You are on page 1of 12

TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP.

HỒ CHÍ MINH
KHOA CÁC CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO ĐẶC BIỆT

PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ

HIỆP ƯỚC CỦA WIPO


VỀ CUỘC BIỂU DIỄN VÀ BẢN GHI ÂM NĂM 1996

Lớp: 122 - AUF45

Nhóm 4

Danh sách thành viên tham gia

1. Phạm Thị Thanh Thảo 2053801011239


2. Nguyễn Hoàng Tú Anh 2053801014008
3. Trần Thị Huế Minh 2053801014150
4. Trần Nguyễn Thùy Dung 2053801014047
5. Đặng Thị Thảo Vân 2053801014304
6. Nguyễn Yến Lan 2053801015046

NĂM HỌC 2023 – 2024


MỤC LỤC
HIỆP ƯỚC CỦA WIPO VỀ CUỘC BIỂU DIỄN VÀ BẢN GHI ÂM NĂM 1996
1. Lịch sử hình thành và ý nghĩa của Hiệp ước..............................................................1
1.1. Lịch sử hình thành................................................................................................1
1.2. Ý nghĩa.................................................................................................................2
Đối với các nước thành viên....................................................................................2
Đối với Việt Nam.....................................................................................................3
2. Các nguyên tắc cơ bản của Hiệp ước..........................................................................3
Nguyên tắc đối xử quốc gia.........................................................................................3
3. Nội dung cơ bản của Hiệp ước...................................................................................4
3.1. Chủ thể hưởng bảo hộ theo Hiệp ước...................................................................4
3.2. Các quyền của người biểu diễn............................................................................4
3.3. Các quyền của nhà sản xuất bản ghi âm...............................................................5
3.4. Quyền chung của người biểu diễn và nhà sản xuất bản ghi âm...........................5
3.5. Thời hạn bảo hộ....................................................................................................5
3.6. Ngoại lệ và hạn chế của Hiệp ước........................................................................6
3.7. Bảo lưu.................................................................................................................6
4. So sánh với quy định của Công ước Rome 1961........................................................6
4.1. Về nguyên tắc cơ bản...........................................................................................7
4.2. Về chủ thể hưởng bảo hộ.....................................................................................7
4.3. Về thời hạn bảo hộ...............................................................................................8
4.4. Về vấn đề bảo lưu.................................................................................................8
4.5. Về phạm vi đối tượng bảo hộ...............................................................................9
4.6. Về các trường hợp ngoại lệ................................................................................10
HIỆP ƯỚC CỦA WIPO VỀ CUỘC BIỂU DIỄN VÀ BẢN GHI ÂM NĂM 1996

1. Lịch sử hình thành và ý nghĩa của Hiệp ước.

1.1. Lịch sử hình thành

Thế kỷ 21 là một “bức tranh” với đầy đủ các gam màu khác nhau và để xã hội phát
triển được như hiện nay, nhân loại đã phải trải qua 4 cuộc cách mạng lớn, trong đó,
Cách mạng Công nghiệp lần thứ 3 (hay còn được gọi là Cách mạng kỹ thuật số, Cách
mạng 3.0) diễn ra từ những năm 1950 đến cuối những năm 1970 chính là tiền đề mở
ra thời kỳ công nghệ số hiện đại với những thành tụ chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ
thông tin, điện toán và truyền thông. Công nghệ số ra đời lúc bấy giờ đã thay đổi sâu
sắc và toàn diện cơ sở thông tin của xã hội khi mà những dữ liệu thông tin được tạo
lập một cách nhanh chóng hơn, lưu trữ được lâu dài, phổ biến rộng rãi và sử dụng
thuận tiện hơn với các hệ thống máy tính và lưu trữ hồ sơ kỹ thuật số. Tuy nhiên, để
chương trình số hoá tài liệu có thể triển khai một cách hiệu quả trong thực tế thì có rất
nhiều vấn đề cần phải quan tâm, trong đó vấn đề pháp luật về bản quyền trong môi
trường kỹ thuật số là rất phức tạp.

Sự thuận tiện trong môi trường số giúp tạo điều kiện để người biểu diễn cũng như
những nhà sản xuất bản ghi âm có thể đưa buổi biểu diễn và bản ghi âm đến gần hơn
với công chúng. Nhưng chính sự "tiếp tay" của công nghệ cũng khiến tình trạng sao
chép, cắt, ghép các buổi biểu diễn và bản ghi âm trái phép ngày càng phổ biến và trầm
trọng hơn. Chính vì lý do đó, Hiệp ước của WIPO về cuộc biểu diễn và bản ghi âm
năm 1996 (WPPT) đã được thông qua nhằm đưa ra những quy tắc quốc tế mới cùng
các giải pháp thỏa đáng đối với những vấn đề do sự phát triển trong lĩnh vực công
nghệ tin học, truyền thông về sản xuất và sử dụng các cuộc biểu diễn, bản ghi âm.

