You are on page 1of 12

TRUNG TÂM DI SẢN CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

CÁC NHÀ KHOA HỌC VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
________________________
Hà Nội, ngày 20 tháng 6 năm 2020

BÁO CÁO HỎI THÔNG TIN GS.TS ĐOÀN ĐỊNH KIẾN


(Buổi làm việc thứ 5)

1. Thời gian: Từ 8h30 đến 11h30 ngày 13-6-2020.

2. Nhà khoa học và những người có mặt: GS.TS Đoàn Định Kiến

3. Địa điểm: Nhà riêng của GS Đoàn Định Kiến, phòng 2306, tòa nhà 101 Láng
Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội

4. Người thực hiện: Nguyễn Thị Điệp

5. Nội dung dự kiến: Hỏi thông tin tài liệu hiện vật (bài giảng, sổ ghi chép về
đường dây 500KV, báo cáo thẩm kế) của GS.TS Đoàn Định Kiến và cuốn từ
điển mà ông tham gia biên soạn.

6. Nội dung thực hiện

GS.TS Đoàn Định Kiến sinh ngày 22-6-1938 tại xã Hải Triều, huyện Tiên
Lữ, tỉnh Hưng Yên. Ông là nhà khoa học ngành Xây dựng, nguyên Trưởng khoa
Xây dựng, trường ĐH Xây dựng Hà Nội. Ông được cấp bằng phó tiến sĩ năm
1981 và được phong học hàm Giáo sư năm 1992.
Buổi làm việc thu được một số thông tin sau:
*3 cuốn sổ ghi chép giai đoạn 1992-1994
Trong quá trình công tác tại trường ĐH Bách khoa (1959-1966), ĐH Xây
dựng (1966-2002), GS.TS Đoàn Định Kiến có thói quen ghi chép các hoạt động
giảng dạy, nghiên cứu khoa học trong mỗi năm học vào một cuốn sổ riêng. Ông
thường giữ lại tất cả các sổ ghi chép này với mục đích duy nhất là để lưu làm kỷ

