You are on page 1of 12

ĐỊNH HƯỚNG GIÁ TRỊ TÌNH YÊU CỦA SINH VIÊN

TRƯỜNG ĐẠI HỌC GIÁO DỤC-ĐHQGHN

Tô Thu Hà
Lớp: QH2019S-Tham vấn học đường
Tạ Thu Hà
Lớp: QH2018S-Sư Phạm Ngữ văn
Khuất Thị Hà Trang
Lớp: QH2017S-Sư phạm Ngữ Văn
GVHD: TS. Hoàng Gia Trang
I. ĐẶT VẤN ĐỀ.
Khi xã hội ngày càng phát triển, định hướng giá trị con người dần thay đổi đặc
biệt thế hệ trẻ. Nổi bật nhất trong xã hội hiện nay là hiện tượng “cha nuôi, con nuôi”
có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường. Một số những bạn trẻ cần tiền để đáp ứng
nhu cầu cuộc sống, còn người mang danh nghĩa “Cha nuôi” muốn đáp ứng nhu cầu
tình dục. Xuất phát từ mong muốn đó, không ít bộ phận thế hệ trẻ dám đánh đổi để
đáp ứng nhu cầu bản thân. Điều đó cho thấy rằng, định hướng giá trị trong tình yêu
đã dần thay đổi và để lại những hậu quả đáng tiếc. Một nghiên cứu nổi bật của tác giả
Lê Nguyễn Anh Như “Định hướng giá trị trong tình yêu của sinh viên một số trường
đại học tại thành phố Hồ Chí Minh, năm 2013”[1] đã thực hiện nghiên tại ba trường
đại học gồm: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, trường Đại học Khoa
học Tự nhiên và trường Đại học Công nghệ (nhóm ngành Kinh tế). Nghiên cứu đã
đưa ra thực trạng định hướng giá trị trong tình yêu của sinh viên một số trường tại
thành phố Hồ Chí Minh trong đó sinh viên đề cao tiêu chí chọn bạn đời là chung thủy
và đưa ra biện pháp định hướng chuẩn mực, phù hợp trong việc rèn luyện và học tập.
Nghiên cứu của tác giả Nguyễn Ngọc Lẹ “Định hướng giá trị trong tình yêu-hôn nhân
và gia đình của sinh viên Đại học Cần Thơ, 2014”[2] đã đưa ra giá trị xếp hạng cao
nhất trong tình yêu là sự chung thủy. Nghiên cứu cũng cho thấy rõ định hướng giá trị,
quan điểm của sinh viên về tình yêu, sự gắn kết giữa ba yếu tố: tình yêu, hôn nhân và

310
gia đình trong quan niệm của sinh viên. Một nghiên cứu của tác giả Võ Nữ Hải Yến
“Định hướng giá trị trong việc lựa chọn bạn đời của sinh viên Trường Đại học Khoa
học, Trường Đại học Huế hiện nay, 2020”[3]đã chỉ ra rõ những giá trị trong việc lựa
chọn bạn đời của sinh viên. Nghiên cứu cũng chỉ rõ những quan điểm của sinh viên
về tình yêu nhằm xây dựng hệ tiêu chuẩn phù hợp với mỗi cá nhân sinh viên trong
quan niệm về lựa chọn bạn đời tương lai.
Dựa trên kết quả nghiên cứu, bài viết tập trung nghiên cứu tổng quan định hướng
giá trị trong tình yêu của sinh viên hiện nay. Bên cạnh đó, tình yêu và học tập là
những vấn đề quan trọng đối với mỗi sinh viên lẫn xã hội vì thành tích học tập và quá
trình rèn luyện của sinh viên là cơ sở bên trong của hành vi, quyết định lối sống cá
nhân, định hướng giá trị trong tình yêu của sinh viên hiện nay. Kết quả học tập không
chỉ là quá trình nỗ lực của sinh viên mà nó còn là một trong những tiêu chí giúp sinh
viên đưa ra sự lựa chọn bạn đời trong tương lai. Chúng tôi cũng đã tiến hành phỏng
vấn sâu sinh viên Trường Đại học Giáo dục-ĐHQHN về quan điểm, định hướng giá
trị của sinh viên trong tình yêu. Như vậy, ĐHGT trong tình yêu là nền tảng vững chắc
giúp sinh viên xây dựng được hạnh phúc, là động lực để mỗi sinh viên phát huy tinh
thần học tập tích cực, nỗ lực vượt qua những khó khăn trong cuộc sống cũng như
không ngừng học hỏi để hoàn thiện bản thân về đạo đức, phẩm chất và trí tuệ.
II. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU.
2.1. Phương pháp nghiên cứu tài liệu
Nghiên cứu này, chúng tôi tổng hợp các công trình nghiên cứu đã xuất bản trong
khoảng 10 năm trở lại đây (2010-2020) liên quan đến định hướng giá trị trong tình
yêu của sinh viên. Các từ khóa được sử dụng tìm kiếm: giá trị, định hướng giá trị,
định hướng giá trị trong tình yêu, value, Worth love trên ứng dụng google scholar.
Sau khi tìm kiếm, chúng tôi đã chọn lọc và tổng hợp được 5 bài báo khoa học
liên quan đến định hướng giá trị, 3 bài báo khoa học liên quan trực tiếp đến định
hướng giá trị trong tình yêu của sinh viên. Các bài báo khoa học đảm bảo được tiêu
chí 10 năm trở lại đây (2010-2020).