Hiệp ước WPPT là một thỏa thuận trên cơ sở Công ước Rome về bảo hộ người biểu
diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng năm 1961, đề cập đến việc bảo hộ
cuộc biểu diễn và bản ghi âm trong môi trường số. Nếu như Hiệp ước của WIPO về
quyền tác giả năm 1996 (WCT) hướng đến việc bảo hộ quyền tác giả thì Hiệp ước của
WIPO về cuộc biểu diễn và bản ghi âm năm 1996 (WPPT) lại tập trung vào việc bảo
hộ quyền liên quan đến quyền tác giả. Hội nghị ngoại giao WIPO về các vấn đề về
quyền liên quan và quyền tác giả, tổ chức tại Geneva vào ngày 20 tháng 12 năm 1996
đã thông qua Hiệp ước của WIPO về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT). Nội dung
của Hiệp ước đề cập đến các quyền của người thụ hưởng, đặc biệt là những người biểu
diễn và nhà sản xuất bản ghi âm trong môi trường kỹ thuật số.

Sau khi được thông qua, Hiệp ước WPPT đã mở rộng việc phê chuẩn, gia nhập cho
các quốc gia thành viên của WIPO và chính thức có hiệu lực sau khi được 30 quốc gia
phê chuẩn vào ngày 20/5/2002 và tới nay đã có 111 quốc gia thành viên.

1
Nhằm tăng cường bảo vệ các quyền liên quan của người biểu diễn và nhà sản xuất bản
ghi âm trong môi trường kỹ thuật số, đồng thời đáp ứng các cam kết của Việt Nam
trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết gần đây,
ngày 1/4/2022 tại trụ sở Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ở Geneva, Thụy Sĩ,
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh
Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại
Geneva đã trao Văn kiện Việt Nam gia nhập Hiệp ước WIPO về buổi biểu diễn và bản
ghi âm (WPPT) cho Tổng Giám đốc WIPO Daren Tang để lưu chiểu. Và từ ngày
01/7/2022, các quy định của Hiệp ước WPPT sẽ chính thức có hiệu lực đối với Việt
Nam.

Có thể thấy, mỗi hiệp ước, công ước đều có những ý nghĩa nhất định đối với từng
quốc gia thành viên, vậy điều gì đã thúc đẩy Việt Nam gia nhập Hiệp ước WPPT?

Vấn đề này phát sinh từ khi Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình
Dương (TPP) vào năm 2016, sau này được đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện
và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo cách tiếp cận được áp dụng trong
Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp
định TRIPS), Hiệp định CPTPP yêu cầu các bên tham gia hoặc phê chuẩn một số hiệp
ước quan trọng về sở hữu trí tuệ. Căn cứ vào thời gian các bên phải thực hiện nghĩa vụ
này, các điều ước quốc tế trong Hiệp định CPTPP theo quy định tại Điều 18.7 được
chia thành hai nhóm:

+ Nhóm thứ nhất, yêu cầu mỗi Bên phải đã phê chuẩn hoặc tham gia các hiệp định
sau: Hiệp ước Hợp tác về bằng sáng chế, sửa đổi bổ sung ngày 28 tháng 9 năm 1979;
Công ước Paris và Công ước Berne.

+ Nhóm thứ hai, yêu cầu mỗi Bên phải phê chuẩn hoặc tham gia vào các thỏa thuận
sau đây (nếu chưa tham gia) trước thời điểm Hiệp định này có hiệu lực đối với các
Bên liên quan: Nghị định thư Madrid, Hiệp ước Budapest, Hiệp ước Singapore,
UPOV 1991, WCT và WPPT.

Điều này đồng nghĩa với việc Hiệp định CPTPP yêu cầu các bên phải là thành viên
của Hiệp ước WPPT. Và do Việt Nam đã phê chuẩn CPTPP và hiệp định này có hiệu
lực tại Việt Nam vào tháng 1/2019 nên việc gia nhập Hiệp ước WPPT của Việt Nam
dường như là một kết quả tất yếu cho các nghĩa vụ trong Hiệp định CPTPP.

