You are on page 1of 2

I.

LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA TỈNH THÁI NGUYÊN

Thái Nguyên là tỉnh vùng trung du miền núi Bắc Bộ, thuộc quy hoạch vùng Thủ
đô Hà Nội. Phía Bắc tiếp giáp tỉnh Bắc Kạn; phía Tây tiếp giáp các tỉnh Vĩnh Phúc,
Tuyên Quang; phía Đông tiếp giáp các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang; phía Nam tiếp giáp
với Thủ đô Hà Nội. Tỉnh có diện tích trên 3.500 km2, dân số trên 1,2 triệu người, 46
dân tộc anh em, trong đó có 8 dân tộc thiểu số có số đông (27,9%); có 9 đơn vị hành
chính cấp huyện, gồm 2 thành phố và 1 thị xã, với 180 xã, phường, thị trấn; trong đó có
124 xã vùng cao, xã ATK và xã ATK đặc biệt.

Những kết quả khảo cổ học trên đất Thái Nguyên đã sớm phát hiện một nền khảo cổ
học Thần Sa gắn liền với thời đại đồ đá cũ. Điều đó chứng tỏ vùng đất này đã từng là nơi
con người cư trú từ rất xa xưa. Thái Nguyên xưa thuộc bộ Vũ Định, một trong 15 bộ của
nước Văn Lang. Vào thế kỷ thứ III, Thái Nguyên thuộc huyện Vũ Định, sau đổi tên thành
huyện Long Bình. Đến thế kỷ thứ VII được gọi là huyện Vũ Bình, rồi thành châu Thái
Nguyên dưới đời nhà Lý. Cuối thế kỷ 14, châu được đổi thành trấn, năm 1407 đổi lại
thành châu, sang 1408 thì trở thành phủ, năm 1677 trở thành trấn. Mãi đến năm 1902,
triều đình mới cử quan chức trấn nhiệm Thái Nguyên, đặt doanh sở ở Ngọc Hà.

Kể từ khi nhà Lý định đô ở Thăng Long, Thái Nguyên đã trở thành phên giậu trực
tiếp che chở phía Bắc kinh thành. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống
năm 1076-1077, phần đất phía Nam Thái Nguyên từng là địa đầu của phòng tuyến sông
Cầu, nơi diễn ra những trận đánh ác liệt giữa quan quân nhà Lý với Nhà Tống. Đầu thế
kỷ 15, nhà Minh đem quân sang Việt Nam, dân chúng Thái Nguyên lại liên tiếp đứng lên
khởi nghĩa. Tiêu biểu là Lưu Nhân Chú, người huyện Đại Từ, ông cùng cha và anh rể đã
tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo. Vào thời nhà Nguyễn, Thái
Nguyên là nơi nổ ra nhiều phong trào khởi nghĩa nông dân chống lại quan lại phong kiến.
Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) đất nước được chia thành tỉnh hạt, trấn Thái Nguyên
trở thành tỉnh Thái Nguyên. Sách Đại Nam Thực Lục, tập 3, trang 219 có ghi: ngày 4-11-
1831, nhằm ngày mùng 1 tháng 10 Tân Mão, năm Minh Mạng thứ XII, Nhà vua phê
chuẩn nhiều công việc trong đó có việc ban hành cơ chế quản lý hành chính mới, trong
đó thành lập hơn 20 tỉnh. Trấn Thái Nguyên được gọi là tỉnh bao gồm 2 Phủ là Thông
Hóa và Phú Bình; 9 huyện là Cảm Hóa, Tư Nông, Bình Tuyền, Phú Lương, Võ Nhai, Đại
Từ, Phổ Yên, Văn Lãng, Đồng Hỷ. 2 Châu là Bạch Thông và Đinh Châu.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhiều Ủy viên Trung ương Đảng Cộng
sản Việt Nam, thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ thường xuyên qua lại hoạt động, phát triển lực
lượng ở Thái Nguyên. Năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới Thái Nguyên và lãnh đạo
cuộc Kháng chiến chống Pháp từ căn cứ chính tại ATK Định Hóa. Cũng tại đây, Chủ tịch
Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định mở Chiến dịch
Biên giới thu đông 1950, chiến dịch Đông-Xuân 1953-1954 cũng như quyết định mở
chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử và hàng loạt sự kiện quan trọng khác.

Từ năm 1956 đến 1975, Thái Nguyên là một tỉnh thuộc Khu tự trị Việt Bắc và thành
phố Thái Nguyên là thủ phủ của khu tự trị này. Trước đó, năm 1890, chính quyền Pháp
chia tỉnh Thái Nguyên thời nhà Nguyễn thành hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Năm
1965, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã sáp nhập hai tỉnh Thái Nguyên và
Bắc Kạn thành tỉnh Bắc Thái. Tỉnh Bắc Thái cuối cùng lại tách thành hai tỉnh Thái
Nguyên và Bắc Kạn như ngày nay vào năm 1997.

193 năm đã trôi qua từ khi thành lập vào ngày 4/11/1831, Thái Nguyên hôm nay
đang tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng quý báu, năng động, sáng tạo
khơi dậy những tiềm năng, lợi thế, huy động sức mạnh tổng hợp để phát triển kinh tế - xã
hội, tạo nên sự đổi thay lớn lao trên quê hương cách mạng, trở thành một tỉnh phát triển
năng động của khu vực Trung du miền núi phía Bắc và cả nước.

You might also like