You are on page 1of 3

Bài thơ “Dặn con” là bài thơ vô cùng chân thật đến từng câu chữ bởi lẽ những

chia sẻ trong trang


thơ của Trần Nhuận Minh đều là những trải nghiệm thực tế của chính nhà thơ trong cuộc sống
của mình. Theo Trần Nhuận Minh chia sẻ “Dặn con” được nảy nở từ lần gặp gỡ của ông với một
người hành khất. Sẽ chẳng có gì là đặc biệt khi thi sĩ nhận ra rằng người hành khất này đã từng là
“người trên người” mà giờ đây cũng không vượt lên khỏi thử thách của cuộc đời và số phận của
mỗi người quả là thử thách khủng khiếp của cuộc đời, biết đâu chính nhà thơ Trần Nhuận Minh
sau này cũng sẽ rơi vào trường hợp giống vị hành khất kia, cũng sẽ phải tồn tại và sống dựa vào
lòng tốt của người khác. Thi sĩ tin vào triết lý “Phúc tạo Phúc” của Phật giáo, khi biết tạo nên
những giá trị tốt đẹp thì bản thân cũng sẽ nhận lại những giá trị ấy. Và cũng vì thế, mà những câu
thơ “Dặn con” của Trần Nhuận Minh không chỉ là những lời tâm tình, tỉ tê của ông muốn dặn dò
đến con mình mà đây còn là những lời “khắc cốt ghi tâm” của chính bản thân nhà thơ tự đặt ra
cho mình.

“Chẳng ai muốn làm hành khất


Tội trời đày ở nhân gian
Con không được cười giễu họ
Dù họ hôi hám úa tàn.”
Ở ngay khổ thơ đầu tiên, Trần Nhuận Minh đã chỉ ra ngay được cái lẽ sống ở đời thường mà bất
kể là ai, làm gì đi chăng nữa cũng luôn được dạy rằng không bao giờ được chế giễu, khinh miệt
bất cứ ai yếu thế, thấp kém hơn bản thân mình bởi lẽ người xưa vốn đã có câu: “Cười người hôm
trước, hôm sau người cười.” Ở ngay câu thơ đầu tiên, Trần Nhuận Minh không dùng từ “ăn xin”,
“ăn mày” để nói đến vị khách ghé đến cuộc đời mình mà dùng từ “hành khất”-Cách nói mang sự
trân trọng đến từng số phận của mỗi kiếp nhân sinh. Mặc dù có là ai, có làm gì đi chăng nữa thì
nhà thơ vẫn giữ cho mình nét đẹp trong tâm hồn của bản thân bên ngoài cuộc sống lẫn ca trong
hồn thơ của mình. Đối với ông, số phận con người có được thừa hưởng sự vinh hoa, phú quý hay
phải sống trong cảnh cơ cực, bần cùng đều là quyền lựa chọn của Thượng đế định đoạt cho mỗi
con người, đó là những điều con người ta chẳng thể ngờ tới hay biết trước được. Cũng bởi lẽ là
vì bản thân ta sẽ không thể nào hiểu rõ tườm tận được số phận và hoàn cảnh của từng người mà
ta tiếp xúc nên không thể nào buông ra những lời nhận xét, đánh giá qua vẻ bề ngoài, mang tính
khách quan của riêng bản thân mình.

“Nhà mình sát đường, họ đến

Có cho thì có là bao


Con không bao giờ được hỏi
Quê hương họ ở nơi nào”
Đến khổ thơ thứ hai, thi nhân không chỉ đơn thuần dạy con trong cái nhìn khách quan của bản
thân, dạy con suy nghĩ sao cho đúng mà khi đến khổ thơ này, thi nhân còn dạy con mình phải
“làm” sao cho đúng. Không chỉ dừng lại ở những điều tích cực trong cách suy nghĩ mà đối với
Trần Nhuận Minh những điều tích cực, đúng đắn đó phải vừa hiện hữu ngay trong suy nghĩ và
lẫn cả cách hành xử của con người. Con người ta chớ nên nhận xét, đánh giá người khác qua
cách nhìn nhận nhất thời của đôi mắt mà cũng cần phải biết chìa đôi tay để nâng đỡ những phận
đời thấp kém hơn bản thân mình dù chỉ là những điều nhỏ nhất - “có cho thì có là bao”. Không
cần những giá trị vật chất cao sang, chỉ cần là những điều đơn giản nhưng thiết thực cũng đủ để
lấp đầy phần nào đó sự trống trải về mặt tinh thần của những vị “hành khất”. Song, độc giả cũng
vô cùng dễ dàng nhận ra được bài học đạo lý muôn thuở: “Thương người như thể thương thân”,
“một nắm khi đói bằng một gói khi no”. Biết cách cho đi, biết cách suy nghĩ và ta cũng cần biết
cách ăn nói. Sự khéo léo và tinh tế khi giao tiếp cũng được Trần Nhuận Minh nhắc đến trong khổ
thơ này bằng sự cứng rắn và cương quyết khi răn dạy đứa con của mình: “Con không bao giờ
được hỏi”. Người phải chịu cảnh “nay đây mai đó”, cảnh “tha phương cầu thực” sẽ chẳng phải
vô cùng xót xa khi nhắc đến nơi “chôn nhau cắt rốn” của chính bản thân mình hay sao? Đó là nơi
mà một khi nhắc đến, lòng tự tôn của bản thân mỗi người, là nơi xuất phát và khởi nguồn cho
“sự sống” của con người ta, nhưng giờ đây, buộc phải rời xa quê hương để mưu sinh, vật lộn với
giông tố cuộc đời thì quả là một sự đau đớn tột cùng mà bản thân ta - những người nhận được sự
may mắn hơn hết lại vô tình “động chạm” đến sự mất mát ấy thì thật chẳng hay. Song, trước khi
thốt ra những lời nói hỏi han hay có ý tốt quan tâm, san sẻ đến người khác thì hãy nhớ “uốn lưỡi
bảy lần trước khi nói”.