311
2.2. Phương pháp phỏng vấn
Để bổ trợ cho nghiên cứu khách quan, chúng tôi đã tiến hành phỏng vấn sâu 30
sinh viên Trường Đại học Giáo dục-ĐHQGHN về định hướng giá trị trong tình yêu
của sinh viên hiện nay. Một bộ câu hỏi đã được đưa ra để phỏng vấn sinh viên Trường
Đại học Giáo dục-ĐHQGHN về định hướng giá trị trong tình yêu của sinh viên. Cụ
thể như sau:
1. Quan điểm của bạn về tình yêu là gì?
2. Trong tình yêu, tiêu chí quan trong nhất để bạn lựa chọn người bạn đời của
mình gì?
3. Theo bạn yếu tố nào là thước đo để bạn lựa chọn người bạn đời của mình?
4. Theo bạn khi yêu có ảnh hưởng gì đến học tập không? Tại sao? Nếu có bạn
hãy cho 1 số giải pháp giúp cân bằng giữa tình yêu và học tập hiệu quả?
5. Hiện nay, chúng ta thấy hiện tượng “sugar baby” “Sugar daddy” đang xuất
hiện ở 1 bộ phận sinh viên. Bạn nghĩ sao về vấn đề này? Theo bạn Nhà trường có cần
mở các lớp tập huấn về định hướng giá trị phù hợp cho sinh viên giúp sinh viên có
cái nhìn đúng đắn hơn trong tình yêu không? Vì sao?
III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU.
Thứ nhất, nghiên cứu về định hướng giá trị trong tình yêu của sinh viên được
chú ý nhiều hơn ở Việt Nam: tại một số trường ở Tp. Hồ Chí Minh, TP. Huế, Cần
Thơ. Cụ thể cả bài chúng tôi tổng hợp đều được nghiên cứu ở khu vực miền Nam
Việt Nam.
Thứ hai, nghiên cứu đa phần được tìm hiểu trên nhóm người từ 18-25 tuổi, có
5/8 số nghiên cứu được đưa ra. Định hướng giá trị trong tình yêu của sinh viên được
khai thác với nhiều khía cạnh như: Giá trị, định hướng giá trị, định hướng giá trị trong
tình yêu.
Thứ ba, các nghiên cứu đều chỉ ra: đặc điểm tâm sinh lí của sinh viên, các tiêu
chí chọn bạn đời của sinh viên; các yếu tố ảnh hưởng đến định hướng giá trị của sinh
viên: gia đình, nhà trường, xã hội, môi trường sinh sống và học tập. Theo tác giả Lê