1.2. Ý nghĩa

Đối với các nước thành viên

Hiệp ước của WIPO về cuộc biểu diễn và bản ghi âm năm 1996 (WPPT) đã tạo ra
khung pháp lý quốc tế chung để bảo hộ các quyền của người biểu diễn và nhà sản xuất
bản ghi âm một cách có hiệu quả và đồng bộ nhất. Hiệp ước này giúp các quốc gia
2
thành viên bảo đảm được quyền của người biểu diễn và nhà sản xuất bản ghi âm một
cách có hiệu quả và đồng bộ nhất khi các buổi biểu diễn và bản ghi âm của họ được
biểu diễn và phân phối trên phạm vi quốc tế.

Đồng thời, Hiệp ước WPPT còn là động lực thúc đẩy phát triển các hoạt động sáng tạo
và khai thác sử dụng cuộc biểu diễn, bản ghi âm mang tính quốc tế để từ đó góp phần
tăng cường quản lý, thực thi bảo hộ các cuộc biểu diễn, bản ghi âm được sáng tạo, lưu
trữ, phổ biến và sử dụng trên môi trường mạng Internet.

Đối với Việt Nam

Việc gia nhập Hiệp ước WPPT hứa hẹn tạo nền tảng pháp lý hữu hiệu cho Việt Nam
trong việc đảm bảo nghệ sĩ và nhà sản xuất bản ghi âm trong nước trên môi trường kỹ
thuật số khỏi tình trạng sao chép, phân phối và sử dụng trái phép.

Ngoài ra, việc gia nhập Hiệp ước WPPT dự kiến cũng sẽ kéo theo gia tăng việc làm và
ảnh hưởng tích cực tới nền kinh tế trong nước khi mà ngành công nghiệp sáng tạo
đang ngày càng đóng vai trò chủ đạo trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại Việt
Nam. Từ đó thông qua việc đầu tư vào ngành giải trí, tạo cơ hội để cuộc biểu diễn và
bản ghi âm của Việt Nam được phân phối và thương mại hóa trên thị trường quốc tế,
thúc đẩy sự hợp tác văn hóa với các nước trên thế giới.

Hơn nữa, việc gia nhập WPPT cũng góp phần thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển nền văn
hóa đại chúng, kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa, nghệ thuật với kinh tế và công nghệ,
đồng thời cũng góp phần tạo ra hành lang pháp lý cho ngành thương mại điện tử quốc
tế được phát triển một cách lành mạnh.

2. Các nguyên tắc cơ bản của Hiệp ước

Nguyên tắc đối xử quốc gia

Mặc dù Hiệp ước của WIPO về cuộc biểu diễn và bản ghi âm năm 1996 (WPPT) là
một thỏa thuận trên cơ sở Công ước Rome về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất
bản ghi âm và tổ chức phát sóng năm 1961, tuy nhiên nó không kế thừa toàn bộ những
quy tắc nền tảng đã được xác lập trong Công ước Rome mà chỉ thừa hưởng và sử
dụng xuyên suốt duy nhất nguyên tắc đối xử quốc gia một cách khá hạn chế bằng cách
thiết lập điều kiện kèm theo là các quyền được cấp cụ thể. Cụ thể, theo quy định tại
Điều 4 Hiệp ước của WIPO về cuộc biểu diễn và bản ghi âm năm 1996 (WPPT) thì:

“(1) Mỗi Bên ký kết sẽ dành cho công dân của Các Bên ký kết khác, như đã định
nghĩa ở Điều 3(2), sự đối xử mà Bên đó dành cho chính công dân của nước mình đối
với các quyền độc quyền được quy định cụ thể trong Hiệp ước này, và đối với quyền
hưởng thù lao thỏa đáng được quy định tại Điều 15 của Hiệp ước này.

3
(2) Nghĩa vụ quy định tại Khoản (1) không áp dụng tới mức mà Bên ký kết khác lợi
dụng những bảo lưu được phép theo quy định của Điều 15 (3) của Hiệp ước này.”

Theo đó, một nước thành viên sẽ dành cho công dân của các nước thành viên khác sự
đối xử mà nước đó dành cho chính công dân của nước mình đối với các quyền độc
quyền được quy định cụ thể trong Hiệp định này, và đối với quyền hưởng thù lao thỏa
đáng được quy định tại Điều 15 của Hiệp định này. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc
nguyên tắc đối xử quốc gia được đề cập trong Hiệp ước WPPT này chỉ áp dụng đối
với các quyền mà Hiệp định đã quy định mà thôi.