“Con chó nhà mình rất hư


Cứ thấy ăn mày là cắn
Con phải răn dạy nó đi
Nếu không thì con đem bán”
Tiếp đến ở khổ thơ thứ ba, nhà thơ đã đặt ra cho đứa con của mình một yêu cầu cao hơn trong
cách cư xử giữa người với người. Độc giả thấy được sự cương quyết và răn đe mạnh mẽ của
người cha đối với con mình, sự nghiêm khắc của người cha cũng được thể hiện rõ rệt ở khổ thơ
này. Nhà thơ mong rằng con mình có thể bảo vệ được những người yếu thế khỏi những tổn
thương về tinh thần lẫn cả thể xác. Bắt đầu từ lời thủ thỉ, tâm tình và chia sẻ nhẹ nhàng “con
không” đến lời răn dạy nghiêm khắc “con phải” đã tạo nên sự tăng tiến cho nhịp thơ cũng như sự
liên kết, xâu chuỗi giữa các khổ thơ với nhau. Chó là loài động vật rất trung thành và luôn được
coi là “người bạn” tốt của nhiều gia đình nhưng ở đây, Trần Nhuận Minh sẵn sàng “bán” đi con
chó của gia đình mình cũng bởi lẽ “con người” nên có được sự ưu tiên trên “động vật”. Dù cho
có là ai, có cuộc sống, có hoàn cảnh như thế nào đi chăng nữa thì chúng ta vẫn đang mang hình
hài của một con người - Là điều đáng trân quý và luôn cần sự tôn trọng, gìn giữ và nâng niu.

“Mình tạm gọi là no ấm

Ai biết cơ trời vần xoay

Lòng tốt gửi vào thiên hạ

Biết đâu nuôi bố sau này…”

Khổ thơ cuối cùng, khổ thơ nói lên được ý nghĩa sâu xa nhất và bài học nhân sinh giá trị bao
trùm toàn bộ áng thơ “Dặn con” của thi sĩ Trần Nhuận Minh. Những chiêm nghiệm cuối cùng và
cũng là lời dặn dò quan trọng nhất mà ông muốn con mình phải “khắc cốt ghi tâm”. Ở đây, Trần
Nhuận Minh đã chỉ ra được cái lẽ thường tình của cuộc đời đó là sẽ chẳng ai biết được tương lai
phía trước của mình sẽ ra sao, sẽ gặp những ai, sẽ phải ứng biến trước những gì và cũng bởi thế
mà nhà thơ đã đúc kết được một chân lý sống “tu tâm tích đức”. Hãy cho đi những gì có thể và
đừng mong nhận lại vì tất cả điều mà ta cho đi trong quá khứ chắc chắn sẽ là hóa thành “phép
màu” nâng đỡ chính bản thân chúng ta trước những lúc “cơ trời vần xoay”. Cho đi không mưu
cầu nhận lại, từng chút nhỏ nhưng “tích tiểu thành đại”, lòng nhân ái gửi vào người khác chắc
chắn sẽ là hành trang vững vàng bồi đắp cho hạnh phúc mai sau…

Lời mà Trần Nhuận Minh dặn dò con mình đơn giản chỉ là thế, nhưng đâu ai biết được rằng
trong tâm trí của độc giả còn đang ngổn ngang giữa chiêm nghiệm về bài học luân lý của cuộc
đời vô thường. Cuộc đời vốn dĩ được ví như bức tranh muôn hình vạn trạng, có người như thế
này cũng có người như thế kia, sẽ chẳng ai có khả năng tiên đoán trước rằng điều gì sẽ đến với
mỗi người hay tự mình định đoạt trước được số phận của bản thân mình. Điều mà ta có thể chắc
chắn là suy nghĩ và hành động của chính mình, ta chắc chắn rằng bản thân muốn làm gì và sẽ
được gì trong cuộc sống của mình. Song, chính bạn sẽ là người có thể quyết định được bạn sẽ là
ai trong cuộc sống của mình.

You might also like