312
Nguyễn Anh Như (2013)[1] sinh viên chịu nhiều áp lực từ nhiều phía nên sự có thay
đổi các giá trị, đặc biệt là giá trị trong tình yêu.
Thứ tư, đa số các nghiên cứu sử dụng phương pháp điều tra bảng hỏi (5/5 nghiên
cứu). Ngoài ra, có 2/5 nghiên cứu có sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính như
phỏng vấn sâu kết hợp với điều tra bảng hỏi.
Khi các nghiên cứu sử dụng bảng hỏi và kết hợp phỏng vấn sâu mang lại hiệu
quả, chất lượng cao, tăng tính chân thực. Việc khảo sát đó khai thác quy mô lớn số
lượng của sinh viên về định hướng giá trị trong tình yêu. Việc phỏng vấn sâu cung
cấp thêm thông tin, những chia sẻ, quan điểm của sinh viên về tình yêu, định hướng
giá trị tình yêu.
Thứ năm, chúng tôi sau khi tổng hợp các công trình nghiên cứu đã được công
bố, đã tiến hành phỏng vấn sâu sinh viên Trường Đại học Giáo dục-ĐHQGHN về
định hướng giá trị trong tình yêu của sinh viên. Theo kết quả phỏng vấn đối với sinh
viên trường Đại học Giáo dục- ĐHQGHN như sau:
3.1. Về phương diện nhận thức giá trị trong tình yêu của sinh viên
Theo nghiên cứu của tác giả Lê Nguyễn Anh Như (2013)[1] nghiên cứu trên ba
yếu tố theo phân loại của Robert Sternberg: giá trị gắn bó, giá trị tình dục, giá trị cam
kết thì kết quả nghiên cứu cho thấy, “nhóm giá trị gắn bó được coi trọng hơn cả, kế
đến là giá trị cam kết và cuối cùng là giá trị tình dục. Điều này cho thấy sinh viên
hiện nay tuy có quan tâm đến nhóm giá trị tình dục nhưng không quá đề cao nó mà
lại đề cao các giá trị tinh thần trong tình yêu – những giá trị giúp họ xây dựng, duy
trì mối quan hệ bền vững, thân thiết.” (trang 46)
Khi được phỏng vấn về quan điểm của các bạn SV trong tình yêu, SV trường
Đại học Giáo dục – ĐHQGHN đã có những chia sẻ khách quan, thẳng thắn của bản
thân về vấn đề này. Bạn N.N.L (Ngành Sư phạm Lịch sử) đã có chia sẻ: “Bản thân
mình luôn đánh giá cao việc hòa hợp về mặt tính cách, suy nghĩ, lối sống giữa hai
người khi yêu nhau. Ngoài ra, mình luôn muốn chia sẻ với người yêu, làm những điều
tốt đẹp cho người yêu của mình”. Bạn V.N.H.T (Ngành Sư phạm Ngữ văn) đưa ra

313
quan điểm trong tình yêu là: “Tình yêu cần phải dựa trên sự chia sẻ, tôn trọng quan
điểm sống và luôn thành thật với nhau”. Còn bạn N.V.T ((Ngành Sư phạm Toán học)
thì cho rằng: “Mình đánh giá cao việc hai người luôn chung thủy và tin tưởng lẫn
nhau trong tình yêu. Ngoài quan tâm nhau về mặt tinh thần thì tình dục cũng là yếu
tố cần thiết để phát triển tình cảm”. Theo bạn N.V.D (GD1) chia sẻ: cả hai phải yêu
nhau và thực lòng, tình yêu phải từ hai phía không ép buộc. Còn đối với N.T.O.O
(Ngành Tham vấn học đường) cho rằng: “Tình yêu là tình cảm thiêng liêng nhưng
giản dị, muốn có một tình yêu trong sáng, không vụ lợi”. Từ đây, chúng tôi nhận thấy
rằng nhận thức về quan điểm trong tình yêu của sinh viên hiện nay rất đa dạng, nhận
thức của sinh viên vẫn mang nét truyền thống nhưng có phần hiện đại hơn. Qua việc
so sánh với các nghiên cứu trước, chúng tôi thấy quan điểm tình yêu của sinh viên
trường ĐHGD-ĐHQGHN mang nhiều những nét của tình yêu truyền thống. Điều này
có thể giải thích bởi họ là sinh viên sư phạm nên tình yêu cũng chịu tác động từ ngành
nghề tương lai. Tuy nhiên, bên cạnh đó, tình yêu của họ cũng có những nét hiện đại
như chia sẻ từ bạn Đ.T.B.L (Quản trị chất lượng): tình yêu ngày nay cần thể hiện cảm
xúc ra bên ngoài, đó là cách tôn trọng người mình yêu”. Bạn N.T.H.H (Ngành Công
nghệ Giáo dục) cho rằng: “Tình yêu ngày nay cần quan tâm đến vật chất bởi đó nhu
cầu bình thường”. Theo nhận định của bạn N.T.T (Ngành Công nghệ Giáo dục) chia
sẻ rằng: “Khi yêu nên thể hiện tình cảm rõ ràng, yếu tố vật chất cũng rất quan trọng
trong tình yêu”. Có thể lý giải rằng họ là những người tiếp cận theo sự hiện đại của
xã hội do chính ngành nghề họ theo học nên có những ảnh hưởng nhất định về quan
điểm tình yêu của mình.
3.2. Về phương diện tiêu chí chọn bạn đời của sinh viên
Trong một nghiên cứu gần đây của tác giả Võ Nữ Hải Yến (2020)[3] thấy rằng:
SV lựa chọn các tiêu chí 83,3% biết quan tâm, chia sẻ, đồng cảm; 78,1% phẩm chất
đạo đức tốt; 61,4% biết chia sẻ và giúp đỡ; các tiêu chí ở mức thấp như: 10,3% an
toàn về vật chất; 14,6% thỏa mãn về tình dục; 17,2% do gia đình bạn bè nhận xét tốt
về người đó.

