You are on page 1of 8

I.

Khái niệm và phân loại xung đột nhóm


1. Khái niệm
- Xung đột là một cuộc đấu tranh và xung đột về lợi ích, quan điểm. Xung đột là
trạng thái tương tác giữa con người với nhau khi có sự bất hòa hoặc sự khác biệt
về lợi ích, nhu cầu hoặc mục tiêu, là hành vi cạnh tranh giữa người hoặc nhóm. Nó
xảy ra khi hai hoặc nhiều người cạnh tranh nhau về các mục tiêu không tương
đồng.
- Xung đột là sự bộc phát đa dạng đặc trưng cho suy nghĩ, thái độ, niềm tin, nhận
thức của con người và hệ thống, cấu trúc xã hội của con người. Nó là một phần
của sự tồn tại cũng như quá trình tiến hóa của con người.
- Xung đột khi làm việc nhóm là sự bất đồng, bất hòa giữa các thành viên trong một
nhóm làm việc do sự khác biệt về nhu cầu, giá trị, mục đích hay cạnh tranh về
quyền lợi, tài nguyên, quyền lực hay bất đồng về vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm.
- Xung đột không được xử lý tốt sẽ làm cho mâu thuẫn giữa các thành viên trở nên
trầm trọng, khó giải quyết.
2. Phân loại
2.1. Xung đột tích cực
- Là những xung đột bắt nguồn từ những khác biệt trong công việc, thường nằm
trong phạm vi kiểm soát và điều tiết của người lãnh đạo. Những cuộc xung đột
tích cực tạo điều kiện cho các thành viên trong nhóm tìm ra giải pháp nhằm giải
quyết vấn đề một cách có hiệu quả.
- Xung đột tích cực kích thích sự sáng tạo và cải tiến, khuyến khích sở thích và tinh
thần học hỏi. Đồng thời, những cuộc xung đột tích cực còn tạo lập môi trường cởi
mở, phơi bày vấn đề và giải tỏa căng thẳng cho các thành viên nhóm, cổ vũ tinh
thần tự đánh giá và thay đổi môi trường, làm thúc đẩy sự phát triển của nhóm.
2.2. Xung đột tiêu cực
- Là sự xung khắc cá nhân, khó kiểm soát do biểu hiện mang tính cá nhân và không
chính thức. Những cuộc xung đột này thường ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả công
việc.
- Xung đột tiêu cực gây mất thời gian, làm tổn hại đến cảm xúc và tâm lý của các
thành viên nhóm. Đồng thời, những cuộc xung đột này có thể làm chệch hướng
mục tiêu ban đầu của nhóm, làm hao tổn chi phí, tạo ra sự mất kiểm soát trong
nhóm, làm giảm năng suất làm việc và gia tăng sự thù hằn và đe dọa lòng tin giữa
người với người.
II. Dấu hiệu xung đột nhóm
1. Thiếu tin tưởng lẫn nhau
- Niềm tin giữa các thành viên với nhau là một yếu tố vô cùng quan trọng, cần thiết
trong một nhóm làm việc chung. Khi có sự tin tưởng, các thành viên sẽ sẵn sàng
hỗ trợ nhau khi cần thiết.
- Sự thiếu tin tưởng sẽ dẫn tới lòng đa nghi. Từ đó, bất kỳ quyết định nào đưa ra đều
có sự e dè, nghi hoặc, khó đi đến thống nhất giữa các thành viên.
2. Thường xuyên chia phe trong các cuộc thảo luận
- Tình trạng chia phe trong nhóm có thể khiến cuộc thảo luận trở nên phiến diện.
Thay vì lựa chọn phương án có hiệu quả tối ưu nhất thì kết quả của cuộc thảo luận
sẽ nghiêng về phe có đông thành viên hơn.
- Tình trạng này thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp của nội bộ nhóm
3. Không thừa nhận trách nhiệm, lỗi sai trong công việc
- Vấn đề trách nhiệm cá nhân luôn dẫn đến nhiều tranh cãi.
- Trong một nhóm làm việc, khi có bất kỳ lỗi sai nào phải có người chịu trách nhiệm
chính, đồng thời đề xuất phương án giải quyết và cần phải nhận được sự chấp
thuận của các thành viên nhóm.
- Nếu cá nhân đó làm sai nhưng không nhận lỗi sẽ dẫn đến sự tranh cãi và xung đột
khi làm việc nhóm.
4. Không tập trung vào mục tiêu của nhóm
- Làm việc nhóm khó nhất là việc trung hòa các cá tính và lợi ích cá nhân. Nếu một
người chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân, không phấn đấu vì mục tiêu của
nhóm thì sẽ gây ra mâu thuẫn trong nội bộ nhóm.
