You are on page 1of 9

Tài liệu học tập

PHẦN HÀNH CHÍNH:

1. Tên học phần: Nhi 1 (LT)

2. Tên tài liệu học tập: ĐẶC ĐIỂM DA CƠ XƯƠNG Ở TRẺ EM

3. Bài giảng: Lý thuyết

4. Đối tượng: Sinh viên Y4 + chuyên tu Y3.

5. Thời gian: 1 tiết

6. Địa điểm: Giảng đường.

7. Họ và tên giảng viên: Trương Ngô Ngọc Lan.

MỤC TIÊU:
1. Mô tả được các đặc điểm của tổ chức da và dưới da của trẻ em.
2. Trình bày được đặc điểm của hệ cơ ở trẻ em.
3. Trình bày được đặc điểm của hệ xương ở trẻ em.

NỘI DUNG:
1. DA VÀ TỔ CHỨC TẾ BÀO DƯỚI DA.
Trong khi quan sát trẻ em, cần chú ý tới màu sắc, các mao mạch dưới da, số
lượng lông tơ, độ chun giãn, độ ẩm, độ khô, nhiệt độ của da... vì những cái đó có tác
dụng lớn trong việc đánh giá chức năng của tuyến nội tiết và hệ thống thần kinh thực
vật.
1.1. Đặc điểm cấu tạo da của trẻ em:
1.1.1. Da:
- Da trẻ em thường mềm mại, có nhiều mao mạch, sợi cơ và sợi đàn hồi
phát triển yếu, tuyến mỡ phát triển tốt ngay từ khi sơ sinh; tuyến mồ hôi
trong 3 – 4 tháng đầu đã phát triển nhưng chưa hoạt động vì trung tâm
thần kinh chưa được kiện toàn.
- Khả năng điều hòa nhiệt chưa được hoàn chỉnh, do đó trẻ em dễ bị lạnh
quá hoặc nóng quá.
- Da rất dễ bị tổn thương loét, mưng mủ vì miễn dịch tại chỗ còn yếu nên
dễ đưa tới nhiễm trùng huyết do nhiễm trùng qua da.
- Đặc biệt da của trẻ sơ sinh có nhiều nước, mỏng xốp, sờ vào mịn như
nhung. Trẻ đủ tháng da trong suốt có độ đàn hồi và ít lớp nhăn. Trẻ sanh
non có nhiều lông tơ, bìu ít nhăn và không sậm màu, môi lớn không
chiếm ưu thế, vú và quàng vú giảm sậm màu hơn và mô vú khó sờ thấy.
- Sản xuất Melanin thấp ở trẻ sơ sinh nên da dễ bị ảnh hưởng bởi ánh sáng
mặt trời.
- Ngay từ khi mới đẻ, trên da có một lớp mỡ màu xám trắng hoặc đôi khi
có màu vàng nhạt gọi là chất Gây. Lớp mỡ này có thể nhiều hay ít tùy
theo từng trẻ. Chất gây gồm có mỡ và lớp thượng bì bong ra. Tác dụng
của chất gây:
+ Bảo vệ da khỏi bị chấn thương.
+ Làm đỡ mất nhiệt của cơ thể.
+ Có tính chất miễn dịch.
+ Là sản phẩm dinh dưỡng của da.
Vì vậy chỉ nên lau bằng bông ướt các kẽ hay chỗ da dính chất nhầy và
máu sau khi đẻ, nhưng sau 48 giờ cần lau sạch các chất này đi, nếu không sẽ gây hăm
đỏ các kẽ da.
- Ở trẻ sơ sinh trong những ngày đầu xuất hiện những hiện tượng sinh lý ở
da: đỏ da sinh lý , vàng da sinh lý.
+ Đỏ da sinh lý: sau khi lau sạch chất gây thì da ở dưới hơi phù nề, nhợt
