You are on page 1of 20

SỰ PHÁT TRIỂN TÂM LÝ QUA CÁC GIAI ĐOẠN LỨA TUỔI

Đối tượng : Y2016, Y1, Dược1. RHM1


Hệ CN (ĐD, KXNK, XN, KTYH, DD, YTCC, ĐD VHVL )

MỤC TIÊU
1. Nhận ra đặc điểm tâm lý ở các độ tuổi
2. Phân biệt được sự khác biệt tâm lý ở các độ tuổi
3. Trình bày được các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình phát triển
4. Ứng dụng kiến thức về tâm lý bình thường để phân tích được tâm lý bệnh lý

NỘI DUNG
I. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG CỦA SỰ PHÁT TRIỂN TÂM LÝ
1. Thuật ngữ và các khái niệm:
I.1 Thuật ngữ
I.1.1 Phát triển (Development): là một quá trình đi từ thấp đến cao, từ chưa
hoàn thiện đến hoàn thiện hơn, là sự thay đổi về lượng dẫn đến thay
đổi về chất và tạo nên cái mới. Cái mới được tạo ra cao hơn cái cũ,
tinh tế hơn cái cũ.
I.1.2 Thoái lùi (Regression) : là sự trở về các giai đoạn phát triển trước đó
với những phản ứng mang tính « trẻ con ». Tức là bỏ đi một số khả
năng đã đạt được và quay lại kiểu hoạt động của những giai đoạn
trước.
I.1.3 Cắm chốt (Fixation) : Khi vấp phải một chấn thương tâm lý thì gắn bó
quá mức về tình cảm vào một con người hay một đồ vật, tập trung vào
đấy, không còn liên hệ với người khác hay có một hứng thú nào khác.
I.1.4 Phát triển tâm lý (psychological development)
I.1.5 Khủng hoảng lứa tuổi (age crisis) : là trạng thái xung đột xuất hiện
trong thời kỳ chuyển biến từ giai đoạn phát triển lứa tuổi này sang giai
đoạn lứa tuổi khác.

I.2 Khái niệm

1
Sự phát triển tâm lý là gì?
Sự phát triển tâm lý của con người bao giờ cũng diễn ra trong một quá trình. Ở quá trình
này, các hoạt động vận động của con người có khi đi tới, có khi thụt lùi tạm thời, có lúc đi
nhanh hoặc đi chậm lại… Đó là một quá trình phức tạp. tuy nhiên, nhìn chung nó là sự đi
lên tích cực nhằm tạo ra cái mới cao hơn cái cũ, tinh tế hơn cái cũ…
Trong từng giai đoạn lứa tuổi có những thay đổi về lượng và chất của các thành phần tâm
lý con người như nhận thức, nhu cầu, trạng thái hành vi… Những thành phần này có liên
quan, tác động và phụ thuộc vào nhau.
Ta có thể định nghĩa Sự phát triển tâm lý là khái niệm chỉ tổng thể quá trình chuyển
đổi về các lĩnh vực nhận thức, ý thức, nhu cầu, tình cảm, vận động... của con người
và mang tính quy luật.
Tất cả các lĩnh vực này có liên quan chặt chẽ đến sự phát triển thể chất và vận động. Tức
là giữa tinh thần và thể chất có sự liên hệ chặt chẽ và ảnh hưởng với nhau.
2. Nhịp điệu của sự phát triển:
Tất cả trẻ em đều trải qua từng giai đoạn phát triển như nhau, tuy nhiên nhịp điệu phát
triển của từng trẻ là không giống nhau.
Ví dụ: các trẻ đều trải qua giai đoạn đi chập chững, đi vững, chạy... Tuy nhiên, có trẻ biết
đi vững lúc 9 tháng, có trẻ 12 tháng
3. Thời kỳ nhạy cho việc học tập:
Những nghiên cứu chứng minh: có thời kỳ “quyết định” cho mỗi thành tựu (điều đạt
được), nghĩa là thời kỳ đặc biệt nhạy cho việc học một điều gì đó. Ta biết rằng nếu trẻ
không biết đi trong giai đoạn bình thường (khoảng từ 9 – 20 tháng) thì trẻ khó khăn để đi
học sau này.
Là người lớn, mỗi ngày chúng ta cũng trải nghiệm những khó khăn này. Ví dụ học một
ngoại ngữ đòi hỏi chúng ta phải đầu tư rất nhiều thời gian công sức trong khi đó một trẻ
nhỏ học ngoại ngữ một cách tự nhiên.
4. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển:
4.1 Sự trưởng thành của hệ thần kinh:
Những điều trẻ đạt được trong quá trình phát triển (biết ngồi bô, đi, nói…) nhờ vào sự
trưởng thành của hệ thần kinh. Mỗi một thành tựu cần có khả năng vận động và khả năng
về trí não.
Ví dụ: trẻ không thể nói một câu với nhiều từ khi mới được 1 tuổi .
Do đó, cha mẹ và những nhà chuyên môn nên tôn trọng nhịp điệu của trẻ.
4.2 Môi trường (giáo dục)
- Sự phát triển của trẻ không chỉ phụ thuộc vào yếu tố sinh lý mà còn ảnh hưởng bởi môi
trường trẻ sống. Người lớn dạy cho trẻ, trẻ tiếp thu và làm theo.
Ví dụ: không ai nói chuyện với trẻ, trẻ sẽ không biết nói.

2
- Khoa học thần kinh đã chứng minh rằng việc học có vai trò quan trọng trong hoạt động
của vỏ não. Thật vậy, một trẻ càng phát triển những thành tựu mới, càng tạo ra sợi liên
bào mới và não trở nên hiệu quả hơn.
4.3 Hoạt động bên trong của bản thân trẻ (tự giáo dục)
Trẻ tiếp thu kinh nghiệm lịch sử của loài người thông qua sự chỉ dạy của người lớn.
Ví dụ: trẻ thích tham gia vào các hoạt động học tập sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm,
kiến thức hơn trẻ ít tham gia.
5. Tính không liên tục và những rối loạn trong sự phát triển:
Yếu tố cơ thể và môi trường giúp trẻ tiến triển. Tuy nhiên, sự phát triển này không phải
luôn hài hòa và liên tục, nhiều yếu tố khác có thể xen vào như:
Trẻ chưa trưởng thành đủ (trẻ sinh non)
Cấu tạo nền tảng không tốt (dị tật bẩm sinh)
Bất thường nhiễm sắc thể (trẻ bị bệnh Down)
Sang chấn hoặc nhiễm trùng cận sản
……
Tất cả những yếu tố này có thể làm ngưng hoặc chậm phát triển ảnh hưởng đặc biệt lên
lĩnh vực trí tuệ. Điều cần lưu ý là những rối loạn này càng xuất hiện sớm nơi trẻ thì càng
nghiêm trọng và không thể phục hồi.
Mặc dù vậy, ở trẻ nhỏ, khi một vùng của não bị tổn thương chúng sẽ được hỗ trợ bởi một
vùng khác của não. Do đó, khả năng phục hồi của trẻ sẽ rất lớn nếu được chẩn đoán và
phát hiện sớm.
II. CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN TÂM LÝ LỨA TUỔI
1. Giai đoạn từ 0 – 1 tuổi.
Đây là giai đoạn quan trọng của việc hình thành sự phát triển tâm lý. Trong suốt thời
kỳ này, nhân cách, trí tuệ, kỹ năng vận động, xã hội, mối quan hệ và tình cảm của trẻ
được hình thành.
1.1 Thời kỳ trong bụng mẹ: Con người là một sinh vật xã hội. Những nghiên cứu
chứng minh, khi còn trong bụng mẹ, bào thai phát triển những giác quan có vai trò
của sự hình thành cảm xúc, tình cảm, nhận thức của trẻ. Sự hình thành sơ khai này bắt
nguồn từ các cơ quan cảm giác.
Ví dụ: - thính giác xuất hiện lúc bào thai 5 tháng, trẻ trong bụng mẹ có thể nghe
thấy những âm thanh và có phản ứng khi nghe giọng nói của mẹ. Trẻ có thể nghe
nhạc, ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách sau này.
- Bé nhận biết sự tiếp xúc qua thành bụng.
1.2 Thời kỳ ra đời đến 1 tuổi
1.2.1 Đặc điểm sinh lý (tham khảo)