- Nhóm trưởng sẽ là người dẫn dắt các thành viên tập trung vào mục tiêu chung của
tập thể nếu như có một số cá nhân trở nên lơ đễnh, mất tập trung.
5. Thể hiện thái độ ra mặt
- Các thành viên thể hiện rõ nét khi không thích, không ưa quan điểm của thành
viên khác bằng các ngôn từ mang tính đả kích, sử dụng ánh mắt và ngôn ngữ hình
thể để phán xét, bày tỏ sự không hài lòng của mình.
III. Nguyên nhân dẫn đến xung đột nhóm.
- Sự thiếu thông tin và hiểu biết: Khi các thành viên trong nhóm không hiểu rõ về
mục tiêu giá trị, hoặc vai trò của mình trong nhóm, có thể dẫn đến hiểu lầm và
xung đột. Nếu không có người cầm trịch hoặc các tiêu chuẩn đánh giá sẵn khiến
cho trình trạng này kéo dài, đây không còn là cuộc tranh luận với mục đích xây
dựng, góp ý những ý kiến của nhau mang tính xây dựng nữa. Điều này ít nhiều
cũng gây ra sự khó chịu cho mỗi cá nhân, và tệ hơn chính là xung đột trong nhóm.
- Sự cạnh tranh: Cạnh tranh về tài nguyên, về quyền lợi hoặc sự chú ý có thể tạo ra
một môi trường căng thẳng và dẫn đến xung đột. Sự cạnh tranh có thể có thể dẫn
đến các cảm xúc tiêu cực, chẳng hạn như ghen tỵ, tức giận hoặc không nể phục
bạn nhóm của mình.
- Sự không đồng thuận về mục tiêu: Khi các thành viên trong nhóm không đồng ý
về mục tiêu hoặc phương pháp để đạt được mục tiêu đó, xung đột có thể xảy ra.
Những lúc cùng bàn bạc để đưa ra ý tưởng sáng tạo, ai rồi cũng sẽ có những ý
tưởng mà bản thân tâm đắc và luôn cố bảo vệ nó. Nhiều ý tưởng khác nhau được
đưa ra trên bàn họp cũng đồng nghĩa với cuộc tranh luận diễn ra theo chiều hướng
“nảy lửa hơn”.
- Sự khác biệt về phong cách làm việc: Sự khác biệt về phong cách, giá trị và quan
điểm có thể tạo ra sự hiểu lầm và xung đột giữa các nhóm. Mỗi một thành viên là
một cá thể, một tính cách riêng biệt. Bản thân mỗi thành viên không thể làm cho
mình hòa hợp, kiểm soát cảm xúc, giữ cái tôi quá lớn trong việc bảo vệ ý tưởng,
quan điểm của mình với tập thể thì việc xung đột cũng là chuyện sớm muộn.
- Mâu thuẫn với nhóm trưởng: Với nhiệm vụ phải tổng hợp và đưa ra quyết định
cũng như đánh giá góp ý về công việc cho các thành viên trong nhóm. Nhóm
trưởng thường dễ khiến một số các nhân không hài lòng về cách nhận xét thẳng
thắn hoặc khác với tư tưởng của từng cá nhân. Bên cạnh đó, khi không có sự phân
công rõ ràng về trách nhiệm và vai trò, có thể dẫn đến sự mất lòng tin và xung đột
giữa các thành viên trong nhóm.
Ngoài ra, một số thành viên cũng ngầm đánh giá năng lực dẫn dắt của nhóm trưởng
và dễ gây mâu thuẫn nếu họ cảm thấy không phù hợp.
IV. Hậu quả của xung đột trong làm việc nhóm
1. Xung đột tích cực
Khi nhắc đến xung đột đa phần ai cũng sẽ nghĩ đến xu hướng tiêu cực nhưng thực chất nó
cũng đem lại lợi ích nhằm thúc đẩy sự phát triển của nhóm. Nếu xung đột ở trong mức độ
cho phép nào đó có thể sẽ là động lực mang tính đột phá giúp tăng hiệu quả làm việc của
nhóm. Bởi vì khi thảo luận mỗi cá nhân sẽ bày tỏ quan điểm suy nghĩ riêng của mình,
điều này giúp phát triển khả năng tư duy và sáng tạo rất tốt. Qua quá trình thảo luận,
người trưởng nhóm dễ dàng nhận ra được tiềm năng, điểm mạnh, điểm yếu của từng
thành viên để phân công công việc sao cho đem lại hiệu quả cao nhất. Xung đột cũng là
một sự tăng cường liên kết, kết nối mọi thành viên trong nhóm gần nhau hơn, hiểu nhau
hơn về tính cách, sở thích, tác phong làm việc,… Không những vậy, xung đột còn tạo
động lực cho mỗi cá nhân trong nhóm phải cố gắng nỗ lực hết sức mình để không bị tụt
lại phía sau so với người thành viên khác.