1
niệm, hiếm khi phục vụ mục đích tra cứu hoặc mở ra xem lại. Sau 3 lần chuyển
nhà ông đã bị mất và thất lạc nhiều tài liệu cá nhân, sổ ghi chép. Tháng 3-2020,
ông đã tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam một số cuốn sổ ghi
chép trong đó có 3 cuốn sổ ghi chép các năm 1992, 1993 và 1994 gắn với giai
đoạn ông tham gia Hội đồng nghiệm thu Nhà nước công trình Hệ thống tải điện
500kV Bắc – Nam. Cả 3 cuốn sổ này đều do học trò, bạn bè tặng ông Kiến.
Trong đó, cuốn sổ năm 1994 do sinh viên các khóa 13, 18 và 23 trường ĐH Xây
dựng tặng ông nhân dịp kỷ niệm 10 năm, 5 năm và 1 năm ngày họ ra trường.
Trong các buổi làm việc trước, GS Đoàn Định Kiến đã chia sẻ một số kỷ
niệm liên quan đến bối cảnh ông tham gia hội đồng nghiệm thu công trình tải
điện 500kV. Trong buổi này, ông cho biết thêm, trong 3 năm tham gia hội đồng
nghiệm nghiệm thu, ông và đồng nghiệp đến nhiều tỉnh, thành phố: Hòa Bình,
Thanh Hóa, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Gia Lai, Tây Ninh, Hồ Chí Minh để khảo sát,
nghiệm thu các cột điện, chất lượng vật liệu xây dựng... Chỉ riêng ở Hà Nội, ông
Kiến đã tham gia khảo sát nhiều nhà máy cơ khí, nhà máy chế tạo vật liệu ở Phù
Lỗ, Đông Anh, Yên Viên… để đánh giá chất lượng sản phẩm, vật tư. Ông cũng
tham gia nhiều cuộc họp chuyên môn ở các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ
Năng lượng (nay là Bộ Công thương), Bộ Giao thông vận tải… Ông chia sẻ: Khi
tham gia đường dây 500kV, tôi mới ngoài 50, còn hăng hái, thích xông pha. Sau
này tôi ít đi hơn, chủ yếu tham vấn thiết kế các công trình ở Hà Nội như Sân vận
động Quốc gia Mỹ đình, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Nhà Quốc hội…
Ngoài các đơn vị trong nước, công trình tải điện 500kV Bắc – Nam còn
được nhiều tổ chức nước ngoài hỗ trợ tư vấn giám sát, đào tạo quản lý vận hành,
an toàn kỹ thuật, trong đó có công ty Pacific Power International (PPI), bang
New South Wales, Úc. Nhiều chuyên gia, kỹ sư người Úc được cử sang Việt
Nam làm việc trực tiếp tại các trụ sở nhà máy, đơn vị ở Đà Nẵng, Tp Hồ Chí
Minh. GS Đoàn Định Kiến nhớ, trong một lần đi công tác, các bạn đồng nghiệp
Úc trách kỹ sư Việt Nam làm việc không cẩn thận bởi khi họ kiểm tra các cột
2
điện thấy có thể vặn bu lông thêm 0,5 đến 1 vòng nữa. Sau khi tìm hiểu vấn đề,
ông lấy tài liệu minh chứng cho các đồng nghiệp người Úc thấy rằng kỹ sư của
ta làm đúng theo quy định và vẫn đảm bảo an toàn. Vì thể trạng của người Úc
khỏe hơn người Việt Nam nên họ có thể vặn bu lông chắc, chặt hơn (nhờ tự học
tiếng Anh trước đó, ông Kiến có thể giao tiếp bằng tiếng Anh với họ khá trôi
chảy).
Năm 1994, buổi lễ nghiệm thu công trình tải điện 500kV Bắc-Nam được
tổ chức tại Dinh Độc Lập, Tp Hồ Chí Minh do Thủ tướng Võ Văn Kiệt chủ trì.
Hôm ấy, ông Đoàn Định Kiến có dịp ngồi cạnh ông Kiệt ở ngay hàng ghế đầu.
Ông không phải khách mời đặc biệt mà chỉ tình cờ ngồi vào vị trí đó. Vợ ông
Kiệt – bà Phan Lương Cầm và ông Kiến từng là đồng nghiệp tại trường ĐH
Bách khoa. Buổi nghiệm thu còn có sự tham gia của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ -
người thiết kế Dinh Độc Lập, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn… là những khách mời nổi
tiếng của thành phố. Kết quả nghiệm thu cực kỳ tốt, thắng lợi lớn, không xảy ra
sự cố gì lớn, chỉ có tình huống cột điện bị đổ do trẻ con tháo bu lông (chuyện đổ
cột điện ông đã chia sẻ trong buổi làm việc ngày 4-3-2020) – GS Đoàn Định
Kiến chia sẻ.
Năm 1992, khi nhận lời mời tham gia hội đồng nghiệm thu, ông Đoàn
Định Kiến đang là Trưởng khoa Xây dựng kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên
cứu ứng dụng kỹ thuật xây dựng, trường ĐH Xây dựng. Vì hoạt động chính của
ông vẫn là giảng dạy, đào tạo do đó trong 3 cuốn sổ ghi chép nhắc trên, ngoài
các trang ghi chép về nghiệm thu cột điện công trình tải điện 500kV còn ghi
chép nhiều nội dung: các cuộc họp ở khoa, họp xử phạt sinh viên, đề thi, đề
cương môn học, tổ chức thi cử…
GS Đoàn Định Kiến chia sẻ trong thời gian là Trưởng khoa Xây dựng, ĐH
Xây dựng (1989-1993), ông đã phải giải quyết nhiều tình huống từ việc sinh
viên nợ môn, lưu ban đến trường hợp sinh viên đánh nhau, cãi nhau… nhưng
chưa có trường hợp nào vi phạm lỗi nặng đến mức bị đuổi học. Ông nhớ có một
3
sinh viên tìm đến gặp ông giải thích rằng cậu ta bị ốm nên không thể hoàn thành
đồ án tốt nghiệp theo thời gian quy định và xin thầy Trưởng khoa tạo điều kiện
cho nộp đồ án muộn. Sinh viên này còn gửi kèm bức thư tường trình rất dài
được viết tay, có chữ ký cam kết của phụ huynh. Vì tin và thương sinh viên nên
ông Kiến đồng ý. Ông không ngờ sinh viên đó nói dối, thậm chí còn khoe
khoang với các bạn việc được Trưởng khoa ưu ái cho nộp đồ án muộn. Nhưng
ông không trách phạt gì nặng, chỉ gọi cậu sinh viên đó đến văn phòng khoa nhắc
nhở.
Về Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật xây dựng trực thuộc khoa
Xây dựng, trường ĐH Xây dựng được thành lập từ năm 1981 nhằm nghiên cứu
và ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào thực tế. Thông thường chủ nhiệm
khoa Xây dựng sẽ kiêm luôn vai trò giám đốc Trung tâm. Ông Kiến làm Giám
đốc Trung tâm này trong giai đoạn 1989-1993. Năm 1993, đồng nghiệp của ông
Kiến tại Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật xây dựng – Trần Nhật Thành
sáng lập Công ty TNHH Xây dựng dân dụng và công nghiệp DELTA. GS Đoàn
Định Kiến chia sẻ: Có giai đoạn, hai đơn vị tuy hai là một, Trung tâm phụ trách
thiết kế, còn DELTA phụ trách thi công. Sau này, công ty DELTA phát triển
mạnh, trong nghề ai cũng biết đến ông Thành.
*Về cuốn “Từ điển Pháp – Việt kiến trúc – xây dựng”, Nxb Văn hóa,
1999
Đây là một trong những cuốn từ điển GS.TS Đoàn Định Kiến biên soạn
chung với PGS.TS Đoàn Như Kim, nguyên Chủ nhiệm bộ Hình học họa hình –
Vẽ kỹ thuật, trường ĐH Xây dựng. Cuốn từ điển này được biên soạn từ năm
1997 để phục vụ công tác đào tạo lớp Xây dựng Pháp ngữ (đào tạo chuyên
ngành xây dựng bằng tiếng Pháp, viết tắt là XF), trường ĐH Xây dựng.
Lớp Xây dựng Pháp ngữ thành lập năm 1994 theo đề xuất của ông Đoàn
Như Kim và hoạt động dưới sự viện trợ của tổ chức các trường ĐH Pháp ngữ
hoàn toàn và nửa Pháp ngữ (viết tắt là AUPELF). Theo GS Đoàn Định Kiến -
4
một trong những giảng viên tham gia giảng dạy lớp XF từ khóa đầu tiên, điểm
đầu vào của lớp XF thuộc tốp cao của trường, còn chất lượng đầu ra đạt mức khá
và tốt. Nhiều sinh viên hăng hái học tập để có cơ hội sang Pháp du học (cuối
năm thứ 4, những sinh viên xuất sắc sẽ được tuyển chọn sang Pháp học tiếp 2
năm để được cấp 2 bằng đại học của trường ĐH Xây dựng và của một trường đại
học của Pháp). Ngoài ra, hàng năm, sinh viên lớp XF còn nhận được học bổng
do tổ chức AUPELF tài trợ. Con trai của ông cũng theo học lớp XF, trường ĐH
Xây dựng và được cử sang trường ĐH Bách khoa Paris học chuyển tiếp làm
nghiên cứu sinh.
Năm 1997, khi ông Đoàn Như Kim đề xuất biên soạn cuốn “Từ điển Pháp
– Việt kiến trúc – xây dựng” đã mời đồng nghiệp Đoàn Định Kiến tham gia biên
soạn cùng. Tổ chức AUPELF đồng ý hỗ trợ kinh phí biên soạn cuốn từ điển này
với điều kiện nhóm biên soạn phải có sự tham gia của chuyên gia phía Pháp.
Trong một cuộc thi kiến trúc ở Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), ông Đoàn
Như Kim tình cờ quen GS Nguyễn Đăng Hưng1, người Bỉ gốc Việt đang làm
việc tại trường ĐH Liège (Bỉ). Tuy làm việc tại Bỉ nhưng ông Hưng thường
xuyên sống ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nhân dịp ông Hưng về nước, ông
Kim và ông Kiến đến nhà riêng của ông Hưng trò chuyện và mời tham gia biên
soạn “Từ điển Pháp – Việt kiến trúc – xây dựng”. Và ông Hưng đồng ý. Theo
GS Đoàn Định Kiến, cả 3 thành viên ban biên soạn làm việc trên tinh thần tự
nguyện, không có thù lao.
Ông Nguyễn Đăng Hưng là giáo sư Việt kiều có tiếng, chuyên về lĩnh vực
Cơ học tính toán. Ban đầu, ông Hưng tỏ ý không tin tưởng 2 vị giáo sư, phó giáo
sư trong nước và muốn quyết định tất cả các vấn đề trong quá trình biên soạn từ
điển. Tuy khả năng sử dụng tiếng Pháp của ông Hưng tốt hơn 2 đồng nghiệp
nhưng vốn từ tiếng Việt lại hạn chế hơn. Trong quá trình làm việc, nhiều nội

