You are on page 1of 5

BÀN VỀ CHỦ THỂ HỘ GIA ĐÌNH

TS. Lê Thu Hà
1. Các quy định của pháp luật
Hộ gia đình là một chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự. Theo quy định tại Điều
106 Bộ luật dân sự thì “hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng
góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp
hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể
khi tham gia quan hệ dân sự thuộc lĩnh vực này”.
Chủ thể hộ gia đình có các đặc điểm sau:
1.1. Các thành viên của hộ gia đình phải có quan hệ gia đình với nhau.
Đây là đặc điểm mang tính đặc trưng của chủ thể hộ gia đình để phân biệt với các
chủ thể khác được quy định trong Bộ luật dân sự. Cần lưu ý là ngoài hộ gia đình,
Bộ luật dân sự còn quy định về tổ hợp tác và pháp nhân. Cũng là những người
“cùng đóng góp tài sản, công sức”, nhưng thiếu yếu tố gia đình, nhóm người này
không thể trở thành chủ thể hộ gia đình mà có thể là “Tổ hợp tác”, hoặc “Pháp
nhân”.
Vậy, gia đình là gì? Do không được Bộ luật dân sự quy định, nên khái niệm gia
đình sẽ được tìm kiếm trong những luật liên quan đến gia đình, mà một trong
những luật đầu tiên phải được nghĩ đến là Luật hôn nhân và gia đình. Theo quy
định tại Điều 8 khoản 10 Luật hôn nhân và gia đình thì “Gia đình là tập hợp những
người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc do quan hệ nuôi
dưỡng, làm phát sinh các nghĩa vụ và quyền giữa họ với nhau theo quy định” của
Luật hôn nhân và gia đình.
Tính chất “gia đình” là yếu tố không thể thiếu, nó gắn liền và tạo nên hộ gia đình.
Một nhóm người không có quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ
nuôi dưỡng sẽ không trở thành hộ gia đình. Điều này không chỉ là quy định của
luật mà còn phù hợp với cách hiểu thực tế và mang tính truyền thống về một gia
đình.
Vì thế, chúng tôi không đồng ý với ý kiến cho rằng bất kỳ một nhóm người nào có
tài sản chung, hoạt động trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp đều được coi là
hộ gia đình; hộ gia đình không cần có yếu tố quan hệ về huyết thống, hôn nhân.
Đây là nhận thức không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành đang được
quy định trong Bộ luật dân sự và Luật hôn nhân và gia đình.
1.2. Phạm vi những loại việc dân sự mà hộ gia đình tham gia với tư cách chủ thể
giới hạn trong một số lĩnh vực được quy định tại Điều 106 Bộ luật dân sự. Đó là
các lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh
doanh khác. Đây cũng là những lĩnh vực mà hộ gia đình có thể cùng nhau đóng
góp tài sản chung, đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung là phát triển
kinh tế gia đình với tư cách là một chủ thể độc lập. Mục tiêu phát triển kinh tế
chung cũng là nguyên nhân hình thành chủ thể hộ gia đình mà thiếu nó, hoạt động
của các thành viên trong gia đình trở thanh hoạt động riêng lẻ của từng cá nhân.
Đây cũng là đặc điểm phân biệt hộ gia đình với các chủ thể khác của quan hệ pháp
luật dân sự. Ví dụ cá nhân, pháp nhân có thể trở thành chủ thể của bất kỳ quan hệ
pháp luật nào, nếu thỏa mãn các quy định của pháp luật mà không bị giới hạn lĩnh
vực tham gia. Nếu những thành viên của hộ gia đình tham gia những lĩnh vực mà
pháp luật không quy định, họ sẽ không tham gia với tư cách chủ thể hộ gia đình
mà với tư cách cá nhân của từng thành viên. Ví dụ gia đình muốn bán tài sản
chung là một căn nhà thì đây không phải là “việc đóng góp công sức để hoạt động
kinh tế chung...” như Điều 106 quy định mà là quan hệ dân sự mua bán bình
thường. Khi đó bên bán không phải là “hộ gia đình” mà phải ghi tất cả các thành
viên trong gia đình có tài sản đó với tư cách các cá nhân.
Như vậy, lĩnh vực thực hiện giao dịch dân sự cũng giúp nhận diện chính xác hơn
về chủ thể là hộ gia đình.
Tuy nhiên, bên cạnh những quy định tương đối rõ ràng về chủ thể hộ gia đình, vẫn
còn nhiều những quy định gây khó hiểu hoặc mẫu thuẫn với nhau.
Ví dụ khoản 2 Điều 146 Nghị định 181/2004/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật đất
đai quy định: “Hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng, thuê, thuê lại quyền sử dụng
đất; hợp đồng hoặc văn bản tặng cho quyền sử dụng đất, hợp đồng thế chấp, bảo
lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng chung của hộ gia đình
phải được tất cả các thành viên có đủ năng lực hành vi dân sự trong hộ gia đình đó
thống nhất và ký tên hoặc có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân
sự”. Trong quy định này, lĩnh vực mà hộ gia đình tham gia không chỉ giới hạn
trong hoạt động đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung của gia đình như
quy định tại Điều 106 Bộ luật dân sự. Rõ ràng sự thiếu thống nhất giữa Bộ luật và
văn bản hướng dẫn đã làm khó khăn hơn rất nhiều cho việc thực hiện pháp luật
trong thực tế.
