You are on page 1of 5

 CẢNH NGÀY HÈ -

NGUYỄN TRÃI
Thơ văn chính là một con thuyền chở những bài học đạo đức cho con
người: “thi dĩ ngôn chí, văn dĩ tải đạo”. Một bài thơ hay không chỉ dừng lại như
một mạch cảm xúc, mà qua đó người đọc còn có thể tự rút ra những bài học
quý báu để tự răn mình. Với nhà thơ Nguyễn Trãi và tập thơ “Quốc âm thi tập”,
ông đã dành hẳn ra một phần của tập thơ để viết nên những bài học đạo đức
để tự rèn giũa nhân cách của chính mình: “Bảo kính cảnh giới”, gồm 61 bài thơ.
Trong số những bài thơ đó, nổi bật hơn cả chính là bài thơ số 43, hay được biết
đến nhiều hơn với nhan đề “Cảnh ngày hè”. Bài thơ chính là một bức tranh
thiên nhiên và cuộc sống con người tươi đẹp, mà tâm điểm của bức tranh đó
chính là tâm hồn yêu nước thương dân của “Ức Trai lòng sáng tựa sao Khuê”.
“Rồi hóng mát thuở ngày trường,
Hòe lục đùn đùn tán rợp giương.
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.
Lao xao chợ cá làng ngư phủ,
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.
Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,
Dân giàu đủ khắp đòi phương.”

Nguyễn Trãi là một tác gia lớn đại diện cho cả hai truyền thống lớn: yêu
nước và yêu dân tộc. Vì thế, thơ của ông thường nêu bật lên hai chủ đề chính:
chủ nghĩa chính luận đạt đến độ sắc bén một cách kiệt xuất và chủ nghĩa trữ
tình đầy chất thơ rung động đời thường. Ức Trai chính là cả hai vần thơ:
“Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
Lấy chí nhân để thay cường bạo”
(“Bình Ngô đại cáo”)

“Phượng những tiếc cao diều hãy lượn,
Hoa thường hay héo cỏ thường tươi.”
(Bài thứ 9 trong mục “Tự thuật”, phần “Vô đề”, “Quốc âm thi tập”)
Không chỉ nổi tiếng với vai trò là công thần nổi tiếng của nhà Lê sơ, ông là
là nhà thơ dân tộc kiệt xuất với tập thơ chữ Nôm “Quốc âm thi tập”. Đây là viên
gạch đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển của chữ Nôm sau này. Đặc biệt
trong tập thơ này là sự xuất hiện của “Cảnh ngày hè” - bài thơ mang dáng vẻ
của một Nguyễn Trãi mang một tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc. Được
viết trong khoảng thời gian ông về ở ẩn tại Côn Sơn, “Cảnh ngày hè” chính là
lời tâm sự độc đáo ẩn trong bức tranh mùa hè đẹp đẽ.
Câu thơ đầu tiên chính là hình ảnh tác giả thưởng thức cái thú nhàn nhã
của mình ở Côn Sơn:
Rồi hóng mát thuở ngày trường,
Nhịp thơ 1/2/3 của câu lục ngôn đã phá vỡ tính quy phạm thông thường
của thơ thất ngôn bát cú Đường luật, thể hiện một nét sáng tạo độc đáo trong
thơ Nguyễn Trãi. Câu thơ nhấn mạnh chữ “Rồi” - nghĩa là rỗi rãi, rảnh rang,
chính là tình trạng của tác giả tại Côn Sơn trong một sự cô đọng về xúc cảm.
Cái thú nhàn của ông là thú nhàn “hóng mát” - ngắm cảnh vật xung quanh, tìm
ra vẻ đẹp của thiên nhiên như một vị Nho sĩ nhàn nhã trong một khoảng thời
gian dài - “thuở ngày trường”. Câu thơ tựa như một tiếng thở dài não nề của
nhà thơ trong cảnh nhàn bất đắc dĩ. Ông luôn mang trong mình nỗi đau đáu lo
lắng cho nhân dân, đất nước, nhưng chỉ vì chán ghét chốn quan trường nhiễu
loạn mà ông phải cáo quan về ở ẩn tại Côn Sơn. Ông tuy sống cảnh nhàn
nhưng trong tâm ông không nhàn. Thế nhưng, bằng một niềm rung cảm mãnh
liệt với thiên nhiên, Ức Trai đã vượt qua cảnh ngộ ngày để trải lòng mình với
cảnh vật đang khoe sắc.