1
GS Nguyễn Đăng Hưng sinh năm 1941 tại Quảng Nam, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Cơ học Phá hủy thuộc
Khoa Kỹ thuật Hàng không Không gian, ĐH Liège (Bỉ). Ông là người sáng lập, đồng thời là Tổng biên tập Tạp
chí Asia Pacific Journal on Computational Engineering (APJCEN).
5
dung ông Hưng đề xuất không hợp lý đã được ông Kiến và ông Kim chỉ ra cũng
như giải thích rất thuyết phục. Vì thế, ông Hưng đã dần thay đổi thái độ và sau
đó chủ yếu kiểm tra và đọc soát nội dung cuốn từ điển.
Năm 1999, “Từ điển Pháp – Việt kiến trúc – xây dựng” do Nxb Văn hóa
xuất bản với số lượng 600 cuốn và được các khóa sinh viên lớp Xây dựng Pháp
ngữ hưởng ứng. Tên các tác giả được sắp xếp lần lượt như sau: Đoàn Như Kim –
Đoàn Định Kiến – Nguyễn Đăng Hưng.
Sau khi cuốn từ điển trên ra đời, ông Đoàn Định Kiến và ông Đoàn Như
Kim đã nảy ra ý định biên soạn tiếp cuốn “Từ diển Việt-Anh-Pháp Kiến trúc và
xây dựng”. Cuốn này được Nxb Xây dựng xuất bản năm 2000. Ngoài ra, trong
buổi làm việc này, GS Đoàn Định Kiến giới thiệu cho NCV bản in tài liệu tra
cứu tiếng lóng Pháp – Việt mà ông tự nghiên cứu và biên soạn trong nhiều năm.
*Về bản thảo bài giảng viết bằng tiếng Pháp dạy sinh viên năm thứ 3,
lớp Pháp ngữ 39XF, học kỳ II, niên khóa 1996-1997
Như đã đề cập ở trên, năm 1994, sau khi lớp Xây dựng Pháp ngữ được
thành lập tại trường ĐH Xây dựng, ông Đoàn Định Kiến là một trong những
giảng viên tham gia giảng dạy lớp này từ khóa đầu tiên. Đây cũng là lần đầu tiên
ông tham gia giảng dạy bằng tiếng Pháp tại Việt Nam nên rất thích thú. Trước
đó, ông đã giảng dạy bằng tiếng Pháp trong thời gian làm chuyên gia giáo dục
tại Algérie (1983-1987), chuyên gia Bộ Xây dựng nhà ở tại Angola (1990). Năm
1995-1996, ông là Giáo sư thỉnh giảng tại trường ĐH Ecole Centrale Paris
(Pháp). Ngoài ông Kiến, ông Đoàn Như Kim, tham gia giảng dạy lớp XF còn có
ông Nguyễn Lê Ninh – Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng dạy môn bê tông, ông
Ngô Văn Quỳ - nguyên Trưởng khoa Xây dựng (ĐH Xây dựng) dạy môn thi
công…
Năm học thứ 3, sinh viên lớp XF mới bắt đầu nghe giảng bằng tiếng Pháp
(hai năm đầu họ tập trung học tiếng Pháp, học các môn đại cương, chính trị bằng
tiếng Việt). Do khả năng nghe tiếng Pháp của sinh viên còn hạn chế nên ông
6
Kiến và các đồng nghiệp sử dụng cả tiếng Pháp và tiếng Việt trong quá trình
giảng dạy lớp XF. Những buổi đầu đứng lớp, ông Kiến thường hỏi sinh viên hiểu
các bài dạy tiếng Pháp được bao nhiêu % để giảng lại bằng tiếng Việt cho phù
hợp.
Trong quá trình ông Kiến và các đồng nghiệp giảng dạy sinh viên năm thứ
4 và trong buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp lớp XF các khóa sẽ có đại diện Đại sứ
quán Pháp tại Việt Nam, cán bộ tổ chức AUPELF và 2-3 Giáo sư người Pháp do
AUPELF mới đến dự giờ và đánh giá chất lượng giảng dạy, đào tạo. GS Đoàn
Định Kiến chia sẻ: Họ (người Pháp) đánh giá chất lượng giảng dạy lớp XF tốt
và cảm thấy không khí giảng dạy giống như ở Pháp. Trong một buổi bảo vệ đồ
án tốt nghiệp, một bà đầm (không nhớ là nhân viên ở đại sứ quán hay thuộc tổ
chức AUPELF) ngồi cạnh tôi nói nhỏ rằng bà ta nghe sinh viên Việt Nam nói
tiếng Pháp rất đúng nhưng không hiểu gì cả vì nhiều nội dung chuyên môn.
Bản thảo bài giảng bằng tiếng Pháp (viết tay) mà GS Đoàn Định Kiến
tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tháng 3-2020 được biên soạn
để dạy cho khóa đầu tiên lớp Xây dựng Pháp ngữ - lớp 39XF. Đây là bài giảng
môn kết cấu thép, được dạy vào học kỳ II cho sinh viên năm thứ 3. Bài giảng
gồm 3 chương:
Chương I: Nhà công nghiệp
Chương II: Nhà cao tầng
Chương III: Nhà nhịp lớn
Vì từng học tiếng Pháp giai đoạn trung học và sau tự học, trau dồi thêm
ngoại ngữ này nên ông Kiến có thể giao tiếp và biên soạn bài giảng khá thuận
lợi. Trước đó ông từng biên soạn nhiều sách, giáo trình về kết cấu thép do đó,
ông không mất nhiều thời gian để nghiên cứu, biên soạn bài giảng trên và cũng
không nhớ thời gian cụ thể dành cho việc biên soạn này. Bản thảo được ông viết
tay rồi đánh máy lại bằng máy vi tính vì ông viết tay nhanh hơn. Ông sẽ tìm

