You are on page 1of 12

Quá độ lên chủ nghĩa xã hội không qua chế độ tư bản chủ nghĩa là một thời kỳ lịch

sử chuyển tiếp, nhất thiết phải quá độ lâu dài với nhiều bước đi, nhiều hình thức tổ
chức kinh tế, xã hội đan xen nhau, có sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, là con
đường mới mẻ chưa có nước nào kinh qua. Do đó, cần nghiên cứu thấu đáo và nắm
vững những vấn đề có tính quy luật phát triển dựa trên phép biện chứng duy vật,
thấu suốt những nguyên tắc, phương pháp luận của nó để chỉ đạo và vận dụng vào
thực tiễn đúng hướng.

Với nhận thức về chủ nghĩa xã hội vừa mang tính phổ biến, vừa có tính đặc thù,
Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng nghiên cứu, tìm tòi mô hình chủ nghĩa xã
hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Trong sự phù hợp với các
quy luật phát triển chung, việc nhận thức sâu sắc các mối quan hệ lớn cũng giúp
Đảng ta tìm tòi, phát hiện và làm sáng rõ hơn các quy luật xây dựng chủ nghĩa xã
hội Việt Nam, thể hiện tập trung ở mô hình chủ nghĩa xã hội riêng có Việt Nam
mang những đặc trưng: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do
nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện
đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc
dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển
toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và
giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân,
do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp
tác với các nước trên thế giới.

Để hiện thực hóa mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam, phấn đấu đến giữa thế kỷ
XXI, nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ
nghĩa, cần thực hiện tám phương hướng: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa
đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường; phát
triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền văn hóa
tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân
dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng và an
ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ,
hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế;
xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng
cường và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã
hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng Đảng trong sạch,
vững mạnh.

Tám phương hướng trên được vạch ra không phải ngẫu nhiên, duy ý chí, mà từ
việc nghiên cứu và nắm rõ những quy luật phát triển khách quan, nên bản thân các
phương hướng này đã mang tính quy luật phát triển chung của nhân loại và quy
luật xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đặc biệt, các phương hướng và đặc
trưng xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng liên thông chặt chẽ với
mười mối quan hệ lớn. Việc nắm vững các mối quan hệ lớn, nắm vững các quy
luật phát triển chung và đặc thù chính là tiền đề, cơ sở phương pháp luận để định
hình các đặc trưng và phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Điều đó thể hiện rõ khi nhiều nội dung của từng mối quan hệ lớn có liên hệ chặt
chẽ, thậm chí chuyển hóa lẫn nhau với nội dung của các đặc trưng xã hội xã hội
chủ nghĩa hay phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ví dụ: Mối quan hệ lớn
giữa “phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản
xuất xã hội chủ nghĩa” và giữa “tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực
hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường” có quan hệ mật thiết với đặc
trưng xã hội xã hội chủ nghĩa: “Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng
sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”, “có nền văn hóa tiên tiến,
đậm đà bản sắc dân tộc” và phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội: “Phát triển
nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, “xây dựng nền văn hóa tiên
tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân,
thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”. Hay các mối quan hệ lớn: “Nhà nước, thị
trường và xã hội”; “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ”; “thực
hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội” có quan hệ mật
thiết với đặc trưng xã hội xã hội chủ nghĩa: “Có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo” và
phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã
hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”...

Tuy nhiên, có thể thấy, các mối quan hệ lớn hoặc từng mặt của nhiều mối quan hệ
lớn hiện nay đã có nội dung rộng hơn các đặc trưng xã hội xã hội chủ nghĩa và
phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội, nên tất yếu cần điều chỉnh, bổ sung các
đặc trưng và phương hướng này trong thời gian tới.