3
Những ảnh hưởng bất thường về sinh lý đều ảnh hưởng đến sự hình thành nhận thức
tâm lý bình thường hoặc bất thường ở trẻ sau này.
Vd : trẻ suy dinh dưỡng, tính tình cáu gắt, nhận thức chậm
Hệ thần kinh (HTK): HTK TW rất quan trọng trong việc hình thành sự phát triển TL.
Đây là giai đoạn HTK đang hoàn thiện dần các chức năng. Do đó, các yếu tố ảnh hưởng
đến HTK TW ở độ tuổi này sẽ dẫn đến kết quả thay đổi về mặt tâm lý hoặc bệnh lý về
tâm lý tâm thần của trẻ sau này (tham khảo tài liệu thần kinh học).
Các yếu tố khiếm khuyết về di truyền là một yếu tố cảnh hưởng chính để quyết định sự
phát tâm tâm lý.
1.2.2 Đặc điểm tâm lý:
1.2.2.1 Sự tách rời mẹ và con.
- Đối với trẻ : sự thay đổi đột ngột về môi trường xung quanh (từ bào thai ra ngoài),
trẻ sẽ có những phản ứng về mặt cảm giác để thich nghi với môi trường mới (hít
thở, âm thanh, ánh sáng ,tiếng ồn,….). Sự phản ứng của trẻ để thích nghi với môi
trường sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ . Ví dụ : trẻ ra đời trong môi trường ồn ào,
ánh sáng mạnh..sẽ có phản ứng sợ hãi, biểu hiện khóc dạ đề, bức rứt, bỏ bú…
- Ở giai đoạn này trẻ có quan hệ xã hội với bố mẹ và những người trong gia đình,
đặc biệt là mẹ. Sự quan tâm chăm sóc của mẹ tạo cho trẻ cảm giác an toàn, tin
tưởng. Ngược lại, trẻ sẽ có cảm giác lo lắng và sợ hãi.
- Đối với bà mẹ: do tách rời mẹ và con, tâm lý khởi đầu của bà mẹ là vừa gần gũi
vừa xa lạ. Bà mẹ phải chấp nhận trẻ không còn là một phần của chính bản thân
mình nữa. Sự hiện diện của trẻ vừa gần gũi vừa xa lạ. Do đó, bà mẹ gặp khó khăn
về cảm xúc đối với trẻ (hiện tượng trầm cảm sau sinh), nên bà mẹ rất cần sự giúp
đỡ để vượt qua sự khó khăn này.
- Đối với Tâm lý phát triển bình thường, bà mẹ thể hiện sự vui sướng, hài lòng,
…..tâm lý này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ. Ví dụ : mẹ yêu
thương, ve vuốt -> trẻ bình an, không lo lắng…..
- Đối với Tâm lý phát triển bất thường, có thể do căn nguyên tâm lý hoặc bất ổn
tâm lý trong thời gian mang thai… có thể dẫn đến trầm cảm, lo âu .. nơi bà mẹ.
Tâm lý này cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý trẻ. Ví dụ trẻ không được âu yếm ẵm
bồng, sự ẵm bồng hờ hững, cảm xúc cáu giận hoặc thờ ơ của bà mẹ…cũng ảnh
hưởng đến tâm lý trẻ, khiến trẻ bất an, lo lắng,
Ngoài ra, những người xung quanh như ông bà cha mẹ….cũng ảnh hưởng đến sự
phát triển của trẻ sau này.
I.2.2.2 Sự gắn bó mẹ con:
Sự gắn bó mẹ con đặc trưng bởi sự gắn kết mạnh mẽ, cảm xúc nồng ấm và
sự giao lưu tình cảm sâu sắc của cả mẹ và con. Nó xuất hiện khi người lớn
thỏa mãn những nhu cầu của trẻ, ví dụ như cho trẻ ăn, chăm sóc trẻ.
Và sự gắn bó được duy trì, phát triển qua quá trình giao lưu cảm xúc giữa
mẹ với trẻ. Ví dụ như mẹ chơi đùa cùng trẻ, nói chuyện với trẻ,…

4
Quan hệ gắn bó giữa cha mẹ và trẻ được hình thành trong hai năm đầu đời
sẽ tạo cơ sở cho sự hình thành những mối quan hệ về sau này
Trong mối quan hệ gắn bó, hai tác giả Bowlby và Winiccott đều nói đến
các khái niệm về sự gắn bó vừa phải, gắn bó qua mức và không gắn bó
giữa mẹ và con có ảnh hưởng đến cảm xúc, nhận thức của trẻ sau này.
Đặc điểm về sự gắn bó hài hòa thuộc về bản năng của con người. Nó được
đánh dấu bởi tính hai mặt: 1/ Cơ bản vẫn còn lo âu bị xa cách mẹ (vào
tháng thứ 4), lo âu người lạ (tháng thứ 8) trong những năm đầu đời. 2/
Bước đầu được trải nghiệm sự vui thích qua vai trò của da ( được vuốt ve
âu yếm), miệng (qua bữa ăn) và những ấm ức đầu tiên (cai sữa, chờ đợi
được đáp ứng nhu cầu).
=> Trẻ có sự biến động xa cách từ từ và cá thể hóa.
Như vậy, ta đã đã có thể trả lời câu hỏi: Gắn bó hài hòa là gì? Hệ quả của
sự gắn bó này như thế nào?
* Sự xa cách quá lâu giữa cha mẹ và trẻ có thể gây ra những hậu quả
bệnh lý: bé dần dần thu mình lại và rơi vào trạng thái trầm cảm : đó là
«  hội chứng vắng mẹ” (xem phần III)
I.2.2.3 Tính tích cực trong giao tiếp của trẻ sơ sinh
- Nêu cơ chế từ phản xạ không điều kiện và có điều kiện
- Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em khi sinh ra có một số phản xạ
giúp thích nghi linh hoạt với môi trường tự nhiên và xã hội như phản xạ
hắt hơi, ho, mút, nuốt, quay đầu… Dần dần, trẻ xuất hiện các phản xạ có
điều kiện, phản ứng vào tình huống được gặp. Từ những tình huống đó, trẻ
chủ động trong mối quan hệ với người khác. Chẳng hạn trẻ quay mặt đi
khi không chịu bú; mỉm cười khi gặp mẹ; nhận ra và phản ứng với mùi
của mẹ, vị sữa mẹ; hay khóc khi không gặp mẹ. Mọi nỗ lực giao tiếp đó
nhằm cho người chăm sóc biết trẻ đang muốn gìí dụ như tiếng la khóc dữ
dội khi nhu cầu không được đáp ứng làm cho mẹ hiểu là bé chưa có khả
năng chờ đợi. “Bé là tất cả, ngay lập tức”.
Ở tuổi này, điều quan trọng là trẻ nhận được những gì trẻ yêu cầu. Ở đây
vai trò của người mẹ rất quan trọng cho sức khỏe tâm thần trong tương lai
và cho cách cấu tạo tâm lý tốt của trẻ. Không thực hiện được những phản
xạ này, trẻ sẽ có bất thường trong phát triển tâm lý.
I.2.2.4 Sự phát triển tâm lý vận động
Khoảng tháng thứ 2, xuất hiện nụ cười đáp trả
Khoảng tháng thứ 3, trẻ tự lật
Khoảng tháng thứ 5 – 6 , trẻ tự ngồi
Khoảng 12 tháng, trẻ biết đi
I.2.2.5 Sự phát triển về nhận thức: Từ 0 – 1 tuổi, tuổi, trẻ hình thành nhận thức
thông qua các giác quan. Ví dụ: nhận biết màu sắc, âm thanh ….Thông

5
qua các giác quan hình thành quá trình nhận thức, lưu giữ trong bán cầu
đại não.
Chức năng vùng bán cầu đại não thùy trán (tiếp thu thông tin) trước và
thùy đỉnh (diễn đạt ngôn ngữ) hoàn thiện và phát triển do vậy khả năng
tiếp nhận và ngôn ngữ của trẻ phát triển.
Khoảng 12 tháng, chủ động hơn trong các mối quan hệ cảm xúc với bố và
mẹ. Vào thời kỳ này ở trẻ xuất hiện một loạt các cảm xúc mới bao gồm
tức giận, vui mừng và buồn bực gắn với những tình huống đa dạng hơn
trước đó
I.2.2.6 Về ngôn ngữ:
Khoảng tháng thư 3, trẻ phát ra những âm thanh
Khoảng qư tháng, trẻ biết và nói được 3 từ.
Theo tâm lý học hoạt động, hoạt động giao lưu cảm xúc trực tiếp với
người lớn là hoạt động chủ đạo ở lứa này.