7
thêm bản in để tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam trong thời
gian tới.
*Về sưu tập các bài giảng về kết cấu thép
Sưu tập trên gồm có:
1. Bài giảng Kết cấu thép phần II dùng để giảng dạy cho lớp Kết cấu
khóa 9 (1966) và khóa 10 (1967) (tạm gọi tắt là bài giảng 1966-1967)
2. Bài giảng Kết cấu thép dùng để giảng dạy sinh viên năm thứ 4 lớp Kết
cấu khóa 13, học kỳ II niên khóa 1971-1972 (tạm gọi tắt là bài giảng
1971-1972)
3. Bài giảng Kết cấu thép dùng để giảng dạy cho lớp Kết cấu khóa 16,
học kỳ I niên khóa 1974-1975 (tạm gọi tắt là bài giảng 1974-1975)
Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1959, ông Đoàn Định Kiến được giữ lại
trường ĐH Bách khoa công tác tại khoa Xây dựng và được giao phụ trách giảng
dạy các môn kết cấu thép, kết cấu gỗ từ năm 1960. Năm 1966, trường ĐH Xây
dựng được thành lập trên cơ sở khoa Xây dựng, trường ĐH Bách khoa. Từ đó,
ông Kiến và nhiều đồng nghiệp khác trong khoa chuyển đến công tác tại khoa
Xây dựng, trường ĐH Xây dựng. Trước đó, các giảng viên dạy ông môn kết cấu
thép tại trường ĐH Bách khoa có thầy Đỗ Quốc Sam 2, thầy Phạm Sỹ Liêm3…
Cả hai thầy đều là người nổi tiếng trong nghề.
Những năm 60, ông Kiến chủ yếu tham khảo tài liệu của Liên Xô và
Trung Quốc để nghiên cứu và biên soạn các bài giảng. Ông nhớ lại, khi biên
soạn bài giảng, trên bàn làm việc làm bằng tre của ông lúc nào cũng được phủ
kín bởi các tài liệu tham khảo tiếng Nga, tiếng Trung. Ở nhà riêng, ông từng có
một tủ sách toàn tài liệu tiếng Nga.
Những năm đầu công tác tại trường ĐH Xây dựng, ông Kiến thường soạn
bài giảng trên vở kẻ ngang mua với giá 5 hào 2 thường được gọi là vở 5 hào 2