3. Nội dung cơ bản của Hiệp ước

Như đã đề cập ở trên, Hiệp ước WPPT là một thỏa thuận trên cơ sở Công ước Rome
về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng, đề cập đến
việc bảo hộ cuộc biểu diễn và bản ghi âm trong môi trường số. Với lời mở đầu cùng
với 5 chương và 33 Điều, Hiệp ước WPPT đã nhấn mạnh đến việc áp dụng các quy
định về bảo hộ cuộc biểu diễn và bản ghi âm trong môi trường số cũng như quy định
việc áp dụng các biện pháp công nghệ và thông tin quản lý quyền. Theo đó, các quy
định của Hiệp ước WPPT liên quan tới “chương trình kỹ thuật số” chủ yếu đề cập đến
các quyền áp dụng đối với việc lưu giữ và truyền các buổi trình diễn và bản ghi âm
trong các hệ thống kỹ thuật số, các giới hạn và ngoại lệ đối với các quyền trong một
môi trường kỹ thuật số, các giải pháp công nghệ của việc bảo hộ các quyền quản lý
thông tin.

3.1. Chủ thể hưởng bảo hộ theo Hiệp ước

Theo quy định tại Điều 3 Hiệp ước WPPT thì Hiệp ước này sẽ dành sự bảo hộ cho
những người biểu diễn và những nhà sản xuất bản ghi âm là công dân của các nước
thành viên khác, khi họ có đủ điều kiện bảo hộ theo quy định của Công ước Rome.
Hay nói cách khác, Hiệp ước WPPT sẽ áp dụng các tiêu chuẩn của Công ước Rome
trong việc xác định tư cách hưởng quyền.

3.2. Các quyền của người biểu diễn

Tại Chương 2, Hiệp ước WPPT quy định các quyền của người biểu diễn bao gồm các
quyền tinh thần, quyền kinh tế như quyền sao chép, quyền phân phối, quyền cho thuê
và đặc biệt là quyền cung cấp các buổi biểu diễn đã được định hình. Đây là quy định
liên quan tới sự truyền dẫn qua các phương tiện hữu tuyến và vô tuyến được nêu tại
các Điều 10 và Điều 14 (quyền của nhà sản xuất bản ghi âm), theo đó, người trình
diễn và nhà sản xuất bản ghi âm được “quyền tuyệt đối trong việc cho phép truyền bá
tới công chúng” các buổi trình diễn định hình của mình trong các bản ghi âm và các
bản ghi âm của mình, “bằng phương tiện có dây hoặc không dây, theo cách thức mà
công chúng có thể tiếp cận được từ địa điểm và vào thời gian mà họ lựa chọn riêng”.

4
Về quyền nhân thân: Người biểu diễn có quyền yêu cầu được công nhận là người biểu
diễn của buổi biểu diễn của mình; quyền phản đối bất ký sự bóp méo, cắt xén hoặc các
sửa đổi khác đối với buổi biểu diễn của người biểu diễn mà có thể phương hại đến
thanh danh của họ (Điều 5.1 Hiệp ước WPPT). Đồng thời, thời hạn của quyền nhân
thân kể trên sẽ được duy trì sau khi tác giả chết, ít nhất cho đến hết thời hạn hưởng
quyền tài sản và có thể được thi hành bởi cá nhân hoặc tổ chức được phép theo luật
pháp của nước nơi có yêu cầu bảo hộ. Tuy nhiên, thời hạn này có thể chấm dứt sau khi
người biểu diễn chết nếu luật pháp của quốc gia có quy định như vậy (Điều 5.2 Hiệp
ước WPPT).

Về quyền tài sản: Người biểu diễn được độc quyền cho phép: (i) phát sóng và truyền
đạt tới công chúng buổi biểu diễn chưa được định hình của mình trừ khi buổi biểu
diễn cũng chính là buổi biểu diễn phát sóng, và (ii) định hình buổi biểu diễn chưa
được định hình của mình (Điều 6 Hiệp ước WPPT).

3.3. Các quyền của nhà sản xuất bản ghi âm

Tại chương 3, Hiệp định WPPT quy định các quyền đối với nhà sản xuất các bản ghi
âm, cụ thể, bên cạnh quyền phân phối và quyền cung cấp bản ghi âm tương tự như các
quyền của người biểu diễn được đề cập ở trên thì quyền sao chép và quyền cho thuê
tại Điều 11 và 13 cũng được quy định tương tự như các quyền đã được quy định theo
Thỏa ước TRIPs tại các Điều 14.2 và 14.4.

