín dụng.

Phân tích tín dụng là đánh giá tín dụng của một doanh nghiệp. Khả năng tín dụng là khả
năng của một doanh nghiệp trong việc thực hiện các nghĩa vụ tín dụng. Nói một cách khác, đó là
khả năng của một doanh nghiệp để thanh toán cho các khoản nợ khi đến hạn. Theo đó, mục tiêu
chính của phân tích tín dụng là đánh giá những rủi ro tín dụng hay mức sinh lời của doanh
nghiệp. Sự biến động trong lợi nhuận, đặc biệt là sự nhạy cảm của lợi nhuận đối với môi trường
kinh doanh, là quan trọng hơn độ lớn của lợi nhuận. Độ lớn lợi nhuận chỉ quan trọng khi phản
ánh số dư an toàn của một doanh nghiệp để đánh giá khả năng thực hiện những nghĩa vụ của
mình. Phân tích tín dụng tập trung vào các rủi ro thay vì các tiềm năng của doanh nghiệp. Công
việc bao gồm phân tích tính thanh khoản và khả năng thanh toán. Tính thanh khoản là khả năng
một doanh nghiệp có thể huy động tiền mặt trong ngắn hạn để thực hiện các nghĩa vụ tài chính
của mình. Tính thanh khoản phụ thuộc vào dòng tiền mặt của doanh nghiệp và đặc điểm của tài
sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn. Khả năng thanh toán là khả năng tồn tại của doanh nghiệp trong
dài hạn và khả năng thanh toán cho các khoản nợ dài hạn. Khả năng thanh toán chịu ảnh hưởng
bởi đòn bẩy tài chính, cấu trúc vốn và khả năng sinh lợi trong dài hạn của doanh nghiệp.

Những công cụ phân tích tín dụng và những tiêu chuẩn sử dụng trong phân tích tín dụng
là khác nhau khi có sự thay đổi về thời hạn thanh toán, loại hình và mục đích của hoạt động tín
dụng. Phân tích tín dụng ngắn hạn bao gồm đánh giá tình hình tài chính, dòng tiền của doanh
nghiệp trong hiện tại cũng như tính thanh khoản của tài sản ngắn hạn. Phân tích tín dụng dài hạn
bao gồm đánh giá trái phiếu, phân tích chi tiết dòng tiền trong dài hạn và sự tăng trưởng bền

3
vững của lợi nhuận. Sự tăng trưởng bền vững của lợi nhuận là cơ sở đảm bảo khả năng chi trả nợ
gốc và lãi vay trong dài hạn.

1.1.2. Phân tích đầu tư chứng khoán

Các nhà đầu tư chứng khoán (cổ đông) mua cổ phiếu của doanh nghiệp để nắm một phần quyền
sở hữu của doanh nghiệp và có được những quyền lợi và rủi ro nhất định. Vốn mà các cổ đông
này góp vào doanh nghiệp được gọi là vốn cổ phần hoặc vốn chủ sở hữu. So với các chủ nợ, cổ
đông thường chịu nhiều rủi ro hơn đối với phần vốn góp của họ vào doanh nghiệp. Ví dụ khi một
doanh nghiệp phá sản, tài sản của doanh nghiệp thu được sẽ được bán để lấy tiền thanh toán nợ
cho các chủ nợ trước, các cổ đông là nhóm người cuối cùng nhận phần tài sản còn lại. Điều này
nghĩa là các cổ đông có thể bị thiệt hại khi doanh nghiệp bị phá sản, mặc dù phần thiệt hại tối đa
của cổ đông là số vốn mà họ đã góp vào doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi một doanh nghiệp đạt sự
thịnh vượng, các cổ đông sẽ có nhiều lợi ích ví dụ như nhận được cổ tức cao và hưởng lợi nhuận
từ chênh lệch giá cổ phiếu khi cổ phiếu tăng giá. Vì vậy, không giống như phân tích tín dụng,
phân tích đầu tư chứng khoán quan tâm đến những rủi ro sụt giảm và khả năng tăng giá trị cổ
phiếu trong tương lai. Bởi vì phân tích đầu tư chứng khoán bị ảnh hưởng bởi tất cả các khía cạnh
của tình hình tài chính và kết quả hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp và hiệu suất, nhu
cầu thông tin của loại phân tích là toàn diện hơn so với các loại phân tích hoạt động kinh doanh
khác.

Chiến lược phân tích đầu tư chứng khoán bao gồm phân tích kỹ thuật, phân tích cơ bản,
hoặc kết hợp cả hai chiến lược này. Phân tích kỹ thuật là tìm kiếm các mẫu trong lịch sử giá hoặc
khối lượng của một cổ phiếu để dự đoán chuyển động giá trong tương lai. Phân tích cơ bản là
chiến lược phân tích được chấp nhận rộng rãi hơn, là quá trình xác định giá trị của một doanh
nghiệp bằng cách phân tích và giải thích các yếu tố quan trọng của nền kinh tế, của ngành mà
doanh nghiệp đang hoạt động và của chính doanh nghiệp đang phân tích. Một nội dung chính của
phân tích cơ bản là đánh giá của các tình hình tài chính và kết quả hoạt động kinh doanh của
doanh nghiệp.

Mục tiêu chính của phân tích cơ bản là để xác định giá trị nội tại, còn được gọi là giá trị
cơ bản. Giá trị nội tại là giá trị của một doanh nghiệp (hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp) được xác
định thông qua các phân tích cơ bản mà không có sự tham chiếu đến giá trị thị trường. Trong khi

4
giá trị thị trường của doanh nghiệp có thể bằng hoặc xấp xỉ giá trị nội tại của doanh nghiệp đó,
tuy nhiên khả năng này không phải lúc nào cũng xảy ra. Chiến lược phân tích cơ bản của một
nhà đầu tư dựa trên nguyên tắc cơ bản như sau: mua khi giá trị nội tại một cổ phiếu vượt quá giá
trị thị trường của nó, bán khi giá trị thị trường của một cổ phiếu vượt quá giá trị nội tại của nó, và
giữ khi giá trị nội tại một cổ phiếu xấp xỉ giá trị thị trường của nó. Để xác định giá trị nội tại, nhà
phân tích phải dự báo các dòng thu nhập, dòng tiền của doanh nghiệp đồng thời đánh giá mức độ
rủi ro của việc đầu tư. Điều này sẽ đạt được thông qua sự phân tích toàn diện, chuyên sâu về
triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp và báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Những thông tin
về triển vọng kinh doanh và thông tin trên báo cáo tài chính sẽ được sử dụng để xác định giá trị
nội tại. Giá trị nội tại có thể được sử dụng trong nhiều quyết định kinh doanh, bao gồm quyết
định lựa chọn cổ phiếu để đầu tư, phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), đánh giá
doanh nghiệp tư nhân, sáp nhập và mua lại, ....

1.1.3. Các ứng dụng khác của phân tích hoạt động kinh doanh

Phân tích hoạt động kinh doanh và phân tích báo cáo tài chính còn có một số ứng dụng
quan trọng khác như sau. Đối với việc quản lý doanh nghiệp, phân tích báo cáo tài chính có thể
cung cấp cho nhà quản trị manh mối những thay đổi chiến lược trong hoạt động kinh doanh, hoạt
động đầu tư, và hoạt động tài chính. Nhà quản trị cũng phân tích các doanh nghiệp và báo cáo tài
chính của các đối thủ cạnh tranh để đánh giá lợi nhuận và rủi ro của đối thủ cạnh tranh. Việc
phân tích này cho phép so sánh giữa các doanh nghiệp, cũng để đánh giá điểm mạnh và điểm
yếu tương đối và để đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh.

Phân tích hoạt động kinh doanh cũng cần được thực hiện khi một doanh nghiệp có nhu
cầu tái cơ cấu hoạt động thông qua sát nhập, mua lại, bán lại, hay định giá các sản phẩm phái
sinh. Các ngân hàng đầu tư cần phải xác định các mục tiêu đầu tư tiềm năng, và các nhà phân
tích cũng cần phải đánh giá giá trị tăng thêm được tạo ra từ việc sát nhập của doanh nghiệp mua
lại và doanh nghiệp được mua lại hay không.

Đối với vấn đề quản lý tài chính, nhà quản trị phải đánh giá tác động của các quyết định
tài chính và chính sách cổ tức đến giá trị của doanh nghiệp. Phân tích hoạt động kinh doanh sẽ
giúp đánh giá tác động của các quyết định tài chính đối với lợi nhuận và rủi ro của doanh nghiệp
trong tương lai. Đối với các thành viên hội đồng quản trị, là những người đại diện được bầu của

5
các cổ đông, phân tích hoạt động kinh doanh và phân tích báo cáo tài chính cũng có ý nghĩa to
lớn. Các thành viên hội đồng quản trị cần có trách nhiệm bảo vệ lợi ích của cổ đông bằng cách
giám sát một cách thận trọng các hoạt động của doanh nghiệp. Phân tích hoạt động kinh doanh
và phân tích báo cáo tài chính đều hỗ trợ các thành hội đồng quản trị trong việc thực hiện trách
nhiệm giám sát của họ. Phân tích hoạt động kinh doanh và phân tích báo cáo tài chính còn giúp
cho các cơ quan nhà nước ví dụ như cơ quan thuế có thể kiểm tra và đánh giá tính hợp lý của các
báo cáo thuế.

1.2. Quy trình phân tích hoạt động kinh doanh

Phân tích hoạt động kinh doanh bao gồm một số giai đoạn có liên kết mật thiết. Minh họa 1 trình
bày quy trình phân tích hoạt động kinh doanh trong bối cảnh ước tính giá trị cổ phiếu doanh
nghiệp (một trong nhiều ứng dụng quan trọng của phân tích hoạt động kinh doanh). Theo quy
trình này, giá trị doanh nghiệp, hoặc giá trị nội tại được ước tính bằng cách sử dụng một mô hình
định giá. Đầu vào cho mô hình định giá bao gồm các ước tính về các lợi ích kinh tế trong tương
lai (dòng tiền hoặc thu nhập triển vọng) và chi phí vốn. Giai đoạn dự báo các lợi ích kinh tế trong
tương lai được gọi là giai đoạn phân tích triển vọng. Để dự đoán chính xác các lợi ích kinh tế
trong tương lai, chúng ta phải đánh giá triển vọng kinh doanh và báo cáo tài chính của doanh
nghiệp.