Ba là, các mối quan hệ lớn góp phần làm sáng rõ hơn nguyên tắc tổ chức và hoạt
động của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trọng trách lãnh đạo, cầm quyền đối với Nhà nước và xã hội của Đảng ta là do lịch
sử dân tộc giao phó và được nhân dân thừa nhận. Là chủ thể lãnh đạo và quyết
định sự thành bại của toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam, bản thân Đảng Cộng
sản Việt Nam phải là một thực thể quyền lực mạnh, ưu tú về trí tuệ, bản lĩnh, năng
lực, đạo đức cầm quyền, xứng đáng với vai trò lãnh đạo của mình. Quá trình nhận
thức và giải quyết các mối quan hệ lớn giúp Đảng tự khám phá, nhận thức sâu sắc
hơn những vấn đề mang tính bản chất và quy luật về nguyên tắc tổ chức và hoạt
động của Đảng: 1- Đảng là đội tiên phong của giai cấp, đồng thời là đội tiên phong
của nhân dân lao động và dân tộc; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công
nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc; 2- Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng
Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng; 3- Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ
chức và hoạt động cơ bản của Đảng; 4- Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân; 5-
Đảng là một khối đoàn kết thống nhất, tự phê bình và phê bình là nguyên tắc và
quy luật phát triển của Đảng; 6- Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và
pháp luật; 7- Gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng, chỉnh đốn cả hệ thống
chính trị trong sạch, vững mạnh; thường xuyên nâng cao năng lực lãnh đạo và sức
chiến đấu của Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng...

Lịch sử cho thấy, các đảng cộng sản xa rời những nguyên tắc lý luận xây dựng
đảng, thì sớm hay muộn, sẽ dần biến chất, thay đổi lập trường chính trị, từ bỏ mục
tiêu, lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Do đó, việc vận dụng sáng tạo các nguyên tắc lý
luận trong tổ chức và hoạt động của Đảng ta có ý nghĩa rất quan trọng, bảo đảm
giữ vững bản chất cách mạng và khoa học của một đảng mác-xít chân chính. Việc
nhận thức về các mối quan hệ lớn, nhất là mối quan hệ lớn giữa Đảng lãnh đạo,
Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị;
giữa thực hành dân chủ, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội... giúp
Đảng nhận thức sâu sắc hơn về các vấn đề nguyên tắc tổ chức và hoạt động của
Đảng, là cơ sở khoa học để Đảng ta không ngừng tự xây dựng, chỉnh đốn, có đủ
năng lực, sức chiến đấu để đưa ra những quyết sách chính trị đúng đắn, xử lý kịp
thời cục diện phức tạp, giải quyết thỏa đáng các mâu thuẫn lớn và những vấn đề
khó khăn, cầm quyền vì dân, cầm quyền khoa học, cầm quyền dân chủ, cầm quyền
theo pháp luật, cầm quyền liêm chính để lãnh đạo nhân dân ta vững bước đi lên
chủ nghĩa xã hội...

Bên cạnh những thành tựu, cũng còn một số hạn chế trong nhận thức và giải quyết
tốt các mối quan hệ lớn, như những nghiên cứu có hệ thống về chỉnh thể các mối
quan hệ lớn, nghiên cứu sâu từng mối quan hệ lớn trong sự bổ sung, cập nhật
thường xuyên về nội hàm, những điều chỉnh cho phù hợp với thời cuộc... còn chưa
tương xứng với tầm quan trọng của nội dung này; nhiều quy luật phát triển phổ
quát của nhân loại, quy luật xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam, nguyên tắc tổ
chức và hoạt động của Đảng chưa được luận giải rõ, có hệ thống và trong sự liên
thông với các mối quan hệ lớn, nhất là do chưa thật sự làm rõ được tính quy luật
trong một số mối quan hệ, tính đặc thù và tính phổ biến ở Việt Nam, nên đã ảnh
hưởng đến việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, cũng như việc
ban hành những chính sách cụ thể trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; nghiên
cứu các mối quan hệ lớn trong mối quan hệ với các đặc trưng và phương hướng
xây dựng chủ nghĩa xã hội còn khoảng trống; việc hiểu bản chất, vận dụng các mối
quan hệ lớn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn cụ thể của các cấp ủy, chính quyền,
cán bộ, đảng viên còn hạn chế...