3.4. Quyền chung của người biểu diễn và nhà sản xuất bản ghi âm

Nhìn chung, cơ sở pháp lý tại Điều 15 Hiệp ước WPPT trên thực tế quy định một loại
quyền tương tự về tiền thù lao đối với người biểu diễn và nhà sản xuất bản ghi âm như
đã được đề cập tại Điều 12 của Công ước Rome và với một phạm vi các hạn chế
tương tự như theo quy định tại Điều 16.1(a) của Công ước Rome. Tuy nhiên, có một
điểm khác biệt giữa hai văn kiện quốc tế này, trong khi Hiệp ước WPPT trao quyền
cho luật quốc gia quyết định quyền này sẽ được trao cho người biểu diễn, người sản
xuất hay cả hai, thì Công ước Rome lại quy định rằng quyền hưởng thù lao đối với
người biểu diễn và nhà sản xuất bản ghi âm này phải được trao cho cả hai, dưới hình
thức một lần trả thù lao hợp lý.

3.5. Thời hạn bảo hộ

Theo quy định tại Điều 17 Hiệp định WIPO về trình diễn và các bản ghi âm (WPPT)
thì “thời hạn bảo hộ đối với người biểu diễn sẽ kéo dài ít nhất đến hết 50 năm tính từ
khi kết thúc năm mà buổi trình diễn được định hình trong một bản ghi”. Theo đó, thời
hạn bảo hộ các bản ghi âm này khác với thời hạn được quy định tại Hiệp định TRIPs,
nếu theo Điều 14.5 Hiệp định TRIPs, thời hạn 50 năm luôn được tính từ khi kết thúc
năm mà việc ghi âm được thực hiện, thì theo Điều 17(2) Hiệp ước WPPT thời hạn này

5
được tính từ khi kết thúc năm mà bản ghi âm được công bố, và chỉ khi không có công
bố thì nó mới được tính theo Hiệp định TRIPs, do việc công bố thông thường sẽ được
thực hiện sau khi định vị bản ghi, nên nhìn chung, thời hạn theo Hiệp ước WPPT có
phần dài hơn.

3.6. Ngoại lệ và hạn chế của Hiệp ước

Theo quy định tại Điều 16.1 Hiệp ước WPPT thì các quốc gia ký kết có thể “quy định
các hạn chế và ngoại lệ tương tự đối với việc bảo hộ người biểu diễn và nhà sản xuất
bản ghi âm tương tự như đã quy định trong luật quốc gia mình về bảo hộ quyền tác
giả đối với các tác phẩm văn học và nghệ thuật”.

“(2) Các Bên ký kết chỉ quy định các hạn chế hoặc ngoại lệ đối với các quyền được
quy định trong Hiệp ước này trong các trường hợp đặc biệt cụ thể không mâu thuẫn
với việc khai thác bình thường buổi biểu diễn hoặc bản ghi âm và không làm phương
hại bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của người biểu diễn hoặc của nhà sản xuất bản
ghi âm.”

Theo đó, Hiệp ước WPPT cho phép quốc gia thành viên quy định các trường ngoại lệ
và hạn chế trong việc bảo hộ người biểu diễn và nhà sản xuất bản ghi âm tuy nhiên chỉ
đối với một số trường hợp nhất định, đồng thời phải nội luật hóa hệ thống pháp luật
quốc gia của mình một cách phù hợp nhất và đảm bảo bám sát tinh thần của Hiệp ước
này, không gây mâu thuẫn với việc khai thác bình thường buổi biểu diễn hoặc bản ghi
âm và không làm phương hại bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của người biểu diễn
hoặc của nhà sản xuất bản ghi âm.

3.7. Bảo lưu

Tại Điều 21 Hiệp ước WPPT 1996 quy định: “Theo các quy định của Điều 15(3),
không một bảo lưu nào đối với Hiệp ước được chấp thuận.” Có thể thấy, Hiệp ước
WPPT chỉ chấp nhận duy nhất một trường hợp yêu cầu bảo lưu được quy định tại
Điều 15.3 Hiệp ước WPPT về quyền hưởng thù lao tương xứng từ việc sử dụng thứ
cấp các bản ghi âm được xuất bản vì mục đích thương mại. Như vậy, chỉ có một
trường hợp bảo lưu duy nhất được chấp thuận khi các quốc gia thành viên của Hiệp
ước này thông qua thư báo gửi Tổng Giám đốc của WIPO để tuyên bố rằng nước
mình sẽ chỉ áp dụng các quy định của Điều 15.1 Hiệp ước WPPT 1996 trong một số
trường hợp sử dụng nhất định, hoặc tuyên bố rằng nước mình sẽ hạn chế việc áp dụng
các quy định đó theo một số cách thức khác, hoặc tuyên bố rằng nước mình sẽ không
áp dụng tất cả các quy định này.