2. Áp dụng trong lĩnh vực công chứng
Thực tiễn công chứng liên quan đến giao dịch của hộ gia đình đang gặp nhiều khó
khăn, vướng mắc khi xác định những thành viên của hộ gia đình. Theo quy định
tại Điều 146 Nghị định 181/2004/NĐ-CP cũng như theo quy định của thủ tục công
chứng, các giao dịch dân sự của hộ gia đình phải được tất cả các thành viên có đủ
năng lực hành vi dân sự trong hộ gia đình đó thống nhất ký tên hoặc có văn bản ủy
quyền. Nhưng những giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hiện nay liên
quan đến hộ gia đình chỉ ghi rất chung chung là “hộ gia đình” ông (hoặc bà...) mà
không ghi rõ là gồm những ai. Điều này đã làm cho các công chứng viên rất khó
khăn, lúng túng khi thực hiện yêu cầu công chứng theo yêu cầu của hộ gia đình.
Trong bối cảnh này, từ những quy định của pháp luật như đã phân tích, căn cứ vào
thực tiễn, khi công chứng viên thực hiện công chứng đối với những yêu cầu của hộ
gia đình, cần chú ý:
2.1. Khi xác định thành viên của hộ gia đình, công chứng viên căn cứ trước hết
vào quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng giữa các thành viên
trong hộ gia đình. Các giấy tờ thể hệ các mối quan hệ này là giấy đăng ký kết hôn,
giấy đăng ký khai sinh hoặc các giấy tờ về nhận nuôi con nuôi1 sẽ do người yêu
cầu công chứng xuất trình hoặc công chứng viên hướng dẫn họ xuất trình. Đây là
những giấy tờ pháp lý xác định các mối quan hệ trên. Đối với trường hợp nuôi
dưỡng mà không có giấy tờ theo quy định, nếu có tranh chấp, công chứng viên
hướng dẫn người yêu cầu công chứng giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Sau khi có
quyết của định của Tòa án, căn cứ vào quyết định của Tòa án về quan hệ nuôi
dưỡng, công chứng viên sẽ chứng thực theo quy định, nếu người yêu cầu công
chứng tiếp tục yêu cầu công chứng giao dịch của hộ gia đình.
Sổ hộ khẩu chỉ là một loại giấy tờ để tham khảo trong trường hợp thiếu những
giấy tờ nêu trên. Sổ hộ khẩu dùng để quản lý số nhân khẩu, liên quan đến đến chế
độ quản lý về hành chính của cơ quan nhà nước và phù hợp với chế độ bao cấp,
khi những người có tên trong số hộ khẩu sẽ được hưởng nhiều chế độ bao cấp của
nhà nước. Thực tế, trong một số trường hợp, sổ hộ khẩu còn có những người
không có quan hệ gia đình với chủ hộ. Vì thế không nên sử dụng sổ hộ khẩu như
tài liệu pháp lý duy nhất để xác định thành viên trong hộ gia đình.
Mặt khác không phải trong mọi trường hợp, tất cả những người có quan hệ hôn
nhân, huyết thống hay nuôi dưỡng đều là thành viên của hộ gia đình với tư cách là
chủ thể của một quan hệ pháp luật dân sự cụ thể. Chẳng hạn, gia đình hiện tại có
bốn người, nhưng tại thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với tài sản chung, ví dụ
như đất nông nghiệp của gia đình, chỉ có ba người gồm bố, mẹ và anh lớn. Hoặc
cũng có trường hợp, ngoài bố, em, anh lớn, tại thời điểm cấp đất nông nghiệp cho
hộ gia đình, còn có cô em của bố vẫn đang sống cùng gia đình. Sau này, cô đi lấy
chồng, nhưng địa phương chưa tách hộ, tách thửa hoặc chưa thu hồi thì cô cũng
vẫn là thành viên của hộ gia đình đối với phần đất nông nghiệp đã được cấp. Như
vậy, ngoài việc xác định thành viên của hộ gia đình theo quan hệ hôn nhân, huyết
thống, nuôi dưỡng, còn phải căn cứ vào thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với tài
sản chung của hộ gia đình.
Trong các trường hợp này, giấy tờ lý tưởng nhất mà công chứng viên yêu cầu
người có yêu cầu công chứng phải xuất trình là giấy xác nhận của cơ quan có thẩm
quyền cấp đất (hoặc cấp giấy chứng nhận sở hữu) về thành viên của hộ gia đình tại
thời điểm xác lập quyền sở hữu của gia đình đối với tài sản chung2. Thực tế, gần
như không có người yêu cầu công chứng nào cung cấp được giấy tờ này. Vì thế,
ngoài những giấy tờ xác định các quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng
trong hộ gia đình, công chứng viên nên yêu cầu người yêu cầu công chứng làm
cam đoan về số thành viên trong hộ gia đình và cam kết chịu trách nhiệm về cam
đoan này. Giấy cam đoan được lưu trong hồ sơ công chứng. Đây không phải là
việc công chứng viên không làm hết hoặc trốn tránh trách nhiệm mà tại thời điểm

1
Theo quy định tại Điều 27, Điều 28 Nghị định 158/2005/NĐ-CP về hộ tịch thì giấy tờ về con nuôi gồm
quyết định công nhận việc nuôi con nuôi của Ủy ban nhân dân cấp xã; giấy khai sinh của con trong đó có
ghi tên cha, mẹ nuôi.