nhạt rồi trở nên đỏ hồng, có phù tím nhẹ. Cường độ dỏ da rất khác nhau,
ở những trẻ da mềm mại như nhung thì ban đỏ biểu hiện mạnh hơn là
những trẻ có da khô và thô. Ở trẻ đẻ non, hiện tượng đỏ da sinh lý biểu
hiện rất rõ, mạnh nhất ngày 1-2 sau đẻ, sau đó da dần dần trở nên trắng
và bong vảy đồng thời với hiện tượng vàng da sinh lý.
+ Vàng da sinh lý: 85 – 90% trẻ sơ sinh có hiện tượng vàng da sinh lý.
Vàng da xuất hiện vào ngày thứ 2-5 sau đẻ và kéo dài đến ngày thứ 7-8
thì hết, có khi kéo dài 3-4 tuần và thường gặp ở trẻ đẻ non.
1.1.2. Lớp mỡ dưới da:
- Lớp mỡ dưới da có từ khi thai bắt đầu được 7-8 tháng, do đó ở trẻ đẻ
non lớp mỡ dưới da phát triển yếu. Nếu trẻ sơ sinh đủ tháng thì lớp mỡ
này đã phát triển tốt ngay từ khi đẻ. Trong 6 tháng đầu lớp mỡ phát triển
mạnh nhất ở mặt và ít hơn ở bụng.
- Về thành phần hóa học: lớp mỡ dưới da của trẻ em gồm nhiều acid béo
no, ít acid béo không no hơn người lớn. Độ nóng chảy ở lớp mỡ dưới da
của trẻ em 430C lớn hơn so với người lớn (17,5 0C) do đó về mùa rét trẻ
dễ bị cứng bì và phù cứng bì; trẻ đẻ non càng dễ bị hơn.
- Trong khi điều trị tránh tiêm một số thuốc hòa tan trong dầu như dầu
long não thường làm da trẻ bị cứng lại và chất dầu lâu tan dễ đưa tới áp
xe.
1.1.3. Lông và tóc:
 Lông tơ:
- Trên da của trẻ em còn có lông tơ, thường thấy nhiều ở vai và lưng, đặc
biệt lông tơ nhiều ở trẻ đẻ non.
- Lông tơ ở cẳng chân và vai thường gặp ở trẻ em trong những tháng đầu,
những trẻ dinh dưỡng kém thì lông tơ mọc nhiều hơn và hầu như không
thấy lông tơ ở trẻ được nuôi dưỡng tốt.
- Đến tuổi dậy thì lông mọc ở hõm nách và bộ phận sinh dục, trẻ trai có
thể xuất hiện thêm râu mép và cằm. Trong trường hợp rối loạn nội tiết
thì lông có thể phát triển yếu hay mạnh và ở những vị trí không bình
thường.
 Tóc:
- Tóc của trẻ em có thể rậm, thưa, đen hoặc hơi vàng. Tóc của trẻ nhỏ
thường rất mềm mại vì chưa có lõi tóc ở trong như người lớn.
- Trong những tháng đầu có sự mất cân đối giữa phát triển và mất tóc nên
có hiện tượng rụng tóc tạm thời. Tóc con trai mọc nhanh hơn tóc con
gái, tóc mọc chậm ở đỉnh đầu cả hai giới.
- Bất thường nhiễm sắc thể có hiện tượng lệch tâm đỉnh đầu hoặc có 2-3
vòng xoáy đỉnh đầu.
1.2. Đặc điểm sinh lý da:
- Bề mặt da của trẻ em so với trọng lượng cơ thể cao hơn người lớn và
tính theo công thức:

- Diện tích da = (P: trọng lượng cơ thể)

Diện tích da ở người lớn là 1,73m 2. Do đó sự đào thải nước theo đường da ở trẻ
em sẽ lớn hơn người lớn.
1.2.1. Chức năng bảo vệ:
Da bảo vệ các tổ chức sâu bên trong chống lại các tác dụng cơ hóa học bên
ngoài, chức năng này ở trẻ nhỏ rất yếu so với người lớn. Do đó da của trẻ em rất dễ bị
tổn thương và nhiễm trùng.
1.2.2. Chức năng hô hấp và bài tiết:
Trẻ nhỏ sự hô hấp ở ngoài da biểu hiện rất mạnh so với người lớn, bài tiết da ở
trẻ nhỏ trong những tháng đầu do tuyến mồ hôi chưa làm việc nên da chưa có tác
dụng bài tiết mồ hôi.
1.2.3. Chức năng điều hòa nhiệt:
Chức năng này ở trẻ em trong những tháng đầu chưa được hoàn thiện, do đó
trẻ dễ bị nóng quá hay lạnh quá. Nguyên nhân là do da trẻ mỏng và mềm mại, nhiều
mạch máu, tuyến mồ hôi chưa hoạt động, hệ thống thần kinh chưa hoàn thiện.
1.2.4. Chức năng chuyển hóa vật chất:
Ngoài phần chuyển hóa hơi nước, da còn cấu tạo nên các men, các chất miễn
dịch, vitamin D. Vitamin D được cấu tạo ở da dưới ảnh hưởng của tia cực tím, do đó
cần phải cho trẻ tắm nắng mặt trời để tránh bị còi xương.
Tóm lại vai trò sinh lý của da rất quan trọng, cần phải bảo vệ chăm sóc da cho
trẻ em ngay từ khi mới lọt lòng.
2. HỆ CƠ:
Hệ cơ cùng với hệ xương đảm bảo các hoạt động của cơ thể, sự vận động của
các cơ có liên quan đến sự hoạt động của vỏ não. Những cử động, những sự rèn luyện
thân thể, công tác lao động chân tay không những có tác dụng làm phát triển các cơ
mà còn tác dụng làm tăng thêm sự hoạt động tinh thần.
2.1. Đặc điểm cấu tạo cơ của trẻ em:
2.1.1. Tổ chức học:
Bề dày của sợi cơ nhỏ bằng 1/5 sợi cơ của người lớn, tổ chức khe phát triển
nhiều và nhanh, tế bào cơ có nhiều nhân.
2.1.2. Thành phần hóa học:
Cơ trẻ em có nhiều nước, ít chất đạm, mỡ và các muối vô cơ. Đến 15 – 18
tuổi thì số lượng nước ở trong các cơ mới giảm đi, các cơ trở nên chắc hơn, các
chất đạm, mỡ, muối vô cơ nhiều hơn.
Do cơ trẻ em có nhiều nước nên khi trẻ bị ỉa chảy thì hay bị mất nước nặng
và sụt cân nhanh.
2.2. Đặc điểm về sự phát triển của các cơ:
Các cơ trẻ em phát triển không đều nhau trong mọi lứa tuổi. Các cơ lớn (đùi,
vai, cơ cánh tay trước) phát triển trước, các cơ nhỏ (cơ lòng bàn tay...) sau này mới
phát triển. Do đó trẻ dưới 6 tuổi chưa làm được các động tác tỉ mỉ cần sử dụng đến
những ngón tay.
Từ 6 – 7 tuổi, trẻ có thể làm được những công việc: múc nước, tưới rau, đan
lát... Ở tuổi này ta có thể dạy trẻ tập viết dần, nhưng không nên cho viết nhiều quá,
ngón tay dễ bị mỏi vì các cơ chưa hoàn toàn trưởng thành.
Những năm sau cơ của trẻ phát triển mạnh dần lên, mạnh nhất vào cuối thời kỳ
dậy thì, lúc đó không những phát triển các cơ tay mà còn cơ lưng, hông, chân. Trên
15 tuổi các cơ nhỏ phát triển mạnh, trẻ làm được đầy đủ mọi công việc và khéo léo
hơn.
2.3. Đặc điểm sinh lý của cơ:
2.3.1. Cơ lực: Lực cơ ở tay phải mạnh hơn tay trái, trẻ trai mạnh hơn trẻ gái.
Lực cơ trẻ em kém hơn nhiều so với người lớn nên không được cho trẻ luyện tập
cơ thể, lao động chân tay quá nhiều và không nên cho trẻ nâng các vật nặng quá
mức quy định.
2.3.2. Trương lực cơ: Trong những tháng đầu, cơ có tính chất đặc hiệu là
tăng trương lực cơ sinh lý nên trẻ thường co cả chân tay lại. Tăng trương lực cơ
chi trên đến 2-2,5 tháng tuổi thì hết còn hai chi dưới thì chậm hơn đến 3-4 tháng
mới hết.
2.3.3. Điện cơ: nghiên cứu của Minkopski chứng tỏ rằng các cơ bào thai 3
tháng có thể bị kích thích bởi dòng điện galvanic và faradic. Tính chịu kích thích
bằng điện của hệ thần kinh cơ trẻ em trong những tuần đầu mới sinh kém hơn ở
trẻ em lớn tuổi và người lớn.