4. So sánh với quy định của Công ước Rome 1961

Hiệp ước WPPT là một thỏa thuận trên cơ sở Công ước Rome về bảo hộ người biểu
diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng, đề cập đến việc bảo hộ cuộc biểu
6
diễn và bản ghi âm trong môi trường số. Do đó, việc Công ước Rome và Hiệp ước
WPPT có mối liên hệ mật thiết với nhau là điều tất yếu, giữa hai văn kiện quốc tế này
tồn tại những điểm tương đồng và khác biệt nhất định, được đề cập và phân tích dưới
đây:

4.1. Về nguyên tắc cơ bản

Theo quy định tại Điều 4 Hiệp ước WPPT 1996 thì:

“Mỗi Bên ký kết sẽ dành cho công dân của Các Bên ký kết khác, như đã định nghĩa ở
Điều 3(2), sự đối xử mà Bên đó dành cho chính công dân của nước mình đối với các
quyền độc quyền được quy định cụ thể trong Hiệp ước này, và đối với quyền hưởng
thù lao thỏa đáng được quy định tại Điều 15 của Hiệp ước này.”

Và theo quy định tại Điều 2 Công ước Rome thì:

“1. Trong Công ước này, đối xử quốc gia được hiểu là sự đối xử theo luật quốc gia
của Nước thành viên nơi có yêu cầu bảo hộ dành cho:

a) Những người biểu diễn là công dân của Nước đó, đối với các buổi biểu diễn được
thực hiện, phát sóng hoặc định hình lần đầu tại lãnh thổ Nước đó;

b) Các nhà sản xuất bản ghi âm là công dân của Nước đó, đối với các bản ghi âm
được định hình lần đầu hay công bố lần đầu trên lãnh thổ Nước đó;

c) Tổ chức phát sóng có trụ sở tại lãnh thổ Nước đó, đối với các buổi phát sóng được
truyền từ các đài phát đặt tại lãnh thổ Nước đó.

2. Đối xử quốc gia phải tùy thuộc vào sự bảo hộ được cấp cụ thể và các hạn chế quy
định cụ thể trong Công ước này.”

Nhìn chung, dù có sự khác nhau trong cách diễn đạt nhưng có thể thấy Công ước
Rome và Hiệp ước WPPT đều dựa trên nguyên tắc đối xử quốc gia, nhằm hướng tới
việc tạo ra sự bình đẳng pháp lý giữa công dân các nước thành viên với công dân nước
sở tại trong lĩnh vực xác lập và bảo hộ quyền. Tuy nhiên, phạm vi của việc áp dụng
nguyên tắc này trong hai văn kiện lại có sự khác biệt. Nếu như Công ước Rome là
công ước duy nhất quy định nguyên tắc đối xử quốc gia được áp dụng nghiêm ngặt,
toàn diện với các quyền trong Công ước, thì Hiệp ước WPPT lại hạn chế trong việc áp
dụng nguyên tắc đối xử quốc gia khi chỉ cho phép áp dụng đối với các quyền mà Hiệp
định đã quy định cụ thể.

4.2. Về chủ thể hưởng bảo hộ

Công ước Rome 1961 xác lập chủ thể được hưởng bảo hộ theo quy định tại Điều 2.1
là người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng. Trong khi chủ thể

7
hưởng bảo hộ mà Hiệp ước WPPT 1996 hướng tới chỉ bao gồm người biểu diễn và
nhà sản xuất bản ghi âm, chứ không đề cập đến tổ chức phát sóng.

4.3. Về thời hạn bảo hộ

Hiệp ước WPPT 1996 quy định về thời điểm bảo hộ tại Điều 17, cụ thể như sau:

“(1) Thời hạn bảo hộ dành cho người biểu diễn theo Hiệp ước này kéo dài ít nhất cho
đến khi kết thúc thời hạn 50 năm, tính từ khi kết thúc năm mà buổi biểu diễn đã được
định hình trong bản ghi âm.

(2) Thời hạn bảo hộ dành cho nhà sản xuất bản ghi âm theo Hiệp ước này kéo dài ít
nhất cho đến khi kết thúc thời hạn 50 năm, tính từ khi kết thúc năm mà bản ghi âm đã
được công bố, hoặc nếu không có việc công bố này trong vòng 50 năm kể từ khi định
hình bản ghi âm, 50 năm tính từ khi kết thúc năm mà việc định hình được thực hiện.”