Đánh giá triển vọng kinh doanh là mục tiêu chính của giai đoạn phân tích môi trường
kinh doanh và phân tích chiến lược. Tình hình tài chính của một doanh nghiệp có thể được đánh
giá từ các báo cáo tài chính qua giai đoạn phân tích tài chính. Đổi lại, chất lượng phân tích tài
chính phụ thuộc vào độ tin cậy và nội dung kinh tế của các báo cáo tài chính. Điều này đòi hỏi
phải thực hiện giai đoạn phân tích kế toán trong quy trình phân tích báo cáo tài chính.

Tóm lại, theo Minh họa 1.1, quy trình phân tích hoạt động kinh doanh (theo hướng ứng
dụng định giá cổ phiếu) bao gồm các giai đoạn sau: phân tích môi trường kinh doanh, phân tích
kế toán, phân tích tài chính, phân tích triển vọng, và định giá. Quy trình phân tích báo cáo tài
chính, là một phần của phân tích hoạt động kinh doanh, chỉ bao gồm các giai đoạn sau: phân tích
kế toán, phân tích tài chính, và các phân tích triển vọng. Giai đoạn phân tích môi trường kinh
doanh và chiến lược là giai đoạn chuẩn bị cho quy trình phân tích báo cáo tài chính.

6
Minh họa 1.1 – Quy trình phân tích kinh doanh và phân tích báo cáo tài chính

1.2.1. Phân tích môi trường kinh doanh và chiến lược

Phân tích triển vọng tương lai của doanh nghiệp là một trong những công việc quan trọng
nhất của phân tích hoạt động kinh doanh. Đây cũng là một giai đoạn phân tích khá tính phức tạp
và mang tính chủ quan. Phân tích môi trường kinh doanh là nhằm xác định và đánh giá các điều
kiện, hoàn cảnh kinh tế của doanh nghiệp và của ngành mà doanh nghiệp đang hoạt động. Công
việc bao gồm phân tích sản phẩm, thị trường lao động và các thị trường vốn trong bối cảnh hiện
tại và tương lai. Phân tích chiến lược kinh doanh là nhằm xác định và đánh giá điểm mạnh và
điểm yếu trong cạnh tranh cũng như các cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp đang phân
tích. Giai đoạn phân tích môi trường kinh doanh và chiến lược kinh doanh bao gồm bước. Bước
thứ nhất là phân tích ngành, bước thứ hai là phân tích chiến lược.

Phân tích ngành là bước phân tích cần phải được thực hiện đầu tiên nhằm phân tích triển
vọng và cấu trúc của ngành là nhân tố chủ yếu chi phối mức độ sinh lợi của doanh nghiệp. Phân
tích ngành có thể được thực hiện dựa trên mô hình do Porter (1980, 1985) đề xuất. Theo mô hình
này, một ngành được định nghĩa là một tập hợp các doanh nghiệp đang cạnh tranh với nhau. Mức
sinh lời của các doanh nghiệp trong ngành đang chịu ảnh hưởng bởi sự thương lượng của cả

7
khách hàng và nhà cung cấp. Các doanh nghiệp trong ngành cũng phải đối mặt với những mối đe
dọa từ những đối thủ cạnh tranh trong tương lai có ý định xâm nhập vào ngành cũng như bị đe
dọa từ các sản phẩm thay thế. Khi thực hiện phân tích ngành, nhà phân tích phải đánh giá cả triển
vọng ngành kinh doanh và mức cạnh tranh thực tế và tiềm năng mà một doanh nghiệp phải đối
mặt. Phân tích chiến lược là đánh giá quyết định kinh doanh của một doanh nghiệp và thành
công của doanh nghiệp trong việc thiết lập lợi thế cạnh tranh. Công việc bao gồm đánh giá phản
ứng chiến lược dự kiến của doanh nghiệp đối với sự thay đổi trong môi trường kinh doanh và tác
động của các phản ứng này với sự thành công và tăng trưởng của doanh nghiệp trong tương lai.
Phân tích chiến lược đòi hỏi phải có sự giám sát về chiến lược cạnh tranh của doanh nghiệp đối
với việc kết hợp sản phẩm và cơ cấu chi phí.

Phân tích môi trường kinh doanh và chiến lược đòi hỏi nhà phân tích phải hiểu biết về
những áp lực cạnh tranh đến từ nền kinh tế và từ ngành mà doanh nghiệp đang hoạt động. Phân
tích môi trường kinh doanh cũng đòi hỏi nhà phân tích phải có kiến thức về quản trị chiến lược,
chính sách kinh doanh, sản xuất, quản lý kho vận, tiếp thị và kinh tế học quản lý.

1.2.2. Phân tích kế toán

Phân tích kế toán là một giai đoạn đánh giá mức độ hệ thống kế toán của doanh nghiệp
đang phân tích phản ánh đúng hiện trạng kinh tế của doanh nghiệp. Giai đoạn này được thực hiện
bằng cách nghiên cứu các nghiệp vụ và sự kiện của doanh nghiệp, đánh giá tác động của các
chính sách kế toán đến báo cáo tài chính và thực hiện những điều chỉnh cần thiết đối với báo cáo
tài chính nhằm phản ánh tốt hơn hiện trạng kinh tế của doanh nghiệp . Những điều chỉnh này là
nhằm mục đích phân tích và giúp cho quy trình phân tích báo cáo tài chính được tốt hơn. Do báo
cáo tài chính là nguồn thông tin chính phục vụ cho công việc phân tích tài chính, chất lượng của
phân tích tài chính sẽ phụ thuộc rất lớn vào độ tin cậy của báo cáo tài chính hay nói cách khác là
phụ thuộc vào chất lượng của phân tích kế toán.

Kế toán là một quá trình thu thập, xử lý và cung cấp thông tin phục vụ cho các đối tượng
sử dụng trong việc ra quyết định kinh doanh. Qua trình này bị chi phối bởi các xét đoán của
những người lập báo cáo tài chính dựa trên những nguyên tắc kế toán cơ bản. Khi các nguyên tắc
kế toán được thực thi với sự chi phối của các chuẩn mực kế toán, sự phức tạp của các nghiệp vụ
kinh tế và đã làm cho việc vận dụng kế toán ở các doanh nghiệp thiếu sự thống nhất giữa các

8
doanh nghiệp với nhau và giữa các giai đoạn khác nhau. Hơn nữa, hầu hết các chuẩn mực kế
toán được hình thành và phát triển gắn liền với các yếu tố chính trị để đáp ứng nhu cầu của nhiều
nhóm người khác nhau và đôi khi gây ra những xung đột về lợi ích giữa các nhóm người này.
Những nhóm người này bao gồm những người sử dụng như nhà đầu tư, chủ nợ, và các nhà phân
tích; và người soạn lập như các doanh nghiệp; và cơ quan quản lý như Bộ Tài Chính, Ủy ban
Chứng khoán, kiểm toán viên, luật sư, …. Theo đó, các chuẩn mực kế toán đôi khi không đáp
ứng được nhu cầu của từng nhóm người khác nhau. Một yếu tố khác có thể cản trở mức độ tin
cậy của báo cáo tài chính đó là sai sót từ các ước tính kế toán, từ đó nhà phân tích không được
cung cấp thông tin đầy đủ hoặc có được thông tin nhưng thông tin lại không chính xác.

Những hạn chế về kế toán này đã ảnh hưởng đến tính hữu ích của báo cáo tài chính và có
thể gây ra ít nhất hai vấn đề trong phân tích. Thứ nhất, sự thiếu nhất quán trong kế toán sẽ dẫn
đến các vấn đề về tính so sánh được. Các vấn đề về tính so sánh được nảy sinh khi các doanh
nghiệp khác nhau áp dụng những chính sách kế toán khác nhau cho các nghiệp vụ hoặc sự kiện
tương tự. Các vấn đề về tính so sánh được cũng xảy ra khi một doanh nghiệp thay đổi chính sách
kế toán theo thời gian, dẫn đến những khó khăn cho nhà phân tích khi so sánh kết quả hoạt động
kinh doanh và tình hình tài chính của doanh nghiệp theo thời gian. Thứ hai, quyền tùy nghi và
không chính xác trong kế toán có thể làm sai lệch thông tin tài chính cung cấp bởi hệ thống kế
toán. Sai lệch kế toán là sai lệch thông tin kế toán so với hiện trạng kinh tế của doanh nghiệp. Có
ít nhất ba dạng sai lệch như sau. (1) Ước tính của nhà quản lý có thể bị sai sót hoặc thiếu trung
thực. Sai sót trong ước tính này là nguyên nhân chính gây ra sai lệch kế toán. (2) Nhà quản trị có
thể sử dụng quyền tùy nghi của mình khi đưa ra những chính sách kế toán áp dụng nhằm làm đẹp
báo cáo tài chính, chi phối lợi nhuận và từ đó có thể gây sai lệch kế toán. (3) Các chuẩn mực kế
toán là nguyên nhân của sự sai lệch kế toán ở các doanh nghiệp do các chuẩn mực này không
giúp cho doanh nghiệp phản ánh đúng hiện trạng kinh tế của doanh nghiệp. Ba loại sai lệch kế
toán này gây ra rủi ro kế toán trong phân tích báo cáo tài chính. Rủi ro kế toán là sự thiếu chắc
chắn trong kết quả phân tích báo cáo tài chính khi có những sai lệch kế toán. Mục tiêu chính của
phân tích kế toán là đánh giá và giảm rủi ro kế toán và cải thiện nội dung kinh tế của các báo cáo
tài chính, trong đó có tính so sánh được của thông tin kế toán. Việc đạt được mục tiêu này
thường đòi hỏi phải điều chỉnh lại các khoản mục trên báo cáo tài chính để cải thiện chất lượng
của thông tin trên báo cáo tài chính nhằm phục vụ mục đích phân tích.