Ba câu thơ tiếp theo chính là thiên nhiên đang khoe sắc trong bức tranh
ngày hè tươi đẹp:
“Hòe lục đùn đùn tán rợp giương,
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương,”
Chỉ bằng vài nét chấm phá, cảnh ngày hè đã bắt đầu hiện lên thật tươi
thắm: có cây hoa hòe, có hoa lựu, có một ao sen. Cây hòe thì “đùn đùn” - được
miêu tả như đang căng tràn nhựa sống, tràn trề một sức sống mạnh mẽ sâu
bên trong lớp vỏ kia và lớn dần lên. Tầng tầng lớp lớp những tán cây màu xanh
lục thật thích mắt chồng lên nhau, vươn ra tỏa một bóng mát thật đẹp. Cây hòe
phát triển lan tỏa lên cao và trải rộng ra trong không gian của bài thơ, và làm
người ta có cảm tưởng như cây hòe đang mọc ngay trước sân nhà. Chếch một
chút về phía hiên nhà chính là hoa thạch lựu đỏ đang khoe sắc thật tươi thắm:
“phun thức đỏ”. Động từ “phun” thường được dùng để chỉ hoạt động của chất
lỏng, nhưng ở đây tác giả lại sử dụng nó để miêu tả sắc đỏ tươi thắm ấy. Có
chăng hoa thạch lựu đang cháy hết mình trong những ngày hè? Đối chiếu với
câu thơ của Nguyễn Du:
“Dưới trăng quyên đã gọi hè,
Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông.”
,ta có thể nhận thấy rằng hoa lựu của Nguyễn Trãi đang sống trong những
ngày giữa hè, đang cháy hết mình cùng cái nắng mùa hạ. Và ở sau nhà chính
là một ao sen đang tỏa ngát hương thơm. Màu sắc của hoa sen không đậm đà
sắc hồng mà thay vào đó mùi hương chính là thứ quyến rũ Nguyễn Trãi. Mùi
hương ngạt ngào “tiễn” trong không khí, thể hiện một chuyển động tĩnh, như
thể hương sen vẫn luôn đong đầy như thế tự bao giờ. Nguyễn Du cũng đã từng
viết:
“Sen tàn cúc lại nở hoa.”
Và thế, cuối cùng, khi mùa sen đong đầy hương thơm nhất cũng chính là
kết thúc của mùa hè. Xuyên suốt ba câu thơ, Nguyễn Trãi đã chỉ ra một chiều
thời gian - không gian bao quát bức tranh ngày hè: đầu hè - trước sân nhà (cây
hòe), rồi giữa hè - bên hiên nhà (hoa thạch lựu), cuối cùng là cuối hè - sau nhà
(ao sen). Chỉ trong vài vần thơ mà tác giả đã đưa chúng ta đi qua cả một mùa
hè tươi đẹp đến thế: có những đường nét (“đùn đùn tán rợp giương”), có
những màu sắc (“phun thức đỏ”), có những mùi thơm (“đã tiễn mùi hương”) và
tất cả đều hòa vào cái nắng nhẹ nhàng đẹp đẽ của một chiều mùa hạ.