Kết luận giai đoạn 0 – 1 tuổi:


- Độ tuổi từ 0 – 1 là quá trình hình thành tâm lý ở trẻ. Đây là quá trình quan trọng
cho sự phát triển tâm lý của trẻ như tư duy nghệ thuật, nhân cách…
- Nguyên lý chung : khía cạnh tình cảm trong quan hệ đầu đời của trẻ : quan hệ mẹ
- con
- Hệ quả : những trẻ có vấn đề rối loạn mối quan hệ mẹ con, tự kỷ, rối loạn nhân
cách… hoặc những rối loạn ở tuổi trưởng thành bắt đầu từ độ tuổi này.
- Mối quan hệ người chăm sóc – trẻ cũng có khía cạnh tình cảm. Người chăm sóc
đóng vai trò như một người mẹ thay thế mà trẻ hằng mong đợi
- Từ kiến thức trên, chúng ta có thể làm việc với người lớn, trong tình huống bệnh
nhân rất lệ thuộc, rất cần được chăm sóc. Với thái độ yêu sách của bệnh nhân như
là đứa trẻ đòi hỏi được đáp ứng ngay tức thì, người chăm sóc dễ có thái độ khó
chịu và áp lực, người chăm sóc có thể làm tất cả như là “thỏa mãn con” hoặc
không làm gì
- Phân tích các hiện tượng quan hệ này gắn liền với bối cảnh sẽ giúp người chăm
sóc phản ứng một cách chuyên nghiệp và không xét đoán bệnh nhân.

6
2. Giai đoạn 1 – 3 tuổi
Cuối năm thứ nhất, đứa trẻ đã trở nên độc lập hơn, có thể tự đi lại, tự làm một số việc đơn
giản, thích tự mình khám phá thế giới. Điều này dẫn đến việc thống nhất “mẹ - con” bắt
đầu bị phá vỡ. Trẻ bắt đầu tách rời khỏi mẹ về mặt tâm lý và bước sang giai đoạn phát
triển mới.
2.1 Đặc điểm sinh lý :
Tham khảo tài liệu
Trẻ 12 tháng tuổi, trọng lượng cơ thể thường lớn gấp 3 lần so với lúc mới sinh và
đến tuổi này trẻ bắt đầu ít tăng cân dần.
2.2 Đặc điểm tâm lý:
2.2.1 Về nhận thức : thông qua cơ quan cảm thụ, trẻ có thể nhận ra sự vật qua
hình ảnh, tính năng của sự vật đó. Từ việc nhận ra hiểu biết tính năng, trẻ sẽ tái hiện
những hình ảnh sinh động để ghi nhớ (hình ảnh sinh động không chỉ là hình ảnh thực, có
thể có những hình ảnh thêm thắt, méo mó… có sự tưởng tượng) chuyển thành kinh
nghiệm. Ví dụ, củi lửa – trẻ nhận thức được nóng, cháy… hình ảnh ghi lại trong não
không chỉ là phản ánh chân thực ngọn lửa, mà có thể là hình ảnh ác quỷ, sức mạnh.. có
kèm cảm xúc sợ hãi hay sung sướng. Ví dụ : tiểu dầm là sự bất thường trong trẻ có sự
tưởng tượng quá mức là xuất hiện sự hãi trong đêm nên dẫn đến hiện tượng tiểu dầm.
Ở tuổi này, cơ vòng đã phát triển vì vậy trẻ có thể têu tiểu tự chủ.
Theo thuyết nhận thức của Piajet (tham khảo tài liệu)
2.2.2 Tri giác: chiếm ưu thế nhất trong quá trình phát triển. Mọi hành vi của trẻ
đều gắn liền với những gì trẻ trực tiếp tri giác trong hiện tại.
2.2.3 Tưởng tượng :
- 6 – 12 tháng tuổi bắt đầu tưởng tượng, bắt đầu hình dung ra các sự vật,
hiện tượng.
- 12 tháng có thể tưởng tượng ra là mình đang ăn, đang uống hoặc đang ngủ
- 15 – 18 tháng tuổi đã cho búp bê ăn bằng bát đĩa, thìa đồ chơi
- 20 – 26 tháng tuổi đã có thể tưởng tượng được một vật là một vật gì đó
khác, ví dụ: cái chổi có thể biến thành con ngựa, sàn nhà trở thành bể bơi.
2.2.4 Tư duy và hành động:
Trẻ có sự phán đoán (biết lỗ cắm điện sẽ gây đau) – suy nghĩ, phán xét (lỗ
điện là nguy hiểm) – đối chiếu với bản thân của trẻ qua cảm xúc và suy nghĩ,
thông qua hoạt động giúp trẻ học tập và tích lũy kinh nghiệm, tăng cường
những kỹ năng, có thể phát triển năng khiếu của trẻ.
Tư duy trực quan hành động cụ thể. Nghĩa là những biểu hiện tư duy của trẻ
đang gắn rất chặt với hành động trong những tình huống cụ thể:
Trẻ có sự phán đoán (biết lỗ cắm điện sẽ gây đau) – suy nghĩ, phán xét (lỗ
điện là nguy hiểm) – đối chiếu với bản thân của trẻ qua cảm xúc và suy nghĩ,
thông qua hoạt động giúp trẻ học tập và tích lũy kinh nghiệm, tăng cường
những kỹ năng, có thể phát triển năng khiếu của trẻ.
Tư tư duy trực quan hành động cụ thể. Nghĩa là những biểu hiện tư duy của
trẻ đang gắn rất chặt với hành động trong những tình huống cụ thể.
Hành động với đồ vật luôn giữ vai trò chủ đạo