9
Phân tích kế toán bao gồm đánh giá về chất lượng lợi nhuận của doanh nghiệp hoặc rộng
hơn là đánh giá chất lượng kế toán. Công việc đánh giá chất lượng lợi nhuận đòi hỏi phải nhà
phân tích phải phân tích các yếu tố môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, các chính sách kế
toán 1p dụng, mức độ và chất lượng thông tin được công bố, hiệu quả điều hành và danh tiếng
của đội ngũ quản lý doanh nghiệp cũng như các động cơ chi phối lợi nhuận của các nhà quản trị.
Phân tích kế toán cũng bao gồm đánh giá tính bền vững của dòng lợi nhuận doanh nghiệp, đôi
khi được gọi là nguồn lợi nhuận bền vững. Phân tích kế toán là một công việc phức tạp, khó thực
hiện trong quy trình phân tích hoạt động kinh doanh vì công việc này đòi hỏi nhà phân tích phải
nắm vững kiến thức về kế toán.

1.2.3. Phân tích tài chính

Phân tích tài chính là việc sử dụng báo cáo tài chính để phân tích tình hình tài chính và
kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và đánh giá kết quả tài chính trong tương lai.
Nhà phân tích có thể đặt ra một số câu hỏi trong quá trình phân tích tài chính: Liệu một doanh
nghiệp có đủ nguồn lực để có thể hoạt động hiệu quả và phát triển trong tương lai hay không?
Liệu doanh nghiệp có đủ nguồn lực để đầu tư vào các dự án mới hay không? Nguồn gốc của lợi
nhuận của doanh nghiệp là gì? Khả năng tạo ra dòng tiền trong tương lai của doanh nghiệp như
thế nào? Tình hình tài chính của doanh nghiệp là như thế nào? Khả năng sinh lợi của doanh
nghiệp là ra sao? Lợi nhuận có đạt được như dự báo của nhà phân tích không? Công việc cũng
bao gồm phân tích nguyên nhân tại sao một doanh nghiệp không đạt (hoặc vượt) mức kết quả
hoạt động kinh doanh so với mong đợi của nhà phân tích.

Phân tích tài chính bao gồm ba công việc chính: phân tích lợi nhuận, phân tích rủi ro,
phân tích các nguồn vốn và việc sử dụng nguồn vốn. Phân tích khả năng sinh lợi là việc đánh giá
khả năng sinh lợi trên vốn đầu tư của một doanh nghiệp. Phân tích khả năng sinh lợi tập trung
vào các nguồn vốn đầu tư và mức sinh lợi của doanh nghiệp, công việc này bao gồm xác định và
đánh giá tác động của các nhân tố tạo ra lợi nhuận đó là tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu và vòng
quay tài sản. Phân tích khả năng sinh lợi cũng giúp nhà phân tích xác định những nguyên nhân
tiềm tàng dẫn đến sự thay đổi về lợi nhuận và tính bền vững của lợi nhuận qua các kỳ phân tích.
Phân tích rủi ro là đánh giá khả năng thực hiện các nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với các bên
liên quan. Phân tích rủi ro bao gồm đến đánh giá khả năng thanh toán, tính thanh khoản, sự bền

10
vững trong kết quả hoạt động kinh doaah, nhằm đánh giá chi phí sử dụng vốn của doanh nghiệp.
Vì rủi ro là mối quan tâm hàng đầu đối với các chủ nợ nên phân tích rủi ro thường được thực
hiện khi phân tích tín dụng. Ngoài ra, phân tích rủi ro cũng rất quan trọng đối với phân tích vốn
chủ sở hữu để đánh giá độ tin cậy và tính bền vững của lợi nhuận của doanh nghiệp và để ước
tính chi phí sử dụng vốn của doanh nghiệp. Phân tích dòng tiền là đánh giá về cách thức doanh
nghiệp huy động và sử dụng các nguồn tiền cho các hoạt động của mình. Phân tích dòng tiền sẽ
giúp cho nhà phân tích hiểu biết sâu hơn về những vấn đề tài chính trong tương lai của doanh
nghiệp. Ví dụ, một doanh nghiệp tài trợ cho các dự án mới từ nguồn vốn chủ sở hữu có thể sẽ đạt
được hiệu quả tốt hơn trong tương lai so với một doanh nghiệp vay mượn nhiều tiền để tài trợ
cho các dự án hoặc tậm chí xấu hơn là đi vay chỉ để bù đắp cho các khoản lỗ hiện tại.

1.2.4. Phân tích triển vọng

Phân tích triển vọng là dự báo về lợi ích kinh tế của doanh nghiệp trong tương lai gắn liền
với lợi nhuận, dòng tiền mà doanh nghiệp có được hoặc cả hai. Phân tích này dựa trên phân tích
kế toán, phân tích tài chính, phân tích môi trường kinh doanh và chiến lược. Mục tiêu cuối cùng
của phân tích triển vọng là dự báo lợi nhuận dự kiến trong tương lai nhằm ước tính giá trị nội tại
của doanh nghiệp. Mặc dù hiện nay, các nhà phân tích có thể sử dụng các công cụ định lượng
nhằm cải thiện tính chính xác của dự báo, phân tích triển vọng vẫn còn là một quá trình tương
đối chủ quan, phụ thuộc vào sự xét đoán và kinh nghiệm của nhà phân tích. Đây là lý do tại sao
phân tích triển vọng đôi khi được gọi là nghệ thuật chứ không phải khoa học.

1.2.5. Định giá

Định giá là mục tiêu chính của nhiều dạng phân tích hoạt động kinh doanh. Định giá là
quá trình chuyển đổi dự báo các lợi ích kinh tế trong tương lai thành ước tính giá trị doanh
nghiệp. Để xác định giá trị doanh nghiệp, một nhà phân tích phải lựa chọn một mô hình định giá
và cũng phải ước tính chi phí vốn của doanh nghiệp. Trong khi hầu hết các mô hình định giá đòi
hỏi dự báo về lợi ích kinh tế trong tương lai, vẫn có một số phương pháp tiếp cận đặc biệt sử
dụng thông tin tài chính hiện tại. Chúng tôi xem xét định giá theo cách thức sơ bộ trong chương

11
này và một lần nữa khi yêu cầu dự báo về lợi ích kinh tế trong tương lai, có một số phương pháp
tiếp cận đặc biệt sử dụng thông tin tài chính hiện tại.

1.3. Mối quan hệ giữa phân tích báo cáo tài chính và phân tích hoạt động kinh doanh

Phụ lục 1.4 và thảo luận nhấn mạnh rằng phân tích báo cáo tài chính là một tập hợp các
quy trình phân tích là một phần của phân tích hoạt động kinh doanh. Các quy trình riêng biệt này
có ràng buộc chung trong đó tất cả các quy trình sử dụng thông tin về báo cáo tài chính, với các
mức độ khác nhau, cho các mục đích phân tích. Mặc dù các báo cáo tài chính có chứa thông tin
về kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng phân tích môi trường và chiến lược kinh doanh
của doanh nghiệp thường được xem xét bên ngoài các báo cáo tài chính thông thường. Ngoài ra,
phân tích triển vọng giúp vượt qua biên giới phân tích báo cáo tài chính thông thường. Tuy
nhiên, hầu hết chúng tôi đều đồng ý rằng phần quan trọng trong phân tích báo cáo tài chính là
phân tích môi trường và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Hầu hết chúng tôi cũng đồng ý
rằng định giá, đòi hỏi dự báo, là một phần của phân tích báo cáo tài chính. Do đó, phân tích báo
cáo tài chính nên được và được xem như là một phần quan trọng và không thể tách rời của phân
tích hoạt động kinh doanh và tất cả các phân tích thành phần của Phân tích hoạt động kinh
doanh. Đồng thời, điều quan trọng là phải hiểu phạm vi phân tích báo cáo tài chính. Cụ thể, cuốn
sách này tập trung vào việc phân tích báo cáo tài chính chứ không phải về các khía cạnh của
phân tích hoạt động kinh doanh ngoài những vấn đề liên quan đến phân tích báo cáo tài chính.

2.1. Mối quan hệ giữa báo cáo tài chính và các hoạt động trong doanh nghiệp
2.1.1. Các hoạt động trong doanh nghiệp

Một doanh nghiệp thực hiện một số hoạt động nhằm cung cấp một sản phẩm/ dịch vụ có
thể tiêu thụ được và để mang lại mức sinh lời khả quan trên vốn đầu tư. Báo cáo tài chính và các
thuyết minh trên báo cáo tài chính cho phép người sử dụng thông tin hiểu rõ hơn về bốn hoạt
động chính trong doanh nghiệp, bao gồm: lập kế hoạch, tài trợ, đầu tư, và vận hành. Để phân tích
báo cáo tài chính một cách hiệu quả, nhà phân tích cần phải hiểu về các loại hoạt động này.