314
Theo nghiên cứu của tác giả Trần Thị Phụng Hà (2014)[2] cho thấy: trong 18
yếu tố (phẩm chất, đức tính và tính cách) mà SV mong muốn có được ở người bạn
đời, hầu hết SV có cùng quan niệm là tính chung thủy, chân thành, trung thực là quan
trọng nhất; trong khi đó các yếu tố như cùng trình độ học vấn, ngoại hình đẹp, con
nhà giàu xếp ở thứ hạng thấp nhất. Điều đó càng chứng minh nhóm sinh viên được
nghiên cứu đánh giá cao các giá trị tinh thần hơn các giá trị vật chất. Ngoài ra, việc
lựa chọn các phẩm chất luôn gắn liền với những chuẩn mực lựa chọn chung như: ở
nam sinh chọn lựa người bạn đời luôn gắn với những phẩm chất, đặc điểm của người
phụ nữ Việt Nam như đảm đang, dịu dàng, siêng năng; ngược lại nữ sinh lựa chọn
các yếu gắn với đặc điểm chung của người đàn ông như mạnh mẽ, có nghề nghiệp ổn
định. Định hướng lựa chọn người bạn đời cũng giống nhau đối với
SV năm nhất và năm tư: cùng trình độ học vấn, ngoại hình đẹp hoặc con nhà giàu
là 3 yếu tố được đánh giá thấp nhất.
Theo nghiên cứu của tác giả Lê Nguyễn Anh Như (2013)[1] nghiên cứu trên ba
yếu tố theo phân loại của Robert Sternberg: giá trị gắn bó, giá trị tình dục, giá trị cam
kết thì tiêu chí chọn bạn đời được sinh viên đánh giá cao nhất là chung thủy, cảm giác
hạnh phúc, hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng, đạo đức tốt; tiêu chí được đánh giá thấp hơn:
vẻ bề ngoài, sẵn sàng học hỏi, tình dục.
Khi được phỏng vấn về các tiêu chí chọn bạn đời thì sinh viên trường Đại học
Giáo dục-ĐHQGHN cho thấy: đối với sinh viên nam đề cao tiêu chí chung thủy, dịu
dàng- mang nét đẹp của người phụ nữ truyền thống; đối với sinh viên nữ đề cao yếu
tố chung thủy, an toàn, trình độ học vấn cao. Điều đó cho thấy sinh viên rất đề cao
yếu tố chung thủy và an toàn. Như vậy, sinh viên trường Đại học Giáo dục-ĐHQGHN
đề cao các yếu tố mang tính truyền thống ở người bạn đời tương lai của mình. Nhưng
cũng có nét hiện đại khi một số sinh viên lựa chọn các yếu tố như hoạt bát, nhanh
nhẹn, ngoại hình đẹp. Sinh viên P.T.H (Ngành Khoa học Giáo dục) thẳng thắn chia
sẻ rằng “Không đề cao tiêu chí nào, đơn giản là hợp nhau”. Vậy thái độ của sinh viên
như thế nào khi được hỏi về việc “Bạn nghĩ sao về việc quan hệ tình dục trước hôn
nhân”. Về vấn đề này, 54% sinh viên không chấp nhận, họ cho rằng “Dù suy nghĩ