Một số khuyến nghị tiếp tục nghiên cứu về các mối quan hệ lớn cần nhận thức
và giải quyết tốt trong công cuộc đổi mới, quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở
Việt Nam

Về tổng thể, việc nhận diện các mối quan hệ lớn hàm chứa những vấn đề có tính
quy luật, tồn tại khách quan trong chiều sâu phức hợp sự vận động, biến đổi không
ngừng, cùng các mối liên hệ, tác động đa dạng, đa chiều giữa các yếu tố, bộ phận
cấu thành, các mặt đối lập vốn có trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua
chế độ tư bản chủ nghĩa, chưa có tiền lệ trong lịch sử, là một bước tiến mới, quan
trọng về lý luận chủ nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Đến Đại hội XIII của Đảng, các mối quan hệ lớn đã được nhận diện cơ bản toàn
diện, bao quát các quy luật phát triển trên các mặt, lĩnh vực của đời sống xã hội,
được hệ thống hóa tạo thành một chỉnh thể khá đầy đủ. Do đó, cơ sở để bổ sung
ngay mối quan hệ lớn mới là chưa chín muồi. Mười mối quan hệ lớn trên tiếp tục
là cơ sở phương pháp luận quan trọng để chúng ta nhận thức về chủ nghĩa xã hội
và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong thời gian tới.

Về từng mối quan hệ lớn, mặc dù mười mối quan hệ lớn tạo thành một chỉnh thể
khá đầy đủ, tuy nhiên đối với từng mối quan hệ, do sự thay đổi của bối cảnh, nên
rất cần làm rõ thêm nội hàm, có sự điều chỉnh, bổ sung, thậm chí nhận thức lại cho
phù hợp với điều kiện mới, để kịp thời luận giải, hóa giải được những mâu thuẫn,
thách thức, xung đột mới nảy sinh, rộng đường cho sự phát triển.

Về mối quan hệ giữa ổn định, đổi mới và phát triển, nếu như trước đây, đổi mới
được xác định là yếu tố quan trọng nhất trong ba thành tố cấu thành mối quan hệ
lớn trên và phải thực hiện trước; tiếp đó, Đại hội XIII của Đảng xác định ổn định
cần được đặt lên đầu tiên; thì hiện nay, nên nhận thức phát triển là quan trọng
hàng đầu và phải tập trung mọi nguồn lực để thực hiện, bởi chỉ có phát triển lâu
dài mới giúp chúng ta tích lũy và chuẩn bị kịp những tiền đề, điều kiện, nền tảng
cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là trong bối cảnh không còn nhiều thời
gian để có thể đạt và cán cột mốc mục tiêu trọng đại của đất nước vào năm 2030,
2045 như Đại hội XIII đã đề ra. Phát triển lâu dài cũng là điều kiện tiên quyết để
Đảng giữ vững uy tín, vị thế cầm quyền lâu dài. Tất nhiên, phát triển ở đây được
quan niệm mới bao gồm cả phát triển về vật chất và tinh thần, phát triển chất lượng
cao, phát triển xanh, tuần hoàn, bền vững... Theo đó, thứ tự từng thành tố trong
mối quan hệ lớn này không thay đổi, song nội hàm của nó cần ưu tiên hơn cho thực
hiện “phát triển”, trong tương quan tiếp tục giữ vững “ổn định” và đề cao “đổi
mới”, nhất là chú trọng tìm kiếm các không gian phát triển mới và động lực tăng
trưởng mới, trong bối cảnh nhiều nguồn lực trước đây không còn là động lực, thậm
chí quay trở lại thành cản lực phát triển.
Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển, là động lực phát triển của vùng đồng bằng
sông Hồng và cả nước_Ảnh: TTXVN
Về mối quan hệ lớn giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ,
cần xem xét cả cơ chế thúc đẩy và cơ chế kiểm soát quyền lực giữa ba chủ thể
chính trong hệ thống chính trị nước ta là: Quyền lực chính trị của Đảng, quyền lực
nhà nước và quyền lực của nhân dân, trong đó quyền lực nhân dân là quyền lực
gốc. Nhiều nghiên cứu về mối quan hệ và cơ chế thúc đẩy đã được thực hiện, tuy
nhiên cơ chế kiểm soát giữa ba chủ thể, thiết chế quyền lực trên vẫn còn nhiều
khoảng trống. Cần tăng cường kiểm soát quyền lực chính trị bằng cơ chế dựa trên
việc cụ thể hóa nguyên tắc “Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp
luật”, Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân về các quyết định của mình và “dựa
vào nhân dân để xây dựng Đảng”; quy định rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của cơ
quan hành pháp trong kiểm soát quyền lực các cơ quan thực hiện quyền lập pháp,
tư pháp; hoàn thiện cơ chế hoặc thực hiện nhiều hơn, thực chất hơn các cơ chế đã
có để nhân dân trực tiếp kiểm soát quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước, phát
huy quyền làm chủ của mình (ví dụ cơ chế bầu cử trực tiếp, cơ chế trưng cầu ý
dân...). Đảng Cộng sản là lực lượng lãnh đạo chính trị cao nhất, cầm quyền duy
nhất, là nhân tố quyết định bảo đảm cho sự tồn tại chế độ chính trị ở nước ta,
quyền lực nhà nước là trung tâm, nhưng quyền lực nhân dân là tối cao, là chủ thể
thực sự của quyền lực. Do đó, cần suy nghĩ thật thấu đáo trở lại với tư tưởng trước
đây Đảng ta đã dùng (đặt “nhân dân làm chủ” trước “Nhà nước quản lý”) ngay
trong bài “Nắm vững quy luật, đổi mới quản lý kinh tế” của Tổng Bí thư Lê Duẩn
trình bày tại Hội nghị Trung ương 6 khóa V (ngày 3-7-1984): “Đảng lãnh đạo,
nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý là ba khâu gắn bó chặt chẽ với nhau thành
một thể thống nhất”(1); sau đó, Đại hội VI của Đảng - đại hội đổi mới của đất nước
- cũng khẳng định: “Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý thành cơ
chế chung trong quản lý toàn bộ xã hội”(2).