7
2.2.5 Cảm xúc đóng vai trò quan trọng trong phát triển tâm lý của trẻ. Đối với
những cảm xúc tích cực thích thú vui vẻ thì khả năng nhận thức ghi nhớ, tư duy sẽ
được tăng lên và ngươc lại.
- Trẻ có những phản ứng xúc cảm đối với những gì trẻ trực tiếp tri giác hay
nhận thức được.
- Các động cơ, mong muốn của trẻ chưa có thứ bậc ưu tiên
- 2 tuổi, trẻ có những biểu hiện “đồng cảm” với người khác
2.2.6 Ngôn ngữ:
- 24 tháng, trẻ biết ít nhất 100 từ, trẻ có thể nói một câu 2 từ
- 36 tháng, trẻ biết >1000 từ, có thể nói một câu 7 – 8 từ
- Có thể giao tiếp với người khác
2.2.7 Ý thức : Trẻ có khả năng xây dựng tự ý thức. Biểu hiện của sự tự ý thức là
trẻ nhận biết được mình là ai (xưng con, tên)
- Khoảng sau 2 tuổi, trẻ đã bắt đầu nhận biết mình trong gương. Đây là hình
thức tự ý thức sơ đẳng đầu tiên của trẻ
- Khủng hoảng tâm lý tuổi lên ba: là hiện tượng mặc nhiên của quá trình phát
triển tâm lý. Nó xảy ra bới mâu thuẫn giữa nhu cầu của trẻ với sự cấm đoán
của người lớn. Đồng thời với mâu thuẫn giữa nhu cầu và khả năng hiện có
của trẻ. Biểu hiện của khủng hoảng này là trẻ thường bùng lên những phản
ứng cảm xúc mạnh, vượt quá (cơn hờn dỗi khóc lóc) khi bị ngăn trở hoặc
không tự mình làm được đối với những khó khăn gặp phải. Việc giải tỏa
những mâu thuẫn này (với người lớn hoặc với bản thân) góp phần vào quá
trình hình thành bản ngã của trẻ, giúp trẻ phát triển ổn định tâm lý trong
tương lai.
- Từ « không » xuất hiện -> khả năng khẳng định mới của trẻ đối với sự đối
nghịch với cha mẹ, tạo khoảng cách gữa trẻ với thế giới. Từ « có » sẽ đạt
được sau cùng với đạt được sự tự chủ với người khác.
2.2.8 Sự phát triển tâm lý - vận động quan trọng:
Trong sự phát triển vận động, tâm lý con người cũng phát triển theo sự vận
động đó. Nếu sự phát triển vận động bị kiềm hãm hoặc không diễn ra như
nhu cầu tất yếu của lứa tuổi thì tâm lý cũng sẽ theo. Ví dụ như khi trẻ biết đi,
thế giới xung quanh trẻ được mở rộng, trẻ sẽ tò mò muốn khám phá, từ đó
nhận thức của trẻ về thế giới xung quanh cũng phát triển theo và ngược lại.
Nguyên lý của nó là sự đồng hành giữa Tâm lý & Vận động. Những bất
thường tâm lý cũng đi cùng với hoạt động. Nhận thức của trẻ cũng đi cùng
với vận động của trẻ. Vd : trẻ chơi đá banh, học hỏi được quy tắc chơi, phối
hợp nhóm.
Một số dấu hiệu để đánh giá mốc phát triển vận động :
- 18 tháng, trẻ biết tự xúc ăn
- 24 – 36 tháng, trẻ biết tự leo lên cầu thang, chạy, đi xe đạp ba bánh, nhảy
nhót bằng hai chân, giữ thăng bằng bằng một chân, ném bóng bằng hai tay,
có thể mặc và cởi quần áo với sự giúp đỡ của người lớn.
- Biết bắt chước hành động của những người xung quanh.

8
- 24 tháng, không tiêu tiểu trong quần
Hoạt động với đồ vật (đồ chơi) là hoạt động chủ đạo ở lứa tuổi này

Kết luận về giai đoạn 1 – 3 tuổi:


Trẻ hướng về sự tự chủ về nhận thức, các kinh nghiệm thông qua trò chơi với người
khác, qua học tập (vệ sinh, ăn uống, mặc quần áo), “Cái tôi” bắt đầu hình thành và tự
chủ về ngôn ngữ.
Do vậy, tất cả các yếu tố ảnh hưởng về giáo dục là rất quan trọng sẽ định hướng sự phát
triển tâm lý của trẻ. Tạo nên sự tự tin, hình thành cái tôi hoàn thiện và sự phát triển ngôn
ngữ.

3. Giai đoạn 3 – 6 tuổi


3.1 Đặc điểm sinh lý :
Tham khảo tài liệu sinh lý học về thần kinh, thể chất.
Các yếu tố về sức khỏe, bệnh lý về cơ thể và thần kinh đều ảnh hưởng đến sự phát triển
tâm lý.
3.2 Đặc điểm tâm lý:
3.2.1 Về nhận thức:
- Từ 4 – 5 tuổi, có sự hoàn thiện về chức năng hoạt động các tế bào thần kinh ở bộ
nhớ do đó trẻ bắt đầu hình thành trí nhớ có chủ định – là trẻ có khả năng tập trung
quan sát và ghi nhớ có chủ đích, hình thành nên trực quan hình ảnh và lưu giữ.
Trong tình huống trò chơi, trẻ nhớ có chủ định tốt hơn.
Ví dụ nhờ có trí nhớ phát triển, trẻ có sự liên hệ giữa sự vật trẻ nhìn thấy với sự vật
mà trẻ đã gặp và quen trong quá khứ. (vd: nhìn đường biết là đường đến trường hay
đến nhà ông bà).
- Biết quan sát và tìm tòi
- Tư duy trực quan hình ảnh.
- Nhận biết giới tính giúp sự phát triển tâm lý của trẻ phù hợp với giới tính mình
đang có. Sự khác biệt về giới tính gợi cho trẻ những câu hỏi về nguồn gốc của trẻ
như “con được sinh ra từ đâu? Con được sinh ra như thế nào?...xuất hiện sự tò mò
về giới tính ở trẻ.
Theo S. Freud, người sáng lập ngành phân tâm học, giai đoạn này xuất hiện “Mặc
cảm Oedipe” nơi trẻ. Theo lý thuyết này, trẻ sẽ trải nghiệm tình yêu dành cho cha
hoặc mẹ khác giới với trẻ và cảm thấy thù địch với cha hoặc mẹ cùng giới. Ví dụ bé
gái sẽ từ từ tách mẹ để phát triển tình cảm gắn bó với cha. Ta thường nghe các bé
gái nói “lớn lên, con sẽ lấy cha…” hoặc ta thấy bé trai gắn bó với mẹ, nhìn mẹ với
cặp mắt yêu thương… Khi đó, vai trò của cha mẹ là nhắc nhở con về sự khác biệt

9
thế hệ giữa cha mẹ và con cái. Điều này cần thiết để đặt đúng vị trí riêng của mình.
Dần dần, trẻ hiểu rằng điều đó là không thể, bị cấm đoán. Dần dần sẽ tách rời tình
yêu với cha hoặc mẹ khác giới để đồng hóa với cha hoặc mẹ cùng giới.
Ví dụ, ta thấy bé gái đeo trang sức, giày dép của mẹ hoặc hóa trang giống mẹ. Bé
trai mang cravat, nón… và có những cử chỉ, hành vi giống ba.
=> Từ từ trẻ sẽ chuyển mối quan hệ hai người thành quan hệ ba người: “mối quan
hệ tam giác”
Cha Mẹ

Con
3.2.2 Tự ý thức
- Tự khẳng định giá trị mình qua việc tự ý thức được cái đúng - sai, biết đánh giá
hành động của bản thân và những trẻ khác thông qua những đánh giá của người
lớn xung quanh, nhất là của cha mẹ và những người trong gia đình.
- Trẻ sử dụng “ngôi thứ nhất” để nói về bản thân, thay vì dùng “ngôi thứ ba”. Ví dụ
trẻ biết xưng mình là “con”. Cho thấy trẻ đã có khái niệm về nhân thân.
- Trẻ biết tự trọng thể hiện “cái tôi” của bản thân – bản ngã được hình thành và
phát triển.
3.3.3 Về ngôn ngữ:
- Khả năng ngôn ngữ và vốn từ phát triển nhanh. Trẻ gần như nắm được một cách
thành thục tiếng mẹ đẻ.
3.3.4 Tư duy:
Trẻ bắt đầu chuyển đổi việc bắt chước sang suy nghĩ và cảm xúc. Vd: mẹ kêu hôn
người khác, trẻ sẽ suy nghĩ có nên hôn hay không, người này thân thiện hay không
thân thiện…
3.3.5 Cảm xúc:
Tương đối phù hợp với tình huống xảy ra với trẻ, ổn định, chứ không còn những
cơn hờn dỗi dữ dội như tuổi nhà trẻ. Ví dụ trẻ không muốn ăn súp, mẹ bắt trẻ ăn, trẻ
nhăn mặt và nói không ăn chứ không giãy nảy hoặc hất chén… như ở độ tuổi trước.
Hành vi bắt đầu theo khuôn phép được giáo dục. Tuy nhiên trẻ vẫn có xu hướng
hiếu động ví dụ trẻ biết không được ra đường nhưng nhiều khi trẻ vẫn chạy ra
đường.
Hoạt động vui chơi, trò chơi phân vai là hoạt động chủ đạo ở lứa tuổi này.