Và Công ước Rome quy định về thời hạn bảo hộ tối thiểu tại Điều 14 như sau:

“Thời hạn bảo hộ được hưởng theo Công ước này phải kéo dài ít nhất cho đến khi hết
thời hạn là 20 năm kể từ khi kết thúc của năm mà:

a) Việc định hình bản ghi âm được thực hiện - đối với các bản ghi âm và đối với các
buổi biểu diễn được định hình trong đó.

b) Buổi biểu diễn được tiến hành - đối với các buổi biểu diễn không được định hình
trong các bản ghi âm.

c) Buổi phát sóng được thực hiện- đối với các buổi phát sóng.”

Có thể thấy, thời hạn bảo hộ của Hiệp ước WPPT được kéo dài hơn so với thời hạn
của các đối tượng được bảo hộ trong Công ước Rome. Đây được xem là điểm tiến bộ
mới nổi bật của Hiệp ước WPPT so với Công ước Rome. Lý giải cho sự chênh lệch
trong việc quy định thời hạn bảo hộ có thể đề cập đến bối cảnh ra đời của hai văn bản
pháp lý quốc tế này cũng góp phần dẫn đến sự khác biệt nêu trên. Trong khi Công ước
Rome ra đời năm 1961 trong tình hình thế giới còn nhiều căng thẳng và chưa ổn định,
việc tiếp cận các sản phẩm sở hữu trí tuệ còn nhiều hạn chế, thì Hiệp ước WPPT, là
một thỏa thuận dựa trên các nguyên tắc cơ bản của Công ước Rome và các quy định
của Công ước Berne 1971 ra đời trong giai đoạn hòa bình ổn định hội nhập của xu
hướng toàn cầu hóa cũng như kỷ nguyên công nghệ thông tin, việc tiếp cận các sản
phẩm trí tuệ đã trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn, điều này đã đặt ra nhiều vấn đề
mới mà một trong số đó là cần bảo hộ về quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả,
tác phẩm có liên quan. Việc thay đổi thời hạn bảo hộ từ 20 lên 50 năm đã cho thấy
việc cập nhật cho phù hợp với xu thế của thời đại cũng như kịp thời điều chỉnh và đảm
bảo được quyền lợi của các bên liên quan.

8
4.4. Về vấn đề bảo lưu

Theo quy định tại Điều 21 Hiệp ước WPPT 1996 thì:

“Theo các quy định của Điều 15(3), không một bảo lưu nào đối với Hiệp ước được
chấp thuận.”.

Trong khi đó, Điều 16 Công ước Rome 1961 lại quy định:

“1. Bất kỳ Nước nào khi trở thành thành viên Công ước này đều bị ràng buộc bởi tất
cả các nghĩa vụ và được hưởng tất cả các lợi ích của Công ước. Tuy nhiên, một Nước
có thể, vào bất kỳ thời điểm nào trong một thông báo gửi tới Tổng Thư ký Liên Hiệp
quốc tuyên bố rằng:

a) Đối với Điều 12:

b) Đối với Điều 13, …”

Theo đó, Công ước Rome 1961 có phạm vi bảo lưu rộng hơn Hiệp ước WPPT 1996
khi chấp nhận trường hợp quốc gia nếu trở thành thành viên của Công ước này sẽ
được quyền bảo lưu đối với Điều 12 (Sử dụng lại bản ghi âm) và Điều 13 (Quyền tối
thiểu của các tổ chức phát sóng), trong khi Hiệp ước WPPT chỉ chấp nhận duy nhất
trường hợp yêu cầu bảo lưu được quy định tại Điều 15.3 Hiệp ước WPPT về quyền
hưởng thù lao tương xứng từ việc sử dụng thứ cấp các bản ghi âm được xuất bản vì
mục đích thương mại, tuy nhiên quy định này lại không tạo nên tính mới vì bản chất
vấn đề pháp lý này đã được đề cập và bảo lưu theo Điều 16 của Công ước Rome cũng
liên quan đến quyền được hưởng mức thù lao tương xứng.