2.1.1.1. Hoạt động lập kế hoạch

12
Một doanh nghiệp tồn tại để thực hiện mục tiêu cụ thể. Mục tiêu của một doanh nghiệp
được thể hiện trong một bản kế hoạch kinh doanh bao gồm mục tiêu, chiến lược và chiến thuật
cho từng hoạt động của doanh nghiệp. Bản kế hoạch kinh doanh này sẽ giúp các nhà quản trị
trong việc tập trung xác định các cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp. Bản kế hoạch kinh
doanh cũng sẽ giúp nhà phân tích hiểu rõ hơn về triển vọng hiện tại và tương lai của doanh
nghiệp và là một nguồn tài liệu hữu ích cho việc phân tích môi trường kinh doanh và chiến
lược. Trong bản kế hoạch kinh doanh có những thông tin về các mục tiêu của doanh nghiệp và
chiến thuật kinh doanh cụ thể, nhu cầu thị trường, phân tích cạnh tranh, chiến lược bán hàng (giá
cả, khuyến mãi, phân phối), kết quả quản lý, và các dự báo về tài chính. Những thông tin này
cũng sẽ được trình bày trong báo cáo tài chính theo các hình thức khác nhau. Những thông tin
này cũng có thể thu thập được thông qua các phương tiện thông tin truyền thông như thông cáo
báo chí, ấn phẩm trong ngành, các bản tin phân tích thị trường và báo chí tài chính.

Hai nguồn thông tin quan trọng trên bản kế hoạch kinh doanh đó là “thông điệp của chủ
tịch hội đồng quản trị gửi đến các cổ đông” và “chiến lược phát triển trong giai đoạn tới” nằm
trong báo cáo thường niên của các doanh nghiệp. Hai nguồn thông tin quan trọng này là điểm
khởi đầu rất tốt để nhà phân tích thực hiện việc phân tích môi trường kinh doanh và chiến lược.
Tuy nhiên bản kế hoạch kinh doanh cũng có nhược điểm bởi tính không chắc chắn của nó. Liệu
doanh nghiệp có chắc chắn hiểu rõ và tính toán đúng nhu cầu của khác hàng hay không? Liệu
doanh nghiệp có chắc chắn các khoản chi phí trong tương lai được ước tính đúng hay không?
Liệu doanh nghiệp có chắc chắn về phản ứng tiếp theo của đối thủ cạnh tranh hay không? Những
câu hỏi này cần phải được xem xét và cũng là yếu tố làm giảm tính chắc chắn trong việc phân
tích báo cáo tài chính.

Khi các hoạt động của doanh nghiệp đều gắn liền với rủi ro, các hoạt động khác nhau
cũng gắn liền với các mức độ rủi ro khác nhau. Phân tích báo cáo tài chính giúp nhà phân tích
đánh giá mức độ rủi ro, tính không chắc chắn trong việc phân tích để từ đó đưa ra các quyết định
tốt hơn. Khi thông tin từ báo cáo tài chính là đáng tin cậy, nhà phân tích có thể nhìn ra được
những cơ hội kinh doanh và chiến lược của doanh nghiệp để từ đó hiểu rõ hơn về các hoạt động
tài chính, hoạt động đầu tư và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

2.1.1.2. Hoạt động tài chính

13
Doanh nghiệp cần nguồn tài chính để thực hiện kế hoạch kinh doanh của mình, ví dụ như
cần tài chính để phục vụ nhu cầu mua nguyên liệu phục vụ sản xuất, chi trả nhân viên, mua công
nghệ, mua lại công ty khác, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Hoạt động tài chính là cách mà
các doanh nghiệp sử dụng để huy động nguồn tiền để chi trả cho những nhu cầu này. Bởi vì tính
chất quan trọng của các hoạt động này, các doanh nghiệp cần phải quan tâm nhiều đến các nguồn
tài chính và quản lý tốt các nguồn tài chính này.

Có hai nguồn tài chính từ bên ngoài doanh nghiệp, bao gồm nguồn đến những người cho
vay và chủ nợ (nợ phải trả) và nguồn đến từ các cổ đông (vốn chủ sở hữu). Quyết định liên quan
đến thành phần của hoạt động tài chính phụ thuộc vào điều kiện hiện tại của thị trường tài
chính. Khi tìm kiếm các nguồn tài trợ, doanh nghiệp cần xem xét rất nhiều vấn đề, trong đó có
vấn đề về số tiền tài trợ cần thiết, nguồn tài trợ (nợ phải trả hay vốn chủ sở hữu), thời gian trả nợ,
và các nội dung chi tiết khác trên các thỏa thuận tài chính. Các nhân tố tác động đến những quyết
định về nguồn tài trợ là cũng bao gồm xác định cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp, những quyết
định này có ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến mức độ rủi ro trong
kinh doanh cũng như tầm ảnh hưởng của các đối tượng bên ngoài trong các quyết định kinh
doanh của doanh nghiệp.

2.1.1.3. Hoạt động đầu tư

Hoạt động đầu tư là hoạt động mua và duy trì các khoản đầu tư với mục đích bán hàng và
cung cấp dịch vụ, cũng như đầu tư các khoản tiền nhàn rỗi. Các khoản đầu tư vào đất đai, thiết
bị, tác quyền (bằng phát minh sáng chế), hàng tồn kho, vốn con người, hệ thống thông tin và
những tài sản tương tự đều phục vụ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các tài sản này
được gọi là tài sản hoạt động. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đầu tư nguồn tiền nhàn rỗi vào
chứng khoán, trái phiếu chính phủ, các quỹ trên thị trường tiền tệ. Những tài sản này được gọi là
tài sản tài chính.

Thông tin về các hoạt động tài chính và hoạt động đầu tư giúp các nhà phân tích trong
việc đánh giá hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Cần lưu ý rằng giá trị các khoản đầu tư
thường bằng giá trị của các nguồn tài chính huy động được. Các nguồn tài chính không được đầu
tư đơn giản có thể gọi là tiền (hoặc các khoản tài sản không bằng tiền khác). Các doanh nghiệp
khác nhau thì có cấu trúc các khoản đầu tư là khác nhau. Nhiều doanh nghiệp cần đầu tư rất

14
nhiều vào việc hình thành, phát triển và bán các sản phẩm trong khi đó các doanh nghiệp khác lại
cần đầu tư vào các mục đích khác. Quy mô của các khoản đầu tư không đảm bảo chắc chắn cho
sự thành công của doanh nghiệp. Quyết định về các hoạt động đầu tư thường gắn liền với việc
doanh nghiệp sẽ đầu tư vàoloại hình kỹ thuật và lao động nào, mức độ đầu tư, vị trí tài sản, hợp
đồng mua. Giống như các hoạt động tài chính, quyết định về các hoạt động đầu tư cũng ảnh
hưởng đến cấu trúc tổ chức (phân quyền hoặc tập quyền), sự tăng trưởng của doanh nghiệp, và
rủi ro trong kinh doanh của doanh nghiệp.

2.1.1.4. Hoạt động kinh doanh

Hoạt động kinh doanh là một trong những hoạt động rất quan trọng cần phân tích. Hoạt
động kinh doanh thể hiện việc thực hiện kế hoạch kinh doanh dựa trên các hoạt động tài chính và
hoạt động đầu tư. Các hoạt động kinh doanh bao gồm các thành phần sau: nghiên cứu và phát
triển, sản xuất, tiếp thị và quản lý. Để có được một cấu trúc hợp lý các thành phần của hoạt động
kinh doanh, doanh nghiệp cần phải dựa vào loại hình doanh nghiệp, kế hoạch kinh doanh và các
yếu tố đầu vào và đầu ra của thị trường. Các nhà quản trị cần phải quyết định để đưa ra một cấu
trúc các hoạt động kinh doanh hữu hiệu và hiệu quả nhất để đem lại lợi thế cạnh tranh.

Hoạt động kinh doanh là nguồn tạo ra lợi nhuận chủ yếu cho doanh nghiệp. Lợi nhuận thể
hiện sự thành công của một doanh nghiệp trong việc mua các nguồn lực từ các thị trường đầu
vào và bán các sản phẩm/ dịch vụ ở các thị trường đầu ra. Việc một doanh nghiệp có làm tốt hay
không trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch và chiến lược kinh doanh hay việc họ có xác
định đúng cấu trúc của các hoạt động kinh doanh sẽ xác định sự thành công hay thất bại trong
kinh doanh.

3. Tổng quan về phân tích báo cáo tài chính

Có nhiều công cụ được sử dụng để áp ứng những nhu cầu cụ thể của các đối tưởng sử
dụng và phân tích các báo cáo tài chính. Mục này trình bày một số công cụ cơ bản về phân tích
tài chính và áp dụng chúng vào báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Cụ thể, chúng tôi áp dụng
phân tích báo cáo tài chính so sánh, phân tích báo cáo tài chính theo tỷ số tài chính, và phân tích
tỷ số tài chính. Chúng tôi cũng mô tả ngắn gọn phân tích dòng tiền. Việc xem trước này đối với

15
phân tích tài chính chủ yếu bị giới hạn đối với một số công cụ phân tích phổ biến, đặc biệt là liên
quan đến phân tích tỷ số tài chính. Các chương sau mô tả các kỹ thuật hiện đại, tiên tiến, bao
gồm cả phân tích kế toán, làm tăng đáng kể việc phân tích báo cáo tài chính. Mục này kết thúc
với phần giới thiệu về các mô hình định giá.

3.1. Các công cụ phân tích báo cáo tài chính và định giá

Mục này trình bày sơ bộ về năm bộ công cụ quan trọng để phân tích báo cáo tài chính và
định giá, bao gồm (1) phân tích so sánh báo cáo tài chính, (2) phân tích báo cáo tài chính theo
quy mô chung, (3) phân tích tỷ số tài chính, (4) phân tích dòng tiền, và (5) định giá cổ phiếu.