2. Xung đột tiêu cực
Xung đột làm cho không khí làm việc bị ngột ngạt, căng thẳng, thậm chí ở mức độ cao
hơn còn gây ra thái độ thù địch với nhau vì không tìm được tiếng nói chung. Từ đó mất
thiện cảm trong mắt các thành viên khác, khiến đối phương không muốn hoặc hạn chế
hợp tác làm việc chung với bạn trong một nhóm nào khác nữa. Xung đột làm giảm đi sự
đoàn kết trong nhóm và cạnh tranh thiếu lành mạnh với những nhóm khác. Đồng thời làm
giảm hiệu quả công việc do năng lượng cũng như thời gian lẽ ra dành cho công việc
nhưng lại chỉ bận tâm về vấn đề mâu thuẫn.
→ Như vậy, dù là xung đột tích cực hay tiêu cực thì chúng ta cũng cần phải đưa ra từng
giải pháp riêng cụ thể. Nếu là xung đột tích cực, ta cần quản lý xung đột để đảm bảo xung
đột đi đúng hướng nhằm phát huy tính tích cực của xung đột, giúp nhóm ngày càng phát
triển. Nếu là xung đột tiêu cực, chúng ta cần có những giải pháp phù hợp, nhanh chóng
để hạn chế ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ giữa các thành viên cũng như công việc
chung của cả nhóm.
V. Các cách giải quyết xung đột
Giải quyết xung đột nhóm là một phần không thể thiếu trong việc duy trì mối quan hệ
làm việc hiệu quả trong một tổ chức hoặc môi trường làm việc. Dưới đây là một số
phương pháp phổ biến để giải quyết các mâu thuẫn và tạo ra sự hòa thuận trong nhóm:
1. Cứng rắn, áp đảo
Cách này thường thể hiện một bên luôn muốn chiếm ưu thế, đặt lợi ích cá nhân hoặc của
nhóm mình lên trên lợi ích chung hoặc của nhóm đối lập. Bên chiếm ưu thế thường sử
dụng các biện pháp như sức mạnh, đe dọa hoặc áp đặt quyền lực để đạt được mục tiêu
của mình. Trong cách tiếp cận này, thường có một bên chiến thắng và một bên thất bại
(win-lose). Điều này có thể làm căng thẳng quan hệ giữa các bên, tạo ra sự thù địch khi
có bên thắng và bên thua, cũng như làm giảm lòng tin và tinh thần đoàn kết trong nhóm.
Tuy nhiên, đôi khi phong cách này cũng có thể tạo điều kiện cho sự tiến bộ tích cực nếu
bên thua cuộc nhận ra sai lầm của mình và có thái độ học hỏi và cải thiện.
→ Phương pháp giải quyết xung đột này nên áp dụng khi:
- Vấn đề cần được giải quyết ngay lập tức hoặc không có tính quan trọng cao.
- Người ra quyết định tự tin rằng họ đúng.
- Xung đột không kéo dài và không xảy ra định kỳ.
2. Né tránh
Khi gặp xung đột, cá nhân hoặc nhóm thường tránh đề cập trực tiếp đến vấn đề và có thể
hy sinh mục tiêu của mình để tránh mâu thuẫn. Họ thường không quan tâm đến nhu cầu
của các bên và không quan trọng việc giành chiến thắng hoặc thua cuộc. Tuy nhiên,
phương pháp này thường dẫn đến kết quả là mọi bên đều cảm thấy thất vọng và mâu
thuẫn không được giải quyết một cách triệt để, tạo điều kiện cho việc xảy ra các xung đột
tiếp theo. Hậu quả là nhóm không phát triển sau khi trải qua xung đột và không có sự
lãnh đạo rõ ràng trong nhóm.
→ Phương pháp giải quyết xung đột này nên áp dụng khi:
- Vấn đề không đáng kể.
- Vấn đề không liên quan đến lợi ích cá nhân.
3. Nhường nhịn
Nhường nhịn là một phương pháp xử lý xung đột tập trung vào việc duy trì và củng cố
mối quan hệ giữa các bên, thay vì chỉ nhìn vào việc đạt được lợi ích riêng cho bản thân.