Trong nội hàm mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, cần làm rõ và bổ
sung mối quan hệ giữa quản trị toàn cầu, quản trị quốc gia và quản trị địa phương
- một mối quan hệ lớn đang bức thiết đặt ra hiện nay (khi chín muồi, có thể chuyển
hóa mối quan hệ này thành một mối quan hệ lớn riêng). Đây là những khái niệm
còn khá mới. Từng thành tố của mối quan hệ trên đã bước đầu được nghiên cứu,
song bản chất, vị trí, vai trò và mối quan hệ liên thông giữa ba thành tố của mối
quan hệ, trong điều kiện cụ thể của Việt Nam vẫn còn ít được nghiên cứu. Nhiều
vấn đề về huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực; ứng phó với các khủng
hoảng, bối cảnh bất thường (đơn cử như đại dịch COVID-19 vừa qua đã lộ ra nhiều
lúng túng, hạn chế trong quản trị vĩ mô tầm quốc gia và từng địa phương), an ninh
phi truyền thống; bất cập, thậm chí xung đột trong phân quyền, phân cấp giữa
Trung ương và địa phương; đặc thù quản trị địa phương của mỗi tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương để làm sao phát huy cao độ bản sắc vùng, miền, lợi thế cạnh
tranh, cơ hội nổi trội riêng có... đã bộc lộ nhiều bất cập, đặt ra những vấn đề mới
đòi hỏi phải tổng kết kinh nghiệm và nghiên cứu lý luận xứng tầm để cung cấp cơ
sở khoa học - thực tiễn cho việc quản trị quốc gia trong mối quan hệ với quản trị
toàn cầu, quản trị địa phương. Trong môi trường hội nhập sâu, rộng, quản trị quốc
gia, quản trị địa phương có quan hệ mật thiết với quản trị toàn cầu; nhiều vấn đề
không thể xử lý được nếu dừng ở tầm quốc gia hay địa phương. Đặc biệt, khi Việt
Nam bước vào ngưỡng cửa của một quốc gia tầm trung, với uy tín, tiếng nói, vị thế
quốc tế mới, việc quản trị quốc gia không thể không tính tới liên thông với quản trị
toàn cầu, để nước ta chủ động, tích cực ở vị thế tham gia nhiều hơn vào xây dựng,
định hình “luật chơi” trên trường quốc tế, nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc
và có những đóng góp trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Trong nội hàm mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, cùng với xây
dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cũng cần thiết đề cập tới xây dựng
xã hội pháp quyền xã hội chủ nghĩa, để pháp quyền và thượng tôn Hiến pháp, pháp
luật không chỉ ở hành xử của các cơ quan nhà nước, mà còn lan tỏa đến ứng xử
toàn xã hội và mọi người dân, trong điều kiện thực thi pháp luật đang là một điểm
yếu, văn hóa thượng tôn pháp luật cũng chưa định hình trong xã hội, khiến tình
trạng khinh nhờn pháp luật, vi phạm pháp luật nghiêm trọng còn nhiều, an ninh
chính trị, an ninh con người, an ninh xã hội bị đe dọa... Xây dựng xã hội pháp
quyền xã hội chủ nghĩa cũng góp phần hoàn thiện hơn các yếu tố cấu thành chính
yếu của mô hình chủ nghĩa xã hội ở nước ta: Nền kinh tế thị trường định hướng xã
hội chủ nghĩa - Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa - xã hội pháp quyền xã hội
chủ nghĩa - dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Xây dựng xã hội pháp quyền xã hội chủ nghĩa để thượng tôn Hiến pháp và pháp
luật dần trở thành văn hóa trong xã hội, thành ứng xử của mọi người dân (Trong
ảnh: Công an xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình gần dân, sát dân để
phổ biến pháp luật)_Ảnh: TTXVN
Về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ
và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, cần nhấn mạnh hơn sự quan tâm tới phát
triển văn hóa, không chỉ về mặt lý luận, mà còn trong vận dụng vào thực tiễn, bởi
văn hóa đến nay vẫn chưa thực sự được quan tâm và đầu tư tương xứng với vị trí
quan trọng của nó. Cần sớm xây dựng chương trình tổng thể mục tiêu quốc gia về
chấn hưng, phát triển văn hóa để khơi dậy và phát huy các tài nguyên văn hóa, tập
trung nguồn lực đầu tư tạo bước chuyển thực sự về văn hóa. Đặc biệt quan tâm xây
dựng văn hóa chính trị, văn hóa trong Đảng, bởi Đảng ta là “văn minh” như Chủ
tịch Hồ Chí Minh căn dặn; nghiên cứu bổ sung thành tố “văn hóa” vào nội hàm
công tác xây dựng Đảng, thành xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư
tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ và văn hóa. Đặt con người ở trung tâm của mọi sự
phát triển, gắn chặt văn hóa với con người, chăm lo, đầu tư, phát triển toàn diện và
bảo vệ con người, đích cuối hướng đến là hạnh phúc của nhân dân, như đồng chí
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Mọi đường lối của Đảng, chính
sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh
phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu” (3). Do đó, cần nghiên cứu bổ sung
thành tố “hạnh phúc” vào hệ mục tiêu tổng quát của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam,
thành: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”. Mặt
khác, bảo vệ môi trường ngày càng đặt ra cấp thiết, nên phải đặc biệt quan tâm, có
những đột phá hơn nữa trong thực hiện; cùng với việc đã là thành tố của một mối
quan hệ lớn, nghiên cứu đưa bảo vệ môi trường vào quan điểm chỉ đạo chung,
thành: Phát triển kinh tế - xã hội - môi trường là trung tâm, đặt trong tổng thể năm
trụ cột phát triển đất nước là: Kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội - môi trường.