4.5. Về phạm vi đối tượng bảo hộ

Theo quy định tại Điều 3(c) Công ước Rome 1961 thì: “Nhà sản xuất bản ghi âm là
một cá nhân hoặc pháp nhân định hình âm lần đầu âm thanh của buổi biểu diễn hoặc
các âm thanh khác”. Theo đó, do Công ước Rome định nghĩa bản ghi âm là “bản định
hình thuần túy về âm thanh của các âm thanh của buổi biểu diễn hoặc các âm thanh
khác” (Điều 3(b) Công ước Rome 1961) nên Công ước này không dành sự bảo hộ cho
nhà sản xuất nhạc nền của một bộ phim điện ảnh. Trong khi đó theo quy định tại Điều
2(d) Hiệp ước WPPT 1996 thì “nhà sản xuất bản ghi âm là cá nhân hoặc pháp nhân
khởi xướng và có trách nhiệm đối với việc định hình lần đầu tiên những âm thanh
biểu diễn hoặc những âm thanh khác, hoặc sự tái hiện lại của những âm thanh đó”,
đồng thời Hiệp ước WPPT cũng lặp lại khái niệm về “bản ghi âm” tại Điều 2(b) bằng
cách diễn đạt có chút khác biệt, cụ thể “bản ghi âm là bản định hình các âm thanh
biểu diễn hoặc các âm thanh khác, hoặc việc định hình sự tái hiện lại của các âm

9
thanh, không phải dưới hình thức định hình gắn với tác phẩm điện ảnh hoặc tác phẩm
nghe nhìn khác”. Có thể thấy, kế thừa tinh thần của Công ước Rome, Hiệp ước WPPT
tiếp tục xác lập rõ việc không bảo hộ cho các âm thanh dưới hình thức định hình gắn
với tác phẩm điện ảnh hoặc tác phẩm nghe nhìn khác. Ngoài ra, việc đề cập đến “sự
tái hiện lại của âm thanh” trong Hiệp ước WPPT mang tính tiến bộ kỹ thuật hơn so
với Công ước Rome khi có bao gồm thêm các âm thanh do máy tính tạo ra hoặc được
sửa đổi bằng bộ tổng hợp và các thiết bị khác thuộc loại này. Bên cạnh đó, thuật ngữ
“nhà sản xuất bản ghi âm” cũng được Hiệp ước WPPT đề cập chính xác hơn khi cá
nhân hoặc pháp nhân phải chủ động khởi xướng và chịu trách nhiệm về việc định hình
lần đầu tiên các âm thanh phát ra từ việc diễn giải hoặc biểu diễn trên bản ghi âm.

4.6. Về các trường hợp ngoại lệ

Theo quy định tại Điều 19 Công ước Rome 1961 thì “một khi người biểu diễn đã đồng
ý đưa buổi biểu diễn của mình vào một bản ghi hình hoặc bản định hình nghe - nhìn ,
Điều 7 không được áp dụng tiếp”. Điều này có nghĩa là Công ước Rome bảo vệ
quyền của người biểu diễn và quản lý việc sử dụng buổi biểu diễn của họ, tuy nhiên,
quyền bảo hộ này sẽ chấm dứt ngay sau khi có sự chấp thuận của người biểu diễn.
Như vậy, Công ước Rome đã mở ra quyền từ chối được bảo hộ cho người biểu diễn,
trong khi Hiệp ước WPPT 1996 lại không đề cập đến vấn đề này.

Ngoài ra, Công ước Rome và Hiệp ước WPPT đều cho phép bất kỳ quốc gia thành
viên có thể quy định trong luật quốc gia của mình về các ngoại lệ đối với sự bảo hộ
được quy định tại Điều 15 Công ước Rome 1961 và Điều 16 của Hiệp ước WPPT.
Tuy nhiên, có một sự khác biệt là tại Điều 15.1 Công ước Rome còn quy định các hạn
chế đặc biệt, độc lập so với các quy định trong các luật quốc gia liên quan tới việc bảo
hộ quyền tác giả. Ví dụ, việc sử dụng các trích đoạn ngắn để báo cáo về các sự kiện
hiện tại và việc ghi nhanh tạm thời của các tổ chức phát sóng cũng được quy định
trong Công ước Berne và khả năng hạn chế đối với việc sử dụng cá nhân mà không có
bất kỳ điều kiện gì tiếp theo, thì không phải là đối tượng phải “kiểm tra ba bước”
(“three-step test”).

Từ những lập luận trên, có thể thấy mặc dù có những điểm khác biệt nhưng mục đích
của bản Hiệp ước WPPT và Công ước Rome đều nhằm bảo hộ quyền và lợi ích người
biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng, bảo hộ cuộc biểu diễn và bản
ghi âm trong môi trường số.

10

You might also like