Kết luận giai đoạn 3 – 6 tuổi:


- Đặc điểm ở giai đoạn này là sự phát triển tâm lý về giới tính. Sự phát triển tâm lý về
giới tính ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý xã hội ở giai đoạn trưởng thành. Sự phát

10
triển tâm lý xã hội ở giai đoạn trưởng thành là sự hòa hợp về mối quan hệ gia đình, xã
hội.
- Đánh dấu về sự hình thành cái tôi và có sự dung hòa giữa mình với người lớn xung
quanh.
- Sự nằm viện có thể đẩy bệnh nhân phát triển mối quan hệ quyến rũ khác giới với người
chăm sóc => bác sĩ/điều dưỡng là người điều chỉnh vị trí của bệnh nhân, giúp bệnh nhân
ở đúng vị rí và luôn tôn trọng họ như là một chủ thể (như cha mẹ làm cho con).

4. Giai đoạn 6 – 12 tuổi (Thời niên thiếu)


4.1 Đặc điểm sinh lý (tham khảo)
Những ảnh hưởng bất thường về sinh lý đều ảnh hưởng đến sự hình thành nhận
thức tâm lý bình thường hoặc bất thường ở trẻ sau này.
Vd : trẻ suy dinh dưỡng, tính tinhd cáu gắt, nhận thức chậm Trẻ bắt đầu đi học,
tham gia vào hoạt động xã hội mới là hoạt động học tập, hoạt động này được tất
cả mọi người (cha mẹ, thầy cô, ông bà) quan tâm và đánh giá cao.
4.2 Đặc điểm tâm lý:
4.2.1 Sự phát triển về tư duy . Tiếp nhận sự giáo dục để cân bằng với cái tôi.
- Hình thành nên sự tự tin. Do đó, những bất thường tâm lý ở lứa tuổi này thể
hiện khả năng nhu cầu thể hiện bản thân với yêu cầu của người lớn. Trẻ có biểu
hiện lý sự, tranh cãi. Biểu hiện cảm xúc phụ thuộc vào kết quả của lý luận đó
cho sự dung hòa giữa nhu cầu bản thân và yêu cầu của người lớn. Do đó việc
giáo dục trẻ ở độ tuổi này đồi hỏi người lớn phải nhẹ nhàng giải thích để dung
hòa được các yếu tố này.
Hoạt động chủ đạo ở lứa tuổi này là hoạt động học tập. -> người lớn tạo môi
trường hoạt động thích nghi cho hoạt động học tập ở trẻ.
Phát hiện những bất thường ở trẻ -> đưa đến chuyên gia tâm lý, tâm thần kinh
đề được can thiệp.
4.2.2 Về cảm xúc, tiềm ẩn những nỗi lo âu, ám ảnh
4.2.3 Về nhận thức:
- Tư duy ngôn ngữ logic dần phát triển (lý sự). Bắt đầu xuất hiện khả
năng lý giải logic. Trẻ chưa có khả năng lập luận trên phương diện giả
thuyết trừu tượng
- Có thể nắm bắt được các mối quan hệ giữa các thành phần của vật
được tri giác nhờ tư duy phát triển
- Kết thúc giai đoạn Oedipe.
4.2.4 Sự phát triển nhân cách:
- Tự đánh giá
- Đánh giá của người lớn

11
4.2.5 Giao tiếp có ảnh hưởng trực tiếp tới tình cảm, động cơ, tự đánh giá của
trẻ. Ví dụ: qua đánh giá của thầy cô trẻ tự xếp mình và các bạn vào
nhóm giỏi, khá hay trung bình.
Sự hình thành “tự tin” của trẻ ảnh hưởng bởi lời khen hoặc lời phê bình
của những người xung quanh
4.2.6

Kết luận thời kỳ 6 – 12 tuổi:


Là giai đoạn tiềm ẩn. Trẻ tập trung chủ yếu vào học tập, trẻ sẽ mở rộng mối quan hệ xã
hội ra ngoài: khám phá bạn bè. Giai đoạn này kết thúc, trẻ bước tuổi vị thành niên, tức
tuổi dậy thì.

5. Giai đoạn 12 – 18 tuổi (tuổi vị thành niên)


Sau thời kỳ tiềm ẩn, trẻ đến tuổi dậy thì. Theo Freud, đặc điểm của giai đoạn này là các
xung năng tính dục thức tỉnh với sự hưng phấn tình dục bình thường ở trẻ vị thành niên.
Hưng phấn, đôi khi là nguồn khoái cảm và đôi khi là sự khó chịu.
Tuổi thiếu niên thường được coi như lứa tuổi chuyển tiếp từ trẻ em sang người lớn, chứa
đựng nhiều diễn biến mang tính khủng hoảng.
Trong các thời đại lịch sử trước đây, giai đoạn lứa tuổi thiếu niên là tương đối ngắn. Nó
hầu như không có ở các bầy người nguyên thủy, và chỉ chiếm khoảng thời gian rất ngắn ở
các xã hội bộ tộc vì sau khi chín muồi về mặt tính dục là con người đã bước ngay vào
cuộc sống của người trưởng thành, sinh con đẻ cái (tục tảo hôn). Ngày nay, xã hội phát
triển, tuổi thiếu niên dài hơn so với trước kia. Do đó, diễn biến và độ dài của tuổi thiếu
niên rất khác nhau ở các xã hội có trình độ phát triển khác nhau.
L.X. Vygosky đã phân biệt 3 điểm chín muồi của con người xã hội: Chín muồi về cơ thể,
chín muồi về mặt giới tính và chín muồi về mặt tâm lý xã hội, nhưng các mốc chín muồi
trên có xu hướng tách rời nhau. Đây là cơ sở sở để hình thành giai đoạn lứa tuổi vị thành
niên. Là thời kỳ mấu chốt trong sự phát triển nhân cách.
5.1 Đặc điểm sinh lý (tham khảo tài liệu)
- Là thời kỳ thay đổi sinh học cực kỳ nhanh chóng, ngang hàng với thời kỳ phát triển
phôi thai và trẻ sơ sinh. Cơ thể thay đổi do yếu tố hormone.
- Sự thay đổi về cơ thể là vấn đề trọng tâm ở lứa tuổi này.
Đặc điểm này có ảnh hưởng về mặt tâm lý ở lứa tuổi này.
5.2 Đặc điểm tâm lý:
5.2.1 Biểu hiện tâm lý Về mặt cơ thể
- Lo lắng theo dõi sự phát triển của bản thân
- so sánh bản thân với những hình mẫu chuẩn.
- Nhạy cảm với bộ dạng bên ngoài của mình (làn da, mụn và trứng cá…)