Về mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế, cần quan tâm nhiều hơn
đến việc bồi tụ, nuôi dưỡng nội lực, thực lực của đất nước, tránh phụ thuộc một
chiều và quá nhiều vào nguồn lực, ảnh hưởng từ bên ngoài, chưa chuyển hóa được
ngoại lực thành nội lực (đơn cử như sự phụ thuộc còn nhiều vào nguồn vốn và
công nghệ lõi của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thiếu sự liên thông
giữa kinh tế FDI với các thành phần kinh tế trong nước; hay sự phụ thuộc vào các
sản phẩm truyền thông của các tập đoàn truyền thông đa quốc gia...)... ít nhiều có
nguy cơ gây mất an ninh kinh tế, an ninh thông tin, an ninh chính trị...

Việc tiếp tục nghiên cứu có hệ thống và chuyên sâu về các mối quan hệ lớn để nắm
vững và giải quyết tốt các mối quan hệ này luôn là vấn đề rất hệ trọng, là xuất phát
điểm lý luận nền tảng góp phần khẳng định và định hình hệ thống lý luận đổi mới
Việt Nam, lý luận chủ nghĩa xã hội Việt Nam soi sáng con đường phát triển của đất
nước ta./.

------------------------
* Bài viết là sản phẩm của Đề tài cấp nhà nước KX.04.02/21-25: "Những thành
tựu phát triển lý luận của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa
xã hội ở Việt Nam qua 40 năm đổi mới"
(1) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 45, tr. 232
(2) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 47, tr. 443
(3) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và
con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam (Xuất bản lần thứ hai), Nxb. Chính
trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 26

You might also like