315
tích cực rằng vấn đề ấy sẽ không ảnh hưởng gì khi yêu nhưng khi quyết định kết hôn
sẽ chẳng ai chấp nhận người bạn đời của mình là một cô gái không trinh trắng”. Một
ý kiến khác cho rằng “Khi yêu ai cũng muốn họ là duy nhất của mình nên việc quan
hệ trước với người khác là không thể chấp nhận được”. Bạn N.T.O.O (Ngành Tham
vấn học đường) chia sẻ “Mình còn trinh trắng thì không việc gì phải yêu người đã có
quan hệ”. Tuy nhiên về vấn đề này, 30% sinh viên chấp nhận, họ cho rằng “Ai cũng
có quá khứ, chỉ cần họ yêu mình thật lòng là được”. Một ý kiến khác “Cách chấp
nhận một người là cách họ đối xử với mình hiện tại, nếu chỉ nhìn vào quá khứ nhỡ
đâu sẽ mất đi một người tốt”. Có 16% miễn cưỡng chấp nhận người bạn đời có quan
hệ tình dục. Một sinh viên nam cho rằng “Dù không muốn nhưng mình rất yêu người
yêu của mình”. Bạn N.V.D (QH – 2020S GD1) cho rằng “Đôi lúc sẽ ghen tuông vì
họ cũng đã có một mối tình sâu đậm”. Kết quả phỏng vấn cho thấy, dù chấp nhận hay
không chấp nhận tùy thuộc vào quan điểm ngành, giới tính, năm học mà các bạn đưa
ra sự lựa chọn của mình. Theo đó, các bạn đang theo học các ngành GD1 (sư phạm
Khoa học tự nhiên), GD2 (Sư phạm Khoa học Xã hội), GD3 (Khoa các Khoa học
Giáo dục và khác) có xu hướng chấp nhận người bạn đời đã từng quan hệ tình dục
với người khác; các ngành GD4 (Giáo dục tiểu học), GD5 (Giáo dục mầm non) có xu
hướng không chấp nhận nhiều nhất. Như vậy, đối với sinh viên năm ba, năm tư họ đã
có trải nghiệm cuộc sống lâu hơn nên cách suy nghĩ có phần thoáng, tự do và dễ chấp
nhận việc quan hệ tình dục trước hôn nhân hơn sinh viên năm nhất.
3.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến định hướng giá trị trong tình yêu của sinh viên
Trong nhóm 4 yếu tố (bên trong, gia đình, nhà trường và xã hội) quan trọng, ảnh
hưởng đến định hướng giá trị tình yêu của sinh được đưa ra trong nghiên cứu “Định
hướng giá trị trong tình yêu của sinh viên một số trường Đại học tại thành phố Hồ
Chí Minh” của nhóm tác giả Phan Thị Tố Oanh, Lê Nguyễn Anh Như [1] có thể thấy
sinh viên chịu sự tác động nhiều nhất từ các yêu tố bên trong. Đi sâu vào phân tích
kết quả, nhóm yếu tố bên trong: (đặc điểm sinh lý, nhận thức, đời sống tình cảm,
phẩm chất nhân cách) chịu ảnh hưởng cao nhất đến từ sự tự nhận thức của bản thân
sinh viên với mức độ trung bình là 4,19. Thêm vào đó, “cách giáo dục của gia đình,