2
Sau là GS.TSKH Đỗ Quốc Sam, Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam.
3
Sau là TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam khóa I, II,
III.
8
(loại vở này không được đóng thành quyển mà chỉ là những tập giấy xếp lại với
nhau, trang vở có các dòng kẻ ngang, nhưng không có lề). Bài giảng 1966-1967
nêu trên được viết trên loại vở 5 hào 2 này. Ngoài ra, hàng năm trường cung cấp
cho các giáo viên giấy, bút và một số dụng cụ thiết yếu khác phục vụ việc giảng
dạy. Một số dụng cụ không thể thiếu của ông Kiến gồm có bút vẽ, thước eke,
thước tính. Thước tính làm bằng nhựa hoặc gỗ, dài 30 cm, thường là loại do Liên
Xô, Tiệp Khắc hoặc Trung Quốc sản xuất được bán ở một số hiệu sách, hiệu đồ
cũ tại Hà Nội hoặc phải nhờ người quen ở nước ngoài mua hộ. Theo ông: Không
có thước tính không làm việc được. Mất thước như mất chiếc xe máy. Ngày nay
có máy tính thì không ai dùng thước tính nữa. Còn bút vẽ là loại bút có thể điều
chỉnh nét to nhỏ và có khe ở giữa để đổ mực vào. Khi vẽ đồ án thường phải dùng
loại bút này.
Mỗi tiết dạy trên lớp, giảng viên có 4 giờ chuẩn bị ở nhà. Trước khi bắt
đầu năm học mới hoặc học kỳ mới, ông Kiến thường đã viết, biên soạn xong bài
giảng. Ông chia sẻ: Thầy hơn trò một cái đầu, không phải chỉ hơn trò vài trang
sách. Trung bình mỗi bài giảng được ông sử dụng trong 2-3 năm học, có khi lâu
hơn. Ông sẽ biên soạn bài giảng mới khi cần bổ sung, cập nhật nhiều kiến thức
mới.
Chia sẻ về các bài giảng môn kết cấu thép, GS Đoàn Định Kiến cho biết
sinh viên rất sợ học môn này vì học khó, làm đồ án môn học lại càng khó hơn.
Ông thường ra các đầu bài khác nhau để sinh viên không tham khảo hoặc sao
chép của nhau được. Hiện tại, sinh viên trường ĐH Xây dựng chỉ cần làm 1 đồ
án/năm nhưng trước kia họ phải làm 2 đồ án. Chúng tôi vẽ kỹ thuật, vẽ đồ án
dưới ánh đèn dầu le lói. Cho sinh viên ngày này vẽ như vậy thì có lẽ họ chịu vì
chỉ biết vẽ trên máy tính – GS Đoàn Định Kiến chia sẻ.
Cả 3 tập bài giảng môn kết cấu thép nêu trên được biên soạn trong thời
gian ông dạy học ở nơi sơ tán. Thời gian cụ thể để biên soạn mỗi bài giảng thì