3. HỆ XƯƠNG:
Xương là chỗ dựa của toàn bộ cơ thể; một số xương làm nhiệm vụ bảo vệ các
bộ phận quan trọng như não, tim, phổi... Hệ xương phối hợp với hệ cơ làm cơ thể vận
động được. Xương của thai nhi hầu hết là tổ chức sụn. Quá trình tạo thành xương dần
dần phát triển và kết thúc lúc 20 – 25 tuổi.
3.1. Đặc điểm cấu tạo của hệ xương :
3.1.1. Hình thể: Xương trẻ em khác xương người lớn. Ở trẻ sơ sinh: đầu to,
thân dài, chân tay ngắn, xương sống hầu như thành một đường thẳng, lồng ngực tròn
mềm và dễ biến dạng.
3.1.2. Thành phần hóa học:
Xương trẻ sơ sinh có rất nhiều nước và ít muối khoáng, khi đứa trẻ lớn lên thì số
lượng nước sẽ giảm xuống và số lượng muối khoáng tăng lên. Trẻ em đến 12 tuổi
thành phần cấu tạo xương gần giống người lớn. Do đặc điểm trên nên xương của trẻ
em mềm, ít gãy và chun giãn hơn nhiều so với người lớn.
3.1.3. Tổ chức học: Xương trẻ sơ sinh có cấu tạo bằng những tổ chức xơ
thành hình mạng lưới, các lá xương ít và phân phối không đều. Ống Havers to và có
nhiều huyết quản, quá trình tạo cốt và hủy cốt tiến triển nhanh cho nên trẻ em bị gãy
xương thì chóng liền. Màng ngoài xương của trẻ còn bú dày và phát triển mạnh hơn
người lớn do đó trẻ hay bị gãy xương theo lối cành tươi. Trước khi xương cốt hóa vào
giai đoạn dậy thì, các phiến xương yếu hơn ở gần nơi bám dây chằng nên trẻ dễ bị
gãy đầu xương hơn là rách dây chằng, bong gân và trật khớp ít gặp ở trẻ trước dậy thì
hơn người lớn. Nếu tổn thương đầu xương không được phát hiện và điều trị kịp thời
thì đầu xương sẽ không được cốt hóa và phát triển bất thường.
3.1.4. Điểm cốt hóa: Điểm cốt hóa thường ở giữa các đầu xương và xuất
hiện theo từng thời kỳ. Người ta có thể dựa vào điểm cốt hóa của trẻ em để xác định
lứa tuổi.
Vd: trẻ 3-6 tháng tuổi xuất hiện điểm cốt hóa ở xương móc; đến 3 tuổi xương
tháp; 4-6 tuổi xương bán nguyệt và xương thang;5-7 tuổi xương thuyền; 10-13
tuổi xương chậu.
3.2. Đặc điểm riêng của các xương :
3.2.1. Xương sọ: Xương sọ của trẻ có đặc điểm là phần đầu dài hơn phần
mặt. Trẻ từ lúc đẻ ra đã có 2 thóp: thóp trước và thóp sau. Thóp trước là thóp lớn bắt
đầu kín khi trẻ được 1 năm, muộn nhất là 1 năm rưỡi. Thóp sau là thóp nhỏ kín trong
khoảng 3 tháng đầu sau đẻ. Nhờ có thóp nên xương sọ mới phát triển được. Bệnh còi
xương làm thóp chậm kín, trong bệnh đầu nhỏ thì thóp kín sớm, biểu hiện sự ngừng
phát triển các xương và não bộ.
Hàm trên và hàm dưới hình thành từ lúc mới sinh. Xoang trán gần 3 tuổi
mới có, xoang sàng ở trẻ sơ sinh còn nhỏ và sau này mới phát triển. Do đó trẻ dưới 3
tuổi không có viêm xoang trán.
3.2.2. Xương sống: Xương sống của trẻ sơ sinh có nhiều sụn và lúc đầu rất
thẳng.
2 tháng tuổi: trục sống lưng quay về phía trước.
6 tháng tuổi: cột sống lưng cong về phía sau.
1 năm tuổi: cột sống vùng lưng cong về phía trước.
7 tuổi: xương sống có hai đoạn uốn cong vĩnh viễn ở cổ và ngực.