12
Sự thay đổi cơ thể nhanh chóng khiến trẻ vị thành niên không kịp thích nghi, ảnh hưởng
đến phản ứng và hành vi do không làm chủ được cơ thể mình. Điều đó tạo ở vị trẻ thành
niên cảm giác phản bội:
+ Chủ thể không làm chủ được cơ thể mình
+ Cơ thể phản bội những cảm xúc và ước muốn sâu kín (đỏ mặt, đổ mồ hôi...)
+ Cơ thể trở thành nhân chứng của dòng dõi (giống cha mẹ)
Vậy, có một khoảng cách giữa tinh thần và tâm lý với cơ thể của trẻ vị thành niên. Các
em phải học cách tái hợp với cơ thể của mình. Vì thế, các em sẽ sử dụng chiến lược ít
nhiều cực đoan (ví dụ: qua cách ăn mặc, cắt tóc, xâm mình…)
5.2.2 Về mặt nhận thức
- Từ tuổi này, tư duy của các em có khả năng lý luận logic hoàn toàn trên phương diện
ngôn ngữ (chính thức suy nghĩ), tách rời các vật liệu trực quan, cụ thể.
- Tuổi vị thành niên sẽ có thể bước vào những suy nghĩ hiện sinh (triết học, sự trầm tư).
Ví dụ: Tại sao tôi phải sống? Sống để làm gì? Cuộc sống có ý nghĩa gì đối với tôi?
- Suy nghĩ trở thành một nguồn vui thích.
5.2.3 Sự phát triển tự ý thức
- Ở thiếu niên lần lượt xuất hiện hai cấu trúc tâm lý đặc biệt của tự ý thức: đó là “cảm
giác mình là người lớn” và “cái tôi”.
• Cảm giác mình là người lớn: muốn làm người lớn, khẳng định bản thân nhưng chưa đủ
điều kiện: sự phát triển về thể chất + ý thức xã hội
• Đánh giá người khác (hình thành tư duy phê phán)
• Tự đánh giá: khả năng tự đánh giá thường thấp và không ổn định. Chỉ mới nhìn giá trị
con người ở bề ngoài (cách ăn mặc, đầu tóc…)
• Cái Tôi: Nhân cách của thiếu niên còn chưa ổn định, dẫn đến “hình ảnh về bản thân”
cũng không ổn định. Lập trường chưa rõ ràng.
- Đây là giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình hình thành và phát triển tự ý thức của
trẻ em.
5.3.4 Cảm xúc
- Xuất hiện xu hướng tách xa mọi người để đi sâu vào việc phân tích bản thân. (thường
xuất hiện cảm giác cô đơn, những nỗi buồn không hiểu nổi).
- Xuất hiện hiện tượng này là huyền thoại về bản thân: cho rằng cảm xúc của mình rất
mạnh mẽ và khác mọi người. Mất đi ở lứa tuổi khoảng 15-16.
- Sự tưởng tượng của đứa con nuôi. Các em đau khổ một mình vì không ai hiểu mình,
không ai yêu mình. Chắc chắn mình chỉ là con nuôi trong gia đình mà thôi.
Tuy vậy, cũng rất may, suy nghĩ này cũng dần qua đi. Nhất là khi trẻ vị thành niên hiểu
được cha mẹ luôn yêu thương và thực sự quan tâm.
5.3.5 Giao tiếp

13
- Giao tiếp với bạn cùng tuổi là một dạng hoạt động quan trọng
cùng với hoạt động học tập (ảnh hưởng bạn bè về sở thích, ăn mắc, giải trí)
• hình thành tình bạn, bạn thân
• hình thành nhóm bạn cùng lớp, cùng sở thích (môn học, thể thao, âm nhạc, cùng hoàn
cảnh gia đình,… )
- Giao tiếp với cha mẹ quan trọng dù đã thu hẹp hơn so với lứa tuổi trước (ảnh hưởng của
cha mẹ về chuẩn mực đạo đức, quan điểm xã hội).
• Sự chưa ổn định về nhân cách và những vấn đề của tuổi thiếu niên:
Trong cấu trúc nhân cách của thiếu niên mỏng giòn, chưa ổn định.
+ Chưa ổn định về mặt nhận thức các chuẩn mực đạo đức
+ Chưa ổn định về mặt tự đánh giá
+ Có sự mâu thuẫn trong tính cách ...
Tuổi vị thành niên là chuyển động kép:
+ Sự khác biệt đối với gia đình, nhu cầu độc lập đối với uy quyền
+ Nhu cầu thuộc về một nhóm, để cảm thấy được kết nối với bè bạn.
Và điều này nằm trong quá trình giải phóng, tìm kiếm sự tự do và tính xác thực.
Điều này giải thích một số rối loạn tâm thần có thể xuất hiện ở lứa tuổi này (chán ăn,
trầm cảm, hystery, tâm thần phân liệt…).
Tóm lại, tuổi thiếu niên là giai đoạn lứa tuổi chín muồi tính dục và trưởng thành dần về
tâm lý.
Đến cuối tuổi thiếu niên, những biểu tượng khác nhau về bản thân có xu hướng tích hợp
vào một cấu trúc thống nhất, ổn định hơn: Đó chính là “cái Tôi”, một cấu trúc tâm lý mới
hình thành trong quá trình phát triển nhân cách giai đoạn cuối tuổi vị thành niên, đầu tuổi
trưởng thành.
Giao lưu với bạn bè, học tập hướng nghiệp là hoạt động chủ đạo ở lứa tuổi này.

Kết luận tuổi vị thành niên


Tuổi vị thành niên = Thay đổi mối quan hệ với cơ thể, những người khác, với bản thân
-> Tham gia trong việc khẳng định nhân thân của mình
-> Định vị và cơ cấu lại bản thân qua các vấn đề quan trọng
+ Triển vọng nghề nghiệp
+ Mối quan hệ với người khác
+ Quan hệ với người khác phái
+ Giá trị và tính ngưỡng…

14
Qua các giai đoạn từ lúc mới sinh đến tuổi vị thành niên, ta nhấn mạnh các khía
cạnh sau:
- Sự phát triển của con người diễn ra theo từng giai đoạn. Trong những giai đoạn này, một
số tiến trình tâm lý được hình thành
- Các giai đoạn này có thể nói là “quyết định”. Đó là những giai đoạn thay đổi, vì thế tâm
lý con người dễ bị tổn thương.
- Là người chăm sóc, chúng ta sẽ phải đối diện với những bệnh nhân có hành vi như trẻ
nhỏ. Những bệnh nhân này muốn chúng ta quan tâm tới họ, chăm sóc, cho ăn thậm chí
tắm rửa. Hiện tượng này có thể kỳ lạ nhưng thực tế nó vẫn thường xảy ra. Nó giúp bệnh
nhân tự bảo vệ khỏi bệnh tật bằng cách tìm sự thoải mái ở môi trường xung quanh như
khi họ còn nhỏ.
Vì thế, chúng ta có thể sử dụng sự thoái lùi này một cách tích cực vì trạng thái lệ thuộc
như trẻ con của bệnh nhân giúp cho bệnh nhân chấp nhận một cuộc phẫu thuật, một sự
điều trị bằng thuốc, những sự chăm sóc đặc biệt hoặc một sự nghỉ ngơi hoàn toàn. Tuy
nhiên, phải lưu ý đừng để hành vi này kéo dài quá lâu, và phải cho bệnh nhân tái thích
nghi với kiểu hoạt động của người lớn.
6. Thanh niên và trưởng thành (18, 20 – 40 tuổi)
Đây là giai đoạn trưởng thành về mặt Tâm lý xã hội, con người bước vào đời sống với sự
hiểu biết của mình. Ở giai đoạn này con người chú trọng vào việc tạo dựng sự nghiệp,
xây dựng và chăm sóc gia đình.
6.1 Đặc điểm sinh lý  (tham khảo tài liệu)
- Thể chất ở người trưởng thành trẻ tuổi (20 – 25 tuổi) đạt đến đỉnh điểm, sinh lực tràn
đầy, cơ bắp phát triển.
- Sau 25 tuổi, sự phát triển về thể chất dường như không tăng, đến khoảng 40 tuổi thể lực
bắt đầu xuống dốc.
Mức giảm này có thể điều chỉnh tùy vào việc tập luyện đều đặn và lối sống lành mạnh.
6.2 Đặc điểm tâm lý :
- Tư duy ở người trưởng thành có sự thay đổi về chất so với trẻ em xuất phát từ trách
nhiệm xã hội và những nhiệm vụ mà họ phải giải quyết trong đời sống thực tiễn của
mình.
- Trí tuệ tiếp tục phát triển khá dài (từ 19 – 30 tuổi). Một số chức năng trí tuệ đạt đỉnh
điểm ở tuổi 40 như trí tuệ xúc cảm, một số khác giảm sút sau 30 tuổi như trí tuệ vận
động.
- Do ngôn ngữ luôn đi song song với sự phát triển tư duy, nên ngôn ngữ ngày càng phát
triển ở người trưởng thành.
- Tình cảm : tình bạn là mối quan hệ thân tình dựa trên sự tin tưởng, lòng trung thành, cởi
mở và chân thành. Tình bạn giữa những người khác giới dần phát triển thành tình yêu sâu
sắc. Ngoài tình yêu đôi lứa, còn có tình yêu quê hương, gia đình…
- Sự phát triển tâm lý xã hội ở người trưởng thành (Okun,1984) trong mối liên hệ giữa :

15
+ Sự phát triển cái Tôi cá nhân của con người
+ Sự phát triển cái Tôi là thành viên của gia đình
+ Sự phát triển cái Tôi là chủ thể lao động.
* Mục tiêu cuộc sống của người ở giai đoạn này:
- Theo Erickson: xác định rõ bản sắc riêng của mình và thiết lập các mối quan hệ thân
tình.
- Theo Levinson : Xác định khát vọng ; Xây dựng công danh, sự nghiệp ; Lập gia đình
và chăm sóc con cái ; Thiết lập các mối quan hệ thân tình.