Ở hai câu thơ tiếp theo, bức tranh mùa hạ đã tập trung chủ yếu vào vẻ đẹp
của cuộc sống con người:
“Lao xao chợ cá làng ngư phủ,
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương,”
Trong bức tranh ngày hè của Nguyễn Trãi, hiện lên một làng chài với phiên
chợ cá buổi chiều và một lầu cao chìm trong ánh nắng chiều vàng. Bằng những
hình ảnh mộc mạc và giản dị, tác giả đã phá vỡ tính quy phạm của thơ Đường
luật mà chỉ giữ lại những nét trang nhã, bình dị và đậm hồn dân tộc ở một miền
quê thanh bình. Tiếng làng ngư phủ vọng lại từ một phiên chợ cá buổi chiều tạo
nên những liên tưởng về hoạt động mua bán, giao thương sầm uất (dẫu đã là
cuối ngày) làm ta liên tưởng đến giây phút đoàn viên của những người ngư dân
sau một đêm dài bám biển:
“Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về,
Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe,
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.”
(Tế Hanh, “Quê hương”)
Và đó chẳng phải là một cuộc sống rất đỗi ấm no hay sao? Trong ngày hè
như vậy, tiếng ve kêu “dắng dỏi” - inh ỏi hiện lên thật sinh động, và qua tâm hồn
của Ức Trai, những âm thanh đó hóa thành điệu đàn đặc trưng của ngày hè.
Biện pháp đảo ngữ những tính từ “lao xao”, “dắng dỏi” nhằm nhấn mạnh nhịp
sống vẫn tiếp tục dẫu cho ngày sắp hết, đồng thời thể hiện được sự bình yên,
thanh bình, yên ả mà nhộn nhịp, tấp nập. Làng quê này hiện lên thật đẹp đẽ,
yên bình, ấm no và hạnh phúc. Thật như chính Nguyễn Trãi từng nói:
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân.”
Cảnh đời như vậy chẳng phải đã là ấm no, hạnh phúc rồi hay sao?
Bức tranh thiên nhiên mùa hạ đã được Nguyễn Trãi tinh tường miêu tả
bằng đôi mắt của một nhà họa sĩ, bằng đôi tai của người nhạc sĩ và cả bằng
một tâm hồn đầy tinh tế của người thi sĩ nữa. Cái dáng vẻ, cái âm thanh, cái
màu sắc, cái hương thơm, cái cảm giác đều đánh thức trọn vẹn năm giác quan
của nhà thơ. Con người là một phần nhỏ bé mà không thể thiếu của bức tranh -
họ hiện lên trong một cuộc sống đủ đầy và hạnh phúc. Bức tranh cảnh ngày hè
hiện lên thật lung linh với vẻ đẹp hòa hợp giữa con người và thiên nhiên, mà
chỉ có tâm hồn Ức Trai đầy tình yêu với cuộc sống mới có thể khắc họa nên
được.
Hai câu thơ cuối, Ức Trai đã thể hiện niềm tha thiết yêu nước thương dân
của mình:
“Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,
Dân giàu đủ khắp đòi phương.”
Nguyễn Trãi đã mượn điển tích vua Ngu Thuấn cầm đàn gảy khúc Nam
Phong để ca ngợi cuộc sống ấm no, hạnh phúc ở vùng quê này. Tiếng đàn vui
tai, da diết trong tâm thức chính là niềm vui của Nguyễn Trãi. Và đây cũng
chính là “bảo kính cảnh giới” của bài thơ: rằng đối với một bậc minh quân trị
quốc, với một vị công thần thì phải luôn luôn nhìn vào cuộc sống của nhân dân.
Liệu họ có ấm no, có hạnh phúc hay không? Gương báu để răn mình, với
Nguyễn Trãi, chính là dân giàu đủ, ấm no. Tuy nhiên, chữ “Dẽ có” hiện lên thật
là chua xót: ông giờ đã cáo quan về Côn Sơn, chỉ có thể ẩn mình chốn hoang
dã mà ca niềm vui hạnh phúc ấm no. Trong lòng ông vẫn canh cánh nghĩ về
dân, nghĩ về vận nước mà ông giờ đây vì chốn quan trường nhiễu nhương
đành phải rời xa. Như ông tự nhận mình,
“Bụi một tấc lòng ưu ái cũ,
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông.”