Đến tuổi dậy thì cong ở vùng thắt lưng.
Do cột sống có nhiều sụn và sự uốn cong của cột sống chưa được chắc nên dễ
biến dạng, nếu cho trẻ ngồi sớm, bế nách và ngồi học không đúng tư thế thì dễ bị gù,
vẹo người...
3.2.3. Xương chậu: Dưới 6 – 7 tuổi, xương chậu trẻ trai và gái chưa có
những biểu hiện khác nhau. Các xương cánh chậu, cùng, cụt dính liền nhau lúc trẻ 7
tuổi, kết thúc quá trình đó lúc 20-21 tuổi.
Do đó đối với trẻ gái cần phải thận trọng bởi vì cơ quan sinh dục nằm trong
khung chậu. Không nên cho trẻ nhảy từ trên cao xuống, ảnh hưởng đến sự dính các
khớp xương và sau này sẽ gây nhiều khó khăn trong lúc đẻ.
3.2.4. Tứ chi: Trẻ sơ sinh có hiện tượng cong sinh lý, sau 1 tháng thì hết. Ở
những trẻ phát triển bình thường thì các xương ở tứ chi không bao giờ bị cong quá;
khi trẻ bị còi xương, viêm khớp, giả tê liệt, giang mai... thì tứ chi có thể cong. Cổ tay
hình thành đầy đủ lúc 7 tuổi nhưng đến 10 – 13 tuổi mới thành xương. Do đó không
được đè nặng lên ngón tay, không nên lao động nặng nhọc.
3.2.5. Lồng ngực: Ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ 1 tuổi, đường kính trước sau của
lồng ngực bằng đường kính ngang. Càng lớn lồng ngực càng dẹt. Chỗ tiếp giáp
xương sườn nằm theo chiều ngang. Trẻ càng lớn chỗ xương sườn gắn liền vào xương
ức, phía trước hạ thấp xuống, đến tuổi đi học thì xương nằm theo chiều dốc nghiêng.
3.2.6. Răng:
Ở trẻ sơ sinh chưa có răng. Trẻ khỏe mạnh mọc răng vào tháng thứ 6. Một
năm được 8 cái, đến 2 tuổi hết thời kỳ răng sữa. Số răng sữa là 20 cái.
Có thể tính số răng theo công thức: số răng = số tháng – 4.
Từ 5 – 7 tuổi mọc răng hàm, còn những năm sau thay răng sữa bằng răng
vĩnh viễn (32 chiếc).
Trẻ còi xương thường mọc răng chậm. Cần chú ý đến răng của trẻ trong giai
đoạn thay răng vì nếu răng sữa sâu thì nó không rụng được và làm cho răng vĩnh viễn
mọc lẫy. Răng trẻ sẽ mọc lộn xộn không đều.
CHĂM SÓC SỨC KHỎE BAN ĐẦU:
Không bôi sạch chất gây sau khi sanh. Ủ ấm bé ngay sau khi sanh để tránh sự mất
nhiệt.
Khuyến khích bà mẹ tắm nắng cho trẻ để tránh còi xương.
Không nên cho trẻ luyện tập hoặc lao động chân tay quá mức dễ bị co rút cơ và
ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể.
Nên cho trẻ ngồi đúng tư thế tránh vẹo cột sống, các bé gái khi tập thể dục cần
thận trọng khi nhảy từ trên cao xuống, có thể làm dính các khớp xương sẽ gây khó
khăn cho việc sanh đẻ sau này.
Nên thường xuyên cho trẻ khám răng để tránh hiện tượng sâu răng và răng mọc
lệch.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bài giảng Nhi Khoa tập 1, Bộ môn Nhi trường Đại Học Y Hà Nội, nhà xuất bản Y
học, năm 2013, 2009.

2. Bài giảng Nhi khoa tập 1, Bộ môn Nhi trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ chí
Minh, nhà xuất bản Y Học chi nhánh TP HCM, năm 2004.

3. Kế hoạch bài giảng bộ môn Nhi. Dự án Việt Nam - Hà Lan 1999.

You might also like