9
ông không nhớ. Bài giảng 1966-1967 được biên soạn tại Hà Bắc 4. Giai đoạn
1966-1970, trường ĐH Xây dựng phân tán dọc hai bờ sông Đuống thuộc huyện
Quế Võ và Gia Lương, tỉnh Hà Bắc. Các khoa Xây dựng, Thủy lợi, trường ĐH
Xây dựng… ở Gia Lương còn khoa Kiến trúc, Cầu đường sơ tán ở Quế Võ. Còn
bài giảng 1971-1972 và bài giảng 1974-1975 được ông biên soạn trong giai đoạn
trường sơ tán tại Hương Canh, Vĩnh Phú (1971-1983).
Tại nơi sơ tán, thầy và trò sống dựa vào dân, vừa dạy – học, vừa tăng gia
sản xuất. Mỗi khoa tập trung tại các làng, các xã khác nhau trong một khu vực.
Họ ở nhờ nhà dân, xin đất canh tác để trồng rau, sắn. Một ngày của giảng viên
Đoàn Định Kiến thường bắt đầu từ 5-6 giờ sáng. Nếu lớp học ngay trong xóm
ông chỉ cần đi bộ, nếu dạy sinh viên khoa khác thì phải đạp xe cọc cạch mất một
lúc mới đến nơi. Còn trò thì học gần nơi ở, cứ đến lớp lại cắp theo một chiếc ghế
nhỏ, có thể gấp đôi để làm bàn học, khi mỏi thì dùng để ngồi rồi kê vở trên đùi
mà viết. Đang học mà nghe tiếng máy bay địch ù ù trên đầu là cả thầy lẫn trò
nhanh nhanh xuống hào, hầm trú ẩn. Sáng hôm nào không đi dạy, ông Kiến tham
gia đào hào, hầm; gánh gạo hoặc đi chợ cho tập thể theo phân công.
Chiều tan tầm về nhà, hôm thì ông tranh thủ soạn bài, hôm tăng gia sản
xuất hoặc chơi bóng chuyền. Sau bữa cơm đạm bạc buổi tối, nếu trò không đến
hỏi bài hoặc không bận soạn bài giảng, ông cùng mấy đồng nghiệp thường ngồi
tán chuyện, thi thoảng ngẫu hứng sáng tác thiên tiểu thuyết toàn T rất rôm rả…
Cũng trong giai đoạn này, nhiều cặp thầy – trò đã nên duyên vợ chồng.
Mỗi năm, ông Kiến đều tham gia đưa sinh viên đi thực tập tại công trường
hoặc đưa đến các cơ quan nghiên cứu, thiết kế. Ông nhớ, có năm ông đưa một
lớp đến Thanh Hóa thực tập, tham gia xây dựng một nhà máy thực phẩm. Lần
đó, Thanh Hóa đang bị ném bom ác liệt những cả thầy trò vẫn phải sắp xếp ăn,
ngủ tại địa phương.