(Bài số 2 trong mục “Thuật hứng”, phần “Vô đề”, “Quốc âm thi tập”)
Tâm hồn của Ức Trai hiện lên sáng chói - một tâm hồn luôn hướng đến
những giá trị cuộc sống tốt đẹp. Câu thơ thể hiện tính hàm súc của bài thơ,
đồng thời chứng minh rằng Nguyễn Trãi chính là một đại thi hào đầy uyên bác.
Cuối cùng, “Dân giàu đủ khắp đòi phương”. Một câu lục ngôn phá vỡ tính
quy phạm của thơ Đương luật đối xứng với câu lục ngôn đầu tiên của bài, cũng
tuân theo cách ngắt nhịp 1/2/3. “Dân” là hồn của câu thơ trên, cũng là trung tâm
của tâm hồn Nguyễn Trãi cao đẹp. Ông canh cánh trong lòng nỗi lo cuộc sống
của người dân có “giàu đủ” hay không? Ông quan tâm đến mọi loại người trong
xã hội, chăm lo cho đời sống của từng người sao cho không ai phải chịu cảnh
đói khổ. Cụm “khắp đòi phương” thể hiện một cái nhìn bao quát xã hội của Ức
Trai, thể hiện một tấm lòng nhân nghĩa rộng mở và không hề đắn đo, suy nghĩ.
Nguyễn Trãi mang vẻ đẹp cốt cách của tùng, cúc, trúc, mai và dành những vẻ
đẹp cao quý đó để hướng về dân và về cuộc sống của dân:
“Dành còn để trợ dân này.”
(“Tùng”)
“Dân giàu đủ khắp đòi phương”, chả phải đó chính là chí hướng của
Nguyễn Trãi? Phải chăng đó chính là khát vọng và hoài bão cháy bỏng của nhà
thơ với niềm trăn trở của vận mệnh đất nước non sông? Phải chăng đó chính là
tư tưởng, là khát vọng thương dân, dùng nhân nghĩa để “trị” dân, “khoan” dân
của Ức Trai? Nhà thơ hiện lên với một nhân cách, tâm hồn cao đẹp và đầy lòng
nhân hậu.
Bài thơ “Cảnh ngày hè” chính là lời tự nhắc của Nguyễn Trãi mà qua đó,
bất cứ ai cũng có thể soi rọi vào. Làm quan của một nước như Nguyễn Trãi
chính là tâm trạng, cảm xúc vui buồn, lo âu hay thanh thản, tất cả đều xuất phát
từ cuộc sống của nhân dân. Nhà thơ đã có hẳn cho mình một “ngày trường” để
hưởng thú nhàn, nhưng chả phải sâu bên trong ông luôn lo nghĩ vì dân, vì
nước? Nguyễn Trãi mong dân được ấm no (“giàu đủ”), nhưng đó phải là cái no
đủ cho tất cả mọi người (“khắp đòi phương”). Tư tưởng nhân nghĩa đó vẫn còn
có giá trị cho tới ngày hôm nay, và đó cũng chính là truyền thống “Thương
người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam mà ai ai cũng nên ghi nhớ.

Bài thơ “Cảnh ngày hè” đã khắc họa nên một bức tranh mùa hạ chan chứa
tình yêu thiên nhiên, yêu đời, yêu nhân dân, yêu đất nước của Ức Trai. Tính
quy phạm của thơ thất ngôn bát cú Đường luật bị phá vỡ, từ đó Nguyễn Trãi đã
thành công trong việc dân tộc hóa thể thơ này một cách hết sức tài tình thành
thể thơ thất ngôn xen lục ngôn. Nguyễn Trãi đã tiếp thi thơ Đường luật Trung
Quốc để, như Đặng Thai Mai nhận xét, “xây dựng một lối thơ Việt Nam”. Các
câu lục ngôn, đặc biệt là câu cuối bài ngắn gọn, thể hiện sự dồn nén cảm xúc
của cả bài thơ. Có thể nói, qua “Cảnh ngày hè”, Nguyễn Trãi đã truyền tải thành
công những giá trị nhân đạo hết sức cao đẹp mà vẫn còn giữ nguyên ý nghĩa
cho đến tận ngày hôm nay.

You might also like