316
cách cử xử của người thân” và “truyền thống – văn hóa dân tộc, các giá trị xã hội”
ảnh hưởng không ít đến định hướng giá trị, sự lựa chọn bạn đời của sinh viên.
Một nghiên cứu khác của nhóm tác giả Trần Thị Phụng Hà, Nguyễn Ngọc Lẹ
(2014)[2] “Định hướng giá trị tình yêu - hôn nhân và gia đình của sinh viên Đại học
Cần Thơ” cho thấy ĐHGT trong tình yêu của sinh viên đã có nhiều thay đổi. Cụ thể,
sinh viên đã có sự chủ động, linh hoạt và tự do hơn trong việc lựa chọn bạn đời mà ít
chịu sự tác động từ gia đình hay ảnh hưởng bởi tư tưởng “cha mẹ đăt đâu con ngồi
đó”. Nghiên cứu đã cho thấy 85,9% sinh viên cho rằng họ có khả năng tự quyết định
trong việc lựa chọn bạn đời, 11,8% do bố mẹ, ông bà quyết định hoặc có sự lựa chọn
khác.
Trong cuộc phỏng vấn ngắn với sinh viên trường Đại học Giáo dục về những
ảnh hưởng ĐHGT trong tình yêu, nhóm nghiên cứu đã nhận được những chia sẻ thẳng
thắn, thuyết phục đến từ các bạn sinh viên. Một bạn sinh viên năm nhất L.T.T.H
(GD3) cho rằng: “yếu tố xã hội rất quan trọng bởi xã hội giúp cái nhìn rộng hơn và
lựa chọn theo nhu cầu của xã hội”. Đối với bạn Đ.T.B.L (Ngành Quản trị chất lượng)
cho rằng: “Gia đình là yếu tố quan trọng để mình lấy thước đo lựa chọn bạn đời bởi
gia đình luôn có sức ảnh hưởng đến mình”. Bạn Q.T.S (QH2017S) cho hay: “Có thể
nói gia đình là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến định hướng giá trị tình
yêu bởi hiện nay không ít tình yêu của các bạn trẻ chịu sự cấm cản đến từ gia đình
bởi một số lí do như người bạn đời của con họ không có sự nghiệp, không có nhà,
không có xe… Điều đó vô tình gây ra những phản ứng tiêu cực cũng như đem đến
cho các bạn sinh viên những nhận thức sai lệch về tình yêu”. Bạn N.T.H (QH2017S)
cho rằng yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến định hướng giá trị tình yêu của sinh viên xuất
phát từ chính nhu cầu, suy nghĩ sai lệch cá nhân của sinh viên. N.T.H chia sẻ thêm:
“Hiện tượng sugar baby – sugar daddy diễn ra ngày càng phổ biến và phức tạp. Daddy
sẽ chu cấp cho một cô gái trẻ hơn mình nhiều tuổi hàng tháng một số tiền rất lớn đổi
lại bằng việc quan hệ tình dục. Chính vì những lợi ích trước mắt, cần tiền để phục vụ
nhu cầu cá nhân như mua sắm, làm đẹp…nhiều sinh viên đã nguyện làm sugar baby,
bỏ dở việc học gây nên những hệ lụy không thể lường trước”.

317
Như vậy, khi được hỏi về những yếu tố ảnh hưởng tới định hướng giá trị tình
yêu, hầu hết các bạn SV trường Đại học Giáo dục đều cho rằng ý thức cá nhân và gia
đình là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới ĐHGT bởi trong tình yêu, sinh viên
đã đạt được sự trưởng thành nhất định về mặt kiến thức, có khả năng nhận thức đúng
đắn về tình yêu hơn so với lứa tuổi trước đồng thời gia đình cũng là môi trường quan
trọng hình thành nhân cách, phẩm chất và đạo đức, có vai trò định hướng tư tưởng
cho mỗi cá nhân.
3.4. Về phương diện ảnh hưởng của tình yêu đến kết quả học tập của sinh viên
Trong nghiên cứu này, chúng tôi đưa ra một phương diện ảnh hưởng của tình
yêu đến kết quả học tập của sinh viên Trường Đại học Giáo dục-ĐHQGHN. Đa số
sinh viên Trường Đại học Giáo dục nhận thức rất rõ về ảnh hưởng của tình yêu đến
học tập. Theo bạn Đ.T.B.L (Ngành Quản trị chất lượng) cho rằng: “Tình yêu ảnh
hưởng rất lớn đến thời gian sinh hoạt và học tập, khi giận nhau không thể chú tâm
đến việc học”. Những ý kiến trên đa số xuất hiện ở các bạn sinh viên có kết quả học
tập trung bình và đa số là sinh viên nữ. Một ý kiến khác của bạn P.T.H (Ngành Khoa
học Giáo dục): “Tình yêu không ảnh hưởng gì đến học tập do mình biết cách cân
bằng giữa việc học mà vẫn có thời gian cho người mình yêu”. Đây là ý kiến được thể
hiện ở các bạn sinh viên khá giỏi và tỉ lệ nam và nữ cân bằng nhau. Một phần nhỏ
những sinh viên có ý kiến rằng: “Tình yêu không chỉ giúp mình chia sẻ nhiều hơn
những mệt mỏi mà còn là động lực để cả hai cùng cố gắng trong học tập”. Đối với
bạn N.T.H.N (Sư phạm Ngữ văn) thì “chỉ cần cùng nhau chia sẻ những khó khăn, áp
lực trong học tập rồi làm động lực cho nhau học tập thì sẽ cân bằng được chuyện học
tập và yêu đương”. Còn theo bạn N.Đ.D (Sư phạm Sinh học): “Đang học mà yêu thì
điểm tích lũy thấp lắm. Số ít trường hợp tình yêu làm động lực để họ phấn đấu hơn.”
Bên cạnh đó, bạn cũng có những chia sẻ thêm: “Mình sẽ không yêu khi đang học, vì
yêu đương và học tập vốn là hai thứ không thể cân bằng được, cái nào cũng cần dành
nhiều thời gian nên chỉ được chọn một thôi”. Ý kiến đó xuất hiện ở một số các bạn
sinh viên có kết quả học tập và rèn luyện tốt; các bạn sinh viên nam cân bằng giữa
việc học tập và tình yêu cao hơn sinh viên nữ. Kết quả phỏng vấn cho thấy rằng: tình