Phương pháp này thường diễn ra ngược lại với cách tiếp cận cạnh tranh (cạnh tranh:
chiến thắng và bảo vệ quyền lợi cá nhân). Khi sử dụng phương pháp nhường nhịn, cá
nhân thường thể hiện sự thụ động hoặc sẵn lòng tuân theo, thậm chí là đặt mong muốn
của người khác lên trên mong muốn của bản thân. Họ có thể hy sinh quyền lợi cá nhân để
duy trì sự hòa thuận trong các mối quan hệ, giữ cho tình hình ổn định giữa các cá nhân
trong nhóm hoặc giữa các nhóm khác nhau.
Đặc điểm chính của phương pháp này là sự chú trọng vào việc duy trì sự hòa thuận và sự
ổn định trong mối quan hệ. Người sử dụng phương pháp nhường nhịn thường coi trọng
sự rộng lượng và lòng vị tha và có khả năng đồng ý với yêu cầu của người khác, ngay cả
khi không đồng ý hoặc không thích điều đó. Họ thường coi việc duy trì mối quan hệ là
quan trọng hơn việc thể hiện quyền lợi cá nhân. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng việc sử
dụng phương pháp nhường nhịn mà không có sự cân nhắc cẩn thận có thể dẫn đến sự lạc
quan quá mức và cảm giác bất mãn trong tình hình xung đột, đặc biệt nếu một bên liên
tục phải hy sinh mà không được đền đáp.
→ Phương pháp giải quyết xung đột này nên áp dụng khi:
- Việc duy trì mối quan hệ quan trọng hơn việc thắng thua
- Giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp là sự ưu tiên hàng đầu đặt lên hàng đầu
4) Thỏa hiệp
Phương pháp giải quyết xung đột theo kiểu thoả hiệp đòi hỏi sự đồng thuận giữa các bên,
mỗi bên phải sẵn lòng hy sinh một phần quyền lợi của mình để đạt được phần lợi ích
khác. Trong quá trình này, hai bên cố gắng tránh sự không hòa hợp và tìm ra một giải
pháp mà mọi người đều cảm thấy hài lòng. Điều này thường đòi hỏi một sự linh hoạt và
sẵn lòng chấp nhận sự thay đổi từ cả hai phía.
Tuy nhiên, mặc dù phương pháp thoả hiệp có thể tạo ra kết quả có lợi cho cả hai bên,
nhưng nó cũng có thể gây ra những cảm xúc tiêu cực như tức giận, không hài lòng hoặc
thậm chí là sự căm phẫn nếu một bên cảm thấy mình đã phải hy sinh quá nhiều. Việc này
có thể gây ra sự mất niềm tin và ảnh hưởng đến mối quan hệ trong tương lai giữa các bên.
Kết quả cuối cùng của phương pháp này có thể là cả hai bên đều có lợi hoặc đều phải
chịu thiệt sau khi xảy ra xung đột. Điều quan trọng là mỗi bên cần phải cân nhắc và đánh
giá kỹ lưỡng trước khi quyết định sử dụng phương pháp này, và sẵn lòng đàm phán để đạt
được một thỏa thuận công bằng và bền vững.
→ Phương pháp giải quyết xung đột này nên áp dụng khi:
- Vấn đề khá quan trọng, cần đưa ra quyết định càng sớm càng tốt do vậy nhanh
chóng chấp nhận các yêu cầu của nhau
- Giải quyết xung đột quan trọng hơn cái tôi cá nhân.
5) Hợp tác
Phương pháp hợp tác trong giải quyết mâu thuẫn đặt mục tiêu cao cho cả kết quả và mối
quan hệ giữa các bên. Mỗi bên tham gia với thái độ tích cực và chủ động đối với quá
trình xung đột và họ đặt mong muốn tiếp cận các quyết định quan trọng có ảnh hưởng
đến lợi ích của cả nhóm. Hợp tác là việc các bên cùng nỗ lực hợp pháp để giải quyết mối
quan tâm của cả hai bên. Trong quá trình này, tất cả các bên đều tập trung vào việc đạt
được sự đồng thuận và tìm kiếm giải pháp tốt nhất cho cả hai bên, không chỉ tập trung
vào lợi ích riêng của một bên. Đây được xem là một phong cách mà cả hai bên đều có thể
thắng (win-win), và nó đề cao sự tôn trọng quyền lợi, trách nhiệm và ý thức của tất cả các
bên tham gia vào quá trình giải quyết xung đột.
→ Phương pháp giải quyết xung đột này nên áp dụng khi:
- Vấn đề rất quan trọng
- Xử lý những tình huống không khẩn cấp.
- Mong muốn tạo dựng mối quan hệ lâu dài giữa các bên.