3.1.1. Phân tích so sánh báo cáo tài chính

Phân tích báo cáo tài chính có thể được thực hiện bằng cách so sánh, rà soát bảng cân đối
kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hay báo cáo lưu chuyển tiền tệ qua các kỳ phân
tích liên tục với nhau. Công việc bao gồm việc tính toán các thay đổi về các khoản mục trên báo
cáo tài chính qua các năm để thấy được xu hướng, tốc độ và mức độ thay đổi của xu hướng của
các khoản mục này. Phân tích so sánh cũng giúp nhà phân tích so sánh những xu hướng của các
khoản mục có liên quan đến nhau. Ví dụ, khi doanh thu tăng 10% hàng năm tuy nhiên với chi phí
vận chuyển hàng hóa lại tăng 20%, nhà phân tích cần phải xem xét và giải thích. Tương tự như
vậy, việc các khoản phải thu tăng 15% nhưng doanh thu chỉ tăng 5% cũng cần được xem xét.
Trong cả hai trường hợp, nhà phân tích cần phải khám phá các lý do đằng sau sự khác biệt giữa
các tỷ số tài chính có quan hệ với nhau để đưa ra những hàm ý khi phân tích báo cáo tài chính.
Phân tích so sánh báo cáo tài chính còn được gọi là phân tích theo chiều ngang. Loại phân tích
này bao gồm.hai kỹ thuật phân tích so sánh phổ biến đó là phân tích sự thay đổi hàng năm và
phân tích tỷ lệ phần trăm xu hướng.

3.1.1.1. Phân tích sự thay đổi hàng năm

Phân tích so sánh báo cáo tài chính trong khung thời gian tương đối ngắn khoảng từ hai đến ba
năm thường được thực hiện với việc phân tích sự thay đổi hàng năm đối với từng khoản mục trên
báo cáo tài chính. Việc phân tích sự thay đổi hàng năm thường dễ thực hiện và cung cấp thông
16
tin dễ hiểu đối với với người đọc báo cáo phân tích. Cách phân tích này có ưu điểm là trình bày
những thay đổi tuyệt đối cũng như tỷ số phần trăm thay đổi của các khoản mục qua các năm. Kết
quả phân tích thay đổi tuyệt đối và tỷ lệ phần trăm thay đổi cần phải có sự liên hệ với nhau. Lý
do là một khoản mục có tỷ lệ thay đổi là 50% nhưng chỉ với mức thay đổi tuyệt đối là 10 triệu
đồng sẽ ít quan trọng hơn một khoản mục có tỷ lệ thay đổi 20% nhưng có mức thay đổi tuyệt đối
là 1 tỷ đồng. Khi đó nhà phân tích phải xét đoán về tầm quan trọng tương đối của các thay đổi
khi so sánh các thay đổi này với nhau. Mặc dù tính toán những thay đổi hàng năm là điều đơn
giản, tuy nhiên, nhà phân tích cũng cần phải lưu ý số trường hợp sau. Thứ nhất, khi giá trị một
khoản mục là số âm (hoặc dương) trong năm gốc nhưng giá trị khoản mục đó lại chuyển thành số
dương (hoặc âm) trong năm tiếp theo, tỷ lệ phần trăm thay đổi qua 2 năm sẽ không có ý nghĩa.
Thứ hai, khi giá trị một khoản mục trong năm gốc là bằng 0, nhà phân tích sẽ không tính được tỷ
lệ thay đổi phần trăm cho những năm tiếp theo. Tương tự như vậy, khi giá trị một khoản mục ở
năm gốc là nhỏ, có thể tính tỷ lệ thay đổi phần trăm nhưng tỷ lệ này sẽ rất lớn và phải được giải
thích một cách thận trọng. Ngoài ra, khi một khoản mục có giá trị trong kỳ gốc nhưng lại không
có giá trị trong kỳ tiếp theo, khoản mục này sẽ có tỷ lệ phần trăm thay đổi là – 100% (giảm
100%).

3.1.1.2. Phân tích tỷ lệ phần trăm xu hướng.

Việc sử dụng phân tích sự thay đổi hàng năm để so sánh các báo cáo tài chính trong nhiều
hơn hai hoặc ba kỳ phân tích sẽ khá phức tạp. Một công cụ phân tích hữu ích để so sánh xu
hướng dài hạn đó là phân tích tỷ lệ phần trăm xu hướng. Trước tiên nhà phân tích cần chọn một
kỳ gốc, sau đó đặt giá trị cho tất cả các khoản mục trên báo cáo cần phân tích với giá trị là 100.
Vì kỳ gốc đóng vai trò là một khung tham chiếu cho tất cả các so sánh, tốt nhất nhà phân tích cần
chọn một năm mà hoạt động kinh doanh diễn ra bình thường hoặc đi vào ổn định. Cũng như việc
tính toán những thay đổi về tỷ lệ phần trăm qua các năm, những thay đổi các khoản mục từ giá
trị âm sang khoản tiền dương (hoặc ngược lại), không thể hiện được qua bảng tính tỷ lệ phần
trăm xu hướng.

Ví dụ: Doanh nghiệp XYZ có số liệu về tài sản ngắn hạn, nợ ngắn hạn, và doanh thu của doanh
nghiệp trong 5 năm qua như sau (năm 5 là năm gần nhất) (đơn vị tính: 1.000 đồng):

17
Năm 5 Năm 4 Năm 3 Năm 2 Năm 1
Doanh thu 2.250.000 2.160.000 2.070.000 1.980.000 1.800.000
Tiền 30.000 40.000 48.000 65.000 50.000
Các khoản phải thu 570.000 510.000 405.000 345.000 300.000
Hàng tồn kho 750.000 720.000 690.000 660.000 600.000
Tổng tài sản ngắn hạn 1.350.000 1.270.000 1.143.000 1.070.000 950.000
Nợ ngắn hạn 640.000 580.000 520.000 440.000 400.000

Từ những thông tin trên, chúng ta có thể trình bày lại những thông tin trên dưới dạng
phần trăm xu hướng. Sử dụng năm 1 làm năm gốc, các tỷ lệ phần trăm xu hướng được tính như
bảng sau:

Năm 5 Năm 4 Năm 3 Năm 2 Năm 1


Doanh thu 125,0 120,0 115,0 110,0 100,0
Tiền 60,0 80,0 96,0 130,0 100,0
Các khoản phải thu 190,0 170,0 135,0 115,0 100,0
Hàng tồn kho 125,0 120,0 115,0 110,0 100,0
Tổng tài sản ngắn hạn 142,1 133,7 120,3 112,6 100,0
Nợ ngắn hạn 160,0 145,0 130,0 110,0 100,0

Qua bảng tính tỷ lệ phần trăm xu hướng trên, có thể đánh giá sơ bộ như sau. Doanh thu
của doanh nghiệp đã tăng đều qua các năm với một tốc độ tăng ổn định. Về tài sản, điều đáng
quan tâm là các khoản phải thu đã tăng với một tốc độ rất cao, nhiều hơn so với tốc độ tăng
doanh thu. Điều này có thể là nguyên nhân chính của việc giảm tiền trong vòng 5 năm qua. Hàng
tồn kho tăng với tốc độ tăng bằng với tốc độ tăng doanh thu là điều hợp lý khi các doanh nghiệp
thường phải tăng lưu kho cuối kỳ để chuẩn bị cho việc bán hàng kỳ sau. Nợ ngắn hạn đang tăng
nhanh hơn so với tốc độ tăng của tài sản ngắn hạn. Lý do có thể quy về sự gia tăng nhanh chóng
của các khoản phải thu, từ đó doanh nghiệp đã không có đủ tiền để thanh toán các khoản nợ ngắn
hạn khi chúng đến hạn.

18
3.1.2. Phân tích báo cáo tài chính theo quy mô chung

Phân tích báo cáo tài chính sẽ có ý nghĩa khi xác định được tỷ trọng của một khoản mục
hay một nhóm khoản mục trên báo cáo tài chính so với tổng thể. Ví dụ, khi phân tích bảng cân
đối kế toán, giả sử tổng tài sản (bằng nợ phải trả cộng với vốn chủ sở hữu) là 100%, thì các
khoản mục tài sản có thể được trình bày dưới dạng tỷ lệ phần trăm tính trên của tổng tài sản.
Trong phân tích báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, doanh thu thường được đặt ở mức 100%
với các tài khoản báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh còn lại được thể hiện dưới dạng phần
trăm doanh thu. Vì tổng các khoản mục trong các nhóm là 100%, phân tích này được cho là cung
cấp các báo cáo tài chính theo tỷ số tài chính. Quy trình này còn được gọi là phân tích theo chiều
dọc dựa trên việc đánh giá tỷ trọng của các khoản mục trên cùng một báo cáo. Phân tích báo cáo
tài chính theo quy mô chung rất hữu ích trong việc tìm hiểu được cấu trúc tài sản, cấu trúc vốn
trên bảng cân đối kế toán hoặc cấu trúc chi phí trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.

Ví dụ, phân theo quy mô chung đối với bảng cân đối kế toán tập trung đánh giá hai yếu tố
sau: (1) Cấu trúc nguồn vốn: bao gồm việc phân bổ nguồn tài trợ dưới dạng nợ ngắn hạn, nợ dài
hạn và vốn chủ sở hữu, và (2) Cấu trúc tài sản: bao gồm từng khoản mục tài sản ngắn hạn và dài
hạn. Phân theo quy mô chung đối với bảng cân đối kế toán thường được vận dụng để đánh giá
các khoản mục thành phần cấu thành các phân nhóm khoản mục trên bảng cân đối kế toán. Ví
dụ, khi đánh giá tính thanh khoản của tài sản ngắn hạn, nhà phân tích cần phải xác định tỷ trọng
của từng khoản mục tài sản ngắn hạn như tiền, các khoản phải thu, hàng tồn kho trên tổng tài sản
ngắn hạn, không chỉ đơn giản là tính tỷ lệ các khoản mục này trên tổng tài sản. Phân tích báo cáo
kết quả hoạt động kinh doanh theo quy mô chung cũng rất quan trọng. Nhà phân tích có thể tính
tỷ trọng các khoản mục chi phí trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh so với tổng doanh thu.