Kết luận giai đoạn tuổi trưởng thành :


- Đây là giai đoạn con người thực hiện các mục tiêu cuộc đời với những trách nhiệm và
bổn phận về gia đình, về nghề nghiệp
- Dễ dẫn đến stress, khủng hoảng tinh thần…nếu gặp khó khăn trong cuộc sống

7. Trung niên và trước già (40 – <60 tuổi)


7.1 Đặc điểm sinh lý  (tham khảo tài liệu)
- Diện mạo thay đổi : hiện tượng hói đầu, xuất hiện các nếp nhăn, tăng cân, vòng bụng to
ra
- Giảm dung tích phổi, sức bơm máu của tim và các chức năng khác. Da và cơ bắp bắt
đầu mất đi tính đàn hồi.
- Khung xương không còn linh hoạt và bị co ép khiến chiều cao thấp đi chút ít.
- Các giác quan có chiều hướng suy giảm.
7.2 Đặc điểm tâm lý :
- Những thay đổi về thể chất và sức khỏe đòi hỏi con người phải có sự nhìn nhận lại cái
tôi của mình.
- Cảm giác : thị lực, thính lực, khứu giác và vị giác thay đổi theo hướng giảm đi ; cảm
giác thay đổi nhiệt độ và cảm giác đau trở nên rất nhạy bén.
- Vận động: kỹ năng vận động giảm nhưng trình độ thực hiện các chức năng lao động vẫn
như cũ là nhờ có kinh nghiệm thực tiễn.
- Quan niệm về tình dục thay đổi ở giai đoạn này : cảm nhận tình dục có ý nghĩa lớn hơn
bản thân việc quan hệ tình dục (thường có bạn tâm tình hơn là chú trọng vào quan hệ tình
dục)

16
- Nhận thức : xu hướng phát triển trí năng mang tính liên tục và củng cố. Những thay đổi
thuộc phạm vi trí tuệ diễn ra trong thời kỳ trung niên liên quan chủ yếu đến các phương
pháp sử dụng trí tuệ chứ không phải giảm sút trí tuệ. Trí tuệ kết tinh có được nhờ tích lũy
kiến thức kinh nghiệm và sự vận dụng khéo léo để giải quyết vấn đề.
- Khủng hoảng :
Ở giai đoạn này, thành tựu nhân thân ổn định và chủ thể phải duy trì sự thăng bằng đạt
được. Tuy nhiên vai trò xã hội thì không bao giờ chấm dứt. Đó là một tiến trình năng
động đi theo suốt cuộc đời và vì thế sự thăng bằng có thể bị đảo lộn vào những thời điểm
đặc biệt.
Thật vậy, sự thay đổi những yếu tố bên trong hoặc bên ngoài có thể tạo ra sự mất quân
bình cho mỗi người và trước tình trạng đó mỗi cá nhân phải đối diện và có những chiến
lược để thích nghi.
*Những giai đoạn khủng hoảng:
Giai đoạn chuyển qua tuổi 40 (trung niên)
Mãn kinh
Con cái lập gia đình
Nghỉ hưu….
Đây là những thời kỳ mà ai cũng phải trải qua trong cuộc đời của mình. Nếu được chuẩn
bị tốt, sẽ thích ứng được và vượt qua nhẹ nhàng, tức chủ thể chấp nhận sự mất mát không
thể tránh được. Ngược lại, sự chấp nhận khiêng cưỡng có thể đi kèm theo những rối loạn
cơ thể, trầm cảm hoặc thoái lùi (không thể tự chăm sóc, như một đứa trẻ cần sự giúp đỡ
của cha mẹ).
Điểm chung của những giai đoạn khủng hoảng này là đối diện với tuổi già đang tiến tới,
khả năng và ham muốn của chủ thể bị hạn chế.
Khi đối diện với những bệnh nhân trải qua những khủng hoảng này, chúng ta có thể tạo
cho họ một môi trường an toàn, bảo vệ họ bằng cách thấu hiểu, đồng cảm với họ. Bên
cạnh đó, rèn luyện cho họ những kỹ năng về quan hệ xã hội, giới thiệu cho họ những lợi
ích, thú vui, hoạt động mới để họ vượt qua khó khăn về tâm lý.
8. Tuổi già (>60)
Tuổi già là một giai đoạn quan trọng của đời sống con người. Đó là giai đoạn cuộc đời
sau 60 tuổi. Giai đoạn này ở nhiều người kéo dài từ 20, 30 cho đến 40 năm.
8.1 Đặc điểm sinh lý:
- Lão hóa cơ thể (theo quy luật, stress, tai nạn, bệnh tật...)
- Thay đổi dáng vẻ bên ngoài (da nhăn, khô, thô, đồi mồi...)
- Giảm hiệu năng của các giác quan (thị giác thính giác...)
8.2 Đặc điểm tâm lý:
Thời gian trôi qua, chủ thể không chỉ đối diện với sự mất mát của người thân mà còn đối
diện với tuổi già ập đến trên chính cơ thể của mình.

17
Sự thay đổi của cơ thể và mối quan hệ của nó tác động lên tâm trí của chủ thể.
Ví dụ ở người phụ nữ sự giảm chức năng của cơ thể bắt đầu từ tuổi mãn kinh và được trải
nghiệm như một sự mất mát nhân thân nữ giới hoặc ngược lại là một sự an ủi.
Mất những khả năng
- Mặt khác, tuổi già kèm theo nhiều biến đổi:
Về hình dáng bên ngoài;
Về khả năng cơ thể ;
Về hiệu năng của các giác quan (thị giác, thính giác, …) ;
Về khả năng trí tuệ (trí nhớ).
- Việc ý thức sự giảm sút này đối với chủ thể quả là khó khăn và đau đớn. Chủ thể phải
chấp nhận thấy mình bị giảm giá trị và phải để tang (chấp nhận sự mất mát) những khả
năng của mình đã có lúc trước.
Việc ý thức này được thực hiện từng bước và thường là chậm trễ.
- Mối quan hệ với môi trường xung quanh rất thay đổi. Mối tương tác và cảm nhận giữa
cá nhân và môi trường xung quanh của chủ thể rất tiêu cực. Điều đó gây ra sự thu mình ở
người lớn tuổi, thu hẹp lại môi trường và vùng hoạt động của họ.
Phản ứng trước sự mất mát
Trước những thay đổi này, nhiều phản ứng có thể xảy ra :
- Không chấp nhận, thậm chí chối bỏ: chủ thể từ chối nhìn nhận những gì đang xảy
ra cho chính mình, không chấp nhận. Thái độ này giúp chủ thể tự bảo vệ và giữ lại
hình ảnh đẹp của chính bản thân
- Nhốt mình lại trong sự thoái lùi: sẽ không tốt nếu tình trạng này kéo dài
- Sự thoái lùi đi kèm theo sự tổ chức lại
Từ những mất mát đó (như mất người thân, sự trẻ trung năng động, sự tự lập, thay đổi cơ
thể... ) chủ thể sẽ phải điều chỉnh và hội nhập.
Người già thường có hành vi thoái lùi (như trẻ em), chúng ta có thể xem đây là thích nghi
phản ứng vì nó giúp cho người lớn tuổi cảm thấy an toàn trước môi trường trở nên đe
dọa.
Giai đoạn tổng kết
Khi về già, con người có xu hướng nhìn lại cuộc đời của mình với sự đánh giá tích cực
hoặc tiêu cực. Theo đó, chủ thể có thể đầu tư những kế hoạch mới hoặc buông trôi theo
sự thoái lùi hoặc giảm sút trí tuệ. Những biểu hiện lâm sàng của nó có thể là trầm cảm,
hung bạo, bệnh thực thể, tâm thần tuổi về già.
Do đó, việc đồng hành và đánh giá cao bệnh nhân của người chăm sóc là rất quan trọng.
Bệnh tật, sự lệ thuộc mang ý nghĩa là lời gọi sự quan tâm, thậm chí là dọa dẫm người
khác: một người già càng tự chủ thì mọi người càng dành ít thời gian để gần họ.
Ngược lại, sự hiện diện của gia đình và người chăm sóc giúp người bệnh có thêm niềm
tin và sức mạnh chống lại sự sợ hãi và trầm cảm.