4
Nay là Bắc Giang và Bắc Ninh.
10
Gian khổ thì rất gian khổ nhưng cực kỳ thích thú. Chúng tôi ở nhà dân, ăn
cơm tập thể. Thầy trò thường đến nhà nhau để trò chuyện, học bài rất tình cảm,
vui vẻ. Bây giờ thì không có được điều đó – GS Đoàn Định Kiến chia sẻ.
*Về báo cáo thẩm kế công trình Nhà ga quốc tế đi G2 – Sân bay Nội
Bài, 1988
Tháng 6-1988, theo phân công của trường ĐH Xây dựng, ông Đoàn Định
Kiến khi ấy là Chủ nhiệm bộ môn Công trình thép gỗ, trường ĐH Xây dựng tiếp
nhận công văn của Ban quản lý công trình Cảng hàng không quốc tế Hà Nội về
việc thẩm kể kết cấu công trình. Kèm theo công văn có các bản vẽ kết cấu, bản
vẽ lắp khung, số liệu công trình… Ông giải thích, thẩm kế ở đây là thẩm tra bản
thiết kế. Thẩm kế công trình cần ít nhất 1 người thẩm kế. Mỗi công trình phải
thẩm kế nhiều mặt: xây dựng, công năng, vị trí… ông chỉ thẩm kế về mặt xây
dựng.
Theo yêu cầu trong công văn, ông Kiến sẽ thẩm kế kết cấu chịu lực chính,
những bộ phận không chịu lực chính và phần móng đã thi công sẽ không thẩm
kế. Cũng theo công văn, việc thẩm kế này chỉ có mục đích kiểm tra lại độ bền
vững của các kết cấu chịu lực, phát hiện các sai sót có ảnh hưởng đến kết cấu,
chứ không thẩm kế hoàn chỉnh để phát hiện mọi sai sót hoặc cải tiến thiết kế cho
tốt hơn. GS Đoàn Định Kiến cho biết, các đơn vị luôn mong muốn nhận được
báo cáo thẩm kế trong thời gian sớm nhất. Tùy vào quy mô công trình mà thời
gian thẩm kế sẽ khác nhau, trung bình ông mất khoảng 2 tuần để hoàn thành một
báo cáo thẩm kế.
Sau khi tiếp nhận công văn của Ban quản lý công trình Cảng hàng không
quốc tế Hà Nội ông đã nghiên cứu rồi gửi lại báo cáo theo đúng tiến độ. Bản báo
cáo được ông đánh máy thành 2 bản. Một bản nộp cho Ban quản lý và một bản
giữ lại. Chiếc máy chữ mà ông sử dụng được một người quen trong miền Nam
tặng.