318
yêu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn đến kết quả học tập của sinh viên. Qua phỏng vấn
cho thấy rằng các bạn sinh viên nam cân bằng giữa học tập và tình yêu tốt hơn các
bạn sinh viên nữ. Các bạn sinh viên năm ba, bốn có độ trưởng thành trong tình yêu
hơn các bạn sinh viên năm nhất, năm hai.
3.5. Về phương diện mong muốn mở lớp tập huấn “An toàn trong tình yêu sinh
viên”
Về vấn đề này, đa số các bạn sinh viên được hỏi (90% sinh viên cho rằng cần
thiết, 6% sinh viên nghĩ có thể đồng tình, 4% sinh viên cho rằng không cần thiết) ủng
hộ việc Nhà trường sẽ mở các lớp tập huấn “An toàn trong tình yêu sinh viên” bởi họ
mong muốn được hiểu biết thêm về các kĩ năng phòng vệ an toàn. Sinh viên cũng rất
nhiệt tình mong muốn được tham gia chia sẻ và có thể họ rất sẵn lòng tuyên truyền
và chia sẻ kiến thức cho người khác về các kĩ năng an toàn trong tình yêu. Như vậy,
sau khi phỏng vấn sinh viên Trường Đại học Giáo dục-ĐHQGHN cho thấy bên cạnh
những bạn có những định hướng giá trị chuẩn mực, tích cực thì còn một số bộ phận
nhỏ những sinh viên có định hướng lệch chuẩn. Dưới góc độ nghiên cứu, nhóm
nghiên cứu chúng tôi cho rằng việc mở lớp tập huấn về các kĩ năng, định hướng giá
trị chuẩn mực trong tình yêu cho sinh viên là vô cùng cần thiết. Bởi, bên cạnh những
sinh viên có những định hướng đúng đắn thì một số sinh viên có định hướng lệch
chuẩn (đặc biệt ủng hộ trào lưu “Sugar baby/Sugar daddy” xuất hiện phổ biến ở các
bạn sinh viên). Vì vậy, theo chúng tôi cần đưa ra một biện pháp giáo dục để sinh viên
định hướng giá trị tình yêu phù hợp. Đặc biệt đối với sinh viên Trường Đại học Giáo
dục-ĐHQGHN là những nhà giáo tương lai, là người với sứ mệnh định hướng giá trị
chuẩn mực, đạo đức, lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ, nhà trường cần mở lớp tập
huấn để nâng cao nhận thức, kỹ năng, định hướng giá trị phù hợp cho sinh viên.
IV. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ.
4.1. Kết luận
Tổng quan cho thấy định hướng giá trị trong tình yêu của sinh viên chịu ảnh
hưởng của nhiều yếu tố. Trong đó, yếu tố bên trong có tác động lớn nhất; kế đến là