Khi vận dụng phân tích theo quy mô chung, nhà phân tích có thể so sánh tỷ trọng của các
khoản mục trên báo cáo tài chính và sự thay đổi về tỷ trọng giữa các kỳ phân tích. Báo cáo phân
tích theo quy mô chung đặc biệt hữu ích khi so sánh giữa các doanh nghiệp có quy mô khác nhau
bởi vì các báo cáo được trình bày lại theo dạng tỷ trọng. Báo cáo phân tích theo quy mô chung có
thể sử dụng để so sánh cấu trúc các khoản mục trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp với đối
thủ cạnh tranh hoặc với trung bình ngành để tìm ra những khác biệt đáng kể. Những khác biệt
này cần phải được nghiên cứu và tìm hiểu sâu hơn để có được những thông tin thích hợp phục vụ
cho việc ra các quyết định kinh doanh. Hạn chế của các báo cáo theo quy mô chung đó là các báo

19
cáo này không thể hiện và so sánh được quy mô của các khoản mục giữa các doanh nghiệp khác
nhau.

Ví dụ: Thông tin trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của tập đoàn ABC như sau.

TẬP ĐOÀN ABC

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh –

Cho năm tài chính kết thúc vào ngày 31 tháng 12, 20x6 và 20x5

20x6 20x5
Doanh thu 720.000 535.000
Giá vốn hàng bán 475.200 280.340
Lợi nhuận gộp 244.800 254.660
Chi phí hoạt động 151.200 103.790
Lợi nhuận thuần 93.600 150.870

Ta có thể lập báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của Tập đoàn ABC theo dạng quy mô chung
như sau:

20x6 20x5
Doanh thu 100,0% 100,0%
Giá vốn hàng bán 66,0 52,4
Lợi nhuận gộp 34,0% 47,6%
Chi phí hoạt động 21,0 19,4
Lợi nhuận thuần 13,0% 28,2%

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh theo quy mô chung cho thấy tình hình bất lợi đối
với tập đoàn. Cả tỷ lệ giá vốn hàng bán và chi phí hoạt động trên doanh thu ở năm 20x6 đều cao
hơn so với năm 20x5. Ngoài ra, mặc dù sản lượng tiêu thụ tăng, lợi nhuận thuần lại giảm về mặt
giá trị và giảm xuống chỉ bằng 13,0% trên doanh thu so với 28,2% trong năm trước.

3.1.3. Phân tích tỷ số tài chính

20
Phân tích tỷ số tài chính là một trong những công cụ phổ biến và được sử dụng rộng rãi
nhất trong phân tích tài chính. Tuy nhiên, vai trò của phân tích tỷ số tài chính thường bị hiểu
nhầm và từ đó tầm quan trọng của phân tích tỷ số tài chính thường bị đánh giá quá cao. Một tỷ số
tài chính thể hiện một mối quan hệ toán học giữa hai số hay nhiều khoản mục trên báo cáo tài
chính. Mặc dù tính toán một tỷ số tài chính là đơn giản, việc diễn giải cho tỷ số tài chính vừa tính
toán lại khó khăn hơn. Để một tỷ số tài chính có ý nghĩa, tỷ số tài chính cần phải được tham
chiếu đến những giá trị liên quan. Ví dụ, khi có mối quan hệ trực tiếp và rõ ràng giữa đơn giá bán
sản phẩm và chi phí sản xuất của sản phẩm, tỷ lệ giá vốn hàng bán trên doanh thu là rất quan
trọng. Ngược lại, không có mối quan hệ rõ ràng giữa chi phí vận chuyển và số dư khoản mục
khoản đầu tư tài chính ngắn hạn.

Nhà phân tích cần lưu ý rằng phân tích tỷ số tài chính là công cụ để giúp họ hiểu sâu hơn
về tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đó chỉ là điểm khởi đầu chứ không phải là
điểm kết thúc của phân tích hoạt động kinh doanh. Các tỷ số tài chính khi được giải thích hợp lý
sẽ giúp nhà phân tích xác định các vấn đề cần phải điều tra phân tích thêm. Phân tích tỷ số tài
chính có thể giúp nhà phân tích tìm ra những mối quan hệ quan trọng giữa các con số trên báo
cáo tài chính, tìm ra các cơ sở so sánh qua việc nhận diện các điều kiện và xu hướng khó dự báo
bằng cách kiểm tra các thành phần tạo nên tỷ số tài chính. Tuy nhiên, giống như các công cụ
phân tích khác, phân tích tỷ số tài chính thường rất hữu ích nếu có định hướng về tương lai. Điều
này nghĩa là nhà phân tích phải xác định và đánh giá những nhân tố có thể tác động đến các tỷ số
tài chính trong tương lai. Do đó, tính hữu ích của các tỷ số tài chính phụ thuộc vào việc áp dụng
và diễn giải khéo léo của nhà phân tích khi phân tích tỷ số tài chính. Đây là yêu cầu khó khăn
nhất khi phân tích tỷ số tài chính.

3.1.3.1. Các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ số tài chính

Ngoài các hoạt động kinh doanh bên trong doanh nghiệp có ảnh hưởng đến tỷ số tài
chính, nhà phân tích cũng cần phải quan tâm đến tác động của các sự kiện kinh tế, các yếu tố
thuộc về ngành mà doanh nghiệp đang hoạt động, chính sách quản lý và những chính sách kế
toán đến các tỷ số tài chính. Thực hiện phân tích kế toán ở giai đoạn tiếp theo sẽ giúp nhà phân
tích xác định ảnh hưởng của các yếu tố này đến việc đo lường các nhân tố cấu thành tỷ số tài
chính. Bất cứ sai sót nào trong việc đo lường đều ảnh hưởng đến tính hữu hiệu của phân tích tỷ

21
số tài chính. Trước khi tính toán các tỷ số tài chính, các tỷ lệ phần trăm xu hướng hoặc sụ thay
đổi theo tỷ lệ phần trăm của các khoản mục qua các năm, nhà phân tích cần phải sử dụng phân
tích kế toán để đảm bảo các thành phần cấu thành tỷ số tài chính được đo lường một cách hợp lý.
Ví dụ, khi hàng tồn kho được định giá bằng cách sử dụng phương pháp nhập sau – xuất trước
(LIFO) trong điều kiện lạm phát, hệ số khả năng thanh toán hiện hành sẽ giảm bởi vì giá trị hàng
tồn kho được tính theo phương pháp LIFO bị giảm. Tương tự, khoản nợ thuê tài chính nhất định
thường không được ghi nhận và chỉ được trình bày trong thuyết minh báo cáo tài chính. Nhà
phân tích thường muốn đưa vào giá trị khoản nợ thuê tài chính khi tính toán tỷ số nợ phải trả trên
vốn chủ sở hữu. Nhà phân tích cần lưu ý rằng tính hữu ích của một tỷ số tài chính phụ thuộc vào
độ tin cậy của các con số cấu thành tỷ số tài chính đó. Khi hệ thống kiểm soát nội bộ của doanh
nghiệp hoặc các cơ chế quản lý và giám sát khác của doanh nghiệp là không hữu hiệu trong việc
đảm bảo báo cáo tài chính là trung thực và hợp lý, độ tin cậy và hữu ích của thông tin từ các tỷ số
tài chính sẽ giảm sút đáng kể.

3.1.3.2. Diễn giải các tỷ số tài chính

Các tỷ số tài chính phải được diễn giải cẩn thận vì các yếu tố ảnh hưởng đến tử số của
một tỷ số tài chính có thể có tương quan với những yếu tố ảnh hưởng đến mẫu số của tỷ số này.
Ví dụ, doanh nghiệp có thể cải thiện tỷ lệ chi phí hoạt động trên doanh thu bằng cách cắt giảm
chi phí quảng cáo. Tuy nhiên, việc cắt giảm các loại chi phí như vậy có thể làm giảm doanh thu
hoặc thị phần trong dài hạn. Do đó, sự gia tăng về lợi nhuận trong ngắn hạn có thể có tác động
tiêu cực đến sự phát triển trong tương lai của doanh nghiệp. Do đó, nhà phân tích cần phải giải
thích những thay đổi này một cách hợp lý. Nhiều tỷ số tài chính có cùng thành phần cấu thành,
do đó khi phân tích một vấn đề nào đó, nhà phân tích không nhất thiết phải tính toán tất cả các tỷ
số tài chính.

Các tỷ số, giống như hầu hết các kỹ thuật trong phân tích tài chính, sẽ không thích hợp
khi nằm tách biệt với nhau. Thay vào đó, chúng cần được so sánh so với (1) tỷ số tài chính kỳ
trước, (2) tỷ số theo tiêu chuẩn được xác định từ trước và (3) tỷ số tài chính của đối thủ cạnh
tranh hoặc trung bình ngành. Cuối cùng, sự thay đổi của một tỷ số tài chính theo thời gian cũng
mang tính quan trọng như xu hướng của tỷ số tài chính đó.

22
3.1.3.3. Minh hoạ phân tích tỷ số tài chính.

Chúng ta có thể tính toán nhiều tỷ số tài chính bằng cách sử dụng báo cáo tài chính của
doanh nghiệp. Một số tỷ số tài chính có áp dụng chung trong phân tích tài chính, trong khi một
số tỷ số tài chính khác chỉ áp dụng duy nhất đối với các trường hợp hoặc các ngành kinh doanh
đặc thù. Mục này trình bày tỷ số tài chính phân tích áp dụng cho ba lĩnh vực quan trọng của phân
tích báo cáo tài chính:

 Phân tích tín dụng (rủi ro): bao gồm (1) phân tích tính thanh khoản, nghĩa là đánh giá khả
năng đáp ứng các nghĩa vụ ngắn hạn và (2) phân tích cơ cấu vốn và khả năng thanh toán
(đánh giá khả năng đáp ứng các nghĩa vụ dài hạn).
 Phân tích khả năng sinh lợ:i bao gồm (1) phân tích lợi nhuận trên vốn đầu tư (ROI) nhằm
đánh giá mức sinh lời của những nhóm người góp vốn hình thành tài sản của doanh
nghiệp (chủ nợ và cổ đông), (2) phân tích khả năng sinh lợi, nghĩa là đánh giá các tỷ lệ
lợi nhuận (gộp, hoạt động, thuần, …) trên doanh thu, và (3) hiệu quả sử dụng tài sản:
đánh giá khả năng tài sản tạo ra doanh thu, còn được gọi là vòng quay tài sản.
 Định giá: là ước tính giá trị nội tại của một doanh nghiệp (định giá cổ phiếu).