- Đã thử các phương pháp giải quyết khác nhưng đều thất bại
VI. Các bước giải quyết xung đột
Xung đột nhóm không chỉ thách thức năng suất mà còn có thể tác động tiêu cực đến các
mối quan hệ và sự gắn kết trong một tổ chức. Để giải quyết hiệu quả những tình huống
như vậy, điều quan trọng là phải áp dụng các bước cụ thể sau:
1. Nhận diện và phân tích xung đột
Đầu tiên, các nhóm phải xác định và phân tích cẩn thận các vấn đề và xung đột mà họ
đang gặp phải. Điều này bao gồm việc xác định các yếu tố gây ra xung đột, chẳng hạn
như: bất đồng về mục tiêu, giá trị hoặc cách làm việc.
2. Thu thập thông tin và hiểu biết
Khi xung đột đã được xác định, điều quan trọng là thu thập thông tin từ tất cả các bên liên
quan. Sự hiểu biết sâu sắc hơn về quan điểm, mối quan tâm và mong muốn của mỗi thành
viên trong nhóm giúp tạo nền tảng tốt cho quá trình giải quyết xung đột.
3. Tạo môi trường thảo luận mở cửa
Một môi trường thảo luận cởi mở là điều cần thiết để khuyến khích mọi người bày tỏ ý
kiến và cảm xúc của mình một cách trung thực và không phán xét. Tạo không gian thảo
luận giúp mọi người cảm thấy an toàn khi bày tỏ ý kiến của mình.
4. Tìm kiếm giải pháp thông qua thương lượng
Thúc đẩy thảo luận và tìm giải pháp thông qua đàm phán và hợp tác là những bước quan
trọng tiếp theo. Khuyến khích mọi người đóng góp ý kiến và đề xuất các giải pháp khả thi
để giải quyết vấn đề.
5. Xây dựng sự đồng thuận và thực hiện biện pháp
Điều quan trọng là tìm ra điểm chung và xây dựng sự đồng thuận giữa các thành viên
trong nhóm. Sau khi đạt được thỏa thuận, các hành động cụ thể phải được thực hiện để
giải quyết vấn đề. Điều này có thể bao gồm thay đổi quy trình làm việc, phân công lại
nhiệm vụ, cải thiện giao tiếp ...
6. Theo dõi, đánh giá và điều chỉnh
Liên tục theo dõi tình hình và đánh giá hiệu quả của các phương pháp giải quyết xung
đột. Điều chỉnh kế hoạch của bạn nếu cần và tiếp tục hỗ trợ hòa giải trong nhóm của bạn.
7. Xây dựng mối quan hệ tốt hơn và học hỏi
Tận dụng kinh nghiệm của bạn trong quá trình giải quyết xung đột để xây dựng mối quan
hệ tốt hơn và tăng cường sự hiểu biết và tôn trọng giữa các thành viên trong nhóm. Học
hỏi từ những kinh nghiệm này sẽ giúp các đội trở nên mạnh mẽ và kiên cường hơn trong
tương lai.
Giải quyết xung đột trong một nhóm đòi hỏi sự quyết đoán, linh hoạt và kỹ năng giao
tiếp. Bằng cách áp dụng các bước cụ thể này, nhóm của bạn có thể vượt qua xung đột và
tạo ra một môi trường làm việc tích cực và hòa bình.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. (2023). NGUYÊN NHÂN & PHÂN LOẠI XUNG ĐỘT KHI LÀM VIỆC NHÓM.
Thái Vân Linh.
2. Bùi Tuấn An. (2023). XUNG ĐỘT LÀ GÌ? BẢN CHẤT, NGUYÊN NHÂN VÀ
KỸ NĂNG GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT. Luật Minh Khuê.
3. QUẢN LÝ XUNG ĐỘT. Trường Đại học Y tế Công cộng.
4. (2022, 9). CÁCH GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT TRONG NHÓM KHÉO LÉO BẠN
CẦN BIẾT. Glints.
5. : https://www.studocu.com/vn/document/hoc-vien-ngan-hang/giao-tiep-kinh-
doanh/ky-nang-giai-quyet-xung-dot-khi-lam-viec-nhom/25241728
6. https://thaivanlinh.com/blogs/tips-phat-trien-su-nghiep/nguyen-nhan-va-phan-loai-
xung-dot-khi-lam-viec-nhom
7. https://tcnn.vn/news/detail/4720/
Nhan_dien_cac_nguyen_nhan_dan_den_xung_dot_trong_to_chuc_hanh_chinh_N
ha_nuocall.html
8.
9.

You might also like