319
gia đình, XH và nhà trường. Điều này cho thấy việc giáo dục ĐHGT TY cho sinh
viên cần có sự kết hợp giữa những thành phần là gia đình – nhà trường – XH.
ĐHGT trong TY của sinh viên là sự thừa nhận và lựa chọn cho bản thân những
GT TY chuẩn mực, cơ bản, thiết yếu trong hệ thống GT dựa trên quá trình nhận thức,
đánh giá logic một cách tự do, tự nguyện và theo đặc trưng, nhu cầu của riêng mình.
ĐHGT TY của sinh viên được thể hiện trên 3 phương diện nhân cách là nhận thức –
thái độ - hành vi và chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bên trong (nhu cầu, nhận thức,
ước mơ…) lẫn bên ngoài (gia đình, nhà trường, XH)
Qua đó, cho thấy định hướng giá trị trong tình yêu của sinh viên cũng chưa được
quan tâm, trong khi định hướng lệch chuẩn của sinh viên để lại nhiều hậu quả cho gia
đình – nhà trường – xã hội. Các nghiên cứu đã đưa ra các đề xuất giải pháp phù hợp
giúp sinh viên định hướng các giá trị phù hợp.
4.2. Khuyến nghị
Từ kết quả nghiên cứu đề tài, nhóm nghiên cứu đề xuất một số khuyến nghị
nhằm tăng cường hiệu quả giáo dục định hướng giá trị cho sinh viên như sau:
Đối với Trường Đại học Giáo dục-ĐHQGHN, Nhà trường cần quan tâm hơn
nữa đến đời sống tinh thần của học sinh, sinh viên và đầu tư vào việc giáo dục giáo
dục nhân cách, ĐHGT cho họ bằng những phương pháp hiện đại, khoa học; nội dung
phù hợp với tâm lí lứa tuổi; mở các lớp tập huấn kiến thức về tình yêu, tình dục an
toàn giúp sinh viên nâng cao nhận thức; sớm thành lập trung tâm tham vấn tâm lí cho
sinh viên để hỗ trợ sinh viên khi họ gặp khó khăn trong cuộc sống, trong học tập và
đặc biệt trong tình yêu.
Đối với gia đình, các bậc phụ huynh nên duy trì sự dân chủ trong gia đình để
phát huy hiệu quả giáo dục và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với sinh viên. Bên cạnh
đó, người lớn cũng cần quan tâm dành thời gian cho các bạn để lắng nghe và hướng
dẫn, giúp đỡ đúng lúc.
Đối với cá nhân sinh viên, mỗi sinh viên cần có những định hướng giá trị trong
tình yêu phù hợp để đáp ứng nhu cầu nghề nghiệp của bản thân; tích cực tham gia các

320
hoạt động, hội thảo, câu lạc bộ, đọc sách có chủ đề về tình yêu, tình bạn nhằm bổ
sung kiến thức, tiếp thu những giá trị chuẩn mực trong tình yêu.
V. TÀI LIỆU THAM KHẢO.
1. Nguyễn Thị Anh Như, Phan Thị Tố Oanh (2013), Định hướng giá trị trong tình
yêu của sinh viên một số trường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh: Luận văn Thạc
sĩ Tâm lí học chuyên ngành Tâm lí học.
2. Trần Thị Phụng Hà, Nguyễn Ngọc Lẹ (2014), Định hướng giá trị tình yêu, hôn
nhân và gia đình của sinh viên Đại học Cần Thơ, Tạp chí Khoa học trường Đại học
Cần Thơ.
3. Võ Nữ Hải Yến (2020), Định hướng giá trị trong tình yêu của sinh viên Đại học
Khoa học-Đại học Huế. Tạp chí Khoa học và Công nghệ
4. Sơn, N.T., Nâng cao chất lượng công tác Giáo dục chính trị, tư tưởng và định
hướng giá trị cho sinh viên trong giai đoạn hiện nay. Tạp chí Giáo dục, 2019.
5. Phan Thị Hồng Hà (2012). Định hướng giá trị đạo đức của sinh viên trường Đại
học Đồng Nai. Luận văn thạc sĩ Tâm lý học.
6. Allan và Barbara Pease (2009). Tại sao đàn ông thích tình dục, phụ nữ cần tình yêu
(Why men want sex and women need love). Nxb tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.
7. Nguyễn Đình Đức, Thái Duy Tuyên (1994). Tìm hiểu định hướng giá trị của thanh
niên Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường.

321

You might also like