3.1.4. Phân tích dòng tiền

Phân tích dòng tiền chủ yếu được sử dụng nhằm đánh giá các nguồn tiền và việc sử
dụng các nguồn tiền trong doanh nghiệp. Phân tích dòng tiền cho phép nhà phân tích hiểu rõ hơn
cách thức doanh nghiệp huy động các nguồn tài chính và sử dụng các nguồn này. Phân tích dòng
tiền cũng được sử dụng để dự báo dòng tiền và là một công việc trong phân tích tính thanh
khoản.

3.1.5. Các mô hình định giá

Định giá là giai đoạn cuối cùng và quan trọng được thực hiện trong phân tích hoạt động
kinh doanh và phân tích báo cáo tài chính. Định giá thường được sử dụng để ước giá trị nội tại
của một doanh nghiệp hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp. Cơ sở của định giá là lý thuyết giá trị
hiện tại. Lý thuyết này cho rằng giá trị hiện tại của trái phiếu hoặc cổ phiếu bằng tổng tất cả các
lợi ích kinh tế dự kiến trong tương lai chiết khấu đến thời điểm hiện tại với một mức lãi suất

23
chiết khấu thích hợp. Lý thuyết giá trị hiện tại sử dụng khái niệm giá trị của dòng tiền theo thời
gian. Theo đó, để định giá cổ phiếu nhà đầu tư cần hai thông tin: (1) lợi ích kinh tế dự kiến trong
tương lai trong suốt thời gian nhà đầu tư dự kiến nắm giữ cổ phiếu và (2) lãi suất chiết khấu. Ví
dụ, lợi ích kinh tế trong tương lai từ trái phiếu là khoản hoàn trả nợ gốc và lãi từ đầu tư vào trái
phiếu thu được. Lợi ích kinh tế trong tương lai đến từ cổ phiếu là cổ tức nhận được và lợi nhuận
do chênh lệch giá cổ phiếu mà người nắm giữ cổ phiếu đạt được. Lãi suất chiết khấu sử dụng khi
định giá trái phiếu là lãi suất hiện hành (hoặc lãi suất đáo hạn), trong khi đó lãi suất chiết khấu
sử dụng khi định giá cổ phiếu là chi phí sử dụng vốn cổ đông.

LÝ THUYẾT

1. Giải thích khái niệm phân tích hoạt động kinh doanh và nêu các mục tiêu của phân tích
hoạt động kinh doanh.
2. Giải thích phát biểu sau: Phân tích báo cáo tài chính là một phần quan trọng của phân tích
hoạt động kinh doanh.
3. Mô tả các loại phân tích hoạt động kinh doanh và xác định những nhóm người sử dụng
thông tin báo cáo tài chính ứng với từng loại phân tích hoạt động kinh doanh này.
4. Giải thích những khác biệt cơ bản giữa phân tích tín dụng và phân tích đầu tư chứng
khoán? Thông tin trên báo cáo tài chính là quan trọng đối với các loại phân tích này như
thế nào?
5. Phân tích cơ bản là gì? Mục tiêu của phân tích cơ bản là gì?
6. Trình bày quy trình phân tích hoạt động kinh doanh và giải thích mối liên hệ giữa các giai
đoạn trong quy trình này ứng với trường hợp phân tích đầu tư chứng khoán.
7. Nêu tầm quan trọng của giai đoạn phân tích kế toán đối với giai đoạn phân tích tài chính.
8. Giải thích tại sao báo cáo tài chính lại quan trọng đối với quy trình ra quyết định thông
qua phân tích tài chính. Ngoài ra, nhận diện và thảo luận những hạn chế của báo cáo tài
chính đối trong quy trình này.
9. Trình bày các nguồn thông tin hữu ích (ngoài báo cáo tài chính) có thể được sử dụng
trong phân tích hoạt động kinh doanh
10. Nêu và trình bày ít nhất hai mảng ứng dụng của phân tích tài chính.
11. Nêu và trình bày ít nhất bốn nhóm công cụ phân tích tài chính.

24
12. Phân tích so sánh là một công cụ quan trọng của phân tích tài chính.
a. Giải thích sự hữu ích của phân tích so sánh báo cáo tài chính
b. Giải thích các thức để việc so sánh báo cáo tài chính trở nên hiệu quả.
c. Thảo luận về những điều cần phải lưu ý khi thực hiện phân tích so sánh.
13. Cho ý kiến về phát biểu sau: Xu hướng trong quá khứ có thể dự báo cho xu hướng trong
tương lai.
14. Mô tả những tiêu chuẩn để chọn năm gốc khi phân tích theo dạng xu hướng chỉ số (phần
trăm xu hướng)
15. Giải thích thông tin hữu ích nào có thể có được từ phân tích theo dạng xu hướng chỉ số
(phần trăm xu hướng)
16. Nêu những điều kiện cần thiết để phân tích tỷ số tài chính mang tính hữu ích.
17. Trình bày những hạn chế của phân tích tỷ số tài chính.
18. Giải thích giả thuyết về thị trường hoàn hảo có thể sử dụng để dự báo phản ứng của giá
cố phiếu đối với dữ liệu tài chính doanh nghiệp.
19. Thảo luận hàm ý của giả thuyết về thị trường hoàn hảo đối với phân tích báo cáo tài
chính doanh nghiệp

CÂU HỎI BÀI TẬP

Bài 1

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm nay và năm ngoái của doanh nghiệp McKenzie ở
Toronto như sau:

Năm nay Năm ngoái


Doanh thu 8.000.000 6.000.000
Giá vốn hàng bán 4.984.000 3.516.000
Lợi nhuận gộp 3.016.000 2.484.000
Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp
Chi phí bán hàng 1.480.000 1.092.000
Chi phí quản lý doanh nghiệp 712.000 618.000
Tổng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp 2.192.000 1.710.000
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh 824.000 774.000

25
Chi phí lãi vay 96.000 84.000
Lợi nhuận trước thuế 728.000 690.000

Hội đồng quản trị của doanh nghiệp rất ngạc nhiên khi thấy lợi nhuận trước thuế năm nay chỉ
tăng 38.000 so với năm ngoái trong khi doanh thu tăng đến 2.000.000.

Yêu cầu:

a. Trình bày báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh cho năm nay và năm ngoái dưới dạng quy mô
chung. Làm tròn đến một số lẻ ở phần thập phân.

b. Nhận xét ngắn gọn về những thay đổi về kết quả hoạt động kinh doanh giữa hai năm.

Bài 2

Bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp Mixon cho 3 năm 20x4 đến 20x6 được cho như sau:

20x6 20x5 20x4


Tiền 30 35 36.800
Các khoản phải thu 88 62 49.200
Hàng tồn kho 111 82 53.000
Chi phí trả trước 9 4.000
Tài sản cố định, giá trị còn lại 277 255 229.500
Tổng tài sản 518 445 372.500

Các khoản phải trả 128 75 49.250


Vay dài hạn (được cầm cố bởi tài sản cố định) 97 102 82.500
Cổ phiếu thường, mệnh giá 10 162 162 162.500
Lợi nhuận chưa phân phối 129 104 78.250
Tổng nợ phải trả và vốn chủ sở hữu 518 445 372.500

Yêu cầu:

So sánh khả năng thanh toán trong ngắn hạn qua các năm 20x6, 20x5, và 20x4 qua việc tính toán
các tỷ số sau:

26
(a) Hệ số khả năng thanh toán hiện hành và (b) Hệ số khả năng thanh toán nhanh. Nhận xét về
kết quả vừa tính toán. Trình bày bảng cân đối kế toán dưới dạng quy mô chung. Làm tròn đến 1
chữ số ở phần thập phân.

Bài 3

Quy mô chung và tỷ lệ phần trăm xu hướng liên quan đến doanh thu, giá vốn hàng bán, và chi
phí của doanh nghiệp JBC như sau:

Quy mô chung Tỷ lệ phần trăm xu hướng


20x6 20x5 20x4 20x6 20x5 20x4
Doanh thu 100,0% 100,0% 100,0% 104,4% 103,2% 100,0%
Giá vốn hàng bán 62,4 60,9 58,1 112,1 108,2 100,0
Chi phí 14,3 13,8 14,1 105,9 101,0 100,0

Yêu cầu:

Xác định liệu lợi nhuận thuần tăng, giảm, hay không thay đổi trong kỳ 3 năm từ 20x4 đến 20x6.

Bài 4

Tính các tỷ lệ phần trăm xu hướng cho các khoản mục sau đây ở một doanh nghiệp, sử dụng năm
1 làm năm gốc. Cho biết tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này là thuận lợi hay bất lợi.