18
III. NHỮNG BẤT THƯỜNG TÂM LÝ THƯỜNG GẶP
1. Rối loạn quan hệ mẹ con:
Xuất hiện từ khi trẻ chào đời nếu không được thỏa mãn nhu cầu tình cảm
Trẻ thiếu vắng mẹ (bị mất mẹ, bị bỏ rơi, hoặc nằm viện lâu ngày…) xuất hiện cảm giác lo
lắng, sợ hãi, luôn căng thẳng, trầm cảm, thoái lùi…. Biểu hiện bỏ bú, mất ngủ, khóc
không ngưng….
Trẻ dưới 6 tháng thiếu vắng tình cảm, có thể khắc phục nếu sau đó được chăm sóc
tốt. Trẻ trên 6 tháng, sự rối loạn dễ để lại di chứng.
Trẻ quá gắn bó với mẹ: mẹ với trẻ không thể tách rời nhau, trẻ có nguy cơ thoái lùi,
không muốn lớn.
Những gắn bó thời kỳ đầu sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển sau này của trẻ.
2. Hội chứng vắng mẹ (R.Spitz- nhà tâm thần học người Mỹ)
Là phản ứng đặc biệt của trẻ từ 6 – 18 tháng tuổi sau sự xa cách mẹ đột ngột và sớm. Hậu
quả là trẻ bị kiềm hãm sự phát triển trưởng thành.
Các bước tiến triển của hội chứng được ghi nhận qua 3 giai đoạn :
+ Giai đoạn đau khổ và phản kháng : trẻ khóc vì biết trước tiếng khóc sẽ làm mẹ quay
về với trẻ.
+ Giai đoạn đau khổ : rên rỉ, giảm cân và ngưng phát triển
+ Giai đoạn tuyệt vọng : thu mình và từ chối tiếp xúc.
3. Tự kỷ (infantile Autism)
Nằm trong nhóm rối loạn phát triển tan rã.
Đặc điểm: suy giảm chất lượng quan hệ xã hội, rối loạn ngôn ngữ giao tiếp, các kiểu hành
vi bất thường, bất thường về tâm thần vận động, khiếm khuyết về nhận thức trí tuệ
Bệnh tự kỷ thường bắt đầu trong suốt năm đầu tiên khi trẻ chào đời và kéo dài suốt nhiều
năm.
Việc điều trị: một số thuốc được sử dụng mang lại thành công trong việc biến đổi hành vi
và làm tăng khả năng ngôn ngữ, kỷ năng xã hội ở trẻ
4. Tâm thần phân liệt khởi phát trẻ em (Childhood onset Schizophrenia)
Là những rối loạn có những đặc điểm: sự xáo trộn trong tư duy, nhận thức, giao tiếp, cảm
xúc và trong vận động.
Thường xuất hiện lúc 2 tuổi rưỡi đến 12 tuổi, khó nhận biết trong giai đoạn đầu.
Căn nguyên: phần lớn các thuyết đều thừa nhận có cả 2 yếu tố di truyền và môi trường
5. Rối loạn nhận biết giới tính (Gender Indentity Disorders)

19
Xuất hiện ở giai đoạn 3 – 6 tuổi
Trẻ có hành vi, điệu bộ, cách ăn mặc khác với giới tính của mình. Bé trai bị rối loạn này
thường tránh chơi với những bé trai khác, chúng phát triển điệu bộ nữ tính, và chỉ tham
gia chơi đùa với các bạn gái khác. Ngược lại đối với các bé gái.
Tỉ lệ trẻ trai bị rối loạn này cao hơn trẻ gái.
Một số nhà ngiên cứu cho rằng nguyên nhân do hormone gây ra, một số ý kiến khác cho
rằng vấn đề xuất phát từ giáo dục gia đình.
Một số trường hợp biến mất khi trẻ lớn lên, nhưng một số trường hợp vẫn tồn tại cho đến
khi trưởng thành
6. Tự tử (suicide)
Theo Beck, những người tự tử đơn thuần là muốn chấm dứt cuộc sống do họ cảm thấy cô
đơn, vô vọng và trầm cảm hoặc muốn “trừng phạt” người khác. Thường xuất hiện ở lứa
tuổi thiếu niên và người trưởng thành.
Đối với tuổi thiếu niên, chúng ta có thể phòng ngừa qua việc nhận biết các dấu hiệu cảnh
báo như lời nói (than thở, báo trước sẽ tự tử…), thay đổi hành vi (cho đi những tài sản
đang sở hữu, liều lĩnh, trầm cảm,.. ), những nhân tố tình huống (có vấn đề với cha mẹ,
trường học, thất tình, ma túy, rượu)

KẾT LUẬN
Sự phát triển tâm lý của con người trải qua nhiều giai đoạn. Có thời kỳ êm ả nhưng có
thời kỳ con người phải vượt qua những cuộc khủng hoảng. Mỗi một giai đoạn có những
đặc điểm tâm lý riêng, mỗi chủ thể có nhịp điệu phát triển. Hiểu được điều này, chúng ta
có thể có được cái nhìn bao dung trước những phản ứng của bệnh nhân, tạo cho bệnh
nhân một bối cảnh an toàn, tin cậy trong công tác chăm sóc.
Sự đầu tư tình cảm của người chăm sóc đối với bệnh nhân sẽ tạo động lực cho nhiều sự
tiến triển, tái tổ chức và thậm chí cho sự lành bệnh thông qua việc nâng đỡ bằng lời nói,
thuốc men… nhưng đồng thời đó sẽ là nguồn gốc của nhiều thất vọng nếu chúng ta thiếu
sự quan tâm, tỏ thái độ xa cách…

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Vũ Thị Nho (2008). Tâm lý học phát triển [online]. NXB ĐH Quốc Gia Hà Nội,
4/5/2020 từ <tusachtamly.com>
2. Stephen Worchel, Wayne Shebilsue (2007). Tâm lý học (Nguyên lý và ứng dụng).
NXB Lao Động-Xã Hội (Trần Đức Hiển biên dịch)
3. Nguyễn Văn Đồng (2007). Tâm lý học phát triển giai đoạn thanh niên đến tuổi
già. NXB Chính Trị Quốc Gia
4. Dương Thị Diệu Hoa, Nguyễn Ánh Tuyết (et.). Giáo trình Tâm lý học phát triển.
NXB ĐHSP
5. Robert V.Kall, John C.Cavanaugh. Nghiên cứu về sự phát triển con người. NXB
Văn Hóa Thông Tin

20

You might also like