11
Thời gian nghiên cứu, thẩm kế công trình Nhà ga quốc tế đi G2 – Sân bay
Nội Bài không để lại ấn tượng gì đặc biệt với GS Đoàn Định Kiến. Đây chỉ là
một trong rất nhiều các công trình mà ông tham gia thẩm kế.
Ngoài các nội dung trên, trong buổi này, GS Đoàn Định Kiến chia sẻ, từ
nhỏ, ông sống cùng gia đình tại ngôi nhà số 20 Quang Trung, quận Hoàn Kiếm,
Hà Nội. Ngôi nhà này bị mối xông nên nhiều tài liệu của ông bị hỏng. Hiện tại
hộ khẩu của ông vẫn ở đây nhưng nhà đã cho gia đình khác thuê kinh doanh.
Năm 1994, gia đình ông chuyển nhà đến phường Bách khoa, đến năm 2009, gia
đình ông cho thuê nhà này để chuyển đến nhà thuê trên phố Sơn Tây.
Kết quả buổi làm việc:
- Ghi âm: 116 phút
- Ảnh chụp: 8 ảnh
7. Đánh giá, nhận xét, dự kiến:
Buổi làm việc thu được thông tin cơ bản về lịch sử tài liệu. NCV đã mời
GS.TS Đoàn Định Kiến viết thêm những kỷ niệm, câu chuyện trong quá trình
công tác, giảng dạy.
Dự kiến công việc tiếp theo:
Tháng 8-2020, PV GS Đoàn Định Kiến về quá trình công tác và đóng góp
khoa học.

NGƯỜI DUYỆT NGƯỜI VIẾT BÁO CÁO

TP Nguyễn Thanh Hóa Nguyễn Thị Điệp

12

You might also like