Năm 5 Năm 4 Năm 3 Năm 2 Năm 1


Doanh thu 283.880 271.800 253.680 235.560 151.000
Giá vốn hàng bán 129.200 123.080 116.280 107.440 68.000
Các khoản phải thu 19.100 18.300 17.400 16.200 10.000

Bài 5

Dữ liệu trích từ báo cáo tài chính của doanh nghiệp C như sau:

DOANH NGHIỆP C
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (đvt: 1.000)

27
Cho năm tài chính kết thúc vào ngày 31 tháng 12, 20x0 – 20x6
20x6 20x5 20x4 20x3 20x2 20x1 20x0
Doanh thu 1.594 1.396 1.270 1.164 1.086 1.010 828
Giá vốn hàng bán 1.146 932 802 702 652 610 486
Lợi nhuận gộp 448 464 468 462 434 400 342
Chi phí hoạt động 340 266 244 180 156 154 128
Lợi nhuận thuần 108 198 224 282 278 246 214

DOANH NGHIỆP C
Bảng cân đối kế toán (đvt: 1.000) - Ngày 31 tháng 12, 20x0 – 20x6
20x6 20x5 20x4 20x3 20x2 20x1 20x0
Tài sản
Tiền 68 88 92 94 98 96 99
Các khoản phải thu 480 504 456 350 308 292 206
Hàng tồn kho 1.738 1.264 1.104 932 836 710 515
Tài sản ngắn hạn khác 46 42 24 44 38 38 19
Đầu tư dài hạn 0 0 0 136 136 136 136
Nhà xưởng và thiết bị, giá trị còn lại 2.120 2.114 1.852 1.004 1.078 960 825
Tổng tài sản 4.452 4.012 3.528 2.600 2.494 2.232 1.800

Nợ phải trả và vốn chủ sở hữu


Nợ ngắn hạn 1.120 942 618 514 446 422 272
Nợ dài hạn 1.194 1.040 1.012 470 480 520 390
Cổ phiếu thường 1.000 1.000 1.000 840 840 640 640
Vốn góp khác 250 250 250 180 180 160 160
Lợi nhuận chưa phân phối 888 780 648 596 548 490 338
Tổng nợ phải trả và vốn chủ sở hữu 4.452 4.012 3.528 2.600 2.494 2.232 1.800

Yêu cầu:

a. Tính các tỷ lệ phần trăm xu hướng cho từng khoản mục trên báo cáo tài chính của các doanh
nghiệp. Sử dụng năm 20x0 làm năm gốc.

b. Phân tích và nhận xét về báo cáo tài chính và các tỷ lệ phần trăm xu hướng đã tính ở yêu cầu
a.

28
Bài 5

Doanh nghiệp SE được thành lập trong 10 năm qua, doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ các thiết
bị điện tử sử dụng trong ngành y tế. Mặc dù doanh nghiệp có lợi nhuận nhưng doanh nghiệp luôn
phải ở trong tình trạng thiếu tiền. Do đó, doanh nghiệp đang yêu cầu ngân hàng XYZ cho vay dài
hạn 500 tỷ đồng, 100 tỷ đồng trong số đó sẽ được dùng để bổ sung cho lưu lượng tiền và 400 tỷ
đồng sẽ được sử dụng để đầu tư vào việc hiện đại hóa máy móc thiết bị. Báo cáo tài chính của
doanh nghiệp của hai năm gần nhất như sau (đơn vị tính: triệu đồng):

Bảng cân đối kế toán

Năm nay Năm ngoái


Tài sản
Tài sản ngắn hạn
Tiền 70.000 150.000
Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn 0 18.000
Các khoản phải thu 480.000 300.000
Hàng tồn kho 950.000 600.000
Chi phí trả trước 20.000 22.000
Tổng tài sản ngắn hạn 1.520.000 1.090.000
Tài sản cố định, giá trị còn lại 1.480.000 1.370.000
Tổng tài sản 3.000.000 2.460.000

Nợ phải trả và vốn chủ sở hữu


Nợ phải trả
Nợ ngắn hạn 800.000 430.000
Trái phiếu, 12%. 600.000 600.000
Tổng nợ phải trả 1.400.000 1.030.000
Vốn chủ sở hữu
Cổ phiếu ưu đãi, mệnh giá 25, lãi suất 8%/năm 250.000 250.000
Cổ phiếu thường, mệnh giá 10 500.000 500.000
Lợi nhuận chưa phân phối 850.000 680.000
Tổng vốn chủ sở hữu 1.600.000 1.430.000

29
Tổng nợ phải trả và vốn chủ sở hữu 3.000.000 2.460.000

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

Năm nay Năm ngoái


Doanh thu 5.000.000 4.350.000
Giá vốn hàng bán 3.875.000 3.450.000
Lợi nhuận gộp 1.125.000 900.000
Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp 653.000 548.000
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh 472.000 352.000
Chi phí lãi vay 72.000 72.000
Lợi nhuận trước thuế 400.000 280.000
Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp (30%) 120.000 84.000
Lợi nhuận thuần 280.000 196.000
Cổ tức chi trả
Cổ tức ưu đãi 20.000 20.000
Cổ tức cho cổ phiếu thường 90.000 75.000
Tổng cổ tức chi trả 110.000 95.000
Lợi nhuận chưa phân phối 170.000 101.000
Lợi nhuận chưa phân phối, đầu năm 680.000 579.000
Lợi nhuận chưa phân phối, cuối năm 850.000 680.000

Trong năm ngoái, doanh nghiệp đã tung ra một số mặt hàng mới và tăng giá bán cho một số mặt
hàng cũ nhằm tăng tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu. doanh nghiệp cũng đã tuyển một trưởng
phòng bán hàng mới, người đã có công mở rộng thị trường ở một số khu vực kinh doanh mới.
Điều khoản thanh toán là 2/10, net 30. Tất cả doanh thu là doanh thu bán chịu. Giả sử rằng các tỷ
số sau là điển hình cho ngành điện tử viễn thông:

Hệ số khả năng thanh toán hiện hành 2,5


Hệ số khả năng thanh toán nhanh 1,3
Số ngày thu tiền bán hàng bình quân 18 ngày
Số ngày lưu kho 60 ngày
Tỷ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu 0,9
Hệ số khả năng thanh toán lãi vay 6

30
Lợi nhuận trên tài sản 13%
Tỷ số giá trên thu nhập 12

Yêu cầu:

a. Để giúp ngân hàng XYZ ra quyết định về khoản vay, tính các tỷ số sau cho cả năm nay và năm
ngoái:

1. Vốn lưu động.

2. Hệ số khả năng thanh toán hiện hành.

3. Hệ số khả năng thanh toán nhanh.

4. Kỳ thu tiền bình quân (các khoản phải thu đầu năm ngoái là 250.000).

5. Số ngày lưu kho (hàng tồn kho đầu năm ngoái là 500.000).

6. Tỷ số nợ trên vốn chủ sở hữu.

7. Hệ số khả năng thanh toán lãi vay.

b. Cho cả năm nay và năm ngoái:

1. Lập bảng cân đối kế toán theo dạng quy mô chung.

2. Lập báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh theo dạng quy mô chung.

c. Nhận xét về kết quả tính toán ở yêu cầu (a) và (b). Ngân hàng có nên chấp nhận khoản vay hay
không?

Bài 6

Doanh nghiệp RCS chuyên phát triển các phần mềm sử dụng cho các ngành viễn thông và truyền
thông. Doanh nghiệp được thành lập bởi ba thành viên sáng lập chủ yếu nhằm phát triển các
phần mềm sử dụng trong phạm vi quốc gia với mục đích truyền thông. Sau nhiều năm hoạt động,
doanh nghiệp đã có sự tăng trưởng nhanh chóng, đặc biệt là trong 3 năm gần đây doanh nghiệp
đã tăng gấp đôi về quy mô hoạt động. Sự tăng trưởng này đã đem lại cho doanh nghiệp một
thách thức về tài chính. Trong vòng 30 ngày, RCS sẽ phải gia hạn lại một khoản đã vay 300 tỷ
đồng từ ngân hàng TSBSM. Khoản vay này được phân loại là nợ ngắn hạn trên bảng cân đối kế

31
toán của doanh nghiệp RCS. Chủ tịch doanh nghiệp RCS, đang lo lắng về việc gia hạn khoản vay
này. Ngân hàng đã yêu cầu doanh nghiệp RCS cung cấp báo cáo tài chính gần nhất, bao gồm
bảng cân đối kế toán cho năm nay và năm ngoái. Ngân hàng cũng yêu cầu thông tin về 4 tỷ số tài
chính liên quan đến khả năng sinh lợi và khả năng thanh toán của doanh nghiệp.

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

Cho năm tài chính kết thúc ngày 31 tháng 12 (đơn vị tính: tỷ đồng)

Doanh thu 2.500


Chi phí:
Giá vốn dịch vụ cung cấp l.500
Bán hàng và quản lý doanh nghiệp 300
Khấu hao 200
Lãi vay 60
Thuế thu nhập doanh nghiệp 150
Tổng chi phí 2.210
Lợi nhuận sau thuế 290

Bảng cân đối kế toán - Ngày 31 tháng 12 (đơn vị tính: tỷ đồng)

Năm nay Năm ngoái


Tài sản
Tiền 50 50
Các khoản phải thu (giá trị còn lại) 350 250
Tài sản ngắn hạn khác 70 160
Máy móc (giá trị còn lại) 1.100 800
Thiết bị (giá trị còn lại) 120 100
Tài sản dài hạn khác 240 200
Tổng tài sản 1.930 1.560

Nợ phải trả và nguồn vốn chủ sở hữu


Các khoản phải trả 150 130
Thuế phải nộp 140 120
Vay (TSB) 300 200

32
Trái phiếu phải trả (đáo hạn trong 7 năm) 400 400
Tổng nợ phải trả 990 850
Cổ phiếu (1.000 cổ phiếu đang lưu hành) 100 100
Lợi nhuận chưa phân phối 840 610
Tổng vốn chủ sở hữu 940 710
Tổng nợ phải trả và vốn chủ sở hữu 1.930 1.560

33
Yêu cầu:

a. Giải thích tại sao ngân hàng TSBSM lại quan tâm đến báo cáo tài chính của doanh nghiệp và
các tỷ số tài chính trước khi gia hạn khoản vay.

b. Tính toán các tỷ số tài chính sau cho doanh nghiệp RCS:

1. Hệ số khả năng thanh toán hiện hành cho cả năm nay và năm ngoái.

2. Vòng quay các khoản phải thu cho năm nay.

3. Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cho năm nay.

4. Nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cho cả năm nay và năm ngoái.

c. Trình bày ngắn gọn những nhược điểm và khó khăn khi thực hiện phân tích tỷ số.

34

You might also like