2
Về lý thuyết, trong hồ sơ giấy tờ cấp đất hoặc đăng ký quyền sở hữu, sẽ có bản khai của người đề nghị
cấp đất hoặc đăng ký quyền sở hữu
công chứng, công chứng viên đã làm mọi biện pháp nhưng chỉ xác định được
thành viên trong hộ gia đình đúng như người chủ hộ đã cung cấp. Công chứng
viên đã không thể biết ngoài những người như trong giấy tờ mà chủ hộ cung cấp,
còn có những người khác cũng là thành viên của hộ gia đình. Mặt khác, theo quy
định tại Điều 8 của Luật công chứng, người yêu cầu công chứng phải “xuất trình
đủ các giấy tờ cần thiết liên quan đến việc công chứng và chịu trách nhiệm về tính
chính xác, tính hợp pháp của các giấy tờ đó”. Nếu người yêu cầu công chứng đã
cam đoan về tính chính xác, tính hợp pháp của giấy tờ thì người yêu cầu công
chứng phải chịu trách nhiệm nếu có hậu quả xảy ra.
Sau khi đó có đủ các giấy tờ và giấy cam đoan, công chứng viên tiến hành công
chứng theo thủ tục.
Trường hợp qua kiểm tra các giấy tờ do người yêu cầu công chứng cung cấp, công
chứng viên thấy thực sự không rõ ràng, có nhiều nghi vấn, có tranh chấp liên quan
đến tài sản chung của hộ gia đình, công chứng viên có quyền từ chối công chứng
và giải thích rõ cho người yêu cầu có thể giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Sau khi
có bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án, công chứng viên sẽ thực hiện công
chứng theo quy định của pháp luật
2.2. Về phạm vi những việc công chứng liên quan đến chủ thể yêu cầu là hộ gia
đình, để tránh những khiếu nại hoặc rủi ro, công chứng viên nên xác định theo quy
định của Bộ luật dân sự. Đó là những giao dịch phát sinh trong hoạt động phát
triển kinh tế chung, còn gọi là kinh tế gia đình. Những giao dịch khác phục vụ nhu
cầu dân sự khác như mua bán, tặng cho..., khi xác định chủ thể giao dịch, công
chứng viên không xác định là chủ thể hộ gia đình mà là những cá nhân có đủ giấy
tờ xác định quyền sở hữu.
3. Cũng từ thực tế hoạt động trong lĩnh vực công chứng, chúng tôi đề nghị khi Bộ
luật dân sự được sửa đổi, cần có những quy định rõ ràng và nhất quán hơn đối với
chủ thể hộ gia đình.
Trên cơ sở đó, các văn bản pháp luật khác như luật, nghị định, thông tư... phải quy
định thống nhất với những nội dung đã được quy định trong Bộ luật dân sự. Đối
với những quy định đã rõ trong Bộ luật thì không cần quy định lại trong những
văn bản dưới Bộ luật hoặc văn bản dưới luật. Đối với những quy định chưa cụ thể
thì cần quy định cụ thể hơn. Đối với những quy định chưa rõ thì có thể giải thích
thêm theo quan điểm của nhà làm luật. Tuyệt đối không đưa ra quy định mới,
không mở rộng hoặc thu hẹp trái với quy định trong Bộ luật dân sự.
Đối với cơ quan nhà nước có nhiệm vụ thi hành và áp dụng pháp luật, cần hết sức
cận trọng khi sử dụng câu chữ trong tài liệu, giấy tờ và phải thay đổi cách ghi
truyền thống. Ví dụ đối với quyết định cấp đất hoặc giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất, phải ghi rõ là cấp cho những ai. Nếu cấp cho cá nhân thì phải ghi rõ tên
các cá nhân được cấp hoặc được công nhận. Đối với hộ gia đình thì ghi rõ thành
viên trong hộ gia đình tại thời điểm cấp. Mặt khác, các giấy tờ về sở hữu ghi “Hộ
gia đình” cũng chỉ sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, ví dụ
như quyết định cấp đất nông nghiệp, đất rừng... Đối với lĩnh vực khác, ví dụ như
đất ở hoặc nhà ở, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần ghi rõ từng cá nhân
được xác định là người chủ sử dụng hoặc chủ sở hữu, không ghi chung chung là
“Hộ gia đình”
4. Trước khi có sự nhất quán trong hệ thống cơ quan lập pháp và hệ thống cơ quan
hành pháp, những người làm công tác thực tiễn, trong đó có các công chứng viên
vẫn phải tiêp tục cẩn trọng khi hành nghề để hạn chế tối đa rủi ro đáng tiếc.

You might also like